Chính sách quản lý hàng Nhập khẩu của Mỹ và một số điều cần lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá vào Thị trường này

LỜI MỞ ĐẦU Mỹ- một đất nước với những tiềm năng to lớn về kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ và quân sự, đã và đang là một cường quốc số một thế giới chi phối đời sống kinh tế và chính trị quốc tế. Đất nước này là một thị trường rộng lớn với dân số xấp xỉ 300 triệu người, thu nhập bình quân đầu người gần 40000 USD. Hàng năm Mỹ nhập khẩu một lượng hàng hoá trị giá tới trên 1000 tỷ USD. Do đó, Mỹ được coi là một thị trường quan trọng và lớn nhất thế giới mà nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam

doc103 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1779 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Chính sách quản lý hàng Nhập khẩu của Mỹ và một số điều cần lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá vào Thị trường này, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
mong muốn hàng hoá của mình thâm nhập được vào. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đang thực hiện chiến lược hướng tới xuất khẩu để phục vụ mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì thị trường Mỹ là một thị trường không thể bỏ qua. Đây là một thị trường tiềm năng lớn cho hàng hoá Việt Nam, nhất là kể từ sau khi Hiệp định thương mại song phương Việt- Mỹ có hiệu lực, hàng hoá Việt Nam sang Mỹ được hưởng quy chế Tối huệ quốc thì cơ hội xâm nhập thị trường này cho các doanh nghiệp Việt Nam càng trở nên rộng mở. Song, do những hạn chế của chính sách cấm vận của Mỹ với Việt Nam trong nhiều năm kể từ sau cuộc chiến tranh giữa hai nước cộng với những khác biệt về chế độ chính trị, kinh tế, ngoại giao, chính sách thương mại đã khiến cho thị trường Mỹ tuy hấp dẫn nhưng đầy xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, khả năng rủi ro xảy đến với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất hàng sang Mỹ cũng lớn hơn so với các thị trường khác. Thách thức không nhỏ đang đặt ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là hệ thống pháp luật vô cùng phức tạp của Mỹ. Những quy định ngặt nghèo của Mỹ về hàng nhập khẩu là những trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam và nếu không có sự nỗ lực cao, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không dễ gì vượt qua rào cản này. Chính vì vậy, hiện nay việc tìm hiểu về thị trường Mỹ nói chung và cơ chế chính sách điều chỉnh hoạt động nhập khẩu hàng hoá của Mỹ nói riêng trở nên hết sức cần thiết và bức xúc. Sau bốn năm học tập tại trường Đại học Ngoại thương, với những kiến thức về chuyên ngành ngoại thương đã tích luỹ được, em mong muốn được vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết một vấn đề thực tế đặt ra trong hoạt động ngoại thương của đất nước trong bài khoá luận của mình. Với mong muốn đó, và xuất phát từ yêu cầu thực tế tìm hiểu thị trường Mỹ, em đã chọn đề tài “Chính sách quản lý hàng nhập khẩu của Mỹ và một số điều cần lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường này” để thực hiện khoá luận của mình. Mục đích đặt ra là nêu lên được những đặc điểm cơ bản nhất về thị trường Mỹ cũng như những đạo luật quan trọng quản lý hàng nhập khẩu của Mỹ, từ đó rút ra những điều đáng lưu ý nhất mà doanh nghiệp cần quan tâm khi xuất khẩu hàng vào Mỹ. Qua đấy, góp phần cho sự thành công của các doanh nghiệp Việt Nam trong buôn bán với Mỹ. Phương pháp sử dụng để thực hiện khoá luận là phương pháp duy vật biện chứng, kết hợp với phương pháp phân tích, tổng hợp và thống kê. Vì đây là một vấn đề rộng lớn và phức tạp nên trong phạm vi bài khoá luận của mình, em chỉ xin chọn cách tiếp cận đề tài từ một bình diện khái quát nhất để tiến hành nghiên cứu. Khoá luận được chia làm ba phần: - Chương 1: Một số vấn đề cơ bản về nền kinh tế Mỹ - Chương 2: Chính sách quản lý hàng nhập khẩu của Mỹ trong giai đoạn hiện nay - Chương 3: Một số vấn đề cần lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường này Mặc dù đã cố gắng, nhưng do thời gian và trình độ có hạn, khoá luận chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Em rất mong nhận được sự chỉ dẫn tận tình của thầy cô và góp ý của bạn bè để có thể hoàn thiện đề tài. Qua đây em xin chân thành cảm ơn thầy giáo hướng dẫn Tiến sĩ Phạm Duy Liên đã tận tình chỉ bảo và giúp đỡ em hoàn thành bài luận văn này. Hà Nội, 12-2003 Sinh viên thực hiện: Tạ Thị Minh Huệ CHƯƠNG I MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NỀN KINH TẾ MỸ I. Khái quát về nền kinh tế Mỹ trong những năm gần đây: H.Kissinger- cựu ngoại trưởng Mỹ từng nói: “ Nước Mỹ ngày nay có ảnh hưởng và thực lực của một đế quốc”. Đó là một thực tế. Điểm lại nền kinh tế Mỹ trong quá khứ cũng như trong hiện tại, chúng ta có thể thấy rõ điều này: Năm mươi năm trước đây, sáu trong số bảy nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (ngày nay là các nước G7) có giá trị tổng sản phẩm quốc dân chỉ đạt 75% giá trị tổng sản phẩm quốc dân của Mỹ (nước thứ bẩy đó là Mỹ). Lúc đó, có thể nói sức mạnh kinh tế của Mỹ có tính chất áp đảo đối với các nước khác. GNP của Mỹ cao hơn Nhật Bản 12 lần và cao hơn Đức 8 lần. Năm mươi năm sau, Tây Âu và Nhật Bản đã vươn lên. Năm 1995, so với GDP của Mỹ, Nhật Bản đã bằng 70%, Đức bằng 33% và Anh bằng 61%. Tính chung sáu nước công nghiệp phát triển nhất đã có GDP gấp đôi Mỹ. Nhiều chỉ tiêu tương đối về phát triển kinh tế tổng hợp của Mỹ đã giảm sút dần so với các nước khác. Chẳng hạn, tỷ trọng GDP của Mỹ trong tổng GDP thế giới giảm trong các năm gần đây như sau: 1994: 21,14%, 1995: 20,89%, 1996: 20,69%. GDP tính trên đầu người của Mỹ cũng đang dần bị một số nước đuổi kịp và vượt. Những số liệu trên cho thấy sức mạnh kinh tế của Mỹ đã giảm sút tương đối so với sự phát triển chung của toàn thế giới. Tuy nhiên, dù có sự giảm sút, sức mạnh kinh tế của Mỹ vẫn đang đứng đầu thế giới. Số liệu so sánh Mỹ với các nước phát triển khác của thế giới (G7) sẽ cho thấy điều đó. Năm 1997 GDP của Mỹ đứng đầu thế giới với 8083,4 tỷ USD, trong khi đó Nhật Bản là 4192,3 tỷ USD bằng 52% so với Mỹ, của Anh là 4801,3 tỷ USD bằng 59% và của Pháp là 1393,3 tỷ USD bằng 17%. Năm 1997, trong GDP thế giới Mỹ chiếm 20,4%, Nhật: 7,7%, Đức: 4,6%1. Với tỷ trọng tuyệt đối lớn hơn, Mỹ lại có tốc độ tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ và đầu tư đều cao và ổn định hơn so với các nước được so sánh. Trong vòng 30 năm gần đây, trừ những năm bị khủng hoảng kinh tế (1990-1991), Mỹ luôn có mức tăng trưởng trên 2%, nhìn chung cao hơn mức trung bình của các nước G7 và cho tới gần đây chưa hề có dấu hiệu nào cho thấy sự giảm sút nghiêm trọng của nền kinh tế Mỹ. Đặc biệt, trong 10 năm qua (1991-2001) kinh tế Mỹ đã liên tục tăng trưởng với tốc độ trung bình 3,5% từ 1991 đến 1995 và 4,25% từ 1995 đến 2000. Năm 1999, GDP tăng 4,2% và năm 2000 là 5%2. Sự tăng trưởng này là quá trình mở rộng của nền kinh tế Mỹ kéo dài nhất trong lịch sử với gần 18 triệu việc làm mới, lương tăng hơn 2 lần, tỷ lệ lạm phát thấp (khoảng 2%) và mức sở hữu nhà ở của dân chúng cao nhất trong lịch sử, thất nghiệp thấp nhất kể từ 1957, thặng dư ngân sách tăng cao và ở mức kỷ lục 237 tỷ USD. Phần lớn các công ty phát triển mạnh mẽ và thành công nhất trên thế giới là những công ty của Mỹ. Theo thống kê trong số 100 công ty lớn nhất thế giới thì Mỹ chiếm 36 với 4 công ty dẫn đầu đều là của nước này. Quy mô sản xuất và xuất nhập khẩu của Mỹ tăng liên tục. Tốc độ xuất nhập khẩu của Mỹ trong những năm gần đây đạt khá cao, xuất khẩu tăng 12%, nhập khẩu tăng 13-14% hàng năm. Từ năm 1999-2002 xuất khẩu hàng năm đạt hơn 1000 tỷ USD và nhập khẩu từ 1200- 1392,1 tỷ USD3. Nói chung sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế Mỹ trong hơn 10 năm qua đã khẳng định vị thế “nền kinh tế phát triển vào bậc nhất thế giới” của Mỹ cả về tổng sản phẩm quốc nội, kim ngạch xuất nhập khẩu, đầu tư, cũng như những ưu thế trong các lĩnh vực công nghệ tin học, công nghiệp 1 Nguồn: WTO (trang web) 2 Nguồn: Bộ thương mại Mỹ 3 Nguồn: Vụ Châu Mỹ, Bộ ngoại giao chế tạo, năng lượng, tài chính ngân hàng…Sự phồn vinh đó của nền kinh tế Mỹ đã trở thành động lực của nền kinh tế thế giới. Mỹ giữ vai trò chi phối gần như tuyệt đối trong Ngân hàng thế giới (WB), trong Quỹ tiền tệ thế giới IMF, trong Tổ chức thương mại thế giới WTO và các tổ chức kinh tế tài chính khác. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Mỹ bắt đầu suy giảm từ nửa cuối năm 2000 cho dù vẫn tiếp tục kéo dài kỷ lục tăng trưởng kinh tế liên tục (124 tháng) cho đến tháng 6 năm 2001. Sau khi đạt mức tăng trưởng 5,7% trong quý I năm 2000, nền kinh tế bắt đầu chững lại, trong quý III và IV năm 2000 mức tăng trưởng là 1,3 và 1,9%. Trong quý I và quý II năm 2001 tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1,3 % và 0,3%. Theo báo cáo của ban nghiên cứu kinh tế quốc gia thì nền kinh tế Mỹ đã thực sự bước vào trì trệ kể từ tháng 3 năm 2001. Bảng 1: Các chỉ số tăng trưởng của kinh tế Mỹ năm 2000-2001 (%) Q2/ 00 Q3/ 00 Q4/ 00 Q1/ 01 Q2/ 01 Q3/ 01 GDP 5,7 1,3 1,9 1,3 0,3 - 1,3 Chi tiêu cá nhân 3,6 4,3 3,1 3,0 2,5 1,0 Đầu tư 19,5 - 2,8 - 2,3 - 2,3 - 12,1 - 10,5 Xuất khẩu 13,5 10,6 - 4,0 - 1,2 - 11,9 - 18,8 Nhập khẩu 16,4 13,0 - 0,5 - 5,0 - 8,4 - 13,0 Chi tiêu chính phủ 4,4 - 1,8 3,3 5,3 5,0 0,3 Nguồn: BEA, Department of Commerce Nguyên nhân chính của sự suy giảm này là sự cắt giảm đầu tư một cách ồ ạt. Trong quý II năm 2000 tốc độ đầu tư còn ở mức 19,5% là nhân tố quan trọng nhất đóng góp 57% cho tăng trưởng kinh tế thì trong năm 2001, mức suy giảm đầu tư luôn trên 10%, trong quý III là -10,5%. Sản xuất đình trệ, ngoại thương thu hẹp. Trong 10 tháng đầu năm 2001, xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ giảm tương ứng 4,2% và 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó , xuất-nhập khẩu hàng hoá giảm 4,8% và 4,3% so với 10 tháng đầu năm 2000, xuất-nhập khẩu dịch vụ cũng giảm tương ứng 2,6% và 5,7%. Trước tình hình đó Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED đã áp dụng biện pháp cắt giảm lãi suất và cắt giảm thuế với nỗ lực kiềm chế sự suy thoái của nền kinh tế. Song sự kiện ngày 11/9 đã làm cho nền kinh tế Mỹ chao đảo và ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ quý III năm 2001 là - 1,3% và tăng trưởng cả năm 2001 chỉ đạt 1,2%. Nhiều ý kiến cho rằng, sự kiện này sẽ là đòn chí tử đối với nền kinh tế Mỹ khiến nó không thể phục hồi. Nhưng một lần nữa, chính phủ Mỹ đã có những biện pháp kịp thời điều chỉnh chính sách kinh tế, ban hành một loạt những chính sách tài chính tiền tệ, đặc biệt là 11 lần liên tục cắt giảm lãi suất của FED nhằm kích thích đầu tư đã khiến cho kinh tế lấy lại được thăng bằng. Nhờ vậy, bước vào năm 2002 kinh tế Mỹ đã có những dấu hiệu phục hồi: thị trường bất động sản trở lại nhộn nhịp, các tập đoàn công nghiệp ký được một khối lượng lớn các hợp đồng, giá năng lượng, hàng hoá giảm đã kích thích sức mua của người dân. Trong quý I năm 2002, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ cao 5,6%, sang quý II tốc độ tăng trưởng chậm lại chỉ còn 1,1% và cả năm đạt 2,4% với thu nhập quốc dân là 10.446,2 tỷ USD. Nói chung, nền kinh tế đã có tăng trưởng song vẫn còn ở mức thấp và có nhiều yếu tố không thuận như thị trương chứng khoán suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, đặc biệt là các vụ bê bối về kế toán, kiểm toán của các tập đoàn lớn của Mỹ như Enron, WorldCom. Trong những tháng đầu năm 2003, theo số liệu thống kê kinh tế vừa được Bộ Tài chính Mỹ công bố, kinh tế Mỹ 6 tháng đầu năm vẫn nằm trong tình trạng trì trệ. GDP quý I chỉ tăng 1,4% và triển vọng quý II cũng chỉ ở mức tương tự, tức là thấp hơn nhiều so với mức dự đoán từ đầu năm. Nền kinh tế thiểu phát, chỉ số lạm phát thấp: tháng 1: 0,3%, tháng 4: - 0,3%, tháng 5: 0%, đầu tư cho kinh doanh quý I giảm - 4,4%, thấp hơn mức quý IV năm 2002 (2,3%). Xuất khẩu giảm 1,3% và nhập khẩu giảm – 6,2% đã làm cho cán cân thương mại quý I/ 2003 thâm hụt 121,6 tỷ USD. Theo dự báo, chiều hướng này chưa có gì thay đổi trong những quý còn lại của năm 2003. Trong khi đó, mức thâm hụt ngân sách tăng nhanh. Riêng trong 8 tháng đầu năm tài chính (bắt đầu từ 1/10/2002), mức thâm hụt ngân sách đạt 292 tỷ USD và dự tính cả năm 2003 ít nhất là 400 tỷ USD. Nợ trong nước đạt mức kỷ lục 3900 tỷ USD. Đáng chú ý là, mặc dù kế hoạch cắt giảm thuế cả gói của Tổng thống Bush đã được thông qua nhưng tỷ lệ thất nghiệp không ngừng tăng, từ 5,7% tháng 1 đến 6,4% tháng 6/2003, là mức cao nhất trong vòng 9 năm qua. Cũng theo số liệu thống kê vừa công bố, kể từ năm 2000 đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mỹ giảm 90%1. Năm 2001, FDI vào Mỹ là 144 tỷ USD thì năm 2002 chỉ còn 30 tỷ USD. Nguyên nhân của sự giảm sút đầu tư là do: thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới giảm sút trong ba năm qua đã làm cho FDI toàn cầu giảm, với hệ quả là FDI vào Mỹ cũng giảm mạnh; thứ hai, triển vọng không sáng sủa của kinh tế Mỹ, đe doạ khủng bố, thâm hụt ngân sách Mỹ đã tác động không ít đến lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài; thứ ba là do giá trị đồng Đô la cao trong 2 năm 2001, 2002 đã làm tăng giá cổ phần tại Mỹ. Nền kinh tế khổng lồ của Mỹ chiếm khoảng 1/3 GDP toàn cầu và khoảng 1/2 mức tăng trưởng nhập khẩu của thế giới, có giá trị FDI lớn nhất nhì thế giới, đồng USD là đồng tiền mạnh được nhiều nước trên thế giới dùng làm phương tiện tích trữ và là phương tiện thanh toán quốc tế, công nghệ Mỹ đứng hàng đầu thế giới. Với sức mạnh đó, tầm ảnh hưởng của nền kinh tế Mỹ đối với kinh tế thế giới là không nhỏ và một khi nó bị suy giảm thì không thể không tác động đến sự phát triển kinh tế của nhiều nước và khu vực trên thế giới. Như vậy, sự suy giảm kinh tế Mỹ đương nhiên sẽ vừa trực tiếp vừa gián tiếp tác động đến nền kinh tế Việt Nam, mà chủ yếu là ở hai lĩnh vực thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng là không lớn. Mặc dù vậy chúng ta vẫn cần lưu ý nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, khai thác tận 1 Nguồn: Bộ thương mại (trang web) dụng những ảnh hưởng tích cực để ổn định và phát triển kinh tế đất nước. II. Đặc điểm chung của thị trường Mỹ 1. Lịch sử địa lý kinh tế Mỹ là một quốc gia trẻ với lịch sử ra đời cách đây khoảng 500 năm. Năm 1492, Christopher Columbus phát hiện ra Châu Mỹ. Năm 1607, người Anh bắt đầu đặt chân lên Châu Mỹ và lập nên hệ thống thuộc địa ở hầu hết lãnh thổ Bắc Mỹ. Những người nhập cư thời đó phần lớn là những người trốn tránh cuộc đàn áp chính trị trong nước, người đi tìm tự do thực hành tôn giáo hoặc những người đi tìm kiếm vận may mà họ không được hưởng ở quê nhà. Sau người Anh là người Hà Lan, Đức, Pháp, TâyBan Nha, Bồ Đào Nha… chiếm giữ các vùng còn lại. Năm 1775, cuộc đấu tranh giành độc lập nổ ra. Ngày 4/7/1776, các nhà cách mạng công bố “Tuyên ngôn độc lập”, tách khỏi đế quốc Anh, thành lập Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ gồm 13 bang. Năm 1783, Anh ký Hiệp định Versailles thừa nhận nền độc lập của Mỹ. Hiến pháp Liên bang đầu tiên được thông qua ngày 7/9/1787 và có hiệu lực từ 4/3/1789. George Washington được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Mỹ. Từ đó đến nay, trải qua trên 500 năm, nước Mỹ đã không ngừng củng cố nền độc lập, phát triển kinh tế. Đồng thời cũng không ngừng bành trướng lãnh thổ và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực cũng như trên thế giới. Hiện nay, Mỹ gồm tất cả 50 bang và 5 khu hành chính trực thuộc. Diện tích hiện nay của Mỹ là 9.629.091 km2, rộng thứ tư trên thế giới (sau Liên bang Nga, Canada và Trung Quốc). Trong 50 bang, bộ phận chính là 48 bang liền dải nằm ở trung tâm lục địa Bắc Mỹ, có diện tích 7,8 triệu km2, phía Bắc giáp Canada, phía Nam giáp Mexico, phía đông giáp Đại Tây Dương và phía Tây giáp Thái Bình Dương. Bộ phận thứ hai là bang Alaska, nằm ở phía Tây Bắc lục địa Bắc Mỹ, có diện tích 1,5 triệu km2. Bộ phận thứ ba là quần đảo Hawaii, nằm trong Thái Bình Dương, có diện tích trên 16000 km2, là trạm dừng chân từ Tây Bắc Mỹ sang các nước Đông Á. So với Việt Nam, Mỹ nằm tận phía bên kia bán cầu, lệch từ 12 đến 15 múi giờ. Là một đất nước – lục địa rộng lớn (bề ngang trên 4000 km, dài gần 2500 km), Mỹ có tất cả các loại địa hình khí hậu. Với địa hình khí hậu đa dạng như vậy cho phép Mỹ phát triển các sản phẩm nông lâm ngư nghiệp phong phú trên quy mô lớn. Nước Mỹ cũng rất giàu tài nguyên thiên nhiên. Nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn. Mỹ là một trong những nước đứng đầu thế giới về khai thác khoáng sản, đặc biệt là dầu và than đá (800 triệu tấn/năm). Đây là những yếu tố rất thuận lợi cho sự phát triển kinh tế Mỹ, nhất là trong những năm đầu của giai đoạn công nghiệp hoá. Trước 1865, Mỹ vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu nông sản là chủ yếu, nhưng sau đó Mỹ bắt đầu vươn lên trở thành một nước công nghiệp phát triển, đuổi kịp và vượt Anh, Pháp, Đức trở thành cường quốc số một thế giới cho đến tận ngày nay. Nền kinh tế Mỹ hiện nay có những đặc điểm nổi bật sau: * Là một nền kinh tế lớn nhất thế giới: Với dân số xấp xỉ 300 triệu người, trong đó 76% số ở thành thị, Mỹ là thị trường tiêu thụ bậc nhất thế giới hiện nay. Giá trị tổng sản phẩm quốc dân của Mỹ năm 2002 đạt 10.446,2 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người năm 2000 là hơn 36200 USD/ người/ năm, thuộc bộ phận những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch buôn bán toàn cầu. Năm 2002, kim ngạch nhập khẩu của Mỹ lên tới 1392,1 tỷ USD, cao hơn lượng nhập khẩu của cả EU cộng lại. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày Mỹ chi khoảng 3,8 tỷ USD cho việc nhập khẩu. Bảng 2: Những thông tin cơ bản nhất về nền kinh tế Mỹ - Tốc độ tăng trưởng GDP : năm 2002 : 2,4% (giai đoạn từ 1992 tới 2002 trung bình tốc độ tăng trưởng GDP là 3,5%/ năm) - Tổng thu nhập quốc dân năm 2002 : 10.446,2 tỷ USD - Tỷ lệ % các ngành chủ chốt trong nền kinh tế: nông nghiệp: 2%, công nghiệp:18%, dịch vụ: 80% - Tỷ lệ lạm phát: 2,4% - Ngân sách năm 2002: Tổng thu: 1875,6 tỷ USD Tổng chi: 2075,5 tỷ USD - Kim ngạch xuất khẩu : 794,11 tỷ USD - Kim ngạch nhập khẩu : 1392,1 tỷ USD - Thâm hụt thương mại: -418,04 tỷ USD - Bạn hàng chính: Canada: 22,4%, Mexico: 13%, Nhật: 7,9%, Trung quốc,.. - Mặt hàng xuất khẩu chủ lực: thiết bị đầu tư, ôtô, sản phẩm công nghiệp - Mặt hàng nhập khẩu chính: dầu thô, ôtô, hàng tiêu dùng - Các ngành công nghiệp quan trọng nhất : dầu, thép, ô tô, máy bay, thông tin, hoá chất - Các sản phẩm nông nghiệp: lúa mì, ngô, đậu nành, rau, bông, thịt bò, thịt lợn - Các sản phẩm chế tạo: hoá chất, thiết bị vận tải, thực phẩm, máy móc công nghiệp, thiết bị điện, vật liệu in ấn - Lực lượng lao động :141,8 triệu chiếm 66,5% dân số - Tổng giá trị đầu tư nước ngoài: năm 2000: 314 tỷ USD; 2001: 144 tỷ USD; 2002: 30 tỷ USD Nguồn: Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao * Kinh tế Mỹ là một nền kinh tế tư nhân: Kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng áp đảo so với kinh tế chính phủ trong cơ cấu GDP của Mỹ. Hiện nay tỷ trọng này là khoảng 90% so với khu vực kinh tế chính phủ là khoảng 10%. Tỷ trọng này tăng đều qua các năm, năm 1998 so với năm 1993 tăng 2%. Sự áp đảo của khu vực kinh tế tư nhân được coi là nhân tố chính tạo nên tính năng động, dễ thích nghi với các biến động, luôn sáng tạo đổi mới. Chính phủ Mỹ quản lý nền kinh tế tư nhân bằng thuế và các quy định pháp luật chặt chẽ như: luật chống độc quyền, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường… trên quan điểm “ càng ít can thiệp càng tốt”, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển và chỉ điều tiết khi cần hạn chế những tác động tiêu cực của thành phần kinh tế này đến sự thịnh vượng chung của nền kinh tế * Nền kinh tế tự do cạnh tranh: Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới về tính cạnh tranh của các nền kinh tế thì mức độ cạnh tranh giữa các công ty của Mỹ là cao nhất. Sở dĩ nền kinh tế Mỹ có mức độ cạnh tranh cao như vậy là vì: thứ nhất, thành phần kinh tế tư nhân chiếm vị trí áp đảo trong cơ cấu kinh tế; thứ hai, Mỹ là một thị trường mở nên sự cạnh tranh không chỉ trong phạm vi quốc gia mà mở rộng trên phạm vi quốc tế; thứ ba, chủ nghĩa cá nhân và tính thực dụng của người Mỹ đã khiến cho xã hội Mỹ trở thành một “ xã hội chỉ tin vào người thắng”, điều đó buộc con người ta chỉ có thể phát triển bằng cách hơn người khác và làm cho cuộc cạnh tranh rất “hung hãn” và “ nhẫn tâm”; thứ tư là nhờ ở sự thi hành hiệu quả các quy định pháp luật về chống độc quyền (Mỹ cũng đứng số một thế giới trong lĩnh vực chống độc quyền theo báo cáo trên) * Nền kinh tế dịch vụ: Có thể gọi như vậy là bởi giá trị dịch vụ chiếm đến 3/4 GDP và 80% lực lượng lao động Mỹ và tỷ trọng này không ngừng tăng qua các năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng nhanh nhất là các dịch vụ vận tải (hàng không, vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ, dịch vụ kho hàng), thương mại, tài chính, bảo hiểm và bất động sản, dịch vụ tư vấn quản lý và pháp luật kinh doanh, y tế, giáo dục. Song song với mức tăng của tỷ trọng dịch vụ là mức giảm tương đối của các ngành khác, đặc biệt là các ngành sản xuất trực tiếp từ vật liệu tự nhiên như nông lâm thuỷ sản, khai khoáng. Là một nước đứng đầu thế giới về sản xuất nông nghiệp và khai thác khoáng sản, song tỷ trọng các ngành này trong GDP Mỹ vô cùng nhỏ bé. Giá trị sản lượng 3 ngành nông lâm ngư nghiệp chỉ chiếm khoảng 1-2% GDP. Điều này nói lên quy mô to lớn của nền kinh tế Mỹ cũng như cho thấy tính hiệu quả thấp về mặt giá trị gia tăng mà các ngành trên tạo ra so với lĩnh vực sản xuất chế tạo và dịch vụ. Từng một thời gian dài chiếm vị trí chủ đạo về giá trị cũng như vai trò trong nền kinh tế Mỹ, song từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, trước sự phát triển nhanh chóng của ngành dịch vụ, tỷ trọng của ngành sản xuất chế tạo cũng ngày càng giảm. Mỹ chủ yếu chế tạo máy móc công nghiệp, phương tiện vận tải, hay nói chung là các hàng lâu bền. Giá trị sản lượng của các mặt hàng không lâu bền như thực phẩm, may mặc… chiếm tỷ trọng nhỏ hơn và giảm nhiều qua các năm. * Nền kinh tế hiện đại, năng suất cao: Trong khoảng 100 năm qua, Mỹ luôn đi đầu thế giới trong việc nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động. Tiến bộ khoa học thực sự là nhân tố chính thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ ở mức cao. Trước đây, ngành công nghiệp xây dựng và sản xuất ô tô là trụ cột thúc đẩy nền kinh tế Mỹ phát triển. Hiện nay, công nghệ thông tin đóng góp khoảng 25%-30% trong tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó công nghệ thông tin còn ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề khác. Công nghệ thông tin có thể nâng cao năng suất lao động của ngành nghề chế tạo, giảm chi phí, giảm lượng hàng hoá tồn đọng, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Động lực của nền kinh tế mới của Mỹ không chỉ là nguồn vật chất khổng lồ mà chủ yếu là do những tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra. Năm 1996, đầu tư của Mỹ cho thiết bị xử lý thông tin và các thiết bị liên quan như máy tính điện tử lên tới 206 tỷ USD, gấp 1,6 lần so với đầu tư cho các thiết bị công nghiệp khác. Đầu tư cho công nghệ thông tin chiếm tới 35,7 % tổng đầu tư vốn cố định của các doanh nghiệp, đầu tư cho công nghệ máy tính của Mỹ chiếm tới 40% tổng đầu tư trong lĩnh vực này của toàn thế giới. Từ năm 1993, khoảng 45% tăng trưởng của ngành công nghiệp Mỹ có sự đóng góp của máy tính và chất bán dẫn. Như vậy, một trong những nhân tố then chốt của nền kinh tế mới của Mỹ là những tiến bộ liên tục và nhanh chóng của khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ đã làm tăng năng lực sản xuất, nâng cao hiệu suất và làm giảm lượng lao động trên một đơn vị sản phẩm. * Ngoại thương đóng vai trò ngày càng to lớn trong nền kinh tế Mỹ Điều này thể hiện ở tỷ trọng của kim ngạch XNK trong GDP của Mỹ. Năm 1970, tỷ trọng này là 13%, đến năm 1990 đã là 30%. Năm 2002, kim ngạch XNK của Mỹ là 2186,21 tỷ USD, chiếm 20,93% GDP (kim ngạch XNK giảm do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế ) song vẫn đứng đầu thế giới. Khác với Nhật Bản, một nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, ngoại thương do đó là yếu tố sống còn của nền kinh tế, Mỹ có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, song Mỹ đã sớm dựa vào ngoại thương để phát huy lợi thế so sánh, điều chỉnh cơ cấu kinh tế và tăng trưởng không ngừng. Nhờ ngoại thương, Mỹ đã thực hiện được mô hình “đàn sếu bay”: không sản xuất các mặt hàng đòi hỏi lao động giản đơn như: dệt may, lương thực thực phẩm, giày dép, máy móc thiết bị cơ bản, tivi … mà chuyển giao cho các nước kém phát triển hơn và nhập khẩu trở lại các mặt hàng này để tiêu dùng. Thay vào đó Mỹ tập trung sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng có hàm lượng khoa học công nghệ cao, lợi nhuận lớn như: ngành chế tạo hàng không, điện tử, tin học, nguyên tử, vũ trụ, hoá chất… Trong cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng chế tạo và hàng công nghệ cao chiếm tỷ trọng từ 80 đến 90% tổng giá trị xuất khẩu. Ví dụ như năm 1999 xuất khẩu mặt hàng chế tạo và công nghệ cao đạt tới trên 800 tỷ USD. * Một số đặc điểm khác: Mỹ là quốc gia mà thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, song chênh lệch thu nhập của người dân cũng rất lớn. Theo thống kê 20% dân số giàu nhất nước Mỹ chiếm hơn 1/2 thu nhập sau thuế của cả nước, và một nửa số thu nhập đó lại thuộc về 1% số người giàu nhất. Mức chênh lệch giữa 20% dân số giàu nhất và 20% nghèo nhất của Mỹ là 9 lần, so với Đức là 6 lần và Nhật là 4 lần. Tỷ lệ người nghèo trong những thập niên gần đây đã giảm đáng kể nhờ tăng trưởng kinh tế và những nỗ lực giảm nghèo của Chính phủ. Tuy nhiên, tỷ lệ người sống dưới mức nghèo khổ ở Mỹ vẫn còn tới khoảng 10%. Phần lớn số người nghèo thuộc thành phần những người mới nhập cư, các dân tộc thiểu số. Sự chênh lệch mức thu nhập và sự đa dạng về văn hoá đã dẫn đến một thị trường tiêu dùng Mỹ hết sức phong phú và đa dạng về nhu cầu, thị hiếu. Tóm lại, nền kinh tế Mỹ là một nền kinh tế lớn, tự do, hiện đại. Để đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế như thế, Mỹ đã và sẽ tiếp tục phải nhập khẩu một số lượng lớn nguyên liệu từ nước ngoài để phục vụ cho guồng máy sản xuất khổng lồ của nó, cũng như nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng để phục vụ các tầng lớp dân cư có nhu cầu đa dạng, song sản xuất trong nước do chuyên môn hoá tập trung vào các ngành mới hiện đại, thu lợi nhuận cao mà đã không chú trọng tới. 2. Hệ thống chính trị pháp luật * Thể chế chính trị: Mỹ là một nước được tổ chức theo chế độ cộng hoà dân chủ tư sản tổng thống. Hệ thống chính trị của Mỹ thực hiện chế độ “tam quyền phân lập”. Trong đó quyền lập pháp được trao cho Quốc hội, quyền hành pháp được trao cho Tổng thống Mỹ, quyền tư pháp được trao cho Tối cáo pháp viện. Mỗi cơ quan này thi hành quyền lực một cách độc lập trong cơ chế kiểm soát và khống chế lẫn nhau. Cơ quan lập pháp: Điều I khoản 1 Hiến pháp Mỹ nêu rõ: “Mọi quyền lập pháp sẽ trao cho Quốc hội Hợp chủng quốc Mỹ”. Quốc hội gồm hai viện: Thượng nghị viện và Hạ nghị viện. Thượng viện gồm 100 nghị sĩ, chia đều cho mỗi bang hai người. Quy định này có lợi cho những bang dân số ít và không có lợi cho những bang nhiều dân. Nhiệm kỳ thượng nghị sĩ là 6 năm và cứ 2 năm một lần thượng viện bầu cử lại 1/3 số đại biểu. Thượng nghị sĩ phải là người có tuổi không ít hơn 30 và phải là công dân của Hợp chủng quốc Mỹ được 9 năm. Phó Tổng thống Mỹ sẽ là chủ tịch Thượng nghị viện nhưng thực tế thủ lĩnh của phe đa số trong Thượng nghị viện sẽ điều hành công việc thường ngày. Hạ nghị viện gồm 435 nghị sĩ với nhiệm kỳ hai năm một lần. Viện được bầu theo phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Số nghị sĩ hạ nghị viện được phân cho các bang theo tỷ lệ dân số nhưng tối thiểu mỗi bang cũng có một nghị sĩ dù số dân rất nhỏ. Theo Hiến pháp, số lượng nghị sĩ hạ viện được xác định 10 năm một lần dựa trên kết quả điều tra dân số liên bang. Hạ nghị sĩ phải là người có tuổi đời không ít hơn 25 và phải là công dân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ít nhất 7 năm. Chức năng chủ yếu của Quốc hội Mỹ là lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan chính quyền, biểu quyết các dự luật và thông qua ngân sách, quyết định tham gia vào các vòng đàm phán mới, phê chuẩn các thoả thuận sau các vòng đàm phán mới. Tất cả các dự án luật đã được Hạ nghị viện và Thượng nghị viện thông qua, trước khi ban hành thành một đạo luật sẽ được đệ trình lên Tổng thống Mỹ. Cơ quan hành pháp: Điều II khoản 1 Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ quy định: “Quyền hành pháp thuộc về Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”. Tổng thống do dân bầu ra theo cách bầu cử gián tiếp với chế độ cử tri đoàn, nhiệm kỳ 4 năm. Một người không được làm tổng thống tối đa hai nhiệm kỳ. Tổng thống Mỹ là người có quyền lực rất lớn, kiêm nhiệm cả hai vai trò: Nguyên thủ Quốc gia và là người đứng đầu Chính phủ. Cùng với Tổng thống và Phó tổng thống, bộ máy hành pháp Mỹ có 15 bộ và 60 uỷ ban độc lập. Tổng thống là người ký ban bố các sắc luật và Hiến pháp cho phép tổng thống quyền phủ quyết dự luật được Quốc hội thông qua. Cơ quan tư pháp: Điều III khoản 1 Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ quy định: “Quyền tư pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thuộc về Toà án Tối cao và các Toà án cấp dưới”. Tối cao pháp viện là cơ quan đứng đầu một hệ thống toà án trên khắp liên bang, gồm Toà án Liên bang, toà án của từng tiểu bang và toà án quận, huyện. Chánh án và các thẩm phán Toà án Tối cao do Tổng thống bổ nhiệm và được thượng viện thông qua với nhiệm kỳ suốt đời. Những người này chỉ từ nhiệm khi họ muốn hoặc bị buộc tội. Toà án tối cao liên bang có quyền vô hiệu hoá bất cứ luật lệ liên bang hoặc bang nào mà toà án xét thấy là trái với Hiến pháp. Hiện nay ngành toà án gồm: Toà án tối cao; 13 toà án phúc thẩm; 94 toà án các quận và hai toà án xét xử đặc biệt. Quốc hội có quyền thành lập, bãi bỏ các toà án liên bang và số lượng thẩm phán trong hệ thống xét xử liên bang nhưng không được phép bãi bỏ Toà án tối cao. Các bang có hệ thống chính quyền bang. Đứng đầu ngành hành pháp bang là thống đốc bang, do cử tri bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 2 hoặc 4 năm tuỳ theo các bang. Quốc hội bang gồm hai viện như liên bang và có quyền làm luật áp dụng trong bang song không được trái với Hiến pháp và luật liên bang. Về các đảng phái: Mỹ áp dụng chế độ đa đảng song hệ thống chính trị Mỹ chủ yếu do hai Đảng Dân chủ và Cộng hoà thay nhau chi phối và kiểm soát từ năm 1852. Nói chung hệ thống chính trị ở Mỹ giữ vai trò to lớn và quyết định đối với kinh tế và thị trường ở Mỹ, mặc dù có sự tranh luận và khác biệt về vai trò can thiệp của Nhà nước đối với thị trường. * Hệ thống pháp luật Mỹ Mỹ là một liên bang trong đó mỗi bang có một phạm vi quyền lực rất lớn, có pháp luật riêng. Vì thế, nhìn về tổng thể, hệ thống pháp luật Mỹ hết sức phức tạp. Song nói chung hệ thống pháp luật Mỹ có những đặc điểm chủ yếu sau: Hệ thống pháp luật Mỹ là hệ thống Common Law. Đặc điểm của Common Law là luật bất thành văn và chủ yếu dựa vào tiền lệ xét xử. Common Law chủ yếu bao gồm các nguyên tắc pháp lý hàm chứa trong các phán quyết của toà án. Common Law có ưu điểm là giúp cho các vị thẩm phán giải thích và áp dụng pháp luật một cách khách quan, trên cơ sở các phán quyết của các vị thẩm phán trong các vụ án tương tự trước đó. Điều này làm cho phán quyết của các vị thẩm phán có tính công bằng thuyết phục hơn. Thứ hai là hệ thống pháp luật Mỹ được chia làm hai ngành là công pháp và tư pháp. Luật công được hệ thống hoá và ban hành dưới dạng văn bản gồm có: luật hiến pháp, luật nhà nước, luật hình sự và những văn bản quy định về chính sách đối ngoại, chính sách xuất nhập khẩu. Còn tư pháp tồn tại dưới hình thức án lệ. Luật tư bao gồm luật dân sự, luật thương mại… Thứ ba, Mỹ sử dụng pháp luật như l._.à công cụ sắc bén nhất để bảo vệ, duy trì và củng cố chế độ chính trị cũng như vị thế của Mỹ trên thế giới. Vì vậy pháp luật Mỹ thể hiện rất rõ nét yếu tố chính trị trong nội dung cũng như trong tên gọi của văn bản luật. 3. Xã hội Mỹ Đúng như cái tên “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”, xã hội Mỹ hết sức đa dạng về thành phần chủng tộc, ngôn ngữ , tôn giáo cũng như lối sống. Những người sống trên đất Mỹ hiện có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới. Đông nhất là người da trắng từ Châu Âu, chiếm 83,5% dân số Mỹ. Thứ hai là người da đen từ Châu Phi chiếm 12,4 % dân số. Người Châu Á ở Mỹ cũng khá đông và có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây theo làn sóng nhập cư. Thống kê hiện nay cho thấy người gốc Châu Á chiếm khoảng 3,3% dân số Mỹ. Trong số đó nhiều nhất là người Trung Quốc, số lượng người Việt Nam ở Mỹ là khoảng trên 1,5 triệu người ( Đây là một nhân tố thuận lợi cho việc thúc đẩy quan hệ buôn bán hai nước Việt –Mỹ thông qua nhu cầu tiêu dùng của Việt kiều đối với các sản phẩm Việt Nam, hay đóng vai trò trung gian phân phối của họ tại Mỹ hoặc như những người đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu trở lại thị trường Mỹ). Cuối cùng, số lượng ít nhất là người Mỹ bản xứ (thổ dân da đỏ) chiếm 0,8% dân số. Về ngôn ngữ, tiếng Anh là quốc ngữ, song theo thống kê cũng có tới trên 32 triệu người dân Mỹ từ 5 tuổi trở lên nói tiếng khác ngoài tiếng Anh ở nhà, trong đó nhiều nhất là tiếng Tây Ban Nha. Tôn giáo cũng theo sự đa dạng của các dân tộc mà rất phong phú. Bên cạnh đạo Cơ đốc và đạo Tin lành, còn có Phật giáo, Ấn Độ giáo, Do thái giáo, đạo Hồi, nghĩa là tất cả các đạo lớn trên thế giới. Các giá trị tinh thần khác của mỗi dân tộc, trong đó có thói quen tiêu dùng và ăn uống cũng rất đặc trưng. Hàng năm, Mỹ phải nhập khẩu một lượng lớn thực phẩm từ các nơi trên thế giới để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các dân tộc thiểu số này. Ngoài ra, xã hội Mỹ còn được phân chia theo các tầng lớp xã hội. Mỗi tầng lớp xã hội lại có những đặc trưng riêng về giá trị, phong cách, lối sống, và từ đó tạo nên các thói quen tiêu dùng khác nhau. Bảng sau đây mô tả sau giai tầng xã hội cơ bản của Mỹ và các đặc trưng của mỗi giai tầng trong lĩnh vực tiêu dùng. Bảng 3: Những đặc trưng của sáu giai tầng xã hội cơ bản ở Mỹ Giai tầng xã hội Những đặc trưng của các giai tầng Giai tầng thượng lưu lớp trên (khoảng 1%) Tinh hoa của xã hội, xuất thân từ những gia đình có tên tuổi, sống bằng của cải thừa kế. Đóng góp tiền cho những mục đích từ thiện, có nhiều nhà gửi con ở các trường tư thục, không quen phô trương sự giàu sang của mình, là nhóm chuẩn cho các giai tầng khác. Thị trường những đồ trang sức đắt tiền, đồ cổ, nhà cửa, dịch vụ nghỉ ngơi và du lịch Giai tầng thượng lưu lớp dưới ( khoảng 2%) Những người làm nghề tự do hay các doanh nhân có thu nhập cao nhờ tài năng đặc biệt của mình. Tích cực tham gia công tác xã hội và nghĩa vụ công dân; khao khát được thừa nhận địa vị xã hội của mình, và chi tiêu có tính chất phô trương. Cố gắng tìm cách gia nhập vào giai tầng thượng lưu lớp trên Thị trường những ngôi nhà đắt tiền, thuyền buồm, xe hơi.. Giai tầng trung lưu lớp trên ( 12%) Những người đạt được công danh trong các nghề tự do, các nhà quản trị, các doanh nhân. Thể hiện sự quan tâm đến vấn đề học vấn, đời sống tinh thần, văn hoá và nghĩa vụ công dân. Thị trường nhà ở đẹp , đồ đạc quần áo và đồ dùng gia dụng tốt Giai tầng trung lưu lớp dưới (30%) Viên chức, các nhà kinh doanh nhỏ, “ công nhân quý tộc” (đội ngũ kỹ thuật trung cấp của các nhà máy) quan tâm đến việc tôn trọng chuẩn mực và quy tắc văn hoá, tạo cho mình một dáng vẻ đáng tôn trọng. Thị trường những hàng hoá kiểu “hãy tự làm lấy”, đồ dùng gia đình, quần áo theo kiểu mẫu nghiêm chỉnh Giai tầng hạ lưu lớp trên (35%) Những viên chức nhỏ, công nhân lành nghề và nửa lành nghề. Quan tâm đến những vấn đề phân rõ vai trò giới tính, củng cố địa vị của mình trong xã hội Thị trường hàng thể thao, bia, đồ dùng gia đình. Giai tầng hạ lưu lớp dưới (20%) Công nhân không lành nghề, những người sống bằng trợ cấp. Thị trường thực phẩm , tivi, ôtô đã dùng rồi Khi các nhà xuất khẩu chuẩn bị bán một loại hàng hoá nào đó vào thị trường Mỹ, việc tìm hiểu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu của mình thuộc giai tầng nào, các đặc trưng tiêu dùng của giai tầng ấy sẽ rất hữu ích để ra các quyết định quảng cáo tiếp cận phù hợp . Quy mô gia đình Mỹ ngày càng có xu hướng thu nhỏ. Không nói tới các gia đình lớn nhiều thế hệ, các gia đình hạt nhân 2 thế hệ chỉ chiếm khoảng 1/4 số gia đình, số còn lại là các gia đình không có con cái hoặc có con nhưng chỉ có bố hoặc mẹ. Theo thống kê có đến 30% trẻ em Mỹ hiện nay được sinh ra trong các gia đình chỉ có bố hoặc mẹ. Nói tóm lại, quy mô gia đình nhỏ hơn, vai trò của vợ chồng trong gia đình thay đổi là những xu hướng chung của gia đình Mỹ hiện nay. 4. Lối sống Mỹ Hiểu được các đặc trưng trong thế giới quan của đa số người Mỹ, họ thích hay ghét gì, họ coi trọng cái gì trong cuộc sống, đối với các nhà kinh doanh là một điều có ích. Vì suy cho cùng, các quyết định tiêu dùng cũng một phần quan trọng là sự phản ánh của thế giới quan (phần kia là yếu tố tài chính, kinh tế, trình độ học vấn,…). Người sản xuất hiểu được thế giới quan đó sẽ biết chọn bán các sản phẩm và có cách tiếp thị phù hợp. Hơn nữa, khi phải đàm phán với các đối tác Mỹ, hiểu được người Mỹ cần gì, thích gì sẽ giúp tránh được nhiều điều hiểu lầm đáng tiếc. Theo nhận xét của những người nước ngoài thì người Mỹ là những người “chịu chơi” và mua sắm không tiếc tiền, thậm chí nhiều khi vượt cả thu nhập thực tế. Nhưng có hai thứ mà người Mỹ tiết kiệm, đó là lao động và thời gian. Để hiểu được điều này, chúng ta phải quay trở lại lịch sử hình thành nước Mỹ cách đây 500 năm. Nước Mỹ ngày nay được hình thành từ những người di cư từ Châu Âu sang. Họ thuộc đủ loại thành phần, người sang Châu Mỹ để tìm vàng, người đi chốn tránh pháp luật, người đi tìm tự do tôn giáo hoặc người đi để tìm kiếm vận may mà họ không được hưởng từ quê nhà. Đa phần họ đều nghèo, trong tay không có mấy tài sản nhưng đều có niềm tin chung : nước Mỹ rộng lớn nhiều tài nguyên, nếu họ biết cần cù lao động thì tất được đổi đời. Chính vì niềm tin ấy mà họ dám bỏ xứ sở ra đi để đến với vùng đất này. Họ bắt đầu từ đôi bàn tay trắng, lại phải chống chọi với những khắc nghiệt của thiên nhiên hoang dã, song họ không nản lòng. Tài sản quí giá nhất của người Mỹ lúc đó là lao động, nên họ hiểu rất rõ giá trị của lao động và luôn có ý thức sao cho lao động bỏ ra mang lại hiệu quả cao nhất. Đó là nguồn gốc của các phát minh, cải tiến trong sản xuất, các phương pháp tổ chức lao động khoa học, những yếu tố giúp nước Mỹ tiến xa và nhanh, từ một thuộc địa của Anh trở thành một quốc gia đứng đầu thế giới. Đặc điêm này cũng lý giải cho tính thực dụng của người Mỹ. Đây là một nét rất đặc trưng của người Mỹ và được phản ánh trong rất nhiều mặt như: trong cách tiêu dùng, trong cách lao động, trong buôn bán, trong đàm phán, … Lao động là thứ rất được tôn vinh trong xã hội Mỹ. Khác với Châu Âu, những người được coi trọng nhất trong xã hội không phải là các nhà quý tộc xuất thân trong nhung lụa mà là những con người từ nghèo khó, nhờ lao động và tài năng mà trở thành các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học hay các tỷ phú. Ở Mỹ đã lao động thì không phân biệt sang hèn. Dù có phải làm công việc phục vụ trong các quán ăn thì người Mỹ cũng không tỏ ra coi thường mà coi đó là dịp rèn luyện bản thân. Sống trong xã hội mà cạnh tranh luôn diễn ra một cách căng thẳng và khốc liệt trên mọi lĩnh vực, trong đó thời gian cũng là yếu tố giúp vượt lên trên đối thủ, người Mỹ dần hình thành nên ý thức tiết kiệm thời gian với những biểu hiện đặc trưng. “ Thời gian là tiền bạc” (Time is money) là câu nói ăn sâu trong tiềm thức mỗi cá nhân người Mỹ. Ý thức tiết kiệm thời gian thể hiện ngày trong tác phong làm việc hàng ngày khẩn trương nhanh nhẹn, trong cách ra quyết định chóng vánh, trong cách đàm phán luôn đi thẳng vào vấn đề, tránh vòng vo tam quốc. Do quý thời gian nên người Mỹ rất coi trọng sự đúng giờ trong các cuộc hẹn. Đến hẹn muộn dù chỉ 5 phút mà không có lý do chính đáng hay không báo trước có thể làm cho người Mỹ rất bực tức, gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ. Người Mỹ nhìn chung rất có ý thức tôn trọng pháp luật. Vai trò của pháp luật được đề cao trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống hàng ngày của người Mỹ. Mọi quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với chính quyền, công ty này với công ty khác .. nếu có trục trặc đều có thể được đưa ra xem xét phán xử tại toà án. Vì vậy ở Mỹ có rất nhiều toà án và luật sư. Nếu ở Tây Âu, nhu cầu bảo hiểm là thiết yếu đối với dân chúng thì ở Mỹ, ngoài việc mua bảo hiểm còn có việc thuê luật sư vì trong tâm lý, người ta luôn bị ám ảnh có thể bị kiện bất cứ lúc nào và nếu không có người biện hộ tin cậy thì có thể bị thua thiệt bất ngờ vì những lý do không lường trước được. Về mặt tính cách, người Mỹ được đánh giá là cởi mở, thẳng thắn, dễ hiểu và bộc trực. Phần đông những người Mỹ tỏ ra thân thiện ngày từ lần gặp gỡ đầu tiên. Người Mỹ đề cao giá trị giao tiếp xã hội vì theo họ, chưa nói đến lợi ích của việc mở mang kiến thức hay tạo các mối quan hệ cho công ăn việc làm, một cuộc giao tiếp thân mật và vui vẻ cũng sẽ giúp tạo cảm giác thư thái tâm hồn, giảm bớt những căng thẳng mệt nhọc của công việc. Khác với người Nhật hay người Phương Đông nói chung, người Mỹ không ngại thẳng thắn nói “ không” trước những đề nghị mà họ thấy không thích hoặc không thực hiện được. Đối với họ, có là có và không là không. Và khi họ đã nhận lời làm một công việc gì thì họ thường cố gắng làm đến nơi đến chốn, tức là họ biết giữ lời hứa. Người Mỹ cũng không dễ bị tự ái trước những lời phê bình chỉ trích hay những quan điểm đối lập. Một khi bức tức điều gì họ có thể tuôn hàng tràng những câu nói bất mãn, nhưng những người xung quanh cũng hiểu anh ta đang muốn giải toả những ức chế trong lòng. Nói chung quyền tự do ngôn luận được tuân thủ khá tốt ở Mỹ. 5. Thị hiếu tiêu dùng của người Mỹ Chịu ảnh hưởng của các yếu tố xã hội, văn hoá, lối sống, mức sống, thị hiếu tiêu dùng của người mỹ rất đa dạng. Thậm chí khi bán hàng cho mỗi vùng mỗi bang trên đất Mỹ người ta có thể phải sử dụng những chiến lược Marketing hoàn toàn khác nhau. Yêu cầu của người tiêu dùng đối với phẩm cấp hàng hoá cũng có nhiều loại, từ phẩm cấp thấp đến phẩm cấp trung bình và phẩm cấp cao (các hàng hoá Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu hướng vào các đối tượng có nhu cầu hàng phẩm cấp trung bình và thấp). Đối với các hàng hoá thuộc phẩm cấp trung bình và thấp, thị hiếu của người Mỹ nhìn chung chuộng những hàng có mẫu mã đơn giản, không cần cầu kỳ, miễn là mới lạ, tiện dụng, giá rẻ. Do đó, những mặt hàng tiêu dùng của Trung Quốc có cấu trúc đơn sơ nhưng giá thành thấp đã bán rất chạy ở Mỹ. Ngược lại, một số hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam xuất sang Mỹ trước đây do công kềnh, trạm chổ tinh vi nhưng giá thành cao nên rất khó bán ở Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ cũng là những người ưa sự độc đáo, mới lạ. Họ có thể rất tự hào vì nhà mình có những chiếc bát ăn hay lọ hoa với hoa văn không ai có, dù nó rất đơn giản và không phải là hàng đắt tiền. Yếu tố giá thành sản phẩm cũng rất quan trọng. Nhất là các mặt hàng có giá thấp một cách đặc biệt so với các mặt hàng cùng loại thì ngoài yếu tố kinh tế nó còn kích thích sự tò mò của người tiêu dùng Mỹ. 6. Chính sách kinh tế Những năm 1990, chiến tranh lạnh kết thúc đã mở ra một môi trường mới cho sự phát triển kinh tế thế giới. Kinh tế trở thành trọng điểm trong các quan hệ quốc tế. Nguy cơ của cuộc chiến tranh hạt nhân bị đẩy lùi, song cuộc chạy đua về kinh tế trở thành những thách thức lớn nhất đối với an ninh mỗi quốc gia. Điều đó đòi hỏi mỗi quốc gia kể cả Mỹ nếu không muốn tự loại mình khỏi vòng đua thì phải tập trung ưu tiên phát triển kinh tế. Nhận thức sâu sắc điều đó, Chính phủ Mỹ đã đặt mục tiêu phát triển kinh tế làm ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của mình và xem “ sức mạnh kinh tế” là cơ sở cho “an ninh quốc gia” của mình. Các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ xác định rằng: “ mục tiêu trung tâm của chiến lược an nình quốc gia của chúng ta là thúc đẩy phồn vinh cho người dân Mỹ nhờ nỗ lực cả trong nước và ngoài nước. Các lợi ích kinh tế và an ninh của chúng ta không thể tách rời. Phồn vinh trong nước còn phụ thuộc vào việc chúng ta tích cực tham gia ở ngoài nước. Sức mạnh của ngoại giao, khả năng duy trì một quân đội hơn hẳn, sức hấp dẫn của các giá trị của chúng ta ở nước ngoài, tất cả những điều này phần nào phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế của chúng ta”. Với những quan điểm rất rõ ràng trên, chính sách kinh tế của Mỹ đã được điều chỉnh theo định hướng sau: Tập trung phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp có hàm lượng cao khoa học công nghệ hơn hẳn các nước phát triển khác; Tập trung phát triển các công ty lớn, tiến hành sản xuất vừa tập trung vừa phân tán khắp nơi trên thế giới thông qua hệ thống các công ty xuyên quốc gia của mình; Tạo môi trường kinh doanh cho hoạt động kinh tế thông qua việc: mở cửa các thị trường có tính bảo hộ cao trên thế giới nhằm thâm nhập thị trường nước ngoài. Nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Mỹ trên thị trường thế giới. Hướng điều chỉnh nói trên phản ánh sự can thiệp của nhà nước nhằm giải quyết nhiều vấn đề phức tạp của nền kinh tế. Dẫn tới tạo ra một cơ chế điều chỉnh gồm hai loại biện pháp khác nhau: một loại thúc đẩy tự do hoá kinh tế nhằm phục vụ cho hoạt động mở rộng thị trường ở nước ngoài, loại khác nhằm bảo hộ mậu dịch một cách khéo léo để bảo vệ nhiều ngành kinh doanh trong nước. Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, chính sách kinh tế chủ yếu nhằm thúc đẩy đầu tư cho tương lai, tăng cường thực lực kinh tế của Mỹ và địa vị của Mỹ trong cuộc cạnh tranh trên thế giới, đặc biệt nhấn mạnh việc phát triển khoa học công nghệ cao. Nội dung cụ thể của nó được thể hiện qua 4 chương trình kinh tế: - Giảm bớt thâm hụt ngân sách chủ yếu bằng các biện pháp: tiết kiệm chi ngân sách bao gồm giảm chi tiêu về bảo trợ xã hội, quốc phòng, tăng cường sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế, tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và khu vực tư nhân, tăng thuế, cải cách bộ máy của chính phủ. - Đầu tư nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống giao thông vận tải nhằm tạo ra công ăn việc làm cho người thất nghiệp, đặc biệt là tầng lớp thanh niên và sinh viên đại học. - Đầu tư cho các ngành kỹ thuật cao để khôi phục sức cạnh tranh của hàng hoá Mỹ. - Coi thương mại là nhân tố ưu tiên đối với an ninh của Mỹ, tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ trong giới tài chính quốc tế, mở rộng thị trường sang các nước phát triển. Bước sang năm 2001 nền kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái. Để ngăn chặn xu thế này, chính quyền George Bush đã có những điều chỉnh trong chính sách kinh tế thông qua việc thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài chính cởi mở, vừa giảm lãi suất tín dụng, vừa giảm thuế với hy vọng thúc đẩy đầu tư, kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế. Những điều chỉnh này đã có một số tác dụng tức thời qua tốc độ tăng trưởng khá cao của nền kinh tế trong quý I, II của năm 2002. Song cuối năm 2002 và sang đầu năm 2003 này, nền kinh tế Mỹ lại tiếp tục nằm trong tình trạng trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thâm hụt ngân sách đạt mức kỷ lục, .. cho thấy tính kém hiệu quả (về lâu dài) của các chính sách kinh tế đòi hỏi chính quyền Bush phải có những điều chỉnh tích cực hơn trong thời gian tới. III. Chính sách kinh tế đối ngoại Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, Mỹ đặc biệt lưu tâm đến tầm quan trọng của chính sách kinh tế đối ngoại trong chính sách kinh tế nói chung. Điểm nổi bật của chính sách kinh tế đối ngoại hiện nay của Mỹ là: Chiến lược kinh tế của Mỹ là lấy khu vực tư nhân làm động lực thúc đảy nền kinh tế phát triển, còn chính phủ có vai trò liên kết với khu vực tư nhân. Chính phủ phải có trách nhiệm bảo vệ các lợi ích kinh doanh của Mỹ, là đòn bẩy trên các thị trường quốc tế, giúp mở rộng xuất khẩu hàng hoá Mỹ, tìm cách xoá bỏ những rào cản ở trong nước và nước ngoài làm hạn chế tính sáng tạo, tính năng động và khả năng sản xuất của giới kinh doanh Mỹ. Thúc đẩy xuất khẩu phát triển là một nhiệm vụ ưu tiên trong chính sách kinh tế của Mỹ và cần được thực hiện bằng những biện pháp phù hợp với quan điểm của Mỹ về buôn bán tự do và công bằng. Tăng cường khả năng thâm nhập thị trường nước ngoài là điều kiện quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu phát triển. Bởi lẽ, sự thành công của giới kinh doanh Mỹ hơn bao giờ hết tuỳ thuộc vào thành công ở các thị trường quốc tế. Sử dụng tất cả những công cụ chính sách thương mại hiện có, từ các công cụ mang tính chất song phương đến đa phương và khu vực, và nếu cần thiết có thể áp dụng chính sách đối đầu đơn phương để thúc đẩy có hiệu quả các lợi ích kinh tế của Mỹ. Với quan điểm như vậy, tự do hoá thương mại đặc biệt quan trọng với nền kinh tế Mỹ. 1. Tự do hoá thương mại đối với nền kinh tế Mỹ: * Tự do hoá thương mại là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao mức sống Nền kinh tế Mỹ là một nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Sự phát triển đó của nền kinh tế Mỹ băt nguồn từ nhiều yếu tố trong đó có thương mại quốc tế. Ngày nay, thương mại quốc tế ngày càng trở thành yếu tố quan trọng sống còn đối với sức mạnh nội tại của nền kinh tế Mỹ và vị thế của nó trên trường quốc tế. Từ năm 1993, hơn 1/3 tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đạt được trực tiếp qua xuất khẩu. Năm 1997, giá trị mậu dịch của Mỹ tương đương 32% GDP. Do đó phát triển thương mại sẽ mang lại sự thịnh vượng của nền kinh tế Mỹ. * Tự do hoá thương mại thúc đẩy cạnh tranh trong nước, tạo điều kiện đổi mới nền kinh tế nội địa Sức ép của cạnh tranh từ bên ngoài sẽ khiến các công ty trong nước phải luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, chu kỳ đổi mới sản phẩm sẽ ngắn hơn nếu không muốn bị hàng hoá nước ngoài đánh bại. Do đó làm cho các công ty hoạt động hiệu quả hơn. Một ví dụ đó là nhờ sự cạnh tranh từ bên ngoài mà ngành công nghiệp ô tô của Mỹ đã giành lại được vị trí của mình trên thị trường thế giới. Từ chỗ phải nhường phần thắng cho các đồng nghiệp Nhật trong những năm 70, ngày nay các công ty ô tô của Mỹ đã trở lại là những nhà xuất khẩu ô tô lớn trên thế giới. * Tự do hoá thương mại làm tăng tối đa lợi thế so sánh và mở rộng quy mô kinh tế Tự do hoá thương mại đã làm hạn chế các rào cản thuế quan và phi thuế quan cho phép hàng hoá Mỹ có thể mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng mà Mỹ có ưu thế. Từ đó có thể phát huy đối đa những lợi thế so sánh và mở rộng sản xuất. Không những thế, tự do hoá thương mại cũng cho phép Mỹ tập trung vào sản xuất những mặt hàng mà Mỹ có ưu thế hơn hẳn thay vì phải phân tán một phần nguồn lực để sản xuất những mặt hàng khác kém hiệu quả hơn. * Tự do hoá thương mại mở rộng quy mô thị trường Tự do hoá thương mại giúp cho các công ty Mỹ có thể bán hàng hoá của mình trên một thị trường rộng lớn hơn thay vì chỉ phổ biến trên đất Mỹ. Nhu cầu hàng hoá Mỹ ở nước ngoài sẽ làm cho sản xuất của Mỹ phát triển thoả mãn nhu cầu đó, làm tăng doanh thu và lợi nhuận của các công ty tạo nên sự thịnh vượng chung của nước Mỹ. Ví dụ: như chỉ sau 3 năm ký Hiệp định thương mại NAFTA, giao dịch buôn bán của Mỹ với Canada và Mexico đã tăng 44%. Tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá vào Canada và Mexico chiếm khoảng 35% (2002) * Tự do hoá thương mại củng cố vai trò kinh tế toàn cầu của Mỹ Là một nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ chiếm 17 % (1996) giá trị thương mại hàng hoá toàn cầu. Hàng năm Mỹ nhập khẩu tới 1200-1400 tỷ USD, đồng thời họ cũng là những nhà cung cấp hàng đầu cho toàn thế giới các sản phảm công nghệ cao cũng như các nông sản chủ yếu cho thị trường thế giới với giá trị xuất khẩu trên 1000 tỷ USD. Như vậy có thể xem thương mại như là cơ sở trực tiếp để Mỹ chi phối nền kinh tế thế giới. 2. Chính sách kinh tế đối ngoại của Mỹ với Việt Nam Với những ý nghĩa trên, hiện nay Mỹ đang tích cực thúc đẩy việc ký kết các hiện định thương mại song phương và đa phương với các nước trên thế giới. Trong đó sử dụng ngày càng tích cực hơn các hiệp định song phương để điều chỉnh những mối quan hệ với các đối tác thương mại chủ yếu và có triển vọng theo hướng dỡ bỏ các rào ngăn cản xuất khẩu và đầu tư của Mỹ, tạo điều kiện cho các công ty Mỹ cạnh tranh bình đẳng ở thị trường nước ngoài. Với Việt Nam về cơ bản chính sách kinh tế đối ngoại của Mỹ chủ yếu cũng bao hàm những định hướng trên. Tuy nhiên do những vấn đề lịch sử mà chính sách kinh tế đối ngoại của Mỹ với Việt Nam không chỉ tuỳ thuộc vào những nhân tố kinh tế mà còn gắn với một số nhân tố khác nữa. Mặc dù vậy thời gian qua hai nước đã gác sang một bên những vấn đề quá khứ và ký kết hiệp định thương mại song phương. Hiệp định này sẽ là cơ sở để mở rộng quan hệ thương mại – kinh tế giữa hai nước. Việc Mỹ ký kết hiệp định này mặc dù còn nhiều vấn đề trong quan hệ giữa hai thực ra cũng vì những lợi ích của Mỹ. Quan hệ thương mại với Việt Nam sẽ mang lại những lợi ích kinh tế cho Mỹ cũng như sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện chiến lược kinh tế đối ngoại của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái bình Dương- một khu vực mà tương lai sẽ là hạt nhân thương mại của Mỹ trong thế kỷ 21 và có tầm quan trọng hàng đầu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Mỹ chủ trương lôi kéo Việt Nam vào các định chế khu vực Đông Nam Á phục vụ quyền lợi của Mỹ trong sự ổn định và tăng trưởng khu vực, từ đó thúc đẩy các mối quan tâm có tính nguyên tắc của Mỹ về mở cửa thị trường Việt Nam. Ở đây cần lưu ý tới những ý đồ của Mỹ trong chính sách kinh tế đối ngoại với Việt Nam đó là: bên cạnh những mục tiêu vì lợi ích kinh tế, Mỹ cũng không từ bỏ ý đồ xoá bỏ chế độ Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, hướng nền kinh tế Việt Nam đến nền kinh tế thị trường tự do theo ý Mỹ, áp đặt giá trị Mỹ ở đây. Song dù với mục đích gì thì trong chính sách kinh tế đối ngoại của Mỹ với Việt Nam đã xác định:“ một nước Việt Nam phồn vinh, hội nhập với thị trường thế giới và các tổ chức khu vực sẽ đóng góp cho sự ổn định khu vực” là phù hợp với lợi ích của Mỹ. Việt Nam đang trong quá trình đổi mới phát triển đất nước, hợp tác với các nước trên thế giới để phát triển kinh tế là một điều cần thiết và quan hệ với Mỹ cũng không nằm ngoài định hướng đó. Chính vì vậy, chúng ta cần tận dụng triệt để những yếu tố tích cực trong quan hệ hợp tác với Mỹ nhưng đồng thời cũng cần có những biện pháp ngăn chặn những nguy cơ đối với đất nước. CHƯƠNG II CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ HÀNG NHẬP KHẨU CỦA MỸ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY Là một bộ phận quan trọng trong tổng thể chính sách kinh tế đối ngoại, chính sách nhập khẩu của Mỹ cũng không nằm ngoài mục tiêu là phục vụ cho những lợi ích của nước Mỹ. Cụ thể đó là: Thứ nhất, việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài sẽ làm cho cơ cấu hàng tiêu dùng trở nên đa dạng và phong phú hơn, do đó sẽ mở rộng cơ hội cũng như phạm vi lựa chọn cho người tiêu dùng Mỹ. Thứ hai, sự xâm nhập của hàng hoá nước ngoài sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp Mỹ phải không ngừng nỗ lực, tăng cường cải tiến khoa học kỹ thuật công nghệ, quản lý. Điều này thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Thứ ba, nhập khẩu sẽ giúp cho Mỹ tập trung được các nguồn lực để sản xuất những ngành mà Mỹ có lợi thế, nhập khẩu những mặt hàng kém lợi thế hơn, do đó tối ưu hoá được cơ cấu kinh tế. Thứ tư, với ưu thế là một thị trường nhập khẩu lớn có sức ảnh hưởng to lớn đến các thị trường khác, Mỹ coi việc có mở cửa thị trường trong nước cho hàng hoá nước ngoài vào hay không là một công cụ để gây sức ép buộc các nước đối tác phải mở cửa thị trường của họ. Thứ năm, cũng do tầm ảnh hưởng và quan trọng của thị trường Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia mà điều này cho phép Mỹ sử dụng các chính sách nhập khẩu như một công cụ kết hợp với các chính sách quân sự và ngoại giao của mình để tạo sức ép trong các quan hệ ngoại giao, ví dụ như trừng phạt hay trợ giúp kinh tế. Những mục tiêu trên có thể thấy được qua hệ thống pháp luật thương mại của Mỹ. Dưới đây, khoá luận xin giới thiệu một số luật thương mại quan trọng có liên quan đến hoạt động quản lý nhập khẩu của Mỹ. I. Luật pháp, chính sách thương mại của Mỹ liên quan tới việc nhập khẩu hàng hoá 1. Các đạo luật về Thuế nhập khẩu và Hải quan 1.1. Hệ thống thuế quan: Hệ thống thuế quan hiện nay của Mỹ được gọi là “Biểu thuế quan hài hoà của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” (Harmonized Tariff System -HTSUS) được chính thức thông qua ngày 1/1/1989. Hệ thống này được xây dựng dựa trên cơ sở của Hệ thống Mô tả hàng hoá và mã số hài hoà của Hội đồng Hợp tác Hải quan Quốc tế – một hệ thống mã hoá mà hiện nay được hầu hết các nước phát triển sử dụng. Biểu thuế này bao quát 21 ngành hàng chia thành 99 chương, chứa đựng trên 9000 danh mục. Trong đó các hàng hoá được phân loại theo hệ thống gồm 8 chữ số. Hai chữ số đầu là tên chương, hai số sau là tên mục hàng, rồi đến tên phần mục hàng quốc tế, 2 chữ số cuối là phần mục hàng riêng của Mỹ. Ngoài ra, mỗi mã số còn có thêm 2 chứ số nữa chỉ phục vụ cho mục đích thống kê, không phải để xác định mức thuế. Trong biểu thuế, 4 cột đầu là tập hợp tất cả các mã số và những miêu tả rộng lớn về hàng hoá phục vụ cho công tác phân loại để tính thuế. Theo đó, hàng hoá khi nhập khẩu sẽ được xem xét phân loại dựa vào những mô tả về hàng hoá trong biểu mục thuế này, từ đó xác định mã số, chủng loại hàng hoá và thuế suất. Việc xác định này là vô cùng quan trọng bởi nó ảnh hưởng không nhỏ tới việc xác định mức thuế suất cho hàng hoá đó. Ví dụ như sự khác biệt giữa một “sản phẩm mỹ nghệ” và một “món đồ chơi” không phải lúc nào cũng dễ dàng được nhận ra để phân loại một cách chính xác, bởi một sản phẩm mỹ nghệ nhiều khi có rất nhiều đặc điểm của một món đồ chơi và một món đồ chơi nhiều khi cũng có rất nhiều nét của một sản phẩm mỹ nghệ. Song nếu một sản phẩm không được phân loại đúng là đồ mỹ nghệ hay một món đồ chơi thì nó có thể bị đánh các mức thuế rất chênh lệch nhau từ 0 đến 25%. Và như vậy việc phân loại hàng hoá là không hề dễ dàng. Do đó, trong Biểu thuế quan có một phần khác là phần hướng dẫn và giải thích cách phân loại hàng được trình bày ở phần đầu. Phần này bao gồm: các quy tắc chung cho việc phân loại và xác định mức thuế, trong đó giải thích rõ cách phân loại trong từng trường hợp, những hàng hoá thoả mãn điều kiện nào thì được hưởng các mức thuế suất ưu đãi. Ngoài ra ở đầu mỗi phần, chương lại có những chú ý riêng. Để phân loại được đúng, các nhà nhập khẩu phải đọc kỹ tất cả những phần này, ngoài ra nên tham khảo các tiền lệ phân loại trước vốn có sẵn trên các ấn phẩm, trang web của Hải quan để rút kinh nghiệm. Tiếp theo các cột trên, 2 cột cuối trong Biểu thuế quan dành để ghi các mức thuế suất. Thuế suất ghi trong hai cột cuối này có 3 loại:1/ Thuế suất tỷ lệ với giá trị hàng hoá, 2/ Thuế suất tuyệt đối tính trên số lượng hàng hoá (ví dụ 35 cent/ kg), 3/ Thuế suất gộp cả hai cách tính trên. Các mức thuế ghi trong cột một là mức thuế ưu đãi chia làm hai cột nhỏ là: cột ưu đãi chung áp dụng cho những quốc gia và khu vực hưởng chế độ Tối huệ quốc MFN hay NTR và cột ưu đãi đặc biệt dành cho các quốc gia khu vực được hưởng ưu đãi đặc biệt về thuế như các nước được hưởng GSP, các nước thuộc khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ NAFTA, các nước cùng vịnh Caribê…. Mức thuế suất trong cột này thường bằng 0. Cột cuối cùng trong Biểu thuế ghi mức thuế suất dành cho những nước không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào. Mức thuế suất trong cột thuế này thường rất cao do vốn được định ra từ Luật thuế quan Smooth-Haley 1930 trong thời kỳ Mỹ đang ra sức xây dựng hàng rào thuế quan bảo hộ và đến nay vẫn được giữ nguyên không đổi như từ khi chúng được định ra lần đầu. Mức thuế này thường là hơn 50%. Về cách xác định mức thuế, chủ yếu người ta dựa trên cơ sở giá trị của hàng hoá để tính thuế. Tức là, mức thuế được xác định tỷ lệ % trên giá trị hàng hoá nhập khẩu. Ngoài ra trong một số trường hợp, một số mặt hàng phải chịu cơ chế thuế đặc biệt tức là thuế nhập khẩu được đánh trên một lượng hàng cụ thể. Một số sản phẩm chịu cơ chế thuế kép, nghĩa là kết hợp cả thuế theo trị giá và thuế theo số lượng. Nói tóm lại thì việc xác định mức thuế có thể dựa trên các cách khác nhau, nhưng chủ yếu người ta vẫn dùng là xác định dựa trên giá trị của hàng hoá nhập khẩu. Song vấn đề đặt ra là giá trị hàng hoá nhập khẩu được tính như thế nào để có thể làm cơ sở chính xác cho việc xác định mức thuế. Bởi việc sử dụng các phương pháp khác nhau để định giá hàng hoá sẽ cho ra các kết qủa khác nhau đối với giá trị hàng hoá và do đó sẽ cho ra các mức thuế khác nhau. Theo luật của Mỹ thì người ta coi “giá trị giao dịch” của hàng hoá là cơ sở xác định trị giá hàng nhập khẩu. Giá trị giao dịch được hiểu là giá thực sự trả hoặc sẽ trả cho hàng hoá khi bán để xuất sang Mỹ và cộng thêm với : chi phí đóng gói bao bì mà người mua phải chịu; hoa hồng bán hàng mà người mua lại phải chịu; khoản chi phí mà người mua phải chi để hỗ trợ người bán hàng trong sản xuất hoặc xuất khẩu hàng đó; các loại hoa hồng kỳ vụ, phí xin giấy phép mà người mua phải trả; các khoản chi mà người bán hưởng, phát sinh từ việc tái xuất hoặc bán lại, hay sử dụng định đoạt hàng nhập khẩu ấy.Tuy vậy, 5 khoản nói trên đây chỉ tính thêm khi chúng chưa được tính vào giá hàng hoá và dựa trên thông tin chính xác về mức độ chi phí ấy. Ở đây cần lưu ý một điểm quan trọng trong cách xác định giá trị hàng hoá nhập vào Mỹ đó là Mỹ sử dụng giá FOB để định giá hàng hoá nhập trong khi hầu hết các quốc gia sử dụng giá CIF để định giá. Điều này có nghĩa là “giá thực sự trả hoặc sẽ phải trả” sẽ không bao gồm giá cước vận tải quốc tế, bảo hiểm và các loại phi kèm theo xung quanh giá CIF. Trong trường hợp không xác định được giá trị hàng hoá nhập khẩu theo cách trên, người ta sẽ sử dụng phương pháp định giá khác. Thứ tự như sau: 1/ Giá trị của những hàng hoá giống hoặc tương tự, 2/ Giá trị suy diễn, 3/ Giá trị tính toán. Tuy nhiên những phương pháp này đều có những hạn chế nhất định và người ta chỉ dùng đến chúng khi không thể tính được giá trị thực sự của hàng hoá đó. Bởi, trong nhiều trường hợp, do ảnh hưởng của các nhân tố khác nhau mà nhiều khi các loại giá đó rất cao dẫn đến kết quả kéo theo là giá tính thuế của hàng hoá cao hơn rất nhiều so với giá trị._.ặp nhiều khó khăn, thậm chí không xuất khẩu được do những quy định pháp lý trên thị trường Mỹ. - Mẫu mã sản phẩm đơn điệu, không phong phú ít phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. - Có nhiều mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng đạt kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ còn thấp, hoặc chưa tương xứng với những thuận lợi do Hiệp định tạo ra một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Những yếu kém này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan và đòi hỏi Chính phủ và các doanh nghiệp nước ta phải có những nỗ lực lớn để khắc phục. II. Những thuận lợi và khó khăn khi thâm nhập thị trường Mỹ Theo xu thế chung hiện nay thì xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng do xuất phát điểm của quan hệ thương mại giữa hai nước còn thấp, trong khi đó tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tiếp tục thay đổi theo hướng đa dạng hơn. Các ngành hàng đã thâm nhập được thị trường Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì và có khả năng gia tăng kim ngạch. Các mặt hàng mới sẽ tiếp tục có cơ hội tiếp cận và thâm nhập sâu hơn thị trường Mỹ. Tuy nhiên, những triển vọng này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu Việt Nam có những giải pháp và bước đi khéo léo, thích hợp để khai thác những nhân tố thuận lợi, đồng thời khắc phục hoặc hạn chế tối đa những nhân tố tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ 1. Thuận lợi * Những tác động tích cực của Hiệp định thương mại VIệt-Mỹ Trong số các yếu tố tạo thuận lợi đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ thì Hiệp định Thương mại song phương Việt Mỹ là yếu tố đóng vai trò chủ chốt. Hiệp định đã và sẽ tiếp tục có những tác động tích cực trực tiếp và gián tiếp, cả trong ngắn hạn và dài hạn đến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Hiệp định Thương mại song phương Việt Mỹ có hiệu lực đã mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận và thâm nhập một thị trường lớn và quan trọng nhất thế giới với nhu cầu nhập khẩu hàng năm lên tới trên 1000 tỷ USD. Thị trường này có nhu cầu nhập khẩu rất lớn đối với nhiều mặt hàng mà Việt Nam có ưu thế như dệt may, thuỷ sản, giày dép, cà phê, rau quả,đồ gỗ… Thêm vào đó sự giảm mạnh của thuế suất nhập khẩu vào thị trường Mỹ do quy chế thương mại bình thường NTR đem lại (sau khi Hiệp định thương mại song phương có hiệu lực) sẽ giúp cho hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh được tốt hơn trên thị trường này. * Tiềm năng của Việt kiều Cộng đồng Việt kiều hình thành một thị trường quan trọng. Hiện có 1,5 triệu Việt kiều đang làm ăn và sinh sống tại Mỹ. Mặc dù đã định cư tại Mỹ 20-30 năm, song phần lớn các gia đình Việt vẫn giữ thói quen tiêu dùng các sản phẩm của Việt Nam. Vì thế, Việt kiều tạo ra một thị trường đáng kể cho các sản phẩm truyền thống của Việt Nam, chẳng hạn như: lụa tơ tằm, các loại trái cây, một số đồ ăn truyền thống như bánh đa nem, nước mắm…Ngoài nhu cầu trực tiếp của người Việt, thông qua sự tiêu dùng của Việt kiều, các hàng hóa Việt Nam cũng được mở rộng để tiếp cận đến người dân Mỹ. Đó cũng là một cách để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp thị cho hàng hóa của mình. Bên cạnh đó, với những ưu thế đặc biệt của mình, Việt kiều sẽ là cầu nối quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập thị trường Mỹ một cách hiệu quả. Do họ ở trên đất Mỹ nên họ hiểu được văn hoá Mỹ, lối sống Mỹ, nhu cầu tiêu dùng, tính cách của người Mỹ, đặc điểm của thị trường Mỹ, vì vậy họ sẽ là những nhà tư vấn và môi giới rất tốt cho các doanh nghiệp nếu muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. * Ngoài ra, chính sách mở cửa và hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới, chuyển từ nền kinh tế thay thế nhập khẩu sang nền kinh tế hướng về xuất khẩu của Việt Nam đang và sẽ góp phần gia tăng tiềm lực xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới nói chung và thị trường Mỹ nói riêng. Cơ cấu xuất khẩu của đất nước đang có những biến chuyển tích cực theo hướng đa dạng hoá chủng loại các mặt hàng và gia tăng tỷ trọng hàng ché biến. Trên thế giới, Việt Nam ngày càng được biết đến như là một quốc gia xuất khẩu hàng đầu đối với một số mặt hàng. 2. Khó khăn Thứ nhất, hệ thống pháp luật Mỹ là một hệ thống pháp luật hết sức chặt chẽ nhưng vô cùng phức tạp. Bởi bên cạnh Hệ thống pháp luật Liên bang, các bang ở Mỹ đều có hệ thống luật pháp riêng với những quy định trong một số vấn đề khá khác biệt. Điều đó gây nên những cản trở không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi họ phải nắm bắt được những luật lệ kinh doanh và tập quán tiêu thụ ở Mỹ mới có thể có khả năng gặt hái được ít nhiều kết quả ở thị trường này. Thứ hai, quan hệ chính trị Việt-Mỹ còn mang tính chất nhạy cảm. Chính phủ Mỹ chưa thực sự ủng hộ quan hệ thương mại với Việt Nam, chưa dành cho các doanh nghiệp Việt Nam những quan tâm cần thiết để tạo điều kiện phát triển thương mại giữa hai nước. Chính sách của Mỹ thường mang tính áp đặt, chịu sự chi phối của các vận động hành lang của các doanh nghiệp Mỹ. Thái độ thiếu khách quan của Mỹ được thể hiện trong đánh giá của Bộ thương mại Mỹ coi Việt Nam là nước có “nền kinh tế phi thị trường”, một căn cứ để phía Mỹ có thể đưa ra những phán quyết bất lợi đối với Việt Nam trong vụ kiện cá tra và cá basa (trong khi hầu hết các công ty Mỹ làm ăn tại Việt Nam đều cho rằng Chính phủ Mỹ nên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường). Và gần đây nhất, thái độ thiếu thiện chí của chính phủ Mỹ còn được thể hiện qua việc thông qua dự luật HR-1950 gây cản trở quá trình thực hiện Hiệp định thương mại song phương và quá trình phát triển quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ. Thứ ba, đó là thách thức về cạnh tranh. Hiện nay, mặc dù thị trường Mỹ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, nhưng việc thâm nhập thị trường này không dễ dàng vì có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nước xuất khẩu về giá cả, chất lượng và số lượng. Đặc biệt, Trung Quốc là một trong những đối thủ cạnh tranh chính đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ như dệt may, giày dép, thuỷ sản, thủ công mỹ nghệ. Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và quan hệ thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ càng đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, giá cả thế giới đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ có xu hướng giảm, dẫn đến kết quả là tuy tổng số lượng xuất khẩu tăng nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng chậm, hoặc không tăng. Bên cạnh đó, còn rất nhiều yếu tố khác gây khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường Mỹ như: - Những yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn vệ sinh, quy mô đặt hàng (thường với số lượng lớn), thời gian giao hàng,…của các nhà nhập khẩu Mỹ đối với hàng hoá của Việt Nam (đây cũng chính là những điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam) - Vấn đề bản quyền, nhãn mác thương hiệu (quy định hết sức chặt chẽ) Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, đa số bộc lộ những điểm yếu như: thiếu hiểu biết về pháp luật và thực tiễn kinh doanh quốc tế; thiếu thông tin về thị trường và thị hiếu khách hàng; năng lực về vốn thấp, công nghệ và thiết bị lạc hậu, trình độ nhân lực, quản lý còn yếu kém dẫn đến chi phí sản xuất cao, giá trị gia tăng thực tế của sản phẩm làm ra thấp, khả năng cạnh tranh thấp; chưa chú trọng xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu, hoạt động tiếp thị còn yếu; thiếu am hiểu thị trường; chất lượng hàng chưa cao, chưa ổn định, mẫu mã đơn điệu,… Tóm lại những khó khăn trên đang là những thách thức to lớn đối cho Việt Nam trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ nói riêng cũng như trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung. Tuy nhiên, điều đó là không thể tránh khỏi và nó đang tạo nên một sức ép to lớn cho sự phấn đấu của mỗi doanh nghiệp cũng như toàn xã hội vì mục tiêu đổi mới và phát triển. III. Những vấn đề cần lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa và thị trường Mỹ 1. Nghiên cứu toàn diện thị trường Mỹ Khi bắt đầu kinh doanh tại một thị trường mới, điều trước tiên mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng không thể bỏ qua đó là tìm hiểu và nghiên cứu về thị trường đó. Bởi khi hiểu biết tường tận về thị trường đó, các doanh nghiệp mới có thể biết được là mình cần phải làm những gì và không nên làm những gì. Cũng như vậy, khi kinh doanh tại tại Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải được trang bị đầy đủ thông tin khi làm ăn với các đối tác Mỹ. Ở đây, các doanh nghiệp Việt Nam khi nghiên cứu thị trường Mỹ cần chú ý những vấn đề sau:- Hiểu được các quy đinh luật lệ có liên quan - Xác định cụ thể khách hàng của doanh nghiệp là ai? - Khách hàng đó có khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ như thế nào? - Những yêu cầu của thị trường đối với sản phẩm của doanh nghiệp? - Nhu cầu về sản phẩm như thế nào? - Làm sao để mọi người biết về sản phẩm của mình? - Mọi người sẽ chấp nhận mua sản phẩm ấy giá bao nhiêu? - Mua ở đâu? Việc thực hiện công tác nghiên cứu trên có thể thực hiện bằng nhiều cách như: qua mạng Internet, qua sách báo, tạp chí, các ấn phẩm trong và ngoài nước, qua Bộ thương mại Việt Nam ,..Cách tốt nhất hiện nay là sử dụng dịch vụ của các công ty môi giới của Mỹ. Tuy nhiên, giá cả dịch vụ của các công ty này rất cao, một công ty nhỏ có tiềm lực tài chính ít ỏi sẽ khó lòng đáp ứng nổi. Nhưng không vì thế mà chúng ta không khai thác nguồn thông tin quý gía này, bởi giá cả thường đi liền với chất lượng. Các công ty này với khả năng tiếp cận các nguồn thông tin quan trọng và chuyên sâu cùng với những phương pháp nghiên cứu hiện đại sẽ đánh giá sản phẩm của bạn và khả năng sống còn của nó ở thị trường đầy tính cạnh tranh của Mỹ. Sau đó, có thể trợ giúp trong việc sàng lọc hay triển khai những mục tiêu tiếp thị, xác định nhu cầu cho nghiên cứu sâu hơn và triển khai kế hoạch tiếp thị toàn diện. Do vậy, các doanh nghiệp có thể thông qua các Hiệp hội ngành hàng hay liên kết một số công ty lại để cùng thuê chung dịch vụ tư vấn. Một cách khác để có được thông tin là trực tiếp đến Mỹ để tìm hiểu thị trường. Cách này cũng rất tốn kém, nhưng không gì bằng tai nghe mắt thấy.Sự tiếp xúc trực tiếp với thị trường nhiều khi mang lại những phát kiến, những cơ hội làm ăn không ngờ. Tuy nhiê, để đảm bảo thành công, mỗi chuyến đi như vậy cần được chuẩn bị hết sức chu đáo. Nói chung, Mỹ là một thị trường lớn và đa dạng, do đó dù đã có nhiều nhà cung cấp, nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường nhưng các cơ hội khai thác và kinh doanh không phải là ít nếu chúng ta biết tìm ra những lối đi riêng cho hàng hóa của mình. 2. Tìm hiểu hệ thống pháp luật thương mại Mỹ Trong quan hệ buôn bán với Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng tìm hiểu những vấn đề pháp luật sau, nhất là khi thực hiện xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ. Thứ nhất, Luật Thuế và Hải quan. Điều quan trọng trong Luật thuế và Hải quan là cần hiểu rõ Hệ thống Danh mục thuế quan thống nhất của Mỹ, để biết được sản phẩm của mình xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế suất bao nhiêu. Vì Danh mục này thường thay đổi, các doanh nghiệp phải có bản mới nhất để nghiên cứu. Khi biết được mức thuế phải nộp đối với hàng hoá của mình, các doanh nghiệp cần biết mình phải cạnh tranh với những nhà sản xuất kinh doanh nào về mặt hàng đó tại Mỹ, đặc biệt là các nước đang phát triển như nước ta, được hưởng chế độ ưu đãi Thuế quan phổ cập GSP. GSP là hệ thống phức tạp, trong đó nêu đầy đủ những yêu cầu để được hưởng GSP, trường hợp nào sẽ bị đưa ra khỏi danh sách được hưởng GSP. Tiếp theo, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ cũng cần phải biết rõ cách xác định giá trị hàng hóa để thu thuế của Hải quan Mỹ. Hiện nay, Mỹ dùng phương pháp định giá theo “giá trị giao dịch” để làm cơ sở chính cho việc định giá hàng nhập khẩu để tính thuế. Trong Luật Thuế và Hải quan, các doanh nghiệp cũng cần phải chú ý đến Phí thủ tục Hải quan. Những quy định về mác, mã là những quy định mà các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ cần hết sức lưu ý: mọi hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ ngoại quốc phải ghi rõ ràng, không tẩy xoá được, ở chỗ dễ nhìn thấy trên bao bì xuất nhập khẩu tên người mua cuối cùng ở Mỹ, tên bằng tiếng Anh nước xuất xứ hàng hóa đó. Thứ hai, những loại luật lệ cần biết tiếp theo là Luật khắc phục những bất lợi trong thương mại của Mỹ. Có hai luật quan trọng là luật thuế bù giá và luật thuế chống phá giá. Một điều luật nữa cần chú ý đó là: Quyền tự vệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Mỹ được quyền áp dụng quyền tự vệ theo điều 19 của Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan (GATT), có nghĩa là tuy đã cho các nước hưởng ưu đãi về thuế và phi thuế quan, nhưng nếu xét thấy sản xuất trong nước bị phương hại, Mỹ sẽ dành quyền đơn phương huỷ bỏ các ưu đãi đó và áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc cấm nhập khẩu các loại hàng hóa đó vào Mỹ. Về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Mỹ có quy chế nghiêm cấm việc sử dụng bất hợp pháp quyền tác giả, mẫu mã, kiểu dáng công nghiệp. Trường hợp vi phạm bản quyền, làm giả mạo mẫu mã, nhãn hiệu sẽ bị trừng phạt nặng. Bên cạnh những quy định trên, Mỹ có quy định trách nhiệm đối với sản phẩm để bảo vệ người tiêu dùng như sau: người sản xuất phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa đối với sức khoẻ người tiêu dùng. Nếu sản xuất sai quy chế về chất lượng quốc gia sẽ bị phạt. Có thể nói rằng, những khó khăn về mặt luật pháp đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tiến vào thị trường Mỹ là rất lớn và chúng xuất phát từ những khía cạnh và kinh doanh của Việt Nam đã có, nhưng có thể chưa đủ, còn chung chung, chưa có hệ thống các luật gia tư vấn cho các nhà sản xuất kinh doanh xuất khẩu, nhất là sang Mỹ; trong khi đó hệ thống pháp luật thương mại Mỹ là rất phức tạp; nhưng các nhà sản xuất kinh doanh của Việt Nam và cả nhiều luật gia Việt Nam lại có hiểu biết ít về hệ thống pháp luật thương mại Mỹ. Như vậy, có thế thấy rõ rằng , nếu chỉ biết sản xuất mà chưa biết kỹ càng luật chơi buôn bán nơi mình đưa hàng đến bán thì kết quả sẽ là hiệu quả kinh doanh thấp. Tác hại của hiệu qua kinh doanh thấp không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung. 3. Tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam Một trong những khó khăn trong quá trình xuất khẩu sang thị trường Mỹ của các doanh nghiệp Việt Nam là năng lực cạnh tranh còn rất thấp. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, các doanh nghiệp cần giải quyết các vấn đề sau: * Về chất lượng sản phẩm: Các doanh nghiệp nhất thiết phải áp dụng các phương pháp quản lý chặt chẽ về quản lý doanh nghiệp, quản lý quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm theo các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, ISO 9002, GMP, HACCP,..và các quy định của các cơ quan kiểm soát chất lượng sản phẩm của Mỹ đối với những mặt hàng mà mình tham gia kinh doanh. (ví dụ như những hàng hóa là lương thực thực phẩm cần phải tuân thủ những quy định của cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm FDA). * Về giá cả: Để ngâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả của hàng hóa xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tận dụng đến mức tối đa các nguyên phụ liệu sản xuất trong nước nhằm hạn chế chi phí đến mức thấp nhất có thể (Việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất một cách chặt chẽ cũng là một biện pháp quan trọng để giảm tối đa những lãng phí không cần thiết). Mặt khác, hiện nay Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua các nước trung gian hoặc gia công cho các doanh nghiệp Mỹ, điều này sẽ làm tăng giá sản phẩm ở khâu bán hàng tới người tiêu dùng cuối cùng. Do vậy, cần từng bước chuyển việc xuất khẩu gián tiếp sang xuất khẩu trực tiếp cho phù hợp với thông lệ buôn bán của thị trường Mỹ. * Về cấu hàng xuất khẩu: Các doanh nghiệp nên giảm xuất khẩu sản phẩm thô và sơ chế, tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến ngày càng sâu và tinh trong cơ cấu hàng xuất khẩu nhằm làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, đồng thời làm gia tăng giá trị hàng xuất khẩu, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. * Về nhãn hiệu sản phẩm: Đây là một vấn đề hết sức nóng bỏng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những nhà xuất khẩu đang có chiến lược thâm nhập thị trường nước ngoài. Bởi hiện nay có khá nhiều các nhãn hiệu sản phẩm của Việt Nam đã bị mất thương hiệu trên thị trường nước ngoài, ví dụ như bánh phồng tôm Sa Giang, Saigon exort, Vĩnh Hảo, bia Sài Gòn, cà phê Trung Nguyên….Hậu quả của việc mất thương hiệu là nguy cơ mất thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm đã bị “mất thương hiệu”. Lý do đơn giản là người sở hữu thương hiệu đã được đăng ký sẽ được độc quyền sử dụng thương hiệu này tại lãnh thổ đăng ký. Như vậy, việc tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu này sẽ bị ngăn cấm. Vì vậy để tự bảo vệ mình trước, các doanh nghiệp cần sớm có kế hoạch đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của mình tại một số thị trường mà sản phẩm của mình có thể phát triển được. Tại Mỹ, thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa được thực hiện như sau: 1.Cơ sở nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Mỹ: 1.1.Nhãn hiệu đã sử dụng tại Mỹ 1.2.Nhãn hiệu có dự định sử dụng tại Mỹ 1.3.Nhãn hiệu đã nộp đơn đăng ký tại một nước khác (là thành viên của Công ước Paris hoặc của thoả ước về nhãn hiệu hàng hóa mà Mỹ công nhận) 1.4.Nhãn hiệu đã đăng ký tại một nước khác (là thành viên của Công ước Paris hoặ của thoả ước về nhãn hiệu hàng hóa mà Mỹ công nhận). 2. Quy trình xét nghiêm 2.1. Đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sẽ được xét nghiệm trong vòng 6 tháng kể từ ngày nộp đơn. Nếu không có bất kỳ sửa đổi, bổ sung hay phản đối nào của xét nghiệm viên đưa ra trong thời hạn xét nghiệm, đơn sẽ được chuyển sang công bố sở hữu công nghiệp để bất kỳ bên thứ ba nào có quyền lợi và lợi ích liên quan có thể phản đối việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa 2.2.Nếu không có đơn phản đối, nhãn hiệu nộp đơn trên cơ sở đã sử dụng (1.1) hoặc đã đăng ký tại một nước khác (1.4) sẽ được cấp giấy chứng nhận. Những đơn nộp trên cơ sở đã nộp tại một nước khác (1.3) sẽ được cấp văn bằng khi và chỉ khi đơn đó đã được cấp giấy chứng nhận tại nước nộp đơn cơ sở. Nếu đơn nộp trên cơ sở dự định sử dụng tại Mỹ(1.2), cơ quan đăng ký Mỹ sẽ ra một thông báo về việc chấp nhận đơn. Người nộp đơn theo đó sẽ có thời hạn tối đa là 3 năm để nộp bằng chứng sử dụng nhãn hiệu tại Mỹ. Một khi bằng chứng sử dụng nhãn hiệu được nộp và được cơ quan đăng ký chấp thuận trong thời hạn nộp đăng ký, nhãn hiệu đó sẽ được cấp bằng. 2.3. Như vậy, thời gian đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Mỹ kể từ khi nộp đơn đến khi cấp bằng phụ thuộc vào cơ sở nộp đơn và xét nghiệm đơn. * Về dịch vụ sau bán hàng: Theo các nhà kinh doanh Mỹ, hàng hóa đến tay người tiêu dùng có nghĩa là người bán hàng mới chỉ hoàn thành một nửa công đoạn của quá trình bán hàng, còn một nửa sau đó là những dịch vụ phục vụ người tiêu dùng sau bán hàng. Đây là một điều rất đặc trưng của hoạt động kinh doanh tại Mỹ mà các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức chú ý nếu muốn kinh doanh thành công tại đây. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm tới những vấn đề dich vụ sau bán hàng như: bảo hành, sửa chữa, bảo dưỡng, hướng dẫn sử dụng… Tóm lại, phải luôn tâm niệm một điều là “khách hàng là thượng đế”. Có như vậy mới bán được hàng và mới thu được lợi nhuận. 4. Tìm hiểu về đàm phán ký kết hợp đồng với doanh nhân Mỹ và những quy định pháp lý về hợp đồng. * Về đàm phán, thương lượng ký kết hợp đồng người Mỹ thường có tính cách mạnh mẽ, thẳng thắn, luôn tự tin và đề cao vai trò cá nhân. Trong đàm phán, theo kinh nghiệm truyền thống, sau vài câu xã giáo ngắn gọn, người Mỹ lập tức diồn trí tuệ vào những phút đàm phán đầu tiên. Nếu họ bắt đúng mạch, hàng loạt vấn đề được đưa ra xem xét ngay sau đó. Ngược lại, nếu họ có vẻ đăm chiêu hay bàng quan - đây là dấu hiệu của thương lượng bất thành. Nếu cuộc đối thoại trải qua một khoảng thời gian mà vẫn chậm chạp ở chuyện ngoài lề thì mọi cố gắng lôi cuôn thương nhân Mỹ vào chủ đề chính sẽ rất vất vả mà gần như nắm chắc thất bại. Người Mỹ không tốn sức để tham gia vào một thương vụ mà không tiên liệu được lợi nhuận. Thương lượng với người Mỹ không chỉ khó về xác định số lượng (vì cách làm ăn nhỏ không cho phép đảm bảo chắc chắn khối lượng hàng giao đúng thời hạn) mà còn khó về chất lượng. Chất lượng hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải được đảm bảo bàng giấy xác nhận của các tổ chức quản lý chất lượng có tiếng tăm trên thế giới hoặc ít ra là của các công ty lớn thuộc nước thứ ba. Thương lượng nhanh chóng không có nghĩa là người Mỹ quá giỏi tính toán đề đưa ra các quyết định chính xác mà đơn giản là phong cách của người Mỹ như vậy. Dĩ nhiên đã nhanh chóng thường hay sơ hở và để giảm bớt rủi ro kinh doanh, thương nhân Mỹ có bí quyết là soạn thảo sẵn hợp đồng với các diều khoản ràng buộc chặt chẽ về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng, và những chi tiết có tính chất thủ thuật để khi cần có thể buộc đối tác nước ngoài ra toà mà tại đó thương nhân Mỹ dễ dàng thắng kiện. Đó là một cách tự bảo vệ bằng các thủ đoạn pháp lý. Nếu doanh nghiệp bắt tay vào giao dịch với đối tác Mỹ, sẽ có cả một núi các mẫu in sẵn phải ký. Đó là một cách tự bảo vệ của phía đối tác Mỹ để buộc doanh nghiệp phải cam đoan từ bỏ các quyền lợi của mình. Vì vậy, doanh nghiệp phải đọc kỹ các giấy tờ này. Nên nhớ rằng trừ các văn bản pháp luật của nhà nước hay tiểu bang, khi đàm phán doanh nghiệp hoàn toàn có quyền phản đối bất kỳ điều gì mà đối tác Mỹ đưa ra trong hợp đồng, hoặc các giấy tờ của công ty. Đó chỉ là cách để họ hù doạ. Nước Mỹ luôn chiếm ưu thế về mặt kỹ thuật. Vì vậy, phải lưu ý hai diểm đầu tiên là: Phải có chính sách giá linh hoạt, vì giá cả sẽ là ưu thế duy nhất của doanh nghiệp tại nơi người ta có thể lấy làm tất cả. Phải đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, cả trên thực tế chứ không phải chỉ trên giấy tờ. Vì họ chắc chắn đòi hỏi phải giữ lời hứa. Đó là những cơ sở đầu tiên để doanh nghiệp có thể bước vào giao dịch với một công ty Mỹ. * Những quy định pháp lý về hợp đồng: Các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa giữa thương nhân Việt Nam và Mỹ có thể trực tiếp điều chỉnh bởi luật thương mại Việt Nam hoặc Bộ luật thương mại thống nhất của Mỹ (UCC). Giữa luật thương mại Việt Nam và Bộ luật thương mại thống nhất của Mỹ có nhiều điểm khác biệt, nhất là các quy định về hình thức và nội dung của hợp đồng. Luật thương mại Việt Nam quy định nội dung hợp đồng bắt buộc phải có đủ các điều khoản chủ yêu như tên hàng, số lượng, quy cách, phẩm chất, giá cả, thanh toán, thời gian, địa điểm pương thức giao hàng. Trong khi đó, Bộ luật thương mại thống nhất Mỹ quy định nội dung chủ yếu của hợp đồng chỉ bao gồm: tên hàng, số lượng và quy cách phẩm chất hàng hóa. Trong các hợp đồng xuất nhập khẩu có thể vận dụng cả các tập quán thương mại hình thành ở Mỹ, đặc biệt là những tập quán có nội dung trái ngược với tập quan thương mại quốc tế thông thường. Ví dụ các điều kiện cơ sở giao hàng FOB của Mỹ khác so với điều kiện cơ sở giao hàng FOB quy đinh trong Incoterms. Vì vậy, các nhà kinh doanh Việt Nam phải chú ý tới các nội dung này để tránh các tranh chấp phát sinh khi ký kết và thực hiện hợp đồng. 5. Các vấn đề về Hải quan: * Để giải quyết nhanh chóng thủ tục Hải quan, nhà xuất khẩu cần lưu ý một số điểm sau: - Cung cấp tất cả các thông tin được yêu cầu trong tờ khai Hải quan và hoá đơn - Chuẩn bị thật cẩn thận các tờ khai. Đánh máy, in một cách rõ ràng, chừa khoảng trống đủ rộng giữa các dòng, cung cấp các số liệu theo đúng cột - Đảm bảo rằng các chứng từ đã ghi đầy đủ những thông tin đã được thể hiện trong phiếu đóng gói hợp thức. - Đánh dấu và đánh số từng kiện hàng sao cho chúng có thể dễ dàng được nhận biết qua các ký hiệu và số hiệu tương ứng thể hiện trong chứng từ . - Mô tả chi tiết từng loại hàng hóa trong từng kiện hàng trong hoá đơn chứng từ. - Ghi tên nước xuất xứ lên hàng hóa một cách rõ ràng và dễ thấy, cộng thêm các quy định khác theo pháp luật Mỹ về nhãn hiệu hàng hóa và xuất xứ, trừ trường hợp hàng hóa đó được miễn trừ khỏi các quy định về ghi tên nước xuất xứ. - Tuân thủ các điều khoản của những đạo luật riêng biệt của Mỹ áp dụng cho hàng hóa của nhà nhập khẩu, ví dụ các quy dịnh liên quan tới thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, đồ uống có cồn, chất phóng xạ,… - Tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn về cách lập hoá đơn, đóng gói, tên mác, nhãn hiệu.. mà khách hàng Mỹ yêu cầu. - Liên hệ với Hải quan Mỹ để triển khai các tiêu chuẩn về bao gói cho hàng hóa của nhà xuất khẩu - Tổ chức kiểm tra an ninh chặt chẽ ở doanh nghiệp cũng như quá trình vận chuyền hàng hóa tới nơi gửi hàng hóa – không được để những kẻ buôn lậu thuốc phiện lợi dụng các kiện hàng của nhà xuất khẩu. - Cân nhắc khả năng sử dụng dịch vụ của những hãng vận tải có tham gia hệ thống kê khai hàng hóa tự động. * Lưu ý về sự khác nhau về thủ tục giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan Mỹ - Ở Mỹ đa số việc thông quan do các công ty dịch vụ Hải quan thực hiện trong khi ở Việt Nam thường là các doanh nghiệp tự thực hiện. - Chứng từ thông quan ở Mỹ thể ở dạng giấy như ở Việt Nam hoặc ở dạng thư điện tử. - Hải quan Mỹ yêu cầu về nhãn hiệu hàng hóa khắt khe và cụ thể hơn ở Việt Nam - Hải quan Mỹ yêu cầu về đóng gói hàng hóa phải đồng nhất chủng loại hàng, ngoài bao bì phải thể hiện rõ số lượng, trọng lượng hàng, nếu nhiều loại hàng xếp lẫn lộn khó kiểm tra thì toàn bộ số hàng đó sẽ bị đánh mức thuế của loại hàng có thuế suất cao nhất. - Hải quan Mỹ yêu cầu hoá đơn thương mại ghi chi tiết hơn ở Việt Nam. 6. Quảng cáo giới thiệu sản phẩm Trong thế giới bùng nổ thông tin và tiếp thị, quảng cáo hiện đại, các doanh nghiệp nước ta không thể chỉ ngồi chờ các cơ hội kinh doanh tự nhiên đến mà cần phải chủ động tìm kiếm thông tin và giới thiệu mình một cách phù hợp. Có hàng tốt, nhưng không biết giới thiệu, quảng cáo phù hợp sẽ rất khó bán hàng ở Mỹ. Do đó các doanh nghiệp cần giới thiệu hàng hóa ở Mỹ thông qua các hoạt động quảng cáo xúc tiến bán hàng, ví dụ như tham gia các hội chợ triểm lãm để giới thiệu công ty và hàng hóa của mình, liên hệ trực tiếp với các hiệp hội ở Mỹ hoặc cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam ở Mỹ để nhờ họ giúp cung cấp thông tin về doanh nghiệp cho các khách hàng Mỹ, mở các trang Web của riêng công ty để khách hàng có thể truy cập tìm kiếm những thông tin cần thiết…. 7. Một số lưu ý về trách nhiệm sản phẩm trên thị trường Mỹ Ngoài những quy định về thuế quan và hải quan khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp cần quan tâm tới luật về “trách nhiệm sản phẩm”. Theo luật này, người sản xuất hoặc bán hàng phải chịu trách nhiệm đối với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm bán ra trên thị trường Mỹ. Trên thực tế, những vụ kiện cáo về trách nhiệm sản phẩm do người tiêu dùng khởi kiện thường làm cho các doanh nghiệp tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc. Chính vì vậy, kinh nghiệm của các nhà xuất khẩu thành công trên thị trường Mỹ khẳng định rằng mua bảo hiểm về thương mại đối với hàng hoá tại các công ty bảo hiểm là một biện pháp khôn ngoan. Để tránh phiền phức và tốn kém do kiện cáo của người tiêu dùng Mỹ, nhà xuất khẩu nên mua bảo hiểm rui ro khi xuất hàng sang Mỹ. Những công ty cung cấp loại hình bảo hiểm này thường là các công ty bảo hiểm quốc tế lớn. Nếu không, khi bị thua kiện, đây sẽ là thiệt hại lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong trường hợp không bồi thường thanh toán cùng với lãi suất theo phán quyết của toà án thì tài sản mà doanh nghiệp Việt Nam có ở Mỹ đều có khả năng bị tịch biên. Thậm chí, tài sản của người xuất khẩu nước thứ ba cũng có thể bị tịch biên, theo thoả thuận mà toà án Mỹ nhờ nước kia trợ giúp tư pháp. Tuy nhiên, nếu có xảy ra kiện cáo về trách nhiệm sản phẩm, các doanh nghiệp cần lưu ý một điểm là ở các tiểu bang Mỹ, một nhà sản xuất hoặc xuất khẩu nước ngoài chỉ phải hầu toà nếu có mối liên hệ tối thiểu với tiểu bang- nới người tiêu dùng Mỹ khởi kiện. Nghĩa là, nếu doanh nghiệp Việt Nam không có mối quan hệ đầy đủ với tiểu bang đó thì toà án tiểu bang không có quyền bắt ra hầu toà để phán quyết. Với lí do đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam khi đưa hàng vào Mỹ nên hạn chế các quan hệ có tính thủ tục hay hợp đồng pháp lý riêng rẽ với tiểu bang nhỏ. Bởi vì ở Mỹ, các toà án tiểu bang thường hay thiên tư đối với người tiêu dùng Mỹ, không khách quan như toà án liên bang. 8. Một số điều cần lưu ý khác: * Về vấn đề thanh toán: Hiện nay, phương thức thanh toán chủ yếu cho các hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ là phương thức dùng thư tín dụng (L/C). Để đảm bảo rằng phía Việt Nam có thể được ngân hàng thanh toán đầy đủ thì các doanh nghiệp nên chú ý tới những vấn đề sau: - Thu thập đầy đủ các chứng từ mà L/C đã quy định. Bộ chứng từ này có thể bao gồm giấy chứng nhận chất lượng, giấy chứng nhận trọng lượng, giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy chứng nhận xuất xứ,.. và có thể thu thập được trước khi giao hàng - Lập hoá đơn, hối phiếu căn cứ vào tình hình giao hàng thực tế theo các nguyền tắc: + Khẩn trương, nhanh chóng. Trên nguyên tắc lập chứng từ càng nhanh thì người xuất khẩu càng có thể thu được tiền nhanh. Mặt khác, theo quy định chung thì chứng từ phải được giao cho ngân hàng trong vòng 21 ngày kể từ khi nhận được vận đơn. + Chứng từ phải đồng bộ. L/C quy định chứng từ nào thì phải có đầy đủ chứng từ đó. + Chứng từ phải phù hợp với L/C về mặt hình thức + Chứng từ phải phù hợp với quy định của ngân hàng thanh toán. * Sử dụng các loại hình dịch vụ tư vấn như: tư vấn nghiên cứu thị trường, tư vấn kinh doanh, tư vấn pháp lý, tư vấn về sở hữu trí tuệ..Sự tư vấn đúng lúc sẽ rất có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh trên đất Mỹ và cũng để doanh nghiệp tránh được những rắc rối, tổn hại về uy tín hay những tổn hại về tiền của. Tóm lại để kinh doanh có hiệu quả tại thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam không những phải nắm vững nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, đảm bảo sản phẩm có sức cạnh tranh về chất lượng cũng như giá cả, mà còn phải có sự hiểu biết về hệ thống pháp luật của Mỹ, các chính sách thương mại, hệ thống quản lý xuất nhập khẩu cũng như hiểu biết về phong cách làm ăn của thương nhân Mỹ. Muốn có được thành công, các doanh nghiệp Việt Nam không có cách nào khác ngoài sự chủ động sáng tạo và nỗ lực rất lớn. Hy vọng rằng với sự cố gắng của mình, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vượt qua những rào cản đầy chông gai này và giành được những thành công trên thị trường Mỹ. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc8344.doc
Tài liệu liên quan