Chức năng cú pháp của một số vai nghĩa trong câu Tiếng Việt

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Nguyễn Thị Đức CHỨC NĂNG CÚ PHÁP CỦA MỘT SỐ VAI NGHĨA TRONG CÂU TIẾNG VIỆT Chuyên ngành : Ngôn ngữ học Mã số : 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. DƯ NGỌC NGÂN Thành phố Hồ Chí Minh - 2010 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu Câu là đơn vị ngôn ngữ được ngôn ngữ học nói chung, ngữ pháp học nói riêng quan tâm nghiên cứu từ rất sớm. Ngữ pháp cổ điển c

pdf126 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 3060 | Lượt tải: 2download
Tóm tắt tài liệu Chức năng cú pháp của một số vai nghĩa trong câu Tiếng Việt, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ũng như một số khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại như cấu trúc luận, ngữ pháp tạo sinh coi câu là đơn vị cấu trúc lớn nhất trong tổ chức ngữ pháp của một ngôn ngữ. Theo đó, việc nghiên cứu ngữ pháp thường chú trọng về đặc trưng cấu trúc của câu. Nói cách khác, câu chủ yếu được xem xét trên bình diện ngữ pháp với các vấn đề như: các thành phần ngữ pháp của câu, các kiểu cấu tạo ngữ pháp của câu và các quan hệ ngữ pháp trong câu. Kết quả nhiều vấn đề về câu chưa được giải quyết đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến nghĩa và hoạt động hành chức của câu. Xuất phát từ chức năng giao tiếp và một phần lí thuyết dụng học về sự tương tác ngôn từ (phần liên quan đến ngữ pháp), ngữ pháp chức năng không chỉ chú ý đến mặt hình thức mà còn chú ý đến mặt nghĩa và mặt chức năng của ngôn ngữ. Với ngữ pháp chức năng, các hiện tượng ngôn ngữ đã được các nhà ngôn ngữ học xem xét trên cả ba bình diện: ngữ pháp- ngữ nghĩa- ngữ dụng, đặc biệt là mặt ngữ nghĩa. Từ khuynh hướng nghiên cứu này, câu không chỉ được coi là đơn vị cấu trúc mà còn là đơn vị của ngôn ngữ được con người trực tiếp sử dụng làm phương tiện giao tiếp. Nói cách khác, câu không phải là thứ câu trừu tượng mà gắn với tình huống ngữ cảnh cụ thể, đó là câu- phát ngôn. Ở đây, câu được xem xét đồng thời trên cả ba bình diện: kết học, nghĩa học- dụng học. Bình diện kết học chủ yếu xem xét cấu trúc cú pháp của câu với nhiệm vụ trung tâm là xác định các chức năng cú pháp trong câu. Bình diện kết học được xem xét trong mối quan hệ chặt chẽ với bình diện nghĩa học của câu. Ngữ pháp chức năng đã cho thấy rõ mối quan hệ giữa cấu trúc cú pháp với cấu trúc nghĩa (nghĩa miêu tả) của câu. Đó là mối quan hệ giữa một bên là nội dung (cấu trúc nghĩa) và một bên là hình thức (cấu trúc cú pháp) của câu. Các chức năng cú pháp của câu thực chất là do các vai nghĩa chi phối khi chúng được hiện thực hóa trong câu. Gần đây, giới Việt ngữ học đã có một số công trình nghiên cứu về vấn đề vai nghĩa trong mối quan hệ với chức năng cú pháp của các thành phần câu và kết quả đạt được tương đối khả quan. Một số công trình nghiên cứu bước đầu đã khảo sát và lý giải về mối quan hệ giữa vai nghĩa và chức năng cú pháp. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu cũng mới chỉ dừng lại ở một số vai nghĩa và chức năng cú pháp tương ứng trong câu. Tiếp thu những thành tựu đó, chúng tôi muốn đi sâu vào tìm hiểu mối quan hệ của vai nghĩa với chức năng cú pháp trong câu. Đó là lý do chúng tôi chọn đề tài “Chức năng cú pháp của một số vai nghĩa trong câu tiếng Việt” làm đề tài nghiên cứu. Việc nghiên cứu đề tài này có các ý nghĩa sau đây: - Về mặt lý luận: Tiếp thu những thành tựu nghiên cứu về ngữ nghĩa học cú pháp, đặc biệt là cấu trúc nghĩa của câu, tìm hiểu khái niệm vai nghĩa (tham tố của vị từ), chọn một số vai nghĩa phổ biến trong cấu trúc nghĩa của câu, miêu tả những chức năng cú pháp ứng với các vai nghĩa này. - Về mặt thực tiễn: Kết quả của luận văn có thể có giá trị tham khảo về cấu trúc nghĩa, cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt. Luận văn có thể góp thêm ngữ liệu cho việc nghiên cứu, học tập về ngữ pháp tiếng Việt. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2.1. Việc nghiên cứu các vai nghĩa Việc nghiên cứu về vai nghĩa có thể nói là được bắt đầu khá sớm. Đầu tiên, chúng ta phải kể đến lý thuyết diễn trị của nhà ngôn ngữ học người Pháp L.Tesnière. L.Tesnière được biết đến với tác phẩm chính là Elements de syntaxe structurale được xuất bản vào năm 1959. Trong tác phẩm này, ông đã đưa ra khái niệm diễn trị (valence) và các khái niệm có liên quan khác trong đó có diễn tố (actants) và chu tố (circumstants) vào nghĩa học của cú pháp. “Cú pháp dựa trên nghĩa học”(semantically based syntax) của L.Tesnière đã khiến ông trở thành một trong những người sáng lập ra lý thuyết diễn trị (valency theory) – cách phân tích câu dựa trên cấu trúc nghĩa của các vai (role) [Dẫn theo 44: 4]. Theo ông, “Cấu trúc cú pháp của câu xoay quanh vị từ và các diễn tố (actants) làm bổ ngữ cho nó. Chủ ngữ chẳng qua là một trong các bổ ngữ đó. Mỗi vị từ biểu hiện “một màn kịch nhỏ”, nó có một diễn trị (valence) riêng được thể hiện trong số lượng các diễn tố của nó [Dẫn theo 23: 81]. Các vị từ khác nhau cơ bản về số lượng các diễn tố trong vị ngữ. Điều này có nghĩa là dựa trên tiềm lực cú pháp- ngữ nghĩa của vị từ để phân loại chúng thành: - Vị từ vô trị (avalents) không có diễn tố nào trong câu và vì vậy mà (ngữ đoạn) vị từ là phương tiện từ vựng- cú pháp duy nhất biểu hiện sự tình. Ví dụ như vị từ pleut, il pleut ‘mưa’ không có diễn tố nào. - Vị từ đơn trị (monovalents) có một diễn tố, ví dụ như: tomber ‘ngã’. - Vị từ song trị (bivalents) có hai diễn tố, ví dụ như: frapper ‘đánh’. - Vị từ tam trị (trivalents) như donner ‘cho’ L.Tesnière đã phân biệt diễn tố và chu tố- cái vẽ nên bối cảnh (setting)- và các chi tiết phụ họa (incidental details) của các sự tình mà vị từ miêu tả; vì vậy mà toàn bộ một câu vẽ nên một màn kịch nhỏ (mini drama) và diễn đạt trực tiếp một sự tình trọn vẹn. Công trình này của L.Tesnière là theo quan điểm cú pháp dựa trên nghĩa học và về nguyên tắc diễn tố do vị từ quy định còn chu tố là yếu tố phụ mang tính tiềm năng có trong bất kỳ câu nào, bất chấp vị từ với kiểu diễn trị gì đang thực sự chiếm giữ vị trí trung tâm của vị ngữ trong câu. Chính vì dựa trên nguyên tắc như vậy mà L.Tesnière đã đơn giản hóa vấn đề: ông khẳng định mã hóa diễn tố- cái yếu tố bắt buộc phải đi kèm theo vị từ trong vị ngữ của câu- là danh ngữ, còn trạng ngữ mã hóa chu tố- cái yếu tố không bắt buộc phải hiển lộ trong câu. Đây chính là hạn chế của L.Tesnière. Nhưng đóng góp của L.Tesnière và những người kế tục ông là đã đưa lý thuyết diễn trị mà ông tìm ra những tiềm năng cú pháp ngữ nghĩa khác nhau của cùng một vị từ. Ngữ pháp truyền thống trước đó cũng đã nhận ra tiềm năng cú pháp của vị từ nhưng lại chỉ phân chia chúng chủ yếu thành ra vị từ ngoại động và vị từ nội động. Vấn đề vai nghĩa còn được làm rõ bởi C.J. Fillmore, khoảng trước sau 1970, C.J. Fillmore viết một loạt bài trong đó nổi tiếng nhất là bài mang tên “The case for case” (Tác dụng của cách) được công bố năm 1968. Trong bài viết của mình, Fillmore chủ trương rằng có thể xác định một tập hợp các mối quan hệ giữa một vị từ và các tham tố (arguments) của nó. Fillmore làm rõ thuật ngữ cách như sau: “ Đó là những quan hệ ngữ nghĩa- cú pháp ngầm, được giả định tạo nên một tập hợp hoàn chỉnh, tồn tại ngầm đối với những ngôn ngữ có vĩ tố, và dạng thức cách của các mối quan hệ cách vẫn là sự biểu đạt trong ngôn ngữ có thể thực hiện được nhờ những phụ tố, hoặc nhờ các giới từ, hoặc với các cách khác” [Dẫn theo 30: 27]. Các mối quan hệ mà Fillmore gọi là quan hệ cách (case relationships) này theo ông có tính chất phổ quát và có số lượng hữu hạn. Fillmore đã giới thiệu 6 cách sau: - Agentive (Tác cách), chỉ vai chủ thể của hành động do động từ biểu thị. - Instrumental (Công cụ cách), chỉ vai công cụ của hành động do động từ biểu thị. - Dative (Tặng cách), chỉ vai động vật chịu ảnh hưởng của trạng thái hay hành động do động từ biểu thị. - Factitive (Hành cách), chỉ vai của vật sinh ra do kết quả của trạng thái hay hành động do từ biểu thị. - Locative (Vị trí), chỉ vị trí của trạng thái hay hành động do vị từ biểu thị. - Objectice (Đối tượng), là cách trung hòa nhất về nghĩa, chỉ bất kỳ vật gì được biểu thị bằng một danh từ mà vai trò trong hành động hay trạng thái được động từ biểu thị được chính cách thuyết minh nghĩa của động từ quy định.[Dẫn theo 30: 28] Trong các công trình tiếp theo, Fillmore [1971 và 1977] dần bổ sung thêm một số cách “cách”, tức là các “vai nghĩa”, khác: - Counter- Agent (Lực tác động) là sức mạnh hay sức đối kháng qua đó hành động mà vị từ biểu thị được tiến hành. - Source (Nguồn) là điểm xuất phát của hành động hay chuyển động. - Experiencer (Kẻ thể nghiệm hay Nghiệm thể) tương đương với Cảm thể (Senser) của M. A. K. Halliday [1994: 117-119] [Dẫn theo 44: 6-7] - Undergoer (Người/Vật trải qua sự biến) tương đương với Processed (Động thể) của một số tác giả sau Fillmore. Trong suốt thập kỉ 70 và thập kỉ 80 của thế kỷ trước, nhiều công trình nghiên cứu ngữ pháp cách (case grammar) khác được biết đến ở một chừng mực nào đó chúng độc lập với nhau và độc lập với công trình được coi là đi tiên phong của Fillmore. Trong số những công trình này phải kể đến W. Chafe [1970], J.M. Anderson [1971], J.T. Platt [1971], R. E. Longacre [1976], M. Clark [1978], W. A. Cook [1978], S.C. Dik [1978], T. Givón [1984] và S. Starosta [1988]. Sau đây xin được điểm qua một số bộ vai nghĩa nằm trong các công trình của giai đoạn này: Đầu tiên là tác giả R. E. Longacre [1976] đưa ra bộ vai nghĩa gồm Experiencer (Nghiệm thể), Patient (Đối thể), Agent (Tác thể), Range (Cương vực), Measure (Biện pháp), Instrument (Công cụ), Locative (Định vị), Source (Nguồn), Goal (Mục tiêu), Path (Lối đi). Công trình nghiên cứu của W. A. Cook [1978] nêu ít vai hơn trong bộ nghĩa của mình, gồm: Agent (Tác thể), Experiencer (Nghiệm thể), Benefactive (Lợi thể), Object (Đối thể), Locative (Định vị). S. Starosta [1988] cũng trình bày một bộ vai nghĩa khác gồm Patient (Đối thể)-một tên gọi khác của Object hay theme, Agent (Tác thể), Locus (Địa điểm), Correspondent (Tiếp thể)- một tên gọi khác của Dative hay Experiencer, và means (Phương tiện). T. Givón [1984: 126-133] trình bày hai loại vai nghĩa trong các câu- các vai nghĩa chính (major semantic case- roles) và các vai nghĩa tùy chọn (optional case- roles)- và khẳng định “…các vai nghĩa chính bắt buộc xuất hiện trong một số kiểu câu. Nghĩa là sự hiện diện của chúng là quan yếu xét về mặt cú pháp hoặc ngữ nghĩa để giải thích nghĩa cốt lõi của vị từ.” Dưới đây là bảng tóm tắt những vai nghĩa chính được trình bày trong công trình của T.Givón: - Agent (Tác thể) chỉ người/ vật chủ ý bắt đầu một sự tình. - Dative (Tiếp thể) chỉ tham thể có nhận thức tiếp nhận một sự việc/trạng thái. - Patient (Đối thể) chỉ trạng thái hoặc sự thay đổi của trạng thái vô ý thức. - Locative (Định vị thể) chỉ một điểm cụ thể so với một vị trí hay sự thay đổi vị trí của một tham tố khác trong câu Các vai nghĩa tùy chọn của Givón gồm có: - Benefactive (Lợi thể) chỉ tham tố có nhận thức được hưởng lợi từ hành động hay sự việc do Tác thể khởi xướng. - Instrument (Công cụ) chỉ công cụ được Tác thể sử dụng để thực hiện hành động hoặc tạo ra sự tình hoặc trạng thái hiện có. - Associative (Liên hội thể) chỉ Đồng tác thể (Co- agent) hay Đồng tiếp thể (Co- dative) không phải là tiêu điểm chính trong câu. - Manner (Phương thức) chỉ kiểu hiện trạng của một sự tình. - Time (Thời gian) gồm cả Duration (Thời đoạn), Repetition (sự lặp lại) và Frequency (Sự thường xuyên). - Purpose (Mục đích) chỉ mục đích của hành động mà Tác thể khởi xướng. Trong số các tác giả tiêu biểu phải kể đến S. C. Dik. Trong công trình Ngữ pháp chức năng (Functional Grammar) [1978], tác giả đã trình bày khái niệm vị ngữ hạt nhân (nuclear predication) và vị ngữ mở rộng (extended predication). Theo Dik “Một kết cấu vị ngữ hạt nhân bao gồm một vị từ gắn kết với một số thích hợp các ngữ định danh để lắp đầy các vị trí các tham tố của vị từ đó. Kết cấu vị ngữ hạt nhân xác định một tập hợp các sự tình, trong đó thuộc tính hay quan hệ của nó được vị từ chỉ định, có hiệu lực đối với những ngữ định danh cụ thể mà (với nó) vị từ được ứng dụng.” [14: 39] “Căn cứ vào kết cấu vị ngữ hạt nhân xác định một tập hợp các sự tình, chúng ta có thể tạo thành một kết cấu vị ngữ mở rộng bằng cách thêm vào một hay nhiều chu tố cho kết cấu vị ngữ hạt nhân đó.” [14: 39] Cũng theo S.C. Dik [1978], chức năng ngữ nghĩa của chu tố bao gồm: - các chỉ định phụ thêm cho sự tình hạt nhân: Phương thức, Đặc trưng, Công cụ; - các quan hệ của sự tình với các tham tố khác: Lợi thể, Liên đới thể; - các quan hệ của sự tình trong các chiều kích thời gian: Thời gian, Thời đoạn, Tần số; - Các quan hệ của sự tình trong các chiều kích không gian: Vị trí, Nguồn, Phương hướng, Lối đi; - Các quan hệ của sự tình với các sự tình khác: Chu cảnh, Nguyên nhân, Lý do, Mục đích, Kết quả. [14: 40-41] S.C. Dik [1978] đã có đóng góp quan trọng trong việc bổ sung hoàn chỉnh hai khái niệm lớn trong lĩnh vực “vai nghĩa”: Tham tố bắt buộc (obligatory participants) hay diễn tố (actants) và tham tố tùy chọn (optional participants) hay chu tố (circumstants). Đồng thời, Dik còn chỉ ra sự chuyển đổi của chu tố thành diễn tố trong một số vị ngữ. Như vậy mối quan hệ giữa vị ngữ mở rộng và vị ngữ hạt nhân là mềm dẻo chứ không cố định hay cứng nhắc. Một đại diện khác là M. A. K. Halliday đã dựa vào mục tiêu chính của ngữ pháp chức năng là giải thích ngôn ngữ dựa trên cái mà con người hành xử với sự hỗ trợ chính của ngôn ngữ, nghĩa là con người sử dụng ngôn ngữ như thế nào để giao tiếp trong cuộc sống đời thường hàng ngày. Ngữ pháp chức năng hệ thống cố gắng đạt được mục tiêu này bằng cách chấp nhận một số định hướng mang tính ngữ nghĩa và ngữ dụng cao hơn trong ngữ pháp, tức là coi nghĩa học và dụng học như những bộ phận không thể thiếu trong hệ thống tổ chức của ngữ pháp. Halliday xử lí vấn đề hệ thống tổ chức của ngữ pháp này bằng cách khẳng định rằng ngữ pháp của các ngôn ngữ sẵn có trên thế giới đều được tổ chức nhằm biểu đạt trong cùng một câu ba loại nghĩa mà ông gọi là ba “siêu chức năng (metafunctions)” [Halliday,1994: 35]: Nghĩa ý niệm (ideational meaning), nghĩa liên nhân (interpersonal meaning) và nghĩa văn bản (textual meaning) [Halliday, 1985: 53 và 1994: 34]. Đây là chỗ được coi là nổi bật trong ngữ pháp chức năng của Halliday, cái mà ông gọi có tính hệ thống (systemic) và vì vậy mà có thể được ứng dụng để miêu tả nhiều, nếu không muốn nói là tất cả, ngôn ngữ trên thế giới. Cuốn “Dẫn luận ngữ pháp chức năng” được tái bản lần thứ hai năm 1994 của Halliday, có thể nói, đã trình bày bộ vai nghĩa đầy đủ hơn cả so với bộ vai nghĩa của các tác giả khác được trình bày ở trên. [Dẫn theo 44: 11] 2.2. Việc nghiên cứu các vai nghĩa (hay tham tố) trong Việt ngữ học. Hai tác giả Trần Trọng Hải [1972] và Nguyễn Đăng Liêm [1973] đều theo quan điểm của Fillmore và cùng trình bày “một bộ quan hệ cách” gồm Agentive (Tác thể), Objective (Đối thể), Dative (Tiếp thể), Instrument (Công cụ), Benefactive (Lợi thể), Commitative (Liên đới thể), Locative (Định vị), Directional (Hướng), Source (nguồn), Goal (Đích), Extent (Phạm vi), và Time (Thời gian). [Dẫn theo 44:12] Tác giả M. Clark [1978] đưa ra một bộ vai nghĩa tương tự: đổi một cách tương ứng các vai Locative, Directional và Goal, của Trần Trọng Hải và của Nguyễn Đăng Liêm thành Locative, Goal và Terminus và thêm vai Path (Lối đi). Đóng góp của Clark [1978: 19] là chỉ rõ rằng “hình thái cách” (case form) là một đặc điểm đặc trưng hóa một tập hợp của những kiểu đánh dấu cách (case markers), chính là những kiểu hiện thực hóa của các quan hệ cách (case relations), và rằng “những kiểu đánh dấu cách trong tiếng Việt là trật tự từ và giới từ”. [Dẫn theo 44: 12] Chúng ta cũng biết vấn đề nghiên cứu vai nghĩa là vấn đề mới ở Việt Nam nên nó mới chỉ được đề cập tới ở một số công trình nghiên cứu gần đây về ngữ pháp chức năng hoặc các công trình ngữ pháp có vận dụng tư tưởng của ngữ pháp chức năng. Nhưng theo tác giả Cao Xuân Hạo, năm 1983 ông Trương Vĩnh Ký xuất bản cuốn Grammaire de la langue annamite đã có đề cập đến vấn đề ngữ pháp cách. Với mục đích giúp người phương Tây hiểu ngữ pháp tiếng Việt, ông đã miêu tả cách biểu hiện các quan hệ ngữ pháp trong khung vị ngữ của câu bằng những thuật ngữ của các cách tiếng Latin. Các danh từ của tiếng Việt dùng trong câu có thể kể ở vào một trong 8 cách, đó là: Ý nghĩa cách Phương thức diễn đạt 1. Nominatif (Danh cách) 2. Gesnitif (Sinh cách, sở hữu cách) 3. Datif (Tặng cách, Dữ cách) 4. Accusatif hay Objectif (Đối cách) 5. Vocatif (Hô cách) 6. Ablatif (Tác cách, Ly cách) 7. Instrumental (Công cụ cách) 8. Locatif (Vị trí cách) Ø- (không đánh dấu) của / Ø cho Ø- (không đánh dấu) ớ- bớ khỏi- bởi bằng nơi, trong… Ông Trương Vĩnh Ký cho rằng “tiếng Việt không có cách hiểu theo nghĩa hẹp như tiếng Latin. Vì cách là sự biến hình trong vĩ tố của từ tùy theo cái vai trò mà nó đảm đương trong câu; nhưng trong tiếng Việt, cái mà sự biến hình ấy chỉ rõ lại được biểu hiện bằng những tiểu tố tiền vị, và dĩ nhiên đó không phải là cách thực sự. Tuy nhiên sự phân chia theo từng cách là tiện lợi và chính xác; dù danh từ cách không thích hợp và đúng đắn, song ông vẫn dùng nó theo phép loại suy cho dễ hiểu và định nghĩa cách là những vị trí khác nhau của một danh từ tùy theo cái cương vị làm chính hay bổ ngữ cho một từ khác”. Đối với từng cách, ông cho biết có thể diễn đạt ý nghĩa của cách ấy bằng những phương tiện gì khác phương tiện chủ yếu. Như khi nói về công cụ cách, bên cạnh “Cột bằng dây”, ông còn cho “Dùng dây mà cột”, “Lấy dây mà cột”. Điều này cho thấy rằng khi dùng khái niệm cách, ông hiểu nó như ý nghĩa ngữ pháp nhiều hơn là một hình thức ngữ pháp. Như vậy ông không chỉ gán mô hình ngữ pháp tiếng Latin cho tiếng Việt mà còn hiểu rõ khả năng và cách thức sử dụng khái niệm Cách cho những thứ tiếng không biến hình, điều mà gần một thế kỷ sau các nhà ngôn ngữ học phương Tây mới nghĩ đến. Hạn chế của ông Trương Vĩnh Ký là điều dễ hiểu vì vào thời gian đó người ta chưa biết chú ý đến nghĩa của câu, và chưa biết rằng cách là một ý nghĩa phổ quát trong ngôn ngữ nhân loại, mà mọi thứ tiếng trên trái đất đều phải có cách diễn đạt và phân biệt. Tuy nhiên có thể nói ông Trương Vĩnh Ký là người đi trước các nhà ngôn ngữ học trong việc mô tả các phương tiện diễn đạt ý nghĩa Cách trong ngôn ngữ không biến hình xuất phát từ mặt sở biểu và được xem là người tiên phong trong việc xây dựng nền Ngữ pháp cách tiếng Việt. Tiếp theo phải kể đến tác giả Nguyễn Đức Dân trong công trình nghiên cứu “Mô hình ngôn ngữ” [1977] và “Ngôn ngữ học: khuynh hướng- lĩnh vực- khái niệm”[1986], tác giả đã giới thiệu một số vấn đề về ngữ pháp cách như sau: a. Sự nhầm lẫn của Chomsky khi đem phạm trù ngữ pháp (NP, VP) xếp lẫn với chức năng ngữ pháp (trạng ngữ thời gian và nơi chốn). b. Fillmore đặt vấn đề cần phải coi trọng hơn nữa những phạm trù sâu không nổi lên bề mặt nhưng có thể phát hiện được bằng các thao tác cú pháp. Cơ sở của nó là lý thuyết về các cách (The Case for Case). c. Thuật ngữ “Cách” và ý nghĩa của nó trong ngôn ngữ. d. Hệ thống cách mang tính phổ quát đối với mọi ngôn ngữ gồm có các cách: 1. Tác nhân (Agent): kẻ hành động, ví dụ : Ba làm vỡ cửa sổ. 2. Người cảm nhận (Experiencer): kẻ chịu đựng, trải qua một tình huống về tâm lý, tình cảm, nó đối lập với tác nhân. Ví dụ: Tôi lạnh. 3. Công cụ (Instrument): công cụ, nguyên nhân trực tiếp của sự kiện. Ví dụ: Tôi dùng dao thái khoai. 4. Đối tượng (Object): đối tượng chịu tác động. Ví dụ: Bé Hai lớn như thổi. 5. Vị trí (Lieu): nơi xảy ra hành động. Ví dụ: Xoa đầu ai. 6. Gốc (Root): từ điểm đó, nơi đó, người đó mà định hướng đến nơi khác. Ví dụ: Cô Ba bán hoa. 7. Đích (Goal): nơi đó người ta thực hiện hành động. Ví dụ: Tâm mắng Ba. 8. Kết quả (Result): vật nảy sinh nhờ kết quả của hành động. Ví dụ: Cô Ba làm bánh. 9. Thời gian (Time): thời gian xảy ra hành động,. Ví dụ: Mùa đông lạnh. Tác giả Nguyễn Đức Dân nhận xét rằng trong công trình 1966, Fillmore còn cho có Tặng cách (Datif), nhưng đến năm 1971, ông đã tùy từng trường hợp mà xếp cách Datif vào cách Experiencer, cách Object hoặc cách Goal. Fillmore đã đưa ra ba nguyên lý để xác định cách, gồm: Chỉ có một thí dụ cho mệnh đề; một động từ có thể có nhiều vai khác nhau; thực hiện sự “phân bố bổ túc”. e. Phân loại động từ theo cách. Từ cách làm này cho thấy sự đối lập hình thức giữa chủ ngữ và vị ngữ không còn nữa, và do đó những bất hợp lý do chúng gây ra cũng bị mất đi. Điều này được xem là điểm cống hiến đáng kể nhất về ngữ pháp cách và ngữ nghĩa của Fillmore . f. Mối quan hệ giữa cấu trúc chìm và cấu trúc bề mặt, và phương pháp chuyển từ cấu trúc bề sâu sang cấu trúc bề mặt. g. Khả năng ứng dụng của Ngữ pháp cách. [Dẫn theo 30: 101-102] Ngoài các công trình nêu trên, có thể kể đến công trình Tiếng Việt- sơ thảo ngữ pháp chức năng của Cao Xuân Hạo [1991]. Trong cuốn sách này, từ trang 81 đến trang 96, Cao Xuân Hạo đã vẽ lại bức tranh lịch sử nghiên cứu vai nghĩa từ người khởi xướng là L. Tesnière [1959], điểm qua những mốc quan trọng với những đóng góp đáng chú ý riêng của một số nhà ngôn ngữ gồm C. J Fillmore [1968, 1971 và 1977], D.Ha [1970], Trần Trọng Hải [1972], Nguyễn Đăng Liêm [1973], M. Clark [1974 và 1978], S.C. Dik [1978] và M.A.K. Halliday [1985]. Có thể nói, tác phẩm Tiếng Việt- sơ thảo ngữ pháp chức năng của Cao Xuân Hạo [1991] là công trình đã phác thảo những nét định hướng đầy đủ cho nhiều nghiên cứu về sau có liên quan đến ngữ pháp chức năng trong tiếng Việt nói chung và các vai nghĩa trong tiếng Việt nói riêng. Tiếp theo, có thể kể tên một số công trình tiêu biểu như “Ngữ pháp chức năng tiếng Việt- Quyển I- Câu trong tiếng Việt” của tập thể các tác giả Hoàng Xuân Tâm- Nguyễn Văn Bằng- Bùi Tất tươm- Cao Xuân Hạo (chủ biên), “Câu chủ- vị tiếng Việt” của Lê Xuân Thại… Trong các công trình này, các tác giả trên cơ sở học tập, kế thừa kết quả nghiên cứu của một số nhà ngữ pháp chức năng trên thế giới như L. Tesnière, C.J. Fillmore, W. Chafe, S.C. Dik…đã bước đầu đưa ra một danh sách các vai nghĩa trong tiếng Việt. Gần đây, một số công trình ngữ pháp tiếng Việt như Câu chủ- vị tiếng Việt” (Lê Xuân Thại), “Thành phần câu tiếng Việt” (Nguyễn Minh Thuyết- Nguyễn Văn Hiệp), “Ngữ pháp chức năng (Vị từ hành động)” (Nguyễn Thị Quy), “Ngữ pháp tiếng Việt- tập 2”, “Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt (theo định hướng ngữ pháp chức năng)” (Diệp Quang Ban)… đã thể hiện rõ sự vận dụng ngữ pháp chức năng vào việc nghiên cứu, lý giải các hiện tượng ngữ pháp với cấu trúc nghĩa (cụ thể là mối quan hệ giữa các chức năng cú pháp và các vai nghĩa). Trong “Câu chủ - vị tiếng Việt” [44], Lê Xuân Thại đã xác định được các vai nghĩa có thể đứng vị trí chủ ngữ trong câu tiếng Việt: 1. Kẻ hoạt động, 2. Đối tượng của hoạt động, 3. Kẻ tiếp nhận, 4. Công cụ của hoạt động, 5. Vị trí. Tác giả Lê Xuân Thại cũng cho rằng việc các vai nghĩa trên (trừ vai kẻ hoạt động) đứng ở vị trí chủ ngữ thì “kéo theo sự thay đổi ý nghĩa và cấu tạo của vị ngữ so với vị ngữ khi kẻ hoạt động đứng làm chủ ngữ và cũng từ đó mà ý nghĩa của câu cũng có chỗ thay đổi”. [44: 152] Nguyễn Thị Quy [41] do chỉ giới hạn trong phạm vi vị từ hành động tiếng Việt nên chỉ xem xét một số tham thể như: đối tượng bị tác động, đích, nơi chốn, thời gian, người hưởng lợi, công cụ, người hưởng lợi, công cụ, người tiếp nhận. Tác giả Hoàng Văn Vân, với tác phẩm Ngữ pháp kinh nghiệm cú tiếng Việt mô tả theo quan điểm chức năng hệ thống [2005], đã thuyết minh cho quan điểm mà Halliday [1985 và 1994] tự hào gọi là “hệ thống tính” trong cách phân tích ngữ pháp của các ngôn ngữ trên thế giới dựa trên quan điểm chức năng, đặc biệt là cách phân tích câu. Theo Hoàng Văn Vân [2005], các vai nghĩa sau đây có trong tiếng Việt: Hành thể, Đích thể, Lợi thể, Tiếp thể, Khách thể, Khiến thể, Cảm thể, Hiện tượng, Đương thể, Thuộc tính, Tạo thuộc tính thể, Giá trị, Biểu hiện, Bị đồng nhất thể, Đồng nhất thể, Hiện hữu thể, Phát ngôn thể, Tiếp ngôn thể, Đồng nhất thể, Hiện hữu thể, Ngôn thể, Dung môi, Cương vực, Ứng thể, Chu cảnh gồm Phạm vi, Định vị, Phong cách, Nguyên nhân, Đồng hành, Vấn đề, Vai diễn và Quan điểm. Nguyễn Thị Ảnh [2002], không giống Hoàng Văn Vân, chỉ tìm hiểu những vai nghĩa có thể làm Đề trong câu tiếng Việt và tiếng Anh để so sánh chúng với nhau. Theo tác giả này “sự khác biệt, cái làm nên nhu cầu đối chiếu, được thể hiện chủ yếu ở sự khác biệt của Đề. Với phần thuyết sự khác biệt này dường như không đáng kể”; do đó luận án của Nguyễn Thị Ảnh “bỏ qua việc thảo luận về phần Thuyết và xem đối chiếu cấu trúc Đề- Thuyết trong câu tiếng Việt dựa trên khảo sát và kết quả nghiên cứu phần Đề”. Theo Nguyễn Thị Ảnh [2002], các vai nghĩa sau đây có thể làm Đề trong câu tiếng Việt: Tác thể, Hành thể, Lực, Động thể, Nghiệm thể, Đương thể, Đối thể, Mục tiêu, Tiếp thể, Đích, Nguồn, Công cụ, Thời gian, Nơi chốn, và Điều kiện. Cao Xuân Hạo, Hoàng Dũng và Bùi Mạnh Hùng [2003] nêu lên 22 vai nghĩa cần phân biệt hơn cả mà học sinh trung học cơ sở tại Việt Nam phải nắm cho được: Người hành động, Người tác động, Lực tác động, Người thể nghiệm, Người/vật trải qua sự biến, Người/vật bị tác động, Vật tạo tác, Người/vật mang trạng thái, Người nhận, người hưởng lợi, nơi chốn, Đích, Hướng, Nguồn, Lối đi, Phương thức, Công cụ, Thời gian, Khoảng cách không gian, Nguyên nhân, Điều kiện, Trở ngại và Người/vật tồn tại. Việc trình bày của các tác giả trong tiểu mục này là chỗ dựa hết sức quan trọng và đáng tin cậy để chúng tôi đi vào nghiên cứu một số vai nghĩa trong luận văn này. Việc nghiên cứu vai nghĩa gần đây ở Việt Nam cũng được một số tác giả quan tâm. Tác giả Nguyễn Thị Lương, trong cuốn “Câu tiếng Việt”[2006], đã nghiên cứu câu từ góc độ ba bình diện: ngữ pháp- ngữ nghĩa- ngữ dụng. Và theo đó, ở bình diện ngữ nghĩa, tác giả đã vận dụng lí thuyết vị tố- tham thể của ngữ pháp chức năng và lý thuyết hành động nói để nghiên cứu hai thành phần tạo nên nghĩa tường minh của câu: nghĩa miêu tả và nghĩa tình thái. Tác giả đưa ra khái niệm nghĩa miêu tả của câu “là nghĩa biểu hiện sự vật, việc, hiện tượng (gọi chung là sự tình) trong thực tế khách quan được phản ánh vào trong câu, qua lăng kính chủ quan của người nói (viết)..” [38:133]. Với việc tìm hiểu tìm hiểu cấu trúc nghĩa miêu tả, phân loại các thành tố trong cấu trúc nghĩa miêu tả. Đặc biệt là tác giả đã chỉ ra mối quan hệ của cấu trúc vị tố- tham thể với cấu trúc ngữ pháp của câu. Đồng thời tác giả cũng đã đề cập đến vai nghĩa của các thành phần: chủ ngữ, trạng ngữ , bổ ngữ, khởi ngữ. Đây cũng là gợi ý và chỗ dựa quan trọng cho những vai nghĩa được chọn trong luận văn. Tác giả Nguyễn Văn Hiệp, trong cuốn “Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp” [2008] cũng đã đưa cả chương 2 để nghiên cứu, tìm hiểu về nghĩa miêu tả. Đầu tiên là việc tìm hiểu cấu trúc vị từ - tham thể của câu dựa vào việc điểm lại ngữ pháp của Tesnière, về khái niệm vị từ. Đặc biệt là việc định nghĩa vai nghĩa từ quan điểm của Fillmore (1968), đưa ra danh sách các vai nghĩa của Fillmore và danh sách các vai nghĩa cơ bản được hầu hết các nhà nghiên cứu thừa nhận. Hơn thế nữa, tác giả cho thấy sự thể hiện hình thức của vai nghĩa và đánh dấu các vai nghĩa, phân loại các kiểu sự tình, sự đồ chiếu của cấu trúc vai nghĩa lên cấu trúc cú pháp. Ngoài ra vấn đề vai nghĩa cũng được trình bày rải rác trong các bài viết trên tạp chí Ngôn ngữ: Vai nghĩa phương tiện và các chức năng ngữ pháp của nó trong câu tiếng Việt (Lê Thị Lan Anh- Ngôn ngữ số 4, 2002); Tìm hiểu chức năng ngữ pháp và vai trò thông báo của vai nghĩa thời gian trong câu tiếng Việt (Bùi Thị Thanh Lương- Ngôn ngữ số 4, 2002); Phương pháp nhận diện vai nghĩa của các tham thể trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với vị từ đa trị như cho, tặng, gửi (Lâm Quang Đông- Ngôn ngữ số 7, 2006). Điểm qua các công trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy các nhà ngôn ngữ học đã đưa ra danh sách các vai nghĩa. Tuy vậy, đó vẫn là một danh sách hiện nay còn để ngỏ. Đồng thời việc tìm hiểu các vai nghĩa trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu tiếng Việt cũng mới chỉ nghiên cứu ở việc phân tích phân loại các vai nghĩa chủ yếu trên bình diện ngữ nghĩa mà còn ít công trình chuyên sâu về mối quan hệ của các vai nghĩa và chức năng cú pháp của nó khi được hiện thực hóa trong câu. Vì vậy, cần có những công trình đi sâu nghiên cứu về chức năng ngữ pháp của vai nghĩa trong câu tiếng Việt. 3. Nhiệm vụ của luận văn Luận văn này có những nhiệm vụ cụ thể như sau: - Trình bày khái niệm về vai nghĩa, chức năng cú pháp, mối quan hệ giữa vai nghĩa và chức năng cú pháp. - Điểm qua danh sách các vai nghĩa, chọn một số vai nghĩa phổ biến trong khung vị ngữ (vai nghĩa đối thể- patient; vai nghĩa tạo thể - factitive; vai nghĩa vị trí - locative; vai nghĩa nguồn – source; vai nghĩa phương thức – manner). - Tìm hiểu, miêu tả chức năng cú pháp tương ứng với những vai nghĩa (đã chọn) trong câu tiếng Việt (qua ngữ liệu tiếng Việt). 4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tài liệu 4.1. Phương pháp nghiên cứu: Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng một số các thủ pháp và phương pháp nghiên cứu khoa học chung như: - Thu thập, phân loại tài liệu - Khảo sát, phân tích tài liệu Ngoài các thủ pháp như trên, luận văn còn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ học sau: - Phương pháp phân tích ngữ nghĩa, cú pháp - Phương pháp thống kê - Phương pháp miêu tả 4.2. Nguồn ngữ liệu: Nguồn ngữ liệu chủ yếu được thu thập từ các tác phẩm văn học, các giáo trình nghiên cứu ngữ pháp- ngữ nghĩa tiếng Việt, từ điển tiếng Việt. 5. Bố cục của luận văn Ngoài phần Mở đầu và phần Kết luận, phần Nội dung chính của luận văn được phân thành hai chương: Chương một: Những cơ sở lý thuyết Trong chương này, luận văn sẽ trình bày khái niệm vai nghĩa theo các nhà ngôn ngữ trên thế giới và các nhà Việt ngữ học; những vai nghĩa phổ biến trong khung vị ngữ; cấu trúc cú pháp và một số chức năng cú pháp của câu; cấu tạo ngữ pháp của chu tố và diễn tố; mối quan hệ giữa vai nghĩa với chức năng cú pháp của câu. Chương hai: Một số vai nghĩa với chức năng cú pháp của nó trong câu tiếng Việt Ở chương hai, luận văn miêu tả chức năng cú pháp của một số vai nghĩa: vai đối thể; vai tạo thể; vai phương thức; vai nguồn; vai vị trí- không gian. Chương 1: NHỮNG CƠ SỞ LÝ THUYẾT 1.1. Khái niệm vai nghĩa Kh._.ái niệm vai nghĩa đã được các nhà ngôn ngữ dùng với nhiều thuật ngữ khác nhau: cases (cách), semantic relations (quan hệ ngữ nghĩa), roles hay case-roles (vai nghĩa); hoặc thematic roles, theta-roles (vai tham tố), như phái ngữ pháp cải biến (transformational grammar) thường gọi. Luận văn chọn “vai nghĩa” (roles) vì thuật ngữ này ngắn gọn và dễ dàng gắn nó với khái niệm “phân vai” (role assignment) của vị từ ngôn liệu trong khung vị ngữ của câu. Theo tác giả Tô Minh Thanh [44: 37] thì nhìn chung chưa có một định nghĩa nhất quán dành cho vai nghĩa. Theo W. Wilkin [1998; 191-192], vai nghĩa “là thành phần thể hiện về mặt tinh thần các vật thể và khái niệm”. Cùng quan điểm này có D. L. F. Nilsen [1973], S. DeLancey [1982] và R. Jackendoff [1983]. Các tác giả này ít nhiều đều đánh đồng vai nghĩa (role) với các phạm trù của nhận thức (cognitive categories) và vì vậy mà vai nghĩa phải neo đậu vào bến bờ của nhận thức” [Schlessinger,1995: 4] giống như cách thức mà ngôn ngữ lồng ý nghĩa vào âm thanh vậy và do đó bắt buộc âm thanh phải chở tải ý nghĩa. Theo C.J. Fillmore, một sự tình gồm một vị từ trung tâm và quây quần quanh nó là các ngữ đoạn biểu thị những cách ngữ nghĩa hay vai nghĩa (semantic role) nào đó. Fillmore đã đưa ra một số vai nghĩa mà ông cho là có tính phổ quát, có thể tìm thấy trong mọi ngôn ngữ, phản ánh một phương diện chung trong cách thức chúng ta tri nhận về thế giới: “Ý niệm về cách bao gồm một tập hợp khái niệm phổ quát, được giả định là bẩm sinh, xác định những kiểu tri nhận nào đó của con người về những sự tình đang diễn ra quanh họ, tri nhận những vấn đề như ai thực hiện nó, nó xảy ra đối với ai và cái gì thay đổi” (Fillmore 1968, 24) [28: 41]. Định nghĩa của Fillmore cho thấy tác giả nhấn mạnh tính phổ quát của vai nghĩa: nếu kết cấu bẩm sinh của miền nhận thức là giống nhau ở mọi người và nếu vai nghĩa là những khái niệm nhận thức cơ bản (cognitive primitives) thì chẳng phải đó là các phổ niệm (universals). Theo định nghĩa trên của Fillmore về vai nghĩa thì chúng ta có thể hiểu là vai nghĩa tồn tại trong nhận thức nhưng độc lập với ngôn ngữ và có lẽ là có trước ngôn ngữ và rằng hệ thống ngôn ngữ có sử dụng các vai nghĩa thì tồn tại độc lập với các vai này. Tác giả I.M. Schlesinger [1995: 24] “đề nghị […] coi các vai nghĩa là những kết cấu ngôn ngữ không nhất thiết phải tồn tại trong miền nhận thức dù có thể được định nghĩa bằng khái niệm trong miền nhận thức.” [Dẫn theo 44: 38] Như vậy, Schlesinger lại cho vai nghĩa là những kết cấu ngôn ngữ (linguistic constructs), cụ thể là những kết cấu ngữ nghĩa (semantic constructs) chứ không nhất thiết phải là những kết cấu nhận thức (cognitive constructs). Ý kiến này đã để ngỏ cái khả năng là vai nghĩa có thể mang tính cụ thể của riêng từng ngôn ngữ (language-specific). Cách đề xuất của Schlesinger coi vai nghĩa là những kết cấu ngôn ngữ dẫn đến việc phải xác định tiêu chuẩn nhận diện các vai nghĩa và xem chúng hoạt động như thế nào dưới tác động của quy tắc ngữ pháp của một ngôn ngữ cụ thể như tiếng Anh chẳng hạn. Ví dụ vai Tác thể trong tiếng Anh có thể được xác định nhờ những khái niệm nhận thức cơ bản, chính là các đặc điểm của vai nghĩa này, như [+ hành động (activity)], [+ chủ định (volitition)] và [+ý định (intention)] và [+ động vật (anymacy)]. Như vậy, quan điểm của Schlesinger coi vai nghĩa là những kết cấu ngôn ngữ. Quan điểm này cũng có thể rất hữu ích cho việc phân tích một số vai nghĩa trong câu tiếng Việt. Theo tác giả Cao Xuân Hạo, câu biểu hiện một sự tình (hay sự thể). Nội dung (nghĩa biểu hiện) của nó có thể hình dung như một “cảnh” (một màn kịch ngắn) diễn trên sân khấu. Cái cảnh ấy có một nội dung nhất định: trên sân khấu hiện ra quang cảnh nào đấy (một sự tình tĩnh), rồi lại diễn ra một sự việc nào đấy (một sự tình động). Các nhân/ vật (đọc là “nhân và vật” hoặc là “nhân hay vật”) có mặt trên sân khấu được gọi là tham tố của sự tình hay vai (“vai nghĩa”). [27: 51] Như vậy, các tham tố là các vai nghĩa trong một màn kịch nhỏ của một sự thể. Tác giả Hoàng Dũng và Bùi Mạnh Hùng cũng đã định nghĩa vai nghĩa là “quan hệ ngữ nghĩa của ngữ danh từ đối với vị từ trong câu, là cách thức mà thực thể do ngữ danh từ biểu thị góp phần vào sự tình được câu diễn đạt.” [17: 134] Vấn đề vai nghĩa là một vấn đề phức tạp và đã được khảo sát, nghiên cứu theo nhiều quan điểm khác nhau. Nhìn chung, các nhà ngôn ngữ chưa có sự thống nhất cao trong việc xác định và miêu tả các vai nghĩa. Vấn đề danh sách các vai nghĩa và tên gọi của các vai nghĩa cũng còn chưa có sự thống nhất ở các nhà nghiên cứu. Theo tác giả Nguyễn Văn Hiệp [28: 46], có tình hình này bởi các lí do sau: - Thứ nhất, hiện nay nhiều tác giả khác nhau khi nghiên cứu vai nghĩa đã nêu ra một danh sách khác nhau. Thường thấy, là một danh sách khoảng vài chục vai, nhưng cũng có thể lên đến hàng trăm vai (Dixon 1992). - Thứ hai, tên gọi của các vai có thể khác nhau. Có tình trạng một số tác giả dùng chung tên gọi vai nghĩa, nhưng quan niệm khác nhau. Lại có tình trạng dùng tên gọi vai nghĩa khác nhau, nhưng quan niệm lại giống nhau… Và cũng theo tác giả Nguyễn Văn Hiệp [28: 46], ngoài ra cũng phải tính đến khả năng là một ngữ đoạn nào đó trong câu có thể đảm nhận hơn một vai nghĩa, tức nhìn từ góc độ này thì có thể cho rằng nó biểu thị vai nghĩa x, nhưng nhìn từ góc độ khác lại có thể cho rằng nó biểu thị vai nghĩa y. Trước những vấn đề phức tạp như trên, luận văn bước đầu chỉ tìm hiểu một số vai nghĩa đã được các nhà nghiên cứu tương đối thống nhất về tên gọi như các vai: đối thể, tạo thể, phương thức, vị trí, nguồn. 1.2. Những vai nghĩa phổ biến trong khung vị ngữ 1.2.1. Khung vị ngữ Theo Cao Xuân Hạo (1991: 103- 106), nghĩa của câu không đơn giản là một phép cộng nghĩa của các từ ngữ trong câu. Nghĩa của câu là một cấu trúc có nhiều tầng. Các tầng nghĩa trong câu phối hợp với nhau tạo ra nghĩa hành chức (nội dung thông báo) của câu. [Dẫn theo 21: 23] Cao Xuân Hạo quan niệm “nghĩa chính là cái điều được truyền đạt trong lời nói” [23:17] gồm nội dung hay ý nghĩa- nghĩa nguyên văn và nghĩa ngôn trung. Ông phê phán quan điểm cho nghĩa của câu chỉ là tổng các nghĩa của từ kết hợp lại mà thành. Ông ủng hộ quan điểm của Dik “lớp nghĩa học là lớp nghĩa của ‘sự tình’ được biểu thị và những ‘vai trò’ tham gia vào sự tình ấy. Ở đây có những tham tố (participants) của sự tình, gồm có các diễn tố (actants) và những chu tố (circumstants). Các diễn tố là những vai trò tất yếu được giả định sẵn trong nghĩa từ vựng của vị từ. Chẳng hạn một vị từ cho tất nhiên giả định một chủ thể của hành động “cho” (hay hành thể), một đối thể là vật được đem cho và một tiếp thể tức người nhận tặng phẩm. Các chu tố làm thành cái cảnh trí ở xung quanh các tham tố không được giả định một cách tất nhiên trong khung vị ngữ. Đó là các điều kiện thời gian, không gian, là cách thức, phương tiện, hoặc là những nhân vật có liên quan,”v.v.. [23:21] Cũng theo tác giả Cao Xuân Hạo (1991) “các sự tình, được biểu hiện trong ngôn ngữ bằng những câu mà hạt nhân là khung vị ngữ, gồm lõi vị ngữ, (mà trung tâm là vị từ) và các tham tố của nó trong đó có một tham tố làm đề (hay tiểu đề nếu câu có nhiều bậc cấu trúc đề- thuyết)” trước hết có thể chia ra làm ba loại sau: câu tồn tại, nhận định rằng trong một thế giới hay một nơi nào đó có một cái gì; câu chỉ sự tình động hay sự việc biến cố; câu chỉ sự tình tĩnh hay tình hình. từ đó ông phân loại câu theo vị từ Hành động (vô tác, chuyển tác), Quá trình (vô tác, chuyển tác), Trạng thái, Quan hệ với số lượng các diễn tố và vai nghĩa của các diễn tố cùng với một vài chu tố. [23: 433] Như vậy, trong khung vị ngữ, vị từ là yếu tố cốt lõi và quây quần xung quanh là các tham tố biểu thị một số vai nghĩa nào đó hay có thể gọi là cấu trúc vị từ- tham tố. Có những vai nghĩa mang tính bắt buộc, bị quy định bởi bản chất từ vựng- ngữ pháp của vị từ trung tâm, theo cái nghĩa là những vị từ có bản chất từ vựng- ngữ pháp khác nhau sẽ quy định các vai nghĩa bắt buộc khác nhau. Nhưng cũng có những vai nghĩa mang tính tùy nghi, tức không chịu sự quy định bắt buộc như vậy. Trong ngữ pháp của Tesnière, những vai nghĩa bắt buộc sẽ được hiện thực hóa thông qua những ngữ đoạn được coi là diễn tố, còn những vai nghĩa tùy nghi thì được hiện thực hóa thông qua các ngữ đoạn được gọi là chu tố. Việc đánh giá một vai nghĩa là bắt buộc hay tùy nghi phải đặt trong quan hệ với vị từ trung tâm. 1.2.2. Vị từ và các tham tố 1.2.2.1. Vị từ Các nhà nghiên cứu theo quan điểm chức năng cho rằng trong khung vị ngữ không nên đồng nhất khái niệm vị từ với hai từ loại (bao gồm động từ và tính từ) theo cách hiểu thông thường. Ở đây vị từ được hiểu là yếu tố ngôn ngữ chỉ đặc trưng và quan hệ với tư cách chức năng ngữ nghĩa; trong quan hệ với các tham tố (tham thể) mới xuất hiện khái niệm vị từ. Vị từ với cách hiểu như trên sẽ do các từ loại khác đảm nhiệm có thể là động từ, tính từ và cũng có thể là danh từ. Theo tác giả Diệp Quang Ban thì Anna Siewierska- một tác giả có công trình nghiên cứu về ngữ pháp chức năng- đã từng nhận xét: “Trong ngữ pháp chức năng, toàn bộ các vị từ chia thành ba loại: thuộc động từ, thuộc tính từ và thuộc danh từ” [tr 22- Ngữ pháp chức năng- 1991] [Dẫn theo 1:14]. Tất nhiên thực tế sử dụng ngôn ngữ cho thấy vị từ thường do tính từ và động từ thể hiện. Nó học bài. Tôi đọc sách. Em bé gầy yếu quá. Bông hoa này rất đẹp. Trường hợp danh từ đảm nhận chức năng làm vị từ là trường hợp rất hạn hữu. Hầu như ta chỉ gặp vị từ là danh từ trong các kiểu câu: - Anh công nhân, em bác sĩ. - Nhà ấy vợ giáo viên, chồng kỹ sư. Hoặc - Mưa ! - Chuột ! Tuy nhiên những trường hợp hiếm hoi này lại là những bằng chứng giúp chúng ta khẳng định một cách chắc chắn: vị từ trong khung vị ngữ (cấu trúc vị từ- tham thể) không phải là từ loại mà là chức năng nghĩa trong quan hệ với các tham thể. Với cách hiểu như trên, vị từ trong cấu trúc khung vị ngữ được phân loại không giống với cách phân loại vị từ thông thường. Đã có nhiều cách phân loại vị từ nhưng chủ yếu các nhà ngữ pháp chức năng căn cứ vào hai tiêu chí đã được nhà ngôn ngữ học S.C. Dik (1978) sử dụng để phân loại các sự tình dựa vào sự tổng hợp hai cặp đối lập (+/-ĐỘNG - dynamism), (+/-CHỦ Ý - control). Dựa vào hai tiêu chí trên, vị từ và sự tình mà câu phản ánh được chia làm bốn loại, mỗi loại mang hai đặc trưng: Vị từ hành động mang đặc trưng [+ ĐỘNG] và [+ CHỦ Ý]: là các vị từ chỉ hành động (đi, chạy, nhảy, kêu, gào, đánh, đập, chọc, khuân, vác, xây, đắp..) - Vị từ quá trình mang đặc trưng [+ ĐỘNG] và [- CHỦ Ý]: đó là các loại vi từ chỉ quá trình (rơi, khô, héo, phai, thấm,ngấm, chảy, trôi,..) - Vị từ tư thế mang đặc trưng [- ĐỘNG] và [+ CHỦ Ý]: là loại vị từ chỉ tư thế (ngồi, quỳ, đứng, cúi, nằm, lom khom, …) - Vị từ trạng thái mang đặc trưng [- ĐỘNG] và [- CHỦ ĐỘNG]: là các vị từ chỉ trạng thái, tính chất, quan hệ (lo, sợ, vui, mừng, to, nhỏ, đẹp, xấu, là, của, vì, để, bằng…) 1.2.2.2 Tham tố (hoặc vai nghĩa) Các nhà nghiên cứu đã khá thống nhất cho rằng tham tố (tham thể) là tất cả các thực thể (được biểu hiện bằng các danh từ hoặc tương đương danh từ) tham gia vào sự tình, chịu sự chi phối trực tiếp của ý nghĩa của vị từ hoặc phải được vị từ chấp nhận. Theo tác giả Diệp Quang Ban, cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu gồm có phần chỉ sự thể (nêu đặc trưng hay quan hệ) và các vai nghĩa nằm trong phạm vi bao quát của sự thể ấy. Phần sự thể thường do vị tố (Diệp Quang Ban thường dùng thuật ngữ vị tố tương đương với thuật ngữ vị từ) thực hiện và diễn đạt đặc trưng hay quan hệ. [Dẫn theo 21: 27] Cũng theo Diệp Quang Ban, tham thể là những thực thể tham gia vào sự thể (sự việc) như là bộ phận cần thiết của sự thể, bộ phận nằm trong sự thể. Tham thể có quan hệ với sự thể theo kiểu do sự thể ấn định, tức là một sự thể cụ thể chỉ có thể diễn ra nhờ sự có mặt của một hoặc những tham thể nào đó, một sự thể khác có thể diễn ra không cần đến sự có mặt của tham thể nào cả. Chẳng hạn sự đánh nhau nhất thiết phải có hai bên tham gia. [Dẫn theo 21: 28] Cao Xuân Hạo khi dẫn ra tư tưởng của S. C. Dik có khẳng định: “Theo S. C. Dik (1981) một cấu trúc chủ -vị hạt nhân (nuclear predication) xét toàn bộ biểu thị một sự tình (state of affairs) được xác định bởi cái thuộc tính hay mối quan hệ do vị ngữ biểu thị liên kết với các thực thể do các danh tố biểu thị” [23: 91]. Cũng theo S. C. Dik “Một kết cấu vị ngữ hạt nhân bao gồm một vị từ gắn kết với một số thích hợp các ngữ định danh để lắp đầy vị trí các tham tố của vị từ đó. Kết cấu vị ngữ hạt nhân xác định một tập hợp các sự tình, trong đó thuộc tính hay quan hệ của nó được vị từ chỉ định, có hiệu lực đối với những ngữ định danh cụ thể mà vị từ được ứng dụng.” [14: 39] Theo S. C. Dik thì việc miêu tả các biểu thức ngôn ngữ học trong ngữ pháp chức năng bắt đầu với cấu trúc của kết cấu vị ngữ. Về cấu trúc chung của kết cấu vị ngữ, chúng ta cần phân biệt một bên là kết cấu vị ngữ hạt nhân và một bên là kết cấu vị ngữ mở rộng. Căn cứ vào kết cấu vị ngữ hạt nhân xác định một tập hợp các sự tình, chúng ta có thể tạo thành một kết cấu vị ngữ mở rộng bằng cách thêm vào một hay nhiều chu tố cho kết cấu vị ngữ hạt nhân đó. Trong khung vị ngữ, các tham tố nêu đặc trưng bằng các chức năng nghĩa trong mối quan hệ với vị từ. Do đó, các tham tố còn được gọi là các vai nghĩa. Trên cơ sở xác định các chức năng nghĩa của các tham tố đối với các loại vị từ mà các tác giả đã đưa ra một danh sách gồm các tham thể: thể hành động, thể (chịu) quá trình, thể (trong) tư thế, thể (trong) trạng thái, lực, thể vị trí, thể đích, thể được lợi, thể bị hại, thể liên đới, tham thể không gian, thời gian, công cụ, phương tiện, nguyên nhân, điều kiện, nghịch đối, mục đích, kết quả… Các tham thể trên được các nhà nghiên cứu khái quát thành hai loại: tham thể cơ sở và tham thể mở rộng (thuật ngữ của tác giả Diệp Quang Ban) hoặc diễn tố và chu tố (thuật ngữ thường dùng của tác giả Cao Xuân Hạo và một số tác giả khác). Ở luận văn này, chúng tôi dùng thuật ngữ diễn tố và chu tố. Diễn tố (tham thể cơ sở) còn gọi là các vai nghĩa bắt buộc mà như tư tưởng của Dik đó là các vai nghĩa trong kết cấu vị ngữ hạt nhân. Các vai nghĩa của chu tố (tham thể mở rộng) còn gọi là các vai nghĩa mở rộng hay tham thể mở rộng. Nhà ngôn ngữ học Tesnière cũng đã dùng bộ khái niệm vị từ và các tham tố (arguments) để phân chia các tham tố thành hai loại: những tham tố bắt buộc phải có được gọi là các diễn tố, còn những tham tố không mang tính bắt buộc như vậy được gọi là các chu tố. Diễn tố (actants): Những vai nghĩa tất yếu được giả định sẵn trong nghĩa từ vựng của vị từ. Nói cách khác đây là những tham tố bắt buộc, xuất hiện do nghĩa của vị từ quy định. “Diễn tố là tham tố cần và đủ, có số lượng nhất định (cho từng vị từ), cùng với nội dung của sự tình (do vị từ biểu thị) tạo thành một sự tình, tức là tạo thành cấu trúc nghĩa của câu” [26: 49] “Diễn tố là tham tố của vị từ tham gia vào nội dung biểu hiện của khung vị từ như một nhân vật được giả định một cách tất yếu trong nội dung nghĩa của vị từ, mà nếu thiếu đi cái sự tình hữu quan không thể thực hiện được, không còn là nó nữa.” [25: 113] Ví dụ: Chị Dậu vội vàng đặt con xuống đất Tham tố: Chị Dậu: chủ thể của hành động đặt; con :đối thể của đặt ; xuống đất: tham tố chỉ đích của hành động đặt – là các tham tố cơ sở (hay diễn tố). Sự có mặt của chúng là bắt buộc, do nghĩa của vị từ đặt đòi hỏi làm cho nghĩa của câu rõ ràng, đủ ý. Chẳng hạn trong câu: Đến rồi ! Tuy vị từ được dùng với từ chỉ thể rồi, người nghe vẫn hiểu là có một người nào hay một cái gì đó (xe, tàu chẳng hạn) đã đến (hoặc sắp đến) cái chỗ được người nói coi là “ở đây”. Do chịu sự ấn định của vị từ nên các tham tố (diễn tố) thường đi với một loại vị từ nhất định. Chẳng hạn: - Tham tố chỉ đích đi với vị từ dời chuyển, vị từ tác động làm vật dời chuyển. - Tham tố chỉ đối thể chịu tác động của hành động: đi với các vị từ chỉ hành động tác động - Tham tố chỉ chủ thể cầu khiến, đối thể được cầu khiến: đi với vị từ cầu khiến - Các tham tố chủ thể trao nhận, tiếp thể, vật được trao nhận: đi với loại vị từ trao nhận. - Các tham tố chủ thể hủy diệt, đối thể bị hủy diệt: đi với loại vị từ bị hủy diệt. Trong khung vị ngữ, mỗi vị từ tùy theo đặc trưng của nó mà đòi hỏi một số lượng nhất định các diễn tố Chu tố (circumstants): Đây là những vai nghĩa không tất yếu, không được giả định sẵn trong nghĩa từ vựng của vị từ. Chúng là những tham tố không bắt buộc, chỉ xuất hiện để thêm một ý nghĩa nào đó cho khung vị ngữ (thời gian, không gian, cách thức, phương tiện, mục đích, ý so sánh…). Chúng không do bản chất của vị từ quy định, chúng có thể có mặt ở nhiều (hay tất cả) các loại vị từ (sự tình). Ví dụ: Chị Dậu chào chồng bằng hai hàng nước mắt. Trong cấu trúc miêu tả của ví dụ trên có hai diễn tố : chị Dậu chủ thể của hành động chào; chồng đối thể được chào; chu tố: bằng hai hàng nước mắt- chỉ phương thức của hành động chào. Sự có mặt của hai diễn tố là do nội dung ý nghĩa của vị từ chào đòi hỏi, nếu thiếu nó, cấu trúc nghĩa miêu tả của ví dụ trên sẽ không hoàn chỉnh, khó tồn tại. Còn sự có mặt của chu tố: bằng hai hàng nước mắt chỉ bổ sung một chi tiết cho cấu trúc nghĩa của ví dụ trên, và nếu thiếu nó thì cấu trúc nghĩa nòng cốt: Chị Dậu chào chồng vẫn tồn tại được. Sự hiện diện của chu tố trong câu chỉ tùy thuộc nhu cầu thông tin và tình huống giao tiếp. Chu tố không trực tiếp chịu sự chi phối của vị từ, không nhất thiết buộc phải có mặt trong khung vị ngữ. Sự xuất hiện của nó là nhằm bổ sung thêm một phương diện nghĩa, nhưng vì nằm trong cùng một cấu trúc nghĩa, nên ý nghĩa của nó phải phù hợp với ý nghĩa của vị từ và phải được vị từ chấp nhận. Chu tố không có số lượng nhất định như các diễn tố. Các nghĩa chu tố được biểu hiện trong ngữ pháp thông qua các bổ ngữ, trạng ngữ. Nhưng cũng có khi chu tố lại được biểu hiện trong Đề. Theo S. C. Dik [14: 70-71] “chu tố là sự mở rộng tùy chọn của kết cấu vị ngữ hạt nhân, chỉ ra các bình diện bổ sung của sự tình. Chu tố ‘nhạy cảm’ với bản chất của sự tình được kết cấu vị ngữ hạt nhân xác định hơn là với bản chất của vị từ được nói đến.” Chu tố có các chức năng ngữ nghĩa tiêu biểu sau: - chỉ định chi tiết các sự tình hạt nhân: Phương thức, Đặc trưng, Công cụ; - quan hệ của sự tình với các tham tố khác: Lợi thể, liên đới thể; - quan hệ của sự tình với các chiều kích thời gian: Thời gian, Thời đoạn, Tần số. - quan hệ của sự tình với các chiều kích không gian: Vị trí, Nguồn, Phương hướng, Lối đi; - quan hệ của sự tình với các sự tình khác: Chu cảnh, Nguyên nhân, Lý do, Mục đích, Kết quả. Sự khác biệt giữa diễn tố (tham thể cơ sở) và chu tố (tham thể mở rộng) là có cơ sở lí luận- dựa vào sự chi phối/ không chi phối của vị từ với các tham thể. Tuy nhiên trong thực tế sử dụng, ở những trường hợp cụ thể, có những thực thể khi đi với vị từ này là chu tố, nhưng khi đi với vị từ khác lại là diễn tố. Ví dụ: - Sứ yêu biết bao nhiêu cái chốn này. (1) - Ở cái chốn này, chúng tôi đã học được nhiều điều bổ ích. (2) Ở ví dụ (1) cái chốn này do đi với vị từ yêu- chỉ đối tượng được tiếp nhận tình yêu của chủ thể Sứ nên nó là vai nghĩa bắt buộc, nghĩa là nó bắt buộc phải có mặt thì sự việc mới trọn nghĩa. Còn trong cấu trúc nghĩa ở ví dụ (2), cái chốn này không chịu sự chi phối trực tiếp của vị từ học, chỉ có mặt để làm rõ hơn nơi chốn của sự việc chúng tôi đã học được nhiều điều bổ ích; sự có mặt của nó trong cấu trúc câu của ví dụ (2) là không bắt buộc- bởi vậy nó giữ vai trò là tham tố không bắt buộc hay vai nghĩa không bắt buộc. 1.2.3. Những vai nghĩa phổ biến Như trên chúng ta đã nói, trong khung vị ngữ, vị từ là hạt nhân ngữ nghĩa của vị ngữ (ngữ vị từ). Nói như vậy có nghĩa là vị từ với tư cách là từ biểu hiện nội dung của sự thể đối với cấu trúc tham tố của vị ngữ. Cách tiếp cận như trên đã được nhiều nhà ngôn ngữ học tiếp thu và đưa ra danh sách những vai nghĩa trong khung vị ngữ. Chẳng hạn, Cao Xuân Hạo gọi các diễn tố (vai nghĩa bắt buộc) bằng các tên gọi như: vai tác thể, vai hành thể, vai động thể, vai lực thể, vai đương thể, vai đối thể, vai tiếp thể, vai đích,…còn Diệp Quang Ban gọi là thể động, thể tĩnh, thể cảm nghĩ, thể nói năng, thể mục tiêu, thể tiếp nhận…Còn các chu tố (vai nghĩa mở rộng) Cao Xuân Hạo gọi là : vai phương thức, vai phương tiện, vai kết quả, vai lối đi…, còn Diệp Quang Ban gọi là cảnh huống: thời gian, không gian, nguyên nhân, điều kiện, mục đích, kết quả, đường đi, nghịch đối… [Dẫn theo 38: 149]. Nguyễn Văn Hiệp trong công trình nghiên cứu gần đây nhất (2005), đã liệt kê ra danh sách các vai nghĩa như sau: - Vai tác thể (Agent): biểu thị người gây ra hành động. - Vai nghiệm thể (Expriencer): biểu thị chủ thể trải nghiệm một trạng thái nào đó. - Vai tiếp thể: (Recipient): biểu thị kẻ tiếp nhận trong hành động trao tặng. - Vai kẻ hưởng lợi (Benefactive): biểu thị kẻ được hưởng thành quả từ một hành động do một ai đó thực hiện. - Vai lực tự nhiên (Force): chỉ tác nhân tự nhiên gây ra một biến cố , thay đổi nào đó. - Vai bị thể (Patient): chỉ vật, người chịu sự tác động, dẫn đến một thay đổi nào đó. Sự thay đổi này có thể là sự thay đổi về vật lí, tâm lí… - Vai công cụ (Instrument): chỉ công cụ được dùng để thực hiện hành động. - Vai địa điểm, vị trí (Location): chỉ nơi chốn của sự tình, vị trí tồn tại của sự vật. - Vai điểm xuất phát, hay nguồn của trạng thái (Source): chỉ điểm xuất phát của chuyển động, hay nguồn của trạng thái. - Vai điểm đến (Goal): chỉ đích đến của một chuyển động. - Vai kẻ tham chiếu (Reference): chỉ người hay vật được dùng để tham chiếu trong một trạng thái, quan hệ. - Vai kẻ cùng hành động (Comcomitant): chỉ người cùng hành động trong một hành động. - Vai hướng chuyển động (Direction) hay lối đi (Path): chỉ hướng của chuyển động. - Vai thời điểm (Temporal): chỉ thời điểm của sự tình. - Vai chủ sở hữu (Possessor): chỉ chủ sở hữu của sự vật. - Vai thời lượng (Duration): chỉ thời gian kéo dài của hành động - Vai nội dung (Content): chỉ nội dung của sự hiểu biết. - Vai thể chuyển động (Theme): chỉ một thực thể tồn tại ở một vị trí nào đó, hoặc thực thể chuyển động, chịu một sự thay đổi về một vị trí do một tác nhân nào đó. Một số vai khác có tính chất ngoại vi cũng được tác giả thừa nhận, như vai cách thức (manner), vai nguyên nhân (cause), vai mục đích (purpose). Như vậy, danh sách các vai nghĩa trong khung vị ngữ được các tác giả đưa ra hầu hết đều chưa có sự thống nhất về tên gọi. Ở luận văn này chúng tôi có thể dựa vào cách gọi tên một số vai nghĩa của tác giả Cao Xuân Hạo, đây cũng là một số tên gọi tương đối được phổ biến, để tìm hiểu chức năng cú pháp của các vai nghĩa: vai đối thể, vai tạo thể, vai phương thức, vai vị trí- không gian, vai nguồn. 1.3. Cấu trúc cú pháp và một số chức năng cú pháp của câu Nếu như cấu trúc vị từ - tham tố là cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu thì cấu trúc cú pháp là loại cấu trúc của câu xét ở bình diện cú pháp. Đây chính là bình diện tổ chức nên một câu theo đúng đặc trưng của nó để phân biệt những đơn vị khác như: từ, cụm từ hoặc đoạn văn, văn bản. Có thể thấy cấu trúc cú pháp của câu là vấn đề được ngữ pháp học quan tâm và nghiên cứu từ rất sớm. Trong ngữ pháp cổ điển, do xem câu là đơn vị cấu trúc lớn nhất trong tổ chức ngữ pháp của một ngôn ngữ, nên việc nghiên cứu cấu trúc cú pháp của câu thành vấn đề trung tâm của ngữ pháp học nói riêng và ngôn ngữ học nói chung. Khác với các đơn vị như: âm vị, hình vị, từ, cụm từ, câu là đơn vị mang chức năng thông báo (đơn vị thông báo nhỏ nhất). Điều đó có nghĩa câu luôn phải phản ánh sự việc trong thế giới khách quan. Và sự việc luôn có cấu trúc của nó (cấu trúc đặc trưng- tham thể) nên khi đi vào trong câu nó vẫn đòi hỏi được tồn tại dưới dạng cấu trúc (cấu trúc vị từ- tham tố). Do đó, khi tạo câu phản ánh sự việc, nghĩa là dùng từ ngữ để diễn đạt cấu trúc sự việc cần diễn đạt, các từ ngữ trong câu cũng phải được tổ chức theo những quy tắc ngữ pháp của một ngôn ngữ nhất định tạo nên cấu trúc cú pháp của câu. Nói cách khác, câu không phải là phép cộng đơn giản của các từ ngữ đứng cạnh nhau trên trục tuyến tính mà là tổng thể của các yếu tố này, trong các yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau cũng góp phần tạo nên một thông báo hoàn chỉnh. Nếu trong cấu trúc sự việc, các tham thể giữ những chức năng nghĩa nhất định trong mối quan hệ với vị từ (nêu đặc trưng sự việc) thì trong cấu trúc cú pháp của câu, các từ ngữ diễn đạt các yếu tố của sự việc cũng giữ các chức năng cú pháp (vai trò cú pháp) nhất định trong quan hệ đối với nhau. Các chức năng cú pháp ấy được phạm trù hóa gọi là thành phần câu. Cấu trúc cú pháp không phải chỉ duy nhất đề cập đến vấn đề các chức năng cú pháp của câu, tuy nhiên ta có thể khẳng định đây là một vấn đề lớn, vấn đề trung tâm của cấu trúc cú pháp. Cứ nhìn qua quang cảnh chung của việc nghiên cứu các thành phần câu chúng ta cũng có thể thấy điều đó. Chỉ điểm qua việc nghiên cứu các thành phần câu của câu tiếng Việt cũng làm cho ta thấy choáng ngợp trước vấn đề phức tạp này. Hầu như mỗi nhà nghiên cứu đều có cách kiến giải khác nhau về thành phần câu. Chúng ta khó tìm thấy hai quan điểm hoàn toàn thống nhất về vấn đề này. Không khác nhau trong quan niệm, cách định nghĩa về thành phần câu thì các tác giả lại chưa hoàn toàn nhất trí với nhau về các tiêu chí xác định thành phần câu. Bên cạnh đó, các vấn đề như: số lượng các thành phần câu, cương vị cú pháp của các thành phần câu cũng chưa hoàn toàn thống nhất. Trước một vấn đề phức tạp như vậy, trong khuôn khổ một luận văn thạc sĩ, chúng tôi không có tham vọng giải quyết vấn đề này. Ở đây, để phục vụ cho luận văn, chúng tôi chỉ căn cứ vào một số tiêu chí để xác định thành phần câu đã được thống nhất ở các nhà nghiên cứu, trên cơ sở ấy đi vào một số thành phần câu như: chủ ngữ, bổ ngữ, trạng ngữ, đề ngữ, là các thành phần câu có quan hệ đến các vai nghĩa- đối tượng khảo sát của luận văn. Về tiêu chí xác định thành phần câu thì loại ý kiến được đa số các nhà nghiên cứu tán thành và sử dụng là: coi thành phần câu là một phạm trù ngữ pháp, do đó xác định thành phần câu phải dựa cả vào tiêu chí ngữ nghĩa lẫn tiêu chí hình thức. Theo ý kiến của hai tác giả Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp khi trình bày giải pháp liên quan đến thành phần câu thì phân tích câu phải xuất phát từ câu, và nhất thiết phải khu biệt cho được từng thành phần được phân xuất từ câu một cách hình thức. Và “mỗi thành phần câu cần được xác định bằng một thủ pháp hình thức”; “cố gắng sao cho những phạm trù được xác định bằng các thủ pháp hình thức như đã nói có nghĩa” [52: 74]. Sau đây là ý kiến của tác giả Bùi Minh Toán trong giáo trình ngôn ngữ học- Tập II” về thành phần câu: “Như thế các thành phần câu như chủ ngữ, vị ngữ, định ngữ, bổ ngữ, trạng ngữ,…cũng đều là các phạm trù ngữ pháp. Mỗi phạm trù này cũng có thể chia ra các phạm trù nhỏ hơn như bổ ngữ thì có bổ ngữ gián tiếp hay trực tiếp. Điều quan trọng là dù ở mức độ cao thấp, rộng hay hẹp, mỗi phạm trù này đều là sự thống nhất giữa ý nghĩa ngữ pháp và hình thức ngữ pháp. Từ đó, điều cần chú ý trong nghiên cứu và học tập ngữ pháp là: việc phân xuất và xác định các phạm trù ngữ pháp phải được tiến hành trên cơ sở sự thống nhất giữa ý nghĩa ngữ pháp và hình thức biểu hiện của nó”. [87-14] [Dẫn theo 1: 29]. Tiêu chí ngữ nghĩa cho việc xác định thành phần câu đã được sự thống nhất cao ở nhiều nhà nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Các tác giả đều cho rằng tiêu chí ngữ nghĩa để xác định thành phần câu là ý nghĩa ngữ pháp khái quát của các thành phần câu (ý nghĩa ngữ pháp chức năng). Tuy nhiên, việc chọn tiêu chí hình thức nào để nhận diện được các thành phần câu lại còn là một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu. Nghiên cứu các công trình về ngữ pháp tiếng Việt từ trước tới nay, chúng tôi thấy việc sử dụng các tiêu chí hình thức có chú ý tới đặc điểm loại hình của tiếng Việt được nhiều nhà ngôn ngữ học đồng tình hơn cả. Tiếng Việt là loại hình ngôn ngữ đơn lập, cho nên các tiêu chí hình thức để xác định thành phần câu có thể sử dụng là: trật tự từ, hư từ và ngữ điệu. Trong luận văn này, chúng tôi cũng vận dụng các tiêu chí này để nhận diện một số thành phần câu mà trong phạm vi luận văn cần bàn đến. Sau đây là việc nhận diện một số thành phần câu dựa vào sự tổng hợp hai tiêu chí nói trên. 1.3.1. Chủ ngữ Theo các nhà Việt ngữ học thì chủ ngữ được xếp vào một trong hai thành phần nòng cốt (thành phần chính) của câu có quan hệ qua lại với thành phần vị ngữ, nêu lên đối tượng mà đặc trưng hay quan hệ của nó được nói đến ở vị ngữ. Trong công trình nghiên cứu “Thành phần câu”, tác giả Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp đã cho rằng “chủ ngữ là bộ phận của nòng cốt câu biểu thị chủ thể ngữ pháp của vị ngữ, tạo ra cùng vị ngữ một kết cấu có khả năng nguyên nhân hóa.” Về ngữ nghĩa, chủ ngữ là thành phần câu có ý nghĩa ngữ pháp khái quát là biểu thị đối tượng thông báo của câu. “Ý nghĩa của chủ ngữ là ý nghĩa biểu thị đối tượng. Đối tượng này có quan hệ với vị ngữ về phương diện chủ thể của hành động, chủ thể tiếp nhận, chủ thể phẩm chất” [40: 111] Diệp Quang Ban Cũng cho rằng: “Trong tiếng Việt, có thể hiểu chủ ngữ là một trong hai thành phần chính của câu có quan hệ qua lại với vị ngữ, chỉ ra cái đối tượng mà câu đề cập đến.” [4: 113]. “Chủ ngữ và vị ngữ gắn bó với nhau bằng quan hệ chủ- vị. Trong mối quan hệ này, chủ ngữ là thành phần biểu hiện đối tượng được thông báo trong câu…” [63-20] [Dẫn theo 1: 30] Về tiêu chí hình thức: chủ ngữ chủ yếu được nhận diện dựa vào yếu tố trật tự từ và hư ._.9] 330. Giả điếc như không nghe tiếng, chị Dậu cố phùng đôi má để thổi cho bếp lửa cháy lên. [84: 148] 331. Anh đứng tần ngần một lúc. [61: 440] PHỤ LỤC 4: VAI NGHĨA VỊ TRÍ 1. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. [74: 31] 2. Ông Phùng Gia Lộc đã hi sinh ở phố Nhà Thờ đêm hôm qua. [83: 444] 3. Trong một góc nhà, bỗng trông thấy một đôi mắt mở thao láo. [83: 404] 4. Ngoài đình bỗng dồn lên một hồi trống dồn dập, vội vã. [74: 32] 5. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía. [75: 95] 6. Cạnh bàn thờ, Giản lặng ngắm bức ảnh người quá cố. [87: 942] 7. Họ đều đã được huấn luyện lái máy bay chiến đấu ở một xứ sở có nhiều tuyết rơi về mùa đông. [87: 341] 8. Ở đấy, con trai và con gái gặp nhau dạn dĩ hơn, phóng khoáng hơn. [87: 341] 9. Da thịt đâm chồi ở những chỗ khuyết trên thân thể. [87: 321] 10. Bà ngoại với mấy bà gói bánh ở nhà dưới. [84: 9] 11. Mấy đứa trẻ con nhà nghèo cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. [75: 96] 12. Má và dì Ba ngồi học bài chỗ bàn ăn cơm. [88: 9] 13. Trên bàn bày hai đĩa thịt kho và một thau dưa cải. [88: 100] 14. Nhưng trong cái lều ẩm thấp vẫn chỉ mới hơi lờ mờ. [75: 96] 15. Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. [75: 95] 16. Hai đứa bé con dưới đất vẫn khóc tru tréo. [84: 96] 17. Bên kia bàu nước là những đụn cát dọc biển, trông xa như một bức tường thành sáng lóa. [87: 550] 18. Một tập phong bì đủ các loại và những con tem đẹp Chung để ở ngăn kéo bàn học. [87: 403] 19. Thím Trực ngồi xắt khoai ở đầu hồi lẩm nhẩm đọc theo. [87: 552] 20. Đoạn, tôi nhoài người đẩy cái khối thuốc nổ xuống cái hố đào sẵn ở phía trước ụ đất. [60: 112] 21. Những giọt nước mắt hiếm hoi lăn trên khuôn mặt già nua. [60: 112] 22. Bọn địch bị đánh tan tác ở cánh đồng làng Xuân Trạch. [60: 44] 23. Ở đây người ta thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng. [75: 149] 24. Cạnh dòng suối trôi ngang, hoa dại vàng xuống cả lòng đất. [62: 88] 25. Gần đó là túp lều của cha con ông già Túc. [87: 552] 26. Cuộc sống ở đây đã dạy cho chúng tôi thế nào là sự im lặng. [87: 534] 27. Ngoài đình, trống lại thúc, mõ lại khua, tù và rúc liên thanh bất chỉ. [84: 99] 28. Sau nhà có tiếng người gọi léo xéo. [84: 99] 29. Em ăn bên nhà thằng Thà rồi. [88: 20] 30. Trên bàn thờ Hường từ đó có thêm cái đũa đôi chén. [88: 23] 31. Khúc sông này là nơi ba người đã sống những ngày thơ trẻ bên nhau. [88: 24] 32. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. [74: 24] 33. Hai dãy phố bên, úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn lửa. [74: 24] 34. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết. [74: 24] 35. Trên chòi canh tùng tùng ba tiếng trống báo. [84: 132] 36. Trong phủ, tiếng trống thong thả điểm luôn ba hồi. [84: 126] 37. Sau bức chấn song của cửa sổ trại lệ, chị Dậu thình lình nhòm ra. [84: 127] 38. Nào ở bên chiếc độc bình men đỏ, cái điếu ống vắt vểu vươn cành xe trúc dài thườn thượt như cái cần câu. [84: 34] 39. Rồi ở trong cái tủ chè chạm dây nho, một rổ trứng gà đầy lùm, ngất nghểu chồng trên bộ khay chè trắng bong. [84: 35] 40. Rồi ở trước cái sập gụ lên nước, bốn chiếc ghế gụ mặt đá cùng chầu vào chiếc bàn mây sơn xanh. [84: 35] 41. Và ở đầu cái giường tây sơn quang dầu, quần lĩnh xanh và khăn quàng nhiễu xanh cùng vắt một chỗ. [84: 35] 42. Trên chiếc tủ đứng, ngọn đèn măng xông im lặng tỏa ra ánh sáng xanh lè. [84: 137] 43. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. [74: 25] 44. Tràng đứng tây ngây ra giữa nhà một lúc, chợt hắn thấy sờ sợ. [74: 25] 45. Ngoài đầu ngõ có tiếng người húng hắng ho, một bà lão từ ngoài rặng tre lọng khọng đi vào. [74: 25] 46. Nó bây giờ là dâu con trong nhà rồi. [74: 29] 47. Làng ở trong tầm đại bác của giặc. [74: 38] 48. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra tràn trề thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện lại thành từng cục máu lớn. [74: 638] 49. Nơi góc chiếc án thư cũ đã nhợt màu son, một cây đèn đế leo lét rọi vào khuôn mặt nghĩ ngợi. [75: 109] 50. Bên ngoài, mấy ông Lý dịch vẫn uỗng rượu, vẫn hút thuốc, vẫn quạt phành phạch, vẫn giở lý luật cãi nhau lộn bậy. [84: 49] 51. Trong khung cửa sổ có nhiều con song kẻ những nét đen thẳng lên nền trời lốm đốm tinh tú, một ngôi sao hôm nhấp nháy như muốn trụt xuống phía chân trời không định. [75: 109] 52. Trước cửa, treo một bức mành mành, như kiểu những nhà để ở, không buôn bán. [61: 164] 53. Bên này suối Đất- hoa là làng Kông-hoa của Núp, bên kia suối Đất- hoa là làng Ba-lang. [79: 20] 54. Cạnh chõng, nghi ngút một đám khói bay. [84: 61] 55. Hôm nay lũ người Ba-lang đi bắt cá ở suối Đất-hoa nhiều. [79: 20] 56. Lũ Còn một số người chưa chịu về, trốn ở hai bên bờ suối Đất-hoa, nghe máy bay kêu thì xuống nước trốn lửa. [79: 21] 57. Người còn lại rúc trong hốc đá không dám ra đi rẫy, ăn trái cây như con thú trong rừng. [79: 21] 58. Núp ngồi trong nhà rông chờ. [79: 29] 59. Lần đầu tiên Núp nằm bên một người Kinh. [79: 44] 60. Đồng bào núp hai bên bờ suối, sợ run cả người lên. [79: 56] 61. Năm năm nay, lần đầu tiên Núp thấy một người ở trong làng tập trung của Pháp. [79: 76] 62. Một lằn gân tím nổi lên gần bên thái dương. [79: 77] 63. Ông già ngồi trong góc nhà với ba đứa con. [79: 83] 64. Mọi người đã mang gùi đứng cả ở sân làng. [79: 84] 65. Đêm lũ thanh niên không họp ở nhà rông nữa. [79: 92] 66. Núp đi gặp người kinh ở Ba lang đã về. [79: 95] 67. Bok Hồ đứng trên hòn núi đó, chỉ huy cả nước mình đánh giặc. [81: 96] 68. Gió thổi phần phật trên mặt mọi người. [79: 96] 69. Đánh Pháp ở rẫy trước, đánh Pháp trong làng sau. [79: 131] 70. Núp Nằm nghĩ tới anh Thế bây giờ ở ngoài rừng. [79: 97] 71. Chung quanh làng cắm chông như dao mọc, đi một ngày đường cũng chưa hết chông. [79: 98] 72. Dưới suối cũng có chông, trên cây cũng có chông. [79: 98] 73. Xá lớn lên ở Ba-lang. [79: 99] 74. Thằng bé Ngứt ngồi trên ngưỡng của nhà sàn, nắng rọi vào trong mắt nó. [79: 106] 75. Con nít, đứa ngồi trong lòng anh, đứa bám trên lưng anh, đứa trèo trên vai anh. [79: 108] 76. Núp chỉ huy bảy du kích đánh ở suối Thi om. [79: 134] 77. Bây giờ năm mươi người đã tập họp trước nhà rông. [79: 83] 78. Bộ đội đến đóng ở Kông-hoa, Ba- lang, Ta- lung, đầy núi, đầy rừng. [79: 156] 79. Liêu coi việc làm rẫy ở nhà. [79: 156] 80. Hai dòng nước mắt chảy quanh trên má. [79: 158] 81. Con chim trong rừng nó không nghe tiếng Liêu hát nữa. [79: 158] 82. Nó đến nằm rấp ở một xó bụi ô rô mà rên hừ hừ. [69: 70] 83. Cái xó vườn cỏ dại đằng sau nhà không còn oanh yến dập dìu như xưa nữa. [69: 70] 84. Hôm qua tôi đi mua ở trên chợ Bưởi về một con chó, lông vàng sẫm như lông bò. [69: 75] 85. Hai người ngồi ở vệ ruộng tay tẩn mẩn bứt cỏ mà nói bâng quơ. [69: 308] 86. Tiếng eo óc dậy lên ở khắp xung quanh. [69: 324] 87. Có nhiều thứ máy móc ở trên xe được thay cẩn thận. [69: 309] 88. Hồi bấy giờ, xe đạp còn hiếm lắm, ở vùng này. [69: 309] 89. Ông Nhiêu đánh đụng được một đôi thịt chó bên hàng xóm. [69: 303] 90. Lúc ấy Nhiêu cũng ngồi quay tơ gần đó. [69: 304] 91. Bà Vạng đã nghĩ đến chồng người con gái xấu số của bà ở bên kia sông. [69: 308] 92. Xưa kia, ở các khu tập thể, cấp úy và các ông tá nhỏ được phân nhà sát vòng tường bao ngoài vì là dãy nhà làm thêm. [72: 293] 93. Là một con thuyền ẩn dưới một vòm hang có nhũ đá lấp lánh. [72: 270] 94. Hắn hẹn sẽ đón tôi tại tạp chí Văn nghệ quân đội là nơi tôi đang ở nhờ. [72: 293] 95. Ông Nhiêu đang ngồi quay cửi thừa ở trước cổng tán. [69: 295] 96. Hôm nay tôi gặp chị Ngây ngoài cổng xóm. [69: 297] 97. Nó lấy chồng làm thư ký ở một làng bên tỉnh Bắc. [69: 299] 98. Ở hai bên con ngươi, nổi lên một cái màng trắng. [69: 299] 99. Cái tin Nghiên chết đắm đò ở bến Hối đưa về đến Hạ Nha thì bà Vạng khóc ngất đi. [69: 299] 100. Tháng tháng, cứ sáng ngày mồng một, ông lại gọi thằng bé con bên nhà hàng xóm sang “xông” nhà. [69: 300] 101. Bỗng có tiếng gọi nheo nhéo ngoài cổng. [69: 261] 102. Trăng hăm bốn đã lên, nhợt nhạt trên ngọn tre. [69: 324] 103. Vậy mà trong xóm Duối, ở một nếp nhà ba gian, hai chái giữa một khoảng vườn nhỏ, vẫn còn thấp thoáng ánh đèn và có tiếng dệt cửi, quay tơ. [69: 325] 104. Giọng ấy là giọng thợ cấy mà những người làm ruộng thường hát ở ngoài đồng. [69: 325] 105. Chuyến đò ngang ấy chở tham khách quá, đắm lỉm ngay ở giữa sông. [69: 299] 106. Hai mắt lờ đờ, ướt át trên một sống mũi dọc dừa. [70: 176] 107. Trên cao, những đám mây trắng xốp vừa tản ra, nắng lại bừng lên tưới xuống ào ào. [70: 248] 108. Ở gian giữa bàn thờ bỗng sáng lên. [70: 248] 109. Trên bục rạp hát, trẻ con cứ sấn sổ cướp lấy cái dùi. [70: 242] 110. Chợt xế rạp hát, trước một sòng tổ tôm điếm, nổi ran một tràng pháo. [70: 242] 111. Trong nhà chùa chỉ lát nữa đèn nến sẽ sáng choang, nhang trầm nghi ngút, người lễ bái không còn chỗ nào đặt chân. [70: 243] 112. Trên nhà, Mão Chột đương lục sục trở dậy. [70: 250] 113. Bên chùa, tiếng kêu hét, hò reo và đập phá rầm rầm. [70: 251] 114. Trưa mụ Mão gặp cái tý ngoài chợ, mua vàng hương và hơn chục bạc thịt với tiền của một người bạn Ký Phát giúp cho. [70: 251] 115. Gần cái lỗ hổng cửa sổ chui lọt đầu người nọ, kê cái giường tây mà hai vợ chồng đương ngồi và chốc nữa sẽ ngủ. 116. Sát cái giường là cái bàn, hai cái ghế đẩu và một cái hòm. [70: 259] 117. Vợ Lưu đi nép dưới hàng hiên, bước rất nhanh chẳng cần biết rõ làm gì. [70: 261] 118. Trên kia, giăng nhởn nhơ như một cô gái non vừa có nhân tình. [61: 263] 119. Ở ngoài ngõ, mẹ con chị Chuột vừa kêu khóc vừa van lạy. [61: 86] 120. Tôi trọ học ở tỉnh lỵ cách làng chừng mười lăm cây số. [61: 408] 121. Nó đã gặp gỡ cái gì ở trên đường làm nó lãng quên anh. [61: 197] 122. Tôi trọ tại một nhà bà dì. [61: 106] 123. Ngoài rừng vọng tiếng suối chảy tràn trên đá và tiếng đôi chim rụt rè ở hai góc rừng. [63: 30] 124. Xe tôi chạy trên lớp sương bồng bềnh. [63: 38] 125. Lán đội nữ công nhân giữa khu rừng săng lẻ, rất đẹp. [63: 45] 126. Ngoài rừng sâu, đôi chim gọi nhau đã im tiếng, có lẽ chúng đã tìm thấy nhau. [63: 48] 127. Ác thay cái bãi đá tai mèo nằm giữa khúc suối dưới chân núi. [63: 52] 128. Hai bố con ở với nhau trong một cái lều ở bờ sông. [61: 233] 129. Trên chiếc ghế thứ tư, con chó nhảy tót lên, ngồi chồm chỗm, thè lười ngồi nhìn hết người nọ đến người kia. [67: 18] 130. Cái ấm ngay bàn bên cạnh giường nằm. [67: 67] 131. Tóm lại, một cái dấu hỏi đỏ còn lửng lơ ở cổng tòa án dư luận, như ở bìa cuốn truyện trinh thám vậy. [67: 75] 132. Nỗi mừng nở thành nụ cười trên miệng ông chủ bút. [67: 76] 133. Nguyên bán lẻ ở Hà Nội cũng đã ngót một vạn tờ mà còn thiếu. [67: 78] 134. Con gái gửi nhà trẻ rồi gửi mẫu giáo. [72: 26] 135. Buổi sáng thằng Bi phải phụ giúp cô ấy bán phở ở cổng trường thương nghiệp cùng với một chị bạn. [72: 36] 136. Con gái lấy chồng ở Hải Phòng, mỗi năm ông chỉ ra thăm con được một lần, ở lại mươi ngày rồi về.[72: 36] 137. Con trai ngày trước ở bộ đội, sau ngày xuất ngũ theo bạn bè đi buôn hàng ở biên giới. [72: 36] 138. Con dâu cũng có cửa hàng bán đồ nhựa ở vườn hoa hàng Đậu, sáng đèo con đi, tối đèo con về, cả nhà chỉ cùng ăn một bữa tối do ông già đi chợ và thổi nấu. [72: 36] 139. Sáu bảy cây vàng thì chỉ mua được cái lều ở trên phố. [72: 42] 140. Năm còn chiến tranh phá hoại, bà Tý ở với con gái và rể ở trên Vĩnh Phú bị kiết lỵ nặng. [72: 51] 141. Ông nội xin bố một tấm ảnh cho phóng to đặt trên tủ buýt phê giữa nhà. [72: 52] 142. Đúng dịp ấy bà nội bị cảm nặng, nằm trên giường cả tuần. [72: 53] 143. Bác có hai con trai, một con hy sinh cũng ở chiến trường miền Nam, sau cái chết của ông chú ruột chừng một năm. [72: 55] 144. Mồ hôi chảy ra trên đầu, trên mặt, những giọt to như giọt nước. [75: 151] 145. Cái hầm thứ hai của anh ở dưới một nấm mả giả nằm giữa một đám mả thật. [64: 13] 146. Nằm trong hầm tối, anh cứ nghĩ sao mẹ không tính đến việc anh có thể hi sinh nay mai? [64: 14] 147. Không, ở đó không có con ma nào cả. [64: 14] 148. Nhưng chỗ này bọn chúng lại không ngờ tới. [64: 14] 149. Ngạn yên ổn sống ở dưới đó ngót hai tháng rồi mới chuyển vào cư trú.[64- 15] 150. Ngay chiều hôm đó, căn cứ trong rừng bị địch bao vây. [64: 15] 151. Anh em bắt vọp gần đấy nghe bọn biệt kích láo nháo. [64: 15] 152. Cô cảm tưởng như bị một cây gậy của ai bất thình lình phang trúng ngang lưng. [64: 16] 153. Chúng nói một buổi chiều chúng thấy ở giữa rừng có khói bay lên. [64: 18] 154. Cô lần đi trong bóng tối. [64: 19] 155. Dưới hầm, Ngạn mệt quá ngủ thiếp đi. [64: 20] 156. Những ngôi nhà trong xóm, mái lá và ngói đỏ chen nhau coi đông đúc như một thị trấn. [64: 22] 157. Sau rặng tre ấy, biển cả còn lâu đời hơn, vẫn đang giỡn song, mang mang một màu xanh lục. [64: 22] 158. Đứng ở đây, khi sóng sủi bọt âu yếm vỗ bờ, Ngạn thấy dưới chân bãi tre như có một đường viền bằng ren, thỉnh thoảng lại dợn lên. [64: 22] 159. Xóm Hòn đất ở liền ngay chân Hòn. [64: 25] 160. Sau lưng xóm, còn một quãng vườn cây sum suê rồi tới sông Vàm Răng. [64: 25] 161. Ở đây có nhà cất trệt, nhưng cũng có nhà sàn phải đi lên bậc thang. [64: 25] 162. Những nhà lớn lợp ngói thường có bậc thang ở hai bên, lên xuống bên nào cũng tiện. [64: 25] 163. Tại cái gốc me cổ thụ, cách đây không lâu, bọn đồn Hòn Đất đã trói quặt tay một chị cán bộ vào thân cây rồi dùng đinh đóng suốt qua hai bàn tay chị. [64: 28] 164. Quyên với chiếc gáo có cán đặt trên miệng khạp múc nước đổ vào cái vịm sành da lươn cạnh đấy, rồi nhấc con cá thả vô. [64: 31] 165. Ông bị đem về xử bắn tại Hòn Đất cùng năm người khác. [64: 39] 166. Nhưng nụ cười ấy tắt ngay trên môi anh. [64: 41] 167. Ngạn uống nước trà trên ván với anh Tám chợt nghe ngoài đường có ai đó nói chuyện giống như tiếng anh Hai Thép. [64: 42] 168. Cũng trên bộ ván đó, bây giờ mọi người ngồi quây lại. [64: 46] 169. Tôi sẽ ở lại ngoài xóm giúp chỉ đạo bà con đấu tranh chánh trị. [64: 47] 170. Anh Tám cứ ở tại nhà tôi. [64: 47] 171. Bụi bốc mù mịt trên con đường phố nhỏ độc nhất của quận lị. [64: 50] 172. Trên khoảnh đất trống bị dọn sạch quanh chi khu, bọn lính chạy tới chạy lui. [64: 52] 173. Nơi đùi thằng Xăm đeo sề sệ khẩu súng ngắn côn 12, bao da súng màu hung hung gần giống như màu da mặt của hắn. [64: 50] 174. Bọn còn lại là bọn bảo an và biệt kích thì được lện đóng ở ngoài, trên những khoảnh ruộng đất trống. [64: 51] 175. Và trên bộ ngực nở nang của hắn lủng lẳng một sợi dây chuyền buộc cái mặt chằn bằng ngà có nanh vàng chìa ra coi rất dễ sợ. [64: 52] 176. Điếu thuốc trên môi hắn đã cháy muốn hết mà chừng như hắn không hay. [64: 52] 177. Trên tấm vải bạt có trải giấy báo, đặt nửa con gà quay, hai ổ bánh mì lớn và một hộp cá mòi đã mở nắp. [64: 53] 178. Những chiếc răng vàng trong mồm hắn lóa sáng, nhồm nhoàm. [64: 53] 179. Hắn đưa tay quệt mỡ gà dính ở hai bên mép. [64: 53] 180. Nhưng mặt trời thì vẫn còn đỏ sẫm dưới ven đồng xa. [64: 53] 181. Đằng trước là một sanh vừa gan, vừa phổi vừa tiết để trên rổ lòng. [84: 13] 182. Nơi này một đống, nơi kia một đống. [64: 54] 183. Nó chịu cực khổ ngoài biển đã quen rồi. [64: 54] 184. Ngoài đình, mõ đập chan chát, trống cái đánh thùng thùng, tù và thổi như ếch kêu. [84: 22] 185. Ngọn nến trắng cặm trên phiến đá đang cháy lẹm, run rẩy. [64: 154] 186. Có lẽ bên ngoài đã tang tảng, thế nhưng trong hang bóng tối vẫn còn tràn ngập. [64: 154] 187. Tuy vậy tôi đã có thể ngồi lái một cách khá vững vàng trên những chặng đường địch đánh phá. [63: 135] 188. Có cô suốt đời sống giữa rừng bom đạn, chỉ diện quần áo trắng. [63: 135] 189. Chị Sứ chợt tỉnh dậy trên phiến đá nghe chân mình lành lạnh.[64: 155] 190. Bảy tám năm nay tình yêu của Sứ là ở đấy, ở nơi đứa con gái bé bỏng, ngoan xinh, nửa của chị, nửa của chồng chị hiện còn ngoài Bắc. [64: 155] 191. Ngoài đường có tiếng chó sủa xô xát. [84: 25] 192. Cạnh cô đặt một cây đèn dầu có chân, chảy tỏa ra ánh sáng vàng vọt. [64: 61] 193. Rồi ngồi đó, bà ngó bóng mình in trên vách. [64: 62] 194. Lần ấy, bà Cà Xợi thét lên một tiếng rồi cũng ngã lăn bất tỉnh ở giữa đường.[64: 65] 195. Ngoài đường bấy giờ chợt có tiếng chó sủa gâu gâu.[64: 68] 196. Bên trong có tiếng nói chuyện rầm rì. [64: 71] 197. Tiếng nói chuyện bên trong im bặt.[64: 71] 198. Bên trong là gian buồng rộng, có kê một bộ ván ngựa. [64: 72] 199. Trên khay có bộ ấm chén sứ vẽ hình con rồng mày đỏ và một gói thuốc thơm hiệu rubi. [64: 73] 200. Bọn vịt càng kêu và chạy tán loạn dưới sàn. [64: 74] 201. Tôi tính một người mình ngồi tại miệng hang thủ một cây búa, tụi nó cũng khó vô.[64: 81] 202. Ngạn ngắm kỹ một tên to cao nhất ở giữa đám giặc, bóp cò ngay. [64: 87] 203. Bấy giờ trên ruộng, bọn giặc tiến vào dễ dàng hơn, vì chỗ nào không có chông đều lộ ra cả. [64: 90] 204. Lát sau, đằng cụm vườn có bóng người liên tiếp chạy vọt ra. [64: 92] 205. Ống tay áo bên trái của thằng bé lòng thong, rách bươm. [64: 92] 206. Tại đây có ba ngách tối om, chạy sâu hút vào trong. [64: 96] 207. Nó vui vẻ, lăng xăng trong vòng tay Ngạn. [64: 99] 208. Hình như được ở trong hang nó thấy thú vị lắm. [64: 98] 209. Còn vết thương nơi bắp chân Thẩm coi vậy chớ không sao….[64: 99] 210. Một tổ ở ngoài miệng hang, hai tổ thủ ở trong. [64: 103] 211. Trong hang có rất ít nước. [64: 99] 212. Anh đếm được sáu thằng giặc nằm sải dọc ngoài cửa hang. [64: 112] 213. Màu tím nhạt trên bầu trời đã chuyển sang màu hồng sen, phơn phớt. [64: 197] 214. Trên bờ suối, bây giờ chỉ còn lại năm bảy tên lính vừa nấu cơm vừa coi chừng chị. [64: 197] 215. Chính tại rẻo đất này, mẹ chị đã hát ru chị ngủ, và đến lúc làm mẹ, chị lại hát ru con những câu hát ngày xưa. [64: 197] 216. Bên kia suối, tên Mỹ to lớn đang giãy giụa. [64: 200] 217. Nụ cười gian giảo vụt tắt trên khuôn mặt thằng thiếu tá. [64: 205] 218. Trong hang, anh em vẫn ghìm súng đứng đợi. [64: 207] 219. Đằng sau mẹ có tiếng ồn ào của đông đảo bà con và tên lính cứ đi day lui, tay ghìm khẩu cạc bin. [64: 218] 220. Trong hang, Quyên đã khóc. [64: 224] 221. Bên ngoài chợt có tiếng gì lanh lảnh, ồm ồm. [64: 225] 222. Toán lính tuần đêm đầu tiên bắt gặp đám người đó giữa một khu vườn vú sữa. [64: 253] 223. Tại đây, chị đã khóc, đã cười, đã chơi đánh búng và chuyền đũa. [64: 253] 224. Ở hai bên mép miệng hang, xi măng để đùn đống, vương vãi. [64: 387] 225. Người bên ngoài hỏi dồn người trong hang. [64: 261] 226. Trên mấy cây bàng, một đàn chim sâu, con ngửa cổ uống nước, con đập cánh rũ lông, kêu hót vang tai. [81: 183] 227. Dưới sân, đám công chúng Pháp Nam ngây thơ, vô lo vô lự vẫn vỗ tay rầm rộ để ủng hộ Xuân. [81: 168] 228. Trong rừng, anh Quyết dạy Tnú và Mai học chữ. [74: 43] 229. Ngoài phố, đèn đã sáng. [81: 188] 230. Mảnh trăng đã khuất hẳn xuống khu rừng ở sau lưng. [78: 240] 231. Anh nấp ở gốc cây cạnh máng nước đầu làng. [74: 45] 232. Ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn. [74: 45] 233. Lửa đã tắt trên mười đầu ngón tay Tnú. [74: 48] 234. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. [74: 48] 235. Những sợi khói nhạt phơ phất bay ra ở miệng lò. [71: 184] 236. Trường tiếp Tiến trên bộ ghế cạnh bàn ngoài. [76: 279] 237. Đèn điện trong thành phố đã bật. [76: 275] 238. Trường thấy trong đôi mắt mở to có một ý oán trách. [76: 275] 239. Tiếng mai bỗng ú ớ trong màn. [76: 341] 240. Anh hình như đã đi bộ nhiều ở ngoài đường, nên quần áo và giầy đầy những bụi. [76: 72] 241. Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời sáng trưng như mảnh bạc. [78: 239] 242. Trong gói giấy, đồ ăn đã hết, chỉ còn những cái vụn nhỏ dính trên mặt giấy bóng mỡ. [76: 115] 243. Tâm đặt gánh ở trên thềm. [77: 87] 244. Phía sau, có một người ngồi nhờ lên cầu đá xanh đấy. [78: 232] 245. Cây đa cỗi và cái quán gạch vẫn đứng đợi nàng ở đầu làng. [77: 95] 246. Trong làng chẳng có gì thay đổi. [77: 95] 247. Dưới mớ tóc tả tơi, mắt Bính sưng vù, nổ đom đóm, giàn dụa nước mắt. [70: 38] 248. Bính co ro ngồi ở góc tường chờ viên cẩm đòi hỏi. [70: 38] 249. Hắn thức dậy trên cái giường nhà hắn. [61: 338] 250. Cô gái cố ý ngồi sát mé cửa, chiếc làn cói ôm gọn trong lòng, giữa hai chúng tôi để một quãng cách rộng. [63: 35] 251. Quá nửa đêm, chúng tôi đến gần cầu đá xanh thì trăng lặn. [63: 39] 252. Ngoài vườn, những cành lá hoàng lan , khế, sấu, bưởi, me, reo như nổi sóng. [78: 192] 253. Khung cửa xe phía cô gái ngồi lồng đầy bóng trăng. [78: 239] 254. Mảnh trăng đã khuất hẳn xuống khu rừng ở sau lưng. [78: 240] 255. Ngoài vách kia, tiếng nhạc sinh tiền cúng ma đương rập rờn nhảy múa. [74: 90] 256. Mỗi ngày Mị càng không nói lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. [74: 91] 257. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! [75: 149] 258. Dưới chân cầu là bến nước, nơi lớn lên một chút chiều chiều Hường thường ra đó giặt đồ. [88: 24] 259. Còn ở chỗ cây cầu bê tông bắc qua con rạch kia ngày xưa là cây cầu khỉ có cái tay gượng bằng cây tầm vông. [88: 24] 260. Bên kia sông chỗ có cây gừa nằm ngã gọn de ra mặt nước là nơi Thà đã neo xuồng một mình uống “quắc cần câu” bữa đám cưới của Phúc với Hường. [88: 24] PHỤ LỤC 5: VAI NGHĨA NGUỒN 1. Ngoài đầu ngõ có tiếng người húng hắng ho, một bà lão từ ngoài rặng tre lọng khọng đi vào. [74: 27] 2. Còn Huyến, nghe hai chữ “trí thức” ở miệng nhà sư nữ cụt tay thốt ra, anh chạnh lòng. [70: 179] 3. Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt. [74: 25] 4. Cháu vẫn mượn sách của các bạn tự học tiếp chương trình cấp 3. [72: 36] 5. Cả bọn lật đật tiến từ xóm giữa vào đình. [84: 11] 6. Tôi mải nói chuyện với chú cháu từ thành phố sang chơi nên chả nghe thấy gì. [72: 34] 7. Tiền mua rượu là tiền của con cái chứ ông làm gì còn tiền. [72: 34] 8. Lững thững ở ngoài tiến vào, nó đặt quang gánh xuống sân đình, và mời ông Lý ra xem. [84: 13] 9. Nghĩa cho tôi mượn xe hơi của công ty hai buổi tối để đi xem đèn của Hà Nội. [72: 294] 10. Cái nhà này là của quân đội cấp cho vợ chồng ông, đứng tên ông, ông không được quyền bán nhưng ông và con cháu có quyền ở lại đây mãi mãi. [72: 41] 11. Chuyến tàu điện vét rời khỏi thành phố, tiếng chuông kêu leng keng. [87: 247] 12. Quyên lôi từ trong hốc vách đá ra một cái ba lô nhỏ như cái túi dết may bằng tơ càng nhuộm màu già. [64 : 358] 13. Nóc bếp láng giềng, ngọn khói bốc lên nghi ngút. [84: 19] 14. Mỗi tiếng “này thách” từ miệng ông cai đã đưa ra, chị Dậu lại được hai ba quả thụi vào ngực. [84: 28] 15. Có một giám đốc xí nghiệp nhà nước từ Hà Nội vào Sài Gòn công tác nghe nói ông Thái là người sành điệu về lan liền lại chơi nhờ ông kiếm giùm vài giò lan Dã Hạc của Hawaii. [72: 62] 16. Ở ngoài thành mới vô thì đứa nào cũng vậy. [64: 26] 17. Hai người mới bước vào thì một con chó phèn to từ trong chạy xổ ra kêu ử ử, cúi liếm chân hai người và vẫy đuôi rối rít. [64: 27] 18. Hơi nước dưới đồng bốc lên nóng như bơi trong chõ xôi. [84: 31] 19. Trâu bò lũ lượt lôi thợ cày từ ngoài đồng về. [84: 32] 20. Thập thò ngoài cổng, chị nâng vạt áo nâu mốc lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên những đôi lông mày và mở to đôi mắt quáng nắng nhòm vào trong cổng. [84: 19] 21. Bây giờ tôi hát tạm được như những giọng ca sản xuất từ đất Huế. [87: 323] 22. Từ đằng xa, dì Bình gánh chè thong thả đi tới phía nó. [87: 222] 23. Những phi công vội vã rời cửa hầm. [87: 258] 24. Từ trong nhà, ông quờ quạng chạy ra. [64: 29] 25. Em bé từ lưng trâu ngã lăn xuống. [64: 34] 26. Anh Tám và anh Hai Thép ngồi trong một nhà bên này sông theo dõi cuộc đấu tranh. [64: 34] 27. Đó là thím Cà Xợi, mẹ ruột của thằng Xăm. [64: 35] 28. Tấm hình của cô chụp gởi chú Ba mà cô vừa nói đó thiệt quý. [64: 41] 29. Những câu nói vừa buột ra khỏi miệng, tôi biết là đã rơi tuột đi ngay. [87: 249] 30. Con gà mái ấp cục tác từ trên cửa chuồng nhảy xuống, ưỡn đít bón một bãi phân cho chậu lan. [84: 32] 31. Năm bé Sương hai tuổi đột nhiên anh nhận được một bức thư từ nước ngoài gửi về. [60: 238] 32. Năm thứ hai đại học, chị rời khỏi trường. [85: 19] 33. Bọn lính từ trên xe nhảy xuống, lũ lượt kéo đi trong vầng bụi. [64: 50] 34. Một mụ thợ cấy ở dưới nhà bếp lật đật vác gậy chạy lên. [84: 33] 35. Ông giáo kéo đôi giày vá từ đầu nhà thờ đi sang. [81: 19] 36. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. [74: 25] 37. Một hồi hiệu ốc rúc từ ngoài đình rúc vào. [84: 106] 38. Rồi chiếc ô tô thong thả từ trước công đường chạy ra sau mấy tiếng còi rất lễ phép. [84: 128] 39. Bọn chủ lực từ Sài Gòn xuống còn đưa mắt nhìn xem hai bên phố, chớ bọn biệt kích thì mặt gầm gầm, lạnh lùng, súng tôm xông và cạc bin của chúng mang đều chúi mũi xuống đất. [64: 50] 40. Từ đám lính ấy toát ra mùi chua loét của mồ hôi, mùi thuốc lá Bát Tô xanh, mùi rượu trắng và cả mùi sáp bôi tóc loại rẻ tiền. [64: 52] 41. Trung đội trưởng Hải cũng nhận được một bức thư từ nước ngoài gửi về. [60: 65] 42. Hai cô rời hốc đá đi đến bên xác Đạt. [64: 359] 43. Ra khỏi Hà Nội thì trời mưa tầm tã. [60: 95] 44. Quyên lôi từ trong hốc vách đá ra một cái ba lô nhỏ như cái túi dết may bằng tơ càng nhuộm màu già. [64: 358] 45. Lệnh cấm là lệnh của Bộ chỉ huy hành quân, nhưng các tên chỉ huy đơn vị không cấm lính của chúng. [64: 54] 46. Buổi sáng Thư mượn chiếc xe đạp của thím Trực chạy xuống các thôn bên cạnh lấy tin tức. [87: 551] 47. Máu từ các vết thương của chúng nhểu giọt xuống suối đỏ loang. [64: 201] 48. Gió từ mặt sông thổi lên liu riu lạnh thon thót. [84: 62] 49. Từ bến xe, anh còn phải cuốc bộ gần 5 cây số nữa mới tới nhà. [60: 140] 50. Ông cũng chui ra khỏi xe cho đỡ nóng. [60: 122] 51. Câu chuyện ở bến xe lúc nãy chắc làm cho Hùng phải suy nghĩ nhiều. [60: 122] 52. Bọn biệt kích của thằng Xăm thằng nào cũng chạy giỏi như ngựa. [64: 58] 53. Một toán vác xoong chảo vừa lấy của đồng bào kéo đi lểnh nghểnh. [64: 94] 54. Liên rất thích hai cuốn sách của tôi tặng. [60: 66] 55. Em có đem về cho mấy anh năm xâu tôm lụi của ngoại em gửi. [64: 105] 56. Con bé từ chỗ anh Thẩm mon men đi ra. [64: 110] 57. Căn bệnh này anh mang từ chiến trường Campuchia về và nó đã tái phát cướp đi cuộc sống của anh. [60: 246] 58. Bọn lính từ trong các lều vải kéo ra, đứng đầy bên bờ suối. [64: 112] 59. Chính tại rẻo đất này, mẹ chị đã hát ru chị ngủ, và đến lúc làm mẹ, chị lại hát ru con những câu hát ngày xưa. [64: 197] 60. Giữa lúc chị còn mải mê âu yếm với đứa con trong trí tưởng tượng thì mấy tên lính chạy từ trong hang Hòn về đến suối, lội gấp qua, chạy thẳng đến trước chị. [64: 196] 61. Từ bãi ấy, xông lên một mùi nồng nồng rất khó chịu. [64: 207] 62. Từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. [74: 24] 63. Núp ở nhà rông vừa về, tay cầm cái ná, lưng đeo bó tên. [79: 28] 64. Ở tòa báo ra, Hộ đi thẳng tới một hiệu thịt quay. [61: 335] 65. Điền nhớ đến câu thơ của một thi sĩ Tây phương ví khoảng trời sao như một cánh đồng. [61: 261] 66. Mấy hôm sau, cụ Lý bảo Lý Cường cho hắn năm sào vườn ở bãi sông cắm thuế của một người làng hôm nọ. [61: 48] 67. Thú thật lần này cầm lá thư của chị Tính, tôi rất sung sướng và cảm động. [63: 33] 68. Từ tấm áo, Quyên nghe rõ mùi mồ hôi âm ấm. [64: 224] 69. Người vú già nghe tiếng động từ ngoài sân gác đi vào. [76: 295] 70. Liên đưa ra một đôi khuyên vàng cô mới gửi đánh ở trên tỉnh. [77: 94] 71. Một đứa bé quần áo cũng chải chuốt ở trong nhà chạy ra. [77: 35] 72. Bọn Pháp trong nhà chạy ra đếm không hết. [79: 30] 73. Tin ở phía bắc Tây Nguyên bộ đội Bok Hồ đánh được đồn Koom-pơ-lông rồi, bắt Pháp rất nhiều, lấy nhiều súng lớn súng nhỏ. [79: 96] 74. Tin ở dưới Kinh có bốn tỉnh Pháp không chiếm được, người Kinh dưới đó làm rìu rựa, muối lúa nhiều gởi đi tất cả các nơi cho bộ đội đánh Pháp. [79: 96] 75. Người phụ nữ đứng trong nhà nói với ra. [61: 426] 76. Nó đã lấy tiền của người ta. [61: 8] 77. Những kẻ đã vác cái đòn càn đi ăn cơm của người tứ xứ giở mặt nào cũng được, không chịu kém cạnh ai nước gì. [61: 417] 78. Đôi mắt soi mói của hắn không thèm soi mói đến cái mũi, cái mồm hay cái áo the có mùi chua của các ông. [61: 235] 79. Vết những mảnh chai của những của bao nhiêu lần ăn vạ kêu làng, bao nhiêu lần hắn nhớ làm sao nổi? [61: 49] 80. Và ngửi mồ hôi với mùi phân lợn của những toa tầu hạng tư….[61: 257] 81. Những tiếng khóc của những đứa lóc nhóc theo đứa lớn đi chơi ran lên như ri. [70: 242] 82. Cái roi mây của tên phu điếm lại quất tới tấp lên đám trẻ con. [70: 242] 83. Hột muối của Bok Hồ gửi cho những con người Kông-hoa đánh giặc giỏi ở núi rừng Tây nguyên, thấm vào bụng, vào lòng, chạy vào trong máu, trong thịt. [79: 139-140] 84. Đồ của các chị ấy mừng đấy. [69: 323] 85. Ấy là người đưa thư của hàng tổng. [69: 308] 86. Ngay đó tiếng rền rĩ của mẹ Kỳ Phát lại vẳng đến. [69: 252] 87. Cái roi mây của tên phu điếm lại quất tới tấp lên đám trẻ con. [70: 242] 88. Ấy là những đoạn tình của bác phu trạm làng Nha. [69: 310] 89. Mảnh tình nhỏ bé của anh Thìn bay nhẹ lên bầu trời. [69: 308] 90. Nỗi căm uất, sự hả dạ và niềm vui sướng của ông Tư mù cho đến bây giờ cũng vẫn không thay đổi. [64: 30] 91. Sự thật là dân ta đã lấy lại Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. [78: 59] 92. Anh ấy cười, mắng tôi là đồ trẻ con rồi đuổi tôi đi, bắt buộc tôi phải rời ngay khỏi trung đoàn ấy. [63: 95] 93. Từ sau rặng núi đá dựng đứng bên trái, bọn chúng ập đến như tiếng sét. [63: 42] 94. Từ dưới đường phố nhìn lên cao, bầu trời Hà Nội cũng chia thành từng đường phố, từng cửa ô và lấp lánh như lồng kính. [63: 23] 95. Tôi ngồi đợi chị Quỳ từ trên gác xuống. [63: 92] 96. Trông thấy thằng Dũng rời tàu bước lên xe, thế là lão Khúng cứ quýnh cả lên. [63: 188] 97. Tuy vậy, từ trong sâu thẳm của nỗi niềm tâm sự về đường con cái, lão Khúng vẫn có nỗi dằn vặt. [63: 186] ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA5109.pdf
Tài liệu liên quan