Luận án Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh

LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các tài liệu được sử dụng ở luận án là trung thực, có xuất xứ rõ ràng. Số liệu và kết quả nghiên cứu không trùng lặp với các công trình đã được công bố. Tác giả luận án Phạm Văn Duy MỤC L ỤC Trang TRANG PHỤ BÌA LỜI CAM ĐOAN MỤC LỤC MỞ ĐẦU 7 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 15 1.1 Những kết quả nghiên cứu có liên quan đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh

doc255 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 17/01/2022 | Lượt xem: 234 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Luận án Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
chủng Công binh 15 1.2. Khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công bố và những vấn đề luận án cần tập trung giải quyết 31 Chương 2 LÍ LUẬN CƠ BẢN VỀ NĂNG LỰC CHỈ HUY CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI Ở BINH CHỦNG CÔNG BINH 35 2.1. Năng lực chỉ huy 35 2.2. Quan niệm về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 42 2.3. Biểu hiện năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 54 2.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 71 Chương 3 TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 81 3.1. Tổ chức nghiên cứu 81 3.2. Các phương pháp nghiên cứu 86 Chương 4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU NĂNG LỰC CHỈ HUY CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI Ở BINH CHỦNG CÔNG BINH 103 4.1. Thực trạng năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 103 4.2. Thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 130 4.3. Phân tích chân dung tâm lí điển hình 141 4.4. Biện pháp tâm lí - xã hội phát triển năng lực chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 149 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 162 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 165 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 166 PHỤ LỤC 175 DAH MỤC CÁC BẢNG STT TÊN BẢNG Trang 3.1 Đặc điểm của khách thể nghiên cứu 82 3.2 Độ tin cậy của các thang đo 93 3.3 Tóm tắt kết quả kiểm định phân bố chuẩn ở các thang đo 98 4.1 Thực trạng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ công binh 103 4.2 Thực trạng kiến thức trong quản lí, điều hành phân đội công binh 105 4.3 So sánh kết quả đánh giá giữa cán bộ cấp phân đội và chiến sĩ công binh về thực trạng kiến thức chỉ huy của cán bộ cấp phân đội 107 4.4 Kết quả đánh giá thực trạng thái độ quyết đoán trong chỉ huy phân đội công binh 108 4.5 Kết quả đánh giá thực trạng thái độ dân chủ trong chỉ huy phân đội công binh 109 4.6 Kết quả đánh giá thực trạng thái độ nhiệt tình trong chỉ huy phân đội công binh 110 4.7 Kết quả đánh giá thực trạng thái độ trung thực trong chỉ huy phân đội công binh 110 4.8 Kết quả đánh giá thực trạng thái độ kiên nhẫn trong chỉ huy phân đội công binh 111 4.9 So sánh kết quả đánh giá giữa cán bộ cấp phân đội và chiến sĩ công binh về thực trạng thái độ trong hoạt động chỉ huy 113 4.10 Kết quả đánh giá thực trạng kĩ năng xử lí thông tin 114 4.11 Kết quả đánh giá thực trạng kĩ năng ra quyết định 115 4.12 Kết quả đánh giá thực trạng kĩ năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ 116 4.13 Kết quả đánh giá thực trạng kĩ năng ử lí tình huống 117 4.14 Tóm tắt kết quả phân tích hồi quy tuyến tính 132 4.15 So sánh kết quả đánh giá thực trạng các yếu tố ảnh hưởng xét theo chức vụ đang đảm nhiệm của cán bộ cấp phân đội 133 4.16 Thực trạng yếu tố tố chất chỉ huy của cán bộ cấp phân đội 134 4.17 Thực trạng yếu tố xu hướng nghề nghiệp công binh của cán bộ cấp phân đội 135 4.18 Thực trạng yếu tố uy tín của cán bộ cấp phân đội 136 4.19 Thực trạng yếu tố trình độ nhận thức, kĩ năng thực hành của cấp dưới 137 4.20 Thực trạng yếu tố ý thức trách nhiệm của cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ 137 4.21 Thực trạng yếu tố trang bị, phương tiện, khí tài thực hiện nhiệm vụ 138 DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ STT TÊN BIỂU ĐỒ Trang 3.1 Biểu đồ phân tích cụm 96 4.1 Thực trạng kiến thức chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 106 4.2 Thực trạng thái độ trong hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 112 4.3 Thực trạng kĩ năng chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 118 4.4 Thực trạng kết quả hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 119 4.5 Thực trạng năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân độiở Binh chủng Công binh 120 4.6 Biểu đồ phân bố các nhóm phân biệt 122 4.7 Thực trạng năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội xét theo ngạch sĩ quan 125 4.8 Thực trạng năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội xét theo chức vụ đang đảm nhiệm 126 4.9 Thực trạng năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội xét theo số năm giữ chức vụ 128 4.10 Kết quả đánh giá thực trạng các yếu tố ảnh hưởng 132 MỞ ĐẦU Lí do lựa chọn đề tài luận án Năng lực luôn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động thực tiễn của con người, ở bất kì lĩnh vực nào muốn đạt hiệu quả cao đều cần có năng lực của chủ thể phù hợp với chuyên môn, ngành nghề cụ thể mà mình đảm nhiệm. Tuy vậy, để xác định một người có năng lực ở mức độ nào đó không hề đơn giản và làm thế nào để phát triển năng lực cá nhân là một vấn đề có tính cấp thiết, thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học ở các chuyên ngành khác nhau. Trong tâm lí học, các kết quả nghiên cứu đã cung cấp cơ sở khoa học nền tảng để xây dựng, thiết kế và tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực con người. Đồng thời, năng lực được coi là một trong những thành phần cơ bản tạo nên bộ mặt nhân cách. Việc đánh giá, định lượng năng lực nói chung, năng lực cần có ở các ngành nghề cụ thể vừa là yêu cầu khách quan về mặt học thuật, vừa là yêu cầu khách quan của thực tiễn. Hoạt động quân sự liên quan trực tiếp đến vấn đề bảo vệ Tổ quốc nên có tính đặc thù và mang ý nghĩa xã hội to lớn. Ở hoạt động này, người cán bộ là nhân tố quyết định đến sức mạnh của quân đội: “Lịch sử chiến tranh, chưa từng có một chiến công hiển hách nào của quân đội mà không gắn với người chỉ huy và bộ tham mưu tài năng của nó. Lịch sử cũng chưa từng thấy nguyên nhân của một thất bại nào mà lại do thiếu sót của người chiến binh” [67, tr. 409]. Trong hoạt động quân sự, chỉ huy bộ đội là hoạt động chủ đạo của người chỉ huy, để thực hiện tốt hoạt động này, cần có nhiều loại năng lực khác nhau, song năng lực chỉ huy được coi là một trong các năng lực quan trọng hàng đầu, giữ vị trí cốt lõi trong hệ thống các năng lực của người chỉ huy. Do vậy, nghiên cứu về năng lực chỉ huy của người cán bộ càng trở nên quan trọng và cấp thiết trong sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại ở nước ta hiện nay. Binh chủng Công binh là một binh chủng kĩ thuật trong quân đội, có chức năng, nhiệm vụ trung tâm bao gồm: huấn luyện; sẵn sàng chiến đấu; thực hành bảo đảm công binh; bảo đảm chiến đấu và chiến đấu bằng vũ khí công binh. Tuy nhiên, so với các quân chủng, binh chủng khác, thường tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở nhiều cấp độ khác nhau, thì với bộ đội công binh, quy mô tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm công binh cả trong thời bình và thời chiến chủ yếu là ở cấp phân đội. Vì thế, nghiên cứu về năng lực chỉ huy của cán bộ ở cấp phân đội là phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của bộ đội công binh hiện nay. Trong Tâm lí học, vấn đề năng lực đã được quan tâm nghiên cứu từ rất sớm, bao gồm tổng thể các nội dung về nguồn gốc, bản chất; biểu hiện, cấu trúc của năng lực; yếu tố ảnh hưởng và sự phát triển năng lực cá nhân; có cả về những nghiên cứu năng lực nói chung và năng lực chuyên biệt ở các ngành nghề cụ thể. Những nghiên cứu này có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của Tâm lí học và góp phần quan trọng để vận dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của con người. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu về năng lực chỉ huy hiện nay chưa nhiều và chưa mang tính hệ thống. Đặc biệt, nghiên cứu về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh đến nay vẫn là một khoảng trống cần được bổ sung và phát triển. Phân đội công binh là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công binh. Cán bộ cấp phân đội là người trực tiếp tổ chức, chỉ huy và chịu trách nhiệm về kết quả hoàn thành nhiệm vụ của phân đội với cấp ủy cấp mình và với chỉ huy cấp trên. Đồng thời, năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ của phân đội công binh, góp phần quan trọng vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ của Binh chủng Công binh. Nhận thức rõ những vấn đề trên, những năm qua, đội ngũ cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh đã nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu khẳng định năng lực chỉ huy trên các chức trách, nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tích quan trọng. Tuy nhiên, trước sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ tư, sự phát triển không ngừng của các hình thức chiến tranh công nghệ cao, cùng với sự phát triển của Binh chủng Công binh đã đặt ra yêu cầu khách quan, ngày càng cao đối với năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội. Đồng thời, những hạn chế trong công tác huấn luyện và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở phân đội công binh, cụ thể như: Một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ cấp trung đội còn thiếu kiến thức thực tế, ít kinh nghiệm, kĩ năng chỉ huy; Thái độ trong chỉ huy đơn vị có lúc chưa phù hợp, thiếu quyết đoán, ngại trách nhiệm; Xử lí tình huống chưa linh hoạt [6]. Hay ở Nghị quyết Đảng bộ Binh chủng Công binh nhiệm kì 2015 - 2020 cũng đã chỉ ra một số khuyết điểm như: Trình độ kiến thức của một số cán bộ chưa toàn diện và chuyên sâu, còn bộc lộ những hạn chế nhất định trong hoạt động thực tiễn; Việc quản lí bộ đội, tổ chức chỉ huy huấn luyện, duy trì sẵn sàng chiến đấu và xây dựng nề nếp chính quy và việc “điều chỉnh kế hoạch sẵn sàng chiến đấu một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, chất lượng luyện tập một số phương án sẵn sàng chiến đấu chưa cao” [28, tr. 10]. Những khuyết điểm này, có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những hạn chế về năng lực chỉ huy của người cán bộ cấp phân đội, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả tổ chức chỉ huy và kết quả thực hiện nhiệm vụ của phân đội. Thực trạng này đặt ra yêu cầu khách quan cần nghiên cứu và tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời. Chính vì vậy, nghiên cứu về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh mang tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Như vậy, ở cả phương diện lí luận và thực tiễn, có thể khẳng định nghiên cứu về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh là vấn đề mới, có ý nghĩa quan trọng và mang tính cấp thiết. Xuất phát từ những lí do nêu trên, tác giả luận án lựa chọn vấn đề: Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh làm đề tài nghiên cứu của mình. 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu những vấn đề lí luận, thực tiễn về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh, trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp tâm lí - xã hội nhằm phát triển năng lực chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh một cách hiệu quả. Nhiệm vụ nghiên cứu Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh. Xây dựng những vấn đề lí luận cơ bản về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh. Khảo sát, đánh giá thực trạng năng lực chỉ huy và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh. Đề xuất các biện pháp tâm lí - xã hội phát triển năng lực chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh. 3. Khách thể, đối tượng, phạm vi nghiên cứu Khách thể nghiên cứu Cán bộ cấp phân đội, Chiến sĩ Công binh và Cán bộ cấp Lữ đoàn Công binh ở Binh chủng Công binh. Đối tượng nghiên cứu Biểu hiện, mức độ và các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh. Phạm vi nghiên cứu Về nội dung và hướng tiếp cận: Hiện nay, nghiên cứu về năng lực trong Tâm lí học có nhiều quan niệm theo các hướng tiếp cận khác nhau. Ở luận án này, tiếp cận năng lực chỉ huy là dạng năng lực thực hiện hoạt động chỉ huy, được tạo nên bởi “tổ hợp” các thành tố tâm lí bên trong và biểu hiện ra bên ngoài thông qua các mặt về kiến thức chỉ huy, thái độ trong hoạt động chỉ huy, kĩ năng chỉ huy và kết quả của hoạt động chỉ huy. Đồng thời, ở luận án không đi sâu nghiên cứu các thành phần cấu trúc bên trong tạo nên năng lực mà tập trung làm rõ các mặt biểu hiện ra bên ngoài để có thể đo lường, định lượng năng lực chỉ huy một cách cụ thể, tường minh và chính xác. Về khách thể: Nghiên cứu này tiến hành khảo sát 568 khách thể bao gồm: 333 cán bộ cấp phân đội và 235 chiến sĩ công binh. Đối với cán bộ cấp lữ đoàn, chỉ thực hiện phỏng vấn sâu, không thực hiện khảo sát vì lượng khách thể ít, khó bảo đảm tính đại diện. Đối với cán bộ cấp phân đội ở các ngạch sĩ quan: chỉ huy, chính trị và kĩ thuật, sẽ có nhiều mặt hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, trong luận án chỉ giới hạn nghiên cứu trên các mặt hoạt động chủ đạo của phân đội công binh là: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hành bảo đảm công binh. Đây là các hoạt động mà năng lực chỉ huy được thể hiện rõ nhất và các biểu hiện về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở các ngạch sĩ quan có tính tương đồng. Về địa bàn: Luận án tiến hành nghiên cứu tại 5 Lữ đoàn Công binh (Đoàn Công binh) thuộc Binh chủng Công binh bao gồm: 3 Lữ đoàn ở miền Bắc, 1 Lữ đoàn đóng quân tại Bắc Trung bộ và 1 Lữ đoàn ở Nam Trung bộ. Về thời gian: Các số liệu sử dụng phục vụ nghiên cứu của luận án được khảo sát, điều tra, tổng hợp từ năm 2017 đến năm 2020. 4. Giả thuyết khoa học (1) Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh hiện nay đang ở mức độ khá. Tuy nhiên, các mặt biểu hiện của năng lực chỉ huy có mức độ khác nhau, trong đó kĩ năng chỉ huy đang ở mức độ thấp hơn các mặt còn lại. (2) Cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh giữ chức vụ cao hơn và có số năm giữ chức vụ lâu hơn thì có năng lực chỉ huy cao hơn. Không có sự khác biệt giữa các ngạch sĩ quan về mức độ năng lực chỉ huy. (3) Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, xu hướng nghề nghiệp công binh có ảnh hưởng mạnh nhất đến năng lực chỉ huy của họ. 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Phương pháp luận Những nghiên cứu của luận án dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội. Ngoài ra, ở luận án cũng nghiên cứu và vận dụng các Chỉ thị, Nghị quyết của Quân ủy trung ương về chức trách, nhiệm vụ của người chỉ huy trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Công binh, các Lữ đoàn Công binh về công tác huấn luyện, thực hành bảo đảm công binh và xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay. Luận án tiếp cận theo những phương pháp luận sau: Tiếp cận hoạt động - nhân cách: Năng lực chỉ huy là một thành phần cơ bản trong cấu trúc nhân cách của người chỉ huy, được hình thành và phát triển trong hoạt động chỉ huy. Do đó, nghiên cứu năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh cần được tiếp cận trên thực tiễn hoạt động chỉ huy phân đội và nhân cách của họ theo chuẩn mực chung về phẩm chất, năng lực cán bộ quân đội, những yêu cầu đặc thù riêng của người chỉ huy cấp phân đội công binh hiện nay. Tiếp cận hệ thống: Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh được biểu hiện trên các mặt về trình độ kiến thức, thái độ, kĩ năng chỉ huy và kết quả của hoạt động chỉ huy. Những nội dung này tác động qua lại, chi phối và ảnh hưởng lẫn nhau tạo ra một chỉnh thể thống nhất trong nhân cách của người chỉ huy. Đồng thời, năng lực chỉ huy chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố, vì vậy để nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và đề ra những biện pháp phù hợp nhằm phát triển năng lực chỉ huy thì cần có sự tiếp cận hệ thống. Tiếp cận phát triển: Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh luôn vận động, biến đổi và phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp và ngày càng hoàn thiện trên cơ sở của sự rèn luyện, tích lũy trong thực tiễn hoạt động chỉ huy. Do vậy, việc nghiên cứu, đánh giá năng lực chỉ huy phải đặt trong sự vận động, biến đổi và phát triển của hoạt động chỉ huy, đối tượng, nhiệm vụ chỉ huy; sự phát triển năng lực của mỗi người chỉ huy trong điều kiện thực tiễn hoạt động chỉ huy phân đội công binh. Tiếp cận Tâm lí học lãnh đạo, quản lí bộ đội: Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh luôn gắn với thực tiễn hoạt động chỉ huy, đây là hoạt động đặc thù có những đặc điểm riêng. Cách tiếp cận của Tâm lí học lãnh đạo, quản lí bộ đội tạo ra cơ sở lí luận và phương thức làm sáng tỏ những biểu hiện tâm lí của người cán bộ, của tập thể phân đội công binh và các quan hệ giữa người cán bộ và cấp dưới trong phân đội. Từ đó, xác định được những đặc điểm của hoạt động chỉ huy và sự quy định, tác động, ảnh hưởng của hoạt động này đến năng lực chỉ huy của người cán bộ cấp phân đội. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu trong Tâm lí học với 8 phương pháp cụ thể sau: Phương pháp nghiên cứu tài liệu; Phương pháp xin ý kiến chuyên gia; Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi; Phương pháp quan sát; Phương pháp phỏng vấn sâu; Phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động; Phương pháp phân tích chân dung tâm lí; Phương pháp xử lí và phân tích số liệu bằng thống kê toán học (qua sử dụng phần mềm SPSS 20.0). 6. Những đóng góp mới của luận án Đóng góp về lí luận Kết quả nghiên cứu của luận án đã hệ thống lại, góp phần làm phong phú thêm lí luận Tâm lí học nói chung, Tâm lí học quân sự nói riêng về hoạt động chỉ huy bộ đội; quan niệm về năng lực; năng lực chỉ huy và năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh. Đồng thời, kết quả nghiên cứu của luận án đã bổ sung, phát triển lí luận của Tâm lí học quân sự thông qua việc xác định bốn đặc điểm của hoạt động chỉ huy; đưa ra tiêu chí ở 60 chỉ báo biểu hiện năng lực chỉ huy và luận giải các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh hiện nay. Đóng góp về thực tiễn Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra mức độ các mặt biểu hiện về kiến thức chỉ huy, thái độ trong hoạt động chỉ huy, kĩ năng chỉ huy, kết quả của hoạt động chỉ huy; Phản ánh chính xác, khoa học thực trạng năng lực chỉ huy, các nhóm cán bộ cấp phân đội có mức độ năng lực chỉ huy khác nhau và sự ảnh hưởng của các yếu tố đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh hiện nay. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng tìm ra các giá trị ở nội dung biểu hiện có quyết định lớn nhất đến mức độ của năng lực chỉ huy; Khẳng định, chứng minh bằng số liệu khoa học để bổ nhiệm cán bộ, cụ thể là: cấp trung đội nên giữ chức vụ không quá 4 năm, cấp đại đội nên giữ chức vụ không quá 6 năm và cấp tiểu đoàn là không quá 8 năm. Điều này có ý nghĩa quan trọng để xác định biện pháp và trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ, nhằm phát triển năng lực chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội một cách hiệu quả, bền vững. 7. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ cung cấp thêm cơ sở khoa học giúp cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Công binh, các Lữ đoàn Công binh và đội ngũ cán bộ các cấp ở Binh chủng Công binh vận dụng vào thực tiễn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp phân đội có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hành bảo đảm công binh ở các phân đội. Đồng thời, luận án sẽ là tài liệu khoa học hữu ích cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị công binh trong toàn quân; giảng viên tại các Học viện, Nhà trường trong quân đội nghiên cứu và tham khảo. 8. Kết cấu của luận án Luận án được trình bày trên các nội dung gồm: Mở đầu, 4 chương (12 tiết), kết luận, kiến nghị, danh mục các công trình của tác giả đã công bố, tài liệu tham khảo và phụ lục. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. Những nghiên cứu có liên quan đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Những nghiên cứu có liên quan đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh là nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả ở Việt Nam và thế giới. Kết quả nghiên cứu được khái quát trên các hướng chủ yếu như sau: 1.1.1. Hướng nghiên cứu về hoạt động chỉ huy và năng lực chuyên biệt của người cán bộ trong hoạt động quân sự Nghiên cứu về hoạt động chỉ huy của người cán bộ quân sự Hoàng Văn Thái (1980), Mấy vấn đề về chỉ huy và tham mưu [67], đã chỉ ra quy trình chỉ huy, tham mưu với các nội dung như: tìm hiểu nhiệm vụ; tính toán thời gian; ra lệnh dự báo cho cấp dưới; đánh giá tình hình; hạ quyết tâm; giao nhiệm vụ; lập kế hoạch tác chiến; tổ chức hiệp đồng và bảo đảm các mặt; kiểm tra đôn đốc việc thực hiện. Tác giả khẳng định, hoạt động chỉ huy là hoạt động khó khăn, gian khổ và phức tạp, người chỉ huy giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động này. Kết quả nghiên cứu đã đề cập đến tính chất, đặc điểm của hoạt động chỉ huy, chỉ ra quy trình của hoạt động chỉ huy và nhấn mạnh vai trò của người chỉ huy. D. A. Ivanop, V. P. Xaveliev và P. V. Semanxky (1981), Những vấn đề cơ bản của chỉ huy bộ đội trong chiến đấu [39], đã khẳng định hoạt động chỉ huy thực chất là hoạt động của người chỉ huy trong quản lí, duy trì và tổ chức các nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu và chiến đấu cho đơn vị thuộc quyền; chỉ ra mô hình chỉ huy gồm: người chỉ huy, phương tiện kĩ thuật chỉ huy, tổ chức sở chỉ huy và thông tin liên lạc. Đồng thời, các tác giả cho rằng, chỉ huy bộ đội là một quy trình bao gồm: thu thập và xử lí những tài liệu về tình huống khi chuẩn bị chiến đấu và trong quá trình chiến đấu; ra quyết định và lập kế hoạch tác chiến cho bộ đội; phổ biến kế hoạch chiến đấu cho cấp dưới; tổ chức và duy trì hiệp đồng; tổ chức và thực hiện các biện pháp bảo đảm chiến đấu và cảnh vệ; kiểm tra; nghiên cứu và phổ biến kinh nghiệm chiến đấu. C. M. Cann và R. Pigeau (1996), “Nhận lệnh của C2” [92], được trình bày tại Hội thảo Quốc tế lần thứ hai về công nghệ chỉ huy tổ chức tại Vương quốc Anh. Nghiên cứu này đã đưa ra luận điểm mới và làm rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm chỉ huy (Command) và điều khiển (Control) tạo ra mô hình C2 (Command and Control). Đây là quan niệm có sự tương đồng như khái niệm về lãnh đạo và chỉ huy trong quân đội ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc nhận lệnh (nhận được) và thực hiện hoạt động chỉ huy luôn gắn với các điều kiện, phương tiện chỉ huy và trang bị, vũ khí hiện đại, quá trình này là biểu hiện sáng tạo, ý chí và thể hiện sự độc đáo riêng có của mỗi người chỉ huy. Đồng thời, các tác giả đã đưa ra quan niệm chỉ huy là “biểu hiện sáng tạo của người chỉ huy và sẽ cần thiết để hoàn thành một nhiệm vụ” [92, tr. 538]; Làm rõ việc chỉ huy liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm, sáng kiến, lòng can đảm, sự tin tưởng và một số biểu hiện tâm lí khác về năng lực chỉ huy của người chỉ huy mà luận án có thể kế thừa và phát triển. Hoàng Minh Thảo (1997), Về cách dùng binh [70], tác giả cho rằng người chỉ huy là nhân tố quan trọng đến thắng lợi của đơn vị; đưa ra quan niệm chỉ huy bao gồm tổng thể các hoạt động khác nhau và là hoạt động có sự chấp hành kỉ luật nghiêm ngặt, thống nhất từ trên xuống dưới. Trong nghiên cứu cũng đề cao vai trò “mưu lược”, người chỉ huy cần có sự hiểu biết về địch, về ta, về địa hình, thời tiết từ đó tạo lập thời thế, phải tuỳ thời mà tạo thế, tác chiến chống giặc cần vận dụng linh hoạt; người chỉ huy cần “biết tổ chức thật tốt một trận chiến đấu hoàn chỉnh từ khi chuẩn bị đến lúc thu quân, biết tổ chức cho đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trong bất kỳ thời gian, không gian nào” [70, tr. 202]. Đây là những cơ sở lí luận để xác định đặc điểm của hoạt động chỉ huy, biểu hiện và biện pháp phát triển năng lực chỉ huy ở đề tài luận án. Nguyễn Ngọc Tỉnh và Đỗ Mộng Khương (2002), Binh thư yếu lược [73]. Các dịch giả đã hệ thống tư tưởng quân sự của Trần Quốc Tuấn trên một số luận điểm cơ bản như: Đề cao vai trò của người tướng trong xây dựng sức mạnh quân đội “muốn có binh mạnh thì phải có tướng giỏi” [73, tr. 50]; Coi việc chỉ huy binh sĩ là hoạt động cơ bản, hoạt động chủ đạo của người tướng; tướng lĩnh, người chỉ huy cần phải biết liệu việc, chia đặt quân kỳ, lâm cơ ứng biến; Phải có trí tuệ, hiểu biết sâu sắc, toàn diện, đầy đủ, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sự tinh thông về kĩ thuật, chiến thuật. Đồng thời, theo quan niệm của Trần Quốc Tuấn việc chỉ huy binh sĩ của người tướng soái là hoạt động tổng hợp, có tính thống nhất và và đề cao tính đoàn kết, tính kỉ luật trong quân đội; sức mạnh trong chiến tranh sẽ được tạo nên bởi vua thánh minh, tướng hiền, ba quân giữ lễ, sĩ tốt vâng mệnh, kỉ luật nghiêm minh; đối với tiền tài thì phải liêm, dùng của cải thì phải tiết kiệm, đối với cấp trên thì trung thành, với binh sĩ thì cùng lo, có lòng nhân mà không bỏ nguyên tắc. Bàn về: Huấn luyện người chỉ huy, chiến sĩ và đơn vị cho các lực lượng tương lai [40], tác giả M. C. John (2003) cho rằng, chỉ huy đó là “chịu trách nhiệm về mọi thứ mà đơn vị làm hoặc không làm” [40, tr. 75], đề cao vai trò của người chỉ huy trong hoạt động chỉ huy cấp dưới là điều khiển, chỉ dẫn, cung cấp mục đích và tạo động lực. Ngoài ra, tác giả cho rằng hoạt động chỉ huy của người chỉ huy là hoạt động khó khăn, phức tạp, diễn ra trên nhiều mặt và theo một quy trình bao gồm: duy trì tiêu chuẩn; đặt mục tiêu; lập kế hoạch; làm quyết định và giải quyết vấn đề; giám sát và đánh giá. Nghiên cứu về: Lãnh đạo phá hoại: Nguyên nhân, hậu quả và biện pháp đối phó [87], các A. Erickson, B. Shaw, J. Murray và S. Branch (2015) đã tập trung phân tích và nhận diện những hành vi chỉ huy được coi là phá hoại của người sĩ quan trong quân đội Mỹ. Các tác giả quan niệm, lãnh đạo, chỉ huy trong quân đội là một hoạt động phức tạp, diễn ra trong sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận và sự phối hợp nhịp nhàng giữa người chỉ huy với cấp dưới. Người chỉ huy cần nắm vững và thực hiện đúng về phạm vi cương vị, chức trách, quyền hạn của mình, duy trì nghiêm kỉ luật quân sự, nếu xa rời những vấn đề mang tính nguyên tắc sẽ dẫn tới những hành vi chỉ huy sai lệch, được coi là hành vi “chỉ huy phá hoại”. Nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát trên 2000 khách thể về 20 loại hành vi được coi là chỉ huy phá hoại theo tần suất thực hiện hoặc đã thấy người khác thực hiện chúng. Kết quả nghiên cứu cho thấy những đặc điểm về tính đa đạng, phức tạp, căng thẳng, tính kỉ luật cao và sự hiệp đồng chặt chẽ trong hoạt động chỉ huy. Từ đó, đề ra biện pháp nhằm khắc phục những hành vi chỉ huy phá hoại. Đây là những nội dung có thể vận dụng, kế thừa và phát triển trong nghiên cứu của đề tài luận án. Như vậy, kết quả nghiên cứu về chỉ huy và hoạt động chỉ huy đã cho thấy vai trò quan trọng của người chỉ huy và hoạt động chỉ huy đối với việc xây dựng và phát huy sức mạnh của quân đội; đưa ra định nghĩa về chỉ huy; chỉ ra các mô hình, quy trình, chức năng, phương thức của hoạt động chỉ huy. Đặc biệt, nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản của hoạt động chỉ huy, đây là những cơ sở quan trọng để xác định và làm rõ đặc điểm hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh hiện nay. Một số nghiên cứu về năng lực chuyên biệt của người cán bộ trong hoạt động quân sự Nguyễn Văn Túy (2000), Năng lực chuyên biệt của cán bộ bộ đội biên phòng làm công tác quản lí kiểm soát ở cửa khẩu [78]. Ở công trình này, tác giả đã chỉ ra các thành tố cấu thành năng lực và vai trò vị trí của từng thành tố trong sự phát triển năng lực quản lí kiểm soát ở cửa khẩu của cán bộ bộ đội biên phòng. Chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực kiểm soát, từ đó đưa ra các biện pháp tâm lí nhằm phát triển năng lực chuyên biệt của cán bộ bộ đội biên phòng làm công tác quản lí kiểm soát ở cửa khẩu. Một số công trình nghiên cứu của các tác giả như: R. K. Shinseki (2002), “Thái độ, kiến thức, kĩ năng” - Lãnh đạo trong quân đội” [111]; J. C. Donald và G. J. Dardis (2004),“Thái độ, kiến thức, kĩ năng” - Mô hình phát triển lãnh đạo” [100], hay của J. P. Doh (2003), “Lãnh đạo có thể được dạy? Những trách nhiệm từ các nhà giáo dục quản lí” [99], các tác giả đã xây dựng mô hình về người lãnh đạo, chỉ huy trong quân đội Mỹ dựa trên các thành tố Be, Know, Do (Thái độ, kiến thức, kĩ năng), được luận giải như sau: Về thái độ (Be): Liên quan đến các đặc tính, phẩm chất của người chỉ huy, là khả năng chỉ huy của cá nhân. Với “Be”, người chỉ huy cần nhận thức được giá trị của cá nhân trong tổ chức, nhấn mạnh đến đặc tính của cá nhân như: Tin tưởng vào bản thân, sứ mệnh quân sự của bạn, của đơn vị và của Quân đội Hoa Kỳ; Hiển thị lòng can đảm về thể chất và đạo đức quân nhân; Chủ động hành động; Đảm nhận mọi cơ hội; trung thực và thẳn thắn; Chịu trách nhiệm về lời nói của mình và tiếp thu phê bình mang tính xây dựng; Duy trì thái độ tinh thần tích cực trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành công việc trong sự tuân thủ luật pháp, quy định và mệnh lệnh; Tiếp cận mọi vấn đề như một thách thức cần vượt qua và như một cơ hội để học hỏi và phát triển; Linh hoạt và nhanh nhẹn sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi; Sử dụng sự phán đoán của mình và không ngại đưa ra quyết định. Về kiến thức: Liên quan đến hiểu biết về kiến thức và kĩ năng cần có để thực hiện hoạt động chỉ huy tổ chức. Kiến thức và kĩ năng là trình độ học vấn, những hiểu biết về thuật chỉ huy, kinh nghiệm và các trải nghiệm chỉ huy. Mô hình nhấn mạnh đến “cái” (kiến thức) và “cách” (kĩ năng) trong hoạt động chỉ huy, thể hiện qua các nội dung như: Được mệnh danh là chuyên gia trong công việc; Hiểu rõ sự đa dạng trong công việc được giao hơn bất kì ai khác trong vị trí của bạn; Không ngừng cải thiện kĩ năng nói và viết để trở thành một chuyên gia hướng dẫn; Biết cách thúc đẩy các nhóm binh sĩ thực hiện nhiệm vụ và thành thạo các kĩ năng phát triển nhóm; Nắm vững các thiết bị, phương tiện và vũ khí trong lĩnh vực hoạt động của mình; Là chuyên gia về bảo trì, bảo dưỡng khí tài; Có hiểu biết về lịch sử dân tộc và Quân đội; bám sát các sự kiện thời sự qua đọc báo hàng ngày và tham gia các khóa học hoặc đọc sách hướng dẫn kĩ thuật để cập nhật tình trạng công nghệ của Quân đội. Về khả năng hành động (Do): Liên quan đến năng lực hành động để chỉ huy tổ chức. Nếu người chỉ huy có tố chất, kiến thức, hiểu biết về lãnh đạo, chỉ huy thì đó mới chỉ là “điều kiện cần”, còn cần phải có “điều kiện đủ” là phải làm (Do) chỉ huy tổ chức có kết quả tốt. Đối với “Do” người chỉ huy vận hành, sử dụng tất cả những gì họ có và biết (Be, Know) nhằm đưa ra những quyết định, chỉ dẫn, thúc đẩy, gây ảnh hưởng với cấp dưới trong tổ chức, giúp họ cố gắng hết...nh chủng Công binh. Từ đó, xây dựng khái niệm năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh. Thứ ba, kế thừa, bổ sung và phát triển các kết quả nghiên cứu về biểu hiện và các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy, trong luận án cần xác định, tập trung làm rõ các mặt biểu hiện năng lực chỉ huy và các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh; tìm ra các chỉ báo cụ thể để xây dựng tiêu chí, làm cơ sở cho việc xây dựng bảng hỏi, lập phiếu điều tra, đánh giá thực trạng năng lực chỉ huy và sự ảnh hưởng của các yếu tố đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh hiện nay. Thứ tư, xác định các mức độ đánh giá năng lực chỉ huy và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh; xây dựng bảng hỏi; lập các mẫu phiếu quan sát và phỏng vấn sâu; tiến hành xin ý kiến các chuyên gia Tâm lí học về những nội dung dự định nghiên cứu; điều tra thử, kiểm định tính khoa học, độ tin cậy, độ hiệu lực của các thang đo. Đánh giá đúng thực trạng năng lực chỉ huy và thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh hiện nay. Thứ năm, trên cơ sở lí luận đã xác định, kết hợp với quá trình phân tích, đánh giá kết quả điều tra thực trạng năng lực chỉ huy và sự ảnh hưởng của các yếu tố đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh; phân tích chân dung tâm lí điển hình về năng lực chỉ huy. Từ đó, đề xuất biện pháp tâm lí - xã hội nhằm phát triển năng lực chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh một cách hiệu quả và bền vững. Kết luận chương 1 Những công trình nghiên cứu có liên quan đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh của các tác giả trong nước và trên thế giới đã được tiếp cận, nghiên cứu và hệ thống lại ở luận án trên bốn hướng nghiên cứu bao gồm: (1) Hướng nghiên cứu về hoạt động chỉ huy và năng lực chuyên biệt của người cán bộ trong hoạt động quân sự; (2) Hướng nghiên cứu về biểu hiện năng lực chỉ huy của người chỉ huy trong hoạt động quân sự; (3) Hướng nghiên cứu về yếu tố ảnh hưởng đến sự hình và phát triển năng lực chỉ huy của người chỉ huy trong hoạt động quân sự; và (4) Hướng nghiên cứu về biện pháp phát triển năng lực chỉ huy cho người chỉ huy trong hoạt động quân sự. Các công trình khoa học đã được công bố liên quan đến đề tài luận án là hệ thống tri thức trên nhiều nội dung quan trọng đối với những vấn đề được triển khai nghiên cứu trong luận án. Kết quả nghiên cứu của các công trình nêu trên được khái quát lại ở bốn khía cạnh và xác định năm vấn đề luận án cần tiếp tục giải quyết. Thông qua đó để phân tích, đánh giá, kế thừa có chọn lọc, bổ sung và phát triển những thành tựu nghiên cứu phục vụ cho quá trình nghiên cứu về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh. Đồng thời, việc hệ thống lại các công trình nghiên cứu trước đây cũng cho thấy đề tài luận án là một công trình độc lập, mới mẻ không trùng lặp với các công trình khoa học đã được công bố, có tính cấp thiết và giá trị lí luận, thực tiễn cao. Chương 2 LÍ LUẬN CƠ BẢN VỀ NĂNG LỰC CHỈ HUY CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI Ở BINH CHỦNG CÔNG BINH 2.1. Năng lực chỉ huy 2.1.1. Khái niệm chỉ huy bộ đội Hoạt động chỉ huy bộ đội là hoạt động cơ bản, hoạt động chủ đạo của người chỉ huy, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, cũng có nhiều quan niệm khác nhau trong định nghĩa về chỉ huy bộ đội, dưới đây là một số quan niệm tiêu biểu nhất. Định nghĩa về chỉ huy bộ đội được đưa ra ở Từ điển Bách khoa Xô Viết (1962), cho thấy: “Chỉ huy bộ đội là việc người chỉ huy chuẩn bị, thực hành và bảo đảm các hoạt động chiến đấu với sự giúp đỡ của cơ quan tham mưu và các cơ quan chỉ huy khác” [39, tr. 3]. Ở một góc độ khác, với cách quan niệm ngắn gọn hơn, Từ điển giải thích thuật ngữ quân sự (1985), khẳng định: Chỉ huy là hoạt động chỉ huy bộ đội thuộc quyền có mục đích, có tổ chức của người chỉ huy để hoàn thành nhiệm vụ được giao [12]. Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam (2005) xác định chỉ huy bộ đội là “hoạt động của người chỉ huy và cơ quan chỉ huy nhằm hướng mọi nỗ lực của bộ đội vào việc hoàn thành nhiệm vụ được giao” [11, tr. 91]. Tác giả M. C. John (2003) lại cho rằng, chỉ huy là: “Chịu trách nhiệm về mọi thứ mà đơn vị làm hoặc không làm”. “Hoạt động chỉ huy là một quy trình bao gồm: duy trì tiêu chuẩn; đặt mục tiêu; lập kế hoạch; làm quyết định và giải quyết vấn đề; giám sát và đánh giá” [40, tr. 75]. Có thể nói, những quan niệm về chỉ huy và hoạt động chỉ huy bộ đội trên đây là cơ sở lí luận quan trọng để xây dựng khái niệm về chỉ huy bộ đội ở luận án này. Tuy nhiên, các quan niệm nêu trên được tiếp cận theo nhiều góc độ khác nhau nên đã có những khác biệt nhất định trong cách định nghĩa về chỉ huy bộ đội. Tác giả cho rằng, quan niệm về chỉ huy bộ đội cần được làm sáng tỏ các nội dung về: chủ thể của hoạt động chỉ huy (ai chỉ huy); đối tượng của hoạt động chỉ huy (chỉ huy ai); phương thức chỉ huy (chỉ huy như thế nào) và mục đích của chỉ huy (chỉ huy để làm gì). Đồng thời, cần phải phân biệt sự giống và khác nhau giữa các khái niệm lãnh đạo, chỉ huy và quản lí. Ở phương Tây, các nhà nghiên cứu thường có sự đồng nhất giữa khái niệm lãnh đạo với chỉ huy và đặt nó trong mối quan hệ với các hoạt động điều khiển. Mô hình C2 về chỉ huy và điều khiển (Command and Control) được xây dựng, hoàn thiện vào những năm cuối của thế kỉ XX [92]. Mô hình này được phát triển thành C3 (Command, Control and Communications) vào đầu thế kỉ XXI bao gồm các yếu tố về chỉ huy, điều khiển và truyền thông (có cả tư vấn). Ở Việt Nam, quan niệm về lãnh đạo, chỉ huy và quản lí giống nhau ở chỗ đây đều là hoạt động bao gồm ra quyết định, tổ chức thực hiện quyết định và điều khiển hoạt động của đơn để đạt được mục đích đã đề ra. Xét về bản chất, ba hoạt động này có nhiều tương đồng, bổ sung cho nhau, đan xen vào nhau và khó có thể phân định tách bạch, đặc biệt là ở các tổ chức nhỏ, cấp phân đội không có sự phân hệ rõ nét. Tuy nhiên, ba hoạt động này khác nhau ở chức năng, nhiệm vụ của chủ thể, của đối tượng tác động và phương thức tác động. Nét đặc trưng của lãnh đạo so với chỉ huy và quản lí là ở phương thức đề ra chủ trương, đường lối có tính xác định đường hướng thực hiện nhiệm vụ. Nét đặc trưng của chỉ huy so với lãnh đạo, quản lí là ở trong tình huống và nhiệm vụ cụ thể với điều kiện khó khăn, thời gian hạn chế, có tính linh hoạt cao hơn so với lãnh đạo và quản lí. Do tính chất đặc thù về sự khó khăn, thời gian hạn chế của nhiệm vụ nên trong lực lượng vũ trang thường dùng khái niệm chỉ huy, còn các tổ chức dân sự thường dùng khái niệm quản lí. Từ sự phân tích trên và có sự kế thừa, phát triển quan niệm của các tác giả đi trước, ở luận án này chỉ huy bộ đội có thể được hiểu là: Chỉ huy bộ đội là sự tác động có chủ đích của người chỉ huy đến cấp dưới nhằm hướng quân nhân, tập thể quân nhân thuộc quyền thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao ở điều kiện và thời gian nhất định. Chủ thể của hoạt động chỉ huy là người chỉ huy và cơ quan chỉ huy (ở các cấp có cơ quan tham mưu), trong đó người chỉ huy giữ vị trí trung tâm của hệ thống chỉ huy bộ đội. Người chỉ huy là người đứng đầu một đơn vị lực lượng vũ trang theo quyết định bổ nhiệm của cấp có thẩm quyền. Trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, “người chỉ huy thực hiện nhiệm vụ theo chức trách, quyền hạn quy định và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Đảng, Nhà nước, trước cấp trên, cấp uỷ đảng cấp mình, trước tập thể cán bộ chiến sĩ thuộc quyền về mọi mặt quân sự, hậu cần, kĩ thuật của đơn vị” [12, tr. 578]. Đối tượng của hoạt động chỉ huy là quân nhân và tập thể quân nhân thuộc quyền của người chỉ huy. Bản chất và mục tiêu của hoạt động này chính là quá trình người chỉ huy tác động có chủ đích thông qua việc hướng dẫn, điều khiển, điều chỉnh cấp dưới ở đơn vị thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình nhằm bảo đảm cho cá nhân và tập thể luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chỉ huy bộ đội là hoạt động đặc thù, có ý nghĩa xã hội to lớn và mang tính chất nghề nghiệp của người chỉ huy. Chính vì vậy, phương thức chỉ huy cũng có đặc thù riêng đó là chỉ huy thông qua các “công cụ cứng” và chỉ huy thông qua các “công cụ mềm”. Các “công cụ cứng” như: chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch, quyết định .v.v... của người chỉ huy. Các công cụ “mềm” như: nhân cách mẫu mực, uy tín, phong cách, tấm gương.v.v... của người chỉ huy. Mục đích của hoạt động chỉ huy bộ đội là tạo nên sự tập trung, thống nhất ý chí hành động, phát huy tối đa khả năng của cá nhân, tập thể đơn vị, để hướng mọi nỗ lực, cố gắng vào việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống với hiệu quả cao nhất. Đặc trưng của hoạt động chỉ huy là luôn gắn với những tình huống, những nhiệm vụ cụ thể, trong điều kiện khó khăn, phức tạp và với thời gian hạn chế. Hoạt động này, đòi hỏi người chỉ huy cần thực hiện nhiều hành động như: phân tích tình hình; nắm bắt nhiệm vụ được giao; lập kế hoạch thực hiện; giao nhiệm vụ cho cấp dưới; tổ chức hiệp đồng; tổ chức bảo đảm v.v... Hoạt động chỉ huy bộ đội đòi hỏi người chỉ huy phải có trình độ kiến thức, sự sáng tạo và tư duy linh hoạt, mỗi tình huống xảy ra đòi hỏi phải có cách xử lí thích hợp. Muốn chỉ huy tốt, người chỉ huy cần có tố chất, sự nhiệt tình, thái độ tích cực, từ đó tạo nên nghệ thuật, phong cách chỉ huy hợp lí, khoa học; cần có kĩ năng chỉ huy nhằm thực hiện hiệu quả các khâu, các bước của quá trình chỉ huy, nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ huy và phát triển năng lực chỉ huy của mình. 2.1.2. Khái niệm năng lực chỉ huy 2.1.2.1. Khái niệm năng lực Nghiên cứu về năng lực con người là vấn đề thu hút được sự quan tâm của nhiều tác giả, nhiều trường phái, nên trong Tâm lí học cũng có nhiều hướng quan niệm khác nhau, dưới đây là một số hướng quan niệm tiêu biểu nhất. Hướng thứ nhất: Quan niệm năng lực là một tổ hợp những thuộc tính của cá nhân để đạt được kết quả cao trong hoạt động. Tiêu biểu cho hướng quan niệm này có các tác giả: A. G. Covaliov (1971); K. K. Platonov (1972) N. X. Laytex (1980); Phạm Minh Hạc, (2004).v.v [22], [58], [45], [36]. Hướng thứ hai: Quan niệm năng lực là một tổ hợp các phẩm chất tâm lí và sinh lí của cá nhân để hoàn thành tốt một dạng hoạt động nào đó. Các tác giả tiêu biểu cho hướng quan niệm này là P. A. Rudik (1974); Hoàng Đình Châu, Nguyễn Ngọc Phú (2005); Nguyễn Quang Uẩn, v.v (2011) [63], [17], [79]. Những quan niệm của các tác giả theo hai hướng tiếp cận nêu trên đã tồn tại khá lâu và có đóng góp to lớn khoa học tâm lí, có thể nói đó là những quan niệm gốc, có tính đại cương, là cơ sở lí luận khoa học cho rất nhiều các nghiên cứu về năng lực. Tính khoa học và ưu điểm vượt trội của các quan niệm này thể hiện ở chỗ coi năng lực là một phẩm chất tổng hợp của cá nhân vừa tạo ra tiền đề, điều kiện cho hoạt động vừa quy định kết quả, hiệu quả của hoạt động và đi sâu làm rõ các thành phần cấu trúc của năng lực. Tuy nhiên trên các hướng quan niệm này chưa phân tách rõ và khó đo lường, lượng hóa các dạng năng lực khác nhau năng lực theo lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể. Hướng thứ ba: Quan niệm năng lực là sự kết hợp một cách linh hoạt, có tổ chức của nhiều yếu tố như kiến thức, kĩ năng với thái độ, tình cảm, giá trị, động cơ cá nhân.v.v... Tiêu biểu cho hướng quan niệm này là các tác giả: J. Coolahan (1996); B. Meier (2007); Nguyễn Công Khanh (2015); Tạ Quang Hoạt (2016) [theo 66], [40], [41]. Hướng thứ tư: Quan niệm năng lực là sự thực hiện hiệu quả các hành động trong tình huống hay hoạt động nhất định. Đây là hướng quan niệm dựa trên phạm trù hoạt động coi, năng lực ở dạng năng lực thực hiện như ở hướng quan niệm thứ ba, song đề cao đến tính hiệu quả của chuỗi các hành động của tình huống hay hoạt động nhất định và đánh giá năng lực cá nhân dựa trên hiệu quả của hoạt động. Các tác giả tiêu biểu cho hướng quan niệm này là: F. E. Weinert (1996) ; D. Tremblay (2002); Hoàng Hòa Bình (2015); Nguyễn Thị Ngọc Liên (2017) v.v[84], [98], [7], [47]. Những quan niệm của các tác giả trên hướng thứ ba và thư tư đã có sự phát triển so với các hướng quan niệm trước đó, đã đề cập cụ thể đến các thành tố tâm lí tạo nên năng lực cá nhân như: kiến thức, kinh nghiệm, thái độ, kỹ năng, động cơ, trách nhiệm, hứng thú, tình cảm, ý chí, niềm tin, các năng lực thành phần, v.v nên có thể lượng hóa được năng lực. Tuy nhiên, do chưa xác định rõ vị trí, vai trò của các yếu tố, nhất là yếu tố cơ bản và mối quan hệ giữa chúng nên rất công phu, phức tạp để có thể đo đạc, lượng hóa và bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp nào đó. Hướng thứ năm: Quan niệm năng lực là tổ hợp của ba thành tố tâm lí là kiến thức, thái độ và kĩ năng. Đây là hướng tiếp cận có tính thực tiễn và tính ứng dụng cao trong nghiên cứu năng lực nghề nghiệp. Tổ chức Lao động thế giới ILO (2011) cho rằng: Năng lực thực chất là tổ hợp của các thành tố kiến thức, kĩ năng, thái độ của chủ thể tạo ra khả năng thực hiện một công việc nhất định có kết quả [Dẫn theo 75]. Đồng với quan điểm quan điểm về 3 thành thành phần hay còn gọi là 3 thành tố trên, tác giả B. Christian (2002) quan niệm: năng lực chuyên môn là tổ hợp bao gồm “kiến thức”, “kĩ năng” và “hành vi thái độ” cần thiết để đảm nhiệm một vị trí hoặc thực hiện một hoạt động [19, tr. 284]. Đặng Duy Thái (2017) quan niệm: “Năng lực là tổng thể các thành tố kiến thức, thái độ và kĩ năng cần có của chủ thể, đáp ứng các yêu cầu của hoạt động nhất định, bảo đảm cho hoạt động đó đạt kết quả theo mục đích đã định” [66, tr. 39]. Nguyễn Văn Kiên (2018) cho rằng: “Năng lực là tổ hợp các thành tố kiến thức, thái độ và kĩ năng cần có của cá nhân, được vận dụng phù hợp trong hoạt động, đảm bảo cho hoạt động đó đạt kết quả theo mục đích đã định” [43, tr. 41]. Trong luận án này, năng lực được nhìn nhận từ góc độ hoạt động; phản ánh trình độ vận dụng các yếu tố tâm lí bên trong của cá nhân với điều kiện, bối cảnh bên ngoài của hoạt động để đạt được kết quả nhất định; năng lực cần được đo lường, đánh giá một cách tường minh và chính xác. Kế thừa quan điểm của các tác giả coi năng lực là tổ hợp 3 thành tố kiến thức, thái độ và kĩ năng của chủ thể ở hướng thứ năm, qua đó năng lực có thể được hiểu như sau: Năng lực là tổ hợp các kiến thức, thái độ và kĩ năng của cá nhân được vận dụng phù hợp với yêu cầu của một hoạt động cụ thể, bảo đảm cho hoạt động đó đạt kết quả nhất định. Năng lực luôn gắn với chủ thể, mỗi chủ thể khác nhau thì có năng lực khác nhau và trong cùng một chủ thể thì ở từng hoạt động cụ thể cũng có mức độ năng lực khác nhau, không có mức độ năng lực chung cho mọi dạng hoạt động. Năng lực có vai trò rất quan trọng trong hoạt động, người có năng lực về lĩnh vực hoạt động nào đó sẽ giúp họ giải quyết công việc của lĩnh vực đó nhanh chóng, hiệu quả hơn người khác. Năng lực được hình thành và biểu hiện trong hoạt động của chủ thể. Tuy nhiên, năng lực hành động khác kĩ năng ở chỗ kĩ năng thuộc về mặt thao tác của hành động, là khả năng thực hiện nhuần nhuyễn, chính xác, đầy đủ một số thao tác của hành động. Còn năng lực là sự vận dụng tổng hợp các kiến thức, thái độ, kĩ năng của cá nhân, sự tích hợp tạo nên một chỉnh thể thống nhất của các thành tố tâm lí này vào từng hoạt động cụ thể để đạt được mục tiêu đã xác định. Năng lực vừa là tiền đề, vừa là kết quả của hoạt động. Các thành phần cấu thành năng lực có tính cơ động, thay đổi trong hệ thống kiến thức, thái độ, kĩ năng tùy theo lĩnh vực hoạt động. Ví dụ như: năng lực toán học có các kiến thức, thái độ, kĩ năng khác với năng lực văn học; năng lực chỉ huy khác với năng lực quản lí. Vì vậy, muốn hình thành và phát triển năng lực hoạt động ở lĩnh vực nào đó, cá nhân phải tích cực tham gia vào các hoạt động tương ứng. 2.1.2.2. Khái niệm năng lực chỉ huy Năng lực chỉ huy được tiếp cận là năng lực thực hiện hoạt động chỉ huy, một bộ phận cấu thành nhân cách của người chỉ huy. Dựa trên cơ sở lí luận về năng lực và hoạt động chỉ huy bộ đội, ở luận án này đưa ra quan niệm về năng lực chỉ huy như sau: Năng lực chỉ huy là tổ hợp các kiến thức, thái độ và kĩ năng của người chỉ huy được vận dụng phù hợp với yêu cầu của hoạt động chỉ huy bộ đội nhằm hướng quân nhân và tập thể quân nhân thuộc quyền thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chủ thể của năng lực chỉ huy là người chỉ huy, người chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước cấp trên, cấp uỷ đảng mình về mọi mặt quân sự, hậu cần, kĩ thuật của đơn vị. Năng lực chỉ huy là năng lực thực hiện hoạt động chỉ huy bộ đội. Do vậy, nghiên cứu các biểu hiện và sự phát triển năng lực chỉ huy phải đặt trong điều kiện vận động, phát triển của hoạt động chỉ huy. Hoạt động chỉ huy là hoạt động phức tạp, có tính đặc thù, đòi hỏi người chỉ huy phải có trình độ kiến thức toàn diện, thái độ tích cực trong chỉ huy, kĩ năng chỉ huy hợp lí, khoa học mới có thể thực hiện tốt các tình huống, các nhiệm vụ của hoạt động quân sự luôn có tính biến động, bất ngờ, khó khăn gian khổ và điều kiện hạn chế, thời gian eo hẹp. Người chỉ huy giải quyết nhiều nhiệm vụ chỉ huy bằng việc ra quyết định, sắp xếp bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp, hiệp đồng giữa các bộ phận, v.v... Quá trình này tác động tới quân nhân thuộc quyền nhằm hướng dẫn, điều khiển, điều chỉnh thái độ, hành vi, hoạt động của họ trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm cho quân nhân và tập thể quân nhân hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, năng lực chỉ huy phản ánh trình độ vận dụng phù hợp, hiệu quả các thành tố tâm lí về kiến thức chỉ huy, thái độ trong hoạt động chỉ huy và kĩ năng của người chỉ huy trong từng tình huống, tình nhiệm vụ cụ thể của đơn vị. Đồng thời, năng lực chỉ huy được thể hiện ở kết quả hoạt động chỉ huy. Có thể nói, năng lực chỉ huy là năng lực cơ bản, năng lực cốt lõi và là thành phần cấu thành nhân cách của người chỉ huy quân sự. Năng lực chỉ huy giúp cho người chỉ huy thực hiện hiệu quả các tình huống, các nhiệm vụ của bản thân và đơn vị theo cương vị, chức trách được giao. 2.2. Quan niệm về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 2.2.1. Phân đội Công binh Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (1982, sửa đổi bổ sung năm 2014) quy định: Cấp phân đội là tổ chức quân sự từ cấp Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn và tương đương [60]. Do vậy, phân đội công binh là các đơn vị công binh từ cấp Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn Công binh và tương đương. Tài liệu: Chức năng, nhiệm vụ của Binh chủng Công binh [15], đã xác định phân đội công binh có chức năng bảo đảm chiến đấu và chiến đấu; Nhiệm vụ của phân đội công binh bao gồm: huấn luyện; xây dựng đơn vị; sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm chiến đấu. Có thể khái quát một số đặc điểm về nhiệm vụ của phân đội công binh như sau: Thứ nhất, nhiệm vụ của phân đội công binh có tính bí mật và thầm lặng Nhiệm vụ của phân đội công binh là nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu nghĩa là không trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù, mà là những nhiệm vụ cần được thực hiện trước để các lực lượng binh chủng hợp thành vào chiếm lĩnh trận địa và những nhiệm vụ bảo đảm công binh lại tiếp tục được thực hiện sau khi các lực lượng của Binh chủng hợp thành hoàn thành các nhiệm vụ của họ. Nghĩa là nhiệm vụ bảo đảm công binh đều phải thực hiện trước nhất và kết thúc sau cùng trong tất cả các hình thức chiến thuật, chiến dịch. Chính vì vậy, nhiệm vụ của phân đội công binh luôn có yếu tố bí mật và tính chất thầm lặng. Thứ hai, nhiệm vụ của phân đội công binh có tính cơ động cao Trong thời chiến cũng như thời bình, các nhiệm vụ công binh bao giờ cũng có tính cơ động cao, đặc biệt là các nhiệm vụ về bảo đảm cầu đường, bảo đảm vượt sông, bảo đảm cơ động cho các lực lượng. Hiện nay, các phân đội công binh thường tổ chức đan xen nhiều nhiệm vụ, lực lượng được chia nhỏ và thường trải dài trên địa bàn rộng. Do vậy, việc di chuyển lực lượng, phương tiện giữa các nhiệm vụ và giữa các địa bàn là khá thường xuyên. Khác với các lực lượng bộ binh thường di chuyển bằng hành quân bộ, thì phân đội công binh thường di chuyển bằng các phương tiện xe máy cơ giới để bảo đảm tính cơ động cao. Thứ ba, nhiệm vụ của phân đội công binh có yêu cầu kĩ thuật cao Binh chủng Công binh là một binh chủng kĩ thuật, do vậy tất cả các nhiệm vụ của phân đội công binh nói riêng đều phải tuân thủ theo yêu cầu kĩ thuật chặt chẽ, chính xác tuyệt đối. Chẳng hạn như các nhiệm vụ làm đường, xây dựng công trình, nhà giàn DKI, nhiệm vụ “hợp long” các loại cầu phà, công trình ngầm, v.v Ở các nhiệm vụ này đều sử dụng trang thiết bị máy móc cần tuân thủ các tiêu chuẩn kĩ thuật nghiêm ngặt và trong thiết kế, thi công, khai thác, sử dụng các công trình đều có yêu cầu cao về kĩ thuật. 2.2.2. Cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 2.2.2.1. Quan niệm về cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Khoản 1, Điều 4, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước” [59]. Khái niệm này cho thấy, cán bộ là những người có chức vụ, có vai trò nòng cốt trong một tổ chức, có ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức và các quan hệ trong lãnh đạo, chỉ huy, quản lí điều hành, góp phần định hướng sự phát triển của tổ chức. Cán bộ là người làm công tác chuyên môn trong một cơ quan của Nhà nước và trong các tổ chức của hệ thống chính trị, được đào tạo theo các chuyên ngành và yêu cầu nhiệm vụ; được bầu cử dân chủ hoặc được tổ chức có thẩm quyền điều động, bổ nhiệm. Ở Binh chủng Công binh hiện nay, đội ngũ cán bộ được phân theo các ngạch: chỉ huy tham mưu; chính trị; hậu cần; khoa học kĩ thuật. Cấp phân đội có biên chế 3 ngạch cán bộ là: chỉ huy; chính trị và kĩ thuật. Dựa trên những cơ sở này, trong luận án này quan niệm: Cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh là những sĩ quan tại ngũ theo các ngạch chỉ huy, chính trị và kĩ thuật được cấp ủy đảng có thẩm quyền điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí, chỉ huy tại các phân đội công binh. Cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh là những sĩ quan tại ngũ đã tốt nghiệp đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các nhà trường quân sự. Cán bộ chủ trì cấp tiểu đoàn (tiểu đoàn trưởng, chính trị viên tiểu đoàn) do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Công binh điều động, bổ nhiệm. Những cán bộ từ cấp trung đội đến cán bộ cấp phó ở các tiểu đoàn do cấp ủy Lữ đoàn Công binh và tương đương thuộc Binh chủng Công binh điều động, bổ nhiệm. Cán bộ cấp phân đội công binh trong phạm vi nghiên cứu của luận án là cán bộ ngạch chỉ huy và cán bộ ngạch chính trị, kĩ thuật được giao nhiệm vụ chỉ huy phân đội trong những tình huống, nhiệm vụ cụ thể với các chức danh như: Trung đội trưởng; Đại đội trưởng; Chính trị viên đại đội; Phó đại đội trưởng kĩ thuật; Tiểu đoàn trưởng; Chính trị viên tiểu đoàn; Phó tiểu đoàn trưởng kĩ thuật và tương đương. Họ là những sĩ quan tại ngũ và được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm chức vụ chỉ huy ở các phân đội công binh. 2.2.2. 2. Chức trách, nhiệm vụ của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Điều 16 trong tài liệu về: Chức năng, nhiệm vụ của Binh chủng Công binh [15] quy định về chức trách, nhiệm vụ của cán bộ chỉ huy cấp phân đội ở Binh chủng Công binh cụ thể như sau: Chức trách của cán bộ chỉ huy cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Người chỉ huy là chỉ huy cao nhất ở phân đội, được Đảng, Nhà nước, quân đội giao cho những quyền hạn trong phạm vi chức trách và chịu trách nhiệm trước pháp luật, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ các hoạt động của phân đội công binh theo phạm vi, chức trách, nhiệm vụ. Khi thực hiện nhiệm vụ, người chỉ huy cấp phân đội công binh phải căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn được giao và mệnh lệnh của chỉ huy cấp trên, nghị quyết của cấp ủy Đảng cấp mình. Nhiệm vụ của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh (1). Chấp hành triệt để đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định của quân đội, mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên, nghị quyết của cấp ủy Đảng cấp mình, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. (2). Tổ chức và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động quân sự của phân đội công binh, thường xuyên bảo đảm cho đơn vị sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào. (3). Tổ chức giáo dục, huấn luyện bộ đội để nâng cao trình độ toàn diện cho phân đội công binh thuộc quyền. Bảo đảm cho mọi quân nhân đều được học tập đầy đủ theo chương trình quy định. (4). Duy trì nghiêm kỉ luật quân đội, xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành điều lệnh, giữ gìn an ninh, an toàn ở phân đội công binh. (5). Quản lí chặt chẽ về số lượng, chất lượng quân nhân thuộc quyền. Quản lí chặt chẽ vũ khí, trang bị kĩ thuật, tài chính, tài sản thuộc phân đội công binh, bảo quản trang bị kĩ thuật luôn đồng bộ. (6). Cùng với chính trị viên tổ chức các cuộc vận động chính trị của Đảng, của quân đội, của Binh chủng Công binh ở phân đội. Bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ sĩ quan, hạ sĩ quan trong đơn vị theo phân cấp. Quan tâm đến gia đình, hậu phương, thực hiện đúng các chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội đối với quân nhân trong phân đội công binh. (7). Có thẩm quyền kí các quyết định, văn bản thuộc về hành chính quân sự. Xét khen thưởng, xử phạt các quân nhân thuộc quyền. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn phân đội công binh thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả, báo cáo, thông báo tình hình, rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết về các mặt xây dựng phân đội công binh vững mạnh. 2.2.3. Đặc điểm hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 2.2.3.1. Hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội là tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công binh theo kế hoạch đã xác định Các tác giả: Lê Trọng Tấn (1979); D. A. Ivanop, V. P. Xaveliev và P. V. Semanxky (1981) có sự thống nhất cho rằng hoạt động chỉ huy bộ đội thực chất là duy trì và tổ chức các nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu và chiến đấu cho đơn vị [65], [39]. Có thể nói, đây là đặc điểm vừa phản ánh bản chất, vừa phản ánh mục tiêu của hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh. Trong điều kiện thời bình, phân đội công binh được giao các nhiệm vụ: huấn luyện; xây dựng đơn vị, sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm chiến đấu. Những nhiệm vụ cụ thể trong thực hành bảo đảm công binh đó là: xây dựng công trình phòng thủ; làm đường tuần tra biên giới; rà phá bom mìn vật nổ; phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả sập đổ công trình; tham gia diễn tập Quốc tế và chuẩn bị lực lượng cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Khối lượng nhiệm vụ bảo đảm công trình, “mặc áo giáp cho Tổ quốc” chiếm tỉ trọng lớn trong các nhiệm vụ công binh (xây dựng an toàn khu cấp chiến lược; công trình ngầm sở chỉ huy cấp chiến dịch và của các tỉnh thành phố; công trình phòng thủ bờ biển; công trình cất giữ các vũ khí quý hiếm). Những nhiệm vụ này cần được thực hiện trước, chuẩn bị cho thời chiến và thường ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong điều kiện thời chiến, nhiệm vụ công binh của phân đội là nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu nghĩa là không trực tiếp cầm súng chiến đấu, mà là những nhiệm vụ cần được thực hiện trước như: xây dựng sở chỉ huy và các công trình cho các lực lượng binh chủng hợp thành vào chiếm lĩnh trận địa; bảo đảm vượt sông, bảo đảm mạng đường cơ động; bố trí vật cản (bãi mìn, hệ thống vật cản), khắc phục vật cản; ngụy trang, làm giả các mô hình, các trận địa hỏa lực. Các nhiệm vụ này lại tiếp tục được thực hiện sau khi các lực lượng của Binh chủng hợp thành hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, nhiệm vụ bảo đảm công binh đều phải thực hiện trước nhất và kết thúc sau cùng, có tính chất “đi trước, về sau”. Phân đội công binh là nơi trực tiếp quản lí, chỉ huy và tổ chức thực hiện nhiệm vụ công binh. Hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh chính là hoạt động tổ chức, điều hành phân đội thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đây là hoạt động chủ đạo có tính chất nghề nghiệp của cán bộ cấp phân đội, là sự tác động có mục đích của cán bộ cấp phân đội nhằm tổ chức, hướng dẫn, điều khiển, điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của cấp dưới giúp họ hướng mọi nỗ lực, cố gắng vào thực hiện và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Để nâng cao kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, cán bộ cấp phân đội cần có sự linh hoạt, sáng tạo và nhạy bén để xử lí các tình huống thích hợp có phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học. Đồng thời, đặc điểm này đòi hỏi cán bộ cấp phân đội công binh phải có trình độ kiến thức trong chỉ huy như: hiểu về hình thức, phương pháp huấn luyện, kĩ chiến thuật, nguyên tắc trong bảo đảm công binh; hiểu về con người và phương tiện được biên chế ở phân đội. Có sự nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, quyết đoán, bền bỉ, kiên nhẫn và dân chủ. Bên cạnh đó, người cán bộ cần có kinh nghiệm, kĩ năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nắm chắc diễn biến quá trình thực hiện nhiệm vụ của phân đội công binh và sử dụng lực lượng, phương tiện phù hợp. 2.2.3.2. Hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội diễn ra trong điều kiện khó khăn, gian khổ, phức tạp trên nhiều mặt của nghiệp vụ công binh Đặc điểm này xuất phát từ những đặc điểm về đối tượng chỉ huy, của nhiệm vụ và sự biến động của tình huống khi chỉ huy phân đội công binh. Đồng thời, các tác giả như: Hoàng Văn Thái (1980), M. C. John (2003) cũng khẳng định hoạt động chỉ huy là hoạt động khó khăn, gian khổ và phức tạp, diễn ra trên nhiều mặt hoạt động khác nhau [67], [40]. Do đặc thù riêng về nhiệm vụ công binh nên ở phân đội công binh hiện nay có nhiều quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn kĩ thuật, đội ngũ lái xe, lái máy hơn so với phân đội bộ binh. Có những quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn kĩ thuật với chức vụ là chiến sĩ nhưng tuổi đời và thâm niên cao hơn cả cán bộ cấp trung đội, đại đội ở đơn vị mình. Chính vì vậy, đối tượng trong quản lí chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh là quân nhân và tập thể phân đội công binh với những đặc điểm về trình độ đào tạ...inh chủng Công binh xét theo chức vụ đảm nhiệm 15.5.1. Thực trạng năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh xét theo chức vụ đảm nhiệm Oneway Descriptives Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội N Mean Std. Deviation Std. Error 95% Confidence Interval for Mean Minimum Maximum Lower Bound Upper Bound Cán bộ cấp trung đội 153 3.4286 .32627 .02638 3.3765 3.4807 2.49 4.15 Cán bộ cấp đại đội 133 3.5826 .37196 .03225 3.5188 3.6464 2.66 4.47 Cán bộ cấp tiểu đoàn 47 3.6434 .35426 .05167 3.5394 3.7474 2.91 4.46 Total 333 3.5204 .36107 .01966 3.4818 3.5591 2.49 4.47 Test of Homogeneity of Variances Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội Levene Statistic df1 df2 Sig. .888 2 330 .412 ANOVA Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội Sum of Squares df Mean Square F Sig. Between Groups 2.516 2 1.258 10.321 .000 Within Groups 40.217 330 .122 Total 42.733 332 Post Hoc Tests Multiple Comparisons Dependent Variable: Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội Bonferroni (I) Năm giữ chức vụ (J) Năm giữ chức vụ Mean Difference (I-J) Std. Error Sig. 95% Confidence Interval -.2536* -.0544 Cán bộ cấp trung đội Cán bộ cấp đại đội -.15403* .04139 .001 -.3549* -.0747 Cán bộ cấp tiểu đoàn -.21481* .05822 .001 .0544* .2536 Cán bộ cấp đại đội Cán bộ cấp trung đội .15403* .04139 .001 -.2033 .0818 Cán bộ cấp tiểu đoàn -.06078 .05924 .917 .0747* .3549 Cán bộ cấp tiểu đoàn Cán bộ cấp trung đội .21481* .05822 .001 -.0818 .2033 Cán bộ cấp đại đội .06078 .05924 .917 -.2536* -.0544 *. The mean difference is significant at the 0.05 level. 15.5.2. So sánh thực trạng các mặt biểu hiện năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh xét theo chức vụ đảm nhiệm N Mean Std. Deviation Minimum Maximum Kiến thức chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Cán bộ cấp trung đội 153 3.4831 .47587 2.13 4.42 Cán bộ cấp đại đội 133 3.6592 .43930 2.57 4.86 Cán bộ cấp tiểu đoàn 47 3.7751 .41881 3.13 4.74 Total 333 3.5946 .46553 2.13 4.86 Thái độ trong hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Cán bộ cấp trung đội 153 3.6270 .40364 2.77 4.45 Cán bộ cấp đại đội 133 3.7997 .48162 2.60 4.83 Cán bộ cấp tiểu đoàn 47 3.6096 .54066 2.27 4.85 Total 333 3.6935 .46355 2.27 4.85 Kĩ năng chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Cán bộ cấp trung đội 153 3.2013 .36145 2.33 4.27 Cán bộ cấp đại đội 133 3.3695 .44626 2.21 4.60 Cán bộ cấp tiểu đoàn 47 3.6618 .52581 2.60 4.77 Total 333 3.3335 .44848 2.21 4.77 Kết quả hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Cán bộ cấp trung đội 153 3.4031 .41786 2.44 4.56 Cán bộ cấp đại đội 133 3.5021 .45722 2.33 4.78 Cán bộ cấp tiểu đoàn 47 3.5272 .38102 2.89 4.44 Total 333 3.4601 .43130 2.33 4.78 NĂNG LỰC CHỈ HUY CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI CÔNG BINH Cán bộ cấp trung đội 153 3.4286 .32627 2.49 4.15 Cán bộ cấp đại đội 133 3.5826 .37196 2.66 4.47 Cán bộ cấp tiểu đoàn 47 3.6434 .35426 2.91 4.46 Total 333 3.5204 . .36107 2.49 4.47 15.6. So sánh sự đánh giá về thực trạng năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh xét theo năm giữ chức vụ đang đảm nhiệm 15.6.1. Thực trạng năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội xét theo số năm giữ chức vụ đang đảm nhiệm Oneway Descriptives Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội N Mean Std. Deviation Std. Error 95% Confidence Interval for Mean Minimum Maximum Lower Bound Upper Bound Từ 1 đến 2 năm 132 3.4071 .33082 .02879 3.3422 3.4561 2.49 4.15 Từ 3 đến 5 năm 123 3.6642 .37351 .03043 3.6039 3.7244 2.96 4.47 Trên 5 năm 78 3.4995 .36000 .04076 3.4179 3.5802 2.66 4.46 Total 333 3.5204 .36107 .01966 3.4818 3.5591 2.49 4.47 Test of Homogeneity of Variances Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Levene Statistic df1 df2 Sig. .035 2 330 .965 ANOVA Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Sum of Squares df Mean Square F Sig. Between Groups 4.520 2 2.260 111.516 .000 Within Groups 38.213 330 .116 Total 42.733 332 Post Hoc Tests Multiple Comparisons Dependent Variable: Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Bonferroni (I) Năm giữ chức vụ (J) Năm giữ chức vụ Mean Difference (I-J) Std. Error Sig. 95% Confidence Interval Lower Bound Upper Bound Từ 1 đến 2 năm Từ 3 đến 5 năm -.26506* .04265 .000 -.3677 -.1624* Trên 5 năm -.09993 .04860 .122 -.2169 .0170 Từ 3 đến 5 năm Từ 1 đến 2 năm .26506* .04265 .000 .1624 .3677* Trên 5 năm .16512* .04925 .003 .0466 .2836* Trên 5 năm Từ 1 đến 2 năm .09993 .04860 .122 -.0170 .2169 Từ 3 đến 5 năm -.16512* .04925 .003 -.2836 -.0466* *. The mean difference is significant at the 0.05 level. 15.6.2. So sánh thực trạng các mặt biểu hiện năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh xét theo số năm giữ chức vụ đang đảm nhiệm N Mean Std. Deviation Minimum Maximum Kiến thức chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Từ 1 đến 2 năm 132 3.4686 .48306 2.13 4.42 Từ 3 đến 5 năm 123 3.7102 .42004 2.88 4.86 Trên 5 năm 78 3.6109 .43862 2.57 4.74 Total 333 3.5946 .46553 2.13 4.86 Thái độ trong hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Từ 1 đến 2 năm 132 3.6101 .39764 2.77 4.38 Từ 3 đến 5 năm 123 3.9061 .42999 3.00 4.83 Trên 5 năm 78 3.5147 .49532 2.27 4.85 Total 333 3.6935 .46355 2.27 4.85 Kĩ năng chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Từ 1 đến 2 năm 132 3.1570 .34934 2.33 4.27 Từ 3 đến 5 năm 123 3.4338 .44386 2.21 4.60 Trên 5 năm 78 3.4608 .50800 2.25 4.77 Total 333 3.3335 .44848 2.21 4.77 Kết quả hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Từ 1 đến 2 năm 132 3.4007 .42215 2.44 4.56 Từ 3 đến 5 năm 123 3.5717 .43698 2.33 4.78 Trên 5 năm 78 3.4118 .39021 2.56 4.44 Total 333 3.4601 .43130 2.33 4.78 NĂNG LỰC CHỈ HUY CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI CÔNG BINH Từ 1 đến 2 năm 132 3.4071 .33082 2.49 4.15 Từ 3 đến 5 năm 123 3.6642 .33751 2.96 4.47 Trên 5 năm 78 3.4995 .36000 2.66 4.46 Total 333 3.5204 .36107 2.49 4.47 Phụ lục 16 KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ VỀ MỨC ĐỘ CỦA CÁC YẾU TỐ ĐƯỢC KHẢO SÁT VÀ SỰ PHÂN BỐ Ở CÁC NHÓM NĂNG LỰC CHỈ HUY CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI Ở BINH CHỦNG CÔNG BINH 16.1. Kết quả đánh giá về mức độ các yếu tố được khảo sát TT Nội dung Mức độ 1 Tố chất chỉ huy của cán bộ cấp phân đội Chưa tốt Trung bình Tốt 63 112 158 2 Xu hướng nghề nghiệp công binh của cán bộ cấp phân đội Mức độ Chưa bền vững Bình thường Bền vững 28 96 209 3 Uy tín của cán bộ cấp phân đội Mức độ Chưa cao Cao Rất cao 56 258 39 4 Trình độ nhận thức, kĩ năng thực hành của cấp dưới ở phân đội công binh Mức độ Chưa tốt Trung bình Tốt 42 175 116 5 Ý thức trách nhiệm của cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ Mức độ Chưa cao Cao Rất cao 47 261 25 6 Trang bị, phương tiện, khí tài thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị Mức độ Chưa tốt Bình thường Tốt 62 216 55 16.3. Tổng hợp kết quả số lượng khách thể phân bố ở các nhóm năng lực chỉ huy theo mức độ của các yếu tố được khảo sát (Thông qua sử dụng phép toán phân tích cụm, phân tích biệt số và lệnh Select Case trong SPSS 20.0. Trong đó, Nhóm 1: Năng lực chỉ huy ở mức độ Trung bình; Nhóm 2: Năng lực chỉ huy ở mức độ Khá; Nhóm 3: Năng lực chỉ huy ở mức độ Tốt) Tên yếu tố Mức độ của yếu tố và sự phân bố ở các nhóm năng lực chỉ huy Tố chất chỉ huy của cán bộ cấp phân đội Chưa tốt Trung bình Tốt Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 55 8 0 56 48 8 39 85 34 Xu hướng nghề nghiệp công binh của cán bộ cấp phân đội Chưa bền vững Bình thường Bền vững Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 23 5 0 49 42 5 78 94 37 Uy tín của cán bộ cấp phân đội Chưa cao Cao Rất cao Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 38 18 0 106 112 20 6 11 22 Trình độ nhận thức, kĩ năng thực hành của cấp dưới ở phân đội công binh Chưa tốt Trung bình Tốt Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 22 20 0 93 70 12 35 51 30 Ý thức trách nhiệm của cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ Chưa cao Cao Rất cao Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 28 18 1 120 108 33 2 15 8 Trang bị, phương tiện, khí tài thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị Chưa tốt Bình thường Tốt Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 37 24 1 111 89 16 2 28 25 Phụ lục 17 THỰC TRẠNG SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ ĐẾN NĂNG LỰC CHỈ HUY CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI Ở BINH CHỦNG CÔNG BINH 17.1. Kết quả đánh giá thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 17.1.1. Kết quả đánh giá tố chất chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Descriptive Statistics N Minimum Maximum Mean Std. Deviation Thể lực của cán bộ cấp phân đội công binh 333 2.00 5.00 4.1231 .68975 Độ tinh nhạy ở các giác quan của cán bộ cấp phân đội công binh 333 2.00 5.00 3.7958 .67689 Khẩu khí của người cán bộ cấp phân đội công binh 333 3.00 5.00 4.0631 .65325 Tố chất chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh 333 2.67 5.00 3.9940 .51998 Valid N (listwise) 333 17.1.2. Kết quả đánh giá xu hướng nghề nghiệp công binh của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Descriptive Statistics N Minimum Maximum Mean Std. Deviation Nhu cầu về vật chất và tinh thần của cán bộ cấp phân đội công binh 333 2.00 5.00 4.1201 .67484 Động cơ nghề nghiệp công binh của cán bộ cấp phân đội công binh 333 3.00 5.00 4.3183 .64997 Mục đích đúng đắn trong hoạt động của cán bộ cấp phân đội công binh 333 2.00 5.00 4.3063 .62275 Xu hướng nghề nghiệp công binh của cán bộ cấp phân đội 333 2.67 5.00 4.2482 .56484 Valid N (listwise) 333 17.1.3. Kết quả đánh giá thực trạng uy tín của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Descriptive Statistics N Minimum Maximum Mean Std. Deviation Sự tín nhiệm của cấp trên dành cho cán bộ cấp phân đội công binh 333 3.00 5.00 4.1261 .65100 Sự tin tưởng của cấp dưới đối với cán bộ cấp phân đội công binh 333 2.00 5.00 4.2432 .65698 Sự tuân theo của cấp dưới đối với mệnh lệnh của cán bộ cấp phân đội công binh 333 2.00 5.00 4.0601 .71725 Uy tín của cán bộ cấp phân đội công binh 333 2.33 5.00 4.1431 .56433 Valid N (listwise) 333 17.1.4. Kết quả đánh giá thực trạng trình độ nhận thức, kĩ năng thực hành của cấp dưới ở phân đội công binh Descriptive Statistics N Minimum Maximum Mean Std. Deviation Trình độ nhận thức của cấp dưới ở phân đội công binh 333 2.00 5.00 4.1622 .69257 Kĩ năng thực hành nhiệm vụ công binh của cấp dưới ở phân đội công binh 333 2.00 5.00 4.1441 .63312 Kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới ở phân đội công binh 333 2.00 5.00 4.1922 .71072 Trình độ nhận thức, kĩ năng thực hành của cấp dưới ở phân đội công binh 333 2.33 5.00 4.1662 .53438 Valid N (listwise) 333 17.1.5. Kết quả đánh giá thực trạng ý thức trách nhiệm của cấp dưới ở phân đội công binh trong thực hiện nhiệm vụ Descriptive Statistics N Minimum Maximum Mean Std. Deviation Tính tự giác của cấp dưới ở phân đội công binh trong thực hiện nhiệm vụ được giao 333 2.00 5.00 3.8018 .71330 Sự nỗ lực của cấp dưới ở phân đội công binh trong thực hiện nhiệm vụ được giao 333 3.00 5.00 4.0360 .66216 Tính kỉ luật của cấp dưới ở phân đội công binh trong thực hiện nhiệm vụ được giao 333 2.00 5.00 3.9279 .67723 Ý thức trách nhiệm của cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ 333 2.67 5.00 3.9219 .54691 Valid N (listwise) 333 17.1.6. Kết quả đánh giá thực trạng trang bị, phương tiện, khía tài thực hiện nhiệm vụ Descriptive Statistics N Minimum Maximum Mean Std. Deviation Số lượng trang bị, phương tiện, khí tài thực hiện nhiệm vụ của phân đội công binh 333 2.00 5.00 3.8619 .70207 Chất lượng trang bị, phương tiện, khí tài thực hiện nhiệm vụ của phân đội công binh 333 2.00 5.00 3.8979 .66434 Chủng loại trang bị, phương tiện, khí tài thực hiện nhiệm vụ của phân đội công binh 333 2.00 5.00 3.9640 .70619 Trang bị, phương tiện, khí tài thực hiện nhiệm vụ 333 2.33 5.00 3.9079 .58900 Valid N (listwise) 333 17.1.7. Kết quả đánh giá thực trạng các yếu tố ảnh hưởng Descriptive Statistics N Minimum Maximum Mean Std. Deviation Tố chất chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh ở Binh chủng Công binh 333 2.67 5.00 3.9940 .51998 Xu hướng nghề nghiệp công binh của cán bộ cấp phân đội công binh ở Binh chủng Công binh 333 2.67 5.00 4.2482 .56484 Uy tín của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 333 2.33 5.00 4.1431 .56433 Triình độ nhận thức, kĩ năng thực hành của cấp dưới ở phân đội công binh 333 2.33 5.00 4.1662 .53438 Ý thức trách nhiệm của cấp dưới ở phân đội công binh trong thực hiện nhiệm vụ 333 2.67 5.00 3.9219 .54691 Trang bị, phương tiện, khí tài thực hiện nhiệm vụ 333 2.33 5.00 3.9079 .58900 Yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh 333 2.67 5.00 4.0636 .47120 Valid N (listwise) 333 17.2. Tương quan giữa các yếu tố ảnh hưởng với năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Correlations Tố chất chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh ở Binh chủng Công binh Xu hướng nghề nghiệp công binh của cán bộ cấp phân đội công binh ở Binh chủng Công binh Uy tín của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Trình độ nhận thức, kĩ năng thực hành của cấp dưới ở phân đội công binh Ý thức trách nhiệm của cấp dưới ở phân đội công binh trong thực hiện nhiệm vụ Trang bị, phương tiện, khí tài thực hiện nhiệm vụ NĂNG LỰC CHỈ HUY CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI Tố chất chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh ở Binh chủng Công binh Pearson Correlation 1 .708** .680** .686** .734** .553 .769** Sig. (2-tailed) .000 .000 .000 .000 .000 .000 N 333 333 333 333 333 333 333 Xu hướng nghề nghiệp công binh của cán bộ cấp phân đội công binh ở Binh chủng Công binh Pearson Correlation .708** 1 .734** .786** .637** .580** .890 Sig. (2-tailed) .000 .000 .000 .000 .000 .000 N 333 333 333 333 333 333 333 Uy tín của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Pearson Correlation .680** .734** 1 .771** .724** .706** .844** Sig. (2-tailed) .000 .000 .000 .000 .000 .000 N 333 333 333 333 333 333 333 Trình độ nhận thức, kĩ năng thực hành của cấp dưới ở phân đội công binh Pearson Correlation .686** .786** .771** 1 .629** .624** .766** Sig. (2-tailed) .000 .000 .000 .000 .000 .000 N 333 333 333 333 333 333 333 Ý thức trách nhiệm của cấp dưới ở phân đội công binh trong thực hiện nhiệm vụ Pearson Correlation .734** .637** .724** .629** 1 .611** .731** Sig. (2-tailed) .000 .000 .000 .000 .000 .000 N 333 333 333 333 333 333 333 Trang bị, phương tiện, khí tài thực hiện nhiệm vụ Pearson Correlation .553** .580** .706** .624** .611** 1** .659** Sig. (2-tailed) .000 .000 .000 .000 .000 .000 N 333 333 333 333 333 333 333 NĂNG LỰC CHỈ HUY CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI Pearson Correlation .769** .890** .844** .766** .731** .659** 1** Sig. (2-tailed) .000 .000 .000 .000 .000 .000 N 333 333 333 333 333 333 333 **. Correlation is significant at the 0.01 level (2-tailed). 17.3. So sánh kết quả đánh giá giữa cán bộ cấp phân đội và chiến sĩ công binh về thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh T-Test Group Statistics Nhóm khách thể N Mean Std. Deviation Std. Error Mean Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Cán bộ cấp phân đội 333 4.0636 .47120 .02686 Chiến sĩ công binh 235 4.0449 .43802 .02857 Independent Samples Test Levene's Test for Equality of Variances t-test for Equality of Means F Sig. t df Sig. (2-tailed) Mean Difference Std. Error Difference 95% Confidence Interval of the Difference Lower Upper Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Equal variances assumed 2.136 .144 .465 566 .642 .01861 .03998 -.05992 .09714 Equal variances not assumed .475 535.538 .635 .01861 .03922 -.05843 .09565 17.4. So sánh kết quả đánh giá thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh theo theo ngạch sĩ quan Oneway Descriptives Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh N Mean Std. Deviation Std. Error 95% Confidence Interval for Mean Minimum Maximum Lower Bound Upper Bound Chỉ huy tham mưu 194 4.0906 .48657 .06662 4.0717 4.2095 2.67 5.00 Chính trị 75 4.0474 .42643 .07063 3.8293 4.0255 2.78 4.89 Kĩ thuật 64 4.0296 .43043 .06662 3.8821 4.0971 2.89 4.78 Tổng 333 4.0636 .47120 .08338 4.0128 4.1144 2.67 5.00 Test of Homogeneity of Variances Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Levene Statistic df1 df2 Sig. 2.456 2 330 .087 ANOVA Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Sum of Squares df Mean Square F Sig. Between Groups .536 2 .268 1.117 .328 Within Groups 711.228 330 .240 Total 79.764 332 Post Hoc Tests Multiple Comparisons Dependent Variable: Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Bonferroni (I) Ngạch sĩ quan (J) Ngạch sĩ quan Mean Difference (I-J) Std. Error Sig. 95% Confidence Interval Lower Bound Upper Bound Chỉ huy tham mưu Chính trị .05022 .06299 .082 .0616 .3648 Kĩ thuật .07073 .06678 .073 -.0097 .3117 Chính trị Chỉ huy tham mưu -.05022 .06299 .082 -.3648 -.0616 Kĩ thuật .01251 .07883 1.000 -.2519 .1275 Kĩ thuật Chỉ huy tham mưu -.07073 .06678 .073 -.3117 .0097 Chính trị -.01251 .07883 1.000 -.1275 .2519 17.5. So sánh kết quả đánh giá thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh theo chức vụ đang đảm nhiệm của cán bộ cấp phân đội Oneway Descriptives Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh N Mean Std. Deviation Std. Error 95% Confidence Interval for Mean Minimum Maximum Lower Bound Upper Bound Cán bộ cấp trung đội 153 4.1107 .47567 .03846 4.0348 4.1867 2.67 5.00 Cán bộ cấp đại đội 133 4.0677 .46764 .04055 3.9875 4.1479 2.78 5.00 Cán bộ cấp tiểu đoàn 47 3.8983 .43811 .06390 3.7697 4.0270 3.28 4.67 Tổng 333 4.0636 .47120 .02582 4.0128 4.1144 2.67 5.00 Test of Homogeneity of Variances Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Levene Statistic df1 df2 Sig. .599 2 330 .550 ANOVA Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Sum of Squares df Mean Square F Sig. Between Groups 1.550 2 .775 3.271 .039 Within Groups 78.214 330 .237 Total 79.764 332 Post Hoc Tests Multiple Comparisons Dependent Variable: Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Bonferroni (I) Chức vụ đảm nhiệm (J) Chức vụ đảm niệm Mean Difference (I-J) Std. Error Sig. 95% Confidence Interval Lower Bound Upper Bound Cán bộ cấp trung đội Cán bộ cấp đại đội .04308 .05541 1.000 -.2865* -.0087 Cán bộ cấp tiểu đoàn .21240* .07795 .020 -.2619 .1288 Cán bộ cấp đại đội Cán bộ cấp trung đội -.04308 .05541 1.000 .0087* .2865 Cán bộ cấp tiểu đoàn .16932 .07931 .101 -.1177 .2799 Cán bộ cấp tiểu đoàn Cán bộ cấp trung đội -.21240* .07795 .020 -.1288 .2619 Cán bộ cấp đại đội .04308 .05541 1.000 -.2799 .1177 17.6. So sánh kết quả đánh giá thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh theo số năm giữ chức vụ đang đảm nhiệm của cán bộ cấp phân đội Oneway Descriptives Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh N Mean Std. Deviation Std. Error 95% Confidence Interval for Mean Minimum Maximum Lower Bound Upper Bound Từ 1 đến 2 năm 132 4.0762 .47773 .04158 3.9939 4.1584 2.67 5.00 Từ 3 đến 5 năm 123 4.1161 .48921 .04411 4.0288 4.2034 2.78 5.00 Trên 5 năm 78 3.9594 .41734 .04725 3.8653 4.0535 3.28 4.83 Tổng 333 4.0636 .47120 .02582 4.0128 4.1144 2.67 5.00 Test of Homogeneity of Variances Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Levene Statistic df1 df2 Sig. 1.619 2 330 .200 ANOVA Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Sum of Squares df Mean Square F Sig. Between Groups .067 2 .034 .140 .870 Within Groups 711.696 330 .242 Total 79.764 332 Post Hoc Tests Multiple Comparisons Dependent Variable: Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh Bonferroni (I) Năm giữ chức vụ (J) Năm giữ chức vụ Mean Difference (I-J) Std. Error Sig. 95% Confidence Interval Lower Bound Upper Bound Từ 1 đến 2 năm Từ 3 đến 5 năm -.03990 .05874 1.000 -.1813 .1015 Trên 5 năm .11678 .06694 .246 -.0443 .2779 Từ 3 đến 5 năm Từ 1 đến 2 năm .03990 .05874 1.000 -.1015 .1813 Trên 5 năm .15668 .06785 .065 -.0066 .3199 Trên 5 năm Từ 1 đến 2 năm -.11678 .06694 .246 -.2779 .0443 Từ 3 đến 5 năm -.15668 .06785 .065 -.3199 .0066 17.7. Kết quả hồi quy tuyến tính bội của các yếu tố ảnh hưởng Model Summaryb Model R R Square Adjusted R Square Std. Error of the Estimate Durbin-Watson 1 .778a .728 .739 .30189 1.683 a. Predictors: (Constant), TC, XHNN, UT, TĐ, YT, TB b. Dependent Variable: NĂNG LỰC CHỈ HUY CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI CÔNG BINH ANOVAa Model Sum of Squares df Mean Square F Sig. 1 Regression 15.104 6 2.517 27.621 .000b Residual 51.128 561 .091 Total 66.232 567 a. Dependent Variable: NĂNG LỰC CHỈ HUY CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI CÔNG BINH b. Predictors: (Constant), TC, XHNN, UT, TĐ, YT, TB Coefficientsa Model Unstandardized Coefficients Standardized Coefficients t Sig. Collinearity Statistics B Std. Error Beta Tolerance VIF 1 (Constant) 2.185 .114 111.131 .000 TC .113 .044 .173 .301 .036 .328 1.021 XHNN .366 .041 .375 1.621 .018 .310 1.064 UT .316 .044 .239 3.675 .001 .283 1.583 TĐ .215 .044 .326 .346 .015 .283 1.578 YT .171 .051 .167 3.367 .042 .219 1.220 TB .174 .041 .169 1.086 .039 .287 1.483 a. Dependent Variable: NĂNG LỰC CHỈ HUY CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI CÔNG BINH Phụ lục 18 NGHIÊN CỨU KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÂN DUNG TÂM LÍ 18.1. Chân dung 1 (Số phiếu khảo sát 69) 18.1.1. Thông tin cá nhân Họ và tên: L. S. B Sinh năm 1995 Cấp bậc: Trung úy Chức vụ: Chính quyền: Trung đội trưởng Chức vụ Đoàn thể: Đảng viên, Bí thư Chi đoàn Đơn vị công tác: Lữ đoàn Công binh B Thành phần xuất thân: Quê quán: Nơi ở hiện nay: Tình trạng hôn nhân: 18.1.2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ Stt Kết quả hoàn thành nhiệm vụ Ghi chú 1 Kết quả đánh giá cán bộ năm - Năm 2017, 2018: Hoàn thành tốt nhiệm vụ. - Năm 2019: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 Kết quả phân tích chất lượng đảng viên năm - Năm 2017, 2018: Hoàn thành tốt nhiệm vụ. - Năm 2019: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 3 Kết quả tham gia các hoạt động khác ở đơn vị - Tham gia và hoàn thành tốt các hoạt động phong trào ở đơn vị. - Hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập thực binh hàng năm ở đơn vị. - Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Hội thao của Binh chủng Công binh năm 2019. 4 Khen thưởng 2 CSTT (2017,2018); 1 CSTĐ (2019) 2 GK (2019). 5 Kỉ luật Không 18.2. Chân dung 2 (Số phiếu khảo sát 126) 18.2.1. Thông tin cá nhân Họ và tên: Ng. X. H Sinh năm 1992 Cấp bậc: Trung úy Chức vụ chính quyền: Trung đội trưởng. Chức vụ Đoàn thể: Đảng viên, Phó Bí thư Chi đoàn. Đơn vị công tác: Lữ đoàn Công binh E. Thành phần xuất thân: Quê quán: Nơi ở hiện nay: Tình trạng hôn nhân: 18.2.2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ Stt Kết quả hoàn thành nhiệm vụ Ghi chú 1 Kết quả đánh giá cán bộ năm - Năm 2015, 2016, 2017, 2019: Hoàn thành tốt nhiệm vụ. - Năm 2018: Hoàn thành nhiệm vụ Năm 2018 có 2 chiến sĩ trong trung đội của đồng chí H bị kỉ luật khiển trách 2 Kết quả phân tích chất lượng đảng viên năm - Năm 2015, 2016, 2017, 2019: Hoàn thành tốt nhiệm vụ. - Năm 2018: Hoàn thành nhiệm vụ 3 Kết quả tham gia các hoạt động khác ở đơn vị - Tham gia và hoàn thành tốt các hoạt động phong trào ở đơn vị. - Hoàn thành khá và tốt nhiệm vụ diễn tập thực binh hàng năm ở đơn vị. 4 Khen thưởng 1 CSTT (2016); 1 GK hoạt động phong trào Đoàn (2017). 5 Kỉ luật Không Phụ lục 19 KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ VỀ CÁC BIỆN PHÁP TÂM LÍ - XÃ HỘI PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CHỈ HUY CHO CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI Ở BINH CHỦNG CÔNG BINH 19.1. Kết quả đánh giá về các biện pháp tâm lí - xã hội phát triển năng lực chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Descriptive Statistics N Minimum Maximum Mean Std. Deviation Xây dựng động cơ, mục đích đúng đắn, thái độ hoạt động tích cực cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 333 3.00 5.00 4.3393 .60782 Bồi dưỡng kiến thức chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 333 3.00 5.00 4.2943 .62854 Tổ chức hiệu quả các hoạt động rèn luyện kĩ năng chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 333 3.00 5.00 4.4354 .60585 Phát huy tính tích cực, tự giác trong tự học tập, rèn luyện, phát triển năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh 333 2.00 5.00 3.8979 .71247 BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CHỈ HUY CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI CÔNG BINH 333 3.00 5.00 4.2417 .49040 Valid N (listwise) 333 19.2. Tương quan giữa các biện pháp tâm lí - xã hội phát triển năng lực chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Correlations Xây dựng động cơ, mục đích đúng đắn, thái độ hoạt động tích cực cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Bồi dưỡng kiến thức chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Tổ chức hiệu quả các hoạt động rèn luyện kĩ năng chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Phát huy tính tích cực, tự giác trong tự học tập, rèn luyện, phát triển năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CHỈ HUY CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI CÔNG BINH Xây dựng động cơ, mục đích đúng đắn, thái độ hoạt động tích cực cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Pearson Correlation 1 .755** .663** .717 .863** Sig. (2-tailed) .000 .000 .000 .000 N 333 333 333 333 333 Bồi dưỡng kiến thức chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Pearson Correlation .755** 1 .661** .662** .814 Sig. (2-tailed) .000 .000 .000 .000 N 333 333 333 333 333 Tổ chức hiệu quả các hoạt động rèn luyện kĩ năng chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Pearson Correlation .663** .761** 1 .680** .715** Sig. (2-tailed) .000 .000 .001 .000 N 333 333 333 333 333 Phát huy tính tích cực, tự giác trong tự học tập, rèn luyện, phát triển năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh Pearson Correlation .717** .662** .680** 1** .617** Sig. (2-tailed) .000 .000 .001 .000 N 333 333 333 333 333 BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CHỈ HUY CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI CÔNG BINH Pearson Correlation .863** .814** .715** .617** 1** Sig. (2-tailed) .000 .000 .000 .000 N 333 333 333 333 333 **. Correlation is significant at the 0.01 level (2-tailed Phụ lục 20 THỐNG KÊ SỐ LƯỢNG CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI Ở CÁC LỮ ĐOÀN CÔNG BINH THUỘC BINH CHỦNG CÔNG BINH TRONG DIỆN KHẢO SÁT CỦA LUẬN ÁN Tổng hợp tại 5 Lữ đoàn Công binh thuộc Binh chủng Công binh Số lượng (397) Tỉ lệ (%) Cán bộ cấp phân đội Ngạch sĩ quan Chỉ huy tham mưu 223 58,69 Chính trị 86 21,65 Kĩ thuật 88 22,16 Cán bộ cấp Tiểu đoàn 51 12,85 Đại đội 155 39,04 Trung đội 191 48,11 Trình độ đào tạo Cao đẳng 5 1,26 Đại học 357 89,92 Sau đại học 35 8,82 Nguồn: Phòng Chính trị ở 5 Lữ đoàn Công binh cung cấp tháng 1 năm 2020 Phụ lục 21 KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ NĂM CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI Ở CÁC LỮ ĐOÀN CÔNG BINH (Tính bằng % trên tổng số cán bộ cấp phân đội) Năm Tổng số cán bộ Phân loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Hoàn thành tốt nhiệm vụ Hoàn thành nhiệm vụ Không hoàn thành nhiệm vụ Số lượng Tỷ lệ Số lượng Tỷ lệ Số lượng Tỷ lệ Số lượng Tỷ lệ 2015 385 44 11,43% 299 77,66% 41 10,65% 1 0,26% 2016 365 36 9,86% 286 78,36% 42 11,51% 1 0,27% 2017 390 43 11,02% 307 78,72% 39 10,00% 1 0,26% 2018 375 34 9,07% 298 79,45% 41 10,93% 2 0,53% 2019 397 38 9,57% 310 78,09% 48 12,09% 1 0,25% Tổng 1912 195 10,20% 1500 78,46% 211 11,03% 6 0,31% Nguồn: Phòng Chính trị ở 5 Lữ đoàn Công binh cung cấp tháng 1 năm 2020 Phụ lục 22 KẾT QUẢ PHÂN LOẠI ĐẢNG VIÊN CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI Ở CÁC ĐẢNG BỘ LỮ ĐOÀN CÔNG BINH (Tính bằng % trên tổng số đảng viên là cán bộ cấp phân đội) Năm Tổng số đảng viên Phân loại Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng viên hoàn thành nhiệm vụ Đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ Số lượng Tỷ lệ Số lượng Tỷ lệ Số lượng Tỷ lệ Số lượng Tỷ lệ 2015 385 43 11,17% 299 77,66% 42 10,91% 1 0,26% 2016 365 36 9,86% 286 78,36% 42 11,51% 1 0,27% 2017 390 42 10,77% 308 78,97% 39 10,00% 1 0,26% 2018 375 34 9,07% 298 79,45% 41 10,93% 2 0,53% 2019 397 38 9,57% 309 77,84% 49 12,34% 1 0,25% Tổng 1912 193 10,09% 1500 78,46% 213 11,14% 6 0,31% Nguồn: Phòng Chính trị ở 5 Lữ đoàn Công binh cung cấp tháng 1 năm 2020

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docluan_an_nang_luc_chi_huy_cua_can_bo_cap_phan_doi_o_binh_chun.doc
  • jpg0 Cong Van De Nghi TTM - Duy TLH.jpg
  • doc1. BIA LUAN AN - DUY (26.1.2021).doc
  • doc2. BIA TOM TAT TIENG VIET - DUY (26.1.2021).doc
  • doc2. TOM TAT TIENG VIET - DUY (26.1.21).doc
  • doc3. BIA TOM TAT TIENG ANH - DUY (26.1.2021).doc
  • doc3. TOM TAT TIENG ANH - DUY (26.1.21).doc
  • doc4. THÔNG TIN MẠNG TIẾNG ANH - DUY (26.1.21).doc
  • doc4. THÔNG TIN MẠNG TIẾNG VIỆT - DUY (26.1.21).doc
Tài liệu liên quan