Luận án Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ đặc trưng thể loại

ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC ----------***---------- NGUYỄN THÀNH KHÁNH TRUYỆN TRINH THÁM VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX - TỪ ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM HUẾ - NĂM 2016  ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC ----------***---------- NGUYỄN THÀNH KHÁNH TRUYỆN TRINH THÁM VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX - TỪ ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số: 62 22 01 21 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa h

docx160 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 15/01/2022 | Lượt xem: 271 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Luận án Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ đặc trưng thể loại, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ọc PGS.TS. NGUYỄN PHONG NAM HUẾ - NĂM 2016 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả, số liệu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào. Tác giả luận án NGUYỄN THÀNH KHÁNH LỜI CẢM ƠN Tôi xin trân trọng cảm ơn Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế, Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi học tập và nghiên cứu. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới quý thầy, cô giáo Khoa Ngữ văn trường Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Huế, Trường Đại học Duy Tân và Phòng Sau đại học - Trường Đại học Khoa học Huế đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong quá trình hoàn chỉnh luận án. Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến PGS. TS Nguyễn Phong Nam - Người thầy đã tận tình hướng dẫn tôi trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học và hoàn thành luận án này. Huế, ngày 20 tháng 09 năm 2016 Nguyễn Thành Khánh MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến sâu sắc. Với sự gặp gỡ văn minh Phương Tây, sự tiếp thu mạnh mẽ và rộng rãi những tinh hoa văn hoá thế giới, văn học Việt Nam đã bứt ra khỏi hệ hình văn học trung đại, để tiến hành công cuộc hiện đại hoá. Văn học nước ta đã thay đổi nhanh chóng, với những thành tựu rực rỡ. Đây cũng là lúc thể loại văn học trinh thám được hình thành và phát triển. So với các thể loại khác, truyện trinh thám xuất hiện khá muộn, tuy vậy nó lại có những bước tiến rất nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, nó đã có một diện mạo khá hoàn chỉnh, với sự góp công của nhiều cây bút tên tuổi và số lượng tác phẩm lên đến hàng trăm cuốn. Thể loại này đã thu hút được rất đông độc giả thuộc đủ mọi thành phần khác nhau trong xã hội. Thông qua việc tiếp thu một thể loại của phương Tây, kết hợp với truyện vụ án phương Đông và các thể loại văn học truyền thống, nó đã trở thành một sản phẩm tinh thần có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với cộng đồng. Mức độ ảnh hưởng đến người đọc của truyện trinh thám trên thực tế là rất lớn. Đây là thể loại thường tạo nên những con số đáng kinh ngạc về lượng sách phát hành. Truyện trinh thám đã khẳng định được vị thế của mình trong đời sống văn học dân tộc. Tuy vậy, thể loại này lại không được giới chuyên môn đề cao. Vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân thuộc về quan niệm, nhận thức, ngay từ khi mới ra đời, thể loại văn học trinh thám đã bị coi là không có giá trị gì đáng kể, ngoài việc giải trí. Phần lớn các nhà nghiên cứu, thậm chí ngay cả các nhà văn viết truyện trinh thám cũng đều xem thể loại này là một thứ văn chương “hạng hai”, xoàng xĩnh. Truyện trinh thám bị đánh giá là thua kém các thể loại khác về giá trị thẩm mỹ, giá trị tư tưởng. Như vậy là đã có một sự vênh lệch rất lớn trong quan niệm của giới nghiên cứu, phê bình và công chúng thưởng thức về cùng một hiện tượng văn học. Đây là một nghịch lý trong đời sống văn học ở nước ta. Chính vì vậy mà từ lâu nay, các nhà chuyên môn đã dành nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, lý giải nhiều vấn đề liên quan đến thể loại truyện trinh thám Việt Nam. Trên thực tế, trong thời gian gần đây, đã có không ít tác phẩm được sưu tầm và tái bản để đáp ứng nhu cầu của độc giả; mặt khác cũng đã có nhiều cuộc Hội thảo được tổ chức, nhiều công tŕnh nghiên cứu, khảo luận về văn học trinh thám được công bố. Có thể coi đó là một sự nỗ lực trong việc đưa đến một cái nhìn khách quan, công bằng hơn về vai trò và vị trí của thể loại truyện trinh thám Việt Nam. Tuy nhiên, chưa thể nói rằng mọi vấn đề của truyện trinh thám đã được giải quyết một cách sáng tỏ và thỏa đáng. Vẫn còn nhiều câu hỏi về thể loại chưa được trả lời, nhiều vấn đề cơ bản vẫn chưa có được tiếng nói chung giữa các nhà nghiên cứu. Thậm chí còn nhiều vấn đề mang tính bản chất của thể loại này cần được nhận thức lại. Chẳng hạn những vấn đề có tính “nhận thức luận” về thể loại, vấn đề lịch sử hình thành, quy luật vận động, vai trò của truyện trinh thám trong tiến trình hiện đại hóa văn học, những đặc trưng cơ bản của truyện trinh thám Việt Nam ... Nghiên cứu và giải quyết đúng đắn những vấn đề trên không chỉ góp phần soi sáng một hiện tượng văn học độc đáo mà còn mở ra một hướng nhìn mới về việc đa dạng hóa chức năng văn học trong quá trình phát triển văn học Việt Nam hiện đại. Đây cũng là lý do thôi thúc chúng tôi thực hiện đề tài luận án. 2. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU Truyện trinh thám Việt Nam được hình thành trên cơ sở tiếp thu và cải biến mô hình của văn học Phương Tây. Đây là một phương pháp sáng tạo thích hợp được các nhà văn áp dụng trong thời điểm giao thời. Để làm phong phú thêm cho văn học dân tộc, các nhà văn đã tạo nên một thể loại văn học mới, chưa từng có tiền lệ trong văn học dân tộc bằng việc mô phỏng nhưng có sự sáng tạo, tiếp biến cho phù hợp với hoàn cảnh và tâm lý độc giả bản địa. Chính vì vậy truyện trinh thám Việt Nam vừa có dáng dấp của truyện trinh thám Phương Tây nhưng lại có những nét đặc thù. Mục tiêu chủ yếu của luận án này là làm rõ những đặc điểm của thể loại truyện trinh thám Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX trên các vấn đề: lịch sử hình thành và phát triển, quy luật vận động; các phương diện nội dung và nghệ thuật của thể loại... Trên cơ sở mục tiêu đã xác định như trên, luận án tập trung giải quyết những nhiệm vụ cụ thể sau đây: - Nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện tiến trình lịch sử của thể loại truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX . - Tìm hiểu những điểm đặc trưng thể loại của truyện trinh thám Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX, thông qua việc phân tích, đánh giá các yếu tố cụ thể như thế giới hình tượng (hình tượng nhân vật, không gian, thời gian), tổ chức tác phẩm (cốt truyện, kết cấu), phương thức trần thuật (ngôn ngữ, giọng điệu). - Xác định vai trò, giá trị của thể loại truyện trinh thám đồng thời khái quát quy luật vận động của nó trong tiến trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Nghiên cứu truyện trinh thám Việt Nam là một việc làm cần nhiều công sức, bởi hiện tại trong giới khoa học vẫn còn nhiều quan niệm khác nhau về những vấn đề rất cơ bản liên quan đến thể loại trinh thám (Định nghĩa thế nào là truyện trinh thám? Truyện trinh thám ở Việt Nam xuất hiện lúc nào? Tác giả trinh thám đầu tiên là ai? Truyện trinh thám có phải là thể loại văn học hay không?). Chính vì thế, bên cạnh nhiệm vụ chính, chúng tôi còn phải giải quyết những vấn đề liên quan khác, có tính chất lý thuyết, lý luận về thể loại này. Chúng tôi coi đó cũng là những nhiệm vụ cần thiết được giải quyết trong luận án. 3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các tác phẩm văn xuôi thuộc thể loại trinh thám xuất hiện trong khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ XX. Tác phẩm đó cần đảm bảo các yêu cầu cụ thể: về cốt truyện, phải có đủ hai yếu tố cơ bản nổi bật là các sự kiện làm nên một vụ án và người điều tra (bao gồm nhân vật thám tử/ một người có nghĩa khí anh hùng/ một vị quan thanh liêm/ một thanh niên trí thức tiến bộ ). Về kết cấu, tác phẩm được tổ chức theo mô thức “đố - giải đố”, truyện kết thúc khi vụ án được giải mã. Về văn bản, tác phẩm được viết bằng văn xuôi quốc ngữ, gồm các ấn phẩm đã in (thành sách, đăng trên báo chí). Trên cơ sở tiêu chí như vậy, luận án của chúng tôi khảo sát các kiểu truyện trinh thám chủ yếu sau: - Truyện trinh thám kỳ án: Gồm một số truyện trinh thám có yếu tố kinh dị, kỳ ảo của Thế Lữ. - Truyện trinh thám suy luận: gồm những truyện kể về nhân vật thám tử (chẳng hạn truyện Lê Phong phóng viên của Thế Lữ; truyện thám tử Kỳ Phát, Huỳnh Kỳ của Phạm Cao Củng). - Truyện trinh thám mang màu sắc ái tình - hành động - võ hiệp (cốt truyện có vụ án và người điều tra vụ án). Ở nhóm này có khi tác phẩm được đề là “ái tình tiểu thuyết”, “hành động tiểu thuyết”, “võ hiệp tiểu thuyết, “kỳ tình tiểu thuyết” song do chúng đáp ứng các tiêu chí của thể loại trinh thám nên chúng tôi vẫn đưa vào. Nhóm này gồm tác phẩm của một số tác giả như Biến Ngũ Nhy, Phú Đức, Bửu Đình, Nam Đình Nguyễn Thế Phương, Bùi Huy Phồn 3.2. Phạm vi nghiên cứu Luận án nghiên cứu một cách có hệ thống diện mạo truyện trinh thám, một thể loại mới, xuất hiện trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Chúng tôi sẽ tập trung làm rõ những đặc trưng của thể loại văn học này, từ quá trình hình thành và phát triển, cho đến những đặc điểm của hình tượng nghệ thuật, các kiểu cốt truyện và phương thức trần thuật Về mặt văn bản, tác phẩm được chọn để khảo sát chủ yếu nằm trong khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ XX. Các văn bản này được in ấn trong một khoảng thời gian rất dài, bao gồm những bản đã được in thành sách, đăng báo, tái bản Cũng trong giai đoạn này, mặc dù có một số tác phẩm mang yếu tố trinh thám được nhắc đến ở công trình của các nhà nghiên cứu đi trước, nhưng do chưa tìm được đầy đủ văn bản nên chúng tôi không đưa vào diện khảo sát. Mặt khác, do hạn chế trong khâu xử lý văn bản, nên luận án chúng tôi không nghiên cứu các truyện trinh thám dịch, truyện trinh thám viết bằng chữ quốc ngữ phát hành ở nước ngoài. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Trong quá trình triển khai đề tài, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau đây: 4.1. Phương pháp nghiên cứu loại hình Truyện trinh thám Việt Nam là một hiện tượng rất đặc biệt của văn học nước nhà. So với truyện trinh thám Phương Tây, nó có nhiều điểm đặc thù, khác biệt cả về nội dung và hình thức nghệ thuật, lẫn vai trò, vị trí trong đời sống. Để nhận thức về đối tượng này, trong luận án chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu loại hình. Phương pháp này được vận dụng để nhận diện, phân loại đối tượng một cách hiệu quả. 4.2. Phương pháp cấu trúc - hệ thống Phương pháp cấu trúc – hệ thống giúp chúng tôi có thể tiếp cận đối tượng một cách hợp lý, thuận lợi. Tác phẩm truyện trinh thám được đặt trong các mối quan hệ thuộc nhiều cấp độ, mô thức tổ chức, hệ thống khác nhauTừ đó có thể xác định được vai trò, vị trí, đặc trưng của thể loại truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. 4.3. Phương pháp lịch sử Truyện trinh thám là một thể loại văn học được hình thành và phát triển trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử Việt Nam. Đây cũng là một sản phẩm văn hóa – văn học mang tính lịch sử sâu sắc. Chính vì vậy, việc vận dụng phương pháp lịch sử là điều cần thiết. Với việc vận dụng phương pháp này, chúng tôi có điều kiện để khảo sát một cách cụ thể sự chi phối, ảnh hưởng của hoàn cảnh kinh tế chính trị văn hóa xã hội đối với đời sống văn học nói chung, thể loại truyện trinh thám nói riêng. 4.4. Phương pháp so sánh Phương pháp so sánh được sử dụng trong luận án nhằm làm nổi bật điểm tương đồng, dị biệt giữa truyện trinh thám Việt Nam trong tương quan với truyện trinh thám của các nền văn học khác (đặc biệt là văn học Phương Tây); nét đặc thù của truyện trinh thám so với các thể loại khác (cùng thuộc phương thức tự sự); điểm riêng biệt độc đáo giữa phong cách nghệ thuật của các nhà văn trinh thám tiêu biểu... Ngoài các phương pháp vừa nêu trên, trong luận án này chúng tôi còn vận dụng các phương pháp, thủ pháp đặc thù của tự sự học và thi pháp học để giải quyết vấn đề. Truyện trinh thám Việt Nam là một hiện tượng văn học phức tạp. Nghiên cứu về thể loại này đòi hỏi phải vận dụng, phối hợp nhiều phương pháp mới có thể tiếp cận chân lý nghệ thuật một cách thấu đáo. Bởi vì phương pháp nào cũng có những ưu điểm và hạn chế nên các phương pháp sẽ bổ sung cho nhau trong quá trình nghiên cứu. 5. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN Luận án “Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX – từ đặc trưng thể loại” của chúng tôi, có một số đóng góp mới cụ thể như sau: 1/. Nhận diện một cách đầy đủ, hệ thống diện mạo truyện trinh thám Việt Nam; mô tả, trình bày đầy đủ quá trình hình thành, phương thức tiếp thu, tiếp biến của thể loại, từ đó làm rõ vai trò và vị trí của truyện trinh thám trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc. 2/. Xác lập nội hàm khái niệm “truyện trinh thám Việt Nam”; phân tích các kiểu truyện trinh thám nửa đầu thế kỷ XX; khái quát đặc điểm hình tượng nghệ thuật, đặc điểm cốt truyện và phương thức trần thuật, những đặc trưng riêng của truyện trinh thám Việt Nam trong giai đoạn này. 3/. Đánh giá một cách khách quan, khoa học về giá trị, vai trò, vị trí của thể loại truyện trinh thám; đồng thời trình bày quy luật vận động của thể loại này trong tiến trình lịch sử của văn học Việt Nam hiện đại. Luận án cũng trình bày về những tác động, ảnh hưởng của thể loại truyện trinh thám đối với người đọc trong việc hình thành thị hiếu thẩm mỹ, nhân cách văn hóa của cá nhân và cộng đồng. 6. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN Luận án có bố cục như sau: 1/. MỞ ĐẦU: Trình bày lý do, mục đích, đối tượng, phương pháp nghiên cứu và những đóng góp mới của luận án. 2/. NỘI DUNG: Gồm 4 chương Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án. Trong chương này, chúng tôi tiến hành khảo sát các công trình nghiên cứu có nội dung liên quan đến đề tài luận án. Trên cơ sở mô tả, phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu của giới chuyên môn về thể loại truyện trinh thám ở Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, chúng tôi đi vào xác định những vấn đề trọng tâm luận án tập trung giải quyết. Chương 2. Diện mạo truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Nội dung chủ yếu của chương này là phác thảo diện mạo truyện trinh thám trên cơ sở tìm hiểu khái niệm, đặc điểm loại hình để xác định quy luật vận động của truyện trinh thám Việt Nam trong tiến trình văn xuôi Việt Nam hiện đại. Chương 3. Đặc điểm hình tượng nghệ thuật trong truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Trong chương này chúng tôi tiến hành nghiên cứu thế giới hình tượng (chủ yếu là hình tượng nhân vật, không gian và thời gian nghệ thuật), để qua đó chỉ rõ những nét đặc trưng riêng của thể loại truyện trinh thám Việt Nam. Chương 4. Đặc điểm cốt truyện, phương thức trần thuật trong truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Chương này tập trung vào nhiệm vụ phân tích, làm rõ việc tiếp thu, tiếp biến và sự vận dụng sáng tạo của nhà văn trinh thám Việt Nam trên hai phương diện cơ bản nhất là cốt truyện và phương thức trần thuật trong tác phẩm. 3/. KẾT LUẬN 4/. TÀI LIỆU THAM KHẢO 5/. PHỤ LỤC CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI Truyện trinh thám Việt Nam ra đời vào đầu thế kỷ XX. Trong một quãng thời gian rất dài, thể loại này thường bị coi là “văn chương hạng hai”, ít được giới nghiên cứu chú ý. Đây là một thực tế rất dễ nhận thấy và do nhiều nguyên nhân khác nhau chi phối, cả chủ quan lẫn khách quan. Trước hết là bởi truyện trinh thám ở giai đoạn đầu chưa có những thành tựu thật sự nổi bật. Một trở ngại khác là do thị hiếu thẩm mỹ của người Việt nửa đầu thế kỷ XX; họ chưa thể quen với hình ảnh nhân vật thám tử điều tra dựa trên cơ sở tư duy logic, kết hợp với phương tiện khoa học hiện đại để phá án. Hoạt động thám tử, điều tra vụ án theo lối phương Tây vẫn còn là những thứ xa lạ đối với người Việt Nam vốn quen với lối truyện “kỳ án”, “công án”. Thế nên người đọc thường cho rằng truyện trinh thám là kết quả của sự bịa đặt, hư cấu, do nhà văn tự tưởng tượng ra. Đấy là chưa kể, do sự chi phối của quan niệm truyền thống, văn chương đích thực phải là thứ văn chương dùng để “tải đạo”, “ngôn chí”, những thứ vốn rất mờ nhạt đối với truyện trinh thám. Bởi vậy, thể loại này đương nhiên không được chú trọng, không được đánh giá cao. Hoạt động sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học trinh thám do vậy cũng có những đặc điểm riêng. 1.1.1. Giai đoạn trước 1945 Năm 1928, tác giả S.S Van Dine (1888 – 1939, bút danh của Willard Huntington Wright), nhà phê bình nghệ thuật, nhà văn Mỹ, đã đưa ra “Hai mươi nguyên tắc của việc viết truyện trinh thám”. Ông cho rằng “Truyện trinh thám là một dạng của trò chơi trí tuệ. Hơn nữa, có thể nói, đó còn là một sự thử thách mang tính thể thao, trong đó tác giả cần phải đọ sức một cách trung thực với độc giả” [151]. Đây được coi là những nguyên lý mẫu mực về mặt lý thuyết cho các nhà văn, nhà nghiên cứu khi tìm đến truyện trinh thám. Ở Việt Nam, những năm đầu thế kỷ XX, các nhà văn chủ yếu tiếp xúc với truyện trinh thám phương Tây thông qua tác phẩm của các nhà văn như Edgar Allan Poe, Conan Doyle, Agatha Christie... Họ coi tác phẩm của các nhà văn này như một thứ khuôn mẫu trong lĩnh vực truyện trinh thám để học hỏi, mô phỏng theo. Trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm để sáng tác một thể loại hoàn toàn mới mẻ như vậy, các nhà văn Việt Nam đã tạo ra một kiểu truyện trinh thám với những đặc điểm riêng. Đó là những tác phẩm mà cốt truyện xoay quanh việc điều tra một vụ án (thường là cái chết bí ẩn, một vụ mất cắp), có nhân vật thám tử (chuyên nghiệp hoặc không chuyên); và trong suốt quá trình điều tra, cả tác giả và độc giả cùng khám phá bí mật cho đến kết thúc câu chuyện, vụ án được làm sáng tỏ. Đây cũng là những những nguyên tắc cơ bản của truyện trinh thám Phương Tây mà các nhà văn Việt Nam đã vận dụng. Bên cạnh đó, họ còn biết kết hợp với kiểu truyện “kỳ án”, “công án” rất phổ biến trong văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc. Sự kết hợp này đã tạo nên một thể loại truyện trinh thám “hỗn hợp”, được pha trộn yếu tố vụ án – ái tình – hành động – võ hiệp rất độc đáo. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện tượng này lại chưa được giới nghiên cứu tìm hiểu một cách đầy đủ. Có thể nói cho đến giữa thế kỷ XX, ở Việt Nam vẫn chưa có một công trình nghiên cứu quy mô nào về thể loại truyện trinh thám được công bố. Những gì được gọi là nghiên cứu thực ra chỉ là những nhận xét, lời bàn sơ lược về một số hiện tượng cụ thể; đó thường là các bài giới thiệu, phân tích về nội dung, nghệ thuật trong tác phẩm của một số cây bút như Thế Lữ, Phạm Cao Củng do chính các nhà văn thực hiện. Trong “Lời giới thiệu” Vàng và máu, Khái Hưng đã nhận xét về hiện tượng kết hợp “bút pháp” phương Tây và phương Đông ở các truyện trinh thám kinh dị của Thế Lữ. Nhà văn lý giải như sau: “Tác giả những truyện Vàng và máu và Một đêm trăng đã tỏ ra có óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh, hai nhà viết những truyện ghê gớm huyền hoặc, làm cho độc giả yếu bóng vía phải rùng mình lúc đêm khuya” [51, tr.416]. Đưa ra đánh giá này, Khái Hưng dường như chỉ căn cứ vào các truyện trinh thám kinh dị của Thế Lữ ở giai đoạn đầu (Vàng và máu, Một đêm trăng xuất hiện vào năm 1934). Thực ra, khái quát như vậy về Thế Lữ là chưa đầy đủ bởi ông còn có cả loạt truyện trinh thám suy luận (tập trung nhất là truyện về nhân vật thám tử Lê Phong) xuất hiện từ năm 1937. Trong khi đó, Dương Quảng Hàm lại có cái nhìn khác về tác phẩm Vàng và máu, Bên đường thiên lôi của Thế Lữ. Nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến “chủ đích” của tác giả khi sáng tác truyện trinh thám kinh dị: Ông thường công kích những điều mê tín dị đoan. Muốn đạt chủ đích ấy, ông đặt những câu chuyện có vẻ rất rùng rợn làm cho người đọc ghê sợ, rồi đến đoạn kết, ông đem cái lẽ khoa học ra mà giải thích các việc đã xảy ra một cách rất đơn giản, tự nhiên. Chính vì thế, các câu chuyện có sức hấp dẫn kỳ lạ, làm cho người đọc thích thú [45, tr.9]. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan, trong cuốn Nhà văn hiện đại, Tập II (1943), cũng dành một phần để nói về truyện trinh thám Việt Nam. Ông đặc biệt chú ý đến Phạm Cao Củng, theo tác giả, Phạm Cao Củng là tiêu biểu nhất trong số các cây bút theo đuổi thể loại văn học này. Vũ Ngọc Phan cho rằng : Trong các tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn..., các truyện trinh thám của Bùi Huy Phồn mang tính chất “hoạt kê” ... cách điều tra, phán đoán sự việc mà ông miêu tả trong truyện còn đơn giản, nhiều yếu tố ngẫu nhiên, vô lý [89, tr.53]. Có thể thấy Vũ Ngọc Phan đã đánh giá cao sự sáng tạo của Phạm Cao Củng trong việc tiếp biến một thể loại văn học có nguồn gốc từ phương Tây. Ở đây cái nhìn của ông đối với Thế Lữ có phần gần gũi với Khái Hưng. Theo Vũ Ngọc Phan thì “Về tiểu thuyết, tuy loại truyện trinh thám của Thế Lữ chưa thành công, nhưng về những truyện ghê sợ, ông đã chứng tỏ là một tiểu thuyết gia có biệt tài, nghệ thuật viết tiểu thuyết của Thế Lữ ở đây đã lên tới trình độ cao” [89, tr.54]. Điều đáng lưu ý là Vũ Ngọc Phan tuy đề cao khả năng của Thế Lữ trong các tác phẩm trinh thám kinh dị (ông gọi là “truyện ghê sợ”) nhưng không hiểu vì sao ông lại không thừa nhận sự thành công của Thế Lữ trong loạt tác phẩm viết về thám tử Lê Phong. Đối với các tác giả chỉ viết một vài truyện mang màu sắc trinh thám như Thúy Am (Anh hùng tương ngộ, Cái hầm bí mật, Người hay ma), Cuồng Sĩ (Ai giết quan tòa), Vũ Đình Tuyết (Mảnh giấy bí mật, Con ma đeo kính Vuông khăn đẩm máu), một số tác phẩm do Tân Dân Quán xuất bản không ghi tên tác giả như Con khỉ giết người, Xác chết chạy đi đâu hầu như rất ít hoặc không được các nhà nghiên cứu nhắc đến. Ngoài các bài viết về tác giả cụ thể vừa kể trên, một số nhà nghiên cứu, nhà văn cũng đề cập đến những vấn đề chung của thể loại trinh thám. Nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng có thái độ không mấy thiện cảm về truyện trinh thám. Tác giả giễu cợt nhân vật “thám tử” trong truyện Cái lò gạch bí mật (với đề từ: Truyện trinh thám An Nam), một kẻ có cái gì đó không bình thường: “Trinh độ này thích đọc truyện trinh thám Tây, và cả ngày, lúc nào anh cũng có vẻ bí mật, hay nhận xét từng cái cử chỉ cỏn con của người khác, và hay suy xét tâm lý người ta bằng những câu vụn vặt mà anh nghe lóm được. Anh muốn làm nhà trinh thám thứ nhất của nước Việt Nam” [155, tr.3]. Kết thúc truyện, tang vật mà nhà thám tử tìm thấy sau nhiều ngày theo dõi kẻ tình nghi: “Tang vật đó to bằng vành khăn đàn bà, cuộn khoanh lù lù trên mặt đất thành một bãi, đầu hình búp măng, màu vàng, mà ở đuôi là có hơi ngắn, thôi thối [155, tr.3]. Nhìn chung, hầu hết những công trình nghiên cứu về truyện trinh thám trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX chỉ tập trung vào hai tác giả ở miền Bắc, nhưng chủ yếu tập trung vào nhóm truyện kinh dị. Mặc dù có biểu dương sự sáng tạo của nhà văn Việt Nam trong việc tiếp thu thể loại văn học phương Tây, nhưng lại không thực sự coi trọng giá trị của thể loại truyện trinh thám ở Việt Nam. 1.1.2. Giai đoạn từ 1945 đến 1975 Lịch sử Việt Nam, kể từ 1945 đến 1975 vận động theo một tiến trình rất đặc biệt. Năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu một giai đoạn lịch sử: chấm dứt sự hiện hữu của chế độ thực dân – phong kiến. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, lịch sử dân tộc lại bước vào một hoàn cảnh mới: từ 1945 đến 1954, nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp; từ 1954, đất nước chia đôi thành Miền Nam và Miền Bắc. Từ đây, mỗi miền là một thể chế chính trị, có nền kinh tế, đời sống văn hóa riêng; và tương ứng với đó là một nền văn học phát triển theo những đường hướng, đặc điểm riêng. Tình trạng này kéo dài đến 1975, khi đất nước được thống nhất. Ở Miền Bắc, để đáp ứng yêu cầu thực tế của đời sống, các nhà văn đã tạo nên một nền văn học mới – văn học Cách mạng. Trong hoàn cảnh cả xã hội dốc sức cho hai nhiệm vụ chính là xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà, văn học cũng được huy động như một nguồn lực để phục vụ sự nghiệp chung. Văn chương được coi là vũ khí chiến đấu chứ không còn là phương tiện giải trí. Chính vì vậy mà thể loại truyện trinh thám ở miền Bắc, để có thể thích nghi với hoàn cảnh mới, đã chuyển sang một dạng khác, đó là trinh thám tình báo, phản gián theo ảnh hưởng văn học các nước Xã hội chủ nghĩa (tiêu biểu là Liên Xô, Trung Quốc). Lối truyện trinh thám phổ biến chặng đầu thế kỷ XX đã không còn. Thay vào đó là sự “biến dạng” của thể loại để trở thành các tiểu phẩm dưới hình thức “câu chuyện cảnh giác”, “chuyện vì an ninh tổ quốc”. Ngoài ra, còn có các truyện trinh sát – hình sự viết về chiến công phá án của lực lượng công an hoặc một số truyện tình báo được dịch từ nước ngoài. Trong bối cảnh đó, không khó lý giải tình trạng thưa vắng các công trình nghiên cứu về thể loại truyện trinh thám. Ở Miền Nam, kể từ năm 1954, truyện trinh thám cũng hầu như không phát triển; thật hiếm có những sáng tác mới thuộc thể loại này được xuất bản. Chính vì vậy mà tình hình nghiên cứu truyện trinh thám cũng không có gì đáng kể. Tuy nhiên, trong các công trình nghiên cứu văn học sử dùng cho học đường, một số nhà nghiên cứu (phần lớn là các giáo sư đại học) cũng có đề cập đến các tác giả, tác phẩm trinh thám. Tác giả Phạm Thế Ngũ, trong Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (1965), đã dành 11 trang đánh giá về mảng truyện kinh dị lãng mạn và truyện trinh thám của Thế Lữ. Theo Phạm Thế Ngũ, bên cạnh một Thế Lữ mở đường cho Thơ mới còn có một Thế Lữ văn xuôi đặc sắc. Tuy nhiên, truyện trinh thám của Thế Lữ cũng có nhược điểm: “Tiểu thuyết của ông cao quá, lấy làm truyện những điều lạ quá, làm nhân vật những người hiếm quá... Cao quá cả ở cách viết săn sóc chải chuốt, cách lập luận khoa học tỷ mỷ, vì vậy không phổ biến trong độc giả trung bình.... Các tác phẩm trinh thám của ông có nhiều tình tiết phi lý, không gian và thời gian truyện ngắn và hẹp một cách khiên cưỡng [77, tr.214]. Phạm Thế Ngũ cho rằng “thể loại tiểu thuyết này ngay bản chất của nó, không có lợi thú văn học lắm.” [77, tr.214]. Tác giả Lê Huy Oanh đã đi sâu tìm hiểu nghệ thuật xây dựng cốt truyện và nghệ thuật kể chuyện trong truyện trinh thám kinh dị của Thế Lữ và kết luận: “Vàng và máu là một kỳ công nghệ thuật đáng được khâm phục. Ở đó, bao nhiêu li kì rùng rợn được dàn dựng công phu, hấp dẫn” [86, tr.55]. Bên cạnh các tác giả truyện trinh thám gốc miền Bắc như Thế Lữ, Phạm Cao Củng, một tác giả miền Nam là Phú Đức cũng được nhắc đến. Một số cây bút như Thượng Sỹ, Vũ Bằng, Ngọa Long đã đề cập đến nhiều vấn đề trong sáng tác của nhà văn Phú Đức và khẳng định “chỉ với cái tên tác giả Phú Đức là đủ đảm bảo, đủ lôi kéo bạn đọc rồi; nhưng phải nhìn nhận là trong tất cả tiểu thuyết của Phú Đức thì chỉ có bộ Châu về hiệp phố là hay hơn hết” [102, tr.25]. Nhìn chung, so với trước, giai đoạn 1945 – 1975, truyện trinh thám không phát triển và có thể nói là lịch sử thể loại đã bị đứt đoạn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tác phẩm trinh thám không còn giữ được sức cuốn hút mạnh mẽ như trước; bản thân các nhà văn cũng không dành nhiều tâm sức để sáng tác. Ngay cả những người vốn sở trường trong địa hạt truyện trinh thám cũng không còn duy trì mạch thể loại: Thế Lữ chuyển sang viết kịch, Bùi Huy Phồn làm thơ và viết tiểu thuyết, Phạm Cao Củng và các nhà văn Nam Bộ không có nhiều sáng tác mới Đương nhiên, tình hình nghiên cứu truyện trinh thám cũng không thể khởi sắc được. 1.1.3. Giai đoạn từ 1975 đến nay Sau năm 1975, đất nước hòa bình thống nhất, lịch sử chuyển sang một giai đoạn mới. Tuy vậy, đời sống văn học vẫn chưa có những biến chuyển mang tính đột phá. Văn học vẫn tiếp tục mạch vận động như cũ, từ cảm hứng chủ đạo cho đến phương pháp sáng tác, nghệ thuật thể hiện. Trong hoạt động nghiên cứu, nhận thức về văn học, các dòng văn học không nằm trong hệ quy chiếu của chủ nghĩa hiện thực và hiện thực xã hội chủ nghĩa tiếp tục bị phê phán một cách nghiêm khắc. Tác giả Vũ Đức Phúc, trong một bài viết với tựa đề “Truyện trinh thám” (1981), đã dành nhiều trang giới thiệu lịch sử hình thành truyện trinh thám thế giới, với những tác gia tiêu biểu như Honoré de Balzac, Charles Dickens, E. Allan Poe . Theo tác giả, điều đáng kể trong truyện trinh thám chính là hiện thực xã hội (tư bản) mà nhà văn đã tập trung phản ánh, mô tả với tinh thần phê phán. Đánh giá về truyện trinh thám Việt Nam, nhà nghiên cứu đưa ra một kết luận khá bất ngờ: “Truyện trinh thám có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội” [91, tr.36]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung trong “Lời giới thiệu” Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945, đã phân chia truyện của Thế Lữ chi tiết hơn, tác giả viết: “Ông được biết trước hết là ở loại truyện kinh dị (...) rồi loại truyện tình lãng mạn đường rừng (...) và nhất là truyện trinh thám, ông là một trong những người dẫn đầu về thể loại tiểu thuyết ở nước ta” [55, tr.423]. Ông xếp sáng tác của Thế Lữ thành nhiều nhóm khác nhau, trong đó đáng chú ý là “truyện kinh dị”, “truyện trinh thám”, “truyện đường rừng”. Nguyễn Hoành Khung đánh giá về văn nghiệp của Thế Lữ cả hai giai đoạn trước và sau cách mạng tháng Tám: Thành công nhất của nhà văn vẫn là truyện trinh thám. Đồng thời, tác giả cũng nhận định về thể loại truyện trinh thám Việt Nam: Chính cái “phụ đề” ghi bên cạnh tên truyện “Truyện trinh thám An Nam” của nhà văn Nguyễn Công Hoan, cho thấy cái nhìn khắt khe về thể loại truyện trinh thám Việt Nam của nhà văn hiện thực Nguyễn Công Hoan. Bình luận về truyện ngắn này, Nguyễn Hoành Khung cho rằng “Thiên truyện thường được xem như một ngón đòn “đả kích khá trúng thứ văn chương” hiện đại, “lai căng toàn những chuyện ly kỳ rẻ tiền” [54, tr.7]. Nhà văn trinh thám “hoạt kê” Bùi Huy Phồn, trong “Đôi lời tâm sự cùng bạn đọc” in trong tác phẩm Lá huyết thư (tái bản năm 1989) nhận định: “Trong những năm cuối thập kỷ 20 đầu thập kỷ 30 bên cạnh những tiểu thuyết ... chứa chan lòng yêu nước thương nòi, chúng ta còn bị một thứ bịnh dịch điên loạn về các loại truyện phong thần, kiếm hiệp, dao bay, trinh thám ... tung ra từ bốn phương tám hướng để ngu dân, đầu độc đông đảo thanh niên hồi bấy giờ, thứ bịnh dịch cũng không kém phần nguy hiểm như các thứ truyện trinh thám rẻ tiền, truyện về những vụ án hình sự đương ăn dỗ tiền và mê hoặc con em chúng ta ngày nay” [ 93, tr. 6]. Từ năm 1986 trở đi, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Đây cũng là lúc các nhà nghiên cứu bắt đầu có sự thay đổi trong cách nhìn nhận, đánh giá về các hiện tượng văn học. Thể loại truyện trinh thám do vậy cũng được nghiên cứu một cách thận trọng, với một thái độ khách quan, khoa học hơn. Ít thấy những lời phê phán gay gắt dành cho thể loại văn học này như trước đây; thậm chí có những tác giả đặt lại vấn đề, xác định lại vai trò, vị trí của truyện trinh thám trong đời sống văn học. Trong bối cảnh đó, xuất hiện rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến thể loại truyện trinh thám Việt Nam. Nhà thơ Tế Hanh trong bài “Thương tiếc nhà thơ Thế Lữ”, cho rằng: “Thế Lữ thích viết những truyện li kì nhưng cấu trúc lúc nào cũng rõ ...n vật chính trong truyện trinh thám Anh thường là “ông cò” (police), thám tử, trùm các băng cướp Đặc biệt, với nhân vật Sherlock Holmes, thám tử đã trở thành một nghề chuyên nghiệp; công việc chính là phá án, thông qua các phương tiện và phương pháp tư duy khoa học. Quan niệm về thể loại truyện trinh thám có nhiều sự thay đổi theo thực tế sáng tác. Trong nửa đầu thế kỷ XX, ở phương Tây, nhìn chung truyện trinh thám được xây dựng theo mô hình cấu trúc “câu đố”. Đặc trưng của mô hình này là “đố” - “giải đố”, là tư duy logic, suy lý, suy luận. Chính vì thế mà nhân vật thám tử nhiều khi bị biến thành một “cỗ máy” nhận thức. Trong bối cảnh này, dĩ nhiên tính nghệ thuật, chất văn chương bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Việc một số nhà nghiên cứu không thừa nhận đưa truyện trinh thám vào “ngôi đền nghệ thuật” cũng là điều có thể hiểu được. Trong khoảng thời gian từ năm 1945 trở về sau, khái niệm truyện trinh thám thường được dùng để chỉ những tác phẩm văn học mà trong đó có một thám tử, điều tra một vụ án thông qua quá trình suy luận khoa học để vén bức màn bí mật của câu chuyện. Rất nhiều nhà văn đã thành công về thể loại này. Nhiều tác phẩm cuốn hút một lượng độc giả khổng lồ từ mọi giai tầng, mọi chủng tộc, mọi lứa tuổi, trên cơ sở sự cách tân về mặt cấu trúc và hình tượng nhân vật thám tử. Có thể nói rằng với sự phát triển nhanh chóng của thể loại, nhà văn ở mỗi nước đều có những quan niệm riêng, nên đã phát sinh ra các phân nhánh khác nhau như trinh thám cổ điển, trinh thám đen, trinh thám chính trị, trinh thám tình báo – phản gián, trinh thám hình án ..., và phương thức thể hiện cũng ít nhiều có sự khác biệt. Từ những gì đã trình bày ở trên, có thể thấy quan niệm về nét đặc thù của thể loại truyện trinh thám mà các tác giả và các nhà nghiên cứu văn học ở nước ngoài đã bàn thảo, tựu trung chỉ xoay quanh hai yếu tố mấu chốt là nhân vật và sự kiện: - Nhân vật: Truyện trinh thám là một trò chơi trí tuệ, một thể loại văn học nặng về giải trí vì thế nhân vật thám tử có vai trò đặc biệt quan trọng. Quá trình điều tra vụ án luôn được tiến hành dựa trên tư duy logic, suy luận khoa học của thám tử. - Sự kiện: Sự kiện mở đầu truyện trinh thám thường có tính chất bí ẩn nhưng hành trình khám phá sự thật của vụ án luôn hướng đến sự rõ ràng, minh bạch. Vấn đề cốt yếu của một tiểu thuyết trinh thám không phải là miêu tả tội ác (như một đối tượng, một biểu hiện của hiện thực cuộc sống) mà là cuộc điều tra về tội ác. 2.1.1.2. Truyện trinh thám trong quan niệm của các tác giả Việt Nam Nhìn chung, ở Việt Nam, giới nghiên cứu cũng như người sáng tác vẫn chưa có một sự thống nhất trong quan niệm về thể loại này. Nhiều người vẫn hiểu một cách đơn giản rằng truyện trinh thám là truyện về hoạt động của công an, cảnh sát, mật thám(vì có nguồn gốc từ thuật ngữ “roman policier” mà ra). Thể loại này thường được khái quát thành một “công thức”: đó là những tác phẩm viết về “cuộc đấu tranh của những nhà trinh thám với kẻ địch”. Điều này thể hiện rất rõ trong các bộ từ điển. Chẳng hạn, Từ điển tiếng Việt (Nguyễn Kim Thản – Hồ Hải Thuỵ - Nguyễn Đức Dương) định nghĩa: “Trinh thám: dò xét, thám thính; thám tử: người làm công việc dò xét trong xã hội cũ. Truyện trinh thám nội dung kể những vụ án hình sự li kỳ và hoạt động điều tra của các thám tử để tìm ra thủ phạm” [105, tr.1672]; Từ điển tiếng Việt (Nguyễn Ngọc Bích chủ biên) cũng ghi: “Tiểu thuyết trinh thám là tiểu thuyết lấy đề tài những chuyện li kỳ trong cuộc đấu tranh giữa những nhà trinh thám với kẻ địch” [8, tr.865]; Từ điển bách khoa thư – Wikipedia, cũng trình bày tương tự: Tiểu thuyết trinh thám là một nhánh của tiểu thuyết tội phạm. Đó là những tác phẩm có vấn đề trung tâm là điều tra về tội ác (thường là những vụ án giết người) bởi một thám tử cũng có thể chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư. Tiểu thuyết trinh thám là hình thức phổ biến nhất của cả tiểu thuyết bí ẩn và tiểu thuyết tội phạm Còn nhà văn Phạm Cao Củng thì giải thích: “Trinh thám là một loại tiểu thuyết điều tra, trong đó nhân vật chính theo dõi, khám phá ra thủ phạm các trộm cướp, gian dâm, bắt cóc, án mạng, và ai có khiếu về lãnh vực này đều làm được, không cứ gì phải là thám tử nhà nước. Loại này Pháp gọi là Roman Policier và Anh là Detetive story [24, tr.358]. Trong khi nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ cho rằng, tiểu thuyết trinh thám là một tiểu loại hình trong tiểu thuyết phiêu lưu: “Tiểu thuyết phiêu lưu là một thuật ngữ có nội dung rất rộng bao gồm tiểu thuyết du ký, tiểu thuyết hiệp sĩ thời trung cổ, tiểu thuyết bợm nghịch, tiểu thuyết đen, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết kiếm hiệp, tiểu thuyết tình báo, phản gián” [31, tr.210]. Thực ra, đối với thực tế văn học Việt Nam, hiểu về truyện trinh thám như trên là không phù hợp. Khác với tác phẩm trinh thám phương Tây, vốn khá rành mạch về phương diện loại hình, truyện trinh thám Việt Nam lại rất đa dạng. Nó không chỉ bó hẹp, giới hạn trong một vài phương diện của hoạt động điều tra, phá án, hình sự mà gộp nhập, pha trộn rất nhiều yếu tố khác nhau trong một tác phẩm. Văn học Việt Nam thời trung đại, do bị chi phối bởi quan niệm “Văn dĩ tải đạo” nên các tác phẩm văn chương thường nói lên ý chí và tình cảm của tác giả với mục đích giáo huấn con người, hoặc tố cáo hiện thực xã hội. Đến nửa đầu thế kỷ XX, do ảnh hưởng của văn học phương Tây, kết hợp với các thể loại tiểu thuyết giàu trí tưởng tượng khác như võ hiệp, “công án” của văn học Trung Quốc, truyện trinh thám Việt Nam đã bước đầu được hình thành. Thực ra, cái gọi là “tiểu thuyết trinh thám” lúc này có diện mạo khá phong phú. Đó là lối truyện mang màu sắc trinh thám nghĩa hiệp – ái tình – vụ án ở Nam Bộ kiểu như Kim thời dị sử - Ba Lâu ròng nghề đạo tặc của Biến Ngũ Nhi (1917), Huyết lệ hoa (ghi rõ là trinh thám tiểu thuyết, của Nam Đình Nguyễn Thế Phương (đăng trên Đông Pháp thời báo, 1928). Tiếp theo là truyện trinh thám của Phú Đức, Bửu Đình Đáng chú ý nhất là truyện trinh thám mô phỏng truyện phương Tây của Thế Lữ và Phạm Cao Củng. Có thể nói truyện trinh thám Việt Nam là một thể loại được nảy sinh trên cơ sở tiếp thu, tiếp biến các yếu tố văn học nước ngoài, kết hợp với những yếu tố của văn học dân tộc. Chính vì thế nên việc đưa ra một định nghĩa chính xác, đầy đủ nhất về truyên trinh thám Việt Nam là rất khó. Tuy nhiên, để nghiên cứu thể loại văn học này, việc xác lập một định nghĩa và quy ước nội hàm của nó là điều không thể không đặt ra. Do vậy, trong luận án này, chúng tôi vẫn phải đề xuất một cách hiểu mới về thuật ngữ truyện trinh thám Việt Nam (dựa trên cơ sở ý kiến của những người đi trước, và quan niệm của cá nhân). Theo đó, truyện trinh thám Việt Nam là một thể loại văn học với những tiêu chí cụ thể sau đây: - Truyện trinh thám là truyện về quá trình điều tra vụ án và tội phạm (bao gồm cả những câu chuyện về ái tình, hành động, võ hiệp...). Đây là một trong những khâu quan trọng tạo nên “tuyến” vận động của các nhân vật. - Nhân vật trung tâm của truyện là thám tử (hoặc một nhân vật có đủ tư chất và năng lực để tiến hành các hoạt động điều tra vụ án một cách độc lập). Truyện kết thúc với việc giải mã những bí mật để tìm ra thủ phạm. - Quá trình điều tra chủ yếu gắn với bí mật về sự phạm tội (chứ không phải miêu tả tội ác), nên sự thật được khám phá đơn thuần là sự thật về vụ án. Vì vậy, thể loại này được xem là trò chơi giải trí, là câu đố trí tuệ, là “văn học duy lý”. - Sức hấp dẫn của câu chuyện phụ thuộc rất nhiều vào quá trình giải mã những bí mật. Do vậy, kỹ thuật trinh thám có vai trò hết sức quan trọng đối với nhân vật thám tử (thông qua khả năng xử lý tình huống, trí tưởng tượng, phán đoán, nhận xét, suy lý về các biến cố, nhân vật). Từ những tiêu chí trên, có thể diễn đạt một cách ngắn gọn: Truyện trinh thám Việt Nam là những tác phẩm tự sự, viết về quá trình điều tra vụ án của nhân vật thám tử. Quá trình phá án dựa trên tư duy logic để làm sáng tỏ vụ án ở phần kết thúc truyện. Đối chiếu truyện trinh thám Việt Nam với thể loại truyện trinh thám phương Tây, không khó để nhận ra một số điểm khác biệt. Trong truyện trinh thám phương Tây, không có chuyện tình yêu đôi lứa đối với thám tử hay nhân vật điều tra (nguyên tắc này đã được V. Dine đề xuất khá sớm). Tuy nhiên, phần lớn truyện trinh thám Việt Nam đều ít nhiều có những tình tiết, biểu hiện liên quan đến tình yêu lứa đôi. Đặc điểm này thể hiện rất rõ qua rất nhiều sáng tác của các nhà văn tiên phong ở Nam Bộ; kể cả tác phẩm của hai cây bút tiêu biểu là Thế Lữ và Phạm Cao Củng cũng vậy. Đây rõ ràng là một sự khác biệt giữa truyện trinh thám Phương Tây và truyện trinh thám Việt Nam. Lý giải về hiện tượng vừa nêu, trong giới nghiên cứu ý kiến cũng chưa có sự thống nhất. Nhưng theo quan niệm của chúng tôi thì nguyên nhân là do truyện trinh thám Việt Nam ra đời trong giai đoạn giao thời, chuyển tiếp giữa hai thời đại văn học; cái cũ và cái mới đang chi phối, ảnh hưởng lẫn nhau. Các nhà văn trinh thám, do sức ép của một bộ phận độc giả, buộc phải sáng tạo nên một lối truyện trinh thám với những đặc điểm riêng, phù hợp với thị hiếu người đọc đương thời. Nếu các nhà văn sáng tạo câu chuyện theo đúng môtip thể loại truyện trinh thám phương Tây thì sẽ khó phù hợp với tâm lý của người đọc. Bởi lẽ, người Việt Nam vốn đã rất quen thuộc với những khuôn mẫu của văn học truyền thống cũng như chịu ảnh hưởng văn học Trung Quốc. Mô thức văn học phổ biến hàng ngàn năm luôn là những câu chuyện trong đó (bắt buộc) không thể thiếu vắng nỗi ngang trái trong tình yêu lứa đôi, chuyện tài tử, giai nhân, anh hùng trượng nghĩa, cứu nhân độ thế Thiếu “công thức” đó, tác phẩm khó có sức cuốn hút độc giả. Không phải ngẫu nhiên mà văn học trinh thám Việt Nam giai đoạn từ 1917 đến 1930 đã xuất hiện hàng loạt tác phẩm mang tính chất “dung hợp” về thể loại. Chẳng hạn trong tác phẩm của Biến Ngũ Nhy, Bửu Đình, Phú Đức, Lê Hoằng Mưu, yếu tố trinh thám luôn được kết hợp, pha trộn với yếu tố ái tình, nghĩa hiệp, giáo huấn ... Điều này vốn rất hiếm thấy, thậm chí không thấy xuất hiện trong truyện trinh thám phương Tây. Tất nhiên, cùng với sự vận động của đời sống văn học nói chung, truyện trinh thám cũng có nhiều thay đổi. Từ lối truyện mang màu sắc trinh thám ái tình - hành động – nghĩa hiệp rất phổ biến ở chặng đầu, kể từ năm 1932 về sau, lại xuất hiện lối truyện trinh thám thiên về suy luận - mạo hiểm - lãng mạn với hai cây bút tiêu biểu là Thế Lữ và Phạm Cao Củng. Đây cũng có thể xem là một biến thể khác của truyện trinh thám (theo tiêu chí truyện phương Tây). Truyện của Thế Lữ, Phạm Cao Củng thường nhằm giải mã những vụ án dựa trên tư duy logic của khoa học (Vàng và máu, Những nét chữ, Mai Hương – Lê Phong, Kho tàng họ Đặng), hoặc căn cứ dấu vết còn lưu lại ở hiện trường (Lê Phong phóng viên, Gói thuốc lá, Nhà sư Thọt, Chiếc tất nhuộm bùn, Người một mắt ...). Những tác phẩm này đã gần hơn với mô hình thể loại truyện trinh thám phương Tây. Tuy nhiên, bóng dáng của tình yêu đôi lứa vẫn thấp thoáng trong đó (Đám cưới Kỳ Phát, Kho tàng họ Đặng, Chiếc tất nhuộm bùn, Những nét chữ). Có thể thấy rằng, cả trên bình diện lý thuyết lẫn bình diện thực tiễn sáng tác, truyện trinh thám Việt Nam là một thể loại văn học rất đặc biệt. Nó ra đời trong một hoàn cảnh riêng; vừa chắt lọc, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa của nhân loại nhưng cũng giữ được những nét riêng của mình; tất cả được kết hợp lại để hình thành nên diện mạo, bản sắc riêng. Tuy chưa có những kiệt tác nhưng truyện trinh thám Việt Nam đã tạo được vị trí độc lập, có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc. Nói như T.Todorov : “ Trong xã hội của chúng ta, không có một chuẩn mực thẩm mỹ duy nhất, mà có hai chuẩn; không thể dùng những đơn vị đo lường giống nhau để đo nghệ thuật “lớn” và nghệ thuật “bình dân” [114, tr.9]. 2.1.2. Đặc trưng thể loại truyện trinh thám 2.1.2.1. Thám tử giữ vai trò quyết định trong câu chuyện Trong truyện trinh thám, nhân vật thám tử có vai trò quyết định đối với nội dung câu chuyện. Thám tử có thể là một nhân viên của bộ máy công lực, là thành viên của lực lượng cảnh sát hoặc cũng có thể là một người hoạt động độc lập. Trong lịch sử truyện trinh thám thế giới, có những nhân vật thám tử nổi tiếng đến mức, từ chỗ một hình tượng văn học được hư cấu, đã trở thành một thứ điển phạm; danh tiếng nhân vật lẫy lừng, quen thuộc với độc giả không khác gì một danh nhân có thật ở đời. Tất nhiên, đó là một công việc không hề dễ dàng. Không phải cứ có seri truyện về một nhân vật thám tử nào đó là nhân vật đó sẽ nghiễm nhiên đi vào lịch sử văn học trinh thám. Tâm điểm của tác phẩm trinh thám chính là nhân vật thám tử, người theo dõi, người phát hiện tội phạm. Tìm hiểu quá trình điều tra tội ác và sự trừng phạt cũng chính là tìm hiểu về nhân vật thám tử. Thám tử giữ vai trò chính trong cốt truyện truyện trinh thám. Khi cảnh sát (hoặc người đọc) có cảm tưởng như vụ án hoàn toàn đi vào bế tắc, khi việc truy tìm bí mật như đi vào ngõ cụt thì nhà thám tử, bằng sự quan sát sâu sắc, bằng những suy luận logich, bằng phán đoán xác thực đã tìm ra thủ phạm một cách thuyết phục và hết sức bất ngờ. Nếu không có nhân vật thám tử, tác phẩm không được xem là truyện trinh thám. Điều này được S.S.Van Dine chỉ rõ: Tiểu thuyết trinh thám bắt buộc phải có một thám tử. Và một thám tử sẽ không phải là một thám tử nếu anh ta không phá án. Nhiệm vụ của anh ta là tập hợp các manh mối cuối cùng sẽ dẫn tới người đã tham gia vào hoạt động mờ ám trong chương đầu tiên của cuốn sách; và nếu thám tử không đưa ra được những kết luận của mình thông qua một sự phân tích những manh mối, anh ta sẽ chẳng thể giải quyết được khó khăn của anh ta hơn là một cậu học trò tìm được câu trả lời giấu đằng sau bài tập số học [140]. Nhân vật thám tử  trong các truyện trinh thám phải có một số tố chất cơ bản để có thể xử lý tốt các tình huống căng thẳng và nguy hiểm. Qua các tác phẩm trinh thám thành công từ trước tới nay, có thể nêu ra những điều kiện cụ thể cần đáp ứng như sau: - Thám tử cần có sức khỏe, lòng dũng cảm, kiên trì và không ngại khó khăn; có thần kinh vững vàng, bình tĩnh trong mọi tình huống. - Thám tử cần có óc phán đoán nhạy bén, dễ thích nghi với mọi điều kiện, môi trường, hoàn cảnh khác nhau. - Thám tử là người có tính cách quyết đoán, có thể hành động độc lập. - Thám tử là người có sở thích tìm hiểu, khám phá, ưa mạo hiểm, dấn thân. Những yếu tố, phẩm chất trên là điều kiện cơ bản để nhân vật trở thành một thám tử chuyên nghiệp nhưng như thế vẫn chưa đầy đủ. Nhân vật thám tử cần phải được trang bị những công cụ, những thiết bị cần thiết để phục vụ cho công tác điều tra phá án. Ngoài ra, một điều không kém phần quan trọng có thể giúp thám tử thành công trong việc phá án là các mối quan hệ xã hội, nếu sống tách biệt, hành động một cách đơn độc, thám tử sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó một thám tử giỏi, là người có quan hệ rộng, tiếp xúc, giao lưu với nhiều thành phần trong xã hội. Nhờ đó, anh ta dễ dàng lấy được thông tin từ nhiều nguồn để tiến hành phân tích, tổng hợp, phán đoán nhanh chóng tìm ra cốt lõi của vấn đề, công việc điều tra nhờ vậy thuận lợi hơn. Trong nhận thức của nhà văn trinh thám Việt Nam, thám tử là một nghề (dù không nuôi sống bản thân) nhưng nhân vật phải có niềm đam mê đối với công việc. Ý thức công việc và lòng yêu nghề trở thành một phẩm chất không thể thiếu của nhân vật thám tử. Chẳng hạn, tâm sự của thám tử Kỳ Phát: “Tôi ham mê đọc truyện trinh thám, tò mò theo những vụ án lạ đăng trên mặt báo, kỹ lưỡng khảo xét bất cứ việc gì bí mật xảy ra ở bên mình, tôi đã học đủ nghề để phòng khi dùng đến nhưng tôi vẫn làm việc ở một ấp trên trung du, cốt để tự nuôi sống, còn nghề trinh thám kia, thì khi nào có dịp, tôi mới đem ra áp dụng, coi như là một trò giải trí mà thôi ” [21; tr.21]. Kỳ Phát luôn tỏ ra thờ ơ với mọi thứ không liên quan đến vụ án và trong khi điều tra, anh luôn giữ thái độ tỉnh táo, cần mẫn của một thám tử chuyên nghiệp. Thám tử Lê Phong, nhân vật trong truyện của Thế Lữ cũng vậy, Lê Phong là phóng viên của báo Thời Thế (sau này còn có thêm Mai Hương, phóng viên điều tra, đồng sự tâm đắc của Lê Phong). Khi được cử đi tường thuật vụ án, qua những việc điều tra cụ thể, từ việc khám phá vụ buôn lậu ở Lạng Thương đến các vụ giết người, các băng đảng bí mật ở Hà Nội lòng say mê cùng bản năng nghề nghiệp của chàng được bộc lộ rất rõ. Lê Phong bộc bạch: “Tôi không làm phóng viên nữa thì đời tôi không còn gì”. Chính vì vậy, hoạt động thám tử, công việc điều tra phá án trở thành lẽ sống, mục đích cuộc đời của chàng. Vậy nên, Lê Phong nghiên cứu rất sâu những kỹ thuật cần thiết cho việc phá án. Chàng rất giỏi trong việc giải các loại mật mã, cũng là bậc thầy về cải trang, với một chiếc kính lúp, Lê Phong có thể suy đoán nhân dạng của thủ phạm chỉ từ những dấu vết đơn giản mà chúng vô tình để lại hiện trường như vết chân, vết giày dép, vết bánh xe và tàn thuốc Lê Phong cũng rất tài tình trong việc nhận xét về cảm xúc của người đối diện. Chàng có thể xoa dịu và làm an lòng những khách hàng đang gặp khủng hoảng về tâm lý (Gói thuốc lá). Lê Phong với những tính cách nổi bật đã tạo nên dấu ấn truyện trinh thám của Thế Lữ trong lòng người đọc. Hình tượng thám tử Lê Phong là sự pha trộn giữa nhân vật thám tử trong truyện trinh thám suy luận (theo kiểu Conan Doyle) kết hợp với truyện trinh thám hành động, lãng mạn, giàu kịch tính. Ngoài những nhân vật thám tử chuyên nghiệp, ăn lương bổng nhà nước, còn có hạng thám tử “nghiệp dư”, “tài tử”. Họ là những người vì hoàn cảnh riêng, hoặc cũng có thể chỉ vì sở thích mà làm thám tử. Thám tử Đỗ Hiếu Liêm (Châu về hiệp phố) làm việc ở sở mật thám để tìm cơ hội bắt bọn cướp Thanh Long trả thù cho cha mẹ. Quan Phủ Trang Tử Minh (Người bán ngọc) “một vị minh quan, giữ mực công bình, không chịu vị tình xử đoản”, điều tra vụ án Tô Thường Hậu để tìm ra nguyên nhân sâu xa của vụ án mà xử người có tội. Quan Châu Nga Lộc (Vàng và máu): “là một người Thổ vào dạng trí thức.... Những điều mà dân quê mê tín, như những việc bí hiểm trong hang Thần, ông vẫn ngờ là chuyện huyền hoặc cả”, cho nên ông đã can đảm khám phá thực chất sự linh thiêng của núi Văn Dú. Thám tử Thành Trai, Minh Đường, Tám Lọ (Mảnh trăng thu), điều tra làm sáng tỏ vụ án đã trải qua năm năm trời để tìm cách minh oan cho Kiều Tiên bị mang tiếng oan giết chồng. Hoàng Ngọc Ẩn nhiều phen vào sinh ra tử để giúp Lệ Thủy đạt ước nguyện của mình Phần lớn, các các truyện trinh thám đều được xây dựng trên những nghi vấn và vận hành như một cuộc chơi đầy kỳ thú trong một không gian mở. Chính vì vậy, trò chơi trinh thám không phải chỉ dành riêng cho thám tử mà còn dành cho chính người đọc. Ở đó, độc giả chạy đua với thám tử, vì cả hai đều nắm được đầy đủ các tình tiết của vụ án và đều có khả năng ngang nhau trong việc “lật mặt nạ” đối phương. Có thể khẳng định rằng, tác phẩm văn học mà thiếu vắng nhân vật thám tử thì hiển nhiên đó sẽ không còn/ không phải là tác phẩm trinh thám. Trong toàn bộ thế giới nghệ thuật của truyện trinh thám, nhân vật thám tử do đó, trở thành yếu tố trung tâm, giữ vai trò quyết định. Ngày nay, khi mà công chúng tiếp nhận có rất nhiều tác phẩm để lựa chọn, nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức thì truyện trinh thám vẫn là một sản phẩm nghệ thuật được đông đảo độc giả hướng đến. Nguyên nhân là vì, hơn bất cứ thể loại nào khác, truyện trinh thám không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà còn góp phần thỏa mãn niềm khao khát vĩnh cữu của con người trong việc thực thi công lí. Đây cũng chính là điều làm nên sức hấp dẫn của thể loại này. 2.1.2.2. Điều tra sự thật vụ án là chất liệu chính truyện trinh thám Laurence Devillairs cho rằng: “Trung tâm của một cuốn tiểu thuyết trinh thám không phải là tội ác mà là một cuộc điều tra”. Sự thật trong truyện trinh thám mang hình thức của một bí mật cần được khám phá. Đó thường là một vụ ngoại tình, một âm mưu chiếm đoạt tài sản, một sự lừa đảo, một loạt tội ác và nó thường biến hình theo tội ác. Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng: Trong xã hội hiện đại, tội ác không chỉ được thực hiện bởi những động cơ dục vọng thông thường, đơn giản mà trái lại, bởi những“phức hợp tâm lí của các tình cảm”, và những mưu mô thâm độc kết hợp với công cụ hiện đại khiến việc điều tra ngày càng khó khăn. Phạm trù sự thật trong truyện trinh thám do vậy, có những bước chuyển biến mới. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “Tiểu thuyết trinh thám chỉ trở thành một thể loại độc lập khi các nhà văn đưa những tình tiết về quá trình điều tra vụ án lên bình diện thứ nhất của nội dung” [47, tr.424]. Chính vì vậy, càng về sau, các tác giả trinh thám càng có xu hướng đi sâu vào việc phân tích, miêu tả tâm lí để “khai thác những vấn đề bất ổn của nhân cách, bản năng”. Truyện trinh thám thực chất là một thể loại truyện kể về quá trình điều tra của nhân vật thám tử. Do đó, sự thật và hành trình kiếm tìm sự thật chính là hạt nhân, là chất liệu chính của văn chương trinh thám. Chẳng hạn, trong “Lê Phong phóng viên”, mọi tình tiết đều xoay quanh vụ án mất hai chục bạc ở Tòa soạn báo Thời Thế. Qua điều tra, Lê Phong đã làm cho kẻ ăn cắp (chính là người thợ in) phải cúi đầu nhận tội. Sự kiện này là tâm điểm của câu chuyện. Tuy nhiên, Lê Phong còn cảm thấy “tiếc” bởi tính chất đơn giản, quy mô hạn chế, không có gì đáng gọi là một vụ “chấn động”. Chàng nghĩ: “Tiếc rằng chỉ mất có hai chục bạc thôi! Giá là một cái án mạng thì thú quá” [63, tr.23]. Ở truyện “Gói thuốc lá” (Thế Lữ), điều quan trọng nhất là những bí ẩn xung quanh một vụ giết người. Trong khi hầu hết mọi người đều cho rằng tên Thổ là thủ phạm giết Đường và Thạc thì ngược lại, Lê Phong không tin điều đó. Chàng cho rằng tên Thổ là một người không liên quan, không phải là hung thủ. Với phương pháp điều tra riêng của mình, Lê Phong đã nhanh chóng giải mã được điều khó tin, hóa giải bí ẩn chỉ trong vòng 24 giờ. Hóa ra kẻ giết người là Thạc (bạn Đường và Lê Phong) chứ không phải là người Thổ Nông An Tăng. Bí mật vụ án trong Mảnh trăng thu (Bửu Đình) cũng có ý nghĩa tương tự, nghĩa là trở thành “câu đố” được đưa ra để nhà điều tra “giải đố”. Các câu đố ở đây là: Ai giết Thuần Phong? Thuần Phong chết thì có lợi cho ai? Và vụ hai chiếc nhẫn bị mất cắp của bà Cai, Ai là thủ phạm?... Tất cả trở thành mạch chính của câu chuyện. Tìm được lời giải đáp này thì câu chuyện kết thúc: Thám tử Thành Trai chiêm nghiệm: “Phàm trong những sự bí mật thì dầu một chút gì xem có hơi khác thường cũng phải cho là lạ, mà cần phải suy nghĩ cho ra lẽ, vì sao mà có? Có để làm gì? Nhưng con mắt đã quen xem xét sự bí mật, sự lạnh lùng, hễ thấy có sự gì khác thường là chăm chú vào ngay” [36; tr.239]. Việc điều tra phát hiện tội phạm, tìm kẻ ném đá giấu tay là cả quá trình đấu trí căng thẳng, gay cấn. Điều này, một mặt tạo điều kiện để bộc lộ tâm lý nhân vật, mặt khác, cung cấp dữ liệu để thúc đẩy câu chuyện phát triển. Khi đọc tác phẩm, người đọc thường bị cuốn theo diễn biến sự kiện, nảy sinh trạng thái lo lắng, sợ hãi Tuy nhiên, việc tạo ra cảm giác bất an trước tai họa, nỗi lo lắng sợ hãi trước sự hiểm nguy, rùng rợn không phải là mục tiêu chính của thể loại truyện trinh thám. Những trạng thái cảm xúc đó chỉ là “hiệu ứng” nảy sinh từ hoạt động điều tra của thám tử. Chỉ có tư duy phán đoán và suy luận để giải đáp điều bí ẩn mới là mục tiêu, nhiệm vụ của văn chương trinh thám. Nói cách khác, cái đích của truyện trinh thám không phải mô tả tội ác, tội phạm mà là điều tra tìm kiếm sự thật bị che dấu. Trong truyện trinh thám, việc điều tra bí mật của cái chết thường xuyên được đặt ra. Bởi cái chết không xuất hiện một cách phi lí, tình cờ, mà cái chết ở đây như đã có sắp đặt, có sự chuẩn bị trước. Trước một cái chết, nhân vật thám tử tiến hành cuộc điều tra, thế nhưng càng mở rộng diện tìm hiểu thì bí hiểm càng lúc càng tăng. Nói như F. Trufaut: “Cái chết thật đáng tò mò, bạn có thấy thế không? Khi con người chết vì bệnh tật, đó thật là tàn nhẫn, vô lí, nhưng đó lại là cái chết thực sự. Khi họ chết vì các tội ác, vì bọn giết người, bọn ám sát, cái chết lại trở nên trừu tượng. Giống như là giải pháp về cái bí ẩn đã xảy ra từ trước. Giống như ta đang sống trong tiểu thuyết trinh thám vậy [152]. Nội dung truyện trinh thám, nói một cách cô đọng, không gì khác là tìm kiếm và phơi bày sự thật bị che dấu. Điều bị che dấu đó đương nhiên liên quan đến những con người bất hảo, nhân cách lệch lạc, thiếu nhân tính. Vì những bất ổn nhân cách, những con người đó đã gây nên những sự cố hoặc tội ác không thể ngờ tới như loạn luân, giết người hàng loạt, cướp của Cái ác hiển lộ thành muôn hình khối và sự thật về cái ác cũng hết sức đa dạng. Chẳng hạn nhân vật Nguyễn Viết Sung trong Mảnh trăng Thu, bọn người Tàu trong Vàng và máu, Hội Thất Viên trong Đám cưới Kỳ Phát. Truyện trinh thám ngoài việc phô bày tội ác còn lí giải để giúp ngươi đọc hiểu vì sao con người trở nên ác độc như thế. Đọc truyện trinh thám, người đọc thường có thói quen tra vấn nguyên nhân tội ác. Và các nhà văn đã chỉ ra rằng, cái ác có mầm mống từ môi trường sống, từ điều kiện xã hội, do lòng tham lam, thói ích kỷ mà ra. Truyện trinh thám là một sự “thách thức” tư duy để hóa giải điều bí ẩn. Bí ẩn chỉ được giải mã thông qua suy luận logic, khả năng liên tưởng, tìm ra mối liên hệ giữa những sự vật hiện tượng tưởng như riêng rẽ, rời rạc, không quan trọng Điều này rất khác với nguyên tắc vận hành của truyện kỳ ảo, truyền kỳ. Kết thúc cuộc điều tra của thám tử, người đọc hoàn toàn cảm thấy thỏa mãn khi thủ phạm của vụ án hay án mạng đều đã bị phát hiện và phải chịu sự trừng phạt. Vì vậy, truyện trinh thám không chỉ là bài ca về lý trí mà còn là bài ca về đạo đức, công lý của con người. Tất nhiên, pháp luật và công lý không phải lúc nào cũng song hành với nhau, nên sự thật về công lý hay tội ác cũng có lúc cần phải nhận thức lại. Luật pháp mặc dù được đặt trên ý kiến và quyền lợi của số đông nhưng không phải lúc nào cũng là chân lý. Thành thử, có khi sự thật của vụ án được khám phá nhưng thủ phạm lại không bị trừng phạt bởi những quan niệm về đạo đức của tác giả. Truyện Bóng người áo tím của Phạm Cao Củng là một ví dụ. Kết thúc truyện là sự tha thứ: “Thôi, con đứng dậy! tha cho Nhung. Cổ nhân có nói: Oán cừu nên cởi chớ không nên buộc! Nếu cứ oan oan tương báo mãi thì biết bao giờ mới xong” [22, tr.235]. 2.1.2.3. Kinh nghiệm thực tiễn kết hợp với tư duy logic là cơ sở của việc khám phá bí mật Đối với các tác giả phương Tây, viết truyện trinh thám được coi là một cách để phục vụ nhu cầu giải trí của giới bình dân. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với dễ dãi, vì thế nên truyện rất được độc giả trân trọng; nội dung tác phẩm thường chứa đựng hàm lượng thông tin sâu sắc về nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, tôn giáo . Nó khiến cho các độc giả có học thức, trình độ cao cũng say mê tìm đọc. Trong khi đó ở Việt Nam, một số người quan niệm rằng truyện trinh thám là thứ văn chương giải trí thuần túy, văn chương “hạng hai” – nghĩa là ít giá trị. Một số người lại phê phán truyện trinh thám ít chú trọng tính giáo dục, tính nghệ thuật không cao; tác giả viết truyện trinh thám v́ mục đích kiếm tiền Thực ra, đó là một định kiến sai lầm. Bởi vì cái gọi là tính giáo dục của văn chương vốn rất rộng và đa dạng chứ không chỉ bó hẹp vào một vài phương diện cụ thể nào đó. Hơn nữa, với một tác phẩm văn học thu hút được sự chú ý, tạo hứng thú cho độc giả, bản thân nó đã mặc nhiên hàm chứa những giá trị; và một nhà văn làm giàu được bằng nghề viết thì lại càng đáng trân trọng, đáng quý. Đúng như lời của Salvador Dali, khi ông viết trong Điều răn đầu tiên đối với những người muốn trở thành nghệ sĩ: “Hoạ sĩ thì giàu vẫn tốt hơn là nghèo, hãy lao động nghệ thuật để sao cho ngòi bút của anh có thể sinh ra vàng và ngọc quý” [128, tr.304]. Vấn đề ở chỗ, viết được một tác phẩm trinh thám hấp dẫn đông đảo bạn đọc không hề là công việc dễ dãi. Trái lại, nó đòi hỏi nhà văn phải thực sự là người có tài và phải nắm vững nghệ thuật viết văn, phải tinh thông các thủ pháp, thi pháp thể loại. Nhân vật thám tử rất cần đến năng lực quan sát, nhận định tình hình và suy luận logic. Giữa vô vàn sự kiện, tình tiết, chi tiết liên quan đến vụ án, anh ta phải biết lựa chọn, thu thập, sắp xếp dữ liệu, phân tích mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng... Anh ta sẽ phải vận dụng mọi kinh nghiệm để suy luận, tìm ra phương án tối ưu nhằm phá án. Chính nhờ vậy mà khi kết thúc câu chuyện, ta thấy diễn biến các vụ án đều phù hợp với tài phán đoán và suy luận của thám tử. Nói cách khác, năng lực tư duy là tiền đề cho thành công của thám tử trong quá trình phá án. Chẳng hạn, trong Lê Phong phóng viên, Thế Lữ đã để cho nhân vật thú nhận: “Tôi theo phương pháp phán đoán Sherlock Holmes. Phương pháp ấy thần tình lắm nhưng cắt nghĩa rồi thì ai cũng cho là chẳng có gì” [63; tr.19]. Để tìm ra chứng cứ, Lê Phong thường nghiên cứu hiện trường một cách tỉ mỉ: “Anh lại bò ra đếm từng viên gạch, xem từng khe, lại lật cả mép cái thảm giải dưới đất, nghĩa là anh cẩn thận không bỏ qua cặp mắt lý luận một tí gì” [68; tr.99]. Nhờ tư duy logic sắc sảo, Lê Phong phát hiện ra tác giả thật của bức thư được ký tên Đào Thị Kiều Anh. Chàng giải thích quá trình suy luận của mình: Tôi biết rằng cô Kiều Anh ấy chính là ông, tôi lại biết rằng ông viết thư cho tôi bằng thứ bút máy ngòi xấu và cong, ông cặp bút vào giữa ngón đeo nhẫn và ngón áp út. Ông viết được nửa trang giấy thì hết mực () Chỉ cần tài quan sát như tôi là đủ chữ ngoài phong bì rắn rỏi ngang tàng hơn chữ trong thư nhưng xét kỷ thì cùng một lối. Mà chữ rắn rỏi ấy là chữ của đàn ông mấy giọt nước nhỏ hoen ở trang thứ nhất, chính là mấy giọt nước bọt họ cười bắn vào bức thư viết gần cửa sổ là vì tôi thấy những giọt nước văng bắn vào – mà cũng vì thế tôi biết lúc ấy trời mưa bên ngoài người viết thư muốn cho chữ viết thành ẻo lả mà không mất tự nhiên nên cầm bút theo lối đầm [66; tr.254-256]. Cũng từ đó, chàng khám phá ra bí mật bức thư gởi cho cô Tuyết Mai và tìm ra Đỗ Lăng, người đã viết bức thư khiến cô lo sợ mà tự tử. “Sự bí mật vô song đã ba năm nay, mà anh xét ra chỉ có trong nửa ngày” [66; tr.327]. Nhân vật Kỳ Phát trong truyện của Phạm Cao Củng thường có cuốn sổ tay để ghi chép những điều quan trọng tại...hay đổi trên cơ sở sự giao thoa, dung hợp và phát triển của thể loại. Đó là sự xuất hiện của các yếu tố văn hóa, văn học truyền thống; thông qua một kiểu truyện mang màu sắc trinh thám ái tình – hành động – võ hiệp, với những dạng thức thô sơ nhất của thể loại truyện trinh thám, trên cơ sở nhà văn đã kết hợp giữa mô hình truyện vụ án của phương Đông với truyện trinh thám phương Tây, giữa yếu tố cũ và mới để tạo ra một kiểu truyện trinh thám đáp ứng thị hiếu của người đọc Việt Nam. Về nghệ thuật trần thuật, các nhà văn cũng đã thể hiện một sự kết hợp khéo léo các yếu tố như điểm nhìn, vai kể và ngôn ngữ trần thuật. Trong truyện trinh thám, phần lớn điểm nhìn được trao cho nhân vật. Do vậy, cuộc sống và con người ở đây luôn được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, cảm quan rất khác nhau. Đối với các truyện mang màu sắc trinh thám - ái tình - nghĩa hiệp, câu chuyện thường được kể ở ngôi thứ ba. Sử dụng ngôi thứ nhất trong tác phẩm là một thể nghiệm khá mới mẻ của các nhà văn trinh thám. Tuy nhiên, các nhà văn đã không “đoạn tuyệt” với vai kể truyền thống; trong khi thể nghiệm sự cách tân bằng lối kể mới, họ vẫn kế thừa lối kể truyền thống. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện trinh thám Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng trong phương thức biểu hiện, đồng thời nó còn là yếu tố cơ bản thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn, với ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật đã tạo nên giá trị nghệ thuật của tác phẩm thông qua lời đối thoại và độc thoại. Nhờ đối thoại và độc thoại mà các vấn đề trong tác phẩm đặt ra được xem xét dưới những điểm nhìn khác nhau, ngôn ngữ đối thoại thường gây ra những tình huống bất ngờ và tạo cảm giác thực của đời sống đã khúc xạ qua lăng kính nhà văn, nó giữ vai trò đáng kể trong việc khắc họa tính cách nhân vật. Dấu vết của thời đại đã ảnh hưởng và quy định cách nói năng, đối đáp, nhiều lớp từ mới được hình thành, nhất là dấu ấn vùng miền trong ngôn ngữ nghệ thuật. Điểm nổi bật ở đây là sự kế thừa ngôn ngữ văn học truyền thống, đồng thời mô phỏng, tiếp biến ngôn ngữ tự sự hiện đại của phương Tây. Tất cả các yếu tố trên đã góp phần tạo nét riêng của thể loại trinh thám Việt Nam. KẾT LUẬN Trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, truyện trinh thám là một hiện tượng rất đáng chú ý. Ngay từ khi mới xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, thể loại văn học này lập tức thu hút được sự quan tâm của độc giả. Và chỉ trong vòng vài thập niên phát triển, nó đã trở thành một xu hướng văn học, với diện mạo khá rõ ràng. Với hàng trăm tác phẩm, hàng chục nhà văn có tên tuổi, truyện trinh thám đã xác lập được vị trí quan trọng trong đời sống văn học nước nhà. Tuy nhiên, khoảng thời gian hưng thịnh của nó lại hết sức ngắn ngủi, chỉ trong mấy thập niên. Từ giữa thế kỷ XX trở đi, văn học trinh thám đã nhanh chóng rơi vào cảnh “thoái trào”. Càng về sau, số nhà văn chuyên viết về thể loại này càng thưa thớt; ngày càng hiếm những tác phẩm tạo được dấu ấn đối với độc giả. Do sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử, xã hội, thể loại truyện trinh thám Việt Nam từ trước đến nay ít được giới chuyên môn nghiên cứu. Thậm chí, còn có những nhận định, đánh giá thiếu khách quan, không đúng về một thể loại này. Thực tế cho thấy, tuy vẫn còn những hạn chế về mặt thi pháp, thủ pháp song truyện trinh thám là một hiện tượng đáng quan tâm trong tiến trình văn học Việt Nam. Các nhà văn trinh thám đã có nhiều cố gắng để tạo một thể loại mới, trên cơ sở tiếp thu, mô phỏng thể loại truyện trinh thám cổ điển phương Tây, góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú cho thể loại văn chương tự sự Việt Nam trên bước đường hội nhập với văn học thế giới. Nó đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thưởng thức của độc giả. Từ những nghiên cứu, phân tích, đánh giá về thể loại, luận án chúng tôi đi đến một số kết luận: 1. Truyện trinh thám Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX là một thể loại mới được hình thành trên cơ sở tiếp thu văn học truyền thống, tiếp biến văn học phương Tây và Trung Quốc. Truyện trinh thám có vai trò và giá trị nhất định trong dòng văn xuôi tiếng Việt hiện đại, nó vừa mang những đặc trưng chung của thể loại truyện trinh thám phương Tây, vừa mang những đặc điểm riêng của văn học dân tộc ở một giai đoạn lịch sử cụ thể. Đây là một thể loại văn học phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và thị hiếu của người Việt Nam đương thời. 2. Mặc dù vẫn còn một số hạn chế, nhưng các nhà văn trinh thám Việt Nam đã có những thành công nhất định trong việc xây dựng hình tượng nhân vật thám tử mang đậm bản sắc dân tộc. Đó là những con người nghĩa hiệp; tiếp cận vụ án do những yếu tố tình cờ, ngẫu nhiên, và điều tra vụ án như một nhu cầu đạo đức, hành xử vì lý tưởng chứ không phải là nghề để họ kiếm sống. Đồng thời, những nhân vật tội phạm và các vụ án thường liên quan tới tình cảm, tài sản, mâu thuẫn trong phạm vi dòng họ, gia đình... nên phương thức phá án và tư duy của thám tử cũng mang những nét đặc thù, phù hợp với tâm lý và con người của thời đại. Các nhà văn trinh thám vận dụng không gian hiện thực, kỳ ảo, thời gian khẩn trương, kịch tính làm nền cho cốt truyện để tạo sự hấp dẫn cho câu chuyện. 3. Sự kết hợp một cách hài hòa mô hình cốt truyện theo kiểu truyền thống và hiện đại, với những nỗ lực vượt ra khỏi kết cấu chương hồi, hướng đến mô hình cốt truyện theo lối hiện đại phương Tây, được các nhà văn đặc biệt chú trọng. Thông qua phương thức tự sự, với sự luân chuyển điểm nhìn và vai kể, nhất là vai kể ở ngôi thứ nhất, cho phép tác giả trình bày quan điểm, tư tưởng riêng của mình một cách thuận lợi nhất. Mặt khác, với sự kết hợp ngôn ngữ đối thoại, độc thoại, ngôn ngữ vùng miền đã làm cho câu chuyện trở nên gần gũi, tăng sức thuyết phục đối với người đọc. Sự hình thành và phát triển của truyện trinh thám Việt Nam là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, từ hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa cụ thể của dân tộc đến sự giao thoa thể loại trong tiến trình hiện đại hóa văn học, nhất là ảnh hưởng văn học Pháp. Là một thể loại mô phỏng kiểu truyện “giải mã câu đố” nên hầu hết tác phẩm chủ yếu tập trung ở phương thức phá án và thông qua tài năng nhân vật thám tử. Các nhà văn thể hiện yếu tố tội ác, kẻ phạm tội trong truyện trinh thám không phải với mục đích phơi bày hiện thực xã hội mà chủ yếu là do đặc trưng của thể loại. Truyện trinh thám Việt Nam là một thực thể đáp ứng đầy đủ tiêu chí của một thể loại văn học nên theo quan niệm của chúng tôi, khái niệm truyện trinh thám Việt Nam có thể hiểu là những tác phẩm tự sự, viết về quá trình điều tra vụ án của nhân vật thám tử và tư duy logic là chất liệu chính để làm sáng tỏ vụ án. Cũng từ quan niệm trên, dựa vào thực tế tư liệu hiện có, chúng tôi cho rằng truyện Kim thời dị sử - Ba lâu ròng nghề đạo tặc (1917) chính là tác phẩm đầu tiên, nhà văn Biến Ngũ Nhy là người khai sinh ra thể loại truyện trinh thám Việt Nam, đồng thời Thế Lữ và Phạm Cao Củng là hai tác giả đã đưa truyện trinh thám Việt phát triển đến đỉnh cao của thể loại. Truyện trinh thám Việt Nam không chỉ có tác dụng giải trí, tiêu khiển mà còn có tác dụng giáo dục đạo đức, lối sống, cổ xúy tinh thần “khuyến thiện trừng ác” vốn là điểm mạnh ở các thể loại khác. Chính điều này đã tạo cho truyện trinh thám có một vị trí và giá trị nhất định trong tiến trình hiện đại hóa văn xuôi Việt Nam hiện đại. Trong quá trình nghiên cứu, một số vấn đề liên quan đến đề tài, luận án chưa thể đề cập đến, hoặc mới chỉ nhắc qua, chưa có điều kiện giải quyết. Cụ thể như: Sự ảnh hưởng của các tác phẩm dịch đối với thể loại truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Hiện tượng tương tác, dung hợp giữa thể loại giữa truyện trinh thám với các thể loại tự sự khác của văn học Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa. Sự vận động và phát triển của truyện trinh thám Việt Nam trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại (sau năm 1975). Gần một trăm năm trôi qua kể từ khi tác phẩm trinh thám đầu tiên ra đời, đã có một số nhà nghiên cứu tìm hiểu và đánh giá hiện tượng thể loại văn chương phức tạp này. Khen cũng lắm mà chê cũng không ít, nhưng chưa ai khẳng định những nghiên cứu của mình là tiếng nói cuối cùng. Luận án chúng tôi cũng chỉ là những cố gắng tiếp nối người đi trước để góp thêm tiếng nói của mình về những vấn đề đặc trưng của thể loại, từ đó xác định những đóng góp của thể loại truyện trinh thám Việt Nam cho dòng văn xuôi tự sự nửa đầu thế kỷ XX ./. DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ 1/ “Yếu tố kỳ ảo trong truyện trinh thám kinh dị và lãng mạn của Thế Lữ”- Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Yếu tố kỳ ảo và huyền thoại trong văn học; 2013. 2/ “Truyện trinh thám trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam”, Tạp chí Khoa học & giáo dục, Số 17B (04), 2015. ISSN 1859-4603 3/ “Đặc điểm truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX”, Tạp chí Khoa học & Công nghệ, (3)16, 2015. ISSN 1859 – 4905. 4/. “Bàn về quá trình vận động của truyện trinh thám Việt Nam”, Tạp chí Khoa học & Công nghệ, Số (99)2, 2016. ISSN 1859-531. 5/ Nguyễn Thành Khánh (2016) “Mẫu hình Căn phòng khép kín của Poe trong truyện trinh thám Vết tay trên trần của Phạm Cao Củng” Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Tập 5 (số 2), 6/2016. ISSN 2354 – 0850. TÀI LIỆU THAM KHẢO I. SÁCH, BÁO, TẠP CHÍ [1] Hoài Anh, Thành Nguyên, Hồ Sĩ Hiệp (1988), Văn học Nam Bộ từ đầu đến giữa thế kỷ XX (1900 - 1945), Nxb TP.Hồ Chí Minh. [2] Hoài Anh (2001), Chân dung văn học, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. [3] Lê Tú Anh (2013), “Tiểu thuyết quốc ngữ đầu thế kỷ XX và chức năng dự báo của văn học”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, (3), tr.98-109. [4] Nguyễn Kim Anh (chủ biên) (2004), Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nxb Đại học quốc gia, TP. Hồ Chí Minh. [5] Phạm Đình Ân (2006), Thế Lữ - Tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [6] Lại Nguyên Ân (2004), 150 Thuật ngữ văn học,Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. [7] Lê Huy Bắc (2004), Truyện ngắn: Lí luận tác gia và tác phẩm (Tập 1), Nxb Giáo dục, Hà Nội. [8] Nguyễn Ngọc Bích (2002), Từ điển tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [9] Nguyễn Thị Bình (1999), “Một vài đặc điểm của tiểu thuyết Mới”, Tạp chí Văn học, (6) tr.17-18. [10] Jorge Luis Borges (2002), Edgar Poe và truyện trinh thám, Tuyển tập Edgar Poe, Nxb Văn học, Hà Nội. [11] Raymond Chandler (1944), The Simple Art of Murder, (Nghệ thuật sáng tạo truyện trinh thám), The Atlandtic Monthly. [12] Phạm Tú Châu (2001), “Cuộc kỳ ngộ giữa Phạm Cao Củng và Trình Tiểu Thanh – Hai tác giả trinh thám nửa đầu thế kỷ XX”, Tạp chí Văn học , (6), tr.24-32. [13] Hoàng Minh Châu (1993), Bài học tình yêu, Nxb Văn học, Hà Nội. [14] Nguyễn Huệ Chi (2005, tái bản 2013 ), Tiểu thuyết quốc ngữ đầu thế kỷ XX , Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. [15] Michael Cornnely (2010), Việc máu (Blood Work), Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. [16] Phạm Cao Củng – Phùng Bảo Thạch (1940), Viết báo, Nxb Ngày nay, Hà Nội. [17] Phạm Cao Củng (1942), Kho vàng Ba bể, Nxb Huyền Nga, Hà Nội. [18] Phạm Cao Củng (1967), Vết tay trên trần – Kho tàng họ Đặng, Nxb Chi Lăng, Sài Gòn. [19] Phạm Cao Củng (1997), Truyện trinh thám, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. [20] Phạm Cao Củng (2006), Chiếc tất nhuộm bùn – Kho tàng họ Đặng, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. [21] Phạm Cao Củng (2006), Nhà sư thọt – Người một mắt , Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. [22] Phạm Cao Củng (2006), Truyện trinh thám, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. [23] Phạm Cao Củng (2006), Đám cưới Kỳ Phát – Bóng người áo tím, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. [24] Phạm Cao Củng (2012), Hồi ký Phạm Cao Củng, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. [25] Nguyễn Văn Dân (1999), Nghiên cứu văn học, lý luận và ứng dụng, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [26] Nguyễn Văn Dân (2011), Lý luận Văn học so sánh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [27] Lê Tiến Dũng - Hồ Khánh Vân (2009), “Bửu Đình, nhà tiểu thuyết Nam Bộ”, Tạp chí Khoa học & Công nghệ, Trường ĐHKHXH&NV, TP. Hồ Chí Minh, (8). [28] Tôn Thất Dụng (1993) Sự hình thành và vận động của thể loại tiểu thuyết văn xuôi tiếng Việt ở Nam Bộ giai đoạn từ cuối thế kỷ XX đến 1932, Luận án Tiến sĩ khoa học Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội. [29] Đặng Anh Đào (2007), Việt Nam và phương Tây – Tiếp nhận và giao thoa trong Văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [30] Phan Cự Đệ (1975), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. [31] Phan Cự Đệ (1997), Văn học - Đổi mới và giao lưu văn hoá, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [32] Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức (1997, tái bản lần thứ nhất ), Văn học Việt Nam 1900 – 1945, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [33] Phan Cự Đệ (2003), “ Tiểu thuyết phiêu lưu và tiểu thuyết tâm lý”, Tạp chí Nhà văn, (7). [34] Phan Cự Đệ (chủ biên), (2005), Văn học Việt Nam thế kỷ XX - Những vấn đề lịch sử và lý luận, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [35] Bửu Đình (1989), Cậu Tám Lọ, Nxb Tổng hợp, Tỉnh Tiền Giang. [36] Bửu Đình (2001), Mảnh trăng thu, Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh. [37] Phú Đức (2003), Tôi có tội, Nxb Tổng hợp, Tiền Giang. [38] Hà Minh Đức (chủ biên) (2005), Văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [39] Ngô Văn Giá (1996, Sưu tầm và biên soạn), Tiếng hú ban đêm, tập truyện ngắn Thế Lữ, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội. [40] Bằng Giang (1992), Văn học quốc ngữ ở Nam kỳ 1865-1930, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. [41] Bằng Giang (1993), “Truyện Tàu với một số tiểu thuyết gia đầu tiên ở Việt Nam”, Tạp chí Kiến thức ngày nay, (106). [42] Đoàn Lê Giang (2006), “Văn học quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỉ XIX đến 1945 - Thành tựu và triển vọng nghiên cứu”, Tạp chí nghiên cứu Văn học, (7). [43] Kate Hamburger (2004), Logic học về các thể loại văn học, (Vũ Hoàng Đich và Trần Ngọc Vương dịch), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội [44] Trần Thanh Hà (2006), Lời tựa truyện trinh thám đặc sắc của Phạm Cao Củng), Nhà sư thọt – Người một mắt, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. [45] Dương Quảng Hàm (1996), “Lời giới thiệu”, Tập truyện ngắn Tiếng hú ban đêm, Nxb Văn hóa, Hà Nội. [46] Dương Quảng Hàm (2002), Việt Nam Văn học sử yếu, Nxb Hội nhà Văn, Hà Nội. [47] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục , Hà Nội. [48] Tế Hanh (1989), “Thương tiếc nhà thơ Thế Lữ”, Báo Văn nghệ, (23) ra ngày 3/6. [49] Hoàng Ngọc Hiến (2006), Triết lý văn hóa và triết luận trong văn chương, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [50] Nguyễn Công Hoan (Tái bản 1988), Đời viết văn của tôi, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội. [51] Khái Hưng (1934), “ Lời giới thiệu”, Vàng và máu, Nxb Đời nay, Hà Nội. [52] Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng (1988), Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 -1932, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. [53] Bửu Kế (1997), Từ điển Hán Việt từ nguyên, Nxb Thuận Hóa, Huế [54] Nguyễn Hoành Khung (1973, tái bản 1988), Văn học Việt Nam 1930-1945 -tập I, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội.  [55] Nguyễn Hoành Khung (1989), “Lời giới thiệu”, Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [56] Julia Kristeva (1996), Trả lời phỏng vấn, in trong Magazine Litérarire. [57] Lê Đình Kỵ (1983, tái bản 1995), “Lời giới thiệu”Tuyển tập Thế Lữ, Nxb Văn học, Hà Nội. [58] Landrum Larry N. (1999) American Mystery and Dectective Novels: A Rerence Guide (Hướng dẫn tham khảo truyện trinh thám Mỹ); Greenwood Publishing Group. [59] Thanh Lãng (1972), Phê bình văn học thế hệ 1932, Nxb Sài Gòn. [60] Nguyễn Lân (2000), Từ điển và từ ngữ Việt Nam, Nxb TP. Hồ Chí Minh. [61] Phong Lê (2002) “ Văn xuôi những năm 20 (thế kỷ XX) – Phòng chờ cho bước chuyển sang giai đoạn sau 1932”, Tạp chí Văn học (5). [62] Thế Lữ (1936), “ Lê Phong làm thơ ”, Tạp chí Ngày nay, Tập 24,25. [63] Thế Lữ (1963), Lê Phong phóng viên, Nxb Ngày nay, Sài Gòn. [64] Thế Lữ (1996), Đòn hẹn – Gói thuốc lá, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. [65] Thế Lữ (1996), Tiếng hú ban đêm (Tập truyện ngắn), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. [66] Thế Lữ (1997), Truyện ngắn , Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. [67] Thế Lữ (2000), Vàng và máu, Nxb Văn học, Hà Nội. [68] Thế Lữ (2003), Mai Hương - Lê Phong, Nxb Văn học, Hà Nội. [69] Phương Lựu (chủ biên) (2003), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [70] Nguyễn Đăng Mạnh (2002), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [71] Cao Xuân Mỹ (1999, sưu tầm), Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh. [72] Nguyễn Đăng Na (2001), Đặc điểm Văn học Việt Nam trung đại – Những vấn đề văn xuôi tự sự, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [73] Nguyễn Phong Nam (2007), Truyện thơ Nôm – Những nghiên cứu hình thái học, Nxb Đà Nẵng. [74] Nguyễn Phong Nam (2008), “Nghiên cứu về quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam – Một số vấn đề phương pháp luận”, Tạp chí Khoa học - Công nghệ, ĐH Đà Nẵng, (5). [75] Nguyễn Phong Nam (2014), Truyện truyền kỳ Việt Nam – Đặc điểm hình thái văn hóa – Lịch sử, Nxb Văn học, Hà Nội. [76] Phạm Thế Ngũ (tái bản 1998), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Tập 3, Nxb Đồng Tháp. [77] Đinh Quang Nhã (1999), Văn xuôi Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX, Tập I – Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Nxb Văn nghệ, TP.Hồ Chí Minh. [78] Vương Trí Nhàn (biên soạn 1996), Khảo về tiểu thuyết, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. [79] Vương Trí Nhàn (2000), Những lời bàn về tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XX – 1945, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. [80] Hoàng Nhân (1998) Phác thảo quan hệ Văn học Pháp với Văn học Việt Nam hiện đại, Nxb Mũi Cà Mau, Minh Hải. [81] Nhiều tác giả (1983) Số phận của tiểu thuyết, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội. [82] Nhiều tác giả (1988), Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. [83] Nhiều tác giả (2004), Từ điển Văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội. [84] Nhiều tác giả, (2007), Từ điển tiếngViệt, Nxb TP. Hồ Chí Minh. [85] Võ Văn Nhơn (2006), “Lê Hoàng Mưu – Nhà văn của những thử nghiệm táo bạo thế kỷ XX”, Tạp chí Văn học, (7). [86] Lê Huy Oanh (1994),“Nghệ thuật kể chuyện của Thế Lữ trong Vàng và máu”, Thế Lữ, tác gia và tác phẩm), Nxb Giáo dục, Hà Nội. [87] Hoàng Kim Oanh (2009), “Thế Lữ Và Năm Hình Mẫu Truyện Trinh Thám Edgar Poe”. Tạp chí Khoa học xã hội, (9), Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ- Thành phố Hồ Chí Minh, tr.55 - 68. [88] Poe Edgar (2002), Tuyển tập truyện ngắn Poe. Ngô Tự Lập và nhóm Địa cầu dịch, Nxb Văn học, Hà Nội. [89] Vũ Ngọc Phan (1998), Nhà văn hiện đại, Tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội. [90] Hoàng Phê (chủ biên) (1998), Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [91] Vũ Đức Phúc (1981), Truyện trinh thám, Tạp chí Văn học, (6). [92] Nam Đình Nguyễn Thế Phương (1934), Chén thuốc độc, cuốn 5, Nxb Phạm Văn Thinh, Sài Gòn. [93] Bùi Huy Phồn (1989), Lá huyết thư, Nxb Thanh Niên, Hà Nội [94] Bùi Huy Phồn (1943), Gan dạ đàn bà, Mối thù truyền nghiệp, Tờ di chúc của dòng họ Trần Thạch, Nxb Hàn Thuyên, Hà Nội. [95] Claudine Salmon (biên soạn) (2004), Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc ở Châu Á (từ thế kỷ XVII – thế kỷ XX), Trần Hải Yến dịch, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [96] John C.Schaffer và Thế Uyên (1994), “Tiểu thuyết xuất hiện tại Nam Kỳ”, Tạp chí Văn học, (8), tr. 8-13. [97] Vương Hồng Sển (1993), Thú xem truyện Tàu, Nxb TP.Hồ Chí Minh. [98] Trần Đình Sử (1995), Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [99] Trần Đình Sử (1998), Dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [100] Trần Đình Sử (chủ biên) (2012), Lý luận văn học - Tác phẩm và thể loại (Tập 2), Nxb ĐHSP, Hà Nội. [101] Doãn Quốc Sỹ (1973), Văn học và tiểu thuyết, Nxb Sáng tạo, Sài Gòn. [102] Thượng Sỹ, Vũ Bằng, Ngọa Long (1971), “Văn nghiệp Phú Đức – Tiểu thuyết gia một thời nổi tiếng ở Nam bộ”, Tạp chí Văn học (9). [103] Trần Hữu Tá (2000), “Nghĩ về buổi bình minh của tiểu thuyết Nam Bộ”, Tạp chí Văn học, (10). [104] Trần Hữu Tá (2006), “Những bổ khuyết cần thiết cho bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam hiện đại”. Văn học Việt Nam sau 1975, những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [105] Nguyễn Kim Thản – Hồ Hải Thuỵ - Nguyễn Đúc Dương (2005), Từ điển tiếng Việt – Trung tâm KHXH&NV Quốc gia; Nxb Văn hoá, Sài Gòn. [106] Vũ Thanh (1999),“Dư ba truyện truyền kì, chí dị trong văn học Việt Nam hiện đại” Những vấn đề lí luận và lịch sử văn học, Nxb Văn học, Hà Nội. [107] Nguyễn Quyết Thắng (1990), “Bình minh của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam”, Tạp chí Bách khoa, (1), tr.44-49. [108] Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn – Những vấn đề lý thuyết và thể loại, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. [109] Bùi Việt Thắng (2001), Bàn về tiểu thuyết, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội. [110] Ngô Bích Thu (2012), “Vai trò của lý trí trong truyện trinh thám và truyện kỳ ảo qua trường hợp Edgar Allan Poe”, Tạp chí Khoa học, Đại học quốc gia Hà Nội, (28), tr. 254-265. [111] Lê Ngọc Thúy (2009), “Bài giảng dành cho học viên cao học”, Quá trình hiện đại hóa văn học quốc ngữ Nam Bộ từ nửa sau thế kỷ XIX đến năm 1930. Trường ĐH CầnThơ. [112] Phan Trọng Thưởng (1997), “Thế Lữ, nghệ sĩ hai lần tiên phong”, Tạp chí Văn học, (7). [113] Bùi Đức Tịnh (2002), Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ mới (1865-1932), Nxb TP. Hồ Chí Minh. [114] Tzvetan Todorov (2004), Thi pháp văn xuôi, Đặng Anh Đào – Lê Hồng Sâm dịch, Nxb ĐHSP Hà Nội. [115] PhùngVănTửu (2002), Tiểu thuyết Pháp hiện đại – Những tìm tòi đổi mới, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [116] Phùng văn Tửu (2006) “Những đổi mới của văn học kỳ ảo thế kỷ XX, Tạp chí nghiên cứu văn học, (5). [117] Lê Ngọc Trà (Tập hợp và giới thiệu), (2002), Văn hóa Việt Nam – Đặc trưng và cách tiếp cận, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [118] Lê Ngọc Trà (2007), Mười điều răn của hoạ sĩ Tây Ban Nha – Văn chương thẩm mỹ và văn hóa, Nxb TP.Hồ Chí Minh. [119] Trần Thị Trâm (1994), “Vai trò của báo chí trong sự phát triển văn học dân tộc đầu thế kỷ XX”,Tạp chí Văn học, (6). [120] Trung tâm nghiên cứu Quốc học (1999), Văn xuôi Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX – Phú Đức tiểu thuyết Châu về hợp phố, Nxb Văn nghệ, TP HCM. [121] Nguyễn Văn Trung (2006), “Về các loại truyện viết bằng chữ quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Việt Nam” Văn xuôi Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh. [122] Lê Trí Viễn, Nguyễn Đình Chú (1976), Lịch sử văn học Việt Nam Giai đoạn II Đầu thế kỷ XX – 1930), Nxb Giáo dục, Hà Nội. [123] Hoài Việt (1991), Thế Lữ - Cuộc đời trong nghệ thuật, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [124] Trần Ngọc Vương (1995), Loại hình học tác giả văn học - Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục,Hà Nội. [125] Nguyễn Thị Thanh Xuân (2006), “Phú Đức – Một mẫu nhà văn Nam bộ đầu thế kỷ XX”, Tạp chí nghiên cứu Văn học, (7), tr. 19-23. II. TÀI LIỆU INTERNET [126] Nguyễn Vy Khanh (2012), Cái chết trong văn học. .com/2012/03.. Truy cập ngày 12.04.2012 [127] Võ Văn Điệp (2013), Mối quan hệ giữa truyền thống và cách tân.http:// blogspot. vovandiep84.co.uk/2013/08/.html. Truy cập ngày 02.07. 2013 [128] Thạch Thư Xá (2012). Làm họa sĩ thì cần bao nhiêu tiền. wordpress. .com/2012/10. Truy cập ngày 20.09.2012 [129] Trần Trung Sáng (2013).Phạm cao Củng – Chàng thám tử Kỳ Phát.http:// nhavan tphcm. com.vn /chan-dung-phong-van/pham-cao-cung-chang-tham-tu-ky-phat.html. Truy cập ngày1.12.2013 [130] Kiến thức văn học (2012) Quan hệ giữa văn nghệ và hiện thực. vanhoc.ucoz.co.com.index.chng. Truy cập ngày 10.12.2012 [131] Văn chương (2011).Thám tử Kỳ Phát. .com/...tham-pham-cao-cung-qua.html . Truy cập ngày10.12.2013 [132] Lao đông cuối tuần (2012). Phạm Cao Củng – Nhà văn.http:// ww.laodong. Com. vn/lao-dong-cuoi-tuan/pham-cao-cung-nha-van... Truy cập ngày 10.01.2014 [133] Tự lực văn đoàn (2010). Truy cập ngày 14.01.2014. [134] Truyện trinh thám (2011), Truyện trinh thám Phạm Cao Củng. http:// webtruyen.com/truyen-trinh-tham/ Truy cập ngày 16.01.2014 [135] Nam Chi (2013) Tiểu thuyết trinh thám Việt Nam đầutiên. com.vn ./tieu-thuyet-trinh-tham-dau-tien-cua-viet-nam/. Truy cập ngày 19.06.2013  [136] Đặng Anh Đào (2013), Truyện trinh thám hiện đại. .com/thong-tin/chuyen-tham-tu/truyen-trinh-tham-hien-dai-hang-ngoai- Truy cập ngày 12.06.2013 [137] Đặng Tiến (2012) Những đóng góp của Thế Lữ . ./nhung-goc-nhin-van-hoa/ - Đặng Tiến. Truy cập ngày 12.04.2014 [138] Trần Anh Huy (1013), Truyện trinhthám. /...book - truyen-trinh-tham...  Truy cập ngày 22.02.2014  [139] Truyện Thế Lữ (2011), Tuyển tập truyện trinh thám của Thế Lữ. c.vn/...tuyen-tap-the-lu-truyen-trinh-tham-part-2.htm. Tuyển tập Thế Lữ . Truy cập ngày 14.04.2013 [140] S.S. Dine (2010) Hai mươi nguyên tắc viết truyện trinh thám. .Truy cập ngày 14.04.2013 [141] Tin từ các báo (2010),Tọa đàm về văn học trinh thám. /ext/articleview/article/214566/14.(TNTT>, ngày 22/03/2012). Truy cập ngày 07.06.2013 [142] Lý Đợi (2012), Văn học trinh thám ở Nam Bộ. /home/index Van-hoc-trinh-tham-o-Nam-Bo-đau-the-ky XX. Truy cập ngày 16.04.2013 [143] Khoa Ngôn ngữ và văn học (2013). php%3 Foption%3Dcom_content%26view%3Darticle%26i... Truy cập ngày 06.09.2013 [144] Yên Ba (2011), Từ Kỳ Phát đến thám tử Nguyễn Thành Luân, /2010/03tu-ky-phat-den-nguyen-thanh-luan-qua-yen.html. Truy cập ngày 23.05.2013 [145] Trần Thanh Hà (2012), Thời vàng son của tiểu thuyết trinh thám. http:// thethaovanhoa. Truy cập ngày 04.05.2013 [146] Cao Việt Dũng (2013) Thời vàng son của tiểu thuyết trinh thám . /Bai-1-Thoi-vang-son-Truycậpngày 16.09.2013. [147] Thy Ngọc (2013), Truy tìm truyện trinh thám Việt Truy cập ngày 21.09.2013 [148] Thông tin truyền thông (2012) - Truy cập ngày 14.06.2012 [149] Tiểu thuyết trinh thám (2012),Tiểu thuyết trinh thám, một niềm may mắn cho văn học. .com/site/lovebooktk/tieu-thuyet-trinh-tham-mot-niem-may-man-cua-van-hoc. Truy cập ngày 17.03.1014 [150] Thám tử VDT (2012). Điểu thám kỳ án. – Truy cập ngày 19.08.2012 [151] Edu. Văn học (2013), Tính hiện thực trong văn học. /courewares/su pham/llvanhoc1/ch4.htm. (Quan điểm của Biêlinxki) [152] Đạo diễn tài ba (2013) Francois Truffaut (2007) Truy cập 20/12/2014. [153] Phạm Mạnh Hùng (2013), Phú Đức, tiểu thuyết gia feuillecton tiêu biểu của miền Nam. [154] Lê Huy Bắc (2013), Chương 4 - Cốt truyên tự sự, /uploads/resources /600/1420406/preview.swf. [155] Nguyễn Công Hoan (1936), Cái lò gạch bí mật- /truyen-ngan-nguyen-cong-hoan/Q8QL PHỤ LỤC DANH MỤC TÁC PHẨM TRINH THÁM VIỆT NAM TIÊU BIỂU NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX Thúy Am (1936), Anh-hùng tương-ngộ, Imprimerie Tân Dân Thư Quán, Hà Nội. (Hữu Ích, từ 25/2/1936 đến 30/3/1938) Thúy Am (1937), Cái hầm bí-mật, Imprimerie Tân Dân Thư Quán, Hà Nội. Thúy Am (1937) Người hay ma, Imprimerie Tân Dân Thư Quán, Hà Nội. Phạm Cao Củng (2006), Chiếc tất nhuộm bùn – Kho tàng họ Đặng, Nxb CAND, Hà Nội. Phạm Cao Củng (1967), Vết tay trên trần – Kho tàng họ Đặng, Nxb Chi Lăng, Sài Gòn. Phạm Cao Củng (2006), Nhà sư thọt – Người một mắt , Nxb CAND, Hà Nội. Phạm Cao Củng (2006), Đám cưới Kỳ Phát – Bóng người áo tím, Nxb CAND, Hà Nội. Phạm Cao Củng (1945), Một cái Tết rùng rợn của Kỳ Phát, Nxb Mai Lĩnh, Hà Nội. Phạm Cao Củng (1942), Chiếc gối đẫm máu, Nxb Mai Lĩnh, Hà Nội. Phạm Cao Củng (1942), Hàm răng mài nhọn , Nxb Mai Lĩnh, Hà Nội. Phạm Cao Củng (Phương Trì) (1937), Máu đỏ lòng son, Nxb Mai Lĩnh, Hà Nội. Phạm Cao Củng (Phương Trì, 1950), Bàn tay sáu ngón, Nxb Mai Lĩnh, Hà Nội. Dương Minh Đạt (1927), Anh hùng ba mặt (Bí mật phi thường), Nxb Xưa và Nay, Sài Gòn. Dương Minh Đạt (1927), Bình vỡ gương tan, Nxb Xưa và Nay, Sài Gòn. Bửu Đình (1988), Mảnh trăng thu (Imp. Xưa Nay – Sài Gòn 1931), In dài kì trên Phụ nữ tân văn năm 1930, Nxb Tổng hợp Tiền Giang tái bản năm 1988. Bửu Đình (1988), Cậu Tám Lọ, (in trên Phụ nữ tân văn), NXB Tổng hợp Tiền Giang. Việt Đông (1932), Trường huyết chiến, (04 cuốn, tiếp theo bộ Oan tình ly hận), Nhà in Đức Lưu Phương, S. 96 trang. Việt Đông (1932), Ngọc nát hoa tươi, (04 cuốn), tiếp theo bộ Trường huyết chiến, Nhà in Đức Lưu Phương, Saigon. Phú Đức (2003), Tôi có tội, Nxb Tổng hợp, Tỉnh Tiền Giang. Phú Đức (1926), Châu về hợp phố, Nxb Xưa nay, Nxb Tiền Giang (1988) tái bản toàn tập 3 cuốn, (Lần đầu tiên đăng trên báo Trung Lập). Phú Đức (1929), Lửa lòng, in trên báo Công Luận Phú Đức (1930), Trường tình huyết lệ, in trên báo Công Luận Phú Đức (1930), Căn nhà bí mật, in trên báo báo Công Luận Đỗ Lệnh Hùng (1942), Chiếc khăn nhuốm máu Nxb Mai Lĩnh, Hà Nội (theo Hồi ký Phạm Cao Củng). Thế Lữ (1996), Đòn hẹn – Gói thuốc lá, Nxb Hội nhà Văn, Hà Nội. Thế Lữ (2000), Vàng và máu, Nxb Văn học, Hà Nội Thế Lữ (2003), Mai Hương & Lê Phong, Nxb Văn học, Hà Nội. Thế Lữ (1996), Tiếng hú ban đêm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. Thế Lữ (1963), Lê Phong phóng viên, Nxb Ngày Nay, Sài Gòn Thế Lữ (1936), Lê Phong làm thơ, Tạp chí Ngày nay, Tập (24,25). Lê Hoàng Mưu (1929), Đêm rốt của người tội tử hình (4 quyển, nhà in Lưu Đức Phương, Sài Gòn). Khởi đăng trên Lục tỉnh tân văn từ số 2076, ngày 16 tháng 7 năm 1925 đến số 2182, ngày 22 tháng 11 năm 1925. Lê Hoàng Mưu (1931), Người bán ngọc, (4 quyển), nhà in Lưu Đức Phương, Sài Gòn, 1931, (in lại trong Văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XX, tập 1, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1999). Biến Ngũ Nhy (1921) Kim thời dị sử - Bau Lâu ròng nghề đạo tặc,đăng trên Công luận báo từ tháng l0 năm 1917, in thành sách năm 1921. (Imp. Moderne L. Héloury S. Moutégout Sài Gòn). Biến Ngũ Nhy (1918-1921), Một người ăn cắp bạc nhà nước; Kim thời dị sử - Chủ nợ bất nhơn; Vị lai tân truyện - Cái nhục ngàn năm (các truyện trinh thám in dở dang trong mục Mật thám truyện trên Công Luận báo). Nam Đình Nguyễn Thế Phương (1931), Vô oan trái, (đăng trên Công Luận báo từ số 2579), Nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn. Nam Đình Nguyễn Thế Phương (1928), Huyết lệ hoa (Đăng trên Đông Pháp thời báo). Nam Đình Nguyễn Thế Phương (1934), Chén thuốc độc (5 cuốn), Nxb Phạm Văn Thình, Sài Gòn. Bùi Huy Phồn (1942), Gan dạ đàn bà, (In trong Tiểu thuyết thứ năm), Nxb Hàn Thuyên, Hà Nội Bùi Huy Phồn (1942), Mối thù truyền nghiệp, Nxb Hàn Thuyên, Hà Nội Bùi Huy Phồn (1941), Tờ di chúc dòng họ Trần Thạch, Nxb Hàn Thuyên, Hà Nội Cuồng Sĩ (1928), Ai giết quan toà, do Tân-Dân Thư Quán xuất bản Nguyễn Chánh Sắt (1920), Gái trả thù cha (1920), 4 tập - Trinh thám tiểu thuyết, Nxb Sài Gòn, Nxb Văn Nghệ TP.HCM (tái bản năm 2002). Vũ Đình Tuyết (?), Mảnh giấy bí mật (?). Vũ Đình Tuyết (?), Con ma đeo kính (?). Vũ Đình Tuyết (?), Vuông khăn đẫm máu (?). (Vô Danh Thị), Con khỉ giết người và Xác chết chạy đi đâu (không ghi tên tác giả, do Tân-Dân Thư Quán xuất bản).

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxluan_an_truyen_trinh_tham_viet_nam_nua_dau_the_ky_xx_tu_dac.docx
Tài liệu liên quan