Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam

MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Ở Việt Nam trước đây hôn nhân có yếu tố nước ngoài là một loại quan hệ không phổ biến. Tuy nhiên, trong hơn một thập kỷ qua, đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hôn nhân có yếu tố nước ngoài không còn là hiện tượng hiếm hoi trong đời sống xã hội. Hiện nay thậm chí có nơi, có lúc hôn nhân có yếu tố nước ngoài đã trở thành một hiện tượng khá phổ biến. Cũng như mọi quan hệ khác, quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài cần có sự điều chỉnh của pháp

doc194 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 5398 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
luật. Vì vậy, nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan tới quan hệ này trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Văn bản pháp lý trong nước đầu tiên của Việt Nam ghi nhận các quy định điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài là Luật Hôn nhân và gia đình (LHNGĐ) năm 1986. Trên cơ sở của các quy định này, nhiều văn bản pháp luật quan trọng về hôn nhân có yếu tố nước ngoài lần lượt ra đời. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp (HĐTTTP) với các nước mà mở đầu là HĐTTTP với Cộng hòa dân chủ Đức (cũ) vào năm 1980. Tính đến nay Việt Nam đã ký kết 14 HĐTTTP với các nước. Trong các hiệp định này vấn đề liên quan tới việc giải quyết quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài được ghi nhận. Có thể nói, nội dung của các văn bản pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế trên đây đã đóng góp một phần rất quan trọng trong việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, so với đòi hỏi thực tế của đời sống quốc tế, pháp luật của Việt Nam về vấn đề này vẫn cần được nghiên cứu để áp dụng có hiệu quả và bổ sung hoàn thiện. Khác với việc giải quyết quan hệ hôn nhân thông thường, việc giải quyết quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài thường liên quan đến việc chọn pháp luật áp dụng. Do đó việc nghiên cứu đề tài sẽ làm sáng tỏ thêm các vấn đề lý luận trong việc áp dụng pháp luật nước ngoài nhằm điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Đây là điều quan tâm không chỉ của những người nghiên cứu pháp luật mà còn là của những người làm công tác liên quan tới việc giải quyết các vấn đề về hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Vì những lý do trên mà việc nghiên cứu đề tài "Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam" có ý nghĩa thiết thực cả về mặt lý luận và thực tiễn. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Ở Việt Nam vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài mặc dù được một số nhà nghiên cứu quan tâm, nhưng các công trình nghiên cứu có tính chất chuyên khảo về vấn đề này vẫn còn rất khiêm tốn. Vấn đề về hôn nhân có yếu tố nước ngoài chỉ là một phần trong các công trình nghiên cứu như chuyên đề, luận văn tốt nghiệp cử nhân hoặc luận văn thạc sĩ và một số bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Ví dụ: Số chuyên đề của Tạp chí Dân chủ và pháp luật thuộc Bộ Tư pháp về Luật hôn nhân và gia đình năm 2000; Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 do TS. Đinh Trung Tụng là chủ biên, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000; Luận văn thạc sĩ luật học về Sự phát triển của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam và những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình 1986 (năm 1996) của Nguyễn Văn Cừ; Luận văn thạc sĩ luật học về Hôn nhân trái pháp luật - Căn cứ xác định và biện pháp xử lý (năm 1998) của Ngô Thị Hường; Luận văn thạc sĩ luật học về Chế định ly hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam (năm 1997) của Vũ Thị Hằng; Luận văn tốt nghiệp cử nhân luật về Pháp luật về hôn nhân giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (năm 2000) của Bùi Thị Tố Nga; Luận văn tốt nghiệp cử nhân luật về Vấn đề ly hôn giữa công dân Việt Nam mà một bên đương sự ở nước ngoài (năm 2000) của Đinh Thị Luyến; một số bài viết của Thái Công Khanh như Vấn đề quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân, số 4/2000, hoặc Bàn về giám hộ trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, đăng trên Tạp chí Tòa án, số 12/2000... Có thể nói, các công trình trên đây không nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện về pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam mà chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu một phần các quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Nói cách khác, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu và có tính hệ thống đối với vấn đề này. Do đó đề tài vẫn còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, khai thác ở cấp độ cao hơn. 3. Mục đích nghiên cứu Mục đích thứ nhất của luận án là nhằm tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển các quy phạm điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài của Việt Nam. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này làm sáng tỏ quan điểm của Nhà nước ta trong việc ngày càng quan tâm đối với quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đồng thời đưa ra dự báo cho sự phát triển trong tương lai của pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Mục đích thứ hai của luận án là lý giải việc vận dụng các quy định của pháp luật để điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Khác với các quan hệ pháp lý thông thường, quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài thường chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau. Việc kết hợp áp dụng các quy định của pháp luật trong nước và các quy định của pháp luật nước ngoài để điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài là hiện tượng phức tạp mà cần được lý giải một cách khoa học. Việc lý giải một cách khoa học vấn đề này là cơ sở để xây dựng và áp dụng có hiệu quả các quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Mục đích thứ ba của luận án là trên cơ sở kết quả nghiên cứu về lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, luận án đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án gồm các vấn đề lý luận pháp luật và thực tiễn pháp lý của việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Nghiên cứu các vấn đề lý luận để xác định tính khoa học trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật trong việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Nghiên cứu thực tiễn để tìm ra những điểm phù hợp và chưa phù hợp của pháp luật trong việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này. Phạm vi nghiên cứu của luận án là các vấn đề pháp lý liên quan tới các quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, chúng bao gồm các vấn đề cơ bản như khái niệm, lịch sử hình thành, nội dung và thực trạng của pháp luật về vấn đề này. Trong quá trình nghiên cứu, các quy định tương ứng của pháp luật một số nước được vận dụng để so sánh với các quy định của pháp luật Việt Nam. Trong khuôn khổ của một luận án tiến sĩ luật học nên các vấn đề chi tiết có liên quan tới đề tài sẽ không được trình bày, mà luận án chỉ tập trung nghiên cứu và trình bày một cách tổng quát những vấn đề pháp lý cơ bản, đặc biệt là các vấn đề làm cơ sở cho các kiến nghị hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Về phương pháp luận: Luận án lấy lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh làm phương pháp luận trong quá trình nghiên cứu đề tài, với quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam, nhằm xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh. Về phương pháp nghiên cứu: Luận án đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu: Lịch sử, phân tích, so sánh, tổng hợp. Phương pháp lịch sử: Đây là phương pháp cổ điển được áp dụng khá phổ biến trong nghiên cứu khoa học nói chung và trong nghiên cứu khoa học pháp lý nói riêng. Áp dụng phương pháp này khi nghiên cứu đề tài nhằm làm rõ sự phát triển có tính kế thừa của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Phương pháp phân tích: Các vấn đề mà đề tài đặt ra sẽ được phân tích, mổ xẻ về mặt lý luận để thấy rõ tính khoa học của việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài trong phạm vi quốc gia và trong phạm vi quốc tế. Phương pháp so sánh: Phương pháp này được áp dụng khi xem xét các vấn đề về nội dung pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam so với pháp luật của một số nước trên thế giới. Đặc biệt phương pháp này sẽ được áp dụng khi nghiên cứu về nội dung các quy định pháp luật so với những vấn đề về lý luận pháp luật nhằm rút ra những điểm đã và chưa phù hợp trong quy định của pháp luật so với lý luận, với mục đích hoàn thiện các quy định pháp luật đó. Phương pháp tổng hợp: Áp dụng phương pháp tổng hợp nhằm rút ra những vấn đề cơ bản về mặt lý luận. Việc làm này nhằm tìm ra những ưu điểm và hạn chế trong việc quy định về nội dung quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. 6. Những đóng góp mới về khoa học và ý nghĩa thực tiễn của luận án Trên cơ sở mục đích của việc nghiên cứu đã đề ra, luận án đã đóng góp một số vấn đề mới sau đây: Một là, luận án nghiên cứu có hệ thống và toàn diện cả về lý luận và thực tiễn pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Hai là, trên cơ sở nghiên cứu thực trạng của việc áp dụng pháp luật trong lĩnh vực này, luận án đã tìm ra một số tồn tại trong quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Ba là, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn về vấn đề này, Luận án đã đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Với những điểm nêu trên đây, tác giả của luận án hy vọng đóng góp một phần nhỏ bé vào việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 3 chương, 8 tiết. Chương 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI 1.1. KHÁI NIỆM PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI 1.1.1. Khái niệm hôn nhân và quan hệ hôn nhân 1.1.1.1. Hôn nhân Hôn nhân là một hiện tượng xã hội đặc biệt, trong đó các bên chủ thể gắn kết với nhau với mục đích tạo dựng một tế bào của xã hội là gia đình. Khác với các quan hệ dân sự bình thường, mục đích của các chủ thể trong quan hệ hôn nhân không phải là nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất hoặc tinh thần trong một thời điểm nhất định mà nhằm xác lập mối quan hệ lâu dài. Thông thường hôn nhân là kết quả của tình yêu và dựa trên sự tự nguyện của các bên chủ thể nhằm xây dựng mối quan hệ bền vững. Sự bền vững này tồn tại cùng với cuộc đời của các chủ thể và được củng cố bằng các quan hệ phái sinh khác đó là quan hệ của cha mẹ đối với con cái, ông bà đối với cháu chắt. Nói cách khác, hôn nhân là cơ sở tạo nên quan hệ vợ chồng và quan hệ huyết thống mà tổng hợp các mối quan hệ này là nền tảng của gia đình. Vì hôn nhân là cơ sở tạo nên gia đình nên, về mặt khoa học, hôn nhân là một khái niệm gắn liền với khái niệm gia đình. Hai khái niệm này cùng song song tồn tại và phát triển theo lịch sử phát triển của xã hội loài người. Trong thời kỳ nguyên thủy, khi con người còn sống thành bầy đàn hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên chưa có phân công lao động xã hội, do đó chưa có hôn nhân và cũng không có gia đình. Ở thời kỳ này, quan hệ giữa đàn ông và đàn bà là quan hệ tính giao bừa bãi. Thời kỳ quan hệ tính giao này kéo dài hàng trăm nghìn năm và nó kết thúc bằng sự ra đời của chế độ quần hôn [93, tr. 4] khi có sự phân công lao động xã hội. Tương ứng với chế độ quần hôn là hình thức gia đình quần hôn. Hình thức này được coi là hình thức gia đình sớm nhất [56, tr. 64]. Nó là kết quả liên kết của nhiều người đàn ông với nhiều người đàn bà. Chế độ quần hôn được hình thành và phát triển qua hai giai đoạn chính và được thể hiện dưới hai hình thức gia đình đó là gia đình huyết tộc và gia đình Pu-na-lu-an [93, tr. 4]. Sau giai đoạn này là sự ra đời và phát triển của hình thái hôn nhân đối ngẫu và hôn nhân một vợ một chồng, tương ứng với chúng là gia đình đối ngẫu và gia đình có một vợ một chồng. Có thể nói, nhìn vào các hình thái hôn nhân trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau ta thấy sự khác nhau về nội dung của khái niệm hôn nhân. Trước kia, trong thời kỳ tồn tại hình thức gia đình quần hôn, khái niệm hôn nhân được hiểu là sự liên kết của nhiều người đàn ông với nhiều người đàn bà nhằm tạo thành một gia đình. Ngày nay khi chế độ hôn nhân một vợ một chồng được coi là hình thức hôn nhân tiến bộ thì khái niệm về hôn nhân cũng thay đổi. Nó được hiểu là sự liên kết giữa nam và nữ để tạo nên quan hệ vợ chồng. Trong xã hội có giai cấp, hôn nhân và gia đình mang tính giai cấp sâu sắc. Lịch sử đã chứng minh trong mỗi hình thái xã hội có các hình thái hôn nhân và gia đình nhất định. Các hình thái hôn nhân và gia đình này phản ánh bản chất xã hội mà hình thái hôn nhân và gia đình đó đang tồn tại. Một xã hội bình đẳng hay bất bình đẳng giữa người với người sẽ thể hiện ngay trong cuộc sống hôn nhân và gia đình của xã hội đó. Nói cách khác, nhìn vào cuộc sống hôn nhân và gia đình, ta có thể nhận biết được phần lớn thực trạng của đời sống xã hội và ngược lại nghiên cứu cuộc sống xã hội ta có thể thấy được cuộc sống hôn nhân và gia đình, vì hôn nhân và gia đình là hình ảnh của một xã hội được thu nhỏ. Như đã trình bày ở trên, có thể thấy "hôn nhân" và "gia đình" là hai khái niệm có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Nội dung của hai khái niệm này cùng tồn tại và phát triển trong sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, về mặt lý luận thì hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau và có tính độc lập nhất định. Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển - Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1994 thì khái niệm hôn nhân được hiểu là "việc nam nữ chính thức lấy nhau làm vợ chồng" còn gia đình được hiểu là "tập hợp người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái" [99]. Theo giải thích của Oxford Advanced Learner's Dictionary do Oxford University Press xuất bản năm 1992 thì "hôn nhân" là sự liên kết pháp lý giữa một người đàn ông với một người đàn bà như vợ chồng, còn "gia đình" là nhóm người bao gồm cha mẹ và con cái của họ [111]. Theo Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội thì "hôn nhân là sự liên kết giữa người nam và người nữ dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng theo điều kiện và trình tự luật định, nhằm chung sống với nhau suốt đời và xây dựng gia đình hạnh phúc và hòa thuận", còn gia đình được hiểu là "tập hợp những người cùng sống chung, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng, có quyền và nghĩa vụ tương ứng với nhau" [98]. Theo quy định của khoản 6 và khoản 10 Điều 8 LHNGĐ Việt Nam năm 2000 thì "hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn", còn "gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau" theo quy định của pháp luật [46]. Từ nội dung của các giải thích trên đây có thể thấy, "hôn nhân" và "gia đình" là hai khái niệm độc lập. Tính độc lập này được thể hiện ở hai điểm khác nhau cơ bản, đó là sự hình thành và chủ thể tham gia trong đời sống hôn nhân và gia đình. Thứ nhất, về sự hình thành: Nếu hôn nhân được hình thành trên cơ sở kết hợp giữa nam và nữ để xác lập quan hệ vợ chồng, thì gia đình được hình thành trên nhiều cơ sở khác nhau, trong đó hôn nhân được coi là một trong những cơ sở phổ biến. Có lẽ chính vì mối quan hệ khăng khít có tính nhân quả này mà đôi khi khó có thể phân biệt rạch ròi giữa hôn nhân và gia đình. Thứ hai, về chủ thể tham gia: Nếu chủ thể tham gia đời sống hôn nhân là các bên xác lập quan hệ vợ chồng thì trong đời sống gia đình các chủ thể tham gia không những chỉ là vợ chồng mà còn là những người khác dựa trên cơ sở của quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng như con đẻ, ông bà, con nuôi... Như vậy có thể nói, hôn nhân và gia đình là hai khái niệm mặc dù có quan hệ gắn bó với nhau nhưng chúng độc lập. Do đó, việc nghiên cứu quan hệ hôn nhân cũng được đặt trong sự độc lập của nó với việc nghiên cứu quan hệ gia đình. 1.1.1.2. Quan hệ hôn nhân Quan hệ hôn nhân là quan hệ giữa các chủ thể trong hôn nhân, nó được xác lập từ khi các bên nam nữ chính thức lấy nhau làm vợ chồng và chấm dứt khi các bên không còn quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật. Có thể nói, việc xác lập và chấm dứt quan hệ hôn nhân trước hết hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cá nhân trong hôn nhân phù hợp với quy định của pháp luật. Quan hệ hôn nhân là loại quan hệ pháp luật dân sự đặc biệt. Tính chất dân sự và tính chất đặc biệt trong quan hệ hôn nhân được thể hiện như sau: Thứ nhất, tính chất dân sự trong quan hệ hôn nhân được biểu hiện ở ba điểm cơ bản: Một là, đối tượng điều chỉnh của pháp luật về hôn nhân giống như đối tượng điều chỉnh của pháp luật dân sự. Khi quan hệ hôn nhân được xác lập thì các quan hệ về nhân thân (danh dự, nhân phẩm, uy tín...) và quan hệ tài sản (tài sản chung, tài sản riêng...) của các chủ thể cũng được xác lập và chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Về nguyên tắc, các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản là đối tượng điều chỉnh của pháp luật dân sự. Hai là, phương pháp điều chỉnh quan hệ hôn nhân được dựa trên phương pháp điều chỉnh của luật dân sự [93, tr. 32]. Ví dụ, ở Việt Nam mặc dù trong phương pháp điều chỉnh quan hệ hôn nhân có những điểm đặc thù bởi tính chất của quan hệ này nhưng vì được tách ra từ quan hệ dân sự nên phương pháp điều chỉnh của nó được dựa trên phương pháp điều chỉnh của pháp luật dân sự. Ba là, các quy định có tính nguyên tắc điều chỉnh quan hệ hôn nhân được quy định trong Bộ luật Dân sự. Ví dụ, trong Bộ luật Dân sự của Việt Nam, các quy định về hôn nhân được ghi nhận tại các điều: Điều 35 (quyền kết hôn), Điều 36 (quyền bình đẳng của vợ chồng), Điều 38 (quyền ly hôn), Điều 57 (đăng ký kết hôn)... Thứ hai, tính đặc biệt trong quan hệ hôn nhân được thể hiện ở yếu tố tình cảm của các bên chủ thể. Có thể nói, tình cảm của các bên chủ thể đối với nhau được coi là cơ sở cơ bản và phổ biến trong việc xác lập quan hệ hôn nhân. Dựa trên yếu tố tình cảm mà quan hệ hôn nhân tồn tại bền vững lâu dài, không mang tính chất nhất thời và không mang tính chất đền bù ngang giá giống như hầu hết các quan hệ dân sự khác. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ của mình, các chủ thể trong quan hệ hôn nhân không chỉ vì lợi ích của bản thân mà còn vì lợi ích của những người khác trong các quan hệ phái sinh từ quan hệ hôn nhân như quan hệ huyết thống (cha mẹ với con cái) hoặc quan hệ thân thuộc (cha, mẹ, anh, em, họ hàng của các bên vợ và chồng). Quan hệ hôn nhân là quan hệ được hình thành trên cơ sở của hôn nhân, nó thể hiện sự liên kết giữa các chủ thể trong đời sống hôn nhân. Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân không phải tự nhiên được hình thành mà nó chỉ được hình thành khi có sự liên kết của các chủ thể với những điều kiện nhất định, đồng thời quan hệ hôn nhân không tồn tại vĩnh viễn mà nó sẽ bị chấm dứt trong những trường hợp nhất định. Trên cơ sở mức độ liên kết giữa các chủ thể trong quan hệ hôn nhân có thể chia quan hệ hôn nhân thành ba giai đoạn: Giai đoạn kết hôn, giai đoạn tồn tại quan hệ vợ chồng và giai đoạn chấm dứt quan hệ vợ chồng. Giai đoạn kết hôn là giai đoạn xác lập quan hệ vợ chồng trên cơ sở của việc kết hôn; giai đoạn quan hệ vợ chồng là giai đoạn sau khi kết hôn và giai đoạn chấm dứt quan hệ vợ chồng là giai đoạn thường được đánh dấu bằng sự kiện chết của một bên, hoặc bằng việc ly hôn. Quan hệ hôn nhân và quan hệ gia đình có mối liên quan mật thiết với nhau. Mối liên quan mật thiết này được thể hiện ở sự đan xen, chồng lấn giữa chúng. Sự đan xen, chồng lấn này là quan hệ vợ chồng. Bởi vì, quan hệ vợ chồng là hệ quả của quan hệ hôn nhân và đồng thời là tiền đề của quan hệ gia đình. Nói cách khác, cả quan hệ hôn nhân và quan hệ gia đình đều đề cập tới quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, hôn nhân là một khái niệm độc lập với khái niệm gia đình nên sự chồng lấn này không làm mất đi tính độc lập của quan hệ hôn nhân đối với quan hệ gia đình. Như vậy, có thể nói, quan hệ hôn nhân là một khái niệm độc lập với khái niệm quan hệ gia đình. Quan hệ hôn nhân bao gồm tổng thể ba quan hệ đó là quan hệ kết hôn, quan hệ vợ chồng và chấm dứt quan hệ vợ chồng. 1.1.2. Quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài Quan hệ hôn nhân là một loại quan hệ dân sự đặc biệt, do đó trước khi nghiên cứu các yếu tố nước ngoài trong quan hệ hôn nhân thì các vấn đề lý luận về yếu tố nước ngoài trong quan hệ dân sự cần được xem xét. 1.1.2.1. Yếu tố nước ngoài trong quan hệ dân sự Theo quy định của Điều 826 của Bộ luật Dân sự Việt Nam thì: "Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được hiểu là các quan hệ dân sự có người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tham gia hoặc căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó phát sinh ở nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài". Từ nội dung trên đây có thể rút ra ba dấu hiệu để xác định một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó là: - Chủ thể trong quan hệ dân sự là người nước ngoài; - Sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ dân sự ở nước ngoài; - Khách thể của quan hệ dân sự là tài sản ở nước ngoài. Không giống quan hệ pháp luật thông thường, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thường liên quan tới sự điều chỉnh của ít nhất hai hệ thống pháp luật. Việc xác định hệ thống pháp luật có thể được áp dụng cho một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài sẽ dựa trên cơ sở của các yếu tố nước ngoài trong quan hệ đó. Vấn đề này được xem xét thông qua các trường hợp cụ thể sau đây: Thứ nhất, chủ thể tham gia quan hệ dân sự là người nước ngoài Người nước ngoài là người không có quốc tịch ở nước mà họ đang cư trú [94, tr. 66]. Theo định nghĩa này thì người nước ngoài bao gồm người có một hoặc nhiều quốc tịch nước ngoài mà không có quốc tịch nước sở tại và người không có quốc tịch. Như vậy, cơ sở pháp lý để xác định một người có phải là người nước ngoài hay không chính là vấn đề quốc tịch. Quốc tịch là mối quan hệ pháp lý giữa công dân với Nhà nước. Quan hệ này có tính bền vững, ổn định, trong đó Nhà nước có quyền và nghĩa vụ với công dân và công dân cũng có quyền và nghĩa vụ đối với Nhà nước [95, tr. 103]. Do đó khi xác lập quan hệ dân sự ở nước sở tại, người có quốc tịch nước ngoài sẽ được pháp luật của nước mà mình mang quốc tịch bảo hộ về mặt ngoại giao. Như vậy, khi có một quan hệ dân sự phát sinh mà trong đó một trong các bên hoặc cả hai bên chủ thể là người có quốc tịch nước ngoài thì vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài được đặt ra. Pháp luật nước ngoài được áp dụng ở đây là pháp luật của nước họ mang quốc tịch. Thứ hai, sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ dân sự xảy ra ở nước ngoài. Trong trường hợp sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ dân sự xảy ra ở nước ngoài thì việc áp dụng pháp luật nước ngoài cũng được đặt ra. Trong trường hợp này, pháp luật có thể được áp dụng là pháp luật của nước nơi xảy ra sự kiện làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ đó. Ví dụ, hai người có cùng quốc tịch đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật nước mình nhưng kết hôn với nhau ở nước ngoài. Trong ví dụ này, hành vi kết hôn của các bên đã làm phát sinh quan hệ vợ chồng và việc xác định tính hợp pháp của quan hệ vợ chồng không chỉ dựa trên cơ sở điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật nước mà các bên mang quốc tịch (Lex nationalis) mà còn dựa trên cơ sở pháp luật của nước nơi tiến hành kết hôn (Lex loci celebrationis). Nói cách khác, trong ví dụ này luật nước ngoài là luật nơi tiến hành kết hôn có thể được áp dụng để xem xét tính hợp pháp của việc kết hôn. Thứ ba, khách thể của quan hệ dân sự là tài sản ở nước ngoài Trường hợp khách thể của quan hệ dân sự là tài sản nằm ở nước ngoài thì khi giải quyết, pháp luật của nước nơi đang tồn tại vật có khả năng được áp dụng. Ví dụ, hai công dân cùng quốc tịch ly hôn với nhau và tài sản liên quan khi ly hôn đang tồn tại ở nước ngoài. Trong trường hợp này, quan hệ của các bên liên quan tới tài sản là bất động sản sẽ chịu sự chi phối bởi pháp luật nơi có tài sản (Lex rei sitae). Nói cách khác, trong trường hợp này, vấn đề chọn pháp luật nước ngoài cũng được đặt ra. Như vậy, các yếu tố nước ngoài về chủ thể, sự kiện pháp lý và khách thể như đã đề cập ở trên được coi là cơ sở để xác định một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu một quan hệ dân sự chỉ cần có một trong ba yếu tố nêu trên thì quan hệ dân sự đó được coi là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. 1.1.2.2. Yếu tố nước ngoài trong quan hệ hôn nhân Vì quan hệ hôn nhân là quan hệ dân sự đặc biệt nên các yếu tố để xác định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cũng được sử dụng để xác định quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Như đã trình bày trên đây, để xác định một quan hệ dân sự có phải là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài hay không, phải dựa vào một trong ba dấu hiệu là: Chủ thể, sự kiện pháp lý và yếu tố tài sản trong quan hệ đó. Vì vậy, trong quan hệ hôn nhân nếu chủ thể là các bên khác quốc tịch; sự kiện làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ hôn nhân xảy ra ở nước ngoài; hoặc tài sản liên quan tới quan hệ hôn nhân ở nước ngoài thì quan hệ đó được gọi là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Do đó, về mặt lý luận cũng như thực tế, các dấu hiệu sau đây sẽ được áp dụng để xác định quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài trong từng trường hợp cụ thể. * Yếu tố về chủ thể trong quan hệ hôn nhân Một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để xác định tư cách chủ thể trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài là vấn đề quốc tịch của các bên chủ thể. Ở Việt Nam vấn đề quốc tịch được quy định trong Luật Quốc tịch Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 20/05/1998, trong đó các tiêu chí xác định người có quốc tịch Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài và người không có quốc tịch được quy định như sau: - Đối với người có quốc tịch Việt Nam, Luật Quốc tịch quy định cụ thể tại chương II. Theo nội dung của chương này thì người có quốc tịch Việt Nam là người có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam mà không kể người đó sinh ra ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (Điều 16); là người có cả cha và mẹ hoặc chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ là công dân Việt Nam còn người kia không có quốc tịch hoặc người có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai (khoản 1 Điều 17); là người khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh (khoản 2 Điều 17); là người được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam nhưng cha mẹ không có quốc tịch hoặc không xác định được quốc tịch nhưng có nơi cư trú tại Việt Nam (Điều 18); là người dưới 15 tuổi bị bỏ rơi hoặc tìm thấy ở Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai (Điều 19). - Đối với người có quốc tịch nước ngoài, Luật Quốc tịch Việt Nam 1998 không có quy định cụ thể, nhưng tại khoản 1 Điều 2 khi giải thích về thuật ngữ "quốc tịch nước ngoài" thì luật quy định: "Quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Điều này được hiểu, theo pháp luật Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài là người có quốc tịch của một nước khác không phải là quốc tịch của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. - Đối với người không quốc tịch thì khoản 2 Điều 2 Luật Quốc tịch 1998 quy định: "Người không quốc tịch là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài". Từ nội dung quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 về quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch, có thể thấy khái niệm về người nước ngoài được hiểu là người có quốc tịch nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam và người không có quốc tịch là người không có quốc tịch nước ngoài và đồng thời cũng không có quốc tịch Việt Nam. Các khái niệm trên đây được thống nhất sử dụng khi nghiên cứu tư cách chủ thể của những người tham gia các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Quan hệ hôn nhân là quan hệ bao gồm việc kết hôn, quan hệ vợ chồng và chấm dứt quan hệ vợ chồng (mà chủ yếu là do ly hôn). Vì vậy, dấu hiệu về chủ thể trong quan hệ hôn nhân để xác định quan hệ hôn nhân đó có yếu tố nước ngoài thường xảy ra trong các trường hợp sau đây: - Hai người khác quốc tịch kết hôn hoặc có quan hệ vợ chồng được pháp luật thừa nhận hoặc ly hôn với nhau. Trường hợp hai người khác quốc tịch kết hôn hoặc có quan hệ vợ chồng được pháp luật thừa nhận hoặc ly hôn với nhau được coi là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Trong trường hợp này, pháp luật của mỗi bên chủ thể mang quốc tịch sẽ có thể được áp dụng để điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan tới quan hệ đó. Nói cách khác, dấu hiệu không cùng quốc tịch của các bên chủ thể sẽ được coi là cơ sở pháp lý để chọn pháp luật áp dụng. Ví dụ, trường hợp công dân Việt Nam kết hôn, có quan hệ vợ chồng được pháp luật thừa nhận hoặc ly hôn với người nước ngoài. Trong trường hợp này, pháp luật của Việt Nam và pháp luật nước ngoài cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ hôn nhân của họ. Pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng trên cơ sở dấu hiệu quốc tịch của công dân Việt Nam, pháp luật nước ngoài được áp dụng trên cơ sở dấu hiệu quốc tịch của người nước ngoài. - Người không quốc tịch kết hôn hoặc có quan hệ vợ chồng được pháp luật thừa nhận hoặc ly hôn với nhau Như đã trình bày trên đây, người không có quốc tịch là người không mang quốc tịch của một nước nào cả. Trên thực tế, người không có quốc tịch luôn ở trong tình trạng pháp lý bất lợi so với những người có quốc tịch. Bởi vì những người không có quốc tịch không được sự bảo hộ về mặt pháp lý của bất cứ một nhà nước nào. Tuy nhiên, với quan điểm nhân đạo, pháp luật của hầu hết các nước đều quy định địa vị pháp lý dân sự của người không quốc tịch được coi ngang bằng với địa vị pháp lý của công dân nước nơi người không có quốc tịch thường trú. Do đó, trường hợp những người không có quốc tịch nhưng có nơi thường trú ở nước ngoài tham gia quan hệ hôn nhân thì quan hệ này có thể chịu sự điều chỉnh của pháp luật nơi thường trú của họ. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, căn cứ vào Điều 7 Nghị định số 60/CP ngày 6 tháng 6 năm 1997 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành các quy định của._. Bộ luật Dân sự về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì: "Năng lực hành vi dân sự của người không quốc tịch được xác định theo pháp luật của nước nơi người đó thường trú; nếu không có nơi thường trú, thì xác định theo pháp luật Việt Nam". Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề áp dụng pháp luật đối với các trường hợp người không có quốc tịch kết hôn hoặc có quan hệ vợ chồng được pháp luật công nhận hoặc ly hôn với nhau thì pháp luật điều chỉnh sẽ là pháp luật nước nơi thường trú của họ. * Yếu tố sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ hôn nhân Thứ nhất, sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân là trường hợp việc kết hôn được tiến hành ở nước ngoài. Yếu tố này được áp dụng trong trường hợp các bên có cùng quốc tịch nhưng kết hôn với nhau trước cơ quan có thẩm quyền của nước mà các bên không mang quốc tịch. Ví dụ, hai công dân Việt Nam kết hôn với nhau ở nước ngoài trước cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Trong trường hợp này, pháp luật được áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan như xác định điều kiện kết hôn và nghi thức kết hôn của các bên sẽ là pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước ngoài. Thông thường, pháp luật Việt Nam sẽ điều chỉnh điều kiện kết hôn đối với công dân Việt Nam dựa trên dấu hiệu quốc tịch của họ, còn pháp luật nước ngoài sẽ điều chỉnh nghi thức kết hôn trên cơ sở áp dụng nguyên tắc chọn pháp luật nơi tiến hành kết hôn. Hôn nhân này sẽ được coi là hợp pháp khi các bên chủ thể đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật nước mà mình mang quốc tịch, đồng thời nghi thức kết hôn của hôn nhân này phù hợp với pháp luật của nơi tiến hành kết hôn. Như vậy, trong trường hợp sự kiện làm phát sinh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài đã đòi hỏi phải chọn pháp luật để giải quyết. Thứ hai, sự kiện làm thay đổi quan hệ hôn nhân. Trên thực tế, có nhiều trường hợp các bên trong quan hệ hôn nhân không còn coi nhau như vợ chồng nhưng chưa muốn ly hôn với nhau. Trong trường hợp này, ở những nước công nhận ly thân, pháp luật cho phép các bên ly thân với nhau trên cơ sở quyết định của tòa án. Việc tòa án tuyên một quyết định cho phép các bên ly thân được coi là sự kiện pháp lý làm thay đổi quan hệ hôn nhân. Theo quyết định này, hôn nhân chưa bị chấm dứt nhưng quan hệ vợ chồng thì thay đổi. Sự thay đổi này thể hiện trong quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của vợ chồng sẽ được điều chỉnh bởi quyết định của tòa án. Như vậy, khi sự kiện pháp lý làm thay đổi quan hệ hôn nhân xảy ra ở nước ngoài thì vấn đề chọn pháp luật áp dụng sẽ được đặt ra. Ví dụ, hai vợ chồng là công dân của nước A cư trú ở nước B (nơi công nhận chế độ ly thân) đã được tòa án nước B ra quyết định ly thân theo nguyện vọng của một hoặc cả hai bên vợ chồng. Trong trường hợp này, pháp luật của A và pháp luật của nước B cùng có thể được áp dụng để xem xét tình trạng pháp lý của vợ chồng này. Việc áp dụng pháp luật nước nào thì phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, nhưng điểm lưu ý ở đây là vấn đề chọn pháp luật áp dụng đã được đặt ra. Thứ ba, sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ hôn nhân. Thông thường, pháp luật đề cập đến các vấn đề liên quan tới sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ hôn nhân là sự kiện ly hôn. Trong trường hợp, các bên vợ chồng ly hôn với nhau ở nước ngoài trước cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì pháp luật được áp dụng điều chỉnh sẽ là pháp luật của nước mà các bên chủ thể mang quốc tịch và pháp luật nơi tiến hành ly hôn. Trong trường hợp này, vấn đề chọn pháp luật để áp dụng cũng được đặt ra. Ví dụ, hai công dân Việt Nam ly hôn với nhau ở CH Séc, trước cơ quan có thẩm quyền của CH Séc. Để giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan tới quyền và nghĩa vụ của các bên khi ly hôn, trong trường hợp này, pháp luật Việt Nam và pháp luật của CH Séc cùng có thể được áp dụng. Pháp luật Việt Nam được áp dụng trên cơ sở dấu hiệu quốc tịch của các chủ thể còn pháp luật của CH Séc sẽ có thể được áp dụng trên cơ sở pháp luật nước có tòa án. Trong trường hợp này áp dụng pháp luật nước nào để giải quyết, trước tiên phụ thuộc vào các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký với CH Séc, sau đó là quy định pháp luật của CH Séc. Như vậy, khi sự kiện làm chấm dứt quan hệ hôn nhân xảy ra ở nước ngoài thì việc chọn pháp luật áp dụng được đặt ra. * Yếu tố tài sản liên quan đến quan hệ vợ chồng Một loại quan hệ quan trọng trong quan hệ vợ chồng là quan hệ tài sản giữa vợ và chồng. Nếu quan hệ vợ chồng có liên quan tới tài sản đang tồn tại ở nước ngoài thì vấn đề chọn pháp luật áp dụng cho quan hệ này sẽ được đặt ra. Ví dụ, hai vợ chồng là công dân Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam nhưng có quyền sở hữu một khối tài sản tại CH Pháp. Việc xác định quan hệ của vợ chồng đối với khối tài sản này sẽ do pháp luật của CH Pháp hoặc pháp luật của Việt Nam điều chỉnh. Luật Việt Nam sẽ được áp dụng trên cơ sở luật quốc tịch của các bên chủ thể, luật CH Pháp sẽ được áp dụng dựa trên cơ sở pháp luật nơi tồn tại vật. Như vậy, để giải quyết quan hệ này, vấn đề chọn pháp luật áp dụng đã được đặt ra. Trong trường hợp này nếu tài sản là bất động sản thì áp dụng theo nguyên tắc luật nơi có vật (Lex rei sitae) để điều chỉnh. Theo đó pháp luật của CH Pháp sẽ được áp dụng để điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ và chồng. 1.1.2.3. Quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các dấu hiệu để xác định quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài được ghi nhận trong LHNGĐ năm 2000. Khi giải thích từ ngữ trong LHNGĐ, khoản 14 Điều 8 LHNGĐ năm 2000 quy định: Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình: a- Giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài; b- Giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam; c- Giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài. Khi đề cập đến các vấn đề pháp lý trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Chương XI của LHNGĐ năm 2000, khoản 4 Điều 100 quy định: "Các quy định của chương này cũng được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với nhau mà một hoặc cả hai bên định cư ở nước ngoài". Từ nội dung các quy định trên đây của LHNGĐ năm 2000, có thể nói theo quy định của pháp luật Việt Nam thì cơ sở để xác định yếu tố nước ngoài dựa vào ba dấu hiệu sau đây: Một là, các bên chủ thể trong quan hệ hôn nhân có quốc tịch khác nhau. Nội dung này được ghi nhận tại khoản 14(a) Điều 8 khi công dân Việt Nam có quan hệ hôn nhân với người nước ngoài. Hai là, các bên chủ thể cùng quốc tịch nhưng sự kiện pháp lý liên quan tới quan hệ đó xảy ra ở nước ngoài. Nội dung này được thể hiện rõ trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất khi người nước ngoài có quan hệ hôn nhân với nhau tại Việt Nam (khoản 14(b) Điều 8). Trường hợp thứ hai khi công dân Việt Nam có quan hệ hôn nhân với nhau mà căn cứ xác lập thay đổi chấm dứt quan hệ hôn nhân ở nước ngoài (khoản 14(c) Điều 8) hoặc một trong các bên hoặc cả hai bên định cư ở nước ngoài (khoản 4 Điều 100). Ba là, tài sản liên quan tới quan hệ hôn nhân ở nước ngoài. Nội dung này được ghi nhận tại Điều 8 khoản 14(c). Tóm lại, từ cơ sở từ lý luận cũng như mặt pháp lý trên đây, có thể rút ra khái niệm về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài như sau: Quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân được xác lập giữa các bên chủ thể khác quốc tịch hoặc sự kiện làm nảy sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ hôn nhân xảy ra ở nước ngoài hoặc tài sản liên quan tới quan hệ hôn nhân ở nước ngoài. 1.1.3. Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài 1.1.3.1. Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân là tổng hợp các nguyên tắc, các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh quan hệ hôn nhân. Như đã trình bày ở trên, quan hệ hôn nhân đóng vai trò quan trọng trong xã hội, do đó để định hướng tốt cho quan hệ hôn nhân nhằm phát huy vai trò của quan hệ này đối với sự phát triển của xã hội, Nhà nước đã ban hành các nguyên tắc, quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân. Các nguyên tắc và các quy phạm này được thể hiện trong các quy định của pháp luật trong nước như sau: Trước hết, các nguyên tắc và quy phạm điều chỉnh quan hệ hôn nhân được ghi nhận trong Hiến pháp. Hiến pháp là đạo luật gốc ghi nhận những quy định có tính nguyên tắc trong việc điều chỉnh hầu hết các mối quan hệ trong xã hội trong đó có quan hệ hôn nhân. Trên cơ sở các quy định có tính nguyên tắc trong Hiến pháp, các quy định điều chỉnh quan hệ hôn nhân được ghi nhận trong các quy định của pháp luật có liên quan như luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình, luật hành chính, luật hình sự... Với quan điểm cho rằng, quan hệ hôn nhân là quan hệ dân sự nên nó được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật dân sự. Các quy định này được ghi nhận trong các nguồn pháp luật dân sự khác nhau nhưng trước hết và chủ yếu được ghi nhận trong Bộ luật dân sự. Đối với nhiều nước trên thế giới, các quy phạm điều chỉnh quan hệ hôn nhân được quy định một cách cụ thể trong Bộ luật dân sự. Ví dụ: Trong Bộ luật dân sự của Pháp vấn đề hôn nhân được quy định tại các điều từ 144 đến 309; hoặc theo Bộ luật dân sự Nhật bản được quy định tại các điều từ 731 đến 771; hoặc theo Bộ luật dân sự và thương mại Thái Lan được quy định tại các điều từ 1435 đến 1535; theo Bộ luật dân sự Việt Nam, vấn đề hôn nhân được quy định tại một số điều như 35, 36, 38... Bên cạnh chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự, quan hệ hôn nhân còn chịu sự điều chỉnh bởi các quy định trong pháp luật chuyên ngành về hôn nhân đó là luật hôn nhân và gia đình. Như đã trình bày trên đây, quan hệ hôn nhân có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, bởi vì nó là cơ sở tạo nên gia đình - tế bào của xã hội, do đó các nước trên thế giới luôn quan tâm tới việc ban hành pháp luật chuyên ngành về hôn nhân và gia đình để điều chỉnh loại quan hệ này. Cùng với sự điều chỉnh của luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình, quan hệ hôn nhân còn chịu sự điều chỉnh bởi các quy định được ghi nhận trong các luật khác có liên quan như luật hành chính, luật tố tụng dân sự... Ví dụ: Khi tiến hành kết hôn, các bên kết hôn phải tuân theo các quy định hành chính về việc đăng ký kết hôn; khi ly hôn, các bên phải tuân thủ các quy định về thủ tục tố tụng tại tòa án. Hình thức thể hiện của các nguyên tắc và các quy phạm điều chỉnh quan hệ hôn nhân trên đây có thể dưới hình thức thành văn (văn bản) hoặc không thành văn (án lệ). Điều này phụ thuộc vào nguồn pháp luật chứa đựng chúng theo quy định của từng hệ thống pháp luật khác nhau. Vấn đề này sẽ được đề cập tới trong mục 1.3.2. của chương này. 1.1.3.2. Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài Quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài trước tiên được xem xét là quan hệ hôn nhân, trong đó cơ sở pháp lý để xác lập quan hệ này được dựa trên các tiêu chí pháp lý xác định quan hệ hôn nhân nói chung. Vì vậy, pháp luật điều chỉnh loại quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài trước hết là pháp luật trong nước điều chỉnh quan hệ hôn nhân. Trong đó bao gồm các nguyên tắc các quy phạm được ghi nhận trong các quy định pháp luật trong nước như luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình, luật hành chính, luật tố tụng dân sự... Tuy nhiên, do tính đặc biệt của loại quan hệ hôn nhân này là các bên chủ thể khác quốc tịch, sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ ở nước ngoài hoặc tài sản liên quan tới quan hệ ở nước ngoài, nên pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài không những chỉ là các quy định được ghi nhận trong nguồn pháp luật trong nước mà còn là các quy định được ghi nhận trong các nguồn pháp luật khác như điều ước quốc tế và tập quán quốc tế. Đây chính là một trong những đặc điểm quan trọng của pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Đặc điểm này sẽ được trình bày trong mục 1.3.2 của chương này. Như vậy, có thể nói, pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài là tổng hợp các nguyên tắc, các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh quan hệ hôn nhân giữa các bên chủ thể khác quốc tịch; sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ hôn nhân ở nước ngoài; hoặc tài sản liên quan tới quan hệ hôn nhân ở nước ngoài. 1.2. NỘI DUNG PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ HÔN NHÂN Như đã trình bày ở trên, quan hệ hôn nhân là quan hệ bao gồm tổng thể quan hệ về kết hôn, quan hệ giữa vợ và chồng và chấm dứt quan hệ vợ chồng. Do đó, nội dung pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân gồm ba vấn đề, đó là vấn đề pháp lý về kết hôn, về quan hệ vợ chồng và chấm dứt quan hệ vợ chồng. 1.2.1. Kết hôn Theo Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học thì kết hôn là việc "nam và nữ chính thức lấy nhau làm vợ, chồng theo quy định của pháp luật" [98] hoặc theo khoản 2 Điều 8 LHNGĐ năm 2000 quy định: "Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn" [46]. Như vậy, có thể nói, kết hôn là thủ tục pháp lý bắt buộc để xác lập quan hệ vợ chồng. Về mặt pháp lý, kết hôn là quyền của con người [56, tr. 126], do đó con người có quyền được pháp luật bảo vệ trên cơ sở các quy định của pháp luật. Để bảo vệ quyền kết hôn của con người, pháp luật về hôn nhân và gia đình của hầu hết các nước trên thế giới đều quy định mọi người đều có quyền kết hôn khi có đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định đồng thời việc tiến hành kết hôn phải tuân theo quy định của pháp luật. Pháp luật điều chỉnh kết hôn là tổng hợp các nguyên tắc, các quy phạm điều chỉnh việc liên kết giữa nam và nữ nhằm xác lập nên một quan hệ vợ chồng. Kết hôn là cơ sở, là tiền đề cho việc tạo ra gia đình - tế bào của xã hội. Thực tế đã chứng minh rằng một xã hội tốt hay xấu, thịnh hay suy phụ thuộc rất nhiều vào từng gia đình trong xã hội đó, bởi vì gia đình có một vị trí rất quan trọng trong cả ba phương diện: Xã hội, chính trị và kinh tế [58, tr. 11]. Về mặt nguyên tắc, ở bất cứ xã hội có giai cấp nào, pháp luật cũng luôn là công cụ hữu hiệu điều chỉnh quan hệ kết hôn. Tuy nhiên, nội dung pháp luật điều chỉnh kết hôn lại phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và phong tục tập quán nhất định. Trong xã hội phong kiến Việt Nam, với quan điểm về việc kết hôn là: "Hôn lễ giả tương hợp nhị tính chi hiếu, thượng dĩ sự tôn miếu, nhi hạ dĩ kế hậu thế dã, cố quân tử trọng chi", có nghĩa là "lễ hôn tương hợp sự giao hiếu giữa hai dòng họ, trên để thờ phụng tổ tiên trong tông miếu (tức nhà thờ họ) dưới để kế truyền dòng dõi đời sau, vì vậy hôn lễ được người quân tử trọng" [57, tr. 164]. Xuất phát từ quan điểm cho rằng kết hôn là việc giao hiếu giữa hai dòng họ nhằm duy trì và phát triển việc thờ phụng tổ tiên và nối dõi tông đường, nên trong cổ luật Việt Nam đã đưa ra các quy định để đạt được mục đích ấy. Ví dụ, cổ luật Việt Nam cho phép cha mẹ có quyền sắp đặt việc dựng vợ gả chồng cho con, người đàn ông có quyền bỏ vợ nếu vợ không sinh được con, người đàn ông có quyền lấy nhiều vợ để có con đàn cháu đống thờ phụng tổ tiên... Trong xã hội Việt Nam hiện đại, người vợ có quyền được bình đẳng với chồng trong quan hệ gia đình. Nguyên tắc này được xuất phát từ quan điểm tiến bộ là nam nữ có quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để khẳng định nguyên tắc tiến bộ này trong quan hệ hôn nhân, Điều 64 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: "Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng". Mặc dù có sự khác nhau trong nội dung của quy phạm pháp luật, nhưng nhìn chung khi quy định về vấn đề kết hôn, pháp luật của các nước đều tập trung vào hai vấn đề pháp lý cơ bản đó là điều kiện kết hôn và nghi thức kết hôn. Nói cách khác, để xác định một hôn nhân hợp pháp hay không người ta dựa vào hai tiêu chí pháp lý, đó là điều kiện kết hôn và nghi thức kết hôn. 1.2.1.1. Điều kiện kết hôn Theo Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học thì "điều kiện kết hôn là điều kiện để Nhà nước công nhận việc kết hôn của các bên nam nữ" [98] hoặc nói cách khác, "điều kiện kết hôn là những đòi hỏi của pháp luật đặt ra khi kết hôn. Chỉ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó thì việc kết hôn mới hợp pháp và được pháp luật bảo vệ" [6, tr. 199]. Trong pháp luật hôn nhân và gia đình của tất cả các nước trên thế giới, điều kiện kết hôn được coi là một tiêu chí pháp lý đầu tiên để xác định tính hợp pháp của hôn nhân. Nhìn chung, việc quy định cụ thể về nội dung điều kiện kết hôn trong pháp luật của các nước có thể khác nhau nhưng tiêu chí xác định về tính hợp pháp của điều kiện kết hôn, pháp luật của các nước thường đề cập tới các vấn đề về ý chí, tuổi tác, sức khỏe, tình trạng hôn nhân, quan hệ thân thuộc... của các bên muốn kết hôn. 1.2.1.2. Nghi thức kết hôn Nghi thức kết hôn là trình tự tiến hành chính thức nhằm thiết lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật. Do có sự khác nhau về điều kiện kinh tế, phong tục tập quán mà pháp luật của các nước có quy định khác nhau về nghi thức kết hôn. Trên thế giới có nhiều loại nghi thức kết hôn như: Nghi thức kết hôn dân sự, nghi thức kết hôn tôn giáo, nghi thức kết hôn được kết hợp giữa nghi thức dân sự và nghi thức kết hôn tôn giáo [94, tr. 237]. Nghi thức kết hôn dân sự là nghi thức kết hôn được tiến hành trước cơ quan có thẩm quyền của nhà nước, nếu các bên kết hôn đủ điều kiện kết hôn thì cơ quan có thẩm quyền của nhà nước sẽ vào sổ đăng ký kết hôn và cấp đăng ký kết hôn cho các bên kết hôn. Nghi thức kết hôn tôn giáo là hình thức kết hôn được tiến hành trước những người đại diện cho tôn giáo theo thủ tục và quy định của tôn giáo đó. Hôn nhân không đáp ứng hai tiêu chí về điều kiện kết hôn và nghi thức kết hôn, như đã trình bày ở trên, thì không có giá trị pháp lý và không được pháp luật bảo vệ. Trường hợp này được gọi là hôn nhân vô hiệu hoặc hôn nhân trái pháp luật. Theo quy định pháp luật của nhiều nước trên thế giới, thuật ngữ về "hôn nhân vô hiệu" được dùng khá phổ biến và được quy định tương đối chi tiết. Ví dụ, theo pháp luật của Cộng hòa Pháp, hôn nhân vô hiệu được quy định trong Bộ Luật dân sự từ Điều 180 đến Điều 202, hoặc trong Bộ Luật dân sự và thương mại của Thái Lan được quy định thành một trong một chương riêng từ Điều 1494 đến Điều 1500. Các nước dùng thuật ngữ "hôn nhân vô hiệu" để chỉ hôn nhân trái pháp luật thường coi việc kết hôn như việc xác lập một hợp đồng, do đó trong quá trình giao kết hợp đồng nếu không tuân thủ các quy định của pháp luật thì sẽ bị vô hiệu như một hợp đồng vô hiệu. Căn cứ vào mức độ vô hiệu của hôn nhân có thể phân thành hai loại là hôn nhân vô hiệu tuyệt đối và hôn nhân vô hiệu tương đối. Hôn nhân vô hiệu tuyệt đối là hôn nhân vi phạm nghiêm trọng các điều quy định của pháp luật, ví dụ kết hôn không được sự đồng ý của các bên nam nữ hoặc những người đang có vợ có chồng kết hôn với người khác. Hôn nhân vô hiệu tương đối là hôn nhân tuy vi phạm pháp luật nhưng vào thời điểm xử lý thì sự vi phạm đó đã không còn nữa. Ví dụ, các bên nam nữ kết hôn với nhau đã vi phạm pháp luật về điều kiện tuổi kết hôn, nhưng khi xử lý tình trạng vi phạm pháp luật này thì tuổi của các bên đã phù hợp với quy định của pháp luật. Ở Việt Nam, từ năm 1945 cho tới nay không có văn bản pháp luật nào dùng thuật ngữ "hôn nhân vô hiệu" để chỉ hôn nhân trái pháp luật, bởi vì dưới chế độ của chúng ta, quan hệ hôn nhân không được coi là một quan hệ hợp đồng. Quan điểm này được thể hiện trong tờ trình Dự luật Hôn nhân và gia đình ngày 23/12/1959 trước Quốc hội trong đó đã khẳng định rằng: cơ sở duy nhất của việc kết hôn là tình yêu chân chính của nam và nữ. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hôn nhân không đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật được gọi là hôn nhân trái pháp luật và sẽ bị hủy. Hậu quả pháp lý của việc hủy này là các bên nam nữ phải chấm dứt quan hệ vợ chồng đồng thời các quan hệ phát sinh từ việc kết hôn trái pháp luật đó cũng sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc hủy hôn nhân trái pháp luật và hậu quả pháp lý của nó được quy định tại Điều 16 và Điều 17 của LHNGĐ 2000 đồng thời được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành LHNGĐ. 1.2.2. Quan hệ vợ chồng Quan hệ vợ chồng là quan hệ được xác lập trên cơ sở của việc kết hôn phù hợp với quy định của pháp luật. Quan hệ vợ chồng bao gồm hai nhóm quan hệ, đó là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Thứ nhất, đối với quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng. Quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng là quan hệ được hình thành trên cơ sở những chế định pháp luật gắn liền với nhân thân của các bên chủ thể như tên gọi, quốc tịch, uy tín, danh dự, nhân phẩm của các bên, đồng thời nó cũng xuất phát từ tình cảm của các bên trong quan hệ vợ chồng như tình yêu và trách nhiệm của mỗi bên trong quan hệ vợ chồng. Ở mỗi chế độ xã hội khác nhau, pháp luật điều chỉnh quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng cũng khác nhau. Dưới chế độ phong kiến, với quan điểm trọng nam khinh nữ, sau khi kết hôn người vợ hầu như lệ thuộc vào người chồng. Ví dụ: Trong xã hội phong kiến Việt Nam đã từng tồn tại quan niệm "Xuất giá tòng phu", có nghĩa là người đàn bà sau khi đi lấy chồng thì phải theo chồng và phải lệ thuộc hoàn toàn vào gia đình nhà chồng. Ở một số nước tư bản trước đây pháp luật quy định khi người phụ nữ đi lấy chồng thì phải mang họ chồng, nếu lấy chồng là người nước ngoài thì phải mang quốc tịch của nước người chồng... Tuy nhiên, nội dung của quy định kể trên ngày nay đang dần được thay đổi. Hiện nay pháp luật của nhiều nước trên thế giới và trong nhiều điều ước quốc tế khi đề cập tới vấn đề này đều có quy định tiến bộ. Đó là, việc kết hôn không làm thay đổi quốc tịch người phụ nữ hoặc việc nhập quốc tịch nước khác của một trong các bên vợ chồng không làm thay đổi quốc tịch của người kia. Ví dụ, khoản 2 Điều 9 Công ước của Liên Hợp Quốc về loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ đã quy định: Các nước tham gia Công ước hoan nghênh quyền của phụ nữ bình đẳng với nam giới trong việc thay đổi hoặc giữ nguyên quốc tịch của mình. Đặc biệt sẽ bảo đảm rằng khi người phụ nữ lấy chồng người nước ngoài không nhất thiết phải thay đổi quốc tịch trong suốt quá trình hôn nhân, không làm người vợ bị mất quốc tịch hoặc bắt buộc người đó phải mang quốc tịch của người chồng [10]. Ở Việt Nam vấn đề quốc tịch liên quan tới quan hệ hôn nhân cũng được quy định tương đối cụ thể trong Luật Quốc tịch Việt Nam [48]. Điều 9 và Điều 10 của Luật Quốc tịch Việt Nam (1998) quy định: Việc kết hôn, ly hôn và hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài không làm thay đổi quốc tịch của các bên và việc vợ hoặc chồng, nhập hoặc mất quốc tịch không làm thay đổi quốc tịch của người kia. Thứ hai, đối với quan hệ tài sản giữa vợ và chồng. Quan hệ tài sản giữa vợ chồng là quan hệ liên quan tới lợi ích vật chất của các bên vợ chồng đối với tài sản. Để đảm bảo quyền lợi vật chất của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân, pháp luật của tất cả các nước đều quy định điều chỉnh quan hệ tài sản giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, nội dung của các quy định trên đây có thể khác nhau tùy theo chế độ chính trị, chế độ kinh tế và phong tục, tập quán của mỗi nước. Ví dụ, dưới chế độ phong kiến, với quan điểm cho rằng người vợ là người sống phụ thuộc trong gia đình, do đó tài sản trong gia đình là do người chồng làm ra, cho nên người chồng luôn là người chủ sở hữu của các tài sản đó. Trong chế độ tư bản, địa vị xã hội của người phụ nữ được coi trọng hơn, vì vậy quyền đối với tài sản của vợ trong các gia đình dưới xã hội tư bản cũng được coi trọng hơn. Trong xã hội XHCN, xuất phát từ quan điểm nam nữ bình đẳng đồng thời tôn trong quyền và lợi ích của mỗi cá nhân trong mọi quan hệ, trong đó có quan hệ hôn nhân và gia đình, cho nên dưới chế độ XHCN vợ chồng có quyền ngang nhau đối với tài sản chung, nhưng đồng thời có quyền có tài sản riêng của mình. 1.2.3. Chấm dứt quan hệ vợ chồng Nếu pháp luật quy định các cơ sở pháp lý cho sự tồn tại của quan hệ vợ chồng, thì pháp luật cũng đưa ra các quy định nhằm xác nhận sự chấm dứt của quan hệ vợ chồng. Có nhiều sự kiện làm chấm dứt quan hệ hôn nhân như: Do sự kiện chết của một bên vợ hoặc chồng; hoặc có sự tuyên bố của cơ quan có thẩm quyền về sự kiện chết của một bên vợ hoặc chồng; hoặc có sự kiện ly hôn giữa các bên vợ chồng. - Hôn nhân chấm dứt do sự kiện chết của một bên vợ hoặc chồng Sự kiện chết của một trong các bên vợ, chồng là một trong những trường hợp hôn nhân chấm dứt ngoài ý muốn chủ quan của các bên. Về mặt lý luận, quan hệ hôn nhân chỉ có thể tồn tại khi có sự tồn tại của của các bên chủ thể trong quan hệ hôn nhân đó. Điều này có nghĩa là nếu một trong các bên vợ, chồng bị chết thì hôn nhân đó đương nhiên bị chấm dứt mà không cần có sự tuyên bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này hôn nhân sẽ hoàn toàn bị chấm dứt. - Hôn nhân chấm dứt do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước tuyên bố sự kiện chết của một bên vợ hoặc chồng Hôn nhân cũng bị chấm dứt khi cơ quan có thẩm quyền của nhà nước tuyên bố một bên vợ hoặc chồng đã chết. Trên thực tế có nhiều trường hợp, mặc dù không có chứng cứ về sự kiện chết của một người, nhưng đồng thời cũng không có cơ sở pháp lý để chứng minh sự tồn tại của người đó trong xã hội. Do đó, để giải quyết các quan hệ và để bảo vệ quyền lợi cho những người khác có liên quan, cơ quan có thẩm quyền của nhà nước tuyên bố sự kiện chết của người đó. Việc cơ quan có thẩm quyền của nhà nước công bố sự kiện chết của một bên vợ hoặc chồng là cơ sở pháp lý chấm dứt một quan hệ hôn nhân. Hậu quả của việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên bố sự kiện chết của một người cũng giống như trường hợp một trong các bên vợ chồng bị chết, nó là cơ sở pháp lý để chấm dứt một quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, có điểm khác nhau trong hai trường hợp này. Nếu trong trường hợp một trong các bên vợ chồng bị chết thì hôn nhân bị chấm dứt hoàn toàn, thì trong trường hợp cơ quan của nhà nước có thẩm quyền tuyên bố một trong các bên bị chết thì hôn nhân không bị chấm dứt hoàn toàn. Trong trường hợp thứ hai, hôn nhân bị chấm dứt có thể được phục hồi. Ví dụ, khi một người đã bị cơ quan có thẩm quyền tuyên bố là đã chết thì quan hệ hôn nhân của người này đương nhiên bị chấm dứt. Tuy nhiên, nếu trên thực tế người bị tuyên bố là đã chết mà vẫn còn sống và sau này người đó trở về với gia đình của mình thì quan hệ hôn nhân của họ với vợ hoặc chồng trước đó đương nhiên được phục hồi và được pháp luật thừa nhận. Nói cách khác, pháp luật mặc nhiên công nhận sự tồn tại của quan hệ hôn nhân này, mà các bên không phải tiến hành đăng ký việc kết hôn lại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là một trong những đặc trưng của quan hệ hôn nhân [93, tr. 56-57]. Đặc trưng này được gọi là đặc trưng phục hồi của quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, trong các trường hợp đặc biệt thì đặc trưng phục hồi quan hệ hôn nhân không được áp dụng. Ví dụ, một bên vợ hoặc chồng đã bị cơ quan có thẩm quyền tuyên bố là đã chết, và bên kia sau đó đã kết hôn với người khác thì khi người bị tuyên bố là đã chết có trở về thì cuộc hôn nhân ban đầu không được phục hồi mà cuộc hôn nhân thứ hai vẫn được coi là hợp pháp. - Hôn nhân chấm dứt do ly hôn Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật theo yêu cầu của một hoặc của cả hai bên vợ chồng. Nếu như kết hôn là cơ sở để hình thành một quan hệ vợ chồng dựa trên sự tự nguyện của các bên chủ thể thì ly hôn là sự tự nguyện của ít nhất một bên chủ thể làm cơ sở để chấm dứt quan hệ vợ chồng. Sự tự nguyện yêu cầu chấm dứt hôn nhân của một bên hoặc cả hai bên sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền của nhà nước xem xét cho phép ly hôn. Nói cách khác, cơ sở pháp lý để tiến hành ly hôn là ý chí tự nguyện của một hoặc của cả hai bên vợ, chồng. Nếu chúng ta cho rằng, kết hôn là cơ sở pháp lý để tạo nên tế bào xã hội đó là gia đình thì ly hôn không có nghĩa là làm tan rã tế bào xã hội ấy và làm cho xã hội suy yếu. Bởi vì, bên cạnh yếu tố tiêu cực, ly hôn còn mang một ý nghĩa tích cực đó là bảo vệ quyền tự do của con người, giúp con người thoát khỏi những ràng buộc vô lý, phi dân chủ của xã hội lạc hậu. Về vấn đề này V.I. Lê-nin đã khẳng định: "Ly hôn không có nghĩa là làm "tan rã" những mối liên hệ gia đình, mà ngược lại, nó củng cố những mối liên hệ đó trên những cơ sở dân chủ, những cơ sở duy nhất có thể có và vững chắc trong một xã hội văn minh" [40, tr. 335]. Khi nói về ly hôn, Ph. Ăngghen chỉ rõ: "Nếu tình yêu đã hoàn toàn phai nhạt hoặc bị một tình yêu say đắm mới át đi, thì ly hôn sẽ là điều hay cho cả đôi bên cũng như cho xã hội" [56, tr. 128]. Như vậy, khi cuộc sống hôn nhân không thể tồn tại thì ly hôn là điều cần thiết không chỉ cho đôi bên nam nữ mà còn cho xã hội. Ly hôn mang bản chất xã hội và tính giai cấp sâu sắc, do đó quan điểm về ly hôn của các nước có chế độ xã hội, chính trị khác nhau là không giống nhau. Ở hầu hết các nước tư bản, với quan điểm cho rằng quan hệ hôn nhân như một quan hệ hợp đồng, do đó việc ly hôn được coi là việc chấm dứt một quan hệ hợp đồng khi một trong các bên đã vi phạm hợp đồng hoặc không muốn duy trì quan hệ hợp đồng đó. Ngược lại, đối với nhiều nước theo đạo giáo, với quan điểm cho rằng hôn nhân do chúa hoặc do thánh tạo dựng, cho nên vợ chồng đã lấy nhau thì phải sống với nhau suốt đời do đó vấn đề ly hôn không được đặt ra. Dưới chế độ phong kiến, với quan điểm "trọng nam, khinh nữ", bảo vệ quyền gia trưởng của người đàn ông trong gia đình, người đàn bà được người đàn ông lấy về làm vợ chỉ với chức năng sinh đẻ con cái và hầu hạ gia đình nhà chồng. Vì thế người chồng có quyền ly hôn vợ với những nguyên cớ rất vô lý [93, tr. 169], ngược lại người vợ không có quyền được ly hôn. Trong chế độ xã hội dân chủ và văn minh, quyền được tự do ly hôn của phụ nữ luôn được tôn trọng. Khi bàn về vấn đề này Lê-nin đã khẳng định: "Nếu ngay từ bây giờ, không đòi hỏi quyền hoàn toàn tự do ly hôn, vì thiếu ._. sự, hôn nhân gia đình, hành chính, lao động v.v... Thông qua việc phân tích mặt tích cực và hạn chế của các vụ án này để xem xét đánh giá rút kinh nghiệm, đặc biệt, việc nêu và phân tích các vụ án trên đây đã góp phần giải thích pháp luật. Việc làm này giống như một trong những kỹ năng sử dụng án lệ của các vị thẩm phán ở các nước theo hệ thống Common Law trong quá trình xét xử và giải thích pháp luật. Như vậy, có thể nói, việc Tòa án Tối cao dùng các bản án để phân tích, rút kinh nghiệm đã phần nào phản ánh tính tích cực của việc áp dụng án lệ trong những trường hợp cần thiết. Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện pháp luật, bên cạnh việc sửa đổi bổ sung các quy định trong luật thành văn, các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét để công nhận án lệ như một nguồn luật trong nước. Bởi vì, áp dụng án lệ sẽ giải quyết thỏa đáng các tình huống rất phức tạp diễn ra muôn hình muôn vẻ, mà không có quy phạm pháp luật thành văn nào có thể dự liệu trước được. Tất nhiên khi chấp nhận án lệ như một nguồn pháp luật trong nước thì cần phải có sự chuẩn bị trước về các điều kiện cần thiết để áp dụng án lệ như: Bồi dưỡng kiến thức về án lệ cho thẩm phán, xây dựng nguồn án lệ, quy định nguyên tắc áp dụng án lệ trong tình hình thực tế của Việt Nam. Quy định án lệ như nguồn pháp luật trong nước có thể được coi như việc thực hiện quan điểm chỉ đạo của chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 [8], đó là "trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế thế giới, cần phải tiếp thu, kế thừa sáng tạo, có chọn lọc những thành tựu mà nhân loại đã đạt được, những kinh nghiệm về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật của các nước, đảm bảo kết hợp hài hòa tính truyền thống và tính hiện đại của hệ thống pháp luật". Trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, khi án lệ được coi như một nguồn luật, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các trường hợp phức tạp diễn ra hàng ngày của quan hệ hôn nhân trong đời sống quốc tế. 3.2.6. Bảo đảm hiệu quả việc thực hiện và tăng cường ký kết các điều ước quốc tế về vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài với các nước trên thế giới Như đã đề cập ở chương 1 của luận án, điều ước quốc tế về hôn nhân và gia đình có một vai trò quan trọng trong việc giải quyết quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Về mặt lý luận thì các quy phạm xung đột được ghi nhận trong các điều ước quốc tế điều chỉnh quan hệ dân sự nói chung và điều ước quốc tế điều chỉnh quan hệ hôn nhân nói riêng được gọi là loại quy phạm xung đột thống nhất. Tính "thống nhất" trong quy phạm xung đột loại này thể hiện sự nhất trí của các Nhà nước trong quá trình thực hiện quy phạm. Tính "thống nhất" ở đây đã làm cho khả năng áp dụng quy phạm này cao hơn so với việc áp dụng các quy phạm xung đột ghi nhận trong pháp luật trong nước. Bởi vì, theo nguyên tắc Pacta sunt servanda thì trong trường hợp khi các quy phạm quy định trong điều ước quốc tế có liên quan và quy phạm quy định trong pháp luật trong nước cùng một lúc điều chỉnh một quan hệ pháp lý mà nội dung của các quy phạm này khác nhau thì áp dụng các quy phạm quy định trong điều ước quốc tế. Trên thực tế, các điều ước quốc tế mà các nước ký kết với nhau để giải quyết vấn đề hôn nhân và gia đình là các Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, gia đình và hình sự. Trong các hiệp định này, những vấn đề liên quan tới quan hệ hôn nhân như: Điều kiện kết hôn, vấn đề ly hôn, vấn đề quan hệ vợ chồng được ghi nhận và được giải quyết theo nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng. Như vậy, có thể nói, ký kết điều ước quốc tế trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình được coi là biện pháp rất hiệu quả trong việc giải quyết xung đột pháp luật trong lĩnh vực quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài giữa các nước tham gia ký kết. Do đó, để có cơ sở pháp lý trong hoạt động quốc tế nhằm điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa việc đàm phán, ký kết các HĐTTTP với các nước trên thế giới, đặc biệt là đối với các nước ASEAN và các nước có nhiều người Việt Nam cư trú và sinh sống. Trên cơ sở các HĐTTTP mà Việt Nam đã ký với các nước, các cơ quan hữu quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện khi các HĐTTTP này có hiệu lực thi hành. Tóm lại, trong quá trình hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, bên cạnh việc phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật trong nước, Nhà nước cần tích cực ký kết, tham gia và thực hiện tốt các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hôn nhân có yếu tố nước ngoài. 3.2.7. Mở rộng phạm vi áp dụng tập quán quốc tế trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài Như đã trình bày ở trên, tập quán quốc tế là một loại nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài trong trường hợp các loại nguồn khác như pháp luật trong nước và điều ước quốc tế có liên quan không có quy định áp dụng. Ở Việt Nam, việc quy định tập quán quốc tế như một loại nguồn pháp luật được ghi nhận trong Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (1993), sau này được kế thừa và ghi nhận trong LHNGĐ năm 2000. Điều 100 khoản 3 của LHNGĐ năm 2000 quy định như sau: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế". Có thể thấy nội dung của quy định trên đây đã đề cập tới việc áp dụng các loại nguồn pháp luật để điều chỉnh quan hệ hôn nhân của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Như vậy, nếu xét về câu chữ, thì có thể hiểu các nguồn pháp luật trong quy định này chỉ được áp dụng để bảo hộ quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế và pháp luật nước ngoài để điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam nói chung đã được quy định trong một số quy định khác của LHNGĐ năm 2000. Ví dụ: Việc áp dụng pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế được quy định tại Điều 7 và việc áp dụng pháp luật nước ngoài được quy định tại Điều 101 của LHNGĐ năm 2000. Như vậy chỉ còn vấn đề áp dụng tập quán quốc tế trong quy định này là cần được xem xét. Trong trường hợp pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập không có quy định áp dụng thì tập quán quốc tế sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, như đã phân tích trên đây, quy định của Điều 100 khoản 3 của LHNGĐ năm 2000 chỉ áp dụng để bảo hộ quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình mà không đề cập tới vấn đề bảo vệ quyền lợi của người nước ngoài trong quan hệ này. Nói cách khác, việc áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài chỉ được áp dụng đối với trường hợp bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Như vậy, nội dung quy định áp dụng tập quán quốc tế trên đây cần được xem xét thêm. Bởi vì, nội dung quy định này không chỉ bó hẹp phạm vi áp dụng mà nó còn thể hiện sự phân biệt đối xử trong việc áp dụng tập quán để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ thể khác là người nước ngoài trong quan hệ hôn nhân. Để giải quyết tình trạng trên đây, pháp luật nên bổ sung quy định có nội dung bao quát hơn, thể hiện tính công bằng hơn theo hướng sẽ áp dụng tập quán quốc tế để chọn pháp luật áp dụng nhằm giải quyết tất cả các vấn đề liên quan tới quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong các trường hợp cần thiết. Việc bổ sung quy định áp dụng các tập quán này là phù hợp với nội dung quy định tại khoản 4 Điều 827 và Điều 828 của Bộ luật Dân sự, đó là tập quán quốc tế sẽ được áp dụng trong trường hợp pháp luật trong nước và trong điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia không có quy phạm điều chỉnh, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. KẾT LUẬN CHƯƠNG 3 Trên cơ sở kết quả nghiên cứu trong chương 1 và chương 2 của luận án, trước bối cảnh quốc tế, tình hình thực tế và quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian qua, có thể thấy việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết. Việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài nên tập trung vào một số vấn đề như: Bổ sung các quy định chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài; bổ sung một số quy định cụ thể điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài; xây dựng thủ tục tố tụng riêng biệt cho việc xét xử các vụ việc về hôn nhân và đình trong Bộ luật tố tụng dân sự; xây dựng quy định về tòa án gia đình trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân; xây dựng một số chế định phù hợp với thực tế của đời sống quốc tế trong lĩnh vực hôn nhân; bảo đảm thực hiện và tăng cường ký kết các điều ước quốc tế về vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài với các nước trên thế giới; mở rộng việc áp dụng tập quán quốc tế trong việc giải quyết quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Hoàn thiện pháp luật theo hướng trên đây là phù hợp với chủ trương của Đảng là Nhà nước trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này không những làm cho việc điều chỉnh của pháp luật đối với quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài có hiệu quả hơn mà còn góp phần hoàn thiện cả hệ thống pháp luật của Việt Nam. KẾT LUẬN Tuy có quan hệ mật thiết với nhau nhưng hôn nhân và gia đình là hai khái niệm độc lập, do đó chúng có thể được nghiên cứu một cách độc lập. Hôn nhân là cơ sở tạo nên quan hệ hôn nhân bao gồm tổng thể các quan hệ về kết hôn, quan hệ vợ chồng và ly hôn. Quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân được xác lập giữa hai bên chủ thể khác quốc tịch hoặc sự kiện pháp lý làm nảy sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ hôn nhân xảy ra ở nước ngoài hoặc tài sản liên quan tới quan hệ của hôn nhân ở nước ngoài. Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài là tổng thể các nguyên tắc, các quy phạm điều chỉnh quan hệ kết hôn, quan hệ vợ chồng và quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài. Không giống quan hệ hôn nhân trong nước, quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài thường xảy ra hiện tượng xung đột pháp luật. Vì hiện tượng xung đột pháp luật mà pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài có hai đặc điểm về phương pháp điều chỉnh và nguồn pháp luật điều chỉnh. Thứ nhất, để điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, người ta dùng các phương pháp điều chỉnh của quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, đó là phương pháp thực chất và phương pháp xung đột. Dùng phương pháp thực chất để giải quyết trực tiếp quyền, nghĩa vụ của các bên chủ thể, và dùng phương pháp xung đột để chọn pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Thứ hai, nguồn pháp luật điều chỉnh bao gồm: Pháp luật trong nước, điều ước quốc tế và tập quán quốc tế. Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố ngoài tại Việt Nam, được hình thành và phát triển trong hơn hai thập kỷ qua, mở đầu là các quy phạm quy định việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài được ghi nhận trong HĐTTTP giữa Việt Nam với Cộng hòa dân chủ Đức (cũ) vào năm 1980 và sau đó được quy định trong LHNGĐ năm 1986. Kể từ đó tới nay, pháp luật trong lĩnh vực này luôn không ngừng phát triển. Sự phát triển này được đánh dấu bằng sự ra đời của một số văn bản pháp luật quan trọng như: Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (1993); Nghị định số 184-CP ngày 30/11/1994 của Chính phủ quy định về thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Mặc dù hiện nay hai văn bản trên đã hết hiệu lực thi hành nhưng nội dung cơ bản của các văn bản này được kết thừa trong các văn bản pháp luật hiện hành đó là LHNGĐ năm 2000 và Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của LHNGĐ về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đã ký kết một số điều ước quốc tế, đó là các HĐTTTP. Trong các HĐTTTP, Việt Nam đã thỏa thuận với các nước về các nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng để giải quyết quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Việc áp dụng các quy phạm quy định trong ước quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các vấn đề về hôn nhân có yếu tố nước ngoài giữa Việt Nam với các nước ký kết. Cùng với việc áp dụng các quy phạm pháp luật được quy định trong luật trong nước và điều ước quốc tế, các tập quán quốc tế trong quan hệ hôn nhân và gia đình cũng được Việt Nam thừa nhận và áp dụng, mặc dù việc áp dụng các tập quán quốc tế trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Ở Việt Nam việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài phải tuân thủ một số nguyên tắc pháp lý nhất định như: Tôn trọng chủ quyền quốc gia trong việc xác định pháp luật áp dụng trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài; bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài phải phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập và bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân trên tinh thần tôn trọng pháp luật nước sở tại, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế. Các quy định điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam được ghi nhận trong pháp luật trong nước, các HĐTTTP mà Việt Nam đã ký kết và tập quán quốc tế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Các quy định này đã điều chỉnh tương đối cụ thể đối với từng nội dung của quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài là các vấn đề về kết hôn, quan hệ vợ chồng và ly hôn. Tuy nhiên, để đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn trong nước và quốc tế đối với lĩnh vực này, pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam cần được hoàn thiện. Để hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này, một số vấn đề cụ thể sau đây nên được xem xét: 1. Bổ sung một số quy phạm xung đột vào pháp luật hôn nhân và gia đình. Ví dụ: Quy phạm xung đột giải quyết quan hệ vợ chồng có yếu tố nước ngoài, quy phạm chọn luật áp dụng cho nghi thức kết hôn có yếu tố nước ngoài. 2. Bổ sung một số quy định cụ thể trong pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân. Ví dụ: Quy định về thủ tục xác định người có năng lực hành vi dân sự trong việc kết hôn, quy định về việc tạm đình chỉ vụ án ly hôn vì không tìm được địa chỉ của bị đơn. 3. Quy định thủ tục tố tụng riêng biệt về xét xử đối với việc hôn nhân và gia đình trong Bộ luật tố tụng dân sự. 4. Xây dựng quy định về tòa án gia đình trong Luật tổ chức TAND. 5. Xây dựng một số chế định phù hợp với thực tế của đời sống quốc tế trong lĩnh vực hôn nhân như: Ly thân, hôn ước, quy định án lệ như nguồn pháp luật trong nước. 6. Bảo đảm hiệu quả việc thực hiện và tăng cường ký kết các điều ước quốc tế về vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài với các nước trên thế giới. 7. Mở rộng việc áp dụng tập quán quốc tế trong việc giải quyết quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình hiện nay là việc làm cần thiết và hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng trong việc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Việc hoàn thiện này góp phần cho sự hoàn thiện của cả hệ thống pháp luật Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN TỚI LUẬN ÁN Nông Quốc Bình (1998), "Tìm hiểu common law", Luật học, (4), tr. 49- 54. Nông Quốc Bình (2000), "Một số ý kiến đóng góp đối với Điều 115 và Điều 116 Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam (Sửa đổi)", Luật học, (1) tr. 55- 59. Nông Quốc Bình (2002), "Lịch sử phát triển của pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam", Luật học (2), tr. 7-11. Nông Quốc Bình (2002), "Các nguyên tắc pháp lý cơ bản điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam", Luật học, (5). tr.12-15, 40. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (được Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 10 năm 1995). Bộ Tư pháp (1999), Báo cáo chuyên đề tại Đại hội tổng kết công tác tư pháp năm 1999, Hà Nội. Bộ Tư pháp (1999), Tài liệu phục vụ báo cáo chuyên đề thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp, ủy thác tư pháp quốc tế, Hà Nội. Bộ Tư pháp (2001), Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị định số 184/CP ngày 30/11/1994 của Chính phủ về thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, Hà Nội. Bộ Tư pháp (2001), Dự thảo tờ trình Chính phủ đối với việc dự thảo Quy định chi tiết thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Hà Nội. Bộ Tư pháp (2001), Số chuyên đề về Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Tạp chí Dân chủ và pháp luật. Bộ Tư pháp (2001), Tài liệu Hội nghị tổng kết 7 năm thi hành Nghị định 184/CP và góp ý dự thảo Nghị định về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Hà Nội. Bộ Tư pháp (2003), Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 (Dự thảo 17.2), Ngày 3-1, Hà Nội. Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (2000), Báo cáo phát triển con người 1999, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Công ước của Liên Hợp Quốc về loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Nguyễn Văn Cừ, (1996), Sự phát triền của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam và những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình 1986, Luận văn thạc sĩ Luật học. Nguyễn Văn Cừ - Ngô Thị Hường (2002) Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Dân pháp điển Bắc Kỳ (1931). Dự thảo lần thứ 12 Luật Hôn nhân và Gia đình (2000). Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27 tháng 11 năm 2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Ngọc Điệp (1999), Tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, Nxb Mũi Cà Mau. Vũ Thị Hằng (1998), Chế định ly hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật học. Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (được Quốc hội thông qua ngày 09 tháng 11 năm 1946). Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (được Quốc hội thông qua ngày 31 tháng 12 năm 1959). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (được Quốc hội thông qua ngày 18 tháng 12 năm 1980). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (được Quốc hội thông qua ngày 15 tháng 4 năm 1992). Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ Đức (15/12/1980). Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (10/12/1981). Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc (12/10/1982). Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Cu-ba (30/11/1984). Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Hung-ga-ri (18/01/1985). Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Bun-ga-ri (03/10/1986) Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ba Lan (22/03/1993). Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga (25/08/1998). Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (06/07/1998). Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (19/10/1998). Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Pháp (24/02/1999) Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Ucraina (06/04/2000). Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Mông Cổ (14/04/2000). Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Belarus (14/09/2000) Ngô Thị Hường (1998), Hôn nhân trái pháp luật - Căn cứ xác định và biện pháp xử lý, Luận văn thạc sĩ Luật học. Nguyễn Công Khanh (1999), "Những vướng mắc từ việc công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài", Tòa án nhân dân, (11), tr. 1-5. V.I. Lênin (1980), Toàn tập, tập 25, Nxb Tiến bộ, Maxcơva. V.I. Lênin (1980), Toàn tập, tập 30, Nxb Tiến bộ, Maxcơva. Luật áp dụng về quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình và lao động có yếu tố nước ngoài, về các hợp đồng kinh tế quốc tế, luật áp dụng luật của Cộng hòa dân chủ Đức (15/12/1975). Luật Hôn nhân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (được thông qua tại Hội nghị lần thứ ba của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ năm, ngày 10/09/1980 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1981). Luật Hôn nhân và Gia đình và những văn bản hướng dẫn thi hành (1999), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam (được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua trong kỳ họp thứ 11 ngày 29 tháng 12 năm 1959). Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1986). Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 09 tháng 6 năm 2000). Luật Nhật Bản (2/2000), tập 1: 1993 - 1997, Nxb Thanh niên, Hà Nội. Luật quốc tịch Việt Nam (được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 05 năm 1998). "Luật quyền được chọn cái chết không đau đớn ở Hà Lan", Báo An ninh thế giới, số 225, ngày 25 tháng 4 năm 2001, tr. 30. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (10/10/1992). Luật tố tụng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 7 thông qua tại kỳ họp thứ 4, ngày 9/4/1991). Luật về ly hôn của Canađa năm 1985. Luật về tư pháp quốc tế của CHLB Đức (được sửa đổi ngày 25/07/1986). Luật về tư pháp quốc tế của Liên bang Thụy Sĩ (ngày 18/12/1987, có hiệu lực từ ngày 01/01/1989). Luật về tư pháp quốc tế của Québec. C. Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Vũ Văn Mẫu (1970), Cổ luật Việt Nam lược khảo, Tài liệu dùng cho cử nhân Luật khoa - Đại học Sài Gòn, Sài Gòn. Vũ Văn Mẫu (1973), Việt Nam dân luật lược giảng, Tài liệu dùng cho cử nhân luật khoa - Đại học Sài Gòn, Sài Gòn. Nghị định số 12/HĐBT ngày 1/2/1989 về thủ tục kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài tiến hành trước cơ quan có thẩm quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định số 184-CP ngày 30 tháng 11 năm 1994 của Chính phủ quy định về thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Nghị định số 60/CP ngày 6/6/1997 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật dân sự có yếu tố nước ngoài. Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch. Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ quy định về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình. Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điểm của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9 tháng 6 năm 2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình. Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Nghị quyết số 08-NQTW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (17/04/1993). Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (được thông qua ngày 2 tháng 12 năm 1993). Pháp lệnh thi hành án dân sự (26/04/1993) Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (công bố ngày 29/11/1989, có hiệu lực thi hành ngày 1/1/1990). Sắc lệnh số 159-LS ngày 17 tháng 11 năm 1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc quy định về vấn đề ly hôn. Sắc lệnh số 97 ngày 22 tháng 11 năm 1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật. Sở Tư pháp tỉnh An Giang, Báo cáo tổng kết số 150/BCTP ngày 23/11/1999 về việc thực hiện Nghị định số 184/CP của Chính phủ. Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, Báo cáo tổng kết số 55/BC-HC ngày 24/11/1999 về việc thực hiện Nghị định số 184/CP của Chính phủ. Sở Tư pháp tỉnh Long An, Báo cáo số 882 ngày 23/12/1998 về việc thức hiện Nghị định số 184/CP của Chính phủ. Sở Tư pháp Tây Ninh, Báo cáo số 1002/BC-TP ngày 17/11/1998 về việc thức hiện Nghị định số 184/CP của Chính phủ. Thông tư Liên ngành số 4/TTLN ngày 24 tháng 7 năm 1993 của Bộ Tư pháp - Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Thông tư số 34-TT/LB ngày 23 tháng 8 năm 1995 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của thông tư số 503-TT/LB ngày 25 tháng 5 năm 1995 của Liên bộ Tư pháp - Ngoại giao - Nội vụ quy định chi tiết về thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, đăng ký nuôi con nuôi và công nhận việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Thông tư số 33-TT/LB ngày 24 tháng 4 năm 1995 của liên bộ Tài chính - Tư pháp quy định chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký kết hôn, công nhận việc kết hôn, nhận con ngoài gía thú, đăng ký nuôi con nuôi và công nhận việc con nuôi giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Thông tư số 503-TT/LB ngày 25 tháng 5 năm 1995 của liên bộ Tư pháp - Ngoại giao - Nội vụ hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định số 184-CP ngày 30 tháng 11 năm 1994 của Chính phủ quy định về thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Bản án sơ thẩm số 56/LHST ngày 29/03/2002. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Bản án sơ thẩm số 144/LHST ngày 10/07/2001. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Bản án sơ thẩm số 41/LHST ngày 28/02/2002. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Bản án sơ thẩm số 44/LHST ngày 07/03/2002. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Bản án sơ thẩm số 48/LHST ngày 13/03/2002. Tòa án nhân dân tối cao, Công văn số 517 ngày 9/10/1993 về việc ly hôn với một bên đang ở nước ngoài. Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác ngành tòa án năm 1999 và phương hướng công tác năm 2000. Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác ngành tòa án năm 2000 và phương hướng công tác năm 2001. Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác ngành tòa án năm 2001 và phương hướng công tác năm 2002. Tòa án nhân dân tối cao, Tờ trình số 18/2002/KHXX ngày 12/03/2002 về Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Khoa Luật (1997), Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội. Trường Đại học Luật Hà Nội (1994), Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, Hà Nội. Trường Đại học Luật Hà Nội (2000), Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Trường Đại học Luật Hà Nội (2000), Giáo trình Luật quốc tế, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Trường Đại học Luật Hà Nội (2000), Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Đinh Trung Tụng cộng tác biên soạn với một số luật gia: Nguyễn Bình, Lê Hương Lan, Võ Thị Thành (2000), Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Từ điển giải thích thuật ngữ luật học (1999), Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Từ điển tiếng Việt (1994), Trung tâm Từ điển - Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Viện Nghiên cứu khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp (2001), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự Việt Nam (tập 1), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. TIẾNG ANH David Mc Clean (1993), The Conflict of Law, Sweet & Maxwell Ltd, London. Family Law Act 1975 of Australia, Reprinted as in force on 29 May 1998. Jan Bowen (1988), Easy Guide to the Law for Young Australians, The Macquarie Library. J.G Castel (1994), Canadian Conflict of Laws, 3rd Edition, Butterworths, Toronto and Vancouver. J.G Collier (1994), Conflict of Laws, Second Edition, Cambridge University Press. K. Zweigert and H. Kotz (1994), An Introduction to Comparative Law, Second edition, Clarendon Press- Oxford. Ludmilla Robinson (1994), Handbook for Legal Interpreters, The Law book Company limited. Marriage Act 1961 of Australia, Reprinted as at 31 July 1996. Michael Meek (1994), The Australian Legal System, 2nd Edition, The Law Book Company Limited. Morris Cook (1996), Laying Down The Law, 4th Edition, Butter Worths, Sydney. Oxford University Press, 1992, Oxford Advanced Learner's Dictionary. Peter De Cruz (1996), A Modern Approach To Coparative Law, Kluwer Deventer-Boston. Peter Stone (1995), The Conflict of Laws, Long man, London-New York. Rene' David and John E.C. Brierley(1985), Major Legal Systems in The World Today, Stevens & Sons, London. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLA2764.DOC
Tài liệu liên quan