Vấn đề xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Phú Thọ hiện nay

mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Khi nói đến những thảm họa khốc liệt người ta thường nghĩ ngay đến "thiên tai, địch họa". Nhưng có lẽ không có một cuộc chiến tranh tàn khốc, một thảm họa thiên nhiên dữ dội nào lại gây ra cho con người một nỗi đau dai dẳng, một sự tàn phá to lớn như nạn nghèo khổ đang diễn ra một cách thầm lặng trên thế giới. Ngày nay có khoảng 1/4 dân số thế giới (tương đương 1,5 tỷ người) đang sống trong điều kiện cùng cực của nghèo khổ, không đủ khả năng đáp ứng được n

doc103 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1396 | Lượt tải: 3download
Tóm tắt tài liệu Vấn đề xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Phú Thọ hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hững nhu cầu cơ bản. Hàng trăm triệu người đang sống quanh giới tuyến nghèo khổ. Một nửa số dân trên thế giới đang bị phân biệt đối xử, khước từ các cơ hội chỉ vì khác màu da. Thiệt thòi lớn nhất là trẻ em, hàng triệu trẻ em không được đến trường, trong đó có 130 triệu trẻ em ở độ tuổi tiểu học và 175 triệu trẻ em ở độ tuổi trung học cơ sở, hơn 1/3 số trẻ em trên thế giới bị suy dinh dưỡng. Có thể nói, nghèo đói đã diễn ra trên khắp các châu lục với những mức độ khác nhau. Đặc biệt là ở các nước lạc hậu, chậm phát triển, nghèo đói đang là một vấn đề nhức nhối, một thách thức đối với sự phát triển, hay tụt hậu của một quốc gia. ở nước ta sau gần 15 năm đổi mới, nền kinh tế đang từng bước khởi sắc và đã đạt được những thành tựu to lớn, đời sống của nhân dân đã được cải thiện và nâng cao một bước (kể cả thành thị, nông thôn và miền núi vùng sâu, vùng xa). Tuy nhiên cùng với xu thế phát triển đi lên của xã hội, đã hình thành một bộ phận dân cư giàu lên và một bộ phận không nhỏ rơi vào cảnh đói nghèo với khoảng cách ngày càng xa. Đối với Việt Nam, mức độ nghèo khổ là khá cao, đặc biệt là các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Theo đánh giá của nhóm công tác các chuyên gia Chính phủ cho thấy, 70% người nghèo của Việt Nam sống tập trung tại 3 khu vực: Miền núi phía Bắc: 28%; đồng bằng sông Cửu Long: 21% và miền Bắc Trung Bộ là 18%. Phú Thọ là một tỉnh thuộc miền núi phía Bắc mới được tái lập với diện tích tự nhiên 3.506km2, dân số 1.290.000 người, mật độ dân số 370,6 người/km2. Hiện nay Phú Thọ vẫn là một tỉnh nghèo, có diện tích rộng, người đông, dân cư phân bố không đều, trình độ dân trí hạn chế, kết cấu hạ tầng thấp kém, kinh tế phát triển chưa đồng đều giữa các vùng. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo của tỉnh còn cao. Vì vậy thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo (XĐGN) đang là vấn đề cấp bách đặt ra cho tỉnh trong tiến trình hội nhập và phát triển. Chính điều này đã làm cho việc nghiên cứu vấn đề XĐGN trở nên cấp thiết và tác giả đã chọn "Vấn đề xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Phú Thọ hiện nay" làm đề tài luận văn của mình. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Vấn đề XĐGN đã được nghiên cứu trên phạm vi cả nước, cũng như ở một số tỉnh. ở tỉnh Phú Thọ hiện cũng đã có hai đề tài: Đề tài thứ nhất: "Những giải pháp về quản lý nhằm xóa đói giảm nghèo ở nông thôn Phú Thọ hiện nay" của tác giả Nguyễn Thị Hải. Đề tài thứ hai: "Phát triển kinh tế với việc xóa đói giảm nghèo ở huyện Thanh Sơn - Phú Thọ" của tác giả Sa Thị Quyết. ở đề tài thứ nhất, tác giả nghiên cứu vấn đề dưới giác độ quản lý kinh tế để từ đó đưa ra những giải pháp về quản lý nhằm giải quyết vấn đề đói nghèo ở khu vực nông thôn của tỉnh. Còn ở đề tài thứ hai, chủ yếu tác giả đề cập vấn đề XĐGN kết hợp với phát triển kinh tế trên phạm vi một huyện. Việc đề cập vấn đề XĐGN dưới góc độ kinh tế chính trị, chỉ ra được những đặc trưng nghèo đói của Phú Thọ, và từ đó nêu lên những giải pháp kinh tế xã hội để giải quyết vấn đề đói nghèo thì chưa được đề cập đến. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn Mục đích: Luận văn làm rõ thực trạng và nguyên nhân của tình trạng đói nghèo của tỉnh Phú Thọ, đưa ra các giải pháp cơ bản nhằm thực hiện mục tiêu XĐGN của tỉnh hiện nay. Nhiệm vụ: Để đạt được mục đích nêu trên, luận văn có những nhiệm vụ sau: - Trình bày một số những quan niệm về nghèo đói một cách có hệ thống và phân tích sự cần thiết khách quan phải thực hiện việc XĐGN, đồng thời nêu ra một số kinh nghiệm của một số nước trong khu vực về giải quyết vấn đề đói nghèo. - Phân tích thực trạng tình hình đói nghèo của tỉnh Phú Thọ, chỉ ra những nguyên nhân trực tiếp gây nên đói nghèo ở địa bàn tỉnh. - Đưa ra những giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề XĐGN ở tỉnh trong giai đoạn hiện nay. 4. Phạm vi nghiên cứu của luận văn - Luận văn chỉ nghiên cứu vấn đề XĐGN dưới góc độ kinh tế - chính trị. - Luận văn tập trung nghiên cứu thực trạng tình hình nghèo đói của tỉnh Phú Thọ trong thời gian từ năm 1997 đến nay. 5. Phương pháp nghiên cứu - Luận văn được thực hiện trên cơ sở vận dụng lý luận, phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và hệ thống quan điểm đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng. - Trong quá trình phân tích, luận văn vận dụng phương pháp phân tích - so sánh, phương pháp hệ thống cấu trúc, kết hợp với phương pháp điều tra và nghiên cứu báo cáo tổng kết công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ. 6. Những đóng góp của luận văn - Khái quát được những nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến đói nghèo của tỉnh Phú Thọ. - Đưa ra được một số giải pháp có tính khả thi nhằm giải quyết từng bước vấn đề đói nghèo của tỉnh Phú Thọ. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương, 6 tiết. Chương 1 Quan niệm về đói nghèo và sự cần thiết phải xóa đói giảm nghèo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội 1.1. Quan niệm về đói nghèo và xóa đói giảm nghèo 1.1.1. Quan niệm về đói nghèo Xã hội loài người đã phát triển trải qua nhiều nấc thang của lịch sử, tương ứng với mỗi nấc thang đó là một trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Bằng hoạt động lao động sáng tạo, con người - chủ thể của lịch sử xã hội - đã sử dụng lực lượng sản xuất hiện có để tác động vào giới tự nhiên nhằm thỏa mãn các nhu cầu của mình. Trình độ lực lượng sản xuất càng phát triển, năng suất lao động xã hội càng cao thì nhu cầu đáp ứng ngày càng nhiều, càng phong phú. Ngược lại, năng suất lao động xã hội thấp kém, trình độ lực lượng sản xuất lạc hậu, thì con người không thể đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của mình như: ăn, mặc, ở, đi lại... và bị rơi vào tình trạng đói nghèo. 1.1.1.1. Bản chất của đói nghèo Trong các xã hội: cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, đói nghèo có nguyên nhân chủ yếu và trước hết là do trình độ lực lượng sản xuất còn thấp kém, sản phẩm thặng dư trong xã hội không nhiều. Dưới xã hội phân chia giai cấp thì còn thêm vào đó là tình trạng áp bức giai cấp, nên quyền phân phối sản phẩm lao động làm ra thuộc về một số ít người - về tay giai cấp thống trị. Xã hội phân chia thành hai cực đối lập, trong đó "kẻ ăn chẳng hết, người lần không ra". Bước sang xã hội tư bản chủ nghĩa gắn liền với nền sản xuất lớn và nền đại công nghiệp hiện đại, đã tạo ra một năng suất lao động cao hơn hẳn các xã hội trước và với một lực lượng sản xuất khổng lồ "bằng tất cả các thế hệ trước cộng lại", đã mở ra khả năng to lớn để con người có thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển của mình. Tuy nhiên, do sự phân hóa và áp bức giai cấp, do sự khác biệt về năng lực và cơ hội của các cá nhân, trong xã hội này nghèo đói vẫn tồn tại song hành cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Khi nghiên cứu, phân tích xã hội tư bản để chỉ ra những qui luật vận động và phát triển của nó, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đề cập một cách khá toàn diện và sâu sắc tình cảnh nghèo đói và bị bóc lột đến cùng cực của giai cấp vô sản và những người lao động làm thuê trong chủ nghĩa tư bản. Tiêu biểu là các tác phẩm "Bản thảo kinh tế - triết học" (1844), "Tình cảnh giai cấp công nhân Anh" và sau này là trong bộ "Tư bản". ở đây, hai ông đã mô tả cặn kẽ, tỷ mỷ tình cảnh của những người nông dân bị mất hết tư liệu sản xuất, bị xua ra thành phố, những người phụ nữ và trẻ em bị vắt kiệt sức lao động trong các xưởng thợ... Họ góp phần trở thành đội quân những người vô sản, là nạn nhân của sự bóc lột giá trị thặng dư tương đối và tuyệt đối của các ông chủ tư bản. "Những người công nhân đó bản thân không có chút tài sản gì đáng kể và chỉ sống bằng tiền lương và hầu hết là luôn luôn chỉ vừa đủ ăn, cái xã hội gồm những nguyên tử rời rạc ấy hoàn toàn không quan tâm đến họ, để mặc cho họ tự lo lấy việc nuôi mình và nuôi gia đình nhưng lại không cấp cho họ phương tiện để có thể thường xuyên và thật sự giải quyết những nhu cầu ấy, cho nên mỗi người công nhân, thậm chí là công nhân giỏi nhất cũng luôn luôn có thể bị mất việc, và do đó cũng sẽ không có ăn,..." [23, 418-419]. Sự bóc lột tàn bạo đó đã dẫn đến sự phân hóa xã hội thành hai cực đối lập. Một cực tích lũy sự giàu có đến tột độ và một cực tích lũy sự bần cùng nghèo khổ, bệnh tật, thất học... "...Quy luật đó quyết định một sự tích lũy nghèo khổ tương ứng với sự tích lũy tư bản. Như vậy tích lũy của cải ở một cực này đồng thời cũng có nghĩa là tích lũy sự nghèo khổ, sự đau khổ của lao động, sự nô lệ, sự dốt nát, sự cục cằn và sự truỵ lạc tinh thần ở cực đối lập, tức là ở phía giai cấp sản xuất ra bản thân sản phẩm của mình với tư cách là tư bản" [24, 909]. Sự phân hóa giàu nghèo ấy ngày càng sâu sắc và đã trở thành sự phân hóa giai cấp không thể điều hòa được. Để làm rõ nguyên nhân của hiện tượng nghèo đói và sự bần cùng của giai cấp vô sản, Mác và Ăngghen đã đi vào lý giải vấn đề tiền công trong xã hội tư bản. Theo Mác, tiền công là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa sức lao động, tiền công gồm có tiền công danh nghĩa và tiền công thực tế. Tiền công danh nghĩa là số tiền mà người công nhân nhận được do bán sức lao động của mình cho nhà tư bản. Tiền công được sử dụng để sản xuất và tái sản xuất sức lao động, do đó tiền công danh nghĩa phải được chuyển thành tiền công thực tế. Tiền công thực tế là tiền công được biểu hiện bằng số lượng hàng hóa tư liệu tiêu dùng và dịch vụ mà người công nhân mua được bằng tiền công danh nghĩa của mình. Tiền công danh nghĩa là giá cả hàng hóa sức lao động, nó có thể tăng lên hay giảm xuống tùy theo sự biến động trong quan hệ cung cầu về hàng hóa sức lao động trên thị trường. Trong một thời gian nào đó, nếu tiền công danh nghĩa vẫn giữ nguyên, nhưng giá cả tư liệu tiêu dùng dịch vụ tăng lên hay giảm xuống thì tiền công thực tế giảm xuống hay tăng lên. Mác còn chỉ rõ: tính qui luật của sự vận động của tiền công trong chủ nghĩa tư bản là: trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, tiền công danh nghĩa có xu hướng tăng lên, nhưng mức tăng của nó nhiều khi không theo kịp với mức tăng giá cả tư liệu tiêu dùng và dịch vụ, khi đó tiền công thực tế của giai cấp công nhân có xu hướng hạ thấp. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự bần cùng của giai cấp vô sản. Như vậy, theo Mác và Ăngghen, nghèo đói của giai cấp vô sản trong xã hội tư bản có nguyên nhân trực tiếp từ sự phân phối thu nhập của sản xuất xã hội qua tiền công và phân phối giá trị thặng dư trên thị trường. Trong các chế độ tư hữu và bóc lột thống trị, nghèo khổ, đối kháng giai cấp và phân cực xã hội là những hiện tượng luôn đi liền nhau trong một tất yếu nhân quả hữu cơ không thể tách rời. Nó thuộc về bản chất kinh tế chính trị - xã hội của phương thức sản xuất đó. Chủ nghĩa tư bản hiện đại ngày nay nhờ lợi dụng được những thành quả của cách mạng khoa học - công nghệ, sớm áp dụng những biện pháp điều chỉnh và cải cách trong quản lý nên đã đạt được những bước tiến lớn trong sản xuất, tăng trưởng kinh tế, trở nên giàu có phồn vinh. Song một bộ phận nhỏ bé thuộc các thế lực tư sản nắm quyền lực đã chiếm đoạt hầu hết mọi của cải xã hội, và một bộ phận dân cư không nhỏ sống trong thất nghiệp và nghèo đói. "... Trong sáu người trên thế giới thì có một người sống nghèo khổ, tức là cả hành tinh có một tỷ người nghèo đói, 800 triệu trẻ em bị đói; riêng EU có 18 triệu người thất nghiệp và 50 - 70 triệu người sống bấp bênh. Những tình trạng được coi như đã bị loại trừ hay ít nhiều bị hạn chế cách đây 20 năm ở châu Âu hiện nay lại trở nên phổ biến. Đầu tiên là mất việc làm, rồi không có tiền để lo cho cuộc sống, bị mất chỗ ở hoặc phải sống chung trong những nơi chật chội v.v..." [9]. Các chính sách mà nhà nước tư sản đưa ra chỉ có thể làm dịu bớt mức độ gay gắt của những xung đột, đối kháng, nghèo khổ chứ không thể xóa bỏ tận gốc của chúng được. Chủ nghĩa tư bản từ trong bản chất của nó không thể tự giải quyết được nghèo đói. Phân cực xã hội ngày càng gay gắt là nghịch lý của phát triển với hệ thống các quan hệ tư bản chủ nghĩa. Trong các nước xã hội chủ nghĩa trước đây với quan niệm cho rằng, nghèo khó là hậu quả của sự bóc lột trong tăng trưởng kinh tế. Để giải quyết nghèo đói, chúng ta đã quá thiên về chủ nghĩa bình quân trong phân phối, chia đều sự nghèo khổ cho tất cả mọi người mà không tính đến trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và điều đó đã dẫn đến việc xem nhẹ lợi ích kinh tế của cá nhân, hạn chế cá nhân làm giàu và triệt tiêu động lực phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh quan điểm trên, lại có quan niệm cho rằng chỉ cần xác lập quyền sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất, quyền làm chủ xã hội của nhân dân lao động thì nghèo đói sẽ tự động biến mất, xã hội sẽ ngay lập tức đạt tới sự phồn thịnh, mọi người ai cũng giàu có như nhau. Song thực tế lại không phải như vậy, mặc dù trong chủ nghĩa xã hội, đối kháng giai cấp mất đi, nhưng những sự khác biệt của những người lao động vẫn luôn tồn tại. Sự khác biệt về phẩm chất, năng lực, trí tuệ, thể lực, cơ hội của những người lao động đã dẫn đến sự khác nhau về kết quả lao động có ích mà họ cống hiến cho xã hội, và do đó khác nhau về thu nhập do kết quả lao động đó mang lại. Trong chủ nghĩa xã hội, giàu, nghèo vẫn còn tồn tại, nhất là trong cơ chế thị trường, bình đẳng và công bằng xã hội là tương đối chứ không phải là tuyệt đối, là hướng tới ngày một thụ hưởng đầy đủ hơn những giá trị ấy, chứ không phải đã có ngay những giá trị ấy ngay một lúc, nhất là khi chủ nghĩa xã hội mới phát sinh chứ chưa ở trình độ thành thục, phát triển. Như vậy, nghèo đói là một vấn đề kinh tế - xã hội chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, các thước đo để đánh giá ai nghèo, ai giàu lại chủ yếu và trước hết dựa trên thước đo về kinh tế. 1.1.1.2. Những chỉ tiêu được lượng hóa để xác định đói nghèo của các tổ chức quốc tế Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra chỉ tiêu đánh giá độ giàu, nghèo bằng mức thu nhập quốc gia (GDP) tính theo đầu người, và chia thế giới làm 6 loại nước giàu nghèo khác nhau (theo mức thu nhập 1990). Trên 25.000 USD/năm là nước cực giàu; Từ 20.000 USD đến dưới 25.000 USD/năm là nước giàu; Từ 10.000 USD đến dưới 20.000 USD/năm là nước khá giàu; Từ 2.500 USD đến dưới 10.000 USD/năm là nước trung bình; Từ 500 USD đến dưới 2.500 USD/năm là nước nghèo; Dưới 500 USD/năm là nước cực nghèo. Tại Đại hội lần thứ hai của ủy ban giảm nghèo khổ khu vực ESCAP họp tại Băng Cốc (Thái Lan) tháng 9 năm 1995, Ngân hàng thế giới đưa ra chuẩn mực nghèo khổ chung của toàn cầu là thu nhập bình quân đầu người dưới 370 USD/người/năm. Dựa vào phương pháp sử dụng rộng rãi tại các nước phát triển trong khu vực, căn cứ vào mức thu nhập tối thiểu là 2100 calo/ngày/người trong đó 70% chi cho ăn, còn lại 30% chi cho các nhu cầu khác ngoài lương thực thực phẩm như mặc, ở, chữa bệnh, văn hóa, đi lại... Dựa vào chuẩn mực này và căn cứ vào số liệu điều tra mức sống dân cư 1992 - 1993 của 4.800 hộ đại diện các vùng trong nước Ngân hàng thế giới đã đưa ra con số Việt Nam có khoảng 51% dân số thuộc diện đói nghèo, trong đó 25% số hộ thuộc diện đói về lương thực, thực phẩm. Nếu theo khu vực thì nông thôn có 57% và thành thị có 27% dân số thuộc diện đói nghèo. Theo cách đánh giá trên của Ngân hàng thế giới, đối với Việt Nam, ngưỡng nghèo được xác định tương đối cao so với thực tế. Trong khi nền kinh tế còn chậm phát triển, nhu cầu ăn uống thường chiếm từ 80 - 90% thu nhập của dân nghèo, các nhu cầu khác còn ở mức hạn chế, hơn nữa giá cả sinh hoạt ở các vùng, miền cũng rất khác nhau, do đó nếu xác định như vậy Việt Nam rất khó khăn trong việc tìm giải pháp để XĐGN hiện nay. Hội nghị bàn về giảm nghèo đói trong khu vực châu á - Thái Bình Dương do ESCAP tổ chức ở Băng Cốc tháng 9-1993 đã đưa ra khái niệm và định nghĩa nghèo đói như sau: "Nghèo đói là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người đã được xã hội thừa nhận tùy theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội và phong tục tập quán của các địa phương". Có thể xem đây là một quan niệm, một định nghĩa chung nhất về nghèo đói, tuy nhiên, những tiêu chí về nghèo đói còn để ngỏ về mặt lượng vì ở đây còn phải tính đến yếu tố lịch sử, đến trình độ phát triển kinh tế, phong tục tập quán của mỗi địa phương. Song có thể nói, định nghĩa đã đề cập được đến nội dung cơ bản của vấn đề nghèo đói đó là nhu cầu cơ bản của con người. Nhu cầu cơ bản ở đây chính là cái thiết yếu, cái tối thiểu để duy trì sự tồn tại sinh học của con người. Theo ý đó, đói là tình trạng nghèo khổ cùng cực, là trạng thái con người ăn không đủ no, không đủ năng lượng để duy trì sự sống bình thường và không đủ sức để lao động, tái sản xuất sức lao động. Đói là sự nghèo nàn hiển nhiên và nghèo là một sự đói tiềm tàng và luôn đứng trước khả năng bị đói, trong thực tế nhất là khi lâm vào tình trạng thiên tai, rủi ro, hoạn nạn thì trạng thái nghèo khổ sẽ trở thành đói. Nghèo có hai dạng, là nghèo tuyệt đối và nghèo tương đối. Nghèo tuyệt đối là tình trạng một bộ phận dân cư thường trực không có khả năng thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu để duy trì cuộc sống. Trên thực tế một bộ phận lớn dân cư nghèo tuyệt đối rơi vào tình trạng đói và thiếu đói. Nghèo tương đối là tình trạng một bộ phận dân cư có mức sống dưới mức trung bình của cộng đồng tại địa phương. Như thế, sự thiếu thốn "của cải" trong mối quan hệ với nhu cầu thiết yếu của con người được xem là nghèo khổ tuyệt đối. Còn khi xem xét thực trạng mức sống và vị trí (về kinh tế và xã hội) các nhóm hoặc các các nhân khác ở phương diện mức độ tiêu thụ và thu nhập của họ về cơ hội tiếp cận các nguồn lực... sẽ cho ta quan niệm về nghèo tương đối. Ngoài ra, Liên Hợp quốc cũng đưa ra chỉ tiêu để đánh giá mức sống của con người bao gồm cả thu nhập quốc dân bình quân tính theo đầu người, thành tựu y tế - xã hội và trình độ văn hóa giáo dục, tổng hợp lại là chỉ số phát triển con người - Human Development Index (gọi tắt là HDI). HDI bao gồm ba yếu tố cơ bản của sự phát triển con người: tuổi thọ, trình độ và mức sống. Tuổi thọ được phản ánh bằng số năm sống trung bình của người dân. Trình độ được đo bằng cách kết hợp tỷ lệ biết chữ của người trưởng thành (với trọng số là 2/3 của chỉ số trình độ) với số năm đi học trung bình của mỗi người (với trọng số tương ứng là 1/3). Mức sống được đo lường theo mức GDP thực tế bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương (PPP) của mỗi quốc gia. Theo số liệu của UNDP, HDI của nước ta năm 1998 là 0,671 đứng thứ 108; các nước có chỉ số phát triển con người cao là từ 0,801 trở lên, còn mức trung bình là từ 0,506 đến 0,797; dưới 0,506 là các nước có chỉ số phát triển con người thấp. Chỉ số này cao nhất là 1. Năm 1989 nước có chỉ số cao nhất là Canađa đạt 0,935. Sự kết hợp giữa chỉ tiêu HDI và chỉ tiêu GDP/ người như đã nêu ở trên cho phép chúng ta đánh giá, nhận diện nghèo đói một cách khách quan và chính xác hơn. Đói nghèo còn được nhận diện ở bốn khía cạnh là thời gian, không gian, môi trường và giới. Về thời gian: Phần lớn người nghèo có mức sống dưới mức được xác định như một chuẩn thấp nhất có thể chấp nhận được trong một thời gian dài (tuy nhiên cũng cần phải bổ sung vào số người này những người nghèo tình thế do thất nghiệp, do thiên tai, rủi ro hay do con người gây ra). Về giới: Phần lớn người nghèo ở các nước đều là phụ nữ. Mặc dù trong gia đình, nam giới là chủ gia đình, nhưng phụ nữ vẫn phải gánh chịu nhiều hơn gánh nặng của nghèo đói. Về không gian: Nghèo đói diễn ra chủ yếu ở nông thôn, miền núi vùng sâu, vùng xa... dù nền kinh tế có phát triển đến thế nào chăng nữa dân cư ở các vùng kể trên vẫn dễ bị rơi vào nghèo đói. Về môi trường: Hầu hết những người nghèo đói đều phải sống trong môi trường khắc nghiệt và xuống cấp nghiêm trọng, bởi vì những người nghèo đói không đủ khả năng và điều kiện để gìn giữ, đảm bảo và cải thiện môi trường sống. Tóm lại: những quan niệm về nghèo đói do cách tiếp cận khác nhau nên có những kiến giải khác nhau, sự nghèo khổ là một khái niệm tương đối và có tính biến đổi. Các chỉ số xác định giới hạn nghèo khổ không phải là cứng nhắc và bất biến. Nó biến đổi tùy theo sự chênh lệch, sự khác biệt giữa các vùng, miền, quốc gia. 1.1.1.3. Những chỉ tiêu được lượng hóa để xác định đói nghèo của Việt Nam Đối với Việt Nam, dù là trong ký ức của người dân hay trong các tài liệu của chính phủ trước đây, quan niệm về cái nghèo chưa bao giờ được coi đơn thuần là vấn đề thu nhập vật chất. Cái nghèo ở đây luôn hàm chứa cả sự nghèo nàn về đạo đức, học vấn, truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay khi nền kinh tế chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường với sự gia tăng các nguồn viện trợ từ các tổ chức nước ngoài (kể cả chính phủ và phi chính phủ) thì những khái niệm về giàu nghèo dựa trên thu nhập hiện đang được chính phủ và nhân dân sử dụng ngày càng nhiều, để xác định ai "giàu" và ai "nghèo". Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và hiện trạng đời sống trung bình của phổ biến dân cự hiện nay, có thể xác lập chỉ tiêu đánh giá đói nghèo theo những tiêu thức chính sau đây: Thu nhập; nhà ở và tiện nghi sinh hoạt; tư liệu sản xuất; vốn để dành. Trong bốn chỉ tiêu này, thì chỉ tiêu thu nhập và nhà ở phản ánh trực tiếp mức sống hay mức độ thực hiện các nhu cầu cơ bản tối thiểu của đời sống. Hai chỉ tiêu sau: tư liệu sản xuất và vốn để dành cho thấy rõ thêm tình cảnh thật sự của người nghèo và các hộ đói nghèo. ở đây chúng ta sẽ đi vào nội dung cụ thể của các chỉ tiêu. Chỉ tiêu về thu nhập: Căn cứ vào chỉ tiêu thu nhập, coi đó là chỉ tiêu cơ bản để phản ánh mức sống của người dân, có thể chia đói nghèo thành hai ngưỡng cụ thể là đói và nghèo. Đói: là tình trạng một bộ phận dân cư có mức sống tối thiểu và thu nhập không đảm bảo về nhu cầu vật chất để duy trì cuộc sống. Đó là những hộ dân cư hàng năm đứt bữa, thiếu ăn từ 1 đến 3 tháng, phải đi vay nợ và thiếu khả năng trả nợ. Đói được chia làm hai loại, là thiếu đói và đói gay gắt. Nghèo: là tình trạng một bộ phận dân cư không có điều kiện thỏa mãn một phần các nhu cầu cơ bản của con người và có mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng địa phương đang xét trên mọi phương diện, nghèo được chia làm hai loại: nghèo tuyệt đối và nghèo tương đối. Nhu cầu cơ bản của con người bao gồm: ba nhu cầu thiết yếu là ăn, mặc, ở; năm nhu cầu sinh hoạt hàng ngày là văn hóa, giáo dục, y tế, đi lại, giao tiếp. Nhu cầu tối thiểu: là những đảm bảo tối thiểu của cuộc sống con người bao gồm ăn, mặc, ở và những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Thu nhập của người dân trước hết sẽ được dành cho các nhu cầu cơ bản tối thiểu. Và theo đời sống trung bình của dân cư trước năm 1995, cơ cấu sử dụng các nguồn thu nhập cho các nhu cầu tối thiểu cho 1 người 1 tháng là từ 15,1 đến 16,2 kg gạo tẻ thường/người/tháng, bao gồm: Ăn: 13 kg gạo tẻ/người/tháng Mặc + ở: 2,1 kg Văn hóa + y tế + giáo dục + đi lại: 1,1 kg Theo bảng cơ cấu này thì: Nghèo tuyệt đối là tình trạng dân cư chỉ có thu nhập đảm bảo mức sống dưới mức tối thiểu, tức dưới 15 kg gạo/người/tháng. Người nghèo tuyệt đối và hộ nghèo tuyệt đối đương nhiên là không có điều kiện để thực hiện các nhu cầu về văn hóa, y tế, giáo dục và đời sống tinh thần nói chung. Đói: là thu nhập ở dưới ngưỡng của nghèo, dưới ngưỡng càng xa thì mức độ đói càng gay gắt. Có thể phân biệt được hai mức độ của đói là thiếu đói và đói gay gắt. Thiếu đói là tình trạng dân cư có mức thu nhập dưới 8 kg gạo/người/tháng. Theo giới hạn trên, so với mức tiêu thụ calo của người/ngày thì quá thấp, hơn nữa so sánh với giới hạn đói nghèo của ngân hàng thế giới thì giới hạn nghèo đói ở nước ta còn thấp hơn nhiều. Chỉ tiêu về nhà ở và tiện nghi sinh hoạt: Những người nghèo đói thường sống trong những căn hộ tồi tàn, nhà tranh vách đất (miền Bắc), nhà lá dừa nước, lợp tôn (miền Nam). Đồ dùng trong nhà không có gì ngoài giường gỗ, tre, phản chõng và vài thứ khác, tất cả đều tồi tàn và cũ nát. Chỉ tiêu về tư liệu sản xuất: Những người nghèo đói ít có tư liệu sản xuất, phần lớn thô sơ, đất đai vườn ao hầu như không có, một bộ phận là nông dân thiếu hoặc mất ruộng đất để sản xuất. Chỉ tiêu về vốn: Những người nghèo đói không có vốn để dành, họ thường phải vay nợ. Những người đói gay gắt lại thường phải vay nợ để ăn. Khi ốm đau họ phải vay nợ để chữa trị, chi trả, ở một số nơi do người nghèo phải vay nặng lãi, nên nợ nần của họ ngày càng cao. Đã không ít trường hợp phải gán ruộng vườn, bán sản phẩm chưa thu hoạch, đi làm thuê hoặc bỏ quê ra thành phố kiếm kế sinh nhai. Đó là bốn chỉ tiêu căn bản để xác định giới hạn nghèo đói ở Việt Nam. Tuy nhiên, để phù hợp với mức sống, tập quán và thực trạng đói nghèo ở nước ta hiện nay, đồng thời vẫn dựa trên cách tính về cơ cấu sử dụng nêu trên, từ năm 1995 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra chuẩn mực giới hạn nghèo đói ở Việt Nam như sau: Hộ đói là hộ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, con cái thất học, ốm đau không có tiền chữa trị, nhà ở rách nát,... nếu theo thu nhập thì các hộ này có thu nhập qui đổi ra gạo bình quân đầu người dưới 13 kg/tháng. Hộ nghèo là hộ thiếu ăn nhưng không đứt bữa, mặc không lành và không đủ ấm, không có khả năng phát triển sản xuất... thu nhập bình quân dầu người của loại hộ này qui ra gạo dưới 25kg/tháng ở thành thị, 20kg/tháng ở nông thôn đồng bằng và trung du, và dưới 15 kg/tháng ở nông thôn miền núi. Xã nghèo là xã có trên 40% tổng số hộ nghèo đói, không có hoặc rất thiếu những cơ sở hạ tầng thiết yếu, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao. Vùng (vệt) nghèo là chỉ những địa bàn tương đối rộng, nằm ở trong những khu vực khó khăn, hiểm trở, giao thông không thuận lợi, có tỷ trọng xã nghèo, hộ nghèo cao. Từ năm 1997, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra chuẩn mực đói nghèo được xác định theo mức thu nhập bình quân đầu người trong hộ/ tháng được quy ra gạo và tiền tương ứng cụ thể là: Hộ đói: có thu nhập dưới 13 kg gạo, tương ứng với 45.000 đ (cho tất cả các vùng). Hộ nghèo theo ba vùng, có mức thu nhập như sau: - Dưới 15 kg gạo, tương ứng với 70.000 đồng ở vùng nông thôn, đồng bằng, trung du. - Dưới 25 kg gạo, tương ứng với 90.000 đồng ở vùng thành thị. Trong thực tế, ở Việt Nam vẫn tồn tại một bộ phận dân cư ở tình trạng thiếu ăn, đói về lương thực. Do đó khi đánh giá nghèo ở Việt Nam nên phân thành hai cấp độ nghèo và đói, vì nó phản ánh đúng thực tế. Việc phân chia cụ thể từng loại nghèo đói của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có tính chất xác định tỷ lệ nghèo, đói của từng tỉnh, từng vùng và cả nước từ đó giúp cho việc trợ cấp, đầu tư, hỗ trợ giúp người nghèo thoát nghèo, thoát đói. Về hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức nghèo của hộ gia đình có thể tham khảo theo các tiêu thức ở bảng 1 sau: Bảng 1: Chỉ tiêu đánh giá nghèo cấp hộ gia đình Lĩnh vực Chỉ tiêu I. Nhu cầu ăn 1. Số lượng gạo tối thiểu (12 kg/người/tháng) 2. Giá trị khẩu phần ăn tối thiểu một ngày II. Nhu cầu mặc 3. Không đủ quần áo, chăn ấm trong mùa rét 4. Không đủ màn chống muỗi III. Nhà ở 5. Hộ gia đình ở lều, lán và nhà tạm bợ IV. Việc làm 6. Thiếu việc làm (thiếu trên 3 tháng /năm) V. Sức khỏe 7. Trẻ em từ 1-5 tuổi suy dinh dương thể thiếu ăn (dưới 80% trọng lượng cần có của độ tuổi) 8. Người lớn 15 - 60 tuổi ốm đau kinh niên (trên 30 ngày/năm). 9. Không có khả năng chữa bệnh khi ốm đau VI. Giáo dục 10. Người lớn trong độ tuổi lao động (15 - 60) mù chữ 11. Trẻ em 6-11 tuổi không đi học 12. Hộ gia đình không có đài hoặc ti vi để nghe. Nguồn: Vũ Tuấn Anh, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 227, 4/1997, tr. 36. Dựa vào 12 chỉ tiêu xác định ở từng mặt nói trên có thể phân loại các hộ nghèo như sau: Hộ nghèo: có 5 chỉ tiêu về ăn, mặc, ở dưới chuẩn mực Hộ rất nghèo: có trên 5 chỉ tiêu dưới chuẩn mực. Những chỉ tiêu này là sự lượng hóa cụ thể từ chỉ tiêu chung về hộ nghèo đã được phân tích ở trên. 1.1.2. Nguyên nhân của đói nghèo Nghèo đói là một hiện tượng kinh tế - xã hội, nó vừa là vấn đề lịch sử để lại, vừa là vấn đề phát triển mà hầu hết các quốc gia đều vấp phải. Nó đụng chạm trực tiếp đến cuộc sống của con người, từ cá nhân, gia đình đến cộng đồng xã hội. Mỗi quốc gia, ở các mức độ phát triển khác nhau, đều phải quan tâm giải quyết vấn đề đói nghèo để vượt qua những trở ngại của sự phát triển nhằm tới sự phồn thịnh về kinh tế và từng bước đạt tới công bằng xã hội. Có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân gây ra đói nghèo, song tựu trung lại, nghèo đói ở các nước đang phát triển chủ yếu là do các nguyên nhân cơ bản sau đây: Thứ nhất, do người nghèo không có khả năng và cơ hội để tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực sản xuất. Các nguồn lực sản xuất chủ yếu hiện nay có thể kể đến như vốn, đất đai, khoa học công nghệ... song tất cả những thứ đó người nghèo đều không có hoặc rất hạn chế về khả năng tiếp cận. Một số người trong số họ có thể có sức lao động, nhưng họ sẽ không thể biến sức lao động đó thành nguồn lực, nếu không tiếp cận được với các nguồn lực khác như vốn, đất đai, khoa học công nghệ, tức là họ không có việc làm. ở một phạm vi nào đó, theo quan sát thực tiễn của các nhóm chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, đói nghèo do thiếu tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực là khá phổ biến. Theo Công ty ADUKI - "Vấn đề nghèo ở Việt Nam", thì người nghèo ở Việt Nam là: "Những người không có khả năng tiếp cận hoặc kiểm soát các nguồn lực xã hội, kinh tế và chính trị, và do đó không có khả năng thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người một cách có phẩm giá" [10, 26-27]. Việt Nam với một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và 90% dân số sống ở những vùng nông thôn, thì việc tiếp cận và kiểm soát đất đai là một trong những nhân tố ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống. Trong mấy năm trở lại đây, tuy các hộ nông dân đã được giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài nhờ thực hiện Luật đất đai, nhưng trên thực tế các hộ được giao đất lại thiếu các điều kiện sản xuất (vốn, lao động, khoa học công nghệ...), nên một số hộ đã không giữ được đất, phải nhượng lại cho các hộ khác. Mặt khác, sản xuất trên đất không mang lại hiệu quả kinh tế cao vì thiếu kiến thức và công nghệ, nên có rất nhiều trường hợp, sau khi nhận được quyền sử dụng đất đã bán đi để lấy tiền, trong đó chỉ có một số rất ít hộ dùng số tiền có được để chuyển hướng sản xuất. Một trong những nguồn lực nữa cần được chú ý hiện nay là vấn đề tín dụng. Trong thực tế, xét về nhu cầu vốn, thì hầu hết số hộ đói ng._.hèo ở nông thôn đều cần vốn. Do thiếu nguồn vốn đủ lớn nên không tiếp cận được với công nghệ hiện đại, do đó không tăng được năng suất lao động, đặc biệt là thiếu vốn để mở mang ngành nghề cũng như mở mang chăn nuôi, vì vậy họ khó có thể thoát khỏi đói nghèo trong khi tư liệu sản xuất chủ yếu là đất đai lại đang bị thu hẹp dần. Do tất cả những nguyên nhân đó mà thu nhập của người lao động ở nông thôn trở nên quá thấp, phần lớn không có tích lũy. Tính đến năm 1997, mặc dù hầu hết các địa phương đã thành lập quỹ XĐGN, nhưng trên thực tế cũng chỉ đáp ứng được một phần số hộ nghèo vay vốn. Thứ hai, do dân số tăng nhanh. Hiện các nước đang phát triển đang đóng góp lớn nhất vào phần tăng thêm của dân số thế giới. Trong suốt thập kỷ 90, phần đóng góp của các nước đang phát triển vào số lượng người tăng thêm chiếm tới 93 - 95%. Nói cách khác, dân số thế giới tăng lên nhanh là do các nước đang phát triển quyết định. Hiện tại châu á chiếm 60% số dân cả thế giới, châu Phi là 12% [35, 55]. Sự tăng dân số rất khác nhau ở các khu vực trên thế giới đã làm thay đổi cơ cấu tuổi của dân số. Một bộ phận dân số quá trẻ, trong đó một bộ phận tại các nước công nghiệp già đi nhanh chóng. Dân số tăng nhanh ở các nước đang phát triển dẫn đến thu nhập bình quân đầu người giảm, đồng thời tạo ra áp lực rất gay gắt về việc làm và làm nhức nhối những vấn đề xã hội. Nghèo đói ở các nước công nghiệp phát triển chủ yếu do thất nghiệp gây ra. Còn nghèo đói ở các nước đang phát triển do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân trực tiếp là dân số tăng nhanh. Trên thế giới không có nơi đâu có tỷ lệ tăng dân số cao mà vẫn giảm được tỷ lệ nghèo đói. Do đó, các nước đang phát triển chỉ có thể giảm nghèo đói bằng cách giảm tỷ lệ sinh. Rơnê Đuy Mông trong "Một thế giới không thể chấp nhận được" đã cảnh báo các nước đang phát triển về sự bùng nổ dân số, về sự luẩn quẩn giữa đói nghèo - lạc hậu - dân số tăng nhanh. Theo ông thì: "...Chính nhà nước phải có trách nhiệm đối với cộng đồng là đánh giá tài nguyên của mình về đất, nước, rừng, về khoáng sản, về khoảng không gian còn rỗi rãi, những hy vọng tiến bộ thật sự và từ đó định ra những tỷ lệ hợp lý về tăng số dân để bảo đảm cho mỗi người một cuộc sống kha khá hơn là để một ngày nào đó lại phải dùng những biện pháp cưỡng bức" [25, 104]. Thứ ba, do trình độ giáo dục thấp. Số dân đông, lại nghèo đói, do đó ngân sách chi cho giáo dục và y tế thấp đó là lôgíc vận động của hiện thực. Khi mức chi cho giáo dục và y tế thấp cộng thêm thu nhập thấp tại các nước nghèo thì chỉ số phát triển nhân lực luôn ở cuối bảng xếp hạng của UNDP. Cố nhiên, những tiêu thức về lượng không thể phản ánh đầy đủ cả về chất của sự vật, song trên giác độ của vấn đề nghèo, đói thì lượng lại phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Vì ở các nước này luôn diễn ra tình trạng thiếu các chuyên gia đầu ngành, thiếu lao động lành nghề có kỹ thuật, trình độ khoa học công nghệ lạc hậu, do đó sẽ dẫn đến năng suất lao động thấp và cứ như vậy cái vòng luẩn quẩn của đói, nghèo sẽ kìm hãm sự mở rộng phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo và do đó kìm hãm sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội. Do đó, tạo ra được đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao là mục tiêu quan trọng của các nước nghèo. Thế nhưng tình trạng di chuyển lao động lành nghề, lao động có học vấn từ các nước đang phát triển sang các nước công nghiệp phát triển lại là dòng chảy không dứt. Vấn đề này đã gây thiệt hại rất lớn cho các nước đang phát triển. Hiện nay Hoa Kỳ đang là nước hiện được hưởng lợi nhiều nhất, vì họ không mất đi một khoản chi phí đào tạo mà họ lại đang thu hút được đội ngũ công nhân lành nghề từ châu á, châu Phi và Mỹ la tinh chuyển đến. Đó là một nghịch lý của sự phát triển của thế giới hiện đại, song nó lại tuân thủ đúng các quy luật của thị trường lao động. Thứ tư, do viện trợ không đến tay người nghèo và sử dụng không đúng mục đích. Trong thực tế, ở các nước đang phát triển hiện nay có nhiều khoản viện trợ cho phát triển mà chủ yếu là đầu tư phát triển nhân lực đã không đến được tay người nghèo. Một phần bị rơi rụng dần và phần còn lại rất lớn lại được sử dụng không đúng mục đích, nên hiệu quả của những nguồn viện trợ rất thấp. Qua những nguyên nhân gây nên đói nghèo ở các nước đang phát triển vừa nêu, ta thấy nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân kinh tế. Do đó, việc xóa đói ở đây trước hết được hiểu như là sự hỗ trợ phát triển của nhà nước và cộng đồng để nâng cao đời sống dân cư, xóa bỏ tình trạng còn tồn tại các hộ không có khả năng thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu như cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, con cái thất học, ốm đau không có tiền chữa trị, nhà ở bằng tranh tre vách đất, nhằm duy trì cuộc sống bình thường. Từ đó giúp họ vượt qua tình trạng đói khổ triền miên để đi tới sự phát triển. Giảm nghèo tức là tạo điều kiện cho bộ phận dân cư nghèo tiếp cận được với các nguồn lực cần thiết để họ tự nâng cao mức sống, từng bước thoát khỏi tình trạng nghèo. Biểu hiện ở tỷ lệ phần trăm và số lượng người nghèo giảm xuống làm cho mức sống chung của toàn bộ cộng đồng được nâng lên. Giảm nghèo còn được hiểu là quá trình chuyển một bộ phận dân cư nghèo lên một mức sống cao hơn nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng và sự nỗ lực vươn lên của bản thân các hộ nghèo. ở khía cạnh khác, giảm nghèo là chuyển từ tình trạng người nghèo có ít sự lựa chọn sang tình trạng có nhiều sự lựa chọn hơn để cải thiện đời sống mọi mặt của mỗi người. Như vậy, có thể nói một cách khái quát, xóa đói, giảm nghèo là quá trình tạo điều kiện giúp đỡ các hộ đói nghèo có khả năng và cơ hội để tiếp cận với các nguồn lực của sự phát triển một cách nhanh chóng, trên cơ sở đó họ có nhiều sự lựa chọn hơn, giúp họ từng bước thoát ra khỏi cảnh nghèo đói. XĐGN còn gắn với trung lưu hóa một bộ phận dân cư, khuyến khích và tạo điều kiện cho một bộ phận dân cư biết vươn lên làm giàu chính đáng trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Trước đây, ở thời kỳ chưa đổi mới, trong nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, nghèo đói đã dường như không được nhìn nhận như một thực tế xã hội, bởi quan niệm cho rằng: Trong chủ nghĩa xã hội không thể có nghèo đói. Nó chỉ có trong chủ nghĩa tư bản, do sự phân phối bất hợp lý thu nhập của xã hội tạo ra. Do đó, cách nhìn nhận, đánh giá nghèo đói ở đây có phần méo mó thiếu khách quan và không khoa học. Với một nền kinh tế còn kém phát triển, chưa ra khỏi ngưỡng của sinh tồn thì nghèo đói là một vấn đề đương nhiên, tuy nhiên trước đây chúng ta đã không nhìn nhận đúng như nó vốn có, do đó đã để lại hậu quả xã hội không nhỏ mà không được cảnh báo. Vì ở nền kinh tế hiện vật, bao cấp bình quân không có cạnh tranh kinh tế; không mở rộng thị trường; không làm nảy nở nhu cầu kinh tế; không hối thúc sự cần thiết phải tháo vát, năng động, đổi mới cách nghĩ, cách làm, không thúc đẩy phát huy tài năng cá nhân. Nó chỉ thúc đẩy con người tìm cách làm sao cho mình ở vào một vị trí xã hội thuận lợi, có điều kiện thụ hưởng được nhiều sự bao cấp, sự ưu đãi của nhà nước. Giàu có trong xã hội này không phải là kết quả của sự nỗ lực sản xuất kinh doanh, của năng lực sáng tạo, của sự kịp thời nắm bắt yêu cầu của thị trường. Nghèo đói cũng không phải do lười biếng hoặc bị thua lỗ phá sản trong sản xuất kinh doanh, mà chủ yếu là do không có "đất dụng võ", không có điều kiện và môi trường để thể hiện năng lực, tài năng. Bước sang nền kinh tế thị trường, con người buộc phải tính toán bằng giá trị và tính đủ giá trị cho mọi kết quả lao động, do đó lợi ích được chú trọng trước hết là lợi ích cá nhân. Nó khách quan hóa và nâng cao một cách đáng kể vai trò của năng lực cá nhân, thúc đẩy tính tự giác và ý thức trách nhiệm đối với công việc và sản phẩm lao động. Giá trị lợi ích đã thúc đẩy cạnh tranh, làm nẩy nở tài năng, kích thích con người về tính chủ động, óc sáng kiến, tính linh hoạt trong các phản ứng và các hành vi đáp ứng cạnh tranh. Kinh tế thị trường mở ra nhiều khả năng và cơ hội cho con người phát triển đồng thời cũng phơi bày những yếu kém bất cập của con người trong sản xuất - kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường xóa đói, giảm nghèo luôn gắn liền với khuyến khích một bộ phận dân cư có điều kiện, khả năng vươn lên làm giàu chính đáng. Đó cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu ngăn cản hiện tượng nghèo tái sinh. Những người vừa thoát nghèo rất có khả năng bị rơi vào nghèo đói trở lại khi những giải pháp giảm nghèo không bền vững hoặc chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Giảm nghèo còn là vấn đề mang tính lịch sử. Bởi nghèo vẫn tồn tại khi nền kinh tế thị trường vẫn còn chi phối và vẫn còn tồn tại sự khác biệt về năng lực thể chất, địa vị xã hội... giữa các cá nhân. Do đó, để giải quyết vấn đề giảm nghèo chỉ có thể từng bước giảm nghèo chứ chưa thể tiến tới xóa được nghèo. Chỉ đến khi xã hội loài người đạt tới trình độ xã hội cộng sản chủ nghĩa như Mác và Ăngghen dự báo, khi đó cơ sở kinh tế xã hội của đói nghèo mới không còn tồn tại. 1.2. Sự cần thiết khách quan phải xóa đói giảm nghèo trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta 1.2.1. Xóa đói, giảm nghèo không chỉ là mục tiêu mà còn là tiền đề giúp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam Hiện nay, chúng ta đang phấn đấu xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và định hướng XHCN. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước cũng như trên thế giới đã khẳng định, sự phân hóa giàu nghèo là tất yếu, gắn liền với sự phát triển của kinh tế thị trường. Điều đó do chính những qui luật của thị trường chi phối. Nếu xem xét trên một giác độ khác, thì sự phân hóa giàu nghèo là một hệ quả của quá trình tăng trưởng kinh tế, nó có tác dụng như một động lực thúc đẩy các thành viên trong xã hội khai thác, sử dụng tốt hơn mọi nguồn lực, phát huy mọi tài năng sáng tạo cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, với một nền kinh tế có điểm xuất phát thấp, phân hóa giàu nghèo có xu hướng tăng nhanh trong quá trình đẩy mạnh tăng trưởng là một khách quan kinh tế. Trong khi đó, ngân sách chính phủ của các nước nghèo thường khó khăn, thâm hụt, chưa thể hỗ trợ mạnh cho đối tượng đói nghèo. Đến một trình độ phát triển nhất định, sự phân hóa giàu nghèo sẽ giảm dần do ngân sách của chính phủ đã đủ mạnh và có thể can thiệp có hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng đói, nghèo. Sự phân tích về lý thuyết cũng như thực tế đều cho thấy vai trò quyết định của chính phủ trong việc hạn chế phân hóa giàu nghèo và khắc phục đói nghèo. Tuy nhiên, sự trợ giúp của chính phủ cho sự đói, nghèo của một bộ phận cộng đồng có mang tính triệt để hay không còn tùy thuộc vào bản chất xã hội mà nhà nước đó đại diện và theo đuổi. Trong chế độ TBCN, tất cả mọi người đều hoạt động theo mục đích tối đa hóa lợi ích, đặc biệt là các nhà tư bản bằng mọi cách tối đa hóa lợi nhuận thì không thể thiếu một đội quân thường xuyên sống trong trình trạng nghèo đói như một "đội hậu bị công nghiệp" cho dù đó là nhà nước phúc lợi. Nước ta có điểm xuất phát thấp, lại đang trong quá trình chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong những năm qua, quá trình này đã mang lại những kết quả rất quan trọng, khẳng định sự đúng đắn của đường lối đổi mới của Đảng ta, nhưng cũng cho thấy tình trạng phân hóa giàu nghèo đang gia tăng như một hệ quả tất yếu của quá trình phát triển. Đi liền với quá trình tăng trưởng kinh tế, Đảng và Nhà nước đã thực hiện những biện pháp nhằm hạn chế sự phân hóa giàu nghèo và XĐGN. Tuy nhiên do quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường mới chỉ ở giai đoạn đầu, kinh tế thị trường còn rất sơ khai, non yếu, cùng với quá trình phát triển kinh tế thị trường là quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên tình trạng phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam tiếp tục gia tăng trái với bản chất của nhà nước và mục tiêu của nhà nước theo đuổi. Điều đó đặt ra cho chúng ta những thách thức rất lớn, tuy nhiên sự thách thức có nguyên nhân chủ yếu từ những nhân tố và giải pháp cho sự phát triển. Một mặt, nếu không tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới phát triển nền kinh tế thị trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì không thể tồn tại và phát triển được; mặt khác nếu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường thì tất sẽ có sự phân hóa giàu nghèo. Nhưng chúng ta không được phép dừng lại, "công cuộc đổi mới không thể nửa vời" (Tô Duy Hợp). Thực tế sau gần 15 năm đổi mới cho thấy, chúng ta vừa có thể hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện XĐGN vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường nếu đặt tiến trình này dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nhìn từ góc độ kinh tế, XĐGN là tiền đề của phát triển, đến lượt nó, sự phát triển kinh tế - xã hội vững chắc lại tạo tiền đề vật chất cho tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội là nhân tố bảo đảm thành công cho XĐGN. Mức độ, tỷ lệ dân cư đói, nghèo là rất khác nhau giữa các nước, các khu vực, nó phản ánh sự khác nhau về bản chất xã hội, về trình độ phát triển, trước hết là phát triển kinh tế. Song nét chung, phổ biến là ở chỗ, đói nghèo gắn liền với sự chậm phát triển của lực lượng sản xuất, sự lạc hậu của kỹ thuật, công nghệ, trình độ thấp kém của phân công lao động xã hội và sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Nó dẫn tới năng suất lao động xã hội và mức tăng trưởng kinh tế xã hội luôn ở những chỉ số thấp. Thất nghiệp, thu nhập không đủ cho chi dùng tối thiểu, do đó càng không thể có điều kiện chi dùng cho những nhu cầu văn hóa, tinh thần để vượt qua ngưỡng tồn tại sinh học, vươn tới việc thỏa mãn nhu cầu phát triển chất lượng con người. Trong tiến trình phát triển, đói nghèo của dân cư (nhất là ở các tầng lớp cơ bản của xã hội) đang là lực cản kinh tế - xã hội lớn nhất đối với các nước nghèo hiện nay. Xã hội phát triển được là nhờ hoạt động của con người, trong đó căn bản và quan trọng nhất là lao động để tạo ra của cải vật chất lẫn tinh thần. Không có hoạt động này, hoạt động mang bản chất con người, biểu hiện những sức mạnh bản chất của con người, thì không thể duy trì được sự tồn tại và phát triển của từng cá thể lẫn cộng đồng. Trong lao động, con người tìm kiếm những điều kiện và phương tiện để thỏa mãn những nhu cầu đầu tiên của sự tồn tại. Xã hội muốn phát triển và hướng sự phát triển ấy vào mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, làm cho con người bộc lộ ngày càng nhiều hơn những năng lực sáng tạo và sự hoàn thiện nhân tính của nó cần phải được thỏa mãn những nhu cầu tồn tại ấy đồng thời tổ chức hợp lý đời sống xã hội sao cho hoạt động của con người thực sự trở thành hoạt động sáng tạo và phát triển. Không phải là không có lý do khi xem xét tiến bộ xã hội người ta ngày càng chú trọng nhiều hơn tới những chỉ số phát triển nhân văn của con người. Điều ấy càng cho thấy đói nghèo lạc hậu, là xa lạ, đối lập đối với phát triển, nhất là đối với mục tiêu phát triển của CNXH. Nguồn nhân lực không có một chất lượng tốt thì không thể khai thác và sử dụng các nguồn lực khác, do đó cũng không thể thực hiện được các mục tiêu phát triển. Sự suy giảm nguồn nhân lực là mối lo ngại lớn nhất đối với tiền đồ triển vọng của một dân tộc, là nguy cơ đe dọa lớn nhất đối với mọi chương trình phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của một nước. Trong thời kỳ mọi quốc gia đang hướng tới nền kinh tế tri thức và phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế nếu không có nguồn nhân lực tốt, có trí tuệ thì không đủ sức bứt lên phía trước, đứng vững được để phát triển và sẽ bị lu mờ dần, bị vượt qua bởi xu thế phát triển không ngừng. Nhìn về góc độ xã hội, đói nghèo về kinh tế sẽ dẫn tới những sức ép căng thẳng về xã hội, vấp phải những chồng chất khó khăn và mâu thuẫn, đặc biệt đối với các quốc gia, dân tộc mới giành được độc lập để tiến lên trên con đường phát triển. Sự lệ thuộc của các quốc gia đó vào những nước giàu, bắt đầu từ kinh tế rồi xâm nhập vào văn hóa, hệ tư tưởng và chính trị là khó tránh khỏi. Thực tế đã cho thấy, trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang quốc tế hóa như ngày nay, mỗi quốc gia - dân tộc chỉ có thể giữ vững chế độ chính trị, độc lập tự do và chủ quyền của mình với một tiềm lực kinh tế mạnh. Một quốc gia như vậy không thể là một quốc gia có tỷ lệ dân cư nghèo đói cao. Đói nghèo và lạc hậu sóng đôi với nhau, là xiềng xích trói buộc các nước nghèo, là một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay mà mỗi quốc gia dân tộc cùng với cộng đồng quốc tế phải cùng hợp sức để giải quyết. Xóa đói, giảm nghèo, do đó không phải chỉ là một giải pháp tình thế, không phải là một vấn đề kinh tế xã hội thuần túy, mà là một chương trình trong toàn bộ chiến lược phát triển của mọi quốc gia, nhất là các nước chậm và đang phát triển. Thực hiện XĐGN không chỉ bằng cách tăng trưởng kinh tế, mà còn phải thực hiện công bằng xã hội. Về thực chất, nó nằm trong tiến trình cải tạo sâu sắc về mọi mặt đối với toàn bộ xã hội. "Nếu đói nghèo là lực cản của phát triển; thì XĐGN là con đường phá vỡ lực cản đó, tạo tiền đề cho phát triển" [5, 58] Như vậy, xóa đói, giảm nghèo trở thành tiền đề của ổn định và phát triển, ở đây đã bao hàm cả nội dung kinh tế và mục tiêu chính trị để Việt Nam định hướng XHCN thành công. 1.2.2. Mô hình phát triển và vấn đề xóa đói, giảm nghèo Muốn xóa đói, giảm nghèo trước tiên phải phát triển kinh tế, từ đó để loại bỏ cơ sở kinh tế của vấn đề đói, nghèo. Để phát triển, tùy theo điều kiện tự nhiên, chính trị, xã hội cụ thể để xây dựng thành các mô hình với các cấu trúc phương pháp và tiêu thức xác định. Hiện nay trên thế giới có ba mô hình phát triển sau: Mô hình thứ nhất: Thực hiện tăng trưởng kinh tế với bất cứ giá nào, không chú ý đến các vấn đề xã hội. Các lý thuyết của mô hình phát triển này cho rằng: Nếu đạt được tăng trưởng kinh tế cao sẽ tạo tiền đề để giải quyết các vấn đề khác, trong đó có nghèo, đói, chính vì thế họ nhấn mạnh đến nhân tố kinh tế, kỹ thuật. Đây là mô hình đã được áp dụng ở nhiều nước tư bản chủ nghĩa. Tiêu biểu là lý thuyết cất cánh của W Rostow, nhà kinh tế học Mỹ với lý thuyết "Cái vòng luẩn quẩn" và "Cú huých từ bên ngoài" dành cho các nước đang phát triển của P.A. Samuelson. Mô hình thứ hai: Thực hiện tăng trưởng kinh tế trước sau đó giải quyết các vấn đề xã hội. Đây là mô hình được áp dụng ở nhiều nước TBCN vùng Bắc Âu. Mô hình phát triển này tiến bộ hơn mô hình trước bởi các lý thuyết không chỉ tập trung vào mục đích tăng trưởng kinh tế, mà còn quan tâm mặt xã hội. Hình ảnh họ thường dùng là hãy để cho chiếc bánh to lên rồi sau đó phân chia công bằng cho mọi người. Tiêu biểu là lý thuyết "Chữ U ngược" của nhà kinh tế học S.Kuznets. Khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng trưởng với bất bình đẳng về thu nhập của các tầng lớp dân cư ở một số nước phát triển và đang phát triển, Kuznets đã đưa ra dự báo về xu hướng chữ U ngược. Nghĩa là, khi thu nhập tính theo đầu người tăng lên, thì sự bất bình đẳng có thể lúc đầu tăng lên đạt tới mức cực đại ở mức thu nhập trung bình và sau đó nó giảm xuống, khi thu nhập đạt tới mức đặc trưng của một nước công nghiệp.. Mô hình thứ ba: Thực hiện tăng trưởng kinh tế đồng thời với giải quyết các vấn đề xã hội. Các lý thuyết đi theo hướng này chủ trương đề cập đến vấn đề xã hội trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Tiêu biểu cho mô hình thứ ba này là lý thuyết "Nền kinh tế thị trường - xã hội" của cộng hòa Liên bang Đức. Lý thuyết này đặc biệt quan tâm đến yếu tố xã hội nhằm nâng cao mức sống của các nhóm dân cư có thu nhập thấp nhất đồng thời bảo vệ tất cả các thành viên xã hội, khắc phục những khó khăn về kinh tế, đau khổ về xã hội do gặp phải những rủi ro trong cộng đồng. Để đáp ứng mục tiêu đó cần phải tăng trưởng kinh tế, phân phối thu nhập công bằng theo quan điểm tư sản và trên cơ sở thị trường, xây dựng một màng lưới an sinh xã hội qua hệ thống bảo hiểm như: bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tuổi già, sức khỏe, tai nạn..., xây dựng chế độ phúc lợi xã hội, đặc biệt là trợ cấp cho những người nghèo, cô đơn không nơi nương tựa. Đối với nước ta hiện nay vẫn đang được đánh giá là một trong những nước nghèo, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình phát triển mà chúng ta lựa chọn là: Thực hiện tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, khuyến khích làm giàu hợp pháp, đi đôi với XĐGN. Hay diễn đạt một cách hình ảnh như Hồ Chí Minh là "nước dâng, thuyền lên", nghĩa là phải tăng gia sản xuất trước, phải tăng năng suất lao động trước, nhưng đồng thời phải gắn liền với cải thiện dần đời sống của nhân dân, sản xuất tăng đến đâu, mức sống được nâng cao đến đó, nước càng cao thì thuyền càng nổi. Điều đó sẽ cổ vũ nhiệt tình cho lao động của mọi người, tạo đà cho phát triển bền vững lâu dài. Tình hình nghèo đói ở nước ta hiện nay được đánh giá theo chuẩn của chương trình quốc gia về xóa đói, giảm nghèo; thì hộ nghèo đói, xã nghèo hiện đang còn khoảng 2,65 triệu hộ sống dưới mức nghèo đói, chiếm tỷ lệ 17,7% tổng số hộ cả nước và 1498 xã thuộc diện xã nghèo, chiếm 15% (năm 1997). Về đặc trưng nghèo ở Việt Nam có thể nói rằng: người nghèo chủ yếu là nông dân, ở nông thôn, vì 95% số người nghèo đói là nông dân và chỉ có khoảng 5% sống ở vùng đô thị. Nghèo đói ở Việt Nam cũng phân bố không đều giữa các vùng kinh tế, nơi nghèo đói cao vẫn là các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ; Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Có thể minh chứng qua số liệu thống kê về nghèo đói năm 1997 ở các vùng kinh tế như sau: Bảng 2: Phân bố số hộ nghèo đói qua các vùng năm 1997 [33, 63] Vùng Hộ nghèo đói Tỷ lệ (%) - Trung du và miền núi phía Bắc - Đồng bằng sông Hồng - Bắc Trung bộ - Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên - Đông Nam bộ - Đồng bằng sông Cửu Long Cả nước 641.400 302.460 554.926 358.260 180.400 103.700 493.750 2.635.096 25,42 9,8 27,84 22,44 27,84 5,50 15,65 17,70 Từ năm 1992, Đảng và Nhà nước chủ trương phát động cuộc vận động "xóa đói, giảm nghèo" bắt đầu từ thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương, rồi nhanh chóng lan rộng, trở thành phong trào của cả nước. Dựa trên tính hiệu quả và thiết thực của cuộc vận động XĐGN, cuối năm 1998, Đảng và Nhà nước ta quyết định nâng tầm cuộc vận động một phong trào quần chúng rộng lớn trở thành chương trình mục tiêu quốc gia với chủ trương, biện pháp và mục tiêu thực hiện nhất định. Các chính sách XĐGN mà nhà nước ta đang thực hiện là: - Chính sách về ruộng đất và việc làm cho người nghèo; - Chính sách đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn; - Chính sách tạo thêm việc làm, tăng thu nhập; - Chính sách phát triển kinh tế cho vùng có nhiều khó khăn; - Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng ở nông thôn... Tính đến nay, tỷ lệ hộ đói nghèo trên tổng số hộ trên cả nước (theo tiêu chuẩn hiện nay) đã từ 30% năm 1992 giảm xuống còn 20% năm 1995, 13% năm 1999 và 11% năm 2000, đạt được mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, nước ta là nước được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nước giảm tỷ lệ đói nghèo nhanh và có hiệu quả. Mục tiêu phấn đấu trong kế hoạch 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế 10 năm tới là: Phấn đấu giảm hộ nghèo theo chuẩn của nước ta còn khoảng 5% vào năm 2005, đến 2010 về cơ bản không còn hộ nghèo. Tuy nhiên cần phải thường xuyên củng cố thành quả XĐGN mà chúng ta đã đạt được. Để xác định cụ thể về lượng tỷ lệ đói, nghèo, trong những năm tới cần vận dụng tiêu chuẩn quốc tế để quy định hợp lý chuẩn xác định hộ nghèo và mục tiêu giảm nghèo ở nước ta (theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc mức nghèo khó được qui định là mức thu nhập của một người dân dưới 1USD/1 ngày) cho phù hợp với điều kiện cụ thể để có kế hoạch tiếp tục thực hiện chủ trương XĐGN của Đảng. 1.2.3. Những kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo của một số nước trong khu vực Để phân tích cả về lý luận và thực tiễn vấn đề đói, nghèo, chúng ta cần khảo sát và học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia trong vùng, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội gần tương đồng với Việt Nam như: Trung Quốc, Inđônêxia, Singapo, Thái Lan. - Trung Quốc: Trung Quốc là một quốc gia có số dân đông nhất thế giới, do đó giải quyết đói nghèo ở Trung Quốc là vấn đề to lớn, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của đất nước. Suốt khoảng 45 năm liên tục, kể từ năm 1949, Trung Quốc tiến bộ rõ rệt trong quá trình xóa đói, giảm nghèo, cả về vật chất và tinh thần. Từ năm 1949 đến năm 1995, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ 200/1000 xuống còn 42/1000 và tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 39 tuổi lên 69 tuổi. Ngày nay hầu hết trẻ em Trung Quốc đều được đi học, tỷ lệ mù chữ ở người lớn giảm xuống chỉ còn 19% (trong những năm 50, tỷ lệ này là 80%) [27, 16]. Có được kết quả trên là do, từ năm 1978, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp tấn công vào nghèo đói ở vùng nông thôn như: + Cải cách ruộng đất và cải tạo nâng cao độ màu mỡ của đất đai, nhờ đó mà sản lượng và năng suất trong nông nghiệp tăng khoảng 40%. + Hướng tới thị trường là một cải cách quan trọng trong nền kinh tế nói chung và giảm bớt đói nghèo cho khu vực nông thôn nói riêng. + Cải cách giá cả, đặc biệt là giá nông sản phẩm để cánh kéo giá thu hẹp lại tạo điều kiện để nông dân cải thiện đời sống, từ đó tạo ra sức cầu cho phát triển kinh tế lâu dài. Giai đoạn đầu cải cách, giá sản phẩm chủ yếu tăng bình quân 22%, giá thực phẩm chủ yếu và một số sản phẩm khác tăng 33%. Sự tăng giá này đã góp phần cải thiện khoảng 20% thu nhập tính theo đầu người ở nông thôn trong khoảng 6 năm liền (1978 - 1984). Giai đoạn tiếp theo, chính phủ đã đưa ra "chương trình giảm đói nghèo 8-7", Chính phủ trung ương tăng đầu tư và hỗ trợ tài chính ở địa bàn nghèo, mở rộng khả năng cho phép tỉnh nghèo hợp tác với các tỉnh, vùng đã phát triển để hỗ trợ lẫn nhau trong tiến trình cải cách kinh tế. Những cố gắng liên tục của Trung Quốc đã đem lại những kết quả to lớn. Từ năm 1991 đến giữa năm 1995, số người nghèo ở nông thôn đã giảm từ 95 triệu người, xuống còn 65 triệu người, ngân sách cho giáo dục cơ bản và chăm sóc sức khỏe tăng từ 18% (năm 1992) lên 22% (năm 1994). - Inđônêxia: Từ những năm 1960, ở Inđônêxia nhà nước đã quan tâm tới việc xóa bớt đói nghèo. Trong các biện pháp xóa đói, giảm nghèo có hai biện pháp được quan tâm và đầu tư nhiều nhất là tạo việc làm và giáo dục, đào tạo. Chương trình việc làm được tập trung vào khu vực nông thôn nơi có số người nghèo tập trung đông nhất. Nhà nước thực hiện "cách mạng xanh" trong nông nghiệp, thành lập chương trình "BISMAS" và "INMAS"- các tổ chức cấp phát tín dụng cho nông dân. Chương trình phát triển nông thôn được nhà nước đặc biệt quan tâm bằng cách tăng cường chi phí cho phát triển nông thôn, mức đầu tư tăng trung bình hàng năm là 3%. Nhờ chính sách tạo việc làm ở nông thôn nên tỷ lệ nghèo khổ ở nông thôn giảm nhanh hơn so với ở thành thị. Trong lĩnh vực giáo dục, chính phủ một mặt tăng cường giáo dục phổ thông, mặt khác đưa ra chương trình quốc gia về đào tạo kỹ năng hướng nghiệp cho thế hệ thanh niên bước vào tuổi lao động. Nhờ kết quả của các chương trình XĐGN nên trong giai đoạn từ 1976 đến 1987, số dân sống dưới mức nghèo khổ giảm từ 54 triệu người xuống còn 30 triệu người, và theo kết quả cuộc điều tra dân số mới đây, số người nghèo từ 25,9 triệu người, chiếm 13,6% dân số năm 1993 giảm xuống còn 22,5 triệu người, chiếm11% dân số năm 1996. - Singapo: Singapo là nước có số dân ít, thu nhập cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp, do đó chương trình giảm nghèo đói ở Singapo có khác với các nước khác trong vùng: đó là sự trợ giúp của nhà nước cho tầng lớp nghèo không tác động trực tiếp mà gián tiếp qua phát triển ngành sử dụng nhiều lao động và đào tạo, nâng cao khả năng thích ứng của con người trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động thế giới. Do đó, để giảm nghèo đói, chính phủ Xingapo tập trung vào hai chiến lược: Thứ nhất, phát triển kinh tế gắn với sử dụng nhiều lao động được đề ra cho giai đoạn 1966 - 1979 bằng việc định hướng ưu tiên sản xuất công nghiệp dành cho xuất khẩu và nhanh chóng tham gia vào phân công lao động quốc tế. Với chiến lược này, Singapo chủ trương thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và nhanh tạo ra sản phẩm xuất khẩu như ngành dệt, may mặc xuất khẩu, lắp ráp thiết bị điện tử và các phương tiện giao thông vận tải. Đồng thời với phát triển các ngành trên, chính phủ còn xúc tiến xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ngành xây dựng cơ bản, với mục tiêu là tạo được nhiều việc làm cho dân chúng và tạo tiền đề cho sự phát triển lâu dài. Khi đã đạt được mục tiêu chính là tạo đủ công ăn việc làm cho dân chúng vào cuối năm 1973, chính phủ mới chuyển hướng đổi mới công nghệ và sử dụng nhiều chất xám, công nhân kỹ thuật cao. Thứ hai, đầu tư vào con người. Nhà nước đã chi một khoản tiền rất lớn khoảng 6% tổng thu nhập quốc dân, cho phúc lợi xã hội như giáo dục, y tế và từ thiện. Trong những năm 60 - 70, riêng chi phí cho giáo dục bình quân hàng năm chiếm khoảng 16% trong ngân sách của nhà nước. Đây là những nỗ lực lớn của Nhà nước trong việc nâng cao mức sống vật chất và dân trí cho dân chúng. Kết quả của chính sách trên là đã đưa tới tỷ lệ dân cư biết đọc biết viết từ 72% năm 1970, lên 88% năm 1990. Thêm vào đó, chính phủ đề ra chính sách điều chỉnh mức lương có lợi cho người trực tiếp sản xuất nên chênh lệch giữa mức lương của những người làm việc trong thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân ngày càng thu hẹp. Đó là một thành tích có ý nghĩa xã hội, chính trị sâu sắc. Nó đã làm cho sự chênh lệch mức sống và thu nhập giữa các nhóm dân tộc và những người có nghề nghiệp khác nhau ngày càng thu hẹp. Các nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của chính phủ Singapo đã làm cho tỷ lệ nghèo, ngày càng giảm. Nếu vào cuối thời kỳ thuộc địa Anh có tới 40% hộ ở Singapo thuộc diện nghèo, thì đến giữa những năm 70 đã giảm còn 17% và năm 1982 con số đó là 8%. Đến cuối năm 1988, số gia đình nghèo chỉ còn chiếm khoảng 3,5% dân số cả nước. - Thái Lan: Với hơn hai thập niên thực hiện XĐGN, Thái Lan đã đạt được kết quả đáng kể về giảm nghèo đói từ 59% năm 1962 đã giảm xuống còn 22% vào năm 1988. Chương trình XĐGN của Thái Lan những năm gần đây bao gồm việc cung cấp dịch vụ xã hội dưới nhiều hình thức phong phú hướng tới mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho tầng lớp nghèo. Các hình thức dịch vụ đã được áp dụng bao gồm: - Phúc lợi cho những người ._.trương tăng sản lượng lương thực trên cơ sở khuyến khích các hộ nông dân đầu tư thâm canh đi đôi với ứng dụng công nghệ sinh học để tăng năng suất và chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng nhằm bảo đảm an toàn lương thực, trên cơ sở đó mà phát triển chăn nuôi, ngành nghề và phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng. Tuy nhiên, nếu chỉ chuyên canh cây lương thực thì các hộ nông dân khó thoát khỏi đói nghèo mà vươn lên làm giàu được, do đó muốn đứng vững trong cơ chế thị trường và nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn các hộ nông dân phải tiến hành đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, cụ thể như: - Khuyến khích các hộ nông dân tăng nhanh diện tích và năng suất các loại cây trồng ngoài lúa như: ngô lai, khoai lang lim, sắn cao sản và các loại đậu đỗ. - Vận động các hộ nông dân phát triển nghề làm vườn, chuyển 19.000 ha vườn tạp sang phát triển vườn cây ăn quả chủ lực có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao như: chuối Lâm Thao, hồng Hạc Trì, xoài Vân Du, nhãn Hưng Yên, vải Thanh Hà... hình thành tập đoàn cây ăn quả đa dạng phong phú. - Tăng cường đầu tư cho nông dân phát triển cây công nghiệp và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở huyện Thanh Sơn, Yên Lập và Sông Thao, cung cấp nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu, chủ yếu là cây chè và cây mía. - Phát triển nghề làm vườn kết hợp với chăn nuôi, hoặc kết hợp làm trang trại với chăn nuôi và đào ao nuôi cá tạo thành mô hình lồng ghép kiểu VAC, RVAC. - Kết hợp phát triển lâm nghiệp với chăn nuôi, tiến hành khoanh nuôi, bảo vệ chăm sóc và trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Chăm sóc và có kế hoạch khai thác rừng sản xuất hiện có, đồng thời phát triển trồng rừng, trong đó chú trọng đầu tư trồng rừng nguyên liệu. Thứ hai, cải biến cơ cấu kinh tế trong nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ để giải quyết lao động dư thừa trong nông nghiệp, nâng cao hiệu suất sử dụng thời gian lao động của các hộ nông dân, cải thiện một bước đời sống các hộ nông dân thực hiện XĐGN. Cụ thể là: - Khuyến khích các hộ nông dân mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tại chỗ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng ngay tại địa phương nhằm tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho hộ nông dân, khắc phục tình trạng thuần nông còn khá phổ biến hiện nay. Nét nổi bật của tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn Phú Thọ là tính đa dạng về ngành nghề và sản phẩm như: sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói, cát sỏi, đá xây dựng, chế biến lương thực gồm: xay sát, làm mỳ miến, làm đậu phụ,... mây tre đan gồm: làm nón và đan lát các loại, nghề mộc, nghề cơ khí và một số nghề khác. - Khuyến khích phát triển các làng nghề tập trung nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đa dạng có chất lượng cao, góp phần tạo ra mối quan hệ liên kết giữa cung ứng dịch vụ với sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm ngay tại nông thôn và giữa nông thôn với miền núi và thành thị. Thứ ba, Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại. Kinh tế trang trại là hình thức phát triển tất yếu của nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Phú Thọ là một tỉnh trung du miền núi có quỹ đất đồi, rừng, điều kiện tự nhiên phong phú thì phát triển kinh tế trang trại là hướng đi đúng đắn không chỉ trước mắt, mà còn cho lâu dài. Phát triển kinh tế trang trại làm cho bộ mặt nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa ngày càng đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của dân cư được cải thiện, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình XĐGN của tỉnh. Những năm qua, kinh tế trang trại Phú Thọ đã có bước phát triển đáng kể, nhiều hộ nông dân đã trở thành triệu phú trên mô hình trang trại chuyên canh hoặc trang trại kinh doanh tổng hợp. Tính đến tháng 8/1998 toàn tỉnh có 1.747 hộ làm kinh tế trang trại với qui mô từ 1 ha trở lên. Tổng diện tích của các trang trại là 8.522 ha, bình quân khoảng 5ha/1 trang trại. Các huyện có nhiều trang trại như: Thanh Sơn: 401, Đoan Hùng: 398, Tam Thanh: 225, Yên Lập: 274. Thu nhập của các trang trại đạt khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm. Đó là những hộ nông dân sản xuất giỏi, có tâm huyết làm giàu trên mảnh đất được giao quyền sử dụng, rất cần được khuyến khích phát triển. Có thể nói, kinh tế trang trại là mô hình kinh tế thích hợp với sự phát triển của nông nghiệp Phú Thọ hiện nay, nó có vai trò thúc đẩy sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đất đai, lao động, vốn trong nhân dân. Nó là động lực quan trọng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thực hiện XĐGN và làm giàu, đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái. 3.2.5. Tích cực giải quyết việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo Như trên đã phân tích, nghèo đói quan hệ trực tiếp đến việc làm và thu nhập, cho nên giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập là một giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề đói nghèo hiện nay. Trước hết ta hãy xem xét kết quả giải quyết việc làm của tỉnh giai đoạn (1995 - 1998) và dự báo năm 2000. Nhìn vào kết quả giải quyết việc làm giai đoạn 1995 - 1998 chúng ta thấy: Trong 4 năm, toàn tỉnh đã tạo thêm việc làm cho gần 80 ngàn lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từ 4,85% (năm 1995) xuống 4,58% (năm 1998), tăng hiệu suất sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 72,5% (1995) lên 74,14% (1998). Thành tích đó đã góp phần không nhỏ vào kết quả XĐGN của tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, lao động của Phú Thọ còn tập trung quá nhiều trong nông, lâm nghiệp (chiếm gần 80% lượng lao động toàn tỉnh), 30% lao động ở nông thôn không có việc làm và 4,58% lao động ở thành thị bị thất nghiệp, nên vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao hiệu suất sử dụng thời gian lao động, tăng số việc làm có thu nhập cao... hiện đang là những vấn đề bức xúc đặt ra cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội và vấn đề XĐGN của tỉnh. Để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện XĐGN, hiện nay tỉnh cần tiếp tục giải quyết theo những hướng sau đây: Thứ nhất: Phát huy thế mạnh của nông lâm nghiệp để giải quyết việc làm thông qua việc giao đất, giao rừng cho các hộ nông dân theo Luật đất đai để họ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất trên mảnh đất được giao. Tổng diện tích đất lâm nghiệp đã được giao tính đến tháng 6 năm 1998 là 77.590 ha cho 39.500 hộ nông dân, 60% diện tích trên đã được các hộ kinh doanh trồng rừng, bảo vệ khoanh rừng. Đã có hàng vạn hộ phát triển kinh tế đồi rừng, vườn rừng trên diện tích được giao có hiệu quả, đặc biệt có hàng ngàn hộ phát triển sản xuất với qui mô lớn, hình thành các trang trại. Đời sống nông dân khá lên rõ rệt, góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ hộ đói nghèo ở khu vực này. Do lợi thế về khí hậu, đất đai nên các xã vùng đồi núi cần tiếp tục phát huy thế mạnh của cây chè. Cây chè là cây công nghiệp lâu năm được trồng đã lâu đời trên đất Phú Thọ. Cây chè ở Phú Thọ được xác định là cây kinh tế mũi nhọn vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị xuất khẩu và còn là cây XĐGN cho kinh tế hộ nông dân vùng đồi. Đến năm 1999, diện tích chè của Phú Thọ lên đến 7.885 ha, chiếm 94,1% diện tích cây công nghiệp toàn tỉnh. Cây chè Phú Thọ có qui mô diện tích đứng thứ 3 và về sản lượng đứng thứ 4 so với các tỉnh sản xuất chè trong nước. Chè Phú Thọ đã tham gia xuất khẩu, hàng năm Phú Thọ đã xuất khẩu từ 3-4 ngàn tấn chè khô, chủ yếu là chè đen. Trong những năm tới, hướng phát triển cây chè mũi nhọn là đầu tư thâm canh cải tạo cây chè hiện có, kết hợp phát triển mở rộng trồng mới, chú trọng đầu tư thay thế giống chè năng suất thấp bằng giống mới có năng suất cao, tiến hành kiểm tra đề xuất việc tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở chế biến chè mini nhằm đảm bảo lợi ích người trồng chè và cung ứng đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trên địa bàn. Ngoài ra, việc phát triển chăn nuôi để cải thiện đời sống cho gia đình, giải quyết việc làm cho các hộ nông dân, thực hiện XĐGN cũng là một giải pháp đem lại nhiều hiệu quả và phù hợp với điều kiện của tỉnh. Những năm gần đây giá trị sản phẩm chăn nuôi của tỉnh chiếm khoảng 26% so với giá trị sản lượng ngành nông nghiệp. Kết hợp chăn nuôi với trồng trọt và các hộ nông dân chuyên chăn nuôi đã làm cho tổng sản phẩm chăn nuôi của Phú Thọ đạt 32,5 ngàn tấn thịt hơi xuất chuồng, cung cấp cho thị trường xã hội 22-23 ngàn tấn thịt lợn, tham gia xuất khẩu năm 1999 được 500 tấn. Việc tiếp tục hình thành vùng trồng nguyên liệu giấy đang được thúc đẩy hiện nay ở Phú Thọ tỏ ra là một giải pháp tích cực phù hợp với nhu cầu của thị trường. Theo số liệu điều tra, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 17.286 ha rừng nguyên liệu giấy, hàng năm cung cấp từ 4 đến 5 ngàn tấn nguyên liệu giấy. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp giấy cần qui hoạch đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu giấy, gắn kết hữu cơ giữa khâu chế biến với vùng nguyên liệu của tỉnh. Hình thành vùng trồng cây nguyên liệu giấy ổn định vừa phát huy được thế mạnh của tiềm năng đất đồi rừng vừa tận dụng được lực lượng lao động dôi dư trong nông thôn không chỉ góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn Phú Thọ ngày càng giàu đẹp, mà còn giúp nhiều hộ nghèo đói ở vùng đồi rừng tăng thu nhập, thoát khỏi cảnh nghèo, đói. Thứ hai: Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong mối quan hệ với giải quyết việc làm. Đây là giải pháp phù hợp với xu thế phát triển kinh tế của cả nước. Để thực hiện giải pháp này chủ trương của tỉnh khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển, trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo để tập trung nguồn lực vào những ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh. Trong một loạt các kế hoạch phát triển kinh tế gắn với sự nghiệp XĐGN, tỉnh đã ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp: chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất, phân bón, dệt may mặc, da giày, ngành sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ xuất khẩu và những ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu tại chỗ, nhờ đó mà thu hút được hàng ngàn lao động từ nông thôn ra làm việc trong các xí nghiệp công nghiệp, ở đô thị tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,58% xuống 3,36% (vào năm 2000) đồng thời nâng cao giá trị nông lâm sản của khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân, thực hiện XĐGN. Thứ ba: Phát triển ngành dịch vụ để giải quyết việc làm không chỉ làm tăng thu nhập để XĐGN, mà còn phù hợp với tiến trình chuyển dịch cơ cấu trên địa bàn tỉnh. Thực hiện giải pháp này cần phát triển mạnh các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng chính đáng của nhân dân, do đó tỉnh khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ, tập trung vào những ngành dịch vụ quan trọng như: bưu điện, vận tải, ngân hàng, thương mại, du lịch. Đối với dịch vụ thương mại: tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới thương nghiệp, hình thành trung tâm thương mại Phong Châu, Phú Thọ và một số huyện lỵ. Riêng Việt Trì tập trung đầu tư để trở thành trung tâm thương mại của tỉnh và cả vùng bằng cách hình thành trung tâm bán buôn gần các điểm thương mại lớn: các cửa hàng trung tâm, xây dựng hệ thống chợ và các khu phố, đường phố chuyên kinh doanh một số mặt hàng. Tổ chức củng cố mạng lưới thương nghiệp bán lẻ, chợ nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn kết thành một hệ thống thông qua buôn bán hàng hóa tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất hàng hóa phát triển. Đối với dịch vụ du lịch: Phú Thọ đang có tiềm năng lớn chưa khai thác. Để khơi dậy một ngành có tiềm năng lớn cần tuyên tryền để cả nước tham gia giữ gìn, tôn tạo khu di tích lịch sử Đền Hùng đúng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó. Đồng thời có chính sách đầu tư biến các địa danh, các di tích liên quan đến lịch sử Hùng Vương thành các điểm du lịch gắn với các khu Ao Châu - Xuân Sơn - Thành phố Việt Trì tạo ra một vòng du lịch hoàn chỉnh. Như vậy, dịch vụ trong điều kiện hiện nay đang chiếm tỷ trọng rất lớn về lao động, tỷ trọng này sẽ còn tiếp tục gia tăng cùng với sự phát triển của xã hội, vì vậy coi trọng đúng mức phát triển dịch vụ sẽ có ý nghĩa to lớn về giải quyết việc làm để tích cực XĐGN. 3.2.6. Thực hiện những sự ưu tiên xã hội cần thiết cho việc xóa đói giảm nghèo ở các vùng khó khăn đặc biệt và các đối tượng đặc biệt Giải pháp này xuất hiện từ thực tế của sự phát triển không đều giữa các huyện, các vùng dân cư trong tỉnh. Do những sự khác biệt về hoàn cảnh, điều kiện tự nhiên, môi trường, truyền thống, tập quán, trình độ dân trí nên xuất hiện một số vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế xã hội chậm phát triển, tỷ lệ đói nghèo cao, cơ sở hạ tầng thiếu và rất yếu. Để không tạo ra khoảng cách quá xa giữa các vùng trong tỉnh, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng là: "Thu hẹp dần khoảng cách và trình độ phát triển về mức sống giữa các vùng, các dân tộc, các tầng lớp dân cư, đặc biệt quan tâm đến vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến cũ, các gia đình chính sách, làm cho mọi người, mọi nhà đều tiến tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc" [19, 31]. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã có những ưu tiên đặc biệt về nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã đặc biệt khó khăn, góp phần XĐGN. Trước hết, phát triển kinh tế - xã hội nâng cao mức sống của dân cư tạo tiền đề cho XĐGN ở 31 xã đặc biệt khó khăn. Theo chương trình phát triển kinh tế xã hội 31 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Thọ hiện nay các hướng chính đã được tập trung giải quyết tại các xã đó: - Về sản xuất nông nghiệp: Tổ chức điều tra, quy hoạch phát triển sản xuất gắn với bố trí lại dân cư ở các xã, xóm bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Tạo điều kiện để đồng bào ở những vùng này nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống, chấm dứt tình trạng du canh, du cư. Đẩy mạnh phát triển các loại cây lương thực, trên cơ sở giữ vững ổn định diện tích đất ruộng, tăng cường các biện pháp thủy lợi để mở rộng diện tích cấp I hóa giống lúa, tăng nhanh diện tích lúa lai và ngô lai vụ đông. Thông tin phổ biến rộng rãi, bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm sản xuất về các loại giống cây trồng mới cho nông dân. Tích cực thâm canh tăng vụ và áp dụng những tiến bộ mới trong sản xuất nông nghiệp. - Về lâm nghiệp: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng cho hộ nông dân, thực hiện tốt các dự án định canh, định cư, chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, chương trình giải quyết việc làm và các chương trình mục tiêu nông lâm nghiệp. Đảm bảo vốn rừng hiện có, tăng nhanh diện tích rừng sản xuất kinh doanh. Bình quân mỗi năm trồng rừng mới từ 2,1 - 2,5 ngàn ha, trong đó có từ 150 - 200 ha quế [14]. - Về dịch vụ: Từng bước xây dựng chợ nông thôn, các cơ sở dịch vụ thương mại, các điểm đại lý bán buôn, bán lẻ hàng hóa nhất là tại các trung tâm cụm xã, tạo điều kiện để những xã này có đủ điều kiện đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp nhận và cung ứng các mặt hàng phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Về ưu tiên nguồn lực cho hộ nghèo, vùng nghèo cho các xã đặc biệt khó khăn tập trung vào các mục tiêu như: đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, thủy lợi, giáo dục, y tế. Các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn được áp dụng một số chính sách ưu đãi về đất đai, đầu tư, tín dụng, chính sách thuế (thực hiện miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Thông tư 60 TC/TCT ngày 14/7/1994 và văn bản số 1111 TC-TCT ngày 12/3/1999 của Bộ Tài chính), chính sách xã hội (giáo dục, y tế, học nghề...) Đối với những hộ, những người có công với cách mạng, hộ thân nhân liệt sĩ, những hộ khó khăn có chủ gia đình là phụ nữ, hộ dân tộc ít người cũng cần có sự ưu tiên nguồn lực. Điều đó vừa thể hiện chính sách kinh tế để XĐGN vừa thể hiện chính sách xã hội "đền ơn đáp nghĩa" và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đổi mới. 3.2.7. Một số những giải pháp về xã hội Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo về giáo dục Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nghèo đói là do không biết cách làm ăn thiếu kiến thức khoa học và công nghệ. Tuy nhiên để có được những kiến thức đó cần phải bắt nguồn một cách vững chắc từ một trình độ dân trí nhất định và phải từ một nền giáo dục phổ thông cơ bản. Cho nên đối với người nghèo ngoài việc hỗ trợ về vốn, về các ưu đãi khác thì hỗ trợ họ về giáo dục là một trong những giải pháp tích cực giúp người nghèo từng bước thoát ra khỏi cảnh nghèo đói dai dẳng. Chính vì vậy, hướng hỗ trợ người nghèo về giáo dục ở tỉnh Phú Thọ được thực hiện theo những giải pháp sau đây: - Miễn học phí và các khoản đóng góp bằng tiền để xây dựng trường lớp đối với học sinh thuộc diện đói. Hộ nghèo được giảm từ 50 - 70%. - Học sinh bậc tiểu học là con em thuộc diện đói, nghèo được mượn sách giáo khoa và cấp vở viết. - Xét cấp học bổng cho các cháu học sinh giỏi, xây dựng quỹ khuyến học, hàng năm có xét cấp học bổng hoặc tặng thưởng cho những em nghèo vượt khó, vươn lên trong học tập. - Học sinh phổ thông trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn đến trường được cấp sách giáo khoa, văn phòng phẩm và miễn học phí. Tuy nhiên, hiện nay để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục ở những vùng khó khăn cần phải tiếp tục chính sách hướng vào đào tạo giáo viên theo địa chỉ, và về lâu dài phải hướng vào "địa phương hóa" nguồn giáo viên. Có chế độ trợ cấp cao hơn với giáo viên phục vụ ở miền núi, ở những vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để khuyến khích lực lượng giáo viên trẻ mới ra trường có nhiệt tình tâm huyết nhận công tác ở vùng sâu, vùng xa. Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế Có nhiều mối liên hệ móc xích giữa sức khỏe và đói nghèo. Sự đau yếu của một thành viên trong gia đình thường được xem là cái ngòi nổ hay yếu tố khởi đầu đẩy một gia đình rơi vào chu kỳ nợ nần nghèo kiệt. Cái giá của đau yếu trong một gia đình bao gồm sự hao tổn chi phí lao động không chỉ của người bệnh, mà còn của người trực tiếp trông nom vì mất thu nhập do lỡ mùa, do không đi bán được sản phẩm, không đi làm được do phải trông nom người ốm v.v...; chi phí đi lại, ăn uống khi đi tìm thầy thuốc và cả chi phí thực tế để chữa bệnh... Do đó, đối với người nghèo thì sự hỗ trợ của cộng đồng, làng xóm, xã hội về các dịch vụ y tế cho người nghèo đói là rất cần thiết. Về các giải pháp hỗ trợ người nghèo về y tế, hiện nay tỉnh Phú Thọ đang hướng tới các biện pháp cụ thể sau: - Củng cố xây dựng trạm xá ở các phường, xã và nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, đặc biệt là các cơ sở y tế ở vùng nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. - Tập trung giải quyết cho được vấn đề nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân, vận động nhân dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng dịch bệnh, thực hiện phòng bệnh tại nhà... Miễn hoặc giảm một phần kinh phí chữa bệnh cho người nghèo. Người nghèo khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Nhà nước được miễn giảm một phần viện phí theo thẻ khám bệnh được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp. Đồng bào trong vùng các xã đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh trong các cơ sở y tế của Nhà nước không mất tiền theo qui định tại Nghị định số 95/CP ngày 27/8/1994 của Chính phủ. Khuyến khích người nghèo tham gia tích cực vào chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình. Chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình là chương trình của toàn xã hội, song đối với người nghèo, vùng nghèo thì đây là vấn đề trực tiếp liên quan đến việc nâng cao đời sống của họ. Thông thường nghèo đói gắn liền với lạc hậu, dân trí thấp, đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn, đông con. Đến lượt nó, đông con, nhiều người ăn theo trước hết là một gánh nặng cho gia đình và sau đó là toàn xã hội. Do đó làm cho người dân và đặc biệt là người nghèo hiểu rằng: Hạn chế sinh đẻ, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, thực hiện mô hình gia đình có từ 1 đến 2 con là cách khôn ngoan để người nghèo tự cứu mình và cứu con cháu họ thoát khỏi trạng thái và cảnh ngộ đói, nghèo. Nhà nước, các cơ quan chức năng và các đoàn thể như đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ... cần giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo để họ có đủ hiểu biết và cuối cùng là khả năng tiếp cận được với chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, từ đó mà thúc đẩy sự nghiệp XĐGN đến thắng lợi. 3.2.8. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong công tác xóa đói giảm nghèo Trong thời gian qua và đặc biệt là trong 3 năm thực hiện chương trình quốc gia XĐGN, các đoàn thể nhân dân và Mặt trận tỉnh Phú Thọ đã góp phần không nhỏ vào chiến dịch chống nghèo đói, cụ thể là: Nguồn vốn mà các đoàn thể huy động được cho dự án tín dụng của người nghèo là 15.056 triệu đồng, chiếm khoảng 12% tổng số vốn tín dụng. Các đoàn thể đã cùng với các cơ quan chức năng làm tốt công tác khuyến nông, tuyên truyền cho mọi người dân về chủ trương XĐGN. Công tác tuyên truyền giáo dục đã được các ngành, hội đoàn thể, đặc biệt là Hội nông dân, tỉnh Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh phối kết hợp bằng nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng trong nông dân về chủ trương chính sách, thông tin về khoa học kỹ thuật, gương người tốt việc tốt, làm kinh tế giỏi trong công tác XĐGN. Với gần 300 tin bài đăng tải trên báo đài Trung ương và địa phương, gần 4.000 cuốn sách giới thiệu điển hình sản xuất giỏi và gần 50 cuốn thông tin công tác hội, các tổ chức này đã giúp cho hội viên nông dân ở cơ sở làm tư liệu sinh hoạt, học tập kinh nghiệm hăng hái thi đua làm giàu. Trong thời gian tới, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tiếp tục làm tốt hơn các nhiệm vụ cụ thể sau đây: - Vận động thuyết phục đoàn viên, hội viên tự nguyện tham gia phong trào XĐGN bằng những hành động cụ thể, thiết thực như: tuyên truyền cho mọi người dân thấy rõ XĐGN là trách nhiệm của cả cộng đồng, giáo dục cho hội viên tinh thần tích cực lao động sản xuất; chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phát triển ngành nghề. Hơn nữa, họ còn phát động trong toàn thể hội viên thực hiện tiết kiệm để tạo tích lũy vốn phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống thực hiện gia đình văn hóa mới, xây dựng nếp sống mới ở khu vực dân cư, chăm lo phát triển sự nghiệp y tế và giáo dục. - Phát động phong trào xây dựng quỹ tín dụng, hỗ trợ người nghèo. - Động viên những người làm ăn giỏi có kinh nghiệm hướng dẫn giúp đỡ bồi dưỡng đoàn viên, hội viên nghèo đói. Đoàn thanh niên là lực lượng trẻ, có trình độ, giàu lòng nhiệt huyết, có thể kết hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm tập hợp đoàn viên, mở các lớp tập huấn ngắn ngày về nuôi trồng cây con, bảo vệ thực vật (IPM)... Số đoàn viên làm ăn khá giỏi, sau khi được tập huấn trở về thôn xóm đã trở thành lực lượng nòng cốt hướng dẫn cho người nghèo làm ăn. Hội nông dân sử dụng giải pháp hướng dẫn "đầu bờ", mời những chủ hộ nông dân nghèo đến tại thửa ruộng, chuồng trại của các hộ làm ăn khá xem xét thực tế, cùng nhau bàn bạc, trao đổi. Từ đó để họ tiếp thu kinh nghiệm làm ăn, học tập kỹ thuật mới, vì đối với người nghèo không chỉ là vấn đề tri thức, mà còn là vấn đề tâm lý, nên nếu được những người cùng cảnh thực sự thông cảm thì người nghèo đỡ mặc cảm, dễ gần, dễ học. - Động viên nhân dân phát huy truyền thống quê hương đất Tổ vươn lên XĐGN. - Đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội. Không ít những người lao động trở thành những người nghèo đói bần hàn là do các tệ nạn mang lại, do đó bên cạnh vấn đề nâng cao dân trí, thực hiện ưu đãi cho người nghèo cần tích cực đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, số đề, ma túy, mại dâm. Đồng thời, ở các làng quê, các đoàn thể đã tuyên truyền vận động bà con bài trừ các hủ tục nặng nề trong ma chay, cưới xin, giỗ chạp..., đó cũng là một biện pháp gián tiếp để giúp người nghèo yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống từng bước thoát đói, vượt nghèo. Kết luận Thế kỷ thứ XX đã khép lại, nhân loại đang bước vào một thiên niên kỷ mới, gắn với những tiến bộ to lớn và vượt bậc của con người, song nhân loại vẫn đang phải đối đầu với nghèo khổ, một nỗi đau dai dẳng và trầm trọng trên con đường phát triển. XĐGN là một chủ trương to lớn và hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nó vừa thể hiện định hướng phát triển của đất nước, vừa thể hiện ý chí và nguyện vọng của cả một dân tộc là xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, có vị thế ngày càng to lớn trên trường quốc tế. Đối với Phú Thọ là một tỉnh miền núi phía Bắc, do điều kiện tự nhiên và do những yếu tố về lịch sử để lại Phú Thọ là một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, có tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao hơn bình quân trong cả nước. Trong tiến trình đua tranh và phát triển kinh tế vươn lên xây dựng quê hương đất Tổ giàu đẹp, XĐGN luôn được coi là một nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ. Với sự hỗ trợ to lớn của Đảng và Nhà nước trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Đảng và Nhà nước thực hiện chương trình quốc gia XĐGN đến nay Phú Thọ đã thu được những kết quả rất đáng tự hào trong chiến dịch tấn công vào nghèo đói. Công cuộc XĐGN đã được nhân dân trong tỉnh hết lòng ủng hộ và tích cực tham gia. Các hộ nghèo, vùng nghèo cũng đã tự mình vươn lên tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng để ổn định nâng cao đời sống và dần dần vươn tới khá giả. Những thành tích đó đã góp phần đáng kể vào việc giữ vững sự ổn định và tạo những tiền đề vững chắc cho công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh. Trong những năm tới cùng với công cuộc công nghiệp hóa nông thôn, chuyển dịch một nền kinh tế từ sản xuất thuần nông là chủ yếu, sang sản xuất hàng hóa đa dạng phong phú; phát huy thế mạnh của rừng, đồi kết hợp với thế mạnh của công nghiệp và dịch vụ để xây dựng và phát triển kinh tế thực hiện đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện tượng nghèo đói sẽ có những biến đổi phức tạp. Khoảng cách giàu nghèo có thể sẽ tiếp tục cách xa nhau. Điều đó đòi hỏi công cuộc XĐGN phải tiếp tục được đẩy mạnh. Đây là một sự nghiệp to lớn, lâu dài không thể nóng vội, mà cũng không được lơi lỏng, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn dân, của các tổ chức Đảng, đoàn thể của chính quyền, đòi hỏi sự cố gắng của chính những người nghèo, hộ nghèo. Đồng thời để nâng cao hiệu quả và sự thiết thực của công cuộc XĐGN phải có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa các chương trình kinh tế với các chương trình xã hội. Phải tiếp tục nghiên cứu các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các kinh nghiệm XĐGN của các tỉnh trong cả nước để đề ra được những giải pháp có tính khả thi hơn nữa cho công cuộc thoát đói vượt nghèo của Phú Thọ trong thời gian tới. Quyết tâm đưa mảnh đất địa linh nhân kiệt ấy ngày càng giàu về kinh tế, đẹp về truyền thống "con Lạc cháu Rồng" từ ngàn xưa để lại. Danh mục Tài liệu tham khảo Vũ Tuấn Anh, Những tiêu chuẩn đánh giá mức nghèo ở nông thôn, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, Số 227, tháng 4/1997. Vũ Đình Bách, Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998. Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1999, phương hướng nhiệm vụ năm 2000 của tỉnh Phú Thọ. Báo cáo tổng kết 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo tỉnh Phú Thọ (1998 - 2000) Hoàng Chí Bảo, Xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam - Nhìn nhận từ phương diện xã hội văn hóa của phát triển. Tạp chí Lao động và xã hội, số chuyên đề II, 1998. Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, Tài liệu học tập nghị quyết Hội nghị lần thứ tư - Ban chấp hành Trung ương Đảng - Khóa VIII. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998. Bộ lao động - Thương binh và Xã hội, Xóa đói giảm nghèo với tăng trưởng kinh tế - Nxb Lao động, Hà Nội, 1996. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Triển khai nghị quyết Trung ương 4 khóa VIII. Tích cực giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo. Bức tranh nghèo đói và thất nghiệp ở châu  u. Báo Nhân Dân, ngày 15-3-2000. Công ty ADUKI, Vấn đề nghèo ở Việt Nam - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996. Trần Minh Châu, Kinh tế thị trường và vấn đề xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 258, tháng 11/1999. Chương trình giải quyết việc làm đến năm 2000 tỉnh Phú Thọ. UBND tỉnh Phú Thọ, Việt Trì, tháng 7/1999. Chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN giai đoạn 1998 - 2000. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội 31 xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 1999 - 2005 của tỉnh Phú Thọ. UBND tỉnh Phú Thọ, Việt Trì, tháng 8/1999. Chương trình xóa đói giảm nghèo tỉnh Phú Thọ giai đoạn 1999 - 2005. UBND tỉnh Phú Thọ, Việt Trì, tháng 12/1999. Lê Đăng Doanh - Nguyễn Minh Tú, Tác động xã hội của cải cách kinh tế đối với sự phát triển vùng. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Tháng 1/1994. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ khóa XIV. Việt Trì, 1997. Nguyễn Thị Hằng, Vấn đề xóa đói giảm nghèo ở nông thôn nước ta hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997. Nguyễn Thị Hằng, Xóa đói giảm nghèo, một điểm sáng của thời kỳ đổi mới đất nước, Báo Nhân Dân, ngày 30-3-2000. C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 2, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. CMác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 23, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993. Rơnê Đuy Mông, Một thế giới không thể chấp nhận được, Hà Nội, 1990. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. Ngô Quang Minh, Tác động kinh tế của nhà nước góp phần xóa đói giảm nghèo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999. Niên giám thống kê tỉnh Phú Thọ, 1997. Niên giám thống kê tỉnh Phú Thọ, 1998. Lê Du Phong - Hoàng Văn Hoa, Kinh tế thị trường và sự phân hóa giàu nghèo ở vùng dân tộc và miền núi phía Bắc nước ta hiện nay - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999. Vũ Thị Ngọc Phùng, Tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và vấn đề xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999. Bùi Ngọc Thanh - Nguyễn Hữu Dũng - Phạm Đỗ Nhật Tân, Nghiên cứu chính sách xã hội nông thôn Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996. Hà Huy Thành (chủ biên), Những tác động tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000. Đỗ Thế Tùng, Tín dụng cho người nghèo ở nông thôn - Tạp chí Ngân hàng, số 6/1991. Trần văn Tùng, Nạn nghèo khổ trên thế giới, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, Số 257, tháng 10/1999. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLA2547.DOC
Tài liệu liên quan