Đánh giá hiện trạng hệ thống cây trồng và đề xuất một số biện pháp kỹ thuật trồng trọt hợp lý tại huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang

Bộ giáo dục và đào tạo trường đại học nông nghiệp hà nội ------------------ Lê đình hải Đánh giá hiện trạng hệ thống cây trồng và đề xuất một số biện pháp kỹ thuật trồng trọt hợp lý tại huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang Luận văn thạc sĩ nông nghiệp Chuyên ngành: trồng trọt Mã số: 60.62.01 Người hướng dẫn khoa học: pgs.ts. nguyễN thị lan Hà Nội, 2008 lời cam đoan Tôi xin cam đoan, số liệu và kết quả nghiên cứu trình bày trong luận văn này là trung thực và chưa được sử dụng để bảo vệ bất

doc122 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2400 | Lượt tải: 3download
Tóm tắt tài liệu Đánh giá hiện trạng hệ thống cây trồng và đề xuất một số biện pháp kỹ thuật trồng trọt hợp lý tại huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
kỳ một học vị nào. Tôi xin cam đoan, mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện luận văn này đã được cảm ơn và các thông tin trích dẫn trong luận văn đều đã được chỉ rõ nguồn gốc. Tác giả Lê Đình Hải lời cảm ơn Tôi xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS. TS Nguyễn Thị Lan, người đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn tôi trong suốt thời gian thực hiện đề tài cũng như trong quá trình hoàn chỉnh luận văn tốt nghiệp. Xin chân thành cảm ơn các thầy, cô giáo Khoa Sau Đại học; Bộ môn Hệ thống nông nghiệp - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo và các thầy cô giáo trường Cao đẳng Nông - Lâm đã giúp đỡ tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Xin chân thành cảm ơn Sở tài nguyên môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang; UBND huyện Tân Yên; UBND và bà con nông dân các xã Cao Thượng, Ngọc Vân và Song Vân, gia đình và bạn bè, đồng nghiệp đã nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ tôi trong quá trình học tập cũng như thực hiện đề tài và hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Tác giả Lê Đình Hải Mục lục Lời cam đoan Lời cám ơn Mục lục Danh mục viết tắt Danh mục viết tắt HTNN Hệ thống nông nghiệp HSTNN Hệ sinh thái nông nghiệp HTCT Hệ thống canh tác HTTT Hệ thống trồng trọt HTCTr Hệ thống cây trồng CT Công thức ĐC Đối chứng P Khối lượng THCS Trung học cơ sở THPT Trung học phổ thông UBND Uỷ ban nhân dân Mở đầu 1.1. Đặt vấn đề Để theo kịp nhịp độ phát triển chung của các nước trong khu vực và trên toàn thế giới, tạo bước tiến cao hơn trên con đường xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam phải bằng mọi cách thúc đẩy nền kinh tế quốc dân, đó là thực hiện sự nghiệp “Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá” nông thôn trên phạm vi cả nước. Hiện nay, quỹ đất nông nghiệp ngày càng suy giảm do việc chuyển đổi mục đích sử dụng để phát triển kinh tế. Do vậy, thâm canh tăng vụ đi đôi với việc bố trí lại hệ thống cây trồng, nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lợi tự nhiên, cho hiệu quả cao là một vấn đề cấp thiết. Nghiên cứu hiện trạng hệ thống cây trồng, đánh giá tiềm năng đất đai, xem xét mức độ thích hợp của các loại hệ thống cây trồng và tình hình sử dụng đất làm cơ sở cho việc đề xuất một số biện pháp kỹ thuật trồng trọt hợp lý là vấn đề có tính chiến lược và cấp thiết của Quốc gia cũng như từng địa phương. Trong những năm gần đây, chúng ta đã triển khai nhiều hệ thống cây trồng trên các vùng đất khác nhau, đặc biệt là “vùng đất bạc màu ở trung du và miền núi” mang lại một số hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tân Yên là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, bao gồm 22 xã và 2 thị trấn với diện tích tự nhiên là 20.372,68 ha. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 13.251,21 ha, chiếm 65,04% diện tích đất tự nhiên. Dân số toàn huyện năm 2007 là 164.974 người, dân số nông nghiệp 159.876 người chiếm 96,93% dân số. Do vậy, để phát triển nền kinh tế huyện Tân Yên, phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bằng cách nghiên cứu hiện trạng hệ thống cây trồng để đưa ra những hệ thống cây trồng phù hợp. Đưa các giống mới có giá trị cao vào sản xuất và tác động biện pháp kỹ thuật canh tác hợp lý cho các giống mới nhằm tạo năng suất, chất lượng cao hơn. Tân Yên nằm ở phía tây của tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang khoảng 20 km. Địa hình huyện Tân Yên khá đa dạng, bao gồm các loại đất đồi núi, đất vàn, đất trũng, tài nguyên thiên nhiên cho phép phát triển các hệ thống cây trồng, vật nuôi đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, do địa hình đa dạng, có nhiều loại đất khác nhau nên hệ thống cây trồng của huyện khá đa dạng, song năng suất cây trồng chưa cao, chưa tương ứng với tiềm năng sẵn có của huyện. Theo chúng tôi, có nhiều nguyên nhân như: đất có độ phì nhiêu thấp; hệ thống nông nghiệp thiếu sự quy hoạch đồng bộ; hệ thống tưới tiêu kém; chưa sử dụng nhiều các giống có năng suất cao; kỹ thuật canh tác còn thấp, lượng phân bón còn ít và mất cân đối.... Vấn đề đặt ra: Làm thế nào để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế của huyện trong những năm tới, thực hiện tốt công cuộc đổi mới, hình thành nền nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện sinh thái của từng vùng, từng bước nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Xuất phát từ thực tế trên chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Đánh giá hiện trạng hệ thống cây trồng và đề xuất một số biện pháp kỹ thuật trồng trọt hợp lý tại huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang”. 1.2. Mục đích của đề tài Thông qua kết quả đánh giá hiện trạng các nguồn tài nguyên khí hậu, điều kiện kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng tài nguyên đất và các hệ thống cây trồng, để phát hiện được các lợi thế và nhưng tồn tại của các hệ thống cây trồng hiện tại. Đề xuất một số biện pháp kỹ thuật trồng trọt hợp lý nhằm xây dựng các hệ thống cây trồng mới mang lại hiệu quả cao và bền vững cho huyện Tân Yên. 1.3. Yêu cầu của đề tài - Đánh giá điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của huyện. - Phân tích hiện trạng sử dụng đất tự nhiên và đất nông nghiệp. - Đánh giá hiện trạng các giống cây trồng chính. - Phân tích hiện trạng các hệ thống cây trồng. - Đánh giá hiện trạng biện pháp kỹ thuật canh tác với các cây trồng chính. - Thực nghiệm và đánh giá hiệu quả các dòng, giống, kỹ thuật bón lân cho lạc trên địa bàn huyện. - Đề xuất một số biện pháp kỹ thuật canh tác. 1.4. ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài 1.4.1. ý nghĩa khoa học - Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần bổ sung phương pháp luận về hệ thống cây trồng, sử dụng tài nguyên theo quan điểm phát triển nông nghiệp bền vững với từng điều kiện sinh thái khác nhau của huyện Tân Yên. - Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học cho việc xây dựng các mô hình sử dụng đất đai bền vững, có hiệu quả ở nông thôn của vùng trung du, miền núi tỉnh Bắc Giang. 1.4.2. ý nghĩa thực tiễn - Đề xuất một số biện pháp kỹ thuật trồng trọt hợp lý nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần xoá đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng trung du, miền núi của tỉnh Bắc Giang. - Đề xuất các dòng, giống và lượng bón lân thích hợp với cây lạc đạt năng suất cao cho vùng. - Có thể coi đây là báo cáo đánh giá hiện trạng hệ thống cây trồng chi tiết đầu tiên tại huyện Tân Yên, và là cơ sở để huyện Tân Yên xây dựng kế hoạch phát triển sản suất nông nghiệp trong thời gian tới. Tổng quan tài liệu 2.1. Cơ sở lý thuyết 2.1.1. Các lý thuyết về hệ thống Nghiên cứu phát triển hệ thống canh tác được xuất phát từ lý thuyết hệ thống, đã được các nhà khoa học Speeding, 1979 [41], Phạm Chí Thành, 1996, [22]... đề cập tới. Các tác giả đều cho rằng: Hệ thống là một tổng thể có trật tự của các yếu tố khác nhau có quan hệ tác động qua lại. Một hệ thống có thể xác định như một tập hợp các đối tượng hoặc các thuộc tính được liên kết bằng nhiều mối tương tác. Hệ thống nông nghiệp (HTNN) là sự biểu hiện không gian của sự phối hợp các ngành sản xuất và kỹ thuật do một xã hội thực hiện để thoả mãn nhu cầu. Nó biểu hiện sự tác động qua lại giữa hệ thống sinh học, sinh thái, môi trường tự nhiên là đại diện và một bên là hệ thống xã hội, văn hoá thông qua các hoạt động xuất phát từ những thành quả kỹ thuật. Hệ thống nông nghiệp thích ứng với các phương thức khai thác nông nghiệp trong không gian nhất định do một xã hội tiến hành, là kết quả của việc phối hợp các yếu tố tự nhiên, xã hội - văn hóa, kinh tế và kỹ thuật (Nguyễn Duy Tính) [28]. Theo Đào Thế Tuấn (1988) [33], HTNN về thực chất là sự thống nhất của hai hệ thống: (1) Hệ sinh thái nông nghiệp (HSTNN) là một bộ phận của hệ sinh thái tự nhiên bao gồm các vật sống trao đổi năng lượng, vật chất và thông tin với ngoại cảnh tạo nên năng suất sơ cấp (trồng trọt) và thứ cấp (chăn nuôi) của hệ sinh thái. (2) Hệ kinh tế - xã hội, chủ yếu là hoạt động của con người trong sản xuất để tạo ra của cải vật chất của toàn xã hội. Hệ thống canh tác (HTCT) là một hệ thống độc lập, ổn định giữa các hoạt động sản xuất phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của nông hộ. Do đó, khi xem xét, đánh giá một hệ thống canh tác tại một vùng nào đó có phù hợp hay không, chúng ta phải đánh giá chúng trong mối quan hệ với các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng đó. Như vậy, hệ thống canh tác là một tổ hợp sản xuất (bao gồm nhiều ngành nghề có mối quan hệ mật thiết với nhau). Cấu trúc của hệ thống canh tác không phải là phép cộng đơn giản các yếu tố, các đối tượng mà là sự kết hợp hữu cơ giữa các yếu tố, các đối tượng, chúng có tác động qua lại với nhau và có mối quan hệ ràng buộc với môi trường (Đào Thế Tuấn, 1997) [34]. Theo Barkef, 1996 [40], hệ thống canh tác là sự biểu hiện không gian của sự phối hợp các ngành sản xuất và các kỹ thuật do một xã hội thực hiện để thoả mãn các nhu cầu của họ. Nó biểu hiện đặc biệt sự tác động qua lại giữa một hệ thống sinh học, sinh thái, môi trường tự nhiên và một bên là hệ thống xã hội văn hoá, qua các hoạt động xuất phát từ những thành quả kỹ thuật, hệ thống nông nghiệp là một phạm trù rộng còn hệ thống canh tác là một tổ hợp cây trồng, trong không gian và thời gian của một vùng khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, trong một điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Hệ thống canh tác là một tổng thể giữa môi trường, cây trồng, vật nuôi nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với xã hội và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Các hệ thống phụ trong hệ thống canh tác có quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại với nhau và cũng chịu sự tác động qua lại của yếu tố bên ngoài, đó là môi trường, tạo thành hiệu ứng hệ thống rất đặc thù. Vì thế, hệ thống canh tác phải được xây dựng trên cơ sở phân tích một cách khách quan các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và đặc điểm sinh học của cây trồng, vật nuôi để vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa có tác dụng lâu bền. Theo Nguyễn Duy Tính, 1995 [28], thực chất HTCT đồng nhất với khái niệm hệ thống nông nghiệp, HTCT dùng nhiều trong các nước nói tiếng Anh, HTNN dùng nhiều trong hệ thống nông nghiệp của Pháp. Các khái niệm về HTCT cũng như HTNN là một phương thức khai thác môi trường trong một không gian và thời gian nhất định nhằm thoả mãn nhu cầu của con người và đảm bảo phát triển bền vững. Hệ thống trồng trọt (HTTT) là hệ thống con và là trung tâm của HTCT, cấu trúc của nó quyết định sự hoạt động của các hệ phụ khác như chăn nuôi, chế biến, ngành nghề. Nghiên cứu hệ thống trồng trọt là một vấn đề phức tạp vì nó liên quan đến các yếu tố môi trường như đất đai, khí hậu, sâu bệnh, mức đầu tư phân bón, trình độ khoa học nông nghiệp và vấn đề hiệu ứng hệ thống của hệ thống cây trồng. Tuy nhiên, tất cả nghiên cứu trên đều nhằm mục đích sử dụng có hiệu quả đất đai và nâng cao năng suất cây trồng. Như vậy, đặc điểm chung nhất của HTCT là bao gồm nhiều hệ thống trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiếp thị, quản lý kinh tế, được bố trí một cách có hệ thống, ổn định, phù hợp với mục tiêu của từng nông trại hay tiểu vùng nông nghiệp (Nguyễn Duy Tính,1995, [28]). Hệ thống cây trồng (HTCTr) là thành phần các loại cây được bố trí trong không gian và thời gian của một vùng sinh thái nông nghiệp, nhằm tận dụng hợp lý các tài nguyên kinh tế - xã hội... (Đào Thế Tuấn 1984, [30]). Theo IRRI, 1989, hệ thống cây trồng (HTCTr) là hình thức tập hợp của một tổ hợp đặc thù các tài nguyên trong nông trại ở một môi trường nhất định, bằng những công nghệ sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp sơ cấp. Định nghĩa này không bao gồm hoạt động chế biến, nó vượt quá hình thức phổ biến ở các nông trại cho các sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt riêng biệt, nhưng nó bao gồm những nguồn lực của nông trại được sử dụng cho việc tiếp thị những sản phẩm đó. HTCTr là tập hợp các đơn vị có chức năng riêng biệt, đó là hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và tiếp thị. Các đơn vị đó có mối quan hệ qua lại với nhau vì cùng dùng chung những nguồn lực nhận từ môi trường, khái niệm này được dùng để hiểu HTCTr vượt khỏi ranh giới cụ thể của từng nông trại (dẫn theo Nguyễn Duy Tính, 1995) [28]. Hệ thống cây trồng là hoạt động sản xuất cây trồng của nông trại bao gồm tất cả các hợp phần cần có để sản xuất một tổ hợp cây trồng và mối quan hệ giữa chúng với môi trường. Các hợp phần này, bao gồm tất cả các yếu tố vật lý và sinh học, cũng như kỹ thuật, lao động quản lý (Zandstra, 1982) [39]. Sơ đồ 1: Các thành phần của hệ thống nông nghiệp HTNN, HTCTr, HTTT có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. (dẫn theo Nguyễn Thị Thuỷ [29]). Đầu ra Hệ thống nông nghiệp Hệ thống cây trồng Cây trồng Hệ thống trồng trọt Hệ thống chăn nuôi Hệ thống chế biến Công thức luân canh Năng suất chất lượng giá cả Môi trường điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội Đầu vào Như vậy, HTNN không thể tách rời HTTT. Mối quan hệ giữa HTNN và HTTT rất mật thiết, HTTT là trung tâm của HTNN và xu hướng phát triển của HTTT có tính chất quyết định đến xu hướng phát triển của HTNN. Nghiên cứu HTTT nhằm bố trí, cải thiện lại các thành tố trong hệ thống hoặc chuyển đổi chúng làm tăng hệ số sử dụng đất, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai và lợi thế của từng vùng sinh thái nông nghiệp, sử dụng hiệu quả tiền vốn, lao động và kỹ thuật..., để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. 2.1.2. Cơ sở khoa học của xác định cơ cấu cây trồng Theo Phạm Chí Thành, Đào Châu Thu, Trần Đức Viên, Phạm Tiến Dũng, 1996 [23] cơ cấu cây trồng có 5 đặc trưng: - Cơ cấu cây trồng mang tính khách quan; - Cơ cấu cây trồng phải đảm bảo các mối quan hệ cân đối và đồng bộ giữa các bộ phận trong một tổng thể; - Cơ cấu cây trồng bao giờ cũng là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử nhất định; - Cơ cấu cây trồng không ngừng vận động, biến đổi và phát triển; - Chuyển dịch cơ cấu cây trồng là quá trình không sẵn có một cơ cấu kinh tế hoàn thiện. Việc xác định hệ thống cây trồng cho một vùng, một khu vực sản xuất nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, ngoài ra còn phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa cây trồng và điều kiện khí hậu, đất đai, quần thể sinh vật, tập quán canh tác, phương hướng sản xuất của vùng. Phương hướng sản xuất quyết định cơ cấu cây trồng, ngược lại cơ cấu cây trồng là cơ sở hợp lý nhất để xác định phương hướng sản xuất của khu vực đó. Vì vậy, bố trí hệ thống cây trồng có cơ sở khoa học sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp các nhà quản lý có cơ sở để xác định phương hướng sản xuất một cách đứng đắn (Đào Thế Tuấn, 1984) [30]. 2.1.3. Quan điểm phát triển hệ thống nông nghiệp Theo Phạm Bình Quyền, Phạm Chí Thành, Trần Đức Viên, (1992) [19] trong phát triển nông nghiệp, phải coi nông nghiệp là một hệ thống để tác động vào nó một cách đồng bộ tích cực, phải xem nông nghiệp là sự đan xen kết hợp giữa ba lĩnh vực: khoa học sinh học; kinh tế - xã hội và cây trồng, vật nuôi. Phải xác định vùng nghiên cứu có môi trường tự nhiên, kinh tế xã hội như thế nào?, những điều kiện của vùng như đất đai, lao động, vốn, đầu tư, kinh nghiệm quản lý và những định hướng phát triển kinh tế trong những năm trước mắt và lâu dài như thế nào? Có nhiều cách nghiên cứu, tiếp cận để phân tích hệ thống, nhưng theo Phạm Chí Thành (1996) [22] phân tích; phương pháp tiếp cận hệ thống có 3 đặc điểm đó là: (1) Tiếp cận từ "dưới lên" là quan điểm quan trọng nhất, hiện nay trong khoa học nông nghiệp áp dụng phương pháp tiếp cận ''trên xuống''. Tiếp cận từ dưới lên dùng phương pháp xem xét hệ thống nông nghiệp có những điểm hạn chế nào (điểm thắt), rồi tìm cách can thiệp giải quyết các hạn chế đó. Phương pháp tiếp cận từ dưới lên thường có 3 giai đoạn nghiên cứu: chẩn đoán; thiết kế thử nghiệm và triển khai. Tiếp cận từ dưới lên rất quan tâm đến việc tìm hiểu logic của người nông dân ''là một nhà tư sản bóc lột sức lao động của mình và tài nguyên sẵn có'', nếu không hiểu logic ra quyết định của người nông dân thì không thể đề xuất các biện pháp kỹ thuật mà người nông dân có thể tiếp thu. (2) Coi trọng mối quan hệ xã hội như các nhân tố hệ thống. Trong thực tế nông dân không áp dụng các kỹ thuật mới là do họ gặp phải cản trở về kinh tế - xã hội, nếu không thay đổi được các nhân tố này thì không giải quyết được vấn đề. Trong giai đoạn chẩn đoán việc phân tích kiểu nông hộ là một khâu quan trọng trong quá trình nghiên cứu. (3) Phân tích động thái của sự phát triển hệ thống nông nghiệp giúp ta xác định được hệ thống phát triển trong quá khứ và phương hướng phát triển hệ thống nông nghiệp trong tương lai, đồng thời giải quyết các vấn đề cản trở sao cho phù hợp với xu hướng phát triển ấy, phải xác định vị trí của hệ thống canh tác hiện tại trong quá trình phát triển của nó, coi quá trình phát triển nông nghiệp từ thấp đến cao là một quy luật. Mazoyer, 1993, [45] cho rằng lịch sử phát triển nông nghiệp của thế giới đã trải qua 5 thời kỳ, đó là: + Nông nghiệp du canh, du cư; + Nông nghiệp định canh; + Nông nghiệp hỗn hợp; + Nông nghiệp chuyên môn hóa; + Nông nghiệp theo kiểu chuyên nghiệp. Nền nông nghiệp hịên nay ở Việt Nam nói chung và khu vực miền Bắc nói riêng đang ở dạng nông nghiệp hỗn hợp, một số khu vực vẫn ở trong tình trạng du canh. Tuy nhiên, trong hệ thống trồng trọt có vùng đã định hướng chuyên canh rõ rệt như vùng cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung. Song, nông dân ở những vùng này chưa có tính chuyên môn hoá cao và quy mô còn nhỏ, một số nơi hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung nhưng vẫn là nền nông nghiệp hỗn hợp theo hướng đa canh hoá, đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp vật nuôi. Theo Phạm Chí Thành, Đào Châu Thu, Trần Đức Viên, Phạm Tiến Dũng (1996) [23], xác định và phân tích hệ thống canh tác là một nội dung chính của nghiên cứu hệ thống canh tác, hiện nay đang tồn tại hai quan điểm về phát triển hệ thống nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp theo quan điểm sinh thái, có nghĩa là đặt cây trồng, vật nuôi đúng vị trí của nó trong môi trường (tự nhiên, kinh tế - xã hội), sao cho đạt năng suất cao, phát triển ổn định, bảo vệ môi trường. Phát triển nông nghiệp theo quan điểm kinh tế thị trường, nghĩa là nông dân tự do kinh doanh, họ lấy lợi ích kinh tế là mục tiêu chính, họ chỉ sản xuất những gì mà khách hàng cần, họ cạnh tranh trong sản xuất và tiền tệ hoá trong quá trình sản xuất. Cả hai xu hướng phát triển trên đều có những ưu và khuyết điểm riêng. Tuy nhiên, trong phát triển nông nghiệp cần kết hợp hài hoà giữa phát triển nông nghiệp theo kinh tế thị trường và nông nghiệp sinh thái. Khi xem xét về nguyên tắc của nông nghiệp sinh thái, các tác giả như Cao Liêm, Phạm Văn Phê, Nguyễn Thị Lan (1995) [16] cho rằng nông nghiệp sinh thái không phá vỡ môi trường, đảm bảo năng suất ổn định, khả năng thực thi, không phụ thuộc vào bên ngoài và ít phụ thuộc vào hàng ngoại nhập. Nội dung của nông nghiệp sinh thái là: (1) Tính đa dạng sinh học bao gồm nhiều loại cây, luân canh, xen canh, lai tạo giống mới, trồng trọt theo phương thức nông lâm kết hợp, bảo tồn và giữ gìn các giống cây trồng và vật nuôi. (2) Nuôi dưỡng cho đất sống bằng cách thường xuyên bón phân hữu cơ cho đất, che phủ mặt đất để trống xói mòn, rửa trôi, khử các yếu tố gây hại cho đất. (3) Bảo đảm tái sinh học đất bao gồm việc cung cấp trở lại lượng phân hữu cơ cho đất. 2.1.4. Lý thuyết của một số mô hình phát triển nông nghiệp Nghiên cứu phát triển nông nghiệp thế giới đã đưa ra những lý thuyết khác nhau ở mỗi giai đoạn. Các thuyết này đã định hướng cho sự phát triển của nông nghiệp thế giới ở các giai đoạn đó. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đi theo hướng khác nhau, bằng con đường khác nhau. Theo Đào Thế Tuấn (1984) [30], các nước đang phát triển muốn đưa nông nghiệp phát triển với khả năng tăng trưởng từ 1% năm lên 4% năm phải áp dụng một trong các thuyết sau đây để giải thích quá trình phát triển: (1) Thuyết mô hình bảo vệ: thuyết này cho rằng sở dĩ nông nghiệp bị thoái hoá là do độ màu mỡ bị giảm dần và đất bị kiệt quệ. Muốn tăng năng suất phải phục hồi và bảo vệ độ màu mỡ của đất bằng cách luân canh cây trồng, bón phân hữu cơ và phân hoá học; (2) Thuyết mô hình thúc đẩy của thành thị công nghiệp: thuyết này chủ trương cho rằng nông nghiệp chỉ phát triển mạnh các vùng quanh và gần thành thị, nguyên nhân chính là do thành thị cung cấp vật tư nông nghiệp và là thị trường thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp; (3) Mô hình khuếch tán: thuyết này cho rằng kỹ thuật tiên tiến và phương pháp quản lý trong nông nghiệp phổ biến dần từ nông dân này sang nông dân khác, từ vùng này sang vùng khác như các giống cây trồng và các loài gia súc tốt. Do vậy chỉ đẩy mạnh phổ biến kỹ thuật và thúc đẩy kinh tế là thúc đẩy được sự phát triển nông nghiệp; (4) Thuyết mô hình đầu tư và hiệu quả cao: thuyết này cho rằng nông dân cổ truyền sở dĩ không tiếp thu được kỹ thuật mới vì thiếu các đầu tư có hiệu quả. Tình trạng này được thay đổi từ khi xuất hiện các giống lúa mì, lúa và ngô có năng suất cao do các trung tâm nghiên cứu quốc tế tạo ra. Các giống này phản ứng mạnh với phân bón, thuốc trừ sâu, cải tạo đất nên mang lại hiệu quả cao cho người nông dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh, tạo nên “cuộc cách mạng xanh”; (5) Thuyết mô hình phát triển bị kích thích: theo thuyết này sự thay đổi giá cả trên thị trường kích thích cải tiến kỹ thuật và tạo nên sự phát triển. Việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững hiện nay không chỉ áp dụng một mô hình theo các thuyết kể trên mà phải kết hợp hài hoà lý thuyết của 5 mô hình phát triển. So sánh định hướng phát triển nông nghiệp qua các giai đoạn của Việt Nam với các thuyết trên thì thấy rằng: Việt Nam là nước đang phát triển, quá trình phát triển nông nghiệp hội tụ cả 5 thuyết mô hình phát triển nông nghiệp. Nền nông nghiệp Việt Nam đang chuyển sang sản xuất hàng hoá, tìm kiếm thị trường, thu hút đầu tư cải tiến kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến. Bài học về phát triển nông nghiệp trong thời gian qua cho thấy việc tìm thị trường đầu ra (nội địa hay xuất khẩu) cho các mặt hàng nông sản quyết định đến đầu tư và sự phát triển của các đối tượng này. 2.2. Tình hình nghiên cứu trong nước và ngoài nước 2.2.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài Từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XVIII, trong suốt 1000 năm chế độ luân canh phổ biến trong nông nghiệp châu Âu là chế độ luân canh 3 khu và luân chuyển trong 3 năm, với hệ thống canh tác: Ngũ cốc - ngũ cốc và bỏ hoá. Năng suất ngũ cốc trong suốt thời kỳ này chỉ đạt 5 - 6 tạ/ha và đến thế kỷ thứ XVIII năng suất chỉ đạt 7 - 8 tạ/ha. Sau khi tìm ra châu Mỹ, một số cây trồng được di thực từ châu Mỹ vào châu Âu như khoai tây, ngô... cùng với việc phát triển một số cây họ đậu đã tạo điều kiện cho việc hình thành hệ canh tác mới. Đó là chế độ luân canh 4 vụ, 4 năm. Chế độ luân canh này đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển nông nghiệp của châu Âu, năng suất ngũ cốc tăng gấp 2 lần so với chế độ luân canh cũ và sản lượng lương thực, thực phẩm trên một ha canh tác tăng gấp 4 lần (do cây có củ, cây có quả được đưa thêm vào hệ thống cây trồng). Chế độ luân canh mới bắt đầu được áp dụng rộng rãi và đem lại nhiều thắng lợi ở nước Anh và sau đó lan rộng ra các nước Bỉ, Hà Lan, Đức, Pháp và các nước Tây Âu (Phùng Đăng Chinh và các cộng sự, 1987) [3], (Bùi Huy Đáp 1996) [7]. Chương trình nghiên cứu phối hợp toàn ấn Độ 1960 - 1972 lấy hệ thâm canh tăng vụ chu kỳ một năm làm hướng chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp đã cam kết '' Hệ canh tác giành ưu tiên cho cây lương thực hai vụ ngũ cốc trên năm, thêm vào một vụ đậu đỗ đã đáp ứng được ba mục tiêu: khai thác được tối ưu tiềm năng của đất đai, ảnh hưởng tích cực đến độ phì nhiêu của đất trồng và đảm bảo lợi ích của người nông dân'' (dẫn theo Hoàng Văn Đức, 1992) [12]. Tại Đài Loan để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, người ta đã nghiên cứu ra giống cây hoa mầu chịu bóng để trồng xen với cây mía và giống cây chịu hạn trồng mùa khô sau khi thu hoạch lúa mùa. Theo tài liệu của Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững (1999), hiện nay có khoảng 25% diện tích đất canh tác trên thế giới đang bị sa mạc hoá, mỗi năm có 8,5 triệu ha đất bị mất do xói mòn. Đặc biệt việc sử dụng nhiều phân đạm vô cơ trong sản xuất nông nghiệp đã làm cho hàm lượng NO-3 tăng lên đáng kể, làm ô nhiễm nguồn nước ngầm và chất lượng nông sản phẩm. Theo tài liệu của FAO (1992), [46], trên thế giới hàng năm có khoảng 15% đất bị suy thoái vì các lý do nhân tạo, trong đó suy thoái vì xói mòn do nước chiếm 55,7%, do gió 28%, mất dinh dưỡng do rửa trôi 12,2%. ở Mỹ mỗi năm đất bị mất khoảng 18 tỷ USD chất dinh dưỡng do bị rửa trôi, xói mòn, tương đương 22 triệu tấn đất bị mất hàng năm. Trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp lâu dài, loài người đã lựa chọn ra nhiều giống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng sinh thái và con người đã thiết lập nên các hệ thống cây trồng cho phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau. Các nhà nông nghiệp trên thế giới đã và đang tập trung mọi nỗ lực nghiên cứu cải tiến hoàn thiện hệ thống cây trồng bằng cách đưa thêm một số loại cây trồng và hệ thống canh tác nhằm tăng sản lượng lương thực, thực phẩm trên một đơn vị diện tích. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, các nhà sinh lý thực vật đã phát hiện: Trong tự nhiên không có loại cây nào có thể sử dụng toàn thể tài nguyên thiên nhiên ở một vùng, đặc biệt là vùng nhiệt đới. Do vậy, trên đất đang sản xuất nông nghiệp, ánh sáng, đất đai, nguồn nước còn chưa được sử dụng đúng mực, còn nhiều khả năng tăng vụ, phát triển sản xuất. Các nhà nghiên cứu của IRRI đã nhận thức rằng giống lúa mới thấp cây, lá đứng tiềm năng cho năng suất cao chỉ có thể giải quyết vấn đề lương thực trong phạm vi hạn chế. Từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước các nhà khoa học ở châu á đã đi sâu nghiên cứu toàn bộ hệ thống cây trồng trên đất lúa theo hướng lấy lúa làm nền và tăng cường phát triển các loại cây hoa mầu trồng cạn. Như vậy, các hệ thống cây trồng mới rất đa dạng và tập trung giải quyết các vấn đề sau: - Tăng vụ bằng các cây trồng ngắn ngày để thu hoạch trước mùa lũ. - Thử nghiệm tăng vụ màu bằng các cây trồng mới, trồng xen, luân canh, tăng vụ. - Xác định hiệu quả các công thức luân canh, tìm và khắc phục các yếu tố hạn chế để phát triển công thức đạt hiệu quả cao. A.A. Gomez, H.G. Zandstra (1982) [43] khẳng định xen canh gối vụ có tác dụng tăng tổng sản lượng của các cây trồng cạn, đã tạo ra chế độ che phủ đất tốt hơn, tận dụng được bức xạ mặt trời trong suốt thời gian sinh trưởng. Các hệ thống cây trồng đã được thực hiện: ngô - lúa; lúa - đậu xanh; lúa - lúa mì; lúa - rau; lúa - lúa mì - ngô. Trung Quốc từ những năm 1980, ở khu vực phía Nam đã thí nghiệm xây dựng nền nông nghiệp sinh thái. ở Xiaoliang, một vùng đồi cuả Quảng Đông bị sa mạc hoá, xói mòn mạnh, nhiệt độ mặt đất cao, trước đây người ta trồng bạch đàn nhưng đều không thành công. Cuối cùng đã chọn đã hệ thống cây trồng theo hướng đa dạng hoá và trồng nhiều tầng đã thu được thành công. Theo Triệu Kỳ Quốc, 1994, trên đất lúa hai vụ thuộc vùng núi phía Nam thường được canh tác 2 hoặc 3 vụ với hệ thống cây trồng là: lúa - lúa mì - khoai tây; lạc - đậu tương - lúa mì. Trên đất lúa một vụ thuộc vùng cao nguyên (gồm tỉnh Vân Nam, Quế Châu, Tứ Xuyên và Tây Tạng), thường canh tác với hệ thống cây trồng là lúa luân canh với cây trồng cạn (dẫn theo Nguyễn Thị Thuỷ, 2004) [29]. ở Thái Lan trong điều kiện thiếu nước, một hệ thống cây trồng lúa xuân - lúa mùa ít mang lại hiệu quả vì chi phí tiền nước qúa lớn, cộng thêm sự độc canh cây lúa làm ảnh hưởng xấu đến chế độ đất. Bằng việc dịch cây lúa xuân sang cây lạc làm cho giá trị tổng sản phẩm tăng lên đáng kể, diện tích tăng gấp đôi, hiệu quả kinh tế tăng gấp rưỡi, độ phì đất được tăng lên rõ rệt. Đây là một thành công lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Thái Lan (Tejwani V.L. - Chun K.Lai Indonesia, 1992) [47]. Tại Banuma có mùa khô ngắn, mùa mưa (ẩm ướt) dài, hai đỉnh thu hoạch lúa đã chứng tỏ đa số nông dân trồng 2 vụ lúa trên một diện tích. Ngô thu hoạch vào đỉnh mùa mưa (tháng 5), lạc thu hoạch quanh năm (dẫn theo Nguyễn Điền , Trần Đức, 1993, [11], Bùi Thị Xô, 1994, [38]). ở những khu vực đất bằng, nông dân châu á đã sử dụng nhiều hệ canh tác. Những hệ canh tác này gồm các hệ thống cây trồng khác nhau (lúa, rau, khoai lang, ngô, đậu...), nói chung hệ thống cây trồng luân canh giữa chế độ cây trồng nước và chế độ cây trồng cạn, giữa cây lương thực và cây họ đậu, hệ thống luân canh giữa không gian và thời gian có hiệu quả cao (dẫn theo Hoàng Văn Đức, 1992) [12]. Vấn đề hiệu quả kinh tế các công thức luân canh trên đất lúa cũng được nhiều nhà khoa học quan tâm, đặc biệt ở ấn độ và Pakistan. Nghiên cứu vấn đề này các tác giả đã đề cập đến cơ cấu luân canh cây trồng hợp lý, phụ thuộc vào điều kiện canh tác và giá cả nông sản trên thị trường. Tại vùng Dandkadi, năm 1981 có 13 công thức luân canh khác nhau được áp dụng, năm 1982 có 18 công thức luân canh, năm 1983 có 16 công thức luân canh, trong đó phổ biến nhất là cơ cấu 2 vụ. Tại vùng Mirrapur và Tangril có các công thức đáng chú ý là lúa xuân - lúa hè, đảm bảo nền cho việc tăng thêm vụ đông trên một phần diện tích với các cây trồng là lúa mì, cải cay, khoai tây, ớt, kê... công thức luân canh này được nông dân áp dụng rộng rãi vì nó đảm bảo lương thực quanh năm và có hiệu quả kinh tế cao (dẫn theo Bùi Thị Xô, 1994) [38]. Chương trình SALT của Philippines đã khảo nghiệm có kết quả với hệ thống cây trồng và biện pháp canh tác như sau: cây hàng năm và cây lâu năm được trồng thành băng xen kẽ rộng từ 4 - 5 m, các loại cây họ đậu cố định đạm được trồng thành hai hàng dày theo đường đồng mức để tạo thành hàng rào. Khi những cây hàng rào cao 1,5 - 2 m người ta đốn để lại 40 cm gốc, cành lá dùng để rải lên băng tạo lớp che phủ và giữ ẩm, chống xói mòn. Cây lâu năm thường là cây cà phê, cao su, cam... (dẫn theo Hoàng Văn Đức, 1992) [12]. 2.2.2. Thực tiễn nghiên cứu ở Việt Nam Tại Việt Nam hệ thống canh tác đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ những năm 60 của thế kỷ trước, các nhà khoa học miền Bắc đã dày công nghiên cứu đưa vụ lúa xuân thành vụ sản xuất chính. Một hệ thống tương đối hoàn chỉnh gieo cấy lúa xuân đã được xây dựng từ vụ xuân năm 1968 ở huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định với 100% diện tích. Vụ đông ở miền Bắc hoàn toàn thích hợp._. với các cây trồng có nguồn gốc ôn đới như bắp cải, su hào, khoai tây, hành tây... và một số cây trồng như lạc, khoai lang, cà chua, thuốc lá, ngô.... Nước ta có tập đoàn giống cây trồng khá phong phú, từ các cây trồng có nguồn gốc nhiệt đới đến các cây trồng có nguồn gốc á nhiệt đới và ôn đới. Từ tập đoàn giống cây trồng ngắn ngày đến trung ngày và dài ngày, đó là cơ sở để đa dạng hoá cây trồng, đa dạng hoá sản phẩm nông sản, góp phần tăng thu nhập cho nông dân (Bùi Huy Đáp, 1998) [8]. Ngày nay các nhà khoa học của nước ta đã lai tạo, chọn lọc ra nhiều giống cây trồng mới, có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chống chịu các điều kiện ngoại cảnh bất lợi khá, đã tạo điều kiện cho việc bố trí hệ thống cây trồng hợp lý (Trương Đích, 1995) [10]. Các giống lúa ngắn ngày như CN2, VX83, CR203,... các giống ngô lai không quy ước LS-6, LS-7, LS-8 phù hợp với các tỉnh miền núi phía Bắc, các giống ngô thuần có thời gian sinh trưởng trung bình, có tiềm năng năng suất khá, thích nghi rộng như TSB2, Q2, VN1, CV1,... thích hợp cho nhiều vùng sinh thái. Việc ngày càng có nhiều giống ngô mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nhiều hệ cây trồng hợp lý. Một số tác giả cho rằng ở nước ta có 3 loại hình luân canh tăng vụ chính đó là: Luân canh cây trồng cạn với nhau; Luân canh cây trồng cạn với cây trồng nước; Luân canh giữa cây trồng nước với nhau. ở chân đất quanh năm không ngập nước, thành phần cơ giới nhẹ, dễ thoát nước thường luân canh cây họ đậu (đậu tương, lạc, đậu cô ve, đậu xanh,...). Ngoài luân canh tăng vụ cây lương thực, cây công nghiệp, cây thức ăn gia súc còn có những hệ thống cây trồng luân canh giữa cây dược liệu như Bạc hà, Địa hoàng, Bạch chỉ,... với cây lương thực hoặc cây công nghiệp ngắn ngày (Phùng Đăng Chinh, Lý Nhạc, 1987) [3]. Trong những năm gần đây để góp phần thực hiện các mục tiêu về sản xuất nông nghiệp của Đảng và Nhà nước, cùng với việc chọn tạo, du nhập, khu vực hoá nhiều loại giống cây trồng vừa có năng suất cao vừa có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh bất thuận và ngắn ngày. Nhiều cơ quan khoa học, nhiều nhà khoa học đã quan tâm nghiên cứu và có nhiều kết luận quan trọng đóng góp cho hệ thống cây trồng như: - Đất bạc mầu ở ngoại thành Hà Nội có tiềm năng sản xuất lớn, có tập đoàn cây trồng phong phú và hệ thống luân canh đa dạng hơn các đất khác. Tuy nhiên, năng suất cây trồng chưa cao, cần có biện pháp luân canh phù hợp hơn nhất là thâm canh lạc và khoai lang (Nguyễn Minh Thực, 1990) [26]; - Đánh giá hệ thống canh tác ở tiểu vùng sinh thái bạc mầu ngoại thành Hà Nội khẳng định: có thể nâng cao hệ số sử dụng đất (2 - 4 vụ/năm) và trồng được nhiều vụ lương thực, hoa mầu, cây công nghiệp ngắn ngày (nhất là cây có củ, đậu đỗ, thuốc lá...) trên đất bạc mầu trừ chân ruộng quá cao và quá thấp. Đồng thời để có năng suất cây trồng cao và ổn định thì phải xác định hợp lý cơ cấu giống cây trồng đầy đủ, thuỷ lợi, phân bón hợp lý (Đào Châu Thu, Đỗ Nguyên Hải, 1990) [25]; - Dương Hữu Tuyền (1990) [35], nghiên cứu hệ thống canh tác 3 - 4 vụ/năm ở vùng trồng lúa đồng bằng sông Hồng đã kết luận: Đồng bằng sông Hồng có thể trồng 3 - 4 vụ/năm. Khi trồng 3 vụ nên bố trí 2 vụ lúa, 1 vụ màu hay 2 vụ màu 1 vụ lúa, trong đó có thể 2 vụ cây ưa nóng 1 vụ cây ưa lạnh hoặc cả 3 vụ cây ưa nóng, trồng 4 vụ/năm có thể thực hiện trên chân đất nhẹ, tưới tiêu chủ động và nguồn nhân lực dồi dào. - Võ Minh Kha, Trần Thế Tục, Lê Thị Bích (1996) [13], đánh giá tiềm năng sản xuất 3 vụ trở lên trên đất phù sa sông Hồng, địa hình cao không được bồi hàng năm có đủ điều kiện về tài nguyên đất, nhân lực có thể áp dụng hệ thống 3 - 4 vụ cây ngắn ngày/năm, đưa hệ số sử dụng đất từ 2,2 lên 2,49 hoặc 2,6 lần. - Tạ Minh Sơn (1996) [20], điều tra đánh giá hệ thống cây trồng trên các nhóm đất khác nhau ở đồng bằng sông Hồng, đã kết luận: các hệ thống canh tác 3 - 4 vụ/năm bằng các loại rau cao cấp đạt giá trị cao (trên 60 triệu đồng/ha/năm). Những hệ thống cây trồng có giá trị thu nhập cao hiện nay là các hệ thống canh tác trên đất chuyên màu, đất 2 vụ màu 1 vụ lúa và đất 2 vụ lúa 1 vụ màu. Theo Trần Đức Viên, Phạm Văn Phê (1998) [36], phát triển nông nghiệp bền vững là bảo tồn đất đai, nguồn nước, các nguồn di truyền động thực vật, môi trường không bị thái hoá, kỹ thuật canh tác phù hợp, kinh tế phát triển. Để phát triển nông nghiệp bền vững, chúng ta phải xem xét chúng trên cả hai mặt: bền vững sinh thái (cần thiết phải giới hạn việc sử dụng những nguồn năng lượng thương mại và tái tạo sự đa dạng sinh học) và bền vững kinh tế - xã hội. Để có một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, trước hết cần quan tâm đến việc đa dạng sinh học. Các loại trong một quần thể có thể có ích cho nhau trong việc phòng trừ sâu bệnh, phục hồi dinh dưỡng của đất. Trên đây là một số khái niệm về hệ thống canh tác, hệ thống nông nghiệp. Chúng tôi xem đây là phương pháp tư duy trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu hệ thống canh tác. Như vậy, nghiên cứu hệ thống canh tác cần xuất phát từ những quan điểm và khái niệm chính sau: - Nghiên cứu một số giải pháp góp phần hoàn thiện hệ cây trồng phải xuất phát từ lý thuyết hệ thống, với phương pháp tiếp cận hệ thống và kết hợp cả hai loại hình nghiên cứu vĩ mô và vi mô. - Sự hình thành các hệ thống cây trồng phải được bắt đầu từ các yếu tố bên ngoài có tác động trực tiếp đến hệ thống như những yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội, và những yếu tố bên trong chứa đựng hệ canh tác như: đất đai, lao động, tiền vốn, kỹ năng làm việc của người nông dân trong vùng. - Nghiên cứu phát triển hệ thống cây trồng phải xuất phát từ sự phân tích để tìm ra những nhược điểm và nghiên cứu các giải pháp khác phục những nhược điểm đó, từ đó hình thành một hệ thống cây trồng tiến bộ hơn. 2.2.3. Một số kết quả nghiên cứu về cây lạc ở Việt Nam 2.2.3.1. Kết quả nghiên cứu về giống Cây lạc được trồng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau. Nhưng năng suất lạc chưa cao do nhiều nguyên nhân: Thiếu giống có năng suất chất lượng cao và khả năng nhân rộng. Biện pháp kỹ thuật chưa phù hợp. Sâu, bệnh phá hoại.... Theo chúng tôi, đó là những nguyên nhân cơ bản làm năng suất lạc ở nước ta còn thấp. Do vậy, mục tiêu của các nhà chọn tạo giống cây trồng Việt Nam là chọn tạo ra các giống có năng suất, phẩm chất cao, chống chịu tốt các điều kiện bất thuận và phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng. Từ năm 1999 - 20005, nước ta đã nhập trên 1894 giống từ ICRISAT, từ nguồn giống đó các cơ sở nghiên cứu khảo sát, đánh giá và phân ra 3 nhóm giống như sau: + Giống chín sớm, thời gian sinh trưởng 80 - 100 ngày; + Giống chín trung bình, thời gian sinh trưởng 100 - 120 ngày; + Giống chín muộn, thời gian sinh trưởng trên 120 ngày. Trong nghiên cứu chúng ta đã tạo ra được nhiều giống có năng suất cao và có nhiều đặc tính quý như: - Giống D332, là giống được chọn tạo bằng cách xử lý đột biến giống Sen lai năm 1990, do Viện Di truyền Nông nghiệp thực hiện. Giống có thời gian sinh trưởng 126 - 130 ngày, năng suất trung bình 18 tạ/ha. Thâm canh tốt có thể đạt 20 - 25 tạ/ha, chịu rét và chống đổ tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giống được công nhận năm 1995; - Giống L02, được chọn lọc từ giống nhập nội của Trung Quốc, giống có thời gian sinh trưởng vụ xuân 125 - 130 ngày, vụ thu 105 - 115 ngày. Năng suất trung bình đạt (30,0 - 36,5) tạ/ha, tỷ lệ nhân/quả là 68 - 72%, hàm lượng dầu là 48,4%, protein 26,9%. Giống có đặc tính chống chịu khá với bệnh rỉ sắt, đốm nâu, đốm đen, chống chịu trung bình với bệnh bạc lá, đồng thời có tính thích ứng rộng, giống được công nhận vào năm 1999; - Giống L14, là giống có năng suất rất cao, được chọn lọc từ giống lạc của Trung Quốc do Trung tâm Nghiên cứu đậu đỗ - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam chọn lọc. Thời gian sinh trưởng vụ xuân 120 - 125 ngày, ở vụ thu 110 - 120 ngày. Năng suất trung bình 35 - 45 tạ/ha, tỷ lệ nhân/quả là 70 - 72%. Giống có đặc tính chống chịu khá với bệnh đốm nâu, đốm đen, gỉ sắt, khả năng chống đỗ tốt, chịu thâm canh cao, giống được công nhận vào năm 2002; - Giống L12, là giống chịu hạn, được chọn lọc từ giống nhập nội của Trung Quốc do Trung tâm Nghiên cứu đậu đỗ - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam chọn lọc. Thời gian sinh trưởng ở vụ xuân là 110 - 120 ngày, vụ thu đông là 100 ngày. Năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha, thích ứng rộng, giống được công nhận năm 2004. Bên cạnh những giống tốt có nhiều ưu điểm nổi bật trên được đưa nhiều vào sản xuất, hiện nay một số dòng lạc mới có tiềm năng năng suất rất cao và nhiều đặc điểm quý đang được đưa vào khảo nghiệm sản xuất là L24, L26, LDN 01 để làm đa dạng bộ giống lạc trong sản xuất. 2.2.3.2. Một số kết quả ứng dụng về phân bón Nguyễn Trọng Chi, 1963 cho rằng: bón supephotphat Lâm Thao cho lạc với liều lượng 200 kg/ha, năng suất lạc đạt 23,1 tạ/ha tăng 4,7 tạ/ha so với đối chứng không bón lân. Cũng theo tác giả ở hai mức bón 40 kg P2O5 và 60 kg P2O5 thì năng suất lạc tương ứng là 21,3 và 23,3 tạ/ha, hiệu suất 1 kg P2O5 thu được 8 - 8,3 kg lạc (dẫn theo Lê Song Dư, Nguyễn Thế Côn, 1970 [5]). Theo Nguyễn Danh Đông, 1984 [9], ở nước ta trên các loại đất nghèo đạm như đất bạc màu, đất cát ven biển bón đạm có hiệu quả làm tăng năng suất, hiệu lực 1 kg N ở đất bạc màu Hà Bắc có thể đạt 5 - 25 kg lạc vỏ. Theo tác giả nếu lượng đạm ít, phân hữu cơ ít thì nên tập trung bón lúc gieo, nếu phân hữu cơ tốt và nhiều có thể bón thúc vào thời kỳ 4 - 5 lá lúc đang phân hoá mầm hoa. Nguyễn Thị Dần, Thài Phiên, 1991, [4], lượng N thích hợp đối với lạc trên nền (20 tấn phân chuồng + 60 P2O5 + 30 K2O trên đất nhẹ là 30 N)/ ha, năng suất 16 - 18 tạ/ha. Nếu N tăng lên thì năng suất có xu hướng giảm rõ rệt. Theo các tác giả hiệu lực 1 kg đạm trên đất bạc màu và đất cát ven biển thay đổi 6 - 10 kg lạc. Tác giả còn nhấn mạnh nếu lạc trồng xen sắn với lượng phân bón ít 2 tấn phân chuồng + 20 kg N + 20 kg P2O5 + 20 kg K2O cho năng suất lạc 540 kg/ha, năng suất sắn 12 tấn/ha, chất xanh để lại cho đất nhẹ nghèo kali, đặc biệt đất bạc màu trồng lạc rất có hiệu quả. Nhiều thí nghiệm cho thấy với lượng 90 P2O5, bón với kali cho lạc tỷ lệ P: K là 3: 2 năng suất tăng 1,1 tạ/ha so với tỷ lệ 2: 1 và năng suất cao so với 3: 1 là 2,2 tạ/ha. Hiệu suất 1 kg kali sunphat trên đất cát biển trung bình 6 kg lạc, đất bạc màu từ 8 - 10 kg lạc. Trên đất có thành phần cơ giới nhẹ trồng lạc thường thiếu nguyên tố vi lượng, kết quả thí nghiệm cho thấy phun Mo 0,1% lúa lạc ra hoa ở Diễn Châu - Nghệ An cho thấy đất hạng 1 năng suất tăng 37,5 - 38,3%, đất hạng 2 tăng 24,3 - 27,9% và đất hạng 3 tăng 21,3 - 26,7%. Theo Võ Minh Kha, 1996 [14], đối với lạc bón thermophotphat trên đất xám ở Quảng Ngãi cho hiệu suất 2,8 - 3,0kg lạc vỏ/1 kg P2O5, trên đất phù sa Sông Hồng đạt 5 kg lạc vỏ/1 kg P2O5. Thí nghiệm của Hồ Thị Bích Thoa, 1996 [27] tại Đại Học Nông Nghiệp Huế trong 3 năm 1993, 1994, 1995 bón suprephotphat cho lạc trên đất phù sa sông Hương cho thấy năng suất khá ổn định qua các năm và dao động từ 3,0 - 4,8 kg lạc vỏ/1 kg P2O5. Lê Thanh Bồn, 1999 [2], nghiên cứu trên đất cát biển điển hình khô ở Thừa Thiên - Huế cho thấy, có thể dùng một trong hai dạng phân lân để bón cho lạc với công thức là: 30 N + 60 K2O + 90 P2O5 (dạng thermo) hoặc 30 N + 60 K2O + 120 P2O5 (dạng super), bón như vậy vừa đảm bảo cho lạc đạt năng suất trên 20 tạ/ha, vừa cho hiệu suất phân lân cao, đồng thời đạt mức lãi cao với người sản xuất. Tác giả còn nhấn mạnh cây lạc trồng trên đất cát biển ngoài bón phân ở các công thức trên thì cần được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khác như: S, Mg, Zn, Cu.... Lê Văn Quang, Nguyễn Thị Lan, 2007 [18], nghiên cứu xác định liều lượng Kali và Lân bón cho lạc Sen lai vụ xuân 2006 trên đất cát huyện Nghi Xuân nhận xét: Bón (90 kg P2O5 + 60 kg K2O)/ha trên nền (10 tấn phân chuồng + 30 kg N + 800 kg vôi bột)/ ha cho năng suất lạc cao nhất (23,02 - 24,92) tạ/ ha. Hiệu suất bón cao nhất đạt 9,17 kg/ 1 kg P2O5 lạc vỏ ở mức bón 60 kg P2O5/ ha, 7,62 kg/1 kg K2O lạc vỏ ở mức 60 kg K2O/ ha. Tóm lại: Những cơ sở lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu nêu trên đã cho thấy: - Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật trồng trọt theo quan điểm hệ thống là rất phù hợp trong sản xuất nông nghiệp. Đặt vấn đề nghiên cứu trong điều kiện cụ thể về tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội của vùng, từ đó mới khai thác hợp lý nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường bền vững; - Mặt khác cũng cho thấy trong thời gian qua các tiến bộ khoa học đã được nghiên cứu một cách có khoa học kể cả trong và ngoài nước, được áp dụng trong sản xuất một cách có hiệu quả ở nhiều khu vực; - Làm sáng tỏ vị trí, vai trò của các biện pháp kỹ thuật trong nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng. Nội dung và phương pháp nghiên cứu 3.1. Địa điểm, đối tượng và thời gian nghiên cứu 3.1.1. Địa điểm nghiên cứu Đề tài được thực hiện tại huyện Tân Yên và các xã Cao Thượng, Ngọc Vân và xã Song Vân đại diện cho các vùng sinh thái của huyện Tân Yên - Bắc Giang. 3.1.2. Đối tượng nghiên cứu - Các tài liệu thứ cấp có ở địa phương gồm: điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của huyện. - Các hệ thống trồng trọt hiện có trên địa bàn huyện. - Các giống cây trồng đang sử dụng trong sản xuất. - Các hộ nông dân tham gia đề tài. - Các dòng, giống lạc và các loại phân bón tham gia thí nghiệm. 3.1.3. Thời gian nghiên cứu - Từ tháng 10 năm 2007 đến tháng 6 năm 2008 3.2. Nội dung nghiên cứu 3.2.1. Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện Tân Yên - Vị trí địa lý vùng nghiên cứu - Tài nguyên khí hậu của vùng - Điều kiện kinh tế - xã hội của vùng + Thực trạng phát triển kinh tế + Tình hình dân số, lao động + Thực trạng cơ sở hạ tầng 3.2.2. Đánh giá hiện trang sử dụng đất của huyện - Hiện trạng sử dụng đất tự nhiên - Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp 3.2.3. Đánh giá hiện trạng hệ thống cây trồng trên địa bàn huyện - Các hệ thống cây trồng có trên địa bàn. - Hiện trạng sử dụng giống cây trồng. - Đầu tư kỹ thuật thâm canh trên các giống. - Hiệu quả kinh tế các hệ thống cây trồng hiện tại. * Để đánh giá hiệu quả kinh tế của các hệ thống cây trồng chúng tôi sử dụng các công thức sau: + Tổng thu nhập GR = Y * P Trong đó: Y là tổng sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích; P là giá trị 1 đơn vị sản phẩm ở thời điểm thu hoạch. + Tổng chi phí (TVC), gồm tất cả các chi phí vật tư, công lao động, lãi xuất..., cho sản xuất 1 vụ hay 1 năm. + Thu nhập TN = TNH - TCK Trong đó: TNH là tổng thu nhập của nông hộ; TCK là tổng chi phí khả biến. + Lãi thuần MB = GR - TVC 3.2.4. Thí nghiệm so sánh giống và mức bón lân trên cây lạc Thí nghiệm 1. So sánh một số dòng, giống lạc trong vụ xuân tại huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang - Thí nghiêm gồm 5 dòng, giống lạc sau: CT1: Giống L14 (Đ/C) CT2: Giống L26 CT3: Giống LDN 01 CT4: Giống L20 CT5: Giống MD7 - Diện tích ô 15 m2 với kích thước ô là 3 m * 5 m. - Mật độ: 33 cây/m2 - Lượng phân bón: (8 tấn phân chuồng + 30 kg N + 60 kg P2O5 + 60 kg K2O + 500 kg vôi bột)/ha. - Thí nghiệm nhắc lại 3 lần, sắp xếp kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCB). - Ngày gieo 20/2. Ngày thu hoạch từ 21 đến ngày 25 tháng 6 năm 2008. Thí nghiệm 2. Nghiên cứu sự ảnh hưởng của phân lân đến một số chỉ tiêu năng suất của lạc vụ xuân - Giống tham gia thí nghiệm: L14 - Thí nghiệm có 5 mức lân khác nhau CT1: Không bón lân (Đ/C). CT2: 30 kg P2O5/ha. CT3: 60 kg P2O5/ha. CT4: 90 kg P2O5/ha. CT5: 120 kg P2O5/ha. - Diện tích ô 15 m2 với kích thước ô là 3 m * 5 m. - Mật độ: 33 cây/m2 - Lượng phân bón nền: (8 tấn phân chuồng + 30 kg N + 60 kg K2O + 500 kg vôi bột)/ha. - Thí nghiệm được bố trí kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCB), với 3 lần nhắc lại. - Ngày gieo, 20 tháng 2. Ngày thu hoạch, 20 đến 22 tháng 6 năm 2008 3.2.5. Đề xuất một số biện pháp kỹ thuật trồng trọt hợp lý cho huyện Tân Yên 3.3. Phương pháp nghiên cứu 3.3.1. Phương pháp thu thập thông tin 3.3.1.1. Điều tra thu thập các số liệu thứ cấp - Điều kiện tự nhiên + Số liệu về khí hậu trung bình 5 năm từ năm 2003 - 2007. + Số liệu về hiện trạng sử dụng đất (diện tích và địa hình các loại đất). - Điều kiện kinh tế - xã hội + Số liệu về dân số và lao động và các thông tin có liên quan khác 3.3.1.2. Quan sát, đánh giá thực địa - Chọn xã Song Vân đại diện cho vùng cao, thị trấn Cao Thượng đại diện cho vùng trung, xã Ngọc Vân đại diện cho vùng thấp của huyện Tân Yên. 3.3.1.3. Phương pháp PRA. - Mỗi xã điều tra ngẫu nhiên 30 hộ nông dân. 3.3.2. Phương pháp thí nghiệm với cây lạc vụ xuân 3.3.2.1. Địa điểm - Thí nghiệm 1 tiến hành tại hộ ông Thân Văn Thanh xã Cao Thượng huyên Tân Yên tỉnh Bắc Giang. - Thí nghiệm 2 tiến hành tại hộ ông Nguyễn Văn Dậu xã Song Vân huyên Tân Yên tỉnh Bắc Giang. - Diện tích ô 15 m2 với kích thước ô là 3 m * 5 m. - Mật độ: 33 cây/m2 - Thí nghiệm nhắc lại 3 lần, sắp xếp kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCB). 3.3.2.2. Kỹ thuật bón phân và chăm sóc - Kỹ thuật bón phân + Bón lót toàn bộ phân hữu cơ, P2O5, 1/2 lượng vôi + 1/2 lượng đạm +1/2 lượng kali. Toàn bộ lượng phân hoá học được trộn đều và bón vào hàng đã rạch sẵn, sau đó bón phân hữu cơ. Sau khi bón phân, lấp một lớp đất nhẹ phủ kín rồi gieo hạt. + Bón thúc lần 1 khi cây có 2 - 3 lá thật: 1/2 lượng N + 1/2 lượng K2O. + Bón thúc lần 2 khi cây ra hoa rộ: 1/2 lượng vôi. - Chăm sóc. + Xới vun lần 1 khi cây có 2 - 3 lá thật, xới nông khắp mặt luống. + Xới vun lần 2 khi cây có 6 - 8 lá thật, xới sâu 5 - 6 cm sát gốc và nhặt cỏ dại. + Xới lần 3 khi ra hoa rộ 7 - 10 ngày, xới và vun nhẹ quanh gốc. 3.3.3. Phương pháp xử lý số liệu Xử lý số liệu bằng phương pháp thồng kê trên trên máy tính với các phần mềm Excel, IRRISTAT . 4.0. Kết quả nghiên cứu và thảo luận 4.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội 4.1.1. Điều kiện tự nhiên 4.1.1.1. Vị trí địa lý Tân Yên là huyện miền núi nằm ở phía tây của tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang khoảng 20 km, diện tích đất tự nhiên của huyện là 20.372,68 ha. - Phía Bắc giáp huyện Yên Thế. - Phía Đông giáp huyện Lạng Giang. - Phía Tây giáp huyện Hiệp Hoà tỉnh Bắc Giang và huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên. - Phía Nam giáp huyên Việt Yên. - Phía Đông Bắc giáp thành phố Bắc Giang. Trên địa bàn huyện có một số tuyến giao thông quan trọng chay qua như tỉnh lộ 398 chạy qua huyện 20 km, nối liền quốc lộ 1 với quốc lộ 3, huyện lộ 298 (qua huyện 25km đi Việt Yên), huyện lộ 295 (qua huyện 27km đi Yên Thế),... nên huyện Tân Yên có điều kiện giao thông khá thuận lợi cho việc giao lưu khoa học kỹ thuật, vận chuyển vật tư và sản phẩm nông nghiệp tới các thị trường khác trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh. 4.1.1.2. Địa hình Địa hình của huyện xác định là vùng thấp nhất của cánh cung Ngân Sơn, Yên Lạc từ phía Việt Bắc xuống và cánh cung Bắc Sơn từ phía Đông Bắc chạy về nên địa hình của huyện có hướng dốc, nghiêng từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Độ cao trung bình từ 10 đến 15m so với mặt nước biển, điểm cao nhất là 121,8m (núi Đót xã Phúc Sơn), điểm thấp nhất là 1m (cánh đồng Chủ xã Quế Nham). Về cơ bản địa hình của huyện được chia làm 3 vùng đặc trưng như sau: Vùng 1: là vùng cao gồm 6 xã; Việt Ngọc, Song Vân, Ngọc Châu, Lam Cốt Phúc Sơn và Phúc Hoà với tổng diện tích đất tự nhiên là 6.826,18 ha. Các xã vùng cao có điều kiện phát triển nông nghiệp miền núi (chăn nuôi, cây ăn quả là chủ yếu). Vùng 2: là vùng tiếp giáp giữa các xã vùng cao và các xã vùng thập, gồm 9 xã; Cao Thượng, Cao Xá, Ngọc Lý, Việt Lập, Nhã Nam, Ngọc Thiện, Lan Giới, An Dương, Quang Tiến và 2 thị trấn là Cao Thượng, Nhã Nam. Vùng này có diện tích đấtt tự nhiên là 8.027,35 ha, độ dốc thấp, địa hình tương đối bằng phẳng thuận lợi cho việc trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày. Vùng 3: là vùng trũng gồm 7 xã nằm giáp sông Thương thường bị ngập úng về mùa mưa, thuận lợi cho việc trồng cây lương thực và nuôi trồng thuỷ sản. Vùng này gồm các xã; Hợp Đức, Đại Hoá, Tân Trung, Liên Chung, Liên Sơn, Quế Nham và Ngọc Vân với với tổng diện tích đất tự nhiên là 5.519,15 ha. Trên địa bàn còn có các đồi thâp với độ cao trung bình 50 m so với măt nước biển, nằm xen kẽ là các dải đất canh tác không rộng nhưng tương đối bằng phẳng. Số liệu về địa hình phân cấp theo độ dốc được ghi ở bảng 4.1 (trang 33). Qua bảng 1 cho thấy, địa hình của Tân Yên được phân chia thành 5 cấp tạo ra sự đa dạng. Địa hình có độ dốc thấp từ 0 đến 3 độ chiếm diện tích là 44,78% tổng diện tích tự nhiên, diện tích này chủ yếu trồng lúa và các cây màu ngắn ngày. Địa hình có độ dốc > 3 độ đến 8 độ có diện tích là 3.470,15 ha, chiếm 17,03%. Địa hình có độ dốc trên 8 độ đến 15 độ là 1.463,25 ha, cây trồng chủ yếu ở đây là cây ăn quả. Địa hình có dộ dốc từ 15 độ trở lên chiếm một diện tích tượng đối lớn chiếm là 31,90% tổng diện tích tự nhiên. Do vậy, việc tưới tiêu trong nông nghiệp thường gặp khó khăn, tuy nhiên địa hình đa dạng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hoá các loại cây trồng trên địa bàn. Bảng 4.1: Phân loại địa hình theo cấp độ dốc Độ dốc (độ) Diện tích (ha) Tỷ lệ (%) 0-3 9.123,68 44,78 >3-8 3.470,15 17,03 >8 - 15 1.463,25 7,18 >15 - 25 2.971,06 14,58 Trên 25 3.344,54 16,42 Tổng số 20.372,68 100 Nguồn: Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tân Yên năm 2007 Đất đai của huyện chủ yếu là loại đất bạc màu, có thành phần cơ giới nhẹ, nhất là đất tầng mặt có tỷ lệ hạt cát cao. Hàm lượng chất hữu cơ (OM) và dung tích hấp thu thấp. ở một số nơi nhất là nơi có địa thế cao, đồi núi có tầng canh tác mỏng rất khó khăn cho việc canh tác. Kết quả phân tích đất bạc màu thể hiện qua bảng 4.2 (trang 34). Như vậy, phần lớn diện tích đất của huyện nghèo dinh dưỡng. Hàm lượng mùn nghèo, hàm lượng N, P2O5, K2O rất nghèo, không thuận lợi cho cây trồng phát triển. Bảng 4.2: Hàm lượng một số chất dinh dưỡng của đất bạc màu phát triển trên phù sa cổ TT Chỉ tiêu Biến động Trung bình Đánh giá 1 Hàm lượng OM (%) 1,29 - 1,9 1,4 Nghèo 2 N tổng số (%) 0,034 - 0,073 0,052 Rất nghèo 3 P2O5 tổng số (%) 0,034 - 0,085 0,062 Rất nghèo 4 K2O tổng số (%) 0,01 - 0,09 0,037 Rất nghèo Nguồn: Trại cải tạo Đất bạc mầu Bắc Giang năm 2006 4.1.1.3. Đặc điểm khí hậu Tân Yên là một huyện được coi là vùng trung du chuyển tiếp khí hậu giữa hai vùng đồng bằng và miền núi. Ngoài ra huyện cũng mang khí hậu chung của khí hậu miền Bắc Việt Nam là khí hậu nhiệt đới gió mùa tạo nên hai mùa rõ rệt trong năm, đó là mùa đông lạnh và khô, mùa mưa nóng và ẩm. Đặc điểm của khí hậu huyện được thể hiện qua bảng 3 (trang 36) và biểu đồ 1, 2 (trang 38). - Nhiệt độ: Số liệu qua bảng 4.3 cho thấy, nền nhiệt tương đối cao, tổng tích ôn năm là 8.738,70C, nhiệt độ bình quân trong tháng là 23,90C. Nhiệt độ tối cao (tháng 7) 33,00C, nhiệt độ tối thấp trong tháng 12 (14,80C). Biên độ nhiệt độ ngày và đêm có sự chênh lệch khác nhau tuỳ theo mùa, mùa hè thường lớn hơn mùa đông. Nhiệt độ bình quân các tháng cao cho phép huyện, tỉnh phát triển nhiều vụ cây trồng ngắn ngày trong năm, tuy nhiên cần chú ý trong tháng 12, 1, 2, 3 có những ngày nhiệt độ xuống quá thấp sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây trồng. - Lượng mưa: Chế độ mưa phân bố không đều, tập trung từ tháng 6 đến tháng 9 (chiếm 85% tổng lượng mưa cả năm), tháng 12 đến tháng 2 năm sau la thời gian khô hạn, lượng mưa trung bình hàng tháng thấp (23,4 mm/tháng). Lượng mưa bình quân hàng năm là 1451,4 mm, số ngày mưa là 154 ngày/năm. Do lượng mưa phân bố không đều nên gây ra ngập úng ở những vùng đất thấp vào mùa mưa, hạn hán ở các địa hình cao vào mùa khô. Nhìn chung, lượng mưa hàng năm tương đối ổn định, phù hợp với các loại cây trồng. - Độ ẩm: Độ ẩm tương đối khá cao, biến thiên từ 78% - 85%, trung bình năm là 82%. Độ ẩm có sự chênh lệch lớn giữa các mùa trong năm. Mùa mưa, độ ẩm không khí khá cao (trung bình từ 83% - 85%) do ảnh hưởng của gió mùa và mưa nhiều. Mùa đông, độ ẩm tương đối thấp, lượng bốc hơi lớn hơn lượng mưa, gây khó khăn cho việc sản xuất vụ Đông. - Số giờ nắng: Số giờ nắng trong năm có ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Số giờ nắng trung bình cả năm khoảng 1.489 giờ, trung bình tháng là 124,08 giờ. Nhìn chung, số giờ nắng trong các tháng thích hợp với cây trồng. Tuy nhiên, cần phải chú ý đến một số tháng có số giờ nắng ít, đặc biệt là tháng 2 (41 giờ/tháng). Bảng 4.3: Một số yếu tố khí hậu nông nghiệp của huyện Tân Yên từ năm 2003 - 2007 TT Tháng Yếu tố 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Cả năm TB tháng Tổng CN 1 Nhiệt độ (0C) - Trung bình (ngày) - Tối cao TB (ngày) - Tối thấp TB (ngày) - Tối thấp tuyệt đối/ngày 17,4 21,2 14,9 9,1 18,4 21,5 16,5 10,5 21,1 24,1 19,2 13,3 25,0 28,6 22,8 17,1 27,0 31,1 24,5 20,7 28,9 32,8 26,0 23,5 29,2 33,0 26,5 24,2 28,5 32,5 26,0 23,9 27,5 31,8 24,7 21,6 25,4 29,6 22,6 18,2 21,2 26,1 18,1 12,4 17,7 22,1 14,8 7,3 23,9 27,9 21,4 7,3 8738,7 - - - 2 Lượng mưa - Trung bình (mm/tháng) - Số ngày mưa (ngày) 23,4 8 23,9 11 43,2 15 56,4 14 219,4 18 257,5 17 256,6 16 268,8 18 116,2 12 112,8 12 36,0 7 36,4 6 120,95 12,83 1451,4 154 3 Độ ẩm tương đối (%) 79 82 84 85 84 83 84 85 82 82 78 78 82 - 4 Nắng - Số giờ nắng TB (tháng) - Số giờ nắng tối đa trong ngày 79 8,5 41 8,5 46 7,7 91 9,4 149 10,5 160 11,2 188 11,7 164 11,7 172 10,6 148 10,1 145 9,7 106 8,9 124,08 - 1488,9 - Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Giang Biểu đồ 1: Nhiệt độ trung bình và nhiệt độ tối thấp ngày Biểu đồ 2: Lượng mưa và số giờ nắng trung bình tháng 4.1.2. Tài nguyên thiên nhiên 4.1.2.1. Tài nguyên đất Theo kết quả phân loại thổ nhưỡng, trên địa bàn huyện có 17 loại đất. Số liệu được ghi ở bảng 4.4 (trang 39 và biểu đồ 3 (trang 42). 1) Đất phù sa không được bồi hàng năm trung tính, ít chua: Loại đất này có tổng diện tích là 577,59 ha chiếm 2,84% tổng diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở dọc sông Thương thuộc các xã Hợp Đức, Quế Nham, loại đất này phù hợp với trồng lúa. 2) Đất phù sa ít được bồi hàng năm trung tính, ít chua: Loại đất này có tổng diên tích là 397,51 ha chiếm 1,95% tổng diện tích tự nhiên, phân bố dọc sông Thương phía ngoài đê thuộc địa phận xã Liên Trung, thích hợp cho các cây màu như lạc, đậu đỗ, ngô, rau. 3) Đất phù sa được bồi hàng năm, chua, glây yếu: loại đất này có tổng diện tích là 951,82 ha chiếm 4,67% tổng diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở các xã Liên Trung, Hợp Đức, Việt Lập, Phúc Sơn, Đại Hoá, Cao Xá và Ngọc Thiện. Loại đất này thích hợp với trồng lúa. Lưu ý trong quá trình sử dụng cần hạn chế quá trình glây hoá bằng cách trồng 1 vụ màu và 1 vụ trồng lúa. 4) Đất phù sa không được bồi hàng năm chua, glây mạnh: Loại đất này có tổng diện tích 629,46 ha chiếm 3,09% tổng diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu thuộc địa phận xã Liên Trung, Quế Nham, Phúc Hoà, Ngọc Lý. Đối với đất này chỉ thích hợp trồng lúa. 5) Đất phù sa ngập nước quanh năm glây mạnh: loại đất này có tổng diện tích 1.079,14 ha chiếm 5,30% tổng diện tích tự nhiên, phân bố tập trung tại các xã Quế Nham, Việt Lập, Liên Chung, Phúc Hoà. Thích hợp cho việc trồng lúa và nuôi trồng thủy sản. 6) Đất phù sa có sản phẩm feralit: Loại đất này có tổng diện tích 695,85 ha chiếm 3,42% tổng diện tích tự nhiên. Bảng 4.4: Phân loại thổ nhưỡng huyện Tân Yên TT Loại đất Ký hiệu DT (ha) (%) 1. 2. 3. 4. 5. 6. 7. 8. 9. 10. 11. 12. 13 14. 15. 16. 17. Đất phù sa không được bồi hàng năm trung tính ít chua Đất phù sa ít được bồi hàng năm trung tính ít chua Đất phù sa không được bồi hàng năm chua, glây yếu Đất phù sa không được bồi hàng năm chua, glây mạnh Đất phù sa ngập nước quanh năm glây mạnh Đất phù sa có sản phẩm Feralit Đất bạc màu phát triển trên phù sa cổ có sản phẩm Feralitic trên nền cơ giới nặng Đất bạc màu phát triển trên phù sa cổ có sản phẩm Feralit trên nền thành phần cơ giới trung bình Đất dốc tụ có sản phẩm Feralit Đất dốc tụ bạc màu không có sản phẩm Feralit Đất Feralit biến đổi do trồng lúa Đất Feralit nâu vàng phát triển trên phù sa cổ Đất Feralit nâu tím phát triển trên phiến thạch sét Đất Feralit nâu tím phát triển trên phiến thạch sét, có tầng đất dày trung bình Đất Feralit nâu tím phát triển trên phiến thạch sét, có tầng đất mỏng Đất Feralit vàng đỏ phát triển trên sa thạch cuội kết, dăm kết Đất Feralit xói mòn mạnh 2C 3 6 7 8 13 14TB 14 15TB 15BO 16 17A 18A 18B 18C 20C 23 577,59 397,51 951,82 629,46 1.079,14 695,85 7.637,98 1.310,72 869,32 1.264,47 166,34 1.732,77 558,21 518,22 635,53 201,25 1.146,5 2,84 1,95 4,67 3,09 5,30 3,42 37,49 6,43 4,27 6,21 0,82 8,51 2,74 2,54 3,12 0,99 5,63 Tổng 20.372,68 100 (Nguồn Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tân Yên - năm 2007) Phân bố chủ yếu thuộc địa phận xã Lam Cốt, Song Vân, Phúc Sơn, Phúc Hoà, Hợp Đức, Quế Nham. Đất có thể trồng lúa và cây công nghiệp ngắn ngày. 7) Đất bạc màu phát triển trên phù sa cổ có sản phẩm feralit trên nền cơ giới nặng: loại đất này có tổng diện tích 7.637,98 ha chiếm 37,94% tổng diện tích tự nhiên. Đây là loại đất bạc màu điển hình có thành phần cơ giới nhẹ, dễ bị bào mòn, rửa trôi. Được phân bố ở các xã Ngọc Thiện, Ngọc Vân,... thích hợp trồng cây công nghiệp, cây lương thực và cây ăn quả. 8) Đất bạc màu phát triển trên phù sa cổ có sản phẩm feralit trên nền thành phần cơ giới trung bình: loại đất này có tổng diện tích 1.310,72 ha chiếm 6,43% tổng diện tích tự nhiên. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, hàm lượng các chất dinh dưỡng nghèo, dễ bị bào mòn, dễ bị rửa trôi tầng mặt, thoái hoá, đây là loại đất bạc màu điển hình. Được phân bố ở các xã Lam Cốt, Ngọc Thiện, Ngọc Châu, Việt Lập, Hợp Đức, Cao Xá, Nhã Nam, Liên Sơn, Đại Hoá.... Vùng này thích hợp với cây công nghiệp và cây lương thực. 9) Đất dốc tụ bạc màu có sản phẩm feralit: loại đất này có diện tích 869,32 ha chiếm 4,27% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các xã Lan Giới, Nhã Nam, Liên Sơn, An Dương.... Đất này thích hợp trồng cây công nghiệp và cây ăn quả. 10) Đất dốc tụ bạc màu không có sản phẩm feralitic: loại đất này có diện tích 1.2._.về biện pháp kỹ thuật góp phần phát triển ngành trồng trọt như sau: (1) Phương thức sử dụng đất. Mở rộng các công thức luân canh theo hướng tăng vụ trong năm, nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, giải quyết việc làm tại chỗ cho người nông dân. * Với vùng đất trồng cây lâu năm: Nên mở rộng diện tích trồng vải. Kết hợp trồng xen lạc hoặc đậu tương ở giai đoạn vải chưa khép tán (1 - 7 năm đầu khi mới trồng vải). * Với vùng đất trồng cây hàng năm (Đất vàn): - Vùng chủ động tưới tiêu (đất vàn) nên áp dụng các công thức sau: 1) Lúa xuân sớm - Đậu tương hè - Lạc thu - Khoai tây đông 2) Lúa xuân - Đậu tương hè - Lúa mùa muộn - Khoai tây 3) Lúa xuân sớm - Lúa mùa sớm - Lạc đông - Vùng đất không chủ động tưới (vàn cao) áp dụng các công thức sau: 1) Lạc xuân - Đậu tương hè - Rau vụ đông 2) Lạc xuân - Cà chua hè - Rau vụ đông 3) Lạc xuân - Đậu tương hè - Ngô đông - Vùng đất không chủ động tiêu (vàn thấp) nên áp dụng các công thức sau: 1) Lúa xuân - Lúa mùa kết hợp nuôi cá 2) Lúa xuân kết hợp nuôi cá (2) Về giống. Sử dụng các giống mới là biện pháp tốt nhất để nâng cao năng suất cây trồng. - Đối với lúa nên sử dụng giống DT10, Xi23, MT163 cho vụ xuân sớm, giống C70, MT6 cho vụ xuân chính vụ, giống KD, CR203, Q6 cho vụ mùa sớm. - Với cây lạc, nên sử dụng các dòng L 20, L26 cho vụ xuân (3) Về phân bón. Đây là biện pháp làm tăng năng suất cây trồng, đồng thời có tác dụng cải tạo đất. Tuy nhiên không nên lạm dụng phân vô cơ, cần bổ sung phân hữu cơ, và bón cân đối các loại phân. - Tăng cường bồi dưỡng cho cây bằng phân chuồng với lượng từ 8 - 10 tấn/ ha để tận dụng phế phẩm chăn nuôi, trồng trọt và cải tạo đất. - Bón đủ lượng và cân đối N, P, K, phối hợp với các loại phân ví sinh để bổ sung dinh dưỡng và tăng cường hoạt động của các sinh vật đất. - Với lạc vụ xuân nên bón 90 kg P2O5/ ha trên nền (10 tấn phân hữu cơ + 30 N + 60 K2O)/ha. * Để thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trên cần có các giải pháp sau: - Xây dựng hệ thống và cơ sở vật chất phục vụ cho nông nghiệp: + Hệ thống thuỷ lợi. Đầu tư xây dựng hệ thống mương, máng, các hồ đập và các trạm bơm,... để cấp nước và thoát nước cho vùng; + Đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thôn nội đồng, liên thôn, liên xã. Tạo điều kiện giao lưu hàng hoá nông sản phẩm, đồng thời xây dựng các chơ đầu mối tiêu thụ sản phẩm. - Chính sách hỗ trợ sản xuất: + Chính sách khuyến nông. Nhằm tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các nhà khuyến nông ở thôn, xã. Đầu tư kinh phí cho các chương trình tập huấn, hội thảo, thăm quan. + Chính sách đất đai. Thực hiện quy hoạch sử dụng đất, không để tình trạng manh mún như hiện nay, quy hoạch các vùng trồng cây mang tính chuyên hoá cao. + Chính sách về vốn và tín dụng. Uỷ ban nhân dân huyện, xã cần phối hợp chặt chẽ với các Ngân hàng, để có chính sách cho vay ưu đãi với các hộ nông dân. Chu kỳ cho vay dài hơn, giảm bớt các thủ tục khi đi vay, khuyến khích, hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất nông nghiệp. Kết luận và đề nghị 5.1. Kết luận 1) Huyện Tân Yên là huyện trung du miền núi của tỉnh Bắc Giang, nằm gần với thành phố Bắc Giang và thành phố Bác Ninh, thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế với bên ngoài. Với diện tích là 20.372,68 ha, đất đai đa dạng cho phép phát triển nhiều loại cây trồng, đây là thế mạnh cần được khai thác và phát triển. Diện tích đất nông nghiệp của huyện là 13.521, 85 ha, nằm xen kẽ giữa các đồi núi thấp gây khó khăn cho việc sản xuất. Ngoài ra, hệ thống thuỷ lợi còn yếu làm cho diện tích đất trồng 3 - 4 vụ/năm ít (3152,22 ha), diện tích đất 1 vụ/năm còn khá nhiều (1.967,69 ha). 2) Hệ thống canh tác của huyện Tân Yên tuy đã có bước phát triển trong thời gian gần đây như đa dạng hoá các loại cây trồng, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Tuy nhiên, các giống mới đã đưa vào sản xuất nhưng năng suất còn hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là: (1) Công tác giống chưa được quan tâm đúng mức, mang tính tuỳ tiện ở một số hộ gia đình. (2) Sử dụng phân bón chưa hợp lý, mất cân đối. (3) Người dân chú trọng bón phân hoá học. Phân hữu cơ, đặc biệt là phân chuồng vẫn chưa được sử dụng đúng mức. Thiếu sự đầu tư đồng bộ giữa cơ sở vật chất với khoa học kỹ thuật và hệ thống chính sách. 3) Kết quả thử nghiệm so sánh dòng, giống và kỹ thuật bón lân cho lạc: - Đối với thí nghiệm 1: Giống L 20, L 26 cho năng suất và thu nhập cao. Trong thời gian tới cần đưa các dòng, giống lạc này vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. - Đối với thí nghiệm 2: Lượng phân bón 90P2O5/ha trên nền (10 tấn phân hữu cơ + 30N + 60K2O + 500kg vôi)/ha làm tăng khả năng sinh trưởng, năng suất, lợi nhuận và hiệu suất 7,43 kg lạc/kg P2O5. Ngoài ra, có thể áp dụng bón lượng phân lân ở mức 120 P2O5/ha để nâng cao năng suất lạc. 4) Mở rộng các công thức luân canh theo hướng tăng vụ trong năm, và các công thức luân canh cho hiệu quả cao như: Lạc xuân - Cà chua hè - Rau vụ đông Lúa xuân sớm - Đậu tương hè - Lạc thu - Khoai tây đông Lúa xuân - Đậu tương hè - Lúa mùa muộn - Khoai tây Lúa xuân sớm - Lúa mùa sớm - Lạc đông - Đối với lúa nên sử dụng giống DT10, Xi23, MT163 cho vụ xuân sơm, giống C70, MT6 cho vụ xuân chính vụ, giống KD, CR203, Q6 cho vụ mùa sớm. Với cây lạc, nên sử dụng các giống L 20, L26 . - Tăng cường bồi dưỡng cho cây bằng phân chuồng với lượng từ 8 - 10 tấn/ ha để tận dụng phế phẩm chăn nuôi, trồng trọt và cải tạo đất. - Bón đủ lượng và cân đối N, P, K, phối hợp với các loại phân ví sinh để bổ sung dinh dưỡng và tăng cường hoạt động của các sinh vật đất. 5.2. Đề nghị 1) Các công thức nghiên cứu trên đây mới chỉ qua 1 vụ trồng. Vì thế thời gian cần thử nghiệm thêm là 2 - 3 vụ nữa để đánh giá đúng và đưa ra các dòng, giống cho năng suất cao, lượng bón lân hợp lý ở huyện Tân Yên. 2) Đề nghị UBND huyện Tân Yên cần tiếp tục đầu tư về thuỷ lợi và các cơ sở vật chất khác, đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp như đất đai, vốn vay, tiêu thụ sản phẩm.... 3) Tiếp tục chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật nghiệp nhất là giống cây trồng cho phù hợp với vùng sinh thái và có năng suất cao, phẩm chất tốt vào sản xuất. 4) Đề nghị tiếp tục nghiên cứu và làm rõ các biện pháp kỹ thuật phù hợp ở các loại cây trồng để áp dụng có hiệu quả cho vùng sinh thái. Tài liệu tham khảo I- Tiếng Việt 1. Bộ kế hoạch và Đầu tư (2002), “Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam”, Tạp chí khoa học đất, (số 3), trang 45 - 50. 2. Lê Thanh Bồn (1999), ''Đặc điểm của lân trong đất và hiệu lực phân lân đối với lúa và lạc trên đất cát biển Thừa Thiên - Huế''. Luận án Tiến sĩ chuyên ngành nông hoá, Đại học Nông nghiệp 1, Hà Nội. 3. Phùng Đăng Chinh, Lý Nhạc (1987), Canh tác học, NXB Nông nghiệp, Hà Nội. 4. Nguyễn Thị Dần, Thái Phiên (1991), ''Sử dụng phân bón cho lạc trên một số loại đất nhẹ, Tiến bộ kỹ thuật về trồng lạc và đậu đỗ'', NXB Nông nghiệp. 5. Lê Song Dự, Nguyễn Thế Côn (1979), ''Giáo trình cây lạc'', NXB Nông nghiệp, Hà Nội. 6. Lê Song Dự (1990), “Nghiên cứu đưa cây đậu tương vào hệ thống canh tác ở miền Bắc Việt Nam”, Tài liệu hội nghị hệ thống canh tác Việt Nam, trang 16 -22. 7. Bùi Huy Đáp (1996), “ Một số kết quả nghiên cứu đầu tiên về cơ cấu cây trồng”, Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp, (số 7). 8. Bùi Huy Đáp (1998), Lúa Việt Nam trong vùng trồng lúa Nam và Đông Nam á. NXB Nông nghiệp Hà Nội. 9. Nguyễn Danh Đông (1984), ''Cây lạc - nghiên cứu sản xuất và ứng dụng'', NXB Nông nghiệp, Hà Nội. 10. Trường Đích và cộng sự (1995), “ Kỹ thuật trồng các cây trồng mới có năng xuất cao, NXB Nông nghiệp Hà Nội. 11. Nguyễn Điền - Trần Đức (1993), Kinh tế trang trại gia đình trên thế giới và châu á, NXB Thống kê, Hà Nội. 12. Hoàng Văn Đức (1992), “Hội thảo nghiên cứu và phát triển hệ canh tác cho nông dân trồng lúa châu á”, NXB Nông nghiệp Hà Nội, trang 244. 13. Võ Minh Kha, Trần Thế Tục, Lê Thị Bích (1996), “Đánh giá tiềm năng sản xuất 3 vụ trở lên trên đất phù sa sông Hồng địa hình cao không được bồi hàng năm”, Tạp chí Nông nghiệp & Công nghiệp thực phẩm, (số 8), trang 121 -123. 14. Võ Minh Kha (1996), ''Hướng dẫn thực hành sử dụng phân bón'', NXB Nông nghiệp, Hà Nội 15. Triệu Kỳ Quốc (1994), “Quản lý đất và nước trong hệ thồng canh tác lúa nước”, Tạp chí khoa học nông nghiệp, (số 2). 16. Cao Liêm, Phạm Văn Phê, Nguyễn Thị Lan (1995), "Sinh thái học nông nghiệp và bảo vệ môi trường", NXB Nông nghiệp Hà Nội. 17. Nguyễn Văn Luật (1990) "Hệ thống canh tác", NXB Nông nghiệp Hà Nội. 18. Lê Văn Quang, Nguyễn Thị Lan, 2007, ''Xác định liều lượng lân và kali bón cho Lạc xuân, trên đất cát huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh''. Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp trường Đại học nông nghiệp I, tập 5, số 4/2007. 19. Phạm Bình Quyền, Phạm Chí Thành, Trần Đức Viên (1992), “Về phương pháp luận trong xây dựng hệ thống canh tác ở miền Bắc Việt Nam”, Tạp chí Hoạt động Khoa học, (số 3), trang 10 - 13. 20. Tạ Minh Sơn (1996), “Điều tra đánh giá hệ thống cây trồng trên các nhóm đất khác nhau ở đồng bằng sông Hồng”. Tạp chí Nông nghiệp & Công nghiệp thực phẩm, (số2), trang 59 - 60. 21. Nguyễn Hữu Tề, Đoàn Văn Điếm, Phạm Văn My (1995), “Kết quả bước đầu thực hiện định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở huyện Sóc Sơn - Hà Nội”. Kết quả nghiên cứu khoa học khoa Trồng trọ, trường Đại học Nông nghiệp I, NXB Nông nghiệp Hà Nội, Trang 226 - 227. 22. Phạm Chí Thành (1996), Hệ thống nông nghiệp, NXB Hà Nội. 23. Phạm Chí Thành, Đào Châu Thu, Trần Đức Viên, Phạm Tiến Dũng (1996), ''Hệ thống Nông nghiệp, Giáo dục cao học". NXB Nông nghiệp Hà Nội. 24. Trịnh Văn Thịnh (1995), ''Nông nghiệp bền vững cơ sở và ứng dụng''. NXB Nông nghiệp Hà Nội. 25. Đào Châu Thu, Đỗ Nguyễn Hải(1990), “Đánh giá tiểu vùng sinh thái đất bạc màu Hà Nội”. Tài liệu Hội Nghị hệ thống canh tác Việt Nam, Trang 151-163. 26. Nguyễn Minh Thực (1990), “Nghiên cứu ứng dụng và các biện pháp kỹ thuật sử dụng đất hợp lý đất bạc màu”. Tài liệu Hội nghị hệ thống canh tác Việt Nam, Trang 164 - 170. 27. Hồ Thị Bích Thoa (1996), ''ảnh hưởng của liều lượng bón lân khác nhau đến năng suất và phẩm chất lạc xuân trên đất thịt Thừa Thiên - Huế '', Luận án Thạc sĩ nông nghiệp, Đại học Nông Lâm - Huế. 28. Nguyễn Duy Tính (1995), "Nghiên cứu hệ thống cây trồng vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ", NXB Nông nghiệp Hà Nội. 29. Nguyễn Thị Thuỷ, 2004, ''Nghiên cứu một số giải pháp góp phần hoàn thiện hệ thống trồng trọt tại huyện Hiệp Hoà tỉnh Bắc Giang''. Luận văn Thạc sĩ, Đại Học Nông Nghiệp Hà Nội. 30. Đào Thế Tuấn (1984), "Hệ sinh Thái nông Nghiệp". NXB Nông nghiệp Hà Nội, trang 25 - 27. 31. Đào Thế Tuấn (1986), ''Chiến lược phát triển nông nghiệp'', NXB Nông nghiệp Hà Nội. 32. Đào Thế Tuấn (1987), ''Hệ thống nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng'', Tạp chí khoa học kỹ thuật nông nghiệp, (số 2), trang 113. 33. Đào Thế Tuấn (1988), "Hệ sinh thái nông nghiệp", NXB Nông nghiệp Hà Nội. 34. Đào Thế Tuấn (1997), ''Cơ sở khoa học xác định cơ cấu cây trồng'' NXB Nông nghiệp Hà Nội, trang 14 - 17. 35. Dương Hữu Tuyền (1990), “Các hệ thông canh tác 3 vụ, 4 vụ nằm ở vùng trồng lúa vùng đồng bằng sông Hồng”, Tài liệu hội nghị hệ thống canh tác Việt Nam, trang 143. 36. Trần Đức Viên, Phạm Văn Phê (1996), ''Sinh thái học nông nghiệp'', NXB Giáo Dục , Hà Nội. 37. Trần Đức Viên, Phạm Văn Phê (1998), ''Sinh thái học Nông nghiệp'', NXB Giáo dục Hà Nội. 38. Bùi Thị Xô (1994), ''Xác định cơ cấu cây trồng hợp lý ở ngoại thành Hà Nội'', Luân án PTS Nông nghiệp, Viện Khoa học KTNN Việt Nam, trang 18 -19. 39. Zandstra H.G. (1982): “Nghiên cứu hệ thống canh tác cho nông dân trồng lúa châu á”, Hội thảo về nghiên cứu và phát triển hệ thống canh tác châu á, IRRI, NXB Nông nghiệp Hà Nội., trang 78 - 82. II- Tiếng Nước Ngoài 40. Barkef (1996), Agronomy of multiple system, New York, USA 33.CIRAD (1998), Dynamiquedes systems agraines, Lescahiers delarecherche development, (20), Pages 5-15. 41. Speeding C.R.W. (1979), An Introduction to Agricultuaral systems, Applied Science publisher Ltd, London. 42. IRRI (1997), Symposium on cropping systems research and development for the ASEAN rice famer, IRRI, Los Banhos, Philippines. 43. Gome A.A. Zandstra H.G(1982), Rice research strategies for the famer, IRRI, Los Banhos, Philippines. 44. DuFumier (1996), Lesprojets de development agrycole, Manuel dexpentise. 45. Mazoyer M. (1993), Dynamyque des systemmes agraires, Premier Semincire coutasfianco - Viet Nam ien en ecomomie et de developpemnetagri cole Document (1) (2) (3) (4) (5) (6), Paris, Edition CTA - KartaKa. 46. FAO/UNESCO (1992), Guideline for soil description, ROME. 47. Tejwani V.L - Chun K.Lai (1992), Asia - Pacific Agroforestry Profiles. Agroforestry systems reseach and development in the Asia and Pacific Region, (GCP/PAS/133/JPN) Borgor, Indonesia. Phụ lục Biểu 1: Đặc điểm khí hậu của huyện Tân Yên tháng 2 - 5 năm 2008 Tháng Nhiệt độ TB (0C) Lượng mưa (mm) ẩm độ (%) Số giờ nắng (h) 2 11,8 19,5 72 29,4 3 18,1 40,9 85 72,6 4 22,2 48,5 85 67,6 5 25,6 18,2 80 103,6 (Số liệu đài khí tượng tỉnh Bắc Giang năm 2008) Biểu 2: Các hình ảnh Minh họa Hình 1: Ruộng thí nghiệm 1 Hình 2: Ruộng thí nghiệm 2 Hình 3: Số quả lạc trên cây Hình 4: Hình dạng quả phụ biểu 3 : đơn giá một số hạng mục stt hạng mục đơn vị số lượng đơn giá (đồng/kg) 1 Lạc giống Kg/ha 100 - - L 14 Kg/ha 100 32.500 - L 26 Kg/ha 100 37.500 - LDN - 01 Kg/ha 100 38.000 - L 20 Kg/ha 100 39.500 - MD 7 Kg/ha 100 32.000 Lạc thương phẩm - - 19.000 2 Phân chuồng Tấn/ha - 270.000 3 Đạm urê Kg/ha 65,2 4.500 4 Super lân Kg/ha - 1.300 5 KCL Kg/ha - 9.300 6 Vôi Kg/ha 800 570 7 Công làm đất Công/ha 150 50.000 8 Công khác Công/ha 150 50.000 Biểu 4: Phiếu điều tra nông hộ Thôn…………….Xã……………….Huyện Tân Yên 1. Họ và tên người được phỏng vấn………………………….. 2. Họ tên người phỏng vấn : Lê Đình Hải I. Những thông tin chung về nông hộ 1. Họ, tên chủ hộ………………….. 2. Mức thu nhập chung của nông hộ : Cao [ ] Trung bình [ ] Thấp [ ] 3. Số thành viên trong nông hộ…………………………. Quan hệ với chủ hộ Giới tính Tuổi Trình độ học vấn Số ngày công làm nông nghiệp Số ngày công làm phi nông nghiệp trong năm 1. 2 3 4 5 6 7 8 9 10 4. Thu nhập khác không từ sản xuất nông nghiệp (Lương hưu, tiền được biếu từ người thân, tiền phụ cấp chế độ……) Lương hưu……………………….đ/tháng hoạc năm Trợ cấp…………………………..đ/tháng hoạc năm Các khoản khác…………………đ/tháng hoạc năm II. Tình hình sử dụng đất của nông hộ 1. Đất được chia của nông hộ Loại đất Tổng diện tích (m2) Số mảnh Diện tích có CN quyền SD đất (năm) Đất thuê (+) hay đất cho thuê (-) Diện tích (m2) Số tiền (đ) 1. Đất ruộng 2. Đất đồi núi 3. Đất rừng 4. Đất ao, hồ 5. Đất ở và đất vườn 6. Đất đấu thầu 2. Mục đích sử dụng đất Diện tích (m2) Số mảnh Năng suất cây trồng kg/sào Đặc điểm đất Vụ xuân Vụ mùa Vụ đông Đấ dộc * Độ dày** 1. Đất ruộng - 1 lúa/năm - 2 lúa/năm - 1 lúa 1màu/năm - 2 lúa 1 màu/năm Chuyên CAQ 2. Đất đồi - Trồng sắn - Trồng chè - Trồng lạc 3. Đất rừng Bạch đàn Keo tai tượng Cây khác - - 3. Lao động cho cho việc làm đất và canh tác đất ruộng Loại công việc Phương tiện sử dụng Lao động của gia đình (số công) Lao động thuê từ ngoài Bằng máy Bằng trâu bò Bằng tay Số công Số tiền Cày Bừa Tưới Trồng trọt Chăm sóc, phân bón Thu hoạch III. Các biện pháp kỹ thuật áp dụng trong trồng trọt 1. Giống và thời vụ STT Cây trồng Giống Thời gian Trồng, gieo Thu hoạch 1 Lúa xuân 2 Lúa hè 3 Ngô 4 Lạc xuân 5 Lạc đông 6 Cây khác 7 2. Mức đầu tư thâm canh phân bón Loại phân sử dụng Vôi (kg/sào) Phân chuồng (kg/sào) Phân Urea (kg/sào) Phân lân (kg/sào) Phân Kali (kg/sào) 1. Cây lương thực - Lúa nước - Ngô 2. Cây công nghiệp - Cây lạc - Đậu tương 3. Cây ăn quả - - 4. Cây khác - - - - Chăn nuôi có đủ phân chuồng để bón không: Có [ ], phải mua [ ] - Phân được ủ [ ], bón trực tiếp [ ] - Có sử dụng sản phẩm phụ ủ làm phân hay không Không [ ], có [ ], khối lượng ………….kg/năm IV. Hiệu quả kinh tế của một sô loại cây trồng chính + Tổng thu nhập GR = Y * P Trong đó: Y là tổng sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích; P là giá trị 1 đơn vị sản phẩm ở thời điểm thu hoạch. + Tổng chi phí (TVC), gồm tất cả các chi phí vật tư, công lao động, lãi xuất... cho sản xuất 1 vụ hay 1 năm. + Lãi thuần MB = GR - TVC TT Cây trồng GR (triệu đồng/ha) TVC (triệu đồng/ha) MB (triêụ đồng/ha) 1. Cây lương thực - Lúa xuân - Lúa mùa - Ngô - Khoai lang - Cây khác 2. Cây công nghiệp - Lạc xuân - Lạc đông - Đậu tương - Cây khac 3. Cây ăn qủa - Vải - Nhãn - Cây khác 4. Cây thực phẩm - Cà chua - Khoai tây - Cây khác V. Chăn nuôi 1. Số lượng gia súc, gia cầm TT Loại gia súc Giống Số lượng (con) Hình thức nuôi Số tháng nuôi Tăng trọng TB (kg/tháng) Đang nuôi Lúc cao nhất 1 Trâu Nghé 2 Bò Bê 3 Lơn 4 Gà 5 Cá 2. Số loại gia súc, gia cầm bán hàng năm TT Loại gia súc Số con Tổng trọng lượng Nơi bán Dễ hay khó bán Giá bán cao nhất Giá bán thấp nhất Thành tiền 1 Trâu Nghé 2 Bò Bê 3 Lơn 4 Gà 5 Cá Biểu 5: Một số kết quả sử lý trên IRRISAT BALANCED ANOVA FOR VARIATE CAO CAY FILE H S19 26/ 8/ 8 1:46 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 1 Phan tich phuong sai cac yeu to sinh truong thi nghiem 1 VARIATE V003 CAO CAY LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 461.356 230.678 45.23 0.000 3 2 CT$ 4 31.6560 7.91401 1.55 0.276 3 * RESIDUAL 8 40.8040 5.10051 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 533.816 38.1297 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 4.25190 C OF V SD/MEAN % 5.1 BALANCED ANOVA FOR VARIATE C C?P 1 FILE H S19 26/ 8/ 8 1:46 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 2 Phan tich phuong sai cac yeu to sinh truong thi nghiem 1 VARIATE V004 C C?P 1 LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 8.46400 4.23200 81.38 0.000 3 2 CT$ 4 3.60000 .900000 17.31 0.001 3 * RESIDUAL 8 .416000 .520000E-01 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 12.4800 .891429 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 0.429317 C OF V SD/MEAN % 4.5 BALANCED ANOVA FOR VARIATE DTL FILE H S19 26/ 8/ 8 1:46 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 3 Phan tich phuong sai cac yeu to sinh truong thi nghiem 1 VARIATE V005 DTL LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 3.30772 1.65386 10.70 0.006 3 2 CT$ 4 5.60004 1.40001 9.06 0.005 3 * RESIDUAL 8 1.23668 .154585 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 10.1444 .724603 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 0.740219 C OF V SD/MEAN% 10.5 BALANCED ANOVA FOR VARIATE N S?N FILE H S19 26/ 8/ 8 1:46 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 4 Phan tich phuong sai cac yeu to sinh truong thi nghiem 1 VARIATE V006 N S?N LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 817.216 408.608 24.27 0.001 3 2 CT$ 4 527.820 131.955 7.84 0.008 3 * RESIDUAL 8 134.664 16.8330 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 1479.70 105.693 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 7.72427 C OF V SD/MEAN % 7.2 BALANCED ANOVA FOR VARIATE TS Q/C FILE HS 20 23/ 8/ 8 15:55 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 1 Phan tich phuong sai cac yeu to cau thanh nang suat thi nghiem 1 VARIATE V003 TS Q/C LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 11.2840 5.64200 0.98 0.419 3 2 CT$ 4 225.516 56.3790 9.78 0.004 3 * RESIDUAL 8 46.1160 5.76450 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 282.916 20.2083 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 4.52020 C OF V SD/MEAN % 12.5 BALANCED ANOVA FOR VARIATE SQC/C FILE HS 20 23/ 8/ 8 15:55 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 2 Phan tich phuong sai cac yeu to cau thanh nang suat thi nghiem 1 VARIATE V004 SQC/C LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 287.184 143.592 236.56 0.000 3 2 CT$ 4 42.3960 10.5990 17.46 0.001 3 * RESIDUAL 8 4.85600 .606999 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 334.436 23.8883 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 1.46680 C OF V SD/MEAN % 6.0 BALANCED ANOVA FOR VARIATE TL QC/C FILE HS 20 23/ 8/ 8 15:55 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 3 Phan tich phuong sai cac yeu to cau thanh nang suat thi nghiem 1 VARIATE V005 TL QC/C LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 585.831 292.915 50.09 0.000 3 2 CT$ 4 1029.66 257.415 44.02 0.000 3 * RESIDUAL 8 46.7820 5.84774 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 1662.27 118.734 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 10.9069 C OF V SD/MEAN % 3.5 BALANCED ANOVA FOR VARIATE P 100 FILE HS 20 23/ 8/ 8 15:55 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 4 Phan tich phuong sai cac yeu to cau thanh nang suat thi nghiem 1 VARIATE V006 P 100 LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 208.524 104.262 3.11 0.100 3 2 CT$ 4 5342.24 1335.56 39.79 0.000 3 * RESIDUAL 8 268.497 33.5621 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 5819.26 415.662 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 4.52020 1.46680 4.55272 10.9069 C OF V SD/MEAN % 5.8 BALANCED ANOVA FOR VARIATE NSTT FILE HS21 23/ 8/ 8 12:46 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 1 Phan tich phuong sai nang suat thi nghiem 1 VARIATE V003 NSTT LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 154.891 77.4454 13.31 0.003 3 2 CT$ 4 254.833 63.7082 10.95 0.003 3 * RESIDUAL 8 46.5468 5.81835 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 456.270 32.5907 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 4.54126 C OF V SD/MEAN % 6.0 BALANCED ANOVA FOR VARIATE CC FILE H 22 26/ 8/ 8 12:30 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 1 Phan tich phuong sai kha nang sinh truong thi nghiem 2 VARIATE V003 CC LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 1069.85 534.926 80.01 0.000 3 2 CT$ 4 221.544 55.3860 8.28 0.006 3 * RESIDUAL 8 53.4880 6.68600 ----------------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 1344.88 96.0631 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 4.91235 C OF V SD/MEAN % 5.8 BALANCED ANOVA FOR VARIATE SC FILE H 22 26/ 8/ 8 12:30 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 2 Phan tich phuong sai kha nang sinh truong thi nghiem 2 VARIATE V004 SC LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 7.40800 3.70400 62.78 0.000 3 2 CT$ 4 3.75600 .939000 15.92 0.001 3 * RESIDUAL 8 .471999 .589999E-01 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 11.6360 .831143 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 0.43267 C OF V SD/MEAN % 5.7 BALANCED ANOVA FOR VARIATE DTL FILE H 22 26/ 8/ 8 12:30 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 3 Phan tich phuong sai kha nang sinh truong thi nghiem 2 VARIATE V005 DTL LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 6.32308 3.16154 73.33 0.000 3 2 CT$ 4 1.47084 .367710 8.53 0.006 3 * RESIDUAL 8 .344920 .431150E-01 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 8.13884 .581346 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 0.41468 C OF V SD/MEAN % 6.0 BALANCED ANOVA FOR VARIATE NS FILE H 22 26/ 8/ 8 12:30 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 4 Phan tich phuong sai kha nang sinh truong thi nghiem 2 VARIATE V006 NS LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 2032.18 1016.09 113.05 0.000 3 2 CT$ 4 364.236 91.0590 10.13 0.004 3 * RESIDUAL 8 71.9041 8.98801 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 2468.32 176.308 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 5.63875 C OF V SD/MEAN % 7.2 BALANCED ANOVA FOR VARIATE QUA/C FILE H23 28/ 8/ 8 16:42 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 1 Phan tich cac yeu to cau thanh nang suat thi nghiem 2 VARIATE V003 QUA/C LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 87.7240 43.8620 13.67 0.003 3 2 CT$ 4 78.8760 19.7190 6.14 0.015 3 * RESIDUAL 8 25.6760 3.20950 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 192.276 13.7340 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 1.77284 C OF V SD/MEAN % 8.1 BALANCED ANOVA FOR VARIATE QCHAC/C FILE H23 28/ 8/ 8 16:42 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 2 Phan tich cac yeu to cau thanh nang suat thi nghiem 2 VARIATE V004 QCHAC/C LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 39.1480 19.5740 9.58 0.008 3 2 CT$ 4 108.096 27.0240 13.22 0.002 3 * RESIDUAL 8 16.3520 2.04400 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 163.596 11.6854 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 1.29164 C OF V SD/MEAN % 7.2 BALANCED ANOVA FOR VARIATE TYLECHAC FILE H23 28/ 8/ 8 16:42 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 3 Phan tich cac yeu to cau thanh nang suat thi nghiem 2 VARIATE V005 TYLECHAC LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 599.591 299.795 61.28 0.000 3 2 CT$ 4 521.759 130.440 26.66 0.000 3 * RESIDUAL 8 39.1371 4.89214 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 1160.49 82.8919 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 4.16415 C OF V SD/MEAN % 3.1 BALANCED ANOVA FOR VARIATE P100 FILE H23 28/ 8/ 8 16:42 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 4 Phan tich cac yeu to cau thanh nang suat thi nghiem 2 VARIATE V006 P100 LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 449.822 224.911 14.35 0.002 3 2 CT$ 4 2028.08 507.021 32.35 0.000 3 * RESIDUAL 8 125.388 15.6735 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 2603.29 185.950 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 3.01349 C OF V SD/MEAN % 3.6 BALANCED ANOVA FOR VARIATE NSTT FILE H 24 29/ 8/ 8 2:30 ------------------------------------------------------------------ :PAGE 1 Phan tich phuong sai nang suat thi nghiem 2 VARIATE V003 NSTT LN SOURCE OF VARIATION DF SUMS OF MEAN F RATIO PROB ER SQUARES SQUARES LN ======================================================================= 1 NL 2 12.9751 6.48754 15.49 0.002 3 2 CT$ 4 119.700 29.9250 71.43 0.000 3 * RESIDUAL 8 3.35163 .418954 ---------------------------------------------------------------------- * TOTAL (CORRECTED) 14 136.027 9.71618 ---------------------------------------------------------------------- 5%LSD 8DF 1.21860 C OF V SD/MEAN % 2.0 ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docCHTT010.doc
Tài liệu liên quan