Lạm phát và hậu quả của lạm phát

lời mở đầu Đối với nhiều chính phủ các quốc gia trên thế giới, lạm phát là điều mà họ luôn phải băn khoăn, trăn trở, tìm cách đối phó. Đối với đại đa số các tầng lớp dân cư trong cuộc sống đời thường lại lo lắng : lạm phát đã ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của chính họ ra sao đây? Còn những nhà sản xuất, kinh doanh lại băn khoăn, phải hoàn vốn như thế nào cho hợp lý mỗi khi lạm phát, đồng tiền mất giá? Những vấn đề trên là những vấn đề không phải ai cũng hiểu rõ ràng, thấu đáo. Vì vậy, khi c

doc11 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1395 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Lạm phát và hậu quả của lạm phát, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
họn đề tài “Lạm phát và hậu quả của lạm phát” cho bài tiểu luận của mình, em chỉ muốn đề cập tới vấn đề lạm phát qua những kiến thức đã được học, và qua đó có một chút liên hệ thực tiễn tới thực trạng lạm phát ở Việt Nam. Rất mong được các thầy cô trong khoa xem xét bài tiểu luận của em và cho ý kiến nhận xét. nội dung chính I ) lạm phát và nguyên nhân của lạm phát : 1. Lạm phát là gì ? Lạm phát là một hiện tượng của tiền tệ, được biểu hiện ở sự mất giá (giảm giá) của tiền tệ, mà sự mất giá của tiền tệ lại biểu hiện rõ rệt nhất ở sự tăng giá bình quân của tất cả mọi thứ hàng hóa. Lạm phát xảy ra khi giá cả mọi thứ hàng hóa, dịch vụ và chi phí đều tăng tuy với tốc độ và tỷ lệ không đồng đều, thứ tăng nhanh, thứ tăng chậm, thứ tăng nhiều, thứ tăng ít, nhưng nói chung là mọi thứ đều tăng giá. Cũng có thể hiểu theo một cách khác, lạm phát là biểu hiện việc tiêu dùng quá với khả năng hiện có về lực lượng hàng hóa. Song cũng có đôi lúc, lạm phát không phản ánh đúng thực chất như vừa nêu ở trên. Ví dụ : Nhân dịp lễ Tết, người tiêu dùng đổ xô đi mua hàng hóa, và người bán được dịp nâng giá hàng hóa lên cao để kiếm lời. Vì thế, khi hết Tết, tỷ lệ lạm phát lại trở lại như trước. Trong nền kinh tế thị trường, dù là tiền vàng hay tiền giấy đều có thể bị mất giá, tiền vàng bị mất giá khi giá vàng hạ xuống và lên giá khi giá vàng cao lên. Tiền giấy không đổi được lấy vàng nều bằng số lượng vàng cần thiết cho lưu thông thì giá trị đại diện vàng của tiền giấy không thay đổi, giá cả hàng hóa vẫn ổn định, sức mua của tiền giấy vẫn ổn định. Nếu Nhà nước phát hành một lượng tiền giấy lớn hơn lượng vàng cần thiết cho lưu thông thì giá trị đại diện vàng của mỗi đơn vị tiền giấy bị giảm đi, phải có một lượng tiền giấy nhiều hơn mới mua được một lượng hàng hóa như trước. Trên thế giới từ xưa đến nay chỉ có lạm phát tiền giấy, không hề có lạm phát tiền vàng. Bởi vì trong chế độ lưu thông tiền vàng, nếu khối lượng tiền vàng vượt quá nhu cầu lưu thông thì phần thừa sẽ tự động rút ra khỏi lưu thông để làm phương tiện cất giữ. Tiền vàng không bị mất giá trong trường hợp này. Trong chế độ lưu thông tiền giấy, thì mỗi khi phát hành nó vào lưu thông quá mức, nó không tự động rút ra khỏi lưu thông được. Tóm lại, lạm phát là hiện tượng phát hành thừa tiền giấy so với lượng tiền cần thiết cho lưu thông làm cho giá cả mọi thứ hàng hóa tăng lên. Lạm phát càng cao thì đồng tiền càng bị mất giá nhiều. 2. Nguyên nhân gây ra lạm phát : Nguyên nhân cơ bản của lạm phát chính là sự phát hành thừa tiền giấy so với lượng tiền cần thiết cho lưu thông, điều này xuất phát từ việc bội chi ngân sách Nhà nước lớn, hoặc do cả ngân sách bội chi và tín dụng bội chi. ở đây xin được lấy tình trạng lạm phát ở nước ta trong thời gian qua để xét. Có nhiều ý kiến khác nhau khi xem xét nguyên nhân của sự lạm phát này. Một số ý kiến cho rằng do thâm hụt ngân sách Nhà nước trong thời gian qua. Một số ý kiến cho rằng quản lý điều hành thị trường không tốt gây ra tình trạng thiếu một số mặt hàng, xuất khẩu hàng lậu tăng, mở rộng quá mức hạn tín dụng của các ngân hàng thương mại.... làm cho lạm phát gia tăng. Do đó cần phải làm rõ mối quan hệ của các nhân tố trên với tình trạng lạm phát gia tăng ở nước ta. Thứ nhất, việc thâm hụt ngân sách thường xuyên và khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn bù đắp lượng thâm hụt này, tạo nên áp lực tăng cung tiền. Tuy nhiên nếu việc bù đắp lượng thâm hụt này bằng con đường tín dụng Nhà nước như bán trái phiếu Chính phủ thì không ảnh hưởng gì đến chỉ số giá cả hàng hóa và dịch vụ trên thị trường. Nhiều nước trên thế giới có thời kỳ thâm hụt ngân sách tăng nhưng tỷ lệ lạm phát vẫn được duy trì ở một mức nhất định. Do vậy thâm hụt ngân sách Nhà nước không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra lạm phát ở nước ta trong thời gian qua. Thứ hai, tình trạng biến động lớn về giá cả một số loại hàng hóa do mất cân đối cung cầu về loại hàng hóa trên thị trường. Nếu như cung tiền tệ không đổi thì sự tăng giá đột nhiên với một số mặt hàng làm thay đổi cơ cấu tiêu dùng trong xã hội, thực hiện phân phối lại giữa các cá nhân và các tổ chức trong nền kinh tế. Do vậy sự sốt giá đối với một số loại hàng hóa không phải là nguyên nhân chủ yếu của lạm phát. Tuy nhiên, trên thực tế sự tăng giá đột biến cũng tạo ra áp lực tăng cung tiền tệ, làm thay đổi lượng tiền mặt dự trữ trong dân thông qua ngân hàng tác động đến chỉ số giá cả. Thứ ba, xuất khẩu lậu một số loại hàng hóa tạo nên mất cân đối cung cầu, đẩy giá cả hàng hóa đó lên chứ không ảnh hưởng đến tình trạng lạm phát. Thứ tư, việc tăng quy mô tín dụng của các ngân hàng thương mại. Việc tăng vốn tín dụng cho ngân hàng thương mại đã làm tăng cơ số tiền, mở rộng quy mô tín dụng làm tăng hệ số tiền, làm cho tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế tăng. Đây mới chính là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát trong thời gian qua ở Việt Nam. II) Tác động của lạm phát : Tác động của mỗi loại lạm phát đối với nền kinh tế là khác nhau. Loại lạm phát vừa phải (lạm phát một con số) không có tác động lớn đến nền kinh tế. Lạm phát phi mã và siêu lạm phát tác động lớn đến nền kinh tế ở hai mặt sau đây : 1. Sự phân phối lại thu nhập và của cải giữa các tầng lớp khác nhau : Tác động này phát sinh từ những sự khác nhau trong các loại tài sản và nợ nần của nhân dân. Những người lao động sống bằng tiền lương thì tiền lương thực tế giảm nghiêm trọng. Những người có nhiều tài sản cố định có giá trị cao và những người mắc nợ ngân hàng với lãi suất cố định thì tự nhiên hưởng lợi. Vì giá cả các loại hàng hóa, tài sản đều tăng lên, còn giá trị đồng tiền giảm xuống. Những người cho vay hoặc có tài sản bằng những đồ cầm cố hoặc trái phiếu dài hạn đều ở trong tình thế bất lợi bởi những người đi vay hoặc đi cầm cố, trước đây nhận tiền có giá, bây giờ đem tiền mất giá đến trả nợ và lấy lại tài sản đã cầm cố. Khi có giảm phát không đoán trước được thì tác động này lại đảo ngược lại. Những người đi vay và đi cầm cố bị mất một phần tài sản của họ sang tay người cho vay và người nhận cầm cố. Trong thời kỳ lạm phát phi mã, để giảm bớt tác động phân phối lại của lạm phát đối với đông đảo quần chúng, các Chính phủ thực hiện những chính sách như thả nổi tiền lương, thả nổi lãi suất, bù giá vào lương, tăng thêm trợ cấp theo chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, lấy nguồn tiền ở đâu để giải quyết việc này lại là một vấn đề nan giải. In thêm tiền mới là một việc làm vô cùng nguy hiểm, khi đồng tiền đang bị mất giá lại tung thêm tiền mới vào lưu thông, làm cho giá trị của đồng tiền lại tiếp tục giảm, chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Vay của nước ngoài, vay của dân bằng biện pháp tín phiếu, công trái, tăng lãi suất tiết kiệm... cũng chỉ là những biện pháp nhất thời. Giải pháp tích cực nhất là khuyến khích sản xuất phát triển để thu được tiền thuế, nhưng không phải ngày một ngày hai là có thể giải quyết được ngay. 2. Tác động đến giá cả, sản lượng, việc làm : Lạm phát kéo dài làm cho lượng tiền cung ứng tăng liên tục, tổng cung tiền tệ tăng nhanh hơn tổng cầu tiền tệ, lượng tiền danh nghĩa tăng, lãi suất danh nghĩa tăng, giá trị của tiền liên tục bị giảm, giá cả mọi thứ hàng hóa tăng cao lên với mức độ không bằng nhau. Tăng nhanh nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng và sản xuất rồi mới đến các mặt hàng khác. Khi hàng hóa khan hiếm, nạn đầu cơ có dịp phát triển mạnh làm cho giá cả càng hỗn loạn. Các Chính phủ rất khó kiểm soát các hoạt động kinh tế ngầm. Nhiều người dự trữ vàng, đầu tư vào bất động sản và ngồi chờ lạm phát xảy ra. Nhưng khi giá vàng bị sụt trở lại thì những người dự trữ vàng vẫn không bị thiệt hại gì bởi giá vàng so với các loại hàng hóa khác và ngoại tệ thì không suy giảm chút nào. Khi giá vàng xuống thấp, họ lại mua vàng vào và chờ khi giá vàng được nâng cao lên thì bán ra. Những người bị lạm phát làm thiệt hại nhiều nhất là những người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội. Lạm phát cao kéo dài làm cho hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản hoặc sản xuất cầm chừng, một số bộ phận công nhân viên chức mất việc làm, đạo quân thất nghiệp tăng lên. iii) những biện pháp để ngăn chặn lạm phát Lạm phát có nhiều mức độ và có nhiều tác hại khác nhau. Do đó, nó cũng có nhiều cách chữa trị khác nhau. Vấn đề của một nền kinh tế là làm thế nào để vừa tạo được công ăn việc làm đầy đủ cho người lao động, vừa có thể giảm được sự tác hại của lạm phát. 1. Chính sách thắt chặt lượng cung tiền tệ : Ngân hàng Nhà nước có thể quyết định thắt chặt mức cung tiền tệ. Điều đó sẽ có kết quả là lãi suất tăng lên. Lãi suất tăng lên ở một mức độ nhất định sẽ làm cho các doanh nghiệp và cá nhân tự động cắt giảm lượng tiền mặt đang có và lượng tiền thanh toán trên tài khoản tại ngân hàng để chuyển thành tiền gửi định kỳ nhằm mục đích hưởng lãi suất cao hơn. Điều đó là do thị trường tiền tệ bị chi phối bởi sự phối hợp qua lại giữa sự mong muốn của công chúng về việc nắm giữ tiền và chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Sự phối hợp qua lại này sẽ tác động vào thị trường tiền tệ quyết định lãi suất trên thị trường. Một chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ nâng cao lãi suất thị trường. Khi lãi suất tăng lên, một lượng tiền trong lưu thông sẽ giảm đi, và điều đó làm cho giá cả hàng hóa giảm xuống. 2. Kềm giữ giá cả : Để chống lại sự tăng giá của hàng hóa, Nhà nước có thể thực hiện chính sách kềm giữ giá cả bằng nhiều biện pháp khác nhau. Có thể nhập hàng hóa của nước ngoài để bổ sung cho khối lượng hàng hóa trong nước tạo ra sự cân bằng giữa cung cầu hàng hóa để kềm giữ giá cả. Nhà nước cũng có thể xuất kho dự trữ vàng và ngoại tệ bán cho công chúng. Điều này khó thực hiện ở các nước nghèo và lạc hậu như Việt Nam vì khối lượng dự trữ vàng và ngoại tệ ít. Nhà nước có thể thực hiện việc ấn định và kiểm soát giá cả. Biện pháp này chỉ có tác động nhất thời và trong cơ chế thị trường, Nhà nước khó lòng để có thể kiểm soát được mức giá cả. 3. ấn định mức lãi suất cao : Khi sử dụng biện pháp này, Nhà nước sẽ quyết định mức lãi suất gửi tăng lên nhằm thu hút khối lượng tiền trong lưu thông. Khi mức lãi suất tiền gửi tăng lên, những người có tiền sẽ thấy lợi khi gửi tiền vào ngân hàng. Nhưng biện pháp này sẽ làm cho hoạt động của các ngân hàng sẽ khó khăn vì lãi suất tín dụng cũng tăng lên, kết quả là ngân hàng sẽ không thể cho vay được nhiều và sẽ bị lỗ. Trong những điều kiện như vậy, hoạt động của các ngân hàng phải được sự hỗ trợ của ngân sách và ngân hàng để giảm lãi suất tín dụng. Nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng trên mức lạm phát là giải pháp cơ bản nhất vì lãi suất ngân hàng thực chất là giá cả tiền tệ. Biện pháp này đã gây được niềm tin của quần chúng nhân dân vào giá trị ổn định của đồng tiền, xóa bỏ cơ bản về tình trạng đầu cơ tích trữ hàng hóa, vật tư, lương thực... trong nhiều năm. Trong tình trạng lạm phát và khan hiếm, mọi người, mọi cơ sở sản xuất đua nhau tích trữ hàng hóa, cả tư liệu sản xuất lẫn tư liệu tiêu dùng. Nhiều xí nghiệp đã tích trữ vật tư, nguyên liệu, phụ tùng đủ dùng cho cả quý, thậm chí là cả năm. Không ít kẻ đầu cơ tìm cách tích trữ những hàng hóa có mức tăng giá cao hơn lạm phát để kiếm lợi. Những người có nhiều tiền thì tích trữ vàng và đô la. Có thể nói toàn dân đã trở thành những người đầu cơ tích trữ lớn nhỏ khác nhau. Đó là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng khan hiếm, đẩy cầu vượt cung một cách giả tạo. iv) liên hệ thực trạng lạm phát ở Việt Nam Vào giữa thập niên 80, nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Năm 1986, lạm phát đạt tới mức kỷ lục : 774,7%; năm 1988, mức lạm phát là 400,8%. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước bị giảm sút nghiêm trọng. Lưu thông hàng hóa rối loạn, mức sống của nhân dân bị tụt xuống. Những dấu hiệu đó chứng tỏ việc duy trì cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã không còn thích hợp; đồng thời cũng cho thấy tính kém hiệu quả của việc áp dụng cục bộ, thiếu triệt để của các giải pháp cải cách được áp dụng từ những năm 1979-1987. Vậy những biện pháp đó được áp dụng trong tình hình như thế nào, đã gây ra những thay đổi gì? Tình trạng khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 bắt nguồn từ giá hàng nhập khẩu. Từ năm 1981, giá hàng nhập khẩu từ nguồn quan trọng nhất là Liên Xô tăng 200-300% (tùy loại hàng). Chính việc tăng giá này đã làm cho ngân sách thâm hụt, lạm phát tăng lên. Do lạm phát, giá nông sản không thể giữ nguyên ở mức cũ, đặc biệt giá mua thóc của nông dân đến năm 1979 phải áp dụng mức giá nghĩa vụ là 0,52 đồng/kg, tăng 240% so với mức giá năm 1960. Đó cũng là một lý do dẫn tới bội chi ngân sách ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, những mặt hàng Nhà nước bán ra lại không thể tăng giá tương ứng vì ảnh hưởng đến đồng lương và thu nhập của người lao động. Thí dụ: 1m vải vào năm 1960 giá 1,65 đồng, bằng giá của 7,6 kg thóc, thì đến năm 1979 chỉ bằng 3,7kg (còn 48%). Đối với giấy viết, cũng trong thời gian đó, tỷ giá sụt xuống còn 42%, muối ăn còn 40%, giá phân urê giảm sút 40%. Nhìn chung trên toàn bộ mặt bằng tỷ giá, tỷ giá cánh kéo giữa thóc và các mặt hàng Nhà nước bán ra đã thu hẹp lại còn khoảng 50%. Do tình hình đó, Nhà nước phải tiến hành điều chỉnh giá. Việt Nam đã có hai cuộc tổng điều chỉnh giá và một loạt cuộc điều chỉnh giá từng mặt hàng và từng mức. Trong đợt điều chỉnh 1981-1982, mức giá thu mua trong hợp đồng hai chiều (giá nghĩa vụ) được nâng lên gần 5 lần (2,5 đồng/kg so với 0,52 đồng/kg). Giá hàng công nghiệp tăng 5-7 lần. Nhà nước chỉ còn giữ giá bán hàng cung cấp theo định lượng đối với 9 mặt hàng thiết yếu cho cán bộ và bộ đội. Mặt bằng giá mới đã tăng 6-7 lần. Đến cuộc cải cách giá lần thứ hai năm 1985, Nhà nước áp dụng chế độ một giá. Giá thóc tăng 7 lần so với năm 1981 (ngang với giá thị trường), giá thu mua cây công nghiệp tăng 7 lần. Giá bán tư liệu sản xuất cho nông dân tăng 6-7 lần. Giá bán buôn trong công nghiệp tăng 9-11 lần. Giá bán lẻ áp dụng ngang giá thị trường lúc đó. Nhưng giá thị trường lại tiếp tục tăng do lạm phát. Vì vậy, đến 1986, mức giá bán lẻ của Nhà nước quy định sát với giá thị trường đã trở thành lạc hậu, phục hồi tình trạng hai giá. Đến lúc này Nhà nước chỉ còn giữ 4 mặt hàng cung cấp là gạo, thịt, nước mắm, đường. Bước trượt giá thị trường so với giá quy định của Nhà nước giai đoạn 1985-1987 diễn ra như sau: Động thái giá cả trước và sau khi đổi tiền tháng 9-1985 (Đơn vị : giá tiền đồng trước khi đổi tiền) Giá thỏa thuận của Nhà nước Giá thị trường 7-1985 24 - 27 đồng 28 đồng 12-1985 35 - 40 đồng 58 - 75 đồng 6-1986 70 - 90 đồng 115 - 125 đồng 6-1987 450 - 550 đồng 600 - 700 đồng Đến tháng 9-1987, vì không thể đuổi kịp giá thị trường, Nhà nước không còn đủ tiền mua nên không quy định giá thỏa thuận nữa. Từ lúc này, Nhà nước mua thóc theo chế độ đổi hàng với tỷ lệ 1 kg urê bằng 2 kg thóc. Với quy định như vậy, người nông dân không thể bán thóc cho Nhà nước. Một bộ phận rất lớn người dân phải sống theo thị trường tự do. kết luận Trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam, lạm phát hiện vẫn là một vấn đề đáng quan tâm về vai trò của nó đối với sự nghiệp phát triển kinh tế. Nghiên cứu lạm phát, kiềm chế và chống lạm phát được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Càng ngày, cùng với sự phát triển đa dạng và phong phú của nền kinh tế, nguyên nhân của lạm phát cũng ngày càng phức tạp. Trong sự nghiệp phát triển kinh tế thị trường ở nước ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự điều tiết của Nhà nước, việc nghiên cứu về lạm phát, tìm hiểu nguyên nhân và các biện pháp chống lạm phát có vai trò to lớn góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước. d. tài liệu tham khảo 1. Nghiên cứu so sánh đổi mới kinh tế ở Việt Nam và cải cách kinh tế ở Trung Quốc - NXB Chính trị Quốc gia. 2. Hướng dẫn sử dụng chỉ số lạm phát - NXB Thống kê. 3. Giáo trình Tài chính Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội e. mục lục A. lời mở đầu 1 B. nội dung chính 2 I) lạm phát và nguyên nhân của lạm phát 2 II) tác động của lạm phát 4 iii) Những biện pháp để ngăn chặn lạm phát 6 iv) Liên hệ thực trạng lạm phát ở việt nam 7 C. kết luận 10 D. Tài liệu tham khảo 11 E. Mục lục 11 ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc35589.doc
Tài liệu liên quan