Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH _________________ Mai Thị Thủy Tiên THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN DUY Chuyên ngành: Lý luận văn học Mã số : 60 22 32 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. PHÙNG QUÝ NHÂM Thành phố Hồ Chí Minh - 2009 LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu, tập thể Thầy cô khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, phòng Khoa học- Công nghệ sau đại học đã tận tình giúp đỡ t

pdf134 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2304 | Lượt tải: 3download
Tóm tắt tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ôi trong quá trình học tập và nghiên cứu. Tôi xin đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS-TS.Phùng Quý Nhâm, người Thầy đã tận tâm, chu đáo trong hướng dẫn tôi hoàn thành luận văn tốt nghiệp này. Tôi cũng xin được cảm ơn nhà thơ Nguyễn Duy và gia đình, đã cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý giá cho luận văn. Và tôi cũng xin cảm ơn những người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã khích lệ, giúp đỡ, động viên tôi trong suốt quá trình học tập. Xin trân trọng cảm ơn. Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7 năm 2009 Người thực hiện luận văn Mai Thị Thủy Tiên DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài Trong những năm chiến đấu chống Mỹ xuất hiện lớp nhà thơ mặc áo lính, tuổi đời còn rất trẻ. Như nhiều thanh niên thời bấy giờ, theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ lên đường nhập ngũ. Trong số đó có Nguyễn Duy. Ông tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948 tại Đông Vệ, Thanh Hóa. Nguyễn Duy từng tham gia chiến đấu nhiều năm trên các chiến trường Khe Sanh, Đường Chín, Nam Lào, rồi sau này là mặt trận phía Nam, mặt trận phía Bắc (1979). Nguyễn Duy làm thơ khá sớm nhưng đến năm 1973, ông mới được độc giả biết đến với chùm thơ đoạt giải nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ: “Tre Việt Nam, Bầu trời vuông, Hơi ấm ổ rơm”. Từ đó Nguyễn Duy đã xuất bản nhiều tập thơ sáng giá trong tiến trình thơ đương đại Việt Nam: Cát trắng (1973), Phóng sự 30-4-1975 (1981), Ánh trăng (1984) ...đã đưa ông lên vị trí là một trong những nhà thơ “đem lại vinh quang cho cả thế hệ thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ” (Trần Đăng Suyền) [117, tr.92], góp phần “in đậm dấu ấn của thời đại” (Lưu Khánh Thơ) [5, tr.4]. Sau 1975, thơ Việt Nam trải qua một giai đoạn chững lại, tìm đường. Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Duy vẫn “bền bỉ kiên trì trong quá trình sáng tạo, cố gắng đi sâu vào mọi khía cạnh của hiện thực đời sống, hiện thực tâm trạng” (Lưu Khánh Thơ)[5, tr.4]. Với các tập thơ: Mẹ và em (1987), Đãi cát tìm vàng(1987), Đường xa (1989), Quà tặng (1990), Về (1994), Vợ ơi (1995)... cùng tuyển tập Thơ Nguyễn Duy Sáu & Tám, Nguyễn Duy đã thuộc “lực lượng đi tiên phong” (Trần Nhuận Minh) [4, tr.4] trong thời kì Đổi Mới với nhiều “chuyển đổi trong phương thức chiếm lĩnh hiện thực, trong các quan niệm mới về nghệ thuật, trong thế giới nghệ thuật có phần mới mẻ, khác lạ về con người, trong ý thức mới đối với tư cách chủ thể của nhà văn”(Phong Lê) [71, tr.344]. Thơ Nguyễn Duy đã được chọn đưa vào chương trình giảng văn ở bậc phổ thông, giới thiệu ra nước ngoài, đã được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học đánh giá, công bố trên các báo chuyên ngành, được công chúng yêu thơ đọc và bình phẩm. Tuy nhiên, ngoài những bài viết đó và một vài luận văn cử nhân, vẫn chưa có những công trình nghiên cứu toàn diện về thơ ông. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy trên cơ sở tiếp thu, kế thừa có chọn lọc công trình nghiên cứu của những người đi trước để nhằm góp thêm một cái nhìn khái quát về sự nghiệp thơ ca của nhà thơ Nguyễn Duy. 2. Giới hạn đề tài 2.1. Mục đích nghiên cứu Đặt Nguyễn Duy trong tiến trình thơ ca Việt Nam hiện đại, từ việc khảo sát nghiên cứu văn bản thơ, tìm hiểu hành trình sáng tạo của nhà thơ, chúng tôi hướng tới xác định cảm hứng chủ đạo và đặc điểm nghệ thuật thơ Nguyễn Duy về: ngôn ngữ, giọng điệu, đặc biệt là thể thơ lục bát. Từ đó khẳng định những đóng góp của ông - một tác giả có vị trí đáng kể trong đời sống thơ ca Việt Nam từ năm 1970 đến nay. “Đánh giá một tác giả văn học, cần xem tác giả ấy đã kế thừa được những gì trong truyền thống văn học quá khứ, của những người đi trước. Và phải xem họ đã đem lại một cái gì mới: một mảng hiện thực, một cách nhìn cuộc sống, một giọng văn, những đổi mới về thể loại” [74,tr.717]. Vì vậy, trong điều kiện và chừng mực nhất định, chúng tôi đối sánh thơ Nguyễn Duy với thơ của một số tác giả trước hoặc cùng thời như: Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Hữu Thỉnh...để từ đó rút ra những nét riêng biệt ở thơ ông. 2.2. Đối tượng nghiên cứu Nguyễn Duy sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau như: thơ, tiểu thuyết, bút kí, phóng sự, kịch thơ và sáng tác các loại lịch thơ, tranh thơ...nhưng với đề tài này, luận văn chỉ tập trung nghiên cứu thơ trữ tình của Nguyễn Duy. Cụ thể ở các tập thơ: Cát trắng (1973), Phóng sự 30-4-1975 (1981), Ánh trăng (1984), Mẹ và em (1987), Đãi cát tìm vàng (1987), Đường xa (1989), Về (1994), Thơ Nguyễn Duy Sáu & Tám (1994), Vợ ơi (1995), Bụi (1997), Tuyển tập thơ Nguyễn Duy (bản thảo do tác giả cung cấp). Bên cạnh việc khảo sát các tác phẩm trên, chúng tôi còn tiếp thu một cách chọn lọc những nhận định đánh giá của các công trình nghiên cứu đã có và những ý kiến của chính tác giả để đảm bảo tính khoa học, tính khách quan cho luận văn. 3. Lịch sử vấn đề Xuất hiện trên thi đàn Việt Nam từ những năm bảy mươi, Nguyễn Duy đã tạo ấn tượng nơi người đọc về một giọng thơ nhiều triển vọng. Có thể nói người có công phát hiện và giới thiệu thơ Nguyễn Duy đầu tiên là Hoài Thanh. Trải qua hơn một phần tư thế kỷ, đã có nhiều nhà phê bình, nghiên cứu nhận xét, đánh giá thơ Nguyễn Duy, có thể chia làm bốn nhóm: Một là loại bài tìm hiểu những bài thơ, tập thơ tiêu biểu. Hai là, loại bài nghiên cứu khái quát thơ Nguyễn Duy. Ba là, những bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của chính nhà thơ về tác phẩm của mình. Bốn là, một số luận văn cử nhân nghiên cứu về thơ Nguyễn Duy. Nhìn chung, các bài nghiên cứu đã đi vào tìm hiểu nội dung và nghệ thuật thơ Nguyễn Duy ở những phương diện và mức độ khác nhau. Trong phạm vi giới hạn của đề tài, chúng tôi sẽ hệ thống những ý kiến nổi bật, những nhận định quan trọng liên quan đến cảm hứng chủ đạo và đặc điểm nghệ thuật thơ Nguyễn Duy. Để hình dung cụ thể, trong phần lịch sử vấn đề, chúng tôi phân chia ra các nhóm ý kiến sau: 3.1. Hướng tiếp cận về nội dung Trong những bài nghiên cứu đánh giá, thẩm bình về thơ Nguyễn Duy, nhiều tác giả đã có những phát hiện về nét riêng độc đáo đối với từng tác phẩm của ông. Cụ thể trong Hơi ấm ổ rơm, Vũ Quần Phương cho là “tấm lòng thơm thảo, nhường cơm xẻ áo của nhân dân ta” [99, tr.154]. Trong Đò Lèn, Trịnh Thanh Sơn cho là “những thước phim quay chậm” về nỗi gian truân của người bà, khiến độc giả “chỉ đọc thôi đã muốn trào nước mắt”)[112, tr.14]; Đỗ Lai Thúy thì cho là sự “giải cổ tích hóa”, là “cốt cách hiện đại” [138 ,tr 379-384]. Trong Ánh trăng, Nguyễn Bùi Vợi đã cảm “nỗi ăn năn nhân bản, thức tỉnh tâm linh, làm đẹp con người” [148, tr.7]. Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Đặng Hiển cho là “đã động thấu đến những tình cảm thiêng liêng nhất, sâu xa nhất và thân thương nhất của chúng ta - tình cảm đối với mẹ” [49, tr.34]. Còn Lê Trí Viễn khi nói về bài Tre Việt Nam đã khẳng định đó là những biểu hiện của “phẩm chất con người” [147, tr.289]. Những bài nghiên cứu ấy đã chỉ ra cảm hứng trong thơ Nguyễn Duy xuất phát từ sự trân trọng, yêu thương, phát hiện ra vẻ đẹp của con người Việt Nam trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ đặc biệt là những gian khổ thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt của người dân. Tập thơ của Nguyễn Duy được nhiều nhà phê bình chú ý là Ánh trăng- tác phẩm được nhận giải thưởng của Hội nhà văn 1984. Nhận xét về nội dung tập thơ này, Từ Sơn viết: “Tám mươi bài thơ chọn in trong hai tập Cát trắng và Ánh trăng chiếm số lượng lớn vẫn là những bài thơ viết về người lính, về những điều đã cảm nhận trên các nẻo đường chiến tranh...Nguyễn Duy đã đi nhiều nơi, đã tiếp xúc với nhiều người. Bao giờ anh cũng dành những tình cảm tốt đẹp nhất của mình cho đồng đội và cho những người dân bình thường” [116, tr.2]. Cùng ý kiến đó, Lê Quang Hưng cũng rất sâu sắc khi nhận định: Tiếng nói của Nguyễn Duy trong Ánh trăng “trước tiên vẫn là tiếng nói của một người lính, tiếng nói tìm đến những người lính- những đồng đội để sẻ chia, trò chuyện...Đúng như Nguyễn Duy tâm sự: anh luôn cảm thấy mình mắc nợ cuộc sống, mắc nợ những đồng đội. Các cảm giác đáng quí cũng là cái ý thức trách nhiệm ấy đã thôi thúc anh, nâng giúp anh viết ngày một nhiều, ngày một hay hơn về những người chiến sĩ” [58, tr.156]. Trên cơ sở đó, Lê Quang Hưng rút ra sự hấp dẫn của tập thơ: “Ánh trăng được nhiều bạn đọc yêu thích trước hết vì nó thực sự là một phần của một cuộc đời, là tiếng nói của một cây bút có trách nhiệm trước cuộc sống xây dựng và chiến đấu sôi động trên đất nước ta những năm qua” [58, tr.158]. Tế Hanh cũng thể hiện sự trân trọng của mình khi nhận xét về tập thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy. Trong bài “Hoa trên đá và Ánh trăng” đăng trên báo Văn nghệ số 15/1986, ông viết: “Đọc thơ Nguyễn Duy trước hết ta thấy anh là một người lính đã chiến đấu ở nhiều mặt trận. Hiện nay anh không phải là quân nhân nhưng những câu thơ anh viết về bộ đội, về cuộc đời quân nhân vẫn là những câu thơ thấm thía nhất” [40, tr.3]. Dù mỗi người nhìn nhận, đánh giá tập thơ này ở những góc độ khác nhau, nhưng nhìn chung các ý kiến trên đều thống nhất ở một điểm: cảm hứng để Nguyễn Duy viết là từ những tâm sự và trải nghiệm của chính bản thân nhà thơ- một người lính đã từng trải qua những địa danh trận mạc cũng là những địa danh của thi ca, một công dân có trách nhiệm sâu sắc đối với cuộc đời. Trong các bài nghiên cứu khái quát thơ Nguyễn Duy của Hoài Thanh, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Thụy Kha, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Quang Sáng, Chu Văn Sơn, Vũ Văn Sỹ, Nguyễn Trọng Tạo, Đỗ Minh Tuấn, Phạm Thu Yến, các tác giả đều có khuynh hướng đi sâu tìm hiểu những nội dung cơ bản trong thơ Nguyễn Duy. Các bài viết này đã khẳng định thế giới nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy ngay từ khi mới xuất hiện là những cảnh vật, sự việc, con người bình thường trong cuộc sống, gần gũi với nhà thơ và với mọi người. Có thể nói, bài phê bình sớm nhất về thơ Nguyễn Duy là “Đọc một số bài thơ của Nguyễn Duy” của Hoài Thanh, đăng trên Báo Văn nghệ số 444/1972. Bài viết khẳng định: “Thơ Nguyễn Duy đưa ta về một thế giới quen thuộc... Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những con người, những cuộc đời cần cù gian khổ, không tuổi không tên... Đọc thơ Nguyễn Duy, thấy anh thường hay cảm xúc, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình...” [129, tr.5]. Cùng ý kiến đó, Lại Nguyên Ân trong bài “Tìm giọng mới thích hợp với người thời mình” cho rằng thơ Nguyễn Duy “nhạy cảm với cái gì ít ỏi, còm nhom, queo quắt, cộc cằn , đơn lẻ” [2, tr.11]. Trong bài “Đi tìm tiềm lực trong thơ Nguyễn Duy”, in trong phụ lục tập thơ Mẹ và em, Nguyễn Quang Sáng nêu ý kiến: “Ngoài mảng thơ về đề tài chiến trận, thơ Nguyễn Duy chủ yếu dành cho những đề tài muôn thuở: tình yêu, con người và đất nước quê hương...Trong thơ Duy có hầu hết gương mặt các miền đất với những cảnh sắc, thần thái riêng” [111, tr.91]. Cũng bình về những đặc điểm này Vũ Văn Sỹ có những nhận xét khá tinh tế: “Nguyễn Duy thường nắm bắt những cái mong manh nhưng vững chắc trong đời: chút rưng rưng của ánh trăng, một tiếng tắc kè lạc về giữa phố, một dấu chân cua lấm tấm ruộng bùn, một kỉ niệm chập chờn nguồn cội, một mùi thơm của huệ trắng trong đền, thoáng hư thực giữa người và tiên phật...Và rồi hồn thơ Nguyễn Duy neo đậu được ở đó” [124, tr.69]. Sau khi nêu những cảm nhận chung, Vũ Văn Sỹ đã mượn ngay câu thơ của Nguyễn Duy để kết luận về cảm hứng chủ đạo trong thơ ông: “Nguyễn Duy- người thương mến đến tận cùng chân thật” [124]. Và nếu như Nguyễn Đức Thọ chỉ chú ý một khía cạnh trong thơ Nguyễn Duy: “Có lẽ sau cụ Tú Xương, tôi chưa thấy ai ca ngợi vợ tài như Nguyễn Duy” [135, tr.82-90] thì Nguyễn Quang Sáng, một người bạn thân thiết với Nguyễn Duy, nêu nhận xét cụ thể hơn: “Nguyễn Duy gắn bó máu thịt với đất nước mình bằng tình cảm rất cụ thể với người dân...Thơ Nguyễn Duy có niềm tự hào chính đáng về nhân dân mình, cùng với nỗi buồn thương chính đáng” [111, tr.97]. Còn nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đưa ra một nhận xét có ý nghĩa khái quát: “Bao dung nên giàu có” [83, tr.280]. Nhìn chung các ý kiến đánh giá trên đã chỉ ra được nét riêng và độc đáo của thơ Nguyễn Duy là ông thường cảm xúc - suy nghĩ về những điều bình dị, cụ thể của đời thường. Đặc điểm này thể hiện trong thơ ông như một mạch thống nhất, xuyên suốt cả trong hoàn cảnh chiến tranh và hòa bình. Cùng tìm hiểu về nội dung thơ Nguyễn Duy, năm 2008, trong luận văn tốt nghiệp, sinh viên Nguyễn Thị Thu Hiền với đề tài “Cái tôi nội cảm tìm về cội nguồn trong thơ trữ tình Nguyễn Duy” đã đi sâu làm rõ một trong những khía cạnh nổi bật của thơ trữ tình Nguyễn Duy: cảm xúc về quê hương xứ sở, điệu hồn của dân tộc, về đạo đức truyền thống và những giá trị thiêng liêng cùng nghệ thuật thể hiện cái tôi trữ tình. Tuy nhiên những vấn đề trên chưa được nghiên cứu sâu. 3.2. Hướng tiếp cận về nghệ thuật Phương diện được các tác giả quan tâm nhiều nhất và có ý kiến tương đối thống nhất là thể loại. Bài “Tre Việt Nam” được nhiều nhà phê bình phân tích, đánh giá; có thể xem đây là một trong những bài thơ lục bát tiêu biểu của Nguyễn Duy. Văn Giá trong “Một lục bát về tre” nhận xét: “ Lựa chọn thể thơ 6-8, một thể thơ thuần chất Việt Nam, tác giả xử lý thật nhuần nhuyễn, trôi chảy, trau chuốt, không non ép, gượng gạo, vấp váp một chỗ nào. Trong toàn bộ sáng tác của nhà thơ, phần các bài viết theo thể lục bát không phải là nhiều nhất nhưng anh vẫn được coi là một trong những nhà thơ hiện đại viết lục bát thành công nhất. Với tất cả những gì đạt được, anh đã góp phần đem lại một sắc điệu hiện đại cho thể thơ lục bát của dân tộc” [9, tr.93]. Và chính Nguyễn Duy, khi trả lời phỏng vấn trên báo Đại đoàn kết đã bộc bạch: “Những bài thơ lục bát là phần quý giá nhất của mình” [12, tr.14]. Lê Quang Trang khẳng định “Anh vốn là người sở trường về sử dụng thơ lục bát” [141, tr.200]. Nguyễn Quang Sáng cũng cùng ý kiến đó khi cho rằng: “Nguyễn Duy vốn có ưu thế và trội hẳn lên trong thể thơ lục bát” [111, tr.91]. Nguyễn Thụy Kha: “Sẵn cái chất hóm hỉnh, dân dã, sâu sắc hơi chua cay chút chút, Duy quả là thiện nghệ trong cái trò “ 6&8” này” [61, tr.204]. Và nếu năm 1986, Lại Nguyên Ân còn e dè khi cho rằng: “Ngay cả những bài lục bát, ta cũng thấy có cái gì bên trong như muốn cãi lại vẻ êm nhẹ mượt mà vốn có của câu hát ru truyền thống” [2, tr.11] thì đến năm 1999, Vũ Văn Sỹ đã mạnh mẽ khẳng định: “Nguyễn Duy đã sử dụng lục bát để thuần hoá chất liệu cập nhật của đời sống. Lục bát trong tay Nguyễn Duy trở nên vừa êm ái vừa ngang ngạnh, vừa quen thuộc vừa biến hoá, “cựa quậy”. Làm thơ lục bát đến như Nguyễn Duy có thể xếp vào bậc tài tình” [124,tr.74]. Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong lời giới thiệu in ở đầu tập thơ “Nguyễn Duy- thơ với tuổi thơ” cũng đã chỉ ra sự đổi mới cách tân của Nguyễn Duy khi sử dụng thể thơ dân tộc: “Lục bát của Nguyễn Duy rất hiện đại. Câu thơ vừa phóng túng ngang tàng lại vừa uyển chuyển, chặt chẽ với một bút pháp khá điêu luyện. Nguyễn Duy là người có công trong việc làm mới thể thơ truyền thống này” [63]. Nguyễn Thị Thúy Hằng trong luận văn tốt nghiệp đại học năm 1999, với đề tài “Thơ lục bát của Nguyễn Duy” đã khảo sát Câu lục bát trong ca dao truyền thống và thơ lục bát của Nguyễn Duy. Từ đó, chỉ ra sự kế thừa những đặc điểm của ca dao và thơ truyền thống trong câu thơ Nguyễn Duy, nêu một vài điểm đổi mới trong thơ ông như: Quan niệm về thế giới và con người, hình thức trình bày thơ, cấu tứ và kết cấu ở một bài thơ lục bát...Có thể thấy, mỗi tác giả đánh giá thơ lục bát của Nguyễn Duy ở một khía cạnh khác nhau nhưng nhìn chung các ý kiến này đều thống nhất cho rằng thơ lục bát Nguyễn Duy thực sự có vị trí cao trong các sáng tác lục bát đương thời. Ngôn ngữ - vốn là một phương diện rất quan trọng trong việc tìm hiểu nghệ thuật thơ Nguyễn Duy nhưng lại chưa có sự thống nhất cao. Theo Nguyễn Quang Sáng: “Thơ Nguyễn Duy đượm tính dân tộc và nhuần nhuyễn ngôn ngữ dân gian.” [111, tr.96], Phạm Thu Yến lại có ý kiến khác: thơ Nguyễn Duy là sự kết hợp giữa “ngôn ngữ đời thường” và ngôn ngữ “đậm màu sắc hiện đại” [152, tr.79 ]. Còn với Vương Trí Nhàn, thơ Nguyễn Duy là “bản hợp xướng của những chữ lạ” [83, tr.283]. Hồ Văn Hải thì khẳng định: “Sáng tạo từ láy là điểm nổi bật nhất trong lục bát Nguyễn Duy” [44, tr.6 ]. Phương diện được nhiều nhà nhiên cứu, phê bình quan tâm là giọng điệu. Khi bình bài “Tre Việt Nam”, GS.Lê Trí Viễn cho rằng: “Giọng điệu bài thơ là kể chuyện như kể chuyện cổ tích” [147, tr.289]. Năm 1986, trong bài viết “Tìm giọng mới thích hợp với người thời mình”, Lại Nguyên Ân tập trung tìm hiểu sự cách tân giọng điệu trong thơ Nguyễn Duy: “Thật ra thơ Nguyễn Duy nhìn chung vẫn nằm trong điệu trữ tình...Thơ Nguyễn Duy gần đây thường có thêm sắc giọng thủng thẳng, hơi ngang ngạnh và ương bướng”. Với Lại Nguyên Ân, giọng điệu đó làm cho thơ tình “bớt đi cái tha thiết héo ruột héo gan vốn thường có ở những khí chất yếu, những tâm trạng u sầu lối cũ” “tăng thêm cái khoẻ khoắn mạnh mẽ vốn là đặc điểm của con người thời nay”[2, tr.11]. Ngô Thị Kim Cúc khi đọc tập thơ “Bụi” của Nguyễn Duy đã nhận xét: “Từ bài đầu đến bài cuối hầu hết vẫn giống nhau ở một cách viết, vẫn cái giọng cà tửng cà khịa khiến người ta lúc đầu bật cười rồi sau đó thấm thêm một tí lại trào nước mắt” [13, tr.5]. Phạm Thu Yến thì cho rằng: khuynh hướng hài hước, trào lộng là một trong những biểu hiện của thi pháp ca dao và đã nhẹ nhàng phê bình Nguyễn Duy đôi khi “quá đà”, khiến người đọc phải “ái ngại” [152, tr.76-82]. Trong các bài phê bình nghiên cứu về thơ Nguyễn Duy, thì bài viết “Nguyễn Duy - thi sĩ thảo dân” của Chu Văn Sơn là một bài viết công phu, cung cấp cho người đọc một cái nhìn tương đối rõ về con đường sáng tác của Nguyễn Duy. Ông gọi thế giới thơ Nguyễn Duy là “cõi chúng sinh thì hiện tại”: binh lửa và bụi bặm, bùn nước và gió trăng, nghèo đói và tiềm năng, tàn phá và gây dựng, xơ xác và nhen nhóm, bần bách và phù hoa”; nhân vật là “thập loại chúng sinh”, là bà, mẹ, cha ,vợ, con...đặc biệt là những con người không may mắn xuất hiện trong đời sống như “chú bé đi bụi khoèo mái hiên lắng nghe pháo tết, em điếm ế đón giao thừa gốc cây, bà bới rác nằm co ro gầm cầu...”. Từ đó biện giải “Nguyễn Duy là thi sĩ thảo dân”, chỉ ra bản chất “thảo dân” ấy ở cảm hứng sáng tác, ngôn ngữ, giọng điệu, thể thơ lục bát của Nguyễn Duy [114, tr.38-53]. Như vậy, qua các bài nghiên cứu, phê bình thơ Nguyễn Duy nêu trên, chúng tôi nhận thấy các tác giả đã có những đóng góp nhất định trong việc phát hiện ra một số đặc điểm về nội dung, nghệ thuật nổi bật của thơ ông. Nhưng nhìn chung, các bài viết này chỉ mới đi vào tìm hiểu một bài thơ, tập thơ hoặc chỉ dừng lại nghiên cứu một khía cạnh, một mặt nào đó trong thơ Nguyễn Duy, chưa có một công trình nào đi sâu nghiên cứu, khảo sát toàn diện và có hệ thống về thơ ông, để từ đó rút ra những đặc điểm khái quát về nội dung tư tưởng, nghệ thuật thơ Nguyễn Duy...Tuy nhiên đây là những nhận định hết sức đáng quý, gợi mở cho chúng tôi nhiều vấn đề về cảm hứng, ngôn ngữ, giọng điệu, thể thơ lục bát của Nguyễn Duy trong việc thực hiện đề tài luận văn. 4. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu trên, chúng tôi vận dụng các phương pháp chủ yếu sau đây: 4.1. Phương pháp phân tích và tổng hợp Đây là phương pháp cơ bản và phổ biến trong nghiên cứu văn học nói chung. Chúng tôi sẽ vận dụng phương pháp này để phân tích câu thơ, khổ thơ, đoạn thơ, bài thơ có tính chất tiêu biểu, điển hình để minh họa cho các luận điểm của luận văn. 4.2. Phương pháp cấu trúc- hệ thống Quan niệm thế giới nghệ thuật là một chỉnh thể, xuất phát từ đặc điểm riêng của thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy, luận văn chú trọng việc tìm ra những thành tố tạo nên chỉnh thể này và qui luật cấu trúc nên nó. Mọi đối tượng, mọi vấn đề khảo sát được chúng tôi đặt trong tương quan hệ thống, trong qui luật cấu trúc này. 4.3. Phương pháp so sánh Mục đích của việc sử dụng phương pháp so sánh là để khẳng định nét độc đáo, đặc sắc của phong cách thơ Nguyễn Duy trong mối tương quan so sánh với các tác giả, tác phẩm khác ở cả hai chiều lịch đại và đồng đại. Với việc sử dụng phương pháp này chúng tôi có cơ sở để tìm hiểu, lí giải và xác định rõ những giá trị cũng như đóng góp của thơ Nguyễn Duy trên nhiều bình diện khác nhau. 4.4. Phương pháp phân loại, thống kê Đối với từng thành tố trong chỉnh thể, đối với các yếu tố thuộc phương thức, phương tiện trữ tình trong thơ Nguyễn Duy, khi cần thiết luận văn thực hiện phân loại và thống kê qua các con số cụ thể. 5. Đóng góp của luận văn Luận văn đã tìm hiểu thơ Nguyễn Duy trên bình diện của thế giới nghệ thuật. Trong quá trình tiếp cận “Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy”, người viết xem đó như một chỉnh thể nghệ thuật bao gồm nhiều phương diện có mối quan hệ gắn bó biện chứng với nhau. Với đề tài này, người viết mong muốn đóng góp thêm một hướng tiếp cận, nhằm tìm hiểu tương đối đầy đủ về sự nghiệp sáng tác thơ ca của nhà thơ Nguyễn Duy, thông qua việc nghiên cứu những vấn đề nổi bật như: Hành trình sáng tạo, cảm hứng chủ đạo và những đặc điểm nghệ thuật thơ ông, để từ đó khẳng định bản sắc riêng độc đáo của ngòi bút Nguyễn Duy và vị thế của ông trong tiến trình vận động và phát triển của thơ Việt Nam hiện đại. Người viết cũng hi vọng rằng những tư liệu và kết quả của luận văn sẽ góp một phần nhỏ vào việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập thơ Nguyễn Duy trong nhà trường được tốt hơn. 6. Cấu trúc luận văn Phù hợp với lôgic nội tại của vấn đề đặt ra nghiên cứu, ngoài phần Dẫn nhập và Kết luận, luận văn được triển khai trong ba chương: Chương 1: Hành trình nghệ thuật của Nguyễn Duy. Chương 2: Cảm hứng chủ đạo trong thơ Nguyễn Duy. Chương 3: Đặc điểm nghệ thuật thơ Nguyễn Duy. Cuối cùng là danh mục Tài liệu tham khảo. 7. Giới thuyết khái niệm: “Thế giới nghệ thuật” Thế giới nghệ thuật là một cụm từ càng gần đây càng được sử dụng nhiều cả trong đời sống và trong học thuật. Nó được dùng khi con người có nhu cầu diễn đạt ý niệm về cái chỉnh thể bên trong của sáng tác nghệ thuật (một tác phẩm, một loại hình tác phẩm, sáng tác của một tác giả, một trào lưu...). Có nhiều cách lý giải về thế giới nghệ thuật. Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng: Thế giới nghệ thuật là một thế giới được tạo ra trong nghệ thuật. Nó hoàn toàn “khác với thế giới thực tại vật chất hay thế giới tâm lí của con người mặc dù nó phản ánh thế giới ấy” “Thế giới nghệ thuật thuật nhấn mạnh rằng sáng tác nghệ thuật là một thế giới riêng được tạo ra theo các nguyên tắc tư tưởng và nghệ thuật...Mỗi thế giới nghệ thuật như một mô hình nghệ thuật trong việc phản ánh thế giới, ứng với một cách quan niệm về thế giới, một cách cắt nghĩa về thế giới” [39, tr.352]. Lê Ngọc Trà quan niệm: “Đối tượng nghiên cứu đầu tiên của thi pháp học là các yếu tố và cấu trúc tác phẩm văn học như ngôn ngữ, thế giới nghệ thuật, kết cấu và chủ thể nghệ thuật [140, tr.140]. “Thế giới nghệ thuật bao gồm nhân vật, cốt truyện và các chi tiết được mô tả, không gian, thời gian nghệ thuật...Nghiên cứu thế giới nghệ thuật của tác phẩm, khám phá được tính chỉnh thể ấy có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm hiểu cách cảm nhận thế giới cũng như quan niệm tư tưởng của nhà văn” [140, tr.141]. Lê Tiến Dũng cho rằng: “Qua văn bản ngôn từ người đọc bắt gặp “bức tranh đời sống”, một thế giới như ta đã gặp đâu đó trong đời, lại như chưa gặp bao giờ...Người ta gọi lớp này là lớp thế giới nghệ thuật hay là lớp hình tượng”. “Mỗi nhà văn, mỗi thời đại văn học sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật riêng. Tiếp nhận được thế giới này là cơ sở để hiểu tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm, cảm nhận được những gì nhà văn miêu tả, kí thác cũng như cái nhìn, quan niệm của nhà văn về con người, cuộc sống” [15, tr.11]. Những quan niệm trên về thế giới nghệ thuật thiên về tác phẩm văn xuôi và nội dung được phản ánh trong tác phẩm. Từ góc độ thi pháp học chúng tôi quan niệm “hình thức mang tính nội dung và nội dung là một nội dung được xác định trong hình thức” [118, tr.9]. Nói cách khác thế giới nghệ thuật không đơn thuần là vấn đề hình thức mà trong tính chỉnh thể của nó, hình thức thẩm mĩ đó luôn được thẩm thấu, chuyển hóa trong một nội dung thích hợp. Thông qua thế giới nghệ thuật của một nhà thơ ta có thể phân biệt được chỗ sâu sắc, tư tưởng nghệ thuật độc đáo của nhà thơ ấy với nhà thơ khác. Vậy “Thế giới nghệ thuật” vừa là thế giới được tạo thành trong thơ qua cách cảm nhận riêng của tác giả vừa là hình thức biểu hiện của thế giới ấy, một hình thức thích hợp duy nhất để nội dung được biểu hiện trọn vẹn và đầy đủ. Với “Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy”, chúng tôi tập trung nghiên cứu cảm hứng sáng tác và phương thức biểu hiện trong thơ như: thể thơ, ngôn ngữ, giọng điệu... Từ đó thấy được phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Duy vừa mang nét riêng cá nhân vừa phản ánh trình độ nghệ thuật của một giai đoạn lịch sử, một thời đại. Chương 1 HÀNH TRÌNH NGHỆ THUẬT CỦA NGUYỄN DUY Khi nói đến những con đường dẫn người nghệ sĩ đi tới việc tạo ra những tác phẩm của mình, nhà thơ P.Antokolxky đã phát biểu: “Cũng như trong bất kỳ một lãnh vực nào cái quan trọng nhất trong nghệ thuật là quá trình, là sự hình thành, là cuộc đấu tranh, là sự tìm tòi, là một dòng nước không bao giờ cạn tự khơi lấy một dòng sông” [66, tr.338-339]. Để tìm hiểu cảm hứng chủ đạo trong thơ Nguyễn Duy, không thể xem xét từng tác phẩm của ông mà phải nhìn nhận sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Duy trong gần bốn mươi năm qua như một hành trình mà mỗi tác phẩm chỉ là một sự kiện, một mắt xích, một cột mốc trong hành trình đó. Hướng tiếp cận này cũng sẽ cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng thể, là cơ sở quan trọng để đi sâu khám phá về những cảm hứng chính trong các tác phẩm cũng như đi sâu vào từng vấn đề cụ thể trong toàn bộ sáng tác của nhà thơ. Do sự tác động của hoàn cảnh lịch sử và sự vận động trong ý thức của chủ thể nhà thơ, hành trình nghệ thuật của Nguyễn Duy có thể chia làm hai giai đoạn: trước những năm tám mươi và sau những năm tám mươi. Sở dĩ chúng tôi phân chia như vậy là vì sau những năm tám mươi, thơ Nguyễn Duy mới thực sự có những chuyển biến đáng kể. Sự chuyển biến đó thể hiện ở tất cả các cấp độ: cảm hứng chủ đạo, thể loại, ngôn ngữ và giọng điệu. Ở những chương tiếp theo của luận văn, chúng tôi sẽ cố gắng chỉ rõ sự khác biệt ấy, nhưng cũng xin lưu ý: sự chuyển biến trong sáng tác của Nguyễn Duy trước và sau những năm tám mươi chỉ là sự chuyển biến mang tính tiếp nối, không phải là những bước ngoặt đưa thơ ông rẽ sang những hướng đi khác, bởi về cơ bản, các sáng tác của ông luôn nhất quán dưới sự chi phối mạnh mẽ của triết lí nhân sinh: “Ta là dân- vậy thì ta tồn tại”. Nếu như Chế Lan Viên tuyên bố hùng hồn về cuộc chiến tranh giữ nước: Ta đánh Mỹ vậy ta tồn tại, Lưu Quang Vũ ngây ngất trong tình yêu: Anh yêu em vậy anh tồn tại, còn Nguyễn Duy trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng nói lên cái “triết lí thảo dân” (Chu Văn Sơn) kia của mình. Thông thường, có được một quan niệm riêng đúng đắn, xem như có một hoa tiêu tin cậy cho hành trình sáng tạo rồi. Dẫu biết rằng quan niệm của người nghệ sĩ không phải nhất thành bất biến, song ở Nguyễn Duy cái quan niệm buổi chập chững đã là một kim la bàn khá chuẩn, càng về cuối càng sắc nét hơn và được hiện thực hóa trong suốt hành trình sáng tạo của ông. 1.1. Hành trình qua nhiều miền Tổ quốc Trước hết, hành trình nghệ thuật của Nguyễn Duy là cuộc hành trình qua những miền đất, hay nói cách khác, đó là cuộc hành trình đầy ắp chất liệu thực tế do nhà thơ gặt hái được từ những chuyến đi, “Duy đi hầu khắp đất nước, đi qua bão, qua lụt, qua đạn, qua bom, đi “xẻ dọc Trường Sơn”[111, tr.91]. Chỉ nhìn vào tựa đề các bài thơ và thời điểm sáng tác, ta thấy ông đã đặt chân lên hầu hết mọi miền quê trên đất nước mình: từ các tỉnh miền Bắc như Lạng Sơn, Hà Nội, Hà Nam đến dải đất miền Trung với Huế, Quảng Bình, Quảng Trị; từ đồng bằng sông Cửu Long qua Tiền Giang, Hậu giang, Đồng Tháp và đến tận Mũi Cà Mau. Ở đâu, Nguyễn Duy cũng tìm được cho mình nguồn cảm hứng sáng tác và có những bài thơ hay. Nguyễn Quang Sáng đã yêu mến ví “Nguyễn Duy như một con ngựa sung sức, nếu không được buông vó trên đường dài thì ở trong tàu lúc nào cũng nghe cái gõ lộp cộp của nó, nó đòi đi.” [103, tr.88]. Và trong cuộc hành trình này, Nguyễn Duy không phải trong vai “người bộ hành phiêu lãng” (Thế Lữ) mà đã hóa thân vào đất đai, sông nước để diễn tả được “những cảnh sắc, thần thái riêng riêng” [103, tr.84] của từng miền đất. Cùng chung một cái gốc nhân bản và tâm hồn nhân hậu, thế mà ở thơ ông, mỗi khu vực địa lí khác nhau đều có chút riêng riêng khác nhau ấy. Với Hà Nội, Nguyễn Duy xúc cảm trước thiên nhiên, con người, trước cái biến đổi của mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến: “Hồ Gươm xanh màu xanh cổ tích con rùa vàng gửi bóng ở trên mây cây si mọc chúc cành xuống nước Thê Húc cong cong một nét lông mày Tóc em dài cho ta nhìn thấy gió áo em bay cho mờ tỏ thân hình em sâu sắc như kinh thành cổ kính gốc si già da mốc ngói rêu xanh. Em nhẹ nhõm đi về trong phố cũ tường nhà lở vôi cửa gỗ bức bàn ta lặn lội như một thằng ăn trộm nơm nớp lo mình bị bắt quả tang. Lần lữa mãi thế là ta lỡ dại để dành thành mất cắp cả tình yêu thế là ta mồ côi em mãi cát vu vơ chết đuối dưới sương chiều. Cửa gỗ cài then...bóng em mất hút xe cúp đã thay cho ngựa tía võng điều ta trở lại gốc si già...và làm lại làm thơ tình tặng những lứa đang yêu...” ( Một góc chiều Hà Nội ) Và cũng hàm súc biết bao những câu thơ ông viết về ruộng đồng miền Bắc có cái gì rất đặc trưng: “Vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua” ( Tuổi thơ ) hay “Giọt sương muối co ro đầu nhảnh mạ nhức nhối bàn chân phì phọp thở trong bùn” ( Lời ấm áp nói từ trong gió lạnh ) Về “thần hồn” của một vùng quê xưa: “chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng - mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm - điệu hát ._.văn lảo đảo bóng cô đồng...” (Đò Lèn). Có thể thấy Nguyễn Duy viết rất hay về đồng bằng Bắc Bộ đặc biệt là quê hương Thanh Hóa, điều đó không có gì lạ vì đây là nơi “chôn nhau cắt rốn” của nhà thơ. Nhưng khi đến Huế, nhà thơ lại cho ra đời những bài thơ tuyệt vời đưa người đọc đến với dòng sông Hương nước êm đềm trong vắt có cầu Tràng Tiền mềm mại bắc qua sông, thấp thoáng tà áo người thiếu nữ, đẹp đến ngẩn ngơ lòng: “Vừa xa mà đã nghe lâu hỏi thăm áo tím qua cầu gió bay ớt Đông Ba có còn cay gạo de An Cựu độ này còn thơm? Hỏi thăm hoa phượng bên đường sông Hương mấy bữa mưa nguồn còn trong quán cơm Âm Phủ còn không cô gì hôm ấy lấy chồng hay chưa?...” ( Hỏi thăm ) hay nỗi trầm tư trước cảnh: “Bến Tuần loáng thoáng hàng dâu em xa vườn lựu từ lâu lắm rồi lối mòn đá cuội rong chơi lơ thơ trắng dưới chân đồi hoa mơ Lan báo hỉ nở tình cờ bông ngô đồng rụng xuống bờ Hương giang chợ chiều Bến Ngự chưa tan ai đi ngược dốc Phú Cam một mình...” ( Nhớ bạn ) “Người ta chỉ có thể nhận ra diện mạo của một Huế đích thực không phải bằng con mắt của một chuyên viên thống kê đô thị, mà bằng tâm thức” (Hoàng Phủ Ngọc Tường, Huế- di tích con người). Cái sâu sắc nên thơ của Huế được đúc kết từ những nét rất giản dị, mộc mạc. Có thể chỉ một dòng sông Hương, chỉ một tà áo tím, chiếc nón bài thơ hay một mái tóc thề... cũng đủ làm nên nét Huế. Và cũng không biết từ đâu khi ngắm cảnh Huế, người ta khó tránh được cái buồn vơ vẩn, dường như nó là khí vị riêng của xứ này. Làm thế nào để “cảm” được cái buồn không tên ấy? Phải tìm thấy cái tình của Huế, phải nhận thức Huế bằng tâm linh. Phải yêu lắm, phải hiểu lắm mới thấy hết sự tinh tế sâu sắc tỏa sáng trong tâm hồn Huế, Nguyễn Duy mới viết được những câu thơ thấm đẫm chất Huế đến như vậy. Dường như ở đâu ông cũng bắt được cái thần của con người và cái hồn của cây cỏ nhờ vào thế giới nội tâm phong phú và năng động của chính mình. Trong Đà Lạt một lần trăng, ông cũng đã thâu tóm được sự mơ màng huyền ảo của thành phố sương mù: “Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng ngọn gió nhà ai thấp thoáng bên đồi tiếng móng ngựa gõ ròn dốc vắng nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi...” Khi bàn chân nhà thơ đặt chân đến vùng đất tận cùng của Tổ Quốc, ông lại rung cảm với cuộc sống sông nước của những người nông dân ở đây. Lời ru từ mũi Cà Mau khắc ghi nguyên vẹn nét hoang sơ của mảnh đất địa đầu Tổ quốc, Xuồng đầy lưu giữ vẻ như thực như mơ của sông nước Cửu Long, Ông già sông Hậu thể hiện sự hồn nhiên phóng khoáng mà hồn hậu của người nông dân Nam Bộ: “Qua ngẫm chán, sống nghĩa là xả láng ăn hết nhiều ở hết bao nhiêu nhà cửa tà tà che lá dừa lá mía nón áo khỏi lo nhưng nhậu phải đều đều Ai nghèo thiếu qua nhường cơm xẻ áo bụng người sôi cũng sôi giống bụng ta ki cóp một thân làm chi cho cực giàu ở lòng còn đẹp ở thịt da... Chủ giục khách nhậu đi đừng hỏi nữa việc bán lúa dư đăng báo chi cho phiền dư ít nuôi làng, dư nhiều nuôi nước thành tích có gì mà phải nêu tên...” (Ông già Nam Bộ) Những bài thơ Nguyễn Duy viết về Nam Bộ có thể khiến cho nhiều thi sĩ sinh ra trên mảnh đất này phải chạnh lòng, vì: “Nguyễn Duy làm thơ về Nam Bộ chưa nhiều hơn một vài nhà thơ gốc người Nam Bộ, nhưng lại chiếm tỉ lệ khá cao trong số những bài hay về miền đất này” (Nguyễn Quang Sáng) [103, tr.87]. Không thể coi những bài thơ trên là báu vật của trời rớt xuống, nhà thơ có diễm phúc tình cờ vớ được bởi nếu không có những chuyến đi, và đặc biệt là tâm hồn nhạy cảm tinh tế, luôn lắng sâu hồn đất hồn người, thì làm sao Nguyễn Duy có thể viết lên những câu thơ lắng đọng “hồn” của từng vùng đất như vậy. Đến năm 1978- 1979, khi chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra, Nguyễn Duy cũng có mặt để ghi lại hình ảnh những anh lính băng rừng, lội suối, ngủ bưng, ngủ hầm: “... Hiếm hoi cái giấc yên lành hành quân xa lại tiếp hành quân xa bao anh lính trẻ đã già chưa sang hết suối chưa qua hết rừng Ngủ hầm, ngủ võng, ngủ bưng gối đầu tay ngủ cầm chừng mỗi đêm có người ngủ thế thành quen đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình...” ( Lời ru đồng đội) Có thể nói đôi chân Nguyễn Duy không hề mệt mỏi trên bước đường tìm tòi, sáng tạo. Chính những chuyến đi không ngừng nghỉ về với cuộc sống hàng ngày của nhân dân đã giúp ông tìm “ngọc trong đá”, cung cấp cho ông vốn sống dân dã- nguồn “cát” vô tận- để nhà thơ đãi ra “vàng” thơ ca theo tâm nguyện “tìm ánh vàng trong muối mặn mồ hôi” của mình. Sau này khi đến Matxcova, Dresden, Varzsava, Washington, Hollyood, Texas, San-Diego... mỗi miền đất lạ ấy đều đem đến cho ông “một thứ gì đó” để ông “nhét vào cái tay nải quả mướp của đời mình” (Tiếng gõ), đôi khi chỉ là một “tiếng chim trời” đánh thức nhà thơ dậy vào mỗi ban mai (Tiếng gõ), là “thành phố trong rừng/ rừng trong thành phố” (Rừng và phố), là nghĩa trang mà “Chủ tịch nước đầu tiên nằm cạnh bác đánh cờ/ người thợ dệt kề bên nhà nghệ sĩ” (Thăm nghĩa trang Ta-Lin)...Nhưng tỉ lệ thuận với hành trình trải rộng theo không gian và trải dài theo thời gian đó, “chất sống” (chữ của Xuân Diệu) [14, tr.56] trong ông càng đầy đặn hơn, sâu sắc hơn, đó thực sự là một hành trình “bao dung” nên “giàu có” (Vương Trí Nhàn) [83, tr.280] bởi “thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy” (Tố Hữu) [54, tr.36-37]. 1.2. Hành trình kiên trì vượt lên mọi hoàn cảnh để khẳng định mình Hành trình nghệ thuật của Nguyễn Duy còn là một hành trình kiên trì bền bỉ, đó là kết quả của sự nỗ lực vượt lên hoàn cảnh để khẳng định mình. Trong chiến tranh, thơ ông luôn có mặt ở những nơi địa đầu tuyến lửa: Thành cổ Quảng Trị, Khe Sanh, địa đạo Vĩnh Linh, ngã ba Đồng Lộc, Đầu Mầu... Dù “Bom đạn thi nhau vằm mặt đất” nhưng “sâu trong lòng đất” Nguyễn Duy vẫn làm thơ (Bên hàng rào Ái Tử), vẫn ca khúc hát “bài hát của cây”, “bài hát của trời”, “bài hát của sông”, “bài hát của ta” (Lời ru trong bão)...Ngay những bài thơ đầu tay đăng trên báo Văn nghệ năm 1972, Nguyễn Duy đã tỏ ra có ý thức tìm tòi một cách nói cho thơ mình. Bài “Tre Việt Nam” của ông đã làm một cách tân nho nhỏ nhưng rất có tác dụng mà hồi ấy chưa có ai làm: ngắt câu lục thành hai và ba dòng. Câu đầu: Tre xanh, Xanh tự bao giờ? và câu cuối: Mai sau, Mai sau, Mai sau... Câu bát cuối cùng của bài thơ: Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh là một câu thơ có thể ngắt theo nhiều cách khác nhau nhất trong thơ Việt Nam hiện đại, để thể hiện cùng một ý. Do những tìm tòi ấy, hiệu quả nghệ thuật của bài thơ tăng hẳn lên. Không những tìm tòi đổi mới ở hình thức sáng tác, Nguyễn Duy còn cố gắng chắt lọc đưa hơi thở cuộc sống sôi động chiến trường vào trong thơ. Trong hoàn cảnh đầy ắp sự kiện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nỗi khổ tâm lớn nhất của nhà thơ trẻ: “Thần chiến thắng dang cánh bay phản lực thần thi ca lóc cóc vó ngựa già thơ hổn hển bơi theo dòng sự kiện sự kiện khổng lồ nuốt chửng mọi lời ca” (Theo dòng sự kiện) Cũng như những nhà thơ cùng thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, thơ Nguyễn Duy giai đoạn này có những hạn chế nhất định, đó là sự “bề bộn, ngồn ngộn chất liệu của hiện thực”, “có khi vì thế mà nó ôm đồm, tham lam, thậm chí còn sống sượng, còn bê nguyên xi sự kiện nguyên mẫu vào trong thơ như quặng chưa kinh qua lò luyện ở nhiệt độ cao” (Bùi Công Hùng)[56, tr.104]. Nhưng trong hoàn cảnh đối mặt với cái chết, hơn bao giờ hết, mỗi bài thơ của Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh...thực sự “được bảo đảm bằng máu” (Hữu Thỉnh) [73, tr.417], là “một sự dấn thân hết mình” (J.P.Sartre) [109, tr.45]. Sau này, khi viết về Thế hệ những nhà thơ Cách mạng, Thanh Thảo đã tâm sự: “Chiến tranh là một trải nghiệm khốc liệt mà chắc chắn không ai muốn, nhưng rồi khi phải đối đầu với nó, phải ngập chìm trong nó, người ta có thể coi những bài thơ rất bình thường viết được trong chiến tranh như những bát cơm đã nuôi mình khi đói, như hớp nước cuối cùng trong bi đông mà mình đã xẻ chia cùng đồng đội, lại như một ân sủng mà mình tình cờ nhận” [4, tr.4]. Chính tiếng nói của người trong cuộc giúp ta càng thấm thía hơn sự kiên trì bền bỉ vượt lên bom đạn của những nhà thơ- chiến sĩ và giá trị của những bài thơ ra đời trong khói lửa chiến tranh. Nhưng chuyển sang thời bình, nhà thơ lại phải đối mặt với một thử thách khác: sự ngổn ngang, bề bộn, phức tạp của cuộc sống đời thường. Những câu thơ của Nguyễn Duy đã ghi lại được phần nào những “ngày gian khổ” ấy: “Lương tháng thoảng qua một chút hương trời đồng nhuận bút hiếm hoi gió lọt vào nhà trống vợ chồng ngủ với nhau đắn đo như vụng trộm không có cái sợ nào bằng cái sợ sinh con” (Bán vàng) Trong tùy bút “Nỗi nhớ thời khó thở”, nhà thơ tâm sự: cái thời hậu chiến gian khổ, kéo dài hơn một thập kỷ sau 1975 ( khoảng 1975- 1985). Đó là thời của “...bạt ngàn lính giải ngũ, trở lại xóm làng xơ xác sau chiến tranh. Triệt để hợp tác hóa ở nông thôn. Đánh tư sản, triệt nhà giàu ở thành thị. Kẻ vào trại học tập cải tạo, không bản án, không thời hạn. Người ra biển vượt biên không hẹn ngày về, phó mặc sinh mạng cho sóng gió và ma quỉ. Đất nước liền một dải mà lắm nhà lại lâm cảnh ly tán. Mà cõi lòng lại đau nỗi cắt chia mới. Lương thực viện trợ của nước ngoài như hồi chiến tranh không còn nữa. Nạn đói hoành hành khắp nước. Đột ngột lính Pol Pot tràn sang, thảm sát dã man dân lành suốt một dải biên giới Tây Nam. Lại đột ngột súng nổ, lại chết người, lại cháy nhà, suốt toàn tuyến biên giới phía Bắc...Nền kinh tế quốc gia “tuột dốc theo chiều rơi thẳng đứng” (Tố Hữu). Lại thiếu gạo. Lại đứt bữa. Lại thấy người ăn mày đầy đường. Lại ăn độn cả sắn, ngô, khoai, bo bo, mì sợi, mì bột, mì hột...” [153]. Trong hoàn cảnh đó, nhiều nhà thơ “hoặc là ngại nói thực hoặc là vẫn triền miên theo quán tính tư duy thời trước đó”, nghĩa là “im lặng” hoặc “ngợi ca”[131, tr.360]. Có thể thấy cả sự ngợi ca lẫn im lặng của các nhà thơ lúc này đều thật tàn nhẫn, đều thể hiện “sự không làm tròn nhiệm vụ chính trị”[131, tr.360] của mình. Nguyễn Duy không thuộc loại nhà thơ “ngợi ca” hay “im lặng”. Ông không tiếp tục sống trong hào quang của chiến thắng vì ông quan niệm “tất cả trôi xuôi-cấm lội ngược dòng”, nhưng ông cũng không thu mình vào cuộc sống gia đình, lãnh đạm với thế sự bởi điều ông sợ nhất là “lòng trống trải dửng dừng dưng”...(Từng trải). Ngược lại, với ông, người cầm bút không thể “nhỏ giọt dòng thơ không dễ dãi” mà phải “đêm đêm thao thức như cây chổi quét đường”( Mười năm bấm đốt ngón tay). Mà ngòi bút của ông tựa như cây chổi thật, bởi ông đã “quét” ra ánh sáng những sự thật đau lòng của xã hội ta lúc bấy giờ: “Con rầy nâu khoét rỗng cả mùa màng thóc bỏ mục ngoài mưa thiếu xăng dầu vận chuyển phà Cần Thơ lê lết người ăn xin” ( Đánh thức tiềm lực) Nguyễn Duy lại tiếp tục mong thơ mình là tiếng hát, nhưng không phải “hát để mọi người cùng nhớ / về dáng hình bé nhỏ của anh lính thổi kèn”, cũng không phải “hát bài hát của cây”,“bài hát của trời”, “bài hát của sông” như trong những năm tháng kháng chiến ác liệt và hào hùng trước đây mà là tiếng hát vừa có “tiếng trong sáng của nắng và gió”, vừa có “tiếng chát chúa của máy và búa/ tiếng dẻo dai của đòn gánh nghiến trên vai / tiếng trần trụi của lưỡi cuốc” để “ĐÁNH THỨC TIỀM LỰC”. Những bài thơ Nguyễn Duy viết trong giai đoạn này tự ông thấy còn “nôm na”, ngôn ngữ thơ “chưa được”, nhưng cái được ở đây là “tâm tình thật trong tôi” [153]. Có thể thấy tiếng hát của ông lúc này không chỉ là tiếng hát của một công dân, một nhà thơ ý thức sâu sắc về trách nhiệm nghĩa vụ của mình đối với đất nước mà còn là tiếng lòng của một con người có ý chí, có bản lĩnh hơn người, vượt lên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, để kiên trì bền bỉ với nghiệp thơ mà mình đã lựa chọn. Thế nên, giọng điệu chân thành của nhà thơ đã khiến những bài thơ chưa đạt về kỹ thuật, chưa chuẩn về hình thức, vẫn còn là những “dòng chữ nặng nề và chậm chạp” như lời tự nhận xét của tác giả đi thẳng vào nơi sâu nhất trong tâm hồn người đọc. Sau năm 1986, phương châm: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” của Đại hội VI Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tạo nên sự chuyển động mới của văn học: “Văn học có dấu hiệu chuyển lên một đường ray mới, có lúc ngập ngừng rụt rè, có lúc bạo dạn sấn sổ, dẫu thế nào mặc lòng, nó không còn chấp nhận sự bình ổn, bình yên kiểu cũ” (Phong Lê) [71, tr.344]. Trong điều kiện mới ấy, thơ Nguyễn Duy lại càng là “cây chổi” không mệt mỏi. Bài thơ Nhìn từ xa...Tổ quốc của ông thực sự là những “câu thơ tuẫn tiết” vì đã tháo tung mọi ràng buộc, để sự thật đắng cay trần trụi phơi bày trước mắt mọi người: “Xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày... Xứ sở nhân tình sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng... Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma ma quái- ma cô- ma tà- ma mãnh... Xứ sở linh thiêng sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh .. Xứ sở thông minh sao thật lắm trẻ con thất học Lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bom xe đạp tuổi thơ bay như lá ngã tư đường...” (Nhìn từ xa...Tổ quốc) Hàng loạt những câu hỏi tự vấn của nhà thơ là tất cả cái trăn trở, suy tư về cuộc sống hiện tại. Trong mỗi dòng thơ đều hằn lên nỗi khắc khoải, khi tác giả nhìn nhận thẳng vào sự thật đất nước. Ông đã viết được những điều cần nói bằng cả máu và nước mắt của mình trên giấy. “Gan ruột rũ ra hết ở đầy, tài năng, trí tuệ, nhân cách rũ ra hết ở đấy.” Dường như ông viết để chứng minh cho một điều “Nhà văn phải luôn là đại diện của thần thánh để sống với cuộc đời này” [145]. Nguyễn Duy đã viết nhiều những “câu thơ tuẫn tiết” như vậy ngay trong thời buổi “tờ giấy mỏng manh che chở làm sao được/ mỗi câu thơ chống đỡ mấy mạng người” (Bán vàng). Đúng là ông đã lấy sinh mạng chính trị của bản thân và gia đình để bảo đảm cho thơ. Có lẽ vì thế mà Đỗ Ngọc Yên đã đánh giá rất cao Nguyễn Duy khi viết: “Nguyễn Duy là người đốt mình sống cho thơ. Thơ anh mới từ sự tìm tòi cần mẫn trong cát bụi cuộc đời và được chưng cất lên thành những viên ngọc tinh tú.” [160] Như vậy, hành trình sáng tạo của Nguyễn Duy là một hành trình kiên trì bền bỉ trước sau như một, luôn vượt lên mọi hoàn cảnh để sáng tác. Một trong những yếu tố quan trọng giúp ông có được sự bền lòng ấy chính vì ông luôn xác định vị thế của mình “Cứ chìm nổi với đám đông”( Bao cấp thơ ), nghĩa là khi cất lên tiếng nói của người dân, ông luôn tin tưởng vào sự tồn tại của đời mình, của thơ mình: “Ta là dân –vậy thì ta tồn tại”. 1.3. Hành trình trở về gần hơn nữa với nhân dân, với cuộc sống đời thường Quê hương là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn con người, nhất là đối với người nghệ sĩ. Trong tâm linh của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, là máu thịt của mỗi người. Con người có thể đi nhiều nơi, sống nhiều chỗ, gắn bó với nhiều vùng đất khác nhau nhưng trong đáy sâu tâm hồn vẫn luôn chất chứa một nỗi nhớ, niềm thương tha thiết đối với quê hương mình. Chẳng thế mà những câu ca dao quen thuộc nhất, đọng lại trong kí ức của con người biết bao đời nay là những dòng viết về quê hương xứ sở thân yêu: “Anh đi anh nhớ quê nhà Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương Nhớ ai dãi nắng dầm sương Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao” Và hành trình nghệ thuật của Nguyễn Duy cũng không nằm ngoài quy luật đó. Hành trình nghệ thuật trong thơ ông bắt nguồn từ “xó bếp” ra “thế giới”- hành trình của “giọt nước lìa nguồn ra biển” (Dòng sông mẹ) và cũng là hành trình từ xứ lạ trở về với quê nhà - hành trình của “dòng nước trôi đi giọt nước lại rơi về” (Sông Thao). Vương Trí Nhàn gọi đây là: “Cuộc trở về không ảo tưởng”- “trở lại với những giá trị cội nguồn” [83, tr.286]. Chu Văn Sơn thì căn cứ vào tên tập thơ đầu tiên: Cát trắng in năm 1973 và tập thơ cuối cùng (vì Nguyễn Duy tuyên bố sẽ không làm thơ nữa) Bụi in năm 1997 để mã hóa hành trình nghệ thuật của Nguyễn Duy là: “từ hạt Cát đến hạt Bụi” [114,tr.40] cũng với hàm nghĩa là sự trở về nơi xuất phát ban đầu. Vào những năm cuối thập kỉ sáu mươi của thế kỉ XX, khi còn là một anh bộ đội mới qua tuổi bắt chim, bắt bướm ở làng quê ông đã nhận ra và tâm niệm: sống và sáng tạo phải gắn bó với nhân dân, từ nhân dân và vì nhân dân: “Một đời không thể nào quên Lòng dân- chiếc mộc vững bền che ta” ( Hầm chữ A ) Cho nên có thể nói trong tập thơ đầu tay Cát trắng, những bài thơ hay nhất của ông là những bài thể hiện lối sống gần gũi, chan hòa với dân, vừa cụ thể sinh động, vừa có sức khái quát và giàu ý nghĩa nhân sinh. Đó là các bài Hơi ấm ổ rơm, Tre Việt Nam, Khúc dân ca...Trong bài Khúc dân ca, nhà thơ khẳng định; “Nghìn năm trên dãi đất này Cũ sao được cánh cò bay la đà Cũ sao được sắc mây sa Cũ sao được khúc dân ca quê mình Cò bay bằng cánh trắng tinh Lúa thơm bằng phấn hương lành ai ơi Mây bay bằng gió của trời Là ta ta hát bằng lời của ta” Như thế, quan điểm nhân sinh của nhà thơ là hướng về cội nguồn nhân dân và dân tộc. Đến thập niên 90 của thế kỷ XX, sau gần hai thập kỉ đất nước thống nhất và có nhiều thay đổi, nhà thơ vẫn giữ quan niệm như thế, nhắc lại và nhấn mạnh như một tuyên ngôn đầy xác tín: “Cứ chìm nổi với đám đông riêng ta xác định ta không là gì... Cứ là rượu của chúng sinh cho ai nhắm nháp cho mình say sưa”. Sau này, khi trả lời phỏng vấn hai bạn đọc Phạm Hùng và Đỗ Quyên (đăng trên báo Diễn đàn, số 114 năm 2002), Nguyễn Duy tâm sự: “Tôi sinh ra ở nông thôn, làm ruộng từ bé, đằm mình trong đất cát, rơm rạ, cua ốc và ngôn ngữ nhà quê. Lớn lên thì đi lang thang nhiều nơi, nhưng mà cái thần hồn của làng quê trong tôi nó cứ nhập vào như lên đồng”. Và trong nhiều bài thơ, Nguyễn Duy chân thật thổ lộ: “Tôi sinh ra nơi làng quê nghèo Quen cái thói hay nói về gian khổ Dễ chạnh lòng trước những cảnh thương tâm” ( Đánh thức tiềm lực) “Trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội Có một miền quê trong đi đứng nói cười.” (Tuổi thơ) Vì thế mà Nguyễn Duy viết nhiều về người và cảnh làng quê bằng một tình yêu da diết, sẻ chia và giọng điệu nhuần nhị, đằm thắm. Trong thơ Nguyễn Duy, không phải đến những chuyến đi xa nước ngoài, môtíp “trở về” mới xuất hiện. Ngay từ năm 1986, ông đã viết: “Giọt nước có biệt tăm ngoài biển cả Ngày ngày Làm mây bay về nguồn” (Dòng sông Mẹ) Nhưng trong và sau những chuyến đi xa quê hương đất nước, môtíp ấy xuất hiện nhiều hơn: “Thôi ta về với mình thôi Chân trời đành để chim trời nó bay” (Đường xa) “Rơm rạ ơi ta trở về đây” (Về đồng) “tôi về ngồi chỗ cha ngồi năm nao” (Thuốc lào) “Cánh buồm mây tướp chiều quê ruỗng tênh hênh bịch rơi về cõi em” (Cõi về) Về (1994) còn là tên tập thơ kế tiếp tập Đường xa (1989) của ông. Trong Tuyển tập thơ Nguyễn Duy mà ông dự kiến sẽ ra mắt độc giả trong thời gian sắp tới, ông chia mười tập thơ đã xuất bản của mình thành bốn phần như một mạch tuần hoàn : Đường làng, Đường nước, Đường xa và Đường về. Đó cũng chính là bốn giai đoạn lớn trong hành trình thơ Nguyễn Duy. Cái đích trở về của mọi người thường chỉ có một: gia đình, quê hương, nhân dân, Tổ quốc, nhưng con đường trở về của mỗi người thường không ai giống ai. Ở Nguyễn Duy, sự trở về ấy đã diễn ra như thế nào? Muốn hiểu rõ hơn về một Nguyễn Duy trong Đường về, không thể không bắt đầu từ một Nguyễn Duy trong Đường xa. Đường xa là tập thơ ra đời năm 1989, gồm mười chín bài thơ được Nguyễn Duy sáng tác từ năm 1985 đến 1988. Có thể xem tập thơ như một quyển nhật ký bằng thơ ghi lại những tâm tư tình cảm, ấn tượng sâu sắc của Nguyễn Duy về con người và cảnh vật nước Nga mà ông có dịp gặp gỡ hoặc tham quan. Trong tuyển tập thơ sắp phát hành, ông đã bổ sung thêm vào Đường xa những bài thơ ông viết ở Anh, Pháp , Mỹ...Trong quan niệm của Nguyễn Duy, Đường xa đồng nghĩa với “đường người”, phân biệt với đường làng, đường nước, đường ta. Nhưng ở Đường xa, nhà thơ không chú ý nhiều đến sự khác biệt giữa “ta” và “người” mà thường quan tâm đến những sự tương đồng. Bắt gặp Chút thu vàng ở Matxcơva, ông nhận ra ngay: “ Buồn vui đâu cũng giống nhau Lẻ loi kim tước chân cầu ngủ mơ Vàng long lanh chóp nhà thờ Cánh chim ngoan đạo lửng lơ ngang trời Rừng phong đã chớm thu rồi Vàng rơi trên mái tóc người đi qua.” (Chút thu vàng) Trước tượng đài Kiép, ông ngậm ngùi: “thương cảm lăn tăn mặt sông vảy cá / ta với người có xa lạ gì đâu” (Trước tượng đài Kiép). Riêng về tình yêu, ông khẳng định: “Tây Tàu cũng thế thì thôi/ Y chang cay đắng ngọt bùi khổ đau” (Được yêu như thể ca dao), và: “Gió đâu gió cũng lang thang / người đâu yêu cũng nồng nàn như yêu” (Chỉ khác nhau cái nhìn, em ạ...). Như vậy, ông đã từ những đau thương, hạnh phúc của cá nhân mình, dân tộc mình để hiểu về dân tộc khác, và cũng từ họ, ông càng hiểu rõ hơn về dân tộc mình, đất nước mình. Nhưng có lẽ cảm hứng nổi bật trong Đường xa là nỗi nhớ thương quê nhà da diết khôn nguôi. Cảnh vật xứ người luôn gợi ông chạnh nhớ quê hương mình, “sang đến Tây, hồn vía lại lộn về nhà” [137, tr.111]. Gặp những khu rừng trong phố ở Matxcơva, ông nhớ ngay đến “những cánh rừng chiến tranh/ mùi cây cháy xót xa như thịt cháy” (Rừng và phố). Gặp một người lính trẻ “đẹp như một dáng cây cảnh” nhà thơ cầu chúc “không bao giờ phải ra trận” vì ông ngậm ngùi nhớ đến những chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ quê hương: “làng quê ta vừa qua thời tàn hoang / những giọt máu nặng như chùm quả” ( Gặp một người lính trẻ ). Một tiếng chim gõ vào cửa kính lúc bình minh cũng khiến ông chạnh lòng: “Quê tôi, nơi chiến tranh kéo dài / chim tới nhà là điềm lạ” (Tiếng gõ). Bắt gặp màu trắng của tuyết, sau phút sững sờ bật lên tiếng kêu “Ối giời ơi” là choáng ngợp trong ông cảm giác: “Lạnh lưng nhớ trũng cánh đồng / gió mùa đông bắc thổi trong xương người” (Trắng...và trắng...). Trong những ngày xa Tổ quốc, chưa bao giờ hình ảnh quê hương đất nước phai nhòa trong ông, mà ngược lại, chính khoảng cách ấy đã giúp nhà thơ nhìn rõ hơn diện mạo Tổ quốc mình trong thời “đổi mới” bộn bề những điều bất cập đầy chua xót, trăn trở trước những thói xấu, đói nghèo đang tồn tại: “Xứ sở cần cù sao thật lắm Lãn Ông lắm mẹo lãn công Giả vờ lĩnh lương Giả vờ làm việc ... Xứ sở bao dung sao thật lắm thần dân lìa xứ... Biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về...” ( Nhìn từ xa...Tổ quốc) Trước thực tế ấy, đã có lúc ông “ước sống thử đời người khác/ cuộc đời thần tiên nào”, nhưng đó chỉ là việc làm khiên cưỡng “nhồi nhét đại hồn ta vào xác lạ/ tội nghiệp thân ta hóa mất hồn”, bởi vì chỉ trong khoảnh khắc thử hóa thân ấy, những “lối mòn lầy lụa quen chân”, “mùi ô nhiễm quen thường trực mũi”, rồi “mùi nước mắm gắt góc bếp ám khói”...đã đột ngột ùa đến ngập tràn tâm trí nhà thơ, giúp ông thấm thía nhận ra : “Không thể sống nổi đời người khác ta nhớ cuộc đời ta... bụi bặm quê nhà” ( Nhớ nhà ) Nếu trong những bài thơ ông viết ở Nga thường da diết nhớ thương thì những bài thơ ông viết khi đi thăm các nước châu Âu, châu Mỹ đẹp đẽ, sang cả ngỡ sẽ khác nhưng cũng lại chỉ thấy hiện ra toàn những dằn vặt, về những nghèo nàn tội nghiệp và những nỗi buồn. Đó là “ngo ngoe ngứa nỗi buồn vui không màu” (Boston, 21.6.1995), “Bùi ngùi lả tả tiền nhân- ngôi sao hóa kiếp dấu chân ven đường” (Hollyyood, 21.7.1995), “Khối buồn đâu dễ nguôi ngoai” (Bolsa, 30.7.1995 ), “Mộng bầm đêm hận chưa tan” (San Francisco, 5.8.1995), “khúc đoạn trường mốc meo” (London mùa phơi), “tuyệt vọng ván tù mù hy vọng” (Mirage )...Có thể lí giải điều này bằng chính lời tâm sự của nhà thơ:“Tôi là người đi nhiều, đã qua hàng chục quốc gia, qua biết bao nhiêu những thành phố sầm uất, những thủ đô hoa lệ, nhưng rồi lại thấy đi đâu cũng không bằng trở về nhà mình, được sống giữa tâm hồn dân tộc mình...” “ ....Thôi ta về với mình thôi chân trời đành để chim trời nó bay Trông người xưa ngẫm người nay đường xa nghĩ nỗi sau này... cũng kinh” (Đường xa ) Dường như từ những câu thơ rất chân tình của Nguyễn Duy giúp ta thấm thía hơn niềm hạnh phúc giản dị: được sống ngay trên đất nước mình. Và trên chặng Đường xa ấy, Nguyễn Duy hoàn toàn khác với Nguyễn Bính, tuy hai ông đều có chung hành trình từ thôn quê ra thị thành. Với Nguyễn Bính, quãng đời “dan díu với kinh thành” (Hoa với rượu) của ông là một chuyến “đi đày” (Giời mưa ở Huế), phải sống kiếp “con chim lìa đàn” (Lỡ bước sang ngang), phải “dang dở đời sương gió” (Xuân tha hương) bởi “Hành trình lìa quê của ông cũng là hành trình của ăn năn, của khắc khoải cố hương chưa đi mà đã thấy ngay mình vừa đánh mất một cái gì thiêng liêng, hệ trọng nhất của đời mình, của cuộc sống này” ( Chu Văn Sơn) [115, tr.144]. Hay nói một cách khác, do hoàn cảnh nước mất nhà tan, nên cũng như phần lớn các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới, Nguyễn Bính “thiếu quê hương” ngay trên đất nước mình. Nguyễn Duy thì khác, tuy có lúc ông không bằng lòng với cuộc sống trong những “tòa nhà cao tầng chia ngăn chia ô” giống cái “tủ thuốc bắc”, không gian sống là “vũ trụ nhà” với “những bức tường trắng toát vuông vắn” ở Sài Gòn hoặc dị ứng với “thiên đường rở” Mirage vì “mềm mại mánh mung mưu mẹo mập mờ / con bài bịp tàng hình nuôi dưỡng mơ mộng” (Mirage) hay cuộc đấu bò “điên cuồng” ở Feria de Nimes đang “giết chết nỗi cô đơn” (Giác đấu)...nhưng về cơ bản, trong ông không có sự đối trọng giữa nông thôn và thành thị, giữa “xứ mình” và “xứ người” để ông phải băn khoăn, trăn trở. Cuộc sống nơi phồn hoa đô hội chưa bao giờ làm biến đổi tâm hồn ông, chưa bao giờ ông nhạt phai tình cảm với quê hương, gia đình, chưa bao giờ ông đi xa những “giá trị cội nguồn” của dân tộc, đúng như nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã khẳng định: “Nguyễn Duy vẫn sáng tác với bản sắc của mình, không biến dạng, không pha tạp do hoàn cảnh sống” [103, tr.87], càng đi xa Nguyễn Duy càng hiểu hơn, càng thiết tha gắn bó hơn với quê hương đất nước mình: “Dù ở đâu cũng tổ quốc trong lòng Cột biên giới đóng từ thương đến nhớ”. ( Nhìn từ xa...Tổ quốc ) Như vậy, Đường xa với Nguyễn Duy chỉ thuần túy là khoảng cách địa lí, và sự xa cách ấy càng nhân lên tình cảm thắm thiết của ông đối với đất nước, quê hương. Nguyễn Duy trong Đường xa như vậy, nên trong Về, nhà thơ không hề có những thú nhận lỗi lầm, những ăn năn sám hối. Về với ông có nghĩa là khẳng định cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn nữa quan niệm sống của mình: “Cứ chìm nổi với đám đông Riêng ta xác định ta không là gì” (Bao cấp thơ) và “ bình tâm làm hạt bụi người mà bay” (Saint Louis 14. 6. 1995). Về với ông có nghĩa là sống lại với những kỉ niệm tuổi học trò “đẹp như là không đâu vào đâu” (Kính gửi tuổi học trò) với “Áo trắng là áo trắng bay / thấp tha thấp thoáng tháng ngày mong manh” (Áo trắng má hồng), là đối mặt với đời thường xô bồ phức tạp như cuộc khiêu vũ “ríu rít tít mù loảng xoảng” (Khiêu vũ), như phiên chợ với “mùi quí phái dan díu mùi lam lũ ô nhiễm” ( Liền anh đi chợ), là đối mặt với chính mình trong nỗi cơ đơn tột cùng của thi sĩ: “Vũ trường giấy trắng cô đơn anh khiêu vũ giấc mơ/ không bắt đầu từ đâu không kết thúc nơi nào” (Khiêu vũ), trong sự xót xa tiếc nuối khi nhận ra tuổi già đã đến tự khi nào: “Lòng vòng đường xá càng xa/ lỏng gối/ chạnh xót mình chớm già” ( Sương muối), đến mong ước“xanh lại vài thời trai nữa” (Sương muối) và gửi gắm niềm tin : “cái thời loang lổ đang trôi/ thôi thì thong thả tới thời trắng tinh” (Thời gian). Nhưng có lẽ phần tha thiết và lắng sâu nhất trong tập thơ Về này là những bài thơ ông viết tặng riêng vợ. Trong thơ ca Việt Nam, những bài thơ yêu chồng và thương chồng khá nhiều, thơ yêu vợ và thương vợ chỉ thảng hoặc như cầu vồng sau mưa. Cho nên nếu ta đã bắt gặp sự cảm thông sâu sắc, tình thương yêu sâu nặng và sự biết ơn vô cùng đối với vợ trong thơ Trần Tế Xương thuở trước thì nay lại thấy niềm trân trọng đó trong thơ Nguyễn Duy : “Áo mưa vợ giương cánh buồm giữa phố Chồng với con mấp mé một thuyền đầy Năm tháng bão dông sang sông lũ đổ Một tay em chèo chống ngày ngày ...” ( Nợ nhuận bút) “Về với vợ” là một nẻo về có vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm tình thơ Nguyễn Duy. “Vợ” là Cõi về cụ thể: “Mải nưng nứng mộng siêu nhân lên cơn giá vũ đằng vân giang hồ Cuộc chơi hành hiệp lơ ngơ vắt mình ra mấy giọt thơ nhạt nhèo Dần mòn con chữ tong teo liêu xiêu lều quán lèo tèo ven đê Cánh buồm mây tướp chiều quê Ruỗng tênh hênh bịch rơi về cõi em ( Cõi về) Những câu thơ được viết lên như một sự hối hận của nhà thơ khi mải mê với những chân trời lạ đến phút về chiều ngẫm lại bỗng thảng thốt giật mình. Nhưng dường như đây chỉ là một cách “nịnh vợ”, vì có bao giờ thơ ông thể hiện niềm mê đắm đó đến “ruỗng” cả hình hài lẫn nhân cách đâu? Một chút tự trào ấy chẳng qua là để cho dòng cảm xúc về người vợ thêm phần ý nhị, sâu lắng và mãnh liệt hơn. Từ những hoài niệm tuổi thơ đến những tâm tình với vợ, tất cả những gì được thể hiện trong tập thơ Về đều rất quen thuộc với mỗi chúng ta. Điều đó càng chứng tỏ rằng, nếu coi mốc trở về của Nguyễn Duy là “giá trị cội nguồn” như quan niệm của Vương Trí Nhàn, là “rơm rạ”, “đồng ruộng”, “xó bếp”, “em” như chính nhà thơ quan niệm, thì Nguyễn Duy thực sự chưa bao giờ là người đi xa. Cả Đường xa lẫn Đường về với ông chỉ là những khái niệm chỉ không gian và thời gian thuần túy, còn trong thực tế, hành trình nghệ thuật của nhà thơ càng ngày càng gần hơn nữa với cuộc đời, với “chúng sinh” thời hiện tại như ông từng phát biểu: “Vương triều mất đi nhân dân còn lại” (Trong đất). Như vậy, dù nhìn ở góc độ nào, hành trình nghệ thuật của Nguyễn Duy cũng là sự hiện thực hóa, cụ thể hóa triết lý nhân sinh: “Ta là dân- vậy thì ta tồn tại”. Triết lí này không chỉ tạo nên những nét riêng độ._.à những tâm tình thiết tha của một hồn thơ luôn trăn trở trước thân phận con người, trước vận mệnh đất nước mà còn có sự sâu sắc thâm trầm của những triết lý nhân sinh. Nguyễn Duy đã từng phê phán mình: “Ta quàu quạu học đòi triết gia táo bón / những câu thơ nhăn nhó nhọc nhằn / quên rằng sự sống rất hồn nhiên” (Cô bé nhà bên) và tuyên bố: “Em ạ triết gia xa cách anh / triết lý đồng hành với chuyên nghiệp lưỡi” (Dị ứng), nhưng rồi ông vẫn tiếp tục viết những câu thơ đậm đà ý vị triết học: “Xin em đừng vội vã già / hiểu cho nhau sống đã là phiêu lưu” (Bài ca phiêu lưu), “Yêu trả góp cả kiếp người em ạ / ngẫu sống rồi ngẫu chết ngẫu hư không” (Giọt trời)… Và ông còn trực tiếp khẳng định: “Cái lõi của văn chương là triết. Từ cả những chuyện đùa cợt, tầm phào nhất cũng có thể phả triết học vào, có thế mới dội lại được với đời” [145, tr.9]. Phải chăng Nguyễn Duy đang tự mâu thuẫn chính mình? Làm sao ông có thể phủ nhận mối quan hệ giữa thơ và triết một khi ngay từ thời cổ đại, Arixtôt đã khẳng định: “Thơ ca có ý vị triết học” [1, tr.58]. Thực ra cái thứ triết lý mà ông thẳng thừng phủ nhận ấy là sự nhai lại máy móc, công thức, xa rời cuộc sống. Còn chất triết mà ông đưa vào thơ mình là những triết lý đời thường được chắt lọc qua trải nghiệm của chính bản thân ông, trần trụi, thiết thực nhưng không kém phần thâm trầm sâu sắc. Như vậy, nếu chất ngang tàng tếu táo tạo nên sự mạnh mẽ quyết liệt, chất tâm tình tha thiết tạo nên sự đằm thắm hồn hậu thì chất triết lý lại tạo nên chiều sâu suy nghĩ trong giọng điệu thơ Nguyễn Duy. Sự song song và đan xen giữa các giọng điệu trong thơ Nguyễn Duy không chỉ thể hiện được sự độc đáo hiếm có mà còn chứng tỏ rằng: “Giọng điệu nhà văn, nhà thơ không phải là một hiện tượng tĩnh tại, bất biến mà vận động biến hóa” (Nguyễn Đăng Điệp) [30, tr.342]. Tuy nhiên, Nguyễn Đăng Điệp cũng chỉ ra rằng: “Mỗi một nghệ sĩ lớn thường là một nghệ sĩ tạo ra một dải phổ giọng điệu rộng lớn, phong phú mà thống nhất. Đó là sự thống nhất của cái đa dạng” [30, tr.342]. Nguyễn Duy có phải là một nghệ sĩ lớn hay không cái đó phải chờ bậc thầy thời gian nhưng có thể nói bằng sự đan xen của nhiều giọng điệu kể trên đã góp phần làm nên sự đa dạng về giọng điệu trong những trang thơ Nguyễn Duy. Giọng tếu táo hài hước có sự lắng sâu của những tâm tình và sự đậm đà những ý vị triết học trong giọng chiêm nghiệm suy tư thực ra cũng chỉ là sự chuyển hóa của giọng điệu trữ tình tha thiết để thơ ông càng giàu chất nhân văn, nhân bản. Đó là giọng điệu được tích hợp từ ca dao dân ca, từ văn học truyền thống. Dù giọng điệu ấy có biến hóa đến thế nào, vừa ngân lên, người ta đã nhận ra chất dân dã của thơ ông bởi giọng điệu ấy luôn hướng về số đông người dân lao động, thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá, ước mơ, khao khát của “cõi chúng sinh thời hiện tại” (Chu Văn Sơn) [114, tr.45] và luôn đau đáu một quan tâm sâu sắc đến thân phận con người. Như vậy, với sự nghiệp thơ ca của mình, Nguyễn Duy đã có đóng góp quan trọng vào việc kế thừa và phát triển thể loại thơ truyền thống dân tộc trong thời đại mới. Lục bát trong tay ông vừa thấm đẫm chất ca dao vừa có những cách tân độc đáo trong cả nội dung và hình thức biểu hiện. Và chính bằng tình yêu, tài năng và lao động nghệ thuật nghiêm túc, kiên trì, nhà thơ Nguyễn Duy đã biến “lục bát” trở thành “thương hiệu” cho mình. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá cao vai trò của ông trong việc giữ gìn và làm mới thể thơ này cho thơ ca Việt Nam hiện đại. Bên cạnh đó, với hệ thống ngôn từ đậm đà chất dân gian khi vận dụng thành công biện pháp so sánh, ẩn dụ và trùng điệp, đặc biệt là sáng tạo ra những từ láy “cồng kềnh”, cùng phương thức “thơ hóa ngôn ngữ đời thường”, Nguyễn Duy đã góp phần làm phong phú kho tàng ngôn ngữ thơ ca Việt Nam, phả nhịp sống sôi động của thời đương đại vào thơ một cách độc đáo. Ngoài ra, Nguyễn Duy khẳng định phong cách sáng tạo của mình với một giọng thơ đậm chất dân tộc khi kể chuyện tâm tình một cách nhẹ nhàng, có lúc mạnh mẽ khi hài hước, tếu táo hay sâu lắng lúc trầm tư triết lý...Qua đó, người đọc cảm nhận trong thơ ông tình yêu sâu nặng với quê hương, Tổ quốc, với cuộc đời và con người, được thể hiện với một cảm xúc mãnh liệt, sâu sắc và tinh tế. KẾT LUẬN Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại. Ngay từ khi mới xuất hiện vào những năm đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ XX, ông đã bộc lộ một giọng điệu mang sắc thái thẩm mỹ riêng trong dòng thơ sử thi Việt Nam đương thời. Đó là tiếng nói tâm tình, đời thường xen lẫn âm hưởng hào hùng thi vị của thơ dân tộc thời kì cả nước chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược. Sau ngày Tổ quốc thống nhất, nhân dân ta ra sức xây dựng đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng, thơ ông là tiếng nói nghệ thuật chân chính, bộc lộ những niềm vui, nỗi buồn của con người, những trăn trở của một tâm hồn yêu thương, nhân ái và đầy bản lĩnh. Với cá tính sáng tạo thi ca độc đáo, kết hợp với tư tưởng nhân văn, nhân đạo thể hiện xuyên suốt hành trình sáng tạo, ông đã sáng tác một khối lượng thơ khá lớn, hợp thành một tiếng thơ đậm đà bản sắc dân tộc, có tác động tích cực trong đời sống tinh thần của số đông quần chúng nhân dân. 1. Xuất phát từ triết lý nhân sinh: “Ta là dân- vậy thì ta tồn tại” (Nhìn từ xa ...Tổ quốc), Nguyễn Duy đã hiện thực hóa quan niệm nghệ thuật này của mình qua hành trình sáng tạo. Đó là hành trình đầy ắp chất sống đời thường, kiên trì bền bỉ vượt lên mọi hoàn cảnh để làm thơ và vận động theo hướng trở về gần hơn nữa với cuộc sống đời thường, với quê hương, nhân dân, đất nước. Điều đó cũng thể hiện ở chỗ mọi cách tân trong thơ Nguyễn Duy đều xoay quanh cái trục dân dã. Vì vậy, thơ ông luôn thuộc về số đông “chúng sinh” thời hiện tại, thực sự là “rượu của chúng sinh” (Bao cấp thơ). Với phong cách độc đáo ấy, Nguyễn Duy đã trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ và thuộc hàng ngũ các nhà thơ đi tiên phong trong công cuộc đổi mới, góp phần quan trọng “làm thay đổi thi pháp của thơ, tạo nên gạch nối giữa thơ hậu chiến và thơ hiện đại” và là “lực hấp dẫn” thúc đẩy ý thức cách tân ngày càng mạnh mẽ hơn của thơ trẻ chúng ta hôm nay (Nguyễn Trọng Tạo) [4, tr.4]. 2. Cảm hứng chủ đạo chi phối toàn bộ quá trình sáng tác của tác giả. Nó lý giải những đặc điểm nghệ thuật, phong cách nhà văn, nhà thơ. Cảm hứng nghệ thuật của một tác giả bắt nguồn từ hiện thực khách quan, mang đậm dấu ấn thời đại. Đến với thơ Nguyễn Duy giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cảm hứng chủ đạo là cảm hứng yêu thương, tự hào về nhân dân và đất nước. Có điều thơ ông không chú trọng thể hiện những vẻ đẹp hoành tráng mang tính sử thi mà thường phản ánh những vẻ đẹp đơn sơ bình dị của cuộc sống và con người Việt Nam trong kháng chiến và có những cảm xúc lắng sâu về thân phận nhỏ bé của con người. Trong thời bình, khi trực tiếp đối mặt với cuộc sống đời thường, với cảm hứng thế sự, đời tư ông đã phản ánh một cách mạnh mẽ, tỉnh táo hiện thực đất nước và làng quê khi chiến tranh lùi xa hàng chục năm, phơi bày những bất cập của xã hội đương thời; những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời, về số phận con người, về cái tôi cá nhân. Chính vì vậy, thơ ông giàu giá trị nhân văn, nhân bản. Lấy sự chân thực làm điểm tựa cho cảm xúc sáng tạo, Nguyễn Duy đã tạo được sự đồng cảm và niềm tin vững chắc nơi người đọc. Có lẽ vì vậy, thơ ông được độc giả yêu thích “trước hết vì nó thực sự là một phần của một cuộc đời, là tiếng nói của một cây bút có trách nhiệm trước cuộc sống xây dựng và chiến đấu sôi động trên đất nước ta những năm qua” (Lê Quang Hưng) [58,tr.158]. 3. Để chuyển tải mạch cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của mình, Nguyễn Duy đã tìm tòi sử dụng nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau. Trong đó phải kể đến sự đóng góp của thể thơ, ngôn ngữ thơ và giọng điệu. Khi đã chọn làm một kiếp tằm nhả tơ, mỗi nhà thơ đều đứng vững ở một thể thơ sở trường của mình. Với thể thơ lục bát, Nguyễn Duy đã tiếp thu, chịu ảnh hưởng của ca dao, uống nước ở nguồn mạch thơ ca dân gian trong trẻo nhưng bằng tình yêu ca dao, bằng sức lao động sáng tạo của mình, ông đã “đền ơn đáp nghĩa” bằng cách làm cho ca dao sống mạnh mẽ, khỏe khoắn, sâu sắc trong cuộc sống và thơ ca hiện đại với những lớp nghĩa vốn đa tầng của nó. Và bằng sự cách tân các yếu tố nghệ thuật câu thơ lục bát như: sử dụng nhiều thanh trắc, tăng cường nhịp lẻ, phép trùng điệp ở mọi cấp độ, cập nhật ngôn ngữ “cơm bụi”, “vỉa hè” và gia tăng chất thế sự, đời tư, Nguyễn Duy đã cải hóa sự mềm mại, óng ả vốn có của lục bát, đem đến cho bạn đọc một thế giới vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, mang hơi thở nhịp sống của chính thì hiện tại. Vì vậy, người đọc có thể gặp ở thơ lục bát của Nguyễn Duy “vừa âm hưởng của ca dao - dân ca ngọt ngào thân mật, vừa vang vọng của thơ ca bác học lắng sâu vào trí tuệ. Cách tân linh hoạt nhưng lại nhuần nhuyễn cả xưa lẫn nay, truyền thống và hiện đại” (Lê Trí Viễn) [147, tr..289]. Dung hòa được chất truyền thống và hiện đại, tạo ra cái mới mà không xung đột với cái cũ là một điều không phải dễ dàng gì đối với nhiều nhà thơ hiện nay. Tuy nhiên cũng có đôi lúc ông hơi quá đà nhưng trên tất cả, ta vẫn thấy lục bát của Nguyễn Duy mang một vẻ đẹp vừa quen thuộc, vừa độc đáo, vừa có cả “hồn phố” lẫn “hồn quê”. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc làm nên vị trí của Nguyễn Duy trên thi đàn Việt Nam hiện đại. Ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Duy là ngôn ngữ đời sống, được chắt lọc, sắp xếp lại từ lời nói hàng ngày của mọi tầng lớp nhân dân. Để vượt lên những lối mòn ngôn ngữ, Nguyễn Duy đã sử dụng kết hợp nhiều phương thức tái tạo từ: so sánh, ẩn dụ, trùng điệp, “thơ hóa” ngôn ngữ đời thường. Với vai trò của người kiên trì “luyện thơ” từ “bụi chữ” (Rơi và nhặt) đồng thời cũng là một vũ công tài hoa “khiêu vũ từ ngữ” ( Khiêu vũ), Nguyễn Duy đã giữ được ngôn ngữ thơ ở giới hạn chênh vênh giữa các đối cực: mộc mạc và tinh tế, bỡn cợt và nghiêm túc, nhẹ nhàng và sâu cay... Không chỉ qua thể thơ, ngôn ngữ, chất dân gian còn ngấm trong giọng điệu thơ Nguyễn Duy. Thơ ông có ba giọng điệu chính: kể chuyện tâm tình, tếu táo hài hước và chiêm nghiệm suy tư. Những giọng điệu này được hấp thụ từ giọng điệu của người dân Việt Nam ta rồi tinh lọc, thăng hoa. Nếu yếu tố tự sự trong mỗi bài thơ, những từ hô gọi có âm điệu tha thiết, sự xuất hiện trực tiếp của cái tôi trữ tình, sự kìm chế, dồn nén cảm xúc trước những đau thương mất mát...đã tạo nên giọng điệu kể chuyện tâm tình ấm áp, điềm đạm; giọng thơ tếu táo hài hước phảng phất khẩu khí “gã hề chèo áo ngắn” được hình thành từ sự táo bạo chạm đến những vấn đề bức thiết của hiện thực xã hội trước đời sống đương đại có nhiều điều để yêu, để kính trọng, nhưng cũng không ít những điều chua cay, thương tâm thì giọng chiêm nghiệm suy tư ở thơ ông là sự đúc kết nhiều vấn đề trong cuộc sống mà nhà thơ đã trải nghiệm, ở đó không chỉ có sự lắng sâu những tình cảm thiết tha, những suy tư trăn trở về thân phận con người mà còn đậm đà chất triết học được chắt lọc từ chính cuộc sống bộn bề và những lo toan thường nhật. Các giọng điệu này vừa song song tồn tại vừa đan xen với nhau và dù thời gian sau này giọng tếu táo, hài hước nổi lên như một chủ âm, nhưng giọng điệu chủ đạo trong suốt hành trình sáng tạo gần bốn mươi năm qua của ông vẫn là giọng trữ tình thiết tha, sâu lắng. Những hình thức như thế đã làm nên một phong cách thơ Nguyễn Duy: trữ tình đằm thắm, trào lộng suy tư, khát khao đổi mới thơ ca, đổi mới cuộc sống với tinh thần hướng thiện, vì cái đẹp, vì hạnh phúc của con người. 4. Gần bốn mươi năm làm thơ, mỗi chặng đường sáng tạo của Nguyễn Duy đều để lại những tập thơ hay, những bài thơ “rất được” ghim vào trí nhớ của người đọc. Phần được phần hay đã đành, cả những thể nghiệm chưa phải đã làm hài lòng độc giả cũng ít nhiều gợi mở, “đánh thức tiềm lực” của thi ca. Cái đáng quý nhất trong thơ Nguyễn Duy là ông viết về đất nước, về nhân dân, về đồng đội, về những người thân và về chính mình bằng tấm lòng “thương mến đến tận cùng chân thật” (Tuổi thơ). “Nguyễn Duy đã thực sự đóng góp vào nền thi ca Việt Nam hiện đại một giọng trữ tình riêng giàu tính xã hội và đậm hương vị dân tộc”(Vũ Văn Sỹ) [124, tr.74]. Và hơn thế, tình yêu dành cho thơ ca dân tộc của nhà thơ xứ Thanh không chỉ đơn thuần được bộc lộ trên “vũ trường giấy trắng” (Khiêu vũ). Để tạo nên sự đa dạng phong phú cho thơ, Nguyễn Duy đã sáng tác lịch thơ, tranh thơ, tổ chức những cuộc triển lãm thơ “độc nhất vô nhị” tạo nên những hiện tượng văn hóa độc đáo. Ông còn đưa nàng thơ ra khỏi biên giới quốc gia để nàng có dịp thể hiện dáng vẻ và khẳng định vị trí của mình trong sân chơi văn hóa quốc tế... Bằng những việc làm thiết thực như vậy, Nguyễn Duy đã thể hiện tình cảm gắn bó, trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc. Những vần thơ ấy tác động mạnh đến trái tim người đọc, góp phần xây dựng trong tâm hồn người Việt hiện đại tình cảm yêu mến, quý trọng, nâng niu, gìn giữ bản sắc của dân tộc mình. Do vậy, thơ Nguyễn Duy có ý nghĩa thanh lọc sâu sắc và bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn Việt cho người đọc. Trong tình hình xã hội hiện nay, khi thơ ca đương đại Việt Nam luôn phải vận động trong ánh sáng nhập nhòa giữa cũ và mới, thơ Nguyễn Duy đã có những đóng góp tích cực cho việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. “Thế giới nghệ thuật” có chiều sâu vô tận, mỗi người chỉ có thể chiếm lĩnh được một hay vài khía cạnh nào đó. Với Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy, người viết đã cố gắng trình bày một phần nào hình tượng nhà thơ, bởi vì nói như Hoài Thanh trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam rằng phần sâu sắc nhất trong tâm hồn các nhà thơ “đã ghi lại nơi những vần thơ đẹp”. Tuy nhiên, do hạn chế về khả năng và thời gian nghiên cứu có hạn, chắc chắn luận văn còn nhiều thiếu sót. Kính mong Quý Thầy cô đóng góp ý kiến để người viết sửa chữa luận văn tốt hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Arixtôt - Lưu Hiệp (1961), Nghệ thuật thơ ca, Nxb Văn hóa- Nghệ thuật, Hà Nội. 2. Lại Nguyên Ân (1986), “Tìm giọng mới thích hợp với người thời mình”, Báo Văn nghệ, (15 ), tr.11. 3. Lại Nguyên Ân (2004), “Nhà quê” và thơ lục bát”, Báo Văn nghệ, (1+2), tr 29. 4. Báo thơ,(2), (Quý II /2003). 5. Báo thơ,(3), (Quý III /2003). 6. M. Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Bộ văn hóa thông tin và thể thao- Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. 7. M. Bakhtin (1998), Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki, NXB Giáo dục. 8. Nguyễn Duy Bắc (1998), Bản sắc dân tộc trong thơ ca Việt Nam hiện đại(1945- 1975), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 9. Trần Hòa Bình- Lê Dy -Văn Giá ( 2003), Bình văn, NXB Giáo dục. 10. Phạm Quốc Ca (2003), Những đặc điểm cơ bản của thơ Việt Nam sau 1975, Luận án tiến sĩ ngữ văn, Thành phố Hồ Chí Minh. 11. Nguyễn Phan Cảnh (2001), Ngôn ngữ thơ, Nxb Văn hoá- Thông tin, Hà Nội. 12. Khánh Chi (1994), “Với Nguyễn Duy- những bài thơ lục bát là phần quí giá nhất của mình”, Báo Đại đoàn kết, (43), tr.14. 13. Ngô Thị Kim Cúc (1997), “Như hạt- bụi- người”, Báo Thanh niên, (193), tr.5. 14. Xuân Diệu (1984), Công việc làm thơ, Nxb Văn học, Hà Nội. 15. Lê Tiến Dũng (2003), Giáo trình lý luận văn học, phần Tác phẩm văn học, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. 16. Lê Tiến Dũng (1998), Những cách tân nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 17. Nguyễn Duy (1973), Cát trắng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 18. Nguyễn Duy (1981), Phóng sự 30-4-75, Nxb Văn nghệ TP.HCM. 19. Nguyễn Duy (1984), Ánh trăng, Nxb Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam. 20. Nguyễn Duy (1987), Mẹ và em, Nxb Thanh Hóa. 21. Nguyễn Duy (1987), Đãi cát tìm vàng, Nxb Văn nghệ TP.HCM. 22. Nguyễn Duy (1989), Đường xa, Nxb Trẻ TP.HCM. 23. Nguyễn Duy (1994), Về, Nxb Hội nhà văn. 24. Nguyễn Duy (1994), Sáu và tám, Nxb Văn học. 25. Nguyễn Duy (1995), Vợ ơi..., Nxb Phụ nữ. 26. Nguyễn Duy (1997), Bụi, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội 27. Nguyễn Duy, ( Bản thảo), Tuyển tập thơ Nguyễn Duy. 28. Trần Thanh Đạm (2003), “Thử nhìn lại văn học Việt Nam sau 1975…”, Tạp chí nhà văn, (9/2003), tr.19-23. 29. Hữu Đạt ( 2000), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 30. Nguyễn Đăng Điệp (2002), Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nxb Văn học, Hà Nội. 31. Nguyễn Đăng Điệp (2003), Vọng từ con chữ, Nxb Văn học, Hà Nội. 32. Hà Minh Đức (1998), Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 33. Hà Minh Đức (1999), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 34. Hà Minh Đức (Chủ biên) ( 1991), Mấy vấn đề lý luận văn nghệ trong sự nghiệp đổi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội. 35. Nguyễn Xuân Đức (2003), Những vấn đề thi pháp văn học dân gian, Nxb Khoa học xã hội , Hà Nội. 36. Trinh Đường (1999), Thơ Việt Nam thế kỷ XX chọn lọc và bình, Nxb Thanh niên. 37. Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 38. Hồ Thế Hà (2005), “Nghĩ về tính triết lý trong thơ”, Nghiên cứu văn học (9), tr.110-116. 39. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1999), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 40. Tế Hanh(1986), “Hoa trên đá và Ánh trăng”, Báo Văn nghệ, (15), tr.3 41. Nguyễn Văn Hạnh (1998), “Suy nghĩ về thơ Việt Nam từ sau năm 1975”, Tạp chí văn học ( 9), tr.8-12. 42. Nguyễn Văn Hạnh( 1987), “ Đổi mới tư duy, khẳng định sự thật trong văn học nghệ thuật”, Tạp chí văn học ( 2), tr.9-12. 43. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (1999), Lý luận văn học- Vấn đề và suy nghĩ, Nxb Giáo duc, Hà Nội. 44. Hồ Văn Hải (2001), “Từ láy trong lục bát Nguyễn Duy”, Ngôn ngữ và đời sống, (4), tr.6-8. 45. Hồ Văn Hải (2002), “Về những con chữ “méo mó, oái ăm” trong thơ Nguyễn Duy”, Ngôn ngữ và đời sống , ( 1+ 2), tr.40-41. 46. Hồ Văn Hải (2004), “Tiếp cận bài thơ Tre Việt Nam từ góc độ ngôn ngữ học”, Tạp chí Ngôn ngữ, tr.31-34. 47. Hegel (1998), Mĩ học, tập I (Phan Ngọc dịch, chú giải và giải thích), Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 48. Hoàng Ngọc Hiến (1997), Văn học và học văn, Nxb Văn học.. 49. Đặng Hiển (2005), “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy- một bài thơ hay về mẹ”, Ngôn ngữ, (6), tr.34-35. 50. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 51. Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên) (2004), Từ điển văn học ( Bộ mới), Nxb Thế giới. 52. Lê Huy Hòa- Nguyễn Bình Phương biên soạn (2002), Những bậc thầy văn chương, Nxb Văn học, Hà Nội. 53. Nguyễn Thái Hòa (1999), “Tiếng Việt và thể thơ lục bát”, Tạp chí văn học (2), tr.37-42. 54. Bùi Công Hùng (2000), Quá trình sáng tạo thơ ca, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội. 55. Bùi Công Hùng (2000), Tiếp cận nghệ thuật thơ ca, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội. 56. Bùi Công Hùng (2000), Sự cách tân thơ văn Việt Nam hiện đại, Nxb Văn hóa- Thông tin, Hà Nội. 57. Mai Hương (2001), “Thơ Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh cách mạng”, Tạp chí văn học , (6), tr.43-54. 58. Lê Quang Hưng (1986), “Thơ Nguyễn Duy và Ánh trăng”, Tạp chí văn học, (3), tr.155-158. 59. Tố Hữu (1973), Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta, Nxb Văn học, Hà Nội. 60. Nguyễn Xuân Kính (1992), Thi pháp ca dao, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 61. Nguyễn Thụy Kha (2002), Bóng thế kỷ, Nxb Đà Nẵng. 62. Trần Đăng Khoa tuyển chọn (1998), Thơ Nguyễn Duy, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 63. Trần Đăng Khoa tuyển chọn (2000), Nguyễn Duy- thơ với tuổi thơ, Nxb Kim Đồng. 64. M.B. Khrapchenkô (1984), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực và con người, Nxb Khoa học xã hội , Hà Nội. 65. M.B. Khrapchenkô (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội. 66. M.B. Khrapchenkô (2002), Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. 67. Lê Đình Kỵ - Phương Lựu (1983), Cơ sở lý luận văn học tập III, Nxb giáo dục, Hà Nội. 68. Lê Đình Kỵ (1991), “Đối thoại với văn học dân gian và bản lĩnh của người viết”, Tạp chí văn học,( 5), tr.30-31. 69. Mã Giang Lân (2001), Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 70. Mã Giang Lân ( 1989 ), “Thơ hôm nay”, Tạp chí Văn học (1), Hà Nội. 71. Phong Lê (1997), Văn học Việt Nam trên hành trình thế kỷ XX, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 72. Phong Lê (2001), Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục. 73. Phong Lê, Vũ Văn Sỹ, Bích Thu, Lưu Khánh Thơ (2002), Thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Lao động, Hà Nội. 74. Phương Lựu (chủ biên) (1997), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục. 75. Phương Lựu (2002), Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học, Nxb Văn hóa -Thông tin, Hà Nội. 76. Nguyễn Đăng Mạnh (1986), Các nhà văn nói về văn, II, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội. 77. Nguyễn Đăng Mạnh (Chủ biên) (1992), Tác giả văn học Việt Nam - tập 2, Nxb Giáo dục. 78. Nguyễn Đăng Mạnh (2002), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục , Hà Nội. 79. Trần Nhuận Minh (2001), “Ngôn ngữ thơ hiểu thế nào cho phải?”, Ngôn ngữ, (6), tr. 54-55. 80. Nguyễn Thị Bích Nga (2001), “Câu thơ lục bát Nguyễn Duy”, Ngôn ngữ, (12), tr.20-23. 81. Nguyễn Thị Bích Nga (2003), “Thiên nhiên trong thơ lục bát Nguyễn Duy”, Ngôn ngữ , (12), tr.49-52. 82. Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (1999), Thơ ca Việt Nam- Hình thức và thể loại, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh. 83. Vương Trí Nhàn (2001), Cánh bướm và đóa hướng dương, Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh. 84. Phùng Quý Nhâm (1991), Thẩm định văn học, Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh. 85. Phùng Quý Nhâm (1998), “Tinh thần phân tích tâm linh- một đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực”, Tạp chí Văn học, (4), tr.37-40. 86. Anh Ngọc (2001), Hồn thơ thế kỷ, Nxb Thanh niên, Hà Nội. 87. Nhiều tác giả (1996), 50 năm văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 88. Nhiều tác giả (2000), Bàn về thơ- Đến với những bài thơ hay, Nxb Văn hóa Thông tin Hà Nội. 89. Nhiều tác giả (1981), Từ trong di sản, Nxb Tác phẩm mới. 90. Nhiều tác giả (1985), Thơ Việt Nam 1945-1985, Nxb Giáo dục. 91. Nhiều tác giả (2002), Thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Lao động. 92. Nhiều tác giả (1992), Lý luận văn học, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 93. Lê Lưu Oanh (1991), “Sự thức tỉnh những nhu cầu xã hội và cá nhân của cái tôi trữ tình trong thơ hiện nay”, Tạp chí văn học, (4), tr.18-22. 94. Lê Lưu Oanh (1998), Thơ trữ tình Việt Nam 1975-2000, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. 95. Hoàng Phê (Chủ biên) (1994), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội -Trung tâm Từ điển học, Hà Nội. 96. Phan Diễm Phương (1988), “Thơ lục bát ở một thế hệ nhà thơ hiện đại”, Tạp chí văn học, (2), tr.83-94. 97. Phan Diễm Phương (1994), “ Những biến đổi trên dòng thơ lục bát hiện đại”, Tạp chí văn học, (10), tr.30-33. 98. Phan Diễm Phương (1998), Lục bát và song thất lục bát, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 99. Vũ Quần Phương (1999), Thơ với lời bình, Nxb Giáo dục , Hà Nội. 100. Vũ Quần Phương (2001), Tuyển tập thơ Việt Nam 1975-2000, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 101. Vũ Quần Phương (2003), “Thơ Bùi Giáng – Điên trong cõi mộng”, Tài hoa Trẻ, (295-296) (28/12/2003), tr 91-93 102. G.N.Pospelov (chủ biên) (1985 ), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 103. Vũ Tiến Quỳnh tuyển chọn (1998), Phê bình-bình luận văn học (Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Vũ Cao, Nguyễn Duy), Nxb Văn nghệ T.p Hồ Chí Minh. 104. Thạch Quỳ (1994), “Nguyễn Duy- Hoa hậu và hậu hoa hậu ở tập thơ “Về”, Tạp chí Văn nghệ, (42). 105. Nguyễn Thị Đỗ Quyên (2005), “Nguyễn Duy và thơ lục bát”, Báo Thơ, (22), tr.9,13. 106. Nguyễn Đức Quyền (2001), Nét đẹp thơ, Nxb Giáo dục. 107. Roman Jakobson, Ngôn ngữ và thi ca, Cao Xuân Hạo dịch. 108. IU.V. Rozdextvenxki (1997), Những bài giảng về ngôn ngữ học đại cương, Nxb Giáo dục , Hà Nội. 109. J.P Sartre (1999), Văn học là gì?, Nxb Hội nhà văn , Hà Nội. 110. Ferdinand De Saussure (1973), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Nxb Khoa học xã hội , Hà Nội. 111. Nguyễn Quang Sáng (1987), “Đi tìm tiềm lực trong thơ Nguyễn Duy”, in trong phụ lục tập thơ Mẹ và em , Nxb Thanh Hóa. 112. Trịnh Thanh Sơn (2004), “Lời bình của Trịnh Thanh Sơn về bài Đò Lèn”, Báo thơ (7+8) (1+2/2004), tr.14. 113. Trịnh Thanh Sơn (2001), “Bàn về ngôn ngữ thơ”, Ngôn ngữ, (6), tr.56-59. 114. Chu Văn Sơn (2003), “ Nguyễn Duy thi sĩ thảo dân”, Tạp chí Nhà văn, (3), tr.38-53. 115. Chu Văn Sơn (2003), Ba đỉnh cao thơ mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 116. Từ Sơn (1985) , “ Thơ Nguyễn Duy”, Báo Văn nghệ , (30 ), tr.2,11. 117. Trần Đăng Suyền (2002), Nhà văn hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo, Nxb Văn học, Hà Nội. 118. Trần Đình Sử (1993), Giáo trình Thi pháp học, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. 119. Trần Đình Sử (1995), Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Giáo dục. 120. Trần Đình Sử (2001), Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. 121. Trần Đình Sử (2002), Văn học và thời gian, Nxb Văn học, Hà Nội. 122. Phan Sự (1997), “Ly thân với thơ”, Thế giới mới,( 267), tr.79-80. 123. VladimirNabokov (2004), “Suy nghĩ về nghề văn”, Báo Văn nghệ, (34), tr.11. 124. Vũ Văn Sỹ (1999), “Nguyễn Duy – người “thương mến đến tận cùng chân thật”, Tạp chí Văn học, (10), tr. 68-74. 125. Vũ Văn Sỹ (1995), “Thơ 1975- 1995 biến đổi của thể loại”, Tạp chí Văn học, (4), tr.20-23. 126. Vũ Văn Sỹ (1999), Về một đặc trưng thi pháp thơ Việt Nam 1945-1995, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 127. Nguyễn Trọng Tạo (1998), Văn chương- cảm và luận, Nxb Văn hóa- Thông tin, Hà Nội. 128. Đỗ Ngọc Thạch (1997), “Người vợ trong thơ Nguyễn Duy”, Báo phụ nữ Việt Nam, ( 1), tr.11,17. 129. Hoài Thanh ( 1972), “Đọc một số bài thơ của Nguyễn Duy”, Báo Văn nghệ, ( 444 ), tr.5. 130. Hoài Thanh (1978), Chuyện thơ, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội. 131. Nguyễn Bá Thành (1996), Tư duy thơ và tư duy thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Văn học, Hà Nội. 132. Vũ Duy Thông (1998), Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945-1975, Nxb Giáo dục. 133. Đỗ Minh Tuấn (1998). “Nhân triển lãm thơ Nguyễn Duy”, Báo Văn nghệ, (13), tr.4. 134. Nguyễn Huy Thiệp (2002), “Trở về với mẹ ta thôi”, Văn nghệ Trẻ, (45), tr.5. 135. Nguyễn Đức Thọ (2003), “Nguyễn Duy- thi sĩ đồng quê”, Nhà văn trong mắt nhà văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.82-90. 136. Chu Thị Thơm (2001), “Phải chăng đó là thơ hiện đại?”, Báo Giáo dục và thời đại, (39) tr.9. 137. Hà Văn Thùy (1997), “Nói chuyện “Ngày xửa ngày xưa” với nhà thơ Nguyễn Duy”, Tạp chí Thế giới mới, ( 247), tr.65, tr.111. 138. Đỗ Lai Thúy (1999), Từ cái nhìn văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 139. Đỗ Lai Thúy (2000), Mắt thơ I , Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội. 140. Lê Ngọc Trà (1990), Lý luận và văn học, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 141. Vân Trang, Ngô Hoàng, Bảo Hưng sưu tầm và biên soạn (1997), Văn học 1975- 1985 Tác phẩm và dư luận, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 142. Võ Gia Trị (2002), “Trăm năm thơ ca”, Tạp chí nhà văn, (4-2002), tr.63- 71. 143. Nguyễn Quang Tuyên (2004), “Câu thơ lục bát hiện đại”, Báo thơ, (7+8), tr.16. 144. Ủy ban KHXHVN, Viện Văn học (1984), Nhà thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 145. Lưu Trọng Văn (2004), “Nhà thơ Nguyễn Duy: Dù ở đâu Tổ quốc vẫn trong lòng”, Báo Thanh Niên, (95), tr.9. 146. Chế Lan Viên (1971), Suy nghĩ và bình luận, Nxb Văn học, Hà Nội. 147. Lê Trí Viễn (1997), Đến với thơ hay, Nxb Giáo dục. 148. Nguyễn Bùi Vợi (1986), “Ánh trăng”, Báo Văn nghệ (16 ), tr.7 149. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2004), Tiếng vọng những mùa qua, Nxb Trẻ. 150. Hoàng Xuân tuyển chọn (1996), Nguyễn Bính- Thơ và đời, Nxb Văn học, Hà Nội. 151. Trần Đăng Xuyền (1995), “Về một đặc điểm của thơ Việt Nam từ 1955 đến 1975”, Tạp chí Văn học, (9 ), tr.13-15. 152. Phạm Thu Yến (1998), “Ca dao vọng về trong thơ Nguyễn Duy”, Tạp chí Văn học, (7 ), tr.76-82. Internet 153. Nguyễn Duy, Nỗi nhớ thời khó thở của Nguyễn Duy (tùy bút), www.tuoitre.com.vn, ngày 21.1.2006. 154. Nguyễn Duy, Tình như rượu chôn lâu đằm lịm, www.tuoitre.com.vn, ngày 14.2.2007 155. Nguyễn Văn Học, Có một Nguyễn Duy làm thơ lục bát, www.baophuyen.com.vn, ngày 2.10.2008 156. Lê Huy Mậu, Chân dung một người chơi, www.vanchuongviet.org 157. Trần Hoàng Nhân, Nhà thơ Nguyễn Duy: “Thơ bỏ tôi đi”, ww.vietvan.vn 158. Hoàng Nhân, Nguyễn Duy viết “tham luận” bằng...thơ lục bát!, www.thethaovanhoa.vn , ngày 30.7.2008 159. Nguồn Tuổi trẻ Online, Nguyễn Duy và bài thơ mới nhất, www.tuoitre.com.vn, ngày 4.2.2008 160. Đỗ Ngọc Yên, Về cái mới trong văn chương Việt Nam hôm nay, www.evan.com.vn MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ NHÀ THƠ NGUYỄN DUY Từ trái qua: nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, ông Võ Văn Kiệt và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn Nhà văn Nguyễn Khải, NSND Trần Tiến, nhà thơ Nguyễn Duy, kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn chụp ảnh lưu niệm tại tổng hành dinh Mường Phăng Nhà thơ Nguyễn Duy trong cuộc họp phát động bình chọn 99 bài thơ lục bát hay nhất thế kỷ Nhà thơ Nguyễn Duy ký tên trên gốm Tâm Việt Nhà thơ Nguyễn Duy bên tác phẩm độc đáo của mình (Cuốn thơ thiền cao 1,11m) Nhà thơ Nguyễn Duy bên một bài thơ thiền in trên giấy dó Chùm ảnh về lịch thơ Nguyễn Duy Đoàn làm phim Đi tìm dấu tích Ba Vua chụp ảnh chung với gia đình cụ Nguyễn Mẫn (cháu nội của thầy Nguyễn Nhuận – thầy vua Hàm Nghi). Nhà thơ Nguyễn Duy tham gia thực hiện bộ phim lịch sử này với vai trò MC và biên tập. Nguyễn Duy gặp bà Vĩnh San Andree Marie Gisele – con gái út của Cựu hoàng Duy Tân - tại đảo Réunion. Nguyễn Duy với nhà thơ Fred Marchant, chủ nhiệm khoa viết văn của Trường ĐH Suffolk Nhà thơ Nguyễn Duy và nhà thơ Thanh Thảo tại Quảng Ngãi Nhà thơ Nguyễn Duy đến thăm và tặng nhà thơ Phạm Tiến Duật những bông hồng thắm đỏ trước ngày ông Duật nhập Viện. Nhà thơ Nguyễn Duy chụp ảnh trước "bàn tưởng niệm" mà các bạn văn thơ lập vội để nhớ nhà thơ Phạm Tiến Duật. Nguyễn Duy hồi tưởng về bạn văn Thu Bồn ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA7459.pdf
Tài liệu liên quan