Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Kônxtantin Pauxtôpxki

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH _____________________ Giang Thị Thủy THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN KÔNXTANTIN PAUXTÔPXKI Chuyên ngành : Văn học nước ngoài Mã số : 60 22 30 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. TRẦN THỊ QUỲNH NGA Thành phố Hồ Chí Minh – 2010 LỜI CẢM ƠN Với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc, tôi xin chân thành cảm ơn ban chủ nhiệm khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhữn

pdf90 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 4272 | Lượt tải: 4download
Tóm tắt tài liệu Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Kônxtantin Pauxtôpxki, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
g thầy cô đã trực tiếp giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho tôi, đồng thời giúp tôi rèn luyện nhân cách trong suốt khóa học 2006 - 2009, chương đào tạo trình sau đại học, chuyên ngành Văn học nước ngoài. Xin đặc biệt gửi lời cảm ơn TS. Trần Thị Quỳnh Nga - người đã tận tình hướng dẫn tôi trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học, giúp tôi từng bước hoàn thành luận văn. Xin chân thành cảm ơn các thầy cô thuộc Phòng Khoa học – Công nghệ sau đại học Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cùng toàn thể cán bộ, nhân viên thư viện Trường Đại Học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã tạo mọi điều kiện cho tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn. Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn sự động viên, ủng hộ của gia đình, các chị, các em, bạn bè. Xin cảm ơn người đã lặng lẽ chia sẻ cùng tôi những giai điệu bí ẩn của tâm hồn, cảm ơn những người bạn tuy họ không ở bên cạnh tôi nhưng tôi vẫn nhận được lời động viên, khuyến khích của các bạn ấy, giúp tôi có thêm niềm tin trên bước đường tìm hiểu khoa học. Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 01 năm 2010 Học viên thực hiện Giang Thị Thủy Quy ước chung Khi phiên âm tiếng Việt, tên của nhà văn Kônxtantin Pauxtôpxki hiện có nhiều cách viết, ví dụ: Constantin Paustovski, Konstantin Paustovski, Konstantin Paustovsky, Kônxtantin Pauxtốpxki, Kônxtantin Pauxtôpxki… Trong luận văn này chúng tôi xin quy ước viết tên tất cả các tác giả văn học Nga và thế giới, tên các nhà nghiên cứu phê bình, lí luận văn học thế giới… theo cách phiên âm trong Từ điển Văn học (2003) do Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên, nhà xuất bản Thế giới ấn hành. Do trích dẫn từ những nguồn tài liệu khác nhau, tên một số tác giả, tên địa danh, tên nhân vật không tránh khỏi đôi chỗ khác biệt. Để tỏ ý tôn trọng bản quyền tác giả, chúng tôi xin được giữ nguyên văn tên những danh từ riêng này đúng như tác giả của bài viết đã sử dụng. DẪN NHẬP 1. Lí do chọn đề tài Văn học Nga là một nền văn học lớn, có tầm ảnh hưởng đáng kể đối với lịch sử phát triển của văn học thế giới trên nhiều phương diện. Nền văn học viết của Nga hình thành từ thế kỉ XI, tuy nhiên văn học xứ sở bạch dương chính thức ghi danh tên tuổi của mình vào nền văn học thế giới bằng những thành tựu rực rỡ của văn học thế kỉ XIX. Đây là thời kì được mệnh danh là thế kỉ vàng trong lịch sử văn học Nga với tên tuổi của A.Puskin, M.Lecmôntôp, N.Gôgôn, Ph.Đôxtôiepki, L.Tônxtôi, A.Sêkhôp… Những năm đầu thế kỉ XX, lịch sử nước Nga bước sang trang mới với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười vĩ đại, lật đổ chế độ Nga hoàng, đánh dấu một mốc son trong bề dày lịch sử hào hùng của dân tộc. Sau khi bình ổn cuộc nội chiến (1918 - 1922), Đảng và nhà nước Xô viết đã lãnh đạo nhân dân từng bước tiến hành công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Những thành quả đạt được từ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, 5 năm lần thứ hai, giúp đất nước và con người Xô viết có những bước chuyển mình lớn lao trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục đến khoa học kĩ thuật. Tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, chống lại chủ nghĩa phát xít, thế giới một lần nữa khâm phục sự vươn lên mạnh mẽ, vượt bậc của một dân tộc kiên cường, bất khuất. Văn học luôn song hành với bước tiến của lịch sử. Hiện thực sống và chiến đấu của nhân dân Xô viết được phản ánh chân thực, sinh động trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong giai đoạn phong ba bão táp của lịch sử, các tác phẩm văn nghệ Xô viết vẫn chứa đựng niềm tin mãnh liệt vào tương lai tốt đẹp. Khuynh hướng chung của văn học Xô viết lúc bấy giờ là tái hiện bức tranh sử thi hoành tráng có tầm khái quát rộng lớn về con người và xã hội. Kônxtantin Pauxtôpxki đến với cuộc đời giữa lúc xã hội Nga đang trong bầu không khí sục sôi của đêm trước trước Cách mạng tháng Mười. Ông trưởng thành trong thời kì nước Nga trải qua những bước thăng trầm của cuộc nội chiến. Trong thế chiến thứ Hai, ông làm phóng viên chiến tranh của mặt trận phía Nam. Ông đi nhiều, và chủ yếu viết dựa trên những ấn tượng sống trực tiếp. Hơn nửa thế kỉ hoạt động trên nhiều lĩnh vực: làm báo, viết văn, tham gia giảng dạy tại Học viện Gorki, Pauxtôpxki đã để lại một khối lượng tác phẩm phong phú, đa dạng về thể loại - tiểu thuyết, truyện vừa, tiểu luận, chân dung văn học, đặc biệt là truyện ngắn. Hòa vào dòng mạch chung của văn xuôi Nga hiện đại, Pauxtôpxki vẫn chọn cho mình một lối đi riêng. Tiếp thu tinh hoa từ những bậc tiền bối trong lịch sử văn học dân tộc, không ngừng tôi rèn bản thân, học tập kinh nghiệm từ bạn bè và đồng nghiệp, Pauxtôpxki đã khẳng định được vị trí của ông trên văn đàn Nga bên cạnh những tên tuổi trụ cột của dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đương thời như M. Gorki, A. Tônxtôi, A. Fađêep, M. Sôlôkhôp… Người viết chọn đề tài này xuất phát từ lòng yêu mến văn học Nga - một nền văn học giàu chất nhân văn, vừa trung thành với hiện thực vừa đậm chất trữ tình, một nền văn học ca ngợi những con người kiên cường trong chiến đấu, miệt mài trong lao động, chung thủy trong tình yêu, cống hiến hết mình vì nghệ thuật. Những tác phẩm vừa hiện thực vừa trữ tình, chất thơ trong văn xuôi cùng lối kể chuyện nhẹ nhàng của Pauxtôpxki đánh thức những rung động mỏng manh, khẽ khàng của tâm hồn, mở ra chiều sâu thăm thẳm của cái đẹp ẩn giấu sau những điều bình dị, giản đơn. Mỗi câu chuyện của Pauxtôpxki là một bài ca ngọt ngào về tình yêu con người và cuộc sống. Đặc biệt, bầu không khí trong ngần bao quanh thế giới nhân vật Pauxtôpxki để lại ấn tượng sâu đậm trong kí ức người viết cũng như bao bạn đọc từng tiếp xúc với tác phẩm của ông ngay từ lần đầu tiên. Vì tình yêu và niềm say mê dành cho tác giả truyện ngắn Nga này, chúng tôi đã chọn đề tài nghiên cứu: Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Kônxtantin Pauxtôpxki. 2. Lịch sử vấn đề Pauxtôpxki là nhà văn Nga nổi tiếng. Với khuynh hướng lãng mạn và phong cách trữ tình độc đáo, sáng tác của ông đã làm say mê bao thế hệ độc giả. Trong những bài viết, giới nghiên cứu, phê bình khẳng định những đóng góp của Pauxtôpxki và dành cho nhà văn tình cảm trân trọng, quý mến. Tại Nga, đồng nghiệp cũng như các nhà văn thuộc thế hệ sau Pauxtôpxki đều dùng những hình dung từ rất đẹp khi bàn về tài năng nghệ thuật của ông. Trong lời giới thiệu Truyện chọn lọc - Kônxtantin Pauxtôpxki, Ilia Êrenbua nhận định: “Nếu không kể đến những tác phẩm của Kônxtantin Pauxtôpxki thì nền văn học Nga đã bỏ sót một nét đẹp hiếm có. Trong lịch sử văn học Nga có rất nhiều tài năng lỗi lạc mà tên tuổi của họ đã được thế giới công nhận, nhưng thật khó có thể tìm được một tấm gương tận tụy, miệt mài trong hoạt động sáng tác như Pauxtôpxki Bạn đọc yêu mến Pauxtôpxki bởi vì lòng tốt không có giới hạn của ông dành cho con người và cuộc đời. Trong tác phẩm của ông, con người nào cũng nhân hậu, con người nào cũng hào hiệp, con người nào cũng sẵn lòng giúp đỡ người khác. Đừng ngần ngại trao tặng lòng yêu thương, sự chia sẻ đến mọi người xung quanh – đó là cách để được mọi người yêu quý và kính trọng. Pauxtôpxki được mọi người nhớ mãi cũng vì thế”. 1 Nữ thi sĩ Ônga Becgôn – người mà những bài thơ tình sâu lắng của bà làm trái tim bao thế hệ độc giả Việt Nam phải xao xuyến – cho rằng: “Không thể kể hết những người cầm bút thuộc thế hệ chúng tôi xem Kônxtantin Pauxtôpxki như bậc thầy đáng kính của mình. Có lẽ chính Pauxtôpxki cũng không ngờ ông có nhiều học trò đến vậy. Bản thân tôi cũng là một học trò nhỏ của ông. Còn hạnh phúc nào hơn nếu tôi có thể học tập từ người thầy của mình dù chỉ một chút tinh hoa từ nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện, có sức truyền cảm mạnh mẽ nhường ấy”2. Pauxtôpxki được đánh giá là một trong những bậc thầy của nghệ thuật truyện ngắn Xô viết đương đại. Bitôp khẳng định: “Liệu có cần nói gì thêm về Pauxtôpxki khi tất cả chúng ta đều mong “đan dệt” được những truyện ngắn đẹp đẽ, trong suốt, những truyện ngắn lương thiện đến như thế” [33, tr. 135]. Đánh giá những đóng góp của Pauxtôpxki đối với thể loại truyện ngắn, S. Aimatôp viết: “Hãy nhớ lại Pauxtôpxki. Trong truyện của ông, dường như chẳng có chuyện gì xảy ra. Không ai đuổi bắt ai mà cũng không ai rời bỏ ai. Vậy mà đọc truyện ta cảm thấy rất thú” [33, tr. 147]. I.Bônđarep khâm phục tài năng của người thầy Pauxtôpxki trong việc xây dựng tình huống truyện mà “thiếu nó thì nhân vật không có da thịt và mờ nhạt. Cái trò chơi lạ thường sáng tối, sự phối hợp chính xác màu sắc, âm thanh, mùi vị, nhịp điệu, 1 Nguồn: 2 thanh điệu là khả năng tuyệt vời không phải luôn luôn bắt gặp trong văn học chúng ta” [45, tr. 145]. Đặc biệt Bônđarep nhấn mạnh đến biệt tài tạo dựng bầu không khí trữ tình như thực như mơ bao trùm khắp các sáng tác của bậc thầy truyện ngắn này. Tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu văn học, các dịch giả đã sớm giới thiệu những sáng tác của Pauxtôpxki tới bạn đọc trong nước. Tập Bông hồng vàng được xuất bản ở Nga năm 1955, không bao lâu sau, một số truyện ngắn tiêu biểu của Pauxtôpxki đã được các dịch giả miền Nam dịch sang tiếng Việt. Ở miền Nam, năm 1953, truyện ngắn Mưa trong bình minh do Vũ Minh Thiều dịch được đăng trên Tập san Nhân loại do Đông Hồ chủ trương, các số 16 - 17 - 18 (Số 16 ra ngày 9 tháng 11 năm 1953). Ở miền Trung, truyện Mưa lúc rạng đông được Bửu Kế và Cẩm Tâm dịch, in trong tập Truyện ngắn quốc tế, nhà xuất bản Hương Bình ở Huế ấn hành năm 1955. Ngay từ những ngày đầu, truyện ngắn Pauxtôpxki đã nhanh chóng chinh phục được đông đảo những người yêu văn học nghệ thuật Việt Nam bởi phong cách văn xuôi đậm chất lãng mạn, trữ tình. Trong bài “Trả lời phỏng vấn văn nghệ của Bách khoa Sài Gòn”, số 66 ra ngày 1 tháng 11 năm 1959, tác giả Nguyễn Phúc và nhà văn Võ Phiến khẳng định khả năng truyền cảm đặc biệt của truyện Mưa lúc rạng đông (Truyện ngắn quốc tế do Bửu Kế và Cẩm Tâm dịch): “Khung cảnh và tâm tình nhân vật đều mờ mờ như làn mưa bụi lúc rạng đông” [38, tr. 42], “những tình cảm trong đó bàng bạc, vương vít khắp nơi, ở một lóe nắng, một bụi cỏ, ở tiếng nói cười trong truyện rải rác gần như vô tình” [38, tr. 48]. Sang đầu những năm 60 của thế kỉ XX, Bông hồng vàng đã được giới thiệu ở nước ta qua bản dịch của Vũ Thư Hiên. Với tất cả tình yêu và sự đồng cảm dành cho những áng văn giàu chất trữ tình của nhà văn Xô viết này, Vũ Thư Hiên và Mộng Quỳnh đã dồn hết tâm huyết để chuyển tải một cách trung thực và trọn vẹn nhất chất văn xuôi ngọt ngào, cái duyên kể chuyện mượt mà sâu lắng trong văn phong của Pauxtôpxki sang tiếng Việt. Các sáng tác của Pauxtôpxki được đánh giá là có một sức hút đặc biệt. Anh Trúc ca ngợi những sáng tác của Pauxtôpxki là kết tinh vẻ đẹp của tâm hồn Nga, tính cách Nga. Trong Kể chuyện tác gia văn học nước ngoài, Nguyên An đề cập đến yếu tố bất ngờ, tính ngẫu nhiên trong truyện Pauxtôpxki và khẳng định giá trị nhân văn sâu sắc chứa đựng trong những trang viết của Pauxtôpxki có khả năng thanh lọc tâm hồn con người. Nguyễn Hải Hà tôn vinh Pauxtôpxki là “Người dẫn đường tới cái đẹp”. Theo ông, biệt tài của Pauxtôpxki là phát hiện và chuyển tải chất thơ trong cuộc sống bình dị vào trang viết. Phan Hồng Giang - nhà nghiên cứu văn học, đồng thời là một dịch giả rất tâm huyết với văn học Nga - ca ngợi Pauxtôpxki là người gom góp, chắt chiu cái đẹp: “Như con ong chuyên cần bay cuối đất cùng trời, hút nhụy hoa tươi, chắt chiu thành mật ngọt, Pauxtôpxki đã run rẩy đón nhận từng vẻ đẹp li ti nhất rồi đem lại cho chúng ta những vẻ đẹp ấy với sắc màu, hương vị tươi nguyên” [35, tr. 314]. Pauxtôpxki là một trong những tác giả được các nhà văn Việt Nam chọn là tấm gương học tập trong nghệ thuật viết truyện ngắn. Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên được đánh giá là một trong những yếu tố góp phần tạo nên chiều sâu thăm thẳm của cái đẹp trong các sáng tác của ông. Vũ Thị Thường nhận xét về nghệ thuật miêu tả mang đậm sắc thái hội họa trong văn Pauxtôpxki: “Đọc văn Pauxtôpxki, nhiều đoạn như xem tranh, ông tả rừng mà vẽ lên từng cái gân lá, sau đó ông xóa đi để vẽ nên lớp sương mù” [33, tr. 14]. Đặng Thị Hảo nhấn mạnh một phương diện nghệ thuật của truyện ngắn Pauxtôpxki, đó là chất thơ trong văn xuôi: “Chất thơ trong văn xuôi là một biểu hiện đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Pauxtôpxki. Đó là sự kết hợp nhuần nhị cái khí sắc lãng mạn – đặc điểm xuyên suốt từ những sáng tác đầu tay của ông – với bút pháp trữ tình cùng cái duyên mượt mà của một văn phong điêu luyện, làm cho những “bài thơ văn xuôi” của ông thấm vào hồn người một cách nhẹ nhàng, tinh tế…” [26, tr. 1341 – 1342]. Theo Phong Lê, tài năng đặc sắc của tác giả trong việc nắm bắt chất thơ lung linh muôn màu từ hiện thực cuộc sống là yếu tố tạo nên giá trị bền vững của truyện Pauxtôpxki giữa dòng chảy muôn trùng lớp sóng của văn học thế giới: “Có thể nói nếu có một chất thơ đích thực nhưng khó nắm ở đời thì Paustovski chính là bậc thầy cao nhất để nhận ra và lưu giữ được nó khiến cho mỗi chuyện đời bình dị qua ông bỗng trở nên lung linh trong Tuyết, Cô gái làm ren, Lẵng quả thông…” [29, tr. 22]. Nhìn chung, những vấn đề liên quan đến đặc trưng phong cách nghệ thuật Pauxtôpxki không phải là quá mới mẻ. Tuy nhiên, ngoài những bài giới thiệu khái quát vẫn chưa có công trình nghiên cứu chuyên biệt về thế giới nghệ thuật truyện ngắn Kônxtantin Pauxtôpxki. Vì vậy, việc đi sâu phân tích làm rõ hơn những đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Pauxtôpxki là điều cần thiết. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Chúng tôi thực hiện đề tài này dựa trên việc khảo sát, phân tích các tác phẩm của ông qua văn bản tiếng Việt. Cụ thể, chúng tôi sẽ tìm hiểu thế giới nghệ thuật truyện ngắn Pauxtôpxki trên một số phương diện: Thế giới nhân vật, cốt truyện và kết cấu, không gian – thời gian nghệ thuật, chất thơ trong văn xuôi. Đây là những yếu tố tiêu biểu tạo nên dấu ấn riêng của tác giả. Những truyện ngắn của Pauxtôpxki khảo sát trong luận văn chủ yếu được viết bắt đầu từ những năm 1930, nở rộ nhất là thời kì trước và sau chiến tranh thế giới thứ Hai, sau đó là các tác phẩm được sáng tác rải rác đến trước khi ông qua đời vào năm 1968. Những truyện ngắn này được in trong tập Bông hồng vàng và Bình minh mưa. 4. Đóng góp của luận văn Tìm hiểu những nét đặc trưng trong thế giới nghệ thuật truyện ngắn Pauxtôpxki, luận văn – trong chừng mực nhất định – đem lại cho người đọc cái nhìn tương đối toàn diện về một gương mặt truyện ngắn đã và đang được nhiều bạn đọc yêu mến. Đề tài khảo sát một cách hệ thống truyện ngắn Pauxtôpxki để nhận diện phong cách nhà văn, chỉ ra những nét đặc sắc về phương diện nghệ thuật. Từ đó có thể khẳng định những đóng góp của Pauxtôpxki đối với sự phát triển của thể loại truyện ngắn Nga hiện đại. 5. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình thực hiện luận văn, chúng tôi sử dụng các phương pháp cơ bản sau: Phương pháp lịch sử được áp dụng trong việc tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, quan niệm nghệ thuật của tác giả. Phương pháp này còn giúp chúng tôi tìm hiểu thế giới truyện ngắn Pauxtôpxki dựa trên những đặc trưng của thể loại truyện ngắn đã có bề dày truyền thống trong lịch sử phát triển của văn học thế giới. Phương pháp so sánh được sử dụng nhằm làm nổi bật nét độc đáo trong thế giới nghệ thuật truyện ngắn Pauxtôpxki qua việc đối sánh tác phẩm của ông với tác phẩm của các nhà văn khác. Trong khi sử dụng các phương pháp trên, chúng tôi đồng thời sử dụng thao tác phân tích để đi sâu đánh giá tác phẩm theo hướng cảm thụ, cảm nhận. 6. Cấu trúc luận văn Ngoài phần Dẫn nhập (9 trang), Kết luận (3 trang), Phụ lục (20 trang), luận văn được triển khai trong ba chương. Chương 1: Kônxtantin Pauxtôpxki - Con người và quan niệm nghệ thuật (15 trang) Ngoài phần giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp, những tác phẩm chính, chúng tôi trình bày một số quan niệm của Pauxtôpxki về nghề văn, sứ mệnh nhà văn, kinh nghiệm sáng tác văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng. Đây là tiền đề quan trọng hình thành nên phong cách truyện ngắn đặc sắc của ông. Chương 2: Thế giới nhân vật truyện ngắn Kônxtantin Pauxtôpxki (17 trang) Chương này được triển khai nhằm miêu tả và phân tích vẻ đẹp của tâm hồn Nga, tính cách Nga qua thế giới nhân vật trong truyện ngắn Pauxtôpxki. Chương 3: Phương thức biểu hiện của truyện ngắn Kônxtantin Pauxtôpxki (31 trang) Phân tích những đặc trưng nghệ thuật đặc sắc làm nên vẻ đẹp của thế giới nghệ thuật truyện ngắn Pauxtôpxki trên một số phương diện: Cốt truyện và kết cấu, không gian - thời gian nghệ thuật, chất thơ trong văn xuôi là nhiệm vụ đặt ra trong chương 3. Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Pauxtôpxki có sức truyền cảm mạnh mẽ, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Kể từ những ngày đầu tác phẩm của ông được giới thiệu tại dải đất hình chữ S trên bản đồ thế giới, bạn đọc Việt Nam đã dành cho Pauxtôpxki tình cảm thiết tha, trìu mến suốt dọc dài thời gian. Vì thế, luận văn dành phần Phụ lục trình bày những suy nghĩ của bản thân về quá trình Pauxtôpxki được đón nhận tại Việt Nam, sự tác động sâu sắc từ những trang văn của Pauxtôpxki đến đời sống tinh thần bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ và dấu ấn Pauxtôpxki trong sáng tác của một số nhà văn Việt Nam. Chương 1 KÔNXTANXTIN PAUXTÔPXKI – CON NGƯỜI VÀ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT 1.1. Kônxtantin Pauxtôpxki – Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác 1.1.1. Cuộc đời Kônxtantin Pauxtôpxki sinh ngày 31 tháng 5 năm 1892 tại Matxcơva. Gia đình ông gốc Côdắc miền Dapôrôgiê, sau đó chuyển tới ngụ tại vùng ven sông Rôtxi, gần tỉnh lị Bêlaia Séccôp. Thân phụ của Pauxtôpxki là một công chức thống kê trong ngành đường sắt. Hầu như suốt cuộc đời, cha ông gắn bó với những tuyến đường sắt phần Châu Âu của nước Nga. Do yêu cầu công việc của cha, gia đình Pauxtôpxki thường phải thay đổi chỗ ở nên từ nhỏ nhà văn được đi đến nhiều vùng khác nhau trên đất nước. Từ những tháng năm tuổi thơ, cuộc sống của cậu bé Pauxtôpxki đã gắn liền với những chuyến đi. Ông Ghêoócghi Măcximôvich - cha của Pauxtôpxki - là một người lãng mạn, phóng khoáng. Ông rất tôn trọng thế giới tâm tư, tình cảm riêng của các con. Trong một lá thư gửi con trai trong thời gian đi công tác xa nhà, ông viết: “Ba vẫn vững tin rằng rồi đây trong cuộc đời, con sẽ vươn tới được những hoài bão của mình và sẽ trở thành một con người chân chính. Hãy nhớ lấy lời khuyên mà có lần ba đã thổ lộ với con: Đừng bao giờ đánh giá con người qua những ấn tượng ban đầu, trước khi am hiểu tường tận mọi cảnh huống xui khiến người ta có một hành động nào đó, trước khi có đầy đủ từng trải để hiểu hết những điều mà giờ đây con chưa thể hiểu được” [36, tr. 288]. Mẹ của Pauxtôpxki là người có tấm lòng nhân hậu, độ lượng song cũng rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái. Các thành viên trong gia đình Pauxtôpxki đều yêu thơ ca, nghệ thuật. Ông nội Măcxim Grigôriêvich là cựu chiến binh Côdăc dưới thời Nga hoàng Nicôlai I, từng tham gia cuộc chiến tranh chống Thổ Nhĩ Kì. Ông cụ thường hay kể cho Pauxtôpxki những truyền thuyết cổ xưa, khơi dậy trong tâm hồn người cháu tình yêu văn học nghệ thuật. Theo lời tác giả bộc bạch trong bộ tự truyện, bà ngoại ông là một người rất yêu thơ ca. Vào dịp tác phẩm đầu tay của Pauxtôpxki được đăng báo, bà đã chúc phúc cậu cháu trai trong nỗi vui sướng nghẹn ngào: “Hãy lao động và hạnh phúc cháu ạ. Phải tin rằng Đức Chúa thương hại bà vì Người đã dành cho bà niềm hạnh phúc này trước khi nhắm mắt” [36, tr. 356]. Pauxtôpxki trải qua thời niên thiếu tại Ucraina. Ông học trung học tại Kiep và là bạn học của Mikhain Bungacôp. Đang học trung học thì bố mất, Pauxtôpxki phải làm gia sư để có thêm tiền ăn học. Một phần tuổi hoa niên và tuổi trẻ của Pauxtôpxki đã trôi qua trong hoàn cảnh không nhiều thuận lợi nhưng ông vẫn ấp ủ, nuôi dưỡng cho mình những ước mơ đẹp. Năm 1912, Pauxtôpxki trở thành sinh viên khoa Lịch sử tự nhiên của Đại học Kiep. Hai năm sau ông chuyển sang học khoa Luật trường Đại học Matxcơva. Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ Nhất nổ ra, ông bỏ dở việc học làm nhân viên đường sắt, phụ lái tàu điện, bán vé tàu điện, làm y tá trên các đoàn tàu cứu thương. Năm 1915, trong thời gian điều trị vết thương ở chân trái do bị trúng mảnh đạn trái pháo của Đức tại thị trấn Nhêxvigơ, tình cờ lật xem một tờ báo cũ, Pauxtôpxki biết tin hai anh trai đã hi sinh ngoài mặt trận. Ông vội trở về Matxcơva để an ủi mẹ già. Ông bị mất việc tại đoàn tàu cứu thương vì đã giễu cợt chuyến đi thăm mặt trận miền Tây của Nga hoàng Nicôlai II. Pauxtôpxki lại bôn ba khắp nước Nga, làm nhiều nghề: Công nhân nhà máy luyện kim, công nhân nhà máy hơi nước, làm nghề đánh cá… Đây là cơ sở để ông viết những tác phẩm sinh động về cuộc sống người công nhân và những truyện ngắn về biển. Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 thành công, Pauxtôpxki trở lại Matxcơva làm nhân viên biên tập cho một tờ báo và sống trong không khí hào hùng của cuộc Cách mạng. Nội chiến xảy ra, ông gia nhập Hồng quân. Sau đó ông đi khắp Liên bang Xô viết từ Kiep đến Ôđetxa, qua Batum, rồi sang tận Bacu. Bước chân ông in dấu trên khắp nẻo đường của Tổ quốc. Trong khoảng thời gian đó, Pauxtôpxki tích lũy kiến thức, vốn sống, tìm tư liệu cho sáng tác. Những gì ông đã sống và trải nghiệm đều phục vụ trực tiếp cho hoạt động sáng tác sau này. Năm 1932, ông trở thành biên tập viên của hãng Thông tấn Nga, sau đó viết báo cho tờ Sự thật (Pravda). Trong thế chiến thứ Hai, ông làm phóng viên tại mặt trận phía Nam. Năm 1943 ông từng viết kịch bản phim “Lecmôntôp” cho xưởng phim Gorki. Từ năm 1948 đến năm 1955, ông là giảng viên của Trường Viết văn Gorki. Giữa những năm 50 của thế kỷ XX, ông đi du lịch qua nhiều nước Châu Âu như Ý, Tiệp Khắc, Hà Lan, Pháp, Anh, Hi Lạp, Bungari… Bằng tất cả sự kiên trì, nỗ lực phấn đấu không ngừng, Pauxtôpxki đã biến những khát khao ấp ủ từ thuở ấu thơ bên những bản đồ địa lí thành hiện thực. Trên hành trình thực hiện ước mơ ấy, ông đã nâng đỡ, chắp cánh cho ước mơ của bao người bằng những áng văn xuôi mượt mà, dạt dào niềm tin vào bản chất cao đẹp và khả năng sáng tạo kì diệu của con người. Năm 1965, ông được đề cử giải Nôben Văn học. Tuy nhiên, năm đó giải được trao cho nhà văn Mikhain Sôlôkhôp với bộ tiểu thuyết sử thi Sông Đông êm đềm. Pauxtôpxki mất ngày 14 tháng 7 năm 1968 tại Matxcơva, kết thúc cuộc hành trình gom bụi quí nhưng bông hồng vàng ông để lại đã ươm mầm cho biết bao vườn hoa ngạt ngào sắc hương mới. 1.1.2. Sự nghiệp sáng tác Pauxtôpxki bắt đầu cầm bút khi còn là một học sinh trung học. Ban đầu ông thử sức trong lĩnh vực thơ ca. Một lần Pauxtôpxki gửi những bài thơ do ông sáng tác đến cho I. Bunhin, Bunhin khuyên ông nên chuyển sang viết văn. Trong thư gửi Pauxtôpxki, Bunhin viết: “Tôi nghĩ thế giới thực sự của cậu là những tác phẩm văn xuôi. Nếu cậu thực sự chuyên tâm tới lĩnh vực đó, tôi chắc chắn cậu sẽ làm được điều gì đó đáng kể”3. Pauxtôpxki dồn tất cả mối tình không thành cho thơ ca sang văn xuôi và gặt hái nhiều thành công. Năm 1912, truyện vừa Trên mặt nước (Na Vode) - tác phẩm đầu tay của Pauxtôpxki - ra đời, tiếp theo là tác phẩm Bộ tứ được đăng trên Những ngọn lửa (Kiep) nhưng tác phẩm chưa gây được tiếng vang. Sau khi cho đăng một vài truyện, nhận ra rằng những đứa con tinh thần của mình còn thiếu chất sống, ông quyết định tạm ngừng sáng tác để tự nếm trải thăng trầm của cuộc đời, tìm kiếm vẻ đẹp từ cuộc sống cần lao. Và Pauxtôpxki biết rằng nhất định một lúc nào đó ông sẽ cầm bút trở lại. Trong Bông hồng vàng, nhà văn tâm sự: “Tôi sống, tôi làm việc, tôi yêu, tôi đau 3 khổ, tôi hi vọng, tôi mơ ước, chỉ biết chắc một điều rằng, sớm hay muộn, đến tuổi trưởng thành hoặc hơn nữa, thậm chí có thể khi đã về già, tôi sẽ viết. Tôi sẽ viết không phải vì tôi đã đặt ra cho mình nhiệm vụ ấy mà là vì tâm hồn, trái tim, khối óc tôi đòi hỏi phải làm như vậy, Và bởi vì văn học, đối với tôi, là một hiện tượng đẹp đẽ nhất thế giới” [34, tr. 47]. Năm 1925, tập Những phác thảo biển khơi được xuất bản, đến năm 1929, tiểu thuyết lãng mạn Những đám mây lấp lánh ra mắt bạn đọc. Trong những năm ba mươi, Pauxtôpxki đi đến những công trường hừng hực khí thế của phong trào tập thể hóa nông nghiệp và công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trên khắp nước Nga. Những sáng tác của Pauxtôpxki nở rộ trong thời kì này: Số phận Sáclơ Longxêvin (1933) Miền Cônkhiđa (1934) Hắc Hải (1936) Những ngày hè (1937) Ôrext Kiprenxki (1937) Câu chuyện phương Bắc (1938) Miền rừng Mêsora (1939) Năm 1932, Pauxtôpxki viết Vịnh Kara-Bunga (Vịnh Mõm Đen) đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc trong phong cách cũng như trong sự nghiệp sáng tác của ông. Trong tác phẩm này, Pauxtôpxki tập trung thể hiện công cuộc xây dựng nhà máy liên hợp hóa chất ở Kara – Bunga nhằm biến cải mảnh đất này từ một vùng khô cằn, hoang hóa thành ốc đảo xinh tươi. Nguyễn Hải Hà nhận định: “Truyện Kara – Bunga của Pauxtôpxki chính là bức tranh hùng vĩ về cuộc đấu tranh lớn lao của con người nhằm chính phục biển, đẩy lùi sa mạc, đem lại no ấm và màu xanh đến cho cuộc sống con người” [23, tr. 279]. Đây là tác phẩm dào dạt chất lãng mạn, phơi phới tinh thần dũng cảm. Thế giới nhân vật trong Kara – Bunga là những con người mạnh mẽ và quyết đoán: Kĩ sư Prôcônhiep, nhà địa chất Vaxiliep, kĩ sư Đavưđốp, kĩ sư Khôrôbức và nhiều nhân vật khác - những đại diện tiêu biểu cho con người mới xã hội chủ nghĩa. Cùng chủ đề với Kara- Bunga, truyện dài Miền Cônkhiđa khai thác những bước chuyển mình kì diệu của nhân dân Xô viết trong công cuộc chinh phục và cải tạo vùng đất gần dãy núi Capca. Đầu những năm hai mươi, với tư cách là phóng viên tờ Ôđetxa, Pauxtôpxki từng đến Cônkhiđa. Khi đó, miền đất này chỉ là vùng đầm lầy, cây cối xác xơ, không để lại nhiều ấn tượng với tác giả. Năm 1933, Pauxtôpxki trở lại đây, diện mạo Cônkhiđa hoàn toàn thay đổi dưới bàn tay cải tạo, xây dựng của những người dân Xô viết. Sức sống mới bao trùm mảnh đất xưa đã khơi nguồn cảm hứng cho ông viết thiên truyện này. Những ngày hè tập trung khai thác đề tài vẻ đẹp của thế giới tự nhiên. Thiên nhiên trở thành yếu tố nghệ thuật quan trọng trong các sáng tác của Pauxtôpxki. Miền rừng Mêsora khắc họa khung cảnh tuyệt diệu của miền Trung nước Nga đồng thời thể hiện niềm tự hào của tác giả khi chứng kiến những đổi thay lớn lao trên khắp các nẻo đường Tổ quốc. Mùa thu năm 1955, tập Bông hồng vàng ra đời, lần đầu được đăng trên Tạp chí Tháng Mười (số tháng 9, tháng 10). Trước chiến tranh thế giới thứ Hai, Pauxtôpxki đã ấp ủ ý định viết một cuốn sách về nghề văn, thiên chức của người cầm bút, một số vấn đề về tâm lí học sáng tạo văn học. Trải qua một quá trình thai nghén, tác phẩm được hoàn thành. Có thể nói đây là tác phẩm mà Pauxtôpxki dành nhiều tâm huyết. Những quan niệm nghệ thuật được Pauxtôpxki nêu ra trong Bông hồng vàng trở thành những bài học kinh nghiệm quý giá cho những nhà văn trẻ của Nga và thế giới. Vậy mà, ngay khi mới ra đời, tập sách và người cha tinh thần của nó đã phải gánh chịu không ít lời chê trách khá nặng nề của giới phê bình văn học Nga lúc bấy giờ. Họ không ngại ngần phê phán những quan điểm Pauxtôpxki trình bày trong Bông hồng vàng là sự cách li văn học khỏi hiện thực cuộc sống. Hình tượng bông hồng vàng chỉ là một vật trang trí cho văn học, một biểu tượng của quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Song những lời chỉ trích này nhanh chóng bị chìm vào quên lãng bởi những gì thuộc về lẽ phải sẽ có sức sống vĩnh hằng, đúng như lời đề tựa cuốn sách: “Văn học nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” (Xantưcôp Sêđin). Truyện cuộc đời được viết trong khoảng thời gian từ năm 1947 đến năm 1967, gồm sáu quyển được xuất bản tại Nga: Những năm tháng xa xưa, Tuổi trẻ không bình lặng, Mở đầu một thế kỉ lạ lẫm, Thời kì những mong đợi lớn lao, Phóng về Nam, Cuốn sách phiêu lưu. Nội dung tập truyện là lời tự thuật của Pauxtôpxki về những cột mốc quan trọng trong cuộc đời nhà văn, những người để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tác giả, kỉ niệm về những chuyến đi, bài học quý trong kinh nghiệm sống và sáng tác. Truyện cuộc đời gồm nhiều câu chuyện nhỏ, mỗi mẩu chuyện có thể được xem như một truyện ngắn độc lập. Các tác phẩm của Pauxtôpxki ngày càng được độc giả thế giới biết đến nhiều hơn. Ngay từ giữa thập niên những năm 50, các truyện ngắn của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Với những đóng góp lớn lao về văn học, ông được nhà nước Liên Xô trao tặng Huân chương Lênin – một phần thưởng cao quí trong cuộc đời nhà văn. Tìm hiểu cuộc đời lao động nghệ thuật của ông, chúng ta càng trân trọng tấm lòng nhân hậu của một nghệ sĩ ngôn từ luôn yêu người, yêu đời, yêu cái đẹp. 1.2. Quan niệm nghệ thuật Một quan niệm nghệ thuật bao giờ cũng là tiền đề của một thi pháp nghệ thuật tương ứng. Những quan niệm của Pauxtôpxki về sáng tác văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng là nền tảng hình thành phong cách nghệ thuật của ông. Trong Bông hồng vàng, Pauxtôpxki nêu lên ý nghĩa, tầm quan trọng của văn học nghệ thuật, sứ mệnh của nhà văn, một số vấn đề về tâm lí học sáng tạo văn học. Bên cạnh đó, ông truyền lại cả những kinh nghiệm quý giá của bản thân trong hoạt động sáng tác từ việc thu thập tư liệu cuộc sống, hình thành ý tưởng, cảm hứng sáng tác, gọt giũa câu chữ cho đến khi đứa con tinh thần của nhà văn chào đời. Nhà văn chân chính không thể không có vốn sống, không thể không hiểu biết về con người và thời đại mình. Cuộc sống của nhà văn không thể tách rời nhiệm vụ đi sâu, khám phá bản chất đời sống. 1.2.1. Trên những cuộc hành trình Theo Pauxtôpxki, nghề văn là một nghề cao quý, đòi hỏi nhà văn phải bỏ nhiều tâm sức để có được những con chữ chắt lọc từ tâm can mình. Nhà văn phải biết chuyển “lượng sống” thành “chất sống”, nghĩa là chuyển những trải ng._.hiệm của mình thành một hiện thực thứ hai trong văn chương ở dạng cô đọng nhất, tinh chất nhất. Ông quan niệm mỗi ngày sống là một ngày đi thực tế và trải đời mình ra để viết. Đó chính là quá trình khai thác những vỉa quặng cuộc sống đã kết tinh trong bản thân người cầm bút. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Pauxtôpxki là ví dụ điển hình cho quan niệm nghệ thuật ấy. Để tìm đúng hướng đi trong việc thể hiện mình trên con đường nghệ thuật, Pauxtôpxki đã trải nghiệm quá trình đấu tranh không ngừng với bản thân. Trước khi đến với văn xuôi, Pauxtôpxki tập làm thơ. Khi còn là học sinh trung học, Pauxtôpxki làm thơ nhiều đến nỗi chỉ trong một tháng đã hết một quyển vở dày. Không bao lâu sau, Pauxtôpxki nhận ra “đó chỉ là cái hào nhoáng bề ngoài, là những bông hoa làm bằng vỏ bào nhuộm khéo, một thứ vàng mạ” [34, tr. 35] và chuyển sang viết truyện ngắn. Ông hiểu rằng những cái sặc sỡ, hào nhoáng bề ngoài không bao giờ có thể tạo nên một tác phẩm văn học chân chính, một nhà văn chân chính. Giai đoạn mới sáng tác, ông viết nhiều nhưng “những nhân vật của ông vẫn chơi vơi trong bầu trời lạnh lẽo của những cá nhân tự coi mình là phi thường nên đơn độc. Họ cảm thấy mình ở ngoài cuộc sống chung, vì thế họ bị coi là những con người tình cờ đến sống giữa thế gian này” [23, tr. 275]. Nhận ra sắc màu nhợt nhạt của những đứa con tinh thần của mình, Pauxtôpxki quyết định phải đặt cuộc đời lên trên trang sách, phải sống đã rồi mới có thể viết. Niềm say mê khám phá những điều mới lạ thôi thúc nhà văn lên đường. Đến những vùng đất mới, quan sát sắc xanh quyến rũ của những chân trời lạ, tiếp xúc với đủ kiểu người giúp nhà văn thấu hiểu hơn bản chất cuộc sống. Với Pauxtôpxki, “mỗi chuyến đi là sự thâm nhập vào lĩnh vực những gì lớn lao và đẹp đẽ” [35, tr. 279]. Những chuyến đi giúp ông nhận ra chuỗi nối tiếp bất tận của cái đẹp trong đời sống. Ta bắt gặp trong sáng tác của ông những bức họa thiên nhiên bốn mùa tuyệt đẹp bằng ngôn từ với gam màu tươi sáng, nồng ấm. Ông không chỉ nhận thấy vẻ đẹp của thiên nhiên Nga mà còn phát hiện vẻ đẹp của con người Nga đôn hậu, bình dị. Trên hành trình sống và viết, Pauxtôpxki không chỉ thực hiện nhiệm vụ của một nhà văn tích lũy kinh nghiệm sáng tác mà ông còn sắm vai nhà sử học, một họa sĩ, một nhiếp ảnh gia, một kiến trúc sư, một nhà thơ… nhằm không ngừng đào sâu, mở rộng mọi biên độ nắm bắt cái đẹp của sự sống. Chính những chuyến đi đã tạo nguồn cảm hứng cho hoạt động sáng tác của nhà văn. Pauxtôpxki bộc bạch: “Bản thân nghề nghiệp viết văn bắt buộc nhà văn phải sống một cuộc sống đa dạng, không bình yên, can thiệp vào những hiện thực khác nhau của cuộc sống, gặp gỡ đủ loại người, đi đến mọi ngõ ngách, mọi miền của đất nước” [35, tr. 13 – 14]. Bức tranh sinh động về hiện thực sống và đấu tranh của đất nước Xô viết, vẻ đẹp tâm hồn Nga, tính cách Nga tỏa sáng rạng ngời trong hi sinh, gian khổ đã được tái hiện trong các tác phẩm Thép đã tôi thế đấy (N. Ôxtrôpxki), Đội cận vệ thanh niên (A. Phađêep), Số phận con người (M. Sôlôkhôp), Tính cách Nga (A. Tônxtôi)… Pauxtôpxki cũng không rời xa hiện thực, bởi theo ông: “không thể hình dung ra nhà văn Xô viết, người sống cùng với thời đại chúng ta, lại không biết đất nước mình, không đến những công trường xây dựng và không trực tiếp tham gia vào cuộc sống của nhân dân mình” [35, tr. 14]. Hòa mình vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội sôi nổi, sáng tác của Pauxtôpxki tập trung phản ánh không khí thời đại. Đó là thời kì cả nước Nga như một công trường hùng vĩ của những kế hoạch 5 năm. Tác phẩm của ông là bài ca ca ngợi sức sáng tạo của tuổi trẻ Xô viết trong công cuộc chinh phục thiên nhiên và xây dựng xã hội mới. Để có những trang viết thật sự có giá trị, nhà văn phải sống trọn vẹn với thời đại mình. Pauxtôpxki đến những chân trời mới, tái hiện “chân dung những con người đẹp đẽ và bình dị, sống trên khắp miền đất bao la của tổ quốc chúng ta” [35, tr. 46]. Từng con người ông đã gặp gỡ, tiếp xúc đều được nhà văn nhìn nhận với tư cách “những con người của tương lai đẹp đẽ” [35, tr. 46]. Pauxtôpxki bao giờ cũng đặt con người ở góc độ nhiều ánh sáng nhất. Thế giới nhân vật trong sáng tác của Pauxtôpxki là con người làm chủ cuộc sống, con người tạo dựng tương lai. Theo trang viết của tác giả qua chiều dài tháng năm, ta như nghe thấy nhịp điệu của những cuộc hành trình đến vùng đất mới - tiếng lăn bánh của đoàn tàu, cái tĩnh lặng của sân ga giữa đêm đông giá buốt, tiếng còi tàu thủy, nỗi bâng khuâng của con người trong những chuyến đi xa, sự chuyển mình của nước Nga những tháng năm sôi nổi. Kết quả gặt hái trên hành trình cuộc sống đã tôi đúc trong trái tim nhà văn một bản lĩnh nghệ thuật cứng cỏi, giúp ông từng bước khẳng định cá tính sáng tạo trên những chặng đường khám phá, chinh phục nghệ thuật. 1.2.2. Chắt chiu từng mảy bụi vàng Theo Pauxtôpxki, “văn xuôi có sức lay động sâu xa nhất là thứ văn xuôi cô đúc” [35, tr. 12], trong đó nhà văn loại bỏ tất cả những gì thừa thãi, chỉ giữ lại những gì cần thiết nhất, giá trị nhất. Bản thân nhà văn cho rằng mỗi một lần cầm bút viết là thêm một lần chắt lọc và ngưng kết xúc cảm ở dạng tinh túy nhất. Từ đó, Pauxtôpxki nêu ra nguyên lí bông hồng vàng trong lĩnh vực sáng tác văn học. Ông quan niệm nhà văn là người gom góp những mảy bụi vàng trong cuộc sống, sàng lọc qua tháng năm để đúc nên những bông hồng vàng dâng tặng cho đời. Cuộc sống vốn bộn bề, phức tạp và trong vô vàn tạp chất bụi bặm của nó có những hạt bụi vàng ẩn giấu kín đáo. Nhà văn phải là người biết chắt lọc từ những hạt bụi đó những gì tinh hoa nhất để kết thành quặng quý. Những mảy bụi vàng trong trang viết của Pauxtôpxki được gom nhặt từ những điều tưởng như nhỏ bé vẫn diễn ra trong cuộc sống mỗi ngày. Ông viết trong tập Bông hồng vàng: “Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn tình cờ ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hướng dương đang bay hay lửa sao trong một vũng nước đêm – tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng” [34, tr. 20]. Cái đẹp của nghệ thuật, theo Pauxtôpxki, chính là ở những cái chợt đến ấy, những cái tưởng chừng rất nhỏ nhặt trong cuộc sống đời thường lại là chất liệu để làm nên những tuyệt tác. Tựa đề các truyện ngắn: Bức điện, Hạt cát, Chiếc nhẫn bằng thép, Lẵng quả thông, Cây tường vi, Một món quà… là tên gọi những sự vật quen thuộc ta vẫn bắt gặp hằng ngày nhưng trong tác phẩm của Pauxtôpxki chúng lại phát ra thứ ánh sáng trong trẻo, lung linh, mới lạ. Những tác phẩm này là sự hóa thân từ những mảy bụi vàng của hiện thực cuộc sống mà nhà văn chắt chiu trên con đường tìm kiếm cái đẹp. Mảy bụi quý trong hành trang sáng tạo của Pauxtôpxki là những phẩm chất cao đẹp trong tâm hồn mỗi người bị khuất lấp giữa dòng đời bề bộn mà Pauxtôpxki đã nhận biết và trân trọng, là những khoảnh khắc đáng nhớ làm bất tử những vẻ đẹp chợt hiện ra. Mảy bụi quý còn là sự chắt lọc những chi tiết nghệ thuật cô đọng, hàm súc và có sức khái quát. Đọc Pauxtôpxki, ta thấy ông rất chú trọng đến vai trò của chi tiết trong cấu trúc tác phẩm. Ông khẳng định: “Không có chi tiết thì tác phẩm không sống được” [34, tr. 129]. Với Pauxtôpxki, không có điều gì là nhỏ nhặt, vấn đề là làm thế nào để tìm được chất thơ thực sự của cuộc sống chứa đựng trong những điều bình dị, giản đơn. Đây chính là nét độc đáo để Pauxtôpxki thể hiện cái hồn riêng của ông trong làng truyện ngắn Xô viết. Những mảy bụi vàng trong sáng tác của Pauxtôpxki còn là sự chắt lọc lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Ông cho rằng: “Chúng ta cần phải tìm kiếm, thu lượm những mẫu đẹp của lời ăn tiếng nói như đãi cát lấy vàng, ở khắp nơi, trên xe hỏa, tại các nông trường, bên những người ở những ngành nghề khác nhau nhất…” [35, tr. 21]. Song nhà văn không chỉ có nghĩa vụ bảo tồn cái hay, cái đẹp vốn từ vựng phong phú của dân tộc mà còn phải biết thổi vào chúng sức sống mới. Trong quá trình sáng tác, Pauxtôpxki đã đưa thơ ca vào văn xuôi theo cách của ông như một biện pháp nghệ thuật độc đáo để trẻ hóa ngôn từ. Những trang văn của Pauxtôpxki vì thế là kho lưu trữ vẻ đẹp tinh túy của ngôn ngữ Nga. 1.2.3. Tiếng gọi trái tim Với Pauxtôpxki, nghệ thuật phải lấy con người làm trung tâm, nghệ thuật ra đời vì con người, đó là nguyên tắc cao cả nhất trong cuộc sống. Nhà văn sáng tác là để “cho cái đẹp của trái đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, cho niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn con người, cho sức mạnh của trí tuệ sẽ chiến thắng bóng tối, để chúng vĩnh viễn rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt” [34, tr. 20]. Chính cảm quan nghệ thuật tiến bộ ấy đã giúp nhà văn sáng tạo nên một thế giới nghệ thuật mà mỗi truyện ngắn là một “nốt trầm xao xuyến” lặng lẽ cất lên ca ngợi vẻ đẹp con người. Tác phẩm văn học là tấm gương phản chiếu thế giới tinh thần của người sáng tác. Đến với Pauxtôpxki, độc giả luôn thấy được cái nhìn nhân hậu từ những câu chuyện ấm áp tình người, tình đời. Phan Hồng Giang nhận định: “Đọc Pauxtôpxki, dễ nhận ra ngay một chân lí đơn sơ trong tư chất nhà văn của ông: Pauxtôpxki đến với nghề văn theo quy luật của tình yêu (…). Pauxtôpxki cũng đã viết theo quy luật của tình yêu – không thể viết những gì trong lòng còn cảm thấy gượng gạo khiên cưỡng, chỉ viết những gì không thể viết, những gì ám ảnh, bức bách, thôi thúc tâm hồn ông” [35, tr. 312 - 313]. Văn Pauxtôpxki được viết từ những rung động chân thành của trái tim. Ông không thích lối văn cầu kì, hoa mĩ. Sau khi sáng tác truyện ngắn đầu tiên, Pauxtôpxki đã hiểu rằng nghệ thuật chân chính đòi hỏi “sự thật và sự giản dị” [34, tr. 45]. Đó là con đường ngắn nhất để đến với trái tim người đọc. Một cách tự nhiên, như mạch suối nguồn trong trẻo đang thì thầm kể với ta những câu chuyện đẹp, truyện của Pauxtôpxki bao giờ cũng tìm được sự đồng cảm thiết tha với tâm hồn bạn đọc. Lòng trắc ẩn, tình yêu thương giữa con người với con người là yếu tố nền tảng trong quan niệm sáng tác của Pauxtôpxki. Cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm của ông là sự quan tâm đối với cái thiện, cái đẹp. Nó chi phối nhà văn trong toàn bộ quá trình sáng tạo nghệ thuật, từ nội dung đến hình thức, từ nhân vật đến giọng điệu, cảm xúc… Tất cả đem lại cho văn mạch trong truyện ngắn Pauxtôpxki một hơi thở ấm áp, đôn hậu chan chứa tình người, tình đời. Vì vậy, đến với thế giới nghệ thuật của Pauxtôpxki, ta như được bước vào một thế giới của tình thương yêu vô điều kiện - lòng tốt ở khắp mọi nơi, mọi lúc, đến đâu cũng bắt gặp những tâm hồn phóng khoáng, cao đẹp. Đọc Pauxtôpxki để nhận thấy rằng con người cần phải sống cao thượng, có trái tim rộng mở, biết ước mơ, và không ngừng vươn tới tương lai tươi đẹp. Pauxtôpxki dùng nghệ thuật để tôn vinh những con người phụng sự nghệ thuật. Đọc những bài viết chứa đựng biết bao tâm tình của Pauxtôpxki về những tấm gương cống hiến hết mình vì nghệ thuật, ta nhận ra rằng trước khi nói đến tài năng thiên phú, niềm đam mê, sự miệt mài trong lao động, người nghệ sĩ cần phải có một trái tim thương yêu và trân trọng con người. “Các ý tưởng vĩ đại bao giờ cũng sinh ra từ đáy sâu con tim, tấm lòng hào hiệp của người viết văn cũng sẽ mãi dành được trái tim của người đời” [35, tr. 24]. Để có những trang viết đi vào lòng người, khẳng định dấu ấn riêng trong phong cách cá nhân, Pauxtôpxki đã đặt ra cho mình những yêu cầu khắt khe trong công việc. Theo ông, nhiệm vụ cao cả nhất và duy nhất của nhà văn là phải“nói được với mọi người những điều mới mẻ, có ý nghĩa và thú vị, nhìn thấy những gì mà người khác không thể nhận ra” [34, tr. 47], phải “đưa vào từng tác phẩm của mình tất cả những gì quý giá nhất mà chúng ta có” [35, tr. 36]. Nhà văn chỉ có thể nói được những điều mới mẻ khi có được “tiếng nói của mình”. Sức mạnh của một tác phẩm nghệ thuật chân chính là ở chỗ khám phá ra cái mới trong thế giới quanh ta, góp phần làm phong phú thêm thế giới tinh thần của nhân loại. Mục đích của nghệ thuật là làm phong phú tâm hồn con người. Chọn con đường nào để hướng người đọc đến cái đích đó tùy thuộc quyền năng của người sáng tạo. Và bất cứ con đường nào dẫn con người đến với cái đẹp đều xứng đáng được tôn vinh. Bông hồng vàng là cuốn sách độc đáo về lao động nhà văn. Văn học là bông hoa của lòng kiên trì và tình yêu cuộc sống. Sáng tác của nhà văn là việc gom góp bụi vàng để đúc nên những bông hồng vàng dâng tặng cho đời. Suốt cuộc đời cầm bút, Pauxtôpxki luôn trung thành với quan điểm tìm kiếm, chắt chiu cái đẹp từ cuộc đời dưới muôn ngàn biến thể và thể hiện nó trên trang viết theo cách cảm hiểu rất riêng từ chính trái tim và tâm hồn nhà văn. Nét độc đáo là Pauxtôpxki không trình bày các quan niệm nghệ thuật của mình dưới dạng lí luận thuần túy. Bao giờ ông cũng khéo léo truyền tải đến người đọc quan niệm nghệ thuật của mình thông qua các mẩu chuyện, qua chân dung các nghệ sĩ nổi tiếng và qua thực tế sáng tác của bản thân. Vì thế, những suy nghĩ, trăn trở của ông về nghề văn đến với người đọc hết sức nhẹ nhàng mà sâu sắc, thấm thía. Chương 2 THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN KÔNXTANXTIN PAUXTÔPXKI Nói đến văn học là nói đến nhân vật bởi nhân vật là thế giới thu nhỏ trong đó diễn ra mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên, con người với xã hội. Nhân vật là một hệ thống hình tượng tạo nên chỉnh thể tác phẩm. Có thể nói, nhân vật là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sức sống của tác phẩm. Dù ít hay nhiều, bất cứ nhân vật nào trong tác phẩm cũng mang trong mình quan niệm tư tưởng của nhà văn, thể hiện tình cảm, thái độ của tác giả đối với thế giới hiện thực. Thế giới nhân vật là một trong những yếu tố làm nên sức quyến rũ đặc biệt trong các tác phẩm của Pauxtôpxki. Truyện Pauxtôpxki không có bóng dáng của nhân vật phản diện, cũng không có sự xuất hiện của nhân vật trung tâm. Khoảng cách giữa nhân vật chính và nhân vật phụ dường như bị xóa nhòa. Có những truyện, nhân vật không có tên riêng cụ thể, mà được xưng hô theo tên nghề nghiệp của nhân vật: chị y tá, anh phi công, anh lính thủy, bác nhà văn, nhà họa sĩ... Chi tiết nghệ thuật này hàm chứa ý nghĩa khái quát cho chủ đề nhân văn trong thế giới nhân vật của Pauxtôpxki: Trên mọi miền Tổ quốc Nga, ta đều bắt gặp nét đẹp của những con người thời đại - nhân hậu, phóng khoáng và giàu lòng trắc ẩn. Pauxtôpxki không chú trọng miêu tả ngoại hình nhân vật mà ông tập trung khắc họa những sắc thái cảm xúc, trạng thái tâm lí và những biểu hiện cao đẹp trong tính cách của họ. Vẻ đẹp nhân cách trong thế giới nhân vật Pauxtôpxki là điểm sáng làm nên đặc trưng riêng cho các sáng tác của ông. Sức quyến rũ đầy mê hoặc từ những sáng tác của Pauxtôpxki được tạo nên bởi “sự trinh trắng rất người, sự cao thượng và lòng dũng cảm tự nhiên của các nhân vật” [45, tr.145]. Ông thường đặt nhân vật trong tình huống đặc biệt, hoàn cảnh không lặp lại, từ đó nhân vật bộc lộ chiều sâu tâm hồn, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi cách ứng xử đầy tính nhân văn. Khám phá thế giới nhân vật trong truyện ngắn Pauxtôpxki giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc về lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn. Các nhân vật của ông, nói như Bônđarep, bao giờ cũng “hiền hậu, dũng cảm, bình dị và trữ tình”. Thế giới nhân vật trong tác phẩm Pauxtôpxki hầu hết là những con người bình thường, song ở họ luôn toát lên tình yêu cuộc sống, sự chân thực, giản dị. Họ đẹp ngay trong những sự bình dị, giản đơn ấy. Đó là những cô bé, cậu bé hồn nhiên, trong sáng; những nam nữ thanh niên Xô viết cống hiến sức mình vì sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc; những lớp người đi trước giàu lòng nhân ái, sẵn sàng dìu dắt lớp trẻ và truyền lại cho thế hệ sau kinh nghiệm sống quý báu. Thế giới ấy chỉ có điều thiện, người tốt, và tình thương yêu vô điều kiện. Thế hệ đi trước là cội rễ vững chắc cho những cây xanh, cây xanh lại ươm ủ cho những mầm non vươn lên trong ánh mặt trời. 2.1. Mầm non hi vọng Thế giới trẻ thơ là thế giới mở đầu cho mọi thế giới. Những tâm hồn bé bỏng ấy cần được gieo trồng hạt giống của lòng trung thực, nhân hậu, yêu lao động và biết ước mơ. Vì vậy, trẻ em phải được sống vui vẻ, hạnh phúc trong tình yêu thương, chăm sóc của mọi người. Thế giới tuổi thơ trong truyện ngắn Pauxtôpxki là thế giới của những nụ cười thiên thần, những thắc mắc ngộ nghĩnh không ngớt. Lời thoại của nhân vật trẻ em trong truyện Pauxtôpxki rất mực chân thật, bộc lộ sự hồn nhiên trong suy nghĩ. Bị cô bé có đôi mắt màu xanh lá cây nhạt, với cái lẵng quả thông nặng trĩu trong tay chất vấn hết câu hỏi này đến câu hỏi khác, nhạc sĩÊ Griđơ bối rối nghĩ thầm: “Cái con bé Đanhi này làm mình rối tinh lên rồi đây” [3491, tr. 387] với tất cả sự vô tư và hào hiệp của tuổi nhỏ. Cô bé Varia trách Tachiana: Mẹ cấm con không được đụng vào bất cứ vật gì trong nhà cụ Pôtapôp, vậy mà mẹ lại đụng vào nào chuông, nào nến, nào đàn. Khi Nicôlai bước vào nhà, Varia với hai bím tóc xinh xinh đứng bên đi văng nhìn anh bằng cặp mắt sung sướng, “nhưng nó không nhìn mặt anh mà nhìn mấy viền vàng trên tay áo anh” [3491, tr. 281]. Bé còn thì thào với Nicôlai: “Mẹ cháu chỉ là một cô bé nhóc con xoàng hơn cả cháu nữa kia” [3491, tr. 282]. Thế giới trẻ em là thế giới của niềm tin trong trẻo vào phép màu cổ tích, thế giới của trí tưởng tượng phong phú. Dường như trong tâm thức, Pauxtôpxki đã nhận ra một thế giới trẻ thơ với bao điều kì lạ và đẹp đẽ. Ở đó có những đứa trẻ cảm nhận cuộc sống bằng tâm hồn thơ ngây trong trắng và sự nhạy cảm của lứa tuổi. Trong Chú bé chăn bò, Alếchxây bỏ thư vào một cái chai thả xuống con sông của làng mong sao thư đến được tay bố ngoài mặt trận. Những lời cậu bé viết cho cha thật cảm động: “Người ta bảo không có giấy thông hành thì không được ra mặt trận. Ở đó, cha có thể nhận con vào đi theo cha để mang đạn hay làm một việc gì khác trong đơn vị. Con có thể làm được những việc ấy lắm. Và cha sẽ kể cho con đủ thứ chuyện nếu trong trận đánh có những phút nghỉ. Con gửi thư này trong chai như người khách du lịch đã làm vì gửi bằng bưu điện thì chả có gì thú vị” [3491, tr. 297]. Cô bé Varusa trong Chiếc nhẫn bằng thép thì tin vào phép màu của chiếc nhẫn: nếu cháu đeo ở ngón giữa nó sẽ mang lại sức khỏe, cho cả cháu lẫn ông Kudơma; nếu đeo nó vào ngón thứ tư, cháu sẽ có niềm vui lớn; còn nếu cháu muốn xem tất cả cảnh đất trời với trăm nghìn vẻ đẹp tuyệt diệu thì cháu đeo vào ngón trỏ, nhất định cháu sẽ thấy hết. Varusa “cứ sờ vào chiếc nhẫn mãi, xoay đi xoay lại, nhìn nó sáng lên trong ánh sáng mùa đông” [34, tr. 350]. Niềm tin ngây thơ với những suy nghĩ hồn nhiên trong trang sách của Pauxtôpxki khiến người đọc như được sống lại một khoảng trời bình yên, trong trẻo. Tuổi thơ là tuổi của ước mơ mà không ít người lớn quen nhìn là xa vời và không tưởng. Ước mơ ấy chẳng bao giờ xuất hiện trong “vùng suy nghĩ” của người lớn nhưng lại là khát khao có thật trong ý nghĩ trẻ thơ, có khả năng ươm mầm cho niềm tin vào cuộc sống. Có một người đã tin vào những ước mơ ấy, đó chính là Pauxtôpxki. Trẻ em trong tác phẩm của Pauxtôpxki luôn sống trong thế giới lung linh của những điều kì diệu được tạo nên từ lòng tốt, sự hào phóng trao tặng yêu thương từ mọi người xung quanh. Phép nhiệm màu trong cuộc sống chẳng ở đâu xa lạ mà chính từ tấm lòng nhân ái của con người luôn ấp ủ khát khao ươm mầm cho những chồi xanh bé nhỏ vươn lên dưới ánh mặt trời. Lời văn chân thực miêu tả nỗi xúc động của cô bé bán hàng rong trên đường phố Italia khi nhận quà tặng bất ngờ từ người khách lạ khiến bạn đọc cảm động trước thái độ sống tích cực, tấm lòng rộng mở, sự sẻ chia và cảm thông mà con người dành tặng cho nhau giữa dòng đời tất bật. Chiếc nhẫn bằng thép hai chú bộ đội tặng bé Varusa lại mang niềm vui, niềm tin yêu vào cuộc sống cho cô bé có hai bím tóc như “cây hoa tử la tết đuôi xam”. Trong Lẵng quả thông, năm Đanhi mười tám tuổi, nàng nhận được món quà từ lời hứa của mười năm trước. Ngỡ rằng lời hứa năm nào đã chìm sâu trong kí ức tuổi thơ. Khi nhận món quà cũng là lúc nàng biết tin người tặng quà đáng kính đã qua đời, song tình cảm và những khát vọng thẳm sâu mà người lạ mặt gửi vào phím đàn dành tặng cô bé con trong rừng năm nào vẫn vang ngân trong từng nốt nhạc: “Cháu như mặt trời… Cháu như làn sóng êm dịu, như buổi sáng tươi mát. Một bông hoa trắng ngần đã bừng nở trong tim cháu và làm ngập tâm hồn cháu hương ngát mùa xuân… Cháu là đêm trắng với ánh sáng huyền ảo của nó. Cháu là hạnh phúc, cháu là lấp lánh của ánh bình minh” [3491, tr. 389]. Bản nhạc quê hương dạt dào tình yêu thương, lấp lánh niềm tự hào dành cho mảnh đất núi rừng quê hương nơi người thiếu nữ đã sinh ra và lớn lên. Trong niềm xúc động lẫn lòng biết ơn, Đanhi tâm niệm sẽ sống một cuộc đời xứng đáng với tình cảm cao quý của nhà soạn nhạc lừng danh nhất Na Uy. Tặng phẩm dành cho tuổi nhỏ đã thắp sáng ngọn lửa của niềm tin yêu cuộc sống. Sức mạnh kì diệu của nghệ thuật và cái đẹp mang sứ mệnh chắp cánh cho những ước mơ. Dù viết về cuộc sống nơi bìa rừng của hai ông cháu Varusa ở làng Môkhôva đến những tỉnh lị xa xôi, những ngôi làng hẻo lánh quanh năm tuyết phủ trên đất nước Nga, từ cuộc sống nhiều sắc màu ở những đô thị lớn trên nước Ý, nước Pháp cho đến vùng sơn cước quê hương của cô bé Đanhi - con gái người kiểm lâm ở Na Uy, những trang viết của Pauxtôpxki lúc nào thiết tha một tình yêu dịu ngọt, thẳm sâu dành cho con người và vạn vật. Với Pauxtôpxki, những buồn vui, những khao khát, những tình cảm của tuổi thơ rất đáng được quan tâm bởi nó là cội nguồn cho việc hình thành nhân cách và thế giới tâm hồn, khi những mầm xanh hi vọng ấy trở thành những cây xanh tuổi trẻ. Ông say sưa miêu tả những tâm hồn trong sáng, tinh khiết. Đó là thế giới của những điều giản dị nhưng lại có khả năng đánh thức những tiềm năng nhân cách. Trẻ em đóng vai trò như một điểm nhìn để tác giả tái hiện, cảm nhận, đánh giá, lí giải về tất cả những gì mà chúng quan tâm theo cách riêng và hơn nữa là có ý nghĩa đối với cuộc sống của chúng. Điểm nhìn ấy là tâm hồn của trái tim non nớt – trái tim chưa bị “nhiễu” bởi bất cứ định kiến cứng nhắc và khô cằn nào. Cuộc sống qua cái nhìn trẻ thơ là cuộc sống được lọc qua ánh sáng của tâm hồn. Ở đó không có cái ác, cái xấu. Ở đó, mọi thứ được cảm nhận bằng logic trực cảm của trẻ em chứ không phải thứ logic của tư duy khoa học. Phải yêu thương và hiểu tâm hồn trẻ thơ, Pauxtôpxki mới viết được những áng văn rất mực chân thực về thế giới của những mặt trời xanh tí hon ấy.Và theo ông: “Cảm thụ thi vị về cuộc đời, về tất cả những gì quanh ta, là tặng phẩm vĩ đại nhất mà tuổi thơ đem đến cho ta” [3491, tr. 31]. Một đặc điểm thú vị trong truyện ngắn Pauxtôpxki là bên cạnh các nhân vật trẻ em thường xuất hiện những nhân vật phụ - những sinh vật ngộ nghĩnh, đáng yêu. Bạn đọc khó có thể quên chú bọ sừng của cậu bé Xtêpa tặng bố, chú bò Praxka của Alếchxây thì chỉ chực thấy chủ lơ là một chút là nó lăn xả vào vườn rau cải của hàng xóm. Alếchxây luôn phải để mắt tới “cái con trời đánh” ấy. Con sẻ già Xiđơrơ mình tròn như quả bóng nhỏ đàng hoàng sống trong nhà cụ Kudơma như một chủ nhân. Khi bị trách mắng, “nó phật ý, xù lông ra, bắt đầu gây gổ, kêu ầm lên giận dỗi đến mức những con sẻ gần đấy thấy ồn cũng bay đến, nghe ngóng rồi sau đó bàn cãi ầm ĩ, chê trách Xiđơrơ” [34, tr. 350]. Con chó già Nardan và cậu bé bảy tuổi Xtiôpa suốt ngày chơi với nhau ở dưới bóng râm của toa tàu. Trong Vườn nhà bà, cô bé Masa kết bạn với đông đảo lũ sinh vật ngoài vườn: những con ong đất suốt ngày kêu vu vu trong đám cỏ rậm béo núc ních làm mồi ngon cho những con sáo, có một con ếch cư ngụ trong thùng đựng nước bên bậc tam cấp, mấy con sáo hay đánh nhau chí chóe với đám quạ và chú chó hung Buinưi nhút nhát hễ cứ thấy người lạ là nó chui vào ống thông hơi bên nhà. Ngày nhỏ, Anđecxen có một khán giả trung thành luôn lắng nghe những câu chuyện của cậu. Đó là lão mèo già Cáclơ. “Nhưng Cáclơ mắc một tật lớn – lão thường ngủ thiếp đi, không nghe hết câu chuyện cổ tích thú vị… Nhưng chú bé không giận lão mèo già” [34, tr. 574]. Sự xuất hiện của những sinh vật dễ mến này góp phần tạo nên bầu không khí ấm áp, chan chứa thương yêu trong thế giới nghệ thuật truyện ngắn Pauxtôpxki. Khác với thế giới trẻ thơ trong trẻo, ngập tràn niềm vui, hạnh phúc của Pauxtôpxki, Sêkhôp hướng ngòi bút của ông về những số phận côi cút, không nơi nương tựa, bị ngược đãi, phải tự bươn chải để kiếm sống. Bé Vanka trong truyện ngắn cùng tên mở đầu bức thư gửi cho ông nội bằng những dòng nước mắt: “Ngày hôm qua cháu bị đánh một trận đau lắm, ông ạ. Ông chủ nắm tóc cháu lôi ra ngoài sân rồi lấy dây da đánh cháu tới tấp vì tội cháu đưa nôi cho con ông chủ mà cháu trót ngủ quên mất. Tuần vừa rồi bà chủ sai cháu mổ con cá mòi, cháu lại bắt đầu làm từ đuôi, thế là bà chủ cầm cả con cá mòi quất vào mặt cháu (…). Ăn thì chẳng có gì. Buổi sáng ông bà chủ cho cháu một miếng bánh mì, buổi trưa cho cháu bát cháo, đến tối lại mẩu bánh (…). Ông thân yêu, ông làm ơn làm phúc mang cháu về nhà ông, về làng, cháu chẳng chịu được nữa” [41, tr. 363]. Mảnh đời tuổi thơ sớm chịu nhiều gian khổ cũng được Macxim Gorki phản ánh qua số phận cậu bé Liônka trong truyện Lão Arkhip và bé Liônka: “Liônka người nhỏ bé, mảnh khảnh, trong bộ quần áo rách tả tơi trông nó như một nhánh cây khô cong queo, bị lìa ra khỏi thân cây là ông nó – một thân cây già cỗi khô héo đã bị dòng sông cuốn đi và tấp lên dải đất này” [21, tr. 55]. Truyện kết thúc với cái chết bi thảm của hai ông cháu như bản án đanh thép tố cáo hiện thực xã hội nghiệt ngã đối với những con người bé nhỏ, lên án sự ghẻ lạnh giữa những người sống trong một cộng đồng. Cùng viết về trẻ thơ, các nhà văn Nga đã khai thác đề tài này từ những góc độ khác nhau, song tất cả đều được viết bằng tình yêu thương và sự trân trọng. 2.2. Cây xanh tuổi trẻ Cây xanh tuổi trẻ trong thế giới nhân vật của Pauxtôpxki là anh lính thủy Nikôlai, anh phi công trẻ tóc đã bạc trắng, chàng sĩ quan quân đội Kuzmin hay mơ mộng, chiến sĩ hồng quân trẻ Vania dũng cảm, cô sinh viên Masa vừa tốt nghiệp đại học về lâm trường nhận công tác, ca sĩ Xônxenva với giọng hát truyền cảm mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người… Cây xanh tuổi trẻ là những người đại diện cho thế hệ thanh niên căng tràn sức sống, cống hiến sức mình vào công cuộc chiến đấu, xây dựng và bảo vệ đất nước Xô viết. Với tâm hồn trong sáng, cao thượng, họ vững bước trên con đường mình đã chọn với niềm tin son sắt vào những điều tốt đẹp phía trước. Cây xanh tuổi trẻ trong sáng tác của Pauxtôpxki là những người hiểu rõ giá trị chân chính của cuộc sống chỉ có thể được tạo dựng từ đôi bàn tay của chính mình. Họ yêu công việc, dốc toàn tâm toàn ý vào nhiệm vụ được giao. Đến lâm trường nhận công tác xong là bắt tay ngay vào việc, Masa cẩn thận xới tỉa lớp đất giữa những hàng sồi non lên để trồng keo vào đấy. Cô chăm sóc những mầm cây non nớt này với niềm trìu mến. “Masa đen cháy đi. Những bím tóc của cô bạc trắng ánh mặt trời. Bây giờ cô đã giống như một cô gái thực thụ của đồng cỏ” [34, tr. 260]. Cây xanh tuổi trẻ trong truyện Pauxtôpxki là những người dũng cảm trong chiến đấu, không hề run sợ trước mũi súng quân thù: “Giữa đám áo choàng xám nổi bật lên bộ quần áo phi công màu xanh (…). Vania của bà, đang đi sau một tên sĩ quan Đức vạm vỡ. Anh đi bình thản, nhìn thẳng về phía trước, nhưng trên mặt anh không còn vẻ rụt rè quen thuộc đối với bà (…). Nhìn thấy bà, anh tái mặt nhưng không để lộ một lời nào, một cử chỉ nào chứng tỏ anh quen cái bà lão bé nhỏ đang run rẩy kia” [34, tr. 273]. Thế hệ cây xanh trong truyện Pauxtôpxki không chỉ là những người lính dũng cảm, những người lao động bình dị, họ còn là người con rất mực hiếu thảo trong gia đình, thủy chung với quê hương. Trong Tuyết, ta cảm nhận được biết bao yêu thương, lo lắng qua những lời tha thiết Nikôlai gửi cha: “Vết thương của con không nặng lắm. Nó đang lên da non. Xin cha đừng lo lắng và chớ hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Con van cha đấy” [34, tr. 277]. Khi Alan qua đời, Samen thấy trên sợi dây chuyền chàng đeo có một chiếc mề đay nhỏ cất giữ kỉ vật. Bên trong là chân dung một thiếu phụ tuyệt đẹp và dòng chữ chính tay Alan viết trên đó “Mẹ tôi”. Chân dung những cây xanh tuổi trẻ trong sáng tác Pautôpxki còn được miêu tả với thế giới nội tâm phong phú. Họ là những người biết tìm kiếm, trân trọng chất thơ từ những điều bình dị của cuộc sống: “Masa bỗng trở nên tư lự, lòng thầm nghĩ rằng mọi vật quanh cô quả thật rất bình thường, nhưng cũng rất kì lạ. Ở Lêningrát, ở trường đại học, điều đó không biểu lộ rõ rệt như trong chuyến đi này, có lẽ đây là cái chất thơ bấy lâu vẫn bị che lấp đi, nay mới mở ra trước mắt, cái chất thơ chứa đựng trong từng ngày của cuộc sống” [34, tr. 257]. Những lời dặn dò của Onga khi dẫn Kuzmin qua khu vườn dẫn ra bờ sông cho ta thấy một tâm hồn rất đỗi dịu dàng: “Anh đưa tay đây. Chỗ này có nhiều bậc thang mục” [34, tr. 324]. Mỗi khi có một cành cây ướt rủ xuống có thể vướng vào mặt chàng thì nàng lại nhắc khẽ, còn Kuzmin im lặng vâng theo. Trong Bức điện, hình ảnh cô giáo trẻ vừa về làng Zabôriê lặng lẽ cúi xuống hôn lên bàn tay vàng vọt của cụ bà Katêrina trong quan tài thể hiện lòng trắc ẩn sâu xa của một tâm hồn hiền hậu. Một lần trò chuyện với hai con gái, Các Mác từng nói rằng đức tính ông quý nhất ở người phụ nữ là sự dịu hiền. Vẻ đẹp hiền dịu của hình tượng người phụ nữ trong truyện ngắn Pauxtôpxki tỏa sáng qua từng hành động, lời nói, suy nghĩ. Pauxtôpxki ít chú ý miêu tả ngoại hình nhân vật mà chủ yếu đi sâu vào cảm giác, cảm xúc của nhân vật. Chính vì vậy, nhân vật của ông thường là nhân vật tâm trạng. Trong truyện Tuyết, nhân vật Tachiana và Ni._.t Cuối con đường có em Những năm ấy không quên Bom rền hai mái núi Con đường trôi ở giữa Bọn anh chốt mé rừng Trang sách Pau đã đọc Suốt một mùa nhớ nhung [46, tr. 551] Trong bài thơ “Bông hồng vàng”, tác giả Hải Kỳ ca ngợi bông hồng vàng Samét dành cho Xuyzan chính là bông hồng của đức hi sinh và tình yêu thương được chắt chiu, đong đầy qua bao năm tháng: “Lẫn vào trong muôn tạp chất Miệt mài sàng lọc ngày đêm Đúc bông hồng vàng đẹp nhất Như điều ước nguyện thiêng liêng” [46, tr. 259] Tác giả Phạm Khải trong bài Hoài niệm Pauxtôpxki bày tỏ ước mong tha thiết được trở lại khoảng trời bình yên gắn liền với những kỉ niệm bên trang sách Pauxtôpxki: “Ôi, tôi thấy lụi dần bao ước muốn! Thời gian trôi, qua từng khắc, từng giờ Ôi đâu còn những đêm dông bão cuốn Ngọn đèn khuya, trang sách, lật từng giờ Tôi cảm thấy mình đã xa, xa lắm Nhưng vẫn mong sẽ có lúc trở về Ông là biển, rì rầm muôn say đắm Là tiếng lòng lắng lại lúc canh khuya” [46, tr. 215] Pauxtôpxki cùng những trang sách của ông còn gắn liền với kỉ niệm của một thời và cũng là kỉ niệm của một đời. Trên báo Sài Gòn giải phóng, số ra ngày 7 tháng 11 năm 1999, chuyên mục Chuyện đời thường, tác giả Khánh Đăng đã kể lại câu chuyện cảm động về tập sách chép tay tác phẩm Bông hồng vàng của Pauxtôpxki. Đây là kỉ vật vô giá mà cô giáo Vinh đã cất giữ suốt 34 năm ròng. Một lần các bạn học sinh đến nhà chơi, cô giáo lấy ra cho các học trò yêu của mình truyền nhau đọc một tập sách chép tay tác phẩm Bông hồng vàng của Pauxtôpxki. “Cuốn sổ tay dày 306 trang kín đặc những hàng chữ mực xanh nhỏ li ti, nắn nót. Toàn bộ Bông hồng vàng, gồm 16 truyện, đã được chép lại trong cuốn sổ tay này. Dưới mỗi truyện đều ghi ngày chép xong. Truyện Bụi quý, chép xong ngày 27 – 3- 1965. Truyện cuối cùng Chuyến xe đêm, chép xong ngày 22 – 5- 1965”. Như vậy, người chép truyện mất gần hai tháng mới hoàn thành tập sách này. Suốt thời kì kháng chiến giữ nước hào hùng và gian khổ, sách văn học ở nước ta khan hiếm, những người yêu văn học ngày ấy đã không ngại chép tay những cuốn sách mà họ yêu thích. Qua mẩu chuyện này, có thể thấy bạn đọc Việt Nam rất mực trân trọng, nâng niu từng trang viết của Pauxtôpxki – những trang sách đã đi vào hồn người và mãi mãi lắng đọng thành một vùng cảm xúc rực sáng như dải cầu vồng rực rỡ sau cơn mưa. Những trang văn lấp lánh niềm tin yêu và hi vọng của Pauxtôpxki là người bạn đường của biết bao thanh niên hăm hở bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước sau ngày hòa bình thống nhất. Trên báo Sài Gòn Chủ Nhật ra ngày 12 tháng 11 năm 2006, chuyên mục Vấn đề hôm nay, trong bài viết “Sách văn học Nga – Dấu lặng sau thời vàng son” của tác giả Dung Thùy có đoạn viết: “Còn gì hạnh phúc hơn là được lên đường vào lúc ban mai của một ngày và ban mai của cuộc đời. Rồi bạn sẽ gặp những đoạn đường quanh co, gập ghềnh, núi cao, vực thẳm, nhưng đừng đánh mất sự hăm hở và trong trẻo lúc ban mai” (Bình minh mưa – Pauxtôpxki). Khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh tiến lên xây dựng, làm lành những vết thương còn rỉ máu, hơn lúc nào hết, Pauxtôpxki đã mang tinh thần “hạnh phúc lên đường” đến với tuổi trẻ”. Không chỉ những dịch giả, nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ Việt Nam mà đông đảo mọi tầng lớp bạn đọc nước ta đều yêu Pauxtôpxki. Đặc biệt tình yêu các bạn học sinh, sinh viên dành cho Pauxtôpxki gắn liền với những ước mơ nguyên sơ của tuổi trẻ. Nhiều bạn trẻ từng ước mong cũng được ai đó tặng món quà như nhạc sĩ Griđơ đã tặng Đanhi. Bao bạn đã băn khoăn đi tìm câu trả lời về hạnh phúc như trong truyện Tuyết. Hạnh phúc ấy rất giản đơn ngỡ như chỉ đưa tay ra là có thể chạm đến nhưng cũng thật xa vời. Trong lời tựa tập Bình Minh Mưa (2000), nhà xuất bản Văn hóa- Thông tin, tác giả Dung Nguyên viết: “Khó lòng có thể kể hết bao nhiêu lớp trẻ đã lớn lên đã “ảnh hưởng” bởi truyện ngắn Pauxtôpxki. Trong những năm 1994 - 2000, nghĩa là suốt thời kì tôi học trung học và đại học, những truyện ngắn của Pauxtôpxki đã mê hoặc rất nhiều học trò như tôi. “Tuyệt đẹp” là từ mà nhiều bạn trẻ thốt khi đọc xong cuốn Bình minh mưa. Không ít sinh viên khoa Văn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã cất giữ cuốn Bình minh mưa của Pauxtôpxki như một báu vật nhỏ bé. Còn với tôi, mỗi truyện ngắn của nhà văn Nga này như một giọt sương buổi sớm, nhẹ nhàng, tươi tắn và thật thần tình, nó thấm vào tâm hồn trọn vẹn với vẻ tươi mát và tinh tế kì lạ”. 7 Tình cảm của độc giả Việt Nam dành cho Pauxtôpxki còn thể hiện qua vần thơ chất chứa ưu tư của một tâm hồn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời rộng mở với biết bao âu lo trước những điều chưa biết tới: “Cuộc sống sẽ là gì sau trang sách của em Nghe bàng hoàng ngày sóng xô biển động Nghe rừng thu xao xác lá muôn chiều Bao nỗi đau đi qua mới cháy thành hạnh phúc Trăm niềm thương lắng lại một niềm yêu Cho em khóc cùng Đanhi niềm vui mười tám tuổi Lẵng quả thông thơm ước mộng êm đềm Cho em mở những lá thư phập phồng hi vọng Để trao đi một tấm lòng và nhận lại một trái tim” Từ thế giới tuyệt diệu trong những trang sách của Pauxtôpxki, bước vào cuộc đời với tấm lòng và trái tim rộng mở, Những ngôi sao mười tám của Phạm Ngọc Lan đã nói hộ tâm sự của bao bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Bài thơ đã đạt giải III cuộc thi sáng tác thơ văn Tài năng trẻ do Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh và báo Mực Tím tổ chức năm 1999. Có những nhà văn, nhà thơ một khi đã đến thì mãi mãi ở lại, lâu bền trong tâm hồn độc giả. Đó là trường hợp của Pauxtôpxki với bạn đọc Việt Nam. Nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư nhận định: “Những huyền thoại lãng mạn – Tuyết, Bình minh 7 mưa, Lẵng quả thông… có sức mạnh kì lạ làm cháy lên trong lòng người đọc ngọn lửa tâm hồn thường xuyên bị vùi lấp dưới tro bụi của cuộc sống thường nhật. Phải chăng vì thế mà những ai yêu Paustovski thì đều yêu ông với một niềm biết ơn đặc biệt?” [14, tr. 70]. Lặng lẽ và đằm thắm, thiết tha, những trang viết, những dòng suy tư trong văn Pauxtôpxki luôn làm mát dịu lòng ta như mạch suối nguồn trong trẻo, dịu dàng. Chính vì vậy“không ít tấm lòng Việt Nam đã hướng về ông như nơi trú ngụ bình yên của lòng người” [35, tr. 321]. 2. Dấu ấn Pauxtôpxki trong sáng tác của một số nhà văn Việt Nam 2. 1. Pauxtôpxki và Thạch Lam - Sự tương đồng có tính ngẫu nhiên Những thập niên đầu thế kỉ XX, sáng tác của Bunhin, Prisvin, Pauxtôpxki…đã tạo nên dòng văn xuôi trữ tình trong văn học Nga. Văn học Việt Nam giai đoạn 1930- 1945 cũng xuất hiện dòng văn xuôi trữ tình gắn với tên tuổi Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh… Đặc biệt, ta thấy giữa Pauxtôpxki và Thạch Lam dường như có sự gặp gỡ kì lạ trên địa hạt văn chương, từ cách nhìn cuộc đời, quan niệm về cái đẹp, phương châm sáng tác đến sự tinh tế trong cách cảm nhận mọi dáng vẻ của cuộc sống. Cũng như Pauxtôpxki, thế mạnh của Thạch Lam thiên về mảng truyện ngắn trữ tình. Sự đan xen hài hòa giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn là nét đặc sắc trong phong cách của ông. Một số đặc trưng nghệ thuật trong bút pháp truyện ngắn của hai nhà văn cho thấy sự đồng điệu về cách nhìn cuộc đời, thái độ đối với cuộc sống. Họ cùng chọn cho mình con đường đến với nghệ thuật bằng tình yêu sâu thẳm, bền bỉ. Đó là sự gặp gỡ của tình yêu tha thiết, sâu sắc dành cho tiếng mẹ đẻ, là thái độ trân trọng nâng niu từng mầm non bé nhỏ, những rung động mỏng manh, ngọt ngào của tình người: “Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng yên lặng đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp, vui vui” [6, tr. 169]. Những mảng màu của đời sống tự nhiên đi vào trang viết mà không cần một chút nỗ lực nào của nhà văn, nhưng để có được sự giản dị tinh chất ấy, nhà văn đã chắt lọc những gì đẹp đẽ và tinh túy nhất từ chất liệu cuộc sống. Cái mùi thơm phức của “lúa mới trong cái màu xanh của cốm, cái dịu dàng, thanh đạm của loài thảo mộc, thêm vào cái mùi hơi ngát của sen già” [6, tr. 336] đến nay vẫn ngào ngạt tỏa hương trên trang văn Thạch Lam. Pauxtôpxki – Thạch Lam còn là sự gặp gỡ của những tâm hồn rất mực nâng niu cái đẹp, suốt đời tìm kiếm cái đẹp ẩn giấu trong những sự vật bình dị, sâu xa hơn là chất nhân bản tiềm ẩn trong góc khuất của đời sống. Những tâm hồn như Pauxtôpxki và Thạch Lam luôn muốn tìm lời đồng điệu với từng biến chuyển của đất trời đến vô vàn sắc thái cảm xúc không tên gọi của con người: “Một con đom đóm bám vào mặt dưới lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một, tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu” [6, tr. 188]. Thạch Lam phát hiện ra những đốm lửa le lói của niềm hi vọng trong cái mạch buồn tẻ, lặp đi lặp lại của hiện thực cuộc sống. Chất thơ man mác bao phủ bầu không khí của truyện ngắn là kết quả hiệu ứng tổng hợp của nhiều thủ pháp nghệ thuật cộng với sự lan tỏa từ tình ý của người viết. Chính vì vậy, Gió đầu mùa, Hai đứa trẻ có cái duyên thầm ý nhị làm xao xuyến lòng người đọc. Trong Tàu tốc hành Ximêrôpôn, một chuyến tàu cố định giữa hai thành phố trở thành tấm gương để nhân vật Pauxtôpxki soi chiếu vào nhau, dường như người này không hề biết đến công việc lặng thầm của người kia. Với người dưới làng “cuộc sống chỉ còn là những chuyến tàu đi ngang” [34, tr. 328]. Người trên tàu quan sát thấy ngôi làng như được thổi bừng lên sức sống dưới chế độ xã hội mới. Qua lời nhân vật nhà văn trong truyện, Pauxtôpxki đã gián tiếp phát biểu mục đích, lẽ sống mà ông suốt đời theo đuổi: “viết một cuốn sách về hạnh phúc bình dị của con người” [34, tr. 384]. Pauxtôpxki và Thạch Lam – đó là những con người rất mực khiêm nhường, yêu cầu khắt khe đối với bản thân, ý thức được trách nhiệm của mình. Trong lời đề tựa tập Bông hồng vàng, Pauxtôpxki tâm sự: “Nếu như tôi truyền đạt được tới bạn đọc, dù chỉ trong một chừng mực ít ỏi, khái niệm về bản chất tuyệt vời của lao động nhà văn thì tôi dám coi như đã làm tròn bổn phận của tôi đối với văn học” [34, tr. 7]. Với Pauxtôpxki, quá trình sáng tác mang lại cho nhà văn nỗi hân hoan, khó diễn tả bằng lời, “niềm vui của người dẫn đường vào xứ sở của cái đẹp” [35, tr. 52]. Nhiệm vụ của nhà văn là hướng bạn đọc đến một thế giới tràn ngập niềm tin yêu, chan hòa ánh sáng. Cũng như Pauxtôpxki, làm sao diễn tả cho đúng tất cả sự thực rung động và thi vị của cuộc đời là phương châm sáng tác của Thạch Lam - người mải miết với “hành trình đi tìm cái đẹp”. Tuy nhiên, nét gặp gỡ giữa Pauxtôpxki và Thạch Lam là sự tương đồng có tính chất ngẫu nhiên về quan niệm nghệ thuật, về phong cách sáng tác và cá tính sáng tạo của nhà văn chứ không phải là quá trình tiếp nhận ảnh hưởng. Ta có thể nhận thấy chất văn xuôi ngọt ngào, chất trữ tình man mác của Pauxtôpxki ảnh hưởng trực tiếp đến sáng tác của một số nhà văn Việt Nam giai đoạn sau năm 1954. 2.2. Pauxtôpxki và Nguyễn Thành Long – Cái thoáng chốc trong truyện ngắn Đọc Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, ta ngỡ như bắt gặp “chất Pauxtôpxki” ở nghệ thuật tạo dựng tình huống truyện, bầu không khí bao quanh nhân vật. Cuộc hội ngộ ngẫu nhiên giữa Masa, anh phi công trẻ, nhà danh ca già, ông lão đan giỏ bên bờ sông trong Cây tường vi như một dấu thăng tuyệt đẹp cho bản tình ca của đời người. Tình huống dẫn đến buổi gặp gỡ giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư nông nghiệp và anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa mang tính chất của “cái khác thường trong cái bình thường”, hiếm khi xảy ra lần thứ hai trong đời. Theo Nguyễn Thành Long, đó là “một chốc lát trong đó sự việc xảy ra dồn dập nhất, giàu ý nghĩa nhất” [33, tr. 61]. Sau cái lặng lẽ của Sa Pa là ngọn lửa rực cháy trong trái tim của những con người ngày đêm lặng thầm lao động, cống hiến vì Tổ quốc, vì cái đẹp của cuộc sống như anh thanh niên trạm khí tượng, ông kĩ sư lai giống su hào, anh kĩ sư nghiên cứu bản đồ sét… Trong sáng tác của Pauxtôpxki, ta bắt gặp những con người khiêm tốn, lặng lẽ làm việc những việc không tên vì cái đẹp của cuộc đời mà ít ai biết tới như câu chuyện về thuyền trưởng đường sông Ôlênhin Vôngari, vợ chồng giám đốc thư viện trong một thành phố nhỏ ở miền Trung Á: “Ông làm việc trong yên lặng, không ai quấy rầy ai. Dù viện bảo tàng của ông không mang lại nhiều lợi ích đi chăng nữa thì chả lẽ bản thân sự tồn tại của một con người như thế không phải là tấm gương về lòng trung thành với công việc, tính khiêm tốn và tình yêu quê hương cho những người ở đây, nhất là cho thanh niên hay sao? [34, tr. 179]. Đó là những người làm việc không phải để mong chờ được nhớ ơn, đền đáp. Họ làm việc đơn giản vì trái tim họ, lương tâm họ đòi hỏi phải như vậy. Là những lữ hành tìm kiếm chất vàng ròng quý giá ẩn giấu trong tâm hồn con người, Pauxtôpxki và Nguyễn Thành Long có sự gặp gỡ về môtip nhân vật. Ở truyện Nguyễn Thành Long, ta thường bắt gặp kiểu nhân vật người du hành – người sáng tạo. Họ là những nhà văn, họa sĩ, nhà báo như trong Lặng lẽ Sapa, Buổi sáng Điện Biên, Sớm mai nào xế chiều nào… Nguyễn Thành Long từng đi lên các công trường, nông trường, ông gặp các nông trang viên, cán bộ khoa học suốt dọc dài đất nước. Người nghệ sĩ là những người phải đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, lặng lẽ chiêm nghiệm sự đời. Pauxtôpxki đã gặp gỡ tại vùng Mêsora ông lão lái phà, người đan lát, các nông trang viên có tài kể chuyện. Kiểu nhân vật sáng tạo đồng thời là người lữ hành trở đi trở lại trong truyện Pauxtôpxki như trong Cây tường vi, Tàu tốc hành Ximêrôphôn, Cầu vồng trắng, Bình minh mưa. Đó là người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật như nhà văn, họa sĩ, nhà báo, người sưu tầm truyện dân gian, nhân viên họa đồ, ca sĩ, các sinh viên kiến trúc đi khảo sát thực tế… Để phục vụ công việc sáng tạo, họ thường đi nhiều, say mê quan sát cuộc sống và con người xung quanh. Đó là những con người đào xới đến tận cùng lớp đất của đời sống để tìm cái đẹp, để cuộc sống nở hoa trên trang viết. Theo Pauxtôpxki, “khi văn xuôi đã đạt tới mức toàn thiện toàn mĩ thì về bản chất thực sự nó đã là thơ” [34, tr. 225]. Lặng lẽ Sa pa mang cấu trúc của một bài thơ lung linh chất nhạc, chất họa. Thiên nhiên từ hiện thực cuộc sống bước vào trang sách của Nguyễn Thành Long với tất cả vẻ duyên dáng của nó: “Lúc bấy giờ nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiều làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ” [30, tr. 21]. Cảnh đẹp như tranh vẽ, gợi ra một không gian lóng lánh sắc màu, chan chứa tình người. Trong cái lặng lẽ của Sa Pa vẫn vang lên những thanh âm trong trẻo, ánh lên sắc màu tươi mát làm đẹp lòng người, ấm tình đời. Dòng chảy lặng lẽ mà sâu lắng ấy hòa thành âm hưởng trữ tình ngợi ca của truyện. Ánh sáng đẹp đẽ tỏa ra từ cách sống, tâm hồn nhân vật trong cái lặng thầm của Sa Pa lại đánh thức nơi trái tim độc giả những tình cảm lớn lao, cao đẹp. Sau cuộc gặp gỡ, trò chuyện với người họa sĩ và anh thanh niên, cô kĩ sư trẻ trong Lặng lẽ Sa Pa nhận thấy cuộc đời trước mắt mở ra biết bao điều tốt đẹp. Cô tin tưởng vào con đường mình đang đi, tin vào sự lựa chọn của mình. Điều tốt đẹp nhất cho cả ba người sau cuộc gặp gỡ này là họ càng ý thức được trách nhiệm đối với tương lai của chính mình và đất nước. Trong Cây tường vi, sau khi trò chuyện với anh phi công trẻ, lắng nghe những lời khuyên thú vị của nhà danh ca già, Masa không còn cảm thấy e ngại con đường phía trước, cô bước đến tương lai với tinh thần hân hoan tìm kiếm “chất thơ chứa đựng trong từng ngày của cuộc sống”. Dẫu trên khắp nẻo đường đời, vẫn biết rằng khó có dịp gặp lại nhưng các nhân vật trong Cây tường vi, Lặng lẽ Sa Pa đã thắp lên trong nhau niềm tin yêu vào phẩm chất tốt đẹp, khả năng kì diệu của con người. Cuộc sống dưới một góc nhìn mới, chan hòa ánh nắng thênh thang mở ra trước mắt họ. Mỗi lời nói, mỗi hành động, cả những suy nghĩ thầm kín xuất phát từ tư chất đẹp đẽ của tâm hồn nhân vật để lại âm vang ngọt ngào trong lòng người đọc. Nguyễn Thành Long quan niệm: “Truyện ngắn phải mang dấu ấn của tác giả, biểu hiện dưới sự tồn tại của tác giả. Dấu ấn ấy trước hết là tấm lòng đằm thắm của anh, sau đó là bút pháp, giọng nói, nhịp điệu câu chuyện của anh, những “cái áo”, “làn da” của tấm lòng tác giả” [33, tr. 53]. Chỉ có qua tâm hồn ta, ta mới có thể hiểu tâm hồn người khác. Từ cuộc đời đến trang viết, Pauxtôpxki, Nguyễn Thành Long luôn giữ ý thức để trái tim mình gần trái tim người đọc. Và điều cốt lõi nhất các nhà văn muốn gửi gắm ở tác phẩm văn học là thông điệp về hơi ấm tình người - giá trị vĩnh hằng của cái đẹp. 2.3. Pauxtôpxki – Đỗ Chu – Những cánh chim trên sóng Trả lời phỏng vấn báo An ninh thế giới, số tháng 2 năm 2009, Đỗ Chu từng nói: “Nhà văn mang cái nhạc chữ, nhạc ý tứ, nhạc tình cảm của bản thân mình để hát lên, góp phần làm đẹp cho cây đời”. Từng mảng màu của đời sống trải ra trên trang văn Đỗ Chu tạo nên bức tranh sống động, kêu gọi con người đi đến vùng đất chan hòa ánh sáng. Đến với mảng truyện ngắn trữ tình của Đỗ Chu thời kì đầu, ta như bắt gặp vị ngọt ngào của Pauxtôpxki trong phảng phất hơi văn. Hoàng Ngọc Hiến nhận định: “Ảnh hưởng của văn xuôi Nga Xô viết tới văn học Việt Nam đương đại chắc chắn là có và không thể là nhỏ. Có một số trường hợp nhận ra được. Chẳng hạn, ảnh hưởng của phong cách trữ tình nhẹ nhàng, tinh tế của Pauxtôpxki trong một số truyện ngắn của Đỗ Chu thời trẻ” [25, tr. 136]. Nhận định về phong cách văn xuôi Đỗ Chu, nhà phê bình Bùi Việt Thắng viết: “Nếu được phép phân hạng thì ông là học trò của Thạch Lam, Nguyễn Thành Long (các nhà văn Việt Nam), và C. Pauxtôpxki (nhà văn Nga) và A. Đôđê (nhà văn Pháp)” [17, tr. 742]. Do tính chất của công việc, nhà văn phải đi nhiều, trải nghiệm, đọc nhiều và không ngừng tìm tòi cái mới. Họ luôn phải tự làm mới chính mình, tự trau dồi, học tập kinh nghiệm sáng tác từ tinh hoa của nhiều nền văn học, nhiều đồng nghiệp trên thế giới đồng thời khẳng định nét riêng của mình trong quá trình sáng tạo. Đỗ Chu bộc bạch “có những giai đoạn văn học đến với tôi thật đẹp” [33, tr. 72]. Cũng như Pauxtôpxki, với Đỗ Chu, cốt truyện không phải là yếu tố đóng vai trò trụ cột của tác phẩm. Ông tâm sự: “Với tôi, thường cốt truyện không thành vấn đề lắm” [33, tr. 73]. Đối với loại truyện ngắn trữ tình, tác giả tập trung vào dòng tâm trạng, bầu không khí trong truyện. Yếu tố làm nên “men lạ” trong truyện Đỗ Chu không phải bởi tình tiết gay cấn, cốt truyện li kì mà bởi cách dẫn truyện nhẹ nhàng, lời văn êm dịu, du dương, ý nghĩa triết lí trong những đoạn độc thoại nội tâm như dòng chảy ngầm sâu thẳm bên dưới lớp vỏ ngôn từ. Đỗ Chu quan niệm “cái chân đế của một tác phẩm chính là sự gắn bó với đời sống” [33, tr. 75]. Theo ông, một truyện ngắn hay phải tạo ra “một cuộc gặp gỡ giữa người viết với người đọc, một cuộc gặp gỡ phút chốc, nhưng để lại một ấn tượng sâu đậm, làm người ta khó quên” [33, tr. 71]. Chất trữ tình đằm thắm, mượt mà tạo nên bầu không khí trữ tình đặc trưng trong văn xuôi Đỗ Chu được tạo nên từ khả năng “nhìn cuộc sống lúc nào cũng như mới, như lần đầu tiên được thấy, trong tất cả dáng vẻ tươi nguyên và đầy ý nghĩa của từng hiện tượng cho dù là có vẻ nhỏ nhặt nhất. Đó chính là cái nhìn tinh tường thu nhận được mọi màu sắc, khả năng dùng ngôn ngữ mà vẽ nên sự vật như hiển hiện, không phải phác tả mà chỉ ra, phơi bày được ra hiện thực, hành vi và tâm thế của con người. Đó là sự hiểu biết về những khả năng của ngôn ngữ, khả năng lật xới lên được những tầng lớp giàu có chưa hề được khai phá của ngôn ngữ. Đó là khả năng cảm nhận và chuyển đạt chất thơ đậm đà tản mác quanh ta” [35, tr. 8]. Chất thơ trong văn xuôi Đỗ Chu đã làm nên một “hương cỏ mật” khó tìm thấy ở một tác giả nào khác. Ân tình sâu nặng các nhân vật dành cho nhau trong mối quan hệ khăng khít giữa hậu phương và tiền tuyến, tình đồng đội, tình yêu trong sáng giữa những người lính trẻ là nội dung quán xuyến trong Trung du, Phù sa. Ấy là những con người vượt qua những hi sinh mất mát, vươn tới những xúc cảm thuần khiết của con tim: “Con người tế nhị nổi tiếng này, lần đầu tiên cảm thấy mình bạo dạn và bất chấp tất cả. Anh muốn bay về ngay dưới kia, khi tới khung cửa sổ vẫn có cành dã hương thân thuộc mọi khi, nhìn vào căn buồng nho nhỏ đó, nhìn vào khuôn mặt xiết bao yêu dấu đó, để nói lấy một lời xin lỗi” [8, tr. 31]. Không hứa hẹn, nhiều lời vậy mà họ vẫn chờ đợi nhau qua mưa dông lửa đạn, qua những tháng năm dài biền biệt như tình cảm trong sáng, thủy chung giữa Nga và Nhuần trong Đất bãi, Tâm và Trọng trong Tâm sự người ở lại. Sự tinh tế trong việc nắm bắt những rung cảm mong manh trong thế giới cảm xúc của con người cộng hưởng với cảm hứng trữ tình đậm đà, sâu lắng được chuyển tải một cách chân thực từ tâm hồn người viết lên trang giấy tạo nên cái duyên, sức hút trong truyện của Đỗ Chu. Cảm hứng ấy từ người viết truyền thẳng vào lòng người và tạo nên một khoang cảm xúc ngọt ngào, bình yên, trọn vẹn. Theo Pauxtôpxki, cái hồn sống động của thiên nhiên tự nó tỏa ra sức sống trên trang viết chỉ khi nhà văn đặt toàn bộ trạng thái tâm hồn, tình yêu, niềm vui hay nỗi buồn trong sự hòa hợp với thiên nhiên. “Thiên nhiên chỉ tác động tới ta với toàn bộ sức mạnh của nó khi nào ta mang toàn bộ bản chất người của ta vào việc cảm xúc thiên nhiên” [34, tr. 234]. Do đó, ông quan niệm “mỗi một người viết văn xuôi thực thụ đều phải hiểu biết thấu đáo thơ và họa” [35, tr. 15]. Để tạo nên những bức tranh thiên nhiên tuyệt diệu bằng ngôn từ, bên cạnh tình yêu lớn dành cho văn học, Đỗ Chu còn dành thời gian cho giá vẽ, bảng màu. Ông rất coi trọng khai thác vẻ đẹp thiên nhiên trong mối quan hệ lồng ghép bức tranh tâm trạng. Góc nhìn trong nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Đỗ Chu thể hiện phong cách của một nhà nhiếp ảnh tài hoa: “Từng thảm lúa được cuốn dần về phía chân trời để phô ra từng cánh đồng đất nâu và những đống rạ thoạt trông có dáng như đám người đang ngồi thu lu bên nhau” [9, tr. 303]. Những bức họa ngôn từ trong tác phẩm của ông đưa người đọc đến miền hương hoa tinh khiết đẹp mơ màng: “Ở đây mùa xuân đến sớm hơn mọi nơi, mới đầu tháng chạp mà hoa đào, hoa lê đã đua nhau nở. Trong khi đó, mùa đông vẫn chưa chịu rút lui, hoa lau còn đang trắng nở trên các triền núi xa, nở trắng bên những con đường lát đá vắng lặng” [9, tr. 31]. Nếu như từng dòng, từng câu viết về miền Mêsora của Pauxtôpxki ta như nghe được cả mạch đập của sự sống thì Đỗ Chu có khả năng tiếp cận vẻ tươi mới của những gam màu, âm thanh, hương vị đặc trưng của vùng đồng bằng trung du Bắc bộ. Cái nắng hanh vàng hắt trên sườn đồi, mùi nồng của đất sau mưa, loài cỏ dại của một miền quê, hình ảnh những con thuyền nằm gối đầu trên bãi cát, đất phù sa của con sông quê hương đều trở thành nỗi nhớ da diết trong trái tim người. Những mảng màu sáng tối, lúc thăm thẳm, khi lấp lóa sáng ngời - sắc nâu của mảnh đất nồng đượm tình quê, cánh đồng chín vàng giữa mùa gặt, màu ráng đỏ rạng ngời như kí ức tình yêu muôn đời sáng mãi trong trái tim người lính trẻ, như một niềm tin được trao gửi trọn vẹn từ người con gái đã ra đi mãi mãi, như một lời cầu chúc bình an đến người dấu yêu từ chân trời xa khuất. Đặc biệt màu đỏ rực của hoa gạo trở đi trở lại trong các thiên truyện Đỗ Chu như thắp sáng một khoảng trời mong nhớ. Bước đi của xuân, hạ, thu, đông trong truyện được ông đặt trong mối giao hòa giữa thiên nhiên và tình người. Chất lãng mạn trữ tình trong văn Đỗ Chu đượm cái hồn quê làng cảnh Bắc bộ Việt Nam, nơi con người sống gắn bó, sâu nặng nghĩa tình. Phải để tâm hồn mình yêu và hiểu cái hồn của yêu hương như thế nào, Đỗ Chu mới có thể tạo nên một Hương cỏ mật quyến luyến lòng người đến vậy. Trong tâm hồn người học trò xa nhà, mùi hương ấy, nỗi nhớ ấy dường như “cả trong mơ còn thức”: “Những cụm cỏ mật thơm ngào ngạt, những viên đá cuội trắng nõn, tối tối mang đập vào nha tóe lửa, một thứ lửa có mùi thơm thơm như mùi mật ong cháy (…). Chính cái Phương đã bảo em biết cách làm cho cỏ mật còn xanh hết mùi hắc. Chỉ cần buộc túm những cụm cỏ xanh ấy lại, đem phơi nắng rồi hong gió, cỏ mật héo vàng đi, tỏa hương thơm dìu dịu” [9, tr. 42]. Nghe Tịch híp kể chuyện, bao cảm xúc dành cho mảnh đất quê hương sống dậy vẹn nguyên trong tâm hồn đại úy Bài. Với anh, mọi cái trong vườn cò này “thân thuộc đến mức phải lòng chúng” [9, tr. 49]. Người cha gặp lại chính mình trong ước mơ của con trẻ. Bên cạnh hương vị quyến luyến, đặc trưng của hồn quê bắc bộ, thế giới trong Hương cỏ mật, Thung lũng cò còn bừng sáng bởi nụ cười trẻ thơ hồn nhiên, trong trẻo. Luôn giữ cho mình cái nhìn xanh non dành cho cuộc sống -“nhìn tất cả như mới thấy lần đầu – phẩm chất vốn có ở trẻ em và các họa sĩ” [35, tr. 16] - dường như trong từng câu văn viết về tuổi nhỏ của Đỗ Chu chở theo mùi nắng mới tinh khôi: “Tịch híp há miệng cười khanh khách, nghe như cò bợ xúc miệng. Một cơn gió đầu mùa ập tới như muốn tìm bắt tiếng cười thơ ngây ấy” [9, tr. 49]. Đọc truyện Đỗ Chu, lòng người bâng khuâng theo những khoảnh khắc lắng đọng của tâm hồn nhân vật. Ông rất tài tình trong việc xây dựng bầu không khí bàng bạc chất thơ trong một số truyện. Đó là nhịp đồng điệu giữa hai tâm hồn tinh tế, mẫn cảm trong cách cảm nhận cái đẹp man mác khắp vũ trụ, ẩn sâu dưới lớp vỏ của hiện thực. Ấy là khi người ta chợt hiểu ra hạnh phúc lớn nhất chính là sự hiểu nhau: “Giống như những lớp phù sa giấu kín dưới nó những dải đất sét quý giá, trong con người bình dị kia cũng đang ẩn tàng những tình cảm, những suy nghĩ tốt đẹp mà người ta không thể dễ dàng nhận thấy ngay một lúc được” [9, tr. 17]. Trung du, Mùa cá bột làm nên chất men lãng mạn mới lạ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại. Cấu trúc văn xuôi của Đỗ Chu mang âm hưởng của những vang âm êm đềm, da diết. Nhịp điệu trong văn ông được tạo nên từ sự cộng hưởng từ âm thanh của cuộc sống thường nhật nơi thôn quê qua cách cảm nhận của tác giả, mạch vận động bên trong của tâm trạng nhân vật và nhịp điệu của câu chữ. Tiếng lòng của thiên nhiên hòa nhịp với âm thanh cuộc sống – tiếng vang của rừng, tiếng ve râm ran, tiếng sóng vỗ, tiếng người í ới gọi nhau, tiếng ồn ã trên bến sông – được câu chữ khắc thành nét duyên dáng trong văn Đỗ Chu. Lời văn của ông trong sáng, rất truyền cảm, “bao giờ cũng thấm đượm chất thơ như chất nước ngọt ngào trong trái táo” [35, tr. 14]: “Năm ấy mưa xuân phủ khắp đồi. Con đường và rải sỏi cứ tươi roi rói như tấm vải điều của mấy bà thợ nhuộm treo phất phơ trước cửa hàng vào những phiên chợ huyện” [10, tr. 109]. Thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Đỗ Chu cũng thiên về dòng thời gian hoài niệm, hồi tưởng. Đang sống ở hiện tại nhưng nhân vật của ông thường giấu trong lòng nỗi đau đáu về miền kí ức thăm thẳm những buồn vui: “Tôi ngủ ngon lành và khi chợt tỉnh, nhìn ra bên ngoài đã thấy bức tường đá ong rêu của khu thành cổ, những ngọn xoan già lấp ló ở bên trong và mấy dãy nhà hai tầng lợp bằng thứ ngói cũ màu xám. Đến nhà rồi. Đến mảnh đất trung du của ta rồi. Phố ơi, trường ơi, đường ơi, thành cũ ơi, Bích ơi, những ngày xưa thân ái ơi” [8, tr. 151]. Kể về thực tại mà cũng là quá khứ được lặp lại thành thân thuộc: “Mùa cá bột lại đến. Bây giờ con sông nhỏ chảy qua bãi Thè Le bỗng rộng rãi hẳn ra, phù sa đỏ ngầu, dòng nước sủi bọt chảy về xuôi vội vã. Công việc trong thôn bỗng trở nên bận rộn một cách hứng thú. Người ta bắt đầu bàn với nhau về chuyện con bột, nuôi bột và mọi công việc khác từ nhổ cỏ đay, dận xen vừng ba tháng vào những chỗ đay bị muội hay việc gieo mạ mùa vào ngày tua rua mọc…” [9, tr. 70]. Có những mảnh ghép tồn tại hai lớp thời gian đồng hiện, thời gian hiện thực đan xen với thời gian hoài niệm trong Hương cỏ mật, Thung lũng cò, Ráng đỏ mở ra chiều liên tưởng cho người đọc. Cuộc sống hiện ra trong trang viết của Đỗ Chu cho thấy một tâm hồn nâng niu sự sống trong từng biểu hiện tinh tế, nhỏ nhặt của nó. Điều cốt yếu của văn học vẫn là vấn đề về con người. Tất cả vì con người, làm sao để con người được tự do, hạnh phúc, được an ủi, được củng cố niềm tin, thắp sáng hi vọng. “Mỗi người chúng ta đều có thể là một ví dụ đẹp trong một đội ngũ rất đẹp. Mỗi ngày chúng ta đang sống là một ngày đầy ý nghĩa trong một cuộc đời rất dài ý nghĩa” [11, tr. 107]. Mong mỏi chuyển đạt trên trang viết hạnh phúc bình dị của con người là con đường nghệ thuật theo đuổi suốt một đời cầm bút của Pauxtôpxki. Trong Hạt cát, nhà văn cho rằng chức năng cao cả của nghệ thuật đôi khi chỉ là mang đến niềm vui nho nhỏ cho con người. Quan niệm nghệ thuật của Đỗ Chu cũng không nằm ngoài mục tiêu tất cả vì hạnh phúc của con người. Đó là cốt lõi của nghệ thuật. Ông tự nhận xét về Phù Sa: “Một số truyện trong đó đằm thắm, có duyên, mang lại một ít niềm vui bé nhỏ cho người đọc” [33, tr. 71]. Như vậy, ở mảng truyện ngắn trữ tình, một số nhà văn Việt Nam đã có sự gặp gỡ với Pauxtôpxki trên hành trình gom góp những mảy bụi quý, dâng tặng cuộc đời những đóa hồng vàng có hương thơm bền bỉ cùng tháng năm – hương thơm của tình yêu và ước vọng. Pauxtôpxki từng nói bản thân nghề văn đã là một công việc rất đẹp và cao quý bởi “các nhà văn làm việc vì con người” [35, tr. 23]. Tất cả những gì tốt lành nhất nhà văn tích lũy được, họ đều hào phóng trao tặng cuộc đời. Không thể phủ nhận sự ảnh hưởng sâu rộng của văn học Xô viết đến văn học Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử nhất định, ở một số nhà văn nhất định, trong một giai đoạn sáng tác nhất định. Bên cạnh sự tác động từ lịch sử, thời đại, văn hóa, có thể nói giữa Pauxtôpxki và một số nhà văn Việt Nam có sự gặp gỡ của tâm hồn với tâm hồn trên hành trình chắt chiu cái đẹp. Nếu như tại Nga, những người yêu văn học vẫn hành hương về miền Mêsora như tìm về một “miền đất hứa” thì tại Việt Nam, những trang viết tươi tắn nắng ấm, lấp lánh hi vọng của Pauxtôpxki vẫn tiếp tục cuộc hành trình đến với với tâm hồn Việt với một sức hút kì lạ. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA5200.pdf
Tài liệu liên quan