Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Xuân Văn giai đoạn 1954 - 1975

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Phan Thị Thu Hồng LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh – 2008 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Phan Thị Thu Hồng Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC PGS. TS. TRẦN HỮU TÁ Thành phố Hồ Chí Minh – 2008 LỜI CẢM ƠN Trong quá trình học tập và nghiên cứu hoàn thành luận văn, tôi luôn nhận được

pdf172 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1565 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Xuân Văn giai đoạn 1954 - 1975, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
sự giúp đỡ tận tình quý báu của các thầy cô giáo, bạn bè và gia đình. Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đến: - PGS.TSKH. Trần Hữu Tá, người hướng dẫn khoa học đã tận tình giúp đỡ tôi trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn. - Ban Giám hiệu trường Đại học Sư phạm Tp. HCM, Phòng Khoa học Công nghệ & Sau Đại học, Khoa Ngữ văn, quý Thầy Cô giáo đã tận tình giảng dạy trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận văn tốt nghiệp. - Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến gia đình, bạn bè thân hữu đã dành tình cảm, động viên và giúp đỡ tôi học tập, nghiên cứu để hoàn thành luận văn này. Tp. Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2008 Tác giả luận văn Phan Thị Thu Hồng MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cảm ơn Mục lục MỞ ĐẦU ...................................................................................................................1 Chương 1: NGUYỄN VĂN XUÂN VỚI VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI QUẢNG NAM; VỚI VĂN HỌC ĐÔ THỊ MIỀN NAM 1954 - 1975 1.1.Vùng đất Quảng Nam và con người Quảng Nam ...............................................11 1.1.1. Vùng đất Quảng Nam ..............................................................................11 1.1.2. Con người Quảng Nam............................................................................18 1.2. Nhà văn xứ Quảng Nguyễn Văn Xuân với văn học đô thị miền Nam 1954 - 1975.........................................................................................................24 1.2.1. Hoàn cảnh lịch sử xã hội ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 ................24 1.2.2. Sáng tác của một trong những nhà văn tiêu biểu cho văn học yêu nước đô thị miền Nam .............................................................................28 1.2.3. Nguyễn Văn Xuân - nhà văn của vùng đất và con người Quảng Nam .........................................................................................................30 Chương 2: NHỮNG CẢM HỨNG CHỦ YẾU CỦA NGUYỄN VĂN XUÂN QUA TIỂU THUYẾT VÀ TRUYỆN NGẮN GIAI ĐOẠN 1954 – 1975 2.1.Cảm hứng khám phá vùng đất xứ Quảng............................................................37 2.1.1. Một thiên nhiên khắc nghiệt, dữ dội........................................................39 2.1.2. Vùng đất của những cuộc đụng độ quyết liệt trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc ...........................................................................46 2.1.3. Vùng đất của sự tiếp biến văn hoá...........................................................50 2.2.Cảm hứng ca ngợi tính cách, phẩm chất con người xứ Quảng ...........................58 2.2.1. Những con người cần cù, dũng cảm kiếm sống, sinh tồn trên vùng quê nghèo khó.................................................................................59 2.2.2. Những con người yêu nước nồng nàn có ý thức trách nhiệm với Tổ quốc ....................................................................................................66 2.2.3. Những con người cứng cỏi, ngang tàng, bộc trực thẳng thắn .................84 2.2.4. Những con người có tính tình cởi mở, nhạy bén với cái mới..................94 2.2.5. Những con người nhân hậu, đa cảm đa tình ............................................99 2.3.Cảm hứng tố cáo phê phán................................................................................110 2.3.1. Tố cáo tội ác về chính trị của thực dân Pháp và tay sai.........................110 2.3.2. Lên án ách áp bức bóc lột của bọn thực dân, giai cấp tư sản ................113 2.3.3. Lên án thủ đoạn xâm lăng văn hoá của đế quốc Mỹ .............................116 Chương 3: NHỮNG ĐẶC ĐIỂM VỀ NGHỆ THUẬT 3.1.Tiểu thuyết đậm chất hiện thực.........................................................................119 3.1.1. Nội dung phản ánh.................................................................................119 3.1.2. Miêu tả nhân vật, xây dựng chi tiết .......................................................122 3.2.Truyện ngắn giàu chất kí...................................................................................125 3.2.1. Nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử ..............................................126 3.2.2. Đề tài - cốt truyện ..................................................................................133 3.3.Kết cấu độc đáo.................................................................................................134 3.3.1. Cốt truyện giàu kịch tính .......................................................................135 3.3.2. Tình huống truyện đặc biệt ....................................................................135 3.3.3. Kết thúc bất ngờ đầy yếu tố lạc quan ....................................................136 3.4.Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ ...........................................................................139 3.4.1. Sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày.........................139 3.4.2. Việc vận dụng phương ngôn trong sáng tác của Nguyễn văn Xuân…...................................................................................................143 3.4.3. Vận dụng thành ngữ...............................................................................148 KẾT LUẬN ..........................................................................................................154 TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................................................159 PHỤ LỤC..............................................................................................................164 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Nói đến văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 là nói đến một bộ phận văn học ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp hết sức gay gắt. Trong đó, văn học yêu nước cách mạng nổi bật như một khuynh hướng ngược dòng. Văn học yêu nước cách mạng đã tập hợp nhiều lực lượng viết khác nhau. Một số văn nghệ sĩ từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Nam: Lý Văn Sâm, Nguyễn Trọng Tuyển, Lê Vĩnh Hòa, Thiếu Sơn, Dương Tử Giang, Vũ Hạnh, Sơn Nam…. Có sự góp mặt một số cây bút là những nhà hoạt động tôn giáo: Trương Bá Cần, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ..… Tinh thần dân tộc còn qui tụ một số ngòi bút trước nay tưởng như chỉ chuyên tâm đến văn chương, học thuật như Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Võ Hồng, .… Trong sự qui tụ lực lượng đặc sắc này, Nguyễn Văn Xuân thuộc nhóm thứ ba. Ông đã góp những trang viết độc đáo về cuộc sống chiến đấu, lao động sinh tồn của nhân dân đất Quảng. Nguyễn Văn Xuân vừa là nhà văn, nhà báo vừa là nhà nghiên cứu giảng dạy lịch sử, biên khảo và cũng là một soạn giả tuồng có tiếng trên văn đàn Sài Gòn - Đà Nẵng từ những năm 1940. Vốn được sinh ra từ “miền xương xẩu của đất nước Việt Nam” (chữ dùng của Nguyễn Văn Xuân), được mọi người xưng tụng một cách trìu mến: “nhà Quảng Nam học”, “một con người từ một ngôi làng”, Nguyễn Văn Xuân rất am hiểu về quê hương Quảng Nam, từ lịch sử hình thành, con người Quảng Nam trong đấu tranh chống xâm lược đến quá trình lao động sinh tồn trên vùng đất “cày lên sỏi đá”. Từ những hiểu biết ấy, những trang viết của ông đã đem lại trong lòng người đọc ấn tượng sâu sắc về truyền thống đấu tranh, truyền thống văn hóa, tính cách con người vùng đất “phên giậu” của Tổ quốc. Được chắt lọc từ “sỏi đá”, “xương xẩu”, từ sóng gió của biển, bí ẩn của rừng….. những trang viết của Nguyễn Văn Xuân giản dị, mực thước mà đậm đà chất Quảng. Cuộc đời và những trang viết của Nguyễn Văn Xuân dường như rất ít lần vượt khỏi phạm vi “Quảng Nam quốc”. Đối với ông, mỗi nhà văn phải thể hiện kiến văn sâu sắc trên trang viết của mình. Bằng cách đó, nhà văn không cần đi xa, đi nhiều, chỉ viết về quê hương chôn nhau cắt rốn của mình, cũng có thể đủ làm nên tên tuổi. Điều kỳ lạ là Nguyễn Văn Xuân chỉ viết về một vùng, một miền nhưng tầm vóc của những sáng tác ấy đã vượt khỏi phạm vi hạn hẹp sinh ra nó, vươn tới những vấn đề lớn lao, cao cả, đầy chất nhân văn ở mỗi con người, trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đó chính là sức mạnh của văn chương mà không phải ngòi bút sáng tác nào cũng có thể làm được. Nhưng như một nghịch lý, một trớ trêu hay trò đùa của tạo hóa đối với những bậc chân tài, tên tuổi của nhà văn dường như ít được nhắc đến. Tác phẩm văn chương của ông cũng không có tiếng vang như lẽ ra nó phải có. Có thể vì tầm kiến thức uyên bác trên các lãnh vực lịch sử, xã hội, dân tộc, trong các công trình biên khảo.… nên ông thường được nhìn nhận ở một góc độ nhà nghiên cứu lịch sử, nhà “Quảng Nam học” hơn là một nhà văn. Mặt khác, cuộc đời lặng lẽ làm việc cật lực để nuôi sống một gia đình nhiều bất hạnh khiến nhà văn không có điều kiện quảng bá sáng tác của mình. Tuy không sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Nam, nhưng lịch sử hình thành đất Quảng và cuộc Nam tiến vĩ đại của dân tộc đã thôi thúc tôi đọc, tìm hiểu những sáng tác của Nguyễn Văn Xuân. Việc làm đó như hành trình tìm về cội nguồn văn hóa của dân tộc và thể hiện lòng trân trọng biết ơn của những người ở thế hệ sau đối với những bậc Tiền hiền có công khai phá, mở rộng, giữ gìn bờ cõi đất nước ta liền một dãy từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Việc làm này còn thể hiện sự kính trọng đối với một nhà văn lão thành, một nhà giáo tâm huyết, một nhà nghiên cứu uyên bác. Đó là lý do mà sau những ngày đọc những tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân, đặc biệt là mảng tiểu thuyết và truyện ngắn, tôi muốn đi sâu nghiên cứu những giá trị tiềm ẩn, để khẳng định sự đóng góp của ông đối với văn học nước nhà. Mặt khác, nếu được, tôi xem đây như là những nén tâm hương mà một hậu bối như tôi trân trọng thắp lên trước hương hồn của Người và nói rằng: “Ông đã sống một cuộc đời đáng sống!”. 2. Giới hạn đề tài và phạm vi nghiên cứu Văn chương của Nguyễn Văn Xuân thực sự là một mảnh đất còn đang bỏ ngỏ. Hầu như chưa có công trình nào nghiên cứu trọn vẹn về văn chương của ông. Do thời gian có hạn, luận văn chỉ tập trung vào việc tìm hiểu, nhằm rút ra những đặc điểm chủ yếu của tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân giai đoạn 1954 - 1975 trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân phần lớn được sáng tác trong giai đoạn 1954 - 1975. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, chúng tôi chỉ tiếp cận được hệ thống tác phẩm của ông tập hợp trong Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân gồm một tiểu thuyết và 17 truyện ngắn (do nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2001), ngoài ra còn có hai truyện ngắn trong giai đọan thử bút: Ngày giỗ cha, Ngày cuối năm trên đảo sáng tác trước 1945, được in trong Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 33, xuất bản năm 2000. 3. Lịch sử vấn đề Nguyễn Văn Xuân là một nhà văn được nhiều người biết đến trong giai đoạn văn học 1954 - 1975. Có thể nói đây là “thời kỳ bùng nổ thành hiện tượng vang dội trên văn đàn” của nhà văn với nhiều tác phẩm và công trình biên khảo có giá trị. Trong Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 33, ông có hai truyện ngắn được tuyển chọn. Người ta còn giới thiệu Nguyễn Văn Xuân với truyện ngắn Tiếng đồng được xếp vào 43 truyện ngắn hay trong tuyển Văn học miền Trung thế kỷ XX, xuất bản năm 1988. Cũng trong năm 1988, Địa chí Văn hóa Thành Phố Hồ Chí Minh, một công trình lớn, có giá trị, do Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng chủ biên ( Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh), được xuất bản. Sách đã dành một chương để nói về “Văn học yêu nước công khai ở Sài Gòn trong ba mươi năm cách mạng và kháng chiến” do các tác giả Tầm Vu, Nguyên Thanh, Viễn Phương, Hồ Sĩ Hiệp, Trần Hữu Tá đồng biên soạn. Nguyễn Văn Xuân được nhắc đến như một nhà văn tiêu biểu cùng với các cây bút yêu nước, những trí thức, những nghệ sĩ cao niên như Trần Tuấn Khải, Nguyễn Hiến Lê; các nhà thơ Hà Kiều, Phương Đài, Phong Sơn; các nhà văn Võ Hồng, Phan Du, Sơn Nam… Đến năm 2000, quyển Nhìn lại một chặng đường văn học ra đời do giáo sư Trần Hữu Tá nghiên cứu, sưu tầm, tuyển chọn (NXB Thành Phố Hồ Chí Minh). Trong thế so sánh với nhà văn Sơn Nam - tác giả của những tác phẩm sinh động về vùng đất cực nam của Tổ Quốc - Nguyễn Văn Xuân được giới thiệu là một nhà văn “gắn bó chặt chẽ với vùng quê Quảng Nam thân thương của ông. Với sự hiểu biết sâu sắc về sử học, dân tộc học, xã hội học, ông đã làm sống lại những sự kiện vang dội mà đau xót cũng như đã khắc họa sự thành công hình ảnh những con người ưu tú của đất Quảng” [49, tr.102]. Và giáo sư cũng đánh giá Nguyễn Văn Xuân là một nhà văn có phong cách đặc biệt với “cái nhìn lịch sử của tác giả khá độc đáo”, với “giọng kể của Nguyễn Văn Xuân cũng đa dạng” và “cảm quan lịch sử đúng đắn”, “chi tiết nghệ thuật khác cũng rất đáng chú ý”…. [49, tr.102 - 104]. Có thể nói giáo sư đã thâu tóm một cách khái quát, cô đọng đặc điểm nội dung và nghệ thuật trong sáng tác của Nguyễn Văn Xuân. Trong tổng số 1089 trang sách, giáo sư đã dành hẳn 3 trang để viết về Nguyễn Văn Xuân. Có thể xem đây là tài liệu có dung lượng lớn nhất từ trước đến nay đề cập đến nhà văn, đủ thấy sự đánh giá trân trọng của giáo sư dành cho ông, một cây bút tiêu biểu góp phần làm nên diện mạo của khuynh hướng văn học yêu nước cách mạng miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 . Năm 2001, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo: “Văn hóa Quảng Nam”. Kết quả của cuộc hội thảo này là sự ra đời tập Kỉ yếu về Quảng Nam với tên gọi Văn hóa Quảng Nam – những giá trị đặc trưng (Sở văn hóa thông tin Quảng Nam xuất bản). Trong số 56 bài tham luận, tên tuổi của Nguyễn Văn Xuân được giới thiệu qua hai bài viết với tư cách là nhà nghiên cứu về văn hóa Quảng Nam: Những người Quảng Nam đóng góp cho Thăng Long, Bắc Thành - Hà Nội trước 1945 và bài Người Quảng Nam với sự phát triển các ngành nghề ở miền Nam. Cũng trong năm 2001, nhân dịp mừng thượng thọ 80 tuổi của nhà văn, nhằm ngày nhà giáo 20/11 mở đầu thiên niên kỷ mới, nhà xuất bản Đà Nẵng đã tập hợp các tác phẩm văn chương của Nguyễn Văn Xuân sáng tác giai đoạn 1954 - 1975 vào Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân. Và nhà văn Đà Linh, ủy viên thường vụ Hội liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đã giới thiệu về những đóng góp của Nguyễn Văn Xuân. Ông nhận xét: “Trên lãnh vực nào, từ bài báo, câu chuyện nhỏ, đến công trình lớn chúng ta đều thấy rõ dấu ấn tài năng tâm huyết thuở nào bởi vẫn còn đó những phát hiện, nét sáng tạo độc đáo, vẫn còn đó sự thông tuệ. Trên hết là tấm lòng và nhân cách người cầm bút” [63, tr.11]. Năm 2004 trong Từ điển văn học (bộ mới), Bùi Thị Thiên Thai đã giới thiệu Nguyễn Văn Xuân như trả lại cho ông chỗ đứng xứng đáng với những gì mà ông đã đóng góp (bộ Từ điển văn học cũ không giới thiệu về Nguyễn Văn Xuân). Tác giả đã nhận xét: “Hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân đều thể hiện một vốn kiến văn sâu rộng, một giọng văn giản dị hồn hậu, đậm đặc chất Quảng Nam, và đặc biệt, một tấm lòng yêu thương tha thiết đối với quê hương Quảng Nam” [18, tr.127]. Đặc biệt những bài viết về Nguyễn Văn Xuân đồng loạt ra đời như những nén tâm hương mà những người yêu mến ông thắp lên tưởng nhớ vong linh nhà văn sau ngày 4/7/2007. Có thể kể đến những bài viết tiêu biểu trên các nhật báo Thanh niên, Tuổi trẻ….. của các nhà văn, nhà sử học, nhà báo: Đặng Tiến, Dương Trung Quốc, Nguyễn Quí Đại, Thanh Thảo, Trần Trung Sáng, Trần Tuấn, Thái Bá Lợi, Trương Điện Thắng… Nhìn chung, tất cả các bài viết đều giới thiệu về những đóng góp của Nguyễn Văn Xuân trên nhiều lĩnh vực: văn học, lịch sử, tuồng hát, nghiên cứu biên khảo…. Và qua đây, các tác giả cho người đọc hiểu hơn về con người của nhà văn cũng như cuộc đời lao động cần mẫn để thỏa mãn việc: “nghiện đọc, nghiện học và viết”, để nuôi sống cả một gia đình kém may mắn. Trong dịp này, các tác giả đã điểm qua những sáng tác tiêu biểu trong cuộc đời cầm bút của Nguyễn Văn Xuân: từ Bão rừng, Hương máu đến Khi những lưu dân trở lại, Phong trào Duy Tân. Tác giả Trần Tuấn viết về Bão rừng như sau: “tiểu thuyết đầu tay viết năm 1957, khi nhà văn tham gia kháng chiến và vừa thoát khỏi nhà lao Thừa Phủ (Huế) kể về cuộc sống cơ cực ở một đồn điền thời Pháp thuộc mà tác giả từng sống, và cũng là ít ỏi những tiểu thuyết đầu tiên viết về đời sống phu phen ở các đồn điền Tây Nguyên” [73]. Còn Hương máu (1969) là “Tập truyện đặc sắc toàn bộ dành viết về những cái chết lẫm liệt của những anh hùng ưu hạng của đất Quảng” [73]. Phong trào Duy Tân được tác giả “coi là cuốn sách đầy đủ và thấu đáo nhất về một phong trào có ảnh hưởng sâu sắc tới những cuộc cách mạng sau này” [73]. Có thể nói Trần Tuấn đã giới thiệu hầu hết các sáng tác làm nên tên tuổi của Nguyễn Văn Xuân cũng như trình bày một cách ngắn gọn tâm điểm của mỗi sáng tác. Có những bài viết giới thiệu sáng tác mới nhất và cũng là cuối cùng của nhà văn một cách khá công phu như bài Nhà văn Nguyễn Văn Xuân: một mảnh đất, một đời người của Trần Trung Sáng. Tác giả viết: Vài năm gần đây, tên tuổi của nhà văn Nguyễn Văn Xuân được bàn luận, nhắc đến với tác phẩm mới nhất của ông “Kỳ nữ họ Tống”. Đây là một đề tài được ông ấp ủ, xây dựng khá lâu, dựa theo câu chuyện về một người đàn bà có thật trong lịch sử xứ Đàng trong, đã có một thời làm đảo điên cả triều đại Chúa Nguyễn, suýt xóa bỏ cả tên triều đại này trong lịch sử Việt Nam ngay những thập niên đầu của thế kỷ17. Hiếm thấy người đàn bà nào lại có cuộc đời sóng gió, ghi dấu ấn sâu sắc, rùng rợn, tác động mãnh liệt đến xã hội, chính trị, quân sự, đạo đức như vậy. Bà Chúa Chè làm điên đảo cơ nghiệp Trịnh Sâm ghê gớm là thế, cũng chỉ là bóng mờ bên cạnh Tống Thị. Đặng Thị Huệ chỉ tác động được chúa Trịnh bỏ trưởng lập thứ. Còn Tống Thị thật sự chủ động, tích cực trong việc hại dân, tích lũy thành phú gia địch quốc, thay ngôi chúa bằng những hành động táo bạo [69]. Và dường như đây là thời điểm các học giả có dịp nhìn lại để ngạc nhiên và thán phục sức làm việc dẻo dai, tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, ý chí tự học để đạt đến độ thâm viễn, một phẩm chất làm người trong sáng, ngay thẳng của Nguyễn Văn Xuân. Nhà nghiên cứu Trần Tuấn cho rằng: Công việc lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo trong cuộc đời của Nguyễn Văn Xuân như một thứ “thuốc nghiện” “Nghiện đọc và nghiện học (phần lớn tự học) đã giúp ông trở thành một nhà giáo đáng kính với nhiều thế hệ học trò tên tuổi, rồi thành một nhà nghiên cứu tiếng tăm ở miền Nam trước và sau giải phóng[…] Nghiện “Viết” đã giúp ông trở thành một nhà văn có giọng văn riêng đặc sắc qua hàng loạt truyện ngắn, tiểu thuyết”[73]. Còn Thanh Thảo với bài Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Văn Xuân thì nhận định: Nếu con người có hai lỗ tai để nghe, thì Nguyễn Văn Xuân có một lỗ tai của nhà văn và một lỗ tai của nhà sử học. Cả hai đều tinh tường, tinh tế, đều rất “biết nghe”. Biết nghe và biết lọc. Biết lọc và biết chế tác. Như người thợ đúc đồng quê ông biết chế tác những chiếc chiêng mà tiếng ngân u trầm của chúng như còn đọng mãi trong những vòm cây ngọn suối [71]. Bài viết của Nguyễn Quí Đại đã trích dẫn hồi ký của nhà văn Nguyễn Hiến Lê nhận xét về Nguyễn Văn Xuân: “ông Nguyễn Văn Xuân quê ở Quảng Nam, lần đầu tiên gặp ông, thấy ông phảng phất có vài nét của cụ Phan Sào Nam. Ông viết nhiều truyện dài, truyện ngắn…. ông có tinh thần quốc gia, khảo về phong trào Duy Tân ở Trung có một số tập truyện về nhà Nho, kháng Pháp”[65]. Các bài viết tưởng nhớ về Nguyễn Văn Xuân không những thống nhất trong cách đánh giá tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc của ông mà còn có cùng quan điểm khi nhận xét về con người của nhà văn. Khi nói về những “góc tối” trong cuộc đời Nguyễn Văn Xuân, Thái Bá Lợi đã viết: Người ta nói ông là người ít có hạnh phúc trên đường đời, nhưng tôi lại nghĩ khác. Người hạnh phúc là người nói được điều mình muốn nói, làm được điều mình muốn làm [….] Một bậc hiền triết từng nói con người từ hư không đến rồi trở về hư không. Thì ông cũng đã trở về hư không rồi đó sao? Nhưng sẽ có lúc nào đó, trên con đường gập ghềnh nầy, trong một tình huống trắc trở, ta sẽ gặp lại ông trong những di sản mà ông để lại; rồi từ đó, ta sẽ tìm ra cái riêng cho mình để chống chọi với hoàn cảnh mà ông đã từng chống chọi [67]. Đối với những góc tối của riêng mình, Nguyễn Văn Xuân chẳng những đã dũng cảm vượt qua mà ông còn không bao giờ lấy đó làm điều bi quan, yếm thế cho cuộc đời, cho ngòi bút. Ông luôn “có lối nói chuyện vừa minh triết, lại vừa hóm hỉnh trẻ trung như cái tên của ông vậy. Đời ông nhiều nước mắt, nhưng lại luôn đem đến cho người xung quanh nụ cười” [73]. Tinh thần lạc quan vui sống khiến nhà văn rất tâm đắc với câu thơ giục giã của Xuân Diệu: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ Em ơi em, tình non sắp già rồi” Khi ngâm nga những câu thơ này, nhà văn cho rằng: “nó không chỉ có ý nghĩa suông về tình yêu, mà nó còn phản ánh lên một sự nôn nóng đổi mới, cách tân đất nước từ trào lưu thơ mới, nên nó vẫn luôn có giá trị bất cứ lúc nào”[69]. Còn Đặng Ngọc Khoa trong bài Nhà văn Nguyễn Văn Xuân về với quê nhà đã viết về bài học “Làm người ngay thẳng” của Thầy Xuân qua tiết lộ của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng - người có vinh dự tạo mô hình ngôi mộ cho nhà văn – “lúc sinh thời nhà văn mong muốn khi qua đời, được an táng bên dưới ngôi mộ của Ông Ích Khiêm trên đồi Phong Lệ Bắc, do ông mê câu nói nổi tiếng của danh tướng này: Trên chó, dưới cũng chó. Bọn bay chỉ chấu đầu ăn, chẳng lo chi việc nước” [66]. Nhà văn sống ngay thẳng, công tâm như vậy, nhưng thật ra trái tim của ông rất độ lượng, bao dung với người. “Trong con người nhà văn Nguyễn Văn Xuân dường như không bao giờ có sự tị hiềm hay giận dỗi. Ông bao giờ cũng tìm thấy ở người khác, ở con người nói chung – cái vẻ đẹp của tạo hóa, của nhân tính. Điều đó, ông không nói ra, nhưng hễ ai gần ông chắc chắn đều thấy mồn một! Từ đây trong văn giới xứ Quảng đã vắng mãi một tấm lòng, một tài năng, một phẩm giá không có gì thay thế được” [69]. Có thể lấy chính lời bộc bạch của Nguyễn Văn Xuân khi nói về một trong những tác phẩm của mình để thay lời tổng hợp các ý kiến đánh giá về sáng tác của ông: “Cuốn sách nhằm giúp củng cố thêm cho các bạn trẻ ở phía Nam hiểu được dĩ vãng đất đai của mình, củng cố niềm tin mà phát triển văn hóa văn nghệ. Người Quảng Nam vẫn đóng góp không ngừng vào sự đăng cao của văn học miền Nam”[68]. Nhìn chung, những tài liệu đã tiếp cận dù chưa phải là những công trình nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện về Nguyễn Văn Xuân và sáng tác của ông, nhưng ít ra cũng chạm đến những vấn đề mà luận văn đặt ra. Chúng tôi xin ghi nhận tất cả những ý kiến trên và xem đó là những gợi ý quý báu để đi sâu vào việc tìm hiểu vấn đề, từ đó rút ra những đặc điểm chủ yếu của tiểu thuyết và truyện ngắn Nguyễn Văn Xuân trong giai đoạn 1954 - 1975. 4. Những đóng góp của luận văn - Luận văn tập trung tìm hiểu tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân giai đoạn 1954 - 1975 để có một cái nhìn bao quát trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật. - Hy vọng góp thêm tiếng nói khẳng định giá trị ngòi bút Nguyễn Văn Xuân, sự đóng góp của ông đối với văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975, đối với nền văn học nước nhà , đặc biệt đối với văn hóa văn nghệ vùng đất Quảng Nam. 5. Phương pháp nghiên cứu 5.1. Luận văn lấy quan điểm lịch sử và phương pháp luận biện chứng làm nền tảng lý luận trong nhận thức và nghiên cứu. 5.2. Phối hợp giữa các phương pháp có tính công cụ, phát huy tối đa tác dụng của chúng trong quá trình nghiên cứu để làm nổi bật vấn đề, cụ thể là: 5.2.1 Phương pháp lịch sử: Sử dụng phương pháp này, người viết có dụng ý tìm hiểu những dấu ấn thời đại lưu lại trong tác phẩm, những yếu tố tạo nên nguồn cảm hứng sáng tác của nhà văn để làm căn cứ đánh giá vấn đề. 5.2.2 Phương pháp hệ thống: người viết khảo sát tiểu thuyết và truyện ngắn Nguyễn Văn Xuân trên tinh thần kết hợp các yếu tố tương đồng về nội dung, nghệ thuật xây dựng nhân vật, kết cấu , ngôn ngữ… để rút ra nhận định, đánh giá tác phẩm. 5.2.3 Phương pháp so sánh: Đặt nhà văn trong mối quan hệ đồng đại và lịch đại để vấn đề được đánh giá khách quan hơn. Kết hợp so sánh tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân với các tác giả khác để đưa ra nhận định chính xác về ông. Ngoài ra trong quá trình khảo sát chúng tôi còn sử dụng phương pháp phân tích - tổng hợp để làm sáng tỏ vấn đề. 6. Cấu trúc của luận văn. Luận văn gồm các phần sau đây: MỞ ĐẦU Chương 1: Nguyễn Văn Xuân với vùng đất và con người Quảng Nam, với văn học đô thị miền Nam 1954 – 1975 Chương 2: Những nguồn cảm hứng chính của Nguyễn Văn Xuân qua tiểu thuyết và truyện ngắn 1954 – 1975 Chương 3: Những đặc điểm về nghệ thuật KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC Chương 1: NGUYỄN VĂN XUÂN VỚI VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI QUẢNG NAM; VỚI VĂN HỌC ĐÔ THỊ MIỀN NAM 1954 - 1975 1.1. Vùng đất Quảng Nam và con người Quảng Nam 1.1.1. Vùng đất Quảng Nam 1.1.1.1. Về tự nhiên địa lý Đi dọc chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam, dù không cố tình ghi nhớ, nhưng trên dặm đường thiên lý ấy ta bất chợt nghe một lần câu ca dao: “Dậm chưn xuống đất kêu trời! Chồng tôi vô Quảng biết đời nào ra” Và câu ca dao ấy theo chúng ta như một ám ảnh khôn nguôi. Dãy đất miền Trung, trong đó có Quảng Nam, từng được nhiều người ví von “như chiếc đòn gánh gánh lấy hai miền đất nước” hay cụ thể và sát thực hơn có người gọi đó là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn muối”. Chỉ nghe những cách nói hình tượng, ẩn dụ ấy người nghe hình dung về Quảng Nam là một vùng, miền có điều kiện tự nhiên địa lý vô cùng đặc biệt. Theo giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, vùng đất Quảng Nam “Kéo dài từ núi Hải Vân đến núi Đá Bia gồm 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, có thể gọi Quảng Nam lớn theo nghĩa rộng. Còn Quảng Nam nhỏ, theo nghĩa hẹp, được Nguyễn Ánh lập từ năm 1801 trên cơ sở phủ Điện Bàn và phủ Thăng Hoa, bao gồm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam hiện nay” [16, tr.480]. Xét theo vị trí địa lý cả Quảng Nam theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp đều nằm khoảng giữa của “chiếc đòn gánh” Trung Bộ, một bên là núi non hiểm trở cao ngất, một bên là biển rộng mênh mông với bờ biển dài 150 km. Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng đã miêu tả địa hình của Quảng Nam như sau: Bờ biển chạy dài từ cực Bắc đến cực Nam. Sau lưng là dãy Trường Sơn sừng sững án ngự cả biên giới Việt Lào, núi non trùng điệp. Phía trước biển cả, một dải đất toàn là cát trắng mênh mông, bên trong là mấy mảnh đồng bằng bị thắt riết vào, bao nhiêu là rừng khô và thung lũng…Trước mặt biển Đông bao la, sóng biển dồn dập ngày đêm quanh Ngũ Hành Sơn, các cửa biển sâu thăm thẳm là nơi tàu bè có thể cập bến bất cứ lúc nào [50, tr.24]. Với điều kiện tự nhiên như vậy, Quảng Nam có một thiên nhiên phong phú, đa dạng. Đồng thời, nơi đây hội tụ nhiều thiên tai: bão lụt, hạn hán… Ở vùng đất này, những hiện tượng tự nhiên gần như được đẩy lên đến cực điểm “mùa hè đến, ruộng đồng, đất đai cũng nứt nẻ không kém phần ủ dột, tiêu điều” [50, tr.26]. Mặt khác, Quảng Nam vẫn có những đồng bằng tương đối phì nhiêu, những vùng khoáng sản phong phú. Theo Lê Quý Đôn: “các núi ở phủ Thăng Bình đều có sản xuất vàng….ở đảo Đại Chiêm có Yến, ở nguồn Thu Bồn có quế, huyện Diên Phước có được thạch khối đường băng hoa, đường đen, đường mật…. ở nguồn Ô Gia có sáp ong, tại nguồn Chiên Đàn có mật ong…. lại có danh mộc rất nhiều, hải sản cũng lắm, đất đai phì nhiêu, dân cư trù mật” [43, tr.79]. Tuy nhiên, đồng bằng được khai thác từ thời Chămpa với phương thức canh tác lạc hậu làm cho đất bạc màu. Riêng các mỏ vàng xưa kia đã được người Chiêm Thành khai thác, sau đó là người Việt, người Hoa, rồi người Pháp… chỉ trong bảy năm mà “chúa Nguyễn đã thu được 5768 lạng vàng” [27, tr.20]. Vì vậy, nhìn chung điều kiện tự nhiên địa lý ở vùng đất Quảng Nam xưa nay vẫn để lại trong lòng người một ấn tượng không lấy gì làm tốt đẹp của vùng “Ô châu ác địa”. Tên núi, tên sông ở Quảng Nam gợi nhiều khó khăn trắc trở: núi Chúa, núi Hiên, núi Giằng, đèo Le, đèo Giảm Thọ, rồi Tí, Sé, Kẽm, Râm, Ri, Liêu….Còn sông thì như bao chặt, luồn lách trên mảnh đất chật hẹp này: sông Thuỷ Tú, sông Cẩm Lệ, sông Yên, sông Vĩnh Điện, sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Bà Rén, sông Trường Giang, sông Ly Ly, sông Tam Kỳ, sông Vĩnh An, sông Cây Trâm, sông Bà Bầu, sông An Tân,.… Có thể nói không ngoa, Quảng Nam là vùng đất hội tụ của núi và sông. 1.1.1.2. Lịch sử hình thành xứ Quảng Nam Tên đất “Quảng Nam” chứa một ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quá trình phát triển lâu dài của dân tộc ta: “Quảng” có nghĩa là rộng rãi, mở rộng, “Nam” là phương Nam, đối diện phương Bắc. Vậy Quảng Nam nghĩa là mở rộng về phương Nam. Đó là “một sự lựa chọn có tính chiến lược, quyết định vận mệnh sống còn của quốc gia Đại Việt vốn có vị trí địa lý đặc trưng, một bên là núi non hiểm trở, cao ngất, một bên là biển rộng mênh mông, lại luôn chịu áp lực bành trướng mạnh mẽ của một bên là láng giềng khổng lồ từ phương Bắc” [27, tr.14]. Nói đến xứ Quảng người ta thường nghĩ đến Quảng Nam. Tuy trong khu vực này từng có “ngũ Quảng”: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Hoá (Thừa Thiên ), Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhưng công cuộc mở rộng bờ cõi về phương Nam thật sự bắt đầu từ Quảng Nam cho cả một hành trình dài đến tận Hà Tiên. Ngược dòng thời gian, khi nói đến lịch sử hình thành xứ Quảng Nam ta không thể không nhắc đến một vương quốc từng hiện hữu ở vùng này, có nền văn hoá phát triển khá rực rỡ ảnh hưởng không ít đến đời sống văn hoá Quảng Nam. Xưa kia, khoảng cuối thế kỷ II, người Chăm ở quận Tượng Lâm, lợi dụng lúc nhà Hậu Hán suy yếu (khoảng năm 192), đã nổi lên khởi nghĩa và giành thắng lợi, lập nên nhà nước “Lâm Ấp” (có nghĩa là “xứ Rừng”) với vị vua Chăm đầu tiên là Xơri Mara. Và quốc hiệu Chămpa đã xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ VI. Chămpa là tên của một loài hoa (hoa sứ), nếu nói rút gọn thì thành “Chăm” biến âm l._.à “Chàm”. Âm Hán Việt là “Chiêm Thành”, rút gọn là “Chiêm”…Giữa hai thời kỳ Lâm Ấp và Chămpa sử sách Trung Hoa còn ghi một tên nữa gọi là “Hoàn Vương”. Người Việt còn dùng một số tên khác như “Hời”, “Lồi” để gọi dân tộc này. Thời đó, vương quốc Chămpa được chia thành 4 châu (vốn xưa kia là những tiểu quốc khác nhau) đó là Amaravâti (tương ứng khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi mà Quảng Nam là trung tâm), Vijaya (tương ứng với khu vực Bình Định, Phú Yên), Kauthara (tương ứng với khu vực Khánh Hoà), Panduranga (tương ứng với khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận). Vương quốc Chămpa tồn tại cho đến thế kỷ XVII, trải qua nhiều triều đại, ban đầu đóng đô Sinhapura (Trà Kiệu, Quảng Nam), sau dời sang Indrapura (Đồng Dương,Quảng Nam), rồi vào Vijushia và Sudra (Đồ Bàn, An Nhơn, Bình Định). Theo sử sách đã ghi, từ năm 973, Lê Đại Hành đã mang quân đánh vào kinh đô Indrapura, nhưng cuộc tiến quân này chỉ là một cuộc “thăm dò” chưa rõ ý định mở mang bờ cõi. Sau khi tịch thu một số của cải, Lê Đại Hành đã rút quân. Đến năm 1004, do Chiêm Thành không ngừng quấy nhiễu đất nước ta nên Lý Thái Tông đã mang quân đánh Chiêm. Vua Lý tiến quân đến quốc đô Phật Thệ (nay thuộc huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên ) bắt được 5000 người rồi rút quân về. Công cuộc Nam tiến của người Việt chỉ thực sự diễn ra vào năm 1069, khi Lý Thánh Tông cử binh bắt sống vua Chiêm Thành là Chế Củ, buộc dâng ba châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (thuộc tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay) để “chuộc tội”. Như vậy, trong tầm nhìn chiến lược của các vị vua từ đời Lê đến đời Lý đã thấy sự tồn tại của Vương quốc Chămpa là một nguy cơ cho biên cương đất nước ở phía Nam, cũng như nhìn thấy tiền đồ của Đại Việt nếu có thể mở rộng về phía Nam.Thế nên, vào năm 1075, trước khi mang quân đánh Tống xâm lược, Lý Thường Kiệt đã đánh Chiêm để giữ vững biên cương phía Nam. Trong cuộc hành binh này, Lý Thường Kiệt đã vẽ được địa đồ ba châu mà Chế Củ đã dâng và ráo riết đưa người vào định cư ở ba châu này. Như vậy, từ khi Ngô Quyền thắng quân Nam Hán năm 938, trải qua các triều đại nhà Ngô (939 - 965), nhà Đinh (968 - 980), Tiền Lê (980 - 1009) và những thập niên đầu thời nhà Lý (1010 - 1225) lãnh thổ nước ta dừng lại ở Châu Ái và Châu Hoan (Thanh Hoá, Nghệ An - Hà Tĩnh hiện nay). Nhưng từ năm 1069 mà rõ hơn là năm 1075, cương vực nước ta ở phía Nam kéo dài đến tỉnh Quảng Trị. Hơn 200 năm sau, vào năm 1306, người Việt đã thực hiện tiếp một bước quan trọng trên con đường tràn xuống phía Nam bằng cuộc hôn nhân chính trị giữa Huyền Trân công chúa và chúa Chiêm Thành là Chế Mân. Cuộc vân du của thượng hoàng Trần Nhân Tông với lời hứa gả công chúa Huyền Trân đã giúp nhà Trần có thêm hai châu của vua Chiêm Thành làm sính lễ: Châu Ô và Châu Rí. Năm 1307, vua Trần Anh Tông đã nhận hai châu này và đổi thành Thuận Châu (Bắc Hải Vân quan) và Hoá Châu (Nam Hải Vân quan ). Như vậy, biên giới Đại Việt không dừng lại ở Quảng Trị mà kéo dài đến sông Thu Bồn. Nhà Trần còn cử tướng Lê Quí Li đem quân vào cửa Thị Nại, tiến đánh Đồ Bàn, kinh đô Chiêm Thành vào năm 1377 nhưng thất bại. Khi đó, Chế Bồng Nga đã đánh nước ta đến kinh thành Thăng Long. Nhưng sau khi Chế Bồng Nga chết năm 1390, đất nước Chiêm Thành rối ren. Nhân cơ hội này, nhà Hồ (1400 - 1407), trước đó đã chiếm ngôi nhà Trần, năm 1402, thương thảo với triều đình Chiêm Thành nhượng “Chiêm Động” (Bắc Quảng Nam), “Cổ Lũy Động” (Nam Quảng Nam) cho người Việt. Nhà Hồ đã chia Chiêm Động và Cổ Lũy Động thành bốn châu: Châu Thăng, Châu Hoa (Quảng Nam hiện nay), Châu Tư và Châu Nghĩa (Quảng Ngãi hiện nay). Nhà Hồ đã tổ chức ráo riết hơn trong việc đưa dân vào định cư ở vùng đất mới, đến mức bắt người dân đến ở đâu phải chạm tên vùng đất ấy vào cánh tay mình. Việc làm đó của triều nhà Hồ như một hoạt động cưỡng chế di dân quyết liệt. Nhưng mặt khác, ta cũng thấy được một ý chí trụ bám dữ dội, chắc chắn, thể hiện một nhu cầu khá bức bách về đất đai, về việc củng cố phía Nam của đất nước để đối phó với phương Bắc. Đến đây, lịch sử đất nước ta vẫn chưa có danh xưng Quảng Nam. Khi nhà Hồ bị bại dưới tay nhà Minh thì 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đã bị người Chiêm chiếm lại. Tháng 8 - 1470, vua Chiêm Thành là Bàn La Trà Toàn đem 10 vạn quân thủy bộ cùng voi và ngựa chiến đánh úp Hoá Châu (Châu Rí của Chiêm Thành ngày trước, Thừa Thiên - Huế ngày nay). Lúc này, ở nước ta là triều Lê Thánh Tông. Trước hành động xâm lấn của Chiêm Thành, tháng 10 năm 1470, vua Lê Thánh Tông chọn gần 26 vạn quân thủy bộ, truyền chiếu “bình Chiêm” nói rõ cho nhân dân cả nước lý do Nam chinh: “…Trẫm thể lòng thượng đế, nối chí vua cha. Giết kẻ thù chín đời theo nghĩa Xuân Thu, định mưu kế vạn toàn cho yên đất nước” [43, tr.66]. Và trong lời tấu cáo ở Thái Miếu vào ngày mồng 7 tháng 11 âm lịch, nhà vua cũng nói rõ: “Thần là kẻ ít tuổi bất tài, vào nối nghiệp lớn, chỉ mong yên dân giữ nước, đâu dám dùng nhảm việc binh” [43, tr.67]. Với mưu trí, sách lược và quyết tâm khôi phục lại vùng đất đã mất, vua Lê Thánh Tông đã đại thắng quân Chiêm, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn, nhiều văn quan võ tướng, phi tần và hơn ba vạn người. Không phải ngẫu nhiên nhà nghiên cứu Lê Duy Anh trong bài viết của mình đã đặt tiêu đề: Minh quân Lê Thánh Tông với sự khai sinh địa danh Quảng Nam, và hầu hết các bài viết về lịch sử Quảng Nam đều nhấn mạnh vai trò của vua Lê Thánh Tông với sự hình thành xứ Quảng. Với chiến thắng quân Chiêm, ngày mồng 1 tháng 6 âm lịch Tân Mão, niên hiệu Hồng Đức nhị niên (1471) vua xuống chiếu lấy dải đất từ Nam Hải Vân đến ngọn núi nằm chắn ngang từ đất liền chạy ra tới biển sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, lập thành “Thừa Tuyên Quảng Nam”. Địa danh Quảng Nam ra đời kể từ đấy, và trở thành đạo thứ 13 của nước ta thời bấy giờ (12 đạo kia là: Sơn Nam, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương, Yên Bang, Ninh Sóc, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Thanh Hoá, Nghệ An, Thuận Hoá). Để làm mốc giới giữa hai nước Chiêm - Việt, vua đã chọn tảng đá cao lớn đứng thẳng như một tấm bia khổng lồ, khắc công trạng quân ta vào đá và khắc rõ đây là mốc giới nước ta. Núi ấy có tên là Thạch Bi mà dân gian quen gọi là núi Đá Bia. Và nhân dân đã xây đền thờ vua nơi đó. Núi Đá Bia nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà ngày nay. Trong Quảng Nam đất nước và nhân vật, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng đã ghi: “Khu vực “Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam” vào thế kỷ XV bao gồm một vùng rộng lớn từ Nam Thuận Hoá vào sát núi Thạch Bi ở Phú Yên. Do đó, cả khu vực từ rừng núi xuống đồng bằng và các hải đảo dọc theo lãnh thổ trên đều thuộc đạo Thừa Tuyên Quảng Nam” [50, tr.34]. Như vậy, vua Lê Thánh Tông đã mở rộng bờ cõi về phía Nam không dừng lại ở sông Thu Bồn mà kéo dài đến Phú Yên. Thừa Tuyên Quảng Nam lúc mới thành lập có ba phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn. Phần đất phía Bắc phủ Thăng Hoa sát đến đỉnh đèo Hải Vân, vua Lê lập thành huyện Điện Bàn cho lệ thuộc vào dinh Quảng Nam. Năm 1609 và năm 1611, người Chiêm nổi loạn, chúa Nguyễn Hoàng cho tướng đánh dẹp và chia Hoài Nhơn làm 2 phủ: phần đất phía Bắc vẫn giữ nguyên địa danh Hoài Nhơn, phần đất phía Nam lập thành phủ Phú Yên. Như vậy, nói về chiều dài lịch sử thì Phú Yên thuộc phủ Hoài Nhơn của Thừa Tuyên Quảng Nam vào năm 1471. Nói về danh xưng phủ Phú Yên thì đã có vào năm 1611, rồi đến năm 1832 đổi thành tỉnh Phú Yên. Còn phủ Hoài Nhơn, năm 1604 đổi thành phủ Qui Nhơn vẫn thuộc dinh Quảng Nam. Đến năm 1799, Nguyễn Phúc Ánh đổi là Bình Định. Năm 1832 là tỉnh Bình Định. Như thế, Thừa Tuyên Quảng Nam là đất mẹ của bốn tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Dù đất Quảng Nam đã cải đổi từ Thừa Tuyên Quảng Nam đến xứ Quảng Nam, đến trấn Quảng Nam và dinh Quảng Nam thì vẫn luôn tồn tại địa danh Quảng Nam. Dù sau 1832, đất Quảng Nam chỉ còn ¼ của Thừa Tuyên Quảng Nam thuở khai sinh (1471), cũng vẫn là địa danh Quảng Nam. Xác định như vậy, đến năm 2008 này Quảng Nam tròn 538 tuổi. Tuy qua nhiều lần đổi tên và sau này (1996) tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc trung ương: tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, nhưng xét về mặt truyền thống, về con người thì công trình này vẫn xem xứ Quảng là một. Trong đó, Quảng Nam là bàn đạp để bắt đầu hành trình mở cõi tận Hà Tiên. Hành trình Nam tiến từ thời Lý Thánh Tông (1069) đến thời Nguyễn Hoàng (1600) vào trấn Thuận Hoá, rồi thời các chúa Nguyễn đã thâu tóm toàn bộ đất Chiêm Thành còn lại ở miền Trung (nước Chiêm mất hẳn 1697), và 6 tỉnh thuộc Chân Lạp cũ (từ giữa thế kỷ XVIII) trở thành lãnh thổ của chúa Nguyễn. Từ đó hình thành từ sông Gianh trở vào một quốc gia riêng gọi là Đàng Trong (khác Đàng ngoài thuộc vua Lê, chúa Trịnh). Trong hành trình Nam tiến để mở rộng bờ cõi, ta thấy có hai cuộc Nam tiến được xem là quyết định. Cuộc Nam tiến năm 1402, thời Hồ Quý Ly, tìm đất mới để sinh sống, tạo chiều sâu thích hợp cho thế trận quốc phòng. Và cuộc Nam tiến năm 1602 của Nguyễn Hoàng, thành lập dinh trấn Thanh Chiêm, hình thành xứ Đàng Trong. Như vậy, sự hình thành vùng đất Quảng Nam qua hai cuộc Nam tiến lớn đã cho thấy yêu cầu bức thiết về kinh tế cũng như lịch sử của quốc gia Đại Việt lúc bấy giờ. Chính vì yêu cầu bức thiết nên ý tưởng mở cõi được duy trì liên tục (từ giai đoạn thuộc Minh) qua các triều đại. Nói một cách khác, hình thành Quảng Nam gắn liền với sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Sau một thời gian ổn định, vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã đất đã chật, người lại đông “đi tìm những vùng đất mới để khai thác, làm ăn sinh sống, ngày càng trở thành yêu cầu khẩn thiết, không chỉ đối với người lãnh đạo đất nước mà cả đối với những người nông dân chân lấm tay bùn” [27, tr.62]. Hơn nữa, với tầm nhìn chiến lược của các vị vua ở một đất nước phải luôn đối phó với những cuộc xâm lược của Trung Quốc: Tống, Nguyên, Minh….thì việc tạo một hậu phương có chiều sâu ở phía Nam để bảo đảm vững chắc thắng lợi của những cuộc kháng chiến chống xâm lược phương Bắc là cần thiết. Điều đó, gần như trở thành một yêu cầu sống còn đối với Đại Việt. 1.1.2. Con người Quảng Nam 1.1.2.1. Thành phần cư dân Quảng Nam Qua lịch sử hình thành Quảng Nam đầy phức tạp và biến động thì có thể lấy cột mốc nào để xác định sự có mặt, định cư của dân Đại Việt trên vùng đất Quảng Nam? Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, một học giả uy tín đồng thời cũng là một người con của Quảng Nam đã khẳng định: “Danh xưng Quảng Nam xuất hiện trên bản đồ nước ta vào năm 1471, nhưng cư dân Đại Việt tức cư dân Quảng Nam sau này thì đã có mặt ở vùng đất này từ 1402, đến nay đã 600 năm” [16, tr.480]. Tiến sĩ Bùi Thị Tân, giảng dạy khoa lịch sử Đại học Sư phạm Huế cũng nêu: “Quảng Nam được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt đầu thế kỷ XV, năm 1402 dưới thời Hồ. Quá trình di dân Việt vào khai khẩn, dựng làng có tổ chức cũng bắt đầu từ đấy” [43, tr.108]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng, cũng nêu cái mốc để xác định sự có mặt của cư dân Đại Việt trên đất Quảng Nam: “Nhà Hồ hạ lệnh cho dân có của ở Nghệ An, Thuận Hoá đem vợ con vào khai khẩn, dân ấy phải khắc hai chữ tên châu mình trên cánh tay” [50, tr.30]. Như vậy, nói đến cư dân Quảng Nam là nói đến sự có mặt của người Việt sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất này kể từ năm 1402, đến nay đã là sáu thế kỷ. Trong sáu thế kỷ đầy biến động, thử thách dữ dội liên tục giữa những cuộc nội chiến và chiến tranh chống ngoại xâm, cư dân Quảng Nam làm cách nào để có thể vừa tồn tại vừa phát triển qua bao hưng vong của các triều đại? Họ là ai mà có bản lĩnh vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên ở vùng “Ô Châu ác địa” lại có thể đứng mũi chịu sào ở nơi được xem là “đất yết hầu của miền Thuận - Quảng”, vùng tương tranh giữa các thế lực phong kiến trước đây và sau này, nơi mở đầu cho những cuộc đụng đầu lịch sử của cả dân tộc với chủ nghĩa thực dân và đế quốc. Các nhà nghiên cứu về cư dân Quảng Nam đều cho rằng có những cuộc di dân từ nhiều vùng đất khác đến Quảng Nam diễn ra liên tục suốt mấy thế kỷ. Từ đó hình thành nên cộng đồng cư dân trên vùng đất này. Đại thể có những đợt di dân lớn: đợt di dân theo cuộc viễn chinh của vua Lê Thánh Tông, đợt di dân từ Bắc vào khi Nguyễn Hoàng trấn thủ xứ Thuận - Quảng, đợt di dân từ Quy Nhơn, từ miền Nam ra dưới thời Nguyễn Huệ và thời kỳ đầu vương triều Nguyễn. Trong đó quy mô nhất là cuộc di dân dưới triều nhà Lê, sau chiến thắng Trà Bàn mùa xuân 1471. Với chính sách khẩn hoang và tổ chức giúp đỡ vật chất ban đầu, nhiều làng xã ở Quảng Nam được hình thành vào thời gian này. Ta có thể hình dung bức tranh cư dân Quảng Nam như sau: có cư dân bị cưỡng chế di dân vào thời nhà Hồ, cư dân tình nguyện di dân thời Lê Thánh Tông, cư dân di dân đến Quảng Nam như là sự lựa chọn duy nhất sống còn thời Nguyễn Hoàng. Nếu căn cứ vào “lý do di dân” để xét thành phần cư dân của Quảng Nam thì có thể xếp họ vào sáu loại: những tướng lĩnh tiên phong đi chinh phục vùng đất mới để cai trị, khai phá; những tướng lĩnh không được triều đình yêu trọng, bị trù dập, được đưa đến trấn giữ biên ải hiểm nguy; binh lính trấn giữ biên cương mới đã đưa gia quyến sinh sống; nông dân nghèo thiếu ruộng, bị bần cùng hoá trong xã hội Bắc hà, tìm cơ hội sinh sống ở vùng đất mới; những kẻ sống ngoài vòng pháp luật chạy vào Nam tìm chỗ nương thân, làm lại cuộc đời. Ở thời chúa Nguyễn, có thêm tù binh bị bắt trong chiến tranh Trịnh Nguyễn và những nông dân xứ Nghệ bị bắt vào Nam trong lần quân Nguyễn vượt sông Gianh chiếm 7 huyện ở Nghệ An. Bên cạnh đó, khi chiến tranh phong kiến Việt - Chăm kết thúc, quốc gia Chiêm Thành mất nhưng người Chiêm vẫn còn. Và họ đã sống cộng cư với người Việt. Sự tồn tại của một số người Việt mang họ Trà, họ Chế, họ Ma, họ Ông (họ Chiêm Thành) là bằng chứng cụ thể về sự cộng cư ấy. Nhưng trên đây chưa phải là tất cả. Vào thời nhà Minh có sự di cư của người Trung Hoa đến Hội An và Tam Kỳ, hình thành những làng Minh Hương. Dưới thời Mạc Phủ Tokugwa, người Nhật đến buôn bán và định cư ở Hội An. Trên mảnh đất của phía Tây Quảng Nam lại có người Man là tổ tiên của những tộc ít người như Cơtu, Xơđăng, Gié, Triêng ở huyện Hiên, Phước Sơn, Trà My hiện nay… Như vậy, ngay từ khi mới thành lập, cư dân Quảng Nam là sự cộng cư trong suốt quá trình mở nước với thành phần rất phức tạp. Ở đây, có sự kế thừa, giao lưu tiếp nhận những di sản cộng đồng Chăm, sự tổng hợp của sắc thái các làng quê xứ Bắc, Bắc Trung Bộ tạo nên làng mạc xứ Quảng. Có thể nói: “Đất Quảng quả là nơi hội tụ, giao tiếp văn hoá Bắc – Nam” [43, tr.113]. 1.1.2.2. Tính cách con người Quảng Nam Tính cách con người là một trong các giá trị tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Vì vậy tính cách của con người là một yếu tố văn hoá dân tộc. Tính cách dân tộc là một cấu trúc tinh thần được định hình trong một quá trình lịch sử rất lâu dài hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, trên cơ sở những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hoá nhất định, thay đổi rất chậm chạp trong sự vận động và phát triển. “Tính cách là hệ thống những phẩm chất, đặc điểm tồn tại khách quan, tất yếu, tạo thành một “hằng số”, một nếp gấp, một “đường mòn”, một thiên hướng trong tư duy, trong cuộc sống, trong ứng xử, hoạt động của con người, mà ta có thể bắt gặp ở số đông thành viên hoặc ở những nhân vật kiệt xuất của dân tộc, trong cuộc sống hằng ngày cũng như qua những lựa chọn có tính chất lịch sử, có ý nghĩa bước ngoặt đối với vận mệnh của cả cộng đồng” [16, tr.591]. Nói đến tính cách là nói đến những đặc điểm tâm lý ổn định trong cách xử sự của con người, biểu hiện thái độ điển hình của con người đó trong những hoàn cảnh điển hình. Từ ý nghĩa ấy chúng ta có thể suy ra tính cách của cư dân một vùng đất là tổng thể những đặc điểm tâm lý mang tính bền vững trong cách cư xử của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, được biểu lộ thành những nét điển hình trong những hoàn cảnh điển hình. Tính cách của con người Quảng Nam vừa là sự kế thừa phát triển tính cách chung của cư dân Đại Việt vừa có những tính cách hình thành qua một quá trình sống, giao lưu tiếp biến trên vùng đất Quảng. Dựa trên hoàn cảnh sống, giao lưu văn hoá với các nước Đông Nam Á của người Việt, nhà nghiên cứu văn hóa Đào Duy Anh đã tổng kết năm nét tiêu biểu trong tính cách người Việt: yêu chuộng hòa bình, an cư lạc nghiệp; ăn ở để phúc đức cho con cháu về sau; lối sống trọng tình cảm; lấy gia tộc làm cơ sở, đạo hiếu là đạo đức hàng đầu; quá khứ và hiện tại cùng hiện hữu trong đời sống. Trong những đặc điểm chung của cư dân nông nghiệp thì tính cách người Việt - Quảng Nam có những nét tiêu biểu gì? Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với những nhận xét của các học giả có uy tín viết về tính cách con người Quảng Nam được tuyển đăng trong tập kỉ yếu: Văn hoá Quảng Nam - những giá trị đặc trưng. Chúng tôi xin trình bày rõ hơn những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành tính cách người xứ Quảng. Tìm hiểu tính cách của con người Quảng Nam ta phải dựa trên những ảnh hưởng của đặc điểm địa lý, lịch sử, môi trường tự nhiên, xã hội, truyền thống văn hoá của vùng đất ấy. Đồng thời, ta phải tìm hiểu những tính cách được hình thành trong quá trình rèn luyện của nhiều thế hệ tạo thành “khí chất” của con người. Trong nhiều bài nghiên cứu về khí chất con người Quảng Nam, các học giả thường dẫn lời của tác giả trong Đại Nam nhất thống chí: “Nam lực nông tang, nữ tu tàm chức, sơn kỳ thuỷ tú, cố nhơn đa dĩnh tuệ, dị học chi tư, sĩ hữu ngạnh, trực cảm ngôn chi khí nhiên thổ lực bạc nhi thủy thế cấp cố kỳ nhơn tuy trầm tịnh, thiếu nhi bình tảo… duy thâm ư học vấn giả phương bất vi phong khí sở hựu…vãng lai thổ đôn cổ nghị, đảo tạ xướng ca…thổ tích tục kiệm như chất diệc, địa khí chi sử nhiên”[50, tr.27]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng đã giải nghĩa: “Đàn ông thì lo việc cày ruộng, đàn bà chăm lo nuôi tằm dệt lụa. Núi sông hùng vĩ, nên con người tư chất thông minh, kẻ sĩ có lòng trung trực, lời nói ngang nhiên thẳng thắn. Tuy thế, đất thì rất xấu, sông nước thì chảy xiết, nên tính người hay nóng nảy, ít trầm tĩnh, chỉ có những người học vấn uyên thâm mới không bị phong khí ràng buộc…việc qua lại thường xuyên, tình giao kết như ngày xưa và đều đặn, liên lạc, cúng tế bằng xướng ca…, đất thì xấu, phong tục tiết kiệm, nhưng thật thà chất phác, phong thổ tất cả đều như thế” [50, tr.27]. Nói đến một xứ Quảng với thiên nhiên khắc nghiệt, nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc còn dẫn lời của linh mục Jean Claude Grillet từng sống ở đây vào đầu thế kỷ XIX, khi viết thư về gia đình đã kể: “…. hổ là thứ người ta sợ nhất trong các loài thú ở xứ này. Trong một quận ước rộng hai đến ba dặm, ở đây tôi có khoảng mười hai đến mười ba nghìn giáo dân, tôi đã chứng kiến hơn một trăm người bị hổ ăn thịt chỉ trong thời gian không đầy một năm rưỡi….” [27, tr.405]. Như vậy, ngay trong sử sách từ xưa, các học giả đã nhìn nhận vùng đất này là nơi hội tụ của sông núi với địa hình hiểm trở khiến cho cuộc sống con người gặp không ít khó khăn. Biển ở đây là nơi hội tụ bão tố dữ dằn nhất. Sông Thu Bồn - Vu Gia là sông lớn nhất miền Trung, sinh ra những cơn lũ có đỉnh lũ cao nhất ở nước ta. Một ít dải đồng bằng nhỏ, hẹp dường như chìm khuất trong những cánh rừng phủ kín, mênh mông, dày kịt và nhung nhúc hùm beo, rắn rít…Trong những điều kiện tự nhiên, địa lý như vậy con người muốn tồn tại phải gồng mình lên chịu đựng, phải cày xới cật lực những mảnh đất mà đá nhiều hơn đất để tìm lấy sự sinh tồn. Hơn nữa, phần lớn những cư dân di dân đến Quảng Nam họ không còn đường để lựa chọn, chỉ có một cách là bám trụ ở vùng đất khắc nghiệt này. Trước một thực tế như vậy, con người ở đây hoặc đổ sụp xuống hoặc đứng vững lên và vượt qua. Cuộc sống đối với họ là sự giành giật, chắt chiu từ thiên nhiên khắc nghiệt. Với họ, sống là không ngừng phấn đấu, ngừng nghỉ sẽ đồng nghĩa với diệt vong. Từ đó đã hình thành tính cách đáng quý của con người Quảng Nam: Cần cù lao động, ham học hỏi sáng tạo, cứng cỏi, ngang tàng, bộc trực thẳng thắn. Từ thời Quảng Nam mới thành lập đã được các chúa Nguyễn xem là “đất yết hầu của miền Thuận - Quảng”. Cách nhìn đó xác lập cho Quảng Nam một vị trí chiến lược đặc biệt. Từ tương tranh giữa các thế lực phong kiến đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lịch sử đã chọn Quảng Nam để thể hiện tinh thần dân tộc chống thù trong giặc ngoài. Con người Quảng Nam đã nhận vinh dự ấy và trưởng thành qua thử thách của lịch sử. Những anh hùng vô danh và hữu danh trong số thành phần cộng cư phức tạp đã tự lực cánh sinh, anh dũng chiến đấu. Một thực tế khắc nghiệt mà cũng đầy tự hào: “Trong suốt lịch sử của mình, từ khi thành lập trong thời trung đại, cho đến thời hiện đại, xứ Quảng chưa bao giờ là hậu phương. Trong tất cả các thời kỳ, đây luôn luôn là tiền tuyến, là nơi đối đầu trước tiên mới mọi kẻ thù xâm lược, và lúc nào cũng đứng đầu sóng ngọn gió” [27, tr.400]. Ra đi vì tìm đất để sinh tồn, nên hơn ai hết người Quảng Nam đã bám đất kiên cường. Trước trọng trách lịch sử đã giao, họ đã tỏ rõ là những người yêu nước nồng nàn ý thức trách nhiệm chính trị đối với Tổ quốc. Ý thức này mạnh mẽ, sâu bền trong mọi thành phần cư dân của Quảng Nam qua các thời kỳ lịch sử. Khi Nguyễn Trung Thành viết: “Không biết có nơi nào nữa trên trái đất, quyền làm người được bảo vệ bằng nhiều máu đến như vậy không?” Máu thắm đượm rãnh cày ta gieo hạt, máu thắm đượm mảnh sân con ta nô đùa ngày bé, máu thắm đượm những con đường nơi đó mẹ ta lau nước mắt ngày tiễn ta ra đi…” (Trích: “Đường chúng ta đi” - Nguyễn Trung Thành) cũng là lúc Quảng Nam đã ghi vào lịch sử tên biết bao người con Quảng Nam đã đổ máu cho quê hương, đất nước: Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Lê Tấn Toán, Trần Quý Cáp, Ông Ích Đường, Châu Thượng Văn, Đỗ Đăng Tuyển, Phan Châu Trinh, Phan Thanh, Nguyễn Văn Trỗi, .…Và biết bao những anh hùng vô danh của đất Quảng đã chiến đấu hy sinh không chỉ vì đất Quảng. Ngoài ra, với vị trí địa lý chiến lược nằm trên trục đường giao thông Bắc- Nam và dựa vào dãy Trường Sơn hướng ra mặt biển Đông, có hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia… thông ra biển qua cửa Đại, Cửa Hàn…. nên ở Quảng Nam đã hình thành con đường chuyển tải, giao tiếp văn hoá Bắc - Nam, Tây - Đông; nối liền văn hoá núi với văn hoá đồng bằng, biển; tạo thành nơi hội tụ, tiếp biến văn hoá trên nền tảng của văn hoá bản địa… Từ đó, người Quảng Nam vừa có tính bảo thủ, cố chấp, ghì giữ lại vừa cởi mở, nhạy bén cái mới. Ra đi từ xã hội Bắc hà thuần nông nghiệp, nhưng người Quảng Nam đã thay đổi tư duy thuần nông cho phù hợp với điều kiện sống mới. Quảng Nam xưa kia vốn là đất của vương quốc Chăm pa có một nền văn hoá từng phát triển rực rỡ mà chứng tích của nó là khu tháp Chăm - Mỹ Sơn, Đồng Dương, kinh đô Trà Kiệu…. Một cách nhanh chóng người Việt chẳng những cộng cư mà còn học tập nền văn hoá rực rỡ của Chămpa để làm giàu cho văn hoá của mình. Tất nhiên, có những “xung đột tất yếu” với cư dân Chămpa nhưng vượt lên tất cả, người dân Đại Việt với tư tưởng khoan dung, nhân hòa, kế thừa văn hoá Đại Việt, tiếp thu văn hoá Chămpa khai thác mọi tiềm năng của vùng đất mới, tạo dựng một nền kinh tế nội sinh đầy sức sống cả về văn hoá và xã hội. 1.2. Nhà văn xứ Quảng Nguyễn Văn Xuân với văn học đô thị miền Nam 1954 - 1975 1.2.1. Hoàn cảnh lịch sử - xã hội ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 Trong luận văn này, chúng tôi không có tham vọng trình bày tình hình lịch sử xã hội miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Trên cơ sở thống nhất các ý kiến của các tác giả trong những tài liệu đã tiếp cận, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một số điểm có tính chất cơ bản, tác động đến tình hình văn hoá văn nghệ nói chung và văn học nói riêng, làm cơ sở cho việc giải quyết vấn đề ở các chương sau. 1.2.1.1 Về chính trị Sau hiệp định Giơnevơ 1954, Mỹ đã chính thức hất cẳng Pháp, độc chiếm miền Nam Việt Nam, thực hành chính sách thống trị của chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Mỹ đã dùng Ngô Đình Diệm làm con át chủ bài đàn áp nhân dân, chống phá cách mạng. Sau 1954, đặc biệt năm 1959 nhân dân cả miền Nam như sống trong địa ngục trần gian bởi những sắc lệnh đẫm máu của Ngô Đình Diệm: sắc lệnh số 6, số 13, số 49,.…Với đạo luật 10/59, máy chém được lê khắp miền Nam. Bên cạnh lực lượng tay sai bản xứ, Mỹ đã tung vào miền Nam một hệ thống điệp viên, tình báo khắp mọi nơi. Mỹ phải tốn nhiều công sức, tiền của cho chiến trường miền Nam vì mục tiêu của chúng không chỉ là độc chiếm miền Nam. Vòi bạch tuộc của bọn chúng còn muốn vươn xa hơn: tiêu diệt chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, dùng Việt Nam làm bàn đạp xâm lấn khu vực Đông Nam Á. Muốn vậy, trước hết phải diệt cộng. Tất cả những ai có tham gia kháng chiến trước 1954 đều bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn truy nã gắt gao. Tàn ác hơn, bọn chúng muốn nhổ tận gốc rễ những người hoạt động cách mạng bằng cách bức hại gia đình họ, bắt vợ con họ phải vào “tố cộng”. Chúng còn cướp ruộng đất của nông dân, đẩy họ gia nhập vào đội quân làm thuê làm mướn nơi đầu đường, góc phố. Bằng cách đó, Mỹ và chính quyền Sài Gòn cắt đứt nguồn tiếp tế cho Cộng sản. Những ai có tư tưởng dân chủ, dân sinh, dân tộc; lên tiếng đòi hiệp thương thống nhất đất nước đều trở thành phe phái của Cộng sản, đều bị bắn giết tù đày không thương tiếc. Bên cạnh quốc sách chống cộng, chính quyền Sài Gòn còn ra tay đàn áp các đảng phái đối lập: Bình Xuyên, Cao Đài - Hoà Hảo, nhóm Đại Việt….Nói chung, ai chống đối Mỹ và chính quyền Sài Gòn thì không thể tồn tại. Để đáp ứng cuộc chiến tranh khốc liệt diễn ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam, Mỹ đã biến thành thị miền Nam thành một trại lính khổng lồ: từ 16 ngàn quân Mỹ những năm 1964 - 1965, đến đầu những năm 1970 lên đến 543 ngàn. Tuy nhiên, những biện pháp sắt máu để xóa bỏ hiệp định Giơnevơ, chia cắt đất nước của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã vấp phải sức phản ứng ngày càng dữ dội của nhân dân miền Nam. Trong những ngày tháng đầu của tình trạng Bắc Nam chia cắt, các địa phương Miền Nam dấy lên phong trào đấu tranh đòi thi hành hiệp định Giơnevơ, đòi dân sinh dân chủ, đòi bảo vệ sinh mạng tài sản của nhân dân. Đỉnh điểm là phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre năm 1959, đã đốt cháy rụi “quốc sách ấp chiến lược” của Mỹ. Trong vùng đô thị, tình thế đấu tranh không kém phần hào hùng nhưng vô cùng gian khổ. Những cuộc bãi công của công nhân, bãi thị của bà con tiểu thương, những dịp xuống đường của đồng bào Phật tử, những cuộc tự thiêu của hoà thượng, tu sĩ, sinh viên học sinh Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Nha Trang….Tình thế đấu tranh sôi nổi ấy đã lay động và thức tỉnh đông đảo nhân dân thành thị miền Nam, trí thức, đặc biệt là lớp trẻ. Sự xuất hiện của các tổ chức, phong trào tiến bộ: Ủy ban vận động cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam, Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động…. chứng tỏ sự hưởng ứng đấu tranh chống Mỹ của những trí thức văn nghệ sĩ. Bằng sự góp mặt trong những bản tin, tuần san, tạp chí, cơ quan ngôn luận của những tổ chức trên, những người cầm bút đã trực tiếp tố cáo tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, động viên tinh thần yêu nước, sẵn sàng đấu tranh của nhân dân. Chính sự góp mặt của lực lượng văn nghệ sĩ trong cuộc đấu tranh khốc liệt với đế quốc Mỹ đã tạo nên một phần quan trọng của diện mạo văn học đô thị Miền Nam 1954 - 1975. 1.2.1.2. Về kinh tế Chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ đã dùng sức mạnh to lớn về kinh tế để hòng đánh nhanh thắng nhanh trong cuộc viễn chinh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Mục đích chúng lũng đoạn kinh tế là để xâm lăng chính trị. Thế nên chính sách kinh tế của Mỹ - chủ nghĩa thực dân mới - không tận dụng khai thác thuộc địa mà tăng cường viện trợ hàng hoá. Mặt khác, chúng dùng sức mạnh của đồng đô la để phân hoá các tầng lớp nhân dân, dùng miếng mồi vật chất mua chuộc, lôi kéo trí thức văn nghệ sĩ. Tất cả sức mạnh kinh tế Mỹ đổ vào miền Nam Việt Nam là hòng nhào nặn một xã hội thành thị miền Nam như chúng đã ảo tưởng vẽ ra. Trong xã hội ấy, bao bọn ăn chơi phè phỡn, bám gót thực dân xâm lược trở thành triệu phú, tỉ phú. Những kẻ khoác áo lính cộng hoà, sĩ quan biệt động sống cuộc đời vàng son, vương giả. Tất nhiên, họ không hề hối hận khi quay mũi súng chĩa vào đồng bào ruột thịt của mình. Bên cạnh đó, đường phố Sài Gòn ngày càng đông đảo những người thường xuyên bán máu, bán thân xác, sống đói khát, chui rúc trong những khu nhà ổ chuột….Đội quân trẻ em đường phố bán báo, đánh giày tưởng như kéo dài vô tận. Một Sài Gòn của xa hoa tráng lệ “hòn ngọc Viễn Đông” do tiền của bọn Mỹ sơn phết, vẽ vời. Một Sài Gòn xao xác tiếng rao đêm, tối tăm khàn hơi trong tiếng ăn xin của bao hành khất….Chưa hết, đồng đô la của Mỹ còn tác động đến những người cầm bút - một bộ phận đông đảo tạo nên diện mạo tinh thần của xã hội. Một số khá đông những người cầm bút không tự kiềm chế nổi, đã hoang mang chao đảo. Có những kẻ đã góp phần đầu độc tinh thần nhân dân bằng những tác phẩm thấp hèn độc hại. Ngược lại, không ít người có ý thức về lương tri, nhân phẩm, tinh thần dân tộc đã trăn trở nhiều trước hiện thực phức tạp, bi tráng. Với ý thức, trách nhiệm của một công dân, bằng cách này hay cách khác, sớm hay muộn, thận trọng hay quyết liệt, họ lần lượt nhập cuộc, góp tiếng nói của mình để tạo nên tiếng nói đấu tranh cho độc lập dân tộc, làm nên bộ mặt tinh thần của văn học đô thị miền Nam 1954 - 1975. 1.2.1.3. Về văn hoá Không chỉ thống trị miền Nam bằng bạo lực quân sự, bằng viện trợ kinh tế, đế quốc Mỹ rất có ý thức trong việc nô dịch nhân dân bằng con đường văn hoá văn nghệ. Chính sách xâm lăng văn hoá của chúng được tiến hành có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ đông đảo, có phương thức truyền bá hiện đại, phương tiện truyền bá sâu rộng…nhằm mục đích biến “nhân dân vùng tạm chiếm ở miền Nam bị phản động ._.ị vú vào một góc rồi huynh hoang như kẻ thắng trận, nâng cao cái thân thể mỏng teo của chị lên mà quay luôn một vòng; miệng chị vú cũng phát ra đúng một vòng tiếng kêu chí chóe. Chúng tôi mở rộng cánh cửa bước vào. Lão nhìn chúng tôi chòng chọc như thách đố. Anh bồi nói: - Ma đầm ! - Pác - tia. Lão có vẻ khoái chí, cóc cần. Anh bồi nhấn mạnh: - Ma đầm rơ tua, mỏa pac lê Lão ném chị vú, buông thỏng: - Măng phú! Lão “măng phú” cho đỡ bẽ mặt. Rồi lạnh lùng đi vào phòng ngủ. Tất cả chúng tôi có mặt quả thật đối với lão chủ là con số không. Mà chính cái bóng vang của mụ chủ đã làm lão bỏ chạy [63, tr.154-155]. Hay đoạn văn tả cảnh chạy đua với tử thần: Cánh tay với bàn tay to lớn, đỏ kè của lão quản đã hai lần giơ cao rồi hạ xuống đất khoan thai nổi bật trên nền trời xanh theo giọng hô dõng dạc: - A vos marques - Prêt Rồi cánh tay lại giơ lên: Lần này nó không hạ thẳng xuống mà chém mạnh vẹt về phía trước như cốt để ai cũng có thể hiểu là lệnh chạy: - Partez! ….Hình như hắn không cần biết ai bị hắn bắn mà chỉ chú ý người không bị bắn, khi chạy qua mặt hắn, Liễn đột nhiên nảy ra cái ý thốt lên thật lớn “Vive la France” nhưng anh kịp giữ miệng. Thà chết chứ không làm thế” [63, tr.529]. Trong cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Pháp của Nguyễn Văn Xuân ta thấy có sự linh động, uyển chuyển của một ngòi bút có sự hiểu biết tường tận mà không khoe khoang. Đoạn văn trong Bão rừng nói về lão Mẹc giở trò đồi bại với chị vú thì nhà văn đã dùng tiếng Pháp ở dạng “bồi” của những người Việt học nói tiếng Pháp theo cách nghe lõm và nhạy lại: ma đàm rơ tua (bà về), Ma đầm (bà), mỏa pạc lê (tôi sẽ mách lại) Cách sử dụng này làm tăng thêm tính hài hước của câu chuyện về lão chủ người Pháp dê xồm. Còn trong đoạn văn miêu tả cuộc Chạy đua với tử thần thì nhà văn tả những hành động và lời nói của tên quản Tây nên không cần pha tiếng bồi mà là tiếng Pháp chính gốc: A vos marques, Prêt!, Partez….Và nhà văn không hề chú giải về nghĩa của những từ ngữ này. Có thể vì tính thông dụng của từ ngữ, vì tôn trọng sự hiểu biết của người đọc…và vì tác giả đã đặt những từ ngữ ấy vào một ngữ cảnh nhất định mà chắc rằng người đọc sẽ hiểu. Khi viết những truyện ngắn liên quan đến lịch sử của thời “Cần Vương”, nhà văn đã dùng một số lượng lớn những từ Hán Việt trong lời kể, lời thoại của các nhân vật. Nhờ vậy không khí của thời kỳ lịch sử đã qua, lời ăn tiếng nói của những nhân vật xuất thân “cửa Khổng sân Trình” được tái hiện một cách sinh động. Đây là đoạn văn kể về lời “hiểu dụ” quân sĩ của phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, người lãnh đạo Nghĩa Hội: Vì càng kéo dài thì càng hao người tốn của, không còn lối thoát nào ngoài sự tiêu diệt con người đến cuối cùng. Vậy cần bảo toàn sinh lực, ý chí của Hội để chờ thời cơ thuận lợi sẽ hoạt động trở lại. Cuộc đấu tranh trường kỳ để thâu hồi độc lập không cốt ở một đôi nơi, một đôi lúc mà cốt ở bất kỳ nơi nào, lúc nào “trong vĩnh cữu, bằng vĩnh kiếp thực hiện theo một vĩnh đồ”. Vậy mỗi hội viên, quan lại, mỗi viên chức, quân binh phải tự nhiệm cái trách vụ đi tìm những người đồng tư tưởng, đồng chí khí kết giao với họ để hưng lại cái sự nghiệp cứu quốc gia đã bị dở lỡ, học thêm cái phương pháp mới, rèn luyện khí cụ mới để công cuộc chiến đấu có hiệu quả chắc chắn hơn trong thời buổi khoa học mới mẻ này [63, tr.261]. Như vậy, việc đa dạng hóa cách sử dụng từ ngữ trong sáng tác của Nguyễn Văn Xuân là điều mà tất cả chúng ta đều dễ dàng nhận thấy khi tiếp cận với tác phẩm của ông. Vấn đề là khi nào sử dụng từ ngữ địa phương, văn cảnh nào sử dụng từ ngữ người Đê, ngữ cảnh nào dùng tiếng Pháp, từ Hán Việt…dường như đã có sự cân nhắc kỹ càng, không tùy tiện. Cái tài của nhà văn là tuy đã có sự tính toán cân nhắc nhưng mọi sự lại diễn ra hết sức tự nhiên như cuộc sống vốn như vậy. Nếu ngôn ngữ là biểu hiện của văn hóa thì nhà văn không chỉ hiểu văn hóa mà còn hiểu bề dày, chiều sâu của văn hóa. Và tự do bao giờ cũng thuộc về những người hiểu biết. 3.4.3. Vận dụng thành ngữ Thành ngữ, tục ngữ vốn là những đơn vị ngôn ngữ tồn tại trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Những sáng tác của Nguyễn Văn Xuân viết về cuộc sống thực của người dân Quảng Nam nên khi tìm hiểu về sáng tác của nhà văn chúng tôi không thể không nói đến một lượng thành ngữ tương đối lớn trong một số tác phẩm của ông. Một số nhà nghiên cứu về văn học đô thị miền Nam thường đề cập đến tài năng sử dụng thành ngữ trong sáng tác của Sơn Nam, nhà văn cùng thời với Nguyễn Văn Xuân. Nếu làm một so sánh nhỏ giữa hai tác phẩm của hai nhà văn, ta thấy: Tác giả Tên sách Số trang Số thành ngữ Sơn Nam Nguyễn Văn Xuân Hương rừng Cà Mau 1 Bão rừng 263 233 32 30 (Bảng thống kê chi tiết xin đính kèm ở phần phụ lục) Còn trong thế đối sánh với những sáng tác của chính Nguyễn Văn Xuân thì có sự chênh lệch trong việc vận dụng những thành ngữ giữa tiểu thuyết và các truyện ngắn. Số lượng thành ngữ được nhà văn sử dụng nhiều nhất trong tiểu thuyết Bão rừng, còn lại các truyện ngắn chỉ sử dụng số lượng ít. Một phần có thể do số trang của quyển tiểu thuyết này dày dặn hơn so với số trang của tất cả các truyện ngắn còn lại. Nhưng điều quan trọng là ở Bão rừng tác giả tập trung viết về đời sống dân phu ở một đồn điền cà phê. Ngôn ngữ trong tác phẩm là ngôn ngữ đời thường, tiết tấu chậm, đều đặn như nhịp sống. Thế nên, khi đối thoại, các nhân vật trong Bão rừng đã vận dụng những thành ngữ, những cách so sánh quen thuộc trong dân gian. Nhờ vậy, câu chuyện trở nên sinh động, dễ hiểu. Còn các truyện ngắn trong hai tập Hương máu và Dịch cát đều có tiết tấu nhanh, giàu kịch tính, lời trần thuật của tác phẩm chiếm một số lượng nhiều hơn lời thoại của nhân vật. Với vai trò người kể chuyện ở ngôi thứ ba, tác giả miêu tả, kể những điều mắt thấy tai nghe hoặc giả tương tự như vậy. Trong quá trình vận dụng thành ngữ, có khi Nguyễn Văn Xuân giữ nguyên mẫu thành ngữ những cũng có khi ông sử dụng theo cách riêng. Những thành ngữ được sử dụng nguyên mẫu như:“mèo đàng chó điếm”, “tích thiểu thành đa”, “ăn chưa no, lo chưa tới”, “còn nước còn tát”. Còn các thành ngữ được sử dụng theo cách riêng của nhà văn thì phần lớn là thêm vào các quan hệ từ cho rõ nghĩa hơn: Chờ thì được, ước thì thấy (chờ được, ước thấy); Tốt mã nhưng rã đám ( tốt mã rã đám); Phép vua còn thua lệ làng (Phép vua thua lệ làng ); Ở hiền thì gặp lành (Ở hiền gặp lành ). Việc thêm các quan hệ từ vào trong thành ngữ là thói quen khi nói chuyện của người dân Quảng Nam (theo lối tách và ghép từ). Họ thường nhấn mạnh vào điều mình đề cập để tác động trực tiếp đến người nghe. Những thành ngữ, tục ngữ, kết hợp với lối nói ví von so sánh làm cho văn phong của Nguyễn Văn Xuân giàu tính hình tượng, mang tính khái quát khá cao. Khi tả về tiếng kêu kinh hoàng, sợ hãi của mụ La vì con voi điên, tác giả viết: “mụ kêu e é như chính con voi đang hò hét” [63, tr.170]. Khi nói về bản chất gian ngoa, hiểm độc, tham lam của mụ La tác giả viết: “thối tha hơn phân chó”[63, tr.42]. Khi nhân vật chị Sáu bị cơn sốt rét rừng, run cả giường chiếu thì nhà văn so sánh: “Chiếc khăn giăng trên đó cứ như bị động kinh” [63, tr.187]. Để nói về việc đánh bạc của công nhân đồn điền như một việc tất nhiên, tác giả viết: “ở đồn điền không đánh bạc giống như ở cửa quan không ăn hối lộ” [63, tr.178]. Những thành ngữ, tục ngữ, lối nói ví von so sánh được Nguyễn Văn Xuân sử dụng có mức độ, có chủ đích trong một số sáng tác cụ thể. Nhờ vậy nhà văn phát huy được mặt tích cực của ngôn ngữ sinh hoạt đời thường trong tác phẩm của mình. Điều đó làm cho tác phẩm của ông gần gũi, dễ hiểu đối với người đọc. Đọc sáng tác của Nguyễn Văn Xuân ta thấy tuy dung lượng của mỗi truyện rất ngắn nhưng không vì thế mà ý nghĩa của nó kém phần sâu sắc. Có được như vậy một phần là do những đoạn văn trữ tình và những đoạn văn đầy tính triết lý tạo nên. Đây là một đoạn tiêu biểu: …Buổi sáng, tôi dậy sớm. Tôi lấy chiếc ghế nhỏ ra ngồi dưới gốc cây xơ ri. Mặt trời chưa lên. Ánh sáng đầu tiên bôi một lớp hồng nhạt lấp lánh phía sau các khu rừng. Chim chóc ríu ra ríu rít đủ thứ giọng. Trên những cây cổ thụ cao vút như muốn vói trời, vài con chim đen, rất bé, từ ngọn sà xuống và thốt nhiên trở nên to lớn lạ thường, đập cánh sàn sạt bay qua không gian. Bỗng một tiếng mưa rào phát ra từ những đám mây xanh ngắt tiến nhanh như vũ bão che khuất mặt trời mới lên. Đó là muôn vạn con chim xanh mỏ đỏ, thi nhau bay biễu diễn với ánh sáng đầu tiên. Những tiếng kêu bí mật ban đêm tan biến. Bóng tối trong lá cây rậm không còn tỏa ra màu đen ảm đạm, và lại biến thành những nét chấm phá linh động: bóng râm thu ngắn và đậm nét tiếng chim ca [63, tr.60]. Và đây là một đoạn tả trăng trong Dịch cát : … Nhưng chị chưa phải là hoàn toàn tuyệt vọng. Vì trăng đã lên. Ở chân trời trăng vùn vụt như một khối lửa lạnh lẽo, không có ánh sáng, phi nhanh vào không gian. Khi nó dừng lại dưới một hình thù bé nhỏ hơn thì ánh sáng rực rỡ, tỏa ra làm lung linh những ngọn sóng bạc đầu. Trăng chiếu qua những mảnh rách trên cửa, trên phên, làm sáng cả gian nhà bé nhỏ của chị Sinh. Ánh sáng êm đềm kia còn đủ sức gây một niềm nghị lực tiềm tàng nơi chị [63, tr.408]. Những đoạn văn tả cảnh trên là những đoạn thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ của nhà văn với một tâm hồn nhạy bén, tinh tế trước những thay đổi của cuộc sống chung quanh. Và trên hết là một tình yêu mãnh liệt đối với con người, đối với cuộc đời. Nhiều đoạn văn còn mang tính triết lý khá sâu sắc. Chẳng hạn đoạn văn nói về những suy nghĩ của nhân vật Liễn trong đêm trước khi buộc phải Chạy đua với tử thần: …. Liễn nhìn ra bên ngoài, vẫn ánh sáng chập chờn lạnh ngắt của chiếc đèn bão và tiếng guốc lạch cạch rời rạc của người lính. Tiếng guốc của người còn sống! Tiếng guốc đó có những gì khác hẳn với những tiếng động trong cái phòng đầy nghẹt những người sắp chết này? Không biết bây giờ là mấy giờ rồi? Liễn cố đứng lên cho đỡ mỏi. Biết được mấy giờ là biết được bao nhiêu người còn sống? Mình sống? Thì có gì là lạ. Cũng như bây giờ mình đang sống đây. Nào có gì là quí giá? Hay có lẽ sự sống ở ngoài kia, ở trong ánh sáng, trong tiếng chim ca, trong tự do? Tất cả những cái đó mình biết quá rồi. Có một lần Liễn ngồi trên thảm cỏ đẹp giữa buổi chiều êm ái, với tiếng sáo diều và tiếng chuông chùa, nghĩa là tất cả những vẻ đẹp, nên thơ như trong sách tả. Liễn nói thật to “mình là người sung sướng” rồi lắng nghe sự sung sướng đi vào tâm hồn” [63, tr.517]. Có những đoạn văn được tác giả lý giải rất dài nhưng người đọc không thấy nhàm chán vì nó có ý vị sâu xa, kiến giải độc đáo, tầm triết lý bao quát. Chẳng hạn đoạn văn luận về sự khác nhau của dòng âm nhạc thính phòng với những nghệ sĩ được đào tạo trường lớp cùng những nhạc cụ hoàn hảo so với dòng âm nhạc dân gian với những người biểu diễn dân dã, dụng cụ đơn sơ: …Anh Qúi cầm cái dùi thật lớn ban đầu dập vào cái nướm của chiêng. Âm thanh dội lên, ngân vang… rồi cứ như thế. Quí đập lần lần xuống cả mặt chiêng. Trong khi đó, anh Cảo đứng xoạc chân, lùi dần, tay thọc choãi vào trong hai cái túi áo, lắng nghe như một nhà chân tu lắng nghe tiếng chuông chùa, như một tội nhân lắng nghe tiếng sinh hoạt bên ngoài lao xá, như một kẻ đói lắng nghe tiếng rao hàng. Hình như anh không chỉ nghe tiếng chiêng bên ngoài mà còn nghe vọng tiếng chiêng trong tâm hồn anh. Đôi mắt của anh mang nặng một sắc màu rừng rú rất khó tả mà đôi môi thì rung rung như đang muốn phát ra những âm thanh nào tương ứng. Tự nhiên tôi muốn so sánh anh với một số nhạc sĩ mà tôi đã đọc tiểu sử của họ. Tôi không hiểu tại sao có sự so sánh đó vì giữa hai nghề, tôi không nghĩ là đáng được so sánh: một bên là nghệ thụât cao siêu của những nghệ sĩ tài hoa, xuất thân ở các viện âm nhạc, gần như bay chập chờn trên những kinh đô ánh sáng; một bên chỉ là anh thợ làm nhạc cụ bằng đồ đồng, phần lớn cho loại khách chưa có chút kiến thức nào về nghệ thuật. Một loại thợ mà ngay dân ở sát làng tôi cũng chẳng ai chú ý bao giờ! Trước mắt tôi bày ra cái cảnh huy hoàng của những khán giả tri thức chen nhau đến các hí viện im lặng với vẻ sùng kính tôn giáo khi nghe một bản nhạc cổ điển để thấy nổi bật lên cảnh những lái buôn nghèo khổ, băng núi băng ngàn đi bán mấy nhạc cụ bằng đồng có khi không lấy được tiền mà phải đổi chác một con trâu cổ, một mớ lâm sản, một bộ da cọp, sừng nai; rồi những người Thượng đem vào một góc núi mịt mờ mà nhảy múa hò hét như điên cuồng! [63, tr.476-477]. Tóm lại, chất hiện thực trong tiểu thuyết, chất ký trong truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân được tô đậm nhờ kết cấu độc đáo, cách thức xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày đậm chất khẩu ngữ, thành ngữ, phương ngôn… đã làm nên phong cách sáng tác của Nguyễn Văn Xuân. Cách kể và dẫn dắt truyện sinh động, ngôi kể linh hoạt…Tất cả những yếu tố nghệ thuật trên trở thành phương tiện để nhà văn bộc lộ trực tiếp cái nhìn của mình đối với cuộc sống, thể hiện những tâm tư tình cảm của mình đối với những con người rất đỗi gần gũi thân thương ở vùng đất “đầu sóng ngọn gió”, những người bình thường mà rất đổi phi thường qua những trang văn của Nguyễn Văn Xuân. KẾT LUẬN 1. Nguyễn Văn Xuân là một trong những nhà văn sáng tác không nhiều nhưng mỗi trang viết của ông đều để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc về vùng đất và con người xứ Quảng. Tuy số lượng tác phẩm có hạn nhưng giai đoạn văn học nào cũng có sự góp mặt của ngòi bút Nguyễn Văn Xuân. Trước 1954, Nguyễn Văn Xuân đã được biết đến với tác phẩm đầu tay Ánh sáng và bóng tối (đạt giải thưởng); hai truyện ngắn Ngày giỗ cha và Ngày cuối năm trên đảo được tuyển đăng trong Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 33. Tiểu thuyết và truyện ngắn giai đoạn 1954 - 1975: Bão rừng; Hương máu; Dịch cát…. một lần nữa khẳng định sự thành công của ông trong lĩnh vực sáng tác văn học. Cuộc sống và con người đất Quảng qua diễn trình lịch sử của dân tộc chính là nguồn cảm hứng dồi dào và mãnh liệt trong cuộc đời sáng tác của Nguyễn Văn Xuân. Tuy ông ít vượt khỏi biên giới “Quảng Nam quốc”, cũng không có sự đột phá về đề tài sáng tác, nhưng những sáng tác văn học của ông có cái duyên ngầm của người biết khai phá “cày xới” trên vùng đất có người canh tác. Hai đề tài bao trùm toàn bộ sáng tác của Nguyễn Văn Xuân là cuộc sống chiến đấu bảo vệ đất nước và lao động sinh tồn của con người xứ Quảng. Cái tài của các nhà văn là đưa người đọc đi qua một tiểu thuyết và gần 20 truyện ngắn thuộc hai đề tài trên nhưng người đọc không gặp sự nhàm chán, đơn điệu….Chính điều đó giúp người đọc nhận ra tài năng và tấm lòng yêu quê hương đất nước của một nhà văn xứ Quảng. Nguyễn Văn Xuân sống và viết trong những ngày miền Nam sống dưới gót giày xâm lược của Mỹ Diệm và ngay trên vùng đất “đầu sóng ngọn gió” của Tổ quốc trong những trận đối đầu lịch sử. Thế nên, thông qua những sáng tác văn học của mình, nhà văn đã truyền đến bạn đọc đương thời, các thế hệ mai sau tình cảm thiêng liêng đối với Tổ quốc, đồng bào. Nhà văn đã không dùng “đao to búa lớn”, không dùng sự hoành tráng của số lượng mà chủ yếu cần cái “tinh túy” của chất lượng. Chính vì thế, sáng tác của ông vừa đứng được trên văn đàn công khai ở Sài Gòn, Hà Nội….lúc bấy giờ vừa tác động sâu xa đến sự thức tỉnh ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc trong tình cảm của người đọc. Tên tuổi của Nguyễn Văn Xuân được sánh ngang hàng với Sơn Nam, Vũ Hạnh, Võ Hồng, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa… trong văn học Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 như một sự thừa nhận những đóng góp đích thực của ông đối với sự phát triển của văn học nước nhà. 2. Sống và viết ngay trên vùng đất Quảng trong những ngày ác liệt của chiến tranh, giai đoạn nào của sự chuyển biến lịch sử xã hội, ngòi bút của Nguyễn Văn Xuân đều ghi nhận, phản ánh: kháng chiến chống Pháp, hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ xâm lược….Để những nội dung sáng tác trên xuất hiện ở văn đàn công khai, nhà văn đã khéo léo tận dụng lợi thế của văn học vượt qua sự kiểm duyệt gắt gao của chính quyền Sài Gòn, chuyển tải được những thông điệp cần thiết đến người đọc. Có thể thấy, đọc những sáng tác của Nguyễn Văn Xuân là đọc lịch sử đấu tranh, trưởng thành, đi tới của một vùng đất. Ngoài ra, đọc sáng tác của Nguyễn Văn Xuân chúng ta hiểu được quá trình lao động sinh tồn của cư dân đất Quảng. Cuộc sống lên rừng xuống biển của những người phải chịu cảnh tha phương cầu thực, bão lũ triền miên, bệnh dịch hoành hành. Những trang viết ngồn ngộn chất hiện thực mang đến cho người đọc những rung động sâu xa, vốn tri thức phong phú về thiên nhiên và cuộc sống của con người vùng “Ô Châu ác địa”. 3.Nguyễn Văn Xuân là “nhà văn của một ngôi làng” là “một con người từ một ngôi làng”. Chính vì thế, hơn ai hết, nhà văn hiểu rõ những con người từ những “ngôi làng” ấy và đã dựng lên bức chân dung về họ. Họ là những con người cần cù lao động, can trường dũng cảm kiếm sống sinh tồn trên vùng quê nghèo khó. Sinh tồn đối với những cư dân đất Quảng không chỉ là sống cho bản thân mà còn sống cho, sống vì cộng đồng, Tổ quốc. Qua những trang viết của Nguyễn Văn Xuân, chúng ta còn thấy hiển hiện những con người đất Quảng yêu nước nồng nàn, ý thức trách nhiệm chính trị của những người ở vùng đất “phên giậu” đã ngấm sâu vào máu thịt họ. Họ chẳng những tạo dựng nên những ngôi làng mà ý chí chiến đấu bảo vệ làng mạc, cộng đồng, Tổ quốc đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong dòng chảy chung của mạch ngầm tình yêu Tổ quốc. Lao động và chiến đấu đã trui rèn tính cách, khí chất của người xứ Quảng: cứng cỏi ngang tàng; cởi mở, nhạy bén với cái mới; nhân hậu, đa cảm, đa tình… Nguyễn Văn Xuân đã ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người xứ Quảng song hành với cảm hứng tố cáo phê phán. Bộ mặt thật của thực dân, đế quốc xâm lược, bản chất gian xảo, hám lợi của tư sản, địa chủ… tất cả đều bị phanh phui dưới ngòi bút của ông. Dù ca ngợi hay phê phán, tố cáo, ngòi bút của nhà văn đều vươn tới tầm khái quát những vấn đề có ý nghĩa xã hội nhân sinh sâu sắc. Từ một ngôi làng vươn tới cả cộng đồng; từ sự hiểu biết về cộng đồng soi rọi phẩm chất, lối sống của những con người ở một vùng đất. Đó chính là điểm độc đáo trong sáng tác của Nguyễn Văn Xuân, người được xưng tụng là một nhà “Quảng Nam học”. 4.Về phương diện nghệ thuật chúng ta có thể thấy Nguyễn Văn Xuân đã cho người đọc tiếp cận với lối văn giản dị mà mực thước, thâm trầm. Từ nhân vật đến sự kiện, từ không gian đến thời gian, từ ngôn ngữ đến tình tiết…tất cả đều toát lên tính hiện thực của tác phẩm. Hiện thực, cụ thể mà không vụn vặt, nhàm chán, đơn điệu; tầm khái quát làm cho những chi tiết về hiện thực trở nên sinh động và mang trong nó tính hàm súc cần thiết của văn chương. Chất hiện thực đã khiến cho sáng tác của Nguyễn Văn Xuân khi viết về những cái chết của người đất Quảng mang đậm tính chất của ký - lịch sử. Nhà văn như một thư ký ghi chép trung thành những biến động lịch sử xã hội ở một vùng đất, nơi mà ông đã may mắn sớm được thụ hưởng những mạch nguồn giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của một vùng địa linh nhân kiệt. Văn của Nguyễn Văn Xuân mang đậm bản sắc của vùng đất Quảng, từ phong cảnh thiên nhiên đến tính cách con người. Nhà văn đã sử dụng ngôn ngữ địa phương một cách có ý thức. Ông đã đưa vào sáng tác của mình cảnh núi rừng âm u, tiếng sóng biển gầm thét, dòng xoáy bão lũ cuồn cuộn… của một vùng thiên nhiên khắc nghiệt. Đặc biệt là những địa danh như gắn liền với cuộc đời của nhà văn từ lúc ông được sinh ra đến khi cầm bút sáng tác. Chất giọng xứ Quảng trong sáng tác của nhà văn không làm người đọc khó hiểu mà chỉ góp phần tô đậm thêm khí chất con người Quảng Nam. Chất triết lý đã làm nên vẻ thâm trầm sâu sắc của một ngòi bút có nhiều trãi nghiệm. 5. Nắng, gió, bão, lũ, rừng âm u ….cùng với thời gian của vùng đất mở cõi đã kết tinh thành độ bền của sáng tác Nguyễn Văn Xuân. Không ồn ào như những sự kiện vang dội mà thầm lặng, bền bỉ, giản dị như chính cuộc đời của nhà văn, những sáng tác của ông đã trãi qua sàng lọc thời gian để người đọc nhận chân giá trị của nó. Nhắc đến những tên tuổi làm nên diện mạo văn học Việt Nam 1954 - 1975 không thể không nhắc đến Nguyễn Văn Xuân.…Đôi khi người ta “lướt”qua ông và những sáng tác của ông như lướt qua sự tồn tại hiển nhiên của một lớp trầm tích, mà không có nó sẽ không hình thành nên những địa tầng kiến trúc phía trên. Bão rừng, Hương máu, Dịch cát không trở thành những “kì thư” nhưng vinh dự của nó là vinh dự của những tác phẩm chứa trong lòng văn hóa của vùng đất mở cõi. Có thể nói không ngoa rằng sẽ không hiểu biết đất nước con người Việt Nam nếu không hiểu vùng đất và con người xứ Quảng. Bởi nơi ấy chính là điểm giao nhau giữa những gì thuộc về truyền thống đã hình thành trong lòng xã hội Bắc hà với những gì thuộc về sự chắt lọc thích ứng trong môi trường mới. Cội nguồn và vươn tới là tất cả những gì có thể nói về sáng tác của Nguyễn Văn Xuân. Ngày nay, trong giai đoạn hội nhập, giao lưu với kinh tế, văn hóa toàn cầu, hơn bao giờ hết chúng ta cần phải giữ gìn cội nguồn, bản sắc văn hóa của dân tộc. Đó cũng là chủ trương lớn của Đảng và nhân dân ta. Trên tinh thần ấy, những sáng tác của Nguyễn Văn Xuân càng có ý nghĩa hơn. Tìm hiểu về đặc điểm tiểu thuyết và truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Xuân giai đoạn 1954 - 1975, chúng tôi đã đi vào một vùng đất “chưa được khai phá”. Với việc làm ấy, chúng tôi chỉ mong muốn được khẳng định giá trị tiếng nói yêu nước của Nguyễn Văn Xuân trong dòng văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Đồng thời, nếu được, chúng tôi xem công trình này như một nén tâm hương mà những người hậu bối thắp lên trước hương hồn ông để kính cẩn nói rằng: “ông đã sống một cuộc đời đáng sống!” Kiến thức nông cạn, thời gian hạn hẹp, nhưng với một tấm lòng, chúng tôi hi vọng luận văn sẽ góp một phần nhỏ trong việc tìm hiểu sự nghiệp văn chương của Nguyễn Văn Xuân, một trong những cây bút tiêu biểu của văn học đô thị miền Nam, của văn hóa xứ Quảng giai đoạn 1954 - 1975. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hoài Anh (2001), Chân dung văn học, NXB Hội nhà văn, Hà Nội. 2. Lại Nguyên Ân (1999), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc Gia, Hà Nội. 3. Lại Nguyên Ân (Sưu tầm và biên soạn) (2002), Lê Thanh - nghiên cứu và phê bình văn học, NXB Hội nhà văn, Hà Nội. 4. Trần Hòa Bình - Lê Duy - Văn Giá (1999), Bình văn, NXB Giáo dục, Hà Nội. 5. Nguyễn Sinh Duy (1996), Phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam, NXB Đà Nẵng. 6. Trần Trọng Đăng Đàn (1988), Văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm 1954 - 1975, NXB Sự thật, Hà Nội. 7. Trần Trọng Đăng Đàn (2000), Văn hoá, Văn nghệ….Nam Việt Nam 1954 - 1975, NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội. 8. Trần Trọng Đăng Đàn (1981), “Văn hoá”, “Văn nghệ” thực dân mới tại miền Nam từ 1954 đến 1975 nhìn xuyên qua một số đường lối, chính sách âm mưu, thủ đoạn của Mỹ ngụy”, Văn nghệ (166) 27/03, Hà Nội. 9. Trần Trọng Đăng Đàn (1981), “Văn hoá”, “Văn nghệ” thực dân mới tại miền Nam từ 1954 đến 1975 nhìn xuyên qua một số đường lối, chính sách âm mưu, thủ đoạn của Mỹ ngụy”, Văn nghệ (169) 17/04, Hà Nội. 10. Trần Trọng Đăng Đàn (1981), “Văn hoá”, “Văn nghệ” thực dân mới tại miền Nam từ 1954 đến 1975 nhìn xuyên qua một số đường lối, chính sách âm mưu, thủ đoạn của Mỹ ngụy”, Văn nghệ (176) 12/6, Hà Nội. 11. Phạm Trọng Điềm (2006), Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, NXB Thuận Hoá. 12. Hà Minh Đức (chủ biên) (2002), Lí luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 13. Bảo Định Giang (1960), “Vài nét về văn nghệ Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng”, Văn Nghệ (75) 01/01, Hà Nội. 14. Trần Văn Giàu - Trần Bạch Đằng (chủ biên) (1998), Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, Tập 2, NXB Tp HCM. 15. Nguyễn Văn Hạnh - Huỳnh Như Phương (1995), Lý luận văn học, vấn đề và suy nghĩ, NXB Giáo dục, Hà Nội. 16. Nguyễn Văn Hạnh (2004), Chuyện văn chuyện đời, NXB Giáo dục, Hà Nội. 17. Vũ Hạnh (1975), “Mấy suy nghĩ về văn học yêu nước và tiến bộ trong lòng thành thị miền Nam trước đây”, Văn nghệ 23/08, Hà Nội. 18. Đỗ Đức Hiểu (chủ biên) (2004), Từ điển văn học, NXB Thế Giới, Tp HCM. 19. Nguyễn Thái Hoà (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, NXB Giáo dục, Hà Nội. 20. Võ Văn Hoè (2006), Tập tục xứ Quảng theo một vòng đời, NXB Đà Nẵng. 21. Phan Khang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, NXB Văn học, Hà Nội. 22. M.B Khrapchenco (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội. 23. M.B Khrapchenco (1985), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực con người, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 24. Phong Lê - Trần Hữu Tá (2000), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Những tác phẩm tiêu biểu từ 1919 - 1945, NXB Giáo dục, Hà Nội. 25. Phương lựu (chủ biên) (2003), Lý luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 26. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên) (2000), Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 33, NXB KHXH, Hà Nội. 27. Nguyên Ngọc (2005), Tìm hiểu con người xứ Quảng, NXB Đà Nẵng. 28. Phùng Quý Nhâm - Lâm Vinh (1994), Tiếp cận văn học, ĐHSP Tp HCM. 29. Nhiều tác giả (1982), Lí luận văn học, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 30. Nhiều tác giả (1985), Lịch sử Việt Nam, Tập 2, NXB KHXH, Hà Nội. 31. Nhiều tác giả (1986), Lí luận văn học, Tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội. 32. Nhiều tác giả (1988), Văn học miền Trung thế kỷ XX, Tập 1, NXB Đà Nẵng. 33. Nhiều tác giả (1995), Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, NXB Hà Nội. 34. Nhiều tác giả (1998), Tuyển tập văn 1945 - 1975, Tập 1, NXB Văn hoá thông tin, Tp HCM. 35. Nhiều tác giả (1998), Tuyển tập Văn 1945 - 1975, Tập 2, NXB Văn hoá thông tin, Tp HCM. 36. Nhiều tác giả (2006), Trò chuyện với 100 nhà văn Việt Nam, NXB Văn hoá Sài Gòn. 37. Lữ Phương (1974), “Văn học nghệ thuật các thành thị miền Nam và con đường phát triển của nó”, Văn nghệ (553) 07/06, Hà Nội. 38. Lữ Phương (1974), “Văn học nghệ thuật các thành thị miền Nam và con đường phát triển của nó”, Văn nghệ (554) 14/06. 39. Lữ Phương (1974), “Văn học nghệ thuật các thành thị miền Nam và con đường phát triển của nó”, Văn nghệ (555) 14/06. 40. Thạch Phương (1972), “Văn học hiện thực và tiến bộ dưới sự thống trị tàn bạo của Mỹ - Ngụy ở miền Nam”, Tạp chí Văn học số 1, Hà Nội. 41. M.Pospelov (chủ biên) (1985), Dẫn luận nghiên cứu văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 42. Lê Văn Siêu (1993), Nếp sống tình cảm của người Việt Nam, NXB Mũi Cà Mau. 43. Sở văn hoá thông tin Quảng Nam (2001), Văn hoá Quảng Nam - Những giá trị đặc trưng. 44. Phạm Côn Sơn (2004), Làng nghề truyền thống Việt Nam, NXB Văn hoá dân tộc. 45. Trần Đình Sử (1993), Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Vụ giáo viên. 46. Trần Đình Sử - Lê Bá Hán (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 47. Trần Hữu Tá (1985), Tư liệu truyện ký Việt Nam 1955 - 1975, Tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội. 48. Trần Hữu Tá (1988), Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, NXB Giáo dục, Hà Nội. 49. Trần Hữu Tá (2001), Nhìn lại một chặng đường văn học, NXB Tp HCM. 50. Nguyễn Q. Thắng (1996), Quảng Nam đất nước và nhân vật, NXB Văn hoá, Hà Nội. 51. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, NXB ĐHQG, Hà Nội. 52. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. 53. Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Tp HCM. 54. Phan Lạc Thuyên (2000), Nghiên cứu và điền dã, NXB Trẻ, Tp HCM. 55. Nguyễn Khánh Toàn (chủ biên) (2004), Lịch sử Việt Nam, Tập 2, NXB KHXH. 56. Lê Ngọc Trà (1990), Lí luận và văn học, NXB Trẻ, Tp HCM. 57. Huỳnh Ngọc Trảng (2000), Đại Lộc sáng ánh đèn, NXB Đà Nẵng. 58. Huỳnh Ngọc Trảng (2007), Địa chí Đại Nghĩa, NXB Đà Nẵng. 59. Đặng Nghiêm Vạn (2001), Dân tộc- Văn hoá - Tôn giáo, NXB KHXH, Hà Nội. 60. Nguyễn Hoàng Viên (2001), Hoàng Diệu, NXB Đà Nẵng. 61. Hoàng Hương Việt (chủ biên) (2000), Ca dao, dân ca đất Quảng, Tập 1, NXB Đà Nẵng. 62. Trần Quốc Vượng (chủ biên) (2000), Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. 63. Nguyễn Văn Xuân (2002), Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, NXB Đà Nẵng. 64. Nguyễn Văn Xuân (2002), Kỳ nữ họ Tống, NXB Trẻ, Tp HCM. 65. www.khoahoc.net, Tưởng niệm nhà văn Nguyễn Văn Xuân. 66. www.Thanhnien.com.vn, Nhà văn Nguyễn Văn Xuân về với quê nhà. 67. www.giaodiemonline.com, Hẹn gặp lại Nguyễn Văn Xuân. 68. www.Thanhnien.com.vn, Vĩnh biệt ông thầy Quảng. 69. damau.org, Nhà văn Nguyễn Văn Xuân: một mảnh đất một đời người. 70. www.diendan.org, Tôi muốn gọi hai tiếng “thầy Xuân”. 71. www.toquoc.gov.vn, Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Văn Xuân. 72. www.diendan.org, Nhà văn hoá Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2007). 73. www.diendan.org, Nguyễn Văn Xuân, tối sáng một đời văn. PHỤ LỤC 1 Thành ngữ trong Bão rừng 1. Vung tay quá trán. 16. Nhập giang tuỳ khúc. 2. Chờ thì được, ước thì thấy. 17. Hổ phụ sinh hổ tử. 3. Đầu tắt mặt tối. 18. No mất ngon, giận mất khôn. 4. Mèo đàng chó điếm. 19. Có mới, nới cũ. 5. Vải thưa che mắt thánh. 20. Voi một ngà, người ta một mắt. 6. Bốn chín, năm mươi. 21. Trời đánh, thánh vật. 7. Tốt mã nhưng rã đám. 22. Ở hiền thì gặp lành. 8. Ghi lòng, tạc dạ. 23. Của thiên trả địa. 9. Tích tiểu thành đa. 24. Tai qua, nạn khỏi. 10. Thông kim quán cổ. 25. Ăn cháo đá bát. 11. Gà trống nuôi con. 26. Giơ cao đánh nhẹ. 12. Phép vua còn thua lệ làng. 27. Cô thân độc mã. 13. Ăn chưa no, lo chưa tới. 28. Thập tử nhất sinh. 14. Còn nước còn tát. 29. Coi trời bằng vung. 15. Trăm công nghìn việc. 30. Mồ yên mả đẹp. PHỤ LỤC 2 Một số hình ảnh về Nguyễn Văn Xuân Chân dung nhà văn Nguyễn Văn Xuân Nhà văn Nguyễn Văn Xuân và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (tháng 2-2003) Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (kí hoạ bút sắt của Phan Ngọc Minh) Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng với mô hình ngôi mộ của Nguyễn Văn Xuân ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA7584.pdf