Đặc điểm truyện ngắn Trang Thế Hy

Tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Trang Thế Hy: ... Ebook Đặc điểm truyện ngắn Trang Thế Hy

pdf118 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2229 | Lượt tải: 2download
Tóm tắt tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Trang Thế Hy, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BOÄ GIAÙO DUÏC VAØ ÑAØO TAÏO TRÖÔØNG ÑAÏI HOÏC SÖ PHAÏM HAØNH PHOÁ HOÀ CHÍ MINH T -------------------------------------------- Nguyeãn Thò Thanh Hoa ÑAËC ÑIEÅM TRUYEÄN NGAÉN TRANG THEÁ HY Chuyeân ngaønh: Vaên hoïc Vieät Nam Maõ soá: 60 22 34 LUAÄN VAÊN THAÏC SÓ VAÊN HOÏC NGÖÔØI HÖÔÙNG DAÃN KHOA HOÏC: PGS. TS. TRAÀN HÖÕU TAÙ Thaønh phoá Hoà Chí Minh – 2008 Nhaø vaên Trang Theá Hy (tranh sôn daàu do hoïa só Nguyeãn Trung veõ taëng naêm 2008) MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Trang Thế Hy là một nhà văn Nam Bộ đã trải phần lớn thời gian của cuộc đời mình trên mảnh đất văn chương. Trước khi ông cầm bút, miền Nam đã phải trải qua những ngày nóng bỏng của hiểm họa xâm lăng. Trong hoàn cảnh ấy, cũng như nhiều người lúc bấy giờ, ông đã sống, đã tranh đấu, đã làm việc và đã viết văn với một nhiệt huyết sục sôi, với một khát khao mãnh liệt và duy nhất: giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Ông viết để sống, để hoạt động. Trong số những người cùng nghiệp viết nơi mảnh đất Nam Bộ, ông viết với một vẻ riêng, không giống ai. Ông viết về số đông - những con người bất hạnh, và như ông quan niệm, đứng về phía những con người bất hạnh là đứng về phía của đạo lý. Nhưng đã không có nhieu người biết đến ông. Quả là đáng tiếc! Thời gian gần đây, nhiều nhà nghiên cứu, phê bình cũng đã chú ý đến Trang Thế Hy. Có lẽ là khi người ta bình tĩnh hơn, thận trọng hơn … thì cũng là lúc người ta dễ nhận ra những giá trị đích thực mà trong khi vội vã chưa kịp nhận ra. Văn chương Trang Thế Hy nằm trong số những giá trị được nhận ra muộn mằn như thế. Một phần lý do khiến giới nghiên cứu chậm để ý đến văn chương của Trang Thế Hy có lẽ là vì văn của ông lặng lẽ quá, lặng lẽ như chính cách sống mà ông đã chọn! Thế nên, tìm hiểu truyện ngắn của Trang Thế Hy, người viết cũng tự nhủ mình phải chừng mực, hết sức tránh ồn ào, tránh đao to búa lớn, sợ sẽ phá hỏng không khí văn chương của nhà văn xứ Dừa này. Văn học miền Nam nằm trong dòng chảy chung của văn học cả nước. Nhưng do điều kiện lịch sử đặc biệt của đất nước, một phần do điều kiện địa lý ngăn trở, và cả những khác biệt về văn hoá, về cảm quan nghệ thuật của từng vùng miền … nên chúng ta chưa có được một cái nhìn thật đầy đủ, toàn diện về bộ phận văn học đặc sắc này. Vì vậy, rất cần một sự bổ khuyết cho bức tranh toàn cảnh của văn học thế kỷ XX như PGS. TS Trần Hữu Tá – một nhà nghiên cứu văn chương Nam Bộ - đã từng thiết tha bày tỏ, trong đó cần một sự ghi nhận đầy đủ và công bằng cho những tác giả có cuộc đời lao động nghệ thuật nghiêm túc với nhiều cống hiến đáng trọng. Điều đó có nghĩa là tên tuổi của Trang Thế Hy cũng như một số ít những nhà văn Nam Bộ khác rất cần phải được xem xét và đánh giá một cách trân trọng trong các công trình văn học sử. Chính điều này, cùng với việc chưa có một công trình nào khắc hoạ đầy đủ chân dung nhà văn, đã thôi thúc chúng tôi đến với đề tài Đặc điểm truyện ngắn Trang Thế Hy. Hy vọng, với việc làm này, chúng tôi có thể góp phần bé nhỏ vào việc bổ khuyết cho bức tranh toàn cảnh của văn học miền Nam nói riêng, văn học Việt Nam thế kỷ XX nói chung, đưa văn chương độc đáo của nhà văn này đến gần hơn với mọi người. 2. Lịch sử vấn đề Cuốn sách đầu tiên viết về Trang Thế Hy là cuốn Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (1988). Các tác giả của cuốn địa chí đã ghi nhận những đóng góp của Trang Thế Hy cho phong trào đấu tranh ở nội đô Sài Gòn giai đoạn kháng chiến chống Mỹ với một loạt các truyện ngắn, có cả thơ nữa. Nhưng cuốn địa chí này mới chỉ làm công việc giới thiệu và ghi công của nhà văn trong phong trào đấu tranh chung. Dĩ nhiên, trong khuôn khổ một cuốn địa chí, được như vậy đã là điều đáng quý. Tiếp đó là cuốn Địa chí Bến Tre (1991) của nhà xuất bản Khoa học xã hội. Trong cuốn sách này, Trang Thế Hy xuất hiện với tư cách là một nhà văn của địa phương giai đoạn từ CMT8-1945 đến tháng 4-1975. Đầu tiên là cái tên Võ Trọng Cảnh trong Đoàn văn hoá kháng chiến tỉnh. Sau đó là Trang Thế Hy (thời kỳ chống Mỹ1954-1975). Trong cuốn địa chí này, Trang Thế Hy chỉ được giới thiệu mấy dòng rất sơ lược về quá trình sáng tác, quá trình hoạt động chứ không giới thiệu tên các tác phẩm của ông như cuốn Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đã làm. Cuon sách này cũng đã giới thiệu một tác phẩm của Trang Thế Hy được giải thưởng của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam: Anh Thơm râu rồng (giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu 1960-1965). Trang Thế Hy mới được giới nghiên cứu, phê bình chú ý trong thời gian gần đây. Trên các trang web báo điện tử, đặc biệt là những chuyên trang văn học nghệ thuật và các trang web cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này, cái tên Trang Thế Hy đã xuất hiện nhiều. Tuy thế, những nghiên cứu về sáng tác của ông chưa nhiều, đặc biệt là chưa có một công trình nào lớn để giới thiệu đầy đủ chân dung văn học này. Những gì giới nghiên cứu đã nói, chúng tôi cố gắng trình bày ở mức ngắn gọn nhất để có thể đảm bảo một sự đầy đủ các nhận định, cũng từ đó mà thấy rõ hơn công việc của mình phải làm. Trên báo Văn nghệ số ra ngày 01 – 6 – 2002 có trích giới thiệu những ý kiến của các thành viên tham dự buổi tọa đàm về tập truyện ngắn Nợ nước mắt của Trang Thế Hy vào sáng 23-5-2002. Nhân dịp này, vì không tham dự được, nhà văn đã gửi đến ban biên tập báo Văn nghệ bức thư với những lời tỏ bày thành thực: (…) Toi bắt đầu viết đã từ lâu, nhưng viết ít, viết chậm, xuất hiện ít trên báo chí, tuyển tập chung và sách in riêng, do đó cũng ít được giới phê bình chú ý đánh giá, cho nên cuộc toạ đàm này được tôi coi là lần đầu tiên tác phẩm của tôi được thẩm định nghiêm túc theo tiêu chuẩn học thuật… Trong cuộc toạ đàm này, có một số tham luận dài ngắn khác nhau về tập truyện đã được đưa ra. Đáng chú ý nhất là bài viết của nhà văn Lê Minh Khuê. Đây là bài mà nhà văn Trang Thế Hy tỏ ra rất tâm đắc vì theo nhà văn, Lê Minh Khuê đã “đọc” được ông, “đọc” đúng ông, dù chưa “đọc” hết ông. Với bài Phong cách Trang Thế Hy, nhà văn Lê Minh Khuê đã đưa ra những nhận định khá tinh tế, chứng tỏ một cảm quan nhạy bén, một cách đọc khá kỹ lưỡng, nghiêm túc. Lê Minh Khuê đã viết: “Ông là tác giả Nam Bộ, văn chương Nam Bộ dường như một mình ông một phong cách. Ông không bình dân, không nhiều sôi nổi. Ông hiện lên trong các trang viết với sự tinh tường, thấu hiểu và điềm tĩnh trước cuộc sống, trước cảnh sắc. (…) Ôngviết về tâm sự của những con người bé nhỏ mà trong sạch. (…) Họ cũng là con người không giản đơn. Nhân vật trí thức- nghệ sĩ chiếm phần lớn trong tác phẩm của ông. Nhiều nhân vật sống qua các thứ “mốc” giữa hôm nay và hôm qua. Bao giớ tác giả cũng lựa cho họ cách sống thanh thản nhất. (…) Truyện ngắn của ông không có sự thay đổi hình thức. Các truyện kể với phương pháp như nhau – dường như ông luôn có cách bắt đầu câu chuyện bằng giọng nhẩn nha, nhưng luôn báo hiệu ngay từ những dòng đầu rằng đây là câu chuyện thú vị. (…) Truyện của ông không có tình huống phức tạp. Tình huống ẩn chứa trongcảm xúcvà chữ nghĩa. Nhiều câu chuyện khiến ta hồi hộp. Đó là cách viết khó. Cách viết của một người trọng nghề, trọng chữ…” Thật tiếc là nhà văn Lê Minh Khuê không phân tích, không đưa ra một dẫn chứng cụ thể nào cho những nhận định của mình. Nhưng dẫu sao, những nhận xét đắt giá trên đây cũng đã chỉ ra được một số khía cạnh đặc sắc chính trong truyện ngắn của Trang Thế Hy. Đó la một bài viết có giá trị và mang tính định hướng cao cho những độc giả chưa biết đến Trang Thế Hy. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường với bài Ít có tập truyện ngắn nào được viết kỹ lưỡng như thế này đã nhận xét: Văn của Trang Thế Hy không đọc nhanh được, không đọc vội được. Ông viết bình tĩnh, ngẫm ngợi, và ta cũng phải bình tĩnh đọc. Mỗi truyện của ông là một gửi gắm, một nỗi niềm. Ông nặng lòng với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nặng lòng với những người những cảnh vùng sông nước quê hương Bến Tre và những nơi ông đã qua của đồng bằng Nam Bộ. (…) Ông viết, những hồi ức chiến tranh và thực tại bây giờ đan dệt vào nhau… Nhận xét của tác giả này mới chỉ đề cập đến một mảng nhỏ trong sáng tác của Trang Thế Hy (giọng điệu và đề tài chiến tranh, con người và cảnh sắc Nam Bộ) chứ chưa nói được bao quát về sáng tác của nhà văn. Nhà văn Trần Huy Quang, trong mấy nhận xét khá ngắn gọn ở bài Tôi học được nhiều ở Trang Thế Hy về nghề văn cũng tỏ ra đồng tình với nhận định của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Trần Huy Quang viết: “Văn Trang Thế Hy kỹ càng, đẹp, đầy tính triết lý, nên đọc chậm thì mới hiểu hết, mới hưởng hết được cái hay”. Có lẽ trong khuôn khổ của một buổi toạ đàm với việc hạn chế về mặt thời gian, lại cùng lúc có nhiều ý kiến đóng góp, nên những người tham gia đã không nói nhiều (để tránh trùng lặp chăng?) và cũng không đi vào phân tích cụ thể các sáng tác của Trang Thế Hy. Nhưng dù thế, những ý kiến được đưa ra trong buổi toạ đàm thật sự có ích đối với chúng tôi khi thực hiện đề tài này. Cũng đồng tình với các nhà văn vừa kể trên, nhà văn Trịnh Đình Khôi trong bài Truyện ngắn của Trang Thế Hy toát lên vẻ đẹp văn hoá đã viết: “Văn Trang Thế Hy điềm đạm (…). Trang Thế Hy không cố ý triết lý. Tính triết lý toát lên từ nhân vật, từ ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật”. Nhưng cũng trong bài viết này, Trịnh Đình Khôi đã có một đánh giá khá cao về Trang Thế Hy. Ông viết: “Trang Thế Hy là một nhà văn hoá viết văn. Trong ông có văn hoá Á Đông kết hợp với những ý tưởng phương Tây hiện đại”. Nhận định này đã làm cho chính Trang Thế Hy, nhà văn khiêm nhu và rất đỗi bình dị của chúng ta, cảm thấy ngại ngùng. Có thể nhiều người đọc thấy chất văn hoá tiềm tàng trong văn của Trang Thế Hy, nhưng ông không phải là “nhà văn hoá viết văn”. Đây là điều mà nhà văn luôn phải đính chính miệng với những ai đã biết đến bài viết này. Ông là một người có tầm văn hoá, là một người viết văn có tầm văn hoá, ai cũng hiểu như thế. Nhưng đề cao quá mức một nhà văn có lòng tự trọng trong trường hợp như thế này thường chỉ làm cho người được đề cao cảm thấy ái ngại hơn là hãnh diện. Có lẽ khi đưa ra nhận xét này, tác giả đã không kìm được sự nồng nhiệt vì yêu mến nhà văn chăng? Cũng trong cuộc toạ đàm này, nhận định của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cũng không khác những người cùng tham dự là mấy. Trong Nên đọc kỹ để thấy công phu của tác giả, nhà nghiên cứu nhận thấy: “Truyện của Trang Thế Hy đề cao tình nghĩa, khẳng định tình nghĩa là giá trị lâu bền nhất, nhắc người đời đừng quên tình nghĩa. (…) Truyện của Trang Thế Hy triết lý nhiều, cả nhân vật bình thường cũng triết lý, đó là nét độc đáo. Đó là triết lý của nhân dân”. Đây là một nhận xét không hề cảm tính của một nhà nghiên cứu có tầm cỡ. Cũng đã có người cho rằng Trang Thế Hy hay “triết lý vặt”. Nhà văn đã tỏ ra khá buồn khi nghe điều này. Buồn, chỉ vì người đó không “đọc” ra được dụng ý của nhà văn khi ông để cho nhân vật của mình triết lý, chứ không phải buồn vì “bị chê”. Nhưng rốt cuộc cũng đã có những người hiểu ông. Và trong số đó, có những nhà nghiên cứu vừa có tâm, vừa có tầm. Hy vọng điều đó có thể làm nhà văn và những người hiểu ông, yêu mến văn chương và con người thực của ông cảm thấy yên lòng! Trong Bốn điều rút ra từ tập truyện ngắn, nhà phê bình Hồng Diệu nhận thấy rằng Trang Thế Hy thường tâm đắc với hai đề tài chính là đời sống cách mạng và trách nhiệm của nhà văn, văn nghệ sĩ. Nhận xét về văn phong của Trang Thế Hy, Hồng Diệu viết: “Văn của Trang Thế Hy phần nhiều là văn kể chuyện – hoặc do tác giả kể, hoặc do nhân vật kể – Đó là những cách kể chuyện có duyên, nhiều khi hóm hỉnh, với những triết lý giản dị, có sức thuyết phục (…) Truyện Trang Thế Hy giàu lòng nhân ái. Văn ông hiểu rõ bản sắc của một vùng đất, từ ngôn ngữ địa phương đến cảnh sắc thiên nhiên, cây cỏ, và con người ở đấy (…)” Đó cũng là những nhận định xác đáng dù chưa bao quát được đầy đủ nội dung và hình thức các sáng tác của Trang Thế Hy. Nhà phê bình đã tỏ ra hiểu và cảm truyện của Trang Thế Hy ở một mức độ cao. Tuy vậy, Hồng Diệu lại có chỗ chưa đồng cảm được với nhà văn khi viết: “Hình như nhà văn đã tham sử dụng hơi nhiều chủ đề phụ, những đưa đẩy, luyến láy, do đó làm loãng cái chính?” Thực ra, đây là một điểm khá đặc biệt trong phong cách của nhà văn mà người đọc nếu không tinh sẽ không dễ nhận ra. Đó là do kiểu tự sự của ông: tự sự phi cốt truyện, chú ý đến vấn đề hơn là chú trọng xây dựng cốt truyện. Hong Diệu đã quá chú tâm bám vào cốt truyện để tìm chủ đề nên không nhận ra điểm này. Nhà văn Trung Trung Đỉnh trong Mỗi truyện ngắn là một đoạn đời nặng nhọc của nhà văn lại chú ý đến nhân vật xưng “tôi” – một điều dễ thấy trong truyện của Trang Thế Hy. Ông viết: “Nhân vật của ông đều là chỗ bạn bè tình nghĩa. Họ là bạn đời của ông trước khi ông nhập vào trang viết, cho nên tôi thấy ông dùng ngôi thứ nhất rất đắc địa”… Trung Trung Đỉnh cũng nhận thấy Trang Thế Hy “đau đáu với nghề, căm ghét thứ văn chương nghệ thuật bịa tạc khoa trương ồn ã. Các nhân vật là nghệ sĩ của ông đều bộc lộ quan điểm sáng tác của ông rất rõ…”. Tác giả có minh hoạ bằng một vài dẫn chứng khá tiêu biểu cho những luận điểm của mình. Cũng thế, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng Trang Thế Hy kể chuyện có duyên. Cái duyên này được nhà phê bình nhận ra từ việc nhà văn sử dụng ngôi kể thứ nhất. “Đây là cách kể chuyện có hiệu quả mà nhà văn thường vận dụng vì đứng kể ở ngôi vị ấy, người kể chuyện sẽ tự do hơn, dễ chân thành hơn. Tuy nhiên trong những truyện còn lại, dù kể ở ngôi thứ ba và có khi “giả tên” “đóng vai khác” thì cái Tôi vẫn cư ngụ trong đó”. Ai đọc truyện của Trang Thế Hy cũng không khó khăn gì để nhận ra điều này. Và đây cũng là điều đặc biệt tạo nên nét riêng trong cách viết của nhà văn. Có nhiều cảm tình với những sáng tác của Trang Thế Hy phải kể đến nhà văn Nguyên Ngọc. Trong Người hiền của văn chương Nam Bộ, bài viết đã được đăng tải trên www.diendan.org, www.trangthehy.googlepages.com và đã được chọn làm lời mở đầu cho tuyển tập Truyện ngắn Trang Thế Hy ( Nhà xuất bản Văn hoá Sài Gòn, 2006), nhà văn của Tây Nguyên này đã đánh giá Trang Thế Hy rất cao. Bài viết dù chưa bao quát đầy đủ các sáng tác của nhà văn, nhưng đã chứng tỏ một cái nhìn có chiều sâu về các sáng tác của nhà văn Nam Bộ này, đồng thời thể hiện một tấm tình tri âm. Nguyên Ngọc chú trọng tới nét độc đáo cả về nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Trang Thế Hy. Ông đã so sánh Trang Thế Hy với Nguyễn Tuân, một nhà văn tài hoa và độc đáo vào bậc nhất trên văn đàn Việt Nam, về những độc đáo ấy. Ông viết: (…) Có lẽ đọc thật kỹ Trang Thế Hy, sẽ thấy anh gần Nguyễn Tuân chính ở chỗ này. Anh cũng là người chơi trò chơi thanh nhã ấy, (nghĩa là tiếp tục cái truyền thống của các bậc tao nhân mặc khách xưa, cho nên, nhìn kỹ mà xem, ở Trang Thế Hy vừa có cái gì đó rất hiện thực, hiện đại, vừa có cái gì đó rất xưa, thậm chí có phần cổ kính nữa)… (…) Trang Thế Hy là người chăm chút đi tìm những cái đẹp nhỏ nhoi, lẩn khuất, bị bỏ quên, hoặc ở trong những góc hẻo của cuộc đời, hoặc bị vùi trong bùn đất nghèo khốn… (…) Và bây giờ, thử trở lại với so sánh ban đầu: Trang Thế Hy và Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp ở chỗ cầu kỳ, (…), Trang Thế Hy, cũng tinh vi không kém, nhưng anh đi tìm cái đẹp trong sự giản dị của cuộc đời thường, (…), ở những con người “thường”, (…), và ở tận đáy nữa của cuộc đời ấy… Ở hai hướng khác nhau, nhưng đều vì cái đẹp, và như vậy, họ khiến cho thế giới phong phú ra rất nhiều. Về ngôn ngữ của Trang Thế Hy, Nguyên Ngọc cũng đưa ra một nhận xét khá thú vị: “Ta đã biết Nguyễn Tuân độc đáo trong ngôn ngữ Việt của ông như thế nào. Ông “chơi” rất tinh, đến cầu kỳ nhiều khi, trên từng con chữ. Trang Thế Hy kỹ chẳng kém, tài hoa chẳng kém, cũng chơi trên từng con chữ, nhưng ông rất Nam Bộ, rất “miền Tây””… Đây quả là những nhận xét tinh tế. Văn chương Trang Thế Hy không phải chỉ có bấy nhiêu, nhưng đó là nét độc đáo, nét nổi bật nhất. Và nhà văn Nguyên Ngọc đã bắt được hồn vía của nó. Ông không phân tích nhiều, chỉ lẩy ra một vài dẫn chứng nhưng sức thuyết phục rất cao. Tìm trên trang web www.trangthehy.googlepages.com của nhà văn Trang Thế Hy (trang web này do nhà văn Lý Lan thiết kế và thực hiện), cũng như trang www.vietbao.vn, www.angiang.gov.vn, chúng tôi được tham khảo một số bài viết nhận định về sáng tác của nhà văn. Một bài viết khá bao quát về sự nghiệp văn chương của Trang Thế Hy chính là Đọc Trang Thế Hy của nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá. (Trong Từ điển Văn học (bộ mới) do nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2004 cũng đã có mục từ Trang Thế Hy. Đây cũng là phần do PGS.TS Trần Hữu Tá đảm nhiệm nhằm giới thiệu nhà văn Trang Thế Hy nên không có khác biệt nhiều so với một số thông tin trong bài viết này.Vì thế, chúng tôi xin không nói tới để tránh lặp lại). Dù không dài, nhưng bài nghiên cứu đã có chức năng tổng hợp những nét chính trong quá trình sáng tác của Trang Thế Hy về mọi mặt, thêm vào đó là những dẫn chứng được phân tích cụ thể để minh chứng cho các nhận định. PGS TS Trần Hữu Tá đã chia quá trình sáng tác của Trang Thế Hy làm hai giai đoạn căn cứ vào những biến đổi về nội dung vấn đề mà nhà văn quan tâm: trước và sau 1975. Nhận xét về sức viết của nhà văn trước 1975 trên tuần báo Nhân loại (bộ mới), nhà nghiên cứu đã viết: (…) Dưới những bút danh khác nhau: Trang Thế Hy, Văn Phụng Mỹ, Phạm Võ…, ông liên tục xuất hiện trên hầu hết các số báo. Sức viết của ông thời kỳ này thật đáng nể. Có lẽ vì đang lúc niên tráng lực cường, nhưng chủ yếu theo tôi, là vì sự thôi thúc không ngừng của tinh thần công dân – chiến sĩ chân chính. Đất nước đang lâm nạn, kẻ sĩ đâu có thể tọa thị điềm nhiên! Cũng về giai đoạn sáng tác này, nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá đã chú ý đến cả nội dung và hình thức thể hiện trong tác phẩm của Trang Thế Hy: (…) Tiếp nối Hồ Biểu Chánh, Phi Vân…, Trang Thế Hy đã dựng lên những cảnh trí Nam Bộ với đặc trưng khó lẫn. (…) Khác với Hồ Biểu Chánh, Phi Vân…, cảnh trí và con người Nam Bộ trong tác phẩm Trang Thế Hy đang bị quay cuồng trong dông bão, ngày ngày rỉ máu do thế lực ngoại xâm… (…) Cách viết kín đáo xa xôi, mượn xưa nói nay, mượn ngoài nói trong, thậm chí mượn chuyện hoang đường hư huyễn để gửi gắm những ý tưởng cháy bỏng của mình, giai đoạn sáng tác này của Trang Thế Hy (…) đã sử dụng rất nhuyễn, và đã tác động sâu sắc đến tư tưởng người đọc thành thị miền Nam. Thế nhưng khi có điều kiện, ông cũng không ngần ngại đề cập đến mặt trái của xã hội Sài Gòn đang trượt dài trên dốc của lối sống vật chất chủ nghĩa. Nhà nghiên cứu đã phân tích thật gọn về nhân vật Hường, người con gái tội nghiệp trong truyện Một thiếu nữ không đáng kể cũng như đề cập đến các truyện Nắng đẹp miền quê ngoại, Ao lụa giồng… để làm sáng rõ những nhận định của mình. Tác giả cũng đã so sánh Trang Thế Hy với những cây bút gạo cội như Hồ Biểu Chánh, Phi Vân để thấy những khác biệt trong văn chương của nhà văn quê Hữu Định. Dường như tác giả bài viết đã không hề ngẫu nhiên khi đem so sánh các nhà văn này với nhau! Về sáng tác của Trang Thế Hy giai đoạn sau 1975, nhà nghiên cứu nhận thấy: “Sau năm 1975 là một giai đoạn sáng tác mới, rất có chất lượng của Trang Thế Hy. Nhu cầu của cách mạng không còn quá thúc bách, ông có điều kiện viết kỹ hơn. (…) Chắc chắn không phải vì “lão lai tài tận”, mà tôi tin là do đã trải nghiệm nhiều trong cuộc sống, (…), ông đã tự kiềm chế để chắt lọc từng dòng chữ, mang lại cho người đọc những trang văn tinh khiết, thẳm sâu, giàu sức ám ảnh. (…) Trong giai đoạn sáng tác mới này, Trang Thế Hy đã tự đổi mới rất nhiều trong sáng tác nghệ thuật. Vẫn nhất quán trong việc tìm cảm hứng từ những con người và những cảnh đời quen thuộc quanh mình nhưng giờ đây, ông chú ý đến vấn đề nhiều hơn cốt truyện, quan tâm nhiều đến tâm trạng hơn là khắc hoạ tính cách.” Tác giả đã đưa ra truyện Nợ nước mắt, một truyện ngắn khá dài của Trang Thế Hy, để làm dẫn chứng khá thuyết phục. Nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá cũng đề cập đến một phương diện khá đậm trong sáng tác của Trang Thế Hy. Đó là việc “ông trăn trở với nhiều vấn đề muôn thuở nhưng luôn có giá trị thời sự của lĩnh vực nghệ thuật cao quý như nhân cách người cầm bút, khát vọng chân chính của người nghệ sĩ”… PGS Trần Hữu Tá đã phân tích thật ngắn mà thật hay truyện ngắn Tiếng hát và tiếng khóc – một truyện ngắn hay mà nhà nghiên cứu coi như tuyên ngôn nghệ thuật của Trang Thế Hy – để làm rõ điều ấy. Kết thúc bài viết của mình, tác giả đưa ra lời tổng kết ngắn gọn mà chính xác cho cả nội dung và hình thức thể hiện của truyện ngắn Trang Thế Hy: Rõ ràng, kêu gọi hướng thiện là tư tưởng nghệ thuật xuyên suốt các giai đoạn sáng tác của Trang Thế Hy. Tư tưởng đó đã được tác giả chuyển tải bằng giọng điệu bình dị, từ tốn, đôi khi pha chút hài hước kín đáo, thông minh, tạo nên cái duyên riêng, sức hấp dẫn riêng. Sức hấp dẫn ấy không mãnh liệt nhưng thấm sâu, bền chắc. Còn một số vấn đề nữa trong sáng tác của Trang Thế Hy mà chúng tôi chưa thấy tác giả bài viết đưa ra. Đó cũng là phần đất trống mà chúng tôi hy vọng có thể khai phá. Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, như tác giả đã trình bày từ đầu, là để mừng sinh nhật thứ tám mươi của nhà văn, bấy nhiêu đó là quá nhiều. Đây là một bài viết có nhiều gợi ý quan trọng giúp cho chúng tôi tìm ra hướng đi cơ bản trong việc nghiên cứu đề tài này. Một bài viết khác cũng được nhiều trang web đăng tải (www.baodientusonla.com.vn, www.cinet.gov.vn, …), đó là bài viết về tập Truyện ngắn Trang Thế Hy do nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn ấn hành năm 2006: Đọc “Truyện ngắn Trang Thế Hy” để thấy quý trọng cuộc sống. Chúng tôi đã cố gắng tìm nhưng không thấy tên tác giả đi kèm bài viết. Đây là một điều đáng tiếc. Tác giả bài viết đã đưa ra những nhận xét sâu sắc về lời thoại, về hệ thống nhân vật và về thiên nhiên trong truyện của Trang Thế Hy kèm theo một số dẫn chứng khá tiêu biểu. Tác giả đã viết về Trang Thế Hy với một lòng ngưỡng mộ không hề che giấu: … “với những độc giả yêu văn của cây bút vừa qua tuổi bát thập, từng trang viết của ông là sự hòa hợp kỳ lạ giữa kiến thức uyên bác về văn hóa – ngôn ngữ – phong tục – vô số loài cây ngọn cỏ đồng bằng sông Cửu Long”. Tháng 12 – 2007 vừa qua, trong dịp được diện kiến nhà văn tại tư gia của ông, chúng tôi được ông cung cấp một cuốn tài liệu do nhà thơ Cao Xuân Sơn tuyển chọn. Đây là cuốn sách lưu hành nội bộ mừng nhà văn Trang Thế Hy 80 tuổi. Cuốn sách này có hầu hết những bài viết chúng tôi đã đề cập trên đây. Tuy nhiên chúng tôi còn thấy có những bài viết khác có giá trị chưa được công bố rộng rãi. Trước tiên là bài Trang Thế Hy, nhà văn chắt chiu từng chữ từng câu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Trong bài viết này, Nguyễn Quang Sáng đã nhận thấy ngòi bút của Trang Thế Hy nghiêng về những con người không may mắn. Ong cũng cho rằng đọc văn Trang Thế Hy phải đọc chậm mới thấy được cái hay, cái đặc sắc của mỗi câu, mỗi chữ nhà văn này viết ra. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng đưa ra nhận xét về nhân vật xưng “tôi” khá đặc biệt trong truyện của Trang Thế Hy. Ông viết: “cái “tôi” trong truyện của anh chính là anh, anh không né tránh, anh là nhà văn, là nhà văn đối thoại với nhân vật của mình”. Ông cho rằng Trang Thế Hy chọn cách thể hiện này vừa độc đáo, vừa rõ ràng, vừa thuận tiện vì là một nhà văn đối thoại với nhân vật, cái “tôi” ấy cho phép nhà văn toàn quyền với nhân vật của mình. Ông cũng đọc thấy tính dự báo trong văn của Trang Thế Hy. Đó là điều không phải ai cũng nhìn thấy. Tiếp theo là tham luận tại bàn tròn văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long 10 – 9 – 2004 của PGS.TS Phạm Quang Trung dưới tựa đề Bài học sáng tạo từ văn nghiệp của Trang Thế Hy . Ở bài này, PGS Phạm Quang Trung đã viết về Trang Thế Hy: “ (..) so với nhiều nhà văn Nam Bộ, ông tách riêng ra một cõi, vừa nghiêm cẩn vừa sâu lắng, vừa Nam Bộ vừa Việt Nam, thậm chí có những nét gặp gỡ nhân loại bao la ở tầng thẳm sâu nhất”. Ông đã rút ra bốn bài học cụ thể dành cho những người chọn nghiệp viết thông qua một số truyện ngắn tiêu biểu của Trang Thế Hy. Đó là chữ “tinh” trong nghề viết; là phải thấu hiểu đến tận gốc gác, ngọn nguồn bề sâu của bao tấn bi kịch mà con người trong đời từng trải qua; là sự khám phá về mặt tư tưởng bộc lộ qua cách nhìn, cách nghĩ của nhà văn; là việc giải quyết mâu thuẫn giữa tính chân thực của nghệ thuật và tính hiện thực của đời sống trong giai đoạn chiến tranh vừa kết thúc. Rút ra được bốn bài học đó là nhà nghiên cứu đã thấu hiểu tâm tư cũng như những tiêu chí “làm nghề” nghiêm túc của nhà văn. Với nhà văn Hoàng Đình Quang, trong bài “Trang Thế Hy – thầy tôi”, anh đã có nhận xét tỏ ra rất ấn tượng về câu văn của Trang Thế Hy: “Đọc truyện ngắn của Trang Thế Hy thấy câu văn dài mướt như cả truyện chỉ có một câu văn mà thôi. Cái lạ của câu văn ông là dài mà không khó hiểu, những mệnh đề rất rạch ròi, đọc hết câu, ngẩn ra, đọc lại thấy hay hơn”. Đây là một nhận xét đúng với tất cả những truyện ngắn của Trang Thế Hy. Ai đã đọc văn của nhà văn lão thành này cũng có thể thấy điều đặc biệt ấy. Nhà nghiên cứu Hoài Anh với bài Người suốt đời lo trả “nợ nước mắt” đã đưa ra nhiều nhận định có giá trị về truyện ngắn của Trang Thế Hy. Bằng việc phân tích khá hay một số truyện ngắn tiêu biểu, Hoài Anh đã thấy được Trang Thế Hy thường đi vào cảnh đời u uẩn của những con người kém may mắn trong xã hội nhưng luôn giữ được lòng tự trọng. Truyện của Trang Thế Hy thường kết hợp nhiều bình diện trong cùng một truyện nên tạo ra sự đa nghĩa, đa thanh, giàu sắc thái. Hoài Anh cũng đã đề cập đến vấn đề khá nổi cộm trong truyện của Trang Thế Hy, đó là vấn đề phẩm chất của người nghệ sĩ trong đời sống. Trong bài Trang Thế Hy qua tròng kính viễn của tôi, bằng lối viết giàu hình tượng, nhà thơ La Quốc Tiến đã phác ra được đôi nét đặc điểm truyện ngắn của Trang Thế Hy. Đầu tiên là sự thành công của nhà văn trong việc khắc họa nên hình tượng nhân vật nghệ sĩ, “những kẻ có tài, có tâm nhưng lại thiếu chút may mắn (?) hoặc đánh mất chữ thời trong ghềnh thác cuộc đời”. Tiếp đó là tư tưởng hướng thiện trong sáng tác của Trang Thế Hy: Cái Ác được Trang Thế Hy hình tượng hóa như là những “lỗ đen” của tâm hồn, chứng “thiểu năng” của nhân cách, do vậy nên khoan thứ hơn là chấp nệ hoặc đòi hỏi trả giá. Trong truyện ngắn của ông, cái Thiện không hề được vinh danh ở bất kỳ mô-típ nào, ông cũng không dám vạch nẻo thiên lương, thế nhưng người đọc vẫn cảm nhận được tiếng gọi trầm thống của sự quay về với ĐẠO, vượt lên trên những điều răn thông tục mà phù phiếm. Ngoài ra, chúng tôi còn thấy có những bài phỏng vấn nhà văn và một số bài viết bày tỏ sự yêu mến, ngưỡng mộ dành cho ông như Trò chuyện với nhà văn Trang Thế Hy (Phan Tấn Hà, báo Tuổi trẻ Chủ nhật, ngày 29/4/2001) Một buổi sáng Trang Thế Hy (Sa Nam, báo Sài Gòn giải phóng online, ngày 12/5/2007), Trang Thế Hy: Tôi chung thủy nhưng hờ hững… ( Thúy Nga, báo Tuổi Tre online, ngày 11/3/2007), …Thông qua những bài viết ấy, chúng ta có thể thấy được nhân cách của nhà văn, sự lịch lãm và cách sống của một người thông tuệ mà khiêm nhu. Cũng từ những bài viết ấy, chúng ta thấy niềm tin yêu, nể phục của nhiều người dành cho ông là có thật. Và ông rất xứng đáng với những tình cảm ấy. Những bài viết này không cung cấp thông tin về các sáng tác của Trang Thế Hy nhưng là những khơi mở để chúng ta có thể hiểu hơn về con người cũng như quan niệm nghệ thuật của nhà văn, từ đó có được cái nhìn thấu đáo hơn trong khi tiếp cận các truyện ngắn của ông. Tóm lại, những bài viết của các nhà văn, nhà phê bình, nghiên cứu vừa kể trên đều đã đề cập đến nhiều khía cạnh, nhiều nét đặc sắc khác nhau trong sáng tác của Trang Thế Hy. Tất cả những nhận định quý báu đó sẽ là cơ sở cần thiết để chúng tôi tiếp cận và tìm hiểu kỹ lưỡng về những đặc điểm cơ bản của truyện ngắn Trang Thế Hy. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đề tài khảo sát các truyện ngắn của nhà văn Trang Thế Hy (thuộc cả hai giai đoạn trước và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng) để tìm ra những nét độc đáo về nội dung cũng như nghệ thuật trong các sáng tác của nhà văn. Do nhiều truyện đã thất lạc qua thời gian, chúng tôi chỉ có thể tìm hiểu 33 truyện ngắn còn lại trong tuyển tập mới nhất là Truyện ngắn Trang Thế Hy ( Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2006) và phần tuyển chọn của PGS Trần Hữu Tá trong chuyên luận Nhìn lại một chặng đường Văn học (Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2000). Tuy không đầy đủ, nhưng chúng tôi cảm thấy an tâm khi được chính nhà văn khẳng định rằng những truyện ngắn còn lưu giữ được cũng là những truyện tiêu biểu trong sự nghiệp của ông. Quan trọng hơn, nội dung tư tưởng cũng như bút pháp nghệ thuật của các truyện này đã biểu hiện đầy đủ những nét chính trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Điều này có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có căn cứ để khẳng định các đặc điểm truyện ngắn Trang Thế Hy thông qua những truyện ngắn nói trên mà không sợ phiến diện. Để đi vào tìm hiểu đặc điểm truyện ngắn của một tác giả, chúng tôi cũng đi theo con đường mà các nhà nghiên cứu khác từng đi. Đó là lần lượt xem xét các bình diện như quan niệm nghệ thuật, nội dung tự sự, phương thức tự sự, ngôn ngữ nghệ thuật. Với đề tài Đặc điểm truyện ngắn Trang Thế Hy cũng vậy. Đây là những bước đi không có gì mới mẻ, nhưng là những bước căn bản và cần thiết để có thể hiểu đúng về một tác giả cũng như những đặc điểm chính trong sáng tác của tác giả ấy. 4. Đóng góp của luận văn Trang Thế Hy là nhà văn có quá trình cầm bút khá dài: non nửa thế kỷ. Tác phẩm ông dành tặng cho cuộc đời không nhiều (chỉ trên dưới năm mươi truyện ngắn), bởi ông viết rất chậm, rất khó. Mỗi khi đặt bút viết là một lần ông bày tỏ những trở trăn, day dứt của một con người nặng lòng với nhân sinh. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình nào khảo sát về nhà văn bình dị mà độc đáo này một cách kỹ lưỡng, đầy đủ. Luận văn này muốn góp phần nhỏ bé khẳng định những đóng góp của Trang Thế Hy, nhà văn của mảnh đất Nam Bộ màu mỡ, của những con người Nam Bộ bộc trực mà chan chứa nghĩa tình, bằng việc: - Phát hiện những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật qua phân tích những biểu hiện cụ thể, tiêu biểu trong các truyện ngắn của Trang Thế Hy . - Khẳng định sự thống nh._.ất chặt chẽ giữa bút pháp nghệ thuật và tư tưởng, cảm hứng trong các sáng tác của ông. - Đặt những sáng tác của nhà văn trong tiến trình vận động của văn học yêu nước thành thị miền Nam 1954 – 1975 nói riêng, văn học Nam Bộ nửa sau thế kỷ XX nói chung để thấy rõ những đóng góp của người nghệ sĩ này. 5. Phương pháp nghiên cứu Thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng kết hợp một số phương pháp sau: - Phương pháp hệ thống: là phương pháp hữu hiệu trong việc xác định những đặc điểm nghệ thuật trong tác phẩm của Trang Thế Hy. Đặc điểm nghệ thuật của một tác giả thường trải dài trong suốt sự nghiệp của tác giả đó chứ ít khi thể hiện đầy đủ trong một hay một vài tác phẩm (trừ một vài trường hợp đặc biệt như Truyện Kiều (Nguyễn Du) hay Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)). Truyện ngắn của Trang Thế Hy cũng không là ngoại lệ. Cần có một cái nhìn xuyên suốt để chỉ ra được đầy đủ những đặc điểm đáng chú ý trong sự nghiệp của ông. - Phương pháp phân tích: Tìm hiểu đặc điểm truyện ngắn Trang Thế Hy, việc trước tiên phải làm là đi vào phân tích chính các sáng tác của nhà văn này. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ có cái nhìn đầy đủ, toàn diện về các đặc điểm đáng chú ý. - Phương pháp thống kê: Trong quá trình tìm hiểu tryện ngắn của Trang Thế Hy, có những đặc điểm được khái quát dựa trên sự phân tích, tổng hợp, và đương nhiên, cần một sự thống kê để của chúng ta có cơ sở nhận định chắc chắn, giàu sức thuyết phục. - Phương pháp so sánh - lịch sử: Song song với việc phân tích, chúng tôi cố gắng so sánh chính những sáng tác của Trang Thế Hy trước và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng để thấy sự biến đổi về bút pháp cũng như nội dung thể hiện của ông. Một số nhà văn Nam Bộ cùng lý tưởng với ông và một số nhà văn ở miền Bắc thế hệ trước cũng có những điểm gặp gỡ ông trong sáng tác. Vì thế, chúng tôi cũng so sánh sáng tác của họ với các sáng tác của ông để thấy được nét riêng của nhà văn trong việc thể hiện tài năng cũng như quan niệm nhân sinh. 6. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, thư mục và phụ lục, danh mục tài liệu tham khảo, phần cơ bản của luận văn gồm có ba chương: Chương 1: TRANG THẾ HY - NGÒI BÚT CẢM THÔNG, BÊNH VỰC NHỮNG CON NGƯỜI BẤT HẠNH (xét từ bình diện quan niệm nghệ thuật của nhà văn) Chương 2: CON NGƯỜI VÀ VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG TRUYỆN NGẮN TRANG THẾ HY ( xét từ bình diện nội dung tự sự) Chương 3: NHỮNG TRANG VIẾT ĐẬM CHẤT TRỮ TÌNH SÂU LẮNG (xét theo phương thức tự sự). Chương 1 TRANG THẾ HY NGÒI BÚT CẢM THÔNG, BÊNH VỰC NHỮNG CON NGƯỜI BẤT HẠNH 1.1. Vài nét về nhà văn và quá trình sáng tác 1.1.1. Vài nét về nhà văn: Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29.10.1924, quê ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Trong những năm 1942-1943, cuộc sống khó khăn đã khiến anh thanh niên Võ Trọng Cảnh rời quê lên Sài Gòn kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau như làm kiểm vé xe điện, làm thủ kho … Mảnh đất Sài thành không ngờ lại là một nơi nhiều duyên nợ với nghiệp văn chương của người thanh niên đang dở dang học vấn này. Cũng như bao thanh niên cùng thế hệ, Võ Trọng Cảnh tham gia cách mạng từ ngay sau Cách mạng tháng Tám với một nhiệt huyết yêu nước sục sôi . Thời gian ấy, ông vẫn còn ở quê nội là Hữu Định. Sau đó ông bắt đầu công tác tại Ty thông tin tuyên truyền tỉnh Bến Tre. Năm 1951, Võ Trọng Cảnh được rút về Sở thông tin Nam Bộ; sau đó chuyển về Ty thông tin Cần Thơ cho đến ngày ký kết hiệp định Genève tháng 7-1954. Vào khoảng 1949 – 1950, ở Bến Tre có Phân hội Văn nghệ kháng chiến tỉnh. Võ Trọng Cảnh lúc này cũng có làm dăm bài thơ nhưng hoạt động văn nghệ thực sự thì chưa có gì. Tháng 7.1954 ông có làm một bài thơ dài mang tên Thanh gươm tháng Tám in trên báo Nhân dân của tỉnh. Bài thơ nói lên tâm sự của người đi kháng chiến nhớ về một người bạn cũ đã rời bỏ đội ngũ, sống bơ vơ, không mục đích. Chủ đích của ông khi viết bài thơ đơn giản chỉ là phục vụ cho công tác binh vận. Dù vậy, đây là bài thơ được Trang Thế Hy ghi nhớ bởi nó là dấu mốc đầu tiên trong ý thức sử dụng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu. Sau 1954, trong khi nhiều người chọn nguyện vọng tập kết ra Bắc thì Võ Trọng Cảnh xin được ở lại bám quê, mai phục đấu tranh chờ ngày thống nhất đất nước. Cho đến 1956, ông vẫn làm công tác tuyên huấn tại Thị uỷ Bến Tre, phụ trách việc ra một tờ thông tin (cũng chỉ là viết tay trên bản kẽm và in những tờ tin nhỏ). Từ cuối 1956, tình hình bắt đầu cam go, cán bộ cách mạng bị địch săn đuổi rất gắt gao. Lúc bấy giờ, tỉnh có chủ trương đưa những cán bộ bị truy đuổi ráo riết lánh đi, rồi hoạt động công khai, tạo thế hợp pháp mới. Ông được lệnh đi “điều lắng” và được chọn Sài Gòn là địa bàn hoạt động mới. Điều này cũng có ít nhiều thuận lợi cho ông bởi hơn mười năm trước đó ông đã từng lăn lộn kiếm sống ở mảnh đất phồn hoa phức tạp này. Thời gian đầu, ông phải tự xoay sở kiếm sống. Đầu tiên là dạy kèm trẻ tại tư gia. Tiếp đó là sửa bản in ở các nhà xuất bản nhỏ. Nhờ những năm tháng dạy học mà con người hiếu học, đầy ý chí phấn đấu ấy tiếp tục tự học (vì ông chưa học hết bậc Trung học)và tự học thêm tiếng Pháp. Ông đã tìm đọc, tìm mua nhiều sách cũ bằng tiếng Pháp để nâng cao vốn ngoại ngữ của mình. Cũng chính từ đây, ông có cơ hội tiếp xúc với các nền văn học thế giới, “gặp gỡ” được những nhà văn lớn của thế giới như Tchekov, Gorki, Dostoievski, Hemingway, Lỗ Tấn… Công việc sửa chữa bản in cũng là một nhịp cầu đầy duyên nợ đem ông đến với văn chương. Ông được đọc nhiều tác phẩm của các tác giả đương thời và nhận ra được nhiều điều bổ ích. Chính từ đây, sự tự tin của một con người ham học hỏi, sự quyết tâm của một cán bộ tuyên huấn đã khiến ông nảy sinh ý tưởng: mượn văn chương để làm công tác tuyên truyền. Dù trước đó không có thiên hướng lắm về văn chương nhưng ông tự tin vào khả năng, vào mục đích của mình và tự nhủ: mình sẽ viết được! Và ông bắt đầu viết với sự động viên, khuyến khích của các “đàn anh” trong nghề như Viễn Phương, Sơn Nam, Lý Văn Sâm… Vài truyện ngắn đầu tiên của ông đã ra đời và được đăng trên báo Nhân loại với bút danh Văn Phụng Mỹ (tức Văn chương phụng sự cái đẹp). Những truyện ngắn sau đó như Nguồn cảm mới, Nắng đẹp miền quê ngoại, Vầng trăng bên kia sông…đã nhanh chóng làm ông nổi tiếng. Năm 1959, ông chính thức lấy bút danh Trang Thế Hy vì ông thấy bút danh Văn Phụng Mỹ đã “quê” rồi, không còn phù hợp nữa. Ngoài truyện ngắn, Trang Thế Hy còn viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết của ông xuất hiện trên nhật báo Thủ Đô và tuần báo Chị cùng em dưới hình thức feuilletons. Cũng như số phận không may của những trí thức yêu nước, những cán bộ cách mạng chân chính khác cùng thời, từ năm 1960 đến 1962, ông bị chính quyền ngụy bắt giam. Trong tù, con người ham học ấy lại tranh thủ học thêm ít chữ Hán của các giáo sư bị giam chung chứ nhất quyết không chịu để thời gian trôi qua vô ích. Năm 1963, ông vào khu giải phóng và ở trong biên chế của Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn – Gia Định, công tác trong Tiểu ban văn nghệ thuộc Trung ương cục miền Nam. Trong thời gian ấy, ông đã gặp gỡ và hoạt động cùng với các văn nghệ sĩ như Giang Nam, Lý Văn Sâm, Trần Hiếu Minh. Và ông tiếp tục viết văn. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông trở về Sài Gòn và sống tại căn hộ tập thể 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (thuộc quận 3 Thành phố Hồ Chí Mnh ngày nay). Có nhiều thời gian cũng như vốn sống thực tế, ông viết đều và đã xuất bản các tập truyện: Mưa ấm, Người yêu và mùa thu, Vết thương thứ mười ba . Tập truyện ngắn Tiếng khóc và tiếng hát của ông do Hội văn nghệ Bến Tre xuất bản đã được giải thưởng Hội nhà văn năm 1998. Viết đều, viết được, với một vốn kiến thức uyên thâm và khát khao học hỏi, thế nhưng sau đó ông đã gần như không viết nữa. Có lẽ ông đã bị trầm cảm. Cũng có thể ông muốn dành nhiều thời gian để chiêm nghiệm lẽ đời. Năm 1992 đến nay, ông trở về sống lặng lẽ tại quê nhà, theo cách nói của ông là để chuẩn bị “đi chỗ khác chơi”. Truyện ngắn cuối cùng mà Trang Thế Hy viết chính là truyện Hai người nhìn mưa dầm, một truyện ông rất yêu mến bởi ông viết về một người bạn mà ông mến yêu, về những kỷ niệm hằn sâu trong đời ông. Thời gian sau này, Trang Thế Hy thỉnh thoảng làm thơ. Ông viết về những điều ông chiêm nghiệm – những điều giản dị mà rất đỗi nhân văn. Ngoài ra ông cũng là một dịch giả khá thành công với những bài thơ hay của thi hào Rabindranath Tagore. Và cho dù là truyện ngắn, tiểu thuyết hay những bài thơ tự do, những bài thơ dịch, văn chương Trang Thế Hy vẫn toát lên nét thâm trầm, sâu lắng của một ngòi bút luôn trăn trở tìm cách để bảo vệ, gìn giữ cái đẹp của cõi người. 1.1.2. Quá trình sáng tác: 1.1.2.1. Các giai đoạn sáng tác: Như chúng ta đã biết trong phần tiểu sử, Trang Thế Hy sáng tác từ cuối 1956 cho đến mãi những năm 90 của thế kỷ XX (cụ thể: truyện ngắn cuối cùng Hai người nhìn mưa dầm của ông viết năm 1993). Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy quá trình ấy có những khác biệt đáng chú ý. Điều này được thể hiện ngay trong những truyện ngắn của ông. Đó là sự thay đổi về nội dung tự sự và đặc trưng nghệ thuật. Chúng ta tạm thời chia làm hai giai đoạn trong quá trình ấy. Giai đoạn thứ nhất là những năm đầu Sài Gòn đặt dưới sự cai quản của chính quyền Ngô Đình Diệm. Giai đoạn này, như phần đông các nhà văn thời bấy giờ, Trang Thế Hy thường sử dụng lối viết mang tính ẩn dụ, với những biểu tượng hai mặt, những hình ảnh mang tính biểu trưng cao. Lòng yêu nước thiết tha, sự căm thù giặc mãnh liệt, niềm tin vào con người, tin vào sức mạnh của truyền thống văn hóa, quyết tâm bảo vệ, gìn giữ đến cùng hồn dân tộc … được nhà văn thể hiện một cách khá uyển chuyển trong tình thế chính trị hết sức khó khăn lúc đó. Ông lấy khá nhiều bút danh khác nhau để dễ bề hoạt động dưới sự kìm kẹp của kẻ thù. Các bút danh ông đã sử dụng là: Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm, nhưng Trang Thế Hy chính là bút danh được nhà văn sử dụng nhiều nhất. (Nhà văn cho hay, ông đã sử dụng bút danh Trang Thế Hy từ năm 1959 đến tận bây giờ). Giai đoạn thứ hai là từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng(1975) cho đến những năm 90 của thế kỷ trước. Tình thế đã thay đổi. Từ trạng thái bị nô lệ, mất tự do, đất nước đã chuyển sang một thời kỳ mới: thời kỳ của hòa bình, độc lập, tự do đích thực. Nhà văn không còn phải đối mặt với những ngăn trở, cấm đoán như giai đoạn trước nữa, nghĩa là ngòi bút được tự do tung hoành. Nhưng cũng ngay sau chiến tranh, một mảng hiện thực mới đã phơi lộ, để lại trong lòng nhà văn vốn đa cảm những trăn trở khôn nguôi. Và những trăn trở về thời cuộc ấy đã được ông kín đáo thể hiện trong những sáng tác ở giai đoạn sau này. Thực ra khó mà phân chia rạch ròi giai đoạn sáng tác của nhà văn. Bởi phần nhiều những đặc trưng truyện ngắn của ông đều có sự nhất quán từ đầu đến cuối trong các sáng tác như cách viết ẩn dụ, dựng truyện phi cốt truyện, giọng trữ tình… (chúng ta sẽ nói rõ ở phần sau), đặc biệt, cho dù viết ở giai đoạn nào, vấn đề cần nhấn mạnh là gì đi chăng nữa thì Trang Thế Hy vẫn luôn dành những dòng tâm huyết cho số đông những con người bất hạnh luôn thầm lặng của ông. Có khác chăng là càng ngày, với nhiều trải nghiệm, tay bút này càng vững hơn, vấn đề đưa ra nhiều hơn, sâu hơn, nhất là những vấn đề mới của thời cuộc. 1.1.2.2. Những tập truyện ký đã xuất bản: Kể từ khi bắt đầu sáng tác đến nay, nhà văn của chúng ta đã có bảy tập truyện ký được xuất bản, bắt đầu với tập Nắng đẹp miền quê ngoại (1964) và gần đây nhất là Truyện ngắn Trang Thế Hy (2006). Các tập còn lại lần lượt là:Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ mười ba (1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993), Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (2001). Trong các tập truyện ký kể trên, tập sau có in lại một số tác phẩm tiêu biểu của tập trước. Trang Thế Hy được biết đến với tư cách một nhà văn, nhưng những bài thơ ông sáng tác cũng có một sức nặng đáng kể. Một trong số ít ỏi những bài thơ của ông đã được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay của thế kỷ trong năm 2007. Đó là bài Lời nói dối nhân ái. Những bài thơ khác của ông được người đọc biết đến là: Dấu răng, Định lý và định lý, Lời dạy của mẹ về thời gian và văn minh, Bứt đứt sợi chỉ hồng, Tấm vé số và những thiên đường có sẵn, Người bạn đường có tên là hy vọng, … 1.1.2.3.Các giải thưởng đã đạt được: - Giải thưởngvăn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam (1960-1965) cho truyện ngắn Anh Thơm râu rồng. - Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát. - Tặng thưởng loại A của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2001 cho tập truyện Nợ nước mắt. 1.2. Quan niệm nghệ thuật của Trang Thế Hy Nhà văn có cái nhìn, cách nhìn rất riêng về con người, về thế giới. Cách nhìn ấy được thể hiện thông qua sáng tác của chính ông. Ngay từ đầu, ông không hề có ý định “lập thân” bằng văn chương. Giản dị và cao quý thay cái duyên cớ mà nhà văn cầm bút: để phục vụ cách mạng và …kiếm sống! Và trong hành trình lặng lẽ của ngòi bút thâm trầm ấy, nhà văn của chúng ta nhận ra trách nhiệm của mình là: viết văn để bênh vực những con người bất hạnh. Nhà văn đã từng tâm sự: Có nhiều người hỏi tôi và tôi cũng tự hỏi: Cái gì làm nên ngòi bút Trang Thế Hy? Có lẽ là điều này: ngòi bút của tôi dùng để bênh vực những bất hạnh trong cuộc đời này. (…) Tôi nghĩ trong xã hội nào cũng có người tốt người xấu, có người chân thật, kẻ giả dối, có cái ác đan cài với cái thiện…, nhưng người bất hạnh thì nhiều lắm. Họ kém may mắn trong đời sống xã hội đang đổi thay, họ bị vùi dập trong cuộc đời nghiệt ngã nhưng vẫn giữ được chút lòng tự trọng của con người. Tôi nghĩ những con người như thế rất xứng đáng đưa lên những trang sách. Và công việc của nhà văn là phải bênh vực người thất thế. [2, tr.85]. Quan niệm này được nhà văn thủy chung gìn giữ cả trong cuộc sống đời thường cũng như trong các sáng tác của ông. Trong các sáng tác, quan niệm này được thể hiện ở sự tự ý thức của một nhà văn chân chính.Đó trước hết là sự tự ý thức về trách nhiệm của người cầm bút, thứ đến là tự ý thức về nhân cách của người nghệ sĩ. Đọc Trang Thế Hy, chúng ta gặp lại quan niệm của đại thi hào Nguyễn Du: chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Nhà văn của chúng ta đã tiếp nhận quan niệm nhân sinh sâu sắc ấy một cách khá thành kính. Trong các sáng tác của mình, Trang Thế Hy đã nhiều lần, trực tiếp cũng có, mà gián tiếp cũng có, đề cập đến nó. 1.2.1. Tự ý thức về trách nhiệm của người cầm bút. Trước khi đặt bút viết văn, Trang Thế Hy đã lựa chọn thế đứng của mình: đứng về phía số đông những con người bất hạnh, “số đông của đạo lý”, như ông vẫn quan niệm. (Cũng có người cho rằng nhà văn của chúng ta đã quá cực đoan khi quan niệm như vậy và cũng đã viết như vậy. Điều đó không khỏi làm cho ông có chút băn khoăn, trăn trở, nhưng ông không muốn nghĩ khác đi, như ông từng tâm sự. Và thực tế cuộc sống cũng đứng về phía ông: số đông đã không phủ nhận quan niệm này). Trong tranh đấu, người nghệ sĩ phải dùng tài năng của mình để hoàn thành sứ mệnh của một nghệ sĩ. Sứ mệnh đó không gì khác hơn là hoàn thành trách nhiệm của một công dân chân chính trong cảnh ngộ nước mất nhà tan. Ông không bao giờ chấp nhận thái độ nửa vời. Ông phản đối đến cùng ý nghĩ “làm một người chân chính cỡ nhỏ” như hoạ sĩ Diệp trong Mưa ấm. Ông đòi hỏi người nghệ sĩ phải biết dấn thân bằng cả trái tim sục sôi lửa yêu mến chứ không phải bằng trí óc tỉnh táo của một con người luôn toan tính thiệt hơn cho bản thân. Và ông đã dứt khoát để người con gái tên Thu dứt tình khỏi con người nghệ sĩ chỉ chăm chăm làm một “người chân chính cỡ nhỏ” kia. Trong Nguồn cảm mới, Trang Thế Hy bộc lộ là một nhà văn biết nhìn và nhìn thấy những góc tối trong một bộ phận những con người nghèo khổ. Đó là những cô gái giang hồ chấp nhận bán thân để tồn tại. Nhưng nhà văn “chủ tâm xác định cái chiến thắng tất yếu, sau cùng của đạo lý trước cái chiến thắng tạm thời của dục vọng xấu xa”[16, tr.25] bởi trong đám người sống cảnh sống tối tăm ấy , ông nhìn ra được những con người tốt đẹp, và những con người ấy đã củng cố niềm tin trong ông cho thêm vững chắc. Ông muốn nhắn nhủ rằng: Người cầm bút không được vội vàng bi quan khi chỉ mới nhìn thấy một mặt của thế sự, ngược lại phải thêm mạnh mẽ để tranh đấu cho cái đẹp, cho đạo lý, vì cái đẹp, vì đạo lý, và phải đặc biệt tin tưởng vào truyền thống cao đẹp từ ngàn xưa ông bà ta đã răn dạy cháu con: đói cho sạch, rách cho thơm. Cũng thế, trong Một thiếu nữ không đáng kể, Trang Thế Hy đã đứng về số đông những con người nghèo khổ, bất hạnh. Đã có lúc người nghệ sĩ trong ông và cũng là nhà viết tiểu thuyết trong truyện ngắn ấy cảm thấy thất vọng, mất niềm tin vào những con người mà ông đã để tâm thương mến. Ấy thế nhưng ông cũng đã kịp nhìn ra cái phần tốt đẹp nhất của những con người tội nghiệp ấy, cái phần “thiện căn” của con người. Hường đã bán mình cũng chỉ để lo cho đứa em côi cút đáng thương khỏi phải thất học và tránh được nguy cơ đánh mất nhân cách của mình trong cái thời cuộc nhộn nhạo ấy. Và khi người em không may mất đi, Hường đã không ngần ngại huỷ hoại mạng sống của mình, không phải chỉ vì sự hy sinh của cô không còn cần thiết, mà lý do chủ yếu chính là vì Hường không thể kéo dài thêm cuộc sống tủi nhục ấy nữa. Nhà văn trẻ trong truyện cuối cùng đã nhận rõ được giá trị của những cô gái như Hường để thêm vững tay khi viết về những con người đáng thương vẫn từng ngày, từng giờ sống quanh mình. Khi viết Thèm thơ, nhà văn của chúng ta đã không ngần ngại khoác cho cô gái giang hồ trong truyện của mình một tấm áo choàng đẹp đẽ, cao trọng của tâm hồn. Vũ, chàng thi sĩ cô đơn trong truyện đã từng nhờm tởm Loan cũng như những cô gái chơi bời khác mà chàng từng gặp. Ấy là khi Vũ chưa thực sự “nghe” những con người ấy “nói”. Trang Thế Hy cho rằng, số đông những con người bất hạnh là những con người thầm lặng, họ biết nói nhưng làm thinh không nói. Và bổn phận của chúng ta – những người cầm bút - là phải nghe cho được những điều mà họ không nói ra thành lời ấy. Vũ cảm thấy bất ngờ bởi chợt nhận ra “không phải chỉ có những người trong trắng mới biết hoài niệm những cái đẹp của tuổi thơ”[16, tr.56]. Một cô gái chơi bời cũng biết “thèm thơ” như ai, và “khám phá” ấy đã khiến cho “Trong lòng Vũ, một niềm vui mỏng manh cũng đang trỗi dậy. Đã lâu, Vũ mới thèm làm thơ một cách đáng gọi là làm thơ” [16, tr.62]. Nhà thi sĩ cuối cùng cũng đã tìm thấy nguồn cảm hứng thơ chân chính của mình: nguồn cảm hứng có được từ chính những con người khổ sở, bất hạnh xung quanh. Có khi nhà văn của chúng ta cảm thấy ray rứt, thấy có lỗi vì không nhận ra đâu là “tiếng hát”, đâu là “tiếng khóc” của những con người cơ khổ xung quanh. Bằng việc tạo ra một cuộc đối thoại có vẻ lan man giữa một nghệ sĩ viết tuồng và một người phụ nữ nghèo bán quán trong một chiều mưa buồn về thân phận của những con người cùng khổ, qua truyện Tiếng khóc và tiếng hát, Trang Thế Hy đã muốn nhắn nhủ với chính mình và những người cùng nghề rằng “nếu như em thật sự yêu nghề… thì em phải lắng nghe cho được ngôn ngữ lặng thầm của những người đau khổ biết nói mà làm thinh không nói”. Nhà văn chân chính phải nhận ra được “đó là lời răn dạy rất nghiêm, có giá trị thức tỉnh cao của một hiện thực đau buồn nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng”[16, tr.450]. Truyện này được viết sau hơn ba mươi năm cầm bút (1990) chứng tỏ đây là một đúc kết nghiêm túc cho cái nghiệp mà nhà văn đã chọn. Nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá đã rất tinh khi nhận ra đây chính là tuyên ngôn nghệ thuật của Trang Thế Hy. Chính nhà văn cũng đã khẳng định tôn chỉ nghệ thuật của mình được thể hiện trong truyện ngắn này. Thực ra, không phải chỉ có Trang Thế Hy mới chọn cho mình hướng đi này. Nhưng trăn trở nhiều như nhà văn này về trách nhiệm của người cầm bút đến mức nói lên thành tiếng mọi nơi mọi lúc thì không có mấy. Chúng ta nhớ đến Nam Cao, Nguyên Hồng, những nhà văn tài hoa của miền Bắc thế hệ đi trước của Trang Thế Hy, cũng đã chọn con đường nghệ thuật vì những người cùng khổ. Nam Cao cũng nhiều lần nói lên quan niệm nghệ thuật của mình thông qua hình tượng những văn sĩ chân chính: “nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than…” [4, tr.131]. Còn Nguyên Hồng, cứ lầm lũi viết để “trả nghĩa” cho những con người cùng khổ mà ông mến thương. Giữa các nhà văn vừa kể, họ có sự đồng điệu. Nhưng riêng Trang Thế Hy, ta thấy cái chất Nam Bộ thẳng thắn, bộc trực đã thể hiện rất rõ trong cách nhìn, cách viết của ông. 1.2.2.Tự ý thức về nhân cách của người nghệ sĩ Nhân cách của người nghệ sĩ là vấn đề quan trọng của mọi thời bởi nhà văn thường được xem là người phát ngôn cho đại chúng. Ở một vị thế như vậy, nếu nhân cách của người cầm bút không được chú trọng bồi đắp thì sẽ là điều tối nguy cho xã hội. Trong truyện Xứ xa và xứ mơ, nhà văn đề cao văn nghệ thuần lương và lên án thứ văn nghệ bá láp trong xã hội nhiễu nhương lúc bấy giờ. Trong tình thế đòi hỏi, người nghệ sĩ cầm bút có lương tâm sẽ viết khác hẳn những kẻ đội lốt văn nhân để bán rẻ nghệ thuật. Nhà văn đã để cho một độc giả quan tâm đến văn chương bày tỏ thái độ của mình: (…)Chàng trai trong tác phẩm của ông ba năm về trước thật là dồi dào sức sống nội tâm, ít nói, suy tư nhiều, hơi quê mùa một chút, nhưng khinh bạc với phù hoa, có cái hào hùng trầm lặng của một người dám nhìn rất xa về phía trước để mà cười được trên những đắng cay đau xót của hiện tại. Còn chàng trai trong tác phẩm của ông bây giờ thì thế nào? Đó là một anh chàng hoặc là chải chuốt hào hoa trong bộ cánh diêm dúa hợp thời trang hoặc xốc xếch một cách giả tạo cho có cái bề ngoài nghệ sĩ, ưa làm như khinh bạc với mọi thứ tiện nghi nhưng tâm địa lúc nào cũng bị sự khao khát hưởng thụ triền miên dằn vặt, ưa chửi đổng lối trang phục khiêu dâm mà không tự thấy mình là con mồi thảm hại của những ham muốn nhục dục không được thoả mãn.[16, tr.41-42] Nhà văn phải biết mình đang đứng ở đâu giữa thế cuộc để viết bằng chính tinh hoa cảm nghĩ của mình, chứ không phải chỉ bằng kỹ xảo, bởi kỹ xảo chỉ để đánh lừa một bộ phận người đọc nhẹ dạ chứ không thay thế được nghệ thuật chân chính. Nhà văn phải cảnh giác với chính mình, chớ để thời cuộc dẫn mình đi vào con đường sa đoạ, nhẹ hơn cũng trở thành kẻ giả dối – giả dối với mọi người và giả dối với chính mình. Văn nghệ sĩ phải là những người hết sức tránh tình trạng “Lúc còn nghèo khổ, hễ mở miệng ra là binh vực người nghèo khổ, tới khi ngồi nhà hàng, uống rượu Tây, đi xe hơi, nghĩa là khi đã chen lấn, bươi quào thoát ra khỏi kiếp nghèo rồi thì những người nghèo khổ không còn có mặt trong cuộc đời này nữa” [16, tr.445] Người nghệ sĩ có nhân cách là một nghệ sĩ chọn cho mình cuộc sống như số đông vẫn sống, dù đó có thể là cuộc sống vất vả, nhưng nhất định không chịu đem “chút đỉnh tinh hoa nghệ thuật” tìm cách bán. Đó là trường hợp của Vũ trong Bơ vơ, cũng là của một nhà thơ nghèo chuyên đi bỏ mối nước đá cục trong Một nghệ sĩ. Dù biết “đời bây giờ người ta sống bằng sự khôn ngoan, đâu phải bằng tài năng…”[16, tr.311], dù biết sống vất vả như thế sẽ bị nhiều kẻ cơ hội nhiếc là ngu, thậm chí còn bị nhạo báng nữa, nhưng người nghệ sĩ đích thực sẽ chọn thứ mà mình đam mê, dù cho thế sự được bằng an hay đảo điên gì cũng thế. Đam mê rồi thì phải tìm vốn sống. “Vốn sống gián tiếp không phải là vốn sống” [16, tr.505]. Cái cắc cớ của nghệ thuật lại nằm ngay ở chỗ: nghèo lại là một vốn sống đáng quý và khá dồi dào. Bởi “trong văn học, sự hẩm hiu chưa hẳn là một điều bất hạnh” [16, tr.249]. Thực tế cũng chứng minh: những nhà văn, những nghệ sĩ nổi tiếng với những cống hiến lớn lao lại là những con người sống trọn kiếp nghèo khổ, thanh đạm. Một nghệ sĩ hát bội đã khuyên nhà thơ, người em tinh thần của mình rằng “Em ráng chịu nghèo để làm thơ đi, đừng để ông tổ thơ ổng hành tới bịnh, không nên…”.[16, tr.325] Đam mê thôi chưa đủ, nghệ sĩ còn phải là người có tài. Điều đó thì đã hẳn. Nhà văn cực lực công kích những kẻ thiếu tài năng mà ham hư danh, từ đó mà sinh ra bao giả dối, lọc lừa. Một người anh họ, nguyên là cán bộ huấn học, gặp lại cậu em là một nhà văn. Người anh đã nhắc lại chuyện ngày thơ cậu em rất ham bắn chim, vì không bắn được nên bèn nghĩ cách bỏ công vò đạn đổi chim chết của người khác bắn để lấy tiếng. Kỷ niệm cũ chỉ là cái cớ để người anh bộc trực này nhắc nhở người em về một thực tế đáng buồn trong giới văn nghệ sĩ: có những bữa tiệc tay đôi giữa người nghệ sĩ và người thuộc giới chức trách có vai trò quyết định khá lớn đối với số phận của một công trình nghệ thuật có thể sẽ được xuất hiện hay là không. Đại khái đó cũng là một kiểu vò đạn đổi chim như kiểu của cậu em bé thơ năm nào. Người anh muốn nhắc nhở em mình đừng viết những truyện “tròn như cục đạn để phản ánh một cái hiện thực vốn không tròn” [16, tr.251]. Nhân cách của người cầm bút còn là việc “phải tự lượng sức mình và phải chân thực” [16, tr.370], nếu không sẽ rơi vào “nỗi cô độc bi thảm của người cầm bút nuôi nhiều tham vọng lớn bằng một tài năng nhỏ và muốn thu hoạch sự mến mộ của người khác bằng những xúc động giả của chính tâm hồn mình, nói nôm na là bằng sự lường gạt” [16, tr.371]. Người cầm bút có nhân cách cũng là người không bao giờ “tự huyễn hoặc rằng mình có những cống hiến lớn trong khi những thành đạt của mình thực ra là hết sức nhỏ nhoi” [16, tr.370]. Trong 33 truyện chúng tôi khảo sát thì có đến 15 truyện trực tiếp đề cập đến trách nhiệm, đến nhân cách của người cầm bút (chiếm gần 45,5%). Đây là một con số không hề nhỏ, nó phản ánh một quan niệm rất nhân bản rằng: người nghệ sĩ muốn bênh vực người thất thế thì phải xác định rõ trách nhiệm của mình, và phải là những người có nhân cách. Với quan niệm trên, nhà văn Trang Thế Hy đã lựa chọn cho mình một thái độ sống và viết thật đáng trọng! 1.2.3.Thế giới nghệ thuật của Trang Thế Hy 1.2.3.1. Vài nét về bức tranh xã hội và nhân sinh Lúc bắt đầu cầm bút cũng chính là lúc Trang Thế Hy ý thức sâu sắc những gì đang diễn ra quanh mình. Miền Nam những năm Mỹ và chính quyền Sài Gòn kiểm soát là một nơi buộc phải sống dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới. Mỹ và chính quyền Sài Gòn ra sức chống phá cách mạng, đàn áp nhân dân bằng nhiều mưu mô, thủ đoạn khác nhau. Chủ nghĩa chống cộng được coi là “Quốc sách”. Chúng liên tục gây ra những cuộc chém giết vô nhân đạo trên khắp miền Nam. Dưới chế độ ấy, xã hội bị phân hóa một cách sâu sắc. Một số kẻ đã phất lên nhanh chóng nhờ những mưu mô, thủ đoạn hợp thời. Còn lại số đông, họ bị đẩy vào cuộc sống bần cùng. “Bất cứ ai có lương tri không thể không day dứt trước hai cảnh sống trái ngược nằm sát bên nhau: những biệt thự, cao ốc tráng lệ và những khu nhà ổ chuột tối tăm; một số kẻ hàng ngày tiền vô như nước và những người thường xuyên phải bán máu, bán thân xác; những cuộc hưởng lạc “nhất dạ đế vương” tốn phí bạc triệu và sự chầu chực ngoài vỉa hè các nhà hàng, khách sạn của các binh đoàn hành khất nhằm kiếm miếng cơm để cầm hơi…”[31, tr.16]. Cuộc sống tăm tối của người dân đã đẻ ra những hậu quả tai hại. Người ta sẵn sàng bán thân nuôi miệng, sẵn sàng biến mình thành kẻ đầu trộm đuôi cướp, thậm chí có kẻ bán mình làm chó săn cho địch… Trong cảnh sống đó, cùng là người Việt Nam, sống cùng trên một mảnh đất, ấy thế mà người ta phải cảnh giác nhau, đề phòng nhau, thậm chí xa lánh nhau vì sợ mình có thể sẽ bị mang vạ. Biết bao gia đình phải chịu cảnh ly tán. Biết bao cảnh giết chóc, bắt bớ, cầm tù xảy ra hàng ngày. Người ta buộc phải lựa chọn thật quyết liệt, phải hy sinh cả những điều đáng quý nhất của cuộc sống: hy sinh hạnh phúc, tình yêu, và thậm chí cả tính mạng. Cuối cùng thì cảnh sống như địa ngục ấy cũng chấm dứt, nhường chỗ cho những ngày hoà bình. Nhưng hoà bình không có nghĩa là cuộc sống riêng của mỗi con người bình thường cũng sẽ được yên ổn. Không còn ngoại xâm, không còn bè lũ bán nước nhưng trong lòng nhiều người, bão giông đang nổi lên. Có những kẻ trong chiến đấu có chút công trạng, mới được cất nhắc đã vội quên những ngày gian khổ, quên hết nghĩa tình… Có những bà mẹ mất con, mất chồng phải sống trong cảnh chờ đợi hết năm này qua năm khác với biết bao thủ tục nhiêu khê để người thân của mình được công nhận là liệt sĩ… Lại có những người trong gian khó của cuộc chiến tranh không hề chùn bước, nhưng khi trở về với cuộc sống bình thường lại bỏ chạy trước những việc nghĩa rất nhỏ… Nhà văn đã không thể dửng dưng trước “những điều trông thấy”. Nhờ đó, chúng ta hôm nay được tiếp xúc với những trang viết trĩu nặng ưu tư của ông. 1.2.3.2.Những con người bất hạnh trong truyện ngắn Trang Thế Hy. Đọc Trang Thế Hy, chúng ta cứ liên tưởng đến Nguyên Hồng, một nhà văn của những người cùng khổ . Trang Thế Hy không chú tâm viết về nỗi thống khổ của con người như Nguyên Hồng (dù điều này cũng xuất hiện trong văn ông) nhưng ông viết nhiều về những con người bất hạnh với những nỗi niềm đa diện đa chiều. Đó là những con người bất hạnh vì chiến tranh, vì nhân tình thế thái, vì nghèo đói và vì lầm lạc, bất lực trước cuộc đời. Bất hạnh vì chiến tranh Chiến tranh là nỗi kinh hoàng của loài người. Sức phá huỷ của nó không gì có thể đo đếm được, nhất là sự hủy diệt con người. Ở đâu có chiến tranh, ở đó có những con người bất hạnh. Chiến tranh đã tràn lên quê hương miền Nam hiền hòa và gieo rắc đau thương, bất hạnh cho bao con người. Những nhà văn cầm bút giai đoạn này đều lên án chiến tranh một cách mạnh mẽ bằng cách._.thấy Trang Thế Hy đã rất có ý thức trong việc sử dụng phương ngữ Nam Bộ trong tác phẩm của mình để đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Ông biết “điều tiết” tần số của phương ngữ nên những trang viết về nông thôn thì đậm chất quê, viết về thị thành thì đúng chất phố xá. Sự “điều tiết” ấy của Trang Thế Hy luôn tạo cho người đọc cảm giác gần gũi, dễ chịu và dễ hiểu. Có thể nói những trang văn đậm chất trữ tình là thế mạnh của Trang Thế Hy. Nơi mảnh đất phương Nam, ông tạo cho mình một lối đi riêng bên cạnh những cây bút gạo cội bằng chính nội lực và thành ý. Với cái “tạng” thâm trầm, điềm tĩnh, ông đã góp tiếng nói nghệ thuật độc đáo của mình làm giàu thêm cho kho tàng văn chương của dân tộc. KẾT LUẬN 1. Trang Thế Hy là một nhà văn Nam Bộ có phong cách. Dù tác phẩm của ông không nhiều về số lượng nhưng những gì ông viết đã là những thanh âm ấn tượng, độc đáo góp vào bản giao hưởng ngôn từ của văn học Nam Bộ. Văn chương của ông trầm tĩnh, “kín đáo”, là kiểu văn “kén” người đọc nên chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ phía độc giả nói chung, giới nghiên cứu nói riêng. Nhưng những đóng góp nghệ thuật của nhà văn xứ Dừa này trong làng văn Nam Bộ, rộng ra là làng văn Việt, thật sự đáng trân trọng. Vì thế, nghiên cứu về truyện ngắn của Trang Thế Hy để rút ra những đặc điểm riêng trong văn chương của ông là một việc làm cần thiết. 2. Mỗi nhà văn đều có một quan niệm nghệ thuật riêng cho mình. Chính quan niệm ấy sẽ dắt dẫn người nghệ sĩ ngôn từ đến với thế giới nghệ thuật phù hợp với quan niệm ấy. Trang Thế Hy đã quan niệm rằng điểm tựa tin cậy của người cầm bút là nỗi đau khổ của số đông thầm lặng. Và đương nhiên, thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn của ông là thế giới của những con người đau khổ, “biết nói mà làm thinh không nói”. Dù viết văn khi cuộc đấu tranh chung của dân tộc đang hồi cao điểm hay khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, Trang Thế Hy vẫn luôn là một nhà văn của những con người bất hạnh, luôn thấu hiểu và ưu ái họ. Trong dòng chảy chung của văn chương Nam Bộ, Trang Thế Hy khác với những người cầm bút khác chính ở chỗ này. 3. Trang Thế Hy đã tỏ ra khá già dặn trong khi tạo dựng những hình tượng nghệ thuật trong sáng tác của mình. Nhân vật của ông luôn là những con người rất đời, rất gần gũi, mộc mạc mà đầy bản lĩnh, lại chân chất, bộc trực, đúng với bản chất những con người Nam Bộ. Nhà văn đã đẩy họ đến trước những lựa chọn quyết liệt để từ đó, họ tỏa sáng thứ ánh sáng của nhân phẩm, của tâm hồn, của lương tri. 4. Thiên nhiên Nam Bộ cũng là một mảng khá thú vị trong truyện của Trang Thế Hy. Ông đã đem đến cho người đọc những kiến thức lý thú về tự nhiên Nam Bộ. Những dòng, những trang viết về thiên nhiên của ông là cả một sự thấu hiểu sâu xa, một sự mến yêu thắm thiết đối với mảnh đất Nam Bộ trong những năm bị thế lực ngoại xâm giày xéo. Viết về thiên nhiên, phong tục của người dân Nam Bộ trong những ngày như thế quả thực có ý nghĩa rất lớn trong việc hướng về cội nguồn, thể hiện tình yêu với quê hương đất nước. 5. Văn chương của Trang Thế Hy là văn chương hướng thiện, hướng mỹ. Ông tôn thờ cái đẹp với hy vọng “cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới” như lời của Dostoievsky. Văn của ông thật đẹp, đẹp từ ngôn từ đến giọng điệu, đẹp từ tâm hồn của nhân vật đến cách hành xử của họ. Nhà văn mải miết kiếm tìm những vẻ đẹp bị lãng quên trong cõi nhân sinh, đem đến những góc khuất trong cõi thế này thứ ánh sáng của niềm tin, của ân tình, khẳng định những giá trị vĩnh cửu thuộc về con người. Đọc văn ông, chúng ta sẽ phải nhìn kỹ hơn những người, những cảnh xung quanh để mong tránh bớt những hớ hênh do sự vô tâm cố hữu của mình, chúng ta sẽ thấy cuộc đời này đáng sống hơn, những con người quanh mình cũng đẹp hơn nhiều lần so với trước. 6. Truyện của Trang Thế Hy thuộc kiểu truyện ngắn trữ tình. Ngòi bút của ông luôn chú trọng vào những vấn đề nhân bản của cuộc sống. Chọn kiểu tự sự phi cốt truyện, với ngôi thứ nhất xưng “tôi”, Trang Thế Hy đã có nhiều cơ hội để bày tỏ quan niệm sống, quan niệm nghệ thuật của mình một cách sâu sắc nhất. Với vốn ngôn ngữ Nam Bộ phong phú, hấp dẫn, với dụng ý nghệ thuật riêng, Trang Thế Hy đã biết điều tiết vốn từ ngữ của mình để tạo nên những đặc sắc trong những trang viết, đem đến cho người đọc những bất ngờ thú vị trong cách dùng phương ngữ của mình. Xin mượn lời học giả Hoàng Ngọc Hiến kết lại vấn đề: Vai trò dắt dẫn của văn nghệ là ở sự định hướng, sự chuẩn bị và sự trang bị cho cá nhân làm những cuộc hành trình tinh thần của nó: những tác phẩm tốt soi đường cho cá nhân bằng ánh sáng của lẽ phải, định hướng đúng cho những cuộc hành trình, chuẩn bị cho cá nhân những tâm thế tích cực, trang bị cho những hành lý tinh thần cần thiết: thái độ nghiêm chỉnh và dũng cảm đối với cuộc sống, thái độ nghiêm khắc đối với bản thân mình, cách ứng xử có tình có lý, lòng tự trọng tự tin, tình đồng chí đồng đội, tình thương và lòng độ lượng, những kinh nghiệm làm người xứng đáng … [10, tr.55]. Văn chương của Trang Thế Hy đã thực hiện được vai trò trên đây của mình một cách khá thành công. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Văn Ái (chủ biên)(1994), Từ điển phương ngữ Nam Bộ, NXB Tp. Hồ Chí Minh. 2. Vũ Tuấn Anh (2001), “Điểm tựa tin cậy của người viết là nỗi đau khổ của số đông thầm lặng…”, Tạp chí văn học số 10 – 2003. 3. Lại Nguyên Ân (biên soạn) (1999), 150 thuật ngữ văn học, NXB ĐH Quốc Gia, Hà Nội. 4. Nam Cao (2005), Tuyển tập Nam Cao, Tập 1 & 2, NXB Văn học, Hà Nội. 5. Tân Chi (tuyển chọn) (1999), Thạch Lam – Văn và đời, NXB Hà Nội. 6. Nguyễn Văn Dân (2004), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 7. Nguyễn Đức Đàn (1972), “Chủ nghĩa nhân đạo và một số khuynh hướng văn học công khai trong vùng tạm bị chiếm miền Nam”, Tuyển tập 40 năm Tạp chí Văn học 1960 – 1999, Tập 3. 8. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình (chủ biên) (1988), Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, II. Văn học, NXB Tp. Hồ Chí Minh. 9. Nhiều tác giả (2004), Từ điển Văn học (Bộ mới), NXB Thế giới, Hà Nội. 10. Nhiều tác giả (2006), Trò chuyện với 100 nhà văn Việt Nam, NXB Văn hóa Sài Gòn. 11. Nhiều tác giả (1988), Tuyển tập Văn 1945 – 1975, NXB Văn hóa Thông tin Tp. Hồ Chí Minh. 12. Hoàng Ngọc Hiến (2006), Văn học … gần và xa (Tái bản lần thứ nhất), NXB Giáo dục, Hà Nội. 13. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, NXB Giáo dục, Hà Nội. 14. Bạch Văn Hợp (2002), Đặc điểm phong cách nghệ thuật của Nguyên Hồng, Luận án Tiến sĩ ngữ văn, ĐH SP Tp. Hồ Chí Minh 15. Trang Thế Hy (1993), Tiếng hát và tiếng khóc (Truyện ngắn và hồi ức), Hội văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre. 16. Trang Thế Hy (2006), Truyện ngắn Trang Thế Hy, NXB Văn hóa Sài Gòn. 17. M.B. Khravchenko (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội. 18. Tôn Phương Lan (2002), Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 19. Phương Lựu (chủ biên) (2004), Lí luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 20. Nguyễn Đăng Mạnh (2005), Nhà văn Việt Nam hiện đại – Chân dung và phong cách, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. 21. Tôn Thảo Miên (1997), “Về khái niệm phong cách cá nhân của nhà văn”, Tuyển tập 40 năm Tạp chí Văn học 1960 – 1999, Tập 3. 22. Sơn Nam (2006), Hương rừng Cà Mau, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. 23. Chu Nga (1974), “Lê Vĩnh Hòa –Vị trí của anh trong nền văn xuôi cách mạng miền Nam”, Tuyển tập 40 năm Tạp chí Văn học 1960 – 1999, Tập 3. 24. Thạch Phương – Đoàn Tứ (chủ biên) (1991), Địa chí Bến Tre, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 25. Vương Hồng Sển (1999), Tự vị tiếng nói miền Nam, NXB Trẻ Tp. Hồ Chí Minh. 26. Cao Xuân Sơn (tuyển chọn)(2004), “Đi chỗ khác chơi”, tài liệu lưu hành nội bộ mừng nhà văn Trang Thế Hy 80 tuổi. 27. Trần Đình Sử (1993), Một số vấn đề về thi pháp học hiện đại, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ giáo viên, Hà Nội. 28. Trần Đình Sử (2005), Tran Đình Sử tuyển tập, Tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội. 29. Trần Đình Sử (2005), Trần Đình Sử tuyển tập, Tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội. 30. Trần Đình Sử (chủ biên) (2003), Tự sự học – Một số vấn đề lí luận và lịch sử, NXB ĐH Sư phạm, Hà Nội. 31. Trần Hữu Tá (2000), Nhìn lại một chặng đường Văn học, NXB Tp. Hồ Chí Minh. 32. Trần Hữu Tá (1998), Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975, NXB Giáo dục, Hà Nội. 33. Trần Hữu Tá (1985), Tư liệu truyện ký Việt Nam 1955 – 1975, tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội. 34. Nguyễn Phương Thảo (1994), Văn hóa dân gian Nam Bộ – Những phác thảo, NXB Giáo dục, Hà Nội. 35. Bùi Thanh Thảo (2004), Cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám, Luận văn Thạc sĩ Văn học, Trường ĐHSP Tp.Hồ Chí Minh. 36. Nguyễn Q.Thắng (2001), Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, Tập 1, NXB Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh. 37. Bùi Việt Thắng (2000),Truyện ngắn – Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 38. Nguyễn Thành Thi (2006), Phong cách văn xuôi nghệ thuật Thạch Lam, NXB Khoa Học Xã hội, Hà Nội. 39. Nguyễn Thành Thi (1999), Đặc trưng truyện ngắn Thạch Lam, NXB Giáo dục. 40. Phan Trọng Thưởng (1991), “Đặc điểm cơ bản của sự phát triển văn học trong điều kiện chiến tranh 1945 – 1975”, Tuyển tập 40 năm Tạp chí Văn học, Tập 3. 41. Lê Ngọc Trà (2002), Thach thức của sáng tạo – Thách thức của văn hóa, NXB Thanh Niên. 42. Lê Ngọc Trà (2005), Lý luận và Văn học (tái bản lần thứ nhất), NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. 43. Lý Chánh Trung (2005), Một thời đạn bom – Một thời hòa bình, Tuyển tập, NXB Tổng hợp Đồng Nai. 44. Đỗ Minh Tuấn (1996), Ngày văn học lên ngôi (Tiểu luận - phê bình), NXB Văn học. TÀI LIỆU TRÊN CÁC TRANG WEB BÁO ĐIỆN TỬ 45. Trần Hữu Dũng, Trang Thế Hy: Bài thơ cuộc đời và “chuyển đi chỗ khác chơi”, www.vannghesongcuulong.org.vn. 46. Nguyễn Chính Hạnh, Trang Thế Hy – Cây “nguyệt quế” trong rừng dừa Nam Bộ, www.nguoicaotuoi.org.vn. 47. Trang Thế Hy, Bài thơ trên đống rác, www.uminhcoc.com.vn 48. Trang Thế Hy, www.trangthehy.googlepages.com. 49. Nguyễn Thụy Kha, Ẩn sĩ vườn dừa, www.vannghesongcuulong.org.vn. 50. Sa Nam, Một buổi sáng Trang Thế Hy, www.saigongiaiphong.org.vn 51. Thúy Nga, Nhà văn Trang Thế Hy: Tôi chung thủy nhưng hờ hững …, www.tuoitre.com.vn 52. Nguyên Ngọc, Người hiền của văn chương Nam Bộ, www.diendan.org.vn 53. Trần Hữu Tá, Đọc Trang ThếÂ!y, www.trangthehy.googlepages.com 54. Đọc Trang Thế Hy để thấy quý trọng cuộc sống, www.trangthehy.googlepages.com 55. Thanh Thảo, Lão nhà văn Trang Thế Hy, www.tawalas.org PHỤ LỤC Đây là một trong số những truyện ngắn của Trang Thế Hy được đăng trên mục “Đôi ta”, tuần báo Vui sống số 8 & 9, tuần lễ từ 28/10 - 03/11 và từ 04 – 10/11/1959. MỘT NGÀY VỚI NGƯỜI YÊU  Ngày 18 tháng 10 năm ….. Em, Gần ngót một năm nay, anh không có nghĩ đến em. Vì sao em có biết không? Vì anh không muốn em đến với anh- dù chỉ đến trong ý nghĩ – giữa một đoạn đời mà anh gọi là : “Sống lây lất cho qua ngày tháng”. Những ngày đó như thế nào? Đây, anh nói sơ lược cho em biết, qua vài lời tự dặn dò mình : Thật đói mới ăn, thật thèm thuốc mới hút, tóc thật dài mới hớt, quần áo thật dơ mới giặt, chuyện thật gấp mới đi xe và chỉ dùng xe buýt v.v… Những điều dặn dò đó tuy không thảo thành văn, nhưng anh đã thi hành nó với một tinh thần kỷ luật không có chỗ gì chê trách được. Lối sống này cung cấp cho anh nhiều sự hiểu biết rất tài tình.Tỉ như bây giờ em cắc cớ hỏi anh: Muốn đi từ một điểm này đến một điểm nọ trong thành phố, người ta nên theo những con đường nào để có bóng cây trốn nắng và có mái hiên hè phố đụt mưa thì anh sẽ trả lời lập tức và trả lời rất đúng. Đó là chưa kể một số kinh nghiệm vặt rất quý báu về việc xài tiền. Thí dụ như mua nước mía ép để giải khát dọc đường. Thay vì mua một đồng, ta nên mua làm hai lần, mỗi lần năm cắc, nhập lại sẽ nhiều hơn, bởi tâm lý chung của người bán là múc một lần ít quá, khó coi. Những cái vui nho nhỏ nói trên lượm lặt rồi nói lại cho em nghe thì thích thật, nhưng bắt em đến cùng anh trong lúc nó xảy ra thì cũng tội cho em quá. Vì tính bổ đồng, những chuyện phiền bực bao giờ cũng chiếm nhiều khoảng trống của một đoạn đời gọi là “sống lây lất cho qua ngày tháng”. Bắt em đi song đôi với một anh chàng, áo cũ xười bâu, tóc tai dài thượt, cần cổ cao nhồng, cặp mắt nheo nheo vì không có kiếng râm che nắng, chỉ biết lắc đầu hoặc dửng dưng phớt lạnh trước sự mời mọc của các loại quà bánh, thì e rằng tình yêu của chúng ta có mất phần thơ mộng đi chăng ? A ! Có một lần nọ, hồi cuối mùa mưa năm ngoái, anh bị một trận mưa muộn chụp giữa đường phải tạt vô lề đứng ép sát bờ tường một biệt thự. Tường thấp hơn đầu người, bên trên là lưới kẽm có thả dây leo. Anh lựa một chỗ dây leo gie ra mà đứng theo kiểu con chim dòng dọc trống đứng ở miệng ổ khi trời mưa. Lúc bấy giờ trời chạng vạng tối. Thình lình chỗ anh đứng sáng lên hực hỡ. Thì ra từng quãng ngắn, người ta có gắn trên bờ tường những ngọn đèn điện bóng đực cỡ 40w có chụp rọi xuống chân tường để khi cần thắp lên với tác dụng dùng ánh sáng gây khó khăn cho kẻ bất lương muốn rình rập làm điều bậy bạ. Nhưng tại sao, chỉ có ngọn đèn chỗ anh đứng cháy lên thôi? Anh quay nhìn lên tầng gần nhất của biệt thự. Ở một khung cửa sổ khoét giữa bóng đêm lờ mờ một ô vuông xanh nhạt nạm điện quang nê-ông, một thiếu nữ vào trạc tuổi em đang đứng nhìn xuống, tay đỡ càm, cùi chỏ chống lên khung cửa sổ không có chấn song và rèm che. Bấy giờ anh mới hiểu ngọn đèn được thắp sáng lên vì biện pháp an ninh và anh có thể là một kẻ trộm trong sự nghi vấn của cô gái đứng trên lầu kia. Quả nhiên, vài phút sau, một gia nhân đứng tuổi, dầm mưa, men lại chỗ anh đứng, phía trong rào, theo sau là một con chó bẹc-giê to tướng. Cái nhìn dò xét của ông ta không đáng ghét lắm, có vẻ lấy lệ, cầm chừng vì phận sự. Anh nhìn lên khung cửa sổ một lần nữa rồi băng mình ra mưa gió mà đi, không buồn vui gì cả. Anh nhớ rằng anh đang sống giữa xã hội mà bề ngoài xập xệ không đảm bảo được nhân cách con người lương thiện. Nhưng nếu có em cùng đứng với anh trong lúc đó, thì em sẽ buồn thân tủi phận biết chừng nào. Vì vậy mà ngót một năm nay, anh không có nghĩ đến em một cách đáng gọi là nghĩ về người yêu của mình. Nhưng hôm nay thì đời anh có lên hương rồi em à! Sau cơn mưa, mây đen tạm thời tản ra để hé cho anh một chút trời xanh, tuy nhỏ hẹp nhưng cũng đủ cho một tâm hồn đa cảm ngước lên nhìn mà lẩm bẩm làm thơ. Một chỗ làm đủ sống, một căn nhà nhỏ trong ngõ hẹp, một chiếc xe đạp mới, niềng và căm còn chớp chớp dưới nắng nhạt trên đường về vào những chiều tạnh ráo, những buổi sáng có cà phê thấy bạn phất phơ đằng xa dám mạnh dạn giơ tay ngoắc và thỉnh thoảng nếm qua cái thú cắt băng bao thuốc lá mới nguyên… Như vậy là phong lưu chán rồi phải không em ? À mà còn quên. Anh vừa sắm hai cái áo mới. Hôm qua anh “khai trương” một cái áo vào buổi đi làm sáng và có một thiếu nữ đi vélosolex, lúc vượt qua mặt anh đã liếc ngang nhìn một cách không lãnh đạm lắm.Anh cho rằng anh đẹp trai với chiếc áo đó nên hồi hôm, anh mặc nó luôn trong khi ngủ, định rằng sẽ gặp em trong mơ. Em sẽ cười với anh từ đằng xa và lúc đến gần em sẽ rờ rẫm từng cái bâu, cái khuy, em khen anh lựa màu và sọc thanh nhã hợp ý em rồi em nhắc lại câu nói mà em đã nói nhiều lần rồi: - Cho tới già, tới chết, trong người anh vẫn còn ẩn núp một thằng nhỏ ham áo mới ! Rất tiếc là anh không gặp em trong mơ. Thành thử sáng nay, chúa nhựt, anh thức sớm, nhưng không dậy mà cứ nằm quấn mền nghe mưa dầm khua mái lá, giận em vài phút chơi rồi nghĩ ngợi về em cho nó đã thèm một bữa. Anh bắt em làm những việc gì ? Đầu tiên em rón rén nhoài người ra khỏi mền hết sức vén khéo để anh đừng thức giấc. Nhưng không được. Nằm ngủ với người yêu lâu lắmmới gặp một lần, thì người đàn ông nào cũng tham lam. Anh không tránh khỏi thông lệ đó cho nên em mới vừa ngồi dậy là anh đã cựa mình sờ soạng làm em phải vội vàng nằm trở xuống nghĩ một cách gạt anh có căn bản khoa học. Em ôm cái gối ôm dài một lúc lâu để truyền qua nó thật nhiều hơi ấm của em rồi đánh lừa cho anh ôm nó mà lầm tưởng nó là em trong giấc ngủ chập chờn. Gạt anh như vậy được rồi, em khoác màn bước ra, thắp réchaud nấu nước pha cà phê rồi ra đầu ngõ mua thức ăn sáng. Đâu đó xong xuôi, em bước lại giở màn đánh thức anh bằng những cái hôn. Sau cái hôn đầu tiên anh đã thức rồi với sự tức giận vì bị em gạt, nhưng anh cứ giả đò ngủ say để bắt em phải hôn nhiều lần rồi thình lình chụp em làm em giựt mình chơi. Nhưng em không giựt mình vì cái trò đó em đã đoán trước. Em gỡ tay anh ra, bước lại bàn ăn, thắp một điếu thuốc, giở cái nắp phin để cà phê bốc hương nhử cho anh ngồi dậy. Em biết rằng nếu để cho anh kéo em cùng nằm xuống thì giai đoạn “nằm nướng” sẽ kéo dài làm cháo và cà phê nguội mất. Sau bữa ăn sáng, chúng ta ra ngồi ở ngạch cửa tay cầm tay im lặng nghe mưa. Qua tiếng thì thầm của mưa dầm buổi sáng, có tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ báo thức trên bàn viết. Lâu lắm em mới hỏi: - Hiện tại là cái gì anh nhỉ? Một giây đồng hồ vừa xuất hiện đó đã bị dồn lập tức vào quá khứ. Còn giây đồng hồ chưa đến thì còn thuộc về tương lai. Vậy thì hiện tại là cái nào đâu ? - Cái hiện tại do thời khắc ghi lại đâu có mà em hỏi! Chỉ có cái hiện tại của tình cảm đẹp trong lòng người mà thôi. Phải, cái hiện tại của đôi ta bây giờ dây là tình yêu. Giây đồng hồ bị lùa vào quá khứ hay giây đồng hồ chưa đến tự nó có cái ý nghĩa gì đâu? Ý nghĩa là tình yêu của đôi ta mà quá khứ cất giữ dùm, để dành đó thành một số vốn, và tương lai sẽ đem đến mỗi phút một mới lạ, vui tươi. Em hiểu chưa? Từ đó cho đến chiều,chúng ta cứ triết lý vặt với nhau như vậy và câu nói sau cùng của mỗi chúng ta là: - Định gặp anh,và nói biết bao là chuyện. Nhưng chừng gặp lai quên hết trọi. - Ờ, anh cũng vậy. Thôi để lần khác. - Lần khác cũng vậy nữa. - Ờ, sao kỳ vậy em nhỉ ? - Biết đâu ? …………………………………………………………………………………… …………………………………………………………. Bây giờ thì em đã về mất rồi. Mưa đã tạnh, anh khoá cửa ra quán ăn cơm chiều một mình. Bà chủ quán hỏi: - Hôm nay,hình như chú có chuyện gì vui lắm thì phải? - Sao bà biết? - Biết chớ! Người có chuyện vui trong lòng,nhìn thấy là biết liền. - Ờ, bà tinh mắt quá. Bà nói đúng. Tôi đang vui. Hôm nay tôi đã sống MỘT NGÀY VỚI NGƯỜI YÊU của tôi. Anh muốn nói như vậy lắm. Nhưng nói làm gì em nhỉ? Thiên hạ sẽ cho rằng anh là một thằng điên. Bởi ai nấy đều biết, đều thấy rằng anh đang sống một mình. Và cả em nữa. Ở kiếp nầy, chính em cũng biết rằng, trong thực tế không bao giờ chúng ta có thể sống bên nhau một giây đồng hồ, đừng nói chi đến một ngày. Sự tham dự chặt chẽ vào đời sống tình cảm của nhau, làm sao có kẻ thứ ba nào hiểu được trong cái thế giới nội tâm riêng biệt của đôi ta? Vì vậy mà MỘT NGÀY VỚI NGƯỜI YÊU là chùm chư chỉ có hai đứa mình viết cho hai đứa mình đọc, hai đứa mình nói cho hai đứa mình nghe, và mỗi đứa chỉ đọc và nghe trong một chỗ sâu kín vô cùng tận của trái tim bầm dập vì duyên tình ngang trái….. Hôm nay, 18 tháng 10 năm……., em ở đâu? Làm gì? Có sống một ngày vui như anh vầy hay không ?  Ngày 18 tháng 10, năm……. Anh, Hồi giữa mùa mưa năm ngoái, vào một ngày buồn lạnh, âm u, từ sáng tới chiều, cỏ cây ướt át không nhận được một tia nắng ấm nhỏ nào, em đã đọc lại một lần chót những gì em viết về tình yêu của đôi ta, rồi đốt bỏ. Cách nhau ngàn vạn dặm. Nhớ chi tới trăng thề? Hai câu thơ ngọt ngào mà ai oán của HÀN MẶC TỬ là động lực thúc đẩy em làm việc đó. Đốt xong, em quăng mớ tro giấy ra giọt mưa rồi bùi ngùi nhìn nó rã tan mà chạnh nghĩ đến bao nhiêu tình cảm buồn vui góp nhóp từng chút nhỏ, dành dụm, chất chồng trong đó. Rồi từ ấy đến nay, em không nghĩ gì nữa, viết gì nữa về tình yêu của đôi ta. Em quyết định làm một kẻ bội bạc nếu như người đời cho rằng cố gắng quên một mối tình tan vỡ để tìm vui trong cuộc sống hôn nhân không có tình yêu là bội bạc. Em cho rằng em có thể yêu được chồng em và bắt người đàn ông đó cũng yêu em lại theo một quan niệm mà em muốn. Em bắt đầu nỗ lực thực hiện ý đó với tất cả sự quyết tâm. Em đọc thật nhiều sách nói về tâm lý đàn ông. Em nghiên cứu tỉ mỉ từng sở thích nhỏ nhặt, kín đáo của chồng em, để thử kết luận coi tại sao một người đàn ông thông minh, hoạt bát, vui tính như vậy mà lại coi vợ như một thứ đồ trang sức bằng xương thịt trong đời sống. Em khám phá ra được điều gì ? Nói hết cho anh nghe chắc anh phải khóc.(Em còn nhớ cái hôm đưa cô Dung em gái anh ra ga về quê chồng, trên đường về anh đã khóc. Em cười anh sao anh “đàn bà” quá vậy thì anh đáp rằng: chừng anh trở thành một ông già, trong ông già đó, vẫn còn ẩn núp một thằng nhỏ mít ướt năm bảy tuổi). Vì vậy, em chỉ nói vài việc nho nhỏ trong những ngày cố gắng quên mối tình đầu để làm lại cuộc đời dẫu cho phải mang tiếng là phụ bạc với người yêu. Một hôm, em nói với chồng em: - Mình ơi ! Thí dụ như một tai hoạ gì đó xảy ra làm em bớt đẹp một chút, thì tình yêu của mình đối với em có giảm đi hay không ? Chồng em mỉm cười một cách khó hiểu, rồi đứng dậy đóng kín hết các cửa, đoạn bước lại xoay cái nút điện cho máy điều hoà không khí chạy lên. Máy kêu ù ù. Những luồng khí lạnh lạnh tỏa ra mát rượi. Chàng trở về chỗ cũ bên cạnh em, im lặng. Em nhắc lại : - Sao ? Mình chưa đáp lời em ? - Đáp rồi đó. Em kém thông minh quá ! Người vợ là một thứ máy điều hoà đời sống của chồng ví như cái máy điện kia điều hoà nhiệt độ của không khí. Máy mất hiệu lực là mất giá trị. Đàn bà mất dung nhan thì cũng thế ! Em nghe như muôn ngàn cây kim đâm một lượt vào tim em nhưng em rán dằn lòng không khóc. Hồi lâu sau, em nói: - Có khác chớ. Cái máy lạnh, cái lọ đựng tàn thuốc, chiếc xe hơi hay cái ống vố của anh là những vật dụng không có sự sống. Còn em, vợ anh, em là một sinh vật đang sống. Chàng lại cười : - Cái khác nhau đó không quan hệ gì cả. Giá trị của người hay của vật là ở chỗ tác dụng của nó đối với nhu cầu con người. - Nhưng lòng người có những nhu cầu tình cảm mà những đồ vật không có sự sống không cung ứng được. - Em lại sa vào những cái ý nghĩ làm cho con người bứt rứt đau khổ. Tình cảm là cái gì ? - Thí dụ như em đang sống với anh, làm vợ anh, mà yêu người khác không yêu anh. Biết được việc đó, anh có buồn không? - Có một thứ đàn ông thường hay buồn một cách dại dột như thế. Anh thì không. Người ta thích nuôi chim trong lồng chơi không phải chỉ vì chim đẹp. Người ta còn thích nhìn sự khao khát trời xanh trong ánh mắt tuyệt vọng và tiếng kêu ai oán của nó. Gái chơi bời nào gặp anh luôn luôn bị anh làm khổ bằng một thái độ thô bạo vũ phu trong lúc đầu để rốt cuộc quăng ra một số tiền lớn rồi nhìn ánh mắt sáng rực vì mê mẩn của họ mà cười thầm trong bụng chơi. Với cái thứ mà em gọi là tình cảm, có ai thắp lên được những ngọn đèn sáng trưng vì vui thích trong ánh mắt con người chưa ? Lúc bấy giờ em mới đành gục mặt xuống mà khóc. Anh ơi! Có cần phải kể thêm gì nữa hay không nhỉ? Thôi nhé! Buồn lắm! Một năm đã trôi qua như thế kể từ khi em đốt bỏ những gì viết về tình yêu của đôi ta và quyết định quên anh, cho đến sáng nay… Trời mưa dầm như hồi nửa khuya. Vào khoảng tám giờ sáng, em ngồi trên xe hơi chờ chồng em đi vào văn phòng một công ty lâm sản có việc. Xe đậu trên lề cỏ sát bờ sông Vĩnh Hội, bến Vân Đồn. Qua làn mưa em để ý một chàng trai dùng rổ đãi vật gì không biết dưới bến sông. Đãi độ nửa giờ, anh ta xách rổ đi ngang bãi xe đậu. Vì tò mò, em kêu lại hỏi anh ta đãi cái gì dưới sông như vậy. Em được biết rằng anh ta đãi chiếc nhẫn của người yêu bị ép duyên tự tử ở gần đó cách đây nhiều năm rồi. Lúc vớt xác lên, ngón tay áp út của cô không còn đeo chiếc nhẫn đó. Em hỏi: - Anh có chắc rằng chiếc nhẫn rớt tại chỗ nầy không? - Không. Anh ta đáp. - Vậy mà sao anh vẫn cứ đãi? Như vậy bao lâu rồi? - Ba năm nay. Mỗi ngày đãi chừng một giờ thôi. Mưa nắng gì cũng vậy. - Anh dự định cỡ chừng mây năm anh sẽ tìm gặp chiấc nhẫn đó ? - Không có dự định. - Tội nghiệp anh quá! Tôi cho tiền anh mua một chiếc nhẫn khác anh nhé! - Cám ơn cô. Đây là chiếc nhẫn giả, giá trị có mấy đồng bạc. Nói xong anh mỉm cười lần nữa rồi xách rổ đi. Cái mỉm cười sau này có nghĩa thương hại cho em một người đàn bà ngồi xe hơi, coi cũng đẹp mà không hiểu tình yêu là gì. Em ngồi thừ người nhìn theo anh ta. Ban đầu em thấy anh ta điên. Rồi em thấy em điên hơn anh ta nữa. Trong lòng một người không phân biệt sự khác nhau giữa một cái ống vố là đồ vật chết với vợ mình là một sinh vật sống, em đã toan tìm kiếm tình yêu. Sau phút suy tư cay đắng ấy, em thấy cuộc đời em là một bãi sa mạc mênh mông không có đường biên trong đó em là một con người bé bỏng chỉ biết kêu than rằng mình bơ vơ chứ không bao giờ sử dụng một thứ khác ngoài sự bơ vơ. Rồi anh hiện ra với em trong cái mông mênh hiu quạnh đó. Anh cười và nói rằng: - Chúng ta không bơ vơ. Cuộc đời mênh mông thiệt, lạnh thiệt, nhiều đe doạ thiệt, nhưng em có anh và anh có em trong cái mênh mông khủng khiếp đó. - Có nhau nhưng mỗi đứa một nơi thì có nhau mà chi? Nói xong em thương anh quá. Em đưa tay cho anh nắm. Em nghĩ rằng anh thèm cầm tay em lắm. Nhưng anh lùi ra xa và nói: - Bơ vơ là tiếng kêu thương của linh hồn chúng ta hay của tấm hình hài xương thịt chúng ta? Em tự hỏi như vậy đi. Linh hồn em bơ vơ hay hình hài em bơ vơ ? À, em hiểu rồi chớ. Con người xua đuổi sự bơ vơ đâu phải bằng cách nắm tay nhau. Nói xong, anh biến đi. Chồng em trở ra xe gặp em mỉm cười một mình liền hỏi: - Cười gì vậy? - Mưa lạnh quá, cười cho ấm. - Hôm nay em có một lối cười rất lạ. - Lạ mà đẹp hay xấu. - Đẹp chớ. Anh ơi ! Anh thấy chưa. Em đã thắng được một trận nho nhỏ rồi đó. Người đàn ông không chịu công nhận sự có mặt của tình cảm đã phải nhận rằng khi người đàn bàn cười với kẻ chiếm hữu hình hài mình và cười với kẻ ngự trị trong linh hồn mình, thì hai nụ cười ấy khác nhau. - Hôm nay, hình như em vui hơn mọi bữa? Chồng em hỏi. - Vui hơn bất cứ ngày nào từ trước đến giờ. - Gì mà vui giữ vậy? Em im lặng. Nhưng trong lòng em có tiếng đáp: “Vì em vừa mới sống qua mấy phút với tình yêu và sẽ để trọn ngày hôm nay mà sống với người yêu”. Em sẽ bắt đầu viết về tình yêu không phải trên trang giấy mà trong tâm não. Trang đầu là MỘT NGÀY VỚI NGƯỜI YÊU. ……………………………………………………………………………… …………………………………………………………….. Hôm nay là 18 tháng 10, năm ….. anh có nghĩ ngợi về em và có vui như vầy không? Trang Thế Hy MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ NHÀ VĂN TRANG THẾ HY Hình 1 : Nhà văn Trang Thế Hy – tranh sơn dầu do họa sĩ Nguyễn Trung vẽ tặng năm 2008 Hình 2 : Nhà văn Trang Thế Hy – ảnh do nhà thơ Đinh Trần Toán chụp năm 2001 Hình 3 & 4 : Nhà văn Trang Thế Hy tại tư gia Phút thư giãn của nhà văn Nhà văn Trang Thế Hy & tác giả luận văn (ảnh chụp tháng 12 – 2007 tại tư gia nhà văn) THƯ MỤC TRANG THẾ HY I. TRUYỆN NGẮN 1. Nói về một người yêu 2. Than thở 3. Người và trăng 4. Người chị áo xanh 5. Trời xanh như mắt em 6. Ba bốn câu thơ 7. Một ngày với người yêu 8. Con người đã xuất hiện rồi 9. Tình trên xe buýt 10. Mùa xuân chưa đi qua 11. Nơi người yêu ở đẹp hơn cả 12. Cây bút máy của nhà thơ 13. Giọt lệ tình trên dòng nước hôi tanh 14. Mớ tóc rối của người tình nghèo 15. Vầng trăng bên kia sông 16. Nắng đẹp miền quê ngoại 17. Một thiếu nữ không đáng kể 18. Ao lụa giồng 19. Nguồn cảm mới 20. Bây giờ là mùa thu 21. Màu áo người phương Bắc 22. Trả lại màu xanh cho tuổi xanh 23. Xứ xa và xứ mơ 24. Thèm thơ 25. Mỹ Thơ 26. Bơ vơ 27. Giả đò yêu 28. Trong trắng 29. Hai người tàn tật 30. Cô gái Ô môi 31. Nước mắt người yêu nghèo 32. Sau trận giặc tình 33. Tình chỉ nở một lần thôi 34. Lời thề bên vách lá 35. Cành hoa sau cơn mưa 36. Người đẹp bán thơ 37. Mười ba con chim và mùa xuân 38. Cánh chim xuân trên đỉnh núi 39. Anh Thơm râu rồng 40. Vui nhỏ trên đường dây 41. Nợ nước mắt 42. Mưa ấm 43. Sách và chim 44. Con cá không biệt tăm 45. Bà mẹ già và thúng khổ qua 46. Chất liệu 47. Những người lấp hố bom 48. Một nghệ sĩ 49. Đường bay ngắn của một vòng luân hồi 50. Con mèo hoang và nhà thơ có gia cư 51. Trị tội con hà bá 52. Về nhà trước cơn mưa 53. Vết thương thứ mười ba 54. Hồng nhan và đồng xu 55. Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn 56. Tiếng hát và tiếng khóc 57. Người bào chế thuốc giảm đau 58. Nghệ thuật làm bố dượng 59. Rác và hoa 60. Hai người nhìn mưa dầm. II. TIỂU THUYẾT FEUILLETONS 1. Nét buồn bạc mệnh (Nhật báo Thủ Đô, Trần Kiêm Uẩn chủ biên)(In được khoảng 10 kỳ thì tác giả phải rời Sài Gòn) 2. Hoa tình chỉ nở một lần thôi (Tuần báo “Chị cùng em”, Lâm Xuân Mai chủ biên) III. HỒI ỨC Một nghệ sĩ buồn thích đùa IV. THƠ 1. Thanh gươm tháng Tám 2. Lời nói dối nhân ái 3. Cuộc đời 4. Dấu răng 5. Định lí và định lí 6. Lời dạy của mẹ về thời gian và văn minh 7. Tấm vé số và những thiên đường có sẵn 8. Bứt đứt sợi chỉ hồng 9. Bài thơ trên đống rác 10. Bối rối 11. Người bạn đường có tên là hy vọng 12. Người mẹ + cô giáo 13. Hoang tưởng trắng V. DỊCH THƠ 1. Hoa nở và trái chín 2. Sự sống bên trong và bên ngoài tôi 3. Niềm tin và lời hứa 4. Chết trong sự viên mãn 5. Cây đèn của tình yêu 6. Người biết làm cho hoa nở 7. Đường đi của người không thuộc đường 8. Những nụ hoa tình yêu chưa kịp nở 9. Đôi mắt của trái tim Chín bài thơ trên đây của thi hào Rabindranath Tagore được trích từ tập thơ Giỏ trái cây (La corbeille de fruits) do nữ dịch giả Pháp Hélène du Pasquier dịch sang tiếng Pháp, nhà xuất bản Nouvelle revue française in năm 1921 tại Paris. Trang Thế Hy dịch từ tiếng Pháp. Mỗi bài không có nhan đề riêng, chỉ được đánh dấu bằng một con số La Mã. Nhan đề do người dịch tự đặt. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA7233.pdf
Tài liệu liên quan