VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
HOÀNG PHƯƠNG MAI
GIA ĐÌNH CỦA NGƯỜI SÁN DÌU
VÙNG CHÂN NÚI TAM ĐẢO
LUẬN ÁN TIẾN S Ĩ NHÂN HỌC
HÀ NỘI - 2016
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
HOÀNG PHƯƠNG MAI
GIA ĐÌNH CỦA NGƯỜI SÁN DÌU
VÙNG CHÂN NÚI TAM ĐẢO
Chuyên ngành: Nhân học
Mã số : 62.31.03.02
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh
HÀ NỘI - 2016
LỜI CAM ĐOAN
198 trang |
Chia sẻ: huong20 | Ngày: 14/01/2022 | Lượt xem: 341 | Lượt tải: 1
Tóm tắt tài liệu Luận án Gia đình của người sán dìu vùng chân núi tam đảo, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tôi xin cam đoan, bản luận án tiến sĩ: Gia đình của người Sán Dìu
vùng chân núi Tam Đảo là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu
và kết quả trong luận án là trung thực. Các trích dẫn trong công trình đầy đủ
và chính xác. Nếu có gì sai phạm, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, ngày tháng năm 2016
Nghiên cứu sinh
Hoàng Phương Mai
LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận án Tiến sĩ với đề tài “Gia đình của người Sán
Dìu vùng chân núi Tam Đảo”, ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi đã nhận
được sự giúp đỡ to lớn, quý báu từ tập thể các thầy giáo, cô giáo giảng viên
Khoa Dân tộc học thuộc Học viện Khoa học xã hội; lãnh đạo và các đồng
nghiệp tại Viện Dân tộc học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; sự
giúp đỡ nhiệt tình của người dân các thôn thuộc xã Ninh Lai và xã Đạo Trù,
UBND xã Ninh Lai, UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; UNBD
xã Đạo Trù, UBND huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, đã nhiệt tình giúp đỡ
tôi trong quá trình thực hiện luận án này.
Đặc biệt, tôi xin trân trọng cảm ơn thầy PGS.TS Nguyễn Ngọc
Thanh đã nhiệt tình hướng dẫn khoa học để luận án được hoàn thiện. Nhân
dịp này tôi xin được bày tỏ sự kính trọng và biết ơn của mình đến thầy.
Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới gia đình, bạn bè,
đã hết lòng ủng hộ, động viên giúp tôi thêm nghị lực phấn đấu và tạo những
điều kiện tốt nhất để tôi hoàn thành tốt luận án Tiến sĩ của mình.
Hà Nội, tháng năm 2016
Tác giả luận án
Hoàng Phương Mai
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài.. 1
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án. 2
3. Đối tượng, phạm vi và địa bàn nghiên cứu. 2
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 3
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án 5
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của của luận án.. 6
7. Bố cục của luận án.. 6
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ
LÝ THUYẾT VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu. 7
1.2. Cơ sở lý thuyết .... 18
1.3. Khái quát về người Sán Dìu và địa bàn nghiên cứu... 26
Tiểu kết chương 1... 36
Chương 2: CẤU TRÚC, QUY MÔ VÀ CÁC CHỨC NĂNG CƠ
BẢN CỦA GIA ĐÌNH
2.1. Sự hình thành gia đình của người Sán Dìu 37
2.2. Quan niệm của người Sán Dìu về gia đình. 39
2.3. Cơ sở cho việc phân loại gia đình người Sán Dìu.. 39
2.4. Những tiêu chí phân loại gia đình... 41
2.5. Cấu trúc của gia đình... 42
2.6. Quy mô gia đình.. 46
2.7. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. 48
2.8. Các chức năng cơ bản của gia đình. 57
2.9. Một vài so sánh với người Hoa, người Dao 68
Tiểu kết chương 2... 71
Chương 3: CÁC NGHI LỄ TRONG GIA ĐÌNH
3.1. Nghi lễ thờ cúng tổ tiên và thần linh... 72
3.2. Nghi lễ sinh đẻ và nuôi con. 76
3.3. Nghi lễ cưới xin. 80
3.4. Nghi lễ tang ma......................................................................... 85
3.5. Một vài so sánh với người Hoa, người Dao 94
Tiểu kết chương 3... 97
Chương 4: NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA GIA ĐÌNH SÁN DÌU
HIỆN NAY
4.1. Biến đổi về cấu trúc, quy mô, mối quan hệ trong gia đình người
Sán Dìu hiện nay 98
4.2. Biến đổi các chức năng của gia đình người Sán Dìu.. 101
4.3. Biến đổi về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.. 111
4.4. Biến đổi trong nghi lễ gia đình 114
4.5. Nguyên nhân biến đổi của gia đình Sán Dìu 120
4.6. Một số khuynh hướng phát triển hiện nay của gia đình người Sán Dìu 127
Tiểu kết chương 4... 130
Chương 5: KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
5.1. Kết quả 131
5.2. Bàn luận.. 138
Tiểu kết chương 5... 148
KẾT LUẬN... 149
CHÚ THÍCH. 151
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ 152
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO... 153
PHỤ LỤC.. 162
DANH MỤC BẢNG BIỂU
Bảng 1.1: Dân số, dân tộc xã Ninh Lai... 34
Bảng 1.2: Số hộ, số người xã Đạo Trù 35
Bảng 3.1. So sánh nghi lễ cưới xin của người Sán Dìu với người Dao và
người Hoa 96
Bảng 4.1. Số lượng thành viên trong gia đình ở một số thôn ở Ninh Lai 98
Bảng 4.2. Hình thức thu xếp cuộc sống của cha mẹ khi về già 100
Bảng 4.3. Quan niệm về sinh con trai và con gái ở người Sán Dìu. 101
Bảng 4.4. Cơ cấu ngành nghề của hộ gia đình thôn Đạo Trù Thượng, xã
Đạo Trù, huyện Tam Đảo 104
Bảng 4.5. Người mang lại thu nhập nhiều nhất cho gia đình 105
Bảng 4.6. Thu nhập trung bình của hộ gia đình thôn Đạo Trù Thượng,
xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo 107
Bảng 4.7. Ai là người quyết định hôn nhân của lớp thanh niên hiện nay 112
DANH MỤC SƠ ĐỒ
Sơ đồ 1. Cấu trúc gia đình hạt nhân đầy đủ.. 43
Sơ đồ 2. Cấu trúc gia đình hạt nhân không đầy đủ 43
Sơ đồ 3. Cấu trúc gia đình hạt nhân mở rộng 44
Sơ đồ 4. Các thế hệ gia đình ông Lưu Kim Thanh ở thôn Hội Kế, xã
Ninh Lai 45
Sơ đồ 5 : Gia đình hạt nhân mở rộng 99
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân tộc Sán Dìu có dân số 126.565
người - đứng thứ 17 trong bảng thống kê dân số ở Việt Nam [22, tr.46]. Người Sán
Dìu cư trú tập trung ở vùng trung du các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh,
Thái Nguyên và Tuyên Quang. Trong nhiều thập kỉ qua, đã có không ít các công trình
nghiên cứu về dân tộc này. Tuy nhiên, chưa có một chuyên khảo dân tộc học nào
nghiên cứu về truyền thống và biến đổi của gia đình dân tộc Sán Dìu ở một vùng cụ thể.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa,
Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của gia đình và văn hóa gia đình; Ban Bí
thư Trung ương Đảng (khoá IX) đã ban hành Chỉ thị số 49 - CT/TW về xây dựng gia
đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Gia đình là tế bào của xã hội,
là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo
dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống
lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc”. Chính vì vậy, gia đình đóng vai trò quan trọng trong xây dựng phát triển đất
nước và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi tộc người trong
cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Người Sán Dìu với phong tục tập quán phong phú chứa đựng các giá trị nhân
văn sâu sắc được hình thành và phát triển trong tiến trình lịch sử đã trở thành những
đặc trưng văn hóa cần được lưu giữ. Gia đình là nơi bảo lưu một phần đáng kể các
yếu tố văn hóa truyền thống, là nơi biểu hiện các chân giá trị về chuẩn mực đạo đức,
thẩm mỹ, tâm lý, mối quan hệ giữa con người với con người và con người với xã hội.
Do đó, cần có nghiên cứu về gia đình của dân tộc Sán Dìu để tìm hiểu và luận giải
một phần cụ thể về bản sắc, văn hóa của tộc người.
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và
hội nhập quốc tế. Các yếu tố văn hóa nảy sinh trong điều kiện xã hội mới đã tác
động nhiều chiều đến đời sống của người Sán Dìu, bao gồm cả những biến đổi tích
cực và những biến đổi không mong muốn. Theo quan điểm hệ thống, mỗi thiết chế
xã hội biến đổi sẽ dẫn đến những thiết chế xã hội khác như tổ chức làng bản, dòng
họ biến đổi theo. Gia đình và đặc biệt là gia đình các dân tộc thiểu số, phải đối
mặt với rất nhiều thách thức trong giai đoạn toàn cầu hoá hiện nay.
1
Nghiên cứu về gia đình các tộc người được đặt ra như một nhiệm vụ cấp
thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và giá trị thực tiễn sâu sắc. Bởi gia đình là một trong
những thiết chế xã hội quan trọng, liên quan đến hoạt động của mỗi cá nhân cũng
như cộng đồng. Nghiên cứu gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ trong
sự nghiên cứu các yếu tố xã hội của gia đình, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn
hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác mà là sự phát triển bền vững của cả thiết
chế xã hội, vì ở thời đại nào văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội.
Việc chỉ ra các đặc điểm xu hướng, nguyên nhân biến đổi gia đình ở người Sán Dìu
là hết sức cần thiết để xây dựng hệ thống chính sách giúp cho gia đình của tộc người
có thể thích ứng, tồn tại và phát triển trong giai đoạn xã hội hiện nay.
Xuất phát từ tình hình thực tế trên, tôi lựa chọn đề tài: "Gia đình của người
Sán Dìu vùng chân núi Tam Đảo" làm đề tài luận án tiến sĩ. Qua nghiên cứu này,
sẽ góp thêm tư liệu về gia đình người Sán Dìu ở Việt Nam nói chung và người Sán
Dìu ở vùng chân núi Tam Đảo nói riêng. Trên cơ sở nghiên cứu, luận án chỉ ra
những yếu tố tích cực và những mặt hạn chế của gia đình truyền thống, góp phần
bảo tồn và phát huy những yếu tố tích cực của gia đình người Sán Dìu trong bối
cảnh hiện nay.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích
Nghiên cứu một cách có hệ thống về gia đình dân tộc Sán Dìu ở vùng chân
núi Tam Đảo. Từ đó chỉ ra những đặc điểm, sự biến đổi của gia đình và khuynh
hướng phát triển hiện nay của gia đình dân tộc Sán Dìu.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể
- Trình bày có hệ thống về quy mô, cấu trúc, loại hình, chức năng, phong tục,
nghi lễ truyền thống và biến đổi trong gia đình người Sán Dìu ở vùng chân núi Tam Đảo.
- Chỉ rõ những đặc điểm, khuynh hướng phát triển hiện nay của gia đình
người Sán Dìu và lý giải nguyên nhân tác động đến những biến đổi đó.
- Chỉ ra những yếu tố tích cực cần được lưu giữ và những mặt hạn chế cần
phải khắc phục trong gia đình Sán Dìu hiện nay.
3. Đối tượng, phạm vi và địa bàn nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là gia đình của người Sán Dìu ở vùng chân
núi Tam Đảo (được hiểu là cư dân sống dưới chân núi Tam Đảo).
2
Đề tài tập trung nghiên cứu về gia đình người Sán Dìu vùng chân núi Tam
Đảo truyền thống và những biến đổi cơ bản, nhất là từ sau công cuộc Đổi mới
(1986) đồng thời nêu lên xu hướng phát triển của gia đình hiện nay.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
3.2.1. Phạm vi nội dung
Luận án đi sâu phân tích những vấn đề cơ bản về gia đình dân tộc Sán Dìu dưới
góc độ nghiên cứu dân tộc học/nhân học như loại hình, cấu trúc, các mối quan hệ và
chức năng của gia đình, các phong tục, nghi lễ gia đình truyền thống và những biến đổi.
3.2.2. Phạm vi thời gian
Đề tài tập trung nghiên cứu về gia đình người Sán Dìu vùng chân núi Tam
Đảo truyền thống (trước công cuộc Đổi mới 1986) và những biến đổi cơ bản (sau
công cuộc Đổi mới năm 1986 và đặc biệt là sau Nghị quyết Khoán 10 của Bộ Chính
trị năm 1988), đồng thời nêu lên xu hướng phát triển của gia đình hiện nay.
3.2.3. Phạm vi không gian
Luận án lựa chọn địa điểm nghiên cứu là hai xã thuộc hai tỉnh khác nhau, đó
là xã Ninh Lai thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và xã Đạo Trù thuộc
huyện Tam Đảo của tỉnh Vĩnh Phúc. Hai xã này đều nằm trong vùng chân núi Tam
Đảo mang tính đặc thù của vùng chuyển tiếp giữa trung du và miền núi và cũng là
nơi người Sán Dìu cư trú tập trung từ lâu đời, đồng thời còn lưu giữ nhiều yếu tố
văn hóa truyền thống nhất là về phương diện gia đình.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Luận án được trình bày và biện giải theo quan điểm duy vật biện chứng và
duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lê nin về vấn đề gia đình và hôn nhân, nhất là
ý kiến của F.Ăng ghen trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư
nhân và của nhà nước”. Trong đó F.Ăng ghen đã đề cập đến nguồn gốc, chức năng
của gia đình và các loại hình gia đình trong lịch sử.
Bên cạnh đó, tác giả luận án còn dựa trên những quan điểm của Đảng và Nhà
nước trong các văn kiện có liên quan đến lĩnh vực gia đình ở Việt Nam. Ngoài ra,
luận án còn kế thừa những thành tựu nghiên cứu, lý luận và phương pháp luận của
các nhà dân tộc học trên thế giới, đặc biệt các nhà dân tộc học Liên Xô (cũ) và các
nhà dân tộc học Việt Nam.
3
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp chủ đạo sử dụng trong luận án là điền dã Dân tộc học, để thu
thập được thông tin đầy đủ, đa chiều, có giá trị và mang tính chân thực, chúng tôi đã
vận dụng một số kỹ năng như sau:
- Quan sát: Với mục đích hình dung được cảnh quan, môi trường cư trú, cách
bố trí làng bản, lối sống sinh hoạt của mỗi thành viên trong gia đình người Sán Dìu
và sự giao tiếp của họ với cộng đồng, giúp chúng tôi thu thập những thông tin ban
đầu về đối tượng nghiên cứu để định hướng chính xác hơn những vấn đề mục tiêu
nghiên cứu đề ra. Đồng thời khái quát được cơ bản nội dung nghiên cứu, trên cơ sở
đó phần nào nhận biết và chọn lọc được các thông tin khác nhau hoặc đa chiều trong
quá trình nghiên cứu thực địa.
- Quan sát tham dự: Để trải nghiệm bối cảnh nghiên cứu thông qua các kinh
nghiệm cá nhân trực tiếp tại thực địa, như quan sát tham dự tại các đám ma, đám
cưới, hay các công việc lao động hàng ngày của các thành viên trong gia đình.
Thông qua kĩ năng này chúng tôi có thể chứng kiến được các sự kiện văn hóa đang
diễn ra một cách chân thực nhất, đồng thời thiết lập được mối quan hệ thân thiết với
cộng đồng đối tượng nghiên cứu của mình, giúp cho những thông tin phục vụ cho
nghiên cứu sát thực để có kết quả nghiên cứu gắn với thực tiễn.
- Phỏng vấn sâu: Là kỹ năng quan trọng được sử dụng trong luận án để thu
thập các thông tin làm nền tảng cơ bản. Với đề tài nghiên cứu gia đình, chúng tôi lựa
chọn các đối tượng phỏng vấn sâu có sự đa dạng về nghề nghiệp, giới tính, lứa tuổi
như: là những người có uy tín trong cộng đồng (già làng, trưởng bản, trưởng họ,
thầy cúng) những người tham gia công tác chính quyền địa phương, tham gia công
tác kế hoạch hóa gia đình, người làm công tác văn hóa xã hội, thanh niên, nam
giới/phụ nữ lớn tuổi, nam giới/phụ nữ trung tuổi Nội dung các cuộc phỏng vấn
sâu này được chuẩn bị sẵn bằng một bộ câu hỏi phù hợp với nội dung nghiên cứu
của đề tài.
- Điều tra theo bảng hỏi: Tiến hành điều tra theo bảng hỏi tại địa bàn nghiên
cứu là hai xã Đạo Trù và Ninh Lai với số lượng 150 phiếu hỏi cho 150 hộ gia đình.
Trong đó, điều tra 50 hộ trên tổng số 119 hộ người Sán Dìu của thôn Ninh Lai, xã
Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và điều tra 100 hộ trên tổng số 190
hộ gia đình người Sán Dìu của thôn Đạo Trù thượng, xã Đạo Trù, tỉnh Vĩnh Phúc,
nhằm thu thập thông tin định lượng về quy mô, phân công lao động trong gia đình;
4
tuổi kết hôn, người quyết định hôn nhân, tiêu chuẩn chọn bạn đời, cư trú sau hôn
nhân, kiêng kị trong gia đình, phân công lao động trong gia đình, các mối quan hệ
trong gia đình, kinh tế hộ gia đình, biến đổi của nghi lễ gia đình... Sau đó tiến hành
phân tích và xử lý số liệu điều tra bảng hỏi bằng phần mềm SPSS.
Việc lựa chọn điều tra phiếu tập trung ở hai thôn Ninh Lai và Đạo Trù
Thượng vì ở đây người Sán Dìu đến khai hoang lập làng đầu tiên sau đó mới phát
triển sang các thôn khác của các huyện như ngày nay. Hơn nữa, người Sán Dìu ở
đây còn lưu giữ nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của gia đình. Đồng thời thôn
Ninh Lai là trung tâm của xã Ninh Lai, thôn Đạo Trù Thượng cũng là trung tâm phát
triển nhất của xã Đạo Trù hiện nay, nên việc lựa chọn mẫu để đánh giá sự biến đổi
của gia đình Sán Dìu trước ảnh hưởng của công nghiệp hóa, đô thị hóa là phù hợp
với mục đích nghiên cứu của luận án.
Số lượng mẫu tuy không lớn (chỉ chiếm 50% tổng số hộ của hai thôn Ninh Lai
và Đạo Trù Thượng), nhưng luận án lựa chọn mẫu điều tra gồm có cả gia đình nhiều
thế hệ, gia đình hạt nhân, gia đình hạt nhân mở rộng, gia đình khuyết thiếu; hộ có
trình độ học vấn cao, hộ có trình độ học vấn chưa cao; hộ làm nông nghiệp, hộ làm
viên chức nhà nước, hộ kinh doanh và hộ chỉ đi làm thuê. Đối tượng trả lời phiếu điều
tra là đại diện của hộ gia đình, có sự am hiểu cơ bản về gia đình mình cũng như đời
sống nói chung của người Sán Dìu tại khu vưc họ sinh sống. Việc lựa chọn mẫu là
ngẫu nhiên, tuy nhiên cũng đưa ra những tiêu chí như trên để việc điều tra phiếu được
mang tính đại diện và phản ánh khách quan nhất về gia đình của người Sán Dìu tại địa
bàn nghiên cứu chính nói riêng và vùng chân núi Tam Đảo nói chung.
Bên cạnh đó, luận án còn tham khảo ý kiến của các chuyên gia nhằm bổ sung
các kiến thức còn thiếu sót trong quá trình thực hiện luận án. Để hoàn thiện, luận án
còn tiếp cận nghiên cứu theo hướng liên ngành dân tộc học với xã hội học, tâm lý
học, với mong muốn có cái nhìn đa chiều và toàn diện hơn về chủ đề nghiên cứu.
Ngoài ra, luận án còn thu thập, kế thừa và phân tích các tài liệu thống kê, tài liệu thứ
cấp liên quan đến đề tài ở trung ương và địa phương.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
- Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu về gia đình truyền thống và
những biến đổi của người Sán Dìu ở một địa phương cụ thể.
5
- Luận án chỉ rõ những biến đổi của gia đình người Sán Dìu, đồng thời phân
tích những nguyên nhân dẫn đến biến đổi đó.
- Trên cơ sở nguồn tư liệu điền dã dân tộc học về gia đình người Sán Dìu, luận án
góp phần làm rõ vai trò của gia đình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tộc người này tại
địa bàn nghiên cứu, đặc biệt là trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
- Luận án đóng góp thêm cơ sở khoa học giúp các nhà quản lý, hoạch định
chính sách, đề xuất chính sách cụ thể bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Dìu.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận
Luận án đã xây dựng được hệ thống phân tích trong nghiên cứu về gia đình đối
với người Sán Dìu vùng chân núi Tam Đảo. Bên cạnh việc xác định các lý thuyết cơ
bản trong áp dụng phân tích như lý thuyết biến đổi văn hóa, lý thuyết chức năng,
nhằm để làm nổi bật lên những luận điểm nghiên cứu về gia đình và sự biến đổi của
gia đình trong giai đoạn hiện nay.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
- Luận án góp phần làm rõ vai trò của gia đình đối với sự phát triển kinh tế -
xã hội tộc người này tại địa bàn nghiên cứu, đặc biệt là trong quá trình xây dựng nông
thôn mới hiện nay.
- Cung cấp các luận cứ khoa học về gia đình của người Sán Dìu làm cơ sở cho
việc hoạch định những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần bảo
tồn và phát huy những yếu tố tích cực của gia đình người Sán Dìu trong phát triển
bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội.
7. Cơ cấu của luận án
Luận án ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, phần nội
dung chính được trình bày trong 5 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và địa bàn nghiên cứu
Chương 2: Cấu trúc, quy mô và các chức năng cơ bản của gia đình
Chương 3: Các nghi lễ trong gia đình
Chương 4: Những biến đổi của gia đình Sán Dìu hiện nay
Chương 5: Kết quả và bàn luận
6
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU,
CƠ SỞ LÝ THUYẾT, PHƯƠNG PHÁP VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Nghiên cứu gia đình các tộc người trên thế giới
Nghiên cứu về gia đình trên thế giới đã có một quá trình lâu dài với sự quan
tâm của nhiều học giả nổi tiếng, song nghiên cứu về gia đình dưới góc độ dân tộc
học/nhân học chỉ thực sự phát triển từ thế kỉ XIX.
Một nghiên cứu mang ý nghĩa quan trọng trong sự hình thành hệ thống lý
thuyết về gia đình là tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và nhà
nước (1884) của F. Engels. Đây là nghiên cứu dựa trên các kết quả và phát hiện của
Lewis H. Morgan để phân tích lịch sử nhân loại trong các giai đoạn phát triển, luận
chứng quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thủy và quá trình hình thành xã hội
có giai cấp. F. Engels cũng vạch rõ những đặc trưng của xã hội, giải thích sự phát
triển các mối quan hệ gia đình trong các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau; trong đó
đề cập đến nguồn gốc, cơ cấu chức năng của gia đình, các thiết chế hôn nhân và sự
tiến hoá của gia đình trong lịch sử [5]. Đây là tác phẩm có tính hệ thống và vạch ra
những mối quan hệ bên trong gia đình đối với cấu trúc bên ngoài và toàn xã hội.
Vào những thập niên 20 và 30 của thế kỷ XX, một số nhà nhân học Mỹ bắt
đầu quan tâm tới việc nghiên cứu mối quan hệ giữa các cá nhân và văn hóa, nghiên
cứu mối liên hệ giữa việc nuôi dạy trẻ và sự hình thành tính cách ở các nền văn hóa
khác nhau, trong đó có mối liên hệ với vai trò của gia đình trong sự hình thành tâm
lý của trẻ em là một khía cạnh nổi bật. Đại diện cho xu hướng này là Margaret Mead
(1901-1978), đặt dấu ấn đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu tính cách và văn hóa.
Năm 1928, bà công bố nghiên cứu Tuổi dậy thì ở Samoa (Coming of Age in
Samoa), nói lên quan điểm của gia đình và đời sống tình dục tự do là nguyên nhân
cho sự khác biệt tâm lý ở độ tuổi dậy thì của giới trẻ ở Mỹ và Samoa. Margaret Mead
đi đến kết luận về vai trò từ phía gia đình và mô hình văn hóa của gia đình tác động
đến tâm lý trẻ vị thành niên ở Mỹ nhiều hơn là các yếu tố sinh học, quan điểm này
còn có giá trị phổ biến đến ngày nay [113]. Margaret Mead với cách tiếp cận liên, đa
ngành và vận dụng lý thuyết chức năng để phân tích các hành vi của đối tượng
7
nghiên cứu và giải thích về cơ cấu và chức năng của hành vi này trong hệ thống xã
hội. Đây là cách tiếp cận hợp lý cho nghiên cứu dân tộc học/nhân học về gia đình
tộc người mà luận án có thể vận dụng, kết quả nghiên cứu không chỉ thể hiện đặc
trưng của đối tượng nghiên cứu mà còn nêu lên mối quan hệ giữa cá nhân và nền
văn hóa.
Đóng góp quan trọng về phương pháp luận nghiên cứu gia đình trên thế giới
nói chung và ở Liên Xô cũ nói riêng, có thể kể đến M.O.Koxven với cuốn Sơ yếu
lịch sử văn hóa nguyên thủy xuất bản năm 1953 (dịch tiếng Việt năm 1958). Trải
qua nhiều thập kỷ tác phẩm vẫn được đón nhận và là đề tài thảo luận sôi nổi của giới
khoa học. Đây là nghiên cứu có giá trị về quan điểm phương pháp luận được trình
bày một cách khá logic, đề cập đến những vấn đề trọng yếu của văn hóa nguyên
thủy như mầm mống của văn hóa; sự phát triển của kỹ thuật - kinh tế - xã hội; văn
hóa tinh thần; sự tan rã của chế độ công xã nguyên thủy; sự phát sinh xã hội có giai
cấp sớm nhất và mô hình gia đình trong xã hội
Tiếp đó có thể kể đến O.A.Sukhaneva với các nghiên cứu: Phong tục tập
quán trong hôn nhân và đám cưới tại làng Tadzhiks ở Shakhristan, Gia đình Hồi
giáo Uzbekistane (1960), Gia đình và gia đình các dân tộc Trung Á, Nghi lễ kết hôn
truyền thống của các dân tộc Trung Á (1978). Bên cạnh đó là các tác giả Bromley,
Ju.V. và Kaszuba, M.S. với cuốn Hôn nhân và gia đình các dân tộc Nam Tư (1982).
Những tác phẩm của các nhà khoa học của Liên Xô trước đây vừa có tính khái quát,
vừa đưa ra được những trường hợp cụ thể để chứng minh cho các giả thiết khoa học.
Bằng cách tiếp cận lấy chủ thể văn hóa là đối tượng nghiên cứu, các công trình trên
đây của các nhà khoa học Liên Xô cũng đánh dấu cho xu hướng nghiên cứu so sánh
về gia đình giữa các nước, các lục địa, các tộc người và các nền văn hóa khác nhau.
Nghiên cứu về Đông Nam Á, Georges Condominas với L’Espace social. À
propos de l’Asie du Sud-Est (Không gian xã hội vùng Đông Nam Á) đã thể hiện
quan điểm sắc bén cả về lý thuyết và thực địa khi nghiên cứu về các mô hình xã hội
vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Từ tư liệu thu thập được ở làng Sar Luk
của người Mnông Gar, Condominas không chỉ nêu lên định nghĩa về không gian xã
hội theo cách tiếp cận nhân học mà còn làm nổi bật mối quan hệ họ hàng và xóm
giềng của cộng đồng tộc người này. Liên quan trực tiếp đến nghiên cứu gia đình là
phần viết về Điều cấm kị đối với anh (chị) của chồng (vợ) [18, tr. 369 - 375] và sự
giải thích các thuật ngữ dùng trong quan hệ gia đình, họ hàng của người Mnông Gar
8
[18, tr 364 - 368]. Cách tiếp cận chủ thể văn hóa và liên đa ngành của nghiên cứu
này đã đem lại kết quả nghiên cứu thể hiện tính hệ thống đặc trưng của không gian
xã hội ở một tộc người cụ thể. Vì lẽ đó, công trình đã được dịch ra nhiều thứ tiếng
và trở thành kinh điển cho giới nghiên cứu nhân học xã hội.
Những năm 1990 của thế kỉ XX, các nhà nhân học phương tây có xu hướng
nghiên cứu gia đình trong bối cảnh toàn cầu hóa, tiêu biểu là Clark W.Soransen với
bài viết trong Asia’s Cultural Mosaic - An Anthropological Introduction, (Bức khảm
văn hoá Châu Á - Tiếp cận nhân học) đã đề cập đến gia đình các cư dân châu Á
trong đó có Việt Nam, đặc biệt tác giả đã chú ý phân tích mô hình làng xã và cơ cấu
của gia đình truyền thống và sự thích ứng của tổ chức xã hội làng xã cũng như gia
đình trong xã hội đang biến đổi [30]. Robert Pakin với Kinship: An introduction to
basic concepts (Dòng họ: Giới thiệu những khái niệm cơ bản). Mặc dù chủ đề
nghiên cứu về gia đình nhưng cuốn sách chưa đi sâu vào lý thuyết nghiên cứu gia
đình mà chủ yếu đề cập tới một số khái niệm về dòng họ và giải thích các khía cạnh
khác nhau của lý thuyết về dòng họ qua một số dẫn chứng dân tộc học. Sách gồm 2
phần chính. Phần I: Các khái niệm cơ bản (dòng dõi, gia đình, họ tộc...). Phần II: Lý
thuyết về dòng họ, trong đó có giải thích những ý nghĩa của dòng họ trong nhân
học; lý thuyết dòng họ và một số dẫn chứng dân tộc học [117]. Thông qua hướng
tiếp cận liên ngành nhân học - xã hội học và vận dụng chủ yếu lý thuyết biến đổi
văn hóa của các nghiên cứu này giúp luận án lựa chọn cách tiếp cận phù hợp khi
nghiên cứu gia đình trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời nhận
thức được sự khách quan của các nhà nghiên cứu nước ngoài nhìn nhận về mô hình
gia đình của Việt Nam nói chung trước khi nghiên cứu sâu sắc hơn về gia đình Sán
Dìu là đối tượng nghiên cứu chính của luận án.
Một trong những tiếp cận mang tính ứng dụng và hiện đại trong nghiên cứu
về gia đình đó là tác phẩm Nhân học - một quan điểm về tình trạng nhân sinh [29],
của Emily A. Schultz và Robert H.Lavenda, đã đưa ra những vấn đề cơ bản của
nghiên cứu nhân học, trong đó luận án đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu gia đình và
cách phân loại gia đình, thể hiện ở Chương 18 - Thân tộc và Chương 19 - Hôn nhân
và gia đình. Với cách vận dụng lý thuyết cấu trúc, chức năng trong nghiên cứu và
phân tích vấn đề gia đình được nhìn nhận sâu sắc từ góc độ thực tế với mô hình cấu
trúc có tính đại diện. Hệ thống thân tộc được được đặt tên theo các xã hội đại biểu
cho mô hình gốc của từng loại hình: Hawai, Eskimo, Iroquois, Crow, Omaha và
9
Xudang. Bên cạnh đó, Emily A. Schultz và Robert H.Lavenda cũng đưa ra những
quan điểm về cấu trúc của gia đình, với cách phân loại thành: gia đình hạt nhân, gia
đình hạt nhân mở rộng (cha mẹ sống với con cái đã kết hôn) và gia đình liên hợp
những anh em (chị em) cùng gia đình của họ chung sống [29, tr. 323-327]. Đây là
những quan điểm nghiên cứu có giá trị giúp luận án tham khảo đưa ra các định
nghĩa về gia đình và phân loại gia đình một cách hợp lý khi nghiên cứu gia đình
người Sán Dìu.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến T. N. Madan với Family and Kinship: A
study of the Pandits of rural Kashmir, đề cập đến gia đình và dòng họ Pandits thuộc
vùng nông thôn Kasmia dưới góc độ nhân học xã hội. Sách gồm các nội dung như
dòng họ Pandits ở Kasmia (Lịch sử và tổ chức xã hội); nông trại và hộ gia đình; các
khía cạnh kinh tế hộ gia đình; sự phân chia hộ gia đình; gia đình và chế độ phụ hệ
[116]. Cùng theo hướng nghiên cứu này Martine Segalen Historical anthropology of
the family (Lịch sử nhân loại học gia đình). Tác giả trình bày hướng nghiên cứu mới
trong nghiên cứu gia đình qua các nguồn tư liệu nhân học xã hội và nhân học lịch
sử, trong đó phân tích sâu: dòng họ và nhóm dòng họ, quan hệ dòng họ trong xã hội
đô thị; hình thành các nhóm gia đình (cưới xin và ly dị trong xã hội đương thời); vai
trò của gia đình và các hoạt động trong gia đình (vai trò của vợ chồng trong thế kỷ
XIX; nhóm gia đình và vai trò kinh tế; gia đình và xã hội) [114].
Nhìn chung, các nhà khoa học phương Tây và Liên Xô cũ đã đưa ra những
luận điểm lý thuyết làm nền tảng cho những nghiên cứu sau này của nhân học gia
đình và xã hội học về gia đình nói chung và làm cơ sở nền tảng để luận án nghiên
cứu về gia đình Sán Dìu dưới góc độ nhân học, trong đó thể hiện rõ khung lý
thuyết về gia đình, quy mô, cấu trúc, chức năng của gia đình, các đặc điểm của gia
đình, xu hướng vận động và phát triển của gia đình, biến đổi của gia đình trong
điều kiện mới Hiện nay, những nghiên cứu về gia đình ngày càng được hoàn
thiện từ nhiều khía cạnh khác nhau nhờ các phương pháp nghiên cứu thu thập tư
liệu hiện đại cả về định lượng và định tính. Song rất cần những nghiên cứu vừa có
tính hệ thống lý thuyết, vừa vận dụng thực tế phù hợp để nghiên cứu về nhân học
gia đình được toàn diện hơn, minh chứng một cách sâu sắc hơn để khái quát hóa từ
lý thuyết đến thực tế.
10
1.1.2. Nghiên cứu gia đình các tộc người ở Việt Nam
Nghiên cứu về gia đình các tộc người ở Việt Nam từ lâu đã nhận được sự quan
tâm của nhiều học giả. Trước tiên phải kể đến cuốn Các dân tộc ít người ở Việt Nam
(các tỉnh phía Bắc) năm 1978, của Viện Dân tộc học. Đây là công trình tập thể của các
nhà dân tộc Việt Nam đề cập đến 36 tộc người cư trú ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trong tác phẩm này, những mô tả về gia đình, hôn nhân, các mối quan hệ trong gia
đình bước đầu được giới thiệu một cách khái quát. Sách được tái bản năm 2014 và bổ
sung, cập nhật thêm các tư liệu mới dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2016.
Cuối những năm 1980 đầu 1990 của thế kỉ XX, nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc, các nhà dân tộc học đẩy mạnh việc nghiên cứu về các tộc người
thiểu số. Rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu về gia đình các dân tộc thiểu số được công bố.
Trước tiên, có thể kể đến các bài viết về lý thuyết trong nghiên cứu gia đình
của Phạm Quang Hoan: Vài suy nghĩ về phương pháp phân loại gia đình [33];Gia
đình, bản chất, cấu trúc, loại hình [34]; Gia đình các dân tộc thiểu số ở nước ta
[35]; Vài suy nghĩ về hôn nhân và gia đình của các dân tộc ở nước ta hiện nay [36];
các bài viết này đã chỉ rõ cấu trúc gia đình các tộc người thiểu số ở nước ta, như số
cặp vợ chồng và số thế hệ, số lượng người trong gia đình, số con cái, cấp độ và tính
chất quan hệ thân tộc hay thích tộc. Thực trạng tuổi kết hôn sớm và sự phổ biến của
nội hôn tộc người. Qua phân tích, tá...ề biến đổi văn hóa, các nhà nhân học còn lý giải dưới nhiều
góc độ và cách tiếp cận khác nhau như Thuyết tiến hóa luận (Edward B. Tylor và
Lewis Henry Morgan), Truyền bá văn hóa (Grafton Elliot Smith, W.J. Perry, Fritz
Graebner và Wilhelm Schmidt) Thuyết chức năng (Radcliffe Brown và
Malinowski), Thuyết sinh thái văn hóa (Julian Steward (1955)...
Lý thuyết tiếp biến văn hóa được vận dụng trong luận luận án lý giải sự biến
đổi của các phong tục tập quán trong gia đình, những nhận thức về xã hội mới tiếp
xúc vào cơ cấu gia đình truyền thống tạo nên những văn hóa mang sự thích ứng với
biến đổi của môi trường tự nhiên - xã hội, sự biến đổi đó xuất phát từ chính trong nội
bộ tộc người hay còn gọi là biến đổi nội sinh. Văn hóa không phải là bất biến mà nó
luôn vận động và biến đổi để duy trì và phát triển yếu tố truyền thống. Sự biến đổi đó
ngày càng rộng lớn về quy mô và mạnh về cường độ, nhất là trong bối cảnh toàn cầu
hóa; mọi dân tộc, mọi quốc gia muốn tồn tại và phát triển vững bền phải hội nhập
trên mọi lĩnh vực văn hóa, kinh tế và chính trị.
- Thuyết chức năng và chức năng cơ cấu
Luận điểm cơ bản trong cách tiếp cận chức năng là phân tích cơ cấu của một
xã hội, những mối liên hệ giữa các hệ thống khác nhau của nó. Cách tiếp cận này coi
xã hội như một cơ thể sống, bao gồm nhiều cơ quan, bộ phận. Các bộ phận khác nhau
23
thực hiện các chức năng đối với nhau và với toàn cơ thể. Khi chức năng của một
trong những bộ phận hoặc hệ thống xã hội thay đổi thì sẽ dẫn đến sự thay đổi chức
năng của các bộ phận khác trong hệ thống xã hội. Xu hướng nghiên cứu này được
các nhà nhân học xã hội quan tâm và đưa ra những lý thuyết mang tính phổ quát.
Công nghiệp hóa và đô thị hóa được coi là những nhân tố chủ yếu phá vỡ đời sống
của gia đình truyền thống ba thế hệ. Hình thái gia đình mở rộng này đã chuyển sang
gia đình hạt nhân hai thế hệ. Sự hình thành của lý thuyết gia đình hạt nhân vào
những năm 50 - 60 của thế kỷ XX gắn liền với tên tuổi của các nhà xã hội học Mỹ
đã chi phối lý luận xã hội học và có ảnh hưởng rộng lớn trên toàn thế giới cho đến
tận ngày nay, đại diện là Talcott Parsons và William Goode.
Gia đình là nơi thực hiện các chức năng thiết yếu cho cả cá nhân và xã hội.
William Goode (1982) cho rằng nếu gia đình không thực hiện đầy đủ các chức năng
của nó thì những mục tiêu rộng lớn của xã hội cũng sẽ không đạt được. Khi cấu trúc
gia đình thay đổi thì mô hình gia đình cũng biến đổi phù hợp để đáp ứng các nhu
cầu xã hội. Như vậy, theo cách hiểu của Goode, thiết chế gia đình có các chức năng
cơ bản của nó và những chức năng này góp phần tạo nên sự ổn định xã hội. Bản
thân gia đình cũng có sự vận động nhất định. Khi gia đình thay đổi về cấu trúc thì
chức năng của gia đình cũng thay đổi theo nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội. Đồng
tình với kết luận của Goode, nhà xã hội học người Anh - Anthony Giddens là tác giả
của lý thuyết cấu trúc hóa chức năng cho rằng con người với tư cách là những hình
thể tái tạo cấu trúc đồng thời hành động của họ bị chi phối bởi cấu trúc xã hội.
Thông qua hành vi, hành động của mình, con người tạo dựng, thay đổi những cấu
trúc xã hội mà họ là thành viên. Sự thay đổi cấu trúc diễn ra trong thời gian, không
gian và trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Nhờ mặt tích cực của hoạt động cá nhân
mà cấu trúc xã hội được tái tạo một cách sinh động, liên tục chứ không phải một
cách máy móc [46, tr 233]. Theo đó, khi cấu trúc gia đình bị phá vỡ, cá nhân sẽ tích
cực tái một cấu trúc mới với các chức năng phù hợp hơn. Thuyết chức năng tìm đối
tượng trong nghiên cứu xã hội thông qua việc phân tích các hành vi để tìm cách giải
thích về cơ cấu và chức năng của hành vi này giữa các hệ thống xã hội. Ở đây cơ
cấu chức năng, với tư cách là những khái niệm trọng điểm của những thuyết tổng
quát mới, phải giúp việc khắc phục các thuyết tiến triển và phân tán cũ. Malinowski
với cuốn Một thuyết khoa học về văn hóa (A scientific Theory of culture) đã nghiên
cứu các yếu tố của các nền văn hóa dân tộc khác nhau trên đóng góp của chúng để
24
giải thích các vấn đề về con người và xã hội. Qua đó thể hiện yếu tố cơ bản của
thuyết cơ cấu chức năng và đưa ra quan điểm về sự biến đổi xã hội. Nhiều nhà khoa
học cho rằng, tư tưởng có thể giúp cho xã hội giữ nguyên trạng thái hoặc kích thích
sự biến đổi xã hội nếu những niềm tin và chuẩn mực xã hội không còn phù hợp với
nhu cầu của xã hội.
Một trong những khía cạnh nghiên cứu của luận án là sự biến đổi của cơ cấu
gia đình người Sán Dìu trong điều kiện xã hội phát triển ngày nay, thông qua nhìn
nhận những biến đổi đó cho thấy được cơ cấu về gia đình tộc người thể hiện như thế
nào trong mô hình xã hội mới, đồng thời những chức năng vốn có của nó có còn tồn
tại hay không, sự biểu hiện của các chức năng đó cho thấy vai trò của mỗi thành
viên trong gia đình như thế nào. Lý thuyết chức năng cơ cấu thể hiện diện mạo, bản
chất của gia đình và sự phát triển của nó có bền vững hay không trong bối cảnh xã
hội biến đổi.
Talcott Parsons (1902 - 1979) là người đưa ra những nhận định về lý thuyết
biến đổi xã hội, đồng thời có tầm ảnh hưởng lớn nhất với thuyết chức năng cơ cấu,
là bước phát triển đáng kể sau những lý thuyết giá trị của A.Racliff Brown về cấu
trúc - chức năng. Parsons coi gia đình hạt nhân là một đơn vị thích hợp nhất đáp
ứng đòi hỏi của xã hội công nghiệp. Trong gia đình hạt nhân, một người có thể làm việc
ngoài xã hội, còn người kia chăm lo gia đình và trẻ em. Người đàn ông có vai trò “công
cụ”, là trụ cột gia đình và người vợ có vai trò “biểu cảm”. Đây là những vai trò bổ sung
cho nhau. Quan điểm này của Parsons về gia đình cũng như lý thuyết cấu trúc - chức
năng về gia đình và ông là một trong những đại diện, về sau phải chịu một sự chỉ trích
nặng nề của các nhà nữ quyền vì các nhà nữ quyền cho rằng ông đã biện hộ cho sự
phân công lao động trong gia đình giữa đàn ông và đàn bà với tư cách là sự phân công
tự nhiên và tự nguyện.
Trong cuốn World Revolution and Family Patterns (Cách mạng thế giới và
các mẫu hình gia đình) (Free Press: New York, 1963), William Goode đã khảo sát
mối quan hệ giữa cấu trúc gia đình và công nghiệp hóa trong những phần khác nhau
của thế giới. Cũng giống như Parsons, ông cho rằng, công nghiệp hóa đã dẫn tới sự
xói mòn gia đình mở rộng và các nhóm họ hàng thân tộc.
Nằm ngay trong thuyết chức năng cơ cấu của Talcott Parsons và William
Goode là những nhận định về biến đổi xã hội, bởi ngay trong câu hỏi về tính chức
năng của các quá trình xã hội đã phải đặt tiếp câu hỏi cơ bản rằng chúng dẫn tới ổn
25
định hay biến đổi. Chính các khái niệm về nghịch chức năng cũng như chức năng
hiện và ẩn mở ra tiền đề để nghiên cứu biến đổi. William Goode cho rằng trên phạm
vi toàn thế giới, hình thái gia đình mở rộng truyền thống đã được thay thế bằng gia
đình hạt nhân phổ biến. Quá trình này diễn ra không chỉ do tác động của công
nghiệp hóa mà còn bởi sự phổ biến của lý tưởng về gia đình hạt nhân từ các xã hội
phương Tây [95, tr.15]. Chính vì vậy, hướng tiếp cận này giúp tôi giải thích được vấn
đề khi phân tích về cơ cấu, chức năng của gia đình trong trường hợp nghiên cứu, đồng
thời mở ra tiền đề nghiên cứu về sự biến đổi của gia đình truyền thống Sán Dìu trong
thời đại ngày nay.
Việc nhận thức lý thuyết về biến đổi xã hội và thuyết chức năng cơ cấu giúp
luận án lý giải sự biến đổi của văn hóa gia đình, cơ cấu, quy mô gia đình, các mối
quan hệ của gia đình, các phong tục tập quán trong gia đình Những nhận thức về xã
hội mới tiếp xúc vào cơ cấu gia đình truyền thống tạo nên những văn hóa mang sự
thích ứng với biến đổi của môi trường tự nhiên - xã hội, sự biến đổi đó xuất phát từ
chính trong nội bộ tộc người hay còn gọi là biến đổi nội sinh. Văn hóa không phải là
bất biến mà nó luôn vận động và biến đổi để duy trì và phát triển yếu tố truyền thống.
Sự biến đổi đó ngày càng rộng lớn về quy mô và mạnh về cường độ, nhất là trong bối
cảnh toàn cầu hóa; mọi dân tộc, mọi quốc gia muốn tồn tại và phát triển vững bền
phải hội nhập trên mọi lĩnh vực văn hóa, kinh tế và chính trị.
Qua nghiên cứu lý thuyết, chúng tôi có thể định hướng được các vấn đề cần
tập trung khi triển khai đề tài, đặc biệt nhấn mạnh đến các yếu tố mang tính thời đại
trong sự đan xen các vấn đề truyền thống, những mối quan hệ của gia đình đối với
cấu trúc bên ngoài và với toàn xã hội, nhấn mạnh nhiều hơn đến hoàn cảnh gia đình
trong mối tương quan với cơ cấu giai cấp và sự khác biệt của các gia đình đó qua
các thông số, chẳng hạn như ngành nghề, phân công lao động, vùng dân cư, đặc
điểm địa phương, nông thôn, đô thị hóa, thực hiện nếp sống mới
1.3. Khái quát về người Sán Dìu và địa bàn nghiên cứu
1.3.1. Tên gọi và nguồn gốc tộc người
Người Sán Dìu ở Việt Nam trước đây vẫn tự gọi dân tộc mình là San Dáo Nhín,
có nghĩa là Sơn Dao Nhân (tức người Dao ở trên núi). Các dân tộc lân cận dựa trên đặc
điểm cư trú, phương thức canh tác hoặc y phục truyền thống của người Sán Dìu mà gọi
họ bằng các tên khác như: Trại đất (người Trại ở nhà đất) để phân biệt với Trại cao
26
(người Cao Lan ở nhà sàn), Trại ruộng (người Trại làm ruộng), Trại cộc, Mán cộc,
Mán quần cộc (trang phục quần cộc), Mán váy xẻ (phụ nữ mặc váy xẻ), Slán Dao
Tháng 3 năm 1960, Tổng cục thống kê Trung ương ghi nhận tên gọi của tộc
người là Sán Dìu và sử dụng tên gọi này trong các văn bản chính thức của Nhà nước. Căn
cứ vào ngôn ngữ và một số phong tục, người Sán Dìu được xếp vào hệ ngôn ngữ Hán -
Tạng ở Việt Nam. Người Sán Dìu có một quá trình hình thành và phát triển lâu đời trên
lãnh thổ Việt Nam. Vấn đề nguồn gốc của tộc người Sán Dìu được đề cập đến với các ý
kiến đa chiều thể hiện mối quan tâm của các nhà nghiên cứu dân tộc học từ nhiều thế kỉ.
Người Sán Dìu vùng chân núi Tam Đảo, khi nói về nguồn gốc của dân tộc
mình vẫn truyền khẩu các câu truyện thần thoại, theo lời kể của bà Lý Thị Mói, 78
tuổi ở thôn Hoàng Tân, xã Ninh Lai cho biết: Trong truyện Vua Cóc có nói đến địa
danh Mãn Khê Quốc là quê gốc của mình, khi đang sinh sống yên ổn thì họ bị triều
đình phong kiến tìm cách đàn áp, khiến phải lưu tán nhiều phương, trong đó có
đến Việt Nam, nhờ vậy dòng tộc mới được bảo tồn và phát triển thêm lên. Bên
cạnh đó còn có câu chuyện kể về lý do sự li tán của tộc người ra các nơi khác
nhau: đó là trên đường di cư sang Việt Nam, người Sán Dìu chia nhau thành từng
đoàn dài, các cụ già đi trước đã chặt các cành cây làm hướng chỉ đường và dặn lại
con cháu hễ cành cây chỉ về hướng nào thì đi theo hướng ấy tất sẽ gặp lại nhau.
Sau khi đã vượt qua những chặng đường dài thì không may bị một đàn lợn rừng
chạy qua, làm cho cành cây chuyển sang hướng khác. Vì vậy, các đoàn người theo
sau không đi đúng đường. Một bộ phận người Sán Dìu đi đúng đường lên sinh
sống ở miền núi, một số đến sau đi sai đường xuống cư trú ở đồng bằng.
Phỏng vấn những người cao tuổi tại địa bàn nghiên cứu và tham khảo gia
phả của gia đình cụ Đỗ Văn Truyền và cụ Lưu Kim Thanh ở thôn Hội Kế, xã Ninh
Lai còn lưu giữ, có ghi lại rằng: “Trong thời buổi loạn lạc và đói kém, người Sán
Dìu tìm sang Việt Nam theo đường biển tới vùng Móng Cái, Mạo Khê, Đông Triều
của tỉnh Quảng Ninh. Khi dừng chân, một nhóm người quyết định ở lại sinh sống ở
đây, phần còn lại tiếp tục tiến sâu vào đất liền đến huyện Chí Linh của tỉnh Hải
Dương (hiện nay vẫn còn những vết tích của tộc người này đã từng sinh sống), sau
đó theo dãy núi Yên Tử vào tỉnh Bắc Giang. Từ địa bàn này, người Sán Dìu chia
thành các nhóm nhỏ: có nhóm đi đến các huyện Yên Thế, Lạng Giang, Lục Ngạn
của Bắc Giang, có nhóm đi tới vùng trung du của tỉnh Vĩnh Phúc như các huyện Lập
Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên, Vĩnh Yên, nhóm khác lưu tán tới Thái Nguyên và
27
cư trú tại các huyện Phú Bình, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương. Một số theo hướng
đông bắc đến sinh sống tại tỉnh Tuyên Quang và Vĩnh Phúc ngày nay, cư trú chủ yếu
ở khu vực gò đồi thấp của huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang và huyện Tam Đảo
của tỉnh Vĩnh Phúc”. Trong quá trình thiên di sang Việt Nam, có những bộ phận
người duy trì được nguồn gốc Sán Dìu của mình, nhưng không ít người đã bị hoà lẫn
với những dân tộc khác.
Trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn từ thế kỷ XVIII, có mô tả các tộc
người ở Tuyên Quang như người Nùng, người Xá, người La Quả, người Thổ, người
Man [28, tr. 19], trong đó người Man ở đây là Sơn Man, chính là người Sán Dìu.
Tuy nhiên, cũng cần nói rằng, dưới chế độ phong kiến Việt Nam, không riêng gì
người Dao mà nhiều dân tộc khác như Hmông, Pà Thẻn, Sán Chay (nhóm Cao
Lan) đều được gọi là Man; ta có thể nghĩ Man ở đây là người Dao, Sơn Man tức là
Sơn Dao hay cũng chính là Sán Dìu, vì vậy rất có thể người Sán Dìu có nguồn gốc
chính là người Dao [28, tr. 4].
Từ xa xưa, cộng đồng người Dao chịu sự thống trị, đàn áp của nhà nước phong
kiến Trung Quốc đã bị chia cắt thành nhiều nhóm nhỏ, đẩy các nhóm người này phiêu
bạt các nơi để mưu sinh và phát triển. Người Sán Dìu là một trong số những nhóm
nhỏ đó. Nhưng sống lâu đời bên cạnh người Hán phương Nam nên dần dần đã mất
tiếng mẹ đẻ (tiếng Dao) và tiếp thu thổ ngữ Hán Quảng Đông [9, tr. 5].
Tuy vậy, một số nét văn hoá lại cho thấy người Sán Dìu khác với người Dao,
chẳng hạn như người Sán Dìu hoàn toàn không thờ Bàn Vương, và họ Bàn cũng không
lưu trong các gia phả của tộc người. Mặt khác, mọi thứ đồ dùng hay trang phục của
người Sán Dìu không có hoa văn đặc trưng như người Dao là thêu hình cây thông và
con chó. Điều đó cho thấy, nếu ghép nguồn gốc người Sán Dìu bắt nguồn từ người Dao
thì cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa mới đủ cứ liệu thuyết phục.
Đầu thế kỉ XX, nhà nghiên cứu người Pháp A.C. Bonifacy cho rằng, người
Sán Dìu dưới sự đàn áp của triều đại Mãn Thanh, đã từ tỉnh Quảng Đông di cư vào
Việt Nam theo đường biển và dừng chân tại Hải Dương, sau đó họ tiếp tục chuyển
cư đến một số tỉnh thuộc miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Phú Thọ (địa phận
ngày nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), Thái Nguyên, Bắc Giang [9, tr. 3].
Ở vùng chân núi Tam Đảo, người Sán Dìu sống liền kề cùng người Kinh và
Dao, họ luôn đoàn kết và giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất và sinh hoạt đời
sống hàng ngày. Người Sán Dìu không sống đan xen với các tộc người khác mà
28
quần tụ lại thành những khu vực riêng biệt. Trong hôn nhân lựa chọn kết hôn với
những người đồng tộc luôn được ưu tiên. Họ rất chừng mực trong giao tiếp với các
dân tộc khác và đặc biệt tránh xảy ra xô sát.
Lịch sử tộc người Sán Dìu cho thấy một trang đấu tranh hào hùng, bất khuất để
sinh tồn và bảo vệ giống nòi, sự phát triển lâu dài của họ gắn bó với quá trình đấu
tranh dựng nước và giữ nước của Việt Nam, họ là một bộ phận của cộng đồng các dân
tộc Việt Nam.
1.3.2. Khái quát đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa
1.3.2.1. Đặc điểm kinh tế
Người Sán Dìu chủ yếu canh tác ruộng bậc thang và làm ruộng nước trong
các thung lũng. Từ tháng 12 Âm lịch, đồng bào bắt đầu làm nương: xới cỏ, chặt gốc
và sau một tháng thì đốt dọn nương. Tháng hai trồng ngô, chàm, gieo vừng, tháng
bốn, tháng năm tra lúa, đến tháng tám, tháng chín thu hoạch, canh tác nương đồi của
đồng bào có nhiều sáng tạo. Những năm đầu trồng xen canh gối vụ nhiều loại cây
lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày, sau 10 đến 15 năm đất bạc màu thì bón
nhiều phân và trồng luân canh khoai lang, sắn, từ, mỡ đến khi đất trở nên bạc màu
hơn nữa thì trồng cây lâu năm.
Người Sán Dìu còn có truyền thống làm ruộng nước. Các dải đất trũng được
nhặt đá sỏi, san lấp, đắp bờ, cải tạo thành đồng ruộng trù phú. Qua nhiều thế hệ khai
khẩn, đã tạo nên những cánh đồng lúa rộng lớn và phì nhiêu (xem ảnh 9 và 10, trang
169). Từ lâu, đồng bào đã biết khai thác và vận dụng nhiều nguồn phân như phân
chuồng, phân tươi, bùn ao, phân bắc, tro bếp; biết làm thuỷ lợi như đắp đập, phai, đào
mương, khơi máng, tận dụng nguồn nước thiên nhiên phục vụ sản xuất.
Phương tiện vận chuyển độc đáo của người Sán Dìu là chiếc xe quyệt 1 để vận
chuyển lương thực, rau mầu từ nương ruộng về nhà và chở phân bón từ nhà ra ruộng.
Sản xuất nông nghiệp trồng trọt của đồng bào Sán Dìu đã tạo nhiều thuận lợi cho chăn
nuôi gia súc, gia cầm phát triển. Đồng bào nuôi nhiều trâu bò để lấy sức kéo, nuôi nhiều
lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng để phục sinh hoạt trong gia đình và lấy phân bón ruộng. Trước
đây người Sán Dìu kiêng không đào ao, đào giếng sợ động vào long mạch, sau Cách
mạng tháng Tám đồng bào thay đổi nhận thức, nhiều nhà đào ao, vừa để nuôi cá, vừa để
lấy bùn ao làm nguồn phân bón. Những gia đình sinh sống ở gần rừng còn phát triển nuôi
ong lấy mật. Vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển cỏ nên hiện nay có
những gia đình chăn nuôi dê với những đàn lớn từ vài chục đến cả trăm con.
29
Ngoài nghề nông là nghề chính, người Sán Dìu còn có một số nghề phụ gia
đình làm vào lúc nông nhàn như cót, bồ, nong, nia, dần, sàng, rổ, rá, thúng, các loại
nơm, giỏ Kéo sợi dệt vải và chế biến chàm để nhuộm vải trước đây khá phổ biến.
Hiện nay, các nghề phụ thủ công truyền thống không còn được người Sán Dìu làm
nữa. Sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm vị trí chủ đạo, song bên cạnh đó kinh doanh,
dịch vụ và lao động làm thuê phát triển. Sự biến đổi về kinh tế đó phù hợp với xu thế
phát triển của nền kinh tế thị trường nước ta hiện nay.
1.3.2.2.Thiết chế thôn/làng
Người Sán Dìu gọi nơi cư trú của mình là thôn/làng. Họ chủ yếu sống tập
hợp lại với nhau chứ không sống xen lẫn với các tộc người khác. Trong tổ chức xã
hội truyền thống của người Sán Dìu, sự phân chia tầng lớp giai cấp không quá sâu
sắc. Người đứng đầu thôn là Khán trại, bên cạnh đó còn có hội đồng kì mục hoặc hội
đồng hương thôn, tiên chỉ là một già làng do nhân dân bầu lên.
Khán trại và hội đồng hương thôn chủ yếu có vai trò là người quản lý các hoạt
động sản xuất liên quan đến lợi ích chung của thôn như thủy lợi, phân định ranh giới
về đất rừng và đất sản xuất với thôn khác, giải quyết các tranh chấp trong và ngoài
thôn/làng... Dưới chế độ phong kiến, xã hội Sán Dìu không diễn ra sự bóc lột gay gắt
của giai cấp thống trị với giai cấp bị trị. Các sản phẩm phải cống nộp cho triều đình
phong kiến được những người đứng đầu thôn/làng phân bổ hợp lý, thậm chí dành một
khoảnh ruộng riêng làm nơi các hộ gia đình thay nhau canh tác để cống nộp cho triều
đình. Sự tổ chức hợp lý trong cơ cấu sản xuất và quản lý mọi thành viên trong cộng
đồng dưới những nguyên tắc cơ bản được nêu rõ trong các hương ước khiến mô hình
thôn người Sán Dìu luôn ổn định và bền vững dù đất nước có trải qua nhiều biến cố.
Trong truyền thống, người Sán Dìu không có chế độ sở hữu ruộng công đối
với tư liệu sản xuất mà nhà nào khai phá được bao nhiêu thì đó là thuộc quyền sở
hữu của nhà ấy. Nhưng dưới chế độ phong kiến thực dân, tất cả ruộng đất của đồng bào
đều bị chiếm đoạt hết, nhân dân trở thành những người làm thuê cho địa chủ.
Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1954), tổ chức xã hội theo cơ cấu
làng, xã, huyện và tỉnh được hình thành, xã hội được quản lý bởi hệ thống hành
chính thống nhất trong toàn quốc, Hội đồng nhân dân là đại diện cho quyền lực của
nhân dân, điều hành các công việc hành chính, kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, có tổ
chức Đảng và các đoàn thể khác như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh
niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội nông dân những tổ chức chính trị xã hội này
30
ngày càng phát huy vai trò thúc đẩy xã hội Sán Dìu không ngừng phát triển, góp
phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, dân chủ
và văn minh.
1.3.2.3. Đặc điểm văn hóa vật chất
Ẩm thực: Thức ăn của người Sán Dìu đơn giản gồm cơm và rau là chủ yếu.
Trong những ngày hội hè, có đám, lễ tết hoặc đãi khách thì có thêm thịt, cá. Cháo ỉm
là món ăn chủ yếu trong các bữa phụ, hoặc húp cháo để giải khát thay vì uống nước.
Các món ăn: thịt thính (nhôộc trụ chao), thịt mỡ muối (diép chuy nhuộc), thịt bò
khô, thịt trâu khô, cheo leo, bánh chưng gù, bánh trôi vẫn là đặc trưng văn hoá ẩm
thực độc đáo của người Sán Dìu nơi đây.
Trang phục: Phụ nữ Sán Dìu truyền thống thường vấn tóc, chít khăn vuông
màu đen; mặc áo dài tứ thân ở ngoài, cổ cao, nẹp trơn, không đính khuy, may dài
quá gối, chia làm 2 nửa, nửa trên màu nâu, nửa dưới màu đen. Áo ngắn mặc ở trong,
màu nâu, cài khuy có may thêm hai túi nhỏ ở hai bên thân áo. Váy màu đen, dài đến
dưới đầu gối (xem phụ lục ảnh 3 và ảnh 4 trang 168). Trong lao động, phụ nữ quấn
xà cạp bằng vải màu trắng hoặc màu chàm. Phụ nữ có nhiều đồ trang sức như: vòng
tay, vòng cổ, khuyên tai, nhẫn, xà tích Đặc biệt họ có chiếc túi đựng trầu (loi thoi)
đeo ngang hông hình múi bưởi được may và thêu trang trí hoa văn công phu (xem ảnh
6, trang 168).
Đối với đàn ông, trong ngày lễ hội thường mặc một cặp áo phần thân dài quá
đầu gối, áo trong màu xanh, áo ngoài màu đen. Đó là kiểu áo năm thân, cổ cao, khuy
cài bên phải, ống tay hẹp. Ngày thường họ mặc áo ngắn, thân cụt. Quần thường là
màu nâu, cắt theo kiểu chân què, cạp lá toạ. Thắt lưng màu chàm, xanh hoặc để
nguyên màu sồi, đũi.
Ngày nay, trang phục truyền thống dân tộc Sán Dìu ít được sử dụng. Đa số
đàn ông đã mặc theo kiểu của người Kinh, trẻ em và phụ nữ chưa có gia đình cũng
không mặc bộ y phục này nữa. Chỉ còn một số ít người già và phụ nữ có chồng
còn giữ thói quen mặc y phục truyền thống của dân tộc.
Nhà cửa: Nhà truyền thống của người Sán Dìu thường làm theo qui mô nhỏ,
kết cấu đơn giản, hầu hết được làm từ các vật liệu tự nhiên. Ngôi nhà thường gồm
ba gian, hai chái. Tường nhà trát bằng đất (rơm trộn bùn). Mái nhà lợp bằng tranh
hoặc rơm rạ. Ngôi nhà của đồng bào hiện nay đã thay đổi, ban đầu là những căn
nhà tường đất, lợp mái ngói (xem phụ lục ảnh 1 và ảnh 2, trang 167), sau này ngày
31
càng phổ biến nhà cốt thép bê tông và nhà tầng. Cách bố trí không gian bên trong
cũng như kiến trúc bên ngoài có xu hướng giống với nhà người Kinh hiện đại.
1.3.2.4. Đặc điểm văn hóa tinh thần
Ngôn ngữ: Ngôn ngữ của người Sán Dìu cơ bản là khá thống nhất mặc dù họ
sống phân bố ở nhiều địa phương trên khắp cả nước. Từ những cuốn sách cổ còn lưu
giữ trong các gia đình người Sán Dìu hiện nay, có thể thấy ngôn ngữ người Sán Dìu
có trên 95% là tiếng Hán, được đọc theo ngữ âm riêng của người Sán Dìu nhưng thay
đổi nghĩa hoặc chữ mới, âm mới do đó trở thành Nôm Sán Dìu.
Các sách vở, thư tịch của người Sán Dìu chủ yếu gồm hai loại: sách dành cho thầy
cúng (sách về cách xem địa lý, xem ngày tháng để dựng nhà cửa, cưới gả, ma chay, về
các loại đạo bùa) và sách ghi chép các tích truyện cổ, các bài hát soọng cô, kinh
nghiệm sống... Tuy nhiên, hiện nay bộ phận thư tịch còn lưu giữ được chủ yếu là sách
của thầy cúng, do chúng còn có giá trị sử dụng trực tiếp và thường xuyên tới mọi mặt của
đời sống tâm linh, đời sống tinh thần của người Sán Dìu (xem ảnh 13, 14, 15 trang 172
và ảnh 16 trang 173). Còn bộ phận sách ghi chép văn hóa dân gian (nhiều nhất là ghi
chép các bài hát soọng cô) hầu như đã mất mát. Nguyên nhân là do sự mai một của loại
hình nghệ thuật dân gian hát soọng cô trong mấy chục năm trở lại đây. Hiện nay, người
Sán Dìu sử dụng song ngữ: tiếng Sán Dìu giao tiếp trong gia đình hay cộng đồng
mình, trong các lễ cúng và nói tiếng phổ thông khi giao tiếp với các tộc người khác.
Văn nghệ dân gian: Dân tộc Sán Dìu đã để lại kho tàng văn học nghệ thuật
rất giá trị với nhiều thể loại như: thơ ca, ca dao, tục ngữ, truyện kể, câu đố, dân ca,
dân vũ, hội hoạ trong đó nổi bật là hát soọng cô. Lời hát là thơ 7 chữ, tình tứ, êm
ái, ví von, tức cảnh ngụ tình. Soọng cô thường được diễn xướng trong các ngày hội
hè, lễ tế, làm nhà, đám cưới hết đêm này đến đêm khác hay lúc chợ phiên và cả
những buổi làm đồng Vốn văn nghệ dân gian này được đồng bào diễn xướng
trong các sự kiện quan trọng của gia đình, tuy nhiên lớp trẻ hiện nay do nhiều lý do
hầu như không còn học hát nữa, những người biết hát là người già và trung niên.
Tri thức dân gian: Tri thức của người Sán Dìu rất đa dạng, phong phú, phản
ánh sự thích nghi với môi trường tự nhiên, trình độ sản xuất và điều kiện kinh tế - xã
hội của đồng bào. Đó là những gì mà tộc người đã đúc rút qua quá trình sinh sống,
lao động lâu dài và lưu truyền qua các thế hệ. Nguồn tri thức được tích lũy ở nhiều
lĩnh từ khâu làm đất, chăm bón, xây dựng hệ thống mương, phai, sử dụng hợp lý các
nguồn nước phục vụ sinh hoạt, gieo trồng và chăn nuôi.
32
Ngoài những tri thức trong sản xuất nông nghiệp, người Sán Dìu còn có kinh
nghiệm phong phú trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên rừng thông qua khai thác
hợp lý lâm thổ sản. Riêng về săn bắn, đồng bào rất am hiểu chu kỳ sinh trưởng của
các loài thú để tránh khai thác bừa bãi. Không chỉ khai thác, người Sán Dìu còn biết
trồng thêm các loại cây trồng mới để thực hiện chủ trương xanh hoá đồi núi trọc và
phát triển kinh tế hộ gia đình. Những hình thức ứng xử với đất, nước và rừng, trước
kia cũng như hiện nay, có thể xem là những tri thức hữu hiệu để đảm bảo cuộc sống
của con người, đồng thời duy trì nguồn tài nguyên nhằm khai thác lâu dài và hiệu quả.
Hầu hết người Sán Dìu đều biết cách chữa trị những bệnh thông thường bằng
cây thuốc Nam, họ thu hái trong vườn nhà hoặc trên rừng gần nơi cư trú. Chỉ khi gặp
những bệnh nặng, họ mới phải nhờ đến thầy lang. Các thầy lang có rất nhiều kinh
nghiệm trong việc tìm kiếm, thu hái và bốc thuốc chữa bệnh, không chỉ chữa bệnh
trong cộng đồng người Sán Dìu và còn chữa cho những tộc người khác đến khám chữa.
1.3.3. Khái quát về địa bàn nghiên cứu
Địa bàn nghiên cứu của đề tài luận án là vùng chân núi Tam Đảo, với hai
địa điểm nghiên cứu là xã Ninh Lai, thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang
và xã Đạo Trù thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây hai xã có người Sán
Dìu cư trú tập trung nhất và là một trong những tộc người đầu tiên khai hoang đất
đai, trồng trọt, thu hái các sản phẩm từ tự nhiên rồi định cư ở đây từ lâu đời. Đồng
thời cũng là nơi còn lưu giữ nhiều yếu tố truyền thống trong gia đình người Sán
Dìu một cách rõ rệt nhất (xem Phụ lục 1, Bản đồ địa bàn nghiên cứu của luận án,
trang 164, 165 và 166).
1.3.3.1. Điều kiện tự nhiên
Xã Ninh Lai nằm ở phía nam huyện Sơn Dương, cách trung tâm thành phố Tuyên
Quang 30km về phía đông nam, phía tây bắc giáp xã Thiện Kế; phía tây nam giáp xã Đại
Phú huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang; phía đông bắc giáp huyện Đại Từ, tỉnh
Thái Nguyên, phía đông nam giáp xã Đạo trù của huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc.
Xã Đạo Trù nằm ở phía đông bắc tỉnh Vĩnh Phúc, phía đông nam và nam của
huyện Tam Đảo giáp huyện Bình Xuyên, tây nam giáp huyện Tam Dương, phía tây
giáp huyện Lập Thạch của tỉnh Vĩnh Phúc, phía tây bắc giáp huyện Sơn Dương của
tỉnh Tuyên Quang; phía bắc và đông bắc giáp huyện Đại Từ của tỉnh Thái Nguyên.
Đạo Trù cách thành phố Vĩnh Yên 10 km và cách Thành phố Hà Nội 70 km.
33
Xã Ninh Lai và xã Đạo Trù đều nằm gần ngã ba ranh giới của ba tỉnh Vĩnh
Phúc, Tuyên Quang và Thái Nguyên, nằm gần quốc lộ 2B, nên nơi đây giữ vị trí
quan trọng trong huyết mạch giao thông của từ các tỉnh miền núi phía bắc xuống
Hà Nội và các tỉnh đồng bằng khác.
Hai xã Đạo Trù và Ninh Lai thuộc địa phận hai tỉnh khác nhau nhưng tiếp
giáp, nối liền về mặt địa lý và nằm ở khu vực vành đai của hệ thống chân núi Tam
Đảo và cùng mang những nét đặc trưng về điều kiện tự nhiên. Nơi đây mang đặc thù
của vùng chuyển tiếp giữa trung du và miền núi, trong đó yếu tố của địa hình trung
du mang những đặc điểm nổi trội. Địa hình đồi núi bát úp, có độ dốc thấp, thoai
thoải dần. Ninh Lai và Đạo Trù đều nằm ở vùng thấp và bằng phẳng nhất trong vùng
nên thuận lợi cho canh tác ruộng nước và nhiều loại cây công nghiệp ngắn ngày. Cả
hai xã cùng nằm trong hệ thống vườn Quốc gia Tam Đảo2 và ở trong khối núi chạy
theo hướng đông bắc - tây nam.. Khu vực chân núi Tam Đảo có khí hậu nhiệt đới gió
mùa, lượng mưa trung bình hàng năm đạt đến 2.800 mm; mùa mưa từ tháng 4 đến
tháng 10 với khoảng 90% tổng lượng mưa của năm. Mùa khô, lượng mưa và độ ẩm
rất thấp dễ gây cháy rừng.
Mặc dù tiếp giáp về địa lý, song hai xã Ninh Lai và Đạo Trù thuộc hai tỉnh
khác nhau nên trong chính sách phát triển kinh tế xã hội có phần khác nhau, đặc biệt
là chính sách phát triển kinh tế phải dựa trên đặc điểm nguồn lực của địa phương,
chính vì vậy tạo nên một số nét khác nhau trong phát triển kinh tế hộ gia đình của
người Sán Dìu ở Ninh Lai và Đạo Trù, vấn đề này sẽ được luận án phân tích rõ hơn
trong chương 4: Những biến đổi của gia đình Sán Dìu hiện nay.
1.3.3.2. Tình hình dân số
Xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương có 1.506 hộ với 7.262 người thì có đến 1.118
hộ với 5.422 người là người Sán Dìu, chiếm 73,4 % dân số toàn xã.
Bảng 1.1: Dân số, dân tộc xã Ninh Lai
Stt Tên dân tộc Số hộ Số người
1 Kinh 364 1.726
2 Dao (Dao Quần Chẹt) 24 114
3 Sán Dìu 1.118 5.422
Tổng số 1.506 7.262
Nguồn: Uỷ ban Nhân dân huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang năm 2011
34
Tại xã Đạo Trù trong 13 thôn duy nhất thôn Tân Tiến không có người Sán
Dìu. Các thôn khác có người Kinh cùng cư trú, nhưng tỷ lệ người Sán Dìu gần
90%, thậm chí một số thôn như Phân Lân Thượng, Xóm Gò, Tân Phú, Đạo Trù
Thượng và Tiên Long có 100% người Sán Dìu.
Bảng 1.2. Số hộ - số người ở xã Đạo Trù
Stt Tên thôn Số hộ Trong đó Trong đó
Số hộ Số hộ Người Người
người Kinh người Kinh Sán Dìu
Sán Dìu
1 Đồng Quạ 365 30 335 125 1.114
2 Vĩnh Ninh 465 75 390 315 1.536
3 Tân Tiến 222 222 0 942 0
4 Phân Lân Thượng 255 0 255 0 1.144
5 Phân Lân Hạ 230 1 229 4 1.037
6 Xóm Gò 327 0 300 0 1.272
7 Tân Phú 245 0 245 0 1.031
8 Đạo Trù Thượng 190 0 190 0 846
9 Đạo Trù Hạ 240 2 238 9 1.105
10 Tiên Long 157 0 157 0 706
11 Tân Lập 213 9 204 37 984
12 Lục Liễu 258 ...
hành kèm theo Quyết định số 3648 QĐ-UB ngày 4 tháng 3 năm 2009.
10. Nghị định của Chính phủ Quy định việc áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình đối
với các dân tộc thiểu số (Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2002).
11. https://www.facebook.com/dantocsandiu?fref=ts
151
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Hoàng Phương Mai (2012), Các chức năng cơ bản của gia đình người Sán
Dìu ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Tạp chí Dân tộc học, Số 5&6.
2. Hoàng Phương Mai (2013), Truyền thống và những biến đổi trong nghi lễ
cưới xin của người Sán Dìu ở tỉnh Tuyên Quang, Tạp chí Văn hóa học, số 2.
3. Hoàng Phương Mai (2015), Phân loại cấu trúc, quy mô của gia đình người
Sán Dìu (Nghiên cứu tại xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Tạp
chí Dân tộc học, Số 1&2.
152
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TIẾNG VIỆT
1. Trần Mai An (2013), Tổ chức xã hội truyền thống của người Cơ tu huyện Nam
Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội.
2. Vi Văn An (1996), Hôn nhân và tục lệ cưới xin của người Thái ở miền núi Nghệ
An, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2.
3. Phùng Thị Tú Anh (2005), Hôn nhân gia đình người Mông trắng huyện Võ Nhai
tỉnh Thái Nguyên, Luận văn thạc sĩ, Đại học Văn hóa Hà Nội.
4. Vũ Tuấn Anh - Trần Thị Vân Anh (1997), Kinh tế hộ - lịch sử và triển vọng
phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Ăng ghen (1984), Nguồn gốc của gia đình của chế độ tư hữu và nhà nước, trong
Tuyển tập Mác -Ăng ghen, tập VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội.
6. Ma Khánh Bằng (1972), Nương đồi, soi, bãi của người Sán Dìu; Tạp chí Dân
tộc học số 3.
7. Ma Khánh Bằng (1973), Vài nét về dân tộc Sán Dìu; Thông báo Dân tộc học -
số đặc biệt Xác định thành phần các dân tộc miền Bắc.
8. Ma Khánh Bằng (1975), Về ý thức tự giác của dân tộc Sán Dìu (trong Về vấn đề
xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam); Nxb Khoa học xã
hội; Hà Nội.
9. Ma Khánh Bằng (1983), Người Sán Dìu ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội.
10. Mai Huy Bích (1999), Nâng cao tính khoa học của nghiên cứu gia đình, Tạp
chí Khoa học về Phụ nữ, số 3/1999, tr. 48 - 55.
11. Mai Huy Bích (2011), Xã hội học gia đình, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
12. Diệp Trung Bình (2005), Phong tục và nghi lễ chu kỳ đời người của người Sán
Dìu ở Việt Nam; Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam; Thái Nguyên.
153
13. Đỗ Thúy Bình (1994), Hôn nhân và gia đình các dân tộc Tày, Nùng và Thái ở
Việt Nam , Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
14. Nguyễn Duy Bính (1996), Các loại hình gia đình người Hoa ở thành phố Hồ
Chí Minh, Trong Tập san Khoa học A; Khoa học xã hội, Đại học tổng hợp Thành
phố Hồ Chí Minh, Chuyên đề khoa học lịch sử, số 1/1996.
15. Nguyễn Duy Bính (2005), Hôn nhân và gia đình của người Hoa ở Nam Bộ, Nxb
Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh.
16. Bonifacy A.C (1966), Chuyên khảo về người Mán Quần Cộc, trong Revue
Indochinoise 1904 - 1905, số 4, Đỗ Trọng Quang dịch, Nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội.
17. Trần Mạnh Cát - Đỗ Thúy Bình (1994), Gia đình với các chức năng
kinh tế, Tạp chí Dân tộc học, số 4.
18. Condominas, Georges (1997), Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, Nxb Văn
hóa, Hà Nội.
19. Đinh Thu Cúc, 1985, Cách mạng Tháng Tám và những thay đổi của người phụ
nữ nông dân đồng bằng Bắc Bộ, báo Phụ nữ Việt Nam, số 35, 36, 1985.
20. Sần Cháng (1998), Gia đình người Giáy ở Lào Cai, Tạp chí Dân tộc
học, số 1, tr 17 -22.
21. Chương trình phát triển con người của Liên Hợp Quốc (2000), Báo cáo phát
triển con người 2009, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
22. Cục thống kê Tuyên Quang (2010), Niên giám thống kê tỉnh Tuyên Quang,
Nxb Thống kê, Hà Nội.
23. Phan Hữu Dật (1998), Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam, Nxb Đại học
Quốc gia.
24. Phan Đại Doãn (1994), Tìm hiểu chức năng và đặc điểm gia đình người Việt -
dưới giác độ xã hội học lịch sử, Tạp chí Xã hội học - số 2, Hà Nội.
25. Khổng Diễn (chủ biên), (1998), Dân số - Kế hoạch hoá gia đình người Hmông
ở Hoà Bình. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
26. Dự án quỹ Ford Foundation, Từ điển Xã hội học Oxford (2010), Nxb Đại học
Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
154
27. Nịnh Văn Độ (2003), Văn hóa truyền thống các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu ở
Tuyên Quang, Nxb văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
28. Lê Quý Đôn (1962), Kiến văn tiểu lục, Nxb Sử học, Hà Nội.
29. Emily A. Schultz và Robert H.Lavanda, 2001, Nhân học - một quan điểm về
tình trạng nhân sinh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
30. Evans.Grant (1993), Asia’s Cultural Mosaic - An Anthropological Introduction
(Bức khảm văn hóa Châu Á - Tiếp cận Nhân học), by Prentice Hall, Simon &
Schuster (Asia) Pte Ltd, Singapore.
31. G.Endrweit và G.Trommsdorff (2002), Từ điển xã hội học, Nxb Thế giới, Hà Nội.
32. Phạm Quang Hoan - Nguyễn Ngọc Thanh (1992), Các dân tộc Tày, Nùng ở
Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
33. Phạm Quang Hoan (1985), Vài suy nghĩ về phương pháp phân loại gia đình,
Tạp chí Dân tộc học, số 2. tr 40 - 45.
34. Phạm Quang Hoan (1988), Gia đình, bản chất, cấu trúc, loại hình. Tạp chí Dân
tộc học số 1-2, tr 10-16.
35. Phạm Quang Hoan (1990), Gia đình các dân tộc thiểu số ở nước ta, Tạp chí
Dân tộc học, số 3, tr. 56-65.
36. Phạm Quang Hoan (1993), Vài suy nghĩ về hôn nhân và gia đình của các dân
tộc ở nước ta hiện nay, Tạp chí Dân tộc học, số 2.
37. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của chính phủ, Sổ tay báo
cáo viên pháp luật số 2/2000, Giới thiệu luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
38. Khuất Thu Hồng (1996), Gia đình truyền thống - Một số tư liệu nghiên cứu xã
hội học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
39. Lâm Quang Hùng (2011), Người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc, Hội sử học Vĩnh Phúc,
Vĩnh Phúc.
40. Trần Quốc Hùng (2015), Phong tục và nghi lễ vòng đời người Sán Dìu ở Quảng
Ninh, Nxb Thế giới, Hà Nội.
41. Vũ Tuấn Huy (2003), Mâu thuẫn vợ chồng trong gia đình và những yếu tố ảnh
hưởng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
155
42. Trần Đình Hượu (1990), Hiểu gia đình truyền thống - đổi mới chứ không phải
phục cổ, Tạp chí Xã hội học, số 3.
43. Trần Đình Hượu (1991), “Về gia đình truyền thống Việt Nam với ảnh hưởng
của Nho giáo”, trong: Lilijestrom, R & Tương Lai (chủ biên), Những nghiên cứu
xã hội học về gia đình Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
44. Thanh Hương (1997), “Gia đình văn hóa” trong Xây dựng gia đình văn hóa
trong sự nghiệp đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
45. Âu Văn Hợp (2000), Hôn nhân và gia đình của người Cao Lan ở huyện Sơn
Dương tỉnh Tuyên Quang, Luận văn thạc sĩ, Đại học Văn hoá.
46. Jhon J.Macionis, tái bản (2004), Xã hội học (In lần 1 năm 1987), Nxb
Thống kê.
47. Vũ Ngọc Khánh (1998), Văn hóa gia đình, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
48. Nguyễn Linh Khiếu (chủ biên), 2003, Gia đình trong giáo dục sức khỏe sinh
sản vị thành niên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội..
49. Korimoto Kazuo (1989), Từ Ie (Gia tộc) chuyển biến thành gia đình hạt nhân,
Tạp chí Người đưa tin UNESCO, số 7/1989, tr 31, bản tiếng Việt.
50. Nguyễn Hùng Khu (2008), Hôn nhân và gia đình của người Khmer Nam Bộ,
Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội
51. Tương Lai (1996), Những nghiên cứu xã hội học về gia đình Việt Nam, Nxb
Khoa học xã hội, Hà Nội.
52. Tương Lai (1998), Vấn đề gia đình trong sự biến đổi và phát triển của xã hội.
Tạp chí Xã hội học số 3.
53. Bùi Thị Bích Lan (2005), Hôn nhân và gia đình của người Rơ Ngao ở làng
Kon Hngo Klăh, xã Ngọc Bay, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Luận văn tập sự,
Viện Dân tộc học
54. Vũ Tuyết Lan (2007), Hôn nhân và gia đình của người Dao Quần Chẹt -
truyền thống và biến đổi (Nghiên cứu trường hợp ở xóm Mạ, xã Tu Lý, huyện Đà
Bắc, tỉnh Hòa Bình, Luận văn tập sự, Viện Dân tộc học.
55. Nguyễn Thị Quế Loan (2006), Tập quán chăm sóc sản phụ trẻ sơ sinh trong ăn
uống của người Sán Dìu ở Thái Nguyên, Tạp chí Dân tộc học, số 2.
156
56. Nguyễn Thế Long (2006), Truyền thống gia đình và bản sắc dân tộc Việt Nam
- Truyền thống đạo đức, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
57. Vũ Đình Lợi (1996), Gia đình và hôn nhân các dân tộc Malayo - Polynexia
Trường Sơn - Tây Nguyên, Luận án tiến sĩ.
58. Vũ Mạnh Lợi (2000), Một số quan điểm lý thuyết về giới trong nghiên cứu gia
đình, tạp chí Xã hội học, số 4/ 2000, tr. 12.
59. Vũ Mạnh Lợi (2007), Quan niệm về gia đình của người Việt Nam -
Nghiên cứu trường hợp tại Yên Bái, Tiền Giang và Thừa Thiên Huế, Tạp chí
Xã hội học, số 3/2007.
60. Trịnh Duy Luân (chủ biên), (2011), Gia đình nông thôn đồng bằng Bắc bộ
trong chuyển đổi, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
61. Hoàng Phương Mai (2011), Gia đình người Sán Dìu ở xã Ninh Lai huyện Sơn
Dương, tỉnh Tuyên Quang truyền thống và biến đổi, Luận văn thạc sỹ Nhân học -
ĐH KHXH &NV, ĐH Quốc gia Hà Nội.
62. Hoàng Phương Mai (2012), Các chức năng cơ bản của gia đình người Sán
Dìu ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Tạp chí Dân tộc học, Số 5&6, tr.
85 - 95.
63. Hoàng Phương Mai (2013), Truyền thống và những biến đổi trong nghi lễ
cưới xin của người Sán Dìu ở Tuyên Quang, Tạp chí Văn hóa học, Số 2 (6), tr.
71 - 75.
64. Hoàng Phương Mai (2015), Phân loại cấu trúc, quy mô của gia đình người
Sán Dìu xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang , Tạp chí Dân tộc
học, Số 1&2.
65. Lê Minh (1997), Phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội, Nxb Lao động,
Hà Nội.
66. Đỗ Hoài Nam (chủ biên), (2003), Một số vấn đề công nghiệp hóa và hiện đại
hóa ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
67. Phạm Thị Kim Oanh (2009), Hôn nhân và gia đình của người Thái ở huyện
Phù Yên, tỉnh Sơn La, Luận án Tiến sĩ.
157
68. Nguyễn Hồng Phong; Vũ Khiêu (chủ biên) (2003), Địa chí Quảng Ninh, Nxb
Thế Giới, Hà Nội.
69. Nguyễn Thị Minh Phương (2011), Áp dụng phong tục, tập quán về hôn nhân
và gia đình đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật Việt
Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật, Đại học Luật Hà Nội.
70. Nguyễn Hồng Quang (2002), Gia đình dân tộc thiểu số và lao động trẻ em, Tạp
chí Xã hội học, số 2, tr.41-50.
71. Lâm Quý (2005), Văn hóa các dân tộc thiểu số Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa thông
tin Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc.
72. Hùng Đình Quý - Phạm Quang Hoan (1999), Văn hoá truyền thống người Dao
ở Hà Giang, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
73. Đặng Thị Tầm (2008), Hôn nhân và gia đình của người Hoa ở thành phố Cần
Thơ, Nxb Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh.
74. Nguyễn Đình Tấn, Lê Tiêu La (chủ biên) (1999), Vai trò nam chủ hộ ngư
dân trong bước chuyển đổi nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
75. Đào Trang Thái (1997), Gia đình người Hmông tại xã Bản Phố, Bắc Hà, Lào
Cai, Khoá luận tốt nghiệp, Đại học Văn hóa Hà Nội.
76. Nguyễn Ngọc Thanh (2005), Gia đình và hôn nhân của dân tộc Mường ở tỉnh
Phú Thọ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
77. Nguyễn Ngọc Thanh (2011), Văn hóa truyền thống dân tộc Sán Dìu ở Tuyên
Quang, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
78. Nguyễn Ngọc Thanh - Nguyễn Thế Trường (chủ biên) (2012), Địa chí Vĩnh
Phúc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
79. Tạ Văn Thành (1997), “Văn hóa gia đình và gia đình văn hóa”, Trong: Bộ văn
hóa thông tin, Xây dựng gia đình văn hóa trong sự nghiệp đổi mới, Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội
80. Lê Ngọc Thắng, Lâm Bá Nam (1990), Bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam;
Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc.
158
81. Nguyễn Văn Thắng (2014), Nghi lễ gia đình của người mảng ở Việt Nam,
Luận án Tiến sĩ Nhân học, Học viện Khoa học xã hội
82. Tổng cục Thống kê (1961), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 1960,
Nxb Thống kê, Hà Nội.
83. Tổng cục thống kê (2001), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 1999, Nxb
Thống kê, Hà Nội.
84. Đỗ Văn Toàn (2000), Văn hoá truyền thống các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu ở
Tuyên Quang, Sở Văn hoá Thông tin Thái Nguyên xuất bản.
85. Ngô Văn Trụ - Nguyễn Xuân Cần (chủ biên), (2003), Dân tộc Sán Dìu ở Bắc
Giang; Nxb văn hoá dân tộc; Hà Nội.
86. Từ điển Nhân học (2006), bản dịch tiếng Việt lưu tại Viện Dân tộc học, ký hiệu TĐ 88.
87. Từ điển Văn hóa, Tín ngưỡng, Phong tục (2009), Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
88. Từ điển Tiếng Việt (2007), Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội.
89. Đặng Nghiêm Vạn (1991), Dòng họ, gia đình các dân tộc ít người trước sự
phát triển hiện nay, Tạp chí Dân tộc học, số 2.
90. Lê Ngọc Văn (1991), Cơ cấu chức năng, quan hệ thân tộc của gia đình ở một
xã nông thôn Bắc Bộ, Tạp chí Xã hội học, số 4.
91. Lê Ngọc Văn (1996), Gia đình Việt Nam với chức năng xã hội hóa, Nxb
Giáo dục, Hà Nội.
92. Lê Ngọc Văn (2000), Cưới và dư luận xã hội về cưới hiện nay, Nxb Khoa học
xã hội, Hà Nội.
93. Lê Ngọc Văn và cộng sự (2002), Số liệu điều tra cơ bản về gia đình Việt Nam
và người phụ nữ trong gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Khoa
học xã hội, Hà Nội.
94. Lê Ngọc Văn (2006), Nghiên cứu gia đình - Lý thuyết nữ quyền, quan điểm
giới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
95. Lê Ngọc Văn (2011), Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã
hội.
159
96. Hà Văn Viễn - Hà Văn Phụng (1971); Các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Nxb Dân tộc,
Hà Nội.
97. Viện Dân tộc học (1983), Sổ tay các dân tộc ở Việt Nam, Nxb Khoa học
xã hội, Hà Nội.
98. Viện Dân tộc học (1978), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc),
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
99. Đào Quang Vinh (2004), Hôn nhân và gia đình của người Dao ở xã Yên Lạc,
huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Luận văn đại học, Viện Dân tộc học.
100. Nguyễn Như Ý (1998) (Chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, NXb Văn hóa
Thông tin, Hà Nội.
TIẾNG ANH
101. Alan Barnard, Jonathan Spencer (Ed.)(1996), Encyclopedia of Social and
Cultural Anthropology. London &New York: Routledge.
102. Cheal, D (1993), Unity and Diffrence Postmodern Famies, Journail of Family
Issures, vol.14 (March).
103. Cooper, D. (1972), The Death of the Family, Harmondsworth: Penguin.
104. Dickinson, G.E. - Leming, M.R (1990) Understanding Family.
105. Dittmer, L. (1999), Globalization on the Asian Financial Crisis. Assian
Perspective, Vol 23 No 4, p.45.
106. Domestic Violence (1996), Magazine Violence in the family, Australia.
107. Gittns, D. (1993), The Family in Question; changing households and familiar.
108.Goode. W (1982), The family, Second Edition, Englewood Cliffs: Prentice
Hall.
109. Jack Goody (1983) The Development of the Family and Marriage in Europe,
Cambridge University Press.
110. Janet Finch (1989), Family Obligations and Social Change, Polity Press.
160
111. Leeder, E (2004), The Family State and Global, Perspective – A Gendered
Journey, Sege Publications.
112. William Goode (1963), World Revolution and Family Patterns, Free Press:
New York.
113. Margaret Mead (1928), Coming of Age in Samoa, William Morrow and
Company, New York
114. Martine Segalen (2002), Historical anthropology of the family, Cambridge
Cambridge University Press.
115. M. Edelman, A. Haugerud (Ed.)(2005), The Antropology of Development
and Globalization: From Classical Political Economy to Contemporary
Neoliberalism. P.1.
116. T. N. Madan (2002), Family and Kinship: A study of the Pandits of rural
Kashmir, New Delhi Oxford University Press.
117. Robert Pakin (1997), Kinship: An introduction to basic concepts , Malcen
Blackwell Publishers.
118. Okin, S.M (1997), Families and Faminist Theory: Some past and Present
Issues// Feminism and Families. Routledge
119. Shorter, E (1975), The Making of the Mordern Family. London: Fontana.
120. Steven, L. N (1992), Sociology of The Family. Second Edition. Prentice
Hall.
161
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
----------------
HOÀNG PHƯƠNG MAI
PHỤ LỤC LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC
GIA ĐÌNH CỦA NGƯỜI SÁN DÌU
VÙNG CHÂN NÚI TAM ĐẢO
HÀ NỘI - 2016
162
MỤC LỤC PHỤ LỤC
Phụ lục 1: Bản đồ......... 164
Phụ lục 2: Một số hình ảnh về người Sán Dìu vùng chân núi
Tam Đảo................... 168
Phụ lục 3: Phiếu hỏi hộ gia đình......... 183
163
PHỤ LỤC 1: BẢN ĐỒ
I. BẢN ĐỒ HUYỆN SƠN DƯƠNG, TỈNH TUYÊN QUANG
Nguồn: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, năm 2014
164
II. BẢN ĐỒ HUYỆN TAM ĐẢO, TỈNH VĨNH PHÚC
Nguồn: Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2014
165
III. BẢN ĐỒ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN
VỊ TRÍ NGHIÊN CỨU:
XÃ NINH LAI, HUYỆN SƠN DƯƠNG, TỈNH TUYÊN QUANG
XÃ ĐẠO TRÙ, HUYỆN TAM ĐẢO, TỈNH VĨNH PHÚC
166
PHỤ LỤC 2:
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ NGƯỜI SÁN DÌU VÙNG CHÂN NÚI TAM ĐẢO
Ảnh 1: Nhà ở của người Sán Dìu xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang
Ảnh do tác giả chụp tại xã Ninh Lai, tháng 5 năm 2009
Ảnh 2: Nhà ở của người Sán Dìu xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc
Ảnh do tác giả chụp tại xã Đạo Trù, tháng 9 năm 2013
167
Ảnh 3: Trang phục truyền thống của phụ Ảnh 4: Trang phục truyền thống của
nữ Sán Dìu, nhìn từ phía trước phụ nữ Sán Dìu nhìn từ phía sau
Ảnh do tác giả chụp tại xã Ninh Lai, tháng 5 năm 2009
Ảnh 5: Vòng đeo tay của phụ nữ Sán Dìu Ảnh 6: Túi đựng trầu của phụ nữ
Sán Dìu
Ảnh do tác giả chụp tại xã Ninh Lai, tháng 5 năm 2009
168
Ảnh 7: Dòng suối dẫn nước về thôn Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên
Quang. Ảnh do tác giả chụp tại xã Ninh Lai, tháng 7 năm 2011
Ảnh 8: Vườn rau của gia đình Sán Dìu ở xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh
Tuyên Quang. Ảnh do tác giả chụp tại xã Ninh Lai, tháng 7 năm 2011
169
Ảnh 9: Cánh đồng lúa của người Sán Dìu ở xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh
Tuyên Quang. Ảnh do tác giả chụp tại xã Ninh Lai, tháng 7 năm 2014
Ảnh 10: Cánh đồng lúa của người Sán Dìu ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc
Ảnh do tác giả chụp tại xã Đạo Trù, tháng 7 năm 2014
170
Ảnh 11: Bàn thờ của gia đình người Sán Dìu ở xã Ninh Lai. huyện Sơn Dương, tỉnh
Tuyên Quang . Ảnh do tác giả chụp tại xã Ninh Lai, tháng 7 năm 2011
Ảnh 12: Bàn thờ của gia đình người Sán Dìu ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh
Phúc. Ảnh do tác giả chụp tại xã Đạo Trù, tháng 7 năm 2014
171
Ảnh 13 và 14: Sách xem ngày lành tháng tốt của thầy cúng Sán Dìu ở thôn Đạo Trù Thượng,
xã Đạo Trù. Ảnh do tác giả chụp tại xã Đạo Trù, tháng 7 năm 2014
Ảnh 15: Sách xem Can, Chi, số mệnh của Sán Dìu ở thôn Đạo Trù Thượng, xã Đạo
Trù . Ảnh do tác giả chụp tại xã Đạo Trù, tháng 7 năm 2014
172
Ảnh 16: Sách xem tướng và số mệnh của thầy cúng Sán Dìu ở thôn Ninh Bình,
xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương. Ảnh do tác giả chụp tại xã Ninh Lai, tháng 7 năm 2011
Ảnh 17: Một số đồ dùng của thầy cúng thôn Đạo Trù Thượng, xã Đạo Trù, huyện Tam
Đảo. Ảnh do tác giả chụp tại xã Đạo Trù, tháng 7 năm 2014
173
Ảnh 18: Phỏng vấn thầy cúng, người có uy tín trọng cộng đồng người
Sán Dìu ở thôn Ninh Bình, xã Ninh Lai. Ảnh do tác giả chụp tại Ninh Lai, tháng 5 năm 2009
Ảnh 19: Phỏng vấn thầy cúng, già làng có uy tín tại thôn Đạo Trù Thượng
Ảnh do tác giả chụp tại xã Đạo Trù, tháng 7 năm 2014
174
Ảnh 20: Thầy cúng giới thiệu về bộ sưu Ảnh 21: Thầy cúng giới thiệu về tranh
tầm sách cổ chữ Nôm Sán Dìu Ảnh do tác thờ Phật, sử dụng trong đám tang của
giả chụp tại xã Đạo Trù, tháng 7 năm 2014 người Sán Dìu. Ảnh do tác giả chụp tại xã
Ninh Lai, tháng 7 năm 2011
Ảnh 22: Tranh thờ, dùng trong nghi lễ Ảnh 23: Tranh Cầu, dùng trong nghi lễ
làm ma của người Sán Dìu. Tranh mô làm ma. Tranh từ 10 - 15m, là sự ghép nối
tả cảnh phán xét dưới âm phủ của nhiều bức tranh. với ý nghĩa linh hồn
người chết phải trải qua nhiều cửa mới
đến được cõi vĩnh hằng
Ảnh do tác giả chụp tại xã Ninh Lai, tháng 7 năm 2011
175
Ảnh 24 và 25 và 26: Lễ làm ma khô cho người phụ nữ Sán Dìu
Ảnh sưu tập của Cộng đồng dân tộc Sán Dìu, đăng trên
https://www.facebook.com/dantocsandiu?fref=ts
176
Ảnh 27 và 28: Trang phục của thầy cúng Sán Dìu nhìn từ phía trước và
nhìn từ phía sau. Ảnh do tác giả chụp tại xã Ninh Lai, tháng 7 năm 2011
Ảnh 29 và 30: Lớp học chữ Sán Dìu tại xã Đạo Trù
Ảnh sưu tập của Cộng đồng dân tộc Sán Dìu, đăng trên
https://www.facebook.com/dantocsandiu?fref=ts
177
Ảnh 31: Thầy bói xem ngày lành tháng Ảnh 32: Đồ lễ cưới nhà trai mang sang
tốt cho gia đình có người chuẩn bị làm nhà gái
đám cưới
Ảnh chụp lại từ phim tài liệu “Đám cưới của người Sán Dìu xã Ninh Lai, huyện Sơn
Dương, tỉnh Tuyên Quang”, do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tuyên Quang
thực hiện năm 2013.
Ảnh 33: Cô dâu được cõng qua giọt gianh Ảnh 34: Chú rể tháo khăn che mặt của
trước khi về nhà chồng cô dâu
Ảnh chụp lại từ phim tài liệu “Đám cưới của người Sán Dìu xã Ninh Lai, huyện Sơn
Dương, tỉnh Tuyên Quang”, do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tuyên Quang
thực hiện năm 2013.
178
Ảnh 35: Hai vợ chồng người dân tộc Sán Dìu Ảnh 36: Gia đình anh Ôn Thái Trần ở xã
Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc
Ảnh Ôn Trần Thái đăng trên Cộng đồng dân tộc Sán Dìu,
https://www.facebook.com/dantocsandiu?fref=ts
Ảnh 37: Bà ở nhà trông cháu trong
thời gian cha mẹ đứa trẻ đi làm.
Ảnh do tác giả chụp tại Ninh Lai, tháng 5
năm 2009
179
Ảnh 38 và 39: Phụ nữ Sán Dìu trong công việc nội trợ hàng ngày
Ảnh do tác giả chụp tại Ninh Lai, tháng 5 năm 2009
180
Ảnh 40: Đàn ông Sán Dìu đang bừa đất
Ảnh do tác giả chụp tại xã Đạo Trù, tháng 11 năm 2013
Ảnh 41: Phụ nữ Sán Dìu đang buôn bán tại chợ Đạo Trù.
Ảnh do tác giả chụp tại xã Ninh Lai, tháng 11 năm 2013
181
Ảnh 42 và 43: Buổi giao lưu văn hóa văn nghệ giữa xã Ninh Lai, huyện Sơn
Dương, tỉnh Tuyên Quang với xã Bắc Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang
Ảnh do tác giả chụp tại xã Ninh Lai, tháng 7 năm 2011
Ảnh 44: Người Sán Dìu tham dự Ảnh 45: Thi gói bánh chưng gù
lễ hội Tây Thiên, Tam Đảo trong lễ hội Tây Thiên Tam Đảo
Ảnh sưu tập, đăng trên Cộng đồng dân tộc Sán Dìu,
https://www.facebook.com/dantocsandiu?fref=ts
182
PHỤ LỤC 3: PHIẾU HỎI HỘ GIA ĐÌNH
§Ò tµi:
Gia ®×nh CỦA NGƯỜI SÁN DÌU VÙNG CHÂN NÚI TAM ĐẢO
Thôn: ........................
Xã:..
Huyện:....................................................................................
Tỉnh:.......................................................................................
Người trả lời:..
Câu 1: .Gia đình có tổng số ............ người và thông tin chung về từng thành viên trong hộ
(Ghi từng người sống trong một nhà, có kinh tế chung).
Họ tên những người Quan hệ với Giới Tuổi Tình trạng Trình độ học vấn: Nghề nghiệp:
trong hộ: chủ hộ: tính: hôn nhân: 0 = Mù chữ 1 = Làm ruộng
1 = Chưa đi học 2 = Ngư dân
1 = Chồng/vợ
2 = Nhà trẻ, mẫu giáo 3 = Công nhân
Nêu theo thứ tự: 2 = Con 1 = Nam 1 = Độc thân
3 = Tiểu học (cấp 1) 4 = Cán bộ
STT - Chủ hộ 3 = Cháu 2 = Nữ 2 = Có
4 = Trung học CS (cấp II) 5 = Buôn bán, dịch
- Vợ/chồng của chủ 4 = Chắt vợ/chồng
5 = THPT (cấp III) vụ
hộ (nếu có) 5 = Bố mẹ 3 = Ly hôn
6 = Cao đẳng trở lên 6 = Đi làm thuê
- Con của chủ hộ (nếu 6 = Anh em trai 4 = Ly thân
7 = Bỏ học 7 = Hoc sinh
có) 7 = Chị em gái 5 = Goá
8 = Khác 8 = Khác (ghi rõ)
- Người khác (nếu có) 8 = Ông, bà
9 = Người khác
1 CH
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
183
Câu 2: Ông bà hãy đánh giá mức độ quan trọng trong việc sinh con trai/ con gái
của gia đình mình?
Mức độ đánh giá sinh con trai / con gái Sinh con trai Sinh con gái
Rất quan trọng
Quan trọng
Bình thường
Không quan trọng
Câu 3:
3.1. Gia đình ông bà có mấy con? .
3.2. Cha mẹ ông bà sinh được bao nhiêu người con?.....................................................
Câu 4: Trong gia đình ông/bà ai là người mang lại thu nhập nhiều nhất cho gia
đình?
4.1. Người mang lại thu nhập nhiều nhất 4.2. Số tiền thu nhập mỗi tháng
Chồng
Vợ
Con cái
Câu 5: Thu nhập hiện tại của hộ gia đình trung bình một tháng là bao nhiêu
tiền? .
Câu 6: Cây trồng, vật nuôi và thu nhập của hộ gia đình như thế nào?
6.1. Cây trồng 6.2. Diện tích trồng (hoặc 6.3. Vật nuôi (gia súc, 6.4. Số lượng vật nuôi
(ghi rõ loại cây) số lượng cây trồng) gia cầm)
............... .................... ....................
.......
.......
.......
...
6.5. Số tiền thu nhập từ cây trồng trong 1 năm 6.6. Số tiền thu nhập từ vật nuôi trong 1 năm
..
184
Câu 7: Ai là người quyết định hôn nhân của ông/bà trước đây ?
Người quyết định hôn nhân
Bố mẹ quyết định hoàn toàn
Bố mẹ quyết định nhưng có hỏi ý kiến ông,bà
Ông bà quyết định hoàn toàn
Ông bà quyết định nhưng có sự bàn bạc với bố mẹ
Câu 8: Người quyết định hôn nhân của lớp thanh niên hiện nay?
Người quyết định hôn nhân
Bố mẹ quyết định hoàn toàn
Bố mẹ quyết định nhưng có hỏi ý kiến con cái
Con cái quyết định hoàn toàn
Con cái quyết định nhưng có sự bàn bạc với bố mẹ
Những người khác quyết định (ông cậu, bà dì,)
Câu 9: Mong muốn của ông /bà là con cái mình lấy người cùng dân tộc hay
khác dân tộc ?
1. Cùng dân tộc 2. Khác dân tộc
Câu 10: Xin cho biết về tuổi khi ông/bà khi kết hôn ?
10.1. Của ông (bà) 10.2. Của vợ/chồng ông (bà)
Các cuộc hôn nhân Tuổi Các cuộc hôn nhân Tuổi
Hôn nhân lần đầu Hôn nhân lần đầu
Hôn nhân lần 2 Hôn nhân lần 2
Hôn nhân lần 3 Hôn nhân lần 3
Câu 11: Theo ông/ bà, tiêu chuẩn để chọn bạn đời hiện nay là:
11.1. Bạn gái 11.2. Bạn trai
1. Chung thủy 1. Chung thủy
2. Xinh đẹp 2. Đẹp trai
3. Khỏe mạnh 3. Khỏe mạnh
4. Đức hạnh 4. Có đạo đức
185
5. Có kinh tế 6. Chăm chỉ làm việc kiếm tiền
6. Văn hóa cao 6. Văn hóa cao
7. Đảm đang 7. Có nhà cửa
8. Có nghề nghiệp ổn định 8. Có nghề nghiệp ổn định
Câu 12: Ông/ bà lựa chọn nơi ở như thế nào sau khi kết hôn?
1. Nhà chồng 2. Nhà vợ 3. Luân cư 4. Ra ở riêng
Câu 13: Hình thức thu xếp cuộc sống của ông/bà khi về già như thế nào?
Hình thức thu xếp cuộc sống
Sống chung và ăn chung với con
Sống chung với con nhưng ăn riêng
Sống riêng hai ông bà
Sống riêng một mình
Hình thức khác
Câu 14: Xin ông/ bà cho biết số cuộc hôn nhân không đăng ký kết hôn trên tổng
số các cuộc hôn nhân của gia đình trong 5 năm qua: ../..
Câu 15: Trong gia đình, ai là người quyết định chính những công việc sau đây:
Người quyết định chính
Chủ Chủ yếu Hai vợ Bố (Ông) Mẹ (Bà) Người
Stt Công việc yếu là là vợ chồng khác
chồng như nhau
1 Chi tiêu lớn (làm nhà,
mua bán đất đai, tiện
nghi đắt tiền)
2 Chi tiêu hàng ngày
3 Nội trợ (mua thức ăn,
nấu cơm)
4 Kế hoạch làm ăn
5 Vay vốn tín dụng
186
6 Trồng trọt
7 Chăn nuôi
8 Làm thủ công
9 Buôn bán
10 Dạy con học
11 Cưới gả cho con
Câu 16: Xin ông bà cho biết việc phân công lao động trong gia đình hiện nay như thế
nào?
Chồng Vợ Hai vợ Con Con Bố Bà Người
Công việc là là chồng trai gái (ông) (mẹ) khác
chính chính như
nhau
I. Làm ruộng, nương
Cày, làm đất
Bừa
Chọn mua giống
Gieo, ủ mạ
Cấy, trồng
Làm cỏ
Phun thuốc trừ sâu
Lo thuỷ lợi
Gặt, thu hoạch
Đập
Phơi
Vận chuyển
Đổi, bán
II. Chăn nuôi
Trâu, bò, lợn
Gia cầm
Cá
III. Nghề thủ công
..
187
Đổi, bán
IV. Công việc nội trợ và
nuôi dạy con
Đi chợ
Nấu cơm,
rửa bát
Lấy củi
Chăm sóc con
Truyền nghề cho con trai
Truyền nghề cho con gái
Câu 15: Trong 5 năm trở lại đây, gia đình ông bà có còn tổ chức cưới xin theo
đúng các bước nghi lễ truyền thống nào sau đây hay không?
STT Còn thực Không còn Chỉ là một bước mang
Nghi lễ trong cưới xin hiện thực hiện tính hình thức, diễn
ra nhanh gọn
1 Nghi lễ xin lá số
2 Nghi lễ xin cưới
3 Nghi lễ xem mặt
4 Nghi lễ ăn hỏi
5 Nghi lễ sang bạc
6 Nghi lễ chọn và báo ngày cưới
7 Nghi lễ gánh gà
8 Nghi lễ trong đám cưới
(diễn ra trong 5 ngày)
9 Nghi lễ nộp cheo
10 Nghi lễ lại mặt
11 Nghi lễ khác
188
Câu 16: Trong 5 năm trở lại đây, gia đình ông bà có còn tổ chức tang ma theo
đúng các bước nghi lễ truyền thống nào sau đây hay không?
STT Còn thực Không còn Chỉ là một bước mang
Nghi lễ trong tang , ma hiện thực hiện tính hình thức, diễn
ra nhanh gọn
1 Nghi lễ tắm rửa cho người chết
2 Nghi lễ cho tiền vào mồm người chết
3 Lễ báo tang và phát tang
4 Nghi lễ đón thầy cúng
5 Nghi lễ cúng áo quan
6 Nghi lễ dâng cơm cho người chết
7 Nghi lễ chọn đất làm huyệt mộ
8 Nghi lễ khâm liệm trước khi an táng
9 Nghi lễ bắc cầu
10 Nghi lễ làm ma (làm chay)
11 Nghi lễ khác
Câu 17: Trong gia đình ông/bà hiện nay còn giữ những điều kiêng kị đối với
con dâu như truyền thống của dân tộc Sán Dìu trước đây không?
1. Có 2. Không
Câu 18: Trong gia đình ông/bà hiện nay, mối quan hệ vợ chồng diễn ra như thế
nào?
1. Người vợ phải nghe theo mọi sự sắp đặt của người chồng, không có quyền phản
kháng trong mọi công việc.
2. Người vợ có quyền sắp đặt mọi công việc, người chồng không quyết định điều gì.
3. Hai vợ chồng bình đẳng trong cuộc sống gia đình.
Câu 19: Theo ông/bà mối quan hệ vợ chồng trong một gia đình có sự thay đổi
khác biệt bắt đầu từ thời gian nào sau đây?
1. Từ 1 năm trở lại đây 3. Từ 5 năm trở lại đây
2. Từ 10 năm trở lại đây 4. Từ 15 năm trở lại đây
189
Câu 20: Theo ông/bà, trong gia đình mình, mối quan hệ nào có sự thay đổi rõ
nét nhất so với truyền thống xa xưa của dân tộc Sán Dìu? (chọn 3 mối quan hệ)
1. Bố chồng và con dâu 6. Mẹ vợ và con rể
2. Mẹ chồng và con dâu 7. Bố vợ và con rể
3. Vợ và chồng 8. Anh/em chồng và chị/em dâu
4. Anh/chị em ruột 9. Anh/em vợ và chị/em vợ
5. Quan hệ với họ hàng 10. Ông bà và các cháu
Câu 21: Việc hương ước của làng quy định việc ma chay, cưới xin trong điều kiện
hiện nay cùng một số quy định mới, gia đình ta thấy có phù hợp với điều kiện kinh tế
cũng như văn hoá truyền thống của dân tộc mình hay không?
1. Rất phù hợp 2. Tương đối phù hợp 3. Không phù hợp
Câu 22: Ông/bà hãy đưa ra những đề xuất và kiến nghị nhằm phát huy tối đa các
giá trị văn hóa quý báu của gia đình truyền thống người Sán Dìu.
Xin chân thành cảm ơn!
190
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- luan_an_gia_dinh_cua_nguoi_san_diu_vung_chan_nui_tam_dao.pdf