Nhân vật tái xuất hiện trong tác phẩm của Honoré De Balzac

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH _______________________________ Hoàng Trung Thông NHÂN VẬT TÁI XUẤT HIỆN TRONG TÁC PHẨM CỦA HONORÉ DE BALZAC Chuyên ngành: Văn học nước ngoài Mã số: 60 22 30 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. NGUYỄN THỊ ANH THẢO Thành phố Hồ Chí Minh – 2008 LỜI CẢM ƠN ******* Chúng tôi xin chân thành cảm ơn đến: - Ban Giám hiệu; Phòng nghiên cứu Khoa học Công nghệ – Sau đại học; Khoa Ngữ Văn Trư

pdf141 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2859 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Nhân vật tái xuất hiện trong tác phẩm của Honoré De Balzac, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ờng Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. - Lãnh đạo Sở GD & ĐT Bình Thuận và Trường THPT Hàm Thuận Nam – Bình Thuận, - Gia đình và bạn bè. Và đặc biệt chúng tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Ts. Nguyễn Thị Anh Thảo đã tận tình hướng dẫn người viết trong suốt quá trình làm luận văn. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài: Honoré de Balzac (1799 – 1850) là nhà tiểu thuyết lớn thế kỷ XIX, đại văn hào của văn chương Pháp nói riêng và của cả thế giới nói chung. Thật khó hình dung diện mạo văn học thế giới nếu như thiếu đi khuôn mặt của “bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực” này. Thành tựu nổi bật trong văn nghiệp Balzac, Tấn trò đời, đã được lấy làm khuôn mẫu cho một khuynh hướng văn học khai sinh sau khi nhà văn qua đời: khuynh hướng văn học hiện thực mang sắc thái phê phán, hay còn gọi là Chủ nghĩa hiện thực phê phán. Balzac là một trong số các tác giả Pháp có mặt sớm nhất ở Việt Nam. Kể từ năm 1917, khi Nguyễn Văn Vĩnh dịch và công bố Miếng da lừa trên Đông Dương tạp chí, tác phẩm của Balzac lần lượt được giới thiệu ngày càng nhiều. Balzac cũng trở thành một trong các tác giả văn học nước ngoài quan trọng trong chương trình từ bậc phổ thông cho tới bậc đại học, và là một tác giả thu hút được sự quan tâm nghiên cứu về nhiều mặt ở nước ta. Bộ Tấn trò đời của Balzac là một “thiên hà độc đáo”, đồ sộ, phong phú và có “vô số nẻo vào”, giúp cho mỗi thời đại có cách riêng để đến với ông. Giới nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam không biết đã tốn bao nhiêu thời gian và bút mực để khám phá thế giới khổng lồ, nhiều chiều, nhiều dạng mà Balzac đã thể hiện trong bộ tác phẩm này. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy có một vấn đề dù được rất nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận nhưng cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào chuyên tâm đi sâu nghiên cứu đó là thủ pháp cho nhân vật xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác nhau: nhân vật tái xuất hiện. Trong khi đây là một trong những sáng tạo nổi bật nhất, thành công nhất của Balzac, vì nó mà chính tác giả đã sung sướng reo lên “tôi đang trở thành thiên tài”. Số lượng nhân vật được tái hiện rất lớn, biểu hiện của nó rất sinh động và hiệu quả nghệ thuật của nó cũng vô cùng sâu sắc. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: Honoré de Balzac sáng tác nhiều thể loại khác nhau: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch và nhiều bài tiểu luận, phê bình cùng hàng trăm lá thư có giá trị. Nếu tính toàn bộ sự nghiệp văn chương thì số lượng tác phẩm là rất lớn từ khi ông hoàn thành vở kịch đầu tiên cho đến khi cuốn tiểu thuyết cuối cùng ra đời. Tuy nhiên giá trị nhất, và được mọi người nhắc đến nhiều nhất vẫn là những tác phẩm được viết với bút danh Honoré de Balzac, những tác phẩm được tập hợp dưới nhan đề Tấn trò đời. Vì vậy, có thể nói Tấn trò đời là linh hồn, là đại diện cho toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Balzac. Tấn trò đời của Honoré de Balzac là một công trình đồ sộ với gần 100 tác phẩm gồm cả tiểu thuyết, truyện vừa và truyện ngắn. Ở Việt Nam, lần lượt nhiều tác phẩm đã được xuất bản (bằng tiếng Việt hoặc song ngữ Pháp - Việt) một cách riêng rẽ như Miếng da lừa, Lão Goriot, Eugénie Grandet, Ảo tưởng tiêu tan, Vinh và nhục của kỹ nữ, Hoa huệ trong thung, Gobseck, Chị họ Bette … Năm 1999, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh tác giả, Nhà xuất bản thế giới bắt đầu cho ra mắt bộ sách Tấn trò đời tập hợp tất cả các sáng tác đã được dịch từ trước đến lúc bấy giờ và tóm tắt trích dịch nhiều sáng tác khác. Công trình này hoàn thành năm 2001 gồm 15 tập với sự giới thiệu 69 tác phẩm. Tính cả một số tác phẩm được dịch và công bố riêng rẽ khác, cho đến nay đã có khoảng 30 sáng tác của Balzac đã được dịch trọn vẹn sang tiếng Việt. Do những khó khăn nhất định trong tiếp cận tài liệu, chúng tôi chọn nghiên cứu những sáng tác đã được dịch như đã nêu ở trên làm đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng tôi đặt trọng tâm vào các tác phẩm có kiểu nhân vật tái xuất hiện, đặc biêt là những nhân vật có vai trò quan trọng trong các tác thẩm quan trọng của Tấn trò đời như: Lão Goriot, Ảo tưởng tiêu tan, Luật đình chỉ, Gobseck, Vinh và nhục của kỹ nữ, Chị họ Bette, Nhà ngân hàng Nucingen, Đại biểu xứ Arcis v.v… Để đảm bảo tính thống nhất, chúng tôi sử dụng tên tác phẩm, tên nhân vật, địa danh … theo cách thể hiện trong bộ Tấn trò đời của Nhà xuất bản thế giới như đã trình bày ở trên. Theo tên gọi của luận văn, đề tài hướng đến đối tượng là kiểu nhân vật tái xuất hiện trong tác phẩm của Honoré de Balzac. Tuy nhiên như trên đã nói, khái niệm “tác phẩm của Honoré de Blazac” gần như là đồng nghĩa với khái niệm “Tấn trò đời”, cho nên cũng có thể gọi đề tài theo một cách khác: Nhân vật tái xuất hiện trong Tấn trò đời của Honoré de Balzac. Mặt khác, chúng tôi chưa đặt ra nhiệm vụ khảo sát toàn bộ các nhân vật tái xuất hiện trong bộ tác phẩm này mà chỉ dừng lại ở một số nhân vật tiêu biểu, có tính điển hình ở một số tác phẩm nhất định. 3. Lịch sử vấn đề: Tác phẩm của Balzac đã được giới nghiên cứu, phê bình ở Pháp cũng như ở các nước, trong đó có Việt Nam quan tâm. Và hiện nay trên thế giới có hàng vạn công trình nghiên cứu đến giá trị tác phẩm của ông. Có lẽ Balzac là một trong số không nhiều văn hào nhận được sự quan tâm đặc biệt như vậy. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có Hội nghiên cứu Balzac. Thật khó mà liệt kê hết số lượng các công trình nghiên cứu Balzac và Tấn trò đời ở nhiều phương diện khác nhau. Do vậy, trong khuôn khổ hạn hẹp của luận văn, chúng tôi chỉ điểm qua những nhận định có liên quan trực tiếp đến đề tài đã chọn. 3.1. Hệ thống các ý kiến liên quan đến đề tài: 3.1.1. Ý kiến của các nhà nghiên cứu nước ngoài: Khi phát hiện ra thủ pháp tái xuất hiện nhân vật, chính Balzac đã ý thức được giá trị đặc biệt quan trọng của nó, xem đây là một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của mình khi tuyên bố hào sảng: “Tôi đang trở thành thiên tài!”. Tuy nhiên phải sang thế kỷ XX thì giới nghiên cứu mới thực sự có những ý kiến nhận định trực tiếp đến giá trị của thủ pháp này. Người đầu tiên ghi nhận sự có mặt của nhân vật tái xuất hiện trong Tấn trò đời có lẽ là Marcel Proust, năm 1908 trong Chống Sainte – Beuve đặc biệt nêu rõ và nhấn mạnh “tính thống nhất nội tại, không giả mạo” của Tấn trò đời. Ông rất khâm phục biện pháp cho nhân vật trở đi trở lại trong tác phẩm và đã gọi đó là biện pháp “tái xuất hiện nhân vật”, mặc dù trong bài viết này, Marcel Proust đã chê Balzac đã “không nhận ra tính độc lập và kích thước mĩ học của tác phẩm văn chương, không phân ranh giới giữa cuộc sống thực và cuộc sống tưởng tượng”[52, tr.24]. Năm 1929, cũng Marcel Proust khi chú thích và giới thiệu Tấn trò đời đã nhận định rằng thủ pháp cho nhân vật xuất hiện nhiều lần trước độc giả khiến những nhân vật như Rastignac v.v…“có sức mãnh liệt không gì sánh nổi”, nhà văn áp đặt cho người đọc hình tượng mạnh đến “ám ảnh, làm ta thấm sâu tận đáy tâm can ý nghĩa đặc biệt của nó”[50, tr.335-336]. André Mourois trong Prométhée on La vie de Balzac năm 1965 phát hiện ra rằng biện pháp tái xuất hiện nhân vật cho nhân vật thêm một chiều thứ tư là “chiều sâu không gian”[50, tr.336]. Còn André Wurmser trong La Conmédie Humaine năm 1970 dù cho Balzac “không có phong cách” nhưng cũng phải thừa nhận thủ pháp tái xuất hiện nhân vật làm cho Tấn trò đời không chỉ như một bức họa, mà gần với một công trình điêu khắc, có ba chiều không gian như thế giới thực. Năm 1997, trong Lịch sử văn học Pháp, một công trình rất có giá trị, nhà nghiên cứu Xavier Darcos đã đưa ra con số 515 nhân vật được tái xuất hiện trong Tấn trò đời. Đặc biệt ông đã đưa ra ba lý do “biện minh” cho “sự xuất hiện của cùng một nhân vật qua nhiều truyện”: “Bởi khả năng vẽ ra một chân dung hoàn chỉnh, được soi sáng dưới nhiều góc độ; Bởi ý muốn biến thành khả tín những nhân vật đường như được phó thác một đời sống độc lập, có lịch sử, thoát ra khỏi tính ngẫu hứng phóng túng của người tạo ra chúng; Bởi thị hiếu của Balzac đối với sân khấu: nhân vật biến vào hậu trường giữa hai cảnh, nhưng vẫn tiếp tục hiện hữu trong ý thức của khán giả”[20, tr.399]. Rose Torrassier trong Tiểu thuyết Pháp thế kỷ XIX năm 1999 dù không trực tiếp nhắc đến khái niệm Nhân vật tái xuất hiện, nhưng có viết: “…thế giới được tái tạo này sẽ hiện ra trước mắt người đọc dưới những góc độ khác nhau tuỳ theo trình tự đọc (…), có thể theo dõi một nhân vật được chú ý nào đó từ tiểu thuyết này sang tiểu thuyết khác v.v…(…). Cũng một nhân vật, ở đây chúng ta có môi trường sống của y, đằng kia các bước khởi đầu, đằng kia nữa kết cục cuộc đời y, ở đó, các câu chuyện, các tâm sự, các cuộc đời thực, các điều phát hiện, các bài báo “về truyện người chết”, tất cả rất lâu về sau mới tạo thành lý lịch của những người mà chúng ta tưởng đã thân thuộc. Và trong Tấn trò đời như trong đời thực (…). Balzac đề nghị chúng ta xoay quanh nhân vật, đồng thời thay đổi điểm nhìn một cách hiện đại…”[54, tr.58-59]. 3.1.2. Ý kiến của các nhà nghiên cứu trong nước. Ở Việt Nam, từ khi Balzac được truyền bá, nhất là từ những năm 1960, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã rất quan tâm đến thủ pháp nghệ thuật độc đáo này. Năm 1968, trong bài Nhân đọc “Lời giới thiệu” tiểu thuyết “Lão Gôriô” trên Tạp chí văn học số 6, Đỗ Đức Dục đã nhắc đến nhân vật tái xuất hiện trong Lão Goriot. Tác giả bài viết có dừng lại khảo sát hai hình tượng nhân vật trong tác phẩm này mà sau đó còn xuất hiện nhiều trong các tác phẩm khác là Vautrin và Rastignac, đồng thời kèm theo một số nhận định hết sức khái quát về hai nhân vật này. Với Rastignac thì những lần xuất hiện của anh ta thể hiện “tấn bi kịch của Raxtinhac nói riêng và cũng là của thanh niên nói chung trong cái xã hội sùng bái con Bê vàng”[23, tr.72]. Quá trình xuất hiện của anh ta trong Tấn trò đời là “quá trình anh ta tiếp thu sự giáo dục của xã hội tư sản – quý tộc, hay, nói đúng hơn, đó là quá trình suy đồi”[23, tr.71]. Còn với Vautrin thì “nói đến ý nghĩa xã hội của tiểu thuyết Lão Gôriô, cũng như của Tấn trò đời nói chung, không thể bỏ qua được vai trò của nhân vật Vôtơranh”[23, tr.71]. Tác giả bài báo cũng đã khái quát quá trình xuất hiện của nhân vật này từ một tên tù vượt ngục trở thành trùm cảnh sát của chính quyền tư sản. Lê Hồng Sâm, một chuyên gia về Balzac ở Việt Nam, năm 1985, trong công trình công phu Văn học lãng mạn và hiện thực phương Tây thế kỷ XIX có dành hai trang để viết về thủ pháp xây dựng nhân vật này và hiệu quả của nó. Tác giả nhắc lại ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đánh giá về nghệ thuật tái hiện nhân vật trước khi đưa ra nhận định của mình: “Phần lớn tái hiện ở bình diện thứ hai, thứ ba, làm nền cho nhân vật chính”[50, tr.336], nhưng “phát kiến của Balzac cho phép miêu tả nhân vật trong nhiều mối quan hệ phức tạp, trong tính đa dạng và sự vận động. Cuộc sống của nhân vật không kết thúc cùng với sự kết thúc xung đột mà còn tiếp tục với nhiều thắng lợi và thất bại, nhiều niềm vui hay nỗi buồn. Bởi vì cuộc sống xã hội vẫn tiếp diễn, mâu thuẫn và đấu tranh vẫn tiếp diễn, xung đột được giải quyết, ở trường hợp này, bộ phận này, lại bùng nổ ở trường hợp khác, bộ phận khác. Nhân vật là một thành viên của xã hội, sự kết thúc xung đột riêng tư không hề chấm dứt xung đột ở quy mô toàn xã hội”[50, tr.337]. Đến năm 1999, bài viết Balzac và bộ Tấn trò đời trên Tạp chí văn học nước ngoài, số 6, tiếp tục nhắc lại những ý kiến trên, ngoài ra tác giả còn nhấn mạnh đến tác dụng của thủ pháp này trong việc nối kết các tác phẩm “tạo nên mối liên hệ nội tại giữa các đơn vị của tổng thể toàn vẹn và duy nhất là Tấn trò đời”[51, tr.13]. Trong mục Tấn trò đời của Tuyển tập Tác gia tác phẩm văn học nước ngoài trong nhà trường, Lê Nguyên Cẩn nhấn mạnh đến hiệu quả của thủ pháp tái xuất hiện nhân vật là “tái hiện một xã hội đang vận động, một cuộc sống ồn ào nhộn nhịp, đông đúc. Xã hội trở thành một dòng sông đời vận động không ngừng, không đầu, không cuối”[57, tr.444]. Các nhân vật tái xuất hiện đã cùng các nhân vật khác tạo thành “một chỉnh thể nghệ thuật độc đáo được gắn kết chặt chẽ bởi cái nhìn duy vật và quyết định luận lịch sử” [57, tr.444]. Cũng tác giả này trong chuyên luận Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac năm 2002 có bàn đến mối quan hệ giữa cái kỳ ảo và thủ pháp nhân vật “trở đi trở lại”. Ở đây Lê Nguyên Cẩn chỉ khảo sát hai nhân vật “trở đi trở lại” là Valentin de Raphael trong Miếng da lừa và Người tuẫn nạn không biết tới, và nhân vật Louis Lambert trong các tác phẩm Người tuẫn nạn không biết tới, Linh mục thành Tours, Ảo tưởng tiêu tan …Tuy nhiên, tác giả cũng chỉ đề cập rất sơ lược đến yếu tố kỳ ảo chứ không xem xét hai nhân vật này là những đối tượng nghiên cứu độc lập. Thái Thu Lan trong Những tác gia lớn của văn học Pháp thế kỷ XIX, phần về Honoré de Balzac nhắc lại số lượng 515 nhân vật tái xuất hiện trong Tấn trò đời và có nhận xét: “Thủ pháp này được ứng dụng một cách hiệu quả, trước hết là tạo được bức chân dung hoàn chỉnh cho nhân vật và gây được không khí của sân khấu trò đời (…) tạo được sự chặt chẽ và liên hoàn về cấu trúc tác phẩm làm cho mỗi thiên tiểu thuyết như là một chương của bộ Tấn trò đời và bộ truyện trở thành “một thế giới hoàn chỉnh”, sống động, vô tận”[38, tr.165]. Bà cũng nêu ý kiến rằng, những nhân vật xuất hiện một lần như lão Grandet, lão Goriot, già Séchard, anh họ Pous, chị họ Bette v.v… “có số phận kết thúc rõ ràng, còn lại là một hệ thống nhân vật chuyển động, thay hình đổi dạng, “lên voi xuống chó” do hoàn cảnh xoay vần. Trong số các nhân vật ấy, Horace Bianchon có vai trò chứng nhân và cả “xúc tác” cho nhiều biến động, xuất hiện nhiều nhất, trong 30 tác phẩm”[38, tr.157]. Nhà nghiên cứu có nhiều ý kiến nhất về thủ pháp tái xuất hiện nhân vật của Balzac có lẽ là chuyên gia về văn học Pháp Đặng Anh Đào. Trong gợi ý giảng dạy đoạn trích Đám tang lão Gôriô trong Sách giáo viên, Tài liệu giáo khoa thí điểm văn học lớp 11 (Tập 2, Ban khoa học xã hội, NXB Giáo dục, 1996) bà đã nhấn mạnh đến thủ pháp tái xuất hiện nhân vật trong việc xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình thông qua hình tượng Rastignac qua năm tác phẩm Lão Goriot, Miếng da lừa, Ảo tưởng tiêu tan, Nhà ngân hàng Nucingen, Nghị viên miền Arcis. Và cách tiếp cận này của tác giả cũng được nhất quán trong nhiều công trình, bài viết sau này của bà. Trong giáo trình Văn học phương Tây, ở chương về Balzac, Đặng Anh Đào nhắc lại ý đồ của Balzac khi viết Tấn trò đời là viết nên “bộ Nghìn lẻ một đêm của phương Tây”, “muốn ganh đua với hộ tịch”, “muốn rằng không phải chỉ viết nên một cuốn sách, mà cả một thế giới: về điểm này, quả thật, Balzac không những đã vượt hơn Napôlêông mà còn vượt trên tài sức sáng tạo của Đức Chúa! Để thực hiện ý đồ này, Banzăc đã sáng tạo ra một thủ pháp nghệ thuật, mà chỉ với quy mô tác phẩm đồ sộ đến như thế, mới có thể vận dụng nổi: đó chính là thủ pháp cho nhân vật trở đi trở lại qua nhiều tác phẩm. Với thủ pháp này, “mỗi thiên tiểu thuyết sẽ chỉ là một chương trong Tấn trò đời”, và toàn bộ Tấn trò đời càng gợi thêm cảm giác “về một thế giới hoàn chỉnh”[47, tr.536]. Tác giả cũng chứng minh sự phát triển của tính cách trong mối liên hệ với hoàn cảnh ở nhân vật Rastignac trong tài liệu đã nêu ở trên trước khi tiếp tục có những nhận định xác đáng đối với giá trị của thủ pháp xây dựng nhân vật này. Bà khẳng định thủ pháp này “có ý nghĩa cách tân, thể hiện được cái nhìn, tài năng hiện thực của nhà văn; một mặt, nó đặt nhân vật trong mối liên hệ với nhiều hoàn cảnh, thể hiện được sự vận động tư thân của tính cách; mặt khác nó gợi cảm giác giống như ta đang đứng trước cuộc đời thật, sôi động không bao giờ ngừng”[47, tr.538] và “không phải bất kỳ ai cũng có thể sử dụng thủ pháp này. Ở Balzac, sở dĩ có sức mạnh, bởi nó gắn liền với cái nhìn cuộc sống trong tổng thể, trong những mối liên hệ biện chứng không thể chia cắt”[47, tr.538]. Tiếp theo, tác giả có nêu ý kiến: “Do thủ pháp tái xuất hiện nhân vật nên “cuốn này nối với cuốn khác” khiến “lịch sử của cái xã hội hư cấu giống hệt như một thế giới hoàn chỉnh”. Từ đó, khái niệm về nhân vật chính, phụ cũng thay đổi: có những nhân vật chỉ là phụ trong nhiều cuốn truyện, nhưng lại là nhân vật chính của toàn bộ Tấn trò đời”[47, tr.548]. Cũng Đặng Anh Đào, trong chuyên luận Banzăc và cuộc săn tìm nhân vật chính diện trong bộ Tấn trò đời, ở chương V có tựa đề Ảo ảnh, chất thơ và bi kịch bên cạnh những nhân vật tái xuất hiện đã dành một đoạn khá dài nói về “một nét độc đáo của nghệ thuật xây dựng nhân vật trong Tấn trò đời: sự trở đi trở lại của một số nhân vật qua nhiều thiên tiểu thuyết khác nhau”[26, tr.85]. Sau khi nhận định: “Những bài nghiên cứu của chúng ta cho tới nay chưa chú ý đến thủ pháp nghệ thuật độc đáo này”[26, tr.85], tác giả nhấn mạnh đến tính tiên phong của Balzac, coi đây là một bước cách tân có ý nghĩa sâu sắc của ông: “Rõ ràng đây không chỉ là một thủ pháp nghệ thuật lặt vặt, sở dĩ nó biểu hiện được công lao cách tân của tiểu thuyết, chính là do nó thể hiện những quan điểm nghệ thuật của Banzăc: Banzăc cho rằng sử dụng biện pháp này, tính chất giống sự thật của cuộc đời trong tiểu thuyết sẽ tăng thêm; nó sẽ là mối dây liên hệ làm nổi bật tính thống nhất của các thiên tiểu thuyết, nó là cách nhìn cuộc sống trong sự tổng hợp, toàn vẹn”[ 26, tr.85-86]. Tác giả tiếp tục nhấn mạnh tác dụng của thủ pháp này trong việc tạo nên mối quan hệ giữa hoàn cảnh và tính cách, bà viết: “Đặt một tính cách trong mối liên hệ với nhiều hoàn cảnh khác nhau, thủ pháp này làm rõ tác động của hoàn cảnh đối với tính cách”[26, tr.86]. Mối quan hệ giữa hoàn cảnh và tính cách qua quá trình tái xuất hiện của nhân vật như vậy là “quá trình phản diện hoá nhân vật”. “Chính nhờ thủ pháp nghệ thuật tái xuất hiện nhân vật mà sự sa đọa của con người, sự mất dần những phẩm chất chính diện được biểu hiện như một kết quả của quá trình liên hệ giữa tính cách và hoàn cảnh”[26, tr.86]. Cuối đoạn này, tác giả nhấn mạnh: “Đây không chỉ là một thủ pháp nghệ thuật. Nếu chỉ có vậy, ông không thể trở thành thiên tài. Vấn đề ở đây là biểu hiện một cách nhìn: tính cách trong mối liên hệ với hoàn cảnh. Nếu đối với nhân vật chính diện, nó có dẫn đến những số phận bi thảm, hoặc những kết thúc giàu sang nhưng đáng buồn cho nhân phẩm, thì chúng ta đừng trách rằng nó không đẹp. Sự thật là sự thật, thế thôi”[26, tr.87-88]. Trong cuốn Ô. Đơ. Banzăc và một thế giới đang bước đi, tác giả Đặng Anh Đào viết: “Một sáng tạo khác nữa của Banzăc là, từ cuốn Lão Gôriô, ông nối liền các truyện của mình bằng cách cho nhân vật trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm. Quả là nhờ cách này, Balzac có thể đạt tới ý đồ thể hiện “lịch sử”, “quy luật” của nhân vật: có thể ở một góc nào đó của Tấn trò đời, ta thấy nhân vật đang ở thời “hưng thịnh”, để rồi ở một góc khác, ta thấy “sự suy đồi” của họ ngày mai”[27, tr.16]. Bà cũng nhắc lại ý kiến của mình rằng nhân vật tái xuất hiện “đã làm biến đổi cả khái niệm nhân vật chính, phụ của truyền thống” và nhắc lại ý kiến của Nicon Moze: “Đối với độc giả đọc Tấn trò đời trong tổng thể, những khái niệm “nhân vật chính” và “nhân vật phụ” nhanh chóng mất hết ý nghĩa, bởi những nhân vật thường được gọi là phụ có lẽ lại chính là nhân vật mang lại cho tác phẩm đầy ấn tượng kia một bề dày và ý nghĩa thực sự của nó”[27, tr.16-17]. Sau đó tác giả lấy hai nhân vật tái xuất hiện tiêu biểu của Tấn trò đời là Horace Bianchon và Vautrin để chứng minh cho những luận điểm của mình. 3.2. Nhận xét: Dù đánh giá về Balzac và bộ Tấn trò đời của ông còn có những điểm chưa thống nhất giữa các nhà nghiên cứu, bởi những nguyên nhân khác nhau, cả khách quan lẫn chủ quan, thì hầu như tất thảy đều thừa nhận việc cho nhân vật trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm là một sáng tạo vô song, mang tính tiên phong. Thủ pháp này góp phần đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng tên tuổi cho tác giả và thanh thế cho tấn “hài kịch của nhân gian”. Con số thống kê cụ thể có thể khác nhau nhưng nhìn chung, số lượng nhân vật được tái xuất hiện mà các nhà nghiên cứu thống nhất là trên 500 trong tổng số hơn 2000 nhân vật của Tấn trò đời. Đây là một con số lớn trong một con số lớn. Điều này nói lên rằng thế giới các nhân vật trở đi trở lại rất nhộn nhịp, Tấn trò đời là một ngôi nhà chung để họ xuất hiện rồi tạm biệt, lại xuất hiện rồi tạm biệt … Việc sáng tạo ra thủ pháp nhân vật này đưa đến hiệu quả sâu sắc cho Tấn trò đời: liên kết các tác phẩm thành một bộ tiểu thuyết thống nhất; khắc họa những con người hoàn chỉnh, có chiều sâu lịch sử; miêu tả được một thế giới đang vận động không ngừng nghỉ như thế giới thực đang bước đi; đề xuất những quan niệm mới về nhân vật chính, phụ trong tác phẩm văn học v.v… Tuy nhiên, cho đến nay việc khảo sát nhân vật tái xuất hiện của Tấn trò đời theo nghĩa cho xứng đáng với vai trò của nó thì đang còn rất hạn chế, việc nghiên cứu hiệu quả của thủ pháp này cũng như vậy, ít nhất là ở những tư liệu mà chúng tôi tiếp cận được. Có thể khẳng định rằng chưa có một chuyên luận nào đi sâu nghiên cứu đề tài này. Vì vậy, việc khám phá một cách có hệ thống những nhân vật tái xuất hiện trong Tấn trò đời chắc chắn sẽ hé mở nhiều điều thú vị và có giá trị khoa học. 4. Nhiệm vụ khoa học: 4.1. Mục đích nghiên cứu: Bên cạnh việc hiểu kỹ thêm về Honoré de Balzac, một tác gia lớn của văn học Pháp cũng như văn học thế giới, luận văn muốn đi sâu nghiên cứu một trong những đặc sắc nhất trong thế giới nghệ thuật của tác giả là thủ pháp cho nhân vật trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm khác nhau, mà chúng tôi dùng khái niệm nhân vật tái xuất hiện như đề tài đã nêu trên. Thông qua khảo sát kiểu nhân vật này trong một số tác phẩm tiêu biểu đã giới thiệu ở Việt Nam, chúng tôi hướng đến việc đi sâu làm rõ những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà thủ pháp này đưa lại cho Tấn trò đời, điều mà chưa có công trình nào thật sự thỏa mãn. Luận văn không tách biệt nhân vật tái xuất hiện trong tổng thể thế giới nhân vật của Tấn trò đời, cũng như không nhìn thủ pháp này dưới góc độ cô lập, siêu hình mà luôn đặt trong mối tương quan với tổng thể nhân vật, với các phương pháp nghệ thuật nói chung của Balzac như miêu tả chi tiết đối tượng miêu tả, nghệ thuật điển hình hoá v.v… 4.2. Đóng góp của luận văn: Chúng tôi mong muốn đưa ra được một cái nhìn tổng thể, toàn diện, có chiều sâu về hệ thống các nhân vật tái xuất hiện trong tác phẩm của Balzac hay là trong Tấn trò đời, một thủ pháp nghệ thuật dù được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận và ngợi khen nhưng vẫn có một lịch sử nghiên cứu khá khiêm tốn. Từ đó góp phần hiểu thêm, một cách sâu sắc hơn thế giới nghệ thuật của Tấn trò đời cũng như giá trị, vai trò của Balzac trong nghệ thuật văn chương. Các nhân vật trong Tấn trò đời nói chung, nhân vật tái xuất hiện nói riêng được Balzac xây dựng cách đây gần hai thế kỷ trong bối cảnh cụ thể là nước Pháp thời kỳ diễn ra những biến động lịch sử nửa đầu thế kỷ XIX, tuy nhiên cho đến nay những vấn đề liên quan đến thủ pháp nghệ thuật này vẫn có ý nghĩa thời sự đối với con người ở các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tính thực tiễn của Tấn trò đời thể hiện qua các nhân vật tái xuất hiện ở chỗ quá trình xuất hiện của các nhân vật là quá trình tương tác giữa tính cách và hoàn cảnh. Do đó, để đánh giá tính cách, nói rộng hơn là nhân cách của một con người, chúng ta phải căn cứ vào những biểu hiện khác nhau trong suốt quá trình tồn tại của anh ta trong mối quan hệ với hoàn cảnh vốn vận động không ngừng. 5. Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp phân tích – tổng hợp: phương pháp này được dùng để khảo sát, phân loại các nhân vật tái xuất hiện, từ đó đi đến khái quát vấn đề thành những nhận định mang tính tổng hợp; phân tích các biểu hiện của nhân vật tái xuất hiện, những giá trị cơ bản mà thủ pháp nghệ thuật này mang lại cho tác phẩm. Phương pháp so sánh – đối chiếu: đặt nhân vật tái xuất hiện trong mối tương quan với thế giới nhân vật nói chung trong Tấn trò đời để làm nổi bật những giá trị của thủ pháp này. Ngoài ra cũng so sánh – đối chiếu giữa các nhân vật được tái xuất hiện với nhau để tìm ra sự phân biệt giữa các tiểu loại trong cùng một chủng loại. Ngoài ra chúng tôi còn sử dụng phương pháp nghiên cứu tiểu sử tác giả và phương pháp lịch sử: không thể nghiên cứu nhân vật do tác giả sáng tạo ra mà không nghiên cứu bản thân con người tác giả, mặt khác nhân vật tái xuất hiện của Balzac có mối quan hệ gần gũi với hoàn cảnh xã hội – lịch sử. 6. Cấu trúc luận văn: Ngoài các phần Lời cảm ơn, Mục lục, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận văn này gồm có 131 trang, trong đó: * Mở đầu (13 trang). * Chương 1: Khái quát về thời đại và tác giả (35 trang). * Chương 2: Hệ thống và phân tích một số nhân vật tái xuất hiện trong tác phẩm của Balzac (52 trang). * Chương 3: Hiệu quả nghệ thuật của thủ pháp tái xuất hiện nhân vật (28 trang). * Kết luận (3 trang). CHƯƠNG 1. KHÁI QUÁT VỀ THỜI ĐẠI VÀ TÁC GIẢ 1.1. Nước Pháp thời đại Balzac. Honoré de Balzac sinh năm 1799 – năm Napoléon Bonaparte thành lập chế độ Tổng tài – và mất năm 1850 khi chế độ Cộng hòa II sắp kết thúc. Tức là cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Balzac nằm trọn nửa đầu thế kỷ XIX, những năm tháng ở Pháp – trái tim châu Âu – đang diễn ra những cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt, xã hội tư sản phát triển đến đỉnh cao và dần đi vào khủng hoảng, con Bê vàng được đưa lên Bệ thờ, thói hãnh tiến và dục vọng cá nhân làm hoen ố bao giá trị đạo đức tinh thần. “Nếu như tuổi nhỏ của Balzac trùng với thời Đế chế và những ngày tìm đường diễn ra dưới thời Trùng hưng thì sự nghiệp sang tác của nhà văn khởi đầu và kết thúc gần như hoàn toàn trong thời kì thống trị của bọn quý tộc tài chính” [50, tr.310]. 1.1.1. Thời đại xã hội “xây dựng tượng đài cho đồng tiền”. Sau cách mạng tư sản, vào buổi bình minh của thế kỷ XIX là thắng lợi của chủ nghĩa tư bản ở Pháp. Cuộc cách mạng tư sản từ 1789 đã mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử nước Pháp nói riêng, toàn châu Âu nói chung. Cuộc cách mạng cuối thế kỷ XVIII này cùng với nhiều cuộc đấu tranh gay gắt khác đã thiết lập vững chắc chế độ cộng hòa. Có thể nói, thế kỷ XIX là thế kỷ mà nước Pháp đã không ngừng hiện đại hóa, dần dần xuất hiện với nhiều sáng tạo và đổi mới trong tất cả các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế, khoa học, văn học nghệ thuật ... Nhưng đó cũng là quá trình củng cố thế lực cho tư sản tài chính, củng cố thế lực cho đồng tiền vàng và biến nó trở thành vị thần có sức mạnh tuyệt đối thống trị xã hội. 1.1.1.1. Những biến động lịch sử củng cố quyền lực cho giai cấp tư sản. Thế kỷ XIX ở nước Pháp khác hẳn với các thế kỷ trước đó, với thế kỷ sau đó, ở tính biến động, ở sự tiếp nối liên tục những thể chế chính trị hết sức khác biệt. Lấy cuộc cách mạng tư sản vĩ đại 1789 làm mốc khởi điểm, điến nửa đầu thế kỷ – lúc Balzac qua đời – nước Pháp đã trải qua sáu cuộc biến cố lớn về chế độ chính trị: Cộng hòa I (1789 – 1794), Đốc chính Tổng tài (1795 – 1804), Đế chế I (1804 – 1814), chế độ phục hồi vương chính (phong kiến Trùng hưng: 1815 – 1830), chế độ Quân chủ tháng Bảy (1830 – 1845), chế độ Cộng hòa II (1845 – 1852). Nước Pháp luôn ở trong tình trạng chiến tranh bởi các cuộc chinh phạt nuôi mộng bá chủ châu Âu của Napoléon và những cuộc nội chiến liên miên. Cùng với các cuộc chiến tranh và những cuộc cách mạng, giai cấp tư sản từng bước thâu tóm quyền hành và áp đặt những chuẩn mực tư sản toàn bộ đời sống xã hội. Cách mạng tư sản 1789 đưa bộ phận tư sản tài chính của bọn chủ ngân hàng, chủ thuyền buôn, chủ mỏ, chủ đất, bọn đầu cơ, cho vay nặng lãi ... lên nắm chính quyền. Sau đó, là bọn tư sản công nghiệp giành được ưu thế nhờ vào sự phản đối của nhân dân với chế độ cũ. Từ khi Napoléon lên nắm quyền, giới tư sản tài chính càng có điều kiện làm giàu khi trở thành chỗ dựa của ông ta. Dưới triều ông vua độc tài này, lợi ích của giai cấp tư sản được đảm bảo. Napoléon chủ trương thành lập một chính phủ “giữ những thành quả cách mạng có lợi cho giai cấp tư sản” và là “ chế độ quân chủ tư sản với hoàng đế tập trung mọi quyền lực nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản thắng thế” [44, tr.80]. Cuộc cánh mạng tháng Bảy năm 1830 kết thúc chế độ phong kiến và cũng đánh gục mọi sự vùng vẫy của giai cấp quý tộc bảo hoàng để thực sự khẳng định quyền thống trị của giai cấp tư sản. Đứng đầu chế độ Quân chủ tháng Bảy là “ông vua của bọn con buôn” Louis Philippe. Trong tiểu thuyết Chị họ Bette, Balzac viết: “Chính ngay Louis Philippe cũng biết là bên trên bản hiến chương của ông còn có đồng tiền thần thánh, tôn kính, kiên cố, khả ái, xinh đẹp, cao quý, trẻ trung, đồng trăm xu vạn năng”[60, tr.283]. Đây thực sự là vương quyền của giai cấp tư sản, đem lại lợi ích cho bộ phận tư sản ngân hàng thuộc dòng quý tộc Orléans. Không chỉ riêng giai cấp tư sản mà hầu hết các tầng lớp cũng bị cuốn hút vào các vụ làm ăn buôn bán đầu cơ tích trữ. Bởi vì giai cấp tư sản đã thổi vào xã hội một không khí trẻ trung, cường tráng, kích thích năng lực, mở nhiều viễn cảnh cho ý chí và nỗ lực cá nhân để làm giàu. Kinh tế và công nghiệp, nhờ vào thành quả của các phát minh khoa học, trên đà phát triển mạnh mẽ. Toàn bộ ưu thế về chính trị cũng như ưu thế về kinh tế tập trung trong tay giai cấp tư sản. Tuy nhiên, trong thực tế thì cũng như các thể chế trước đây, lợi ích thực sự chỉ tập trung vào một bộ phận tư sản cầm quyền, nó tạo nên sự mâu thuẫn giữa bộ phận này với các bộ phận tư sản còn lại và quần chúng vô sản nên vì thế dẫn đến cuộc cách mạng tháng 2 năm 1848, cuộc cách mạng của bộ phận tư sản có xu hướng bảo hoàng, thiết lập chế độ Cộng hòa II. Cuộc cách mạng này không triệt tiêu được những mâu thuẫn xã hội mà nó càng làm cho tính chất xu._.ng đột ngày càng gay gắt hơn khi giai cấp công nhân thực sự bước lên vũ đài chính trị. Đặc điểm chung của các cuộc cách mạng tư sản nửa đầu thế kỷ XIX ở Pháp là bao giờ cũng bắt đầu bằng việc liên kết giữa giai cấp tư sản và quần chúng chống lại bộ phận tư sản cầm quyền nhằm giải quyết các quyền lợi bức thiết nhất thời và kết thúc bằng sự thắng thế của một bộ phận tư sản khác, phản bội lại quần chúng nhân dân, thiết lập một chính quyền mới phục vụ cho bộ phận cầm quyền. Chính vì thế mà các cuộc cách mạng cứ liên tiếp nổ ra và “với hai cuộc cách mạng tháng 7 và tháng 2 năm 1848 đã bổ sung cho đại cách mạng tư sản Pháp 1789 – 1794, đưa giai cấp tư sản lên nắm quyền”[29, tr.6]. Cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, phong trào đấu tranh xã hội chống phong kiến và đòi quyền lợi đã đưa cách mạng tư sản Pháp “phát triển theo hướng đi lên” tạo tiền đề cho sự toàn thắng của chủ nghĩa tư bản giữa thế kỷ XIX không chỉ ở Pháp mà trên toàn châu Âu. 1.1.1.2. Sự phát triển của chủ nghĩa Tư bản. “Có thể nói thế kỷ XIX là thời kỳ rẫy chết của những thế lực phong kiến lỗi thời và là thời kỳ sinh sôi nảy nở của những sức mạnh mới với nhiều biến động căng thẳng mở đầu cho thời kỳ hiện đại”[44, tr.79-80]. Đó là thế kỷ diễn ra sự đấu tranh vô cùng quyết liệt giữa sự tiến bộ và phản động, giữa cách mạng và phản cách mạng, để từ đó, chủ nghĩa tư bản ngày càng áp đảo chủ nghĩa phong kiến và đến giữa thế kỷ thì thực sự là một phương thức sản xuất xã hội hoàn toàn thay thế phương thức của chủ nghĩa phong kiến. Nếu như trước cách mạng tư sản 1789, nước Pháp cơ bản vẫn còn là một nước nông nghiệp lạc hậu thì sau khi các cuộc cách mạng liên tiếp nổ ra, nước Pháp đã thay đổi nhanh chóng mọi mặt, đặc biệt là lĩnh vực công – thương nghiệp. Chính thắng lợi của cách mạng tư sản 1789 đã đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển từ chủ nghĩa phong kiến sang chủ nghĩa tư bản ở nước Pháp nói riêng và Tây Âu nói chung. Từ đây, Tây Âu đoạn tuyệt với nhà nước phong kiến và thiết lập nhà nước tư sản. Đồng thời cũng từ giã nền văn minh nông nghiệp để bước sang kỷ nguyên của văn minh công nghiệp với tốc độ phát triển hết sức mau lẹ. Cũng có nghĩa là chủ nghĩa tư bản đã định hình và phát triển mạnh cùng các cuộc cách mạng tiếp theo đó. Biểu hiện rõ nhất của trật tự tư sản được thể hiện ngay trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, ở đó nêu khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”, xác lập quyền tự do – dân chủ –bình đẳng giữa các công dân nhưng đồng thời cũng khẳng định quyền tư hữu tài sản là một quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Hiến pháp 1791 đã bỏ tước vị cha truyền con nối của đẳng cấp quý tộc và Hiến pháp 1793 thì đã xóa bỏ hoàn toàn những đặc quyền phong kiến. Mặc dù, trong nửa đầu thế kỷ XIX cũng có những thời điểm thể chế phong kiến được thiết lập lại ở Pháp như giai đoạn 1815 – 1830, nhưng những thành tựu của cách mạng tư sản thì không thể xóa bỏ được. Nước Pháp không ngừng phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa và càng được tiếp thêm sức mạnh từ các thành tựu khoa học kỷ thuật, nền kinh tế công nghiệp phát triển rất nhanh và trở thành nền công nghiệp phát đạt hàng đầu ở Châu Âu từ thế kỷ XIX. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản Pháp có đặc trưng chủ yếu là tư bản tài chính hơn là tư bản công nghiệp. Do đặc thù của một đất nước nông nghiệp lâu đời nên đã phần nào làm hạn chế tốc độ phát triển công nghiệp ở Pháp so với các nước tư bản khác trong khu vực. Mặc dù những người đứng đầu chính quyền tư sản như Napoléon cũng khuyến khích phát triển công thương nghiệp và cuộc cách mạng công nghiệp cũng có diễn ra ở Pháp nhưng sức mạnh của nó không thể lấn át được giới tư bản tài chính. Tư bản tài chính nắm trong tay nhiều của cải lại bị kìm kẹp bởi các chính sách chuyên chế trong hoạt động sản xuất như tư bản công nghiệp. Họ là các chủ nợ, chủ ngân hàng, kiếm lời bằng cách cho nhà nước và quý tộc vay lấy lãi. Các cuộc chiến tranh lớn, nhỏ cũng tạo cơ hội thuận lợi cho bọn tư sản tài chính đầu cơ trục lợi, làm giàu nhanh chóng. Tuy rằng có sự phân chia thành các bộ phận khác nhau như đã nói ở trên nhưng tất cả các bộ phận trong giai cấp tư sản đều có chung một mục đích là đấu tranh chống lại đặc quyền đặc lợi của giai cấp phong kiến. Cùng với đó là sự tiến bộ của khoa học và sự phát triển kinh tế đã đặt ra yêu cầu cho con người là phải nhìn nhận lại quan điểm, tư tưởng phong kiến, nhà thờ, sự bất bình đẳng trong xã hội. Trong môi trường tư do cạnh tranh, tầng lớp tư sản công nghiệp sẽ luôn thấy bị gò bó trong những khuôn khổ của chế độ phong kiến nên luôn có xu hướng đấu tranh để phá vỡ sự kìm kẹp đó, do vậy mà đây luôn là lực lượng tiên phong của các cuộc cách mạng. Cho đến 1830, cuộc cách mạng tháng Bảy thắng lợi đã thực sự thủ tiêu toàn bộ chế độ phong kiến đang cố gắng cầm cự suốt 15 năm trước đó. Từ đó, chủ nghĩa tư bản đã thực sự lớn mạnh và đến những năm 1850, chủ nghĩa tư bản đã như là một hình thức tất yếu giành ưu thế trên toàn châu Âu. Chủ nghĩa tư bản ra đời là một bước phát triển tích cực trong tiến trình vận động của lịch sử, nó thúc đẩy xã hội tiếp tục phát triển sang một kỷ nguyên mới đặc biệt là về kinh tế. Lực lượng sản xuất phát triển, tư liệu sản xuất được cơ khí hóa, năng suất lao động tăng cao. Nền sản xuất được xã hội hóa, chuyển từ nền sản xuất nhỏ, lạc hậu lên nền sản xuất lớn, hiện đại. Chính vì thế, trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản, Marx và Engels đã đánh giá vai trò của chủ nghĩa tư bản là “chưa đầy một thế kỷ đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”[41, tr.547]. Tuy nhiên, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản cũng nảy sinh những mặt trái với những hậu quả khôn lường. Về xã hội, nó thúc đẩy các mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt: mâu thuẫn giữa các giai cấp, mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa của nền sản xuất và sự chiếm đoạt tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, các cuộc chiến tranh liên miên, đời sống bần cùng đói khát của tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân và vô số những ảnh hưởng tiêu cực khác. Về tư tưởng, nó chi phối con người sống vì lợi nhuận, vì đồng tiền, biến con người thành nô lệ của đồng tiền, làm tha hóa quan hệ tình cảm giữa con người và con người kể cả những quan hệ vốn được xem là thiêng liêng nhất... 1.1.1.3. Đồng tiền vàng thống trị xã hội. Do đặc trưng của chủ nghĩa tư bản là đặt mục đích kinh tế lên hàng đầu và chủ trương tự do cạnh tranh nên người ta sẵn sàng giẫm đạp lên nhau để đạt được mục đích đó, để tồn tại và hơn thế là để thống trị. Mọi quan hệ lấy đồng tiền làm trung gian, mọi giá trị lấy đồng tiền làm chuẩn mực, mọi hành động lấy đồng tiền làm mục đích. Trật tự tư bản đã phá vỡ những ranh giới tưởng như bất biến bấy lâu nay trong xã hội phong kiến, bộ mặt đời sống xã hội bị xáo trộn kinh khủng trong thời đại mới. Xã hội ngày càng đi vào con đường thế tục hóa, mọi thứ đều được giải quyết, kể cả lương tâm, bằng một thứ duy nhất: đồng tiền. Quyền lực của đồng tiền không gì thay thế được, “đồng tiền là quyền lực duy nhất bắt cái xã hội này phải quỳ gối”, “đồng trăm xu nằm dưới đáy mọi lương tâm”[8, tr.194]. Vì thế mà tất thảy mọi người, đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, tất tần tật đều có một đam mê cháy bỏng là phải kiếm thật nhiều tiền, “phải có tiền, dù chỉ để không cần đến nó”[26, tr.79]. Hiệu lệnh của xã hội tư bản chính là lời tuyên bố của một bộ trưởng trong chính phủ “các anh hãy làm giàu đi”. Tham vọng giàu sang cho cá nhân được coi như điều dĩ nhiên, chính đáng, thậm chí là một phẩm chất cần thiết cho xã hội. Người ta tình nguyện lao vào vòng xoáy của cơn lốc làm giàu. Bởi thế, duyệt lại đời mình trước khi chết, Julien Sorel (Đỏ và Đen của Stendhal) đã nhận xét: “Tôi đã có tham vọng, tôi không muốn tự chê trách. Tôi đã hành động theo những lẽ thích nghi của thời đại”[50, tr.340]. Cách mạng tư sản đã thức tỉnh tham vọng của con người khi đã xóa bỏ những đặc quyền về dòng dõi trong xã hội phong kiến, công bố quyền bình đẳng của mọi công dân, thực chất là bình đẳng trong sự cạnh tranh, chèn ép lẫn nhau, trong cuộc chay đua làm giàu. Trong Bản thảo kinh tế triết học năm 1844, Marx phân tích như sau: “Tiền có thuộc tính là có thể mua được tất cả mọi thứ, có thể chiếm hữu mọi đối tượng do đó là đối tượng xét theo ý nghĩa tốt cao. Tính phổ biến ấy của thuộc tính của chúng là tính vạn năng của bản chất của chúng, cho nên chúng được nổi tiếng là vạn năng. Tiền là kẻ môi giới giữa nhu cầu và đối tượng, giữa đời sống và tư liệu sinh hoạt của con người”[42, tr.81]. Như vậy, tiền có thể giải quyết mọi thứ là điều hiển nhiên nhưng bản chất của đồng tiền không phải là xấu. Việc con người sử dụng đồng tiền để thực hiện mục đích của mình như thế nào lại là thuộc tính của xã hội. Hơn lúc nào hết, xã hội tư bản châu Âu thế kỷ XIX đã đặt bệ phóng cuối cùng cho đồng tiền bước lên đài vinh quang của nó. “Thời đại ta hơn ở thời đại nào hết, tiền tài ngự trị trên pháp luật, chính trị và phong tục”[8, tr.297]. Đồng tiền trở thành mầm mống của mọi thứ và biến mọi thứ trở thành hiện thực. Nó trở thành động lực của xã hội. Người ta không quan tâm rằng người đó có năng lực gì hay không, có nhân cách hay không, người ta chỉ muốn biết người đó có quyền hay không, có là con thừa kế của một gia sản nào hay không. Có tiền là có tất cả. Các nhân vật của Balzac tâm niệm rằng: “Phải có đồng trăm xu sáng ngời lộng lẫy để đi chơi với người yêu”(Miếng da lừa); “Đồng tiền ban cho ta mọi thứ, kể cả những đứa con” (Lão Goriot); “Đồng tiền là điểm tựa của trí thông minh” (Ảo tưởng tiêu tan); “Có tiền mới có hạnh phúc, không thì là bánh vẽ” (Eugénie Grandet) v.v... và có thể lưu tâm đến đoạn triết lý sau đây của lão già Gobseck keo kiệt nói với luật sư Derville: “Nếu cậu đã sống nhiều bằng tôi, cậu sẽ biết rằng chỉ có một vật chất duy nhất có giá trị khá rõ ràng khiến mọi người phải bận tâm. Vật chất đó... là VÀNG. Vàng đại diện cho tất cả sức mạnh của con người (...); ở đâu cũng có sự chiến đấu giữa người nghèo và người giàu, không đâu tránh khỏi; vậy thà làm kẻ bóc lột còn hơn làm người bị bóc lột.(...). Thế thì vàng chứa đựng mầm mống của mọi thứ, và biến mọi thứ thành hiện thực”[3, tr.343]. Cho đến Modeste Mitnon, thiếu nữ tế nhị và nhạy cảm cũng thốt lên tự đáy lòng khi sắp lấy chồng “Cha ơi, hãy cho chúng con được giàu có”... Lời nói của kẻ có tiền trở thành “khuôn vàng thước ngọc”. Có tiền có thể mua những thứ con người ta không có. Marx đã chứng minh thật rõ ràng điều ấy: “Tôi là người xấu xí, nhưng tôi có thể mua một người vợ tuyệt đẹp. Do đó tôi không xấu, vì sự tác dụng của sự xấu xí, lực lượng đáng ghê tởm của nó đã bị phủ định mất rồi. Xét về cá tính, tôi là một người què quặt nhưng tiền cung cấp cho tôi 24 chân do đó tôi không què. Tôi là người xấu, nhưng tiền thì được tôn kính, do đó người có tiền cũng được tôn kính. Tiền là điều thiện cao nhất do đó người sở hữu nó cũng tốt ...Tôi là người không có trí tuệ, nhưng tiền bạc là trí tuệ hiện thực của mọi sự vật – thì làm sao mà kẻ chiếm hữu nó lại không có trí tuệ được ...”[42, tr.84]. Như nhận định của Engels, trong trật tự xã hội Pháp thế kỷ XIX, đồng tiền “đã thay thế thanh kiếm, trở thành đòn bẩy của quyền lực xã hội”[50, tr.350]. Với sức mạnh của mình, đồng tiền đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội với sức tàn phá khủng khiếp. Nó phá hủy hàng loạt những giá trị văn hóa tinh thần đã được thiết lập hàng ngàn năm trước đó. Đành rằng chế độ phong kiến tất yếu phải được thay thế một khi nó không còn phù hợp với yêu cầu của cuộc sống nhưng những gí nó xây cất được về mặt đạo đức xã hội là không thể phủ nhận. Bây giờ đồng tiền phá hủy tất cả: gia đình, tình yêu, tài năng, đạo đức ... “Giai cấp tư sản đã cướp hết hào quang thần thánh của tất cả những hoạt động mà xưa nay vẫn được trong vọng và tôn sùng. Y sĩ, luật gia, tu sĩ, thi sĩ, bác học thì giai cấp tư sản đã biến họ thành những người làm thuê cho mình ... Giai cấp tư sản đã xé toang tấm màn tính cảm bao phủ quan hệ gia đình và làm cho những quan hệ ấy thành chỉ còn là những quan hệ tiền nong đơn thuần mà thôi”[41, tr.544]. Thậm chí trong hôn nhân thì hôn nhân tư sản cũng dần thay thế kiểu hôn nhân phong kiến, nó cũng không xuất phát từ tình yêu mà đã bị đồng tiền chi phối, người ta lấy nhau vì anh ta hay cô ta có bao nhiêu là tài sản thừa kế, từ đó dẫn đến nạn ngoại tình như “một thể chế xã hội”. Xã hội Pháp nửa đầu thế kỷ XIX cực kỳ hỗn loạn khi giai cấp tư sản ngày càng thao túng quyền hành còn tầng lớp quý tộc phong kiến thì dù đã thấy ngõ cụt của mình nhưng vẫn cố vùng vẫy và duy trì lối sống xa hoa cố hữu. Để có tiền, họ chỉ còn cách duy nhất là bán tước vị để duy trì cuộc sống hưởng thụ cố hữu của mình, còn tầng lớp tư sản lại dùng tiền để để mua tước vị nhằm củng cố thêm địa vị của mình và thỏa mãn thói “học làm sang”. Trong bối cảnh đó, thế hệ thanh niên rơi vào trạng thái vỡ mộng, rồi để tồn tại, để trả thù xã hội, họ mặc nhiên bị tiêm nhiễm căn bệnh hãnh tiến tham danh, tham vị, tham tiền. Để làm giàu, người ta tìm đủ mọi cách, và không có cách nào có thể xem là trong sạch. Sự giàu có đồng nghĩa với thủ đoạn, âm mưu, tàn nhẫn ...: đầu cơ nhân nạn đói, cho vay nặng lãi, bóc lột thậm tệ, keo kiệt đến bệnh hoạn, giết người, lừa đảo, làm hàng giả, hàng lậu, ton hót nịnh bợ đàn bà v.v... “Bằng con đường chính đáng hay không chính đáng, miễn sao đạt tới cảnh xa hoa, hoan lạc, phù phiếm được coi như thiên đường ở trên trần thế, luyện qủa tim thành gỗ đá, giày vò xác thịt để chắt lót những của cải chốc lát, tựa như ngày xưu ta sống đày đọa, khổ hạnh, để mưu cầu cảnh cực lạc thiên thu. Đó là tư tưởng chung của mọi người ..., cái tư tưởng ấy là tư tưởng phổ biến, được chép tràn mọi nơi, ngay đến trong luật pháp nhà nước nó cũng hiện ra”[5, tr.297]. Như thế là đồng tiền đã hoàn tất công việc cuối cùng của nó: làm tha hóa, biến chất con người. “Anh càng làm nhiều tiền bao nhiêu thì anh càng ít làm người bấy nhiêu” (Marx). Đó là quy luật. Vì quyền lợi của mình, con người trở nên vị kỷ, tham lam và độc ác với chính đồng loại của mình. “Thế là bóng đen của chủ nghĩa tư bản đã bao phủ toàn bộ thế kỷ XIX” (Flaubert). Cái bóng đen ấy đã được thực hiện bằng cách “Thay cho những giá trị từng được cổ vũ trong thế kỷ trước, xã hội hôm nay đã dựng nên tượng đài cho Đồng tiền, kích động những dục vọng thấp hèn làm cho con người trở nên vị kỷ và tàn nhẫn”[38, tr.22]. 1.1.2. Thời đại của mâu thuẫn giai cấp và dục vọng cá nhân. 1.1.2.1. Những mâu thuẫn xã hội gay gắt. Sự thay đổi liên tiếp sáu chế độ chính trị là minh chứng thuyết phục nhất cho một nước Pháp luôn ở trong tình trạng xung đột gay gắt giữa các giai cấp, các thế lực, các tập đoàn, các tư tưởng, trào lưu v.v... khác nhau. Theo quan điểm triết học duy vật biện chứng, mâu thuẫn sẽ được giải quyết bằng đấu tranh, nhưng rồi sau khi cách mạng thắng lợi lại nảy sinh mâu thuẫn mới giữa giai cấp cầm quyền và lực lượng tham gia cách mạng bị phản bội. Cái vòng xoáy ấy đã trở thành đặc trưng của các cuộc cách mạng ở Pháp nửa đầu thế kỷ XIX. Và đó cũng chính là điểm đặc trưng nhất của xã hội Pháp lúc bấy giờ. Có thể nói, chưa có lúc nào những mâu thuẫn xã hội lại diễn ra gay gắt như thời đại này. Từ khi dòng vua Bourbons trở về nước, tình trạng tranh giành quyền lực giữa hai giai cấp: giai cấp quý tộc – chiếm hữu ruộng đất, và giai cấp tư sản – đã trở thành trọng tâm của toàn bộ cuộc đấu tranh chính trị Pháp. Và từ 1830, khi giai cấp công nhân thực sự ra đời thì quan hệ xã hội và đấu tranh giai cấp đi tới hình thái đơn giản hóa nhất, đồng thời đạt mức độ sâu sắc, gay gắt nhất, mâu thuẫn chủ yếu, nổi lên hàng đầu là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Trong hoàn cảnh ấy, nghệ sĩ có khả năng khám phá bản chất của chế độ xã hội sâu sắc hơn, phản ánh thực tế đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn các thời kỳ trước. Vấn đề mâu thuẫn giai cấp là trọng tâm của các vấn đề xã hội cho nên mọi vấn đề được miêu tả trong tác phẩm đều có liên quan đến xung đột giai cấp. Và “chỉ có những người cố ý nhắm mắt lại mới không thấy rằng cuộc đấu tranh giữa các giai cấp lớn ấy và sự xung đột vì lợi ích của họ là động lực của toàn bộ lịch sử cận đại”[50, tr.173]. 1.1.2.1.1. Mâu thuẫn giữa giai cấp quý tộc và giai cấp tư sản. Sau khi đạt đến độ cực thịnh của chế độ phong kiến vào nửa sau thế kỷ XVII dưới triều đại Louis XVI, sang đầu thế kỷ XVIII, nước Pháp phong kiến bắt đầu khủng hoảng và từng bước suy tàn, đến cuối thế kỷ này, nguồn tài chính nhà nước cạn kiệt, chế độ cai trị ngày càng hà khắc khiến cho mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Cùng với quá trình tan rã của thể chế phong kiến với nền kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ thì nền kinh tế thương mại ngày càng phát triển, đặc biệt là ngành kinh tế hàng hải cùng với việc mở rộng thị trường. Tuy nhiên do bị ràng buộc bởi những luật lệ khắt khe của chính quyền phong kiến, hàng rào thuế quan và sự phân tán của thị trường trong nước làm cho công thương nghiệp không phát triển được. Và từ đó, mâu thuẫn giữa nền sản xuất tư bản chủ nghĩa và quan hệ sản xuất phong kiến là điều tất yếu và ngày càng trầm trọng. Nói cách khác, đó là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản mới nổi và ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong xã hội với giai cấp quý tộc phong kiến đang ngày đi vào ngõ cụt nhưng vẫn tìm cách níu kéo địa vị của mình. Để giải quyết mâu thuẫn đó, chỉ có con đường duy nhất là tiến hành các cuộc cách mạng tư sản, xoá bỏ quyền thống trị của quý tộc phong kiến, thiết lập cấu trúc chính quyền mới của giai cấp tư sản. Cách mạng 1789 là một cuộc cách mạng do giai cấp tư sản lãng đạo đã lật đổ chính quyền phong kiến, xây dựng một chính quyền mới theo hình thái tư bản chủ nghĩa. Sau khi phát triển đến đỉnh cao vào những năm 1810 dưới bàn tay Napoléon thì bắt đầu xuống dốc. Năm 1815, Louis XVIII theo chân quân đội nước ngoài trở về thiết lập lại nền quân chủ chuyên chế. Triều đại Trùng hưng của dòng họ Buorbons kéo dài 15 năm sau đó chứa đựng mâu thuẫn cực kỳ gay gắt giữa giai cấp tư sản và quý tộc. Giai cấp quý tộc phong kiến thì cố duy trì chế độ thống trị độc đoán, tìm cách phủ nhận những cải cách tư sản, còn giai cấp tư sản được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân ráo riết rình rập làm cách mạng, lật đổ chính quyền phong kiến. Và theo xu thế vận động tất yếu của xã hội, yếu tố tư bản ngày càng phát triển, công cuộc công nghiệp hoá – đô thị hoá ngày càng sôi nổi, tức là giai cấp tư sản ngày càng lớn mạnh. Để duy trì quyền thống trị, Louis XVIII phải áp dụng đường lối thỏa hiệp với các phe phái, chấp nhận chính thể lập hiến và từng bước cách tân nền quân chủ. Đó là cơ sở dẫn đến cuộc cách mạng tháng Bảy 1830, xoá bỏ hẳn chế độ quân chủ chuyên chế, khẳng định sự toàn thắng của giai cấp tư sản đối với giai cấp phong kiến. Trong tác phẩm Ảo tưởng tiêu tan, Balzac đã miêu tả rất rõ sự phân biệt giai cấp giữa quý tộc và tư sản đến mức trở thành một tính cách thời đại; “Bên trên là Quý tộc và Quyền hành. Bên dưới là Thương nghiệp và Tiền bạc: hai khu vực xã hội thường xuyên đối địch nhau ở khắp nơi … Thời Trùng hưng đã làm trầm trọng thêm tình trạng đó”[8, tr.47-48]. Có những khu phố của quý tộc như khu Saint – Germain, ở đó tư sản không được đón tiếp. Cũng có những khu tập trung giới tư sản với tiền bạc đầy túi như khu Chaussée d’Autin. Giai cấp quý tộc tuy vẫn giữ thói trịch thượng cố hữu nhưng hầu hết đều nghèo, còn giai cấp tư sản lại thực dụng và giàu có. Balzac đã phản ánh tình trạng này trong Miếng da lừa bằng một giọng hài hước mà thấm thía sâu cay “quyền hành đã chuyển từ điện Tuilesies sang bọn làm báo, cũng như ngân sách đã đổi khu, đi từ phố Saint – Germain sang phố Chaussée d’ Autin”[11, tr.55]. Giai cấp quý tộc mặc dù thiết lập lại được quyền thống trị sau cuộc trở về của Louis XVIII nhưng ngân quỹ quốc gia thì cạn kiệt, lương bổng không đủ cho họ tiếp tục sống xa hoa như trước, tài sản và ruộng đất lại phần lớn nằm trong tay giai cấp tư sản, vì vậy giai cấp quý tộc buộc phải hoặc là bán tước vị hoặc là tìm đến các nhà tư bản cho vay nặng lãi. Tầng lớp tư sản có điều kiện trả thù, bằng cách làm phá sản không biết bao nhiêu gia đình quý tộc. Nạn mua quan bán tước, ngoại tình, ăn chơi trác táng, tính hãnh tiến, hám danh, hám vị trở thành bóng đen bao phủ lên bộ mặt xã hội Pháp, đặc biệt là Paris. Trong đó “xã hội thượng lưu là một biển bùn”, và bản chất của nó là “một lũ bị lừa bịp và đi lừa bịp”[4, tr.102]. Con đường sa đọa dần của tầng lớp quý tộc diễn ra tỉ lệ thuận với sự đi lên của giai cấp tư sản. Mọi cá nhân trong xã hội cũng hình thành hai xu hướng lựa chọn, hoặc là chống đối đến cùng với tư tưởng bảo hoàng hoặc là tư sản hóa. Ngay trong nội bộ giai cấp cũng có sự phân hóa thành các bộ phận khác nhau. Như vậy, sự tan rã của chế độ phong kiến là điều không thể tránh khỏi nhưng đồng thời xã hội tư sản cũng dần đi đến con đường khủng hoảng, bộc lộ những mặt trái của nó. 1.1.2.1.2. Mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Nếu như mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp tư sản và giai cấp quý tộc được giải quyết bằng con đường cách mạng tư sản thì cách mạng tư sản lại “đem đến những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới; thay thế cho những giai cấp, những điều kiện áp bức, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi”[41, tr.541]. Có nghĩa xã hội tư sản không thể xóa bỏ được sự đối kháng giai cấp. Chỉ có điều quan hệ xã hội và đấu tranh giai cấp đã đi tới hình thái đơn giản hóa nhất, đồng thời đạt được mức độ sâu sắc, gay gắt nhất là mâu thuẫn giữa hai phe: tư sản và vô sản. Các cuộc cách mạng tư sản có vai trò rất to lớn đối với tiến trình phát triển của xã hội loài người là đã xóa bỏ chế độ phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử thế giới. Tuy nhiên những cuộc cách mạng đó chỉ có ý nghĩa hình thức nhất thời bởi vì nó vẫn thiết lập nên một nền thống trị mới, chỉ có điều là nền thống trị của giai cấp tư sản chứ không còn là nền thống trị của giai cấp phong kiến. Nói như một nhân vật trong tác phẩm Nông dân của Balzac rằng: “Tôi đã thấy thời xưa và tôi đã thấy thời nay, quả thật cái biển hàng có đổi nhưng rượu vẫn cùng một thứ! Ngày hôm nay chỉ là em của ngày hôm qua”[50, tr.388]. Nhà nước tư bản chủ nghĩa đã tạo ra một lực lượng sản xuất lớn hơn tất cả những lực lượng của những chế độ trước nhưng cũng từ đó mà nảy sinh mâu thuẫn mới: mâu thuẫn giữa nền sản xuất có tính xã hội và quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Những người lao động bị giai cấp tư sản bóc lột sức lao động để tạo ra giá trị thặng dư vì không có tư liệu sản xuất. Ban đầu họ phản đối sự bất công bằng cách đập phá máy móc, nhưng dần dần họ ý thức được nguyên nhân dẫn đến sự bần cùng của mình. Ý thức giai cấp phát triển dẫn đến những xung đột có tính giai cấp, các cuộc cách mạng liên tiếp nổ ra. Thời gian đầu, những cuộc khởi nghĩa của công nhân có tính chất tự phát, nhỏ lẻ nên nhanh chóng bị dập tắt nhưng đến giữa thế kỷ, khi giai cấp vô sản thực sự bước lên vũ đài chính trị thì những cuộc nổi dậy được tổ chức khoa học hơn với khả năng có thể lật đổ cả chính quyền thống trị như cuộc cách mạng tháng Hai năm 1848 đã lật đổ nền Quân chủ tháng Bảy để thiết lập nền Cộng hoà II. Phong trào cách mạng của giai cấp vô sản trong thời gian này mặc dù không thu được thắng lợi triệt để do không có tổ chức vững mạnh, không được trang bị lí luận khoa học, nhưng đã chứng tỏ rằng giai cấp công nhân đã dần ý thức được sứ mệnh của mình và hứa hẹn “rồi một ngày kia cái nhân tố phi xã hội mà các cuộc cách mạng đã tạo ra đó sẽ nuốt tươi giai cấp tư sản, cũng như giai cấp tư sản đã nuốt tươi giai cấp quý tộc”(Nông dân) Về mặt xã hội, trong khi giai cấp tư sản ngày càng giàu có, sống xa hoa lãng phí thì công nhân làm việc 13 – 14 giờ mỗi ngày, đời sống khổ cực, phần lớn rơi vào tình trạng phá sản, một bộ phận lớn thất nghiệp. Ở các thành phố, các khu giàu sang của tư sản, qúy tộc tách biệt các khu phố tồi tàn của dân lao động. Điều đáng nói là lực lượng lao động ngày càng đông đảo vì tình trạng di dân từ nông thôn ra thành phố, tạo nên tình hình vô cùng phức tạp, nhiễu loạn ở các đô thị, đặc biệt là Paris. Sự nhiễu loạn của xã hội dẫn đến sự biến động về chính trị và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần của con người. 1.1.2.2. Dục vọng cá nhân – sản phẩm tâm lý của thời đại. Rất nhiều sĩ quan cao cấp của Napoléon xuất thân từ tầng lớp tiểu tư sản, thợ thủ công và nông dân. Và từ chính tấm gương của Napoléon Bonaparte, người ta rút ra được một chân lí: bất kỳ một người xuất thân ở tầng lớp nào cũng có quyền nuôi tham vọng, do đó tất cả mọi người đều có một tâm lí phổ biến là không bằng lòng với vị trí hiện tại của mình, đều cố vươn lên tìm một chỗ đứng cao hơn cho cá nhân mình. Vươn tới một địa vị cao sang hơn, sở hữu được nhiều đồng tiền vàng hơn là mục đích của tuyệt đại đa số thanh niên lúc bấy giờ. Khát vọng đó tạo điều kiện cho sự ra đời hàng loạt những thiên tài cho nước Pháp, nhưng mặt khác nó cũng làm cho con người trở nên tàn nhẫn hơn, cô độc hơn, ích kỉ hơn. Chính Balzac đã viết rằng: “Xã hội ngày nay mời tất cả con em của nó cùng dự chung một bữa tiệc, đã thức tỉnh tham vọng trong họ ngay từ thuở họ mới bước vào đời. Xã hội làm cho tuổi trẻ mất tính chất đáng yêu và làm hư hỏng hầu hết tình cảm rộng rãi để xen vào đó mọi tính toán”[50, tr.364]. Với quan niệm: “Đồng tiền là động lực duy nhất bắt cái xã hội này quỳ gối”[8, tr.194], có tiền là có tất cả, chuyện làm giàu, chuyện kiếm tiền không còn là ước muốn của riêng ai. Tham vọng giàu sang cho cá nhân được coi như điều dĩ nhiên, chính đáng thậm chí là một phẩm chất cần thiết cho xã hội. Những kẻ phủ nhận nét tâm lý này được xem là mất trí, điên rồ như hầu tước Espard trong Luật đình chỉ. Nét tâm lý trên là một sản phẩm trực tiếp của thế kỷ XIX ở Pháp. Các cuộc cách mạng tư sản đã xoá bỏ các đặc quyền, đặc lợi của giai cấp quý tộc quyền bình đẳng trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho mọi cá nhân trong xã hội chạy đua làm giàu nếu có tham vọng, mà tham vọng thì ai ai cũng sở hữu cho nên toàn xã hội rầm rộ thi đua kiếm tiền. Cuộc đấu tranh sinh tồn vì đồng tiền trong xã hội diễn ra còn ác liệt hơn cả những chết chóc trên chiến trường. Nhiều kẻ phất lên nhanh chóng nhưng cũng vô số người trở nên bần cùng, phá sản, thất nghiệp …Và để bảo toàn được những thành quả trên “chiến trường” làm ăn đó, người ta thường lui về cố thủ để bảo vệ những quyền lợi cá nhân của mình. Quyền tư hữu ngày càng được củng cố bền chặt. Từ cơ sở xã hội đó mà dục vọng cá nhân trở thành một tính cách tâm lý xã hội những năm mà Balzac đã sống và viết. Tất thảy thanh niên thời đại này đều tự xem mình như là những anh hùng, hoàng đế, những người không thể thiếu, là trung tâm của vũ trụ. Từ đó mà thói hãnh tiến ra đời và nhanh chóng lan rộng, ăn sâu vào tận mọi ngõ ngách xã hội, trở thành căn bệnh thời đại. Mỗi loại người có cách thể hiện sự hãnh tiến khác nhau: những kẻ tầm thường nhưng có tiền tìm cách mạ vàng dòng họ của mình bằng tiểu từ De quý tộc; những kẻ nghèo khó tham vọng chinh phục giới thương lưu, kiếm thật nhiều tiền; gã quý tộc hay tư sản thì mơ tới một cái ghế nguyên lão nghị viên trong triều đình v.v… Như trên đã nói, tham vọng làm giàu và chinh phục đã tạo ra một động lực quan trọng cho sự phát triển của xã hội. Nó cũng làm cho đời sống của con người trở nên sinh động hơn, phong phú hơn. Mặt khác, xã hội tư sản là một xã hội trẻ trung, cường tráng, kích thích năng lực, mở ra nhiều viễn cảnh cho ý chí và nỗ lực cá nhân. Vì thế mà nước Pháp thế kỷ XIX sản sinh ra hàng loạt những tên tuổi lớn trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa, nghệ thuật v.v… Song chính dục vọng cá nhân này cũng đã làm cho con người ngày càng thoái hóa đi về nhân cách. Bởi vì hễ đi đến đâu thì đồng tiền đều làm cho những tình cảm không còn thuần khiết như trước nữa, nó làm biến thái mọi mối quan hệ, nó làm đảo lộn mọi chuẩn mực, nó làm con người loá mắt trước mọi chuẩn mực đạo đức, người ta chỉ còn thấy trước mắt mình một vị thần sừng sững – thần Tiền. Để có tiền và giữ được tiền, người ta không từ một thủ đoạn nào: giết người, lừa đảo, đầu cơ, cho vay nặng lãi, con ruồng bỏ cha, vợ ruồng bỏ chồng, anh em ruồng bỏ nhau … Con người có xu hướng co mình lại để hòng bảo vệ cho được những gì mình có. Họ luôn ở thế “một mình chống lại tất cả”, do đó con người cũng trở nên cô độc, sầu muộn vì những mối dây tình cảm ràng buộc họ với đồng loại đã trở nên mong manh. Hơn những tính cách khác, tính tham lam và keo kiệt phát triển cao nhất, cốt để làm giàu. Khi đã giàu có, đồng tiền làm nguội lạnh trái tim và từ đó những tính cách khác dần dần được sinh ra. Trong thời buổi xã hội đầy rẫy những kẻ suốt ngày lo tích cóp làm giàu hoặc quằn quại đau đớn vì mắc phải bệnh nghèo thì cũng có không ít kẻ trọc phú lắm tiền nhưng không biết dùng làm gì ngoài những trò hưởng thụ và phô trương rẻ tiền. Đó là những kẻ mới phất nhờ cách mạng tư sản nhưng ô trọc và thiếu văn hoá. Bên cạnh đó cũng có một bộ phận những kẻ “tích cực” lao vào những trận chơi thâu đêm suốt sáng nhưng thực chất bên trong là nợ nần, túng bấn. Lớp người này chủ yếu là tầng lớp quý tộc trong thời đại tư sản hóa. Lối sống sa đọa thật sự ghê tởm nhất trong giai đoạn của đế chế Quân chủ tháng Bảy (1830 – 1848) vốn được xem như là giai đoạn giãy chết của giai cấp quý tộc. Tựu trung lại, dù là thói hãnh tiến, tham lam, hà tiện hay sự sa đọa về lối sống thì cũng đều là những biểu hiện của dục vọng cá nhân. Tất cả mọi tính cách đều có động lực và cơ sở khách quan của nó. Hiện thực ._.ơi quán trọ Vauquer ấy đã thay đổi như thế nào. Lão Goriot – miêu tả thời gian những năm 1819 – 1821: Vừa ở quê nhà lên Paris, Rastignac vẫn còn giữ nhiều xúc động của tuổi trẻ. Tuy có tham vọng ngoi lên và chấp nhận “luật chơi” của xã hội thượng lưu nhưng nhìn chung vẫn còn có xung đột với hoàn cảnh. Dù cố tình tìm đến những phòng khách thượng lưu nhưng chút ánh sáng còn lại của tuổi trẻ, của một thanh niên có giáo dục không cho phép anh ta nhẫn tâm mạo hiểm thực thi bài giảng của tên đồ tể Vautrin. Nhưng anh ta lại tiếp nhận bài học ấy dưới dạng hợp pháp, “dễ chịu” hơn qua một mệnh phụ phu nhân quý tộc. Anh cũng đã với Bianchon lên án gay gắt hai cô con gái “giẫm lên xác cha để đi vũ hội” nhưng cũng bị hút tới cái vũ hội đó như con thiêu thân. Và ở cuối tác phẩm này, lời thách thức trước Paris “Bây giờ còn mày với ta!” thực chất là một sự thỏa hiệp. Ảo tưởng tiêu tan – miêu tả thời gian 1821 – 1825: De Rastignac nổi lên giữa đám công tử bột được vô số những phụ nữ quý tộc o bế, khiến Lucien Chardon phải thèm khát cái dáng dấp thanh lịch, dòng dõi của anh ta. Anh ta “khai mào cho nụ cười Paris, mỗi ngày nhằm một miếng mồi mới, mau chóng khai thác đề tài trước mắt để chỉ một lát nó thành cũ rích”[8, tr.187]. Anh ta còn mạnh dạn đóng vai trò kẻ chăn dắt những chàng trai trai trẻ đang còn ngơ ngác trước ngưỡng cữa cuộc đời khi tuyên bố sẽ giúp Lucien làm quen với “những tay thanh niên thời thượng” và biến anh chàng này thành một tay sành diệu như mình. Luật đình chỉ – miêu tả thời gian 1827 – 1828: Là “một trong những trang nam nhi thanh lịch nhất Paris”, Rastignac tuôn ra hàng tràng những phát ngôn đầy ranh mãnh của một kẻ lọc lõi, cơ hội: “Vợ một chính khách là một cơ quan để cai trị, là một bộ máy để ca tụng, để vái chào; bà ta là cộng cụ hàng đầu, công cụ trung thành nhất mà kẻ tham vọng sử dụng”[5, tr.24]. Đến gặp Bianchon về một vụ án đình chỉ tài sản, dù mến phục tài đức của người bạn cũ nhưng gã bộ trưởng tương lai vẫn không quên rao giảng với bạn những lời khuyên đầy tham vọng và hãnh tiến: “Hãy trở thành nam tước (…), thành nguyên lão nước Pháp, và hãy gả các con gái của mình cho các vị quận công”[5, tr.92]. Nhà ngân hàng Nucingen – miêu tả thời gian 1826 – 1836: Từ một gã ăn bám vào phụ nữ, Rastignac đã có cổ phần trong các ngân hàng, đã cùng người chồng nhân tình của mình là chủ nhà băng Nucingen tham gia vào những vụ mờ ám khiến bao gia đình phải khuynh gia bại sản. Anh ta thản nhiên tự nguyện trở thành công cụ của gã đại tư sản kia, điềm nhiên nhận những tài khoản lớn mà chẳng cần quan tâm đến đầu đuôi sự việc, “anh ta nhìn thế gian như chốn tụ họp mọi sự tha hóa, mọi hành động bất lương”[9, tr.356]. Đại biểu thành Arcis – miêu tả thời gian 1839: Trong tác phẩm này, Rastignac đã đạt được những đỉnh cao của thành đạt: giữ chức bộ trưởng lần hai, được phong bá tước, bố vợ là nguyên lão nước Pháp, họ hàng được cân nhắc. Hơn thế nữa, anh ta được coi như là một nhân vật không thể thiếu trong những vụ áp phe chính trị. Như vậy, từ 1819 đến 1839, từ một chàng sinh viên trong trắng, mang trong mình một lý tưởng sống cao đẹp nhưng sống ngoài lề xã hội thượng lưu, trải qua bao nhiêu va chạm với cái xã hội tôn sùng dục vọng và con bê vàng, Rastignac đã biến thành một kẻ cơ hội, thành một đại diện của cái xã hội đầy tội lỗi ấy. Cuộc đời của nhân vật này là điển hình cho sự thay đổi tính cách của con người trong quá trình tiếp xúc với môi trường sống của họ. 3.3.2. Góp phần xây dựng những nhân vật điển hình. Balzac đã nêu mục đích của mình trong Lời mở đầu cho Tấn trò đời khi xây dựng các nhân vật là làm sao để các nhân vật có sức sống trường cửu hơn các nguyên mẫu của nó. Tức là ông muốn thiết lập nên những tính cách nổi bật, sâu sắc và có ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc. Và kết quả đúng như mong muốn của ông, các nhân vật do ông sáng tạo ra có một đời sống thật bền lâu trong lòng người đọc. Cuộc sống của những nguyên mẫu mà từ đó Balzac sáng tạo, nếu có, chắc chắn đã đi vào dĩ vãng nhưng ngày nay khi đọc lại những tác phẩm được viết cách đây gần hai thế kỷ, ta vẫn thấy hiện nguyên những tính cách như cái thời tác giả sinh ra chúng. Bởi vì, như theo thuật ngữ lí luận văn học thì Balzac đã xây dựng nên được những nhân vật điển hình kinh điển của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Và để đạt được điều này, thủ pháp tái xuất hiện nhân vật có một vai trò quan trọng. Thủ pháp này đã góp phần làm cho nhân vật “có sức mãnh liệt không gì sánh nổi”, nhà văn “áp đặt cho người đọc hình tượng mạnh đến mức ám ảnh, làm ta thấm sâu tận đáy tâm can ý nghĩa đặc biệt của nó”[50, tr.336]. Thủ pháp tái xuất hiện nhân vật đã tạo nên một sự gắn chặt nhân vật, tính cách trong những tình huống khác nhau của hoàn cảnh, và như thế nó đạt được yêu cầu điển hình hóa. Các nhân vật chỉ có thể bộc lộ hết tính cách của mình khi cọ xát với môi trường, mà như thế thì nhân vật phải được thử thách trong nhiều cảnh huống khác nhau. Tức là càng xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác nhau thì khả năng nhấn mạnh cái tính cách điển hình càng được thể hiện rõ nét hơn. Nhân vật Rastignac chẳng hạn. Anh ta chỉ có thể bộc lộ hết tham vọng ngoi lên bằng bất cứ giá nào khi anh ta được cọ xát với nhiều môi trường khác nhau của xã hội tư sản. Mặt khác, sự cọ xát với nhiều môi trường khác nhau sẽ chỉ ra sự biết chuyển trong tính cách của con người đầy dục vọng này. Hay như với nhân vật Nucingen. Càng tiếp xúc với nhiều tác phẩm, ta lại càng củng cố cái ấn tượng về một gã chủ nhà băng đầy thủ đoạn trong nghệ thuật kiếm tiền. Như chúng tôi đã phấn tích về mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh ở phần 3.3.1, tác phẩm của Balzac đã xây dựng được những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Tức là nhân vật của Balzac không chỉ giới hạn ở những cá tính, che lấp hoàn cảnh mà có nét phổ biến và tính cách sống động, luôn ở trong thế phát triển. Tuy nhiên, nếu như nhân vật chỉ xuất hiện trong một tác phẩm, ta thường chỉ thấy sự phát triển tính cách trong một vài hoàn cảnh nhất định, còn nếu nhân vật xuất hiện trong nhiều tác phẩm thì ta sẽ thấy được sự phát triển của tính cách trong nhiều hoàn cảnh điển hình khác nhau. Tính cách điển hình vì thế mà đây đặn hơn, sức khái quát vì thế mà cao hơn. “Tính cách điển hình là sự thống nhất hài hòa cao độ giữa tính riêng sắc nét và tính chung có ý nghĩa khái quát cao, “là người lạ mà quen” như một ý kiến của Bêlinxki”[40, tr.528]. Đó không chỉ dừng lại ở sự thống nhất giữa tính riêng vả tính chung, vì bất kì sự vật hiện tượng nào cũng thể hiện điều này. Chỉ khi nào cái riêng thật sắc nét và cái chung phải thật khái quát cao, chúng lại phải thống nhất và hài hoà cao độ với nhau thì mới có cái gọi là điển hình. Chính vì vậy, muốn xây dựng được các hình tượng điển hình, nhà văn phải phát hiện những chi tiết cá biệt, độc đáo, không lặp lại để làm nổi bật những nét, những tính cách quan trọng, những quan hệ tiêu biểu trong đời sống. Nhân vật văn học, vì vậy, càng có những nét riêng nổi bật lại càng mang trong mình những thuộc tính chung của đời sống. Để xây dựng được những nhân vật như vậy, trước hết nhà văn cần phải cá thể hóa, tức là làm sao cho nhân vật manh những đặc điểm khác biệt để phân biệt với nhân vật khác. Trong Tấn trò đời, nếu theo dõi một nhân vật nào đó trong nhiều tác phẩm khác nhau ta càng thấy những “nét nổi bật” của anh ta. Bởi vì mỗi lần xuất hiện là một lần anh ta được tác giả “làm mới”. Ta có cảm giác như tác giả đang xoay chuyển nhân vật để quan sát ở nhiều góc độ, và điều này sẽ tạo những ấn tượng rất riêng nơi người đọc trong việc phân biệt nhân vật này với nhân vật khác. Đọc lần lượt toàn bộ Tấn trò đời rồi tổng hợp lại, chúng ta sẽ thấy cũng là những chàng trai từ tỉnh lẻ lên Paris mang theo tham vọng lớn nhưng Rastignac khác Lucien, cũng là nhà báo nhưng Lousteau khác xa Ranal Nathan, cũng là nhà tư tưởng cách mạng nhưng Daniel D’Ather khác Michel Chrestien, cũng là chủ nhân hàng nhưng Nucingen khác Du Tilet, cũng là luật sư như Derville khác Joseph Lebas v.v…Tất nhiên, với ngòi bút độc đáo thì chỉ cần xuất hiện một lần thì cái nét riêng của nhân vật cũng đã bộc lộ, nhưng nếu xuất hiện nhiều lần, chắc chắn hiệu quả của nó sẽ được hỗ trợ rất nhiều. Tuy nhiên, mục đích của tác giả không phải chỉ dừng lại ở việc miêu tả những cá nhân cụ thể với những nét riêng của họ mà là nhằm khái quát hóa để làm sao cho hình tượng mang trong mình những nét quan trọng nhất, bản chất nhất của đời sống. Thủ pháp tái xuất hiện nhân vật chính là một thủ pháp khái quát hóa rất hiệu quả. Bởi vì, qua nhiều lần xuất hiện như vậy, cái tính cách của nhân vật đươc nhắc đi nhắc lại, được nhấn mạnh, khắc sâu làm cho nó trở thành cực kỳ sâu sắc và để lại một ấn tượng đến mức ám ảnh người đọc. 3.4. Hình thành những quan niệm mới về nhân vật văn học. Trước hết phải khẳng định, theo quy luật của sự phát triển của nghệ thuật, một giai đoạn văn học luôn luôn tiếp thu, phát huy những thành tựu của các giai đoạn trong quá khứ. Và Balzac cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Trong Tấn trò đời, Balzac đã nhắc đến hơn 200 tác giả trước hoặc đương thời với ông, trong đó ông đặc biệt chú ý đến Molìere. Balzac đương thời cũng rất khâm phục Walter Scott và học tập nhiều ở tác giả này và có một phát biểu táo bạo, đầy cá tính: “Muốn bằng được Walter Scott, phải vượt ông”[50, tr.304]. Nói thế có nghĩa rằng trong lúc xây dựng các nhân vật của mình, Balzac cũng không muốn, hay là không thể thoát li hoàn toàn quá khứ. Tuy nhiên, với khả năng sáng tạo vô song lại thúc dục bởi một mong muốn làm sao “lớn hơn hết thảy mọi người” đã khiến Tấn trò đời chứa đựng những phát kiến độc đáo, góp phần tạo nên một bức tranh sinh động, phong phú cho đời sống văn học. Với những tác phẩm của mình, Balzac có những phát kiến rất đáng chú ý về vị trí, vai trò, chức năng của nhân vật tiểu thuyết. Với việc cho nhân vật trở đi trở lại, Balzac đã phá vỡ những quan niệm truyền thống về những khái niệm như nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật chính diện, nhân vật phản diện, nếu chúng ta xem Tấn trò đời là một tổng thể không tách rời. Mặt khác, trong nhiều trường hợp, những nhân vật có khi được gọi là phụ lại chính là nhân vật mang lại cho tác phẩm lớn kia một bề dày và một ý nghĩa sâu sắc. Như ta đã biết, nhân vật chính, phụ, chính diện, phản diện, là những khái niệm mà lí luận văn học rút ra từ đối tượng nghiên cứu là các tác phẩm tự sự và kịch trong thế độc lập. Nhân vật chính là nhân vật then chốt của câu chuyện, giữ vị trí trung tâm trong việc thể hiện đề tài, chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Nhân vật phụ thì ngược lại, đó là những nhân vật giữ vị trí thứ yếu so với nhân vật chính trong diễn biến của cốt truyện, trong quá trình triển khai đề tài, thể hiện tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Nhân vật chính diện là nhân vật thể hiện những giá trị tính thần, những phẩm chất đẹp đẽ, những hành vi cao cả của con người được nhà văn miêu tả, khẳng định, đề cao trong tác phẩm theo một quan điểm tư tưởng, một lí tưởng xã hội – thẩm mỹ nhất định. Nhân vật phản diện là là kiểu nhân vật mang những phẩm chất xấu xa, trái với đạo lí và lí tưởng của con người, được nhà văn miêu tả trong tác phẩm với thái độ chế diễu, lên án, phủ định. Những khái niệm trên đây gần như đã quá định hình lâu nay đến gần như là cứ hễ tiếp xúc với bất kỳ một tác phẩm tự sự nào thì điều đầu tiên mà chúng ta sẽ làm là đi khảo sát tác phẩm đó có bao nhiêu tác phẩm, trong đó nhân vật nào là chính, là phụ, nhân vật nào là chính diện, phản diện. Điều này là hoàn toàn hợp lí nếu như đối tượng mà ta lấy để khảo sát là từng tác phẩm riêng lẻ. Nhưng có những trường hợp thì thói quen tưởng như tất yếu đó trở nên vô cùng phức tạp, nan giải. Bởi lúc đó ta khó mà phân loại nhân vật được thành các loại như trên đây. Tình hình này ta sẽ bắt gặp khi tiếp xúc với Tấn trò đời. Ở đây có hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất: đọc Tấn trò đời ta thấy một hiện tượng rất phổ biến là nếu như ở tác phẩm này, nhân vật nào đó còn là một nhân vật chính thì sang tác phẩm khác anh ta đã biến thành nhân vật phụ, thậm chí chỉ được nhắc đến như một hơi gió nhẹ, và ngược lại, có nhân vật ở trong tác phẩm này bị xếp vào một “xó” nào đó, chẳng có ấn tượng gì thì ở tác phẩm khác anh ta bổng nổi lên chiếm lĩnh câu chuyện. Tương tự như thế, có những nhân vật trong tác phẩm này còn mang những phẩm chất đẹp đẽ, những hành vi cao cả thì sang tác phẩm khác, anh ta đã là hiện thân cho những điều phi đạo đức, trái với đạo lý và lý tưởng của con người. Như vậy, ở trường hợp này chúng ta sẽ xét hai hiện tượng nhân vật: loại nhân vật dựa vào vị trí đối với nội dung cụ thể, với cốt truyện của tác phẩm – nhân vật chính và nhân vật phụ; loại nhân vật dựa vào đặc điểm của tính cách, việc truyền đạt lí tưởng của nhà văn – nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Trong Tấn trò đời, số lượng nhân vật có vị trí khác nhau trong từng cốt truyện khác nhau là vô cùng nhiều: Eugéne de Rastignac, Gobseck, De Nucingen, Gaudissanrt, César Birotteau, Louis Lambert, nữ hầu tước D’Espard, nữ công tước De Langeais, nữ vương tước De Cadignan v.v…Mỗi nhân vật trong số này đều có lúc được tác giả cho chiếm lấy diễn đàn, phát biểu chủ đề tư tưởng của tác phẩm nhưng cũng không ít lần chỉ được tác giả cho đóng một vai trò rất khiêm tốn, thậm chí chẳng để lại ấn tượng gì đáng kể. Chúng ta thử đến với vài ví dụ là Gobseck và Nucingen. Lão già Do Thái chuyên nghề cho vay nặng lãi Gobseck xuất hiện trong gần 10 tác phẩm của Tấn trò đời, và tên của lão cũng là tên của một tác phẩm: Gobseck. Trong tác phẩm này, hình tượng nhân vật chính được xuất hiện rất thường xuyên, giữ vai trò trung tâm trong việc kết nối các nhân vật khác và cũng là nhân vật bộc lộ tư tưởng chủ đề của câu chuyện. Đó là câu chuyện về thói nô lệ cho đồng tiền, vì đồng tiền mà con người có thể làm mọi cách, với Gobseck đó là cho vay với lãi suất cắt cổ. Sang những tác phẩm khác, dù vẫn là hiện thân của thủ đoạn kiếm tiền này nhưng Goseck không hề là người đóng vai trò phát biểu chủ đề chính của câu chuyện mà nhường vai trò này cho nhân vật khác, như trong Lão Goriot, lão chỉ thoáng qua khi những nhân vật khác có nhu cầu vay nợ vì cần tiền để cho con hay để ăn chơi xa xỉ. Bởi chủ đề của Lão Goriot là bi kịch về tình cha con và lối sống tôn thờ chủ nghĩa dục vọng tư sản. Gã chủ nhà băng Nucingen mặc dù xuất hiện trong gần 20 tác phẩm nhưng chỉ là nhân vật chính trong Nhà ngân hàng Nucingen. Tác phẩm này chủ yếu kể về cuộc đời và những mánh khóe làm ăn của hắn ta còn ở những tác phẩm khác, dù vẫn hiện lên là một chủ ngân hàng đầy thế lực nhưng nhân vật này không còn được tác giả tập trung miêu tả cụ thể nữa. Cũng qua những lần xuất hiện khác nhau như thế, có tính cách không còn hoàn toàn thuần nhất, Rastignac là một hình tượng điển hình cho hiện tượng này. Trong Lão Goriot, dù đã có biểu hiện của một anh chàng có tham vọng mãnh liệt và đang tìm cách để thỏa mãn tham vọng đó nhưng cơ bản anh ta vẫn còn giữa được những đức tính tốt đẹp của một con nhà có giáo dục, đặc biệt là anh ta đã có những hành vi ứng xử rất cao cả với người cha tội nghiệp Goriot. Nhưng sang những lần xuất hiện khác như trong Miếng da lừa, Luật đình chỉ, Nhà ngân hàng Nucingen v.v…thì anh ta đã biến thành một kẻ khác: cơ hội, lọc lõi và đầy xảo quyệt. Vì vậy khó mà xếp nhân vật này vào loại tính cách nào nếu như xét trong tổng thể Tấn trò đời. Ở trường hợp thứ hai, trong Tấn trò đời, chúng ta bắt gặp nhiều nhân vật xét về tần số xuất hiện hay vị trí trong tác phẩm thì chưa bao giờ là “nhân vật then chốt của câu chuyện” nhưng lại thể hiện một chức năng quan trọng. Horace Bianchon, Vautrin và Michel Chrestien là những ví dụ tiêu biểu. Dù xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm nhưng Bianchon không hề là nhân vật chính của bất kỳ một tác phẩm nào, tất cả đều là nhân vật phụ, thậm chí chỉ được nhắc đến sơ sài như trong Một gia đình kép, Cô gái xua cá v.v… Thế nhưng người đọc khó có thể quên được hình ảnh của nhân vật này từ lúc còn là một sinh viên trường y và sau là một thầy thuốc danh tiếng. Nhân vật này là một nhân tố quan trọng thể hiện lý tưởng nhân văn cao đẹp mà tác giả hướng đến: nhân ái với mọi người, kiên quyết đứng về cái đẹp, cái tiến bộ. Đây cũng là một hiện tượng trong số ít nhân vật có thể đứng ngoài mọi cám dỗ của thời buổi đầy rẫy cám dỗ của đồng tiền và dục vọng. Vautrin xuất hiện vời tần số ít hơn Bianchon và cũng chưa bao giờ được tác giả khoác lên bộ quần áo của nhân vật chính. Vậy mà, cũng như vị thầy thuốc khả kính kia, tên đồ tể này đã để lại một ấn tượng đặc biệt sâu đậm. Thậm chí hắn là hiện thân cho một triết lí sống trong thời đại Balzac : sống tức là chiến đấu, để tiêu diệt lẫn nhau, là tìm mọi cách để trở thành đao phủ chứ không thì sẽ là nạn nhân. Dù thay hình đổi dạng, ẩn nấp dưới nhiều cái tên khác nhau thì ở bất cứ tác phẩm nào, hễ Vautrin xuất hiện thì bộ mặt đời sống xã hội được phản ánh mới thật sinh động và chân thật. Một nhân vật phụ khác là căn cứ đặc biệt quan trọng để tìm hiểu tư tưởng chính trị của tác giả là Michel Chrestien. Là một trong số những nhân vật được tái hiện ít nhất, lại hầu như không mang một chân dung cụ thể nào, mà lại cứ “lởn vởn” đâu đó trong từng tác phẩm, nhưng nhân số lượng ngôn từ mà giới nghiên cứu viết về nhân vật này còn nhiều hơn dung lượng mà tác giả dành cho anh. Nhân vật này được xem là “một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của chủ nghĩa hiện thực và một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Balzac ”[50, tr.344], thể hiện sự khát khao vươn tới một sự hoàn thiện trong quan hệ đạo đức và xã hội, trong quan hệ ứng xử thẩm mỹ. Do đó, Chrestien dù không là một nhân vật đầy đặn của bất kỳ tác phẩm nào nhưng vẫn là nhân vật đọng lại trong tâm trí người đọc đẹp nhất, lý tưởng nhất, là đại diện đẹp nhất của tầng lớp trí thức cách mạng, trở thành một biểu tượng của con người trong kỷ nguyên mới. KẾT LUẬN Honoré de Balzac là một tác giả thiên tài với một thực tế sáng tạo khổng lồ. Sự nghiệp sáng tác do ông thiết lập nên chứa đựng những giá trị nội dung và nghệ thuật vô cùng phong phú. Đi tìm hiểu thấu đáo những thành tựu nghệ thuật chứa đựng trong bộ “hài kịch của nhân gian” là một việc làm có ý nghĩa thực tiễn và lý luận sâu sắc, mang tầm cỡ to lớn, tuy nhiên là một công việc không hề đơn giản. Trong công trình khiêm tốn này, chúng tôi chỉ mạnh dạn đưa ra một cái nhìn tương đối cụ thể đối với một đối tượng không hẳn là mới trong sáng tác của Balzac, tuy nhiên vẫn có những đóng góp nhất định. Tấn trò đời là một cuốn “lịch sử phong tục” theo cách nói của chính Balzac nhưng cũng là thành quả của một quá trình lao động sáng tạo mãnh liệt, liên tục trong gần hai mươi năm của tác giả. Với bộ “siêu tiểu thuyết” này, Balzac thể hiện một tài năng phản ánh và sáng tạo vô cùng tuyệt vời trên rất nhiều cấp độ, phương diện từ chủ đề, kết cấu, ngôn từ v.v… đến thế giới nhân vật. Trong đó việc cho nhân vật trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm là một sáng tạo đặt biệt độc đáo, được nhà văn dụng công xây dựng trong suốt cả sự nghiệp viết văn của mình. Thủ pháp này đem lại cho Tấn trò đời những giá trị nổi bật, không trộn lẫn với bất kỳ một tác phẩm nào, một sự nghiệp sáng tác nào từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Nhân vật tái xuất hiện là một kiểu nhân vật văn học mà biểu hiện của nó là sự xuất hiện qua nhiều tác phẩm khác nhau của cùng một nhân vật. Sự xuất hiện liên hoàn như vậy có tác dụng vô cùng to lớn trong việc thiết lập một Tấn trò đời toàn vẹn mà các tác phẩm liên kết chặt chẽ với nhau như các hồi của một vở kịch trường thiên. Nó cũng giúp cho nhà văn có thể xoay trở nhân vật ở nhiều góc độ khác nhau mà cảm nhận, mà miêu tả. Nó tái hiện được cái dòng chảy vô cùng, vô tận của cuộc đời. Vì thế mà nhân vật sẽ gần với con người thực hơn, xã hội được miêu tả cũng vì thế mà gần gũi với đời sống thực hơn. Thủ pháp tái xuất hiện nhân vật không những có giá trị tự thân đối với Tấn trò đời, nó còn góp phần làm cho đời sống văn học bấy lâu nay vốn đã vô cùng sinh động lại càng sinh động hơn. Lần đầu tiên, Balzac trình làng một thủ pháp nghệ thuật độc đáo và ngay lập tức gây sự chú ý của hầu như mọi ai quan tâm đến nhà văn này, dù thành ý hay ác ý. Chính kiểu nhân vật này đã làm cho tác phẩm của Balzac trở nên có chiều sâu hơn trong việc tái hiện hiện thực, tức là nó củng cố hơn cho cái phương pháp sáng tác của tác giả: phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa. Mặt khác, sáng tạo độc đáo này cũng làm thay đổi những quan niệm lâu nay về một số vấn đề lí luận thuộc cái gọi là nhân vật văn học. Nếu như thế giới nhân vật của Balzac có những loại nào thì thế giới nhân vật tái xuất hiện cũng có bấy nhiêu loại như thế. Điều này giải thích vì sao mà chúng ta có thể hoàn toàn tiếp cận được mọi đặc điểm của nhân vật Balzac thông qua việc nghiên cứu kiểu nhân vật này. Những nhân vật thành công nhất, có ấn tượng nhất mà nhà văn để lại cũng chính là những nhân vật tái hiện. Kiểu nhân vật tái xuất hiện có vai trò đặc biệt quan trong trong Tấn trò đời, thể hiện quan niệm của nhả văn đối với thực tại, giúp nhà văn thể hiện những quan sát, suy ngẫm trước thực tế cuộc sống lúc bấy giờ nói riêng và trong mọi thời đại nói chung. Hiệu quả của loại nhân vật này là điều chắc chắn không cần bàn cãi nếu ta đặt vấn đề: giả sử không có các nhân vật này thì Tấn trò đời liệu có còn nguyên vẹn và đạt đến độ sâu sắc thế không? Thế giới nhân vật của đời sống văn học liệu có sinh động như hôm nay không? Người đọc, đặc biệt, cũng sẽ thấy giá trị vô cùng to lớn của nhân vật tái xuất hiện nếu như so sánh với kiểu nhân vật chỉ xuất hiện một lần. Balzac đã vượt qua bao trở ngại và được được ca tụng bấy lâu nay là nhờ tính khuynh hương trong trong sáng tác của ông, nó “biểu hiện không những ở những quan điểm và thái độ nhìn nhận đúng đắn các hiện tương được miêu tả, mà còn ở sự nhận thức được chiều sâu của các hiện tượng ấy, miêu tả được sự vận động và xu thế phát triển tất yếu của cuộc sống”[29, tr.237]. Những nhân vật tái xuất hiện đã hỗ trợ tích cực để Balzac có thể làm nên được điều này. Bước đầu nghiên cứu kiểu nhân vật tái xuất hiện trong tác phẩm của Honoré de Balzac, mà cụ thể là qua một số tác phẩm tiêu biểu trong bộ Tấn trò đời của ông, chúng tôi vẫn chưa có điều kiện nghiên cứu thật sâu nên chỉ mới dừng lại ở một số vấn đề như trên, có chỗ còn khá sơ lược, như ở phần nghiên cứu hiệu quả nghệ thuật của thủ pháp. Cũng do nhiều hạn chế cả khách quan và chủ quan như thời gian nghiên cứu có hạn, trình độ ngoại ngữ, khả năng cảm thụ, sự am hiểu về nền văn hoá – xã hội Pháp nửa đầu thế kỷ XIX v.v…nên những vấn đề mà công trình này đề cập chắc chắn có những sai sót, hy vọng chúng tôi có cơ hội củng cố trong thời giai tới, rất mong nhận được sự góp ý của những ai quan tâm. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lại Nguyên Ân (chủ biên): (1990), 150 thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 2. Baktin: (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. 3. Honoré de Balzac : (1999), Tấn trò đời, tập 1, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 4. Honoré de Balzac : (1999), Tấn trò đời, tập 2, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 5. Honoré de Balzac : (1999), Tấn trò đời, tập 3, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 6. Honoré de Balzac : (1999), Tấn trò đời, tập 4, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 7. Honoré de Balzac : (1999), Tấn trò đời, tập 5, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 8. Honoré de Balzac : (1999), Tấn trò đời, tập 6, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 9. Honoré de Balzac : (2000), Tấn trò đời, tập 7, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 10. Honoré de Balzac : (2000), Tấn trò đời, tập 8, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 11. Honoré de Balzac : (2000), Tấn trò đời, tập 9, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 12. Honoré de Balzac : (2000), Tấn trò đời, tập 10, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 13. Honoré de Balzac : (2000), Tấn trò đời, tập 11, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 14. Honoré de Balzac : (2001), Tấn trò đời, tập 12, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 15. Honoré de Balzac : (2001), Tấn trò đời, tập 13, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 16. Honoré de Balzac : (2001), Tấn trò đời, tập 14, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 17. Honoré de Balzac : (2001), Tấn trò đời, tập 15, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 18. Lê Nguyên Cẩn: (1999), Cốt truyện đa tuyến tính trong tiểu thuyết Balzac, Tạp chí văn học, số 6, Hà Nội. 19. Lê Nguyên Cẩn: (2002), Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac, Nhà xuất bản Đại học sư phạm, Hà Nội. 20. Xavier Darcos: (1997), Lịch sử văn học Pháp (Phan Quang Định dịch), Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội. 21.Đỗ Đức Dục: (1965), Vỡ mộng, một đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực của Balzac, Tạp chí văn học, số 3, Hà Nội. 22. Đỗ Đức Dục: (1966), Hônôrê đơ Bandắc, một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội. 23. Đỗ Đức Dục: (1966), Nhân đọc “Lời giới thiệu” tiểu thuyết “Lão Gôriô”, Tạp chí văn học, số 6, Hà Nội. 24. Đỗ Đức Dục: (1970), Về tiểu thuyết Hiện thực Phương Tây thế kỉ XIX, Tạp chí văn học, số 420, Hà Nội. 25. Đặng Anh Đào: (1979), Về nhân vật chính diện trong Tấn trò đời (Luận án phó tiến sĩ), Hà Nội. 26. Đặng Anh Đào: (2000), Banzăc và cuộc săn tìm nhân vật chính diện trong bộ Tấn trò đời, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 27. Đặng Anh Đào: (2002), Ô. đơ. Banzăc và một thế giới đang bước đi, hội nghiên cứu và giảng dạy văn học, Nhà xuất bản Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. 28. Hà Minh Đức (chủ biên): (2003), Lí luận văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 29. Trọng Đức: (1986), Hô-nô-rê đơ Ban-dắc (1799 – 1850), Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 30. Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi: (1998), Từ điển thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội. 31. Nguyễn Văn Hạnh: (1972), Ý kiến của Lê Nin về mối qun hệ văn học và đời sống, Tạp chí văn học, số 4, Hà Nội. 32. Đào Duy Hiệp: (1999), Cấu trúc bên trong – bi kịch môi trường và nhân vật trong Lão Goriot của Balzac , Tạp chí văn học nước ngoài, số 2, Hà Nội. 33. Đỗ Đức Hiểu: (1999), Balzac … đó … đây, Tạp chí văn học, số 6, Hà Nội. 34. M. B. Khrapchenko: (1978), Cá tính sang tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Nhà xuất bản tác phẩm mới, Hà Nội. 35. M. B. Khrapchenco: (1981), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực con người, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội. 36. M. B. Khrapchenco: (2002), Những vấn đề lí luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội. 37. Thái Thu Lan (1996), Eugénie – Nghịch lí đau khổ và thánh thiện, Tạp chí văn học, số 5, Hà Nội. 38.Thái Thu Lan: (2002), Những tác gia lớn của văn học Pháp thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 39. Thái Thu Lan: (2002), Nỗi đau thế kỷ và ý nghĩa nhân văn trong tác phẩm Victor Hugo, Tạp chí văn học, số 6, Hà Nội. 40. Phương Lựu (chủ biên): (1998), Lí luận văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 41. Các Mác – Phriđrich Ănghen: (1980), Tuyển tập, (tập 1, 2), Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội. 42. Mác – Ănghen – Lênin: (1997), Về văn học nghệ thuật, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội. 43. Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng: (1998), Lịch sử thế giới cận đại, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 44. Hoàng Nhân: (1998), Phác thảo văn học Pháp với văn học Việt Nam hiện đại, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau. 45. Nhiều tác giả: (1967), Việt Nam tân từ điển minh họa, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn. 46. Nhiều tác giả: (1973), Cơ sở lí luận văn học (tập 1), Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 47. Nhiều tác giả: (1998), Văn học phương Tây, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, (Chương 5, Đặng Anh Đào). 48. Nhiều tác giả: (1996), Văn học 11, (Sách giáo viên, Tài liệu giáo khoa thí điểm, Ban khoa học xã hội), Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. (Phần gợi ý giảng dạy đoạn trích Đám tang Lão Gôriô: Đặng Anh Đào) 49. X. M. Pêtơrốp: (1986), Chủ nghĩa hiện thực phê phán (Nguyễn Đức Nam dịch), Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 50. Lê Hồng Sâm (chủ biên) – Đặng Thị Hạnh: (1985), Văn học lãng mạn và hiện thực phương Tây thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 51. Lê Hồng Sâm: (1999), Balzac và bộ Tấn trò đời, Tạp chí văn học nước ngoài, số 2, Hà Nội. 52. Lê Hồng Sâm: (1999), Xung quanh “chủ nghĩa hiện thực” của Balza , Tạp chí văn học, số 6, Hà Nội. 53. Trần Đình Sử: (1998), Lý luận và phê bình văn học, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội. 54. Rose Tortassier: (1999), Tiểu thuyết Pháp thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 55. Lê Ngọc Trà: (1990), Lý luận và văn học, Nhà xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh. 56. Cao Vũ Trần: (1999), Balzac và truyện kể, Tạp chí văn học, số 6, Hà Nội. 57. Lưu Đức Trung (chủ biên): (2001), Tác gia, tác phẩm văn học nước ngoài trong nhả trường, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội (mục Balzac và Tấn trò đời: Lê Nguyên Cẩn). 58. Lưu Đức Trung (chủ biên): (2003), Tác giả văn học thế giới, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội (phần Balzac: Lê Nguyên Cẩn). 59.Lưu Đức Trung (chủ biên): (2004), Chân dung các nhà văn thế giới, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, (phần Hônôrê Đờ Bandăc: Lê Nguyên Cẩn). 60. Phùng Văn Tửu – Lê Hồng Sâm: (2005), Lịch sử văn học Pháp, thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX, (tập 2), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. 61. Stefan Zweig: (1998), Ba bậc thầy Doxtoiepxki, Balzac, Dickenx, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. PHỤ LỤC: MỘT SỐ H ÌNH ẢNH VỀ BALZAC Chân dung H. Balzac Mộ phần H. Balzac Bút tích những trang bản thảo o Goriot – tác phẩm đầu tiên sử Lã của Balzac dụng thủ pháp tái xuất hiện nhân vật Bìa một số công trình ngh ề tác phẩm của Balzac iên cứu v Khách sạn và quán càphê mang tên Balzac ở Paris ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA7264.pdf
Tài liệu liên quan