Hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam

mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Một trong những dấu ấn của thời kỳ đầu đổi mới ở Việt Nam là sự ra đời của Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp Tư nhân năm 1990. Các đạo luật này đã khẳng định một lần nữa chủ trương xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp để xây dựng một nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình thực thi đường lối đổi mới, các loại hình công ty tư nhân đã được hồi sinh, bởi xây dựng kinh tế thị t

doc193 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 3928 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
rường cần thừa nhận sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và đa thành phần kinh tế. Tới lượt mình, các công ty ra đời, chỉ trong một thời gian ngắn, đã góp phần đáng kể cho các thành tựu của công cuộc đổi mới. Tôn vinh doanh nghiệp mà trong đó có các công ty tư nhân đang là sự đòi hỏi của xã hội. ở mức phát triển cao hơn, Luật Doanh nghiệp được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/06/1999 đã phản ánh quan điểm hợp nhất Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp Tư nhân 1990, và hướng tới những cải cách tương đối toàn diện về doanh nghiệp đánh dấu thời kỳ mở đầu thực hiện chủ trương công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước cùng với việc hội nhập quốc tế. Có thể nói, sự ra đời và phát triển của các loại hình công ty tư nhân luôn luôn đi cùng với quá trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam. Ngoài ra chúng ta không thể quên kể đến sự phát triển khá độc lập của pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng mang trong mình nó các hình thức đầu tư mà thực chất là các công ty đã, đang và sẽ đóng góp không nhỏ cho việc phát triển kinh tế của đất nước. Nhưng khi nói tới công ty tư nhân, người ta thường quan niệm bản chất pháp lý của nó là mối quan hệ hợp đồng. Vậy nghiên cứu hợp đồng thành lập công ty bao giờ cũng là cần thiết không chỉ cho công tác lý luận, xây dựng pháp luật, mà còn cho hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp, cũng như trong công việc tổ chức kinh doanh. Hơn nữa, thực tiễn ở Việt Nam cho thấy pháp luật về công ty luôn được sửa đổi; trong vòng gần một thập kỷ đã sửa đổi hai lần. Và lần gần đây pháp luật về công ty đã hầu như được thay mới toàn bộ, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khiếm khuyết. ở khía cạnh khác, sự phát triển nhanh chóng về số lượng các công ty sẽ kéo theo nhiều tranh chấp trong và xung quanh công ty, trong khi văn hóa kinh doanh chưa được chú ý xây dựng một cách đầy đủ và hoạt động xét xử còn nhiều bỡ ngỡ. Những điều đó lại càng làm cho việc nghiên cứu hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam trở nên cần kíp hơn bao giờ hết. Hợp đồng thành lập công ty không phải là một khái niệm hoàn toàn mới ở Việt Nam. Nhưng trong hệ thống pháp luật hiện nay, có đạo luật đề cập đến khái niệm này với tính cách là một văn bản ghi nhận sự thỏa thuận của các nhà đầu tư tạo lập nên công ty như Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong khi có những đạo luật không đề cập tới nó như Bộ luật Dân sự - với tính cách là một đạo luật xây dựng nền tảng cho cả hệ thống luật tư, và Luật Doanh nghiệp - với tính cách là một đạo luật chủ yếu qui định việc thành lập và hoạt động của các loại hình công ty. Nói tóm lại, ở nước ta, khái niệm này tuy không mới, nhưng nhận thức về nó chưa thể đầy đủ. Với suy tư như vậy, đề tài "Hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam" cố gắng đáp ứng được phần nào các yêu cầu mà lý luận và thực tiễn đang đặt ra. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Loại hình công ty đầu tiên đã xuất hiện hàng nghìn năm trước công nguyên. Do đó có thể nói, công ty và pháp luật về công ty đã quá gần gũi với người dân trong đời sống thường nhật ở các nước trên thế giới. Bởi thế, hợp đồng thành lập công ty đã được các luật gia trên thế giới nghiên cứu và viết khá nhiều. Tuy nhiên, không phải vì thế mà đề tài này trở nên không còn phức tạp và khó khăn trong việc nghiên cứu ở Việt Nam, vì việc mới làm tái sinh các loại hình công ty tư nhân ở đây sau khi chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là nguyên nhân của sự phức tạp và khó khăn này. Trước kia trong các chế độ cũ ở Việt Nam, có nhiều công trình nghiên cứu về hợp đồng thành lập công ty bởi các Bộ luật Dân sự cũ đều có một chương nói về "khế ước lập hội". Nhưng có lẽ điển hình nhất là công trình của "Nhóm nghiên cứu và dự hoạch" bao gồm Lê Tài Triển - chủ biên - với sự hợp tác của Nguyễn Vạng Thọ và Nguyễn Tân được trình bày trong cuốn "Luật Thương mại Việt Nam dẫn giải" nhân dịp soạn thảo Bộ luật Thương mại 1972 của Việt Nam Cộng hòa. Đây là một công trình có qui mô lớn về toàn bộ các vấn đề của luật thương mại mà trong đó có nghiên cứu sâu về hợp đồng thành lập công ty. Nếu hiểu bản chất pháp lý của công ty là hợp đồng, và bản thân công ty là mối quan hệ hợp đồng, thì hiện nay đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến hợp đồng thành lập công ty ở nhiều khía cạnh khác nhau, chẳng hạn như: Xác lập, thực hiện và chấm dứt quyền sở hữu tài sản của công ty đối vốn ở nước ta, Luận án tiến sĩ luật học của Lê Thị Châu; Giáo trình luật kinh tế của Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội; Giáo trình luật kinh tế của Đại học Luật Hà Nội; Báo cáo nghiên cứu so sánh luật công ty ở bốn quốc gia Đông Nam á: Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippine của Dự án VIE UNDP/ 97/ 016 và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Ngoài ra, còn có những công trình nghiên cứu tổng quát về công ty như: Dự án VIE/94/003 về Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam nhằm kiến nghị việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật kinh tế tại Việt Nam do Bộ Tư pháp thực hiện; và công trình có đề cập tới pháp luật về công ty như: Xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh ở nước ta, Luận án tiến sĩ luật học của Bùi Ngọc Cường; Đánh giá nhu cầu phát triển khung pháp luật Việt Nam đến 2010 của Ban chỉ đạo liên ngành Đề án đánh giá nhu cầu phát triển toàn diện hệ thống pháp luật Việt Nam... Tuy nhiên, chưa có một đề tài nghiên cứu tổng quát và chuyên sâu về hợp đồng thành lập công ty trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam. 3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài Xuất phát từ sự nhu cầu thực tiễn và lý luận, dựa trên những chủ trương, đường lối, chính sách xây dựng kinh tế - xã hội Việt Nam để nhằm tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", luận án đặt mục đích nghiên cứu là xây dựng mô hình lý luận về chế định pháp luật hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam, đồng thời kiến nghị một số định hướng và giải pháp cơ bản cho việc xây dựng và hoàn thiện chế định pháp luật này. Bởi mục đích đó, luận án có các nhiệm vụ sau: - Nghiên cứu cơ sở lý luận của hợp đồng thành lập công ty nhằm làm rõ các yếu tố chủ yếu của chế định pháp luật về hợp đồng thành lập công ty, cũng như các yếu tố có tính nguyên tắc chi phối chúng; - Nghiên cứu các vấn đề pháp lý đặc thù của hợp đồng thành lập công ty; - Phân tích và đánh giá thực trạng những nội dung cơ bản của pháp luật hiện hành về hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam; - Kiến nghị một số định hướng và giải pháp chính nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam và các lĩnh vực liên quan. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Luật thực định của các nước thuộc Họ pháp luật La Mã - Đức và nhiều quan niệm ở các nước thuộc Họ pháp luật Anh - Mỹ thường gắn bản chất pháp lý của công ty với hợp đồng, nói cách khác, xem công ty là mối quan hệ hợp đồng. Do đó có thể nói, đề tài hợp đồng thành lập công ty là một đề tài liên quan tới nhiều vấn đề pháp lý ở các lĩnh vực khác nhau. Nhưng pháp luật dân sự, nhất là luật nghĩa vụ, và pháp luật thương mại là hai lĩnh vực có liên quan trực tiếp nhất tới hợp đồng thành lập công ty. Tuy nhiên, pháp luật thương mại nói tại đây được hiểu theo quan niệm chung của thế giới mà công ty luôn là một chế định thuộc nó. Vì là một lĩnh vực rộng, nên luận án chỉ tập trung vào nghiên cứu các đặc thù của pháp luật về hợp đồng thành lập công ty để làm rõ các vấn đề có tính nguyên tắc cần thiết nhất cho việc xây dựng và hoàn thiện chế định này ở tầm bao quát, mà không đi cụ thể vào hợp đồng thành lập công ty trong từng chuyên ngành hẹp. Luận án được thừa hưởng rất nhiều công trình nghiên cứu sẵn có về các lĩnh vực bao quát ở tầm cỡ lớn hơn tạo tiền đề cho luận án này, nên luận án này không đề cập lại những vấn đề đó, nhất là trong lĩnh vực pháp luật về nghĩa vụ và hợp đồng nói chung. Đồng thời, trong những lĩnh vực chuyên biệt hơn mà đòi hỏi một vài chi tiết khác biệt trong việc thành lập công ty, luận án này cũng đã rất may mắn được thừa hưởng những lập luận sâu sắc của những người soạn thảo nên những văn bản pháp luật tương ứng như: bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, hàng không, hàng hải... Do vậy, luận án cũng không nghiên cứu vào các lĩnh vực này. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Là một đề tài thuộc khoa học xã hội, luận án được đặt trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và lấy những quan điểm của Đảng về việc xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới làm kim chỉ nam cho mọi nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Luận án kế thừa những công trình lý luận của các học giả Việt Nam ngày nay về các lĩnh vực như: xây dựng nhà nước pháp quyền; cải cách thể chế chính trị; cải cách hành chính; cải cách tư pháp; cải cách pháp luật; dân chủ hóa đời sống xã hội; xã hội hóa nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội; xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Trên các nền tảng đó, luận án đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu chung của khoa học xã hội như: phương pháp duy vật biện chứng, phân tích lịch sử, phân tích, tổng hợp, mô hình hóa, điển hình hóa...; và các phương pháp nghiên cứu riêng của khoa học pháp lý như: phân tích qui phạm, phân tích hệ thống, so sánh pháp luật, công thức hóa qui tắc pháp lý... 6. ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án Với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể, trong một phạm vi nhất định, luận án có những điểm mới cơ bản sau: - Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách bao quát, có hệ thống lý luận pháp luật về hợp đồng thành lập công ty hiện nay ở Việt Nam. - Luận án đã phân tích và đánh giá một cách tương đối có hệ thống hiện trạng pháp luật về hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam. - Trong phần kiến nghị những định hướng và giải pháp cơ bản, luận án đã đưa ra được những định hướng và giải pháp cụ thể nhằm xây dựng chế định hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam hiện nay và cách thức xây dựng chế định này, những nội dung pháp lý chủ yếu của nó và việc pháp điển hóa chế nó trong Bộ luật Dân sự và các đạo luật về thương mại... - Luận án có những điểm đáng lưu ý nhất là xây dựng mô hình lý luận về hợp đồng thành lập công ty, phân tích sâu các khiếm khuyết của pháp luật hiện hành về vấn đề này và có kiến nghị các giải pháp cụ thể. Cụ thể, những điểm đáng lưu ý nhất là xây dựng nền tảng lý luận của pháp luật về hợp đồng thành lập công ty, phân tích và đánh giá lịch sử phát sinh và phát triển của loại hợp đồng này, xây dựng mô hình hệ thống pháp luật về hợp đồng thành lập công ty, lý luận về cách thức góp vốn, phân tích các nguyên nhân vô hiệu của công ty, và việc kiến nghị các giải pháp lập pháp tương ứng. 7. Kết cấu của luận án Luận án, xuất phát từ mục tiêu và thực trạng có nhiều khiếm khuyết của hệ thống pháp luật hiện nay ở Việt Nam, đã tiếp cận vấn đề bố cục theo ý tưởng: Nghiên cứu, tìm tòi nguồn khách quan của pháp luật về hợp đồng thành lập công ty, hay nói cách khác, nghiên cứu các quan hệ xã hội phát sinh ra nhu cầu điều chỉnh pháp luật và các qui luật tác động, chi phối chúng tạo thành nền tảng lý luận hay các tiêu chuẩn tất yếu của loại hợp đồng này để từ đó phân tích thực trạng của pháp luật Việt Nam hiện nay cần bổ sung hoặc sửa đổi, rồi định hướng và tìm kiếm giải pháp bổ sung, sửa đổi cụ thể. Vì vậy, luận án bao gồm ba chương sau: Chương 1: Lý luận cơ bản về hợp đồng thành lập công ty. Trong chương này, luận án tìm kiếm cơ sở lý luận tạo tiền đề cho việc nghiên cứu đặc điểm, nội dung, điều kiện có hiệu lực, sự vô hiệu của hợp đồng thành lập công ty, và các trường hợp sửa đổi và chấm dứt hợp đồng thành lập công ty. Chương 2: Thực trạng pháp luật Việt Nam về hợp đồng thành lập công ty. Tại đây, luận án phân tích các đặc điểm hiện thời của pháp luật về hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam, đồng thời tìm ra những khiếm khuyết và những nguyên nhân chính của những khiếm khuyết đó để có thể đưa ra các định hướng và kiến nghị cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về loại hợp đồng này. Chương 3: Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hợp đồng thành lập công ty. Trong chương này, luận án xác định cụ thể các định hướng và kiến nghị không chỉ trong lĩnh vực lập pháp, mà còn trong cả lĩnh vực tư pháp, cũng như nghiên cứu khoa học pháp lý. Chương 1 : lý luận cơ bản về hợp đồng thành lập công ty 1.1. khái luận về hợp đồng thành lập công ty 1.1.1. Khái niệm hợp đồng thành lập công ty Ngày nay, khó có ai có thể tượng tượng được rằng, trong hoạt động kinh tế nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung lại có thể thiếu bóng dáng của những công ty. Tuy là một trong những vấn đề lớn của xã hội hiện đại, nhưng công ty, hay nói đúng hơn, một loại hình lâu đời nhất của nó, đã được người ta tìm thấy dấu vết về sự tồn tại vào khoảng hàng nghìn năm trước Công nguyên qua Bộ luật Hammurabi [99, tr. 457]. Đó là loại hình công ty hợp danh. Điều đó minh chứng rằng sự tồn tại và phát triển của công ty là một tất yếu. Nhu cầu sống của con người buộc họ tham gia các hoạt động kinh tế. Từ đó dần dần có sự phân hóa thành một tầng lớp sống bằng nghề buôn bán, thương mại mà thường được gọi là thương gia. Nhưng những hoạt động kinh tế đó chứa đựng nhiều rủi ro, dẫn đến sự cần thiết liên kết, hợp tác với nhau. Từ những liên kết như vậy đã hình thành các công ty đối nhân (khi được thiết lập giữa các thương gia) hoặc hình thành các công ty đối vốn (khi được thiết lập giữa các nhà đầu tư mong muốn hạn chế rủi ro cho mình bằng chế độ trách nhiệm hữu hạn). Điều đó có nghĩa là các hội có mục đích kinh tế xuất hiện. Để tồn tại lâu dài, bền vững và tránh những hiểm họa cho xã hội, các thực thể như vậy (còn được gọi là công ty hay thương hội) cần có một cơ sở pháp lý là hợp đồng thành lập công ty hay khế ước lập hội với tính cách là một chế định pháp luật nhằm điều tiết những quyền lợi riêng của từng thành viên trong công ty, những quyền lợi chung giữa họ, những quyền lợi của thương hội do họ lập ra và các lợi ích liên quan của cộng đồng. Bởi thế, nghiên cứu hợp đồng thành lập công ty có một ý nghĩa quan trọng không chỉ nhằm phát triển khoa học pháp lý, xây dựng pháp luật, mà còn nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn của việc thành lập các công ty, thực tiễn giải quyết các tranh chấp trong và xung quanh công ty khi xã hội đang đòi hỏi sự "tôn vinh" chúng. Cho tới nay người ta chưa tìm được những sự kiện hay tài liệu lịch sử làm rõ con đường hình thành công ty hay sự liên kết giữa những nhà đầu tư nhằm mục đích kinh tế. Người ta chỉ có thể lý giải bằng sự phỏng đoán hay sự suy diễn con đường dẫn tới sự liên kết kinh tế theo kiểu công ty. Những người tham gia thương trường đầu tiên có lẽ là những cá nhân mong muốn tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Cũng như những chủ thể khác của luật dân sự, những cá nhân này phải chịu trách nhiệm vô hạn, hay nói cách khác, bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ, có nghĩa là họ phải chịu trách nhiệm đến cùng với những hành vi thương mại của mình. Đây là một tính chất điển hình của thương gia. Sau này người ta đã tìm kiếm các giải pháp khắc phục bằng các loại hình công ty có chế độ trách nhiệm hữu hạn. Khi các cá nhân kinh doanh, thường được gọi là thương nhân đơn lẻ hay doanh nghiệp cá thể (sole trader hay sole proprietorship), thì họ có những điểm lợi như: Được hưởng toàn bộ lợi nhuận; tự định hướng và mục tiêu kinh doanh; không chậm trễ trong việc ra quyết định; đáp ứng khách hàng nhanh chóng; quan hệ gần gũi với khách hàng; bảo đảm bí mật kinh doanh; có động cơ thúc đẩy làm việc chăm chỉ; giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, họ phải gánh chịu nhiều điểm bất lợi như: Phải làm việc vất vả; chịu trách nhiệm cá nhân và vô hạn đối với các khoản nợ; bị hạn chế về vốn; khó mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, và đổi mới công nghệ; giá thành sản phẩm cao, khó khăn trong việc cạnh tranh; khi chết, không có gì bảo đảm người thừa kế của họ thích duy trì hoặc có khả năng duy trì doanh nghiệp. Vì thế, nhiều thương nhân đơn lẻ mong muốn tìm kiếm bạn hữu (partner) để cùng nhau tiến hành các hoạt động kinh doanh dưới dạng công ty hợp danh hay hội hợp danh (partnership) [97, tr. 43] - hình thức công ty ra đời đầu tiên trên thế giới. Rồi từ hình thức công ty này, nhiều hình thức công ty khác ra đời để đáp ứng nhu cầu liên kết với nhau của những nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm lợi nhuận thông qua các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, các hình thức công ty ra đời trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử phản ánh phần nào sự phát triển và các đòi hỏi của kinh tế - xã hội ở giai đoạn đó. Ngày nay, khi nghiên cứu về sự xuất hiện các công ty, người ta cho rằng, sự liên kết tạo nên chúng bao gồm ba bước: Thứ nhất, phát hiện ra cơ hội kinh doanh; thứ hai, điều tra nhằm xác định tính khả thi của hoạt động kinh doanh dự kiến; và thứ ba, hội họp cùng nhau góp sức người, sức của để tổ chức hoạt động kinh doanh [95, tr. 237]. Những quan hệ này thường được thể hiện dưới dạng hợp đồng [101, tr. 4]. H. G. Henn và J. R. Alexander (các luật gia Hoa Kỳ) phân tích có bốn dạng hợp đồng như vậy được gọi là các thỏa thuận tiền công ty (preincorporation agreements): Thứ nhất, thỏa thuận giữa các sáng lập viên nhằm tạo thành công ty (agreements between promoters for the formation of the corporation); thứ hai, các thỏa thuận cổ đông (shareholder agreement); thứ ba, thỏa thuận lập hội (agreement of association); thứ tư, thỏa thuận giữa các sáng lập viên và người thứ ba (agreement between promoters and third persons) [95, tr. 246]. Vấn đề cần phải nhấn mạnh ở đây là những thương nhân hoặc những nhà đầu tư, khi liên kết lại với nhau trong một hình thức công ty nhất định, đã cùng nhau thỏa thuận với mục đích xác lập quyền lợi của mỗi bên trong sự liên kết đó, đồng thời xác định mục tiêu, thời hạn và các nguyên tắc hoạt động cho công ty của họ mà được gọi là hợp đồng thành lập công ty hay khế ước lập hội. Bởi vậy, Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan định nghĩa: "Hợp đồng thành lập một hợp danh hay một công ty là hợp đồng theo đó hai hay nhiều người thỏa thuận cùng nhau liên kết trong trong một cam kết chung với mục tiêu chia sẻ các lợi ích thu được từ đó" (Điều 1012). Các nước thuộc Họ pháp luật La Mã - Đức thường xem bản chất pháp lý của công ty là hợp đồng với một vài ngoại lệ như công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Quan niệm này thường được thể hiện trong các công trình pháp điển hóa sẽ được nêu ra dưới đây. Trong khi đó các nước thuộc Họ pháp luật Anh - Mỹ, đặc biệt là Hoa Kỳ, phát triển nhiều học thuyết khác nhau về công ty (corporation). Trong các học thuyết đó có học thuyết xem công ty là hợp đồng bên cạnh rất nhiều học thuyết khác. Tuy nhiên họ luôn luôn coi hợp danh (partnership) là hợp đồng. Qua đây có thể nói, hợp đồng thành lập công ty là một chế định tương đối thống nhất trong các hệ thống pháp luật trên thế giới, và giữ một vị trí quan trọng trong pháp luật về công ty ở các nước. Học thuyết hợp đồng về công ty ở Hoa Kỳ được phát triển để giải quyết các mối quan hệ giữa các thành viên của công ty với nhau; mối quan hệ giữa các thành viên của công ty với bản thân công ty; và mối quan hệ giữa công ty với nhà nước [95, tr. 146]. Việc xem bản chất pháp lý của công ty là quan hệ hợp đồng bởi lý lẽ sau: Trong công ty các thành viên có những nghĩa vụ xác định. Và bản thân công ty cũng có những nghĩa vụ xác định. Theo lý thuyết chung về luật tư, thì nghĩa vụ có hai nguồn gốc phát sinh căn bản là hành vi pháp lý hay giao dịch (transaction), và sự kiện (event). Bộ luật Dân sự 1995 và Luật Thương mại 1997 của Việt Nam cũng thể hiện rất rõ hai nguồn gốc phát sinh nghĩa vụ căn bản này. Khác với sự kiện, giao dịch là việc tạo lập ra một hậu quả pháp lý (quyền và nghĩa vụ) bởi ý chí của đương sự. Giao dịch được phân chia thành hai loại là hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương. Nghĩa vụ của các thành viên công ty, và nghĩa vụ của công ty trong mối quan hệ đối với các thành viên của mình trước hết được tạo nên bởi ý chí chung của các thành viên. Công ty chỉ tồn tại được khi các nghĩa vụ như vậy được xác định. Vì vậy, người ta cho rằng, công ty có bản chất pháp lý là hợp đồng. Tuy nhiên, ngày nay công ty, nhất là các công ty cổ phần niêm yết, chịu sự can thiệp rất sâu của pháp luật. Nhưng sự can thiệp đó cũng chỉ là sự can thiệp vào quan hệ hợp đồng, chứ pháp luật không thể buộc bất kỳ ai vào một nghĩa vụ cụ thể trong một công ty cụ thể ngoài ý chí của người đó. Khảo cứu Bộ luật Dân sự 1995 và Luật Doanh nghiệp 1999 của Việt Nam, chưa thấy một điều khoản nào nói về hợp đồng thành lập công ty với tính cách là nơi ghi nhận sự thỏa thuận giữa những nhà đầu tư nhằm tạo ra một thực thể kinh doanh. Pháp luật của các nước theo truyền thống Common Law như: Anh, úc... hay pha trộn với Common Law như: Singapore, Malaysia... có khái niệm về thỏa thuận lập hội (the memorandum of association) mà được xem là một loại hợp đồng thành lập công ty. Nó là một phần quan trọng của hồ sơ trình lên nhà chức trách ở những nước này để đăng ký thành lập công ty [100, tr. 107-110], [95, tr. 246-264], [85, tr. 34-39]. ở Việt Nam có một thuật ngữ thông dụng khác được sử dụng là "khế ước lập hội" xuất hiện trong các Bộ luật Dân sự của các chế độ cũ. Tuy nhiên, hợp đồng thành lập công ty, trong một số Bộ luật Dân sự ở một số nước, được chia thành hợp đồng hợp danh và hợp đồng thành lập các thương hội không phải là hợp danh. Một số văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam có đề cập tới hợp đồng thành lập công ty dưới tên gọi là "hợp đồng liên doanh" như: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật này. Việc đề cập tới hợp đồng này là một bước đi đúng hướng, xác đáng về mặt khoa học. Song, Việt Nam hiện nay chưa có một cơ sở lý luận vững chắc về các vấn đề này, dù sao cũng là một khó khăn lớn cho việc thiết lập những qui định như vậy. Những khảo cứu ở trên cho thấy thuật ngữ "hợp đồng thành lập công ty" có thể hiểu theo ba nghĩa dễ gây ra sự nhầm lẫn. Nghĩa thứ nhất chỉ một văn bản thỏa thuận giữa các thành viên tạo lập một công ty cụ thể của họ trong sự phân biệt với các văn bản khác của công ty. Nghĩa thứ hai chỉ sự thỏa thuận giữa các thành viên nhằm tạo lập ra một công ty. Nghĩa thứ ba chỉ một chế định pháp luật thuộc luật nghĩa vụ nhằm điều chỉnh các quan hệ giữa các thành viên công ty với nhau, giữa công ty với mỗi thành viên, và giữa công ty với người thứ ba có liên quan. Nếu hiểu hợp đồng thành lập công ty theo nghĩa thứ nhất, thì cần phải phân biệt giữa hợp đồng thành lập công ty với điều lệ công ty và các loại hồ sơ văn bản khác thuộc công ty. Điểm cốt yếu của sự phân biệt này có thể được diễn giải như sau: Hợp đồng thành lập công ty và điều lệ của công ty tạo thành hiến pháp của công ty mà trong đó hợp đồng thành lập công ty thiết lập nên những điều kiện chủ yếu để đảm bảo cho sự tồn tại của công ty và quy định những cơ sở thiết yếu cho các hoạt động của công ty; còn điều lệ công ty thường điều tiết những công việc quản trị thường nhật của công ty [86, tr. 37]. Nếu hiểu hợp đồng thành lập công ty theo nghĩa thứ hai, thì cần nhìn nhận bản chất pháp lý của công ty, suy cho cùng, là một quan hệ hợp đồng, và sự thỏa thuận tạo lập nên công ty được thể hiện dưới nhiều hình thức chứng cứ khác nhau (hay nhiều văn bản khác nhau của công ty) mà trong đó văn bản hợp đồng thành lập công ty chỉ là một hình thức chứng cứ ghi nhận sự thỏa thuận của các thành viên về những nguyên tắc căn bản nhất chi phối đời sống pháp lý của công ty và được cụ thể hóa bằng điều lệ công ty, cũng như các văn bản khác của công ty. Truyền thống Common Law và truyền thống Civil Law có nhận thức giống nhau về vấn đề này, trừ Hoa Kỳ có đôi chút khác biệt. Trong vụ kiện Rayfield v. Hands (1958), vụ Borland’s Trustee v. Steel Bros & Co Ltd (1900) và vụ Re Carrati Holding Co Pty Ltd (1978), tòa án Anh quốc đã xem thỏa thuận thành lập công ty (memorandum of association) và điều lệ công ty (articles of association) về bản chất tạo thành một hợp đồng giữa các thành viên của công ty [85, tr. 32-33]. Giới thiệu về đạo luật công ty của úc, Christopher Bevan khẳng định: Thỏa thuận thành lập công ty và điều lệ công ty tạo thành một hợp đồng giữa công ty và mỗi thành viên, và giữa mỗi thành viên với mỗi thành viên khác, và giữa mỗi thành viên với mỗi nhân viên hữu trách (là giám đốc, thư ký và nhân viên điều hành), phụ thuộc vào các qui định tại Điều 180(1) của đạo luật. Bởi vậy, nếu thỏa thuận và điều lệ bị thay đổi bằng một nghị quyết đặc biệt, thì mỗi thành viên bị ràng buộc bởi các qui định của thỏa thuận và điều lệ đã sửa đổi đó [85, tr. 32]. Theo pháp luật Hoa Kỳ, thỏa thuận tiền công ty (preincorporation agreement) là một hợp đồng giữa các cổ đông dự kiến (proposed shareholders) nhằm tạo lập một hoạt động kinh doanh dưới hình thức một công ty cụ thể. Nó có thể là một biên bản tóm tắt những điểm chính của sự thỏa thuận miệng hay một văn bản chính thức hoàn chỉnh mô tả chi tiết sự thỏa thuận về mọi vấn đề giữa các cổ đông, thuê mướn nhân viên, vốn hoặc bất kỳ vấn đề nào khác mà là đối tượng của thỏa thuận sơ bộ. Các văn bản như điều lệ dự kiến của công ty (proposed articles of incorporation), văn bản nội bộ (bylaw) hoặc thậm chí các biên bản cuộc họp có thể được gắn kèm làm bằng chứng cho sự thỏa thuận thành lập công ty. Sau khi công ty được thành lập xong, nếu muốn thỏa thuận tiền công ty tiếp tục có hiệu lực phải thông qua một thủ tục tuyên bố đặc biệt [94, tr. 79-80]. Mặc dù vậy, Robert W. Emerson và John W. Hardwicke nói rằng: "Theo common law, điều lệ công ty được xem là hợp đồng giữa nhà nước với công ty trên một phương diện nào đó, và giữa công ty với cổ đông trên một phương diện khác. Sự thay đổi hợp đồng này cần có sự nhất trí của các cổ đông" [93, tr. 320]. Ngoài ra văn bản nội bộ của công ty (bylaw) thường được xem là hợp đồng giữa công ty với các thành viên của nó, và giữa các thành viên của công ty với nhau [94, tr. 48]. Tuy nhiên, các vấn đề đặc biệt về hợp đồng tiền công ty trong pháp luật Hoa Kỳ chỉ áp dụng cho các công ty (corporation) chứ không áp dụng cho hợp danh (partnership), nên không thể trở thành cách tiếp cận chung cho các loại hình công ty theo quan niệm của Việt Nam và của các nước khác trên thế giới. Các nước theo truyền thống Civil Law thường xem công ty là một quan hệ hợp đồng. Quan niệm này thường được thể hiện trong các Bộ luật như: Bộ luật Dân sự Pháp (Điều 1832); Bộ luật Dân sự Đức (Điều 25 và Điều 705); Bộ luật Dân sự ý (Điều 2247); Bộ luật Thương mại Czech (Điều 57)... Cũng với những quan niệm đó, các Bộ luật Dân sự của các chế độ cũ ở Việt Nam đều có một chương dành riêng cho khế ước lập hội xác định rõ bản chất pháp lý của công ty hay thương hội là một loại quan hệ hợp đồng. Pháp luật về công ty hiện hành của Việt Nam cũng quan niệm rằng: "Điều lệ công ty là bản cam kết của tất cả các thành viên về việc thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của công ty" (Điều 10, khoản 1 của Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 3/2/2000 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp). Nhìn chung, việc chấp nhận học thuyết coi bản chất pháp lý của công ty là một loại quan hệ hợp đồng có hai khuynh hướng, tuy không tỏ ra rõ rệt. Khuynh hướng thứ nhất xác định rõ công ty là một hợp đồng giữa những nhà đầu tư. Khuynh hướng thứ hai xem hợp đồng là phương tiện thể hiện sự liên kết giữa hai hoặc nhiều người nhằm mục tiêu lợi nhuận. Theo khuynh hướng thứ nhất, luật thực định của nhiều nước có các quy định rõ ràng như đã dẫn chiếu ở trên. Theo khuynh hướng thứ hai, một số học giả quan niệm "công ty được hiểu là sự liên kết của hai hay nhiều cá nhân bằng một sự kiện pháp lý nhằm tiến hành các hoạt động để đạt được một mục tiêu chung nào đó" [34, tr. 29]. Giải thích cho thuật ngữ "sự kiện pháp lý" của quan niệm này, có nhiều quan điểm cho rằng, nó bao gồm "điều lệ, hợp đồng hoặc qui chế" [30, tr. 149]. Tuy nhiên, có thể hiểu bản điều lệ, bản qui chế hoặc bản văn hợp đồng là một hình thức biểu hiện của một quan hệ pháp lý nào đó, mà ở đây được hiểu là một quan hệ đầu tư vốn nhằm tìm kiếm lợi nhuận và chia sẻ rủi ro giữa những nhà đầu tư có ý chí liên kết với nhau dưới một hình thức nhất định. Mặc dù có nhiều tác dụng tích cực, nhưng tới lượt mình, việc coi công ty có bản chất hợp đồng đã tỏ ra bất lực trong việc giải thích bản chất của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Vì vậy có quan niệm cho rằng, theo định nghĩa chung về công ty, thì công ty một người không phải là một công ty thực sự [34, tr. 38], bởi không ai lại đi lập hội với chính bản thân mình và ký hợp đồng với chính bản thân mình trong trường hợp đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận cho bản thân. Dạng công ty này xuất hiện trong nền kinh tế thị trường và có tác dụng quan trọng trong đời sống kinh doanh. Do đó, được các nhà làm luật thừa nhận rộng rãi ở Châu Âu. Nhiều lý thuyết gia, trong nhiều trường hợp cho rằng, hình thức công ty này là một ngoại lệ [107, tr. 5]. Trong một số trường hợp khác, xác định nó chính là doanh nghiệp tư nhân, nhưng có trách nhiệm hữu hạn [34, tr. 38]. Tuy nhiên, hợp đồng thành lập công ty bị giới hạn trong quan hệ nội bộ của công ty. Tòa án Anh quốc trong một phán quyết về vụ Hickman v. Kent or Romney Marsh Sheep-Breeders’ Association (1915) đã khẳng định, không một điều khoản nào của thỏa thuận thành lập công ty hay điều lệ có thể tạo ra hợp đồng giữa công ty với người thứ ba [85, tr. 31]. án lệ này cũng được áp dụng tại Tòa án tối cao và Tòa án Liên bang tại Singapore để giải quyết vụ Raffles Hotel v. Malayan Banking Berhad [86, tr. 42]. Khi công ty xuất hiện trong cộng đồng như một thực thể độc lập hay một chủ thể của pháp luật, thì quan hệ của nó với người thứ ba bị điều chỉnh bởi nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như luật dân sự, luật thương mại, luật lao động, luật hành chính, luật hình sự (nếu xem công ty là chủ thể của tội phạm)... Nhưng nhiều yếu tố của hợp đồng thành lập công ty buộc phải công khai. Pháp luật Việt Nam buộc công ty phải công khai nhiều điểm của hợp đồng thành lập công ty trong bố cáo thành lập doanh nghiệp hay công bố nội dung đăng ký kinh doanh (Điều 21, Luật Doanh nghiệp 1999). Tuy nhiên, các yếu tố của hợp đồng thành lập công ty chi phối đời sống pháp lý của._. công ty và phần nào đó liên quan tới mối quan hệ với người thứ ba, chẳng hạn như: Hình thức công ty; chế độ trách nhiệm (hữu hạn hoặc vô hạn); tên gọi của công ty; trụ sở của công ty; mục đích kinh doanh của công ty... Vì vậy, pháp luật về công ty của úc có khái niệm về thông báo thành lập (constructive notice) nhằm xác định rằng, thành viên công ty, cũng như người thứ ba quan hệ với công ty được coi như đã hiểu biết các điều kiện của hợp đồng thành lập công ty ghi nhận thỏa thuận thành lập công ty và điều lệ công ty. Các điều kiện này đã được đăng ký tại ủy ban Chứng khoán của úc [85, tr. 31]. Tóm lại, nếu hiểu hợp đồng thành lập công ty theo nghĩa thứ hai, thì nó là sự thỏa thuận của các thành viên công ty tạo lập ra một thực thể kinh doanh và chi phối đời sống pháp lý của nó vì mục tiêu lợi nhuận mà theo đó các thành viên của công ty cùng nhau góp vốn nhằm hoạt động chung, cùng nhau chia sẻ lợi nhuận và cùng chịu lỗ. Nếu hiểu hợp đồng thành lập công ty theo nghĩa thứ ba, thì hợp đồng thành lập công ty hay sự thỏa thuận giữa các thành viên nhằm tạo lập ra công ty là trung tâm của pháp luật về công ty, có nghĩa là pháp luật về công ty được xây dựng xung quanh mối quan hệ hợp đồng thành lập công ty. Tuy nhiên, có thể có quan niệm băn khoăn rằng, "quản trị công ty" (corporate governance) đang là đối tượng quan trọng của pháp luật về công ty, nên pháp luật về công ty có thể có phạm vi rộng hơn so với quan niệm cổ điển coi pháp luật về công ty là một chế định của luật nghĩa vụ, bởi quản trị công ty có nghĩa rộng hơn "quản lý nội bộ công ty". Quản trị công ty trước hết không phải là một khái niệm được hiểu giống nhau. Có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm này. Mayer quan niệm: "Quản trị công ty có liên quan tới cách thức mang lại quyền lợi của những người đầu tư và những người quản lý tới giới hạn và bảo đảm rằng công ty được vận hành cho lợi ích của những người đầu tư". Deakin và Hughes định nghĩa: "Quản trị công ty có liên quan tới mối quan hệ giữa cơ chế quản lý nội bộ của công ty với quan niệm của xã hội về phạm vi trách nhiệm của công ty". Keasey và Wright cho rằng: "Quản trị công ty bao gồm cấu trúc, qui trình, văn hóa và hệ thống đem lại việc khai thác thành công tổ chức" [90, tr. 2]. Các định nghĩa này cho thấy, quản trị công ty nhằm mục đích trước hết bảo đảm cho việc khai thác có hiệu quả công ty phục vụ cho quyền lợi của người đầu tư bằng các qui trình mà trong đó mối liên hệ bên trong của công ty giữ vai trò rất quan trọng. TS. Phạm Duy Nghĩa nhận xét: "Quản trị công ty trước hết bao gồm các thiết chế điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ sở hữu với nhau và giữa họ với bộ máy điều hành trong những doanh nghiệp qui mô lớn mà sở hữu và điều hành đã bắt đầu tách rời" [64, tr. 364]. Qua các nghiên cứu này, có thể kết luận, theo cách hiểu thứ ba, pháp luật về công ty vẫn phải xem hợp đồng thành lập công ty là trung tâm điểm, bởi: quản trị công ty vẫn xoay quanh quyền lợi của những người đầu tư; quản lý nội bộ công ty vẫn là thành tố quan trọng của quản trị công ty; mối liên hệ bên ngoài của công ty có sự khác biệt giữa các công ty và bị chi phối bởi nhiều loại qui tắc pháp lý khác nhau; và hơn nữa công ty hợp danh vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào hợp đồng giữa các thành viên. Tóm lại, hợp đồng thành lập công ty là một khái niệm có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Luận án này cố gắng tiếp cận nó từ nghĩa thứ ba nói trên, tuy nhiên chỉ đề cập tới pháp luật điều tiết sự thỏa thuận thành lập công ty và các hậu quả của nó để làm cầu nối giữa luật nghĩa vụ và pháp luật công ty. 1.1.2. Nền tảng lý luận của hợp đồng thành lập công ty Việc thành lập và hoạt động của công ty suy cho cùng có liên quan tới những vấn đề trọng yếu của việc giao kết, thực hiện, cũng như chấm dứt hợp đồng thành lập công ty. Điều đó có nghĩa là pháp luật công ty có chung một nền tảng lý luận với pháp luật về nghĩa vụ và hợp đồng. Hơn nữa, do hợp đồng thành lập công ty tạo ra một thực thể pháp lý hay thực thể kinh doanh, nên nó có liên quan tới nền tảng lý luận của lập hội và cũng được xem xét trên nền tảng lý luận của tự do kinh doanh. 1.1.2.1. Tự do ý chí Trong suốt thế kỷ 19 các luật gia đã phát triển học thuyết tự do ý chí. Hợp đồng được giải thích trong các điều kiện của tự do ý chí. Tài sản được định nghĩa trong phạm vi các quyền của chủ sở hữu được làm những gì theo sự lựa chọn của chính mình. Tuy nhiên không phải chỉ khi học thuyết tự do ý chí ra đời, chế định hợp đồng mới xuất hiện. Nhưng học thuyết này đã mang đến cho chế định này một ý nghĩa mới. Trước khi có học thuyết tự do ý chí ra đời, về thực tiễn, pháp luật đã thừa nhận các quyền xác lập hợp đồng và định đoạt tài sản thông qua việc biểu lộ ý chí; và, về lý thuyết, các luật gia cũng đã phát triển nhiều học thuyết về tài sản và hợp đồng mà trong đó cũng có sử dụng khái niệm ý chí. Người ta nhận định rằng, thế kỷ 19 là thời kỳ chuyển đổi từ một nền kinh tế tiền tư bản sang nền kinh tế tư bản mà sự trao đổi tự do hàng hóa sức lao động và các nguồn lực vật chất khác trở nên cần thiết. Đó là điều kiện quan trọng để học thuyết tự do ý chí ra đời. Học thuyết này có xuất phát điểm từ các nhà tư tưởng như Adam Smith, Jeremy Bentham, Immanuel Kant. Các học giả thường xem xét tự do ý chí trên ba phương diện: triết học, đạo đức, và kinh tế. Về phương diện triết học, học thuyết tự do ý chí dựa trên nền tảng của tự do cá nhân, có nghĩa là không ai có thể bị ép buộc làm hay không làm một việc gì đó ngoài ý muốn của họ. Về phương diện đạo đức, học thuyết tự do ý chí dựa trên quan niệm không ai có thể bị ép buộc làm hay không làm một công việc mà không xuất phát từ lợi ích của họ. Do vậy, hợp đồng được xem là sản phẩm của ý chí được hình thành từ lợi ích của các bên tham gia giao kết. Về phương diện kinh tế, học thuyết tự do ý chí dựa trên nhận định rằng, lợi ích cá nhân là động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Do đó, tự do ý chí phải được đề cao để con người vì lợi ích của mình trong xã hội tự do cạnh tranh mang lại những lợi ích chung [111, tr. 7-9]. Ngày nay người ta cho rằng, học thuyết tự do ý chí có nhược điểm là không thể giải quyết được một cách thỏa đáng những mối quan hệ phức tạp trong xã hội mà ở đó con người sống phụ thuộc lẫn nhau, vị thế kinh tế, xã hội của họ khác nhau và nền kinh tế tự do hoàn toàn khó có thể được duy trì. Chính vì vậy pháp luật phải đưa ra khá nhiều qui định có tính chất bắt buộc, dù chúng điều tiết các quan hệ tư. Điều đó có nghĩa là tự do ý chí bị hạn chế. Chẳng hạn, nhiều loại hợp đồng do nhà làm luật can thiệp khá sâu như: hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng lao động, hợp đồng thành lập công ty... Tỉ lệ những nghĩa vụ phát sinh từ nguồn gốc hợp đồng giảm xuống đáng kể so với sự tăng lên của những nghĩa vụ luật định. Chủ nghĩa ưng thuận được xây dựng trên nền tảng của tự do ý chí cho rằng, chỉ cần có sự thống nhất về ý chí là đủ để làm phát sinh nghĩa vụ, không kể tới hình thức của nó, đã phải nhường bước phần nào cho chủ nghĩa trọng thức. Hình thức văn bản của hợp đồng ngày nay được chú trọng. Sự vô hiệu của hợp đồng cũng được các nhà lập pháp nhìn nhận từ giác độ trật tự công cộng, có nghĩa là hợp đồng sẽ vô hiệu, nếu chống lại trật tự công cộng. Các qui định như vậy nhằm bảo đảm đời sống chung của cộng đồng, nhưng đôi khi được giải thích theo hai hướng khác nhau. Một khuynh hướng cho rằng sự duy trì các qui định như vậy nhằm hạn chế bớt một phần của tự do cá nhân vì một lợi ích lớn hơn là sự tồn tại và phát triển của xã hội. Đại diện lớn cho khuynh hướng này là J. J. Rousseau với học thuyết khế ước xã hội. Một khuynh hướng khác lại lập luận rằng, khái niệm trật tự công cộng được hình thành từ thế kỷ 19 nhằm bảo đảm tự do cá nhân và sở hữu cá nhân trong trường hợp cần thiết [111, tr. 6]. Những nghiên cứu ở trên cho thấy, cần phải tìm tới bản chất của tự do ý chí hay ý nghĩa của học thuyết tự do ý chí. Có lẽ công cuộc khảo cứu này nên xuất phát từ các cuộc tranh luận của các luật gia ở thế kỷ 19. Khi nói về công lý, các luật gia ở thời kỳ này thường tập trung vào vai trò của nhà nước đối với hợp đồng và tài sản tư. Tại đó xuất hiện hai trường phái trái ngược nhau: (1) Nhà nước không được can thiệp vào các quan hệ tư trong lĩnh vực này; (2) Nhà nước nên can thiệp vào các quan hệ này để cắt xén các lợi ích của một số người mà do một số người khác tạo ra. Như vậy, tự do ý chí có một giá trị nổi bật là hạn chế sự can thiệp của chính quyền vào tự do của công dân, nhất là quan hệ hợp đồng và việc định đoạt tài sản, bên cạnh những giá trị quan trọng khác. Tự do ý chí là một lĩnh vực thuộc tư tưởng luật tự nhiên, nên nó cũng mang bản chất của luật tự nhiên là giới hạn quyền lực của nhà nước thông qua sự ràng buộc nhà nước vào pháp luật. Trước tiên, cần được làm rõ vấn đề tự do khế ước.Vấn đề này ngày nay chiếm vị trí quan trọng trong tự do kinh tế mà ý tưởng này nhằm mục tiêu mở rộng tối đa các quyền tự do đối với tài sản và các lợi ích của tư nhân và thu hẹp tối đa sự can thiệp của chính quyền vào khu vực tư nhân [102, tr. 3]. Theo Common Law, tự do khế ước là quyền tự do tối đa của các chủ sở hữu trong việc quản lý và định đoạt những gì của họ [103, tr. 123]. Cá nhân chỉ bị ràng buộc bởi ý chí của mình. Bởi vậy, ý chí được coi là căn bản của nghĩa vụ. Khi các cá nhân được tự do đàm phán, không vướng một trở ngại nào theo quan điểm này, thì sự quyết định của họ hợp với lẽ công bằng. Hạt nhân căn bản nhất của tự do ý chí là cá nhân chỉ bị ràng buộc bởi ý chí của chính mình. Tuy nhiên, pháp luật cũng có thể đặt ra nghĩa vụ buộc cá nhân phải thi hành. Vì vậy học thuyết tự do ý chí có thể được giải thích theo hướng ý chí được biểu lộ ra bằng hai con đường: Thứ nhất, biểu lộ trực tiếp qua hành vi ký kết hợp đồng; thứ hai, biểu lộ gián tiếp trong trường hợp một nghĩa vụ được đặt ra bởi pháp luật, vì pháp luật thể hiện ý chí chung của cộng đồng, nên với tính cách là một thành viên của cộng đồng cá nhân buộc phải tuân thủ [48, tr. 83-91]. Lập luận này cho thấy tự do ý chí phải nhường bước cho trật tự chung của cộng đồng. Qua đây có thể thấy, việc nhận thức đúng mức độ can thiệp của nhà nước vào hợp đồng thành lập công ty có ý nghĩa quan trọng cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam hiện nay. 1.1.2.2. Tự do lập hội Con người sống trong xã hội luôn luôn đòi hỏi một phương tiện có ý nghĩa triết học là tự do lập hội làm nền tảng cho các hoạt động từ thiện, thương mại, giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, tôn giáo v.v... Tự do khế ước, như đã nghiên cứu, còn bảo đảm cho tự do lập hội. Thực vậy, xã hội học đã chứng tỏ, trong lịch sử các lực lượng đoàn thể đã xuất hiện trước lực lượng cá nhân [47, tr. 428]. Cuộc sống đòi hỏi con người phải tiến hành các hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của mình. Nói cách khác, con người không thể sống nếu không hoạt động. Những hoạt động như vậy không thể không cần đến sự liên kết với những người khác, phần để chống lại những trở lực của tự nhiên, phần để chống lại những trở lực từ chính con người như chiến tranh, cướp bóc... ở thời kỳ phôi thai, sự liên kết đó có tính cách tự nhiên. Xã hội loài người càng văn minh, sự liên kết càng được dựa trên tinh thần tự nguyện, nhưng không thể không nói, là một tất yếu. Trong học thuyết của mình, Jean Jacques Rousseau rất nhấn mạnh tới tự do của con người, nhưng ông cũng khẳng định rằng: Có một lúc nào đó các trở lực gây hại cho sự sinh tồn của con người có thể lấn át sự kháng cự của từng cá nhân, lúc đó tình trạng nguyên thủy sẽ không còn nữa, loài người sẽ bị tiêu diệt nếu họ không thay đổi cách sống. Nhưng con người không thể tạo ra lực mới, mà chỉ có thể kết hợp và điều khiển những lực sẵn có; cho nên phương pháp duy nhất để con người tự bảo vệ là họ phải kết hợp lại với nhau thành một lực chung, được điều khiển bằng một động cơ chung, khiến cho mọi người đều hành động một cách hài hòa [69, tr. 41]. Nhận định này đã minh chứng cho tính tất yếu của sự liên kết, dù là sự liên kết tạo thành một xã hội hay một cộng đồng chính trị. Những quan điểm, những sở thích, những mục đích lớn về kinh tế vượt quá khả năng theo đuổi của một cá nhân... đã khiến con người một lần nữa trong xã hội cần tới sự liên kết tạo thành những nhóm nhỏ hơn mà được xem là các tổ chức hay các hội. Bởi thế, ngày nay người ta xem tự do lập hội là một quyền con người. Điều 22 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã gia nhập ngày 24/9/1982 tuyên bố: "Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác". Hợp đồng thành lập công ty nhằm tạo ra một pháp nhân hay một hội và thông thường pháp nhân được định nghĩa là một tổ chức đáp ứng được một số tiêu chí nhất định. Điều này cho thấy quyền thành lập công ty hay quyền tự do ký kết hợp đồng thành lập công ty là một quyền có tính cách tự nhiên hay là một nội dung thiết thực của quyền con người mà nhà nước phải thừa nhận và bảo đảm thực hiện. Tuy nhiên, công ty chỉ có thể thành lập được khi dựa trên cơ sở quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất. Nhận định này được minh chứng hùng hồn bằng thực tiễn ở Việt Nam hiện nay: Đổi mới, công nhận đa hình thức sở hữu, đa thành phần kinh tế, xây dựng kinh tế thị trường đã làm nền tảng cho các hình thức công ty xuất hiện. 1.1.2.3. Tự do kinh doanh Điều 57, Hiến pháp 1992 tuyên bố: "Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật". Và để làm giảm bớt tư tưởng mở ra rồi lại khép lại phần nào của tuyên bố này, Bộ luật Dân sự 1995 qui định: "Quyền tự do kinh doanh của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ" (đoạn 1, Điều 46). Nhìn vào hai điều luật trên, chúng ta thấy, giá như thay toàn văn Điều 57, Hiến pháp 1992 bằng toàn văn đoạn 1, Điều 46, Bộ luật Dân sự 1995, thì ý tưởng về quyền tự do kinh doanh được thể hiện nhuần nhuyễn hơn, gần với nhận thức chung hơn, bởi tự do kinh doanh thường được xem là một quyền tự nhiên mà nhà làm luật có trách nhiệm nhận thức, phản ánh và bảo vệ nó. Dựa trên nhận thức chung, TS. Bùi Ngọc Cường nhận xét: Quyền tự do kinh doanh là một phần hợp thành và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các quyền tự do của con người. Như vậy, quyền tự do kinh doanh phải được xem như là một giá trị tự thân của con người mà nhà nước phải thừa nhận và bảo vệ chứ không phải là sự ban phát, trao tặng [14, tr. 14]. Tư tưởng về quyền tự nhiên của con người đã được thể hiện một cách rất cô đọng trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Cái cao quí nhất là quyền được sống của con người đòi hỏi một môi trường và một hệ thống các phương tiện và cách thức hoạt động nhằm đáp ứng các nhu cầu sống mà các nhu cầu này không thể đáp ứng nổi bởi nhà nước- một thực thể được tạo nên bởi xã hội và sống nương nhờ xã hội. Do vậy, nhà nước, với quyền lực được nhân dân giao cho, có trách nhiệm tạo ra môi trường, cung cấp phương tiện và chỉ dẫn các cách thức để từng cá nhân có thể đáp ứng được các nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng tăng của mình. Trong các dẫn giải này quyền tự do kinh doanh nổi lên như một trung tâm điểm mà đã được đoạn 2, Điều 46, Bộ luật Dân sự 1995 tóm lược trong quyền lựa chọn hình thức, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, lập doanh nghiệp, tự do giao kết hợp đồng, thuê lao động... Tất nhiên các quyền này chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở của thái độ trân trọng quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất. Từ khi mới xuất hiện, từng cá nhân con người đã cần có những tài sản riêng để đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của mình. Các nhu cầu này ngày càng tăng lên, do đó đòi hỏi họ sử dụng những tài sản sẵn có để làm gia tăng khối tài sản của mình nhằm đáp ứng cho các nhu cầu gia tăng đó. Trong các hoạt động này, họ cần liên kết với nhau để hoạt động có hiệu quả cao hơn và để tránh những rủi ro nhất định. Vậy có thể nói, thủ tiêu hay hạn chế sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất đồng nghĩa với việc thủ tiêu hay hạn chế việc tự đáp ứng các nhu cầu sống của từng cá nhân con người. Cộng đồng được tạo nên bởi các cá nhân con người, và nhà nước sinh ra là để bảo đảm sự tồn tại và phát triển chung của cộng đồng, cho nên cá nhân phát triển giúp cho cộng đồng phát triển, ổn định, và đánh dấu sự thành công của nhà nước. Vì vậy, nhà nước cần thừa nhận sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất và thừa nhận tự do kinh doanh. Hợp đồng thành lập công ty thực chất là sự thỏa thuận của các nhà đầu tư mang tư sản của mình góp vốn hoạt động nhằm mục tiêu lợi nhuận hay làm tăng tư sản của mình. Thông qua hoạt động này nhu cầu của xã hội cũng được đáp ứng ngày một tốt hơn. Quy trình này phản ánh một thiên hướng vĩnh viễn của con người là trao đổi sản phẩm cho nhau và phục vụ lẫn nhau [78, tr. 20-24]. Từ đây có thể thấy, tự do kinh doanh là một hệ thống các quyền gắn kết với nhau mà pháp luật phải thừa nhận. Các quyền tối thiểu này bao gồm: Quyền được bảo đảm sở hữu đối với tài sản; quyền tự do thành lập doanh nghiệp; quyền tự do hợp đồng; quyền tự do cạnh tranh theo pháp luật; quyền định đoạt trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp [14, tr. 16]. Tuy nhiên, các quyền này không thể tách rời các quyền khác như: Quyền bình đẳng; quyền tự định đoạt; quyền chống lại sự can thiệp bất hợp pháp từ phía công quyền; quyền đòi hỏi sự can thiệp từ tòa án khi có sự cản trở; quyền được làm những gì pháp luật không cấm; quyền được đòi hỏi công quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Tóm lại, tự do ý chí, tự do lập hội và tự do kinh doanh là những quyền tự do căn bản của con người và tạo ra tiền đề sống cho con người. Các quyền tự do này là một lĩnh vực của luật tự nhiên. Chúng đặt cơ sở cho hợp đồng thành lập công ty. 1.1.3. Khái quát về pháp luật hợp đồng thành lập công ty 1.1.3.1. Điều chỉnh pháp luật đối với hợp đồng thành lập công ty Như trên đã nghiên cứu, quan hệ hợp đồng thành lập công ty là quan hệ phát sinh theo qui luật phát triển của xã hội loài người. Nó không chỉ giúp cho các thương gia và các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận để ngày càng làm tăng sản nghiệp của mình, mà còn đáp ứng một cách nhanh chóng và thích hợp nhất nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng tăng của các thành viên khác trong xã hội. Nhìn khái quát từ góc độ lợi ích, hợp đồng thành lập công ty có ba vấn đề lớn: (1) Quyền lợi của các thành viên giao kết hợp đồng đối với nhau; (2) Quyền lợi của các thành viên công ty trong mối quan hệ với các quyền lợi của công ty (với tính cách là một thực thể khác với các thành viên của mình); và (3) Quyền lợi của công ty và quyền lợi của cộng đồng trong mối liên hệ với nhau. Các quyền lợi này hay các mối quan hệ phát sinh từ đó cần được sự quan tâm của pháp luật. Nói cách khác, pháp luật cần điều tiết chúng để làm sao các quyền lợi của các thương gia hay các nhà đầu tư tạo lập ra công ty được bảo hộ một cách thỏa đáng, đồng thời cũng ngăn cản hay điều tiết một cách thích hợp sự ảnh hưởng của công ty hay hoạt động kinh doanh tới đời sống chung của cộng đồng. Bởi pháp luật là hình thức tổ chức, là nền tảng tổ chức của xã hội và của nhà nước theo quan niệm của GS. TSKH Đào Trí úc, nên ông định nghĩa: "Điều chỉnh pháp luật, vì vậy, đó là việc Nhà nước dùng pháp luật, dựa vào pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tác động theo những hướng nhất định vào quan hệ xã hội" [76, tr. 214]. Từ đây, có thể nhìn nhận hợp đồng thành lập công ty trước hết điều tiết các quan hệ tư giữa các thành viên công ty đối với nhau và quan hệ giữa công ty với các thành viên của nó, và sau đó là quan hệ giữa công ty với cộng đồng. Ngày nay dễ nhận thấy sự ảnh hưởng to lớn của công ty đối với xã hội. Vì thế, pháp luật điều chỉnh hợp đồng thành lập công ty có sự can thiệp sâu hơn vào quan hệ hợp đồng này so với các loại hợp đồng khác nhằm bảo vệ cộng đồng và người thứ ba. Song trước hết, pháp luật cần điều chỉnh quan hệ hợp đồng này phải theo cách thức của luật tư. Hợp đồng thành lập công ty có thể được xem là luật của những nhà đầu tư trong một công ty cụ thể. Nó được sử dụng trước hết để giải quyết những tranh chấp trong nội bộ công ty trong chừng mực nó không vi phạm các điều cấm của pháp luật, không chống lại trật tự công cộng, đạo đức xã hội hay tính trung thực, thiện chí - những nguyên tắc nổi trội của luật tư. Tuy vấn đề này không còn tranh cãi nhiều trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, pháp luật về công ty vẫn quan niệm hết sức chặt chẽ rằng: "Nội dung Điều lệ công ty không được trái với qui định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác có liên quan" (Điều 10, khoản 1 của Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 3/2/2000 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp), trong khi vẫn quan niệm: "Điều lệ công ty là bản cam kết của tất cả các thành viên về việc thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của công ty" (Điều 10, khoản 1 của Nghị định nói trên). Tất nhiên, qui định "không được trái với qui định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác có liên quan" như đã dẫn ở trên cần phải được giải nghĩa. Theo cách hiểu thông thường, các qui định nêu trên đòi hỏi nội dung của điều lệ công ty không khác hơn sự diễn giải lại các qui định của pháp luật về công ty. Nhận xét sơ bộ, các qui định này không mang tính chất của luật tư, làm mất ý nghĩa của hợp đồng thành lập công ty và vi phạm nguyên tắc tự do ý chí. Để hiểu rõ hơn, ở đây cần lưu ý rằng, hợp đồng thành lập công ty ở nhiều nước không nhất thiết phải lập thành văn bản [34, tr. 32], nhưng điều lệ công ty thường được coi là một văn kiện cần thiết trong việc đăng ký kinh doanh hay đăng ký thành lập doanh nghiệp, và thể hiện mối quan hệ hợp đồng như đã phân tích ở trên. Vậy điều lệ công ty phải được hưởng qui chế của luật tư. Nói cách khác, vì pháp luật về công ty là một bộ phận của luật tư, nên chỉ mang tính chất giải thích cho ý chí của những nhà đầu tư khi liên kết với nhau trong một công ty. Việc hạn chế tự do ý chí chỉ nên nhằm tới việc bảo đảm các nguyên tắc nổi trội của luật tư như đã nêu trên. Tuy nhiên, vấn đề còn phụ thuộc nhiều vào việc ứng dụng học thuyết tự do ý chí trong thời đại ngày nay mà sẽ được trình bày kỹ hơn ở các phần dưới đây. Pháp luật về hợp đồng thành lập công ty là một lĩnh vực rộng. Tuy nhiên, những vấn đề chính mà nó cần đề cập đến là: (1) Các nguyên tắc cơ bản của việc thiết lập công ty hay hợp đồng thành lập công ty; (2) Các điều kiện để trở thành chủ thể của hợp đồng thành lập công ty; (3) Các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thành lập công ty và sự vô hiệu của hợp đồng thành lập công ty; (4) Mục đích, đối tượng của hợp đồng thành lập công ty; (5) Các hình thức công ty có thể tạo lập; (6) Tư cách của công ty do hợp đồng thành lập công ty tạo ra; (7) Các giới hạn của hợp đồng thành lập công ty; (8) Các nội dung của hợp đồng thành lập công ty như góp vốn, quyền lợi trong công ty, tên gọi của công ty, quản lý nội bộ công ty, rút khỏi công ty...; (9) Chấm dứt, sửa đổi hợp đồng thành lập công ty; (10) Hình thức của hợp đồng thành lập công ty và các văn bản liên quan tới hợp đồng thành lập công ty. Nói tóm lại, pháp luật về hợp đồng thành lập công ty không bao gồm các qui tắc có liên quan tới hoạt động của công ty trong mối quan hệ với bên ngoài với tính cách là một thực thể độc lập, trừ khi các qui tắc đó là các điều kiện ràng buộc đối với hợp đồng thành lập công ty để bảo vệ cộng đồng và người thứ ba. Các vấn đề này có thể được nhận thấy rõ hơn khi nghiên cứu các đặc điểm của hợp đồng thành lập công ty ở mục dưới đây. Pháp luật điều chỉnh các quan hệ hợp đồng thành lập công ty là một tập hợp các qui tắc của các lĩnh vực pháp luật khác nhau và được chứa đựng trong nhiều loại nguồn khác nhau có liên quan tới ba mối quan hệ: Quan hệ giữa các thành viên của công ty đối với nhau; quan hệ giữa các thành viên của công ty và công ty; quan hệ giữa công ty và cộng đồng (trong một chừng mực nhất định). Xuất phát từ phân loại công ty, chúng ta có thể tìm thấy các quy định về hợp đồng thành lập công ty ở các văn bản pháp luật khác nhau liên quan tới tổ chức và hoạt động của công ty trong hệ thống pháp luật của các nước. Nếu phân loại theo tư cách pháp nhân, thì có công ty có chế độ trách nhiệm vô hạn và công ty có chế độ trách nhiệm hữu hạn; công ty dân sự và công ty thương mại; công ty đối nhân và công ty đối vốn; công ty có tư cách pháp nhân và công ty không có tư cách pháp nhân; công ty hợp pháp và công ty thực tế; công ty tư pháp và công ty công pháp; công ty trong nước và công ty nước ngoài; công ty có tư cách pháp nhân thông thường và công ty có điều lệ đặc biệt. Nếu phân loại theo thuế, thì người ta chia các công ty thành công ty có chế độ trách nhiệm hữu hạn chịu thuế công ty và công ty có chế độ trách nhiệm vô hạn do các thành viên chịu thuế thu nhập; công ty công khai và công ty không công khai. Thông thường người ta chỉ chọn cách phân loại thứ nhất khi nghiên cứu về hợp đồng thành lập công ty. Tóm lại, hợp đồng thành lập công ty là một hệ thống phức tạp đòi hỏi sự điều chỉnh pháp luật ở nhiều tầng nấc khác nhau, nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. 1.1.3.2. Lược sử pháp luật hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam * Các giai đoạn phát triển pháp luật hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam Có thể chia lịch sử phát triển pháp luật về hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam thành 4 giai đoạn: Trước thời kỳ Pháp thuộc; thời kỳ Pháp thuộc; thời kỳ chống Mỹ; và thời kỳ thống nhất, xây dựng đất nước. Việc nghiên cứu lịch sử ở đây nhằm tìm tới nguyên nhân hay động lực thúc đẩy sự hình thành và phát triển của pháp luật về hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam và tìm hiểu những nét có thể kế thừa của pháp luật ở các chế độ cũ. Trước thời kỳ Pháp thuộc Cho tới nay chúng ta vẫn thường nhắc tới những câu nói của người xưa như: "Phi thương, bất phú" hay "buôn có bạn, bán có phường". Những câu nói này đã thể hiện những ý tưởng kinh doanh sâu sắc. Tuy nhiên xã hội phong kiến Việt Nam đã không coi trọng nghề thương. Việc sắp xếp thứ hạng trong xã hội "sĩ, nông, công, thương" đã chứng minh điều đó, mặc dù có học giả cho rằng thứ hạng này không hẳn đã bao hàm một thang giá trị được công nhận trong xã hội, nhưng cũng phải thừa nhận rằng kẻ sĩ vẫn được trọng vọng hơn [72, tr. 4]. ở Việt Nam thương mại không phát triển. Do đó các phường hội hay các hình thức công ty khó có thể được biết đến. Vậy nguyên nhân lịch sử nào đã dẫn tới điều đó. Theo tôi, có lẽ một số nguyên nhân sau cần lưu ý: Thứ nhất, cũng giống với cách sống của người phương Đông nói chung, người Việt Nam sinh sống trong tôn ti trật tự của các đại gia đình bao gồm nhiều thế hệ, có tính chất họ hàng ngoài mối quan hệ giữa cha mẹ, con cái (tiểu gia đình). "Đại gia đình sinh hoạt trong một tinh thần kỷ luật chặt chẽ, tôn ti trật tự, để nền tảng gia đình được vững ổn; do đó uy quyền của người gia trưởng rất lớn" [49, tr. 43]. Yếu tố Khổng Giáo đã ảnh hưởng lớn tới pháp luật làm cho đại gia đình và chế độ gia trưởng được củng cố vững chắc. Một mặt, chế độ gia đình này đã kiềm chế thực sự những tự do cá nhân về cả phương diện nhân thân và tài sản. Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long đều ngăn cản việc thủ đắc tài sản riêng của con cháu. Chẳng hạn, Bộ luật Gia long quy định: "Phàm không phải ông bà cha mẹ cho phép, mà con cháu lập riêng sổ hộ tịch, chia gia sản thì phải phạt 100 trượng". Vũ Văn Mẫu khẳng định, "trong gia đình phụ hệ chế, chỉ riêng người gia trưởng có quyền hành đối với nhân thân và tài sản các thân thuộc ở chung trong gia đình bất luận niên tuổi và bất luận họ đã có giá thú hay chưa". Ông còn chỉ ra nguồn gốc của sự ràng buộc này từ quan niệm của Khổng Giáo trong sách lễ ký rằng: "Khi còn cha mẹ, con không dám có đến cả thân thể của mình, không dám có tài sản riêng tư " [49, tr. 50]. Mặt khác, chế độ gia đình này không chỉ có lợi cho sự ổn định xã hội, duy trì chế độ quân chủ, mà còn, xét trong một mức độ nào đó, có lợi cho cá nhân các thành viên gia đình. Chế độ quân chủ đã áp đặt trách nhiệm hình sự tập thể đối với những người thân thuộc trong một số trường hợp đe dọa tới an ninh. Việc duy trì một chế độ gia đình như vậy rất dễ bề cai trị. Tuy nhiên, yếu tố gia đình cũng là một yếu tố giảm nhẹ trong trách nhiệm hình sự có lợi cho cá nhân. Và hơn hết, sự che chở lẫn nhau trong một đại gia đình khi gặp hoạn nạn, rủi ro, trong khi một hệ thống an ninh hay an sinh xã hội chưa được biết đến là rất cần thiết và có lợi cho từng cá nhân. Bản chất của hoạt động thương mại là làm tăng khối lượng tài sản của tư nhân, hay nói cách khác, là nhằm mục đích kiếm lời đòi hỏi phải có quyền tư hữu đối với tài sản và quyền tự do cam kết, thỏa thuận và định đoạt tài sản. Một chế độ đại gia đình và gia trưởng như vậy được duy trì có lẽ là một sự hạn chế lớn cho việc ra đời và phát triển các hoạt động thương mại - tiền đề quan trọng của việc thành lập các thương hội hay công ty. Thứ hai, chính sách bế quan tỏa cảng của Việt Nam trong thời kỳ phong kiến đã hạn chế lớn sự học hỏi từ thế giới bên ngoài. Sự hạn chế này khởi nguồn từ việc các triều đại phong kiến Việt Nam thường nghi kỵ người nước ngoài vì muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia và loại trừ sự can thiệp của họ vào công việc chính trị nội bộ. Những hạn chế giao thương với nước ngoài được duy trì cho đến thế kỷ XVII [72, tr. 6]. Tuy nhiên, năm Đại Định thứ 10 đời Lý (1149), Lý Anh Tôn đã khai cảng Vân Đồn để các thương thuyền của nước ngoài cập bến [72, tr. 6]. Nơi giao dịch này ở quan ải cù lao Cát Bà. Mặc dù sử sách đã ghi lại rằng Phố Hiến và Hội An là những nơi buôn bán, giao thương ở hai miền Nam, Bắc. Song việc giao lưu với bên ngoài còn hết sức hạn chế. Có thể nói, cơ sở kinh tế - xã hội cho việc phát triển luật lệ về thương mại hầu như không có. Lại thêm nữa, truyền thống pháp luật chỉ lưu ý tới các quy tắc của luật hình. Nếu có các quy tắc của luật dân sự, thì cũng chỉ là các quy định về gia đình, giá thú, ruộng đất và hương hỏa [72, tr. 20]. Do đó, về cơ bản, tại thời kỳ này, các hình thức công ty hay thương hội chưa xuất hiện, có chăng, sự buôn bán chỉ dưới hình thức hộ gia đình. Thời kỳ Pháp thuộc Các hình thức thương hội, công._.ự hiểu biết về tổ chức kinh doanh và lựa chọn sự hợp tác thích hợp; Năm là, bảo đảm sự linh động trong việc chuyển đổi hình thức công ty phù hợp với nhu cầu kinh doanh và yêu cầu của pháp luật; Sáu là, góp phần giải quyết xác đáng các tranh chấp trong nhiều trường hợp như đối với công ty vô hiệu, công ty được thành lập trên thực tế... Chẳng hạn, vụ việc xét xử tại Tòa Thượng thẩm Huế 1960 nêu trên mà gắn trách nhiệm dân sự cho một cá nhân là không xác đáng vừa gây bất lợi cho người bị tai nạn, vừa gây bất lợi cho cá nhân nếu bị buộc bồi thường. 3.3.8. Không quy định "doanh nghiệp tư nhân" trong các đạo luật riêng về các loại hình công ty Về thực chất mà nói, doanh nghiệp tư nhân là cá nhân kinh doanh. Quan niệm này giống với quan niệm của các nớc trên thế giới, ví dụ ở Hoa Kỳ gọi hình thức này là sole proprietorship và ở Anh gọi là sole trader. Cá nhân kinh doanh là chủ doanh nghiệp, có toàn quyền trong việc bán, cho thuê, chuyển nhượng... Nếu doanh nghiệp có giám đốc, nhân viên thì chủ doanh nghiệp là người thuê họ. Chủ doanh nghiệp chính là người quản lý doanh nghiệp, quyết định mọi vấn đề lỗ, lãi. Doanh nghiệp này không có tư cách pháp nhân và chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vô hạn. Những cá nhân kinh doanh này thường được gọi là các thương gia thể nhân ở các nước có truyền thống pháp điển hóa luật thương mại mà được yêu cầu một cách tỉ mỉ từ việc vào nghề cho đến hoạt động trong qui chế thương nhân. Khác với loại thương gia này là các công ty hay còn được gọi là các thương gia bởi hình thức hay thương gia pháp nhân. Vì vậy, việc qui định doanh nghiệp tư nhân theo cách gọi của Việt Nam trong các đạo luật về các hình thức công ty sẽ làm lẫn lộn giữa thương gia pháp nhân với thương gia thể nhân mà đã được qui định trong đạo luật chủ yếu về thương mại. Theo tôi, không nên qui định về "doanh nghiệp tư nhân" trong những đạo luật riêng về công ty trong khi đã có đạo luật về thương mại, bởi đạo luật về thương mại phải nói về thương nhân, ít ra là thương nhân do bản chất chính là các thương gia thể nhân hay cá nhân kinh doanh. Việc qui định về "doanh nghiệp tư nhân" trong các đạo luật riêng về doanh nghiệp là giải pháp của các nước không pháp điển hóa luật thương mại. Nhân đây, cũng xin kiến nghị rằng, không nên sử dụng thuật ngữ "Luật Doanh nghiệp" mà sử dụng thuật ngữ "Luật Công ty", bởi "doanh nghiệp" là một thuật ngữ kinh tế dùng để chỉ chung các thực thể kinh doanh mà không xem xét tới hình thức pháp lý của chúng, trong khi "công ty" là một thuật ngữ dùng để chỉ những hình thức liên kết cụ thể của những người đầu tư mang tính chất pháp lý. Muốn thay đổi như vậy, thì phải có đạo luật riêng cho các cá nhân kinh doanh theo mô hình Luật Doanh nghiệp Tư nhân 1990, nếu không có đạo luật về thương mại. 3.3.9. Lược bỏ khái niệm về tài sản ra khỏi các văn bản pháp luật và quan niệm lại về tài sản Tài sản là một khái niệm động và không đơn thuần có ý nghĩa pháp lý mà còn có cả ý nghĩa lớn về kinh tế. Nó luôn động bởi giá trị kinh tế của nó. Do đó việc ấn định cho tài sản một định nghĩa cứng nhắc là một sai lầm. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết cần phải chỉ ra rằng tài sản bao gồm vật và quyền có giá trị kinh tế và khả năng đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Còn những gì là tài sản phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của xã hội loài người. Cách tiếp cận này thực chất giúp cho có một sự linh động đáng kể trong việc giải quyết các tranh chấp về góp vốn nói riêng và các tranh chấp về tài sản nói chung. 3.3.10. Quan niệm lại về sản nghiệp thương mại và bổ sung các quy định chuyển nhượng sản nghiệp thương mại Góp vốn bằng sản nghiệp thương mại là một hình thức góp vốn quan trọng. Do sản nghiệp thương mại là một động sản vô hình mà trong đó bao gồm rất nhiều yếu tố, nên cần có một định nghĩa tương đối đầy đủ để phân biệt nó với bản thân doanh nghiệp sử dụng nó. Việc định nghĩa sản nghiệp thương mại khá phức tạp, nên cần sử dụng cả cách thức định nghĩa mô tả các đặc trưng chủ yếu và cả cách thức liệt kê. Luật Thương mại 1997 định nghĩa: Sản nghiệp thương mại là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp của thương nhân, phục vụ cho hoạt động thương mại như trụ sở, cửa hàng, kho tàng, trang thiết bị, hàng hóa, tên thương mại, biển hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, mạng lưới tiêu thụ hàng hóa và cung ứng dịch vụ (Điều 5, khoản 7). Mặc dù có định nghĩa về sản nghiệp thương mại, nhưng các quy tắc về chuyển nhượng, cho thuê hay cầm cố, thế chấp sản nghiệp thương mại chưa được pháp luật Việt Nam thiết lập. Tuy nhiên, định nghĩa trên chưa làm rõ được các yếu tố quan trọng nhất của sản nghiệp thương mại. Các yếu tố đó không phải là các yếu tố hữu hình mà là các yếu tố vô hình trong sản nghiệp thương mại. Chỉ khi xác định được rõ sản nghiệp thương mại, người ta mới có thể thiết lập các quy tắc cụ thể về thuê hay chuyển nhượng sản nghiệp thương mại. Là một tài sản hết sức nhiều đặc thù, do đó việc cho thuê hay bán sản nghiệp thương mại cần có một hệ thống quy tắc riêng khác với hệ thống quy tắc áp dụng đối với thuê mướn hay bán các tài sản khác. Việc không quy định hay quy định không đầy đủ các hành vi này gây ảnh hưởng rất lớn tới chuyển nhượng sản nghiệp thương mại nói chung và hình thức góp vốn bằng sản nghiệp thương mại nói riêng. 3.3.11. Bổ sung các trường hợp chuyển đổi hình thức công ty vào pháp luật Việc chuyển đổi hình thức công ty nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường, của hoạt động sản xuất kinh doanh và pháp luật là việc làm rất quan trọng. Về nguyên lý, các nhà đầu tư có quyền thay đổi hình thức công ty theo ý đồ của họ. Nhưng dù sao pháp luật cần có những quy định thiết yếu về việc chuyển đổi giữa mọi hình thức công ty cho nhau nhằm bảo vệ quyền lợi của người thứ ba và của các bên trong công ty. Điều quan trọng nhất là phải định ra các thủ tục chuyển đổi, xác định các hậu quả pháp lý và cách thức giải quyết chúng. Việc chuyển đổi hình thức công ty có thể được qui định một cách cụ thể từ các hình thức công ty đối nhân chuyển đổi sang hình thức công ty đối vốn và ngược lại. Thủ tục chuyển đổi phải bảo đảm cho quyền lợi của các thành viên công ty để không một thành viên nào bị ép buộc tuân thủ một nhóm nhỏ các thành viên khác và nhất là quyền lợi của người thứ ba. Các hậu quả pháp lý chủ yếu phải ghi nhận vào pháp luật là trách nhiệm và chế độ trách nhiệm của các thành viên công ty đối với các khoản nợ của công ty trước và sau chuyển đổi. Phương hướng giải quyết các hậu quả này là nhằm bảo đảm không ảnh hưởng tới người thứ ba vì thực chất sự chuyển đổi hình thức không ảnh hưởng tới tư cách pháp nhân của công ty. Dù trong trường hợp nào thì người thứ ba ngay tình vẫn luôn luôn được bảo vệ. 3.3.12. Xác định rõ các trường hợp phải theo nguyên tắc nhất trí giữa các thành viên trong công ty Xuất phát từ mục đích bảo vệ quyền lợi của các thành viên và nguyên tắc bình đẳng giữa các thành viên, một số trường hợp sửa đổi hợp đồng thành lập công ty phải được sự nhất trí của các thành viên. Kiến nghị này được coi là cần thiết, bởi hợp đồng thành lập công ty được tạo lập trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng. Nguyên tắc này có lẽ là nguyên tắc căn bản nhất của loại hợp đồng tổ chức, vì tổ chức do nó tạo dựng nên là các tổ chức giữa các thành viên có quyền tự do cam kết, thỏa thuận và bình đẳng hoàn toàn với nhau, rất thanh thản trong việc tạo lập quyền lợi tư. Vì vậy, khi thay đổi về tính chất tổ chức, các thành viên cần phải được bày tỏ ý chí của mình. Và nhất trí là con đường bảo đảm quan trọng cho nguyên tắc bình đẳng giữa các thành viên. Nó thực sự giúp cho các thành viên bảo vệ quyền lợi của mình một cách hữu hiệu. 3.3.13. Loại bỏ quan niệm về ngành luật kinh tế độc lập và xem công ty là một chế định quan trọng của luật thương mại Thực tiễn hiện nay ở Việt Nam khó có thể làm rõ được ranh giới giữa ngành luật kinh tế và ngành luật thương mại. Loại bỏ quan niệm về một ngành luật kinh tế độc lập và xem công ty là một chế định thuộc luật thương mại là rất cần thiết. Đây là một kiến nghị có tính cách cải cách quan trọng nhằm giải quyết các rắc rối hiện nay ở Việt Nam trong việc phân biệt giữa luật kinh tế và luật thương mại, và làm sống lại quan niệm về ngành luật thương mại. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể xử lý được một cách logic và có hiệu quả các vấn đề như: Công ty hợp danh và qui chế thương nhân; áp dụng các qui định về hợp đồng vô hiệu cho hợp đồng thành lập công ty... như đã được nghiên cứu tại chương 2 của luận án này. Nếu không loại bỏ ngành luật kinh tế, thì sự tranh chấp về chế định công ty vẫn xảy ra. Một đằng thì xem công ty là chủ thể kinh doanh. Trong khi phía khác lại xem công ty là các thương nhân bởi hình thức, có nghĩa là chủ thể của luật thương mại. Theo tôi, xét từ cổ tới kim, các nền tài phán đều nhìn nhận công ty là một chế định quan trọng của luật thương mại. Các nước có truyền thống pháp điển hóa đều nhận thức rằng, thương gia (chủ yếu là các công ty) và hành vi thương mại hai mảng lớn hay hai thành tố tạo nên ngành luật thương mại. Nhưng rất đáng tiếc nó đã không thể tồn tại dưới thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Khái niệm thương nhân không chỉ xuất hiện ở các nước thuộc Họ pháp luật La Mã - Đức mà còn xuất hiện ở tất cả các họ pháp luật, bởi lẽ pháp luật buộc phải thiết lập những qui tắc đặc thù cho nó như phá sản, thuế, mua bán hàng hóa... PGS.TS Trần Đình Hảo khẳng định: Thương gia theo thương luật Mỹ - UCC - 1990 - tại Điều 2-104 được dùng để chỉ một nhóm nhất định của các chủ thể kinh doanh mà những người này là những người tiến hành các hoạt động kinh doanh hàng hóa các loại thông qua các công việc thường xuyên, lâu dài của họ. Những công việc đó đòi hỏi phải có những nhận thức và kỹ năng thực hiện riêng biệt [24, tr. 145]. Theo tôi, muốn có được sự cải cách như vậy trước hết phải có các giải pháp đồng bộ như sau: Thứ nhất, hủy bỏ hiệu lực của Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế 1989; Thứ hai, sửa đổi Luật Thương mại 1997 thành một đạo luật cơ bản của pháp luật thương mại chứa đựng những yếu tố đặc thù của thương nhân và hành vi thương mại, và coi luật dân sự là nền tảng của luật tư; Thứ ba, thay các giáo trình luật kinh tế như hiện nay bằng các giáo trình luật thương mại đề cập đến thương nhân, công ty, hành vi thương mại, phá sản, bên cạnh giáo trình luật kinh tế công đề cập đến các tác động hiến pháp và hành chính có tính cách kinh tế. 3.3.14. Sử dụng án lệ Các quan hệ phức tạp của hợp đồng thành lập công ty cho thấy văn bản pháp luật không thể dự liệu đầy đủ các trường hợp tranh chấp xảy ra. Trong khi công ty thương mại luôn luôn gắn với thương trường vốn rất sôi động và linh hoạt, luôn luôn biến đổi và phát triển. Ngày nay cần phải nhìn nhận công ty trên nguyên tắc thực tế nhiều hơn nữa. Do vậy, cần phải xem án lệ là một loại nguồn bổ sung quan trọng trong hệ thống pháp luật nói chung và hợp đồng thành lập công ty nói riêng. Kết luận chương 3 Qua các nghiên cứu ở chương 3 có thể rút ra một số kết luận sau: Thứ nhất, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hợp đồng thành lập công ty hiện nay ở Việt Nam là một đòi hỏi khách quan. Các định hướng hoàn thiện chế định này cần được hình thành trên hai nền tảng quan trọng là cơ sở kinh tế xã hội và truyền thống. Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về hợp đồng thành lập công ty phải dựa trên quan niệm về hệ thống pháp luật với tính cách là tổng thể các yếu tố như: cấu trúc pháp lý, nguồn của pháp luật, phong cách tiếp cận các vấn đề pháp lý, cách thức tác động của pháp luật vào đời sống xã hội... Thứ ba, các định hướng cơ bản hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hợp đồng thành lập công ty gồm có: Xem xét việc hoàn thiện chế định này trong tổng thể xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam; việc hoàn thiện chế định này phải được chú trọng trong nhiều văn bản pháp luật ở các cấp độ khác nhau để tạo thành một hệ thống thống nhất, lôgic, hiệu quả và hiện đại; hoàn thiện chế định này dựa trên các quan niệm về pháp lý, chứ không dựa trên các quan niệm về kinh tế; việc hoàn thiện dựa trên nền tảng của tự do ý chí, tự do lập hội, tự do kinh doanh; nâng cao văn hóa kinh doanh là một chính sách lớn của pháp luật về hợp đồng thành lập công ty. Thứ tư, việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng thành lập công ty cần tính đến các giải pháp tổng thể để xây dựng nền tảng và bù đắp những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật Việt Nam về hợp đồng thành lập công ty, đồng thời có các giải pháp chỉnh sửa về kỹ thuật pháp lý, bao gồm: Xây dựng thống văn bản; xác định cơ sở hiến định; xây dựng chế định về hợp đồng lập hội trong Bộ luật Dân sự; qui định lại về chế định giao dịch vô hiệu; phân biệt bản hợp đồng thành lập công ty và bản điều lệ công ty; hợp nhất các hình thức công ty trong pháp luật đầu tư nước ngoài với pháp luật về doanh nghiệp; qui định đầy đủ các hình thức công ty; không đưa doanh nghiệp tư nhân vào pháp luật về công ty; không đưa định nghĩa tài sản vào pháp luật; quan niệm lại và bổ sung các qui định về sản nghiệp thương mại; bổ sung thêm các trường hợp chuyển đổi hình thức công ty; xác định các trường hợp phải theo nguyên tắc nhất trí giữa các thành viên công ty; bỏ quan niệm về ngành luật kinh tế độc lập; xem công ty là chế định của luật thương mại; sử dụng án lệ. Kết luận Công ty là hệ quả tất yếu của các hoạt động sống của con người. Nó được tạo lập nên bởi sự liên kết của con người hay các thực thể trên cơ sở hợp đồng. Vì vậy, người ta thường xem bản chất pháp lý của công ty là quan hệ hợp đồng mà theo đó hai hay nhiều người góp vốn hoạt động chung nhằm kiếm lời chia nhau và cùng nhau chịu lỗ. Hợp đồng thành lập công ty, như vậy, có những đặc điểm tương đối khác biệt với loại hợp đồng thông thường khác. Nó tạo ra một thực thể kinh doanh để trở thành chủ thể của pháp luật, có khả năng hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ. Cho nên các thành viên của công ty hay các thành viên của hợp đồng thành lập công ty, sau khi góp vốn vào công ty, tạo lập nên thực thể kinh doanh sở hữu các tài sản được góp và trở thành trái chủ của các người chủ của mình trong quan hệ nghĩa vụ góp vốn. Các công ty có một vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh tế thị trường. Nói cách khác, kinh tế thị trường không thể không có công ty. Là một thành tố chính của kinh tế thị trường, và là phương tiện đáp ứng nhu cầu sống của con người, tuy nhiên cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng lớn tới xã hội, nên việc nghiên cứu pháp luật công ty nói chung và pháp luật hợp đồng công ty nói riêng là rất quan trọng nhằm điều tiết, hay xác lập và giới hạn các quyền lợi của tư nhân trong và xung quanh công ty. Tuy nhiên, pháp luật hợp đồng công ty rất rộng lớn, nên khi nghiên cứu về vấn đề này, thông thường người ta chỉ đi vào những điểm có tính nguyên tắc và các nội dung mang tính đặc thù. Với cách thức tiếp cận như vậy, luận án đã nghiên cứu và giải quyết được các vấn đề sau: 1. Xây dựng cơ sở lý luận của hợp đồng thành lập công ty, bao gồm quan niệm về công ty, hợp đồng thành lập công ty, nền tảng lý luận của loại hợp đồng này, pháp luật điều tiết nó và các đặc điểm của nó để tạo ra một hệ thống các quan điểm lớn xuyên suốt toàn bộ chế định pháp luật này. Nền tảng này bao gồm tự do ý chí, tự do lập hội và tự do kinh doanh. Đặc tính quan trọng nhất của hợp đồng thành lập công ty là tạo ra một thực thể kinh doanh. 2. Hợp đồng thành lập công ty có một điều khoản quan trọng nhất là điều khoản góp vốn. Với hành vi góp vốn, thành viên nhận được quyền lợi trong công ty. Các hình thức góp vốn hiện nay theo pháp luật Việt Nam có nhiều khiếm khuyết. Vì thế luận án đã xây dựng mô hình lý luận về các hình thức góp vốn. 3. Do những điểm khác biệt với các loại hợp đồng thông thường, nên nguyên nhân dẫn tới sự vô hiệu hợp đồng thành lập công ty có một số đặc thù. Pháp luật nước ta về vấn đề này không đầy đủ và thực tiễn xét xử cũng có nhiều điều đáng băn khoăn. Luận án, trong phạm vi nhiệm vụ của mình, đã bổ sung lý luận về hợp đồng vô hiệu và nêu rõ các nguyên nhân vô hiệu của hợp đồng thành lập công ty. 4. Thực trạng pháp luật hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam đã có thể, trong một chừng mực nào đó, gây những trở ngại cho tiến trình phát triển một cách bình thường của kinh tế - xã hội. Để có thể xây dựng và hoàn thiện hệ thống này, cần phải làm rõ được những khiếm khuyết. Luận án đã phân tích một cách khá đầy đủ những khiếm khuyết lớn, và, trong một chừng mực nào đó, chỉ ra nguyên nhân dẫn đến các khiếm khuyết này. 5. Luận án đã đưa ra những định hướng và các kiến nghị cụ thể nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật hợp đồng thành lập công ty. Các định hướng quan trọng nhất là làm cho pháp luật hợp đồng thành lập công ty là một bộ phận trong hệ thống tổng thể có kết cấu logic, đầy đủ, phù hợp và hiện đại. Muốn làm được như vậy phải gắn từng chế định với tổng thể và khi xây dựng hay cải cách tổng thể không thể quên các chế định, đồng thời phải thể hiện được ý tưởng của Đảng, cũng như tiếp thu một cách có chọn lọc yếu tố truyền thống và kinh nghiệm nước ngoài. Văn hóa kinh doanh là một trong những chính sách lớn cần được lưu ý trong việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng thành lập công ty. Những công trình nghiên cứu liên quan đến luận án đã được công bố Ngô Huy Cương (1999), "Về dự thảo Luật Doanh nghiệp", Nhà nước và Pháp luật, 5(133), tr. 54-57. Ngô Huy Cương (2001), "Pháp nhân", Nghiên cứu Lập pháp, (1), tr. 54-60. Ngô Huy Cương và Phạm Vũ Thăng Long (2001), "Công ty: Bản chất pháp lý, các loại hình và việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật liên quan", Nghiên cứu Lập pháp, (3), tr. 32-44. Ngô Huy Cương (2003), "Công ty: Từ bản chất pháp lý tới các loại hình", Khoa học, Kinh tế - Luật, (1), tr. 1-8. Ngô Huy Cương (2003), "Tổng quan về luật tài sản", Khoa học, Kinh tế - Luật, (3), tr. 41-52. Ngô Huy Cương (2003), "Cơ sở triết học của hợp đồng thành lập công ty", Khoa học, Kinh tế - Luật, (4), tr. 1-8. Ngô Huy Cương (2003), "Hợp đồng thành lập công ty: Khái niệm và đặc điểm", Nhà nước và Pháp luật, 9(185), tr. 48-54. Ngô Huy Cương (2003), "Nghĩa vụ và hợp đồng: Một số vấn đề cơ bản", Sách chuyên khảo: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật hợp đồng ở Việt Nam hiện nay, do PGS.TS Nguyễn Như Phát và TS. Lê Thị Thu Thủy chủ biên, Nxb Công an nhân dân, tr. 52-80. Ngô Huy Cương (2004), "Một số nội dung của hợp đồng thành lập công ty", Khoa học, Kinh tế - Luật, (1), tr. 12-23. Danh mục tài liệu tham khảo Bộ luật Dân sự 1995. Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1932. Bộ Luật Dân sự 1972 của Việt Nam Cộng hòa. Bộ luật Dân sự Trung Kỳ 1936 (Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ Luật). Bộ luật Hàng hải 1990. Bộ Luật Thương mại 1972 của Việt Nam Cộng hòa. Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý (1997), Bình luận khoa học một số vấn đề cơ bản của Bộ luật Dân sự, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Lê Thị Châu (2002), Xác lập, thực hiện và chấm dứt quyền sở hữu tài sản của công ty đối vốn ở nước ta, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội. Chính phủ (1994), Tờ trình ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, số 2220/PC ngày 27/4. Chính phủ (1999), Tờ trình về Dự án Luật Doanh nghiệp số 421/CP-PC ngày 23/4. Nguyễn Trọng Chuẩn, Đỗ Minh Hợp (2002), Triết học pháp quyền của Hêghen, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Công ước quốc tế các quyền dân sự và chính trị. Ngô Huy Cương và Phạm Vũ Thăng Long (2001), "Công ty: Bản chất pháp lý, các loại hình và việc xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật liên quan", Nghiên cứu Lập pháp, (3). Bùi Ngọc Cường (2001), Xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh ở nước ta, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội. Hà Hùng Cường (2002), "Thực trạng pháp luật kinh tế và định hướng hoàn thiện", Kỷ yếu hội thảo: Định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính và ngân sách, Quốc hội khóa X, ủy ban Kinh tế và Ngân sách, Hà Nội, tr. 27-53. Đỗ Lộc Diệp (2002), Chủ nghĩa tư bản ngày nay: Những nét mới từ thực tiễn Mỹ, Tây Âu, Nhật, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Dự án VIE/94/003 (1998), Báo cáo chuyên đề về các lĩnh vực của khung pháp luật kinh tế tại Việt Nam, Tập II, Hà Nội. Dự án UNDP VIE/97/016 và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) (1999), Báo cáo nghiên cứu so sánh luật công ty ở bốn quốc gia Đông Nam á: Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội. Nguyễn Huy Đấu (1962), Luật dân sự tố tụng Việt Nam, Sài Gòn. Nguyễn Ngọc Điện (1999), Nghiên cứu về tài sản trong luật dân sự Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. Lê Hồng Hạnh (1996), "Bộ luật Dân sự nhìn dưới góc độ nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa", Luật học, Số chuyên đề về Bộ luật Dân sự, ISSN 0868-3522, tr. 20-27. Trần Đình Hảo (1999), "Những điểm mới của Luật Doanh nghiệp", Nhà nước và Pháp luật, 8(136), tr. 17-23. Trần Đình Hảo (2002), "Thương gia theo thương luật Mỹ", Bước đầu tìm hiểu pháp luật thương mại Mỹ, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 144- 173. Trần Đình Hảo (2002), ""Thương gia" theo pháp luật Hoa kỳ", Nhà nước và Pháp luật, (2), tr. 17-22. Nguyễn Thúy Hiền (2003), "Một số vấn đề về hợp đồng dân sự vô hiệu", Tài liệu Hội thảo về việc xử lý hợp đồng vô hiệu, Diễn đàn doanh nghiệp và Câu lạc bộ luật gia Việt - Đức, Hà Nội. Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992. Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN. Nguyễn Am Hiểu (1999), "Khái niệm thương mại và vấn đề áp dụng Công ước New York 1958 tại Việt Nam", Nhà nước và Pháp luật, 5(133), tr. 25-29. Nguyễn Am Hiểu (2001), "Pháp luật về công ty", Giáo trình khoa Luật kinh tế Việt Nam, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Dương Đăng Huệ (2002), "Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam", Nhà nước và Pháp luật, (6), tr. 13-22. Trần Đại Khâm (1969), án lệ vựng tập 1948- 1967, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn. Mai Thị Khánh (2002), Tham luận những vấn đề bức xúc hậu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Diễn đàn 2 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, Hà Nội. Kuebler F., Simon J. (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, Nxb Pháp lý, Hà Nội. Lemeunier, F. (1993), Nguyên lý và thực hành, Luật thương mại, Luật kinh doanh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội. Nguyễn Văn Luật (2003), "Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về giao dịch dân sự vô hiệu tại Tòa án nhân dân", Tài liệu Hội thảo về việc xử lý hợp đồng vô hiệu, Diễn đàn doanh nghiệp và Câu lạc bộ luật gia Việt - Đức, Hà Nội. Luật Công ty 1990. Luật Doanh nghiệp 1999. Luật Doanh nghiệp Tư nhân 1990. Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Luật Hôn nhân và Gia đình 2000. Luật Kinh doanh Bảo hiểm. Luật Thuế thu nhập Doanh nghiệp 2003. Luật Thương mại 1997. Nguyễn Văn Luyện (1999), "Luận cứ khoa học của việc xây dựng pháp luật kinh tế ở Việt Nam", Nhà nước và Pháp luật, 10(138). Nguyễn Văn Luyện (1999), "Về mối quan hệ giữa luật dân sự, luật kinh tế và luật thương mại", Nhà nước và Pháp luật, 12(140), tr.3-10. Vũ Văn Mẫu (1960), Dân luật khái luận, In lần thứ hai, Nxb Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài gòn. Vũ Văn Mẫu (1963), Việt Nam Dân luật Lược khảo, Quyển II, Nghĩa vụ và Khế ước, In lần thứ nhất, Nxb Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn. Vũ Văn Mẫu (1974), Cổ luật Việt Nam thông khảo và tư pháp sử, Quyển thứ hai, Luật Khoa Đại học Sài Gòn, Sài Gòn. Đỗ Mười (1997), Về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Phạm Hữu Nghị (1996), Chế độ hợp đồng trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Luận án phó tiến sĩ khoa học luật, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Hà Nội. Nghị định 115/CP ngày 18/4/1977 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định số 17-HĐBT ngày 16/1/1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế. Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ về việc qui định chi tiết Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 3/2/2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh. Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 3/2/2000 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp. Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Phạm Duy Nghĩa (2000), Tìm hiểu luật thương mại Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội Phạm Duy Nghĩa (2001), "Pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", Giáo trình luật kinh tế Việt Nam, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Phạm Duy Nghĩa (2003), Cơ sở pháp luật kinh tế Việt Nam vì một nền kinh tế phát triển bền vững và toàn cầu hóa, Nxb Chính trị quốc gia và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Hà Nội. Phạm Duy Nghĩa (2003), "Bài học về phát huy truyền thống văn hóa phương Đông đối với liên kết doanh nghiệp", Nhà nước và Pháp luật, 2(178), tr.37-46. Phạm Duy Nghĩa (2004), Đề cương chi tiết môn học luật kinh tế, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Phạm Duy Nghĩa (2004), Chuyên khảo luật kinh tế, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế 1989. Nguyễn Như Phát (1997), "Lý luận chung về luật kinh tế ", Giáo trình luật kinh tế Việt Nam, Khoa Luật, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Như Phát (2003), "Hợp đồng kinh tế vô hiệu: Lý luận và thực tiễn", Tài liệu Hội thảo về việc xử lý hợp đồng vô hiệu, Diễn đàn doanh nghiệp và Câu lạc bộ luật gia Việt - Đức, Hà Nội. Nguyễn Quang Quýnh (1969), Luật lao động và an ninh xã hội, In lần thứ hai, Hội nghiên cứu Hành chánh xuất bản, Sài Gòn. Rouseau, J. J. (1992), Bàn về khế ước xã hội, Nxb Thanh niên, Thành phố Hồ Chí Minh. Lê Minh Tâm (2003), "Khái niệm, nội dung và các tiêu chuẩn xác định mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", Những vấn đề lý luận cơ bản về hệ thống pháp luật, Đề tài KX 04-05, Hà Nội, tr. 1-12. Lê Thị Bích Thọ (2002), Hợp đồng kinh tế vô hiệu và hậu quả pháp lý của nó, Luận án tiến sĩ luật học, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Hà nội. Lê Tài Triển, Nguyễn Vạng Thọ, Nguyễn Tân (1972), Luật thương mại Việt Nam dẫn giải, Quyển I, Kim lai ấn quán, Sài gòn. Lê Tài Triển, Nguyễn Vạng Thọ, Nguyễn Tân (1973), Luật thương mại Việt nam dẫn giải, Quyển II, Kim lai ấn quán, Sài gòn. Tuyên ngôn Độc lập của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 1945. Tuyên ngôn toàn thế giới về Quyền con người 1948. Đào Trí úc (1995), "Điều chỉnh pháp luật", Những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước và pháp luật, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đào Trí úc (1997), "Một số vấn đề cơ bản về Bộ luật Dân sự Việt Nam", Nhà nước và Pháp luật, Số chuyên đề về luật bầu cử, về Bộ luật Dân sự, các luật về thuế, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật - Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, tr. 13- 27. ủy ban Khoa học Nhà nước và Quỹ Hòa bình Sasakawa (1993), Kinh tế thị trường: Lý thuyết và thực tiễn, Tập I, Nhà in ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Hà Nội. ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa IX (1994), ý kiến của ủy ban Pháp luật về Dự án Bộ luật Dân sự, số 133/UBPL ngày 09/05. ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa IX (1994), ý kiến của ủy ban Pháp luật về Dự án Bộ luật Dân sự, số 143/UBPL ngày 03/06. ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa IX (1995), Báo cáo thẩm tra của ủy ban Pháp luật về Dự án Bộ luật Dân sự, số 300/UBPL, ngày 02/10. Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp (2000), "Một số điểm mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp ", Thông tin khoa học pháp lý, Số chuyên đề, (7). Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2000), Nền kinh tế tri thức: Nhận thức và hành động - Kinh nghiệm của các nước phát triển và đang phát triển, Nxb Thống kê, Hà Nội. tiếng Anh Allen W. J., Kraakman R. (2003), Commentaries and Cases on the Law of Business Organization, Aspen publishers, New York. Bevan C. J. (1995), Corporations Law, Third edition, The Law Book Company LTD. CCH Asia Limited (1990), Guide to Company Law in Malaysia & Singapore, CCH Asia Limited. Civil Code of Québec Civil Code of Japan. Civil Code of Germany Cook J. and Deakin S.(1999), Stakeholding and corporate governance: Theory and evidence on economic performance, ESRC Centre for Business Research, University of Cambridge. Commercial Code of Czech Republic. David R., Brierley J. E.C (1978), Major Legal Systems in the World Today, Second Edition, Free Press. Emerson R. W., Hardwick J. W. (1997), Business law, Barron’s Education Series, INC, USA. Hamilton R. W. (1990), The Law of Corporations, West Publishing Company, USA. Henn H. G., Alexander J. R. (1983), Law of Corporations and Other Business Enterprises, Third Edition, West Publishing Company, USA. Heywood A. (2000), Key concepts in politics, St Martin’ s Press LLC, USA. Kadar A., Hoyle. K., Whitehead G. (1985), Business Law, Heinemann, London. Leadbeater C. (1999), Living on thin air, The new economy, Viking Lieberman J. K., Sieded G. J. (1989), The Legal Environment of Business, Harcourt Brace Jovanovich Publisher, San Diego. New York. Chicago. Austin. Washington D.C. London. Sydney. Tokyo. Toronto. Light H. R. (1965), The Legal Aspects of Business and General Principles of Law, Sixth Edition, Sir Issac Pitman & Sons LTD, London. Medina R. G. (1988), Business finance, Rex book store, Manila Philippines. Scheiber H. N. (1998), The State and Freedom of Contract, Stanford University Press, Stanford, California. Scheiber H. N. (1998), " Economic Liberty and the Modern State", The State and Freedom of Contract, Stanford University Press, Stanford, California. The Commercial Code and The Audit Special Exeptions Law of Japan The Civil and Commercial Code of Thailand The Italian Civil Code tiếng Pháp Cozian M., Viandier A. (1992), Droit Des Sociétés, Cinqième édition, Litec, Paris. Code Civil (France). Houin R. và Pédamon M. (1990), Droit commercial: commercants et entreprises commerciales concurrence et contrats du commerce, Dalloz, Paris. Merle P. (1992), Droit Commercial, Sociétés Commecial, Dalloz, Paris Starck B. (1989), Droit Civil, Obligation, 2. Contrat, Troisième édition, Litec, Paris. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLA2744.doc
Tài liệu liên quan