Lệ làng truyền thống với việc hình thành ý thức pháp luật cho nông dân Việt Nam thời kỳ đổi mới

mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Việt Nam là một quốc gia hiện có gần 80% dân số là nông dân vẫn sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp truyền thống, mang tính chất tự cấp, tự túc. Từ hiện trạng ấy tiến thẳng lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN, do đó, cũng có nghĩa là bỏ qua dân chủ tư sản, hiển nhiên đặt ra cho chúng ta nhiều khó khăn. Đối với những nước đã qua dân chủ tư sản, việc sống và làm việc theo pháp luật, đã trở thành tập quán, thói quen của người dân. Trái lại, ở nước ta, do chưa trải qua

doc185 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1524 | Lượt tải: 2download
Tóm tắt tài liệu Lệ làng truyền thống với việc hình thành ý thức pháp luật cho nông dân Việt Nam thời kỳ đổi mới, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
dân chủ tư sản, từ điểm xuất phát thấp về kinh tế xã hội, nhất là ở nông thôn, người nông dân với truyền thống "phép vua thua lệ làng" và những quan hệ dòng họ, xóm ngõ, nên chưa có thói quen sống và làm việc theo pháp luật. Tiến trình cách mạng XHCN, xây dựng CNXH, thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là quá trình đưa nông dân lên CNXH. Bởi vậy, cùng với việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân "chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm" [84, tr. 493] để xây dựng và nâng cao ý thức và năng lực thực hành pháp luật cho họ. Đây là một tất yếu khách quan và cũng là một yêu cầu cấp bách. Lệ làng vốn được xem là công cụ quản lý xã hội trong các làng xã truyền thống. Bên cạnh giá trị tích cực trong việc điều chỉnh mối quan hệ xã hội trên quy mô nhỏ hẹp của làng xã, nhìn chung, lệ làng còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới việc hình thành YTPL ở người nông dân. Đó là những cản trở đáng kể cho việc thiết định trong thực tế nguyên tắc sống và làm việc theo pháp luật, một chuẩn mực của xã hội dân chủ văn minh, hiện đại. Do vậy, xây dựng YTPL cho nông dân, một mặt phải đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng cơ sở vật chất của CNXH, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, mặt khác, cần phải phát huy những mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của lệ làng truyền thống. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: "Quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc" [24, tr. 111], cũng là để đưa nông dân lên CNXH, từng bước hình thành YTPL cho họ, nhằm xây dựng thành công CNXH ở nước ta. Để giải quyết những vấn đề trên, đề tài "Lệ làng truyền thống với việc hình thành ý thức pháp luật cho nông dân Việt Nam thời kỳ đổi mới" là một đóng góp nhỏ vào sự nỗ lực chung đó. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Truyền thống, đất nước và con người Việt Nam được hình thành và bảo lưu từ trong các làng xã cổ truyền. Làng xã, vì thế, đã thu hút nhiều nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. - Khảo sát một cách khá toàn diện xã hội nông thôn truyền thống có một số công trình tiêu biểu: "Xã thôn Việt Nam" của GS Nguyễn Hồng Phong [102]; hai tập sách về "Nông thôn Việt Nam trong lịch sử" [125], [126], và hai tập về "Nông dân và nông thôn Việt Nam thời cận đại" [127], [128] - những tập sách trên đã tập trung các bài viết của các nhà sử học, dân tộc học. - Từ góc độ truyền thống và con người có "Giá trị tinh thần truyền thống dân tộc Việt Nam" của GS Trần Văn Giàu [33]; Đề tài KX-07-02 là công trình của nhiều nhà khoa học, được thể hiện ở hai tập sách do GS Phan Huy Lê và PGS.TS Vũ Minh Giang chủ biên [48], [49]. - Từ góc độ tâm lý xã hội, phong tục tập quán, có tác phẩm "Tâm lý cộng đồng và di sản" của Đỗ Long và Trần Hiệp [61]; "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính [6]. - Từ góc độ di sản "luật pháp" làng xã có "Chúng ta kế thừa di sản nào" của GS Văn Tạo [108], các công trình của TS. Bùi Xuân Đính "Lệ làng phép nước" [30], "Hương ước và quản lý làng xã" [29]; Lê Đức Tiết "Về lệ làng Hương ước" [111]. Nhà Việt Nam học Hàn Quốc, GS In Sun Yu với "Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII" [130]. Các bài viết trong "Hội thảo vai trò của Hương ước trong việc xây dựng nông thôn mới và quản lý nhà nước đối với hương ước" do Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Hải Hưng tổ chức ngày 26-27/12/1995. - Nhiều bài viết về dân chủ, con người của PGS.TS Hoàng Chí Bảo, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, PGS.TS Dương Xuân Ngọc, PGS.TS Trần Quang Nhiếp... đã được đăng trên các tạp chí: Cộng sản, Triết học, Nhà nước và Pháp luật, Thông tin lý luận, Nghiên cứu lý luận... Số lượng lớn công trình về nông thôn, làng xã, dân chủ và pháp luật phản ánh sự quan tâm của các nhà khoa học, của xã hội đối với vấn đề mà đề tài hướng tới. Những thành tựu đạt được là tiền đề quan trọng gợi mở cho việc tiếp tục nghiên cứu về nông thôn và người nông dân ở các góc độ khác nhau. Tuy vậy, việc nghiên cứu ảnh hưởng của lệ làng - di sản của làng xã truyền thống - đến việc hình thành YTPL cho người nông dân vẫn chưa có một công trình nào mang tính chuyên khảo từ góc độ triết học - xã hội. Sự thiếu vắng những công trình về lĩnh vực này càng khẳng định tính cấp bách của đề tài. 3. Mục đích và nhiệm vụ của luận án Mục đích của luận án: Trên cơ sở làm rõ quan hệ lệ làng và luật nước trong xã hội Việt Nam cổ truyền và ảnh hưởng của lệ làng truyền thống với việc hình thành YTPL của người nông dân, luận án đưa ra phương hướng và giải pháp nhằm phát huy những nhân tố tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của lệ làng truyền thống trong quá trình xây dựng, nâng cao YTPL cho nông dân nước ta thời kỳ đổi mới. Nhiệm vụ của luận án: - Làm rõ quá trình hình thành và mối quan hệ giữa lệ làng và luật nước trong quá trình lịch sử. - Làm rõ nét đặc thù của lệ làng trong thời kỳ đổi mới và ảnh hưởng của nó đối với việc hình thành YTPL cho nông dân nước ta hiện nay. - Đề xuất một số phương hướng, giải pháp chủ yếu để phát huy nhân tố tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của lệ làng truyền thống trong quá trình xây dựng, nâng cao YTPL cho nông dân nước ta thời kỳ đổi mới. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu của đề tài: Nghiên cứu quan hệ của người nông dân với lệ làng: ý thức sống và làm việc theo lệ làng của người nông dân trong xã hội Việt Nam cổ truyền. Quan hệ của người nông dân với luật nước trong thời kỳ đổi mới, ý thức sống và làm việc theo pháp luật để từ đó định hướng việc giáo dục YTPL cho người nông dân hiện nay. - Phạm vi nghiên cứu: Đề tài giới hạn ở việc nghiên cứu nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi làng xã truyền thống hình thành sớm, có kết cấu xã hội bền chặt và cũng là nơi chịu ảnh hưởng sâu đậm của lệ làng. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án - Luận án dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nông dân, nông nghiệp và nông thôn trong các giai đoạn cách mạng nước ta. - Luận án sử dụng phương pháp duy vật lịch sử của triết học mácxít, có chú ý đến những đặc thù của phương pháp CNXHKH, gắn lý luận với thực tiễn chính trị xã hội Việt Nam để luận giải những vấn đề đặt ra. Ngoài ra, luận án cũng sử dụng các phương pháp như lịch sử - lôgic; phân tích tổng hợp, thống kê, điều tra xã hội học, so sánh, văn bản học... 6. Những đóng góp mới về mặt khoa học của luận án - Luận án khái quát từ góc độ chính trị - xã hội mối quan hệ giữa lệ làng truyền thống với luật nước trong lịch sử; Những nét đặc thù của lệ làng trong thời kỳ đổi mới; làm rõ nội hàm khái niệm YTPL của người nông dân Việt Nam và ảnh hưởng của lệ làng đối với quá trình hình thành và nâng cao YTPL cho người nông dân. - Luận án nêu lên một số phương hướng, giải pháp góp phần xây dựng, nâng cao YTPL cho nông dân phù hợp với dân chủ hóa xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. 7. ý nghĩa thực tiễn của luận án Kết quả nghiên cứu của luận án ở mức độ nhất định có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, góp thêm cơ sở cho việc hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước để phát huy nguồn lực lao động ở nông thôn vào sự nghiệp đổi mới đất nước. 8. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án gồm 3 chương, 6 tiết. Chương 1 lệ làng. mối quan hệ giữa lệ làng và luật nước trong xã hội Việt Nam truyền thống 1.1. lệ làng trong làng xã cổ truyền 1.1.1. Làng xã Việt Nam trong quá trình lịch sử Tìm hiểu xã hội nông thôn Việt Nam, người ta thường bắt gặp các từ làng, xã và thôn trong các văn bản giấy tờ và ngôn ngữ của người nông dân. Làng là một từ nôm, dùng để chỉ đơn vị tụ cư truyền thống của người nông dân Việt. Làng là cộng đồng dân cư, cộng đồng "lãnh thổ", cơ cấu tổ chức, tâm lý, phong tục tập quán tín ngưỡng và "thổ ngữ" riêng. Còn xã là từ Hán - Việt chỉ đơn vị hành chính cơ sở của nhà nước phong kiến ở vùng nông thôn. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, phần nhiều mỗi làng là một xã. Do vậy, người nông dân thường ghép hai từ này làm một: làng xã. Thôn cũng là một từ Hán - Việt, thường được dùng trong văn bản giấy tờ hành chính, trong văn tế. Một xã mà gồm nhiều làng thì các làng họp thành xã ấy được gọi là thôn. Còn trong ngôn ngữ của người nông dân, mỗi người khi nói về quê hương, nơi mình sinh sống vẫn thường nói làng này, làng kia hơn là xã này, thôn nọ. Từ làng in đậm dấu ấn trong ý nghĩ tình cảm, ngôn ngữ thường ngày của người nông dân hơn là xã, thôn. Làng xã Việt Nam thuộc loại hình công xã nông thôn kiểu á châu mà đặc trưng cơ bản nhất là lúc ban đầu, toàn bộ ruộng đất thuộc quyền sở hữu và quản lý của công xã. Công xã có thể giành một phần ruộng đất cày cấy chung để cung cấp sản phẩm cho những hoạt động cộng đồng, còn phần lớn ruộng đất được phân chia cho các gia đình thành viên sử dụng. Mỗi làng "là sự kết hợp của các tiểu gia đình trong một khu vực nhất định" [102, tr. 12]. Quan hệ láng giềng, sự gắn bó trên cùng một địa bàn cư trú, sinh sống gần gũi, liên kết với nhau là đặc điểm chung của công xã nông thôn. Ph.Ăngghen đã từng nhận xét về đặc trưng của hình thái kinh tế - xã hội này: "Lịch sử thời cổ của tất cả, hoặc hầu hết các dân tộc là: việc phân chia dân cư dựa trên các quan hệ thân thuộc, và chế độ sở hữu chung về ruộng đất" [73, tr. 469]. Cả hai đặc trưng trên đều tồn tại rõ rệt trong lịch sử hình thành của các làng Việt. Quan hệ thân thuộc được thể hiện trong những gia đình một họ "định cư thành từng làng". Cho đến tận ngày nay những tên làng Đào Xá, Lê Xá, Nguyễn Xá... vẫn tồn tại mặc cho có sự hỗn cư của nhiều họ, nhưng quan hệ "dây mơ rễ má" vẫn còn tồn tại do quá trình chung sống và hôn phối tạo nên. Chính quan hệ mang tính huyết thống đó đã chi phối nhiều mặt trong sinh hoạt làng xã, tạo thành sợi dây ràng buộc quan hệ ứng xử của những người nông dân. Làng cũng là nơi cư trú của cư dân nông nghiệp, sản xuất lúa nước gắn liền với thủ công nghiệp. Ruộng đất công (đất) và thủy lợi (nước) đã liên kết cư dân thành làng xóm, tự nó đã mang tính chất "siêu ổn định". Tính chất này đã hóa thân thành tinh thần công xã, truyền thống đoàn kết xóm làng trong cuộc đấu tranh chống lại ách nô dịch, đồng hóa của ngoại xâm. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng người Việt có lúc mất nước nhưng chưa bao giờ mất làng. Làng Việt tồn tại trên cơ sở sự kết hợp trực tiếp giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp. Những di tích khảo cổ học thời kỳ đồ đồng: Đồng Đậu, Gò Mun ở Vĩnh Lạc và Phong Châu Vĩnh Phú đã thấy sự tập hợp cư dân như những làng cổ. Với truyền thuyết Thánh Gióng - người con trai làng Gióng, người anh hùng phá giặc Ân - thì các làng của người Việt đã định hình trước thời Bắc thuộc. Theo các nhà sử học cho đến thế kỷ XVIII trên đất nước ta đã có đến gần 2 vạn làng được hình thành từ ba nguồn: - Từ công xã nguyên thủy, loại làng này không phải là ít vì sự phát triển của xã hội Việt Nam không tạo ra một giai đoạn phá vỡ hoàn toàn các công xã nguyên thủy, để rồi đến một lúc khác thành lập lại trên cơ sở một xã hội mới. - Các làng xã khác hình thành trong xã hội có giai cấp theo nhiều con đường: do một họ, nhiều họ, một điền trang của quan lại phong kiến (làng Mộ Trạch, làng Minh Luân, An Nội...) hoặc có nguồn gốc từ đồn điền của nhà nước (Quán La, Nhật Tảo...). - Làng do nhà nước chủ trì khai hoang lập nên [125, tr. 66-67]. Do điều kiện tự nhiên đất đai màu mỡ, dân số chưa đông, người Việt có thể khai khẩn bất cứ chỗ nào thuận tiện xung quanh đủ ruộng cấy lúa và nơi cư trú là thành làng. Cư trú thành làng là một đặc trưng kinh tế, chính trị, văn hóa của người Việt. Là một đơn vị quần cư, mỗi làng được xác định bởi một không gian bằng những đường ranh giới giữa làng này với làng khác, giữa đất làng với đất không phải của làng. Đất đai của làng tạo nên bởi những ranh giới do các thế hệ người làng lập nên. Nó vừa là của chung, của làng vừa là của riêng mỗi gia đình. Ruộng đất đó dân làng cày cấy nuôi sống mình và đóng góp một phần cho nhà nước. Ngoài phần đất canh tác, mỗi làng thường giành một phần làm nơi cư trú thuận lợi cho hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, giao thông... và được gọi là làng. Nơi cư trú ấy của cộng đồng làng thường được bao bọc bởi lũy tre, trong đó được chia thành xóm ngõ. Trong cái không gian bé nhỏ đó, có đường làng ngõ xóm để mọi người dùng chung, có giếng làng để mọi người lấy nước sinh hoạt, có đình làng vừa là nơi thờ thành hoàng, vừa là nơi hội họp. Không gian kinh tế - xã hội, văn hóa thiêng liêng ấy là yếu tố gắn kết mọi người chung một làng. Qua hàng ngàn năm, do điều kiện đặc thù của lịch sử quy định, làng Việt Nam tồn tại như những đơn vị độc lập tương đối. Tính độc lập và khép kín được xác định bởi những lũy tre xanh bao bọc như những tường thành ngăn cách và bằng cả một hệ thống thiết chế, tập tục của từng làng. Về mặt kinh tế, đó là những thể thức phân chia và sử dụng công điền, công thổ, sử dụng nguồn nước của làng. Về mặt chính trị - xã hội mỗi làng đều có những quy ước quy định các vị trí đẳng cấp xã hội, cả quyền lợi và nghĩa vụ, là sự tồn tại và thực hiện chức năng xã hội của các hội, các phường được thiết lập trong làng. Về mặt văn hóa, đó là các hình thức hội hè, tập tục, lễ cưới, lễ tang, lễ khao vọng... và gắn với văn hóa tôn giáo, là tín ngưỡng thành hoàng với "Lệnh làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ". Sự khác nhau giữa các làng đã hình thành nên cái mà các nhà nghiên cứu văn hóa gọi là cái "Ta làng" - cơ sở của tính biệt lập khép kín của mỗi làng. Bên cạnh những khác biệt trên, làng Việt nào cũng có đủ tất cả: ruộng công, ruộng tư, đình chùa, hội hè, đình đám, có phường hội, có chính quyền quản lý và đó cũng là điểm giống nhau của tất cả các làng. Làng là đơn vị kinh tế tự túc, tự cấp, có thể thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu của con người: hầu hết các làng đều có một vài hộ làm nghề rèn, dăm ba hộ làm thợ mộc, thợ nề, một số hộ buôn bán tạp hóa ở chợ làng, một vài ông đồ dạy học, ông lang bốc thuốc. "Làng có nông, làng cũng có sĩ, công, thương" [125, tr. 12]. Sự giống nhau đó đảm bảo cho các làng có tính độc lập, tương đối ít phụ thuộc vào nhau. Như C.Mác từng nhận xét: Cái cơ cấu sản xuất đơn giản của các cộng đồng tự cung tự cấp ấy, - những cộng đồng không ngừng được tái sản xuất ra dưới cùng một hình thức ấy và nếu ngẫu nhiên bị phá hủy thì cũng lại xuất hiện trên địa điểm cũ với một tên cũ - cái cơ cấu ấy cho chúng ta cái chìa khóa để hiểu được sự bí ẩn của tính chất bất di bất dịch của những xã hội châu á, nó trái ngược một cách lạ thường với hiện tượng các nhà nước châu á không ngừng bị phá hủy rồi lại được lập lại, với những sự biến đổi không ngừng của các triều vua. Kết cấu của các yếu tố kinh tế cơ bản của xã hội vẫn không bị những cơn dông tố của lĩnh vực chính trị đầy mây ảnh hưởng tới [75, tr. 520-521]. C. Mác còn chú thích thêm: Dưới hình thức đơn giản ấy... những người dân các nước đó đã sống từ thời thượng cổ đến nay. Ranh giới giữa các làng mạc ít khi bị thay đổi. Và mặc dù bản thân những làng mạc đó đôi khi bị thiệt hại, hay thậm chí còn bị tàn phá vì chiến tranh, nạn đói, bệnh dịch, nhưng cũng cái tên ấy, những ranh giới ấy, với những lợi ích ấy, thậm chí với cả gia tộc ấy vẫn cứ tiếp tục tồn tại hàng thế kỷ. Sự sụp đổ hay sự phân biệt của các vương quốc chẳng hề làm cho họ lo lắng; trong khi làng xóm vẫn còn nguyên vẹn, thì dù nó nằm dưới quyền lực của ai hay được chuyển cho một ông vua nào, điều đó đối với họ cũng không quan trọng lắm, nền kinh tế nội bộ của họ vẫn không thay đổi [75, tr. 520]. Chính cái cơ cấu kinh tế - xã hội khép kín ấy, là cơ sở hình thành ý thức người nông dân làng xã Việt Nam, ý thức cộng đồng - cái cá nhân dường như bị tan ra, bị hòa vào cộng đồng. Lợi ích cá nhân nằm trong lợi ích cộng đồng, danh dự của người nông dân gắn với danh dự của làng xã - họ không chỉ sống cho mình mà sống cho làng xã. Người nông dân chấp nhận những quy tắc ứng xử, nếp sinh hoạt, quan hệ cộng đồng làng xã như một lẽ tự nhiên. Quan hệ làng xã ấy, vừa có mặt trì trệ bảo thủ của nó, nhưng chính nó lại là nơi thể hiện khá rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người nông dân mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là "dân chủ làng xã". Quan hệ ấy cũng là những bức tường thành kiên cố vững chắc nhất bảo tồn văn hóa làng, cũng là bản sắc văn hóa dân tộc đã chiến thắng mọi yếu tố tiêu cực của luồng văn hóa từ bên ngoài. 1.1.2. Sự hình thành "lệ làng" và những nội dung cơ bản của nó Tập thể cư dân trong mỗi cộng đồng sinh sống lâu dài trong một địa vực, có những mối liên hệ với nhau trong đời sống sản xuất và xã hội, trong cuộc đấu tranh thường nhật với thiên tai và địch họa, đều muốn xây dựng những mối quan hệ ổn định, hòa thuận, một lối sống có kỷ cương, trật tự. Nhu cầu ấy đòi hỏi phải có những quy ước, những thỏa thuận ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm giữa các thành viên trong cộng đồng, giữa cá thể với cộng đồng làng xã. Những quy ước lúc đầu mang tính chất đạo đức răn dạy, những điều nên và không nên làm, được truyền miệng từ đời này sang đời khác, từ người này sang người khác. Về sau với sự phát triển của làng, số lượng dân cư ngày một tăng, đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và các dạng quan hệ của nó ngày càng phức tạp, thì những quy ước cũng phát triển như một đòi hỏi tất yếu, để điều tiết các mối quan hệ trong làng, để đảm bảo tính ổn định của nó. Những quy ước (mặc dù lúc đầu chỉ là truyền miệng - bất thành văn) có tính bắt buộc chung, mọi người dân trong làng phải tuân theo. Đó cũng là một trong những biểu hiện tiêu biểu tính tự quản của mỗi cộng đồng dân cư mỗi làng. Chế độ phong kiến ra đời, làng được coi là đơn vị hành chính cơ sở, nhà nước chỉ quản lý tới làng, còn làng trực tiếp quản lý tới từng người nông dân. Nhà nước không biết đến mỗi người cụ thể mà chỉ biết đến làng của họ. Làng là khâu trung gian nối liền nhà nước và từng cá nhân cụ thể. Trong thực tế, làng tồn tại như một thực thể tương đối biệt lập; giữa làng này với làng khác không có mối liên hệ ràng buộc mà có sự cách biệt về ranh giới lãnh thổ, sự khác nhau về phong tục tập quán sinh hoạt, về quan hệ xã hội... Cho nên, mỗi làng đều có quy ước riêng để các thành viên của mình thực hiện được gọi là "lệ làng". Theo Từ điển tiếng Việt: Lệ: Lề lối, phép tắc đã đặt ra, lệ làng: tục lệ ở làng [46, tr. 912] Lệ có nguồn gốc Hán Việt : bao gồm : người chỉ những việc liên quan đến con người và : liệt nêu ra, bày đặt ra, sắp đặt ra. Lệ: là những sắp đặt, bày đặt ra mà người ta phải tuân theo. Lệ làng là toàn bộ những quy định, lề lối, phép tắc, những phong tục tập quán được hình thành trong các hoạt động của dân làng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội văn hóa tín ngưỡng của từng làng. Lệ làng quy định điều chỉnh hành vi, ứng xử của con người trong các hoạt động đó. Trước Cách mạng Tháng Tám, ở các làng xã người Việt đều có những lệ làng thành văn với những tên gọi riêng tùy theo cách ghi chép của người soạn thảo: Hương ước, Hương biên, Khoán ước, Hương khoán, Hương lệ, Điều lệ v.v... Nhưng dù gọi tên gì chăng nữa thì những văn bản đó đều bao gồm những quy ước liên quan đến các lĩnh vực đời sống của từng làng, từng cộng đồng dân cư, mà người ta quen gọi bằng tên phổ biến nhất - Hương ước. Quá trình phát triển của làng xã làm cho cư dân đông đúc dần, các mối quan hệ và thiết chế xã hội lần lượt ra đời và tăng lên để quản lý các mặt, các lĩnh vực của đời sống. Đó là tiền đề để làm phong phú các quy ước nhằm đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng. Các hình thức tổ chức, các mối quan hệ xã hội giữa các cá nhân, các tổ chức trong làng cũng như quan hệ giữa làng xã với nhà nước phong kiến ngày càng phức tạp. Những tục lệ tập quán trong làng cũng phức tạp thêm lên. Để duy trì các mối quan hệ đó, giữ "thăng bằng" cho làng xã, những quy ước truyền miệng phải được điều chỉnh bổ sung cho phù hợp, mặt khác cũng không ai có thể nhớ nổi những quy ước ngày càng phức tạp đó. Để cho cộng đồng có thể thống nhất với nhau trong khi vận dụng những điều về các quy tắc ứng xử, quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân đối với cộng đồng và ngược lại. Do vậy, việc văn bản hóa những tục lệ, tập quán là sự đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển các mối quan hệ cộng đồng. Hương ước ra đời vừa là kết quả, vừa là yêu cầu của quá trình phát triển nội tại của đời sống làng xã. Nó kế tục và hoàn chỉnh những quy ước trước đó của mỗi nhóm dân cư, của các hình thức cộng đồng người trong mỗi làng xã. Yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong từng làng mới chỉ là điều kiện cần cho sự xuất hiện lệ làng - hương ước. Bất cứ cộng đồng người nào để có những bộ luật hay tập quán viết thành văn ngoài việc phải có một cơ cấu tổ chức xã hội hoàn chỉnh còn phải có những điều kiện khác. Đó là văn tự (chữ viết) và cùng với nó là một tầng lớp trí thức có đủ trình độ để soạn thảo văn bản. Mặt khác, đối với những nhóm dân cư nhỏ của một quốc gia thì "bộ luật" của họ muốn ra đời và tồn tại còn phải chịu sự kiểm soát của bộ máy nhà nước bao trùm lên trên nó, nghĩa là, mỗi đơn vị tụ cư ấy phải trở thành đơn vị, trở thành một cấp hành chính của nhà nước. Như vậy, trải qua quá trình phát triển lịch sử, do yêu cầu quản lý xã hội các "bộ luật" hay các bản hương ước của các làng xã người Việt ra đời trong những điều kiện: - Chữ viết (chữ Hán) phải trở thành thứ văn tự phổ biến, được sử dụng trong giấy tờ sổ sách để giải quyết, ghi chép các công việc, các mối quan hệ trong đời sống hàng ngày của làng xã. Cùng với chữ viết còn có một tầng lớp trí thức (nho sĩ) trực tiếp sử dụng thứ văn tự đó. - Sự tác động của nhà nước phong kiến đối với làng xã để hướng các làng xã đi vào quỹ đạo của nó. Nhà nước phong kiến thông qua lệ làng để buộc các làng xã, các đơn vị tụ cư của người nông dân ấy phải khuôn theo hình mẫu của nó. Muốn làm được việc đó phải văn bản hóa các tục lệ, các quy ước của làng xã. Theo các nhà dân tộc học, từ cuối thời Trần trở đi trong mỗi làng Việt đã có những điều kiện để những bản lệ làng thành văn ra đời. Những điều kiện đó là: - Cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, các phong tục, tập quán, các tục lệ ngày càng phức tạp. - Nhà nước phong kiến ngày càng can thiệp vào làng xã, biến nó thành đơn vị hành chính cơ sở, tuy vậy mỗi làng còn giữ được tính "tự trị" thể hiện ở một số tập tục truyền thống. - Trong mỗi làng đã xuất hiện một tầng lớp nho sĩ có thể đại diện cho làng soạn thảo các sổ sách giấy tờ trong đó có bản lệ làng thành văn - Hương ước [30]. Khẳng định điều đó nhằm tìm ra một niên đại tương đối về sự xuất hiện của các văn bản lệ làng. Số lượng các bản hương khoán ước có niên đại cụ thể hiện nay còn lại khá nhiều chỉ tính riêng hai thư viện: Viện nghiên cứu Hán Nôm và Viện Thông tin khoa học xã hội đã có tới 5.456 bản [29, tr. 16] đó là chưa kể số còn lại nằm rải rác ở các thư viện trung ương, thư viện địa phương, trong các làng, và trong tay các nhà nghiên cứu. Những bản hương ước có niên đại sớm nhất còn lại đến ngày nay là bộ Quỳnh Đôi sự tích cổ kim Hương biên gồm ba văn bản ra đời vào gần giữa thế kỷ XVII. Hương ước làng Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay là huyện Cẩm Bình - Hải Dương) ra đời năm 1665 sau đó được sửa chữa bổ sung tới 16 lần từ 30 điều ban đầu lên 82 điều ở bản cuối cùng [108, tr. 107]. Ngoài ra còn khá nhiều các bản hương ước có niên đại từ nửa sau thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Điều đó chứng tỏ từ thế kỷ XVII trở đi, lệ làng được "văn bản hóa" đã trở thành rất phổ biến trong sinh hoạt làng xã. Song, chưa hẳn những văn bản lệ làng hiện nay còn lại đã là những văn bản có niên đại sớm nhất mà có thể từ thời Lê Thánh Tông đã xuất hiện và tồn tại của các văn bản lệ làng. Bằng chứng là dưới triều Lê Thánh Tông (1460 -1497) trong hàng loạt các đạo dụ được tập hợp trong "Hồng Đức Thiện chính thư" có một điều luật gồm 5 điều mà nội dung rõ ràng nhằm mục đích hạn chế các làng xã lập hương ước - khoán ước [39, tr. 54-55]. Đạo dụ của Lê Thánh Tông cũng chứng tỏ ngay cả khi có luật nước, lệ làng vẫn còn tồn tại để điều chỉnh các mối quan hệ làng xã. Sức sống của truyền thống công xã cùng sự phong phú và phức tạp của đời sống làng mạc càng làm cho lệ làng - hương khoán ước cần được duy trì, tồn tại. Lệ làng đã được nhà nước phong kiến - mặc dù có khi ngăn cản nó - chấp nhận, công nhận, lợi dụng nó, để phục vụ cho lợi ích của mình. Tình hình đó tạo điều kiện thuận lợi để từ thế kỷ XVII trở đi là thời kỳ phát triển nhất của các hương - khoán ước: hầu hết các làng ở Bắc và Bắc Trung Bộ đều thảo ra các bản lệ làng thành văn của mình và chúng được nhà nước phong kiến thừa nhận như những văn bản pháp lý. Từ khi xâm lược và đặt ách thống trị lên đất nước ta, để nắm chặt các làng xã, củng cố chế độ thuộc địa, thực dân Pháp đưa ra cái gọi là "Cải lương hương chính" vào các năm 1921, 1927 và 1941. Theo đó, các bản hương ước do thực dân Pháp buộc các làng soạn thảo theo mẫu thống nhất đã thay thế các bản hương ước trước đây do từng làng soạn thảo. Những điều trình bày ở trên cho thấy, lệ làng ra đời, tồn tại như một yêu cầu khách quan để làng xã tự quản lý và cũng thông qua đó, cùng với luật của nhà nước trở thành công cụ để nhà nước quản lý các làng xã, quản lý người nông dân đảm bảo sự ổn định để duy trì sự thống trị của nhà nước. Là những "bộ luật" của làng xã, tùy theo cách ghi chép của từng làng mà lệ làng tồn tại dưới các tên khác nhau, hương khoán, điều ước, điều lệ, khoán lệ, tục lệ... và tùy điều kiện cụ thể của từng làng mà mỗi bản hương ước gồm nhiều hay ít các điều khoản. Tỷ lệ các điều khoản của từng vấn đề và sự sắp xếp chúng cũng theo những trình tự khác nhau, tùy theo đặc điểm của mỗi làng mà có những tập tục quy ước riêng. Nhưng nhìn chung, các điều khoản trong hương ước khá đa dạng phong phú, phản ánh khá sinh động các mặt hoạt động của đời sống sinh hoạt làng xã theo một khuôn phép mà không một luật nước nào có thể bao quát hết được. Nếu đem chắt lọc những khác biệt của từng làng ta thấy các bản hương ước đều phản ánh những nội dung cơ bản dưới đây: Nội dung thứ nhất, hương ước khẳng định ranh giới lãnh thổ của làng và cơ cấu tổ chức, quan hệ trong làng xã. Mỗi làng có một địa vực riêng, được hình thành do những dòng họ hay tập đoàn người đầu tiên đến khai phá và mở rộng theo thời gian nhờ công sức của nhiều thế hệ. Hương ước của một số làng đã ghi lại quá trình khai hoang lập nên làng xóm. Chủ quyền của làng, được khẳng định qua điều khoản của hương ước: ranh giới của làng giáp đâu ? Xác định bởi mốc giới nào? Diện tích công tư điền thổ bao nhiêu? Hương ước cũng quy định, các thành viên trong làng có nghĩa vụ bảo vệ "lãnh thổ" của làng, chống lại sự xâm phạm của người làng khác, cũng như phải tuân thủ nghiêm ngặt về việc sử dụng các bộ phận lãnh thổ của làng. Chính cái giới hạn lãnh thổ của mỗi làng đã làm nên cái "ta làng" cái văn hóa làng. Người nông dân ý thức về quyền sở hữu "tập thể làng" cái ý thức "co cụm để đề kháng" để bảo vệ làng và rộng hơn là bảo vệ bản sắc dân tộc. Do vậy, "làng và văn hóa làng từng là cái nôi, lá chắn, đã sáng tạo giữ gìn và che chở những giá trị tinh thần chống lại các âm mưu đồng hóa về văn hóa của bên ngoài" [60, tr. 46]. Mặc dù sắp xếp trước sau có thể có sự khác nhau, song một trong những mục mà các bản hương ước đều đề cập tới đó là mục chính trị, trong đó nội dung chủ yếu liên quan đến thiết chế chính trị, cơ cấu tổ chức và các quan hệ xã hội trong làng. Quan hệ tổ chức - xã hội ở làng xã khá chặt chẽ, được thể hiện ở các điều mục trong hương ước quy định bộ máy tổ chức, phân định trật tự đẳng cấp trong bộ máy, trong cư dân làng xã. Lệ làng gồm những quy ước đề cập tới các tổ chức trong làng, chức năng quyền hạn của các tổ chức và những thành viên của nó: Hội đồng kỳ mục, xóm ngõ, phường hội, phe, giáp, dòng họ... Hội đồng kỳ mục là bộ máy quản lý làng xã truyền thống, về danh nghĩa, đây là cơ quan có toàn quyền quyết định các công việc quan trọng trong làng. Phân bổ thuế khóa, sưu dịch, phân chia công điền, xây dựng tu bổ đình chùa, tổ chức hội hè, đình đám v.v... Hội đồng lý dịch đại diện cho bộ máy nhà nước phong kiến ở làng, đứng đầu bộ máy này là lý trưởng, phó lý do dân làng bầu ra và phải được nhà nước phong kiến công nhận, vừa đại diện cho làng vừa đại diện cho nhà nước. Những con người của bộ máy lý dịch vừa là người "nhà nước" vừa là người "làng ta", "họ ta". Cái quan hệ theo "lý" của nhà nước vừa có cái "tình" của làng đã chi phối quan hệ xã hội ở nông thôn. Đi kèm với những điều khoản phân định trật tự xã hội, hương ước còn quy định chức năng, quyền hạn, quyền lợi và nghĩa vụ của các thang bậc xã hội trong sinh hoạt của làng. Những quy định cụ thể tùy theo đặc điểm của từng làng, nhưng xu hướng chung là những người ở thang bậc cao thì thường được trọng vọng và được hưởng quyền lợi nhiều hơn. Tất cả được quy định theo một trật tự nghiêm ngặt, vi phạm trật tự đó có nghĩa là xâm phạm tới lợi ích, tinh thần của người khác, sẽ bị làng bắt vạ, bị người làng tẩy chay và không ít trường hợp đã dẫn tới kiện cáo. Người nông dân cũng ý thức được vị trí của mình trong trật tự đẳng cấp đó. Việc quản lý nhân khẩu của làng cũng được quy định trong hương ước nhằm quản lý các thành viên của mình thực hiện các nghĩa vụ với làng và với nhà nước. Hương ước còn dành những điều khoản quy định việc cưới xin, sinh, tử. Việc sinh đẻ, công nhận một thành viên mới ra đời được tiến hành qua lễ vọng giáp. Việc hôn nhân của đôi trai gái muốn được làng công nhận phải nộp "cheo"; cheo có giá trị pháp lý như giấy kết hôn. Nếu không nộp cheo cuộc kết hôn coi như vô nghĩa và không được làng công nhận. Cheo có thể nộp bằng tiền, cũng có thể bằng hiện vật tùy theo từng làng quy định. Việc ma chay cũng được quy định chặt chẽ, tỉ mỉ trong các bản hương ước, như những điều luật của làng. Quan hệ xã hội của người dân trong làng được quy định bởi những quy ước về việc cư xử giữa người với người trong làng xã. Những điều khoản này chiếm một số lượng tương đối trong hương ước. Nội dung chủ yếu trong những điều khoản đó đề cao tinh thần đoàn kết đùm bọc làng xóm, ._.giữ gìn những quan hệ tốt đẹp, khuyến khích dân làng ăn ở hòa thuận giúp đỡ nhau trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn, Điều 71 hương ước làng Quỳnh Đôi quy định: Mọi người phải đến giúp người khác lợp nhà, đưa ma mà không cần lời mời, khi đưa ma thì tùy tang chủ kính biếu mà không được đòi hỏi. Điều 83 lại ghi: Ai gặp người già mà không giúp sức mang vác thì bị phạt. Hoặc ở Điều 97: Gặp hoạn nạn, người trong làng phải giúp đỡ lẫn nhau, nếu không khi trở về làng bị phạt 20 quan mới được ghi tên vào sổ làng (được công nhận lại là thành viên của làng). Nhiều bản hương ước còn có những điều khoản quy định nhằm hạn chế hiện tượng kéo bè cánh, cậy quyền ỷ thế trong việc giải quyết các công việc của làng, như hương ước làng Dương Liễu (Hoài Đức - Hà Tây) làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu - Nghệ An) v.v... Hương ước làng Dương Liễu viết: Ai ức hiếp dân chúng, yêu sách trong kỳ thu thuế, bắt phu, kẻ đó bị phạt 10 quan tiền và bị xóa bỏ ngôi thứ ở đình. Hoặc ở làng Quỳnh Đôi: Khi đi thu thuế, ai đòi hỏi yêu sách thêm thì đến khi người ấy chết làng không đến đưa ma... Những quan hệ xã hội trong làng xã đã được "luật hóa" trong lệ làng. Dòng họ là một hình thức tập hợp người trong làng theo quan hệ huyết thống. Mỗi làng có thể có nhiều họ. Các họ cư trú đan xen vào nhau ở tất cả các xóm trong làng, nhưng ở nhiều làng, có những dòng họ cư trú trong một xóm hay một khu vực nhất định. Tình cảm dòng họ nhiều khi trở thành một phương thức điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân. Người trong họ hàng thường quan tâm và biểu lộ tình cảm thái độ đối với cách ứng xử của các thành viên của dòng họ mình. Vì thế, người ta có thể tự điều chỉnh hành vi của mình, đừng làm điều gì tổn hại đến thanh danh gây tai tiếng cho cả họ. Quan hệ dòng họ của người nông dân ở nông thôn tác động khá sâu sắc đến phương thức hoạt động của từng cá nhân. Làng xã đòi hỏi mỗi thành viên của mình trước hết phải biết kính yêu cha mẹ, thương mến họ hàng. Quan hệ huyết thống thân tộc có thể được coi là quan hệ ưu tiên hàng đầu trong mối liên hệ gắn bó giữa người và người trong xã hội làng xã: "đi làng, bênh họ", "giọt máu đào hơn ao nước lã". Quan hệ đó trở thành "nguyên tắc" ứng xử hướng dẫn hành vi cho con người: "Anh em như thể chân tay", "máu chảy, ruột mềm", "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Mỗi hành vi tốt xấu của con người trước hết liên quan đến gia tộc "con dại, cái mang". Nếu lấy con người làm tâm điểm xã hội, làng xã là không gian bao quanh thì gia tộc họ hàng là vòng tròn giáp ranh tâm điểm. Quan hệ làng - xóm - họ - tộc tác động đến ý thức, chi phối từng hành vi, phương thức ứng xử của người nông dân. Trong quan hệ của họ khi thì "bán anh em xa mua láng giềng gần", khi thì "một giọt máu đào, hơn ao nước lã"... Người nông dân suy nghĩ và hành động không chỉ vì mình mà vì "làng mình", "xóm mình" và "họ mình"... Những yếu tố đó trước đây giai cấp thống trị đã lợi dụng để duy trì trật tự quản lý xã hội ở nông thôn. Bên cạnh quan hệ dòng họ, quan hệ xóm ngõ cũng không kém phần quan trọng. Quan hệ xóm ngõ là hình thức cộng đồng người theo lĩnh vực cư trú. Tùy đặc điểm từng làng mà ranh giới các xóm được phân định bởi mốc giới khác nhau, trong xóm có ngõ, trong ngõ bao gồm các gia đình quần cư theo truyền thống "tắt lửa tối đèn có nhau". Trong sự vận hành của đời sống làng xã, mỗi thành viên bao giờ cũng hiện diện đồng thời với hai tư cách: người con của họ hàng và người dân của làng xã. Quan hệ đó khi thì "cửu đại hơn ngoại nhân", khi thì "bán anh em xa mua láng giềng gần". Dân làng xã lại được "lệ làng" phân thành những cấp bậc khác nhau: Có dân "chính cư", dân "ngụ cư". Chỉ có dân chính cư mới được coi là dân của làng. Tùy theo đẳng cấp, phẩm hàm chức tước, tài sản, tuổi tác, dân chính cư lại bị phân thành những cấp bậc khác nhau sau khi đã làm "lễ khao vọng". Vị trí xã hội của mỗi người trong hệ thống đẳng cấp cũng được xác định rõ trong lệ làng. Nhìn chung, tục lệ của làng xã cổ truyền phản ánh "cấu trúc xã hội chính trị" của làng và những "chuẩn mực" điều chỉnh quan hệ của các cá nhân trong cộng đồng làng. Nội dung thứ hai của hương ước là những quy ước bảo vệ an ninh làng xã ý thức bảo vệ đời sống cộng đồng được thể hiện ở việc giữ gìn trị an thôn xóm và gắn liền với việc tổ chức vũ trang bảo vệ làng xã. Đây là vấn đề sống còn và thường xuyên của từng làng được quy định tỉ mỉ trong các bản hương ước. Có làng tổ chức an ninh còn được xây dựng chặt chẽ thành một hương ước riêng (không chung với các quy định, các mặt của đời sống xã hội khác) như "Kiêu Trì tam phiên khoán" [44]. Điều quan trọng không chỉ thể hiện ở tổ chức và lực lượng phòng vệ mà là ý thức phòng vệ của toàn dân được quy định ở các bản hương ước. Tuy mỗi làng có những quy định riêng về tổ chức vũ trang canh phòng, tuần tra nhưng chúng ta có thể thấy ở những bản hương ước có những nét chung. Trước hết, làng xã coi trọng việc lập các điếm canh, điếm tuần phòng để phòng "thủy, hỏa, đạo, tặc" bảo vệ tính mạng, tài sản chung của cả làng. Vì thế hết thảy các tráng đinh trong làng (thường từ 18 đến 49 tuổi) đều phải tham gia và được tổ chức thành các đội dân binh của các xóm ngõ gọi là tuần phiên hay hàng phiên (nhưng cũng có làng chỉ lấy những người vào phiên từ 20 đến 40 tuổi). Hương ước làng Phú Xuyên (Ba Vì - Hà Tây) Điều 26 ghi: "Trong làng đặt ra các ngõ như ngõ Trên, ngõ Hương, ngõ Đình, ngõ Đồng... Phải cắt cử những tráng đinh trong ngõ từ 20 đến 40 tuổi, ngõ lớn cử 12 người, ngõ nhỏ cử 8 người làm tuần phiên để tuần thú trong ngõ. Nếu bất cẩn để nhà nào mất trộm vật gì đáng từ một đồng trở lên thì tuần phiên phải đền" [41]. Chế độ tuần tra, canh gác của các đội tuần phiên tùy thuộc vào tập tục của từng làng, nhằm bảo vệ an ninh trật tự, tài sản chung của cả làng cũng như mỗi thành viên của làng. Họ có trách nhiệm bảo vệ "nội hương ấp, ngoại đồng điền", nếu để mất mát căn cứ vào giá trị phải bồi thường cho người bị mất. Chẳng hạn làng Lộc Du (Thường Tín, Hà Tây) quy định phiên tuần canh gác không cẩn thận để kẻ gian vào ăn trộm mỗi con trâu bị mất phải bồi thường 30 quan, bò 20 quan. Làng Kiêu Trì quy định nếu ban đêm xảy ra mất trộm tuần phải đền mỗi con trâu 10 quan, bò 6 quan... ở ngoài đồng mất từ 3 lượm lúa trở lên thì đền 3 lượm, mất 1 sào trở lên thì đền 3 gánh... Hương ước các làng còn quy tội nặng hơn cho những tuần phiên lợi dụng việc canh gác, tuần phòng để ăn trộm. ở làng Dương Liễu (Hoài Đức - Hà Tây) nếu phiên lợi dụng canh gác đi ăn trộm súc vật, hoa quả thì phạt 2 quan, hoặc trong lúc tuần phòng cố ý thả kẻ trộm sẽ bị "luận tội" và phạt 3 quan. ở làng Đồng Lư phiên tuần lợi dụng lúc làm nhiệm vụ để ăn trộm thì bị phạt gấp đôi kẻ trộm bình thường, nặng thì giải trình quan trên. Phiên mở cổng làng cho kẻ gian vào làng phải đền những của cải bị mất phạt 10 quan (tiềnn năm 1829) nhẹ đánh 30 roi và đuổi về, nặng thì trình quan xét xử. Chế độ thù lao cho tuần phiên được trích từ quỹ công của làng, nhưng thường được trực tiếp thu từ hoa màu gọi là "sương túc" hay "lúa bờ". Hương ước làng Phú Xuyên ghi cho lấy bờ các hoa màu 10 phần lấy một, ngoài bãi 20 phần lấy một. ở trong làng được thu theo ngõ xóm, mỗi nóc nhà một hào, trâu hai hào, bò một hào, lợn 5 xu. Ngoài ra còn được hưởng một số quyền lợi khác mỗi khi làng có việc làng hay các gia đình thành viên của làng có tang lễ, cưới xin... Trách nhiệm bảo vệ an ninh làng xã không chỉ do các tuần phiên đảm nhiệm mà còn là của cả làng. Hương ước làng Miêu Nha (Hải Phòng) ghi rõ: hễ trong làng bất thần nghe thấy tù và, trống đánh cáo cấp thì tất cả thượng hạ không cứ sang hèn giàu nghèo tuổi từ 18 đến 60 đều phải cầm lao, gậy chạy đến nơi tiếp cứu. Tương tự ở làng Quỳnh Đôi quy định: ai không đến thì bị phạt một con trâu để nghiêm phép làng, ở làng Mộ Trạch (Hải Dương) phạt một con lợn. ở làng La Nội và ỷ La (Hoài Đức - Hà Tây) quy định: các tráng đinh không tham gia đuổi cướp bị phạt 1 quan tiền cổ. Nhiều làng còn quy trách nhiệm liên đới cho tất cả các thành viên trong làng đối với việc bảo vệ an ninh làng xã lúc bình thường cũng như khi có động. Ngoài ra, để quản lý chặt chẽ hơn hương ước còn quy định các gia đình phải trình báo khi có khách lạ trú ngụ qua đêm nếu không trình báo khi phát hiện, chủ nhà sẽ bị phạt (Hương ước làng Kiêu Trì). Chế độ khen thưởng đối với người có công trong việc bảo vệ an ninh làng xã cũng được đề cập trong các bản hương ước. Làng Yên Sở quy định: ai bắt được một tên cướp được thưởng 100 quan tiền, ai giết được một tên cướp được thưởng 60 quan, bắt một tên ăn cắp thưởng 15 quan. Trong việc tham gia chống trộm cướp hoặc cứu hỏa hoạn chẳng may bị thương hoặc chết được làng xã quan tâm. Làng Mộ Trạch (Hải Dương): ai bị thương cấp 50 quan, bị chết cấp 100 quan (tiền 1728) và cho người con được miễn phu dịch cả đời. Làng Phú Xuyên (Ba Vì - Hà Tây) "người đến cứu giúp hỏa hoạn mà bị bỏng hoặc què thì hội đồng trích tiền quỹ chi cho uống thuốc, người tham gia bắt trộm cướp nếu bắt được trộm cướp được thưởng 10 đồng bạc, nếu ai bị cướp đánh lại bị thương được cho 10 đồng bạc uống thuốc, nếu bị chết được 30 đồng tống táng và xin cho con cháu một chức khán thủ. Những biện pháp khen thưởng thích đáng đó một mặt phản ánh tính cộng đồng làng xã, mặt khác giúp cho các làng xã chủ động trong việc bảo vệ trật tự trị an của mình. Nội dung thứ ba của hương ước là những quy ước liên quan đến sản xuất và bảo vệ môi trường. Như chúng ta đã biết, đối với một nền kinh tế tiểu nông, người nông dân "kiếm tư liệu sinh hoạt cho mình bằng cách trao đổi với thiên nhiên nhiều hơn là giao tiếp với xã hội" [69, tr. 264]. Quy trình sản xuất diễn ra một thời gian dài, kết quả của nó phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên. Trong quá trình sản xuất người nông dân một mặt phải "trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm" cầu cho "mưa nắng phải thì" mặt khác vừa phải tìm cách đối phó với thiên nhiên để tồn tại. Với một nền nông nghiệp trồng lúa nước, thủy lợi luôn đặt lên hàng đầu. Không chỉ đối với nhà nước phải có hẳn một bộ "công trình công cộng" [70, tr. 172] mà thủy lợi đã trở thành một hoạt động cộng đồng mang tính phổ biến ở hầu hết các làng xã Việt Nam. Đối với người nông dân trồng lúa nước thì nước là yếu tố thứ nhất rồi mới đến đất, công việc thủy lợi phải được thực hiện thường xuyên. Việc đắp đê, hộ đê, sửa chữa bồi đắp chỗ sạt lở, đào sông, đào kênh, khơi ngòi khơi lạch trở thành công việc mang tính truyền thống của các làng xã. Hương ước nhiều làng quy định chặt chẽ việc sử dụng nước. Chẳng hạn, trong "Vĩnh Lại khoán lệ" quy định "Việc giữ nước hoặc mở nước với nhà nông rất là quan hệ. Nếu ruộng nhà nào bị hạn, bị ngập người chủ ruộng làm đơn trình cho thôn, xã trưởng xem, nếu đúng sự thật chỉ sẽ cho làm, nếu người nào tự ý giữ nước lại hoặc mở nước ra để đến nỗi có hại cho việc nhà nông thì sẽ bị phạt lợn và ruộng trị giá một quan, 2 mạch tiền" hoặc hương ước làng Phú Xuyên (Ba Vì - Hà Tây): Phiên tuần phải trông nom việc giữ nước, khi nào nên tháo nước thời phải hỏi ý kiến hội đồng, không được tự tiện làm ngay, người nào tháo nước, chắn cá làm cho ruộng lúa mất nước phải bị phạt. Ngoài việc bảo vệ nguồn nước, hương ước các làng còn có những điều khoản quy định việc bảo vệ hoa màu: không được tự ý thả trâu bò, gà vịt ra đồng khi lúa đã cấy xong, không được lội vào ruộng lúa bắt cá tôm... Với nền nông nghiệp phong kiến kỹ thuật canh tác lạc hậu, công cụ thô sơ, những công trình công cộng - đê điều và hệ thống thủy lợi cần có sự chăm lo bảo vệ của cả cộng đồng. Người nông dân phải biết và dám hy sinh cả lợi ích riêng, tài sản và sở hữu của chính mình để bảo vệ lợi ích cộng đồng một khi lợi ích đó bị đe dọa. Nếu cộng đồng cần thì mỗi người nông dân phải tự nguyện, tự giác hy sinh thời gian, sức lực, nhà cửa cây trái sắp đến ngày thu hoạch để bảo vệ lợi ích chung. Cơ sở vật chất và tinh thần tự nguyện đó chính là mối liên hệ tất yếu giữa lợi ích cá nhân gia đình với lợi ích cộng đồng làng xã "nước lụt thì lút cả làng". Nước dâng đê vỡ cả làng ngập lụt thì nhà cửa ruộng vườn của mỗi người không thể không bị ngập lụt. Cả làng mất mùa thì mỗi nhà không thể không mất mùa. Thực tiễn của công cuộc trị thủy - thủy lợi đã đặt lợi ích cá nhân, gia đình, dòng họ trong lợi ích cộng đồng làng xã. ở mặt này nó còn góp phần thúc đẩy sự phát triển tinh thần, ý thức cộng đồng ra ngoài khuôn khổ làng xã nhỏ sang cộng đồng tập thể rộng lớn hơn. Hương ước khuyến khích tất cả mọi người tận dụng đất đai, chăm chỉ cày cấy. Nếu gia đình nào để đất hoang hoặc để gia súc, gia cầm phá hoại mùa màng đều phải phạt nặng, nhẹ tùy mức độ vi phạm. Với mục đích bảo đảm và phát triển sản xuất, các bản hương ước khuyên mọi người khai khẩn đất hoang, phục hóa giữ gìn bảo vệ nguồn nước, đồng thời trừng trị những ai cố tình vi phạm những quy định của làng. Lệ làng phản ánh ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống của làng. Những công trình công cộng được chăm lo tu sửa. Nhất là những công trình thể hiện bộ mặt của làng: đường làng, giếng nước, ngôi đình. Đường làng để cả làng đi lại, mọi người đều phải có ý thức giữ gìn tôn tạo. Hương ước của nhiều làng quy định không được tự ý thả trâu bò, lợn để phóng uế ra đường, không xẻ rãnh, tháo nước qua đường. Hương ước quy định và khuyến khích phát triển giao thông: trai gái xây dựng gia đình, những người đỗ đạt, khao danh vọng phải nộp gạch để lát đường đã góp phần tạo nên bộ mặt làng xóm phong quang sạch đẹp. Nội dung thứ tư: Những quy ước về văn hóa giáo dục, tín ngưỡng và phong tục tập quán của làng Mỗi làng Việt là một cơ cấu kinh tế khép kín mang tính "nửa tự trị". Nét khác biệt giữa các làng được đặc trưng bởi những nét văn hóa riêng, các tục hèm, lệ thờ thành hoàng: mỗi làng tôn một vị thần làm "thành hoàng" được thờ ở đình, đình được xây dựng ở nơi tốt nhất về phong thủy. Thành hoàng có thể là thiên thần, cũng có thể là nhân thần, cũng có thể là người có công với làng, với nước nhưng cũng có thể là người mà dân làng cho là linh thiêng luôn che chở cho làng [6]. Thần thành hoàng là vị thần bảo trợ cho cả cộng đồng làng. Cuộc sống của cộng đồng và số phận mỗi thành viên trong làng có yên ổn hay ly loạn, thịnh hay suy đều phụ thuộc vào sự "bảo trợ" ấy. Việc mỗi làng có riêng một vị thần của mình được cả cộng đồng tôn kính thờ phụng phản ánh một thực tế là mỗi cộng đồng làng có quyền lợi kinh tế, chính trị và những truyền thống văn hóa, lịch sử riêng, làm nên cái riêng của mỗi làng - cái "ta làng". Cái riêng của mỗi làng trong quan hệ với làng khác vốn lại là cái chung của mỗi thành viên trong làng mà người dân làng xã có trách nhiệm gìn giữ bảo vệ. Người dân trong mỗi làng tin rằng dù chỉ một thành viên trong làng vi phạm những quy tắc cấm kỵ của thần thành hoàng thì không những người đó bị thần phạt mà toàn thể cộng đồng cũng bị trừng phạt. Điều đó đã ràng buộc, gắn bó số phận của mỗi cá nhân vào cộng đồng, làm cho toàn thể cộng đồng đoàn kết gắn bó với nhau, nhắc nhở nhau thực hiện những quy ước nhằm bảo vệ những nơi mà họ cho là tôn nghiêm của cả làng - bảo vệ "đời sống tâm linh" của làng xã [15, tr. 60]. Gắn với tín ngưỡng thờ thành hoàng là các hoạt động lễ hội. Lễ hội của mỗi làng mang một sắc thái văn hóa khác nhau, nhưng cốt lõi của nó là sự "tái hiện lịch sử". Thông qua lễ hội và các hoạt động văn hóa khác các thành viên trong làng biểu lộ sự hòa đồng cộng cảm với nhau. Vì vậy, tất cả trách nhiệm và nghĩa vụ mà làng đặt ra nhằm tiến hành các hoạt động tín ngưỡng (tế lễ, tu sửa đình chùa) hay lễ hội đều được người nông dân tuân thủ một cách nghiêm túc không chỉ bằng ý thức mà bằng cả những hành động thực tế. Từ ý thức cao về trách nhiệm, họ tự giác tham gia vào các công việc chung của làng mà không tính toán thiệt hơn. Hững hờ hay vô trách nhiệm đối với các công việc chung của làng sẽ bị mọi người lên án. ý thức về trách nhiệm và bổn phận trước cộng đồng đã hình thành và ăn sâu vào tiềm thức của người nông dân được chấp nhận một cách tự nhiên và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bên cạnh các quy ước trong các hoạt động tín ngưỡng lễ hội, nhiều làng còn có các quy ước ngăn cấm tệ cờ bạc quy định rõ mức phạt tùy theo mức độ nặng nhẹ [89]. Trong lĩnh vực giáo dục, hầu hết các làng xã đều có những quy ước khuyến khích việc học tập. Giành ruộng "học đường" để làm phần biếu cho người đỗ đạt, lấy hoa lợi để trả lương cho thầy và làm phần thưởng cho học trò giỏi. Lệ làng có những quy ước đón rước những người đỗ đạt cao về làng "vinh quy bái tổ", những quy ước không chỉ buộc học trò mà cả dân làng phải tôn vinh người thầy. Mặc dù chỉ là "thầy giáo làng" nhưng cũng được làng giành cho vị trí xứng đáng trong các sinh hoạt làng xã, chỗ ngồi trong chốn đình chung. Hương ước nhiều làng quy định những gia đình khá giả hoặc đủ ăn nếu có con đến tuổi mà không cho đi học thì người cha nếu có "vị thứ sẽ bị huyền vị thứ" (hương ước làng Phú Xuyên - Ba Vì - Hà Tây) và làng Phù Xá Đoài (Đông Anh - Hà Nội) đề ra lệ: Con trai con gái 5-6 tuổi phải cho vào trường học, bằng không chỉ nuông con để "nghịch giặc" chửi đánh nhau thì bố mẹ phải bị phạt... [35]. Cùng với các quy ước đã được văn bản hóa còn có những quy ước "bất thành văn" được truyền từ đời này sang đời khác được gọi là giáo dục bình dân hay giáo dục truyền thống [127, tr. 300-317]. Hướng tới việc giáo dục nhân cách, duy trì bản sắc tốt đẹp nó hướng vào hai mối quan hệ thiêng liêng bền vững của người dân làng xã là quan hệ huyết thống và quan hệ địa vực. Giáo dục truyền thống muốn rằng mỗi thành viên của làng phải là đứa con ngoan của gia đình họ tộc, là người tốt của làng xóm. Giáo dục làng xã giữ vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là chủ yếu hình thành những đức tính quý báu của con người Việt Nam: Yêu quê hương (làng xã) đất nước, tinh thần thương yêu đùm bọc lẫn nhau xung quanh mối quan hệ họ hàng - làng nước. Điểm lại những nội dung trên cho thấy, lệ làng đề cập đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống làng xã, các mặt hoạt động của con người. Trong các hoạt động đó, quan hệ của người nông dân làng xã truyền thống được quy về hai mối quan hệ cơ bản: người con của họ hàng và người dân của làng xã. Nếu như trong quan hệ họ hàng có các quy ước, các phép tắc đặt ra đòi hỏi mỗi người phải có ý thức và nghĩa vụ thực hiện che chở đùm bọc nhau, trong quan hệ huyết thống, thì với xóm làng lại đòi hỏi mỗi thành viên phải tuân thủ mọi quy ước nề nếp bảo vệ lợi ích tập thể của xóm làng. Để đảm bảo hiệu lực của lệ làng, làng xã dùng các biện pháp thưởng phạt theo "lệ" nhưng khá nghiêm ngặt nhất là "lệ" thành văn thể hiện ở hương ước, khoán ước. Việc khen thưởng phổ biến các làng thường áp dụng là thưởng tiền hay hiện vật, nhưng cũng có thể là tăng thêm ngôi vị, thứ bậc trong làng hoặc được giảm một số nghĩa vụ phải đóng góp tùy theo mức độ công trạng mà người có công đã lập được đối với làng. Ngoài việc khen thưởng, làng xã còn có các khoản bồi thường cho những người bị thiệt hại trong khi làm nhiệm vụ, được trợ cấp thương tật hay tiền tuất. Các hình thức xử phạt cũng rất đa dạng, từ việc tẩy chay "không thèm ngồi", đến phạt tiền hoặc hiện vật, bị hạ vị ngôi thứ, thậm chí bị đuổi khỏi làng. Đây là, một hình phạt cao nhất của làng xã đối với kẻ vi phạm. Ngoài việc trừng phạt, thực hiện một cách có tổ chức, làng xã còn một tòa án vô hình nhưng hữu hiệu và công bằng đó là dư luận. Dư luận của làng xã không tha thứ một ai. Qua gạn lọc, chỉnh lý của thời gian, dư luận đem lại cho người đương thời cũng như các thế hệ tiếp nối những tấm gương tốt đẹp và những hình mẫu xấu xa với những lời khen, chê xác đáng mà người ta không thể đem tiền tài để mua chuộc, dùng quyền uy để áp đảo dư luận. Chính sức mạnh của dư luận xã hội làng xã đã góp phần không nhỏ vào điều chỉnh những hành vi ứng xử, khép mọi thành viên vào những khuôn khổ đạo đức truyền thống làng xã. Những nội dung trên cho thấy lệ làng đề cập tới hầu hết các lĩnh vực của đời sống làng xã, nó vừa mang tính đạo đức dăn dạy, khuyên bảo, vừa có tính chất luật làng, nó bao gồm tính chất hành chính, tính chất hình sự, tính chất dân sự, và cơ chế đảm bảo cho việc thực hiện những quy định đó. Chúng nhằm bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ đạo đức, phong hóa làng xã. Qua Hương ước, người dân trong làng xã được hưởng quyền lợi và có nghĩa vụ đối với cộng đồng làng, họ tự giác chấp hành những quy định, những phép tắc mà làng đặt ra. Trở thành "thói quen chấp hành" lệ làng ở người nông dân làng xã. 1.2. Mối quan hệ lệ làng - luật nước trong xã hội Việt Nam truyền thống 1.2.1. Nguồn gốc, bản chất của pháp luật Pháp luật cũng như nhà nước là một hiện tượng lịch sử "là sản phẩm của một xã hội đã phát triển tới một giai đoạn nhất định" [74, tr. 252]. Đó là khi xã hội xuất hiện chế độ tư hữu, có sự phân chia thành giai cấp và đấu tranh giai cấp với sự tồn tại của nhà nước và các quan hệ chính trị với "những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được" [53, tr. 9]. Như vậy, trong xã hội nguyên thủy chưa có nhà nước và vì vậy cũng chưa có pháp luật, nhưng cũng cần phải có một trật tự nhất định để tồn tại và phát triển. Sự giao lưu trong sản xuất, phân phối, trao đổi sản phẩm và các hoạt động tinh thần đòi hỏi mọi người phải tuân theo những chuẩn mực, những quy tắc xử sự chung. Quy tắc xử sự chung đó chính là các quy phạm xã hội bao gồm: tập quán, các tín điều tôn giáo, các quy phạm đạo đức. Các quy phạm này mặc dù chưa phải là pháp luật nhưng nó phù hợp với lợi ích của cộng đồng được mọi thành viên trong cộng đồng thực hiện một cách tự nguyện trong các hành vi ứng xử và trở thành thói quen chấp hành, trở thành ý thức cộng đồng. Khi chế độ tư hữu xuất hiện và xã hội có sự phân chia thành các giai cấp với những lợi ích đối lập nhau thì những chuẩn mực, những quy tắc những tập quán thể hiện ý chí chung của cộng đồng trước đây không còn phù hợp. Trong điều kiện chế độ tư hữu, tầng lớp có địa vị xã hội và có của lợi dụng địa vị của mình tìm cách hướng mọi hành vi trong xã hội, giữ lại những tập quán có lợi phù hợp với lợi ích riêng của họ nhằm mục đích củng cố và bảo vệ trật tự xã hội mong muốn. Bằng sự thừa nhận của nhà nước, một số các quy tắc, các tập quán tiếp tục trở thành những quy tắc xử sự chung đó là các quy phạm pháp luật. Đúng như nhận xét của các nhà sáng lập CNXHKH "Tập quán và truyền thống cuối cùng được thừa nhận như pháp luật thành văn" hoặc "Quy tắc đó, thoạt tiên là thói quen, sau thành pháp luật" [72, tr. 378]. Mặt khác, cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều quan hệ mới cũng xuất hiện đa dạng và phức tạp đòi hỏi phải có những quy tắc xử sự mới để điều chỉnh. Nhà nước với tính cách là tổ chức quyền lực của giai cấp thống trị đã tiến hành hoạt động xây dựng hệ thống các quy tắc mới nhằm điều chỉnh hành vi con người trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội- đó là những quy phạm pháp luật, là luật pháp "đứng bên trên những tập quán đã trở thành luật lệ" [74, tr. 166]. Như vậy, bằng sự thừa nhận hoặc ban hành của nhà nước, pháp luật trở thành một hệ thống các quy tắc về hành vi của mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội. Những quy tắc đó phản ánh đời sống xã hội bằng ý chí của nhà nước, biểu hiện lợi ích của giai cấp thống trị và nhu cầu ổn định xã hội. Nó được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của quyền lực nhà nước, trở thành công cụ đắc lực trong tay nhà nước để trở thành công cụ thống trị giai cấp và bảo đảm trật tự và giữ "thăng bằng" xã hội. Cũng như nhà nước, pháp luật chỉ phát sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp. Bản chất pháp luật thể hiện trước hết ở tính giai cấp của nó. Tính giai cấp của pháp luật biểu hiện thông qua nhà nước, tư tưởng của giai cấp thống trị được thể chế hóa thành luật pháp. Khi nghiên cứu xã hội tư bản, C. Mác và Ph.Ăngghen đã nhận xét: Chính những tư tưởng của các ông là sản phẩm của những quan hệ sản xuất và sở hữu tư sản, cũng như pháp quyền của các ông chỉ là ý chí của giai cấp các ông được đề lên thành luật pháp, cái ý chí mà nội dung là do những điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp các ông quyết định [66, tr. 619]. Tính giai cấp của pháp luật còn thể hiện ở mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trong xã hội có giai cấp, pháp luật tập trung điều chỉnh quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, hướng các quan hệ xã hội phát triển theo một trật tự phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị. Do đó, pháp luật chính là công cụ để thực hiện sự thống trị giai cấp. Bên cạnh tính giai cấp, pháp luật còn mang tính xã hội. Pháp luật do nhà nước - đại diện chính thức cho toàn xã hội - ban hành. Vì vậy, ở một chừng mực nào đó, pháp luật còn thể hiện ý chí và lợi ích của các giai cấp và tầng lớp khác nhau trong xã hội. Mặt khác với tính cách là những quy tắc xử sự chung trong xã hội, pháp luật và thực trạng của hệ thống pháp luật còn là kết quả của quá trình "chọn lọc tự nhiên", bảo lưu, thừa kế những giá trị tốt đẹp của văn hóa và văn minh truyền thống. Vì thế, người ta có thể tìm thấy những quy định, những tư tưởng pháp lý giống nhau tồn tại ở những thời đại khác nhau, những chế độ xã hội với những giai cấp thống trị khác nhau. Người ta chỉ có thể giải thích những hiện tượng đó bằng tính xã hội của pháp luật. Như vậy, xét về bản chất pháp luật là một hiện tượng vừa mang tính giai cấp lại vừa thể hiện tính xã hội. Hai thuộc tính này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong một thể thống nhất. Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước, là yếu tố đảm bảo sự ổn định và trật tự xã hội. Là một hiện tượng xã hội, pháp luật không thể không có mối liên hệ với các hoạt động xã hội khác. Thứ nhất là quan hệ giữa pháp luật và kinh tế. Pháp luật là một yếu tố của kiến trúc thượng tầng xã hội, được sinh ra và bị quy định bởi cơ sở hạ tầng. Trong mối quan hệ giữa pháp luật và kinh tế thì các tiền đề kinh tế không chỉ là nguyên nhân trực tiếp quyết định sự ra đời của pháp luật mà còn quyết định toàn bộ nội dung, tính chất và cả cơ chế để điều chỉnh pháp luật. Điều kiện kinh tế không chỉ quy định đời sống pháp luật mà còn quy định cả YTPL của công dân. Trong tác phẩm "Phê phán cương lĩnh Gôta", C. Mác viết: "Quyền không bao giờ có thể ở một mức độ cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do chế độ kinh tế đó quyết định" [73, tr. 36]. Sự phụ thuộc của pháp luật vào kinh tế biểu hiện: Cơ cấu kinh tế, hệ thống kinh tế quyết định cơ cấu và hệ thống pháp luật; tính chất của các quan hệ kinh tế quyết định tính chất của các quan hệ pháp luật, mức độ và phương pháp điều chỉnh của pháp luật; mỗi cơ chế kinh tế đều quyết định một hệ thống các cơ quan pháp luật và thủ tục pháp lý tương ứng [123, tr. 138-144]. Song pháp luật và YTPL cũng tác động trở lại đối với các hoạt động kinh tế, thể hiện ở vai trò, ý thức công dân ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Mặc dù ra đời từ các điều kiện và tiền đề kinh tế nhưng pháp luật không phản ánh một cách thụ động các quan hệ kinh tế mà còn có tính độc lập tương đối và tác động trở lại đối với kinh tế. Sự tác động trở lại đối với kinh tế có thể diễn ra theo các hướng khác nhau: Nếu pháp luật được xây dựng phù hợp với các mục tiêu kinh tế, phù hợp với quy luật kinh tế thì sẽ tác động tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, làm hoàn thiện hơn cơ chế kinh tế và hệ thống kinh tế; nếu pháp luật được xây dựng không phù hợp với các mục tiêu và quy luật kinh tế xã hội thì nó sẽ kìm hãm sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế hoặc một trong các yếu tố hợp thành của hệ thống kinh tế. Thứ hai, quan hệ giữa pháp luật và chính trị. Khác với quan hệ giữa pháp luật và kinh tế, chính trị và pháp luật là hai hiện tượng thuộc thượng tầng kiến trúc có chung nguồn gốc và cơ sở tồn tại là chế độ kinh tế. C. Mác đã viết: Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là các cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó" [71, tr. 15]. Trong mối quan hệ với chính trị, "một đạo luật là một biện pháp chính trị, là chính trị" [52, tr. 129], không phải chính trị quyết định pháp luật hay ngược lại mà tính chất của quan hệ này là tác động qua lại ảnh hưởng và hỗ trợ lẫn nhau. Mối quan hệ giữa pháp luật và chính trị thể hiện tập trung mối liên hệ giữa đường lối chính trị của đảng cầm quyền và pháp luật của nhà nước. Đường lối chính trị của đảng cầm quyền có ý nghĩa chỉ đạo việc xây dựng, tuyên truyền giáo dục pháp luật. Pháp luật là phương tiện chủ yếu để chuyển hóa đường lối chính trị của đảng cầm quyền thành ý chí chung của xã hội, của nhà nước. Tuy nhiên, khi thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, pháp luật còn chịu ảnh hưởng nhất định của đường lối chính trị hoặc nó phải chú ý đến lợi ích của các giai cấp và tầng lớp khác trong xã hội. Bởi vì, trong xã hội có giai cấp, có nhà nước, không thể có một ý chí và lợi ích chung nhất cho toàn xã hội. Trong khi đó, lý tưởng của pháp luật là phải cố gắng pháp luật hóa những ý chí chung của xã hội kể cả những ý chí khác nhau của những lực lượng chính trị khác nhau. Vì vậy, không được đồng nhất đường lối của đảng cầm quyền với pháp luật của nhà nước, ý thức chính trị với ý thức công dân. Nhưng cũng phải thấy rằng, ý thức chính trị đóng vai trò là cơ sở của YTPL, xử lý mối quan hệ chính trị và pháp luật phải gắn giáo dục chính trị với giáo dục YTPL cho công dân. Thứ ba, quan hệ giữa pháp luật và đạo đức. Pháp luật và đạo đức đều là những quy phạm xã hội được sử dụng để điều chỉnh hành vi con người trong các mối quan hệ xã hội. Nhưng pháp luật và đạo đức có sự khác nhau về phương thức tồn tại, về thuộc tính riêng và đối tượng điều chỉnh. Quy phạm đạo đức là những quy phạm mang tính chất đánh giá, như tốt - xấu, đáng khen - đáng chê... Không mang tính chất quyền lực chính trị. Trong trường hợp vi phạm, hành vi đạo đức chỉ bị phê phán về mặt xã hội bằng sức mạnh của dư luận chứ không xuất hiện sự cưỡng chế của nhà nước. Trái lại, pháp luật không chỉ đánh giá, và chủ yếu không phải để đánh giá tính chất của hành vi, mà làm chuẩn mực lý tưởng và bắt buộc cho hành vi, pháp luật được đảm bảo thực hiện bằng sự cưỡng chế nhà nước. "Pháp luật là đạo đức mang tính pháp lý, là phương tiện ._.hính phủ) (quý IV năm 1999), Báo cáo kết quả điều tra xã hội học về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, UBND cấp cơ sở. Viện Nhà nước và pháp luật (1995), Những vấn đề cơ bản về Nhà nước và Pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Viện Nhà nước và Pháp luật (1992), Nhà nước pháp quyền, Nxb Pháp lý. Viện Sử học (1977), Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Viện Sử học (1979), Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Viện Sử học (1990), Nông dân và Nông thôn Việt Nam thời cận đại, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Viện Sử học (1993), Nông dân và Nông thôn Việt Nam thời cận đại, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Xây dựng quy ước làng văn hóa ở Hà Bắc, Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao Hà Bắc, 1993. (In Sun) Yu (1994), Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. phụ lục Phụ lục 2 Thống kê các đối tượng phạm luật qua 80 vụ án thời phong kiến Thành phần Tổng số Lý - Trần - Lê Lê - Trịnh Gia Long Minh Mạng Thiệu Trị Tự Đức - Quan triều đình 28 7 5 11 5 0 - Quan tỉnh (trấn) 36 0 0 12 19 5 - Quan huyện, phủ 4 - - 2 1 1 - Quan triều + tỉnh 2 - - 2 0 0 - Triều + Tỉnh + Phủ 1 - - 1 - 0 - Thành phần khác * 7 - 2 4 - 1 - Dân 4 0 0 2 1 1 - Triều đình + Thành phần khác 2 - - 2 0 0 - Quan phủ + dân 1 - - 0 1 0 - Sự phân loại các đối tượng ở đây cũng chỉ là tương đối vì ở khá nhiều vụ án, có nhiều đối tượng cùng tham gia "phạm luật" và khá nhiều lúc các đối tượng "dắt dây" nhau và "đan xen" phạm luật rất phức tạp. ở đây, chúng tôi dựa vào “nhân vật trung tâm” của vụ án để phân loại. * Thành phần khác ở đây là những con, em vua (chưa phải là quan), con em quan lại các chức viên chưa phải là quan. Nguồn: [31, tr. 240]. Phụ lục 3 Điều tra xã hội học về các giá trị xã hội quan trọng (%) Ưu tiên 1 Ưu tiên 2 Ưu tiên 3 Độc lập dân tộc 89,9 1,4 1,1 Công bằng xã hội 6,4 40,1 16,7 Đoàn kết dân tộc 3,2 41,3 13,9 Phát triển kinh tế thị trường 0,2 5,0 18,7 Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc 0,3 12,1 49,5 Nguồn: [8, tr. 145]. Phụ lục 4 Điều tra xã hội học về các giá trị xã hội quan trọng trong làng xã (%) Ưu tiên 1 Ưu tiên 2 Ưu tiên 3 Độc lập dân tộc 89,9 1,4 1,1 Công bằng xã hội 6,4 40,1 16,7 Đoàn kết dân tộc 3,2 41,3 13,9 Phát triển kinh tế thị trường 0,2 5,0 18,7 Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc 0,3 12,1 49,5 Nguồn: [8, tr. 145]. Phụ lục 5 Điều tra xã hội học về những hiện tượng tiêu cực cần ngăn chặn trong làng - xã (%) Ưu tiên 1 Ưu tiên 2 Ưu tiên 3 Tham nhũng 3,9 4,7 5,1 Mê tín dị đoan 16,9 1,6 3,2 Thanh thiếu niên hư hỏng 9,3 9,4 7,5 Thiếu công bằng xã hội 36,1 7,2 7,6 Thiếu đoàn kết xóm làng 2,6 14,7 17,7 Cờ bạc, rượu chè 15,0 21,0 9,9 Trộm cắp 3,7 21,8 18,8 Nghiện hút, đĩ điếm 10,6 16,5 18,8 Buôn bán gian lận 1,6 1,8 5,1 Cửa quyền 0,3 1,1 6,4 Nguồn: [8, tr. 146]. Phụ lục 6 Nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân Trả lời Cán bộ Phụ nữ Nông dân Thiếu niên Dân tộc Tổng Rất cần để xử sự cho đúng pháp luật 190/202 169/198 272/340 92/126 35/39 758/900 Rất cần, để xử sự góp phần nâng cao vốn tri thức của mỗi người 135/202 142/198 208/340 74/126 28/39 587/900 Không cần, vì đã có chuyên gia pháp luật rồi, cần gì thì hỏi họ 3/202 2/198 10/340 5/126 1/39 20/900 Không cần, vì pháp luật là của Nhà nước, của gì mình mà cần phải biết. 1/202 4/198 9/340 2/126 1/39 17/900 Nguồn: [121, tr.7] . Bảng 7 Nhu cầu tìm hiểu các lĩnh vực pháp luật của cán bộ và nhân dân Trả lời Cán bộ Phụ nữ Nông dân Thiếu niên Dân tộc Tổng Luật Dân sự 200/202 176/198 310/340 101/126 29/39 716/900 Luật Hành chính 182 146 133 58 20 539/900 Luật Hình sự 178 152 192 78 33 633/900 Luật Hôn nhân và gia đình 185 172 207 74 35 673/900 Luật Đất đai 179 168 265 56 32 700/900 Luật Thuế 162 148 168 54 27 559/900 Luật Lao động 172 147 131 65 26 541/900 Luật Kinh tế 129 105 98 46 16 394/900 Luật Ngân hàng 93 61 63 31 9 257/900 Luật Đầu tư nước ngoài 73 35 40 18 4 170/900 Luật Bảo vệ môi trường 160 134 115 57 26 492/900 Luật Hàng không 51 23 24 7 3 108/900 Luật Quốc tế 75 43 38 24 9 189/900 Luật Hàng hải 55 23 26 5 3 112/900 Nguồn: [121, tr. 9]. Phụ lục 8 Các hành vi vi phạm bị phạt theo quy ước làng qua phân tích 15 qui ước làng ở Hà Bắc (cũ) STT Các hành vi vi phạm bị phạt Số làng có quy định Tỷ lệ % A Vi phạm trật tự trị an thôn xóm 1 - Trộm cắp, cướp giật 10 66,66 2 - Cờ bạc, số đề 12 75,00 3 - Đánh nhau 10 66,66 4 - Vu khống, gây mất đoàn kết thôn xóm 5 33,33 5 - Tư thù , phá hoại sản xuất, tài sản cá nhân 3 20,00 6 - Nghiện hút 2 13,32 7 - Chứa chấp môi giới gái mại dâm 2 13,32 8 - Chứa chấp của gian, kẻ gian 4 26,64 9 - Lưu giữ băng hình đồi truỵ 4 26,64 10 - Lấn chiếm cản trở giao thông 1 6,66 11 - Vi phạm lệnh giới nghiêm 3 20,00 12 - Có khách lạ không khai báo 3 20,00 13 - Nhân viên bảo vệ lợi dụng làm việc xấu 1 6,66 B Vi phạm chế độ chính sách 14 - Vi phạm sinh đẻ, kế hoạch hoá gia đình 5 33,33 15 - Tảo hôn, vi phạm luật hôn nhân gia đình 5 33,33 16 - Trốn nghĩa vụ quân sự, đảo ngũ 3 20,00 17 - Lấn chiếm ruộng đất công 6 40,00 18 - Sử dụng đất sai mục đích 2 13,32 19 - Vi phạm quy định sản xuất và bảo vệ môi trường 14 93,34 20 - Vi phạm sử dụng điện, ăn cắp điện 5 33,33 C Vi phạm đạo đức, tập tục, quy ước 21 - Ngược đãi cha mẹ, ông bà 3 20,00 22 - Đánh đập vợ con, bất hoà gia đình, anh em 3 20,00 23 - Vi phạm việc chôn cất, việc cưới, tang 5 33,33 24 - Cưới xin tốn kém, vượt quá lệ làng 1 6,66 25 - Trốn tránh nghĩa vụ đưa tang 2 13,32 26 Vi phạm các quy định về mừng thọ, lập hội đồng liên 1 6,66 27 - Cán bộ lẩn tránh trách nhiệm 1 6,66 Nguồn: [29, tr. 167]. Phụ lục 9 Các hình thức sử phạt theo quy ước làng qua phân tích 15 qui ước làng ở Hà Bắc (cũ) STT Các hình thức xử phạt Số làng Tỷ lệ % 1 Bồi thường thiệt hại theo giá trị 9 60,00 2 Phạt bằng thóc 8 53,33 3 Phạt bằng tiền 6 40,00 4 Phạt bằng thóc quy tiền 1 6,66 5 Bắt lao động công ích 2 13,32 6 Nộp gạch để xây đường làng 1 6,66 7 Phạt theo hệ số tài sản 3 20,00 8 Phát thanh phê bình cảnh cáo trên loa 8 53,32 9 Giáo dục kiểm điểm ở đoàn thể 2 13,32 10 Giáo dục kiểm điểm trước dân làng 9 60,00 11 Không tổ chức thăm hỏi, quan hệ 1 6,66 12 Giảm nghi thức đám tang 1 6,66 13 Xét lại “tư cách” khi bản thân đến tuổi lên lão 1 6,66 14 Khai trừ khỏi đoàn thể 4 26,64 15 Cắt, trừ đất canh tác 3 20,00 16 Cắt các quyền lợi ưu đãi 1 6,66 17 Cắt điện 1 6,66 18 Bãi chức 1 6,66 19 Xử phạt hành chính 2 13,32 20 Xử lý theo pháp luật 7 46,66 21 Lập biên bản giử lên trên sử lý 6 40,00 Nguồn: [29, tr. 169]. Phụ lục 10 Một bản hương ước cổ Mộ trạch xã cựu khoán Tên làng: Làng, đồng thời là xã, Mộ Trạch thuộc xứ Hải Dương, nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương. Năm soạn 1665. Đã qua 16 lần bổ sung, vào các năm 1679, 1685,1688,1690, 1709, 1717, 1722, 1728, 1731, 1746, 1771, 1772 (hai lần) và 1797 (hai lần). Nơi lưu giữ: Bản gốc hiện lưu tại Thư viện Nghiên cứu Hán nôm, ký hiệu VHV 1215-1220. Bản dịch của nhà dân tộc học Trần Từ. “Chúng tôi, tất cả những người thuộc hàng quan viên văn thuộc trên dưới của xã Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, cùng nhau xét bàn để làm sáng tỏ khoán ước. Từng nghe, quốc gia nói cái đạo trị bình, phải cắt đặt hết mọi kỷ cương; làng mạc hun cái thói thuần hậu, cần làm sáng mọi điều ước thức. Thể thức sao cho hợp nhất, điều khoản cốt được rõ ràng. Có những điều khoản gì, xin kể rõ sau đây: Kê: Gồm ba mươi điều khoản Điều 1: Hễ vị nào: - Đỗ khoa tiến sĩ, - Trúng tuyển vào Đông Các, - Thăng tước Quận công, - Thăng chức Thượng thu, - Đi sứ ở nước ngoài về, - Là trí sĩ vinh quy, Thì các giáp nên chiểu theo nhân số trong giáp của mình mà thu tiền gạo như thường lệ, làm cỗ mừng gồm: 1 con lợn, 1 chĩnh rượu bằng 2 quan tiền sử, một mâm xôi lớn bằng 100 thăng nếp; rồi chuẩn bị chu tất các nghi trượng của đám rước, như hương án, dù (1 đôi), cờ, lọng (1 đôi), chiêng, trống, gậy đỏ... và độ 60 người đi theo để cầm, khiêng, vác các nghi trượng ấy; cùng nhau đến chùa Vô Ngại, huyện Đường Hào, để rước mừng... lễ đáp cần có: một con trâu, 10 chĩnh rượu bằng 20 quan tiền sử. Viên nào hàng năm được thăng chức, viên nào được thăng hoặc dự thăng vào hàng quan triều, thì cỗ bàn vẫn như trên, không giảm nhưng số nghi trượng đi đón rước có bớt đi một nửa và đi tới chợ huyện ở xã Hoa Đường (nay đổi là xã Lương Đường) để rước mừng như nghi lệ đã định. Lễ đáp phải có một con trâu sống, 6 chĩnh rượu bằng 10 quan tiền sử. Điều 2: (Tương tự như điều 1, quy định lệ mừng những người được bổ đi làm quan). Điều 3: Hàng năm xã ta có lệ vào tiệc lễ cầu phúc. Các khoản tiền dùng làm mâm xôi cúng và để thưởng thẻ trong chầu hát... sẽ xét bổ theo số người. Trong các giáp, cứ tuổi từ 18 trở lên, 60 trở xuống, đều được dự vào hương ẩm để thoả mãn tấm lòng cùng vui. Ngày vào đám và ngày ra đám, hễ là quan viên văn thuộc, hay là con cháu các quan viên, đều phải áo mũ chỉnh tề, theo y lệ mặc thẩm phục đi dự, còn những việc khiêng vác kiệu, hương án, gậy đỏ, quạt, dù, lọng... nên chia bổ cho các hạng đảm đương và coi giữ. Mọi việc đều phải nghiêm chỉnh để tỏ kính tâm và mỹ ý với quan chiêm. Điều 4: Phần đát các xứ đường đi trong xã ta nên chiếu theo nhân số mà phân bổ. Hàng năm, khi lễ kỳ phúc xong rồi, các ngõ đều xét nhận phần đất của ngõ mình, rồi chia cho người trong ngõ bồi đắp, sao cho vững chắc, gọn gàng, đẹp đẽ, tiện lợi cho sự đi lại. Đến thượng tuần tháng 2, các thôn trưởng và xã trưởng sẽ cùng nhau đi khám xét lại, hễ thấy ngõ nào đắp quá thấp, bị sũng nước, thẩm lậu, hoặc bỏ không đắp, hoặc có đắp nhưng giả dối, qua loa, không thực; đều phải đem ra xét. Bỏ trống không đắp, phải chịu phạt một con lợn bằng hai quan tiền sử, một vò rượu bằng 5 tiền. Nếu làm dối, không thật, thì phạt một con lợn nhỏ bằng một quan tiền sử, một vò rượu nhỏ bằng 3 tiền. Ngoài ra, phần đất bỏ trống hay làm dối, phải làm lại cho thật vững chắc, gọn ghẽ, đẹp đẽ ... Qua từng năm, mỗi ngõ đều có thêm, chỗ bớt, nhưng cũng phải đợi đến kỳ hạn 5 năm thì mới hội họp để tra xét, điều chỉnh và phân bổ lại, để cho số lực dịch giữa các ngõ được đồng đều không có chuyện nặng nhẹ chênh lệch nhau, và để thấy rõ sự nghiêm chỉnh của hương ước. Điều 5: Các giáp hiện nay trong xã cứ theo lệ trước đã định, không được thay đổi hoặc chia tách, Nếu giáp nào thấy số người quá đông, thì được phép trình bày lên xã để xem xét, bàn bạc, nếu thấy chia tách là hợp lý thì mới được chia. Còn như giáp nào, do chuyện hiềm khích cá nhân, mà tự tiện chia tách, thì phải phạt một con lợn bằng 3 quan tiền sử, một vò rượu bằng 5 tiền sử, còn số người đã tách ra lại phải trở về giáp cũ cho hợp lệ trước, nhằm bồi đắp tục hậu. Điều 6: (Cấm mọi người trong làng đi thưa kiện lên quan trên mà không trình bày trước với xã trưởng, ai làm ngược lại sẽ bị phạt trâu rượu). Điều 7: Người nào tụ tập bè đảng, ngang nhiên trộm cướp, khi bị bắt quả tang, sẽ bị phạt 50 quan tiền. Ban đêm, ăn trộm đồ vật trong nhà người ta mà bị bắt quả tang, thì bị phạt 30 quan, trộm đồ vật hay cây cối ngoài sân vườn, thì bị phạt 5 quan. Người trông thấy hành vi trộm cắp mà cáo giác, thì tuỳ ở vụ trộm nặng hay nhẹ.... mà lấy của can phạm một hay hai quan gì đó thưởng cho người cáo giác. Người nào trông thấy mà không cáo giác thì bị phạt như trên. (Các điều 8 và 9 định phạt những ai vi phạm đến hào luỹ bảo vệ các xóm trong làng, hay xâm phạm đến cây và tre thuộc hàng rào từng nhà ). Điều 10: Người nào vô cớ tự tiện chặt trộm cây, bẻ măng, lấy quả xanh, đánh trộm cá ao... ban đêm thì bị phạt 3 quan. còn ban ngày thì bị phạt một quan 5 tiền, đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho nguyên chủ. Ai trông thấy mà cáo gác, thì sẽ thu của can phạm 5 tiền mà thưởng cho. Ai trông thấy mà không cáo giác thì sẽ bị phạt cũng như thế. Điều 11: (Quy định phạt những ai tự tiện bẻ rào nhà người khác lấy củi). Điều 12: Các ngõ đều có lập điếm để tuần phòng ban đêm, thường cư smỗi tháng lại thay đổi phiên... Nếu ai có trách nhiệm tuần đêm mà bỏ phiên, thì tuỳ thiếu nhiều hay thiếu ít mà trách phạt: cứ mỗi đêm bỏ thiếu bị phạt một con gà và một vò rượu; lại giả như xẩy ra trộm cắp đúng vào hôm bỏ thiếu, thì phải gia tăng trách phạt. Điều 13: (Nêu rõ trách nhiệm của các ngõ trong việc giữ gìn và củng cố hào luỹ bảo vệ các xóm ngõ). Điều 14: Hàng năm, cứ đến kỳ nông vụ, các xứ đồng đều phải giữ nước đẻ tưới nhuần lúa má. Người nào tự tiện tháo nước để bắt cá sẽ bị phạt một con lợn bằng 1 quan tiền, một vò rượu và trầu cau nữa. Ai trông thấy mà cáo giác, thì thu 5 tiền của người sai trái để thưởng cho. Nếu trông thấy mà không cáo giác thì cũng bị phạt như vậy. Điều 15: (Qui định phạt những ai lấn ra mặt đường để mở rộng vườn nhà. Cùng với điều 16, quy định các khoản phạt nhẹ đối với những ngõ không làm tròn nhiệm vụ giữ gìn đường sá của làng). Điều 17: Cấm những người từ xa đến, cậy mình là con quan viên trong xã, tự tiện mang vũ khí đi lại viện cớ đi săn bắn. Điều 18: Hàng năm, trong tháng giêng, có lễ minh thệ. Nhân viên người xã ta đều phải về xã để điểm mục ứng thề, bầy tỏ sự đồng làm nhất trí, ngăn ngừa bọn gian ác... Nhân viên nào có việc đi xa, không về được, cứ cho báo vắng mặt, nhưng phải có bằng chứng cụ thể xác thưc. Còn nếu cố tình bỏ vắng, thì sĩ bị phạt 1 quan.. Điều 19: Người phụ nữ nào mượn cớ đi ở trọ buôn bán để thông gian thoả lòng dâm dục, hoặc thấy sự đã lộ bèn mượn chuyện giá thú hòng che dấu tội lỗi, thì cứ theo luật tiền dâm hậu thú mà luận tội. Điều 20: Người trong xã đến tuổi 18 đều phải ghi tên vào tuyển bạ (sổ trai tráng), nếu không có tên trong sổ quân công hay sổ thi đậu. Người nào ngầm xin được các nha môn cấp giấy chứng nhận rằng đã giữ những chức vụ để được trở về làng dự vào hàng văn thuộc, lại được quan chức ở nha môn cấp bằng xi cho được miễn trừ tiền quỹ và các tạp dịch thì xã ta cũng tuỳ lượng mà châm trước và miễn trừ cho. Nếu không xin được miễn trừ, thì những người đó vẫn phải gánh vác công việc các hạng như thường lệ, để việc lực dịch được công bằng, đồng đều. Ai không tự giác hay cưỡng lại, không chịu thì xã ta sẽ liên danh ký kết, tâu trình lên trên để xét và đuổi đi. Điều 21: Người nào đi theo hầu ở các dinh, các cơ hay ứng vụ ở các nhà môn, hay do bản quán các nha môn sai khiến mà lập được công lao nào đó, được xếp loại ghi sổ khải tấu được phong thưởng chức vụ nào đó thì là điều rất hay. Còn ai mà hành cấu, dùng của đút lót hay ký thác họ tên, cầu xin cho một chức, nếu xã ta biết được mà tra xét ra, thì sẽ khải tấu mà tố cáo các vị quan đã ăn hối lộ, đã vì tiền mà nâng đỡ, xếp loại, dìu dắt, đề bạt cho người khác. Còn chính người phạm sai trái thì sẽ phải chịu phạt nặng. Điều 22: Đàn bà con gái trong làng mà lấy chồng ở ngoài xã, thì phải tuân theo lệ nạp theo như lệ định trước đây của xã. Điều 23: Theo nghiệp nho, những cha ông ngày trước từng bị can phạm, thì con cháu ngày nay không được dự vào sổ thi cử. Nếu cứ xin các nha môn cấp bằng chứng nhận gửi vào sổ huyện, thì sẽ bị phạt 1 con trâu, 1 chĩnh rượu bằg 10 quan tiền. Điều 24: Ai mượn người khác đi thi thay mình may mà đỗ được tam trường, thì miễn cưỡng được lạm dự vào hội tư văn, nhưng không được dự vào hàng hấp sự trong đình. Từ nay, nếu ai còn làm như thế nữa, thì cũng không được dự vào hội tư văn, mà phải hứng chịu mọi thứ quan dịch. Điều 25: Quan viên nào đã kính vâng chịu chức nhiệm mà can phạm, thì không được dự ngồi chiếu quan viên. Sau khi trăm tuổi cũng không được ghi tên vào hàng tự điển ( danh sách những người được làng thờ). Làm thế để nêu gương răn dậy kẻ khác. Điều 26: (Qui định ai can phạm mà tự thú thì sẽ được giảm tội một bậc). Điều 27: Xã ta, mỗi khi có việc gì cần, chỉ nghe 3 hồi trống hoặc chuông là các quan viên, văn thuộc, xã trưởng, thôn trưởng, hương lão, trên dưới đều phải tới đình hội đủ mặt để họp bàn. Qua một lúc, lại đánh 3 hồi trống hoặc chuông nữa để điểm mục. Hễ ai vắng mặt là phải thu tiền phạt. Nhưng nặng nhẹ có khác nhau ... hẹn trong một ngày ấy phải thu đủ, để thực hiện hương ước thật nghiêm chỉnh. Điều 28: (Qui định phạt nặng những người dùng cách quanh co mà xin được bằng chứng nhận để khỏi gánh vác việc quan). (Các điều 29 và 30: quy định thưởng những ai đã giúp sức bắt được kẻ gian đang bị truy lùng, đồng thời phạt người nào không chịu hưởng ứng giúp sức hoặc chứa chấp chứng chỉ. “Ba mươi điều khoản đã ghi trên họp thành khoán ước. Hàng năm, cứ đến kỳ hội minh tuệ vào tháng giêng phải đem khoán ước ra đọc lại cho mọi người nghe đủ, để sáng tỏ mọi việc khuyên răn, nghiêm giữ điều hương ước”. Ngày 20 tháng giêng năm Cảnh Trị thứ ba (1665) (Bên dưới ký tên 23 quan lại từ chức Tư vụ, huấn đạo, lên đến Bồi tụng và toàn là người họ Vũ, 65 nho sinh trúng thức, sinh đồ, giám sinh: 13 người họ Vũ, 65 nho sinh trúng thức, sinh đồ, sinh giám: 13 người xã chính, xã xử, thôn trưởng). Nguồn: [89]. Phụ lục 11 quy ước làng văn hoá Làng Thanh Lũng, xã Tiên Phong, huyện Ba Vì Nội dung quy ước Chương I Những quy định chung Điều 1: Bản quy ước xây dựng dựa trên cơ sở cụ thể hoá các văn bản Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Các văn bản dưới luật của Nhà nước, có kết hợp vận dụng phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân trong thôn. Vì cậy tất cả các thành viên sống, làm việc cư trú trên địa bàn của thôn có nghĩa vụ thực hiện nhằm xây dựng thôn Thanh Lũng trở thành thôn văn hoá, là nơi giàu đẹp có cuộc sống văn minh tiến bộ. Chương II Nếp sống trong gia đình và ngoài xã hội Điều 2: Mỗi thành viên trong gia đình đều gương mẫu thực hiện 4 tiêu chuẩn gia đình văn hoá mới. Ông bà, cha mẹ, anh chị phải mẫu mực là gương cho con cháu noi theo. Con cháu phải có trách nhiệm phụng dưỡng ông bà cha mẹ. Không đánh cãi chửi nhau. Mọi người đều phải chăm lo đời sống vật chất trong gia đình, nuôi dạy con cháu hiếu thảo chăm ngoan ham học. Không bỏ học, không có người sinh con thứ 3. Đối với dòng họ, họ hàng nội ngoại tôn trọng đoàn kết thương yêu lẫn nhau, giữ gìn gia phong nề nếp của tổ tiên. Không tranh giành quyền lợi gây tổn hại đến tình cảm gia đình. Điều 3: Thực hiện nếp sống văn minh trong giao tiếp ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội lịch sự có văn hoá, hoà nhã và đúng mực. Điều 4: Học hành nâng cao dân trí: Mọi thành viên trong gia đình đều phải có nghĩa vụ học tập, tạo điều kiện cho con cháu trong độ tuổi phải tích cực học tập để nâng cao dân trí trình độ về mọi mặt. Phấn đấu tối thiểu phải phổ cập phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, tham gia trong các cơ sở đoàn thể. Điều 5: Tham gia hoạt động văn hoá, thể dục thể thao. Mọi thành viên trong thôn theo lứa tuổi, sở thích khuyến khích hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao... thành phong trào trong gia đình và ngoài tập thể. Tham gia câu lạc bộ các ngành hội diễn văn nghệ quần chúng. Điều 6: Khi có va vấp, nẩy sinh điều gì cần bình tĩnh xem xét giải quyết trên cơ sở tình cảm hiểu biết. Độ lượng thấu tình, đạt lý tránh tổn hại tình cảm gia đình thôn xóm. Chương III Nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, ngày giỗ, tết, mừng thọ Điều 7: Việc cưới: Cưới là một việc hệ trọng của cả cuộc đời, phải thực hiện đúng Luật hôn nhân và gia đình, không có cưới tảo hôn, tổ chức cưới thực hiện theo quy định nếp sống mới của UBND tỉnh về việc cưới. Không đua đòi phô trương, giảm bỏ thủ tục cồng kềnh, hình thức vụ lợi. Trước khi tổ chức lễ cưới đôi nam nữ phải đến UBND xã đăng ký và nhận giấy chứng nhận kết hôn. Tổ chức lễ cưới gọn trong một ngày, có thể chọn một trong các hình thức sau: - Tiếp khách đến chúc mừng trong ngày cưới, dùng trầu nước, không dùng thuốc lá. - Mời cơm thân mật anh em ho hàng, bạn bè, đồng nghiệp cơ quan, khách ở xa về trong phạm vi gia đình. Không tổ chức tiệc cưới linh đình, phô trương hình thức, vụ lợi, trả nợ miệng. - Báo hỷ, báo tin vui sau ngày cưới tới bạn bè, khách của gia đình mà trong ngày cưới họ không có điều kiện đến dự được. Bảo đảm sự thân tình, văn minh, lịch sự. - Trang phục cô dâu, chú rể đẹp, giản dị, phù hợp với hình thể, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương, điều kiện kinh tế gia đình. Không thể áo váy 3 - 4 tầng. - Đưa đón dâu cần sắp xếp số người cho phù hợp bảo đảm văn minh, lịch sự, không phô trương hình thức, khồng gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông. - Mừng đám cưới biểu hiện tình cảm chân thành chúc mừng đôi nam nữ, không câu nệ chuyện mừng nhiều hay ít. Không dùng nhạc sống, không mở quá khuya (quá 22 giờ), sớm trước 5 giờ, vận động ăn mặc trang nhã, lịch sự hợp với truyền thống của người Việt Nam. Điều 8: Tang lễ: Thực hiện theo quy định của UBND tỉnh về việc tang, thể hiện sự tiếc thương của người sống đối với người quá cố. Cụ thể trong khu thôn có người quá cố được tập thể các ngành đứng ra cùng gia đình tổ chức nghiêm túc, gia đình phải cử người đến UBND xã làm thủ tục khai tử. Tổ chức tang lễ tiết kiệm, bảo đảm vệ sinh, bài trừ hủ tục rườm rà không thiết thực như: chống gậy, đội mũ rơm, con cháu lăn đường, không hút thuốc lá, không để người quá cố trong nhà quá 48 tiếng vì điều kiện không có để bảo đảm vệ sinh. Người quá cố ở các bệnh viện nơi chữa trị vận động không nên đưa về nhà. Bảo đảm vệ sinh chung cho mọi người. Không điếu phúng bằng lễ chín, viếng bằng hương hoa hoặc thay tương đương bằng tiền, không tổ chức ăn uống trong đám tang, con cháu, khách ở xa về thì ăn cơm bình thường. Không thổi kèn đánh trống quá 23 giờ để ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh. Việc cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, và các ngày giỗ thường là việc của nội bộ gia đình, không mời khách đến ăn uống gây lãng phí thì giờ và tiền của. Bỏ việc đốt mã ( tiền, đồ dùng, xe hơi, nhà lầu...) trong các ngày lễ cúng. Để bảo đảm vệ sinh nơi an táng, được UBND xã quy hoạch 5 khu dân cư có 4 nơi an táng. Mọi người mọi nhà đều phải thực hiện quy định không tự ý đặt trái quy định. Trường hợp đặc biệt phải được các cấp xem xét giải quyết. Việc sang cát phải bảo đảm thời gian để giữ vệ sinh chung, vệ sinh môi trường, phải đủ 36 tháng trở lên, khi cải cát, làm vào 3 tháng mùa đông. Việc xây mộ tổ tiên, ông bà, cha mẹ thể hiện ý thức trách nhiệm của con cháu. Trông nom lưu truyền không thất lạc. Song không được xây to, theo quy định một ngôi mộ bằng 1 m2, cao 0,80 m. Điều 9: Tổ chức mừng thọ, tết, sinh nhật, hội: Tổ chức mừng thọ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thể hiện sự biết ơn kính trọng của con cháu đối với người già. Chính quyền thôn cùng Hội người cao tuổi tổ chức mừng thọ cho các cụ tròn 60, 70, 80,90,100 trở lên gọn, có ý nghĩa. Các đoàn thể từng khu phố tổ chức thăm hỏi, động viên. Không tổ chức ăn uống linh đình gây tốn kém. Trong sinh nhật, ngày hội, tết phải thể hiện ý nghĩa dựa vào khả năng kinh tế của gia đình, tổ chức gọn vui không phô trương lãng phí bài trừ hủ tục không cần thiết gây ảnh hưởng kinh tế, lãng phí thời gian. Chương IV An ninh trật tự kỷ cương thôn xóm Điều 10: Nghĩa vụ của công dân: Mọi công dân trong thôn sống làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, nghĩa vụ lao động công ích, nghĩa vụ giao nộp các chỉ tiêu thuế quy định của Nhà nước. Trách nhiệm đóng góp xây dựng thôn xóm, quê hương tùy theo mức độ công việc, nghĩa vụ khác. Điều 11: Thực hiện nghiêm túc quy chế AN - TTXH. Tham gia các tổ chức bảo vệ an ninh tổ quốc, cảnh giác tố giác tội phạm, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến, quản lý hộ tịch, hộ khẩu thực hiện đi gửi về báo theo quy định của Nhà nước và địa phương, bảo vệ an toàn tài sản trong thôn xóm. Điều 12: Phòng cháy và phòng lụt: Là hai loại nguy hiểm phải phòng giữ, phòng cháy. Mọi người đều phải có ý thức trách nhiệm phòng cháy điện. Kiểm tra đường dây thắp sáng, các phương tiện sử dụng tránh tổn thất điện và gây nguy hại cho người và tài sản. Phòng lụt chủ động khi có lụt lội, tổ chức phương tiện lực lượng có chủ động sở tại người và tài sản hạn chế thấp nhất thiệt hại xâỷ ra. Chủ động khắc phục hậu quả phòng dịch, ổn định cuộc sống khi lũ lụt qua. Điều 13: Phòng tai nạn: Mọi người đều phải thực hiện nghiêm chỉnh về an toàn giao thông, không chiếm dụng đường làng ngõ xóm. Không để vật liệu ùn tắc cản trở gây ảnh hưởng giao thông. Không xẻ rãnh tát nước qua đường, nếu thật cần thiết phải xin phép làm xong phải san lấp cẩn thận. Điều 14: Những điều cần: - Nghiêm cấm trộm cắp, cờ bạc, tiêm chích ma tuý, mua bán mại dâm, tiêu thụ của gian, chứa gá bạc, chứa gái mại dâm, tàng trữ vũ khí chất nổ các hoạt động lưu manh côn đồ, các băng hình và văn hoá phẩm không được lưu hành, hoạt động mê tín dị đoan, gây ảnh hưởng không ít tới an ninh trật tự an toàn xã hội trong khu vực dân xóm. Chương V Bảo vệ công trình công cộng môi trường cảnh quan thôn xóm Điều 15: Mọi người có trách nhiệm bảo vệ các công trình công cộng trụ sở UBND xã, trường học, trạm xá, đường làng, cầu cống, đường điện thắp sáng, điện truyền thanh. Các công trình trong thôn đường, chùa cổ, miếu mạc, nhà văn hoá. Có trách nhiệm đóng góp phần bảo vệ cảnh quan sạch đẹp. Tổ chức trồng và bảo vệ cây xanh bên đường và nơi công cộng. Tạo môi sinh trong sạch lành mạnh. Điều 16: Bảo vệ sức khỏe. Mọi người đều có trách nhiệm chăm lo bảo vệ sức khoẻ ăn sạch, ở sạch và vệ sinh chung. Không vứt xác súc vật chết ra đường, không để nước chảy ra đường, đặc biệt là nước từ các công trình vệ sinh gây ô nhiễm. Chương VI Tổ chức thực hiện khen thưởng Điều 17: Bản quy ước xây dựng dựa trên cơ sở pháp luật và ý nguyện chung của nhân dân, được UBND xã, HĐND xã thông qua, UBND huyện Ba Vì phê duyệt. Các ông bà cán bộ khu thôn tổ chức hướng dẫn nhân dân thực hiện dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng. Điều 18: Khen thưởng kỷ luật: Mọi người đều có trách nhiệm thực hiện ai gương mẫu có thành tích tốt được biểu dương, đề nghị cấp trên khen thưởng. Ai vi phạm tuỳ theo mức độ nặng nhẹ từ phê bình cảnh cáo quá mức sẽ đề nghị UBND xã xử lý theo pháp luật. Điều 19: Việc sửa đổi và bổ sung quy ước Bất cứ cá nhân hay tập thể nào không được tự ý sửa đổi và bổ sung. Khi sửa đổi, bổ sung phải được toàn thể nhân dân trong thôn biểu quyết, thông qua và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bản quy ước làng văn hoá Thanh Lũng được thông qua toàn dân ngày 04 tháng 2 năm 1998. Điều 20: Quy ước này có hiệu lực thi hành kể từ ngày UBND huyện Ba Vì ký phê duyệt. T/M UBND xã Chủ tịch Nguyễn Khắc Diên (Đã ký và đóng dấu) T/M Làng thanh lũng Trưởng làng Kiều Văn Mã (Đã ký) Ba Vì, ngày 19 tháng 9 năm 1998 UBND Huyện Ba vì phê duyệt T/M UBND huyện K/T chủ tịch Phó chủ tịch Trần Nguyên Phú (Đã ký và đóng dấu) Nguồn: [119]. Phụ lục 12 Những kết luận chính rút ra từ cuộc điều tra xã hội học về tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp cơ sở 1. Trong các kỳ họp, đa số HĐND cấp cơ sở đã bàn bạc và thông qua các nghị quyết nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc. Phần lớn các nghị quyết đã có hiệu lực nhất định, được cán bộ, nhân dân thừa nhận. Tuy nhiên, cán bộ và nhân dân còn đánh giá thấp hiệu quả các công việc: Quyết định và kiểm tra các khoản thu chi ngân sách và đóng góp của dân; chống tham nhũng, tệ nạn xã hội; quản lý đất đai, tài nguyên; giải quyết việc làm cho người lao động. 2. Đại biểu HĐND chưa coi trọng việc gặp gỡ cử tri sau kỳ họp và hình thức tiếp xúc với từng cử tri. 3. Khâu yếu nhất trong hoạt động của HĐND là: Tổ chức, kiểm tra, giám sát hoạt động của UBND theo định kỳ. 4. Đa số cán bộ, nhân dân chưa hài lòng cao với hiệu quả hoạt động của HĐND. 5. Đại đa số cán bộ, nhân dân khẳng định số đại biểu HĐND chưa phát huy được vai trò, tác dụng chiếm gần 50%. 6. Đại đa số cán bộ, nhân dân khẳng định “trình độ, năng lực đại biểu hạn chế” là nguyên nhân chủ yếu nhất làm hạn chế hoạt động của HĐND, tiếp theo là sự lúng túng về phương pháp hoạt động của đại biểu HĐND. Do đó cần tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp hoạt động cho đại biểu HĐND ở cơ sở. 7. Đa số những người được hỏi tán thành việc lập thường trực HĐND ở cấp cơ sở. Các quan điểm: Lập các tiểu ban giúp việc của HĐND cấp cơ sở; Tăng thêm số lượng đại biểu HĐND; Giảm số lượng đại biểu HĐND có tỷ lệ số người không tán thành khá cao. 8. Chỉ có 3 công việc của UBND được đa số cho rằng đã có kết quả tốt: Phát triển y tế, kế hoạch hoá gia đình; Giữ gìn an ninh - quốc phòng; Thực hiện các chế độ, chính sách xã hội. Có 6 công việc bị đánh giá thấp kết quả: Tuyên truyền, giáo dục pháp luật; Chống tệ nạn xã hội: Chống tham nhũng; Bảo vệ môi trường, chống thiên tai; Quản lý đất đai, tài nguyên; Giải quyết việc làm cho người lao động. Trong số 6 công việc này, công việc “Giải quyết việc làm cho người lao động” có tỷ lệ số người đánh giá “kết quả tốt” rất thấp (15%). 9. Về lề lối, phương pháp hoạt động của UBND, đa số cán bộ, nhân dân cho rằng đã đáp ứng tốt các yêu cầu: thực hiện chế độ thường trực hàng ngày tại trụ sở; Có kế hoạch, chương trình công tác cụ thể; Các yêu cầu không gây phiền hà cho nhân dân; Thực hiện chế độ thông tin báo cáo; Lưu trữ hồ sơ văn bản; Phát huy dân chủ trong nhân dân chưa được đánh giá tốt. Cái yếu nhất, theo nhân dân là: tình trạng giải quyết công việc chưa kịp thời, dứt điểm. 10. Tỷ lệ số người đánh giá hoạt động của UBND đạt kết quả “tốt” mới chỉ chiếm 50%. 11. Đại đa số cán bộ, nhân dân khẳng định số thành viên UBND chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm dưới 50%. 12. Đại đa số cán bộ, nhân dân khẳng định: Nâng cao trình độ kiến thức quản lý hành chính Nhà nước cho các thành viên UBND là biện pháp chủ yếu nhất để nâng cao hiệu lực hoạt động của UBND. 13. Đa số cán bộ, nhân dân ủng hộ các quan điểm: Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch HĐND; Tăng thêm một Phó Chủ tịch UBND: áp dụng chế độ dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND. 14. Về đánh giá kết quả công việc của chức danh chuyên môn của UBND nói chung còn thấp, trong đó yếu nhất là chức danh Địa chính rồi đến chức danh Tài chính - kế toán. Nguồn: [121, tr. 20-21]. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLA2563.DOC
Tài liệu liên quan