Luận án Cù lao ré – quê hương của đội Hoàng sa (từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX)

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI ---------------- DƯƠNG HÀ HIẾU CÙ LAO RÉ – QUÊ HƯƠNG CỦA ĐỘI HOÀNG SA (TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX) Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 62.22.03.13 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ Người hướng dẫn khoa học: GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc PGS.TS Đào Tố Uyên HÀ NỘI – 2016 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các trích dẫn và tài liệu tham khảo sử dụng trong luận án

pdf272 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 14/01/2022 | Lượt xem: 307 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Luận án Cù lao ré – quê hương của đội Hoàng sa (từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
là trung thực. Những kết quả nêu trong luận án chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả luận án Dương Hà Hiếu MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1 2. Đối tượng, phạm vi, mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu 3 3. Nguồn tư liệu, hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu 5 4. Đóng góp của luận án 7 5. Bố cục luận án 8 Chương 1: TỔNG QUAN CÁC NGUỒN TƯ LIỆU VÀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan các nguồn tư liệu 9 1.1.1. Nguồn thư tịch cổ 9 1.1.2. Nguồn bản đồ cổ 11 1.1.3. Nguồn tư liệu địa phương 12 1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu 15 1.2.1. Tình hình nghiên cứu trong nước 15 1.2.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài 21 Chương 2: CÙ LAO RÉ: ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ LỊCH SỬ TỤ CƯ 2.1. Điều kiện tự nhiên 29 2.1.1. Tên gọi, vị trí địa lý, địa hình và khí hậu 29 2.1.2. Tài nguyên thiên nhiên 36 2.2. Lịch sử tụ cư trên Cù Lao Ré 38 2.2.1. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa 38 2.2.2. Quá trình khai phá định cư của cư dân Việt 43 Tiểu kết chương 2 55 Chương 3: ĐỜI SỐNG KINH TẾ VÀ TỔ CHỨC XÃ HỘI CỦA CƯ DÂN CÙ LAO RÉ TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX 3.1. Đời sống kinh tế của cư dân Cù Lao Ré từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX 56 3.1.1. Nông nghiệp 56 3.1.2. Ngư nghiệp 64 3.1.3. Thủ công nghiệp 66 3.1.4. Thương nghiệp 68 3.1.5. Tô thuế 68 3.2. Tổ chức xã hội Cù Lao Ré từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX 70 3.2.1. Từ thế kỷ XVII đến trước năm 1804 70 3.2.2. Từ năm 1804 đến giữa thế kỷ XIX 80 Tiểu kết chương 3 88 Chương 4: ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA CƯ DÂN CÙ LAO RÉ 4.1. Đời sống văn hóa vật chất của cư dân Cù Lao Ré 89 4.1.1. Kiến trúc 89 4.1.2. Ẩm thực 97 4.1.3. Phương tiện đi lại 99 4.2. Đời sống văn hóa tinh thần 100 4.2.1. Phong tục tập quán 100 4.2.2. Tôn giáo và tín ngưỡng 107 4.2.3. Một số lễ hội tiêu biểu 111 Tiểu kết chương 4 116 Chương 5: ĐỘI HOÀNG SA VÀ HOẠT ĐỘNG THỰC THI CHỦ QUYỀN VIỆT NAM Ở HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA – TRƯỜNG SA CỦA CƯ DÂN CÙ LAO RÉ TỪ THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX 5.1. Sự ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn và Tây Sơn 117 5.1.1. Thời điểm ra đời và quê hương của đội Hoàng Sa 117 5.1.2. Cư dân Cù Lao Ré trong đội Hoàng Sa thời các chúa Nguyễn và Tây Sơn 124 5.2. Cư dân Cù Lao Ré trong hoạt động bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới triều Nguyễn đến giữa thế kỷ XIX 130 5.2.1. Dưới thời vua Gia Long (1802 – 1820) 130 5.2.2. Dưới thời vua Minh Mạng (1820 – 1840) và Thiệu Trị (1840 – 1847) 133 Tiểu kết chương 5 145 KẾT LUẬN 147 DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ 151 TÀI LIỆU THAM KHẢO 152 PHỤ LỤC 173 DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT - CHND: Cộng hòa Nhân dân - CHXHCN: Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa - KHXH: Khoa học Xã hội - LATS: Luận án Tiến sĩ - Nxb: Nhà xuất bản - TCN: Trước Công nguyên - Tp: Thành phố - UB: Ủy ban - UBND: Ủy ban Nhân dân DANH MỤC CÁC BẢNG Bảng 2.1: Tổng hợp các mốc thời gian lớp cư dân Việt đầu tiên ra Cù Lao Ré Bảng 3.1: Tình hình ruộng đất ở Cù Lao Ré năm Mậu Ngọ (1618) Bảng 3.2: Tình hình ruộng đất ở Cù Lao Ré qua địa bạ năm 1821 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Từ thời nguyên thủy, Việt Nam đã trở thành địa bàn xuất hiện và tụ cư của con người. Bên cạnh hệ thống di chỉ khảo cổ lưu lại dấu vết quần tụ của người nguyên thủy từ miền núi, trung du và đồng bằng còn có hàng loạt các di chỉ khảo cổ ở duyên hải và hải đảo đã hình thành nên các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh và Đồng Nai. Cùng những biến động lịch sử, các cư dân cổ của ba nền văn hóa đã phát triển thành cộng đồng dân tộc Việt Nam. Yếu tố nước (sông - biển) và các yếu tố liên quan đến nước ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình tạo lập văn hoá dân tộc cũng như đặc trưng tính cách của người Việt Nam. Trong quá trình khai phá đất đai lao động sản xuất và đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ lãnh thổ, biển đảo từ rất sớm đã thực sự trở thành một bộ phận chặt chẽ trong không gian sinh tồn của dân tộc. Trên con đường Nam tiến khai phá đất đai mở rộng bờ cõi, Cù Lao Ré là một trong những hòn đảo thuộc duyên hải miền Trung sớm được người Việt chinh phục làm cơ sở sinh cơ lập nghiệp. Từ đất liền và ở Cù Lao Ré, cư dân Việt tiếp tục tiến ra khai thác vùng Biển Đông rộng lớn với ngư trường chính xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự phát hiện và khai thác nguồn lợi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các ngư dân là cơ sở đặc biệt quan trọng để các triều đại phong kiến Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo này. Với vị trí địa lý của một hòn đảo gần bờ và là địa điểm đi đến Hoàng Sa gần nhất, lại án ngữ trên tuyến hải thương Biển Đông nối liền Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, Cù Lao Ré nhanh chóng được Nhà nước phong kiến Việt Nam coi trọng. Các chúa Nguyễn đã coi Cù Lao Ré như là một trong những tiền đồn, là nơi tuyển lính, cắt cử người dẫn đường cho đội Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ khai thác, quản lý và khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 2 Cùng với các xã gốc bên cửa biển Sa Kỳ, Cù Lao Ré trở thành bộ phận quan trọng trong không gian quê hương của đội Hoàng Sa, là địa phương điển hình gắn bó máu thịt giữa đất liền và hải đảo. Trong chính sách hướng biển và khẳng định sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia giữa đất liền và hải đảo của Nhà nước phong kiến Việt Nam, Cù Lao Ré với vị trí trọng yếu đã sớm được tách ra khỏi sự phụ thuộc từ các xã gốc trong đất liền và lập thành đơn vị hành chính cơ sở độc lập dưới triều Nguyễn (1804). Sự đóng góp của các thế hệ cư dân Cù Lao Ré đối với sự ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa sau đó là lực lượng Thủy quân kéo dài cho đến giữa thế kỷ XIX, trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858) đã nói lên vị trí, tầm quan trọng của cái nôi sinh ra lực lượng bảo vệ biển đảo này. Trong bối cảnh quốc tế diễn ra phức tạp hiện nay, đặc biệt vấn đề chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tồn tại những tranh chấp đòi hỏi Đảng, Nhà nước và các nhà khoa học Việt Nam tập trung nguồn lực vào công tác nghiên cứu nhằm đưa ra đầy đủ những luận chứng, luận cứ vững chắc khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Do vậy, công tác nghiên cứu và cung cấp những cứ liệu về việc khẳng định, thực thi nhiệm vụ chủ quyền lãnh thổ của Nhà nước phong kiến Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa trong quá trình đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ hiện nay là vô cùng quan trọng. Việc nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển cùng đóng góp của Cù Lao Ré đối với sự ra đời, hoạt động của đội Hoàng Sa cũng như sự nghiệp bảo vệ, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Mặc dù vậy cho đến hiện nay, chưa có bất kỳ công trình nghiên cứu toàn diện và cụ thể nào của các nhà khoa học về vị trí địa thế cũng như vai trò của cư dân Cù Lao Ré trong mối quan hệ với lực lượng thực thi nghĩa vụ chuyên trách đặc biệt là bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển – đội Hoàng Sa. Xuất phát từ những nhận thức trên, tác giả quyết định chọn “Cù Lao Ré – quê hương của đội Hoàng Sa (Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX)” làm đề tài luận án tiến sĩ của mình. 3 2. Đối tượng, phạm vi, mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là Cù Lao Ré – quê hương của đội Hoàng Sa từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX. Cụ thể hơn là quá trình khai canh, định cư hình thành các phường1, phát triển kinh tế, tổ chức quản lý xã hội và đời sống văn hóa của cư dân Cù Lao Ré từ thời các chúa Nguyễn thế kỷ XVII cho đến giữa thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn. Phạm vi nghiên cứu + Về thời gian: Điều này thể hiện ở ngay tên đề tài luận án. Tác giả đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu Cù Lao Ré từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX trên tất cả các mặt: tình hình kinh tế, tổ chức xã hội và đời sống văn hóa của cư dân Cù Lao Ré gắn với sự ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa cho đến khi đội Hoàng Sa nhập vào đội Thủy quân triều Nguyễn. Bên cạnh đó, tác giả coi phông thời gian trước thế kỷ XVII là cơ sở tiền đề nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ sự phát triển của Cù Lao Ré ở giai đoạn sau. + Về không gian: Giới hạn phạm vi không gian nghiên cứu của luận án là đảo Cù Lao Ré2. Tuy nhiên, do mối quan hệ mật thiết của Cù Lao Ré với đất liền về nguồn gốc cư dân, những thay đổi về tổ chức hành chính cũng như đời sống văn hóa nên ngoài việc lấy Cù Lao Ré làm không gian nghiên cứu chính, tác giả đặt Cù Lao Ré trong không gian chỉnh thể quốc gia để nghiên cứu. Từ đó, tác giả tập trung làm sáng tỏ vị trí địa thế, đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa của cư dân Cù Lao Ré trong mối quan hệ giữa đất liền và hải đảo cũng như đối với hoạt động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa của cư dân Cù Lao Ré từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX. Mục tiêu của luận án Thông qua việc khôi phục diện mạo lịch sử Cù Lao Ré trên tất cả các mặt đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, luận án góp một cái nhìn cụ thể và toàn diện 1 Cách gọi đơn vị “làng” của cư dân Cù Lao Ré. 2 Hiện nay, địa giới huyện Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi gồm hai đảo: đảo Cù Lao Ré (nay gọi là đảo Lý Sơn) gồm hai xã, là nơi đặt trụ sở hành chính huyện và đảo Cù lao Bờ Bãi có một xã là An Bình. 4 về vai trò, vị trí và những đóng góp của cư dân Cù Lao Ré đối với hoạt động thực thi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận án tập trung làm rõ những vấn đề khoa học sau đây: - Làm rõ tầm quan trọng về vị trí địa lý của Cù Lao Ré trên tuyến hải thương quốc tế Biển Đông ở thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX cùng mối quan hệ của Cù Lao Ré với đất liền trong chính sách hướng biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Nhà nước phong kiến Việt Nam; - Tập trung nghiên cứu về tổ chức bộ máy quản lý, đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của cư dân Cù Lao Ré với tư cách là đơn vị hành chính cấp cơ sở đặc biệt của một “đảo tiền đồn”, nơi tuyển quân và xuất phát của đội Hoàng Sa ra quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia; - Nghiên cứu về sự ra đời, tổ chức và hoạt động của đội Hoàng Sa gắn liền với Cù Lao Ré trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khai thác, khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên cơ sở đó, luận án nghiên cứu làm sáng tỏ sự đóng góp của cư dân Cù Lao Ré đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX; - Nội dung của luận án cũng vạch trần và phê phán những âm mưu, luận điệu xuyên tạc của một số học giả Trung Quốc khi cho rằng Cù Lao Ré chính là Hoàng Sa của Việt Nam. Những vấn đề trên của luận án sẽ làm sáng tỏ lịch sử hình thành và phát triển của Cù Lao Ré cùng đóng góp của cư dân hòn đảo này đối với sự ra đời, hoạt động của đội Hoàng Sa và sau là đội Thủy quân trong việc khai thác, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX. Mặt khác, luận án cũng góp phần vào công cuộc đấu tranh nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông hiện nay. 5 3. Nguồn tư liệu, hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu Nguồn tư liệu Để hoàn thành nội dung nghiên cứu, luận án sử dụng các nguồn tư liệu sau: - Nguồn thư tịch cổ Việt Nam gồm các châu bản, các công trình lịch sử, địa lý và các bản đồ Việt Nam thời phong kiến; - Nguồn tư liệu địa phương tác giả thu thập được từ các dòng họ trong quá trình thực địa điều tra thực tế trên Cù Lao Ré, tức huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ngày nay; - Các bản đồ và tài liệu nước ngoài đề cập đến Cù Lao Ré từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX; - Các công trình nghiên cứu về Cù Lao Ré liên quan đến luận án của các học giả Việt Nam và thế giới. Hướng tiếp cận Trong quá trình nghiên cứu hoàn thành luận án, tác giả tiếp cận vấn đề chủ yếu dựa trên quan điểm lịch sử, khôi phục, nhìn nhận và đánh giá vấn đề dưới góc độ của khoa học lịch sử. Do đề tài nghiên cứu mang tính tổng hợp nên tác giả còn sử dụng các hướng tiếp cận phụ trợ khác như địa – văn hóa, địa – chính trị, khu vực học, văn hóa học, trong quá trình hoàn thành luận án. Từ các hướng tiếp cận đó, tác giả đặt Cù Lao Ré vào trong không gian sinh tồn của người Việt: Đất – Nước, tức là mối quan hệ giữa đất liền và biển đảo, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa giữa Biển Đông. Vì vậy, tác giả đặt Cù Lao Ré trong dòng chảy của lịch sử, từ lớp cư dân đầu tiên của nền văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa cho đến khi lớp cư dân Việt đầu tiên ra đảo khai khẩn định cư lập phường, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống văn hóa. Hướng tiếp cận này là cần thiết bởi vì sự ra đời, hoạt động của đội Hoàng Sa không chỉ liên quan đến Cù Lao Ré mà còn liên quan đến ý chí, hành động của chính quyền phong kiến Việt Nam. Từ các hướng tiếp cận đó, vấn đề nghiên cứu của luận án được giải quyết một cách khoa học, toàn diện. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình nghiên cứu hoàn thành nội dung luận án, trên cơ sở nắm vững quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, tác giả sử dụng nhuần 6 nhuyễn hai phương pháp nghiên cứu đặc thù của khoa học lịch sử là phương pháp lịch sử và phương pháp logic cùng phương pháp tổng hợp phân tích tài liệu để phục dựng lại những biến động của Cù Lao Ré trên các phương diện theo trình tự thời gian trong mối quan hệ với bối cảnh lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Từ đó giúp cho tác giả nhìn nhận, lý giải, đánh giá vấn đề trong chiều sâu lịch sử và theo quy luật vận động khách quan của lịch sử. Tác giả cũng sử dụng các phương pháp nghiên cứu khác như phương pháp thống kê toán học, phương pháp định tính và định lượng. Những phương pháp này giúp xử lý các tư liệu cùng loại để tìm ta khuynh hướng và đặc trưng của vấn đề. Trong khả năng cho phép, tác giả lượng hóa các số liệu thông tin từ các gia phả, địa bạ, hoặc những cá nhân của Cù Lao Ré được nhắc đến trong các tài liệu. Từ đó, tác giả phân tích thông tin nhằm cung cấp những kết quả mới cho luận án. Bên cạnh đó, phương pháp so sánh đối chiếu được tác giả sử dụng để phân tích mức độ chính xác của thông tin tư liệu cung cấp, đặc biệt là những thông tin trong các công trình sử học biên niên, những ghi chép của các học giả Việt Nam và thế giới đương thời. Sử dụng phương pháp này góp phần đảm bảo độ chính xác, khoa học của luận án. Tác giả cũng sử dụng phương pháp phân tích bản đồ của khoa học Địa lý vào việc nghiên cứu các bản đồ cổ của Việt Nam và thế giới khi đo đạc biên vẽ về Cù Lao Ré và quần đảo Paracels3 của Việt Nam ở thế kỷ XVII cho đến nửa đầu thế kỷ XIX. Việc sử dụng phương pháp này góp phần làm rõ vị trí địa lý của Cù Lao Ré trong mối quan hệ với đất liền và trên tuyến hải thương quốc tế Biển Đông. Đề tài của luận án nghiên cứu về Cù Lao Ré như một địa phương trong mối quan hệ với cả nước. Để hoàn thành luận án, ngay từ khâu tư liệu, tác giả cũng đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu đặc trưng của các khoa học liên ngành khác như Văn hóa học, Dân tộc học trong quá trình điều tra thực tế như phục vụ cho quá 3 Tên gọi quốc tế lúc bấy giờ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 7 trình thu thập, xử lý tài liệu và nghiên cứu các vấn đề về nguồn gốc dân cư, văn hóa, lịch sử Cù Lao Ré. 4. Đóng góp của luận án Trên cơ sở giải quyết các nhiệm vụ đặt ra, luận án có những đóng góp sau: - Dựng lại bức tranh về quá trình khai phá và làm chủ Cù Lao Ré: từ quá trình lập phường, phát triển kinh tế, đời sống văn hóa đến quản lý xã hội trên đảo trong các thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX. Qua đó, luận án góp phần nhận thức sâu sắc và toàn diện về lịch sử Cù Lao Ré cũng như vị trí, vai trò của Cù Lao Ré trong tổ chức bộ máy hành chính cấp cơ sở và chính sách hướng biển của Nhà nước phong kiến Việt Nam; - Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, cư dân Cù Lao Ré đã phát triển kinh tế, xã hội vươn lên trở thành cơ sở quan trọng để Nhà nước phong kiến Việt Nam thực hiện tuyển quân, lập đội Hoàng Sa. Mặt khác, Cù Lao Ré có vị trí chiến lược quan trọng nên đã sớm trở thành hậu phương, là bàn đạp để đội Hoàng Sa tiến ra Biển Đông thực hiện nhiệm vụ khai thác, khẳng định và bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; - Dựng lại đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân Cù Lao Ré để từ đó có cái nhìn toàn diện hơn về quá trình khai chiếm, lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa mang đậm chất biển đảo của cư dân hòn đảo này. Từ hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử cũng như lễ hội quan trọng của Cù Lao Ré cho thấy tuyệt đại bộ phận đời sống tín ngưỡng của cư dân trên đảo gắn liền với không gian biển và các sự kiện liên quan đến sự ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa cùng những người con ưu tú của đảo tham gia đội Thủy quân đi lính Hoàng Sa trong lịch sử; - Góp phần làm sáng tỏ về sự ra đời, hoạt động và nhiệm vụ của đội Hoàng Sa cũng những đóng góp của cư dân Cù Lao Ré trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia dân tộc; - Góp thêm nguồn tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 8 5. Bố cục luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, chú thích, phụ lục thì luận án có cấu trúc gồm 5 chương, cụ thể như sau: Chương 1. Tổng quan các nguồn tư liệu và tình hình nghiên cứu Chương 2. Cù Lao Ré: Điều kiện tự nhiên và lịch sử tụ cư Chương 3. Đời sống kinh tế và tổ chức xã hội của cư dân Cù Lao Ré từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX Chương 4. Đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân Cù Lao Ré Chương 5. Đội Hoàng Sa và hoạt động thực thi chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của cư dân Cù Lao Ré từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX 9 Chương 1 TỔNG QUAN CÁC NGUỒN TƯ LIỆU VÀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan các nguồn tư liệu 1.1.1. Nguồn thư tịch cổ Từ thời phong kiến, Cù Lao Ré đã được cơ quan chép sử Nhà nước và các cá nhân đề cập đến. Ngoài ra, Cù Lao Ré còn được thể hiện trên các bản đồ Việt Nam và thế giới cho thấy vị trí tầm quan trọng của hòn đảo này trong tổ chức bộ máy hành chính quốc gia cũng tuyến hải thương quốc tế lúc bấy giờ. Đầu tiên cần kể đến là tập bản đồ “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá vẽ vào năm Chính Hòa thứ 7 (1686) (xem phụ lục 1.12). Trong tập bản đồ này, Cù Lao Ré được gọi là “núi Du Trường” thuộc về phủ Thăng Hoa (Quảng Ngãi) ngoài cửa biển Sa Kỳ với những thông tin cho biết trên đảo đã có sự quản lý từ đất liền gọi là “tuần”. Tài liệu sớm đề cập cụ thể đến Cù Lao Ré là “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn hoàn thành năm 1776. Công trình này chép Cù Lao Ré thuộc về phủ Quảng Ngãi có cư dân sinh sống bằng nghề trồng đậu phụng, Bên cạnh những thông tin về Cù Lao Ré là ghi chép về hoạt động của đội Hoàng Sa trong việc khai thác quần đảo Hoàng Sa. Đây là tài liệu đầu tiên ghi chép về Cù Lao Ré cũng như mối quan hệ của hòn đảo này đối với hoạt động của đội Hoàng Sa thời các chúa Nguyễn. Trong “Quảng Thuận đạo sử tập” của Nguyễn Huy Quýnh viết khi ông làm việc ở Thuận Hóa năm 1785, phần mô tả về giao thông đường biển từ vùng Quảng Nam đến Phú Yên ngày nay cũng chép những thông tin sơ lược về tình hình dân cư và hoạt động kinh tế của Cù Lao Ré. Đặc biệt trong công trình này còn có bản đồ khu vực Quảng Ngãi từ vùng cửa Đại Cổ Lũy (tức cửa Đại) đến cửa biển Sa Kỳ vẽ về Cù Lao Ré (劬 劳 哩) kèm thông tin cho biết Cù Lao Ré lập đội Hoàng Sa Nhị với 8 chiếc thuyền ra Hoàng Sa khai thác sản vật. Điều này hoàn toàn trùng khớp với những thông tin mà Lê Quý Đôn đã phản ánh. 10 Tiếp theo là “Đại Việt sử ký tục biên (1676 – 1789)” do Quốc sử viện thời Lê Trịnh biên soạn. Công trình sử học này cũng đề cập đến Cù Lao Ré và hoạt động của đội Hoàng Sa không khác nhiều so với “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn trước đó nhưng đã khẳng định tầm quan trọng của chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa trên danh nghĩa quốc gia. Sang thời nhà Nguyễn, hàng loạt các công trình đề cập đến Cù Lao Ré như “Đại Nam thực lục”, “Minh Mạng chính yếu”, “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, “Quốc triều chính biên toát yếu”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, và các công trình cá nhân khác như “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, “Việt sử cương giám khảo lược” của Nguyễn Thông, “Sử học bị khảo” của Đặng Xuân Bảng. Trong các công trình trên, đáng lưu ý là “Đại Nam thực lục”, ngoài phần Tiền biên chép về Cù Lao Ré cùng hoạt động của đội Hoàng Sa tương tự như “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn đã đề cập thì ở phần Chính biên, các ghi chép rải rác về các vấn đề kinh tế, tô thuế của Cù Lao Ré khá nhiều. Những thông tin về cư dân Cù Lao Ré trong hoạt động của đội Hoàng Sa thời Gia Long và sau đó là đội Thủy quân dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị cũng được ghi chép khá nhiều và cụ thể. Thứ đến là công trình “Đại Nam nhất thống chí” – bộ địa chí quốc gia đồ sộ do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn và là bộ địa chí đầy đủ nhất của nước ta thời phong kiến. Trong quyển 8 chép về tỉnh Quảng Ngãi, các vấn đề về tên gọi, vị trí địa lý, dân cư, chế độ thuế khóa và sản vật của Cù Lao Ré được ghi chép khá cụ thể. Cũng tư liệu này còn cho biết Cù Lao Ré với vị trí trọng yếu nên được coi là một “tấn” ngoài cửa biển Sa Kỳ. Những thông tin về Cù Lao Ré và đội Hoàng Sa được chép thành một mục riêng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ của cư dân Cù Lao Ré với lực lượng đặc biệt này. Nguồn tư liệu nữa cần kể đến đó là châu bản triều Nguyễn hiện lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, ví dụ như “Châu bản triều Nguyễn ngày 22 tháng 11 năm Minh Mạng thứ 14 (1833)” đề cập đến Phạm Văn Sênh người Cù Lao Ré đi thực hiện nhiệm vụ ở Hoàng Sa trở về. Bên cạnh còn có các tờ lệnh của quan địa 11 phương như “Tờ lệnh ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834)” của quan Bố chánh, Án sát tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ danh tính, quê quán của từng người con của Cù Lao Ré vâng mệnh triều đình đi Hoàng Sa. “Châu bản triều Nguyễn ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835)” đề cập đến Cai đội Phạm Văn Nguyên cũng là người Cù Lao Ré dẫn đoàn đi Hoàng Sa trở về quá hạn chịu xử phạt, Một số châu bản trong các năm tiếp theo đề cập những thông tin liên quan đặc biệt đến những người con của Cù Lao Ré với những chức vụ cụ thể trong hoạt động bảo vệ chủ quyền quốc gia ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 1.1.2. Nguồn bản đồ cổ Cù Lao Ré không chỉ được ghi chép trong các tài liệu lịch sử, địa lý mà còn được thể hiện trên các bản đồ quốc gia thời phong kiến. Ngoài các bản đồ của Đỗ Bá và Nguyễn Huy Quýnh, Cù Lao Ré còn được thể hiện trong các bản đồ quốc gia triều Nguyễn sau này như “Đại Nam nhất thống toàn đồ” (xem phụ lục 1.13) vẽ năm 1838 thời Minh Mạng và được coi là một trong những bản đồ thể hiện toàn vẹn nhất lãnh thổ Việt Nam. Trong bản đồ này, Cù Lao Ré được vẽ sát với bờ biển tỉnh Quảng Ngãi và đối diện với Cù Lao Ré, ở giữa Biển Đông là quần đảo “Hoàng Sa” và “Vạn lý Trường Sa”, tức quần đảo Trường Sa. Bên cạnh đó, bản đồ “Đồng Khánh bản đồ” và một số bản đồ khác cũng thể hiện rõ ràng vị trí của Cù Lao Ré. Cùng với các bản đồ cổ Việt Nam, các bản đồ thế giới đều ghi nhận Cù Lao Ré như bản đồ “Insulae Indiae Orientalis” (Những hòn đảo phía đông Ấn Độ) của tác giả Jodocus Hondius (1606) (xem phụ lục 1.1) và “Asiae Nova Descriptio” (Bản đồ châu Á mới) của G. Mercator và Jodocus Hondius (1630) [204] và hàng loạt bản đồ khác như bản đồ của Nicolas Sanson (1658) [208], Giovanni Giacomo Rossi (1683) (xem phụ lục 1.2), Nicolas de Fer (1709) (xem phụ lục 1.3), bản đồ của Guilaume Danet (1721) (xem phụ lục 1.4), bản đồ của G.B. Albrizzi (1740) (xem phụ lục 1.5), Emanuel Bowen (1747) (xem phụ lục 1.6), D.J. Changuion (1773) (xem phụ lục 1.7), bản đồ do Rollos và George vẽ năm 1779 (xem phụ lục 1.9), bản đồ của Phillippe Vandermaelen (1827) (xem 12 phụ lục 1.10), Jean Louis Taberd (1838) (xem phụ lục 1.11), Trong các bản đồ của các tác giả trên, tấm bản đồ “Partie de la Cochinchine” (Một phần của Cochinchine) của Phillippe Vandermaelen cũng như các tấm bản đồ khác của ông trong bộ bản đồ “Atlas Universel de Géographie (Physique, politique, statisque et minnéralogique)” (Bộ Atlas Địa lý (Vật lý, Chính trị, Thống kê và Khai mỏ)) được coi là đặc biệt quan trọng vì nó là bản đồ đầu tiên đo vẽ tuyệt đối chính xác vị trí về kinh độ, vĩ độ, đặc điểm địa lý, tên gọi của phương Tây về Cù Lao Ré cũng như các địa danh khác thuộc lãnh thổ Việt Nam, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 1.1.3. Nguồn tư liệu địa phương Ngoài các nguồn tư liệu trên, không thể không kể đến nguồn tư liệu địa phương còn lưu giữ tại Cù Lao Ré – huyện đảo Lý Sơn ngày nay. Đó là gia phả của các dòng họ, các văn khế mua bán ruộng đất, địa bạ, văn tế đình làng, các tờ đơn, kê trình thuế lệ của Cù Lao Ré. Ngoài ra còn có các truyền thuyết dân gian, các tư liệu liên quan đến các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo của Cù Lao Ré. Về nguồn tư liệu gia phả trên Cù Lao Ré, do thời gian, hỏa hoạn và nhiều yếu tố khác, một số gia phả của các tộc họ tiền hiền trên Cù Lao Ré đã không còn. Hiện nay, trên 10 gia phả còn lại được các trưởng tộc cất giữ rất cẩn thận trong các khán tại nhà thờ tộc họ và đa phần còn khá nguyên vẹn, rõ chữ. Một số gia phả khác bị ẩm mốc rách nát, mối mọt nên nhiều chỗ không thể đọc được. Ngoài đề cập đến lịch sử dòng họ, gia phả còn ghi chép về các sự kiện liên quan đến Cù Lao Ré như sự kiện đo đạc đất đai, phân chia địa giới giữa hai phường vào năm 1618, tên tuổi những vị tiền hiền khai khẩn – tức lớp cư dân Việt đầu tiên tiến lên Cù Lao Ré khai cơ lập nghiệp. Ngoài ra, các gia phả còn cho biết thân thế cụ thể của một số cá nhân được sử sách, châu bản triều Nguyễn đề cập khi họ tham gia vào hoạt động bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa mà các tư liệu khác không phản ánh. Nguồn tư liệu này là một trong những chất liệu quan trọng hoàn thành luận án vì nó giải đáp được nhiều vấn đề đặt ra mà các tư liệu khác không đề cập đến một cách cụ thể. 13 Nguồn tư liệu địa bạ, văn khế mua bán ruộng đất, các tờ kê trình thuế lệ hiện còn lưu giữ cẩn thận tại các dòng họ trên Cù Lao Ré, đặc biệt là địa bạ và một số văn khế mua bán ruộng đất lưu tại nhà anh Nguyễn Chí Thanh (37 tuổi, xã An Hải) còn khá nguyên vẹn. Nguồn tư liệu này cung cấp cho luận án những số liệu quan trọng trong việc tìm hiểu về tình hình khai khẩn đất đai, phát triển kinh tế và một phần của việc quản lý xã hội trên hòn đảo này qua các thời kỳ. Cũng từ nguồn tư liệu này còn hé lộ những thông tin quý giá về đóng góp của cư dân Cù Lao Ré đối với hoạt động của đội Hoàng Sa, đặc biệt đối với công tác huy động sức người, sức của làm kinh phí cho những người con của Cù Lao Ré đi thực hiện nhiệm vụ trong đội Thủy quân ra Hoàng Sa dưới triều Nguyễn. Điều này cho thấy những sự kiện lịch sử chép về Cù Lao Ré cũng như đóng góp của cư dân hòn đảo này trong hoạt động thực thi nhiệm vụ khai thác và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong các công trình lịch sử, địa lý quốc gia và cá nhân thời phong kiến là hoàn toàn khoa học và chính xác. Ngoài các gia phả, văn khế mua bán ruộng đất, địa bạ, các dòng họ trên Cù Lao Ré còn lưu giữ các tư liệu khác đặc biệt quan trọng như “tờ kê trình của Phú Nhuận hầu năm Gia Long thứ 2” (1803) lưu tại nhà thờ họ Võ thuộc xã An Vĩnh hay “tờ đơn của phường An Vĩnh của Cù Lao Ré xin tách khỏi xã An Vĩnh năm Gia Long thứ 3” (1804) lưu tại dòng họ Phạm Quang ở xã An Vĩnh hiện nay. Những tư liệu này cung cấp cho luận án thông tin về quá trình Cù Lao Ré chia tách khỏi các xã gốc trong đất liền thành đơn vị hành chính cấp cơ sở. Không những vậy, nguồn tư liệu này còn cung cấp những thông tin về lịch sử của Cù Lao Ré trước đó với mối quan hệ của nó đối với các xã gốc trong đất liền cũng như đóng góp trực tiếp của cư dân Cù Lao Ré đối với tổ chức và hoạt động của đội Hoàng Sa. Trên Cù Lao Ré có trên 40 cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo. Các tư liệu lưu giữ ở đình làng và các cơ sở tín ngưỡng khác trên Cù Lao Ré như sắc phong, văn tế hoặc hồ sơ lý lịch do các nhân viên Bảo tàng và Sở Văn hóa tỉnh Quảng Ngãi lập cho thấy lịch sử các công trình kiến trúc phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng cũng như đời sống văn hóa tín ngưỡng của cư dân trên đảo. Điểm đặc biệt là, các công trình văn hóa tín ngưỡng của Cù Lao Ré cũng như nguồn tư liệu 14 còn lưu giữ ở các cơ sở này đều gắn liền với biển, đặc biệt liên quan đến hoạt động của đội Hoàng Sa thời các chúa Nguyễn hoặc các cá nhân tham gia đội Thủy quân trực tiếp ra Hoàng Sa dưới triều Nguyễn. Đây là một trong những chất liệu quan trọng để nghiên cứu về đời sống văn hóa của cư dân Cù Lao Ré cũng như cống hiến của cư dân Cù Lao Ré đối với hoạt động bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với quần đảo Hoàng Sa. Nguồn tư liệu này được tác giả sử dụng khá triệt để trong quá trình hoàn thành luận án. Bên cạnh đó còn có các truyền thuyết dân gian, ca dao, hò vè và tục lệ của cư dân Cù Lao Ré được lưu truyền trong dân gian. Trong đó, những truyền thuyết về quá trình khai phá định cư của lớp cư dân Việt đầu tiên lên đảo, về Cá Ông và những người con đi lính Hoàng Sa được nhân dân ghi nhớ nhiều nhất. Mặc dù nguồn tư liệu này không đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu luận án song cung cấp cho tác giả một cách tiếp cận lịch đại và góp phần giám định nguồn tư liệu chữ viết mà tác giả sưu tầm được. Cũng không thể không kể đến các phát hiện, khai quật khảo cổ trên Cù Lao Ré. Năm 1977, Diệp Đình Hoa đã khảo sát và nghiên cứu sưu tầm được 10 công cụ rìu bôn của cư dân cổ trên đảo Lý Sơn. Đây được xem là những báo cáo đầu tiên về dấu tích c...Thứ năm, luận án làm rõ sự cống hiến của cư dân Cù Lao Ré với tư cách là quê hương của đội Hoàng Sa từ thời các chúa Nguyễn cho đến đầu thế kỷ XIX; đóng góp của cư dân Cù Lao Ré trong hoạt động khai thác và bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XIX. 29 Chương 2 CÙ LAO RÉ: ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ LỊCH SỬ TỤ CƯ 2.1. Điều kiện tự nhiên 2.1.1. Tên gọi, vị trí địa lý, địa hình và khí hậu 2.1.1.1. Tên gọi Từ rất sớm trên Cù Lao Ré đã có con người sinh sống là cư dân Xóm Ốc và cư dân Suối Chình5 thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh. Cư dân Chămpa nói hệ ngôn ngữ Malayo – Polisesien và trong ngôn ngữ này từ “pulao” hoặc “pulau” dùng để gọi những hòn đảo ven bờ nổi lên trên mặt biển. Tương truyền, cư dân Chămpa gọi hòn đảo này là “pulau” Ré và được giải thích là vì trên đảo mọc nhiều cây “Ré”. Trong quá trình Nam tiến, người Việt cộng cư tiếp biến văn hóa Chămpa và đã Việt hóa tên gọi hòn đảo này thành Cù Lao Ré cũng như Việt hóa tên gọi các hòn đảo khác thành “cù lao” ở ven bờ biển miền Nam Trung bộ Việt Nam. Từ đó, Cù Lao Ré được người Việt sử dụng phổ biến, quen thuộc cho đến tận ngày nay. Từ thế kỷ XVI – XVII, hàng loạt ghi chép, các tấm bản đồ vẽ về Việt Nam được in ấn và phổ biến bằng nhiều thứ tiếng trong đó có Cù Lao Ré. Đầu tiên phải kể đến là “Doanh Nhai Thắng Lãm” do Mã Hoan viết ở thời nhà Minh nói về cuộc đi sứ của Trịnh Hòa xuống vùng Đông Nam Á có đoạn “đến Chiêm Thành nghỉ ở đó cho tới ngày 17 tháng 6 năm 1433 lại lên đường và đến ngày 19 tháng 6 năm 1433 đã đến Wai Lo Shan (tức Ngoại La Sơn)” [102, tr. 24 - 25]. Còn trong các công trình nghiên cứu phương Tây khi viết về Cù Lao Ré tương đối ngắn gọn như “Pullo Canton, nằm gần bờ biển, cũng giống như các đảo của Champello (Cù Lao Chàm) nhưng không có nguy hiểm” [143, tr. 209], hoặc “Pulo Canton, còn được gọi là Pulo Ratan” [149, tr. 100 -101] và “Pulo Canton, còn được người bản địa gọi là Cu Lao Ray” [144, tr. 319]. Trong bản đồ “Insulae Indiae Orientalis” (Những hòn đảo phía đông Ấn Độ) [202] và tấm bản đồ châu Á “Asiae Nova Descriptio” (Bản đồ châu Á mới) [204], Cù Lao Ré được vẽ sát vào bờ biển miền Trung gọi là Pulo 5 Tên gọi hai địa chỉ khảo cổ phát hiện và khai quật trên đảo Lý Sơn. Theo kết quả của các đợt khai quật từ năm 1977, đặc biệt từ năm 1996 đến 2002, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khẳng định cư dân Xóm Ốc và Suối Chình là lớp cư dân của nền văn Hóa Sa Huỳnh nói hệ ngôn ngữ Malayo - Polinesien. Xem thêm Đoàn Ngọc Khôi (2003), Di tích Xóm Ốc và vấn đề văn hóa Sa Huỳnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ, LATS Lịch sử, chuyên ngành Khảo cổ học, Viện Khảo cổ học, Trung Tâm KHXH và Nhân văn Quốc gia. 30 Contan. Còn tấm bản đồ của Nicolas Sanson [208] vẽ về đảo Cù Lao Ré và ký hiệu là P. Canton. Tuy nhiên, trong tấm bản đồ của Giovanni Giacomo Rossi, Cù Lao Ré được gọi là Pulo Cantan với chú thích ở dưới là Colaure [206], [207]. Ngoài ra còn hàng loạt các bản đồ khác như tấm bản đồ của Nicolas de Fer [200]; bản đồ của G. de L’isle [203]; bản đồ của G. B. Albrizzi [194], [195]; bản đồ của Emanuel Bowen [196]; bản đồ của G.R. Vaugondy và D.R. Vaugondy [212] đều vẽ Cù Lao Ré với tên gọi P. Canton. Đến năm 1773 tiếp tục xuất hiện tấm bản đồ của E. van Harrevelt và D.J. Changuion [201]. Đây là một trong những bản đồ đẹp và chi tiết về khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Bản đồ này thể hiện rất rõ các đảo ven bờ và Cù Lao Ré được ký hiệu là P. Canton. Trong hàng loạt các bản đồ khác, Cù Lao Ré đều được thể hiện một cách rõ ràng với tên Pulo Canton hoặc ký hiệu là P. Canton. Trong công trình “Etude sur un Portulan annamite du XVe siècle” (Nghiên cứu về bản đồ Annam thế kỷ XV), tác giả G. Dumoutier vẽ Cù Lao Ré và gọi là Hải Du Trường sơn [102, tr. 25]. Trong tấm bản đồ “Partie de la Cochinchine” (Một phần của Cochinchine) số 106 của Phillippe Vandermaelen thể hiện đường bờ biển miền Trung Việt Nam từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16, Cù Lao Ré được ký hiệu là “P. Canton ou Cacitam” [211]. Đến năm 1838, trong “An Nam Đại quốc họa đồ” của giáo sĩ Jean Louis Taberd, Cù Lao Ré được chú thích là “Cù Lao Ré seu Poulo Canton” [210], tức Cù Lao Ré hay là Poulo Canton. Còn trong “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”, Đỗ Bá gọi Cù Lao Ré là “Du Trường” [4, tr. 26] đồng thời cho biết ở Cù Lao Ré đã có sự quản lý của chính quyền phong kiến Việt Nam. Lê Quý Đôn cũng cho biết “ở ngoài cửa biển xã Vĩnh An huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré” [17, tr. 150]. Hàng loạt các công trình của các sử gia thời Lê – Trịnh và các công trình sử học, địa lý thời Nguyễn sau này đều gọi hòn đảo này là Cù Lao Ré hoặc tên chữ là Lý Sơn, Cù lao Lý, xứ Lý Sơn. Điều này cho thấy chí ít thì từ đầu thế kỷ XVII, Cù Lao Ré đã thực sự trở thành tên gọi của hòn đảo này. Địa danh Cù Lao Ré hoặc Lý Sơn được sử dụng trong các văn bản, sử sách của nhà nước phong kiến Việt Nam khi đề cập đến các sự kiện diễn ra hoặc liên quan đến đảo. Đến năm 1804, theo đơn đề nghị của phường An Vĩnh, triều Nguyễn đã tách Cù Lao Ré ra khỏi xã cũ trong đất liền [35, tr. 31]. Đến đây, Cù Lao Ré chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp cơ sở trong hệ thống hành 31 chính quốc gia dưới triều Nguyễn. Năm 1898 dưới đời vua Thành Thái, triều Nguyễn mới đổi xứ Lý Sơn thành tổng Lý Sơn6. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Cù Lao Ré giữ nguyên tên gọi là tổng Lý Sơn như dưới triều Nguyễn gồm hai xã: xã An Hải đổi thành Hải Yến và xã An Vĩnh thì đổi thành Vĩnh Long, thuộc phủ Quảng Nghĩa. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Lý Sơn đổi thành tổng Trần Thành, xã Vĩnh Long giữ nguyên tên như trước còn xã Hải Yến thì đổi tên thành Dương Xạ. Nhưng đến năm 1946, Ủy ban hành chính của tỉnh Quảng Ngãi thành lập đã đổi tổng Trần Thành lại thành xã Lý Sơn, đổi tên xã Dương Xạ thành thôn Hải Yến, xã Vĩnh Long thành thôn Vĩnh Long thuộc huyện Bình Sơn. Năm 1951, thực dân Pháp chiếm đóng đảo Lý Sơn và tiến hành sát nhập Lý Sơn vào địa giới của thị xã Đà Nẵng. Từ năm 1954 đến 1975, chính quyền Sài Gòn đặt Lý Sơn làm hai xã: xã An Vĩnh đổi thành Bình Vĩnh và xã An Hải đổi thành tên Bình Yến. Sau năm 1975, Lý Sơn vẫn giữ nguyên hai xã Bình Vĩnh và Bình Yến thuộc huyện Bình Sơn như trước. Đến ngày 1 tháng 1 năm 1993, theo Quyết định số 337 của Thủ tướng Chính phủ, Lý Sơn được tách khỏi huyện Bình Sơn và nâng lên thành huyện gồm hai xã: xã Bình Vĩnh gọi là Lý Vĩnh và xã Bình Yến gọi là Lý Hải. Đến năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 145 đổi tên gọi của hai xã Lý Vĩnh và Lý Hải về tên gọi như thời các chúa Nguyễn và thành lập thêm một xã ở huyện đảo Lý Sơn trên Cù lao Bờ Bãi gọi là An Bình. Theo đó, xã Lý Vĩnh quay trở lại với tên gọi An Vĩnh và xã Lý Hải đổi lại thành An Hải. Như vậy trong lịch sử, Cù Lao Ré có nhiều cách gọi khác nhau như “Pulau” Ré (tiếng Chămpa), Ngoại La Sơn (tiếng Trung), Pullo Canton, Pulo Cantan, Pulo Canton, Colauray hoặc được ký hiệu là P. Canton (phương Tây). Còn trong tiếng Việt thì Cù Lao Ré và Lý Sơn được sử dụng trong tất cả các văn bản Nhà nước phong kiến cũng như các công trình sử học, địa lý và bản đồ quốc gia đương thời. Từ thế kỷ XVII cho đến năm 1993, Cù Lao Ré với hai phường An Vĩnh và An Hải đã trở thành đơn vị hành chính cấp huyện với tên gọi là Lý Sơn. Từ năm 2003 đến nay, địa giới hành chính của huyện đảo Lý Sơn ổn định gồm 3 xã trên Cù Lao Ré và Cù lao Bờ Bãi. Ngoài tên gọi là Lý Sơn thì Cù Lao Ré vẫn được dân gian sử dụng rộng rãi để chỉ hòn đảo này. 6 Các tác giả của “Địa chí tỉnh Quảng Ngãi” Nxb Từ điển Bách khoa Hà Nội năm 2008, trang 947 chép nhầm là “năm 1808 Lý Sơn đã được triều Nguyễn nâng lên cấp tổng gồm hai phường An Vĩnh và An Hải”. 32 2.1.1.2. Vị trí địa lý Với vị trí địa lý đặc biệt án ngữ trên tuyến thương mại biển Đông, Cù Lao Ré cũng như một số hòn đảo ven bờ khác của Việt Nam sớm đã được các nhà hàng hải đề cập đến và được các nhà bản đồ học thế giới ghi nhận từ rất sớm. Đầu tiên có thể kể đến đó là bản đồ “Insulae Indiae Orientalis” (Những hòn đảo phía đông Ấn Độ) [202] (xem phụ lục 1.1) của nhà bản đồ học lừng danh người Hà Lan Jodocus Hondius, Cù Lao Ré được thể hiện rõ một hòn đảo gần bờ với chú thích tên gọi là Pulo Contan, phía ngoài là quần đảo Pracel hình đuôi nheo. Trong tấm bản đồ châu Á “Asiae Nova Descriptio” (Bản đồ châu Á mới) [204] của G. Mercator và J. Hondius, Cù Lao Ré được vẽ sát bờ biển, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được vẽ hình đuôi nheo cách biệt rõ ràng với Cù Lao Ré. Bản đồ “Cartes generals de Toutes les bên du Monde” (Bản đồ chung tất cả thế giới) [208] của Nicolas Sanson vẽ toàn bộ Ấn Độ và một phần khu vực Đông Nam Á. Điều đặc biệt ở bản đồ này là Cù Lao Ré được vẽ rất rõ ràng nằm phía dưới vịnh Turon (Đà Nẵng) với tên gọi là Polo Canton. Còn nhà bản đồ học người Ý Giovanni Giacomo Rossi có hai tấm bản đồ: bản đồ “Isole dell' India cioe la molucche Le Filippine” (Quần đảo Ấn Độ, tức là Moluccas và Philippine) [206] vẽ bao quát toàn bộ khu vực Đông Nam Á hải đảo và một phần lãnh thổ Việt Nam. Riêng bản đồ “Penisola della India” (Bán đảo Ấn Độ) [207] (xem phụ lục 1.2) thể hiện toàn bộ khu vực Đông Nam Á lục địa và bờ biển Việt Nam, Cù Lao Ré được tác giả thể hiện với tên gọi Pulo Cantan cùng chú thích ở dưới là Colaure. Bước sang thế kỷ XVIII, hàng loạt các bản đồ vẽ về bờ biển Việt Nam được xuất bản như bản đồ của Nicolas de Fer (Pháp) (xem phụ lục 1.3), G. de L’isle (Pháp). Trong công trình đồ sộ “Atlas Universel of Gilles and Didier Robert de Vaugondy”7 của hai cha con nhà Vaugondy có bản đồ “Les Indes Orientales, ou sont distingues les Empires et Royaumes” (Đông Ấn, hoặc phân biệt giữa đế quốc và các quốc gia) [212]. Giống các bản đồ trước, bản đồ này vẽ về Ấn Độ và bao 7 Đến năm 1757, Gilles và con trai ông Didier Robert de Vaugondy tiếp tục công bố công trình bản đồ “The Atlas Universel”. Công trình này được coi là một trong những tập bản đồ quan trọng nhất của thế kỷ XVIII nên được tái bản nhiều lần sau đó. Các tấm bản đồ có sự hiện diện lãnh thổ Việt Nam vẫn được thể hiện như trước. 33 gồm cả Đông Dương tuy nhiên đối với các đảo ven bờ của Việt Nam thì tác giả lại chỉ vẽ đảo P. Canton (Cù Lao Ré) và P.Champella (tức Cù lao Chàm). Còn bản đồ “Carte Des Royaumes de Siam, de Tunquin, Pegu. Aracan &c” (Bản đồ các quốc gia Siam, Tunquin, Pegu, Aracan &c) [201] (xem phụ lục 1.7) của E. van Harrevelt và D.J. Changuion vẽ về Đông Nam Á có thể nói là một trong những bản đồ đẹp và chi tiết, Cù Lao Ré được vẽ sát với bờ biển Quảng Ngãi và chú thích là P. Canton. Trong bản đồ “A chart of the China Sea inscribed to Monsr” (Một biểu đồ Biển Đông để ghi nhớ Monsr) [198] (xem phụ lục 1.8), Jean-Baptiste D'Apres de Mannevillette và Alexander Dalrymple lấy biển Đông làm không gian chính, bờ biển Việt Nam được thể hiện cùng với các đảo, vũng vịnh ven bờ. Giống các bản đồ trước đó, Cù Lao Ré (P. Canton) được thể hiện nổi bật và tách biệt với hòn đảo này ngoài biển Đông là quần đảo Pracel (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) như lưỡi mác song song với bờ biển miền Trung. Bên cạnh đó, các tấm bản đồ khác như “Les Indes Orienta les tirées du Neptune Oriental” (Tuyến hàng hải thuộc phía đông Ấn Độ) [209] của P. Santini và M. Remondini. Bộ bản đồ “The Universal Traveller” với tấm bản đồ “An Accurate Map of India” (Bản đồ chính xác về Ấn Độ) (xem phụ lục 1.9) của Rollos và George đều ghi nhận về Cù Lao Ré. Đến đầu thế kỷ XIX, nhà Bản đồ học Thomas Brown đã xuất bản công trình bản đồ “Thomas Brown's General Atlas” (Atlas tổng hợp của Thomas Brown). Trong tập bản đồ này, “A New and Accurate Map of the Islands and Channels between China and New Holland” (Bản đồ mới và chính xác về các đảo và eo biển giữa Trung Quốc và New Holland) là tấm bản đồ trọn vẹn về khu vực Đông Nam Á. Bản đồ này vẽ đảo Cù Lao Ré (P.Canton) nằm sát bờ biển Quảng Ngãi cách biệt rõ ràng với quần đảo Paracels. Đặc biệt trong bộ “Atlas Universel De Géographie (Physique, Politique, Statistique et Minéralogique)” (Bộ Atlas Địa lý (Vật lý, Chính trị, Thống kê và Khai mỏ))của Phillippe Vandermaelen có tấm bản đồ số 106 mang tên “Partie de la Cochinchine” (Một phần của Cochinchine) [211] (xem phụ lục 1.10) thể hiện đường bờ biển miền Trung Việt Nam từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16. Với phương pháp vẽ bản đồ khoa học hiện đại, Phillippe Vandermaelen đã đánh dấu chính xác Cù Lao Ré (P. Canton ou Cacitam) và phân biệt hết sức rõ ràng với quần đảo Hoàng Sa ở giữa Biển Đông. Có thể nói, trong hàng loạt các bản đồ vẽ về lãnh thổ Việt Nam của các nhà 34 khoa học phương Tây thì hệ thống bản đồ của nhà Bản đồ học người Bỉ Phillippe Vandermaelen được các nhà khoa học đánh giá là bản đồ chính xác, rõ ràng nhất. Trong các bản đồ Việt Nam thời phong kiến, đề cập sớm nhất về vị trí địa lý của Cù Lao Ré là tập bản đồ “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá. Trong bản đồ vẽ vùng phủ Tư Nghĩa và phủ Thăng Hoa, Cù Lao Ré nằm ở phía ngoài cửa biển Sa Kỳ với chú giải “Ngoài cửa Sa Kỳ có một núi. Trên núi có nhiều sản mộc, tên là núi Du Trường, có tuần.” [4, tr. 26]. Còn Lê Quý Đôn thì phản ánh “ở ngoài cửa biển xã Vĩnh An huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré, rộng hơn 30 dặm, trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển 4 canh thì đến” [17, tr. 150]. Các công trình sử học và địa lý Việt Nam dưới thời phong kiến khi chép về vị trí địa lý của Cù Lao Ré cũng không khác nhiều so với Lê Quý Đôn đã đề cập. Từ sự thống nhất của các tài liệu cho biết vị trí của Cù Lao Ré khá chính xác so với sự đo đạc ngày nay. Cù Lao Ré không chỉ là “nhịp cầu” nối đất liền với quần đảo Paracels và nằm trên tuyến hàng hải quốc tế lúc bấy giờ mà ở đây còn có đầy đủ nước ngọt, lương thực, thực phẩm có thể đáp ứng của thuyền bè qua lại. Vì lẽ đó, hàng loạt tài liệu phương Tây đương thời đều lưu ý đề cập đến “Pulo Canton, còn được gọi là Pulo Ratan, có các điểm cực khá cao và vị trí thấp trung bình của nó làm cho nó có sự xuất hiện của hai hòn đảo, được miêu tả vào ngày 22 tháng 5” [148, tr. 152]. Đồng thời cho biết từ rất sớm, các ngư dân trên Cù Lao Ré và ngư dân ven biển Việt Nam đã làm chủ ngư trường Biển Đông. Bên cạnh đó, vị trí địa lý cùng đặc điểm của Cù Lao Ré còn được miêu tả kỹ lưỡng hơn như sau: “Pulo Canton, còn được người bản địa gọi là Cu Lao Ray, nằm ở vĩ tuyến 15,23 độ Bắc, kinh tuyến 109,6 độ đông hoặc 4,38 độ Tây từ Grand Ladrone khi đo bằng máy đo hằng hải, nằm ở khoảng cách 4 hải lý từ mũi đất Batantan8, và bờ biển đối diện với nó nằm chếch về phía Bắc của mũi đất” [144, tr. 319]. Tác giả cũng chỉ rõ “ở phía Tây có người sinh sống, trồng trọt tốt, và ở đây còn có nước ngọt. Một bãi đá ngầm nhô ra từ phía đầu Đông Nam của hòn đảo9, và về phía Bắc, có những xoáy nước phía dưới là đá, trải dài khoảng một hải lý tính từ vị trí của nó tới Low Island10 nằm ở phía Tây Bắc của Pulo Canton” [144, tr. 319]. 8 Mũi đất Batantan tức là mũi đất Ba làng An thuộc huyện Bình Châu của Quảng Ngãi ngày nay, nơi vươn ra Biển Đông gần với quần đảo Hoàng Sa nhất của Việt Nam tính từ trong đất liền. 9 Bãi đá Mù Cu của Cù Lao Ré. 10 Tức Cù lao Bờ Bãi, nay là xã An Bình của huyện đảo Lý Sơn. 35 Cù Lao Ré tức huyện đảo Lý Sơn ngày nay ở vị trí phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách bờ đất liền khoảng 18 hải lý, gồm đảo lớn Cù Lao Ré và một đảo nhỏ gọi là Cù lao Bờ Bãi. Khoảng cách giữa hai hòn đảo này là 1,67 hải lý. Tọa độ địa lý của Cù Lao Ré nằm trong khoảng 1500 32’ 14’’ đến 1500 38’ 14’’ vĩ độ Bắc và 1090 05’ 04’’ đến 1090 14’ 12’’ kinh độ Đông. Huyện đảo Lý Sơn gồm có 3 xã là An Vĩnh, An Hải nằm trên Cù Lao Ré và xã An Bình nằm trên Cù lao Bờ Bãi. Diện tích toàn đảo Cù Lao Ré là 9,97 km2, trong đó xã An Hải có diện tích là 5,09 km2 và xã An Vĩnh có diện tích là 4,88 km2. Toàn huyện đảo Lý Sơn hiện nay có dân số lên đến 21.118 người, mật độ dân số đạt mức 2.045 người [11, tr. 8]. Vị trí địa lý Cù Lao Ré mang tính chiến lược đối với Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thời phong kiến. Không những vậy, Cù Lao Ré còn có vị trí đặc biệt quan trọng đối với nền hải thương quốc tế, đặc biệt đối với nền thương mại biển Đông, là điểm dừng chân an toàn có thể được tiếp tế lương thực, nước ngọt cho tàu thuyền qua lại. 2.1.1.3. Cấu tạo địa chất và diện mạo địa hình Theo các nhà khoa học địa chất, Cù Lao Ré thuộc vào địa khối Indosinia và chịu sự chi phối về hoạt động địa chất của địa hình khối này. Phần phía nam của Cù Lao Ré có mối quan hệ mật thiết với địa khối nhỏ Kontum cùng các đá có tuổi tiền Cambri khoảng trên 520 triệu năm trước phổ biến rộng rãi. Ở phần phía nam này của đảo, vào cuối Neogen đầu Đệ Tứ đã xuất hiện những hoạt động phun trào bazan rộng khắp để hình thành các vùng đất đỏ phì nhiêu. Chính vì quá trình thành tạo địa chất như vậy, đất đá trên Cù Lao Ré có cấu tạo có đặc điểm cùng loại với các đồi núi ven biển trong vùng duyên hải của đất liền, bởi lẽ thực tế đó chỉ là phần rìa của lục địa bị nước biển tràn ngập từ giữa Pleistocene đến nay. Về địa hình nó có dạng khối với các đỉnh nhô cao tạo thành núi, có sườn dốc và ở chân sườn đổ xuống biển có một sườn đá vụn có bề mặt ngang hoặc rất thoải bao bọc. Về diện mạo, Cù Lao Ré nhìn từ vệ tinh trong giống như con hải mã đầu hướng biển chân đạp sóng nước mà bơi tới. Địa hình trên đảo khác nhau theo từng khu vực. Nơi cao nhất của Cù Lao Ré là vùng phía bắc của đảo với núi Thới Lới và thoải dần về phía nam của khu vực dân cư sinh sống, canh tác. Mặc dù vậy thì vùng phía nam cũng có độ cao lên đến 20 – 30m so với mặt biển, bề mặt địa hình có độ 36 dốc dưới 80. Bậc thềm chân núi có độ dốc từ 80 đến 150 được dân chúng khai thác trồng hành, tỏi và các loại cây ăn quả. Hệ thống núi trên đảo do hoạt động núi lửa hình thành gồm 5 ngọn là Thới Lới, Giếng Tiền, Hòn Vung, Hòn Sỏi, Hòn Tai, trong đó cao nhất là núi Thới Lới với 167m [102, tr. 17 - 18]. Một số núi có đỉnh hình nón và một số núi lại có miệng hình lòng chảo. Hoạt động phun trào nham thạch và mắc ma của các núi lửa tạo thành lớp đất bazan màu mỡ tươi tốt đồng thời còn tạo nên những rạng đá ngầm cùng một số cảnh quan thiên nhiên khá đẹp. 2.1.1.4. Khí hậu Cù Lao Ré chịu tác động chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nên có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, chiếm khoảng 71% lượng mưa của năm. Mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8 ảnh hưởng của gió Tây Nam nóng và khô. Tuy nhiên ở Cù Lao Ré số lượng giờ nắng cao, trung bình từ 2.300 giờ đến 2.600 giờ. Nhiệt độ trung bình ở mùa này là 26,40C. Sự chênh lệch nhiệt độ trong năm là khá cao, tháng 8 nhiệt độ lên cao nhất, đạt trung bình 29,90C, nhưng ở tháng 12 nền nhiệt độ xuống thấp nhất trong năm thì chỉ có 22,20C. Tổng lượng bức xạ trên 2000 cal/năm. Độ ẩm không khí trung bình là 85% [102, tr. 18]. 2.1.2. Tài nguyên thiên nhiên 2.1.2.1. Tài nguyên đất Đất đai của Cù Lao Ré chủ yếu có hai loại: đất cát biển có diện tích 110 ha, chiếm 10% diện tích tự nhiên, phần lớn tập trung ở phía tây của đảo; đất nâu đỏ trên nền đá bazan chiếm phần lớn diện tích tự nhiên của Cù Lao Ré với 877 ha, chiếm 83% diện tích tự nhiên. Có khoảng 680 ha đất nâu đỏ dày trên 1m và độ dốc dưới 800. Loại đất này màu mỡ, hàm lượng các chất dinh dưỡng cho cây trồng đảm bảo từ trung bình trở lên, thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp và các loại cây trồng lưu niên khác. Tổng diện tích đất đai sản xuất của Cù Lao Ré là 800 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 400 ha, đất lâm nghiệp chiếm 182 ha, đất chưa sử dụng là 218 ha. Đất nông nghiệp trên đảo được sử dụng canh tác theo hai dạng: trồng cây hoa màu hàng năm là 383 ha bao gồm các loại hành, tỏi, đỗ đậu, rau, ngô; còn đất trồng cây ăn quả lưu niên 17 ha. Bãi cát ven biển có diện tích khoảng 42 ha, chiếm 4% diện tích đất tự nhiên, phân bố viền quanh đảo và tiếp giáp với biển. Tuy nhiên hiện nay, diện tích đất cát tự nhiên đã bị thu hẹp và biến mất do nhu cầu trồng hành, tỏi người dân đã khai thác gần đến cạn kiệt [102, tr. 18 – 19]. 37 2.1.2.2. Tài nguyên rừng Rừng tự nhiên trên Cù Lao Ré có diện tích khá lớn, phân bố ở các núi và thềm chân núi như rừng Cây Minh, rừng Truông, rừng Nhợ, rừng Cây Gạo, rừng Bà Bút, rừng Phật. Thời phong kiến, rừng tự nhiên được bảo vệ khá nghiêm ngặt. Theo như trong quy ước của làng An Vĩnh và An Hải cho tác giả thấy các điều quy định phạt vạ bằng tiền đối với những người tự ý chặt phá rừng cây ở các hòn núi trên đảo. Do đó trước đây, rừng tự nhiên ở Cù Lao Ré được bảo vệ rất tốt. Trong rừng của Cù Lao Ré ở thời tiền và sơ sử đã có nhiều loài thú rừng vì trong các cuộc khai quật tại di chỉ Xóm Ốc thuộc xã An Vĩnh, các nhà khảo cổ đã tìm thấy khá nhiều răng nanh, xương của loài lợn rừng, nai và một số xương của các loài thú khác. Điều này chứng tỏ xưa kia trên Cù Lao Ré tồn tại các vùng rừng rậm, các suối nước ngọt có nhiều loại thú sinh sống. Từ năm 1945 trở về đây, Cù Lao Ré hầu như không còn rừng tự nhiên nữa. Hiện nay, huyện đảo Lý Sơn đang phát triển diện tích rừng trồng để phủ xanh đất trống đồi trọc với kết quả tương đối khả quan. 2.1.2.3. Tài nguyên nước Trên Cù Lao Ré có hai dòng suối tự nhiên đó là suối Chình ở xã An Hải và suối Ốc ở xã An Vĩnh. Suối Chình bắt nguồn từ thềm chân núi Thới Lới, chảy về phía nam và phía bắc của đảo. Suối Ốc bắt nguồn từ chân núi Hòn Sỏi và Giếng Tiền chảy về phía nam của đảo. Thời tiền sử, con người đã dựa vào hai dòng suối này để sinh sống. Dọc theo hai con suối này ngày nay phát hiện được nhiều hiện vật và các dấu tích văn hóa của họ. Đặc biệt, Cù Lao Ré còn có một trữ lượng nước ngọt lớn ngầm dưới lòng đất. Ngày nay, đây là nguồn nước chủ yếu cung cấp cho cư dân Lý Sơn sinh hoạt và phát triển kinh tế. Nguyên nhân giúp cho Cù Lao Ré có trữ lượng nước ngọt ngầm lớn là do kết cấu địa chất đặc thù. Tầng đất phía trên là loại đất bazan thấm nước lại giữ ẩm tốt và nền đất nguyên thủy chính là tầng đất cát trắng có khả năng lọc nước tốt. 2.1.2.4. Tài nguyên biển Cù Lao Ré được bao bọc xung quanh là biển cả mênh mông cùng kiến tạo địa chất bậc thềm chân đảo chìm sâu trong lòng biển tạo nên các rạng đá ngầm phân bố từ dìa mép đảo ra ngoài khơi. Đây là điều kiện tốt cho các loài hải sản sinh sống. Hệ cá của vùng biển miền Trung Việt Nam có thành phần vô cùng đa dạng với khoảng trên 600 loài, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao và có trữ lượng 38 lớn như: cá thu, cá ngừ, cá mực, cá trích, các loại ốc biển, víc, hải sâm, rong biển, Theo dân gian, khoảng đầu thế kỷ XX trở về trước, vùng biển của Cù Lao Ré có nguồn cá trích vô cùng phong phú. Hàng năm vào tháng 7 đến tháng 11, đàn cá trích tập trung ở vùng phía nam Cù Lao Ré với số lượng lớn. Ven bờ biển còn có các loại ốc như ốc đụn, ốc hoa, ốc cừ, ốc nhảy, ốc cay, ốc tai tượng, ốc bàn tay, đây chính là nguồn đánh bắt thường xuyên của cư dân trên đảo. Với vị trí địa lý không quá cách xa đất liền, lại án ngữ trên tuyến hàng hải ven bờ từ Nam ra Bắc, môi trường tự nhiên của Cù Lao Ré đặc biệt thuận lợi cho sự quần cư sinh sống của con người. Không những vậy, Cù Lao Ré lại được sở hữu một môi trường biển rộng lớn bao la giàu tài nguyên hải sản. Đây chính là một trong những yếu tố giúp cho cư dân trên Cù Lao Ré yên tâm sinh sống định cư. Và sau này, người Việt ra khai chiếm đảo đã nhanh chóng hình thành làng xóm đồng thời lấy Cù Lao Ré làm cơ sở để tiến ra Biển Đông khai thác nguồn lợi bao la của biển cả. 2.2. Lịch sử tụ cư trên Cù Lao Ré 2.2.1. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa 2.2.1.1. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh Theo các nhà khảo cổ học Việt Nam và thế giới, Cù Lao Ré từ rất sớm đã có con người cư trú, sinh cơ lập nghiệp. Thông qua kết quả các cuộc khai quật khảo cổ học ở Xóm Ốc và Suối Chình cho thấy trên Cù Lao Ré cách đây khoảng từ 3000 năm đến 2500 năm đã có cư dân cổ thuộc về nền văn hóa Sa Huỳnh sinh sống. Cư dân Xóm Ốc11 Di tích xóm Ốc thuộc thôn Đông xã An Vĩnh phân bố trên diện tích 10.000 m2, nằm dọc theo dòng suối cổ đã bị bồi lấp và gần bờ biển. Các lần khai quật xóm Ốc cho thấy đặc điểm cấu tạo tầng văn hóa phát triển liên tục từ sớm đến muộn, gồm 3 lớp: lớp đất canh tác trên bề mặt dày từ 20cm đến 40cm; kế đến là lớp văn hóa dày khoảng 130cm đến 150cm đất màu xám nâu chứa khá nhiều di vật mà cư dân cổ Xóm Ốc để lại; lớp đất cuối cùng là lớp sinh thổ có màu cát trắng mịn. 11 Dân gian trên Cù Lao Ré gọi là xóm Ốc bởi dưới lòng đất khu vực này xuất hiện nhiều vỏ ốc. Đặc biệt, trong khi đào đất thuộc khu vực này, người ta còn phát hiện được nhiều mảnh gốm, nồi, bình và bát bồng là những di vật của nền văn hóa Sa Huỳnh. 39 Trong di chỉ Xóm Ốc thu được các hiện vật bằng đá như cuốc, rìu, bôn đá12. Ngoài ra còn có chày nghiền, bàn nghiền, bàn mài, hòn kê,... bằng đá với tổng số 59 hiện vật được tìm thấy ở nơi cư trú. Hiện vật bằng xương ở di chỉ Xóm Ốc lên đến 225 mũi nhọn, trong đó: 115 mũi nhọn được chế tác từ xương thú và 110 mũi nhọn được chế tác từ xương cá. Theo đánh giá của các nhà khảo cổ, những mũi nhọn này dùng làm kim khâu vá và để móc lưới. Trong hố khai quật, các nhà khảo cổ còn thu được nhiều hiện vật như công cụ và đồ trang sức được chế tác từ vỏ các loài ốc biển nổi tiếng ở Cù Lao Ré như ốc tai tượng, ốc cừ, ốc đụn, ốc cối, ốc xéo, ... [102, tr. 34]. Về đồ gốm, các nhà khảo cổ tìm thấy 32.320 mảnh gốm Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh được phân loại theo màu sắc, chất liệu, loại hình và hoa văn. Ngoài ra trong hố khai quật còn thu được 2.770 mảnh gốm Sa Huỳnh – Chămpa từ giai đoạn đầu đến giai đoạn muộn. Loại hình gốm Xóm Ốc khá phong phú và phổ biến nhất là các loại nồi, bình, bát bồng, con tiện... với các kiểu dáng khác nhau nhưng tập trung ở ba loại hình là miệng loe, miệng đứng và miệng cúp. Trong đó, loại gốm miệng loe đáy tròn chiếm đa số so với loại gốm có đế chân. Đồ gốm Xóm Ốc được nặn bằng tay kết hợp với phối hợp bàn xoay chậm, chất liệu gồm đất sét pha cát thô trộn lẫn vỏ nhuyễn thể và đem nung ở nhiệt độ từ 6000C đến 9000C. Hoa văn trang trí trên gốm gồm khắc vạch và in chấm và văn in tạo nên những mô tuýp như khuông nhạc, sóng nước, nửa đường cong, hình ngọn lửa, những băng hình tam giác... với màu đỏ, màu đen ánh chỉ trang trí và làm nền cho các họa tiết. Sự hiện diện xuyên suốt của yếu tố Bình Châu nổi trội ở di chỉ Xóm Ốc cũng xuất hiện phổ biến ở nhiều di tích ven biển Nam Trung bộ. Giai đoạn muộn của di chỉ Xóm Ốc, bên cạnh gốm Sa Huỳnh muộn đã xuất hiện gốm Chămpa sớm, gốm in văn ô vuông [102, tr. 36 - 37]. Tục táng của cư dân Xóm Ốc khá đa dạng với các kiểu mộ nồi vò và mộ huyệt đất. Loại mộ nồi bụng tròn, miệng đứng, thân phủ hoa văn vặn thừng cao trung bình 20cm và đường kính bụng trung bình 35cm chôn ở độ sau 1,15m đến 1,60m. Các mộ nồi tìm thấy ở di chỉ Xóm Ốc đều chứa di cốt trẻ em đã cải táng. Điều này cho thấy mộ nồi chỉ dùng để làm quan tài cho trẻ em. Còn người lớn khi chết được chôn trong các huyệt đất theo hình thức đơn táng hoặc song táng như 12 Trong hố khai quật năm 1996, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các hiện vật gồm: 2 cuốc đá, 1 bôn đá và 1 hạch đá. Sang năm 1997, các nhà khảo cổ tiếp tục tìm thấy 8 chiếc cuốc đá và 2 chiếc rìu đá, nâng tổng số hiện vật được phát hiện lên con số 14. 40 trong các di tích Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh. Những hiện vật chôn theo trong mộ cũng rất phong phú như nồi gốm to, bát bồng, bình và nồi gốm nhỏ có phong cách gốm Bình Châu là màu đỏ và màu đen ánh chì kết hợp hoa văn khắc vạch khá tinh xảo. Bên cạnh đó, mộ táng này còn có mũi tên đồng và vỏ ốc biển to có vân đẹp dân gian gọi là ốc đụn [84, tr. 248]. Căn cứ vào phương pháp xác định phóng xạ C14 và đặc điểm của di vật di chỉ Xóm Ốc có thể xác định niên đại lớp sớm tiền Sa Huỳnh của di chỉ Xóm Ốc khoảng 3000 năm cách ngày nay [29, tr. 105]. Cư dân Xóm Ốc đã biết đến việc xe sợi dệt vải và tự làm đẹp. Tuy nhiên đa số đồ trang sức của cư dân Xóm Ốc vẫn là các loại vỏ sò và vỏ các loại nhuyễn thể khác mà cư dân Xóm Ốc sử dụng kỹ thuật khoan, cưa, mài để tạo nên. Thống kê trong lớp đất dày 20cm ở độ sâu 60cm – 60cm của hố khai quật đã có đến 483 đốt xương sống của các loài cá và 101 hàm răng cá cùng với gần 2 triệu vỏ ốc, vỏ sò cho thấy đời sống vật chất của cư dân Xóm Ốc đã phát triển khá cao [84, tr. 250]. Từ nghiên cứu các hiện vật của Xóm Ốc, cho thấy người cổ Xóm Ốc đã biết định hướng phương thức sống là khai thác ven bờ và đã biết đi khơi xa đánh bắt cá bằng lưới. Di chỉ Xóm Ốc là một di chỉ thuộc loại hình văn hóa biển của văn hóa Sa Huỳnh. Nhìn chung, cư dân Xóm Ốc sống và ứng xử thích hợp trong điều kiện không gian môi trường biển đảo, tiếp biến nhuần nhị các yếu tố văn minh từ bên ngoài để phát triển mạnh mẽ các yếu tố nội sinh. Kinh nghiệm về biển đảo đã giúp cư dân văn hóa Sa Huỳnh ở Xóm Ốc tồn tại và phát triển lâu dài từ trước công nguyên cho đến sau này trên đảo Cù Lao Ré. Cư dân cổ Xóm Ốc đã tạo lập nên một đặc trưng văn hóa mang sắc thái riêng của loại hình văn hóa biển của nền văn hóa Sa Huỳnh. Cư dân Suối Chình Di tích Suối Chình nằm ở phía đông của Cù Lao Ré, cách di tích Xóm Ốc khoảng 3km, thuộc thôn Đông xã An Hải với diện tích khoảng 10.000m2 phân bố trên thềm đất phía nam ven chân núi Thới Lới. Trong tầng văn hóa Suối Chình có sự tích tụ lớp vỏ nhuyễn thể, đá nguyên liệu, đá tự nhiên. Vỏ nhuyễn thể tụ trong tầng văn hóa gồm các loại vỏ nhuyễn thể như vỏ ốc cừ, ốc hoa, ốc nhảy, ốc xéo, ốc tai tượng, ốc đụn, ốc chìa vôi, ốc bàn tay, sò trơn, sò gai [102, tr. 41]. Sự tích tụ vỏ nhuyễn thể trong tầng văn hóa Suối Chình có đặc điểm giống như ở Xóm Ốc. Trong tầng văn hóa Suối Chình xuất hiện 6 ngôi mộ nồi với tục chôn đứng, hai nồi úp lên nhau, bên trong cải táng di cốt trẻ em, một số mộ có cả đồ tùy táng. 41 Tục táng mộ n...iên dẫn đường là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh thì được ban thưởng tiền phi long loại nhỏ 3 mai. Các viên binh, tượng đi đợt này được thưởng tiền 1 quan, cho về đơn vị cũ, cục cũ. Các dân phu do tỉnh phái đi, trừ 2 viên đã được thưởng tiền, số còn lại đều được thưởng tiền mỗi người 1 quan để tỏ rõ sự ưu ái. -Lại chiếu xét, các dân phu đi trong đợt này chưa được miễn trừ thuế thân, lại tra xét năm trước, những dân phu này được phái đi, khi trở về, cũng được thưởng tiền một quan. Vậy xin tấu trình. (mặt trước của trang trước, dòng thứ 8 tấy 8 chữ; trang sau dòng thứ 3 tẩy 2 chữ, dòng thứ 4 tẩy 2 chữ; dòng thứ 8 tẩy 1 chữ. Mặt trước của trang sau dòng thứ 2 tẩy 1 chữ; dòng thứ 3 tẩy 4 chữ; trang sau dòng thứ nhất tẩy 3 chữ; gồm 21 chữ. Thần Nguyễn Đức Hoạt vâng mệnh soạn thảo Thần Hà Tông Quyền vâng mệnh đọc duyệt. Vâng mệnh duyệt Nguyễn Văn ký Đương trực đối chiếu Hà Duy Phiên ký. 212 2.4. Châu bản triều Nguyễn ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) Xuất xứ: Hà Tông Quyền, Hoàng Quýnh Nơi lưu trữ: Kho lưu trữ Trung ương Ký hiệu: quyển số: 54, tờ 92 213 214 Dịch nghĩa: Bề tôi Nội các là Hà Tông Quyền, Hoàng Quýnh vâng mệnh truyền dụ: Cai đội Phạm Văn Nguyên được phái đi Hoàng Sa, khi trở về dềnh dàng quá hạn, đã có chỉ giao cho Bộ trị tội. Nhưng qua tra xét, chưa thấy có biểu hiện làm việc riêng tư. Vả lại, lần này được phái đi ra biển thực hiện công vụ chu đáo, rất đáng được dự thưởng. Duy Quản viên Phạm Văn Nguyên khi trở về, có sự tự mãn, đi lại rất không hợp cách, trước đã bị cách chức, bị bắt gông. Nay giao cho Bộ xét phạt đánh đòn 80 trượng nhưng gia ân cho tha, khôi phục lại chức cũ. Còn các viên có trách nhiệm vẽ bản đồ chưa rõ ràng là Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng cũng bị phạt 80 trượng nhưng đều chuẩn cho tha. Viên dẫn đường là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh thì được ban thưởng tiền phi long loại nhỏ 3 mai. Các viên lính trong tượng, cục đi đợt này được thưởng tiền 1 quan, cho về đơn vị cũ, cục cũ. Các dân phu do tỉnh phái đi, trừ 2 viên đã được thưởng tiền, số còn lại đều được thưởng tiền mỗi người 1 quan để tỏ rõ sự ưu ái.. Hãy tuân mệnh Bộ Hình giữ bản giấy đỏ và sao chép gửi Nội các để chểu theo thi hành. 215 2.5. Châu bản triều Nguyễn ngày Ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) Xuất xứ: bộ Công Nơi lưu trữ: Trung tâm lưu trữ quốc gia Ký hiệu: quyển số 57, tờ 244 216 217 Dịch nghĩa: Bộ Công tâu: Các viên Thủy sư Phạm Văn Biện do kinh sai phái, viên dẫn đường Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực do tỉnh sai phái đi Hoàng Sa trở về quá hạn, đã có chỉ trách phạt, đánh đòn. Tất cả binh, dân thuyền được sai phái đi (Quảng Ngãi 2 thuyền, Bình Định 2 thuyền) đều cho về đơn vị cũ, nơi chốn cũ. Duy có việc Bộ thần đã xem xét công việc năm ngoái, các viên Quản suất, dẫn đường được sai phái đi Hoàng Sa thực hiện công vụ, khi trở về không mang theo bản đồ bị trách phạt, còn binh, đinh được thưởng 1 tháng lương tiền, dân phu được thưởng tiền 2 quan. Lần này trở về, trừ 4 viên là bọn Phạm Văn Biện đã bị trách phạt không cần nghị bàn thêm, còn các viên binh dân chiếu theo lệ ban thưởng gia ân, nhưng việc bàn thưởng do bề trên quyết định, bộ thần không giám nghĩ bàn, duy có viên Giám thành Trương Viết Soái mắc tội quân, đã được sai đi hiệu lực, năm ngoái lại được sai phái đi hiệu lực ở Hoàng Sa, khi trở về không mang theo bản đồ để dâng trình, vâng theo chỉ chuẩn cho giữ nguyên án phạt trảm giam hậu (chém đầu nhưng giam đợi đến mùa thu thì xét xử), lần này xét xử viên đó thế nào, xin tâu trình đợi chỉ Châu phê: Vi binh tái sĩ sai phái. (cho về làm lính, đợi sai phái tiếp) (1). Thần Nguyễn Văn Hựu vâng mệnh soạn thảo. Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh đọc duyệt. Chú thích: 1- Dòng châu phê được viết cạnh tên Trương Viết Soái. 218 2.6. Châu bản triều Nguyễn ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) Xuất xứ: Nội các Nơi lưu trữ: Kho lưu trữ Trung ương Ký hiệu:quyển số: 57, tờ 245 219 220 Dịch nghĩa: Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh truyền dụ: Trước đây đã phái Thủy sư, Giám thành cùng binh dân thuyền 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi đến khảo sát Hoàng Sa. Nay [đoàn] đã trở về. Trừ viên Thủy sư Suất đội Phạm Văn Biện do Kinh phái đi về quá hạn, viên dẫn đường do tỉnh phái đi là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực tất cả gồm 4 người đã có chỉ trách phạt, đánh đòn ra, còn binh dân cùng đoàn lênh đênh trên biển khơi cũng rất vất vả, nên xét ban ân binh đinh mỗi viên thưởng cho 1 tháng lương tiền, dân phu mỗi viên thưởng tiền 2 quan, trong đó các viên phu thuyền do tỉnh sai phái đi cho về quê làm ăn, riêng viên Biền chức Giám thành phạm lỗi là Trương Viết Soái trước là Đốc biện trông coi việc luyện thuốc súng đã có sơ suất mắc lỗi bị xử phạt trảm giam hậu (chém đầu nhưng giam đợi đến mùa thu mới xét xử), năm ngoái được sai phái đi Hoàng Sa và đi hiệu lực xây dựng thành Gia Định để chuộc tội. Nay lại được sai phái đi khảo sát Hoàng Sa. Tuy đã đến khảo sát 11 nơi bãi cát và các đảo, việc đo vẽ bản đồ chưa thật chu đáo nhưng nhiều lần bị đầy đi làm việc khổ sai và cũng biết hối cải, nên gia ân tha cho viên Trương Viết Soái, cho về làm lính ở vệ Giám thành, đợi sau tùy việc sai phái để cho viên đó chuộc lỗi cũ. Hãy tuân mệnh. Lại vâng mệnh ghi rõ 22 họ tên các viên binh đinh, 20 viên Thủy sư, 2 viên Giám thành và 31 dân phu đi Hoàng Sa đợt này, đính kèm phía sau. Thần Nguyễn Văn Hựu vâng mệnh soạn thảo. Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh đọc duyệt. 221 2.7. Châu bản triều Nguyễn ngày 2 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 (1838) Xuất xứ: Bộ Công Nơi lưu trữ: Kho lưu trữ Trung ương Ký hiệu:quyển số 68, tờ 21 222 223 Dịch nghĩa: Bộ Công tâu: Vậng mệnh chiếu xét khoản cử người đến Hoàng Sa, Bộ thần đã bàn xin đến hạ tuần tháng 3 ra khơi đến [Hoàng Sa để] đo vẽ khảo sát toàn bộ xứ đó, đến hạ tuần tháng 6 thì trở về. Vâng theo sự phê chuẩn của nhà vua, [Bộ thần] đã sao gửi cho 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi thực hiện và tuyển chọn các viên Thị vệ, Khâm thiên giám thành cùng Thủy sư, binh thuyền phái đi trước. Nay tiếp nhận được tờ tư của tỉnh Quảng Ngãi trình bầy cụ thể từng mục rằng binh thuyền ở kinh được phái đi, ngày 21 tháng 3 đã đến. Dân thuyền tỉnh Bình Định ngày 3 tháng 4 cũng đã đến. Viên dẫn đường Phạm Văn Sênh ngày 9 tháng đó cũng đã đến. Theo sự trình bầy chi tiết của Phái viên thì từ ngày 10 đến ngày 26 tháng 4, gió Đông liên tục thổi, không tiện cho việc ra khơi. Viên Cai tỉnh quan sát cũng thấy như vậy và khẩn thiết xin đợi đến khi có gió Nam thổi thì thuận tiện cho việc đưa thuyền ra khơi ngay và tiếp tục báo về. Bộ thần vâng mệnh chiếu xét: Việc đi khảo sát đo đạc ở Hoàng Sa đã có hạn định rõ ràng là hạ tuần tháng 3 thì xuất phát ra khơi, nhưng vì hướng gió và con nước chưa tiện, kéo dài [hạn định] đến hạ tuần tháng 4 mà vẫn chưa ra khơi được là quá hạn. [Bộ thần] căn cứ vào sự thực tấu trình đầy đủ. Thần Lê Văn Côn vâng mệnh soạn thảo. Thần Hà Duy Phiên, thần Phạm Thế Trung vâng mệnh đọc duyệt. 224 2.8. Châu bản triều Nguyễn ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19 (1838) Xuất xứ: Bộ Công Nơi lưu trữ: Kho lưu trữ Trung ương Ký hiệu:quyển số 68, tờ 215 225 226 Dịch nghĩa: Bộ Công tâu: Nay tiếp nhận các viên Đỗ Mậu Thưởng, Thị vệ Lê Trọng Bá thuộc ty của bộ thần [đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa] đã trở về. Bộ thần đã hỏi qua, các viên đó trình bầy lần này [đoàn khảo sát] đã đến được 25 đảo thuộc 3 vùng (trong đó hàng năm [các đoàn] lần lượt đến được 12 hòn đảo, chưa từng đến được hòn đảo thứ 13) (1). Nhưng theo viên dẫn đường Vũ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có 4 vùng, lần này khảo sát được 3 vùng, còn một vùng ở phía Nam, nơi này cách nơi kia khá xa, gió Nam lại thổi mạnh, việc khởi hành đến đó không tiện, phải đợi gió thuận thì muộn, xin đợi đến sang năm [cử thuyền] đến đó. Lại xem xét 4 bản đồ mang về, (có 3 bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung), cùng một bản nhật ký cũng chưa được tu sửa hoàn chỉnh, xin cho Bộ thần thẩm tra kỹ và sức cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình. - Lại theo những người này tường trình thì trong chuyến đi này họ đã thu được 1 súng đại bác bọc đồng, các loại đá san hô đỏ, các loại chim, rùa biển. Nay đã mang về. [Chúng thần] dám xin làm tờ tâu trình đại thể. Thần Thang Huy Thận vâng mệnh soạn thảo. Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh đọc duyệt. Chú thích: 1- Theo dòng chú thích này thì hàng năm các đoàn đi khảo sát các xứ ở Hoàng Sa, mỗi năm đoàn khảo sát được 12 hòn đảo. Nếu cuộc khảo sát bắt đầu từ năm 1833 thì đên năm 1838, các đoàn đã khảo sát được 75 hòn đảo. 227 Phụ lục 3 Sơ đồ tổ chức quản lý xã hội trên Cù Lao Ré trước năm 1804 Cai hợp Cả phường (Cả làng) Cả xóm Chủ chòm (Chủ lân) Bộ phận giúp việc (Thầy thông giảng, Thủ bộ, Thủ khoán) Bộ phận lễ nghi (Các chức giữ đình, đền, miếu) Tộc họ Chủ vạn Binh xứ Thủ hợp Phiên ty Đ ại d iện ch ín h q u y ền cấp x ã C ơ cấu tổ ch ứ c tự q u ản củ a C ù lao R é 228 Phụ lục 4 Các bảng thống kê và tổng hợp số liệu 4.1. Bảng thống kê họ tên và quê quán của các vị tiền hiền Stt Họ Tên Tiền hiền Nguyên quán Cù Lao Ré 1 Phạm Quang Phạm Quang Minh Xã An Vĩnh Phường An Vĩnh 2 Lê Lê Quang Trí Xã An Vĩnh Phường An Vĩnh 3 Nguyễn Nguyễn Văn Toán Xã An Vĩnh Phường An Vĩnh 4 Phạm Văn Phạm Văn Sỏi Xã An Vĩnh Phường An Vĩnh 5 Võ Võ Văn Lúa Xã An Vĩnh Phường An Vĩnh 6 Dương Dương Công Lương Xã An Hải Phường An Hải 7 Võ Võ Nước Xã An Hải Phường An Hải 8 Trương Trương Đình Cát Xã An Hải Phường An Hải 9 Nguyễn Nguyễn Nhất Lang Xã An Hải Phường An Hải Nguồn: [109], [110], [112], [113], [114], [116], [118] 4.2. Bảng phân loại diện tích ruộng đất sau đo đạc lập sổ địa bạ năm 1821 Stt Diện tích Số người 1 Dưới 20 sào 23 2 Từ 20 sào đến 29 sào 131 3 Từ 30 sào trở lên 4 Số người được chia đất 157 Nguồn: [108] 4.3. Bảng thống kê diện tích đất hương hỏa tộc họ từ đinh bạ Cù Lao Ré năm Minh Mạng thứ 2 (1821) Stt Người sở hữu Đất hương hỏa 1 Tộc lão Kỷ 34 sào 2 Tộc lão Khiêm 22 sào 3 Tộc lão Phu 28 sào 4 Tộc lão Hợi 37 sào 5 Tộc lão Đại 19 6 Tộc lão Giám 28 7 Tộc lão Thiện 31 Tổng diện tích 199 Nguồn: [108] 229 4.4. Bảng thống kê phần đất tộc tổ từ đinh bạ Cù Lao Ré năm Minh Mạng thứ 2 (1821) Stt Người sở hữu Diện tích đất Tộc tổ 1 Tộc tổ lão Kỷ 24 2 Tộc tổ lão Khiêm 24 3 Tộc tổ lão Nghị 26 4 Tộc tổ lão Đại 25 5 Tộc tổ lão Hợi 24 Tổng diện tích 123 Nguồn: [108] 4.5. Bảng thống kê phần nhập tộc từ đinh bạ Cù Lao Ré năm Minh Mạng thứ 2 (1821) Stt Người sở hữu Diện tích đất Tộc tổ 1 Phần nhập tộc lão Hựu 23 2 Phần nhập tộc lão Nghị 15 3 Phần nhập tộc lão Đại 26 4 Phần nhập tộc lão Hợi 23 5 Phần nhập tộc lão Thiện 24 Tổng diện tích 111 Nguồn: [108] 4.6. Bảng số liệu thống kê ruộng đất Cù Lao Ré năm Minh Mạng thứ 2 (1821) Stt Chủ hộ Tổng diện tích Stt Chủ hộ Tổng diện tích 1 Lão Kỷ 17 80 Cha Thuyền 13 2 Lão Đại 26 81 Thầy Thảo 23 3 Lão Đầu 24 82 Cha Điển 25 4 Lão Điều 20 83 Lão Quỳnh 23 5 Lão Sự 27 84 Cha Tầm 28 6 Lão Túy 26 85 Mụ Đao 26 7 Lão Vân 25 86 Cha Trà 25 230 8 Lão Cảnh 20 87 Mụ Thuần 22 9 Lão Hựu 14 88 Lão Diễn 24 10 Lão Đạt 17 89 Mụ Vu 20 11 Lão Đãi 24 90 Lão Dụng 27 12 Lão Uy 24 91 Lão Nhâm 25 13 Lão Nhuận 17 92 Lão Diễm 28 14 Lão Dạng 28 93 Lão Thuần, Diễn 22 15 Lão Điều 25 94 Mụ Lộn 18 16 Mụ Đồ 26 95 Lão Khai 26 17 Lão Thông 25 96 Lão Do 18 18 Thầy Tương 25 97 ??? 28 19 Lão Kỉ 25 98 Cha Khôi 30 20 Lão Đạt 23 99 Lão Lãng 31 21 Lão Ái 24 100 Lão Lư 23 22 Tham Triệm 18 101 Cha Thanh 24 23 Lão Khâm 25 102 Lão Viện 22 24 Lão Sơn 29 103 Thầy Uy 24 25 Lão Chim 23 104 Mụ Nhổn 24 26 Lão Kỳ 28 105 Lão Tuế 27 27 Lái Địch 20 106 Lão Quỳnh 25 28 Lão Giám 24 107 Cha Viên 24 29 Lão Huề 21 108 Mụ Thị 26 30 Lão Thiện 25 109 Cha Tầm 25 31 Lão Do 29 110 Cha Mậu 27 32 Văn Duệ 26 111 Lão Diễn 27 33 Lão Uy 15 112 Mụ Tân 24 34 Lão Khoa 20 113 Chú Lộc 20 35 Mụ Chòm 22 114 Mụ Gươm 29 231 36 Từ Hoành 26 115 Mụ Doanh 29 37 Văn Khoa 22 116 Cha Quất 56 38 Thầy Uy 24 117 Lão Búa 23 39 Thầy Trinh 18 118 Cha Hướng 25 40 Mụ Túy 24 119 Lão Hữu 34 41 Mụ Nhưng 23 120 Cha Thị 26 42 Lão Mỹ 23 121 Lão Tú 18 43 Lão Hựu 17 122 Mụ Lãng 24 44 Lão Uẩn 25 123 Lão Kỳ 14 45 Lão Khiển 25 124 Lão Xuân 22 46 Lão Kí 25 125 Cha Thoan 27 47 Cha Quất 21 126 Lão Khai 25 48 Thầy Tương 28 127 Lão Lư 28 49 Thầy Doanh 20 128 Lái Thanh 25 50 Trùm Gồm 25 129 Trùm Biện 27 51 Lão Gương 29 130 Mụ Nhỏ 28 52 Lão Sơn 20 131 Lão Xuân 24 53 Lão Sơn, Diễn 25 132 Thầy Phù 28 54 Trùm Vọng ??? 133 Trùm Biện 25 55 Trùm Thuyên 19 134 Cha Tôm 17 56 Lão Ron 28 135 Mụ Thị 23 57 Lão Đăng 19 136 Cha Chiến 24 58 Lão Tồn 27 137 Lão Lược 25 59 Mụ Đầu 24 138 Mụ Nghĩa 29 60 Lão Thuần 24 139 Cha Lỗ 22 61 Cha Diễm 27 140 Mẹ Sơn 24 62 Cha Ngoạn 29 141 Mụ Ứng 25 63 Cha Bò 22 142 Trùm Dịch 25 232 64 Lão Hoành 25 143 Cha Khuê 25 65 Lão Thuật 17 144 Lão Nghĩa 24 66 Lão Hoằng 25 145 Cai Văn 25 67 Lão Lãng 25 146 Cha Chiêu 27 68 Lão Lục 27 147 Lão Tiếng 24 69 Lão Ái 27 148 Lão Phụng 22 70 Mụ Lậu 21 149 Lão Dụ 24 71 Cha Bằng 25 150 Vặn Luận 26 72 Cha Đao 15 151 Thầy Phù 20 73 Lão Diễn 16 152 Cha Khoản 23 74 Cha Luật 21 153 Cha Lái 21 75 Cha Viết 26 154 Cha Chiến 15 76 Mụ Ái, Đao 23 155 Cô Hao 26 77 Lão Tiềm 19 156 Lính Đông 24 78 Văn Đức 23 157 Lão Yên 18 79 Lão Phục 22 158 Lão Phan 25 Nguồn: [108] 4.7. Bản kê khai văn khế của phường An Vĩnh trước năm 1789, sao chép lại ngày 1 tháng 11 năm Gia Long thứ 4 (1805) Stt Năm Người bán Loại ruộng đất Số lượng Đvt: quan Quy định 23 ? Mụ Công Khoảnh đất 1 5 Bán đứt 7 1776 Vợ chồng Cương Ruộng nương 1 10 Bán đứt 11 1780 Trùm Chu, cai Trà Lạc Đất xâm chiếm 1 10 Bán đứt 12 1780 Trùm Chu, cai Trà Lạc Đất xâm chiếm 1 10 Bán đứt 3 1745 Vợ chồng trùm Quản Thửa đất 2 14 Bán đứt 1 1727 Vợ chồng lệnh Việt Đất nương 1 23 Bán đứt 6 1775 Vợ chồng Truyền Thửa đất 1 25 Bán đứt 15 1783 Hai ông Lộc, Thịnh Đất ruộng 1 25 Bán đứt 233 14 1781 Vợ chồng An (An Hải) Thửa đất 1 30 Cầm nợ 22 ? Vợ chồng Kham Khoảnh đất 1 30 Bán đứt 2 1733 Vợ chồng Lánh Khoản Đất phù sa 1 33 Bán đứt 5 1775 Bà Phụ Ban Thửa đất 1 38 Bán đứt 8 1779 Vợ chồng Tú Đất phù sa 1 45 Bán đứt 9 1780 Vợ chồng Hương Đất phù sa 1 50 Bán lại 19 ? Trùm Căn, trùm Chu, cai Trà Lạc Đất rừng cấm 1 50 Bán đứt 20 ? Vợ chồng Dậu Khoảnh đất 1 50 Bán đứt 21 ? Vợ chồng Uy Khoảnh đất 1 50 Bán đứt 13 1781 Trùm Chu, cai Trà Lạc Thửa đất 1 100 Bán đứt 16 1783 Ông Tú (An Hải) Thửa đất 1 100 Bán đứt 17 1783 Vợ chồng Uy Ruộng nương 1 100 Bán đứt 24 ? Mụ Thước Lương Khoảnh đất 1 100 Bán đứt 18 1784 Vợ chồng trùm Tín Thửa đất 1 150 Bán đứt 4 1762 Các viên chức phường Thửa đất 1 200 Bán đứt 10 1780 Trùm Chu Đất cấm 1 200 Bán đứt Nguồn: [107] 4.8. Bảng thống kê các loại thuế từ nguồn văn bản kê trình của Cù Lao Ré Năm Loại thuế trong các văn bản kê khai 1807 Dầu hương, Tô tỉnh điền, thường tân, càn ngư, chinh ngư 1818 Dầu hương, dầu phụng 1826 Dầu hương, dầu phụng, hải sản, đàm chích, dung thân 1826 Dầu phụng, dầu hương, thuế dung mân, đàm chích 1847 Tô thuế, sản vật, thường tân và các loại thuế lệ thổ lạp Nguồn: [120], [124], [125], [126], [128], [129], [132] 234 Phụ lục 5 Một số văn bản kê trình tô thuế của Cù Lao Ré 5.1. Bản kê trình tháng 6 năm Gia Long thứ 6 (1807) Trùm cả Nguyễn Văn Lý, cai đội Nguyễn Văn Chi, cai hợp Nguyễn Quang Thắng, xã dịch Nguyễn Văn Lân, lão bạn Trương Văn Củng phường Cù Lao Ré xã (nội phủ) An Hải huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa kê trình. Trước đây tiên tổ 7 họ phường tôi phiêu bạt đến xứ Cù Lao Ré sinh sống làm ăn có đơn xin trưng nửa phần hướng đông rừng rậm, phù sa, núi đá và sơn điền riêng 1 mẫu 5 sào. Đông giáp biển, tây giáp phường An Vĩnh, nam giáp biển, bắc giáp biển, chịu thuế dầu hương 20 hũ, mỗi hũ 3 đồng, tiền tô tỉnh điền, thường tân nộp 2 quan 7 mạch và tiền thuế càn ngư, chinh ngư là 4 quan 6 mạch, hàng năm nộp vào nội phủ theo như trước đây, đến nay đã thành lệ. Đến năm Tân Dậu phường tôi theo lệ cũ trình đơn xin cho được y theo thuế lệ trước kia phụng nộp. Phụ lũy xã An Hải ở địa phận xứ Trà Long đã có dân kết cư sinh ống làm ăn. Xứ Cù Lao Ré địa phận phường tôi còn hoang phế hơn 10 mẫu bèn đơn xin trưng thu canh tác thành ruộng hạng 3 để nộp thuế lệ. Việc ấy cho trở về trình công đường quan sai người đo khám cho trưng canh. Vả lại xứ này đông tây tứ cận vẫn còn có chỗ đất khô, rừng rậm, phù sa, đất gò. Các xứ đất đó nay đã khai phá tạm trồng khoai đậu cho đo đạc chịu sưu thuế. (mất chữ) Trùm cả Nguyễn Văn Lý điểm chỉ Cai đội Nguyễn Văn Chi điểm chỉ Cai hợp Nguyễn Quang Thắng Xã dịch Nguyễn Văn Lân điểm chỉ Lão bạn Trương Văn Củng điểm chỉ Tháng 6 năm Gia Long thứ 6 (1807). 235 5.2. Bản kê trình ngày 27 tháng 4 năm Gia Long thứ 8 (1809) Đường quan Bộ Hộ trình việc sai phái cai hợp Thắng Nguyễn Quang Thắng đội biệt nạp dầu phụng phường (nội phủ) Cù Lao Ré, An Hải huyện Bình Sơn phủ Quảng Nghĩa. Viên ấy rất tinh thông luật toán, liêm khiết, có năng lực, chăm chỉ, mẫn cán phù hợp với việc sai phái. Sai viên đó đến kỳ thuế lệ hàng năm đốc suất các xã trưởng, trùm trưởng chiếu xét thu nạp các hạng dầu hương, đàm chích và tiền thuế dầu phụng trong phường cho đầy đủ mang về kinh phụng nạp. Quan thuế ấy hệ trọng nên người đương trách cần cẩn thận nếu nhận việc bừa bãi, đầu mối không bền chặt sẽ có phép công. Nay sai phái. Ngày 27 tháng 4 năm Gia Long thứ 8 (1809). 5.3. Bản kê trình ngày 10 tháng 6 năm Gia Long thứ 8 (1809) Cựu cai hợp Nguyễn Quang Thắng, xã trưởng Nguyễn Văn Ngan, Dương Văn Nhạc đội biệt nạp dầu phụng phường (nội phủ) Cù Lao Ré, An Hải huyện Bình Sơn phủ Quảng Nghĩa cúi đầu, rập đầu trăm lạy cẩn tấu. Phường tôi sinh sống ở địa phận hải đảo, thổ sản nhận nộp dầu hương, hải sản nhận nộp đàm chích còn dân đinh canh giữ, tuần du ngoài biển để phòng bọn tàu biển gian ác. Từ trước đến nay phường tôi nhập vào nội phủ biệt nạp dầu phụng và các loại tiền thuế thân dung về kinh phụng nộp, hoàn tất xong giữ lại văn bằng, sổ sách tâu chuẩn cho miễn sưu, dân huyện đã thành ngạch. Đến năm Giáp Tý vâng tờ truyền của quan Công đồng cho đường quan trấn Quảng Nghĩa truyền xuống các thôn, phường, xã, tổng đều biệt nạp tiền thuế và các sản vật tại bản trấn chiếu thu. Đường quan căn cứ tờ truyền thôi thúc phường tôi thu nộp thuế lệ tại bản trấn. Dân phường tôi sống ngoài biển cách bản trấn xa xôi, hành trình trên biển gặp sóng to gió lớn không thuận, vất vả vô cùng. Vậy cúi đợi thánh ân anh minh xem xét ban ơn cho phường tôi từ nay về sau đến kỳ thuế hàng năm thuận theo hướng gió mang các loại thuế lệ về kinh phụng nạp vào nội phủ đủ số rồi giữ lại văn bằng, sổ sách tấu lên theo như lệ cũ, lại trình đường quan trừ đi để vỗ yên dân. Phường tôi kính cẩn sợ hãi cẩn tấu. 236 Trên truyền cho bản phường từ nay về sau đến kỳ thuế lệ hàng năm mang các loại tiền thuế, sản vật theo lệ nộp tại kinh đợi lĩnh văn bằng, sổ sách giữ làm bằng trở về trình cùng quan trấn đối chiếu trừ đi để tiện cho dân. Ngày 10 tháng 6 năm Gia Long thứ 8 (1809). 5.4. Bản kê trình ngày 10 tháng 6 năm Gia Long thứ 17 (1818) Đốc suất đội biệt nạp dầu phụng cai hợp Thắng Nguyễn Quang Thắng phường nội phủ Cù Lao Ré, An Hải huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa kê trình. Tôi nay 57 tuổi, vào năm Kỷ Mùi đầu quân có chút siêng cần, đến năm Kỷ Tị vâng theo đường quan Bộ Hộ văn sai văn truyền tôi làm cai hợp đốc suất trong phường hàng năm đến kỳ thuế cùng với xã trưởng, trùm trưởng thúc thu quan thuế đưa về kinh phụng nộp, từ đó đến nay các hạng tiền thuế dầu phụng hiện có văn bằng, sổ sách, việc đã trải qua nhiều năm, từng chịu vất vả. vả trong phường đã ứng bầu được 2 xã trưởng thúc giục sưu thuế. Tôi tuổi cao sức yếu, lại có mẹ già gần 80 tuổi, chưa biết sớm tối thế nào, khó mà báo đáp. Tôi có đơn trình lên đường quan Bộ Hộ sự ấy, vâng cho trở về trình quan bản trấn. Nay xin tôn ông thương xót đã chịu nhiều vất vả mà cấp cho văn bằng cho phép trở về phụng dưỡng. Còn các hạng tiền thuế sưu dầu của trên 100 người trong phường, giao lại cho xã trưởng, trùm trưởng trong phường cứ hàng năm chiếu sổ mang về kinh phụng nộp y theo lệ cũ. Tôi nay tuổi cao sức yếu khó có thể kham được. Bái lạy trình. Cai hợp Thắng tự kí Ngày 10 tháng 6 năm Gia Long thứ 17 (1818). 5.5. Bản kê trình ngày 25 tháng 7 năm Gia Long thứ 17 (1818) Bộ Hộ vâng trình việc quan ký lục ở trấn báo Phường Cù Lao Ré, An Hải huyện Bình Sơn trấn hạt hàng năm lệ nộp thổ sản trên núi thuế dầu hương là 1 đản 4 yến 1 cân 12 lạng (141 cân 12 lạng). Tháng 9 năm Nhâm Thân, do bị bão gió quật gẫy cây dầu hương. Bốn năm Quý Dậu, Giáp Tuất, Ất Hợi, Bính(Tý) đã cho phép thay nộp bằng dầu phụng, còn từ năm Đinh Sửu đến nay không cho thay nộp dầu phụng nữa. Nay phường đó có đơn trình lên trấn báo việc cây dầu hương cành 237 lá bắt đầu lên, chưa có hoa quả, lại xin thay nộp bằng dầu phụng. Quan ký lục ở trấn hiện đã đích thân về kiểm tra kết quả và đã tấu sự việc lên. Vâng theo chỉ, quan trấn nên hỏi rõ giá hương dầu ở các chợ trong trấn hạt xem mỗi cân giá bao nhiêu tiền rồi ghi chép đầy đủ tấu lên. Vâng theo lệnh đã cho hỏi rõ, ngày 10 đã cho ghi chép đệ trình hiện đã đến kinh giao bộ đề đạt. Nếu mông lung, lẫn lộn lấy giá cao làm giá thấp thì trấn quan ắt có tội và can dự đến cả người đưa lên. Đưa quan trấn trấn Quảng Nghĩa chiếu hội. Ngày 25 tháng 7 năm Gia Long thứ 17 (1818). 5.6. Bản kê trình tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) Cựu đốc suất đội dầu phụng cai hợp Nguyễn Quang Thắng, xã trưởng Tuyên Vũ Văn Đính phường (nội phủ) Cù Lao Ré, An Hải huyện Bình Sơn phủ Quảng Nghĩa kê trình. Năm trước phường tôi qui tập đội biệt nạp dầu phụng. Năm Tân Mùi vâng quan bộ đường văn truyền căn cứ theo lệ nạp hàng năm đến thượng tuần tháng 4 đến kỳ trưng thu để thượng tuần tháng 5 mang nộp đủ đợi lĩnh đơn bằng trở về trình quan bản trấn. Đến ngày mồng 7 tháng 2 năm nay vâng có phiếu tùy tróc thúc giục phường tôi thu các loại tiền thuế dầu phụng kịp kỳ mang đi. Phường tôi hoa vừa mới rụng chưa thành quả dầu, phường tôi tới trấn xin được theo lệ trước, quan bản trấn cho hạn trong 10 ngày. Phường tôi dân nghèo ở trên hải đảo thúc giục thu chưa kịp, sóng to gió lớn không thuận khó có thể kịp. Dám xin quan bộ đường văn phê cho phường tôi từ nay về sau theo tiền lệ thuận theo hướng gió, xuôi theo dòng nước đưa các thuế lệ về kinh phụng nộp để tránh quan bản trấn thúc giục tùy tiện, không theo thường kỳ, vả lại sóng gió bất trác, khó khăn vô cùng, không dám tùy tiện. Vạn lạy bái. Cai hợp Nguyễn Quang Thắng kí Xã trưởng Tuyên, Vũ Văn Đính điểm chỉ Tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 2 (1821). 238 5.7. Bản kê trình ngày 20 tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) Cựu cai hợp Nguyễn Quang Thắng, Phạm Văn Thiết, Trương Văn Liễu, Nguyễn Văn Vững, Nguyễn Văn Chiến, Vũ Văn Đính, Dương Văn Quyền 7 họ phường (nội phủ) Lý Sơn, An Hải huyện Bình Sơn phủ Quảng Nghĩa xin sửa lại như lệ cũ. Phường tôi nguyên là dân ở trên hải đảo, hàng năm chịu nộp các hạng dầu phụng, dầu hương và lệ thuế dung mân. Vào những năm Gia Long, phường tôi có đủ sổ đủ đơn tấu xin được tới kinh phụng nộp để tiện cho dân. Đã so sánh lệ cũ cho phường tôi tháng 4 hàng năm, binh ngạch chiếu theo hạn định đến kinh, do bộ cứu xét, kiểm tra phụng nộp, không thuộc vào trấn hạt. Tháng 2 năm nay tiếp nhận binh phòng trấn hạt thúc giục phường tôi kê khai thứ tự các hạng dân để tiện chỉnh sửa sổ ngạch. Thiết nghĩ phường tôi là dân nghèo khó nơi hải đảo, một thì chạy về kinh phụng nạp thuế lệ, một thì chạy về trấn ứng theo tu ngạch, hai phần công dịch thật khổ cho dân vô cùng, xin cho binh tịch và thuế lệ gộp làm 1 đưa về kinh phụng nộp. Vậy dám xin đường quan Bộ Binh phê văn bằng xác nhận cho phường tôi theo ngạch cũ hàng năm về kinh phụng nạp để tiện 1 mối. Vạn lạy bái. Nguyễn Quang Thắng điểm chỉ Nguyễn Văn Thiết điểm chỉ Trương Văn Liễu điểm chỉ Nguyễn Văn Vững điểm chỉ Nguyễn Văn Chiến điểm chỉ Vũ Văn Đính điểm chỉ Dương Văn Quyền điểm chỉ Ngày 20 tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826). 239 5.8. Bản kê trình ngày 7 tháng 8 năm Minh Mệnh 7 (1826) Cựu cai hợp Nguyễn Quang Thắng, hương mục Nguyễn Văn Thiết, Trương Văn Liễu, Nguyễn Văn Vững, Nguyễn Văn Chiến, thất tộc phường Lý Sơn, An Hải, tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn trấn Quảng Nghĩa xin được theo nguyên lệ nộp thuế tại kinh. Phường tôi sinh sống ở vùng hải đảo, sản vật trên núi thì nộp dầu hương, hải sản cung nộp đàm chích còn toàn nhân đinh chịu biệt nạp dầu phụng và tiền thuế thân dung. Năm Gia Long thứ 3 vâng theo công đồng truyền các loại thuế lệ đệ nạp tại trấn. Phường tôi hàng năm đến kỳ thuế lệ đệ nạp tại trấn, gặp khi gió bão vận chuyển khó khăn. Năm Gia Long thứ 8, Nguyễn Quang Thắng bản phường nêu rõ sự tình đề đơn tấu xin, đã được đường quan Bộ Hộ tiền nhiệm đồng ý cho phường hàng năm đến kỳ thuế lệ đưa về kinh phụng nạp để tiện cho dân. Tháng 7 năm trước phường tôi căn cứ theo lệ tới trấn xin được đệ nộp các hạng tiền thuế, dầu hương, dầu phụng về kinh, tiếp đó bản trấn cho phép thông hành, giao kê khai các hạng thuế còn thiếu năm nay. Phường tôi vâng theo đã cho kê khai đầy đủ thuế lệ năm nay đợi nhận giấy đi đệ nộp đầy đủ các khoản. Lại ngày 20 tháng 7 đã tư đến trấn, sau này hàng năm đến kỳ thuế lệ thì ở trấn kiểm tra, giao nhận đơn sổ, bằng cứ để thành chính sổ rồi thị thực cấp văn bằng cho phường lĩnh nhận về kinh phụng nộp. Nay phường tôi xin y theo lệ này, hàng năm đưa đơn sổ tới trấn đợi kiểm tra đích thực rồi lĩnh cấp văn bằng đệ nạp. Nay xin đường quan văn phê cho phường tôi tuân theo đơn tấu xin năm trước hàng năm biệt sai nộp thuế theo lệ, đến kỳ thuế tới quan trấn kê trình đầy đủ đợi trấn cấp văn bằng, kiểm tra số mục, thuế lệ, xác nhận biệt sai phụng nộp cho được thuận tiện. Nguyễn Quang Thắng điểm chỉ Nguyễn Văn Thiết điểm chỉ Trương Văn Liễu điểm chỉ Nguyễn Văn Vững điểm chỉ Nguyễn Văn Chiến điểm chỉ Ngày 7 tháng 8 năm Minh Mệnh 7 (1826). 240 5.9. Bản kê trình ngày 2 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) Cựu suất biệt nạp cai hợp Thắng Nguyễn Quang Thắng, xã trưởng Trương Văn Liễu, xã trưởng Nguyễn Văn Vững, cai đình Nguyễn Văn Sắt, chấp sự Dương Văn Nhạc, thủ bản Nguyễn Văn Chiến phường (nội phủ) Lý Sơn, An Hải huyện Bình Sơn phủ Quảng Nghĩa kê trình: tháng 8 năm Tân Dậu phường tôi có đơn bẩm tại điện Tây Kỳ theo nhập đội biệt nạp dầu phụng vào nội phủ, hàng năm phụng nạp thuế lệ, hiện đã có sổ sách. Năm Bính Dần được chỉ chuẩn cho binh dân cùng vào 1 sổ phụng nộp thuế tại kinh. Năm Kỷ Tị phường tôi tấu xin cho hàng năm sửa binh ngạch và các loại thuế lệ đưa về kinh đệ nộp rồi đợi lĩnh sổ sách quay về trình đã thành lệ. Từ đó đến tháng 9 năm Giáp Dần nhận được tờ chiếu hội của đường quan Bộ Hộ về bản trấn cho phường tôi nộp thuế lệ tại bản trấn. Phường tôi thiết nghĩ từ trước đến nay thuận theo hướng gió đưa các loại thuế lệ về kinh phụng nộp đã thành nguyên lệ. Phường tôi dân cư sinh sống ngoài biển, cách xa bản trấn, hải trình thì sóng to gió lớn, gian nan vô cùng. Vậy xin đường quan bản trấn xót thương dân phường tôi sinh sống ngoài hải đảo mà thu nộp tại trấn thì hải trình gặp sóng to gió mạnh, khó khăn vô cùng, xin cho phường tôi được mang nộp về kinh theo lệ trước để dân được tiện lợi. Ngày 2 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 8 (1827). 241 5.10. Bản kê trình ngày 12 tháng 7 năm Tự Đức thứ 6 (1853) Hương trưởng, lý trưởng, các chức dịch phường Lý Sơn, An Hải, tổng Bình Hà huyện Bình Sơn phủ Tư Nghĩa làm tờ trí định. Do năm nay lý trưởng Văn, lý trưởng Điều thúc thu quan thuế, việc xong lý trưởng Văn, lý trưởng Điều trình cùng bản phường lý trưởng Chính biết chút việc quan nên để cho lý trưởng Chính cùng 2 lý trưởng về kinh phụng nộp quan thuế. Bản phường đồng thuận ứng cử lý trưởng Chính hợp cùng lý trưởng Văn, lý trưởng Điều cùng đưa tiền thuế sưu dầu về kinh phụng nộp. Việc xong đợi lĩnh văn bằng trở về tỉnh trình nộp. Xong việc làm tờ trí định này. Bản phường cùng kí Lý trưởng Văn thủ kí Lý trưởng Điều thủ kí Cai đình Định thủ kí Dịch mục Thạch thủ kí Dịch mục Ân thủ kí Dịch mục Bình thủ kí Dịch mục Thuật thủ kí Viết từ văn thủ bản Thuộc tự kí Ngày 12 tháng 7 năm Tự Đức thứ 6 (1853). 242 Phụ lục 6 Một số văn bản của phường An Vĩnh (nguồn: Phụ lục 2.4. Một số văn bản mới phát hiện được ở Cù Lao Ré, Đề tài BĐ HĐ 01 – 01 của tác giả Nguyễn Quang Ngọc, Vũ Văn Quân, Khoa Sử - Đại học Quốc gia Hà Nội) 243 244 245 246 247 248 249 250 251 252 253 254 255 Phụ lục 7 Một số hình ảnh về huyện Lý Sơn (Nguồn: tư liệu tác giả) 7.1. Toàn cảnh Lăng thờ Cá Ông của xã An Vĩnh trong đất liền 7.2. Bàn thờ cá Ông 256 7.3. Toàn cảnh phế tích đình làng An Vĩnh trong đất liền 257 7.4. Toàn cảnh nhà thờ tộc họ Trương tiền hiền xã An Hải, huyện Lý Sơn 7.5. Ban thờ họ Trương tiền hiền xã An Hải, huyện Lý Sơn 258 7.6. Ban thờ tộc họ Dương tiền hiền xã An Hải, huyện Lý Sơn 259 7.7. Nhà thờ tộc họ Phạm Quang xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn 7.8. Ban thờ Phạm Quang Nhật 260 7.9. Ban thờ tộc họ Phạm Quang tiền hiền xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn 7.10. Ban thờ tộc họ Võ Văn tiền hiền xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn 261 7.11. Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại Lý Sơn 262 7.12. Nhà trưng bày lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở Lý Sơn 7.13. Không gian chính Đình làng xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn 263 7.14. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2013 264 7.14. Toàn cảnh chùa Hang 265 7.15. Gian chính điện của chùa Hang 7.16. Đền thờ cá Ông Lân Chánh 266 7.17. Dinh Tam Tòa

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfluan_an_cu_lao_re_que_huong_cua_doi_hoang_sa_tu_dau_the_ky_x.pdf
  • pdfDuong Ha Hieu, Ket luan moi LATS (Tieng Anh).pdf
  • pdfDuong Ha Hieu, Ket luan moi LATS (Tieng Viet).pdf
  • pdfDuong Ha Hieu, Tom tat LATS (Tieng Anh).pdf
  • pdfDuong Ha Hieu, Tom tat LATS (Tieng Viet).pdf
Tài liệu liên quan