Luận án Lối sống người dân làng chài hiện nay (nghiên cứu trường hợp tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy và phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng)

MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Lối sống của các cộng đồng cư dân là đề tài được các tác giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu từ lâu dưới các góc độ khác nhau. Các nhà nghiên cứu Dân tộc học/ Nhân học và Văn hóa học đã chỉ ra rằng, lối sống tùy thuộc vào các điều kiện sống (môi trường cư trú, phương thức mưu sinh), các yếu tố lịch sử - văn hóa của cộng đồng cư dân và lối sống cũng biểu hiện những dạng thức khác nhau từ các yếu tố trên. Lối sống được thể hiện tập trung ở phương thức mưu s

doc257 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 18/01/2022 | Lượt xem: 266 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Luận án Lối sống người dân làng chài hiện nay (nghiên cứu trường hợp tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy và phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
sinh, các thiết chế xã hội, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, hình thành từ phương thức mưu sinh và trở lại phục vụ phương thức mưu sinh đó. Nghiên cứu lối sống là nghiên cứu cốt lõi văn hóa của các tộc người. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt và vùng biển, hải đảo rộng lớn trải dài trên 3200 km, chứa đựng nguồn lợi tự nhiên phong phú, dọc bờ biển Việt Nam từ xưa đã hình thành nhiều cộng đồng ngư dân làm nghề đánh bắt thủy, hải sản, sống trong các làng chài. Các cộng đồng cư dân có nhiều nét đặc thù. Họ có nguồn gốc từ những cư dân nội đồng, mưu sinh bằng khai thác nguồn thủy, hải sản nơi sông nước. Nhìn chung, trước năm 1954 và ở nhiều nhóm thuộc một số địa phương hiện nay, ngư dân có cuộc sống rất nghèo khó, họ có xu thế tách khỏi các cộng đồng làng xã chính thống, sống biệt lập trên những chiếc thuyền, không có đất làm nhà, tập hợp lại thành các làng chài, vạn chài. Do vậy, lối sống của ngư dân có những nét khác biệt so với cư dân nông nghiệp ở trên bờ. Từ sau năm 1954, đặc biệt là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách đối với ngư dân và sự nỗ lực vươn lên của các cộng đồng giúp cho cuộc sống của ngư dân từng bước được cải thiện; là cơ sở để lối sống của họ có những chuyển biến trên nền của lối sống truyền thống. Sự chuyển biến này được biểu hiện khác nhau ở từng cộng đồng ngư dân mỗi vùng, miền, phụ thuộc vào đặc điểm của môi trường cư trú cùng một số yếu tố khác, cần được đi sâu nghiên cứu. Bên cạnh những chuyển biến tích cực, cuộc sống của ngư dân các vùng miền ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, nguồn lợi tự nhiên đang bị khai thác quá mức, dẫn đến cạn kiệt, ảnh hưởng tới nguồn sống lâu dài; tình trạng thấp kém về giáo dục và đời sống văn hóa - tinh thần Với những lí do trên, tôi chọn vấn đề “Lối sống người dân làng chài hiện nay” (nghiên cứu trường hợp tại làng chài Nam Hải, huyện Kiến Thụy và làng chài Ngọc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng) làm đề tài luận án tiến sĩ ngành Nhân học, với mong muốn nghiên cứu lối sống của cộng đồng ngư dân nhằm chỉ ra những đặc điểm văn hóa của một bộ phận cư dân tộc người Việt. Về mặt thực tiễn, nghiên cứu lối sống của các cộng đồng ngư dân tạo cơ sở khoa học để đề ra các chính sách, các giải pháp giúp ngư dân phát triển theo hướng bền vững, có đủ tri thức, tiềm lực để vươn ra biển khơi, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, nhất là giữ vững vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 2. Mục đích nghiên cứu của luận án - Luận án chỉ ra một số dạng thức chủ yếu trong lối sống của ngư dân hai làng chài Nam Hải và Ngọc Sơn (Hải Phòng) để từ đó thấy được những điểm tương đồng và khác biệt trong lối sống, văn hóa, tín ngưỡng giữa hai cộng đồng này. - Cung cấp cơ sở khoa học cho việc đề ra các giải pháp giúp các cộng đồng ngư dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vật chất, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong điều kiện hiện nay. 3. Đối tượng, phạm vi và địa bàn nghiên cứu của Luận án - Đối tượng nghiên cứu của luận án là một số dạng thức chính trong lối sống (ăn, ở, lao động, phương tiện đi lại, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tổ chức xã hội). - Phạm vi nghiên cứu của luận án: Về không gian, luận án chọn hai làng chài để nghiên cứu là làng Ngọc Sơn (phường Ngọc Sơn, quận Kiến An) và làng Nam Hải (xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy. Đây là hai làng chài khác nhau về môi trường cư trú (làng Ngọc Sơn nằm ven sông Lạch Tray, đồng thời là làng Công giáo; làng Nam Hải nằm gần cửa sông Văn Úc đổ ra biển). Điều kiện sống cũng như tôn giáo khác nhau tạo ra những nét riêng về lối sống, thể hiện rõ nét ở phương thức mưu sinh, các tập tục và hướng phát triển trong tương lai. Về thời gian: luận án nghiên cứu lối sống hiện nay của hai cộng đồng ngư dân là làng Nam Hải và làng Ngọc Sơn, có so sánh với một số yếu tố của lối sống truyền thống (làng Nam Hải trước khi chuyển cư lên bờ, năm 1955; làng Ngọc Sơn trước khi được mở rộng tiếp xúc với cư dân trên bờ, đặc biệt là khi trẻ em trong làng được học chữ, năm 1998). 4. Nguồn tư liệu của luận án Nguồn tư liệu chính của luận án là tư liệu điền dã, thu được qua việc phỏng vấn và tham gia các hoạt động lao động sản xuất, các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của ngư dân. Bên cạnh đó luận án sử dụng những báo cáo, các số liệu thống kê về các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của địa phương trong những năm gần đây. Luận án kế thừa các kết quả nghiên cứu về ngư dân, về lối sống và về làng xã đã được công bố. 5. Đóng góp mới của luận án Đây là luận án tiến sĩ Nhân học đầu tiên nghiên cứu về lối sống của ngư dân Hải Phòng qua hai làng chài cụ thể; chỉ ra những đặc trưng trong lối sống; sự giống nhau và khác biệt trong lối sống của hai cộng đồng ngư dân có nguồn gốc, môi trường cư trú khác nhau. Luận án tạo cơ sở khoa học để cấp ủy, chính quyền địa phương tham khảo trong việc đề ra các giải pháp giúp cộng đồng ngư dân hai làng chài khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi, phát triển theo hướng bền vững. Luận án góp phần nghiên cứu những vấn đề lý luận về lối sống, về làng xã, về ngư dân; là tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên nghiên cứu về ngư dân. 6. Bố cục của luận án Ngoài Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, Luận án được chia thành 4 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, phương pháp và địa bàn nghiên cứu Chương 2: Lối sống của ngư dân làng chài Nam Hải Chương 3: Lối sống của ngư dân làng chài Ngọc Sơn Chương 4: Kết quả và bàn luận. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT, PHƯƠNG PHÁP VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Nghiên cứu về lối sống của các tác giả nước ngoài Thuật ngữ “lối sống” lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà Tâm lý học người Áo Alfred Adler (1870-1937). Lối sống hay phong cách sống, nếp sống là những nét điển hình, được lặp đi lặp lại và định hình thành phong cách, thói quen trong đời sống cá nhân, nhóm xã hội, dân tộc, hay cả một nền văn hóa. Trên thực tế, từ khoảng giữa thế kỷ XIX, vấn đề lối sống đã được nhiều nhà khoa học thuộc các ngành Xã hội học, Triết học, Dân tộc học/ Nhân học, Văn hóa học nghiên cứu, bởi đây được coi là chủ đề hay, phản ánh được hiện thực của đời sống văn hóa - xã hội của mỗi nước, mỗi vùng, mỗi dân tộc hay mỗi nhóm, giai tầng xã hội. Khi nghiên cứu lối sống với tư cách là một thực thể văn hóa, nhà nhân học người Mĩ L.H.Morgan và nhà Nhân học văn hóa người Anh E.B.Tylor dưới ảnh hưởng học thuyết tiến hóa của Charles Darwin đều nhấn mạnh, văn hóa là phương thức riêng biệt của loài người nhằm thích ứng với hoàn cảnh, là dạng thức tâm lý của tộc người; tâm lý này và xã hội mà nó gắn bó đều phát triển tiến hóa theo các giai đoạn từ thấp đến cao [85, tr.18]. B.K.Malinowski, nhà Nhân học sáng lập ra trường phái Chức năng cho rằng bất cứ nền văn hóa nào trong tiến trình phát triển cũng đều tạo ra một hệ thống cân bằng và ổn định, trong đó mỗi bộ phận của chỉnh thể đều thực hiện chức năng của mình. Ông nhấn mạnh “Truyền thống theo cách nhìn sinh học là sự tiến hóa thích nghi tập thể của cộng đồng đối với môi trường của nó” [85, tr.23]. C.L.Strauss và những người trong trường phái Cấu trúc luận cho rằng, văn hóa là một hệ thống do các phương thức phản ứng có tính chất là những tập quán, liên quan tới nhau, nương tựa vào nhau tổ chức thành [85, tr. 26]. A.Kroeber và C.Kluckhohn, xuất phát từ quan điểm của trường phái Ký hiệu - văn hóa học, đã định nghĩa, “Văn hóa bao quát các mô thức hành vi hiển hiện ra bên ngoài hoặc tiềm ẩn bên trong, thông qua việc vận dụng ký hiệu, người ta học tập và truyền thụ chúng. Hệ thống văn hóa tuy được coi là sản phẩm do hoạt động của con người tạo ra, nhưng nó cũng có thể được coi là những nhân tố hiệu chỉnh, hạn chế hoạt động của con người” [85, tr.29]. G. Condominas (1997) trong cuốn Không gian xã hội vùng Đông Nam Á [15], sau khi điểm tình hình nghiên cứu Nhân học ở các nước thuộc thế giới thứ ba có đề cập đến vấn đề không gian xã hội, ông đã chỉ ra các quan điểm, các trường phái nghiên cứu về vấn đề này, giới hạn các khái niệm, các khía cạnh nghiên cứu của “Không gian xã hội”. Trên cơ sở đó, ông đưa ra các khảo sát về không gian xã hội của một số tộc người như Thái, Lào, Ra đê, Việt, đặc biệt các tư liệu rất sâu về người Mnông Ga trên các phương diện: dân cư, họ hàng, trao đổi, kiêng kỵ, nghi lễ. Qua đó, có thể hiểu được văn hóa đặc trưng của từng tộc người, sự khác biệt của tộc người này với tộc người khác. Có thể nói, trong quan niệm về văn hóa của các nhà Nhân học trên đây tuy không đề cập đến một cách trực tiếp lối sống nhưng đều đã nhấn mạnh những dạng thức của nó như tập quán, truyền thống, tâm lý tộc người, mô thức các hành vi biểu hiện bên ngoài hoặc tiềm ẩn bên trongTuy quan điểm có khác nhau, nhưng những nghiên cứu của họ để đi đến khẳng định những biểu hiện phong phú của văn hóa hay cũng chính là lối sống làm cơ sở lý thuyết trong nhân học, đặc biệt khi nghiên cứu một cộng đồng, tộc người hay một nhóm nào đó. Cùng quan điểm của các nhà Dân tộc học/ Nhân học, dưới góc độ của Xã hội học, các nhà nghiên cứu đã xây dựng cơ sở lý thuyết của lối sống, phân biệt lối sống với điều kiện sống, chỉ ra cơ cấu của lối sống và điều kiện sống. Các nhà khoa học xã hội khẳng định lối sống không phải là sự tái tạo một cách thụ động, tự động và công thức những tác động xuất phát từ hệ thống xã hội, và đặc biệt là từ phương thức sản xuất. Mọi người đều thuộc vào những giai cấp, nhóm tộc người, dân tộc khác nhau, có quá khứ, truyền thống, phong tục và quyền lợi khác nhau. Vì vậy, trong khuôn khổ của cùng một chế độ xã hội, trên cơ sở của một phương thức sản xuất chung, lối sống của những người thuộc nhóm xã hội khác nhau, ngoài những nét chung còn có những điểm đặc thù; khi các điều kiện tự nhiên, xã hội thay đổi, các hoạt động của con người phải thích nghi để có thể tồn tại, tất yếu sẽ diễn ra sự biến đổi lối sống [28, tr. 215]. 1.1.2. Nghiên cứu về lối sống của các tác giả Việt Nam Lối sống được các nhà nghiên cứu Việt Nam quan tâm từ lâu với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Nếu hiểu lối sống gồm các thành tố: đời sống vật chất (sinh kế, sinh hoạt vật chất: ăn, mặc, ở, phương tiện đi lại); đời sống xã hội (gia đình, dòng họ, tập quán pháp) và đời sống tinh thần (tín ngưỡng, tôn giáo, hội hè, đình đám, văn hóa nghệ thuật) thì lối sống được trình bày trong các giản chí Dân tộc học về các tộc người, các cộng đồng cư dân. Đối với người Việt, lối sống được đề cập một phần trong các quốc địa chí như Lịch triều hiến chương loại chí [19], Đại Nam nhất thống chí [135]; tỉnh chí, như Sơn Tây tỉnh chí [27], Bắc Ninh địa dư chí [133]; các xã chí, như Đông Ngạc xã chí [55], Thượng cổ xã Tam Sơn đồng dân công ước chí [54]. Từ đầu thế kỷ XX trở đi, các nghiên cứu về lối sống lần lượt được nghiên cứu một cách bài bản, với các tác phẩm Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính [4], Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh [2]. Trong khoảng 30 năm trở lại đây, các nghiên cứu về lối sống được đẩy mạnh. Ngoài các tác phẩm bàn về lối sống dưới các góc độ Chính trị học, Triết học, Đạo đức học bàn đến lý luận về lối sống, đặc trưng lối sống Việt Nam, giải pháp giữ gìn và phát huy những nét đẹp, loại bỏ những hủ tục trong lối sống giúp người dân thích nghi với sự phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, còn có một lượng lớn công trình khảo cứu về từng lĩnh vực cụ thể của lối sống, như tín ngưỡng, tục lệ, nghi lễ trong tang ma, cưới xin, sinh đẻ, thiết chế xã hội. Ngoài lối sống của cư dân nông thôn, còn có các tác phẩm về lối sống đô thị: Lối sống trong đời sống đô thị hiện nay của Lê Như Hoa [44]; Văn hóa và lối sống đô thị Việt Nam một cách tiếp cận của Trương Minh Dục [25]; cả lối sống của giáo dân, như Lối sống đạo của người công giáo Việt Nam của Nguyễn Hồng Dương [23]. Dưới đây, chúng tôi nêu một số tác phẩm tiêu biểu nhất. Cuốn Tìm hiểu cảnh quan đồng bằng (1983) do Trần Từ chủ biên nhìn nhận lối sống từ góc độ ứng xử của con người trước môi trường cảnh quan. Các tác giả lấy bốn làng tiêu biểu cho các dạng cảnh quan: trung du, đồng chiêm, đồng mùa và ven biển để nhìn nhận lối sống của người nông dân, thể hiện qua phương thức mưu sinh (bố trí mùa vụ, vật nuôi cây trồng, sử dụng các công cụ, kỹ thuật, bố trí lịch làm ăn, giải trí) [93]. Có thể coi đây là “mẫu” cho hướng nghiên cứu Nhân học môi trường và Nhân học dưới góc nhìn Sinh thái học văn hóa và Không gian văn hóa. Cuốn Văn hóa lối sống và môi trường (1998) do Chu Khắc Thuật chủ biên gồm các bài viết đề cập những vấn đề chung về các khía cạnh trong lối sống truyền thống của con người Việt Nam. Đó là, đối lập với “Con người chinh phục thiên nhiên” của phương Tây, con người phương Đông hài hòa với tự nhiên. Một số bài viết bàn về môi trường tự nhiên và môi trường sản xuất; môi trường xã hội và tiêu dùng trong đời sống hàng ngày; ảnh hưởng của môi trường đến con người và ngược lại [121]. Tuy nhiên, sách chưa phân tích lối sống theo các trục cơ bản (đời sống vật chất, đời sống tinh thần và đời sống xã hội) để thấy được một cách sâu sắc hơn lối sống con người Việt Nam truyền thống và hiện đại. Nguyễn Từ Chi trong cuốn Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người (1996), khi viết về ảnh hưởng của cảnh quan đến văn hóa của tộc người đã khẳng định có hai yếu tố quy định diện mạo nền văn hóa và lối sống của một tộc người, đó là môi trường tự nhiên mà tộc người đó cư trú và nguồn gốc tộc người. Ông chỉ rõ: “Cư dân sống trên đồng cỏ thảo nguyên, nơi có nhiều muông thú họ phát triển nghề đi săn. Một loạt lề thói hay nói hoa mỹ hơn, một loạt ứng xử văn hóa được hình thành để phù hợp với cuộc sống du mụcCác dân tộc sống trong môi trường khác nhau có nền văn hóa khác nhau. Sau đó, vì một hoàn cảnh nào đấy họ đến cư trú ở môi trường khác, một loạt lề thói được hình thành để thích nghi với môi trường mới nhưng văn hóa cũ vẫn để lại những dấu ấn hết sức quan trọng trong nền văn hóa mới” [16, tr. 627]. Trên cơ sở chỉ ra trong những môi trường khác nhau, con người có những ứng xử khác nhau và “Các môi trường thiên nhiên chính tạo nên diện mạo văn hóa tộc người” [16, tr. 629]. Điều đó cho thấy khi nghiên cứu văn hóa hay lối sống của tộc người nào đó không thể bỏ qua môi trường mà họ sinh sống và những lề thói được hình thành. Dù chưa trực tiếp đề cập đến lối sống và biến đổi lối sống của tộc người trước kia và hiện nay, song kết quả của các công trình nghiên cứu trên là những tham khảo có giá trị đối với chúng tôi khi tiếp cận về lối sống của ngư dân làng chài. 1.1.3. Tình hình nghiên cứu về ngư dân làng chài 1.1.3.1. Nghiên cứu về ngư dân làng chài ở nước ngoài Nghiên cứu về ngư dân trên thế giới tập trung vào tìm hiểu những vấn đề trong nghề cá, dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong Nhân học biển (Maritime Anthropology), có thể nêu một số tác phẩm nghiên cứu về ngư dân và nghề cá sau: James M. Acheson (1981), với bài viết Anthropology of fishing đã nhìn nhận sự thích nghi với môi trường biển là một thành tựu nổi bật của con người, có thể nói những nhận định của tác giả là đóng góp ban đầu cho các nhà nhân học nghiên cứu về nghề cá [144]. Nhà nhân học Mỹ James R. Mc Goodwin (1990) đã tập trung hầu hết các công trình nghiên cứu của ông về cộng đồng ngư dân và quản lý nghề cá. Trong cuốn Crisis in the wold’s fisheries: people, problems, and policies [145], ông đã chia sẻ các quan điểm Nhân học liên quan đến cộng đồng ngư dân thế giới. Cuốn sách cung cấp một cái nhìn tổng quan các khía cạnh của nghề cá như văn hóa, kinh tế, chính trị, môi trường, những vấn đề đe dọa ngư dân trên thế giới, và đánh giá một cách cơ bản về chính sách quản lý nghề cá. Tuy nhiên, nội dung cuốn sách đề cập đến nghiên cứu nghề cá ở tầm vĩ mô, chưa bàn đến trường hợp cụ thể nhằm thấy được một cách chi tiết và cụ thể hơn ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau đến cư dân làm nghề cá. Chandana Sarmai và A.N.M Irshad (2005) thuộc bộ môn Nhân học trường Đại học Cotton và Sở Nhân chủng học trường đại học Guwhati đã có công trình nghiên cứu về kinh tế xã hội của của cộng đồng ngư dân ở Asam, Ấn Độ. Dựa trên kết quả nghiên cứu vào năm 1999 và năm 2005, các tác giả đã mô tả về công cụ và các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân trong các mùa, tổ chức lao động, những kiêng kỵ, tình trạng giáo dục, cấu trúc, tổ chức xã hội và ảnh hưởng của đô thị hóa đến cuộc sống, đặc biệt là sự thay đổi nghề nghiệp của thế hệ trẻ của ngư dân làm nghề cá quy mô nhỏ ở làng Boripara thuộc ngoại ô thành phố Guwahati . Tuy nhiên, các tác giả chưa chỉ ra nguyên nhân sâu xa của những thay đổi trong cuộc sống của ngư dân ở Assam và những định hướng có tính chiến lược cho sự phát triển bền vững nghề cá quy mô nhỏ ở đây. Edward W.Glazier (2006) là người nghiên cứu ứng dụng nhân học ở Mỹ trong nhiều năm về ngư dân ở Hawaii. Trong cuốn Hawaiian fishermen (casse tudies in cultural anthropology) [141], ông mô tả về các hình thức đánh cá bằng thuyền nhỏ và lối sống ngư dân Hawaii, ảnh hưởng đến tương lai của ngư dân. Cuốn sách của ông là một điển hình trong nghiên cứu trường hợp về ngư dân với nghề cá quy mô nhỏ. Tác giả đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc dưới góc độ Nhân học và Xã hội học về văn hóa địa phương với đặc trưng của những người đánh cá. Do tập trung vào một cộng đồng ngư dân với nghề cá quy mô nhỏ mà tác giả chưa so sánh với những cộng đồng ngư dân khác để thấy được điểm giống và khác nhau trong lối sống của ngư dân Hawaii với cộng đồng ngư dân khác. Ricardo Perez (2006) trong cuốn The State and small - scale fisheries in Puerto Rico, dựa trên nghiên cứu nhân học và lịch sử ở Puerto Rico từ năm 1996 đến năm 2002, dựa vào tư liệu phỏng vấn với ngư dân, đại lý thủy sản và các nhà khoa học, các quan chức chính phủ, cùng với các cuộc điều tra hộ gia đình ngư dân và các nghiên cứu lưu trữ, Perez phân tích sự phát triển kinh tế nông thôn ở bờ biển phía nam của đảo; đề cập đến sự can thiệp của chính phủ trong chính sách thủy sản tạo ra mâu thuẫn giữa phát triển, hiện đại hóa thủy sản và việc bảo tồn nguồn cá [147]. Nghiên cứu về ngư dân trên đảo Puerto Rico của Perez chủ yếu tập trung vào kinh tế hộ gia đình, chưa đi sâu phân tích về văn hóa của cộng đồng ngư dân. Daryl Mc Phee (2008) là tiến sĩ Triết học làm việc tại Viện Phát triển bền vững, Đại học Bond nghiên cứu quản lý nghề cá và thẩm định các dự án ven biển. Trong cuốn sách Fisheries Management in Australia [140], tác giả phân tích một cách toàn diện về quản lý nghề cá ở Úc, trong đó có quản lý hành vi con người, xem xét hệ sinh thái và các thành phần của nó. Cuốn sách còn đề cập đến các chủ đề như sự chia sẻ nguồn lợi giữa các ngư dân, giảm thiểu đánh bắt và quản lý môi trường sống của thủy sản, môi trường pháp lý và chính sách hiện hành, quy hoạch công viên biển. Tác giả đưa ra những kinh nghiệm về quản lý nghề cá quy mô lớn ở tầm quốc gia, song những vấn đề của nghề cá ở địa phương chưa được tác giả đề cập đến. Dean Adams (2012) là người tham gia đánh cá trên tàu từ năm 15 tuổi, sau đó đã theo học đại học và có bằng cử nhân, thạc sĩ của khoa Thủy sản (Đại học Washington). Cuốn Four thousand hooks của ông thực sự là hồi ký trung thực mô tả về phương pháp đánh bắt, sự tương tác giữa các thành viên trên tàu đánh cá, cách sống và làm việc của gia đình, nền văn hóa biển vùng Alaska [137]. Jonh Clammer trong cuốn Bức khảm văn hóa châu Á (2001) đã nêu ra hệ thống tổ chức kinh tế và phương thức kiếm sống của những người săn bắn, hái lượm, canh tác nương rẫy, nông dân, người chăn nuôi và ngư dân. Đối với ngư dân, tác giả cho rằng đây là vấn đề thu hút sự chú ý trong Nhân học bởi phần lớn khu vực Đông Nam Á là gần biển. Tổ chức kinh tế, xã hội của ngư dân thay đổi theo vị trí sinh thái, trình độ kỹ thuật và mối quan hệ của họ với chế độ kinh tế rộng lớn hơn. Tác giả còn nhìn nhận một số cách đánh bắt cá nhất là đánh bắt gần bờ, đã phụ thêm vào nền nông nghiệp trên bờ [21, tr. 209]. Trong nghiên cứu của Jonh Clammer chưa đi sâu phân tích về văn hóa của ngư dân ở các quốc gia trong khu vực, những điểm tương đồng và khác biệt về phong tục, tập quán của họ. Những công trình nghiên cứu của các tác giả nói trên phản ánh các khía cạnh của nghề cá quy mô nhỏ và lớn; từ các nghiên cứu trường hợp đến tầm quốc gia, quốc tế về ngư dân, sinh thái biển, quản lý nguồn thủy, hải sản; tạo cơ sở khoa học cho những nhà hoạch định chính sách và quản lý nghề cá, giúp phát triển bền vững nghề cá ở từng cấp độ là tham khảo cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với các nhà Nhân học biển Việt Nam khi nghiên cứu về nghề cá và ngư dân. Tuy nhiên, những nghiên cứu nói trên ở tầm quốc gia, quốc tế chưa thể phản ánh hết đặc trưng trong lối sống của từng cộng đồng ngư dân, việc tiếp tục phản ánh về phương thức mưu sinh, văn hóa, tín ngưỡngcủa các nhóm ngư dân sẽ tiếp tục vẽ thêm bức tranh về ngư dân, giúp xã hội hiểu thêm về lối sống của họ. 1.1.3.2. Nghiên cứu về ngư dân làng chài ở Việt Nam Từ năm 1985 trở về trước, nghiên cứu về ngư dân ở Việt Nam còn lẻ tẻ, được lồng vào nghiên cứu chung, chưa được tách ra độc lập. Nhà Dân tộc học Nguyễn Từ Chi đã bàn đến ứng xử của người nông dân trước môi trường biển [16, tr. 622-665]. Ông nhấn mạnh “Mặc dù không có truyền thống về biển, nhưng do tiếp xúc với biển đã khá lâu nên ở vùng biển người Việt đã hình thành một số tập quán sông nước” [16, tr. 654]. Bên cạnh đó, một số bài đăng trên Tạp chí Dân tộc học của Diệp Trung Bình [10], Nguyễn Dương Bình [11]; [12]; [13], Đoàn Đình Thi [108] phản ánh về tình hình các làng xã làm nghề cá ở ven biển phía Bắc, những vấn đề có liên quan đến đến cư dân ven biển như việc khai thác nguồn lợi từ thời xa xưa, tình hình nghiên cứu về nguồn lợi, mức độ khai thác và bảo quản lâu bền nguồn lợi cá biển Việt Nam. Ngoài ra, trong một số công trình về văn hóa Việt Nam nói chung, Trần Quốc Vượng, Ngô Đức Thịnh đề cập đến yếu tố biển trong văn hóa Việt ở Bắc Bộ với nhận định “Văn hóa Việt Nam xa rừng, nhạt biển” hay “Việt Nam chúng ta xưa kia cũng như ngày nay không có một văn hóa biển điển hình, mà chỉ là những yếu tố văn hóa biển đan xen với văn hóa nông nghiệp tạo nên một sắc diện văn hóa đặc thù của cư dân ven biển” [117, tr. 732]. Từ những năm 90 trở đi, nghiên cứu về văn hóa biển, về cộng đồng ngư dân được đẩy mạnh, nhiều tác phẩm về biển được xuất bản. Trước hết là các công trình nghiên cứu chung, như Biển trong văn hóa người Việt của Nguyễn Thị Hải Lê [70]; Biển với người Việt cổ của Trần Quốc Vượng - Cao Xuân Phổ [132] nêu vị trí của biển trong đời sống kinh tế- xã hội và văn hóa của người Việt từ trước đến nay. Cuốn Phát triển kinh tế - xã hội và môi trường các tỉnh ven biển Việt Nam (2003) do Đỗ Hoài Nam chủ biên đã phác họa thực trạng kinh tế, tác động của yếu tố kinh tế đến các vấn đề y tế, giáo dục, văn hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường và những biển đổi khí hậu của các tỉnh ven biển trong thời kỳ đổi mới [76]. Với những đánh giá chung về kinh tế - xã hội của các tỉnh ven biển, tác giả chưa bàn đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến lối sống của cư dân ven biển. Nguyễn Duy Thiệu là người có những nghiên cứu về ngư dân. Ngoài các bài viết đăng tải trên các tạp chí về vấn đề này, ông có cuốn Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam [109], giới thiệu các cộng đồng ngư dân với việc khai thác nguồn lợi hải sản gắn với lịch con nước, các loại công cụ đánh bắt; đời sống văn hóa tinh thần qua các hình thái thờ cá ông, thờ thành hoàng, thờ mẫu Thoải. Đây có thể coi là bức tranh chung nhất được phác họa về cuộc sống của ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, cuốn sách chưa tìm hiểu về những biến đổi trong hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa của ngư dân Việt Nam. Thứ hai là các công trình nghiên cứu về các làng quê, các vùng biển, chủ yếu dưới góc độ văn hóa dân gian, tiêu biểu là các công trình, cuốn sách dưới đây. Đề tài Điều tra khảo sát những vấn đề khảo cổ học và thực trạng kinh tế - xã hội, phong tục tập quán phục vụ di dân tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, do Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về phát triển thực hiện (1996) có phần khảo sát về các làng xã vùng biển Dung Quất của Bùi Xuân Đính, đưa ra các thông tin khá cụ thể về các hình thức đánh bắt thủy sản gắn với các quan hệ “đậu thuyền chung lưới”, thuê mướn lao động, cùng các hình thức tín ngưỡng, kiêng kỵ của ngư dân các làng trong vịnh Dung Quất [29]. Văn hóa dân gian làng ven biển do Ngô Đức Thịnh (chủ biên 2000), đề cập đến khía cạnh lịch sử và văn hóa dân gian của các làng ven biển tiêu biểu (Trà Cổ, Quan Lạn, Đồ Sơn, Kẻ Mom, Phương Cần, Cửa Sót, Nhượng Bạn, Cảnh Dương và Thuận An) [115]. Nghiên cứu của tác giả giúp nhìn nhận một cảnh tổng thể bức tranh dân gian của các làng ven biển nhưng tác giả chưa đề cập đến sự biến đổi của các yếu tố văn hóa dân gian dưới những thay đổi điều kiện sống của cư dân ven biển. Nhà Nghiên cứu Dân tộc học Đoàn Đình Thi trong cuốn Tiền Hải miền quê lấn biển rút ra từ luận án phó tiến sĩ của ông thông qua các tư liệu về quá trình khai hoang vùng ven biển đầu thế kỷ XIX để lập thành các làng xã thuộc huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình ngày nay, chỉ ra được cung cách ứng xử của người Việt với biển là “đẩy đồng bằng ra biển”, lập các làng xã theo “nguyên bản” trong nội đồng, từ cấu trúc làng xóm về mặt vật chất, đến các thiết chế tổ chức, các quan hệ xã hội, các thiết chế văn hóa Qua nghiên cứu, Đoàn Đình Thi cung cấp một trong những cơ sở nhìn nhận về nguồn gốc cư dân ven biển, điểm giống và khác giữa làng ven biển và làng trong nội đồng. Nhưng tác giả chưa bàn sâu đến những khó khăn và thách thức của cư dân làng ven biển trước những biến đổi của điều kiện tự nhiên và xã hội. Cuốn Địa chí Quảng Ninh tập 2 có phần viết mô tả khá chi tiết về cuộc sống của hai làng chài Giang Võng và Trúc Võng trong vịnh Hạ Long, từ các hình thức đánh bắt, đến chiếc thuyền - phương tiện để kiếm sống của dân vạn chài, cũng là mái nhà của một gia đình; phân công lao động trong một gia đình, các mối quan hệ gia đình, dòng họ, cơ cấu tổ chức làng xã truyền thống [96, tr. 56 - 72]. Song tác giả chưa so sánh sự giống và khác nhau về đời sống của cư dân hai làng khi cùng có cảnh quan và môi trường cư trú giống nhau. Nguyễn Đăng Vũ (2003) với luận án tiến sĩ lịch sử “Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi” phản ánh khá toàn diện bức tranh văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân nơi đây: từ tín ngưỡng, lễ hội cho đến nghệ thuật diễn xướng dân gian, nghệ thuật tạo hình dân gian, ngữ văn dân gian [131]. Với trọng tâm nghiên cứu về văn hóa dân gian làng biển ở Quảng Ngãi nên tác giả chưa nghiên cứu sâu về phương thức mưu sinh của ngư dân và ảnh hưởng của nó đến văn hóa dân gian của bộ phận cư dân này. Trần Hồng Liên (2004) trong cuốn Cộng đồng ngư dân Việt ở Nam Bộ phản ánh những nét truyền thống đậm đặc của ngư dân Nam Bộ trên các mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội qua hai cộng đồng ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, nêu ý kiến về kế thừa và phát huy trong giai đoạn hiện nay; những biện pháp giúp ngư dân có thể vươn lên nắm lấy những tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm chủ đời sống đánh bắt. Tác giả mới chỉ đề cập đến cuộc sống của ngư dân sống chủ yếu dựa vào nguồn lợi từ biển; chưa đề cập đến một bộ phận làm nghề chài lưới trên sông, ven sông [69]. Cuốn Vai trò của nam chủ hộ ngư dân ven biển trong bước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay (1999) của Nguyễn Đình Tấn và Lê Tiêu La phân tích đặc điểm nghề nghiệp quy định vị thế của người nam giới trong đời sống gia đình ngư dân, tâm lý và khát vọng có con trai của ngư dân [88]. Tác giả đã đóng góp một phần quan trọng vào việc nghiên cứu về vai trò của giới trong sự phát triển kinh tế gia đình ngư dân nói riêng và kinh tế đất nước nói chung. Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ lối sống ngư dân đến môi trường tự nhiên, đặc biệt là môi trường kinh tế - xã hội lại chưa được đề cập đến trong nghiên cứu. Dưới góc độ xã hội, luận án tiến sĩ sử h...chuyển văn hóa qua không gian do sự phát triển của ngành khoa học lịch sử, khảo cổ, địa lý, dân tộc học cung cấp, một số nhà nghiên cứu đã thấy rằng: hoàn cảnh và điều kiện tự nhiên là một trong những nguyên nhân tạo nên sự khác biệt giữa các nền văn hóa [85, tr. 19]. Khi nghiên cứu về biến đổi văn hóa, Dennis O,Neil đã chỉ ra ba yếu tố là nguồn gốc của sự thay đổi về văn hóa là: áp lực về công việc; sự liên hệ giữa các xã hội; sự thay đổi của môi trường tự nhiên [85, tr. 28]. Các thay đổi này tùy thuộc bối cảnh hoặc điều kiện lịch sử nên khi tiếp cận phải tập trung nghiên cứu mối quan hệ của con người và môi trường tự nhiên trong một không gian và thời gian cụ thể, mà qua đó, con người từng bước chi phối môi trường, và sau đó là cải biến cảnh quan sinh thái. Hướng tiếp cận này gọi là Sinh thái học lịch sử. Các nhà sinh thái học lịch sử thu thập tư liệu hướng đến 4 nguồn tư liệu chính là dữ liệu sẵn có về môi trường và văn hóa; những tác động của môi trường đối với các hoạt động sinh kế của con người; sự thích ứng của con người; chính sách, phương tiện mà các thích nghi được tiến hành. Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra sự biến đổi về văn hóa còn liên quan đến chính trị - xã hội. Nói một cách khác, các yếu tố xã hội và chính trị có ảnh hưởng lớn đến môi trường sống. Đây là cơ sở cho việc xuất hiện thuyết Sinh thái học chính trị, tức xem xét các yếu tố chính trị, chính sách, sự thay đổi về xã hội có tác động như thế nào đối với môi trường sống, với văn hóa tộc người [104]. Luận án vận dụng các lý thuyết trên đây để xem xét tác động của các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với những thay đổi về lối sống của hai cộng đồng ngư dân ở các thời điểm khác nhau. 1.2.3. Phương pháp nghiên cứu 1.2.3.1. Phương pháp điền dã Dân tộc học/ Nhân học Tại mỗi địa bàn nghiên cứu, sau khi làm các thủ tục hành chính với chính quyền địa phương, trình bày mục đích, nội dung và kế hoạch nghiên cứu, chúng tôi xác định và tiếp xúc với các thông tín viên là những người cao niên, cán bộ tại cơ sở, những người đang làm nghề truyền thống, những người làm nghề đánh cá ngoài biển, người dânđể thu thập thông tin. Sau khi có được danh sách các cộng tác viên nhờ cán bộ thôn hoặc đại diện cộng động đồng ngư dân, chúng tôi tiến hành các công việc cụ thể của hoạt động điền dã. - Quan sát, chụp ảnh, ghi chép các hiện tượng “tai nghe, mắt thấy” của các cộng đồng ngư dân. - Tham dự một số công việc lao động sản xuất (kéo lưới), sinh hoạt trong gia đình (chế biến món ăn), các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội của ngư dân, để kết hợp quan sát, ghi chép mô tả lại các hoạt động này. - Phỏng vấn và điều tra hồi cố ngư dân về công việc và những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của họ trong quá khứ và hiện tại. Trong phỏng vấn, kết hợp quan sát tham dự, chúng tôi cố gắng tạo thái độ thân mật để ngư dân kể lại một cách tự nhiên câu chuyện về những vấn đề liên quan đến việc mưu sinh, cuộc sống của họ trước đây và hiện nay. Với những câu hỏi sắp đặt sẵn từ trước được sử dụng khi làm việc với các thông tín viên, người đại diện hoặc cán bộ ở cơ sở, người dân, giúp chúng tôi thu thông tin nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian. Ngoài phỏng vấn và điều tra hồi cố, chúng tôi còn có những buổi thảo luận nhóm với số lượng người từ 4 đến 6 người, tùy theo các vấn đề liên quan đến quá khứ và hiện tại, tôi thường chọn độ tuổi thuộc các thế hệ khác nhau. Các vấn đề thảo luận được tôi chuẩn bị từ trước, buổi thảo luận thường được bắt đầu bằng những câu chuyện thân mật để các thành viên không cảm thấy bị gò bó. Trong thảo luận tôi gợi ra những vấn đề chưa rõ, như ở Nam Hải trong quá khứ ngư dân sống dưới vạn, điều kiện sống khó khăn nhưng lại có nhiều ngư dân biết chữ và có khả năng tư duy tốt. Điều đó giúp tôi hiểu kỹ hơn về việc học chữ của ngư dân gắn với khát vọng lên bờ của họ Nhờ có việc thảo luận giúp tôi thu được những thông tin xác thực, phản ánh đầy đủ, chính xác các chỉ báo trong lối sống của ngư dân. Những thông tin tại địa bàn nghiên cứu được ghi chép bằng tay và kết hợp với ghi âm (trong một số trường hợp cho phép) vào một cuốn sổ. Sau mỗi ngày điền dã, tôi nạp thông tin vào máy tính và suy nghĩ về vấn đề chưa rõ để tiếp tục hỏi vào lần sau. 1.2.3.2 Ghi hình, ghi âm Chúng tôi sử dụng máy ảnh, máy quay ghi lại các hoạt động của ngư dân. Với những hình ảnh thu được là những minh họa cho phản ánh của chúng tôi về hoạt động lao động, sinh hoạt cộng đồng, lễ hội,của ngư dân. Bên cạnh đó, có một số loại ngư cụ trong nghề truyền thống chưa thể ghi chép, mô tả ngay trên thực địa được chúng tôi chụp lại hình để phân tích và tiếp tục phỏng vấn ngư dân ở những lần sau. Những lần phỏng vấn thông tín viên và nói chuyện với người dân, bên cạnh việc ghi chép, trong điều kiện cho phép, chúng tôi sử dụng máy ghi âm nhằm đảm bảo thông tin không bị phản ánh sai lệch giúp loại bỏ những hạn chế trong khi ghi chép. Sau mỗi ngày phỏng vấn, chúng tôi mở lại băng ghi âm để bổ sung vào sổ những điểm còn chưa rõ. 1.2.3.3. Phương pháp nghiên cứu so sánh và thống kê Trên cơ sở các tư liệu thu thập được, chúng tôi lập bảng thống kê để phân tích và làm rõ công việc của ngư dân ở từng thời điểm; so sánh sản phẩm của họ vào các mùa trước đây và hiện nay giống và khác nhau như thế nào, có ảnh hưởng gì đến những biến đổi trong lối sống của ngư dân. Luận án còn sử dụng phương pháp so sánh đồng đại và lịch đại để thấy được những điểm giống và khác nhau về lối sống truyền thống và hiện đại của mỗi cộng đồng ngư dân cũng như giữa hai cộng đồng với nhau. Các yếu tố được so sánh là các hoạt động mưu sinh, tổ chức xã hội, các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, ảnh hưởng từ các chính sách của nhà nước của hai cộng đồng ngư dân, đây cũng là cơ sở nhằm đề xuất những chính sách với từng cộng đồng ngư dân. 1.2.3.4. Tham khảo ý kiến chuyên gia Là một nghiên cứu sinh gốc chuyên ngành Tâm lý - Giáo dục học, đang theo học chương trình học nghiên cứu sinh ở tại cơ sở đào tạo của Viện Nghiên cứu con người thì được chuyển sang học tiếp ở khoa Dân tộc học thuộc Học viện KHXH. Do vậy, tôi gặp khó khăn trong cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu. Để tháo gỡ các khó khăn, bỡ ngỡ này, tôi tranh thủ ý kiến của một số nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhân học, Dân tộc học nói chung và về Nhân học biển nói riêng. Các nhà khoa học - những người thầy đã chỉ bảo cho tôi hướng tiếp cận vấn đề, các kinh nghiệm điền dã về Nhân học biển, tiếp xúc và phỏng vấn ngư dân, những vấn đề cần lưu ý trong thu thập tư liệu cho các nội dung cần được nghiên cứu, đặc biệt là những kiêng kỵ của ngư dân liên quan đến con thuyền, đến các hình thức đánh bắt của họ; để tôi là một phụ nữ vốn là “đối tượng” của nhiều hình thức kiêng kỵ của ngư dân giúp tôi tránh được những “sự cố”, tiếp xúc với ngư dân một cách thuận lợi, tạo được niềm tin với họ để khai thác tư liệu. 1.2.3.5. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi được chúng tôi sử dụng là phương pháp hỗ trợ cho phỏng vấn sâu. Chúng tôi sử dụng bảng hỏi thu thập ý kiến của 150 ngư dân Nam Hải về những nội dung như mức sống, chất lượng sống, thay đổi quan niệm về giá trị sống... qua các dạng thức của lối sống (phương thức mưu sinh và đời sống vật chất; đời sống tinh thần; đời sống xã hội); giúp có cách nhìn khái quát về một số nội dung nghiên cứu. Chúng tôi xử lý bảng hỏi bằng cách tính tỉ lệ phần trăm các ý kiến trả lời. Trên cơ sở đó, chúng tôi lượng giá và định hướng cụ thể hơn nội dung phỏng vấn sâu đối với ngư dân nhằm thu được tư liệu một cách chính xác, đầy đủ nhất. 1.3. Khái quát về địa bàn nghiên cứu 1.3.1. Làng chài Nam Hải (huyện Kiến Thụy) 1.3.1.1. Đặc điểm địa lý - tự nhiên Làng chài Nam Hải là một trong 10 thôn của xã Đoàn Xá. Xã Đoàn Xá về phía Đông giáp với xã Đại Hợp, phía Nam giáp với cửa sông Văn Úc, phía Bắc giáp với xã Tân Phong, Tú Sơn, Ngũ Đoan, phía Tây giáp với xã Tân Trào. Các xã này đều thuộc huyện Kiến Thụy. Làng trước kia sống thủy cư ở cửa sông Văn Úc. Năm 1955 được chuyển lên bờ, kéo dài khoảng 2km, nằm dọc theo triền đê biển II thuộc cửa sông Văn Úc. Đây là một sông lớn của Hải Phòng, hướng chủ yếu là Tây Bắc - Đông Nam, chảy qua địa phận xã Đoàn Xá với chiều dài 2.550m, đổ ra biển Nam Đồ Sơn. Do vậy, làng có điều kiện tự nhiên của vùng cửa sông giáp với biển. Theo đo đạc của trạm khí tượng thủy văn Hòn Dấu: nhiệt độ cao nhất 320C, thấp nhất 150C, độ ẩm không khí trung bình năm 83%. Lượng mưa trung bình năm khoảng 125mm. Tốc độ gió trung bình 4,5m/s. Độ cao của sóng vào tháng 1: cao nhất 0,74m, thấp nhất 0,59m. Độ cao của sóng cao nhất vào tháng 7 là 1,1m, thấp nhất 0,53m [116, tr.11 - 13]. Thủy triều cửa sông Văn Úc lên xuống một ngày một lần. Mỗi tháng có hai con nước, riêng tháng Hai và tháng Tám có ba con nước. Các con nước đều rơi vào ngày lẻ. Con nước mỗi năm chia thành hai kỳ, một kỳ từ tháng Giêng đến tháng Sáu; kỳ sau từ tháng Bảy đến tháng Chạp. Con nước trong các tháng lần lượt của mỗi kỳ tương ứng nhau. Cụ thể như sau: - Tháng Giêng và tháng Bảy, con nước vào các ngày mồng 5 và 19; - Tháng Hai và tháng Tám, con nước vào các ngày mồng 3 và 17, 29; - Tháng Ba và tháng Chín, con nước vào các ngày 13 và 27; - Tháng Tư và tháng Mười, con nước vào các ngày 11 và 25; - Tháng Năm và tháng Một, con nước vào các ngày mồng 9 và 23; - Tháng Sáu và tháng Chạp, con nước vào các ngày mồng 7 và 21. Với con nước như trên, theo thủy triều, cá từ ngoài biển vào cửa sông đẻ, có mùa cá đi hàng đàn (cá Mòi) hoặc một số loại cá do đặc tính ưa nước ngọt vào cửa sông tìm kiếm thức ăn (cá Sủ); đồng thời cá từ trong sông cũng di chuyển đến khu vực cửa sông (cá Úc) góp phần tạo nên sự phong phú về nguồn lợi ở cửa sông Văn Úc. Trước đây, nắm bắt được đặc điểm này, một bộ phận ngư dân trong sông tìm đến cửa sông Văn Úc đánh bắt cá, dần dần hình thành xóm làng nơi đây. 1.3.1.2. Đặc điểm dân cư Theo các bậc cao niên ở làng Nam Hải hiện nay và cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đoàn Xá, khoảng những năm 1912 - 1913 có hơn 10 gia đình ngư dân thuộc nhóm “thủy cư” ở làng (xã) Thượng Triệt, tổng Thượng Triệt, phủ Nam Sách (làng này nay thuộc xã Thượng Đạt, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) chuyển đến mưu sinh ở ngoài bãi gần bờ sông thuộc thôn Đông Tác, tổng Đại Lộc, phủ Kiến Thụy (nay là xã Đại Hợp huyện Kiến Thụy) [7, tr. 6]. Sau một thời gian, các thuyền của ngư dân chuyển về Đồng Cống, Cổ Trai (thuộc giang - địa phận làng Đoàn Xá), giáp với cửa sông Văn Úc. Những gia đình này không có đất trên bờ làm nhà, phải ở trên thuyền, sống bằng chài lưới và đăng đáy trên sông. Dân chài các nơi về sinh sống ngày một đông, hình thành vạn Đồng Cống. Sau này, vạn Đồng Cống đổi tên thành vạn Thượng Hải; vào khoảng những năm 1940 của thế kỷ XX, lại đổi thành Nam Hải. Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng chép: “Thôn Nam Hải thuộc xã Đoàn Xá huyện Kiến Thụy. Trước năm 1945, là một vạn chài của dân làng Thượng Triệt thuộc phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương đến làm ăn bằng nghề đánh cá sông, biển” [50, tr. 292]. Từ năm 1955, theo chủ trương của Nhà nước, vạn Nam Hải được chuyển lên bờ sinh sống, hình thành làng Nam Hải thuộc xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy ngày nay. Hiện nay, làng có 210 hộ dân, hơn 900 khẩu, có 4 xóm: xóm 1, xóm 2, xóm 3 và xóm 4. Làng có 96% nhà xây và nhà ngói; 80% gia đình có máy thu thanh, thu hình cùng nhiều phương tiện sinh hoạt tiên tiến; 100% gia đình có điện sinh hoạt. Hiện trong làng chỉ còn một số gia đình làm đáy, còn đại đa số làm nghề lộng và 01 gia đình làm nghề khơi (đến năm 2013), một số gia đình chuyển sang làm dịch vụ buôn bán nhỏ và vận chuyển, một số chuyển sang làm nghề khác trên bờ. 1.3.2. Làng chài Ngọc Sơn (quận Kiến An) 1.3.2.1. Đặc điểm địa lý - tự nhiên Làng chài Ngọc Sơn nằm trên một đoạn của bãi bồi sông Lạch Tray chảy qua địa phận phường Ngọc Sơn. Từ con đường chính Hoàng Quốc Việt của quận Kiến An đi xuống làng chài chưa đến 0,5km. Làng nằm gần cây cầu Kiến An (nối quận Kiến An với huyện An Dương), đứng từ trên cầu nhìn về hướng Đông Nam có thể thấy những mái nhà tạm lúp xúp và những con thuyền nhỏ ngay sát mép sông. 1.3.2.2. Đặc điểm dân cư Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, một số gia đình ngư dân gốc từ các huyện Kim Thành và Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) đi chài lưới trên sông Lạch Tray, chọn khu vực bãi bồi của sông này (dân gọi đây là bãi cói) thuộc địa phận phường Ngọc Sơn làm nơi tránh mưa bão, ngư dân gọi là âu bè hay ủng bè. Sau đó, một số gia đình đậu thuyền hẳn ở đây để sinh sống, họ vừa cắm đăng tre tại nơi đậu thuyền, vừa chèo thuyền đi chài lưới ở các khúc sông. Mọi sinh hoạt của họ gần như bị tách rời với cuộc sống của cư dân trên bờ, là những người “vô hữu điền địa”, “tứ không” (không nhà cửa, đẻ không khai sinh, cưới không đăng ký kết hôn và chết không khai tử). Tuy chỗ đậu thuyền không xa bờ nhưng ngư dân không giao tiếp với cư dân trên bờ. Cuộc sống của ngư dân thiếu thốn, thuyền là nhà, không có điện, nước sạch để sinh hoạt, không có nhà vệ sinh, chài lưới được con gì thì mang lên bờ bán đổi lấy tiền mua gạo và các đồ ăn, đồ dùng khác. Từ năm 1998, trẻ em được đưa lên bờ học chữ trong lớp học tình thương đã thay đổi nhận thức của ngư dân về việc cho con đi học và trẻ em trong làng đã biết chữ. Cũng từ đây, ngư dân nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân về vật chất và tinh thần để cải thiện cuộc sống. Hiện nay, ngư dân làng chài Ngọc Sơn phải sống trong những căn nhà tạm ngay mép sông Lạch Tray. Làng có 23 hộ với gần 100 khẩu, trẻ em sinh ra đã có giấy khai sinh, đến tuổi đi học được đưa vào trường học hòa nhập với trẻ em trên bờ. Các gia đình vẫn sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Ngư dân đã có điện, nước sạch để sinh hoạt. Tiểu kết Chương 1 Lối sống là tổng hòa những hoạt động sống điển hình của con người được thể hiện qua những hành vi ứng xử thuộc đời sống vật chất, đời sống tinh thần, đời sống xã hội... trong mối quan hệ thống nhất với môi trường cũng như những điều kiện của một xã hội nhất định. Lối sống được nghiên cứu từ giữa thế kỷ XIX. Ban đầu những nghiên cứu về lối sống được lồng vào nghiên cứu về chính trị hay là những ghi chép về phong tục, tập quánTừ cuối thế kỷ XX, đã có nhiều công trình nghiên cứu về lối sống theo các cách tiếp cận, các quan điểm và phương pháp khác nhau. Các tác giả đã đưa ra những vấn đề lý luận về lối sống cũng như giới thiệu những đặc trưng trong lối sống của từng cộng đồng. Dưới góc độ Nhân học, lối sống được lồng vào các nghiên cứu văn hóa của từng tộc người và thường thể hiện qua những dạng thức như sinh kế, trang phục, thiết chế xã hội, ăn ở, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng Lối sống có mối quan hệ với mức sống, chất lượng sống, điều kiện sống và các hoạt động sống; khi nghiên cứu lối qua các dạng thức cụ thể của nó phải xem xét các khái niệm này như những chỉ báo của lối sống để có thể phản ánh được một cách đầy đủ, trung thực lối sống của một nhóm, cộng đồng hay tộc người nào đó. Nghiên cứu về ngư dân ở thế kỷ XX được các nhà nhân học trên thế giới tập trung vào nghề cá quy mô nhỏ và lớn. Ở Việt Nam, ban đầu chủ yếu là những khảo cứu Dân tộc học, phản ánh về lao động, thiết chế xã hội và các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng... của ngư dân. Gần đây, dưới góc độ Nhân học, một số tác giả hướng vào tìm hiểu đặc trưng văn hóa của các nhóm ngư dân. Những nghiên cứu về lý thuyết cho thấy, lối sống và văn hóa của ngư dân có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Để chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt trong lối sống của các nhóm ngư dân phải nghiên cứu đời sống vật chất, đời sống tinh thần, và đời sống xã hội của họ cũng như những biến đổi trong lối sống trước những thay đổi của điều kiện sống. Luận án vận dụng một số khái niệm như lối sống, biến đổi lối sống, thích nghi...và các lý thuyết về Sinh thái học văn hóa, Không gian xã hội, Biến đổi văn hóa, sử dụng các phương pháp điền đã, mô tả, phân tích, thống kê để nghiên cứu về lối sống của ngư dân hai làng chài, một ở cửa sông cửa biển Văn Úc, một trong sông Lạch Tray thuộc thành phố Hải Phòng nhằm thấy được sự tương đồng và khác biệt giữa hai nhóm ngư dân này. Chương 2 LỐI SỐNG CỦA NGƯ DÂN LÀNG CHÀI NAM HẢI 2.1. Lối sống của ngư dân qua phương thức mưu sinh và đời sống vật chất 2.1.1. Lối sống của ngư dân qua phương thức mưu sinh 2.1.1.1. Phương thức mưu sinh của ngư dân trước năm 1955 * Nhận thức của ngư dân về môi trường sống Bao đời gắn bó với cửa sông, cửa biển và biển khơi, ngư dân Nam Hải đã nhận biết được các hiện tượng mang tính quy luật của tự nhiên, từ đó đúc kết thành kinh nghiệm để có một thế ứng xử đúng nhằm tổ chức cuộc sống và truyền lại cho thế hệ sau. Vốn tri thức này không chỉ mang lại cho họ bát cơm, manh áo, mà còn được xem như là bí quyết để họ vượt qua hiểm nguy, cứu lấy tính mạng trước đe dọa của bão gió trên biển. Dưới đây là một số nhận thức của ngư dân Nam Hải được đúc kết thành tri thức, kinh nghiệm trong quá trình mưu sinh trước và sau khi định cư. - Nhận biết dòng nước thủy triều tại khu vực cửa sông Văn Úc Để khai thác được nguồn lợi, ngư dân phải nắm được dòng nước thủy triều mà cụ thể là lịch con nước. Mỗi vùng miền thường có cách ghi nhớ lịch con nước riêng sao cho dễ nhớ để tránh những ngày nước lớn hay nước kém... đi làm nghề sẽ không gặp trắc trở. Cách tính con nước của ngư dân Nam Hải cũng theo tuần trăng chế độ nhật triều. Những ngày con nước trong các tháng theo lịch âm, được đúc kết bằng những câu văn Hán - Việt: “Ngũ cửu không, tam thất cửu đồng, không tam thất, không nhất ngũ, cửu không tam, thất không nhất”; nghĩa lần lượt là: ngày mùng 5; 19 (tháng Giêng; Bảy); mùng 3; 17; 29 (tháng Hai; Tám); 13; 27 (tháng Ba; Chín); 11; 25 (tháng Tư; Mười); 9; 23 (tháng Năm; Một); 7; 21 (tháng Sáu; Chạp). Cách tính con nước nói trên giúp ngư dân chọn thời điểm để đánh bắt hợp lý, tránh được những ngày chết nước và nước lên to không bắt được tôm, cá. Con nước cũng “thông báo” cho ngư dân nắm bắt đặc điểm của các loài cá xuất hiện ở khu vực cửa sông khi nước thủy triều vào và ra để đặt đáy và cất lưới nhằm thu được nhiều cá. Theo kinh nghiệm của ngư dân, trong một kỳ nước, một lần chảy vào và một lần chảy ra. - Các tháng Giêng, Hai con nước nhỏ và thấp“Giêng, Hai gà đẻ bãi”. - Các tháng Ba, tháng Tư là thời điểm trước khi có lũ tiểu mãn, cá ngoài biển vào nhiều. - Các tháng Năm, Sáu, Bảy mưa nhiều, nước từ các sông nội đồng chảy về, kết hợp với thủy triều lên, không thể đóng đáy được, các gia đình di chuyển qua Đồ Sơn đến Cát Hải, đánh xăm tép ở bãi ngang. - Các tháng Chín, Mười con nước lớn, nước lên khỏe gọi là nước cường rươi. Tháng Một nước kém, không làm nghề, các gia đình ngược thuyền về quê Thượng Triệt (phủ Nam Sách, Hải Dương). - Đến tháng Tám, có gió heo may, cửa sông Văn Úc hết nước lũ, các gia đình lại trở về đây để làm nghề đăng đáy cho đến tháng Năm của năm sau. Tháng Tám đánh trâu bò ra Tháng Ba đánh trâu bò về. - Nhận biết về bão gió và cách ứng phó Khi các phương tiện thông tin khoa học về thời tiết còn hạn chế, việc dự báo các hiện tượng thời tiết để tổ chức các hoạt động của đời sống, nhất là để tránh bão gió của ngư dân hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm dân gian. Qua quan sát các hiện tượng tự nhiên, ngư dân đã đúc kết các dấu hiệu có bão như sau: - Buổi chiều, phía chân trời có ráng vàng là có gió to. - Ngày hôm trước tôm cá đánh được nhiều một cách bất thường, ngày hôm sau có bão ở biển. - Tháng Tám, bất chợt có gió mùa Đông Bắc, đánh bắt tôm cá được nhiều hoặc tuy không có gió Đông Bắc, nhưng cá vào xăm nhiều đến nỗi vất vả mới lôi lên được là sắp có bão lớn. Hay vào mùa hè, bất chợt có gió heo may nổi lên là có bão (“Gió heo may mùa hè không mưa thì bão”). - Trời có gió Tây, lác đác hạt mưa, mây cuộn, nước biển có mùi tanh bốc lên, vài ngày sau là có bão. - Trước khi có bão thường có nắng, gió lặng từ 15 đến 20 phút; hoặc “Mưa dò, gió may” (mưa dò là mưa lác đác vài hạt rồi hảnh nắng, gió may là gió ào từng đợt rồi lại thôi). Ngư dân còn đúc kết kinh nghiệm nhận biết bão qua quan sát cây cỏ trong tự nhiên. Vào ngày mùng 5 tháng Năm, ngư dân thường xem nhánh của cây cỏ gà, cây cỏ này mọc bao nhiêu nhánh thì theo ngư dân là trong năm có bấy nhiêu cơn bão; hoặc năm nào măng tre mọc chúi vào giữa bụi là năm đó có bão to. Những nhận biết này vẫn còn nguyên giá trị với cuộc sống của ngư dân làng Nam Hải hôm nay, vì một số đông các hộ gia đình vẫn sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản không chỉ ven bờ mà còn vươn ra khơi. Mặt khác các diễn biến bất thường của thời tiết vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống chung của dân làng. Để ứng phó với bão, ngư dân có những cách sau: + Buộc thuyền tránh bão, là công việc ngư dân thường làm khi dự báo sắp có bão. Chiếc thuyền là phương tiện sinh nhai cũng là nhà để ở, do vậy là tài sản quan trọng nhất, lớn nhất của ngư dân. Với điều kiện sống dưới sông, khi có bão gió, để giữ cho thuyền không bị trôi, ngư dân đóng cọc trên cồn, dùng một đầu dây buộc thật chặt vào cọc đóng trên cồn, đầu dây còn lại buộc vào cọc đóng trên mũi thuyền. Kinh nghiệm ứng phó với bão còn được ngư dân vận dụng khi lên bờ định cư, giữ cho nhà khỏi bị tốc mái lúc có bão lớn. Đối với những nhà mái lợp bằng lá, ngư dân dùng lưới phủ qua mái nhà rồi đóng cọc buộc chặt lưới với cọc để giữ cho nhà không bị tốc mái; hoặc đóng cát vào từng bao rồi đặt lên trên nóc nhà. Ngày nay, một số gia đình nghèo chưa xây được nhà cao tầng, còn ở nhà cấp bốn vẫn áp dụng biện pháp ứng phó này. + Cản bớt sức gió, tận dụng sức đẩy của dòng nước chảy xuôi khi thuyền đi xuôi dòng Văn Úc Hàng năm, từ tháng Một đến tháng Hai, các gia đình ngư dân có điều kiện, thường nghỉ làm nghề, về thăm quê Thượng Triệt. Khi từ quê trở về Nam Hải, thuyền thường gặp gió Đông từ biển thổi ngược. Để giảm sức của cản gió và tranh thủ sức của dòng nước, ngư dân sử dụng mui thuyền là một tấm nan tre đan nóng đôi, chắc chắn, hình gần giống như chiếc mai rùa, dùng một đầu của sợi dây buộc ngang mui, đầu còn lại buộc vào cọc mũi ở trên thuyền. Thả mui thuyền đã được buộc dây xuống nước phía trước mũi thuyền, lòng mui thuyền quay về phía mũi thuyền. Dòng nước chảy tạo ra lực đẩy vào lòng mui, kéo thuyền đi. Mui thuyền và lực của dòng nước chảy xuôi phía dưới đã cản bớt sức gió, thuyền đi dễ dàng hơn. Ngày nay, dù các thuyền đã được trang bị đầu máy, ngư dân vẫn sử dụng kinh nghiệm này khi đi sông, đi biển. - Nhận biết về các loại cá Đặc điểm của vùng cửa sông, nước thủy triều vào và ra theo con nước giúp ngư dân đánh bắt được cả cá sông (từ trong sông di chuyển ra khu vực cửa sông) và cá biển, nhưng chủ yếu vẫn là cá từ biển vào. Đến mùa sinh sản, cá vào trong sông đẻ, có những loại cá đi hàng đàn lớn nên ngư dân bắt được nhiều [Phụ lục, Bảng 2.2, tr. 190]. * Các hình thức đánh bắt cá Các nghiên cứu Dân tộc học đã chỉ ra nét nổi bật trong ứng xử của người Việt ở Bắc Bộ với biển là cố đẩy đồng bằng ra biển và chỉ khai thác nguồn lợi ở mức độ hạn hẹp bằng công cụ thô sơ. Ngư dân Nam Hải không làm ruộng, nên lựa chọn cách ứng xử thứ hai đó là khai thác nguồn lợi ở khu vực cửa sông Văn Úc bằng nghề đáy và nghề xăm. Nghề đáy, sử dụng hình thức giữ cho cọc đáy đứng được giữa lòng sông kết hợp với chăng lưới để đánh bắt các loại cá. Đáy thường được đặt ở khu vực giáp với cửa sông đổ ra biển. Một bộ đáy gồm các cây cọc và lưới. - Cọc đáy (hay sào đáy) làm bằng cây cọ Mấy, chuyển từ Phú Thọ về, dài khoảng tám sải nước sâu, thân đen, nhẵn. Chỉ có loại cọ này mới chịu được “hà” ăn trong 10 năm. Để mỗi cọc đáy đứng được dưới lòng sông, phải nối cọc đáy với sáu con chằng ăn sâu dưới lòng sông về phía thượng nguồn và khoảng 4 hoặc 5 con chằng về phía hạ nguồn bằng dây nháng. Cách đóng con chằng như vậy là để giữ cọc đáy đứng được khi nước lên và nước xuống. Hai cọc đáy cách nhau khoảng tám sải. Để con chằng đóng chặt dưới đáy sông, ngư dân dùng một cây kháp bằng gỗ táu, một đầu của cây kháp khoét lòng máng, đặt con chằng đã nối chặt với sợi dây nháng và quấn dâu kháp chặt nhưng được khóa bằng một cái cài máy (một đoạn gốc tre già một đầu được gọt vát). Cái cài máy này cũng phải được nối với sợi dây có thể cầm rút cài máy lên từ phía trên thuyền. Quấn dây kháp sao cho khi rút đòn kháp lên được dễ dàng và con chằng ăn sâu dưới lòng đất ở đáy sông (con chằng đã được buộc vào dây kháp dài). Theo kinh nghiệm, sau khi đã buộc con chằng vào dây kháp, hai, ba thanh niên đứng trên thuyền dùng lực ấn cây kháp xuống để cho con chằng ăn sâu xuống lòng đất đến đủ độ sâu, kéo cái máy ra thì cây kháp bứt khỏi con chằng và lấy dây kháp buộc vào cọc đáy. Để liên kết đáy với cọc đáy, giữ đáy tại vị trí muốn bắt cá, dùng một cái khoẳm (hay cái bang), bằng gỗ ổi hoặc gỗ rừng loại chắc chắn, nối với đêu đáy bằng dây gai bắt khoặp vào cái cài máy. Cái đêu này nối với giềng lưới, cái khoẳm còn được nối với một đoạn dây vắt qua đoạn tre nối giữa hai sào đáy để điều chỉnh độ nông sâu của đáy. Với kĩ thuật đóng đáy trên đây, hai cọc đáy luôn được giữ ở tư thế đứng thẳng giữa lòng sông với sóng nước mênh mông. Các công việc đóng cọc đáy, giữ lưới với cọc đáy, cho đến thả lưới và kéo lưới, ngư dân đều đứng ở trên thuyền để làm, không phải lặn xuống đáy sông. Đóng cọc đáy là công việc vất vả vì hoàn toàn bằng sức người, thể hiện sự khéo léo của ngư dân trong việc sử dụng những nguyên, vật liệu sẵn có, chinh phục dòng nước để đánh bắt cá. - Lưới đáy, được đan rộng ở phía trên (giáp cọc đáy và thu hẹp dần về phía dưới), lưới gồm có ba bộ phận: chân rồng hay còn gọi là rồng đáy, véo đáy và thịt đáy. Lưới phía trên mắt thưa, phần ở giữa lưới có mắt mau hơn, phần cuối cùng của lưới đáy được gắn với một cái thời (một giỏ tre cỡ lớn, có hom đạy và có thể chứa được từ 50 đến 70kg cá, hiện nay ngư dân đã bỏ không dùng thời, thay bằng lưới đan mau, mắt nhỏ). Miệng lưới đáy phải đón chiều nước từ biển chảy vào để bắt cá. Lúc vào mùa, mỗi mẻ lưới ngư dân có thể bắt được vài tạ cá. Với nghề đáy, ngư dân phải biết đan lưới và vá lưới, phải thường xuyên vá lại lưới. Trong mỗi gia đình, cha mẹ thường dạy con học cách đan lưới và vá lưới từ lúc lên 9 - 10 tuổi. Những đứa trẻ chưa theo cha mẹ đi làm nghề, hàng ngày được giao cho những phần việc đan lưới thích hợp. Đây cũng là cách cha mẹ tập cho con chuẩn bị vào nghề, cũng là để quản lý con khi bố mẹ đi làm nghề. Ngoài đáy, mỗi gia đình còn phải có thuyền gỗ nhỏ, là phương tiện để đi lại trên sông và chở cá. Một đầu thuyền có mui che đủ rộng cho khoảng 2 đến 3 người nằm, đầu còn lại để làm nghề. Trong nghề đáy, ngư dân đều tuân thủ một quy tắc bất thành văn: người đến đặt đáy sau phải ngang hàng với đáy đã đặt trước đó và cách đáy bên cạnh là 2m. Quy định này phản ánh sự phân chia rất rõ ràng khu vực khai thác nguồn thủy sản, đảm bảo sự công bằng về nguồn lợi cho các gia đình làm đáy. Đây là yếu tố cốt lõi để không xảy ra tranh chấp về nguồn lợi giữa các gia đình. Theo các bậc cao niên, từ xa xưa ở Nam Hải chưa từng xảy ra vụ tranh chấp nào về nơi đặt đáy giữa các gia đình vì những người đặt đáy cạnh nhau thường có quan hệ họ hàng. Ví dụ, khảo sát một điểm đặt đáy vào ngày 20/ 12/ 2012, chúng tôi thấy có ba gia đình: ông Nguyễn Văn Dự đặt đáy cạnh đáy của gia đình người cháu bên vợ (anh Phương Văn Hướng), ông Nguyễn Ngọc Bề (anh con cô con cậu), ông Nguyễn Văn Quang (anh con dì con già) [Phụ lục, ảnh 5.2.1.7]. Qua đây cho thấy, quy tắc về khai thác nguồn lợi nói trên chính là một trong những ...6/12/2012. Hộp 2.7: Phản ánh của ngư dân về quan hệ vợ - chồng “Bà nhà tôi là người nhanh nhẹn, tháo vát, giỏi giang. Mặc dù bà ấy hơn tôi vài tuổi nhưng cuộc sống của chúng tôi vẫn êm ấm. Trước đây, hàng ngày, tôi và các con trai lớn làm đáy, bà nhà tôi lo việc gỡ cá, bán cá, bếp núc và bảo ban con cái. Tiền bán cá do bà nhà tôi giữ cả nhưng sắm sửa đồ nghề hay chi dùng trong gia đình phải do tôi quyết định. Cả đời sống với nhau, dù vất vả để kiếm sống, nuôi dạy các con nhưng chúng tôi chưa bao giờ đánh mắng nhau. Tôi rất phục bà nhà tôi...” Nguồn: Tác giả phỏng vấn cụ Nguyễn Văn Ánh, ngày 10/ 12/ 2013. Hộp 2.8: Phản ánh của ngư dân về vai trò của người phụ nữ “Từ khi vào làm ăn trong hợp tác xã, chúng tôi đảm nhận những công việc không kém gì so với nam giới. Có một thời kỳ chúng tôi làm cả những việc như lặn, chèo thuyền, giăng lưới bắt cá. Chúng tôi có cả một tổ phụ nữ đảm đang nhận một thuyền to để ra khơi, sản phẩm của chúng tôi không thua kém các thuyền khác. Từ chỗ trước đây làm theo chồng con đến chỗ chúng tôi tự làm đã thay đổi hẳn vai trò của chúng tôi trong gia đình. Chúng tôi được quyết định nhiều việc trong gia đình...” Nguồn: Tác giả phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thuận, ngày 10/ 12/ 2013. Hộp 2.9: Sự phân tầng xã hội và quan hệ cộng đồng qua ý kiến người dân “Trước đây, chúng tôi sống dân dã và hòa đồng hơn bây giờ rất nhiều. Cùng cảnh đi chài lưới như nhau nên chúng tôi thường chia sẻ và giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống, nếu thiếu thứ gì có thể sang nhà hàng xóm vay mượn rất đơn giản. Bây giờ mọi người đối xử với nhau không như trước nữa, sự gắn kết của những thành viên trong làng không bền chặt như trước đây. Mọi nhà đều kín cổng cao tường nên việc hàng xóm thường xuyên sang chơi cũng hạn chế. Giữa nhà giàu và nhà nghèo trong làng có phong cách khác nhau nên dường như mọi người cũng giữ ý với nhau hơn”. Nguồn: Tác giả phỏng vấn ông Nguyễn Văn Cây, ngày 12/ 6/ 2012. Hộp 2.10: Phản ánh của ngư dân về xu hướng lấy chồng nước ngoài “Hiện nay, nhiều cháu gái trong thôn đang học THPT chỉ học cầm chừng, không muốn học để thi vào trường đại học hay cao đẳng mà chỉ muốn học xong để tìm kiếm cơ hội kết hôn với người nước ngoài. Như con gái tôi mặc dù ban đầu gia đình không ủng hộ việc kết hôn với một người Hàn quốc nhưng nó vẫn quyết định và kết hôn ra nước ngoài sinh sống. Cuộc sống của nó ổn định và được người chồng đối xử tử tế nên gia đình cũng thấy yên tâm. Nó cũng đã gửi tiền về cho bố mẹ nên vợ chồng tôi cũng vững vàng về kinh tế không phải suy nghĩ lúc tuổi già.” Nguồn: Tác giả phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tự , ngày 12/ 6/ 2012. Phụ lục 4: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN CHƯƠNG 3 4.1. Những thuật ngữ liên quan đến ngư dân làng chài Ngọc Sơn Trùm cả, người đứng đầu một họ đạo, là người chịu trách nhiệm chính trong ban hành giáo họ, tiếp nhận những công việc từ cha đạo để phổ biến và triển khai thực hiện trong họ đạo. Trùm hai, là người hỗ trợ cho trùm cả những công việc trong họ đạo, thay mặt trùm cả làm việc với cha và các họ đạo khác khi trùm cả đi vắng. Bà trương, là người phụ trách công việc dạy giáo lý cho trẻ em trong họ đạo và phụ giúp cho trùm cả và trùm hai những công việc của Ban hành giáo họ. Xức tro, cha đạo làm dấu lên trán của con chiên, bôi lên trán con chiên một loại nước được hòa với tro đốt ra từ giấy. Chịu tro, trong lễ tro, con chiên đứng hành lễ để cha đạo xức tro lên trán Thánh Phêrô, là một trong mười hai tông đồ của chúa Giêsu. Trước khi theo chúa Giêsu, ông làm nghề đánh cá ở hồ Camphanaum bên cạnh hồ Galilê. Ông trở thành môn đệ của chúa Giêsu sau khi chúa cho ông đánh được một mẻ lưới đầy cá. Trong mười hai tông đồ của chúa Giêsu ông được xếp hàng đầu. Có lẽ tên của thánh Phêrô được đặt làm họ cho ngư dân theo đạo Thiên chúa cũng bởi thánh Phêrô xuất phát làm nghề đánh cá. Theo quy định của Giáo hội công giáo, ngày mừng kính lễ Thánh Phêrô vào ngày 26 tháng 9 cùng với thánh Phaolô. Chính vì thế vào ngày này họ đạo của ngư dân Ngọc Sơn tổ chức kính lễ và mời các họ đạo khác trong xứ đến lễ tại làng chài và tổ chức ăn uống. Thuyền nguyện, đó là một chiếc thuyền to đặt tại làng, có thể chứa được vài chục người. Thuyền được cải tạo khoang mũi và khoang lái thông với khoang giữa và bài trí giống như một nhà thờ thu nhỏ: có ban thờ chúa, nơi cha đạo làm lễ, trên hai bên vách thuyền treo ảnh các tông đồ của chúa. Thuyền là nơi để ngư dân hành lễ vào các buổi chiều thứ hai, thứ sáu hàng tuần cũng như mọi cư dân trong làng đến lễ khi cần thiết. Trẻ nòng cốt, những trẻ em có kỹ năng hoạt động tập thể tham gia vào dự án “Sự khởi đầu mới” cho trẻ em trên địa bàn phường Ngọc Sơn. 4.2. Kế hoạch sinh hoạt câu lạc bộ thuộc dự án “Sự khởi đầu mới cho trẻ em” Để câu lạc bộ “Ước Mơ” hoạt động có hiệu quả nhằm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho trẻ em (trong đó có trẻ em làng chài), dự án đã có khung kế hoạch cho hoạt động của từng tháng, mẫu của kế hoạch cụ thể như sau: TỔ CHỨC TẦM NHÌN THẾ GIỚI VIỆT NAM Dự án “Sự khởi đầu mới cho trẻ em” KẾ HOẠCH SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ THÁNG/20 Tên câu lạc bộ: Trường: Phường/xã: Chủ đề sinh hoạt: 1. Mục đích: 2. Số lượng tham gia: + Trẻ em: + Người lớn: 3. Thời gian:Địa điểm: 4. Nội dung TT Nội dung Phương pháp thực hiện Phương tiện Người thực hiện Yêu cầu đạt được Ghi chú 1 2 3 4 5. Dự trù kinh phí: TT Khoản chi Số lượng Đơn giá Thành tiền Chứng từ 1 2 3 4 Bằng chữ: Hải Phòng, ngàythángnăm 2012 TNTG phê duyệt Ban QLDA Người lập kế hoạch Nguồn: Nhân viên Dự án của Tầm nhìn thế giới cung cấp ngày28/ 6/ 2011. Hàng tháng, trẻ em trong câu lạc bộ sinh hoạt theo mẫu kế hoạch nói trên. Các thành viên trong câu lạc bộ tự giác xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức, thực hiện với hỗ trợ của nhân viên dự án. Theo đó, hoạt động của câu lạc bộ với các chủ đề về kỹ năng sống, quyền trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích, đã giúp cho trẻ em trong câu lạc bộ, đặc biệt là trẻ của làng chài có hình thành được những kiến thức và kỹ năng sống cần thiết, hòa nhập với cuộc sống hiện tại và tương lai. 4.3. Truyền thông nhóm nhỏ cho ngư dân Truyền thông nhóm nhỏ là hình thức cán bộ dự án của Tầm nhìn thế giới tiến hành nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cho ngư dân về quyền trẻ em, DS – KHHGĐ, môi trường Dưới đây là một ví dụ về giám sát truyền thông nhóm nhỏ về quyền trẻ em cho ngư dân. PHIẾU GIÁM SÁT TRUYỀN THÔNG NHÓM NHỎ BUỔI Tổ dân phố/thôn:..Ngày: Phường/xã:...Giám sát viên: Người truyền thông: Số lượng người nghe truyền thông:..Nam:..Nữ: STT Kỹ năng/Kiến thức Tổ dân phố/Thôn Ghi chú Tốt Chưa tốt Không làm I Trước khi truyền thông 1 Tài liệu và dụng cụ truyền thông 2 Địa điểm truyền thông thích hợp 3 Số lượng người tham gia truyền thông 4 Sắp xếp chỗ ngồi hợp lý II Trong khi truyền thông 5 Giới thiệu mục tiêu truyền thông 6 Có phần làm quen không 7 Có giới thiệu được năm ra đời của công ước quốc tế 8 Có giới thiệu được khái niêm trẻ em 9 Có giới thiệu được tên của 4 nhóm quyền 10 Có giới thiệu được nội dung cơ bản của 4 nhóm quyền 11 Có giới thiệu được 3 mức độ tham gia của trẻ không 12 Có tổng kết nội dung của buổi truyền thông không III Phương pháp/thái độ 13 Có tạo điều kiện cho người dân đưa ra ý kiến trong khi TT 14 Gần gũi với người dân khi truyền thông 15 Kể tên các phương pháp đã sử dụng trong buổi truyền thông: Rút kinh nghiệm sau truyền thông: 1. Nội dung: 2. Kĩ năng của người truyền thông: . 3. Phương pháp truyền thông (phương pháp sử dụng có hợp với nội dung không? Người truyền thông sử dụng phương pháp có tốt không?) Nguồn: Nhân viên Dự án của Tầm nhìn thế giới cung cấp ngày 28/ 6/ 2011. 4.4. Nội dung phản ánh trong các hộp Tiếng nói của ngư dân làng chài Ngọc Sơn về những khía cạnh của cuộc sống mưu sinh; đời sống tinh thần; việc học chữ của trẻ em;... được chúng tôi phản ánh trong các hộp dưới dây. Hộp 3.1: Phản ánh của ngư dân về phương tiện mưu sinh “...Những ngày thời tiết thuận lợi, chèo thuyền đi kéo lưới còn đỡ, những hôm trời mưa gió tôi vẫn phải đi kiếm tôm, cá gặp chỗ nước chảy xiết vừa chèo thuyền vừa lo sợ. Những lúc đó tôi chỉ còn biết gắng sức chèo, kể ra thì thật nguy hiểm bởi vì giữa dòng nước mênh mông như thế ngoài con thuyền chúng tôi không có gì để chống chọi cả. Có nhiều hôm nước lên to tôi phải mất mấy tiếng mới chèo thuyền về đến nhà được, thôi thì đành mặc kệ cho số phận...” Nguồn: Tác giả phỏng vấn ngày 20/ 6/ 2013. Hộp 3.2: Phản ánh của ngư dân về việc tham gia giao thông bằng xe máy “Những lúc lên bờ có việc phải đi bằng xe máy tôi rất sợ khi gặp cảnh sát giao thông. Tôi không có bằng lái xe, chị bảo chúng tôi có biết chữ đâu mà dám đi thi để có bằng. Nếu đi trên đường thấy hiện tượng cảnh sát giao thông đang kiểm tra gắt gao ở đoạn đường phía trước, tôi phải tìm đường đi khác, nếu chỉ có một đường đó duy nhất để đi tôi đành dừng lại, tìm chỗ ngồi chờ họ đi làm nhiệm vụ ở chỗ khác tôi mới dám đi tiếp.” Nguồn: Tác giả phỏng vấn anh Th, ngày 20/ 6/ 2013. Hộp 3.3: Phản ánh của ngư dân về việc học tập của con em “Thấy con em mình được lên bờ đi học gia đình tôi có chút hy vọng sau này cháu tìm được việc làm trên bờ không phải lặn lội dưới sông như bố mẹ. Chúng tôi cố gắng kiếm tôm, cá bán lấy tiền cho cháu ăn học. Gia đình tôi động viên cháu cố gắng theo học, trước đây chúng tôi nghèo túng quá không qan tâm đến chuyện học hành của con nên các cháu thiệt thòi nhiều. Bây giờ chúng tôi chỉ mong sao con cháu không phải khổ như chúng tôi. Chúng tôi mong các anh chị sinh viên thường xuyên đến kèm cặp thêm cho các cháu, giúp các cháu học tập tiến bộ.” Nguồn: Tác giả phỏng vấn ngày 21/ 6/ 2013. Hộp 3.4: Phản ánh của ngư dân về giấy khai sinh cho trẻ em “Thế hệ của tôi và các con chúng tôi không có giấy khai sinh và chứng minh nhân dân. Do thiếu các giấy tờ này nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, như khi có hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp cho hộ nghèo trong phường Ngọc Sơn nhưng chúng tôi không có đủ giấy tờ cần thiết để làm thủ tục vay. Hay như con trai tôi chẳng bao giờ có tấm bằng lái xe vì khôngcó giấy chứng minh nhân dân... Nhờ có sự giúp đỡ của dự án và phường Ngọc Sơn mà các cháu của tôi và những đứa trẻ khác mới được làm giấy khai sinh, giúp cho các cháu có được những quyền lợi khác.” Nguồn: Tác giả phỏng vấn ngày 12/ 11/ 2013. Hộp 3.5: Phản ánh của trẻ em làng chài về sân chơi được hình thành “Trước đây, chúng cháu không có chỗ nào để chơi vì bãi sông nhiều bùn đất, con đê trước mặt lại chật chội. Khi có các anh chị sinh viên đến tổ chức các hoạt động vui chơi trên thuyền chúng cháu cũng không thấy thoải mái. Từ khi sân chơi làm xong, chúng cháu được nô đùa vui vẻ. Có chỗ để hoạt động chúng cháu rất thích. Nhờ có sân rộng rãi nên các anh chị và cô bác đã tổ chức cho chúng cháu nhiều hoạt động bổ ích như “Rung chuông vàng”, “kỹ năng sống”, đón tết Trung thu...” Nguồn: Tác giả phỏng vấn ngày 12/ 11/ 2013. Hộp 3.6: Phản ánh của em Nguyễn Văn Tuyến về tác động của sân chơi đến trẻ em làng chài “Lúc đầu khi mới có sân chơi này cháu cũng chỉ nghĩ có một chỗ để nô đùa, chạy nhảy nhưng từ khi sân được làm xong chúng cháu được tham gia rất nhiều hoạt động bổ ích. Bản thân cháu được vui đùa cùng các bạn khác và còn được gặp anh chị sinh viên, các cô các chú từ nhiều nơi đến đây tổ chức hoạt động như ngày quốc tế thiếu nhi 1/ 6, tết Trung thu,... làm cho chúng cháu thấy vui và tự tin rất nhiều. Chúng cháu không còn cảm thấy ngại ngùng khi gặp người lạ nữa. Cháu còn có thêm nhiều hiểu biết về quyền trẻ em, kỹ năng giao tiếp...” Nguồn: Tác giả phỏng vấn ngày 12/ 11/ 2013. Hộp 3.7: Phản ánh của ngư dân về bánh chưng và Tết “Ngày Tết đối với chúng tôi rất đơn giản, các gia đình đều nghỉ làm nghề trong 3 ngày từ chiều 30 đến hết mùng 3 tết. Điều kiện khó khăn nên nhà nào cũng vậy chỉ dám mua loại thịt ít tiền về ăn chứ làm gì gói được bánh chưng ăn tết. Năm nay chúng tôi mới được ăn chiếc bánh chưng do tự tay mình gói, bao nhiêu năm sống dưới sông đây là lần đầu tiên trong đời tôi mới biết gói bánh chưng như thế nào.” Nguồn: Tác giả phỏng vấn ngày 28/ 3/ 2013. Hộp 3.8: Phản ánh của trẻ em làng chài về bánh chưng và Tết “Chúng cháu chưa bao giờ được xem người lớn gói bánh chưng. Năm nay là lần đầu tiên cháu thấy người lớn gói bánh. Cháu rất thích mọi nhà đều được gói bánh chưng ăn tết. Cháu chỉ mong tết năm nào cũng được xem gói bánh và được mang bánh về nhà để cả nhầ cùng ăn...” Nguồn: Tác giả phỏng vấn ngày28/ 3/ 2013. Hộp 3.9: Phản ánh của ngư dân về sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trên bờ “Cuộc sống của chúng tôi thay đổi nhiều từ khi có các cô, bác, các cháu sinh viên đến giúp đỡ. Trước đây, chúng tôi thất học không biết các thông tin về xã hội và do nghèo quá nên không cho con đi học, làm cho con cái thiệt thòi. Tôi có ba đứa con: hai gái, một trai. Hai đứa lớn không được học hành tử tế nên bây giờ theo nghề của bố mẹ rất vất vả. Còn đứa con gái út, nhờ có dự án hỗ trợ và các cô bác đến giúp đỡ, vợ chồng tôi cố gắng cho cháu học để cho đỡ khổ”. Nguồn: Phỏng vấn chị Duyên của tác giả, ngày 15/10/201. Hộp 3.10: Phản ánh của ngư dân về việc thất học của họ “Chúng tôi không biết chữ nên khi cần có những công việc liên quan đến giấy tờ chúng tôi thường nhờ anh Thọ đọc, viết hộ. Trong số chúng tôi ở đây có mấy người biết chữ nhưng chỉ có anh Thọ là thạo hơn tất cả nên anh hay được mọi người nhờ vả.” Nguồn: Tác giả phỏng vấn bà Tâm, ngày 15/10/2013. 4.5. Nội dung phản ánh trong các bảng Chúng tôi tổng hợp và trình bày những kết quả khảo sát và thu thập tư liệu trên thực địa về công cụ, phương tiện mưu sinh; những cứ liệu, số liệu liên quan đến đời sống ngư dân làng chài Ngọc Sơn; sự hỗ trợ của tổ chức Phi chính phủ, của các tổ chức, cá nhân... trong các bảng dưới đây. Bảng 3.1: Lưới, ngư cụ và sản phẩm đánh bắt của ngư dân Lưới và ngư cụ Đặc điểm Nơi đánh Thời điểm đánh Loại cá bắt được 7 phân - Ni lông -Dài ≈ 100m -Cao:2m Đánh dọc sông (dùng 2 thuyền chèo). Tháng Bảy, Tám, Chín đánh theo chiều nước. Chép; Hau; Rói 5 phân - Ni lông -Dài ≈ 100m -Cao:2m Đánh dọc sông (dùng 2 thuyền chèo). Tháng Giêng Tháng Hai Rói nhỏ; Hau 1,5 phân - Ni lông dài ≈ 100m -Cao:2m Đánh dọc sông. Tháng Chạp (đánh ban đêm) Mương; Mòi nước Cào hến Bằng sắt, mua tại Bắc Ninh. Cào dọc sông, chỗ nước nông. Đánh vào ban ngày. từ 6h sáng đến 6h tối. Được khoảng 1 tạ hến. Lờ bát quái -Xuất sứ từ Trung Quốc. -Khung bằng sắt, lưới cướccao: 22cm dài: 6m -Đánh dọc bờ sông. -100 chiếc lờ kéo dài khoảng 1km. Đánh quanh năm. Tôm, cua, cá nhỏ, cà ra... Nguồn: Khảo sát thực địa của tác giả năm 2012. Phương tiện mưu sinh Số lượng (chiếc) Ghi chú Thuyền rươi + hến 10 Thuyền vừa chạy bằng máy vừa chèo tay. Thuyền chèo xiếc 13 Chủ yếu dùng chèo tay. Mủng 02 Vớt phế liệu. Bảng 3.2: Phương tiện mưu sinh của ngư dân Ngọc Sơn Nguồn: Khảo sát của tác giả năm 2012. Bảng 3.3: Giờ nước lên qua các tháng tại khu vực sông Lạch Tray Tháng (Â.L) Ngày Giờ nước bắt đầu lên Ghi chú Giêng 7 14h Mùng 5: ngày chết nước Hai 8 15 h Ba 9 16 h Tư 10 17 h Năm 11 18 h Sáu 12 19 h Bảy 13 20 h Tám 14 21 h Chín 15 22 h Mười 16 24 h Một 17 1 h Chạp 18 2 h Nguồn: Khảo sát của tác giả năm 2012. Bảng 3.4: Ngư dân vay vốn từ tổ chức Tầm nhìn thế giới cải thiện công việc mưu sinh TT Tên chủ hộ Số vốn vay Vật dụng mua từ vốn vay 1 Anh Thọ 2 triệu đồng Lưới + xe đạp 2 Chị Diệp 2 triệu đồng Xăm rươi 3 Anh Hội 2 triệu đồng Bình ắc quy + lưới 4 Ông Nho 2 triệu đồng Bán tạp hóa tại làng chài 5 Chị Thơi 2 triệu đồng Mua thêm thuyền + xe máy cho con đi làm trên bờ Nguồn: Khảo sát của cán bộ dự án tổ chức tầm nhìn thế giới. Bảng 3.5: Các phương tiện sinh hoạt của ngư dân Ngọc Sơn Các phương tiện Số lượng (chiếc) Ghi chú Xe máy 13 Xe đạp 15 Ti vi 10 Bếp ga 03 Thỉnh thoảng mới sử dụng. Thuyền xi măng để ở 05 Đã chuyển lên nhà tạm nhưng vẫn giữ thuyền để ở. Nhà tạm 10 Thuyền khai thác cát 01 Của một người mới đến năm 2010. Nguồn: Số liệu khảo sát thực địa của tác giả, năm 2013. Bảng 3.6: Số lượng trẻ em làng chài học hòa nhập tại trường Mầm Non, Tiểu học và THCS năm học 2012- 2013 Trường Lớp Số học sinh Kết quả học tập Mầm non Thủy Tiên (tư thục) Mẫu giáo 4 Nhà trẻ 8 Tiểu học Ngọc Sơn 1 4 2 0 3 3 4 1 5 2 1 học sinh tiên tiến Trung học cơ sở Lương Khánh Thiện 6 1 7 2 8 5 4 học sinh tiên tiến 9 0 Trung học phổ thông 0 0 Nguồn: khảo sát thực địa của tác giả năm 2013. Bảng 3.7: Hoạt động trong ngày của trẻ trước và sau khi học hòa nhập tại trường Tiểu học Ngọc Sơn Thời gian Trước khi đi học tại trường Khi đi học tại trường Sáng (5h – 11h) - 5h sáng: bố mẹ đọc kinh, con dậy đọc kinh cùng bố mẹ. - Không ăn sáng, đi chài lưới cùng bố mẹ. Trẻ em từ 4 tuổi đã biết nhặt tôm cá ở lưới để phụ bố mẹ. Đối với những bé trai 6 tuổi đã bắt đầu biết chèo thuyền. - Khi mẹ mang tôm, cá lên bờ đi bán những em nhỏ thường đi theo cầm cân hoặc mang đỡ tôm, cá cho mẹ. Những trẻ lớn hơn ở lại thuyền cọ sạp. 1.Vào những ngày thường: - Đối với những em lớn, ban đêm đi làm cùng bố mẹ, đến sáng về đi học. - Các em ngủ dậy tự ăn uống và đi học, có em đi bộ, có em đi xe đạp. Đối với những em bé, bố mẹ đưa các em đi học. 2.Vào những ngày nghỉ: cùng bố mẹ đi làm. Trưa (11h-14h) Ăn cơm và nghỉ ngơi trên thuyền. Đọc truyện, xem ti vi. Chiều (14h-17h) - Ở trên thuyền đi làm cùng bố mẹ. Thứ bẩy cuối cùng của tháng, tham gia sinh hoạt CLB, được trang bị kỹ năng sống, tham gia các hoạt động vui chơi... Tối (17h -21h) - Ăn cơm - Bố mẹ cầu nguyện, con đọc theo bố mẹ. - Đọc kinh xong đi ngủ, thường đi ngủ vào lúc 7h. - Thứ sáu, chủ nhật: học tại thuyền lớn do có sinh viên của một số trường đại học trên địa bàn đến dạy kèm. - Các buổi tối khác tự học ở nhà. Nguồn: Khảo sát thực địa của tác giả năm 2012. Bảng 3.8: Hỗ trợ của Tổ chức Tầm nhìn thế giới cho trẻ em làng chài Ngọc Sơn khi học hòa nhập tại trường trên bờ (2008 - 2013) TT Các nội dung hỗ trợ Mức độ hỗ trợ (1 năm/1 trẻ em) Ghi chú 1 Tiền học phí 50% 2 Quần áo đồng phục 02 bộ 3 Thẻ bảo hiểm y tế 100% 4 Tiền hỗ trợ 300.000đ Học sinh tiên tiến 5 Tiền hỗ trợ 500.000đ Học sinh giỏi 6 Tiền viện phí 100% Nếu trẻ nằm viện Nguồn: Dự án làng chài Ngọc Sơn- Kiến An - Hải Phòng. Bảng 3.9: Các hỗ trợ cho ngư dân làng chài Ngọc Sơn Các lực lượng hỗ trợ ngư dân Nội dung hỗ trợ Thời gian hỗ trợ Kết quả Tổ chức “Tầm nhìn thế giới” - Hỗ trợ cho trẻ em học hòa nhập - Hỗ trợ ngư dân lưới hoặc ngư cụ. - Tập huấn nhóm nhỏ cho ngư dân hiểu biết về quyền trẻ em và trang bị một số kỹ năng chăm sóc trẻ. - Hỗ trợ việc làm giấy khai sinh cho tất cả trẻ em trong làng. - Tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em trong làng cùng với trẻ trên địa bàn phường Ngọc Sơn. - Giai đoạn I: 2001- 2005 - Giai đoạn II: 2005 - 2010. - Giai đoạn III: 2010 - 2014. - Trẻ được học hòa nhập tại trường tiểu học từ năm 2004, những trẻ em này đã tiếp tục học lên bậc THCS. Những trẻ em đến tuổi đi học đều được học tại trường tiểu học Ngọc Sơn. - Ngư dân có thêm lưới và ngư cụ để đánh bắt giúp cải thiện kinh tế gia đình. - Thay đổi một số hành vi đối xử của cha mẹ đối với trẻ: đưa con đi học, cho con đi khám tại cơ sở y tế khi đau ốm, - Các cư dân trong làng không ngại khi giao tiếp với cư dân trên bờ. - Người lớn và trẻ em có những hiểu biết cơ bản về quyền trẻ em. Tình nguyện viên là sinh viên của một số trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Dạy học tình nguyện tại nhà cho trẻ. Không liên tục và thường xuyên thực hiện việc dạy học. Các nhóm sinh viên thường đảm bảo thời gian từ 1 đến 2 tháng. Cải thiện được một phần tình hình học tập của các em. Tổ chức các hoạt động tập thể cho trẻ em. Vào các dịp: Tết Trung Thu, Tết Thiếu nhi (1/6), Tết Nguyên Đán, Nô en, - Hình thành và phát triển kỹ năng sống, kỹ năng tham gia hoạt động tập thể của trẻ. - Giúp trẻ biết thiết lập các mối quan hệ với những người xung quanh. Các tổ chức, cá nhân ở trong nước - Hỗ trợ gạo, mì tôm, quần áo, sách vở, Thường vào những dịp cuối năm hay sau những đợt bão gió. Giải quyết sinh hoạt ăn uống của gia đình trong một thời gian nhất định. Các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài Hỗ trợ bằng tiền qua nhà thờ hoặc dự án “Sự khởi đầu mới” của tổ chức Tầm nhìn thế giới. Xuất phát từ nhu cầu thiết thực của ngư dân: mắc điện, cho con đi học, Những trẻ đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và học sinh giỏi được thưởng bằng tiền hoặc hiện vật, mắc đường dây điện chung của tất cả các hộ dân trong làng. Phường Ngọc Sơn - Thông báo và bố trí cho ngư dân chỗ trú ngụ khi có bão gió. Khi có những cơn bão đi qua khu vực Hải Phòng. Đảm bảo an toàn về người cho ngư dân. Nguồn: Tổng hợp của tác giả năm 2013. Phụ lục 5: NHỮNG HÌNH ẢNH VỀ NGƯ DÂN 5.1. Bản đồ xã Đoàn Xá và làng Nam Hải Ảnh 5.1.1. Bản đồ xã Đoàn Xá trong Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng , tác giả chụp lại 6/ 2013. Ảnh 5.1.2. Thôn Nam Hải trong bản đồ quy hoạch chung của huyện Kiến Thụy, tác giả chụp 12/ 1012. 5.2. Hình ảnh về ngư dân làng chài Nam Hải, huyện Kiến Thụy 5.2.1. Hình ảnh mưu sinh của ngư dân Ảnh 5.2.1.1. Tàu đánh cá trong vùng biển lộng của ngư dân, tác giả chụp 2/ 2012. Ảnh 5.2.1.2. Trên thuyền làm đáy tại cửa sông văn Úc, tác giả chụp 12/ 2012. Ảnh 5.2.1.3. Kéo lưới đáy lên thuyền, tác giả chụp 12/ 2013. Ảnh 5.2.1.4. Một mẻ cá được kéo lên thuyền từ 1 chiếc đáy ở gần của sông Văn Úc, tác giả chụp 12/ 2013. Ảnh 5.2.1.5. Phần lưới đựng tôm, cá của đáy, tác giả chụp 12/ 2013. Ảnh 5.2.1.6. Cá được đổ ngay trên thuyền để phân loại, tác giả chụp 12/ 2013. Ảnh 5.2.1.7. Khoảng cách cọc đáy của các nhà (cách nhau khoảng 2m), tác giả chụp 12/ 2013. Ảnh 5.2.1.8. Lưới dùng làm đáy trên thuyền của ngư dân, tác giả chụp 12/ 2013. Ảnh 5.2.1.9. Ngư dân làm mắm chắt, tác giả chụp 6/ 2012. Ảnh 5.2.1.10. Tàu vươn khơi của Anh Nguyễn Văn Bình, tác giả chụp 6/ 2012. Ảnh 5.2.1.11. Tàu đi đánh cá, tác giả chụp 10/2012. Ảnh 5.2.1.12. Xe ô tô chở thủy, hải sản của 1 hộ gia đình trong làng, tác giả chụp 1/2014. Ảnh 5.2.1.13. Xay chả cá bán của một hộ gia đình trong làng, tác giả chụp 8/ 2013 5.2.2. Đời sống vật chất của ngư dân Ảnh 5.2.2.1. Một góc làng chài, tác giả chụp 12/ 2012. Ảnh 5.2.2.2. Làng xóm Nam Hải chụp từ cửa sông Văn Úc, tác giả chụp 12/2012. Ảnh 5.2.2.3 Con đê đồng thời là đường giao thông chính trong làng, tác giả chụp 10/ 2012. Ảnh 5.2.2.4. Nền nhà và sân được nâng cao gần bằng mặt đê, tác giả chụp 10 /2011. Ảnh 5.2.2.5. Một trong những ngôi nhà (đã được sửa chữa) được xây từ thập kỷ 70 của thế kỷ 20, tác giả chụp 10/ 2012. Ảnh 5.2.2.6. Đường từ trên đê đi vào nhà và trong xóm 2, tác giả chụp 8/2012. Ảnh 5.2.1.7. Nền nhà và sân được nâng cao bằng mặt đê, tác giả chụp 1/ 2014. Ảnh 5.1.2.8. Những viên gạch lát hiên nhà được ngư dân mua từ năm 1954, tác giả chụp 2/ 2012. Ảnh 5.1.2.9. Bể đựng nước mưa nửa chìm nửa nổi, tác giả chụp 12/ 2013. Ảnh 5.2.2.9. Con lạch trước mặt làng đang được Nhà nước cải tạo làm âu tàu tránh trú bão, tác giả chụp 10/2013. Ảnh 5.2.2.10. Bữa cơm của gia đình Anh Bình mời khách, tác giả chụp 2/ 2013. 5.2.3. Đời sống tinh thần của ngư dân Ảnh 4.2.3.1. Bảng chỉ đường vào đền thờ Yết Kiêu, tác giả chụp 10/ 2012. Ảnh 5.2.3.2. Đền thờ Yết Kiêu tại Nam Hải, tác giả chụp 12/ 2012. Ảnh 5.2.3.3. Dân làng trong ngày Hội đền, tác giả chụp 2/ 2013. Ảnh 5.2.3.4. Tượng Yết Kiêu trong đền thờ Yết Kiêu, tác giả chụp 2/ 2013. Ảnh 5.2.3.5. Đồ lễ mặn cúng thành hoàng làng trong ngày khai Hội, tác giả chụp 2/ 2013. Ảnh 5.2.3.6. Cắt băng khánh thành đền Yết Kiêu, tác giả chụp 2/ 2013. Ảnh 5.2.3.7. Đoàn càn bộ huyện Kiến Thụy và xã Đoàn Xá dâng hương trong đền Yết Kiêu, tác giả chụp 2/ 2013. Ảnh 5.2.3.8. Đội Pháp Hoa tụng kinh trước sân đền Yết Kiêu, tác giả chụp 2/ 2013. Ảnh 5.2.3. 9. Đội tế thôn Nam Hải, tác giả chụp 8/ 2011. Ảnh 5.2.3.10. Giường thờ được đặt ở gian giữa của ngôi nhà, tác giả chụp 1/ 2014. Ảnh 5.2.3.11. Mộ phần của một gia đình ngư dân, tác giả chụp 2/ 2014. Ảnh 5.2.3.12. Nghĩa trang của làng Nam Hải, tác giả chụp 2/2014. Ảnh 5.2.3.13. Đại diện các đội đua thuyền rồng trong buổi khai mạc lễ hội làng Nam Hải, tác giả chụp 2/ 2013. Ảnh 5.2.3.14. Dân làng và các đội đua trong giờ khai mạc lễ hội đua thuyền rồng, tác giả chụp 2/ 2013. Ảnh 5.2.3.15. Bốn đội đua nữ trên sông Văn Úc, tác giả chụp 2/ 2013. Ảnh 5.2.3.16. Dân làng và khách các nơi ra sông xem đua thuyền, tác giả chụp 2/ 2013. Ảnh 5.2.3.17. Đội về nhất được lấy nước sông về thờ ở đền Yết Kiêu, tác giả chụp 2/ 2013. Ảnh 5.2.3.18. Chóe đựng nước sông được rước về thờ trong đền Yết Kiêu, tác giả chụp 2/ 2012. 5.2.4. Đời sống xã hội của ngư dân Ảnh 5.2.4.1. Cụ Ngyễn Văn Đắp 99 tuổi, lão ngư thuộc thế hệ thứ ba của làng, tác giả chụp 8/ 2013. Ảnh 5.2.4.2. Chúc thọ các cụ cao niên trong làng năm 1989, tác giả chụp lại 1/ 2014. Ảnh 5.2.4.3. ĐÁm cưới của một gia đình ngư dân năm 2006, tác giả chụp lại 1/ 2014. 5.3. Hình ảnh về ngư dân làng chài Ngọc Sơn, quận Kiến An 5.3.1. Bản đồ quận Kiến Ảnh 5.3.1.1. Quận Kiến An, Hải Phòng, tác giả chụp trong Atlas thành phố Hải Phòng 6/ 2013. 5.3.2. Mưu sinh của ngư dân Ảnh 5.3.2.1. Một chiếc lờ dùng để bắt tôm, cá trên sông Lạch Tray, tác giả chụp 8/ 2013. Ảnh 5.3.2.2. Thuyền dùng để chèo xiếc của ngư dân, tác giả chụp 10/ 2012. Ảnh 5.3.2.3.Thuyền sắt có gắn máy để cào hến, tác giả chụp 10/2012. Ảnh 5.3.2.4. Thuyền nan dùng để vớt phế liệu trên sông của ngư dân, tác giả chụp 10/ 2012. Ảnh 5.3.2.5. Phần trên và phần dưới một chiếc lưới xiếc của ngư dân, tác giả chụp 10/ 2012. Ảnh 4.3.2.6. Thuyền xi măng, tác giả chụp 11/ 2013. Ảnh 5.3.2.7. Thuyền vừa để ở vừa dùng làm nghề của ngư dân, tác giả chụp 10/ 2012. 5.3.3. Đời sống vật chất của ngư dân Ảnh 5.3.3.1. Làng xóm của ngư dân, tác giả chụp 12/ 2012. Ảnh 5.3.3.2. Con đề trước mặt là đường đi vào làng, tác giả chụp 9/2011. Ảnh 5.3.3.3. Một trong những căn lều tạm của ngư dân, tác giả chụp 10/ 2012. Ảnh 5.3.3.4. Những con thuyền vừa làm nghề vừa để ở của ngư dân, tác giả chụp 10/2013. Ảnh 5.3.3.5. Đường ống dẫn nước và đồng hồ nước, tác giả chụp 12/ 2012. Ảnh 5.3.3.6. Bữa cơm chiều của một gia đình 5 người, tác giả chụp 1/ 2013. Ảnh 5.3.3.7. Trẻ em làng chài trong một tiết mục văn nghệ nhân dịp khánh thành sân chơi cho trẻ, tác giả chụp 8/ 2011. Ảnh 5.3.3.8. Một góc làng chài, tác giả chụp 8/ 2011. 5.3.3. Đời sống tinh thần của ngư dân Ảnh 5.3.3.1. Bàn thờ chúa trong lều của ngư dân, tác giả chụp 1/ 2013. 5.3.4. Đời sống xã hội của ngư dân Ảnh 5.3.4.1. Chiếc xe đạp - phần thưởng cho học sinh tiến tiến của một giáo dân sống ở nước ngoài, tác giả chụp 1/ 2013. Ảnh 5.3.4.2. Sinh viên trường Đại học Hải Phòng trao quà cho ngư dân nhân dịp tết Quý Tỵ, tác giả chụp 1/2013. Ảnh 5.3.4.3. Cán bộ phường Ngọc Sơn, quận Đoàn Kiến An và sinh viên trường Đại học Hải Phòng giao lưu với ngư dân và trẻ em trong làng, tác giả chụp 1/ 2013. Ảnh 5.3.4.4. Một góc sân chơi cho trẻ em, tác giả chụp 1/ 2013. Ảnh 5.3.4.5. Đám cưới của một người thuộc thế hệ thứ ba trong làng, tác giả chụp 1/ 2013. Ảnh 5.3.4.6. Lễ cưới của con em ngư dân tại nhà thờ, tác giả chụp 1/ 2013. Ảnh 5.3.4.7. Ngư dân và giáo dân trên bờ trong lễ cưới của con em ngư dân, tác giả chụp 1/ 2013. Ảnh 5.3.4.8. Ngư dân và giáo dân trên bờ trong một buổi lễ tại nhà thờ, tác giả chụp 1/ 2013.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docluan_an_loi_song_nguoi_dan_lang_chai_hien_nay_nghien_cuu_tru.doc
  • doccác trang bìa.doc
  • docTóm tắt luận án Hạnh.doc
  • docTrang thông tin tóm tắt.doc
Tài liệu liên quan