Quan hệ pháp luật - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

Mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ở nước ta đang đặt ra nhiều vấn đề cần được kiến giải về phương diện lý luận và kiểm chứng về mặt thực tiễn. Trong đó, hoàn thiện lý luận quan hệ pháp luật, củng cố, mở rộng và phát triển hệ thống quan hệ pháp luật là một trong những vấn đề cơ bản và thiết thực. Quan hệ pháp luật là một trong những vấn đề lý luận cơ bản của khoa học pháp lý, vì vậy nó đã

doc213 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 10173 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Quan hệ pháp luật - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu ở những góc độ khác nhau. Các kết quả nghiên cứu đó đã góp phần hình thành cơ sở lý luận về quan hệ pháp luật và ở mức độ này hay mức độ khác được vận dụng trên thực tế góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể của đời sống pháp lý. Tuy nhiên, trong điều kiện nhà nước và pháp luật có những thay đổi thì quan hệ pháp luật có nhiều đổi biến đổi hơn so với các hiện tượng khác. Chính vì vậy, các kết quả nghiên cứu trước đây bộc lộ những điểm không phù hợp và thích ứng. Việc sử dụng các kết quả nghiên cứu đó sẽ gián tiếp đem lại hậu quả làm bó hẹp khung pháp luật và khả năng hành vi thực tiễn của chủ thể. Điều này đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu về quan hệ pháp luật để không làm hạn chế tư duy nhận thức về điều chỉnh pháp luật, xác định luận cứ phân chia ngành luật và chế định pháp luật. Trong cơ chế điều chỉnh pháp luật, quan hệ pháp luật là một thành tố quan trọng. Nó là tấm gương phản chiếu đời sống pháp lý hiện thực trên tất cả các lĩnh vực của đất nước qua mỗi chặng đường xây dựng và phát triển. Đồng thời nó là cơ sở, môi trường thực tế để đánh giá hiệu quả pháp luật, giá trị xã hội của pháp luật. Điều này cho thấy, quá trình nghiên cứu quan hệ pháp luật ngoài việc tiếp tục phát triển lý luận cơ bản, đòi hỏi phải có sự ứng dụng vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, làm sáng tỏ các vấn đề nóng hổi và thiết thực là hiện nay vì sao pháp luật ít đi vào cuộc sống, hiệu quả pháp luật không cao, trật tự pháp luật và pháp chế còn lỏng lẻo. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập ở nước ta hiện nay, quan hệ pháp luật hình thành, vận động đa dạng, linh hoạt. Tuy nhiên, hệ thống quan hệ pháp luật cũng như các yếu tố cơ sở của nó đã bộc lộ những điểm hạn chế nhất định. Đó là thiếu tính cân đối trong sự phát triển của các loại quan hệ pháp luật, năng lực chủ thể không theo kịp với nhu cầu đòi hỏi của đời sống xã hội, cơ chế kiểm soát quá trình hình thành và vận động quan hệ pháp luật trên thực tế kém hiệu quả, nhiều loại quan hệ pháp luật bị biến dạng về cơ cấu và tính chất v.v... Điều này cho thấy, không những phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, nâng cao hiệu quả pháp luật mà cần thiết phải xem xét một cách toàn diện về hệ thống pháp luật trên cơ sở gắn liền việc nghiên cứu cơ bản với khảo cứu hệ thống quan hệ pháp luật thực tế. Đây là công việc khó khăn bởi quan hệ pháp luật là một hiện tượng phức tạp trong nhận thức luận, sự tồn tại, vận động và phát triển của quan hệ pháp luật trên thực tế rất đa dạng, linh hoạt đồng thời chịu sự tác động đa chiều của nhiều yếu tố. Sự hình thành và phát triển của hệ thống quan hệ pháp luật trên thực tế không chỉ mang tính pháp lý mà còn thể hiện cả những đặc điểm chính trị, kinh tế, tâm lý, xã hội ở mỗi giai đoạn lịch sử. Đề tài: "Quan hệ pháp luật - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay" được tác giả chọn làm luận án tiến sĩ với mong muốn có được cách nhìn tổng quan, khoa học về quan hệ pháp luật và khái quát được những nét căn bản về thực trạng hệ thống quan hệ pháp luật nước ta qua các giai đoạn phát triển khác nhau. Trên cơ sở của việc nghiên cứu một cách toàn diện đó có thể rút ra được những kết luận, làm sáng tỏ những nguyên nhân và tìm kiếm các giải pháp nhằm góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam trong điều kiện đổi mới, hội nhập và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. 2. Tình hình nghiên cứu Từ trước đến nay vấn đề quan hệ pháp luật có ý nghĩa lớn về mặt lý luận và thực tiễn vì vậy nó đã thực sự tạo ra được sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học ở các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là ở Liên Xô trước đây như: C.C. ALekceeb; Ju K. Tolstj; Y.A.Ylin; A.A.Kovatrev; V.O. Lutrin; A.E.Kazlov; A.V.Miskevich; A.F.Sebanov; V. P. Kzimichuc; V. M. Gorshenev; C. A Komarov; V.V. Lazareva; N.I.Matuzova; V.N. Khropanhiuc v.v... đã nghiên cứu quan hệ pháp luật dưới góc độ khoa học lý luận chung và khoa học chuyên ngành. Những công trình khoa học của các tác giả này đã đề cập đến nhiều nội dung như khái niệm, đặc điểm, cơ cấu của quan hệ pháp luật cũng như vị trí, vai trò của quan hệ pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật và trong đời sống thực tiễn. Nhìn chung, đa số các nhà khoa học đều thừa nhận khái niệm quan hệ pháp luật là một khái niệm có tính nền tảng của khoa học pháp lý nên ít nhiều nó cũng đã đem lại tính thống nhất trong nhận thức nghiên cứu về các dạng quan hệ pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, khi mà quan hệ pháp luật có sự biến đổi linh hoạt, không ít nhà khoa học lại cho rằng, không nên quan niệm như vậy nữa bởi nó sẽ làm hạn chế sự cởi mở tư duy điều chỉnh pháp luật, bó hẹp hệ thống quan hệ pháp luật thực tiễn. ở nước ta, hoạt động nghiên cứu quan hệ pháp luật nói chung chưa có nhiều và chưa mang tính chuyên sâu. Riêng đối với hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam cũng chưa được nhận thức về mặt lý luận và khái quát, đánh giá về thực trạng vận động và phát triển. Do vậy, các tài liệu nghiên cứu về đề tài này còn quá ít, nội dung cũng mới dừng lại ở một vài khía cạnh như: quyền chủ thể, nghĩa vụ pháp lý của chủ thể, phân loại quan hệ pháp luật hoặc nghiên cứu quan hệ pháp luật với tư cách là một yếu tố trong cơ chế điều chỉnh pháp luật. Xét về tính chất, mức độ thì đó mới chỉ là những bài viết đăng ở các tạp chí; trong giáo trình môn học lý luận chung về nhà nước và pháp luật hoặc là một phần nhỏ liên quan đến đề tài khác. Có thể nêu lên một số tài liệu như: Chương "Quan hệ pháp luật" trong cuốn chuyên khảo: Những vấn đề lý luận cơ bản về pháp luật của GS.TSKH Đào Trí úc; "Quan hệ pháp luật xã hội chủ nghĩa" của PGS.TS Thái Vĩnh Thắng, Tạp chí Dân chủ pháp luật, số 12-1996, số 2-1997; "Một số vấn đề về quan hệ pháp luật" của TS. Hoàng Thị Kim Quế, Tạp chí Khoa học - Đại học Quốc gia Hà Nội, t. XV, 2-1999; "Sự kết hợp các lợi ích xã hội trong việc qui định và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ thể quan hệ pháp luật" PGS.TS Võ Khánh Vinh, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 12-2002; chương "Quan hệ pháp luật xã hội chủ nghĩa", giáo trình môn học của các trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Khoa Luật - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia. 3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu + Mục đích nghiên cứu Tác giả lựa chọn nghiên cứu vấn đề lý luận và thực tiễn về quan hệ pháp luật ở Việt Nam hiện nay nhằm mục đích: - Nghiên cứu và hình thành một cách có hệ thống lý luận về quan hệ pháp luật trong điều kiện, hoàn cảnh đổi mới hiện nay ở nước ta. - Khái quát được những nét căn bản về sự hình thành và phát triển hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam từ 1945 đến nay. - Nêu lên được nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng biến dạng về cơ cấu, tính chất của quan hệ pháp luật và yêu cầu, phương hướng và các giải pháp nhằm củng cố và phát triển hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển. + Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích nghiên cứu trên đây, luận án có các nhiệm vụ cơ bản như sau: - Phân tích, so sánh các quan điểm hiện hành khác nhau về một số nội dung cơ bản của quan hệ pháp luật. Trên cơ sở đó xây dựng khái niệm quan hệ pháp luật có tính toàn diện và góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận về đặc điểm, cơ cấu, phân loại, vị trí, vai trò của quan hệ pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật và trong đời sống thực tiễn. - Nghiên cứu tổng quan về quá trình hình thành, vận động và phát triển của hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam từ 1945 đến nay; phân tích đánh giá thực trạng hệ thống quan hệ pháp luật khẳng định những điểm tích cực cần phát huy đồng thời tìm ra những hạn chế, nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó. - Trên cơ sở lý luận và và thực trạng đó, luận án nêu lên một số yêu cầu, phương hướng và các giải pháp xây dựng hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam trong điều kiện đổi mới hiện nay. + Phạm vi nghiên cứu Trước hết phải nói rằng, quan hệ pháp luật là một hiện tượng pháp lý liên quan đến nhiều yếu tố trong đời sống xã hội đồng thời đó là vấn đề phức tạp trong nhận thức luận. Bởi vậy, luận án không thể giải quyết được một cách toàn diện các nội dung về lý luận và vấn đề đặt ra từ thực tiễn của quan hệ pháp luật. Luận án tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về các quan hệ pháp luật; khái quát những nét chính về hệ thống quan hệ pháp luật nước ta từ 1945 đến nay và yêu cầu phương hướng đối với việc phát triển hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam (chủ yếu dưới góc độ là những quan hệ pháp luật được hình thành từ những sự kiện pháp lý hợp pháp, tích cực) 4. Cơ sở luận và phương pháp nghiên cứu của luận án Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở lý luận khoa học và các phương pháp luận của triết học Mác - Lênin; lý luận chung về nhà nước - pháp luật; các quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật. Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong luận án là: phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp lịch sử, phương pháp so sánh, phương pháp lôgíc biện chứng. 5. Những đóng góp mới về mặt khoa học của luận án Đây là công trình khoa học đầu tiên đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống về quan hệ pháp luật và hệ thống quan hệ pháp luật ở Việt Nam. Trên cơ sở phân tích các cách tiếp cận và quan niệm khác nhau về những yếu tố cơ bản của quan hệ pháp luật, luận án đã nêu lên những thuộc tính phức tạp của mỗi yếu tố, xây dựng khái niệm quan hệ pháp luật có tính cơ sở khoa học và tính toàn diện góp phần tạo nên tính thống nhất về quan hệ pháp luật và các dạng thức quan hệ pháp luật chuyên ngành. Bằng việc đánh giá quá trình hình thành, phát triển cũng như thực trạng hệ thống quan hệ pháp luật, luận án đề xuất phương hướng và các giải pháp nhằm nâng cao tính hiện thực của quan hệ pháp luật, củng cố và phát triển hệ thống quan hệ pháp luật trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. 6. ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án Luận án được coi là công trình chuyên khảo đầu tiên về quan hệ pháp luật ở nước ta. Những kết quả nghiên cứu góp phần bổ sung và phát triển những vấn đề lý luận cơ bản của khoa học pháp lý, tạo ra cơ sở khoa học cần thiết để nghiên cứu các dạng thức quan hệ pháp luật chuyên ngành vốn rất đa dạng và linh hoạt trong tình hình hiện nay. Luận án có thể sử dụng phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy khoa học pháp lý và hỗ trợ cho các nhà hoạt động thực tiễn trong các cơ quan pháp luật. Các kết luận, ý kiến được trình bày trong luận án có tính hữu ích đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật, giải quyết một số vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn đời sống pháp lý. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án bao gồm 3 chương, 10 mục. Chương 1 Một số Vấn đề Lý Luận CƠ Bản Về QUAN Hệ Pháp Luật 1.1. Khái Niệm và đặc điểm của QUAN Hệ Pháp Luật 1.1.1. Khái niệm quan hệ pháp luật Trong khoa học pháp lý, khái niệm quan hệ pháp luật là một trong những khái niệm cơ bản thuộc phạm vi nghiên cứu của khoa học lý luận chung về nhà nước và pháp luật và được xem xét một cách cụ thể hơn trong các môn khoa học pháp lý chuyên ngành. Trong bất kỳ một ngành luật nào thì các nhà khoa học cũng cố gắng xác định rõ nội dung và những nét đặc thù của quan hệ pháp luật được quyết định bởi đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của ngành luật đó. Những đặc điểm của việc điều chỉnh của các ngành luật khác nhau được thể hiện ở cấu trúc các quan hệ pháp luật, ở mối tương quan giữa quyền và nghĩa vụ, ở thành phần và những đặc điểm pháp lý của các chủ thể, ở các phương tiện tác động tới hành vi của các chủ thể đó. Việc nghiên cứu các quan hệ pháp luật cụ thể đã khám phá sâu hơn mối liên hệ giữa đối tượng và phương pháp điều chỉnh, các qui luật khách quan của mối tương quan giữa các loại quan hệ xã hội khác nhau với hình thức pháp lý của chúng. Việc nghiên cứu đặc điểm của các dạng quan hệ pháp luật khác nhau đã làm phong phú thêm lý luận về quan hệ pháp luật, làm sáng tỏ nội dung, bản chất của các quan hệ pháp luật đó. Thực tế ở nước ta, quan hệ pháp luật cũng đã được nghiên cứu ở mức độ nhất định của khoa học lý luận chung và khoa học pháp lý chuyên ngành. Tuy nhiên việc nghiên cứu đó chưa có tính hệ thống và chưa có sự thống nhất trong nhận thức về nhiều vấn đề cụ thể, trước hết là khái niệm quan hệ pháp luật. Trong khoa học pháp lý có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm quan hệ pháp luật trong đó có một số quan điểm hiện được sử dụng phổ biến sau: + Quan điểm thứ nhất cho rằng: Quan hệ pháp luật là hình thức pháp lý của các quan hệ xã hội. Hình thức pháp lý này xuất hiện trên cơ sở sự điều chỉnh của pháp luật đối với các quan hệ xã hội tương ứng và các bên tham gia quan hệ pháp luật đó đều mang những quyền và nghĩa vụ pháp lý được quy phạm pháp luật qui định [82, tr. 102], [68, tr. 389]. Có thể nói, ở đây việc xem xét quan hệ pháp luật đã được gắn liền với quan hệ xã hội với sự điều chỉnh pháp luật nên có sự hợp lý nhất định để đi đến việc thừa nhận quan hệ pháp luật là một dạng thức quan hệ xã hội. Tuy nhiên, nếu cho rằng quan hệ xã hội là nội dung và khẳng định quan hệ pháp luật là hình thức pháp lý của quan hệ xã hội thì chưa chính xác. Điều này thật sự khó lý giải đối với trường hợp quan hệ xã hội chỉ tồn tại ở một dạng thức là quan hệ pháp luật. Loại quan hệ này không thể tồn tại ngoài hình thức pháp lý đặc trưng đã được xác định trong quy phạm pháp luật. Việc không tuân thủ hình thức pháp lý đó trên thực tế sẽ dẫn tới vi phạm pháp luật (ví dụ: quan hệ về tố tụng, bảo hiểm). Hay chẳng hạn, một quan hệ pháp luật hình sự phát sinh khi có hành vi phạm tội xâm hại đến các quan hệ nhân thân (tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm...) hoàn toàn không phải là hình thức pháp lý của các quan hệ nhân thân đó. Trong trường hợp này bản thân quan hệ pháp luật hình sự chỉ có thể phát sinh khi có hành vi phạm tội xâm hại đến quan hệ nhân thân. Nếu không có hành vi phạm tội đó thì quan hệ pháp luật hình sự cũng không thể phát sinh. Rõ ràng các quan hệ về nhân thân đã không đòi hỏi và không thể đòi hỏi một quan hệ pháp luật hình sự nào xảy ra. Chúng tôi cho rằng, quan hệ xã hội tồn tại và phản ánh nhu cầu điều chỉnh nội tại của mình một cách khách quan. Khi quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh tức là nó được các quy phạm pháp luật xác định giới hạn, tính chất pháp lý cần thiết cho sự vận động và phát triển. Quá trình thực hiện quy phạm pháp luật làm xuất hiện quan hệ pháp luật. Thông qua các quan hệ pháp luật cụ thể thì quyền và nghĩa vụ của chủ thể mới được bộc lộ ra ngoài. Như vậy, quan hệ pháp luật là hình thức pháp lý đặc thù của việc thực hiện quy phạm pháp luật trên thực tế. Còn hình thức pháp lý của quan hệ xã hội phải là quy phạm pháp luật. + Quan điểm thứ hai khẳng định, "quan hệ pháp luật là những quan hệ xã hội được quy phạm pháp luật điều chỉnh (Rappots furidiques)" [66, tr. 305], [67, tr. 429], [34, tr. 402]. Theo quan điểm này, quan hệ pháp luật là những quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh. Về bản chất thì phải thừa nhận quá trình điều chỉnh pháp luật tạo nên hình thức pháp lý cho quan hệ xã hội đồng thời đem lại khả năng hình thành quan hệ pháp luật thực tế. Tuy nhiên, cần phải hiểu quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh và quan hệ pháp luật không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Quan hệ xã hội là một khái niệm chung để chỉ mối quan hệ của con người - con người trên một lĩnh vực hoạt động nhất định. Quan hệ xã hội xuất hiện và tồn tại một cách khách quan cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Không phải mọi quan hệ xã hội đều được pháp luật điều chỉnh, bởi vậy khi cho rằng "quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh" đã tỏ rõ mục đích điều chỉnh của pháp luật tới quan hệ xã hội cụ thể nhất định. Hay, quan hệ xã hội đó chính đã nằm trong "thước ngắm" của pháp luật, thuộc lĩnh vực mà pháp luật tác động tới. Trong lúc đó, quan hệ pháp luật là khái niệm cho thấy trạng thái thực tế của điều chỉnh pháp luật. Quan hệ pháp luật xuất hiện do kết quả của hoạt động thực hiện và áp dụng pháp luật trong thực tiễn và được coi là hình thức cơ bản để thực hiện quy phạm pháp luật. Hơn nữa, cũng không phải có sự điều chỉnh pháp luật tới quan hệ xã hội thì xuất hiện quan hệ pháp luật. Chẳng hạn, mặc dù Nhà nước ta đã có Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhưng, nếu các nhà đầu tư quốc tế thấy chưa hấp dẫn (vì nhiều lý do) thì họ chưa đầu tư. Vì vậy, quan hệ pháp luật cụ thể chưa hình thành mặc dù sự điều chỉnh pháp luật đối với lĩnh vực này đã có. Điều chỉnh pháp luật thực chất là quá trình nhà nước dựa vào pháp luật và sử dụng một loạt các phương tiện pháp lý đặc thù để bảo đảm cho các quan hệ xã hội vận động trong một trật tự có định hướng nhất định. Điều chỉnh pháp luật cũng có thể được hiểu là sự tác động đặc thù lên quan hệ xã hội với tính cách nhân tố điều chỉnh có tính qui phạm và tính bắt buộc chung. Theo Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đào Trí úc thì "điều chỉnh pháp luật đó là việc Nhà nước dùng pháp luật, dựa vào pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tác động theo những hướng nhất định vào các quan hệ xã hội" [85, tr. 181-182]. Điều chỉnh pháp luật cũng có thể là dùng pháp luật để bảo vệ các quan hệ xã hội khỏi bị các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại tới. + Quan điểm thứ ba có cách lý giải khác, "quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội đặc biệt nảy sinh do sự tác động hữu cơ giữa quy phạm pháp luật và sự kiện pháp lý" [18, tr. 327]. Khác với hai quan điểm trên, quan điểm này tiếp cận quan hệ pháp luật từ thực tế, nghĩa là nó không thể hình thành nếu không có sự kiện pháp lý xuất hiện, mặc dù có quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội đó. Sự kiện pháp lý chính là yếu tố bộc lộ quan hệ xã hội trên thực tế và có vai trò làm cầu nối giữa hai hiện tượng quy phạm pháp luật với quan hệ pháp luật. Đây là những nội dung hợp lý của quan điểm thứ ba khi nhìn quan hệ xã hội trong một trạng thái động. Tuy nhiên, khó có thể hình dung nổi là bằng cách nào quy phạm pháp luật lại có thể tự mình tác động "hữu cơ" tới quan hệ xã hội được để làm xuất hiện quan hệ pháp luật nếu không có các hoạt động của quá trình điều chỉnh pháp luật thực tiễn. Bản thân quy phạm pháp luật là qui tắc thành văn chỉ tồn tại trong các văn bản quy phạm pháp luật mà thôi. + Quan điểm thứ tư lại hiểu, "Quan hệ pháp luật là quan hệ có tính chất tác động qua lại về mặt xã hội trên cơ sở những sự kiện pháp lý nhất định để qua đó chủ thể đạt được những mục đích của mình do pháp luật qui định" [84, tr. 77]. Đây là quan điểm cho thấy sự hợp lý về cách tiếp cận quan hệ pháp luật từ thực tế và sự nhìn nhận nhạy cảm về ranh giới tác động qua lại của các đặc tính xã hội - pháp lý thông qua sự kiện pháp lý. Đây là một khái niệm có tính khái quát hóa cao về mặt lý luận, mặc dù trên thực tế không phải mọi người có thể hiểu một cách thấu đáo và đều nhất trí với quan điểm này. Như vậy, các quan điểm trên đã cho thấy tính phức tạp trong nhận thức luận về quan hệ pháp luật và sự đa dạng trong cách lý giải đối với hiện tượng này. Mặc dù có những phương pháp tiếp cận khác nhau nhưng điểm cốt lõi là các nhà khoa học đều thừa nhận quan hệ pháp luật là một dạng quan hệ xã hội, là hình thức đặc thù của quá trình thực hiện quy phạm pháp luật. Qua phân tích và xem xét một cách toàn diện, chúng tôi thống nhất với các quan điểm trên đây ở những nội dung cơ bản: - Quan hệ pháp luật là một dạng quan hệ xã hội. - Các bên tham gia quan hệ pháp luật đều có quyền và nghĩa vụ pháp lý. - Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý chủ thể trong quan hệ pháp luật được đảm bảo bằng các biện pháp nhà nước. - Trong điều kiện văn bản quy phạm pháp luật là nguồn tạo nên cơ sở pháp lý của quan hệ pháp luật thì sự xuất hiện, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật phải dựa trên quy phạm pháp luật. Tóm lại, việc xây dựng khái niệm quan hệ pháp luật trước hết phải khẳng định nó là một dạng quan hệ xã hội, nhưng đó là những quan hệ xã hội phải có sự hiện diện của quyền, nghĩa vụ pháp lý và được bảo đảm bởi nhà nước. Những quan hệ xã hội chưa có đủ các thuộc tính trên thì chưa trở thành quan hệ pháp luật. Bởi vậy có thể khẳng định: Quan hệ pháp luật là một dạng quan hệ xã hội được hình thành, tồn tại, phát triển trên cơ sở các quy phạm pháp luật và được bảo đảm bằng các biện pháp nhà nước, đặc trưng bởi sự hiện diện và tương tác của quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể. 1.1.2. Đặc điểm của quan hệ pháp luật Việc nghiên cứu để tìm ra những đặc điểm cơ bản của quan hệ pháp luật không chỉ xem xét từ những yếu tố đã được khắc họa trong nội dung của quy phạm pháp luật mà cần xem xét nó trong mối tương tác với các quan hệ xã hội của đời sống thực tế. Kinh nghiệm cho thấy, với cách tiếp cận này cho phép chúng ta giải quyết được mối quan hệ mô thức quan hệ pháp luật được khái quát với chính đời sống hiện thực của nó. Trước hết, phải khẳng định quan hệ pháp luật là một dạng của quan hệ xã hội. Quan hệ xã hội là quan hệ giữa con người với con người hình thành trong quá trình hoạt động thực tiễn sản xuất của cải vật chất và trao đổi tình cảm. Nếu như quá trình sản xuất của cải vật chất là cơ sở để tồn tại và phát triển của xã hội của con người thì trong quan hệ xã hội, các quan hệ sản xuất, quan hệ kinh tế là quan trọng nhất. Quan hệ sản xuất qui định tính chất của các mối quan hệ xã hội khác như quan hệ chính trị, pháp luật, đạo đức, tôn giáo. Được coi là một dạng của quan hệ xã hội, quan hệ pháp luật có những đặc điểm riêng biệt của mình, nhưng cũng luôn hàm chứa những đặc điểm chung của quan hệ xã hội như: - Hình thành khách quan trên cơ sở nhận thức. - Gắn liền với điều kiện kinh tế - xã hội - Mang đặc điểm cá nhân và xã hội. - Gắn liền với quá trình điều chỉnh xã hội. Đương nhiên, không có sự đồng nhất giữa quan hệ pháp luật và quan hệ xã hội, mặc dù điều chỉnh pháp luật đã góp phần làm biến đổi trạng thái, môi trường vận động của quan hệ xã hội cụ thể. Sự đồng nhất này cũng không xảy ra ngay cả trong sự biểu đạt nội dung quyền, nghĩa vụ thông qua hành vi của chủ thể. Mặc dù vậy, các chủ thể thực hiện hành vi của mình không chỉ tính đến sự phù hợp với pháp luật mà còn xem xét đến tính hợp lý, hợp tình nhìn từ góc độ điều chỉnh bằng nhiều yếu tố xã hội khác. Thông qua sự tương tác, các quan hệ pháp luật có vai trò quan trọng trật tự hóa các quan hệ xã hội, hướng nó phù hợp với yêu cầu của quá trình điều chỉnh pháp luật. Quan hệ pháp luật thể hiện sự ràng buộc, tương tác đặc biệt giữa các chủ thể thông qua các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể đó. Đây là một trong những điểm khác nhau căn bản giữa quan hệ pháp luật với quan hệ xã hội. 1.1.2.1. Quan hệ pháp luật là quan hệ có tính ý chí Khi tham gia quan hệ pháp luật phần lớn các chủ thể có đầy đủ năng lực chủ thể. Điều này tạo ra cho chủ thể một khả năng nhận thức về quyền, nghĩa vụ và các điều kiện có liên quan, khả năng điều chỉnh và kiểm soát hành vi của mình. ý chí của chủ thể thuộc phạm trù chủ quan của chủ thể, vì vậy không phải bao giờ chúng ta cũng có thể nhìn nhận được một cách rõ ràng nếu nó chưa bộc lộ thông qua hành vi cụ thể. Khẳng định quan hệ pháp luật là quan hệ có tính ý chí xuất phát từ đặc điểm nó được hình thành, tồn tại trên cơ sở nhận thức của con người. Quá trình nhận thức để thiết lập quan hệ pháp luật xuất phát từ nhu cầu của đời sống thực tế, nghĩa là có đối tượng cụ thể, giải quyết những vấn đề tồn tại cụ thể. Đây là quá trình chủ thể tự tìm kiếm cách thức nhằm chuyển nhu cầu nội tại của mình thành lợi ích, động lực thúc đẩy chủ thể hành động một cách tích cực, có mục đích rõ ràng. Điều này chỉ đạt được khi chủ thể thông qua quá trình nhận thức và tư duy một cách nghiêm túc nhằm đối chiếu với yêu cầu đặt ra của pháp luật. Nhận thức và ý chí của chủ thể càng thể hiện rõ nét khi họ tham gia những loại quan hệ pháp luật không có sự tham gia trực tiếp của Nhà nước. Bởi ở những loại quan hệ này chủ thể hoàn toàn độc lập, chủ động trong mọi hành vi nhằm hướng tới mục đích của mình cũng như khách thể của quan hệ pháp luật đó. Ngoài ra, cường độ hành vi thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ thể cao hoặc thấp, mạnh mẽ hoặc yếu ớt cũng phản ánh ý chí của chủ thể tham gia quan hệ pháp luật đó. Tuy nhiên, khi nghiên cứu đặc điểm này có một vấn đề khó kiến giải được một cách thỏa mãn là quan hệ pháp luật thể hiện ý chí của nhà nước, của toàn bộ xã hội hay của từng chủ thể hoặc là có sự kết hợp ý chí chung? Trong sách báo pháp lý lâu nay đều cho rằng, ý chí thể hiện trong quan hệ pháp luật có thể là ý chí của nhà nước hoặc là sự thỏa thuận ý chí của các chủ thể cùng tham gia quan hệ pháp luật đó. Trong thực tế một loạt các quan hệ, chẳng hạn như quan hệ pháp luật dân sự, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình... ý chí của các chủ thể được thể hiện tương đối rõ ràng. Nhưng ở quan hệ pháp luật hình sự ý chí của chủ thể và tính ý chí của quan hệ pháp luật không có sự tương đồng hoàn toàn. Quan hệ pháp luật hình sự hình thành khi có tội phạm xảy ra. ở đây, ý chí của kẻ phạm tội không phải (và hoàn toàn không muốn) là để tạo ra quan hệ pháp luật hình sự mà là để đạt tới những kết quả nhất định từ việc phạm tội. Nhưng hành vi của kẻ phạm tội là sự kiện pháp lý, là cơ sở hình thành quan hệ pháp luật. Đây chính là cơ sở để các cơ quan nhà nước (hoạt động mang ý chí nhà nước) cá thể hóa hình phạt đối với kẻ phạm tội đó. Trường hợp quan hệ pháp luật chấm dứt do quá thời hạn, thời hiệu thì khi đó ý chí của chủ thể cần phải xem xét cả về mặt chủ quan và khách quan. Nếu chủ thể không thực hiện quyền của mình thì người đó cũng đã thể hiện ý chí của họ. Như vậy, trong cả trường hợp này quan hệ pháp luật cũng chấm dứt dựa trên ý chí của các bên dù đó là ý chí thể hiện qua việc từ chối quyền trong thời hạn nhất định. Tất nhiên, nhà nước cũng có những quy phạm pháp luật cho phép kéo dài thời hạn khi có lý do chính đáng, khách quan. Cũng có một số trường hợp, quan hệ pháp luật được hình thành không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật. Chẳng hạn, trong quan hệ pháp luật phát sinh từ việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hủy hôn nhân trái pháp luật của đôi nam nữ nào đó. 1.1.2.2. Quan hệ pháp luật được hình thành, tồn tại và phát triển chủ yếu dựa trên cơ sở pháp lý là quy phạm pháp luật ở nước ta, nguồn chủ yếu tạo nên cơ sở pháp lý cho hệ thống quan hệ pháp luật là văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, đa số các quan hệ pháp luật trên thực tế được hình thành, thay đổi và chấm dứt dựa trên cơ sở pháp lý là quy phạm pháp luật. Quy phạm pháp luật và quan hệ pháp luật có mối quan hệ khăng khít, hữu cơ trong quá trình tồn tại. Tính xác thực, phù hợp của quy phạm pháp luật được kiểm chứng thông qua quan hệ pháp luật, ngược lại quan hệ pháp luật cần được quy phạm pháp luật mô hình hóa, phản ánh trước những đặc điểm, yêu cầu cơ bản của nó. Quy phạm pháp luật có nhiều loại, chứa đựng các thông tin khác nhau được hình thành trên nguyên lý nhận thức hiện thực khách quan của con người. Là qui tắc hành vi, quy phạm pháp luật được coi là phương tiện để xác định các tình huống cụ thể của hành vi có thể xảy ra trong cuộc sống. Vì vậy, nó có khả năng mô thức hóa hành vi của con người gắn liền với các tình huống cụ thể. Còn quan hệ pháp luật là hình thức mà ở đó quy phạm pháp luật được hiện thực hóa về mặt nội dung hay là hình thức thực hiện quy phạm pháp luật. Trở thành một trong các điều kiện cơ bản để thiết lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật, quy phạm pháp luật cần giải quyết được mấy vấn đề lớn: - Nêu rõ loại chủ thể có liên quan cùng với điều kiện, hoàn cảnh thực tế có thể xảy ra (phần giả định). - Yêu cầu của Nhà nước và xã hội đối với chủ thể trong hoàn cảnh đã được dự liệu trước. ở đây mệnh lệnh thức nêu lên đòi hỏi của Nhà nước cho phép hoặc bắt buộc chủ thể được làm gì, không được làm gì, phải làm gì, làm đến đâu. Nội dung phần này thể hiện tính quyền lực của Nhà nước, làm xuất phát điểm cho việc cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ trong điều kiện đã nêu đối với chủ thể (phần quy định). - Những biện pháp xử lý mà Nhà nước có thể áp dụng đối với chủ thể nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ chủ thể hoặc bảo vệ quan hệ xã hội khỏi bị xâm hại thông qua hoạt động áp dụng pháp luật (phần chế tài). Mặc dù quy phạm pháp luật là tiền đề cho việc hình thành, thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật cụ thể nhưng không phải cứ có quy phạm pháp luật là có quan hệ pháp luật hoặc mọi quan hệ pháp luật đều được phát sinh, thay đổi và chấm dứt trên cơ sở các quy phạm pháp luật. Trên thực tế có một số quy phạm pháp luật có nội dung không trực tiếp đưa đến việc thiết lập quan hệ pháp luật cụ thể. Và, trong một số trường hợp đặc biệt thì quan hệ pháp luật vẫn được phát sinh trên cơ sở nguyên tắc pháp luật chung, thậm chí ngay cả khi không có quy phạm pháp luật điều chỉnh như: áp dụng tập quán hoặc áp dụng tương tự pháp luật (chẳng hạn theo Điều 14 BLDS). 1.1.2.3. Quan hệ pháp luật có nội dung là quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể Đây là đặc điểm cơ bản cho phép phân biệt rõ nét quan hệ pháp luật với các quan hệ xã hội khác không do pháp luật điều chỉnh. Mỗi loại quan hệ pháp luật cụ thể có cơ cấu chủ thể, nội dung khác nhau. Trong đó phạm trù quyền, nghĩa vụ pháp lý chủ thể được pháp luật qui định rõ ràng nhằm tạo thuận lợi cho chủ thể thực hiện pháp luật, tránh hiện tượng tùy tiện lạm dụng quyền hoặc bỏ mặc nghĩa vụ. So với các quan hệ xã hội khác, các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật có được một phương thức xử sự cụ thể, rõ ràng hơn. Điều thuận lợi đó trước hết bắt nguồn từ đặc tính cơ bản của pháp luật là chính xác, cụ thể, nên được xem xét tỷ mỷ trên những góc độ: - Dung lượng quyền, nghĩa vụ. - Phạm vi, giới hạn và mức độ cần thiết của quyền, nghĩa vụ. - Những tiêu chí, thước đo mang tính kỹ thuật - pháp lý nhằm đánh giá, kiểm tra việc thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ thể. - Thời hạn, thời hiệu cần thiết cho việc thực hiện quyền, nghĩa vụ chính và quyền, nghĩa vụ mới phát sinh. - Phương thức thực hiện quyền, nghĩa vụ, khả năng thừa nhận._. vô điều kiện quyền, nghĩa vụ (trong những điều kiện nhất định, ví dụ trong các quan hệ sở hữu), khả năng đối lưu quyền, nghĩa vụ (như trong quan hệ hợp đồng mua bán). - Các biện pháp khắc phục, xử lý khi có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của chủ thể. - Sự phù hợp giữa các quan hệ pháp luật với nhau, với quan hệ xã hội khác và với phong tục, tập quán, truyền thống dân tộc... Quan hệ pháp luật giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống pháp lý và là hình thức đặc thù của quá trình thực hiện quy phạm pháp luật. Nó vừa bị qui định bởi chính hạ tầng cơ sở vừa chịu sự chi phối, ảnh hưởng trực tiếp của các yếu tố khác của kiến trúc thượng tầng xã hội. Nội dung quan hệ pháp luật được xem xét trên hai phương diện là phương diện pháp lý và phương diện thực tế. Phương diện pháp lý thực chất là hình thức pháp lý cần và đủ, thể hiện trên hai cấp độ: - Cấp độ thứ nhất, được hình thành dựa trên các quy phạm pháp luật hiện hành. - Cấp độ thứ hai, dựa trên cơ sở quy phạm pháp luật "khung" đó thì các cam kết, thỏa thuận bổ sung hoặc những yếu tố phát sinh mới cần thiết được ghi nhận và đảm bảo tính pháp lý bắt buộc đối với các chủ thể. Ví dụ: Trong ly hôn, Tòa án xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn (Điều 89 LHNGĐ). Ngoài ra, Tòa án còn phải xem xét đến những cam kết, thỏa thuận của đương sự trong việc phân chia tài sản, nuôi dưỡng con, các nghĩa vụ có liên quan. Như vậy, phương diện pháp lý của nội dung quan hệ đòi hỏi phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, phù hợp với thực tiễn thì khả năng hiện thực hóa mới cao. Tuy nhiên, có nhiều nội dung thực tế đã không thể dự liệu trước trong phần giả định của quy phạm pháp luật, nhưng gắn liền với các quan hệ pháp luật cụ thể thì nó được ghi nhận như là một yếu tố của phương diện có tính pháp lý và có tính bắt buộc nhất định. Sự chuyển hóa linh hoạt này là tất yếu vì phương diện thực tế bao giờ cũng phong phú, đa dạng. Phương diện thực tế của nội dung quan hệ pháp luật được biểu hiện ở các hành vi thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp lý của chủ thể. Có thể nói, đó là phương diện "sống" của pháp luật và quan hệ pháp luật thông qua các hành vi thực hiện pháp luật một cách tích cực của chủ thể. Đây là thước đo, đánh giá sự phù hợp giữa hai phương diện của nội dung quan hệ pháp luật cụ thể. Hiệu quả của việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trên thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong mối quan hệ đa chiều dọc, ngang của pháp luật với các hiện tượng tự nhiên, xã hội. Không phải cứ chuẩn bị đầy đủ về phương diện pháp lý thì phương ở diện thực tế không gặp khó khăn. Thực tế ở nước ta là có rất nhiều quy phạm pháp luật ở các cấp độ quy định chi tiết về sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai nhưng hiệu quả của việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này lại rất thấp, tình trạng lấn chiếm đất công và mua bán đất trái phép vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi trong cả nước. Phương diện thực tế của nội dung quan hệ pháp luật là hành vi của các chủ thể trong thực hiện pháp luật vì vậy nó phải là sự lựa chọn một cách tiết kiệm nhất về thời gian, chi phí vật chất, công sức của chủ thể. Nhà nước xây dựng một cơ chế kiểm soát và đánh giá phương diện thực tế của chủ thể phù hợp với tính chất các quan hệ pháp luật. 1.1.2.4. Quan hệ pháp luật được bảo đảm bằng các biện pháp nhà nước Được bảo đảm bằng các biện pháp nhà nước là một thuộc tính của pháp luật nói chung. Pháp luật nếu mất đi thuộc tính này thì không khác gì các yếu tố điều chỉnh xã hội khác như đạo đức, tập quán và tín điều tôn giáo. Việc thực hiện quy phạm pháp luật dưới hình thức quan hệ pháp luật cần được bảo đảm bằng các biện pháp nhà nước mới đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, các biện pháp bảo đảm nhà nước cần tính đến sự phù hợp với các biện pháp bảo đảm xã hội khác do quan hệ pháp luật là một dạng quan hệ xã hội, hàm chứa các đặc tính của quan hệ xã hội trong sự hình thành và phát triển. Hơn nữa, điều chỉnh pháp luật là một dạng của điều chỉnh xã hội. Các biện pháp bảo đảm của nhà nước đa dạng cả về hình thức, tính chất và phương diện tác động. Có những biện pháp mang tính bắt buộc, cưỡng chế, có những biện pháp cho phép, tùy nghi. Do đó, việc sử dụng hình thức nào cho phù hợp với đặc điểm, tính chất của mỗi loại quan hệ pháp luật là hết sức quan trọng. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý trong các quan hệ pháp luật cụ thể không phải bao giờ cũng cần sử dụng các biện pháp mang tính cưỡng chế. Trong đa số các trường hợp thì cơ chế tự hòa giải, ý thức trách nhiệm cao của chủ thể, trạng thái, môi trường pháp chế và trật tự pháp luật... đã cho phép thực hiện pháp luật có hiệu quả. Khác với các đảm bảo xã hội khác, đảm bảo nhà nước có tính bắt buộc, chặt chẽ, được đặt trên cơ sở nội dung chế tài pháp luật. Bảo đảm nhà nước đối với quan hệ pháp luật sẽ làm cho trật tự pháp luật được nâng cao, hệ thống quan hệ pháp luật có thứ bậc rõ ràng, giá trị xã hội đích thực của quan hệ pháp luật được phát huy. Bảo đảm bằng các biện pháp nhà nước đối với quan hệ pháp luật là sự bảo đảm về pháp lý, vật chất, tổ chức, kỹ thuật, tư tưởng v.v... nghĩa là tạo lập một môi trường có tính nhà nước-xã hội cho sự hình thành và vận động đối với cả hệ thống quan hệ pháp luật và từng quan hệ pháp luật cụ thể. Trên thực tế, mỗi loại quan hệ pháp luật khác nhau có sự khác nhau về phạm vi, cách thức và yêu cầu về sự đảm bảo đó. Tuy nhiên, do Nhà nước không thể kiểm soát hết mọi quan hệ pháp luật cụ thể xảy ra trong từng thời điểm nên sự đảm bảo có thể mang tính trực tiếp hoặc gián tiếp cho mỗi loại quan hệ pháp luật. Đối với những chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật thì phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi (có thể là sự tước đoạt hoặc hạn chế về mặt vật chất, tinh thần) mà Nhà nước sẽ áp dụng đối với họ. Tuy nhiên, việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế đối với các chủ thể, nhằm khôi phục trật tự pháp luật là cần thiết nhưng không được lạm dụng và cần phải gắn với việc giáo dục, thuyết phục trước khi áp dụng nó. Bản chất bạo lực, trấn áp, bản chất của cưỡng chế là không tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đó là phương diện lý luận cần quan tâm. 1.2. Cấu Thành QUAN Hệ Pháp Luật Xem xét cấu thành một quan hệ pháp luật là xem xét các bộ phận hợp thành quan hệ pháp luật đó. Để phân tích một cách chính xác nhất cấu trúc của quan hệ pháp luật cần xác định khái niệm cấu trúc như là phương thức liên hệ của các yếu tố mang tính hệ thống trong phạm vi của cái toàn bộ. Theo quan điểm đó có thể coi bản thân quan hệ pháp luật như là một cơ cấu, bởi vì quan hệ pháp luật gắn liền với các chủ thể của quan hệ pháp luật đó. Việc nghiên cứu cấu thành của quan hệ pháp luật với tính cách là sự thống nhất giữa hình thức pháp lý và nội dung vật chất sẽ cho phép đi đến kết luận về những vấn đề cơ bản: - Chủ thể quan hệ pháp luật, quy chế pháp lý của chủ thể. - Khách thể và vai trò của khách thể trên thực tế. - Hành vi thực tế của chủ thể và mối tương quan với quyền và nghĩa vụ pháp lý của quan hệ pháp luật. Nếu xem xét quan hệ pháp luật ở phương diện là một hình thức đặc thù để thực hiện quy phạm pháp luật thì quan hệ pháp luật có thuộc tính pháp lý được hình thành từ những quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể. Nếu xem xét quan hệ pháp luật dưới góc độ là sự thống nhất giữa nội dung vật chất và hình thức pháp lý thì ngoài quyền, nghĩa vụ, quan hệ pháp luật còn có hai yếu tố nữa là chủ thể và khách thể. Trong khoa học pháp lý nước ta, quan điểm được thừa nhận và sử dụng rộng rãi là quan hệ pháp luật gồm ba yếu tố hợp thành: chủ thể, khách thể và nội dung quan hệ pháp luật (quyền, nghĩa vụ pháp lý). 1.2.1. Chủ thể quan hệ pháp luật Quan hệ pháp luật là hiện tượng pháp lý luôn gắn liền với vai trò của chủ thể. Trong bất cứ loại quan hệ nào thì chủ thể cũng là yếu tố quyết định trạng thái vận động, sự liên kết giữa các bộ phận hợp thành của quan hệ. Một đặc trưng cơ bản của quan hệ pháp luật là cơ cấu chủ thể bao giờ cũng rõ ràng, cụ thể. Trong khoa học pháp lý, vấn đề chủ thể quan hệ pháp luật được nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, do tính đa dạng và phức tạp của nó, chủ thể quan hệ pháp luật vẫn là vấn đề có tính thời sự cần phải tiếp tục nghiên cứu. Khoa học lý luận chung về Nhà nước và pháp luật cũng như các khoa học chuyên ngành đều cho rằng những cá nhân, tổ chức đáp ứng được những điều kiện do pháp luật quy định cho từng loại quan hệ nhất định là chủ thể quan hệ pháp luật đó. Như vậy, điều kiện để trở thành chủ thể quan hệ pháp luật là cá nhân, tổ chức đó phải có năng lực chủ thể đầy đủ. Nhìn chung, nên coi đây là điều kiện cần và đủ để xem xét tư cách của chủ thể bởi vì, chỉ có hội đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì chủ thể mới có khả năng thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp lý một cách độc lập, chủ động và có hiệu quả. Nhưng, trong thực tiễn cũng có những trường hợp cá biệt cá nhân không có năng lực chủ thể đầy đủ vẫn mặc nhiên trở thành chủ thể quan hệ pháp luật (ví dụ trong quan hệ pháp luật thừa kế). Tóm lại, chủ thể quan hệ pháp luật là những cá nhân, tổ chức có đủ năng lực chủ thể để tham gia quan hệ pháp luật và có quyền, nghĩa vụ pháp lý theo quy định của pháp luật. 1.2.1.1. Năng lực chủ thể quan hệ pháp luật Theo khái niệm quan hệ pháp luật thì năng lực chủ thể như là một điều kiện cơ bản đòi hỏi chủ thể phải đáp ứng để có thể thỏa mãn những yêu cầu đặt ra của từng loại quan hệ pháp luật cụ thể. Năng lực chủ thể bao gồm các yếu tố cơ bản: năng lực pháp luật, năng lực hành vi. a) Năng lực pháp luật của chủ thể Năng lực pháp luật với tính cách là một đặc tính của chủ thể nhưng không phải là đặc tính tự nhiên, bẩm sinh và cũng không phải là hiện tượng "nhất thành bất biến". Thời cổ đại, mặc dù chưa hình thành khái niệm năng lực pháp luật nhưng luật La Mã đã tiếp cận nội dung này bằng việc xem xét đặc điểm nhân thân của con người để phân biệt với đồ vật. Vào khoảng thế kỷ XVIII, Christian đưa ra khái niệm năng lực pháp luật với tính cách là một dấu hiệu của cá nhân. Dưới thời khai sáng, theo I.M. Kant và trường phái pháp luật tự nhiên đã cho rằng năng lực pháp luật là dấu hiệu chung của mọi người và cần phải khẳng định năng lực pháp luật chung cho mọi người. Con người là một thực thể xã hội và gắn liền với con người luôn luôn là năng lực pháp luật. Vì thế năng lực pháp luật là hiện tượng không thay đổi, không chuyển dịch cho chủ thể khác. Trong lịch sử nước ta, quan niệm này cũng đã từng được sử dụng cùng pháp luật thực định khi xây dựng nội dung nghĩa vụ trong năng lực chủ thể. Chẳng hạn, nghĩa vụ dân sự là mối liên lạc về luật thực tại hay luật thiên nhiên, bó buộc một hay nhiều người phải làm hay đừng làm sự gì đối với một hay nhiều người nào đó... (Điều 675 Bộ dân luật Bắc 1931); nghĩa vụ là cái dây liên lạc về luật thực tại hay luật thiên nhiên bó buộc một hay nhiều người phải làm hay đừng làm sự gì đối với một hay nhiều người nào đó... (Điều 675 Bộ dân luật Trung). Tuy vậy, nghĩa vụ tự nhiên là loại nghĩa vụ luân lý được đưa vào trong khái niệm cho hợp với truyền thống, nó "không thể tố tụng trước tòa án được" (Điều 642 Bộ dân luật Bắc); "là nghĩa vụ không thể cưỡng bách thi hành" (Điều 677 Bộ dân luật Trung). ở nước ta, nhìn chung trong khoa học cũng như luật thực định đều coi năng lực pháp luật của chủ thể là cá nhân được hình thành từ lúc con người sinh ra và chấm dứt khi con người đó chết (khoản 1 và 3 Điều 16 BLDS cũng có qui định: "Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự... Năng lực pháp luật dân sự của của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết". Điều đó có nghĩa là một tuyên bố đơn phương về việc khước từ hay hạn chế năng lực pháp luật của chủ thể là cá nhân đều không có hiệu lực về mặt pháp lý. Tuy nhiên, Điều 18 BLDS lại đưa ra qui định "năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật qui định" cho thấy cách tiếp cận vấn đề năng lực pháp luật mang tính "động" và thực tế hơn. Điều này cần được lý giải từ hai góc độ khi nghiên cứu về năng lực pháp luật: Thứ nhất, nếu nhìn nhận một cách tổng quan nội dung năng lực pháp luật là một phạm trù mở không bị hạn chế về sự vận động, không đặt ra giới hạn cuối cùng cho sự phát triển, nghĩa là nó có thể được bổ sung nếu điều kiện thực tế cho phép. Thứ hai, năng lực pháp luật xét về hình thức và cơ sở tồn tại thực tế không thể nằm ngoài các quy định pháp luật cụ thể, vì vậy nó bị qui định bởi khả năng thực tế của quá trình xây dựng pháp luật, điều chỉnh pháp luật. Điều này cho thấy nội dung năng lực pháp luật phải được pháp luật qui định, bảo vệ và có thể bị hạn chế trong những trường hợp nhất định. Tóm lại, hiểu theo nghĩa thứ hai khẳng định năng lực pháp luật là một phạm trù pháp lý có giới hạn là hoàn toàn chính xác. Theo nghĩa này, năng lực pháp luật của chủ thể cá nhân có thể bị hạn chế dưới hai khả năng: - Một là, khi có văn bản quy phạm pháp luật có tính bắt buộc chung qui định chủ thể không được thiết lập các quan hệ pháp luật cụ thể. - Hai là, khi có quyết định áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có tính cá biệt đối với chủ thể trong điều kiện nhất định, thời hạn nhất định (ví dụ: Quyết định của Tòa án cấm lưu trú hoặc hành nghề đối với một cá nhân khi họ phạm tội). Về bản chất, đây không phải là biện pháp tước bỏ năng lực pháp luật mà chỉ là biện pháp đình chỉ có điều kiện khả năng biến quyền khách quan thành quyền chủ quan của chủ thể cá nhân. Biện pháp này sẽ được gỡ bỏ nếu Nhà nước thấy không cần thiết nữa và khả năng thụ hưởng quyền thực tế của chủ thể đó được hồi phục. Việc hạn chế năng lực pháp luật không đồng nghĩa với việc tước bỏ một quyền cụ thể của chủ thể. Như đã nói ở trên, thời điểm phát sinh năng lực pháp luật của chủ thể cá nhân được tính từ lúc người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết đã có những ý kiến khác nhau trong khoa học pháp lý. Đối với thời điểm con người được sinh ra thì đa số các quốc gia khác cũng đều xác định là thời điểm xuất hiện năng lực pháp luật. Khái niệm được sinh ra nên hiểu theo nghĩa chung là việc bào thai tách khỏi cơ thể của mẹ và còn sống, bất luận sự sống đó kéo dài được bao lâu. Mặc dù vậy, cùng với sự phát triển của y học, sinh học hiện đại đã có nhiều cách "tạo ra" con người thì cách hiểu này lại đang gây tranh cãi trong khoa học pháp lý, chẳng hạn nhân bản vô tính con người - thành tựu khoa học của thế kỷ 20. Năng lực chủ thể vận động, phát triển và tăng dần về dung lượng cùng với độ tuổi (nhất là năng lực hành vi) và đến một độ tuổi nhất định thì được coi là đầy đủ. Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền quy định năng lực pháp luật, xác nhận hoặc hạn chế năng lực hành vi chủ thể trong từng trường hợp cụ thể. Năng lực pháp luật của cá nhân chấm dứt khi người đó chết. Chết ở đây được hiểu là chết về mặt sinh học hoặc chết theo tuyên bố của tòa án. Trên thực tế nhiều khi xác định thời điểm một cá nhân nào đó chết rất khó khăn, nhất là đối với trường hợp mất tích như theo Điều 91 BLDS của nước ta. Khi quyết định của tòa án tuyên bố một người là đã chết thì vào thời điểm quyết định đó có hiệu lực mọi quan hệ pháp luật mà người đó tham gia được xem như người chết theo nghĩa sinh học. Đáng lưu ý là thời điểm chết không phải là thời điểm quyết định của tòa án có hiệu lực mà là thời điểm xác định trong quyết định đó. Như vậy nội dung của quyết định của tòa án phải làm rõ hai vấn đề là: bảo đảm tính pháp lý về việc tuyên bố người đó đã chết và xác định thời điểm chết. Trong trường hợp tòa án ra quyết định tuyên bố một người đã chết mà không xác định được thời điểm chết thì ngày mà quyết định đó có hiệu lực được coi là ngày chết (xem khoản 2 Điều 91 BLDS). Trường hợp xác định được là chết theo nghĩa sinh học thể hiện thông qua việc khai tử thì quyền và nghĩa vụ của chủ thể đó trong các quan hệ pháp luật đương nhiên chấm dứt. Nếu chết được xác định bằng quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật thì các quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ khác về nhân thân của người đó cũng được giải quyết như đối với người đã chết theo nghĩa sinh học. Cũng như vấn đề khai sinh, qui định khai tử cho người chết hiện nay hầu như không được thực hiện một cách triệt để trên thực tế ở nước ta. Thời gian thực tế tồn tại năng lực pháp luật (từ lúc sinh ra cho đến lúc chết) so với thời gian được pháp luật chính thức xác nhận năng lực (từ thời điểm có giấy khai sinh đến thời điểm có giấy khai tử) cũng không trùng khớp nhau. Điều này đem lại khả năng xác định thời điểm chấm dứt các quan hệ pháp luật trên thực tế là rất khó khăn và phức tạp. Tuy vậy, cần phân biệt năng lực pháp luật của cá nhân với quyền chủ quan cụ thể của cá nhân. Năng lực pháp luật là tiền đề để cá nhân có được các quyền chủ quan cụ thể (ví dụ như năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là tiền đề để công dân có các quyền dân sự cụ thể). Như vậy, cá nhân muốn thực hiện các quyền chủ quan của mình đòi hỏi họ phải nắm được khả năng hưởng (có) quyền của mình tới đâu theo quy định của pháp luật. Một nguyên lý cơ bản của Nhà nước pháp quyền đã thể hiện đúng đắn bản chất của mối liên hệ giữa năng lực pháp luật với quyền chủ quan của chủ thể là: Công dân có thể tiến hành bất cứ hoạt động nào nếu pháp luật không ngăn cấm. Năng lực pháp luật xuất hiện trên cơ sở pháp luật của mỗi nước, vì vậy công dân của mỗi nước khác nhau năng lực pháp luật có sự khác nhau. Năng lực pháp luật trong chế độ xã hội chủ nghĩa được pháp luật qui định trên cơ sở quán triệt mức độ cao nguyên tắc bình đẳng. Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật và bình đẳng về điều kiện thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp lý đó. Về mặt nguyên tắc, năng lực pháp luật trong chế độ xã hội chủ nghĩa không bị bó hẹp về nội dung, phạm vi và tính phổ biến, song cần dựa vào điều kiện cụ thể ở mỗi giai đoạn mà đưa ra những qui định pháp luật cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi. Tóm lại có thể khẳng định: Năng lực pháp luật là khả năng của chủ thể được hưởng những quyền và thực hiện những nghĩa vụ pháp lý theo quy định của pháp luật. Hay nói cách khác, năng lực pháp luật là khả năng hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ theo qui định pháp luật nhằm bảo đảm cho chủ thể có điều kiện pháp lý để tham gia các quan hệ pháp luật cụ thể. b) Năng lực hành vi của chủ thể Theo Từ điển tiếng Việt, hành vi là xử sự của con người [69, tr. 456]. Hành vi tồn tại trên thực tế dưới hai dạng thức là hành động và không hành động. Tuy nhiên, theo chúng tôi, không phải mọi hoạt động của con người đều được coi là hành vi mà chỉ những hoạt động có ý thức và mang tính xã hội mới là hành vi. Đây có thể coi là hai thuộc tính cơ bản có liên quan chặt chẽ với nhau cùng được bộc lộ trên thực tế. Rõ ràng không có nhận thức con người không có khả năng xác lập và điều chỉnh hành vi. Khi có hai thuộc tính này chủ thể mới có đầy đủ khả năng kiểm soát và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Vì vậy, hành vi bao giờ cũng phải gắn liền với ý thức trách nhiệm của chủ thể. Hành vi pháp luật phải gắn liền với trách nhiệm pháp lý và điều chỉnh pháp luật. Mọi trường hợp được miễn trách nhiệm pháp lý phải được pháp luật quy định cụ thể. Vì lẽ đó, từ phương diện lý luận không thể coi những thao tác mang tính bản năng trong trạng thái vô thức của con người là hành vi (chẳng hạn như: ngủ mơ nói hoặc cử động không có chủ đích hay những thao tác của người bị bệnh tâm thần, mất trí...). Tuy nhiên, ở nước ta trong giao tiếp xã hội cũng như thực tiễn pháp lý vẫn thường sử dụng cụm từ hành vi của người điên, người tâm thần... có lẽ do thói quen hoặc để đơn giản trong khẩu ngữ, nhưng như vậy là không chính xác về phương diện khoa học. Năng lực hành vi là yếu tố biến động nhất trong cấu thành năng lực chủ thể. Nếu như việc nghiên cứu năng lực pháp luật chỉ dựa vào các quy định pháp luật thì việc nghiên cứu năng lực hành vi cần phải tiếp cận từ góc độ cụ thể cho từng loại quan hệ pháp luật và ở từng giai đoạn khác nhau. Mô thức hành vi được xây dựng trong quy phạm pháp luật chỉ có ý nghĩa khi chủ thể có năng lực chuyển hóa thành vi cụ thể. Quá trình chuyển hóa đó có sự khác nhau chính ở yếu tố năng lực vốn có của từng chủ thể. Như vậy, ở mỗi loại quan hệ pháp luật cơ chế hành vi của chủ thể thể hiện tính phổ biến, tính đặc thù (cho từng loại quan hệ pháp luật) và đặc điểm riêng về năng lực của chủ thể. Do đó, việc nghiên cứu năng lực hành vi luôn sống động và tạo nên sự đa dạng, phong phú của thực tiễn so với năng lực pháp luật. Như vậy, năng lực hành vi là khả năng của chủ thể trong nhận thức, lựa chọn cách xác lập và kiểm soát hành vi phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng chịu trách nhiệm về hậu quả do hành vi đó mang lại. Theo đó, năng lực hành vi chính là khả năng thực tế của chủ thể nhằm thực hiện năng lực pháp luật của chủ thể. Một trong những điều kiện năng lực hành vi của chủ thể cá nhân là độ tuổi. Thông thường các nước đều lấy độ tuổi 18 và khả năng lý trí (khả năng nhận thức) làm điều kiện công nhận năng lực hành vi của chủ thể trong đa số nhóm quan hệ pháp luật. Tuy nhiên, điều kiện này không phải là duy nhất và áp dụng thống nhất cho các loại quan hệ pháp luật. Các quốc gia khác nhau cũng có thể lấy điều kiện công nhận độ tuổi cao, thấp khác nhau. Ngoại trừ trường hợp hạn chế năng lực hành vi theo quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Năng lực hành vi ở mỗi nhóm quan hệ pháp luật khác nhau xuất hiện ở chủ thể là công dân theo những độ tuổi khác nhau. Ngoài độ tuổi ra, điều kiện căn bản để xem xét năng lực hành vi là khả năng về lý trí của chủ thể tại thời điểm chủ thể đó tham gia quan hệ pháp luật. Việc quy định độ tuổi có năng lực hành vi không có nghĩa là trước khi đạt đến độ tuổi đó công dân không được làm gì trong từng lĩnh vực cụ thể của pháp luật. Hạn chế độ tuổi cho việc xác định năng lực hành vi là cần thiết vì quá trình phát triển nhân cách, tính cách con người cần phải có một khoảng thời gian nhất định. Chỉ có đến một độ tuổi nhất định nào đó con người mới có khả năng nhận thức, khả năng điều chỉnh hành vi, mới thấy hết ý nghĩa xã hội về hành vi của mình và mới có khả năng chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi đó. Khi chủ thể có khả năng kiểm soát hành vi của mình thì hành vi đó mới là hành vi xã hội và chỉ có những hành vi đó mới cần thiết một sự điều chỉnh của pháp luật. Một số trường hợp chủ thể đủ độ tuổi theo quy định pháp luật nhưng cũng chỉ được thực hiện một số hành vi pháp lý nhất định mà thôi. Chẳng hạn, theo Điều 23 BLDS của nước ta, công dân từ 6 tuổi có khả năng tham gia những giao dịch dân sự nhỏ nhưng không thể có khả năng chịu trách nhiệm về những hành vi làm trái khi tham gia giao dịch đó. Như đã nói ở trên, việc quy định chủ thể tham gia quan hệ pháp luật phải có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi (năng lực chủ thể) là điều kiện cần và đủ. Năng lực hành vi của các chủ thể ở mỗi loại quan hệ pháp luật có những đòi hỏi khác nhau phụ thuộc vào tính chất và đặc điểm của quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh. Năng lực pháp luật và năng lực hành vi tạo thành năng lực chủ thể quan hệ pháp luật vì thế chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Một chủ thể đơn thuần chỉ có năng lực pháp luật thì không thể tự mình tham gia các quan hệ pháp luật được. Ngược lại, không có bất kỳ chủ thể nào có năng lực hành vi mà không có năng lực pháp luật. Năng lực pháp luật là tiền đề của năng lực hành vi. Giữa năng lực pháp luật và năng lực hành vi có giới hạn rõ nét khi chủ thể là các cá nhân, năng lực hành vi xuất hiện muộn hơn năng lực pháp luật. Đối với chủ thể là pháp nhân thì ranh giới này khó nhận biết nếu không đi sâu phân tích hoạt động của nó. Với loại chủ thể này, năng lực chủ thể phát sinh từ thời điểm pháp nhân đó chính thức có quyết định thành lập hoặc được công nhận. Năng lực hành vi thể hiện rõ nét ở cơ chế xác lập hành vi của chủ thể. Cơ chế xác lập hành vi của chủ thể (còn gọi là cơ chế hành vi) khi tham gia quan hệ pháp luật là toàn bộ các hoạt động mà chủ thể thực hiện theo một trật tự nhất định trên cơ sở nhận thức pháp lý, nhằm hiện thực hóa quyền, nghĩa vụ pháp lý của chủ thể. Năng lực hành vi của chủ thể quan hệ pháp luật cũng có thể bị thay đổi do: Tình trạng sức khỏe, khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi, thái độ tâm, sinh lý của chủ thể. Sự thay đổi đó cũng diễn ra khác nhau ở mỗi loại quan hệ pháp luật. Việc xác định những biến dạng của năng lực hành vi không có những tiêu chuẩn thống nhất cho các loại quan hệ pháp luật khác nhau. Người có năng lực hành vi đầy đủ là những người hoàn toàn có khả năng nhận thức, xác lập, điều chỉnh và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Sự biến dạng năng lực hành vi của chủ thể ở một số ngành luật có thể được mô tả trong các quy phạm pháp luật của ngành luật đó cả về điều kiện, hoàn cảnh, hậu quả pháp lý. Ngoài ra, khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, nếu giải quyết việc này theo yêu cầu của chính người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi sẽ vướng mắc về tố tụng bởi thời điểm người đó yêu cầu quyết định của Tòa án vẫn còn hiệu lực pháp lý và họ vẫn bị coi là mất năng lực hành vi dân sự thì đương nhiên cũng không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Họ không thể tự mình khởi kiện hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết trong điều kiện như vậy. Do đó, luật tố tụng dân sự cần loại trừ khả năng này để hợp tính lôgíc về lý luận và thực tiễn. 1.2.1.2. Phân loại chủ thể quan hệ pháp luật Việc xuất hiện và tồn tại của nhiều loại quan hệ pháp luật trên thực tế đã cho thấy sự đa dạng và linh hoạt về chủ thể. Do đó, phân loại chủ thể quan hệ pháp luật là cần thiết. Điều này xuất phát từ nhu cầu khách quan của quan hệ pháp luật và sự cần thiết tác động, điều chỉnh pháp luật. Dựa vào những đặc điểm cơ bản về tư cách chủ thể và phương thức thiết lập hành vi chủ thể, khoa học pháp lý chia chủ thể quan hệ pháp luật làm hai nhóm chính là thể nhân (Les personnes physiquen) và tổ chức. Thể nhân tức là con người với tư cách là một thực thể trong thế giới tự nhiên, bao gồm: Công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch. Tổ chức gồm có: Pháp nhân (Les personnes morales); tổ chức không có tư cách pháp nhân và nhà nước. a) Chủ thể là thể nhân + Công dân: Công dân là một khái niệm dùng để chỉ mối quan hệ pháp lý giữa cá nhân với Nhà nước thông qua các quy định pháp luật. Công dân không chỉ riêng ở nước ta mà ở tất cả các quốc gia hiện đại ngày nay đều là chủ thể phổ biến và cơ bản nhất của các loại quan hệ pháp luật. Cá nhân công dân khi đủ năng lực chủ thể có thể tham gia nhiều quan hệ pháp luật trong cùng một thời điểm. Các nhóm quan hệ, các quan hệ cụ thể đó có những đặc điểm, đặc thù riêng đòi hỏi công dân phải đáp ứng đầy đủ năng lực khi tham gia nó. Có những loại quan hệ pháp luật cá nhân không thể tự mình tham gia một cách độc lập được, ví dụ như trong lĩnh vực quan hệ công pháp quốc tế. Tuy nhiên, đối với khoa học pháp luật quốc tế hiện đại, gần đây cũng đã có ý kiến cho rằng, cá nhân có thể tự mình tham gia quan hệ quốc tế được, chẳng hạn như công dân có quyền nộp đơn kiện Nhà nước, tổ chức quốc tế nếu Nhà nước hoặc tổ chức quốc tế đó có hành vi sai trái xâm hại quyền dân chủ, tự do của họ. Tổng thể những quyền, tự do và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật tạo nên địa vị pháp lý của công dân. Các quy định pháp luật tạo nên quy chế pháp lý cần thiết cho hoạt động của công dân trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Quy chế pháp lý của công dân thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân và Nhà nước trong đó Nhà nước xác định những quyền tự do và những nghĩa vụ pháp lý đối với công dân. Hiện nay trên các lĩnh vực, tính năng động của cá nhân công dân khi tham gia quan hệ pháp luật được cải thiện một cách đáng kể dưới hình thức độc lập hoặc liên danh; gia công hoặc góp vốn; mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu v.v... + Người nước ngoài và người không quốc tịch: Người nước ngoài và người không quốc tịch có thể trở thành chủ thể quan hệ pháp luật theo các điều kiện áp dụng đối với công dân nước sở tại. Trong lĩnh vực dân sự hầu hết các quốc gia đều giành cho người nước ngoài một khả năng giao dịch đầy đủ như công dân nước sở tại. Tuy nhiên, do có sự khác biệt về quốc tịch nên năng lực chủ thể của người nước ngoài, người không có quốc tịch có những hạn chế nhất định so với công dân nước sở tại khi tham gia quan hệ pháp luật trên thực tế. Năng lực hành vi của người nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà người đó là công dân, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác. Trong trường hợp người nước ngoài xác lập các quan hệ pháp luật tại Việt Nam thì năng lực hành vi được xác định theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người nước ngoài có một hoặc hai quốc tịch là tình trạng thực tế và pháp lý phức tạp vì các quốc gia có liên quan đều coi họ là công dân của mình được hưởng quyền và phải gánh chịu những nghĩa vụ nhất định. Như vậy đây là trường hợp trái với tính chất duy nhất của chủ quyền quốc gia và chủ quyền nhân dân. Thực tiễn quốc tế thường áp dụng nguyên tắc quốc tịch hữu hiệu (nước mà người đó sống nhiều nhất) hoặc ký kết các điều ước quốc tế nhằm ngăn chặn tính phức tạp của nó, nhất là khi có tranh chấp. Đối với người không quốc tịch thì địa vị pháp lý của họ khác hơn nhiều so với công dân nước sở tại và người nước ngoài. Họ không được hưởng các quyền mà người nước ngoài được hưởng trên cơ sở các điều ước quốc tế được ký kết giữa các quốc gia. Họ không được bảo hộ ngoại giao của bất kỳ một nước nào. Do vậy, khả năng tham gia các quan hệ pháp luật là rất hạn chế, không ngoài những giao dịch thông thường cần thiết cho cuộc sống của chính họ. Trong thực tiễn quan hệ quốc tế người ta thường giành cho người nước ngoài các chế độ pháp lý tối huệ quốc (Most favoured Natinal Treatment), chế độ đãi ngộ như công dân (National treatment) và chế độ đãi ngộ đặc biệt để mở rộng cho họ thêm khả năng tham gia quan hệ pháp luật ở nước sở tại. b) Chủ thể là tổ chức Loại chủ thể này có nhiều dạng với tư cách chủ thể khác nhau. Các tổ chức có thể là do Nhà nước thành lập hoặc thừa nhận hoạt động vì mục đích riêng, t._.áp lý, trên thực tế cần sửa đổi luật lao động và pháp luật về đăng ký hộ khẩu nhằm cải cách toàn diện thị trường lao động, khuyến khích mọi chủ thể quan hệ lao động sáng tạo, tự do tìm kiếm việc làm không phụ thuộc hộ khẩu, đồng thời bảo vệ quyền của các bên theo hợp đồng và quy định của pháp luật. Đối với thị trường lao động cần tạo môi trường pháp lý bình đẳng, bảo vệ lợi ích của các chủ thể quan hệ pháp luật lao động (gồm người lao động và bên sử dụng lao động) nhằm thúc đẩy thị trường lao động phát triển, góp phần giải quyết các vấn đề về xã hội. Bảo đảm và tôn trọng quyền thỏa thuận của các bên trong quan hệ lao động trên cơ sở qui định pháp luật lao động và thừa nhận, khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có lợi hơn so với quy định của pháp luật. Nhằm hạn chế tình trạng tranh chấp quyền, nghĩa vụ trong quan hệ lao động cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đồng thời nâng cao vai trò đại diện của công đoàn, tôn trọng thỏa ước lao động tập thể. Để giải quyết lao động thừa, tìm việc làm và xóa đói giảm nghèo cần khuyến khích việc xuất khẩu lao động hợp lý. Mặt khác cần sửa đổi các quy định về việc quản lý hộ khẩu để người lao động có cơ hội tìm việc làm, tham gia các quan hệ lao động thích hợp ở mọi nơi. Hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm mở rộng khả năng mở rộng tranh chấp lao động. Nhanh chóng hình thành quĩ bảo hiểm thất nghiệp theo hướng nhà nước, doanh nghiệp và người lao động cùng góp vốn. Thứ năm, đối với quan hệ pháp luật thương mại: ở nước ta, ngành luật thương mại từ trước đến nay bị bao trùm bởi ngành luật kinh tế. Mặc dù trên thực tế chúng ta chưa thể ban hành được luật kinh tế trong khi đã ban hành được Luật thương mại. Quan hệ pháp luật thương mại phát sinh trong quá trình buôn bán hàng hóa nên phải tính đến góc độ kinh tế, lợi ích. Đặc điểm này đều có mặt cả trong quan hệ dân sự, kinh tế. Để phát triển quan hệ pháp luật thương mại cần sửa đổi luật thương mại nhằm giải quyết sự chồng chéo mâu thuẫn giữa các loại hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành có hiệu quả các loại quan hệ hợp đồng trên thực tế. Để hòa nhập với quan hệ buôn bán trong khu vực và thế giới, nhà nước nên thực hiện nhất quán chính sách bảo hộ có chọn lọc, có thời hạn và có điều kiện để kích thích sản xuất trong nước và trao đổi với bên ngoài. Lộ trình giảm thuế nhập khẩu và giảm dần các hàng rào thuế quan theo cam kết với AFTA và APEC cần được công bố và kiểm tra để các doanh nghiệp trong nước có kế hoạch cụ thể. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết đặc biệt là các quy định pháp luật, thủ tục pháp lý để hòa nhập. Giữ vững các mối quan hệ, các thị trường truyền thống đồng thời mở rộng thị trường mới nhằm đa dạng hóa quan hệ thương mại. Đặc biệt, tạo lập khuôn khổ pháp lý nhằm phát triển thương mại điện tử theo hướng mở rộng phạm vi giao dịch trên mạng đối với tất cả hàng hóa và dịch vụ được phép kinh doanh. Thứ sáu, đối với các quan hệ pháp luật về đầu tư: Trong điều kiện đổi mới, lĩnh vực đầu tư luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các quan hệ pháp luật về đầu tư gồm có nhiều loại, phát sinh ở nhiều giai đoạn khác nhau và nội dung cũng rất đa dạng. Nhà nước, cần đưa ra một chính sách đầu tư thông thoáng nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chế biến xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp nhằm thu ngoại tệ và giải quyết việc làm cho xã hội. Các sản phẩm này là một thế mạnh của Việt Nam nhưng lại chưa có điều kiện chế biến với công nghệ cao. Cần cải tiến thủ tục pháp lý về cấp giấy phép, thẩm định luận chứng đầu tư và quản lý các dự án đã đi vào hoạt động theo hướng không gây trở ngại cho đối tác đầu tư. Đây là những hoạt động mà thực tế ở nước chúng ta hiện vẫn còn nhiều khâu phức tạp làm giảm khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Trong tình hình đầu tư có giảm đòi hỏi nhà nước phải có những biện pháp hợp thời cho từng loại quan hệ cụ thể, tránh tình trạng cát cứ, phân lập về đầu tư giữa các địa phương. Mặt khác, nhà nước cần phối hợp với các quốc gia khác và các tổ chức an ninh quốc tế kiểm soát ngăn chặn kịp thời tình trạng rửa tiền bất hợp pháp trong đầu tư. Lành mạnh hóa môi trường cần đòi hỏi các nhà đầu tư thực hiện nghiêm minh các quy định pháp luật Việt Nam, hạn chế rủi ro và tranh chấp. Thứ bảy, đối với lĩnh vực quan hệ pháp luật tài chính, ngân hàng: Đây là lĩnh vực mà thực lực chúng ta còn yếu kém về nhiều mặt, do đó cần có bước đi và biện pháp thận trọng trong việc mở cửa thị trường vốn sao cho phù hợp với tiến trình chấn chỉnh, cải tiến, củng cố hệ thống tài chính, tín dụng, ngân hàng ở trong nước. Kiểm soát chặt chẽ các quan hệ pháp luật phát sinh trong quá trình đầu tư gián tiếp như nước ngoài góp cổ phần, mua cổ phiếu của các cơ sở kinh doanh trong nước. Sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn vốn vay, viện trợ của nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế trong cải thiện môi trường dân sinh. Việc mở rộng mạng giao dịch điện tử về tài chính ngân hàng cần bảo đảm độ chính xác, an toàn nhất là trong lưu ký điện tử để không bị lợi dụng làm thất thoát tiền của nhà nước. Các quan hệ pháp luật phát sinh trong việc hỗ trợ hoạt động cho vay vốn của ngân hàng cần phải đúng đắn, trung thực và có khả năng kiểm soát tránh rủi ro làm thất thoát tiền trong kinh doanh. Chẳng hạn, hoạt động công chứng, chứng thực các loại giấy tờ bảo đảm cho người vay mà ngân hàng yêu cầu. Kết luận chương 3 Củng cố và phát triển hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam là một vấn đề thiết thực và khách quan trong điều kiện chúng ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu khu vực và quốc tế. Xây dựng nhà nước pháp quyền và phát triển hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam trên thực tế có mối liên hệ hữu cơ và thống nhất với nhau. Do đó, việc hình thành cơ sở lý luận và thực tiễn có tính tổng thể và đồng bộ về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thể không xem xét đến giải pháp đặc thù đối với từng lĩnh vực quan hệ pháp luật và ngược lại, phát triển hệ thống quan hệ pháp luật cần phải đặt trong mối liên hệ với các nội dung xây dựng nhà nước pháp quyền. Để phát triển hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam, ngoài những yếu tố là điều kiện môi trường khách quan thì vai trò của Nhà nước và các chủ thể có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nhà nước có nghĩa vụ xây dựng một hệ thống nguồn pháp luật đa dạng, đồng bộ bảo đảm ngày càng tốt hơn các lợi ích về vật chất và tinh thần trên cơ sở bình đẳng xã hội. Đồng thời hình thành một cơ chế kiểm soát hữu hiệu và thích ứng với điều kiện hội nhập đối với quá trình hình thành và phát triển của hệ thống quan hệ pháp luật. Các chủ thể có trách nhiệm nâng cao sự hiểu biết pháp luật và hình thành một thái độ động cơ đúng đắn, tích cực để chủ động tham gia quan hệ pháp luật. Kết Luận 1. Với tính cách là một yếu tố cơ bản của đời sống pháp lý, quan hệ pháp luật luôn được các nhà khoa học và những người áp dụng pháp luật trong thực tiễn quan tâm nghiên cứu ở những góc độ khác nhau. Việc lý giải một cách đầy đủ, khoa học các vấn đề lý luận về quan hệ pháp luật có ý nghĩa quan trọng đối với việc xem xét cơ chế điều chỉnh pháp luật và quá trình thực hiện pháp luật của các chủ thể. Tuy nhiên, đây là một nội dung phức tạp trong nhận thức luận nên trên thực tế còn có nhiều quan điểm, cách đánh giá khác nhau. Trên cơ sở phân tích, đánh giá và so sánh những hạt nhân hợp lý của các quan điểm, luận án đã xây dựng khái niệm quan hệ pháp luật, xác định đặc điểm cơ bản và cấu trúc của quan hệ pháp luật làm cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam và các phạm trù khác có liên quan. Luận án cũng đã khẳng định, là một dạng của quan hệ xã hội, song chỉ có những quan hệ xã hội nào đặc trưng bởi sự hiện diện, tương tác của quyền, nghĩa vụ pháp lý và được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp nhà nước mới được coi là quan hệ pháp luật. Trong quá trình vận động và phát triển, quan hệ pháp luật vừa có tính độc lập tương đối vừa có sự tương tác với các loại quan hệ xã hội khác. Như vậy, nghiên cứu quan hệ pháp luật, hệ thống quan hệ pháp luật thực chất là quá trình tìm hiểu trạng thái vận động, sự hình thành và phát huy các giá trị của pháp luật trên thực tế. Điều này cho thấy việc tìm kiếm các giải pháp phát triển hệ thống quan hệ pháp luật trên thực tế phải xem xét một cách đồng bộ cả phương diện pháp lý và các phương diện xã hội khác như kinh tế, chính trị, đạo đức, lối sống, tâm lý, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng v.v... 2. Trải qua hơn 50 năm ra đời và phát triển cùng nhà nước và pháp luật Việt Nam kiểu mới, hệ thống quan hệ pháp luật nước ta đã không ngừng được củng cố, mở rộng cả về phạm vi, qui mô và năng lực thực tế của chủ thể. Thông qua việc nghiên cứu quá trình phát triển hệ thống quan hệ pháp luật chúng ta có thể đánh giá những thành tựu đã đạt được của quá trình xây dựng và gìn giữ đất nước, những điểm tích cực và hạn chế của cơ chế điều chỉnh pháp luật cũng như thực trạng của hệ thống quan hệ pháp luật trong mỗi giai đoạn. Trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, các quan hệ xã hội ở nước ta đang vận động, phát triển đa chiều và linh hoạt. Nhà nước cần phải định hướng quá trình điều chỉnh, tác động pháp luật tránh nóng vội, cầu toàn dẫn đến lệch hướng sự vận động của các quan hệ xã hội nói chung, quan hệ pháp luật nói riêng. Đồng thời tiến hành khảo cứu thực tế để đánh giá xu hướng vận động từng loại quan hệ pháp luật, xác định các biện pháp kiểm soát vĩ mô, có hiệu quả đối với hệ thống quan hệ pháp luật (chẳng hạn, khảo cứu về quan hệ sử dụng, quản lý đất đai ở đô thị, nông thôn... nhằm dự báo xu hướng vận động của các loại quan hệ đó). Có thể nói, an toàn pháp lý cuối cùng là bảo đảm sự an toàn của các quan hệ pháp luật, hệ thống quan hệ pháp luật vận động, phát triển trong một trạng thái tích cực. Một khi quan hệ pháp luật bị mất đi tính xác thực, thay đổi bản chất pháp lý thì giá trị của nó bị triệt tiêu đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự pháp luật và trật tự xã hội. Những tồn tại của hệ thống quan hệ pháp luật ở nước ta có nhiều nguyên nhân, trong đó những nguyên nhân cơ bản như: năng lực của chủ thể, chính sách pháp luật và vai trò nhà nước, chất lượng của các quy định pháp luật, cơ chế tổ chức và kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật. Bên cạnh đó hiệu quả áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền chưa cao do năng lực thực tế chưa đáp ứng yêu cầu của công vụ. Một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Mặt khác, ý thức pháp luật của nhân dân còn thấp, hạn chế về khả năng tư duy và hành vi thực tế cộng với lối sống tùy tiện và sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường đối với quá trình thực hiện pháp luật. 3. Trong điều kiện hiện nay, để củng cố và phát triển hệ thống quan hệ pháp luật cần phải hình thành một chương trình tổng thể, đồng bộ các biện pháp tác động đến từng yếu tố của mỗi loại quan hệ pháp luật cụ thể. Trong đó cần coi trọng một số biện pháp trực tiếp và cơ bản như: nâng cao ý thức pháp luật và tính tích cực chủ động của chủ thể; xử lý các hành vi cố ý làm biến dạng và thay đổi bản chất các quan hệ pháp luật; xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ, hữu hiệu đối với sự hình thành vận động của quan hệ pháp luật trên thực tế; khơi thông và phát huy nguồn lực đất nước và con người Việt Nam trong công cuộc đổi mới, hội nhập đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ; đơn giản hóa các quan hệ thủ tục theo hướng tinh, gọn, kịp thời và hiệu quả. Tóm lại, quan hệ pháp luật là một trong vấn đề pháp lý có nội dung rộng và phức tạp trong nhận thức luận và trên thực tế. Để hoàn chỉnh lý luận quan hệ pháp luật đặt nền móng cho việc tiếp cận, xem xét hệ thống quan hệ pháp luật hỏi phải có nhiều bộ môn khoa học có liên quan đồng thời nghiên cứu. Trên cơ sở đó đưa ra phương hướng và các giải pháp nhằm củng cố, mở rộng và phát triển hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. những công trình đã công bố liên quan tới luận án Lê Vương Long (1996), "Vấn đề nhận thức pháp lý của cá nhân", Luật học, (2), tr. 21-24. Lê Vương Long (1996), "Cơ chế xác lập hành vi của chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật", Luật học, (4), tr. 30-34. Lê Vương Long (1997), "Xây dựng lối sống theo pháp luật những vấn đề cần quan tâm", Luật học, (4), tr. 38-43. Lê Vương Long (2000), "Động cơ hóa hành vi pháp luật", Luật học, (1), tr. 36-40. Lê Vương Long (2000), "Dư luận xã hội và pháp luật", Dân chủ và pháp luật, (10), tr. 15-16. Lê Vương Long (2001), "Pháp luật và tập quán trong điều chỉnh các quan hệ xã hội ", Luật học, (2), tr. 27-32. Lê Vương Long (2001), "Vấn đề củng cố và mở rộng dân chủ ở cơ sở hiện nay", Dân chủ và pháp luật, (8), tr. 1-4. Lê Vương Long (2001), "áp dụng tập quán trong giải quyết tranh chấp dân sự", Dân chủ và pháp luật, (Số chuyên đề), tr. 3-9. Lê Vương Long (2001), "Xây dựng lối sống theo pháp luật và vấn đề giáo dục pháp luật trong nhà trường", Dân chủ và pháp luật, (Số đặc biệt), tr. 6-8. Lê Vương Long (2003), "Văn hóa pháp lý Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa", Hội thảo pháp luật Việt - Đức về "Toàn cầu hóa và pháp luật", Kỷ yếu Trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 25/2/2003 Lê Vương Long (2003), "Vị trí, vai trò của quan hệ pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật và trong đời sống thực tiễn", Luật học, (2), tr.27-32 danh mục Tài Liệu THAM Khảo Agxpi-rkin (1989), Triết học xã hội, tập 1, (Bản dịch) Nxb Tuyên huấn, Hà Nội. Báo An ninh thế giới, số 261, ngày 03/01/2002. Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội X, số 109/BC-VKSTC ngày 30/10/2001. Báo cáo tổng kết của Viện kiểm sát năm 2000, số 01/BC-VKSTC ngày 05/01/2000. Báo Đầu tư, số 70 ra ngày 30/8/1999. Báo Lao động, số 250/2001(5561), ngày 20/11/2001. Báo Nhân dân, số ra ngày 21/4/2001. Bộ Luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt nam (1987), Nxb Pháp lý. Các văn bản pháp luật về kinh tế (1999), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Cải cách thể chế chính trị (1996) (sách tham khảo), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Hữu Dũng (2000), Những vấn đề cần giải quyết để phục vụ trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế. CA. Do-lop. A.E - Di-lin-ski. SE - Co-ru-do-cop V.P. (1987), Xây dựng chính quyền và các ngành luật, Nxb Sự thật. Hà Nội. Durkheim - Emile (1993), Các quy tắc của phương pháp xã hội học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị Ban chấp hành trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Các Nghị quyết của Trung ương Đảng 1996-1999, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Trần Ngọc Đường (chủ biên) (1998), Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Gunter Endrweit (1999), Các lý thuyết xã hội học hiện đại, Nxb Thế giới, Hà Nội. Hệ thống văn bản pháp luật về luật nhà nước (1996), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hiến pháp Việt Nam (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (1996), Đại hội Đảng VIII Những tìm tòi và đổi mới, Thông tin chuyên đề. Lê Mạnh Hùng (chủ biên) (1996), Kinh tế xã hội Việt Nam - Thực trạng, xu thế và giải pháp, Nxb Thống kê, Hà Nội. Ioffio S. (1963), Trách nhiệm theo Luật dân sự Xô viết, Nxb Pháp lý, Hà Nội. Kulcsar Kalman (Đức Uy biên dịch) (1999), Cơ sở xã hội học pháp luật, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Nguyễn Văn Lê (1992), Vấn đề giao tiếp, Nxb Giáo dục, Hà Nội. V.I. Lênin, Về pháp chế xã hội chủ nghĩa, Nxb Sự thật, Hà Nội. Trần Thúc Linh (1964), Danh từ pháp luật lược giải, Nhà sách Khai trí, 62 Lê Lợi-Sài Gòn. C. Mác - Ph. Ăngghen (1978), Toàn tập, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội. C. Mác - Ph.Ăngghen (1980), Toàn tập, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội. C. Mác - Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Vũ Văn Mẫu (1973), Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử, Sài Gòn. Vũ Văn Mẫu (1975), Pháp luật diễn giảng, Sài Gòn. Đinh Văn Mậu - Phạm Hồng Thái (2001), Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb Tổng hợp Đồng Nai. Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, tập 3, Nxb Sự thật Hà Nội. Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội. Hồ Chí Minh (1990), Về Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb Pháp lý, Hà Nội. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Montesquier (1996), Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Phạm Xuân Nam (chủ biên) (2001), Triết lý về mối quan hệ giữa cái kinh tế và cái xã hội trong phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Những nguyên lý xây dựng Nhà nước Xô viết và pháp quyền (1986), Nxb Sách Giáo khoa Mác - Lênin, Hà Nội. Nguyễn Văn Niên (1996), Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Vũ Thị Ngọc Phùng (chủ biên) (1999), Tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đỗ Nguyên Phương (chủ biên) (1994), Về phân tầng xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trần Văn Quảng (1984), Pháp luật và quản lý, Nxb Pháp lý, Hà Nội. Bertrand Russl (1972), Quyền lực, (Bản dịch: Nguyễn Vương Chấn - Đàm Xuân Cận) Thư mục Hiện đại 44/5 Công lý Sài Gòn. Rút xô (1992), Bàn về khế ước xã hội, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Sabo. I (1964), Pháp luật xã hội chủ nghĩa, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva. Lê Hữu Tầng (1997), Về động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Tập hợp theo hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật - Bộ Tư pháp http:// www. moj.gov. Vn. Nguyễn Văn Thảo (chủ biên) (1995), Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam (Bộ máy lập pháp, Hành pháp, Tư pháp), KX.05.07. Thái Vĩnh Thắng (1997), Lịch sử lập hiến Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Thông tin khoa học pháp lý, số 7/2000 Thông tin UNESCO, tháng 8/1998. Thời báo kinh tế Việt Nam, số ngày 04/8/2000 Tìm hiểu Luật so sánh (1993), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Tòa án nhân dân tối cao (1996), Các văn bản về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước và về xử lý vi phạm hành chính. Nguyễn Khánh Toàn (1992), Một số vấn đề của khoa học nhân văn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Tổng cục thống kê (1978), 30 năm phát triển kinh tế của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nxb Sự thật, Hà Nội Tờ trình Quốc hội của ủy ban Thường vụ Quốc hội, số 179/UBTVQH9 Trung tâm Nghiên cứu xã hội và phát triển (1998), Nghiên cứu Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội. Trung tâm Nghiên cứu xã hội và phát triển (chủ biên: GS Đinh Xuân Lâm, PTS Dương Lan Hải) (1998), Nghiên cứu Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội. Trường Đại học Luật Hà Nội (1996), Lý luận chung về nhà nước và pháp luật (giáo trình) Nxb Giáo dục, Hà Nội. Trường Đại học Luật Hà Nội (1998), Lý luận chung về nhà nước và pháp luật (giáo trình), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1993), Lý luận chung về nhà nước và pháp luật (giáo trình), Hà Nội. Từ điển tiếng Việt thông dụng (1995), Nxb Giáo dục, Hà Nội. Tương Lai (1994), Xã hội học từ nhiều hướng tiếp cận và những thành tựu bước đầu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Văn phòng Quốc hội (1994), Lịch sử Quốc hội Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Văn phòng Quốc hội (1997), Báo cáo công tác của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa IX. Văn phòng Quốc hội (2001), Quá trình hình thành, phát triển và vai trò của Quốc hội trong sự nghiệp đổi mới, Kỷ yếu hội thảo, Hà Nội. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1990), 45 năm kinh tế Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý (1993), Tập sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký về nhà nước và pháp luật, (Đề tài KX-02.13) Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý (2000), Thông tin khoa học pháp lý, số 4/2000; số 10/1999; số 3/1999. Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật (1995), Những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước - Pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật (1997), Đại hội VIII Đảng cộng sản Việt Nam và những vấn đề cấp bách của khoa học về nhà nước và pháp luật, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật (1992), Tìm hiểu nhà nước và pháp quyền, Nxb Pháp lý, Hà Nội. Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật (1994), Xã hội và pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Viện Thông tin Khoa học xã hội (1991), Thuyết tam quyền phân lập và bộ máy nhà nước tư sản hiện đại, Hà Nội. Nguyễn Cửu Việt (chủ biên) (1997), Nhà nước và pháp luật đại cương, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội. Vụ Tổng hợp kinh tế Bộ ngoại giao (1999), Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đào Trí úc (1993), Những vấn đề lý luận cơ bản về pháp luật, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Đào Trí úc (1997), Nhà nước và pháp luật của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Đức Uy (dịch) (1986), Sự sai lệch chuẩn mực xã hội, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội. Tiếng Anh A lan R. White (1984), Rights, Clarendon Press, Oxford. (1990), Black’s Law Dictionnary, West Publishing Co., United Stat of America. DENNIS PATTERSON (1996): A Compannion to Philosophy of Law and Legal Theory H.L.A. HART: Clarendon Law Series, The Concept of Law Oxford University press H.L.A. HART (1994), The Concept of Law, Clarendon Press, Oxford. Hans Kelsen (1961), General Theory of State and Law, Publisher New York: Rusel and Rusell, New York. Hans Kelsen (1992), Introduction to the problems of legal theory, Clarendon Press, Oxford Hans Kelsen (1967), Pure Theory of law, University of Califonia Press Berkeley and Los Angeles. Jeffrie G. Muphy and Jules L. Coleman (1990), Philosophy of Law-An Introduction to Juriprudence, Westview Press, San Francisco and London. Joseph Raz (1980), The Concept of Legal System, Clarendon Press, Oxford. Tiếng NGA Q.Q. Ajeipeeb (1966), Let`lhgk no`bmcm oechomb`lh~ b Qmuh`jhpqhvepimk cmprd`opqbe, ^ohdhvepi`~ jhqeo`qro`, Lmpib`. Q.Q. Ajeipeeb, (1979), Oomajekz qemohh cmprd`opqb` h no`b`, ^ohdhvepi`~ jhqeo`qro`, Lmpib`. Q.Q. Ajeipeeb, (1981), Nax`~ qemoh~ no`b`, RNL 1, ^ohdhvepi`~ jhqeo`qro`, Lmpib`. Q.Q. Ajeipeeb, (1982), Nax`~ qemoh~ no`b`, RNL 2, ^ohdhvepi`~ jhqeo`qro`, Lmpib`. Ipqrq Dmprd`opqb` h no`b` A. MQQQP (1977), Oo`bmbme oecrjhomb`lhe maxepqbellzt mqlmwelhh, Lmpib`. Jmk`omb Q.A (1996), Nax`~ qemoh~ cmprd`opqb` h no`b` }ohpq, Lmpib`. K`g`oeb` C.C (1996), Nax`~ qemoh~ cmprd`opqb` h no`b` }ohpq{, Lmpib`. Uomj`l}i C.M (1996), Remoh~ cmprd`opqb` h no`b` }ohpq{, Lmpib`. (1980), Remoh~ c`prd`opqb` h no`b`, Khqeo`qro`, Lmpib`. (1994), Rmjibzé pjmb`o{ Prppimcm _gzi`, RNL 2, D`prd`opqbellme hgd`qej{pqbm Ilmpqo`llzt h l`uhmlzt pjmb`eé, Lmpib`. (1994), Rmjibzé pjmb`o{ Prppimcm _gzi`, RNL 3, D`prd`opqbellme hgd`qej{pqbm Ilmpqo`llzt h l`uhmlzt pjmb`eé, Lmpib`. Phụ lục Phụ lục số 1: Số hộ và tỷ lệ hộ tham gia các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản từ năm 1990 đến 2000 (Thành phố Hà Nội) Nhóm thu nhập (nghìn đồng) Đổi Mua Bán Thuê Cho thuê Thế chấp Thừa kế Số hộ <200 0 50 4 8 3 5 10 Tỷ lệ % 0.00 21.01 7.55 9.52 6.25 33.3 28.5 Số hộ từ 200 <500 8 76 15 34 15 3 15 Tỷ lệ % 50 31.93 28.3 40.48 31.25 20.0 42.8 Số hộ >=500 8 112 34 42 30 7 10 Tỷ lệ % 50.0 47.06 64.1 50.00 62.5 46.6 28.5 Tổng số hộ 16 238 53 84 48 15 35 Tỷ lệ % 100 100 100 100 100 100 100 Phụ lục số 2: Chủ hộ gia đình với việc tham gia các giao dịch dân sự và mua bán bất động sản (Thành phố Hà Nội - Đơn vị tính: %) Chung Nội thành Ngoại thành 1. Tỷ lệ hộ có người đại diện cho hộ ký kết HDDS và tham gia GDDS là: - Chủ hộ 81.90 80.00 84.75 - Người đại diện cho chủ hộ theo pháp luật 18.10 20.00 15.25 2. Tỷ lệ hộ điều tra mua bán BĐS do chủ hộ quyết định 27.00 28.17 25.25 Nam 26.53 27.76 25.29 Nữ 23.08 24.31 20.31 Phụ lục số 3: Tỷ lệ hộ có tham gia các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản từ 1990 đến 2000 (Thành phố Hồ Chí Minh) Chung Nội thành Ngoại thành 1. Nhà ở: 46.3 52.33 37.25 - Đổi 2.8 2.33 3.50 - Mua 20.4 27.00 10.50 - Bán 4.8 5.50 3.75 - Thuê 5.2 8.17 0.75 - Cho thuê 4.9 6.50 2.50 - Thế chấp 4.4 5.17 3.25 - Thừa kế 9.4 6.83 13.25 2. Đất nông nghiệp 23.2 9.33 44.00 - Đổi 1.4 0.50 2.75 - Mua 4 1.67 7.50 - Bán 3.2 0.00 8.00 - Thuê 3 2.00 4.50 - Cho thuê 4.3 1.83 8.00 Phụ lục số 4: Về cách giải quyết các tranh chấp (Thành phố Hà Nội) Nội thành Ngoại thành Chung 1. Thương lượng với nhau Số người được hỏi 510 288 798 Tỷ lệ % 85.00 72.00 79.80 2. Hòa giải với nhau Số người được hỏi 212 89 301 Tỷ lệ % 35.33 22.25 30.10 3. Chính quyền can thiệp Số người được hỏi 334 268 602 Tỷ lệ % 55.67 67.00 60.20 4. Kiện ra tòa án Số người được hỏi 102 65 167 Tỷ lệ % 17.00 16.25 16.70 Phụ lục số 5: Tranh chấp đất đai - nguyên nhân và cách giải quyết (Thành phố Hà Nội) Chung Nội thành Ngoại thành 1. Tỷ lệ hộ có tranh chấp về đất đai 10.60 11.17 9.75 - Tranh chấp ranh giới đất đai 4.90 4.83 5.00 - Tranh chấp sở hữu nhà 1.00 0.50 1.75 - Tranh chấp diện tích và công trình chung 1.70 2.00 1.25 - Tranh chấp thừa kế 1.60 1.67 1.50 - Tranh chấp mua bán 2.00 2.83 0.75 2. Nguyên nhân tranh chấp đất đai - Thiếu giấy tờ 51.10 51.50 50.50 - Không hiểu pháp luật 49.70 44.67 57.25 - Chính quyền xác định ranh giới không rõ ràng 13.30 10.50 17.50 - Chính quyền cấp nhà đất không công bằng 6.60 4.67 9.50 - Pháp luật không rõ ràng, phù hợp 10.60 15.83 2.75 - Vì lợi ích cá nhân 65.50 61.00 72.25 3. Cách giải quyết tranh chấp - Thương lượng 68.60 69.83 66.75 - Hòa giải với sự có mặt của người thứ ba 29.10 34.83 20.50 - Chính quyền can thiệp 48.10 50.83 44.00 - Kiện ra tòa án 15.20 20.17 7.75 Nguồn: Thông tin khoa học pháp lý, 3/2000. Mở đầu 1 Chương 1 Một số Vấn đề Lý Luận CƠ Bản Về QUAN Hệ Pháp Luật 7 1.1. Khái Niệm và đặc điểm của QUAN Hệ Pháp Luật 7 1.1.1. Khái niệm quan hệ pháp luật 7 1.1.2. Đặc điểm của quan hệ pháp luật 11 1.1.2.1. Quan hệ pháp luật là quan hệ có tính ý chí 13 1.1.2.2. Quan hệ pháp luật được hình thành, tồn tại và phát triển chủ yếu dựa trên cơ sở pháp lý là quy phạm pháp luật 14 1.1.2.3. Quan hệ pháp luật có nội dung là quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể 16 1.1.2.4. Quan hệ pháp luật được bảo đảm bằng các biện pháp nhà nước 18 1.2. Cấu Thành QUAN Hệ Pháp Luật 19 1.2.1. Chủ thể quan hệ pháp luật 20 1.2.1.1. Năng lực chủ thể quan hệ pháp luật 21 1.2.1.2. Phân loại chủ thể quan hệ pháp luật 29 1.2.2. Khách thể quan hệ pháp luật 35 1.2.3. Nội dung quan hệ pháp luật 41 1.2.3.1 Quyền chủ thể 42 1.2.3.2. Nghĩa vụ pháp lý của chủ thể 45 1.3. Phân loại quan hệ pháp luật 49 1.4. Vị trí, vai trò của quan hệ pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật và trong đời sống thực tiễn 60 1.4.1. Vị trí của quan hệ pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật và trong đời sống thực tiễn 60 1.4.2. Vai trò của quan hệ pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật và trong đời sống thực tiễn 62 1.4.2.1. Quan hệ pháp luật là yếu tố hiện thực hóa nội dung, yêu cầu của quá trình điều chỉnh pháp luật 62 1.4.2.2. Quan hệ pháp luật có vai trò định hướng, hỗ trợ việc xác lập trật tự và bảo đảm cho sự vận động và phát triển của các quan hệ xã hội 64 1.4.2.3. Quan hệ pháp luật là cơ sở thực tế để nhận thức giá trị xã hội và kiểm nghiệm tính đúng đắn của pháp luật 67 1.5. Điều Kiện Làm Phát SINH, THAY Đổi Và Chấm Dứt QUAN Hệ Pháp Luật 68 Kết luận chương 1 73 2.1 Các đặc điểm cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển của hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam 75 2.1.1. Các đặc điểm về chính trị 75 2.1.2. Các đặc điểm về kinh tế 77 2.1.3. Các đặc điểm về văn hóa - xã hội 79 2.2. Khái quát về sự phát triển của hệ thống quan hệ pháp luật 2.3. Thực trạng hệ thống quan hệ pháp luật Việt nam hiện nay 108 2.3.1. Về chủ thể quan hệ pháp luật 109 2.3.2. Về khách thể quan hệ pháp luật 114 2.3.3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp lý của chủ thể 116 2.3.4. Cơ chế kiểm soát đối với sự hình thành và phát triển của quan hệ pháp luật trên thực tế 125 2.3.5. Về chính sách pháp luật và cơ sở pháp lý của quan hệ pháp luật 133 2.3.6. Nguyên nhân đem lại những biến đổi tích cực và những hạn chế, bất cập của hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam hiện nay 135 2.3.6.1. Nguyên nhân của các biến đổi tích cực 135 2.3.6.2. Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập 136 Kết luận chương 2 139 PHƯƠNG Hướng và các giải pháp Phát Triển Hệ Thống QUAN Hệ Pháp Luật Việt NAM 3.1. Những yêu cầu cơ bản đối với việc phát triển hệ thống quan hệ pháp luật việt nam hiện nay 142 3.1.1. Bảo đảm sự ổn định và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội 3.1.3. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 152 3.1.4. Hội nhập và phát triển với khu vực và thế giới 154 3.1.5. Xây dựng nền văn hóa pháp lý Việt Nam 157 3.1.6. Giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững 160 3.2. Phương hướng và các giải pháp đối với việc phát triển hệ thống quan hệ pháp luật Việt nam hiện nay 169 3.2.1. Phương hướng phát triển hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam hiện nay 169 3.2.1.1. Hoàn thiện cơ sở xã hội của quan hệ pháp luật 170 3.2.1.3. Hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật 174 3.2.2. Các giải pháp cơ bản để phát triển hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam hiện nay 175 3.2.2.1. Các giải pháp có tính tổng thể đối với việc phát triển hệ thống quan hệ pháp luật Việt Nam hiện nay 175 3.2.2.2. Giải pháp cụ thể cho sự phát triển một số loại quan hệ pháp luật cơ bản ở nước ta hiện nay 189 Kết luận chương 3 196 Kết Luận 197 những công trình đã công bố liên quan tới luận án 200 danh mục Tài Liệu THAM Khảo 201 Phụ lục 209 ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLA2565.DOC
Tài liệu liên quan