Thương mại dịch vụ viễn thông theo quy định của WTO và các cam kết của Việt Nam

MỞ ĐẦU Tính cấp thiết của đề tài Thương mại dịch vụ là lĩnh vực ngày càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm, vì vậy, cùng với sự ra đời của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại dịch vụ trở thành đối tượng điều chỉnh của WTO và nằm trong phạm vi của Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS). Lĩnh vực viễn thông được xem là một trong số ít các lĩnh vực dịch vụ nhạy cảm vừa mang đặc điểm chung của thương mại dịch vụ, vừa có những đặc điểm riêng làm tốn không ít thời gian, công

doc111 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2599 | Lượt tải: 2download
Tóm tắt tài liệu Thương mại dịch vụ viễn thông theo quy định của WTO và các cam kết của Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
sức của các quốc gia khi đàm phán để mở cửa lĩnh vực này trong khuôn khổ của WTO/GATS. Để trở thành thành viên chính thức của WTO, Việt Nam một mặt phải chấp nhận các nghĩa vụ theo quy định của GATS, mặt khác phải đàm phán để đưa ra các cam kết mở cửa dịch vụ viễn thông. Các tài liệu liên quan đến viễn thông của WTO như Phụ lục về Thông tin Viễn thông và Tài liệu Tham chiếu Viễn thông hàm chứa những quy định, theo đó, Việt Nam nói chung và ngành viễn thông Việt Nam nói riêng cần nắm vững để có thể chủ động đưa ra các cam kết sao cho thỏa mãn các yêu cầu của WTO/GATS nhưng vẫn phải tạo ra cho ngành viễn thông Việt Nam đủ sức cạnh tranh trong xu thế tự do hóa thương mại dịch vụ. Phiên đàm phán song phương giữa Việt Nam với Hoa Kỳ vào ngày 13/5/2006 vừa qua đã hoàn tất về mặt kỹ thuật, kết thúc vòng đàm phán thứ 12 giữa hai nước. Thành công của vòng đàm phán song phương có tính quyết định này đã khiến cho cánh cửa gia nhập WTO đối với Việt Nam đã rộng mở. Từ nay cho đến khi gia nhập WTO, Việt Nam còn phải tiếp tục phiên đàm phán đa phương mới, dự kiến sẽ vào tháng 10/2006. Một trong những nội dung đàm phán có tính nhạy cảm là đàm phán về mở cửa lĩnh vực viễn thông. Việt Nam đã đạt được những bước tiến nào trong lĩnh vực viễn thông? Các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ viễn thông với các nước thành viên WTO sẽ đặt ra những cơ hội và thách thức gì đối với Việt Nam? Để trả lời những câu hỏi này cần phải có sự nghiên cứu cụ thể về thương mại dịch vụ, về GATS và đặc biệt về các quy định viễn thông của WTO để xây dựng hoặc tiếp tục điều chỉnh các cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông, nhất là sau khi đã trở thành thành viên chính thức của WTO. Với những lý do trên, vấn đề "Thương mại dịch vụ viễn thông theo quy định của WTO và các cam kết của Việt Nam" đã được lựa chọn làm đề tài cho Luận văn thạc sĩ này. Tình hình nghiên cứu Thời gian gần đây, đã có một số tài liệu và luận văn nghiên cứu những ảnh hưởng của hội nhập kinh tế quốc tế đối với viễn thông Việt Nam, tiêu biểu như bài tham luận của Ông Đỗ Trung Tá - Bộ trưởng Bộ BCVT (2003) về "Ngành viễn thông Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế"; nghiên cứu của Ban Hợp tác Quốc tế - Bộ Bưu chính Viễn thông về "Các tác động ảnh hưởng của hội nhập kinh tế quốc tế đối với Bưu chính Viễn thông Việt Nam";.... Bên cạnh đó còn có luận văn thạc sĩ kinh tế của tác giả Đinh Diệu Linh (2004): "Thương mại dịch vụ viễn thông trong Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ và các giải pháp phát triển dịch vụ viễn thông ở Việt Nam" nghiên cứu cụ thể cam kết viễn thông của Việt Nam trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, hoặc các nghiên cứu của tác giả Trịnh Anh Đào về "Tìm hiểu văn bản dẫn chiếu của WTO về các nguyên tắc quản lý viễn thông"; Tuy nhiên, những tài liệu, công trình nghiên cứu hay luận văn thạc sĩ này chỉ là phân tích ở góc độ này hay góc độ khác các quy định về lĩnh vực viễn thông hoặc về cam kết mở cửa viễn thông Việt Nam với Hoa Kỳ. Chưa có công trình nghiên cứu nào phân tích các cam kết về mở cửa dịch vụ viễn thông của Việt Nam theo quy định của WTO. Đây là luận văn thạc sĩ kinh tế đầu tiên nghiên cứu một cách cụ thể vấn đề thương mại dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông của WTO và các cam kết của Việt Nam. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở hệ thống hóa các quy định của WTO về thương mại dịch vụ, đặc biệt là quy định của WTO/GATS về viễn thông; sau khi phân tích các cam kết của Việt Nam trong việc mở cửa dịch vụ viễn thông trong thời gian qua và nêu bật những cơ hội và thách thức đối với viễn thông Việt Nam trong thời gian sắp tới, luận văn đề xuất những giải pháp để thực hiện tốt các cam kết của Việt Nam lĩnh vực viễn thông, sau khi đã gia nhập WTO. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện mục đích nghiên cứu nói trên, luận văn có những nhiệm vụ cụ thể sau: - Làm rõ khái niệm, nội dung và vai trò của viễn thông với ý nghĩa là khu vực dịch vụ mang tính thương mại; - Tìm hiểu thương mại dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông theo quy định của WTO, đặc biệt là làm rõ 4 phương thức cung ứng dịch vụ viễn thông trong khuôn khổ của Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS); - Tìm hiểu thực trạng thị trường viễn thông của Việt Nam và các chính sách của Việt Nam về viễn thông; - Phân tích các cam kết của Việt Nam về viễn thông trong ASEAN, trong APEC, trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ để có cơ sở đánh giá và so sánh với các quy định của WTO/GATS; - Tìm hiểu kinh nghiệm một số nước trong việc cam kết mở cửa viễn thông khi gia nhập WTO; Cập nhật những cam kết của Việt Nam về mở cửa dịch vụ viễn thông theo yêu cầu của WTO; Đề xuất những giải pháp để thực hiện tốt các cam kết đó. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những quy định của WTO về thương mại dịch vụ và về viễn thông cũng như những yêu cầu của GATS đối với các nước thành viên về mở cửa lĩnh vực viễn thông. Đối tượng nghiên cứu của luận văn còn bao gồm cả các quy định của ASEAN, của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ cũng như của Việt Nam về viễn thông. Phạm vi nghiên cứu: Không đi sâu nghiên cứu thương mại dịch vụ nói chung cũng như lĩnh vực bưu chính mà chỉ chú trọng phân tích thương mại dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông. Phương pháp nghiên cứu Đề tài dựa trên phương pháp luận nghiên cứu của chủ nghĩa Mác- Lênin về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; các quan điểm về hội nhập kinh tế quốc tế, về phát triển kinh tế, trong đó, chủ trương phát triển ngành viễn thông của Đảng và Nhà nước ta cũng được đặc biệt khi lưu ý khi nghiên cứu luận văn này. Ngoài ra, luận văn còn áp dụng các phương pháp nghiên cứu tổng hợp như: phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp thống kê, phương pháp so sánh,... Kết cấu của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Tổng quan về thương mại dịch vụ viễn thông trong khuôn khổ của WTO. Chương 2: Thực trạng thương mại dịch vụ viễn thông ở Việt Nam. Chương 3: Các cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường viễn thông theo yêu cầu của WTO và giải pháp thực hiện. Chương 1 TỔNG QUAN VỀ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ VIỄN THÔNG TRONG KHUÔN KHỔ CỦA WTO 1.1. THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TRONG KHUÔN KHỔ CỦA WTO 1.1.1. Tổng quan về WTO 1.1.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển WTO (là chữ viết tắt từ tên đầy đủ bằng tiếng Anh của Tổ chức Thương mại Thế giới - World Trade Organization) được thành lập ngày 01/01/1995, trên cơ sở kế thừa và mở rộng phạm vi điều tiết thương mại quốc tế của GATT- Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại. GATT ra đời sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, khi mà trào lưu hình thành hàng loạt cơ chế đa biên điều tiết các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế đang diễn ra sôi nổi, điển hình là Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế, thường được biết đến như là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày nay. Tính đến cuối năm 2005, WTO có 150 nước và lãnh thổ thành viên, chiếm tới hơn 97% thương mại toàn cầu và 31 quốc gia khác đang trong quá trình đàm phán gia nhập. Các chức năng chính của WTO: Quản lý các hiệp định về thương mại quốc tế Diễn đàn cho các vòng đàm phán thương mại Giải quyết các tranh chấp thương mại Giám sát các chính sách thương mại Trợ giúp về kỹ thuật và đào tạo cho các quốc gia đang phát triển Hợp tác với các tổ chức quốc tế khác. Kể từ khi thành lập vào năm 1995, đã có thêm 22 thành viên gia nhập. Ecuador là nước đầu tiên gia nhập vào năm 1996. Các nước gia nhập gần đây nhất gồm có: Tonga (2005), Campuchia (2004), Nêpan (2004), Macedonia (2003), Armenia (2003), Đài Loan (2002) và Trung Quốc (2001). Hiện nay có 31 nước đang trong quá trình đàm phán gia nhập WTO. Ảrập Xêút rất có thể sẽ là nước hoàn tất thủ tục gia nhập tiếp theo. Các nước khác đang trong quá trình đàm phán gia nhập bao gồm: Việt Nam, Nga, Serbia, Ukraine, Lào. Việt Nam sẽ có triển vọng gia nhập WTO vào cuối năm 2006. 1.1.1.2. Cơ cấu tổ chức Cơ quan quyền lực cao nhất của WTO là Hội nghị Bộ trưởng, họp ít nhất hai năm một lần. Dưới Hội nghị Bộ trưởng là Đại hội đồng - thường họp nhiều lần trong một năm tại trụ sở chính của WTO tại Geneva. Nhiệm vụ chính của Đại hội đồng là giải quyết tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên và rà soát các chính sách của WTO. Dưới Đại hội đồng là Hội đồng Thương mại hàng hóa, Hội đồng thương mại dịch vụ và Hội đồng giám sát về các vấn đề liên quan đến Quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). WTO có một số các ủy ban đặc biệt, nhóm làm việc và các bên làm việc giải quyết các thỏa thuận riêng và các lĩnh vực khác như các hiệp định về môi trường, phát triển, đăng ký thành viên và thương mại khu vực. Hầu hết các quyết định của WTO đều được thông qua trên cơ sở đồng thuận. Trong một số trường hợp nhất định, khi không đạt được sự nhất trí chung, các thành viên có thể tiến hành bỏ phiếu. Khác với các tổ chức khác, mỗi thành viên WTO chỉ có quyền bỏ một phiếu và các phiếu bầu của các thành viên có giá trị ngang nhau. 1.1.2. Những vấn đề chung về thương mại dịch vụ và sự ra đời của Hiệp định GATS 1.1.2.1. Dịch vụ Cho đến nay chưa có một định nghĩa thống nhất về dịch vụ. Tính vô hình và khó nắm bắt của dịch vụ, sự đa dạng, phức tạp của các loại hình dịch vụ làm cho việc nêu ra một định nghĩa rõ ràng về dịch vụ trở nên khó khăn. Hơn nữa, các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế khác nhau có cách tiếp cận không giống nhau về dịch vụ. Hiện nay, khi dịch vụ đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của các quốc gia và trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà kinh tế, người ta thường có hai cách hiểu về dịch vụ. Dịch vụ, hiểu theo nghĩa rộng, là lĩnh vực kinh tế thứ 3 trong nền kinh tế quốc dân. Theo cách hiểu này, các hoạt động nằm ngoài hai ngành công nghiệp và nông nghiệp đều thuộc ngành dịch vụ. Theo nghĩa hẹp, dịch vụ là những hoạt động hỗ trợ cho quá trình kinh doanh, thương mại, bao gồm các hoạt động hỗ trợ trước, trong và sau khi bán hàng. Hai cách hiểu này dẫn đến sự phân biệt giữa Thương mại dịch vụ và Dịch vụ thương mại sẽ được đề cập đến ở phần tiếp theo. Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) của WTO không đưa ra định nghĩa về dịch vụ mà chỉ phân loại dịch vụ thành 12 ngành lớn và 155 phân ngành khác nhau (xem Phụ lục 1). Cuốn Cán cân thanh toán quốc tế hàng năm (Balance of Payment Manual), xuất bản lần thứ năm của IMF hướng dẫn cách phân loại và thống kê số liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đã liệt kê dịch vụ thành 3 nhóm lớn là vận tải, du lịch và các dịch vụ thương mại khác. Mỗi nhóm này lại được chia thành các phân nhóm nhỏ hơn. Nghiên cứu và tiếp cận khái niệm dịch vụ trên nhiều khía cạnh là để đi đến sự thống nhất về khái niệm và nội hàm của dịch vụ. Có thể thấy rằng, dù có nhiều cách tiếp cận nhưng cách định nghĩa kinh điển dựa trên tính chất của dịch vụ là định nghĩa chuyển tải được những nội dung cơ bản và đầy đủ nhất về dịch vụ: Dịch vụ là các hoạt động của con người, được kết tinh thành các loại sản phẩm vô hình và không thể cầm nắm được. Định nghĩa trên nêu lên được hai đặc điểm cơ bản của dịch vụ: Thứ nhất, dịch vụ là một "sản phẩm", là kết quả của quá trình lao động và sản xuất nhằm thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người. Thứ hai, khác với hàng hóa là hữu hình, dịch vụ là vô hình, phi vật chất và không thể lưu trữ được. Ngoài hai đặc điểm trên, dịch vụ còn có một đặc thù mà hàng hóa hữu hình không có: quá trình sản xuất (cung ứng) dịch vụ và tiêu dùng dịch vụ thường xảy ra đồng thời. Ngày nay, dịch vụ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của mỗi quốc gia và hệ thống thương mại quốc tế. Nhìn chung, do đời sống của người dân tăng lên nên nhu cầu tiêu thụ dịch vụ của họ tăng lên nhiều so với nhu cầu về hàng công nghiệp và nông nghiệp. Năng suất trong nhiều loại dịch vụ tăng thấp hơn trong công nghiệp và nông nghiệp vì hàm lượng lao động còn cao, ví dụ như trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, vận tải hành khách,... Tình trạng này làm cho giá của nhiều dịch vụ truyền thống tăng nhanh tương đối so với giá của hàng hóa. Một nhân tố nữa là trước đây, nhiều công ty công nghiệp tự lo một số dịch vụ trong sản xuất như thiết kế, tài chính, vận tải... thì nay đi mua những dịch vụ đó của các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Nhiều loại dịch vụ hiện đại, kể cả viễn thông, tài chính, vận tải không những đóng vai trò là thành phẩm mà còn là đầu vào cơ bản của nhiều ngành công nghiệp. Đấy cũng là lý do tỉ trọng của dịch vụ trong GDP ngày càng cao: khoảng 55% ở các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình và khoảng 70% ở các nước công nghiệp có mức thu nhập cao [22]. 1.1.2.2. Thương mại dịch vụ Tương tự như dịch vụ, thương mại dịch vụ cũng chưa có một cách hiểu thống nhất. Tại Việt Nam, hiện nay tồn tại hai khái niệm, thương mại dịch vụ và dịch vụ thương mại. Thương mại dịch vụ là khái niệm rộng dùng để chỉ tất cả các hành vi cung ứng các dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích thu lợi nhuận. Ở đây, cần phải nhấn mạnh rằng, chỉ các dịch vụ được đem ra mua bán, trao đổi nhằm thu lợi nhuận thì các hành vi trao đổi đó mới được coi là mang tính chất thương mại và nằm trong khái niệm thương mại dịch vụ. Còn dịch vụ thương mại là khái niệm hẹp hơn, chỉ bao gồm các loại hình dịch vụ phục vụ cho việc sản xuất, mua bán, trao đổi hàng hóa trên thị trường. Như vậy khái niệm thương mại dịch vụ là khái niệm rộng, bao trùm lên khái niệm dịch vụ thương mại [12, tr. 21]. GATS không đưa ra định nghĩa về thương mại dịch vụ mà chỉ quy định về bốn phương thức cung cấp dịch vụ giữa các nước thành viên. Điều 1, khoản 2 của GATS quy định: Phương thức 1: Cung ứng qua biên giới - dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ một nước thành viên sang lãnh thổ một nước thành viên khác. Đặc điểm của loại hình cung cấp dịch vụ này là chỉ có bản thân dịch vụ đi qua biên giới, còn người cung cấp dịch vụ không có mặt tại nước nhận dịch vụ. Ví dụ, dịch vụ điện thoại quốc tế v.v... Phương thức 2: Tiêu dùng ngoài lãnh thổ - sự cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ của một nước thành viên cho người tiêu dùng dịch vụ của một nước thành viên khác. Ví dụ: công dân Việt Nam đi du lịch sang Thái Lan tiêu dùng các dịch vụ du lịch do các cá nhân và công ty Thái Lan cung cấp. Phương thức 3: Hiện diện thương mại - việc cung cấp dịch vụ bởi một nhà cung cấp dịch vụ của một nước thành viên, thông qua sự hiện diện thương mại trên lãnh thổ của một nước thành viên khác. Ví dụ, công ty Mỹ thành lập chi nhánh tại Việt Nam để tiến hành các hoạt động thương mại v.v... Phương thức 4: Hiện diện của thể nhân - việc cung cấp dịch vụ được thực hiện trực tiếp bởi nhà cung cấp dịch vụ có quốc tịch nước ngoài là cá nhân (hoặc các cá nhân là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ đó) cho quốc gia khác. Ví dụ các công ty Nhật cử chuyên gia sang Việt Nam để tư vấn về xây dựng... Phương thức này không áp dụng cho các cá nhân đang tìm việc ở nước khác... Theo quan niệm của GATS, nói đến thương mại dịch vụ là nói đến việc cung cấp dịch vụ, theo một hay tất cả bốn phương thức trên, vì mục đích thương mại và vì mục tiêu thu lợi nhuận. Mục tiêu của GATS là tạo thuận lợi cho thương mại hóa các hoạt động dịch vụ trên phạm vi toàn cầu. GATS yêu cầu các nước thành viên phải mở cửa cho thương mại dịch vụ. Thực hiện bốn phương thức cung ứng dịch vụ nói trên chính là mở cửa về thương mại dịch vụ. Nhiều loại dịch vụ từ lâu được coi là những hoạt động quan trọng của quốc nội đang ngày càng trở thành năng động trên phạm vi toàn cầu, nhất là chiều hướng sử dụng những công nghệ mới như dịch vụ ngân hàng điện tử, y tế, giáo dục từ xa. Trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam, dịch vụ ngày càng có tỷ trọng tăng lên (chiếm khoảng 40% trong GDP [23, tr. 86]), nhưng vẫn là một lĩnh vực mới và yếu, và thương mại dịch vụ còn rất hạn chế. Trước đổi mới, lĩnh vực dịch vụ bị coi nhẹ và đến nay vẫn còn dấu ấn tiêu cực nặng nề cả về nhận thức, cơ chế chính sách, hệ thống luật pháp đến hoạt động kinh doanh. Có thể khẳng định rằng trong hội nhập kinh tế và việc chuẩn bị gia nhập WTO, lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam là khâu tất yếu cần đổi mới mạnh hơn, cần một sự đột phá, mở cửa rộng hơn nữa. 1.1.2.3. Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS) Cho đến trước khi kết thúc vòng đàm phán Uruguay, GATT chỉ gắn với thương mại hàng hóa mà không đề cập đến các lĩnh vực dịch vụ. Cuối những năm 1970, Mỹ bắt đầu gây sức ép để GATT dành nhiều quan tâm hơn cho dịch vụ vì tầm quan trọng ngày càng tăng của nó trong thương mại toàn cầu. Những con số thống kê của Mỹ cho phép họ đưa ra nhận định đó. Một báo cáo của Quốc hội Mỹ năm 1991 đã tính toán rằng thương mại dịch vụ chiếm 25% thương mại toàn cầu, 60% tổng sản phẩm quốc gia của Mỹ (90 tỷ USD trong số đó là dành cho xuất khẩu), và 90% mức tăng trưởng việc làm của Mỹ thời kỳ sau năm 1980. Ngày nay, thương mại dịch vụ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của mỗi quốc gia và nền kinh tế thế giới nói chung. Thực tế này khiến việc xác lập khuôn khổ pháp lý và chính sách để điều chỉnh lĩnh vực dịch vụ là rất cần thiết. Cũng nhằm mục đích này mà GATS đã ra đời. GATS là kết quả của Vòng Đàm phán Uruguay. Cùng với WTO, GATS có hiệu lực từ tháng 01/1995. GATS là một bộ phận cấu thành trong hệ thống pháp luật của WTO. Các mục tiêu mà GATS đặt ra bao gồm: Thiết lập một khuôn khổ đa biên cho những nguyên tắc và quy tắc của thương mại dịch vụ nhằm mở rộng thương mại trong lĩnh vực này trong điều kiện minh bạch và tự do hóa dần dần Thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của tất cả các đối tác trong thương mại và vì sự phát triển của các nước đang phát triển Đạt được tự do hóa thương mại dịch vụ thông qua những vòng đàm phán đa biên liên liếp nhằm tăng cường lợi ích của các bên tham gia trên cơ sở cùng có lợi và đảm bảo sự cân bằng chung về quyền và nghĩa vụ, đồng thời tôn trọng các mục tiêu trong chính sách quốc gia. GATS bao gồm 6 phần với 29 điều khoản và 8 phụ lục, tập trung vào ba nội dung chính: Trước hết, GATS là hiệp định khung bao gồm các trách nhiệm cơ bản bắt buộc đối với mọi nước thành viên. Nội dung thứ hai là lịch trình cam kết của các quốc gia bao gồm các cam kết cụ thể hướng tới tự do hóa rộng rãi hơn. Nội dung thứ ba là một loạt các phụ lục cho từng lĩnh vực dịch vụ. Các nguyên tắc chính của GATS là: Không phân biệt: bao gồm nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các Thành viên (quy chế Tối huệ quốc - MFN) và nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài (Đối xử quốc gia - NT). Tính minh bạch: các thành viên phải công khai về mọi quy định có tác động cơ bản đến thương mại dịch vụ thuộc các cam kết cụ thể theo Hiệp định Quy tắc hợp lý: các quy định trong nước của các thành viên phải phù hợp với các cam kết quốc tế. Ngoài ra, GATS còn đưa ra các nguyên tắc về vấn đề công nhận lẫn nhau, tiếp cận thị trường, tự do hóa từng bước. 1.2 CÁC QUY ĐỊNH CỦA WTO VỀ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TRONG LĨNH VỰC VIỄN THÔNG 1.2.1. Vị trí, vai trò của dịch vụ viễn thông trong thương mại dịch vụ Viễn thông là một trong những lĩnh vực dịch vụ phát triển nhanh nhất và lớn nhất trong nền kinh tế. Ngay từ năm 1995 khi GATS bắt đầu có hiệu lực, WTO đã đưa ra thống kê về doanh thu dịch vụ viễn thông toàn cầu vào khoảng 601.9 tỷ USD, tức là 2,1% toàn bộ GDP thế giới cộng lại. Doanh thu viễn thông năm 1995 tăng với tốc độ 7%, cao hơn nhiều so với mức độ tăng trưởng hàng năm bình quân là 5,2% kể từ năm 1980. Lưu lượng viễn thông quốc tế chiều đi còn tăng với tốc độ nhanh hơn, khoảng 13% năm 1995. Tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực viễn thông không chỉ diễn ra với các nước phát triển mà cả các nước đang phát triển. Từ năm 1990 đến năm 1995, tốc độ tăng trưởng thuê bao thoại ở các nước đang phát triển là 13,8% so với 3,5% ở các nước phát triển; tổng doanh thu viễn thông của các nước đang phát triển cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 9,7% so với 4,2%. Tốc độ tăng trưởng này khiến Tổng Giám đốc WTO lúc đó, ông Ruggiero nhận xét rằng các công ty trên thế giới giờ đây "chi tiêu cho dịch vụ viễn thông nhiều hơn cho dầu mỏ" [25, tr. 3]. Tuy nhiên, tầm quan trọng của viễn thông không ở các khía cạnh kinh tế và thương mại mà thôi. Việc xây dựng một xã hội thông tin toàn cầu sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong xã hội loài người. Giáo dục, y tế chất lượng cao và các dịch vụ công cộng sẽ được đưa đến những nơi hẻo lánh nhất. Cơ hội việc làm sẽ nhiều hơn... Ngày nay, tất cả các nước, các tổ chức quốc tế đều đặt lĩnh vực viễn thông ở vị trí ngang bằng với các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác của xã hội như điện, nước, giao thông vận tải, y tế, giáo dục... Đồng thời, hạ tầng viễn thông cũng được đánh giá là yếu tố nhạy cảm có liên quan đến các vấn đề chính trị - xã hội, kinh tế quân sự và an ninh quốc gia, vì đó là những công cụ thông tin hiệu quả nhất, nhanh nhạy nhất, cũng là công cụ quản lý quan trọng của hệ thống chính trị. Cùng với sự mở cửa của các nền kinh tế, vai trò của lĩnh vực viễn thông ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia và toàn cầu, có tác động và ảnh hưởng lớn đối với thương mại thế giới. Viễn thông không chỉ đơn thuần là phương tiện, môi trường truyền tin, mà nó luôn giữ vai trò kép. Thứ nhất, bản thân viễn thông là sản phẩm và dịch vụ thương mại. Thứ hai, quan trọng hơn, viễn thông là môi trường thuận lợi để thực hiện việc trao đổi các sản phẩm và dịch vụ khác thuộc các ngành kinh tế khác thông qua và có quan hệ chặt chẽ với môi trường công nghệ thông tin. 1.2.2 Các quy định của WTO về dịch vụ viễn thông 1.2.2.1. Tổng quan về hệ thống văn bản quy định của WTO về viễn thông Các cam kết về dịch vụ viễn thông trong WTO lần đầu tiên được đưa ra tại vòng đàm phán Uruguay (1986-1994), chủ yếu là về dịch vụ giá trị gia tăng. Trong những lần đàm phán tiếp theo (1994-1997), các nước thành viên đàm phán về dịch vụ viễn thông cơ bản. Kể từ đó, đã có các cam kết mới của các thành viên mới cũng như các cam kết do các nước đã là thành viên đơn phương đưa ra. Hiện nay, viễn thông, giống như tất cả các dịch vụ đều được gộp vào các cuộc đàm phán dịch vụ mới, bắt đầu vào tháng 01/2000. Nền tảng của các cuộc đàm phán về dịch vụ viễn thông là Hiệp định GATS bao gồm các quy định về thương mại trong mọi lĩnh vực dịch vụ. Một trong những phụ lục của Hiệp định là Phụ lục về Thông tin Viễn thông đề cập đến những điểm cụ thể liên quan đến thương mại trong dịch vụ viễn thông. Nội dung của Phụ lục gồm bốn phần chính: (1) Tính minh bạch của hệ thống quy định pháp luật về thông tin viễn thông công cộng; (2) Những biện pháp ảnh hưởng đến việc tiếp cập và sử dụng dịch vụ và mạng viễn thông công cộng; (3) Bản Phụ lục cũng khuyến khích hợp tác kỹ thuật để hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc củng cố khu vực viễn thông nội địa của họ; (4) Cuối cùng là những quy định liên quan đến quan hệ của các nước thành viên với các Tổ chức và Hiệp định Quốc tế về viễn thông. Các đàm phán về viễn thông trong khuôn khổ vòng đàm phán Uruguay chủ yếu đề cập đến các dịch vụ giá trị gia tăng. Nhận thấy viễn thông cơ bản vẫn chưa đủ chín cho các cam kết, các nhà đàm phán đã dự thảo Phụ lục về Đàm phán về Thông tin Viễn thông cơ bản và Quyết định cấp Bộ trưởng về Đàm phán các Dịch vụ Viễn thông Cơ bản, thông qua tại Marrakesh ngày 15/4/1994, tạo nền tảng cho việc đưa viễn thông cơ bản vào khuôn khổ điều chỉnh của GATS. Theo đó, các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành trên cơ sở tự nguyện với mục tiêu từng bước tự do hóa thương mại về các dịch vụ viễn thông cơ bản. Một nhóm đàm phán về dịch vụ viễn thông cơ bản cũng được thành lập để thực hiện công tác trên. Phiên đàm phán đầu tiên bắt đầu vào ngày 16/5/1994 và dự kiến sẽ kết thúc vào 30/4/1996, trên thực tế đã phải kéo dài đến tháng 02/1997. Các nhà đàm phán hậu Uruguay đã đưa vào Hiệp định GATS bản Nghị định thư số 4 (thông qua ngày 30/4/1996 và có hiệu lực ngày 5/2/1998). Tài liệu này cung cấp nền tảng pháp lý cho việc đính kèm các Danh mục cam kết cụ thể và các miễn trừ MFN theo Điều 2 của Hiệp định GATS về viễn thông cơ bản vào lịch trình dịch vụ Vòng Đàm phán Uruguay. Trong một số Danh mục cam kết, một nước thành viên sẽ thực hiện các cam kết trong các lĩnh vực dịch vụ cụ thể theo từng giai đoạn. Do đó, mặc dù Danh mục cam kết có hiệu lực cùng thời điểm với Nghị định thư nhưng ngày thực sự thực thi cam kết là ngày được ghi trong Danh mục. Trên cơ sở Phụ lục về Thông tin Viễn thông và Nghị định thư thứ tư, các quốc gia thành viên đã tiến hành đàm phán nhiều vòng và sử dụng nhiều hình thức và phương pháp đàm phán khác nhau để đi tới một danh mục tổng hợp các cam kết về tự do hóa viễn thông cơ bản, được gọi là Hiệp định Viễn thông Cơ bản (ABT). Hiệp định Viễn thông Cơ bản ban đầu có sự tham gia của 69 quốc gia thành viên. Nội dung của nó bao trùm các chuyên ngành dịch vụ cơ bản quan trọng là: các dịch vụ điện thoại cố định (đường dài và nội hạt); các dịch vụ truyền số liệu; các dịch vụ fax và telex; các dịch vụ kênh thuê riêng; các dịch vụ điện thoại di động; và toàn bộ các dịch vụ viễn thông cũng như về mạng lưới. Phương thức tự do hóa được tiến hành là theo các cam kết cụ thể của từng quốc gia. Ví dụ, đối với Liên minh Châu Âu, toàn bộ các dịch vụ viễn thông cơ bản được tự do hóa như các dịch vụ thoại cố định và các dịch vụ điện thoại di động được tự do hóa từ năm 1998 tại toàn bộ các quốc gia trừ Bồ Đào Nha. Với Nhật Bản là tự do hóa hoàn toàn trừ giới hạn nắm giữ cổ phần trong hai hãng viễn thông lớn nhất là NTT và KDD bị giới hạn ở mức 20%. Ngay sau khi đạt được những thỏa thuận trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông cơ bản, các quốc gia thành viên của WTO cũng đã chuẩn bị các cơ sở cần thiết cho việc tiếp tục gia tăng các cam kết đối với các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng. Ngày 1/2/1998, Hiệp định Viễn thông Cơ bản đã có hiệu lực. Đi kèm Hiệp định Viễn thông cơ bản là một văn kiện quan trọng có tên gọi là Tài liệu Tham chiếu Viễn thông, một tài liệu biên soạn các nguyên tắc quản lý cho các nhà đàm phán xem xét việc ràng buộc các cam kết viễn thông cơ bản của mình. Cho đến hạn cuối vào tháng 02/1997, 63 trong số 69 chính phủ đã đệ trình lịch trình bao gồm các cam kết về các quy định quản lý, trong số đó có 57 nước cam kết tuân thủ hoàn toàn Tài liệu Tham chiếu Viễn thông hoặc có một số nhỏ điều chỉnh. Tài liệu Tham chiếu Viễn thông được cấu trúc thành hai phần: Phần 1 đề cập tới một số khái niệm cơ bản như người dùng (users), trang thiết bị thiết yếu (essential facilities) và nhà khai thác chủ đạo (main supplier). Tại phần 2, Tài liệu Tham chiếu Viễn thông đi vào các vấn đề chi tiết bao gồm: (1) bảo vệ cạnh tranh; (2) kết nối; (3) phổ cập dịch vụ; (4) cấp phép; (5) phân bổ và sử dụng nguồn tài nguyên có hạn và (6) thành lập cơ quan quản lý độc lập. Tài liệu Tham chiếu Viễn thông được xem như công cụ pháp lý mang tính quốc tế. Thứ nhất, từ góc độ luật cạnh tranh thì Tài liệu Tham chiếu Viễn thông là công cụ đầu tiên mang tính quốc tế đã đề cập đến các yếu tố cạnh tranh viễn thông trong khuôn khổ các hoạt động thương mại. Thứ hai, từ góc độ luật viễn thông thì Tài liệu Tham chiếu Viễn thông là văn bản đầu tiên mang tính quốc tế đưa ra những khái niệm và các yếu tố trong chính sách quản lý viễn thông. Thứ ba, từ góc độ thương mại, Tài liệu Tham chiếu Viễn thông phần nào hòa giải được mâu thuẫn giữa một phía là các nguyên tắc chủ quyền độc lập của việc quản lý, với một phía khác là yêu cầu về tự do hóa và điều hòa thương mại. Những phân tích trên đây cho thấy một cách tổng quan về các văn bản của WTO về dịch vụ viễn thông và về quá trình đàm phán để tự do hóa dịch vụ viễn thông trong khuôn khổ của WTO/GATS. Hiệp định GATS, Phụ lục của GATS về Thông tin Viễn thông, Phụ lục về Đàm phán về Thông tin Viễn thông, Quyết định cấp Bộ trưởng về Đàm phán các Dịch vụ Viễn thông Cơ bản, Nghị định thư số 4, Tài liệu Tham chiếu Viễn thông và Hiệp định Viễn thông Cơ bản là cơ sở pháp lý và khuôn khổ pháp lý mà các nước thành viên WTO đã đạt được để đẩy mạnh tự do hóa TMDV trong lĩnh vực viễn thông. Để trở thành thành viên của WTO, các nước đang đàm phán gia nhập, trong đó có Việt Nam sẽ phải nắm bắt tất cả các nội dung trong các văn kiện pháp lý nói trên của WTO. Hiểu rõ những quy định này cũng là yêu cầu đầu tiên để Việt Nam tiến hành đàm phán và cam kết mở cửa dịch vụ viễn thông, có tính đến thực tiễn phát triển viễn thông trong nước. 1.2.2.2. Định nghĩa của WTO về dịch vụ viễn thông WTO chia dịch vụ viễn thông làm hai loại là dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng. Ví dụ đơn giản về viễn thông cơ bản là việc chuyển tiếp thoại hoặc dữ liệu từ người gửi đến người nhận; và dịch vụ giá trị gia tăng là việc nhà cung cấp dịch vụ đã gia tăng thêm giá trị vào thông tin của khách hàng. Theo WTO, dịch vụ viễn thông cơ bản là: "Viễn thông cơ bản bao gồm tất cả các dịch vụ viễn thông, cả công cộng và tư nhân mà có sự truyền dẫn điểm - điểm thông tin giữa khách hàng và nhà cung cấp" [28]. WTO đã cụ thể hóa dịch vụ viễn thông cơ bản thông qua việc đưa ra ví dụ cụ thể về các dịch vụ này để tạo thuận lợi cho các nước thành viên khi tiến hành đàm phán. Theo WTO, dịch vụ viễn thông cơ bản gồm: dịch vụ điện thoại; dịch vụ truyền dẫn dữ liệu chuyển mạch gói; dịch vụ truyền dẫn dữ liệu chuyển mạch kênh; dịch vụ Telex; dịch vụ điện báo; dịch vụ chuyển Fax; dịch vụ kênh thuê riêng; các dịch vụ khác (như: dịch vụ điện thoại tương tự/ tế bào số/ di động, dịch vụ dữ liệu di động, nhắn tin, dịch vụ giao tiếp cá nhân, dịch vụ thông tin di động qua vệ tinh (ví dụ: điện thoại, dữ liệu, nhắn tin, và/ hoặc máy tính cá nhân), dịch vụ vệ tinh cố định, dịch vụ VSAT, dịch vụ đài mặt đất trạm cổng, truyền hình hội nghị, liên lạc hình, dịch vụ hệ thống vô tuyến trung kế). Theo quan điểm của WTO, các hạng mục thuộc cam kết viễn thông cơ bản, trừ khi có quy định khác, gồm: nội hạt, đường dài, quốc tế, qua dây (bao gồm, tất cả các loại cáp và, thường là các phân đoạn viba của hạ tầng cố định), qua sóng vô tuyến (tất cả các hình thức không dây, bao gồm cả vệ tinh), dịch vụ bán lại (không cung cấp thiết bị), cung cấp thiết bị, phục vụ công cộng (nghĩa là các dịch vụ phải cung cấp rộng rãi cho công chúng), không phục vụ công cộng (chẳng hạn như các dịch vụ để bán cho các nhóm khách hàng hạn chế). Về các phương thức cung ứng, WTO/GATS quy định dịch vụ viễn ._.thông cơ bản được cung cấp qua hai phương thức, đó là: Phương thức 1: cung ứng dịch vụ qua biên giới, và Phương thức 3: cung ứng dịch vụ viễn thông thông qua việc thiết lập các công ty nước ngoài (hiện diện thương mại), gồm cả khả năng sở hữu và khai thác hạ tầng mạng viễn thông độc lập. Theo WTO, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng là: "Dịch vụ viễn thông trong đó nhà cung cấp "gia tăng" giá trị vào thông tin của khách hàng bằng cách nâng cao hình thức hoặc nội dung của thông tin hoặc bằng cách cung cấp phương tiện để phục hồi hoặc lưu trữ thông tin" [28]. Tương tự dịch vụ viễn thông cơ bản, WTO cũng đưa ra ví dụ về các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng. Dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng gồm: xử lý dữ liệu trực tuyến, phục hồi hoặc lưu trữ cơ sở dữ liệu trực tuyến, trao đổi dữ liệu điệu tử, thư điện tử, hộp thư thoại. Những quy định trên của WTO về các dịch vụ viễn thông rất linh hoạt. Được liệt kê chỉ là những ví dụ mà chưa phải là toàn bộ các dịch vụ viễn thông cơ bản và giá trị gia tăng. Cách xác định loại hình dịch vụ như vậy khiến các quy định của WTO không bị lỗi thời so với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và thị trường viễn thông. Ngoài ra, cách quy định này cũng tạo ra những cách hiểu thống nhất giữa các nước khi tiến hành đàm phán để mở cửa khu vực dịch vụ nhạy cảm này. 1.2.2.3. Các nguyên tắc của GATS về viễn thông Minh bạch hóa là một trong những nguyên tắc nền tảng của WTO áp dụng cho tất cả các lĩnh vực, trong đó có viễn thông. Vấn đề minh bạch đã được đưa vào quy định của WTO về viễn thông. Phụ lục về Thông tin Viễn thông của Hiệp định GATS quy định: Mỗi thành viên sẽ đảm bảo rằng những thông tin liên quan đến những điều kiện có tác động đến việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ và mạng vận chuyển thông tin viễn thông công cộng sẽ sẵn sàng để cho mọi người được sử dụng, kể cả thuế cũng như các điều kiện và điều khoản về dịch vụ; các quy định về chỉ số kỹ thuật của những mạng và dịch vụ đó; thông tin về những cơ quan chịu trách nhiệm chuẩn bị và thông qua những tiêu chuẩn đó có tác động đến việc tiếp cận và sử dụng mạng hoặc dịch vụ; những điều kiện được áp dụng cho việc gắn với mạng hoặc thiết bị khác; và thông báo, đăng ký hoặc yêu cầu cấp phép, nếu có [15, tr. 40]. Điều 3 của GATS, Chương VI của Hiệp định BTA được dành riêng để quy định tính công khai và minh bạch của hệ thống pháp luật, các biện pháp liên quan đến việc thực hiện các cam kết, có tác động cơ bản đến thương mại quốc tế. Thực hiện được nguyên tắc minh bạch thì môi trường pháp lý và việc thực thi pháp luật của các nước thành viên nói chung và ngành viễn thông toàn cầu nói riêng sẽ rõ ràng, công khai, nhất quán và có tính ổn định tương đối. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho tự do hóa TMDV trong lĩnh vực viễn thông mà WTO nhằm vào. 1.2.2.4. Quy định của WTO về truy nhập và sử dụng hệ thống và dịch vụ viễn thông công cộng Trong môi trường cạnh tranh, sự quản lý của cơ quan nhà nước sẽ đảm bảo việc truy nhập và sử dụng hệ thống và dịch vụ viễn thông công cộng được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng. Quy định này đảm bảo quyền lợi cho các nhà khai thác viễn thông đồng thời đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi được tự do lựa chọn tiếp cận tới các dịch vụ khác nhau của các nhà cung cấp khác nhau. Mặc dù việc truy nhập và sử dụng không nhất thiết phải tương đương tuyệt đối nhưng nhà khai thác mới phải được đảm bảo làm sao để việc thực hiện truy nhập không khó khăn hơn. Để tạo sự thống nhất giữa các thành viên, Mục 5 của Phụ lục về Thông tin Viễn thông của WTO khuyến cáo như sau: Quyền của các nhà cung cấp dịch vụ: Truy nhập và sử dụng dịch vụ và hệ thống viễn thông công cộng để truyền dẫn thông tin trong nước và qua biên giới bao gồm liên lạc trong phạm vi công ty và các giao dịch qua biên giới giữa các bộ phận của công ty đặt ở các nước khác (mạng riêng các quốc gia, tập đoàn đa quốc gia); - Mua hoặc thuê và gắn thiết bị đầu cuối hoặc các thiết bị khác để kết nối với hệ thống giúp cung cấp dịch vụ; - Kết nối mạng dùng riêng với hệ thống và dịch vụ viễn thông công cộng hoặc với kênh thuê riêng của các nhà cung cấp dịch vụ khác; - Sử dụng các giao thức lựa chọn đang được khai thác trong việc cung cấp dịch vụ, ngoài những giao thức được coi là cần thiết để đảm bảo tính khả dụng của hệ thống và dịch vụ viễn thông cho mục đích công cộng nói chung. Quyền của cơ quan quản lý: - Đưa ra quy định về cấm bán lại hoặc sử dụng chung dịch vụ; - Đưa ra quy định cụ thể về giao diện kết nối; - Đưa ra quy định về tính tương thích của hệ thống và dịch vụ viễn thông; - Đưa ra quy định về hợp chuẩn thiết bị để giao diện với hệ thống và dịch vụ viễn thông; - Đưa ra quy định về cấm kết nối mạng riêng với hệ thống và dịch vụ viễn thông công cộng hoặc với các nhà cung cấp khác; - Yêu cầu phải thông báo, đăng ký và xin cấp phép. Tuy nhiên, việc can thiệp của cơ quan quản lý vào việc truy nhập và sử dụng hệ thống và dịch vụ viễn thông công cộng phải đảm bảo các điều kiện: - Bảo vệ hệ thống và dịch vụ viễn thông công cộng, đặc biệt là để đảm bảo cho việc cung cấp dịch vụ công cộng (hay dịch vụ phổ cập); - Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống và dịch vụ viễn thông công cộng; - Đảm bảo việc không cho phép cung cấp dịch vụ ngoài các dịch vụ được phép. 1.2.2.5. Quy định về bảo vệ cạnh tranh WTO quy định các hành vi phi cạnh tranh và khuyến cáo các cơ quan quản lý có biện pháp tích cực để hạn chế các hành vi này. Mục 1 của Tài liệu Tham chiếu Viễn thông xếp ba hành vi sau là những hành vi phi cạnh tranh: - Tham gia vào việc trợ giá chéo mang tính phi cạnh tranh; - Sử dụng các thông tin thu được từ các đối thủ cạnh tranh với mục đích phi cạnh tranh; - Không cung cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ khác các thông tin kịp thời về kỹ thuật liên quan đến các trang thiết bị thiết yếu và các thông tin liên quan đến thương mại mà những thông tin này cần thiết cho các nhà cung cấp khác để có thể cung cấp dịch vụ. 1.2.2.6. Quy định về kết nối mạng Sự kết nối các mạng viễn thông dù đã trở nên quan trọng trong thế kỷ trước, tuy nhiên chưa bao giờ điều đó lại trở nên quan trọng như vậy trong thời đại ngày nay. Kết nối được hiểu khác nhau trong những chế độ chính sách và quản lý khác nhau khi giải quyết vấn đề kết nối. Một định nghĩa thỏa đáng gần đây được đưa ra trong Dự thảo Chỉ thị của Ủy ban Châu Âu về vấn đề truy nhập và kết nối: "Kết nối" nghĩa là sự liên kết về vật lý và lôgic của những mạng truyền thông điện tử công cộng, được sử dụng bởi cùng hoặc các nhà cung cấp khác nhau nhằm cho phép người sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ này có thể liên lạc được với người sử dụng của cùng nhà cung cấp đó hoặc của nhà cung cấp khác, hoặc truy nhập được những dịch vụ do nhà cung cấp khác đưa ra. Những dịch vụ đó có thể do các bên liên quan cung cấp hoặc được cung cấp bởi những nhà cung cấp khác có khả năng truy nhập mạng. Trong phần lớn lịch sử tồn tại của ngành viễn thông, nhà khai thác độc quyền và cơ quan quản lý thỏa thuận với nhau để xác định điều kiện kết nối mạng mà không có sự can thiệp mang tính quản lý nào. Cạnh tranh đã làm thay đổi tình trạng này. Lúc này, các nhà khai thác độc quyền trước đây nay là các nhà khai thác chủ đạo không có nhu cầu tạo điều kiện dễ dàng cho các đối thủ cạnh tranh và họ nắm thế mạnh trong thương lượng. Các nhà khai thác chủ đạo có thể tham gia vào hàng loạt các hoạt động nhằm cản trở cạnh tranh có hiệu quả. Chẳng hạn, họ có thể tính cước quá cao cho việc kết nối mạng, từ chối xây dựng hoặc cung cấp dung lượng kết nối đầy đủ và từ chối phân phối những dịch vụ cần thiết cho việc kết nối hiệu quả. Kết nối mạng là vấn đề quan trọng cho người sử dụng. Những người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ không thể giao tiếp với nhau nếu không có những thỏa thuận kết nối. Việc kết nối các mạng khác nhau đã đem lại lợi ích cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp. Nếu không có kết nối, những dịch vụ như quay số trực tiếp quốc tế (IDD - International Direct Dialing), dịch vụ di động, dịch vụ phân phối thông qua Internet, rút tiền tự động và thương mại điện tử sẽ không thể thực hiện được. Tăng cường kết việc kết nối mạng sẽ tiếp tục nâng cao sự thuận tiện và hữu ích của dịch vụ viễn thông trên toàn thế giới trong những thập kỷ tới. Những thỏa thuận kết nối không hiệu quả sẽ tạo ra những chi phí và những lỗi kỹ thuật không cần thiết cho các nhà khai thác, dẫn đến sự chậm trễ, bất tiện và tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và cuối cùng là cho nền kinh tế quốc gia. Theo những khảo sát của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), những vấn đề liên quan đến việc kết nối được nhiều nước coi là vấn đề quan trọng duy nhất trong việc phát triển thị trường cạnh tranh cho các dịch vụ viễn thông. Hầu như một nửa số các quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng kết nối là vấn đề quản lý phải được ưu tiên hàng đầu. Vì các lý do trên, Tài liệu Tham chiếu Viễn thông của WTO đã thống nhất đưa ra các quy định chung về kết nối, bao gồm: - Các điều kiện để đảm bảo kết nối mạng; - Công bố công khai các thủ tục về đàm phán kết nối; - Công khai minh bạch về các Thỏa thuận kết nối; - Giải quyết tranh chấp kết nối. 1.2.2.7. Quy định về dịch vụ phổ cập Dịch vụ phổ cập là việc phát triển hoặc duy trì khả năng truy nhập vào hệ thống thông tin viễn thông công cộng cho mọi thành viên trong xã hội. Do vậy, mục tiêu quan trọng nhất của chính sách phổ cập là nhằm mở rộng và duy trì khả năng sẵn có của các dịch vụ viễn thông với giá cước phải chăng cho công chúng. Đặc biệt, các chính sách này nhằm mục tiêu cung cấp và duy trì dịch vụ cho những đối tượng mà trong điều kiện bình thường sẽ không được phục vụ: dân cư vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, dân cư có thu nhập thấp. Mục 3 của Tài liệu Tham chiếu Viễn thông quy định các thành viên của WTO đều có quyền xác định ra nghĩa vụ cung cấp dịch vụ phổ cập. Các nghĩa vụ như vậy không bị coi là phi cạnh tranh, với điều kiện phải được quản lý một cách minh bạch, không phân biệt đối xử, trung lập về cạnh tranh và không được gây phiền hà cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. 1.2.2.8. Quy định về nghĩa vụ của các thành viên WTO phải công bố công khai tiêu chí cấp phép Một giấy phép viễn thông cho phép một nhà khai thác cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc khai thác các thiết bị viễn thông. Giấy phép nói chung cũng định nghĩa các điều khoản và điều kiện để cho phép, mô tả những quyền lợi và nghĩa vụ chính của một nhà khai thác viễn thông. Giấy phép đặc biệt có ý nghĩa trong nền kinh tế chuyển đổi và đang nổi lên. Giấy phép tạo khả năng chắc chắn cho các nhà đầu tư và người cho vay, và với khả năng chắc chắn đó tạo được niềm tin cần thiết cho việc đầu tư hàng triệu hoặc hàng tỷ đô la vào xây dựng hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông trong những nền kinh tế đó. Cấp phép là một sự phát triển tương đối gần đây ở nhiều thị trường viễn thông. Trước đây, khi còn độc quyền, các nhà khai thác dịch vụ viễn thông thuộc sở hữu nhà nước cung cấp dịch vụ độc quyền trên toàn bộ thị trường thì việc cấp phép cùng các tiêu chí cấp phép trở nên không cần thiết. Trong nền kinh tế thị trường, việc công khai các tiêu chí này có lợi cho tất cả các thành phần tham gia thị trường, bao gồm người sử dụng, các đối thủ cạnh tranh và cơ quan quản lý. - Về phía cơ quan quản lý, cấp phép giúp quản lý các dịch vụ công cộng thiết yếu, quản lý mục tiêu dịch vụ phổ cập, quản lý cơ cấu thị trường, thiết lập khung pháp lý cho cạnh tranh, phân bổ tài nguyên khan hiếm, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. - Về phía người tiêu dùng: các điều kiện về bảo vệ người tiêu dùng thường nằm trong giấy phép quy định về các vấn đề: cơ chế khiếu nại cho khách hàng, trách nhiệm đối với việc gián đoạn dịch vụ, các dịch vụ danh bạ điện thoại, dịch vụ khẩn cấp... - Về phía các doanh nghiệp: giấy phép giúp họ biết quyền được làm gì và không được phép làm gì, các nghĩa vụ liên quan khi tham gia thị trường... WTO quy định phải công khai các tiêu chí cấp phép, thời hạn xét cấp phép, điều kiện với từng giấy phép cụ thể. Các lý do từ chối cấp phép cần được báo cho bên nộp hồ sơ xin cấp phép nếu có yêu cầu. 1.2.2.9. Quy định về cơ quan quản lý nhà nước độc lập Cơ cấu quản lý chuẩn của ngành viễn thông trên thế giới hiện nay bao gồm một cơ quan quản lý viễn thông độc lập hoàn toàn đối với các doanh nghiệp viễn thông trên thị trường. Tính độc lập này tạo ra sự tin cậy vào thị trường và thúc đẩy sự tuân thủ các nghĩa vụ thương mại quốc tế. WTO quy định cơ quan quản lý nhà nước độc lập phải là đơn vị tách riêng và không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản nào. Các quyết định và quy trình thủ tục mà các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng phải khách quan đối với tất cả các đối tượng tham gia vào thị trường. Việc các cơ quan quản lý phải là đơn vị độc lập giúp việc quản lý được khách quan và công bằng, các chính sách và quyết định sẽ không thiên vị đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. 1.2.2.10. Quy định về phân bổ sử dụng các nguồn tài nguyên quý hiếm Các nguồn tài nguyên quý hiếm cần thiết cho khai thác dịch vụ viễn thông như phổ tần số, kho số, quyền đi dây (có thể hiểu là quyền sử dụng chung cơ sở hạ tầng) cần được phân bổ một cách công bằng, có hiệu quả và phù hợp với lợi ích công cộng. Việc phân bổ này phải cân đối được giữa lợi ích cạnh tranh và các quyền ưu tiên. Ví dụ, phổ tần số có thể được bán đấu giá theo giá đặt cao nhất để tạo nguồn thu phát triển dịch vụ mới hoặc phân bổ với giá thấp để giảm giá dịch vụ tới một đối tượng cụ thể nào đó. Việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng (các cột, cống ngầm, hầm hào, lỗ cống, các tháp cao) hiệu quả sẽ tránh được các lãng phí không cần thiết về thời gian, tiền bạc và công sức, giảm bớt các tác động về môi trường và bất tiện cho công chúng. Ví dụ: khi các nhà khai thác cùng tham gia vào thị trường viễn thông thì các tháp viba, các ống nối dây dẫn trong không gian, các đường cống ngầm, rãnh trên đường xuất hiện càng nhiều sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như sinh hoạt của người dân và việc này sẽ phải được chính quyền địa phương xem xét. Nhận thức được sự hữu hạn của các nguồn tài nguyên quý hiếm, WTO quy định các quy trình thủ tục cho việc phân bổ và sử dụng các nguồn quý hiếm, bao gồm tần số vô tuyến điện, kho số và các quyền đi dây đều phải được tiến hành một cách khách quan, kịp thời, minh bạch và không phân biệt đối xử. Hiện trạng phân bổ các băng tần vô tuyến phải được công bố công khai, tuy nhiên chi tiết về các tần số phân bổ cho mục đích sử dụng đặc biệt của chính phủ thì không cần thiết phải công bố. Các phân tích trên cho thấy, hệ thống các quy định của WTO về dịch vụ viễn thông vừa rất chi tiết (định nghĩa về dịch vụ viễn thông) vừa mang tính khái quát cao (nguyên tắc công khai, minh bạch hóa). Đồng thời, các quy định này đã bao trùm được tất cả các lĩnh vực quản lý và kinh doanh dịch vụ viễn thông, bao gồm: truy nhập và sử dụng hệ thống và dịch vụ viễn thông công cộng, bảo vệ cạnh tranh, kết nối mạng, dịch vụ phổ cập, cấp giấy phép viễn thông, cơ quan quản lý nhà nước độc lập, và phân bổ sử dụng các nguồn quý hiếm. Những quy định của WTO về cơ bản là phù hợp với định hướng đổi mới công tác quản lý Nhà nước, công tác cải cách hành chính và tạo dựng môi trường pháp lý thúc đẩy cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam. Vì vậy, trong quá trình xây dựng các quy định và chính sách về viễn thông trong nước, Việt Nam cũng phải nghiêm túc nghiên cứu để áp dụng các nguyên tắc và quy định trên của WTO. Chương 2 THỰC TRẠNG THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ VIỄN THÔNG Ở VIỆT NAM 2.1. THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG VIỄN THÔNG VIỆT NAM 2.1.1. Nhận xét chung Theo đánh giá của nhiều cá nhân và tổ chức nghiên cứu kinh tế nước ngoài, Việt Nam là một trong những thị trường đang nổi lên ở khu vực Đông Nam Á. Trong những năm qua, Việt Nam đã cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế và cầu tiêu dùng nhanh nhất khu vực. Một trong những lĩnh vực phát triển đáng chú ý nhất là viễn thông. Sự phát triển của viễn thông Việt Nam theo một lộ trình có tính đổi mới nhảy vọt về chiến lược [16, tr. 1]: Giai đoạn 1: Tăng tốc và hiện đại hóa (1990-2000) Giai đoạn 2: Không độc quyền công ty và tiến đến cạnh tranh (1995-2003) Giai đoạn 3: Hội nhập - Phát triển và đa dạng hóa sở hữu (2000-2020) Giai đoạn 4: Đạt trình độ viễn thông của một nước công nghiệp phát triển (từ năm 2020 trở đi). Với các giai đoạn phát triển như trên, và với mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, có thể thấy rõ rằng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những chính sách phát triển viễn thông theo hướng coi lĩnh vực này đã, đang và sẽ trở thành khu vực dịch vụ mang tính thương mại. Điều này thể hiện ở các quyết tâm phá bỏ độc quyền và tiến tới tự do cạnh tranh trong khu vực dịch vụ này. Hiện nay, viễn thông Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển thứ ba. Sau chiến lược tăng tốc và triển khai cạnh tranh, viễn thông Việt Nam đã đạt được những kết quả rất khả quan. Việt Nam đang có một cơ sở hạ tầng viễn thông tương đối hiện đại. Hệ thống chuyển mạch điện tử bao gồm 100% các tổng đài số. Hệ thống truyền dẫn với các mạng truyền dẫn vệ tinh, cáp quang, viba số trải rộng ra khắp cả nước và kết nối quốc tế. Hệ thống mạng dịch vụ với các loại hình dịch vụ đa dạng, cung cấp theo nhu cầu của khách hàng và có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam vượt qua ngưỡng 1 thuê bao điện thoại/ 100 dân vào năm 1994, chậm hơn hai năm so với Indonesia. Nhưng đến cuối năm 2000, Việt Nam đã vượt qua Indonesia khi đạt tỷ lệ 3,2 thuê bao điện thoại/100 dân. Và đến tháng 01/2006 thì tỷ lệ này đã là 19,09 thuê bao/100 dân (xem đồ thị 2.1), vượt 2,5 lần chỉ tiêu Đại hội IX của Đảng đề ra cho năm 2005 là 7- 8 máy/100 dân [19]. Đồ thị 2.1: Mật độ thuê bao điện thoại tháng 11/2005 - 01/2006 (đơn vị: máy/100 dân) Nguồn: Bộ Bưu chính - Viễn thông, www.mpt.gov.vn Nếu năm 2000, Việt Nam mới chỉ có trên 2,5 triệu thuê bao điện thoại trên cả nước thì tính đến tháng 01/2006, Việt Nam đã có tổng số 15,845 triệu thuê bao điện thoại (xem đồ thị 2.2). Tính đến cuối năm 2005, Việt Nam đã hoàn thành chương trình đưa điện thoại tới 100% số xã trên toàn quốc. Mạng điện thoại Việt Nam đã trở thành một trong 10 nước đứng đầu về tốc độ phát triển thuê bao điện thoại [21, tr. 5]. Đồ thị 2.2: Tăng trưởng thuê bao điện thoại tháng 11/2005 - 01/2006 Nguồn: Bộ Bưu chính - Viễn thông, www.mpt.gov.vn. Đồ thị 2.1 và đồ thị 2.2 cho thấy sự tăng trưởng đột biến về số lượng thuê bao điện thoại của Việt Nam vào cuối năm 2005. Một trong những nguyên nhân chính là sự bùng nổ của thuê bao di động. Phát triển từ năm 1992, thông tin di động Việt Nam tăng trưởng khá ỳ ạch ở thời kỳ đầu mặc dù đây là một trong những mảng dịch vụ viễn thông đầu tiên có cạnh tranh và tham gia của khu vực tư nhân. Tính đến cuối năm 2000, Việt Nam là nước có tỷ lệ giữa thuê bao di động và cố định thấp nhất trong khu vực: 789 ngàn thuê bao di động so với hơn 2,5 triệu thuê bao cố định, đạt tỷ lệ 24%/76%. Nhưng cũng trong năm 2000, số lượng thuê bao di động Việt Nam đã tăng gấp đôi, cho thấy thị trường di động Việt Nam đã bắt kịp với xu thế phát triển trong khu vực và trên thế giới. Nhưng phải đến năm 2005, thị trường thông tin di động Việt Nam mới có bước chuyển mình ngoạn mục. So với năm 2004, năm 2005 số lượng thuê bao đã tăng gấp đôi với con số khoảng 4,5 triệu thuê bao mới. Tính đến tháng 01/2006, Việt Nam đã có tổng số hơn 8 triệu thuê bao di động, tỷ lệ giữa thuê bao di động và cố định là 52%/48%. Qua các con số thống kê trên, có thể nhận định rằng giai đoạn từ năm 2000 đến hết năm 2005 là giai đoạn phát triển đặc biệt của viễn thông Việt Nam. Trong vòng 6 năm, số lượng thuê bao tăng gấp 5 lần từ 2,5 triệu lên đến trên 15 triệu thuê bao, trong đó riêng năm 2005 đạt tốc độ tăng trưởng 50% (xem đồ thị 2.3). Đồ thị 2.3: Tăng trưởng thuê bao điện thoại giai đoạn 2000 - 2005 Nguồn: Bộ Bưu chính Viễn thông, www.mpt.gov.vn. Để duy trì đà tăng trưởng của ngành viễn thông và hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, ngày 07/02/2006 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng viễn thông và Internet đạt 1,5 - 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; đến năm 2010, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông và Internet đạt khoảng 55 nghìn tỷ đồng (3,5 tỷ USD). Mục tiêu đến năm 2010, mật độ điện thoại đạt từ 32 đến 42 máy/100 dân (trong đó mật độ điện thoại cố định là 14 đến 16 máy/100 dân) [4, tr. 2]. 2.1.2. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Thị trường viễn thông Việt Nam chỉ có thể phát triển nếu các doanh nghiệp viễn thông hình thành, phát triển trong điều kiện cạnh tranh, bình đẳng. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở Việt Nam tuy mới ra đời nhưng cũng đã phát triển với những kết quả tương đối khả quan. Hiện tại, Việt Nam có 6 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Đó là: Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom), Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom), và Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải (Vishipel). 2.1.2.1. Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT Thực chất hoạt động từ năm 1990, VNPT được chính thức thành lập theo Quyết định số 249/TTG ngày 29/4/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Nghị định số 51/CP ngày 01/8/1995 của Chính phủ phê chuẩn Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty [19]. Với số vốn kinh doanh 2.501.369 triệu đồng và tổng doanh thu lên tới 37.700 tỷ đồng trong năm 2005, VNPT được xếp vào hàng "đại gia" trong số các doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu của Nhà nước Việt Nam. VNPT có nhiều công ty trực thuộc đảm nhiệm các lĩnh vực viễn thông khác nhau. Hiện VNPT quản lý: 64 Bưu điện tỉnh, thành phố; 9 công ty chức năng, trong đó phải kể đến Công ty Viễn thông Liên tỉnh (VTN) chịu trách nhiệm xây dựng, lắp đặt và bảo dưỡng mạng viễn thông đường dài và cung cấp nhiều loại dịch vụ; Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế chuyên nghiệp; Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) cung cấp các dịch vụ truyền dữ liệu, Internet (cả truy nhập và kết nối), ứng dụng phần mềm và các dịch vụ giá trị gia tăng khác; Công ty Dịch vụ Viễn thông (GPC) cung cấp các dịch vụ thông tin di động; 4 đơn vị sự nghiệp; 9 công ty, nhà máy, xí nghiệp độc lập; 18 công ty cổ phần; Tham gia 8 liên doanh với các đối tác nước ngoài. Ngoài ra, VNPT còn là cổ đông của các nhà khai thác thông tin di động của Việt Nam như Công ty Thông tin Di động (VMS) và Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài gòn (SPT). Do nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam là một trong những Tổng công ty 91 được phê duyệt thí điểm hình thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam theo quyết định số 06/2006/QĐ-TTg. Nội dung chủ yếu là tách Bưu chính ra khỏi viễn thông, việc mở rộng hoạt động kinh doanh theo khả năng của doanh nghiệp, cổ phần hóa một số công ty thành viên cũ như VMS, GPC... (vốn tập đoàn 50%), khối các công ty sản xuất thiết bị, xây dựng, liên doanh... (vốn của Tập đoàn dưới 50%) và mở rộng quyền chủ động kinh doanh cho các công ty thành viên. Về cơ cấu, có sự thay đổi trong việc sắp xếp lại Văn phòng Tổng công ty, Công ty Viễn thông quốc tế, Công ty Viễn thông Liên tỉnh, một phần Công ty Tài chính Bưu điện thành tập đoàn Bưu chính Viễn thông. 64 bưu điện tỉnh, thành được sắp xếp lại thành ba công ty Viễn thông khu vực I, II, III. Việc kinh doanh đường trục quốc gia, bao gồm mạng liên tỉnh và mạng quốc tế vẫn trực thuộc Tập đoàn như trước. 2.1.2.2. Tổng Công ty Viễn thông Quân đội - Viettel Cũng giống nước láng giềng Trung Quốc, Việt Nam theo đuổi chính sách cho phép nhiều bộ ngành tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông, để tạo sự cạnh tranh trên thị trường. Năm 1998, Bộ Quốc phòng gia nhập thị trường này với sự góp mặt của Công ty Viễn thông Quân đội, mới nâng lên cấp Tổng Công ty từ năm 2005. Hiện Viettel là doanh nghiệp thứ hai sau VNPT có giấy phép kinh doanh đầy đủ trong việc cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông ở Việt Nam. Viettel gặt hái được khá nhiều thành công ở hai dịch vụ VoIP và dịch vụ thông tin di động. 2.1.2.3 Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực - EVN Telecom EVN Telecom là đơn vị thứ ba có đầy đủ giấy phép cung cấp các dịch vụ viễn thông. EVN Telecom là thành viên của Tổng Công ty Điện lực, thuộc Bộ Năng lượng, được thành lập từ năm 1995. Với lợi thế của mạng lưới điện sẵn có, EVN Telecom đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông gồm mạng đường trục và các trạm cổng quốc tế qua vệ tinh và cáp quang. Trong tương lai không xa, EVN Telecom sẽ là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm trên thị trường viễn thông Việt Nam. 2.1.2.4. Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn - SPT SPT thành lập năm 1995, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự góp vốn của 11 cổ đông nhà nước, trong đó có VNPT (18%). Năm 1998, SPT chính thức trở thành công ty cổ phần với khoảng 13% cổ phần thuộc sở hữu của cá nhân, doanh nghiệp và đội ngũ nhân viên. Hiện nay, SPT đã có 3 trong 5 loại giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông và được biết đến nhiều nhất ở hai lĩnh vực thông tin di động và VOIP. 2.1.2.5. Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội - Hanoi Telecom Hanoi Telecom có 2 cổ đông chính là Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Công an. Cũng giống SPT, Hanoi Telecom hiện có 3 trong 5 loại giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, trừ dịch vụ viễn thông quốc tế và đường trục trong nước. Hanoi Telecom đã ký kết Hợp đồng Hợp tác Kinh doanh (BCC) với tập đoàn Hutchison của Hồng Kông để triển khai mạng di động công nghệ CDMA. 2.1.2.6. Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải - Vishipel Vishipel tổ chức triển khai phát triển dịch vụ thông tin biển đảo, tàu bờ, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt cho các phương tiện hoạt động trên biển; phục vụ cho các mục đích chuyên ngành như thủy sản, dầu khí; tìm kiếm cứu nạn an toàn hàng hải góp phần tăng cường kiểm soát an ninh trên biển. Từ tháng 3/2003 đã đưa vào sử dụng hệ thống các Đài thông tin duyên hải phần phía bắc, tiếp tục thực hiện dự án Thông tin duyên hải phần phía nam. Vishipel cung cấp hai dịch vụ viễn thông là dịch vụ thông tin vệ tinh di động toàn cầu (Inmarsat) liên lạc vô tuyến với tàu biển và dịch vụ VOIP trong nước và quốc tế. 2.1.3. Các loại hình dịch vụ viễn thông ở Việt Nam Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông năm 2002 (Điều 37) quy định dịch vụ viễn thông bao gồm: - Dịch vụ cơ bản là dịch vụ truyền đưa tức thời dịch vụ viễn thông qua mạng viễn thông hoặc Internet mà không làm thay đổi loại hình hoặc nội dung thông tin; - Dịch vụ giá trị gia tăng là dịch vụ làm tăng thêm giá trị thông tin của người sử dụng dịch vụ bằng cách hoàn thiện loại hình, nội dung thông tin hoặc cung cấp khả năng lưu trữ, khôi phục thông tin đó trên cơ sở sử dụng mạng viễn thông hoặc Internet; - Dịch vụ kết nối Internet là dịch vụ cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet khả năng kết nối với nhau và với Internet quốc tế; - Dịch vụ truy nhập Internet là dịch vụ cung cấp cho người sử dụng khả năng truy nhập Internet; - Dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông là dịch vụ sử dụng Internet để cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông cho người sử dụng. Dịch vụ ứng dụng Internet trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác phải tuân theo các quy định pháp luật về bưu chính, viễn thông và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Hiện nay, trên thị trường viễn thông Việt Nam có các loại hình dịch vụ chính sau: 2.1.3.1. Dịch vụ điện thoại cố định Mặc dù hiện có 5 doanh nghiệp là VNPT, EVN Telecom, Viettel, SPT và Hanoi Telecom tham gia cung cấp dịch vụ điện thoại cố định nhưng thị trường vẫn chủ yếu do VNPT đảm nhiệm. Viettel mới triển khai dịch cung cấp dịch vụ đến 25 tỉnh thành với 18.000 thuê bao. Tuy đã được cấp phép cung cấp dịch vụ điện thoại cố định trên phạm vi toàn quốc, nhưng hiện SPT mới chỉ cung cấp dịch vụ này tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn với khoảng 90.000 thuê bao. Tình trạng trên do một số nguyên nhân sau: - Cước điện thoại cố định nội hạt của Việt Nam quá thấp, không khuyến khích được các doanh nghiệp viễn thông mới ngoài VNPT cung cấp dịch vụ này; - Việc chuyển đổi sang nhà cung cấp dịch vụ viễn thông mới không đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng (tốn kém chi phí đầu tư ban đầu trong khi giá cước sử dụng không thay đổi). Do đó, các doanh nghiệp viễn thông mới chỉ cạnh tranh được ở những khu vực mới phát triển thuê bao như các khu đô thị, khu công nghiệp mới xây dựng... 2.1.3.2. Dịch vụ điện thoại di động Mạng điện thoại di động đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam - mạng MobiFone vào năm 1993, đến giữa năm 1996, mạng Vinaphone cũng ra đời. Đến nay, sau hơn 10 năm phát triển, thị trường dịch vụ di động Việt Nam hết sức sôi động với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp với các công nghệ khác nhau: GSM, CDMA, I-PAS. Về công nghệ GSM, dẫn đầu vẫn là VNPT với hai mạng Vinaphone của GPC với số thuê bao hiện có là 3,5 triệu và Mobiphone của VMS với số thuê bao hiện có là 3 triệu. Tiếp đến là mạng của Viettel với 1,9 triệu thuê bao sau hơn 1 năm chính thức hoạt động [6, tr. 4]. Công nghệ thông tin di động CDMA tuy mới được triển khai ở Việt Nam nhưng với những ưu điểm về dung lượng hệ thống cao và chi phí nâng cấp lên 3G thấp nên cũng được nhiều nhà cung cấp hướng tới, đó là: SPT với mạng S-Fone (cung cấp dịch vụ từ tháng 7/2003) nay có khoảng 400.000 thuê bao, EVN Telecom với mạng 096 và Hanoi Telecom với mạng 092 [4, tr. 4]. Đồ thị 2.4: Thị phần dịch vụ điện thoại di động Việt Nam năm 2005 Nguồn: Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, www.vnpt.com.vn. Mạng vô tuyến nội thị Cityphone sử dụng công nghệ I-PAS của VNPT đưa vào sử dụng từ năm 2003. Cho đến nay, sau gần ba năm phát triển, số lượng thuê bao của các mạng Cityphone đã đạt khoảng 200.000 thuê bao, chất lượng phủ sóng đạt 85,9% đối với khu vực ngoài trời và 75,8% với khu vực trong nhà [19]. Việc đưa mạng Cityphone với giá rẻ đã tăng khả năng lựa chọn cho khách hàng. Không còn độc quyền kinh doanh, thị trường thông tin di động Việt Nam đã xuất hiện sự cạnh._.ác để thành lập liên doanh. - Phương thức 4 - Hiện diện thể nhân: Đối với phương thức này, cam kết của ngành viễn thông cần phải thống nhất với các ngành và lĩnh vực dịch vụ khác. 3.4.1.5. Có biện pháp kiên quyết để ngăn ngừa các hành vi phi cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông Chính sách đối với hạ tầng mạng viễn thông của Việt Nam đã có cải thiện lớn với quyết định tách riêng phần đường trục viễn thông cho một công ty thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông khai thác và quản lý. Tuy nhiên các nhà phân tích vẫn băn khoăn liệu các công ty khác thuộc Tập đoàn có được ưu đãi hơn so với các doanh nghiệp viễn thông khác khi đi thuê lại hạ tầng mạng không. Theo chúng tôi, tối ưu hơn cả là phần hạ tầng mạng này sẽ do một công ty độc lập, trực thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông quản lý. Có như vậy, hoạt động cạnh tranh trên thị trường viễn thông mới thực sự bình đẳng. Các quy định đối với dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế của Việt Nam hiện nay tương đối tiến bộ: các doanh nghiệp phải hạch toán riêng phần giá cước và chịu sự kiểm tra của cơ quan nhà nước về thị phần, chất lượng và giá cước đối với các dịch vụ này. Tuy nhiên việc thi hành các quy định trên chưa được như mong muốn. Vẫn tồn tại các biểu hiện bù giá chéo phi cạnh tranh. Một số dịch vụ viễn thông của VNPT thậm chí có giá cước thấp hơn giá thành (ví dụ như cước điện thoại nội hạt) do được bù đắp chi phí từ các dịch vụ khác có lợi nhuận cao (cước dịch vụ đường dài hoặc quốc tế) của cùng doanh nghiệp. Một ví dụ khác là mạng di động CDMA của EVN Telecom chủ yếu được đầu tư từ nguồn vốn của ngành điện. Bù giá chéo không những làm cho hoạt động kinh doanh viễn thông kém hiệu quả mà còn tạo ra một mô hình thuế bất hợp lý. Ví dụ, khi áp dụng bù giá chéo thì rất có thể một công nhân nghèo không bao giờ đủ tiền để dùng điện thoại cá nhân sẽ phải trả tiền cao cho cuộc gọi đường dài để bù cho khoản lỗ phát sinh của đường điện thoại cá nhân của một người giàu. Bù giá chéo cũng là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam không được công nhận là nền kinh tế thị trường. Một số doanh nghiệp viễn thông mới có những biểu hiện lách luật để phá giá cước viễn thông nhằm tăng tính cạnh tranh: liên tục thực hiện các chương trình khuyến mại giảm cước thấp hơn mức cước trần mà Bộ Bưu chính Viễn thông quy định đối với các dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế (Viettel, SPT). Để tiến tới gia nhập WTO, Bộ Bưu chính Viễn thông cần phối hợp với các Bộ ngành liên quan (Bộ Thương mại, Bộ Tài chính...) để có những biện pháp quản lý sát sao hơn và có những chế tài cụ thể đối với các hành vi phi cạnh tranh nói trên. 3.4.2. Nhóm giải pháp đối với Bộ Bưu chính, Viễn thông 3.4.2.1. Xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng mạng lưới và dịch vụ Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp viễn thông mải chạy đua với những chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng mà gần như bỏ ngỏ về vấn đề chất lượng dịch vụ. Năm 2005 là năm tăng trưởng mạnh của viễn thông Việt Nam nhưng cũng là năm báo động về chất lượng dịch vụ, đặc biệt là thông tin di động và VoIP. Để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và để chuẩn bị gia nhập WTO, theo chúng tôi, Bộ Bưu chính Viễn thông cần có một số giải pháp theo hướng: - Xây dựng tiêu chuẩn trong lĩnh vực viễn thông và Internet phù hợp với pháp luật Việt Nam, cũng như thông lệ và quy định quốc tế; - Tăng cường quản lý chất lượng mạng lưới, dịch vụ viễn thông và Internet thông qua việc yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đo kiểm chất lượng theo định kỳ; - Yêu cầu các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch của năm sau phải tăng cường khâu đầu tư và dự báo tốt hơn nhu cầu của khách hàng. 3.4.2.2. Đổi mới cơ chế hoạt động của Quỹ dịch vụ phổ cập Quy định về Quỹ dịch vụ phổ cập ra đời đã giải quyết được yêu cầu về phổ cập dịch vụ trong khi vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến cạnh tranh. Tuy nhiên để tăng tính hiệu quả của Quỹ, Bộ Bưu chính Viễn thông cần có những quy định cụ thể về cơ chế thu của Quỹ để đảm bảo tính công bằng, bền vững, hiệu quả và minh bạch. Chẳng hạn việc quy định mỗi doanh nghiệp phải đóng một tỷ lệ phần trăm doanh thu vào Quỹ phải có những căn cứ nhất định; cơ chế thu như thế nào để luôn tạo nguồn thu tương đối ổn định cho Quỹ; cơ chế thu nên được thiết kế sao cho cách thức tính toán lượng thu từ mỗi nhà khai thác phải được hiểu một cách thống nhất, không gây tranh cãi và tương đối đơn giản. 3.4.2.3. Cải thiện hơn nữa quy trình cấp phép viễn thông Hiện nay, quy trình cấp phép của Việt Nam được đánh giá là tương đối minh bạch. Nhưng để tiến tới gia nhập WTO, Bộ Bưu chính Viễn thông cần xây dựng được một lịch trình cấp phép, có gắn với chế độ đãi ngộ quốc gia mà chúng ta đã thỏa thuận trong các cam kết viễn thông quốc tế. Hình thức cấp phép cũng nên được Bộ xem xét lại: đối với những dịch vụ viễn thông đã có đủ khả năng cạnh tranh nhất là các dịch vụ giá trị gia tăng thì có cần phải cấp phép nữa không? Vấn đề cấp phép cần được nhìn nhận trên cả hai khía cạnh: quản lý và khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ. 3.4.2.4. Nâng cao hiệu quả công tác phân bổ các nguồn tài nguyên quý hiếm Để đảm bảo tính hiệu quả, công bằng và tiết kiệm trong việc phân bổ các nguồn tài nguyên viễn thông, theo chúng tôi, Bộ Bưu chính Viễn thông nên cân nhắc các giải pháp sau: - Quy hoạch tài nguyên viễn thông và Internet đồng thời với việc quy hoạch số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để đảm bảo việc phân bổ tài nguyên công bằng và tránh lãng phí; ưu tiên quy hoạch và phân bổ tài nguyên cho công nghệ, dịch vụ mới như Internet thế hệ sau, thông tin di động thế hệ mới, truy nhập vô tuyến băng rộng,... - Tận dụng cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet sẵn có: nghiên cứu, xem xét áp dụng các cơ chế giữ nguyên số thuê bao khi chuyển mạng (number portability), cơ chế chọn trước nhà khai thác (carrier preselection) đường dài trong nước và quốc tế; - Xem xét lại hệ thống lệ phí sử dụng tài nguyên viễn thông và Internet theo nguyên tắc: đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời không làm tăng quá mức chi phí sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. - Nghiên cứu, thử nghiệm các hệ thống tài nguyên mới nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển nhanh của mạng lưới và dịch vụ. 3.4.2.5. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin Viễn thông là một ngành dịch vụ đặc biệt vì bên cạnh vai trò là một ngành sản xuất nó còn là cơ sở hạ tầng cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội khác nên việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin là rất quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp cho vấn đề trên: - Xây dựng và hoàn thiện các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên mạng viễn thông và Internet - Xây dựng, hoàn thiện và nâng cao năng lực của hệ thống ứng cứu, khắc phục sự cố máy tính và phòng chống tội phạm trên mạng - Áp dụng các công nghệ và giải pháp kỹ thuật mật mã làm tăng độ tin cậy, an toàn cho các giao dịch trên mạng viễn thông và Internet. 3.4.2.6. Tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức về hội nhập trong toàn ngành viễn thông Để chuẩn bị cho việc chính thức gia nhập WTO, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hội nhập trong toàn Ngành viễn thông. Trong đó tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của WTO về viễn thông như Phụ lục về Thông tin Viễn thông của GATS, Hiệp định Viễn thông Cơ bản và Tài liệu Tham chiếu Viễn thông; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, một Hiệp định khá quy mô, theo mô hình WTO và có những cam kết cụ thể về viễn thông và Internet. 3.4.3. Nhóm giải pháp về phía doanh nghiệp dịch vụ viễn thông 3.4.3.1. Xây dựng chiến lược phát triển cho doanh nghiệp phù hợp với các cam kết quốc tế về viễn thông của Việt Nam Các cam kết quốc tế về viễn thông mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, đưa ra lộ trình cụ thể cho việc mở cửa về TMDV viễn thông. Để đứng vững trên thị trường, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh cho mình trên cơ sở lộ trình cam kết. Trong chiến lược phát triển, các doanh nghiệp cần hết sức chú trọng việc lập kế hoạch và dự báo nhu cầu thị trường. Dự báo là một khâu rất quan trọng nhưng cho đến nay các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có cả viễn thông lại rất yếu kém, thường chỉ là một phần nhỏ của kế hoạch và mang nặng tính thành tích. Để tránh tình trạng nghẽn mạng đã từng xảy ra trong một số lĩnh vực dịch vụ viễn thông, hoặc ngược lại là đầu tư dàn trải, lãng phí, các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch phải tăng cường khâu đầu tư và dự báo tốt hơn nhu cầu của khách hàng. 3.4.3.2. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp viễn thông Đa dạng hóa loại hình dịch vụ Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ cung cấp cho khách hàng phù hợp với sự phát triển của công nghệ và kỹ thuật. Nghiên cứu xu hướng vận động của công nghệ và dịch vụ, triển khai các dịch vụ mới. Tập trung phát triển dịch vụ di động, ADSL, NGN (các dịch vụ trên mạng thế hệ mới), các dịch vụ trên nền IP như VoIP, dịch vụ truyền số liệu, các dịch vụ giá trị gia tăng và các dịch vụ phi thoại là các dịch vụ đem lại doanh thu lớn và là các dịch vụ có nguy cơ cạnh tranh cao nhằm chiếm lĩnh thị phần và tích tụ nguồn lực để cạnh tranh. Xây dựng chính sách giá cước phù hợp Các doanh nghiệp viễn thông cần xây dựng và thực hiện lộ trình giảm giá cước dịch vụ theo xu hướng bằng giá cước khu vực và thế giới, gần với giá thành, xóa bỏ bù trừ về giá giữa các dịch vụ, linh hoạt trong việc áp dụng giá cước các dịch vụ trong môi trường cạnh tranh. Chính sách giá cước nên được xây dựng trên cơ sở phân đoạn thị trường. Thường xuyên cập nhật và điều chỉnh giá cước để theo sát thị trường và đảm bảo tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cần phải xây dựng được thương hiệu của mình bằng cách nâng cao chất lượng phục vụ và phát động chiến dịch để quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp với người tiêu dùng, giới thiệu dịch vụ và đổi mới thái độ phục vụ của toàn bộ nhân viên, mở rộng các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam để tiếp nhận được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài hơn nữa vào lĩnh vực viễn thông. Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam thường dùng các biện pháp hạ giá cước dịch vụ và khuyến mãi để tăng thị phần. Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý một điều, các hãng viễn thông quốc tế với tiềm năng vượt trội về vốn và công nghệ hoàn toàn có khả năng hạ giá cước dịch vụ và cung cấp những dịch vụ hậu mãi tiên tiến với chất lượng cao sẽ ồ ạt tấn công thị trường Việt Nam khi các thỏa thuận mở cửa thị trường dịch vụ được thực hiện theo quy chế của WTO. Do đó, các công ty viễn thông nội địa cần nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, tạo niềm tin và sự phụ thuộc chắc chắn của khách hàng bằng chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ giá trị gia tăng (dịch vụ hỏi đáp thông tin, dịch vụ chỉ dẫn giao thông,...) bên cạnh việc giảm giá cước thuê bao và cuộc gọi. Phát triển nguồn nhân lực Từng doanh nghiệp phải tự xây dựng và triển khai chương trình đổi mới công tác quản lý lao động, đổi mới quản lý tiền lương và phân phối thu nhập, quy chế tuyển dụng, đào tạo và tái đào tạo nhằm kiện toàn nguồn nhân lực, khuyến khích, tạo động lực cho người lao động và thu hút nguồn nhân lực cho tương lai, đối phó với mục tiêu lấy người của các doanh nghiệp khác kể cả các doanh nghiệp nước ngoài trong tương lai. Xây dựng cơ chế tuyển dụng lao động và cơ chế trả thù lao linh hoạt để có thể thu hút lao động có trình độ cao vào các vị trí quản lý cao cấp trong công ty. Đổi mới công tác đào tạo: kết hợp đào tạo trong nước và đào tạo ở nước ngoài nhằm đào tạo cán bộ có hiểu biết rộng kết hợp với thực tế ngành. Đổi mới cơ chế tuyển sinh và nâng cao chiến lược đào tạo. Thay đổi giáo trình phù hợp với các giai đoạn phát triển. Bắt đầu tái đào tạo cả các cán bộ chủ chốt. Đổi mới tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp nhà nước hoặc do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Để đối mặt với cạnh tranh gay gắt trong tương lai khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp viễn thông cần tiến hành đổi mới tổ chức quản lý, kinh doanh, khai thác dịch vụ viễn thông theo hướng: giảm thiểu các quy trình thủ tục giấy tờ; áp dụng các công nghệ tổ chức và quản lý tiên tiến, hiện đại. Tiếp tục triển khai cổ phần hóa các doanh nghiệp để tạo động lực sản xuất, nâng cao năng lực vốn đầu tư phát triển và chia sẻ rủi ro trong quá trình cạnh tranh. Các doanh nghiệp viễn thông và Internet đã cổ phần hóa cần nghiên cứu việc niêm yết trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước; tiến hành hạch toán độc lập theo từng lĩnh vực dịch vụ, tiến tới mô hình khai thác theo chuẩn quốc tế Tăng cường đầu tư công nghệ Đầu tư công nghệ trong lĩnh vực viễn thông phải đảm bảo các yêu cầu: ưu tiên công nghệ hội tụ, có khả năng mở rộng, và phù hợp với trình độ phát triển của mạng lưới hiện tại của doanh nghiệp. Tránh cả hai xu hướng cực đoan là đầu tư công nghệ lạc hậu và chạy đua về công nghệ, đều gây ra lãng phí và giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. 3.4.3.3. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế Hiện nay, lĩnh vực thông tin di động, cung cấp kênh truyền trong nước và quốc tế, cung cấp các dịch vụ ứng dụng trên nền Internet là các lĩnh vực được dự báo sẽ được các đối tác nước ngoài quan tâm và mong muốn tham gia. Hình thức đầu tư đang được hướng đến là thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, tham gia công ty liên doanh và tham gia công ty cổ phần. Hiện tại, tuy mới chỉ có các doanh nghiệp Hoa Kỳ được tham gia liên doanh cung cấp dịch vụ di động với các nhà khai thác Việt Nam với mức vốn tối đa là 49%, nhưng khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài sẽ tăng lên rất nhiều. Các đối tác nước ngoài sẽ được phép thành lập liên doanh trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, đường dài, quốc tế; quyền mua cổ phần và tỷ lệ cổ phần được mua của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ được pháp luật cho phép. Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam trước mắt cần tăng cường quan hệ hợp tác với các hãng viễn thông lớn của nước ngoài vừa để phát triển kinh doanh vừa để nhận biết đối tác và đối thủ cạnh tranh, bằng các biện pháp: Tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác trong các dự án hợp tác quốc tế hiện có. Tìm kiếm cơ hội và triển khai các hình thức hợp tác mới phù hợp với pháp luật đầu tư và cam kết quốc tế của Việt Nam. Triển khai nghiên cứu và từng bước tham gia đầu tư khai thác thị trường nước ngoài phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Quyết tâm gia nhập WTO buộc chúng ta phải dung hòa giữa hai thái độ: vừa phải thể hiện thiện chí mở cửa và hội nhập, vừa phải đảm bảo chủ quyền và phát huy nội lực. Trên đây là đề xuất một số giải pháp trong lĩnh vực viễn thông mà chúng tôi thấy vừa đảm bảo phát triển thị trường theo các yêu cầu của WTO vừa đảm bảo ba lợi ích Nhà nước - Doanh nghiệp - Người tiêu dùng. KẾT LUẬN Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của WTO đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu nói chung cũng như sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia nói riêng, Việt Nam mong muốn sớm gia nhập WTO và coi đây là một bước quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực tiến hành quá trình cải cách và điều chỉnh nền kinh tế trong nước theo hướng phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ thương mại quốc tế cũng như các nguyên tắc cơ bản của WTO nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình gia nhập của mình. Trong quá trình đàm phán, mở cửa thương mại dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông luôn là mối quan tâm hàng đầu của các đối tác khi đàm phán với Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều thay đổi trong chính sách về dịch vụ viễn thông, Việt Nam cần tiếp tục bổ sung và sửa đổi một số chính sách cho phù hợp với các quy định về thương mại dịch vụ viễn thông của WTO. Luận văn "Thương mại dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông theo quy định của WTO và các cam kết của Việt Nam" đã đạt được những kết quả sau: 1. Luận văn tổng hợp các quy định của WTO về thương mại dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông, quan trọng nhất là hai văn bản: Phụ lục về Thông tin Viễn thông và Tài liệu Tham chiếu Viễn thông. Hai tài liệu này đưa ra một số nguyên tắc của hệ thống pháp luật về viễn thông và các yếu tố chính trong chính sách quản lý viễn thông. 2. Luận văn đưa ra một cái nhìn tổng quan về thị trường viễn thông Việt Nam: độc quyền doanh nghiệp đã bị xóa bỏ, các dịch vụ viễn thông ngày càng đa dạng, đầu tư nước ngoài đang trở lại. 3. Luận văn cũng đánh giá về chính sách viễn thông Việt Nam. Mặc dù còn một số tồn tại, các chính sách viễn thông Việt Nam tương đối hoàn chỉnh, và được xây dựng theo hướng hài hòa với thông lệ và luật pháp quốc tế, trong đó có các quy định của WTO. 4. Luận văn phân tích các cam kết của Việt Nam về mở cửa lĩnh vực dịch vụ viễn thông theo bốn phương thức cung cấp dịch vụ mà GATS đưa ra. Trên cơ sở các cam kết này, so sánh với các cam kết về dịch vụ viễn thông trong GATS/WTO của các nước trong khu vực và trên thế giới. Về tổng thể, các cam kết mở cửa thị trường viễn thông của Việt Nam đang ở mức độ trung bình. 5. Luận văn tóm tắt quá trình đàm phán các cam kết về viễn thông khi gia nhập WTO của Việt Nam. Các yêu cầu mà các đối tác đặt ra đối với viễn thông Việt Nam cao hơn nhiều so với các cam kết mở cửa thị trường viễn thông Việt Nam đã thỏa thuận và cũng cao hơn so với các cam kết mà các nước mới gia nhập WTO thực hiện. 6. Từ những những phân tích về các cam kết mở cửa thị trường viễn thông, luận văn đánh giá những thách thức và cơ hội phát triển đối với thị trường viễn thông Việt Nam. 7. Luận văn đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước và hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông. 8. Luận văn cũng đề xuất một số giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam để có thể chiếm lĩnh thị phần nhất định trước khi mở cửa hoàn toàn cho các hãng viễn thông quốc tế tham gia thị trường. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO TIẾNG VIỆT Bộ Bưu chính - Viễn thông (2003), Sổ tay Quản lý Viễn thông, Nxb Bưu điện, Hà Nội. Bộ Bưu chính - Viễn thông, www.mpt.gov.vn. Chính phủ (2004), Nghị định của Chính phủ số 160/2004/NĐ-CP ngày 03/9 quy định chi tiết việc thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông về viễn thông, Hà Nội. Chính phủ (2006), Quyết định số 32/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07/02 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010, Hà Nội. Trịnh Anh Đào (2004), Tìm hiểu văn bản dẫn chiếu của WTO về các nguyên tắc quản lý viễn thông, www.mpt.gov.vn. Thế Hào (2005), "2005 - năm của di động và ADSL", Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 29/12, tr. 4. Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của Tổ chức Thương mại Thế giới (1995). Hiệp định thương mại giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa kỳ về quan hệ thương mại (2001). ThS. Hà Văn Hội (2004), Các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ áp dụng trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông, www.mpt.gov.vn. Đinh Diệu Linh (2004), Thương mại dịch vụ viễn thông trong Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ và các giải pháp phát triển dịch vụ viễn thông ở Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội. Luật cạnh tranh Việt Nam (2004). GS.TS Nguyễn Thị Mơ (2005), Lựa chọn bước đi và giải pháp để Việt Nam mở cửa về dịch vụ thương mại, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội. Việt Nga (2006), "Dịch vụ viễn thông năm 2006 cạnh tranh khốc liệt", Báo Hà Nội mới Tin chiều, ngày 03/01, tr. 2. Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông (2002). Phụ lục về Thông tin Viễn thông của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của WTO (1995). Đỗ Trung Tá (2003), Tham luận của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông Đỗ Trung Tá tại Diễn đàn về Ngành Viễn thông Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, ngày 04/6/2003 tại Hà Nội. Phan Tâm (2005), Báo cáo về môi trường pháp lý và hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, Hà Nội. Nhàn Thư (2005), "Quỹ dịch vụ viễn thông công ích giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ viễn thông", Báo Nhân đạo và Đời sống, ngày 12/12, tr.5. Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông, www.vnpt.com.vn. Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (2005), Báo cáo về cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông và công tác chuẩn bị của Tổng Công ty cho Hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội. Trung tâm Thông tin Bưu điện (2001), Cạnh tranh trong Viễn thông, Nxb Bưu điện, Hà Nội. UNDP (2003), Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc, Lâm Hoàng Vinh (2004), "Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông", Trong sách: Việt Nam tích cực chuẩn bị gia nhập WTO trong một số lĩnh vực dịch vụ, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, tr. 86-111. Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (2004), Báo cáo về Các tác động ảnh hưởng của hội nhập kinh tế quốc tế đối với Bưu chính Viễn thông Việt Nam. TIẾNG ANH International Telecommunication Union (2002), Vietnam Internet Case Study, Geneva, Switzerland. Eric Senunas (1997), "The 1997 GATS Agreement on Basic Telecommunications: A Triumph For Multilateralism, or the Market?" US Vietnam Trade Council, www.usvtc.org. World Trade Organization, www.wto.org. PHỤ LỤC Phụ lục 1 DANH MỤC PHÂN LOẠI CÁC DỊCH VỤ THEO KHU VỰC CỦA WTO Các khu vực và tiểu khu vực Mã tương ứng (CPC) 1. Các dịch vụ kinh doanh A. Các dịch vụ chuyên ngành a. Các dịch vụ pháp lý 861 b. Các dịch vụ kế toán và kiểm toán 862 c. Các dịch vụ thuế 863 d. Các dịch vụ kiến trúc 8671 e. Các dịch vụ kỹ sư 8672 f. Các dịch vụ công trình tích hợp 8673 g. Các dịch vụ kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn 8674 h. Các dịch vụ y tế và nha khoa 9312 i. Các dịch vụ thú y 932 j. Các dịch vụ đỡ đẻ, y tá và vật lý trị liệu 93191 k. Các dịch vụ chuyên ngành khác B. Các dịch vụ liên quan đến máy tính a. Các dịch vụ tư vấn liên quan đến việc thiết lập phần cứng máy tính 841 b. Các dịch vụ áp dụng phần mềm 842 c. Các dịch vụ xử lý dữ liệu 843 d. Các dịch vụ cơ sở dữ liệu 844 e. Các dịch vụ liên quan khác 845+849 C. Các dịch vụ nghiên cứu và triển khai (R&D) a. Các dịch vụ R&D đối với khoa học tự nhiên 851 b. Các dịch vụ R&D đối với khoa học xã hội và nhân văn 852 c. Các dịch vụ R&D đối với đa ngành học thuật 853 D. Các dịch vụ bất động sản a. Tài sản của chính mình hoặc tài sản thuê 821 b. Trên cơ sở có thu phí hoặc hợp đồng 822 E. Các dịch vụ cho thuê thiết bị không có người điều khiển (thuê thô) a. Cho thuê tàu thủy 83103 b. Cho thuê máy bay 83104 c. Cho thuê các phương tiện vận chuyển khác 83101+83102+83105 d. Cho thuê các loại máy móc và thiết bị 83106+83109 e. Các loại khác 832 F. Các dịch vụ kinh doanh khác a. Các dịch vụ quảng cáo 871 b. Các dịch vụ nghiên cứu thị trường và ý kiến công chúng 864 c. Các dịch vụ tư vấn quản lý 865 d. Các dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lý 866 e. Các dịch vụ trắc nghiệm và phân tích 8676 f. Các dịch vụ đột xuất trong nông nghiệp, săn bắt và lâm nghiệp 881 g. Các dịch vụ đột xuất trong đánh cá 882 h. Các dịch vụ đột xuất trong khai thác mỏ 883+5115 i. Các dịch vụ đột xuất trong chế tạo 884+885-88442 j. Các dịch vụ đột xuất trong phân phối năng lượng 887 k. Các dịch vụ đầu tư và cung cấp lao động 872 l. Dịch vụ điều tra và an ninh 873 m. Các dịch vụ liên quan đến tư vấn khoa học và kỹ thuật 8675 n. Các dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị (không bao gồm tàu thủy, máy bay hay các phương tiện giao thông khác) 633+8861-8866 o. Các dịch vụ xây dựng – giải tỏa 874 p. Các dịch vụ chụp ảnh 875 q. Các dịch vụ đóng gói 876 r. Các dịch vụ in ấn 88442 s. Cácdịch vụ hội nghị 87909 t. Các dịch vụ khác 8790 2. Các dịch vụ truyền thông A. Các dịch vụ bưu điện 7511 B. Các dịch vụ đưa thư 7512 C. Các dịch vụ viễn thông a. Các dịch vụ điện thoại 7521 b. Dịch vụ truyền dữ liệu cả gói 7523** c. Dịch vụ truyền dữ liệu theo mạng 7523** d. Dịch vụ telex 7523** e. Dịch vụ điện tín 7522 f. Dịch vụ fax 7521**7529** g. Dịch vụ mạng cho tư nhân thuê 7522**7523** h. Thư điện tử 7523** i. Thư truyền tiếng 7523** j. Thông tin tức thời và phục hồi cơ sở dữ liệu 7523** k. Trao đổi dữ liệu điện tử 7523** l. Dịch vụ fax tăng cường/giá trị gia tăng thêm bao gồm lưu giữ và chuyển phát, lưu giữ và phục hồi m. Chuyển mã số - n. Thông tin tức thời và/hoặc xử lý dữ liệu (bao gồm xử lý các giao dịch) 843** o. Các dịch vụ viễn thông khác D. Các dịch vụ nghe nhìn a. Sản xuất phim nhựa và băng hình và các dịch vụ phân phối 9611 b. Dịch vụ chiếu phim 9612 c. Dịch vụ radio và vô tuyến 9613 d. Dịch vụ phát thanh và truyền hình 7524 e. Ghi âm - f. Các dịch vụ nghe nhìn khác E. Các dịch vụ truyền thông khác 3. Các dịch vụ xây dựng và kỹ sư công trình A. Tổng công trình xây dựng nhà cao ốc 512 B. Tổng công trình xây dựng nhà ở 513 C. Công việc lắp đặt và lắp ráp 514+516 D. Công việc hoàn thiện và kết thúc xây dựng 517 E. Các công việc khác 511+515+518 4. Các dịch vụ phân phối A. Các dịch vụ của đại lý ăn hoa hồng 621 B. Các dịch vụ thương mại bán buôn 622 C. Dịch vụ bán lẻ 631+632+6111+6113+6121 D. Dịch vụ cấp quyền kinh doanh 8929 E. Các dịch vụ phân phối khác 5. Các dịch vụ giáo dục A. Dịch vụ giáo dục tiểu học 921 B. Dịch vụ giáo dục trung học 922 C. Dịch vụ giáo dục đại học 923 D. Giáo dục người lớn 924 E. Các dịch vụ giáo dục khác 929 6. Các dịch vụ môi trường A. Dịch vụ thoát nước 9401 B. Dịch vụ thu gom rác 9402 C. Dịch vụ vệ sinh 9403 D. Dịch vụ khác 7. Các dịch vụ tài chính A. Tất cả các dịch vụ bảo hiểm và liên quan đến bảo hiểm 812** a. Dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và y tế 8121 b. Dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ 8129 c. Tái bảo hiểm 81299** d. Dịch vụ phụ trợ cho bảo hiểm (bao gồm cả dịch vụ môi giới và đại lý) 8140 B. Các dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính khác (không kể bảo hiểm) a. Nhận tiền gửi và các khoản tiền phải hoàn trả khác từ công chúng 81115+81119 b. Tất cả các kiểu cho vay bao gồm cả tín dụng tiêu dùng, tín dụng có thế chấp, factoring và tài trợ cho các giao dịch thương mại 8113 c. Cho thuê tài chính 8112 d. Tất cả các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền 81339* e. Bảo lãnh và cam kết 81199* f. Buôn bán cho chính tài khoản của mình hoặc cho tài khoản của người tiêu dùng hoặc là tại sở giao dịch, tại thị trường phi tập trung hoặc ở các nơi khác các sản phẩm sau đây: - Các công cụ của thị trường tiền tệ - Ngoại tệ - Các sản phẩm phái sinh - Tỉ giá và các công cụ lãi suất - Các chứng khoán chuyển nhượng được - Các công cụ mua bán được khác và các tài sản tài chính 81339** 81333 81339** 81339* 81321* 81339** g. Tham dự vào tất cả các vấn đề liên quan đến chứng khoán, bao gồm nhận bảo lãnh và đầu tư như một đại lý (hoặc công hoặc tư) và cung cấp dịch vụ liên quan 8132 h. Môi giới tiền tệ 81339* i. Quản lý tài sản 8119**+81323* j. Các dịch vụ thanh toán đối với tài sản tài chính 81339** k. Các dịch vụ tư vấn và phụ trợ khác 8131+8133 l. Cung cấp và chuyển thông tin tài chính và xử lý các dữ liệu tài chính và phần mềm liên quan được cung cấp bởi các nhà cung ứng dịch vụ tài chính khác 8131 C. Các dịch vụ tài chính khác 8. Các dịch vụ xã hội và liên quan đến sức khỏe (Khác với các dịch vụ liệt kê ở mục 1.A.h-j) A. Các dịch vụ bệnh viện 9311 B. Các dịch vụ y tế khác 9319 (khác với 93291) C. Các dịch vụ xã hội 933 D. Các dịch vụ khác 9. Các dịch vụ du lịch và lữ hành A. Khách sạn và nhà hàng 641-643 B. Các đại lý lữ hành và các dịch vụ hướng dẫn tour 7471 C. Các dịch vụ hướng dẫn du lịch 7472 D. Các dịch vụ khác 10. Các dịch vụ văn hóa và giải trí A. Các dịch vụ giải trí (bao gồm nhà hát, các ban nhạc, xiếc...) 9619 B. Các dịch vụ đại lý bán báo 962 C. Thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các dịch vụ văn hóa khác 963 D. Thể thao và các dịch vụ giải trí khác 964 E. Các dịch vụ khác 11. Các dịch vụ vận tải A. Các dịch vụ vận tải biển a. Các dịch vụ hành khách 7211 b. Vận tải hàng hóa 7212 c. Cho thuê tàu thủy cùng với đội tàu 7213 d. Bảo dưỡng và sửa chữa tàu thuyền 8868** e. Các dịch vụ đẩy và kéo 7214 f. Các dịch vụ hỗ trợ cho vận tải biển 745** B. Các dịch vụ vận tải đường thủy nội địa a. Vận tải hành khách 7221 b. Vận tải hàng hóa 7222 c. Cho thuê tàu thủy cùng với đội tàu 7223 d. Bảo dưỡng và sửa chữa tàu thuyền 8868** e. Các dịch vụ đẩy và kéo 7224 f. Các dịch vụ hỗ trợ cho vận tải đường thủy nội địa 745* C. Các dịch vụ vận tải đường hàng không a. Vận tải hành khách 731 b. Vận tải hàng hóa 732 c. Cho thuê máy bay cùng với đội bay 734 d. Bảo dưỡng và sửa chữa máy bay 8868* e. Các dịch vụ hỗ trợ cho vận tải hàng không 746 D. Vận tải vũ trụ 733 E. Các dịch vụ vận tải đường sắt a. Các dịch vụ hành khách 7111 b. Vận tài hàng hóa 7112 c. Các dịch vụ đẩy và kéo 7113 d. Bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị vận tải đường sắt 8868** e. Các dịch vụ hỗ trợ cho vận tải đường sắt 743 F. Các dịch vụ vận tải đường bộ a. Vận tải hành khách 7121 + 7122 b. Vận tải hàng hóa 7123 c. Cho thuê xe cùng với người lái 7124 d. Bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị vận tải đường bộ 6112 + 8867 e. Các dịch vụ hỗ trợ cho vận tải đường bộ 744 G. Vận tải theo đường ống dẫn a. Vận tải nhiên liệu 7131 b. Vận tải các hàng hóa khác 7139 H. Các dịch vụ phụ trợ cho tất cả các loại vận tải a. Các dịch vụ bốc xếp hàng hóa 741 b. Các dịch vụ lưu giữ và lưu kho 742 c. Các dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa 748 d. Các dịch vụ phụ trợ khác 749 I. Các dịch vụ vận tải khác 12 Các dịch vụ không có ở trên 95+97+98+99 Ghi chú: (*) Dấu này chỉ dịch vụ chuyên môn là một bộ phận cấu thành của khoản mục tổng hợp hơn có mặt đâu đó trong danh mục phân loại trên. (**) Dấu này chỉ dịch vụ chuyên môn tạo nên chỉ một phần của tổng chuỗi các hoạt động phù hợp với CPC (chẳng hạn, bưu điện truyền tiếng chỉ là một bộ phận cấu thành của khoản mục CPC 7523). ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLVTS87.doc
Tài liệu liên quan