Vai trò & tác dụng của yếu tố thần kì trong dạy học Tấm Cám nhằm phát huy năng lực nhận thức & cảm thụ thẩm mĩ cho học sinh lớp 10 Trung học phổ thông (THPT)

Phần mở đầu I. Lý do chọn đề tài “Tôi yêu truyện cổ nước tôi. Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa” (Lâm Thị Mĩ Dạ) Từ lâu, Tấm Cám đã được coi là truyện cổ tích thần kì tiêu biểu và hay nhất Việt Nam. Nó đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc ta.Những giá trị đặc sắc về nội dung, những giá trị độc đáo về nghệ thuật cùng với sức biểu cảm to lớn đã tạo nên sức cuốn hút cũng như sức sống vĩnh cửu của truyện. Chính niềm yêu thích, lòng ham mê từ thuở nhỏ đối vớ

doc108 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2759 | Lượt tải: 2download
Tóm tắt tài liệu Vai trò & tác dụng của yếu tố thần kì trong dạy học Tấm Cám nhằm phát huy năng lực nhận thức & cảm thụ thẩm mĩ cho học sinh lớp 10 Trung học phổ thông (THPT), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
i “thế giới cổ tích” Tấm Cám là nẻo đường đầu tiên dẫn người viết đến việc lựa chọn đề tài của mình. Một tác phẩm hay bao giờ cũng là một tác phẩm khó dạy. Đặc biệt Tấm Cám lại là tác phẩm có nội dung đa tầng văn hoá và hết sức phong phú nên việc giảng dạy càng khó hơn. Thực tiễn cho thấy việc giảng dạy truyện cổ tích này là vấn đề không dễ đối với mỗi giáo viên. Và đã có rất nhiều thầy cô băn khoăn, trăn trở đi tìm hướng giảng dạy tốt nhất cho tác phẩm. Đã nhiều năm, Tấm Cám được đưa vào chương trình văn học dân gian lớp 7 – THCS. Do có nhiều tranh luận xung quanh truyện, nên từ năm 1995 Tấm Cám không còn được dạy và học ở trường phổ thông. Đến năm 2003, truyện lại được tuyển chọn vào sách giáo khoa thí điểm lớp 10THPT, được giảng dạy theo quan điểm mới – quan điểm tích hợp. Như vậy, đối tượng giảng dạy đã thay đổi, quan điểm giảng dạy không còn như trước, phương pháp giảng dạy tất yếu không thể giữ nguyên như cũ. Vấn đề đặt ra là cần phải có một phương pháp giảng dạy tác phẩm đúng đắn, giúp học sinh khám phá được giá trị nổi bật của truyện, giúp các em phát huy năng lực nhận thức và cảm thụ thẩm mĩ của mình Rõ ràng, đây là vấn đề còn để ngỏ, thu hút tất cả những ai có nhiệt tấm đối với việc giảng dạy tác phẩm này Xuất phát từ giá trị đặc sắc của Tấm Cám, xuất phát từ thực tiễn giảng dạy, xuất phát từ yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học là phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của học sinh và dạy văn là dạy cho học sinh thấy cái hay, cái đẹp của văn chương, người viết lựa chọn đề tài: “Vai trò và tác dụng của yếu tố thần kì trong dạy học Tấm Cám nhằm phát huy năng lực nhận thức và cảm thụ thẩm mĩ cho học sinh lớp 10 THPT”. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực đối với bản thân người viết sau khi ra trường. Đồng thời là một đóng góp nhỏ vào hành trình đi tìm phương pháp giảng dạy tối ưu cho truyện Tấm Cám ở trường phổ thông. Người viết hi vọng sẽ tiếp tục phát triển đề tài này ở bề rộng hơn, sâu hơn trong bậc học tiếp theo của bản thân! II. Lịch sử vấn đề Truyện cổ tích ra đời không chỉ làm hấp dẫn mọi lứa tuổi mà còn là vấn đề quan tâm lớn của rất nhiều nhà nghiên cứu. Trên thế giới, nhiều trường phái nghiên cứu truyện cổ tích đã ra đời với những phương pháp nghiên cứu riêng biệt. ở Việt Nam, ngành “Cổ tích học” cũng đã tồn tại và phát triển hơn 50 năm. Tấm Cám là truyện cổ tích thể hiện được khá đầy đủ những đặc trưng của truyện cổ tích thần kì và cũng là truyện cổ tích Việt Nam được yêu thích nhất. Do đó nó lại càng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu. Có thể coi công trình nghiên cứu của Đinh Gia Khánh “Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám” (NXB Văn học - H - 1968) là “công trình nghiên cứu có tính chất toàn diện hơn cả, đề cập gần như hầu hết các vấn đề chính của kiểu truyện Tấm Cám ở Việt Nam.” [5.305]. Do tính chất tiêu biểu của Tấm Cám, qua việc nghiên cứu toàn diện về truyện, Đinh Gia Khánh đã đề cập đến những vấn đề quan trọng của chuyên ngành cổ tích học. Đó là tính dân tộc, tính quốc tế của truyện cổ tích; là vấn đề hình thái biểu hiện của nội dung đấu tranh xã hội trong thể loại này; là vấn đề phương pháp nghệ thuật trong truyện; là vấn đề tâm lý của nhân dân khi sáng tác và lưu truyền tác phẩm văn học dân gian. Những ý kiến này giúp người viết khai thác đúng đắn hơn những giá trị của truyện Tấm Cám. Tiếp theo là bài giảng Tấm Cám của Trần Gia Linh trong cuốn “Giảng văn I” – Lương Văn Đang, Đinh Thái Hương (Biên tập) – NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp – H – 1982. Sau khi lựa chọn bản kể của Đỗ Thận và khảo sát tư liệu (các bản kể của người Kinh, của đồng bào miền núi và bản kể ở nước ngoài), tác giả đưa ra cách phân tích gồm có 4 mục lớn sau: Chủ đề. Bố cục: Từ đầu đến lúc cô Tấm ướm giày vừa như in. Sự hoá kiếp qua 4 kiếp của cô Tấm. Tấm trừng trị mẹ con Cám. Nội dung, ý nghĩa. Kết luận. Cách giảng của Trần Gia Linh đã chia nhỏ tác phẩm, nhiều phần của đoạn sau trùng ý với đoạn trước dẫn đến hiện tượng lặp trong phân tích. Việc phân tích nghệ thuật tách rời với việc phân tích nội dung. Năm 1991, Nguyễn Xuân Lạc đã “Thử đề xuất cách tiếp cận truyện Tấm Cám theo tinh thần Phôncơlo học” (Tạp chí Văn hoá dân gian – Số 3 – 1991) theo 6 mặt: Cách cấu tạo cốt truyện. Các môtip. Những câu văn vần xen kẽ. Thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật. Không khí truyện. Sự vận động của truyện trong đời sống dân gian và diễn xướng dân gian. Với bài viết này, tác giả “mong muốn đóng góp một tiếng nói của nhà trường trên con đường đi tới thi pháp văn học dân gian hiện nay”. Tấm Cám được giảng dạy ở THCS, có rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh truyện, đặc biệt là phần kết thúc của truyện. Phạm Xuân Nguyên đưa ra “Đôi điều suy nghĩ về truyện Tấm Cám” (Tạp chí Văn hoá dân gian – Số 2 năm 1994). Tác giả cho rằng: hiểu hành động trả thù của Tấm là độc ác, man rợ, không phù hợp với tính cách dân tộc Việt, không thích hợp với ngày này là “hiểu sai tinh thần truyện”. Tác giả bài báo tán thành cách hiểu tinh thần truyện là “Cái thiện thắng, cái ác phải bị trừng trị. Đây là quy luật đấu tranh khi có sự sống của bên này nghĩa là cái chết của bên kia và ngược lại.” và cho rằng “sự báo thù của Tấm… là một biểu trưng, nó mang ý nghĩa cảnh tỉnh cái ác”. Trên cơ sở đó, tác giả kết luận: “Truyện Tấm Cám dạy trong nhà trường không nên cắt đoạn báo thù và cũng không nên lảng tránh chuyện đó… Thầy cô giáo phải giúp các em hiểu rõ tinh thần của sự trả thù của Tấm [23.52] Hoàng Ngọc Hiến lại quan tâm đến “Giảng truyện Tấm Cám ở trường phổ thông” (Báo Giáo dục và Thời đại số 29 – 18/71994). Hoàng Ngọc Hiến cho rằng “Đúng, mẹ con Cám bị trừng phạt là “công bằng và đích đáng”, nhưng cách trả thù của Tấm vẫn cứ đáng bị phê phán và lên án” [9.14]. Tác giả cho rằng nên chuyển hướng phân tích “tư tưởng trả thù”, “luật trả thù” là để giáo dục thế hệ trẻ trong xã hội văn minh “bước qua hận thù” một cách cao thượng. Nhằm tranh luận với ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến, Đặng Thiêm đã đặt ra vấn đề “Trao đổi về “giảng truyện Tấm Cám ở trường phổ thông”. (Báo Giáo dục và thời đại – Số 34 – 22/8/1994). Đặng Thiêm cho rằng “ý kiến của anh Hiến có phần không sát thực tế và phiến diện, cực đoan” [26.13]. Từ việc chỉ ra cái hay của truyện Tấm Cám, chỉ ra “Trong Tấm Cám đúng là có sự trả thù. Nhưng đó không phải là tư tưởng chính của truyện, càng không phải là chủ đề. Đó chỉ là những môtip nghệ thuật cần phải có để thực hiện quan niệm “ác giả, ác báo” của người sáng tác, chứ nó không bao giờ được coi là mục đích giãi bày” [26.13], Đặng Thiêm đã kết luận rằng: “Theo tôi, nếu giảng như anh Hiến, với học sinh lớp 7 sẽ mất hết và chỉ được một bài học luân lí khô khan về chỉ nghĩa nhân văn hiện đại mà thôi” [26.13]. Tiếp theo, trong Báo Giáo dục và thời đại số 39, ra ngày 26/9/1994, Bùi Văn Tiếng đã tham gia “Bàn về cách ứng xử nghệ thuật của truyện cổ tích Tấm Cám”. Tác giả cho rằng “việc trả thù tàn bạo” của Tấm là thường tình vì con người luôn luôn biến đổi, và “hàm chứa tất cả mọi khả năng khôn ngu, thiện ác…”, ngay cả mụ dì ghẻ cũng không phải hoàn toàn mất hết nhân tính vì mụ thương con. Quan điểm này cho rằng, tác giả Tấm Cám “không đứng về phía mẹ con Cám đã đành mà cũng không hẳn đứng về phía Tấm”. Vấn đề nhân vật trong Tấm Cám chỉ là một “cách ứng xử nghệ thuật”. Như vậy, ý kiến bàn về cách kết thúc truyện Tấm Cám là rất nhiều song không phải là hoàn toàn thống nhất mà thậm chí có cả những ý kiến trái chiều nhau. Trước tình hình đó mỗi giáo viên trên cơ sở tham khảo phải biết tiếp thu chọn lọc để giải thích hợp lý cho học sinh về phần kết của truyện cổ tích này. Sự quan tâm của các nhà nghiên cứu đối với truyện Tấm Cám vẫn không dừng lại ở đó. ở bài bình giảng truyện “Tấm Cám” trong sách: “Bình giảng truyện dân gian” (NXB Giáo dục – H – 1998), Hoàng Tiến Tựu tập trung bình giảng về hai chỗ “có vấn đề”: Một là: tên truyện và chủ đề truyện; Hai là: hành động trả thù của Tấm và đoạn kết của truyện. Từ việc phân tích các tình tiết của truyện Tấm Cám, tác giả chỉ rõ “mối quan hệ và sự phù hợp giữa hành động trả thù với lôgic phát triển tính cách của Tấm”. Và cho rằng nếu nhận thức được như vậy thì sự băn khoăn về mức độ và hình thức trả thù của nhân vật này cũng không thành vấn đề phải đặt ra bàn cãi nữa. Từ cái nhìn khái quát về tình hình nghiên cứu truyện cổ tích Tấm Cám, GS – TS Nguyễn Thanh Hùng đã đặt ra vấn đề “Tấm Cám và sự bội ước cổ tích”. (Sách “Hiểu văn – Dạy văn – NXB Giáo dục – 2003). Giáo sư đã đưa ra ý kiến của mình về: “Sự đánh giá chưa thống nhất về giá trị truyện cổ tích Tấm Cám” trong lịch sử nghiên cứu; đưa ra “những suy nghĩ về giá trị đích thực của truyện cổ tích thần kì Tấm Cám”. Đặc biệt giáo sư đã có những gợi ý rất quan trọng về “Phương pháp giảng dạy Tấm Cám”. Đó là: “phải phản ánh trung thành giá trị của truyện cổ tích thần kì biểu hiện trên hai phương diện: sự thật đời sống và chân lý nghệ thuật”. [13.145]. Và dạy Tấm Cám nên đi theo từng tiến trình của cốt truyện. Có như vậy mới tránh được sự phân tích, đánh giá truyện Tấm Cám dưới con mắt hiện đại và đạo đức học thuần tuý, tránh được “sự bội ước đối với những giá trị đẹp đẽ và nhân bản của truyện cổ tích Tấm Cám”. [13.150]. Như vậy, có thể thấy rằng Tấm Cám là truyện cổ tích được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Phần lớn các bài viết tập trung vào bàn luận vấn đề gây nhiều tranh cãi (kết thúc truyện Tấm Cám). Đó là những ý kiến quý báu giúp người viết hiểu được giá trị đích thực của truyện, làm tiền đề lý luận của đề tài. Thứ nữa, có thể thấy đa số các bài viết đi vào phân tích, “thử đề xuất cách tiếp cận truyện Tấm Cám” hay đi vào hướng dẫn cách giảng dạy đoạn cuối truyện sao cho thích hợp chứ không đề xuất phương pháp giảng dạy. Đặc biệt, gợi ý của Giáo sư Nguyễn Thanh Hùng: dạy Tấm Cám nên đi theo từng tiến trình của cốt truyện trong bài viết “Tấm Cám và sự bội ước cổ tích” là gợi ý hết sức quý báu và trực tiếp giúp người viết có định hướng trong việc thực hiện đề tài của mình. Tóm lại, từ thực tiễn nghiên cứu cho thấy chưa có công trình nào bàn trực tiếp, cụ thể cách giảng dạy Tấm Cám từ một đặc điểm thi pháp nổi bật: yếu tố thần kì nhằm tác động toàn diện đến học sinh THPT. Tiếp thu thành tựu nghiên cứu về truyện Tấm Cám cũng như thành tựu trong phương pháp dạy học văn hiện đại, luận văn đặt ra vấn đề: “Vai trò và tác dụng của yếu tố thần kì trong dạy học Tấm Cám nhằm phát huy năng lực nhận thức và cảm thụ thẩm mĩ cho học sinh lớp 10 THPT”. Đây là một việc làm mới mẻ và có ý nghĩa về nhiều mặt. III. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam rất phong phú; Số lượng truyện cổ tích dạy theo chương trình thí điểm trong nhà trường THPT là hai truyện (Tấm Cám, Chử Đồng Tử); song người viết chỉ đi vào tìm hiểu truyện Tấm Cám từ góc độ phương pháp giảng dạy. Vì khuôn khổ luận văn tốt nghiệp và thời gian có hạn, người viết chỉ đề cập tới tác dụng của yếu tố thi pháp quan trọng nhất – “yếu tố thần kì” trong giảng dạy Tấm Cám nhằm phát huy năng lực nhận thức và cảm thụ thẩm mĩ của học sinh -Tức đi tìm phương pháp giảng dạy đúng đắn nhất cho tác phẩm. IV. Mục đích, nhiệm vụ của đề tài Thứ nhất: Từ việc tìm hiểu về sự đổi mới trong phương pháp dạy học văn, về đặc điểm tiếp nhận của lứa tuổi học sinh lớp 10 THPT, về thực trạng dạy và học Tấm Cám trong trường THPT hiện nay,người viết xem xét, bổ sung vào việc định hướng phân tích, giảng dạy tác phẩm nhằm “tác động đúng, trúng” vào đối tượng tiếp nhận. Thứ hai: Thông qua truyện Tấm Cám được tuyển chọn trong SGK thí điểm lớp 10 THPT để chỉ ra và thấy được tác dụng của yếu tố thần kì đến năng lực nhận thức và sức cảm thụ của học sinh trong dạy học tác phẩm. Từ đó đề xuất cách tiếp cận và biện pháp giảng dạy tác phẩm một cách thích hợp. V. Đóng góp của đề tài. Thực hiện đề tài này, người viết có một số đóng góp sau: Đưa ra một cách hiểu tác phẩm đúng đắn, hợp lý nhất, làm nổi bật “điểm sáng thẩm mĩ” của truyện. Đưa ra phương pháp giảng dạy thích hợp. Góp phần thúc đẩy sự phát triển của phương pháp dạy học truyện dân gian trong nhà trường phổ thông. Góp phần thúc đẩy sự phát triển của học sinh, nhằm thực hiện tốt nhất mục đích cuối cùng của việc giảng dạy: góp phần bồi đắp tâm hồn, phát triển trí tuệ của học sinh lớp 10 THPT; giáo dục học sinh trở thành con người toàn diện, “con người văn hoá” trong thời đại ngày nay. Những đóng góp của đề tài là những đóng góp thiết thực, có cả giá trị lí luận và giá trị thực tiễn. VI. Phương pháp nghiên cứu Để hoàn thành luận văn tốt nghiệp, người viết sử dụng phối hợp các phương pháp sau: Phương pháp nghiên cứu tổng hợp các tài liệu tham khảo. Phương pháp khảo sát: Tìm hiểu hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh qua: Tư liệu khảo sát: + Sách giáo viên. + Sách giáo khoa. + Vở ghi bài của học sinh. Phiếu điều tra: + Giáo viên trả lời câu hỏi. + Học sinh trả lời câu hỏi. Phương pháp phân tích và so sánh những vấn đề có liên quan đến đề tài. Phương pháp xây dựng bài dạy theo mục đích đề tài. VII. Cấu trúc luận văn Ngoài Phần mở đầu, Phần kết luận và Thư mục tham khảo, luận văn gồm ba chương: Chương một: Những tiền đề lí luận của đề tài Chương hai: Khảo sát và đánh giá việc dạy và học Tấm Cám theo chương trình thí điểm ở trường THPT. Chương ba: Phương hướng dạy học Tấm Cám từ việc nhận thức về vai trò và tác dụng của yếu tố thần kì. Phần Nội dung Chương một. Những tiền đề lí luận của đề tài I. Đổi mới phương pháp dạy học văn. Văn chương bao giờ cũng là sản phẩm của tâm hồn, của trái tim và khối óc người sáng tác. Văn chương có sức tác động sâu sắc đến bạn đọc, đến cuộc sống con người. Trong nhà trường, so với các môn học khác, môn văn vừa có tính khoa học vừa có tính nghệ thuật lại có khả năng bồi dưỡng và phát triển tư duy thẩm mĩ cho học sinh một cách hiệu quả nhất. Do vậy,việc tìm ra phương pháp dạy học thích hợp là hết sức cần thiết. Hơn nữa, trước yêu cầu mới của xã hội, trước “Sự tiến bộ kì diệu của khoa học kĩ thuật, số liệu các tri thức cần lĩnh hội tăng lên một cách ghê gớm, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi căn bản cả nội dung giáo dưỡng lẫn phương pháp dạy – học. Phương pháp dạy học phải nhằm phát triển tối đa sự suy nghĩ độc lập của học sinh, kỹ năng đạt đến tối đa sự suy nghĩ độc lập của học sinh, kỹ năng đạt đến và vận dụng tri thức”. (Viện sĩ A.A.Xmianôp –Liên Xô cũ). Đây không phải là vấn đề riêng của nước ta mà là vấn đề đang được quan tâm ở mọi quốc gia trong chiến lược phát triển nguồn lực con người phục vụ các mục tiêu kinh tế – xã hội Tóm lại, từ những vấn đề trên đã đặt ra một yêu cầu cấp bách là phải đổi mới phương pháp dạy học văn. I.1. Đổi mới phương pháp dạy học văn nói chung “Đổi mới phương pháp dạy học văn chính là đổi mới việc đánh giá mối quan hệ giữa ba thành tố: Giáo viên – học sinh – văn bản văn chương. Đó là mối quan hệ biện chứng nhằm tạo thành cơ chế dạy học văn. Vì thế nếu thiếu đi một thành tố nào thì cơ chế dạy – học lập tức bị phá vỡ và cách dạy lại quay trở về lối cũ”. [14.164]. I.1.1. Phương pháp dạy học văn truyền thống Trong cơ chế dạy học văn cũ, mối quan hệ giữa các thành tố của cơ chế là mối quan hệ đơn phương: giáo viên – tác phẩm, giáo viên – học sinh hay tác phẩm – học sinh. Trong cơ chế này, giáo viên đóng vai trò chủ đạo. Giáo viên là người khám phá cảm thụ tác phẩm rồi truyền thụ cho học sinh. Học sinh tiếp thu bài học thụ động ghi nhớ máy móc theo kiểu “học thuộc lòng”. Hệ thống phương pháp dạy học văn học truyền thống mang nặng bản chất tái hiện khiến học sinh thụ động trong quá trình lĩnh hội tri thức; Theo Phan Trọng Loan thì có dùng nhiều thuật ngữ: “diễn giải”, “thuyết trình” hay “giảng thuật”… thì vẫn là một dạng dựa trên bài giảng được chuẩn bị trước của giáo viên. Nguồn kiến thức chỉ đóng khung trong vốn hiểu biết của người thầy. Giáo viên đã từng “che khuất” mất tài liệu giảng dạy, ít cho học sinh tiếp xúc trực tiếp và tự tìm kiếm kiến thức. Với cách dạy văn đã quá lỗi thời, phiến diện hoá,đơn phương hoá, với cách học văn mà học sinh chỉ đóng vai trò “thính giả”, “người ngoài cuộc” hơn là “người tham gia”…hậu quả cuối cùng dễ nhận thấy học sinh trở thành người thụ động,thiếu sáng tạo,ít cảm xúc,ít đồng cảm. Muốn tạo sự phát triển trong dạy học văn thì nhiệm vụ cần thiết và cấp bách là phải: đổi mới phương pháp dạy học văn. I.1.2. Sự đổi mới trong phương pháp dạy học văn Theo Phan Trọng Luận: “Phương pháp dạy học tác phẩm văn chương mới đổi khác về mục đích, về con đường đạt đến mục đích, do đó cũng đổi khác về cơ chế hoạt động dạy học cùng hàng loạt vấn đề về tiến trình tổ chức giờ dạy, phương pháp tiếp cận tác phẩm ở học sinh” [20.281]. Nếu mục đích của giờ học tác phẩm văn theo phương pháp cũ là giáo viên truyền thụ lời giảng của mình, thì mục đích cao nhất trong phương pháp dạy văn mới là làm sao để phát huy tính chủ thể của học sinh dưới sự hướng dẫn của thầy. Trong cơ chế dạy văn mới, quan hệ giữa các thành tố: tác phẩm – giáo viên – học sinh là mối quan hệ đa phương, đan kết lên nhau. Văn bản là đối tượng để phân tích, cảm thụ. Giáo viên đóng vai trò chỉ đạo. Học sinh đóng vai trò trung tâm của quá trình dạy và học, chủ động tham gia vào quá trình nhận thức. Con đường đạt đến hiệu quả tự phát triển là sự vận động tự thân của mỗi chủ thể học sinh. Vấn đề quan trọng của cơ chế dạy học văn mới là vấn đề phát huy chủ thể học sinh: “Học sinh vừa là mục tiêu, vừa là con đường, vừa là phương tiện”. [20.281]. Và dạy học văn là: “phải từ học sinh, cho học sinh và bằng chính học sinh”. Do đó trong dạy học văn không được giữ cách giảng dạy tái hiện, giảng dạy thông tin tiếp thụ, giảng dạy đơn thuần bằng lời nói của giáo viên, mà phải chuyển sang lối giảng dạy tái tạo, giảng dạy phát triển, tổ chức một hệ thống thao tác hoạt động chiếm lĩnh tác phẩm của bản thân học sinh, để học sinh được tự rung cảm, khám phá và tự phân tích. Mỗi giờ học phải trở thành “một sự kích thích dài”, phải gây được “sự nổ vỡ lặng im trong tâm tưởng, làm bùng cháy một cái gì đó để con người đi tới chính mình trong tâm tưởng” (Nguyễn Viết Chữ). Như vậy “phương pháp không còn là những phương thức tác động từ bên ngoài mà là phương thức vật chất hoá hoạt động bên trong của học sinh.” [20.282] Quan điểm coi học sinh là chủ thể và là khởi đầu của sự sáng tạo chắc chắn sẽ dẫn đến sự thay đổi phương pháp giảng dạy. Giáo viên phải vật chất hoá hoạt động của mình bằng một hệ thống phương pháp giảng dạy thích hợp như đọc diễn cảm, so sánh trong phân tích văn học, phân tích nêu vấn đề, phương pháp gợi mở, phương pháp giảng bình. Trong những năm vừa qua, quan điểm này đã được đưa vào trong nhà trường, được công nhận và khẳng định tính đúng đắn của nó. Tuy nhiên cần tránh sự vận dụng cứng nhắc, máy móc các phương pháp nêu ra. Và vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là phải từ quan điểm đúng đắn về cơ chế dạy học văn, sử dụng các phương thích hợp để đạt được mục đích đưa học sinh lên vị trí chủ thể của quá trình nhận thức. I.2. Đổi mới phương pháp dạy học truyện cổ tích thần kì nói riêng Cần phải khẳng định ngay rằng sự đổi mới phương pháp dạy học truyện cổ tích thần kì không nằm ngoài sự đổi mới phương pháp dạy học văn nói chung (như vừa nêu). Việc làm của người viết ở đây là đi từ sự đổi mới chung đến sự đổi mới cụ thể – đổi mới về phương pháp đối với truyện cổ tích thần kỳ nói riêng- một vấn đề liên quan chặt chẽ đến đề tài của người viết. Dạy học văn là dạy một loại hình nghệ thuật vì vậy phải khám phá thế giới đó bằng những quy luật nghệ thuật của chính nó. Trước đây do chưa nắm vững nguyên tắc này nên việc dạy học Văn học dân gian nói chung, truyện cổ tích thần kì nói riêng chưa được hiệu quả thiết thực (thậm chí còn mắc phải nhiều sai lầm). Phổ biến nhất (đặc biệt là ở bậc trung học cơ sở) là cách dạy dễ dãi, đơn giản hoá tác phẩm văn học dân gian. Chẳng hạn dạy truyện cổ tích thần kỳ mà chia nhân vật cổ tích thành hai tuyến chính nghĩa và gian và rồi phân tích một cách sơ lược, công thức theo lối xã hội học dung tục… Việc đồng nhất giữa văn học dân gian và văn học viết, dạy văn học dân gian như dạy văn học viết đã dẫn đến việc hiện đại hoá tác phẩm văn học dân gian , tước bỏ đi sắc thái phôncơlo vốn là vẻ đẹp độc đáo và ý vị nhất của những truyện kể. Dạy truyện cổ tích thần kì mà dạy từ con mắt của người hiện đại, dạy như tác phẩm văn học viết thì chẳng những không khai thác được những giá trị nổi bật của truyện mà còn hiểu sai, dạy sai tác phẩm. Như vậy, do chưa có phương pháp tiếp cận đúng đắn một tác phẩm dân gian (cụ thể là truyện cổ tích thần kì), hiểu chưa đúng, hiểu sai tác phẩm dẫn đến lúng túng trong phương pháp giảng dạy. Giờ dạy vì thế rất dễ hoặc thiên về nội dung tư tưởng, chính trị một cách gò bó, cứng nhắc, hoặc thiên về hình thức nghệ thuật, ngôn ngữ một cách phiến diện, trống rỗng. Để khắc phục những hạn chế trên “ cách dạy khoa học nhất là cách dạy theo quan điểm thi pháp học”[18.52]. Dạy văn học dân gian theo thi pháp Văn học dân gian, dạy truyện cổ tích phải đảm bảo những đặc trưng thi pháp loại thể. Truyện cổ tích là một thể loại lớn của văn học dân gian, gồm ba biến thể: Truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích sinh hoạt, truyện cổ tích về loài vật. Trong đó, truyện cổ tích thần kỳ là biến thể tiêu biểu hơn cả Đặc điểm bao trùm và nổi bật của thi pháp truyện cổ tích là “thế giới cổ tích”- Một sáng tạo độc đáo của trí tưởng tượng dân gian. Để tạo nên một thế giới “như mơ ước”, ở đó người bất hạnh được hưởng hạnh phúc tuyệt đỉnh, chính nghĩa tất yếu thắng gian tà, truyện cổ tích đã phải nhờ đến các yếu tố thần kì: nhân vật thần kì (Tiên, Bụt), vật thần kì (gậy thần, cây đàn thần), con vật thần kì (chim thần, ngựa thần) hay sự biến hoá của chính nhân vật. Tính chất hoang đường và tưởng tượng trong cổ tích không giống tưởng tượng trong thơ ca. Nó tạo nên tính chất kì lạ, khác thường cho câu chuyện kể. Điều này đã làm nên “thế giới cổ tích” với chất thơ bay bổng, với sức cuốn hút kì diệu của nó - khôngchỉ với trẻ thơ mà với cả người lớn, đem lại cho con người hứng thú, niềm tin và ước mơ. Dạy truyện cổ tích thần kì điều quan trọng nhất là phải nhấn mạnh, phải làm nổi bật vẻ đẹp của “thế giới cổ tích” huyền ảo tức phải khai thác thật sâu vẻ đẹp của yếu tố thần kì trong truyện. Lựa chọn đề tài: “Vai trò và tác dụng của yếu tố thần kì trong dạy học Tấm Cám nhằm phát huy năng lực nhận thức và cảm thụ thẩm mĩ cho học sinh lớp 10 THPT” chính là người viết đã đi từ yếu tố thi pháp nổi bật, đặc sắc nhất của truyện để giảng dạy. Do đó phương hướng giảng dạy đề ra sẽ đi theo đúng đặc trưng thi pháp của truyện cổ tích thần kì, tránh được những sai lầm đã từng tồn tại trong dạy học những năm qua. Trong giảng dạy truyện cổ tích thần kì còn phải quan tâm đến đặc điểm thi pháp về nhân vật chính, về xung đột, về kết cấu, về không gian, thời gian, về những “công thức” cố định. Truyện cổ tích đã nảy sinh từ trong xã hội nguyên thuỷ nhưng nó phát triển chủ yếu trong xã hội có giai cấp, nên chủ đề chủ yếu của nó là chủ đề xã hội. Và loại xung đột xã hội có thể xem là đề tài đặc trưng của thể loại truyện cổ tích so với thần thoại và sứ thi cổ đại mà mỗi giáo viên phải làm rõ trong quá trình giảng dạy. Dạy học truyện cổ tích thần kì theo thi pháp loại thể phải giúp học sinh thấy được đặc điểm của kiểu nhân vật bất hạnh (người em út, người mồ côi, xấu xí, người đi ở…), của kiểu nhân vật kì tài (có sức khoẻ phi thường, có tài nghệ kì lạ…), thấy nhân vật trong truyện cổ tích chưa được cá thể hoá, chưa được tâm lý hoá - đó là “nhân vật chức năng”, “nhân vật hành động”. Các môtip nghệ thuật là “những phần tử đơn vị vừa mang tính đặc trưng vừa mang tính bền vững của truyện dân gian”[18.70]. Nó mang tính phôncơlo đậm đặc và góp phần quan trọng để tạo nên cái sắc thái dân gian của truyện. Vì vậy tiếp cận và giảng dạy truyện cổ tích không thể không chú ý đến các môtip nghệ thuật đó. Con đường hiệu quả nhất của việc dạy học truyện cổ tích thần kì là con đường dạy theo thi pháp. Có như vậy mới giúp chúng ta tiếp cận, khai thác truyện cổ tích đúng hướng, tránh được việc tiếp cận theo hướng xã hội học, tránh được việc phân tích như phân tích một truyện hiện đại. Từ đó mà có được phương pháp giảng dạy thích hợp tác động vào cả trí tuệ, và tâm hồn của học sinh. Tóm lại, những quan điểm đổi mới về phương pháp dạy học văn nói chung, về phương pháp dạy truyện cổ tích thần kì nói riêng là những tiền đề lí luận đầu tiên để người viết trên cơ sở đó mà tìm tòi và triển khai đề tài mình đã lựa chọn. II. Tấm Cám trong nhà trường phổ thông. Truyện kể dân gian nói chung và truyện cổ tích nói riêng có vai trò rất lớn trong việc giáo dục, giáo dưỡng đối với thế hệ trẻ trong nhà trường. Nó đem lại cho học sinh những hiểu biết cực kì phong phú và đa dạng về cuộc sống của nhân dân qua các thời đại; “trí khôn dân gian” đã đem đến cho thế hệ trẻ hôm nay những bài học bổ ích, thấm thía, góp phần bồi đắp tâm hồn dân tộc cho thế hệ trẻ. Chính vì vai trò to lớn đó nên việc dạy và học truyện dân gian cũng như truyện cổ tích ngày càng được quan tâm hơn. II.1. Trước chương trình sách giáo khoa thí điểm năm 2003. Tấm Cám là truyện cổ tích hay và tiêu biểu nhất của Việt Nam. Hầu hết trẻ em đều được bà, được mẹ kể cho nghe ngay từ thưở còn thơ. Đến khi 5 – 6 tuổi, các em lại được học truyện này ở lớp mẫu giáo. Và truyện đã từng được giảng dạy trong nhiều năm cho học sinh lớp 7 THCS. Như vậy, đây là một câu chuyện quen thuộc và có sức hấp dẫn lớn đối với trẻ nhỏ. Sau nhiều tranh cãi về truyện (nhất là phần kết thúc), đến năm 1995, truyện không được đưa vào trong chương trình THCS với lý do: sợ đoạn trả thù của Tấm ở cuối truyện có thể gây cho học sinh “chấn thương” về tình cảm. Và cho rằng sẽ cho các em học truyện này ở những bậc cao hơn, khi các em đủ lí trí để có thể nhìn nhận thấu đáo vấn đề. Phải đến 8 năm sau, năm 2003, Tấm Cám mới lại được đưa vào chương trình sách giáo khoa thí điểm dạy cho học sinh lớp 10 THPT. II.2. Trong chương trình sách giáo khoa thí điểm năm 2003 Sau khi Tấm Cám bị lược khỏi chương trình Văn lớp 7 THCS, đã có rất nhiều ý kiến lên tiếng về vấn đề này. Tựu chung lại là khẳng định giá trị đích thực của truyện – coi Tấm Cám là một truyện cổ tích tiêu biểu nhất của nước ta. Và hình ảnh cô Tấm hiền lành, xinh đẹp từ quả thị bước ra, hình ảnh ông Bụt, con cá Bống, ngày hội ướm giày, chim vàng anh, cây xoan đào, miếng trầu têm cánh phượng… là những hình ảnh đẹp, vừa thân quen gần gũi, lại vừa thiêng liêng, đậm đà hồn dân tộc. Vì vậy “lẽ nào bỏ đi một câu chuyện từ lâu đã trở thành niềm say mê, thích thú, ước mơ đẹp đẽ của tuổi thơ? Lẽ nào lại bỏ đi một món ăn tinh thần có thể bồi đắp nhiều mặt cho tâm hồn các em kể cả mặt thẩm mĩ – chỉ vì một chi tiết trả thù cuối truyện. Chi tiết này đã có nhiều người lý giải và cũng đơn giản thôi, không đến mức phải né tránh để không dạy truyện này (trong thực tế, những năm qua chúng ta đã dạy và không có gì gay cấn lắm). Nhiều người cho rằng không nên bỏ truyện này, bởi trong hành trang tinh thần các em khi bước vào đời, mà thiếu truyện Tấm Cám thì đó là một điều thật đáng tiếc” [18.40]. Chính giá trị đích thực bền vững của Tấm Cám đã giúp truyện được đưa vào giảng dạy ở chương trình lớp 10THPT theo nguyên tắc xây dựng chương trình như sau: Bám sát mục tiêu đào tạo người lao động mới. Bảo đảm nguyên tắc kế thừa và phát triển. Lấy quan điểm tích hợp làm nguyên tắc chỉ đạo để tổ chức nội dung chương trình, biên soạn sách giáo khoa và lựa chọn các phương pháp giảng dạy. (Chương trình trung học phổ thông dự thảo). Sau đây người viết xin trình bày một số ý kiến về việc lựa chọn này. II.2.1. Về mức độ hợp lý của việc chọn học Tấm Cám Việc chọn Tấm Cám đưa vào chương trình lớp 10 THPT theo người viết là sự lựa chọn hợp lý và hoàn toàn đúng đắn. Sở dĩ như vậy là vì: Thứ nhất, Tấm Cám là một truyện cổ tích tiêu biểu và có thể coi là hay nhất Việt Nam. Nó cũng là một kiểu truyện phổ biến trên thế giới. Tấm Cám có một giá trị lớn về nội dung, về nghệ thuật, đồng thời là một truyện có tác dụng giáo dưỡng, giáo dục học sinh sâu sắc. Vì vậy việc lựa chọn giảng dạy một tác phẩm hay, có giá trị về nhiều mặt là việc lựa chọn sáng suốt. Thứ hai, đối tượng học sinh lớp 10 đã có sự phát triển về tư duy lí luận, về trình độ nhận thức nên việc chọn tác phẩm Tấm Cám để giảng dạy là rất hợp lý. Khác hẳn học sinh lớp 7 THCS, học sinh lớp 10 đã có thể nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề khái quát về xã hội trong truyện cổ tích. Với một tác phẩm có nhiều vấn đề tranh cãi như Tấm Cám, dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên, các em được tranh luận và rút ra được nhiều vấn đề có giá trị. Do đó mỗi giáo viên giảng dạy cần tìm ra biện pháp thích hợp để tác động, phát huy năng lực nhận thức và sức cảm thụ thẩm mĩ cho các em. II.2.2. Về mức độ hợp lý của việc chọn học văn bản Chính những băn khoăn, tranh luận về kết thúc của truyện đã chi phối đến việc lựa chọn văn bản Tấm Cám của các nhà biên soạn sách giáo khoa. Sách Ngữ văn 10 – Tập 1 - SGK thí điểm ban khoa học xã hội và nhân văn (Bộ 1) – Trần Đình Sử (Tổng chủ biên – NXB Giáo dục – 2003). Bộ sách này lựa chọn theo bản kể của Chu Xuân Diên – Lê Chí Quế (Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam – NXB ĐHQG Hà Nội, 1996) với cách kết thúc: Sau khi Tấm được nhà vua nhận ra ở nhà bà lão bán nước và đón về cung, Cám muốn biết vì sao “Chị dầm sương dãi nắng, đi vắng giờ lâu, sao giờ lại trắng” và Tấm đã bày cách cho. “Cám sai đào một hố thật sâu và xuống ngồi ở dưới, rồi gọi người đem nước sôi giội xuống hố. Cám chết còng queo. Nghe tin Cám chết, mụ dì ghẻ uất lên, ngã vật xuống đất chết theo con”. Sách Ngữ văn 10 – Tập 1 - SGK thí điểm khoa học xã hội và nhân văn (Bộ 2) – Phan Trọng Luận (Tổng chủ biên – NXB Giáo dục – 2003). Bộ sách này lựa chọn theo bản kể của Nguyễn Đổng Chi (Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập IV, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975) nhưng lại cắt bỏ đoạn cuối, chỉ dừng lại ở chi tiết “rồi truyền cho quân hầu đưa kiệu rước Tấm về cung…”. Sự lựa chọn này được các tác giả biên soạn lý giải trong sách giáo viên như sau: Sách giáo viên (Bộ 1) hướng dẫn trong khi dạy giáo viên có thể giới thiệu với học sinh bản kể có cách kết thúc là Tấm giết Cám, làm mắm cho dì ghẻ… và cho rằng: Truyện Tấm Cám thể hiện quan niệm và mơ ._.ước về sự chiến thằng tuyệt đối của người Việt Nam. Vì vậy mà truyện có bản kể trên. Sự trừng phạt của Tấm là thay mặt cái thiện, tiêu diệt cái ác, điều đó đã từng làm không ít người hả hê. Nhưng hình thức trừng phạt ấy khiến cho nhiều người cảm thấy rùng rợn, ấn tượng về cô Tấm hiền lành, đôn hậu trở nên không đẹp. Vì vậy SGK không chọn bản kể trên. Còn Sách giáo viên (Bộ 2) thì cho rằng: Truyện cổ tích thần kì có không ít yếu tố cổ xưa được bảo lưu. Mô típ mụ phù thuỷ ăn nhầm phải thịt con mình thường lặp đi lặp lại trong nhiều truyện cổ tích Châu Âu. Nhưng trong truyền thống cảm nhận của dân gian, người ta không quan tâm đến tính chất dã man của sự việc mà chỉ quan tâm đến mức độ của sự trừng phạt. Vì vậy, mẹ con dì ghẻ phải chịu sự trừng phạt cao nhất. Và cho rằng: Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, những quan niệm nhân đạo mới đã hình thành và phát triển. Vì vậy đoạn truyện này có thể gây phản cảm đối với học sinh lớp 10. Do đó, người biên soạn SGK đã “mạnh dạn lược bỏ” đoạn kết thúc. Theo ý kiến của bản thân tôi, trong giảng dạy Tấm Cám ở trường phổ thông rất không nên cắt bỏ phần kết thúc của truyện. Bởi đây là một truyện đã quá quen thuộc với các em ngay từ thưở nhỏ. Các em đã từng biết đến kết thúc này, nếu cắt bỏ sẽ gây độ “hẫng” và sự băn khoăn trong các em. Vấn đề đặt ra không phải là cắt bỏ phần kết thúc truyện mà phải giải thích làm sao cho hợp lý về cách kết chúc đó. Bởi đối tượng học ở đây không còn là học sinh mẫu giáo hay THCS. Khi giảng dạy cần giúp các em thấy được đặc trưng của truyện cổ tích thần kì là giải quyết mọi vấn đề trong hiện thực theo quan điểm và mơ ước của nhân dân. Nhân vật cổ tích là nhân vật chức năng, hành động theo quan điểm và lý tưởng xã hội của nhân dân. Theo nhân dân thì: “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, họ mong muốn và mơ ước người tốt sẽ được hưởng hạnh phúc cao nhất theo quan niệm của họ (làm vua, làm hoàng hậu); còn kẻ ác phải chịu sự trừng phạt cao nhất là bị tiêu diệt. Trong truyện cổ tích thì “Vẻ đẹp của nhân vật chức năng hành động không liên quan gì đến việc nhân vật đó đã hoàn thành nhiệm vụ như thế nào. Thậm chí người ta có thể chấp nhận cả mưu kế, sự lừa dối, sự thẳng tay, cốt để nhân vật trung tâm phần lớn là thiệt thòi, yếu đuối như kẻ mồ côi, em út, con riêng... chiến thắng” [13.144]. Và hành động của cô Tấm đã “chịu sự tác động đơn thuần của các chức năng đã được đề ra ngay từ đầu như đặc trưng tinh thần cố hữu” [13.144]. Vì vậy, cách kết thúc vốn có của truyện không hề làm mất đi hình ảnh đẹp của cô Tấm. Nếu cắt bỏ phần cuối của truyện cổ tích vào loại hay bậc nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam thì chẳng khác nào một “sự bội ước cổ tích” (Chữ dùng của Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng). Từ những lý giải trên, theo tôi việc lựa chọn bản kể của sách giáo khoa Ngữ văn 10 – Tập I (Bộ I) là hợp lý hơn cả. II.2.3. Về mức độ hợp lý của việc giảng dạy Tấm Cám theo hướng Tích hợp Một trong ba nguyên tắc xây dựng chương trình SGK thí điểm ở trường THPT năm 2003 là: “Lấy quan điểm tích hợp làm nguyên tắc chỉ đạo để tổ chức nội dung chương trình, biên soạn sách giáo khoa và lựa chọn các phương pháp.” Liên môn, xuyên môn cũng như tích hợp đang là khuynh hướng chung của khoa học và giáo dục thế giới ngày nay. Sách giáo khoa Ngữ văn 10 tiếp tục thực hiện tinh thần tích hợp đã được nói đến ở bậc học THCS. Đây là một hướng đi đúng. Học Ngữ văn trong nhà trường không thể tách rời ba bộ phận Văn, Tiếng Việt và Làm văn vốn là những yếu tố hợp thành sinh động của chương trình. Mỗi văn bản văn chương ưu tú cung cấp bao dữ kiện cho sự trau dồi và hoàn thiện Tiếng Việt và là mẫu mực cho việc Làm văn. Ngược lại, kiến thức về Tiếng Việt và Làm văn cũng giúp cho chúng ta am hiểu hơn về cái kì diệu trong mỗi văn bản văn chương do các nhà văn sáng tạo nên. Vì thế học Ngữ Văn theo tinh thần tích hợp là một yêu cầu quan trọng đối với mỗi học sinh. Học Ngữ văn phải hướng vào cuộc sống để tận dụng kiến thức và để sống đúng, sống đẹp. Đó là quan điểm văn hoá và thực tiễn của việc học Ngữ văn hiện nay. Một điểm mới quan trọng khác là sách giáo khoa được viết ra để học sinh tự học. Tự học là chiến lược của xã hội học tập ngày nay. Theo quan điểm trên “Tấm Cám” được soạn ra theo hướng: Có mục “Kết quả cần đạt” là những tiêu chí để học sinh tự định hướng trong quá trình học tập cũng như tự đánh giá. Có câu hỏi hướng dẫn “ Đọc – Hiểu” sau mỗi văn bản để gợi ý, dẫn dắt học sinh tự mình chiếm lĩnh tác phẩm Phần “Luyện tập” giúp học sinh vận dụng kiến thức để thông hiểu lí luận và hình thành kĩ năng thực hành cần có. - Những câu hỏi hay bài tập có đánh dấu (*) dành cho học sinh giỏi và tạo điều kiện để các em cùng bàn bạc, tranh luận. Tóm lại, việc giảng dạy Tấm Cám theo quan điểm tích hợp là cần thiết và hoàn toàn đúng đắn. Từ đó, mỗi giáo viên cần xây dựng các tình huống để học sinh tự bộc lộ hứng thú, chủ động tích cực tham gia quá trình tiếp nhận – khơi đúng mạch nguồn những giá trị đặc sắc của tác phẩm ,đồng cảm và thấu hiểu tác phẩm ở mức cuối. IIi. Đặc điểm tâm lý tiếp nhận tấm cám của học sinh lớp 10 THPT Đặt vấn đề phát huy chủ thể học sinh, coi học sinh là trung tâm của quá trình dạy học, tất yếu dẫn đến việc phải quan tâm đến đặc điểm tâm lý tiếp nhận trong học tập của các em. Đây là việc làm có tính nguyên tắc của một giờ giảng văn vì giảng văn là một quá trình kết hợp được càng nhiều càng tốt sự nhận thức khách quan về hình tượng nghệ thuật với sự tự ý thức, tự nhận thức của bản thân học sinh trên cơ sở vốn kinh nghiệm của cá nhân. Nắm được những thuận lợi, khó khăn trong đặc điểm tâm lí tiếp nhận Tấm Cám của học sinh sẽ giúp giáo viên có phương hướng tác động đúng đắn. III.1. Thuận lợi Đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh THPT: các em đã có biểu hiện phát triển mạnh về thể lực, trí lực và tình cảm. Do cấu trúc của não phức tạp và chức năng của não phát triển, do ảnh hưởng của hoạt động học tập… mà hoạt động tư duy của học sinh THPT đã có thay đổi quan trọng. Các em có khả năng tư duy lí luận, tư duy trừu tượng một cách độc lập, sáng tạo. Tư duy của các em chặt chẽ hơn, có căn cứ và nhất quán hơn. Đồng thời tính phê phán của tư duy cũng phát triển … Những đặc điểm ấy tạo điều kiện cho các em có thể phân tích nội dung cơ bản của khái niệm trừu tượng, nắm được mối quan hệ nhân quả trong tự nhiên và trong xã hội … Từ đó hình thành thế giới quan cho các em. Đây là những đặc điểm hết sức thuận lợi giúp giáo viên có thể trang bị cho các em những kiến thức khái quát về truyện cổ tích. Những thuật ngữ cổ tích không còn là vấn đề xa lạ với các em. Và các em đã có thể nắm được những vấn đề cơ bản của truyện. III.2. Khó khăn Tuy nhiên, đặc điểm tâm lý lứa tuổi cũng gây khó khăn khá lớn như Hoàng Tiến Tựu đã nhận xét: Lứa tuổi 14 – 15 là “lứa tuổi ít thích truyện dân gian nhất. Bởi vì đây là lứa tuổi hết dại nhưng chưa khôn, hết nhỏ nhưng chưa lớn. Mà truyện dân gian, nói chung lại thích hợp với hai đối tượng cách xa nhau về tuổi đời là trẻ nhỏ và người lớn.” [29.168]. Sở dĩ như vậy là vì tuổi thơ vốn yêu những điều kỳ diệu trong cổ tích, tuổi già thích chiêm ngiệm những triết lý dân gian. Còn học sinh lớp 10 (lứa tuổi 14 – 15) lại không có đặc điểm đó.Tư duy lí luận phát triển khiến các em không tin vào những điều kì diệu trong cổ tích song lại chưa thể tự rút ra những triết lý sâu sắc. Thời gian cổ tích ra đời và thời gian hiện tại quá xa cách và khác biệt gây khó khăn cho sự đồng cảm của các em. Trong thời đại mới, nền khoa học phát triển, lượng thông tin, báo chí, sách truyện, phim ảnh ngày càng phổ biến rộng rãi nên các em có khả năng hiểu biết về khoa học một cách khá chính xác. Vì thế tư duy của các em ít giao đồng với tư duy duy vật thô sơ của người xưa. Thời kỳ ảo tưởng và thần kì đã đi qua, học sinh đang bắt đầu quá trình hình thành tính cách. Trong khi đó nhân vật truyện cổ tích là nhân vật chức năng, nhân vật không mang cá tính, nhân vật không có tính cách: hoặc là tốt thì “tốt một cách lý tưởng” hoặc xấu thì cũng “xấu một cách lý tưởng” (Chữ dùng của Lê Trường Phát). Vì thế con người cổ tích càng trở nên lệ thuộc vào sự giúp đỡ của lực lượng thần kì. Sức hấp dẫn của cổ tích nghiêng về chất trữ tình và ước mơ, khát vọng. Phải trải qua quá trình tái hiện, tái tạo, tìm hiểu, phân tích và so sánh thì học sinh mới hiểu tác phẩm. Những khó khăn này dẫn đến yêu cầu cần có một phương hướng tác động đến học sinh một cách đúng đắn. III.3. Phương hướng tác động Từ những vấn đề trên, ta thấy việc cải tiến phương pháp và nâng cao hiệu quả giảng dạy truyện dân gian ở trường THPT trước hết là việc phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn nói trên. Muốn khắc phục khó khăn ấy khi giảng dạy truyện dân gian cho học sinh trung học “phải kéo họ về hai phía (đầu và cuối) của đời người mà giảng”. [29.169]. Một mặt phải kích thích, khôi phục tính hồn nhiên và khả năng vốn có ở học sinh, làm “trẻ hoá xúc cảm” của họ. Mặt khác phải cung cấp cho họ những hiểu biết về lịch sử quốc gia, dân tộc, xã hội làm cho họ “khôn lên” và “già dặn” hơn – tức làm “già hoá về tư duy lý luận”. Rõ ràng đây là một nguyên tắc và phương pháp dạy cổ tích mà người giáo viên rất nên tham khảo để có hướng giảng dạy phù hợp với lứa tuổi học sinh của lớp mình phụ trách, nhằm phát huy năng lực nhận thức và cảm thụ thẩm mĩ của học sinh. Để các em yêu thích yếu tố thần kì mà không coi đó là những điều viển vông, vô nghĩa lý, trước hết phải giúp các em hiểu được vai trò, ý nghĩa của yếu tố thần kì trong thế giới cổ tích; thấy được đặc sắc của yếu tố này trong truyện Tấm Cám cùng vai trò của nó trong việc thể hiện nội dung của truyện. Những hiểu biết toàn diện, sâu sắc về đặc trưng của yếu tố thần kì sẽ giúp các em có cái nhìn đúng để mà cảm, mà hiểu tác phẩm sâu sắc hơn. Đó là cách giảng dạy Tấm Cám theo đặc trưng thi pháp loại thể, phù hợp với đặc điểm tâm lí tiếp nhận của học sinh lớp 10 THPT. IV. vai trò và tác dụng của yếu tố thần kì trong dạy học tấm cám IV.1. Khái quát về yếu tố thần kì Thế giới nghệ thuật trong truyện cổ tích thần kì là một thế giới khác lạ chưa từng có và không thể xảy ra trong đời sống hàng ngày. Vì vậy, trên nền của trí tưởng tượng mạnh bạo nhất, nhân dân đã hư cấu một cách chủ tâm, không ngần ngại vượt ra ngoài khuôn khổ thực tiễn cuộc sống và phản ánh thực tại một cách bịa đặt đến mức không còn có thể bày đặt thêm nữa. Thế giới hoang đường kì ảo là một “hiện thực trong mơ ước” và thiên hướng của nó là sáng tạo ra những điều kì diệu khác thường. Mục đích của sự sáng tạo là thoả mãn lý tưởng đạo đức đang mâu thuẫn với một môi trường xã hội nhất định. Những ước mơ thầm kín về hạnh phúc, những khao khát về một xã hội đề cao những tình cảm cao thượng đều có thể tìm thấy trong khung cảnh huyền diệu của thế giới tưởng tượng hoang đường chứa nhiều phép màu, tượng trưng cho sự cứu trợ và lẽ công bằng. IV.1.1. Khái niệm và biểu hiện Yếu tố thần kì là một trong những đặc điểm thi pháp tiêu biểu của truyện cổ tích thần kì. ở đây, thuật ngữ yếu tố thần kì (hay yếu tố kì diệu) dùng để chỉ sự tưởng tượng, hư cấu – Nó là sản phẩm, là kết quả của những hư cấu dưới ánh sáng của trí tưởng tượng kì ảo và bay bổng của nhân dân. Yếu tố thần kì xuất hiện nhiều ở các thể loại văn học dân gian, kể cả văn học hiện đại. Nhưng yếu tố thần kì của cổ tích mang đặc trưng riêng. Yếu tố tưởng tượng trong thần thoại là yếu tố tưởng tượng không tự giác. Với tư duy nhận thức của người nguyên thuỷ thì tất cả các yếu tố đó đều là có thật. Họ thực sự tin rằng có một thế lực siêu nhiên là các thần điều khiển các hiện tượng tự nhiên. Ngược lại, hư cấu trong cổ tích là “hư cấu chủ tâm mang tính nghệ thuật” (Prốp). Con người sử dụng yếu tố kì diệu nhằm thể hiện mơ ước của mình chứ không tin điều đó là có thực. Trong các tác phẩm hiện đại cũng có yếu tố hoang đường kì ảo song hư cấu ở đây là bịa như thật, nghĩa là nó mang tính chất điển hình, có thể thấy ngoài cuộc đời. Còn yếu tố kì diệu của cổ tích không thể tồn tại ngoài cuộc đời. Như vậy, yếu tố thần kì của cổ tích mang nét đặc sắc riêng biệt. Yếu tố thần kì trong truyện cổ tích có thể là những nhân vật thần kì (Bụt, Tiên, Ngọc Hoàng), là các sự vật thần kì (gậy thần, niêu cơm thần, đôi giày vạn dặm…), là các con vật thần kì (rắn thần, gà trống, chim sẻ, mèo đi hia…) hay là sự hoá thân của chính nhân vật. Trong hoàn cảnh xã hội ngày xưa, khi giai cấp thống trị còn giữ được quyền thế mạnh mẽ, khi những lực lượng hắc ám còn đè nặng sức vươn lên của người dân thì sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, của cái chính đối với cái tà là một điều khó khăn, nhất là đối với những con người bé nhỏ, những con người bình thường, bị coi rẻ trong xã hội. Hiện thực đó đã khiến cho nhân dân luôn mơ tưởng tới một xã hội tốt đẹp hơn - ở đó, kẻ ác bị trừng trị, người hiền được sung sướng, hạnh phúc. Khi xây dựng thế giới cổ tích, khi hướng sự phát triển của hiện thực theo nguyện vọng chủ quan của mình, nhân dân tất yếu phải sử dụng hư cấu, sử dụng trí tưởng tượng bay bổng thần kì, mượn đến một lực lượng siêu nhiên nào đó. Thế giới truyện cổ tích thần kì vì thế chính là một sự khắc hoạ những ảo tưởng cần có, một “sự bịa đặt ngọt ngào”. IV.1.2. Vai trò và ý nghĩa Khi tham gia vào truyện cổ tích, yếu tố thần kì có nhiều tác dụng khác nhau. Nó đóng vai trò quan trọng trong kết cấu và quá trình dẫn dắt câu chuyện tạo ra sức mạnh, vẻ đẹp độc đáo riêng cuốn hút mọi người. Yếu tố thần kì trong truyện cổ tích thần kì là sự bịa đặt hư cấu có ý thức, vì thế nó trở thành phương tiện nghệ thuật thể hiện tư tưởng của nhân dân, làm nên đặc trưng thi pháp thể loại. Yếu tố thần kì tham gia vào tiến trình phát triển của cốt truyện. Cái thần kì giữ vai trò chủ yếu trong việc giải quyết mâu thuẫn trong truyện. Nó là một chất keo dính liên kết hai tuyến nhân vật, các sự kiện trong truyện, tạo nên chỉnh thể cốt truyện. Thường mỗi khi nhân vật chính diện gặp khó khăn, bế tắc, không vượt qua được thì lực lượng thần kì xuất hiện. Nếu có yêu cầu trừng phạt nhân vật phản diện thì lực lượng thần kì xuất hiện nhiều hơn. Yếu tố thần kì tạo nên những tình huống li kì, hấp dẫn từ đầu đến cuối truyện. ở đâu thiếu lôgíc nhất, ở đó xuất hiện yếu tố thần kì. Yếu tố này có thể coi là phương tiện thay thế cho sự lý giải của tác giả dân gian đối với những thời điểm không có lôgíc. “Muốn tạo cái thật phải dựa trên sự gây ảo tưởng về cái thật”. Nhờ có yếu tố thần kì mà kết thúc của truyện cổ tích bao giờ cũng là một kết thúc có hậu. Yếu tố thần kì không chỉ phản ánh hiện thực mà còn phản ánh quan niệm đạo đức, quan niệm thẩm mĩ và mơ ước của nhân dân. Nó đóng vai trò lớn về nhiều mặt trong việc hình thành một thế giới cần có, một thế giới “như mong ước”. Nó là một phương tiện nghệ thuật, một thủ pháp nghệ thuật làm nên chất men say của thể loại truyện cổ tích thần kì dân gian. IV.2. Đặc sắc của yếu tố thần kì trong truyện cổ tích Tấm Cám Qua phần trên, ta thấy yếu tố thần kì có vai trò rất quan trọng trong thế giới cổ tích. Tấm Cám là một trong những truyện cổ tích thần kì hay và tiêu biểu nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Do đó yếu tố hư cấu, yếu tố thần kì cũng được thể hiện đậm nét. Có thể nói Tấm Cám tập trung nhiều nhất và đầy đủ nhất các loại yếu tố thần kì. Nếu trong “Sọ Dừa”, “Trầu Cau” yếu tố thần kì tập trung ở sự biến hoá, sự hoá thân của nhân vật, ở “Cây tre trăm đốt”, yếu tố thần kì bao gồm: sự giúp đỡ của Bụt, của cây tre thần kì… thì ở Tấm Cám, yếu tố thần kì có cả sự xuất hiện của Bụt, sự giúp đỡ của gà trống, đàn chim sẻ và sự hoá thân của nhân vật… Hình ảnh ông Bụt có nguồn gốc từ Đức Phật nhưng đó là Đức Phật đã được dân gian hoá. Đây là hình ảnh gần gũi với nhân dân. Nó khác hẳn với nhân vật thần kì: Tiên hay Thần ở các nước khác. Tiên hay thần của truyện cổ tích các nước có thể tượng trưng cho may hay rủi, thiện hay ác. Bụt của truyện cổ tích của ta chỉ có thể là tượng trưng cho cái thiện đầy sức mạnh. Bụt đã xuất hiện và giúp đỡ cô Tấm nhiều lần. Nhưng có điều đặc biệt là: Cô Tấm được sự giúp đỡ của Bụt, đại diện cho thế lực siêu nhiên, nhưng số mệnh của cô lại không hoàn toàn do các thế lực siêu nhiên quyết định. Trái lại, nhân vật tự mình quyết định đời mình là chính. Không phải ngẫu nhiên mà Bụt lại hiện ra và giúp đỡ cô Tấm. Nói cách khác không phải tự nhiên mà sự ngẫu nhiên tốt lành đó lại đến với cô. Cô Tấm xứng đáng với sự may mắn đó bởi cô là người tốt, dịu hiền, trong trắng, là người lao động cần cù. Bụt trong truyện chỉ xuất hiện với tư cách là trợ thủ đúng với tên gọi đó. Vì Bụt chỉ khuyên cô nuôi cá Bống còn chăm sóc thế nào là tuỳ ở cô. Bụt chỉ khuyên cô chôn xương cá Bống còn làm điều đó chu đáo hay không là tuỳ ở cô. Bên cạnh nhân vật Bụt, ta thấy hình ảnh những con vật thần kì, vật thần kì trong truyện cũng có những nét riêng. Đó là những con vật quen thuộc (gà, chim sẻ, cá Bống), gần gũi với cuộc sống hàng ngày của nhân dân Việt Nam; đó là miếng trầu têm cánh phượng như một “mã tín hiệu” của dân tộc Việt… Tất cả những chi tiết đó tạo nên tính dân tộc, tính biểu cảm sâu sắc cho truyện cổ tích thần kì Tấm Cám. Về cách biến hoá, hoá thân của nhân vật, theo Hà Châu thì “Truyện Tấm Cám là đỉnh cao tập trung mọi cách biến hoá của nhân vật truyện cổ tích thần kì” [1.40]. Cô Tấm trải qua những biến hoá có phần nào giống Sọ Dừa, nàng Cóc trở thành người nhưng lại có phần đặc sắc khác. Mức độ hiện thực của hình tượng Tấm cao hơn. Sọ Dừa và nàng Cóc thoát khỏi cái lốt của mình khi gặp được những người thực sự yêu quý, trân trọng mình. Còn Tấm lại phải hoá thân khi đã đạt được đỉnh cao hạnh phúc rồi lại bị giết hại. Và “hệ thống hình ảnh thần kì từ chim vàng anh đến quả thị là phần đặc sắc nhất được kết lại bằng những câu vần vè ổn định chứng tỏ tính chất bền vững của hình tượng’’ [1.41]. Vì thế mà Tấm Cám được coi là “kiểu truyện cổ tích thần kì hoàn thiện nhất, đẹp nhất” [1.42]. Sự biến hoá của nhân vật trong suốt quá trình đấu tranh giành lại hạnh phúc là điều cơ bản phân biệt kiểu truyện Tấm Cám với các kiểu truyện khác, là điểm đặc sắc nổi bật nhất, ấp ủ những ước vọng sâu xa. Kiểu truyện Tấm Cám đã tập trung khá đầy đủ những đặc điểm thẩm mĩ của truyện cổ tích thần kì. Những đặc sắc về yếu tố thần kì của Tấm Cám đã tạo nên giá trị to lớn và sức hấp dẫn muôn đời của truyện. Dạy cổ tích mà bỏ qua yếu tố thần kì, bỏ qua sự tưởng tượng bay bổng chắc sẽ không khác gì dạy như một tác phẩm hiện đại. IV.3. Vai trò và tác dụng của yếu tố thần kì trong dạy học Tấm Cám Có thể khẳng định rằng yếu tố thần kì có vai trò và tác dụng hết sức to lớn trong dạy học Tấm Cám. Nó không chỉ giúp học sinh khám phá giá trị nổi bật về nội dung, ý nghĩa của truyện mà còn giúp học sinh phát huy năng lực nhận thức, phát huy năng lực cảm thụ thẩm mĩ trong quá trình tìm hiểu tác phẩm. IV.3.1. Giúp học sinh khám phá giá trị nổi bật về nội dung, ý nghĩa của truyện Yếu tố thần kì là một đặc điểm thi pháp quan trọng nhất của truyện cổ tích thần kì. Dạy học Tấm Cám đi từ yếu tố thi pháp nàychính là con đường ngắn nhất, đúng đắn nhất giúp học sinh khám phá đầy đủ, sâu sắc giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của truyện. IV.3.1.1. Phản ánh số phận nhỏ bé, bất hạnh và sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt của Tấm trước sự vùi dập của các thế lực thù địch Như chúng ta đều biết, nhân vật trung tâm của truyện cổ tích thần kì là những con người bất hạnh. Họ là nạn nhân của chế độ tư hữu tài sản, cuả chế độ gia đình phụ quyền và của chế độ xã hội có giai cấp. Truyện cổ tích thần kì phản ánh những nỗi đắng cay khổ cực đầu tiên của người lao động trong xã hội có giai cấp (Cây khế, Tấm Cám, Thạch Sanh). Những con người bất hạnh này mơ ước một cuộc sống ấm no, sung sướng, hạnh phúc trọn vẹn và họ đã đấu tranh bền bỉ quyết liệt chống lại những mưu toan độc ác đối với họ. Một hệ thống hình ảnh thần kì đã được sáng tạo nên để thể hiện những ước mơ và cuộc đấu tranh ấy. Đó cũng là vẻ đẹp và sức hấp dẫn đặc biệt của truyện cổ tích thần kì. Ra đời trong xã hội đã phân hoá giai cấp, một trong những chủ đề nổi bật của truyện cổ tích là phản ánh mâu thuẫn và đấu tranh xã hội. “Truyện cổ tích thần kì thường đưa mâu thuẫn xã hội đó về sân khấu gia đình, coi gia đình như một xã hội thu nhỏ, lý giải mâu thuẫn gia đình trong mối tương quan chi phối của các quan hệ xã hội” [31.69]. Mâu thuẫn xã hội trong truyện cổ tích thần kì được phản ánh qua nhóm truyện người mồ côi, người em út, người lao động nghèo…Và truyện cổ tích Tấm Cám có thể coi là tiêu biểu cho nhóm truyện “người mồ côi” Cô Tấm là một thân phận mồ côi nhỏ bé và đầy bất hạnh. Tấm sớm mồ côi mẹ, ít lâu sau bố cũng qua đời nên phải ở với dì ghẻ. Cuộc sống của đứa con côi khiến Tấm phải làm lụng quần quật suốt ngày không hết việc. Trong khi đó, Cám được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà không phải làm việc nặng. Sự áp bức, bóc lột của mẹ con Cám không dừng lại ở đó. Nó còn tiếp tục biểu hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau: Đó là sự tước đoạt nhỏ như việc Cám trút sạch giỏ tép của Tấm, dập tắt niềm mơ ước có được yếm đỏ – sự cần thiết tối thiểu của một cô gái nghèo hèn; Đó là sự tước đoạt đến cạn tàu ráo máng như bắt cá Bống của Tấm đang nuôi dưới giếng làm thịt ăn. Đó còn là sự hành hạ chỉ vì mục đích hành hạ như trộn lẫn thóc và gạo, bắt Tấm nhặt để không cho Tấm có thì giờ đi xem hội; Đó còn là sự khinh bỉ khi Tấm thử giày: “Chuông khách còn chẳng ăn ai Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre”. Sự độc ác gian xảo của mụ dì ghẻ còn bộc lộ rõ hơn khi chặt cây cau cho Tấm ngã chết. Tấm chết rồi thì mụ đem con gái vào thay cô. Song Tấm đã không chết mà hoá thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi… Sự hoá kiếp này đã thể hiện tinh thần đấu tranh của cô. Tinh thần đấu tranh đó ngày càng tăng cùng với hành động của mẹ con mụ dì ghẻ: bắt chim vàng anh làm thịt, chặt cây xoan đào làm khung cửi, đốt khung cửi thành tro. Mỗi khi Tấm gặp bất hạnh thì yếu tố thần kì lại xuất hiện và giúp Tấm đạt được mong ước. Trong truyện cổ tích thần kì, nhân vật chính diện càng gặp nhiều bất hạnh thì yếu tố thần kì xuất hiện càng nhiều ( Bởi nhân dân không muốn để nhân vật của mình phải chịu kết cục thiệt thòi). “Cái hay của truyện Tấm Cám là đã phản ánh một cách thú vị cuộc đấu tranh bền bỉ, dai dẳng của “cái thiện” chống “cái ác” và cuối cùng “cái thiện” đã toàn thắng. Đó chính là có hậu” [26.13]. Từ tiếng khóc tủi thân của em bé mất giỏ cá, đến tiếng khóc cay đắng khi người bạn chết oan, tiếp nữa là tiếng khóc uất ức của người tù bị giam lỏng - đó thật là cả một quá trình phản ứng mỗi lúc một cao. Khi mâu thuẫn dẫn đến một mất một còn với lực lượng thù địch, cô Tấm không còn phản ứng bằng tiếng khóc. Cô kiên trì đấu tranh giành sự sống. Quá trình hoá thân của Tấm đã thể hiện tinh thần đấu tranh quyết liệt ấy. “Sức cuốn hút đặc biệt của Tấm Cám là ở chỗ nó đã nghệ thuật hoá sức sống vươn lên ngày càng mạnh mẽ, rực rỡ của chính nghĩa. Tấm mỗi lần chết là một lần sống lại. Mỗi lần sống lại là một lần đẹp thêm lên và đấu tranh mạnh hơn. [24.13]. Sự phát triển của nhân vật Tấm là sự tiến lên từ thụ động sang thế chủ động; Từ chỗ ngây thơ chân thật, liên tiếp bị mắc lừa đến chỗ nhận rõ tội ác của mẹ con Cám , đấu tranh chống lại và cuối cùng là tiêu diệt chúng. Sự phát triển ấy gắn liền với vai trò đặc biệt của yếu tố thần kì. Theo quan điểm của nhân dân, trong cuộc đấu tranh với các thế lực thù địch thì mồ côi luôn chống chọi quyết liệt và cuối cùng bao giờ cũng chiến thắng. Thắng lợi đó khẳng định chân lý về tính thiện, đồng thời thể hiện tinh thần nhân đạo, bênh vực kẻ hèn yếu của nhân dân. Sự đấu tranh ngày càng quyết liệt của Tấm biểu hiện sự thức tỉnh của những con người bị chà đạp về quyền được sống và được hưởng hạnh phúc của mình. Đồng thời nó nêu lên chân lý: phải biết chủ động giành hạnh phúc. Hạnh phúc là ở ngay cuộc đời thật chứ không phải ở kiếp sau. Đó mới là hạnh phúc bền vững. Sau nhiều lần hoá thân, Tấm trở lại cuộc sống đời thường, hưởng hạnh phúc bên nhà vua và trừng phạt kẻ có tội… Điều đó cũng chứng tỏ chính nghĩa có sức sống mãnh liệt không gì tiêu diệt được. Tóm lại, trong chủ đề phản ánh mâu thuẫn và đấu tranh xã hội, ta thấy có một cái nhìn đầy thương cảm, nâng đỡ, và tin cậy của nhân dân đối với những con người nhỏ bé trong cảnh ngộ trớ trêu. Giá trị nhân văn của truyện cổ tích chính là ở sự quan tâm và đề cao những người dân thường bị áp bức ấy. Tóm lại, Tấm là một cô gái mồ côi đầy bất hạnh. Con đường đến với hạnh phúc, giành và giữ hạnh phúc của cô có sự giúp đỡ không nhỏ của yếu tố thần kì. Sự giúp đỡ đó cùng với sự phản kháng và đấu tranh quyết liệt của Tấm đã tạo nên giá trị thẩm mĩ to lớn của truyện. IV.3.1.2. Trình bày lý tưởng xã hội, niềm lạc quan và mơ ước của nhân dân. Hơn bất kì một thể loại văn học dân gian nào, truyện cổ tích đã xây dựng thành công một thế giới hiện thực trong mơ ước, trình bày lí tưởng của nhân dân về một xã hội công bằng, dân chủ, đạo đức, trong đó người lương thiện tốt bụng, tài năng sẽ được hưởng hạnh phúc xứng đáng với những phẩm chất tốt đẹp của họ. Bao nhiêu mơ ước nảy sinh từ cuộc sống làm ăn vất vả, bao nhiêu mơ ước mà trí tưởng tượng có thể hình dung ra đã dễ dàng và nhanh chóng được trở thành hiện thực trong “thế giới cổ tích” nhờ sự trợ giúp của yếu tố thần kì. Truyện cổ tích rọi chiếu ánh sáng kì ảo của niềm hạnh phúc vào cuộc đời đầy bất hạnh của con người, khiến họ yêu đời và sống mạnh mẽ hơn. Nhưng truyện cổ tích không làm cho con người bị ru ngủ, bị quên lãng trong thế giới thần tiên ấy, mà khiến họ tích cực hành động để xây dựng và cải tạo hiện thực theo xu hướng tốt đẹp. Mọi người nhớ và yêu thích truyện cổ tích chính là ở khả năng cải tạo, biến đổi nhanh chóng, kì diệu, triệt để và hợp lòng dân. Sự giúp đỡ của Bụt, của cá Bống, gà trống,đàn chim sẻ; Sự hoá thân của Tấm; Sự trở lại làm người và trừng phạt mẹ con con Cám đã mang lại hạnh phúc bền vững suốt đời cho Tấm. Rõ ràng các tác giả dân gian muốn đặt ra vấn đề số phận của người mồ côi và giải quyết theo quan điểm, mơ ước của mình. Mơ ước đó là nhân vật này phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn (làm vua, làm hoàng hậu). Sự trở về cõi người của Tấm là thể hiện lòng yêu cuộc sống và tinh thần thực tế của nhân dân. Họ không yên tâm chờ hạnh phúc ở cõi Niết Bàn cực lạc mà quyết giành và giữ hạnh phúc ngay ở nơi trần thế. Đây là một kết thúc có hậu. Kết thúc đó không theo lôgic thông thường mà theo lôgic của ước mơ, lôgic chỉ có trong cổ tích – kết thúc bao giờ cũng mở ra một tương lai tốt đẹp cho nhân vật thiện. Kết thúc đó tạo niềm tin cho con người: “ Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật. Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời. Dẫu phải khi cay đắng dập vùi. Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu”. (Nguyễn Khoa Điềm). Nhân dân luôn mong muốn những nhân vật thiện, hiền lành, tốt bụng như Tấm sẽ không bao giờ phải chịu bất hạnh, đau khổ mãi. Họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc và sẽ có hạnh phúc tột đỉnh. Triết lí lòng tốt, triết lý ở hiền luôn được đề cao. Và không ở đâu như trong cổ tích, những ước mơ dù là nhỏ bé hay lớn lao đều được thực hiện nhanh chóng và hoàn hảo như vậy. Những ước mơ đó thể hiện tinh thần lạc quan cao cả và tinh thần nhân đạo sâu sắc của nhân dân lao động. Điều này đã được tác giả cuốn “Sáng tác thơ ca dân gian Nga” A. M. Nôvicôva nhận xét rất đúng: “Truyện cổ tích dạy con người sống và gây tinh thần lạc quan, khẳng định niềm tin vào sự tất thắng của điều thiện và lẽ công bằng. Đằng sau tấm màn kì ảo của cốt truyện và trí tưởng tượng cổ tích, có ẩn giấu một mối quan hệ có thực của con người. Những lý tưởng nhân đạo chủ nghĩa và nhiệt tình tràn trề sức sống đã tạo cho truyện cổ tích có sức thuyết phục nghệ thuật và gây xúc động mạnh mẽ đối với thính giả”. IV.3.1.3. Sức biểu cảm của Tấm Cám, một biểu hiện dân tộc tính của truyện cổ tích Việt Nam Tấm Cám là truyện cổ tích hay và tiêu biểu nhất của Việt Nam.Sở dĩ nói như vậy là vì: trước hết Tấm Cám là một trong những kiểu truyện phổ biến nhất trên thế giới; song quan trọng hơn, chính sức biểu cảm to lớn của truyện đã làm nên nét độc đáo – một biểu hiện dân tộc tính, một giá trị vĩnh cửu trong tâm hồn người Việt *Tấm Cám là một trong những kiểu truyện phổ biến nhất thế giới. Cuối thế kỉ XIX, nữ sĩ Roanphơ Côcxơ, một nhà sưu tầm truyện dân gian người Anh đã tập hợp được 345 truyện kiểu Tấm Cám trong quyển sách nhan đề: “Truyện Cô Tro Bếp, ba trăm bốn nhăm dị bản” xuất bản năm 1893. Đến 1958, theo nhà nghiên cứu Xô Viết S.EM.Mêlêtinxki trongcuốn “Nhân vật truyện cổ tích thần kì. Nguồn gốc hình tượng” thì con số thống kê đã lên đến 500 dị bản. Đây chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng. Trên đất nước ta,số lượng các bản kể của kiểu truyện này cũng có thể lên tới hàng chục. Ta có thể liệt kê các tên truyện cùng kiểu truyện Tấm Cám để thấy sự phong phú đó như sau: ở Pháp có truyện “Lọ lem”, Đức có “Cô Tro Bếp” (hay “Chiếc hài cườm pha lê”), Trung Quốc có Nàng Diệp Hạn, Thái Lan có “Con cá vàng”, Mianma có “Truyện con rùa”, Campuchia có “Nêang Can-tóc”. Nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng có truyện tương tự như: Tua Gia – Tua Nhi (dân tộc Tày), ý ưởi – ý Noọng (dân tộc Thái), Gầu Nà - Gầu Rềnh (dân tộc Mông), Đôi giày vàng (dân tộc Chăm), ú và Cao (dân tộc Hơ - rê), Gơ Liu – Gơ Lát (dân tộc Xơ - rê). Đây là kiểu truyện về cô gái mồ côi bị mẹ con dì ghẻ áp bức, bóc lột. Nhưng vì cô là người tốt nên đã đấu tranh thắng lợi và sau cùng được hưởng hạnh phúc.(Đây là một hiện tượng phổ biến trong xã hội xưa của tất cả các dân tộc). Trong cuộc đấu tranh ấy, cô gái luôn được các thế lực siêu nhiên giúp đỡ: đó có thể là nhân vật thần kì (Bụt, Tiên, ông Thần Giếng), đó có thể là con vật thần kì (gà thần, cá vàng, con rùa…), các vật thần kì: sợi tóc vàng, chiếc hài cườm pha lê…, hay chính sự hoá thân của nhân vật. Theo Đinh Gia Khánh thì trong kiểu truyện Tấm Cám có ít nhất hai chủ đề: chủ đề “dì ghẻ con chồng” và chủ đề “vật báu đem lại hạnh phúc”. “Chủ đề thứ nhất có ý nghĩa đấu tranh xã hội, chủ đề hai có ý nghĩa phong tục (…) Chủ đề mang ý nghĩa phong tục đời thường đem lại màu sắc dân tộc và địa phương cho truyện cổ tích. Chủ đề mang ý nghĩa đấu tranh xã hội thường có tính chất quốc tế, chung cho các dân tộc cùng ở một trình độ phát triển.’’ [15.51]. Như vậy, tính chất quốc tế là một hi._.i nào cho phù hợp. Có thể đi từ dấu ấn của học sinh về những truyện cổ tích đã được nghe từ nhỏ gợi rung động ở các em; hay đi từ những đặc điểm tiêu biểu của cổ tích tạo tâm lý thích thú tìm hiểu cái riêng, độc đáo, hoặc từ một câu nhận định hay nào đó. Kết thúc để tạo dư âm có thể sử dụng các biện pháp của hoạt động liên môn: đóng kịch... Vào bài hay kết thúc phải tôn trọng 6 nguyên tắc: Hay - Nhanh - Nhạy - Đúng - Trúng - Đủ. Trong quá trình dạy, giáo viên phải tạo được “môi trường cộng cảm” giữa người kể và người nghe, tạo được không khí mơ mộng, không gắn bó trực tiếp với hiện thực ngày nay.Tận dụng sức biểu cảm của thời gian nghệ thuật trong câu mở đầu không thể thay thế được “ngày xửa ngày xưa”, đó là thời gian nghệ thuật đồng nhất để tạo không gian đồng nhất - thời gian, không gian quá khứ. Việc kết hợp giữa kể sáng tạo của học sinh, với các hoạt động liên môn: đóng kịch, xem băng hình, vẽ tranh minh hoạ đều góp phần to lớn cho việc nâng cao chất lượng giờ dạy cổ tích. Cách làm đó tạo hứng thú giúp các em hiểu sâu tác phẩm hơn. II.2.2.2.3. Phương pháp so sánh Sử dụng để hướng dẫn học sinh cảm thụ được vẻ đẹp thẩm mĩ của truyện Tấm Cám. So sánh là phương pháp quen thuộc được sử dụng rộng rãi và hữu hiệu trong phân tích văn học, nhằm tìm ra những nét tương đồng và dị biệt. Để học sinh cảm thụ được vẻ đẹp thẩm mĩ của truyện Tấm Cám, giáo viên cần tiến hành so sánh truyện với các truyện khác ở cùng kiểu truyện, cùng kiểu nhân vật, kiểu xung đột... Từ đó cho các em nhận thức được những đặc trưng chung cũng như nét đặc sắc riêng của truyện. Để có phương tiện so sánh, giáo viên cần phô tô những tài liệu về phần mình định định hướng cho học sinh so sánh. Chẳng hạn, để thấy được tính dân tộc và tính quốc tế của kiểu truyện Tấm Cám, giáo viên nên phô tô bản tóm tắt các dị bản của truyện. Việc làm này vừa giúp học sinh có cái nhìn tổng quát, vừa tiết kiệm thời gian phải kể lại của giáo viên. Để làm nổi bật nét đặc sắc của yếu tố thần kì, giáo viên cần hướng dẫn học sinh so sánh với những truyện cổ tích thần kì đã được học: chẳng hạn cũng là sự biến hoá nhưng sự biến hoá ở Sọ Dừa, Nàng Cóc khác hẳn sự biến hoá của Tấm. Sọ Dừa, Nàng Cóc biến hoá để hưởng hạnh phúc ở đời. Còn Tấm biến hoá để đấu tranh giành lại hạnh phúc ở cuộc đời. So sánh về cách kết thúc của truyện cũng là một cách phát triển năng lực nhận thức, cảm hiểu của học sinh. Từ đó giúp các em hiểu đúng về vẻ đẹp của một truyện cổ tích thần kì. Việc so sánh có thể tiến hành ngay trong tác phẩm: so sánh về hành động của Tấm, về vai trò của các yếu tố thần kì trong tiến trình I và tiến trình II. đây là một cách hiệu quả nhất giúp học sinh thấy được sự phát triển của mâu thuẫn, xung đột, thấy được sự phản kháng ngày càng tăng, đấu tranh ngày càng quyết liệt của Tấm để giành và giữ hạnh phúc của mình. So sánh là cách thức nhanh nhất, hiệu quả nhất giúp học sinh hình thành kĩ năng phát hiện nhanh vấn đề nổi bật, kĩ năng tìm hiểu truyện nhanh, đúng, trúng. II.2.2.2.4. Phương pháp dạy Tấm Cám theo đặc trưng thi pháp loại thể Để học sinh có thể cảm nhận vẻ đẹp phôncơlo của Tấm Cám, từ đó mà hiểu sâu sắc ý nghĩa của truyện cổ tích, giáo viên phải từ việc khơi gợi hứng thú của học sinh mà dẫn dắt các em tiếp cận và chiếm lĩnh tác phẩm. Con đường tiếp cận có hiệu quả là con đường của thi pháp, mà ở đây là thi pháp truyện cổ tích. Giáo viên giúp học sinh tiếp cận theo hai tiến trình cụ thể của bản kể được lựa chọn trong rất nhiều văn bản khác nhau sẽ đem lại cái nhìn cụ thể về sự phát triển và đổi mới của truyện. Trong qúa trình đó, giáo viên hướng dẫn học sinh từng bước làm nổi bật những đặc điểm của các yếu tố sau: Về cấu tạo cốt truyện: Tấm Cám được cấu tạo theo đường thẳng, theo trình tự diễn biến của các hành động nhân vật (cũng là trình tự thời gian) một cách chặt chẽ, khiến cho các chi tiết kết dính với nhau trên một trục duy nhất. Về các mô típ: Tấm Cám là một trong những truyện cổ tích đứng hàng đầu về số lượng mô típ và có những mô típ rất tiêu biểu cho một tác phẩm phôncơlo. Trong giảng dạy phải giúp học sinh nắm được các mô típ: mâu thuẫn dì ghẻ – con chồng, sự giúp đỡ của Bụt, của con vật thần kì, mô típ rơi giày – thử giày, mô típ hoá thân, mẹ ăn thịt con; nắm được ý nghĩa của những mô típ ấy, từ đó hiểu được những triết lý nhân sinh, quan niệm và mơ ước nhân dân gửi gắm trong truyện. Những câu văn vần xen kẽ; thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật; không khí truyện cũng là những yếu tố học sinh cần nắm được trong quá trình tiếp cận. Qua đó thấy được nét mộc mạc dân gian, vừa hư vừa thực, thấy được những hình ảnh quen thuộc mang giá trị biểu cảm tạo nên tính dân tộc đặc sắc của truyện. Phân tích Tấm Cám theo đặc trưng phôncơlo, theo con đường thi pháp là để chỉ ra những giá trị thẩm mĩ của hình tượng nhân vật cổ tích và thế giới cổ tích giàu tính nghệ thuật để nhận ra cảm xúc về cái đẹp của con người trong thế giới tình cảm của truyện Tấm Cám. Trong quá trình phân tích các yếu tố thi pháp của truyện Tấm Cám, giáo viên cần đặc biệt chú ý để học sinh nắm rõ đặc sắc của các yếu tố thần kì trong truyện. Việc phân tích các yếu tố thần kì có giá trị giải thích phẩm chất nhân vật và làm cho cốt truyện tiến triển hợp lý. Lựa chọn và phát hiện giá trị của các yếu tố thần kì và các chi tiết quan trọng trong tiến trình truyện Tấm Cám như vậy sẽ tạo nên một sự hứng thú tiếp nhận ở học sinh; đồng thời thực hiện bài học giáo huấn một cách tự nhiên, sâu sắc. Tóm lại, tiếp cận tác phẩm văn học thuộc bất cứ thể loại nào trên cơ sở đặc trưng thi pháp thể loại sẽ là hướng đi đúng đắn, khoa học và chuẩn xác nhất. Đồng thời cũng là bước đi ngắn nhất dẫn dắt người học đến với tác phẩm, sống cùng tác phẩm. Nói tóm lại, trên đây tôi đã đưa ra những định hướng cụ thể về nội dung và phương pháp hướng dẫn học sinh tìm hiểu truyện Tấm Cám nhằm phát huy năng lực nhận thức và cảm thụ thẩm mĩ của các em. Do yêu cầu của luận văn tốt nghiệp và yêu cầu của đề tài, người viết chỉ nhấn mạnh vào một số phương pháp quan trọng như: đọc, kể sáng tạo; gây tình huống dân gian; phương pháp so sánh; phương pháp dạy theo đặc trưng thi pháp loại thể nhằm tổ chức, gợi mở, nhằm khơi dậy những hoạt động bên trong của chủ thể sáng tạo học sinh để các em tự tìm hiểu, khám phá và chiếm lĩnh tác phẩm. Tất nhiên trong quá trình phân tích tác phẩm, người viết sử dụng đồng bộ, linh hoạt các phương pháp trên đồng thời phối hợp với các biện pháp khác như: nêu vấn đề, gợi mở... để giờ học đạt được hiệu quả như mong muốn. Thiết Kế Bài Dạy Tấm Cám (Theo phương hướng đã đề xuất) III.1. Hướng đổi mới thiết kế bài dạy Thiết kế bài dạy là tên gọi mới về giáo án lên lớp của giáo viên theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy và học ở bất cứ bộ môn nào. Từ chỗ giáo án chỉ là một đề cương nội dung cần truyền thụ qua lời diễn giảng của giáo viên, trong thời gian quy định, tiến đến thiết kế bài dạy trên cơ sở xác lập mối quan hệ hỗ trợ hợp tác và tích cực, phát triển năng động sáng tạo của chủ thể người học- đó là một bước tiến mới. Thiết kế bài dạy trên lớp là hợp thể của những hoạt động giữa người dạy và học được kế hoạch hoá đến từng chi tiết. Nó là kết quả của quá trình tìm hiểu và lựa chọn nội dung cơ bản và lôgíc vận động của nội dung đó trong tài liệu giảng dạy. Ngoài ra người thiết kế phải kết hợp sự hiểu biết của mình với điều kiện và năng lực tiếp nhận, với khả năng vận dụng tri thức, kinh nghiệm đã có của người học. Từ những tình huống học tập được đặt ra từ nội dung khách quan của tác phẩm phù hợp với trình độ và đặc điểm tiếp nhận tác phẩm văn chương của lớp học, giáo viên sắp xếp hợp lí một hệ thống thao tác tương ứng, nhằm hướng dẫn học sinh từng bước tự xử lý để tiếp cận và chiếm lĩnh tác phẩm một cách sáng tạo. Do đó tạo được ở từng chủ thể học sinh một sự tự phát triển toàn diện. III.2. Mục đích thiết kế Tiến hành thiết kế bài dạy, người viết nhằm mục đích sau đây: Một là: Nhằm minh hoạ khả năng vận dụng những lý thuyết chung (đã trình bầy ở chương một) vào một bài dạy cụ thể. Hai là: Nhằm chỉ ra, nhấn mạnh những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của truyện Tấm Cám, cũng như những biện pháp có thể thực hiện làm phong phú, sâu sắc hơn những phương pháp hướng dẫn học sinh tiếp cận, phân tích một truyện cổ tích. Đó chính là sự cụ thể hoá những định hướng về nội dung và phương pháp hướng dẫn học sinh tìm hiểu truyện Tấm Cám (đã nêu ở phần trên) thành các thao tác cụ thể trong giờ học. Ba là: Nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay: Phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế của các giờ học, đưa phương hướng giảng dạy Tấm Cám ở trường THPT một cách hợp lý nhằm phát huy năng lực nhận thức và cảm thụ thẩm mĩ của học sinh, tạo nên một giờ học hiệu quả. III.3. Thiết kế thử nghiệm: Bài dạy: Truyện Cổ Tích Tấm Cám Thiết kế bài dạy Truyện Cổ Tích: Tấm Cám Thời gian: 2 tiết A. Mục Đích Yêu Cầu 1. Kiến thức Giúp học sinh: Thấy được cuộc đấu tranh giữa Tấm và mẹ con Cám là cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, rất khó khăn, quyết liệt nhưng thiện nhất định thắng ác. Hiểu được triết lý nhân sinh, quan niệm, mơ ước, tinh thần lạc quan và nhân đạo của nhân dân gửi vào truyện. Thấy được nghệ thuật sử dụng yếu tố thần kì, lối kể chuyện hấp dẫn, nắm được những đặc trưng cơ bản của truyện cổ tích thần kì và những đặc sắc của Tấm Cám. Có cách nhìn nhận đúng đắn về cách kết thúc truyện. 2. Kỹ năng: (Rèn luyện tổng hợp các kĩ năng) Kĩ năng kể sáng tạo. Tóm tắt một tác phẩm tự sự. Phân tích truyện dân gian.(truyện cổ tích) B. Các bước lên lớp 1. ổn định tổ chức (kiểm tra sĩ số) 2. kiểm tra bài cũ. 3. Bài mới *Lời vào bài: “ Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện Sẽ được nhìn thấy các bà tiên Thấy chú bé đi hài bảy dặm Quả thị thơm cô Tấm rất hiền” Quả thực, những câu truyện “ngày xửa ngày xưa”, những câu truyện cổ tích đã tạo nên một sức hấp dẫn đến muôn đời. Đó là một thế giới “như mơ ước”, một thế giới mà theo Gorki - nó khác hẳn “cuộc sống tẻ nhạt, nghèo nàn, đầy tiếng than thở của những người tham lam không cùng và đầy lòng ghen tị”. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam rất phong phú, có đến hàng trăm truyện. Song có một truyện hay nhất, tiêu biểu nhất mà người Việt Nam nào cũng biết và yêu thích ngay từ nhỏ. Đó là truyện cổ tích Tấm Cám. Hôm nay, cô cùng các em sẽ đi vào tìm hiểu những giá trị đặc sắc của truyện cổ tích này. *Tổ chức dạy học phương pháp nội dung dạy - học Ngoài việc hướng dẫn học sinh đọc toàn bộ truyện ở nhà, giáo viên định hướng học sinh chú ý đọc một số đoạn tiêu biểu có những câu văn vần (chú ý đến sức biểu cảm của giọng điệu). Yêu cầu: Học sinh kể sáng tạo toàn bộ câu chuyện Yêu cầu: Học sinh tóm tắt truyện một cách ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu. Hỏi: Theo em, cốt truyện phát triển theo mấy tiến trình ? Nội dung cơ bản của mỗi tiến trình ? Hỏi:Đọc xong truyện hình ảnh nào gợi cho em ấn tượng sâu sắc nhất?( Khơi gợi cho học sinh tự bộc lộ) Hỏi: Vì sao nói Tấm Cám là kiểu truyện quen thuộc trên thế giới lại đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam? (Đã phô tô bản tóm tắt các dị bản của truyện cho học sinh) Hỏi: Vì sao nói Tấm là nhân vật tiêu biểu của kiểu nhân vật mồ côi trong truyện cổ tích thần kì? Hỏi: Những tình huống: Thưởng yếm đỏ, cái chết của cá Bống, vua mở hội, rơi giày... gợi cho em những suy nghĩ gì về thân phận của Tấm và mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con dì gh? Hỏi: Theo em bản chất của những mâu thuẫn đó là gì? Hỏi: Mâu thuẫn ấy thường được giải quyết theo hướng nào? Hỏi: Qua các câu truyện cổ tích đã đọc và học, em thấy nhân vật bất hạnh đến với hạnh phúc có dễ dàng không và đến bằng con đường nào ? Hỏi: Em hiểu thế nào là yếu tố thần kì và biểu hiện của nó? Hỏi: Theo em, yếu tố thần kì có vai trò như thế nào đối với con đường đến với hạnh phúc của Tấm ? Yêu cầu: Học sinh kể sáng tạo tiến trình II. Hỏi: Theo em, vì sao nói thái độ phản kháng và cuộc đấu tranh của Tấm ngày càng cao và càng quyết liệt hơn? Hỏi: Sự hoá thân của Tấm có ý nghĩa như thế nào? Hỏi: Theo em, vai trò của yếu tố thần kì đối với con đường giành và giữ hạnh phúc của Tấm có gì khác trước? Hỏi: Từ yếu tố thần kì em có nhận thức như thế nào về triết lý nhân sinh, quan niệm và mơ ước của nhân dân gửi gắm trong truyện? Hỏi: Theo em, cuối cùng mẹ con Cám bị trừng phạt như thế có đích đáng không? Vì sao? (Để học sinh thảo luận về các cách kết thúc của truyện) Hỏi: Sau khi phân tích truyện, ấn tượng để lại cho em sâu đậm nhất là gì?. Bài tập: Tấm Cám mang đầy đủ đặc trưng của truyện cổ tích thần kì và có nét đặc sắc riêng. Em hãy chứng minh điều đó. I. Hướng dẫn học sinh thâm nhập vào “thế giới cổ tích” Tấm Cám: ( Giáo viên hướng dẫn học sinh kể sáng tạo lại truyện.Chú ý về giọng điệu: Giọng Cám lúc lừa giỏ tép của Tấm: ngon ngọt, nịnh nọt. Giọng Tấm gọi Bống: dịu dàng, trìu mến, thân thương. Giọng con gà: Rõ ràng, dứt khoát. Giọng mụ dì ghẻ ở đám hội: Mỉa mai, đay nghiến,chì chiết Giọng vua và bà cụ hàng nước: Dịu dàng, tha thiết, chân tình. Giọng Tấm cảnh cáo Cám: Rõ ràng, dứt khoát, đe doạ). (Giáo viên hướng dẫn học sinh tóm tắt theo tiến trình của cốt truyện, chú ý vào những chi tiết được coi làm đầu mối của truyện: Yếm đỏ, Bụt giúp, cá Bống, đi hội, thử giầy, sự hoá thân của Tấm, vua nhận ra và rước Tấm về cung, mẹ con Cám bị trừng phạt). Dự kiến trả lời: - Theo hai tiến trình: + Tiến trình I: Từ đầu đến khi Tấm được chọn làm hoàng hậu. + Tiến trình II: Từ lúc Tấm về nhà giỗ bố đến lúc ở với bà cụ hàng nước rồi lại gặp vua. - Nội dung (Tương ứng của hai tiến trình) + Trình bày thân phận của Tấm (Cô gái mồ côi) và con đường đến với hạnh phúc của cô. + Cuộc đấu tranh gian nan, quyết liệt để giành và giữ hạnh phúc của Tấm. Cả hai tiến trình đều thể hiện mơ ước “ở hiền gặp lành” và triết lý về hạnh phúc của nhân dân lao động xưa. * Dự kiến trả lời: Hình ảnh cô Tấm Hình ảnh ông Bụt Sự hoá thân Kết thúc truyện. * Dự kiến trả lời: - Là kiểu truyện quen thuộc trên thế giới: + Thống kê năm 1955 của nhà nghiên cứu Nga về kiểu truyện Tấm Cám trên thế giới: 500 dị bản. Ví dụ: Lọ Lem (Pháp), Cô Tro Bếp (Đức), Nàng Diệp Hạn (Trung Quốc), Con cá vàng (Thái Lan), Truyện con rùa (Mianma), Nêang Cantoc (Campuchia). - Đậm đà bản sắc dân tộc: Biểu hiện ở: + Bức tranh thiên nhiên gần gũi, quen thuộc: Cây cau, giếng nước, ruộng đồng làng quê. + Phong tục sinh hoạt hàng ngày: Mò cua bắt tép, chăn trâu, hội làng. + Những nét riêng của cô Tấm +Đặc sắc của yếu tố thần kì + Hình ảnh miếng trầu têm cánh phượng. Sức biểu cảm của truyện- một biểu hiện dân tộc tính của Tấm Cám. II/ Hướng dẫn học sinh tìm hiểu truyện. (Theo tiến trình phát triển của cốt truyện, theo đặc trưng thi pháp loại thể) 1/Hướng dẫn học sinh tìm hiểu Tiến trình I: Thân phận và con đường đến với hạnh phúc của cô gái mồ côi. Thân phận của cô gái mồ côi: * Dự kiến trả lời: - Truyện cổ tích có nhiều nhân vật mồ côi, họ có những nét giống nhau, tạo thành “kiểu nhân vật mồ côi” – một đối tượng nhỏ bé, cô đơn, yếu thế trong gia đình và xã hội. - Cô Tấm: Nhân vật mồ côi tiêu biểu. + Bất hạnh đến hai lần (là “người con riêng”, “ người mồ côi” lại phải sống với mụ dì ghẻ và cô em gái cùng cha khác mẹ vô cùng độc ác.) * Dự kiến trả lời: * -Tấm (đại diện cho nhân vật mang tính thiện) là cô gái chăm chỉ, hiền lành, đôn hậu (bắt đầy giỏ tép mong có được yếm đỏ, chăn trâu đồng xa, nhịn cơm để dành nuôi bống). - Cái ác hiện hình trong mẹ con dì ghẻ qua các hành động: Lừa gạt lấy mất giỏ tép để tước đoạt ước mơ bé nhỏ là cái yếm đỏ; lén lút giết chết bống là người bạn duy nhất của Tấm; trắng trợn trộn thóc với gạo nhằm dập tắt niềm vui được giao cảm với đời của cô. * Mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con dì ghẻ phát triển theo chiều hướng từ thấp đến cao. - Mọi đau khổ của Tấm bị đẩy lên tận cùng. - Sự độc ác của mẹ con dì ghẻ cũng được đẩy lên tận cùng. (Đoạn này giáo viên cần hướng dẫn học sinh hiểu về “nhân vật chức năng”- loại nhân vật nguyên phiến, bất biến, đảm nhiệm chức năng biểu tượng cho hai hạng người: giàu- nghèo, thiện - ác. Tấm đại diện cho nhân vật mang tính thiện. Mẹ con Cám đại diện cho cái ác). * Dự kiến trả lời: - Mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám phản ánh mâu thuẫn, xung đột thiện- ác trong xã hội.(Tấm và mẹ con Cám đại diện cho các lực lượng đối lập: dì ghẻ- con chồng, chị em cùng cha khác mẹ trong gia đình phụ quyền thời cổ; lực lượng đối lập thiện- ác trong xã hội). Đặc trưng của truyện cổ tích: Xung đột xã hội được thể hiện trên sân khấu gia đình. *Dự kiến trả lời: Dù lâu hay mau, dù gian nan khó khăn đến thế nào, song thiện nhất định thắng ác. Giải quyết nhờ sự giúp sức của yếu tố thần kì. Con đường đến với hạnh phúc của cô gái mồ côi *Dự kiến trả lời: Không. Vì trong xã hội người bóc lột người thì đau khổ của người mồ côi là có thực và phổ biến, còn hạnh phúc mà họ được hưởng thường hiếm hoi, chỉ là mơ ước - mơ ước về hạnh phúc thể hiện lòng lạc quan yêu đời, hi vọng về tương lai,về sự công bằng của nhân dân. Bằng con đường sử dụng yếu tố thần kì. *Dự kiến trả lời: Là những yếu tố siêu nhiên, sản phẩm do trí tưởng tượng của con người sáng tạo nên. Gồm: Nhân vật thần kì: Tiên, Bụt...; con vật thần kì: ngựa thần, chim thần, gà biết nói...; đồ vật thần kì: khăn thần, mâm thần,...; và sự hoá thân của nhân vật. *Dự kiến trả lời: - Không thể thiếu. - Giúp Tấm và đưa Tấm đạt tới đỉnh cao hạnh phúc: + Bụt, gà, chim sẻ: Giúp Tấm khi cô buồn tủi: Mất yếm đỏ, không tìm thấy xương cá bống, nhặt thóc ra khỏi gạo trộn, đi hội làng, gặp vua và trở thành hoàng hậu (hình ảnh cao nhất về hạnh phúc theo quan niệm của nhân dân.) + ông Bụt: Nhân vật tôn giáo (Phật giáo) đã được dân gian hoá, trở thành ông lão hiền lành, tốt bụng, xuất hiện đúng lúc để thực hiện mơ ước của nhân dân. Là nhân vật phù trợ, xuất hiện giúp nhân vật chính giải quyết khó khăn ,thúc đẩy cốt truyện phát triển. Về ý nghĩa xã hội: Bụt đền bù những thiệt thòi mà Tấm phải chịu; đóng vai trò tạo thêm sức mạnh cho Tấm đi đến thắng lợi sau này. Thể hiện triết lý “ở hiền gặp lành”- một triết lý phổ biến trong truyện cổ tích. (Giáo viên hướng dẫn học sinh hiểu nét đặc sắc của Tấm Cám khi không dừng ở kết thúc phổ biến trong các truyện cổ tích ở Châu Âu: Nhân vật trải qua thử thách với sự giúp đỡ của yếu tố thần kì và hưởng hạnh phúc.) 2/ Hướng dẫn học sinh tìm hiểu tiến trình II: Thái độ phản kháng và cuộc đấu tranh gian nan, quyết liệt để giành và giữ hạnh phúc của Tấm *Dự kiến trả lời: - Sự tàn nhẫn độc ác cùng với động cơ muốn chiếm đoạt tất cả những gì của Tấm khiến mẹ con Cám tìm mọi cách để tiêu diệt tận cùng sự tồn tại của Tấm: Chim vàng anh, xoan đào, khung cửi... - Từ sự bị động, phản ứng yếu ớt, Tấm đã có phản ứng mạnh mẽ hơn và cuối cùng đã hành động quyết liệt: + Trước kia: Khi bị bắt nạt, Tấm chỉ biết khóc (Thái độ phản kháng đầu tiên) + Bị mụ dì ghẻ chặt cau giết chết, linh hồn Tấm vùng dậy mạnh mẽ và quyết liệt, trở về cuộc đời đòi hạnh phúc. Sự hoá thân. *Dự kiến trả lời: - Phản ánh tính chất gay gắt, quyết liệt của cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác. - Thể hiện sức sống mãnh liệt, không thể bị tiêu diệt của cái thiện. + Hoá chim vàng anh để mắng Cám. + Hoá cây xoan đào, khung cửi: để rủa và tuyên chiến với Cám. + Hoá ra cây thị (quả thị) để trở về với đời. Cuộc chiến đấu giữa Tấm với mẹ con dì ghẻ gian nan, quyết liệt nhưng cuối cùng Tấm đã chiến thắng. Đó là chiến thắng tất yếu của cái thiện, của lòng nhân đạo và lạc quan theo quan niệm của nhân dân. * Dự kiến trả lời: - Tiến trình I: Mỗi lần Tấm khóc thì Bụt hiện lên giúp đỡ, ban tặng vật thần kì. (Bụt chỉ giúp Tấm trong giai đoạn trước khi Tấm chết) - Tiến trình II: + Bụt không xuất hiện, Tấm không khóc mà đấu tranh quyết liệt + Yếu tố thần kì đã được hoá thân vào sự bất tử của Tấm (Yếu tố thần kì không thay Tấm trong cuộc chiến đấu mà chỉ là nơi Tấm hoá thân để trở về đấu tranh với cái ác quyết liệt hơn mà thôi) Đây là chặng đời đẹp nhất, phong phú nhất và toàn vẹn nhất của Tấm vì nó thể hiện tập trung hành động chức năng của nhân vật (Nhân dân lao động gửi vào Tấm ý thức giành và giữ hạnh phúc của mình) * Dự kiến trả lời: - Khi nói đến mơ ước trong cổ tích, không thể thiếu vai trò của yếu tố thần kì. - Sau bao lần hoá thân, Tấm trở về với cuộc đời xinh đẹp hơn, trở thành hoàng hậu, còn mẹ con Cám bị tiêu diệt. +Phản ánh mơ ước “ở hiền gặp lành” của nhân dân. + Nêu triết lý: “ác giả ác báo”, phù hợp với mong ước của nhân dân về sự trừng phạt kẻ thù. Phản ánh mơ ước về sự công bằng xã hội: Người lương thiện không thể chết oan, phải được hưởng hạnh phúc, còn kẻ ác nhất định bị trừng phạt + Phản ánh quan niệm và mơ ước hết sức thực tế về hạnh phúc của người lao động: Hạnh phúc không phải là ở kiếp sau mà là phải tìm và giữ hạnh phúc thực sự ở ngay cõi đời này. (Giáo viên phải hướng dẫn cho học sinh hiểu: Sự hoá thân trong truyện không phải là để thể hiện thuyết luân hồi của nhà Phật: Truyện chỉ mượn cái vỏ bề ngoài để thể hiện mơ ước, tinh thần lạc quan của người lao động mà thôi. Bởi luân hồi nhà Phật là để chịu đau khổ do tội lỗi từ kiếp trước, rồi sau đó tìm hạnh phúc ở cõi Niết Bàn cực lạc. Còn cô Tấm chết đi sống lại nhiều lần không phải để chịu khổ đau, cũng không định tìm hạnh phúc mơ hồ ở cõi Niết Bàn mà quyết giành và giữ hạnh phúc ngay ở nơi trần thế. Điều đó thể hiện lòng yêu đời và tinh thần thực tế của người lao động khi sáng tạo cổ tích) + Kết thúc có hậu là biểu hiện cao nhất của mơ ước Những mơ ước trên biểu hiện tâm hồn lãng mạn, tinh thần lạc quan yêu đời và niềm khát khao vươn tới cái đẹp, cái thánh thiện của nhân dân lao động. 3/ Hướng dẫn học sinh hiểu về cách kết thúc truyện. (Giáo viên dạy theo bản kể của Chu Xuân Diên – Lê Chí Quế, đồng thời giới thiệu cho học sinh bản kể khác, có kết thúc Tấm giết chết Cám, làm mắm gửi cho dì ghẻ). */ Dự kiến trả lời: - Rất đích đáng. - Đây là môtip nghệ thuật cần phải có để thể hiện triết lý “ác giả ác báo” của người sáng tác. (Giáo viên phải giúp học sinh hiểu về đặc điểm nhân vật chức năng – Tấm: Tấm là nhân vật chức năng – hành động, được giao phó nhiệm vụ (thể hiện quan điểm mơ ước của nhân dân), phải bằng việc làm để đi đến cùng mục đích. Vẻ đẹp của nhân vật chức năng hành động không có liên quan gì đến việc nhân vật đó đã hoàn thành nhiệm vụ theo cách nào. Nhân vật Tấm chỉ tồn tại trong hành động và sáng giá trong hành động mà thôi. Sự trừng phạt của Tấm là thay mặt cái thiện, tiêu diệt cái ác, thể hiện cảm quan lãng mạn táo bạo của nhân dân) */ Hướng dẫn học sinh bộc lộ cảm xúc sau khi học: Dự kiến trả lời: - Yêu thích truyện Tấm Cám hơn - Truyện Tấm Cám là truyện cổ tích hay, có nhiều giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật - Truyện có ý nghĩa giáo dục (Nhận thức triết lý nhân sinh, sống lạc quan hơn...) III/ Hướng dẫn học sinh luyện tập *Dự kiến trả lời: - Đặc trưng cơ bản của truyện cổ tích thần kì. + Sự tham gia khá phổ biến của yếu tố thần kì: Tiên, Bụt, vật thần kì, con vật thần kì, biến hoá thần kì. + Kết cấu tương đối thống nhất: Dạng kết cấu phổ biến là nhân vật chính trải qua phiêu lưu, thử thách -> cuối cùng đạt được ý nguyện (Trở thành vua, hoàng hậu, hưởng hạnh phúc). Hai dạng kết cấu: - Truyện về người đi tìm -Truyện về nạn nhân. - Tấm Cám: + Kết cấu: thuộc loại kết cấu thứ hai: Trải qua hoạn nạn, thử thách -> hưởng hạnh phúc, làm hoàng hậu. (Kết cấu vừa tiêu biểu, vừa phong phú bởi sự tham gia của nhiểu chi tiết cụ thể sinh động) + Yếu tố thần kì: Nét đặc sắc: Có sự tham gia đầy đủ nhất của các yếu tố thần kì (So sánh với Cây tre trăm đốt: Bụt, cây tre thần kì Sọ Dừa : Biến hoá thần kì Cây khế : Con vật thần kì) Nét đặc sắc về nhân vật Bụt, sự hoá thân. * Kết thúc bài học Giáo viên hướng dẫn học sinh tự rút ra kết luận qua phần nội dung phân tích. Yêu cầu: Học sinh đọc phân vai đoạn cuối của tiến trình II Hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài ở nhà: Luyện tập, học bài cũ; Soạn “Chử Đồng Tử”. PHần kết luận Việc dạy - học văn có những khả năng giáo dục rất quan trọng, do đó đề ra những phương pháp và biện pháp cụ thể, thích hợp khi tiếp cận từng thể loại tác phẩm, phù hợp với đặc điểm tâm lý tiếp nhận của đối tượng học sinh... là một việc làm quan trọng và cần thiết. Tấm Cám là một truyện cổ tích hay và tiêu biểu nhất của Việt Nam. Năm 2003, Tấm Cám lại được đưa vào dạy trong chương trình sách giáo khoa thí điểm cho học sinh lớp 10 THPT. Với luận văn này, người viết xin góp một phần công sức vào việc nghiên cứu truyện cổ tích Tấm Cám trong nhà trường, để bàn luận, khẳng định và khơi sâu những giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Từ những cơ sở lí luận về: Đổi mới phương pháp dạy học văn; Tấm Cám trong nhà trường phổ thông; Đặc điểm tâm lí tiếp nhận Tấm Cám của học sinh lớp 10 THPT;Vai trò và tác dụng của yếu tố thần kì trong dạy học Tấm Cám. Từ việc “Khảo sát và đánh giá việc dạy và học Tấm Cám theo chương trình thí điểm ở trường THPT”. Người viết đã đề xuất “Phương hướng dạy học Tấm Cám từ việc nhận thức về vai trò và tác dụng của yếu tố thần kì”. Cách làm này đi từ lí luận, thực tiễn để tìm phương pháp, biện pháp thích hợp. Do đó đã đem lại giá trị lí luận và giá trị thực tiễn cho luận văn. Với yêu cầu của luận văn “Vai trò và tác dụng của yếu tố thần kì trong dạy học Tấm Cám nhằm phát huy năng lực nhận thức và cảm thụ thẩm mĩ cho học sinh lớp 10 THPT”, người viết đã đưa ra các biện pháp, cách thức hướng dẫn học sinh tìm hiểu theo tiến trình của cốt truyện, theo đặc trưng thi pháp loại thể (đặc biệt nhấn mạnh đặc điểm thi pháp về yếu tố thần kì) nhằm phát huy năng lực nhận thức và cảm thụ thẩm mĩ của các em từ đó nâng cao hiệu quả của việc dạy học truyện cổ tích trong nhà trường phổ thông. Thông qua những phương hướng và biện pháp đã đề xuất, người viết hi vọng với thiết kế thể nghiệm bài dạy Truyện cổ tích Tấm Cám theo sát tinh thần dạy học mới sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế của các bài dạy Tấm Cám hiện nay. Từ đó mà có khả năng phát huy một cách tối đa năng lực tiếp nhận sáng tạo, khả năng tiếp nhận chủ động của học sinh và tích cực hoá hoạt động của các em trên lớp. Đồng thời cũng có thể nâng cao được “tầm đón nhận” của học sinh, rút ngắn được “khoảng cách thẩm mĩ” giữa học sinh với truyện cổ tích có từ “ngày xửa ngày xưa”, phù hợp với tâm lí tiếp nhận của học sinh, đưa các em đến và nhập vào “thế giới cổ tích” bằng con đường ngắn nhất. Đó là con đường vận động bên trong của cảm xúc, của tư duy nghệ thuật thông qua các hoạt động tri giác, liên tưởng, tưởng tượng, phân tích, tổng hợp.... Với phương pháp và biện pháp này, học sinh sẽ trở thành trung tâm, thành “bạn đọc sáng tạo” đích thực trong giờ học. Việc nhận thức và cảm thụ cái hay, cái đẹp trong truyện Tấm Cám của các em trở thành quá trình tự giác. Các em sẽ có hứng thú và tự giác biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo để “phát huy năng lực nhận thức và cảm thụ thẩm mĩ”, để thanh lọc, phát triển nhân cách, niềm tin cũng như trình độ am hiểu văn chương. Do đó hiệu quả tác động thẩm mĩ trong giờ dạy được nâng lên rõ rệt. Mặc dù đã nỗ lực cố gắng hết sức, song người viết biết rằng những suy nghĩ, tìm tòi của bản thân về vấn đề này không tránh khỏi những thiếu sót. Người viết mong nhận được những góp ý chân thành để có dịp sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn việc nghiên cứu của mình. thư mục tham khảo 1. Hà Châu : Về đặc điểm thẩm mĩ của truyện cổ tích thần kì ở Việt Nam. Tạp chí Văn học số 5 - 1972. 2. Nguyễn Đổng Chi : Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (5 tập) NXB KHXH. 1972 - 1982 3. Nguyễn Viết Chữ : Phương pháp dạy học tác phẩm văn chương (theo loại thể) - Nxb ĐHQG Hà Nội - 2001 4. Chu Xuân Diên Lê Chí Quế : Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam - Nxb ĐHQG Hà Nội - 1996 5. Chu Xuân Diên : Văn hoá dân gian. Mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại - Nxb Giáo dục - 2001. Lương Văn Đang Đinh Thái Hương : Giảng văn I - Nxb ĐH và THCN - H - 1982. Nguyễn Xuân Đức : Những vấn đề thi pháp văn học dân gian. Nxb KHXH - 2003. Trần Thanh Đạm : Vấn đề giảng dạy tác phẩm theo loại thể. Nxb Giáo dục - H - 1971 Hoàng Ngọc Hiến : Giảng truyện Tấm Cám ở trường phổ thông. Báo Giáo dục và Thời đại số 29. Ngày 18/7/1994. Lê Văn Hồng (chủ biên) : Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội - 1997. Nguyễn Thanh Hùng : Văn học và nhân cách - Nxb Văn học - H. 1995. Nguyễn Thanh Hùng : Đọc văn và tiếp nhận văn chương - Nxb Giáo dục - H.2002. Nguyễn Thanh Hùng : Hiểu văn - Dạy văn - Nxb Giáo dục - H. 2003 Nguyễn Thị Thanh Hương : Dạy học văn ở trường phổ thông - Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội - 2001. Đinh Gia Khánh : Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám - Nxb Giáo dục - H. 1968. Vũ Ngọc Khánh (Chủ biên) : Sách giáo viên văn 7 - Tập I - Nxb Giáo dục. 1987. 17. Nguyễn Xuân Lạc : Thử đề xuất một cách tiếp cận truyện Tấm theo tinh thần Phôncơlo học - TC văn hoá dân gian. Số 3 - 1991. 18. Nguyễn Xuân Lạc : Văn học dân gian trong nhà trường. Nxb Giáo dục - 1998. 19. Phan Trọng Luận : Cảm thụ văn học, giảng dạy văn học - Nxb Giáo dục. H - 1993. 20. Phan Trọng Luận (Chủ biên) : Phương pháp dạy học văn - Tập I - Nxb Giáo dục - H. 2001. 21. Phan Trọng Luận : Thiết kế bài học tác phẩm văn chương ở nhà trường phổ thông. Tập I. Nxb Giáo dục - H. 2002. 22. Tăng Kim Ngân : Cổ tích thần kì người Việt - đặc điểm cấu tạo và cốt truyện. Nxb KHXH - H. 1997. 23. Phạm Xuân Nguyên : Đôi điều suy nghĩ về truyện Tấm Cám. TC Văn hóa dân gian - Số 2. 1994. 24. Lê Trường Phát : Thi pháp văn học dân gian - Nxb Giáo dục. H. 2000 25. Rer.Z.Ia : Phương pháp văn học dân gian - Nxb Giáo dục - H. 2000 26. Đặng Thiêm : Trao đổi về giảng truyện Tấm Cám ở trường phổ thông Báo Giáo dục và Thời đại số 34. 22/8/1994. 27. Bùi Văn Tiếng : Bàn về cách ứng xử nghệ thuật của truyện cổ tích Tấm Cám. Báo Giáo dục và Thời đại số 39 - 26/9/1994. 28. Đỗ Bình Trị : Phân tích tác phẩm văn học dân gian - Nxb Giáo dục - H - 1995. 29. Hoàng Tiến Tựu : Mấy vấn đề phương pháp giảng dạy nghiên cứu văn học dân gian - Nxb Giáo dục - 1997. 30. Hoàng Tiến Tựu : Bình giảng truyện dân gian - Nxb Giáo dục - H. 1998. 31. Phạm Thu Yến (chủ biên) : Giáo trình văn học dân gian - Nxb Đại học sư phạm Hà Nội - H. 2002 ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docV0050.doc
Tài liệu liên quan