Tài liệu Đánh giá hiệu quả thực hiện giải pháp thu hồi nhiệt thải trong chương trình Tiết kiệm năng lượng tại Công ty Cao su Sao Vàng: ... Ebook Đánh giá hiệu quả thực hiện giải pháp thu hồi nhiệt thải trong chương trình Tiết kiệm năng lượng tại Công ty Cao su Sao Vàng
71 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1390 | Lượt tải: 1
Tóm tắt tài liệu Đánh giá hiệu quả thực hiện giải pháp thu hồi nhiệt thải trong chương trình Tiết kiệm năng lượng tại Công ty Cao su Sao Vàng, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
Lý do chọn đề tài
Năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng và tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của tất cả các nước trên thế giới. Điều này càng trở nên đúng hơn trong bối cảnh nguồn năng lượng trên thế giới đang ngày càng trở nên cạn kiệt và xuất hiện nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do sử dụng quá nhiều năng lượng. Mà hạn chế lớn nhất của việc sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch nói chung, than và dầu khí nói riêng là gây ra ô nhiễm môi trường do sự phát thải SO2, COx, NOx ... Với ước tính 80% các phát thải CO2 do con người gây ra đều do sự đốt các nhiên liệu hóa thạch, sự sử dụng năng lượng của thế giới đã trở thành tiêu điểm của các cuộc thảo luận về thay đổi khí hậu toàn cầu. Dự báo, phát thải CO2 sẽ tăng từ 6,1 tỷ tấn carbon tương đương năm 1999 lên 7,9 tỷ tấn năm 2010; và 9,9 tỷ tấn năm 2020.
Hiện nay, nhiều ngành công nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ đói năng lượng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do giá dầu mỏ trên thế giới leo thang đến mức kỷ lục. Những dự báo của các chuyên gia năng lượng cho thấy từ nay trở đi, loài người sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt dầu lửa và tình trạng căng thẳng gay gắt sẽ diễn ra vào khoảng năm 2020, khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng trong khi các giếng dầu hiện có bắt đầu cạn. Dự báo giá dầu sẽ lên đến mức 380 USD/thùng vào thời kỳ đó.
Như vậy, vấn đề kinh tế năng lượng đang là vấn đề của toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp tiết kiệm và những nguồn năng lượng mới. Đối với Việt Nam, vấn đề tiết kiệm năng lượng đang được xem xét và có thể sẽ được đặt lên hàng đầu trong những năm tới. Do đó, vấn đề cấp bách đặt ra cho các doanh nghiệp là làm thế nào để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn năng lượng, giảm thiểu được lượng khí thải ra môi trường do đốt cháy nhiên liệu nhằm đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường mà không ảnh hưởng đến lợi nhuận thu được?
Với mong muốn áp dụng những kiến thức đã được học từ chuyên ngành Kinh tế quản lý Tài nguyên Môi trường và Đô thị để tìm hiểu sâu hơn vấn đề trên, cùng với quá trình tìm hiểu thực tế tại công ty Cao su Sao Vàng, tôi đã chọn đề tài: “Đánh giá hiệu quả thực hiện giải pháp thu hồi nhiệt thải trong chương trình Tiết kiệm năng lượng tại công ty Cao su Sao Vàng”.
Mục đích nghiên cứu của đề tài
Nhằm đánh giá hiệu quả việc thực hiện giải pháp thu hồi nhiệt thải để chứng minh việc đầu tư vào những giải pháp có mục tiêu bảo vệ môi trường sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, không chỉ về mặt kinh tế mà còn thu được lợi ích xã hội – môi trường.
Đối tượng nghiên cứu
Giải pháp thu hồi nhiệt thải từ nước xả lò hơi để gia nhiệt cho nước cấp đầu vào của lò hơi.
Phạm vi nghiên cứu
Chuyên đề đi sâu vào nghiên cứu quá trình sản xuất và các hoạt động liên quan đến việc thu hồi nhiệt thải tại công ty Cao su Sao Vàng. Thời gian nghiên cứu từ năm 2005 đến năm 2006.
Phương pháp nghiên cứu
Trong chuyên đề này tôi đã sử dụng phương pháp phân tích tài chính để đánh giá hiệu quả của giải pháp thu hồi nhiệt thải, đồng thời có sự bổ sung đầy đủ hơn về các chi phí - lợi ích môi trường. Ngoài ra, còn sử dụng phương pháp thu thập điều tra từ các nguồn khác, phỏng vấn trực tiếp, phương pháp phân tích tổng hợp
Nội dung chuyên đề:
Ngoài phần mở đầu và kết luận, chuyên đề gồm 3 chương :
Chương I: Những vấn đề chung về tiết kiệm năng lượng và đánh giá hiệu quả dự án.
Chương II: Chương trình Tiết kiệm năng lượng tại công ty Cao su Sao Vàng
Chương III: Đánh giá hiệu quả thực hiện giải pháp thu hồi nhiệt thải tại công ty Cao su Sao Vàng.
Lời cảm ơn
Trong suốt quá trình thực tập cũng như thực hiện chuyên đề tốt nghiệp, tôi đã nhận được sự giúp đỡ và hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo chuyên ngành, các cán bộ của Trung tâm Năng suất Việt Nam. Tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc tới:
Tiến sĩ Lê Thu Hoa, Giảng viên khoa Kinh tế Quản lý Tài nguyên Môi trường và Đô thị (KT-QLTNMT&ĐT), giáo viên hướng dẫn.
Ông Lê Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam, cán bộ hướng dẫn.
Thạc sĩ Lê Thị Thoa, cán bộ Trung tâm Năng suất Việt Nam (VPC)
KS. Trịnh Minh Thông, cán bộ Ban tiết kiệm năng lượng công ty Cao su Sao Vàng.
Và các thầy cô trong khoa KT-QLTNMT&ĐT cũng như các cán bộ ở VPC.
CHƯƠNG I :
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ DỰ ÁN
TỔNG QUAN VỀ TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG
Khái niệm về Năng lượng và Tiết kiệm năng lượng
Năng lượng là dạng vật chất có khả năng sinh công, bao gồm nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu, khí đốt và nguồn năng lượng thứ cấp là nhiệt năng và điện năng được sinh ra thông qua quá trình chuyển hoá năng lượng
Trong chu trình chuyển hoá lý tưởng thì năng lượng được bảo tồn, nghĩa là không có tổn thất trong tất cả các khâu chuyển hoá năng lượng. Tuy nhiên, trong thực tế bao giờ cũng xảy ra các tổn thất trong từng khâu chuyển hoá. Các biện pháp làm giảm tổn thất trong các quá trình chuyển hoá được gọi là tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm năng lượng là đảm bảo thoả mãn nhu cầu năng lượng của các quá trình sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt với mức tiêu thụ năng lượng ít nhất và hiệu quả kinh tế cao nhất.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia, đồng thời giảm chi phí năng lượng, tăng khả năng cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hoá và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của một doanh nghiệp không chỉ được xác định bởi lượng tiêu thụ năng lượng mà cả hiệu quả kinh tế đạt được nhờ việc cải tiến bộ máy quản lý, thay thế hoặc hiện đại hoá máy móc thiết bị. Thông thường các biện pháp tiết kiệm năng lượng được thực hiện theo 3 mức đầu tư: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Đầu tư ngắn hạn là thực hiện các biện pháp chủ yếu như cải tiến chế độ quản lý năng lượng, tổ chức sản xuất hợp lý, sửa chữa nhỏ, cải thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng, chuyển thiết bị phụ trợ sang chế độ kinh tế, chuyển máy biến áp non tải sang chế độ dự phòng nguội, hạn chế sử dụng điện năng để sưởi nóng, chèn kín cửa kính, kẽ hở cửa ra vào, hoàn thiện bảo ôn đường ống cung cấp nhiệt, rửa và làm sạch thiết bị thu nhiệt, cách nhiệt tốt tủ lạnh... Các biện pháp về tiết kiệm năng lượng với chi phí nhỏ chỉ chiếm dưới 5% tổng tiềm năng tiết kiệm năng lượng. Các biện pháp này được thực hiện trong thời gian khoảng 2 - 3 tháng.
Đầu tư trung hạn bao gồm cải tạo, nâng cấp hoặc đổi mới từng phần các thiết bị đang làm việc nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng, như thay đổi bảo ôn, thu hồi nhiệt, thay thế các bộ phận đã cũ, thay thế các động cơ điện non tải và áp dụng bộ truyền động điều chỉnh kiểu tần số ở các công trình có phụ tải biến động... Các biện pháp chi phí trung bình cho công tác tiết kiệm năng lượng thường chiếm tới 15 - 20% tổng tiềm năng tiết kiệm năng lượng, thực hiện trong khoảng từ 1-2 năm và được hoàn vốn trong 3 năm. Để thực thi các biện pháp chi phí trung bình cần có kế hoạch chi tiết và lập các bản vẽ thi công.
Đầu tư dài hạn bao gồm nâng cấp thiết bị hoặc thay đổi công nghệ, thiết bị mới. Biện pháp này thường cần vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên các doanh nghiệp cần phải xem xét kỹ tính khả thi về kinh tế, các yếu tố về môi trường và an toàn sức khỏe nghề nghiệp. Các biện pháp chi phí lớn về tiết kiệm năng lượng về mặt lý thuyết mang lại tới 75% tiềm năng tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên chi phí cho các biện pháp đó là tương đối lớn và trong nhiều trường hợp, vượt quá chi phí xây dựng nhà máy, phân xưởng mới. Sở dĩ có tình trạng đó là vì trong ngành công nghiệp các biện pháp chi phí lớn về tiết kiệm năng lượng liên quan tới việc thay đổi công nghệ của sản xuất chính, đòi hỏi thay thế các thiết bị đắt tiền và chỉ có thể thực hiện khi cải tạo đầu tư mới xí nghiệp.
Các giải pháp Tiết kiệm năng lượng
Hiện nay, một số doanh nghiệp đã và đang thực hiện chương trình tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng bằng các biện pháp chủ yếu sau:
Cải tiến, hợp lý hóa quá trình đốt nhiên liệu; gia nhiệt, làm lạnh và chuyển hóa nhiệt năng
Giảm tổn thất nhiệt
Giảm tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện năng
Thu hồi năng lượng của chu trình thải để sử dụng lại như thu hồi nhiệt từ khói thải để sấy sản phẩm hoặc phát điện
Giảm tiêu thụ năng lượng bằng cách sử dụng thiết bị hoặc công nghệ có hiệu suất cao như sử dụng đèn, động cơ, lò hơi... có hiệu suất cao, hoặc dùng công nghệ khô thay cho công nghệ ướt trong sản xuất xi măng...
Giảm tiêu thụ năng lượng nhờ hợp lý hóa quá trình sản xuất do đó nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng
Phát triển, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, thủy triều, địa nhiệt...) để tiết kiệm các nguồn nhięn liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt.
Các giải pháp Tiết kiệm năng lượng được áp dụng tại các doanh nghiệp đã và đang mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và nâng cao được tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng sẽ giúp giảm được sự tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường
TÌNH HÌNH ÁP DỤNG TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM.
Tình hình áp dụng Tiết kiệm năng lượng trên thế giới
Những cuộc khủng hoảng năng lượng trong các thập kỷ qua đã chứng minh Năng lượng là một vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội của tất cả các nước trên thế giới.
Theo “Triển vọng năng lượng quốc tế 2002” (IEO 2002), tiêu thụ năng lượng của thế giới dự báo sẽ tăng 60% trong thời gian 21 năm, kể từ 1999 đến 2020 (thời kỳ dự báo). Đặc biệt, nhu cầu năng lượng của các nước đang phát triển ở châu Á và Trung Nam Mỹ, dự báo có thể sẽ tăng gấp hơn bốn lần trong thời gian từ 1999 tới 2020, chiếm khoảng một nửa tổng dự báo gia tăng tiêu thụ năng lượng của thế giới và khoảng 83% tổng gia tăng năng lượng của riêng thế giới đang phát triển. Giá dầu mỏ đang ngày càng tăng cao trong khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu này của các quốc gia cũng không ngừng tăng lên, điều này đã gây sức ép buộc nhiều nước phải thực thi kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng thay thế nhằm giảm sự phụ thuộc dầu mỏ, khí đốt; đồng thời thi hành các biện pháp nhằm tiết kiệm năng lượng.
Một trong số các nước tiết kiệm năng lượng nhất thế giới phải kể đến là Nhật Bản. Là nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiêu thụ nhiều năng lượng, nhưng Nhật Bản hoàn toàn không có dầu mỏ và khí đốt. 96% năng lượng sử dụng trong nền kinh tế và phục vụ sinh hoạt hằng ngày ở Nhật Bản phải nhập khẩu. Việc phụ thuộc lớn nguồn năng lượng bên ngoài khiến cho nước này nhận thức được tầm quan trọng của tiết kiệm sử dụng năng lượng có hiệu quả cao.
Từ năm 1973 đến nay sản xuất công nghiệp của Nhật Bản tăng gần gấp ba lần, nhưng mức năng lượng sử dụng hầu như không đổi. Ðể sản xuất khối lượng sản phẩm công nghiệp bằng Nhật Bản, Trung Quốc phải sử dụng lượng năng lượng gấp 11,5 lần. Các nhà máy sản xuất giấy của Nhật Bản đầu tư cho những thùng kim loại có thể đốt nóng bằng giấy thải, củi và nhựa phế thải. Trong vòng hai năm, có tới một nửa sản lượng điện sử dụng trong các nhà máy giấy được sản xuất từ rác thải.
Tháng 3 năm 2005, chính phủ Nhật Bản đã phát động một chiến dịch trong toàn quốc nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị định thư Kyoto về cắt giảm 6% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mức của năm 1990 vào năm 2012. Trong lĩnh vực giao thông và sinh hoạt đời sống, nhu cầu sử dụng năng lượng cao hơn nhiều so với lĩnh vực công nghiệp. Ðể tiết kiệm và sử dụng năng lượng có hiệu quả, chính phủ Nhật Bản chủ trương tăng thuế nhiên liệu lên 1,25 USD một lít xăng, mức cao nhất trong một thập niên; đồng thời giảm thuế đối với ô tô cỡ nhỏ và loại xe mới có các bộ phận không đồng bộ nhưng tiết kiệm nhiên liệu, trên cơ sở kết hợp giữa một động cơ chạy xăng và một động cơ chạy điện. Việc bán loại xe này ở Nhật Bản đang tăng mạnh.
Nhật Bản cũng trợ cấp khoảng 1,3 tỷ USD để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cho 160 nghìn gia đình. Hiện nay việc cung cấp năng lượng mặt trời với chi phí cao hơn từ hai đến ba lần việc cung cấp điện năng cho các hộ gia đình. Nhưng các chủ sở hữu nhà cho rằng cùng với thời gian, nguồn năng lượng này sẽ trang trải những phí tổn về thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời. Chính phủ Nhật Bản muốn miễn thuế cho cố gắng phát triển nguồn năng lượng này; vạch kế hoạch tăng sản lượng năng lượng mặt trời lên 15 lần trong thập kỷ này. Với chủ trương tiết kiệm dầu mỏ phải bắt đầu từ mỗi gia đình, Nhật Bản chủ trương cắt giảm việc sử dụng năng lượng đối với bốn loại đồ dùng gia đình thông dụng. Chủ trương nói trên được các hãng sản xuất đồ dùng điện của Nhật Bản hưởng ứng, với việc sản xuất và bán ra các sản phẩm mới tiết kiệm năng lượng.
Ngoài Nhật Bản, các nước có nguồn năng lượng nội địa ít cũng thi hành chính sách tiết kiệm năng lượng. Tại Singapore, nơi máy điều hòa không khí chiếm tới 60% chi phí năng lượng của mỗi gia đình, một đạo luật mới được ban hành khuyến khích việc tiết kiệm năng lượng thông qua việc sử dụng kính cửa sổ phủ phản quang và kết nối hệ thống hạ nhiệt của ngôi nhà với hệ thống làm hạ nhiệt của hàng xóm, nơi nước được làm lạnh qua đêm.
Ở Hồng Công, ngày càng nhiều tòa nhà được lắp đặt hệ thống quạt "thông minh", trong đó máy tính giảm thiểu số lần dừng không cần thiết. Chính quyền Hồng Công cũng khuyến khích việc sản xuất và sử dụng loại ô-tô kết hợp động cơ chạy xăng với động cơ chạy điện.
Ðầu tháng sáu năm 2005, Trung Quốc đã thành lập Ban chỉ đạo năng lượng quốc gia do Thủ tướng Ôn Gia Bảo làm Trưởng ban. Hội nghị lần thứ nhất Ban chỉ đạo công tác năng lượng quốc gia xác định công tác năng lượng của Trung Quốc trong thời kỳ trước mắt bao gồm tăng cường nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển trung hạn và dài hạn năng lượng; phân phối hợp lý nguồn năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng mới và năng lượng có khả năng tái sinh, triệt để tiết kiệm năng lượng...
Chính phủ Pháp dự định hạn chế tốc độ xe cộ chạy trên đường cao tốc từ 130 km/h xuống 115 km/h, đồng thời hợp tác với các chuyên gia phát triển các chương trình mới về khai thác nguồn năng lượng "phi truyền thống". Tây Ban Nha đặt mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng 8,5% trong giai đoạn 2005-2007, khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các loại xe nhỏ nhằm giảm tiêu hao nhiên liệu. Philippin yêu cầu tất cả cơ quan giảm ít nhất 10% năng lượng tiêu thụ. Năm 2005 tổng chi phí nhập khẩu dầu của nước này tốn ít nhất 5,5 tỷ USD. Indonesia thì xem xét giảm trợ cấp giá nhiên liệu, hiện khoản tiền này ước khoảng 6,4 tỷ USD mỗi năm.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều quốc gia tăng cường phát triển những nguồn năng lượng có khả năng tái sinh như thuỷ năng, gió, ánh sáng mặt trời… Năm 2000, nước Đức đã ban bố Luật phát triển năng lượng có khả năng tái sinh. Theo luật này các công ty nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng được chính phủ trợ cấp kinh phí làm cho việc nghiên cứu phát triển và sử dụng nhiều loại năng lượng có khả năng tái sinh ở Đức thu được kết quả nổi bật. Năm 2003, Đức đã hoàn thành kế hoạch phát điện bằng năng lượng mặt trời tại 100 nóc nhà và còn tăng cường các biện pháp khác để phát triển và đưa vào sử dụng nguồn năng lượng này. Hiện nay, Đức là nước đứng đầu thế giới sử dụng năng lượng gió. Sản lượng điện bằng sức gió của Đức chiếm khoảng một phần ba tổng sản lượng điện bằng sức gió của thế giới và 4% tổng sản lượng sản xuất ra trong nước. Đức đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp điện bằng sức gió tại các khu vực ven biển.
Những dự báo của các chuyên gia năng lượng cho thấy từ nay trở đi, loài người sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt dầu lửa và tình trạng căng thẳng gay gắt sẽ diễn ra vào khoảng năm 2020, khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng trong khi các giếng dầu hiện có bắt đầu cạn. Dự báo giá dầu sẽ lên đến mức 380 USD/thùng vào thời kỳ đó. Vì vậy nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những chiến lược an ninh năng lượng dài hạn dựa trên những diễn biến mới nhất này và việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm triệt để năng lượng là xu hướng tất yếu của cả loài người.
Tình hình áp dụng tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam
Hiện nay, mức tiêu tốn năng lượng trên một đơn vị sản phẩm của doanh nghiệp ở Việt Nam là quá cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, cùng một đơn vị sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam phải tiêu tốn một lượng năng lượng bằng 1,5 ¸ 1,7 lần so với các doanh nghiệp Thái Lan, Malaysia. Bộ Công nghiệp đã khảo sát tại một số nhà máy sản xuất xi măng, thép, sành sứ, hàng tiêu dùng, kết quả cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt đến 20%. Nếu tính với mức sử dụng năng lượng trong công nghiệp chiếm khoảng 40% so với tổng nhu cầu năng lượng thương mại hiện nay (xấp xỉ 19 triệu tấn), số tiền tiết kiệm được có thể tới 13,5 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đây là một giá trị không nhỏ, chưa tính đến tiềm năng tiết kiệm trong sinh hoạt và dịch vụ.
Để đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngày 03/09/2003 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 102/2003/NĐ-CP về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành sản xuất và dân dụng. Ngày 1/7/2004, Bộ Công nghiệp đã ban hành Thông tư 01/2004/TT-BCN hướng dẫn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các cơ sở sản xuất.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đưa ra ý kiến cho rằng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng tăng ở Việt Nam đang tạo ra sức ép lớn đối với năng lực cung cấp năng lượng của quốc gia vốn đã phát huy hết công suất. Nếu năng lượng không được sử dụng một cách bền vững hơn thì có thể Việt Nam không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về năng lượng của quốc gia. Vì vậy, ngày 21/10/2005, UNDP và Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt dự án "Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam” nhằm giải quyết vấn đề trên. Dự án 5 năm này sẽ tiếp tục hỗ trợ khu vực doanh nghiệp trong việc tiết kiệm năng lượng và góp phần giảm thiểu sự phát thải khí CO2.
Có khoảng 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc 5 lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng, kể cả ngành sản xuất gạch ngói và gốm sứ, sẽ tham gia tiến hành các biện pháp thí điểm do dự án hỗ trợ nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng thông qua các hoạt động đào tạo và dịch vụ về kỹ thuật. Một quỹ trị giá hơn 1,9 triệu USD sẽ được thiết lập để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với các nguồn vốn vay và tín dụng trong nước để phục vụ cho các dự án tiết kiệm năng lượng riêng của họ. Việc thực hiện thành công dự án này sẽ mang lại kết quả là tiết kiệm được một khoản năng lượng tổng cộng tương đương với 136 nghìn tấn dầu và giảm mức độ phát thải khí CO2 hàng năm là 962 nghìn tấn trong giai đoạn 2006 - 2010.
Bộ Công nghiệp đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Chương trình quốc gia về tiết kiệm năng lượng với một loạt các chính sách liên quan đến mọi bộ ngành. Các nội dung được đề cập đến là hình thành cuộc vận động toàn xã hội xây dựng tác phong sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả; đưa các nội dung của chương trình vào hệ thống giáo dục quốc gia; phát triển và phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà chế tạo trong nước hiện đại hóa công nghệ, nâng cao tính năng của các thiết bị sử dụng năng lượng được sản xuất; xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện Chương trình do một Phó thủ tướng đứng đầu sẽ được thành lập, cả nước sẽ có 8 trung tâm tiết kiệm năng lượng đặt tại 3 miền.
Bên cạnh các hình thức tuyên truyền, doanh nghiệp chế tạo, nhập khẩu sẽ được hưởng cơ chế ưu đãi để đưa ra thị trường các trang thiết bị hiệu suất cao; bắt đầu từ năm 2007 Bộ sẽ tổ chức dán nhãn tiết kiệm cho các loại thiết bị sử dụng năng lượng điển hình là quạt điện, động cơ điện, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh.Nhà nước sẽ ban hành biểu giá năng lượng phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực nhằm khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm và hiệu quả.
Để thực hiện chiến dịch trên, 100% các toà nhà xây dựng mới từ 2006 sẽ phải thực hiện việc quản lý theo Quy chuẩn xây dựng VN "các công trình sử dụng năng lượng có hiệu quả". Bên cạnh đó, Bộ Giao thông sẽ triển khai các biện pháp giảm tổng mức sử dụng nhiên liệu than dầu và điện năng như hạn chế xe cá nhân, tăng cường phương tiện vận tải công cộng có năng lực chuyên chở cao.
Chương trình có mục tiêu tiết kiệm từ 3 - 5% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2006 - 2010 và 5 - 8% trong giai đoạn 2011 - 2015. Theo Bộ Công nghiệp, việc triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam sẽ đáp ứng yêu cầu tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, tiêu dùng, giảm mức đầu tư rất cao hiện nay cho sản xuất năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường cũng như thực hiện các cam kết trong các công ước quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã gia nhập.
ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ DỰ ÁN
Khái niệm
Đánh giá hiệu quả dự án là xem xét mức độ đóng góp của dự án từ các góc độ khác nhau: cá nhân, cộng đồng và toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Phân tích tài chính là phân tích, đánh giá hiệu quả của dự án dưới góc độ của nhà đầu tư . Mối quan tâm chủ yếu của các nhà đầu tư là thu được lợi nhuận từ dự án, do đó trong phân tích tài chính thường chỉ xét tới những chi phí - lợi ích trực tiếp mà không bao gồm những chi phí cơ hội, chi phí - lợi ích về xã hội-môi trường. Phân tích tài chính nhằm cung cấp những thông tin cần thiết về tình hình, kết quả và hiệu quả hoạt động của dự án để các chủ đầu tư đưa ra quyết định đúng đắn. Mục tiêu của phân tích tài chính là xác định chi phí - lợi ích của dự án, tính toán các chỉ tiêu cần thiết để đánh giá dự án. Giá cả được sử dụng trong phân tích tài chính là giá cả thị trường thực tế.
Phân tích kinh tế là sự mở rộng của phân tích tài chính với chủ thể là toàn xã hội, vì vậy ngoài việc xem xét, đánh giá hiệu quả về mặt tài chính thì phải quan tâm đến những hiệu quả về mặt xã hội – môi trường mà dự án mang lại. Chi phí trong phân tích kinh tế được thể hiện bằng các giá trị sử dụng mà xã hội mất đi khi đưa các nguồn lực vào dự án, đó là các chi phí cơ hội hay chi phí sử dụng. Lợi ích kinh tế - xã hội chính là kết quả so sánh giữa lợi ích do dự án tạo ra và cái giá xã hôi phải trả trong việc sử dụng các nguồn lực sẵn có của mình một cách tốt nhất trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Phương pháp phân tích kinh tế thường được sử dụng để đánh giá hiệu quả và lựa chọn thực hiện các dự án do Nhà nước tài trợ, cấp kinh phí, đặc biệt là các dự án đầu tư nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường. Mục tiêu của phân tích kinh tế là đánh giá những đóng góp thực sự của dự án cho nền kinh tế. Vì vậy, giá cả sử dụng trong phân tích kinh tế thường là giá thị trường đã được điều chỉnh, tức là giá mà tại đó lợi ích cận biên của người tiêu dùng bằng chi phí cận biên của người sản xuất ra hàng hoá.
Trong chuyên đề này, do hạn chế về trình độ đánh giá và gặp phải những khó khăn trong việc điều tra, thu thập, lượng hoá những số liệu cần thiết liên quan đên đề tài nên tôi sử dụng phương pháp phân tích tài chính để đánh giá. Bên cạnh đó, tôi có xem xét đến cả những chi phí - lợi ích môi trường.
Các bước đánh giá hiệu quả
Xác định chi phí - lợi ích
Trong bước này chúng ta cần phải lập một danh mục đầy đủ về các khoản chi phí-lợi ích có thể phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Việc xác định các chi phí - lợi ích được tiến hành theo nguyên tắc: tất cả những gì làm tăng mục tiêu là lợi ích, còn tất cả những gì làm giảm mục tiêu là chi phí.
Nội dung cơ bản của xác định chi phí - lợi ích bao gồm:
Xác định tổng chi phí bao gồm chi phí đầu tư ban đầu, chi phí vận hành hàng năm. Chi phí đầu tư ban đầu như chi phí mua trang thiết bi, lắp đặt trang thiết bị, đào tạo. Chi phí vận hành hàng năm gồm chi phí cho nguyên nhiên liệu, năng lượng và lao động. Đặc biệt, khi xem xét chi phí vận hành hàng năm cần phải tính tới tất cả các yếu tố chịu tác động của dự án. Điều này nhằm làm tăng tính chính xác của việc xác định khả năng sinh lời của dự án.
Xác định tổng lợi ích của dự án bao gồm phần tiết kiệm được và thu nhập hàng năm.
Đối với dự án đầu tư có liên quan đến môi trường cần phải xác định, đánh giá tất cả các khoản mục thích hợp và quan trọng mà dự án tác động tới. Do những khoản chi phí như chi phí nguyên liệu, chi phí quản lý chất thải hay chi phí ít hữu hình hơn thường rất khó xác định và dễ bị phân bổ sai trong sổ sách kế toán. Trong nhiều trường hợp khác, có những loại chi phí có thể thiếu trong sổ sách kế toán mà khi xác định chi phí chúng ta không thể có số liệu, thường những chi phí này là chi phí ít hữu hình hơn như chi phí tuân thủ các quy định luật pháp trong tương lai, hình ảnh có tính tiêu cực của doanh nghiệp đầu tư,…
Đánh giá chi phí - lợi ích
Đánh giá chi phí - lợi ích của dự án đầu tư phải thể hiện được kết quả của hoạt động đầu tư, do đó mỗi khoản chi phí và lợi ích đã được xác định ở bước trên phải quy đổi lượng hoá thành tiền. Từ đó tạo cơ sở để tính toán xác định hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên trong thực tế có những chi phí rất khó lượng hoá thành tiền như hình ảnh của công ty, chi phí do những tác động từ môi trường,…
Lập bảng thể hiện chi phí - lợi ích theo thời gian
Lập bảng chi phí - lợi ích là quá trình liệt kê các kết quả theo năm phát sinh và tính toán lợi ích ròng hàng năm giúp cho người phân tích hiểu được dòng lợi ích và chi phí theo thời gian.
Năm
Khoản mục
1
…
…
n
Tổng chi phí
C1
…
…
Cn
Tổng lợi ích
B1
…
…
Bn
Lợi ích ròng hàng năm
(B1- C1)
…
…
(Bn - Cn)
Đánh giá các chỉ tiêu
Trên cơ sở các chi phí - lợi ích đã xác định được, chúng ta sẽ tính toán các chỉ tiêu tài chính như giá trị hiện tại ròng (NPV), thời gian hoàn vốn (PB), hệ số hoàn vốn nội bộ (IRR), tỷ suất lợi ích – chi phí (BCR). Căn cứ vào các chỉ tiêu đó sẽ đánh giá được một cách chính xác hiệu quả mà dự án đầu tư mang lại. Tuy nhiên, chi phí và lợi ích của dự án lại phát sinh vào những thời điểm khác nhau, do đó trước khi đánh giá các chỉ tiêu phải chọn được biến thời gian và tỉ lệ chiết khấu thích hợp.
Chọn biến thời gian thích hợp: Khi đánh giá hiệu quả tài chính của các dự án, chủ đầu tư phải xem xét, phân tích các chỉ tiêu trong khoảng thời gian thích hợp để có thể bao hàm hết mọi lợi ích và chi phí của dự án. Biến số này được tính theo thời gian tồn tại hữu ích dự kiến của dự án để tạo ra những sản phẩm đầu ra và các lợi ích kinh tế, đối với dự án liên quan đến sản xuất thì chủ dự án thường căn cứ và thời gian khấu hao của máy móc thiết bị chính sử dụng trong dự án đầu tư. Khi lợi ích đầu ra trở nên rất nhỏ thì thời gian sống tích cực của dự án có thể xem như đã kết thúc
Tỷ lệ chiết khấu: Việc lựa chọn tỷ lệ chiết khấu là rất quan trọng, bởi vì nó làm giảm đi giá trị lợi ích của dự án theo dòng thời gian trong tương lai. Vì vậy, khi đánh giá chính xác các chỉ tiêu tài chính cần lựa chọn đúng tỷ lệ chiết khấu của dự án. Tỷ lệ chiết khấu có thể là chi phí cơ hội của đồng tiền nếu vốn đầu tư là vốn tự có, là lãi suất vay dài hạn của nhà nước nếu vốn đầu tư là vốn vay ngân sách nhà nước và là lãi suất thực tế nếu vốn đầu tư là vốn vay trên thị trường.
Khi mốc thời gian và tỉ lệ chiết khấu đã được chọn, việc đánh giá được thực hiện dựa trên những chỉ tiêu tài chính: NPV, PB, IRR, BCR.
Thời gian hoàn vốn (PB)
Thời gian hoàn vốn là số thời gian cần thiết để dự án hoạt động thu hồi đủ số vốn đầu tư đã bỏ ra. Hay nó chính là khoảng thời gian để hoàn trả số vốn đầu tư ban đầu bằng các khoản lợi nhuận thuần hàng năm. Đây là chỉ tiêu cho phép nhà đầu tư cân nhắc về mức độ rủi ro của dự án, thời gian hoàn vốn ngắn sẽ thu hồi vốn đầu tư nhanh và rủi ro thấp.
Thời gian hoàn vốn có thể được xác định khi chưa tính đến yếu tố thời gian của tiền gọi là thời gian hoàn vốn giản đơn và thời gian hoàn vốn có tính đến yếu tố giá trị thời gian của tiền.
Thời gian hoàn vốn giản đơn: được tính theo công thức sau
Trong đó: C0 là vốn đầu tư ban đầu
Wi là lợi nhuận thuần hàng năm
Thời gian hoàn vốn có tính yếu tố thời gian của tiền: Các khoản lợi nhuận thuần đã được chiết khấu trong tương lai hay phát sinh tại những thời điểm khác nhau trong kỳ phân tích được tính chuyển về một mặt bằng thời gian. Nếu các khoản lợi nhuận thuần các năm khác nhau thì khi tính thời gian hoàn vốn có thể sử dụng phương pháp cộng dồn cho đến khi các dòng tiền bằng số vốn đầu tư ban đầu, hoặc sử dụng phương pháp trừ dần cho đến khi vốn đầu tư phải thu hồi nhỏ hơn hay bằng không.
Giá trị hiện tại ròng (NPV)
Giá trị hiện tại ròng là tổng mức lợi nhuận cả đời dự án quy về thời điểm hiện tại hoặc là hiệu số hiện tại của các khoản tiền thu và các khoản tiền chi đầu tư khi được chiết khấu với lãi suất thích hợp.
NPV được xác định theo công thức sau:
Trong đó:
Bt: lợi ích năm t
Ct: chi phí năm t
n: thời gian hoạt động của dự án
r: tỉ lệ chiết khấu
t = 0¸n
Chỉ tiêu NPV là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá một dự án đầu tư. Nếu giá trị NPV dương thì dự án có khả năng được chấp nhận và ngược lại, nếu giá trị NPV âm thì dự án có thể không được chấp nhận.
Tỉ suất lợi ích – chi phí (BCR)
Tỷ suất chi phí - lợi ích là tỉ lệ tổng giá trị hiện tại của lợi ích so với tổng giá trị hiện tại của chi phí.
Nếu BCR>1: dự án được chấp nhận do sẽ có khả năng sinh lời.
BCR=1: dự án có khoản thu bù đắp được chi phí
BCR<1: dự án không khả thi về mặt tài chính
Chỉ tiêu BCR được sử dụng để đánh giá dự án đầu tư nhưng do mang tính tương đối nên khi phân tích cần kết hợp cùng các chỉ tiêu khác.
Hệ số hoàn vốn nội bộ (IRR)
Hệ số hoàn vốn nội bộ là mức lãi suất qua đó giá trị hiện thời của lợi ích và chi phí là bằng nhau, tức là tại đó giá trị NPV=0.
Công thức:
(NPV = 0)
IRR cho biết mức lãi suất cao nhất mà dự án có thể đạt được. Dự án được chấp nhận khi IRR ³ r giới hạn , r giới hạn có thể là lãi suất đi vay nếu dự án vay vốn để đầu tư, có thể là tỷ suất định mức do nhà nước quy định nếu dự án sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước hoặc có thể là chi phí cơ hội nếu dự án sử dụng vốn tự có để đầu tư.
Kết luận và kiến nghị
Trên cơ sở xem xét, đánh giá các bước trên, tổng hợp lại sẽ cho chúng ta thấy được hiệu quả của dự án đầu tư một cách đầy đủ, từ đó đưa ra quyết định đầu tư một cách chính xác. Đồng thời qua đó cũng thấy được mặt hạn chế của dự án và đưa ra các giải pháp bổ sung phù hợp cho dự án hoàn thiện hơn.
CHƯƠNG II
CHƯƠNG TRÌNH TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG TẠI CÔNG TY CAO SU SAO VÀNG.
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT TẠI CÔNG TY CAO SU SAO VÀNG
Tổng quan về công ty Cao su Sao Vàng
Công ty Cao su._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- V0049.doc