BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
---------------------------
VŨ THỊ HẠNG
ĐÓNG GÓP CỦA THỂ LOẠI KÝ
GIAI ĐOẠN VĂN HỌC THẾ KỶ XVIII
ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 34
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. LÊ THU YẾN
Thành phố Hồ Chí Minh - 2007
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin chân thành cảm ơn sự nhiệt tình giúp đỡ của Ban Giám hiệu trường Đại
học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Khoa học Công ngh
109 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1807 | Lượt tải: 5
Tóm tắt tài liệu Đóng góp của thể loại ký giai đoạn văn học thế kỷ XVIII đến giữa thế kỹ XIX, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ệ Sau đại học, quý
thầy cô khoa Ngữ văn đã tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học
tập và nghiên cứu.
Tôi xin đặc biệt tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS.TS. Lê Thu Yến - người trực
tiếp hướng dẫn tôi hoàn thành luận văn khoa học này.
Tôi xin chân thành cảm ơn những đóng góp quý báu của quý thầy cô trong
hội đồng chấm luận văn đã giúp tôi trong quá trình hoàn thành luận văn khoa học.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn quý đồng nghiệp, bạn bè, gia đình đã động
viên, khích lệ tôi trong thời gian học tập và hoàn thành luận văn này.
Xin chân thành cảm ơn tất cả.
MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Văn học Việt Nam phát triển gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của lịch sử.
Những thành tựu văn học mà chúng ta có được ngày nay là sự kế thừa thành quả lao
động nghệ thuật của cha ông ta ngày trước. Để tìm hiểu một bộ phận của văn học ta
cần đặt nó trong lịch sử văn học dân tộc.
Thể loại ký trung đại Việt Nam là một bộ phận không nhỏ trong di sản văn học
dân tộc. Ký ra đời từ rất sớm nhưng phải đến giai đoạn thế kỷ XVIII -XIX mới đạt đến
đỉnh cao. Ký không chỉ là những ghi chép thông thường mà nó còn phản ánh những
vấn đề mang tầm cỡ rộng lớn. Với thể ký người viết có thể bộc lộ một cách trực diện,
rõ ràng về bản thân cũng như để ghi lại các sự kiện diễn ra trong thực tế. Trước nay, đã
có rất nhiều công trình nghiên cứu về văn học trung đại Việt Nam nhưng thể loại ký
dường như ít được đề cập đến trong các bộ sách viết về lịch sử văn học Việt Nam. Có
những công trình nghiên cứu nhưng chỉ dừng lại ở phương diện hạn hẹp mà chưa có
một phác thảo chung về đóng góp của bộ phận văn học này.
Từ năm 2002, các tác phẩm ký trung đại Việt Nam được đưa vào giảng dạy
trong chương trình Văn 11 thí điểm phân ban ở cả hai bộ sách (bộ 1 do Trần Đình Sử
chủ biên; bộ 2 do Phan Trọng Luận chủ biên) với đoạn ký “Về thăm cố hương” (trích
Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác) và “Tự thuật” (trích Vũ trung tùy bút của Phạm
Đình Hổ). Đây là một sự ghi nhận đáng kể về vị trí của ký trung đại Việt Nam thế kỷ
XVIII đầu thế kỷ XIX đối với nền văn học nước nhà.
Từ thực tế trên, cùng với những hướng dẫn và gợi ý của PGS.TS. Lê Thu Yến,
chúng tôi đã mạnh dạn thực hiện đề tài: “Đóng góp của thể loại ký giai đoạn văn học thế
kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX”. Thực hiện đề tài này là cơ hội để chúng tôi có cái nhìn
khoa học hơn về những đóng góp của một thể loại văn học đối với nền văn học nước
nhà. Do đặc trưng riêng của thể loại ký là ghi chép sự thật, con người có thật nên lịch sử
và xã hội nước ta được khắc họa một cách rõ nét. Và bên cạnh khả năng phản ánh hiện
thực ấy thì ký Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX còn là những tác
phẩm ký nghệ thuật đặc sắc và nó đã đem đến cho người đọc những cảm xúc thẩm mỹ
thực sự.
Tìm hiểu kỹ về đề tài trên, chúng tôi nghĩ không chỉ là dịp có điều kiện đi sâu để
phát hiện những nét độc đáo riêng của thể loại văn học giai đoạn này, mà trên cơ sở
đó còn mở ra một cái nhìn mới với loại ký hiện đại về sau. Hơn nữa nó còn giúp cho
người viết có thêm một lượng kiến thức về giai đoạn văn học trung đại để giảng dạy
được tốt hơn.
2. PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Ký Việt Nam thời trung đại phát triển qua ba giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ
XIX. Để tìm hiểu một vấn đề rộng lớn như vậy thiết nghĩ phải cần đến công sức của
nhiều nhà nghiên cứu với những điều kiện cho phép.
Tiếp thu những thành tựu có trước, với quy mô vừa của một luận văn chúng tôi
chỉ nghiên cứu, tìm hiểu những đóng góp của thể loại ký giai đoạn văn học thế kỷ
XVIII đến giữa thế kỷ XIX. Chúng tôi cũng chỉ tập trung vào ba tác phẩm tiêu biểu
trong số các tác phẩm ký trung đại Việt Nam.
- Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác
- Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ
- Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng so sánh với một số tác phẩm khác để làm rõ vấn đề
mà ký phản ánh. Dẫu sao với một vấn đề rộng lớn như vậy, thì việc khai thác này
cũng chưa thể nói hết được tất cả những đóng góp của ký trung đại Việt Nam đối với
nền văn học dân tộc. Nó chỉ là một bước khởi đầu cho những công trình lớn hơn, toàn
diện hơn.
3. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Thể loại ký trung đại Việt Nam đã đi hết hành trình lịch sử mười thế kỷ của
mình và nhường chỗ cho thể loại ký hiện đại. Mặc dầu kết thúc vai trò lịch sử nhưng
ký viết bằng chữ Hán đã để lại cho văn học dân tộc một kho tàng quý giá về kinh
nghiệm nghệ thuật cũng như nội dung phản ánh.
Trong lịch sử phát triển của văn học Việt Nam, các tác phẩm ký có một vị trí đặc
biệt quan trọng. Tuy nhiên, những đóng góp của thể loại ký giai đoạn văn học thế kỷ
XVIII đến giữa thế kỷ XIX chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo. Song, tài năng
và sự kết tinh nghệ thuật ở các tác phẩm ký giai đoạn văn học này vẫn được bạn đọc
nhiều thế hệ yêu thích. Cho đến nay, các tác phẩm ký trung đại được tái bản và đến
với bạn đọc rộng rãi hơn. Vì thế, đã có những công trình nghiên cứu về giai đoạn văn
học cũng như những tác phẩm ký giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, việc nghiên cứu ký trung đại còn nhiều
khó khăn. Thời gian này các bộ lịch sử văn học Việt Nam lần lượt ra đời như Đại Việt
văn học lịch sử, Việt Nam cổ văn học sử, Việt Nam văn học sử yếu, … Sau Cánh mạng
lại có thêm bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến
nửa đầu thế kỷ XVIII, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ
XIX,… Đó là chưa kể đến các bộ sách lịch sử văn học Việt Nam của các trường Đại
học tổng hợp Hà Nội, Đại học sư phạm Hà Nội… Trong quá trình phác thảo xây dựng
các bộ sách trên, các nhà nghiên cứu luôn chú ý đến hiện thực lịch sử chi phối đến văn
học.
Nhìn chung, việc nghiên cứu thể ký trung đại ở giai đoạn trước Cách mạng
tháng Tám chủ yếu tập trung vào các bộ lịch sử văn học mà chưa có những công trình
độc lập riêng. Việc đánh giá về những đóng góp của ký trung đại Việt Nam giai đoạn
thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX vì vậy khó tránh khỏi nhiều chỗ còn sơ sài.
Từ sau những năm 1990 một số công trình nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam
ra đời. Chẳng hạn công trình Đặc trưng văn học trung đại của giáo sư Lê Trí Viễn
(1996), Văn học trung đại Việt Nam do GS. Lê Trí Viễn chủ biên (1997), Lý luận văn
học do GS. Hà Minh Đức chủ biên (1998), Văn học Việt Nam - Văn học trung đại:
Những công trình nghiên cứu của Lê Thu Yến, Đoàn Thị Thu Vân, Lê Văn Lực (2000).
Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 2: Ký của Nguyễn Đăng Na (2001), Lý luận
và phê bình văn học của Trần Đình Sử (2003)… Khi nghiên cứu về Văn xuôi tự sự Việt
Nam thời trung đại, Nguyễn Đăng Na đã đưa ra nhận định: “Ký trước hết là một bộ phận
cùng với truyện ngắn và tiểu thuyết chương hồi hợp thành văn xuôi tự sự” [35, tr.22]. Và
từ đó đi đến kết luận: Ký trung đại là loại hình văn xuôi tự sự dùng để ghi chép về con
người, sự vật, phong cảnh,… Ký của Việt Nam khá đa dạng, phong phú và thực sự ra
đời vào thế kỷ XVIII. Mở đầu cho ký trung đại thế kỷ XVIII - XIX là Công dư tiệp ký
của Vũ Phương Đề. Tiếp theo là hàng loạt các tác phẩm ký khác như Cát xuyên tiệp bút
của Trần Tiến, Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Bắc hành tùng ký của Lê Quýnh, Vũ
trung tùy bút của Phạm Đình Hổ,… Đến thế kỷ XIX, những tác phẩm ký viết về phương
Tây bắt đầu xuất hiện như: Tây hành kiến văn kỷ lược của Lý Văn Phức, Giá viên biệt
lục của nhóm tác giả Phạm Phú Thứ… Trong công trình nghiên cứu Lý luận văn học
(1998) Hà Minh Đức cho rằng: “Các thể ký văn học chủ yếu là những hình thức ghi
chép linh hoạt trong văn xuôi với nhiều dạng tường thuật, miêu tả, biểu hiện, bình luận
về những sự kiện và con người có thật trong cuộc sống, với nguyên tắc phải tôn trọng
tính xác thực và chú ý đến tính thời sự của đối tượng được miêu tả” [17, tr.217].
Cũng trong thời gian này, trên những tạp chí khoa học chuyên ngành xuất hiện
một số bài báo có liên quan đến vấn đề mà chúng tôi đang khảo sát. Một số bài
nghiên cứu về tác phẩm ký nổi tiếng Thượng kinh ký sự được đăng trên tạp chí Văn
học như:
“Mấy suy nghĩ về thơ văn Lê Hữu Trác”, 1964 của Nguyễn Huệ Chi.
“Lê Hữu Trác và con đường của một người trí thức trong cơn phong ba dữ dội
nửa cuối thế kỷ XVIII”, 1970 của Nguyễn Huệ Chi.
“Mấy đoạn văn hay của Lê Hữu Trác”, 1971 của Nguyễn Huệ Chi.
Nhà phê bình Nguyễn Huệ Chi đã đưa ra nhận định và đánh giá về tác phẩm
Thượng kinh ký sự trên Tạp chí Văn học số 6/1970: “Đây là cuốn ký sự về chuyến đi
thăm kinh đô năm 1782 của Lê Hữu Trác, theo lệnh của chúa Trịnh. Con đường dẫn
nhà danh y ra Thăng Long chữa bệnh cho cha con Trịnh Sâm cũng là con đường dẫn
ông trở lại quá khứ, trở lại cái xã hội “trâm anh thế phiệt” cũ, thậm chí nếu muốn, còn
có thể trở lại cái địa vị một “bề tôi” của thiên tử, mà ông từng rời bỏ xưa kia. Cho nên
Thượng kinh ký sự trước hết là câu chuyện của một tâm trạng: bàng hoàng thao thức,
đấu tranh với mình, chống lại mọi cám dỗ, tìm mọi cách để được trở về”.
Bên cạnh đó còn có những bài nghiên cứu về Vũ trung tùy bút của Phạm Đình
Hổ.
“Đọc Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ”, của Mai Trân (Nghiên cứu văn
học số 7/1960).
“Phạm Đình Hổ - nhà khảo cứu, nhà văn”, của Trần Thị Băng Thanh (Nghiên
cứu văn học nghệ thuật, số 5/1993).
Đồng thời hàng loạt bài viết về tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí có liên quan
trực tiếp đến đề tài luận văn:
“Tính cách điển hình trong Hoàng Lê nhất thống chí”, của Đỗ Đức Dục (Tạp
chí Văn học số 9/1968).
“Phong trào khởi nghĩa nông dân và văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu
thế kỷ XIX” của Nguyễn Văn Hoàn (Tạp chí Văn học số 4/1973).
“Hoàng Lê nhất thống chí và sự thật lịch sử chung quanh việc Quang Trung
phá quân Thanh” của Vũ Đức Phúc (Tạp chí Văn học số 3/1974).
“Mấy vấn đề Ngô Thì Nhậm, một mưu sỹ lỗi lạc của Quang Trung” của Văn
Tân (Nghiên cứu lịch sử số 154/1974).
“Những nhân vật nữ trong Hoàng Lê nhất thống chí” của Phạm Tú Châu (Tạp
chí Văn học số 1/1978).
“Đọc lại Hoàng Lê nhất thống chí” của Phạm Tú Châu (Tạp chí Văn học số
2/1979).
“Bàn thêm về Ngô Thì Chí - Ngô Thì Du, tác giả của Hoàng Lê nhất thống
chí” của Phạm Tú Châu (Tạp chí Văn học số 6/1982).
“Hoàng Lê nhất thống chí và truyền thống của tiểu thuyết Viễn Đông” của
B.LRiptin (Tạp chí Văn học số 2/1984).
Những bài viết trên đã đưa ra những nhận xét rất xác đáng về đóng góp của tác
phẩm đối với nền văn học. Đặc biệt, những bài viết phần nào cho thấy bức tranh xã
hội phong kiến nước ta vào thời kỳ ấy. Vấn đề hiện thực luôn được các tác giả quan
tâm. Tuy nhiên, vì chỉ dừng ở phạm vi những bài viết ngắn nên còn nhiều vấn đề tác
giả chưa bàn sâu được.
Gần đây hơn, có công trình luận án tiến sĩ với đề tài Sự tiếp nhận văn xuôi tự sự
Trung Quốc trong văn học trung đại Việt Nam của tiến sĩ Đinh Phan Cẩm Vân
(2001). Công trình nghiên cứu này đề cập đến vấn đề tiếp nhận văn xuôi tự sự Trung
Quốc trong văn học trung đại Việt Nam trong đó có tác phẩm Hoàng Lê nhất thống
chí.
Có thể nói từ khi Hoàng Lê nhất thống chí ra đời đã có nhiều công trình nghiên
cứu tác phẩm ở bình diện văn học cũng như sử học. Trong khi xem xét về vấn đề thể
loại của Hoàng Lê nhất thống chí, nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc đã gọi nó là một cuốn
ký sự lịch sử. Có thể nói, Nguyễn Lộc đã đi khai thác một cách tổng quan hầu hết các
mặt của tác phẩm, từ tác giả, tác phẩm cho đến nội dung phản ánh hay nghệ thuật của
nó. Đồng thời với việc điểm qua một vài nhân vật tiêu biểu cho thấy phần nào bức
tranh xã hội phong kiến nước ta vào thời điểm ấy. Hoàng Lê nhất thống chí là một tác
phẩm ký sự lịch sử có giá trị to lớn cả về sử học lẫn văn học.
Nguyễn Phương Chi cũng cho rằng Hoàng Lê nhất thống chí thuộc thể ký như
Thượng kinh ký sự và Vũ trung tùy bút khi bàn về tính hiện thực trong tác phẩm. Nói
như Nguyễn Phương Chi: “Cùng với Hoàng Lê nhất thống chí và Thượng kinh ký sự,
Vũ trung tùy bút là thiên ký tiêu biểu xuất sắc của mảng văn xuôi giàu tính hiện thực
của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII” [18, tr.2037].
Về hình thức ký sự nhà nghiên cứu Hà Minh Đức trong công trình Lý luận văn
học (1998) cho rằng: “Hình thức ký sự đã có từ lâu trong văn học Việt Nam như
Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, một số bài ký trong Vũ trung tùy bút của Phạm
Đình Hổ… Hoàng Lê nhất thống chí là một thiên ký sự lịch sử có giá trị. Tính xác
thực lịch sử của những sự kiện được tôn trọng. Tác phẩm lại dựng được khá rõ và
đầy đủ bộ mặt chung của thời đại qua những bức tranh miêu tả sinh động” [17,
tr.288]. Từ khi những tác phẩm ký ra đời đã có khá nhiều các công trình nghiên cứu
về nhiều khía cạnh sử học cũng như văn học.
Năm 2001, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na cho ra đời công trình Văn xuôi tự
sự Việt Nam thời trung đại, tập 2: ký (Nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội). Trong khi
nghiên cứu những vấn đề thể loại ký trung đại Việt Nam, tác giả cũng có bàn đến
một số điểm có liên quan đến đề tài. Nguyễn Đăng Na cho rằng: “Ký là loại hình
văn học phức tạp nhất trong văn xuôi tự sự thời trung đại bởi bản thân khái niệm ký
hàm chứa một nội diên có biên độ hết sức co dãn” [35, tr.9].
Đến năm 2003, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na cho ra đời công trình Đặc
điểm văn học Việt Nam trung đại - những vấn đề văn xuôi tự sự (Nhà xuất bản Giáo
dục, Đà Nẵng). Trong công trình này tác giả bàn đến những vấn đề văn xuôi tự sự
trung đại Việt Nam. Tác giả đã mở ra một cách tiếp cận, đi sâu vào việc nghiên cứu
văn xuôi tự sự trên cơ sở khảo sát các tác phẩm.
Trên đây là những bước phác thảo về quá trình nghiên cứu các tác phẩm ký từ
trước Cách mạng tháng Tám - 1945 đến sau 1975. Nhìn chung việc nghiên cứu về
việc đóng góp của thể loại ký trung đại giai đoạn thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX đã
có nhiều bước phát triển đáng kể. Những công trình lớn với nội dung phong phú đã
chứng minh thể ký giai đoạn này đã có bước phát triển mới. Song đi sâu vào vấn đề
đóng góp của thể ký như một công trình chuyên biệt thì chưa có.
Với đề tài “Đóng góp của thể loại ký giai đoạn văn học thế kỷ XVIII đến giữa
thế kỷ XIX”, người viết nghiêm túc lĩnh hội và phát triển sâu hơn một mảng nhỏ
trong thể loại ký trung đại Việt Nam.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Do tính chất, đặc điểm của đề tài, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên
cứu sau:
4.1 . PHƯƠNG PHÁP THỐNG KÊ - PHÂN LOẠI
Luận văn đặt vấn đề tìm hiểu những đóng góp của thể loại ký giai đoạn văn học
thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, do vậy, phương pháp thống kê - phân loại được
dùng để nghiên cứu những cứ liệu cụ thể, chính xác, giúp cho việc trình bày vấn đề
trong luận văn thêm thuyết phục.
4.2 . PHƯƠNG PHÁP SO SÁNH ĐỐI CHIẾU
Phương pháp này được áp dụng để làm rõ những đóng góp của thể loại ký trung
đại Việt Nam đối với nền văn học dân tộc. Nhưng một điều quan trọng hơn nữa là
bằng phương pháp này chúng tôi muốn chỉ ra nét đặc sắc riêng của từng tác phẩm.
Hơn nữa phương pháp so sánh đối chiếu sẽ làm phong phú thêm cho luận văn.
Việc tiến hành đối chiếu giữa các giai đoạn ký trung đại để làm rõ những đóng góp
của thể loại ký giai đoạn từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX trong lịch sử văn học
dân tộc.
4.3 . PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH TỔNG HỢP
Phương pháp này giúp phân loại nội dung để làm rõ vấn đề. Sau đó ở từng nội
dung phân tích theo các khía cạnh khác nhau của nó. Trong quá trình phân tích, người
viết trình bày lần lượt các nội dung theo các vấn đề cụ thể. đặc biệt, người viết chú
tâm đến hiện thực lịch sử xã hội để làm rõ vấn đề mà các tác phẩm ký giai đoạn này
phản ánh.
5. BỐ CỤC LUẬN VĂN
Ngoài phần Mở đầu trình bày những vấn đề mang tính trường quy, trọng tâm
luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Khái quát về thể loại ký trung đại Việt Nam
Chương 2: Đóng góp của thể loại ký về phương tiện nội dung
Chương 3: Đóng góp của thể loại ký về phương diện hình thức
Cuối cùng là Kết luận và Tài liệu tham khảo
Chương 1 - KHÁI QUÁT VỀ THỂ LOẠI KÝ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM
1.1. KHÁI NIỆM
1.1.1. KHÁI NIỆM
Trong văn xuôi, bên cạnh tiểu thuyết, ký có một tầm quan trọng đặc biệt. Ký là
thể loại cơ động, linh hoạt trong việc phản ánh hiện thực một cách sinh động nhất.
Tác phẩm ký vừa có khả năng đáp ứng yêu cầu của thời đại nhưng đồng thời vẫn
mang đậm chất trữ tình.
Ký bao gồm nhiều thể loại khác nhau như ký sự, phóng sự, tùy bút, bút ký… Ký
có khả năng bám sát cuộc sống và phản ánh hiện thực bằng nhiều dạng thức khác
nhau. Ký sự thiên về tái hiện những sự kiện phong phú của đời sống; hồi ký ghi lại
những diễn biến của câu chuyện và nhân vật theo bước đi của thời gian qua sự hồi
tưởng; bút ký thể hiện một cách linh hoạt việc phản ánh cuộc sống khách quan… Có
thể nói tùy theo hình thức khác nhau của đối tượng miêu tả mà ký có cách tái hiện
riêng cho phù hợp.
Trong lịch sử phát triển của văn học Việt Nam, các tác phẩm ký có một vị trí đặc
biệt quan trọng, từ hình thức truyện ký như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Lĩnh
Nam chích quái lục của Trần Thế Pháp, đến Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Vũ
trung tùy bút của Phạm Đình Hổ và đặc biệt là thiên ký sự lịch sử Hoàng Lê nhất
thống chí của Ngô gia văn phái.
Từ sau Cách mạng tháng Tám thể loại ký phát triển gắn liền với những chuyển
biến của xã hội qua hai cuộc kháng chiến cứu nước. Rất nhiều tác phẩm có giá trị như
Truyện và ký của Trần Đăng, Ký sự Cao - Lạng của Nguyễn Huy Tưởng, Tùy bút
kháng chiến và Sông Đà của Nguyễn Tuân, Sống như anh của Trần Đình Vân, Người
mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Những ngày nổi giận của Chế Lan Viên, Họ sống và
chiến đấu của Nguyễn Khải, Hà Nội ta đánh mỹ giỏi của Nguyễn Tuân, Rất nhiều
ánh lửa của Hoàng Phủ Ngọc Tường…
Theo Hà Minh Đức: “Các thể ký văn học chủ yếu là những hình thức ghi chép
linh hoạt trong văn xuôi với nhiều dạng tường thuật, miêu tả, biểu hiện, bình luận
về những sự kiện và con người có thật trong cuộc sống, với nguyên tắc phải tôn
trọng tính xác thực và chú ý đến tính thời sự của đối tượng được miêu tả” [17,
tr.217].
Do nguyên tắc tôn trọng tính xác thực của đối tượng miêu tả nên ký có những
mối liên hệ chặt chẽ với hiện thực xã hội. Nếu nhà thơ quan tâm đến những tâm
trạng và cảm xúc thẩm mỹ, tác giả kịch chú ý đến xung đột hành động kịch thì
người viết ký quan tâm đến tính tự nhiên của đối tượng. Ký là ghi lại những cái có
thật trong cuộc sống, tôn trọng tính xác thực của đối tượng miêu tả cho dù đó là một
tác phẩm tường thuật lại những sự kiện hoặc phát biểu cảm nghĩ về những sự việc
trong đời sống hay thiên về sự bình luận phân tích.
Ký văn học rất đa dạng và phong phú và tùy theo hình thức khác nhau của đối
tượng miêu tả mà ký có những cách tái hiện riêng. Từ các loại ký tự sự như phóng
sự, ký sự, hồi ký, ký sự lịch sử... đến các loại ký trữ tình như tùy bút, nhật ký hoặc
ký chính luận như các dạng tiểu phẩm văn học, tạp văn, tạp ký...
Loại ký tự sự nghiêng về miêu tả những sự kiện và con người trong đời sống
khách quan. Ký tự sự bảo đảm tính xác thực trong miêu tả. Ký sự chủ yếu ghi lại
những diễn biến khách quan của cuộc sống và con người thông qua những sự kiện.
Người viết chọn lọc và làm nổi lên những điển hình xã hội tiêu biểu, những con
người và sự việc có sức khái quát. Ký sự ngắn hay dài tùy theo nội dung câu chuyện
thực mà tác giả tham dự. Ký sự khác với hồi ký ở chỗ sự việc được kể trong thì hiện
tại. Nhưng so với phóng sự, ký sự lại ít chất thời sự hơn. Phóng sự thật sự ra đời khi
báo chí hiện đại đã xuất hiện còn ký sự đã xuất hiện từ lâu.
Trong văn học cổ phương Đông, thể ký vốn có mặt từ thời Tiên Tần và về sau
phân thành hai nhánh: có ký của sử và có ký của truyện. Trong một thời gian khá
dài thì ký là tiền thân của tiểu thuyết, có khi tên gọi ký cũng dùng cho tiểu thuyết
hay một câu chuyện có kịch tính như Tây du ký, Tây sương ký...
Trong văn học Việt Nam thì thể ký có từ rất lâu đời nhưng ký sự thì về sau mới
có như Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, một số bài ký trong Vũ trung tùy bút của
Phạm Đình Hổ. Thượng kinh ký sự viết về chuyến đi ra kinh đô Thăng Long của tác
giả năm 1782 để chữa bệnh cho cha con Trịnh Sâm và Trịnh Cán theo lời mời của
chúa. Thượng kinh ký sự mang tính chất một du ký, tác giả trình bày sự việc như đã
diễn ra tuần tự trong cuộc hành trình từ lúc xuất phát cho đến khi trở về nhà.
Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái là một thiên ký sự lịch sử có giá
trị. Tác phẩm dựng được khá rõ và đầy đủ bộ mặt chung của thời đại qua những bức
tranh miêu tả sinh động. Vào thế kỷ XIX, có tác phẩm Tây hành nhật ký (Nhật ký đi
Tây) của Phạm Phú Thứ, tuy mang tên nhật ký nhưng thực chất là một thiên ký sự
phong phú và sinh động về chuyến đi Pháp năm 1863 của phái bộ Phan Thanh Giản
nhằm chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ vừa mất vào tay Pháp.
Từ sau cách mạng tháng Tám ký sự có điều kiện thuận lợi để phát triển. Ký sự
của Nguyễn Huy Tưởng thì phản ánh chân thực cuộc chiến đấu qua một chiến dịch.
Ký sự Cao Lạng ghi chép rất sát những diễn biến phức tạp, gay go của chiến dịch
biên giới vào năm 1950, mở đầu cho những trận đánh quy mô giữa quân dân Việt
Nam và lực lượng chính quy của Pháp về sau. Một số ký sự trong những năm chống
Mỹ cứu nước đã gây nhiều tác động đến người đọc như Nguyễn Khải với Họ sống và
chiến đấu, Hồ Phương với Chúng tôi ở cồn cỏ, Hoàng Phủ Ngọc Tường với Rất
nhiều ánh lửa...
Trong văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại, thể phóng sự phát triển mạnh. Phóng
sự cũng có đặc tính của một thiên ký sự cũng tôn trọng tính xác thực của đối tượng
miêu tả. Nhưng phóng sự lại đòi hỏi tính thời sự trực tiếp. Phóng sự đòi hỏi phải kịp
thời, phản ánh được câu chuyện đang diễn biến hoặc vừa kết thúc. Ngô Tất Tố có
những phóng sự nổi tiếng về nông thôn như Việc làng và Tập án cái đình, Tam Lang
viết về người phu xe, Vũ Trọng Phụng viết về các nạn cờ bạc, mại dâm. Cùng với
phóng sự, hồi ký cũng là một thể văn quan trọng. Người viết hồi ký kể lại những điều
mà mình có dịp quan sát hoặc nghe trực tiếp về những sự kiện lịch sử hoặc những
nhân vật tiêu biểu. Hồi ký Sống như Anh và Bất khuất vừa có giá trị về xã hội đồng
thời cũng có giá trị về văn học.
Loại ký trữ tình thì những cảm xúc trữ tình lại chiếm một vị trí quan trọng. Các
loại ký trữ tình như: nhật ký, bút ký, tùy bút... Nhật ký là những ghi chép về cuộc đời
theo sự diễn ra hàng ngày. Nhật ký Ở rừng của Nam Cao gây xúc động cho người
đọc. Bên cạnh nhật ký thì tùy bút là một trong những thể ký mang chất trữ tình cao.
Có thể nói tùy bút của Nguyễn Tuân là một phong cách ký độc đáo mang dấu ấn cá
nhân. Tùy bút kháng chiến, Sông Đà là những tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ
thuật.
Loại ký chính luận này có sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy hình tượng của người
nghệ sĩ với tư duy chính luận. Các loại ký chính luận như: các dạng tiểu phẩm văn
học, tạp văn, tạp ký… Dựa vào sự phân loại các thể ký văn học Hà Minh Đức đã viết:
“Nhiệm vụ của chúng ta là nhận thức cho đầy đủ những đặc trưng thể loại của thể
ký, phát huy đến mức tối đa chỗ mạnh của thể loại này” [17, tr.234].
1.1.2. NHỮNG TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH THỂ LOẠI KÝ
Ký trung đại Việt Nam ra đời từ rất sớm và là loại hình văn học phức tạp nhất
trong văn xuôi tự sự thời trung đại. Có thể nói “về mặt lý luận, các nhà thư tịch học
như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú và các nhà văn học sử thế kỷ XX không tách ký
khỏi truyện. Đối với họ chỉ có cái gọi chung là Truyện ký hoặc Tự sự truyện ký” [35,
tr.20].
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na “Người đầu tiên tiến hành phân loại
Văn học Việt Nam là Lê Quý Đôn (1726 - 1784). Ông viết: “Nay theo sử cũ đã
chép và sách riêng của các nhà (…) sao lấy các tên sách (…) chia làm bốn loại,
một là Hiến chương, hai là Thi văn, ba là Truyện ký, bốn là Phương kỹ” [35,
tr.16]. Hơn nửa thế kỷ sau, Phan Huy Chú (1782 - 1840) có điều kiện thời gian để
sưu tầm và phân loại thư tịch Việt Nam. Ông dựa vào chức năng và đặc trưng của
văn học để phân loại vì thế đã bỏ được loại Phương kỹ và thêm loại Kinh sử. “Tôi
bèn tìm xét sử cũ, tham khảo các nhà, biên hết tên sách, chia làm 4 loại: 1. Hiến
chương; 2. Kinh sử; 3. Thi văn; 4. Truyện ký” [35, tr.18].
Trong văn học trung đại có một thời kỳ bộ phận của văn học nghệ thuật tiếp giáp
với văn học chức năng tạo thành thế quân bằng. Bộ phận văn học này tạo nên cái mà
người ta gọi là “văn - sử - triết bất phân”. Tính đa chức năng của văn học trung đại là
điểm phổ quát của văn học trung đại từ Đông sang Tây. Nhưng văn học tiến triển đến
một trình độ nào đó, đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải phân loại để chỉ ra đặc trưng và
công năng của từng thể loại.
Trong công trình nghiên cứu của mình, Nguyễn Đăng Na đưa ra những dẫn chứng
cho thấy rằng, trên thực tiễn sáng tác chúng ta có một hệ thống tác phẩm ký thực sự.
Khi viết bài giới thiệu cho từng tác phẩm cụ thể trong cái gọi là Truyện ký như Thượng
kinh ký sự, Tang thương ngẫu lục, Thoái thực ký văn, Bắc hành tùng ký… thì các dịch
giả hoặc người giới thiệu đều gọi chúng là ký sự. Chẳng hạn, trong lời giới thiệu cho
sách Tang thương ngẫu lục, Trương Chính viết: “Có điều, tập ký sự này lại giàu chất
hoang đường”. Còn đây là nhận xét của Hoàng Xuân Hãn: “Lê Quýnh còn để lại một
tập ký sự Bắc hành tùng ký ghi lại những biến cố xảy ra có quan hệ đến bản thân …”.
Và nhà xuất bản Tân Việt có đôi lời cùng bạn đọc rằng: “… trong lòng chúng tôi sẽ hết
băn khoăn khi cho ra mắt bạn đọc tập tùy bút Thoái thực ký văn của Trương Quốc
Dụng”. Ở một chỗ khác, giới thiệu Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Trương Chính
giải thích: “Tùy bút là viết theo ngọn bút, gặp đâu nói đó, không có hệ thống”. Thái
Nhân Hòa thì lấy làm phấn khởi quảng cáo: “Văn đàn lần lượt cống hiến bạn đọc một
sử liệu quý giá và cũng là một áng văn hiếm có về loại du ký: bản dịch toàn bộ Tây
hành nhật ký…” [35, tr.21].
Tiêu chí để phân biệt giữa truyện và ký gặp rất nhiều khó khăn bởi ký trung đại
còn dựa vào văn học chức năng. Nếu như ở giai đoạn thế kỷ X - XIV loại hình
truyện ngắn đã đạt được những thành tựu đáng kể thì ký không có được như vậy.
Thành tựu của ký giai đoạn này là các bài ký thuộc loại hình văn khắc và tự bạt. Giai
đoạn thế kỷ XV - XVII ký chưa thành một thể riêng mà chỉ xuất hiện trong một số
tập truyện ngắn như Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục… Như vậy, ký chỉ thực
sự ra đời khi người cầm bút trực diện trình bày đối tượng mình đang phản ánh bằng
cảm quan của chính mình. Ký khác truyện không chỉ ở chức năng và kết cấu tác
phẩm mà điều làm nên sự phân biệt giữa truyện và ký về bản chất là thái độ người
cầm bút. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na đưa ra nhận định: “Nếu người cầm bút
tách mình khỏi các sự kiện, các nhân vật mình miêu tả như người ngoài cuộc thì đấy
là truyện; còn tác giả hòa mình vào các sự kiện, các nhân vật với tư cách là người
trong cuộc thì đấy là ký” [35, tr.37].
Đến giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX xuất hiện hàng loạt những tác phẩm ghi chép
tỉ mỉ, chân xác hiện thực xã hội. Người sáng tác trở thành nhân vật trung tâm trong
tác phẩm, cái tôi cá nhân tác giả bắt đầu xuất hiện và thể ký đích thực đã ra đời. Mặc
dù giữa ký và truyện khó phân biệt rạch ròi nhưng dựa vào đặc trưng thể loại chúng
vẫn có những điểm khác biệt.
Ký:
- Ghi chép sự kiện lịch sử có thật (con người, sự kiện, thời gian, không
gian…) chính xác.
- Có hư cấu ở một số chi tiết nhỏ.
- Nhân vật xuất hiện trong sự kiện.
Truyện:
- Gắn sự kiện lịch sử với những sáng tạo nghệ thuật.
- Hư cấu nhiều.
- Nhân vật xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm, có sự phát triển tính cách.
Có quan điểm cho rằng Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết chương hồi bởi cấu
tạo của nó không khác mấy so với tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa. Nó có phần đề
hồi và hạ hồi với những sự kiện, nhân vật trong lịch sử. Nhưng nếu xét kỹ đặc trưng
thể loại của tiểu thuyết với đặc trưng thể loại của ký sự ta thấy chúng có những đặc
trưng hoàn toàn khác nhau. Nếu đem những đặc trưng đó đặt vào tác phẩm thì ta thấy
những đặc trưng của thể loại ký sự thích hợp hơn bởi ký sự rất linh hoạt trong việc thể
hiện các phong cách nghệ thuật. Tiểu thuyết chương hồi đó là “Một thể loại tác phẩm
tự sự dài hơi của Trung Quốc, thịnh hành vào đời Minh, Thanh… thoát thai từ thoại
bản, kết cấu có đặc điểm: đầu mỗi thiên có nhập thoại bằng thơ hay mẩu chuyện nhỏ,
liên hệ với chính văn bằng ý nghĩa tương tự hay tương phản, ngoài câu chuyện còn
dùng thơ, từ, phú để tả cảnh, tả vật khi phải khắc hoạ tỉ mỉ nhân vật và sự kiện, vừa để
nối trên, tiếp dưới hoặc nói lên sự tán thưởng của tác giả. Cuối thiên được kết thúc
bằng thơ, phần lớn có ý nghĩa khuyên răn. Thoại bản giảng sử thường là trường thiên.
Câu chuyện lịch sử dài phải chia làm nhiều đoạn , kể làm nhiều lần hồi. Để phân biệt,
người ta đặt tiêu đề cho mỗi hồi, và để hấp dẫn, người ta ngắt ở những đoạn có tình
tiết quan trọng, và kết bằng câu “muốn biết sự việc ra sao, xin xem hồi sau phân giải”
[20, tr.225 - 226].
Thượng kinh ký sự là tác phẩm ký nghệ thuật đích thực đầu tiên của văn học Việt
Nam. Nó không chỉ là đỉnh cao, là sự hoàn thiện thể ký thời trung đại, mà còn là mực
thước cho lối viết ký về sau này. Đây là một tác phẩm ký sự bằng chữ Hán rất có giá
trị trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII.
Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ thì khá đa dạng về bút pháp và gồm nhiều
mẩu chuyện nhỏ. Đây là những câu chuyện riêng lẻ được tác giả ghi chép lại những
sự việc xảy ra cuối đời Lê và đời Tây Sơn chứ không phải là những sáng tạo của tác
giả.
Hoàng Lê nhất thống chí được các tác giả họ Ngô viết với mục đích là ghi
chép lại lịch sử xã hội nước ta khoảng 30 năm cuối thế kỷ XVIII, kể từ khi Trịnh
Sâm lên ngôi chúa (1786) cho đến lúc Nguyễn Ánh lên ngôi vua (1802). Đây là
giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, giai đoạn đen tối, bế tắc nhất của xã hội phong
kiến Việt Nam. Đồng thời, cũng là giai đoạn có nhiều biến động lớn lao, nhiều
thay đổi mạnh mẽ. Có thể nói, những sự kiện q._.uan trọng của giai đoạn lịch sử này
đều được các tác giả họ Ngô ghi chép lại chính xác như những sự kiện trong một
tác phẩm sử học. Về phương diện nghệ thuật, nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc cho
rằng thành công của Hoàng Lê nhất thống chí là “sự kết hợp tương đối hài hòa
giữa chân lý lịch sử với chân lý nghệ thuật. Tác giả không chỉ kể lại những gì đã
xảy ra, mà kết hợp việc kể với việc miêu tả cái không khí của sự việc ấy. Tác giả
không phải chỉ thấy các nhân vật lịch sử làm gì, mà đã cố gắng nói lên cái cách
mà các nhân vật ấy làm như thế nào” [18, tr.615]. Và khi xem xét về vấn đề thể
loại của Hoàng Lê nhất thống chí, Nguyễn Lộc đã gọi nó là một cuốn ký sự lịch
sử.
Về hình thức ký sự nhà nghiên cứu Hà Minh Đức trong công trình Lý luận văn
học (1998) cho rằng: “hình thức ký đã có từ lâu trong văn học Việt Nam như Thượng
kinh ký sự của Lê Hữu Trác, một số bài ký trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình
Hổ… Hoàng Lê nhất thống chí là một thiên ký sự lịch sử có giá trị. Tính xác thực
lịch sử của những sự kiện được tôn trọng. Tác phẩm lại dựng được khá rõ và đầy đủ
bộ mặt chung của thời đại qua bức tranh miêu tả sinh động” [17, tr.288]. Hoặc là bàn
về tính hiện thực trong tác phẩm, Nguyễn Phương Chi cũng cho rằng Hoàng Lê nhất
thống chí thuộc thể ký như Thượng kinh ký sự và Vũ trung tùy bút. Nói như Nguyễn
Phương Chi: “Cùng với Hoàng Lê nhất thống chí và Thượng kinh ký sự, Vũ trung tùy
bút là thiên ký tiêu biểu xuất sắc của mảng văn xuôi giàu tính hiện thực của văn học
Việt Nam thế kỷ XVIII” [18, tr.203].
Như vậy, mặc dù còn một vài quan điểm cho rằng Hoàng Lê nhất thống chí là
tiểu thuyết lịch sử bởi cấu tạo của nó không khác mấy so tiểu thuyết chương hồi của
Trung Hoa. Nhưng nếu xét kỹ đặc trưng thể loại của tiểu thuyết với đặc trưng thể loại
của ký sự ta thấy chúng có những đặc trưng hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa nếu đi sâu
vào đặc trưng kết cấu của tác phẩm thì Hoàng Lê nhất thống chí gần với ký sự lịch sử
hơn. Hoàng Lê nhất thống chí viết về những sự kiện lịch sử vừa mới xảy ra chứ
không phải là những sự kiện lịch sử xa xưa. Tất cả con người, sự kiện, năm tháng ở
đây đều có thật và đã diễn ra trong lịch sử. Nếu như tiểu thuyết chương hồi Trung
Quốc thoát thai từ thoại bản, kết cấu có những đặc điểm như đã nêu ở trên thì Hoàng
Lê nhất thống chí hiện thực lịch sử gần như đi thẳng vào trong tác phẩm. Mặt khác,
hiện thực thực lịch sử được đề cập trong tác phẩm so với thời điểm tác phẩm ra đời
có khoảng cách thời gian không đáng kể. Chính vì vậy mà giá trị sử học trong Hoàng
Lê nhất thống chí là một đặc điểm khá nổi bật, là tài liệu tin cậy để nhà nghiên cứu
lịch sử tham khảo.
1.2. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KÝ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM
1.2.1. KÝ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM TỪ THẾ KỶ X ĐẾN THẾ KỶ XIX
Văn học trung đại Việt Nam được tính từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX từ khi dân
tộc ta giành được độc lập từ tay người phương Bắc đến lúc đất nước bị người phương
Tây xâm lược. Văn học trung đại Việt Nam đa dạng về thể loại nhưng ký là loại hình
phức tạp nhất trong văn xuôi tự sự thời trung đại. Ký là một bộ phận cùng với truyện
ngắn và tiểu thuyết chương hồi hợp thành văn xuôi tự sự. Cũng như truyện ngắn và
tiểu thuyết chương hồi, ký chủ yếu được viết bằng chữ Hán dưới hình thức các thể
văn Trung Hoa. Ký Việt Nam thời trung đại tiến triển qua ba giai đoạn .
Giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV
Thế kỷ X - XIV không chỉ là thời kỳ đặt nền móng cho loại hình truyện ngắn,
mà còn đặt nền móng cho cả dòng tự sự viết dưới dạng ký. Đặc điểm giai đoạn này
là văn xuôi tự sự chưa tách khỏi văn học dân gian và văn học chức năng. Ký phải dựa
hoàn toàn vào văn học chức năng. Loại hình truyện ngắn đạt được những thành tựu
đáng kể như Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chính quái lục của Trần
Thế Pháp, Ngoại sử ký của Đỗ Thiện, phần Ngoại kỷ sách Đại Việt sử ký của Lê Văn
Hưu... So với truyện thì ký không có được thành tựu như vậy. Đề tài của ký bị hạn
chế trong khuôn khổ viết về hiện tại, về những điều mắt thấy tai nghe. Ký không
được viết về quá khứ, nếu có chỉ là quá khứ gần xoay quanh nhân vật hiện tại. Đề tài
của ký không phong phú, dồi dào như truyện và cuộc sống xã hội lại không đặt ra nhu
cầu về ký cho nên về cơ bản ký vẫn thuộc văn học chức năng.
Ký giai đoạn thể kỷ X - XIV gồm hai loại chính: văn khắc và tự bạt.
Các văn bản viết bằng dao, bằng đục trên chất liệu rắn như gỗ, đồng, đá, gốm,
xương thú, mai rùa... đều có thể gọi là văn khắc. Văn khắc còn bao hàm cả tác phẩm
ký viết trên chất liệu rắn bằng dao và đục. Đó là văn bia và văn chuông khánh. Những
tác phẩm văn thuộc thể ký khắc trên đá là văn bia. Nội dung văn bia thế kỷ X - XIV
không phong phú nhưng văn phong khá đa dạng. Mỗi bài là sự kết hợp giữa tả cảnh,
tả tình, kể việc, kể người với phát biểu trực tiếp cảm nghĩ cá nhân người cầm bút nên
chúng mang đậm chất ký. Một số bài văn bia nổi tiếng thế kỷ X - XIV như: Bảo Ninh
Sùng Phúc tự bi, Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh (Khuyết danh), Thiên phúc tự
hồng chung minh văn của Samô Thích Hưng Huệ. Bên cạnh văn bia thì văn chuông
khánh ở giai đoạn này không nhiều nhưng nội dung và nghệ thuật của chúng cũng
tương tự như văn bia.
Thế kỷ X - XIV, về ký còn có tự bạt. Tự và bạt viết ra đều nhằm mục đích giới
thiệu, để bày tỏ quan điểm của mình đối với văn chương, học thuật. Giữa chúng có sự
khác biệt: tự thì đặt trước tác phẩm, còn bạt đặt cuối tác phẩm. Các bài tự bạt hiện
còn như: Thiền tông chỉ nam tự, Kim Cương tam muội kinh tự, Bình đẳng lễ sám văn
tự, Lục thì sám hối khoa tự của Trần Thái Tông, Vạn Kiếp tông bí truyền thư tự của
Trần Khánh Dư, Việt điện u linh tập tự của Lý Tế Xuyên, Thượng Sĩ ngữ lục bạt của
Trần Khắc Chung...
Như vậy, tự bạt cùng với văn khắc đã tạo nên diện mạo của thể ký văn học Việt
Nam thế kỷ X - XIV. Đến giai đoạn sau thì văn khắc trở thành một loại hình riêng
thuộc loại hình văn học chức năng và lễ nghi còn tự bạt lại đi sâu vào chức năng khảo
cứu, giới thiệu sách.
Giai đoạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII
Thế kỷ XV - XVII thể văn tự bạt phát triển hơn nhiều so với giai đoạn trước về
số lượng và dài hơn về dung lượng. Người viết chủ yếu trình bày trực tiếp quan điểm
của mình trên các lĩnh vực văn học và nghệ thuật, phương pháp sưu tầm và sáng tác.
Ký dưới dạng tự bạt giai đoạn này tách dần ra thành môn khoa học riêng đặt nền
móng cho loại hình ký nghệ thuật.
Cùng với tự bạt, thế kỷ XV - XVII còn có những tác phẩm văn xuôi tự sự như:
Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông,
Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Thiên Nam vân lục liệt truyện của Nguyễn
Hàng...
Thế nhưng đặc điểm nổi bật của văn xuôi tự sự giai đoạn này là ký chưa thành
một thể riêng mà chỉ là một phần nhỏ nằm trong tác phẩm tự sự nhiều thiên. Truyện
ngắn thế kỷ XV - XVII đã đạt đến đỉnh cao nhưng ký nghệ thuật đích thực chỉ mới
bắt đầu. Ranh giới giữa truyện và ký cũng hết sức mờ mỏng. Tác phẩm Thánh Tông
di thảo do người đời sau sưu tầm gồm 19 thiên thì 6 thiên không ghi tên thể loại, 13
thiên còn lại chia thành 6 thể:
- Truyện (5 thiên: Mai Châu yêu nữ truyện, Phú cái truyện, Nhị thần nữ truyện,
Dương phu truyện, Thử tinh truyện)
- Ký (4 thiên: Thiềm thừ miêu duệ ký, Lưỡng Phật đấu thuyết ký, Hiếu đễ nhị
thần ký, Mộng ký)
- Lục (1 thiên: Mấn thư lục)
- Phả (1 thiên: Sơn quân phả)
- Chí dị (1 thiên: Ngư gia chí dị)
- Từ (1 thiên: Lung cổ phán từ)
Đối với Truyền kỳ mạn lục - tác phẩm được khắc in vào khoảng giữa thế kỷ XVI
thì lại không giống với Thánh Tông di thảo. Như vậy 6 thiên trong Thánh Tông di
thảo không ghi tên thể loại cho ta thấy tác phẩm được sưu tầm rất muộn khi mà tính
nghiêm ngặt của thể loại bị phá bỏ dần nhất là đối với loại hình truyện.
Nguyễn Dữ chia Truyền kỳ mạn lục làm ba thể: lục, truyện, ký.
- Lục 9 thiên: Trà đồng đản sinh lục, Long đình đối tụng lục, Tản Viên từ
phán sự lục, Từ Thức tiên hôn lục, Phạm Tử Hư du Thiên tào lục, Xương Giang
yêu quái lục, Na sơn điều đối lục, Đông Trào phế tự lục, Dạ xoa bộ soái lục.
- Truyện 6 thiên: Khoái Châu nghĩa phụ truyện, Mộc miên thụ truyện, Tuý Tiêu
truyện, Lý Tướng quân truyện, Nam Xương nữ tử truyện, Lệ Nương truyện.
- Ký 5 thiên: Hạng vương từ ký, Tây viên kỳ ngộ ký, Đào thị nghiệp oan ký, Đà
Giang dạ ẩm ký, Kim Hoa thi thoại ký.
Tính chất ký trong văn xuôi tự sự thế kỷ XV - XVII chưa rõ vì vậy muốn tách ký
ra khỏi truyện là một việc làm khó. Theo Nguyễn Đăng Na: “Điều làm nên sự phân
biệt giữa truyện và ký về bản chất là thái độ người cầm bút. Nếu người cầm bút tách
mình khỏi các sự kiện, các nhân vật mình miêu tả như người ngoài cuộc thì đấy là
truyện; còn tác giả hòa mình vào sự kiện, các nhân vật với tư cách là người trong
cuộc thì đấy là ký” [35, tr.37].
Hồ Nguyên Trừng với tác phẩm Nam Ông mộng lục là người mở đầu cho lối
viết tự sự nhiều thiên thế kỷ XV - XVII. Cùng với Lê Thánh Tông và Nguyễn Dữ,
ông là người đặt nền móng cho thể ký Việt Nam thời trung đại và là đại diện cho
những tác giả ký giai đoạn này. Thế nhưng thế kỷ XV - XVII tính chất ký trong
những thiên tự sự vẫn còn mờ nhạt mà phải đợi đến thế kỷ XVIII - XIX khi ý thức
cá nhân xuất hiện và được thức tỉnh thì ký mới thật sự ra đời.
Giai đoạn từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX
Ký là loại hình văn xuôi tự sự, có nguồn gốc từ ký lịch sử, dùng để ghi chép về
con người, sự vật, phong cảnh... Ký của Việt Nam khá đa dạng, phong phú và thực sự
ra đời vào thế kỷ XVIII. Ta có thể coi Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề là tác
phẩm mở đầu cho thể ký ở Việt Nam. Tuy nhiên tác phẩm của ông còn nặng về tính
truyện dân gian và chất khảo cứu. Mặc dù còn có những hạn chế nhưng Vũ Phương
Đề vẫn là người có công đánh dấu bước phát triển của thể ký trung đại. Sau Vũ
Phương Đề là hàng loạt các tác phẩm ký khác như Cát Xuyên tiệp bút của Trần Tiến,
Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Bắc hành tùng ký của Lê Quýnh, Vũ trung tùy
bút của Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án, Tây hành kiến văn kỷ
lược của Lý Văn Phức... lần lượt xuất hiện và đạt đỉnh cao về nghệ thuật.
Đến Lê Hữu Trác và Phạm Đình Hổ thì thể ký đã đạt đến đỉnh cao và đa dạng về
hình thức. Sau đó ký có bước chuyển mới về nội dung và những tác phẩm ký viết về
phương Tây bắt đầu xuất hiện. Tây hành kiến văn kỷ lược của Lý Văn Phức không
chỉ là tác phẩm ký đầu tiên viết về phương Tây mà nó còn mở ra một khuynh hướng
sáng tác mới cho các tác giả khác khi viết về đề tài này. Đề tài về phương Tây có sự
hấp dẫn của cái mới mẻ lạ lùng trong cách quan sát của Lý Văn Phức.
Nếu Lý Văn Phức đến phương Tây là để “đới công chuộc tội” thì nhóm của
Phạm Phú Thứ đi với tư thế thay mặt triều đình để bàn quốc sự ngoại giao. Tác phẩm
Giá Viên biệt lục do ba người là Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguỵ Khắc Đản
cùng viết, trong đó Giá Viên Phạm Phú Thứ giữ vai trò biệt lục (sưu tầm, tập hợp,
chỉnh lý, cắt chọn, sắp xếp). Có thể nói Giá Viên biệt lục hơn hẳn Tây hành kiến văn
kỷ lược về quy mô và phong phú về nội dung. Hơn 9 tháng ở Tây Âu nhóm của Phạm
Phú Thứ có điều kiện xem xét, khảo sát phương Tây về các mặt kinh tế, văn hóa, xã
hội, khoa học công nghệ... và ghi chép lại tỉ mỉ để khi về dâng lên vua Tự Đức. Chính
thái độ trung thực, thận trọng, tỉ mỉ và khoa học ấy càng làm tăng thêm giá trị của tác
phẩm. Cái gì trong tác phẩm cũng lạ, cũng mới đối với người Việt Nam vì đây là lần
đầu tiên họ được biết đến.
Thế nhưng cũng phải thừa nhận rằng Giá Viên biệt lục không tạo được sự khoái
cảm nơi người đọc bằng Tây hành kiến văn kỷ lược. Ở tác phẩm của Lý Văn Phức
người đọc có thể cùng hồi hộp vui buồn trước những cảm xúc của tác giả bởi ông viết
chính bằng trái tim xúc động trước thế giới phương Tây mới lạ. Còn ở Giá Viên biệt
lục khó có những cảm xúc như vậy vì tác phẩm viết ra là để dâng lên vua. Những
cảm xúc cá nhân không được bộc lộ mà thay vào đó là những ghi chép chính xác
khách quan khiến cho tác phẩm gần với hình thức văn học chức năng. Mặc dù còn
hạn chế nhưng Giá Viên biệt lục vẫn đánh dấu bước phát triển mới quan trọng về quy
mô phản ánh và đối tượng phản ánh của thể ký giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX.
Đến giai đoạn này, ký có khả năng to lớn, phản ánh được những vấn đề quan
trọng mà thời đại đặt ra, phản ánh những vấn đề mang tầm vóc quốc gia, quốc tế. Thế
nhưng “cuộc xâm lược của người Pháp vừa mở ra một cục diện phản ánh mới cho thể
ký, nhưng đồng thời cũng đẩy thể ký vào sự bế tắc về phương thức phản ánh mà Giá
Viên biệt lục là tín hiệu đầu tiên báo hiệu cho sự bế tắc đó” [35, tr.72].
Sau Phạm Phú Thứ là các tác giả ký cuối cùng của thế kỷ XVIII - XIX: Đặng
Huy Trứ (1820 - 1874), Nguyễn Trường Tộ (1831 - 1871), Nguyễn Lộ Trạch (1853 -
1898)... Trước cảnh đất nước mất dần chủ quyền vào tay người Pháp thì những tác
phẩm của Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch đều ghi chép về hiện
thực dân tộc lúc bấy giờ.
Ký đến giai đoạn cuối thế kỷ XIX chuyển sang dạng điều trần và kế sách.
Những bản điều trần, những bản trình bày công việc cần làm gấp, cần cử người đi
học kỹ thuật, đi học ngoại ngữ... và những kế sách đối với thời cuộc để canh tân đất
nước nghiêng hẳn sang loại hình văn học chức năng.
Như vậy, cũng như tất cả các thể loại khác trong văn học trung đại thể ký sau khi
đạt đến đỉnh cao đã rơi vào sự bế tắc. Trước tình hình mới thể ký không thể giữ mãi
lối viết như xưa hơn nữa ký viết bằng chữ Hán cũng không đáp ứng được yêu cầu
thời đại. Ký trung đại đã đi hết hành trình lịch sử mười thế kỷ và nhường bước cho ký
hiện đại sau này.
1.2.2. NHU CẦU PHÁT TRIỂN CỦA THỂ LOẠI KÝ TRUNG ĐẠI THẾ KỶ
XVIII - XIX
Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại vừa phản ánh tư duy nghệ thuật của
người Việt Nam vừa gắn liền với quá trình lịch sử của văn học dân tộc.
Thế kỷ X - XIV văn xuôi tự sự chưa tách khỏi văn học dân gian và văn học chức
năng (tôn giáo, hành chính) nên về cơ bản ký vẫn thuộc văn học chức năng.
Thế kỷ XV đánh dấu bằng cuộc chiến thắng quân Minh xâm lược và xây dựng
quốc gia Đại Việt thịnh trị. Nhưng không lâu sau đó, các phe phái phong kiến gây ra
nội chiến dẫn đến tình trạng đất nước bị chia cắt.
Giai đoạn thế kỷ XV - XVII, văn xuôi tự sự đã thoát ra khỏi mối ràng buộc của
văn học dân gian và văn học chức năng. Thể ký giai đoạn này chưa thành một thể
riêng mà nó chỉ là một thành phần nhỏ nằm trong tác phẩm tự sự nhiều thiên.
Cuối thế kỷ XVII, về cơ bản cục diện chiến tranh Mạc - Lê - Nguyễn đã chấm
dứt nhưng đời sống của nhân dân vô cùng khốn khó. Hơn nữa chiến tranh kéo dài làm
cho đạo đức suy thoái trầm trọng. Trước tình hình đó lẽ ra giai cấp thống trị phải tận
dụng cơ hội để phát triển kinh tế, bồi dưỡng sức dân. Nhưng ngược lại họ chỉ tranh
thủ để lao vào cuộc sống ăn chơi hưởng lạc. Các tập đoàn thống trị đương thời ở đàng
trong cũng như đàng ngoài ra sức vơ vét tiền của, thóc gạo và sức lao động của nhân
dân vì mục đích cá nhân. Người dân đàng ngoài phải gánh hai chính quyền vua Lê và
chúa Trịnh. Dân cả hai miền không chịu nổi đã vùng dậy đấu tranh chống lại chính
quyền trên phạm vi cả nước với quy mô lớn chưa từng thấy. Các sử gia trong và
ngoài nước gọi thế kỷ XVIII là thế kỷ nổi dậy của nhân dân lao động.
Thế kỷ XVIII - XIX là khoảng thời gian đầy bão táp và biến động. Những cuộc
khởi nghĩa nổ ra đã đưa đất nước đến chỗ loạn lạc rối ren.
Nhân dân nổi dậy khắp nơi dẫn tới đỉnh cao là phong trào khởi nghĩa Tây Sơn do
Nguyễn Huệ lãnh đạo. Phong trào Tây Sơn đã lật đổ các tập đoàn phong kiến mục nát
của chúa Nguyễn ở đàng trong, của vua Lê chúa Trịnh ở đàng ngoài và đánh tan giặc
Xiêm phía Nam, quân xâm lược nhà Thanh phía Bắc bảo vệ độc lập dân tộc. Thế
nhưng, từ lúc Quang Trung mất, đất nước lại một lần nữa lâm vào cảnh nội chiến mà
kết quả là nhà Tây Sơn sụp đổ, chúa Nguyễn trở lại giành lấy chính quyền và xây
dựng một nhà nước chuyên chế.
Bức tranh xã hội - lịch sử Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX như một
thôi thúc nội tại cần được ghi lại. Chính sự tác động của lịch sử khiến người cầm
bút luôn trăn trở, tìm tòi, thử nghiệm và dĩ nhiên không phải bằng những lý thuyết,
những tài liệu sử học... mà bằng những tác phẩm nghệ thuật cụ thể.
Mặc dù truyện Nôm, ngâm khúc, thơ hát nói, thơ Nôm Đường luật đã đạt nhiều
thành tựu xuất sắc nhưng để ghi lại những bức tranh hiện thực rộng lớn của lịch sử thì
các thể loại này lại không phù hợp. Thể loại ký trung đại Việt Nam thực sự ra đời vào
thế kỷ XVIII. Và nó chỉ thực sự ra đời khi người cầm bút trực diện trình bày đối
tượng được phản ánh bằng cảm quan của chính mình. Ký viết về hiện tại, viết về
những điều mắt thấy tai nghe. Không gian và thời gian nghệ thuật của ký bao giờ
cũng cụ thể, gắn với những sự kiện và con người đang được đề cập tới. Như vậy thể
loại ký ra đời đã đáp ứng được nhu cầu phản ánh hiện thực của thời đại.
Chương 2 - ĐÓNG GÓP CỦA THỂ LOẠI KÝ VỀ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG
2.1. KÝ GHI LẠI CÁC SỰ KIỆN LỊCH SỬ XÃ HỘI
Thế kỷ XVIII - XIX là một giai đoạn lịch sử đầy rối ren và biến động. Thể loại
ký ra đời đã phản ánh một cách chân thực lịch sử xã hội. Đặc điểm mấu chốt để xác
định ranh giới giữa thể ký văn học và các thể loại khác là ở chỗ ký viết về cái có thật
và tôn trọng tính xác thực của đối tượng được miêu tả. Người viết ký có quyền bình
luận, phân tích nhưng chủ yếu vẫn là tiếng nói của bản thân sự sống đang vận động,
phát triển.
Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác đánh dấu sự phát triển của thể ký Việt Nam
thời trung đại. Với thiên ký sự này tác giả ghi lại những cảm nhận của bản thân trước
hiện thực về cảnh vật và con người mà mình tận mắt chứng kiến kể từ khi nhận được
lệnh triệu về kinh đô chữa bệnh cho thế tử Cán ngày 12 tháng giêng năm Nhâm Dần
(1782) cho đến lúc xong việc, về tới nhà ở Hương Sơn ngày mồng 2 tháng 11 (tổng
cộng là 9 tháng 20 ngày). Trước cuộc sống xa hoa của giai cấp thống trị Lê Hữu Trác
có cái nhìn khách quan và tính hiện thực nổi rõ trên ngòi bút của ông.
Khác với Lê Hữu Trác viết theo lối ký sự Phạm Đình Hổ mở ra lối viết ký đa
dạng về bút pháp. Có đoạn tác giả viết theo lối tự thuật kể về thời thơ ấu của mình,
có đoạn lại được viết theo lối khảo cứu. Dường như Phạm Đình Hổ có sở trường về
ký khảo cứu. Ông khảo từ hoa cỏ đến phong tục, từ chữ viết đến thể văn, thể thơ, từ
điềm kỳ dị đến phép thi cử, khảo từ nhân vật đến quỷ thần, tang lễ, cưới xin, đất đai
phong vật, nhân tình thế thái... Điều gì ông cũng trình bày cặn kẽ, nói có sách, mách
có chứng và so sánh với thực tại. Tuy mang hình thức khảo cứu nhưng tác phẩm của
Phạm Đình Hổ lại là những ghi chép về các sự kiện lịch sử xã hội.
Với những mẩu ghi chép ngắn gọn như Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, Võ
Thái Phi, Cuộc bình văn trong nhà Giám, Mẹo lừa, Trộm cắp... Phạm Đình Hổ đã
ghi lại được hiện thực xã hội lúc bấy giờ. Sự suy thoái về đạo đức xã hội, cảnh sống
xa hoa của giai cấp thống trị, đời sống cùng khổ của người dân hiện lên sống động
và rõ nét. Nói như Nguyễn Phương Chi: “Cùng với Hoàng Lê nhất thống chí và
Thượng kinh ký sự, Vũ trung tùy bút là thiên ký tiêu biểu và xuất sắc của mảng văn
xuôi giàu tính hiện thực của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII” [18, tr.2037].
Thượng kinh ký sự và Vũ trung tùy bút đã khắc họa được nhiều bức tranh hiện
thực về xã hội kinh kỳ vào khoảng cuối thế kỷ XVIII nhưng vẫn chưa đạt được tầm
bao quát hiện thực rộng lớn như trong Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái.
Mục đích của tác giả Hoàng Lê nhất thống chí là tái hiện lại lịch sử xã hội nước ta với
những sự kiện có thật, con người có thật cuối thế kỷ XVIII và mấy năm đầu thế kỷ
XIX. Thời gian miêu tả là kể từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa (1786) cho đến lúc
Nguyễn Ánh lên ngôi vua (1802). Đây là thời gian khủng hoảng trầm trọng của chế độ
phong kiến Việt Nam. Mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp phong kiến thống trị cũng như
mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị với nhân dân bộc lộ gay gắt chưa từng thấy. Có thể
nói, những sự kiện quan trọng của giai đoạn lịch sử này đều được các tác giả Hoàng
Lê nhất thống chí ghi chép lại một cách chân thực. Thế nhưng bằng sự kết hợp hài hòa
giữa chân lý lịch sử và chân lý nghệ thuật các tác giả đã để lại cho người đọc những ấn
tượng khó quên về bất kỳ một nhân vật nào trong tác phẩm.
Hoàng Lê nhất thống chí về hình thức được viết theo lối tiểu thuyết chương hồi
của Trung Hoa nhưng mục đích của các tác giả nhằm ghi chép lại các sự kiện lịch
sử vừa xảy ra trên đất nước ta. Hoàng Lê nhất thống chí viết về những sự kiện lịch
sử vừa mới xảy ra chứ không phải là những sự kiện lịch sử đã xa xưa. Tất cả con
người, sự kiện và năm tháng ở đây đều có thật và chính xác. Do vậy tác phẩm có
những giá trị to lớn về mặt sử học cũng như về mặt văn học.
Bản chất của thể loại ký là phản ánh “người thật, việc thật” cho nên đời sống xã
hội và những sự kiện lịch sử được ghi lại khá rõ nét. Người đọc không chỉ thấy được
sự đối lập giữa cảnh sống nơi cung vua phủ chúa với đời sống của người dân mà còn
thấy được những sự kiện lịch sử và những nhân vật lịch sử quan trọng của một giai
đoạn lịch sử.
2.1.1. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
2.1.1.1. CẢNH SỐNG NƠI CUNG VUA PHỦ CHÚA
Lối sống giàu sang xa hoa hoang phí
Tính hiện thực của cảnh sống nơi cung vua phủ chúa được các tác giả ghi lại một
cách chân thực sống động. Lần đầu tiên khi bước chân vào phủ chúa Lê Hữu Trác
cũng phải choáng ngợp vì sự xa hoa tráng lệ. Hải Thượng nghĩ bụng “mình vốn con
quan, sinh trưởng ở chốn phồn hoa, chỗ nào trong cấm thành mình cũng đã từng biết.
Chỉ có những việc ở trong phủ chúa là mình chỉ nghe nói thôi. Bước chân đến đây
mới hay cái cảnh giàu sang của vua chúa thực khác hẳn người thường!” [59, tr.31].
Phủ chúa trong Thượng kinh ký sự được Lê Hữu Trác quan sát từ cửa sau. Điều
gây ấn tượng mạnh đối với ông là nhiều cửa, nhiều lầu gác, nhiều hành lang. Người
truyền mệnh dẫn ông qua mấy lần cửa nữa mới đến cái điếm “Hậu mã quân túc trực”,
đi bộ đến một cái cửa lớn, qua dãy hành lang phía tây đến một cái nhà lớn thật là cao
và rộng. Ở cửa nào cũng có vệ sĩ canh giữ cửa cung, ai muốn ra vào phải có thẻ.
Ngoài mấy nhà rộng trên còn có nhà “Đại đường” còn gọi là “Quyển bồng”, “gác tía”
nơi Thế tử “dùng trà” nên gọi là phòng chè (số là ở đây kiêng danh từ “thuốc” nên
gọi là “chè”). Phía ngoài lầu gác đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít,
danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương… Khung cảnh tự nhiên ở đây
tạo cho Lê Hữu Trác một cảm giác như “ngư phủ nhập đào nguyên”.
Lối sống xa hoa không chỉ ở những công trình kiến trúc với những ngôi nhà
cao rộng, các hành lang quanh co uốn lượn, các bao lơn lượn vòng kiểu cách xinh
đẹp… mà còn ở cách trưng bày những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy. Các đồ quí
giá được bày biện khắp mọi nơi. Đồ nghi trượng đều sơn son thiếp vàng, sập thiếp
vàng, võng điều đỏ, mâm vàng, chén bạc… Trước sự lộng lẫy xa hoa của phủ chúa
kiến cho Lê Hữu Trác bấy giờ mới biết “cái phong vị của nhà đại gia” mà chính ông
cũng phải thốt lên “Cả trời Nam sang nhất là đây”.
Khác với Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, Lê Hữu Trác đã thu
hẹp diện miêu tả trong Thượng kinh ký sự. Khi lọt vào chốn thâm cung, tác giả không
khỏi ngỡ ngàng đi theo quan Chánh đường. “Đột nhiên thấy ông ta mở một chỗ trong
màn gấm rồi bước vào. Ở trong tối om, không thấy có cửa ngõ gì cả. Đi qua độ năm,
sáu lần trướng gấm như vậy, đến một cái phòng rộng, ở giữa phòng có một cái sập
thiếp vàng. Một người ngồi trên sập độ năm, sáu tuổi, mặc áo lụa đỏ. Có mấy người
đứng hầu hai bên. Giữa phòng là một cây nến to cắm trên một cái giá bằng đồng. Bên
sập đặt một cái ghế rồng sơn son thiếp vàng, trên ghế bày nệm gấm. Một cái màn là
che ngang sân. Ở trong có mấy người cung nhân đang đứng xúm xít. Đèn sáp chiếu
sáng, làm nổi màu mặt phấn và màu áo đỏ. Xung quanh lấp lánh, hương hoa ngào
ngạt. Xem chừng thánh thượng vẫn ngồi trên ghế rồng này, nay người rút lui vào màn
để tôi xem mạch cho Đông cung cho thật kỹ” [59, tr.34].
Ở đây Lê Hữu Trác tập trung miêu tả nhân vật Trịnh Cán còn Trịnh Sâm chỉ hiện
ra thấp thoáng. Khi xem mạch cho thế tử Cán, Lê Hữu Trác nhận xét: “… theo tôi, đó
là vì thế tử ở trong chốn màn che trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên tạng phủ
yếu đi. Vả lại, bệnh mắc đã lâu, tinh khí khô hết, da mặt khô, rốn lồi to, gân thời
xanh, tay chân gầy gò. Đó là vì nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức” [59,
tr.35].
Dưới điểm nhìn của Lê Hữu Trác thì Trịnh Cán xuất hiện trong khung cảnh vương
giả, thâm nghiêm được vây bọc giữa vàng son. Thế nhưng phòng ở đây không có ánh
sáng trời mà phải thắp những ngọn nến lớn. Trịnh Cán chỉ độ năm, sáu tuổi nhưng rất
có uy. Những người hầu chỉ đứng hai bên và đám cung nhân cũng đứng xúm xít thì
thào to nhỏ; ai vào cũng phải lạy bốn lạy, khi ra lại lạy bốn lạy nữa. Thầy thuốc nổi
danh như Lê Hữu Trác được mời vào xem bệnh, vẫn phải “nín thở đứng chờ ở xa” khi
được phép mới “khúm núm đến trước sập xem mạch”, lại được phép mới được xem
xét thân hình thể trạng.
Theo cách miêu tả của Lê Hữu Trác thì quyền lực tất cả tập trung trong tay chúa
Trịnh Sâm. Mọi việc trong phủ chúa khẩn trương hay chậm rãi là hoàn toàn không do
công việc mà chỉ trông vào ý chúa. Thế nhưng Trịnh Sâm cũng không hoàn toàn tự
do, chủ động mà phải dựa vào quan Chánh đường Hoàng Đình Bảo. Đơn của Lê Hữu
Trác kê lên, quan vẫn chỉ bỏ túi không vội dùng và không cho các thầy lang khác
xem bởi “phương thuốc và lập luận của cụ khác chúng ta nhiều” [59, tr.37]. Trong
phủ chúa hầu hết mọi người đều lo cho chỗ đứng của mình. Các quan ngự y thì đêm
ngày chầu chực ở “phòng chè” dựa vào ý của quan Chánh đường để bốc thuốc còn
quan Chánh đường thì lại phụ thuộc vào thế tử Cán. Vì thế sau này khi Lê Hữu Trác
thông báo: “Tinh thần suy kiệt lắm rồi! Thế không qua được đâu!” thì Chánh đường
“thở dài một tiếng, nằm vật xuống sập” [59, tr.132].
Ngòi bút hiện thực của Lê Hữu Trác đã dựng lên cảnh sinh hoạt trong phủ chúa
Trịnh cuối thế kỷ XVIII. Mọi cảnh vật mà ông thoáng nhìn qua dường như được khắc
nổi hẳn lên. Đó là những dãy hành lang quanh co ngoằn ngoèo trên những lối đi trong
vườn, đến những khoảng rừng rậm có tiếng chim ríu rít và ngạt ngào mùi thơm, từ cái
điếm hậu có “những cây cỏ lạ và những hòn đá dị kỳ”, có “cột bao lơn lượn vòng thật
xinh đẹp”, cho đến những dãy lầu góc nguy nga tráng lệ ở chỗ nào cũng chói lên màu
sơn son thiếp vàng. Tất cả những núi non, cây cỏ, hồ ao, đình đài không chỉ hợp
thành một khung cảnh rực rỡ mà ở đấy còn là hình ảnh của những tên thị vệ và người
có việc quan chạy đi chạy lại như mắc cửi, những cái cáng chạy vào phủ như ngựa
lồng… Cuộc sống trong phủ chúa Trịnh cuối thế kỷ XVIII qua những nét miêu tả của
Lê Hữu Trác là những tư liệu sử học có giá trị cao.
Trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ thì lối sống xa hoa thời vua Lê chúa
Trịnh cũng được thể hiện rất rõ nét. Đó là sự ăn chơi thỏa thích hoang phí của chúa
Trịnh Sâm. Chẳng hạn bài ký Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh ghi lại “Thịnh Vương
(Trịnh Sâm) thích đi chơi ngắm cảnh đẹp, thường ngự ở các ly cung trên Tây Hồ, núi
Tử Trầm, núi Dũng Thuý. Việc xây dựng đình đài cứ làm liên tục. Mỗi tháng ba bốn
lần, Vương ra cung Thuỵ Liên trên bờ Tây Hồ, binh lính dàn hầu vòng quanh bốn
mặt hồ, các nội thần thì đầu bịt khăn, mặc áo đàn bà, bày bách hóa chung quanh bờ
hồ để bán…
Buổi ấy, bao nhiêu những loài trân cầm dị thú, cổ mộc, quái thạch và chậu hoa
cây cảnh ở chốn dân gian, Chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì” [21, tr.12].
Chính sự ăn chơi xa hoa của chúa khiến cho bọn hoạn quan cung giám lại thường
nhờ gió bẻ măng, ra ngoài dọa dẫm để lấy tiền. “Các nhà giàu thì bị họ vu cho là giấu
vật cung phụng, thường phải bỏ của ra kêu van chí chết, có khi phải đập bỏ núi non bộ
hoặc phá bỏ cây cảnh để tránh khỏi tai vạ” [21, tr.13].
Lối ăn chơi hoang phí này không phải chỉ đến Trịnh Sâm mà trước đó Trịnh
Giang, Trịnh Cương đều có cả. Chúa Trịnh Sâm thích đi ngự chơi, đi thưởng hoa, đi
câu cá thường có Nguyễn Khản cùng đi. Nguyễn Khản cũng là bậc phong lưu tiến sĩ
thời bấy giờ và được nhà chúa đặc ban cho được đi lại ra vào trong cung cấm.
“Những ngày rỗi, chúa Trịnh lên ngự chơi Hồ Tây, kẻ thị thần vệ sĩ bày hàng quanh
cả bốn mặt hồ, nhà chúa chỉ cùng với bà Đặng Tuyên Phi ngồi trên thuyền, mà
Nguyễn Khản thì ngồi hầu ngang trước mặt, cùng thưởng lãm, cười nói, không khác
gì bạn bè, người nhà. Trong cung có bày bể cạn, núi non bộ và cảnh hoa đá gì, đều
phải qua tay ông Nguyễn Khản điểm xuyết thì mới vừa ý nhà chúa” [21, tr.153].
Sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái
Ở Hoàng Lê nhất thống chí các tác giả họ Ngô đã miêu tả cảnh lục đục trong phủ
chúa. Có thể đây là dụng ý của các tác giả bởi quyền hành lúc bấy giờ đều tập trung
trong tay chúa Trịnh. “Họ Trịnh đời đời kế tiếp tước Vương, nắm giữ hết quyền bính
trong tay, hoàng gia mỗi ngày một suy yếu dần” [39, tr.7]. Trịnh Sâm được miêu tả
“là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán sáng suốt, trí tuệ hơn người, có đủ tài về
văn lẫn võ, đã xem khắp kinh sử, biết làm văn thơ. Sau khi Thịnh Vương (Trịnh Sâm)
lên ngôi chúa, từ kỷ cương trong triều đến chính trị trong nước, hết thảy đều được sửa
đổi” [39, tr.7]. Chúa cho mình có công lớn, đã làm cho bốn phương yên ổn hơn hẳn
mọi đời chúa trước nên “Chúa dần sinh bụng kiêu căng, xa xỉ, phi tần thị nữ kén vào
rất nhiều, mặc ý vui chơi thoả thích” [39, tr.8].
Với Hoàng Lê nhất thống chí thì nơi cung cấm cũng chẳng phải là chốn thâm
nghiêm, an lành. Sự thao túng, chuyên quyền của phủ chúa kiến cho hoàng tộc họ Lê
chỉ còn là “hữu danh vô thực”. Có thể coi vụ án Thái tử Lê Duy Vỹ là điển hình của sự
hãm hại lẫn nhau giữa phủ chúa và triều vua. “Thái tử xưa vóc người đẹp đẽ, tư chất
thông minh. Thấy nhà vua bị mất quyền, Thái tử căm tức lắm, thường vẫn khảng khái
nuôi chí thu phục lại quyền bính.._.đình hoãn việc tang lại mà đón dâu, gọi là cưới chạy
tang. Thói ấy thực là thương luân bại lý, các bực tiên hiền từng đã biện bác đi rồi. Còn
như cái thói tiền cưới không đủ, bắt phải viết văn khế xin cưới, thường sinh ra kiện
tụng lôi thôi” [21, tr.55]. Nói về Cách uống chè, Phạm Đình Hổ không chỉ miêu tả khá
tỉ mỉ mà còn đưa ra những nhận xét và kinh nghiệm uống chè. Ông viết: “Chè tàu thú
vị ở chỗ tinh nó sạch sẽ, hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong,
với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè tàu ra thưởng
thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục” [21, tr.33].
Phạm Đình Hổ không chỉ đưa ra nhận xét mà ông còn nhìn ra được vấn đề, thấy
cái được và chưa được của dân tộc. Ông tiếc cho người cầm quyền nước không biết
lưu ý đến việc công nghệ, sản vật của đất nước. Sản vật nước ta thật phong phú
nhưng dân ta vẫn còn nghèo đó cũng là điều mà Phạm Đình Hổ luôn trăn trở. “Nếu
người cầm quyền nước biết nhân cái sản vật tự nhiên mà khéo dùng nó, chế biến ra
các thứ cần dùng thì so với Trung Hoa, ta cũng chẳng kém gì mấy” [21, tr.37].
Là người luôn lo lắng cho thời cuộc, Phạm Đình Hổ đã đưa ra phương án cải tổ.
“Ta thường muốn kén chọn những người thiếu niên anh tuấn ở những làng đã quen
làm nghề nghiệp như làng La Khê, Yên Thái, Bát Tràng, Trúc Khê và các xã duyên
sơn, cho cạo đầu hoá trang theo khách buôn sang Trung Hoa đem tiền bạc đi mà học
lấy những nghề khéo… khi nào xem xét đã tinh rồi thì trở về nước, phân cho mỗi
người coi một việc mà chế tạo ra đồ dùng. Hết thảy các đồ mặc đều cứ theo lệ ấy mà
cho người đi học để phát minh thêm ra, tưởng độ mười năm thì người nước ta, về các
nghề nghiệp, cũng đã tinh xảo” [21, tr.38]. Thế nhưng tư tưởng tiến bộ của Phạm
Đình Hổ lại không được người cầm quyền nước quan tâm tới bởi “Kẻ gặp thời làm
được thì không có chí, những kẻ có chí thì không gặp thời. Ta e rằng việc thiên hạ
không phải là việc kẻ hèn mọn được nói leo” [21, tr.38].
Mỗi tác giả có một cách nhận xét riêng nhưng đều hướng đến một mục đích
tăng giá trị chuyện kể. Hoàng Lê nhất thống chí phản ánh cuộc tranh ngôi đọat quyền
giữa tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh và cuộc nổi dậy đầy khí thế của phong trào Tây
Sơn. Tác phẩm phản ánh khá trung thực các sự kiện lịch sử đồng thời qua đó các tác
giả cũng đưa vào những lời nhận xét của mình. Những lời mở đầu cho một hồi đều
mang tính chủ quan của tác giả. Chẳng hạn như ở hồi 1, tác giả họ Ngô viết:
Đặng Tuyên phi được yêu dấu, đứng đầu hậu cung
Vương thế tử bị truất ngôi, ra ở nhà kín.
Có thể nói, việc cho nhân vật Đặng Thị Huệ xuất hiện ngay từ hồi đấu không
phải là ngẫu nhiên. Chính sự kiện nàng được yêu dấu có tác dụng như một cú hích đã
gây ra việc bỏ con trưởng lập con thứ và nhiều chuyện rắc rối khiến cho “phủ chúa
dần dần sinh ra bè nọ cánh kia” [39, tr.12].
Khi nói đến việc Trịnh Tông lên ngôi chúa là nhờ vào đám kiêu binh tác giả còn
nói rõ tấn hài kịch chúa ngồi trên một cái mâm vẫn bày cỗ lộc để đám kiêu binh chốc
chốc lại nâng lên đặt xuống cho mọi người xem (hồi 2). Vậy mà khi nhận xét về việc
lên ngôi chúa của Trịnh Tông các tác giả chỉ đưa ra một câu nói: “Kinh kỳ hôm ấy vì
thế phải nghỉ phiên chợ” [39, tr.46].
Viết về nhân vật Nguyễn Huệ các tác giả không chỉ ghi chép người thật, việc
thật mà còn cho người đọc thấy một anh hùng vừa lớn lao mà cũng thật gần gũi. Thế
quân do Nguyễn Huệ lãnh đạo đã khiến cho quân Thanh đại bại. “Tôn Sĩ Nghị sợ mất
mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của
mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy. Quân sĩ các danh
nghe tin, đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau
rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau qua cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống
nước, đến nỗi sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa” [39, tr.361].
Tóm lại, ngoài cách ghi chép sự kiện các tác giả còn đưa ra những lời nhận xét
với lối viết riêng. Chính những nhận định mang tính chủ quan thể hiện cái tôi trữ tình
đã làm cho những trang viết không rơi vào sự đơn điệu nhàm chán thường thấy ở
những bài ký vốn mang tính chất phản ánh người thật, việc thật. Tác phẩm ký không
chỉ hấp dẫn người đọc ở tính hiện thực mà còn ở giá trị chuyện kể.
3.3.2. GHI CHÉP KẾT HỢP GIỮA HIỆN THỰC VÀ TRỮ TÌNH
Sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và trữ tình đã tạo nên những tác phẩm nghệ
thuật độc đáo. Thể ký của văn học trung đại so với văn học hiện đại có sự khác biệt
nhưng đặc trưng cơ bản thì giống nhau: đó là tính xác thực của sự việc, con người,
địa chỉ mà tác giả ghi lại trong tác phẩm.
Bằng những thủ pháp nghệ thuật tài hoa của mình Lê Hữu Trác đã dựng lại được
một bức tranh sống động và chân thực về phủ chúa Trịnh. Thượng kinh ký sự đã đem
đến cho người đọc những cảm xúc thẩm mỹ bởi sự kết hợp nhiều bút pháp nghệ
thuật. Đặc biệt Lê Hữu Trác đã chọn lọc những chi tiết rất điển hình, giàu sức gợi tả
tạo cảm giác thú vị nơi người đọc. Những chi tiết “vừa nói vừa thở”, “chạy như
ngựa lồng”, “thánh thượng đang ngự ở đây, xung quanh có phi tần chầu chực, nên
chưa thể yết kiến”, “ở trong tối om, không thấy có cửa ngõ gì cả”… với ngòi bút
hiện thực Lê Hữu Trác đã khắc họa lại bức tranh xã hội kinh kỳ vào khoảng cuối thế
kỷ XVIII.
Bên cạnh bút pháp hiện thực thì Lê Hữu Trác cũng có bộc lộ suy nghĩ của mình.
Ngay khi mới vào đến ngoại ô Thăng Long, vừa trông thấy hào thành tác giả đã bồi
hồi xúc động. “Nơi này xưa kia tôi đã từng du học, ở trọ ở đây. Tôi chống gậy đi bách
bộ bốn phía để ngắm xem cảnh cũ, nhưng điện phật, đình, đài, chỗ ở các quan và các
trại lính đều khác ngày xưa. Tôi càng thêm cảm khái, làm một bài thơ để tỏ lòng
mình:
Lạc phách giang hồ tam thập niên,
Ngẫu tùy đan phượng nhập Trường Yên (An).
Y quan, văn vật sinh trung thổ;
Lâu quán, đình đài tiếp viễn thiên.
Thô suất nhiễm thành sơn dã tính;
Xu bồi tu đối ngọc đường tiên.
Thiếu thời lịch lịch hy du xứ
Kim nhật trùng lai bán bất nhiên.
Dịch:
Ba chục năm giang hồ phiêu bạt
Vâng chiếu trời vào đất Tràng An.
Trung châu văn vật y quan;
Lâu, đài, đình, quán tột làn mây xanh.
Tính sơn dã đã thành thô tục;
Tiên ngọc đường thẹn lúc xu bồi.
Kìa nơi tuổi trẻ đùa chơi
Ngày nay phần nửa khác thời năm xưa!” [59, tr.27]
Bút pháp trữ tình còn được thể hiện ở những bài thơ mà Lê Hữu Trác viết về
thiên nhiên. Ông luôn coi thiên nhiên như người bạn để chia sẻ tâm sự nhưng ông
không coi việc ngắm cảnh và say mê ngắm cảnh là mục đích sống, mục đích nghệ
thuật mà chỉ mượn cảnh để giãi bày tâm sự của bản thân. Chính tâm hồn nhạy cảm
trước cảnh và tình nên những bài thơ trong Thượng kinh ký sự mang đậm chất trữ tình
và tâm sự của ông.
Tỉnh hậu vị qui khứ
Giai tiền, nguyệt hựu sinh.
Bình hồ khởi thu sắc;
Độc điểu tác ly thanh.
Mỗi đắc du sơn mộng;
Y nhiên tại đế thành.
Nhược ngu nguyên thả trí
Hà ngã lộng hư danh!
Dịch:
Tỉnh giấc dậy đi về chưa toại,
Trước thềm nhà trăng lại mọc ngay
Hồ bằng thu sắc rạng đầy,
Một chim réo rắt tiếng bay lìa đàn,
Chơi núi cũ mơ màng nằm thấy.
Nơi đế thành mình hãy còn đây!
Kìa ai khôn giả làm ngây,
Hư danh quấy mãi thân này làm chi?” [59, tr.54]
Thời gian ở kinh đô chữa bệnh trong phủ chúa tâm hồn Lê Hữu Trác luôn hướng
về quê nhà. Cách ghi chép trong Thượng kinh ký sự cho thấy Lê Hữu Trác là một nhà
văn có tâm hồn, giàu cảm xúc trước thiên nhiên tạo vật. Những bài thơ trong tác
phẩm đều mang tâm trạng, có sự quyện chặt giữa cảnh và tình. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh
nào tâm hồn Lê Hữu Trác cũng hướng về thiên nhiên. Trông thấy vầng trăng ông lại
nhớ “Di chân đường”, nơi thường ngồi chơi đàn uống rượu, thưởng trăng nơi quê
nhà.
Bút pháp trữ tình còn thể hiện khá rõ trong bài ký Về thăm cố hương. Đó là cảm
giác buồn rầu trước sự biến đổi của xóm làng. Rồi ông gặp lại bà con trong làng,
trong đó có nhiều người “phải nói đến tên cúng cơm của cha ông, nói đến họ hàng
thân thuộc như thế nào, và nghĩ mãi tôi mới nhận ra. Thấy cái cảnh xa cách như thế,
tôi bỗng khóc oà lên” [59, tr.113].
Mặc dù xa quê đã lâu nhưng khi trở về Lê Hữu Trác luôn nghĩ đến tổ tiên, đến những
người đã khuất, đến những phong tục và tín ngưỡng ở làng quê. Tác giả “sửa soạn một cái
lễ cáo yết nhà thờ”, rồi tiếp khách, chuyện trò, sau đó “đi thăm mộ và lễ ở các nhà thờ họ,
lễ các vị thần linh tại miếu làng”. Công việc xong xuôi tác giả mới đi du chơi, thăm thú
cảnh vật. Lê Hữu Trác ghi lại ba địa chỉ mà mình đến thăm: thăm lại những nơi có in dấu
vết kỷ niệm tuổi thơ: cây cầu nối liền hai xóm, thăm chùa Từ Vân, thăm chùa Liêu Xuyên.
Cả ba địa điểm mà Lê Hữu Trác đến thăm cho thấy ông là một ẩn sĩ thanh cao, sống gần
gũi với thiên nhiên, đúng như lời nhận xét của sư chùa Liêu Xuyên: “Thanh nhàn tự tại,
thú vị như thế nên công danh không thay đổi được lòng cũng là phải” [59, tr.118].
Trước cuộc sống của giai cấp thống trị trong Thượng kinh ký sự thì Lê Hữu Trác
có cái nhìn khách quan, tính hiện thực nổi bật trên ngòi bút của ông. Nhưng khi sống
lại những kỷ niệm thân thiết ngày xưa thì ngòi bút của ông in sâu những giá trị trữ
tình. Hai mặt hiện thực và trữ tình quyện chặt vào nhau tạo nên một phong cách độc
đáo trong nghệ thuật Thượng kinh ký sự.
Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ là thiên ký giàu tính hiện thực nhưng vẫn
thấm đượm chất trữ tình. Vũ trung tùy bút đã ghi lại được những hình ảnh chân thực
của một đoạn đường lịch sử với nhiều biến động xã hội phức tạp của xã hội phong
kiến Việt Nam ở giai đoạn khủng hoảng và tan vỡ. Nhưng bên cạnh tính hiện thực
thì lối viết của Phạm Đình Hổ đã tạo chất trữ tình cho tác phẩm. Ở bài ký Tự thuật đó
là những lời cảm thán biểu hiện tình cảm xót xa. “Nay đến bước cùng lận đận, biết
còn đội gạo vì ai, chỉ than thở cùng trời xanh, chứ biết gởi lòng mình vào ai nữa?”
[21, tr.9]. Tình cảm đó đã thực sự làm xúc động người đọc và tạo nên chất trữ tình
cho tác phẩm.
Trong Vũ trung tùy bút, ở một số truyện tác giả miêu tả và thưởng ngoạn thiên
nhiên với con mắt của nhà nghệ sĩ. Cách sử dụng biện pháp so sánh không chỉ tạo nên
chất trữ tình cho tác phẩm mà còn cho thấy chủ quan của tác giả. Cảnh chùa Sơn Tây
được tác giả khắc họa với dáng vẻ sinh động. “… Chùa ở trong một hốc đá, trước nhà
tiền đường, bên tả bên hữu, có gian thờ Phật và vị long thần; gian giữa treo một bức
mành mành rủ xuống tận đất; lại có xây một toà hoa sen cao đến vài trùng. Hoa tâm
là một hòn đá dài hơn một trượng, trông lởm chởm, kỳ quặc hết sức, nhìn kỹ thì
phảng phất như hình người nằm ngửa, không biết tự đâu đem lại”. Còn chùa Viễn
Sơn khi «trèo lên nhìn ra bốn bên thì làng mạc xa gần trông như tranh vẽ » [21, tr.17].
Phạm Đình Hổ miêu tả và khắc họa thiên nhiên với nhiều màu sắc và dáng vẻ sinh
động. Thiên nhiên và con người luôn trong sự gắn bó hài hoà với nhau. Viết về thiên
nhiên đó cũng là những tình cảm sâu nặng với quê hương đất nước của tác giả. “Đến
nay, thấm thoát hơn ba mươi năm, phong cảnh nước non vẫn còn như phảng phất ở
trước mắt ta vậy” [21, tr.17].
Đọc Vũ trung tùy bút ta còn thấy bức chân dung tự họa của Phạm Đình Hổ - một
nhà nho ưu thời mẫn thế, luôn thở dài ngao ngán trước thời cuộc. Trong bài ký Mẹo
lừa, Phạm Đình Hổ đưa ra những lời nhận xét “Nếu kẻ nhà giàu kia không hâm mộ
quan tân khoa, muốn cho con mình được làm bà quan, cầu lấy cái phúc mà mình
chẳng hề có, thì dẫu mẹo tai quái đến đâu cũng không thể lừa được” [21, tr.72]. Hay
trong bài ký bàn về Việc thi cử ông viết: “Ôi cái tệ khoa cử đến thế là cùng! Văn vận
với thế đạo càng ngày càng kém. Thực đáng than thay!” [21, tr.93]. Ở Phạm Đình Hổ
phong cách của nhà nho chính thống được thể hiện khá rõ nét trong bài ký Tự thuật.
Đó là một cậu bé con nhà sang trọng, có nền nếp và truyền thống giáo dục. Ngay từ
thuở ấu thơ đã có thiên hướng muốn nổi danh với đời bằng thơ văn “để cho người ta
biết là con cháu nhà nọ nhà kia, chí tôi chỉ như thế mà thôi” [21, tr.9]. Phạm Đình Hổ
cũng có một tuổi thơ như bao trẻ khác thời bấy giờ nhưng lại ghét cờ bạc mà chỉ thích
đọc sách. Phạm Đình Hổ được đào tạo theo khuôn mẫu của các nho gia: học sử, học
kinh, học thơ Đường… Nhưng ông lại sinh nhằm thời kỳ suy thái của Nho giáo Việt
Nam. Ông đã không thực hiện được hoài bão hành đạo của mình nhưng về phương
diện văn chương ông cũng đã nổi tiếng ở đời.
Có thể nói Vũ trung tùy bút là tác phẩm ký đặc sắc của Phạm Đình Hổ. Chính sự kết
hợp giữa bút pháp hiện thực và trữ tình đã tạo nên nét độc đáo của tác phẩm. Nhà nghiên
cứu Nguyễn Đăng Na có nhận xét “Đọc tác phẩm của Phạm Đình Hổ, ta thấy có chiều sâu
của người uyên thâm Hán học, có chất thiệp liệp của người trải đời, có cái ngạo nghễ, hóm
hỉnh của bậc hàn nho thanh bạch, có cái tinh tế của trí thức kinh kỳ biết thưởng thức ăn
chơi… Đấy là nét riêng trong phong cách ký của Phạm Đình Hổ mà các tác giả ký khác
không có được” [35, tr.57].
Ở Hoàng Lê nhất thống chí, các tác giả họ Ngô ghi lại khá tỉ mỉ lịch sử xã hội
Việt Nam khoảng ba mươi năm cuối thế kỷ XVIII và mấy năm đầu thế kỷ XIX. Song,
không vì mục đích ghi chép một cách chân thực lịch sử và xã hội mà các tác giả Hoàng
Lê nhất thống chí khắc họa một cách cô đọng, khô khan, cứng nhắc. Các tác giả họ
Ngô đã biết kếp hợp tương đối hài hòa giữa chân lý lịch sử với chân lý nghệ thuật để
tạo nên một tác phẩm văn học độc đáo.
Hoàng Lê nhất thống chí đã khắc họa khá sinh động bức tranh xã hội Việt Nam
nhưng đồng thời qua tác phẩm người đọc bắt gặp những con người có đời sống nội tâm
phức tạp. Bằng ngòi bút sắc bén, tinh tế các tác giả họ Ngô đã dựng nên được những
tính cách, những hình tượng đậm nét, sâu sắc khó quên trong lòng người đọc. Một
Nguyễn Văn Bình (Nguyễn Huệ) rất gần gũi, giản dị khi ngồi hầu chuyện vua Lê trên
sập mà một chân bỏ thõng xuống đất, khi nghe Ngọc Hân công chúa nói: “chỉ riêng
thiếp có duyên lấy được lệnh công, ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa trời, được sa
vào chốn lâu đài như thế này là sự may mắn của thiếp mà thôi. Nguyễn Bình lấy làm
thích thú lắm” [39, tr.122].
Thế nhưng trước tình huống nhà Thanh đem hơn 20 vạn quân tràn sang nước ta
thì phẩm chất anh hùng của Nguyễn Bình có dịp bộc lộ đầy đủ nhất. Đánh đuổi giặc
Thanh cũng là để mưu cầu hoà bình, hạnh phúc dài lâu cho dân tộc. “Vua Quang
Trung lại nói:
- Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn.
Chẳng qua mười ngày, có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ chúng là nước
gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù.
Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào mà
làm như vậy. Đến lúc ấy, chỉ có người khéo lời lẽ mới dẹp nổi việc binh đao, không
phải Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được. Chờ mười năm nữa, cho ta được yên ổn
mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh, thì ta có sợ gì chúng?” [39,
tr.357]. Như vậy, tác giả họ Ngô rất chú ý đến phương diện ngôn ngữ, lời nói để làm
nổi bật năng lực của nhân vật. Sự bản lĩnh trong quân sự, tinh tế trong ngoại giao của
nhân vật đều được bộc lộ bằng ngôn ngữ và hành động giàu sức thuyết phục.
Tóm lại, Hoàng Lê nhất thống chí cũng như các tác phẩm ký khác đã ghi lại khá
rõ nét hiện thực lịch sử xã hội Việt Nam. Bên cạnh khả năng đáp ứng được những
yêu cầu của thời đại thì những tác phẩm ký này vẫn giữ được tiếng nói của nghệ
thuật. Chính sự kết hợp giữa hiện thực lịch sử và bút pháp nghệ thuật đã tạo cho các
tác phẩm Thượng kinh ký sự, Vũ trung tùy bút và Hoàng Lê nhất thống chí vừa có giá
trị về mặt sử học vừa có giá trị về văn học. Có thể nói đây là những thiên ký tiêu biểu
xuất sắc của mảng văn xuôi hiện thực của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - đầu thế
kỷ XIX.
KẾT LUẬN
1. Trong lịch sử phát triển của văn học Việt Nam, ký có một vị trí đặc biệt quan
trọng. Do nguyên tắc tôn trọng tính xác thực của đối tượng miêu tả nên ký có những
mối liên hệ chặt chẽ với hiện thực xã hội. Tuỳ theo hình thức khác nhau của đối
tượng miêu tả mà ký có cách tái hiện riêng cho phù hợp. Có thể nói ký là thể loại cơ
động, linh hoạt trong việc phản ánh hiện thực một cách sinh động nhất.
2. Ở Việt Nam thời trung đại, cũng như truyện ngắn và tiểu thuyết chương hồi, ký
chủ yếu được viết bằng chữ Hán dưới hình thức các văn thể Trung Hoa. Giai đoạn
đầu (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV), văn xuôi tự sự chưa tách khỏi văn học dân gian và
văn học chức năng. Ký phải dựa hoàn toàn vào văn học chức năng mà đa phần là văn
học chức năng lễ nghi. Sang thế kỷ XV - XVII mặc dù ký dưới dạng tự bạt phát triển
hơn trước nhưng ký chưa thành một thể riêng mà chỉ là một phần nhỏ nằm trong tác
phẩm tự sự nhiều thiên. Sang thế kỷ XVIII, các hình thức văn xuôi tự sự đã phong
phú hơn. Ngoài các thể loại ra đời trước đó, nay còn có thêm thể ký và tiểu thuyết
chương hồi.
Do yêu cầu phản ánh hiện thực của thời đại nên đến thế kỷ XVIII thể loại ký
trung đại Việt Nam thực sự ra đời. Và nó chỉ thực sự ra đời khi người cầm bút trực
diện trình bày đối tượng được phản ánh bằng cảm quan của chính mình. Thành tựu
của thể ký giai đoạn này đã để lại một dấu ấn trong nền văn học Việt Nam. Điều này
chúng ta có thể thấy rõ qua các tác phẩm ký viết bằng chữ Hán tiêu biểu như Thượng
kinh ký sự, Vũ trung tuỳ bút, Hoàng Lê nhất thống chí …
Tuy nhiên để phân biệt giữa truyện và ký vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi tính
đa chức năng của văn học trung đại là đặc điểm phổ quát của văn học trung đại từ
Đông sang Tây. Giai đoạn đầu thật khó để xác định ranh giới giữa truyện và ký
nhưng đến thế kỷ XVIII đã bắt đầu xuất hiện những tác phẩm ký nghệ thuật đích
thực. Ký khác truyện không chỉ ở chức năng và kết cấu tác phẩm mà điều làm nên sự
phân biệt giữa truyện và ký về bản chất là thái độ người cầm bút.
3. Về phương diện nội dung, các tác phẩm ký nói trên có nhiều điểm tương đồng
nhau. Thế kỷ XVIII - XIX là một giai đoạn lịch sử đầy rối ren và biến động. Thể loại
ký ra đời phản ánh một cách chân thực lịch sử xã hội. Chưa bao giờ người dân lại
gánh chịu một chính quyền hết sức quái gở: vừa có vua lại vừa có chúa. Các tác giả
ký đã ghi lại một cách chân thực sống động về đời sống xã hội và những sự kiện lịch
sử. Hiện thực cuộc sống nơi cung vua phủ chúa phần lớn là sự ăn chơi sa đọa, tranh
quyền đọat lợi. Trái ngược với cuộc sống xa hoa hoang phí nơi cung vua phủ chúa là
đời sống cùng cực của người dân. Giai cấp phong kiến thống trị đàng ngoài lao nhanh
vào con đường ăn chơi xa xỉ khiến cho đời sống của người dân ngày một tồi tệ hơn.
Chưa bao giờ nạn đói kém xảy ra khủng khiếp và liên tục như trong thế kỷ XVIII mà
đặc biệt nghiêm trọng nhất là nạn đói năm 1741 mà Phạm Đình Hổ đã thu thập lại
trong Vũ trung tuỳ bút. Không chỉ trong sử sách mà qua các tác phẩm ký cuộc sống
của người dân hiện lên đầy bi thương. Ký không phải là lịch sử nhưng ký ghi lại các
sự kiện lịch sử đã làm nhức nhối người đọc vì “những điều trông thấy” của các tác
giả cùng thời.
Bên cạnh sự kiện lịch sử những nhân vật lịch sử trong tác phẩm ký cũng phản
ánh hiện thực lịch sử xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Nhân vật trong các tác phẩm ký là
những nhân vật có thật trong lịch sử nên hành động, tiếng nói, suy nghĩ của nhân vật
gắn liền với thời cuộc. Các tác giả ký đều hướng ngòi bút về hiện thực lịch sử để thể
hiện sự nhận thức và tình cảm của mình. Ngoài những vị vua, chúa thì hình tượng
Nguyễn Văn Bình (Nguyễn Huệ) và Nguyễn Hữu Chỉnh là những nhân vật phản ánh
lịch sử rõ nét. Hai nhân này hiện lên rõ nét không nhờ vào diện mạo mà chủ yếu qua
hành động và ngôn ngữ. Tuy cũng mang dấu ấn của con người văn học trung đại
nhưng những nhân vật trong các tác phẩm ký đã phản ánh phần nào lịch sử xã hội
Việt Nam lúc bấy giờ. Những nhân vật đó đã đi vào tác phẩm văn học và trở thành
những nhân vật mang tính lịch sử rõ nét. Chính vì điều này mà mỗi tác phẩm ký đều
có thể là những tài liệu quí giá để các nhà văn học cũng như sử học nghiên cứu.
Trong khi ghi chép hiện thực các tác giả ký còn ghi chép về những chuyện kỳ
lạ diễn ra trong đời sống hiện thực. Mặc dù ghi chép về những chuyện kỳ lạ nhưng
những tác phẩm ký vẫn bảo đảm tính xác thực của lịch sử. Bên cạnh đó, những mối
tình trong các tác phẩm ký phần nào cũng nói lên được đời sống hiện thực lúc bấy
giờ. Các tác phẩm ký viết về những mối tình có thật đã đem đến cho người đọc những
cảm xúc thẩm mỹ. Đọc Thượng kinh ký sự người đọc càng hiểu hơn một Lê Hữu Trác
sống có tình có nghĩa. Đọc Vũ trung tuỳ bút, Hoàng Lê nhất thống chí người đọc thấy
rõ sự say mê của chúa Trịnh Sâm đối với Đặng Thị Huệ. Các tác giả họ Ngô còn ghi
lại mối tình thật đẹp giữa Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân.
4. Về phương diện hình thức, thể ký trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII đã đánh
dấu bước phát triển mới trong văn xuôi tự sự Việt Nam. Mỗi tác phẩm ký có một lối
kết cấu riêng nhưng hiện thực lịch sử vẫn hiện lên rõ nét. Bên cạnh thời gian chính
xác và chi tiết đến từng ngày thì thời gian trong tác phẩm ký còn có sự kết hợp đan
xen giữa hiện tại và quá khứ. Ở Hoàng Lê nhất thống chí, các tác giả ghi thời gian
không theo trật tự cụ thể mà theo một cách riêng. Nhìn chung, về phương diện xử lý
thời gian trong tác phẩm, các tác giả đã phản ánh đúng đặc trưng thời gian nghệ thuật
của thể ký.
Đến giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX ngôn ngữ của các tác phẩm ký có một bước
phát triển mới. Tuy vẫn mang nét chung của ngôn ngữ nghệ thuật phương đông, Hán
tự luôn giữ vị trí quan trọng trong các sáng tác văn học nhưng các tác giả ký đã tách
tác phẩm của mình khỏi lối viết truyện như trước đây. Ngôn ngữ trong tác phẩm ký
không chỉ mang đậm chất trữ tình mà đó còn là một ngôn ngữ chính xác khoa học.
Mặc dù tác phẩm ký đều phản ánh hiện thực một cách sinh động nhưng ký không
phải là lịch sử nên bản thân ký vẫn mang những nét đặc trưng của nghệ thuật. Bên
cạnh đó, giọng điệu phê phán, giọng điệu giãi bày và giọng bình luận, khái quát cũng
góp phần làm nên sự đa dạng về bút pháp của các tác phẩm ký giai đoạn này.
Bên cạnh việc ghi chép hiện thực các tác giả ký còn đưa vào những lời nhận
định mang tính chủ quan của mình. Tác phẩm ký không chỉ hấp dẫn người đọc ở tính
hiện thực mà còn ở giá trị chuyện kể. Chính sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và trữ
tình đã tạo cho các tác phẩm ký vừa có giá trị về sử học vừa có giá trị về văn học.
5. Nói tóm lại, thể ký giai đoạn thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX đã có đóng góp
không nhỏ vào nền văn học trung đại Việt Nam nói riêng và nền văn học dân tộc nói
chung. Các tác phẩm ký không chỉ có giá trị đặc biệt khi miêu tả hiện thực lịch sử mà
những con người trong tác phẩm đã trở thành những nhân vật mang tính lịch sử rõ
nét. Cuối thế kỷ XVIII loại hình ký nghệ thuật đích thực đã ra đời và là mực thước
cho lối viết ký hiện đại về sau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh (2003), Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB
KHXH, Hà Nội.
2. Lại Nguyên Ân (1997), “Các thể tài trước thuật và sáng tác nghệ thuật ở văn
học trung đại Việt Nam”, Tạp chí Văn học số 4.
3. Lại Nguyên Ân (1999), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học quốc gia, Hà
Nội.
4. B. L RipTin (1984), “Hoàng Lê nhất thống chí và truyền thống của tiểu thuyết
Viễn Đông”, Tạp chí Văn học số 2.
5. Lê Bảo, Hà Minh Đức, Đỗ Kim Hồi … (1998), Giảng văn Văn học Việt Nam,
NXB Giáo dục.
6. Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng (1971), Tìm hiểu thiên tài quân sự
của Nguyễn Huệ, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội.
7. Phạm Tú Châu (1978), “Những nhân vật nữ trong Hoàng Lê nhất thống chí”,
Tạp chí Văn học số 1.
8. Phạm Tú Châu (1979), “Đọc lại Hoàng Lê nhất thống chí”, Tạp chí Văn học số
2.
9. Phạm Tú Châu (1982), “Bàn thêm về Ngô Thì Chí - Ngô Thì Du, tác giả của
Hoàng Lê nhất thống chí”, Tạp chí Văn học số 6.
10. Phạm Tú Châu (1997), Hoàng Lê nhất thống chí, văn bản, tác giả, nhân vật,
NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
11. Nguyễn Huệ Chi (1964), “Mấy suy nghĩ về thơ văn Lê Hữu Trác”, Tạp chí Văn
học số 9.
12. Nguyễn Huệ Chi (1970), “Lê Hữu Trác và con đường của một người trí thức
trong cơn phong ba dữ dội nửa cuối thế kỷ XVIII”, Tạp chí Văn học số
6.
13. Nguyễn Huệ Chi (1971), “Mấy đoạn văn hay của Lê Hữu Trác”, Tạp chí Văn
học số 2.
14. Nguyễn Đình Chú (2002), “ Hiện tượng văn sử triết bất phân trong văn học
Việt Nam thời trung đại”, Tạp chí Văn học số 5.
15. Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, NXB Sử học, Hà Nội.
16. Đỗ Đức Dục (1968), “Tính cách điển hình trong Hoàng Lê nhất thống chí”,
Tạp chí Văn học số 9.
17. Hà Minh Đức (chủ biên) (1998), Lý luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Tây.
18. Nhiều tác giả (2004), Từ điển Văn học (bộ mới), NXB thế giới.
19. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (1998), Lý luận văn học - vấn đề suy
nghĩ, NXB Giáo dục, Hà Nội.
20. Lê Bá Hán (chủ biên) (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà
Nội.
21. Phạm Đình Hổ (1989), Vũ trung tùy bút, NXB Trẻ, Hội nghiên cứu giảng dạy
văn học TP Hồ Chí Minh.
22. Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án (1972), Tang thương ngẫu lục, NXB Văn học, Hà
Nội.
23. Kiều Thu Hoạch (1981), “Góp phần xác định tác giả Hoàng Lê nhất thống
chí”, Tạp chí Văn học số 4.
24. Nguyễn Văn Hoàn (1973), “Phong trào khởi nghĩa nông dân và văn học Việt Nam
thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX”, Tạp chí Văn học số 4.
25. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, NXB Giáo dục,
Hà Nội.
26. Nguyễn Phạm Hùng (2001), Trên hành trình văn học trung đại, NXB Đại học
Quốc gia, Hà Nội.
27. Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân … (1997), Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến
nửa đầu thế kỷ XIX, NXB Giáo dục, Hà Nội.
28. Nguyễn Trung Khiêm (1958), “Thân thế và sự nghiệp cụ Hải Thượng Lãn
Ông”, Tạp chí Đông y số 1,2.
29. Mai Quốc Liên, Kiều Thu Hoạch (1966), “Tìm hiểu giá trị hiện thực của
Hoàng Lê nhất thống chí”, Tạp chí Văn học số 11.
30. Nguyễn Lộc (1978), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ
XIX, tập 2, NXB Đại học và THCN, Hà Nội.
31. Nguyễn Lộc (1999), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX,
NXB Giáo dục, Hà Nội.
32. Phương Lựu (1997), Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại,
NXB Giáo dục, TP Hồ Chí Minh.
33. Nguyễn Đăng Na (1998), “Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại - những
bước đi lịch sử”, Tạp chí Văn học số 7.
34. Nguyễn Đăng Na (1999), Văn xuôi thời trung đại, tập 1: Truyện ngắn, NXB
Giáo dục.
35. Nguyễn Đăng Na (2001), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 2: Ký,
NXB Giáo dục, Hà Nội.
36. Nguyễn Đăng Na (2003), Đặc điểm văn học Việt Nam trung đại - Những vấn
đề văn xuôi tự sự, NXB Giáo dục, Đà Nẵng.
37. Nguyễn Đăng Na (2003), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 3: Tiểu
thuyết chương hồi, NXB Giáo dục, Hà Nội.
38. Phạm Thế Ngữ (1996), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, NXB Đồng
Tháp.
39. Ngô Gia Văn Phái (2002), Hoàng Lê nhất thống chí, NXB Văn học, Hà Nội.
40. Vũ Đức Phúc (1974), “Hoàng Lê nhất thống chí và sự thật lịch sử chung quanh
việc Quang Trung phá quân Thanh”, Tạp chí Văn học số 3.
41. Vũ Đức Phúc (2001), Bàn về văn học, NXB KHXH, Hà Nội.
42. Trần Đình Sử (1999), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB
Giáo dục, Hà Nội.
43. Trần Đình sử (2001), Giảng văn chọn lọc Văn học Việt Nam Văn học dân
gian và văn học cổ, cận đại, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội.
44. Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học Trung đại Việt Nam, NXB Đại học
quốc gia, Hà Nội.
45. Bùi Duy Tân (1976), “Vấn đề thể loại trong văn học Việt Nam thời cổ”, Tạp
chí Văn học số 3.
46. Bùi Duy Tân (1992), “Mối quan hệ về thể loại giữa văn học Trung Quốc và
văn học Việt Nam thời Trung đại: Tiếp nhận - cách tân - sáng tạo”, Tạp
chí Văn học số 1.
47. Bùi Duy Tân (2001), Khảo và luận một số tác gia, tác phẩm văn học Trung đại
Việt Nam, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội.
48. Nguyễn Minh Tấn (1988), Từ trong di sản, NXB Tác phẩm mới, Hội nhà văn
Việt Nam.
49. Văn Tân (1973), “Ngô Thì Nhậm, một nhà trí thức sáng suốt và dũng cảm đã đi
theo nông dân khởi nghĩa Tây Sơn”, Nghiên cứu lịch sử số 148.
50. Văn Tân (1974), “Mấy vấn đề Ngô Thì Nhậm, một mưu sỹ lỗi lạc của Quang
Trung”, Nghiên cứu lịch sử số 154.
51. Trần Thị Băng Thanh (1999), “Hành trình nghiên cứu văn học trung đại”, Tạp
chí văn học số 1.
52. Trần Thị Băng Thanh (1999), Những suy nghĩ từ văn học Trung đại, NXB
KHXH, Hà Nội.
53. Trần Nho Thìn (2003) “Thử phác họa tiến trình văn học trung đại Việt Nam
(Theo quan điểm của một tác giả trung đại)”, Tạp chí Văn học số 5.
54. Trần Nho Thìn (2003), Văn học Trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa,
NXB Giáo dục.
55. Nguyễn Khắc Thuần (1998), Danh tướng Việt Nam, NXB Giáo dục, TP Hồ
Chí Minh.
56. Nguyễn Khắc Thuần (1998), Thế thứ các triều vua Việt Nam, NXB Giáo dục,
TP Hồ Chí Minh.
57. Mai Trân (1960), “Đọc Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ”, Nghiên cứu Văn
học số 7.
58. Tảo Trang (1973), “Bước đầu tìm hiểu về một số nhà văn trong Ngô Gia văn
phái”, Tạp chí Văn học số 5.
59. Lê Hữu Trác (1989), Thượng kinh kí sự, Phan Võ dịch, NXB Thông tin.
60. Đinh Phan Cẩm Vân (2001), Sự tiếp nhận văn xuôi tự sự Trung Quốc trong
văn học trung đại Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Viện KHXH, TP Hồ Chí
Minh.
61. Lê Trí Viễn (1996), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, NXB KHXH, Hà
Nội.
62. Lê Trí Viễn, Lê Thu Yến, Đoàn Thị Thu Vân… (1997), Văn học trung đại Việt
Nam, Giáo trình lưu hành nội bộ, ĐHSP TP Hồ Chí Minh.
63. Lê Trí Viễn (1999), Quy luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam, NXB Giáo
dục.
64. Trần Đình Việt (1994), “Nguyễn Án qua tác phẩm Tang thương ngẫu lục”, Tạp
chí Văn học số 3.
65. Lê Thu Yến, Đoàn Thị Thu Vân, Lê Văn Lực… (2000), Văn học Việt Nam -
Văn học trung đại: Những công trình nghiên cứu, NXB Giáo dục, Hà
Nội.
66. Hoàng Hữu Yên, Trần Thị Băng Thanh, Lê Bảo, Lã Nhâm Thìn (1994), Giảng
văn Văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA7232.pdf