Luận án Hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI NễNG VĂN NGOAN HIệN TƯợNG SONG NGữ TRONG VĂN HọC TRUNG ĐạI VIệT NAM LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN HÀ NỘI - 2019 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI NễNG VĂN NGOAN HIệN TƯợNG SONG NGữ TRONG VĂN HọC TRUNG ĐạI VIệT NAM Chuyờn ngành: Văn học Việt Nam Mó số: 9220121 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Người hướng dẫn khoa học: 1. GS.TS LÃ NHÂM THèN 2. TS. NGUYỄN MINH HOẠT HÀ NỘI - 2019 LỜI CAM ĐOAN Tỏc giả luận ỏn xin cam đoan

doc199 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 17/01/2022 | Lượt xem: 213 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Luận án Hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
đây là công trình nghiên cứu của riêng mình. Các dẫn liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong công trình nào khác. Tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về công trình nghiên cứu của mình. TÁC GIẢ LUẬN ÁN Nông Văn Ngoan LỜI CẢM ƠN --------- Tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến hai thầy giáo là GS.TS. Lã Nhâm Thìn và TS. Nguyễn Minh Hoạt đã luôn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ bảo rất nhiều để tôi hoàn thành luận án này. Tôi cũng xin cảm ơn những nhận xét, góp ý của các nhà khoa học, của các thầy cô trong Bộ môn Văn học trung đại Việt Nam, Khoa Ngữ văn, Phòng Sau Đại học, Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi học tập và thực hiện luận án. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới gia đình, bạn bè cũng như các thầy cô, đồng nghiệp, Lãnh đạo Bộ môn Văn học, Bộ môn Ngôn ngữ, Khoa Sư phạm và Trường Đại học Tây Nguyên nơi tôi đang công tác vì đã luôn động viên và ủng hộ để tôi hoàn thành công trình này. Hà Nội, ngày.. tháng . năm 2019 TÁC GIẢ LUẬN ÁN Nông Văn Ngoan MỤC LỤC DANH MỤC BẢNG, SƠ ĐỒ Bảng 3.1.a. Hiện tượng song ngữ trong sáng tác của Nguyễn Trãi 60 Bảng 3.1.b. Vị trí câu lục ngôn trong số 125 bài thơ Nôm bát cú có xen câu lục ngôn của Nguyễn Trãi 62 Bảng 3.1.c. Số lượng câu lục ngôn trong bài bát cú của Nguyễn Trãi 62 Bảng 3.2a. Hiện tượng song ngữ trong sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm 67 Bảng 3.2b. Ảnh hưởng của thi liệu Hán học đối với thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm 69 Bảng 3.3. Hiện tượng song ngữ trong sáng tác của Nguyễn Du 73 Bảng 3.4. Hiện tượng song ngữ trong sáng tác của Cao Bá Quát 77 Bảng 3.5.a. Hiện tượng song ngữ trong sáng tác của Nguyễn Khuyến 81 Bảng 3.5.b. Yếu tố Hán và Nôm trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến 82 Bảng 4.1. Hiện tượng song ngữ ở các thể loại văn học chức năng 104 Bảng 4.2. Kết quả khảo sát và thống kê sống lượng tác phẩm viết bằng chữ Hán và chữ Nôm ở các thể loại văn xuôi tự sự và trữ tình 106 Bảng 4.3. Hiện tượng song ngữ ở các thể loại văn học nội sinh 116 Bảng 4.4. Khảo sát câu chữ Hán ở thể loại hát nói của Cao Bá Quát 120 Sơ đồ 4.1. Sự phát triển của thể loại văn học trung đại Việt Nam nhìn từ hiện tượng song ngữ 102 Sơ đồ 4.2. Sự phát triển của ngôn ngữ văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn hiện tượng song ngữ 122 DANH SÁCH PHỤ LỤC STT TÊN PHỤ LỤC TRANG 1 Phụ lục 1: Khảo sát đặc điểm loại hình tác giả song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam 1PL 2 Phụ lục 2: Hiện tượng song ngữ ở các thể loại hịch và văn tế 4PL 3 Phụ lục 3: Bảng thông kê tác phẩm ở các thể loại cáo, chiếu, biểu 6PL 4 Phụ lục 4: Hiện tượng song ngữ ở thể loại thơ kệ 8PL 5 Phụ lục 5: Bảng thống kê tác phẩm ở thể loại tiểu thuyết chương hồi 9PL 6 Phụ lục 6: Bảng thống kê tác phẩm ở thể loại truyện truyền kỳ 10PL 7 Phụ lục 7: Bảng thống kê tác phẩm ở thể loại ký sự, tùy bút 11PL 8 Phụ lục 8: Hiện tượng song ngữ ở thể loại phú 12PL 9 Phụ lục 9: Hiện tượng song ngữ ở thể loại truyện thơ 14PL 10 Phụ lục 10: Hiện tượng song ngữ ở thể loại ngâm khúc 15PL 11 Phụ lục 11: Bảng thống kê tác phẩm ở thể loại hát nói 16PL 12 Phụ lục 12: Bảng thống kê thành ngữ, tục ngữ và ca dao trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi 17PL 13 Phụ lục 13: Bảng thống kê thi liệu Hán học trong Truyện Kiều của Nguyễn Du 21PL 14 Phụ lục 14: Bảng thống kê ảnh hưởng qua lại giữa cao dao và Truyện Kiều của Nguyễn Du 24PL MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 1.1. Hiện tượng song ngữ là hiện tượng khá phổ biến trong văn học trung đại của nhiều nước, phương Đông cũng như phương Tây. Ở phương Đông, các nước như Triều Tiên/ Hàn Quốc, Nhật Bản cùng với việc sử dụng ngôn ngữ bản địa là việc sử dụng tiếng Hán trong sáng tác văn chương. Ở các nước phương Tây như Anh, Pháp, Ý, Đức trong văn học trung đại có hiện tượng sử dụng tiếng Latinh song hành với ngôn ngữ bản địa. Hiện tượng song ngữ cũng đã làm nên đặc điểm riêng của văn học trung đại Việt Nam - thành phần văn học viết gồm hai thành phần văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. 1.2. Nghiên cứu hiện tượng song ngữ là nghiên cứu một trong những đặc điểm lớn của văn học trung đại Việt Nam. Từ hiện tượng song ngữ có thể hiểu sâu hơn bản chất, quy luật phát triển của văn học Việt Nam thời trung đại từ quan điểm văn học, quan điểm thẩm mĩ đến ngôn ngữ nghệ thuật, bút pháp nghệ thuật 1.3. Nhiều tác giả văn học trung đại Việt Nam, trong đó có nhiều tên tuổi lớn sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ Nôm như: Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến Qua hiện tượng song ngữ có thể hiểu sâu sắc hơn về các tác giả, tác phẩm cùng vị trí và đóng góp của họ đối với nền văn học nước nhà. 1.4. Hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam vừa là một hiện tượng mang tính đặc thù của văn học dân tộc thời trung đại, vừa mang tính phổ quát, tính quốc tế. Trong bối cảnh văn học các nước khu vực như Triều Tiên/ Hàn Quốc và Nhật Bản – là các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa chữ Hán trong thời trung đại hay trong lịch sử văn học các nước phương Tây từ sau đế quốc Tây La Mã sụp đổ đến trước thời kỳ Phục hưng cũng tồn tại hiện tượng song ngữ trong văn học. Vì vậy, đề tài luận án góp thêm một cách nhìn về văn học trung đại Việt Nam trong cộng đồng văn học khu vực và quốc tế. 1.5. Đề tài có ý nghĩa thiết thực đối với việc nghiên cứu và giảng dạy văn học trung đại Việt Nam nói chung như đặc điểm, đặc trưng của văn học, các vấn đề về thể loại, ngôn ngữ của văn học trung đại Việt Nam cũng như về các tác gia lớn sáng tác bằng song ngữ ở trường phổ thông, cao đẳng và đại học. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Luận án “Hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam” đi theo một trong những hướng nghiên cứu phổ biến hiện nay, hướng nghiên cứu liên ngành. Luận án được thực hiện với mục đích là nghiên cứu về hiện tượng song ngữ trong văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. Mặt khác, thông qua hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam làm phong phú thêm những hiểu biết nhất định về mối quan hệ giữa hiện tượng song ngữ với lực lượng sáng tác, thể loại cũng như ngôn ngữ trong văn học trung đại Việt Nam và hiện tượng song ngữ ở một số nước khu vực. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, luận án đặt ra những nhiệm vụ sau: - Giới thuyết khái niệm song ngữ và hiện tượng song ngữ trong văn học, làm rõ nội hàm của các khái niệm, thuật ngữ này và xem đó là công cụ then chốt trong quá trình khảo sát và nghiên cứu; - Vận dụng các khái niệm, thuật ngữ song ngữ, song thể ngữ và hiện tượng song ngữ vào nghiên cứu quá trình phát triển của lịch sử văn học trung đại Việt Nam, những đặc điểm, đặc trưng của văn học liên quan tới hiện tượng song ngữ; - Nghiên cứu cơ sở lịch sử, xã hội, văn hóa tư tưởng, văn học hình thành nên hiện tượng song ngữ; - Nghiên cứu những đặc điểm, bản chất, quy luật diễn tiến của hiện tượng song ngữ trong lịch sử văn học dân tộc, so sánh với hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại của một số nước như Triều Tiên/Hàn Quốc, Nhật Bản; - Đặc biệt, chú trọng nghiên cứu các vấn đề liên quan giữa hiện tượng song ngữ với tác giả (nhất là tác giả tiêu biểu sáng tác bằng song ngữ), thể loại và ngôn ngữ văn học trong văn học Việt Nam thời trung đại. 3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng khảo sát của luận án là lịch sử hình thành và phát triển của thành phần văn học chữ Hán và thành phần văn học chữ Nôm trong văn học trung đại Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. Đối tượng nghiên cứu cụ thể hơn của đề tài luận án là: - Tác giả của hiện tượng song ngữ; - Tác phẩm, thể loại của hiện tượng song ngữ; - Ngôn ngữ của hiện tượng song ngữ. 3.2. Phạm vi nghiên cứu 3.2.1. Phạm vi tư liệu Chúng tôi chủ yếu sử dụng các tác phẩm chữ Hán đã được dịch, những tác phẩm chữ Nôm đã được phiên âm của các tác giả viết bằng song ngữ tiêu biểu trong văn học Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát và Nguyễn Khuyến. Ngoài ra, nhiều sáng tác ở các thể loại cả văn học chức năng và văn học nghệ thuật cũng được khảo sát và nghiên cứu để làm rõ thêm bản chất của hiện tượng song ngữ. 3.2.2. Phạm vi khoa học Phạm vi khoa học của đề tài luận án bao gồm: Cơ sở lí thuyết của hiện tượng song ngữ; đặc điểm, bản chất; diễn tiến của hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam. Hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam trong bối cảnh văn học khu vực; các tác giả tiêu biểu sáng tác bằng song ngữ; hiện tượng song ngữ với thể loại và ngôn ngữ văn học. 4. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng những phương pháp nghiên cứu chủ yếu: 4.1. Phương pháp nghiên cứu văn học sử Phương pháp nghiên cứu văn học sử định hướng tiếp cận vấn đề nghiên cứu của luận án là lịch sử văn học trung đại Việt Nam. Hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam là một hiện tượng lịch sử - xã hội. Nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là nguyên nhân lịch sử: sự đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc, quy luật tất yếu của “nền văn học” trẻ chịu ảnh hưởng từ nền “văn học già”; ý thức dân tộc trong lĩnh vực văn hóa, văn học; nhu cầu phát triển văn hóa và xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến. Phương pháp lịch sử được sử dụng để phân tích các yếu tố lịch sử và sự ảnh hưởng của nó đến việc hình thành, vận động và phát triển của hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam theo thời gian lịch sử. 4.2. Phương pháp nghiên cứu liên ngành (Văn học – ngôn ngữ - văn hóa – xã hội học) Ngày nay, giới nghiên cứu văn học thấy rõ rằng: nghiên cứu văn học không thể tách rời mối quan hệ với văn hóa. Hơn nữa, bối cảnh văn hóa của văn học trung đại có sự khác biệt nhất định so với văn hóa thời hiện đại. Nghiên cứu văn học cũng không thể tách khỏi ngôn ngữ - yếu tố chất liệu của các tác phẩm văn học. Chẳng hạn, khi nhắc đến “song ngữ”, người ta thường nghĩ ngay đến một hiện tượng xã hội học, ngôn ngữ học. “Song ngữ” trong văn học có mối quan hệ mật thiết với song ngữ xã hội, và trong các sáng tác văn học song ngữ cũng thể hiện rõ các yếu tố ngôn ngữ học về ngữ âm, từ vựng. Cần có sự hiểu biết về song ngữ xã hội, ngôn ngữ học nếu muốn hiểu sâu hơn về song ngữ trong văn học. 4.3. Phương pháp nghiên cứu so sánh văn học Đây là phương pháp không thể thiếu khi thực hiện đề tài luận án. Khi nói đến so sánh văn học, chúng ta không nên chỉ hiểu đó là so sánh các hiện tượng trong một nền văn học, mà còn là so sánh một nền văn học này với một hay nhiều nền văn học khác, hoặc so sánh các hiện tượng của các nền văn học khác với nhau. Hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại là việc sử dụng hai ngôn ngữ Hán và Việt trong sáng tác. Bằng phương pháp so sánh, chúng ta có thể thấy những đặc điểm riêng biệt của từng thành phần văn học Hán và Nôm, trên cơ sở đó tìm ra những sự ảnh hưởng, giao thoa hai ngôn ngữ trong sáng tác của các tác giả như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến... 4.4. Phương pháp nghiên cứu thi pháp học Trong nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam hiện nay đã có khá nhiều công trình văn học sử, cũng đã có một số công trình đi sâu vào một số thể loại, tác giả được tiếp cận dưới góc độ của thi pháp học như đặc trưng của văn học, thi pháp một số thể loại, quan niệm về con người, quan niệm về thế giới và một số phương thức nghệ thuật. Hiện tượng song ngữ trong văn học biểu hiện ở nhiều phương diện. Mức độ đậm nhạt của song ngữ cũng biểu hiện khác nhau ở từng thể loại (chẳng hạn văn chính luận sẽ ít chịu ảnh hưởng từ ngôn ngữ Việt hơn thơ Đường luật). Dựa vào thi pháp học để thấy được đặc điểm riêng của từng thể loại là một việc làm cần thiết khi nghiên cứu về hiện tượng song ngữ trong văn học. 4.5. Phương pháp loại hình Loại hình (tiếng Anh: typological có tự gốc là type, tiếng Pháp typé) là khái niệm chỉ tập hợp những sự vật hiện tượng có chung những đặc trưng cơ bản nào đó. Nghiên cứu theo phương pháp loại hình không đơn giản liệt kê, miêu tả sự tương đồng, giống nhau bề ngoài của các hiện tượng văn học. Điều quan trọng hơn nhiều là phải tìm ra được tính quy luật của sự tương đồng, giống nhau ấy. Phương pháp này được vận dụng trong việc nghiên cứu loại hình tác giả song ngữ và loại hình các thể loại nhìn từ hiện tượng song ngữ. 5. Đóng góp mới của luận án - Chỉ ra những tiền đề lịch sử, xã hội, văn hóa tư tưởng, văn học của hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam; - Khái quát đặc điểm và quá trình phát triển của hiện tượng song ngữ; - Nghiên cứu vấn đề loại hình tác giả song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam; - Khái quát quá trình phát triển và biểu hiện của hiện tượng song ngữ trên phương diện thể loại và ngôn ngữ; 6. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và phần Phụ lục, luận án gồm bốn chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý thuyết của đề tài Chương 2: Những vấn đề chung về hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam Chương 3: Loại hình tác giả song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam Chương 4: Một số vấn đề về thể loại và ngôn ngữ dưới góc nhìn của hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI 1.1. GIỚI THUYẾT KHÁI NIỆM HIỆN TƯỢNG SONG NGỮ 1.1.1. Khái niệm song ngữ Song ngữ (bilingual) là hiện tượng xã hội khá phổ biến nhất là ở thời trung đại. Khái niệm này được đề cập đến trong khá nhiều tài liệu, chúng tôi xin đưa ra cách định nghĩa của các nhà ngôn ngữ học tiêu biểu ở một số tài liệu thông dụng trong Ngôn ngữ học. Diệp Quang Ban định nghĩa về hiện tượng song ngữ như sau: “Song ngữ (bilingualism): Trong xã hội học, hiện tượng sử dụng hai (hay hơn hai) ngôn ngữ ở một cá nhân hay ở một cộng đồng ngôn ngữ, có khi cũng gọi là đa ngữ (multilingualism)” [13, tr.437]. Nguyễn Như Ý định nghĩa trong “Đại từ điển tiếng Việt” về song ngữ “(Hiện tượng, trạng thái) được sử dụng ngang nhau hai ngôn ngữ trong giao tiếp” [162, tr.1451]. Trong “Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học”, cũng khái niệm này, tác giả định nghĩa là: “Sự tinh thông hoàn hảo như nhau hai ngôn ngữ, sự nắm vững hai ngôn ngữ được sử dụng trong những điều kiện giao tiếp khác nhau, như ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ văn học” [161, tr. 248]. Tác giả cũng dẫn ra trong cuốn từ điển hai cách định nghĩa khác. Cách thứ nhất, theo Phan Ngọc, hiện tượng song ngữ có được khi “một người mà tiếng mẹ đẻ là A, nhờ biết ít nhiều một ngôn ngữ B nên có thể trao đổi với một tộc người khác chỉ nói ngôn ngữ B. Nhờ biết được hai ngôn ngữ như vậy cho nên anh ta được gọi là một người song ngữ và sự giao tiếp của anh ta là sự giao tiếp song ngữ” [115, tr.249]. Theo Nguyễn Văn Khang, “song ngữ (bilinguisme) là hiện tượng một người hay một nhóm người nắm và sử dụng được hai hệ thống ngôn ngữ độc lập trong các mục đích giao tiếp nhất định” [84, tr. 249]. Trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, song ngữ là “hiện tượng sử dụng ngang nhau hai ngôn ngữ trong giao tiếp” [122, tr. 848]. Hoàng Quốc trong luận án tiến sĩ về Ngôn ngữ học cho rằng: “Khái niệm song ngữ, theo cách hiểu chung nhất, đó là hiện tượng một người có thể biết và sử dụng hai hoặc trên hai ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp” [126, tr.16]. Trên đây là những định nghĩa về hiện tượng song ngữ ở cấp độ khái quát nhất, hay còn gọi là hiện tượng song ngữ xã hội. Nhưng hiện nay song ngữ không chỉ là một hiện tượng xã hội, mà còn là một hiện tượng tâm lí, bởi tâm lí có tác động đến sự hình thành hệ thống ngôn ngữ khác nhau ở mỗi cá nhân. Trong lĩnh vực ngôn ngữ, hiện tượng này đã được nghiên cứu ở nhiều khía cạnh như ngôn ngữ học lịch sử, xã hội – ngôn ngữ học, tâm lí ngôn ngữ học, thần kinh – ngôn ngữ học, sư phạm – ngôn ngữ học. Song ngữ trong văn học là một thành phần của xã hội – ngôn ngữ học – lĩnh vực nghiên cứu sự tác động của hiện tượng song ngữ đến văn hóa – xã hội và việc bảo tồn bản sắc dân tộc. Việc cung cấp các định nghĩa ở cấp độ chung như trên sẽ mang đến cái nhìn rộng trước khi đi vào một khái niệm hẹp hơn. Chúng tôi đang muốn nói đến ở đây là khái niệm hiện tượng song ngữ trong văn học, cụ thể hơn nữa, trong văn học trung đại Việt Nam. 1.1.2. Hiện tượng song ngữ trong văn học Trước hết phải khẳng định rằng, hiện tượng song ngữ tuy không còn xa lạ với giới nghiên cứu văn học nhưng không có nhiều người đưa ra một định nghĩa cụ thể về khái niệm này. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay có thể hiểu “hiện tượng song ngữ” ở cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa hẹp, “hiện tượng song ngữ” là hiện tượng trong một nền văn học tồn tại hai (hoặc nhiều) thành phần được viết bằng những văn tự khác nhau. Theo cách định nghĩa này, các tác giả đã chú trọng vào văn tự - yếu tố quan trọng nhất tạo nên hiện tượng song ngữ văn học. Tuy nhiên văn tự chỉ là một thành phần của ngôn ngữ nên khi nghiên cứu, chúng tôi đặt ra yêu cầu cần đi sâu hơn vào nội hàm khái niệm này. Theo nghĩa rộng, Trần Đình Sử cho rằng tính chất song ngữ không chỉ thể hiện ở hai thành phần văn học Hán và Nôm tách biệt mà còn là “sự xâm nhập, pha trộn của văn Hán và Nôm” [135, tr.135]. Nghĩa là, ngay cả trong một tác phẩm cụ thể được viết bằng chữ Hán hoặc Nôm cũng đã tồn tại hiện tượng song ngữ. Hiện tượng song ngữ cũng có thể hiểu là hiện tượng song trùng ngôn ngữ, văn tự. Tựu trung lại, chúng tôi cho rằng hiện tượng song ngữ trong văn học, với đúng tính chất là sự tồn tại song hành của hai loại ngôn ngữ, được hiểu là hiện tượng văn học sử dụng hai loại văn tự và có sự kết hợp các yếu tố thuộc về văn hóa, văn học, ngôn ngữ nảy sinh trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ giữa hai quốc gia. Trong thời kì trung đại, sự tiếp xúc tiếng Hán và tiếng Việt tạo nên hiện tượng song ngữ trong văn học với hai văn tự tương ứng là chữ Hán và chữ Nôm. Chúng tôi không đồng nhất “song ngữ” và “đa ngữ” như một số cách hiểu ở trên, bởi dựa vào cách hiểu đó sẽ khó phân biệt “hiện tượng song ngữ” trong văn học trung đại với tiếng Hán, tiếng Việt và “hiện tượng đa ngữ” trong văn học hiện đại (nửa cuối thế kỉ XIX đầu thế kỷ XX) với sự giao thoa của ba loại ngôn ngữ: tiếng Hán, tiếng Việt và tiếng Pháp. Như vậy, có thể hiểu hiện tượng song ngữ trong văn học là hiện tượng một nền văn học đồng thời được sáng tác bằng hai ngôn ngữ - ngôn ngữ bản địa và ngôn ngữ tiếp thu từ nước ngoài, từ tộc người khác. Với văn học trung đại Việt Nam, hiện tượng song ngữ thể hiện ở nền văn học cùng một lúc được sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. 1.2. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN TỚI ĐỀ TÀI Hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam đã từng được nói đến trong một số công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Có thể thấy một vài hướng nghiên cứu sau đề cập tới hiện tượng song ngữ liên quan tới đề tài: 1.2.1. Nghiên cứu đặc điểm văn học trung đại Việt Nam đề cập tới hiện tượng song ngữ Các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam nói chung và văn học Việt Nam trung đại nói riêng đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về đặc điểm của văn học trung đại Việt Nam. Các công trình dù ít dù nhiều, dù trực tiếp hay gián tiếp cũng đã đặt ra vấn đề về hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam. Dưới đây, chúng tôi xin điểm qua những công trình đáng chú ý có đề cập tới hiện tượng song ngữ. 1. Dương Quảng Hàm trong cuốn Việt Nam văn học sử yếu khi nhận xét về thành phần văn học viết bằng chữ Hán nhận định: “Phần phong phú nhất trong Hán văn là tản văn, biền văn và thứ nhất là vận văn (thơ, phú). Trong các thơ văn ấy, những bài hay không phải là hiếm, nhưng thường hay về từ chương mà kém phần tư tưởng” [63, tr. 451]. Ngược lại, khi bàn về văn học viết bằng chữ Nôm, ông nhận xét, “về Việt văn (văn học sáng tác bằng tiếng Việt – chữ Nôm) tuy về phương diện văn chương không được xuất sắc nhưng lại tả rõ tính tình phong tục người dân nước ta mà lời văn chất phác, giản dị, dùng nhiều tục ngữ thành ngữ, nên đã được phổ cập trong dân gian và có ảnh hưởng đến dân chúng” [63, tr. 451]. Như vậy, dù không trực tiếp chỉ ra hiện tượng song ngữ, nhưng Dương Quảng Hàm đã khẳng định rằng có một thành phần văn học viết bằng chữ Nôm tồn tại song song bên cạnh dòng văn học viết bằng chữ Hán trong văn học trung đại Việt Nam. 2. Kiều Thanh Quế trong cuốn Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam ở Thiên thứ hai Chữ Nôm cho rằng: “một thứ văn chương chẳng có tính cách phổ thông như văn chương chữ Hán lại độc thịnh, thì văn học nước nhà làm thế nào phát triển được?” [125, tr. 332]. Tiếp đó, tác giả dẫn truyện “đến đời Trần, Trần Thủ Độ, nghĩ rằng “Nước Đại Việt ta, nếu muốn được lâu dài độc lập, tất không những thoát ly ách đô hộ vật chất của người tàu mà còn cần phải bỏ cùm xích cái ách đô hộ tinh thần của họ nữa”. Ý kiến này, trước nhất được Hàn Thuyên đem ra thi hành bằng cách dùng chữ Nôm làm thơ văn” [125, tr.333]. 3. Đinh Gia Khánh trong bài viết “Mười thế kỉ của tiến trình văn học viết” mở đầu cuốn Văn học Việt Nam (thế kỉ X – Nửa đầu thế kỉ XVIII) (Nxb Giáo dục, tái bản năm 2002), xuất bản lần đầu tiên năm 1978 do NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp ấn hành, cho rằng: “văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm có nhiều phần giống nhau trong nội dung phản ánh hiện thực và có những điểm giống nhau trong cách phản ánh hiện thực” [85, tr.18]. Nhà nghiên cứu cũng khẳng định hai thành phần này có nhiều chỗ khác nhau, đặc biệt là “so với văn học chữ Hán thì văn học chữ Nôm có thể phản ánh hiện thực cuộc sống bình thường của nhân dân một cách linh hoạt và cụ thể hơn, có thể xây dựng những hình tượng văn học đậm màu sắc dân tộc hơn và do đó dễ thấm sâu hơn vào cảm quan của công chúng” [85, tr.18]. Như vậy, với luận điểm này, Đinh Gia Khánh cũng đã chỉ ra hai thành phần văn học song song tồn tại trong văn học trung đại Việt Nam tức là hiện tượng song ngữ. 4. Bài viết của Bùi Duy Tân trên Tạp chí Văn học số 2/1995 với nhan đề “Văn học chữ Hán trong mối tương quan với văn học chữ Nôm ở Việt Nam” tạo sự chú ý đối với người đọc. Mặc dù không nhắc đến khái niệm “song ngữ” nhưng tác giả đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về “vấn đề khoa học lớn, quan trọng và thú vị này”. Bên cạnh việc nêu lên những đặc điểm chính của văn học chữ Hán và chữ Nôm trong văn học trung đại Việt Nam, Bùi Duy Tân không quên nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa hai thành phần và đặt chúng trong tương quan so sánh: “Đều ít hoặc nhiều chịu ảnh hưởng của ý thức hệ phong kiến, và đều tiếp nhận được từ nhân dân, từ văn hóa dân gian những tư tưởng nghệ thuật tiến bộ, lành mạnh” [135, tr.14]. Tác giả đã nêu lên những tương đồng giữa hai thành phần văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm: “Giữa hai thành phần của dòng văn học viết đã có sự thống nhất trên những yếu tố căn bản về thế giới quan, về quan niệm thẩm mỹ, quan niệm về phương pháp sáng tác, cấu trúc thi pháp,... và cả thể loại văn học” [135, tr.14-15]. Nhà nghiên cứu cũng đưa ra cái nhìn tổng quan về những điểm khác nhau của hai thành phần này. Theo đó, ngoài sự khác biệt về văn tự, văn học chữ Hán có những tính chất: giáo huấn và phi ngã, tính bác học cao quý, tính chất quy phạm. Văn học chữ Nôm ít gắn với “chở đạo”, gần với đời sống thực, phong phú về tinh thần yêu nước và tinh thần nhân ái. “Yếu tố trội của văn học Nôm là chủ nghĩa nhân đạo, còn ở văn học chữ Hán thì yếu tố trội là chủ nghĩa yêu nước” [135, tr.15]. Dù ông không có những luận giải cụ thể nhưng đó cũng là những gợi ý quý báu để người viết triển khai đề tài của mình. 5. Lê Trí Viễn trong Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, nhận định “từ thế kỷ X – XV là thời kỳ văn học trung đại thượng kỳ, còn từ thế kỷ XVI – XIX là văn học trung đại hạ kỳ” [156, tr.38-39]. 6. Theo Trần Đình Sử, “cách chia này làm mờ cái mốc thế kỷ XVIII, thời điểm đổi thay quan niệm con người trong văn học và là thời điểm chín muồi toàn thịnh của các thể loại văn học Nôm” [132, tr. 55]. Trần Đình Sử trong cuốn Thi pháp văn học trung đại Việt Nam lại khẳng định, “Nội dung văn học giai đoạn X – XIV là sự hình thành khá hoàn bị các thể loại văn thơ chữ Hán. Và giai đoạn từ thế kỷ XV – đánh dấu sự hình thành và phát triển các thể loại văn học Nôm” [132, tr. 55]. Theo ông thì “tiếng Hán làm công cụ chính trị, tư tưởng, bên cạnh tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ vẫn được sử dụng trong đời sống hàng ngày. Tình hình đó tạo thành hiện tượng song ngữ, văn học song ngữ của thời trung đại Việt Nam, như của nhiều dân tộc khác” [132, tr. 153]. Đây là một nhận định rất đáng lưu ý khi Trần Đình Sử ngoài việc khẳng định sự tồn tại hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam còn liên hệ với hiện tượng này trong văn học trung đại của các dân tộc khác tức là tính khu vực và tính quốc tế của hiện tượng song ngữ. Cũng theo Trần Đình Sử thì Phạm Đình Toái đồng tác giả với Lê Ngô Cát, sáng tạo ra Đại Nam quốc sử diễn ca đã nói một ý kiến quan trọng: “Nước ta ở chếch về phương Nam, tiếng nói khác với Trung Quốc, học sinh, nho giả, dù học tập văn từ của Trung Hoa, mà vẫn nói năng, ca vịnh không rời với tiếng nói của nước mình, đâu lại có thể cứ cho chữ Hán là thanh tao mà trở lại chê quốc âm mình là thô bỉ được” (dẫn theo Trần Đình Sử) [132, tr. 159]. Trần Đình Sử trong cuốn Thi pháp văn học trung đại Việt Nam cũng chỉ ra những đặc điểm của văn học trung đại Việt Nam với hai thành phần văn học. Một thành phần văn học viết bằng chữ Hán – một ngôn ngữ vay mượn của nước ngoài và thành phần sáng tác bằng tiếng bản địa – tiếng Việt. Ông viết: “Hai thứ tiếng và hai thành phần văn học đáp ứng hai nhu cầu của đời sống xã hội: Khi bàn đến chính sự, lý tưởng, lịch sử, luân lý, thơ phú người ta biểu đạt bằng chữ Hán; khi biểu đạt những cảm xúc hàng ngày, các hiện tượng đời sống, người ta dùng tiếng Nôm, chữ Nôm” [132, tr. 154]. Ông nhận xét: “tiếng Hán được tiếp thu chủ yếu qua thư tịch, kinh sử, văn chương cũng không đủ để diễn đạt các trạng thái đời sống hàng ngày. Do đó việc phát triển tiếng Việt, chữ Nôm, văn học Nôm là một điều tất yếu [132, tr. 154]. Trần Đình Sử lí giải rằng: “Đó là lí do khiến cho hai thành phần văn học tồn tại song song, không thành phần nào thôn tính được thành phần nào, mặt khác chúng lại thâm nhập vào nhau. Tất nhiên, chủ yếu là văn học Nôm tiếp thu tiếng Hán, Việt hóa nó để làm phong phú bản thân mình” [132, tr. 154]. Từ đó, ông khẳng định: “Tính chất song ngữ không chỉ thể hiện ở hai dòng văn học Hán và Nôm tách biệt, mà còn thể hiện ở sự xâm nhập pha trộn của văn Hán và Nôm. Có tác phẩm lời văn vừa Hán vừa Nôm. Có tác phẩm Nôm xen câu đối Hán, có tác phẩm nhan đề là Hán mà tác phẩm lại là Nôm” [132, tr. 156]. Chúng tôi nhận thấy ý kiến của Trần Đình Sử đã đề cập tới tính chất bất bình đẳng của hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam. 7. Trần Đình Hượu cho rằng, “Bên cạnh xu hướng đuổi kịp để có mặt bình đẳng về văn hiến trong văn chương chữ Hán, là một xu hướng phát triển chậm hơn; làm văn chương quốc âm. Sử đã chép Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố giỏi làm thơ quốc âm” [83, tr.292]. Ở đây, Trần Đình Hượu cũng đã gián tiếp khẳng định sự tồn tại song song hai thành phần văn học chữ Hán và văn học viết bằng chữ Nôm. Trong đó, văn học chữ Hán đi trước và phát triển nhanh hơn, còn văn học viết bằng ngôn ngữ dân tộc phát triển chậm hơn. Ông cũng khẳng định lại việc Hàn Thuyên và Nguyễn Sĩ Cố giỏi làm thơ Nôm đã được sử chép lại. 8. Nguyễn Lộc trong cuốn Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX cho rằng: “Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX vẫn gồm hai thành phần văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Cả hai đều phát triển hơn trước rất nhiều, đặc biệt là văn học chữ Nôm” [103, tr.19]. Ông đặc biệt đề cao văn học viết bằng chữ Nôm: “Ngày nay nói đến thành tựu của Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, chủ yếu là nói đến thành phần văn học chữ Nôm, mặc dù văn học chữ Hán không phải không có những thành tựu đáng kể” [103, tr.19]. Cũng trong cuốn Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX Nguyễn Lộc đặt lại vấn đề: “Văn học chữ Nôm ít ra đã có từ thời Hàn Thuyên, đời Trần. Đến thời Lê, với sáng tác của Nguyễn Trãi, của Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn, của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thiên Nam ngữ lục,... văn học chữ Nôm đã khẳng định được địa vị của nó trong đời sống văn học dân tộc, và đến thế kỷ XVIII thì nó phát triển rực rỡ” [103, tr.19]. 9. Trong cuốn Văn học trung đại Việt Nam tập 1, Nguyễn Đăng Na khi bàn về hệ thống văn tự và ngôn ngữ văn học đã cho rằng: “Sau thế kỷ X, đất nước độc lập nhưng Hán học vẫn giữ địa vị quan trọng, Chữ Hán được dùng làm văn tự chính thức của nhà nước. Văn học chữ Hán được coi là chính thống, là thành phần chủ yếu” [113, tr. 46-47]. Ông khẳng định: “Chữ Hán có sự cách biệt nhiều với ngôn ngữ đời sống hàng ngày của nhân dân. Hàng nghìn năm Bắc thuộc, ngôn ngữ dân tộc không mất đi. Trước nhu cầu của đời sống xã hội, chữ Nôm ra đời để ghi âm tiếng nói dân tộc” [113, tr. 46-47]. Ông nhận định: “Đây là cuộc cách mạng văn tự, là cái mốc lớn trên con đường tiến lên của lịch sử, thể hiện ý chí tự cường của nước Đại Việt. Từ thời Trần đã khởi phát một phong trào dùng chữ Nôm sáng tác văn học” [113, tr. 46-47]. 10. Ở cuốn “Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX” (Nxb Giáo dục Việt Nam, 2012) của Trần Nho Thìn, chúng tôi nhận thấy sự gặp gỡ trong quan niệm về nội dung hai thành phần văn học của ông với Bùi Duy Tân (trong bài viết Văn học chữ Hán trong mối tương quan với văn học chữ Nôm ở Việt Nam nói trên). Trần Nho Thìn phân biệt về mặt nội dung hai thành phần văn học chữ Hán và chữ Nôm: “Trong khi văn học chữ Hán có xu hướng thiên về tính quan phương chính thống, thiên về giáo huấn, nói chí tải đạo thì văn học chữ Nôm lại có xu hướng thiên về tính dân chủ, thông tục, chứa đựng tinh thần cách tân, chú trọng tính thẩm mĩ” [148, tr. 126]. Bên cạnh đó, tác giả cho rằng đối tượng của hai thành phần này cũng được phân biệt khá rõ: “Nếu văn học chữ Hán bàn nhiều về tư tưởng chính trị, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ thì văn học chữ Nôm lại viết nhiều về người phụ nữ, về con người tự nhiên, về con người nhân bản với quyền sống trần thế, kể cả quyền sống thân xác” [148, tr. 126]. Với nhận định này, Trần Nho Thìn giúp người đọc phân biệt được một cách dễ dàng hơ...nh trị, luật pháp, thẩm mĩ, quan niệm về con người với các mặt xây dựng nhân vật, kết cấu, môtíp, hình tượng, cảm xúc, ngôn ngữ. Ông nhấn mạnh: “Một yếu tố thi pháp ra đời trên một nền tảng văn hoá nhất định có thể vượt ra các biến cố lịch sử - chính trị mà tồn tại cho đến khi nền tảng văn hoá ấy bị giải thể” [150, tr. 9 - 10]. Văn học trung đại hình thành và được nuôi dưỡng trong môi trường lịch sử - văn hóa của thời trung đại (cũng là thời phong kiến) mà văn học trung đại hiển nhiên cũng phải chịu áp lực của hai định hướng tư tưởng thời đại chủ đạo là nhà nước kéo theo cung đình, vua chúa, quan lại và tôn giáo, giáo hội như Phật giáo, Nho giáo (Tuy Nho giáo không phải là một tôn giáo đích thực nhưng ảnh hưởng của Nho giáo mạnh bằng hoặc có khi mạnh hơn bất cứ một tôn giáo nào). Chính điều này đã ảnh hưởng, quy định, chi phối đến văn học trung đại từ quan niệm nghệ thuật về con người, quan niệm thẩm mĩ, nội dung và hình thức nghệ thuật, kiểu tác giả, khuynh hướng sáng tác. Tiếp cận nghiên cứu, phê bình văn học dưới góc nhìn văn hoá hay liên ngành văn hóa và văn học là một hướng có nhiều ưu thế. 1.3.3. Lí thuyết so sánh văn học Theo Nguyễn Văn Dân, “so sánh văn học ban đầu chỉ là một phương pháp. Còn trong nghiên cứu văn học, nó là một phương pháp dùng để xác định, đánh giá các hiện tượng văn học trong mối quan hệ giữa chúng với nhau” [35, tr. 8]. So sánh văn học ra đời trong điều kiện xã hội giao lưu văn hóa và điều kiện học thuật. Trong đó điều kiện xã hội có ý nghĩa đầu tiên và quyết định. Ở đề tài luận án này, chúng tôi sử dụng các thao tác so sánh trong việc so sánh hai thành phần sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm của cùng một tác giả. Chẳng hạn, hiện tượng song ngữ qua sáng tác của Nguyễn Trãi với Ức Trai thi tập viết bằng chữ Hán và Quốc âm thi tập viết bằng chữ Nôm, hay Bạch Vân am thi tập (chữ Hán) và Bạch Vân quốc ngữ thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hoặc so sánh một tác giả này với một tác giả khác. Chẳng hạn, hiện tượng song ngữ trong sáng tác của Nguyễn Trãi (được coi là người mở đầu) với Nguyễn Khuyến (người khép lại quá trình phát triển của hiện tượng song ngữ). Hoặc rộng hơn nữa là so sánh hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam với các nước trong khu vực. 1.3.4. Lý thuyết loại hình học Theo Nguyễn Văn Dân, “về đại thể, trong nghiên cứu so sánh văn học, phương pháp loại hình có thể có hai phương thức áp dụng: Dùng phương pháp loại hình để phân loại các hiện tượng văn học, trên cơ sở của việc chứng minh các nhóm hiện tượng giống nhau theo một tiêu chuẩn nào đó. Từ những đặc điểm chung của một loạt hiện tượng văn học, ta có thể chứng minh cho sự tồn tại của một loại hình văn học nào đó, biện hộ cho quyền tồn tại và hiệu quả thẩm mỹ của nó. Cũng có những công trình kết hợp cả hai phương thức”[34, tr.294]. Loại hình học (typology) là khái niệm chỉ khoa học nghiên cứu về các loại hình, nhằm giúp cho việc phân tích, phân loại và khái quát đối tượng nghiên cứu một cách có cơ sở. Theo M.B. Khrapchenko, nghiên cứu văn học theo phương pháp loại hình là: “tìm hiểu những nguyên tắc và những cơ sở cho phép nói tới tính cộng đồng nhất định về mặt văn học – thẩm mĩ, tới việc một hiện tượng nhất định thuộc về một kiểu, một loại hình nhất định”. Trong công trình Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, ông dành hẳn Chương 6 để bàn về Nghiên cứu văn học theo phương pháp loại hình [88, tr.332 – 378]. Ông cũng chỉ rõ những điểm tương đồng và khác biệt giữa phương pháp loại hình và phương pháp so sánh – lịch sử khi cho rằng hai phương pháp này thống nhất nhưng không đồng nhất với nhau. Theo Biện Minh Điền, “nghiên cứu theo phương pháp loại hình không phải giản đơn liệt kê, miêu tả sự tương đồng giống nhau bề ngoài của các hiện tượng văn học. Điều quan trong hơn nhiều là phải tìm cho ra được tính quy luật của sự tương đồng giống nhau ấy [46, tr.44]. Vì các hiện tượng văn học sẽ có những mối liên hệ về nguồn gốc và đặc điểm cơ bản nhất định. Loại hình học và phương pháp loại hình là một trong những thành tựu quan trọng của các nhà nghiên cứu văn học Xô viết. Ở Việt Nam, loại hình học và phương pháp loại hình trong nghiên cứu văn học đã được ứng dụng trong một số công trình của Trần Đình Sử, Nguyễn Hữu Sơn, Trần Ngọc Vương và một số nhà nghiên cứu khác. Loại hình học văn học là khoa học nghiên cứu về cơ chế hình thành và cơ sở tồn tại của một hiện tượng hoặc một nhóm hiện tượng văn học dựa trên một hệ thống nguyên tắc vừa có tính đặc thù vừa mang tính phổ quát. Lí thuyết loại hình giúp làm rõ được cơ chế hình thành và cơ sở tồn tại của hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam. Cùng với loại hình học văn học, vấn đề loại hình học tác giả cũng rất đáng chú ý. Phương pháp loại hình là tiền đề lí luận để người viết triển khai Chương 3: Loại hình tác giả song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam. TIỂU KẾT Hiện tượng song ngữ trong văn học là hiện tượng sáng tác bằng ngôn ngữ vay mượn song song với ngôn ngữ bản địa trong một nền văn học ở cùng một giai đoạn. Văn học trung đại Việt Nam cũng tồn tại hiện tượng song ngữ: đó là việc cùng một lúc sử dụng cả chữ Hán và chữ Nôm trong sáng tác. Có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử văn học trung đại Việt Nam, đặc điểm của văn học trung đại, về thi pháp, về các tác giả, thể loại, ngôn ngữ, nghiên cứu so sánh với các nền văn học khác trong khu vực có đề cập đến những khía cạnh của hiện tượng song ngữ ở mức độ đậm nhạt khác nhau. Nhìn chung, các công trình ấy đều gặp nhau ở mấy điểm: thứ nhất, trong văn học trung đại Việt Nam có sự tồn tại và phát triển song song của hai thành phần văn học là thành phần văn học viết bằng chữ Hán và thành phần văn học viết bằng chữ Nôm; thứ hai, ở các thể loại có tính song ngữ chưa được phân tích một cách cụ thể như một hiện tượng vừa có tính đặc thù vừa có tính phổ quát, có quá trình hình thành, phát triển và quy luật vận động biến đổi riêng. Những công trình khảo sát kĩ lưỡng, công phu về hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam nói riêng, có thể mở rộng ra trong bối cảnh văn học các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa chữ Hán trong khu vực và thậm chí trong văn học toàn nhân loại vẫn còn ở phía trước. Điều đó, càng kích thích chúng tôi đi vào đề tài đã chọn Cơ sở lý thuyết của đề tài, bên cạnh những thành tựu về lý luận và thực tiễn của các đơn ngành như văn học, ngôn ngữ, so sánh văn học, loại hình học văn học, còn phải vận dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành như liên ngành ngôn ngữ và văn học, liên ngành văn hóa và văn học, Trên đây là tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý thuyết của đề tài. Những vấn đề các học giả, các nhà nghiên cứu đã triển khai có liên quan đến hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam, luận án tiếp thu và kế thừa. Cùng với việc vận dụng các phương pháp, các lí thuyết là cơ sở lí luận của đề tài, tổng quan tình hình nghiên cứu chính là nền móng để người viết xây dựng những ý tưởng tiếp theo. Chương 2 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HIỆN TƯỢNG SONG NGỮ TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM 2.1. CƠ SỞ LỊCH SỬ - XÃ HỘI, TƯ TƯỞNG - VĂN HOÁ - VĂN HỌC CỦA HIỆN TƯỢNG SONG NGỮ 2.1.1. Tiền đề lịch sử - xã hội Bất kỳ một nền văn học, một trào lưu, một khuynh hướng văn học hoặc một hiện tượng văn học nào cũng xuất hiện trong những điều kiện lịch sử - xã hội nhất định. Hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam cũng hình thành trong những điều kiện lịch sử - xã hội mà văn học trung đại Việt Nam hình thành, vận động, biến đổi và phát triển. Cuối thế kỷ thứ X, sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, nước ta bước vào một thời kỳ mới – thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài, sau một nghìn năm chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc. Công cuộc phục hưng đất nước được các triều kế tiếp Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần tiến hành với một tinh thần vừa khẩn trương, vừa bền bỉ. Nhiệm vụ lớn lao của suốt bốn thế kỷ này là khẳng định, xây dựng và bảo vệ độc lập dân tộc. Nhiệm vụ ấy chi phối mọi tầng lớp, mọi hoạt động xã hội. Tuy đã có quốc gia độc lập về chính trị nhưng mọi thiết chế Nhà nước vẫn ít hoặc nhiều phỏng theo nhà nước phong kiến phương Bắc. Do đó, về văn hoá thì Hán học rất được coi trọng. Văn học chữ Hán, tức là viết bằng ngôn ngữ vay mượn có số lượng tác phẩm rất lớn gồm cả văn học chức năng và văn học nghệ thuật. Như vậy, nền văn học viết ra đời khi Việt Nam chưa có chữ viết riêng nên đã dùng chữ Hán để sáng tác, dẫn đến hiện tượng sử dụng ngôn ngữ vay mượn từ nước ngoài. Từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã biết dựa vào sức mạnh của nhân dân để bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, mở mang bờ cõi, xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa. Giai đoạn này ghi dấu sự phát triển của ý thức dân tộc, khẳng định sự độc lập của Đại Việt với phong kiến phương Bắc không chỉ trên phương diện chủ quyền, cương vực lãnh thổ mà còn độc lập trên phương diện văn hóa và phong tục tập quán. Việc sử dụng chữ Nôm vào sáng tác văn học cũng nằm trong quá trình đó. Văn học viết bằng chữ Nôm, tức là sử dụng ngôn ngữ dân tộc, có lẽ ra đời sau văn học chữ Hán gần ba thế kỷ, có thể vào khoảng thế kỉ thứ XIII. Đến thế kỷ XIV, văn học chữ Nôm đã trở thành một thành phần đáng kể trong văn học trung đại Việt Nam. Cho đến thế kỷ XV, văn học chữ Nôm dần dần trở thành một thành phần quan trọng của văn học Việt Nam với những tên tuổi như Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập, Lê Thánh Tông và các tác giả thời Hồng Đức với Hồng Đức quốc âm thi tập. Từ đó, hình thành một hiện tượng vừa thú vị nhưng cũng là đặc trưng của văn học Việt Nam thời trung đại – hiện tượng song ngữ, vừa sử dụng ngôn ngữ vay mượn là chữ Hán vừa sử dụng ngôn ngữ dân tộc là chữ Nôm vào sáng tác văn học. Cùng với những điều kiện về lịch sử - xã hội thì tiền đề chính trị cũng ảnh hưởng tới sự hình thành, vận động và phát triển của hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam. Đặc biệt là các chính sách ngôn ngữ của các triều đại phong kiến Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, trước hết và chủ yếu là chính sách coi trọng địa vị chính thống của chữ Hán. Trong giai đoạn độc lập tự chủ, chế độ phong kiến Việt Nam trải qua mười thế kỷ hình thành, phát triển và suy tàn nhưng chúng ta vẫn giữ được độc lập dân tộc và bảo tồn được văn hóa trước âm mưu tiêu diệt văn hóa và đồng hóa văn hóa thâm độc của kẻ thù đến từ phương Bắc. Thoát khỏi chính sách đồng hóa nhưng tiếng Việt vẫn chưa chiếm được địa vị chính thống của tiếng Hán, chữ Hán. Tiếng Hán, chữ Hán vẫn được dùng trong công việc giấy tờ hành chính, vẫn là ngôn ngữ trong giáo dục, thi cử và trong sáng tác văn học cũng như công trình học thuật. Những tác phẩm văn học có giá trị lúc bấy giờ như Quốc tộ (Vận nước) của thiền sư Đỗ Pháp Thuận, bài thơ thần Nam quốc sơn hà (chưa rõ tên tác giả), Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) của Lý Công Uẩn, Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Bài văn hịch dụ bảo các tỳ tướng, quen gọi ngắn gọn là Hịch tướng sĩ) của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, đều được viết bằng chữ Hán. Chính sách duy trì địa vị chính thống của chữ Hán trải từ triều đại này sang triều đại khác ngoại trừ dưới triều đại ngắn ngủi của Quang Trung Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn. Thái độ coi trọng chữ Hán đến mức tôn sùng trong nhà trường phong kiến cũng đồng nghĩa với việc tiếng Việt, chữ Nôm bị coi nhẹ. Ở xã hội phong kiến, giai cấp phong kiến trong sử dụng ngôn ngữ vẫn muốn duy trì một sự cách biệt giữa giai cấp thống trị với tầng lớp bình dân. Do đó mới có những quan niệm dùng chữ Hán mới sang, mới thanh tao, mới là người biết chữ còn dùng chữ Nôm chẳng qua là lời nói của những người thấp hèn, dung tục, “nôm na, mách qué” mà thôi. Tuy nhiên, Chúa Trịnh và giai cấp phong kiến lúc bấy giờ không cấm chữ Nôm mà chỉ cấm một thể loại viết bằng chữ Nôm đó là truyện Nôm. Việc truyện Nôm bị giai cấp phong kiến cấm lưu truyền có lẽ vì có những nội dung đi ngược với lễ giáo phong kiến. Hầu hết các tác phẩm ở thể loại truyện Nôm đều viết về truyện tài tử, giai nhân; những truyện tình yêu trai gái, phong tình, nhục cảm nên có một thời gian truyện Nôm bị lên án gay gắt, những nhân vật trong truyện Nôm bị giai cấp phong kiến mạt sát. Ngay cả những nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, trong những giai đoạn lịch sử nhất định, bên cạnh việc duy trì địa vị chính thống của tiếng Hán, chữ Hán, một số triều đại phong kiến Việt Nam cũng có những biểu hiện khuyến khích sử dụng ngôn ngữ dân tộc như thời Trần Nhân Tông nhà Trần, thời Hồng Đức nhà Hậu Lê và thời Quang Trung nhà Tây Sơn. Thời nhà Trần, mỗi khi nhà vua có việc bố cáo thiên hạ thì có thông lệ tuyên đọc chiếu chỉ viết bằng chữ Hán xong phải giảng giải lại bằng tiếng Việt, chữ Nôm để cho mọi thần dân có thể hiểu được. Dưới thời Hồng Đức nhà Hậu Lê, Lê Thánh Tông rất khuyến khích việc sáng tác văn học bằng chữ Nôm. Chính bản thân ông và các cận thần còn thành lập tổ chức văn học đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam – Hội Tao Đàn chủ yếu sáng tác bằng tiếng Việt, chữ Nôm với tập thơ tiêu biểu là Hồng Đức quốc âm thi tập – sáng tác của các văn nhân thời Hồng Đức, nhiều người là thành viên của Hội Tao Đàn. Tiếng Việt chữ Nôm được coi trọng và được đưa lên địa vị cao là dưới thời vua Quang Trung. Quang Trung Nguyễn Huệ chủ trương đưa tiếng Việt, chữ Nôm vào trong công việc giấy tờ hành chính và trong sáng tác văn học. Ông còn cho thành lập viện Sùng Chính nhằm huy động lực lượng trí thức nước nhà chuyển dịch tất cả kho thư tịch sang chữ Nôm để dùng trong giáo dục và thi cử. Nhưng chí lớn chưa thành, anh hùng bạc mệnh, Quang Trung đã ra đi vĩnh viễn trong sự dang dở của những ước mơ, lí tưởng của người anh hùng áo vải. 2.1.2. Tiền đề văn hóa, tư tưởng Hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam hình thành trong sự tồn tại đan xen của văn hoá dân tộc và văn hoá Nho giáo Quan điểm “văn dĩ tải đạo” (văn là để chở đạo), “thi dĩ ngôn chí” (thơ là dùng để nói chí) vốn là những quan điểm về văn chương của Nho giáo. Trong quá trình truyền bá và ảnh hưởng vào đời sống chính trị xã hội nước ta, Nho giáo đã được dân tộc hóa nhiều và những quan điểm về văn chương của Nho giáo cũng vì thế mà bị khúc xạ, hấp thụ những nội dung dân tộc. Quan điểm văn là để chở đạo trong văn học trung đại Việt Nam không vì thế mà chỉ mang những tư tưởng kinh điển của Khổng Mạnh nói chung nữa, thêm vào đó, “đạo” còn là những vấn đề mang tính chất trọng đại của quốc gia, của dân tộc. Ngay từ khi mới ra đời, những tác phẩm được biết đến đầu tiên của văn học viết đã khẳng định quốc gia dân tộc. Văn học đã cổ vũ sự nghiệp chống ngoại xâm, xây dựng đất nước Việt. Văn học cũng khẳng định và đề cao ý thức dân tộc. Những tác phẩm như Quốc tộ (Vận nước) của Đỗ Pháp Thuận, Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) của Lý Công Uẩn, Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Hịch tướng sĩ) của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo và văn chương từ lệnh của Nguyễn Trãi đã phản ánh ý thức về quốc gia, về dân tộc của nhân dân Việt, đạo lí của dân tộc Việt. Tuy nhiên, quan điểm chính thống của nhà nước phong kiến lại cho rằng “đạo” là phải phù hợp với kinh điển của Nho gia. “Văn là để chở đạo” cho nên những gì không chở đạo, tức không phù hợp với quan điểm văn chương của Nho giáo và do đó không được coi là văn chương đích thực. Trong một thời gian dài, quan điểm chính thống này chỉ coi những sáng tác văn chương viết về những vấn đề lớn của quốc gia, thơ văn chở đạo, nói chí mới là những sáng tác văn chương đích thực. Còn những áng thơ văn, tiểu thuyết viết về số phận những con người bình thường, những chuyện đời thường trong cuộc sống bị coi là “phi kinh”, “dị đoan” không được coi là chở đạo và đương nhiên không được coi là những sáng tác văn chương đích thực. Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ viết rằng: “Có người đem truyện Nôm và những trò thanh sắc, cờ bạc, rủ rê chơi bời thì ta bịt tai lại không muốn nghe. Ta đã học liệp thiệp được ít kinh sử, thế mà chữ Nôm ta không hiểu hết được, câu ca bản đàn thoảng qua ngoài tai rồi lại lờ mờ không hiểu gì cả” (dẫn theo Đinh Gia Khánh [85, tr. 27]). Phạm Đình Hổ coi thường truyện Nôm cũng như những thú rượu chè, cờ bạc. Quan điểm của Nho giáo chính thống đã ăn sâu, bén rễ trong tư tưởng của Phạm Đình Hổ nói riêng và tầng lớp trí thức Nho giáo nói chung. Quan điểm ấy cũng vượt ra khỏi phạm vi của giới trí thức Nho giáo thâm nhập cả vào đời sống của tầng lớp bình dân. Vì thế mà, đương thời, người ta truyền nhau câu ca dao: “Làm trai chớ kể Phan Trần/ Làm gái chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Truyện Nôm khuyết danh bình dân Phan Trần và Truyện Kiều của Nguyễn Du là những truyện mà nội dung có khi đi ngược lại với lễ giáo phong kiến. Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống “phi kinh”, “dị đoan” là hai cái mũ được chụp xuống hai tác phẩm này hẳn cũng không có gì lấy làm lạ. Và như thế thì dù có là đỉnh cao của thể loại, dù có là “tập đại thành của thi ca Việt Nam”, là “quốc hồn quốc túy” như các nhà nghiên cứu sau này nhận định đi chăng nữa thì lúc bấy giờ, Truyện Kiều cũng không được coi là một tác phẩm văn chương đích thực. Người ta còn truyền nhau câu nói của vua Tự Đức lúc sinh thời là: “Mê gì, mê đánh tổ tôm/Mê ngựa Hậu bổ, mê Nôm Thúy Kiều”. Ngay cả với một thiên tài cỡ Nguyễn Du với đứa con tinh thần Truyện Kiều của mình, Đại thi hào dân tộc cũng chỉ dám nói “Lời quê chắp nhặt dông dài/Mua vui cũng đủ một vài trống canh”. Tự Đức và cả Nguyễn Du đều không coi Truyện Kiều là văn chương đích thực vì văn chương đích thực là phải chở đạo, chở những kinh điển cao quý của Nho gia. Mà theo quan điểm chính thống của Nho gia “nôm na là cha mách qué” thì làm sao văn chương viết bằng chữ Nôm có thể chở đạo được. Do đó, khi đề cập đến những vấn đề trang nghiêm, trọng đại tất phải dùng chữ Hán. Còn khi giải trí, mua vui thì sáng tác bằng chữ Nôm. Từ những quan niệm, quan điểm ấy của văn hóa dân tộc và văn hóa Nho giáo ta thấy văn học trung đại Việt Nam tồn tại hai thành phần văn học song song với nhau. Thành phần văn học viết bằng chữ Hán thiên về những vấn đề trọng đại của quốc gia, dân tộc, những nội dung về chở đạo, nói chí. Cùng với đó là thành phần văn học viết bằng chữ Nôm sáng tác chủ yếu để mua vui, giải trí với những nội dung bình thường, thông tục về con người, về cuộc sống hàng ngày. Về quan điểm thẩm mĩ, người trung đại thường quan niệm cái đẹp thiên về cái tao nhã, cao cả. Từ quan niệm không gian cao – thấp; xã hội đẳng cấp, có quý có tiện, có sang có hèn cho nên văn chương cũng hướng tới cao cả, tao nhã. Quan niệm “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí” thể hiện rất rõ điều đó. Cùng với đó là quan niệm cái đẹp là của thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm tiêu chuẩn cho cái đẹp. Bởi thế cho nên trong văn học trung đại luôn đầy ắp “phong, hoa, tuyết, nguyệt”, “sơn thủy hữu tình”. Văn chương trung đại rất chú ý đến sự hài hòa. Từ quan niệm cái riêng trong cái chung, không coi trọng cá tính, hướng tới sự hài hòa, người trung đại cũng hướng tới những đối xứng, song hành trong nghệ thuật để hướng tới cái đẹp. Nghệ thuật đối, sóng đôi, hay nghệ thuật tứ bình là tiêu biểu cho quan niệm đó. Nhìn chung, những quan điểm, quan niệm thẩm mĩ thời trung đại ảnh hưởng văn hóa Hán và có tác động nhiều đến thành phần văn chương viết bằng chữ Hán hơn thành phần vặn học viết bằng tiếng Việt – chữ Nôm. Những giai đoạn cuối của văn học trung đại khi văn học viết bằng ngôn ngữ dân tộc chiếm ưu thế, ngôn ngữ văn học tiến gần hơn với ngôn ngữ đời sống những quan niệm thẩm mĩ này không chi phối quá nhiều đến sáng tác văn học như trước nữa. Về quan niệm văn học, trong khi quan điểm chính thống cho rằng văn chương viết về những vấn đề lớn lao, trang nghiêm, trọng đại và phải viết bằng chữ Hán mới là văn chương đích thực, nhưng thực tế văn học thì không chịu theo khuôn khổ quan niệm ấy. Văn học sáng tác bằng chữ Nôm của những tác giả lớn từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Đình Chiểu khi đề cập đến những vấn đề trọng đại liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc, đến đời sống nhân dân, đến đạo lí làm người nhiều khi đã vượt ra ngoài đạo lí của Nho giáo nhất là khi giai cấp phong kiến với hệ tư tưởng chính thống của nó là Nho giáo suy tàn, đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, của dân tộc. Văn học sáng tác bằng chữ Nôm không chỉ là sản phẩm của trò tiêu khiển, đùa trăng cợt gió, đối chén họa vần nữa mà còn phản ánh cuộc sống để tham gia phấn đấu cho sự phát triển của các tầng lớp nhân dân, theo đạo lí dân tộc, như vậy thì văn học Nôm đã thực sự chở đạo. Văn học chữ Nôm vì sử dụng ngôn ngữ dân tộc, cho nên có thể miêu tả một cách linh hoạt và cụ thể hơn văn học viết bằng chữ Hán khi thể hiện những nét phong phú, mĩ lệ của thiên nhiên nước Việt. Văn học chữ Nôm có thể biểu lộ một cách sâu sắc và tế nhị hơn những khía cạnh độc đáo trong tâm hồn người Việt. Điều này làm cho văn học Nôm có tính dân tộc đậm đà hơn văn học viết bằng một ngôn ngữ vay mượn – chữ Hán. Tính dân tộc này lại càng sắc nét vì văn học Nôm không bị ràng buộc quá khắt khe với học thuật điển phạm như là văn học chữ Hán. Càng ít bị ràng buộc với học thuật, thì văn học càng xa với giáo điều của Nho giáo. Cho nên nếu như văn học Nôm vẫn “chở đạo” thì đạo ở đây có khi đã xa với giáo điều của Nho giáo hơn so với văn học viết bằng chữ Hán. Do đó nội dung (tức là đạo) trong văn học Nôm nói chung lại có điều kiện gắn bó hơn với thực tiễn đời sống của nhân dân, của dân tộc, của đất nước. Đó là chỗ khác nhau giữa thơ và phú chữ Nôm với thơ và phú chữ Hán. Đó đặc biệt lại là chỗ khác nhau giữa thể tự sự trong văn học chữ Nôm và thể tự sự trong văn học chữ Hán. Thể tự sự trong văn học chữ Nôm tức là truyện thơ phát triển rất mạnh từ thế kỷ XVIII trở đi và tuy vẫn nói đến lễ giáo, trung hiếu, tiết nghĩa, cương thường nhưng đồng thời lại đề cập đến những vấn đề thiết thực trong cuộc sống của dân tộc, của nhân dân và lí giải những vấn đề ấy gần với quan điểm của nhân dân. Quan điểm thẩm mĩ, quan điểm văn học thời trung đại là một nhân tố quan trọng góp phần hình thành hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam. 2.1.3. Tiền đề văn học Tiền đề ngôn ngữ Hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam là sản phẩm của quá trình du nhập và sử dụng chữ Hán và quá trình hình thành và phát triển của chữ Nôm. Hai quá trình này không xuất hiện cùng nhau nhưng đã gặp gỡ nhau từ thế kỷ XIII khi việc sử dụng chữ Nôm vào sáng tác văn học được sử sách ghi nhận. Dưới đây là khái lược hai quá trình này. Quá trình du nhập và sử dụng chữ Hán Quá trình này gắn với vai trò của Sĩ Nhiếp (làm Thái Thú Giao Chỉ vào khoảng 137–226) với tư cách là người đầu tiên tổ chức việc học ở Việt Nam. Tổ Sĩ Nhiếp là người gốc Hoa nhưng tị nạn sang Giao Châu, đến ông là 6 đời, có thể xem Sĩ Nhiếp đã “Nam hóa”. Thời ông làm Thái thú có nhiều trí thức, nho sĩ Trung Hoa sang lánh nạn, được ông dung nạp. Ông cùng họ mở trường dạy Thi, Thư, Lễ, Nhạc, tiến cử, sử dụng người hiền tài. Theo sử sách, vào thời kỳ Bắc thuộc, đã có một ít người Việt ta giỏi chữ Hán như Trương Trọng, Lí Cầm, Lí Tiến, Khương Công Phụ. Trong đó, Khương Công Phụ còn có tài văn hay, bài Bạch Vân Chiếu xuân hải phú (Phú mây trắng chiếu bể xuân) được người đời Đường tôn làm kiệt tác. Cho đến trước thế kỉ XI, những người tiêu biểu cho văn hoá Việt Nam vẫn là các nhà sư. Từ sau chiến thắng Bạch Đằng vĩ đại năm 938 của Ngô Quyền, Việt Nam chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc hàng ngàn năm, bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập tự chủ. Nhà nước đã lấy chữ Hán văn ngôn làm ngôn ngữ chính thức trong giao tiếp hành chính, giáo dục, thi cử và đặc biệt là trong sáng tác văn chương. Di sản văn chương trước thời Lí - Trần còn lại đến ngày nay rất ít ỏi. Nên có thể nói văn học trung đại Việt Nam bắt đầu thừ thời Lí – Trần. Văn chương viết bằng chữ Hán thời Lí – Trần chủ yếu là sáng tác của các nhà sư, vua, quan, tầng lớp quý tộc và các nhà nho. Từ thế kỷ XV trở về sau, xã hội phong kiến Vệt Nam tôn sùng Nho giáo. Tuy nhiên, cả ba học thuyết tư tưởng – tôn giáo là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo vẫn luôn ảnh hưởng tới đời sống tư tưởng, đời sống văn hóa nhất là trong văn chương. Văn học viết bằng chữ Hán không chỉ sử dụng ngôn ngữ, văn tự mà còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết học – tôn giáo, văn hóa, thẩm mĩ, thi pháp và thi liệu văn học Trung Quốc. Quá trình hình thành, phát triển của chữ Nôm và sự xuất hiện của văn học viết bằng chữ Nôm Trong bài viết “Việt Nam ta biết chữ Hán từ đời nào?” đăng trên Nam Phong tạp chí, Phạm Huy Hổ cho rằng chữ Nôm có từ đời các vua Hùng. Văn Đa cư sĩ Nguyễn Văn San lại cho rằng chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp cuối đời Đông Hán thế kỷ thứ 2. Nguyễn Văn Tố dựa vào hai chữ “bố cái” trong danh xưng “Bố Cái đại vương” do nhân dân Việt Nam suy tôn Phùng Hưng mà cho rằng chữ Nôm có từ thời Phùng Hưng thế kỷ thứ VIII. Ý kiến khác lại dựa vào chữ “cồ” trong quốc hiệu “Đại Cồ Việt” để cho rằng chữ Nôm có từ thời Đinh Tiên Hoàng. (Dẫn theo Nguyễn Tài Cẩn [19, tr.19-20]). Văn học viết Việt Nam ra đời trong thời kỳ phong kiến tự chủ. Những tác phẩm được biết đến đầu tiên của văn học viết lại viết bằng ngôn ngữ vay mượn nước ngoài (tiếng Hán và chữ Hán). Mặc dù có những giả thuyết khác nhau nhưng các học giả nghiên cứu về vấn đề này đều có chung một nhận định là nước Việt bước vào kỉ nguyên mới mà chưa có chữ viết để ghi âm tiếng Việt. Đến thời nhà Trần thì chữ Nôm được sử dụng để sáng tác văn học. Việc sử dụng chữ Nôm vào sáng tác văn học có ý nghĩa rất lớn, nó không chỉ thể hiện ý thức và niềm tự hào của dân tộc lên cao mà còn khẳng định sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc trong việc thể hiện các giá trị tinh thần của người Việt trong đó có văn học viết bằng chữ Nôm. Đây cũng là điều kiện cần thiết để hình thành hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam. Do đó, nghiên cứu sự hình thành, vận động biến đổi và phát triển của hiện tượng song ngữ không thể không nghiên cứu quá trình hình thành, vận động biến đổi và phát triển của chữ Nôm trong lịch sử tiếng Việt. Những điểm tương đồng giữa chữ Hán và chữ Nôm có ảnh hưởng tới hiện tượng song ngữ Theo Lã Nhâm Thìn, “tiếng Việt và tiếng Hán có sự gần gũi tương đồng ở ba phương diện cơ bản nhất: không biến hình, đơn âm và tuyến tính. Thêm vào đó là sự gần gũi về thanh điệu” [142, tr.22]. Như vậy, có thể thấy, ngôn ngữ cũng như văn tự của người Hán và người Việt có sự giao thoa với nhau ở bốn đặc điểm cơ bản. Đây đều là loại hình ngôn ngữ đơn lập không biến hình, đơn âm, có tính tuyến tính và có sự tương đồng nhất định về thanh điệu. Lã Nhâm Thìn cho rằng bốn yếu tố này là điều kiện cơ bản tạo nên hiện tượng thơ Nôm Đường luật. Ở mức độ khái quát cao hơn, chúng tôi cho rằng những sự tương đồng đó của ngôn ngữ/văn tự Hán – Việt góp phần tạo nên hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam. Đặc điểm tiên quyết của tiếng Hán và tiếng Việt tác động đến hiện tượng song ngữ chính là đặc điểm không biết hình của hai loại ngôn ngữ/văn tự này. Trong công trình nghiên cứu Một số vấn đề về chữ Nôm, Nguyễn Tài Cẩn cho rằng: “Tiếng Triều Tiên, Nhật Bản là những ngôn ngữ có cơ cấu khác xa tiếng Hán. Đây là những ngôn ngữ chắp dính, từ có hình thái, trong từ có sự đối lập giữa căn tố, phụ tố rất rõ. Đây chính là tình hình khách quan đã bắt buộc chữ Triều Tiên và Nhật Bản phải sớm tạo ra một lối ghi chuẩn thống nhất theo hướng ngữ âm học cho các yếu tố làm công cụ ngữ pháp trong câu” [20, tr.16]. Những sự tương đồng giữa tiếng Việt và tiếng Hán về tiếng đơn âm, tính tuyến tính và thanh điệu cũng như cách đọc Hán Việt trong tiếng Việt là những yếu tố quan trọng trong việc hình thành hiện tượng sáng tác bằng song ngữ dưới góc độ ngôn ngữ trong văn học trung đại Việt Nam. Điều này cũng góp phần lí giải vì sao văn học viết bằng chữ Hán lại trội hơn ở các thể loại văn học chức năng và văn xuôi tự sự trữ tình. Trong khi đó, văn học viết bằng chữ Nôm phát triển mạnh ở các thể loại văn học nội sinh. Các thể loại thơ Đường luật và phú phát triển mạnh cả về chữ Hán và chữ Nôm là các thể loại văn học được dân tộc hóa từ thể loại tiếp thu từ Trung Quốc. Tiền đề thể loại Việc lựa chọn chữ Hán văn ngôn làm ngôn ngữ chính thức trong giao tiếp hành chính, giáo dục, thi cử và sáng tác nghệ thuật dẫn đến việc chúng ta tiếp thu các thể loại văn học của người Trung Hoa. Trong các thể loại tiếp thu đó có các thể loại văn sử dụng trong giao tiếp hành chính như hịch, cáo, chiếu, biểu, sử kí, sớ, tấu,; các thể loại văn chương nghệ thuật như thơ, phú, từ, truyện, Những thể loại văn học đã có sẵn từ Trung Quốc được ông cha ta tiếp thu một cách xuất sắc với nhiều tác phẩm viết bằng chữ Hán có giá trị ở hầu hết các thể loại. Bên cạnh đó, với sự phát triển ngày càng cao của ý thức dân tộc, nhiều thể loại văn học tiếp thu từ nước ngoài có những tác phẩm viết bằng tiếng Việt/chữ Nôm. Điều đó cho thấy, thể loại cũng là một tiền đề quan trọng góp phần tạo nên hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam. 2.2. ĐẶC ĐIỂM HIỆN TƯỢNG SONG NGỮ TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM 2.2.1. Tính chất đa thành phần của hiện tượng song ngữ Thành phần văn học chữ Hán Sáng tạo ra chữ viết là một trong những sáng tạo vĩ đại nhất của loài người. Chữ Hán được ra đời từ một trong những cái nôi văn minh nhân loại, là một trong ba loại chữ viết độc lập, không liên quan đến một truyền thống văn tự nào khác, bên cạnh văn tự cổ Ai Cập ở lưu vực sông Nin và văn tự Mai-a ở vùng Trung Mĩ. Các loại chữ sau này đều được sáng tạo dựa trên sự vay mượn, mô phỏng ba loại chữ đó. Chữ Hán là thành tựu của chế độ phong kiến Trung Quốc của dân tộc Trung Hoa, được du nhập vào Việt Nam theo con đường xâm lược. Người Việt học tiếng Hán từ thời Bắc thuộc, và đến thời độc lập thì đã nắm vững và sử dụng trong nhiều lĩnh vực xã hội. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã lựa chọn chữ Hán là chữ viết chính thức của quốc gia. Nhưng chữ Hán mà ông cha ta đã lựa chọn là chữ Hán văn ngôn chứ không phải chữ Hán bạch thoại. Chữ Hán văn ngôn được sử dụng trước thời tự chủ và là tử ngữ còn chữ Hán bạch thoại là sinh ngữ. Đây là một sự lựa chọn khôn ngoan của dân tộc ta, giúp chúng ta miễn nhiễm với quá trình vận động, biến đổi của chữ Hán bạch thoại. Do sử dụng chữ Hán văn ngôn, khi nước nhà độc lập tự chủ, người Việt vẫn bảo lưu cách đọc và viết chữ Hán có từ thời Đường, “vô can” với mọi diễn biến của chữ Hán bạch thoại trên đất nước Trung Quốc. Đây là một...I – hết thế kỉ XIX, Nxb Giáo dục, H. Phương Lựu (2002), Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, H. Phương Lựu (Chủ biên) (2002), Lí luận văn học, tái bản, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Phương Lựu (2002), Từ so sánh văn học đến thi học so sánh, Nxb Giáo dục, H. Đặng Thai Mai (1992): Giảng văn Chinh phụ ngâm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nguyễn Đăng Mạnh (1996), Những bài giảng về tác gia văn học (3 tập), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. Trần Quang Minh – Đinh Thị Khang (1998), Đoàn Thị Điểm – Nguyễn Gia Thiều, Nxb Giáo dục, H. Nguyễn Đăng Na (1998), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Nxb Giáo dục, H. Nguyễn Đăng Na (2004), Tinh tuyển văn học Việt Nam tập 3, Nxb Khoa học Xã hội, H. Nguyễn Đăng Na (2007), Con đường giải mã Văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, H. Nguyễn Đăng Na (Chủ biên), Lã Nhâm Thìn, Đinh Thị Khang (2012), Văn học trung đại Việt Nam, tập 1, Nxb Đại học sư phạm, H. Nhiều tác giả (1966), Kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du (1765-1965), Nxb Khoa học xã hội, H. Nhiều tác giả (2001), Nguyễn Bỉnh Khiêm – về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, H. Phan Ngọc (2000), Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt và chữa lỗi chính tả, Nxb Thanh niên, H. Phan Ngọc (2003) Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb Thanh niên, Hà Nội. Nguyễn Bích Ngô dịch (1993), Thánh Tông di thảo, NXB Văn học, Hà Nội. Phạm Thế Ngũ (1997), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tái bản, Nxb Đồng Tháp. Trần Ích Nguyên (2000), Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, Nxb Văn học, H. Nguyễn Thị Nương (2010), Con người Nguyễn Du qua thơ chữ Hán, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội. Hoàng Phê (chủ biên) (2002), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học. Phan Diễm Phương (1998), Lục bát và song thất lục bát, Nxb Khoa học Xã hội, H. Cao Bá Quát (2012), Cao Bá Quát toàn tập, Tập 2, (Mai Quốc Liên chủ biên tuyển chọn và giới thiệu), Nxb Văn học, Hà Nội. Kiều Thanh Quế (1969), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam, Nxb Hoa tiên. Hoàng Quốc (2009), Những đặc trưng ngôn ngữ học xã hội của hiện tượng song ngữ, Luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học, Trường Đại học An Giang. Lê Quýnh (1993), Bắc hành tùng ký (Hoàng Xuân Hãn dịch), Nxb Thuận Hóa, Huế. Đặng Đức Siêu (2009), Giáo trình Ngữ văn Hán Nôm, 2 tập, Nxb Đại học sư phạm, H. Nguyễn Hữu Sơn, Đặng Thị Hảo tuyển chọn và giới thiệu (2006), Cao Bá Quát – về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, H. Trần Đình Sử (1995), Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb Giáo dục, H. Trần Đình Sử, Lã Nhâm Thìn, Lê Lưu Oanh (2005), So sánh văn học – nghiên cứu và triển vọng, Nxb Đại học sư phạm, H. Trần Đình Sử (2005), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. Trần Đình Sử (2007), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, H. Ko Mi Sook, Jung Min, Jung Byung Sul (2006), Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỉ XIX (Jeon Hye Kyung - Lí Xuân Chung biên dịch và giới thiệu), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. Bùi Duy Tân (1995), Văn học chữ Hán trong mối tương quan với văn học chữ Nôm ở Việt Nam, Tạp chí Văn học, (số 2), tr. 12-15, H. Trần Thị BăngThanh (2004), Tinh tuyển văn học Việt Nam tập 4, Nxb Khoa học Xã hội, H. Vũ Thanh (1994), “Những biến đổi của yếu tố kỳ và thực trong truyện ngắn truyền kỳ Việt Nam”, Tạp chí Văn học, (6), tr. 25. Vũ Thanh (Tuyển chọn và giới thiệu) (1999), Nguyễn Khuyến về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, H. Vũ Thanh (2006), “Đóng góp của Nguyễn Dữ cho thể loại truyện truyền kỳ Đông Á”, Bài viết tham dự Hội thảo quốc tế Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế, Viện Văn học Việt Nam và Viện Harvard-Yenching Hoa Kỳ tổ chức. Vũ Thanh (2010), “Tiến trình truyện kỳ ảo Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”, Bài viết tham dự Hội thảo khoa học quốc tế Quá trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản và các nước khu vực văn hóa chữ Hán: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc (từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) và Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản tổ chức. Vũ Thanh (2012), Truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam, Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ, Tài liệu lưu giữ tại phòng Tư liệu khoa Ngữ văn, trƣờng Đại học Sƣ phạm Hà Nội. 227. Thánh Tông di thảo, Việt Nam kỳ phùng sự lục, Điểu thám kỳ án (2008) (Nguyễn Bích Ngô, Phan Văn Các, Nguyễn Thị Thảo dịch), Nxb Văn học, H. Lã Nhâm Thìn (1998), Thơ Nôm Đường luật, Nxb Giáo dục, H. Lã Nhâm Thìn (2002), Bình giảng thơ Nôm Đường luật, Nxb Giáo dục, H. Lã Nhâm Thìn – Vũ Thanh (Đồng Chủ biên), Đinh Thị Khang, Trần Thị Hoa Lê, Nguyễn Thị Nương, Nguyễn Thanh Tùng (2015), Giáo trình văn học trung đại Việt Nam, tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, H. Lã Nhâm Thìn (2009), Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại, Nxb Đại học Sư phạm, H. Lã Nhâm Thìn (2015), Nguyễn Du và hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam (Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, H. Trần Nho Thìn (2003), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục, H. Trần Nho Thìn (2012), Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục Việt Nam, H. Trần Nho Thìn (2011), Tiếp cận tác phẩm trong chương trình phổ thông trung học có liên quan đến văn hoá chính trị cổ trung đại, Tài liệu tập huấn phát triển chuyên môn giáo viên trường trung học phổ thông chuyên, môn Ngữ văn, H. Bùi Đức Tịnh (2005), Lược khảo lịch sử văn học Việt Nam từ khởi thủy đến cuối thế kỷ XIX, Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Nam Trân (2011), Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, Nxb Giáo dục Việt Nam, H. Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (2004), Tinh tuyển Văn học Việt Nam tập 1,2,3,4,5, Nxb Khoa học Xã hội, H. Hoàng Tuệ (2009), Hoàng Tuệ tuyển tập, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội. Tổ Văn học dân gian và Văn học trung đại, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (2016), Hợp tuyển công trình nghiên cứu văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. Đoàn Thị Thu Vân (Chủ biên) (2009), Văn học trung đại Việt Nam (thế kỷ X – cuối thế kỷ XIX), Nxb Giáo dục Việt Nam, H. Lê Trí Viễn (1996), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H. Trần Ngọc Vương (1995), Loại hình học tác giả văn học - nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, H. Trần Ngọc Vương (Chủ biên) (2007), Văn học Việt Nam thế kỷ X – XIX – những vấn đề lí luận và lịch sử, Nxb Giáo dục, H. Trần Ngọc Vương (chủ biên) (2007), Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục, H. Trần Tế Xương tác phẩm và lời bình (2007), (Tuấn Thành – Anh Vũ tuyển chọn), Nxb Văn học, H. Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1997), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H. Nguyễn Như Ý (1999), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. Hoàng Hữu Yên (2012), Đọc và nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học sư phạm, H. Lê Thu Yến (1999), Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Thanh Niên, H. Lê Thu Yến (2001), Nguyễn Du và Truyện Kiều trong cảm hứng thơ người đời sau, Nxb Giáo dục, H. Lê Thu Yến (2002), Nhà văn trong nhà trường - Nguyễn Du, Nxb Giáo dục, Hà Nội. TIẾNG ANH Peter H. Lee (1981), Anthology of Korean Literature from early times to the nineteenth century, University of Hawaii Press. TIẾNG PHÁP A. Jeanroy – A. Puech (1907), Histoire de la littérature latine, Le - Livre, Sablons, France. PHỤ LỤC PHỤ LỤC 1: KHẢO SÁT ĐẶC ĐIỂM LOẠI HÌNH TÁC GIẢ SONG NGỮ TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM Đặc điểm Tiêu chí Tác giả Trần Nhân Tông Nguyễn Trãi Lê Thánh Tông Nguyễn Bỉnh Khiêm Nguyễn Du Cao Bá Quát Nguyễn Khuyến Loại hình tác giả song ngữ gắn với xuất thân nho học và truyền thống khoa bảng Xuất thân trong gia đình có truyền thống nho học, khoa bảng, có truyền thống thi thư X X X X X Là các nhà nho, được đào tạo một cách bài bản trong nhà trường phong kiến, nhiều người đỗ đạt và giữ chức vụ cao trong triều X X X X X Loại hình tác giả song ngữ gắn với bối cảnh lịch sử, xã hội buổi giao thời sống và hoạt động trong giai đoạn giao thời của các triều đại X X X X X Giai đoạn kiến tạo, xây dựng và phát triển đất nước hoặc triều đại phong kiến sau những năm chống ngoại xâm hoặc nội loạn và ngược lại X X X X X Loại hình tác giả song ngữ gắn với kiểu nhà nho hành đạo và kiểu nhà nho ẩn dật Có một chặng đường học hành, đỗ đạt và ra làm quan để thi hành lý tưởng tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ, lý tưởng kinh bang tế thế, trí quân trạch dân của một nhà Nho hành đạo X X X X X Có những khoảng thời gian gắn bó sâu sắc với nhân dân của một nhà Nho có tư tưởng thân dân, một nhà Nho ẩn dật sống gần những con người bình thường, lam lũ X X X X X Loại hình tác giả song ngữ gắn với tư tưởng, quan niệm nghệ thuật của nho gia Tư tưởng và quan niệm nghệ thuật của Nho gia X X X X X X Tư tưởng thân dân sâu sắc X X X X X X X PHỤ LỤC 2: HIỆN TƯỢNG SONG NGỮ Ở THỂ LOẠI HỊCH, VĂN TẾ STT Thể loại Hịch viết bằng chữ Hán Hịch viết bằng chữ Nôm Tên tác phẩm Tên tác giả Tên tác phẩm Tên tác giả 1 Hịch Thảo Ma Sa động hịch [108, tr.37] Lý Càn Đức 2 Hịch Phạt Tống lộ bố văn [108, tr.33] Lý Thường Kiệt 3 Hịch Dụ chư tỳ tướng hịch văn [108, tr.44] Trần Quốc Tuấn 4 Hịch Xuất sư hịch Ngô Thì Nhậm Hịch đánh Trịnh Nguyễn Hữu Chỉnh 5 Hịch Hịch bình Tây sát tả Trần Tấn, Đặng Như Mai Hịch văn thân Quảng Nam Phạm Như Xương 6 Hịch Hịch Lãnh Cồ Lãnh Cồ 7 Hịch Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây Khuyết danh 8 Hịch Hịch đánh chuột Nguyễn Đình Chiểu 9 Hịch Hịch Trương Định Trương Định 10 Hịch Hịch Quản Định 11 Văn tế Văn tế cá sấu Hàn Thuyên 12 Văn tế Văn tế Nguyễn Bích Châu Trần Duệ Tông 13 Văn tế Văn tế Trương Quỳnh Như Phạm Thái 14 Văn tế Văn tế chị Nguyễn Hữu Chỉnh 15 Văn tế Văn tế Quang Trung Lê Ngọc Hân 16 Văn tế Văn tế thập loại chúng sinh Nguyễn Du 17 Văn tế Bôn tang cáo văn Ngô Thì Nhậm Văn tế Đoàn Thị Điểm Nguyễn Kiều 18 Văn tế Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc Nguyễn Đình Chiểu 19 Văn tế Văn tế Trương Định Nguyễn Đình Chiểu 20 Văn tế Văn tế nghĩa dân trận vong lục tỉnh Nguyễn Đình Chiểu PHỤ LỤC 3: BẢNG THỐNG KÊ CÁC TÁC PHẨM Ở CÁC THỂ LOẠI CÁO, CHIẾU, BIỂU STT Thể loại Viết bằng chữ Hán Viết bằng chữ Nôm Tên tác phẩm Tên tác giả Tên tác phẩm Tên tác giả 1 Cáo Bình Ngô đại cáo [141, tr.146] Nguyễn Trãi 2 Chiếu Thiên đô chiếu [108, tr.29] Lý Công Uẩn 3 Chiếu Bình Nùng chiếu [108, tr.31] Lý Phật Mã 4 Chiếu Xá thuế chiếu [108, tr.32] Lý Phật Mã 5 Chiếu Lâm chung di chiếu [108, tr.38] Lý Càn Đức 6 Chiếu Thiện nhượng chiếu [108, tr.42] Khuyết danh 7 Chiếu Cầu hiền tài chiếu [81, tr.216] Nguyễn Trãi 8 Chiếu Cấm đại thần tổng quản cập chư viện sảnh cục đẳng quant ham đãi chiếu [81, tr.216] Nguyễn Trãi 9 Chiếu Mệnh Tư Tề nhiếp sự chiếu [81, tr.216 Nguyễn Trãi 10 Chiếu Tức vị chiếu Ngô Thì Nhậm 11 Chiếu Cầu hiền chiếu Ngô Thì Nhậm 12 Chiếu Đại nguyên soái Tổng quốc chính Bình vương kính thư vu La Sơn phu tử văn kỷ thanh chiếu Ngô Thì Nhậm 13 Chiếu Hàm Nghi đế chiếu Nguyễn Phúc Ưng Lịch 14 Biểu Thỉnh hoàn Vật Dương, Vật Ác nhị động biểu Lý Càn Đức 15 Biểu Từ nhập cận biểu Trần Khâm 16 Biểu Nghĩ Anh Tông hoàng đế tạ Thượng hoàng biểu Đoàn Nhữ Hài 17 Biểu Gián nghị đại phu kiêm tri tam quán sự tạ biểu Nguyễn Trãi 16 Biểu Di biểu Hoàng Diệu PHỤ LỤC 4: HIỆN TƯỢNG SONG NGỮ Ở THỂ LOẠI THƠ KỆ STT Giai đoạn văn học Viết bằng chữ Hán Viết bằng chữ Nôm Tên tác phẩm Tên tác giả Tên tác phẩm Tên tác giả 1 Thế kỷ X Nguyên hỏa Ngô Chân Lưu 2 Thế kỷ XI Thị đệ tử Nguyễn Vạn Hạnh 3 Thế kỷ XI Đáp Lý Thái Tông tâm nguyện chi vấn Lâm Khu 4 Thế kỷ XI Thủy hỏa Lâm Khu 5 Thế kỷ XI Thị tịch Đàm Khí 6 Thế kỷ XI Tâm không Mai Trực 7 Thế kỷ XI Cảm hoài Vương Hải Thiềm 8 Thế kỷ XI Sinh, lão, bệnh, tử Lý Ngọc Kiều 9 Thế kỷ XI Đáp Từ Đạo Hạnh Kiều Trí Huyền 10 Thế kỷ XI Thất châu Từ Lộ 11 Thế kỷ XI Hữu, không Từ Lộ 12 Thế kỷ XI Vấn Kiều Trí Huyền Từ Lộ 13 Thế kỷ XI Thị tịch cáo đại chúng Từ Lộ 14 Thế kỷ XI Sắc, không Lê Thị Ỷ Lan 15 Thế kỷ XI Hoa điệp Nguyễn Giác Hải 16 Thế kỉ XVI 13 bài kệ bằng chữ Nôm Trần Thị Ngọc Am PHỤ LỤC 5: BẢNG THỐNG KÊ TÁC PHẨM Ở THỂ LOẠI TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI STT Giai đoạn văn học Viết bằng chữ Hán Viết bằng chữ Nôm Tên tác phẩm Tên tác giả Tên tác phẩm Tên tác giả 1 Cuối XVII – đầu XVIII Hoan Châu ký Nguyễn Cảnh Thị 2 Thế kỷ XVIII Nam triều công nghiệp diễn chí Nguyễn Khoa Chiêm 3 Cuối XVIII – đầu XIX Hoàng Lê nhất thống chí Ngô gia văn phái 4 Đầu XIX Đào hoa mộng ký Tiên Phong Lê Đình? 5 Cuối XIX Việt Lam xuân thu Vũ Xuân Mai? 6 Cuối XIX – đầu XX Hoàng Việt long hưng chí Ngô Giáp Đậu PHỤ LỤC 6: BẢNG THỐNG KÊ TÁC PHẨM Ở THỂ LOẠI TRUYỆN TRUYỀN KỲ STT Giai đoạn văn học Viết bằng chữ Hán Viết bằng chữ Nôm Tên tác phẩm Tên tác giả Tên tác phẩm Tên tác giả 1 Cuối XV Thánh Tông di thảo Lê Thánh Tông 2 Cuối XVI Truyền kì mạn lục Nguyễn Dữ Tân biên Truyền kỳ mạn lục Nguyễn Thế Nghi 3 Cuối XVIII Truyền kì tân phả Đoàn Thị Điểm 4 Cuối XVIII – đầu XIX Lan Trì kiến văn lục Vũ Trinh 5 Cuối XVIII – đầu XIX Tân truyền kì lục Phạm Quý Thích PHỤ LỤC 7: BẢNG THỐNG KÊ TÁC PHẨM Ở THỂ LOẠI KÝ SỰ, TÙY BÚT STT Giai đoạn văn học Viết bằng chữ Hán Viết bằng chữ Nôm Tên tác phẩm Tên tác giả Tên tác phẩm Tên tác giả 1 Cuối thế kỷ XVIII - giữa thế kỷ XIX Thượng kinh ký sự Lê Hữu Trác 2 Cuối thế kỷ XVIII - giữa thế kỷ XIX Bắc hành tùng ký Lê Quýnh 3 Cuối thế kỷ XVIII - giữa thế kỷ XIX Vũ trung tùy bút Phạm Đình Hổ 4 Cuối thế kỷ XVIII - giữa thế kỷ XIX Tang thương ngẫu lục Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án 5 Cuối thế kỷ XVIII - giữa thế kỷ XIX Công dư tiệp ký Vũ Phương Đề  6 Cuối thế kỷ XVIII - giữa thế kỷ XIX Hải trình chí lược  Phan Huy Chú 7 Cuối thế kỷ XVIII - giữa thế kỷ XIX  Tây hành kiến văn kỷ lược Lý Văn Phức 8 Cuối thế kỷ XVIII - giữa thế kỷ XIX Tây hành nhật ký  Phạm Phú Thứ PHỤ LỤC 8: HIỆN TƯỢNG SONG NGỮ Ở THỂ LOẠI PHÚ STT Thể loại Viết bằng chữ Hán Viết bằng chữ Nôm Tên tác phẩm Tên tác giả Tên tác phẩm Tên tác giả 1 Phú Vịnh Vân Yên tự phú Lý Đạo Tái 2 Phú Cư trần lạc đạo phú Trần Khâm 3 Phú Ngọc tỉnh liên phú Mạc Đĩnh Chi 4 Phú Bạch Đằng giang phú Trương Hán Siêu 5 Phú Thiên thu giám phú Phạm Mại 6 Phú Cảnh Tinh phú Đào Sư Tích 7 Phú Trảm xà kiếm phú Sử Hy Nhan 8 Phú Thiên Hưng trấn phú Nguyễn Bá Thông 9 Phú Diệp mã nhi phú Đoàn Xuân Lôi 10 Phú Diệp mã nhi phú Nguyễn Phi Khanh 11 Phú Cần chính lâu phu Nguyễn Pháp 12 Phú Quan Chu nhạc phú Nguyễn Nhữ Bật 13 Phú Bàn Khê điếu huỳnh phú Trần Công Cẩn 14 Phú Chí Linh sơn phú Nguyễn Trãi 15 Phú Chí Linh sơn phú Nguyễn Mộng Tuân 16 Phú Chí Linh sơn phú Trần Thuấn Du 17 Phú Lam Sơn phú Nguyễn Mộng Tuân 18 Phú Nghĩa kỳ phú Nguyễn Mộng Tuân 19 Phú Xương Giang phú Lý Tử Tấn 20 Phú Tam ích hiên phú Lý Tử Cấu 21 Phú Lam Sơn Lương Thủy phú Lê Thánh Tông 22 Phú Nhạc Dương lâu phú Đoàn Nguyên Tuấn 23 Phú Kỳ giang kiều phú Bùi Dương Lịch 24 Phú Đăng Ải Vân sơn phú Ngô Thì Trí 25 Phú Tục Thiên Thai phú Ngô Thì Chí 26 Phú Tụng Tây Hồ phú Nguyễn Huy Lượng 27 Phú Chiến Tụng Tây Hồ phú Phạm Thái 28 Phú Trương Lưu hầu phú Nguyễn Hữu Chỉnh 29 Phú Phú tài tử đa cùng Cao Bá Quát 30 Phú Phú kể tội giặc Pháp Phạm Văn Nghị 31 Phú Phú ông đồ ngông Nguyễn Khuyến 32 Phú Phú hỏng thi Trần Tế Xương 33 Phú Phú thầy đồ dạy học Trần Tế Xương PHỤ LỤC 9: HIỆN TƯỢNG SONG NGỮ Ở THỂ LOẠI TRUYỆN THƠ STT Thể loại Viết bằng chữ Hán Viết bằng chữ Nôm Tên tác phẩm Tên tác giả Tên tác phẩm Tên tác giả 1 Truyện thơ Hương miệt hành Khuyết danh 2 Truyện thơ Truyện Song Tinh Nguyễn Hữu Hào 3 Truyện thơ Phạm Tải – Ngọc Hoa Khuyết danh 4 Truyện thơ Thạch Sanh Khuyết danh 5 Truyện thơ Trê cóc Khuyết danh 6 Truyện thơ Tống Trân – Cúc Hoa Khuyết danh 7 Truyện thơ Phạm Công – Cúc Hoa Dương Minh Đức Thị 8 Truyện thơ Nhị độ mai Khuyết danh 9 Truyện thơ Phương Hoa Khuyết danh 10 Truyện thơ Sơ kính tân trang Phạm Thái 11 Truyện thơ Quan Âm Thị Kính Nguyễn Cấp 12 Truyện thơ Truyện Kiều Nguyễn Du 13 Truyện thơ Truyện Lục Vân Tiên Nguyễn Đình Chiểu 14 Truyện thơ Truyện Dương Từ - Hà Mậu Nguyễn Đình Chiểu 15 Truyện thơ Truyện Ngư – Tiều y thuật vấn đáp Nguyễn Đình Chiểu PHỤ LỤC 10: HIỆN TƯỢNG SONG NGỮ Ở THỂ LOẠI NGÂM KHÚC STT Thể loại Viết bằng chữ Hán Viết bằng chữ Nôm Tên tác phẩm Tên tác giả Tên tác phẩm Tên tác giả 1 Ngâm khúc Chinh phụ ngâm Đặng Trần Côn Diễn Nôm Chinh phụ ngâm khúc Phan Huy Ích 2 Ngâm khúc Cung oán ngâm khúc Nguyễn Gia Thiều 3 Ngâm khúc Ai tư vãn Lê Ngọc Hân 4 Ngâm khúc Quả phụ ngâm Khuyết danh 5 Ngâm khúc Bần nữ thán Khuyết danh 6 Ngâm khúc Thu dạ lữ hoài ngâm Đinh Nhật Thận Thu dạ lữ hoài ngâm Đinh Nhật Thận 7 Ngâm khúc Tự tình khúc Cao Bá Nhạ PHỤ LỤC 11: BẢNG THỐNG KÊ TÁC PHẨM Ở THỂ LOẠI HÁT NÓI STT Giai đoạn văn học Viết bằng chữ Nôm xen hai câu chữ Hán Tên tác phẩm Tên tác giả 1 Đầu thế kỷ XIX Tự tình Cao Bá Quát  2 Đầu thế kỷ XIX Hơn nhau một chữ thì Cao Bá Quát  3 Đầu thế kỷ XIX Phận hồng nhan có mong manh Cao Bá Quát  4 Đầu thế kỷ XIX Nhân sinh thấm thoắt Cao Bá Quát  5 Đầu thế kỷ XIX Ngày tháng thanh nhàn Nguyễn Công Trứ 6 Đầu thế kỷ XIX Kiếp nhân sinh Nguyễn Công Trứ 7 Đầu thế kỷ XIX Chơi xuân kẻo hết xuân đi Nguyễn Công Trứ 8 Đầu thế kỷ XIX Trần ai ai dễ biết ai Nguyễn Công Trứ 9 Cuối thế kỷ XIX Hồng hồng, tuyết tuyết Dương Khuê 10 Cuối thế kỷ XIX Hương Sơn phong cảnh Chu Mạnh Trinh 11 Cuối thế kỷ XIX Hỏi phỗng đá Nguyễn Khuyến 12 Cuối thế kỷ XIX Duyên nợ Nguyễn Khuyến 13 Cuối thế kỷ XIX Chơi chùa Thầy Nguyễn Thượng Hiền 14 Cuối thế kỷ XIX Hát cô đầu Trần Tế Xương PHỤ LỤC 12: THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ VÀ CA DAO TRONG QUỐC ÂM THI TẬP STT TỤC NGỮ, THÀNH NGỮ, CA DAO QUỐC ÂM THI TẬP 1 Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng - Ở đấng thấp thì nên đấng thấp Đen gần mực, đỏ gần son  (Bảo kính cảnh giới - bài 21) 2  Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài - Ở bầu thì dáng ắt nên tròn Xấu tốt thì đều rắp khuôn  (Bảo kính cảnh giới - bài 21) - Ngoài năm mươi tuổi ngoài chưng thế Ắt đã tròn bằng nước ở bầu (Trần tình- bài 4) 3 Ở gần nhà giàu đau răng ăn cám Ở gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn - Lận đận nhà giàu no bữa cám Bạn bè kẻ trộm phải ăn đòn (Bảo kính cảnh giới - bài 21) 4 Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. - Miệng ăn núi lở - Tay ai thì lại làm nuôi miệng Làm biếng ngồi ăn lở núi non (Bảo kính cảnh giới - bài 22) - Xưa đà có câu truyền bảo Làm biếng hay ăn lở núi non (Dạy con trai) 5 Lên non mới biết non cao Nuôi con mới biết công lao mẹ thầy - Có con mới biết ơn cha nặng Dừng lộc thì hay nghĩa chúa nhiều (Bảo kính cảnh giới - bài 37) 6 Của làm ra để trên gác/ của cờ bạc để ngoài sân/ của phù vân để ngoài ngõ - Bất nhân vô số nhà hào phú Của ấy nào ai từng được chầy (Bảo kính cảnh giới - bài 44) 7 - Không thầy đố mày làm nên - Có làm thì mới có ăn Không dưng ai dễ đem phần đến cho -Nên thợ nên thầy vì có học No ăn no mặc bởi hay làm (Bảo kính cảnh giới - bài 46) - Nếu có ăn thời có lo Chẳng bằng cài cửa ngáy pho pho (Ngôn chí - bài 19) 8 - Nói dai, nói dài, nói dại.  - Bớt tiền thì bớt cù lao Bớt ăn bớt uống thì tao bớt làm. - Nhiều thốt đã thành nhiều sự lỗi Ít ăn thì phải ít người làm  (Bảo kính cảnh giới - bài 47) - Nhọc nhằn ai chớ còn than thở Ăn có dừng thì việc có dừng (Bảo kính cảnh giới - bài 54) 9 - Trăm năm bia đá thì mòn Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ - Bể truyền bia miệng kiếp nào mòn Cao thấp cùng xem việc mất còn (Bảo kính cảnh giới - bài 55) - Chỉnh vàng chẳng tiếc, danh thì tiếc Bia đá hay mòn, nghĩa chẳng mòn (Tự thán- bài 17) 10 - Cá chết vì câu, ruồi chết vì mật - Thương cá thác vì câu uốn lưỡi Ngẫm ruồi nào chết bát mồ hòn (Bảo kính cảnh giới - bài 55) - Miệng người như mật mùi qua ngọt Đạo thánh bằng tơ mối hãy dài (Tự thán- bài 21) 11 - Ăn lấy chắc, mặc lấy bền - Cơm ăn dầu có dưa muối Áo mặc nài chi gấm thêu (Thuật hứng - bài 22). -Bữa ăn dầu có dưa muối Áo mặc nài chi gấm là  (Ngôn chí- bài 3) 12 - Con sâu bỏ rầu nồi canh - Chẳng ngừa nhỏ âu nên lớn Nên có sâu thì bỏ canh (BKCG- bài 9) 13 - Xảy đàn tan nghé. - Đất bụt mà ném chim trời Chim thì bay mất đất rơi xuống chùa - Chúa đàn nẻo khẻo tan con nghé Hòn đất hầu làm mất cái chim  (Bảo kính cảnh giới - bài 23) 14 - Anh em như thể tay chân Rách lành đùm bọc khó khăn đỡ đần. - Tay chân dầu đứt bề khôn nối Xống áo chẳng còn mô dễ xin (Bảo kính cảnh giới - bài 15). 15 - Bể sâu còn có kẻ dò Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng. - Dễ hay ruột bể sâu cạn Khôn biết lòng người ngắn dài (Ngôn chí - bài 5) - Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn Lòng người quanh tựa nước non quanh (Bảo kính cảnh giới - bài 9) 16  - Con một mẹ, hoa một chùm Yêu nhau nên nữa phải đùm lấy nhau. - Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền Cành Bắc cành Nam một cõi nên (Bảo kính cảnh giới - bài 15) 17 - Qúa mù ra mưa, quá chua ra úng. - Ở ngọt thì hơn nhiều kẻ trọng Qúa chua liền úng có ai màng (Bảo kính cảnh giới - bài 20) 18 - Quanh co ruột ốc. - Co que thay bấy ruột ốc Khúc khuỷu làm chi trái hòe (Trần tình - bài 8) 19 - Lạc nước, tốt đuổi xe. - Làm người mựa cậy khi quyền thế Có thuở bàn cờ tốt đuổi xe (Trần tình - bài 8) 20 - Giàu người tới, khó người lui. - Giàu người họp, khó người tan Hai ấy hằng lề sự thế gian (Bảo kính cảnh giới - bài 12) 21 - Có đức hơn có tài. - Làm lành mới cậy chớ làm dữ Có đức thì hơn nửa có tài  (Tự thán – bài 22)  22 - Sừng mọc qúa tai. - Gạch quẳng nào bày mấy ngọc Sừng hằng những nọc qua tai (Tự thán - bài 22) 23 - Khôn ngoan chẳng lọ thật thà Dẫu là vụng dại cũng là đàn ông. - Khôn chẳng đã bề khôn thật Trăm khéo nào qua chước khéo đầy (Bảo kính cảnh giới - bài 44) 24 - Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn - Thế sự nào ai hay buộc bện Sen nào có bén trong lầm  (Thuật hứng – bài 25) 25 - Của mình thì giữ bo bo Của người thì thả cho bò nó ăn - Có của bo bo hằng chực của Oán người nơm nớp những âu người (Bảo kính cảnh giới - bài 11) 26 - Bần cư trung thị vô nhân vấn Phú tại sơn lâm hữu khách tầm - Người dưng có ngãi ta đãi người dưng Chị em bất ngãi ta đừng chị em - Phú quý thì nhiều kẻ đến chen Uốn đòi thế thái tính chưa quen (Bảo kính cảnh giới - bài 13)  -Yêu trọng người dưng là của ai Thương vì thân thích nghĩa chân tay (Bảo kính cảnh giới - bài 18) 27 - Nói dai, nói dài, nói dại - Ăn ít làm ít - Nhiều thốt đã đành nhiều sự lỗi Ít ăn thì lại ít người làm (Bảo kính cảnh giới - bài 47) 28 - Một mặt người bằng mười mặt của - Giàu nhiều của con chẳng có Sống hơn người mệnh khó khăn (Bảo kính cảnh giới - bài 48)  29 - Thực vàng chẳng phải thau đâu Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng. - Ngọc càng mài càng sáng Vàng càng luyện càng trong - Ngọc lành nào có tơ vết Vàng thực âu chi lửa thiêu (Tự thuật - bài 5) 30 - Khôn ngoan chẳng lọ thật thà Lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy. - Hay văn hay võ thì dùng đến Chẳng đã khôn ngay khéo đầy (Mạn thuật - bài 3) 31 - Nhìn mặt mà bắt hình dong Con lợn có béo cỗ lòng mới ngon. - Lòng người tựa mặt ai ai khác Sự thế bằng cờ bước bước nghèo. (Mạn thuật - bài 10). PHỤ LỤC 13: BẢNG THỐNG KÊ THI LIỆU HÁN HỌC TRONG TRUYỆN KIỀU STT Truyện Kiều Thơ mượn từ thi liệu Hán học 1 Hạt mưa sá nghĩ phận hèn, Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân. (Truyện Kiều. 619-620) Thùy ngân thốn thảo tâm, Báo đắc tâm xuân huy. (Ai bảo tấm lòng nhỏ mọn như tấc cỏ Mà lại có thể báo đáp ánh sáng tháng ba mùa xuân) (Thơ Mạnh Dao, đời Đường) 2 Thực là tài tử giai nhân Chân Trần còn có Châu Trần nào hơn (Truyện Kiều.1458-1459) Từ Châu cổ Phong huyện, Hữu thôn viết Châu Trần. Nhất thôn duy lưỡng tính, Thế thế vị hôn nhân. (Huyện Phong xưa ở đất Từ Châu Có một thôn gọi là Châu trần Một thôn chỉ có hai họ Đời đời làm thông gia với nhau) (Thơ Bạch Cư Dị) 3 Sông tần một giải xanh xanh, Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan. (Truyện Kiều. 1501-1502) Vị Thành triêu vũ ấp thanh trần, Thách xá thanh thanh liễu sắc tân. Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu, Tây xuất Dương Quan vô cố nhân. (Đất Vị Thành mưa sớm làm ẩm bụi trong Chốn quán trọ xanh xanh màu cây liễu thắm Khuyên người hãy uống cạn chén rượu này Đi về phía Tây ra khỏi Dương Quan Sẽ không còn ai là bạn cũ) (Thơ Vương Duy, đời Đường) 4 Trước sau nào thấy bóng người, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. (Truyện Kiều 2747-2748) Khứ niên kim nhật thử môn trung, Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. Nhân diện bất tri hà xứ xứ, Đào hoa y cựu tiếu đông phong. (Năm ngoái hôm nay trong cổng này Mặt người và hoa đào màu hồng ánh lẫn nhau Nay mặt người không biết đã đi đâu Chỉ có hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ) (Thơ Thôi Hộ) 5 Dập dìu lá gió cành chim, Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh. (Truyện Kiều. 1231-1232) Chi nghênh nam bắc điểu Diệp tống vảng lai phong (Cành đón những con chim từ nam và bắc tời Lá đưa những ngọn gió qua lại) (Thơ Tiết Đào) 6 Đêm ngày lòng những giận long, Sinh đà về đến lầu hồng xuống yên. (Truyện Kiều.1568-1569) Mỹ nhân tiếu khiên châu bạc Giao chỉ hồng cận thị thiếu gia (Người đẹp liền cười, kéo rèm chân nhìn ra Trỏ lầu hồng ở phía xa đó là nhà em) (Thơ Lý Bạch) 7 Một hai nghiêng nước nghiêng thành, Sắc đành đòi một tài đành họa hai. (Truyện Kiều 27-28) Bắc phương hữu giai nhân, Tuyệt thế nhi độc lập. Nhất cố khuynh nhân thành. Tái cố khuynh nhân quốc. (Phương bắc có người đẹp Hơn hết đời mà đứng một mình Một lần nhìn làm nghiêng đổ thành của người Hai lần nhìn làm nghiêng đổ nước của người) (Thơ Lý Diên Niên) 8 Mơ màng phách quế hồn mai, Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa. (Truyện Kiều 2711-2712) Quế phách sơ sinh, thu lộ vi (Mặt trăng đầu tháng sương mùa thu nhỏ hạt) (Thơ Vương Duy, đời Đường) 10 Làn thu thủy nét xuân sơn, Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. (Truyện Kiều 619-620) Vọng hạnh màu nghi thu thủy (Trông con người ngỡ làn nước thu) (Thơ Viên Giốc) 11 Nghĩ rằng cũng mạch thư hương, Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh. (Truyện Kiều 1061-1062) Thư hương kiếm khí câu linh lạc (Mùi hương của sách, cải khí của kiếm đều tan tác) (Thơ Lâm Cảnh Hy) 12 Dẫu rằng vật đổi sao dời, Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh. (Truyện Kiều 3087-3088) Vật hoán tinh di kỳ độ thu (Vật đổi sao dời mấy độ thu) (Thơ Vương Bột, đời Đường) 13 Đào tiên đã bén tay phàm, Thì vin cành quýt cho cam sự đời. (Truyện Kiều 833-834) Lão nhân du hí như đồng tử Bất chiết mai chi, chiết quất chi (Người già chơi nhởn nhơ như trẻ con Không bẻ cành mai mà lại bỏ cành quýt) (Tô Đông Pha) 14 Thuyền tình vừa ghé đến nơi, Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ. (Truyện Kiều 69-702) Thạnh thượng ma ngọc trâm Ngọc trâm vị thành trung ương chiết Tỉnh thượng văn ngân bình Ngân bình vị thượng, ty thằng tuyệt (Mài trâm ngọc trên đá Trâm chưa thành nửa chừng đã gãy Kéo bình bạc trên giếng Bình bạc chưa lên, dây tơ đứt) (Thơ Cố Huống) PHỤ LỤC 14: BẢNG THỐNG KÊ ẢNH HƯỞNG QUA LẠI GIỮA CA DAO VÀ TRUYỆN KIỀU STT Truyện Kiều Ca dao 1 Vầng trăng ai xẻ làm đôi Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường. (Truyện Kiều.1525-1526) Tiễn đưa một chén rượu nồng, Vầng trăng xẻ nửa tơ lòng đứt đôi. Hay: Vầng trăng ai xẻ làm đôi Đường trường ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng 2 Rắp mong treo ấn, từ quan Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua. (Truyện Kiều. 2939-2940) Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo Thất bát sông cũng lội, tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua. (Ca dao) 3 Sầu đong càng lắc càng đầy Ba thu dọn lại một ngày dài ghê. (Truyện Kiều) Ai làm cho bướm lìa hoa Cho chim xanh nở bay qua vườn hồng Ai đi muôn dặm non sông Để ai chất chứa sầu đong vơi đầy. Cộng với một câu thơ trong kinh thi: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (Một ngày không thấy xem bằng ba thu). 4 Người quốc sắc, kẻ thiên tài Tình trong như đã, mặt ngoài còn e. (Truyện Kiều. 163-164) Chờ người quốc sắc thiên tài, Mặt trong hoa ổi, mặt ngoài hoa tre. (Ca dao) 5 Đã gần chi có điều xa, Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều. (Truyện Kiều. 1365-1366) Yêu nhau chẳng ngại đường xa, Đã vàng cũng quyết, phong ba cũng liều. (Ca dao) 6 E thay những dạ phi thường, Dễ dò rốn bể, khôn lường đáy sông. (Truyện Kiều. 1485-1486) Sông sâu biển thẳm dễ dò, Nào ai lấy thước mà đo lòng người. (Ca dao) 7 Xót người tựa cửa hôm mai, Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ. (Truyện Kiều.1043-1044) Thức khuya dậy sớm chuyên cần, Quạt nồng, ấp lạnh giữ phần làm con. (Ca dao) 8 Chén hà sánh giọng quỳnh tương, Giải là hương lộn, bình gương bóng lồng. (Truyện Kiều.453-454) Chén ngà sánh giọng quỳnh tương, Mời chàng nho sĩ văn chương bước vào. (Ca dao) 9 Xắn tay mở khóa động đào, Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên-thai. (Truyện Kiều.391-392) Ra tay mở khóa động đào, Thực tiên thì được bước vào chơi tiên. (Ca dao) 10 Phận sao phận bạc như vôi, Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng. (Truyện Kiều.753-754) Bạc sao bạc chẳng vừa thôi  Để cho nước chảy hoa trôi lỡ làng. (Ca dao) 11 Buồn trông cửa bể chiều hôm, Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa. Buồn trông ngọn nước mới sa, Hoa trôi man mạc biết là về đâu? (Truyện Kiều.147-150) Buồn trông chênh chếch sao mai.  Sao ơi, sao hỡi nhớ ai sao mờ? Buồn trông con nhện giăng tơ, Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?  (Ca dao) 12 Cậy em em có chịu lời, Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa. (Truyện Kiều. 723-724) Mẹ già một nắng hai sương  Chị đi một bước trăm đường xót xa  Cậy em em ở lại nhà. (Ca dao)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docluan_an_hien_tuong_song_ngu_trong_van_hoc_trung_dai_viet_nam.doc
  • docKết luận mới của luận án.doc
  • pdfKết luận.pdf
  • pdfLuận án - Nông Văn Ngoan.pdf
Tài liệu liên quan