Nguyên nhân và tác động của việc tái áp đặt hạn ngạch

LỜI MỞ ĐẦU N gày 1/1/2005, Hiệp định hàng dệt may (ATC) về chế độ hạn ngạch xuất khẩu dệt may chính thức chấm dứt hiệu lực. Kể từ khi Tổ chức thương mại thế giới (WTO) dỡ bỏ hạn ngạch, bức tranh thị trường dệt may thế giới đã có sự thay đổi rõ nét, trong đó “phần thắng” chủ yếu thuộc về ngành dệt may Trung Quốc, trong khi các doanh nghiệp dệt may ở nhiều nước khác đang lao đao vì không thể cạnh tranh, hàng nghìn công nhân mất việc làm kéo theo nhiều vấn đề xã hội khác. Giới kinh doanh dệt may

doc22 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1523 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Nguyên nhân và tác động của việc tái áp đặt hạn ngạch, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
cho rằng, sau khi bãi bỏ hạn ngạch, thị trường dệt may thế giới tưởng chừng như không còn biên giới, các doanh nghiệp được tự do làm ăn không hạn chế. Tuy nhiên thực tế lại không đơn giản như vậy. Sau khi WTO bãi bỏ chế độ hạn ngạch, hàng dệt may của Trung Quốc vào Mỹ đã tăng vọt. Nhiều nhóm vận động hành lang có quyền lực ở thị trường này đã kêu gọi chính quyền của họ có những hành động pháp lý ngăn không để “dòng thác” hàng dệt may giá rẻ của Trung Quốc lấn át các doanh nghiệp nội địa. Kết quả là Mỹ đã dựa vào điều khoản về cơ chế tự vệ mà Trung Quốc ký với WTO để đưa ra biện pháp hạn chế mới đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc bằng cách tái áp đặt hạn ngạch dệt may, làm cho ngành dệt may Trung Quốc thực sự đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Bắt đầu từ ngày 11/1/2007, ngày Việt Nam chính thức vào WTO, hạn ngạch đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ được bãi bỏ. Đây là cơ hội lớn cho thị trường xuất khẩu, song đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, trong số đó có nguy cơ bị áp dụng các biện pháp tự vệ. Từ đây đặt ra yêu cầu Việt Nam phải tìm hiểu bài học kinh nghiệm từ các nước khác, điển hình là Trung Quốc, nhằm tận dụng tối đa cơ hội và giảm thiểu thách thức, phát huy lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực dệt may. Và đó cũng chính là lý do mà em lựa chọn đề tài này. Đề án gồm 3 chương với kết cấu : Chương 1 : Dệt may Trung Quốc và câu chuyện thời hậu hạn ngạch. Chương 2 : Nguyên nhân và tác động của việc tái áp đặt hạn ngạch. Chương 3 : Dệt may Việt Nam với bài học từ Trung Quốc. Em xin chân thành cảm ơn TS. Bùi Huy Nhượng đã hướng dẫn và góp ý cho em trong quá trình thực hiện đề án này. Do những hạn chế về thời gian và trình độ của bản thân em nên đề án không tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được những ý kiến nhận xét từ phía thầy để em có thể rút kinh nghiệm sao cho những lần viết đề án sau này ngày càng tốt hơn. Sinh viên Nguyễn Thùy Linh CHƯƠNG I. DỆT MAY TRUNG QUỐC VÀ CÂU CHUYỆN THỜI HẬU HẠN NGẠCH 1.1. Tình hình xuất khẩu dệt may của Trung Quốc vào Mỹ trước thời điểm bị tái áp đặt hạn ngạch dệt may Mỹ có nhu cầu tiêu thụ lớn về hàng dệt may nên đóng vai trò là một thị trường lớn nhập khẩu hàng dệt may của thế giới. Còn Trung Quốc là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may lớn của thế giới với sản lượng chiếm 1/3 tổng sản lượng toàn cầu. Sau khi gia nhập WTO vào tháng 11/2001, thị phần các mặt hàng may mặc của Trung Quốc được Mỹ xoá bỏ chế độ quota xuất khẩu đã tăng 1.009%, giá bán buôn các mặt hàng này của Trung Quốc trên thị trường Mỹ giảm 53%. Xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc vào Hoa Kỳ trong mấy năm qua tăng mạnh : năm 2003 đạt 14,2 tỷ USD, năm 2004 đạt 17,8 tỷ USD. Trước sức ép cạnh tranh từ hàng hoá Trung Quốc trên thị trường Mỹ ngày càng gia tăng, nhiều nhà sản xuất hàng dệt may của Mỹ đã phải chuyển nhà máy sang Mexico, Trung Mỹ và nhiều nước khác trong khu vực. Việc hệ thống hạn ngạch dệt may được bãi bỏ từ 1/1/2005 giữa các thành viên Tổ chức thương mại thế giới WTO đã mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu dệt may của Trung Quốc. Ngay sau khi WTO bãi bỏ chế độ hạn ngạch, đơn hàng của các doanh nghiệp Mỹ ngày càng đổ dồn vào các nhà sản xuất Trung Quốc. Chỉ tính riêng tháng 1, xuất khẩu dệt may Trung Quốc sang Mỹ đạt 1,4 tỷ USD, tăng tới 65,26% so với cùng kỳ năm 2004. Riêng lượng áo sơ mi chất liệu cotton xuất khẩu sang tăng 1.800%. Đối với Mỹ, chỉ trong hai tháng đầu năm, hàng dệt may từ Trung Quốc xuất khẩu sang đã tăng 87%. Hai tháng đầu năm 2005, Trung Quốc đã xuất sang Mỹ 27 triệu quần bò (jeans) thay vì 1,9 triệu (trong trường hợp còn giữ chế độ hạn ngạch). Xuất khẩu áo sơ mi dệt kim của Trung Quốc tăng 603% lên 1,6 triệu USD trong tháng 2/05. Xuất khẩu quần vải bông tăng 548% lên 60 triệu USD. Tại Mỹ, số liệu trong tháng 2 và tháng 3 cho thấy, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may từ Trung Quốc tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu của Trung Quốc, hàng dệt may nước này xuất khẩu sang Mỹ trong ba tháng đầu năm đã tăng 258%. Một số mã hàng có tốc độ tăng chóng mặt trên 1.000%. Bảng 1. Số liệu nhập khẩu của 3 Cat có kim ngạch tăng nhanh trong quý I năm 2005 2004 Tháng 3/2004-3/2005 Tháng 1-3/2004 Tháng 1-3/2005 Tháng 1-3 2004/2005 Cat 338/339(áo sơ mi cotton) Lượng (tá) 2.816.081 94.35.000 518.481 7.137.399 1.276,6% Trị giá (USD) 216.500.000 411.477.000 37.504.000 232.482.000 519,9% Cat 347/348 (quần cotton) Lượng (tá) 2.184.056 8.572.361 406.070 6.794.375 1.573,2% Trị giá (USD) 271.881.000 609.706.000 50.900.000 388.726.000 663,7% Cat 352/652 (đồ lót nam) Lượng (tá) 5.211.316 9.208.507 1.255.900 5.206.929 318,2% Trị giá (USD) 137.109.000 176.722.000 29.965.000 69.579.000 132,2% (Nguồn : trang Web Bộ tài chính www.mof.gov.vn) Trong 4 tháng đầu năm 2005, Mỹ đã nhập khẩu 2,5 tỷ USD hàng dệt may Trung Quốc, chiếm 39% tổng kim ngạch hàng dệt may được nhập vào Mỹ. 1.2. Diễn biến việc ra quyết định tái áp đặt hạn ngạch của Mỹ Tháng 9 năm 2004, ông Karl Spilhaus, Chủ tịch Hiệp hội Dệt quốc gia Mỹ, cho biết, ngành dệt may Mỹ đã có nhiều cuộc thảo luận kỹ lưỡng với các quan chức thương mại của Chính phủ nước này về mối đe doạ của hàng dệt may nhập khẩu đối với các nhà sản xuất hàng dệt may trong nước sau khi WTO xoá bỏ chế độ quota trong buôn bán các loại hàng này. Cũng theo ông Karl Spilhaus, Tổng thống George W. Bush đã ghi nhận sự cảnh báo nguy cơ đối với ngành dệt may Mỹ sau khi WTO xoá bỏ chế độ quota và hứa sẽ đưa ra Chính phủ xem xét những kiến nghị của các doanh nghiệp dệt may trong nước nhằm khắc phục nguy cơ này. Một số quan chức ngành dệt may Mỹ cho biết, ngành này sẽ kiến nghị Chính phủ hạn chế nhập khẩu lượng lớn đối với nhiều chủng loại hàng dệt may từ Trung Quốc, sao cho số lượng các mặt hàng này nhập khẩu từ Trung Quốc trong những năm tới sẽ không tăng quá 7,5% so với năm 2004. Cuối tháng 4 năm 2005, Mỹ đã quyết định mở cuộc điều tra về 6 Cat hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc. Cuộc điều tra do Ủy ban thực thi các hiệp định về hàng dệt của Mỹ (CITA) tiến hành. CITA đã dành 30 ngày để lấy ý kiến về việc có áp dụng biện pháp tự vệ với 3 chủng loại hàng kể trên hay không. Cuộc thăm dò kết thúc vào 9/5 với kết quả thuận theo hướng tái áp hạn ngạch. Đến đêm 13/5, trong thông cáo đăng tải trên website Bộ Thương mại Mỹ, CITA bất ngờ tuyên bố áp quota với 3 chủng loại hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là áo sơ mi, quần tây và đồ lót nam. CITA sẽ dành tối đa 4 tháng để 2 bên tìm tiếng nói chung, nếu không biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng cho suốt năm 2005. Tân Bộ trưởng Thương mại Mỹ Carlos Gutierrez phát biểu "Hôm nay, CITA tuyên bố áp dụng biện pháp tự vệ nhập khẩu đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc do những sản phẩm này đe đoạ làm đảo lộn thị trường. Hành động của CITA hoàn toàn tuân thủ theo cam kết trong các hiệp định thương mại đã ký kết. Chúng tôi sẽ nỗ lực tìm tiếng nói chung với Trung Quốc nhằm tìm ra một giải pháp phát triển trật tự thương mại trong môi trường phi quota". Theo CITA, những Cat 338/339, 347/348 và 352/652 bị tái áp hạn ngạch do có sự tăng kim ngạch đột biến trong quý I năm 2005 và góp phần làm đảo lộn thị trường Mỹ. Mức hạn ngạch dự kiến theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ bằng khối lượng hàng nhập khẩu 3 Cat này năm ngoái cộng với 7,5% tăng trưởng. Biện pháp tự vệ này được áp dụng cũng có nghĩa từ nay trở đi, các lô hàng thuộc 3 mã kể trên sẽ không được thông quan vào Mỹ, bởi trên thực tế lượng nhập đã vượt quá nhiều so với hạn mức cho phép. Chiều 18/5/2005, chính quyền Bush thông báo quyết định sẽ đặt mức hạn chế mới đối với 5 chủng loại quần áo Trung Quốc xuất sang Mỹ. Đây là lần thứ hai trong vòng 5 ngày, Washington thông báo áp dụng hạn ngạch với lý do hàng dệt may Trung Quốc đang ảnh hưởng xấu tới các công ty cùng loại của Mỹ. Các chủng loại hàng bị tiếp tục hạn chế lần này bao gồm đồ nam và đồ trẻ em nam; áo sơ-mi sợi nhân tạo; quần nam sợi nhân tạo; áo sơ-mi và áo kiểu nữ sợi nhân tạo và sợi cotton. Theo một đại diện thương mại Mỹ, các chủng loại như quần tây, áo sơ-mi và áo kiểu nữ ảnh hưởng tới các sản phẩm nam và nữ sản xuất trong nước.Quyết định này được Uỷ ban quốc gia do Bộ Thương mại Mỹ dẫn đầu đưa ra, sau khi phát hiện thấy các chủng loại hàng nhập khẩu nói trên đe doạ ảnh hưởng xấu tới thị trường dệt may Mỹ. Lượng hàng xuất từ Trung Quốc sang Mỹ đã tăng đột biến kể từ đầu năm tới nay. Tính đến tháng 10, Mỹ áp đặt hạn ngạch chỉ có 2 tỷ USD/năm đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, kể cả hàng dệt kim, quần áo sợi vải bông và đồ lót Sau nhiều tháng đàm phán thất bại, trong cuộc gặp gỡ tại Luân Đôn (Anh) ngày 8/11, Đại diện Thương mại Mỹ Rob Portman và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Bạc Hy Lai mới đạt được thỏa thuận về vấn đề giới hạn xuất khẩu hàng dệt may Trung Quốc sang thị trường Mỹ. Thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 và kéo dài đến cuối năm 2008, được áp dụng đối với 34 mặt hàng vải và quần áo may sẵn của Trung Quốc xuất sang thị trường Mỹ với tổng giá trị lên tới 5,1 tỷ USD/năm, trong đó có quần âu, áo sơmi và đồ lót. Cụ thể mức tăng trưởng xuất khẩu quần áo may sẵn được giới hạn ở mức 10% năm 2006, 12,5% năm 2007 và 15% năm 2008; còn đối với sản phẩm dệt, các mức tăng sẽ là 12,5% năm 2006 và 2007, và 16% năm 2008, cao hơn hạn ngạch hiện hành về mức tăng trưởng hàng dệt may Trung Quốc vào Mỹ là 7,5%/năm. 1.3. Phản ứng của các bên liên quan 1.3.1. Phản ứng của chính phủ Trung Quốc Ngay sau khi Uỷ ban Thực thi các Hiệp định dệt may của Mỹ (CITA) thông báo đã chấp nhận lời kêu gọi của ngành dệt may nội địa Mỹ về việc hạn chế nhập khẩu dệt may của Trung Quốc hồi giữa tháng 11/2004, Phòng thương mại về xuất, nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc đã ra một tuyên bố phản đối việc CITA kêu gọi hạn chế nhập khẩu các sản phẩm làm từ vải của Trung Quốc. Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng quan hệ kinh tế và buôn bán song phương giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bị tác động nghiêm trọng nếu Mỹ áp đặt bất cứ một hạn ngạch nhập khẩu nào đối với các mặt hàng dệt may của Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh việc áp đặt hạn ngạch các hàng dệt may này đi ngược lại nguyên tắc buôn bán tự do của WTO. Ngày 7/4/2005, Trung Quốc đã phản đối việc Mỹ cảnh báo khả năng áp dụng các biện pháp hạn chế hàng dệt may Trung Quốc nhập khẩu vào các thị trường này. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Trùng Quán cho đây là một quyết định vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).Ông Trùng Quán cho biết “Quyết định của Mỹ không những gây ảnh hưởng bất lợi trong quan hệ thương mại Trung Quốc và Mỹ mà còn ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển ngành công nghiệp may mặc toàn cầu. Là những nước thành viên của WTO, Trung Quốc và Mỹ đều có nghĩa vụ bảo vệ và thúc đẩy thực hiện thành công quyết định bãi bỏ hạn ngạch hàng dệt may, bất kỳ hành vi nào nhằm kéo dài thêm cơ chế hạn ngạch đều sẽ làm tổn hại đến nguyên tắc tự do, công bằng và cạnh tranh thương mại lành mạnh”. Ông Trùng Quán cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ sớm nhận ra những tác động tiêu cực của các biện pháp hạn chế trên và không để một quyết định đơn phương làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại toàn cục giữa các bên. Ngay sau khi Mỹ quyết định áp dụng hạn ngạch dệt may trở lại hôm 13/5/2005, Bộ Thương mại Trung Quốc ngay lập tức đã lớn tiếng phản đối quyết định này, cho đó là hành động đi ngược lại các thoả thuận của Tổ chức Thương mại thế giới đồng thời tạo ra tiền lệ xấu. Trùng Quán, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc phát biểu "Động thái trên đi ngược lại hoàn toàn tinh thần tự do thương mại và các nguyên tắc cơ bản của WTO. Trung Quốc mong muốn điều chỉnh lại quyết định trên để ngăn ngừa chủ nghĩa bảo hộ làm xấu đi quan hệ thương mại hai bên". Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và các chuyên gia ngành dệt nước này đã thúc giục Mỹ tôn trọng sự hội nhập của ngành dệt may trên phạm vi toàn cầu. Trung Quốc cho rằng việc Mỹ quyết định hạn chế hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc đe doạ nghiêm trọng hệ thống mậu dịch đa phương. Trong cuộc gặp đoàn đại biểu Phòng Thương mại Mỹ hôm 16/5/2005 tại Bắc Kinh, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói, hành động của phía Mỹ làm phương hại quan hệ mậu dịch song phương giữa hai nước. Theo ông, Trung Quốc và Mỹ phải đặt viễn cảnh dài hạn lên hàng đầu và cùng nhau hợp tác nhằm bảo đảm sự phát triển của ngành dệt may. Theo thông báo ngày 30/5 trên trang web của Bộ Tài chính Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/6, nước này sẽ bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với 81 mặt hàng dệt may và hủy thông báo ngày 20/5 vừa qua về việc tăng thuế xuất khẩu áp dụng đối với 74 mặt hàng này. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Bạc Hy Lai nói "Chúng tôi buộc phải thay đổi chính sách vì phía Mỹ đã đặt ra hạn chế lớn đối với hàng dệt may. Chúng tôi phải mang lại công bằng cho các nhà sản xuất trong nước". 1.3.2. Phản ứng của các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc Các doanh nghiệp Trung Quốc đã cực lực phản đối và lo lắng cho triển vọng xuất khẩu của mình. Các nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may Trung Quốc thì cho rằng họ bất ngờ bởi quyết định "hấp tấp và thiếu sáng suốt" của Mỹ trong việc tái áp đặt hạn ngạch đối với 3 chủng loại hàng xuất khẩu từ Trung Quốc là sơ mi, quần tây và đồ lót nam. Các doanh nghiệp đều cho rằng một quyết định như vậy chắc chắn sẽ phương hại tới lợi ích của cả hai bên. Dương Duy Đồng, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Jifa, nhà sản xuất dệt may lớn nhất ở tỉnh Sơn Đông, cho biết "Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ vừa hấp tấp vừa thiếu công bằng, bởi nó dựa hoàn toàn vào các số liệu thống kê gây tranh cãi từ riêng phía Mỹ, các con số chỉ phản ánh có 3 tháng đầu năm mà thôi". Ninh Kim Vân, Tổng giám đốc Hãng Xuất nhập khẩu dệt may Thiên Tân ở miền Bắc Trung Quốc từng xuất lượng hàng trị giá hơn 20 triệu USD sang Mỹ năm ngoái, cho rằng hãng của ông từ đầu năm tới nay đã buộc phải giảm đơn hàng từ Mỹ để tránh phiền phức. Ông nói "Đó quả là điều bất bình thường và tổn hại quá lớn cho những công ty lớn như chúng tôi. Các nước khác có thể bắt chước Mỹ và sẽ gây khó khăn lớn hơn nữa cho các nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may Trung Quốc". Nguyên Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty Dệt kim Cliff đóng tại Thượng Hải thắc mắc không rõ Chính phủ Mỹ đã cân nhắc kỹ càng chưa trước khi đưa ra một quyết định như vậy trong cái mà ông gọi là thời đại WTO như ngày nay. Ông nói "Họ cho rằng quyết định đó là để bảo vệ hàng ngàn người Mỹ trước cảnh thất nghiệp, nhưng chẳng lẽ họ không thấy rằng mình đang khiến hàng triệu người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm tiền mua đồ mặc và hàng tỷ USD sẽ tuột khỏi tay các doanh nghiệp Mỹ? ". Cũng theo ông Nguyên, khi hệ thống hạn ngạch cũ được áp dụng trở lại, giá của mỗi sản phẩm dệt may Trung Quốc sẽ tăng khoảng ít nhất là 10% và như vậy, "cơn ác mộng đã quay lại". Hồ Quốc Thành, một chuyên gia nghiên cứu tại Học viện khoa học xã hội Bắc Kinh cũng đồng quan điểm với ông Ninh khi cho rằng hạn ngạch này sẽ mang lại tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ nhiều hơn là làm lợi cho các nhà sản xuất trong nước. 1.3.3. Phản ứng của các doanh nghiệp dệt may Mỹ Trong khi doanh nghiệp Trung Quốc phản đối dữ dội thì các doanh nghiệp Mỹ đã thể hiện sự hài lòng và bày tỏ sự đồng tình đối với quyết định của Chính phủ mình. Các nhà sản xuất dệt may Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ quyết định của chính quyền Bush đối với việc đưa ra các biện pháp bảo vệ. Cass Johnson, Chủ tịch Hội đồng quốc gia các tổ chức dệt may Mỹ, cho biết: "Quyết định nhanh chóng trong việc tái áp dụng hạn ngạch dệt may của chính quyền Bush ngày hôm nay sẽ giúp giữ được hàng ngàn việc làm trong ngành. Chúng tôi biết ơn vì điều đó". Các doanh nghiệp Mỹ cũng cho rằng hành động trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi một điều khoản trong thoả thuận Trung Quốc ký với WTO để được gia nhập tổ chức này năm 2001 quy định, các thành viên WTO có quyền áp dụng các biện pháp tự vệ nếu thấy xuất hiện sự gia tăng nhanh chóng và bất ngờ đối với hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc. Liên minh hành động vì thương mại và sản xuất Mỹ, một hiệp hội của các nhà sản xuất dệt may, đã ngay lập tức lên tiếng ủng hộ quyết định trên. Ông Auggie Tantillo, Giám đốc Liên minh này cho biết "Nếu không hành động được như vậy, sẽ làm Mỹ mất đi hàng chục ngàn việc làm". Nhưng bà Laura Jones, Giám đốc Hiệp hội các nhà nhập khẩu dệt may Mỹ thì lại chỉ trích mạnh mẽ quyết định trên. Bà nói "Những hạn chế kiểu này đối với hàng nhập từ Trung Quốc hoàn toàn không giúp gì được cho công nghiệp dệt may Mỹ. Và chính phủ cần biết điều đấy". Quyết định cũng khiến các nhà bán lẻ quần áo của Mỹ lo rằng giá các mặt hàng sẽ tăng cao sau khi hạn ngạch tiếp tục được mở rộng như vậy. Một số nhà sản xuất lớn có vẻ đã sẵn sàng cho những thay đổi kiểu này. Tim Lyons, người phát ngôn hãng quần áo nổi tiếng của Mỹ là J.C. Penney Co nói: "Chúng tôi cũng nghĩ việc hạn chế sẽ được áp đặt, không lúc này thì lúc khác. Chúng tôi đã chuẩn bị đủ để đối phó với hạn chế đó". CHƯƠNG II. NGUYÊN NHÂN VÀ TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC TÁI ÁP ĐẶT HẠN NGẠCH 2.1. Nguyên nhân Mỹ tái áp đặt hạn ngạch dệt may Việc Mỹ tái áp đặt hạn ngạch đối với hàng dệt may Trung Quốc được cho là bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, ngay từ trước khi bãi bỏ chế độ hạn ngạch, Tổ chức Thương mại thế giới WTO đã dự báo từ 2004-2008, thị phần của hàng dệt may Trung Quốc ở Mỹ sẽ tăng từ 16% lên 50%. Mỹ tỏ ra rất lo lắng khi hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường nước này. Nguy cơ mất thị phần đã khiến các công ty dệt may ở Mỹ phải lên tiếng kêu gọi chính phủ tìm các biện pháp giúp đỡ nhằm ngăn chặn nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu chính quyền đáp ứng đề nghị của ngành công nghiệp dệt may nội địa thì có thể giành thêm được sự ủng hộ tại Quốc hội trong quá trình thương lượng về thương mại tự do với các nước vùng Trung Mỹ mà hiện đang bị phần lớn ngành công nghiệp dệt may Hoa Kỳ phản đối. Thứ hai, Trung Quốc có mọi điều kiện thuận lợi để tăng thị phần dệt may sau khi hạn ngạch được hủy bỏ: nguyên liệu dồi dào, nhân công lành nghề, thiết bị được thay đều đặn nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hạ tầng cơ sở khá tốt và chi phí lao động vào hạng thấp nhất thế giới. Tại Trung Quốc, lương công nhân dệt may thấp hơn Nhật 57 lần và thấp hơn Thái Lan 3 lần. Năng lực sản xuất và xuất khẩu to lớn của Trung Quốc khiến cho các đối tác thương mại của họ buộc phải có những biện pháp kiềm chế, nếu không muốn ngành dệt may trong nước bị xoá sổ. Sự thâm nhập quá mạnh của hàng dệt may Trung Quốc vào thị trường Mỹ đã dẫn đến hậu quả là từ năm 2001, khoảng 350.000 (1/3) việc làm trên toàn nước Mỹ đã bị xóa sổ. Theo Hội đồng quốc gia các tổ chức dệt may Mỹ, do ảnh hưởng của việc chấm dứt ATC trong hai năm tới sẽ thêm 650.000 người mất việc làm. Điển hình là công ty Carolina Mills có 75 năm hoạt động, từ chỗ vận hành 17 nhà máy dệt may với 26.000 nhân công phải thu hẹp còn bảy nhà máy với 1.200 nhân công, doanh thu giảm từ 200 triệu USD còn 100 triệu USD. Trong khi đó, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết đến cuối tháng 1/2005 trên cả nước có khoảng 665.000 lao động làm việc cho ngành dệt may, kể cả 100.000 lao động ở phía Bắc Carolina. Cho đến nay đã có 12.000 lao động bị sa thải, bao gồm cả trên 3.000 ở Bắc Carolina, vì sự xâm nhập của hàng Trung Quốc. Ngoài ra thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc năm 2004 đã lên tới 162 tỷ USD, mức thâm hụt kỷ lục đối với một nước đơn lẻ. Đối với Trung Quốc, ngành dệt may giữ một vị trí quan trọng về kinh tế và chính trị hơn hẳn Mỹ. Thực tế, ngành dệt may mang lại nguồn lao động chủ yếu cho Trung Quốc trong khi nó chỉ giữ vai trò quan trọng đối với một số bang ở Mỹ. Do vậy, việc hạn chế tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Trung Quốc vào Mỹ chính là một trong những biện pháp mà Washington áp dụng nhằm giảm mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Vì những nguyên nhân trên mà Mỹ đã đơn phương áp dụng điều khoản tự vệ trong thỏa thuận của Trung Quốc ký với WTO để tái áp đặt hạn ngạch cho hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều khoản này cho phép giới hạn, với sự đồng ý của WTO, ở mức 7,5% cho mỗi loại hàng nhập khẩu trong một năm, từ nay cho đến năm 2008 nếu thấy “việc tăng thêm hàng nhập khẩu từ một nước gây thiệt hại nghiêm trọng” cho loại hàng đó do trong nước sản xuất. Mặc dù quy định của WTO đòi hỏi các số liệu từ ít nhất 12 tháng mới đủ căn cứ đề đưa ra quyết định liệu hàng xuất khẩu của một nước có gây phương hại cho thị trường một nước khác hay không, nhưng chỉ với những số liệu sơ bộ trong quý I năm 2005, chính quyền Bush vẫn dựa vào đó để chứng minh rằng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang lấn át rõ ràng thị trường Mỹ và do đó việc áp dụng quota là cần thiết. 2.2. Tác động của tái áp đặt hạn ngạch đối với ngành dệt may Trung Quốc Sau khi bị áp đặt hạn ngạch, rất nhiều nhà sản xuất và các hãng xuất khẩu Trung Quốc phải giảm sản lượng hoặc huỷ bỏ các đơn đặt hàng để tránh bị rủi ro về thương mại. Nhiều công ty lớn của Trung Quốc buộc phải chấp nhận những đơn đặt hàng nhỏ, chỉ cho năm 2005 vì “những lo lắng nghiêm trọng về rủi ro” từ phía Mỹ. Những công ty lớn của Trung Quốc cũng lo ngại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng sẽ làm theo Mỹ và “gây nhiều khó khăn hơn cho các nhà sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc”. Một số doanh nghiệp dệt may ở Sơn Đông - khu vực sản xuất và kinh doanh dệt may hàng đầu ở Trung Quốc - đã phải tính đến việc cắt giảm sản lượng đáng kể và giảm hẳn nhập về nguyên liệu may, chủ yếu là từ Mỹ. Theo Dương Duy Đồng, TGĐ của Jifa Textile Group Co. Ltd, nhà sản xuất hàng dệt may hàng đầu của tỉnh Sơn Đông phía Tây Trung Quốc, công ty của ông đã không nhận được các đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu Mỹ từ khi Washington tiến hành điều tra đối với nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 4. Mặt khác, các đối tác Mỹ thậm chí còn huỷ các đơn đặt hàng trị giá 3 triệu USD trong thời gian vừa rồi. Ngụy Hoa, một chủ doanh nghiệp xuất khẩu dệt may ở Giang Tô nói, cô vừa nhận được một đơn đặt hàng từ Mỹ, nhưng do hạn ngạch đã hết, nên chẳng có cách nào xuất khẩu. Mỗi container hàng ứ đọng, doanh nghiệp của cô thiệt hại khoảng 600 nghìn NDT. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn xuất khẩu Mộng Lan - Hà Minh cho biết, thiệt hại của tập đoàn này lên đến khoảng 6 triệu USD, do đã sản xuất quá nhiều hàng theo đơn đặt hàng của phía Mỹ, nhưng hiện không xuất được hàng. Các ngân hàng đã thông báo sẽ hạn chế cho vay và giảm cấp vốn sản xuất cho các xí nghiệp may mặc của Trung Quốc. Tuy vậy, đó mới chỉ là những thiệt hại trước mắt. Xét về lâu dài, tổn thất của việc mất mối giao hàng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc thì không thể tính hết được. Theo tính toán sơ bộ, cứ kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm 100 triệu USD thì sẽ có thêm hơn 7.000 công nhân dệt may Trung Quốc mất việc làm. Theo Phòng Thương mại - xuất nhập khẩu dệt may Trung Quốc, việc áp dụng hạn ngạch nhập khẩu mà Mỹ áp đặt đối với bảy mặt hàng dệt may của Trung Quốc làm cho ngành dệt may của nước này bị thất thu tới hai tỷ USD, kéo theo khoảng 400 nghìn công nhân bị mất việc. Còn giới phân tích thì cho rằng nếu bị kiềm chế ở mức tăng này đến hết năm 2008, các công ty xuất khẩu Trung Quốc có thể bị mất cơ hội bán hàng trị giá từ 50 - 60 tỷ đôla và tạo cơ hội cho các nước khác như Campuchia, Bănglađét, Ấn Độ ... thâm nhập vào thị trường Mỹ. 2.3. Tác động của tái áp đặt hạn ngạch đối với ngành dệt may và người tiêu dùng Mỹ Việc hạn chế hàng dệt may Trung Quốc là lợi bất cập hại vì quyền lợi của người tiêu dùng Mỹ và những hãng bán lẻ lâu nay vẫn được hưởng lợi từ nguồn hàng giá rẻ của Trung Quốc đã không được tôn trọng. Không chỉ có các doanh nghiệp bán lẻ bị thiệt hại đáng kể, mà hệ thống cung ứng cũng bị gián đoạn. Một số nhà đầu tư Mỹ tại Trung Quốc cũng chịu thiệt hại bởi nhiều sản phẩm của họ sản xuất tại Trung Quốc sau đó lại được xuất khẩu sang Mỹ. Theo bản phúc trình của của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, chế độ hạn ngạch đã đặt thêm gánh nặng khoảng 20% vào giá thành của hàng may mặc, tức là khoảng 14 tỷ đô la mỗi năm người tiêu dùng Mỹ phải chi trả cho việc mua sắm quần áo. Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế này không giúp được nhiều cho ngành công nghiệp dệt của Mỹ. Chính những nước xuất khẩu dệt may khác như Ấn Độ, Bănglađét, Inđônêxia, Pakistan... chứ không phải là các nhà sản xuất và công nhân Mỹ mà chính phủ Mỹ muốn bảo vệ, lại là những nước lấp đầy thị phần mà Trung Quốc buộc phải chừa lại. Biện pháp này còn làm hạn chế khả năng cạnh tranh, đổi mới và phản ứng nhanh của ngành dệt may Mỹ. Thực chất đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi vì phải có một chiến lược dài hạn để các nhà dệt may Mỹ có thể đủ sức tồn tại và cạnh tranh lâu dài với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. CHƯƠNG III. DỆT MAY VIỆT NAM VỚI BÀI HỌC TỪ TRUNG QUỐC Ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Mỹ dỡ bỏ hạn ngạch dệt may nhưng lại áp dụng cơ chế kiểm soát nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam trong 2 năm 2007-2008 và có khả năng tự điều tra, chống bán phá giá. Điều này đã gây tâm lý lo ngại, bất an cho các nhà nhập khẩu và bán lẻ ở Mỹ và việc tạm ngừng ký hợp đồng với các DN Việt Nam là hậu quả trực tiếp của cơ chế này. Mặc dù Việt Nam chỉ chiếm 3% tổng lượng hàng nhập khẩu dệt may vào Mỹ, tuy nhiên không loại trừ khả năng khi lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh sau khi gia nhập, Hoa Kỳ và một số thành viên khác sẽ áp dụng biện pháp tự vệ với hàng dệt may Việt Nam bởi trong hoàn cảnh hiện nay, ngoại trừ Trung Quốc là nước xuất khẩu dệt may lớn nhất vào Mỹ đang phải chịu chính sách tự vệ còn tất cả các nước khác xuất khẩu lớn hơn Việt Nam đều không bị bất cứ sự giám sát nào. Cơ chế hạn ngạch đối với hàng dệt may VN xuất sang Mỹ được dỡ bỏ cũng là lúc nhiều doanh nghiệp trong ngành của VN “vơ vét” các đơn đặt hàng. Việc lựa chọn các đơn hàng lớn về khối lượng nhưng trị giá thấp, giá thành rẻ, dù tạo thêm nhiều công ăn việc làm và lợi nhuận cho doanh nghiệp, nhưng lại rơi vào tầm ngắm xem xét chống bán phá giá từ phía Mỹ. Và Trung Quốc đã từng mắc phải sai lầm này, bị Mỹ tái áp dụng cơ chế hạn ngạch. Trong những năm tháng vấp phải sai lầm đó, ngành dệt may Trung Quốc, dù vất vả nhưng vẫn “sống” được, nhờ linh hoạt chuyển hướng thị trường. Đây là một bài học quý với VN; thay vì quá tham vọng vào thị trường truyền thống (Mỹ, chiếm gần 50% lượng hàng dệt may xuất khẩu của VN), cần chú trọng tìm đối tác mới từ EU, Nhật Bản. Các nhà sản xuất hàng dệt may Trung Quốc đã bỏ ra khoảng 14,3 tỷ USD năm 2004 để xây nhà xưởng mới và nay họ tận dụng cơ sở đó để phục vụ nhu cầu trong nước, khi căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh với Mỹ tăng cao gần đây. Các doanh nghiệp này cho rằng, thị trường trong nước sẽ đỡ bớt gánh nặng cho bất cứ sự sụt giảm đơn hàng nào từ phía những đại gia nhập khẩu của hai thị trường lớn nói trên."Thị trường nội địa rồi đây sẽ quyết định tới 70% sự tăng trưởng công nghiệp Trung Quốc", ông Vương Đông Hoa thuộc Công ty Dệt Vĩ Kiều ở Sơn Đông cho biết, "Nền kinh tế chúng tôi đang ngày càng dựa vào tiêu dùng trong nước thay vì dựa vào nguồn vốn từ nước ngoài". Cơ sở cho việc quay về thị trường trong nước là  thu nhập của người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn nơi có 1/3 dân số sinh sống, đã tăng tới 11% so với năm 2004, qua đó tăng sức tiêu thụ hàng hoá. Dệt may Trung Quốc hiện đáp ứng 17% nhu cầu quần áo của toàn thế giới. Trong năm 2004, cứ mỗi ngày có khoảng 10 nhà máy may mới được xây dựng ở đây. Các nhà máy may này đã tự tìm hướng đi mới để tránh bị phá sản như lo ngại của một số chuyên gia ngay sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu hàng dệt may từ Trung Quốc. Một số nhà sản xuất đã nhận thức rõ nguy cơ phía trước nên đã lập các chi nhánh ở nước ngoài để thâm nhập thị trường các nơi đó, đồng thời tận dụng ưu thế thương mại ít rào cản để tiếp tục xuất khẩu. Chủ nghĩa bảo hộ là rào cản vĩnh hằng đối với việc thực thi Hiệp định Hàng dệt may thế giới. Nó cũng là lời cảnh báo với những nước đang phát triển mà dệt may là ngành sản xuất và xuất khẩu mũi nhọn, rằng họ sẽ gặp phải rào cản này vào bất cứ lúc nào nếu không có những chiến lược khôn khéo rút ra từ bài học của Trung Quốc. KẾT LUẬN Việc gia nhập WTO một mặt làm tăng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là sang các thị trường đang áp dụng hạn ngạch đối với Việt Nam, nhưng một mặt cũng kèm theo nguy cơ bị các thành viên, đặc biệt là các thành viên lớn như Mỹ, áp dụng biện pháp tự vệ. Như vậy, gia nhập WTO không có nghĩa là đã được hưởng chính sách tự do hoá thương mại hoàn toàn, tranh chấp vẫn có thể phát sinh bất cứ lúc nào. Đây là thực tế mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt trong quá trình hội nhập. Qua câu chuyện dệt may của Trung Quốc, các nước đang phát triển như Việt Nam càng phải ý thức rõ ràng hơn thực tế: tự do và công bằng trong thương mại quốc tế chỉ có tính chất tương đối mà thôi. Vì vậy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chủ động tìm kiếm thị trường mới, đồng thời có các biện pháp khảo sát và nắm bắt tình hình thị trường, đặc biệt là những thay đổi trong chính sách thị trường của đối phương. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Cao Thúy Nga (2005), “Thị trường dệt may phi hạn ngạch và những tác động”, Tạp chí Thương Mại, số 29, tr 15-16. 2. Quốc An (2005), “Thị trường dệt may thế giới : Những căng thẳng xoay quanh vấn đề MFA đáo hạn”, Tạp chí Ngoại thương, số 16, tr 8-10. 3. Bộ tài chính (2005) [trực tuyến] Địa chỉ truy cập 4. Thông tấn xã Việt Nam (2005) [trực tuyến] Địa chỉ truy cập 5. Báo điện tử VietNamNet (2005) [trực tuyến] Địa chỉ truy cập 6. Thông tin xúc tiến thương mại (2005) [trực tuyến] Địa chỉ truy cập 7. Thời báo kinh tế Việt Nam (2005) [trực tuyến] Địa chỉ truy cập 8. Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (2005) [trực tuyến] Địa chỉ truy cập NHẬN XÉT CỦA GIÁO VIÊN HƯỚNG DẪN Hà Nội, ngày tháng năm 2007 TS. Bùi Huy Nhượng MỤC LỤC ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc35988.doc
Tài liệu liên quan