Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Đăklak (Dak lak) theo hướng bền vững

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Mai Thị Thùy Dung TIỀM NĂNG, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH DAK LAK THEO HƯỚNG BỀN VỮNG Chuyên ngành: Địa lý học Mã số: 60 31 95 LUẬN VĂN THẠC SĨ ĐỊA LÝ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. NGUYỄN KIM HỒNG Thành phố Hồ Chí Minh - 2007 LỜI CẢM ƠN Em xin được bày tỏ lòng kính trọng và cảm ơn sâu sắc đến thầy giáo hướng dẫn khoa học PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư p

pdf94 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1621 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Đăklak (Dak lak) theo hướng bền vững, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hạm thành phố Hồ Chí Minh đã nhiệt tình hướng dẫn em trong thời gian thực hiện đề tài. Xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu nhà trường, phòng Khoa học Công nghệ và sau đại học, khoa Địa lý trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho em trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu để hoàn thành luận văn. Xin chân thành cảm ơn Tỉnh uỷ, UBND, Sở Thương mại – Du lịch, Sở Văn hoá thông tin, Cục thống kê, Sở Khoa học công nghệ và môi trường tỉnh Dak Lak đã cung cấp cho em nhiều nguồn tư liệu, tài liệu hữu ích phục vụ cho đề tài. Xin cảm ơn sự động viên, hỗ trợ rất lớn từ gia đình, bạn bè trong suốt khoá học và quá trình thực hiện luận văn. Xin nhận nơi em lòng biết ơn sâu sắc. Tác giả luận văn Mai Thị Thùy Dung DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT DLBV : Du lịch bền vững GDP : Tổng sản phẩm trong nước IUCN : Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế TP. HCM : Thành phố Hồ Chí Minh TP. BMT : Thành phố Buôn Ma Thuột UBND : Uỷ ban nhân dân UNEP : Chương trình môi trường Liên hợp quốc UNCED : Hội nghị của Liên hợp quốc về môi trường và phát triển UNESCO : Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc WTO : Tổ chức du lịch thế giới WTTC : Hội đồng Du lịch và Lữ hành quốc tế WWF : Quỹ bảo tồn động vật hoang dã thế giới DANH MỤC CÁC BẢNG trang 1. Bảng biểu Bảng 2.1. Cơ cấu GDP theo ngành của tỉnh Dak Lak 64 Bảng 2.2. Đóng góp của du lịch Dak Lak vào ngân sách nhà nước 71 Bảng 2.3. Các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh Dak Lak 81 2. Biểu đồ Hình 2.1. Cơ cấu GDP theo ngành kinh tế tỉnh Dak Lak 65 Hình 2.2. Lượt du khách quốc tế đến Dak Lak 67 Hình 2.3. Lượt du khách trong nước đến Dak Lak 68 Hình 2.4. Tổng lượt khách đến Dak Lak 69 Hình 2.5. Tăng trưởng doanh thu của du lịch Dak Lak 70 3. Bản đồ Bản đồ hành chính Dak Lak 29 Bản đồ du lịch Dak Lak 89 Bản đồ các tuyến du lịch Dak Lak 97 4. Hình ảnh 114 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, du lịch đang phát triển không ngừng. Đối với Việt Nam, du lịch không chỉ tạo ra nguồn thu rất lớn cho nền kinh tế quốc dân mà còn góp phần đưa bạn bè quốc tế đến với nước ta, tạo ra mối quan hệ toàn cầu về kinh tế, văn hoá và thúc đẩy việc quảng bá sâu rộng hình ảnh Việt Nam đến các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, du lịch Dak Lak cũng đang có những bước khởi sắc. Với đặc điểm địa lí của một vùng đất cao nguyên, quy tụ rất nhiều các dân tộc và tài nguyên du lịch đa dạng, Dak Lak được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động du lịch chưa xứng đáng với tiềm năng vốn có, môi trường tự nhiên đang bị xuống cấp, bản sắc văn hóa của các dân tộc phần nào bị mai một. Đó là vấn đề bức xúc đang đặt ra cho ngành du lịch địa phương. Tài nguyên du lịch của Dak Lak là những gì, ngành du lịch của Dak Lak đang phát triển như thế nào, có thể phát triển theo xu hướng bền vững hay không và chúng ta phải làm gì để du lịch Dak Lak phát triển bền vững? Đề tài “Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Dak Lak theo hướng bền vững” sẽ trả lời các câu hỏi đó. 2. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu tiềm năng, thực trạng và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững cho ngành du lịch đang còn non trẻ của tỉnh Dak Lak. Đây là nguồn kiến thức, thông tin tham khảo bổ ích để ngành du lịch tỉnh Dak Lak điều chỉnh các hoạt động du lịch, nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của du khách, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao mức sống cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển theo hướng bền vững. 3. Nhiệm vụ nghiên cứu - Thu thập và hệ thống các thông tin về du lịch Dak Lak. - Khảo sát, đánh giá tài nguyên du lịch và thực trạng phát triển du lịch tỉnh Dak Lak trên quan điểm phát triển bền vững. - Đề ra giải pháp phát triển du lịch tỉnh Dak Lak theo hướng bền vững. 4. Phạm vi nghiên cứu Đề tài nghiên cứu vấn đề du lịch trên địa bàn tỉnh Dak Lak trong thời gian từ năm 1996 đến năm 2005. Phân tích tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch của tỉnh Dak Lak trên quan điểm bền vững và đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đồng thời có tham khảo hoạt động du lịch của Thái Lan, Trung Quốc và xu hướng du lịch bền vững của thế giới. Luận văn không nghiên cứu hết các nội dung liên quan đến phát triển bền vững, cũng như không đi sâu vào các lĩnh vực chuyên ngành như kiến trúc, sinh học, dân tộc học, môi trường, marketing. 5. Lịch sử nghiên cứu 5.1.Trên thế giới Hơn 842 triệu người du lịch ra nước ngoài năm 2005, hơn 76,7 triệu việc làm được tạo ra từ du lịch, doanh thu của du lịch chiếm 10,3 % GDP cả thế giới. Du lịch đang là hiện tượng toàn cầu. Lợi nhuận khổng lồ thu được từ du lịch đã khiến cho nhiều tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, môi trường bị ô nhiễm, và nền kinh tế - xã hội của các lãnh thổ đón khách bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Một chiến lược du lịch tôn trọng môi trường và quan tâm đến khả năng đáp ứng các nhu cầu trong tương lai đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Từ khi cụm từ “phát triển bền vững” ra đời ở Đức vào năm 1980, nhiều nghiên cứu khoa học đã được tiến hành nhằm phân tích những tác động của du lịch đến sự phát triển bền vững, sự cần thiết phải bảo vệ tính toàn vẹn của môi trường sinh thái trong khi khai thác du lịch. Chuyên gia du lịch người Thuỵ Sĩ Jos Krippendorf (1975) và Jungk (1980) là những nhà khoa học đầu tiên trên thế giới cảnh báo về những suy thoái do hoạt động du lịch gây ra và đưa ra khái niệm về du lịch rắn (hard tourism) - loại hình du lịch ồ ạt, bằng xe hơi, gây ảnh hưởng nhiều nhất đối với môi trường và du lịch mềm (soft toursim/gentle tourism) - loại hình du lịch ít gây ảnh hưởng nhất đến môi trường và có chia sẻ lợi ích kinh tế với cộng đồng địa phương [13]. Năm 1992, trong Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất đã diễn ra Hội nghị về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc, 182 Chính phủ đã thông qua chương trình Nghị sự 21 nhằm đảm bảo một tương lai bền vững cho nhân loại bước vào thế kỉ XXI. Chương trình Nghị sự đã nêu lên các vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển, đề ra chiến lược hướng tới các hoạt động mang tính bền vững hơn. Về du lịch bền vững, từ những năm 1990, nhiều nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững đã được tiến hành. Một số loại hình du lịch mới ra đời, nhấn mạnh khía cạnh môi trường như du lịch sinh thái, du lịch gắn với thiên nhiên, du lịch thay thế hay du lịch khám phá nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng về hoạt động du lịch có trách nhiệm, đảm bảo sự phát triển bền vững. Năm 1996, “chương trình Nghị sự 21 về du lịch: Hướng tới phát triển bền vững về môi trường” đã được Hội đồng Lữ hành du lịch thế giới, Tổ chức du lịch thế giới và Hội đồng Trái đất xây dựng, nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phối hợp hành động giữa các Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ và ngành du lịch trong việc xây dựng chiến lược du lịch và nêu bật những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch bền vững. Các nhà Địa lý học bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực du lịch từ những năm 30 (Mc Murray 1930; Jones 1935; Selke 1936) và đặc biệt là sau chiến tranh thế giới thứ II. Nhiều nhà Địa lý học người Mỹ, Anh, Canađa đã tiến hành các nghiên cứu về du lịch ở góc độ địa lý như Gilbert (1949), Wolfe (1951), Coppock (1977). Về sau, khi du lịch ngày càng phát triển và cụm từ du lịch bền vững được nhắc đến nhiều hơn thì những nghiên cứu của các nhà địa lý học về du lịch cũng đã tăng lên rất nhiều, bởi khó có thể tìm thấy một khía cạnh của du lịch mà không dính dáng đến địa lý và rất ít các ngành của địa lý mà không có ít nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu hiện tượng du lịch. 5.2. Việt Nam Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, các nghiên cứu về du lịch ở nước ta cũng ngày một nhiều hơn. Có thể điểm qua một số công trình như: Tổ chức lãnh thổ du lịch Việt Nam, Quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam 1995 - 2000, Quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam đến năm 2010, Cơ sở Địa lý du lịch, Địa lý du lịch, Tổng quan du lịch, nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn, ở những quy mô và phạm vi khác nhau. Tất cả đều phục vụ cho du lịch và cũng cho thấy sự quan tâm sâu sắc đến môi trường, đến khía cạnh bền vững trong du lịch Việt Nam. Năm 1997, Tổng cục du lịch Việt Nam kết hợp với Quỹ Hanns Seiden (Đức) tổ chức Hội thảo về Phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam tại Huế, sau đó các hội thảo khác về du lịch bền vững cũng được tổ chức như Hội thảo về du lịch sinh thái với phát triển bền vững ở Việt Nam tại Hà Nội năm 1998, Hội thảo về Nâng cao nhận thức và năng lực phát triển du lịch bền vững trong thời đại toàn cầu hoá tại Hà Nội năm 2006 thu hút nhiều nghiên cứu, đóng góp của các nhà khoa học, các cán bộ du lịch trong và ngoài nước tham gia. Các hội thảo và các công trình nghiên cứu đều hướng đến sự phát triển bền vững cho ngành du lịch Việt Nam, bằng nhiều cách khác nhau. Đó là dấu hiệu tốt cho định hướng chiến lược phát triển du lịch của nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, có thể thấy rằng ngành du lịch Việt Nam đang còn non trẻ và những đóng góp của các nhà khoa học về du lịch bền vững vẫn đang là bước khởi đầu và du lịch bền vững chưa thực sự đi vào thực tiễn ở nhiều địa phương. Du lịch bền vững đã được Tỉnh uỷ, UBND và Sở Thương mại - Du lịch Dak Lak đánh giá cao, tuy vậy, tỉnh hiện chưa có nghiên cứu nào về du lịch bền vững. Vì vậy, luận văn này có thể là sự đóng góp đầu tiên cho du lịch bền vững của tỉnh Dak Lak. 6. Các quan điểm và phương pháp nghiên cứu 6.1. Các quan điểm 6.1.1. Quan điểm hệ thống tổng hợp Hệ thống lãnh thổ du lịch là một hệ thống mở, gồm các thành phần tự nhiên, kinh tế, xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và chịu sự chi phối của nhiều quy luật cơ bản. Nghiên cứu du lịch không thể tách rời hệ thống kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Quan điểm hệ thống giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể, khái quát của toàn bộ hệ thống du lịch trong khi vẫn bao quát được hoạt động của mỗi phân hệ trong hệ thống đó. Du lịch Dak Lak cần được nghiên cứu trong mối quan hệ tương hỗ: kinh tế - xã hội - môi trường không chỉ riêng Dak Lak mà của cả nước. Quan điểm này được áp dụng trong suốt quá trình thực hiện luận văn. 6.1.2. Quan điểm lịch sử, viễn cảnh Mọi sự vật, hiện tượng đều có quá trình phát sinh, vận động và biến đổi. Quá trình ấy có thể bắt đầu từ trong quá khứ, hiện tại vẫn tiếp diễn và kéo dài đến tương lai. Đứng trên quan điểm lịch sử, phân tích nguồn gốc phát sinh, đánh giá đúng đắn hiện tại sẽ là cơ sở để đưa ra các dự báo xác thực về xu hướng phát triển trong thời gian sắp tới. Quan điểm này được vận dụng trong khi phân tích các giai đoạn chủ yếu của quá trình phát triển hệ thống du lịch và dự báo xu hướng phát triển của hệ thống lãnh thổ. 6.1.3. Quan điểm lãnh thổ Lãnh thổ du lịch được tổ chức như là một hệ thống liên kết không gian của các đối tượng du lịch trên cơ sở các nguồn tài nguyên và dịch vụ cho du lịch. Việc nghiên cứu du lịch bền vững của tỉnh Dak Lak không thể tách rời với hiện trạng và xu hướng du lịch của Việt Nam. Quá trình phát triển du lịch bền vững của tỉnh Dak Lak là một phần trong quá trình phát triển du lịch bền vững của Tây Nguyên và của cả nước. 6.1.4. Quan điểm sinh thái Phát triển du lịch phải gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái. Quan điểm sinh thái cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái, đánh giá tác động của du lịch đến môi trường và khả năng chịu đựng của môi trường trước sự phát triển của kinh tế nói chung, du lịch nói riêng. 6.1.5. Quan điểm du lịch bền vững Mục tiêu của du lịch bền vững là bảo vệ tài nguyên và môi trường, tăng cường bảo tồn và chia sẻ lợi ích cho cộng đồng, đảm bảo sự phát triển kinh tế một cách bền vững. Kết hợp hài hoà nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả hai góc độ sản xuất và tiêu dùng du lịch nhằm đạt đến sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Luận văn quán triệt quan điểm này trong suốt quá trình đánh giá tiềm năng, phân tích hiện trạng và đề xuất giải pháp. 6.2. Phương pháp nghiên cứu 6.2.1. Thu thập, xử lí thông tin Thu thập những tài liệu có liên quan ở các nguồn tin cậy, sắp xếp và xử lí tài liệu một cách có hệ thống, phân tích từng nội dung đưa ra những kết luận đúng đắn nhất. 6.2.2. Phân tích, tổng hợp, so sánh Thông tin, số liệu sau khi thu thập sẽ được so sánh, phân tích, tổng hợp cho phù hợp với mục đích của từng phần. Quá trình tổng hợp sẽ có được cái nhìn bao quát về du lịch Dak Lak. Qua phân tích, các thông tin được chắt lọc với độ tin cậy và mang lại hiệu quả cao nhất. 6.2.3. Thực địa Đây là phương pháp không thể thiếu nhằm tích luỹ tài liệu thực tế về sự hình thành, phát triển và đặc điểm của tổ chức lãnh thổ du lịch. Trong quá trình thực hiện luận văn, phương pháp này rất được coi trọng vì nó phản ánh thực tiễn khách quan của đề tài mà luận văn nghiên cứu. 6.2.4. Khai thác phần mềm hệ thống thông tin Các thông tin, số liệu và dự báo trong luận văn được xử lý bởi phần mềm MS Word, Excel, AutoCad, Mapinfo để thể hiện các phân tích, đánh giá, so sánh và xu hướng du lịch của tỉnh Dak Lak. 6.2.5. Bản đồ, biểu đồ Đây là phương pháp đặc trưng của địa lý. Sử dụng các bản đồ, biểu đồ làm tăng tính trực quan của đề tài, không chỉ cho biết đặc điểm, phân bố, mạng lưới mà còn thể hiện một số kết quả của công trình nghiên cứu. 6.2.6. Phương pháp thống kê Sau khi thu thập thông tin, số liệu, tiến hành thống kê, sắp xếp chúng lại cho phù hợp với cấu trúc của đề tài, trình tự thời gian và lập ra các bảng biểu về quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như ngành du lịch Dak Lak. 7. Cấu trúc luận văn Ngoài phần mở đầu và kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của luận văn được trình bày qua 3 chương: Chương 1. Cơ sở lý luận về phát triển du lịch bền vững. Chương 2. Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tỉnh Dak Lak theo hướng bền vững. Chương 3. Định hướng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Daklak theo hướng bền vững. CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG 1.1. Quan niệm về du lịch bền vững 1.1.1. Quan niệm về du lịch Ở mỗi thời đại, quan niệm về du lịch có sự thay đổi bắt đầu ngay từ thời kì đồ đá, khi mà con người phải “đi” vì lí do sinh tồn trước cái đói và sự sợ hãi. Đến thời kì cường thịnh của đế quốc La Mã, các chuyến du ngoạn bằng ngựa đã mang mục đích tiêu khiển của tầng lớp thống trị. Khi tàu hoả ra đời vào thế kỉ XIX, nó tạo động lực cho du lịch phát triển hơn. Rồi lần lượt đến tàu thuỷ, ô tô, máy bay, chúng ngày càng làm cho du lịch gắn bó mật thiết với con người. Năm 1925, Hiệp hội quốc tế các tổ chức du lịch được thành lập tại Hà Lan, đánh dấu bước ngoặt trong việc thay đổi, phát triển các khái niệm về du lịch. Đầu tiên, du lịch được hiểu là việc đi lại của từng cá nhân hoặc một nhóm người rời khỏi chỗ ở của mình trong khoảng thời gian ngắn đến các vùng xung quanh để nghỉ ngơi, giải trí hay chữa bệnh. Năm 1985, I.I.Pirogionic đưa ra khái niệm: “Du lịch là một dạng hoạt động của dân cư trong thời gian rỗi liên quan tới sự di chuyển và lưu lại tạm thời bên ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm nghỉ ngơi, chữa bệnh, phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao trình độ nhận thức – văn hoá hoặc thể thao kèm theo việc tiêu thụ những giá trị về tự nhiên, kinh tế và văn hoá”. Ở Việt Nam, theo luật du lịch ban hành từ tháng 6 thăm 2005 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2006: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong khoảng thời gian nhất định”. WTO định nghĩa: “ Du lịch theo nghĩa hành động được định nghĩa là một hoạt động di chuyển vì mục đích giải trí, tiêu khiển và tổ chức các dịch vụ xung quanh hoạt động này. Người đi du lịch là người đi ra khỏi nơi mình cư trú một quãng đường tối thiểu là 80 km trong khoảng thời gian hơn 24 giờ với mục đích giải trí tiêu khiển”. Còn nhiều quan niệm khác về du lịch. Trong luận văn này, tôi sử dụng định nghĩa về du lịch do Tổng cục du lịch Việt Nam ban hành trong luật Du lịch năm 2005. 1.1.2. Quan niệm về du lịch bền vững Cụm từ “ phát triển bền vững” có nguồn gốc từ thực tiễn quản lí rừng ở Đức vào thế kỉ XIX, nhưng mãi đến thập kỉ 80 của thế kỉ XX mới được phổ biến rộng rãi. Năm 1980, IUCN cho rằng “phát triển bền vững” phải cân nhắc đến hiện tượng khai thác đến các nguồn tài nguyên tái tạo và không tái tạo, đến các điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn trong việc tổ chức các kế hoạch hành động ngắn hạn và dài hạn đan xen nhau. Đến năm 1987, Uỷ ban môi trường và phát triển thế giới WCED do bà GroHarlem Brundtland thành lập đã công bố thuật ngữ “phát triển bền vững” trong báo cáo “ tương lai của chúng ta” như sau: “ Phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau” [5]. Theo Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất năm 1992, được tổ chức ở Rio - de - Janeiro, “phát triển bền vững được hình thành trong sự hoà nhập, xen cài và thoả hiệp giữa ba hệ thống là hệ tự nhiên, hệ kinh tế và hệ xã hội”. Ngày nay, tất cả các quốc gia đều đề cập đến “phát triển bền vững” trong quá trình hoạch định chính sách và quản lí phát triển kinh tế, với ý muốn nhấn mạnh phương thức và việc sử dụng có trách nhiệm các nguồn lực của sự phát triển. Xu thế phát triển du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước sự bắt buộc phải sử dụng có trách nhiệm các nguồn lực của mình, đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Khái niệm phát triển du lịch bền vững xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây, trên cơ sở cải thiện và nâng cấp khái niệm du lịch mềm (soft tourism), được nhiều quốc gia và hiệp hội du lịch lớn trên thế giới ủng hộ. Tuy nhiên, một khái niệm “du lịch bền vững” hoàn chỉnh được tất cả mọi người sử dụng đến nay vẫn chưa có. Năm 1992, WTO định nghĩa: “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lí các nguồn tài nguyên nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mĩ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hoá, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người”. Năm 1996, WTTC đưa ra khái niệm: “Du lịch bền vững là sự đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch mà vẫn đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch mai sau”. Du lịch bền vững đòi hỏi các cấp và đơn vị kinh doanh du lịch quản lí tất cả các dạng tài nguyên du lịch theo một cách nào đó để một mặt đáp ứng được các nhu cầu kinh tế, xã hội và thẩm mỹ, mặt khác vẫn duy trì được bản sắc văn hoá, các quá trình sinh thái cơ bản, sự đa dạng sinh học và các hệ sinh thái đảm bảo sự sống (theo Hens L. 1998). Đối với Việt Nam, “phát triển bền vững” được thể hiện trong chỉ thị 36/CT của Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 25/06/1998: Mục tiêu và các quan điểm cơ bản cho phát triển bền vững chủ yếu dựa vào hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hợp lí tài nguyên như một cấu thành không thể tách rời của phát triển bền vững. Theo quan điểm của Tổng cục du lịch Việt Nam, phát triển du lịch phải được định hướng và quản lí theo phương châm: Kết hợp hài hoà nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả hai góc độ sản xuất và tiêu dùng du lịch, khai thác, sử dụng hợp lí và phát triển tài nguyên du lịch tự nhiên, chú trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của tài nguyên du lịch nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tránh hiện đại hoá hoặc làm biến dạng môi trường, cảnh quan di tích, xây dựng và giữ gìn môi trường xã hội lành mạnh, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là ở các đô thị du lịch và các điểm tham quan du lịch. Điều 5, luật du lịch Việt Nam: “Phát triển du lịch bền vững, theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo hài hoà giữa kinh tế - xã hội – môi trường, phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng du lịch văn hoá – lịch sử, du lịch sinh thái, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của tài nguyên du lịch. Bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, lợi ích chính đáng và an ninh, an toàn cho khách du lịch, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch. Bảo đảm sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư trong phát triển du lịch. Góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại và giao lưu quốc tế để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Phát triển đồng thời du lịch trong nước và du lịch quốc tế, tăng cường thu hút ngày càng nhiều khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam”. Như vậy, có thể nói đối với cả Việt Nam và thế giới, du lịch bền vững không phải là một loại hình hay trào lưu du lịch mà đó là cương lĩnh phát triển du lịch của thời đại. 1.2. Những nguyên tắc đảm bảo phát triển du lịch bền vững 1.2.1. Khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hợp lí Phát triển bền vững chủ trương ủng hộ việc lưu lại cho các thế hệ tương lai một nguồn tài nguyên thiên nhiên không kém hơn so với cái mà các thế hệ trước được hưởng. Ngăn ngừa trước những thay đổi không thể tránh được đối với những tài sản môi trường không có khả năng thay thế, tính vào chi phí hoạt động kinh tế các dịch vụ được môi trường thiên nhiên cung cấp, những dịch vụ này không phải là “hàng hoá cho không”. Các nguyên tắc như vậy cũng được áp dụng đối với các tài nguyên nhân văn. Cần trân trọng các nền văn hoá địa phương, truyền thống dân tộc, kế sinh nhai và đất đai mà người ta dựa vào để sống. Việc sử dụng bền vững, bảo tồn và bảo vệ các nguồn lực này đang ngày càng được nhìn nhận như là vấn đề sống còn đối với việc quản lí hợp lí mang tính toàn cầu và nó cũng khiến cho kinh doanh phát triển lâu dài. 1.2.2. Hạn chế sử dụng quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải Sự tiêu thụ quá mức các nguồn tài nguyên sẽ dẫn đến sự huỷ hoại môi trường trên toàn cầu của chúng ta và đi ngược lại với sự phát triển bền vững lâu dài của du lịch. Kiểu tiêu thụ này là một đặc trưng của các nước có nền công nghiệp phát triển nhưng lại lan rộng rất nhanh trên toàn cầu như là phong cách sống phương Tây. Các dự án du lịch được triển khai mà không có đánh giá tác động môi trường hoặc không thực thi những kiến nghị về đánh giá tác động của môi trường đã dẫn đến sự tiêu dùng tài nguyên môi trường và các tài nguyên khác một cách lãng phí và không cần thiết. Chính điều này gây ra sự ô nhiễm và xáo trộn về văn hoá và xã hội. Khai thác, sử dụng quá mức tài nguyên và không kiểm soát lượng chất thải từ du lịch góp phần dẫn đến suy thoái môi trường mà hậu quả của nó là sự phát triển không bền vững của du lịch nói riêng và kinh tế xã hội nói chung. Việc giảm tiêu thụ quá mức và giảm chất thải sẽ tránh được những chi phí tốn kém cho việc phục hồi tổn hại về môi trường và đóng góp cho chất lượng của du lịch. 1.2.3. Phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn tính đa dạng Tính đa dạng về thiên nhiên, văn hoá và xã hội là thế mạnh của mỗi quốc gia nhằm thoả mãn nhu cầu đa dạng của du khách cũng như sản phẩm của du lịch. Đa dạng cũng là sự sống còn để tránh việc quá phụ thuộc vào một hay một vài nguồn hỗ trợ sinh tồn. Phát triển bền vững chủ trương ủng hộ việc để lại cho thế hệ mai sau sự đa dạng cả về thiên nhiên và nhân văn không ít hơn những gì thế hệ trước được thừa hưởng. Chiến lược bảo tồn thế giới nhấn mạnh sự cần thiết bảo tồn đa dạng nguồn gen. Từ đó, mục đích đã được mở rộng, trong đó có sự đa dạng cơ cấu chính trị, kinh tế - xã hội và các nền văn hoá. Việc duy trì và phát triển tính đa dạng của thiên nhiên, văn hoá và xã hội là rất quan trọng đối với du lịch bền vững, là chỗ dựa sinh tồn của ngành công nghiệp du lịch. 1.2.4. Phát triển phải phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao, vì vậy mọi phương án khai thác tài nguyên để phát triển phải phù hợp với các quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội. Du lịch được lập kế hoạch đúng đắn sẽ tăng cường giá trị về tài sản môi trường, bảo vệ các loài quý hiếm và mang lại sự cải thiện đối với cộng đồng địa phương. Những nơi mà du lịch không phối hợp với các ngành khai thác thông qua quy hoạch có chiến lược thì du lịch sẽ bung ra một cách nhanh chóng và khó kiểm soát được nền kinh tế địa phương mỏng manh. Hợp nhất phát triển du lịch vào trong khuôn khổ hoạch định chiến lược cấp quốc gia và địa phương, tiến hành đánh giá tác động môi trường làm tăng khả năng tồn tại lâu dài của ngành du lịch. 1.2.5. Chia sẻ lợi ích đối với cộng đồng địa phương Để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và từng ngành kinh tế nói riêng, việc khai thác các tài nguyên là tất yếu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trên một địa bàn lãnh thổ nếu mỗi ngành chỉ biết đến lợi ích của mình mà không có sự hỗ trợ đối với sự phát triển kinh tế và chia sẻ quyền lợi đối với cộng đồng địa phương thì sẽ làm cho kinh tế và cuộc sống của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Điều này buộc cộng đồng địa phương phải khai thác tối đa các tài nguyên của mình, làm đẩy nhanh quá trình cạn kiệt tài nguyên và tổn hại đến môi trường sinh thái. Kết quả là những tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch nói chung và kinh tế - xã hội nói riêng. Do đó, du lịch phải làm nền cho sự đa dạng hoá kinh tế bằng hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Sự đầu tư có kế hoạch đúng đắn về hạ tầng cơ sở như đường sá, điện, nước, thông tin liên lạc có thể phục vụ cho sự phát triển không phải là phát triển du lịch nhưng vẫn củng cố và thúc đẩy công nghiệp du lịch. Du lịch cần lưu tâm đến các chức năng kinh tế có tính chất quan trọng và hợp nhất các giá trị môi trường trong các quyết định đầu tư. Ngành du lịch hỗ trợ được các hoạt động kinh tế địa phương và có tính đến các giá trị và chi phí về mặt môi trường thì mới bảo vệ được các nền kinh tế địa phương và tránh được sự tổn thất về môi trường. 1.2.6. Khuyến khích tham gia của cộng đồng địa phương Sự tham gia của địa phương là cần thiết cho ngành du lịch. Người dân địa phương, nền văn hoá, môi trường, lối sống và truyền thống của họ là những nhân tố quan trọng thu hút khách du lịch đến một điểm du lịch. Nó đáp ứng nhu cầu của người dân bản địa, bảo vệ môi trường thiên nhiên và văn hoá của họ. Ngược lại, sự tham gia thực sự của cộng đồng có thể làm phong phú thêm loại hình và sản phẩm du lịch. Hơn thế nữa khi cộng đồng địa phương được tham gia chỉ đạo phát triển du lịch thì sẽ tạo ra được những điều kiện đặc biệt thuận lợi cho du lịch bởi cộng đồng sở tại là chủ nhân và là người có trách nhiệm chính với tài nguyên và môi trường khu vực. Điều này sẽ tạo ra khả năng phát triển lâu dài của du lịch. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch được thực hiện thông qua việc khuyến khích họ sử dụng các phương tiện, các cơ sở vật chất của mình để phục vụ khách du lịch như chuyên chở, thuyết minh hướng dẫn du khách, cho thuê nhà để ở, nấu ăn cho khách, sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ làm đồ lưu niệm. Khuyến khích cộng đồng địa phương cùng làm du lịch không chỉ qua những việc làm có thu nhập thấp, theo mùa và những việc phục vụ như bồi bàn, dọn phòng mà nên có cả những công việc ở mức cao hơn và những công việc quản lí có thu nhập cao thường do người nước ngoài làm thì cũng có thể được đảm đương bởi người địa phương mà kinh nghiệm và sự hiểu biết đặc biệt về địa phương mình của họ sẽ có phần góp phần không nhỏ cho du lịch. Việc tham gia của cộng đồng địa phương vào du lịch sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho họ và môi trường mà còn nâng cao chất lượng du lịch. 1.2.7. Thường xuyên trao đổi, tham khảo ý kiến với cộng đồng địa phương và các đối tượng có liên quan Tham khảo ý kiến quần chúng là một quá trình nhằm dung hoà giữa phát triển kinh tế với những mối quan tâm lớn hơn của người dân địa phương và tác động tiềm ẩn của sự phát triển lên môi trường tự nhiên, xã hội và văn hoá. Ý kiến của người dân địa phương là cần thiết để đánh giá một dự án phát triển, các biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực và tối đa hoá sự đóng góp tích cực của quần chúng địa phương. Du lịch còn đem lại sự tiếp xúc trực tiếp giữa du khách với người dân bản địa có các tập quán văn hoá và tín ngưỡng khác họ. Do đó, du lịch bền vững cần tham khảo ý kiến và thông báo cho người dân địa phương về những thay đổi tiềm ẩn do sự thay đổi nhanh chóng của ngành du lịch. Tham khảo ý kiến trên diện rộng với các chính quyền địa phương cũng như người dân để khuyến khích sự tham gia đóng góp ý kiến, lồng ghép các lợi ích của cá nhân và quần chúng. 1.2.8. Chú trọng đào tạo, nâng cao nhận thức về tài nguyên môi trường Một lực lượng lao động được đào tạo và có kĩ năng thành thạo không những đem lại lợi ích về kinh tế cho ngành mà còn nâng cao chất lượng của sản phẩm du lịch. Việc đào tạo đúng mức và nhận thức của người học về tầm quan trọng và tính chất phức tạp của du lịch sẽ giúp cho việc nâng cao lòng tự hào nghề nghiệp và tăng cường sản phẩm của du lịch đối với cả du khách, chủ nhà và ngành du lịch. Việc đào tạo phải bao gồm cả giáo dục đa văn hoá nhằm tăng cường sự hiểu biết và cảm nhận khác nhau về văn hoá và làm cho nhân viên du lịch và học viên nắm được nhu cầu của cả khách và chủ nhà. Điều đó cũng giúp loại bỏ những t._.hành kiến và tính bài ngoại. Lợi ích lâu dài cho mọi người đòi hỏi việc đào tạo và sử dụng nhân viên là người địa phương. Điều này được áp dụng đặc biệt đối với cán bộ tổ chức và hướng dẫn viên du lịch có kiến thức sâu rộng và mối quan tâm lớn trong vùng và việc tham gia của họ sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ. Đào tạo nhân viên người địa phương không chỉ nên hạn chế trong những công việc đơn giản, có vị trí thấp và mức lương thấp. Việc đào tạo nhân viên trong đó có lồng ghép vấn đề du lịch bền vững vào thực tiễn công việc, cùng với việc tuyển dụng lao động địa phương vào mọi cấp sẽ làm tăng chất lượng du lịch. 1.2.9. Tăng cường quảng bá, tiếp thị du lịch một cách có trách nhiệm Tiếp thị và quảng cáo là những vũ khí lợi hại cho việc bán thành công bất cứ sản phẩm nào. Phát triển bền vững dựa trên sự tiếp thị đầy đủ và trung thực các thông tin về sản phẩm, bao gồm cả tác động của chúng đối với nhân viên và môi trường. Điều đó nhằm nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên, nhân tạo và mức sống có tính đến giá thành của những giá trị môi trường. Nó xét đến nhu cầu của các thế hệ hiện tại và mai sau. Chiến lược tiếp thị đối với du lịch bền vững bao gồm việc xác định, đánh giá và luôn rà soát lại mặt cung của những tài nguyên thiên nhiên và nhân văn và những nguồn lực khác, cũng như khía cạnh cung - cầu. Do sự tăng trưởng của du lịch và sự hoán vị của các điểm tham quan mà tiếp thị du lịch đặc biệt có tính chất cạnh tranh. Nó mang tính chất độc nhất và người tiêu thụ mua sản phẩm một cách “mù” vì người ta không thể khảo sát điểm tham quan trước khi mua, do đó, người tiêu thụ đến với sản phẩm và tiêu thụ nó ngay tại nguồn, chứ không phải ngược lại. Tiếp thị và quảng cáo du lịch một cách đầy đủ và có trách nhiệm giúp nâng cao hiểu biết, sự cảm kích, lòng tôn trọng văn hoá và môi trường địa phương, và cũng làm tăng sự thoả mãn toàn diện của du khách. 1.2.10. Thường xuyên tiến hành công tác nghiên cứu Để ngành du lịch phát triển và tồn tại một cách bền vững, điều cốt yếu là cần có dự đoán vấn đề và nắm được trước chi phí giải quyết vấn đề. Tốc độ phát triển nhanh của du lịch tại những khu vực dễ bị tổn thương về mặt môi trường, kinh tế và xã hội, những môi trường này thường có ít số liệu do khó khăn trong việc thu thập, cho thấy rằng cần cấp bách nghiên cứu cơ bản hơn nữa để đảm bảo không chỉ cho hiệu quả kinh doanh mà còn cho sự phát triển bền vững trong mối quan hệ với cơ chế, chính sách, với việc bảo vệ tài nguyên, môi trường. Việc nghiên cứu toàn diện đòi hỏi sự phối hợp giữa ngành du lịch với các trường đại học, các viện nghiên cứu, chính phủ, các tổ chức phi chính phủ về tiềm năng, kĩ năng nghiên cứu và tổ chức cũng như thiện chí về chính trị, sự trung thực và cam kết về nghiệp vụ. Tiếp tục nghiên cứu và giám sát ngành du lịch thông qua việc sử dụng và phân tích có hiệu quả các số liệu là cần thiết để giúp cho việc giải quyết những vấn đề còn tồn đọng và mang đến lợi ích cho các điểm tham quan, cho cộng đồng địa phương, cho du lịch và cho du khách. 1.3. Xu hướng phát triển du lịch bền vững Sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật vào cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI làm tăng năng suất lao động, đời sống vật chất của con người ngày càng được đáp ứng đầy đủ, trong khi thời gian lao động giảm bớt. Điều này thúc đẩy nhu cầu về đời sống tinh thần của con người, trong đó nhu cầu về du lịch được đặt lên hàng đầu. Ngày nay, trên phạm vi toàn cầu, du lịch đã trở thành nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống của con người và hoạt động du lịch đang được phát triển một cách mạnh mẽ. Đặc biệt trong hai thập kỷ trở lại đây, ngành du lịch có tốc độ phát triển chưa từng có, tạo được những giá trị kinh tế và lợi nhuận cao, trở thành một ngành kinh tế quan trọng ở nhiều nước trên thế giới. Trước tình hình đó, người ta đã báo động về một xu hướng phát triển du lịch chỉ với mục tiêu đơn thuần về kinh tế mà không chú ý đến những vấn đề khác, đặc biệt là sự đe doạ huỷ hoại môi trường sinh thái và nguy cơ giá trị văn hoá của các dân tộc bị tàn phá. Xuất phát từ yêu cầu bức xúc này, vấn đề du lịch bền vững được đề cập tới, như một khái niệm mới, thể hiện một đòi hỏi khách quan và rất gay gắt để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, vững chắc của ngành kinh tế du lịch trong thời kỳ mới. Xu hướng phát triển của du lịch bền vững không phải là một hiện tượng có tính nhất thời, một hoạt động có tính phong trào mà là một đòi hỏi khách quan của thời đại, có ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt kinh tế, lợi nhuận của bản thân du lịch, mà sâu xa hơn còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của xã hội, của quốc gia, của cộng đồng trong quan hệ với việc khai thác tài nguyên và môi trường tự nhiên và văn hoá nhân văn. Với lợi thế đặc biệt về địa lí kinh tế và chính trị, tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, cần cù, mến khách, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở và đa dạng hoá cùng những chính sách đổi mới quản lý, phát triển du lịch,Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch. Đặc biệt, từ ngày 09/11/2006, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới, nguồn vốn đầu tư, các nhà đầu tư và du khách sẽ đổ vào Việt Nam nếu được khơi luồng tốt. Nếu như năm 1990, du lịch Việt Nam mới đón được 250.000 lượt khách quốc tế và trên một triệu lượt khách du lịch nội địa thì đến năm 2005 đã đón được trên 3,6 triệu lượt khách quốc tế và trên 16,5 triệu lượt khách du lịch nội địa với thu nhập du lịch đạt gần 2 tỉ USD. Du lịch Việt Nam đang có những chuyển biến lớn lao với những bước tiến quan trọng cả về lượng và chất. Chúng ta đang đứng trước một xu thế phát triển du lịch rất mạnh mẽ với sự lựa chọn bắt buộc là phải sử dụng có trách nhiệm các nguồn lực của mình, đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Chúng là nguồn lực cơ bản, quyết định sự phát triển du lịch. Đối với nước ta, việc bảo vệ môi trường cho phát triển du lịch, đồng thời bảo vệ văn hoá, môi trường không bị tác động tiêu cực từ du lịch đang được quan tâm sâu sắc. Xu hướng phát triển du lịch bền vững không chỉ của các nước có nền du lịch phát triển mạnh mẽ mà là của toàn cầu, của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. 1.4. Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững của Thái Lan và Trung Quốc 1.4.1. Kinh nghiệm của Thái Lan Đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Thái Lan là một nơi thu hút khách du lịch nhiều nhất chỉ đứng sau Trung Quốc và Malaixia. Thành công mang lại ngoài những lợi thế về tài nguyên du lịch và môi trường hiện có, còn phải kể đến các chính sách, chiến lược phát triển bền vững của quốc gia mà Chính phủ Thái Lan đã áp dụng một cách linh hoạt và có hiệu quả. Trung tâm du lịch Chiang Mai của Thái Lan có nhiều nét tương đồng với tự nhiên và văn hoá Dak Lak trong khai thác du lịch. Đó cũng là vùng cao nguyên với nhiều dân tộc ít người và nghề săn bắn voi. Sự phát triển của ngành du lịch Chiang Mai nói riêng và du lịch Thái Lan nói chung đã cung cấp cho chúng ta những kinh nghiệm quý để phát triển du lịch. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thái Lan giai đoạn 1997 - 2003, quốc gia này đã tập trung vào hai hướng ưu tiên chính là bảo vệ, bảo tồn các nguồn tài nguyên và tài sản du lịch phục vụ phát triển bền vững lâu dài và để thế giới công nhận là một điểm du lịch nổi tiếng nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của nền văn hoá Thái Lan. Cơ quan Du lịch Quốc gia Thái Lan (TAT) hỗ trợ các cộng đồng bản địa trong việc duy trì sức hấp dẫn của các điểm tham quan du lịch. TAT đã xây dựng các quy hoạch tổng thể và hỗ trợ về kỹ thuật, trong một số trường hợp còn hỗ trợ về tài chính nhằm giúp các địa phương phát triển du lịch. Chính phủ Thái Lan đã có nhiều sáng kiến độc đáo và sáng tạo, triển khai những chương trình phát triển du lịch bền vững có chất lượng như “chương trình loại trừ tác động của xã hội”. TAT còn phối hợp với Cục Bảo tồn Rừng và các cơ quan liên quan ở địa phương triển khai 13 dự án giáo dục đào tạo và nâng cao nhận thức cho lãnh đạo và nhân dân địa phương về giá trị của các di sản thiên nhiên và văn hoá cũng như lối sống của họ. Cơ quan Du lịch quốc gia Thái Lan (TAT) đã khuyến cáo và đưa ra 8 biện pháp bảo vệ môi trường thiên nhiên của các khu du lịch gồm: - Hạn chế số lượng khách du lịch trên cơ sở sức chứa của khu du lịch. - Có biện pháp quản lý sự ra vào các khu bảo tồn. - Giảm lượng chất thải và nâng cao mức độ trong sạch. - Huy động vốn đóng góp. - Thành lập trung tâm điều phối - Quản lý chất lượng dịch vụ - Phân chia khu vực - Ký hiệu chỉ dẫn thông tin chi tiết rõ ràng tại các địa điểm. Chiang Mai được thiết kế để đón du khách với những điệu múa của người dân tộc bản xứ, các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nghề săn bắt voi và có các trại nuôi voi. Vốn thành lập trại voi được huy động từ nhiều nguồn, chịu sự quản lý của trung tâm điều phối. Chợ đêm nơi đây cũng được tổ chức rất quy mô, có biển chỉ dẫn rõ ràng, dễ hiểu cho du khách. Tại Thái Lan các hoạt động đã được tiến hành nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ gìn kiến trúc truyền thống và áp dụng tiêu chuẩn “lá xanh” để đánh giá việc bảo vệ môi trường sinh thái đối với các khách sạn. Đối với hoạt động phát triển du lịch sinh thái văn hoá tại Thái Lan, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã bắt đầu phát động một phong trào nhằm khôi phục lại giá trị nguyên bản của văn hoá và đất nước Thái Lan. Trung tâm của phong trào là phát triển du lịch sinh thái, gắn du lịch với bảo vệ môi trường, cảnh quan và các giá trị truyền thống của đất nước. Chính phủ Thái Lan kêu gọi các khu làng mạc ở vùng nông thôn và miền núi hãy giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ của mình, bảo vệ cây cối và giảm tiếng ồn, gìn giữ phong cách kiến trúc Thái Lan. Trong mối quan hệ của cộng đồng với sự nghiệp phát triển du lịch sinh thái. Thái Lan đã thông qua hiến pháp mới nhằm công nhận sự tham gia của người dân địa phương vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và trực tiếp khuyến khích người dân địa phương tìm các phương thức để quản lý các nguồn lực của mình vì lợi ích phát triển của cộng đồng, điều này tạo cơ sở cho người dân địa phương tham gia vào sự phát triển du lịch để phát triển cộng đồng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, sự suy thoái về lối sống của một bộ phận người dân, xã hội xáo trộn cũng như sự tràn lan các bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS do tác động từ du lịch cũng là bài học kinh nghiệm cho du lịch của các nước khác. 1.4.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc Năm 2005, Trung Quốc có tổng thu nhập từ 109 triệu du khách nước ngoài là 25,7 tỉ USD, tương đương với 5% GDP của nước này. Những thành công mà Trung Quốc đạt được trong du lịch là nhờ định hướng mang tính chiến lược trong vòng 20 năm qua. Đó là sự nâng cao chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế, thủ tục hành chính gọn nhẹ, giao thông thuận lợi, giá cả hợp lý, sản phẩm du lịch theo chuyên đề rất đa dạng. Đặc biệt trong thập kỷ gần đây Chính phủ Trung Quốc đã chú trọng đến việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển du lịch bền vững, thông qua các hoạt động cụ thể như xây dựng các quy hoạch tổng thể về du lịch; quản lý phát triển du lịch bền vững bao gồm công tác chỉ đạo, điều phối và kiểm soát, nhằm gắn kết các nguồn lực dành cho xây dựng và thực hiện các chính sách du lịch quốc gia. Thúc đẩy và tạo điều kiện thu hút nhiều sự tham gia của khu vực tư nhân và sự hợp tác giữa khu vực nhà nước với các thành phần kinh tế khác. Du lịch xanh là chủ đề chính của du lịch Trung Quốc, được ra đời từ năm 1999, từ đó, Chính phủ đã không ngừng quan tâm bảo vệ môi trường. Họ đã tổ chức các hội thảo về phát triển du lịch bền vững, về quản lý và phát triển du lịch sinh thái của từng địa phương; xây dựng và truyền bá những thuận lợi của tiện nghi du lịch. Kết quả của những hội thảo ấy là hướng Trung Quốc đi vào việc phát triển du lịch sinh thái và xem đây là một trong những cách tác động trực tiếp và tích cực đến việc phát triển bền vững. Vào thời điểm năm 2000, Trung Quốc đã bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ 10. Chính phủ Trung Quốc đã tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững, sử dụng công nghệ tạo ra những sản phẩm sạch và xanh, thu hồi chất phế thải, đồng thời Chính phủ đã xây dựng và quản lý sâu rộng hệ thống xanh của đất nước. Họ cố gắng hướng du lịch trở thành một bộ phận không thể thiếu và có mối quan hệ bền chặt với môi trường. Những định hướng và hoạch định kế hoạch thực hiện của Trung Quốc nêu trên là những kinh nghiệm quý báu cho chúng ta tham khảo. Chẳng hạn núi Nga My của Trung Quốc đã được đầu tư xây dựng tuyến cáp treo rất quy mô để đưa du khách chiêm ngưỡng cao nguyên Thanh Tạng từ trên cao. Hoặc du khách cũng có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp của núi rừng khi đi ô tô trên những con đường đã được rải nhựa rất đẹp uốn lượn quanh núi. Động thực vật nơi đây được bảo tồn nghiêm ngặt khiến cho chủng loài và số lượng rất phong phú. Ngay trên đỉnh núi tưởng chừng heo hút là nhà hàng, khách sạn và khu vui chơi giải trí rất hấp dẫn. Các cửa hàng bán hàng lưu niệm được làm bởi người dân tộc bản địa bày bán rất nhiều mặt hàng bắt mắt, đặc sắc. Chùa trên núi cũng là điểm thu hút khách tham quan. Các tỉnh miền núi nước ta có thể tham khảo mô hình này, đối với Dak Lak thì đó là núi Chư Yang Sin, cao hơn 2.400m. Phát huy lợi thế của nước đi sau, học tập được các kinh nghiệm hay để áp dụng và biết được những vấp váp của các nước đi trước mà phòng tránh, đồng thời cũng nhận rõ tầm quan trọng của việc phát triển du lịch bền vững, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, thông qua các dự án quy hoạch, các nghiên cứu khoa học về môi trường, đánh giá tác động của hoạt động du lịch đến tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, đến môi trường tự nhiên và xã hội, đến các hoạt động kinh tế, đề ra các quy chế quản lý hoạt động du lịch, chú trọng bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch cùng với tăng cường giáo dục du lịch toàn dân, góp phần tích cực vào việc phát triển du lịch bền vững và sự nghiệp bảo vệ môi trường chung của đất nước. Kết luận chương 1 Đời sống của con người ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về du lịch cũng không ngừng tăng lên. Trước những tác động tiêu cực mà du lịch gây ra cho môi trường, kinh tế và văn hoá, nhân loại đang đặt ra các nguyên tắc nhằm đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững. Xu hướng phát triển của du lịch bền vững đang được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, đó không phải là một hiện tượng có tính nhất thời mà là một đòi hỏi khách quan của thời đại, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của xã hội, của quốc gia, của cộng đồng trong quan hệ với việc khai thác tài nguyên và môi trường tự nhiên và văn hoá nhân văn. Du lịch Việt Nam đã có chiến lược phát triển du lịch bền vững, trong quá trình phát triển của mình, kinh nghiệm về du lịch bền vững của các nước trên thế giới đã được Việt Nam tiếp thu chọn lọc nhằm tìm ra hướng đi phù hợp nhất với hoàn cảnh đất nước và xu thế phát triển du lịch bền vững của thế giới. CHƯƠNG 2. TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH DAK LAK THEO HƯỚNG BỀN VỮNG 2.1. Tiềm năng du lịch của tỉnh Dak Lak Dak Lak nằm giữa cao nguyên Nam Trung Bộ, có tọa độ địa lý khoảng từ 11O30’B đến 13O25’B và 107O30’Đ đến 109O30’Đ. Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng và Dak Nông, phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, phía Tây giáp vương quốc Campuchia. Dak Lak có diện tích 13.125,37km2, dân số 1.714.855 người (2005), với 44 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 30%. Luận văn phân tích các yếu tố được xem là thế mạnh, là lợi thế so sánh, tạo điều kiện cho du lịch Dak Lak phát triển theo hướng bền vững. 2.1.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên 2.1.1.1. Địa hình Dak Lak nằm ở đoạn cuối của dãy Trường Sơn trên một vùng cao nguyên có độ cao trung bình 500m so với mặt biển. Địa hình còn trẻ, được hình thành từ kỉ Miôxen hoặc muộn hơn một ít, tức cách đây trên dưới 500 triệu năm. Hình dáng như một cái chảo khổng lồ úp sấp, cao ở giữa và thoải về các phía. Phía Đông là núi cao Chư Diju (1.929m), Chư Hmu (2.050m), Chư Yang Sin (2.442m), thoải dần về phía Tây. Phía Nam là miền đồng trũng có nhiều đầm hồ. Các dòng sông đều chảy ra biển, bắt nguồn từ Tây sang Đông, nhưng dòng Sêrêpôk không theo quy luật đó mà chảy theo địa hình Tây Nguyên. Dòng chảy ấy qua những gềnh đá, uốn mình quanh núi đồi rồi đổ xuống vực sâu tạo thành những ngọn thác ở cao nguyên. Dak Lak có nhiều thác nước đẹp hùng vĩ, còn giữ được vẻ hoang sơ, có khả năng khai thác phục vụ du lịch rất lớn. Đây là những tài nguyên du lịch rất có giá trị và cũng là cơ sở để du lịch tỉnh Dak Lak phát triển theo hướng bền vững. Thác Krông Kmar nằm ở trung tâm thị trấn huyện Krông Bông, cách TP.BMT 60km đi theo tỉnh lộ 12 hoặc đi theo quốc lộ 27. Từ đỉnh Chư Yang Sin cao hơn hai ngàn mét, dòng nước đổ xuống thành những bậc thác nối tiếp nhau, âm thanh rền vang khắp khu rừng nguyên sinh, bọt tung trắng xóa. Cạnh những cột nước có rất nhiều tảng đá to, có mặt phẳng cho du khách ngồi chiêm ngưỡng thác hoặc tổ chức liên hoan nhẹ. Ngược lên phía thượng nguồn, nơi xuất phát của dòng sông Krông Kmar, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước một hồ nước sâu trong vắt ngay trên núi, bao bọc chung quanh là rừng thông xanh biếc, vi vu trong tiếng chim rừng. Những năm gần đây, Krông Kmar đã được nhiều người biết đến, không chỉ bởi phong cảnh tuyệt vời với những thác nước ầm reo giữa non ngàn, không khí trong lành mát dịu của thiên nhiên mà còn vì những hoạt động văn hóa diễn ra ngay tại thác như uống rượu cần, cưỡi voi chinh phục Chư Yang Sin hay đầm mình trong làn nước mát của Krông Kmar. Thác Thủy Tiên nằm về hướng Đông Bắc, cách huyện Krông Năng 7 km lại có vô vàn những tảng đá xếp chồng lên nhau tạo thành ba tầng, chiều cao khoảng 30 m. Tầng thấp nhất có những bậc lên xuống dễ dàng, lòng thác nhỏ, nước chảy êm đềm giữa vòm cây xanh mát. Hai bên lòng thác rễ cây buông rũ trông rất nên thơ. Tầng thứ hai trải rộng hơn với nhiều bậc đá, nước tuôn trắng xóa nhưng cũng có những chỗ không sâu, du khách có thể tắm an toàn. Ở tầng thứ ba, nước đổ từ trên xuống tạo thành hồ khá sâu, sau đó lại hòa vào dòng nước uốn lượn hiền hòa giữa đại ngàn. Hiện nay, tham quan thác Thủy Tiên được kết hợp với tìm hiểu văn hóa các dân tộc bản địa như nghe kể sử thi, tham dự lễ kết nghĩa anh em ở nhà dài của người Ê Đê, thưởng thức các món ăn độc đáo của người Nùng, Dao, Mông. Điểm du lịch thác Thủy Tiên vừa mang nét đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, lại vừa chứa đựng những giá trị văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc. Sự hòa quyện này mang lại nét hấp dẫn riêng cho du lịch sinh thái - văn hóa nơi đây. Thác Bảy Nhánh thuộc huyện Buôn Đôn nằm trong khu du lịch Buôn Đôn. Từ TP. BMT, du khách có thể đi ô tô hoặc xe máy hoặc xe buýt khoảng 42km là đến thác. Đường đi đã được đổ nhựa đẹp, hai bên đường là những rẫy cà phê, nếu vào mùa sẽ bạt ngàn hoa trắng và ngào ngạt hương thơm. Từ trên xe, du khách có thể thấy những nếp nhà sàn và cả những tượng nhà mồ của người dân tộc bản xứ. Thác Bảy Nhánh không lớn như Krông Kmar hay hùng vĩ, mạnh mẽ như Thủy Tiên mà mang vẻ đẹp nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn, thác cao khoảng 15 m. Quanh thác có rất nhiều những rặng si già, cành lá xum xuê, rễ đan vào nhau chằng chịt. Chiếc cầu treo dài hơn 200m sẽ đưa khách du lịch tròng trành qua các rễ si hay ngồi nghỉ trên những sàn gỗ mà uống rượu cần, ăn cơm lam, gà nướng lá bưởi và nghe kể về truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi. Không gian mát rượi. Nước trong vắt róc rách dưới chân. Chim chóc líu lo nhảy nhót trên cành. Đi đến một lần đều hẹn ngày trở lại. Dak Lak còn rất nhiều thác đẹp, đường đi thuận tiện như thác Trinh Nữ, thác Dray Nao, thác Ea Mnang, thác Ea M’Đró. Mỗi thác mang một dáng vẻ riêng và đều gắn bó với các truyền thuyết của người dân địa phương. Những ai yêu thích thác có thể tìm đến hành trình thăm các dòng thác ở Dak Lak, kết hợp với một số thác rất đẹp và hùng vĩ ở Dak Nông như DraySap, Dray Nu, Điện Thanh, du khách sẽ hài lòng. Sắp tới, trong sản phẩm du lịch của Dak Lak có thêm loại hình vượt thác mạo hiểm, chắc chắn sẽ thu hút đông du khách tham gia. Các tài nguyên và loại hình du lịch này hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí phát triển du lịch theo hướng bền vững. Không chỉ có các ngọn thác, Dak Lak còn là xứ sở của hồ với hơn 500 hồ, trong đó 20 hồ chứa trên một triệu m3 nước. Các hồ không chỉ cung cấp nước cho đồng bào sinh hoạt, sản xuất mà còn là điểm du lịch bởi cảnh quan hữu tình, nên thơ của chúng. Hồ Lak thuộc huyện Lak cách TP. BMT khoảng 56 km về phía Nam, theo quốc lộ 27 đi Đà Lạt. Du khách có thể đi xe gắn máy, ô tô hoặc xe buýt đến Lak. Đường dẫn vào điểm tham quan đã được tráng nhựa rất đẹp, có biển chỉ dẫn rõ ràng, ngoài ra có cả hệ thống nhà hàng phục vụ du khách nghỉ ngơi, ăn uống. Hồ rộng trên 500ha, là hồ tự nhiên rộng nhất Việt Nam, dài và uốn khúc mềm mại như dải lụa bao quanh thị trấn Lạc Thiện của huyện Lak. Mặt hồ xanh thẳm, in bóng rừng thông trên các quả đồi ven hồ. Xung quanh hồ là các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn. Năm xưa, cựu hoàng đế Bảo Đại đã chọn nơi đây để săn bắn, nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Ngôi nhà nghỉ mát của vua Bảo Đại trên đỉnh đồi vẫn còn được bảo tồn. Hồ Lak liên thông với sông Krông Ana. Vào mùa mưa, nước hồ dâng ngập cả một vùng rộng lớn, sen nở kín cả một góc hồ, khiến cảnh hồ trở nên thơ mộng. Mùa khô, hồ cung cấp nước tưới cho nương rẫy, đồng thời điều hòa khí hậu. Quanh hồ lúc nào cũng mát mẻ, dễ chịu. Hồ vừa cung cấp nước, cá, sen, vừa là thắng cảnh. Những bức ảnh về hoàng hôn trên hồ Lak với thuyền độc mộc đã mang vẻ đẹp của hồ Lak đi rất xa, ra khỏi Việt Nam, đến với bạn bè quốc tế. Bên hồ Lak là buôn Jun của người M’nông với những dãy nhà dài, đàn voi nhà và các tập tục của người bản xứ được bảo tồn qua bao đời. Du khách đến tham quan hồ Lak và buôn Jun có thể nghỉ qua đêm, thưởng thức văn nghệ cồng chiêng và ăn món cá bống bắt từ hồ Lak mà ai đã ăn một lần thì không thể quên. Công ty cổ phần du lịch Dak Lak đã xây dựng ở đây Lak Resort với 16 bungalow gồm 32 phòng đầy đủ tiện nghi, đạt tiêu chuẩn ba sao. Lak Resort nằm trên đỉnh đồi, các phòng ngủ đều hướng ra hồ Lak, núi Chư Yang Sin, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Nơi đây cũng được trang bị hồ hơi, mini bar, dịch vụ Internet ADSL. Ngoài ra, còn có các dịch vụ du lịch như câu cá trên hồ Lak, đi thuyền độc mộc quanh hồ ngắm cảnh thiên nhiên, dạo chơi trong rừng. Hồ Lak là một điểm đến hấp dẫn của du lịch Dak Lak. Cũng theo hướng Nam, cách TP. BMT 12km là hồ Ea Kao. Đây là khu du lịch có quy mô lớn, rộng 120ha, chưa kể diện tích mặt hồ nước. Được đầu tư xây dựng trên khu vực có địa hình đa dạng như triền đồi, dốc, khe, khu du lịch này vừa mang tính hiện đại vừa thể hiện bản sắc dân tộc. Đặt chân đến nơi đây, du khách sẽ rất hài lòng vì khí hậu mát mẻ., Nhiệt độ trung bình năm là 20,70C, lượng mưa trung bình năm 2.000mm, thích hợp cho hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng. Bao bọc hồ Ea Kao là một không gian xanh ngát. Không chỉ có cây rừng, chim rừng, vườn hoa trong khuôn viên du lịch cũng làm cho cảnh vật thêm hương sắc. Khu du lịch hồ Ea Kao được chia làm nhiều khu nhỏ hơn so với các hoạt động du lịch khác nhau như khu vui chơi giải trí, khu nhà nghỉ, khu vườn thực vật, khu thiếu nhi, khu cắm trại, khu bảo tồn thiên nhiên, vừa có giá trị du lịch, vừa mang lại hiệu quả cao về mặt thẩm mĩ, sức khỏe, giáo dục và kinh tế. Cảnh quan thiên nhiên đẹp, rất nhiều cây xanh, hồ nước rộng và sạch đã góp phần giữ gìn và tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái của vùng, đồng thời bảo tồn và nâng cao giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Ngoài hồ Lak, hồ Ea Kao, Dak Lak còn có rất nhiều hồ đẹp, có thể khai thác du lịch như hồ Ea Súp, hồ Ea Nhaie, hồ Buôn Triết. Tạo hoá đã ban tặng cho Dak Lak những cảnh đẹp về mặt địa hình rất có giá trị du lịch như thác, hồ, các bãi đá hình thù kì dị, thung lũng, núi đồi. Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, chắc chắn không thể bỏ sót những tài nguyên này, chúng làm cho Dak Lak thêm phần hấp dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước. Khu vực phân bố của đa số các hồ và thác là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc. Việc khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên địa hình có cân nhắc đến nền văn hoá và kế sinh nhai của các cộng đồng dân tộc sống quanh thác, hồ sẽ đảm bảo cho du lịch Dak Lak phát triển theo hướng bền vững. 2.1.1.2. Khí hậu Nằm trên cao nguyên có độ cao trung bình 500m so với mặt nước biển, Dak Lak vừa mang khí hậu mát dịu ở vùng cao, vừa chịu sự chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm 240C, lượng ánh sáng dồi dào với cường độ tương đối ổn định, số giờ nắng trong năm 2005 là 2.299,8 giờ, lượng mưa trung bình 1.913,3 mm và độ ẩm trung bình 81%. Khí hậu nơi đây chia thành hai mùa riêng biệt. Mùa mưa từ tháng 5 tới tháng 11, chiếm trên 70% lượng mưa cả năm. Mưa nhiều nhất vào tháng 8, vào mùa mưa, thời tiết đặc biệt mát mẻ. Hoà với cảnh quan thiên nhiên xanh tươi, mùa mưa tạo cảm giác rất dễ chịu cho du khách. Vì vậy, trong những tháng hè, lượng du khách đến Dak Lak khá đông. Dak Lak mát mẻ hơn nhiều so với các tỉnh miền Đông Nam Bộ mà lại không lạnh như Đà Lạt, nên cũng thích hợp với những người có nhu cầu nghỉ dưỡng. Dak Lak lại không có bão nên tạo tâm lí an tâm cho khách du lịch. Mùa khô bắt đầu từ tháng 12 và kết thúc vào tháng 4 năm sau. Trong mùa khô, độ ẩm giảm, gió Đông Bắc thổi mạnh từ cấp 4 đến cấp 6, lượng nước bốc hơi lớn nên thời tiết khô. Cuối mùa mưa, khoảng tháng 10 đến đầu mùa khô, trời khô lạnh, nhiệt độ trung bình 210C. Bà con giáo dân đón Giáng sinh trong áo ấm, mũ len, bao tay, cảnh sắc Dak Lak thật đẹp. Mùa khô trên cao nguyên này không khắc nghiệt mà cũng không kéo dài cho nên lớp phủ thực vật có nơi vẫn là rừng rậm thứ sinh. Nhiệt độ cao nhất vào tháng 5 khoảng 26,70 C (năm 2005). Các dòng sông gần như có nước quanh năm. Tỉnh có ba hệ thống sông chính là Sêrêpôk, hệ thống sông Ba và hệ thống sông Đồng Nai cùng với hơn 500 trăm hồ và 833 con suối có độ dài trên 10km. Nguồn nước ngầm khá phong phú, tập trung chủ yếu trong các thành tạo bazan và trầm tích Neôgen đệ tứ, tồn tại dưới hai dạng chủ yếu là nước lỗ hổng và nước khe nứt. Khí hậu được đánh giá là một trong những nhân tố giúp cho du lịch Dak Lak có thể phát triển bền vững. Nhiệt độ, độ ẩm thích hợp với nghỉ dưỡng, nguồn nước dồi dào sẽ góp phần thu hút và phục vụ du khách trong thời gian tham quan, nghỉ dưỡng. 2.1.1.3. Động thực vật Dak Lak ở vị trí giao lưu hội tụ của các luồng di cư động thực vật Hoa Nam (Trung Quốc) từ phía Bắc xuống, Ấn - Miến từ phía Tây sang và Malai - Inđô từ phía Nam lên cho nên có sự đa dạng sinh học lớn. Thảm thực vật và động vật tự nhiên của Dak Lak rất phong phú, độc đáo và có nhiều loài quí hiếm. Theo báo cáo của Sở khoa học, công nghệ và tài nguyên Dak Lak, toàn tỉnh đã phát hiện và thống kê được trên 3.000 loài thực vật bậc cao thuộc gần 120 chi của hơn 150 họ và 61 bộ khác nhau. Trong đó có tới hơn 1.000 cây cảnh quí hiếm và gần 1.000 loài dược liệu. Đấy là chưa kể đến các loài rêu và thực vật bậc thấp. Về động vật cũng phát hiện được 93 loài thú thuộc 26 họ và 16 bộ, 197 loài chim, gần 50 loài bò sát, trên 50 loài cá nước ngọt và hàng ngàn loại côn trùng. Trong số 56 loài động vật có xương sống trên cạn được xem là hiếm ở Đông Dương thì Dak Lak có đến 32 loài, trong đó có tới 17 loài được IUCN xếp vào danh sách các loài quí hiếm cần được bảo vệ như voi, gấu, bò rừng, voọc vá. Sự đa dạng sinh học trên được duy trì và phát triển một phần nhờ diện tích rừng khá lớn ở Dak Lak. Toàn tỉnh có 608.886,2 ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên là 594.488,9 ha, rừng trồng là 14.397,3 ha. Rừng phân bố đều khắp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hành lang biên giới của tỉnh giáp với Campuchia. Rừng vừa có tác dụng phòng hộ lại có nhiều cây đặc sản mang giá trị kinh tế và giá trị khoa học rất cao. Hiện nay, Dak Lak đã có hai vườn quốc gia và hai khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng không chỉ với Tây Nguyên, Việt Nam mà cả thế giới. Tại những khu vực này, các ban quản lí đã tổ chức bảo vệ rừng, cắm mốc phân định ranh giới bảo vệ, khoanh vùng rừng đệm đồng thời hướng dẫn người dân về công tác phòng chống cháy rừng. Các tổ chức WWF, IUCN, WB và BirdLife cũng phối hợp tài trợ, nghiên cứu và bảo tồn với các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên nói trên. Có thể nói tài nguyên thực - động vật Dak Lak là một trong những nhân tố quan trọng tạo điều kiện cho du lịch Dak Lak phát triển theo hướng bền vững nếu được khai thác hợp lý. Vườn quốc gia York Đôn nằm trong khu du lịch Buôn Đôn, cách TP. BMT 42km về phía Tây Bắc. Thành lập từ năm 1992, vườn quốc gia York Đôn được xếp vào loại A trong các khu bảo vệ có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và là một trong 11 khu bảo vệ được đề xuất ưu tiên bảo tồn và cần được mở rộng. Được đánh giá là vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam, York Đôn có diện tích gần 116.000 ha dọc theo sông Sêrêpôk. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên kì vĩ, một khu rừng nguyên sinh nhiều tầng, nhiều lớp phong phú. 62 loài động vật có vú, 196 loài chim, 40 loài bò sát, 13 loài lưỡng cư và 464 loài thực vật sinh sống nơi đây. Trong số 56 loài động vật hiếm thống kê được ở Đông Dương thì 38 loài có ở York Đôn. Tại York Đôn đang có 20 loài cây nằm trong sách Đỏ Việt Nam và nhiều loài thú trong Sách đỏ thế giới như voi (elephans maximus), bò tót (bos gaurus), sói đỏ (coun alpinus), khỉ đuôi lợn (macaca nemestrina). Mới đây, các nhà khoa học phát hiện ra bốn loài thú mới, 51 loài chim, sáu loài bò sát, ba loài lưỡng cư mới và._.hợp với đi voi.  Loại hình du lịch văn hoá - lịch sử Đây là thế mạnh của du lịch Dak Lak, được chọn làm bước đột phá trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương. - Du lịch văn hoá được tổ chức ở các dạng: + Tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử - văn hoá như nhà đày Buôn Ma Thuột, chùa sắc tứ Khải Đoan, đình Lạc Giao, tháp Chăm Yang Prong. + Lễ hội văn hoá: pháp lý hoá một số lễ hội tại địa phương và tổ chức theo định kì thống nhất trong năm như hội voi, lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả, hội cồng chiêng, lễ cúng bến nước, lễ cúng voi, lễ mừng nhà mới. Các lễ hội này trước đây cũng được tổ chức nhưng còn mang tính tự phát, ngày giờ tổ chức không thống nhất, nghi thức còn ít nhiều tuỳ tiện, vì vậy mà việc xây dựng các chương trình du lịch để chào bán rất khó khăn. + Sinh hoạt văn hoá truyền thống tại các buôn làng đồng bào dân tộc, thưởng thức ca múa nhạc dân tộc, uống rượu cần, nghe kể sử thi của đồng bào Ê Đê, M’nông, hoà nhập với cuộc sống cộng đồng của bà con trong buôn làng. - Du lịch vui chơi giải trí, thể thao: tổ chức tại công viên nước Dak Lak, công viên nước Đại Dương, khu du lịch Phúc Ban Mê. - Du lịch nghiên cứu khoa học: tổ chức tại vườn quốc gia York Đôn, Chư Yang Sin và các khu bảo tồn thiên nhiên. Các dự án đầu tư cần có sự nhìn nhận đúng đắn về tiềm năng và lợi thế của sản phẩm ở từng vùng để thiết kế xây dựng chương trình và sản phẩm dịch vụ theo tính chất đặc thù riêng của từng vùng, buộc du khách phải đi đến nơi đó mới thưởng thức được các sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu và mục đích du lịch của mình. Điều đó sẽ khắc phục tâm lý nhàm chán của du khách vì đi đến đâu cũng thấy giống nhau về sản phẩm và dịch vụ phục vụ. Đồng thời, buộc du khách phải đi thật nhiều điểm du lịch mới thưởng thức được hết các sản phẩm đặc thù của từng nơi, nhờ vậy du lịch Dak Lak mới có thể kéo dài thời gian lưu lại của khách, tăng được số ngày lưu trú bình quân, các khách sạn sẽ có cơ hội phục vụ để tăng doanh thu.  Khai thác văn hoá ẩm thực phục vụ khách du lịch Dak Lak có những món ăn, thức uống đặc sản, nguyên liệu từ núi rừng Tây Nguyên, vừa lạ, vừa hấp dẫn du khách. Các nhà hàng lớn ở tỉnh đều có những món ăn Âu, Á, thuỷ hải sản, rau quả từ bình dân đến cao cấp. Tuy nhiên, ẩm thực của Dak Lak còn có những món ăn đặc trưng khác cần được nghiên cứu, đưa vào chương trình ẩm thực để trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Các sản phẩm ẩm thực sẵn có cần được đưa vào khai thác như súp cà đắng, thịt heo nướng xiên, núc nác thịt bò, heo nướng ống lồ ô, thục chua, lá bép, cơm lam gà nướng nhằm làm phong phú ẩm thực địa phương. Muốn vậy, cần tham gia các liên hoan ẩm thực trong nước và các sự kiện du lịch khác của các địa phương để giới thiệu ẩm thực Dak Lak; gắn với các sự kiện du lịch để giới thiệu và phục vụ khách, làm cho ẩm thực trở thành món ăn ưa thích của du khách. Làm được điều này vừa khai thác được nguyên liệu sẵn có, vừa thu hút khách du lịch và tăng thu nhập cho một số vùng dân cư.  Thúc đẩy sản xuất và bán hàng hoá phục vụ du lịch Tại Dak Lak, tỉ lệ chi tiêu của khách trong du lịch rất thấp, dưới 10%, trong khi đó ở Thái Lan là 50%. Để khai thác thế mạnh làng nghề truyền thống và tăng chi tiêu của khách du lịch, cần đầu tư cho các làng nghề và đa dạng hoá sản phẩm và bán sản phẩm tại chỗ cho du khách. Các cơ sở chế biến lớn như cà phê, hạt điều, nuôi ong cũng trở thành nơi tham quan của khách du lịch, tuyên truyền quảng bá về nghề và sản phẩm, tổ chức hoạt động triển lãm, xúc tiến các làng nghề thu hút khách và nâng cao chất lượng phục vụ khách.  Nâng cao chất lượng phục vụ du lịch Tăng cường năng lực của ngành, nâng cao chất lượng phục vụ trong hệ thống khách sạn, nhà hàng, trong hoạt động hướng dẫn và vận chuyển khách du lịch và các khâu đón tiếp, dịch vụ khác. Đa dạng hoá các loại hình lưu trú, các tour, tuyến du lịch, loại hình du lịch, hàng lưu niệm cung cấp cho khách du lịch. Tăng cường khả năng hội nhập của du lịch tỉnh trong vùng, khu vực và cả nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành tiếp cận với công nghệ hiện đại, nâng cao tinh thần trách nhiệm và văn hoá giao tiếp với khách du lịch của các nhân viên du lịch để thể hiện sự hiểu biết và tính hiếu khách của mình, coi đây là một rong những lợi thế cạnh tranh. 3.2.1.4. Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển thị trường Hiện nay, các nguồn thông tin chính thức được phát hành về du lịch Dak Lak còn rất hạn chế về mọi mặt. Những thông tin không chính thức qua kinh nghiệm và truyền miệng của du khách được đánh giá là những nguồn thông tin quan trọng để khách du lịch biết được và đến với Dak Lak. Để góp phần đẩy nhanh sự phát triển của ngành du lịch, nâng cao hiệu quả kinh doanh, cần tập trung thực hiện một số việc sau đây.  Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch - Nhanh chóng phát hành những ấn phẩm, những tập gấp có chất lượng, bản đồ du lịch, sách du lịch có nội dung bao gồm những thông tin cần thiết cho du khách như các điểm lưu trú, các điểm tham quan du lịch, chương trình du lịch, giá cả, phương tiện và cung cấp miễn phí cho du khách tại sân bay, khách sạn, trên các phương tiện di chuyển du lịch và các điểm du lịch. - Phát hành rộng rãi các băng hình, phim ảnh, tư liệu về lịch sử, văn hoá, các công trình kiến trúc nghệ thuật, các lễ hội văn hoá và cả những cơ hội, khả năng đầu tư phát triển du lịch để giới thiệu với du khách và doanh nhân trong và ngoài nước. - Xây dựng các biển quảng cáo lớn tại các trục đường chính vào Dak Lak, đặt các biển chỉ dẫn tại các khu, điểm du lịch. - Lập website về du lịch để đưa lên mạng internet, làm đĩa CD-ROM du lịch. - Cộng tác chặt chẽ với các tạp chí, báo du lịch, các cơ quan phát thanh truyền hình của trung ương và địa phương bằng cách thường xuyên gởi bài viết, quay phim tư liệu để giới thiệu về du lịch Dak Lak. - Nối mạng thông tin với Tổng cục Du lịch và các ngành liên quan để thường xuyên cập nhật các thông tin quản lý Nhà nước trong du lịch, cập nhật thông tin về tiềm năng du lịch và các thông tin chuyện đề của từng vùng, từng khu; xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm du lịch Dak Lak. - Tham gia các hội nghị, hội thảo và hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để có điều kiện tiếp thị những sản phẩm đặc sắc của du lịch Dak Lak. - Trong những điều kiện thuận lợi, có thể mở văn phòng đại diện du lịch tại các thị trường lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên mở văn phòng đại diện ở nước ngoài để tiếp thị, xúc tiến du lịch Dak Lak. - Phổ biến thời gian và các chương trình lễ hội voi, cồng chiên, các hoạt động du lịch sẽ diễn ra trong năm để du khách biết đến và thưởng thức.  Phát triển thị trường Xác định thị trường chính của du lịch Dak Lak là thị trường nội địa, hiện đang chiếm 92,84% lượng khách. Chiến lược sản phẩm và thị trường bao gồm: - Chiến lược sản phẩm cũ, thị trường cũ: tiếp thị ở các thị trường đã chấp nhận và quen với sản phẩm du lịch của địa phương. Cần có những chính sách thích hợp về giá cả, có dự đầu tư thoả đáng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để khuyến khích họ sử dụng các sản phẩm du lịch. - Chiến lược sản phẩm cũ, thị trường mới: tiếp thị các thị trường lớn như Nhật Bản, các nước Asean và các tỉnh trong vùng du lịch Nam Trung Bộ. Việc tiếp thị, quảng bá này sẽ gặp nhiều khó khăn vì đây là những thị trường mới, đòi hỏi phải có chiến lược cụ thể. - Chiến lược sản phẩm mới, thị trường cũ: đây là chiến lược có nhiều khả năng thực thi hơn cả, vì chỉ có đa dạng hoá sản phẩm du lịch mới có khả năng xoá tan sự nhàm chán và giảm sút của thị trường khách cũ, đồng thời, có sức hấp dẫn, thu hút thị trường khách mới. - Chiến lược sản phẩm mới, thị trường mới: chiến lược này đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn cho việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch, cho công tác tuyên truyền quảng cáo để tìm thị trường mới. Nếu không thực hiện tốt hai việc trên thì chiến lược này ít có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao. 3.2.1.5. Vốn Theo tính toán dự báo, tốc độ tăng trưởng bình quân của du lịch Dak Lak thời kì 2006 – 2010 là 17%. Để đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng trên, cần có sự đầu tư rất lớn. Do đó, cần huy động sự tham gia của nhiều ngành, nhiều thành phần kinh tế và toàn xã hội. Các nước trong khu vực đã chi từ ngân sách nhà nước những khoản chi phí rất lớn cho hoạt động du lịch như Thái Lan trung bình 70 triệu USD/ năm, Singapo 60 triệu USD/năm, Malaixia 50 triệu USD/ năm, nhờ vậy lượng khách quốc tế đến thị trường này khá ổn định. Một số tỉnh ở nước ta cũng đầu tư rất lớn cho du lịch như Nha Trang đầu tư 1620 tỷ đồng giai đoạn 2001 - 2005. Đối với tỉnh Dak Lak, giai đoạn 2001 - 2005, đầu tư của nhà nước và các thành phần kinh tế cho du lịch mới chỉ đạt 305,79 tỷ đồng. Dự kiến số vốn đầu tư cho du lịch Dak Lak giai đoạn 2006 - 2010 cần huy động là 677,12 tỷ đồng. Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch để thu hút kêu gọi đầu tư của các thành phần kinh tế vào kinh doanh du lịch. Các nguồn vốn có thể huy động cho du lịch như sau: - Vốn ngân sách nhà nước. Hàng năm, bình quân ngân sách nhà nước trung ương và địa phương cần đầu tư cho du lịch khoảng 28 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 2006 – 2010, vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu du lịch Dak Lak là 140,27 tỷ đồng. “Nguồn: Sở Thương mại - Du lịch Dak Lak 2006”. - Vốn từ nguồn tích luỹ của ngành du lịch. Đây là giải pháp tích cực về vốn, mở ra khả năng cho phép ngành du lịch chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng xây dựng các kế hoạch phát triển cụ thể trên cơ sở quy hoạch được duyệt. Nguồn tích luỹ này có thể tập trung cho việc thiết kế và phát triển tour du lịch, đa dạng hoá sản phẩm du lịch đặc thù của Dak Lak và xúc tiến thực hiện các dự án. - Vay từ quỹ hỗ trợ phát triển: từ cuối năm 2001, UBND tỉnh Dak Lak đã có chủ trương để các doanh nghiệp du lịch được vay tín dụng từ quỹ hỗ trợ phát triển theo quyết định số 3767/2001/QĐ - UB ngày 03/12/2001. Nguốn vốn vay nên tập trung cho cơ sở hạ tầng du lịch và hỗ trợ đào tạo lao động cũng như kinh tế của các địa phương làm du lịch, thường là các huyện đang có điều kiện kinh tế khó khăn như Krông Bông, Ea Súp. - Vay ngân hàng thương mại; nguồn vốn này chiếm tỉ lệ thấp vì khả năng của các doanh nghiệp để vay nguồn vốn này rất giới hạn, 10% vốn dự án. - Thu hút vốn đầu tư trong nước thông qua việc tăng cường liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư nhằm tập trung cho cơ sở hạ tầng, và phát triển công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp địa phương để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hơn nữa. - Thu hút vốn đầu tư tư nhân và các thành phần kinh tế khác thông qua chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch của tỉnh nhằm thu hút nguồn vốn còn nhàn rỗi trong dân và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư phát triển du lịch. Nguồn vốn này có thể đầu tư cho cơ sở lưu trú và các dịch vụ khác như nhà hàng, khu giải trí. - Huy động từ các nguồn vốn khác. 3.1.2. Nhóm giải pháp về xã hội 3.1.2.1. Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về du lịch văn hoá và sinh thái, đặc biệt là nâng cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng cư dân Dak Lak, có sự phối hợp hành động giữa các ngành, các cấp và toàn xã hội trong hoạt động du lịch. Quán triệt nghị quyết số 45/NQ - CP của Chính phủ, chỉ thị số 46/CT - TW của Ban bí thư Trung ương Đảng về quan điểm đổi mới về phát triển du lịch trong tình hình mới, phổ biến Pháp lệnh du lịch và các văn bản liên quan hướng dẫn thi hành. Đào tạo nhân viên hiểu biết bản chất của du lịch bền vững, khích lệ ý thức trách nhiệm đối với địa phương của khách du lịch, đào tạo cán bộ và quản lý người địa phương, đề cao ý thức tự hào trong công việc và chăm lo đến địa phương, đến nhân dân. Đưa những vấn đề về môi trường, văn hoá và xã hội vào chương trình đào tạo. Nâng cao ý thức của người dân về du lịch bền vững, bảo vệ môi trường và bản sắc văn hoá dân tộc, tự hào dân tộc. Thực hiện giải pháp này sẽ nâng cao nhận thức cho toàn thể đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành để có cách nhìn, cách suy nghĩ đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Người dân cũng nhận thức sâu hơn về vai trò của mỗi cá nhân trong phát triển du lịch bền vững. Từ đó, trong công tác sẽ có sự tác động, giúp đỡ, hỗ trợ cho sự phát triển của hoạt động du lịch. Trong giải pháp này cần lưu ý đến vấn đề nâng cao dân trí và văn hoá của người dân Dak Lak để từ đó nâng cao nhận thức của cư dân về hoạt động du lịch, tạo điều kiện cho họ tham gia với trách nhiệm cộng đồng, có biện pháp giải quyết một cách hài hoà giữa lợi ích và thu nhập xã hội nhằm xã hội hoá hoạt động du lịch và phát triển du lịch một cách bền vững. 3.1.2.2. Tăng cường quản lý Nhà nước và phát triển nguồn nhân lực du lịch  Hoàn thiện và xây dựng cơ chế chính sách du lịch - Bổ sung, hoàn chỉnh chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch của tỉnh - Nghiên cứu cơ chế vay ưu đãi để đầu tư phát triển du lịch - Xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ, tôn tạo và khai thác các công trình văn hoá, di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh. - Thành lập Hiệp hội du lịch nhằm hỗ trợ và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh du lịch.  Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ nhân viên nhằm nâng cao trình độ quản lý, năng lực công tác và nghiệp vụ du lịch cho cán bộ nhân viên đang công tác trong ngành. Du lịch là một ngành kinh tế đòi hỏi có sự giao tiếp rộng và trực tiếp đối với khách, đòi hỏi trình độ nghiệp vụ, phong cách và thái độ giao dịch, ứng xử của nhân viên trong ngành, đặc biệt là hướng dẫn viên, lễ tân phải rất cao, nhất là kiến thức về lịch sử, văn hoá, ngoại ngữ. Trong thời gian qua, do sự bức xúc trong phát triển cũng như do sự tồn tại của lề lối làm việc thời bao cấp đã phải tạm chấp nhận một đội ngũ cán bộ nhân viên với trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Còn hiện nay, khi Việt Nam đã gia nhập WTO, du lịch Việt Nam đang vươn tới hội nhập với du lịch của các nước trong khu vực và trên thế giới, trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành buộc phải được nâng cao để đạt được những chuẩn mực của quốc gia và quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu trên, cần phải có một chương trình đào tạo toàn diện với kế hoạch cụ thể về đào tạo mới và đào tạo bổ túc, nâng cao kiến thức quản lý và trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên hiện đang công tác trong ngành, kể cả khu vực Nhà nước và tư nhân. Hướng đào tạo của chương trình này bao gồm: - Điều tra lại để phân loại trình độ nghiệp vụ của toàn bộ cán bộ nhân viên du lịch để đưa ra một kế hoạch đào tạo cụ thể về các cấp trình độ chuyên ngành. - Tiến hành thực hiện chương trình đào tạo lại theo hướng đào tạo bổ túc, đào tạo tại chức cho cán bộ nhân viên theo các cấp trình độ khác nhau, chuyên ngành khác nhau như quản lý, lễ tân, phục vụ buồng, phục vụ bàn, bếp, hướng dẫn viên. - Tào tạo ngắn hạn định kì tại địa phương, mời giảng viên của các trường nghiệp vụ du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế tham gia giảng dạy. - Khuyến khích mở rộng hệ đào tạo chính quy về du lịch. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành du lịch.  Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý nhà nước về du lịch. Giải pháp này xuất phát từ tính đa ngành của du lịch. Nó đòi hỏi phải có sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực của bản thân ngành du lịch cũng như có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng để tổ chức thực hiện chứ bản thân ngành du lịch tự thân vận động thì không thể làm tốt được. Sự phối hợp này càng chặt chẽ, đồng bộ thì hoạt động du lịch càng có điều kiện để phát triển nhanh và vững chắc. Trong giai đoạn tới cần tập trung giải quyết các lĩnh vực: giao, cho thuê đất, rừng cho các khu du lịch, vấn đề thuế, phí; phương tiện vận chuyển khách du lịch; chính sách đầu tư vào du lịch.  Xem xét và kiến nghị các chính sách ưu đãi đới với địa phương để thu hút mạnh vốn đầu tư, đẩy nhanh việc phát triển cơ sở vật chất kĩ thuật cho ngành du lịch. Tổ chức các đợt tham quan để nghiên cứu và học tập kinh nghiệm ở các tỉnh, thành phố mà đã thực hiện tốt việc kêu gọi đầu tư nhờ chính sách đãi ngộ và thủ tục thông thoáng. Các nội dung nghiên cứu tập trung vào những vấn đề sau: - Chính sách, thuế: có sự ưu tiên, miễn giảm thuế, không thu thuế trong thời gian nhất định nhằm thay đổi cơ cấu đầu tư vào các vùng đất còn hoang sơ và tài nguyên du lịch chưa được khai thác; khuyến khích mở các hình thức kinh doanh dịch vụ du lịch mới mẻ có khả năng tăng thời gian lưu trú của khách, tăng hiệu quả xã hội, hấp dẫn với cộng đồng dân cư. - Chính sách về đầu tư: tập trung cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng và đơn giản hoá hơn nữa các thủ tục hành chính, rút ngắn về mặt thời gian để tăng thêm sự hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư khi có ý định tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch. - Chính sách về tổ chức, quản lý: đảm bảo sự quản lý có hiệu quả, đảm bảo sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa hệ thống cơ chế chính sách với quá trình tổ chức thực thi của bộ máy quản lý và đội ngũ cán bộ công chức.  Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời chấn chỉnh những vấn đề bất cập nảy sinh trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch. Nòng cốt của việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát này là bộ phận thanh tra của Sở Thương mại – du lịch và có sự phối hợp của phòng du lịch của sở, ngành công an, y tế, văn hoá thông tin và Chi cục quản lý thị trường tỉnh để giải quyết, xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch. 3.1.3. Nhóm giải pháp về môi trường – tài nguyên Du lịch phát triển sẽ có nhiều tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Song việc phát triển du lịch cũng như nhiều ngành kinh tế khác, đều có tác động đến tài nguyên và môi trường theo hướng tích cực và tiêu cực. Nghiên cứu để có giải pháp khắc phục tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đến tài nguyên môi trường là vấn đề cần thiết và quan trọng để đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững. Ở đây cần chú ý đến hai khía cạnh môi trường tài nguyên thiên nhiên và môi trường nhân văn. - Đối với môi trường tài nguyên thiên nhiên, cần khắc phục những tác động tiêu cực như tình trạng chất thải của khu du lịch. Biện pháp là tổ chức các hệ thống thu gom, xử lý chất thải cho các khu du lịch, điểm du lịch. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường của các dự án ứng dụng các công nghệ thích hợp để xử lý, giảm thiểu ô nhiễm. Khắc phục việc làm giảm tính đa dạng sinh học như chặt phá rừng bừa bãi để xây dựng các công trình dịch vụ, săn bắn những loại động vật hoang dã để phục vụ khách du lịch hoặc bản thân khách du lịch thực hiện. Biện pháp khắc phục là thường xuyên tuyên truyền giáo dục về công tác bảo vệ môi trường cho nhân dân trong vùng dự án, cho những người làm công tác du lịch, xây dựng nội quy về bảo vệ môi trường cho các khu du lịch, điểm du lịch và động viên cư dân bản địa cùng phối hợp tham gia làm công tác bảo vệ môi trường; ban hành quy chế và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm, làm giảm đa dạng sinh học. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành như: Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Thương mại - Du lịch, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công nghiệp, Sở Y tế, cùng với các huyện, TP. BMT để xây dựng chương trình giám sát việc thực thi lụât về môi trường, về quản lý và xử lý chất thải, vận động hướng dẫn các doanh nghiệp, các tổ chức, các tầng lớp dân cư đăng ký tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, tham gia kiểm tra, thanh tra việc chấp hành Luật Môi trường và các quy định có liên quan của tỉnh. - Đối với môi trường nhân văn, tác động tiêu cực thể hiện ở một số vấn đề như cơ cấu dân số sẽ thay đổi, cả về thành phần, giới tính, tình trạng nhập cư là hiện tượng khá phổ biến tại các điểm du lịch, khu du lịch, trật tự xã hội sẽ phức tạp hơn; chuẩn mực xã hội và đạo đức xã hội dễ bị thay đổi, tệ nạn xã hội dễ gia tăng; văn hoá bị ảnh hưởng, dễ xảy ra hiện tượng lai căng, bắt chước những yếu tố không phù hợp với văn hoá bản địa; giá cả các loại hàng hoá tăng, dịch vụ tuỳ tiện làm ảnh hưởng đến tâm lý du khách. Biện pháp khắc phục là phối hợp với địa phương và các ngành liên quan tổ chức quản lý các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch theo Chỉ thị số 07/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Tổng cục du lịch, giữ gìn bản sắc văn hoá và sự cân bằng trong đời sống văn hoá. Bên cạnh đó, phải giải quyết các vấn đề xã hội khác như tệ nạn xã hội, tình trạng người ăn xin, những người sống lang thang cơ nhỡ, tệ móc túi, cướp giật và giải quyết triệt để vấn đề vệ sinh môi trường đô thị. Cần tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng các nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh Dak Lak, cả về tự nhiên lẫn nhân văn. Nhanh chóng nghiên cứu phát hiện ra những nơi có nhiều tiềm năng du lịch để quy hoạch thành những điểm du lịch mới, cân đối hài hoà giữa hoạt động khai thác và bảo tồn tài nguyên du lịch. Tôn tạo các di tích, các công trình kiến trúc cổ có giá trị như tháp Chăm Yang Prong, tái hiện lại các loại hình nghệ thuật đặc sắc như các điệu múa của các dân tộc, kể sử thi, nhằm mục đích tôn tạo và phát triển nguồn tài nguyên nhân văn du lịch, tạo sự phong phú đa dạng của sản phẩm. Xây dựng bộ phận chuyên quản lý và phát triển về các nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh Dak Lak. Nhanh chóng lập kế hoạch, phát triển tài nguyên, nâng cấp, trùng tu tôn tạo các công trình kiến trúc, các di tích lịch sử có giá trị văn hoá cao. Có thể mời các chuyên gia du lịch, tổ chức các đề tài nghiên cứu khoa học về môi trường, tài nguyên du lịch của tỉnh nhằm kết hợp hài hoà giữa yêu cầu phát triển với gìn giữ môi trường và tài nguyên. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ Kết luận và kiến nghị Trong thời gian qua, mặc dù đã có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền, nhưng do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan về cơ chế nên Sở Thương mại - Du lịch chưa phát huy hết vai trò của mình trong công tác quản lý, tham mưu với các cấp chính quyền về các cơ chế, chính sách, các quy định cụ thể phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của địa phương nhằm tạo môi trường phát triển thuận lợi cho hoạt động du lịch, để du lịch có thể có những đóng góp xứng đáng hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương. Trong những điều kiện thuận lợi mới hiện nay, Việt Nam đã được đánh giá là an toàn và thân thiện hơn đối với các nước trong khu vực, số lượng khách đến Việt Nam và từ đó đến Dak Lak ngày càng tăng nhanh, khả năng thu hút vốn đầu tư du lịch và khách du lịch là một thách thức và là cơ hội phát triển. Du lịch Dak Lak hiện nay tuy có tốc độ tăng trưởng liên tục qua từng năm nhưng nhìn chung, du lịch vẫn còn chiếm tỉ trọng thấp trong cơ cấu GDP của tỉnh, vì đây là ngành kinh tế còn rất non trẻ. Xét về triển vọng tương lai, Dak Lak đang ở ngưỡng cửa của một vùng có tiềm năng lớn cho việc phát triển du lịch bởi tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng, nếu khai thác tốt sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc thù của vùng đất Tây Nguyên. Tiềm năng du lịch sinh thái và văn hoá là thế mạnh của Dak Lak, phù hợp với xu thế tham quan du lịch của thời đại ngày nay là muốn hoà nhập với thiên nhiên và tìm hiểu các giá trị văn hoá xa xưa có tính truyền thống. Phải cố gắng giữ cho được những thắng cảnh thiên nhiên, truyền thống văn hoá lâu đời và những di tích kiến trúc lịch sử có giá trị. Chỉ khi nào còn giữ được những nét đặc thù, những nét truyền thống độc đáo này thì Dak Lak mới có thể thu hút được nhiều du khách và việc phát triển du lịch mới có tính bền vững. Để nhanh chóng khai thác một cách đầy đủ tiềm năng du lịch của tỉnh, duy trì được cảnh quan thiên nhiên, trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử, khôi phục và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch, xin đưa ra một số kiến nghị:  Kiến nghị với Tỉnh: Tỉnh đầu tư hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc tại các khu du lịch trọng điểm và các vùng có tiềm năng du lịch lớn của tỉnh. Hàng năm sử dụng nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho công tác chuẩn bị đầu tư, làm cơ sở cho việc kêu gọi vốn đầu tư phát triển du lịch, hỗ trợ phát triển các làng nghề sản xuất các sản phẩm phục vụ cho du lịch.  Kiến nghị với Chính phủ: Quan tâm hơn nữa đến ngành du lịch Dak Lak, ưu tiên về việc cấp vốn hỗ trợ cho Dak Lak để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện phát triển các tuyến, điểm du lịch và khu du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Trước mắt là cho hai khu du lịch lớn là khu du lịch sinh thái Buôn Đôn và khu du lịch hồ Lak. Xem xét nội dung Đề án phát triển du lịch của tỉnh để có chủ trương đưa Dak Lak thành tỉnh trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.  Kiến nghị với Tổng cục du lịch: - Tham mưu trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định, thông tư hướng dẫn về quản lý, đầu tư khai thác các khu, tuyến điểm du lịch nhằm giúp cho Sở Thương mại - du lịch có cơ sở triển khai công tác quản lý và hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác tốt nhất hệ thống các tuyến điểm du dịch của địa phương trong quá trình hoạt động kinh doanh. - Xây dựng quy chế phối hợp giữa Tổng cục du lịch và Bộ Văn hoá thông tin để các địa phương có cơ sở triển khai và vận dụng vào tình hình thực tiễn của mình, tạo điều kiện thực hiện và đẩy mạnh phát triển du lịch văn hoá. - Có kế hoạch đào tạo nghề du lịch cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên và có chính sách hỗ trợ trong khâu đào tạo để các doanh nghiệp có điều kiện tham gia đào tạo nguồn nhân lực được thuận lợi. - Quan tâm hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch Dak Lak và kinh phí cho công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch. - Xem xét đưa Dak Lak vào danh sách những tỉnh trọng điểm phát triển du lịch theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt 1. GS. TSKH. Lê Huy Bá (2004), Du lịch sinh thái, Nxb TP. HCM, TP. HCM. 2. GS. TSKH Lê Huy Bá chủ biên (2002), Tài nguyên môi trường và phát triển bền vững, Nxb Khoa học và kỹ thuật, TP. HCM. 3. Bảo tàng Dak Lak (2005), Buôn Ma Thuột những sự kiện lịch sử, Dak Lak. 4. Nguyễn Đình Hoè, Vũ Văn Hiếu (2004), Du lịch bền vững, Nxb Quốc gia, Hà Nội. 5. GS. TS. Nguyễn Đức Thịnh (2007), Những mảng màu văn hoá Tây Nguyên, Nxb Trẻ, TP. HCM. 6. Tổng cục Thống kê, cục thống kê tỉnh Dak Lak (2006), Niên giám thống kê 2005, Dak Lak. 7. Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ giáo dục vì sự nghiệp phát triển bền vững (2007), Nâng cao nhận thức và năng lực phát triển du lịch bền vững trong thời đại toàn cầu hoá, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội. 8. PGS. Nguyễn Minh Tuệ, PGS. PTS. Vũ Tuấn Cảnh, PGS. PTS. Lê Thông, PTS. Phạm Xuân Hậu, PTS. Nguyễn Kim Hồng (1996), Địa lý du lịch, Nxb TP. HCM, TP. HCM. 9. UBND tỉnh Dak Lak (2006), Nghị quyết về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Dak Lak đến năm 2020, Dak Lak. 10. UBND tỉnh Dak Lak (2006), Báo cáo tình hình nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 và kế hoạch năm 2007, Dak Lak. 11. UBND tỉnh Dak Lak (2005), Báo cáo tình hình thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Dak Lak, tài liệu làm việc với Đoàn giám sát của Uỷ ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội, Dak Lak. 12. UBND tỉnh Dak Lak (2004), Quy chế bảo vệ môi trường du lịch tỉnh Dak Lak, ban hành kèm theo quyết định số 29/2004/QĐ-UB ngày 26/12/2004 của UBND tỉnh Dak Lak, Dak Lak. 13. UBND tỉnh Dak Lak (1994), Chỉ thị số 08/CT-UB ngày 21/4/1994 về việc bảo tồn văn hoá cồng chiêng, Dak Lak. 14. Văn phòng Quốc hội (1994), Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kì 1995-2010, Cơ sở dữ liệu luật Việt Nam Lawdata, Hà Nội. 15. La Nữ Ánh Vân (2005), Phát triển du lịch bền vững tỉnh Bình Thuận, Luận án thạc sĩ khoa học Địa lý, trường Đại học Sư phạm TP. HCM, TP. HCM. 16. Hồng Vân (2006), Đường vào nghề du lịch, Nxb Trẻ, TP. HCM. 17. Bùi Thị Hải Yến (2006), Quy hoạch du lịch, Nxb Giáo dục, TP. HCM. 18. WWW, IUCN (1998), Bên kia chân trời xanh, Báo cáo tham luận các nguyên tắc phát triển bền vững, Cục môi trường dịch và xuất bản. Tiếng Anh 1. Colin Hunter, John Shaw (2007), The ecological footprint as a key indicator of sustainable tourism, Tourism Management, Volume 28, Issue 1. 2. David Leslie (2006), Managing Sustainable Tourism – A legacy for the future, Tourism Management, New York. 3. Frances Heyward Currin (2002), Transformation of paradise: Geographical perspectives on tourism development on a small Caribbean island(Utila, Honduras), Master’s thesis, the Department of Geography and Anthropology, University of Memphis. Trang web 1. Uỷ ban dân tộc. URL: 2. Bộ văn hoá, thể thao và du lịch Việt Nam. URL: 3. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Chính phủ. URL: 4. Uỷ ban nhân dân tỉnh Dak Lak. URL: 5. Du lịch Dak Lak. URL: 6. Food and agriculture organization of the United Nations. URL: 7. The global development research center. URL: 8. Bộ tài nguyên và môi trường Việt Nam. URL: 9. Bộ kế hoạch và đầu tư. URL: 10. National geographic. URL: 11. Báo nhân dân. URL: 12. Bộ tài nguyên và môi trường. Cục bảo vệ môi trường URL: 13. Tourism watch. URL: 14. Du lịch Việt Nam. URL: 15. Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam. URL: 16. Sustainable tourism research interest group. URL: ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA7351.pdf
Tài liệu liên quan