Tình thái giảm nhẹ trong diễn ngôn tiếng Việt

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH ____________________ TRẦN THỊ HUỆ TÌNH THÁI GIẢM NHẸ TRONG DIỄN NGÔN TIẾNG VIỆT Chuyên ngành: Ngôn ngữ học Mã số: 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS DƯ NGỌC NGÂN Thành phố Hồ Chí Minh – 2010 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công tr

pdf146 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2403 | Lượt tải: 5download
Tóm tắt tài liệu Tình thái giảm nhẹ trong diễn ngôn tiếng Việt, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ình nghiên cứu nào khác. Tác giả luận văn Trần Thị Huệ LỜI CẢM ƠN Luận văn được hoàn thành dưới sự hướng dẫn tận tình của PGS.TS Dư Ngọc Ngân. Tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Cô. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn phòng Khoa học – Công nghệ sau Đại học, Thư viện trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Thư viện tổng hợp TP.HCM, Thư viện Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và đặc biệt là Quý thầy cô trong tổ Ngôn ngữ - khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm TP.HCM cũng như Quý thầy cô giảng dạy tôi trong thời gian học Cao học đã tận tình giúp đỡ và đóng góp cho tôi những ý kiến quý báu. Đó chính là nền tảng giúp tôi hoàn thành luận văn này. Trần Thị Huệ QUY ƯỚC VIẾT TẮT 1. Hành động ngôn từ: HĐNT 2. Phân tích diễn ngôn: PTDN 3. Quán ngữ tình thái: QNTT 4. Tình thái giảm nhẹ: TTGN 5. Tiểu từ tình thái: TTTT MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Có thể nói vấn đề tình thái trong ngôn ngữ không phải là mới. Từ triết học Hy Lạp cổ đại, khái niệm tình thái của logic học được hình thành dựa trên tính hiện thực (reality), tính tất yếu (necessity) và tính khả hữu (possibility) được phản ảnh trong ngôn ngữ tự nhiên với muôn vàn sắc thái đa dạng. Khi sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt về thế giới thực tại, người ta không thể không lưu ý đến mối quan hệ giữa cách con người diễn đạt về thế giới và chính bản thân thế giới đó. Theo nghĩa rộng, có thể hiểu nói về tình thái là nói về cách mà con người diễn đạt khác nhau về thế giới. Hơn nữa một trong hai chức năng cơ bản của ngôn ngữ là giao tiếp xã hội. Trong quá trình giao tiếp, hoạt động trao đổi giữa người nói và người nghe là hoạt động được tiến hành từ cả hai phía. Trong mỗi câu nói của người này hay người kia ngoài nội dung nghĩa biểu hiện, tức nghĩa biểu thị sự tình trong thế giới khách quan, còn có một nội dung nghĩa biểu thị mối quan hệ giữa sự tình với thế giới khách quan hoặc thái độ của người nói. Nội dung đó, ta gọi là tình thái của câu. Charles Bally đã cho rằng tính tình thái là linh hồn của câu. Không thể tạo ra ý nghĩa lời nói nếu trong lời nói ấy ta không tìm thấy một biểu hiện nào đó của tính tình thái. Mặt khác vấn đề tình thái mà cụ thể là tình thái giảm nhẹ (TTGN) còn gắn liền với tính lịch sự trong giao tiếp, gắn với ngôn ngữ trong sự hành chức của nó. Không thể chỉ xem xét ngôn ngữ như một yếu tố tĩnh tại mà là một hoạt động mang tính liên cá nhân. Giao tiếp như thế nào để đạt được hiệu quả giao tiếp và hơn thế nữa làm thế giao tiếp phải thể hiện nét văn hóa, lịch sự là một điều quan trọng. Nắm bắt về TTGN mà cụ thể là việc nắm bắt hệ thống các phương tiện biểu thị TTGN sẽ góp phần giúp cho hoạt động giao tiếp đạt được những yêu cầu này. Về lĩnh vực tình thái trong tiếng Việt, từ những năm 40 với các tác giả Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ trong “Grammaire Annamite”, tình thái đã được chú ý đến khi các tác giả đề cập đến “thái độ của người nói”. Sau này, những nghiên cứu có tính chất khai phá và đi sâu hơn về tình thái đã xuất hiện với các tác giả như Hoàng Phê [64], [65]; Nguyễn Đức Dân [11]; Cao Xuân Hạo [23], [24], [25]. Rồi đến những chuyên khảo về tình thái cũng liên tục xuất hiện từ Phạm Hùng Việt [92]; Nguyễn Văn Hiệp [28], [29], [30], [31]; Phạm Thị Ly [51]; Nguyễn Thị Lương [48]; Nguyễn Thị Ngọc Hân [27]…Các tác giả nghiên cứu nhiều phương diện của vấn đề tình thái như: nghĩa tình thái của từ; logic tình thái đến logic ngôn ngữ học; từ ngữ pháp chức năng đến ngữ dụng học và đặc trưng tình thái của từ, của câu; chuyên sâu hơn về đặc điểm chức năng của trợ từ tiếng Việt, về tiểu từ tình thái, vị từ tình thái…Tuy nhiên, nghiên cứu về TTGN mà cụ thể hơn nghiên cứu chi tiết để hệ thống hóa các phương tiện diễn đạt TTGN trong diễn ngôn tiếng Việt vẫn còn bỏ ngỏ cho dù thực tế việc sử dụng các phương tiện biểu thị TTGN rất phổ biến trong diễn ngôn tiếng Việt Những vấn đề đã trình bày ở trên đã khuyến khích chúng tôi chọn đề tài “Tình thái giảm nhẹ trong diễn ngôn tiếng Việt” làm đề tài nghiên cứu của mình. Về mặt lí luận: Trên cơ sở kế thừa và phát triển các thành tựu đã có, khi nghiên cứu về TTGN và xây dựng được một hệ thống các phương tiện diễn đạt TTGN trong diễn ngôn tiếng Việt, chúng tôi hy vọng mang đến một cái nhìn sâu sắc và bao quát hơn về vấn đề tình thái trong ngôn ngữ nói chung, trong tiếng Việt nói riêng. Về mặt thực tiễn: Chúng tôi mong rằng luận văn sẽ góp phần trong việc ứng dụng cho việc giao tiếp và dạy tiếng. Giao tiếp sẽ đạt được hiệu quả tối ưu khi biết vận dụng những phương tiện tình thái trong đó có phương tiện TTGN. Việc dạy tiếng Việt cho người Việt cũng như cho người nước ngoài sẽ đơn giản hơn, hiệu quả hơn khi chúng ta giúp họ nhận biết và sử dụng một hệ thống phương tiện biểu thị tình thái nói chung TTGN nói riêng của tiếng Việt. Bởi nó là một trong những cơ sở để người nói tạo dựng phát ngôn cũng như để người nghe tiếp nhận và nắm bắt đúng ý định giao tiếp của người nói. 2. Lịch sử vấn đề Đối tượng nghiên cứu của luận văn là TTGN, các phương tiện biểu thị TTGN trong diễn ngôn tiếng Việt nhưng qua quá trình tổng hợp và tham khảo tài liệu chúng tôi nhận thấy những công trình nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề trên còn rất hạn chế, có thể nói chỉ có một bài viết của tác giả Nguyễn Xuân Thơm [79] là đề cập đến TTGN nhưng giới hạn trong diễn ngôn đàm phán thương mại quốc tế. Bởi vậy, trong phần lịch sử vấn đề, chúng tôi sẽ điểm qua một số công trình nghiên cứu có tính chất nổi bật về vấn đề tình thái trong tiếng Việt nói chung, trong đó có những nghiên cứu đề cập đến một số vấn đề về phương tiện biểu thị tình thái. Về các tác giả nước ngoài: Các tác giả I. I. Glebova, V.M. Solntsev, Yu. Lekomtsev, Bystrov khi viết về ngữ pháp tiếng Việt (bằng tiếng Nga) đã có đề cập đến tiểu từ tình thái. Họ phân loại tiểu từ tình thái theo tiêu chí ngữ nghĩa như: tiểu từ có tính chất nghi vấn, tiểu từ nhấn mạnh, tiểu từ chỉ ra sự đối lập. Tuy nhiên họ xem tiểu từ tình thái như là một từ loại của tiếng Việt hơn là một phương tiện biểu thị tình thái [theo 51; 34]. Một tác giả nước ngoài khác cũng quan tâm đến ngữ pháp tiếng Việt, đó là V.S. Panfilov (2003). Trong chương VIII của cuốn sách “Cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt” [62] (cũng viết bằng tiếng Nga do Nguyễn Thủy Minh dịch), ông đã trình bày về bán hư từ, trong đó có đề cập ngắn gọn đến từ tình thái. Ông cho rằng: “Lớp ngữ pháp này bao gồm những từ như: có lẽ, hình như, quả nhiên, đương nhiên…Những từ này được sử dụng với chức năng định ngữ của câu, thể hiện sự đánh giá đối với sự việc được nhắc tới trong câu, hoặc đối với chính phát ngôn như một hành động lời nói” [62; 277]. Như vậy, có thể thấy chưa có một tác giả nước ngoài nào nghiên cứu chuyên sâu về tình thái cũng như những phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái trong tiếng Việt. Về các tác giả trong nước: Có thể chia các công trình nghiên cứu có liên quan đến tình thái trong tiếng Việt thành hai nhóm: (1) Các tác giả không trực tiếp quan tâm đến vấn đề tình thái nhưng trong quá trình xử lí các vấn đề khác họ đã có ít nhiều đụng chạm đến một bộ phận vấn đề tình thái, như: Nguyễn Kim Thản (1977), Đái Xuân Ninh (1978), Lê Cận – Phan Thiều (1983), Bùi Tất Tươm (1997), Đinh Văn Đức (2001), Diệp Quang Ban (2008), Nguyễn Thiện Giáp (2008). (2) Các tác giả trực tiếp quan tâm đến vấn đề tình thái, họ nghiên cứu rất chi tiết và có nhiều kiến giải sâu sắc vấn đề tình thái trên nhiều phương diện khác nhau. Có thể kể đến những tên tuổi như: Hoàng Phê, Hồ Lê, Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Đức Dân, Hoàng Tuệ, Phạm Hùng Việt, Huỳnh Văn Thông, Nguyễn Thị Lương, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Văn Hiệp, Lê Đông, Nguyễn Xuân Thơm, Phạm Thị Ly, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Thị Ngọc Hân, Ngô Thị Minh, Võ Đại Quang. Chúng tôi sẽ trình bày chi tiết hơn về một số đóng góp của các tác giả nhóm 2 này. Có thể nói Hoàng Phê với bài viết “Phân tích ngữ nghĩa” (1975) [64], “Toán tử logic – tình thái” (1984) [65] và Hồ Lê (1979) với bài viết “Vấn đề logic ngữ nghĩa và tính thông tin trong lời nói” [44] đã gợi mở cho nhiều nghiên cứu về nghĩa tình thái xuất hiện sau này. Hoàng Phê (1984) đi sâu trong việc vận dụng logic của ngôn ngữ tự nhiên để phân tích ngữ nghĩa của một số từ thường dùng hoặc của những đơn vị mà ông gọi là “toán tử logic – tình thái” – phương tiện biểu thị tình thái. Ông cho rằng “nếu quan niệm toán tử trong ngôn ngữ là những đơn vị ngôn ngữ mà khi dùng tác động đến các đơn vị ngôn ngữ thuộc một cấp độ nào đó thì cho ta những đơn vị ngôn ngữ mới (thường là cùng cấp độ), thì có thể nói rằng có toán tử ở tất cả các cấp độ” [65; 5]. Như vậy có toán tử ở cấp độ ngữ âm như thanh điệu, cấp độ từ vựng, cấp độ cú pháp...“Về hình thức toán tử logic – tình thái có thể là một từ, một tổ hợp từ (có khi có hình thức câu) hoặc chỉ đơn giản là một ngữ điệu” [65; 7]. Cũng trong “Toán tử logic – tình thái”, ông phát biểu rằng “Con người sử dụng ngôn ngữ không chỉ nói về hiện thực, mà còn nói nhận thức, sự đánh giá, thái độ của mình, không những nói bằng hiển ngôn, mà còn dùng tiền giả định và nói bằng hàm ngôn. Tất cả những điều đó làm cho tương ứng với các kết tố mệnh đề, ngôn ngữ tự nhiên sử dụng một loạt những toán tử logic – tình thái có chức năng tạo ra những lời có yếu tố tình thái và có thể có cấu trúc ngữ nghĩa nhiều tầng (tiền giả định, hiển ngôn, hàm ngôn)” [65; 7]. Rõ ràng những công trình của Hoàng Phê nêu trên là những đóng góp quý báu cho việc nghiên cứu các phương tiện biểu thị tình thái nói chung, TTGN nói riêng. Sau này, Hồ Lê (1992), trong “Cú pháp tiếng Việt” [45], còn xem trật tự từ như là một trong những phương tiện diễn đạt ý nghĩa tình thái của tiếng Việt. Việc đảo trật tự, thay đổi cấu trúc của câu có thể thể hiện ý định của người nói nhằm tập trung vào điểm nhấn nào đó trong phát ngôn. Năm 1985, Phan Mạnh Hùng có bài viết “Các kiểu tổ hợp tiểu từ tình thái tiếng Việt và ranh giới từ” [36]. Tác giả đã có những nhìn nhận sâu hơn về tiểu từ tình thái tiếng Việt trong khung nghiên cứu từ loại như vị trí các tiểu từ trong hệ thống từ loại, khả năng các tiểu từ kết hợp với nhau…. Cũng đi vào lĩnh vực phân tích ngữ nghĩa của lời nhưng ở góc độ của logic tình thái, Nguyễn Đức Dân (1987) đã có những công trình có tính chất quan trọng về logic tình thái. Trong “Logic – Ngữ nghĩa – Cú Pháp” [11], ông cho rằng: “Logic tình thái là một công cụ hữu hiệu để miêu tả và nghiên cứu ngôn ngữ tự nhiên. Và các ngôn ngữ tự nhiên cũng đặt ra hàng loạt vấn đề về tình thái logic” [11; 39]. Nguyễn Đức Dân đã có cái nhìn tổng quát về vấn đề tình thái như sau: “Tình thái là một vấn đề rất rộng và còn rất mông lung mà các nhà logic học, các nhà kí hiệu học và các nhà ngôn ngữ học quan tâm. Nhưng từ các cách tiếp cận khác nhau và các phương pháp khác nhau lại dẫn đến những kết quả gặp gỡ nhau” [11; 40]. Tác giả cũng nêu ra tính đa nghĩa của từ tình thái. Chỉ cần thay thế từ tình thái này bằng từ tình thái khác trong cùng một phát ngôn sẽ dẫn đến những cách hiểu khác nhau về phát ngôn đó (ví dụ từ có thể và từ phải). Và tác giả còn cho rằng điều đó là do các tác tử tình thái thuộc về hai lớp tình thái khác nhau: tình thái đạo nghĩa và tình thái nhận thức [11; 41]. Hoàng Tuệ (1988) với hai bài viết: “Nhận xét về thời, thể và tình thái trong tiếng Việt” [87; 729] và “Về khái niệm tình thái” [87; 734] in trong “Hoàng Tuệ tuyển tập Ngôn ngữ học” (2001) cho ta một cái nhìn khái quát về vấn đề tình thái trong tương quan đối chiếu với khái niệm thời, thể và tình thái trong ngôn ngữ Châu Âu. Tác giả cũng đề cập đến sự thể hiện ý nghĩa tình thái trong tiếng Việt. Luận án phó tiến sĩ của Phạm Hùng Việt năm 1996, sau này được xuất bản thành sách có tựa đề “Trợ từ trong tiếng Việt hiện đại” (2003) [92], đã đề cập đến chức năng cơ bản của những đơn vị mà ông gọi là “trợ từ câu”, “trợ từ bộ phận” trong tiếng Việt hiện đại. Cũng trong cuốn sách này, khi trình bày về phạm trù tính tình thái trong ngôn ngữ học ông đã đề cập đến các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái. Ông cho rằng: “Cùng với sự phong phú của các ý nghĩa tình thái, các phương tiện dùng để biểu thị ý nghĩa tình thái cũng rất đa dạng” [92; 37]. Ông đã liệt kê một hệ thống các phương tiện như: ngữ âm (ngữ điệu, trọng âm), từ vựng (động từ tình thái, phụ từ, trợ từ, thán từ, quán ngữ tình thái), ngữ pháp (đảo trật tự từ, thay đổi cấu trúc câu...). Đặc biệt qua phân tích cách sử dụng của trợ từ tiếng Việt, tác giả đã cho rằng: “trợ từ tiếng Việt có khả năng tham gia biểu thị một số loại hành vi ngôn ngữ khác nhau gồm cả các hành vi ngôn ngữ chân thực và các hành vi ngôn ngữ gián tiếp” [92; 133]. Điều này chứng tỏ khả năng to lớn của trợ từ tiếng Việt trong việc tham gia biểu thị các ý nghĩa hàm ẩn của phát ngôn. Theo chúng tôi, các hành động ngôn từ (HĐNT) gián tiếp, cách biểu thị ý nghĩa hàm ẩn cũng có thể là phương tiện biểu thị ý nghĩa TTGN. Nghiên cứu chuyên sâu về vị từ tình thái là luận án tiến sĩ “Vị từ tình thái tiếng Việt” [80] của tác giả Huỳnh Văn Thông (1996). Sau này, tác giả còn có bài viết “Mấy nhận xét về vị từ tình thái và ý nghĩa thể trong tiếng Việt” (2000) [81] đã đề cập đến vấn đề tình thái mà cụ thể là vị từ tình thái ở nhiều mức độ và góc cạnh khác nhau. Nguyễn Thị Lương (1996) nghiên cứu chuyên sâu về “Tiểu từ tình thái dứt câu dùng để hỏi với việc biểu thị các hành vi ngôn ngữ trong tiếng Việt” [48] (gồm mười tiểu từ tình thái: à, ư, hả, sao, phỏng, chắc, chăng, chứ, nhỉ nhé). Luận án phó tiến sĩ này của tác giả đã “vận dụng lí thuyết hành vi ngôn ngữ vào việc nghiên cứu chuyên sâu mười tiểu từ tình thái dứt câu dùng để hỏi nhằm tìm ra các hành vi ngôn ngữ mà tiểu từ tình thái dứt câu có khả năng biểu thị trong những ngữ cảnh cụ thể mà chúng xuất hiện, miêu tả đánh giá hiệu lực của các hành vi đó” [48; 2]. Cũng như công trình nêu trên của tác giả Phạm Hùng Việt, trong phần cơ sở lí luận của luận án, tác giả Nguyễn Thị Lương đã nêu ra những phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái tương tự, bao gồm: phương tiện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Tác giả xếp mười tiểu từ tình thái dứt câu dùng để hỏi nêu trên thuộc phương tiện từ vựng biểu thị ý nghĩa tình thái chủ quan. Đi sâu vào việc miêu tả những phương tiện của tiếng Việt trong việc diễn đạt ý nghĩa tình thái, Cao Xuân Hạo (1998), trong công trình “Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa” [23], đã có những kiến giải và nhận xét hết sức sâu sắc về tiền giả định và hàm ý trong một số vị từ tình thái tiếng Việt. Sau này trong “Tiếng Việt: sơ thảo ngữ pháp chức năng” (2006) [25] một lần nữa ông trở lại vấn đề tình thái qua việc phân tích rất chi tiết về đề tình thái - siêu đề và thuyết tình thái – thuyết giả. Ông xem chúng như những phương tiện đặc thù của tiếng Việt trong việc diễn đạt ý nghĩa tình thái. Nguyễn Văn Hiệp (2001) nghiên cứu trọng tâm vào các tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt. Trong “Về một khía cạnh phân tích tầm tác động tình thái” [29], tác giả nghiên cứu về những vấn đề như: điều kiện tình thái cuối câu xuất hiện, khả năng kết hợp của các tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt. Một đóng góp quan trọng của Nguyễn Văn Hiệp là đã miêu tả và phân loại các tiểu từ tình thái cuối câu một cách rõ ràng. Bài viết “Hướng đến một cách miêu tả và phân loại các tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt” [28] của ông đã góp phần làm nên cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về lớp từ này. Và trong công trình chung Lê Đông – Nguyễn Văn Hiệp (2003) “Khái niệm tình thái trong ngôn ngữ học” [17], hai tác giả đã khái quát về khái niệm tình thái “góp phần làm rõ một số phương diện chính yếu của phạm trù tính tình thái trong ngôn ngữ cũng như những vấn đề có liên quan” [17; 63]. Không những thế, năm 2007, trong “Một số phạm trù tình thái chủ yếu trong ngôn ngữ” [30], Nguyễn Văn Hiệp một lần nữa đã “nêu ra một bức tranh đa góc cạnh về tình thái” [30; 27] khi đi vào phân tích một cách chi tiết và nêu ra một số đối lập chủ yếu của tình thái trong ngôn ngữ. Đến năm 2008, trong công trình “Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp” [31], công trình mà trong đó Nguyễn Văn Hiệp đã tổng hợp lại nhiều vấn đề về tình thái, tác giả nhận định rõ vai trò của tình thái rằng: “Nếu không quan tâm đến các bình diện của tình thái, thì chúng ta sẽ không thể hiểu được bản chất của ngôn ngữ, với tư cách là công cụ con người dùng để phản ảnh thế giới trong hoạt động nhận thức và tương tác xã hội. Không có tình thái, nội dung được thể hiện trong câu nói chỉ là những mảnh nguyên liệu rời rạc.” [31; 74] Có thể nói bài viết đề cập trực tiếp nhất đến TTGN là bài viết “Các phương thức biểu thị tình thái giảm nhẹ trong diễn ngôn đàm phán thương mại quốc tế” [79] của Nguyễn Xuân Thơm (2002). Tác giả tập trung nghiên cứu về các phương thức biểu thị thái độ đối với người nghe trong diễn ngôn đàm phán tiếng Anh và tiếng Việt và đã đưa ra một số phương thức sau: sử dụng yếu tố đánh dấu lịch sự (please – xin), sử dụng nguồn lực ý nghĩa tích cực của từ, sử dụng nguồn lực các lượng từ hạn định, sử dụng nguồn lực từ tình thái. Bài viết này khá thú vị tuy nhiên nó chỉ giới hạn trong diễn ngôn đàm phán thương mại. Tác giả Phạm Thị Ly (2003) nghiên cứu theo hướng đối chiếu về phương tiện diễn đạt ý nghĩa tình thái, đó là “Đối chiếu một số phương tiện diễn đạt ý nghĩa tình thái trong tiếng Việt và tiếng Anh” [51]. Khi lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ nguồn, tác giả đã đi vào phân tích, tìm hiểu thức của vị từ như một phương tiện đặc thù diễn đạt ý nghĩa tình thái của tiếng Anh để đối chiếu với những phương tiện diễn đạt ý nghĩa tương ứng của tiếng Việt. Và khi lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ nguồn, tác giả chọn tiểu từ tình thái như một phương tiện quan trọng diễn đạt ý nghĩa tình thái của tiếng Việt mà tiếng Anh không có. Như vậy trọng tâm của luận án là đi vào nghiên cứu đối chiếu thức vị từ và tiểu từ tình thái mà thôi. Cũng trong luận án này, tác giả cho rằng “Tiếng Việt còn có một phương tiện hết sức đặc thù để diễn đạt ý nghĩa tình thái, đó là những yếu tố tình thái được xử lý như một phần đề hoặc như một phần thuyết của câu” [51; 77]. Đây chính là cái mà Cao Xuân Hạo gọi là siêu đề và thuyết giả như đã nêu trên. Công trình chung “Thành phần câu tiếng Việt” [83] của Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp (2004) đã dành hẳn một chương để trình bày về một thành phần phụ của câu: tình thái ngữ. Hai tác giả không chỉ trình bày khái niệm về tình thái ngữ mà còn phân biệt tình thái ngữ với các thành tố khác trong câu, phân loại tình thái thái ngữ và nêu ra điều kiện sử dụng của chúng trong câu. Cũng nghiên cứu theo hướng đối chiếu như tác giả Phạm Thị Ly, Nguyễn Thị Ngọc Hân (2005) đã có công trình nghiên cứu “Tiểu từ tình thái cuối câu trong hội thoại tiếng Việt (so sánh với tiếng Nhật) và việc giảng dạy nó cho người Nhật” [27]. Hai công trình của hai tác giả này có giá trị ứng dụng cao vào việc dạy tiếng cho người nước ngoài. Luận án đã khảo sát con đường chuyển nghĩa của các tiểu từ tình thái cuối câu, sự gắn kết chặt chẽ của chúng với phát ngôn, tình trạng niềm tin của người nói được thể hiện qua sự có mặt của chúng trong phát ngôn. Tác giả Ngô Thị Minh (2005) với bài viết “Bàn thêm một số phương tiện biểu hiện ý nghĩa tình thái trong ngôn ngữ hội thoại” [54], đăng trên tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, đã cho rằng: “Ngôn ngữ hội thoại mang nhiều yếu tố tình thái và phương tiện biểu hiện loại ý nghĩa này cũng khá đa dạng” [54;1]. Ngoài các phương tiện về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp như đã nêu ở trên, tác giả đã bổ sung thêm ba phương tiện: sử dụng tiếng chửi, lời nói tục; sử dụng các thành ngữ quán ngữ; sử dụng kiểu nói lửng. Ngoài ra, còn có tác giả Võ Đại Quang (2008) bàn về “Tình thái trong câu – phát ngôn: một số vấn đề lí luận cơ bản” [72]. Tác giả giúp người đọc nhận thấy “mối liên hệ giữa tình thái và các thành tố ngữ nghĩa khác trong phát ngôn và về những vấn đề, những yếu tố cần yếu trong nghiên cứu về tình thái của đơn vị “câu” (sentence) với tư cách là những phát ngôn (utterances) trong giao tiếp liên nhân” [72; 1]. Trong phần viết về các phương thức chuyển tải nghĩa tình thái trong ngôn ngữ, tác giả cho rằng tình thái có thể được chuyển tải bằng phương tiện ngôn ngữ thông qua con đường từ vựng hóa, ngữ pháp hóa và ngôn điệu hóa. Như vậy, quan điểm của tác giả về các phương tiện biểu thị tình thái cũng giống như các tác giả khác đã nêu ở trên tuy nhiên tác giả đã khẳng định rõ vai trò của các phương tiện biểu thị tình thái bằng lời nhận xét: “Việc học và sử dụng chuẩn xác các phương tiện tình thái sẽ giúp ích rất nhiều trong việc duy trì và cải thiện quan hệ liên nhân trong các hoàn cảnh giao tiếp cụ thể bằng ngôn từ.” [72; 8] Có thể nói việc nghiên cứu về tình thái, vấn đề nghĩa tình thái trong tiếng Việt đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Từ bước đầu tiên chỉ là những quan sát để phân tích một số nét thái độ của người nói đối với hiện thực quan sát được, các nhà Việt ngữ học đã không ngừng tiến vào những lĩnh vực mới mẻ như logic học, logic tình thái, ngữ dụng học hoặc theo quan điểm của ngữ pháp chức năng để phân tích, đánh giá về những nội dung tình thái thể hiện trong phát ngôn tiếng Việt. Điều này cho chúng ta thấy sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về hoạt động và tầm tác động của lời nói trong giao tiếp. Những công trình nghiên cứu mà chúng tôi chọn lọc và nêu ra ở trên sẽ là những kiến thức căn bản và hữu ích giúp chúng tôi xử lí đề tài của mình. Mặt khác, nó cũng cho chúng tôi nhận thấy vấn đề nghiên cứu chuyên sâu về TTGN, về các phương tiện biểu thị TTGN mà chúng tôi đã chọn thực sự là một vấn đề mới, hấp dẫn và đáng được quan tâm. 3. Mục đích, nhiệm vụ của luận văn Mục đích của luận văn là nghiên cứu về TTGN mà trọng tâm là khảo sát và xác lập một hệ thống các phương tiện biểu thị TTGN trong diễn ngôn tiếng Việt. Để đạt được mục đích này, chúng tôi tập trung giải quyết những nhiệm vụ cơ bản sau: 3.1 Tiếp thu thành tựu của các nhà nghiên cứu Việt ngữ học, luận văn đưa ra khái niệm về TTGN, nội dung của TTGN, vai trò của tình thái – TTGN trong diễn ngôn tiếng Việt. 3.2 Thu thập và khảo sát ngữ liệu, lọc ra các dẫn chứng có biểu thị TTGN. 3.3 Từ nguồn ngữ liệu, luận văn tổng hợp và lập ra một danh sách các phương tiện biểu thị TTGN trong diễn ngôn tiếng Việt, xác định tiêu chí nhận diện (nếu có) cho mỗi phương tiện và xếp các phương tiện vào từng nhóm. 3.4 Miêu tả, phân tích những đặc điểm cơ bản của các phương tiện biểu thị TTGN trong diễn ngôn tiếng Việt. 4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn ngữ liệu 4.1 Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài nghiên cứu chúng tôi đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau đây: 4.1.1 Phương pháp quy nạp và phương pháp diễn dịch: Dựa trên nền tảng lí thuyết tiếp thu được từ các nhà ngôn ngữ học đi trước, phần cơ sở lí luận mà chúng tôi trình bày trong chương 1 đều là những tổng kết hoặc những điều được học hỏi từ những công trình nghiên cứu có liên quan. Nắm vững phần lí thuyết, chúng tôi lấy đó làm cơ sở để tiến hành công việc khảo sát, phân tích và xác lập hệ thống các phương tiện biểu thị TTGN trong diễn ngôn tiếng Việt. 4.1.2 Phương pháp thống kê: Khi làm việc với một nguồn ngữ liệu từ ca dao đến các tác phẩm truyện ngắn của nhiều tác giả khác nhau như: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Thị Thu Huệ …, chúng tôi sử dụng phương pháp thống kê để định lượng ngữ liệu và từ đó xác lập từng phương tiện biểu thị TTGN cụ thể. Tư liệu chọn lọc không chỉ được chúng tôi sử dụng làm cơ sở cho việc đánh giá, xác lập và phân loại nêu trên mà còn được sử dụng vào việc nêu ra ví dụ trong quá trình miêu tả, phân tích từng phương tiện. 4.1.3 Phương pháp miêu tả: Phương pháp này được sử dụng chủ yếu khi trình bày về từng phương tiện biểu thị TTGN đã được xác lập ở trên. Các nhận định đưa ra chủ yếu dựa vào kết quả phân tích, miêu tả ngữ liệu. 4.1.4 Phương pháp phân tích ngữ nghĩa – ngữ dụng: Với tư cách là một quá trình giao tiếp hay sự kiện giao tiếp, diễn ngôn bao hàm cả các yếu tố ngoài ngôn ngữ như ngữ cảnh tình huống, yếu tố dụng học và các tác động của các chiến lược văn hóa ở người sử dụng ngôn ngữ. Do đó khi nghiên cứu TTGN trong diễn ngôn, chúng tôi luôn ý thức về sự chi phối các yếu tố này, đặc biệt là yếu tố ngữ cảnh tình huống. Thông qua phương pháp phân tích ngữ nghĩa – ngữ dụng, việc xác định về TTGN cũng như việc miêu tả, phân tích các cứ liệu luôn được chúng tôi xem xét một cách toàn diện, đặt trong một ngữ cảnh cụ thể. 4.2 Nguồn ngữ liệu Để tạo sự phong phú về ngữ liệu cũng như để có được độ tin cậy trong quá trình thống kê, phân tích và nhận xét, chúng tôi mở rộng nguồn ngữ liệu trích dẫn từ ca dao đến những tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng trước đây như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao…cho đến những sáng tác được nhiều người biết đến của những nhà văn mới sau này trong các tuyển tập văn mới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú ý đến nguồn ngữ liệu trong giao tiếp hàng ngày. 5. Bố cục của luận văn Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, nội dung chính của luận văn được phân thành hai chương: Chương 1: Luận văn trình bày những cơ sở lí thuyết cơ bản liên quan đến đề tài như: về diễn ngôn; về tính tình thái và TTGN trong ngôn ngữ; một số vấn đề khác về TTGN trong ngôn ngữ, trong đó có đề cập về lịch sự và lịch sự ngôn ngữ, vai trò của TTGN trong diễn ngôn, trong giao tiếp. Chương 2: Qua khảo sát, luận văn xác lập, phân loại và miêu tả các phương tiện biểu thị TTGN trong diễn ngôn tiếng Việt. ********* Chương 1: TỔNG QUAN VỀ TÌNH THÁI VÀ TÌNH THÁI GIẢM NHẸ TRONG DIỄN NGÔN 1.1 Về diễn ngôn 1.1.1 Khái niệm diễn ngôn Việc nghiên cứu diễn ngôn được hình thành trong lòng ngôn ngữ học nhưng nó không xuất hiện ngay trong một lúc bằng một sáng kiến riêng mà trải qua một quá trình tìm kiếm hướng đi. Có thể thấy sau khi ngôn ngữ học tiền cấu trúc của F. de Saussure và cấu trúc luận của L. Bloomfield phát triển rực rỡ thì việc tiếp cận những giới hạn cuối cùng trong lí thuyết của họ đã dẫn đến sự thu hút chú ý của các nhà nghiên cứu về các cấu tạo ngôn ngữ lớn hơn câu. Những cấu tạo ngôn ngữ lớn hơn câu được nêu lên thành đối tượng nghiên cứu vào những năm 60 của thế kỷ XX dưới tên “Ngôn ngữ học văn bản” (Text Linguistics), “Phân tích văn bản” (Text Analysis), “Phân tích chức năng” (Functional Analysis). Ở giai đoạn “ngữ pháp văn bản”, phân tích diễn ngôn (PTDN) chủ yếu thao tác với “liên kết” và đã có một loạt các công trình nghiên cứu, nổi bật như “Cohesion in English” (Liên kết trong tiếng Anh) [95] của M.A.K. Halliday và R. Hasan. Ở thời kỳ hậu “ngữ pháp văn bản”, khi vấn đề mạch lạc và cấu trúc của văn bản càng được quan tâm hơn thì các nhà ngôn ngữ học đã đề nghị gọi địa hạt mới này là PTDN. Phải ghi nhận rằng người đầu tiên đề cập đến và đưa ra cái tên PTDN là Z. Harris với tác phẩm “Discourse Analysis” (1952), người thứ hai được biết đến là Mitchell và người có công truyền bá PTDN cùng với tên gọi của nó là T.A. Van Dijk. Với Z. Harris, PTDN đã có được một đối tượng nghiên cứu rõ ràng. Đó là diễn ngôn. Từ khi PTDN trở thành một lĩnh vực được nhiều người quan tâm, đã có nhiều đường hướng PTDN ra đời. Nguyễn Hòa, (2008), trong “Phân tích diễn ngôn, một số vấn đề lí luận và phương pháp” [34] đã tổng hợp và nêu lên các đường hướng chính như sau: đường hướng dụng học với hai nhánh, một nhánh dựa trên lí thuyết hành động nói (speech acts) của J.L. Austin và một nhánh dựa trên tư tưởng triết học nguyên tắc cộng tác của H.P. Grice; đường hướng ngôn ngữ học xã hội tương tác; đường hướng dân tộc học giao tiếp; đường hướng thừa nhận các biến thể ngôn ngữ ít nhiều mang tính khuôn mẫu về mặt xã hội và ngôn ngữ; đường hướng giao tiếp liên văn hóa. Các đường hướng nghiên cứu trên đã cho thấy xu hướng nghiên cứu chức năng khi PTDN. PTDN nhất thiết là sự phân tích ngôn ngữ hành chức, ngôn ngữ trong sử dụng (language in use). Như vậy, không thể giới hạn nó ở việc miêu tả các ngôn ngữ hình thức tách biệt với các mục đích hay chức năng mà các hình thức này được sinh ra để đảm nhận trong xã hội loài người. G. Brown & G. Yule và H.G. Widdowson đã xem diễn ngôn là một tiến trình giao tiếp. Ở đó nhà nghiên cứu sẽ nghiên cứu từ, ngữ và câu xuất hiện trong dữ liệu thành văn của diễn ngôn để làm bằng chứng về sự nỗ lực của người phát (người viết/người nói) để chuyển giao thông điệp cho người nhận (người nghe/người đọc). Cũng phải đặc biệt chú ý đến tình huống, hoàn cảnh ảnh hưởng đến kết cấu diễn ngôn [theo 34; 48]. Như vậy, do đã được xác định là một sự kiện hay quá trình giao tiếp cho nên diễn ngôn không phải chỉ là một đoạn hay một chuỗi các câu bất kỳ mà nó là toàn bộ sự kiện giao tiếp có tính mục đích, thống nhất và có mạch lạc được ghi nhận lại bằng toàn bộ văn bản. Có thể chấp nhận định nghĩa ngắn gọn của Nguyễn Hòa như sau: “Diễn ngôn là sự kiện hay quá trình giao tiếp hoàn chỉnh thống nhất có mục đích không có giới hạn được sử dụng trong các hoàn cảnh giao tiếp xã hội cụ thể” [34; 33]. Và như vậy, là một sự kiện giao tiếp hoàn chỉnh, diễn ngôn phải có tính chủ đề từ chủ đề bộ phận đến chủ đề chung, có mạch lạc. Để tạo nên mạch lạc, diễn ngôn không những phải thể hiện sự liên kết trên nhiều phương diện mà còn là sự tổ chức một cách hợp lí các yếu tố quan yếu có giá trị giao tiếp tuân theo quy tắc cần và đủ (nói thế nào là đủ, là đúng trọng tâm; nói thế nào là thừa, rườm rà, lạc đề). Nói đến “hoàn cảnh giao tiếp cụ thể” là nói đến tác động của các yếu tố tình huống ngoài ngôn ngữ đối với sự hoạt động của ngôn ngữ như: yếu tố văn hóa, yếu tố dụng học. Sự kết hợp các yếu tố trên không đơn thuần là phép tính cộng mà nên được hiểu như một hàm có nhiều biến. Ở Việt Nam, việc quan tâm đến diễn ngôn, PTDN đã được khẳng định thông qua nhiều nghiên cứu của các tác giả như Hoàng Phê, Đ._.ỗ Hữu Châu (1985), Trần Ngọc Thêm (1985), Nguyễn Đức Dân, Cao Xuân Hạo (1991), Diệp Quang Ban (1998) (2009), Nguyễn Thiện Giáp (2000) (2008), Nguyễn Hòa (2005) (2008). Các tác giả đã đề cập đến nhiều vấn đề như: chiếu vật và chỉ xuất, lí thuyết hành động ngôn ngữ, lí thuyết hội thoại, ý nghĩa tường minh, ý nghĩa hàm ngôn, ngữ cảnh và ý nghĩa, diễn ngôn và PTDN, diễn ngôn và văn hóa, dụng học giao văn hóa…vv 1.1.2 Diễn ngôn và văn bản Có thể nói diễn ngôn (discourse) và văn bản (text) là hai khái niệm cơ bản trong lí luận PTDN. Trong thực tế, việc phân định rạch ròi diễn ngôn và văn bản là điều không đơn giản. Nhiều tác giả sử dụng diễn ngôn cũng như là văn bản. Có khi văn bản còn được hiểu theo hai phương diện: là sản phẩm (product) và là quá trình (process). Với nghĩa là sản phẩm, văn bản là một thực thể có thể ghi nhận lại được và có một cấu trúc nhất định; với nghĩa là một quá trình, văn bản là sự lựa chọn nghĩa liên tục, một quá trình vận động qua các ngữ vực (register). Diệp Quang Ban (2009), trong “Giao tiếp diễn ngôn và cấu tạo của văn bản” [4] đã tổng hợp và phân tích một số định nghĩa nhằm phân biệt diễn ngôn và văn bản như sau: Trước tiên R. Barthes (1970) cho rằng đối tượng khảo sát được gọi là “diễn ngôn” cũng là “văn bản”, nhưng văn bản do ngôn ngữ học nghiên cứu, còn diễn ngôn do “ngôn ngữ học diễn ngôn” nghiên cứu với những nội dung nghiên cứu riêng. Ở đây, Barthes đã có tính đến các mục đích giao tiếp (mặt xã hội) và sự liên thông giữa văn hóa với ngôn ngữ. I. Bellert (1971) xem diễn ngôn là chuỗi liên tục những phát ngôn, trong đó việc lí giải nghĩa của mỗi phát ngôn lệ thuộc vào sự lí giải những phát ngôn trong chuỗi. Do đó, sự giải thuyết tương đương một phát ngôn tham gia diễn ngôn đòi hỏi phải biết ngữ cảnh đi trước. Như vậy, có thể hiểu tên gọi diễn ngôn của bà bao gồm cả văn bản. G. Cook (1989) định nghĩa xem “văn bản là một chuỗi ngôn ngữ lí giải được ở mặt hình thức, bên ngoài ngữ cảnh” và “diễn ngôn là những chuỗi ngôn ngữ được nhận biết là trọn nghĩa, được hợp nhất lại và có mục đích” [theo 4; 199 – 200]. Cook đã xác định sự khác biệt giữa diễn ngôn và văn bản dựa trên sự đối lập giữa chức năng và hình thức. Diễn ngôn thể hiện tính chức năng của ngôn ngữ trong khi văn bản thể hiện mặt hình thức của ngôn ngữ hành chức. Cũng theo Diệp Quang Ban, (1998), trong “Văn bản và liên kết trong tiếng Việt” [1], các khái niệm “diễn ngôn” và “văn bản” đã từng được sử dụng qua các giai đoạn như sau: (1) Văn bản được dùng để chỉ chung các sản phẩm của ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói có mạch lạc và liên kết. (2) Có sự đối lập giữa diễn ngôn và văn bản: sử dụng văn bản để chỉ sản phẩm ngôn ngữ viết và diễn ngôn chỉ ngôn ngữ nói. (3) Diễn ngôn được dùng như văn bản ở ý nghĩa (1) M.A.K Halliday và R. Hasan (1976) là các tác giả thể hiện quan điểm thứ nhất. Thuật ngữ hai tác giả này sử dụng là “text – văn bản”. Theo hai tác giả này, “văn bản có thể là bất kỳ đoạn văn nào, viết hay nói, dài hay ngắn tạo nên một chỉnh thể thống nhất, hoàn chỉnh”, “văn bản là một đơn vị ngôn ngữ hành chức” và “văn bản là một đơn vị ngữ nghĩa.” [95; 1- 2] Hồ Lê (1996) theo hướng thứ hai: “Văn bản là chỉnh thể của một sản phẩm viết để diễn đạt trọn vẹn một ý kiến về một vấn đề hoặc một hệ thống vấn đề. Ngôn bản là chỉnh thể của một sản phẩm nói để diễn đạt trọn vẹn một ý kiến về một vấn đề hoặc một hệ thống vấn đề” [46; 55]. D. Nunan trong “Dẫn nhập phân tích diễn ngôn” (bản dịch của Hồ Mỹ Huyền - Trúc Thanh) (1997) thì sử dụng “thuật ngữ văn bản để chỉ bất kì cái nào ghi bằng chữ viết của một sự kiện giao tiếp”. Còn “thuật ngữ diễn ngôn lại để chỉ việc giải thuyết sự kiện giao tiếp trong ngữ cảnh.” [60; 21] G. Brown & G. Yule (2002) trong “Phân tích diễn ngôn” xem “văn bản như là một thuật ngữ khoa học để chỉ dữ liệu ngôn từ của một hành vi giao tiếp”. Ở một đề mục cụ thể, hai tác giả đã khẳng định: “sự biểu hiện của diễn ngôn: văn bản.” [5; 22] Theo Nguyễn Hòa (2008), H.G. Widdowson cũng là một tác giả có cách phân biệt diễn ngôn và văn bản giống với G. Brown & G. Yule và D. Nunan. H.G. Widdowson xem diễn ngôn là một quá trình giao tiếp. Kết quả về mặt tình huống của quá trình này là sự thay đổi trong sự thể: thông tin được chuyển tải, các ý định được làm rõ, và sản phẩm của quá trình này là Văn bản. [theo 34; 32] Từ những quan điểm nêu trên, rõ ràng là trên một phương diện nhất định, diễn ngôn hay văn bản có thể coi là hai mặt của một sự vật, tuy ngoại diên của diễn ngôn rộng hơn so với văn bản, bởi lẽ với tư cách là một quá trình giao tiếp hay sự kiện giao tiếp, nó còn bao hàm cả các yếu tố ngoài ngôn ngữ như ngữ cảnh tình huống, yếu tố dụng học và các tác động của các chiến lược văn hóa ở người sử dụng ngôn ngữ. Có thể hiểu văn bản như là sản phẩm ngôn ngữ ghi nhận lại quá trình giao tiếp hay sự kiện giao tiếp nói và viết trong một hoàn cảnh giao tiếp xã hội cụ thể. Chúng tôi tán đồng quan điểm của Nguyễn Hòa: “Nên thấy rằng, trong thực tế rất khó có thể phân biệt rạch ròi giữa diễn ngôn và văn bản bởi lẽ trong văn bản sẽ có cái diễn ngôn, trong diễn ngôn sẽ có cái văn bản. Cho nên sự phân biệt chỉ mang tính chất tương đối. Đây không phải là hai thực thể tách biệt mà chỉ là một thực thể biểu hiện của ngôn ngữ hành chức trong bối cảnh giao tiếp xã hội.” [34; 33] 1.1.3 Các kiểu loại diễn ngôn Trong thực tế, việc phân loại diễn ngôn là một vấn đề phức tạp, có nhiều cách phân loại diễn ngôn khác nhau, song vẫn có những giao nhau trên nhiều phương diện. Lí do chủ yếu là ngôn ngữ tồn tại trong vô vàn các tình huống giao tiếp và như vậy sẽ có vô vàn các dạng diễn ngôn sử dụng theo từng tình huống. Theo Hatim và Mason, sự phân loại chỉ dựa trên “trường diễn ngôn” suy cho cùng chỉ là lời phát biểu về chủ đề và ta sẽ có các loại diễn ngôn về giáo dục, tôn giáo hay khoa học. Sự phân loại này ít có giá trị dự báo về tính chất của diễn ngôn. [theo 34] Nếu dựa trên chức năng thuần túy, chúng ta sẽ có được sự phân loại như diễn ngôn “văn học”, diễn ngôn “thơ ca”. Tuy nhiên các nhà PTDN ít khi bàn đến diễn ngôn văn chương vì loại diễn ngôn này là đối tượng của tu từ học, nó có đặc tính nghệ thuật, mang nhiều dấu ấn tác giả. K. Hausenblas đã đưa kiểu phân loại theo cấu trúc của diễn ngôn. Chẳng hạn theo khuôn hình văn bản có thể có các diễn ngôn được xây dựng theo những khuôn hình cứng nhắc (như các tờ khai trong tiếng Anh) , diễn ngôn theo khuôn hình mềm dẻo (như bài báo, bài luận án, bài bình luận) và các diễn ngôn có khuôn hình tự do (như các tác phẩm văn học). Theo cấu trúc nội tại, các tiêu chí sau đây được tính đến: (1) Tính đơn giản/tính phức tạp trong cấu trúc (2) Tính độc lập/tính phụ thuộc của diễn ngôn (3) Tính liên tục/gián đoạn của diễn ngôn Kết quả là có thể có: (1) Diễn ngôn với các mức độ phức tạp khác nhau như diễn ngôn có một văn bản duy nhất, hay diễn ngôn chứa hai văn bản. (2) Diễn ngôn tự do và diễn ngôn phụ thuộc. (3) Diễn ngôn liên tục và diễn ngôn gián đoạn (dẫn theo Diệp Quang Ban (1998) trong “Văn bản và liên kết trong tiếng Việt” [1]) Theo M.A.K. Halliday, một trong những tác giả có công làm cho thuật ngữ “ngữ vực” (register) chứa được nội dung mà nó có: chỉ một lĩnh vực sử dụng ngôn ngữ, có thể phân loại diễn ngôn theo trường diễn ngôn, bầu không khí diễn ngôn và cách thức diễn ngôn. Trường diễn ngôn bao gồm các chủ đề được đề cập đến và cũng thể hiện phần nội dung mệnh đề của mục đích giao tiếp. Bầu không khí diễn ngôn thể hiện mối quan hệ giữa các cá nhân tham gia bao gồm cả ý nghĩa dụng học. Cách thức diễn ngôn chỉ phương tiện ngôn ngữ sử dụng: ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ viết. Trong ba biến kể trên thì biến nội dung thông báo là quan trọng nhất. M.A.K. Halliday đã sử dụng các tham số này để phân loại ngữ vực. Song trong thực tế rất khó có thể nói về một sự phân loại tuyệt đối. Các ngữ vực thường giao nhau thông qua các thể loại. Ví như bài giảng, xét theo trường diễn ngôn thì đây là ngữ vực khoa học nhưng xét theo phương tiện sử dụng (ngôn ngữ nói) thì lại có nhiều đặc tính của ngôn ngữ hội thoại. Tuy nhiên, ba biến mà M.A.K. Halliday đưa ra có ý nghĩa nhất định trong mục đích phân loại diễn ngôn. Nói cách khác, ngữ vực là sự phân chia bao trùm nhất và dưới ngữ vực là các tiểu ngữ vực (sub – register), dưới tiểu ngữ vực có thể có các thể loại (genre) – các kiểu diễn ngôn cụ thể. Từ tiếng Anh, tác giả Nguyễn Hòa [34] đã đưa ra sự phân loại diễn ngôn như sau: Stt Các ngữ vực Các tiểu ngữ vực và các thể loại diễn ngôn cụ thể 1 Ngữ vực báo chí có thể gồm có các thể loại: tin, bài bình luận, tin vắn, phóng sự điều tra, quảng cáo, bài tường thuật… 2 Ngữ vực văn chương có thể gồm có các tiểu ngữ vực: văn xuôi, thơ, văn học dân gian và các thể loại cụ thể như: truyện ngắn, tiểu thuyết văn học, tiểu thuyết lịch sử, thơ ca, kịch… Stt Các ngữ vực Các tiểu ngữ vực và các thể loại diễn ngôn cụ thể 3 Ngữ vực chính luận có thể gồm có các tiểu ngữ vực: pháp lí, ngoại giao, thương mại…và các thể loại cụ thể như: bản hiến pháp, luật, công ước, công hàm, hợp đồng, thông báo, thông cáo, quy định, biên bản, tờ trình… 4 Ngữ vực khoa học có thể gồm có các tiểu ngữ vực: kinh tế, văn hóa, toán, hóa, sinh vật, giáo dục… và các thể loại cụ thể như: luận án, luận văn, báo cáo khoa học, sách giáo khoa, giáo trình, bài thuyết trình, tổng luận… 5 Ngữ vực hội thoại thường ngày có thể gồm có các thể loại: nói chuyện, phiếm đàm, tâm sự, chào hỏi, cuộc tranh luận, phỏng vấn… Sự phân chia này khá đơn giản và rõ ràng. Hiện nay, trước sự phức tạp và chưa thống nhất trong việc phân loại diễn ngôn thì theo chúng tôi, cách phân loại này cũng có thể là một tham khảo đáng quan tâm. 1.1.4 Ngữ cảnh trong phân tích diễn ngôn Có thể khẳng định rằng PTDN không thể thoát ly khỏi ngữ cảnh. Tất cả các đường hướng PTDN đều coi trọng ngữ cảnh. D. Hymes (1962) xem vai trò của ngữ cảnh trong nhận thức, một mặt, như để giới hạn các cách hiểu có thể có được và, mặt khác, như để hỗ trợ cách hiểu theo dự định: “Việc sử dụng một hình thức ngôn ngữ nào đó sẽ xác định một phạm vi giới hạn của các ý nghĩa. Ngữ cảnh có thể hỗ trợ cho một phạm vi giới hạn của các ý nghĩa. Khi một hình thức được dùng trong một ngữ cảnh, nó có thể giới hạn các ý nghĩa có thể có được đối với ngữ cảnh đó ra khỏi các ý nghĩa mà hình thức này có thể chuyển tải: ngữ cảnh này loại các ý nghĩa có thể có được ra khỏi các ý nghĩa mà ngữ cảnh có thể hỗ trợ.” [theo 5; 67] D. Hymes cũng cho rằng nếu có sự hiểu biết về người phát trong một sự kiện giao tiếp thì nhà PTDN có thể tưởng tượng ra điều người ấy có thể nói; nếu hiểu biết về người nhận giúp nhà phân tích không đi quá xa. Và nếu chúng ta biết về điều đang được nói đến (phạm trù chủ đề) thì dự đoán của chúng ta sẽ được giới hạn nhiều; nếu chúng ta còn có thêm thông tin về bối cảnh về mặt không gian, thời gian của sự kiện và về các quan hệ thực thể của các đối tượng tương tác như dáng ngồi, đứng, điệu bộ, vẻ mặt...thì dự đoán của chúng ta có thể được giới hạn nhiều hơn nữa. Một số các đặc điểm còn lại của ngữ cảnh mà D. Hymes (1964) đưa ra là: kênh (channel) giao tiếp (giao tiếp giữa các đối tượng tham gia vào sự kiện diễn ra như thế nào: bằng lời nói, viết, ra dấu, những dấu hiệu bằng khói…); mã (code) (ngôn ngữ gì, phương ngữ gì, phong cách ngôn ngữ đang được dùng); hình thức thông điệp (message form) (hình thức gì được dùng: bông đùa, tranh luận, bài thuyết giáo, thư tình, thơ…); sự kiện (event); giọng điệu (key); mục đích (purpose). D. Nunan trong “Dẫn nhập phân tích diễn ngôn” (bản dịch của Hồ Mỹ Huyền - Trúc Thanh) (1997) [60] cũng đưa ra nhận xét: “PTDN liên quan đến việc nghiên cứu trong sử dụng” và “rõ ràng rằng ngữ cảnh là một khái niệm quan trọng trong PTND. Ngữ cảnh quy chiếu về tình huống gây ra diễn ngôn và tình huống trong đó diễn ngôn được gắn vào” [60; 21 – 22]. D.Nunan còn cho rằng có hai loại ngữ cảnh khác nhau: ngữ cảnh ngôn ngữ và ngữ cảnh phi ngôn ngữ (ngữ cảnh thuộc về kinh nghiệm mà trong đó diễn ngôn xảy ra). Ngữ cảnh ngôn ngữ là ngôn ngữ bao quanh hoặc đi kèm với sản phẩm diễn ngôn đang được phân tích. Ngữ cảnh phi ngôn ngữ gồm: kiểu loại của sự kiện giao tiếp (truyện cười, câu chuyện, bài thuyết trình…); đề tài; mục đích của sự kiện, bối cảnh (vị trí, thời gian trong ngày, mùa trong năm và những phương diện vật lý của tình huống…); người tham dự giao tiếp và mối quan hệ giữa họ; những hiểu biết cơ sở và những giả định làm cơ sở cho sự kiện giao tiếp. G. Brown & G. Yule trong “Phân tích diễn ngôn” (2002) (bản dịch của Trần Thuần) đã khẳng định rằng ngay cả “nhà ngữ pháp câu muốn phát biểu về “tính chấp nhận được” của một câu trong khi xác định xem chuỗi ngôn ngữ do ngữ pháp của anh ta sản sinh ra có phải là câu đúng trong ngôn ngữ hay không, thì anh ta đang ngầm vận dụng các thành tố ngữ cảnh” và “bất kỳ phương pháp phân tích nào trong ngôn ngữ học có liên hệ đến các thành tố ngữ cảnh, nhất thiết thuộc về lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ gọi là ngữ dụng học. Nghiên cứu PTDN chắc chắn dính líu đến nghiên cứu cú pháp và ngữ nghĩa nhưng chủ yếu vẫn là nghiên cứu ngữ dụng học.” [5; 50] Trong PTDN, cũng như trong ngữ dụng học, chúng ta phải quan tâm đến điều người sử dụng ngôn ngữ đang làm và giải thích những đặc điểm ngôn ngữ trong diễn ngôn như là phương tiện được dùng để thực hiện điều họ đang làm. “Nhà PTDN xử lý dữ liệu của anh ta như là dữ kiện (văn bản) của một quá trình động, trong đó ngôn ngữ được sử dụng như một công cụ giao tiếp trong ngữ cảnh mà qua đó người viết/người nói thể hiện nghĩa và đạt được ý định (diễn ngôn).” [5; 51] Rõ ràng chúng ta đều thừa nhận chức năng giao tiếp của ngôn ngữ nhưng chức năng này không thể xảy ra trong một chân không. Nói rõ hơn, ngữ cảnh là một đối tượng có liên quan đến giao tiếp ngôn ngữ trong một tam giác: ngôn ngữ - giao tiếp – ngữ cảnh. Có thể thấy rằng nội dung giao tiếp của diễn ngôn bao gồm hai loại nội dung khác nhau, đó là: nội dung ngữ nghĩa (nội dung mệnh đề cơ bản của diễn ngôn) và thông tin ngữ cảnh. Nội dung mệnh đề của diễn ngôn được thể hiện qua hệ thống ngôn ngữ thường khá rõ ràng trong khi đó nội dung ngữ cảnh khó xác định hơn. Tuy nhiên nội dung ngữ cảnh lại có giá trị quan trọng trong việc hiểu nội dung giao tiếp của diễn ngôn. Có thể mượn ví dụ sau của Nguyễn Hòa để thấy vai trò của ngữ cảnh trong việc hiểu nội dung giao tiếp của diễn ngôn: Ví dụ: (1) (a) A: (nhìn B và nói với ngữ điệu bình thường) Khi nào lên trường, ghé qua trung tâm, gửi hộ mình bảng điểm lên cho thầy Phúc. B: Vâng ạ. (b) A: (ngỡ ngàng nhìn vào bảng điểm còn ở trên bàn và kêu lên) Trời ơi? B: Em sẽ mang lên cho thầy Phúc ngay. [34; 169] Lời đề nghị ở (a) rất bình thường. A đề nghị B thực hiện một hành động “gửi bảng điểm cho thầy Phúc” (thể hiện quy tắc nội dung mệnh đề); A cho rằng B có khả năng thực hiện được và sẽ thực hiện được hành động trên (quy tắc chuẩn bị); A thực sự muốn B thực hiện hành động này (quy tắc chân thành); phát ngôn của A được coi như là một cố gắng để B thực hiện (quy tắc cốt yếu). Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta cũng bắt gặp phát ngôn như trường hợp (b). Với ngữ cảnh kèm theo (ngỡ ngàng nhìn vào bảng điểm còn ở trên bàn và kêu lên) cùng phát ngôn “Trời ơi?” thì nội dung thông điệp không còn được hiểu là lời đề nghị bình thường như trường hợp (a). Hai ví dụ trên cho thấy mối quan hệ giữa phát ngôn và ngữ cảnh rất quan trọng, không chỉ cho việc hiểu nội dung giao tiếp của diễn ngôn mà còn cần thiết cho việc phân tích mối quan hệ giữa các phát ngôn trong diễn ngôn Nguyễn Hòa cho rằng “ngữ cảnh có thể là kiến thức nền (văn hóa, xã hội), là tình huống, hay chính là văn bản.” [34; 180]. Kiến thức nền có thể hiểu là kiến thức văn hóa và kiến thức về tất cả các loại thế giới bao gồm cả thế giới thực hữu và thế giới tưởng tượng, về kinh nghiệm về các quy tắc hành xử trong xã hội và trong giao tiếp. Trong quá trình giao tiếp, kiến thức nền này không tĩnh mà luôn luôn động, luôn có sự bổ sung. Nguyên tắc loại suy trong hiểu diễn ngôn đã được dựa trên kiến thức nền này. Hơn nữa, chúng ta phải thừa nhận rằng diễn ngôn luôn tồn tại trong một ngữ cảnh rất năng động: ngữ cảnh luôn thay đổi và luôn được tạo ra trong quá trình giao tiếp. Chính vì thế mà G. Brown & G. Yule trong “Phân tích diễn ngôn” [5] đã đưa ra khái niệm “ngữ cảnh mở rộng” (expanding context) để giải quyết vấn đề này. Tóm lại, ngữ cảnh là một khái niệm rất quan trọng trong lí luận PTDN, nó chính là môi trường hoạt động của hệ thống ký hiệu ngôn ngữ. Ý nghĩa chính xác, ý nghĩa tình thái của một phát ngôn chỉ được thể hiện đầy đủ khi phát ngôn ấy được đặt trong một ngữ cảnh cụ thể. Có thể nói: nếu văn bản là sự thể hiện của phần “cái được nói” của diễn ngôn thì ngữ cảnh lại kết hợp với phần này để tạo ra diễn ngôn. Do đó, việc xác định TTGN trong diễn ngôn ở luận văn này, chúng tôi luôn chú trọng đến vai trò to lớn của ngữ cảnh. 1.2 Về tình thái và tình thái giảm nhẹ trong ngôn ngữ 1.2.1 Về tình thái trong ngôn ngữ 1.2.1.1 Khái niệm “tình thái” Tình thái vốn là một khái niệm của logic học, gắn với sự phân loại các phán đoán, các mệnh đề lôgic. Theo Nguyễn Đức Dân (1998), trong “Logic và Tiếng Việt”, thì từ thời Aristotle, tính tình thái đã được bàn đến trong phần bàn về mệnh đề tình thái và tam đoạn luận tình thái. Trong ngôn ngữ học, khái niệm tình thái (modality, modalité) không phải là mới. Tuy nhiên nó được hiểu không giống nhau ở các khuynh hướng ngôn ngữ học khác nhau. Ch. Bally cho rằng cần phân biệt trong câu hai yếu tố khác nhau là: (1) Dictum – thuật ngữ chỉ nội dung biểu hiện có tính chất cốt lõi về ngữ nghĩa của câu. (2) Modus – thuật ngữ chỉ thái độ của người nói với nội dung phát ngôn. Từ sự phân biệt nêu trên của Ch. Bally, nhiều nhà ngôn ngữ học hiện nay đã thống nhất xác định hai thành phần trong nghĩa của câu như sau: (1) Nội dung nghĩa biểu hiện: là phần cốt lõi của câu. Nó được tạo nên bởi nội dung của sự tình, bao gồm lõi hạt nhân của vị từ và những tham tố xoay quanh nó. Nghĩa biểu hiện là nội dung chính của mệnh đề. (2) Nội dung nghĩa tình thái: được tạo nên từ mối quan hệ giữa nội dung của câu với hiện thực khách quan, với tình huống phát ngôn, với người nói, tức thái độ của người nói với nội dung ấy. Như vậy, tình thái thuộc bình diện ngữ nghĩa và có thể nói tình thái là phần tất yếu, là “linh hồn” của câu. Rõ ràng khi tạo ra một phát ngôn, một thông điệp chúng ta có thể bộc lộ thái độ và cách đánh giá của mình về tính chất thực hay không thực, tất yếu hay không tất yếu, có thể có hay không thể có…vv của sự kiện nêu ra trong lời nói. Người tiếp nhận sẽ có những phán đoán tình thái bằng cách dựa vào những tri thức của họ và những thông tin khác mà họ có được để đánh giá và kết luận xem thái độ của người nói như thế nào, cái điều được nói ra là sự thực hay hư cấu, có lý hay không có lý, đáng tin cậy hay không. Đó là bản chất của vấn đề tình thái. Và chính yếu tố tình thái tạo nên tính cụ thể sinh động cho lời nói. Ví dụ: (2) Anh ấy đến. Anh ấy đến rồi. Anh ấy đến rồi kìa! Anh ấy đến kìa. Hình như anh ấy đến. Anh ấy lại đến. Anh ấy cứ đến mãi. Các câu trên rõ ràng cùng nhận định về một sự tình “anh ấy đến” nhưng chúng khác nhau chính là do tình thái trong câu. Mỗi câu đã bộc lộ thái độ nhận định về sự tình trên khác nhau. Từ sự phân biệt hai bộ phận dictum và modus, Ch.Bally đã định nghĩa: “Tình thái là thái độ của người nói được biểu thị đối với sự việc hay trạng thái diễn đạt trong câu.” [theo 48; 10] Cách kiến giải trên của Ch.Bally vẫn được nhiều nhà ngôn ngữ học chấp nhận, nhất là trong hướng nghiên cứu hoạt động ngôn ngữ. Tuy có những hướng giải quyết khác nhau về vấn đề tình thái nhưng tựu trung lại các tác giả vẫn có một sự thống nhất cơ bản về những điểm chủ yếu của khái niệm tình thái. Có thể nêu ra cụ thể một vài quan điểm như sau: (1) V.N. Bondrenko đưa ra định nghĩa: “Tính tình thái là một phạm trù ngôn ngữ chỉ ra đặc điểm của các mối quan hệ khách quan (tình thái khách quan) được phản ánh trong nội dung của câu và chỉ ra mức độ của tính xác thực về nội dung của chính câu đó theo quan niệm của người nói (tình thái chủ quan).” [theo 92; 31] Phạm Hùng Việt đồng tình với quan điểm trên và cho rằng: “Tính tình thái là phạm trù ngữ pháp - ngữ nghĩa biểu thị quan hệ của người nói với nội dung thông báo (tình thái chủ quan) và quan hệ của nội dung thông báo với hiện thực khách quan (tình thái khách quan).” [91; 48] (2) A.M Peskovskij, vận dụng quan điểm và phương pháp dụng học để phân tích về khái niệm tình thái, cho rằng phạm trù tình thái thể hiện quan hệ giữa người nói với mối liên hệ do nó lập nên, giữa nội dung của một phát ngôn cụ thể và thực tế, tức là mối quan hệ với mối quan hệ. Theo đó tình thái được nghiên cứu như một phạm trù phức thể, nhiều phương diện tác động lẫn nhau một cách tích cực với toàn hệ thống của các phạm trù chức năng ngữ nghĩa khác của ngôn ngữ và được liên hệ chặt chẽ với các phạm trù của ngữ dụng học. Theo cách nhìn này, trong phạm trù tình thái, người ta còn xét đến cả sự phản ánh các tương tác phức tạp giữa bốn nhân tố của quá trình giao tiếp: người nói, người đối thoại, nội dung của phát ngôn và thực tế. [theo 92; 38] Gắn với quan điểm của A.M Peskovskij là quan điểm của ba tác giả người Pháp: Jean Louis Chiss, Jacques Filliolet, Dominique Mainguneau. Họ cho rằng tình thái có ba chức năng: thể hiện quan hệ giữa người nói và người đối thoại; thể hiện quan hệ giữa người nói và nội dung thông báo thông qua những phạm trù logic như tất yếu, khả năng hay là những phán đoán về giá trị như hạnh phúc, sợ…; thể hiện quan hệ giữa hành động phát ngôn đối với một đặc thù thông báo riêng của nó. [96; 16] M.V. Liapon cũng đồng tình với A.M Peskovskij khi cho rằng “tính tình thái là một phạm trù chức năng ngữ nghĩa thể hiện các dạng quan hệ khác nhau của phát ngôn đối với thực tế cũng như các dạng đánh giá chủ quan khác nhau của điều được thông báo” [theo 92; 31] (3) N. Chomsky, người mở đường cho ngữ pháp tạo sinh, có một cách nhìn khác về tình thái khi cho rằng: Câu bao giờ cũng phải là câu khẳng định (declarative), hay là câu nghi vấn, hay là câu mệnh lệnh. Tính chất khác nhau của những câu đó là “tình thái”. Như vậy, tình thái là yếu tố bắt buộc phải có, để cùng với “hạt nhân” tạo ra “câu cơ sở” (câu cơ sở thuộc cấu trúc sâu, tồn tại trong tư duy người nói. Từ cấu trúc sâu này trong thực tiễn hoạt động ngôn ngữ, nó trải qua những “cải biên” để chuyển sang “cấu trúc bề mặt”). Và không thể nào có một câu mà không có tình thái, tức không thuộc một trong các kiểu câu nói trên. Cũng không thể nào lại có một câu có 2, 3 tình thái, tức là cùng một lúc thuộc 2, 3 kiểu câu [theo 87; 743 – 744]. (4) Vận dụng ngữ pháp chức năng và lý thuyết dụng học vào tiếng Việt, đồng thời nhận thức về giá trị của tác tử tình thái trong hệ thống, Đỗ Hữu Châu [8] cho rằng phạm trù tính tình thái truyền đạt quan hệ giữa nhận thức của người nói với nội dung của câu và quan hệ của nội dung này với thực tế mọi ngôn ngữ. Nội dung này có thể được khẳng định, được phủ định, được yêu cầu hay bị cấm đoán, được cầu mong hay đề nghị…Từ đó, các câu được phân chia theo phạm trù tính tình thái thành các câu: tường thuật, hỏi, mệnh lệnh, cầu khiến… Cao Xuân Hạo cũng khẳng định: “Nội dung của bất kỳ một lời phát ngôn nào cũng chứa đựng một tình thái (nếu không phải là kết hợp nhiều lớp tình thái)” [25; 98]. Ông cho rằng các yếu tố tình thái phần lớn đều có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến ba phạm trù tính hiện thực, tính tất yếu và tính khả năng như trong logic nhưng dưới nhiều sắc thái khác nhau và có nhiều cách biểu hiện khác nhau. Ngoài ba phạm trù đó, tình thái liên quan đặc biệt đến thái độ và cách đánh giá của người nói. T. Givón cũng đặc biệt nhấn mạnh về thái độ của người nói khi ông phát biểu quan niệm của mình về tình thái một cách ngắn gọn rằng: “Tình thái biểu thị thái độ người nói đối với phát ngôn.” [ theo 72; 5] Theo T. Givón, thái độ bao gồm hai loại đánh giá của người nói về thông tin của phát ngôn được chuyển tải qua nội dung mệnh đề: a. Những đánh giá, nhận thức về tính hiện thực, khả năng, lòng tin, sự chắc chắn hay bằng chứng. b. Những đánh giá giá trị về ước muốn, sự ưa thích, ý định, năng lực, sự ràng buộc hay sự điều khiển. Từ những quan điểm được trình bày ở trên về tình thái, chúng ta nhận thấy một vấn đề nổi bật mà các tác giả quan tâm khi đề cập đến tình thái là thái độ, cách đánh giá của người nói. Hoàng Phê (1989) cho rằng tình thái phản ánh nhận thức, sự đánh giá, thái độ của con người đứng trước hiện thực nên chính yếu tố tình thái này tạo nên tính cụ thể và sinh động của lời nói. [66; 139] Có thể rút ra những điểm quan yếu về tình thái như sau: Tình thái cùng với nội dung mệnh đề là hai thành phần cần yếu tạo nên cấu trúc ngữ nghĩa của phát ngôn. Tình thái là một phạm trù rộng lớn thể hiện thái độ, những cách đánh giá khác nhau của người nói đối với nội dung mệnh đề, với người đối thoại và với các nhân tố khác của ngữ cảnh liên quan đến sự tình được phản ánh. Tình thái phản ánh cách thực hiện mối liên hệ tiềm năng giữa các yếu tố ngôn liệu, cho biết mối liên hệ ấy là có thực hay không có thực (hiện thực hay phi hiện thực), là tất yếu hay không tất yếu, là có thể hay không có thể. Tình thái phản ánh các mối quan hệ phức tạp giữa bốn nhân tố của quá trình giao tiếp: người nói, người đối thoại, nội dung của phát ngôn và thực tế. Đó là: quan hệ giữa người nói đối với nội dung được thông báo (tình thái chủ quan); quan hệ giữa điều được thông báo với hiện thực (tình thái khách quan); quan hệ giữa người nói với mối quan hệ do nó lập nên giữa nội dung của một phát ngôn cụ thể và thực tế (quan hệ giữa tình thái khách quan và tình thái chủ quan); quan hệ giữa người nói và người đối thoại hoặc giữa nội dung phát ngôn với mục đích giao tiếp (tình thái của hành động phát ngôn). Kế thừa và tiếp thu những quan điểm nêu trên của các tác giả về vấn đề tình thái, luận văn cố gắng làm rõ về tình thái giảm nhẹ và xác lập một hệ thống các phương tiện diễn đạt TTGN trong diễn ngôn tiếng Việt dựa trên quan niệm chung về tình thái ngôn ngữ, đó là: thái độ, cách đánh giá của người nói đối với người đối thoại, đối với nội dung mệnh đề. 1.2.1.2 Các kiểu loại tình thái Theo Phạm Thị Ly [51], khó có thể đưa ra một bảng phân loại rành mạch các kiểu loại tình thái trong ngôn ngữ học vì hai lý do sau: Thứ nhất: Các kiểu loại ý nghĩa tình thái là hết sức đa dạng trong các ngôn ngữ khác nhau và cách mã hóa các ý nghĩa này trong hình thức ngôn ngữ cũng khác nhau. Ví dụ trong tiếng Việt có nhóm tiểu từ tình thái diễn đạt thái độ của người phát ngôn đối với người tiếp nhận nhưng trong tiếng Anh lại không có. Thứ hai: Có một tình trạng phổ biến trong nhiều ngôn ngữ là một phương tiện hình thức có thể diễn đạt những ý nghĩa tình thái khác nhau. Nói cách khác, cách biểu đạt ý nghĩa tình thái có sự lệ thuộc vào ngôn cảnh trong giao tiếp. Mặt khác, còn có thể thấy rằng, nếu trong logic học, tình thái của một mệnh đề thường được nghiên cứu qua ba thông số: Tính khả năng (±) Tính tất yếu (±) Tính hiện thực (±) thì trong ngôn ngữ học, tình thái của phát ngôn còn được nghiên cứu qua nhiều thông số khác nhau như thái độ, sự đánh giá của người nói. Chính sự kết hợp của các thông số này với ba thông số nêu trên của logic học đã tạo nên cách nhìn sinh động và phong phú khi phân loại tình thái trong ngôn ngữ. Có thể điểm qua một số cách phân loại như sau: (1) V.N. Bondarenko sau khi phân tích các hướng nghiên cứu về tính tình thái đã chỉ ra rằng chỉ có hai nhóm ý nghĩa sau đây mới đúng là các ý nghĩa tình thái: - Tính khả năng, tính thực tế và tính cần yếu. Nhóm ý nghĩa này là cơ sở cho tình thái khách quan (objective modality) - Sự nghi ngờ, tính không chắc chắn (giả định khả năng) và tính dứt khoát. Nhóm ý nghĩa này là cơ sở cho tình thái chủ quan (subjective modality). [theo 92; 33] (2) E.M. Volf đã nêu lên một số kiểu ý nghĩa tình thái. Theo tác giả sự đánh giá có thể được coi như một trong những kiểu tình thái trùm lên trên nội dung được miêu tả của sự biểu thị ngôn ngữ. Ngoài ra còn có những kiểu tình thái khác: - Tình thái cần yếu - Tình thái mong muốn (nguyện vọng) - Tình thái yêu cầu - Tình thái khuyên nhủ - Tình thái ngăn cấm và cảnh cáo trước - Tình thái răn đe [theo 92; 33 - 34] (3) J. Lyons (1980), trong “Semantique Linguistique” (Ngữ nghĩa của ngôn ngữ), nêu ra ba loại tình thái: - Tình thái tất yếu và khả năng (La modalité nécessité et possibilité) (bắt nguồn từ sự phân chia của các nhà logic). - Tình thái nhận thức (La modalité de cognition) (liên quan đến tính thực tế, tính hiện thực) - Tình thái nghĩa vụ (La modalité déontique) (gắn với một lĩnh vực của logic tình thái, đó là logic về nghĩa vụ và cho phép. Loại này liên quan đến các kiểu câu mệnh lệnh: yêu cầu thực hiện, ra lệnh thực hiện, cấm đoán thực hiện). Ông còn cho rằng, về mặt lí thuyết, có thể phân tình thái nhận thức thành hai loại: tình thái chủ quan và tình thái khách quan, nhưng đó không phải là sự phân chia có thể tiến hành một cách hoàn toàn rạch ròi. [97; 406 - 412] Sau đó năm 1990, ông bổ sung thêm hai loại nữa là: - Các thì ngữ pháp như một loại tình thái (Les temps grammatical comme modalité) - Bắt buộc, cho phép, cấm đoán, miễn trừ (L' obligation, la permission, l' interdiction et la dispence) (4) M.V. Liapon chia ý nghĩa tình thái ra thành hai loại: - Tình thái khách quan: thể hiện mối quan hệ giữa cái được thông báo với thực tế ở bình diện hiện thực tính và phi hiện thực tính. Tình thái khách quan là dấu hiệu tất yếu của một phát n._. gắt: Nói láo! Cái giấy mượn đôi hoa tai bằng vàng đấy chứ văn tự đâu mà văn tự. [21; 65] 9. Quan phủ dịu giọng: Mai lên phủ hầu. Nghe không? [21; 127] 10. Chị Dậu đấu dịu: Xin ông làm phúc để cho tôi cho cháu nó bú cái đã…[21; 137] 11. Chợt một tiếng hỏi làm cả hai sững lại: Ai thế này? Đi đứng thế nào thế này? Quềnh và Thó cùng khựng lại. Một người đàn ông cao, gầy đã đứng sát bên cạnh. Người ấy dịu giọng: À chú Thó à? Lài bác Quềnh nữa, ôm cái gì thế này? [22; 39] 12. Ông Dương Lễ dịu giọng: Đem làm ngay đi. Thui lên cho nóng [23; 26] 13. Thế con không nghe mẹ à? - Nhà tôi dịu giọng. [24; 144] 14. Chừng như hiểu điều Thim không nói hết, đôi mắt Phón thoáng một nỗi xót xa thương cảm, giọng Phón đã dịu xuống: Con chim có tiếng hót tìm bạn, lời em nói chẳng rơi vào lòng anh, em muốn được gánh cái nghèo cùng anh nhưng anh chẳng cho. [25; 166] GIỌNG NHẸ NHÀNG 15. Tôi hoảng hốt quát to: Ai thế? Một thứ tiếng rất nhẹ nhàng đáp lại: Tôi đây mà, các ông đi gặt hẳn? [2; 15] 16. Tôi nhẹ nhàng: Có lẽ phải về thôi. Sắp bão rồi. [10; 45] 17. Tôi biết là cô sẽ nghĩ lại. – Hắn quay về phía nàng, bước chân như mèo và giọng nhẹ nhàng. [14; 300] 18. Sau khi anh bệnh binh ngang ngạnh đã đứng dậy, tôi liền nhẹ nhàng: Anh ngồi xuống đi, kẻo ngã đấy. [19; 27] 19. Tơ Hú trả lời với giọng nhẹ nhàng đầy âu yếm: Mời mình cứ vào. Tôi không bận gì đâu. [20; 266] 20. Đang thẫn thờ như người mất hồn, cô Khịt bỗng thấy cánh tay nhẹ nhàng choàng lấy vai mình và giọng dịu dàng của Tơ Hú bên tai: Em gái ơi sao lại ngồi đây ? [20 ; 271] 21. Quan phủ đáp bằng giọng nhẹ nhàng: Định đi đâu mà mở cửa? Đứng ra dưới cái gương kia ta hỏi. [21; 153] 22. Bà cụ Tứ khẽ đằng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với "nàng dâu mới": Ừ, thôi các con đã phải duyên phải kiếp với nhau. U cũng mừng lòng... [23; 58] 23. Bà cụ Tứ chợt thấy con giai đã dậy, bà lão nhẹ nhàng bảo nàng dâu: Anh ấy dậy rồi đấy. Con đi dọn cơm ăn chẳng muộn. [23; 60] 24. Ông lão quay lại, vẫn giọng trong vắt nhẹ nhàng: Thưa ông, tôi còn đi thăm hai mốt gia đình các cháu như thế này nữa, mà mỗi gia đình đều cũng đông. Bảy giờ tối, tôi mới về đến Hà Nội. [25; 33] GIỌNG DỊU DÀNG 25. (…) chị đĩ Chuột thương hại dịu dàng bảo: Con chạy ra vườn xem chị Gái làm cỏ, lúc nào chè chín bu gọi về mà ăn…chóng ngoan rồi bu thương. [2; 12] 26. Tôi dịu dàng: Trả mãi cũng phải hết. Đừng lo. [2; 309] 27. Dịu dàng chị Pha đáp: Cậu làm phúc bảo giùm cháu, cháu đội ơn. [6; 104] 28. Chị đưa anh ba hào, dịu dàng nói: Đây nộp cho xong rồi mà về, quàng lên. [6; 111] 29. Ngài dịu dàng nói: Thế thì anh để xe không cũng vậy, mà nó đến han đến gỉ, rồi hỏng đi thì tôi tiếc (…) [9; 172] 30. Xong rồi anh ạ. Nàng vẫn dịu dàng. [10; 405] 31. Hiệp cảm động trong lòng, âu yếm và lấy giọng dịu dàng: Không, tôi không quên em…[13; 67] 32. Bác sĩ dịu dàng: Chúng tôi chỉ xét nghiệm chữa trị vô sinh. Còn trường hợp này thì…quả thật, ngoài khả năng…[14; 28] 33. Ông kia lại dịu dàng: Bẩm cảm ơn quan lớn lắm ạ. Xin quan lớn biết cho rằng tôi lại còn là một biên tập viên trong ban soạn tự vị nữa ạ. [16; 271] 34. Phúc vẫn dịu dàng: Làm như người ta đã nghiện có chừng mực rồi ấy? [18; 310] 35. Nhưng bây giờ chỉ dịu dàng để than thở hơn là rầy la: Dạo này cậu bỏ nhà đi chơi đêm nhiều quá. [18; 317] 36. Vợ anh, vẫn cứ mãi như miếng thạch, dịu dàng đáp: Vâng tôi hiểu lắm chứ! Tôi biết thân phận tôi lắm chứ. [18; 318] 37. (…) bà Lưu bước lại gần, hỏi bằng những lời dịu dàng hơn: Thế trong người thế nào? [24; 295] GIỌNG THÂN MẬT 38. Rồi đổi giọng thân mật cụ hỏi: Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước. [1; 10] 39. (…) bà Trùm trịnh trọng mắng một cách thân mật: Thôi đừng vẽ. Lên năm, lên mười nhờ giời chứng sống, lúc nào khai không được. [6; 23] 40. Cậu lệ ngắm Pha từ đầu đến chân, rồi đứng gần lại, hất hàm, thân mật hỏi nhỏ: Có gì không? [6; 79] 41. Thấy Pha đứng ngây người, im lặng, ông Nghị thở dài, và nói bằng giọng thân mật hơn: Thế nhà mày thiếu gạo ăn hôm nay à, con? [6; 121] 42. Một hôm, ngài truyền bác vào nhà tư, và hỏi khẽ, giọng thân mật: Tôi hỏi thực anh thế anh có muốn dùng cái xe này không? [9; 171] 43. Định quảy gánh rau về thì thấy anh hỏi thăm tôi rất thân mật: Chị bán rau ơi, chị có người chồng thương binh nặng phải không? [19; 168] 44. Bà lão hạ thấp giọng xuống, thân mật: Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. [23; 58] GIỌNG ÂU YẾM 45. Rồi ông đặt tay lên vai Pha, đưa anh vào trong nhà, âu yếm nói với ông Chánh hội: Mình thương chúng nó, mà chúng nó có hiểu lòng mình đâu. [6; 139] 46. Bà phủ bật cười, âu yếm bảo con: Các cô ăn nói vô ý quá. Không nên so sánh vô lí như thế. [8; 39] 47. Hôm nay hoàng đế của em ăn món gì? - Bà vợ hoàng hậu của vương quốc chữ âu yếm thỏ thẻ. [20; 163] 48. Bà lão hạ thấp giọng xuống, thân mật: Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. [23; 58] GIỌNG NHỎ NHẸ/NHỎ NHẺ 49. Ông Cứu tiến lên gần, nhỏ nhẻ thưa: Lạy quan lớn, còn vong hồn con con kia. Nếu có thế nào con cam chịu tội trước cửa quan lớn. [9; 159] 50. Chị phì cười dí vào trán chồng nhỏ nhẹ: Có thế mà cũng không biết. Anh nói gì cũng được nhưng phải cho em đường lui chứ. [14; 441] 51. Chị đỗ gánh xuống, nhỏ nhẹ: Làm sao mặt lại nặng như đá đeo thế kia? [23; 229] 52. Mùi thở dài, nói nhỏ nhẹ: Bọn người chúng em hung dữ cũng không được, hiền lành cũng không xong. Thật khó sống. [24; 336] 53. Ông tiếp giọng nhỏ nhẹ: Mới đấy mà chú ấy cũng hưu được hai năm. [25; 47] GIỌNG THỎ THẺ 54. Nga thỏ thẻ: Nhờ anh trông giúp tôi cái va ly và khi sắp đến ga, anh bảo nó hộ. [8; 53] 55. Cho nên đã có lần Chi ngồi cạnh Nga vuốt lưng nàng và thỏ thẻ nói: Em Nga ơi, nếu anh không phụ bụng em thì chi đã đến nỗi em khổ. [8; 161] 56. Hôm nay hoàng đế của em ăn món gì? - Bà vợ hoàng hậu của vương quốc chữ âu yếm thỏ thẻ. [20; 163] 57. Cái Tý thỏ thẻ khuyên em: Tiền bán khoai còn phải để dành đóng sưu cho ông lý chứ? [21; 32] 58. Bà lão thỏ thẻ yên ủi: Thấy tình cảnh nhà bác tôi thật ái ngại. Nhưng thôi, sông có khúc người có lúc (…) [21; 133] GIỌNG NGỌT NGÀO 59. Lại ngọt ngào, Chi nói: Này, cô Nga, cô đương nói chuyện với Chi kia mà. [8; 155] 60. (…) nhưng lại thấy ông chủ ngọt ngào dỗ: Bấy lâu cậu nghỉ hát ở các rạp khách nhắc nhở luôn đấy. [9; 72] 61. Chị cười thật tươi và trấn an ông bằng cái giọng đến đá cũng phải mềm lòng: Ông ơi, ông đừng chấp nhà con. (…) [14; 438] 62. Ngó con một cách đau đớn, chị Dậu ngọt ngào: Con hãy cố nhặt thêm vài chục mẩu nữa (…) [21; 32] 63. Và chị cố kiếm cho được cái giọng ngon ngọt để dỗ thằng Dần: Dần buông chị ra đi con! Dần ngoan lắm nhỉ? [21; 81] 64. Chị Dậu ngồi xuống bếp, ngọt ngào nói ra: Bác tính từ lúc gà gáy đến giờ, tôi những rối về chạy chữa cho thầy cháu, nào đã lo kịp? Nhờ bác nói với ông lý hãy cho nhà tôi khất đến chiều mai. [21; 115] 65. Quan phủ đổi giọng ngọt ngào: Mai lên phủ hầu! Giải cả con vợ thằng Dậu lên nữa. Nghe không? [21; 129] 66. Quan phủ ngọt ngào: Sao mợ lại nói thế nhỉ? Đã hay rằng mợ không ưa sự đó, nhưng cái đời nó như thế, người ta thế mình cũng phải thế. [21; 143] 67. Quan phủ theo sau, ngài nắm tay chị, lôi lại và ngọt ngào: Hãy vào trong giường này đã…Mày đánh lính trong khi làm việc phận sự, tôi nặng lắm…Vào đây…rồi tao châm chước đi cho. [21; 153] 68. …Mặc cho ông Hàm lừ khừ nói nhát một, Tùng cứ hào hứng kể chuyện giá sắn giá ngô trên mạn ngược thế nào, rồi chào ông Hàm rất ngọt ngào lễ phép trước khi đi như bay về nhà. [22; 93] 69. Bà Đồ Ngật vẫn ngọt lừ như chè kho, đúng là một trưởng đoàn ngoại giao đại tài: Thôi thì cái khó nó bó cái khôn! Bác có trách chúng em, có chửi chúng em thì chúng cũng cứ là sống tết chết giỗ mang ơn bác…[22; 341] GIỌNG THẼ THỌT 70. Nghe tới đó cô Khịt hoảng quá, vội thẽ thọt thưa: Ôi, em làm sao có thể hầu hạ ngần ấy ông chồng cho xuể. Chỉ lo cơm rượu không thôi cũng hết hồn vía chị ạ. [20; 265] 71. Biện lệ như cũng nguôi giận, hắn lại thẽ thọt: Nó là tiền giường, tiền chiếu này ngồi, tiền cơm mà mày ăn lúc nãy, chứ là tiền gì? [21; 149] 72. Triển đến thật. Anh ta để tệp tiền nhàu nát quăn queo trên bàn trước mặt ông bố, rồi uốn giọng thẽ thọt: Con nộp đủ tất cả sáu lần đấy bố ạ. [25; 49] GIỌNG MỀM MẠI/HÒA NHÃ/ÊM NHƯ RU 73. Cô có muốn dạo một vòng trước khi chúng ta về nhà không? – Câu hỏi thốt lên bằng giọng rất hòa nhã [14; 295] 74. Giọng hắn mềm mại: Tôi cho xe chạy một vòng quanh phố nhé? [14; 296] 75. Giọng hắn êm như ru: Khăn quàng ngay sau lưng cô đấy thôi. [14; 296] 76. (…) anh đến ngồi sát bên tôi, giọng anh như ru: Thời gian này em ôn thi thức đêm nhiều chắc giờ mệt mỏi lắm. [19; 63] GIỌNG ÔN TỒN/ ÂN CẦN 77. Cụ lớn tươi nét mặt, ôn tồn truyền: Vì sự ấy nên hôm nay tôi định gọi anh vào để em nó được tạ quá cùng anh. [5; 28] 78. Ông giáo liếc mắt xuống gầm bàn, rồi tự nhiên, dúi hai chân lại sau ghế, và ôn tồn nói: Thôi nhưng mà chốc nữa chúng mày phải gội đầu bằng xà phòng nhé! [9; 87] 79. Trước cảnh thương tâm ngài ôn tồn hỏi ông Cứu: Cái đầm này mỗi năm anh kiếm lợi cả cá lẫn hoa có được đến dăm trăm không? [9; 157] 80. Nhà tư bản (...) thoăn thoắt bước theo mà nói bằng một giọng rất ân cần: Này chị, gánh cái gánh lại chỗ xe ô tô kia tôi mua một ít cho. [17; 11] GIỌNG MỀM MỎNG 81. Tôi quyết định mềm mỏng để hoãn binh: Hình như bà từ xa tới. Chắc bà đang đói bụng? [15; 316] 82. Quà của con đây. - Gã cố lấy giọng mềm mỏng. [20; 221] 83. Nhưng ông thầm cảm ơn chị em bà cả đã vô tình giành cho ông phần thắng, nên ông đủ bình tĩnh mềm mỏng: Thôi cô Cành ạ, có chuyện gì đã có tôi đây. [22; 313] NÓI NHỎ 84. (…) vợ Thủ rón rén lại bên giường gọi nhỏ: Thầy em dậy đi có chú Sửu đến. [22; 136] 85. (…) Sửu lại nói nhỏ: Cánh nhà ông Phúc cũng đáo để. [22; 137] 86. Rồi Sửu quay sang Thủ hỏi nhỏ: Tý nữa anh có lên xã không? Tôi thấy lúng túng quá. [22; 137] 87. Thấy bóng bà Son, Sửu đi xuống mở cửa, tay xách theo tích nước, miệng nói nhỏ: Đoàn kiểm tra của huyện sắp ở đồi Sim về đấy, bá giục ăn uống nhanh lên. [22; 155] 88. Anh Thủ, nghe nói bác Hàm bên ấy…Lan đến bên Thủ hỏi nhỏ (…). [22; 193] 89. Tôi nói nhỏ: Cậu đang buồn. Mợ đừng làm căng thẳng thêm. [10; 51] 90. Tôi ngồi xuống. Nói nhỏ: Cậu có muốn cháu đi đâu cùng cậu không? [10; 51] 91. Bà Vy nói nhỏ: Mẹ đi được ba bước rồi, kể ra có cái nạng thì không ngã. [10; 253] 92. Xuống nhà một tí. - Anh cán bộ nhìn tôi nói nhỏ. [10; 292] HẠ THẤP GIỌNG 93. Rồi Sửu hạ thấp giọng như thì thầm: Tình hình gay lắm bá ạ! Có khi cả đồng chí Thủ cũng bị liên đới. [22; 155] 94. Lúc sau, Thủ đứng dậy, hạ giọng rất trầm, dặn dò ông Hàm: Bác đứng làm ầm lên hỏng việc, lúc này đang rất cần đến bá ấy. [22; 249] 95. Bà lão hạ thấp giọng xuống, thân mật: Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. [23; 58] 96. Lạt dừng lại rồi hạ giọng xuống như dỗ dành: Thầy em xem, người ta đã đốt đèn măng sông sáng trưng lên ở ngoài đồng kia kìa. [23; 242] 97. Mẹ tôi hạ thấp giọng, nói run run: Mẹ biết hai anh em con rất…quý nhau. Chính vì mẹ muốn giữ cho tình anh em thương nhau, quý nhau lâu dài, mà mẹ thấy cần để cho Thu đi lấy chồng con ạ. [23; 264] NÓI SẼ SÀNG/KHẼ/KHẼ KHÀNG/DẼ DÀNG 98. Đợi đến khi tôi ngừng, ông mới khẽ khàng: Anh ngồi xuống đi, tôi hỏi nhé. Anh ngày xưa đi Tàu, có biết Tùng Quảng không? [15; 328] 99. Anh! Tôi khẽ khàng gọi và lo lắng tìm lời an ủi. [19; 52] 100. Ngoảnh lại thấy chồng bị trói chặt quá, mặt mũi nhăn như chuột kẹp, chị Dậu lại dẽ dàng kêu van ông cai: Nhà tôi đương ốm…Xin ông làm phúc nới rộng nút thừng ra cho! [21; 40] 101. Vợ Thủ bưng chiếc mâm từ dưới bếp lên. Bên trên là tô cơm rang và đĩa thịt vịt xào. Chị vừa dọn bàn vừa nói sẽ sàng: Thầy em đi rửa mặt, rồi mời chú Sửu ăn tạm bát cơm. [22; 137] 102. Bà Son biết hai bà chị họ đến bắt đền, giao phó mọi chuyện cho bà, nên bà dẽ dàng bảo: Thôi việc thế nào đã có xã, huyện, còn chuyện ăn uống hai bá khỏi lo, em sẽ nấu nướng cho cả ba bác cháu. [22; 154] 103. Đặt làn bún và tích nước lên bàn, bà nói sẽ sàng: Bác cháu dậy đi, súc miệng rồi ăn tạm bát bún. [22; 155] 104. Thủ biết ông ấy đã nóng mắt lắm nên anh càng dẽ dàng: Bác cứ bình tĩnh, em kể cho bác biết là để phải cùng lo việc lớn trước đã, chứ việc nhà như cá trong nơm, làm gì phải vội. [22; 248] 105. Vân quay lại nhìn chồng rồi khẽ nói: Thì mình thử ra xem ai đã nào, đã đến giờ đi đâu. [23; 301] 2. Các phương tiện gián tiếp 2.1 Dùng khoảng im lặng, kiểu nói lửng 1. Bẩm không ạ, bẩm thật là không say. Con đến xin cụ cho con đi tù mà nếu không được thì…thì…thưa cụ…[1; 22] 2. Ấy là mới rời tao ra một tháng…[1; 125] 3. Mẹ mà chết đi thì con ơi…[1; 125] 4. Hèn nào mà em thấy người thu tiền nhà sáng nay đã đến…[1; 142] 5. Anh nghĩ có buồn không? Trí thức thì thế đấy. Còn dân thì…như anh đã biết. [1; 200] 6. Rồi anh bỗng vỗ vai tôi, cười gượng, bảo: Thôi, đi về!...[2; 198] 7. Phải phải bà đồ ạ! Nhưng mà…[2; 346] 8. Thứ tán thành: Có lẽ…[3; 96] 9. Tôi chỉ sợ anh nghe người ta mà…[3; 105] 10. Không! Tôi có ai nghe ai thì tôi chết! Mà cũng chẳng ai nói gì cả. Tôi chỉ nghĩ rằng…[3; 105] 11. Mau lên, đưa đây mấy hào, không thì…[6; 83] 12. Anh hỏng? (…) Rồi hai người ngồi lặng đi...[7; 24] 13. Vậy cô có hiểu bụng cho tôi không? - Tôi hiểu lắm, nhưng…[7; 36] 14. Biết rồi! Nhưng mà làm giáo học…[7; 66] 15. Tôi cảm ơn cậu, nhưng cậu quên tôi đi, cậu đừng yêu tôi nữa. Thôi từ nay...[7; 131] 16. Thầy me cháu nhiều lúc quá thiên…[8; 81] 17. Thì có làm sao? Thằng Chi cũng là người chứ là gì? - Nhưng mà…[8; 129] 18. Bẩm thầy, con tưởng con đã trót như thế này thì…[8; 182] 19. Nói thế này anh đừng giận nhé, chúng nó sẽ bảo chúng ta là… Sinh ngừng nhìn bạn. Nghĩa tiếp ngay: Là ăn cắp là cùng chứ gì! [9; 134] 20. Vớ vẩn, bão gì mà bão. Có buồn ngủ thì ngủ. Cậu cho sang bờ bên kia chơi. 21. Thôi cậu, nhỡ ra không về kịp...[10; 46] 22. Không. Đi luôn. Mỗi người một việc. Cô lấy chồng và em theo bế em mới. – Chú nhìn thẳng như đo phản ứng của tôi về sự việc ấy. Tôi im lặng. Tự nhủ: Thà không hỏi còn hơn. [10; 77] 23. Nhưng…nếu lấy ai đó mà không có con được lành lặn thì…[14; 28] 24. Chúng tôi chỉ xét nghiệm chữa trị vô sinh. Còn trường hợp này thì…quả thật, ngoài khả năng…[14; 14] 25. Nó điên điên khùng khùng còn chưa đủ khổ hay sao mà… [14; 214] 26. Nhưng anh không thể…[14; 293] 27. Nếu trời cho chúng ta một đứa con mà cô hủy nó đi thì…[14; 300] 28. Bà thì thào: Ông ta như người mộng du! Mê tượng đến thế thì…[15; 20] 29. Anh bảo em phải làm gì bây giờ? - Đừng có nghĩ gì cả…đừng nghĩ. - Em thấy bế tắc… [15; 203] 30. Oạch: Đứa nào tán tỉnh chồng cô ấy để đến nỗi…[15; 235] 31. Vâng bây giờ thì cháu hiểu rồi…[15; 331] 32. Cụ thì ra đẻ được mẹ anh nữa kia mà? Mà mẹ anh thì…[16; 16] 33. Thưa ông, đó là sự tự nhiên, mà có lợi thì lợi cho các ông chớ cho gì riêng tôi mà ông lại... [16; 55] 34. Ông tưởng thế, chứ báo của ông đã có ảnh hưởng gì? Chắc đâu...[16; 55] 35. Còn tôi dễ thường…[16; 123] 36. Gớm, bạn kỹ tính thật, kén vợ đến thế thì…[16; 182] 37. Người gái quê ấy…[17; 161] 38. Thật đáng tiếc! Tôi quý ông, muốn coi như người nhà…[17; 162] 39. Thật thế, thấy ông là người ngay thẳng có một, lại nhiều tính tốt, nên tôi vẫn định bụng…[17; 162] 40. Thế thì việc cóc gì! Hiền lành như anh, hà tiện như anh, ngoan ngoãn như anh…[18; 97] 41. Anh biết vậy nhưng cảm thấy có cái gì đó không được yên tâm. - Tôi im lặng. [19; 16] 42. Còn tình yêu thì…mong anh hiểu cho em. [19; 48] 43. Dạ, thưa bác sĩ, tôi mạnh bạo hỏi, vậy là con tôi không thể cứu chữa được nữa? - Bác sĩ im lặng. [19; 113] 44. Mọi ngày ba nó vẫn hút thuốc rê, bữa nay lại đòi thuốc gói. Mà tiền đâu mua? Gạo cũng hết rồi…[20; 160] 45. Anh biết người lấy mà anh không nói à? Hay là…[20; 297] 46. Gía như dạo vừa tốt nghiệp anh về Sài Gòn tìm một việc gì đó …[20; 367] 47. Nhưng người ta bắt viết văn tự và bắt đèo thêm…[21; 63] 48. Thưa ông thật quả cháu không có. Thuế ở nhà cũng chưa nộp đủ nữa là...[21; 148] 49. Vào đây…rồi tao châm chước đi cho. [21; 153] 50. (…) ấy bu cháu ra tỉnh chuyến này nếu ở được mỗi tháng một đồng kia đấy, nhưng mà…[21; 198] 51. Bác đã gọi thì em xin hết lòng nhưng vía em nó yếu lắm. Em chỉ lo rồi thì…[22; 82] 52. Tôi nói thế là tôi lo cho thầy nó, chứ tôi thì…[22; 156] 53. Anh Thủ, nghe nói bác Hàm bên ấy…Lan đến bên Thủ hỏi nhỏ, giọng lo lắng. [22; 193] 54. Con tôi, hắn…[23; 30] 55. Bất giác Hòa cũng khẽ giọng, như sợ Lựu nghe thấy: Nếu cần thì…[23; 43] 56. Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau…[23; 57] 57. Chẳng qua nó cũng là cái số cả…[23; 57] 58. Lan uống cạn rượu, đặt ly xuống nhìn tôi: Anh chưa hỏi gì về đời em? - Tôi chẳng chút sờn lòng: Bác có cho anh biết qua… - Tôi thêm: Hoàn cảnh trong này… Tôi dừng lại, không muốn giải thích dài dòng. Lan thông minh, mau hiểu. [23; 78] 59. Bác coi đó: Thương cháu như vậy, biết cháu đau như vậy, một người có tinh thần trách nhiệm cao như chị Nghiêm đâu có nỡ nào…chỉ còn cách giải thích bằng cái chết mà thôi…[23; 187] 60. Nhưng mẹ vẫn lo. Con thì hun hút, nó lại quá xa. Đàn bà…[24; 141] 61. Thưa bác, đây là chỗ ngày trước…[24; 357] 62. Tôi đến ngồi trên chiếc tràng kỷ nhẵn bóng, đối diện với bố tôi: - Mười năm anh đi những đâu? - Thưa thầy con đi gần hết cái đất nước này. - Anh thấy nó rộng hay hẹp? - … - Chưa vượt biên chứ? - Tôi vẫn im lặng. [25; 59] 63. Tôi biết nói ra điều ấy không xứng đáng với một ông bố. Nhưng tôi không thể…anh hiểu ý nguyện của tôi chứ. [25; 81] 2.2 Dùng lối nói rào đón – lối nói vòng 1. Đã biết nhưng tôi còn muốn nhờ ông một việc… Ông giáo để tôi nói…Nó hơi dài dòng một tí. [1; 60] 2. Có lẽ hôm nay đã là mồng hai mồng ba tây rồi mình nhỉ? [1; 142] 3. Thưa ông, ông đã có lòng thương đến cháu mà xét ra như thế này thì thật ông thương quá, thương mọi nhẽ cái gì ông cũng châm chước đi cho cả…[2; 136] 4. Thôi thì mọi sự ông đã thương cho cháu cả rồi, hôm nay tiện được ngày, tôi cũng biện cơi trầu đến kêu với ông để cho các cháu được lễ các cụ…[2; 136] 5. Tôi tưởng anh là cái chỗ con cháu nhà, nên muốn dắt díu anh một tí; còn tôi đây thế nào cũng còn dễ hơn người khác. [2; 210] 6. Bẩm ông, ông có bụng thương thật phúc cho nhà chúng con lắm. Giá con lo được, để ông che đỡ cho thì còn gì bằng nữa.(…) nhưng thật cảnh nhà con còn bấn quá. [2; 210] 7. Bẩm cụ, ở ngoài con ít người quen, không tiện chỗ nào cho cháu trọ học, và nơi thành thị là chốn ăn chơi, cái hay thì ít mà cái dở thì nhiều, con sợ chú nó là con nhà hiếm, tính quen nuông chiều sẵn, hoặc giả nhiễm thói hư chăng, nên đánh liều xin cụ cho cháu được ở hầu đây…[5; 10] 8. Lạy cụ, nhà chúng con quê mùa, không có gì, gọi là vi thành, có buồng cau dâng cụ, xin cụ thương cho. [5; 11] 9. Bẩm con nói câu này, quan lại bảo con ghét nó mà mách, chứ cái ngày quan dạm mua ruộng nhà nó, nó đã không bán lại còn dám nói xấu vô số. [6; 9] 10. Giá nó nói với tao một tiếng, tao cho nó cái danh thiếp lên quan, có phải bằng mấy lục sự thừa phái có khi họ đơm đó không? Thế mày định theo kiện hay chịu ngồi tù? [6; 64] 11. Cho nên tao tưởng mày theo kiện, rồi kiện lại nó, chứ có đứa hàng xóm như thế, thực là nguy hiểm. Hiện nay mày còn nhà mà ở, còn ruộng mà cấy, nhưng biết đâu mai đây, vì một hũ rượu của nó mà mày không những khánh kiệt lại bị tù tội. Cho nên tao định đến đây bàn với mày, là tao cho mày tiền để mày kiện lại nó. (…) Mày ngại không có tiền à? Cái đó không hề gì. Tao cho mày vay. Mấy hột mà sợ. [6; 65 – 67] 12. Thoạt tiên ông Tham ấp úng mãi mới nói được: Bẩm anh chị, hai em về đây cốt bẩm một điều cho cháu Nga. [8; 165] 13. Bẩm cứ theo như lời ông Đốc tờ, thì cháu Nga tài nào cũng phải lấy chồng ngay. [8; 165] 14. Dạ, nhưng mà chính Đốc tờ người ta nói thế, rất đúng bệnh của cháu, chính là uất lên vì tình. [8; 165] 15. Dạ. Nhưng bẩm anh chị, ông Đốc tờ dặn, thế nào cũng cho cháu lấy chồng ngay. [8; 166] 16. Bẩm chị, người ta chỉ dặn em có thế. Người ta bảo chớ tin rằng cháu khỏi thực. Người ta lại bảo bao giờ cũng nên chiều ý cháu, nhất là về việc gả bán. [8; 166] 17. Ông Tham xám ngoẹt mặt thưa: Bẩm anh chị. Em nói thực điều này; chắc anh chị không bằng lòng em. [8; 167] 18. Bẩm anh chị, cháu Nga sở dĩ chịu uống thuốc, mà ngày nay khỏi bệnh được, là toàn ở công người học trò tên là Chi. [8; 167] 19. Bẩm anh, công của nó như thế thì rất to. Hãy nói ngay rằng nếu không có nó, thì cháu Nga hiện nay tất vẫn còn điên, hoặc sẽ chết. Nghĩa là thằng Chi đã cải tử hoàn sinh cho cháu Nga. [8; 167] 20. Dạ, bẩm anh chị cho nên em tưởng theo lời Đốc tờ dặn bảo mà giữ gìn cho cháu cẩn thận thì hơn. [8; 168] 21. Bẩm anh chị, con ai thì con, em thiết tưởng gả chồng cho cháu thì nên tùy ý cháu. Mình làm cha mẹ cốt xem cái đứa nó hỏi cháu có ngoan ngoãn, hiền lành, có nhân cách không thôi là đủ. [8; 169] 22. Bẩm anh, em tưởng cần nhất là hai đứa đăng đối với nhau trước đã, hễ chúng nó bằng lòng nhau là hơn. Như cháu Nga, lấy chồng là lấy cho cháu, thì anh chị nên tùy cháu, cho cháu cái quyền được lấy chồng. [8; 169] 23. Bẩm anh, em tưởng giá trị một con người là chính ở người ấy. Ngay như nghề làm quan, nhà nước chỉ dùng người có tài, thế thì việc hôn nhân, chỉ nên chọn người chứ không nên chọn gia thế. [8; 170] 24. Nhưng mà em tưởng bây giờ có người con trai thật tốt bụng, ngoan ngoãn, có nhiều đức tính nhất là có nhân cách, mà mình trông chừng nó có thể làm nên, nghĩa là nó có cái tương lai rất tốt đẹp, không kém con nhà quan, thì mình gả cũng được (…) [8; 171] 25. Bẩm anh, nó đã đỗ ở trường Bưởi. Mà có thể theo học đến kì cùng. Người ta kỹ sư, tiến sĩ, thì nó cũng có thể kỹ sư, tiến sĩ…[8; 171] 26. Bẩm anh, thằng Chi làm được cho cháu Nga khỏi, vì nó đã phải làm cho cháu đỡ uất lên vì tình. [8; 174] 27. Thầy me tuy giận con nhưng vẫn thương con lắm con ạ (…). Thế này thì con còn thể nào lấy được người tử tế. Ai người ta lấy con làm vợ cái con cột nữa. Mà cái đời làm lẽ, khổ nhục trăm phần, con ạ. (…). Thầy me phải tính cho con được bằng người mới được.(…). Vậy thì con cũng có thể làm nên được bà nọ bà kia, danh giá con ạ. (…) Cho nên thầy me định bịt hẳn chuyện này đi. Chốc nữa mẹ cho con uống thuốc thì con uống nhé. [8; 184 – 185] 28. Bẩm ông, thầy u con đã nhắn ra rằng đến ra giêng, mùng sáu, thì xin cưới cho con, vậy thế nào sáng mai con cũng xin ông cho con về sớm. [9; 105] 29. Tôi nghe như cậu còn tiền, cậu có thể cho tôi giật lửa được không? [9; 106] 30. Con hỏi câu này, nếu không phải, cậu bỏ ngoài tai nhé. [9; 117] 31. Nói thế này anh đừng giận nhé, chúng nó sẽ bảo chúng ta là… [9; 134] 32. Trước cảnh thương tâm ngài ôn tồn hỏi ông Cứu: - Cái đầm này mỗi năm anh kiếm lợi cả cá lẫn hoa có được đến dăm trăm không? Anh cấy hai mươi mấy mẫu? - Thôi được để cho anh biết rằng tôi rõ tư gia nhà anh lắm. Còn việc khám xét hôm nay, thì tôi không thể cho chôn ngay được. Vì tôi xét trong người tên Xích, có nhiều vết khả nghi. Tôi phải bẩm tỉnh xin đốc tờ về khám cho cẩn thận. (…) [9; 157 -158] 33. Cô kia đứng ở bên sông Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang. [11; 44] 34. Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng Cau xanh ăn với trầu vàng xứng chăng? - Trầu vàng nhá lẫn cau xanh Duyên em xứng với tình anh tuyệt vời. [11; 52] 35. Cô kia gánh nước quang mây Cho xin một gáo tưới cây ngô đồng Ngô đồng thêm tốt thêm xanh Để chim phượng đỗ đầu cành so le. [11; 121] 36. Hôm qua tát nước đầu đình Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen Em được thì cho anh xin Hay là em để làm tin trong nhà. [11; 149] 37. Bình Định có núi Vọng Phu Có đầm Thị Nại, có cù lao xanh Em về Bình Định cùng anh Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa. [12; 17] 38. Đêm qua mận mới hỏi đào Vườn xuân đã có ai vào hái hoa? Bông đào chênh chếch nở ra Dang tay muốn hái sợ nhà có cây. [12; 99] 39. Bây giờ mận mới hỏi đào Vườn hồng đã có ai vào hay chưa? Mận hỏi thì đào xin thưa Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào. [12; 153] 40. Em đến đây muốn phiền ông một việc, chả biết ông có sẵn lòng không? [13; 115] 41. Bẩm chúng con thấy cụ lớn cũng dễ dàng, lại hay tiếp người bản xứ nên con sang thăm và hầu chuyện, và xem cụ lớn có điều gì chỉ bảo không, thế thôi ạ. [17; 44] 42. Nếu tôi nói, quan bác đừng chối mà cũng đừng giận. [17; 276] 43. Con nói thế này thì không phải…Nhưng quả thật là bần cùng lạy cậu, cậu thương cho. [18; 18] 44. Bẩm cậu, quê con ở Thái Bình, con ra đây làm ăn một thân một mình, tứ cố vô thân. Tình cảnh con khổ lắm nếu cậu không thương con thì chẳng còn ai thương con nữa. [18; 19] 45. Có, kể cũng có cái gì hơi lạ một chút. Với ai kia thì tôi còn giấu nhưng với anh tôi nói được. (…). Nhưng mà ngoài anh ra, cái điều bí mật này không còn một ai biết nữa, vậy phải giữ kín thật kín, sống để dạ chết mang đi đấy nhé! [18; 34] 46. Tôi phiền anh lắm, xin lỗi anh nhé? (…) Đây này, nói gần, nói xa chẳng qua nói thật, tôi thì hiện đương cần một số tiền (…).Giữa lúc chưa biết trông nom vào đâu, may sao gặp anh mà lại nhằm lúc anh phát tài nữa... [18; 95] 47. Này anh Phúc ơi, anh là một người chí thân của tôi, một vị ân nhân của tôi. Nhờ anh vợ chồng tôi mới lấy được nhau, mới có buôn bán. Vậy thì tôi cần thành thực với anh…(…). Vậy anh có cho phép tôi được thành thực không? [18; 377] 48. …Hội sang phòng Tình lân la trò chuyện: Anh tình à, anh em mình ở sát vách với nhau nhưng chẳng mấy khi ngồi nói chuyện với nhau. Tại anh em mình luôn đi gối ca nhau. Lúc anh rảnh thì em đang làm việc. Mai mốt anh lại về trước em rồi. Anh em có những gì chưa vừa ý thì anh bỏ qua cho em nhé. Em nói thế chứ em sang đây để báo cho anh biết một cái tin. Anh em mình ở sát vách và cùng là thủy thủ boong với nhau em mới nói. Anh đừng cho ai biết là em đã nói với anh nhé… Em nói nhỏ cho anh biết nhé, đại phó và phó ba nghi anh lấy đó. [20; 296] 49. Tôi nói câu này, nên thì các bác nghe, không nên thì lời tôi lại trả tôi. [21; 162] 2.3 Dùng hành động ngôn từ gián tiếp (trong hành động ngôn từ mang nghĩa tiêu cực: yêu cầu/đề nghị/từ chối/phản bác/trách/chê/mắng mỏ) HỎI: YÊU CẦU, ĐỀ NGHỊ 1. Bu mày chịu khó đi đong chịu vậy? [1; 112] 2. Có lẽ hôm nay đã là mồng hai mồng ba tây rồi mình nhỉ? [1; 142] 3. Chả lẽ đi quanh năm, đến lúc nghỉ ngơi cũng không về thăm nhà thăm cửa một tí? [2; 330] 4. Mình ăn từ trưa thì bây giờ đã đói rồi còn gì? [3; 54] 5. Nhưng các cậu định nói chuyện suốt đêm đấy à? [3; 427] 6. Hay là tôi lên trình cụ xem nhé? [5; 60] 7. Cậu lệ ngắm Pha từ đầu đến chân, rồi đứng gần lại, hất hàm, thân mật hỏi nhỏ: Có gì không? [6; 79] 8. Cơ nghiệp anh như thế mà anh muốn chôn ngay con anh, anh không tạ ơn quan nổi một bách hay sao? [9; 159] 9. Anh không cho em uống à? [23; 88] HỎI: TỪ CHỐI/PHẢN BÁC 10. Thằng cu nó dở người, chứ mẹ con tôi ăn cơm đỏ đã no rồi, ăn vào đâu được nữa? [2; 14] 11. Cái nghề làm quan bám thằng có tóc ai bám thằng trọc đầu? [2; 28] 12. Bẩm ông, cũng gọi là tốt đấy thôi, chứ so với trầu của người ta thì chửa nước gì? [2; 209] 13. Diễn vở mới thì phải học thưa ngài? [5; 82] 14. Thế hãy hỏi quan, lính trên huyện ăn lương để ngồi không à? [6; 163] 15. Bác cháu có gì, ông cho đóng hạng một đồng thôi chứ? [6; 186] 16. Nhưng tiếc cái liễn, thì để chó cắn chết người ta hay sao? [8; 23] 17. Thế chúng bay bảo tao ngờ cho cụ à? [9; 66] 18. Mà mẹ đi lại sao được cơ chứ? [10; 253] 19. Sao lại ăn chay ạ? Bao nhiêu là cá. [10; 435] 20. Tôi mà bị thù à? Bị thù vì chữa bệnh cho cụ cố à? [16; 106] 21. Tôi đã làm hại cả một đời bà ấy à? [16; 248] 22. Thì tôi biết làm thế nào bây giờ? [17; 106] 23. Nếu câu ấy lên mặt báo, tôi xin ngài đừng có chối nhé? [17; 109] 24. Còn tôi, tôi đang thất nghiệp, thì còn ích gì được cho bác? [18; 19] 25. Nếu không người ta tự xưng là chính phủ bảo hộ để làm gì? [18; 181] 26. Tôi giúp họ hàng nhà tôi thì tôi cũng vẫn từ thiện chứ sao? [18 ; 256] 27. Làm như người ta đã nghiện có chừng mực rồi ấy? [18; 310] 28. Thôi! Em xin ông quyền. Nhà em đau yếu, ông tha cho! Có phải đơn kiện tụng gì đâu? [21; 65] 29. Luật mới không cho cha mẹ được phép bán con, nên phải viết thế, chứ có hoa tai hoa tung gì đâu? [21; 65] 30. Bác tính từ lúc gà gáy đến giờ, tôi những rối về chạy chữa cho thầy cháu, nào đã lo kịp? [21; 115] HỎI: TRÁCH/ CHÊ/ MẮNG MỎ 31. Như vậy cuộc kháng chiến của ta có lẽ đến hỏng à? [1; 200] 32. Nhưng công tác với những người như vậy thì anh bảo công tác làm sao được? [2; 378] 33. Vậy anh cầm lấy chỗ này uống rượu còn để tôi bán cho anh mảnh vườn; không có vườn đất thì làm ăn gì? [2; 37] 34. Như thế thì tao còn biết từ chối người ta thế nào cho tiện? [2; 127] 35. Lắm đám cưới linh đình, mà rồi lại chả bỏ nhau ùn ùn ra đấy à? [2; 132] 36. Chẳng lẽ chỗ tôi với bác, mà bác có việc tôi lại đợi bác cho uống rượu rồi mới giúp bác hay sao? [2; 192] 37. Làng này có những thằng nào đi ăn trộm ai chẳng biết? [2; 236] 38. Nhưng một lần hai lần còn được, chứ nay ốm mai ốm thì coi sao tiện? [2; 272] 39. Ông sinh viên trường thuốc làm bộ nhé? [3; 108] 40. Không học, sao biết chữ, sao được đi làm cán bộ? [3; 365] 41. Anh thử cắt nghĩa hộ tôi tại làm sao họ lại nhiêu khê đến thế? [3; 374] 42. Sao anh đến đây muộn làm vậy? [7; 83] 43. Vậy thì anh phải đi lại hỏi han chị ấy, chứ sao lại thờ ơ như thế? [7; 163] 44. Được bao nhiêu tiền lương, tiền thưởng, hút vào cái giống ấy lấy gì mà tiêu? [10; 353] 45. Ông tưởng thế, chứ báo của ông đã có ảnh hưởng gì? [16; 55] 46. Anh ạ, bây giờ người ta sống thế nào ấy? [24; 161] 47. Con hổ, con gấu trong rừng anh chẳng tránh, sao anh tránh em? Hay em không đáng cho anh nói một lời như thường nói với người khác? [25; 166] HẾT ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA5433.pdf