Hình tượng rắn trong truyện kể dân gian Việt Nam

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Phạm Huyền Trâm HÌNH TƯỢNG RẮN TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN VIỆT NAM Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: T.S HỒ QUỐC HÙNG Thành phố Hồ Chí Minh – 2010 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan công trình khoa học trên là của riêng tôi. Các kết quả đưa ra trong luận văn là trung thực và chưa được công bố trong bất kì công trình nghiên cứu nào. Tác giả luận văn

pdf217 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1853 | Lượt tải: 4download
Tóm tắt tài liệu Hình tượng rắn trong truyện kể dân gian Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHẠM HUYỀN TRÂM LỜI CẢM ƠN Để có được những thành quả như ngày hôm nay, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến những người đã giúp đỡ tôi trong suốt thời gian qua. Đặc biệt để hoàn thành luận văn tốt nghiệp này, tôi đã nhận được sự chỉ bảo tận tình và vô cùng chu đáo từ phía giảng viên, TS. Hồ Quốc Hùng. Thầy đã giúp tôi định hướng, hướng dẫn cách trình bày cũng như giảng giải thêm nhiều vấn đề khác trong suốt quá trình thực hiện luận văn. Bên cạnh đó, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn của tôi đến các thầy cô khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư Phạm Tp.Hồ Chí Minh, những người đã nhiệt tình giảng dạy và cung cấp cho tôi những kiến thức cần thiết để tôi hoàn thành tốt khóa học và luận văn tốt nghiệp. Ngoài ra, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Ban giám hiệu nhà trường, đến phòng Khoa học Công nghệ và Sau Đại học đã tạo những điều kiện tốt nhất cho học viên cao học trong suốt thời gian học tập tại trường. Tp. Hồ Chí Minh, năm 2010 PHẠM HUYỀN TRÂM MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Truyện kể về rắn là một trong những nhóm truyện kể tương đối quen thuộc trong hệ thống truyện kể dân gian Việt Nam. Không chỉ xuất hiện trong truyện kể mà trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh chúng ta cũng thấy sự có mặt của hình tượng rắn; không chỉ có mặt ở một vùng mà phổ biến trên nhiều vùng của cả nước. Vì thế mà hình tượng rắn mang trong nó những biến thể (về cấu tạo và nội dung biểu đạt) ở mỗi vùng đất mà nó dừng chân. Nghiên cứu truyện kể dân gian về rắn ở Việt Nam trước tiên chúng tôi muốn tìm hiểu tính phổ quát của nó trong lĩnh vực truyện kể và đưa ra một số đặc trưng của nó ở một số vùng miền trên cả nước. Từ đấy chỉ ra được những điểm giống và khác nhau cũng như nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự khác biệt của các kiểu truyện về rắn ở một số vùng miền trên cả nước. Ngoài ra nghiên cứu truyện kể dân gian về rắn ở Việt Nam chúng tôi hy vọng góp phần tìm hiểu về tín ngưỡng dân gian của người Việt trong mối tương quan với tín ngưỡng dân gian của các dân tộc ở vùng Đông Nam Á và thế giới. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Rắn trong văn hóa dân gian là một hiện tượng khá phổ biến trên thế giới. Nó đã đi vào cuộc sống và trở thành những biểu tượng kinh điển. Ai cũng biết đến hình tượng con rắn khôn ngoan và hiểm độc trong Kinh thánh cũng như hình tượng con rắn mang lại sự sống trong ngành y dược thế giới. Ở Đông Nam Á, hình tượng rắn cũng được nhắc đến qua các truyện kể dân gian của người Thái Lan, người Lào và đặc biệt là hình tượng rắn Naga của người Campuchia. Nằm trong cơ tầng văn hóa chung ấy, hình tượng rắn trong văn hóa dân gian Việt Nam là một hiện tượng không chỉ có ở một địa phương mà nó còn phổ biến rộng rãi trên khắp cả nước. Vì thế mà từ lâu đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về hình tượng rắn trong văn hóa dân gian như bài viết: “Hình tượng rắn từ thần thoại đến truyện cổ tích” của tác giả Nguyễn Bích Hà đăng trên tạp chí Văn hóa Dân gian, số 1, năm 1991. Mở đầu công trình này tác giả đã khẳng định: “rắn là hình tượng khá phổ biến trong truyện cổ dân gian. Nó không chỉ có ở Việt Nam mà còn trở thành một hệ thống hình tượng quen thuộc trong truyện cổ Đông Nam Á và thế giới…Ở nước ta trên dọc các con sông Đà (Hà Sơn Bình), sông Hồng (vùng Hà Nội, Vĩnh Phú), sông Lam (Nghệ Tĩnh) và quanh vùng vịnh Hạ Long đều có đền thờ rắn, giải, thuồng luồng với hai nguồn truyện kể dân gian nổi bật: suy tôn và ca ngợi như những “vật linh hiện” hoặc căm ghét như kẻ thù độc ác nhất. Hai nguồn truyện ấy mang hai thái độ và quan niệm vừa đối lập vừa dung hòa nhau về hình tượng rắn”. Mặc dù không có dẫn chứng cụ thể nhưng qua luận điểm trên, tác giả Bích Hà đã chỉ ra cho chúng ta thấy khu vực tập trung của nguồn truyện kể dân gian về rắn ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Đồng thời dựa vào nội dung truyện, tác giả này cũng đã chia nguồn truyện này ra thành hai loại. Việc phân loại cũng như đánh giá thái độ của con người qua hai nguồn truyện ấy là một gợi ý giúp chúng tôi có định hướng đúng khi nghiên cứu về hình tượng rắn ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Ngoài nội dung mang tính khái quát vừa nêu, qua công trình này tác giả đã cho chúng ta cái nhìn cụ thể về sự biến đổi của hình tượng rắn từ thần thoại đến truyện cổ tích đặc biệt là về hình tượng rắn trong truyện Thạch Sanh. Tuy chỉ tập trung vào giải quyết các luận điểm dựa trên việc phân tích truyện Thạch Sanh nhưng qua bài viết này, tác giả cũng đã đưa ra được ý nghĩa cũng như sự biến nghĩa của hình tượng rắn thông qua thể loại thần thoại và truyện cổ tích. Kết quả nghiên cứu này là một tài liệu tham khảo tốt giúp chúng tôi mở rộng nghiên cứu trên nhiều truyện kể về rắn có cùng thể loại. Năm 1992, trong các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian ở Nam bộ, các nhà nghiên cứu văn học dân gian đã đề cập đến mảng truyện kể về rắn như một chủ đề của truyện kể dân gian về thú dữ ở Nam bộ như: công trình Văn hóa dân gian người Việt ở Nam bộ của tác giả Thạch Phương do NXB KHXH xuất bản, bài viết Một vài thu hoạch từ những câu chuyện truyền miệng ở mảnh đất phương Nam của tác giả Huỳnh Ngọc Trảng in chung trong tập truyện Nghìn năm bia miệng do NXB Trẻ Tp. HCM xuất bản. Cả hai tác giả trên đều chỉ dừng lại ở việc nêu và kể tên một số truyện kể về rắn ở Nam bộ. Trong tuyển tập (tập 3) của Đinh Gia Khánh, nhân nói về những nét đặc thù của văn hóa dân gian Việt Nam, ông cũng đã đề cập đến tục thờ rắn là vật tổ của các cư dân ở đồng bằng và theo ông đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự phổ biến của các truyện về rắn thần ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Kết quả nghiên cứu trên đã tạo cho chúng tôi một cơ sở lý luận chắc chắn trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân hình thành truyện kể dân gian về rắn ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Năm 1998, tác giả Nguyễn Bích Hà lại có một chuyên luận nghiên cứu sâu hơn về tác phẩm Thạch Sanh. Chuyên luận này đã được NXB Giáo Dục xuất bản thành sách với nhan đề: Thạch Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam Á. Nhân bàn về truyện Thạch Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam Á, tác giả đã đi vào tìm hiểu rất kĩ môtíp dũng sĩ diệt rắn ác. Và theo những tài liệu sưu tầm được, tác giả cho thấy đây là môtíp khá phổ biến trong kiểu truyện dũng sĩ ở Việt Nam cũng như ở Đông Nam Á. Kế thừa những thành quả nghiên cứu từ trước, tác giả cũng khẳng định “rắn được dùng đồng nhất với khái niệm nước” - một yếu tố chi phối chặt chẽ đến đời sống của con người thời bấy giờ. Vì thế mà con người vừa có tâm lí cầu thân, làm hòa vừa có tâm lí muốn chống lại thiên nhiên hung dữ qua hình tượng rắn. Những kết quả nghiên cứu của tác giả về hình tượng rắn trong môtip dũng sĩ diệt rắn ác đã gợi mở cho chúng tôi rất nhiều điều trong quá trình thực hiện đề tài của mình. Qua các công trình nghiên cứu của những năm 90 vừa được đề cập ở trên, chúng tôi thấy rằng các nhà nghiên cứu đã bước đầu chú ý đến hình tượng rắn trong văn hóa dân gian đặc biệt là trong thể loại truyện kể dân gian về rắn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rằng hình tượng rắn trong truyện kể dân gian chỉ được đề cập đến khi nó có liên quan đến một đề tài khác mà các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu. Chẳng hạn như tác giả Bích Hà là người đã nói rất nhiều (xét trong giai đoạn này) về hình tượng rắn trong truyện kể dân gian nhưng vấn đề chính mà tác giả này quan tâm lại là truyện Thạch Sanh và những kiểu truyện dũng sĩ ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Từ năm 2000 trở đi đặc biệt là vào đầu năm 2001 - năm Tân Tỵ, chúng ta thấy sự xuất hiện khá phong phú và đa dạng của các bài viết về hình tượng rắn trong văn hóa dân gian được đăng trên hầu hết các báo, trong đó có thể kể ra các bài viết tiêu biểu như: “Rắn trong văn hóa dân gian – rắn trong tục ngữ” của tác giả Trần Trọng Trí, đăng trên báo Áo Trắng, số 21 + 22, năm 2000. “Rắn trong tục ngữ, rắn trong văn hóa dân gian” của tác giả N.K.P, đăng trên báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số xuân, năm 2001. “Rắn “bò” qua ca dao” của tác giả Bảo Kiếm, đăng trên báo CAND, số xuân, 2001. “Rắn trong thành ngữ và tục ngữ” của tác giả Nguyễn Nhân Thống, đăng trên báo Đồng Nai, số xuân, năm 2001. “Tục ngữ và những chuyện nghịch lý về rắn” của tác giả, đăng trên báo Long An, số xuân, năm 2001. “Chuyện rắn trong dân gian” của tác giả Lưu Đức Ý, đăng trên báo Đường Sắt Việt Nam, số 477- 479, năm 2001. Do dung lượng ngắn gọn và tính chất sưu tầm, góp vui của những bài báo Xuân nên điểm chung của các bài viết này là đều chủ yếu dừng lại ở việc sưu tầm và bàn luận sơ lược hình tượng rắn qua một số câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam. Tuy không đề cập đến hình tượng rắn trong truyện kể dân gian nhưng qua hướng nghiên cứu này, chúng ta cũng thấy được hình tượng rắn trong văn học dân gian Việt Nam là một hiện tượng phổ biến và quen thuộc. Cũng nằm trong số những bài viết chào xuân Tân Tỵ, bài viết “Rắn trong huyền thoại và văn chương” của tác giả Chu Minh Thụy, đăng trên báo Văn Nghệ, số xuân, năm 2001 lại cho ta một cái nhìn rộng lớn hơn về hình tượng rắn trên thế giới. Đây chỉ là một bài viết mang tính chất tổng hợp tài liệu của tác giả với con rắn từ Tây sang Đông và điểm cuối cùng của hành trình là Việt Nam. Ở Việt Nam, tác giả này đã nói về hình tượng rắn qua truyền thuyết vườn Lệ Chi. Tuy chỉ mang tính liệt kê nhưng tác giả này bước đầu đã có sự so sánh khi đặt hình tượng rắn trong văn hóa Việt Nam trong tương quan với hình tượng rắn trong văn hóa thế giới đặc biệt là hình tượng rắn ác trong truyện kể dân gian về rắn. Đi sâu vào nguồn gốc lịch sử của biểu tượng rắn ở Việt Nam, tác giả Dương khuê trong bài viết “Rắn trong biểu tượng dân gian”, đăng trên website: cho rằng rắn là biểu tượng văn hóa được thiêng liêng hóa thành biểu tượng rồng và “xu hướng tôn vinh, linh thiêng hóa rắn trong tiềm thức lịch sử văn hóa, cho phép chúng ta phán đoán, khẳng định rắn là tổ họ, là gốc, là tiền thân của rồng”. Theo tác giả rắn là biểu tượng của thần sông nước, là vật tổ và rắn có khi là biểu tượng cho điều thiện, nhưng nhiều khi rắn là biểu tượng cho điều ác. Trong bài viết “Rắn trong tâm thức người Việt” , đăng trên tạp chí Tem, số 46, năm 2001, tác giả C.Q.T đã khẳng định rằng “con rắn đi vào đời sống văn hóa của rất nhiều nước, với vị thế những vị thần khởi nguyên. Trong đó Việt Nam được xem là một mảnh đất mầu mỡ ”. Để chứng minh cho điều đó, tác giả bài viết đã cho thấy sự xuất hiện của hình tượng rắn từ thời vua Hùng thứ nhất khi vua bảo thần dân xăm hình giao long để khi xuống nuớc, thuồng luồng nhận là đồng loại mà không làm hại hay hình tượng rắn trong các thuyền rắn nước trên mặt trống đồng và thạp đồng của văn hóa Đông Sơn. Rắn còn xuất hiện trong các đền thờ Mẫu của các cư dân ven sông Bắc bộ và trong nghệ thuật tạo hình xưa. Chính vì vậy, tác giả khẳng định trong văn hóa Việt Nam, rắn luôn chiếm vị trí trang nghiêm trong tâm thức dân tộc. Tuy cũng là những bài báo Xuân nhưng các tác giả Dương Khuê và C.Q.T đã khá dày công trong việc thu thập và phân tích các tài liệu. Tác giả Dương Khuê và C.Q.T lại đi vào tìm hiểu nguồn gốc lịch sử của biểu tượng rắn trong văn hóa Việt Nam. Từ những dữ kiện đưa ra, hai tác giả này cũng đồng thời khẳng định vị trí quan trọng của rắn trong tâm thức dân tộc. Theo chúng tôi, đây là những bài viết ngắn nhưng có chất lượng. Trong các công trình nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian của người Việt, các tác giả cũng đề cập đến hình tượng rắn, có thể kể ra một số công trình nghiên cứu sau: Bài viết “Rắn Nagaraja trong tín ngưỡng văn hóa khơme Nam bộ” của tác giả Thiện Chí, đăng trên báo Bạc Liêu, số xuân, năm 2001. Bài viết “Truyền thuyết về rắn Naga trong văn hóa khơme” của tác giả Phan Anh Tú, đăng trên Thông Báo Khoa Học, số 5, năm 2004. Công trình nghiên cứu “Tục thờ các vị thần sông nước” đăng trên website: (2004) Bài viết “Mối quan hệ tương tác về văn hóa phi vật thể giữa văn hóa các dân tộc anh em và văn hóa người Việt” đăng trên tạp chí Di Sản, Số 4(13), năm 2005 Công trình nghiên cứu “Phụng thờ thủy thần ở Linh Đàm (Hà Nội)” của tác giả Việt Hương, đăng trên tạp chí Di Sản, số 2, năm 2005. Bài viết “Thần bí lễ hội rắn ở làng Lệ Mật”, đăng trên website: (2005) Bài viết “Một biểu thị tiếp biến văn hóa đặc thù của người Việt”, đăng trên tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật, số 10, năm 2005. Trong các bài viết này, rắn và tín ngưỡng thờ rắn của dân tộc Việt Nam đã được các tác giả tập trung tìm hiểu. Chúng tôi cũng thấy rằng đã có sự phân biệt giữa tín ngưỡng thờ rắn của người Kinh và tín ngưỡng thờ rắn của các dân tộc anh em trong các công trình nghiên cứu. Việc nghiên cứu và khẳng định rắn là linh vật trong tín ngưỡng thờ thủy thần của các bài viết đã giúp chúng tôi có thêm cơ sở dữ liệu khi nghiên cứu những truyện kể dân gian về rắn có liên quan trực tiếp đến tín ngưỡng thờ rắn. Nhìn chung các bài viết về hình tượng rắn trong văn hóa Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2005 đều không liên quan trực tiếp đến đề tài mà chúng tôi đang nghiên cứu. Tuy nhiên chính sự xuất hiện của hình tượng rắn qua các thể loại khác của văn học dân gian cũng như các lĩnh vực khác của đời sống sẽ là cơ sở để chúng tôi khảo sát sự chuyển đổi các ý nghĩa biểu đạt của hình tượng rắn trong các thể loại của truyện kể dân gian. Nhìn lại lịch sử nghiên cứu hình tượng rắn trong văn hóa cũng như văn học dân gian ở Việt Nam, chúng tôi thấy rằng, rắn là một biểu tượng văn hóa được các nhà nghiên cứu chú ý đến từ rất lâu. Mỗi bài viết ở trên là một cái nhìn rất riêng về hiện tượng này. Đó chính là cơ sở gợi mở cho chúng tôi tiếp tục nghiên cứu về hình tượng rắn trong văn hóa dân gian Việt Nam. Vì thế, dựa trên cơ sở những công trình đã nghiên cứu, luận văn của chúng tôi sẽ bổ sung một cái nhìn cụ thể và hệ thống hơn về hình tượng rắn trong văn hóa Việt đó là: hình tượng rắn trong truyện kể dân gian Việt Nam. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những truyện kể dân gian về rắn ở Việt Nam. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Luận văn nghiên cứu những truyện kể dân gian về rắn trong hệ thống truyện kể dân gian ở Việt Nam. Cụ thể, ở mỗi vùng miền thuộc phạm vi nghiên cứu (Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Tây Nam bộ), chúng tôi sẽ chọn ra những truyện kể về rắn có tính phổ biến và đặc trưng cho vùng miền ấy để nghiên cứu. Do đó, sẽ có một số truyện kể về rắn của một số vùng miền không được đề cập đến trong luận văn. Cụ thể là vùng Tây Bắc, vùng đồng bằng ở miền Trung bộ. Trong quá trình khảo sát và tìm tư liệu ở hai vùng này, chúng tôi cũng thấy xuất hiện một số truyện kể về rắn nhưng số lượng không nhiều và nội dung không đặc trưng vì thế chúng tôi không chọn Tây Bắc và đồng bằng Trung bộ là đối tượng khảo sát của luận văn. Tính đặc trưng và phổ biến của các truyện được chúng tôi chọn dựa trên các tiêu chí sau: - Tính phổ biến của nội dung truyện trên vùng khảo sát. - Sự xuất hiện thường xuyên của một hay vài môtíp trong các truyện. - Nội dung truyện gắn với văn hóa cũng như phong tục tập quán của địa phương. Ví dụ: ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, chúng tôi sẽ tìm hiểu nhóm truyện về rắn trong đó có liên quan đến một trong các nội dung sau: - Hình tượng rắn gắn liền với tục thờ thủy thần. - Hình tượng rắn gắn liền với cuộc đấu tranh trị rắn ác của nhân dân. 4. Phương pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp tổng hợp - Phương pháp phân tích - Phương pháp so sánh - Phương pháp liên ngành Trong các phương pháp nghiên cứu trên, chúng tôi tập trung sử dụng phương pháp so sánh và phương pháp liên ngành nhằm nêu bật điểm tương đồng và dị biệt của các kiểu truyện rắn ở các vùng miền trên cả nước. 5. Tư liệu nghiên cứu - Các truyện kể dân gian về rắn ở các vùng miền khác nhau trên cả nước. + Những truyện kể về rắn ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ được sử dụng trong luận văn chủ yếu được chúng tôi trích ra từ các tài liệu sau: Tổng tập văn học dân gian người Việt tập 5: Truyền thuyết dân gian người Việt (Kiều Thu Hoạch), Truyền thuyết các vị thần Hà Nội (Minh Thảo, Xuân Mỹ), Truyện linh dị Việt Nam (Phạm Minh Thảo), Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ (Ninh Viết Giao) và một phần nhỏ từ wesite: + Những truyện kể về rắn của các dân tộc ít người ở khu vực miền Trung và Tây nguyên được sử dụng trong luận văn được chúng tôi thu thập chủ yếu từ các tài liệu như: Truyện cổ các dân tộc miền núi Bắc miền Trung (Nguyễn Hữu Chúc), Truyện cổ các dân tộc thiểu số miền Nam (Hà Văn Thư,Võ Quang Nhơn), Sự tích Langbian : Truyện cổ các dân tộc thiểu số Lâm Đồng (Lâm Tuyền Tĩnh ), Truyện cổ dân gian của các dân tộc Việt Nam (Viện văn học) và một phần trong các tập truyện kể của các dân tộc ít người thuộc khu vực này như: Chăm, Êđê, M’nông, Xêđăng… + Những truyện kể về rắn của khu vực Tây Nam bộ được sử dụng trong luận văn chủ yếu được lấy từ tài liệu: Huyền thoại miệt vườn: Truyện cổ dân gian các dân tộc Nam bộ (Nguyễn Phương Thảo), Nghìn năm bia miệng (Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường), Tử chiến với KingCôBra (Nguyễn Bá) - Các công trình địa chí, thần tích ở các tỉnh. + Ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ chúng tôi dựa vào tài liệu thần tích Việt Nam (Xuân Quang) + Ở khu vực Tây Nam bộ chúng tôi dựa vào các tập địa chí về các tỉnh thuộc khu vực này do tác giả Huỳnh Minh biên soạn. - Các công trình nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và một số nước ở Đông Nam Á. Chủ yếu là các bài viết được đăng trên các tạp chí như: văn học nghệ thuật, Di sản, nghiên cứu văn học; các bài viết được đăng trên các website có uy tín như: Vietnam.net, vanhoahoc.edu, vannghesongcuulong.org. Trên đây, chúng tôi chỉ nêu khái quát nguồn tư liệu được sử dụng trong luận văn còn phần tư liệu cụ thể chúng tôi sẽ miêu tả kỹ hơn ở mỗi chương. 6. Đóng góp của luận văn Luận văn nghiên cứu một cách hệ thống, cụ thể về hình tượng rắn trong hệ thống truyện kể dân gian Việt Nam. Từ đó đưa ra được những điểm đặc trưng của truyện kể dân gian về rắn ở một số vùng miền trên cả nước. Đồng thời qua hệ thống truyện kể này, luận văn cũng giúp cho người đọc thấy được nét văn hóa tương đồng và dị biệt của người Việt xưa trong tương quan với nền văn hóa của một số dân tộc ở vùng Đông Nam Á. 7. Bố cục luận văn Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, phần nội dung của luận văn được chia làm 4 chương: Chương I: Khái quát biểu tượng rắn trong văn hóa thế giới và Việt Nam Ở chương này, chúng tôi sẽ tập trung trình bày ý nghĩa của biểu tượng rắn trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam từ xưa đến nay. Chính sự xuất hiện của biểu tượng rắn trong các lĩnh vực của đời sống nhân dân sẽ là cơ sở cho việc khảo sát sự chuyển đổi các ý nghĩa biểu đạt của hình tượng rắn trong các thể loại của truyện kể dân gian. Chương II: Hình tượng rắn trong truyện kể dân gian của người Kinh ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Ở chương này, chúng tôi chọn đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ là vùng đất đầu tiên để khảo sát vì một trong những lý do sau: - Bắc bộ là vùng đất định cư đầu tiên của cư dân Việt. - Số lượng truyện kể liên quan đến đề tài của luận văn tương đối phong phú. - Nội dung các truyện kể sưu tầm ở hai vùng trên có nhiều chủ đề tương đồng. - Đây là những vùng đất mang đậm văn hóa truyền thống của người Việt xưa. Ngoài việc chọn vùng để khảo sát, ở chương này, chúng tôi sẽ tập trung khảo sát cấu tạo và các biến nghĩa của hình tượng rắn trong các thể loại của truyện kể dân gian (nếu có) ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Từ những ý nghĩa có được, chúng tôi sẽ vào tìm hiểu các môtip (nếu có) trong nhóm truyện cùng nội dung. Do đặc điểm văn hóa vùng miền nên truyện kể về rắn ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ thường có nhiều tên gọi khác nhau vì vậy truyện kể về rắn ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ chúng tôi đưa ra khảo sát sẽ bao gồm luôn các truyện kể về các biến thể của rắn như: thuồng luồng, con giải, giao long... Chương III: Hình tượng rắn trong truyện kể dân gian của một số dân tộc ít người miền Trung và Tây Nguyên. Cũng dựa trên số lượng và nội dung những tài liệu thu thập được, ở chương này chúng tôi chọn vùng miền núi Trung bộ và Tây nguyên để khảo sát. Mặt khác đây cũng là những vùng có số lượng truyện tương đối và nội dung truyện mang đậm màu sắc văn hóa của các dân tộc ít người Việt Nam. Các bước tiến hành nghiên cứu ở chương này chúng tôi cũng làm tương tự như ở chương thứ 2 nhưng song song với việc khảo sát và đưa ra nét đặc trưng của những truyện kể ở vùng này, chúng tôi sẽ tiến hành so sánh với những truyện kể ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Chương IV: Hình tượng rắn trong truyện kể dân gian Nam bộ. Ở chương này, chúng tôi chọn miền Tây Nam bộ là vùng đất cuối cùng để khảo sát vì: - Đây là vùng đất mới có nhiều tộc người cùng sinh sống (kinh, khơme, Hoa, Chăm...) vì thế sẽ có sự kế thừa cũng như pha trộn giữa các giá trị tinh thần. - Những truyện kể về rắn tập trung ở vùng này mang đậm màu sắc của vùng đất mới Nam bộ. Trong quá trình thống kê, phân lập hình tượng rắn trong các thể loại truyện kể và một số vùng miền tiêu biểu, luận văn sẽ tiến hành so sánh để rút ra những tương đồng và dị biệt về cách biểu đạt cũng như tìm hiểu đời sống đích thực của nó. NỘI DUNG Chương một KHÁI QUÁT BIỂU TƯỢNG RẮN TRONG VĂN HÓA THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM 1.1. Về khái niệm biểu tượng Biểu tượng văn hóa là một đối tượng giữ vị trí quan trọng trong nền văn hóa của mỗi quốc gia. Nhà văn hoá Levis Strauss đã từng nói: “Mọi nền văn hoá đều có thể xem như một tập hợp các hệ thống biểu tượng…”[10, XIII]. Tuy nhiên, trước kia người ta thường cho biểu tượng là những hình ảnh của trí tưởng tượng, do bịa đặt mà ra như: biểu tượng nàng tiên cá trong văn hóa Đan Mạch, biểu tượng rồng trong văn hóa Việt Nam, Trung Hoa, biểu tượng sư tử biển của Singapore, biểu tượng rắn Naga trong văn hóa Thái Lan, Campuchia, Lào… Vì thế mà biểu tượng văn hóa dường như ít được gắn với văn hóa của các quốc gia. Ngày nay, càng quan tâm tìm hiểu về văn hóa của dân tộc mình trong mối tương quan với các dân tộc khác, người ta càng thấy rằng biểu tượng văn hóa cũng như những huyền thoại, thần thoại, truyền thuyết… của các dân tộc có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi vì khi tìm hiểu, giải mã các biểu tượng văn hóa chúng ta cũng đồng thời thấy được tư tưởng, tình cảm, phong tục tập quán… của con người trong những cộng đồng văn hóa và lãnh thổ xác định. Vì vậy, trước khi đi vào khảo sát sự xuất hiện của biểu tượng rắn trong văn hóa thế giới và đặc biệt trong văn hóa Việt Nam, chúng ta không thể không liên hệ đến khái niệm biểu tượng văn hóa. Theo từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới thì bản chất khởi nguyên của biểu tượng là một vật được chia làm hai nửa, mảnh sứ, gỗ hay kim loại, hai người mỗi bên giữ một nửa, khi khớp lại sẽ nhận ra mối quan hệ cũ. Theo từ điển Từ và ngữ Hán việt của tác giả Nguyễn Lân [20,tr.63] thì biểu tượng là: “hình ảnh của sự vật hoặc hiện tượng nảy sinh ra trong óc khi sự vật hoặc hiện tượng đó không còn đang trực tiếp tác động vào các giác quan của chúng ta như trước” Theo từ điển Tiếng Việt của Trung tâm từ điển học [46,tr.88] thì biểu tượng là: “hình ảnh sáng tạo nghệ thuật có một ý nghĩa tượng trưng trừu tượng” Cuối cùng nói như PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hà thì : Biểu tượng được hiểu như là những hình ảnh tượng trưng, được cả cộng đồng dân tộc chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong một thời gian dài… Nó chính là cái nhìn thấy được mang một kí hiệu dẫn ta đến một cái khó có thể nhìn thấy được nhưng nếu đã là biểu tượng chắc chắn nó đại diện cho các khía cạnh bản chất nào đó của văn hóa cộng đồng [67]. * Một số đặc điểm của biểu tượng Từ những nội hàm của từ điển được xác định trên, có thể rút ra mấy đặc điểm sau: - Biểu tượng phải được hình thành trong quá trình lâu dài. Biểu tượng được hiểu như là những hình ảnh tượng trưng, được cả cộng đồng dân tộc chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong một quá trình lâu dài. - Biểu tượng có tính ước lệ. Biểu tượng luôn mang tính quan niệm, bởi nó bắt nguồn từ tư duy hình tượng. Nó có nhiều cấp độ xâm nhập với cái được biểu trưng, các cấp độ đó phản ánh trình độ tư duy và quan niệm nghệ thuật của con người. Biểu tượng là cảm quan, nhận thức của con người được lắng đọng, kết tinh, chắt lọc trong quá trình sống. Do đó biểu tượng không những không bị phai mờ qua thời gian mà ngược lại càng khắc sâu hơn vào tâm khảm con người. Biểu tượng cổ nhất và đơn giản nhất bao giờ cũng gần với thực tế. Chẳng hạn, rắn là con vật biểu tượng cho nước, giữa con rắn biểu tượng và con rắn trong thực tế không khác nhau. Tuy nhiên, theo thời gian và không gian, biểu tượng dần được mỹ hóa, trừu tượng hóa và cái được biểu trưng ban đầu sẽ mờ đi, nhiều lớp nghĩa mới xuất hiện. Khi cái được biểu trưng xa rời quy ước ban đầu đó, nó mở đường cho sự hình dung và giải thích chủ quan, bay bổng của con người. - Biểu tượng có tính bền vững, ổn định. Tính bền vững, ổn định là điều kiện không thể thiếu để hình thành nên biểu tượng. Bởi vì nếu nó luôn thay đổi, nó sẽ không còn mang tính biểu tượng nữa, bởi giữa cái biểu tượng và cái được biểu tượng không thay đổi hoặc ít thay đổi thì sự khám phá mới có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc giải nghĩa biểu tượng không phải là một thao tác đơn giản có thể giải quyết trong một lần. Vì biểu tượng không chỉ có một lớp nghĩa mà biểu tượng luôn mang trong nó biết bao suy tư, thăng trầm của cuộc sống con người. Biểu tượng sống là biểu tượng còn tiếp tục được giải mã, phân tích, khám phá các lớp nghĩa bên trong của nó. Sự khám phá đó khiến biểu tượng gợi cảm đến bất tận. Biểu tượng chết là khi người ta đã lí giải được toàn bộ ý nghĩa của nó, nó trở nên dễ hiểu, được sử dụng theo một số nghĩa nhất định nào đó và không còn được người ta dày công khám phá nữa. Tóm lại, giải mã các biểu tượng là việc làm có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu các nền văn hóa trên thế giới. Kết quả của việc giải mã sẽ giúp ta bóc tách được các lớp lịch sử che phủ lên biểu tượng đồng thời thấy được trình độ tư duy và quan niệm nghệ thuật của con người qua từng giai đoạn lịch sử. 1.2. Biểu tượng rắn trong văn hóa thế giới Rắn là một con vật thường gây cho con người nhiều sự sợ hãi cũng như trí tò mò nhất. Chính vì vậy không riêng gì ở Việt Nam mà hầu như ở các quốc gia trên thế giới, rắn luôn là đối tượng để mọi người “bàn luận”. Một nhà phân tâm học từng nói: “Rắn là một con vật có xương sống luôn hiện thân cho tâm hồn hội đẳng, cho cái tâm tăm tối, cho cái không bình thường, khó hiểu, huyền bí” [10,tr.762]. Trong lời phát biểu của mình, tác giả này vừa khẳng định nhưng đồng thời ông cũng phủ định, ông vừa cho rằng rắn là xấu xa nhưng ngay sau đó ông lại cho rằng rắn cũng có phần khó hiểu, huyền bí. Cũng cùng với quan điểm đó, Kito giáo vừa cho rắn là một loài vật xấu, độc ác như quỷ Satan, khi Chúa dùng hình ảnh con rắn để ám chỉ những biệt phái và những luật sĩ cứng lòng không tiếp nhận lời giảng của Ngài: “Hỡi loài rắn độc kia, các ngươi thoát khỏi ánh lửa hỏa ngục làm sao được?” Nhưng ở chỗ khác Giêsu lại dùng hình ảnh con rắn để ví với bản thân mình và ông khuyên dạy con người: “Hãy khôn ngoan như con rắn”. Còn trong Phật Giáo, con rắn Naga được xem như đệ tử trung thành cuộn thân làm bảo tọa cho Đức Phật ngồi nhập định bên sông thiền đồng thời vươn cao mang bành làm tán che mưa cho Đức Phật chống lại sự tấn công hung hẵn của Ma vương nhằm phá đổ khoảnh khắc quyết định trên bước đường chứng ngộ của Đức Phật. Với người Hy Lạp cổ đại, rắn được xem là “người” đem lại sự sống, “người” khởi xướng… Vai trò khởi xướng của rắn được thể hiện rất rõ trong các huyền thoại về các nghi lễ liên quan đến lịch sử và trong việc thờ cúng 2 vị thần lớn của thi ca, âm nhạc, y học và nhất là của thuật bói toán. (thần Apollo và Dionysos). Ngoài ra theo phong tục dân gian của Hy Lạp, người ta thường rưới sữa lên các nấm mộ cho các linh hồn đã chết nhằm giúp họ được hóa kiếp thành rắn. Còn đối với người Do Thái cổ, rắn là bản thân đại dương, khi uống nước nó tạo nên thủy triều, khi vùng vẫy nó gây ra bão. Rắn là thần của nước khởi nguyên, là thần của tất cả các loại nước. Ở Châu Phi, người ta cũng xem rắn vị thần của nước khi cho rằng cầu vồng là con rắn đang uống nước biển, vì thế mà trong lúc hạn hán hoặc mưa nhiều người ta thường cầu khẩn rắn. Và theo Krappe thì ý tưởng cho rằng cầu vồng là một con rắn đang uống nước biển là một ý tưởng phổ biến có thể tìm thấy ở người da đỏ ở vùng Nevada, người broro ở Nam Mỹ, ở Pháp, sebillot, Nam Phi và Ấn Độ. Với nhân dân Ấn Độ, rắn Ananta là “kẻ nâng và bảo đảm sự ổn định của thế giới” [10,tr.763]. Vì vậy mà họ thường đóng một chiếc cọc vào đầu con Naga nằm dưới mặt đất, tại vị trí mà thầy phong thủy xác định khi muốn xây nhà. Còn trong tiếng Arập, ý nghĩa của từ rắn - elhayyal là ý tưởng về sự sống - elhayat. Vài phác họa trên cho thấy biểu tượng rắn bao giờ cũng có hai mặt. Tùy theo văn hóa từng dân tộc và hoàn cảnh cụ thể để sử dụng đặc tính của nó cho phù hợp. Ngoài những ý nghĩa trên thì biểu tượng rắn còn xuất hiện với ý nghĩa về giới tính. Trong đạo Mật tông, rắn Kundalini là biểu trưng cho dục năng và sự sống “nó dùng miệng mà ngậm bít đầu dương vật lại. Khi thức dậy, rắn rít lên và cứng người lại và liên tiếp leo lên các luân xa: đấy là dục năng dâng lên, là sự sống tái hiện” [10,tr.763]. Ở Châu Á và Châu Mỹ, thời kỳ đồ đá rắn được xem là có tính lưỡng trị trong giới tính. Tính lưỡng trị của nó được bộc lộ ở chỗ nó vừa là tử cung vừa là dương vật. Người ta còn cho rằng nguồn gốc của các kỳ hành kinh ở phụ nữ là do quan hệ của bà Eva với rắn. Ở một số nước Châu Âu như Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, phụ nữ một số vùng rất sợ rắn chui vào mồm lúc họ đang ngủ bởi nó sẽ làm cho ._.họ có thai khi đang kỳ hành kinh. Quan niệm về giới tính của biểu tượng rắn cũng có ở Ấn Độ, để có con những người phụ nữ Ấn Độ phải nhận một con rắn hổ mang làm con nuôi. Còn người Tupi ở Braxin, để một người phụ nữ vô sinh trở thành mắn đẻ người ta sẽ cầm một con rắn quật vào háng người phụ nữ vô sinh. Đối với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, xuất phát từ tín ngưỡng bản địa cộng với sự ảnh hưởng của các tôn giáo Ấn Độ, rắn thường được linh thiêng hóa và tôn thờ như những vị thần. Thần rắn Naga được xem là người bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Vì vậy mà trong kiến trúc Phật giáo nguyên thủy (Therevada) tại Đông Nam Á, rắn Naga thường được trang trí trên các mái chùa ngụ ý xua đuổi tà ma và bảo vệ các ngôi chùa tránh khỏi hỏa hoạn. Theo thần thoại, Naga là vị thần mưa nên có thể phun nước dập lửa. Rắn Naga trong văn hóa của người Khmer là một hình tượng khá phổ biến, hình tượng này hiện diện trong văn hóa Khmer có lẽ từ trước khi văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng đến vùng đất này vì người Khmer vốn có tín ngưỡng bản địa thờ rắn. Truyền thuyết lập quốc của người Khmer cũng đã kể lại sự kết hợp giữa đạo Bàlamôn và văn hóa bản địa (tín ngưỡng thờ rắn) như sau: Một người Bàlamôn tên là Kaudinya đến vùng Đông Nam Á. Ông ta mang theo một ngọn lao nhận được của một vị Bàla môn cao đạo nhất. Ông ta vung tay ném ngọn lao vào vùng đất lạ. Ngọn lao ấy bay vút cao và rơi xuống cắm vào một địa điểm. Điểm ấy được chọn làm kinh đô nước Phù Nam. Sau đó, ông ta lấy một nàng công chúa bản địa làm vợ. Nàng tên là Soma, là con gái vua rắn thần Naga.Và hai người tạo lập nên dòng dõi những người làm vua nước Phù Nam [8,tr.14 -15] . Người Khmer, người Chăm và hầu hết các tộc người chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ đều có truyền thuyết lập quốc gần tương tự nhau như vậy. Vào thế kỷ 14, tại Thái Lan vị vua đầu tiên của triều đại Sukhothai đã hợp thức hóa việc lên ngôi của mình cũng bằng cách tự cho mình thuộc dòng dõi của một thủ lĩnh Thái và một nàng Nagini (nàng tiên rắn). Người Khmer tin rằng chính Kaudinya đã truyền cho họ những bí quyết về nghề trồng lúa và công việc thủy lợi. Còn các vị vua Khmer sau này thì được tin là đã giao phối với một Nagini xinh đẹp để duy trì dòng dõi hoàng gia. Trong tác phẩm Chân Lạp phong thổ kí (dẫn theo Đinh Gia Khánh), tác giả Châu Đạt Quan viết rằng: “hàng đêm quốc vương đều có đến ngủ với một nàng tiên rắn…”. Trong mỗi triều đại, các vị vua Khmer đều cho xây dựng các cung điện và các đền thờ khổng lồ bằng đá, mà rắn Naga được xem là vị thần canh giữ nơi thiêng liêng đó, vì vậy chúng luôn xuất hiện trên cầu thang, trên các lối đi, trên ngưỡng cửa hoặc trên các mái tháp để xua đuổi tà ma. Ở Lào, người ta thường thêu trên thổ cẩm của mình một đôi rắn đang cuộn vào nhau bởi vì theo họ chỉ có người may mắn mới có thể nhìn thấy đôi rắn cuộn mình vào nhau. Ngay khi nhìn thấy thế, người này nên cởi áo của mình ra và ném vào đôi rắn rồi đợi đến khi chúng bò đi chỗ khác sau đó người này nên mang chiếc áo đó về nhà và vắt lên người mình. Khi có một người con trai nào trong gia đình đó sắp đến tuổi lập gia đình, anh ta sẽ mặc chiếc áo đó và chắc chắn anh ta sẽ cưới được người mình yêu, không những thế đôi uyên ương đó sẽ được sống hạnh phúc trọn cả cuộc đời. Ngoài ra chiếc áo này còn mang may mắn đến cho những người làm kinh doanh. Người dân tộc Lào thêu hình rắn quận mình vào nhau với một niềm tin rằng nó sẽ mang lại may mắn [55] Trong lòng người dân Indonesia, rắn có một vị trí rất cao và sang trọng, người dân nơi đây tôn kính rắn giống như tôn kính thần. Rắn tượng trưng cho sự lương thiện, trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh. Trên đảo Bali, người dân nơi đây còn xây dựng riêng một ngôi nhà ở của rắn giống như một ngôi chùa miếu, dùng để cúng tế, thắp hương, cầu khấn... Trong động rắn ở phía sau nơi ở của rắn còn nuôi những bầy dơi với số lượng rất lớn, để chuyên cung cấp thức ăn cho rắn. Nói chung, không phải là một hiện tượng nhỏ lẻ chỉ tồn tại ở một vài nơi, ý nghĩa của biểu tượng rắn tồn tại khắp nơi trên thế giới, gắn với từng dân tộc, từng quốc gia, rắn mang đến cho chúng ta cái nhìn mới mẻ về giá trị mà nó biểu đạt. 1.3. Biểu tượng rắn trong văn hóa dân gian Việt Nam Trở về biểu tượng rắn trong văn hóa Việt Nam mà cụ thể là trong văn hóa dân gian. Có lẽ ấn tượng đầu tiên của người Việt Nam (ngày nay) khi nhắc đến con rắn là sự sợ hãi. Rắn dường như chỉ được nhìn theo chiều hướng tiêu cực. Tuy nhiên tìm hiểu trong văn hóa dân gian của dân tộc ta mới thấy rằng “con rắn” không chỉ mang ý nghĩa xấu mà có một thời gian khá dài, rắn đã được tôn thờ như một vị thần linh và được nâng lên thành biểu tượng văn hóa trong khát vọng cầu cho mưa thuận, gió hòa, cuộc sống tốt tươi. Trước hết, chúng tôi xin nói về biểu tượng tiêu cực. Trong lời ăn tiếng nói của người xưa, hình tượng rắn thường xuyên xuất hiện với ý nghĩa tiêu cực. Dường như cha ông ta đã tập trung tất cả những cái xấu ở đời để gán cho rắn. Để chỉ những người “bề ngoài thơn thớt nói cười” mà bên trong nguy hiểm giết người không dao cha ông ta nói “khẩu phật tâm xà”. Rồi đề nhắc những người hiền lành coi chừng làm ơn mắc oán, bị kẻ xấu đổ vạ, cha ông ta lại nhắc khéo: “rắn đổ nọc cho lươn” hay “ấp rắn trong lòng”. Để chê bai những kẻ hay bày ra những thứ râu ria phức tạp, vô ích, người xưa dè bỉu: khéo “vẽ rắn thêm chân”. Rồi tới những chỗ nguy hiểm phải tránh xa người ta lai nhắc nhở nhau “hang hùm miệng rắn”. Không chỉ nhắc nhau, người xưa còn mượn hình ảnh rắn để mỉa mai tính cách của một số người như: “thẳng như rắn bò”, “sư hổ mang, vãi rắn rết”. Và có lẽ một câu nói về rắn làm cho mọi người nhớ nhất đó là: “cõng rắn cắn gà nhà”. Hành động của kẻ hèn hạ đang tâm “rước voi về giày mả tổ”, “cõng rắn về cắn gà nhà” trong câu nói này đã đưa rắn trở thành một kẻ xấu mang tầm cỡ quốc tế. Chúng ta thắc mắc tại sao rắn lại mang nhiều “tội danh” như vậy? Có lẽ bởi rắn có nọc độc chết người. Ngoài ra, do đặc điểm sinh sống của rắn lúc ẩn lúc hiện nên hình tượng rắn trong lời ăn tiếng nói của dân gian thường gắn với sự cảnh giác cao độ. Bên cạnh cách nhận thức ấy, trong nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, hội họa, rắn lại là một đề tài vô cùng hấp dẫn người nghệ sĩ. Vẻ đẹp uốn lượn mềm mại của rắn, sự nhanh nhẹn, cái lưỡi, đôi mắt, chót đuôi, những hoa văn trên thân thể… tất cả luôn làm dâng trào cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ. Có lẽ hình ảnh cổ xưa nhất của rắn mà ngày nay người ta thường nhắc tới ở Việt Nam đó là hình giao long được thần dân của đời vua Hùng thứ nhất xăm lên mình để khi xuống nước thuồng luồng nhận làm đồng loại mà không làm hại. Theo tác giả Đinh Gia Khánh thì Nhan Sư Cổ trong sách Hậu Hán thư đã viết rằng giao long là một loài lân trùng (rắn có vảy) có bốn chân. Như vậy cả giao long, thuồng luồng đều chỉ loài rắn có vẩy không chân hoặc có chân. Hình ảnh rắn thường gắn liền với cuộc sống của cả cộng đồng cư dân người Việt cổ, không chỉ trong đời sống vật chất mà cả trong đời sống tinh thần. Trên các trống đồng, thạp đồng của văn hóa Đông Sơn xung quanh biểu tượng mặt trời người ta thấy hình những con rắn nước đang há miệng chờ chim lửa lao vào, tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực (rắn nước là âm, chim lửa là dương). Vào thời Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê sơ, biểu tượng rắn trong nghệ thuật tạo hình ít được quan tâm hơn trước. Tuy nhiên người ta vẫn tìm thấy hình ảnh của con rắn ẩn thân trong hình tượng con rồng. Trong đó nổi bật nhất là hình tượng con rồng thời Lý – Trần. Hình tượng con rồng Lý-Trần được thể hiện phổ biến trên chạm nổi, do thuộc loại động vật bò sát nên nhiều khi hình chạm nổi lại như tượng tròn, chẳng hạn những tượng rồng lớn ở cột biểu chùa Dạm, ở đáy ao Long Trì chùa Phật Tích, ở đế bia chùa Long Đọi và tháp Chương Sơn…những tượng này, được người xưa gọi là Long xà tức rồng rắn vốn có nguồn từ con rắn, con trăn rất phổ biến ở địa vực nước ra. Đây được xem là hình tượng nghệ thuật thực sự Việt Nam, là sáng tạo độc đáo của cha ông ta xưa. Ta còn tìm thấy ngay trong nghệ thuật Việt, tượng con vật lớn như trăn - rắn ở miếu cạnh đền Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh), một số hình chạm rắn bên cạnh hình chạm rồng ở bệ tượng Phật chùa Ngọc Khám, bệ tượng Quan Âm Nam Hải (Bắc Ninh). Hình rồng Lý-Trần được xác định là hình tổng hợp những yếu tố của nhiều con vật khác nhau, trong đó cơ bản là từ con rắn. Và cũng trong giai đoạn này, trong thành Chà Bàn (thành Hoàng Đế) - kinh đô cuối cùng của vương quốc Chămpa, được xây dựng năm 982 thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, người ta cũng thấy trên góc tháp Cánh Tiên cao gần 20m có tượng rắn làm bằng đá trắng, 2 voi đá và nhiều tượng quái vật. Tháp này được đánh giá là biểu tượng phong hóa Bình Định, có niên đại hậu bán thế kỷ 11, đầu thế 12. Sau một thời gian dài ẩn thân trong hình tượng rồng, cuối thế kỷ 16, người ta lại thấy sự xuất hiện trở lại của hình tượng rắn trong văn hóa dân gian. Tại đình Tây Đằng, Hà Tây, người ta đã tạc tượng một người đàn bà ngồi xổm, hai chân giang rộng, hai tay nắm lấy cổ và đuôi rắn. Đây là một hình ảnh tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, trong đó rắn được xem là mang tính dương. Cuối thế kỷ 17, nhờ sự phát triển của nghệ thuật dân dã mà một lần nữa người ta lại thấy sự xuất hiện của hình tượng rắn tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực. Ở đình Phù Lão (Bắc Giang), người đương thời đã chạm hình một phụ nữ khỏa thân, với cái bụng khá to, quấn quanh lưng là một con rắn lớn. Có lẽ hình ảnh này tượng trưng cho sự cầu phúc trong tín ngưỡng phồn thực (bụng nở) khi âm (người đàn bà) dương (con rắn) giao hòa. Có thể thấy rằng, không riêng gì ở Phương Tây mà ở Việt Nam ý nghĩa về giới tính của rắn cũng được người xưa thể hiện khá mạnh dạn. Đến thế kỷ 18, tuy nghệ thuật dân dã không còn phát triển nhưng đôi khi hình tượng rắn vẫn được xuất hiện ở những công trình kiến trúc lớn của người đương thời như: ở Đền Gióng (Phù Đổng − Hà Nội), các nghệ nhân đã chạm một đôi rắn đang chui ra từ mũi rồng. Sang thế kỷ 19, người ta lại thấy con rắn lại cuộn mình đẹp đẽ trên chiếc cửu đỉnh thiêng liêng của vương triều Nguyễn tại Huế. Và ngày nay, người ta vẫn còn thấy vô số hình rắn Naga được chạm khắc rất công phu trong những ngôi chùa cổ kính của người Khơme Nam bộ. Không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực tạo hình, rắn còn xuất hiện trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc. Là một đất nước với đa phần cư dân lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cho nên khí hậu là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của người dân. Chính vì điều đó mà rắn − tượng trưng cho nước là vị thần linh thiêng mang lại cuộc sống no đủ, hạnh phúc cho con người. Trong những đền thờ Mẫu (mẫu thiên, mẫu địa, mẫu thoải) - một tín ngưỡng gắn với nông nghiệp, luôn có một đôi rắn gọi là Thanh xà - Bạch xà bằng vải, bò vắt trong cung thờ. Chính vì tượng trưng cho nước nên hình ảnh rắn luôn xuất hiện trong các lễ hội liên quan đến việc cầu nước, cầu mưa, của đại đa số các cư dân ở vùng đồng bằng Việt Nam, mà tập trung nhất vẫn là ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ nước ta. Có thể kể ra một số lễ hội liên quan tới rắn như: lễ hội rắn ở làng Lệ Mật - Hà Nội, lễ hội rước nước ở đình Nhật Tân - Hà Nội, lễ hội cầu nước ở Lãnh Giang, Cửa sông - Hà Nam, lễ hội đền Tranh ở Ninh Giang - Hải Dương, lễ hội rước thần Hang Lạng ở Xuân Sơn − Phú Thọ, lễ hội bơi bè ở Phài Lừa − Lạng Sơn, lễ hội đua ghe ngo ở miền Tây Nam bộ,.. vv…vv Đến với văn học dân gian đặc biệt là trong truyện cổ dân gian, biểu tượng rắn cũng được nhắc đến với nhiều ý nghĩa. Như chủ đề rắn ác hại người trong Thạch Sanh, truyện nói về một con xà tinh tàn ác chuyên ăn thịt người và anh chàng Thạch Sanh bằng sức khỏe, sự mưu trí, thần thông đã ra tay diệt trừ rắn ác cứu thoát cả làng. Rắn ác còn xuất hiện trong các truyện như Mãng Xà Vương ở Tân Bằng, sự tích suối rắn, Đền muối…Chủ đề rắn ác còn được pha trộn giữa huyền thoại và lịch sử trong vụ án Lệ Chi Viên. Trước kia người ta cho rằng, Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc là do con rắn báo oán. Và người vợ trẻ trung xinh đẹp của Nguyễn Trãi, nàng Thị Lộ chính là con rắn mẹ hóa thân để trả thù cho đàn con. Tuy nhiên ngày nay, người ta biết rằng cái chết đầy oan khuất của vị anh hùng Nguyễn Trãi có bàn tay thêu dệt của tập đoàn phong kiến hòng lấp liếm cho tội ác đê hèn còn độc ác hơn rắn độc của chúng. Ngoài ý nghĩa tượng trưng cho cái ác, gắn với tín ngưỡng thờ nước của đồng bằng Bắc bộ, trong các truyện kể dân gian rắn còn được nhắc tới với vai trò “Thủy thần”. Truyện kể về rắn thần – thủy thần, là một trong những truyện kể phổ biến nhất ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Tác giả Đinh Gia Khánh cũng khẳng định sự tồn tại phổ biến của nhóm truyện này như sau: Nếu việc thờ chim làm vật tổ chủ yếu là tín ngưỡng của cư dân miền núi thì việc thờ rắn làm vật tổ lại chủ yếu là tín ngưỡng của cư dân đồng bằng, đầm lầy, sông, biển. Cho đến nay vẫn còn lưu hành những mẩu chuyện về thần rắn, về ông Cộc, ông Dài ở các khúc sông như sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Lô, sông Thao, sông Cầu, v.v. Nhưng các truyện về rắn thần lại đặc biệt phổ biến ở đồng bằng. Dọc sông Cầu và sông Thương thuộc vùng đồng bằng tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có đến hơn ba trăm làng thờ hai vị thần Tam Giang (ông Dài, ông Cộc) [18,tr.341]. Trong truyện kể dân gian ở miền Trung và Tây Nguyên, người ta còn thấy hình tượng rắn mang một ý nghĩa khá cổ xưa của truyện cổ tích. Rắn tượng trưng cho những con người tốt đẹp của thế giới thần linh, sau khi kết hôn với một người con gái hiền lành, tốt bụng của thế giới loài người, rắn trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú… Với nội dung như vậy, mà những kiểu truyện rắn ở đây thường đề cập đến những con người mang lốt rắn có thể kể ra một số truyện tiêu biểu như: Chàng rắn, Chàng tiên rắn, lấy chồng rắn… Ở đây, chúng tôi chỉ nêu lên nét tương đồng về sự hiện hữu của biểu tượng rắn trong văn học dân gian và các hình thái nhận thức khác, còn biểu hiện cụ thể chúng tôi sẽ trình bày ở chương sau. Nói tóm lại, rắn trong văn hóa dân gian của người Việt là một trong những biểu tượng khá phong phú về ý nghĩa. Cũng như quan niệm về con rắn trên thế giới, con rắn trong văn hóa dân gian Việt Nam cũng hàm chứa cả ý nghĩa tốt lẫn ý nghĩa xấu. Mỗi khu vực và mỗi giai đoạn lịch sử mà nó xuất hiện lại mang đến cho ta những ý nghĩa khác nhau. Nó góp phần làm phong phú thêm thế giới biểu tượng trong văn hóa của người Việt Nam. Trên đây, vừa khảo sát sự xuất hiện của biểu tượng rắn trong văn hóa thế giới và văn hóa dân gian Việt Nam. Qua sự phong phú về ý nghĩa biểu đạt của biểu tượng, chúng ta thấy rằng rắn là một biểu tượng văn hóa lâu đời và khá bền vững trong hệ thống biểu tượng văn hóa thế giới. Mỗi quốc gia đều có những ý nghĩa riêng cho biểu tượng rắn. Tuy nhiên một ý nghĩa tượng trưng lớn nhất bao trùm nhiều quốc gia, dân tộc, đó là rắn tượng trưng cho thủy thần. Đối với các quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á thì ý nghĩa này lại càng đậm đặc. Xuất phát từ môi trường tự nhiên có nhiều điểm chung hình thành nên nền văn minh lúa nước, ở các nước như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Inđônêxia, Mianma…nước được xem là yếu tố vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Với sự tồn tại của nhiều hội lễ cầu nước gắn với tín ngưỡng thờ thần nước, rắn – tượng trưng cho thủy thần được xem là vị thần chi phối phần lớn cuộc sống của các cư dân làm nông nghiệp. Đối với Việt Nam đặt trong tương quan với thế giới và khu vực thì biểu tượng rắn cũng mang nhiều nét nghĩa tương đồng. Tuy nhiên, với một nền văn minh lâu đời và đậm đà bản sắc dân tộc, biểu tượng rắn cũng được thể hiện theo những cách rất Việt Nam. Trong phạm vi của đề tài này, chúng tôi sẽ làm rõ nét đặc trưng của biểu tượng rắn trong những truyện kể dân gian Việt Nam. Chương hai HÌNH TƯỢNG RẮN TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN CỦA NGƯỜI VIỆT Ở BẮC BỘ VÀ BẮC TRUNG BỘ Ở Việt Nam, theo các nhà khảo cổ, đồng bằng sông Hồng là khu vực cư trú đầu tiên và lâu đời nhất sau khi người Việt cổ tiến hành cuộc di cư từ miền núi xuống đồng bằng. Cùng với việc định cư ở lưu vực sông, cư dân Việt đồng thời lấy nông nghiệp là cơ sở để duy trì và phát triển sự sống. Vì vậy mà mong ước về một năm cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu cùng với những lo sợ về thiên tai luôn thường trực trong ý nghĩ của cư dân. Xây dựng cho mình một đời sống tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, những người bình dân cho rằng đó chính là một trong những kênh giao tiếp quan trọng của họ với tự nhiên để từ đó con người và tự nhiên “thấu hiểu” nhau hơn. Và họ cho rằng kết quả của những cuộc giao lưu đó sẽ đem đến cho họ một cuộc sống “mưa thuận gió hòa”, ấm no, hạnh phúc. Nằm trong hệ thống tín ngưỡng đó, nước được xem là một yếu tố vô cùng quan trọng như người xưa đã đúc kết: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nước quan trọng nhất nên được người dân nâng lên thành “thủy thần”. Và con rắn với hình dạng uốn lượn như những làn nước lên xuống đã được đồng nhất với nước. Rắn đã đi vào đời sống tín ngưỡng của người dân đồng bằng sông Hồng, đi vào cả truyện kể dân gian ở khu vực này. Trong những truyện kể dân gian về rắn ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, chúng tôi thấy hình tượng rắn xuất hiện trong nhiều thể loại như: cổ tích, thần thoại, truyền thuyết. Tuy nhiên theo cách phân loại cũ, thì có một số truyện được phân loại chưa hợp lý, chẳng hạn như theo tác giả Nguyễn Đổng Chi (chủ yếu dựa vào tuyển tập truyện cổ tích do Nguyễn Đổng Chi biên soạn), chúng tôi thấy truyện Ông Cộc ông Dài, được xếp vào thể loại cổ tích nhưng theo quan điểm hiện nay thì truyện này nên xếp vào thể loại huyền thoại. Vì vậy, để tiện cho việc nghiên cứu, người viết mạnh dạn xếp truyện Ông Cộc ông Dài và một số truyện có nội dung và kết cấu tương tự vào thể loại huyền thoại. Ở thể loại này, chúng tôi thu thập được 6 truyện chính. Trong thể loại truyền thuyết, chúng tôi thấy sự xuất hiện khá phong phú của hình tượng rắn. Sau khi đọc và tuyển chọn, chúng tôi thu được 15 truyện về rắn thuộc thể loại này. Xét về số lượng và nội dung truyện qua các thể loại, chúng tôi thấy rằng sự xuất hiện của hình tượng rắn trong thể loại truyền thuyết đa dạng và phong phú hơn. Vì vậy ở chương này chúng tôi sẽ tập trung khảo sát sự xuất hiện của hình tượng rắn qua truyền thuyết ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong quá trình khảo sát 21 truyện đã chọn, chúng tôi thấy sự xuất hiện của hình tượng rắn qua hai xu hướng sau: + Rắn được linh thiêng hóa. + Rắn tượng trưng cái ác hại người. 2.1. Hình tượng rắn trong nhóm truyền thuyết về thủy thần Nét nổi bật nhất của các truyện kể về rắn ở khu vực này là thường gắn với sự linh thiêng hóa rắn trong tín ngưỡng thờ thủy thần. Rắn thường xuất hiện như một vị thần linh thiêng cai quản vùng sông nước, cai quản cả mùa màng. Vì vậy mà để cuộc sống no đủ, bình yên, người dân thường lập các đền thờ rắn ở gần những con sông. Như trên đã nói thì đây chúnh là nét tương đồng phổ biến cho các nước trong khu vực có chung nền văn minh lúa nước. Về truyện có nội dung linh thiêng hóa rắn chúng tôi thấy có 14 truyện. Dựa vào nội dung truyện, chúng tôi chia nhóm 14 truyện này ra thành 2 nhóm nhỏ. Ở nhóm nhỏ thứ nhất, chúng tôi tạm gọi là nhóm “Ông Cộc ông Dài”. Ở đây chúng tôi không xét những truyện này như người ta từng xét nó như những dị bản của một truyện mà chúng tôi sẽ nghiên cứu những truyện này như một kiểu truyện đặc trưng và phổ biến của khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Nhóm này bao gồm 6 truyện sau: Bà Tăng Má, sự tích Ghềnh Bợ, sự tích ông Cộc ông Dài ở Thác Huống − Thái Nguyên, sự tích ông Cụt ông Dài ở Yên Thành - Nghệ An, sự tích ông Cụt ông Dài ở Nam Đàn - Nghệ An, truyền thuyết đình làng Văn Xá (Hà Nam) Ở nhóm nhỏ thứ hai, chúng tôi tạm gọi là “anh hùng rắn” gồm 8 truyện sau: Ông Lỗ ông Minh, Linh Lang đại vương, Hiển công thần, Truyện nàng công chúa đời Trần, truyền thuyết Phổ Độ Hổ Độ (Phả Lễ - Hải Phòng), Hai anh em thủy thần sinh đôi đánh giặc Lương, truyền thuyết đền Lảnh Giang, Long thần. Trước tiên chúng ta đi tìm hiểu nhóm truyện thứ nhất trong nội dung linh thiêng hóa rắn: 2.1.1. Nhóm truyện “Ông Cộc ông Dài” Đây là nhóm truyện khá phổ biến ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Xác định về thể loại của nhóm truyện này, như trên đã nói, trước đây, nhiều người cho rằng đây là thể loại thần thoại vì nó giải thích nguồn gốc của vũ trụ, tự nhiên theo tư duy của người nguyên thủy. Tuy nhiên, trong nhóm truyện này lại liên quan đến việc giải thích một số địa danh cũng như tục thờ cúng thủy thần ở đồng bằng Bắc bộ. Vì vậy có thể xếp nó vào thể loại truyền thuyết. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi dùng thuật ngữ huyền thoại (để chỉ một tổ hợp bao gồm các thể loại: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích thần kì) để gọi những truyện kể loại này. Truyện kể ở Thác Huống (Thái Nguyên) như sau: Một bà nhặt được 2 quả trứng. Trứng nở ra hai con rắn. Bà đi đâu rắn cũng đi theo. Dân làng sợ hãi. Bà phải đem hai con rắn thả xuống vực sâu. Mỗi lần sang sông, bà gọi rắn lên và rắn đưa bà sang. Khi bà qua đời, nước dâng lên cuốn trôi thi hài của bà đi. Từ đó súc vật trong làng hay bị chết chóc, mùa màng thất bát. Thầy phủ thủy báo là cần phải lễ thủy thần. Dân làng từ đó, cứ đến tháng 5, tháng 7 để cầu mưa, tổ chức đua thuyền trên sông, chèo ngoằn nghèo theo các nơi mà trước kia rắn được thả xuống để dâng lễ cho thủy thần rắn. (Dẫn theo Cao Xuân Phổ trong tạp chí văn học nghệ thuật số 10/2005). Trong nhóm truyện này đều có nội dung tương tự như truyện chúng tôi vừa nêu, truyện thường xuất hiện với những nội dung chính sau: Truyện thường mở đầu với “sự kiện” người đàn bà nhặt được trứng rắn hoặc có thai với rắn. Những người đàn bà được nhắc tới trong kiểu truyện này thường là những người sống cô độc hay hiếm muộn, nghèo khổ. Trong truyện Bà Tăng Má (Tập 5, truyền thuyết Việt Nam – Kiều Thu Hoạch tuyển chọn) thì truyện được mở đầu như sau: tại làng La Phù ở ven sông Đà, vào đời Hùng Vương thứ 18 có một người đàn bà nghèo khổ, sống trong một cái lều cỏ ven sông. Bà đã già mà vẫn chưa có chồng con [16,tr.179]. Trong sự tích Ghềnh Bợ thì thông tin về nơi ở của nhân vật cũng không có, chỉ biết “Cách đây đã lâu lắm rồi, chẳng nhớ rõ là năm nào, tháng nào nữa, ở một làng nọ có một người đàn bà góa chồng, không có con cái” [ 16,tr.729]. Truyện đình làng Văn Xá – Hà Nam kể rằng: Vào đời vua Lý Thái Tổ, ở Văn Xá, huyện Thanh Liêm có ông Cao Phúc kết hôn với bà Từ Thị Lang ở Văn Xá, huyện Nam Xang. Hai ông bà tuổi cao mà vẫn chưa có con [54]. Trong ông Cụt ông Dài ở Yên Thành cũng nói về hai vợ chồng già mà chưa có người nối dõi [11]. Những người đàn bà này thường tình cờ thụ thai với rắn hoặc nhặt được trứng rắn đem về nhà. Bà Tăng Má trong một lần đi cắt cỏ về, thấy nóng bức, bà xuống sông tắm, trong lúc tắm bà thấy một con rắn nổi lên bên cạnh bà, từ đó bà thấy mỏi mệt bụng ngày một to ra. Còn người đàn bà trong sự tích Ghềnh Bợ trong lúc đi làm cỏ dâu đã ướm vào một bước chân to kỳ lạ, ít ngày sau bà cũng thụ thai. Trong ông Cụt ông Dài − Nghệ An thì lại kể như sau: Ngày xưa ở vùng Quan Hóa (Yên Thành) có gia đình họ Nhữ, hai ông bà đã già mà không có người nối dõi, hai ông bà buồn lắm. Bỗng một hôm bà nằm mơ thấy một người to lớn khác thường vào cõng bà xuống âm ty để đỡ đẻ cho vợ Diêm Vương. Nào ngờ từ đó bà mang thai. Mười hai tháng qua, bà sinh ra hai cái trứng [11 ,tr.115]. Ở Nam Đàn – Nghệ An, chúng tôi cũng sưu tầm được một truyện cũng có nội dung tương tự, đó là truyện kể về một gia đình ở Nộn Liễn cũng già cả mà chưa có con, bà vợ trong một lần đi mò cua bắt ốc bị một cơn sóng lớn phủ lên người và sau ba năm bà sinh được một cái trứng, trứng nở ra một đôi rắn, một xanh một đỏ [11,tr.117]. Trong truyện đình làng Văn Xá thì người đàn bà tình cờ vớt được hai quả trứng trắng ở ngoài sông. Ở Thanh Hóa, chúng tôi cũng thấy lưu truyền một truyền thuyết trong đó cũng nói về việc người đàn bà nhặt trứng rắn đó là truyền thuyết về suối Ngọc nhưng nội dung truyện này đã có sự pha trộn của nhiều kiểu truyện, truyện kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa, nơi bản Ngọc thời khai thiên, lập địa, vào một năm nọ, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán quanh năm, người dân túng đói vô ngần. Một hôm, có hai vợ chồng trong bản hiếm muộn con đi làm đồng vô tình nhặt được một quả trứng có hình thù lạ. Người vợ đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nước, nhưng lạ thay, khi nhấc tay lên người ấy lại thấy quả trứng đang trên tay mình. Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng lạ đặt vào ổ gà đang ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Sợ quá, người chồng đem con rắn ra suối Ngọc thả, nhưng cứ đến tối con rắn lại về ở với gia đình này. Sau đó họ đã để con rắn ở lại sinh sống với mọi người. Lạ thay, từ đó đồng ruộng của bản đủ nước cày cấy, đồng bào sống trong no ấm, hạnh phúc. Chàng rắn ấy trở thành vị cứu tinh của bản nên được mọi người hết lòng tôn kính. Rồi một hôm định mệnh, trời nổi cơn giông, sấm chớp đùng đùng. Sau cơn giông, dân bản thấy xác chàng rắn nằm bên chân núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Ngọc. Thương tiếc chàng rắn, dân bản chôn cất chàng bên chân núi, lập đền thờ gọi là Ngọc Từ. Trong một buổi tế lễ, đồng bào bản Ngọc được thần báo mộng chàng rắn chết là do quyết chiến với thuỷ quái để bảo vệ dân bản. Sau này chàng rắn được phong thần gọi là: Tứ Phủ Long Vương. Từ đó, ở suối Ngọc bên chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần hàng nghìn con luôn quây quần chầu trước đền Ngọc Từ để hầu hạ chàng rắn [52 ]. Ở truyện trên ta thấy rằng người đàn bà trong truyện cũng nhặt được trứng rắn giống như kiểu truyện chúng ta đang tìm hiểu nhưng số lượng ở đây chỉ là một quả. Và quả trứng lại nở ra một con rắn. Điểm đáng chú ý thứ hai là nhân vật rắn ở đây tuy mang hình hài rắn nhưng không được gọi với cái tên là ông Cộc ông Dài hay đơn giản là thần rắn mà lại được gọi là chàng rắn giống như nhân vật người rắn trong truyện kể của các dân tộc ít người. Điểm đáng chú ý thứ ba là nhân vật chàng rắn không chỉ làm mưa, cung cấp nước cho ruộng đồng của dân bản mà còn ra tay tiêu diệt thủy quái bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân bản. Trở lại với nhóm truyện ông Cộc ông Dài, ở đây ta thấy sự xuất hiện của motip “Sự ra đời thần kỳ” ở truyện Bà Tăng Má(1), Sự tích Ghềnh Bợ(2), sự tích ông Cụt ông Dài – Yên Thành, Nghệ An(3), sự tích ông Cụt ông Dài – Nam Đàn, Nghệ An(4). Ở bốn truyện này những người đàn bà đều gián tiếp mang thai với rắn (không phải nhặt được trứng rắn), sau đó đẻ ra những quả trứng rắn. Những đứa con rắn ra đời là kết quả của thần rắn − tượng trưng cho nước với một người đàn bà hiếm muộn, nghèo khổ. Giải thích về hiện tượng này, có người cho rằng đó là do quan niệm hồn nhiên của con người về nguyên nhân mang thai và sinh nở. Nhưng theo chúng tôi, ngoài ý nghĩa đó việc thụ thai với rắn còn cho thấy ước mơ “cầu thân” của con người với rắn. Họ dường như muốn rắn − một vị thần có vai trò lớn lao trong đời sống của mình trở thành người bà con họ hàng. Bởi vì khi đã trở thành “người một nhà” thì có lẽ sẽ “hiểu nhau” hơn. Đây cũng chính là ý niệm theo tinh thần “tôtem” của dân tộc Việt Nam khi vua hùng thứ nhất khuyên thần dân của mình xăm hình giao long trên cánh tay để thuồng luồng nhận là họ hàng mà không làm hại. (1) Truyện kể về một người đàn bà nghèo khổ trong một lần xuống sông tắm thấy rắn nổi lên bên cạnh. Sau đó bà mang thai và đẻ ra ba quả trứng, trứng nở thành ba con rắn. Sau khi một con rắn chẳng may bị bà cuốc đứt đuôi, sợ dân làng dị nghị bà đem thả cả ba con rắn xuống sông. (2) Truyện kể về một người đàn bà góa chồng có thai và sinh ra ba con rắn vì ướm chân vào một bước chân to. Trong một lần, bà sơ ý làm đứt đuôi con rắn út, cả ba con rắn đã bỏ đến sống ở các khúc sông. (3) Truyện kể về gia đình họ Nhữ đã già nhưng chưa có con. Bà Nhữ nằm mơ đỡ đẻ cho vợ Diêm Vương. Sau đó bà có thai và sinh ra hai cái trứng, trứng nở thành hai con rắn. Ông Nhữ trong một lúc tức giận đã chắn đứt đuôi một con rắn. Hai con rắn tức giận bỏ đi. Khi bà mẹ quy tiên chúng mới về chịu tang. (4) Truyện kể về hai vợ chồng già nhưng chưa có con. Bà vợ đi mò cua bắt ốc bị sóng lớn phủ lên người. Từ đó bà mang thai và sinh ra một cái trứng, trứng nở ra đôi rắn, một xanh một đỏ. Cả hai đều có mào đỏ trên đầu. Một hôm, người cha không may chắn đứt đuôi con rắn xanh. Sau tai nạn đó, sóng thần nổi lên đưa hai con rắn ra sông Lam. Dù với cách khác nhau (có thai với rắn hoặc nhặt trứng rắn) nhưng những người đàn bà được nhắc đến ở trên đều trở thành bà mẹ “bất đắc dĩ ”có những đứa con là rắn sau khi những đứa con “không như mong đợi” đã ra đời sau những tháng ngày đằng đẵng. Những quả trứng kì lạ, tình cờ nhặt được của bà Thị Lang ở Văn Xá, của người đàn bà họ Nhữ ở Yên Thành đều nở ra những con rắn. Bà Tăng Má sau một thời gian dài mang thai sinh ra 3 quả trứng, nở thành 3 con rắn. Người đàn bà trong sự tích Ghềnh Bợ cũng sinh được 3 con rắn. Và sau ba năm mang thai người đàn bà ở Nộn Liễn – Nam Đàn cũng sinh được một cái trứng, trứng nở ra một đôi rắn, một xanh một đỏ. Chính vì có những đứa con là rắn nên những người đàn bà đều bị mọi người sợ hãi, xa lánh. Tuy nhiên những người mẹ “bất đắc dĩ” cho dù có phần sợ hãi nhưng tất cả đều không xa lánh những đứa con của mình bởi vì bên cạnh bản năng làm mẹ, họ cũng xem đó như việc “trời đã bắt”. Đáp lại tình thương của những người mẹ, những đứa con rắn này cũng luôn quấn quýt bên cha mẹ mình. Và chi tiết thứ hai cũng thường được nhắc đến trong kiểu truyện này đó là việc các bà mẹ hoặc ông bố làm cụt đuôi của một con rắn. Chính vì những đứa con là rắn luôn gần gũi bên mẹ hoặc bố nên họ đi đâu chúng cũng đi theo. Và trong một lần cuốc đất, các bà mẹ hoặc ông bố đều đã vô ý bổ lưỡi cuốc làm đứt mất khúc đuôi của một con rắn. Vì vậy mà con cụt đuôi được gọi với cái._. quỷ dữ. Chập tối hôm đó, nhìn lên trời, cô thấy như ánh sao lấp lánh, đó là lúc chàng Hơ mênh đang đạp mây bay đến để cứu cô. Trong luồng ánh sáng của cầu vồng, cô thấy một chàng trai xinh đẹp đang bay lượn là là trên mái nhà cô. Lòng cô vui xiết kể, ra đứng vẫy tay chào, bụng nghĩ độ này Hơ mênh đã thay da đổi thịt, trở nên chàng trai tuấn tú. Hơ mênh đáp xuống vào nhà, cả nhà Y Mười mừng rỡ. Y Mười hát: Mời chàng ăn trầu Mời chàng uống chè tươi Mời chàng uống rượu cần Cho vui lòng em Ngày mai đây Dró và Drai sẽ đến Tai họa ập đến, lòng em lo Chàng hãy cứu lấy đời em Ăn uống xong. Hơ mênh bảo Y Mười cho người nhà lùa trâu đực khỏe về cho chàng. Chàng ra tay mài đôi sừng con trâu nhọn như mũi dao và dặn trâu trực sẵn ở hàng rào, thấy bọn cướp đến thì xông ra húc chúng lòi ruột. Rồi đêm hôm đó, trong nhà Y Mười mọi người vẫn cười nói, tưởng như không có việc gì xấu sắp xảy ra. Rạng sáng hôm sau quân lính của Dró và Drai xuống chật đường. Y Mười gọi Hơ mênh dậy. Chàng điều khiển trâu cho mỗi lần húc chết năm mươi tên, làm cho quân Dró và Drai chết nhiều, xác ngổn ngang mặt đường. Cuối cùng hai tên hung dữ phải xông ra. Hơ mênh gọi chúng xuống mặt đất đánh nhau. Chúng thách Hơ mênh lên trời. Hơ mênh bảo Y Mười bắt cho con gà trống lông trắng. Chàng hóa phép, đánh một roi vào gà, gà liền biến thành một con ngựa vừa to vừa khỏe, vừa có cánh biết bay. Chàng nhảy lên lưng ngựa, bay lên trời đánh nhau với Dró và Drai. Chàng ra roi cho ngựa bay vút lên chín tầng mây cao hơn chỗ Dró và Drai đang đợi. Chúng cũng vượt lên chém Hơ mênh, nhưng chàng tránh được và quay lại dùng kiếm phạt bên phải, bên trái, lửa tóe ra sáng loáng. Cuộc chiến đấu kéo dài, vẫn chưa phân được thua. Y Mười nhìn lên thấy Hơ mênh vân còn sức lực và nhanh nhẹn, trong lòng mừng thầm. Khi hai bên đều mệt thì nghỉ rồi lại tiếp tục đánh nhau. Cuối cùng Hơ mênh chặt đứt đầu hai tên một lúc và túm đầu chúng vứt xuống bờ biển. Cá sấu liền chụp xác chúng nuốt liền. Thế là kết liễu cuộc đời hai tên quỷ dữ. Hơ mênh cưỡi ngựa bay về báo tin mừng cho mọi người. Làng xóm và cả nhà Y Mười mừng rỡ, từ nay không con sợ nạn rắn thần, nạn Dró và Drai nữa. Những tên lính còn sống sót của Dró và Drai đều được Hơ mênh tha tội chết cho về làm ăn. Cả vùng người Hơ – rê gần xa đều đồn tin về Hơ mênh, chàng trai tài giỏi và họ bàn việc thu xếp lễ cưới cho đôi trai tài gái sắc Hơ mênh – Y Mười. Mọi người vui mừng hát tặng đôi vợ chồng trẻ: Chàng Hơ mênh có sức có tài Cứu giúp người mắc nạn Chàng đã dẹp xong rắn thần và cả nạn Dró, Drai Thường reo tai họa cho dân Chàng xứng đáng lấy cô gái Y Mười xinh đẹp Từ đấy vợ chồng Hơ mênh sống yên vui trong tình thương yêu của cả vùng dân tộc Hơ – rê. (Truyện cổ các dân tộc thiểu số miền Nam tập 2) 18. Y TƠ LÔNG ĐI TÌM HẠNH PHÚC (Ê ĐÊ) Trong một làng giàu có kia, có hai ông bà rất nghèo, chỉ sinh được một đứa con trai tên là Y Tơ Lông. Y Tơ Lông lướn lên rất nhanhnhwng càng lướn càng lười biếng. Suốt ngày hắn hcir lo thả diều đánh quay, không muốn làm việc gì khác. Thấy con chẳng lo làm ăn, hai vợ chồng buồn lắm. Khuyên bảo con mãi vẫn không ăn thua gì, hai vwoj chồng cho là mình cưng chiều con quá, nên cin hư. Y Tơ Lông không chịu làm, cha mẹ liền phạt không cho ăn cơm. Nhưng lạ quá, không cho ăn cơm mấy ngày rồi mà Y Tơ Lông vẫn khỏe mạnh và vẫn chơi diều, đánh quay với lũ trẻ làng, có khi còn hăng hơn trước. Hai ông bà lại dùng lời ngon ngọt bảo con. Bảo mãi cũng không được, họ đành phải nghĩ ra cách khác để dạy con: họ đuổi Y Tơ Lông ra khỏi nhà. Y Tơ Lông lẳng lặng đi vào rừng, đi mãi, đói bụng thì ăn quả rừng, khát nước thì uống nước suối. Y Tơ Lông đi qua nhiều núi, vượt qua nhiều suối, chàng gặp một chú thỏ. Thỏ hỏi Y Tơ Lông: - Anh Y Tơ Lông đi đâu đó? - Tao đi tìm hạnh phúc đây! Nghe nói đi tìm hạnh phúc, thỏ thích quá, liền nói với Y Tơ Lông: - Thế anh cho em đi với. - Mày ở nhà giữ em đi thế nào được! Thỏ nói mãi Y Tơ Lông mới cho thỏ đi theo. Hai anh em lại băng rừng vượt suối, quyết đi tìm hạnh phúc. Trên đường đi họ lại gặp chú khỉ tinh nghịch. Khỉ hỏi: - Hai anh đi đâu đó? - Chúng tao đi tìm hạnh phúcđây! - Hai anh cho tôi đi với. - Mày ở nhà giữ em, đi thế nào được! Cuối cùng Y Tơ Lông cũng cho khỉ đi cùng. Ba anh em đi mãi. Một ngày kia họ đến một vùng khô ráo, nắng gay gắt, cây cỏ chết cả. Hỏi ra mới biết vùng này vẫn có tục lệ cứ bảy năm một lần chúa làng phải mang một người con gái đẹp cho con trăn tinh ăn thịt. Bao đời nay, con trăn tinh đã ăn hại không biết bao nhiêu người con gái xinh đẹp trong vùng. Đã có nhiều dũng sĩ khỏe và tài gỏi đến giết trăn tinh, nhưng không một ai giết được. Năm ấy, đã đến kì nộp con gái đẹp cho trăn tinh. Chú làng lo lắng vì không tìm đâu ra con gái đẹp để nộp.Trời hạn hán đã lâu, ngày một gay gắt hơn. Nếu quá hạn lâu, thì trăn tinh không những làm cho trời nắng mà còn làm cho nước các sông dâng lên, làm ngập cả một vùng nữa. Từ chúa làng cho đến người dân thường đều lo chết đói, chết chìm. Con trăn tinh đã cho nước dâng ngập mấy làng dưới chân núi. Thấy không thể chậm được nữa, chúa làng phải đem con gái của mình đến một ngôi nhà trên núi cao nộp cho trăn tinh độc ác. Ba anh em Y Tơ Lông đang đi thì bỗng thấy nước dâng lên ngập lối đi, ba người đóng thuyền vượt qua. Ngồi trên thuyền Y Tơ Lông nhìn thấy xa xa có nhiều làng mạc, nhà cửa sắp bị chìm dưới nước. Y Tơ Lông không hiểu sao không có một giọt mưa mà lại có nước lũ như thế. Chàng nhìn lên ngọn núi thì thấy có một ngôi nhà nhỏ, bèn ghé thuyền vào để hỏi. Bước vào trong nhà không thấy bóng người. Chàng liền cất tiếng gọi: - Người nhà đi đâu? Tiếng trả lời thê thé, yếu ớt của người con gái từ trong tối vọng ra: Mày muốn ăn thì ăn, mày muốn giết thì giết, mày ăn rồi mày cũng sẽ chết. Y Tơ Lông nhìn mãi không thấy người con gái đâu cả. Chàng đành phải trả lời lại: - Ta ăn gì nhà ngươi, ta giết gì nhà ngươi và ta chết làm sao được. Ta đã đi bao nhiêu lần trăng tròn, vượt bao nhiêu khe suối, bao nhiêu núi đồi còn không chết nữa là… Người con gái nói vọng ra: - Mày muốn ăn thì ăn, rồi mày cũng chết. Khỉ thấy vậy liền chạy vào trong xem sao thì thấy một người con gái xinh đẹp bị trói vào cột. Khỉ chạy ra báo cho Y Tơ Lông biết… Y Tơ Lông đến gần người con gái, nói: - Nếu người thật thì giơ cánh tay lên cho ta xem. Người con gái liền nói: - Tay tôi bị trói chặt không giơ lên được. Y Tơ Lông biết người con gái bị trói là người thật, liền hỏi: - Làm sao người đẹp thế này mà lại bị trói ở đây? Người con gái không tin chàng là người thật nhưng vẫn bảo: - Nếu anh là người thì hãy tránh đi, ở đây sẽ chết cả đấy. Y Tơ Lông cho người con gái ăn tạm trái cây của mình mang theo và hỏi chuyện nàng. Người con gái kể lại đầu đuôi câu chuyện cho chàng nghe và khuyên chàng nên đi mau không phải vạ vào thân. Người con gái còn phân trần thêm về câu chuyện của mình lúc nãy là câu nói của bất kì ai đến đây trước khi chết. Còn nàng bị trói là khỏi để tự tử trước khi bị trăn tinh đến ăn thịt. Trăn tinh chỉ ăn thịt người còn sống và người bị trói mấy nhày chứ không ăn thịt người chết. Khi nào ăn xong thì nó mới cho nước rút dân làng mới được yên ổn. Nghe xong chuyện Y Tơ Lông bàn kế với thỏ và khỉ để giết trăn tinh. Bàn xong, khỉ liền chạy đến một làng gần đó, giết bảy con trâu, lột lấy bảy tấm da, đánh thành một cái chão vừa dài vừa to lại vừa chắc. Đánh chão xong khỉ mang về cho Y Tơ Lông, chàng thắt thành một cái thòng lọng đặt gần chỗ người con gái bị trói. Trời vừa tối, sấm chấp đùng đùng nổi lên, trăn tinh đã xuất hiện và bay tới. Nó bay quanh nhà một vòng rồi đỗ xuống sân mài răng “kèn kẹt” nghe rơn cả người. Nó trương cái bụng ra, thở phì phò, hơi thở bay ra thành gió bão, mùi hôi sặc sụa. Mài răng xong, trăn tinh chui vào nhà và cất tiếng hỏi như sấm động: - Khà! Mồi của ta đâu? Người con gái đẹp đâu? Lúc ấy, người con gái sợ ngất đi trên cột. Trăn tinh trợn mắt sáng rực như mười bó đuốc để nhìn người con gái. Nó vừa ghé răng định cắn dây trói cô gái thì chiếc thòng lọng ền thắt lấy cổ nó lôi nó ra khỏi nhà. Tay trái cầm chão kéo, tay phải sẵn dao Y Tơ Lông vung tay bổ xuống một nhát, đầu trăn tinh đứt làm đôi. Bị đánh bất ngờ, con quái vật không kịp chống cự và chết không kịp ngáp. Thấy con trăn tinh đã chết. Thỏ chạy lại cởi trói cho người con gái. Vì sợ quá người con gái ngất đi. Khỉ liền chạy tót vào rừng kiếm lá thuốc hồi sinh mang về chữa cho cô gái. Người con gái sống lại, Y Tơ Lông khẽ bảo nàng: - Trăn tinh chết rồi, nước cũng đã rút dần, cô lên thuyền này, thuyền sẽ đưa cô về nhà. Người con gái mở mắt nhìn Y Tơ Lông, một chàng trai thân hình to lớn, con mắt sáng như mặ trời, người đã cứu sống nàng, cứu sống dân làng. Nàng không biết nói thế nào cả. Nàng mời chàng về nhà thì chàng không chịu về, hỏi đến tên thì chàng không chịu nói. Y Tơ Lông bỏ ra đi, nàng cầm lấy đuôi khố của chàng, cành giật mạnh, đuôi khố đứt. Y Tơ Lông lại cùng thỏ khỉ đi tìm hạnh phúc. Nàng nhìn đuôi khố đứt trong tay, đứng nhìn theo. Y Tơ Lông nhằm hướng mặt trời đi mãi. Đi được một đoạn đường, bỗng nghe tiếng ầm ầm như trời đổ, núi nhào, cây cối một vùng rung chuyển ghê gớm. Y Tơ Lông men dọc theo một con suối thấy cây cối, tre nứa đua nhau gãy đỗ cả xuống. Nhìn kĩ, Y Tơ Lông thấy một người khổng lồ, cao ngất, đứng choáng một vùng trời đang gò lưng kéo một bè gỗ, nứa to tướng. Y Tơ Lông chạy lại chẳng nói chẳng rằng, dùng đôi chân dẫm lên đuôi bè. Người khổng lồ ráng hết sức mà không kéo bè đi được. Bực quá, người khổng lồ liền quay lại nhìn, chú ý lắm mới thấy một chú bé giẫm lên đuôi bè của mình. Người khổng lồ cất tiếng ồm ồm như sấm động: - Oắt con kia, tao giết chết mày đấy! - Ông kéo bè gỗ nứa này về làm gì hả? - Làng bị ngập nước hết cả rồi, tao lấy gỗ nứa cho dân làng làm nhà ở. - Ông lấy cho cả làng hay từng nhà hả? - Tao đem về cho chủ làng, chủ làng đem chia cho từng nhà. - Tôi đi với ông được không? Tôi kéo giúp ông mà! - Làm sao mày kéo nổi? - Ông cứ cho tôi kéo thử xem. Người khổng lồ đưa chão cho Y Tơ Lông. Chàng liền chạy một hơi, người khổng lồ đuổi theo không kịp. Gần đến làng Y Tơ Lông dừng lại, chờ ngườ khổng lồ đến. Đến nơi, hắn khen Y Tơ Lông kéo khỏe và muốn kết bạn chàng nhận lời. Cả bốn cùng về làng. Từ xa họ nghe tiếng chiêng, tiếng trống gõ vui tai. Đến nơi chàng mới biết là dân làng đánh chiêng, đánh trống múa hát mừng thoát nạn trăn tinh, được ra nương, ra rẫy làm lụng. Nhà chủ làng cũng đánh chiêng, đánh trống như là để cúng ma con gái, chứ không phải ăn mừng. Cả nhà chủ làng đang buồn vì nhớ thương con gái, bỗng có người về báo, ngoài suối có chiếc thuyền gỗ đang trôi thẳng về làng, ở trên có một người con gái. Chủ làng sợ quá mặt biến sắc xanh như tàu lá, tóc dựng đứng như cỏ tranh, tai ù lên như gió thổi vào ống tre.Miệng chủ làng lầu bàu: “Thôi chết rồi, ma con gái về bắt tội rồi!”. Củ làng không dám ngồi yên một chỗ, chạy lung tung hết chỗ này sang đi nơi khác, sai người nhà đóng chặt cửa lại. Thuyền đến bờ, người con gái chạy thẳng về nhà để gặp cha mẹ. Nhà đóng kín cửa, nàng liền gọi: - Cha ơi, mở cửa cho con vào. Người cha vừa run vừa hỏi lại: - Con gái của cha về thật đấy à? Người con gái nói thêm: - Con được một người cứu thoát, cha mở cửa nhanh cho con vào. Chủ làng vừa mừng vừa sợ, ra mở cửa. Cha con ôm lấy nhau mừng rỡ. Cô con gái kể lại mọi việc cho cha mẹ nghe và lấy đuôi khố của chàng trai nọ cho cha xem. Ngày hôm sau, chủ làng mở tiệc, mời tất cả trai trán trong làng đến đọ đuôi khố ai đúng thì người đó sẽ được chủ làng gả con gái cho. Y Tơ Lông cũng có mặt trong buổi tiệc đó. Chỉ có chàng mới đọ đúng đuôi khố và được lấy cô gái đẹp. (Truyện cổ Êđê) III. KHU VỰC NAM BỘ: 1. THẦY RẮN Ở ĐỒNG THÁP MƯỜI Muỗi kêu như sáo thổi Đỉa lội như bánh canh Cỏ mọc thành tinh Rắn đồng biết gáy Đó là cảnh hoang vu của Đồng Tháp Mười cáh đây khoảng hơn một thế kỷ. Rắn ở Đông Tháp Mười ai cũng biêt tiếng. Rắn ở đây chẳng những to mà còn độc. Đối với những người dân tiền phong đến khai phá Đồng Tháp Mười, rắn là một trong những mối đe dọa ghê gớm nhất.Nhưng vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn. Ở đây dù thiên nhiên khắc nghiệt đến đâu con người vẫn tìm cách chinh phục cho được. Khoảng năm 1858, tại vùng Đồng Tháp Mười xuất hiện một con mãng xà vương rất hung dữ. Ai đi vào vùng ấy rủi gặp phải nó thì kể như chết. Hôm nọ có một nông dân tên là Năm Hơn vào rừng tìm trâu lạc, phỉa đi sâu vào nơi mãng xà vương ở. Anh vừa đi vừa dáo dác nhìn thì bỗng thấy từ xa một người cao lớn vạm vỡ đang đang chạy như bay đuổi theo một con rắn lớn mà từ trước đến nay anh chưa từng trông thấy. Người nọ và rắn quần nhau dữ dội. Rắn dữ dần dần đuối sức bị người nọ khống chế: chân đè chặt khúc đuôi, tay nắm chặt cổ rắn, tay kia mổ bụng giết rắn. Năm Hơn sau một hồi đứng nhìn sửng sốt , chạy đến chào hỏi người ấy, và không giấu được tò mò: - Ông thật là phi thường mới trừ được con rắn ấy. Dám mong ông cho biết quý danh. Người ấy đáp: - Ta là Lê Huy Nhạc. Nghe nói mãng xà về đây hại người, ta đã tìm kiếm nó suốt cả tháng nay mới trừ được. Con rắn này độc lắm. Nó phì hơi ra cũng giết được người. Ta chuyên nghề bắt rắn từ bé đến giờ mà cũng ghê loại mãng xà vương này. Năm Hơn vồn vã mời ông thầy rắn về nhà rồi bảo vợ con làm cơm thiết đãi và tôn kính ra mặt. Sáng hôm sau, trước khi Lê Huy Nhạc ra đi, Năm Hơn nài nỉ xin theo học. Lê Huy Nhạc cảm động lòng thật thà của Năm Hơn, bằng lòng nhận Hơn làm học trò. Theo thầy được một năm, Năm Hơn đã học được những kinh nghiệm quý báu. Tài bắt rắn của Năm Hơn nổi tiếng khắp vùng. Có điều là không ai gặp được ông thầy rắn Lê Huy Nhạc, chỉ có Năm Hơn thì lâu lâu mới thấy ông đến thăm mình. Bỗng một hôm ở làng bên, có một con rắn lớn xuất hiện. Mình rắn nửa đen nửa trắng. Da ắn xù xì trông rất kinh. Hễ ai bị nó cắn thì không sao cứu chữa được. Dân làng sợ hãi, treo giải thưởng ba mươi nén bạc cho ai trừ được rắn dữ. Năm Hơn được mời đi trừ hại. Được dịp giúp đời, Năm Hơn không chút nao núng, khăn gói vào rừng. năm ngày sau, Năm Hơn tìm được hang rắn. Năm Hơn tìm cách nhữ rắn lên khỏi hang rồi tìm cách giết đi. Năm Hơn xem xét tường tận thấy mình rắn cứ cách giưa mỗi khoang đen lại có một vòng tròn nhỏ. Năm Hơn vốn có ít nhiều kinh nghiệm nhưng không rõ rắn ấy thuộc loại nào, bèn xách vào làng cho dân chúng xem, rồi đem về nhà định phơi khô chờ thầy đến hỏi cho biết.Năm Hơn vừa mang xác rắn về nhà thì ông thầy rắn đến. Sực trông xac rắn, ông Nhạc kêu lên: - Trời đất! nọc độc của thứ rắn này còn hơn mãng xà vương nữa. Mày làm sao hạ được nó vậy? Năm Hơn thuật chuyện, nghe xong ông Nhạc liền bảo: - Phước là tao đã gặp mày sớm , không thì mầy phải chết. Năm Hơn kinh ngạc: - Vì sao vậy?xin thầy dạy bảo cho Ông Nhạc giảng giải : - Đây là phi lân xà, loài rắn có thể bắn vảy bay được. Ai đến gần noshay bắt nó không sao tránh khỏi vảy nó bay trúng vào người, truyền nọc độc giết chết. Con đã bị trúng vảy nó rồi. Chỉ chậm vài ngày nữa là vảy nó đánh thấu tim, hết phương cứu chữa. Năm Hơn còn nghi ngờ, ông Nhạc biết ý chỉ mấy cái vòng tròn trên xác rắn bảo: - Đó là vảy độc của nó. Tất cả có 8 cái. Nay chỉ còn sáu cái, vảy nó đã bắn hai cái vào mình con rồi. Con cởi áo ra xem kĩ thì biết. Qủa thật trên người Năm Hơn có hai vòng nhỏ ấy, một cỉa ở trên rún, một cái bên cạnh sườn, hơi lộ ra ngoài. Ông Lê Huy Nhạc bảo: - Con hãy nằm nhà, đừng đi đau, chờ thầy đi tìm thuốc về trị cho. Dặn xong ông Nhạc đi ngay. Năm Hơn nằm nhà, lát sau ê ẩm cả người. Nọc chạy lên cổ khó thở lạ lùng. Đến khi ông Nhạc trở lại thì Năm Hơn đã mê sảng, bất tỉnh. Ông Nhạc lấy thuốc hòa rượu rồi đổ vào miệng Nam Hơn. Rồi bảo vợ Năm Hơn lấy chiếu dắp kín người Năm Hơn lại và dùng dây trói chạt vào giường, phía dưới để một lò than cháy rực. Xong đâu vào đấy, ông bảo vợ Năm Hơn lui ra ngoài sân. Ông cũng ra theo, đóng chạt cửa để một mình Năm Hơn nằm trong nhà. Trời đang mùa nóng bức, lại trùm kín chiếu và bị hơ lủa đỏ, Năm Hơn bừng tỉnh vùng dậy kêu la dữ dội. Vọ Năm Hơn lo lắng cuống cuồng, định tông cửa chạy vào mở dây trói cho chồng. Ông thầy rắn khoát tay bảo: - Có vậy mới sống được. Đừng sợ. Một lát thì khỏi. Suốt mấy giờ vùng vẫy la hét, Năm Hơn dần dần thiếp đi. Nghe bên trong chỉ còn tiếng thở đều đều, ông thầy rắn mới chịu mở cửa cho vợ Năm Hơn vào. Lò than đã tàn. Trên giường Năm Hơn nằm dài như chết. Người vợ vừa khóc vừa giở chiếu ra xem kĩ. Năm Hơn thở đều. Mắt nhắm nghiền như đang say ngủ… Đến khi tỉnh dậy, Năm Hơn thấy khỏe khoắn trở lại. Ông Nhạc vạch áo ra xem xét kỹ bụng và sườn của Năm Hơn. Dấu vảy rắn đã biến mất. Năm Hơn mừng khôn xiết, gắng ngồi dậy chắp tay xá tạ ơn người cứu sống . Từ đó không ai gặp lại ông thầy rắn, kể cả Năm Hơn. Mĩa về sau, người ta mới biết ông trở về quê ở Chợ Gạo theo cụ Thủ Khoa Huân chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân thất bại, ông Nhạc trở lại Đồng Tháp Mười ẩn náu và mất tại đó. (Huyền thoại miệt vườn) 2. RẮN CHÚA Trước đây ở huyện giồng Riêng, tỉnh Rạch Gía có một người thầy thuốc sống với nghề trị rắn cắn và bắt rắn bán quanh năm. Ông cùng gia đình sống phủ phê bằng số rắn bắt hằng ngày. Tính ra đến tuổi bốn mươi ông giết được không biết bao nhiêu là rắn. Mỗi lần gặp ổ rắn ông ngang nhiên thò tay vào nắm từng con lôi ra. Tay ông có xoa thuốc, rắn cắn như mổ vào cây, vào đá, không ăn thua gì hết. Một hôm ông đi với người học trò giỏi nhứt. Anh này gánh giỏ đựng rắn. Ông tìm hang rắn rất mau vì quá rành nghề. Vùng đất ông chọn có một lớp cỏ khô, trấp, choại ở trên, rắn làm ổ ở dưới. Chỗ nào có răn thì tai nhà nghề nghe rõ tiếng nó bò. Tìm trúng miệng hang, ông ngồi xuống thò tay vào nắm đầu từng con lôi ra đưa anh học trò may miệng rắn bỏ vào giỏ. Hàng chục con rắn hổ đua nhau cắn vào tay ông nhưng ông vẫn trơ trơ, tiếp tục bắt đến con cuối cùng. Ông tóm tất cả bốn mươi tám con! Chưa bao giờ ông bủa được mẻ lưới to tát như vậy. Ông quơ tay tìm xem còn sót con nào trong hang không, thì thình lình ông bị một con rắn cắn vào cổ tay. Ông phát rùng mình ớn lạnh, vội rút tay ra thì con rắn còn ngậm cứng chưa nhả. Hình dáng con vật thật là quái dị: đầu lướn bằng bàn chân mà thân hình ốm như cổ tay và ngắn chừng ba tấc chứ không dài như mấy con bị bắt vừa rồi! Hang rắn này quả là một “triều đình” nhà rắn. Bao nhiêu rắn thường bảo vệ và tìm mồi nuôi con rắn chúa ở ngay giữa hang. Rắn chúa không bao giờ bò ra ngoài vì không xê dịch được. Khi cần di chuyển nó cắn vào đuôi con khác để con kia kéo đi. Nhà nghề bắt rắn rất sợ loài rắn nayfvif hễ gặp phải nó thì khó mà thoát chết. Ông thầy thuốc rắn biết mình gặp thứ dữ rồi, chất thuốc xoa trên tay hết hiệu nghiệm. Ông vội rút gói thuốc phòng thân giắt trên đầu tóc, đây là phương thuốc thần hiệu đặc biệt của ông dùng để hộ thân khi cần kíp và khi hết phương cứu chữa. Ông mở gói ra thì thuốc không cánh mà bay mất tự bao giờ. Ông biết mình hết thời rồi nên mới quên lời thầy dặn về loại rắn này, bèn gọi anh học trò chỉ cho mấy loại thuốc rắn mà ông còn giấu và trối lại những điều cần thiết nhờ nói với vợ con, đoạn trào đờm ngã chết trên ổ rắn. (Truyện kể dân gian Nam Bộ) 3. SỰ TÍCH RẠCH CÁI RẮN Rạch Cái Rắn chảy ra rạch Ban Dây ở xã Phú Nhuận, huyện cia Lậy, tỉnh Tiền Giang. Có người giải thích vì con rạch này khá to, trong rạch mang nhiều phụ lưu nên gọi là “rạch cái” và vì hình dáng nó quanh co như mọt con rắn khổng lồ bò tìm cánh đồng bát ngát nên người dân mới xác định tên nó là “Rắn”. Như thế tên “Cái Rắn” là do hình dạng của nó. Nhưng nhiều người cho rằng người Phú Nhuân ngày nay trù phú, nhưng đời Gia Long còn hoang vu, có thể gọi là một làng ven Đông Tháp Mười. Lúc mới lập làng, đình cất lại vàm rạch. Trước cửa đình có một cây đa khổng lồ, xung quanh là một đám lâm rậm rạp. Trong đám lâm trước cửa đình Phú Nhuận có một hang rắn nên gọi rạch là “Cái Rắn”. Bon rắn trong hang đã gây nhiều tai hại cho dân làng Phú Nhuận không kể xiết. Nào chuyện cắn chết người. Nào chuyện rắn đòi hối lộ: mỗi khi làng Phú Nhuận cúng lễ kì yên hàng năm phải hiến cho bọn rắn mấy con heo trắng mới yên chuyện. Một hôm có một thầy thuốc rắn từ phương xa đến gặp các chưc việ trong làng tỏ ý muốn diệt trừ hết bọn rắn ở đình để cứu nguy cho dân làng, với điều kiện phải cấp cho ông ta một chiếc quan tài. Tất nhiên hương chức Phú Nhuận đều đồng ý. Riêng đối với việc đòi hỏi “thù lao”, ai ai cũng cho rằng ông nói chơi. Hôm đó thầy dùng mác tông tấn công vào đám lâm, miệng hang rắn lòi ra sâu hun hút. Thầy bẻ cành cây khô làm củi đốt, rồi móc trong bị ra một túi thuốc rắc lên ngọn lửa, quạt xông khói vào miệng hang. Trước đó thầy đã thoa tẩm thuốc men khắp thân thể, nên bọn rắn chịu phép để thầy bắt vào giỏ. Cuối cùng trong hang rắn bò ra một con rắn nhỏ bằng ngón tay, mình màu đen, cổ có bốn khoang trắng. Nó chậm chạp không thấy gì là dữ nhưng chẳng hiểu sao bọn rắn bị nhốt trong giỏ lại khiếp vía như đứng trước một đấng tối thượng. Ông thầy rắn thò tay bắt, tức khắc nó cắn ngay “hổ khẩu”. Thầy ngạc nhiên, sẵn mác trên tay, phức một dao rồi đưa lên qua sát kỹ. Một lúc sau như phát hiện được ý gì, thầy buồn bã nói với người ở phía sau: - Mạng tôi đến đay là hết. Tôi đã bị con rắn chúa cắn rồi. Bà con ở lại mạnh giỏi! Không ai biết tên họ ông thầy thuốc rắn ấy. cũng không ai biết rõ quê quán, gia đình của ông ta. Mọi người chỉ biết ông là một người ơn của dân làng nên đùm đậu tổ chức đám tang của ông trọng thể. (Nghìn năm bia miệng) 4. ÔNG THẦY THUỐC GIA TRUYỀN Ngày xưa, vùng núi Sam, ngay cả ban ngày ít ai dám đi một mình trên đường vắng. Lối đi trong xóm, hai bên gai góc rậm rì, đi đêm phải cầm đuốc cầm cây để xua đuổi rắn. Những năm “nước lớn” những ngôi nhà gần bãi phải kê sàn lên tận mái nàh. Trăn rắn chạy lụt bò lên những gò đất, chui vào những ngôi nhà bập bềnh ven bãi. Lắm khi rắn bò lên tận chỗ người nằm, thu mình dưới chiếu. Có con chắc vì mệt quá chưa bò kịp lên sàn, cuộn tròn quanh chân cột suốt đêm. Sáng ra chủ nhà lấy gậy dìa chọc đuổi mới đi. Đêm đêm rắn hổ ngựa ào ào rượt chuột trên mái nhà. Ban ngày nhiều con rắn lục màu da xanh, quấn đuôi trên cành cây, miệng huýt sáo những tràng dài. Nhiều hôm, có những con trăn dài hai ba thước đeo lủng lẳng trên cành tre. Người ta xô nhau ra vây bắt. Rất vui. Hầu như năm nào trong làng cũng có vài người bị rắn cắn. Nhưng không mấy người chết vì nọc độc của những con rắn quanh quẩn trong làng. Chỉ có một lần, ông Tu Ất bị rắn chằm oặm cắn lúc đang làm rọ ở nơi xa. Nửa đêm chở ông về đến làng, bà chị đứng trên vồ đá kêu to, nghe lạnh sống lưng: “Làng xóm! Làng xóm ơi! Ai biết thuốc đến cứu giùm em tôi, nó bị rắn cắn” Dân xóm chạy đến chật nhà, người bị rắn cắn nằm ngay đơ trên chiếc chõng tre, miệng sôi bọt. Ông thầy thuốc rắn đã có mặt từ lúc nào, tay cầm chiếc đèn con xem xét vết thương, coi vẻ mặt nạn nhân, ông lắc đầu: “Muộn quá rồi! Bị cắn từ xế chiều, nọc độc đã ngấm vào máu, vào tận tim. Hết cứu chữa!” Cả nhà nạn nhân òa khóc. Ông thầy thuốc lặng lẽ ngồi nhìn bóng núi loáng thoáng trong ánh trăng khuya, vẻ mặt lạnh lùng. Đó là lần đầu tiên tôi thấy ông bó tay, chịu thua rắn độc. Ông Bảy Lễ đại tài! Rắn nào cũng phải thua ông. Dân làng đối với ông như người thân quyến. Họ nói về ông như nói danh y, họ coi ông là ân nhân của cái làng nhiều rắn này, mặc dù có người chưa được ông chữa trị lần nào. Họ nói về ông với giọng như hiểu rõ tường tận tài năng và đức độ của ông. Này nhá! Người lớn, con nít xóm này ai bị rắn cắn, gãy tay gãy chân không có ông Bảy Lễ thì đã chầu trời hoặc đã suốt đời què quặt. Trời đất cũng ngộ, đã sinh ra cái làng rắn độc, lại sinh tiếp con người có tài trị nọc rắn. Theo người ta – mà có người tài như ông- thì đã làm giàu mấy kiếp rồi. Đằng này cả vợ chồng con cái, bảy tám con người vẫn sống hẩm hiu trong mái nhà tranh đơn sơ, không cửa nẻo. Đố ai thấy ông Bảy Lễ mặc áo bao giờ? Quần lúc nào cũng ống cao ống thấp. Cái lưng trần đen thui, da sần lên, cứng như tấm da thộc mới phơi khô. Đến đám tiệc, ông khoác hờ cái áo trên lưng một lúc, rồi vui vẻ “Xin lỗi bà con” cho ông cởi áo. Đã quen trần trụi với nắng mưa, ông không thể và cũng không cần mặc áo. Mỗi lần trong làng có người bị rắn cắn, người ta chạy tìm ông Bảy Lễ. Dù đang giông mưa, bão tố hay đêm khuya tối tăm, nghe tin báo, ông lật đật đi ngay. Người sống hơn đống vàng. Vàng mất đi còn tìm vàng khác lại được. Mỗi lần cứu sống mạng người ông thường nói thế. Phong thái ông rất ung dung, nhưng không bệ vệ. Đến chỗ người bị rắn cắn nằm, ông thầy thuốc tự bưng đèn xem kỹ dấu răng. Biết chắc loại rắn gì rồi, ông lặng lẽ ra vườn cây, tìm hái một nhúm cỏ gì đó, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Biểu thân nhân lấy đũa bếp cạy răng người bị nạn, ông nhổ nước cỏ vào miệng người đang ngắc ngoải. Tức khắc dờm hạ, cổ kêu on ót. Xác cỏ còn lại ông đắp vào chỗ rắn cắn, nói rất thản nhiên: Sống rồi! Nấu nồi cháo đậu xanh cho ăn, sáng mai sẽ khỏe. Gia đình nạn nhân quá đỗi vui mừng, nhưng đáp lại cái ơn cứu mạng đối với ông thầy thuốc rắn, hết sức giản đơn. Một xị rượu, con khô cá bổi và trái xoài còn xanh, bày vẽ món gì khác ông không bằng lòng và xin khước từ. (Truyện kể dân gian Nam Bộ) 5. MÃNG XÀ VƯƠNG Ở TÂN BẰNG Cách nay gần ba thế kỷ, ở Tân Bằng, một làng nằm dọc trên bờ sông Cán Gáo, vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, tương truyền có một cặp rắn lớn, dân chúng gọi là mãng xà vương. Hằng năm cứ đến đúng ngày, hai con mãng xà vương từ ngoài vịnh Thái Lan đến quấy rối xóm làng. Đôi mãng xà vương to như cái khạp da bò. Khi chúng đến, cả một vùng rung chuyển, nổi giông gió, sập cả nhà cửa. Dân làng khấn vái, hứa hàng năm nộp cho mãng xà vương hai đứa trẻ để ăn thịt. Từ đó mãng xà vương không còn hung hãn như trước. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Mãng xà vương có bớt gây thiệt hại cho dân làng. Nhưng từ đó, mỗi năm hết hai gia đình này đến hai gia đình khác đem con mình nộp cho rắn dữ. Đó là điều bất hạnh cho người dân Tân Bằng. Ai dám liều mình chống lại sức mạnh kinh hồn của mãng xà vương? Năm nọ, có một thầy thuốc, trên bước đường lưu lạc, đang xuôi thuyền theo sông Cán Gáo, đến địa phận làng Tân Bằng thì nghe trên bờ sông có tiếng chuông trống inh ỏi. Ông cặp xuồng vào bến, hỏi thăm thì được biết dân trong xóm đang làm lễ dâng hai đứa bé cho mãng xà vương. Nghe chuyện lạ động lòng, ông thầy thuốc lên bờ đi thẳng đến nơi có tiếng chiêng trống để xem cho tường tận. Ông thấy dân làng đang tắm rửa cho hai đứa bé, rồi đem xông hương trầm để “hiến” cho mãng cà vương. Thấy hai đứa trẻ vô tội sắp bị rắn nuốt sống. Ông thầy thuốc vô cùng xúc động, ông hỏi: - Chừng nào mãng xà vương đến? Các kì lão đáp: - Dạ, đúng vào giờ tý, canh ba. Suy nghĩ một lát, ông thầy thuốc gọi các bô lão đến bàn bạc cách giết mãng xà vương. Các bô lão nghe nói giết mãng xà vương thì ai cũng muốn. Nhưng cũng có người tỏ ra ái ngại: - Này, rủi có bề gì “họa hổ bất thành” gây thêm tai họa cho xóm làng- họ nói với ông thầy thuốc như vậy. - Đừng ngại, ta cứ làm như vầy, như vầy. Điều quan trọng là đừng tiết lộ trước làm cho dân chúng xôn xao, mưu kế khó thành- thầy thuốc động viên họ. Ngày hôm sau, ông thầy thuốc cùng vài người dân làng làm thịt hai con chó lớn tại một căn chòi giũa rừng vắng. Đoạn ông tán vài vị thuốc thật nhuyễn bỏ vào bụng hai con chó, rồi may lại thật kín. Đêm hôm sau, dân chúng kéo nhau đến sân làm lễ như thường lệ. Cha mẹ hai đứa trẻ khóc la thảm thiết. Còn hai đứa bé bị bỏ đói nằm ngất xỉu. Bầu không khí đầy mùi trầm hương ngột ngạt. Đến canh hai, các kỳ lão bảo dân chúng về nhà đóng chặt cửa lại, không cho ai lấp ló ra ngoài sợ bị mãng xà vương làm hại. Mọi người đều răm rắp nghe theo. Riêng chỉ có hai cha mẹ và thân nhân của hai đứa bé vẫn còn than khóc. Chờ khi mọi người ai về nhà nấy, ông thầy thuốc mới biểu cha mẹ của hai đứa trẻ: - Bây giờ các người hãy đem con về, đừng cho chòm xóm biết. Họ băn khoăn lo ngại: - Chúng tôi sợ mãng xà vương trả thù. - Thôi hãy cứ đi cho mau, để ta còn lo cách đối phó. Theo chỉ dẫn cảu ông thầy thuốc, mấy người dân làng đem hai con chó đã được dồn thốc ra đặt ngoài sân, giống hình dạng hai đứa trẻ đang quỳ. Họ dùng mực và son để vẽ miệng và tô mắt xác hai con chó cho giống hình hai đứa bé. Xong đau đó họ khiêng ra hai thùng nước sơn đặt gần đấy. Công việc vừa chu tất thì khu rừng chuyển động như giông bão. Ông thầy thuốc khoát tay biểu mấy người dân phụ việc nọ ẩn núp cho kịp quan sát, chờ đợi. Ngoài sân, đỉnh trầm tỏa khói nghi ngút. Dưới ánh đèn chài mù mờ, hai con chó cạo lông phơi màu da trắng giống như hai đứa bé. Thình lình giông gió im bặt. Hai con mãng xà vương xuất hiện. Chúng bò sát đất, chầm chậm tiến lại đỉnh trầm, rồi ngóc đầu lên để lộ chiếc mồng đỏ ửng như cái quạt, múa qua múa lại.Rồi chúng tiến lại gần quấn chặt lấy mồi rồi nuốt trọn vào cổ. Lát sau, cúng bò tới bò lui, ngày càng chậm chạp uể oải. Chờ thuốc mê đã ngấm, ông thầy thuốc khoát tay làm hiệu. Tức thì những người dân làng từ chỗ núp chạy đến lôi hai thùng sơn ra sơn hai con rắn dữ. Con rắn đực sơn xanh, con rắn cái sơn đỏ. Các vị bô lão không hiểu cớ sao, hỏi: - Tại sao thầy chẳng ra lệnh giết chúng? Thầy thuốc đáp: - Thế của chúng như vạy nhưng vẫn còn khỏe. Đám ta lại ít người, tốt nhất là để chúng tự hại nhau. Hai con mãng xà vương dần tỉnh dậy. Thuốc mê đã giải dần. Chúng ngóc đầu đảo mắt nhìn nhau. Trông thấy mầu sắc kỳ lạ của nhau, chúng hốt hoảng, xem nhau như kẻ thù khác loại. Chúng xông vào nhau cắn xé, rồi rượt đuổi nhau gây ra giông gió dữ dội. Chúng đuổi nhau chạy mát dạng về vịnh Thái Lan. Từ đó đôi mãng xà vương không đến Tân Bằng nữa, không ai biết chúng cắn nhau chết hay chưa,chỉ biết sau lần ấy chúng không dám bén mảng đến xứ này nữa. (Truyện kể dân gian Nam Bộ) ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA5531.pdf
Tài liệu liên quan