Luận án Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo phát triển khu công nghiệp từ năm 2005 đến năm 2015

LỜI CAM ĐOAN Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu độc lập của nghiên cứu sinh và không trùng lặp với các công trình khoa học đã công bố. Các tài liệu, số liệu, trích dẫn trong luận án là trung thực, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được ghi đầy đủ trong danh mục tài liệu tham khảo. TÁC GIẢ LUẬN ÁN NGUYỄN ĐỨC HÙNG MỤC LỤC Trang TRANG PHỤ BÌA LỜI CAM ĐOAN MỤC LỤC DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT MỞ ĐẦU 5 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 11

doc201 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 15/01/2022 | Lượt xem: 260 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Luận án Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo phát triển khu công nghiệp từ năm 2005 đến năm 2015, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài 11 1.2. Khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình đã công bố và những vấn đề luận án tập trung giải quyết 24 Chương 2 CHỦ TRƯƠNG VÀ SỰ CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH HẢI DƯƠNG PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP (2005 - 2010) 31 2.1. Những yếu tố tác động đến sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương phát triển khu công nghiệp 31 2.2. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Hải Dương phát triển khu công nghiệp 51 2.3. Đảng bộ tỉnh Hải Dương chỉ đạo phát triển khu công nghiệp 62 Chương 3 CHỦ TRƯƠNG VÀ SỰ CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP (2010 - 2015) 81 3.1. Những yếu tố mới tác động đến sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp 81 3.2. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Hải Dương đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp 91 3.3. Đảng bộ tỉnh Hải Dương chỉ đạo đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp 101 Chương 4 NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM 121 4.1. Nhận xét quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo phát triển khu công nghiệp (2005 - 2015) 121 4.2. Kinh nghiệm từ quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo phát triển khu công nghiệp (2005 - 2015) 141 KẾT LUẬN 165 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 168 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 169 PHỤ LỤC 189 DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT TT Chữ viết đầy đủ Chữ viết tắt 1 Công nghiệp hóa, hiện đại hóa CNH, HĐH 2 Khu công nghiệp KCN 3 Kinh tế - xã hội KT - XH 4 Ủy ban nhân dân UBND MỞ ĐẦU 1. Lý do lựa chọn đề tài luận án Khu công nghiệp được hình thành và phát triển vào những năm cuối thế kỷ XIX ở một số nước tư bản phát triển và trở thành phổ biến ở các nước đang phát triển vào những năm 50 của thế kỷ XX. Ở Việt Nam, sự hình thành, phát triển các KCN gắn liền với quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo từ năm 1986 đến nay, phát triển KCN được xác định là hướng đi chiến lược trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH, nhằm thực hiện mục tiêu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới đất nước cho thấy KCN đã và đang chứng tỏ vai trò là động lực quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trên con đường phát triển, hội nhập. Thực hiện chủ trương của Đảng, đảng bộ và nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát huy tối đa tiềm năng của mình, chủ động phát triển KCN, góp phần thúc đẩy kinh tế cả nước nói chung và các địa phương nói riêng phát triển, hội nhập nhanh, hiệu quả và bền vững. Hải Dương là một tỉnh nằm ở trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ, thuộc địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Trong những năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh, KCN của Hải Dương phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô và hiệu quả KT - XH. Sau gần 20 năm triển khai, từ 01 KCN xây dựng vào năm 2001, đến năm 2018, Hải Dương đã xây dựng được 18 KCN, với diện tích quy hoạch là 4.748,67ha. Sự phát triển KCN của tỉnh Hải Dương đã thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại của nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, sự phát triển của các KCN đã tạo điều kiện cho sự ra đời các khu đô thị, nâng cao chất lượng đời sống dân cư. Tuy nhiên, quá trình phát triển KCN ở Hải Dương vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là về tính hiệu quả và sự bền vững. Công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập. Công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững ở một số KCN chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của một số dự án trong các KCN thấp, phải chuyển đổi chủ đầu tư, hoặc thay đổi mục đích sử dụng đất. Vấn đề xã hội và trật tự, an ninh tại các KCN còn những biểu hiện phức tạp. Những hạn chế, bất cập đó đã gây ra những tác động tiêu cực, là trở ngại không nhỏ cho sự phát triển bền vững của tỉnh Hải Dương. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều chuyển biến nhanh chóng, phức tạp; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư tác động toàn diện đến KT - XH đất nước, đồng thời tạo ra những thuận lợi và khó khăn mới cho phát triển công nghiệp nói chung, KCN nói riêng. Thực tế đó đặt ra yêu cầu khách quan là cần tiếp tục làm tốt công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo phát triển KCN trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế; đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu, những hạn chế, làm rõ nguyên nhân và rút ra kinh nghiệm để vận dụng vào hiện tại là việc làm cần thiết. Xuất phát từ tầm quan trọng của vấn đề, trong những năm gần đây đã có nhiều công trình đi sâu nghiên cứu về KCN và phát triển KCN dưới nhiều cấp độ, phạm vi khác nhau. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu, độc lập và có tính hệ thống về đề tài: “Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo phát triển KCN từ năm 2005 đến năm 2015”. Thành công của đề tài sẽ góp phần tổng kết quá trình hiện thực hóa chủ trương phát triển KCN của Đảng ở một địa phương, qua đó cung cấp thêm những luận cứ khoa học để tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh đường lối đẩy mạnh CNH, HĐH nói chung, phát triển KCN nói riêng. Với ý nghĩa đó, tác giả chọn đề tài “Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo phát triển khu công nghiệp từ năm 2005 đến năm 2015” làm luận án tiến sĩ lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích nghiên cứu Làm sáng tỏ quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo phát triển KCN từ năm 2005 đến năm 2015; đúc kết kinh nghiệm lịch sử để vận dụng trong thời gian tới. Nhiệm vụ nghiên cứu Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án. Làm rõ những yếu tố tác động đến sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương phát triển KCN trong những năm 2005 - 2015. Phân tích, luận giải có hệ thống chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương phát triển KCN từ năm 2005 đến năm 2015, qua hai giai đoạn 2005 - 2010 và 2010 - 2015. Nhận xét ưu điểm, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân và đúc kết kinh nghiệm từ quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo phát triển KCN (2005 - 2015). 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của đề tài luận án là hoạt động lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương phát triển KCN. Phạm vi nghiên cứu Về nội dung: Luận án nghiên cứu chủ trương phát triển KCN của Đảng bộ tỉnh Hải Dương từ năm 2005 đến năm 2015 và sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương phát triển KCN, tập trung vào năm vấn đề cơ bản: (1) Quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng KCN; (2) Phát triển nguồn nhân lực phục vụ các KCN; (3) Cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư vào KCN; (4) Công tác quản lý nhà nước đối với KCN; (5) Kết hợp phát triển KCN với bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh. Về thời gian: Luận án nghiên cứu sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương phát triển KCN từ năm 2005 đến năm 2015. Mốc thời gian từ năm 2005 là kết thúc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XIII, với chủ trương từng bước phát triển KCN và bắt đầu chủ trương khuyến khích phát triển KCN, được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XIV bổ sung, phát triển. Năm 2015, là mốc thời gian kết thúc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XV, với nhiều số liệu thống kê, đánh giá cho thấy những tiến triển mới của tỉnh Hải Dương trong phát triển công nghiệp nói chung, KCN nói riêng. Mốc phân kỳ năm 2010, là thời điểm kết thúc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XIV (9/2010), mở đầu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XV và Hải Dương bước vào thời kỳ mới, phát triển nhanh và bền vững, tạo cơ sở quan trọng để Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh phát triển KCN (10/2010). Nhằm đảm bảo tính hệ thống của vấn đề nghiên cứu, luận án có đề cập đến một số nội dung liên quan trước năm 2005 và sau năm 2015. Về không gian: Nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Hải Dương. 4. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu Cơ sở lý luận Luận án được thực hiện trên cơ sở lý luận là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển kinh tế trong đó có kinh tế công nghiệp và xây dựng các KCN. Cơ sở thực tiễn Luận án dựa vào thực tiễn quá trình lãnh đạo phát triển KCN của Đảng bộ tỉnh Hải Dương và những kết quả thực tiễn về sự phát triển của các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong những năm 2005 - 2015. Đồng thời, dựa vào kết quả khảo sát thực tế của nghiên cứu sinh và kế thừa kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công bố có liên quan đến đề tài. Phương pháp nghiên cứu Luận án chủ yếu sử dụng phương pháp lịch sử, phương pháp logic; ngoài ra, luận án còn sử dụng phương pháp so sánh, thống kê, phân tích và tổng hợp để làm rõ các nội dung của luận án. Phương pháp lịch sử được sử dụng: (1) Phân kỳ thời gian nghiên cứu; (2) Làm rõ bối cảnh lịch sử tác động đến sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương phát triển KCN; (3) Phục dựng tiến trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương hoạch định chủ trương và chỉ đạo phát triển KCN theo thời gian. Phương pháp logic được sử dụng: (1) Khái quát, làm rõ nội dung trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KCN bao gồm quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; (2) Làm rõ bước phát triển trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng bộ tỉnh Hải Dương phát triển KCN trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện lịch sử, quá trình lịch sử; (3) Khái quát các luận điểm trên cơ sở liên kết các tư liệu lịch sử là các văn bản thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương phát triển KCN; (4) Đánh giá ưu điểm, hạn chế và đúc kết những kinh nghiệm từ thực tiễn Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo phát triển KCN từ năm 2005 đến năm 2015. Phương pháp so sánh được sử dụng trong luận án nhằm so sánh sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương phát triển KCN giữa hai giai đoạn 2005 - 2010 và 2010 - 2015; so sánh kết quả phát triển KCN tỉnh Hải Dương so với một số tỉnh có nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, KT - XH. Phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp được sử dụng nhằm khảo cứu, tổng hợp kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công bố có liên quan đến đề tài luận án; phân tích, tổng hợp các nội dung chủ yếu trong các tư liệu lịch sử liên quan đến quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo phát triển KCN (2005 - 2015). Đồng thời, thống kê, phân tích, tổng hợp các số liệu liên quan đến KCN tỉnh Hải Dương (2005 - 2015). 5. Những đóng góp mới của luận án Hệ thống hóa nguồn tư liệu phục vụ nghiên cứu về KCN ở Việt Nam nói chung, tỉnh Hải Dương nói riêng. Phục dựng có hệ thống chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương về phát triển KCN từ năm 2005 đến năm 2015. Nhận xét, đánh giá kết quả, đúc kết kinh nghiệm quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo phát triển KCN từ năm 2005 đến năm 2015. 6. Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của đề tài Luận án góp phần tổng kết quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo phát triển KCN thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Khẳng định vai trò quyết định của Đảng bộ tỉnh Hải Dương đối với sự phát triển KT - XH nói chung, KCN nói riêng. Đề tài góp thêm những luận cứ khoa học, kinh nghiệm để Đảng bộ tỉnh Hải Dương tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh phát triển KCN trong thời gian tới. Luận án là tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử đảng bộ địa phương cũng như Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở các nhà trường, cơ quan nghiên cứu trong và ngoài Quân đội. 7. Kết cấu của luận án Luận án gồm: Mở đầu, 4 chương (10 tiết), kết luận, danh mục các công trình của tác giả đã công bố liên quan đến đề tài, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài 1.1.1. Các nghiên cứu về khu công nghiệp ở nước ngoài Michael Porter (1998), Cluster and the new Economics of Competition (Cụm tương hỗ điạ phương trong nền kinh tế toàn cầu) [180] và Michael Porter (2000), “Location, Competition and Economic Development: Local Clusters in a Global Economy, Economic” (“Khu vực, cạnh tranh và phát triển kinh tế”) [181] là hai nghiên cứu của giáo sư Michael Porter về KCN. Ông chỉ rõ KCN “là sự tập trung về địa lý của các doanh nghiệp, của các nhà cung cấp dịch vụ, của những người được hưởng dịch vụ, của các ngành công nghiệp và các tổ chức có liên quan trong lĩnh vực cụ thể có cạnh tranh nhưng cũng có hợp tác” [181, tr.15]. Michael Porter, đã khẳng định các KCN có nhiều lợi thế để tăng năng suất, khả năng đổi mới và tính cạnh tranh; đồng thời trong KCN có các mối liên kết quan trọng, có sự bảo trợ và lan toả về công nghệ, kỹ năng, thông tin marketing và nhu cầu của khách hàng đối với sản xuất công nghiệp. Susan M. Walcott (2003), Chinese Science and Technology Industrial Parks, (Khu công nghiệp khoa học và công nghệ ở Trung Quốc) [187], đã hệ thống hóa lý thuyết về KCN khoa học và công nghệ của Trung Quốc, nhấn mạnh sự cần thiết của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của các KCN ở Trung Quốc. Nghiên cứu nhấn mạnh vai trò quan trọng của các KCN Trung Quốc trong việc thu hút công nghệ hiện đại để sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Dựa trên lý thuyết về sự liên kết và thực tiễn phát triển của KCN Tây An, KCN Tô Châu - Thượng Hải nghiên cứu chứng minh khả năng lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng lân cận của các KCN Trung Quốc. Park, Jonh and Ahn, Kun-hyuck (2003), “How did immigrant workers change residential area near industrial estate in Korea” (Công nhân nhập cư và sự thay đổi về dân cư gần khu công nghiệp ở Hàn Quốc) [179], đã nghiên cứu KCN ở Ansan - thành phố công nghiệp điển hình ở Hàn Quốc. Tác giả chứng minh sự thay đổi nhanh về xây dựng, dân cư, văn hóa và dịch vụ khu vực xung quanh KCN ở Hàn Quốc. Nghiên cứu khẳng định sự gia tăng nhanh chóng về dân cư kéo theo sự bùng nổ về nhà ở và các dịch vụ mới làm cho khu vực xung quanh KCN phát triển năng động hơn. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại Ansan thông qua thực hiện chương trình chuyển đổi các KCN thành các KCN sinh thái. B.H. Roberts Elsevier (2004), “The application of industrial ecology principles and planning guidelines for the development of eco - industrial parks: an Australian case study” (Ứng dụng các nguyên tắc sinh thái công nghiệp và quy hoạch, phát triển KCN sinh thái: Trường hợp nghiên cứu ở Australian” [172], là công trình nghiên cứu về định hướng phát triển KCN sinh thái của Australia, nghiên cứu đưa ra các tiêu chí, nội dung, phương hướng phát triển KCN sinh thái, phù hợp với điều kiện của Australia. Nghiên cứu khẳng định tương tự như KCN truyền thống về cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhưng KCN sinh thái nhấn mạnh về đặc trưng hạ tầng xã hội, phát triển KCN gắn liền với các biện pháp bảo vệ môi trường. D.C. Gibbs và P. Deutz (2005), “Implementing industrial ecology? Planning for eco - industrial parks in the USA” (Thực hiện sinh thái công nghiệp và quy hoạch các KCN sinh thái ở Hoa Kỳ) [174], khẳng định: Mặc dù là vấn đề chiến lược nhưng phát triển bền vững, hài hòa các mặt về kinh tế, môi trường và xã hội vẫn là một vấn đề nan giải. Dưới góc độ kinh tế, nghiên cứu chỉ ra vấn đề nan giải nảy sinh trong công tác quản lý nhà nước đối với các KCN ở Mỹ. Đồng thời, nghiên cứu làm rõ sự cần thiết của việc dịch chuyển sang phát triển bền vững các KCN thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm rác thải và ô nhiễm, tạo việc làm và cải thiện điều kiện làm việc. Han Shi, Marian Chertow, Yuyan Song (2010), “Developing country experience with eco-industrial parks: a case study of the Tianjin Economic-Technological Development Area in China” (Kinh nghiệm phát triển công nghệ trong khu công nghiệp sinh thái: Trường hợp nghiên cứu ở KCN Thiên Tân, Trung Quốc) [183], thông qua nghiên cứu điển hình từ KCN Thiên Tân, Trung Quốc, đã cung cấp một bức tranh tổng quát và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển KCN sinh thái ở Trung Quốc. Trước những thách thức về môi trường và xã hội trong phát triển sản xuất công nghiệp, tác giả khẳng định xu thế tất yếu của việc hình thành phát triển KCN sinh thái đối với phát triển bền vững ở Trung Quốc. Với những phân tích cụ thể ở KCN Thiên Tân, nghiên cứu giới thiệu cách thức cho các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường nhằm đạt được sự phát triển trên cả 3 mặt: kinh tế, xã hội, môi trường hướng tới xây dựng KCN sinh thái theo quan điểm phát triển bền vững. UNIDO Country Office in Viet Nam (2015), Economic zones in the Asean (Khu kinh tế ở Asean) [186], đã đưa ra cái nhìn tổng quan về KCN từ định nghĩa, mục tiêu, lợi ích, lịch sử thành và phát triển. Đồng thời nghiên cứu khẳng định khả năng cạnh tranh và tính bền vững của KCN trong nền kinh tế của các nước Asean. Từ việc phân tích, tổng kết hoạt động của các KCN trên thế giới, nghiên cứu đưa ra 6 yếu tố chính quyết định thành công của một KCN là: “The six key factors that determine the success of an industrial park are: (1) Its location; (2) The presence of lead companies; (3) A stable and advantageous fiscalsystem; (4) A large labor forces; (5) The physical and institutional infrastructures; (6) A good management board” [186, tr.23]. ((1) Vị trí; (2) Sự có mặt của các công ty lớn, hàng đầu; (3) Hệ thống hỗ trợ tài chính ổn định và thuận lợi; (4) Nguồn nhân lực lớn; (5) Cơ sở hạ tầng và thể chế; (6) Ban quản lý tốt). Trần Duy Đông (2019), “Kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Hàn Quốc và bài học đối với Việt Nam” [58], đã khái quát khá toàn diện về sự hình thành và 3 giai đoạn thực hiện “Chương trình Quốc gia về KCN sinh thái của Hàn Quốc”. Nghiên cứu chỉ rõ xây dựng, phát triển KCN sinh thái là “một chiến lược của Hàn Quốc nhằm làm giảm tiêu thụ năng lượng, giảm khí thải nhà kính và đối phó với biến đổi khí hậu [57, tr.39]. Đồng thời, trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển KCN của Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc trong xây dựng 51 KCN sinh thái, từ đó xác định điều kiện, đề xuất nội dung phương thức, xây dựng KCN sinh thái ở Việt Nam. 1.1.2. Các nghiên cứu về khu công nghiệp ở trong nước 1.1.2.1. Nhóm nghiên cứu chung về khu công nghiệp ở Việt Nam Đặng Hùng (2006), “Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong khu công nghiệp” [64], đã phân tích thực trạng sử dụng đất trong các KCN, khẳng định tỷ lệ lấp đầy các KCN chưa cao, tình trạng KCN mới cho thuê được 10% đến 50% tổng diện tích còn phổ biến. Từ đó, tác giả đề xuất 5 giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các KCN Việt Nam: Rà soát, điều chỉnh công tác quy hoạch; Đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi; Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về sử dụng đất đai; Kiên quyết thu hồi cấp phép đối với những dự án chậm tiến độ. Lê Du Phong (2006), Thực trạng thu nhập, đời sống, việc làm của người có đất bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhu cầu công cộng và lợi ích quốc gia [79]. Nghiên cứu chỉ rõ giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập cho người có đất bị thu hồi là vấn đề chiến lược, nhân tố quan trọng bảo đảm phát triển bền vững. Đánh giá sự tác động đối với việc làm, thu nhập và đời sống của người có đất bị thu hồi, nghiên cứu làm rõ hai chiều hướng tích cực và tiêu cực, từ đó xác định phương hướng nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập và cơ hội làm việc cho người có đất bị thu hồi. Lê Hồng Yến (2007), Hoàn thiện chính sách và mô hình quản lý nhà nước đối với việc phát triển khu công nghiệp [169], tác giả nghiên cứu khá toàn diện về chính sách và mô hình quản lý nhà nước đối với các KCN trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Nghiên cứu đã làm rõ một số nội dung lý luận về quản lý nhà nước đối với KCN: Vai trò, chức năng, nội dung. Đồng thời, nghiên cứu đánh giá thực trạng thực hiện quản lý nhà nước đối với KCN ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, luận án xác định phương hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách và mô hình quản lý nhà nước đối với các KCN. Nguyễn Văn Hùng (2009), “Một số vấn đề về đổi mới công tác quy hoạch và phát triển khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường ở nước ta” [65], tác giả đã chỉ ra những hạn chế trong quy hoạch nhất là tình trạng chưa kết hợp chặt chẽ trong quy hoạch phát triển KCN với bảo vệ môi trường. Nghiên cứu khẳng định bảo vệ môi trường tại các KCN đã và đang là vấn đề nóng, được sự quan tâm của toàn xã hội. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất nội dung, biện pháp kết hợp quy hoạch, phát triển KCN với bảo vệ môi trường; khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; xây dựng chế tài, giám sát thực hiện xử lý chất thải tập trung trong KCN. Võ Thanh Thu (2010), “Những giải pháp cho sự phát triển bền vững các khu công nghiệp ở Việt Nam” [101], tác giả khẳng định: Phát triển bền vững là yêu cầu cơ bản đối với sự tồn tại và phát triển của các KCN. Trên cơ sở khảo sát thực tiễn, nghiên cứu chỉ rõ các yếu tố ảnh hưởng đến sự bền vững trong phát triển của các KCN. Từ đó, xác định nội dung, giải pháp cho sự phát triển bền vững các KCN ở Việt Nam. Cụ thể là: Rà soát, điều chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thu hút đầu tư; nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh; đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại; kết hợp phát triển KCN với công tác bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội. Nguyễn Văn Nhật (2010), Xây dựng và phát triển đời sống văn hóa của giai cấp công nhân Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn [77], là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Nhà nước, nghiên cứu, làm rõ những đề cơ bản về đời sống văn hóa của giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Đề tài chỉ rõ những tác động của quá trình đổi mới KT-XH, hội nhập quốc tế tới đời sống văn hóa của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung, trong các KCN nói riêng. Đặc biệt, trên cơ sở khảo sát, đánh giá, phân tích thực trạng, đề tài chỉ ra những yêu cầu và giải pháp phát triển đời sống văn hóa giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay. Hoàng Sỹ Động (2011), “Một số vấn đề đặt ra trong công tác quy hoạch khu công nghiệp ở Việt Nam” [59], tác giả đã phân tích thực trạng công tác quy hoạch các KCN Việt Nam, chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch, xây dựng KCN trong thời gian qua, đồng thời đề xuất nội dung, phương hướng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng KCN theo hướng hiện đại, phát triển bền vững. Nghiên cứu nhấn mạnh 3 vấn đề cần tập trung thực hiện trong đổi mới công tác quy hoạch KCN đó là: Kết hợp quy hoạch KCN với bảo vệ môi trường, nhà ở cho công nhân lao động trong KCN và tác động, ảnh hưởng vùng lân cận trong quy hoạch các KCN. Vũ Quốc Huy (2011), “Quản lý nhà nước về môi trường khu công nghiệp thực trạng và nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới” [66]. Trên cơ sở phân tích thực trạng, tác giả đề xuất những nhiệm vụ về mặt quản lý nhà nước nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường ở các KCN. Tác giả nhấn mạnh giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường KCN cần phát huy vai trò của các cơ quan nhà nước trong kiểm tra và hướng dẫn, chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trong các KCN. Nguyễn Văn Minh (2011), “Đánh giá tác động của khu công nghiệp tới kinh tế - xã hội các vùng lân cận” [72], đã xây dựng tiêu chí đánh giá và chỉ rõ hai chiều hướng tác động (tích cực và tiêu cực) của các KCN tới KT - XH các vùng lân cận. Tác giả cho rằng: Các lớp tác động cơ bản là về môi trường, đời sống tinh thần, đời sống kinh tế của người dân. Trên cơ sở đánh giá tác động, tác giả chỉ rõ: Cần nhanh chóng có các giải pháp hữu hiệu để hạn chế các mặt tiêu cực và thúc đẩy các mặt tích cực, tiến tới hình thành các KCN hoạt động có hiệu quả hơn. Nguyễn Bình Giang (2012), Tác động xã hội vùng của các khu công nghiệp ở Việt Nam [60]. Cuốn sách khái quát sự phát triển các KCN ở Việt Nam; giới thiệu một số kinh nghiệm của các nước Đông Á về tác động xã hội vùng của KCN; chỉ rõ 8 mặt tác động xã hội vùng của việc phát triển KCN đó là: Về việc làm và nghề nghiệp; về thu nhập và mức sống; về mặt nhân khẩu; về cơ hội tiêu dùng và các dịch vụ công cộng; về đô thị hóa và cơ sở hạ tầng; về trật tự, an toàn xã hội; về môi trường và sức khỏe; về văn hóa và giá trị truyền thống. Trên cơ sở đó tác giả đề xuất những khuyến nghị nhằm phát huy những tác động tích cực về mặt xã hội trong phát triển KCN. Nghiên cứu nhấn mạnh giải pháp phát triển KCN với “đường lối tăng trưởng xanh” trong đó bảo vệ môi trường là nội dung cốt lõi [60, tr.198]. Nguyễn Ngọc Sơn (2012), “Phát triển bền vững khu công nghiệp ở Việt Nam sau 20 năm đổi mới” [97], đã góp phần tổng kết 20 năm xây dựng, phát triển các KCN ở Việt Nam, chỉ rõ những tác động tích cực, nhất là hiệu quả KT - XH do các KCN mang lại. Đồng thời, tác giả phân tích những hạn chế, khuyết điểm, thiếu tính bền vững trong hoạt động của các KCN nhất là tình trạng “quy hoạch treo”, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, đề xuất nội dung, yêu cầu phát triển bền vững các KCN ở Việt Nam những năm tiếp theo. Phạm Thị Thúy (2013), “Nâng cao hiệu quả của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại các khu công nghiệp, khu kinh tế” [108]. Tác giả khẳng định vai trò quan trọng, tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các KCN, khu kinh tế. Đề xuất hệ thống nội dung, biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các KCN, nghiên cứu nhấn mạnh công tác lựa chọn, thẩm định dự án đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, đi đôi với đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư thông qua xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù cho các dự án nước ngoài đầu tư tại các KCN. Vũ Thị Kim Oanh (2014), “Phát triển các khu công nghiệp Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” [78], công trình nghiên cứu khá toàn diện về KCN. Trên cơ sở tổng kết 20 năm phát triển KCN, tác giả chỉ rõ đến hết năm 2013, trên cả nước có 289 KCN với tổng diện tích 81.000ha, trong đó có 191 KCN chiếm 66,08% đi vào hoạt động. Các KCN đang hoạt động đã thu hút 472 dự án, tạo việc làm trực tiếp cho trên 2 triệu lao động, đóng góp 35% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước [78, tr.41]. Đồng thời, tác giả làm rõ những bất cập, hạn chế trong phát triển KCN ở Việt Nam, đó là: Cơ chế chính sách đối với KCN còn bất cập, chính sách ưu đãi đối với KCN thiếu ổn định, công tác quy hoạch tổng thể các KCN còn yếu dẫn đến tình trạng thành lập “ồ ạt”; tỷ lệ lấp đầy trong các KCN thấp (60%), tình trạng ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở đó, nghiên cứu xác định 6 giải pháp để phát triển KCN bền vững ở Việt Nam. Nghiên cứu đã thống kê số liệu về KCN khá phong phú toàn diện, xuất xứ rõ ràng, rất hữu ích cho nghiên cứu sinh tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh. Ban Kinh tế Trung ương (2015), Một số giải pháp hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển các khu công nghiệp nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế [15]. Đây là nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KCN ở Việt Nam. Nghiên cứu đã xây dựng khung lý thuyết về các chính sách thúc đẩy phát triển các KCN; chỉ rõ những bất cập về cơ chế chính sách đối với KCN, nhất là chính sách ưu đãi đối với KCN thiếu ổn định, thường xuyên thay đổi. Trên cơ sở đó nghiên cứu xác định nội dung, phương hướng, giải pháp hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển KCN theo hướng hiện đại và hội nhập. Đây là công trình có giá trị quan trọng trong tiếp cận hệ thống văn bản của Đảng và Nhà nước về phát triển KCN. 1.1.2.2. Nhóm nghiên cứu về khu công nghiệp ở các vùng miền, địa phương Võ Văn Một (2004), Tổng kết quá trình xây dựng phát triển các khu công nghiệp và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai 1991 - 2004 [73], đã phân tích đánh giá tiềm năng, thế mạnh và khái quát quá trình hình thành, phát triển KCN ở tỉnh Đồng Nai. Nghiên cứu chỉ rõ những thành tựu và hạn chế, khả năng phát triển các KCN ở Đồng Nai trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Nghiên cứu chỉ ra những kinh nghiệm phát triển KCN của Đồng Nai, trong đó bao trùm là kinh nghiệm xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, thực hiện chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút, lấp đầy các KCN. Nguyễn Khắc Thanh (2007), Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lãnh đạo xây dựng khu công nghiệp trong những năm đổi mới từ 1986 đến 2005 [98]. Luận án phản ánh quá trình Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lãnh đạo phát triển KCN trong công cuộc đổi mới, khẳng định vai trò chủ chốt của các KCN đối với sự phát triển công nghiệp cũng như KT - XH tỉnh Đồng Nai. Trên cơ sở đó, tác giả đã làm rõ một số kinh nghiệm trong lãnh đạo xây dựng KCN ở Đồng Nai. Đây là công trình nghiên cứu tiếp cận dưới góc độ của khoa học Lịch sử Đảng; nghiên cứu ở một địa bàn khác nhưng nội dung, phương pháp nghiên cứu của công trình rất hữu ích cho nghiên cứu sinh trong tham khảo, vận dụng. Trần Ngọc Điệp (2009), “Một số giải pháp phát triển các KCN ở tỉnh Thái Bình trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế” [56]. Tác giả đã đi sâu phân tích đánh giá những thành tựu, kết quả đã đạt được trong quá trình phát triển các KCN của tỉnh Thái Bình (2002 - 2007). Nghiên cứu khẳng định bên cạnh những thành tựu là cơ bản, phát triển KCN ở Thái Bình đã và đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp để phát triển các KCN ở Thái Bình trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Vũ Thành Hưởng (2009), “Phát triển bền vững về kinh tế các khu công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Thực trạng và các khuyến nghị chính sách” [69]. Nghiên cứu xác lập tiêu chí, nội dung phát triển KCN bền vững. Qua khảo sát các KCN vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tác giả chỉ rõ những tố thiếu bền vững về kinh tế trong phát triển các KCN như: Vị trí các KCN, tỷ lệ lấp đầy các KCN, quy mô diện tích các KCN, liên kết phát triển trong nội bộ và liên kết bên ngoài KCN, trình độ công nghệ của các c...ng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN sẽ góp phần đáng kể đối với quá trình hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH, làm thay đổi diện mạo của địa phương và thúc đẩy KT - XH phát triển. Sáu là, KCN có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển các dịch vụ sản xuất và đời sống, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường. Khu công nghiệp có sức lan tỏa, thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành dịch vụ sản xuất, dịch vụ đời sống phát triển. KCN là hạt nhân để xây dựng và phát triển các khu đô thị mới, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, đồng thời thúc đẩy sự phát triển KT - XH của các vùng lân cận. Xây dựng trung tâm xử lý chất thải ở các KCN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường. Các KCN áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường với sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước; các doanh nghiệp trong KCN xử lý chất thải cục bộ đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra hệ thống chung. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường trong KCN được thực hiện tốt hơn so với các cơ sở công nghiệp nằm rải rác ở nhiều khu vực khác nhau. Đồng thời, KCN là địa điểm tốt để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở nội thành, các vùng dân cư, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. Lịch sử phát triển các KCN trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã khẳng định vai trò to lớn của nó đối với sự phát triển của các quốc gia; là yếu tố quan trọng làm thay đổi căn bản diện mạo nền kinh tế, chuyển nền kinh tế từ sản xuất nông nghiệp truyền thống, sang sản xuất công nghiệp tập trung, hiện đại với năng suất, chất lượng và hiệu quả tăng cao. Vai trò quan trọng của KCN đã khẳng định tính tất yếu khách quan về sự phát triển của nó trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức đúng đắn và phát huy tốt vai trò của KCN lại phụ thuộc vào năng lực chủ quan của mỗi chủ thể. Do đó, vấn đề đặt ra đối với Đảng bộ tỉnh Hải Dương trong lãnh đạo phát triển KCN là cần có nhận thức đúng đắn, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về KCN, đồng thời phát huy tối đa vai trò của KCN trong phát triển KT - XH của địa phương. 2.1.2. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương * Điều kiện tự nhiên Hải Dương là tỉnh nằm ở trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ có diện tích tự nhiên là 1.660,9km2 [40, tr.5], tái lập ngày 01/01/1997 trên cơ sở tách ra từ tỉnh Hải Hưng (bao gồm Hải Dương và Hưng Yên ngày nay). Là một tỉnh nằm trong khu vực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là một trong những địa bàn có lịch sử phát triển công nghiệp khá sớm và tập trung nhiều KCN quan trọng của cả nước, đồng thời, cũng là khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao, giao lưu kinh tế mạnh, nên sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất công nghiệp của Hải Dương trong thời kỳ mới. Hải Dương nằm giữa thành phố cảng Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với 6 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên và Hải Phòng. Là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hải Dương có vai trò làm cầu nối giữa Thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng, thành phố du lịch Hạ Long, cung cấp những sản phẩm hàng hóa quan trọng và là địa bàn tham gia quá trình trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng, trong nước. Địa hình tỉnh Hải Dương khá đa dạng, phần lớn là đồng bằng; vùng bán sơn địa và rừng núi thuộc phía Bắc, chiếm 11% diện tích tự nhiên, vùng đồng bằng rộng lớn chiếm 89% diện tích tự nhiên. Địa hình tỉnh Hải Dương bằng phẳng, thuận lợi để phát triển giao thông, yếu tố quan trọng cho phát triển KT - XH. Điểm nổi bật, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KCN ở Hải Dương mà ít địa phương khác có được là giao thông và cơ sở hạ tầng. Tỉnh Hải Dương có hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận để phát triển KCN. Hệ thống giao thông gồm đường bộ, đường thuỷ và đường sắt, phân bố hợp lý, giao lưu rất thuận lợi tới các tỉnh khác trong khu vực. Hệ thống quốc lộ qua địa phận tỉnh Hải Dương có 7 tuyến: Đường số 5A, 5B, 10, 18, 37, 38, và số 38B, đây đều là những tuyến đường cấp I, cho 4 làn xe đi lại thuận tiện. Sông ngòi của tỉnh Hải Dương khá dày đặc, chiếm 6,6% diện tích tự nhiên, tạo ra hệ thống giao thông đường thuỷ khá thuận lợi với 400km đường sông cho tàu thuyền 500 tấn qua lại dễ dàng; cảng Cống Câu với công suất 300.000 tấn/năm, cùng hệ thống bến bãi và cảng nội địa đã đáp ứng tốt nhu cầu tập kết và vận tải hàng hoá. Đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh Hải Dương dài 68,17km với 7 ga, gồm 3 tuyến: Hà Nội - Hải Phòng, Kép - Hạ Long và Chí Linh - Cổ Thành. Về khoáng sản, mặc dù không có nhiều, nhưng Hải Dương có một số khoáng sản có giá trị kinh tế cao như đá vôi, cao lanh, đất sét chịu lửa Đây là nguồn nguyên liệu quý giá, tạo lợi thế so sánh của tỉnh Hải Dương trong phát triển KCN. Nông sản của Hải Dương phong phú và đa dạng. Đất đai tỉnh Hải Dương màu mỡ, thuận lợi cho phát triển trồng trọt với nhiều loại cây lương thực và cây công nghiệp. Một số vùng đã phát triển cây công nghiệp như ớt, salat, hành, tỏi,... phục vụ cho các cơ sở chế biến. Đặc biệt, tỉnh Hải Dương đã và đang phát triển mạnh chăn nuôi lợn, gồm lợn thịt và lợn sữa phục vụ các cơ sở chế biến trên địa bàn. Các vùng đất nội đồng đang có phong trào phát triển mô hình kinh tế trang trại và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Theo thống kê sơ bộ hiện có khoảng 12.000ha nội đồng nuôi thủy sản. Tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng hằng năm đạt 52,10 nghìn tấn/năm. [40, tr.186]. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng đảm bảo cho ngành chế biến trong các KCN hoạt động liên tục, không bị gián đoạn hoặc rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều yếu tố thuận lợi, ở tỉnh Hải Dương, yếu tố tự nhiên không thuận lợi cho phát triển KCN chính là về tài nguyên đất. Đất đai tỉnh Hải Dương phần lớn là đất nông nghiệp với sự màu mỡ của vùng châu thổ sông Hồng, là đất “hai lúa”, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, là tài sản và tư liệu sản xuất quan trọng của nhân dân. Quá trình xây dựng, phát triển KCN tỉnh Hải Dương tất yếu ảnh hưởng đến quỹ đất nông nghiệp quý giá này. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu cần phải có chiến lược sử dụng đất dành cho phát triển KCN hợp lý, vừa khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, vừa không làm phương hại đến sản xuất nông nghiệp. Phát triển KCN tỉnh Hải Dương phải tính đến bài toán về việc làm, thu nhập và cuộc sống của người dân có đất bị thu hồi cũng như bảo đảm yêu cầu về an ninh lương thực, bảo vệ và khai thác hiệu quả tài nguyên đất. * Điều kiện kinh tế - xã hội Đến năm 2005, tỉnh Hải Dương có 12 đơn vị hành chính, gồm: Thành phố Hải Dương và 11 huyện là: Bình Giang, Cẩm Giàng, Chí Linh, Gia Lộc, Kim Thành, Kinh Môn, Nam Sách, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện và Tứ Kỳ. Toàn tỉnh Hải Dương có 265 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 25 phường, 227 xã và 13 thị trấn [40, tr.10]. Sau gần 20 năm đổi mới (1986 - 2005), tỉnh Hải Dương đạt những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế. Kinh tế liên tục phát triển với tốc độ cao, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2005 gấp 5 lần năm 1985, tăng bình quân 8,3%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp 3 lần, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 11,7 lần, thu ngân sách nhà nước gấp 6 lần” [5, tr.10]. Quy mô kinh tế tỉnh Hải Dương khá lớn, năm 2005 “đứng thứ 12 trong 64 tỉnh, thành phố cả nước, thứ 4 trong 11 tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng” [5, tr.10]. Đặc biệt, sau năm 9 năm tái lập tỉnh (1997 - 2005), so với năm 1996, tổng sản phẩm (GDP) tăng gấp 2,3 lần, GDP bình quân đầu người gấp 2,1 lần, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 1,5 lần, công nghiệp tăng gấp hơn 4 lần, thu ngân sách gấp 4,5 lần [5, tr.10]. Những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế của tỉnh Hải Dương sau khi tái lập (1997) là tín hiệu thực tiễn cho thấy tỉnh Hải Dương đã và đang tạo nhiều cơ hội cho đầu tư phát triển. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh Hải Dương đưa sự nghiệp CNH, HĐH nói chung, phát triển KCN nói riêng tiến thêm một bước mới. Năm 2005, dân số của tỉnh Hải Dương là 1.711.364 người, trong đó người trong độ tuổi lao động chiếm 49%. Tỉnh Hải Dương có mật độ dân số đông (1.038 người/km2) [7, tr.13], đứng thứ 11/63 tỉnh, thành trong cả nước và thứ 5/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, trình độ dân trí tỉnh Hải Dương khá cao, số người trên 15 tuổi đã qua đào tạo chiếm 41%, trong đó đào tạo nghề là 31,54%, tốt nghiệp đại học chiếm 2,9%, cao đẳng 2,1%, Trung học chuyên nghiệp là 5,8%, số người có chứng chỉ, công nhân kỹ thuật nghiệp vụ chiếm 3,2% [40, tr.59]. Giá cả sức lao động trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng thấp hơn so với Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác. Hải Dương là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với nét nổi bật trong văn hóa của người Hải Dương là truyền thống hiếu học. Con người Hải Dương có đức tính cần cù, khả năng tiếp cận tiến bộ khoa học, kỹ thuật tốt, là điều kiện thuận lợi để hình thành đội ngũ lao động có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ các KCN. Đây sẽ là lợi thế quan trọng của tỉnh Hải Dương trong thu hút đầu tư và sử dụng lao động để phát KCN. Hải Dương là quê hương của nhiều làng nghề danh tiếng như: Chạm khắc gỗ Đông Giao, gốm Chu Đậu, thủ công mỹ nghệ vàng bạc ở Bình Giang, chạm khắc đá ở Kinh Môn Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương có uy tín, thương hiệu hàng nghìn năm, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương phát triển thành thế mạnh và là tiềm năng lớn, góp phần không nhỏ cho sự phát triển KT - XH, cũng như gia tăng mối quan hệ với các KCN. Tuy nhiên, điều kiện KT - XH tỉnh Hải Dương còn một số khó khăn, ảnh hưởng bất lợi cho phát triển KCN. Hải Dương vốn là một tỉnh nông nghiệp, tích lũy nội bộ thấp, khả năng huy động các nguồn lực cho đẩy mạnh CNH, HĐH nói chung, xây dựng phát triển các KCN nói riêng gặp nhiều khó khăn. Tuy có quy mô dân số khá lớn nhưng đại bộ phận dân cư của tỉnh Hải Dương là nông dân; kiến thức, tác phong và kinh nghiệm sản xuất công nghiệp còn hạn chế. Do đó, vấn đề đặt ra đối với Hải Dương là phải có kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu về nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, công nhân có tay nghề giỏi phục vụ phát triển các KCN. Những đặc điểm về tự nhiên, KT - XH nêu trên thường xuyên tác động đến quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo phát triển KCN. Những ưu đãi về tự nhiên và nét riêng có về điều kiện KT - XH của tỉnh Hải Dương là điều kiện thuận lợi tạo lợi thế so sánh tương đối và tuyệt đối của Hải Dương trong phát triển KCN. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng bộ tỉnh Hải Dương xác định chủ trương, biện pháp phát triển KCN phù hợp với thực tiễn, cho phép khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương; biến những điều kiện tự nhiên, KT - XH ở dạng tiềm năng thành những nguồn lực phát triển KCN. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên, KT - XH tỉnh Hải Dương cũng còn những hạn chế, tạo ra những khó khăn, rào cản đối với sự phát triển KCN. Thực tiễn đó đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tỉnh Hải Dương cần quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và thực tiễn địa phương để lãnh đạo phát triển KCN phù hợp. 2.1.3.Thực trạng phát triển khu công nghiệp ở tỉnh Hải Dương trước năm 2005 Quán triệt chủ trương đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước của Đảng, ngay sau khi tái lập tỉnh (01/1997), Đảng bộ tỉnh Hải Dương sớm có chủ trương phát triển KCN. Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIII (12/2000), xác định phát triển KCN là giải pháp quan trọng trong thực hiện CNH, HĐH, Nghị quyết Đại hội chỉ rõ: “Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để hình thành các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt” [2, tr.174]. Thực hiện chủ trương của Đảng bộ Tỉnh, phát triển KCN được cấp uỷ, chính quyền các cấp triển khai mạnh mẽ. Năm 2001, UBND tỉnh Hải Dương xây dựng Đề án Xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp giai đoạn 2001 - 2005, đồng thời, ngày 13/5/2003, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương được thành lập và là cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện. Đến hết năm 2004, quá trình phát triển KCN ở Hải Dương đạt được một số kết quả, cụ thể là: Một là, hình thành quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng và đưa vào hoạt động 03 KCN với tổng diện tích là 897ha, bao gồm KCN Đại An, KCN Phúc Điền và KCN Nam Sách. Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật các KCN tỉnh Hải Dương từng bước được thiết kế xây dựng, bao gồm hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống đầu mối giao thông giữa KCN với các tuyến quốc lộ, hệ thống cấp điện, cấp nước, hệ thống thoát nước thải và nước mưa, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cây xanh, hàng rào. Đặc biệt, tỉnh Hải Dương áp dụng một số chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích thu hút đầu tư vào các KCN (theo Quyết định Số 3149/QĐ-UB ngày 17/7/2002 của UBND Tỉnh). Các KCN tỉnh Hải Dương được quy hoạch, xây dựng với kết cấu hạ tầng cơ bản cùng với hệ thống chính sách ưu đãi hấp dẫn, bước đầu tạo ra một môi trường đầu tư có sức thu hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hai là, hoạt động của các KCN là yếu tố quan trọng, thúc đẩy sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH. Năm năm (2000 - 2005), giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Hải Dương tăng cao, bình quân đạt 22,1% [5, tr.174]. Sự hình thành và phát triển các KCN đã góp phần thúc đẩy cơ cấu KT - XH của tỉnh Hải Dương chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu GDP tăng từ 37,2% năm 2000 lên 43,2% năm 2005. Cơ cấu lao động chuyển dịch tương ứng là 10% năm 2000 lên 16,43% năm 2005. Thực tế trên khẳng định phát triển KCN là một giải pháp hữu hiệu, tạo sự đột phá trong phát triển KT - XH, đẩy mạnh CNH, HĐH của tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đó, phát triển KCN trên địa bàn Hải Dương trước năm 2005 còn bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể là: Một là, công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN còn hạn chế, tính đồng bộ chưa cao. Công tác quy hoạch các KCN ở Hải Dương trước 2005, còn một số hạn chế, chất lượng thấp, việc hình thành, phân bố các KCN còn dàn trải, xác định quỹ đất cần dùng chưa sát với nhu cầu thực tế, hiệu quả sử dụng đất KCN chưa cao. Thành lập các KCN ở những vùng đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp, làm mất đi một phần không nhỏ diện tích đất nông nghiệp. Tiến độ triển khai thực hiện dự án chậm làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, an ninh lương thực và đời sống nông dân có đất bị thu hồi để xây dựng các KCN. Huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng KCN gặp nhiều khó khăn, chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Do đó, việc xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN còn chậm, thiếu vốn để xây dựng hạ tầng xã hội, người lao động phải đi thuê nhà ở trong khu dân cư; các công trình kết cấu hạ tầng nối liền trong và ngoài KCN như giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông... thiếu đồng bộ, thường đi sau sự phát triển của các KCN. Hai là, công tác lãnh đạo, quản lý điều hành của đảng bộ, chính quyền địa phương đối với hoạt động KCN còn một số hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương phát triển KCN chưa được quan tâm đúng mức. Việc quy hoạch, định hướng phát triển KCN chưa rõ ràng. Năng lực, kinh nghiệm xúc tiến, thu hút đầu tư vào KCN của địa phương còn hạn chế. Tổ chức đào tạo nhân lực phục vụ phát triển KCN chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, dẫn đến thiếu cán bộ quản lý có năng lực, thiếu lao động kỹ thuật cao, lao động đã qua đào tạo. Ba là, quy mô dự án và hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong KCN chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương và yêu cầu phát triển các KCN. Phần lớn các dự án có quy mô nhỏ, yêu cầu tay nghề công nhân không cao và các dự án sản xuất gia công, ngành dệt may chiếm tỷ lệ cao. Hoạt động của một số doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, tình trạng xin rút giấy phép diễn ra khá nhiều. Một số dự án chậm triển khai hoạt động, hoặc hoạt động kém hiệu quả; tỷ trọng công nghiệp gia công, lắp ráp vẫn là chủ yếu, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển; tốc độ đổi mới công nghệ chưa cao. Quy mô KCN còn nhỏ, thị trường và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm còn hạn chế. Giá trị sản xuất công nghiệp trong KCN chưa cao, năm 2005 mới đạt 2.494 tỷ đồng, chỉ chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn Tỉnh [16, tr.3]. Bốn là, quá trình xây dựng các KCN đầu tiên gây ra một số tác động tiêu cực đến sự phát triển KT - XH của địa phương. Công tác giải phóng mặt bằng cho phát triển các KCN ở một số địa bàn còn nhiều phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Công tác bảo vệ môi trường ở một số KCN chưa được quan tâm đúng mức. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của một số dự án trong KCN thấp, phải chuyển đổi chủ đầu tư, hoặc thay đổi mục đích sử dụng đất. Một số dự án triển khai chậm so với tiến độ, vốn thực hiện thấp so với vốn đăng ký đầu tư. Vấn đề xã hội và an ninh, trật tự tại các KCN còn những biểu hiện phức tạp. Việc giải quyết các vấn đề tồn tại trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và giải quyết các kiến nghị của nhân dân chưa kịp thời, đã nảy sinh tình trạng khiếu nại, không nhận tiền đền bù, hoặc đòi hỏi giá đền bù cao hơn giá quy định của Nhà nước. Nguyên nhân của những hạn chế trên là: Trong những năm 1997 - 2004, Việt Nam chịu nhiều tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về KCN còn nhiều bất cập. Mặt khác, Hải Dương vốn là một tỉnh thuần nông, sau khi tái lập gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Hơn nữa, xây dựng, phát triển KCN là vấn đề mới xuất hiện ở Hải Dương, do đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và nhân dân về KCN chưa thật đầy đủ và đúng đắn. Công tác giải phóng mặt bằng có nơi, có lúc còn chậm đã làm hạn chế kết quả thu hút đầu tư. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế, chưa đạt được kết quả như mong đợi. Trong những năm đầu sau khi tái lập, Đảng bộ tỉnh Hải Dương sớm có chủ trương và trên thực tế đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng về xây dựng, phát triển KCN. Đó là những tín hiệu thực tiễn cho thấy sự cần thiết và khả năng xây dựng phát triển KCN ở Hải Dương trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH. Đồng thời, là cơ sở thực tiễn quan trọng để Đảng bộ tỉnh Hải Dương tiếp tục quán triệt, vận dụng đường lối của Đảng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, xác định chủ trương, chỉ đạo phát triển KCN phù hợp với thực tiễn. Những kết quả bước đầu trong xây dựng và phát triển KCN ở Hải Dương đã minh chứng tính đúng đắn, sáng tạo của chủ trương thí điểm xây dựng KCN của Đảng bộ Tỉnh. Đồng thời, khẳng định yêu cầu khách quan cần có chủ trương, chính sách mới, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, yếu kém, đầu tư nhiều hơn nữa cho xây dựng, phát triển các KCN của Tỉnh theo hướng nhanh, hiệu quả và bền vững. 2.1.4. Tình hình thế giới, trong nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khu công nghiệp * Tình hình thế giới, trong nước những năm 2005 - 2010 Tình hình thế giới Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn diễn ra gay gắt. Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ tạo cơ hội phát triển nhưng cũng gây khó khăn, thách thức cho nhiều các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Cạnh tranh kinh tế - thương mại, giành giật các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, nguồn vốn, công nghệ giữa các nước ngày càng gay gắt hơn. Cách mạng khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, có sự lưu chuyển tự do nhanh chóng, các nước đều có khả năng tiếp cận, sử dụng với mức độ khác nhau. Sự tác động của khoa học, công nghệ diễn ra với cường độ lớn hơn, trình độ cao hơn đã làm thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc hơn cơ cấu các ngành sản xuất và dịch vụ. Các ngành công nghiệp “cổ điển” giảm dần tỉ trọng, các ngành có hàm lượng trí tuệ cao tăng nhanh. Đặc biệt, cuối năm 2007, xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, sau đó nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu làm cho nền kinh tế thế giới bị suy giảm nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng làm chao đảo thị trường tài chính, làm phá sản nhiều ngân hàng, tập đoàn tài chính, kinh tế lớn trên thế giới, gây suy giảm nghiêm trọng các quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế. Thực tế đó, đòi hỏi các quốc gia phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế và cơ cấu kinh tế, phát triển các nguồn năng lượng mới, công nghệ mới để sản xuất ra những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, giá trị gia tăng lớn, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động và hình thành nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nước châu Á và khu vực Đông Nam Á cũng chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề. Cùng với những xung đột, tranh chấp về biên giới, lãnh thổ và tài nguyên, sự bất ổn về chính trị, xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế nói chung, hoạt động thu hút đầu tư và thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa trong khu vực trong đó có Việt Nam. Những năm 2005 - 2010, tình hình thế giới có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực; kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng từ cuối năm 2007. Trong hoàn cảnh ấy, kinh tế Việt Nam nói chung, phát triển của các KCN nói riêng cũng chịu nhiều tác động theo hướng bất lợi như: Đầu tư bị sụt giảm, chi phí sản xuất tăng cao, thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh ngày càng gay gắt... Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương, trong đó có tỉnh Hải Dương phải luôn bám sát diễn biến tình hình, kịp thời có những quyết sách và điều chỉnh, bổ sung hợp lý để đẩy mạnh phát triển kinh tế nói chung, xây dựng, phát triển KCN nói riêng. Đồng thời, cần chú trọng thực hiện các biện pháp hỗ trợ, đồng hành cùng các KCN để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới và phát triển. Tình hình trong nước Từ năm 2005 đến năm 2010, tình hình trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển KCN trên phạm vi cả nước cũng như tỉnh Hải Dương. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 20 năm đổi mới tiếp tục tạo tiền đề quan trọng để phát triển đất nước với những mục tiêu cao hơn. Cùng với chủ trương đúng đắn của Đảng, hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển KCN từng bước được hoàn thiện. Đó là những điều kiện thuận lợi, tạo ra những thời cơ mới cho KCN phát triển; KCN sẽ phát triển mạnh mẽ cả số lượng và chất lượng, sẽ gia tăng cả về quy mô và hiệu quả theo hướng tập trung hoá, hiện đại hóa. Ngày 07/11/2006, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây là cơ hội thuận lợi để mở rộng thị trường cũng như tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý và phương pháp sản xuất, kinh doanh hiện đại, tiếp nhận các nguồn vốn lớn từ các tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam gia nhập WTO từ một nước đang phát triển, trình độ kinh tế, quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân còn nhỏ bé, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm còn yếu... Vì vậy, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh, cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt, với nhiều đối thủ, trên bình diện sâu hơn, rộng hơn, nguy cơ bị chèn ép, thua thiệt không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay chính trên sân nhà là điều hiện hữu. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, từ năm 2005 đến năm 2010, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nếu như những năm 2002 - 2007, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,8% và còn có hiệu ứng tích cực hơn sau khi gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng GDP lên tới gần 8,5% năm 2007. Khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam liên tục bị suy giảm, năm 2008 chỉ còn 6,23% và năm 2009 xuống còn 5,0%, bình quân 5 năm 2006 - 2010 đạt 7,0%. [54, tr.186]. Vì vậy, “các chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế không đạt kế hoạch Đại hội X đề ra” [54, tr.166]. Kéo theo đó, lạm phát tăng, lãi vay ngân hàng cao, tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh đã làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đảo lộn và suy giảm nghiêm trọng. Trước năm 2007, công nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất mạnh và là trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế đã làm cho khả năng thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển công nghiệp bị sụt giảm nghiêm trọng. Chi phí sản xuất tăng, đẩy giá thành tăng cao dẫn đến sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ. Trong khi đó, các hiệp hội ngành hàng công nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu hoạt động ở phạm vi nội địa và chưa đủ mạnh để hỗ trợ các doanh nghiệp. Kỹ thuật công nghệ, nguồn vốn, thị trường ngành công nghiệp cũng đang bước đầu phân công lại, chưa khai thác được triệt để năng lực sản xuất. Tình hình thế giới, trong nước những năm 2005 - 2010 có nhiều thay đổi, tác động lớn đến phát triển KCN của tỉnh Hải Dương. Sự phát triển của cách mạng khoa học, công nghệ, toàn cầu hóa và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế cũng như những thành tựu của Việt Nam qua hơn 20 năm đổi mới tạo ra thời cơ, thuận lợi mới cho các KCN tỉnh Hải Dương phát triển. Tuy nhiên, trước những tác động bất lợi từ khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, những khó khăn, yếu kém từ nội tại kinh tế đất nước cũng tạo ra “những điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của các KCN. Thực tiễn đó đòi hỏi các cấp bộ đảng, chính quyền, nhân dân và các KCN tỉnh Hải Dương phải chủ động nắm bắt thời cơ, tạo sự đột phá trên con đường phát triển, đồng thời linh hoạt, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, giữ vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển KCN. * Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KCN (2005 - 2010) Quan điểm Một là, xây dựng, phát triển KCN làm nòng cốt, chủ đạo trong phát triển ngành công nghiệp. Về định hướng phát triển công nghiệp (2006 - 2010), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4/2006), chỉ rõ: “Phát triển nhanh hơn công nghiệp và xây dựng theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và hiện đại hóa” [53, tr.196]. Xây dựng, phát triển các KCN được Đại hội X của Đảng xác định là hướng đi chiến lược, nòng cốt thúc đẩy sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển theo hướng tập trung, hiện đại. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, xác định: “Hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp trên cả nước; hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm” [53, tr.198]. Ngày 21/8/2006, trong Quy hoạch phát triển KCN Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của Chính phủ đã xác định: “Hình thành hệ thống khu công nghiệp chủ đạo có vai trò dẫn dắt sự phát triển công nghiệp quốc gia” [36, tr.1]. Quan điểm trên thể hiện nhận thức đúng đắn của Đảng, Nhà nước về KCN, là cơ sở thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của KCN. Hai là, xây dựng, phát triển KCN phù hợp với định hướng phát triển, phân bố vùng lãnh thổ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và tình hình phát triển KT - XH. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng xác định: “Phát triển công nghiệp và xây dựng gắn với phát triển dịch vụ, phát triển đô thị và bảo vệ môi trường” [53, tr.196]. Đồng thời, Đại hội yêu cầu xây dựng, phát triển KCN trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh của vùng và đặt trong mối quan hệ với các vùng lân cận. Đại hội X của Đảng định hướng quá trình phát triển KCN phải gắn kết các địa phương, vùng miền tạo sự liên kết, thúc đẩy, hỗ trợ nhau, hình thành vùng công nghiệp phát triển. Đại hội X chủ trương đẩy mạnh thực hiện “Chương trình phát triển công nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” [53, tr.197]. Xây dựng KCN quy mô lớn ở các thành phố, đồng thời xây dựng KCN quy mô vừa và nhỏ ở khu vực nông thôn, làm thay đổi bộ mặt KT - XH nông thôn. Quy hoạch phát triển KCN ở Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 của Chính phủ xác định: “Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và tình hình phát triển kinh tế - xã hội” [36, tr.3] là điều kiện và tiêu chí hàng đầu quyết định việc thành lập các KCN. Ba là, giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển KCN nhanh và bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh là mục tiêu chiến lược của phát triển đất nước nói chung, các KCN nói riêng. Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “Sự kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh phải được thực hiện ngay trên từng địa bàn lãnh thổ, từ công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch và hình thành các dự án đầu tư phát triển” [53, tr.228]. Phát huy vai trò của KCN, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện, nâng cao thu nhập cho công nhân lao động, bảo vệ môi trường sinh thái và củng cố quốc phòng, an ninh có ý nghĩa quan trọng, hướng tới phát triển bền vững. Quán triệt quan điểm phát triển nhanh, bền vững các KCN của Đảng, Quy hoạch phát triển KCN Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của Chính phủ chỉ rõ: “Đầu tư đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, đặc biệt là công trình xử lý chất thải và bảo đảm diện tích trồng cây xanh trong các khu công nghiệp theo quy hoạch xây dựng nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.” [36, tr.2]. - Phương hướng, mục tiêu Một là, từng bước hoàn chỉnh quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng KCN đồng bộ và theo hướng hiện đại. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng định hướng tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, đồng thời yêu cầu: “Gắn việc phát triển sản xuất với bảo đảm nhà ở và các điều kiện sinh hoạt cho người lao động” [53, tr.198]. Trong Quy hoạch phát triển KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của Chính phủ, xác định: “Thành lập mới có chọn lọc các khu công nghiệp với diện tích tăng thêm khoảng 15.000 - 20.000ha, nâng tổng diện tích các khu công nghiệp đến năm 2010 lên khoảng 40.000 - 50.000ha” [36, tr.2]. Nâng cao chất lượng xây dựng cơ sở hạ tầng KCN theo hướng đồng bộ với các tiện nghi, tiện ích công cộng. “Nhà nước tạo điều kiện ưu đãi và kh...ăng ký thành lập, Lưu: Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương (2012), Dự án Xây nhà chung cư, đảm bảo nhà ở cho công nhân tại KCN Nam Sách và KCN Việt Hòa - Kenmark, Lưu: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương (2018), Báo cáo về những giải pháp giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội ở những nơi thu hồi đất để phát triển khu công nghiệp, khu đô thị, Lưu: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương (2008), Báo cáo kết quả thực hiện rà soát quy hoạch chi tiết, thanh tra tình hình sử dụng đất tại khu công nghiệp Tân Trường, Lưu: Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương. Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương (2012), Kế hoạch xây dựng hệ thống thoát nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020, Lưu: Văn phòng Xây dựng tỉnh Hải Dương. Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương (2013), Quy hoạch xây dựng đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lưu: Văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương. Nguyễn Ngọc Sơn (2012), “Phát triển bền vững khu công nghiệp ở Việt Nam sau 20 năm đổi mới”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 410, tr.43 - 45. Nguyễn Khắc Thanh (2007), Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lãnh đạo xây dựng khu công nghiệp trong những năm đổi mới từ 1986 đến 2005, Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị, Hà Nội. Chu Thái Thành (2006), “Khu công nghiệp, khu chế xuất với vấn đề bảo vệ môi trường và các tác động về mặt xã hội”, Tạp chí Khu công nghiệp, số 156, tr.17 - 19. Nguyễn Công Thành (2010), “Các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng và những nhân tố tích cực quá trình phát triển”, Tạp chí Kinh tế và dự báo, (17), tr.14 - 17. Võ Thanh Thu (2010), “Những giải pháp cho sự phát triển bền vững các khu công nghiệp ở Việt Nam”, Tạp chí Phát triển kinh tế, (77), tr.10 - 13 Thủ tướng Chính phủ (2005), Chỉ thị số 23/2005/CT-TTg, ngày 21/6/2005, Về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp, Lưu: Văn phòng Chính phủ, Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ (2006), Quyết định số 1107/QĐ-TTg, ngày 21/8/2006, Phê duyệt quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Lưu: Văn phòng Chính phủ, Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định số 66/2009, ngày 24/4/2009, ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, Lưu: Văn phòng Chính phủ, Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ (2011), Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, Lưu: Văn phòng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ (2012), Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 02/3/2012, Về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Lưu: Văn phòng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ (2014), Công văn số 1489 TTg-KTN ngày 18/8/2014, Về việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, Lưu: Văn phòng Chính phủ. Phạm Thị Thúy (2013), “Nâng cao hiệu quả của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại các khu công nghiệp, khu kinh tế”, Tạp chí Kinh tế và dự báo, số 24 (2013), tr.23-25. Phạm Kim Thư (2012), “Vấn đề quản lý Nhà nước đối với các khu công nghiệp của Hà Nội”, Tạp chí Kinh tế và dự báo, số 11, tr.39 - 41. Phạm Kim Thư (2016), Quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Luận án tiến sĩ, Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội. Vũ Anh Tuấn (2004), “Phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, những vấn đề đặt ra”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 160, Thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh ủy Hải Dương (2006), Chương trình phát triển công nghiệp nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2006 - 2010, Lưu: Văn phòng Tỉnh ủy Hải Dương. Tỉnh ủy Hải Dương (2006), Chương trình giải quyết việc làm và nâng chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2010, Lưu: Văn phòng Tỉnh ủy Hải Dương. Tỉnh ủy Hải Dương (2008), Báo cáo số 105 - BC/TU, Thực trạng và giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tỉnh Hải Dương, Lưu: Văn phòng Tỉnh ủy Hải Dương. Tỉnh ủy Hải Dương (2011) Chương trình số 12 - CTr/TU, Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Hải Dương thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, Lưu: Văn phòng Tỉnh ủy Hải Dương. Tỉnh ủy Hải Dương (2012), Chỉ thị số 15 - CT/TU, ngày 14/3/2012, Về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Lưu: Văn phòng Tỉnh ủy Hải Dương. Tỉnh ủy Hải Dương (2013), Chỉ thị số 17 - CT/TU, ngày 17/3/2012, Về việc rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các Hội doanh nghiệp; triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Lưu: Văn phòng Tỉnh ủy Hải Dương. Tỉnh ủy Hải Dương (2015), Báo cáo số 261 - BC/TU, ngày 28/6/2015, Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 41 - NQ/TW của Bộ Chính trị, Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (2005), Lưu: Văn phòng Tỉnh ủy Hải Dương. Nguyễn Thị Minh Trang (2016), “Đời sống văn hóa tinh thần của nữ công nhân tại khu công nghiệp Hòa Phú, Vĩnh Long”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 381, tr.37 - 40. Nguyễn Thị Trâm (2010), “Hỗ trợ nông dân sau khi bị thu hồi đất do quá trình phát triển các khu công nghiệp và đô thị ở thành phố Vinh”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 158 (08/2010), tr.48 - 54. Bùi Văn Trịnh, Nguyễn Thị Ninh Thuận (2012), “Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào các khu công nghiệp tại thành phố Cần Thơ”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 9, tr.70 - 77. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2001), Đề án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2001 - 2005, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2002), Quyết định số 3149/2002/QĐ-UB, ngày 17/7/2002 , Về việc ban hành Quy định ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2003), Quyết định số 4173/2003/QĐ-UB, Về việc Ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh với các cấp, các ngành trong việc quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Lưu: Văn phòng UBND Tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2003), Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh với các cấp, cấp các ngành trong việc quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn Hải Dương, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2005), Quyết định số 1454/QĐ-UBND ngày 01/4/2005, Về việc triển khai xây dựng hạ tầng KCN Tân Trường, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2005), Quyết định số 688/QĐ-UBND, ngày 24/02/005, Về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 tỉnh Hải Dương, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2005), Quyết định số 1142/QĐ-UBND, ngày 07/7/2005, Về việc quy hoạch, khảo sát và lập hồ sơ dự án, trình Chính phủ thành lập KCN Phú Thái, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2005), Quyết định số 4940/QĐ-UBND, ngày 28/10/2005, Về việc Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2020, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2005), Quyết định số 5205/QĐ-UB, ngày 01/11/2005, Về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công nghiệp Phúc Điền và khu công nghiệp Tân Trường. Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2006), Quyết định số 76/2006/QĐ-UBND, ngày 28/02/2006, Về việc giao nhiệm vụ xử lý vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2006), Đề án Phát triển và nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh gắn với giải quyết việc làm ở các khu, cụm công nghiệp, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2006), Quyết định số 2827/QĐ-UBND, ngày 17/8/2006, Về việc Phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 tỉnh Hải Dương, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2006), Đề án Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2006), Đề án Đẩy mạnh phòng chống tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giai đoạn 2006 - 2010, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2006), Đề án Phát triển thủ công nghiệp và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2010, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2007),Quyết định số 985/QĐ-UBND, ngày 17/2/2007, Về việc phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong cấp đăng ký kinh doanh, con dấu và mã số thuế tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2007), Quyết định số 1387/QĐ-UBND, ngày 05/4/2007, Về việc trao giấy chứng nhận đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Việt Hòa - Kenmark cho Tập đoàn Kenmark, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2007), Quyết định số 2180/QĐ-UBND, ngày 12/6/2007, Về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2010, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2007), Quyết định số 2326/QĐ-UBND, ngày 25/6/2007, Về việc trao giấy chứng nhận đầu tư xây dựng dự án và kinh doanh hạ tầng KCN Lai Vu cho Tập đoàn Công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VINASHIN), Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2007), Chỉ thị số 42/CT-UBND, ngày 13/8/2007, Về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2007), Quyết định số 3349/QĐ-UBND, ngày 20/9/2007, Về việc thành lập Trung tâm hỗ trợ và xúc tiến đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2007), Quyết định số 3813/QĐ-UBND, ngày 02/11/2007, Về việc trao giấy chứng nhận đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Cộng Hòa cho Công ty cổ phần Phát triển đô thị và KCN cao su Việt Nam, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2008), Báo cáo tổng kết 20 năm đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hải Dương 1987 - 2008, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2008), Quyết định số 1957/QĐ-UBND, ngày 09/6/2008, Về việc thành lập KCN Lương Điền, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2008), Chỉ thị 26/ CT-UB, ngày 18/6/2008, Về việc tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2009), Quyết định số 20/QĐ-UBND, ngày 02/7/2009, Về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2009), Quyết định số 55/2008/QĐ-UB, ngày 19/11/2008, Về việc ban hành quy định về quản lý an toàn chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2011), Quyết định số 412/QĐ-UBND, ngày 09/02/2011, Về việc ban hành Danh mục dự án kêu gọi đầu tư và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương từ năm 2011, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2011), Quyết định số 462/QĐ - UBND, ngày 14/02/2011, Về việc Phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương(2011), Quyết định số 961/QĐ - UBND, ngày 09/4/2011, Về việc thành lập Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2011), Quyết định số 2862/2011/QĐ -UBND, ngày 24/02/2011, Về việc phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Hải Dương giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn 2030, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2011), Quyết định số 2647/2011/QĐ-UBND, ngày 19/9/2011, Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2020, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2011), Quyết định số 3155/QĐ-UBND, ngày 15/11/2011, Về việc phê duyệt Quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2012), Đề án mở rộng, phát triển thành phố Hải Dương đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2012), Đề án phát triển khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2020, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2012), Quyết định số 461/QĐ-UBND, ngày 21/02/2012, Về việc ban hành quy định về mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động có đất bị thu hồi phục vụ CNH, HĐH tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ( 2012), Quyết định số 631/QĐ-UBND, ngày 21/5/2012, Về việc phê duyệt Dự án Xây nhà chung cư, đảm bảo nhà ở cho công nhân tại KCN Nam Sách và KCN Việt Hòa - Kenmark, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2012), Quyết định số 615/QĐ-UBND, ngày 12/6/2012, Về việc trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần phát triển KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) và thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng tại KCN Cẩm Điền - Lương Điền, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, (2012), Thông báo số 126/TB-UBND, ngày 18/6/2012 Về việc mở rộng KCN Phúc Điền, KCN Tân Trường và KCN Việt Hòa - Kenmark, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2012), Quyết định số 1461/QĐ-UBND, ngày 01/8/2012, Ban hành các chính sách hỗ trợ của địa phương đối với các doanh nghiệp thông qua chính sách thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2013), Quyết định số 147/QĐ - UBND, ngày 19/3/2013, Về việc phê duyệt Đề án cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013 - 2015, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2013), Quyết định số 60/2013/QĐ - UBND, ngày 19/06/2013, Về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2013), Quyết định số 136/QĐ - UBND, ngày 22/6/2013, Về việc thực hiện Đề án xây dựng nguồn nhân lực công nghiệp phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2014), Kế hoạch số 68/KH-UBND, ngày 15/01/2014, Về cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương năm 2014, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2014), Kế hoạch số 1803/KH-UBND, ngày 15/9/2014, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2014), Quyết định số 57/QĐ-UBND, ngày 28/11/2014, Về việc điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu của Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2015), Hướng dẫn số 142/HD-UBND, ngày 02/7/2015, thực hiện Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường các KCN, Lưu: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương. Lê Hồng Yến (2007), Hoàn thiện chính sách và mô hình quản lý nhà nước đối với việc phát triển khu công nghiệp, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Thương mại, Hà Nội. Tiếng Anh Atkinson, G. Dubourg, R. Hamilton, K. Munasinghe, M. Pearce, D. Young (1999), Indicators for Sustainable Development: Theory, Method, Application, Hartmut Bossel, ISBN 1-895536-13-8 Spangenberg. John Blewitt (2008), “Understanding Sustainable Development”, Earth Scan, sterling, VA. B.H. Roberts Elsevier (2004), “The application of industrial ecology principles and planning guidelines for the development of eco- industrial parks: an Australian case study”, Journal of Cleaner Production, USA. D.C. Gibbs và P. Deutz (2005), “Implementing industrial ecology? Planning for eco- industrial parks in the USA”, published by Elsevier, USA D.C. Gibbs, P. Deutz, (2007),: “Reflections on implementing industrial ecology through eco-industrial park development”, Journal of Cleaner Production, 15, pp. 1683-1695. R. Heeres, R. Vermeulen, & F.B. Walle (2004), “Eco-industrial park initiatives in the USA and the Netherlands: first lessons”, Journal, of Cleaner Production, 12, pp. 985-995. Lilian, B. Alessandra, (2009), “Eco-industrial park development in Rio de Janeiro, Brazil: a tool for sustainable development”, Journal of Cleaner Production, 17, pp. 653-661. McKinley (2010), Inclusive Growth Criteria and Indicators: An Inclusive Growth Index for Diagnosis of Country Progress, ADB Sustainable Development Working, Paper Series, No. 14. Manila, Asian Development Bank. Hung-Suck Park. et al. (2008), “Strategies for sustainable development of industrial park in Ulsan, South Korea - From spontaneous evolution to systematic expansion of industrial symbiosis”, Journal of Environmental Management, 87, pp. 1-13. Park, Jonh and Ahn, Kun-hyuck (2003),“How did immigrant workers change residential area near industrial estate in Korea”, Journal of Environmental Management, 87, pp. 1-13. Michael Porter (1998), “Cluster and the new Economics of Competition”, Business Review, Harvard. Michael Porter (2000), “Location, Competition and Economic Development: Local Clusters in a Global Economy, Economic”, Development Quarterly 14, no. 1, February 2000: 15-34. Hung-Suck Park.etal. (2008), “Strategies for sustainable development of industrial park in Ulsan, South Korea - From spontaneous evolution to systematic expansion of industrial symbiosis”, Journal of Environmental Management, 87, pp. 1-13. Han Shi, Marian Chertow, Yuyan Song (2010), “Developing country experience with eco-industrial parks: a case study of the Tianjin Economic-Technological Development Area in China”, Journal of Cleaner Production, 18, pp. 191-199. Han Shi, Ling Zhang (2010), “Eco - industrial park: nationnal pilot practicé in China”, Journal of Cleaner Production, 20, pp. 505 - 509. Jamieson, S. (2004), “Likert scales: how to (ab) use them”, Medical education, 38(12), pp. 1217 - 1218. UNIDO Country Office in Viet Nam (2015), Economic zones in the Asean, UNIDO Country Office in Viet Nam. Susan M. Walcott (2003), Chinese Science and Technology Industrial Parks, Ashgate Publishing limited gower House, England. Li Xingguang (2009), “Management of Eco-Industrial Parks”, Sustainable Development of Industrial Parks pp.24 - 26. Trang website banql kcn.haiduong.gov.vn www.khucongnghiep.com.vn sct.haiduong.gov.vn PHỤ LỤC Phụ lục 1 Bản đồ hành chính tỉnh Hải Dương Nguồn: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Phụ lục 2 Sơ đồ các KCN tỉnh Hải Dương Nguồn: Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương. Phụ lục 3 Tổng hợp nguồn khoáng sản công nghiệp tỉnh Hải Dương TT LOẠI KHOÁNG SẢN ĐỊA ĐIỂM TRỮ LƯỢNG (ngàn tấn) SỬ DỤNG I Khoáng sản nhiên liệu 1 Than đá Huyện Chí Linh 59.000 Cung cấp cho nhà máy nhiệt điện và các nhà máy xi măng 2 Than bùn Huyện Kinh Môn, Chí Linh 800 Làm nguyên liệu sản xuất phân bón tổng hợp II Quặng kim loại 1 Sắt Huyện Kinh Môn, Chí Linh 20 Làm phụ gia cho sản xuất xi măng, luyện thép 2 Bauxít nhôm Huyện Kinh Môn, Chí Linh 131 Nguyên liệu cho nhà máy Đá mài Hải Dương 3 Thủy ngân Huyện Chí Linh 1,1 Sản xuất các hóa chất,trong kỹ thuật điện và điện tử III Quặng phi kim loại 1 Phốtphorit Huyện Kinh Môn 20 Sản xuất phân bón tổng hợp IV Khoáng sản dạng lỏng 1 Nước khoáng nóng Huyện Cẩm Giàng, thành phố Hải Dương, 54,2l/s Phục vụ dưỡng sức, chữa bệnh, đóng chai làm nước uống, sản xuất nước giải khát Nguồn: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản công nghiệp giai đoạn 2005 - 2015 và định hướng đến năm 2020 tỉnh Hải Dương. Phụ lục 4 Tổng hợp GRDP tỉnh Hải Dương giai đoạn 2005 - 2015 Đơn vị tính: Tỷ đồng CHỈ TIÊU KINH TẾ GRDP (giá năm 1994) GRDP (giá năm 2010) TỐC ĐỘ TĂNG BÌNH QUÂN (%/năm) 2005 2010 2010 2015 2006 - 2010 2011 - 2015 Tổng cộng 8.440 13.346 41.873 61.686 9,75 8,12 Nông, lâm, thủy sản 1.965 2.187 8.361 10.249 2,16 4,16 Công nghiệp, Xây dựng 4.172 7.199 18.088 30.025 11,53 10,67 Thương mại, dịch vụ 1.895 3.586 12.614 17.340 13,61 6,57 Thuế và trợ cấp sản phẩm 408 464 2.810 4.254 2,61 8,65 Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hải Dương năm 2015. Phụ lục 5 Bài phát biểu của Đồng chí Bùi Thanh Quyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tại Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương (13/5/2003 - 13/5/2013) Trong những năm qua, kinh tế của tỉnh Hải Dương tăng trưởng khá nhanh, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt gần 10%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến hết năm 2012, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 68,9%, dịch vụ chiếm 19,4%, nông nghiệp chiếm 11,7%; giá trị gia tăng các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ tăng dần qua các năm. Đạt được những kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương và các khu công nghiệp trên địa bàn. Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã có nhiều cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh trong phát triển khu công nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, thân thiện, mang lại hiệu quả thiết thực. Ban đã tham mưu cho Tỉnh, trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, gồm 18 khu công nghiệp tập trung với diện tích gần 5.000ha, trong đó có 11 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 2.397ha, 10 khu đã thực hiện dự án hạ tầng theo hướng cơ bản và đồng bộ, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 51%. Các khu công nghiệp trên đại bàn tỉnh đã thu hút được 163 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 3 tỷ USD, trong đó có 120 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư 2,58 tỷ USD (chiếm 50,62% tổng só dự án và 52% tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hải Dương). Trong thời gian tới, dự định sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Thành lập Bệnh viện quốc tế Canada tổng số vốn đầu tư 200 triệu USD và Dự án Đầu tư xây dựng nhà xưởng cho thuê phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 65 triệu USD tại khu công nghiệp Đại An. Trong các khu công nghiệp, đã có trên 100 dự án hoạt động với số vốn thực hiện khoảng 1,7 tỷ USD, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chiếm gần 40% của toàn tỉnh, giá trị xuất khẩu chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hằng năm, nộp ngân sách gần 50 triệu USD, thu hút được trên 6 vạn lao động thường xuyên làm việc tại các khu công nghiệp. Kết quả thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trong những năm qua đã đưa Hải Dương trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Với những kết quả, thành tích đã đạt được trong thời gian qua, tập thể và nhiều cá nhân Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý. Nhân dịp này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quyết định trao tặng Bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả quản lý, đồng hành với nhà đầu tư, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa” cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương. Đây là phần thưởng cao quý mà Ban Chấp hành Đảng bộ ghi nhận đối với những đóng góp quan trọng của Ban Quản lý các khu công nghiệp Tỉnh vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng, phát triển các khu công nghiệp nói riêng. Trong thời gian tới, với mục tiêu xây dựng tỉnh Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, thực hiện chủ trương phát triển mạnh mẽ khu công nghiệp của Tỉnh ủy, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch và hiện đại hóa. Tiếp tục xây dựng, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng và thân thiện với các nhà đầu tư. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, sắp xếp lại quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn, kiên quyết loại bỏ khu công nghiệp không còn phù hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong từng khu công nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường. Phát huy những kết quả và thành tích đạt được trong 10 năm qua, tôi tin rằng, tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương sẽ đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, góp phần đưa Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp. Nguồn: Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương. Phụ lục 6 Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 1994 của tỉnh Hải Dương so với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng Giá trị: tỷ đồng ĐỊA PHƯƠNG NĂM 1997 NĂM 2005 NĂM 2011 Giá trị sản xuất công nghiệp Thứ bậc Giá trị sản xuất công nghiệp Thứ bậc Giá trị sản xuất công nghiệp Thứ bậc ĐB.Sông Hồng 31.757 133.436 403.701 TP.Hà Nội 14.272 1 49.168 1 122.717 1 Vĩnh Phúc 865 7 15.504 3 45.549 4 Bắc Ninh 569 10 6.720 7 63.222 2 Hải Dương 3.399 3 11.672 4 25.265 6 TP.Hải Phòng 5.765 2 21.583 2 47.497 3 Hưng Yên 618 9 7.679 6 22.948 7 Thái Bình 1.187 5 3.317 9 11.677 10 Hà Nam 319 11 2.843 11 10.004 11 Nam Định 1.080 6 3.843 8 12.230 9 Ninh Bình 678 8 3.040 10 12.507 8 Quảng Ninh 3.005 4 8.067 5 30.087 5 Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hải Dương năm 2011. Phụ lục 7 Các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương Đơn vị tính: ha TT Tên khu công nghiệp Diện tích đất KCN đã được thành lập Diện tích quy hoạch đến năm 2010 Diện tích quy hoạch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 Tổng diện tích A. KCN đã thành lập 1 KCN Đại An 603,82 - - 603,82 2 KCN Nam Sách 63,93 - - 63,93 3 KCN Phúc Điền 87,00 250 - 87,00 4 KCN Tân Trường 199,30 200 - 199,30 5 KCN Việt Hòa - Kenmark 46,40 - 90 46,40 6 KCN Phú Thái 72,00 - - 72,00 7 KCN Lai Vu 212,89 - - 212,89 8 KCN Cộng Hòa 357,03 - - 357,03 9 KCN Cẩm Điền - Lương Điền - 183,9 - 183,9 10 KCN Lai Cách - 132,4 - 132,4 B. KCN đưa vào quy hoạch 1 KCN Quốc Tuấn - An Bình 300 200 500 2 KCN Kim Thành 200 100 300 3 KCN Lương Điền-Ngọc Liên 200 100 300 4 KCN Bình Giang 200 100 300 5 KCN Hiệp Sơn, Kinh Môn 150 - 150 6 KCN Thanh Hà - 200 200 7 KCN Hoàng Diệu - 300 300 8 KCN Hưng Đạo - 200 200 Tổng số 1.642,37 1.816,3 1.290 4.748,67 Nguồn: Quy hoạch phát triển khu công nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2020. Phụ luc 8 Bảng tổng hợp về số lượng dự án và tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương (đến hết 30/02/2019) TT KHU CÔNG NGHIỆP SỐ LƯỢNG DỰ ÁN (dự án) TỶ LỆ LẤP ĐẦY (%) 01 Nam Sách 21 100 02 Đại An 84 75,69 03 Phúc Điền 29 100 04 Tân Trường 42 94,13 05 Phú Thái 46 98,80 06 Lai Cách 13 28,42 07 Việt Hòa - Kenmark 02 36,79 08 Lai Vu 12 88,70 09 Cộng Hòa 07 51,06 10 Cẩm Điền - Lương Điền 15 77,38 Nguồn: Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương. Phụ lục 9 Danh sách trạm xử lý nước thải tập trung của các KCN tỉnh Hải Dương TT KHU CÔNG NGHIỆP NĂM HOẠT ĐỘNG CÔNG SUẤT (m3/ngày - đêm) 01 KCN Nam Sách 2008 3.000 02 KCN Phúc Điền 2008 1.500 03 KCN Việt Hòa - Kenmark 2009 2.500 04 KCN Đại An 2009 2.000 KCN Đại An (mở rộng) 2018 2.500 05 KCN Tân Trường 2011 2.000 06 KCN Phú Thái 2012 650 07 KCN Lai Vu 2018 2.000 08 KCN Lai Cách 2018 1.000 09 KCN Cộng Hòa 2019 2.000 10 KCN Cẩm Điền - Lương Điền 2018 4.950 Nguồn: Đề án Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Phụ lục 10 Số lượng lao động trong các KCN tỉnh Hải Dương Đơn vị: Người TT KHU CÔNG NGHIỆP NĂM 2012 NĂM 2013 NĂM 2014 NĂM 2015 NĂM 2016 NĂM 2017 01 Nam Sách 16.101 19.568 22.196 15.523 12.743 10.858 02 Đại An 20.034 21.014 20.612 19.869 21.763 24.446 03 Tân Trường 11.904 11.092 11.645 10.483 13.177 12.820 04 Phúc Điền 11.396 13.061 13.342 14.009 14.705 17.096 05 Lai Cách 210 228 205 834 656 982 06 Lai Vu 830 322 40 8.376 9.701 11.369 07 Phú Thái 428 2.422 5.666 6.153 5.830 5.647 08 Cộng Hòa - - - 24 25 25 09 Cẩm Điền - Lương Điền - 17 - 33 56 318 10 Việt Hòa - Kenmark - 24 - 123 - Tổng 60.903 67.768 73.706 75.316 78.656 83.561 Nguồn: Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương. Phụ lục 11 Một số hình ảnh về KCN Đại An, tỉnh Hải Dương Cổng và tổng thể các nhà xưởng trong KCN Đại An, tỉnh Hải Dương Nhà xưởng và đường giao thông bên trong KCN Đại An, tỉnh Hải Dương Sân bóng phục vụ công nhân lao động trong KCN Đại An, tỉnh Hải Dương Nguồn: Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docluan_an_dang_bo_tinh_hai_duong_lanh_dao_phat_trien_khu_cong.doc
  • docBIA LUAN AN.doc
  • docBIA TOM TAT TIENG ANH.doc
  • docBIA TOM TAT TIENG VIET.doc
  • docTHONG TIN MẠNG TIENG ANH.doc
  • docTHONG TIN MANG TIENG VIET.doc
  • docTOM TAT TIENG ANH.doc
  • docTOM TAT TIENG VIET.doc
Tài liệu liên quan