Luận án Hâm mộ thần tượng trong đời sống giới trẻ Việt Nam hiện nay

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘ I VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI ĐINH VIỆT HÀ HÂM MỘ THẦN TƯỢNG TRONG ĐỜI SỐNG GIỚI TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY Ngành: Văn hóa học Mã số: 9 22 90 40 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. PHẠM QUỲNH PHƯƠNG HÀ NỘI - 2021 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan: - Luận án này là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS. TS. Phạm Quỳnh Phương. Các kết quả nghiên cứu được trình bày trong

pdf209 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 14/01/2022 | Lượt xem: 455 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Luận án Hâm mộ thần tượng trong đời sống giới trẻ Việt Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
g luận án là trung thực và chưa từng được công bố trong bất cứ công trình nghiên cứu của ai khác. - Luận án đã được thực hiện một cách nghiêm túc, cầu thị và đảm bảo các nguyên tắc đạo đức trong việc trích dẫn tài liệu. Tác giả luận án Đinh Việt Hà MỤC LỤC MỞ ĐẦU ........................................................................................................................ 1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN............................................................................................................................ 12 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ........................................................................ 12 1.1.1. Những nghiên cứu về văn hóa giới trẻ ............................................................... 12 1.1.2. Những nghiên cứu về hâm mộ thần tượng .............................................................. 1.2. Cơ sở lí luận và các khái niệm liên quan ............................................................ 31 1.2.1. Các khái niệm được sử dụng trong luận án ........................................................ 31 1.2.2. Cơ sở lí luận của luận án .................................................................................... 34 Tiểu kết chương 1 ........................................................................................................ 39 CHƯƠNG 2: BỨC TRANH CHUNG VỀ HÂM MỘ THẦN TƯỢNG Ở VIỆT NAM .............................................................................................................. 40 2.1. Những mẫu hình thần tượng trong lịch sử ........................................................ 40 2.2. Bối cảnh của hiện tượng hâm mộ thần tượng ở giới trẻ Việt Nam hiện nay .. 44 2.2.1. Chính sách mở cửa, kinh tế thị trường, quá trình hiện đại hoá và đô thị hoá ở Việt Nam ..................................................................................................................... 44 2.2.2. Toàn cầu hoá và các dòng chảy văn hoá nước ngoài ......................................... 45 2.2.3. Sự phát triển của truyền thông đại chúng ........................................................... 48 2.3. Sự thịnh hành của các ngôi sao giải trí trong đời sống giới trẻ ....................... 52 2.3.1. Những ngôi sao giải trí nước ngoài .................................................................... 52 2.3.2. Các ngôi sao giải trí trong nước ......................................................................... 55 2.4. Hâm mộ thần tượng qua sự phản ánh của báo chí ........................................... 56 Tiểu kết chương 2 ........................................................................................................ 60 CHƯƠNG 3: NHỮNG THỰC HÀNH HÂM MỘ THẦN TƯỢNG CỦA GIỚI TRẺ HIỆN NAY .......................................................................................................... 61 3.1. Like, view, share, vote, support: những thực hành hàng ngày ........................ 62 3.1.1.Theo dõi, cổ vũ, bênh vực thần tượng .................................................................. 63 3.1.2. Quảng bá cho thần tượng.................................................................................... 67 3.2. Câu lạc bộ người hâm mộ (Fanclub) .................................................................. 69 3.2.1. Mục đích và bối cảnh thành lập fanclub ............................................................. 70 3.2.2. Hoạt động của các fanclub ................................................................................. 73 3.2.3. Vai trò của các admin (ban quản trị FC) ............................................................ 78 3.3. Các hoạt động tiêu dùng có liên quan đến thần tượng ..................................... 80 3.3.1. Tiêu thụ sản phẩm trực tiếp ................................................................................ 81 3.3.2. Các hình thức tiêu thụ trên không gian mạng ..................................................... 86 Tiểu kết chương 3 ........................................................................................................ 90 CHƯƠNG 4: HÂM MỘ THẦN TƯỢNG: MỘT PHƯƠNG THỨC KIẾN TẠO BẢN SẮC Ở GIỚI TRẺ .............................................................................................. 91 4.1. Hâm mộ thần tượng trong quá trình định vị căn tính của giới trẻ ................. 91 4.1.1. Nhu cầu định vị căn tính của những người trẻ ................................................... 91 Vai trò của thần tượng trong quá trình định vị căn tính ở giới trẻ ............................... 93 4.2. Những phương thức kiến tạo căn tính của người hâm mộ trẻ ........................ 99 4.2.1. Giải mã thần tượng: sự phản chiếu cá nhân ....................................................... 99 4.2.2. Chia sẻ ý nghĩa biểu trưng: sự kiến tạo căn tính nhóm .................................... 107 Tiểu kết chương 4 ...................................................................................................... 115 CHƯƠNG 5: HÂM MỘ THẦN TƯỢNG Ở GIỚI TRẺ TRONG NHỮNG ĐỘNG NĂNG CỦA XÃ HỘI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI .................................... 116 5.1. Đời sống giới trẻ trong bối cảnh nền công nghiệp giải trí ở Việt Nam hiện nay ............................................................................................................................... 116 5.1.1. Sự phát triển công nghiệp giải trí ở Việt Nam hiện nay ................................... 116 5.1.2. Tác động của nền công nghiệp giải trí đến đời sống giới trẻ ........................... 119 5.2. Truyền thông, thần tượng và giới trẻ như một nhóm công chúng đặc biệt .. 122 5.2.1. Ảnh hưởng của truyền thông tới các hình thức giải trí và tương tác của giới trẻ ................................................................................................................................ 122 5.2.2. Sự tiêu thụ truyền thông mạnh mẽ ở giới trẻ..................................................... 124 5.3. Chủ nghĩa tiêu dùng và giới trẻ như một thị trường tiềm năng .................... 127 5.3.1. Giới trẻ - một thế hệ người tiêu dùng mới ........................................................ 127 5.3.2. Sự thẩm thấu ý thức hệ thị trường ..................................................................... 133 5.4. Định vị bản thân và khao khát toàn cầu: giới trẻ và những giá trị mới ....... 137 5.4.1. Định vị bản thân ................................................................................................ 137 5.4.2. Khao khát toàn cầu ........................................................................................... 144 Tiểu kết chương 5 ...................................................................................................... 146 KẾT LUẬN ................................................................................................................ 148 TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................................................ 152 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong những năm gần đây, hâm mộ thần tượng trở thành một hiện tượng nổi bật, phổ biến của giới trẻ trên phạm vi toàn cầu. Từ phương diện học thuật, hâm mộ thần tượng là một khía cạnh nghiên cứu quan trọng về văn hóa giới trẻ. Từ khi Ngành Nghiên cứu văn hóa ra đời và phát triển vào những năm 1960 ở phương Tây, văn hóa giới trẻ đã được tiếp cận bằng nhiều khung lí thuyết nhằm khám phá các chiều kích khác nhau như tiểu văn hóa, bản sắc, sự phản kháng, mạng lưới xã hội, văn hóa tiêu dùng... Ở trong nước, hai thập kỉ trở lại đây chứng kiến giới trẻ và văn hóa giới trẻ trở thành đối tượng nghiên cứu của một số ngành như xã hội học, tâm lí học, giáo dục học, văn hóa học. Đặc biệt, với sự phát triển của ngành nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam, các chiều cạnh của văn hóa giới trẻ ngày càng được nghiên cứu đa chiều hơn. Ban đầu, các nhà nghiên cứu hầu như chỉ chú ý đến lối sống, hệ giá trị, quan niệm sống hay nhận thức của giới trẻ, sau đó những đặc trưng cũng như biến đổi của văn hóa giới trẻ trong bối cảnh đặc thù mà họ sống được quan tâm nhiều hơn chẳng hạn hiện tượng sống thử, sự thay đổi thị hiếu, phong cách, sự thể hiện bản sắc... trước những tác động của toàn cầu hóa, đặc biệt với vai trò của internet. Văn hóa giới trẻ và những biểu hiện ngày càng đa dạng, phức tạp của nó cần được nhìn nhận và có thể soi chiếu bằng những lăng kính đa chiều hơn mà hâm mộ thần tượng là một hiện tượng nổi bật. Nghiên cứu về hâm mộ thần tượng sẽ giúp nhận diện những chiều kích mới của văn hóa giới trẻ với những động năng của xã hội Việt Nam đương đại. Hâm mộ thần tượng không phải là hiện tượng hoàn toàn mới ở Việt Nam. Khi đất nước còn chìm đắm trong khói lửa chiến tranh, những lãnh tụ cách mạng, những người lính anh dũng không tiếc tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc được xem là hình mẫu của lớp lớp thanh niên. Sau khi đất nước giải phóng và bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, những người được ngưỡng mộ và được coi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chính là những anh hùng lao động. Trong bối cảnh hiện nay, các ngôi sao giải trí, những người nổi tiếng lại là những thần tượng có sức thu hút mạnh mẽ đối với số đông giới trẻ. 1 Việc giới trẻ hiện nay trở nên say mê với những ca sĩ, diễn viên, cầu thủ và tham gia vào những cộng đồng người hâm mộ cuồng nhiệt chờ chực ở sân bay, khóc lóc, ngất xỉu vì thần tượng, sẵn sàng bỏ ra những số tiền lớn so với khả năng chi tiêu ở độ tuổi của họ để mua album, gậy cổ vũ, mua vé dự concert... đã khiến không ít phụ huynh lo ngại và tỏ ra hoang mang vì không hiểu nổi con em họ đã nghĩ gì và tại sao các ngôi sao giải trí kia lại có thể khiến con em họ “phát cuồng” như thế. Đối lập với lo ngại của các thế hệ lớn hơn, giới trẻ vẫn hàng ngày, hàng giờ theo dõi, chia sẻ, thậm chí “chạy theo” các thần tượng của mình. Điều này gợi ra những câu hỏi nghiên cứu có tính then chốt để hiểu về giới trẻ Việt Nam trong bối cảnh văn hoá tiêu dùng phát triển mạnh mẽ và sự khủng hoảng về căn tính của những người trẻ còn loay hoay tìm giá trị bản thân. Từ góc nhìn nghiên cứu văn hóa, quan điểm của chính những người trẻ - như là “tiếng nói người trong cuộc” - cần phải được “lên tiếng”. Những câu chuyện, những thực hành văn hóa thường ngày nhỏ nhặt, riêng tư, “cái tôi”, “cái khác biệt” của giới trẻ cần được phân tích. Khác với các ngành khác, nghiên cứu văn hóa nhìn ra được những ý nghĩa của các thực hành bị gạt ra ngoài lề, nhìn hâm mộ thần tượng không phải là một thực hành phi lí, nông nổi, điên rồ mà có vai trò quan trọng trong quá trình tạo dựng ý nghĩa và căn tính giới trẻ. Trong quá trình biến đổi liên tục, phức tạp của bối cảnh trong nước và thế giới, khi những khoảng cách thế hệ và định kiến về giới trẻ vẫn luôn tồn tại, khi giới trẻ vẫn luôn loay hoay với những câu hỏi trong việc xác định “họ là ai”, luôn không ngừng tìm kiếm những cách thức để phản kháng lại những áp đặt, định kiến và khẳng định bản thân thì nghiên cứu cơ bản về giới trẻ và văn hóa giới trẻ vẫn luôn là một việc làm quan trọng. Tìm hiểu việc hâm mộ thần tượng của giới trẻ có thể góp phần làm lộ ra các chiều kích phong phú, đa chiều của văn hoá giới trẻ ngày nay. Vì vậy, chúng tôi tin rằng việc nghiên cứu “Hâm mộ thần tượng trong đời sống giới trẻ Việt Nam hiện nay” có tính cấp thiết cao trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án Mục đích nghiên cứu của đề tài là khám phá thực hành hâm mộ thần tượng và chỉ ra phương thức kiến tạo bản sắc của giới trẻ trong những động năng của xã hội Việt Nam đương đại. Các câu hỏi nghiên cứu cơ bản: 2 1- Thực hành hâm mộ thần tượng của giới trẻ được thể hiện như thế nào? 2- Vai trò của những thực hành ấy trong việc kiến tạo nên bản sắc của giới trẻ? 3- Những động năng của xã hội Việt Nam đương đại đã góp phần định dạng hiện tượng hâm mộ thần tượng của giới trẻ hiện nay như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, luận án đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản sau:  Cung cấp một cái nhìn tổng quan những khía cạnh lí thuyết quan trọng trong nghiên cứu về văn hóa giới trẻ và hâm mộ thần tượng.  Nhận diện các thực hành hâm mộ thần tượng ở giới trẻ Việt Nam (qua nghiên cứu trường hợp cụ thể một số cá nhân người hâm mộ và các câu lạc bộ người hâm mộ).  Tìm hiểu phương thức kiến tạo bản sắc của giới trẻ thông qua việc hâm mộ thần tượng trong bối cảnh hiện nay.  Phân tích những yếu tố tác động đến thực hành hâm mộ thần tượng của giới trẻ Việt Nam hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng, khách thể nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu: các thực hành hâm mộ thần tượng của giới trẻ Việt Nam hiện nay, cụ thể là các thần tượng giải trí trong nền văn hoá đại chúng, tập trung chủ yếu vào các thần tượng âm nhạc. Sở dĩ tôi lựa chọn các thần tượng âm nhạc là vì các hoạt động của họ và người hâm mộ của họ diễn ra phong phú, nổi bật và đều đặn trên truyền thông (truyền hình, youtube, báo điện tử...), dễ nhận thấy sự ảnh hưởng của họ trong việc định hình và khiến cho đời sống giải trí của giới trẻ trở nên sôi động như hiện nay. Thêm vào đó, vì đây là những ngôi sao biểu diễn, gắn với một loại hình văn hóa đại chúng có tính chất phổ biến và sôi động nhất hiện nay (nhạc Pop) nên đã tạo ra những đặc trưng riêng nhưng đồng thời cũng mang tính bao quát khá đầy đủ cho những cộng đồng người hâm mộ (có tên gọi và lightstick riêng của fandom, có những hoạt động đặc trưng: tham gia các show diễn cổ vũ thần tượng - hoạt động này không có ở fan của ngôi sao điện ảnh, mua các sản phẩm đa dạng gắn với thần tượng như album, nhạc số và các sản phẩm của thần tượng hay do thần tượng làm đại diện quảng cáo)... 3 Trong những trường hợp nhất định, tôi vẫn sử dụng tư liệu về người hâm mộ của những ngôi sao điện ảnh hay ngôi sao thể thao khác làm minh chứng để bổ sung cho các kết luận của mình. - Khách thể nghiên cứu: những người hâm mộ trẻ (fan), các câu lạc bộ người hâm mộ (FC - fanclub) ở Việt Nam hiện nay. Trong luận án này, thuật ngữ “giới trẻ” không hoàn toàn trùng khít với thuật ngữ “thanh niên” (theo định nghĩa của Luật Thanh niên là độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi), bởi “giới trẻ” còn chỉ tất cả những người có “tính trẻ”, khao khát tìm kiếm định vị bản thân, thử nghiệm những điều mới mẻ, liều lĩnh, năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, người hâm mộ đối với các thần tượng trong giới nghệ sĩ giải trí, mà cụ thể là thần tượng âm nhạc, chủ yếu là những người trẻ là học sinh, sinh viên, người mới đi làm. Vì vậy, nghiên cứu này chủ yếu tiếp cận và phân tích người hâm mộ ở độ tuổi 16 - 30 này. Để có thể tìm hiểu thấu đáo và cụ thể về người hâm mộ trẻ, đề tài luận án lựa chọn nghiên cứu trường hợp người hâm mộ của ca sĩ nổi tiếng Sơn Tùng M-TP. Sơn Tùng M-TP tên thật là Nguyễn Thanh Tùng, sinh ngày 5/7/1994, quê Thái Bình, là một trong những ca sĩ “hot” nhất trong làng nhạc trẻ hiện nay ở Việt Nam. Là một ca sĩ thành danh từ giới underground, Sơn Tùng hoạt động nghệ thuật từ khi còn là học sinh cấp 3, nhưng chính thức được biết đến rộng rãi từ năm 2013 sau khi xuất hiện trên chương trình Vietnam Idol với ca khúc “Cơn mưa ngang qua”. Sáng tác tầm 20 bài hát, ca sĩ này đã từng giành nhiều giải trên các sân khấu âm nhạc, không ít bài đã trở thành “hit”, có lượt xem cao kỉ lục so với các ca sĩ Việt Nam: “Em của ngày hôm qua”, “Không phải dạng vừa đâu”, “Chúng ta không thuộc về nhau”, “Lạc trôi”, “Nơi này có anh”, “Chạy ngay đi”, “Hãy trao cho anh”... Trong danh sách Top 10 tìm kiếm nhiều nhất trên Google Việt Nam năm 2015 có đến 4 từ khóa liên quan đến nam ca sĩ này. Tháng 10/2017, ca sĩ này còn ra mắt tự truyện Chạm tới giấc mơ với 17.000 bản in. Tháng 7/2019, sau khi MV Hãy trao cho anh được phát hành, với sự góp mặt của những nghệ sĩ nước ngoài và đặc biệt là sự góp giọng của huyền thoại nhạc Rap Snoop Dog của Mỹ thì tên tuổi Sơn Tùng đã vượt xa hơn nữa khỏi lãnh thổ Việt Nam. Sự kiện này được nhắc đến trong một thời gian dài trên các phương tiện truyền thông ở Việt Nam năm 2019. Sơn Tùng cũng trở thành gương mặt thương hiệu, đại diện cho hàng chục nhãn hàng lớn nhỏ, là cái tên xuất hiện liên tục trên báo chí, mạng xã hội, các chương trình truyền hình. Dù mới 4 chỉ tham gia lĩnh vực giải trí được 7 năm nhưng Sơn Tùng đã có một sự nghiệp đáng kể, có lượng người hâm mộ trẻ đông đảo bậc nhất ở Việt Nam hiện nay. Có một điều đặc biệt là không chỉ Sơn Tùng mà cộng đồng người hâm mộ của ca sĩ này cũng luôn là đối tượng, chủ đề bàn luận của báo chí, cộng đồng mạng trong suốt thời gian vừa qua. Các câu lạc bộ người hâm mộ (fanclub - FC) của ca sĩ này dù hoạt động tự phát nhưng khá đông đảo và chuyên nghiệp, thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia. Nghiên cứu trường hợp người hâm mộ Sơn Tùng M-TP sẽ giúp nhận diện các chiều kích của vấn đề người hâm mộ trẻ hiện nay. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Về khía cạnh nghiên cứu, luận án không bao quát mọi khía cạnh của hiện tượng hâm mộ thần tượng (nghiên cứu thần tượng, người hâm mộ, các công ty giải trí, mạng lưới kinh doanh và quản lý thần tượng, mối quan hệ xuyên quốc gia trong ngành công nghiệp kinh doanh thần tượng...) mà tập trung nghiên cứu những thực hành hâm mộ thần tượng của người hâm mộ - những người đã kiến tạo nên thần tượng và tiêu thụ thần tượng theo cách riêng của họ, mặc dù bị chi phối trong mạng lưới về “nghĩa” của thế giới tiêu dùng và ngành công nghiệp giải trí. Luận án chú ý tới các khía cạnh cảm xúc, hành vi tiêu dùng, đặt chúng trong mối quan hệ với việc kiến tạo căn tính của người hâm mộ trẻ. Ngành công nghiệp giải trí có ảnh hưởng không nhỏ trong việc định hướng thẩm mỹ, định hướng thị trường, được công nghiệp hóa trở thành một ngành công nghiệp. Chính trong bối cảnh của ngành công nghiệp này mới khiến xuất hiện nhiều những người nổi tiếng, những thần tượng như hiện nay. Đồng thời, công nghiệp văn hóa cũng tạo nên cả một hệ thống nghĩa mới đối với công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng. Về thời gian nghiên cứu: quá trình nghiên cứu được thực hiện từ giữa năm 2017 đến cuối năm 2019. Về không gian nghiên cứu: chủ yếu tại nội thành Hà Nội vì đây là nơi thường xuyên diễn ra những chương trình, sự kiện văn hóa văn nghệ và thể thao có sự tham gia của các ngôi sao âm nhạc, thể thao trẻ tuổi và các fan hâm mộ của họ. Không chỉ thế, đô thị Hà Nội còn là nơi có cơ sở hạ tầng phù hợp cho những sự kiện giải trí thu hút một số lượng người đông đảo (các sân vận động, nhà văn hoá, trung tâm phát hành vé, trung tâm thương mại - nơi thường được các ekip tổ chức sự kiện thực hiện các chương trình quảng bá, giao lưu, fan meeting...). 5 Ngoài phạm vi nghiên cứu là không gian thực tế, chúng tôi cũng tiến hành nghiên cứu hiện tượng hâm mộ thần tượng và các cá nhân, hội nhóm những người hâm mộ ở không gian trực tuyến (mạng xã hội Facebook, các diễn đàn của fan và anti-fan, ví dụ diễn đàn về Sơn Tùng trên VOZ...). Việc này giúp chúng tôi có thêm cơ sở dữ liệu để chỉ ra được những thứ mà giới trẻ muốn thể hiện cũng như những yếu tố tác động đến quan niệm, thị hiếu, nhu cầu của họ. 4. Phương pháp nghiên cứu Đây là một nghiên cứu định tính với mục tiêu khám phá diện mạo và ý nghĩa của thực hành hâm mộ thần tượng của giới trẻ Việt Nam trong xã hội đương đại. Trước khi lựa chọn các phương pháp nghiên cứu định tính, tôi đã tiến hành khảo sát sơ bộ một số nhóm bạn trẻ hâm mộ thần tượng Việt Nam và K-Pop thông qua phiếu hỏi ý kiến để có được cái nhìn khái quát và những nhận định chung về người hâm mộ và các thực hành hâm mộ của họ (xin xem Phụ lục 1). Sự nhất quán tương đối trong những câu trả lời của các đối tượng được khảo sát này đã giúp tôi có cơ sở để quyết định lựa chọn nghiên cứu định tính đối với một số người hâm mộ trẻ nhằm tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa của hâm mộ thần tượng trong đời sống giới trẻ Việt Nam hiện nay. Các phương pháp định tính bao gồm quan sát tham dự, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm. Ngoài ra, luận án cũng sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp các tư liệu thứ cấp. Trước hết là phương pháp quan sát tham dự. Do có một thời gian dài tìm hiểu trên các mạng xã hội, tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm người hâm mộ, tôi nhận thấy các thực hành hâm mộ thần tượng của giới trẻ đa dạng và đa chiều hơn nhiều so với những gì báo chí phản ánh. Vì vậy, tôi đã đề nghị được trở thành “member” (thành viên) của một số fanclub (FC) như 4 FC của những người hâm mộ Sơn Tùng M-TP, 1 FC của ca sĩ Đức Phúc, 1 FC của những người hâm mộ nhóm nhạc nữ Hàn Quốc T-ara, 1 FC của nhóm EXO, 1 FC của nhóm BTS, ngoài ra tôi còn theo dõi một số FC của các ca sĩ, diễn viên, cầu thủ bóng đá Việt Nam và nước ngoài. Để được chấp nhận là “member” (thành viên), tôi phải trả lời 3-5 câu hỏi của “admin” (ban quản trị FC) để chứng minh được rằng tôi là fan thật sự, tôi phải có những hiểu biết nhất định về thần tượng của cả nhóm và nếu muốn tham gia với tư cách là thành viên chính thức, tôi phải nộp phí định kì và tham gia các hoạt động offline với FC. Quỹ của FC sẽ do một thành viên trong dàn admin giữ để chi tiêu 6 vào những việc chung của FC như mua áo đồng phục, mua bảng đèn cổ vũ, in banner và poster để tổ chức “đu show” cho các thành viên trong nhóm; thuê loa đài để tổ chức các sự kiện offline của FC (kỉ niệm ngày thành lập FC, kỉ niệm ngày thần tượng phát hành album hay bài hát nào đó đáng nhớ, sinh nhật của thần tượng...); làm từ thiện khi có sự kiện như kỉ niệm ngày sinh của thần tượng hoặc khi có những hoàn cảnh cần trợ giúp. Tôi đã tham gia đóng quỹ và trở thành một thành viên chính thức trong một FC của những người hâm mộ Sơn Tùng M-TP tại Hà Nội. Để tăng cường các mối quan hệ và duy trì tư cách thành viên, tôi đã mua “vương miện” đội đầu để cổ vũ khi đi xem show, đi dự offline tại phố đi bộ và tại các quán trà sữa, cà phê cùng với cả FC. Nhờ quá trình này, tôi nhanh chóng làm quen với khá nhiều bạn trẻ cả nam và nữ. Tôi cùng xếp hàng với họ để đợi được vào miễn phí trong một vài show tại phố đi bộ theo quyền lợi của các thành viên chính thức trong FC, cùng họ kêu gọi những người hâm mộ khác mua vương miện cổ vũ Sơn Tùng, cùng hồi hộp săn vé trên hệ thống VinID và xếp hàng tại cửa hàng Circle K để đổi 3 thùng Pepsi lấy vé Vvip. Tôi cũng từng tụ tập từ 7 rưỡi sáng đến 12 giờ đêm để tham dự Skytour (một liveshow có bán vé của Sơn Tùng năm 2019) cùng FC. Nhờ vậy, dù hơn tuổi khá nhiều nhưng các bạn trẻ này coi tôi như “người trong cùng gia đình Sky” của họ. Tôi đã cùng họ có những trải nghiệm tuyệt vời trong suốt quãng thời gian từ 2017 đến nay. Ngoài quan sát tham dự những hoạt động thực tế của FC này, tôi còn tham gia bình luận trên facebook của các FC khác, để có những thông tin, những trải nghiệm khác của một thành viên online. Phương pháp này đã giúp tôi thu được những tư liệu quan trọng, những cảm nhận sinh động, thực tế, vừa bao quát vừa cụ thể từ góc độ của người trong cuộc. Phương pháp phỏng vấn sâu được triển khai dựa trên những hiểu biết và mối quan hệ tôi có được từ quá trình quan sát tham dự dài ngày. Từ một vài thông tín viên thân thiết, phương pháp “quả cầu tuyết” (snowball) đã giúp tôi mở rộng mạng lưới những người có thể phỏng vấn. Tôi đã tiến hành các cuộc phỏng vấn với 45 bạn trẻ là những người hâm mộ của các ca sĩ, diễn viên, cầu thủ bóng đá của Việt Nam và nước ngoài, trong đó 30 bạn là người hâm mộ của ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Họ là những người thể hiện tình cảm nồng nhiệt với thần tượng (like, share và comment liên tục tại các fanpage, các diễn đàn về thần tượng, nhiệt tình trong các sự kiện của FC). Các bạn trẻ được lựa chọn phỏng vấn khá đa dạng về độ tuổi, nghề 7 nghiệp, trình độ, quê quán. Họ là sinh viên (26 bạn), học sinh (6 bạn), người đã đi làm (13 bạn, trong đó có 5 bạn làm các công việc văn phòng như y tá, giáo viên, luật sư, nhân viên truyền thông; 6 bạn còn lại kinh doanh tự do hoặc là nhân viên bán hàng); 14/45 bạn được phỏng vấn là người Hà Nội, còn lại là các bạn đến từ nhiều tỉnh thành miền Bắc, miền Trung và cả miền Nam. Đây là những bạn trẻ trong độ tuổi từ 16 - 30 (cũng có một số ít bạn ngoài 30 tuổi - 4 bạn). Những bạn là fan của ca sĩ Sơn Tùng M-TP chủ yếu sinh sống tại nội thành Hà Nội (13/30 bạn). Ngoài ra cũng có một vài trường hợp ngoại lệ (là người sống ở Sài Gòn hoặc tỉnh ngoài nhưng đến Hà Nội để “off” - họp fan với những người hâm mộ khác). Với một số fan sống ở Sài Gòn, qua thông tín viên của mình - cũng là thành viên của một FC, tôi đã liên hệ được với 2 admin của FC này. Khi họ ra Hà Nội công tác, tôi có dịp cùng gặp gỡ, đi ăn, đi uống nước cùng họ và các admin đầu cầu Hà Nội. Nhờ có những hiểu biết nhất định về Sơn Tùng M-TP, tôi bắt chuyện và hòa nhập khá nhanh với họ. Trong các cuộc phỏng vấn bán cấu trúc được thực hiện trong khoảng từ 60 - 120 phút, những người tham gia cùng tôi trao đổi và chia sẻ về một số chủ đề: Cách họ được giới thiệu/ biết tới thần tượng, tại sao hâm mộ thần tượng này; Những khía cạnh của thần tượng mà họ thích hoặc không thích; Cách mà họ thể hiện sự hâm mộ của mình và Tại sao họ lại hâm mộ như vậy? Cách hâm mộ của họ có ảnh hưởng từ đâu?; Những sự thay đổi về cảm xúc, suy nghĩ, quan điểm, thị hiếu, thẩm mỹ từ khi hâm mộ ca sĩ này? Họ muốn cho người khác thấy họ là những người hâm mộ như thế nào? Cách họ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho các hoạt động của người hâm mộ... Tất cả các cuộc phỏng vấn đều bắt đầu bằng câu chuyện về các ngôi sao thần tượng, cấu trúc của cuộc phỏng vấn được phát triển linh hoạt theo các chủ đề nổi lên trong suốt quá trình phỏng vấn. Nội dung các cuộc phỏng vấn được ghi âm hoặc được ghi chép lại dưới dạng nhật kí, kết hợp với quá trình quan sát tham dự, có những đối tượng được phỏng vấn nhiều lần nhằm đảm bảo tính chính xác, tin cậy và phong phú của thông tin. Phương pháp phỏng vấn sâu với nguyên tắc ẩn danh cho phép người được phỏng vấn bộc lộ một cách thành thật, tự nhiên những thị hiếu, sở thích của họ, thậm chí cả sự điên rồ, cuồng nhiệt của họ đối với thần tượng một cách không ngại ngùng. Phương pháp này đã giúp tôi có được sự hiểu biết sâu và đa chiều hơn về 8 những cảm xúc, hành vi của các cá nhân và nhóm người hâm mộ. Những hiểu biết này một mặt bổ sung tư liệu, một mặt là sự phản biện với những gì mà báo chí phản ánh về hiện tượng hâm mộ thần tượng của giới trẻ Việt Nam trong những năm vừa qua vì thực sự, trước khi tiếp cận những người hâm mộ cụ thể, tôi cũng từng có cái nhìn đầy định kiến về họ. Bên cạnh việc phỏng vấn những bạn trẻ là fan của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, tôi cũng tiến hành phỏng vấn một số fan của các ca sĩ, nhóm nhạc, cầu thủ nổi tiếng và một số nhà báo, người làm truyền thông về các vấn đề như: các yếu tố làm nên sự nổi tiếng và thành công của một ngôi sao, những yếu tố tác động đến việc hâm mộ thần tượng ở giới trẻ hiện nay, mối quan hệ giữa các ngôi sao với truyền thông và các thương hiệu, giữa thần tượng với người hâm mộ... Ngoài phương pháp phỏng vấn sâu, tôi còn tiến hành 4 cuộc thảo luận nhóm (mỗi nhóm từ 3-5 người) với mục đích tăng tính tương tác, tranh luận giữa các cá nhân người hâm mộ để tìm hiểu những suy nghĩ, góc nhìn đa chiều về thần tượng và những thực hành hâm mộ cụ thể của các bạn trẻ hiện nay, cũng như để tìm những điểm chung mang tính bối cảnh mà những người trẻ cùng trang lứa như họ từng trải qua, chẳng hạn các kênh truyền hình, các trang web họ thường xem, các ứng dụng internet và các trang mạng xã hội họ từng sử dụng, các dấu mốc thời gian và các sự kiện văn hóa có liên quan tới quá trình hâm mộ thần tượng của họ. Nghiên cứu người hâm mộ trẻ cũng gặp một số khó khăn nhất định. Các bạn trẻ tuy khá cởi mở, sôi nổi trong khi nói chuyện, tuy nhiên cũng không dễ để sắp xếp một buổi hẹn bởi họ thường xuyên phải học theo giờ giấc không ổn định (học tín chỉ), hoặc đi thi, đi làm thêm... Do vậy, ngoài gặp gỡ ở quán cà phê, tôi đã tham gia với các bạn trẻ một số sự kiện có thần tượng của họ biểu diễn, tham gia các buổi họp fan của họ (đi ăn, đến trường mà họ học...) và thường xuyên trò chuyện với họ qua mạng xã hội trực tuyến để tìm hiểu những thông tin từ họ. Do đặc trưng về giao tiếp và tương tác của lứa tuổi trong bối cảnh truyền thông và mạng xã hội hiện nay, để khắc phục những hạn chế của việc phỏng vấn trực tiếp, tôi còn sử dụng phương pháp phân tích văn bản, coi những nội dung, thông tin trên các trang fanpage của các nhóm fandom, các fanclub và các tài khoản facebook của các cá nhân người hâm mộ trẻ như là một văn bản để phân tích, đánh giá. 9 Ngoài ra, để hỗ trợ cho những bàn luận và diễn giải của mình, chúng tôi cũng sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp các tư liệu thứ cấp. Nguồn tài liệu mà chúng tôi tiếp cận và xử lí bao gồm: các tài liệu nghiên cứu về giới trẻ và văn hóa giới trẻ, các tài liệu về thần tượng, người nổi tiếng và hâm mộ thần tượng trên thế giới và ở Việt Nam, các tài liệu về bối cảnh đương đại ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung bao gồm toàn cầu hóa, truyền thông, văn hóa đại chúng, văn hóa tiêu dùng đặt trong mối quan hệ với văn hóa giới trẻ. Mặc dù hâm mộ thần tượng là một hiện tượng văn hóa nổi bật ở giới trẻ Việt Nam trong khoảng 20 năm trở lại đây, tuy nhiên, các tài liệu nghiên cứu của Việt Nam về hiện tượng này hầu như rất ít, chủ yếu là các tư liệu báo chí truyền thông, trong khi tư liệu nước ngoài lại khá đồ sộ. Do vậy, để thu thập các tư liệu này, tôi chủ yếu phải sử dụng các công cụ tìm kiếm như: Google, Google Scholar, ResearchGate, Academia.edu,... và khai thác tối đa các nguồn tài liệu hỗ trợ từ phía các thầy cô và các chuyên gia. Đây là nền tảng ...ở thành sự kiện nổi tiếng. Tuy nhiên, với những nhân vật nổi tiếng với thời gian như Elvis Presley, công nương Diana... thì ngoài những phẩm chất độc đáo, sự nổi tiếng của họ còn được thúc đẩy bởi truyền thông. Theo Rojek [160], người nổi tiếng được chia thành ba loại: người nổi tiếng do nhân thân của họ (chẳng hạn như các thành viên trong gia đình hoàng gia), người nổi tiếng do tài năng thực sự của họ (nổi tiếng do tự họ đạt được, chẳng hạn các ngôi sao phim ảnh) và người nổi tiếng do thu hút truyền thông và được truyền thông gán cho sự nổi tiếng (chẳng hạn những người nổi lên nhờ các scandal hoặc được truyền thông chú ý đến). Thần tượng hay người nổi tiếng cũng được xem xét với những chức năng xã hội đặc thù. Bài viết của Nguyễn Thu Giang [16] về “Hiện tượng người nổi tiếng và chức năng xã hội của nó” đã chỉ ra rằng người nổi tiếng như một diễn ngôn, bao chứa quyền lực và được kiến tạo nên, như là hàng hóa. Tác giả cho rằng việc nhìn nhận người nổi tiếng như một diễn ngôn dẫn đến việc có thể nhìn nhận họ như một văn bản (text) để từ đó có thể “đọc” và tìm ra những ý nghĩa của văn bản đó trong điều kiện lịch sử, xã hội nhất định. Bài viết cũng chỉ ra ba chức năng chính của người nổi tiếng: chức năng cân bằng nhu cầu giao tiếp liên cá nhân của con người đô thị, chức năng cung cấp những căn tính mới đa dạng và chức năng củng cố ý thức hệ. Ngoài ra, người nổi tiếng có chức năng thúc đẩy tiêu dùng, “danh tiếng của họ là một tài sản thương mại là nền tảng cho sự nghiệp của họ và phải được duy trì và có chiến lược nếu họ tiếp tục hưởng lợi từ nó”, và nghiên cứu về người nổi tiếng là cần thiết “để tìm ra cách lập bản đồ và hiểu được tầm quan trọng cấu trúc ngày càng tăng của việc sản xuất và tiêu thụ danh tiếng đối với ngành công nghiệp truyền thông và giải trí” (Turner) [173, tr. 16-18]. Trong bài viết của mình, Turner cũng bàn thêm về truyền thông, văn hóa đại chúng, giải trí và tiêu dùng trong mối quan hệ với chức năng xã hội và chức năng văn hóa của người nổi tiếng: “Chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự lan rộng của văn hoá người nổi tiếng đã đạt đến giới hạn của 22 nó. Thay vào đó, nội dung người nổi tiếng đã trở thành nền tảng cho các phương tiện truyền thông trong thế kỷ XXI. Từ tạp chí thị trường đại chúng đến các chương trình truyền hình hàng đêm cho đến các ấn bản trực tuyến, tin tức về người nổi tiếng đã chứng tỏ khả năng thu hút sự chú ý và thúc đẩy tiêu dùng” [176, tr. 11]. 1.1.2.2. Những khuynh hướng nghiên cứu về người hâm mộ Hâm mộ thần tượng trở thành một hiện tượng nổi bật của giới trẻ thời đại hiện nay với 70% giới trẻ có ít nhất một thần tượng (Chan) [85]. Cứ trong ba người thì có ít nhất một người tham gia vào việc hâm mộ người nổi tiếng (Maltby, Houran, McCutcheon [141]). Người hâm mộ chủ yếu được nghiên cứu từ góc độ là một nhóm/ cộng đồng, một tiểu văn hóa dựa trên sự chia sẻ những nhu cầu, mục đích và ý nghĩa chung (Kozinets [135]; Stever [169]; Click & Holladay [91]; Deen [92]; Phan Thanh Thanh [171]; Duong Nguyen Hoai Phuong [157]). Có một số lí do để nghiên cứu về người hâm mộ. Trước hết, sự hâm mộ là một sự phản chiếu về chính chúng ta, bao gồm thị hiếu và giá trị của chúng ta (Deen [92]; Jia, Hung và Zhang [131]). Theo Deen, các fan hâm mộ như một người tiêu dùng đặc biệt đã trở thành trung tâm của các chiến lược tiếp thị truyền thông, người hâm mộ thực sự có một vai trò quyết định trong việc tuyên truyền các sản phẩm văn hóa thông qua sự tiêu dùng của họ; fandom mở ra diễn ngôn về quyền lực, thần tượng được miêu tả là một dạng năng lượng mềm nơi mà những thị hiếu, khoan dung văn hóa thay đổi bị ảnh hưởng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các thành phần của nó. Nghiên cứu về người hâm mộ có thể cung cấp câu trả lời cho các vấn đề hiện đại toàn cầu [92]. Jia, Hung và Zhang [131] thì lí giải rằng bởi vì nó quan trọng đối với người hâm mộ, đặc biệt là cảm xúc của họ. Nghiên cứu về fandom cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc hơn về cách mọi người kết nối với những người khác, cũng như cách họ đọc các văn bản thông qua trung gian (các idol) để tạo nên thế giới, cung cấp cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa hiện tượng fandom và các biến đổi xã hội và văn hóa bao trùm trên thế giới. Fandom đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại của chúng ta và nó ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các mô hình tiêu dùng, giao tiếp, nhận dạng và sáng tạo toàn cầu. Hay nói khác đi, nghiên cứu về nhóm người hâm mộ có thể mang lại hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ giữa công chúng với truyền thông đại chúng và cách thức mà truyền thông đang kiến tạo nên căn tính của mỗi cá nhân. 23 Một số nghiên cứu chỉ ra các vai trò của người hâm mộ. Galuszka [105] trong bài viết “New Economy of Fandom” [Nền kinh tế mới của người hâm mộ] đã thảo luận về năm vai trò mới mà người hâm mộ có thể đóng: nhà tài trợ, người đồng sáng tạo giá trị, các bên liên quan, nhà đầu tư và người kiểm duyệt (bộ lọc). Những vai trò này là các yếu tố của các loại mối quan hệ mới giữa người hâm mộ và nghệ sĩ, đó là biểu hiện của sự xuất hiện của cái có thể gọi là nền kinh tế mới của fandom. Sự xuất hiện của nền kinh tế mới của fandom có thể dẫn đến việc xác định lại ý nghĩa của việc trở thành một người hâm mộ và đòi hỏi người hâm mộ phải được nghiên cứu. Người hâm mộ còn được nghiên cứu như một mạng lưới hùng mạnh có vai trò như người mua, người tiêu dùng và người quảng bá nhiệt tình cho người nổi tiếng. Những người hâm mộ được kết nối bởi truyền thông xã hội để tạo thành một cộng đồng ảo. Họ là những người quảng bá công khai cho các thần tượng của mình thông qua các hoạt động cụ thể: tham dự show diễn, xem phim, mua các sản phẩm của thần tượng hoặc do thần tượng làm đại diện quảng cáo. Họ còn là người tạo ra các văn bản, hình ảnh, video để quảng bá cho thần tượng (Marshall [143]). Người hâm mộ đã tận dụng các nền tảng truyền thông để thiết lập nên cộng đồng của mình. Deen trong bài “Formation, Purpose and Gains: An Exploratory Study of Hallyu Fanclubs in the Philippines” [Sự hình thành, mục đích và lợi ích: một nghiên cứu về các câu lạc bộ Hallyu ở Philippines] đã chỉ ra rằng các FC Hallyu được thành lập ở đất nước này bởi những người hâm mộ với mục đích chính là hỗ trợ nghệ sĩ, thống nhất người hâm mộ Phillipines và tiếp thị cho nghệ sĩ [92]. Các nghiên cứu về người hâm mộ lập luận rằng người hâm mộ luôn đi đầu trong các biến đổi của ngành truyền thông, đặt ra vấn đề xác định lại mối quan hệ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nền kinh tế kỹ thuật số (Hills [118], Scott [164]). Các hoạt động của người hâm mộ ít nhất đã gián tiếp mang lại lợi ích cho các tập đoàn hùng mạnh. Người hâm mộ cũng không phải là một khối thụ động mà họ có khả năng giải mã sáng tạo những ý nghĩa đa dạng từ hình ảnh ngôi sao, do đó họ là những khán giả năng suất, những khán giả khác biệt và những người đọc các văn bản và hình ảnh truyền thông một cách tích cực, sáng tạo (Fiske [101]). Do vậy, fandom truyền thông đang nhanh chóng được 24 xây dựng như một chiến địa màu mỡ - nơi các nền kinh tế quà tặng trực tuyến và văn hóa hàng hóa sẽ được đàm phán (Scott [164]). Nhiều nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân khiến các cá nhân bị thu hút và hâm mộ thần tượng của mình. Theo Yue & Cheung [181, tr. 91], sự tôn thờ thần tượng ở vị thành niên được hình thành từ sự lôi cuốn bởi những nhân vật nổi tiếng mà họ yêu thích. Thanh thiếu niên thường xây dựng những mối quan hệ tưởng tượng giữa họ và những con người xa xôi, như ngôi sao nhạc Pop và những người nổi tiếng trong các bộ phim và điều này có thể được hiểu như là một sự chuyển đổi mối quan tâm, tình cảm đối với người nuôi nấng và những mối quan hệ thân tình sang những mối quan hệ lãng mạn hơn ở thanh thiếu niên. Với nhiều cá nhân, thần tượng là người đầu tiên mang đến cho họ những ham muốn về tình dục ở thời niên thiếu dù chỉ bằng cách chiêm ngưỡng các poster (tranh ảnh). Đến thời trung niên, thần tượng giúp họ “quay trở lại thời thanh niên” (Anderson [72]). Đây có lẽ là sự lí giải cho việc nhiều người trung tuổi vẫn hâm mộ một cách trung thành với thần tượng từ thời trẻ của mình (Kotarba [132], Anderson [72]). Một số nghiên cứu khác đã chỉ ra bản chất hướng nội và sự thiếu vắng các mối quan hệ xã hội trong thực tế khiến người hâm mộ trẻ mải mê tập trung sự chú ý vào thần tượng (Green & Adam-Price [113]; McCutcheon, Lange và Houran [140]). Sự tôn thờ thần tượng ở thanh thiếu niên được xem là một hoạt động bền vững được duy trì bởi ngành công nghiệp giải trí và báo chí (Yue, Wong và Cheung [182]; Turner [174]). Người nổi tiếng do đó cũng cần phải được hiểu và nghiên cứu như là “một ngành công nghiệp” và như “một loại hàng hóa” [175, tr. 16-18]. Nó là một sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, tạo ra lợi nhuận bằng cách nuôi dưỡng chủ nghĩa tiêu dùng thông qua việc tôn thờ các ngôi sao (Dyer) [96]. Những người nổi tiếng được sử dụng trên truyền thông như người phát ngôn cho các sản phẩm và dịch vụ nhắm đến những người trẻ tuổi. “Tôn thờ thần tượng có thể trở nên phổ biến hơn như hiện nay là do thu nhập ngày càng tăng của người dân để duy trì việc mua các sản phẩm liên quan đến hâm mộ thần tượng (Hall 1964, Jenson 1992)” (Dẫn theo Cheung & Yue) [87, tr. 251]. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bối cảnh xã hội và đặc thù địa phương là một yếu tố chi phối đến việc lựa chọn ai là thần tượng của giới trẻ (Liu [136]; Yue, Cheung & Wong [182]). Nếu như thanh thiếu niên Hồng Kông thể hiện sự hâm mộ 25 tới chủ yếu là các ngôi sao liên quan đến giải trí thì thanh thiếu niên ở Trung Quốc đại lục lại quan tâm nhiều hơn đến các thần tượng về chính trị. Điều này được Yue, Cheung, và Wong [182] giải thích là có liên quan đến sự theo đuổi chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy lí ở thanh thiếu niên ở hai địa phương này. Theo đó, thanh thiếu niên Hồng Kông thường chú ý tới các tính năng tình dục và lãng mạn của thần tượng trong khi thanh thiếu niên Trung Quốc đại lục lại theo lại tập trung vào các tính năng ý thức hệ và ý thức của thần tượng của họ. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng có một mối tương quan nhất định giữa sự tự ý thức của các cá nhân với hâm mộ thần tượng, nữ giới có thái độ tôn thờ thần tượng cao hơn nam giới trong khi đó nam giới có mức độ yêu bản thân cao hơn nữ giới. Các xu hướng và các cấp độ hâm mộ thần tượng cũng là chủ đề của một số nghiên cứu. Có hai xu hướng hâm mộ thần tượng ở giới trẻ đó là: học tập, bắt chước những hình mẫu thần tượng trên truyền thông (mô hình vai trò học tập), và phê phán những biểu hiện xấu của thần tượng trên truyền thông (mô hình vai trò phủ định) (Chan [85]). McCutcheon, Lange và Houran (2002) đã khái niệm hóa sự tôn thờ thần tượng (celebrity worship) và phát triển một thang đo thái độ thần tượng (celebrity attitude scale) với 3 cấp độ:  Cấp độ đầu tiên đó là mức “giải trí - xã hội”. Ở mức này, người hâm mộ chỉ đơn giản là thích và thảo luận về những điều thần tượng làm.  Cấp độ thứ hai, người hâm mộ thường xuyên nghĩ về thần tượng, có thể là hàng ngày, hàng giờ, được gọi là cấp độ “mãnh liệt - cá nhân”. Những người ở mức này thường tham gia vào các fan club, có tính hướng nội và hành động cảm tính.  Cuối cùng là mức “ranh giới - bệnh lý”, ám chỉ những người hâm mộ sẵn sàng làm mọi việc phạm pháp nếu được thần tượng yêu cầu. Người ở mức này có biểu hiện cực đoan như ảo tưởng thần tượng yêu mình (erotomania), chủ động theo dõi thần tượng, thậm chí viết thư từ với nội dung không phù hợp cho thần tượng [140]. North và Hargreaves [151] còn thêm vào thang đo trên một mức độ hâm mộ nữa, gọi là “bắt chước tai hại”. Người hâm mộ ở mức độ này sẵn sàng bắt chước mọi hành vi của thần tượng, dù là nhỏ nhất. Bất cứ ai rơi vào hai mức độ cuối cùng trong thang này có thể được gọi là một “fan cuồng”. Tình trạng fan cuồng diễn ra 26 đặc biệt nhiều ở lứa tuổi vị thành niên, khi nhân cách chưa phát triển hoàn chỉnh và dễ chịu tác động của bạn bè cùng trang lứa. Khi trở thành fan cuồng, con người bắt đầu có những hành động quá khích. Động cơ hành động của họ có nguyên tắc khá giống các chất gây nghiện. Họ có xu hướng xây dựng bản thân theo hình mẫu của thần tượng, thậm chí tưởng tượng thần tượng yêu mình và phụ thuộc vào mình Một số nghiên cứu quan tâm đến mối quan hệ và tác động qua lại giữa thần tượng và người hâm mộ. Mối quan hệ xã hội cộng sinh giữa fan và thần tượng đã được Stever chỉ ra như sau: 1. Các tiểu văn hóa người hâm mộ đã tạo cơ hội để phát triển các kĩ năng quý giá cho nghề nghiệp sau này ở người hâm mộ; 2. Người hâm mộ có nhiều cơ hội để tạo dựng mạng lưới xã hội của mình (thậm chí là mạng lưới quan hệ xuyên quốc gia); 3. Người hâm mộ được tham gia vào các hoạt động cộng đồng có sự hợp tác giữa fan và nghệ sĩ, chẳng hạn như các hoạt động từ thiện; 4. Sự tương tác giữa người hâm mộ và thần tượng mang lại cho người hâm mộ cảm giác được đóng góp vào sự nghiệp và thành công của nghệ sĩ; 5. Việc trở thành người hâm mộ của ai đó mang lại nhiều hứng thú cho cuộc sống thường ngày nhàm chán của họ [169, tr. 2]. Các “quyền lợi” của fan hâm mộ mà Stever chỉ ra qua ý 4 và 5 cho thấy rằng qua những thực hành hâm mộ thần tượng, người hâm mộ có thể có được cảm giác quyền lực và cảm giác được lấp đầy cảm xúc. Đây là những “quyền lợi” vô hình nhưng lại có vai trò lớn trong việc gắn bó của fan với thần tượng. Do tồn tại một mối quan hệ hữu cơ giữa thần tượng và người hâm mộ nên những tác động về mặt hiệu quả của việc quảng cáo khi các thương hiệu sử dụng hình ảnh người nổi tiếng và sự xác nhận của họ (celebrity endorsement) về một hàng hóa, một sản phẩm trong quảng cáo đối với giới trẻ là rất lớn (Chan và cộng sự) [86]. Sự ảnh hưởng của người nổi tiếng đến giới trẻ/ người tiêu dùng phụ thuộc ba yếu tố: mức độ nổi tiếng (quen thuộc, quen mặt) của người nổi tiếng, hình ảnh tích cực của người nổi tiếng, và sự tương đồng giữa người nổi tiếng và các nhãn hàng mà họ đại diện/ quảng cáo. Bên cạnh đó, cũng có những nghiên cứu chỉ ra tác động tiêu cực của việc hâm mộ thần tượng một cách cuồng tín. Jenson [130] cho rằng, hâm mộ thần tượng làm suy giảm thành tích học tập của thanh thiếu niên. Việc đam mê quá mức một thần tượng nào đó cũng làm tăng chứng loạn thần kinh, bạo lực, tự tử, sex, sử dụng ma túy và nói tục ở giới trẻ (Lynxwiler & Gay) [139]. Ngoài ra sự hâm mộ quá mức 27 thần tượng cũng liên quan đến sự suy giảm sức khỏe (Maltby và cộng sự) [141]. Một số nghiên cứu cũng phản ánh sự liên quan giữa sự kém yêu mến chính mình với bệnh tâm thần, bởi hâm mộ thần tượng liên quan đến sự lo lắng, phiền muộn và triệu chứng rối loạn chức năng xã hội (North và cộng sự) [152]. 1.1.2.3. Những nghiên cứu về hâm mộ thần tượng và kiến tạo bản sắc ở giới trẻ Hâm mộ thần tượng còn được soi chiếu dưới góc độ kiến tạo bản sắc. Giới trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thần tượng của mình, chẳng hạn về vai trò giới (Chan [85], Anderson [72], Parker [155]) hay tự nhận thức về bản thân (Ka Ki Cheung [89], Cheung và Yue [87]). Thần tượng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tự nhận thức và phát triển bản sắc của giới trẻ. Những người hâm mộ trẻ tuổi xem xét một thần tượng nổi tiếng như là hình ảnh tự tưởng tượng của họ (Chan [85]). Trong nghiên cứu về việc những cô gái trẻ (10-12 tuổi) học được gì về vai trò giới từ những người nổi tiếng, Chan [85] cho rằng các cô gái này lấy cảm hứng từ những người nổi tiếng và nhân vật truyền thông để theo đuổi một nhận dạng đó là thông minh, thành đạt, độc lập, tự tin và biểu cảm. Kết quả này cũng tương tự như nghiên cứu về giới trẻ ở Hong Kong, những người thường xuyên tiêu thụ tạp chí phụ nữ để xây dựng một hình ảnh lí tưởng về sự hiện đại và vẻ đẹp nổi bật (Fung) [102]. Sự khác biệt là nếu như các cô gái trẻ (10-12 tuổi) tập trung hơn vào tài năng, năng lực của những người nổi tiếng và các nhân vật truyền thông thì những người được phỏng vấn trong nghiên cứu của Fung [102] (về độc giả của tạp chí phụ nữ) nhấn mạnh nhiều đến trang phục của người nổi tiếng và các mô hình nổi bật trên các tạp chí. Người nổi tiếng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định vai trò giới của các cô gái trẻ theo hướng xác định rõ ràng các mô hình giới tích cực và tiêu cực. Kozinets [135] qua nghiên cứu về người hâm mộ Star Trek cho rằng các sản phẩm tiêu dùng giải trí (văn hóa đại chúng thương mại) đã góp phần vào việc xây dựng bản sắc và ý thức về những gì quan trọng trong cuộc sống, khám phá lí do tại sao một số hành vi và sản phẩm nhất định được văn hóa coi là thiêng liêng hay thế tục. Kozinets đã chỉ ra cách thức căn tính của người hâm mộ đã được kiến tạo nên để kết nối với các ý tưởng có tính lý tưởng và được tích hợp vào trong truyền thông như thế nào. Theo ông, Star Trek bao hàm những ý nghĩa liên quan đến chủ nghĩa quân bình, hi vọng và chủ nghĩa không tưởng. Mỗi người hâm mộ - người tiêu dùng 28 sẽ có cách giải mã khác nhau về seri phim này và sự giải mã của họ sẽ phản ánh về hình ảnh thế giới mà họ mong muốn. Còn Ka Ki Cheung [89] đã tập trung phân tích các khía cạnh của việc tiêu thụ thần tượng (idol consumption) và kiến tạo bản sắc (identity construction) ở người hâm mộ trẻ Hồng Kông và nhận định rằng việc tiêu thụ các ý nghĩa từ hâm mộ thần tượng có vai trò quan trọng trong việc tự nhận thức và phản kháng của giới trẻ. Cách tiêu thụ thần tượng của giới trẻ còn cho thấy nhiều điều về bối cảnh kinh tế, văn hoá, xã hội mà họ sống. Tiêu thụ thần tượng ở fandom Jay Chou (một ca sĩ thần tượng của Hồng Kông) được Anthony Y.H. Fung (2009) giải thích có liên quan đến sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng XHCN của đất nước này. Trong nghiên cứu này, tác giả đã chỉ ra cách mà Jay Chou đã bán hình ảnh “cool” của mình cho khán giả của anh ấy. Người hâm mộ tiêu thụ thần tượng là tiêu thụ ý nghĩa về chủ nghĩa cá nhân, sự độc lập, bướng bỉnh, những giá trị của văn hóa giới trẻ trong các xã hội phương Tây tự do. Việc tiêu thụ thần tượng này được phân tích trong mối liên hệ với sự trỗi dậy của văn hóa đại chúng và chủ nghĩa tiêu dùng ở Trung Quốc - như một dấu hiệu biểu đạt cho tự do, khi công chúng tự lựa chọn thị trường và theo đuổi những ham muốn và thú vui cá nhân - điều mà dưới chế độ độc tài trước đây không thể có, đồng thời phản ánh những va chạm về chuẩn mực và giá trị xã hội trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường XHCN. Cách tiêu thụ thần tượng ở giới trẻ Trung Quốc được chỉ ra là cách mà thế hệ mới này đối phó với nền văn hóa tiêu dùng toàn cầu và cách họ hiểu những hình ảnh trong văn hóa đại chúng trong quá trình tìm kiếm bản sắc và khám phá những giá trị giới tính của họ [103]. Các thần tượng không chỉ là cầu nối giữa giới trẻ với thế giới, với các nền văn hóa khác, gia tăng cơ hội học hỏi mà còn là phương tiện để người hâm mộ tìm kiếm và nhận ra những căn tính phù hợp với bản thân mình (Phan Thanh Thanh [171]). Việc lấy thần tượng ngôi sao và người nổi tiếng làm hình mẫu góp phần tích cực cho việc củng cố sự tự tin ở giới trẻ. Theo Cheung và Yue (2003), “tôn thờ thần tượng không phải luôn luôn gây bất lợi cho sự phát triển của thanh niên. Nó có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của thanh niên ở Hồng Kông” [88]. Từ đó, các tác giả cho rằng những người hâm mộ trẻ tuổi cần phải đóng vai trò tiên phong 29 trong việc lựa chọn hình mẫu từ các thần tượng mà họ hâm mộ, tránh trở thành nô lệ cho các thần tượng, bởi điều đó có thể làm suy yếu sự tự tin, tiềm năng và phẩm giá của họ. Quay lưng lại với các ngôi sao được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp (sao nhất thời) và di chuyển về phía những ngôi sao tỏa sáng qua thời gian (ngôi sao nổi tiếng bởi thực lực) sẽ là đường đi đúng đắn cho việc hâm mộ thần tượng (Cheung & Yue) [88]. Ở Việt Nam, hâm mộ thần tượng được nhắc đến chủ yếu trong các bài báo mô tả về các fan cuồng của K-Pop, hoặc được nhắc đến một cách ngắn gọn, sơ lược như một hệ quả của sự ảnh hưởng của truyền thông đến thị hiếu, lối sống, văn hoá tiêu dùng của giới trẻ (Phan Thị Oanh [44], Đặng Thiếu Ngân [41]) và việc hình thành hệ giá trị cho giới trẻ Việt Nam (Đặng Thị Thu Hương [31], Lê Thị Phước Thảo [54]), chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào về hiện tượng văn hóa này ở giới trẻ từ góc nhìn chủ thể, góc nhìn kiến tạo bản sắc. Có thể nói, đây chính là khoảng trống để đề tài luận án của tôi quan tâm bổ sung, làm rõ. Như vậy, hiện tượng hâm mộ thần tượng ở giới trẻ đã được nghiên cứu từ nhiều góc nhìn, khía cạnh khác nhau trong các nghiên cứu nước ngoài, chủ yếu tập trung vào chức năng của thần tượng (người nổi tiếng) và vai trò, ảnh hưởng của thần tượng đến giới trẻ; mối quan hệ giữa fan hâm mộ và thần tượng; sự thúc đẩy giải trí và tiêu dùng dựa trên hâm mộ thần tượng. Từ những nghiên cứu trên có thể thấy hâm mộ thần tượng là thực hành văn hóa xuất phát từ cả nhu cầu tâm lí và nhu cầu xã hội của mỗi cá nhân. Yếu tố tâm lí khiến cá nhân yêu thích thần tượng nào đó mà có thể hoặc đôi khi chính họ không thể lí giải được. Yếu tố xã hội là những bối cảnh tác động, chi phối khiến cá nhân lựa chọn yêu thích người nào đó. Sự lựa chọn hâm mộ và cách hâm mộ một ai đó sẽ cho thấy cá tính, bản sắc của mỗi người. Dù còn ít khai thác đến những thực hành hâm mộ thần tượng cụ thể cũng như ý nghĩa của việc hâm mộ thần tượng trong việc xây dựng căn tính cá nhân, tuy vậy, các nghiên cứu này là những gợi ý quan trọng để chúng tôi kế thừa và phát triển trong luận án của mình. 30 1.2. Cơ sở lý luận và các khái niệm liên quan 1.2.1. Các khái niệm được sử dụng trong luận án Giới trẻ Khái niệm “giới trẻ” (youth) là chủ đề còn nhiều tranh luận của các học giả ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Có nhiều thuật ngữ khác nhau được sử dụng để nói về những người trẻ như: tuổi trẻ, giới trẻ, thanh niên, thanh thiếu niên... tuy nhiên vẫn chưa có một định nghĩa khoa học nào cho khái niệm này được giới nghiên cứu chấp nhận rộng rãi. Trong ngôn ngữ đời thường, giới trẻ hay thanh niên (youth) được hiểu là “Người còn trẻ, đang ở độ tuổi trưởng thành” (Từ điển tiếng Việt 2003) [66, tr. 913]; hoặc “Là người trẻ tuổi, trong giai đoạn giữa tuổi thơ ấu và tuổi người lớn, hăng hái, nhiệt tình hoặc thiếu kinh nghiệm hoặc chỉ những đặc trưng khác của độ tuổi này. Khi được dùng ở dạng số nhiều thì từ này chỉ tập hợp những người trẻ tuổi” (Từ điển Oxford 1994, tr. 877, Dẫn theo Phạm Hồng Tung) [60, tr. 39]. Xét về độ tuổi, Mizuko Ito và cộng sự [124, tr. 9] sử dụng thuật ngữ “trẻ em” (kids) đối với những người 13 trở xuống, “thiếu niên” (teens) đối với những người tuổi từ 13 đến 18, và “người trẻ” (young people) cho thiếu niên và người lớn trẻ tuổi từ 13 đến 30. Đặng Cảnh Khanh cho rằng thanh niên là những người từ 15 - 34 tuổi, chiếm 1/3 dân số cả nước [35, tr. 76]. Theo Mary Bucholtz [80], tùy theo cấu trúc và đặc trưng xã hội, về tâm sinh lí (của tộc người hay chủng tộc) hay ở từng hoàn cảnh, đặc biệt ở xã hội hiện đại, tuổi thanh niên có thể giãn biên độ ngoài tuổi 40 và trước tuổi 15. Như vậy, giới trẻ được hiểu là những người trẻ tuổi, có thể trùng với độ tuổi quy định trong Luật Thanh niên (16-30 tuổi) nhưng không nhất thiết bị giới hạn chính xác trong khung tuổi đó mà có thể chênh lệch một vài tuổi so với độ tuổi được quy định. Trong luận án này, giới trẻ được nhắc đến chủ yếu trong độ tuổi 16-30. Giới trẻ là một khái niệm không đồng nhất (về độ tuổi, nơi sinh sống, trình độ, nghề nghiệp...), các đặc điểm tâm lí, xã hội của họ khá đa dạng, họ là những người trẻ trung, năng động, ưa mới mẻ và khác biệt, ưa thử nghiệm, thích lựa chọn và ướm thử các vai trò xã hội, ngay cả khi họ còn chưa được chuẩn bị đủ tốt cho những thử nghiệm đó, nhiều hoài nghi, dễ xung đột với thế hệ đi trước, thậm chí cố tình phủ nhận, làm khác, coi đó như một phương thức để khẳng định mình. Họ cũng 31 là những người năng động, chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị hành trang cho tương lai của bản thân mình và quốc gia, dân tộc. Khác với giới trẻ phương Tây, giới trẻ Việt Nam giữ mối liên hệ khá chặt chẽ với gia đình, họ cũng là một lực lượng sản xuất chiếm số đông trong xã hội, là thế hệ tiếp thu văn hóa đại chúng mạnh mẽ (Đặng Thiếu Ngân) [41, tr. 9]. Vì vậy, bên cạnh những gì họ bị ảnh hưởng do tiếp nhận những sự trao truyền, giáo dục của thế hệ đi trước, thì họ luôn có lựa chọn của riêng mình và thế hệ mình. Trong thời đại toàn cầu hóa, họ còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố văn hóa, tri thức, kinh nghiệm, giá trị và lựa chọn của các cộng đồng và cá nhân khác trên thế giới. Bên cạnh việc chia sẻ đặc điểm chung về độ tuổi, tính cách và xu hướng lối sống, giới trẻ còn được hiểu là những người cùng chia sẻ những hệ thống giá trị, ý nghĩa biểu trưng của riêng họ. Đời sống giới trẻ Đời sống giới trẻ bao gồm tất cả những yếu tố liên quan đến đời sống vật chất và đời sống tinh thần của giới trẻ, từ thói quen, thị hiếu, sở thích đến hành vi của các cá nhân và các nhóm giới trẻ, chẳng hạn về thời trang, âm nhạc, việc học tập, tiêu dùng, hoạt động vui chơi giải trí... Đời sống giới trẻ là những biểu hiện ra bên ngoài của văn hóa giới trẻ, chịu sự chi phối của văn hóa giới trẻ với cách hiểu văn hóa giới trẻ là một hệ thống các ý nghĩa biểu trưng, các giá trị được giới trẻ cùng chia sẻ và kiến tạo. Ở luận án này, tôi quan tâm nhiều hơn đến các khía cạnh đời sống tinh thần của giới trẻ, chẳng hạn nhu cầu và đòi hỏi riêng biệt về sáng tạo và cảm thụ văn hóa, những đặc điểm riêng về tâm sinh lí, về tình cảm và nhận thức, về việc xử lí các mối quan hệ xã hội... Bất cứ thực hành văn hóa nào của giới trẻ như giải trí, tiêu dùng cũng đều là một trong những con đường kiếm tìm và thể hiện căn tính khác biệt của giới trẻ, là một cách thức giúp cho họ nhận diện được họ là ai trong cuộc sống này. Thần tượng Thần tượng (idol) là cách gọi đối với những người được đánh giá cao, được yêu thích, say mê, ngưỡng mộ, thậm chí sùng bái bởi sự vượt trội về ngoại hình, tài năng, phẩm chất hay thành tựu. Thần tượng có thể là các ngôi sao, người nổi tiếng nhưng cũng có thể là những người đạt được thành tựu ở các lĩnh vực khác như khoa học, cách mạng, chính trị... Trong luận án này, chúng tôi chú ý tới các thần tượng là 32 các ngôi sao giải trí bao gồm: diễn viên điện ảnh, các ca sĩ, cầu thủ bóng đá, những người nổi tiếng về phương diện nghệ thuật trên truyền thông. Người hâm mộ Người hâm mộ hay còn được gọi với cái tên ngắn gọn là fan, chỉ chung cho một người hoặc một nhóm đông người yêu thích, nhiệt tình ủng hộ, bênh vực, thậm chí tôn thờ thần tượng của anh/cô ta. Trong luận án này, đó là những người có những cảm xúc và hành vi thể hiện tình cảm mãnh liệt và tự định danh mình là một người hâm mộ của một thần tượng cụ thể. Tiêu thụ thần tượng Tiêu thụ thần tượng (idol consumption) là một khái niệm được dùng tương đối phổ biến trong lĩnh vực nghiên cứu về hâm mộ thần tượng. Nó được hiểu không chỉ là “mua” những sản phẩm của thần tượng hoặc có liên quan đến thần tượng mà còn là sử dụng những ý nghĩa từ hình ảnh của thần tượng cho quá trình tìm kiếm các giá trị, ý nghĩa cho bản thân mình (Cheung Ka Ki) [89]. Việc tiêu thụ các ý nghĩa biểu trưng và phong cách trong hình ảnh về thần tượng “giúp giới trẻ cảm thấy cuộc sống ổn định và có ý nghĩa hơn” (Milles) [146]. Với cách hiểu này, các thần tượng được coi là những sản phẩm hàng hóa đặc biệt (Turner) [174], một sản phẩm của quá trình “hàng hóa hóa văn hóa” (Horkheimer & Adorno) [119]. Bản sắc Bản sắc (identity) về mặt từ nguyên có nghĩa là sự “giống nhau” hay “tương tự (identitas). Nó còn được hiểu là sự “nhận dạng”, “căn tính”. Bản sắc chủ yếu nói đến sự tự ý thức hoặc một cảm nhận rõ ràng về cái cá nhân, gần tương tự như cách cá nhân được người khác quan sát và nhận diện (Erikson 1950) [98]. Về cơ bản, bản sắc chính là cách một người nhận biết về bản thân, cho phép những người khác biết chúng ta là ai. Bản sắc như là một đặc điểm nhận biết thuộc về mỗi cá nhân cụ thể, có thể là thứ được chia sẻ giữa các cá nhân trong một nhóm hoặc một tầng lớp xã hội nhất định (Đoàn Thị Tuyến) [62, tr. 6]. Bản sắc văn hóa từng được quan tâm, tranh cãi bởi hai góc độ tiếp cận: bản thể luận và kiến tạo luận hay phản - bản thể luận. Các nhà bản thể luận cho rằng bản sắc là thuộc về bản chất, cái vốn có từ khi sinh ra của mỗi người và bản sắc này sẽ theo họ suốt cuộc đời, là bất biến. Ngược lại, các nhà kiến tạo luận chủ trương rằng bản sắc không có sẵn, nó không “tĩnh”, và được kiến tạo theo những bối cảnh 33 xã hội khác nhau nên nó luôn “động”. Mỗi cá nhân, mỗi nhóm hay cộng đồng đều có những phương thức khác nhau trong việc bộc lộ và tạo dựng bản sắc của mình, thông qua các phương thức tự sự (Vũ Hoàng Hiếu) [23] hay thông qua các thực hành và sáng tạo văn hóa (Rojek [159], Brake [79], Huq [122])... Bản sắc được phân loại thành bản sắc cá nhân, bản sắc nhóm, bản sắc văn hóa. Trong luận án này, chúng tôi chú ý tới bản sắc cá nhân và bản sắc nhóm, trong đó chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến căn tính cá nhân của những người hâm mộ trẻ. Có chỗ chúng tôi sử dụng thuật ngữ “căn tính” hay “sự nhận diện”, “sự định danh”, “sự nhận dạng” như những từ tương đương để thay thế cho thuật ngữ “bản sắc”. 1.2.2. Cơ sở lí luận của luận án Với mục tiêu nghiên cứu chính là khám phá các chiều kích và ý nghĩa của các thực hành hâm mộ thần tượng và chỉ ra rằng hâm mộ thần tượng có liên quan đến sự kiến tạo căn tính của những người hâm mộ trẻ, luận án đã tìm kiếm những cơ sở lí luận từ những quan điểm lí thuyết khác nhau có liên quan và có thể làm sáng rõ mục tiêu này. Sử dụng cách tiếp cận của ngành nghiên cứu văn hóa, lu... sociology, Vol 53(3), pp. 451- 466. 76. Bird, Sara & Alan, Tapp. 2008. “Social Marketing and the Meaning of Cool”, Social Marketing Quarterly, journals.sagepub.com, 77. Boon, S.D. and Lomore, C.D. 2001. “Admirer-celebrity relationships among young adults: explaining perceptions of celebrity influence on identity”, Human Communication Research, Vol. 27 (3), pp. 432 - 465. 78. Bourdieu, Pierre. 1984. “Distinction A Social Critique of the Judgement of Taste”, <https://www.routledge.com/Distinction-A-Social-Critique-of-the- Judgement-of-Taste/Bourdieu/p/book/9780415567886> 79. Brake, Michael. 1985. Comparative The Sociology of Youth Cultures and Youth Subcultures in America, Britain and Canada, Routledge and Kegan Paul, London. 80. Bucholtz, Mary. 2002. “Youth and cultural practices”, Annual Review, Vol 31, pp. 525-552. 81. Buckingham, David. 2008. Youth Identity and Digital media, MIT Press. 82. Busse, Kristina & Hellekson, Karen. 2006. “Work in Progres” Introduction to Fan Fiction and Fan Communities in the Age of the Internet: New Essays, edited by Karen Hellekson and Kristina Busse, pp. 5–32. Jefferson, NC: McFarland. 83. Caldwell, M & Henry, P. 2005. “Celebrity worship, micro-communities and consumer well-being”, 8th International Conference on Arts and Cultural Management, Montreal, Canada, 6th July 2005. 84. Caughey, J.L. 1994. “Gina as Steven: The social and cultural demensions of a media relationship”, Visual Anthroppology Review, Vol 10 (1), pp. 126 - 135. 157 85. Chan, Kara. 2011. “What pre-teen girls learn about gender roles from celebrities”, Journalism and Mass Communication, Vol 1(2), pp. 79 - 87. 86. Chan, Kara, Yu-leung Ng, Edwin K. Luk. 2013. “Impact of Celebrity endorsement in advertising on brand image among Chinese adolescents”, Young Consumers, Vol 14 (2), pp. 167 - 179. 87. Cheung, C. & Yue, X. D. 2003a. Adolescent modeling after luminary and star idols and development of self-efficacy, International Journal of Adolescence and Youth, Vol 11(3), pp. 251 - 267. 88. Cheung, C. & Yue, X. D. 2003b. “Identity Achievement and Idol Worship among Teenagers in Hong Kong”, International Journal of Adolescence and Youth, Vol 11(1), pp. 1-26. 89. Cheung, Ka Ki. 2002. Idol Consumption and Identity Construction: A Study of the Young Fans of Popular Singers in Hong Kong, Chinese University of Hong Kong. 90. Chin, Bertha. 2013. “Towards a theory of transcultural fandom”, Journal of Audience & Reception Studies, Vol 10(1). 91. Click, Lee & Holladay. 2013. “Making monsters: Lady Gaga, fan identification, and social media”, Popular Music and Society, Vol 36(3), pp. 360-379. 92. Deen, Catherine. 2015. “Formation, Purpose and Gains: An Exploratory Study of Hallyu Fanclubs in the Philippines”, Aiks Korean Studies Conference Proceedings, Vol 1, pp. 25 - 33. 93. D’heer, Evelien, Courtois, Cesdric, Paulussen, Steve. 2012. “Everyday Life in (front of) the Screen: The Comsumption of Multiple Screen Technologies in the Living Room”, EuroITV'12 Proceedings of the 10th European Conference on Interactive TV and Video, Berlin, Germany, pp. 195 - 198. 94. Du Gay, P., Hall, S, Mackay, H, Negus, K. 1997. Doing Cultural Studies: The Story of the Sony Walkman (Culture, Media & Identities, Vol.1) (Culture, Media and Identities series), citeulike.org. 95. Duffett, Mark. 2013. Understanding Fandom: An Introduction to the Study of Media Fan Culture, Bloomsbury Publishing, New York. 96. Dyer, Richard. 1979 [1998]. Stars. Bristish Film Institute, London. 158 97. Dyson, Michael Eric. 2004. “Hip - Hop Culture”, in: Neal, Mc Anthony, That's the Joint!: The Hip-hop Studies Reader, Routledge, New York, pp. 61-68. 98. Erikson, E. H. 1950. Childhood and society, Norton, New York. 99. Erikson, E. H. 1968. Identity, Youth, and Crisis, Norton, New York. 100. Fine, Lauren. 2014. “More than a feeling: The Transmissions of affect and group identity”, , (15/9/2019). 101. Fiske. 1989. Understanding popular culture, Unwin Hyman, Boston. 102. Fung, A. 2002. “Women’s magazines: Construction of identities and cultural consumption in Hong Kong”, Consumption, Markets and Culture, Vol 5(4), pp. 321-336. 103. Fung, A. 2009. “Fandom, youth and consumption in China”, European Journal of Cultural Studies, Vol 12(3), pp. 285-303. 104. Furlong, Andy & Cartmel, Fred. 2006. Young people and social change new perspectives, Open University Press, New York. 105. Galuszka, Patryk. 2015. “New Economy of Fandom”, Popular Music and Society, Vol 38 (1): Fandom, pp. 25-43. 106. Geertz, Clifford. 1973. Interpretion of Cultures, Basic Books. 107. Giddens, Anthony. 1991. Modernity and Self-identity: Self and society in the late modern age, Stanford University Press, Stanford, California, pp. 1-10. 108. Gidley, Jennifer. 2001. “Globalization and Its Impact on Youth”, Journal of Futures Studies, Vol 6 (1), pp. 89-106. 109. Goggin, Gerard. 2013. “Youth culture and Mobile”, Mobile Media & Communication, Vol 1 (1), pp. 83-88. 110. Gray, J., Sandvoss, C. & Lee Harrington, C. 2007. “Why Study Fans?” Introduction to Fandom: Identities and Communities in a Mediated World, edited by Jonathan Gray, Cornel Sandvoss, and C. Lee Harrington, pp. 1-16, New York University Press, New York. 111. Green, A.L. & Adam-Price, Carolyn. 1990. “Adolescents’ Secondary Attachments to Celebrity Figures”, Sex Roles, Vol 23, No 7/8, pp. 335-347. 112. Green, Julian Sefton ed. 1998. Digital Diversions: Youth Culture in the Age of Multimedia, University College Press, London. 159 113. Ha Hoang. 2019. “K-Pop Male Androgyny, Madiated Intimacy, and Vietnamese Fandom”, Chapter 12, in: J. V. A. Cabanes, C. S. Uy-Tioco (eds), Mobile Media and Social Intimacies in Asia, Mobile Communication in Asia: Local Insights, Global Implications, pp. 187-203. < 94-024-1790-6_12>, (15/3/2020). 114. Hall, Stuart & Jefferson, Tony. 1993. Resistance Through Rituals: Youth Subcultures in Post-war Britain, Routledge, London. 115. Hall, Stuart. 1997. Representation: cultural representations and signifying practices, Open University, London. 116. Hebdige, Dick. 1979. Subculture: The meaning of style, Menthuen & Co, London. 117. Henderson, K. A. et al. 2003. A Leisure of One’s Own: A Feminist Perspective on Women’s Leisure, Venture Publishing, Inc, State College. 118. Hills, Matthew. 2002. Fan Cultures, Routledge, New York. 119. Hodkinson, Paul & Deicke, Wolfgang. 2007. Youth Cultures: Scenes, Subcultures and Tribes, Routledge Advances in Sociology. 120. Horkheimer, M.; Adorno, T.W. (2006), “The culture industry: Enlightenment as mass deception”, in: M.G. Durham and D.M. Kellner (ed), Media and Cultural Studies, Blackwell Publishing, pp. 41-72. 121. Huang, Yu-an & Phau, Ian. 2015. “Idol attachment and Human Brand Loyalty”, European Journal of Marketing, Vol. 4(7/8), pp. 1234-1255. 122. Huong Nguyen. 2015. “Globalizaton, consumerism, and the ergence of teens in contemporary vietnam”, Journal Social History, Vol 49(1), pp. 4 - 19. 123. Huq, Rupa. 2006. Beyond Subculture Pop, Youth and Identity in a Postcolonial World, Routledge, New York. 124. Ito, Mizuko et al. 2009. Living and learning with new media: summary of Findings from the Digital Youth Project, MIT Press, Cambrige, pp. 1-46. 125. Jenkins, Henry. 1992. Textual Poachers: Television Fans and Participatory Culture, Routledge, New York. 126. Jenkins, R. 1996. Social Identity, Routledge, London. 127. Jenkins, Henry. 2006. Convergence Culture: Where Old and New Media Collide, New York University Press, New York, pp. 61-62. 160 128. Jenkins, Henry. 2007. “After word: The Future of fandom”, in: Fandom, Harrington C., Gray Jonathan, Sandvoss Cornel, New York University Press, pp. 357 – 364. 129. Jenkins, Henry, Sam Ford, and Joshua Green. 2013. Spreadable Media: Creating Value and Meaning in a Networked Culture, New York University Press, New York. 130. Jenson, J. 1992. “Fandom as pathology: The consequences of characterization”, In: L. Lewis (ed.), The adoring audience: Fan culture and popular media, Routledge, London. 131. Jia, Xinming; Hung, Kineta; Zhang, Ke. 2018. “Charging fandom in the Digital Age: The Rise of Social Media” (Chapter 8), in: Exploring the Rise of Fandom in Contemporary Consumer Culture, Cheung LuWang, IGI Global, USA. 132. Kidd, Warren. 2002. Culture and identity, Palgrave, Basingstoke. 133. Kotarba, Joseph A. 2009. “I’m just as Rock ‘n’ Roll fan” Popular music as a meaning resource for aging, researchgate.net. 134. Koshar, Rudy (ed.). 2002. Histories of Leisure, Berg Publishers, Oxford. 135. Kozinets, Robert V. 2001. “Utopian Enterprise: Articulating the Meanings of Star Trek's Culture of Consumption”, Journal of consumer research, Vol. 28(1), pp. 67-88. 136. Leung, L. K. 1999. Study on the influence of media on youth, Commission on Youth, Hong Kong. 137. Liu, Jacky K. K. 2013. “Idol worship, religiosity, and self-esteem among university and secondary students in Hong Kong”, Discovery - SS Student E- journal, Vol 2, pp. 15 - 28. 138. Cheng Lu, Wang. 2018. Exploring the Rise of Fandom in Contemporary Consumer Culture, University of New Haven, USA. 139. Lynxwiler, J. & Gay, D. 2000. “Moral boundaries and deviant music: Public attitudes toward heavy metal and rap”, Deviant Behavior, Vol 21(1), pp. 63-85. 140. Maltby, J.; Houran, J.; Lange, R.; Ashe, D. & McCutcheon, L. E. 2002. “Thou Shalt Worship No Other Gods - Unless They Are Celebrities”, Personality and Individual Differences, Vol 32, pp. 1157-1172. 161 141. Maltby, J.; & Houran, J.; & McCutcheon, L. E. 2003. “A Clinical Interpretation of Attitudes and Behaviors Associated with Celebrity Worship”, The Journal of Nervous and Mental Disease, Vol 191(1), pp. 25 – 29. 142. Maltby, J.; Day, L.; McCutcheon, L. E.; Gillett, R., Houran, J. & Ashe, D. 2004. “Personality and coping: A context for examining celebrity worship and mental health”, British Journal of Psychology, Vol 95(4), pp. 411-428. 143. Marshall, David P. 2014. Celebrity and Power: Fame in Contemporary Culture, University of Minnesota Press. 144. McCulloch, Ken & Stewart, Alexis; Lovegreen, Nick. 2006. “‘We just hang out together’: Youth Cultures and Social Class”, Journal of Youth Studies, Vol 9 (5), pp. 539 - 556. 145. McCutcheon; Lange, Rense & Houran, James. 2002. “Conceptualization and measurement of celebrity worship”, British Journal of Psychology, Vol 9(1), pp. 67-87. 146. McQuail, Denis. 2010. McQuail's mass communication theory, Sage Publications. 147. Miles, Steven. 2000. Youth lifestyle in a Changing world, Open University Press. 148. Nhat Nguyen Nguyen, Nil Özçaglar-Toulouse, Dannie Kjeldgaard. 2018. “Toward an understanding of young consumers' daily consumption practices in post-Doi Moi Vietnam”, Journal of Business Research, Vol 86, pp. 490-500. 149. Nilan, Pam. 1999. “Young People and Globalizing Trends in Vietnam”, Journal of Youth Studies, Taylor & Francis, , (2/10/2019). 150. Nilan, Pam & Feixa, Carles. 2006. Global Youth? Hybric Identities, Plural Worlds, Routledge, New York. 151. North, A. C., Hargreaves D. J. 2006. “Problem music and Self-harming”, Suicide and Life-Threating Behavior, Vol 36 (5), pp. 582 – 590. 152. North, A. C., Sheridan, L. Maltby, J. & Gillett, R. 2007. “Attributional style, self-esteem, and celebrity worship”, Media Psychology, Vol 9(2), pp. 291-308. 153. Nye, Joseph S. 1990. “Soft Power”, Foreign Policy, No. 80, Twentieth Anniversary (Autumn), pp. 153-171. 162 154. Oh Ingyu, Lee Hyo-Jung. 2013. “Mass Media Technologies and Popular Music Genres: K-Pop and Youtube”, Korea Journal, Vol 53(4), pp. 34-58. 155. Parker, Elizabeth. 2015. “The rise of the hip hop idol: Authenticity and new masculinities in Korean popular music”, academia.edu. 156. Pearson, Roberta. 2010. “Fandom in the Digital Era”, The International Journal of Media and Culture, Vol 8(1): Digitizing Audiovisual Production, pp. 84-95. 157. Duong Nguyen Hoai Phuong. 2016. “Korean Wave as Cultural Imperialism: A study of K-pop Reception in Vietnam”, Leiden University MA Thesis Asian Studies, , (25/3/2019). 158. Purnama, Finsensius Yuli. 2012. “Leisure time, social media, and youth identity”, International Communication Research Conference, "Youth, Media, and Social Change"/ London School of Public Relations-Jakarta, academia.edu. 159. Robert, Ken. 2006. “Youth Transitions and Generations: A Response to Wyn and Woodman”, Journal of Youth Studies, Vol 10(2), pp. 263-269. 160. Rojek, Chris. 1989. Leisure for Leisure, The Macmillan Press Ltd, London. 161. Rojek, Chris. 2001. Celebrity, Reaktion Books. 162. Rojek, Chris; Shaw, Susan M; Veal A. J. 2006. A Handbook of Leisure Studies, Palgrave Macmillan Ltd, New York. 163. Sandvoss, Cornel. 2005. Fans: The Mirror of Consumption. Malden, Polity, MA. 164. Scott, Suzanne. 2009. “Repackaging fan culture: The regifting economy of ancillary content models”, Transfomative works and cultures, Vol 3. 165. Shary, Timothy & Seibel, Alexandra. 2007. Youth Culture in Global Cinema, University of Texas Press. 166. Shildrick, Tracy & MacDonald, Robert. 2006. “In Defence of Subculture: Young People, Leisure and Social Division”, Journal of Youth Studies, Vol 9(2), pp. 125 - 140. 167. Slate, Don. 1997. Consumer Culture and Modernity, Published by Polity Press, United Kingdom, pg. 37. 168. Stebbins, Robert A. 2015. Leisure and The Motive To Volunteer: Theories of Serious, Casual and Project - Based on Leisure, Palgrave Macmillan. 163 169. Stever, Gayle. 2009. “Fan/Celebrity symbiotic social relationships: A participant-observer ethnography of fan clubs”, Conference: International Communications Association: Theme: Keywords in Communication, Chicago, IL, May 22-26, 2009, , (22/7/2017). 170. Tapscott, Don. 2008. Grown Up Digital: How the Net Generation Is Changing Your World, McGraw Hill. 171. Phan Thanh Thanh. 2014. “Asianization, Imagination, Fan Culture and Cultural Capital of Vietnamese Youth: A Case Study of K-pop Cover Dance Groups in Hanoi Vietnam”, < files/Hallyu%20Proceedings_Draft1b_2014-Sept-25.pdf#page=162> (23/12/2019). 172. Thomas, M. 2004. “Transitions in taste in Vietnam and the diaspora”, The Australian journal of anthropology, Wiley Online Library. 173. Thomson, Matthew. 2006. “Human brands: Investigating antecedents to consumers' strong attachments to celebrities”, Journal of Marketing, Vol 70, pp. 104-119. 174. Tomlinson, John. 1991. Cultural Imperialism: A Critical Introduction, Continuum, London. 175. Turner, Graeme. 2010. “Approaching Celebrity”, Celebrity Studies Journal, Vol 1(1), pp. 11-20. 176. Turner, Graeme. 2013. Understanding Celebrity, SAGE Publications Ltd, London. 177. Wang, Jing. 2005. “Youth culture, music, and cell phone branding in China”, Global Media and Communication, Vol 1(2), pp. 185 - 201. 178. Warde, Alan. 2014. “After taste: Culture, consumption and theories of practice”, Journal of Consumer Culture, Vol 14(3), pp. 279-303. 179. Wyn, Johanna & Woodman, Dan. 2006. “Generation, Youth and Social Change in Australia”, Journal of Youth Studies, Vol 9(5), pp. 495-514. 180. Wyn, Johanna & Woodman, Dan. 2007. “Researching Youth in a Context of Social Change: A Reply to Roberts”, Journal of Youth Studies, Vol 10(3), pp. 373-381. 181. Yue, Xiao Dong and Cheung, Chau-kiu. 2000. “Selection of favourite idols and models among Chinese young people: A comparative study in Hong Kong 164 and Nanjing”, International Journal of Behavioral Development, Vol 24(1), pp. 91 - 98. 182. Yue, X. D., Cheung, C. & Wrong, D. S. W. 2010. “From glamour-oriented idolatry to achievement-oriented idolatry: A framing experiment among adolescents in Hong Kong and Shenzhen”, Asian Journal of Social Psychology, Vol 13(1), pp. 1-8. Tài liệu mạng 183. Nguyễn Hoàng Ánh. 2016. “Giải mã Hallyu và chủ nghĩa thần tượng ở Việt Nam”, < than-tuong-o-viet-nam-300415.html>, (15/5/2017). 184. Hà Hữu Nga. 2017. “Văn hóa tiêu dùng”, < goc-nhin-van-hoa/van-hoa-tieu-dung>, (11/9/2019). 185. Nguyên Trang. 2012. “Bàn về thần tượng và người hâm mộ”, < nguoi-ham-mo.html>, (7/9/2017). 186. Lê Thị Trang. 2017. Văn hóa tiêu dùng - từ góc nhìn lí luận, < dung-mot-goc-nhin-ly-luan.html>, (11/9/2019). 187. “How It All Began- A Cultural Revolution”, nguồn: , (7/9/2017). 165 PHỤ LỤC 166 MỤC LỤC PHỤ LỤC Phụ lục 1: Phiếu hỏi ý kiến 168 Phụ lục 2: Các thực hành hâm mộ thần tượng cụ thể 172 2.1. Like, share các thông tin liên quan đến thần tượng và cộng đồng fan 172 2.2. Các hình thức quảng bá cho thần tượng 179 2.3. Các fan sân bay 185 2.4. Hoạt động off fan của các FC 187 2.5. Cổ vũ thần tượng tại các chương trình, show diễn 193 2.6. Các hoạt động từ thiện và các hoạt động cộng đồng 196 2.7. Các hoạt động tiêu thụ có liên quan đến thần tượng 201 167 I. Phụ lục 1: PHIẾU HỎI Ý KIẾN Hiện chúng tôi đang thực hiện một nghiên cứu về hâm mộ thần tượng ở giới trẻ hiện nay. Rất mong các bạn cung cấp thông tin bằng cách trả lời các câu hỏi sau đây. Chúng tôi cam kết mọi thông tin sẽ được giữ kín và chỉ phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài này. Chân thành cảm ơn! 1. Em vui lòng cho biết tên, tuổi, quê quán, nghề nghiệp hoặc ngành học 2. Em hâm mộ thần tượng giải trí nào? 3. Em hâm mộ thần tượng đó lâu chưa? 4. Em hâm mộ họ vì điều gì? a. Tài năng b. Tính cách, phẩm chất c. Ngoại hình d. Khác 5. Em biết đến thần tượng qua “kênh” nào? a. Mạng xã hội b. Ti vi c. Bạn bè d. Báo in e. Báo điện tử 6. Các em dành bao nhiêu thời gian trong một ngày để theo dõi, chia sẻ những thông tin về thần tượng? 7. Ngoài thần tượng này, em còn thích ai nữa? 8. Em thể hiện sự hâm mộ idol của mình như thế nào trên mạng xã hội? (có thể chọn nhiều câu trả lời) a. Like, share, comment b. Chỉ nghe/xem chứ không like, share, comment 168 c. Kết nối với những fan khác d. Khác 9. Suy nghĩ và cảm xúc của em thế nào trước những tin đồn hay scandal về thần tượng? a. Tẩy chay idol vì cảm thấy bị lừa dối b. Rất sốc và buồn bã c. Buồn nhưng vẫn tin idol d. Không quan tâm vì tuyệt đối tin tưởng idol 10. Em có từng tham gia vào các cuộc tranh cãi để bảo vệ thần tượng trên mạng xã hội hoặc các diễn đàn hay không? Tại sao? a. Có b. Không 11. Cách em thể hiện sự hâm mộ idol của mình ở ngoài đời có giống như trên mạng xã hội không? (Nếu không, hãy cho biết lí do) a. Có b. Không 12. Sự hâm mộ này của em ảnh hưởng đến những khía cạnh nào trong cuộc sống của em? a. Việc học b. Quan niệm về nghề nghiệp c. Tính cách d. Các mối quan hệ xã hội e. Thời trang f. Giải trí g. Tiêu dùng hàng hóa 13. Mức độ ảnh hưởng như thế nào? a. Rất ảnh hưởng b. Ảnh hưởng ít c. Không ảnh hưởng 169 14. Em có tham gia hội nhóm fanclub nào không? Nếu có, thì hoạt động của các fanclub đó như thế nào? Em có thể nói rõ được không? Nếu không thì vì sao? a. Có b. Không 15. Gia đình em đồng tình hay phản đối việc em hâm mộ thần tượng? Tại sao? a. Có b. Không 16. Em có biết những thương hiệu mà idol của em làm đại diện? (Nếu biết, trả lời tiếp câu 17 và 19, nếu không, chuyển sang câu 19) a. Biết tất cả b. Biết một số c. Không rõ 17. Em hãy kể tên các sản phẩm mà idol là đại diện quảng cáo? 18. Em có sở hữu sản phẩm nào trong số những thương hiệu đó không? (nếu có, trả lời tiếp câu 19; nếu không, chuyển sang câu 20) a. Có b. Không 19. Em có hài lòng với sản phẩm ấy không? a. Có b. Không 20. Tại sao em mua (hoặc không mua) những sản phẩm đó? a. Vì thích hình dáng, mẫu mã b. Vì chất lượng tốt c. Vì idol làm đại diện quảng cáo d. Vì bạn bè đều mua e. Khác 170 21. Các idol thường được xây dựng rất hoàn mĩ qua truyền thông, em có nghĩ rằng đó là tính cách và phẩm chất thật sự của họ? a. Có b. Không 22. Trong thành công của một idol, em nghĩ yếu tố nào là quan trọng nhất (mức độ từ lớn đến nhỏ)? a. Truyền thông b. Tài năng c. Ngoại hình d. Tính cách e. Khác 171 II. Phụ lục 2: Các thực hành hâm mộ thần tượng cụ thể 1. Like, share các thông tin liên quan đến thần tượng và cộng đồng fan Ảnh 1: 172 Ảnh 2: Ảnh 3: 173 Ảnh 4: Ảnh 1, 2, 3, 4: Các bức ảnh kèm các dòng chữ, con số “khoe” thành tích mà cộng đồng fan giành được cho thần tượng: cày view, lọt top trending Việt Nam và thế giới nhân dịp phát hành MV Hãy trao cho anh 7/2019 (Nguồn: kenh14.vn), MV Skyler 1/2021 (Nguồn: MTP Stories) 174 Ảnh 5: 175 Ảnh 6: Ảnh 5, 6: Fan “bóc giá” quần áo, trang sức, đồ dùng của thần tượng (Nguồn: Sky Confession) 176 Ảnh 7: Chia sẻ về thành tích của idol (Nguồn: ME meme) 177 Ảnh 8: Chia sẻ cảm giác tự hào, quyền lực của cộng đồng fan Sơn Tùng (Nguồn: M-TP stories) 178 2. Các hình thức quảng bá, lăng xê cho thần tượng - Thuê phát hình ảnh thần tượng trên các màn hình lớn Ảnh 1: Chiến dịch quảng bá nhân dịp sinh nhật diễn viên Hàn Quốc Lee Min Ho (Nguồn: FC cung cấp) 179 Ảnh 2: Fan chúc mừng sinh nhật Jung Kook (nhóm BTS - Hàn Quốc) trên màn hình của tòa nhà TNR 54 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội ngày 1/9/2019 (Nguồn: https://www.yan.vn/army-viet-choi-lon-mung-sinh-nhat-jungkook-voi-man-hinh- led-khung-209765.html) 180 Ảnh 3: Các chiến dịch quảng cáo nhân kỉ niệm sinh nhật của Jungkook và RM (nhóm BTS) do fan BTS ở Việt Nam quyên góp thực hiện. (Nguồn ảnh: yan.vn) 181 Ảnh 4: Sky thuê Roadshow để thu hút sự chú ý của cộng đồng 1 ngày trước khi MV Hãy trao cho anh của Sơn Tùng phát hành (1/7/2019). Nguồn: https://bestie.vn/2019/07/ro-ri-hinh-anh-fandom-son-tung-chieu- qua-de-keu-goi-ung-ho-than-tuong 182 - Hưởng ứng các cuộc thi, chương trình do các nhãn hàng phát động CUỘC THI ẢNH "CHÚNG TA CỦA HIỆN TẠI" CÙNG VINFAST CHỤP ẢNH CHẤT NGAY - RINH QUÀ LIỀN TAY Thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây: https://id.vin/cDR Chỉ với 03 bước đơn giản sau: - Bước 1: Đến check-in cùng 1 trong 2 chiếc xe Ludo Mint To Be và Impes Milky Sky tại Showroom VinFast trên toàn quốc. - Bước 2: Nộp ảnh dự thi trước 23h59’ ngày 27/12/2020 qua: https://id.vin/csD - Bước 3: Kêu gọi bạn bè tương tác với ảnh dự thi của bạn bằng cách like, share, comment. Cổng bình chọn sẽ đóng vào 23h59’ ngày 30/12/2020. Đặc biệt hơn, VinFast có rất nhiều quà tặng giá trị đang chờ bạn: GIẢI CÁ NHÂN: - 01 Giải Nhất: 01 xe máy điện Impes Milky Sky trị giá 14,900,000 VNĐ. - 01 Giải Nhì: 01 xe máy điện Ludo Mint To Be trị giá 12,900,000 VNĐ. GIẢI NHÓM: 3 group cộng đồng/ fanpage có số bài dự thi nhiều nhất sẽ nhận được tài trợ từ BTC với giá trị cụ thể như sau: - 01 Giải Nhất: 15,000,000 VNĐ - 01 Giải Nhì: 10,000,000 VNĐ - 01 Giải Ba: 5,000,000 VNĐ ------------------- Hotline: 1900 23 23 89 Bài đăng của admin 1 FC nhằm quảng bá, ủng hộ cho sản phẩm mà Sơn Tùng hợp tác với Vinfast 183 - Vote cho thần tượng tại các chiến dịch, chương trình và bảng xếp hạng PROJECT COMEBACK No.1 VOTE GIÀNH BẢNG QUẢNG CÁO TẠI NHẬT BẢN CHO SƠN TÙNG M- TP Theo dự kiến, 01/05/2021 Tùng sẽ ra Album CHÚNG TA. Để chào đón Album lần này của Tùng, Group SKY M-TP tổ chức hoạt động vote cho Tùng trên ứng dụng Idolpick để giành bảng quảng cáo. Người có lượt vote nhiều nhất sẽ được trình chiếu đoạn video quảng cáo trên màn hình LED siêu lớn tại Tokyo, Osaka - Nhật Bản Thời gian bình chọn: 02/04/2021 đến 18/04/2021 Video sẽ được trình chiếu Led: 30/4/2021 đến 06/05/2021 (Có thể thay đổi theo lịch trình địa phương) HƯỚNG DẪN VOTE : 1. Mở ứng dụng và đi đến tab cuối cùng và chọn ngôn ngữ / bản dịch 2. Đăng nhập / Đăng ký (sử dụng Twitter, Naver, Kakaotalk,Facebook) 3. Nhập nick name ( mọi người NHỚ ấn vào nút màu hồng chỗ nhập nick name để kiểm tra xem nick name đã có ai dùng hay chưa) và thần tượng yêu thích đặt "Son Tung M-TP” 4. Chọn tab 4 có hình “Sạc Pin” để điểm danh và nhận 5 pick vote (5 phiếu miễn phí hàng ngày) 5. Đi đến tab thứ 3 hình "Trái Tim" hoặc tìm banner chương trình vote "The Best Pop Star In Asia" để vote 6. Tìm tới "Son Tung M-TP" Nhấp cái nút để vote. Như vậy bạn hoàn thành việc bỏ phiếu bầu chọn bầu chọn 1 PICK đã hoàn tất! Bạn nhớ ấn 5 lần để bầu hết 5 pick có mỗi ngày. 7. Bạn có thể mua sao để vote. Lưu ý: Mỗi 1 thiết bị chỉ được điểm danh 1 lần cho 1 tài khoản trong 1 ngày để nhận được 5 pick để vote. Hôm sau mọi người vào điểm danh lại nhận 5 pick để vote tiếp nhá. Link Tải app Idol Pick - Android: https://play.google.com/store/apps/details... - IOS: https://apps.apple.com/.../%EC%95%84%EC.../id1461429755... Một bài đăng nhằm kêu gọi fan vote cho Sơn Tùng giành được bảng quảng cáo tại Nhật mới đây (Nguồn: FC cung cấp) 184 3. Các fan sân bay Ảnh 1: Các fan T-ara đón Hyo Min ở sân bay năm 2019 (Nguồn: kenh14.vn) Ảnh 2: Các fan đón T-ara tại sân bay 8/2012 (nguồn: kenh14.vn) 185 Ảnh 3: Hình ảnh Sơn Tùng được các fan sân bay chụp lại ngày 23/11/2019 (Nguồn: FC cung cấp) 186 4. Hoạt động Off fan của các FC Ảnh 1: Off fan nhân dịp sinh nhật Sky ngày 26/11/2018 (Nguồn: Tác giả tự chụp) Ảnh 2: Các Sky biểu diễn giao lưu văn nghệ tại buổi off fan ngày 26/11/2018 tại bờ hồ (Nguồn: Tác giả tự chụp) 187 Ảnh 3: Các Sky diễu hành một vòng quanh bờ hồ nhân dịp off fan kỉ niệm sinh nhật cộng đồng fan 26/11/2018 (Nguồn: tác giả tự chụp) 188 Ảnh 4: Các Sky tổ chức off fan kỉ niệm sinh nhật Sơn Tùng 5/7/2019 (Nguồn: FC cung cấp) 189 Ảnh 5: off fan ngày 30/12/2020 tại quán Sky Tea (chủ quán là admin của FC) để “Cày view” cho Sơn Tùng nhân dịp phát hành MV Chúng ta của hiện tại (Nguồn: FC cung cấp) 190 Ảnh 6: Off fan nhân dịp sinh nhật Sơn Tùng M-TP ngày 5/7/2018 (Nguồn: Tác giả tự chụp) Ảnh 7: Sky off fan tổ chức sinh nhật Sơn Tùng M-TP (5/7/2020) 191 Ảnh 8: buổi off fan của FC T-ara miền Bắc nhân dịp kỉ niệm 10 năm nhóm T- ara debut (29/7/2012-29/7/2019) (Tác giả tự chụp ngày 28/7/2019). Ảnh 9: Màn nhảy flasmob dưới mưa của FC T-ara miền Bắc (Tác giả tự chụp ngày 28/7/2019). 192 Ảnh 10: tác giả tự chụp ngày 28/7/2019. 5. Cổ vũ thần tượng tại các chương trình, show diễn Ảnh 1: Fan Hyo Min (T-ara) cổ vũ ca sĩ này nhân dịp sang Việt Nam và tham dự chương trình Bữa trưa vui vẻ của VTV6 năm 2019 (Nguồn: FC T-ara miền Bắc) 193 Ảnh 2: Các fan tụ tập chuẩn bị check in một chương trình cổ vũ Sơn Tùng M- TP (Tác giả tự chụp 14/10/2018) 194 Ảnh 3, 4: Các fan trong lúc chờ check in Skytour tại Mỹ Đình, Hà Nội ngày 11/8/2019 (Nguồn: FC cung cấp) 195 6. Các hoạt động từ thiện và hoạt động cộng đồng Ảnh 1: Chương trình nấu cháo từ thiện tại bệnh viện của FC Sơn Tùng M-TP Hà Nội for Trust team (Nguồn: FC cung cấp) 196 Anh 2,3: Quyên góp xây cầu Sky 1 ở Kiên Giang (Nguồn: FC cung câp) 197 KÊU GỌI QUYÊN GÓP CHO MIỀN TRUNG Xin chào mọi ngườ̀i, Miề n Trung thân thường của To quo c chúng ta đang phải hứng chịu những cờn bão lũ hoành hành hờn bao giờ̀ hề t, đề lại những ma t mát na ̣ng nề . Vờ́i tinh tha n "lá lành đùm lá rách" Mì̀nh xin dc đại diệ̀̂n FC Sờn Tùng M-TP Hà Nội kề̂u gọi mọi ngườ̀i tham gia ủng hộ đề n bào Miề n Trung đang ga ̣p phải khó kha n vờ́i những mất mát vật chất lẫn tinh thần. Mọi đóng góp của mọi người mình sẽ up công khai ạ! Stk : Chủ tài khoản : Ngân hàng : Techcombank Nội dung chuyển khoản : Họ và tên + FCHN Mọi người donatề xong có thể chụp lại màn hình và cmt vào bài viết này để mình notề lại thông tin tránh xót ạ Thời hạn nhận donatề: 14/10 - 16/10 Sau khi hề t hạn mì̀nh sề̃ quyề̂n góp dườ́i tề̂n "Fc Sờn Tùng M-TP " tờ́i ca sì̃ Thủy Tiề̂n gửi ta m lòng a m áp đề n nhân dân Miề n Trung. Mong nhận được sự ủng hộ tích cực từ mọi người dù ít hay nhiều cũng đều đáng quý ạ Cách thức nhận áo : Nhận tại Evềnt , show gần nhất , tại nhà qua ship, qua nhà mình lấy (Láng Hạ ) _______________ Sắp tới sinh nhật ý nghĩa của chúng ta rồi!! Còn ai chưa có thì mau đặt để hoà chung sắc với mọi người , với bầu trờii Tháng 12 mình vừa nhận được thông tin show xong nhaa Có áo FC cũng là có đc quyền lợi thành viên như mình đã nói trc nhé! Hẹn gặp tại HAPPY SKY'S DAY Một bài đăng kêu gọi ủng hộ đồng bào lũ lụt 10/2020 của FC Hà Nội 198 Ảnh 4: Cộng đồng Sky hưởng ứng phong trào “stay home for” trong mùa dịch Covid-19 (Nguồn: FC Sơn Tùng M-TP Hà Nội for Trust team) Ảnh 5: Một Slogan của cộng đồng Sky trong dự án chào mừng sinh nhật Sơn Tùng (6/2019) 199 Ảnh 6: Chiến dịch “kẻ trộm nhựa” được cộng đồng Sky ủng hộ, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội để bảo vệ môi trường 200 6. Các hình thức tiêu thụ liên quan đến thần tượng: Chibi Baek Hyun (nhóm EXO) Chibi 7 thành viên nhóm BTS Chibi Sơn Tùng được các fan mang theo những dịp off fan (Ảnh: tác giả tự chụp) Ảnh một số búp bê (chibi) mô phỏng thần tượng được bán cho fan 201 Ảnh 1: Ảnh 2: 202 Ảnh 3: Ảnh 1,2,3: Góc sưu tầm những sản phẩm liên quan đến thần tượngcủa fan Sơn Tùng M-TP ở Trà Vinh (Nguồn: FC cung cấp) 203 Ảnh 4: FC Sơn Tùng bao rạp nhân ngày công chiếu Skytour movie 13/6/2020 (Tác giả chụp cùng FC) Ảnh 5: FC nhân ngày công chiếu Skytour movie (13/6/2020) (Tác giả chụp cùng FC) 204 Ảnh 6: Xếp hàng chờ xem Skytour movie (Nguồn: FC cung cấp) 205

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfluan_an_ham_mo_than_tuong_trong_doi_song_gioi_tre_viet_nam_h.pdf
  • pdfTrichyeu_DinhVietHa.pdf
Tài liệu liên quan