Luận án Phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay

MỞ ĐẦU Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu Trong sự phát triển của mình, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào cũng đều kế thừa những truyền thống tốt đẹp mà thế hệ trước để lại để vươn tới trình độ mới cao hơn, đó chính là biện chứng của sự phát triển. Từ lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, ông cha ta đã rút ra nhiều bài học quý báu, cả trong đối nội và đối ngoại. Ví như, trong quan hệ cộng đồng, mặc dù đất nước có nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau, nhưng tinh thần chung là: “Bầu ơi thương

doc163 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 17/01/2022 | Lượt xem: 207 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Luận án Phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
nấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; thái độ đối với những người mắc lỗi lầm nhưng biết ăn năn hối cải thì: “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”; còn đối với kẻ thù xâm lược khi đã đầu hàng: “Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng / Ta lấy toàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức” Nhờ thực hiện những tinh thần ấy, toàn dân tộc đã đoàn kết, thống nhất, đồng sức, đồng lòng chống thiên tai, giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế, do chú ý phát huy truyền thống khoan dung, tăng cường đồng thuận xã hội nên sự nghiệp cách mạng nước ta đã đạt những thành tựu to lớn: chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững, các vấn đề văn hóa – xã hội bức xúc từng bước được giải quyết, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được mở rộng, củng cố vững chắc, đi vào chiều sâu. Đúng như nhận định của Văn kiện Đại hội XI: “Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục được mở rộng và tăng cường trên cơ sở thống nhất về mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” [27, tr.158]. Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu đưa nước ta đến năm 2020 về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, một trong những động lực quan trọng để đạt mục tiêu trên được Đảng ta xác định là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Muốn vậy, phải tìm ra điểm tương đồng, “mẫu số chung” để quy tụ tất cả các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, mọi thành phần xã hội, người Việt Nam ở trong và ngoài nước thành một khối thống nhất - hay nói cách khác, phải xây dựng đồng thuận xã hội. Cùng với đó, quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, khi cả nhân loại đang tiến vào nền kinh tế tri thức, nguồn lực con người được coi là tài nguyên quý giá nhất, một dân tộc có cường thịnh, hùng mạnh hay không trước hết phụ thuộc vào sự quy tụ sức người – tức xây dựng và phát huy cho được khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều này cho thấy, đồng thuận xã hội càng là yêu cầu cấp thiết của nước ta. Tuy nhiên, phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay cũng đang đặt ra những vấn đề như: Một là, một bộ phận cán bộ, nhân dân đang có cách hiểu phiến diện về khoan dung, coi đó là sự “tha thứ”, “ban ơn” của người thắng với kẻ thua, của người đúng với kẻ sai, người trên với kẻ dưới. Chính nhận thức này đã làm cho những mâu thuẫn, bất đồng đã có ngày càng trở nên trầm trọng. Hai là, sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội, dân trí tương đối cao làm nảy sinh hoặc sâu sắc thêm những mâu thuẫn, khác biệt đã có từ trước, như: các quan điểm khác nhau về con đường phát triển đất nước, một số vấn đề do lịch sử để lại, tính phức tạp trong quan hệ dân tộc, tôn giáo Ba là, những hạn chế trong quản lý xã hội dẫn tới trường hợp một bộ phận quan chức tham nhũng, các cá nhân làm ăn phi pháp giàu lên nhanh chóng trong khi đời sống của bộ phận lớn những người lao động còn vô cùng khó khăn; sự phân hóa thu nhập, trình độ phát triển giữa các giai cấp, dân tộc, vùng miền ngày càng doãng ra làm cho những mâu thuẫn, bất đồng trong xã hội ngày càng gia tăng. Bốn là, khi nguồn “năng lượng” đã từng phát huy vai trò tích cực của nó trong công cuộc đổi mới những năm qua dần cạn kiệt, thì dân chủ hóa đời sống xã hội phải được xem như một động lực cần được khai thác nhiều hơn cho sự phát triển đất nước. Muốn vậy, phải tôn trọng, chấp nhận những quan điểm, ý kiến khác nhau - hay nói cách khác, phải thực hành khoan dung; song, làm thế nào để các ý kiến khác nhau được tôn trọng nhưng vẫn giữ vững được vai trò lãnh đạo của Đảng, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa ? Năm là, những diễn biến phức tạp trên biển Đông gần đây đòi hỏi cả dân tộc phải đoàn kết, thống nhất để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhưng, một bộ phận nhỏ quần chúng nhân nhân, vì bất bình trước các hành vi ngang ngược của Trung Quốc đã có những hành động tự phát, thiếu kiềm chế với một số doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân người nước ngoài. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến truyền thống yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu, sức mạnh chính nghĩa của dân tộc trong con mắt bạn bè quốc tế. Những yếu tố trên đang tác động bất lợi đến quy tụ sức mạnh toàn dân tộc để thúc đẩy quá trình đổi mới tiến lên. Trong bối cảnh đó, phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội càng trở thành vấn đề có tính chất quyết định. Có thể nói rằng: chưa bao giờ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải phát huy tối đa sức mạnh toàn dân tộc gắt gao như hiện nay. Cũng chưa bao giờ sức mạnh dân tộc đòi hỏi nhất thiết phải được xác lập trên cơ sở phát huy sự giác ngộ và khả năng cống hiến của từng thành viên trong cộng đồng dân tộc như hiện nay. Điều này có nghĩa: dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy cho được truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội phải được xem là yếu tố chiến lược, quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và cả tương lai. Với những lý do đó, chúng tôi chọn vấn đề: “Phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay” làm đề tài cho luận án Tiến sĩ chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học của mình. Mục tiêu, nhiệm vụ 2.1. Mục tiêu: trên cơ sở nghiên cứu truyền thống và thực trạng thực hiện khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội của dân tộc, luận án đề xuất một số quan điểm, giải pháp chủ yếu để tiếp tục phát huy truyền thống này ở Việt Nam hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ: để đạt mục tiêu trên, luận án tập trung giải quyết những nhiệm vụ sau: - Làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội; - Phân tích, đánh giá thực trạng phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội trong thời kỳ đổi mới, những vấn đề đang đặt ra hiện nay; - Đề xuất một số quan điểm, giải pháp chủ yếu để tiếp tục phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu: Truyền thống khoan dung và tác động của nó tới xây dựng đồng thuận xã hội trong lịch sử và hiện nay ở Việt Nam. 3.2. Phạm vi nghiên cứu: tác động của khoan dung nhằm tạo đồng thuận xã hội trong lịch sử và hiện nay từ giác độ chính trị - xã hội. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng các phương pháp chung trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn theo quan điểm mácxít như: kết hợp chặt chẽ logic và lịch sử; lý luận và thực tiễn; phân tích và tổng hợp; nghiên cứu văn bản Cái mới của luận án Một là, luận án nghiên cứu khoan dung, đồng thuận xã hội; phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội từ phương diện chính trị - xã hội; Hai là, luận án xác lập được cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay; Ba là, luận án làm sáng tỏ những thành tựu, hạn chế phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới trên một số lĩnh vực chủ yếu; chỉ rõ những vấn đề đang đặt ra cần được nghiên cứu giải quyết; Bốn là, luận án đã đề xuất sáu quan điểm, bốn nhóm giải pháp phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lý luận: luận án góp phần phát triển thêm một bước nhận thức về khoan dung, đồng thuận xã hội; vai trò của khoan dung đối với xây dựng đồng thuận xã hội; từ đó, tổng kết thực tiễn lịch sử dân tộc trong việc phát huy tinh thần khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc trong giai đoạn cách mạng hiện nay. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn: luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy các nội dung có liên quan mà luận án đã trình bày; cung cấp cơ sở lý luận cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách về khoan dung, đồng thuận xã hội; phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các công trình khoa học của tác giả đã công bố có liên quan đến luận án, danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 4 chương, 11 tiết. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Những công trình nghiên cứu về khoan dung Khoan dung là một trong những vấn đề xuất hiện khá sớm trong lịch sử và tư tưởng nhân loại; đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau: triết học, tôn giáo học, đạo đức học, văn hóa học, chính trị họcTrong thời gian gần đây, khi trên thế giới xuất hiện nhiều cuộc chiến tranh, xung đột liên quan đến các vấn đề dân tộc, sắc tộc, tôn giáo thì khoan dung lại càng được quan tâm nghiên cứu với mong muốn đưa nó thành một giải pháp để tránh xung đột, mang lại hòa bình cho nhân loại. Một số công trình tiêu biểu gần đây: Avery Patricia, Phát triển khoan dung chính trị [54]; trên phương diện chính trị học, tác giả cho rằng bản chất của khoan dung chính là: “mở rộng các quyền tự do, dân chủ cho cá nhân và các nhóm có quan điểm khác với mình” [54]. Bởi theo tác giả, xã hội không phải là thuần nhất, do vậy, lực lượng cầm quyền phải tôn trọng, mở rộng các quyền tự do, dân chủ cho mọi công dân, đó chính là cơ sở để tạo ra sự ổn định chính trị, phát triển đất nước. Hajine Nakamura, Tinh thần khoan dung và sự giải thoát trong tư duy người Ấn Độ [88]; trong bài viết, tác giã đã làm rõ đặc tính khoan dung trong văn hóa Ấn Độ. Theo tác giả, nói chung, người Ấn Độ có xu hướng chấp nhận mọi sự tồn tại của những thế giới quan triết học và tôn giáo trên thế giới. Họ cho rằng, những tư tưởng khác nhau này dường như mâu thuẫn với nhau nhưng đều dựa trên cái Tuyệt đối. Quan điểm này, về mặt khách quan, dựa trên tư tưởng mọi thứ trên thế giới đều là một; về mặt chủ quan, dựa trên sự phản ánh tất cả những hành động của con người đều bắt nguồn từ quan điểm siêu hình và nguyên lí nhất nguyên luận. Nguyễn Dy Niên, 1995 – Năm quốc tế về khoan dung [13, tr. 379-384]; trong bài viết, tác giả đã làm rõ quá trình ra đời, phát triển quan điểm của UNESCO về khoan dung, những tác động của nó đối với việc giữ vững hòa bình cho nhân loại. Đồng thời, tác giả đã lý giải nguồn gốc ra đời khoan dung Việt Nam: “Khoan dung là một trong những giá trị tinh thần của văn hóa Việt Nam. Đó là kết quả của quá trình thích nghi với thiên nhiên và đấu tranh xã hội để sinh tồn và phát triển của dân tộc” [13, tr.382]; đề xuất một số cách thức nhằm phát huy truyền thống khoan dung Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nguyễn Thị Phương Mai, Tư tưởng khoan dung và ý nghĩa hiện thời của nó [83]; đây là công trình nghiên cứu khoan dung dưới phương diện triết học. Trong luận án, tác giả đã đi sâu nghiên cứu ba vấn đề cơ bản: một là, khái niệm và lịch sử tư tưởng khoan dung; hai là, sự tích hợp các giá trị Đông – Tây của tư tưởng khoan dung trong nhận thức và hoạt động của Mahatma Ghandi và Hồ Chí Minh; ba là, ý nghĩa tư tưởng khoan dung trong bối cảnh toàn cầu hóa. Qua đó, tác giả đi đến nhận định tính tất yếu của thực hiện khoan dung trong giai đoạn hiện nay: “toàn cầu hóa dẫn tới sự giao lưu, tiếp xúc giữa các dân tộc, tôn giáo, các nền văn hóa khác nhau. Trong khi đó, cả nhân loại đều có mục tiêu chung là duy trì hòa bình để tồn tại và phát triển. Do vậy, chấp nhận sự khác nhau để cùng tồn tại, phát triển là yêu cầu tất yếu của thời đại hiện nay [83, tr.110-117]. Về khoan dung Việt Nam, tác giả cho rằng: “Đối với dân tộc ta, khoan dung là nhằm xây dựng đoàn kết dân tộc, hướng đến bảo vệ, phát triển nền văn hóa của dân tộc. Đồng thời, nó thể hiện rằng, mục đích cao nhất của khoan dung là nhằm xây dựng cuộc sống hòa bình cho đất nước” [83, tr.139-140]. Về các giải pháp nâng cao chất lượng khoan dung ở Việt Nam, tác giả đề xuất: “để cho việc bảo vệ và phát huy giá trị đạo đức khoan dung truyền thống có hiệu quả hơn thì công tác giáo dục trong và ngoài nhà trường cần được coi trọng hơn” [83, tr.142]. Huỳnh Khái Vinh và Nguyễn Thanh Tuấn, Bàn về khoan dung trong văn hóa [151]; đây là công trình nghiên cứu khoan dung dưới phương diện văn hóa học. Quan niệm về khoan dung, các tác giả cho rằng đó là thái độ: “phê phán cái sai, lên án cái xấu, cái ác để cùng nhau hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ” [151, tr.13]. Về lịch sử hình thành, phát triển tư tưởng khoan dung, các tác giả đã chỉ rõ: “Những nội dung chính của khoan dung đã có trong các nền văn hóa Đông – Tây từ thời cổ đại” [151, tr.9]. Về khoan dung Việt Nam, theo các tác giả, cơ sở hình thành khoan dung Việt Nam bao gồm bốn yếu tố: cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, văn hóa lúa – văn hóa xóm làng; truyền thống tiếp xúc, giao lưu, tích hợp của văn hóa; ý thức và tình cảm tự tôn dân tộc – quốc gia; nền phong hóa thuần hậu [151, tr.197-231]. Về phương hướng và giải pháp cơ bản để phát huy truyền thống khoan dung Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, các tác giả đề xuất ba giải pháp lớn: từ thích nghi đến khoan dung, từ giải phóng cá nhân đến khoan hòa giữa cá nhân và cộng đồng; xây dựng môi trường văn hóa cho sự khoan dung; xây dựng gia đình văn hóa mới [151, 297]. Đỗ Lan Hiền, Khoan dung tôn giáo với dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội – Trường hợp Việt Nam [45]; đây là công trình nghiên cứu khoan dung dưới phương diện tôn giáo – chính trị học. Về quan niệm khoan dung tôn giáo, tác giả cho là: “phạm trù dùng để chỉ một thái độ, ứng xử tôn trọng, hòa hợp đới với cái khác biệt, khác lạ, thậm chí là đối lập lại với mình. Là sự chế ngự, xóa bỏ được thói loại trừ, khai trừ, kỳ thị, lo sợ cái khác lạ, cái khác mình, cái đối lập với mình. Khoan dung không phải là sự nhượng bộ, sự hạ mình hay nhận đặc ân, mà khoan dung còn là trách nhiệm, là sự duy trì mọi quyền con người (trong đó có quyền tự do tư tưởng và tôn giáo” [45, tr. 24]. Về lịch sử hình thành tư tưởng khoan dung, tác giả cho rằng nó đã được hình thành từ thời cổ đại cả ở phương Đông và phương Tây. Ở phương Đông, theo tác giả, mặc dù không có khái niệm khoan dung nhưng những tư tưởng của nó được thể hiện trong các khái niệm tương đương như: “hòa” của Nho giáo, “hòa nhi bất đồng” của Lão TrangỞ phương Tây, tư tưởng khoan dung đã xuất hiện rất sớm trong các tôn giáo, tiêu biểu là lý tưởng: “bỏ gươm vào vỏ, vì ai dùng gươm sẽ chết vì gươm” [45, tr. 12]. Về khoan dung Việt Nam, tác giả nhận định: “Việt Nam chịu ảnh hưởng từ rất sớm ba lý thuyết Nho, Phật, Đạo của Trung Hoa và Ấn Độ, nên người Việt thấm nhuần tinh thần khoan dung. Người Việt dùng thuật ngữ “An - Yên” để diễn đạt trạng thái khoan dung, hòa hợp [45, tr. 21]. Giang Văn Toàn, Khoan dung một cách giáo dục [133]; trên phương diện giáo dục học, tác giả nhấn mạnh đặc trưng: “sự cao thượng trong tâm hồn, sự bao dung trong suy nghĩ, sự độ lượng trong hành động” [133, Lời tựa] của khoan dung. Trong cuốn sách, ông đã đưa ra nhiều ví dụ điển hình của tinh thần khoan dung nhằm giáo dục nhân cách con người trên các phương diện chính trị, đạo đức; trong các môi trường gia đình, nhà trường, xã hội; trong các quan hệ: bạn - bè, vợ - chồng, cha - con, cấp trên – cấp dưới Lương Mỹ Vân, Tư tưởng khoan dung trong triết học Khai sáng Pháp [142]; trong bài viết này, trên cơ sở triết học, tác giả đã phân tích cơ sở chính trị - xã hội dẫn đến sự hình thành tư tưởng khoan dung trong triết học Khai sáng Pháp. Tác giả chỉ ra một số đặc điểm nổi bật của tư tưởng khoan dung giai đoạn này là: khuynh hướng đa thần, đấu tranh cho các quyền tự do cá nhân, chấp nhận sự đa dạng văn hóa thế giới... Tác giả đi đến kết luận: “Tư tưởng khoan dung trong triết học Khai sáng Pháp đã bao chứa phần lớn những nội dung quan trọng của quan điểm khoan dung được áp dụng trong thời đại toàn cầu hoá, thời đại mà con người ngày càng nhận thấy – rõ rệt hơn nhiều so với thời kỳ Khai sáng ở thế kỷ XVIII – rằng, thế giới là một tổng hợp những sự khác biệt về văn hoá, về niềm tin, về tư tưởng” [142, tr.62]. Trần Nguyên Việt, Tư tưởng khoan dung của Khổng Tử và sự thể hiện nó ở Nguyễn Trãi [149]; trong bài viết, tác giả đã làm rõ quan điểm khoan dung của Khổng Tử và so sánh với quan điểm khoan dung của Nguyễn Trãi. Theo tác giả, mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, song, tư tưởng khoan dung của Nguyễn Trãi có ý nghĩa nhân văn, rộng mở hơn, thể hiện ở đạo lý nhân nghĩa, tư tưởng vì dân và theo dân, sự chấp nhận các học thuyết ngoài Nho giáo. Đỗ Minh Hợp, Đối thoại giữa các nền văn minh theo tinh thần khoan dung – Nhân tố quyết định sự sống còn và thịnh vượng của nhân loại [50]; bài viết đề cập đến một vấn đề thời sự liên quan đến toàn cầu hóa đó là đối thoại giữa các nền văn minh. Trên cơ sở làm rõ sự cần thiết của đối thoại trên tinh thần khoan dung – một chủ đề đang được thảo luận sôi nổi trên diễn đàn triết học thế giới, tác giả bài viết đã đi đến khẳng định: Đối thoại giữa các nền văn minh theo tinh thần khoan dung sẽ góp phần tạo ra một thế giới thống nhất trong đa dạng, một thế giới được cấu thành từ nhiều nền văn minh độc đáo đang tương tác với nhau, và đó sẽ là một thế giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị và thịnh vượng. Trong đó, đối thoại trên tinh thần khoan dung trở thành hình thức giao tiếp phổ biến, nhân tố đảm bảo sự sống còn và thịnh vượng cho mỗi con người và cả cộng đồng nhân loại. Phạm Xuân Nam, Đối thoại văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa [89]; trong bài viết này, thông qua việc phân tích bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tác giả cho rằng, toàn cầu hóa ngày càng tăng, chúng ta đang chứng kiến một thế giới trở nên cởi mở, gắn kết với nhau hơn. Tuy nhiên, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, sự lan rộng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự không khoan dung về sắc tộc và tôn giáo... đang trở thành những mối đe dọa cấp thiết đối với cộng đồng quốc tế trong công cuộc xây dựng một thế giới hòa hợp và hòa bình. Trước những thách thức đó, cộng đồng quốc tế hơn bao giờ hết cần xác định những biện pháp đối phó. Điều này đòi hỏi phải tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Trần Lê Bảo, Đối thoại giữa các nền văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa [12]; trong công trình này tác giả đã trình bày tính tất yếu của khoan dung, đối thoại văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Tác giả cho rằng, thế giới tồn tại nhiều nền văn hóa khác nhau; hiện nay, do sự phát triển của khoa học - công nghệ làm cho các nền văn hóa giao lưu, tiếp xúc với nhau. Từ đó, tất yếu các nền văn hóa cũng phải đối thoại với nhau, tôn trọng sự tồn tại của nhau; đặc biệt, giao lưu, đối thoại còn để học hỏi lẫn nhau: “Đối thoại giữa các nền văn hóa nhằm đưa lại sự đa dạng văn hóa. Đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại, là nguồn gốc của sự sáng tạo, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Đa dạng văn hóa đem lại sự khoan dung và hòa hợp, đưa tới sự đối thoại và hợp tác” [9]. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam [117], trong phần 4, chương VII, từ trang 668 đến 694, các tác giả đã viết về Truyền thống khoan dung trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Trong đó, tác giả đã chỉ rõ khoan dung trong lịch sử văn hóa Việt Nam biểu hiện trên ba nội dung chủ yếu: một là, khoan dung là biểu hiện của tình yêu thương con người, tinh thần hướng thiện và lòng yêu chuộng hòa bình; hai là, khoan dung là sự rộng lượng tha thứ cho những thế lực ngoại xâm, kết thúc chiến tranh bằng con đường hòa bình, thiết lập mối quan hệ hữu hảo, dài lâu; ba là, khoan dung biểu hiện ở sự chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa của người khác, cộng đồng khác, nền văn hóa khác [117, tr.668-694]. Nguyễn Đức Lữ, Tính khoan dung của tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam [75, tr. 563-570], trên phương diện tôn giáo học, tác giả đã làm rõ cơ sở hình thành, biểu hiện cụ thể của tính khoan dung trong tôn giáo, tín ngưỡng người Việt. Khoan dung tôn giáo Việt Nam, biểu hiện ở sự tiếp nhận hòa bình các tôn giáo bên ngoài, sự kết hợp, dung hòa các giáo lý tôn giáo, đối tượng thờ phụng. Theo tác giả, biểu hiện rõ nhất khoan dung tôn giáo ở Việt Nam là mặc dù có nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng Việt Nam không hề có chiến tranh tôn giáo. Hoàng Thị Thơ, Khoan dung trong lịch sử phật giáo Ấn Độ và phật giáo Việt Nam [118, tr.571-581], trong bài viết này, tác giả đã phân tích những biểu hiện cụ thể của tính khoan dung trong Phật giáo nguyên thủy Ấn Độ và Phật giáo Việt Nam. Qua đó, luận chứng cho vai trò của Phật giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa, tìm kiếm một gợi mở về khoan dung và khoan dung tôn giáo đối với đoàn kết tôn giáo và đoàn kết dân tộc để có thể đóng góp cho Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng hiện nay. Đỗ Thị Hòa Hới, Tính khoan dung của văn hóa truyền thống dân tộc và sự kế thừa, phát triển trong tư tưởng Hồ Chí Minh [48, tr.545-555]. Trong bài viết, tác giả đã chỉ ra một số biểu hiện của tính khoan dung trong văn hóa truyền thống Việt Nam như: sự tiếp biến các giá trị văn hóa bên ngoài làm phong phú thêm giá trị văn hóa dân tộc, sự tha thứ cho kẻ thù xâm lược khi chúng đã quy hàng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã kế thừa và phát triển tính khoan dung của văn hóa truyền thống lên tầm cao mới: “Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, khoan dung vừa là một phẩm chất, một đặc điểm, vừa là hệ quả của quá trình hình thành và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc... Hồ Chí Minh là người đã kế thừa và phát triển những nội hàm mới của tính khoan dung trong văn hóa truyền thống dân tộc lên tầm cao mới, đưa nó trở thành một nhân tố của đòi sống thực tiễn cách mạng Việt Nam” [48, tr. 555]. Gần đây, một số công trình đã tiếp cận truyền thống khoan dung Việt Nam trên phương diện chính trị; biểu hiện rõ nhất là tư tưởng “khoan thư sức dân”. Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Hoài Văn, Nguyễn Văn Vĩnh, Bước đầu tìm hiểu những giá trị văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam [61], trong chương IX của công trình này, các tác giả đã làm rõ luận điểm về: tinh thần khoan dung, độ lượng, vị tha, thân dân của tư tưởng chính trị truyền thống Việt Nam. Trong đó, nhiều vấn đề lý luận, ví dụ lịch sử sinh động được các tác giả trích dẫn nhằm làm rõ tính chất khoan dung trong văn hóa chính trị Việt Nam. Trên lĩnh vực đối nội, đó là đường lối cai trị khoan thư sức dân; trên lĩnh vực đối ngoại, là tư tưởng hòa bình, hòa hiếu, tha thứ cho giặc ngoại xâm khi chúng đã xin hàng. Phùng Văn Khai, Khoan thư sức dân - Quốc sách dụng nước và giữ nước [62], trong bài viết này, tác giả đã làm rõ đường lối cai trị khoan thư sức dân trong lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời nhà Trần. Thông qua các sự kiện lịch sử, tác giả đã làm rõ khoan thư sức dân là một quy luật, một chính sách quan trọng hàng đầu trong dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Khoan thư sức dân được biểu hiện rõ nhất ở chính sách thuế của nhà nước với người dân, đặc biệt là những lúc nhân dân gặp khó khăn: “muốn ổn định được đất nước, đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc thì khoan thư sức dân luôn là quốc sách và thượng sách giữ nước” [62]. ... Từ những công trình nghiên cứu về khoan dung, cho phép chúng tôi đưa ra các nhận định sau: Một là, mặc dù ở các phương diện nghiên cứu khác nhau, các tác giả nhấn mạnh mặt này hay mặt kia của nội hàm khái niệm; song, các tác giả đều thừa nhận điểm chung nhất của khoan dung là: tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt; với mục tiêu là tăng cường hiểu biết lẫn nhau nhằm duy trì hòa bình cho quốc gia, nhân loại. Hai là, các tác giả đều thống nhất cho rằng khoan dung là phạm trù xuất hiện khá sớm ở cả phương Đông và phương Tây. Ba là, thực hiện khoan dung là một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang làm các quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau, nhưng vẫn còn đó những khác biệt về thể chế chính trị, văn hóa, tôn giáo... Bốn là, về khoan dung Việt Nam, các tác giả có chung nhận định: khoan dung là truyền thống của người Việt; nó thể hiện trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Điểm khác biệt trong tư tưởng khoan dung Việt Nam là coi khoan dung như một hình thức cai trị: “chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị”; động lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”. Tuy nhiên, trong các công trình kể trên, chưa có công trình nào nghiên cứu khoan dung dưới phương diện chính trị - xã hội (thuộc phạm vi chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học). 1.2. Những công trình nghiên cứu về đồng thuận xã hội Đồng thuận xã hội là một khái niệm mới xuất hiện trong thời gian gần đây ở nước ta. Đã có một số công trình nghiên cứu vấn đề này ở nhiều phương diện khác nhau. Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu gần đây: Phạm Ngọc Quang, Quan điểm, định hướng và giải pháp thực hành dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội [102]; trong công trình này, các tác giả đã bước đầu đưa ra khái niệm đồng thuận xã hội, mối quan hệ giữa phát huy dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội. Trình bày thực trạng đồng thuận xã hội nước ta hiện nay trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng. Công trình cũng đã đề xuất một số quan điểm, định hướng, giải pháp thực hiện dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội nước ta hiện nay. Đỗ Lan Hiền, Khoan dung tôn giáo với dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội – Trường hợp Việt Nam [45]. Về đồng thuận xã hội, tác giả cho rằng: “là phương thức tập hợp lực lượng dựa trên những tiêu chí mà các giai cấp, tầng lớp, các lực lượng xã hội dù có lợi ích khác nhau những vẫn có thể gắn kết ở mức độ nhất định mà vẫn bảo tồn được những đặc thù riêng của mình, không bị hòa tan, biến thành kẻ khác” [45, tr. 97]. Nguyễn Thị Lan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc xây dựng đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay [69]. Trong luận án, tác giả đã trình bày khái niệm và sự vận động khái niệm đồng thuận xã hội từ cổ đại cho đến hiện đại, các nhân tố ảnh hưởng đến xây dựng đồng thuận xã hội tại mỗi quốc gia dân tộc. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay. Nguyễn Trần Bạt, Đồng thuận và đồng thuận xã hội [11], trong bài viết này trên cơ sở làm rõ khái niệm, cơ sở hình thành, bản chất của đồng thuận, đồng thuận xã hội, tác giả đã chỉ ra những nội dung cơ bản của đồng thuận xã hội trong thế giới đương đại trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa. Bài viết cũng làm sáng tỏ một số điều kiện để tăng cường đồng thuận xã hội ở các quốc gia đang phát triển hiện nay; trong đó nhấn mạnh các yếu tố: nâng cao mức sống của người dân, giảm khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển giữa các cộng đồng người; nâng cao dân trí, thực hành dân chủ...Từ đó, tác giả đi đến kết luận: “Đồng thuận xã hội là sự tự giác thống nhất về cả ba mặt kinh tế, chính trị, văn hóa. Nói cách khác, dân chủ về chính trị, tự do về kinh tế và cởi mở về văn hóa là đảm bảo quan trọng của sự đồng thuận xã hội. Đó cũng chính là sự đồng thuận văn minh của một xã hội văn minh”. Trần Đắc Hiến, Đồng thuận xã hội một số vấn đề lý luận và thực tiễn [43]; trong bài viết này, tác giả đã chỉ ra những cơ sở chủ yếu để xác lập đồng thuận xã hội như: sự thống nhất về lợi ích chung; sự tự nguyện nhất trí, gắn kết; sự tôn trọng những khác biệt của các thành viên trong một cộng đồng. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay như: giải quyết hài hòa lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo; lấy lợi ích căn bản của đại đa số nhân dân làm điểm xuất phát xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; mở rộng và thực hiện có hiệu quả dân chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội... Chu Văn Tuấn, Đồng Thuận xã hội: Một số vấn đề lý luận [141]; bài viết đã tập trung làm sáng tỏ bốn vấn đề chính sau: một là, trình bày quan điểm của tác giả về khái niệm đồng thuận xã hội; hai là, phân tích các đặc điểm và bản chất của đồng thuận xã hội; ba là, phân tích vai trò của đồng thuận xã hội với tư cách vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển xã hội; bốn là, làm rõ những cơ sở chủ yếu để xây dựng đồng thuận xã hội. Về khái niệm đồng thuận xã hội, tác giả cho rằng: Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí hay tán thành, ủng hộ một cách rõ ràng hay ngầm định của đa số các thành viên trong xã hội đối với một vấn đề nào đó (chẳng hạn một quan điểm, một chủ trương, đường lối, chính sách, quyết định...) trên cơ sở những điểm tương đồng và cùng chung mục đích” [141, tr.26]. Hoàng Chí Bảo, Dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội trong phát triển bền vững [10, tr. 426-444]. Trong bài viết, trên cơ sở làm rõ mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển bền vững, tác giả đã luận chứng cho quan điểm: dân chủ, đoàn kết, đồng thuận – là những giá trị văn hóa của phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay. Theo tác giả: “dân chủ, đoàn kết và đồng thuận là những giá trị cơ bản của xã hội, là những động lực chủ yếu của phát triển, đồng thời cũng là những tiêu chí không bao giờ được xem nhẹ, càng không thể lãng quên trong đánh giá về tiến bộ xã hội” [10, tr.430]. Về mối quan hệ giữa dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội, tác giả cho rằng: “Dân chủ là cơ sở, là điều kiện và tiền đề của đoàn kết và đồng thuận xã hội. Chỉ khi nào dân chủ là thực chất (chứ không phải hình thức, giả hiệu, mị dân – mà những biểu hiện này vẫn thường thấy xuất hiện trong đời sống, nó đi liền với sự vi phạm dân chủ, đối lập với dân chủ) thì khi đó, mới có đoàn kết thực sự, thực chất, mới tăng cường được đồng thuận” [10, tr.442]. Ở Việt Nam hiện nay, theo tác giả, Đảng Cộng sản Việt Nam cần thực hiện, phát huy dân chủ trên mọi lĩnh vực, phải làm cho mọi chủ trường đường lối, chính sách hợp lòng dân, thuận ý dân, được dân ủng hộ, tin tưởng như thế tất xây dựng được đồng thuận xã hội. Đặng Hữu Toàn, Đoàn kết dân tộc trên cơ sở đồng thuận xã hội [134, tr. 445-456]. Trong bài viết, qua nhiều chứng cứ lịch sử tác giả đã cho rằng, lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử thế giới đều chứng minh rằng: “bất cứ một dân tộc nào xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở đồng thuận xã hội đều chiến thắng không chỉ trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc, mà cả trong hòa bình xây dựng đất nước” [134, tr. 445]. Trong giai đoạn hiện nay, đ...ên, so với triết học phương Tây, quan niệm về khoan dung ở phương Đông có những khác biệt. Trong Luận ngữ, Khổng Tử nhiều lần đề cập đến “khoan” với tư cách là một hình thức cai trị. Thứ nhất, ông cho rằng, người ở ngôi vị cao phải có lòng khoan dung. Nếu không có lòng khoan dung thì không được mọi người nể trọng: “cư thượng bất khoan, ngô hà dĩ quan chi tai” [66, tr.48]. Nguyên văn đoạn đó như sau: “Cư thượng bất khoan, vi lễ bất kính, lâm tang bất ai, ngô hà dĩ quan chi tai”. Có nghĩa: người ở ngôi vị cao không có lòng khoan dung, hành lễ mà không cung kính, ở đám tang mà không buồn rầu, người như vậy mắt ta há nhìn họ sao? [66, tr.48]. Ở đây, khoan dung được hiểu là yêu cầu đạo đức bắt buộc của người quân tử, người cai trị, người có địa vị tôn quý trong xã hội. Nếu những người ở địa vị cao quý đó mà không có lòng khoan dung thì cũng như người hành lễ mà không có lòng kính trọng, ở đám tang mà không buồn rầu. Người như vậy, thực không phải là bậc quân tử và không đáng được kính trọng. “Ngô hà dĩ quan chi tai – ta há thèm nhìn họ sao?” - một cách nói khá phổ biến trong Luận ngữ dùng để chỉ thái độ của Khổng Tử đối với những hành vi mà ông cho là không hợp với Lễ, với đạo đức xã hội. Thứ hai, theo Khổng Tử, người cai trị mà có lòng khoan dung sẽ thu hút, cảm hóa được số đông dân chúng. Trong Luận ngữ, hai lần ông nhắc “khoan tắc đắc chúng” (khoan – tất được lòng dân chúng). Lần thứ nhất, khi Tử Trương – một học trò xuất sắc của ông hỏi về thi hành đức “nhân” trong thiên hạ, Khổng Tử cho rằng, người có lòng nhân là người phổ cập được năm đức hạnh: cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Nói riêng về đức khoan, ông cho rằng: “khoan tắc đắc chúng” (có lòng khoan tất được lòng dân chúng). Lần thứ hai, khi Khổng Tử viết về thời đại vua Nghiêu (chương XX, sách Luận ngữ). Ông cho rằng, khi nhà Chu mới thành lập, xuất gạo trong kho chu cấp cho cả thiên hạ, riêng những người hiền lành thì được trọng thưởng. Vua Võ vương nói rằng, dẫu vua Trụ có họ hàng thân thích, cũng chẳng bằng ta có người nhân. Ông nêu quan điểm: “khoan tắc đắc chúng, tín tắc dân nhậm yên, mẫn tắc hữu công, công tắc duyệt” (nhà cầm quyền có lòng khoan hồng thì được lòng bá tính, ăn nói chắc thật thì được dân tín nhiệm, cần mẫn thì việc làm có kết quả, công bằng thì được lòng mọi người) [66, tr.312-313]. Xuất phát từ bối cảnh Trung Quốc lúc đó, nhà Chu đang suy vi, các nước chư hầu dùng bạo lực để tranh giành quyền lực; Khổng Tử mong muốn khôi phục địa vị cho nhà Chu nên ông chủ trương dùng các biện pháp hòa bình để thiết lập trật tự; do đó, ông chủ trương khoan dung để được lòng dân chúng. Ngoài ra, trong lịch sử triết học Trung Quốc cổ đại, tư tưởng khoan dung còn được thể hiện trong đường lối cai trị “khoan mãnh tương tế” (cai trị xã hội kết hợp giữa khoan dung và bạo lực). Người đầu tiên đề xuất quan điểm này là Tử Sản. Lúc đầu, chủ trương của Nho gia dùng các biện pháp mềm dẻo, dùng “Lễ” để chỉnh đốn xã hội. Tuy nhiên, do bối cảnh xã hội lúc đó, quan điểm này đã tỏ ra bất lực. Do vậy, Tử Sản đề xuất kết hợp giữa cai trị khoan dung và sử dụng sức mạnh bạo lực để thiết lập trật tự. Theo giải thích của học giả Lao Tử thì: “khoan mãnh tương tế” có nghĩa là việc cai trị thiên hạ phải kết hợp hai nguyên tắc khoan dung (khoan) và nghiêm khắc (mãnh). Sau này, Nho gia phát triển thêm tư tưởng này, hình thành nguyên tắc cơ bản: “đức chủ hình phụ”, “khoan mãnh tương tế”, “ân uy tịnh thi” (lấy đức làm chủ, lấy hình làm phụ, khoan mãnh cùng giúp nhau, ân uy cùng thi hành” [72, tr.622]. Từ sự phân tích trên cho thấy, trong tư tưởng của Nho gia, “khoan” là một đức tính, yêu cầu đạo đức bắt buộc của người cai trị. “Khoan” kết hợp với “mãnh” sẽ tạo ra một hình thức cai trị hài hòa, hiệu quả. Tư tưởng này có ảnh hưởng đến quan điểm chính trị của các nhà triết học – chính trị sau này của Trung Quốc. Khác với quan điểm của Nho gia, những người thuộc trường phái Lão Trang lại cho khoan dung chính là sự tôn trọng bản tính tự nhiên của vạn vật. Người tiêu biểu cho quan điểm này chính là Trang Tử. Căn bản triết lý nhân sinh trong hệ thống triết học của ông là đạo thể vô danh, vô biên, tuyệt đối; con người với vạn vật phải “thích ứng với tự nhiên mà hành động”, lúc nào cũng tôn trọng tính tự nhiên của nó. Cho nên, ông chủ trương tôn trọng bản tính tự nhiên của vạn vật, kịch liệt phản đối hình thức lấy sức mạnh của con người uốn nắn tự nhiên. Ông cho rằng, những người có chủ ý đem sức mạnh của con người để cải tạo tự nhiên dù với mục đích đem lại điều thuận tiện cho con người nhưng như vậy là làm trái với quy luật tự nhiên, làm hại đến thiên tính của vạn vật. Từ đó, trong quan điểm chính trị - xã hội, Trang Tử cho rằng: “Ta nghe nói khoan dung để thiên hạ tự tại, không nghe nói trị thiên hạ. Để tự tại thì sợ thiên hạ loạn mất tính, khoan dung thì sợ thiên hạ rời mất Đức. Thiên hạ không loạn mất tính, không rời mất Đức thì thiên hạ có trị vậy” [dẫn theo, 123, tr.225]. Như vậy, trong quan điểm của Trang Tử, khoan dung trong cai trị thực chất là để thiên hạ tồn tại, vận hành theo quy luật tự nhiên vốn có của nó. Ở Ấn Độ, khoan dung được biểu hiện cả trên phương diện lịch sử và tư tưởng. Ngay từ thời cổ đại, người Ấn đã có sự tiếp xúc, giao lưu, học hỏi các giá trị văn hóa của các tộc người khác. Căn cứ vào kết quả các cuộc khảo cổ học ở lưu vực sông Ấn, vùng đất Sindh và Penjad, các nhà khảo cổ đã khám phá ra nền văn minh tối cổ Ấn Độ (khoảng từ 3000 - 4000 năm TCN) với những pho tượng nhỏ các vị Yogins ngồi tham thiền và các bức tượng đức Thánh mẫu (Cakti). Điều này cho thấy, đã có sự kết hợp các tín ngưỡng khác nhau, hoặc các tín ngưỡng khác nhau đã cùng tồn tại đan xen trong đời sống tinh thần người Ấn Độ. Trên phương diện văn hóa, người Ấn Độ bản địa Dravidien đã có sự kết hợp với văn hóa của bộ tộc xâm lược là Aryen tạo thành văn hóa Indo-Aryen. Như vậy, tinh thần khoan dung đã biểu hiện rõ cả trên phương diện dân tộc, tín ngưỡng, văn hóa. Tinh thần này tiếp tục thể hiện trong suốt thời trung cổ, khi Ấn Độ bị Hồi giáo xâm lược, người Ấn đã tiếp thu và biến nó thành tôn giáo chính thống trong một bộ phận cư dân, chung sống hòa bình với các tôn giáo khác. Từ thế kỷ XVIII, Ấn Độ bị đô hộ bởi nước Anh, nền văn hóa truyền thống Ấn Độ tiếp tục tiếp thu các giá trị của văn hóa châu Âu; biểu hiện rõ nhất là hình thành một tầng lớp trí thức Tây học với các đại biểu tiêu biểu như: Ram Mohan Rai (1772-1833), Ramakrishna (1834-1886), Rabindranath Tagore (1861- 1941), Mahatma Gandhi (1869-1948)... Các đại biểu này đều có sự tiếp thu văn minh phương Tây trên nền tảng của văn hóa truyền thống Ấn Độ. Đây là biểu hiện tiêu biểu của tinh thần khoan dung trong lịch sử cũng như văn hóa Ấn Độ. Nhận xét về đặc điểm này, đạo sĩ Sidheswarananda đã viết: “Ấn Độ đã luôn luôn tiếp thu một cách hăm hở những tư tưởng ngoại lai, nó mở cửa cho tất cả các luồng tư tưởng mới, nó đã thâu hóa các phương pháp khoa học của phương Tây, nhưng nó vẫn tin tưởng vào quá khứ vẻ vang của nó, quyết chí không bỏ mất chút gì ở hương hỏa. Đồng hóa văn hóa phương Tây, nó muốn bảo tồn văn hóa riêng biệt của nó. Chính đấy là khả năng đồng hóa mà Ramakrishna cùng cao đệ của ngài là đạo sĩ Vivekananda đã chứng minh. Để cho các tư tưởng ngoại lai xâm nhập, các ngài đã thâu hóa lấy chúng như thể các ngài đã làm giàu cho cái gia tài tôn giáo và triết học của Ấn Độ Đặc tính chính của văn hóa Ấn Độ là tinh thần tập hóa. Nó đã biết và còn biết đồng hóa vào bản chất của nó tất cả các cống hiến ngoại lai miễn sao những cống hiến ngoại lai đó không xung khắc với hương hỏa tinh thần Ấn Độ” (dẫn theo 124, tr.15]. Trên phương diện tôn giáo, Phật giáo - một tôn giáo lớn ra đời ở Ấn Độ chứa đựng rất nhiều tư tưởng khoan dung. Mặc dù trong giáo lý Phật giáo không có khái niệm khoan dung; nhưng, theo nhiều nhà nghiên cứu, các khái niệm: lòng trắc ẩn (karuma), vị tha (altruism), từ bi (maitri)cũng có nghĩa tương tự như khoan dung. Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Thơ, trong bài Khoan dung trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Việt Nam [118], thì vị tha của Phật giáo có thể được coi là thuật ngữ tương đương với từ khoan dung. Tính khoan dung của đạo Phật được thể hiện ở các phương diện chủ yếu sau: Thời kỳ mới hình thành, Phật giáo bị xếp vào hàng không chính thống (cùng với đạo Jaina và trường phái duy vật Chakravaka) và đối lập với sáu trường phái chính thống lúc đó là: Mimansa, Vedanta, Yoga, Samkhya, Nyaya và Vaisesika. Đạo Phật chủ trương đề xướng một cuộc cách mạng phản kháng lại uy quyền thần thánh và tính đẳng cấp trong tôn giáo nhưng đạo Phật không hề có ý phủ nhận các tôn giáo khác, nhất là đạo Bà la môn - tôn giáo chính thống và cao quý lúc đó tại Ấn Độ. Đạo Phật chủ trương xây dựng một tôn giáo mà mọi người đều bình đẳng cả về nỗi khổ và con đường giải thoát. Với tư tưởng đó, Phật giáo đã mở rộng ranh giới, tiếp nhận nhiều đẳng cấp xã hội bị Bà la môn loại ra ngoài phạm vi tín ngưỡng. Kết quả là, sau hai thế kỷ, Phật giáo đã phát triển rộng khắp miền Bắc Ấn Độ, trở thành tôn giáo phổ biến nhất. Nhân vật điển hình về khoan dung trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ là vua Asoka (272-231 TCN). Khi lên ngôi, ông đã cải đạo từ Bà la môn sang Phật giáo và trở thành ông vua sùng đạo Phật. Tinh thần khoan dung của Asoka thể hiện: mặc dù ông sùng bái đạo Phật, lấy Phật giáo làm quốc giáo nhưng ông không ngăn cấm các tôn giáo khác mà còn khuyến khích chúng cùng phát triển. Ông kêu gọi các giáo phái: “Thôi tự khen tụng và chỉ trích các giáo phái khác mà hãy tập trung vào việc trau dồi đạo đức tốt đẹp của dân tộc Ấn như: lòng ngay thật, biết kiềm chế, lòng từ bi bác ái, sống thanh tịnh, hòa nhã, tôn trọng các bậc huynh trưởng và thầy dạy, rộng rãi với bạn bèngăn cấm thái độ ganh đua, hiềm khích, gây chia rẽ” [dẫn theo 118, tr. 576-577]. Từ sự phân tích trên cho thấy, tinh thần khoan dung chi phối suốt lịch sử phát triển dân tộc cũng như tư tưởng Ấn Độ. Tinh thần đó biểu thị ở sự tôn trọng, chấp nhận các niềm tin, tôn giáo khác nhau. Đặc biệt, cũng giống như khoan dung Việt Nam, người Ấn Độ sẵn sàng tiếp thu các tinh hoa văn hóa bên ngoài để làm giàu nền văn hóa của mình với một tinh thần hòa bình, cầu tiến. Khoan dung không chỉ trên phương diện tinh thần mà nó còn thấm sâu vào các quan hệ xã hội, quan hệ chính trị. Khoan dung trong lịch sử tư tưởng Việt Nam Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, khoan dung là một giá trị phổ biến, diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thể hiện trên hai cấp độ là: tâm lý và lý luận. Ở cấp độ tâm lý, đó là giá trị đạo đức, phản ánh tình cảm yêu thương, gắn bó giữa các cá nhân trong cộng đồng; sự tôn trọng các đặc điểm, khác biệt của nhau; sự tha thứ cho những người mắc lỗi lầm nhưng biết ăn năn hối cải: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại” Ở cấp độ lý luận, khoan dung được coi là một hình thức cai trị nhân từ của nhà cầm quyền với dân chúng; một biện pháp để xây dựng đoàn kết dân tộc; một phương thức để xác lập hòa bình; một cơ chế phát triển nền văn hóa dân tộc Những tư tưởng khoan dung sớm nhất thể hiện trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử (198-230); trong tác phẩm này, ông đã trình bày sự dung hợp của ba học thuyết lớn là: Nho, Phật, Đạo ở Giao Chỉ giai đoạn đầu Công nguyên. Khi giải thích, tại sao đã có căn bản Nho học, ông còn tiếp thu thêm Phật, Đạo làm gì? Mâu tử cho rằng: “Sách không cứ phải là lời của Khổng Khâu, thuốc không cứ phải là cách chữa của Biển Thước. Cái gì hợp lý thì theo, cái gì chữa được bệnh thì tốt. Người quân tử rộng đường tiếp thu cái thiện để trợ giúp cho mình” [137, tr.102]. Điều này cho thấy, không có sự đối lập, mâu thuẫn mà đã có sự dung hợp các tư tưởng với nhau. Từ thế kỷ X, tư tưởng khoan dung ở Việt Nam đã mang nội hàm chính trị khá rõ nét, đó là một hình thức cai trị nhân từ và hiệu quả. Khúc Hạo (907-917), nhà cải cách đầu tiên ở thế kỷ X, đã thực hành đường lối chính trị mà sau này được các sử gia tổng kết: “chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị”. Khoan dung trong đường lối cai trị của ông là: không khắt khe, hà khắc với nhân dân, chống bọn tham quan, ô lại. Giản dị là không làm phiền hà, nhũng nhiễu dân bởi những thủ tục hành chính quan liêu, phức tạp. Mục đích của khoan dung nhằm đem lại cuộc sống yên vui “an cư lạc nghiệp”. Để thực hiện mục tiêu đó, Khúc Hạo sửa đổi chế độ điền tô, thuế má, lực dịch nặng nề thời thuộc Đường. Ông ra lệnh: “bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu, kê rõ quê quán, giao cho giáp trưởng trông coi” [73, tr.459]. Vì nhu cầu xây dựng nền độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc, Khúc Hạo đã biết khoan dung với nhân dân, phát huy sức mạnh của dân. Ông hiểu rằng, chăm lo, xây dựng, bồi dưỡng sức dân là chăm lo xây dựng nền tảng độc lập lâu dài của đất nước. Sang giai đoạn nhà Trần, tư tưởng cai trị khoan dung được thể hiện rõ trong quan điểm của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1232-1300). Tháng 6 năm Canh Tý (1300), khi ông ốm nặng, vua Trần Anh Tông tới thăm và hỏi về kế sách giữ nước, ông đã thưa rằng: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó mới là thượng sách giữ nước” [145, tr.79]. “Khoan thư sức dân” theo quan điểm của Trần Quốc Tuấn là thực hiện các biện pháp miễn giảm thuế khóa, lao dịch, chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân để bồi dưỡng sức dân, khi cần có thể huy động vào công cuộc dựng nước, giữ nước. Đây là bài học mà vị tướng tài rút ra qua thực tiễn chỉ đạo ba cuộc kháng chiến có quy mô lớn chống quân Nguyên Mông xâm lược và đều giành thắng lợi. Trong tư tư tưởng của Nguyễn Trãi (1380-1442), khoan dung được thể hiện rõ nhất ở thái độ đối xử nhân đạo với quân giặc khi chúng đã quy hàng. Hơn hai mươi năm giặc Minh đô hộ, tội ác của chúng đối với nhân dân ta đến mức: “Tát cạn nước Đông hải không rửa hết tanh hôi/ Chặt hết trúc Lam Sơn, khó ghi đầy tội ác”. Nhưng khi quân Minh đã vào thế cùng lực kiệt: “Tướng giặc bị bắt tù, xin thương hại vẫy đuôi cầu sống”, thì quan điểm của ông là: “Uy thần chẳng giết hại, lấy khoan hồng để bụng hiếu sinh” [73, tr.261]. Điều này thể hiện rõ đức hiếu sinh, nhân ái, yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta. Nguyễn Trãi cũng như Lê Lợi không chủ trương giết hại kẻ thù đã đầu hàng để hả giận tức thời mà còn tạo điều kiện cho chúng rút quân về nước. Mục đích cuối cùng của ông cũng chỉ vì: “Mở nền thái bình cho muôn thuở”, tránh chiến tranh gây hao người, tốn của cho cả hai nước. Trong quan điểm chính trị của mình, Nguyễn Đức Đạt (1824-1887) đã đề xuất một yêu cầu mới của khoan dung đó là: “Trị dân nên khoan, đốc quan nên nghiêm”. Theo ông, người cai trị đối với dân chúng thì nên dùng các biện pháp thư thả, nới rộng - “khoan” để nhân dân dễ dàng sinh sống. Còn với quan lại, cần dùng các biện pháp nghiêm khắc để đốc thúc họ hoàn thành nhiệm vụ. Trong Nam sơn tùng thoại, ông nói rõ: “Khảo xét quan lại cần có kỳ hạn, kỳ hạn phải ngặt, khiến cho quan lại không có thì giờ nhàn rỗi mà làm việc gian tà. Sai khiến dân chúng cũng phải có kỳ hạn, kỳ hạn này phải rộng để dân chúng có thì giờ mà làm ăn. Cho nên có câu rằng: “Trị dân nên khoan, đốc quan nên nghiêm” [dẫn theo 113, tr. 141]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát huy truyền thống khoan dung của dân tộc lên một tầm cao mới; gắn khoan dung với giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Tư tưởng khoan dung của Người thể hiện trên những phương diện cơ bản: Một là, khoan dung thể hiện ở lòng yêu thương con người vô hạn. Bằng thế giới quan duy vật, lòng yêu thương con người ở Hồ Chí Minh đã mang tính nhân văn sâu sắc, thông qua hoạt động thực tiễn để từng bước giải phóng con người ra khỏi những nỗi đau hiện thực. Trước cảnh nước mất nhà tan, Người quyết tâm đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Là một vị Chủ tịch nước, trước cảnh hàng triệu đồng bào đang bị nạn đói Người nhịn ăn thực hiện “hũ gạo tiết kiệm”. Trước cảnh hàng nghìn thanh niên Pháp vì chiến tranh mà hy sinh, gạt qua tình cảm dân tộc hẹp hòi, Người chân thành chia sẻ: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi! Trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người” [85, tr.457]. Hai là, sự tha thứ cho những người mắc lỗi lầm nhưng biết ăn năn, hối cải. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, một số bà con vì lợi ích trước mắt mà can tâm theo giặc, Hồ Chí Minh đã ôn tồn giảng giải, phân tích để họ thấy lẽ hơn thiệt, khơi dậy ý thức dân tộc, lấy nghĩa đồng bào bà cảm hóa họ. Trong thư gửi đồng bào Nam bộ năm 1947, Người viết: “Nhân dịp này, tôi thiết tha kêu gọi đồng bào vì một cớ gì mà lầm đường lạc lối hãy kịp trở về với Tổ quốc. Dù sao các người cũng là ruột thịt. Tôi tin chắc rằng các người không thể nỡ lòng giúp địch làm cho đồng bào Việt Nam ta khổ mãi; tôi rất đau lòng thấy cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn. Tôi mong rằng các người hãy mau mau tỉnh ngộ. Và tôi cam đoan rằng Tổ quốc, đồng bào và Chính phủ bao giờ cũng khoan hồng. Một khi các người đã trở về với Tổ quốc thì các người sẽ được hoan nghênh rộng rãi như những người con đi lạc mới về” [86, tr.214-215]. Ba là, sự tôn trọng các đặc điểm văn hóa, tín ngưỡng các dân tộc, tôn giáo trong nước; sự đa dạng văn hóa trên thế giới. Quá trình đi tìm đường cứu nước, Người đã trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau, Người luôn có thái độ trân trọng, tiếp thu tinh hoa của mỗi nền văn hóa. Người nhận ra điểm tương đồng trong tính nhân văn của các nền văn hóa: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ” [85, tr.350]. Đối với đồng bào các tôn giáo trong nước, Người luôn trân trọng các tôn giáo; các vị sáng lập ra các tôn giáo; niềm tin của đồng bào theo các tôn giáo khác nhau. Tại cuộc gặp mặt đại biểu các tôn giáo, đảng phái tại chùa Bà Đá mừng Chính phủ liên hiệp lâm thời vừa thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tín đồ Phật giáo tin ở Phật, tín đồ Gia tô tin ở Đức Chúa Trời, cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng” [85, tr.148]. Có thể thấy, hiếm có một người cộng sản nào ở vị trí như Người lại có thái độ khoan dung, độ lượng như vậy. Bốn là, mục đích của khoan dung nhằm xây dựng đại đoàn kết dân tộc. Khoan dung trong tư tưởng Hồ Chí Minh không có mục đích tự thân, mà nhằm xây dựng khối đại đoàn kết để đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước ngày càng ấm no, hạnh phúc. Với tinh thần đó, Người đã cảm hóa, vận động được rất nhiều đại thần, nhân sĩ, trí thức của chế độ cũ tham gia vào sự nghiệp cách mạng. Từ sự khảo cứu trên đây cho thấy, khoan dung trong lịch sử tư tưởng Việt Nam thể hiện trên những nội dung chính sau: Một là, khoan dung là một hình thức cai trị mang tính nhân từ của nhà cầm quyền đối với dân chúng. Quan điểm: “Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị” (Khúc Hạo); “Trị dân nên khoan, đốc quan nên nghiêm” (Nguyễn Đức Đạt) là sự phản ánh tư tưởng đó. Từ đường lối cai trị này, khoan dung được coi là một động lực để bảo vệ, phát triển đất nước “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó mới là thượng sách giữ nước” (Trần Quốc Tuấn). Hai là, khoan dung là sự tha thứ cho những người mắc lỗi lầm nhưng biết ăn năn, hối cải “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Ba là, khoan dung là sự chấp nhận, tôn trọng những khác biệt về dân tộc, tôn giáo, văn hóa giữa các cộng đồng trong phạm vi quốc gia; rộng hơn, tôn trọng các đặc điểm của các dân tộc khác để cùng chung sống hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa các dân tộc để làm giàu văn hóa của mình. Bốn là, khoan dung là con đường thiết lập hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh xung đột: “tha hàng mười vạn sĩ binh, lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, “lấy khoan hồng để bụng hiếu sinh” (Nguyễn Trãi), quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam: “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Năm là, khoan dung với nghĩa là đối thoại để cùng tồn tại trong hòa bình giữa các quốc gia dân tộc - đây là quan điểm của UNESCO mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Từ đó, trên phương diện chính trị - xã hội, chúng tôi cho rằng: khoan dung là hình thức cai trị có tính nhân từ của nhà cầm quyền với dân chúng được biểu hiện ở chính sách ít huy động sức dân (thuế, phí, lao dịch); sự tha thứ đối với những người mắc lỗi lầm nhưng biết ăn năn hối cải, đối với kẻ thù xâm lược khi đã quy hàng; sự tôn trọng tính đa dạng về dân tộc, tôn giáo, bản sắc văn hóa, lợi ích chính đáng của các cá nhân và cộng đồng người; là cơ chế bảo vệ và phát triển nền văn hóa; một biện pháp để xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc, kiến tạo hòa bình; một động lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 2.1.2. Đồng thuận xã hội – quan niệm và biểu hiện của nó trong lịch sử 2.1.2.1. Quan niệm về đồng thuận xã hội Đồng thuận trong tiếng Anh là Consensus, tiếng Pháp là Consensus, tiếng Đức là Konséns. Về mặt từ nguyên, khái niệm này có nguồn gốc từ tiếng Latinh Consentire, trong đó được ghép bởi hai từ là: con có nghĩa là giống nhau và sentirre có nghĩa là: cảm giác, cảm nhận, nhận thức. Như vậy, nghĩa ban đầu Consentire là khái niệm dùng để chỉ những cảm nhận, nhận thức giống nhau (của nhiều người). Ở thế kỷ XIX, khái niệm Consensus ngoài việc dùng để chỉ sự ưng thuận, bằng lòng, đồng ý của con người (trong quan hệ xã hội), khái niệm này còn dùng để chỉ sự phối hợp giữa các bộ phận trong cơ thể sinh học, mà các tài liệu tiếng Việt dịch là sự liên ứng [52]. Trong thời gian gần đây, một số từ điển chuyên ngành ở Việt Nam mới dịch consensus là “đồng thuận”. Từ điển thuật ngữ chính trị Pháp – Việt, đồng thuận (consensus) được giải thích với hai nghĩa chính: thứ nhất, trong một nhóm, một đảng, một dân tộcchỉ sự đồng tình rõ ràng hoặc ngầm định giữa phần lớn các thành viên về một hành động, một chính sách hoặc các giá trị được thừa nhận; thứ hai, trong luật quốc tế, đó là thủ tục thông qua các văn kiện, được đưa vào thực tiễn hoạt động của các tổ chức quốc tế và thường xuyên được sử dụng [34, tr.143]. Từ điển xã hội học, đồng thuận (konséns): sự nhất trí có tác dụng như một xúc tác xã hội hay chỉ sự khác biệt không đáng kể giữa các thành viên trong một hệ thống xã hội về những vấn đề quan trọng đối với những hoạt động của hệ thống [38, tr.153]. Trong một số từ điển tiếng Việt, Hán – Việt mà chúng tôi khảo cứu như: Từ điển tiếng Việt, Văn Tân, Nguyễn Văn Đạm (chủ biên) [112]; Từ điển bách khoa Việt Nam [48]; Đại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý (chủ biên) [152]; Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Nguyễn Lân [71]; Từ nguyên giải nghĩa, Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Thị Huế [64]; Từ điển từ mới tiếng Việt, Chu Bích Thu (Viện Ngôn ngữ học, chủ biên) [119] Thì chỉ duy nhất cuốn Từ điển từ mới tiếng Việt có giải thích khái niệm đồng thuận. Theo Tiến sĩ Chu Bích Thu, “Đồng thuận” (động từ) có nghĩa là cùng thỏa thuận, cùng đồng ý, cùng thống nhất (về những vấn đề quan trọng) [119, tr.84]. Các cuốn từ điển còn lại, mặc dù không có khái niệm “đồng thuận”, nhưng các từ “đồng”, “thuận” được giải thích độc lập như sau: Đại từ điển tiếng Việt, tác giả Nguyễn Như Ý cho rằng: “đồng” (tính từ): cùng, cùng nhau; “thuận”: bằng lòng. Như vậy, cũng có thể hiểu “đồng thuận” là cùng nhau bằng lòng về vấn đề nào đấy [152, tr.665, 1598]. Từ điển từ và ngữ Hán Việt, GS Nguyễn Lân giải thích các từ: “đồng” cùng nhau, “thuận”: theo. Như vậy, đồng thuận có thể được hiểu là cùng theo một cái gì đó [71, tr.242, 688]. Điều đó cho thấy, đồng thuận là một khái niệm mới trong ngôn ngữ tiếng Việt. Cũng như khái niệm đồng thuận, trong các từ điển và tài liệu kể trên, chưa xuất hiện khái niệm đồng thuận xã hội. Thời gian gần đây, trong một số công trình nghiên cứu khoa học, các tác giả mới đưa ra định nghĩa, cách hiểu ban đầu về đồng thuận xã hội. Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Lan trong luận án tiến sĩ Chính trị học: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay” cho rằng: “Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí của xã hội về một vấn đề nào đó trên cơ sở những điểm tương đồng trong lúc vẫn thừa nhận những điểm khác biệt với điều kiện những khác biệt này không làm tổn hại đến mục tiêu chung, hành động chung” [69, tr.17-18]. Tác giả Nguyễn Trần Bạt trong bài “Đồng thuận và đồng thuận xã hội” có cái nhìn khái quát hơn: “Đồng thuận là giới hạn hợp lý của đấu tranh và hợp tác, còn đồng thuận xã hội là biểu hiện của sự đồng thuận ở mức độ cao nhất, rộng lớn nhất, và nó tạo ra sự thống nhất chính trị, kinh tế và văn hoá của xã hội” [11]. Tiến sĩ Chu Văn Tuấn trong bài Đồng thuận xã hội: Một số vấn đề lý luận cho rằng: Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí hay tán thành, ủng hộ một cách rõ ràng hay ngầm định của đa số các thành viên trong xã hội đối với một vấn đề nào đó (chẳng hạn một quan điểm, một chủ trương, đường lối, chính sách, quyết định...) trên cơ sở những điểm tương đồng và cùng chung mục đích” [141, tr.26]. Giáo sư Phạm Ngọc Quang trong đề tài khoa học cấp Nhà nước: Quan điểm, định hướng và giải pháp thực hành dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội trình bày một cách cặn kẽ khái niệm đồng thuận xã hội: “Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí trong suy nghĩ và hành động của một cộng đồng xã hội (cộng đồng này có thể rộng hẹp khác nhau, từ cộng đồng gia đình, làng xómđến cộng đồng giai cấp, dân tộc, nhân loại) về một (hay một số) vấn đề nào đó trên cơ sở những điểm tương đồng về nhu cầu, lợi ích trong lúc vẫn thừa nhận, tôn trọng những điểm khác biệt với điều kiện những khác biệt này không làm tổn hại đến mục tiêu chung, hành động chung của cộng đồng đó” [102, tr.35]. Từ các quan điểm trên, có thể thấy rằng, các tác giả đã có nhiều điểm thống nhất với nhau khi xác định nội hàm khái niệm đồng thuận xã hội, như: đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí của xã hội về một vấn đề nào đó; đồng thuận là sự đồng tình tự giác chứ không phải sự cưỡng bức; cơ sở của đồng thuận xã hội là dựa trên sự tương đồng giữa các thành viên; đồng thuận xã hội bao gồm cả sự khác biệt... Tuy nhiên, trong mỗi định nghĩa, theo chúng tôi còn có những phần chưa thực sự thỏa đáng như: Thứ nhất, “Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí của xã hội...”, ở đây “đồng thuận” đã được làm sáng tỏ là “đồng tình, nhất trí”; nhưng “xã hội” vẫn được trình bày là “xã hội” thì chưa thỏa đáng. Thứ hai, đồng thuận xã hội: “là sự đồng tình, nhất trí... trong suy nghĩ và hành động”, có phải mọi sự đồng thuận đều bao gồm cả suy nghĩ và hành động không? Theo chúng tôi, không phải mọi sự đồng thuận đều bao gồm cả hai lĩnh vực này, có đồng thuận trong tư tưởng, có đồng thuận trong hành động và có đồng thuận cả trong tư tưởng và hành động. Trong thực tế, nhiều sự đồng thuận mới đạt được trên những nhận thức ban đầu. Thứ ba, đồng thuận xã hội dựa trên những điểm tương đồng “trong lúc vẫn thừa nhận, tôn trọng những điểm khác biệt với điều kiện những khác biệt này không làm tổn hại đến mục tiêu chung, hành động chung của cộng đồng đó”. Một cộng đồng, tại một thời điểm có thể có nhiều mục tiêu, các thành viên trong cộng đồng đó có thể đồng thuận về một hoặc nhiều vấn đề, nhưng không phải lúc nào hai cái đó cũng hoàn toàn đồng nhất với nhau. Có thể các thành viên chỉ đồng thuận về mục tiêu này mà chưa đồng thuận về mục tiêu khác. Ở đây, yêu cầu của đồng thuận là sự khác biệt giữa các thành viên không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện cái mà các thành viên đã đồng tình, nhất trí với nhau chứ không phải tất cả mọi mục tiêu, hành động của cộng đồng đó. Từ các quan điểm trên đây, chúng tôi cho rằng: Đồng thuận xã hội là sự tự giác đồng tình, nhất trí của các thành viên trong một cộng đồng về một hoặc một số vấn đề nào đó trên cơ sở những điểm tương đồng, trong khi vẫn thừa nhận những điểm khác biệt, với điều kiện những khác biệt đó không tổn hại đến việc thực hiện cái đã đồng tình, nhất trí. Từ khái niệm trên, có thể rút ra những nội dung chính của đồng thuận xã hội như sau: Một là, đồng thuận xã hội là một dạng đặc thù của đồng thuận (chỉ phản ánh sự đồng đồng thuận trong xã hội). Hai là, đồng thuận xã hội là hoạt động tự giác, có ý thức của các chủ thể (những hành động cưỡng bức, bắt buộc phải phục tùng, bắt buộc phải quy thuận, hành động không ý thức không phải là đồng thuận). Ba là, cơ sở của đồng thuận xã hội là sự tương đồng của các thành viên (về nhu cầu, lợi ích, sở thích, mục tiêu). Bốn là, phạm vi đồng thuận (về lĩnh vực) có thể đồng thuận về tư tưởng, hành động, cả tư tưởng và hành động; (về phạm vi) có thể rộng, hẹp khác nhau (trong một đảng, một giai cấp, dân tộc hay toàn nhân loại...) Năm là, đồng thuận không loại trừ những khác biệt, mâu thuẫn nhưng đó không phải là những khác biệt, mâu thuẫn căn bản. Sáu là, xem xét ý nghĩa của sự đồng thuận xã hội phải có quan điểm lịch sử cụ thể, có đồng thuận xã hội có ý nghĩa tích cực, có sự đồng thuận xã hội có ý nghĩa tiêu cực (ví dụ: “Thuận vợ thuận chồng biển Đông tát cạn” là sự đồng thuận có tính chất tích cực, nó thể hiện sự đoàn kết, ý chí quyết tâm của con người trong chinh phục tự nhiên, còn “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”, đây cũng là sự đồng thuận nhưng sự đồng thuận này có tính tiêu cực, nó thể hiện tâm lý an phận thủ thường); trong mối quan hệ này đồng thuận xã hội có ý nghĩa tích cực, nhưng trong quan hệ khác thì không (ví dụ, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đồng tình, ủng hộ Việt Nam sử dụng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam; hành vi đồng tình, ủng hộ đó với nhân dân Việt Nam là tích cực nhưng với phía Trung Quốc là tiêu cực vì nó bất lợi cho họ) 2.1.2.2. Sự biểu hiện của tư tưởng đồng thuận xã hội trong lịch sử Trong lịch sử tư tưởng phương Tây cổ đại, Platon (427-347 TCN) là người đầu tiên xây dựng lý thuyết về một xã hội đồng thuận, những tư tưởng đó được thể hiện trong quan điểm về Nhà nước lý tưởng của ông. Theo ông, một xã hội lý tưởng là mọi công dân đều tự nguyện thực thi chức trách của mình theo đúng sự phân công lao động xã hội dựa trên thiên tính tự nhiên của họ. Ông cho rằng, sở dĩ có cộng đồng xã hội là vì người ta phải trợ giúp nhau trong thực hiện những nhu cầu sinh sống cần thiết. Nhu cầu ấy phù hợp với sự phân chia công việc ...ế: “những quan điểm khác nhau trong Đảng nay đã bộc lộ công khai hay nửa công khai bằng phát ngôn và phát tán tài liệu” [94, tr.12]; từ tranh luận sẽ đi đến: “sự xích lại gần nhau những ý kiến khác nhau, tạo dần sự nhất trí” [94, tr.12]. Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận có vai trò to lớn trong phát huy truyền thống khoan dung, tăng cường đồng thuận xã hội vì: Thứ nhất, thành phần tham gia Mặt trận rất đa dạng, bao gồm tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cá nhân tiêu biểu của các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài Khi tham gia Mặt trận, các thành viên tôn trọng khác biệt của nhau (biểu hiện của khoan dung), các thành viên cùng hướng tới mục tiêu chung là xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc (biểu hiện của đồng thuận). Như vậy, bản thân việc tổ chức, hoạt động của Mặt trận đã chứa đựng những giá trị khoan dung và đồng thuận. Thứ hai, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ của Mặt trận cũng thể hiện rõ ưu thế trong xây dựng đồng thuận xã hội. Về nguyên tắc, Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc: “tự nguyện, hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động” [104]; các thành viên trong Mặt trận dân chủ, bình đẳng bàn bạc, thảo luận các vấn đề chung, đi đến kết luận, tự giác thực hiện đó là biểu hiện của sự đồng thuận. Về nhiệm vụ của Mặt trận, tại khoản 1, điều 9 Hiến pháp 2013 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội” [44, tr.11]. Trong thực tế, Mặt trận đã đóng vai trò trung tâm trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện thành công nhiều hoạt động tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết như: vận động toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài; tập hợp nhân sĩ, trí thức trao đổi, bàn bạc đóng góp ý kiến góp ý các dự thảo luật, chương trình phát triển quốc gia... Thông qua các hoạt động đó, nhiều quan điểm, ý kiến khác biệt đã từng bước được giải quyết, tạo ra sự thống nhất, qua đó, xây dựng đồng thuận xã hội. Trong quá trình đổi mới, ở một số nơi có xảy ra những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng giữa một bộ phận quần chúng nhân dân với cấp ủy đảng, chính quyền hoặc giữa các tầng lớp, bộ phận quần chúng nhân dân với nhau. Nhưng, nhờ Mặt trận sớm tham gia vào quá trình hòa giải nên nhiều mâu thuẫn, xung đột đã được giải quyết, nhất là những mâu thuẫn, xung đột ở cơ sở. Để nâng cao vài trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội, trong thời gian tới cần thực hiện: Thứ nhất, tăng tính độc lập tương đối của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mặc dù Mặt trận là một bộ phận trong hệ thống chính trị, chịu sự lãnh đạo của Đảng; nhưng, Mặt trận có vai trò giám sát, phản biện xã hội, cho nên phải tăng tính độc lập tương đối mới phát huy hết vai trò của Mặt trận. Có như vậy, Mặt trận thẳng thắn đóng góp ý kiến, phản biện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thứ hai, ban hành quy định có tính chất ràng buộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong việc tiếp thu, phản hồi những ý kiến giám sát, phản biện của Mặt trận. Tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, tránh né trong tiếp nhận phản biện, giám sát của các cơ quan, tổ chức bị giám sát, phản biện. Thứ ba, bản thân Mặt trận tự đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động nhằm tăng tính hiệu quả, thiết thực trong vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 4.2.4. Nhóm giải pháp đấu tranh, phê phán các quan điểm, hành vi bất khoan dung gây chia rẽ, bất đồng trong xã hội Đối lập với khoan dung là bất khoan dung, đối lập với đồng thuận là mâu thuẫn, bất đồng, xung đột. Trong quan hệ quốc tế, biểu hiện của bất khoan dung là các hành vi kỳ thị dân tộc, tôn giáo, văn hóa; xâm phạm các quyền bình đẳng, tự quyết dân tộc Những hành vi đó dẫn tới hậu quả tạo ra các mâu thuẫn, thù hằn, thậm chí xung đột giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo. Trong phạm vi quốc gia, bất khoan dung biểu hiện ở chính sách thiếu tôn trọng đặc điểm dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo của các cộng đồng; ở sự vi phạm các quyền tự do cơ bản của con người. Sự thiếu khoan dung có thể xuất phát từ chính sách của giai cấp cầm quyền, hoặc từ phía các cộng đồng dân tộc, tôn giáo khác nhau. Hậu quả của nó là tạo ra những mâu thuẫn, bất đồng giữa các cộng đồng với nhà nước, hoặc giữa các cộng đồng với nhau. Thực tế những năm qua, ở nước ta, tại một số khu vực, các thế lực thù địch đã tuyên truyền các luận điệu nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới vỏ bọc dân tộc, tôn giáo chúng đã lôi kéo, kích động một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đấu tranh chống chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đòi ly khai, tự trị, gây mâu thuẫn giữa các dân tộc, tôn giáo. Dưới chiêu bài tự do, dân chủ, các thế lực này xuyên tạc đường lối, chính sách, lôi kéo, kích động một bộ phận nhân dân đấu tranh gây chia rẽ đoàn kết giữa người trong Đảng và ngoài Đảng; người Việt Nam ở nước ngoài với chính quyền trong nước; gây chia rẽ quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước. Do vậy, việc đấu tranh, phê phán chỉ ra ý đồ chính trị của các thế lực thù địch để các cơ quan nhà nước và mọi người dân thấy rõ bản chất, cảnh giác trước mưu đồ của chúng là một biện pháp để xây dựng đồng thuận xã hội. Ngoài ra, ở nước ta hiện nay, cũng cần đấu tranh chống các hành vi lợi dụng bảo vệ chế độ để quy chụp, xâm phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân. Trong thực tế, không phải không có hiện tượng lợi dụng danh nghĩa bảo vệ chế độ để xâm phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân. Trong xã hội dân chủ, các quyền tự do, dân chủ (như tự do tư tưởng, ngôn luận, báo chí) đã được pháp luật quy định. Ngay cả các ý kiến đối lập, bất đồng nếu không trái với lợi ích chung của dân tộc, quy định của pháp luật cũng phải được tôn trọng. Trong trường hợp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, chưa có kết luận chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì việc nêu quan điểm, tranh luận phải được coi là việc làm bình thường, là phương thức hữu hiệu để tìm ra chân lý, qua đó, xác lập đồng thuận xã hội. Đấu tranh, phê phán các quan điểm, hành vi bất khoan dung gây chia rẽ bất đồng trong trong xã hội là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, mỗi người dân nhưng quan trọng nhất là những người làm công tác tư tưởng, lý luận. Bởi, các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng những sơ hở trong chủ trương, chính sách để khoét sâu, tuyệt đối hóa những khác biệt, làm cho một bộ phận quần chúng ngộ nhận, tin theo. Do vậy, cần phát huy vai trò của những người làm lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác luận điệu của các thế lực thù địch. Trong quan hệ quốc tế, đấu tranh chống lại các quan điểm chủ nghĩa sôvanh dân tộc, các quan điểm, hành vi tôn giáo cực đoan, các luận thuyết kích động xung đột văn minh. Kiên quyết phản đối thái độ ngạo mạn của một số thế lực tự xem xét các giá trị văn hóa của dân tộc mình là “ưu việt”, “tối thượng” rồi gán ép giá trị, chuẩn mục ấy cho các dân tộc khác. Những sự áp đặt như vậy chỉ châm ngòi cho mâu thuẫn, xung đột, hận thù chứ không tạo được hòa bình cho nhân loại. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc cần có các quy định, chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý kịp thời, thích đáng đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi bất khoan dung, tuyên truyền các luận điệu bất khoan dung gây chia rẽ, bất đồng giữa cộng đồng các quốc gia, dân tộc, tôn giáo. Những hành vi vi phạm quyền bình đẳng, tự quyết của các dân tộc. TIỂU KẾT CHƯƠNG 4 Khoan dung, đồng thuận xã hội không phải là mong muốn chủ quan của một cá nhân hay giai cấp nào, mà đó là yêu cầu khách quan cho sự tồn tại, phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại. Đặc biệt, trong những quốc gia đa dân tộc, tôn giáo như nước ta, việc thực hiện khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội càng là một yêu cầu bức thiết. Để nâng cao chất lượng thực hành khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội phải xuất phát từ cả hai phía: chủ thể cầm quyền (nhà nước, đảng chính trị) và từ cộng đồng, mỗi người dân. Ở Việt Nam hiện nay, để phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp: từ nâng cao nhận thức về truyền thống khoan dung, đồng thuận xã hội; tầm quan trọng của phát huy truyền thống này trong giai đoạn hiện nay; đến đẩy mạnh tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp: tuyên truyền, giáo dục; hoàn thiện các cơ chế, chính sách; đấu tranh, phê phán, xử lý nghiêm minh những hành vi bất khoan dung gây mâu thuẫn, bất đồng trong xã hội. Trong quá trình đó, phải kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc như: bảo đảm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia; bảo đảm ổn định chính trị, định hướng xã hội chủ nghĩa trong thực hiện khoan dung, đồng thuận xã hội. Thực hiện khoan dung, đồng thuận xã hội nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 Để nâng cao chất lượng thực hành khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay, theo chúng tôi, trước mắt cần chú trọng đẩy mạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bởi, để đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất, khoan dung, đồng thuận phải được quy định, bắt buộc thực thi thông qua hệ thống pháp luật. Về lâu dài, cần đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, giáo dục để các giá trị khoan dung, đồng thuận ăn sâu, bám rễ vào tâm thức, trở thành hoạt động tự giác của mỗi cá nhân và cộng đồng. KẾT LUẬN Từ những sự phân tích trên, có thể rút ra một số kết luận sau đây: Một là, khoan dung, đồng thuận xã hội là những vấn đề cơ bản trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Tuy nhiên, trong mỗi thời kỳ, các khái niệm này có nội hàm khác nhau, tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, nhận thức của nhân loại. Hai là, thực hiện khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội là một truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử, các nhà cầm quyền đã không ngừng thực hiện, phát huy truyền thống này, nhờ đó dân tộc đã đánh thắng giặc ngoại xâm, chống thiên tai, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tính khách quan, phổ biến, lặp lại của nó khiến ta có thể nhận thức: thực hiện khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội là vấn đề có tính quy luật của nước ta. Ba là, ở nước ta hiện nay, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đang đặt ra yêu cầu tất yếu phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia. Muốn vậy, phải tạo lập được sự đồng thuận giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo trong xã hội để làm được việc đó, phát huy truyền thống khoan dung là một nhân tố quan trọng. Bốn là, trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã không ngừng phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu cơ bản đã đạt được, còn một số vấn đề đặt ra đòi hỏi tiếp tục được nghiên cứu, giải quyết để nâng cao chất lượng đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay. Năm là, để phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi phải thực hiện kiên trì, đồng bộ nhiều giải pháp: từ nâng cao nhận thức đến đẩy mạnh tổ chức thực hiện; từ tuyên truyền giáo dục, đến hoàn thiện các cơ chế, chính sách; đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hành vi bất khoan dung nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc. Trong quá trình đó, phải kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc như: bảo đảm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia khi thực hiện khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận thuận xã hội trong quan hệ quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, mục tiêu xã hội chủ nghĩa trong thực hiện khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội; phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội với mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; phát huy truyền thống khoan dung, tăng cường đồng thuận xã hội nhằm góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp Việt Nam DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1 Nguyễn Văn Quyết, Chính sách tôn giáo với việc xây dựng đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay, Tạp chí Công tác tôn giáo, số 10 (86)-2013, tr. 9-12 2 Nguyễn Văn Quyết, Người Việt Nam ở nước ngoài với xây dựng đồng thuận xã hội, Tạp chí Mặt trận, số 1/2013, tr. 77-80 3 Nguyễn Văn Quyết, Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về đoàn kết dân tộc, đoàn kết giai cấp của giai cấp công nhân, Tạp chí Thông tin khoa học Chính trị - Hành chính, số 5/2012, tr. 35-38 4 Nguyễn Văn Quyết, Đồng thuận xã hội: Quan niệm và sự kiểm nghiệm của thực tiễn, Tạp chí Thông tin khoa học Chính trị - Hành chính, số 1/2013, tr. 14-18 5 Nguyễn Văn Quyết, Bài học kinh nghiệm xây dựng đồng thuận xã hội, Tạp chí Lý luận chính trị, số 1/2013, tr. 85-89 6 Nguyễn Văn Quyết, Xây dựng đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay, Bản tin Chủ nghĩa xã hội Lý luận và thực tiễn, số 38/2013, tr. 31-34 7 Nguyễn Văn Quyết, Giải quyết bất đồng trong nội bộ đảng (Bài học kinh nghiệm từ Đảng Cộng sản Nga), Tạp chí Thông tin khoa học Chính trị - Hành chính, số 8/2013, 18-22 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1 Đào Duy Anh (1992), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2 Kinh Anh, Chính sách dân tộc của Việt Nam, 3 Ban chỉ đạo sơ kết 05 năm thục hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2013 4 Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (2005), Đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 5 Báo Dân Việt, Một vụ lúa – 17 khoản đóng góp nông dân khiếp vía, 6 Báo Dân Trí, Gánh nặng thuế và phí Việt Nam cao nhất khu vực, 7 Báo Quân đội nhân dân, Chủ động phòng, chống thiên tai, 8 Báo Quân đội nhân dân, ngày 5/8/1995 9 Trần Lê Bảo, Đối thoại giữa các nền văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, 10 Hoàng Chí Bảo (2008), “Dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội trong phát triển bền vững”, in trong: Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 426-444 11 Nguyễn Trần Bạt, Bàn về tính đồng thuận xã hội, 12 Nancy Birdsall; Francis Fukuyama (2012), Sự đồng thuận sau “Đồng thuận Oasinhton”, Tạp chí Thông tin những vấn đề lý luận, số, 6/2012, Hà Nội, tr.28-37 13 Bộ ngoại giao (1995), Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 14 Bộ Thương Mại (1998), Từ điển ASEAN, Nxb. Khoa học kỹ thuật, Hà Nội. 15 Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, 16 Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, t.1. 17 Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, t.2. 18 Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, t.3. 19 Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, t.4. 20 Đại học quốc gia Hà Nội (1997), Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội. 21 Nguyễn Trọng Đàm, An sinh xã hội ở Việt Nam: Những quan niệm và cách tiếp cận cần thống nhất, 22 Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết sô 36/NQ-TW, ngày 26/3/2004, 23 Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 24 Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 25 Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 26 Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 27 Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội. 28 Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 29 Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 30 Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 31 Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 32 Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Về đại đoàn kết toàn dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 33 Phan Hữu Dật, Lâm Bá Nam (2001), Chính sách dân tộc của các chính quyền nhà nước phong kiến Việt Nam (X-XIX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 34 Charles Debbasch, Jacque Bourdon, Từ điển thuật ngữ chính trị Pháp – Việt, Nxb. Thế giới 35 Nguyễn Thế Doanh (2008), “Vai trò của khoan dung tôn giáo và đoàn kết xã hội trong việc kiến tạo nền hòa bình và giữ vững ổn định xã hội”, in trong: Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 469-474 36 Ngô Văn Dụ, Hồng Hà, Trần Xuân Giá (2006), Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội X của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 37 Phạm Văn Đức (2008), “Vai trò và cơ sở của đoàn kết xã hội ở Việt Nam hiện nay”, in trong: Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 409-425 38 G. Endruweit và G.Trommsdroff (2001), Từ điển xã hội học, Nxb. Thế giới, Hà Nội. 39 Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 40 Trần Văn Giàu (1975), Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, t.I. 41 Trần Văn Giàu (1975), Sự phát triển tư tưởng ở Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, t.II. 42 Mai Thanh Hải, Từ điển tôn giáo, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội 43 Trần Đắc Hiến, Đồng thuận xã hội một số vấn đề lý luận và thực tiễn, 44 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 45 Đỗ Lan Hiền (2011), Khoan dung tôn giáo với dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội – Trường hợp Việt Nam, Nxb. Chính trị - Hành chính. 46 Nguyễn Hoàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời báo chí nước ngoài, 47 Nguyễn Hoàng, Nhật Bắc, Hơn 54.000 tỷ đồng phát triển dân tộc, miền núi, www. 48 Đỗ Thị Hòa Hới (2008), “Tính khoan dung của văn hóa truyền thống dân tộc và sự kế thừa, phát triển trong tư tưởng Hồ Chí Minh”, in trong: Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 545-555 49 Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển (2002), Từ điển bách khoa Việt Nam, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội. 50 Đỗ Minh Hợp (2011), Đối thoại giữa các nền văn minh theo tinh thần khoan dung – nhân tố quyết định sự sống còn, thịnh vượng của nhân loại, Tạp chí Triết học, số 2, tr. 31-40. 51 Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Kim Lai (2006), Những vấn đề toàn cầu trong thời đại ngày nay, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. 52 53 54 55 56 57 58 59 Nguyễn Tấn Hưng, Kế thừa và phát huy tinh thần khoan dung Hồ Chí Minh trong xây dựng đồng thuận xã hội và đại đoàn kết dân tộc, 60 Hoàng Hường, Tại sao người Việt Nam không ghét người Mỹ, 61 Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Hoài Văn, Nguyễn Văn Vĩnh (2009), Bước đầu tìm hiểu những giá trị văn hóa chính trị trong truyền thống Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 62 Phùng Văn Khai, Khoan thư sức dân – Quốc sách dựng nước và giữ nước, 63 Phan Văn Khải (2004), Văn hóa là nguồn sức mạnh để duy trì bản sắc châu Á và từ đó duy trì các nguyên tắc của ASEAN, Báo Nhân dân, ngày 9/8. 64 Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Thị Huế (2005), Từ Nguyên giải nghĩa, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 65 Vũ Khoan (2013), Ngoại giao Việt Nam – Truyền thống và hiện đại, Tạp chí Thông tin những vấn đề lý luận, số 1/2013, tr.45-52 66 Khổng Tử, Luận ngữ, dịch giả Đoàn Trung Còn, Nhà sách Trí Đức, Sài Gòn. 67 Tương Lai, Nghĩ về đạo lý dân tộc, 68 Tương Lai, Vấn đề ý thức hệ và đồng thuận xã hội, 69 Nguyễn Thị Lan (2008), Mặt trận Tổ quốc Việt nam với việc xây dựng đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay, Luận án Tiến sĩ Chính trị học, Hà Nội. 70 Nguyễn Thị Lan, Xây dựng đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay, 71 Nguyễn Lân (2002), Từ điển từ và ngữ Hán – Việt, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội. 72 Lao Tử, Thịnh Lê (2001), Từ điển Nho, Phật, Đạo, Nxb. Văn học, Hà Nội. 73 Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Lương Ninh (1971), Lịch sử Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, t.1. 74 Phương Liên, Hỗ trợ di dân định canh, định cư và những vấn đề đặt ra, 75 Nguyễn Đức Lữ (2008), “Tính khoan dung của tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam”, in trong: Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 563-570 76 Hoàng Xuân Lương, Một số thành tựu, biện pháp trong bảo đảm quyền các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, 77 C.Mác và Ph.Ăng ghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.18. 78 C.Mác và Ph.Ăng ghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.21. 79 C.Mác và Ph.Ăng ghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.38. 80 C.Mác và Ph.Ăng ghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.4. 81 Nguyễn Thị Phương Mai (2010), Bài học về ý nghĩa của khoan dung từ lịch sử đối với hiện tại ở Việt Nam, Tạp chí Triết học, số 9, tr.57-62. 82 Nguyễn Thị Phương Mai (2007), Khoan dung thuật ngữ và sự vận động của nó trong lịch sử triết học phương Tây, Tạp chí triết học, số 8, tr.41-46. 83 Nguyễn Thị Phương Mai (2012), Tư tưởng khoan dung và ý nghĩa hiện thời của nó, Luận án Tiến sĩ triết học, Hà Nội. 84 Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.3. 85 Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.4. 86 Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5. 87 Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6. 88 Hajine Nakamura, Tinh thần khoan dung và sự giải thoát trong tư duy người Ấn Độ, 89 Phạm Xuân Nam, Đối thoại văn hóa trong bối cảnh toàn cấu hóa, 90 Phạm Xuân Nam (2008), Sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa – Một góc nhìn từ Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 91 Lê Tôn Nghiêm (2000), Lịch sử Triết học phương Tây, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, t.1. 92 Lê Tôn Nghiêm (2000), Lịch sử Triết học phương Tây, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, t.2. 93 Lê Tôn Nghiêm (2000), Lịch sử Triết học phương Tây, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, t.3. 94 Nhiều tác giả (2006), Tranh luận để đồng thuận, Nxb Tri thức, Hà Nội. 95 Hà Văn Núi (2008), “Đoàn kết xã hội - động lực phát triển xã hội”, in trong: Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 475-482 96 J. Nye, Sức mạnh mềm Việt Nam, 97 Hoàng Phê (1996), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, Hà Nội. 98 Nguyễn Hồng Phong (1998), Văn hóa chính trị Việt Nam – truyền thống và hiện đại, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội. 99 Trần Tuấn Phong (2008), “Đoàn kết xã hội – nhìn từ góc độ truyền thống văn hóa”, in trong: Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 483-494 100 Bùi Nhật Quang, Tìm hiểu về người Việt Nam ở nước ngoài trong tương quan với trường hợp Italia, 101 Phạm Ngọc Quang, Đồng tình, đồng ý, đồng thuận và sự tác động của chúng tới sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, 102 Phạm Ngọc Quang (chủ nhiệm) (2010), Quan điểm, định hướng và giải pháp thực hành dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội, Đề tài khoa học cấp nhà nước, mã số KX.04-27/06-10, Hà Nội. 103 Phạm Ngọc Quang (2013), Tăng cường dân chủ, đồng thuận và đoàn kết ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 68, tr.50-56 104 Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 105 Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, t.1. 106 Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, t.2. 107 Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn (2010), Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 108 Hồ Sĩ Quý (2005), Về giá trị và giá trị châu Á, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 109 Tô Huy Rứa, Hoàng Chí Bảo, Trần Khắc Việt, Lê Ngọc Tòng (2009), Quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng từ năm 1986 đến nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 110 Albert Schweitzer (2003), Những nhà tư tưởng lớn của Ấn Độ, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội. 111 Nguyễn Thanh Sơn, Người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập phát triển cùng đất nước, 112 Văn Tân (1991), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 113 Lê Sỹ Thắng (1997), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, t.2. 114 Song Thành, Đồng thuận xã hội và tinh thần khoan dung Hồ Chí Minh, một nhân tố để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, 115 Trần Ngọc Thêm (2004), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh. 116 Chương Thâu (1997) Đông kinh nghĩa thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX, Nxb. Văn hóa, Hà Nội 117 Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2010), Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 118 Hoàng Thị Thơ (2008), “Khoan dung trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ và lịch sử Phật giáo Việt Nam”, in trong: Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 571-581 119 Chu Bích Thu, Từ điển từ mới tiếng Việt, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 120 Nguyễn Tài Thư (2008), “Đoàn kết và điều kiện để đoàn kết trong lịch sử dân tộc Việt Nam”, in trong: Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 495-508 121 Nguyễn Tài Thư (1993), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, t.1. 122 Nguyễn Đăng Thục (2001), Lịch sử triết học phương Đông, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, t.1. 123 Nguyễn Đăng Thục (2001), Lịch sử triết học phương Đông, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, t.2. 124 Nguyễn Đăng Thục (2001), Lịch sử triết học phương Đông, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, t.3. 125 Nguyễn Đăng Thục (2001), Lịch sử triết học phương Đông, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, t.4. 126 Nguyễn Đăng Thục (2001), Lịch sử triết học phương Đông, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, t.5. 127 Nguyễn Đăng Thục (1992), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, t.1. 128 Nguyễn Đăng Thục (1992), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, t.2. 129 Nguyễn Đăng Thục (1992), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, t.3. 130 Nguyễn Đăng Thục (1992), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, t.4. 131 Nguyễn Đăng Thục (1992), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, t.5. 132 Nguyễn Đăng Thục (1992), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, t.6. 133 Giang Văn Toàn, Khoan dung là một cách giáo dục, Nxb. Lao động 134 Đặng Hữu Toàn (2008), “Đoàn kết dân tộc trên cơ sở đồng thuận xã hội”, in trong: Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 445-456 135 Huyền Trang, Thuế, phí của Việt Nam là phù hợp, 136 Lê Bá Trình (2008), “Phát huy những điểm tương đồng giữa mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và khát vọng giải phóng con người của các tôn giáo để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, in trong: Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 419-530 137 Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện Triết học (2002), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Văn tuyển, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.1. 138 Cù Xuân Trường, Chữ “Đồng” trong tinh thần Việt, 139 Hoàng Tuấn (2011), Khoan dung để gắn kết, Báo An ninh thủ đô, ngày 17/11. 140 Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (2000), Binh thư yếu lược, Nxb. Thanh Hóa. 141 Chu Văn Tuấn (2009), Đồng Thuận xã hội: Một số vấn đề lý luận, Tạp chí Triết học, số 218, tr. 25-31 142 Lương Mỹ Vân (2007), Tư tưởng khoan dung trong triết học Khai sáng Pháp, Tạp chí Triết học, số 4, tr.57-62 143 Đặng Nghiêm Vạn (2003), Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh. 144 Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, t.1. 145 Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, t.2. 146 Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, t.3. 147 Viện Sử học (1991), Quốc triều hình luật, Nxb. Pháp lý, Hà Nội. 148 Viện Triết học (1996), Từ điển triết học phương Tây, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 149 Trần Nguyên Việt (2011), Tư tưởng khoan dung của Khổng Tử và sự thể hiện nó ở Nguyễn Trãi, Tạp chí Triết học, số1, tr.10-16 150 Phạm Thái Việt (2006), Toàn cầu hóa những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 151 Huỳnh Khái Vinh và Nguyễn Thanh Tuấn (2004), Bàn về khoan dung trong văn hóa, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 152 Nguyễn Như Ý, Từ điển tiếng Việt, Nxb.Văn hóa thông tin, Hà Nội.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docluan_an_phat_huy_truyen_thong_khoan_dung_nham_tang_cuong_don.doc
  • docBantomtat.doc
  • docThongtinluanan-4.doc
Tài liệu liên quan