Luận án Sự chuyển biến của quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và trung quốc từ năm 1802 đến năm 1885

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC TỪ NĂM 1802 ĐẾN NĂM 1885 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ HÀ NỘI – năm 2014 VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC TỪ NĂM 1802 ĐẾN NĂM 1885 Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 62.22.03.13 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC

doc237 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 15/01/2022 | Lượt xem: 244 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Luận án Sự chuyển biến của quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và trung quốc từ năm 1802 đến năm 1885, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
: PGS.TS TRẦN THỊ VINH HÀ NỘI-năm 2014 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Đề tài không trùng với bất cứ nghiên cứu nào đã được công bố. Những số liệu và kết quả nghiên cứu được nêu lên trong luận án là trung thực, khách quan và đảm bảo tính khoa học về nguồn gốc xuất xứ. Hà Nội, tháng 9/2014 Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Hạnh LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận án này, ngoài nỗ lực của bản thân, tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ quý báu từ phía Thầy Cô, đồng nghiệp và người thân. Trước hết, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến PGS.TS. Trần Thị Vinh, cô giáo hướng dẫn của tôi. Trong suốt thời gian qua, Cô đã tận tình chỉ bảo, định hướng nhận thức để tôi hoàn thành luận án tiến sĩ này. Ngoài ra, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các Thầy Cô đang công tác tại Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt NamCác Thầy Cô đã nhiệt thành chỉ bảo và góp ý, bổ sung thêm tư liệu hữu ích để luận án của tôi được hoàn thành. Nhân đây, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới các Thầy Cô, bạn bè đồng nghiệp tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã luôn chia sẻ, động viên, cung cấp thêm thông tin tư liệu để tôi sớm hoàn thành luận án. Cuối cùng, sự khích lệ tinh thần của gia đình là động lực rất lớn giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại trong suốt thời gian qua để theo đuổi công trình nghiên cứu này của mình. Hà Nội, tháng 9 năm 2014 Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Hạnh MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 1. Lí do chọn đề tài 1 2. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu 3 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4 4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu 5 5. Đóng góp của luận án 8 7. Bố cục của luận án 9 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 10 1.1. Các công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước và ngoài nước có liên quan đến đề tài luận án 10 1.1.1. Những công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước 10 1.1.2. Những công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài 22 1.2. Những vấn đề còn tồn tại và hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài luận án 27 Chương 2: QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC GIAI ĐOẠN 1802 – 1858 31 2.1. Hoàn cảnh lịch sử tác động đến quan hệ ngoại giao Việt – Trung giai đoạn 1802 – 1858. 31 2.2. Nội dung của hoạt động ngoại giao Việt–Trung giai đoạn 1802 – 1858 34 2.1.1. Xin đổi quốc hiệu 34 2.2.2. Cầu phong, thụ phong 36 2.2.3. Triều cống, lễ sính 43 2.2.4. Giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ 48 2.2.5. Trao đổi văn thơ bang giao 53 2.2.6. Thương mại triều 60 2.2.7. Buôn bán trên bộ 64 2.2.8. Buôn bán trên biển 66 2.3. Đóng góp của những vị chánh, phó sứ tiêu biểu giai đoạn 1802 – 1858 70 Tiểu kết chương 2 78 Chương 3: QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC GIAI ĐOẠN 1858 – 1885 81 3.1. Hoàn cảnh lịch sử tác động đến quan hệ ngoại giao Việt – Trung giai đoạn 1858 – 1885 81 3.2. Nội dung của hoạt động ngoại giao Việt – Trung giai đoạn 1858-1885 85 3.2.1. Cầu phong, thụ phong 85 3.2.2. Triều cống, lễ sính 85 3.2.3. Giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ 87 3.2.4. Trao đổi văn thơ bang giao 89 3.2.5. Thương mại triều cống 100 3.2.6. Buôn bán trên bộ 104 3.2.7. Buôn bán trên biển 105 3.3. Đóng góp của những vị chánh, phó sứ tiêu biểu giai đoạn 1858 – 1885 107 Tiểu kết chương 3 112 Chương 4: ĐÁNH GIÁ VỀ NHỮNG CHUYỂN BIẾN CỦA QUAN HỆ NGOẠI GIAO VIỆT – TRUNG (1802 - 1885) 114 4.1. Về những chuyển biến trong hoạt động ngoại giao Việt – Trung trước và sau khi thực dân Pháp xâm lược (1858) 115 4.1.1. Trong hoạt động cầu phong, thụ phong 115 4.1.2. Trong hoạt động triều cống, lễ sính 116 4.1.3. Trong việc giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ 121 4.1.4. Trong hoạt động trao đổi văn thơ bang giao 124 4.1.5. Trong hoạt động thương mại triều cống 126 4.1.6. Trong hoạt động buôn bán trên bộ, trên biển 128 4.2. Về những chuyển biến trong thái độ giữa nhà Nguyễn và nhà Thanh trước hoạt động quân sự của thực dân Pháp ở Việt Nam 130 4.2.1. Từ những nỗ lực tự chủ chống Pháp đến sự cầu viện triều Thanh của nhà Nguyễn 130 4.2.2. Từ thái độ giằng co, tranh chấp sang thái độ thỏa hiệp với Pháp về vấn đề Việt Nam của nhà Thanh 135 Tiểu kết chương 4 141 KẾT LUẬN 143 TÀI LIỆU THAM KHẢO 151 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 168 PHỤ LỤC 170 DANH MỤC PHỤ LỤC Trang I. Một số khái niệm có liên quan đến luận án 171 II. Bản đồ Việt Nam thời Nguyễn 174 II.1. Đại Nam nhất thống toàn đồ (大南ー統全圖) (1838) 174 II.2. Bản đồ thế giới xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thế kỷ XIX 175 III. Các bảng thống kê về những hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (1802 - 1885) 182 III.1. Bảng thống kê các sứ bộ Việt Nam dưới triều Nguyễn sang cầu phong Trung Quốc 182 III.2. Bảng thống kê các sứ bộ Trung Quốc sang sắc phong cho các vua triều Nguyễn (1802 - 1858) 183 III.3. Bảng các sứ bộ Việt Nam sang triều cống nhà Thanh (1802 – 1858) (Qua Đại Nam thực lục) 184 III.4. Bảng các sứ bộ Việt Nam sang triều cống nhà Thanh (1802 – 1858) (Qua清代中越宗藩关系研究) 188 III.5. Bảng thống kê các sứ bộ Việt Nam sang lễ sính nhà Thanh (1802 – 1858) 190 III.6. Bảng thống kê số lần sứ bộ Việt Nam sang Trung Hoa thuần túy mua hàng theo lệnh của triều đình (1802 - 1858) 193 III.7. Bảng thống kê các sứ đoàn Việt Nam sang triều cống Trung Hoa (1858 - 1885) 194 III.8. Bảng thống kê các sứ đoàn Việt Nam sang triều cống Trung Hoa (1858 - 1885) (Qua清代中越宗藩关系研究) 196 III.9. Bảng thống kê các sứ bộ Việt Nam sang lễ sính Trung Hoa (1858 - 1885) 197 III.10. Bảng ngạch thuế nhập cảng của các thuyền buôn Trung Hoa sang buôn bán ở Bắc Kỳ theo quy định của Tự Đức 198 IV. Những tư liệu bổ sung cho các hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (1802 - 1885) 199 IV.1. Sứ thuyền thời Nguyễn 199 IV.2. Thể thức việc tiếp sứ 200 IV.3. Đại lễ tuyên phong 204 IV.4. Thiết tiệc 212 IV.5. Tặng phẩm 213 IV.6. Hộ tống 216 IV.7. Thơ văn bang giao trong quan hệ Việt – Trung thế kỷ XIX 221 IV.8. Hiệp ước Thiên Tân Pháp – Trung Hoa 1885 222 DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ, SƠ ĐỒ TRONG NỘI DUNG LUẬN ÁN Trang Biểu đồ 4.1. Số lần triều cống Trung Hoa của Việt Nam qua hai giai đoạn 1802-1858 và 1858-1885 (Theo Đại Nam thực lục) 118 Biểu đồ 4.2. Số lần triều cống Trung Hoa của Việt Nam qua 2 giai đoạn: 1802-1858 và 1858-1885 (theo清代中越宗藩关系研究 (Nghiên cứu quan hệ tông phiên Trung – Việt thời Thanh)) 118 Biểu đồ 4.3. Số lần lễ sính Trung Hoa của Việt Nam qua 2 giai đoạn: 1802-1858 và 1858-1885 (Theo Đại Nam thực lục) 119 Sơ đồ 4.1. Hoạt động thương mại triều cống giữa Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn 1802 – 1858 127 Sơ đồ 4.2. Hoạt động thương mại triều cống giữa Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn 1858 – 1885 128 BẢNG CHỮ CÁI VIẾT TẮT SÔ THỨ TỰ CHỮ CÁI VIẾT TẮT NGHĨA CỦA CHỮ CÁI VIẾT TẮT 1 ĐNLT Đại Nam liệt truyện 2 ĐNTL Đại Nam thực lục 3 NXB Nhà xuất bản 4 STT Số thứ tự 5 TG Tác giả 6 VSTGCM Việt sử thông giám cương mục MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX chưa tham gia nhiều vào các mối quan hệ quốc tế, những mối quan hệ trọng yếu của Việt Nam lúc bấy giờ chỉ giới hạn trong khu vực, đặc biệt là với nước láng giềng Trung Quốc. Có thể nói, trong lịch sử ngoại giao của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay thì ngoại giao với Trung Quốc luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Mối quan hệ này trước hết phản ánh đường lối đối ngoại Xem: Một số khái niệm có liên quan đến luận án – Phụ lục I mang tính bắt buộc do hoàn cảnh lịch sử - địa lý đặc thù của hai quốc gia quy định. Suốt hơn 1000 năm qua, kể từ sau thế kỷ X, khi Việt Nam giành được độc lập, thoát ra khỏi đêm trường Bắc thuộc và bước vào kỉ nguyên dựng nước, thì trong quan hệ giữa hai nước Việt - Trung đã từng xảy ra những cuộc chiến tranh do các vương triều phong kiến Trung Quốc phát động nhằm mục đích thôn tính Việt Nam, biến dải đất này thành quận huyện. Rốt cục, những cuộc chiến tranh ấy đều kết thúc bằng chiến thắng của nhân dân Việt Nam. Song nếu tính về thời gian thì những năm tháng chiến tranh đó cộng lại vẫn là ngắn so với những thế kỷ hoà bình mà hai nước đã xây đắp. Dưới thời Nguyễn, mối quan hệ ngoại giao Việt - Trung từ năm 1802 đến năm 1885 cũng nằm trong số những thời kỳ “hoà bình”, “bang giao hảo thoại” nói trên. Tuy nhiên, chính trong thời kỳ “hoà bình” ấy cũng từng phát sinh bao nhiêu chuyện gay cấn, như: Vấn đề tranh chấp, lấn chiếm đất vùng biên giới; những mâu thuẫn kinh tế nảy sinhDo đó, tìm hiểu về sự chuyển biến của mối quan hệ ngoại giao Việt – Trung từ năm 1802 (năm triều Nguyễn thành lập) đến năm 1885 (năm chấm dứt vĩnh viễn quan hệ thượng quốc - chư hầu giữa Việt Nam và Trung Quốc theo Hoà ước Thiên Tân năm 1885 giữa Pháp với Trung Quốc) tức là chúng ta đi vào khảo cứu về một thời kỳ lịch sử tiêu biểu cho những mối quan hệ ngoại giao phức tạp giữa Việt Nam và Trung Quốc mà vừa mang những nét chung của các thời kỳ lịch sử trước, lại vừa có những đặc trưng riêng ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao ở những thời kỳ về sau. Trong các sách sử của Việt Nam và Trung Quốc từ trước đến nay đều có ghi lại khá rõ quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Song trên thực tế, nhiều chính khách ở Trung Quốc, nhiều cơ quan ngôn luận ở Bắc Kinh, thậm chí nhiều nhà nghiên cứu ở các nước khác đã đề cập đến quan hệ ngoại giao Việt - Trung theo những thiên kiến chủ quan, sai lệch với thực tiễn khách quan. Đặc biệt, khi xem xét quan hệ chính trị giữa triều Nguyễn và triều Thanh thế kỷ XIX, vấn đề nổi cộm được các nhà nghiên cứu tập trung kiến giải là trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam độc lập hay bị phụ thuộc? Đã có nhiều người khẳng định về sự phụ thuộc của Việt Nam trong quan hệ chính trị với Trung Quốc lúc bấy giờ. Hoặc khi đi vào tìm hiểu về mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước trên thế giới thời Nguyễn, từ xưa đến nay, không ít người đã nhìn nhận nó như một bức tranh “u ám” và xem đó là hậu quả không thể nào tránh khỏi do chính sách “ức thương” và “bế quan tỏa cảng” mang lại. Từ đấy lại có những suy luận rằng: Mối quan hệ kinh tế Việt – Trung thời bấy giờ cũng không là ngoại lệ. Hơn thế, từ chỗ khẳng định sự phụ thuộc của Việt Nam trong quan hệ chính trị với Trung Quốc, không ít nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã khẳng định sự lệ thuộc của Việt Nam trong quan hệ kinh tế và văn hóa với Trung Quốc hiện thờiVậy, thực chất của mối quan hệ ngoại giao Việt – Trung trên các phương diện: chính trị, kinh tế và văn hóa lúc này ra sao? Nghiên cứu sâu sắc và nghiêm túc về vấn đề này là hết sức cần thiết. Hơn thế nữa, bước sang thế kỷ XVIII, đặc biệt là từ đầu thế kỷ XIX, Việt Nam và Trung Quốc đều bị lôi cuốn vào vòng xoáy của thời đại mới. Đó là thời đại mà “Những mối quan hệ toàn diện, sự phụ thuộc toàn diện đối với nhau giữa các dân tộc đang phát triển, thay thế cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và của các dân tộc vẫn tự cung tự cấp” [20, tr.23]. Vì vậy, tìm hiểu về mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc thời kỳ này (1802 - 1885) sẽ giúp hiểu thêm về quan hệ quốc tế trong thời đại mới - thời đại của giai cấp tư sản. Không những vậy, nhận thức về một triều đại, nhất là muốn đánh giá công lao hay hạn chế của triều đại đó cần phải nghiên cứu một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đến văn hoá, xã hội thì mới có thể đi đến một kết luận khách quan và khoa học. Do đó, tìm hiểu về quan hệ ngoại giao Việt – Trung thời kỳ 1802 - 1885 sẽ góp phần vào việc nghiên cứu chung về triều Nguyễn, với mong muốn có cái nhìn toàn diện hơn về công trạng và cả hạn chế của vương triều phong kiến cuối cùng này trên một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực ngoại giao. Đặc biệt, nghiên cứu và rút ra được thực chất của mối quan hệ ngoại giao Việt - Trung thời bấy giờ cũng sẽ giúp cho việc hiểu biết về Trung Quốc ngày nay được sâu sắc hơn, góp phần giúp Đảng và Nhà nước Việt Nam hoạch định nên những chính sách đối ngoại đúng đắn với nước Trung Quốc láng giềng, phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá và đa phương hoá các mối quan hệ với tinh thần Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Hơn thế, nghiên cứu về sự chuyển biến của quan hệ ngoại giao Việt – Trung thời kì 1802 – 1885 một cách toàn diện còn là sự tiếp nối và phát triển hướng nghiên cứu trước đây của tác giả luận án. Vào năm 2008, tác giả đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ về quan hệ ngoại giao Việt – Trung thời kì 1802 – 1885 trên phương diện chính trị. Từ đó đến nay, tác giả đã tiếp tục mở rộng hướng nghiên cứu này trên nhiều phương diện khác như kinh tế, văn hóa và đã có một số bài báo về vấn đề này được công bố Xem: Danh mục các công trình của tác giả luận án . Vì vậy, nghiên cứu về mối quan hệ ngoại giao Việt – Trung thời kì 1802 – 1885 một cách sâu sắc, toàn diện chính là sự tiếp nối hướng nghiên cứu nêu trên. Với những ý nghĩa khoa học và thực tiễn đó, tác giả quyết định chọn đề tài “Sự chuyển biến của quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 1802 đến năm 1885” làm đề tài luận án của mình. 2. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu * Mục tiêu nghiên cứu - Luận án nhằm làm sáng tỏ sự chuyển biến của mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 1802 đến năm 1885, rút ra được xu hướng, đặc điểm và thực chất của sự chuyển biến ấy trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước thời kì này. - Hiểu được đặc điểm, thực chất của mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc thời kì 1802 – 1885 sẽ góp phần giúp cho Đảng và Nhà nước Việt Nam có được những chính sách đối ngoại đúng đắn, phù hợp với bối cảnh khu vực, quốc tế hiện nay, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - văn hoá của đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng cho Tổ quốc, nhất là khi quan hệ giữa hai nước hiện thời đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. * Nhiệm vụ nghiên cứu Để hiểu sâu sắc sự chuyển biến của mối quan hệ ngoại giao Việt – Trung thời kỳ này, luận án sẽ tập trung giải quyết những nhiệm vụ chính sau đây: - Nghiên cứu sự tác động của hoàn cảnh lịch sử đến đường lối, chính sách đối ngoại của triều Nguyễn đối với triều Thanh và ngược lại. - Tái hiện một cách khách quan, chân thực về mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các phương diện chính trị, kinh tế và văn hóa thời kì 1802 - 1885. - Tập trung làm rõ những biến chuyển, thay đổi của mối quan hệ ngoại giao Việt – Trung trước và sau năm 1858 trên những phương diện cơ bản. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu * Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là những biểu hiện của sự chuyển biến trong quan hệ ngoại giao Việt – Trung từ năm 1802 đến năm 1885. Trong đó, luận án đi sâu tìm hiểu về sự chuyển biến ấy trên các phương diện cơ bản: Chính trị, Kinh tế và Văn hóa. * Phạm vi nghiên cứu - Thời gian nghiên cứu được xác định là từ năm 1802 đến năm 1885 (tức là từ khi triều Nguyễn được xác lập vào năm 1802, mở đầu mối quan hệ giữa hai vương triều phong kiến: triều Nguyễn ở Việt Nam và triều Thanh ở Trung Quốc, đến năm 1885 là mốc đánh dấu sự chấm dứt vĩnh viễn quan hệ thượng quốc - chư hầu giữa Trung Hoa và Việt Nam theo Hoà ước Thiên Tân kí giữa Pháp và triều đình Mãn Thanh (tháng 6 - 1885)). - Không gian nghiên cứu: Nghiên cứu theo lãnh thổ của quốc gia Việt Nam thời Nguyễn và Trung Quốc thời nhà Thanh. - Phạm vi nội dung nghiên cứu: + Đặt vấn đề nghiên cứu trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực, của Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XIX. + Tập trung nghiên cứu sự chuyển biến của mối quan hệ ngoại giao Việt – Trung thời kỳ 1802 – 1885 trên 3 phương diện chính: Chính trị, kinh tế, văn hóa. + Tuy luận án đã triển khai sự chuyển biến của mối quan hệ ngoại giao Việt – Trung thời kì 1802 – 1885 trên cả 2 chiều: chiều Việt Nam với Trung Quốc và chiều Trung Quốc với Việt Nam, song, do chưa có điều kiện tiếp cận, khai thác nhiều tư liệu từ phía Trung Quốc nên luận án có phần nghiêng nhiều hơn về chiều quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc. 4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu * Nguồn tài liệu: - Các bộ biên niên sử, các bộ hội điển, châu bản trong thời kì phong kiến được xem như là nguồn tư liệu gốc phục vụ cho luận án, đặc biệt trong đó phải kể đến một số lượng lớn các bộ sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như: Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam liệt truyện chính biên, Châu bản, Minh Mệnh chính yếuNhững tác phẩm này đều ghi chép theo tiến trình thời gian các sự kiện liên quan đến triều Nguyễn và có điểm qua các sự kiện ngoại giao, những nhà ngoại giao tiêu biểu thời bấy giờ. Tuy những ghi chép trong các bộ sử này rất tản mạn nhưng chúng hàm chứa nhiều thông tin trực tiếp và có độ tin cậy cao. Trong đó, bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và bộ Đại Nam thực lục là những bộ sử ghi chép tương đối đầy đủ về những sự vật, sự việc, điển lệliên quan đến mối quan hệ ngoại giao giữa triều Nguyễn và triều Thanh. Đặc biệt, mục Bang giao, từ quyển 128 đến 130 của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chính biên) thực sự là nguồn tư liệu quý báu khi chúng ta xem xét nội dung và đặc điểm của những hoạt động ngoại giao tiêu biểu giữa hai nước Việt – Trung thời bấy giờ như: Thể thức sai sứ, tiếp sứ; đại lễ tuyên phong, dụ tế; triều cống; lễ sính; ngày tháng cử sứ thần sang Trung Quốc và đón sứ thần nhà Thanh sang Việt Nam; danh mục phẩm vật sứ bộ mang đi mang về; danh tính các sứ thần và số lượng thành viên trong mỗi sứ bộ; lộ trình và diễn tiến đi sứTrong khi đó, Châu bản triều Nguyễn không chỉ gồm các bản tấu sớ đã được nhà vua xem và phê duyệt, mà còn bao gồm cả những sắc, dụ, chiếu, chỉ, những công văn, tờ trình (thân), những bản kê khai (kê), những văn bản ngoại giao cho phép bổ sung nhiều điều chi tiết và cụ thể mà các công trình trên chưa khai thác và sử dụng hết. Đặc biệt, chúng ta phải nhắc đến những bản tấu, phúc tấu của đình thần các bộ như bộ Công, bộ Hộ, hay những chỉ dụ của các vua Nguyễn về việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa thông qua việc vãng thám, đo đạc, cắm mốc, vẽ họa đồThậm chí, có nội dung bản tấu trong Châu bản còn cho biết những hoạt động hằng năm nêu trên trong một số trường hợp bị hoãn tháng khởi hành, chẳng hạn như năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) [17] hay năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) [18] Có thể nói, xét về mặt sử liệu học thì Châu bản là tư liệu gốc mang giá trị đặc biệt mà các công trình biên soạn khác không thể sánh được. - Các công trình nghiên cứu đã được công bố có liên quan đến đề tài luận án như: Các bộ thông sử, các sách giáo trình dùng trong các trường đại học, sách chuyên khảo, sách tham khảo, các bài nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học có uy tín ở Việt Nam, các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ ở Việt Nam và Trung Quốc - Nguồn tư liệu lưu trữ, tài liệu chép tay tại các trung tâm lưu trữ, các viện nghiên cứu. Trong đó, đáng chú ý là những văn kiện, điển lệ về việc giao thiệp giữa các triều Nguyễn và triều Thanh bao gồm: dụ, chế, sắc phong, chiếu, biểu, tấu khải, thư, thơ được tập hợp trong 邦交錄 (Bang giao lục), 武東暘文集 (Vũ Đông Dương văn tập), 如 燕 文 草 (Như Yên văn thảo), 文集 (Văn tập)hiện đang được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. - Các nguồn tài liệu thu thập được qua quá trình điền dã tại Huế và tại quê hương của một số nhà ngoại giao tiêu biểu thế kỷ XIX. * Phương pháp nghiên cứu Để hoàn thành luận án này, tác giả đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu khoa học cơ bản sau đây: - Phương pháp lịch sử Đề tài nghiên cứu của luận án là quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt – Trung dưới hai triều đại: triều Nguyễn ở Việt Nam và triều Thanh ở Trung Quốc trong thế kỷ XIX, cách chúng ta ngày nay hơn một thế kỷ, nên phương pháp nghiên cứu trước hết phải là phương pháp lịch sử cụ thể. Để bổ trợ cho phương pháp này, luận án đã vận dụng thêm những phương pháp nghiên cứu khác như: phương pháp so sánh, phương pháp liên ngành, phương pháp thống kê định lượng - Phương pháp so sánh Để giải quyết thấu đáo đề tài này, đặc biệt là để tìm ra sự chuyển biến cũng như rút ra được thực chất và đặc trưng của mối quan hệ ngoại giao Việt – Trung từ năm 1802 đến năm 1885 thì đây là một phương pháp vô cùng hữu hiệu. Trong luận án này, tác giả đã sử dụng đồng thời cả so sánh lịch đại (giữa các giai đoạn trước, sau) và so sánh đồng đại (giữa hai phía Việt Nam và Trung Quốc) để tìm ra được những nét tương đồng và khác biệt trong quan hệ ngoại giao Việt – Trung qua hai giai đoạn trước và sau năm 1858, cũng như rút ra được mối tương quan so sánh trong tiềm lực, vị thế và cả thái độ của triều đình hai bên trong quan hệ ngoại giao thời bấy giờ. - Phương pháp liên ngành Liên ngành là phương pháp liên khoa học, là sự thiết lập trên cơ sở kết hợp mối quan hệ qua lại giữa các môn học, ngành học với nhau. Điều quan trọng của phương pháp này là phải sử dụng đồng thời, hiệu quả các chuyên ngành, không phân biệt chính, phụ. Đây là phương pháp vô cùng cần thiết bởi muốn lí giải để hiểu được thực chất hiện tượng lịch sử (trong đó có lịch sử ngoại giao) thì cần phải vận dụng tốt kiến thức đa ngành, liên ngành. Với đề tài này, chúng tôi vận dụng phương pháp liên ngành để nhìn nhận, lí giải, đánh giá cùng một lúc mối quan hệ ngoại giao Việt – Trung thế kỷ XIX trên nhiều phương diện khác nhau và đặt các phương diện ấy bình đẳng trong cùng một tổng thể chung với nhiều mối quan hệ tác động qua lại. - Phương pháp thống kê định lượng Phương pháp này được sử dụng khá nhiều trong luận án nhằm thống kê, định lượng thông tin, số liệu để tìm ra khuynh hướng biến chuyển và đặc điểm, thực chất của mối quan hệ ngoại giao Việt – Trung. Chẳng hạn, để hiểu rõ mức độ suy giảm của các hoạt động cầu phong, triều cống, lễ sính giữa hai nước Việt – Trung giai đoạn sau năm 1858 so với giai đoạn trước năm 1858, chúng tôi đã cố gắng lượng hóa mọi thông tin có được từ tài liệu Việt Nam và Trung Quốc về những hoạt động này ở cả hai giai đoạn. Hay để thấy rõ được lễ vật đáp lại của Thanh triều không nhiều bằng so với vật phẩm dâng cống, lễ sính của các sứ đoàn Việt Nam, chúng tôi đã định lượng lễ phẩm dâng tiến và tặng vật giữa hai bên một cách cụ thể nhằm làm căn cứ so sánh và rút ra nhận định. Hay để thấy được sự phổ biến và ưu thế vượt trội của hoạt động thương mại kiêm nhiệm so với hoạt động thương mại thuần túy, chúng tôi đã thống kê và định lượng số lần diễn ra các hoạt động này và những thông tin liên quan đến chúng. Sau đó, từ những con số cụ thể mà rút ra nhận xét, đánh giá một cách xác thực 5. Đóng góp của luận án Luận án sau khi hoàn thiện có thể có những đóng góp khoa học và thực tiễn sau: - Đây là luận án đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện về mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc suốt từ năm 1802 đến năm 1885. Qua đó, luận án rút ra được những chuyển biến quan trọng cũng như đặc điểm, thực chất của mối quan hệ ngoại giao Việt - Trung trong hơn tám thập kỷ đầy biến động của thế kỷ XIX. - Luận án đã bước đầu làm sáng tỏ vấn đề khoa học mà lâu nay vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi là, Việt Nam độc lập hay phụ thuộc trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc? Đồng thời, luận án cũng bước đầu bác bỏ những suy luận cảm tính trong giới nghiên cứu khi cho rằng: Mối quan hệ kinh tế Việt – Trung thế kỷ XIX là một bức tranh “u ám” do chính sách “ức thương” và “Bế quan tỏa cảng” của triều Nguyễn mang lại. - Đặc biệt, những bài thơ, bài văn đi sứ, tiếp sứ gắn liền với tên tuổi của những vị chánh, phó sứ tiêu biểu làm nên thành công của sự nghiệp ngoại giao triều Nguyễn đã được luận án lần đầu tái hiện lại – điều mà trước đây chưa một công trình nghiên cứu nào làm sáng tỏ. - Luận án được thực hiện thành công sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc hoạch định chính sách đối ngoại đúng đắn với nước lớn Trung Hoa – một nước láng giềng có mối quan hệ ngoại giao lâu đời nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng cho Tổ quốc, đặc biệt là khi quan hệ giữa hai nước hiện đang còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập cần tháo gỡ. - Luận án sau khi bảo vệ thành công có thể được sử dụng để làm chuyên đề giảng dạy về lịch sử quan hệ song phương giữa hai nước Việt - Trung cũng như quan hệ đa phương giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. 6. Bố cục luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục, Tài liệu tham khảo, phần Nội dung của luận án gồm 4 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu Chương 2: Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn 1802 – 1858 Chương 3: Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn 1858 – 1885 Chương 4: Đánh giá về những chuyển biến của quan hệ ngoại giao Việt – Trung (1802 - 1885) Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc từ lâu đã trở thành mối quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong mấy chục năm gần đây, khi mà giới sử học đang không ngừng nỗ lực để có cái nhìn khách quan nhất về công và tội của triều Nguyễn – vương triều cuối cùng trong diễn trình lịch sử phong kiến Việt Nam thì mối quan hệ ngoại giao Việt – Trung lại càng được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đi sâu tìm hiểu. 1.1. Các công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước và ngoài nước có liên quan đến đề tài luận án 1.1.1. Những công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước * Những công trình nghiên cứu trước thập niên 90 của thế kỷ XX Bước sang thế kỷ XX, nhiều bộ thông sử về lịch sử Việt Nam, trong đó có triều Nguyễn đã ra đời. Trước hết phải kể đến cuốn Việt Nam sử lược của tác giả Trần Trọng Kim. Đây là bộ lịch sử đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ tại Việt Nam, xuất bản lần thứ nhất vào năm 1921. Tác giả đã nghiên cứu lịch sử dân tộc suốt từ thời thượng cổ đến khi Pháp xâm lược và cai trị (tính đến năm 1902), trong đó có các chương nghiên cứu về triều Nguyễn dưới các đời vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức. Tác phẩm này đã giúp cho chúng ta có cái nhìn khái quát về mọi mặt xã hội Việt Nam duới vương triều Nguyễn, trong đó có lĩnh vực ngoại giao. Hơn 20 năm sau đó (1943), tại Hà Nội, Sông Bằng đã dựa trên nhiều tài liệu quý hiếm sưu tầm được trong thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ cho biên soạn cuốn Việt Hoa thông sứ sử lược, tủ sách Quốc học thư xã. Qua cuốn sách này, chúng ta bước đầu được biết về những hành vi, tiết tháo của các vị Tuế - Cống sứ Việt Nam, những mối duyên văn ràng buộc sĩ phu Trung Hoa với các bậc khoa – hoạn nước nhà. Tuy tác phẩm không đề cập trực tiếp đến ngoại giao Việt – Trung thế kỷ XIX, song qua đó chúng ta có thể hình dung phần nào sự vận dụng đầy linh hoạt các hình thức đối thoại văn hoá của các nhà ngoại giao thời phong kiến. Đến năm 1955, Nxb Xây Dựng đã cho ra đời bộ Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ XIX của tác giả Đào Duy Anh, bao gồm 2 quyển: quyển thượng và quyển hạ. Đến nay, bộ sách này đã qua nhiều lần tái bản và lần tái bản gần đây nhất là vào năm 2011 của Nxb Khoa học xã hội. Cuốn sách đã tái hiện lại bức tranh toàn cảnh về tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc suốt từ thời nguyên thủy cho đến cuối thế kỷ XIX, trong đó, chương XLIX tập trung bàn về chính sách đối ngoại của nhà Nguyễn. Tuy nhiên, ở đây, Đào Duy Anh mới chỉ đi vào tìm hiểu chính sách đối ngoại của nhà Nguyễn đối với các nước ở biên giới phía Tây, Nam và với thực dân Pháp chứ chưa có dịp nghiên cứu về chính sách đối ngoại của triều Nguyễn đối với nước Trung Hoa láng giềng. Sáu năm sau đó (năm 1961), Thành Thế Vỹ đã cho ra đời cuốn sách Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII – XVIII đầu thế kỷ XIX, Nxb Sử học, Hà Nội. Cuốn sách tái hiện lại nền ngoại thương Việt Nam trong những thế kỷ trước khi thực dân Pháp xâm lược (cụ thể từ thế kỷ XVII đến hết đời vua Thiệu Trị). Tuy nhiên, tác giả mới chỉ đề cập đến một vài khía cạnh riêng lẻ của lĩnh vực ngoại thương ở những thế kỷ này như: các mặt hàng hóa (bao gồm hàng bán ra, hàng mua vào: từ trang 97 đến trang 125); thể lệ ngoại thương, thủ tục, bộ máy, thuế khóa (từ trang 126 đến trang 138); cách thức mua bán, đổi chác, trả tiền (từ trang 139 đến 181); phương tiện đi lại (từ trang 182 đến trang 193)chứ chưa đi sâu phân tích và tổng hợp những khía cạnh đó để đưa ra cái nhìn hệ thống về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cũng trong năm 1961, tạp chí Văn học, số 7 đã cho công bố bài viết Mối quan hệ lâu đời và mật thiết giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc với độ dài 22 trang (từ trang 1 đến trang 22) của tác giả Đặng Thai Mai. Tác giả đã phân chia công cuộc bang giao giữa hai nước Việt – Trung ra làm 4 thời kỳ với những tính chất và sắc thái khác nhau: thời kỳ Bắc thuộc, thời kỳ phong kiến, thời kỳ Pháp thuộc và thời kỳ hiện nay (từ ngày thành lập chế độ dân chủ cộng hoà). Trong mỗi thời kỳ ấy đều diễn ra sự tiếp xúc văn hoá nói chung và văn học nói riêng giữa hai nước. Qua những phân tích và luận giải sắc sảo của Đặng Thai Mai, có thể thấy rằng, chính sự giao thoa, đối thoại văn hoá, văn học này đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước qua các thời kỳ lịch sử. Bước sang thập niên 70, 80 của thế kỷ XX, có một loạt bài viết được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành bàn về những biểu hiện mới trong quan hệ Việt – Trung ở nửa sau thế kỷ XIX, như “Quan hệ Trung - Việt và Việt - Trung” của tác giả Văn Phong đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4 năm 1979. Bằng những lập luận sắc bén, tác giả đã phác thảo trên những bình diện lớn về tính chất của quan hệ Việt - Trung qua các thời kì lịch sử. Trong đó ở mục III, tác giả tập trung khái quát "Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ Tần đến Mãn Thanh". Ở mục IV, tác giả tiếp tục khai thác "Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX". Đặc biệt, Văn Phong đã lí giải tại sao dưới thời đại phong kiến, trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, quy luật "cá lớn nuốt cá bé" và quy luật "quan hệ đẳng cấp giữa nước lớn và nước nhỏ" lại thường xuyên chi phối hai nước. Song cũng theo Văn Phong, trên thực tế, Việt Nam đã không chịu để cho các quy luật ấy phát huy tác dụng. Đến năm 1981, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, s...c trước kia lại nhấn mạnh đến cái gọi là địa vị “phiên thuộc” của Việt Nam đối với nhà Thanh thế kỷ XIX. Họ hiểu địa vị “phiên thuộc” này có nghĩa Việt Nam không phải là một nước độc lập và có chủ quyền mà hoàn toàn phụ thuộc vào nước “tôn chủ” (tức nhà Thanh) cả về mặt nội trị lẫn ngoại giao. Khi tìm hiểu quan hệ ngoại giao Việt - Trung thời kỳ này sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến Yoshiharu Tsuboi với tác phẩm nổi tiếng Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847 – 1885, Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội, 1992. Tác phẩm này được Tsubôi viết dựa trên những nguồn tài liệu quý từ nhiều nước trên thế giới. Với độ dày 338 trang chưa kể phần Phụ lục, Tsubôi đã dành 35 trang trong chương III (từ trang 132 đến trang 167) để trở lại quan hệ sóng gió giữa Trung Quốc và Việt Nam thời kì độc lập dưới vương triều Nguyễn. Trong đó, tác giả đã bước đầu lí giải nguyên nhân vì sao nhà nước Việt Nam có nhu cầu duy trì quan hệ chư hầu với thượng quốc Trung Hoa bằng hoạt động sách phong, triều cống [207, tr.137-138]. Đồng thời, tác giả tiếp tục xem xét hoạt động cầu phong, triều cống ấy qua một triều vua cụ thể - triều Tự Đức. Hơn nữa, thông qua tác phẩm này, bằng lối viết sử đầy sinh động, Tsuboi còn gợi cho chúng ta một số sự kiện lịch sử có liên quan đến quan hệ kinh tế (cả quan hệ kinh tế chính thống và phi chính thống) thời bấy giờ. Những con số, những sự kiện về hoạt động trao đổi cống phẩm, những hoạt động thương mại hợp pháp và cả bất hợp pháp của thương nhân và mại bản người Hoa thời Tự Đức đã mang đến cho người nghiên cứu những chất liệu quý báu, góp phần tìm hiểu về mối quan hệ ngoại giao kinh tế Việt – Trung trong thời kì lịch sử đầy biến động này. Đặc biệt, nhận định quan trọng mà Tsuboi rút ra là “Lịch sử của đất nước Việt Nam cũng là lịch sử khẳng định tính độc lập với Trung Hoa” [207, tr.43] có thể xem là một gợi ý quan trọng cho chúng ta khi tiếp cận thực chất của quan hệ ngoại giao Việt – Trung thời bấy giờ. Song dù vậy, tác phẩm cũng chỉ mới trình bày sơ lược những hoạt động ngoại giao này dưới một đời vua cụ thể - vua Tự Đức mà chưa đặt nó trong suốt thế kỷ XIX. Năm năm sau (1997), Nxb Thuận Hóa, Huế đã cho công bố tác phẩm Những người bạn cố đô Huế. Trong đó, đáng chú ý là tập 3 đã giới thiệu một số bài viết của các viên chức, giáo sĩ Pháp ở Việt Nam, bàn về nhiều khía cạnh khác nhau của quan hệ ngoại giao Việt – Trung thế kỷ XIX, tiêu biểu như bài viết Phái bộ Pháp ở Huế và những phái viên đầu tiên của Ngoại vụ Paris – A. Delvaux (từ trang 29 đến trang 89) hay Hoàng đế Trung Hoa sắc phong cho vua Tự Đức như thế nào của L. Cadiere (Hội truyền giáo Paris) (từ trang 306 đến trang 318). Những bài viết này đã tái dựng lại khá sinh động các hoạt động ngoại giao mang tính “truyền thống” giữa hai nước Việt – Trung thời Nguyễn như: hoạt động triều cống, sắc phong. Những nhận xét bước đầu mà các viên chức thực dân đưa ra như: Hoạt động triều cống Trung Hoa của phái đoàn Việt Nam năm 1880 nhằm “thắt chặt quan hệ hai nước và cầu mong sự viện trợ của Trung Quốc để chống lại sự xâm lược” (trang 41) hay “Lễ phong sắc, theo người Trung Hoa, đem lại uy quyền cho vua An Nam. Trước khi phong sắc, vua An Nam chỉ mang tên quốc trưởng (người đứng đầu trong nước) hay là thủ lĩnh của nước và cũng chỉ là vương, hoàng, hay vua là cùng. Khi đã được phong sắc, các vua ở Huế tự xưng là Hoàng đế và đó là cách chống lại các thủ tục quy định của Trung Hoa” (trang 311)đã gợi lên cho chúng ta nhiều suy ngẫm, nhất là khi đối chiếu chúng với những nhận xét của các học giả trong nước. Để tiến hành ngoại giao với Trung Quốc thời phong kiến, việc am tường chữ Hán, văn thơ chữ Hán đã trở thành yêu cầu không thể thiếu đối với các nhà ngoại giao Việt Nam. Có thể nói, văn thơ chữ Hán lúc bấy giờ đã thực sự trở thành nhịp cầu kết nối giữa các nhà ngoại giao của hai nước Việt – Trung mà bất cứ triều đại phong kiến nào cũng nhận thức rất rõ và triều Nguyễn cũng vậy. Bài viết Thơ bang giao chữ Hán - Việt trong sự giao lưu văn hoá Việt Nam và Trung Quốc trên lịch sử trung đại của Vu Tại Chiếu đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học, số 12 năm 2002 đã phản ánh rõ nét tinh thần nêu trên. Đến năm 2006, Nxb Giáo dục Hắc Long Giang (黑龙江教育出版社) đã cho công bố công trình nghiên cứu của tác giả Tôn Hoằng Niên (孙宏年著) với nhan đề 清代中越宗藩关系研究 (Nghiên cứu Quan hệ tông phiên Trung - Việt thời Thanh). Công trình dày 420 trang đã tái hiện lại quan hệ tông phiên Việt – Trung suốt từ năm 1664 đến năm 1885 trên bình diện chính trị, kinh tế với các vấn đề cốt lõi như: hoạt động cầu phong, sắc phong và triều cống giữa triều Thanh với các triều đại phong kiến Việt Nam những năm 1644 - 1885; vấn đề biển và biên giới giữa 2 nước; chính sách đối với Hoa kiều của triều Thanh và các triều đại phong kiến Việt Nam trong hơn 220 năm nàyNhư vậy, quan hệ Việt – Trung thời Nguyễn trên bình diện chính trị, kinh tế từ năm 1802 đến năm 1885 đã được Tôn Hoằng Niên đề cập đến nhưng chỉ là một phần trong toàn bộ công trình nghiên cứu này. Tuy vậy, những dẫn chứng sinh động về các hoạt động ngoại giao thời kì này, đặc biệt là các bảng thống kê có giá trị về hoạt động cầu phong, triều cống giữa hai nước (trang 80, 81, 82) thực sự là những cứ liệu quan trọng làm cơ sở so sánh, đối chiếu với nguồn tư liệu trong nước. Một năm sau đó (2007), Nxb Hà Nội đã cho công bố cuốn Thanh thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn do sử quan đời Thanh biên soạn, được Hồ Bạch Thảo dịch và chú thích. Cuốn sách đã cung cấp những tư liệu lịch sử quý báu phản ánh quan hệ giữa nhà Thanh đời Càn Long (1736-1795) và nhà Tây Sơn (1788-1802), một giai đoạn được đánh giá là tiêu biểu và vẻ vang nhất trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc thời phong kiến. Tuy không bàn trực tiếp đến quan hệ Việt – Trung thời Nguyễn nhưng những thành tựu ngoại giao to lớn mà triều Tây Sơn đã đạt được nửa sau thế kỷ XVIII được phản ánh trong bộ sách này sẽ là cơ sở giúp chúng ta hiểu rõ thêm vị thế ngoại giao của triều Nguyễn trong quan hệ với Trung Quốc ở nửa đầu thế kỷ XIX. Tiếp nối những thành quả nghiên cứu nói trên, vào năm 2008, Nxb Thế giới đã cho ra mắt cuốn kỷ yếu Hội thảo Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, trong đó công bố bài viết của nhà sử học Trung Quốc - Lương Chí Minh – chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á học – Đại học Bắc Kinh với nhan đề “Sự phục hồi kinh tế và sự phát triển của quan hệ thương mại giữa 2 nước Trung – Việt vào những năm đầu nhà Nguyễn (1802 – 1858)” từ trang 281 đến trang 287. Trong đó, lần đầu tiên quan hệ thương mại Việt – Trung dưới triều Nguyễn được đề cập đến trên cả 3 con đường: mậu dịch triều cống, buôn bán trên bộ và buôn bán qua đường biển (trang 285, 286). Tuy nhiên, vì chỉ gói gọn vấn đề trong chưa đầy 2 trang nên tác giả mới chỉ trình bày sơ lược chứ chưa có điều kiện đi sâu phân tích, chỉ ra đặc điểm, thực chất của những hoạt động mậu dịch này. Hơn nữa, mối quan hệ ấy mới chỉ được đề cập đến trong giai đoạn trước khi thực dân Pháp xâm lược. Một năm sau (2009), Yu Insun với bài viết Lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thế kỷ XIX: Thể chế triều cống, thực và hư được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9 năm 2009 đã bước đầu đi vào tìm hiểu thực chất của mối quan hệ Việt – Trung thời Nguyễn. Chỉ ngắn gọn trong vòng 9 trang (từ trang 20 đến trang 28), tác giả đã đưa ra 4 nguyên nhân cơ bản để lí giải vì sao nhà Nguyễn lại công nhận quyền lực của hoàng đế nhà Thanh, tự xưng là “hạ thần” và duy trì quan hệ triều cống: Thứ nhất, các vua Nguyễn đều nghĩ Trung Hoa là ngọn nguồn của tri thức Nho học (trang 24); Thứ 2, nhà Nguyễn muốn duy trì sự an toàn của vương triều bằng cách tránh đối đầu (trang 25); Thứ 3, nhà Nguyễn muốn xác lập quyền uy về mặt đối nội, khẳng định tính hợp pháp của mình; Thứ 4, xuất phát từ mục đích kinh tế. Từ chỗ đi sâu khám phá cái thực – hư trong mối quan hệ triều cống giữa 2 nước, bài viết đã đi đến khẳng định bản chất của mối quan hệ Việt – Trung thời bấy giờ: “triều đình nhà Nguyễn tiếp nhận thể chế triều cống của nhà Thanh chỉ có lợi. Nhà Thanh coi trọng quan hệ quân thần nhưng đối với nhà Nguyễn, điều đó chỉ mang ý nghĩa hình thứcXét cho cùng, Việt Nam không phải là nước thuộc địa của nhà Thanh mà là một quốc gia độc lập” [209; tr.28]. Có thể nói, những nhận xét nêu trên là gợi ý rất quan trọng cho tác giả luận án khi tiếp cận thực chất vấn đề nghiên cứu. Cũng trong năm 2009, hội thảo quốc tế Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc trong lịch sử: Hậu Choson và triều Nguyễn Việt Nam - Thách thức, chuyển biến và các mối quan hệ khu vực đã được diễn ra lần thứ III tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuốn kỷ yếu của hội thảo này, đáng chú ý là bài viết Chính sách về vấn đề các nước triều cống của Trung Quốc thập niên 1860 – 1880. Trường hợp Việt Nam – Hàn Quốc của Choi Hee Jae (Đại học Danguk) từ trang 154 đến trang 196. Dựa trên những điểm tương đồng về lịch sử - văn hóa hai nước Việt Nam và Triều Tiên (nhất là khi cả hai từng chiếm vị trí rất quan trọng trong trật tự Trung Hoa vốn thống trị bằng hệ thống “triều cống” và “sắc phong”), tác giả đã làm rõ nhận thức cũng như giải pháp mà triều Thanh áp dụng để giải quyết vấn đề Việt Nam và Triều Tiên trong quá trình trật tự Trung Hoa Muốn nói đến trật tự giữa Thượng quốc (Trung Hoa) và các nước chư hầu sụp đổ vào những thập niên cuối của thế kỷ XIX. Về vấn đề Việt Nam, theo tác giả, suốt quá trình Pháp triển khai thực dân hóa Việt Nam, nhà Thanh vốn tự cho mình là tông chủ quốc nhưng thực tế đã không có bất kỳ một động thái hay mối quan tâm tích cực nào nhằm ứng phó với vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải. Và mặc dù Việt Nam trước năm 1881 vẫn cử sứ thần đi Trung Quốc nhưng cũng không yêu cầu nhà Thanh trợ giúp. Choi Hee Jae đã giải thích điều này là do: “lo ngại quan hệ lâu dài giữa hai nước sẽ bị cắt đứt bởi những bất ổn trong nội tình Trung Quốc và thái độ của nhà Thanh không muốn can thiệp vào vấn đề của nước chư hầu với phương Tây. Cũng không bỏ qua chi tiết phía Việt Nam cũng không xem quyền tông chủ của nhà Thanh có ý nghĩa lớn” (trang 157). Cũng theo Choi Hee Jae, đến đầu thập niên 80, khi Việt Nam chính thức yêu cầu nhà Thanh viện trợ thì mối quan tâm về vấn đề Việt Nam mới được nhà Thanh nhận thức ra. Từ đây, sự tái điều chỉnh chính sách về vấn đề Việt nam vốn ít nhiều đã từng bị bàng quan lại bắt đầu được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhà Thanh tăng cường phòng bị biên cương Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Nhưng điều đáng nói là tác giả đã tinh ý nhận ra rằng: Động thái trên không phải là dấu hiệu chính thức đối phó bằng vũ lực quân sự với Pháp của Trung Quốc mà trái lại Trung Quốc đang ra sức tìm phương án giải quyết bằng cách hiệp thương ngoại giao với Pháp. Rốt cục, Trung Quốc đã kí với Pháp Hiệp ước năm 1885 chấm dứt vai trò tôn chủ của mình với Việt Nam (trang 169). Bài viết đã thực sự đã cung cấp những luận cứ quan trọng giúp cho tác giả luận án bước đầu hiểu được thực chất thái độ của “tôn chủ” Trung Hoa đối với “phiên thuộc” Việt Nam trước nguy cơ đe dọa của thực dân phương Tây ở nửa sau thế kỷ XIX. Đây cũng là một cơ sở quan trọng góp phần giúp chúng ta đánh giá đúng bản chất của mối quan hệ ngoại giao Việt – Trung thời kì này. 1.2. Những vấn đề còn tồn tại và hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài luận án Điểm qua toàn bộ các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước trên đây cho thấy, vấn đề quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc thời Nguyễn đã được tìm hiểu trên nhiều góc độ khác nhau và bước đầu đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm cần phải bổ khuyết, nhiều nhận định cần phải được lí giải thỏa đáng và chặt chẽ hơn. Thứ nhất, trong suốt chặng đường vừa qua, phần lớn các công trình nghiên cứu đều tập trung vào giai đoạn trước năm 1858, lúc mà quan hệ ngoại giao Việt – Trung còn do 2 nước tự quyết định, chưa chịu sự can thiệp của thế lực thứ 3 là thực dân Pháp. Tuy đã có một số ít công trình nghiên cứu về mối quan hệ này ở giai đoạn sau năm 1858, song lại chỉ khuôn vào triều vua Tự Đức (điển hình như Tsuboi với tác phẩm Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa). Vì vậy, tính đến thời điểm này vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu về mối quan hệ ngoại giao Việt – Trung một cách hệ thống, toàn diện và đặt nó trong mối liên hoàn suốt cả 2 giai đoạn trước và sau năm 1858. Để lấp vào những khoảng trống đó, luận án sẽ tập trung đi sâu tìm hiểu quan hệ ngoại giao Việt – Trung trên những phương diện cơ bản và trong suốt cả 2 giai đoạn (1802 – 1858 và 1858 – 1885) để rút ra được những chuyển biến nội tại cũng như đặc điểm của mối quan hệ ấy. Thứ hai, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc tìm hiểu quan hệ ngoại giao trên lĩnh vực kinh tế giữa hai nước Việt – Trung thời bấy giờ gặp phải một số khó khăn nhất định về mặt tư liệu. Một mặt, do quan điểm của các sử gia Việt Nam cũng như Trung Quốc thời phong kiến thường chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, thiếu chú ý đến các hoạt động kinh tế, vì vậy, muốn tìm vấn đề này trong các bộ sử thời phong kiến là rất khó. Mặt khác, mặc dù nhu cầu quan hệ kinh tế giữa hai nước được đặt ra từ rất sớm, song mối quan hệ ấy lại luôn chịu sự chi phối của tình hình chính trị hai bên vốn thường xuyên có nhiều biến động. Nhất là dưới thời Nguyễn, khi cả Trung Quốc và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa thực dân phương Tây thì sự quan tâm của các nhà nghiên cứu lại càng tập trung chủ yếu về những diễn biến chính trị xảy ra ở từng nước, cũng như những thay đổi trong quan hệ chính trị giữa hai nước hiện thời...Tất cả những điều trên khiến cho việc đi sâu tìm hiểu mối quan hệ ngoại giao Việt – Trung thế kỷ XIX trên lĩnh vực kinh tế không thể không gặp những khó khăn nhất định về nguồn tư liệu. Tuy nhiên, trong suốt mấy chục năm qua, đặc biệt từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, quan hệ kinh tế Việt – Trung thời kì 1802 - 1885 đã bước đầu được lưu tâm nghiên cứu với cái nhìn cởi mở và khách quan hơn. Nếu như trước đây bức tranh về quan hệ kinh tế giữa 2 nước bị xem như là “một mảng màu u ám” do chính sách “ức thương” của triều Nguyễn mang lại thì nay, hầu hết các tác giả đều đi đến một nhận định chung là: Nhà Nguyễn đã thực thi những chính sách vừa ưu ái đối với thương nhân Trung Hoa vừa kiềm chế các hoạt động giảo hoạt, lũng đoạn thị trường của họ và quan hệ kinh tế giữa 2 nước thời kì này diễn ra thường xuyên và khá mạnh mẽ. Song trên thực tế, vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ về những nội dung chính của quan hệ ngoại giao trên phương diện kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XIX, trừ bài viết của Lương Chí Minh cho rằng, quan hệ mậu dịch Việt – Trung lúc bấy giờ diễn ra dưới 3 hình thức (thông qua con đường đi sứ của các đoàn sứ thần, con đường buôn bán trên biển và con đường buôn bán trên bộ). Tuy nhiên, bài viết này cũng mới chỉ dừng lại trước năm 1858. Còn mối quan hệ này sau năm 1858 thì ra sao? 3 hình thức buôn bán, trao đổi đó có tiếp tục diễn ra nữa hay không và nếu có thì có thay đổi gì không so với giai đoạn trước khi thực dân Pháp xâm lược (1858)? Đó là những điều mà luận án chúng tôi sẽ tiếp cận và làm sáng rõ. Thứ ba, hình thức đối thoại thông qua việc sử dụng sức mạnh của ngôn từ (như thơ văn bang giao) đều được các nhà nghiên cứu thừa nhận là hình thức đặc thù nhất, mang tính truyền thống trong quan hệ ngoại giao giữa các nước thuộc “vùng văn hóa chữ Hán” thời phong kiến. Tuy hình thức này dưới thời Nguyễn cũng đã được một số tác giả đề cập đến song thực tế mới chỉ dừng lại ở những phác thảo sơ lược, mang tính chất giới thiệu chung. Luận án sẽ tiếp tục đi sâu tìm hiểu và rút ra chuyển biến và thực chất của hình thức đối thoại quan trọng này trong mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thế kỷ XIX. Thứ tư, đã có không ít cuốn sách, bài viết nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của những vị chánh, phó sứ tiêu biểu thế kỷ XIX như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Nguyễn Du, Đặng Huy Trứ, Lý Văn Phức, Nguyễn Tư Giản, song cho đến nay vẫn chưa có công trình nào tái dựng lại một cách toàn diện, đầy đủ chân dung của họ trong tư cách là những nhà ngoại giao có nhiều đóng góp lớn lao cho việc xây đắp mối quan hệ hảo thoại, hòa hiếu Việt – Trung thời kì 1802-1885. Đây cũng chính là điểm hấp dẫn mà luận án cần tiếp tục đi sâu khai thác và làm sáng rõ. Thứ năm, khi nghiên cứu quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, một vấn đề quan trọng được đặt ra là Việt Nam độc lập hay phụ thuộc? Đã xuất hiện hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Loại ý kiến thứ nhất nhấn mạnh đến tính chất lệ thuộc, địa vị “phiên thần” của Việt Nam đối với “tôn chủ” (nhà Thanh) thế kỷ XIX (tiêu biểu là một số cán bộ Khoa Sử trường Đại học Sơn Đông, Học viện Sư phạm Sơn Đông, Viện dân tộc học trung ương và Đại học sư phạm Bắc Kinh – tác giả của cuốn Lịch sử cận đại Trung Quốc). Loại ý kiến thứ hai thì cho rằng: Sự thần phục của triều Nguyễn đối với nhà Thanh chỉ là hình thức. Đại diện cho ý kiến này là các học giả Việt Nam, các nhà sử học người Pháp như Henri Cordier, Castonnet des Fosses hay giáo sư người Nhật Tsuboi. Mỗi loại ý kiến đều có những lập luận của riêng mình. Tuy nhiên, ngay cả loại ý kiến khẳng định tính độc lập của Nguyễn triều trong quan hệ ngoại giao với Trung Hoa cũng chưa đưa ra được một hệ thống lập luận chặt chẽ, đầy đủ mà mới chỉ là sự khẳng định cảm tính dựa trên một, hai dẫn chứng cụ thể. Hơn thế, sự chuyển biến, giằng co trong thái độ và phương cách ngoại giao của triều Nguyễn cốt giữ tính “độc lập” với Trung Hoa ở nửa sau thế kỷ XIX cũng chưa được các nhà nghiên cứu lưu tâm. Luận án sẽ tiếp tục đi sâu nghiên cứu với hy vọng sẽ giải đáp thấu đáo hơn vấn đề quan trọng đặt ra nêu trên. Chương 2 QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC GIAI ĐOẠN 1802 – 1858 2.1. Hoàn cảnh lịch sử tác động đến quan hệ ngoại giao Việt – Trung giai đoạn 1802 – 1858. * Về phía Việt Nam Triều Nguyễn được thành lập trên cơ sở tiêu diệt nhà Tây Sơn - một vương triều vốn đã từng chiếm được nhiều cảm tình của nhân dân với công lao to lớn trong sự nghiệp thống nhất và bảo vệ đất nước. Ra đời trong hoàn cảnh như vậy, triều Nguyễn bị rơi vào vị thế bất lợi về phương diện tâm lý, không giành được nhiều thiện cảm của nhân dân ngay từ ban đầu. Hơn thế, vương triều Nguyễn trong buổi đầu lại dựa vào thế lực bên ngoài để thiết lập và củng cố quyền lực của mình nên càng dễ khiến nhân dân bất bình hơn. Do đó, không như các triều đại Lê, Tây Sơn trước đấy, triều Nguyễn khi vừa mới thành lập đã không khẳng định được uy tín, quyền lực của mình với nhân dân (đặc biệt là đối với nhân dân Bắc Hà đang một lòng hướng về nhà Lê) cũng như tính chính thống của mình bằng cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Đó là nguyên nhân lý giải tại sao ngay từ đầu, triều Nguyễn đã mong muốn duy trì quan hệ ngoại giao với nhà Thanh thông qua hoạt động cầu phong để khẳng định tính chính thống, tạo dựng uy tín cho triều đại mình - điều mà ngay khi thành lập, triều Nguyễn đã không có được. Vào giai đoạn trước khi có sự xâm lược của thực dân Pháp (1802 – 1858), sự nghiệp xây dựng đất nước của triều Nguyễn tuy không đạt đến chỗ vững mạnh, song công lao hoàn thành thống nhất đất nước, đảm bảo tính tập trung, thống nhất của bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, cùng với những nỗ lực trong việc phát triển kinh tế, giao thông vận tải, văn hoá, giáo dục.cũng đã là những tiền đề quan trọng cho vịêc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đảm bảo được tính độc lập của dân tộc trong mối quan hệ ngoại giao với Trung Hoa. Song, chúng ta cũng đã nhận ra những mặt hạn chế trong sự nghiệp dựng xây đất nước của triều Nguyễn vào nửa đầu thế kỷ XIX. Ở trong nước, triều Nguyễn không tiếp tục phát huy những thành công trong cuộc cải cách trước đó của vương triều Tây Sơn mà "duy trì hình thái kinh tế - xã hội phong kiến chưa phát triển đến độ chín muồi, kết hợp với những tàn dư của phương thức sản xuất Châu Á đã quá lạc hậu so với thời đại" [165, tr.4], bóc lột nhân dân nặng nề bằng tô thuế, thẳng tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân, tàn sát giáo dân, sát hại công thần.Đối với bên ngoài, triều Nguyễn hạn chế việc buôn bán, tạo nên sự cô lập của đất nướcTất cả đã khiến cho sự nghiệp dựng nước của triều Nguyễn suốt từ năm 1802 đến năm 1858 không đạt được sự vững mạnh cần thiết, mà có phần trì trệ, yếu kém. Chính điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp ngoại giao dưới triều Nguyễn. Phải chăng thái độ trông mong vào hảo ý của kẻ thù, chờ đợi vào sự trợ giúp từ bên ngoài (từ nhà Thanh) mà không tự tin dựa vào sức mình trong giai đoạn tiếp theo bắt nguồn từ chính những yếu kém nảy sinh ở giai đoạn này. * Về phía Trung Quốc Vào năm 1644, sau khi Lý Tự Thành thất bại ở trận Sơn Hải Quan phải rút khỏi Bắc Kinh, Thanh Thế Tổ liền dời đô đến thành phố này. Đây được xem là cột mốc đánh dấu sự ra đời của nhà Thanh. Nhà Thanh được thành lập, ngay từ đầu đã tỏ rõ sức mạnh của một đại quốc hùng cường. Theo ước tính thì đến thời Đại Thanh, quốc gia Trung Hoa đã có diện tích lên đến 9 triệu km2, gần bằng ngày nay (9 triệu 630.690 km2) [135, tr.165-172]. Đến giữa thế kỷ XVIII, dù cương giới của Trung Quốc đã rất rộng lớn, nhưng nhà Thanh vẫn tiếp tục mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam. Vì vậy, từ năm 1766 đến năm 1769, nhà Thanh đã 3 lần xâm lược Miến Điện và năm 1788 quyết định tấn công Đại Việt. Song cũng như ở Miến Điện, nhà Thanh đã chịu thất bại thảm hại trên đất Việt. Vua Càn Long - người đã từng bách chiến bách thắng trong cuộc chiến tranh với các nước xung quanh đã buộc phải khuất phục trước sức mạnh của nghĩa quân Tây Sơn mà đứng đầu là người anh hùng áo vải Quang Trung. Chính thất bại thảm hại này của nhà Thanh trên đất Việt đã ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ bang giao của hai nước suốt một thời gian dài về sau. Từ đây, Thanh triều phải kiêng nể trong mối quan hệ với Việt Nam. Tuy nhiên, bản thân triều Tây Sơn và các vua đầu triều Nguyễn (như: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức) vẫn theo truyền thống cũ "tránh voi chẳng xấu mặt nào", bề ngoài thì vờ "thần phục" mà gỡ thể diện cho “Thiên triều”. Là một triều đại "Trung Hoa hoá" và là một đế chế phong kiến hùng mạnh với thiết chế chính trị tập trung cao độ, song ngay từ đầu, nhà Thanh đã chứa đựng những nguy cơ chia rẽ từ bên trong. Chính cơ sở kinh tế xã hội rời rạc, thiếu thống nhất không tương ứng với sự tập trung cao độ từ bên trên khiến cho triều Thanh nhanh chóng bộc lộ những hạn chế và trượt dài trên con đường suy vong. Vào nửa đầu thế kỷ XIX, nguy cơ của chủ nghĩa thực dân ngày càng bộc lộ rõ nét ở Trung Quốc. Cuộc chiến tranh Trung - Anh nổ ra từ tháng 6 - 1840, lịch sử thường gọi là "Chiến tranh thuốc phiện", đã mở đầu cho quá trình xâm lược của các nước đế quốc đối với đất nước này. Sau khi Anh khuất phục được triều đình Mãn Thanh, các nước đế quốc khác đã uy hiếp và buộc Trung Quốc phải kí hàng loạt hiệp ước bất bình đẳng khác như: Điều ước Vong Hạ (kí với Mĩ ngày 3-7-1844), điều ước Hoàng Thổ (kí với Pháp ngày 24-10-1844). Ngoài ra, các nước Bỉ, Thụy Điển, Na Uy cũng được hưởng quyền thông thương với Trung Quốc. Bồ Đào Nha được quyền cai quản Ma Cao. Nước Nga sa hoàng lúc này cũng thừa cơ tăng cường hoạt động xâm lược tại các vùng Đông Bắc và Tây Bắc Trung Quốc Có thể nói, quá trình xâm lược của chủ nghĩa đế quốc đang dần biến Trung Quốc thành một nước nửa phong kiến, nửa thuộc địa. Một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc đã trở thành thuộc điạ dưới nhiều hình thức của đế quốc thực dân. Trong khi đó, nhà Thanh phải liên tiếp đương đầu với những phong trào đấu tranh đòi dân tộc, dân chủ của nhân dân (tiêu biểu nhất là phong trào nông dân Thái Bình Thiên Quốc nổ ra từ năm 1851). Đứng trước nguy cơ ngày càng suy yếu ấy đã buộc Thanh triều càng phải ra sức cố giữ quan hệ "thần phục" với "Thiên triều" của các nước chư hầu xung quanh (trong đó có Việt Nam) nhằm củng cố phần nào sức mạnh và uy tín của triều đình Mãn Thanh. Chính điều này đã tác động rất lớn tới mối tương quan lực lượng giữa nhà nước Mãn Thanh (Trung Quốc) và triều Nguyễn (Việt Nam). Từ đây quyết định đến phương cách và nội dung ngoại giao giữa hai nước thời kỳ này. * Trong khu vực và trên thế giới Trong khi Việt Nam và Trung Quốc đang là những quốc gia phong kiến tập quyền thì trên thế giới lúc này chủ nghĩa tư bản đã giành thắng lợi đối với các thế lực phong kiến và đang trong giai đoạn phát triển lên chủ nghĩa đế quốc. Để đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp tư bản ngày càng mạnh mẽ, các nước tư bản Âu, Mỹ đã và đang đua tranh quyết liệt trong công cuộc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nguyên liệu và nhân lực sản xuất. Đúng như Côngxtăngtinốp trong tác phẩm Lý luận Mác - Lênin về dân tộc và phong trào giải phóng dân tộc, đã viết: "Chủ nghĩa tư bản phát triển ngày càng cao, nguyên liệu càng thiếu thốn, cạnh tranh ngày càng gay gắt và cuộc đấu tranh để chiếm đoạt thuộc địa ngày càng quyết liệt” [29, tr.20]. Chính điều đó đã thành động cơ thôi thúc các nước đế quốc Âu - Mĩ ráo riết xâm chiếm thuộc địa. Trong cuộc chạy đua xâm lược ấy thì châu Á - vốn là nơi tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân công rẻ mạt, thị trường tiêu thụ rộng lớn, lại đang trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu về kinh tế, suy thoái về chính trị, đã trở thành miếng mồi béo bở, hấp dẫn đối với các nước tư bản phương Tây thời bấy giờ. Cái mãnh lực tham vọng xâm lược của các nước đế quốc đã biến hàng loạt các nước châu Á thành thuộc địa, nửa thuộc địa của chúng. Trong đó, Việt Nam và Trung Quốc lúc bấy giờ cũng đang nằm trong nguy cơ ấy. Như vậy, vào nửa đầu thế kỷ XIX, cũng như các nước Châu Á khác cùng thời, Việt Nam và Trung Quốc trong mọi đường lối đối nội, đối ngoại của mình đều phải tính đến nguy cơ của chủ nghĩa đế quốc. Dù mức độ khác nhau do hoàn cảnh lịch sử quy định (các nước đế quốc đã đặt chân vào xâu xé Trung Quốc, còn Việt Nam thì nguy cơ đang đến gần, năm 1858 thực dân Pháp mới chính thức đặt chân lên xâm lược Việt Nam) nhưng không triều đình nào, cả Trung Quốc và Việt Nam, không phải tính đến việc phải đối phó ra sao trước nanh vuốt xâm lược của thực dân phương Tây? Điều này sẽ chi phối không nhỏ đến thái độ, sự quan tâm của triều đình hai nước trong mối quan hệ ngoại giao với những nước xung quanh. Chính bối cảnh lịch sử đầy biến động ấy đã tác động lớn đến thái độ, nội dung, phương thức ngoại giao của nhà Nguyễn đối với nhà Thanh thời bấy giờ và ngược lại. 2.2. Nội dung của hoạt động ngoại giao Việt – Trung giai đoạn 1802 – 1858 2.2.1. Xin đổi quốc hiệu Mặc dù triều Nguyễn cũng như các triều đại phong kiến trước đó ở Việt Nam luôn cố gắng khẳng định tính độc lập của mình trong quan hệ ngoại giao với đại quốc phong kiến Trung Hoa, song trên thực tế, triều Nguyễn vẫn luôn có nhu cầu duy trì về hình thức vai trò “chư hầu” của mình đối với “Thượng quốc” này bằng nhiều phương cách. Điều này một mặt đảm bảo mối quan hệ hoà hiếu, hảo thoại giữa hai nước, mặt khác để hợp thức hoá tính chính thống của vương triều mình – điều mà ngay khi thành lập, triều Nguyễn đã không có được. Việc xin đổi quốc hiệu của vị vua đầu triều Nguyễn ngay khi mới lên ngôi là một trong số những phương sách ấy. Về việc này, nhiều bộ sử của triều Nguyễn đã ghi chép lại khá cụ thể, chi tiết. Sách Đại Nam thực lục chính biên ghi: Vào tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long đã cử đoàn sứ bộ do Trịnh Hoài Đức làm chánh sứ sang Trung Quốc. Đến tháng 11 năm ấy, vua Gia Long lại cử Lê Quang Định “đem quốc thư và phẩm vật đi xin phong và xin đổi quốc hiệu làm Nam Việt " [149, tr.535]. Hay trong phần Bang giao của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cũng đã phản ánh sự kiện này như sau: “Gia Long năm đầu, trong nước đều yên, đường bể đã yên ổn, phái Hộ bộ thương thư Trịnh Hoài Đức sung chức Chánh sứ, bộ Binh tham tri Ngô Nhân Tĩnh và bộ Hình Tham tri Hoàng Ngọc Uẩn sung giáp ất phó sứ, đem sách, ấn của nước Thanh phong cho ngụy Tây Sơn khi trước và bọn 3 tên giặc biển mạo Mạc Quan Phù người nước ấy ngụy xưng là Đông Hải Vương, đến tỉnh thành Quảng Đông giao cho viên tổng đốc tỉnh ấy để tâu xin xử trí. Lại sai riêng sứ bộ sang xin phong và xin lấy quốc hiệu là "Nam Việt". Cho Binh bộ Thượng thư Lê Quang Đình sung Chánh sứ, lại sai Thiêm sự Lê Chính Lộ sang Giáp phó sứ. Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Gia Cát sung Ất phó sứ" [124, tr.306]. Như vậy, mốc thời gian về việc các sứ bộ sang Trung Quốc cầu phong và xin đặt quốc hiệu có thể diễn ra cùng một lúc (như Đại Nam hội điển sự lệ phản ánh) hoặc có thể không diễn ra cùng thời điểm (như Đại Nam thực lục chính biên phản ánh). Song, sự kiện vua Gia Long năm 1802 sai sứ sang Trung Quốc xin đặt quốc hiệu mới Nam Việt là có thật, được phản ánh trong nhiều sử sách của Quốc sử quán triều Nguyễn. Trong quốc thư gửi cho vua Thanh (lúc đó là Gia Khánh) thông qua đoàn sứ bộ do Lê Quang Định dẫn đầu, Gia Long đã nêu rõ ý nguyện là muốn “khôi phục hiệu cũ (tức là Nam Việt – TG nhấn mạnh) để chính danh tốt" [149, tr.580], vì thế xin đổi quốc hiệu nước mình là Nam Việt. Hơn thế nữa, khi lý giải tại sao Gia Long lại xin đổi quốc hiệu từ Đại Việt - vốn tồn tại lâu đời, sang quốc hiệu Nam Việt, có nhà nghiên cứu đã nhận định: "Có lẽ Gia Long sợ Trung Quốc không bằng lòng vì Trung Quốc xưng Đại Thanh, Việt Nam là Đại Việt, hai nước cùng "Đại - ngang hàng nhau!" [14, tr.214]. Vậy lý do thực tế của hành động này là gì? Phải chăng rằng, việc xin đổi quốc hiệu này của vua Gia Long hàm ẩn cả hai mục đích nêu trên, tức là vừa “lấy lại quốc hiệu cũ để được danh hiệu tốt” vừa là vì sợ “hai nước cùng Đại ngang hàng nhau”. Điều này thiết nghĩ cũng phù hợp với quan điểm ngoại giao của triều Nguyễn, một mặt muốn khẳng định tính độc lập của mình trong quan hệ bang giao với Trung Quốc, mặt khác muốn tận dụng quan hệ “chư hầu” với “Thượng quốc” Trung Hoa về hình thức để cốt khẳng định tính chính thống của triều đại mình. Song thực tế, việc thương hảo để có quốc hiệu mới diễn ra vô cùng gay cấn. Khi quốc thư của vua Gia Long chuyển lên, hoàng đế Thanh triều đã không đồng ý cho lấy quốc hiệu là Nam Việt. Bấy giờ, hoàng đế nhà Thanh cho rằng, chữ Nam Việt giống chữ Đông Tây Việt - vốn là tên một vùng đất của nước họ, nên không muốn cho. Vì cách đó khoảng hai ngàn năm về trước, nhà Tần đã bị rơi vào tay nhà Hán (206 TCN), lúc ấy, một biên thần đang cát cứ ở quận Nam Hải (Quảng Đông ngày nay) là T...ảm lẫn xa cừ, 1 cái bịt vàng và khảm hoa vàng) 1 bộ đồ đựng rượu bằng vàng, 1 đôi ngà voi, 2 cân kỳ nam, 2 cân quế Thanh. Khi sứ bộ về đến cửa ải, quan đón mệnh đưa tiễn chân Khâm sứ; 5 cân quế, the, lụa, vải mỗi thứ 10 tấm, quạt bằng đồi mồi, hộp sáp thơm, lông đuôi voi, trang sức bằng vàng, mỗi thứ đều 4 chiếc. Viên châu: lụa the vải đều 5 tấm, quạt bằng ngà voi, lông đuôi voi bịt bạc, hộp sáp thơm mỗi thứ đều 2 cái, viên thư ký cũng như thế duy giảm đi 1 tấm lụa, 1 tấm vải. Văn, vũ tuần bộ lễ sinh, thông sự cộng 11 viên, mỗi viên đều giảm đi, bằng nửa của thư ký. Thiệu Trị năm thứ 2, ngày sứ nước Thanh mới đến, tặng 1 bộ đồ chè bằng vàng (1 cái chén, 1 cái ấm chuyên, 1 cái điã, 1 cái khay), 1 bộ đồ uống rượu bằng vàng (1 cái nậm, 3 cái chén, 3 cái đĩa, 1 cái cách bằng ngà voi bịt vàng), 1 cỗ tê giác hoa bịt vàng, 2 cân quế, 2 cân kỳ nam, 10 cân yến sào. Những ngày làm lễ tuyên phong, dụ tế xong, đều đưa tặng 1 lần. Phẩm vật mỗi lần tặng viên Khâm sứ đều cùng như thời Gia Long. Đồ đưa tặng tức bổ phủ viên làm tham tá và viên thư ký đều chiểu lệ tặng châu viên và thư ký viên của thời Minh Mạng năm thứ 2. Tri huyện, thiên tổng, bá tổng, mỗi viên 8 đĩnh bạc 10 lạng, 2 cân quế tốt, lụa vải mỗi thứ 20 tấm. Thí dụng cửu phẩm và các viên lại mục ngoại ngạch, ngoại ủy đều chiểu lệ đưa tặng văn vũ tuần bộ của thời Minh Mạng năm thứ 2. Lễ sinh mỗi viên 5 đĩnh bạc 10 lạng, the, vải mỗi thứ 10 tấm, vải Xuân cầu 5 tấm. Thông sự đều cùng như thế, duy giảm đi 2 đĩnh bạc. Các hạng binh đinh theo hầu đều chiểu lệ thời Minh Mạng. Lại khâm sứ cung tiến đoạn nhiễu, lĩnh, sa, chè, hương châu, chuỗi hương Chuỗi hương: chữ là hương quán, ta thường gọi là tràng hoa, dùng các hương liệu, may vào cái túi lụa hay gấm nhỏ, xâu lại như tràng hạt. , bao hương, bút mực cộng 10 thứ. Phụng chỉ thu nhận có chuỗi hương, hương châu, bút mực cộng 4 thứ. Sẽ tặng thêm sứ ấy 1 cỗ tê giác hoa bịt vàng khảm lẫn xà cừ. l hình con phượng ngậm thư bằng vàng, 1 hình con long mã bằng vàng đội hà đồ, 1 đôi ngà voi hạng lớn, ngọc quế, kỳ nam đều 2 cân. Lại khí sứ bộ về đến trên cửa ải, quan đón mệnh đưa tiễn chân Khâm sứ cùng túc bổ phủ viên làm tham tá và viên thư ký đều chiểu theo lệ thời Minh Mạng. Tri huyên, thiên tổng, bá tổng, mỗi viên, the, lụa, vải đều 3 tấm, hộp sáp, quạt ngà và lông đuôi voi, trang sức bằng bạc đều 2 chiếc. Thí dụng tòng cửu phẩm trở xuống đến các viên lễ sinh, thông sự, mỗi viên đồ vật đưa tặng cũng như tri huyện, thiên tổng, bá tổng, duy giảm đỉ mỗi thứ 1 chiếc. Tự Đức năm thứ 2, sứ nước Thanh đi đến công quán Gia Thụy và bến đò Hồ Xá, quan đón mệnh đều đưa bẩm văn cấp cho các nhân viên đi theo lương ăn 500 lạng bạc, lúc trở về cũng như vậy. Ngày sứ bộ đến công quán kinh thành. Phẩm vật đem tặng khâm sứ đều cùng như thời Thiệu Trị, duy giảm đi 1 cân kỳ nam, thêm lên 5 cân trầm hương. Lại tặng cấp cho tức dụng đạo viên làm tham tá, nhiễu sa chuỗi đều 2 tấm, đoạn cùng nhiễu sợi xe đều 1 tấm. Viên tức dụng đồng tri, sa chuội 2 tấm, trừu, sa đều 1 tấm. Điển sử, lại mục cùng tuần kiểm mỗi viên 2 tấm trừu, đoạn cùng sa vân đều 1 tấm. Còn các vũ biền và bọn lễ thông sự, người tùy tùng, binh đinh theo hầu, cộng trừu 20 tấm, trừu dệt lẫn sợi và sợi gai, lụa dày 30 tấm, trừu lụa vải đều 80 tấm. Ngày làm lễ tuyên phong, dụ tế xong, đều đưa tặng 1 lần. Mỗi lần đưa tặng: Viên Khâm sứ 5 đĩnh vàng tốt mỗi đĩnh 10 lạng; 50 đĩnh bạc mỗi đĩnh 10 lạng, 2 cỗ tê giác, 2 cân ngọc quế, 2 cân quế tốt, yến sào, trầm hương mỗi thứ 10 cân, bánh đậu khấu 8 cân, the, vải mỗi thứ 100 tấm. Tức dụng đạo viên làm tham tá, 1 đĩnh vàng 10 lạng, 20 đĩnh bạc 10 lạng, 1 cỗ tê giác, 10 cân nhục quế, 5 cân yến sào, 2 cân trầm hương, 4 cân bạch đậu khấu, the vải mỗi thứ 50 tấm. Viên tức dựng đồng tri: 12 đĩnh bạc 10 lạng, 5 cân nhục quế, 1 cân trầm hương, 2 cân bạch đậu khấu, the vải mỗi thứ 30 tấm. Lại mục, điển sử, tuần kiểm, thiên tổng là nhân viên đi theo, mỗi viên 8 đĩnh bạc 10 lạng, 3 cân nhục quế, the, vải mỗi thứ 20 tấm. Quan thập cáp, đính mã, bối sắc ấn, bãi mã mỗi viên 6 đĩnh bạc 10 lạng, 10 tấm lụa, the vải mỗi thứ 20 tấm. Lễ sinh mỗi viên 5 đĩnh bạc 10 lạng, vải Xuân cầu 10 tấm, the vải mỗi thứ 20 tấm; thông sự cũng như thế, duy giảm đi 1 đĩnh bạc, 5 tấm vải Xuân cầu, người đi theo và binh đinh theo hầu, bạc đều 1 đĩnh, lụa vải từ 10 tấm đến 4 tấm có thứ bậc khác nhau. Lại ủy viên của sứ ấy cung tiến đoạn nhiễu lĩnh sa đồ như ý, hầu bao; hương châu, trà, bứt mực cộng 10 thứ. Phụng chỉ thu nhận có hương châu cùng trà, bút mực 4 thứ. Sẽ tặng thêm phẩm vật cũng như thời Thiệu Trị, duy giảm đi 1 cân kỳ nam, thêm 5 cân trầm hương Lại trước 1 ngày khi sứ bộ ấy trở về, giao cho viên đón mệnh đưa tặng khâm sứ 1500 lạng bạc. Tức dụng đạo viên 500 lạng, viên Đồng tri 200 lạng; viên lại mục (nguyên bọn tống thuyết phong sứ thần) 120 lạng; điển sử (chuyên giữ từ trát) 80 lạng; tuần kiểm 60 lạng. Ngày sứ bộ trở về, lại sai bề tôi thân tín đưa tiễn, bạch đậu khấu, da tê, đều 6 cân yến, sào 4 cân, hạt sa nhân 20 cân. Khi sứ hộ ấy về đến trên cửa ải, quan đón mệnh đưa đồ tiễn chân 1 lần. Tiền: viên Khâm sứ 8 cân nhục quế, the, lụa, vải đều 20 tấm, quạt bằng đồi mồi, hộp sáp thơm và lông đuôi voi trang sức bằng vàng, lông đuôi voi trang sức bằng bạc mỗi thứ đều 4 chiếc. Đạo viên đi làm tham tá đều giảm đi 1 nữa. Viên đồng tri: nhục quế 2 cân, the, lụa vải đều 8 tấm, quạt ngà 4 cái, lông đuôi voi trang sức bằng vàng, lông đuôi voi trang sức bằng bạc và hộp sáp thêm mỗi thứ đều 2 chiếc. Lại mục, điển sử, tuần kiểm thiên tổng là nhân viên đi theo, mỗi viên the lụa vải đều 6 tấm, quạt bằng ngà voi, hộp sáp thơm và lông đuôi voi trang sức, bằng bạc mỗi thứ đều 2 chiếc. Từ quan thập cáp đến bãi mã mỗi viên the, lụa, vải đều 4 tấm, quạt ngà 1 chiếc, hộp sáp thơm và lông đuôi voi trang sức bằng bạc mỗi thứ đều 2 chiếc; lễ sinh, thông sự đều cùng như thế, duy giảm đi 1 lông đuôi voi, 1 hộp sáp thơm. Lại trước kỳ hạn viên đón mệnh dự lĩnh 2 đĩnh vàng 10 lạng, 25 đĩnh bạc 10 lạng, đĩnh bạc 1 lạng, đĩnh bạc 2 lạng cộng 50 lạng, quế 10 cân, the, lụa, vải đều 50 tấm, quạt 30 chiếc, 30 hộp sáp thơm lông đuôi voi 30 cái. Bộ Lễ dự lĩnh 3 đĩnh bạc 10 lạng, 20 đĩnh bạc 1 lạng, 1 cân võ quế, 30 lông đuôi voi, 10 hộp sáp thơm chỉ để phòng đem phát ra. Khi việc đã xong hiện còn bao nhiêu đem nộp cả. Nguồn: Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 8, quyển 130, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.357 - 362. IV.6. Hộ tống Phàm sứ bộ sang nước Thanh, khởi trình từ kinh, thời bộ Lễ tư trước cho bộ Binh chuyển sức cho các tỉnh đọc đường, mỗi tỉnh phái một viên suất đội đem biền binh, khí giới chiếu theo địa hạt mà hộ tống đến Hà Nội. Ngày đi đến cửa quan lại do tỉnh này phái một viên võ quan tam tứ phẩm đem 500 biền binh và 5 thớt voi hộ tống đến tỉnh Bắc Ninh lại do tỉnh này y theo số ấy mà phái thay hộ tống đến cửa quan. Quan tỉnh Lạng Sơn cũng phái viên chức văn võ đi hộ tiếp. Khi sứ bộ trở về cũng chiếu lệ mà làm. Mình Mạng năm thứ 5, có chỉ rằng: Từ nay phàm sứ bộ sang nước Thanh, khởi trình ở Kinh, trừ các hòm rương đựng của công phải chiếu số mà cấp phát phu đài tải không kể, còn sứ thần, hành nhân, mỗi viên đều cấp cho 2 suất phu võng, duy số phu đài tải thời có khác : chánh sứ thì cấp 4 suất, giáp, ất phó sứ, mỗi viên cấp 3 suất, hành nhân mỗi viên cấp 1 suất, theo thứ tự chuyển trạm đến Bắc thành, rồi lại theo nguyên lệ do Bắc thành cấp tiếp, việc này ghi làm lệnh. (Lời cẩn án : lệ cũ, còn sứ thần từ Bắc thành đến cửa quan, hòm siểng là bao nhiêu đều do quan Bắc thành sức bắt dân phu các châu, huyện phụ cận dọc đường thay nhau đài tải). Năm thứ 9, có chỉ rằng: Số phu võng và phu đài tải của sứ bộ sang Thanh trừ khi khởi trình ở Kinh, đã có lệ định không kể, còn từ Bắc thành đến cửa quan thì sứ bộ có 20 người đáng dùng 40 tên phu võng; lễ cống có 19 hòm, đô vật đem theo có 9 hòm, 3 viên sứ thần, mỗi viên 4 hòm tư trang, 8 viên hành nhân, mỗi viên 1 hòm, ô người tùy tòng có 4 hòm, tất cả của công của tư kể trên cộng là 52 hòm, dùng 140 phu đài tải, chuẩn cho thành ấy chiếu số mà bắt phụ cấp cho. Việc này ghi làm ìệ. Năm thứ 12, có sắc rằng: Từ nay, phàm sứ bộ sang Thanh, khi từ Hà Nội tiến hành, do tỉnh này phái biền binh và voi hộ tống đến tỉnh thành Bắc Ninh, giao cho tỉnh này thay phái binh voi khác tiếp tục hộ tống cho đến cửa quan. Khi sứ bộ trở về, lại do tỉnh Bắc Ninh phái binh, voi chờ sẵn để hộ tống về đến Hà Nội. Việc này làm lệ mãi mãi. Năm thứ 13, có chỉ rằng: Từ nay, phàm sứ bộ sang Thanh, khi từ cửa quan trở về, có bao nhiêu rương hòm tư trang thì gia ơn cho được do tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Bắc Ninh liệu bắt dân phu phụ cận đài tải cho đến tỉnh Hà Nội, rồi đem số phu, số hòm ấy tâu lên. Còn từ tỉnh Hà Nội về kinh thời do sứ bộ ấy tùy tiện đường bộ hoặc thủy tự vận tải lấy. Không được tư tình lạm cấp, làm mệt sức dân, nếu phát giác ra thì trị tội không tha thứ. Ghi việc này làm lệnh. Lại có chỉ rằng: Từ trước tới giờ cái khoản phu võng, phu đài tải của sứ bộ sang Thanh, từ Kinh đi Hà Nội và từ tỉnh này đến cửa quan, đã từng định lệ. Còn khi từ cửa quan trở về, có bao nhiêu hòm tư trang, trước đã có chỉ gia ơn cho được do tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Bắc Ninh đều liệu bắt dân phu phụ cận đài tải đến tỉnh lỵ Hà Nội, rồi do sứ bộ đó tùy tiện theo đường thủy hoặc đường bộ, tự vận tải lấy. Nay cho phép từ đây phàm sứ bộ trở về, ,trừ việc đài tải những hòm của công thời cứ theo lệ cho đài tải về kinh không kể, còn số hòm tư trang, từ cửa quan đến tỉnh Hà Nội thì chuẩn cho chánh sứ được mang theo 5 hòm, giáp ất phó sứ mỗi viên được mang theo 4 hòm, 8 viên hành nhân gộp ỉàm 12 hòm, 9 người tùy tòng gộp làm 5 hòm, cộng cả thảy 30 hòm, vẫn cho tuân theo chỉ trước mà làm. Không được lạm cấp làm nhọc sức dân. Còn như sứ thần từ Hà Nội về Kinh phục mạng, thời số phu võng, phu đài tải chưa có định lệ. Nay chuẩn cho 3 viên sứ thần, mỗi viên được 2 tên phu võng và 4 tên phu đài tải, phẩm phục, tư trang làm một tốp, 8 viên hành nhân, mỗi viên 2 tên phu võng, thời chia làm hai tốp. Rồi theo hạt chiếu số bắt phu mà cấp. Ghi việc này làm lệnh. Năm thứ 15, khi sứ bộ trở về thời về biền binh tỉnh Bắc Giang đã phái đi bắt giặc, nên tư cho ba tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh liệu phải họp nhau cho đi 1000 biền binh cùng đến Nam Quan hộ tiếp sứ bộ cho có vẻ hùng tráng. Năm thứ 18 chuẩn y lời tâu: trong sứ bộ đi Thanh được chấm cho phép 4 tùy tòng và 2 người hành nhân, họ đều là những người được phái đi việc công, mà đường đi Hà Nội cũng xa xôi, vậy xin chiếu theo cái lệ “việc công thời đi đường trạm”, cho phép họ đều được lĩnh giấy tờ ở các nha rồi do đường trạm mà đi, mỗi trạm cấp cho (mỗi người) 2 tên phu võng. Thiệu Trị năm thứ 7 chuẩn y lời nghị cho ngày tiến trình của sứ bộ sang Thanh, trừ các khoản từ kinh đến tỉnh Hà Nộí thì phải cấp phu đài tải vẫn theo như lệ cũ mà làm không kể, còn từ Hà Nội đến cửa quan thời viên chánh sứ cho được mang theo hòm, giáp ất phó sứ, mỗi viên 3 hòm, 8 viên hành nhân mỗi viên 1 hòm, 9 viên tùy tòng, trừ 4 tên thân nhân, gia đình của sứ thần thì hành trang đều để ghé vào tư trang của sứ thần không kể, còn 5 người công sai, thời hành trang gộp làm 3 hòm. Khi trở về từ cửa quan đến Hà Nội, cũng theo lệ ấy mà cấp phu đài tải. Còn như 3 viên sứ thần khi từ Hà Nội về kinh, thì liệu cấp cho 3 tên phu đài tải để đài tải phẩm phục và tư trang. Ngoài ra, đều theo lệ cũ, tùy tiện theo đường thủy hoặc đường bộ mà đài tải lấy để đỡ việc trạm địch phải đài tải. Nguồn: Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 8, quyển 128, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.315 - 317. IV.7. Thơ văn bang giao trong quan hệ Việt – Trung thế kỷ XIX IV.7.1. Bức thư trả lời của Nguyễn Tư Giản khi Mã Long Phường hỏi về tình hình nước Việt Nam: "Kính nhận được thư ngài hỏi về tình hình nước tôi. Trong thư, ngài đã để tâm khảo cứu, lại tỏ ra rất khiêm tốn, thực là một tấm thịnh tình. Nhưng nhân tài học thuật của nước tôi, vốn không dám so sánh với Trung Quốc. Văn nhân các đời trước thuật không nhiều. Những công trình khảo cứu chuyên môn thường thiếu. Tôi tài sơ, kiến văn ít, đã không có cái học bác cổ của người xưa, e chịu tiếng cười chế tán nhàm kinh điển. Sưu tầm sách cổ, xin được trả lời. Nhưng được một sót mười, thực không tránh nổi. Chỉ mong bậc cao minh lựa chọn tham khảo thôi. Nước tôi kể từ nhà Tống, họ Đinh mới được nhận tước phong làm Giao Chỉ quận vương, đến triều Nguyên, thì họ Trần được phong làm An Nam quốc vương. Năm Vĩnh Lạc nhà Minh, họ Hồ cướp ngôi nhà Trần. Nhà Minh sai Anh quốc công Trương Phụ sang đánh, bắt cha con Hồ Qúy Ly, đặt Thừa tuyên, chia quận huyện để cai trị. Năm Tuyên Đức, họ Lê nổi dậy, viên tướng giữ Giao Chỉ là Vương Thông không đánh nổi, ký hòa ước; giải giáp quân đội, rút về nước. Nhà Minh lại phong họ Lê là An Nam quốc vương, truyền được hai trăm năm. Họ Lê phục hưng lại truyền được hai trăm năm, rồi bị mất về tay Nguyễn Quang Bình nhà Tây Sơn. Bản triều diệt Tây Sơn, nhân gộp cả đất cũ Việt Thường ở phía nam, nên đổi quốc hiệu là Nam Việt. Sau vâng lệnh đổi là Việt Nam. Việc này xảy ra vào năm Gia Long (1802 - 1820). Còn họ Trịnh, đó là quyền thần của nhà Lê, nhiều đời nắm giữ mệnh nước, cùng chung thủy với nhà Lê. Họ Mục là tên ngụy tạo của họ Mạc. Lãnh thổ nước tôi, phía nam giáp hai nước Xiêm La và Cao Man, phía bắc giáp Quảng Tây, phía tây bắc giáp Vân Nam; phía đông giáp biển, đối diện với hai phủ Cao, Liêm của Quảng Đông. Phía tây tới sơn man, giáp các nước Xiêm La, Miến Điện, Nam Chưởng. Từ nam đến bắc dài ba nghìn dặm, từ đông sang tây không tới hai nghìn dặm. Địa danh Hoa Phong, nay là huyện Nghiêu Phong. Đất này giáp biển. Ngoài biển có nhiều hòn đảo lô xô, trông như trâm châu, măng ngọc, kéo dài đến mấy trăm dặm. Bọn trộm cướp trên biển, hay làm sào huyệt trên đảo, hàng năm, phải vất vả đánh bắt chúng. Còn Long Môn thì Quảng Đông, giáp với xứ này. Đất đai nước tôi, núi non, sông biển đan xen, khó bề chế ngự. Cho nên, việc vạch địa giới, chia các vùng không thể không chia nhiều. Hiện tại, đặt 21 tỉnh, 3 đạo, 60 phủ, 300 châu huyện. Nước tôi nối đời sùng chuộng văn học, bắt đầu từ các ông Tích Quang, Nhâm Diên, đời Đông Hán, kế đó, đến thời nưjớc Ngô đời Tam Quốc có ông Sỹ Nhiếp, xây dựng trường học, đến nay vẫn còn truyền tụng. Không phải là đến ông Giải Tấn (đời Minh) về sau, văn giáo mới bắt đầu phát triển. Ông Khương Công Phụ làm Tể tướng từ đời Đường, có trước ông họ Giải từ lâu lắm. Đó có thể là một chứng cứ để xét nghiệm. Thuyết cũ cho rằng nước tôi không biết thờ tự Tuyên Thánh (Khổng Tử), chỉ thờ Giải Tấn làm Tiên sư là sai lầm. Chế độ khoa cử ở nước tôi, mỗi thời một khác. Quy chế thi cử hiện nay là: Ở trường thứ nhất: Thi chế nghệ, dùng Ngũ kinh và Tứ thư để ra đề. Trường thứ hai: Làm 1 bài Tứ lục và 1 bài luận. Trường thứ 3 làm 5 bài sách vấn. Thi Hội lấy Tiến sĩ thì lại thêm thơ, phú ở Tứ trường (trường thứ tư). Cứ 3 năm có 1 khoa thi. Các khoa ân điển, khoa đặc biệt thì không giới hạn số năm. Thi Tiến sĩ: cử nhân chung của các khoa không quá 4,5 trăm người, nên lấy tiến sĩ mỗi khóa không quá trên dưới mười người. Việc đi sứ sang Thượng quốc đối với nước tôi là một sự kiện lớn, nên phải chọn người từ trong khoa mục. Nước tôi ghi số năm theo can chi. Còn các tên như Ứ phùng Khốn đôn, thì chỉ có một số văn nhân, mặc sĩ sử dụng, còn giấy tờ nơi quan phủ không dùng. Sản vật nước tôi thì có quế, sơn, trầu cau, sa nhân, đấu khấu, trầm hương, ngà voi, sừng têVoi chiến thì mua ở đất Man, con số thường trực chỉ có trên dưới 400 cỗ, là do buôn bán trao đổi với người Man, đưa được về cũng khó, chứ không phải do lời sấm của Phục Ba tướng quân mà như vậy. Ở trong nước, tôi chưa từng được nghe lời sấm ấy. Châu Nhai có minh châu, nay ở phủ Quỳnh Châu tỉnh Quảng Đông. Những thị trấn buôn bán của nước tôi cũng không phải ở một nơi, Không nghe nói có nơi nào gọi là Đinh Dậu khư. Chỉ phủ Bình Giang, trước có truyền nhau cái tên Dậu Đinh thì có. Nhưng việc buôn bán ở đó không phồn thịnh lắm. Từ Dậu Đinh đến phố Hiến là hai ngày đường, đến Hà Nội là một ngày đường. Phố Hiến ngày xưa là một thị trấn lớn. Nay thì thuyền buôn của Quảng Đông sang buôn bán ở nước tôi đều tụ tập ở Hà Nội. Việc buôn bán ở phố Hiến đã suy tàn rồi. Còn cái tên Hiên Nội thì có thể ở hai chỗ này, do chuyển âm đọc mà sai lạc đi. Hà Nội nay là phủ Hoài Đức, có tỉnh trị Hà Nội ở đó, cách kinh đô nước tôi 1600 dặm, là cố đô từ nhà Lê về trước, Hà Nội có thành, có trì. Trên thành có lầu, có chòi, dàn đặt pháo lớn. Các thành khác cũng thế, chứ không phải là nơi không có thành quách, dàn pháo lớn xung quanh làm tường. Việc dùng người của nước tôi: quan văn thì lo chính sự của đất nước, quan võ thì coi quân. Có điều, ở các đời mỗi khi triều đại nào mới lên, thì việc cắt đất, phong tước, các quan võ chiếm nhiều hơn, là do mới khai sáng thì coi trọng chiến công vậy! Không chỉ có nước tôi như thế, ngay ở thượng quốc, trên các gác Vân Đài, Lăng Yên các quan võ cũng đông như rừng, chưa hẳn vua các đời trọng võ, khinh văn mà như thế! Còn như tục dân nước tôi coi trọng việc sinh con trai, không có chuyện sinh con gái thì vui, sinh con trai thì lo, không phải là hễ con trai thì đều bị cắt tóc biên chế vào quân ngũ đâu. Phục Ba tướng quân dựng cột đồng nêu rõ biên giới nhà Hán, nay không biết ở chỗ nào. Chỉ có cột đồng do Mã Tổng đời Đường dựng tiếp, thì nghe nói ở động Cổ Sâm, châu Khâm, cách Nghiêu Phong mấy ngày đường. Từ Nghiêu Phong đến Hà Nội lại 8 ngày đường, cách quốc đô thì rất xa. Động Cổ Sâm đích thực chỗ nào thì Giản tôi xưa nay chưa tới, chỉ căn cứ vào sách vở ghi chép lại và những lời của người Nghiêu Phong nói lại thế thôi." [89, tr.329 - 333] IV.7.2. Bức thư "Bàn về chữ Di (Biện dị thuyết)" của Nguyễn Tư Giản nhằm bác bỏ thái độ hống hách nước lớn, coi thường nước nhỏ của các chính khách Quảng Tây: "Bàn về chữ di (Biện di thuyết) Mùa thu năm Mậu Thìn vào cống Kinh sư, tháng Mười, đi qua Quảng Tây, thấy trong hiệu sách có quyển Việt Tây địa dư đồ thuyết mới in. Trong sách này, các châu, huyện của nước tôi tiếp giáp với vùng Tây Nam của Quảng Tây, đều ghi là "huyện Di, châu Di, của nước.Chưa đọc xong sách, đã buột miệng than rằng: "Ôi! Nói năng gì lạ vậy!". Người viết những dòng này, chắc hẳn cho là mình ở đất giữa (Trung thổ), phải là "Trung Hạ", còn người khác ở hải ngoại, phong tục tuy giống Trung Quốc nhưng đất đai vẫn là vùng phiên dậu, theo lệ, cố nhiên, phải gọi là "di" rồi! Xét ra, trời che địa cầu, có đến ức vạn nước sống trên đó. Từ đâu mà phân biệt được là "trong" hay "ngoài". Thế nhưng, xưa nay, quyết định sự phân biệt "Di" hay "Hạ" thì cũng phải xem có lễ nghĩa hay không, văn hóa dị đồng ra sao thôi. Nếu cứ phải dựa vào vị trí "ở giữa" của lãnh thổ để phân biêt, thì bốn biến năm châu, thì chỉ có Tây Hồng Hải của nước Duymalia mới là ở giữa ("địa trung"), thế mà từ xưa đến nay chưa hề thấy họ xưng là "hoa hạ". Nếu cho rằng đặt tên nước phải xét từ thưở lập nước buổi ban đầu, thì hai tỉnh Vân Nam, Quý Châu cùng đất vùng Cát Lâm, Hắc Long Giang, Ninh Cổ Tháp của Đông Tam Tỉnh đều là đất của nước Dạ Lang, Côn Minh, Quỷ Phương, Túc Thận, Điền ThưNay chả thế cứ theo chính sóc của họ, nhất loạt gọi họ là "di" có được không? Vân Nam, Quý Châu khỏi phải bàn. Đông Tam Tỉnh là đất khai sáng cơ nghiệp của thánh đế minh vương Thiên triều, dùng một chữ "di" chẳng những tôi con của bản triều không dám viết ra trên giấy, cũng dứt khoát không dám nghĩ trong lòng mà nói ra miệng. Đất ấy không coi là "di" thế mà đối với người thì gọi là "di". Bậc nho giả cầm bút công tâm, hẳn là không nên như thế. Phân biệt Di, Hạ, không đâu nghiêm khắc bằng kinh Xuân Thu, mà quyền cho hay đoạt, cũng không đâu nghiêm khắc bằng kinh Xuân Thu. Cho nên nước Vệ đánh Phàm Bá, tuy Phàm Bá là tông thất nhà Chu (Cơ tính), nhưng vẫn viết là "Nhung". Quý Trát tới thăm, tuy là nước tiếm việt, mà vẫn tiến dùng, Đâu có chuyện người cùng khu vực với ta thì phải là Hạ, còn kẻ khác thổ nghi với ta thì ắt là "di". Hơn nữa, nước Việt tôi từ nhà Hán về sau, đã từng cùng với Quảng Tây sáp nhập vào bản đồ Thượng quốc. Việc nghiên cứu Thi, Thư, Lục nghệ, việc đổi theo mũ áo, lễ nhạc đã nhuần thấm sâu nặng từ gần 2000 năm rồi. Sau đó, có khi hợp, khi phân nhưng đạo nghĩa vẫn là một, phong tục vẫn là đồng, nay cũng như xưa thôi, huống chi nhiều đời sửa lễ cống, không quên lễ ứng xử với nước lớn. Đã được thiên triều coi là một nước "đồng văn", mà sao lại coi là "di"? Lại từng khảo xét, thấy quán hội đồng tứ dịch, là quán Tứ Di của người Minh xưa, đến bản triều mới đổi làm "Tứ Dịch". Qua đó, mới thấy lòng thành của Đại thánh nhân vỗ về người xa, khoan thứ với người, cùng vĩ đại với trời đất vậy. Còn người minh tự tôn mình lên, coi thường người khác, sửa chân mình để tỏ thiên hạ nhỏ bé thì thực là hủ lậu. Đất đai có lớn, có nhỏ; thế nước có mạnh, có yếu, đó là do trời. Nếu đức và nghĩa không có tì vết, thì tuy yếu tất sẽ mạnh, tuy nhỏ tất sẽ lớn. Vì thế, dùng đức để cai trị người, rồi thiên hạ theo về, đó là đạo cổ xưa. Chưa bao giờ thấy ai kiêu căng ngạo mạn gán ghép cho người mà cưỡng bức được người ta phải phục mình. Trước kia, Tấn hầu cho mình là thầy của chư hầu, nói lỡ một câu, mà Tề hầu nuôi chí lớn làm bá chủ. Lý Á Tử tự cho rằng sẽ lấy được thiên hạ trên 10 ngón tay mà vùng Kinh Nam không triều phục. Như vậy, lời nói không thể không thận trọng. Trước thư lập ngôn, để lưu hành bốn bể, truyền tới muôn đời càng phải vô cùng thận trọng. Tôi xin ai chủ trương cái thuyết chữ "Di" này, hãy mau sửa đổi đính chính, như thế thì thanh thản, công tâm, cùng trở về điều tốt đẹp. Đến như nhật thực, nguyệt thực mà sửa được, thì ai không ngưỡng vọng. Tả thị nói: "Ông đừng bảo nước Tần không có người". Đấy là lời ứng tiếp khách của nước đối địch, tôi không mẫn cảm, đâu dám nói tới điều đó." [89, tr.335 - 338] IV.8. Hiệp ước Thiên Tân Pháp – Trung Hoa 1885 Tổng thống Pháp, theo đề nghị của Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao. Ra sắc lệnh: Điều khoản I: Thượng viện Hạ viện đã thông qua hiệp ước hoà bình, hữu nghị và thương mại giữa Pháp và Trung Quốc tại Thiên Tân ngày 9 tháng 6 năm 1885 và các phê chuẩn đã được trao đổi tại Bắc Kinh ngày 28 tháng 11 năm 1885 với nội dung như sau sẽ được thi hành đầy đủ và hoàn toàn: Hiệp định hoà bình, hữu nghị và thương mại được kí giữa Pháp và Trung Quốc ngày 9 tháng 6 năm 1885 "Tổng thống nước Cộng hoà Pháp và Hoàng đế Trung Hoa cùng mong muốn chấm dứt những khó khăn trong việc can thiệp của mỗi người vào công việc nội bộ của nước An Nam, khôi phục và cải thiện những mối quan hệ hữu nghị và thương mại sẵn có giữa Pháp và Trung Hoa, đã quyết định kì kết một hiệp ước mới đáp ứng các lợi ích chung của hai nước trên cơ sở bản hiệp định sơ bộ ngày 11 tháng 5 năm 1884 và đã được triều đình phê chuẩn ngày 13 tháng 4 năm 1885. Nhằm mục đích đó, hai bên kí kết một uỷ quyền cho các đại diện toàn quyền của mỗi bên như sau: Về phía cộng hoà Pháp, ông Jules Patenôtre, Phái viên toàn quyền và Công sứ toàn quyền của Pháp tại Trung Quốc, huân chương Bắc đẩu bội tinh, huân chương đại thập tự ngôi sao địa cực Thụy Điển Về phía Trung Quốc, ông Lý Hồng Chương, uỷ viên hoàng gia, Tổng lí nha môn, Đại quốc sư danh dự của hoàng thái tử, Tổng giám sát Thương biện của cảng phía bắc, Tổng đốc tỉnh Tcheh (?) đệ nhất đẳng đệ tam cấp quý tộc, tước hiệu Souyi (?) Bồi đồng có: - Si Tchen (?), uỷ viên hoàng gia, thành viên Hội đồng ngoại vụ, Tổng trưởng bộ Tư pháp, Tổng quản lí Kho bạc bộ Hộ (Tài chính), Hiệu trưởng trường các sĩ quan kế nghiệp Tả biên của quân đội Tartare ở Bắc Kinh, Chỉ huy trưởng đơn vị Trung Quốc với hoàng kì có viền. - Teng Tcheng Sieou (?),ủy viên hoàng gia, thành viên lễ nghi nhà nước. Các vị trên đây đã trao đổi uỷ nhiệm thư toàn quyền đã được xác nhận là hợp lệ. Điều khoản 1: Nước Pháp cam kết khôi phục và duy trì trật tự các tỉnh của An Nam giáp giới Trung Quốc. Nhằm mục đích đó, Pháp sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để đánh tan và đuổi các toán quân thổ phỉ và bọn bất lương đã gây tai hại đến trật tự công cộng và ngăn cản không cho chúng lập lại các tổ chức. Tuy nhiên quân đội Pháp trong bất kì trường hợp nào cũng không được vượt biên giới Bắc Kỳ và Trung Hoa mà nước Pháp đã tôn trọng và đảm bảo tránh mọi hành vi xâm lược. Về phần mình, Trung Quốc cam kết giải tán và trục xuất các bọn thổ phỉ đang trốn tránh ở Trung Quốc và các tỉnh giáp giới với Bắc Kỳ, giải tán lực lượng thổ phỉ tìm cách lập lại tổ chức trên lãnh thổ mình để gây rối trong dân chúng đang được nước Pháp bảo hộ và tôn trọng các lời cam kết liên quan đến an ninh biên giới, Trung Quốc cũng sẽ không phái quân đội của mình vào lãnh thổ Bắc Kỳ. Các bên kí kết sẽ ấn định thông qua một thoả ước đặc biệt, những điều kiện để dẫn độ bọn bất lương giữa Trung Quốc và Pháp. Người Trung Quốc làm ăn khai khẩn hay trước đây là binh lính, hiện đang sống một cách yên ổn ở Việt Nam làm ruộng hay sản xuất công nghiệp hay buôn bán, hạnh kiểm không có gì chê trách, sẽ được bảo đảm an toàn về người và tài sản như người được Pháp bảo hộ. Điều khoản 2: Trung Quốc đã quyết định không làm gì có hại đến công việc bình định của Pháp và cam kết tôn trọng hiện nay và trong tương lai những hiệp ước, hiệp định và thoả ước đã kí hay sẽ kí trong tương lai giữa Pháp và An Nam. Về quan hệ giữa Trung Quốc và An Nam, thoả thuận rằng những mối quan hệ đó không làm tổn hại đến Trung Hoa và không để xảy ra điều gì vi phạm hiệp ước này. Điều khoản 3: Trong thời hạn 6 tháng kể từ khi kí hiệp ước này, các uỷ viên do các bên dự kí kết chỉ định sẽ đến tại chỗ để công nhận đường biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ. Hai bên sẽ cắm mốc ở khắp nơi nếu xét ra cần thiết để đường phân giới được thể hiện rõ ràng. Trong trường hợp hai bên không đồng ý về việc cắm mốc hay nếu có những điều chỉnh vè chi tiết có thể có đối với đường biên giới hiện nay vì lợi chung cho hai nước, các uỷ viên sẽ báo cho chính phủ hai bên cùng biết. Điều khoản 4: Khi biên giới đã được thừa nhận, người Pháp và dân bảo hộ của Pháp và những cư dân nước ngoài ở Việt Nam muốn đi qua biên giới để sang Trung Quốc phải có hộ chiếu Hộ chiếu ở đây được hiểu là thị thực như thuật ngữ lãnh sự đang dùng hiện nay do nhà đương cục cấp theo Trung Quốc cấp theo yêu cầu của các nhà cầm quyền Pháp. Đối với công dân Trung Hoa cần có giấy phép của các nhà đương cục Trung Hoa tại biên giới. Điều khoản 5. Thương nhân Pháp và dân bảo hộ của người Pháp và thương nhân Trung Hoa ở Bắc Kỳ được phép nhận và xuất khẩu qua biên giới trên bộ giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ.Tuy nhiên phải được tiến hành trên một số điểm sẽ được xác định sau này, trong đó việc lựa chọn mặt hàng và số lượng hàng xuất khẩu tương ứng phương hướng và tầm quan trọng của việc buôn bán giữa hai nước. Về phương diện này phải tính đến các quy định hiện hành trong nội bộ vương quốc Trung Hoa. Dù sao đã có hai điểm được chỉ định trên biên giới Trung Quốc, một ở phía Lào Kai, một điểm ở Lạng Sơn. Các nhà buôn Pháp có thể ấn định những điều kiện cũng như những thuận lợi như với các cảng Trung Quốc. Chính phủ Trung Hoa sẽ thiết lập các sở Thương chính (hải quan) và Chính phủ Pháp có thể lập các lãnh sự với những ưu đãi về quyền hạn giống y như những nhân viên cùng loại trong các cảng thông thường. Về phía mình Hoàng đế Trung Hoa cùng với Chính phủ Pháp bổ nhiệm các lãnh sự trong các thành phố lớn ở Bắc Kỳ. Điều khoản 6: Một quy định đặc biệt gắn với hiệp ước sẽ nói rõ thêm các điều kiện về buôn bán trên bộ giữa Bắc Kỳ và các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông của Trung Quốc. Quy định này sẽ do các uỷ viên của hai bên chỉ định xây dựng nên trong thời hạn ba tháng kể từ khi kí bản hiệp ước này. Hàng hoá trao đổi giữa Bắc Kỳ và các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây sẽ được hưỏng biểu thuế thấp hơn biểu thuế xuất nhập hiện hành. Tuy nhiên biểu thuế được giảm sẽ không được áp dụng với các hàng hoá trao đổi qua biên giới trên Bộ giữa Bắc Kỳ và tỉnh Quảng Đông vì không có hiệu lực trong các cảng đã mở theo hiệp ước này. Việc buôn bán vũ khí, đạn dược, dụng cụ, đồ tiếp tế quân dụng các loại sẽ phải theo luật pháp và các quy định của các nước mỗi bên kí kết. Việc xuất nhập khẩu thuốc phiện sẽ chịu sự chi phối của điều khoản đặc biệt được nêu trong bản quy định thương mại nói trên. Việc buôn bán trên biển giữa Trung Quốc và An Nam cũng sẽ có quy định riêng. Tạm thời sẽ không có gì mới so với cách làm hiện nay. Điều khoản 7: Nhằm phát triển thuận lợi các quan hệ buôn bán và láng giềng tốt nhất mà hiệp ước này mong muốn phục hồi giữa nước Pháp và Trung Quốc, Chính phủ nước Cộng hoà Pháp sẽ xây các đường xá ở Bắc Kỳ và sẽ khuyến khích xây dựng các đường sắt tại Bắc Kỳ. Về phía Trung Quốc khi quyết định làm đường sắt sẽ thương lượng với ngành công nghiệp Pháp và chính phủ Pháp sẽ dành mọi thuận lợi để tìm kiếm ở Pháp nhân viên cần thiết. Điều khoản này được coi như đặc quyền dành cho nước Pháp. Điều khoản 8, Các điều khoản thương mại của hiệp ước này và các quy định sẽ có thể xem lại sau một thời gian 10 năm tròn kể từ ngày trao đổi thư phê chuẩn hiệp ước này. Nhưng trong trường hợp 6 tháng trước thời hạn, không có bên nào thuộc bên đã kí kết không biểu lộ ý muốn xét lại, các điều khoản vẫn còn có hiệu lực cho một thời hạn mới 10 năm nữa và sau này cũng sẽ như thế nào. Điều khoản 9: Từ khi hiệp ước này được kí, lực lượng (quân sự) Pháp sẽ rút khỏi Ke Lung (Kai Long) và chấm dứt đi lại ngoài khơi. Trong thời hạn một tháng, sau khi kí hiệp ước này quân đội Pháp sẽ hoàn toàn rút khỏi đảo Đài Loan, đảo Pescadores (Lôi Châu?) Điều khoản 10: Các điều khoản của hiệp ước này, các hiệp định và thoả ước giữa Pháp và Trung Quốc không trái với hiệp ước này vẫn hoàn toàn có hiệu lực. Hiệp ước này sau khi được Hoàng đế Trung Hoa phê chuẩn, Tổng thống nước Cộng hoà Pháp phê chuẩn, việc trao đổi thư phê chuẩn sẽ được tiến hành tại Bắc Kinh trong thời gian sớm nhất. Hiệp ước kí tại Thiên Tân, lập thành 4 bản ngày 9 tháng 6 năm 1885, tức là ngày 27 tháng 4 âm lịch. Kí tên: Patenôtre Si Chen Lý Hồng Chương Teng Cheng Sieou" Điều khoản II: Bộ trưởng ngoại giao chịu trách nhiệm thi hành sắc lệnh này. Paris ngày 25 tháng 1 năm 1886 Kí tên: Jules Greve Thay mặt Tổng thống nước Cộng hoà Pháp. Thủ tướng nội các Bộ trưởng ngoại giao Kí tên: C.Freycinet. Nguồn: Trích từ Công báo ngày 27.1.1886 - Bản dịch từ tiếng Pháp của Nguyễn Phan Long.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docluan_an_su_chuyen_bien_cua_quan_he_ngoai_giao_giua_viet_nam.doc
  • docTOM TAT LUAN AN.doc
  • docTRANG THONG TIN DONG GOP CUA LUAN AN.doc
Tài liệu liên quan