LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng nghiên cứu sinh. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không trùng lập với các công trình khoa học đã công bố.
Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2018
TÁC GIẢ LUẬN ÁN
Lê Thị Thu Huyền
MỤC LỤC
Trang
PHỤ BÌA
LỜI CAM ĐOAN
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
5
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
8
1.1
Những công trình khoa học tiêu biểu liên quan đến đề tài luận á
207 trang |
Chia sẻ: huong20 | Ngày: 14/01/2022 | Lượt xem: 440 | Lượt tải: 1
Tóm tắt tài liệu Luận án Vai trò của giáo dục - Đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
án
8
1.2.
Khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học tiêu biểu liên quan đến đề tài và những vấn đề luận án tập trung giải quyết
26
Chương 2
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC Ở VIỆT NAM
32
2.1.
Quan niệm về kinh tế tri thức và phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam
32
2.2.
Giáo dục - đào tạo và vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam
43
Chương 3
THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG YÊU CẦU ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
77
3.1.
Thực trạng thực hiện vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay
77
3.2.
Những yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay
106
Chương 4
NHỮNG GIẢI PHÁP CƠ BẢN NHẰM THỰC HIỆN VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
120
4.1.
Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước về giáo dục - đào tạo
120
4.2.
Phát triển và chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục - đào tạo
131
4.3.
Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục - đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại, môi trường giáo dục - đào tạo dân chủ, đạo đức
143
KẾT LUẬN
160
CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
162
TÀI LIỆU THAM KHẢO
163
PHỤ LỤC
167
MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài luận án
Nhân loại hiện đang tiến công mạnh mẽ vào kinh tế tri thức với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm động lực nhằm tạo ra những biến đổi căn bản và sâu sắc trong sức sản xuất và trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Đó là đòi hỏi tất yếu, khách quan, là cơ hội để Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để quá trình này tiến hành có hiệu quả thì nhân tố con người với vốn tri thức và năng lực sáng tạo giữ vai trò quyết định. Bởi vậy, chúng ta cần phải có được những con người đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc sống và sự phát triển của xã hội hiện đại, tích cực đào luyện ra những nhân cách toàn diện đó. Trong sự nghiệp này, giáo dục - đào tạo có vai trò rất quan trọng mà các lĩnh vực khác không dễ gì có được.
Giáo dục - đào tạo là một lĩnh vực của đời sống xã hội, trực tiếp tác động đến sự phát triển toàn diện con người, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần tạo ra, chuyển hóa tri thức khoa học và công nghệ thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Do đó, giáo dục - đào tạo là điều kiện, là cơ sở và là động lực trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam. Nhận thức sâu sắc về vai trò của giáo dục - đào tạo trong quá trình phát triển đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu” [24, tr.35], “là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” [26, tr.94-95], “có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam” [28, tr.77], phát triển kinh tế tri thức.
Trong những năm qua, giáo dục - đào tạo đã đạt được những thành tựu quan trọng, bước đầu tạo nền tảng, trở thành điều kiện và là động lực cho phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trên cơ sở phát triển con người toàn diện, từ đó tạo ra lực lượng lao động có trí tuệ, góp phần sáng tạo, chuyển hóa tri thức khoa học và công nghệ hiện đại vào tư liệu sản xuất, tạo ra tư liệu sản xuất thông minh và ứng dụng chúng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm gia tăng hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh, bền vững. Tuy nhiên, xét về mặt bản chất, vai trò giáo dục - đào tạo chưa tương xứng với yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay. Với chất lượng giáo dục - đào tạo còn thấp, nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao, xét trên các phương diện số lượng, chất lượng và cơ cấu, còn nhiều hạn chế; con người Việt Nam chưa hội đủ năng lực và phẩm chất để thực sự trở thành chủ thể phát triển kinh tế tri thức; đóng góp của giáo dục - đào tạo trong sáng tạo, chuyển giao tri thức khoa học và công nghệ ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội còn thấp. Do đó, phát triển kinh tế tri thức hiện vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, khó khăn và thách thức lớn nhất là sự thiếu hụt trầm trọng nguồn lực con người đủ năng lực, phẩm chất khai thác, sản sinh, vận dụng hiệu quả tri thức khoa học và công nghệ hiện đại ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực tiễn đó đã minh tỏ, giáo dục - đào tạo chưa thể hiện đầy đủ vai trò “quốc sách hàng đầu” của nó trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay.
Trong những năm gần đây, ở Việt Nam đã có nhiều công trình khoa học quan tâm nghiên cứu về vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức, song bàn về vấn đề này ở góc độ triết học thì hiện nay, đây vẫn còn là mảnh đất cần được đầu tư thời gian và công sức để nghiên cứu.
Vì vậy, tác giả lựa chọn “Vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay” làm đề tài nghiên cứu.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
* Mục đích nghiên cứu:
Làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn và đề xuất những giải pháp cơ bản thực hiện vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay.
* Nhiệm vụ nghiên cứu:
Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án.
Làm rõ những vấn đề lý luận về vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.
Đánh giá thực trạng và xác định những yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay.
Đề xuất giải pháp cơ bản nhằm thực hiện vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
* Đối tượng nghiên cứu của luận án: Những vấn đề bản chất vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.
* Phạm vi nghiên cứu: Luận án nghiên cứu về vai trò của giáo dục - đào tạo trong quá trình phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam. Tiến hành điều tra, khảo sát đại diện tại một số cơ sở giáo dục - đào tạo. Số liệu được sử dụng trong nghiên cứu chủ yếu từ năm 2011 đến nay (từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đến nay).
4. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu
* Cơ sở lý luận của luận án: Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh, hệ thống quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế tri thức, về giáo dục - đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
Luận án kế thừa kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học có liên quan đến đề tài.
* Cơ sở thực tiễn của luận án: Thực trạng thực hiện vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển đất nước nói chung và phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay.
* Phương pháp nghiên cứu: Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, luận án sử dụng các phương pháp: Phân tích và tổng hợp, khái quát hoá và trừu tượng hóa, lôgíc và lịch sử, hệ thống hoá, so sánh, chứng minh, phương pháp chuyên gia Các phương pháp này được sử dụng phù hợp với từng nội dung của luận án.
5. Những đóng góp mới của luận án
Chỉ ra và làm rõ vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.
Góp phần đánh giá thực trạng và xác định những yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay.
Đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm thực hiện vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
* Về mặt lý luận: Luận án góp phần cung cấp luận cứ khoa học để các cơ quan chức năng nghiên cứu hiện thực hóa vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay.
* Về mặt thực tiễn: Luận án góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của các chủ thể thực hiện vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay.
Luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy, nghiên cứu những chuyên đề liên quan đến giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài mở đầu, kết luận, các công trình khoa học của tác giả đã được công bố, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, kết cấu của luận án gồm 4 chương (9 tiết).
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.1. Những công trình khoa học tiêu biểu liên quan đến đề tài luận án
1.1.1. Những công trình khoa học tiêu biểu liên quan đến lý luận về vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam
Từ những năm 70 của thế kỷ XX cho đến nay, do sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, tri thức khoa học và công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, kinh tế tri thức hình thành và trở thành xu thế phát triển tất yếu của nhân loại hiện nay. Từ đó, việc tìm hiểu về kinh tế tri thức, phát triển kinh tế tri thức và vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức trở thành tiêu điểm cho các cuộc thảo luận, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo, nhiều học giả trên toàn thế giới. Kết quả là, nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này đã ra đời. Ở Việt Nam, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001) của Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến nay, việc nghiên cứu về vấn đề này cũng nhận được sự quan tâm sâu rộng và đã có nhiều công trình nghiên cứu ở các góc độ tiếp cận khác nhau. Cùng với đó, nhiều công trình của các học giả nước ngoài cũng được dịch ra tiếng Việt, trong đó phải kể đến các công trình tiêu biểu sau:
Hội thảo khoa học toàn quốc đầu tiên về vấn đề kinh tế tri thức với chủ đề Kinh tế tri thức và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam [3] do Ban khoa giáo Trung ương - Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức đã thu hút nhiều học giả và các nhà lãnh đạo tham gia. Trong các công trình nghiên cứu về chủ đề trên, các tác giả khẳng định: Kinh tế tri thức là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội trong thế kỉ XXI, lối cuốn mọi quốc gia tham gia trong quá trình phát triển; xây dựng kinh tế tri thức đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia phải luôn bố sung tri thức mới, do đó, phải đầu tư cơ sở vật chất, phát triển giáo dục - đào tạo phù hợp với mọi đối tượng nhằm phát huy thế mạnh tri thức của con người trong xã hội. Vận dụng vào Việt Nam trong điều kiện hiện nay, các tác giả khẳng định: Khâu đột phá để phát triển kinh tế tri thức là giáo dục - đào tạo.
Tác giả Ngô Qúy Tùng, với công trình Nền kinh tế tri thức xu thế mới của xã hội thế kỉ XXI [126] đã hệ thống hóa các quan niệm về kinh tế tri thức của các nhà chính trị, các học giả, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế trên thế giới trong khoảng 30 năm từ thập niên 70 của thế kỷ XX với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Dựa vào sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, tác giả cho rằng: Kinh tế tri thức là “nền kinh tế mà trong đó nhân tố quan trọng nhất là việc chiếm hữu, phân phối nguồn trí lực và việc sáng tạo, phân phối và sử dụng tri thức trong các ngành sản xuất có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao” [126, tr.28-29]. Tác giả tiếp cận kinh tế tri thức với tư cách là “nền kinh tế”, trong nền kinh tế này, các ngành sản xuất dựa vào khoa học kỹ thuật cao đóng vai trò chủ yếu. Tác giả cũng chỉ ra tám đặc điểm của nền kinh tế tri thức để phân biệt với kinh tế nông nghiệp và kinh tế công nghiệp [Phụ lục 1].
Bàn về vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức, xuất phát từ nhân tố nổi bật, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế tri thức là năng lực trí tuệ của con người, năng lực mà con người có được chủ yếu nhờ giáo dục - đào tạo, tác giả nhấn mạnh: “Xét kỹ lại theo tư duy về sản xuất thì giáo dục chính là nhu cầu của kinh tế tri thức” [126, tr.197]. Giáo dục là đào tạo nhân tài, nhân tài là sản phẩm của giáo dục. Do vậy, tác giả nhận định về tầm quan trọng của giáo dục - đào tạo trong kinh tế tri thức là “cực lớn” với chỉ số đầu tư chiếm trên 7% GDP của một nền kinh tế, trong khi tầm quan trọng của lĩnh vực này trong kinh tế nông nghiệp là không lớn, chỉ số đầu tư chỉ chiếm dưới 1% GDP và trong kinh tế công nghiệp, chỉ số đầu tư đó chiếm khoảng từ 2-4% GDP. Trong nền kinh tế tri thức, “luận án tiến sỹ có thể là cơ sở thành lập các xí nghiệp” [126, tr.197].
Các tác giả Takashi Kiuchi, Tian Zhongqing, Cheonsik Woo, với công trình Kinh tế tri thức vấn đề và giải pháp: Kinh nghiệm của các nước phát triển và đang phát triển [109], đã phân tích xu thế phát triển kinh tế - xã hội của các nước phát triển và đang phát triển ở khu vực Đông Á, qua đó chỉ rõ xu thế tăng trưởng kinh tế ở các nước này chủ yếu dựa vào tri thức, do đó, phát triển kinh tế tri thức ở các nước trong khu vực này là tất yếu khách quan. Từ đó, các tác giả chỉ ra sự tác động của kinh tế tri thức với chính quyền, với doanh nghiệp và với hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tiếp cận kinh tế tri thức ở góc độ bao trùm, tác giả Vũ Trọng Lâm, với công trình Kinh tế tri thức ở Việt Nam - quan điểm và giải pháp phát triển [66] cho rằng: “Kinh tế tri thức thực chất là một loại môi trường kinh tế - văn hóa xã hội mới, có những đặc tính phù hợp và thuận lợi nhất cho việc học hỏi, đổi mới và sáng tạo” [66, tr.62]. Phân tích về sự phát triển kinh tế tri thức của các nước trên thế giới, tác giả rút ra năm bài học cho Việt Nam, trong đó, việc hình thành nguồn vốn nhân lực, khuyến khích và bồi dưỡng nhân tài, lấy con người - trung tâm của mọi sự phát triển là bài học đầu tiên và quan trọng nhất. Tác giả tán đồng quan điểm cho rằng: Vai trò của giáo dục - đào tạo là rất quan trọng (nếu không muốn nói là bậc nhất) đối với sự phát triển nhân lực, phát triển công nghệ thông tin và thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số. Vì thế, tiếp cận và phát triển kinh tế tri thức, “các nước từ Mỹ, EU, Nhật Bản đến Trung Quốc, Ấn Độ, Sinhgapo, Malaysia đều rất chú trọng đến giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực” [66, tr.99], do đó, các nước này đều chủ trương tăng cường đầu tư, xúc tiến cải cách, hiện đại hóa hệ thống giáo dục - đào tạo, gắn giáo dục - đào tạo với doanh nghiệp, với việc làm. Như vậy, theo quan điểm của tác giả, vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức được thể hiện ở việc tạo nguồn vốn nhân lực, khuyến khích và bồi dưỡng nhân tài, lấy con người là trung tâm của mọi sự phát triển được cho là việc đầu tiên và quan trọng nhất.
Bàn về phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam, Hội thảo kinh tế tri thức - Khoa học và thực tiễn ở Việt Nam [67], do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức đã tập hợp nhiều công trình của các tác giả về chủ đề trên, tiêu biểu là công trình: “Phát triển kinh tế tri thức, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta” của tác giả Đặng Hữu. Tác giả quan niệm: “Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam là tăng cường sử dụng tri thức mới, công nghệ mới để đẩy nhanh dịch chuyển cơ cấu và tốc độ tăng trưởng kinh tế” [67, tr.14]. Để thành công trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa “rút ngắn” dựa vào tri thức, Việt Nam phải tăng cường năng lực nội sinh, chủ động hội nhập quốc tế, trong đó “yếu tố quyết định nhất đối với năng lực nội sinh của một dân tộc là văn hóa, giáo dục, khoa học, cũng tức là sức mạnh tinh thần và trí tuệ của dân tộc” [67, tr.18]. Trong đó, giáo dục - đào tạo tạo ra nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài được xác định là đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.
Tác giả Thế Trường, với công trình Hành trang thời đại kinh tế tri thức [123], cho rằng: Để phát triển kinh tế tri thức, học tập được xem là một loại năng lực, là chìa khóa mở cánh của thời đại. Khi đó, giáo dục - đào tạo có vai trò quan trọng giúp người học bồi dưỡng năng lực học tập, khả năng học, cách học, học suốt đời. Trong đó, giáo dục chính quy ở bậc đại học sẽ trở thành giai đoạn chuẩn bị cho mỗi người bước vào xã hội và nếu không được giáo dục - đào tạo một cách có hệ thống thông qua giáo dục chính quy, con người sẽ khó tồn tại và phát triển trong thời đại kinh tế tri thức. Do đó, giáo dục - đào tạo, nhất là giáo dục chính quy là nền tảng trong quá trình phát triển kinh tế tri thức.
Tác giả Nguyễn Thị Luyến, với cuốn sách Nhà nước với phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa [70], tập hợp những công trình lược thuật, các công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài được dịch ra tiếng Việt và các công trình của các tác giả trong nước xoay quanh chủ đề: Kinh tế tri thức - Lý luận và thực tiễn. Liên quan đến đề tài luận án có các công trình tiêu biểu như: Chủ nghĩa Mác và kinh tế tri thức và Cơ sở lý luận của kinh tế tri thức cung cấp cho chúng ta khái niệm, quy luật hình thành, phát triển, đặc điểm và xu thế phát triển kinh tế tri thức. Các tác giả khẳng định, kinh tế tri thức là thành tựu quan trọng của loài người mà Việt Nam cần nắm lấy và vận dụng để phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; công trình Kinh tế mới toàn cầu hóa và thách thức đối với các nước đang phát triển, chỉ rõ: Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, phát triển kinh tế tri thức vừa là thời cơ, vừa là thách thức, trong đó những thách thức nổi bật là khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực, cơ sở pháp lý và đặc biệt là tài năng của giới lãnh đạo đất nước; công trình Kinh nghiệm phát triển kinh tế tri thức của các nước phát triển và các nước đang phát triển, chỉ ra: Trong chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản đưa ra những chính sách ưu tiên phát triển các ngành kỹ thuật cao, nghiên cứu và triển khai, đầu tư cho vốn con người; các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Á khác đưa ra những chính sách tận dụng lợi thế của đất nước mình để phát triển kinh tế tri thức. Tuy có những khác biệt, song điểm chung mà các nước đều hướng đến là phải nhanh chóng tiến hành cải cách giáo dục - đào tạo, giữ vững sự ổn định chính trị và coi đó là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế tri thức.
Tiếp cận ở một góc độ khác, các tác giả Vũ Đình Cự - Trần Xuân Sầm, với công trình Lực lượng sản xuất mới và kinh tế tri thức [20], cho rằng: Phát triển kinh tế tri thức là tất yếu khách quan, là quá trình phát triển lịch sử của lực lượng sản xuất mà cốt lõi là sự phát triển của trí tuệ loài người. Bàn về phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam, các tác giả khẳng định: Kinh tế tri thức đã tác động đến Việt Nam với sự xuất hiện của những ngành công nghệ cao, quá trình “tri thức hóa” ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và sự bùng nổ của giáo dục - đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và cao đẳng. Với chủ đề “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với phát triển kinh tế tri thức ở nước ta”, trên cơ sở hệ thống hóa quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, tác giả nhận định chủ trương này chỉ thành công khi Việt Nam dựa vào đào tạo, sử dụng, khuyến khích tiềm năng tri thức quốc gia, nắm bắt khoa học và công nghệ hiện đại, phát triển mạnh các ngành, các sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức công nghệ cao. Từ đó, các tác giả chỉ ra một số bước đi cụ thể để phát triển kinh tế tri thức gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, trong đó vai trò nổi bật là đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài khoa học và công nghệ.
Tác giả Đặng Hữu, với công trình Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam: Quá trình phát triển tư duy lý luận của Đảng, những vấn đề lý luận và thực tiễn [59], khẳng định: Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam là một bước chuyển biến chiến lược trọng đại, chuyển nền kinh tế từ dựa vào tài nguyên sang dựa chủ yếu vào tri thức và năng lực sáng tạo của con người, trong đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam là tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức, công nghệ mới; sử dụng tri thức để đổi mới, hiện đại hóa tất cả các ngành, cắt giảm các dự án đầu tư lớn, tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng mà hiệu quả thấp, phát triển các ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ dựa nhiều vào tri thức, chấm dứt bán tài nguyên thô, nhập công nghệ thay cho nhập sản phẩm chế biến, FDI phải đi kèm chuyển giao tri thức, tăng mạnh vốn đầu tư vốn người. Tác giả cho rằng: Vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam là gấp rút đào tạo nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao có phẩm chất, bản lĩnh, có trách nhiệm với xã hội, dám nghĩ dám làm, có tư duy độc lập, năng lực sáng tạo, năng lực tiếp thu, làm chủ tri thức mới, vận dụng linh hoạt sáng tạo vào thực tiễn. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể đi vào phát triển kinh tế tri thức.
Bàn về vai trò của giáo dục - đào tạo, tác giả Phạm Minh Hạc, với công trình Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI [40], cho rằng: Vai trò của giáo dục - đào tạo được xác định là “hình thành và phát triển nhân cách con người, trên cơ sở phát triển giáo dục nhằm thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài phát triển con người bền vững” [40, tr.230]. Giáo dục - đào tạo con người có đạo đức và có năng lực sáng tạo, có ích cho xã hội, cho cộng đồng là nhân tố quyết định vận mệnh của đất nước. Trên cơ sở đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là đòn bẩy của các vấn đề kinh tế - xã hội. Bởi, trong thế kỷ XXI, vũ khí cạnh tranh chủ yếu của các quốc gia là giáo dục - đào tạo và kỹ năng của người lao động. Tác giả nhấn mạnh “toàn bộ sự nghiệp giáo dục là nhằm phát triển con người, trong đó tri thức phải trở thành kỹ năng, thái độ, trí tuệ phải trở thành trí lực, tập luyện thân thể để thành thể lực” [40, tr.230].
Tiếp cận vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam với góc độ khác, tác giả Nguyễn Văn Hòa với công trình Phát triển giáo dục - đào tạo - một động lực để phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay [48], cho rằng: Trong kinh tế tri thức, tri thức là yếu tố chủ yếu của sản xuất, là lợi thế của cạnh tranh, là chất lượng của nguồn nhân lực, là sức mạnh của nội lực và là sức hút chủ yếu của ngoại lực. Chất lượng nguồn nhân lực, tri thức con người phải thông qua giáo dục - đào tạo mới có được. Do vậy, tác giả khẳng định, nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy nguồn nhân lực con người Việt Nam trên cơ sở phát triển giáo dục - đào tạo là động lực phát triển kinh tế tri thức, là vấn đề có ý nghĩa sống còn của đất nước trước xu thế toàn cầu hiện nay.
Cũng đề cập đến vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Công Trí, với luận án tiến sỹ chuyên ngành Triết học: Trí thức Việt Nam trong phát triển kinh tế tri thức [122], cho rằng, giáo dục - đào tạo có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, tác giả khẳng định: Giáo dục - đào tạo là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay.
Đây là cơ sở lý luận quan trọng để tác giả luận án kế thừa, tiếp thu, trên cơ sở đó đưa ra quan niệm về kinh tế tri thức, quan niệm về phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam và quan niệm về vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam theo phương pháp nghiên cứu, cách tiếp cận và luận giải của mình.
1.1.2. Những công trình khoa học tiêu biểu liên quan đến thực trạng thực hiện vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay
Đánh giá về thực trạng thực hiện vai trò của giáo dục - đào tạo Việt Nam trên các phương diện thể hiện về dân trí, nhân lực, nhân tài, tác giả Hoàng Tụy và cộng sự trong công trình Kiến nghị của Hội thảo về chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa giáo dục, in trong Những vấn đề giáo dục hiện nay: Quan điểm và giải pháp [91] nhận định: Giáo dục Việt Nam tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới về cả ba phương diện dân trí, nhân lực và nhân tài, những bất cập đều quá rõ. Cụ thể trên từng mặt, tác giả đánh giá: “Dân trí thấp, biểu hiện trên lối sống và suy nghĩ, tập quán, tác phong, tư tưởng, ý thức Đạo đức bị sói mòn, thói gian dối, thiếu trung thực đang tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nhân lực không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, yếu kiến thức, kém kỹ năng thực hành, ít khả năng xoay sở, thiếu óc tưởng tượng và năng lực sáng tạo, đó là những đặc trưng của chất lượng lao động khiến sức cạnh tranh rất thấp phát hiện và bồi dưỡng nhân tài kém chất xám bị lãng quên nghiêm trọng” [91, tr.32-33]. Thực trạng đó phản ánh việc thực hiện vai trò của giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay.
Tổng hợp các cách đánh giá về thực trạng giáo dục - đào tạo Việt Nam, qua đó chỉ ra thực trạng thực hiện vai trò của lĩnh vực này trong phát triển kinh tế tri thức, từ sự đánh giá của Đảng Cộng sản Việt Nam, của các cơ quan quản lý nhà nước, của các đề tài nghiên cứu khoa học và của các cơ quan nghiên cứu nước ngoài, tác giả Phạm Văn Linh, trong công trình Định hướng chiến lược, giải pháp đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo Việt Nam [69], chỉ rõ: Xét từ góc độ quản lý nhà nước, “cách đánh giá này tập trung trước hết vào đầu ra của giáo dục trên bốn chiều đo cơ bản là: Quy mô, chất lượng, hiệu quả và công bằng xã hội, về đầu vào (nhà giáo, chương trình giáo dục, cơ sở vật chất, tài chính), về quá trình (quản lý giáo dục, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế)” [69, tr.161]. Dựa vào nội dung đánh giá này, tác giả cho rằng: “Giáo dục - đào tạo chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, chưa là động lực chính cho sự phát triển” [69, tr.164].
Xét từ góc độ nghiên cứu khoa học, một số công trình, đề tài khoa học cấp Nhà nước đánh giá về giáo dục - đào tạo Việt Nam ở các phương diện: Về quản lý; về hệ thống giáo dục quốc dân; về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Tác giả nhận định: Bên cạnh những thành tựu bước đầu, những mặt này còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập làm chất lượng và hiệu quả của giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức. Do đó, vai trò “quốc sách hàng đầu” của giáo dục - đào tạo chưa được thể hiện đầy đủ.
Đánh giá của một số cơ quan nghiên cứu nước ngoài dựa vào việc đo lường bằng các chỉ số, trên cơ sở so sánh với giáo dục - đào tạo của các nước trên thế giới ở một số phương diện và xếp hạng theo các chỉ số như HDI, KEI, EDI, GCI; đánh giá thực trạng từng bậc học, chỉ ra hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó, tác giả cho rằng: “Đánh giá của các cơ quan quốc tế cho ta thấy, một bức tranh khá toàn diện về thực trạng giáo dục Việt Nam trong bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể của đất nước và trong tương quan so sánh chủ yếu với các nước đang phát triển trong khu vực hoặc các nước có mức thu nhập tương đương” [69, tr.178] và dù đánh giá ở góc tiếp cận nào thì sự thể hiện vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức vẫn chưa đầy đủ. Vai trò đó mới tồn tại ở dạng tiềm năng là chính.
Tiếp cận thực trạng thực hiện vai trò của giáo dục - đào tạo ở góc độ tiếp cận khác, tác giả Trần Nam Bình, với công trình Đổi mới giáo dục Việt Nam: Một vài nhận định từ quan điểm chính sách kinh tế in trong Bàn về giáo dục [92], đã khái lược hiện trạng giáo dục - đào tạo Việt Nam với việc tóm tắt lại một số hiện tượng hạn chế chính yếu như: Sự thiếu thốn của nguồn lực, nhất là chi phí công dành cho giáo dục; hiệu quả ứng dụng nguồn lực trong ngành giáo dục - đào tạo thấp với thực trạng tổ chức và quản lý không thích hợp, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp cao và tăng dần; lượng giáo viên yếu về chất lượng cũng như số lượng và đang bị lão hóa; học sinh sinh viên học nhồi nhét, kém sáng tạo, thiếu trung thực, chỉ lo đậu lấy bằng là chính; chất lượng giáo dục thấp; không có sự liên kết chặt chẽ giữa các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và viện nghiên cứu với các doanh nghiệp lớn; thành quả giáo dục nói chung vẫn kém so với các nước láng giềng; cơ cấu nguồn lực con người mất cân đối và các vấn đề công bằng xã hội như quyền đi học, chênh lệch giới tính, trở nên nghiêm trọng hơn. Từ đó, tác giả nhận định: “Riêng về giáo dục thì tuy nhà nước luôn coi là quốc sách hàng đầu và đã cố gắng cải tổ, nhưng chưa có thành quả thật đáng kể” [92, tr.285]. Hơn nữa, giáo dục - đào tạo chưa đảm bảo sự cân đối trong cơ cấu nguồn lực con người. Đào tạo học sinh, sinh viên chưa đủ khả năng chuyên môn để làm việc cho khu vực công và tư, chưa “sản xuất” ra được giới kinh doanh, những người sẽ góp phần quan trọng trong quá trình đổi mới sáng tạo nhằm phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay.
Tiếp cận thực trạng thực hiện vai trò của giáo dục - đào tạo ở góc độ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, tác giả Lê Thị Hồng Điệp, với công trình Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế tri thức ở Việt Nam (Một số vấn đề lý luận và thực tiễn) [34], cho rằng: Giáo dục - đào tạo là một trong những điều kiện thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển kinh tế tri thức, mà sự thể hiện vai trò của nó là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, đào tạo (đặc biệt là đào tạo đại học) là một yếu tố tác động trực tiếp đến quá trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế tri thức. Phân tích thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhìn từ góc độ đào tạo đại học ở các phương diện... đó, đề xuất những giải pháp cơ bản, có tính khả thi nhằm hiện thực hóa vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức Việt Nam hiện nay. Đồng thời, chưa có công trình nào tiếp cận nghiên cứu vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức Việt Nam hiện nay ở góc độ triết học, bằng phương pháp chuyên ngành chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Do đó, việc lựa chọn hướng nghiên cứu của tác giả đề tài luận án là hoàn toàn mới, không trùng lặp với các công trình khoa học đã được công bố.
Chương 2
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
VỀ VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC Ở VIỆT NAM
2.1. Quan niệm về kinh tế tri thức và phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam
2.1.1. Quan niệm về kinh tế tri thức
Trên phạm vi thế giới và ở Việt Nam hiện nay đã có nhiều quan niệm về kinh tế tri thức. Kế thừa các quan điểm đó, tiếp cận kinh tế tri thức từ góc độ phát triển lực lượng sản xuất, có thể quan niệm, kinh tế tri thức là một giai đoạn phát triển của lực lượng sản xuất, khi tri thức khoa học và công nghệ hiện đại trở thành yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Ở góc độ tiếp cận này, kinh tế tri thức không phải là nền kinh tế tri thức, cũng không phải một hình thái kinh tế - xã hội, mà là một giai đoạn phát triển của lực lượng sản xuất, khi tri thức khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Có thể nói, tri thức khoa học không phải lúc nào cũng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Với tư cách là sản phẩm tư duy sáng tạo của con người, tri thức khoa học chỉ khi được ứng dụng trong hoạt động sản xuất, được vật chất hóa thành máy móc, thành công cụ lao động để tạo ra của cải vật chất thì nó trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Phân tích về vấn đề này, C.Mác cho rằng: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến đã chuyển hóa đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp, do đó nó cũng là chỉ số cho thấy những điều kiện của chính quá trình sống của xã hội đã phục tùng đến mức độ nào sự kiểm soát của trí tuệ phổ biến và được cải tạo đến mức độ nào cho phù hợp với quá trình ấy; những lực lượng sản xuất xã hội đã được tạo ra đến mức độ nào không những dưới hình thức tri thức, mà cả như là những cơ quan thực hành xã hội trực tiếp, những cơ quan trực tiếp của quá trình sống hiện thực” [79, tr. 372-373]. Khi tri thức khoa học và công nghệ đã làm cho nhà máy, máy móc, công cụ, phương tiện vật chất được dùng trong sản xuất chuyển hóa đến mức độ cao với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, in 3D, internet vạn vật kết nối... thì nó trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Cùng với đó, là sự gắn kết giữa tri thức khoa học và công nghệ với giáo dục - đào tạo tạo ra lực lượng lao động có đủ năng lực và phẩm chất trở thành chủ thể phát triển kinh tế tri thức. Và, “lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng” [73, tr.580]. Như vậy, sự phát triển của tri thức khoa học và công nghệ hiện đại đã trở thành nguyên nhân trực tiếp của những biến đổi to lớn trong sản xuất và trong đời sống xã hội. Khi đó, tri thức khoa học và công nghệ hiện đại được coi là đặc trưng cho lực lượng sản xuất hiện đại và khi thâm nhập sâu vào quá trình sản xuất, nó sẽ chuyển hóa thành lực lượng sản xuất trực tiếp, trở thành lực lượng sản xuất có tính độc lập. Kinh tế tri thức ra đời phản ánh một một giai đoạn phát triển mới của lực lượng sản xuất, khi tri thức khoa học và công nghệ vừa là sản phẩm, vừa là động lực của sản xuất. Một giai đoạn phát triển mới của lực lượng sản xuất dựa vào việc chi phối, chiếm hữu nguồn tài nguyên trí lực, lấy việc sử dụng, phân phối, sản xuất tri thức khoa học và công nghệ làm nhân tố chủ yếu đang thực sự bắt đầu. Nói ngắn gọn hơn, đây là giai đoạn mà tri thức khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
Như vậy, đặc trưng cơ bản của kinh tế tri thức là tri thức khoa học và công nghệ vượt qua các yếu tố sản xuất truyền thống (vốn và sức lao động) để trở thành yếu tố quan trọng nhất góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Mà, tri thức khoa học và công nghệ là sản phẩm chỉ có ở con người trí tuệ, kết quả chủ yếu của quá trình giáo dục - đào tạo lâu dài, có hệ thống và khoa học. Do đó, giáo dục - đào tạo trở thành nhu cầu của kinh tế tri thức. Nhận thức rõ điều này, Đảng ta khẳng định: “Quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu rộng. Việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu đối với các nền kinh tế”; “kinh tế tri thức phát triển mạnh, do đó con người và tri thức càng trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia” [28, tr.96-97].
Là một giai đoạn phát triển của lực lượng sản xuất, kinh tế tri thức được đặc trưng bởi lực lượng lao động có đủ năng lực và phẩm chất, trở thành chủ thể khai thác, tiếp nhận, phổ biến, sáng tạo tri thức khoa học và công nghệ; tư liệu sản xuất thông minh, hiện đại, kết quả của quá trình “vật hóa” tri thức khoa học và công nghệ thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả của quá trình sản xuất góp phần phát triển nhanh và bền vững.
Trong kinh tế tri thức, vấn đề không chỉ là thu nhận, truyền bá, sử dụng hiệu quả tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, mà còn là đổi mới, sáng tạo tri thức khoa học và công nghệ hiện đại. Do đó, đổi mới, sáng tạo là động lực, là linh hồn của kinh tế tri thức. Nó liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng tri thức, nhất là ở những ngành sản xuất ra sản phẩm có hàm lượng cao về trí tuệ. Đó là quá trình tri thức khoa học và công nghệ hiện đại được tạo ra, thâm nhập, chi phối mọi hoạt động kinh tế, dẫn dắt các ngành kinh tế nông nghiệp, kinh tế công nghiệp truyền thống và dịch vụ với mục đích tiết kiệm, sử dụng hiệu quả ở mức cao nhất tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, bảo vệ môi trường, nâng cao hơn nữa năng suất lao động, tạo điều kiện cho con người có cuộc sống đầy đủ hơn, có nhiều cơ hội hơn để phát triển toàn diện. Do đó, kinh tế tri thức là phương tiện phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững với sự phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ ứng dụng công nghệ cao; với cơ cấu giá trị gia tăng chủ yếu do lao động trí óc đem lại và lực lượng lao động chủ yếu là “công nhân tri thức” trong cơ cấu lao động. Sự phân biệt giữa cán bộ quản lý, nghiên cứu và công nhân sẽ bị rút ngắn và có tính chất tương đối; chi tiêu cho giáo dục - đào tạo chiếm tỷ trọng cao trong GDP.
Như vậy, có thể nói, kinh tế tri thức là một giai đoạn phát triển của lực lượng sản xuất, được đánh dấu bởi sự phát triển vượt bậc của con người, của trí tuệ con người, kết quả chủ yếu của giáo dục - đào tạo, lĩnh vực ngày càng đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển đất nước nhanh và bền vững trong thời kỳ toàn cầu hóa, quốc tế hóa với sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
2.1.2. Quan niệm về phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam
Theo quan điểm của triết học Mác - Lênin, phát triển là một phạm trù triết học dùng để chỉ sự biến đổi từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Sự phát triển diễn ra ở tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy con người. Trong đó, sự phát triển của xã hội khởi nguồn từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, mà trước hết và xét đến cùng là sự phát triển của con người với tư cách “lực lượng sản xuất hàng đầu”. Khi con người, trí tuệ con người phát triển đến trình độ tạo ra tri thức khoa học và công nghệ hiện đại và đưa nó trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì phát triển kinh tế tri thức trở thành con đường tất yếu để các quốc gia phát triển bền vững.
Phát triển kinh tế tri thức, Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, tham gia vào “sân chơi” toàn cầu, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong quá trình đó, Việt Nam “cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước đi tuần tự, vừa có những bước nhảy vọt, phát huy những lợi thế của đất nước, nhất là phát huy được nguồn lực trí tuệ, sức mạnh vốn có của con người Việt Nam, tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu mới về khoa học và công nghệ” [24, tr.91]. Do đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại phải gắn với phát triển kinh tế tri thức, phát triển kinh tế tri thức ngay trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là cơ sở của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào con người với giá trị cốt lõi là tri thức, năng lực sáng tạo để phát huy những nguồn lực sẵn có, sử dụng tri thức mới, công nghệ mới tạo ra của cải nhiều hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn. Đây là phương thức phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam khi nguồn lực tài chính, nguồn lực khoa học và công nghệ còn hạn chế, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại trong thời đại hiện nay.
Từ đặc điểm cụ thể của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, có thể quan niệm: Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam là quá trình phát triển lực lượng sản xuất dựa chủ yếu vào con người Việt Nam có đủ năng lực và phẩm chất trở thành chủ thể khai thác, truyền bá, ứng dụng, sáng tạo tri thức khoa học và công nghệ hiện đại ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh và bền vững.
Theo quan niệm trên, có thể thấy, mục đích phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam thực chất là sự phát triển lực lượng sản xuất dựa chủ yếu vào con người đủ năng lực và phẩm chất, trở thành chủ thể khai thác, truyền bá, ứng dụng, sáng tạo tri thức khoa học và công nghệ hiện đại nhằm đưa lực lượng sản xuất lên một trình độ mới cao hơn về chất và lượng. Nội dung của phát triển kinh tế tri thức ở việt Nam là phát triển con người toàn diện về năng lực, phẩm chất và đưa họ trở thành lực lượng lao động trí tuệ, không chỉ chiếm số lượng chủ yếu trong cơ cấu lao động, mà còn là chủ thể thực hiện quá trình tri thức hóa tư liệu lao động, tạo ra và đẩy mạnh sự phát triển của tư liệu lao động ngày càng thông minh, hiện đại; đối tượng lao động ngày càng phong phú, đa dạng gắn với những thành tựu nổi bật của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sáng tạo, đưa tri thức khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Như vậy, con người Việt Nam có đủ năng lực và phẩm chất với tính cách là “lực lượng sản xuất hàng đầu” vừa là nội dung, vừa là chủ thể phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam. Do đó, phương thức “phát triển kinh tế tri thức ở nước ta là chính sách phát triển dựa vào con người, lấy con người làm trung tâm, là chính sách phát triển dựa vào và bằng giáo dục và khoa học, kết hợp sức mạnh dân tộc với trí tuệ của thời đại” [56, tr.127]. Trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam, tri thức khoa học và công nghệ hiện đại là nguồn vốn quý nhất, nguồn nhân lực được giáo dục - đào tạo có chất lượng cao là nguồn lực quyết định nhất.
Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam xuất phát từ trình độ sản xuất lạc hậu, đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên đặc điểm cơ bản của nó là phải dựa vào nguồn nhân lực nắm bắt tri thức khoa học và công nghệ mới của thời đại, nhất là công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: Điện toán đám mây, internet vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D, công nghệ gen, công nghệ tế bào để hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nhanh các ngành công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành dịch vụ, các ngành có giá trị gia tăng cao, tránh hậu quả tai hại của việc đơn thuần phát triển công nghiệp chế tạo gây ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, thất nghiệp, Do đó, phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam là dựa chủ yếu vào việc tạo ra chủ thể “đẩy mạnh việc ứng dụng tri thức vào tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế làm tăng giá trị gia tăng ở từng sản phẩm; giảm chi phí lao động và nguyên vật liệu; tăng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại” [56, tr.128].
Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến quá trình chuyển biến chiến lược từ phát triển kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, dựa nhiều vào tài nguyên, vốn, lao động trình độ thấp sang kết hợp phát triển theo chiều rộng với chiều sâu, mà thực chất là phát triển kinh tế dựa chủ yếu vào tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, năng lực sáng tạo của con người, lấy giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là “quốc sách hàng đầu”. Bởi, tài nguyên thiên nhiên thì có hạn và ngày càng cạn kiệt, còn năng lực sáng tạo của con người thì vô hạn. Do đó, giáo dục - đào tạo cùng với môi trường kinh tế, thể chế thuận lợi cho sáng tạo, sử dụng tri thức khoa học và công nghệ; hệ thống cách tân; hạ tầng cơ sở thông tin là những trụ đỡ cho phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam, trong đó, giáo dục - đào tạo là trụ đỡ quan trọng.
Như vậy, vấn đề cốt lõi trong quá trình phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam là giáo dục - đào tạo để con người trở thành chủ thể khai thác, vận dụng, sáng tạo tri thức khoa học và công nghệ, đưa giáo dục - đào tạo trở thành một ngành sản xuất tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, trên cơ sở những nguồn lực sẵn có ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh và bền vững. Do đó, giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người toàn diện, tạo ra, xã hội hóa, ứng dụng có hiệu quả tri thức khoa học và công nghệ hiện đại vừa là biểu hiện, vừa là điều kiện, là cơ sở và là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức. Giáo dục - đào tạo không làm cho con người phát triển toàn diện, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tri thức khoa học và công nghệ hiện đại không được tạo ra, không được xã hội hóa để trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì phát triển kinh tế tri thức chỉ dừng ở lý luận suông.
Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam là tất yếu khách quan. Sự phát triển này bước đầu được hiện hữu với sự hình thành, phát triển của các ngành kinh tế dựa vào tri thức khoa học và công nghệ hiện đại như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, những ngành sử dụng công nghệ cao, internet vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo... được làm chủ bởi nhân lực có chất lượng cao với tinh thần đổi mới và sáng tạo không ngừng.
Phát triển kinh tế tri thức có vai trò quan trong trong chiến lược phát triển đất nước. Đây là điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, giảm đói nghèo và tiến tới một xã hội giàu có mà kinh tế tài nguyên không thể thực hiện được. Có thể nói, từ khi giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Việt Nam phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào tài nguyên và sức lao động trình độ thấp, tuy kinh tế đất nước có bước tăng trưởng nhưng chưa vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng và các nguồn lực đầu tư. Vì thế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng xa hơn. Cho nên, phát triển kinh tế tri thức, dùng nguồn trí lực để khai thác tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác một cách có hiệu quả sẽ giải quyết được vấn đề trên. Sự phát triển ở một số nước như Sinhgapo, Hàn Quốc..., những nước không có nguồn tài nguyên giàu có, nhưng biết dựa vào nguồn tài nguyên trí lực nên đã xây dựng đất nước thịnh vượng như ngày nay là minh chứng rõ nhất về phát triển kinh tế tri thức. Do đó, phát triển kinh tế tri thức đặt ra yêu cầu đối với giáo dục - đào tạo Việt Nam là phải tạo ra nguồn nhân lực hội đủ năng lực và phẩm chất để phát huy triệt để lợi thế cạnh tranh của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Phát triển kinh tế tri thức còn tạo điều kiện giải quyết vấn đề thất nghiệp bằng việc tạo ra việc làm mới gắn với những ngành kinh tế dựa vào tri thức. Nó cũng tạo ra điều kiện để giải quyết những vấn đề trọng đại của nhân loại ngày nay như: Lương thực, nhân khẩu, sức khoẻ, khủng hoảng năng lượng, môi trường sinh thái... Chẳng hạn như việc sử dụng công nghệ sinh học trong ngành nông nghiệp với công nghệ tế bào, công nghệ gen... để cải tạo và tạo ra những cây, con giống mới cho sản lượng cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh, giàu dinh dưỡng; sử dụng công nghệ cao, internet vạn vật kết nối trong canh tác có thể giải quyết được vấn đề lương thực, thực phẩm cho con người hiện nay. Việc áp dụng công nghệ gen, trí tuệ nhân tạo... giúp con người đạt những thành tựu mới về y học, phát hiện ra nhiều loại thuốc kháng bệnh, các cách chữa bệnh mới, góp phần nâng cao sức khoẻ và tuổi thọ của con người. Cùng với đó, vấn đề nan giải của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái sẽ tìm được lời giải khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, thực hiện sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Điều này đặt ra yêu cầu cho giáo dục - đào tạo phải tạo ra nguồn nhân lực ở những ngành kinh tế mà Việt Nam xác định là mũi nhọn; tạo ra, chuyển hóa tri thức khoa học và công nghệ hiện đại trong mọi yếu tố của lực lượng sản xuất đưa lực lượng sản xuất lên một trình độ mới cao hơn về chất và lượng so với thời kỳ công nghiệp hóa truyền thống.
Hơn nữa, phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các thế hệ máy móc thông minh ra đời, các thao tác tạo ra sản phẩm được thực hiện bằng máy móc tự điều khiển, bằng máy tính với độ chính xác, nhanh nhạy cao sẽ tiết kiệm nhiều sức lao động, tăng hiệu suất lao động, góp phần giải phóng con người khỏi lao động nặng nhọc, thời gian lao động giảm đi đáng kể. Điều đó giúp người lao động có thời gian tham gia các hoạt động nâng cao năng lực trí tuệ, giải trí, thể dục thể thao tăng cường sức khoẻ, làm phong phú đời sống tinh thần, tạo điều kiện phát triển con người toàn diện, hoàn thiện những năng lực sẵn có ở mỗi người để họ thực sự trở thành chủ thể sáng tạo tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, sáng tạo ra lịch sử.
Phát triển kinh tế tri thức là cơ hội để Việt Nam “rút ngắn” khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới, nâng tầm Việt Nam trong “sân chơi” toàn cầu. Phát triển kinh tế tri thức, Việt Nam có nhiều thuận lợi. Trong đó, thuận lợi quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định nhất là công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được thực hiện từ Đại hội VI (12/1986) đến nay đạt được nhiều thành tựu “có ý nghĩa lịch sử”. Đất nước chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa, tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế; thực hiện chính sách mở cửa, hợp tác với tất cả các nước trên thế giới ở nhiều bình diện. Thế và lực của đất nước lớn mạnh hơn nhiều. Cơ sở vật chất được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh vững chắc. Quan hệ ngoại giao rộng mở, môi trường hòa bình, hợp tác ngày càng phát triển.
Trên nền tảng đó, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương phát triển kinh tế tri thức và đã có những hành động cụ thể mở đường cho phát triển kinh tế tri thức. Đó là chủ trương phát triển dựa vào thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; chủ trương chuyển đổi, tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình “kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...” [31, tr.22].
Hơn nữa, dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hóa tốt đẹp với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết chặt chẽ, ý chí kiên cường, bất khuất Đó là sức mạnh tinh thần to lớn thúc đẩy người Việt Nam luôn nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh để làm rạng danh đất nước. Con người Việt Nam cần cù, thông minh, sáng tạo, có ý chí, nghị lực phi thường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm cũng như trong lao động sản xuất. Những giá trị đó được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử, trở thành sức mạnh nội sinh của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Với sự lựa chọn nhất quán về con đường phát triển đất nước, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, trong những năm đổi mới vừa qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ Nhờ đó, chỉ số HDI của Việt Nam hiện đứng ở mức trung bình của thế giới. Tiềm lực con người Việt Nam là rất lớn và không thua kém các nước trên thế giới. Con người Việt Nam có khả năng tiếp thu nhanh tri thức mới, dễ đào tạo. Tại thung lũng Silicon Valley có nhiều người gốc Việt đang làm việc, trong đó có những chuyên gia đầu ngành có thể điều hành cơ sở kinh doanh và nghiên cứu khoa học giỏi. Ở trong nước, hàng triệu nhà khoa học, cán bộ kỹ sư, công nhân viên có trình độ cao đang làm việc trong các lĩnh vực có trình độ ngang tầm với trình độ khoa học và công nghệ tiến tiến của thế giới. Hơn nữa, Việt Nam có quy mô dân số lớn với cơ cấu dân số vàng, trong “92,7 triệu người thì lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đạt 54,45 triệu người” [122, tr.25]. Đây là cơ hội vàng để cất cánh nếu nguồn nhân lực này được giáo dục - đào tạo đủ năng lực và phẩm chất tiếp nhận, vận dụng, sáng tạo tri thức khoa học và công nghệ hiện đại ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh và bền vững.
Xét ở phương diện vị trí địa lý, Việt Nam thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa - kinh tế - chính trị chiến lược quan trọng trên thế giới. Đây còn là khu vực hội tụ sức mạnh của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại. Do đó, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Việt Nam có cơ hội tiếp thu những thành tựu tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý, các nguồn lực khác của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới vì tương lai tươi đẹp của dân tộc.
Bên cạnh những thuận lợi trên, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước chưa đồng bộ và toàn diện. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế còn thấp. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, chưa phát triển theo chiều sâu. Khoảng cách về trình độ phát triển so với nhiều nước trong khu vực không chỉ chậm thu hẹp, mà còn có nguy cơ gia tăng. Nhiều cơ chế, chính sách, bộ máy hành chính đổi mới chậm, dân chủ chưa thực sự được phát huy, tiềm năng sáng tạo, sức sản xuất chưa được giải phóng triệt để. Tình trạng “chảy máu chất xám” diễn ra nghiêm trọng, làm cho đất nước đã nghèo lại còn nghèo hơn, bởi nguồn gốc của mọi thứ nghèo là nghèo tri thức. Trình độ khoa học và công nghệ của Việt Nam còn lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, Việt Nam còn phải đối diện với nhiều thách thức của một nước “đi sau” trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng.
Mặt khác, Việt Nam hiện nằm trong khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên biển Đông diễn biến phức tạp. Sự chi phối của các thế lực thù địch đến an ninh, sự toàn vẹn lãnh thổ, buộc Việt Nam phải dành nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phân bổ nguồn lực cho phát triển giáo dục - đào tạo.
Như vậy, có thể nói, phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trong bối cảnh nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, trong đó khó khăn, thách thức lớn nhất là vấn đề con người, nguồn nhân lực. Do vậy, để vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy những thuận lợi, Việt Nam phải giải quyết nhiều vấn đề, song, trước hết và quan trọng nhất là phát triển con người Việt Nam toàn diện, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài, phát triển, ứng dụng có hiệu quả tri thức khoa học và công nghệ hiện đại trên cơ sở đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo để thực hiện với hiệu quả ngày càng cao vai trò của nó trong phát triển kinh tế tri thức.
2.2. Giáo dục - đào tạo và vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam
2.2.1. Quan niệm về giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam
* Quan niệm về giáo dục - đào tạo
Giáo dục - đào tạo là một thuật ngữ kép gồm hai thuật ngữ giáo dục và đào tạo. Trong đó, giáo dục là “hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra” [137, tr.394]; theo nghĩa rộng, giáo dục là “hoạt động chuyển giao hệ thống tri thức, kinh nghiệm xã hội của thế hệ này cho các thế hệ kế tiếp nhằm hình thành và phát triển nhân cách đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của đời sống xã hội trong từng giai đoạn lịch sử” [46, tr.136]; theo nghĩa hẹp, giáo dục là “các hoạt động có mục đích và nội dung xác định cho từng bậc học và loại hình trường và được thực hiện một cách có kế hoạch, có hệ thống trong khuôn khổ tổ chức nhà trường” [46, tr.137]. Đào tạo là “làm cho trở thành người có năng lực theo những tiêu chuẩn nhất định” [137, 289], là “dạy dỗ, rèn luyện để trở nên người có hiểu biết, có nghề nghiệp” [140, tr.593]. Như vậy, giáo dục - đào tạo được hiểu là quá trình giúp con người hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu phát triển của lịch sử ở mỗi giai đoạn nhất định.
Từ quan niệm trên, tiếp cận giáo dục - đào tạo từ góc độ hệ thống, có thể quan niệm, giáo dục - đào tạo là một lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm hệ thống các quan điểm, tổ chức và các hoạt động nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất con người đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Quan niệm trên cho thấy, giáo dục - đào tạo là một lĩnh vực của đời sống xã hội, tồn tại và phát triển trong những điều kiện nhất định, chịu sự chi phối của mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó lĩnh vực kinh tế - xã hội đóng vai trò quyết định. Do đó, giáo dục - đào tạo là sản phẩm của đời sống xã hội, phản ánh trình độ phát triển của giai đoạn đó. Đời sống xã hội như thế nào thì giáo dục - đào tạo như thế ấy, đời sống xã hội thay đổi thì giáo dục - đào tạo từ quan điểm, tổ chức đến hoạt động cũng phải thay đổi phù hợp, nhằm phát triển con người ứng với yêu cầu của giai đoạn lịch sử đó. Tuy nhiên, giáo dục - đào tạo không chỉ chịu sự tác động một chiều, mà còn tác động trở lại sự phát triển đời sống xã hội. Sự tác động đó diễn ra theo cả hai hướng: Tích cực và tiêu cực. Sự tác động theo chiều hướng nào phụ thuộc vào sự thể hiện vai trò của giáo dục - đào tạo ở mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử.
* Quan niệm về giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam
Lịch sử phát triển của nhân loại đã và đang trải qua các giai đoạn phát triển từ thấp đến cao, khi tri thức khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nhất là với sự ra đời và phát triển của máy móc thông minh, trí tuệ nhân tạo được phát huy cao độ, internet vạn vật kết nối thì sự phát triển của đời sống xã hội từ chỗ dựa chủ yếu vào sức người, tài nguyên, nguồn vốn đến chỗ chủ yếu dựa vào tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, con người trí tuệ. Sự phát triển đó, diễn ra một cách tuần tự hay nhảy vọt là tùy thuộc vào những điều kiện lịch sử - cụ thể ở mỗi quốc gia.
Trong chiến lược phát triển đất nước từ Đại hội IX (2001) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán khẳng định: “Nâng cao hàm lượng tri thức trong các nhân tố phát triển kinh tế - xã hội, từng bước phát triển kinh tế tri thức” [24, tr.163], “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học và công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu” [31, tr.90]. Thực hiện chiến lược phát triển đó, Việt Nam cần xác định lại quan niệm ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó giáo dục - đào tạo cũng cần phải có quan niệm mới, “cần thay đổi tư duy giáo dục, xác định lại, quan niệm lại về mục tiêu, yêu cầu đào tạo và chức năng của nhà trường, từ đó mới thấy rõ cần thay đổi cung cách dạy và học, thay đổi nội dung, phương pháp, tổ chức quản lý giáo dục” [69, tr.38], làm cho giáo dục - đào tạo thực sự trở thành lĩnh vực phục vụ hiệu quả quá trình phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.
Từ quan niệm về phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam và quan niệm về giáo dục - đào tạo, có thể quan niệm, giáo dục - đào tạo trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam là hệ thống quan điểm, tổ chức và hoạt động nhằm tạo ra chủ thể khai thác, vận dụng, sáng tạo tri thức khoa học và công nghệ hiện đại và đưa chúng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh và bền vững.
Với tính cách là một lĩnh vực của đời sống xã hội, giáo dục - đào tạo gồm: Hệ thống các quan điểm về giáo dục - đào tạo. Đó là hệ thống các quan điểm về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển giáo dục - đào tạo được thể hiện trong đường lối lãnh đạo của Đảng, được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo của Nhà nước và được luật hóa để thực thi trong thực tiễn nhằm tạo ra chủ thể khai thác, vận dụng, sáng tạo tri thức khoa học và công nghệ hiện đại và đưa chúng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh và bền vững; hệ thống tổ chức giáo dục - đào tạo. Đó là hệ thống giáo dục quốc dân với các cấp học, bậc học, loại hình... được thiết lập phù hợp nhằm hiện thực hóa hệ thố...ển giáo dục đào tạo đến năm 2020.
28. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại Hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
29. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện Hội nghị lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
30. Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
31. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại Hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
32. Nguyễn Văn Đạo (2012), “Vài suy nghĩ về giáo dục - đào tạo phục vụ cho phát triển”, Bản tin Đại học quốc gia Hà Nội (Số 250), tr. 16-19.
33. Nguyễn Văn Đạo (2012), “Cần đổi mới cơ bản công tác quản lý giáo”, Bản tin Đại học quốc gia Hà Nội (Số 253), tr. 6-10.
34. Lê Thị Hồng Điệp (2012), Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế tri thức ở Việt Nam (Một số vấn đề lý luận và thực tiễn), Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.
35. Trần Khánh Đức (2004), Quản lý và kiểm định chất lượng đào tạo nhân lực theo ISO &TQM, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
36. Trần Khánh Đức (2010), Giáo dục và đào tạo: Phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
37. Phạm Văn Đức - Đặng Hữu Toàn (đồng chủ biên - 2008). Văn kiện Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam, những vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
38. Phạm Gia (2004), “Đưa giáo dục đại học phát triển đúng với tầm vóc là quốc sách hàng đầu“, Tạp chí Giáo dục, (Số 1), tr. 1-3.
39. Phạm Minh Hạc (2001), Về phát triển toàn diện con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội.
40. Phạm Minh Hạc (2002), Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng của của thế kỷ XXI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội.
41. Phạm Minh Hạc (2010), Một số vấn đề giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ XXI, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
42. Phạn Minh Hạc - Phan Văn Kha (Chủ biên - 2010), Bàn về Triết lý giáo dục Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm.
43. Lương Đình Hải - Mai Quỳnh Nam (Đồng chủ biên - 2014), Viện nghiên cứu con người - Một số kết quả nghiên cứu, NXb. Khoa học xã hội.
44. Đỗ Thị Thúy Hằng (2012), Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, Nxb. Khoa học và kỹ thuật.
45. Trần Ngọc Hiên (2010), Kinh tế tri thức và thực hiện phát triển kinh tế tri thức ở nước ta, ngày 18/9/2010.
46. Bùi Minh Hiền (chủ biên -2006), Vũ Ngọc Hải - Đặng Quốc Bảo, “Quản lý giáo dục”, Nxb. Đại học Sư phạm.
47. Phùng Văn Hiền (2017), Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học, Tạp chí Lý luận chính trị, (số 4/2017), tr. 68-73.
48. Nguyễn Văn Hòa (2009), “Phát triển giáo dục và đào tạo - một động lực để phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Triết học (số 4).
49. Đặng Xuân Hoan (2015), “Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2015-2020 đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, ngày 17/4/2015.
50. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện thông tin Khoa học Phòng tổng hợp lưu trữ (2000), Tư liệu chuyên đề “Những vấn đề kinh tế tri thức”, tập 1,2.
51. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (2012), Phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài - một số kinh nghiệm của thế giới, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Hội.
52. Học viện Chính trị (2013), Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo trong nhà trường quân đội hiện nay, Nxb. Quân đội nhân dân.
53. Học viện Chính trị (2016), Kỷ yếu hội thảo Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
54. Lê Ngọc Hùng (2016), “Đổi mới giáo dục ở Việt Nam nhằm tạo công bằng xã hội và phát triển bền vững”, ngày 1/9/2016.
55. Lê Ngọc Hùng (2017), “Chính sách giáo dục ở Việt Nam nhìn từ cách tiếp cận phát triển bao trùm và bền vững”, lyluanchinhtri.vn, ngày 10/7/2017.
56. Đỗ Thị Thu Hương (2017), “Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo - giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước ta hiện nay”, Tạp chí Giáo dục lý luận, Số 7/2017.
57. Đặng Hữu (chủ biên - 2003), Tìm hiểu công tác khoa giáo trong tình hình mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
58. Đặng Hữu (chủ biên - 2009), Phát triển kinh tế tri thức gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
59. Đặng Hữu (2011), “Phát triển kinh tế trí thức ở Việt Nam: Quá trình phát triển tư duy lý luận của Đảng, Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, đăng trên Tạp chí Thông tin lý luận chính trị, Hội đồng Lý luận Trung ương số 33/4/2011.
60. Hội đồng Lý luận Trung ương - Bộ Khoa học và công nghệ - chương trình khoa học xã hội cấp nhà nước KX.02 “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa định hướng xã hội chủ nghĩa: Con đường và bước đi” (2005), Đề tài KX.02.03 “Xu hướng phát triển nền kinh tế tri thức và tác động của nó đến sự phát triển và lựa chọn chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam”. Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu.
61. Phan Văn Kha - Nguyên Lộc (2011), Khoa học giáo dục Việt Nam từ đổi mới đến nay, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
62. Phan Văn Kha (chủ biên - 2014), Đổi mới quản lý giáo dục Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
63. Nguyễn Thế Kiệt (2008), “Xây dựng và phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn lực con người trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí triết học, (Số 205).
64. Bùi Thị Ngọc Lan (2004), “Kinh tế tri thức - cơ hội và thách thức đối với chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 21”, Tạp chí Lý luận chính trị, (Số 4), tr. 79-83.
65. Bùi Thị Ngọc Lan (2017), “Nhân lực khoa học và công nghệ cao Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Tạp chí lịch sử Đảng, (số 2).
66. Vũ Trọng Lâm (2004), Kinh tế tri thức ở Việt Nam quan điểm và giải pháp phát triển, Nxb. Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
67. Lê Hữu Lập (2016), “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, ngày 9/4/2016.
68. Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (2003), Hội thảo kinh tế tri thức khoa học và thực tiễn ở Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
69. Phạm Văn Linh (2014), Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam: Thời cơ, thách thức và những vấn đề đặt ra, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
70. Phạm Văn Linh (2015), Định hướng chiến lược và giải pháp đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
71. Nguyễn Thị Luyến (chủ biên) (2005), Nhà nước với phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa, Viện thông tin khoa học xã hội, Hà Nội.
72. Lương Công Lý (2014), “Giáo dục và đào tạo với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiên nay”, Luận án tiến sỹ triết học, Học viện chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
73. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Góp phần phê phần phê phán triết học pháp quyền của Heghen, Lời nói đầu, trong Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
74. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Các Bài phát biểu tại En-bơ-phen-đơ, Bài phát biểu ngày 8 tháng Hai năm 1845, trong Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
75. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Những nguyên lý của Chủ nghĩa cộng sản, trong Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
76. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Phê phán Cương lĩnh Gô-ta, trong Toàn tập, tập 19, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội
77. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Tư bản, Phê phán khoa kinh tế chính trị (Quyển I: Quá trình sản xuất của tư bản), trong Toàn tập, tập 23, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
78. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Các học thuyết về giá trị thặng dư (Quyển IV của Bộ Tư bản), trong Toàn tập, tập 26, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
79. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Phê phán khoa kinh tế chính trị (Bản sơ thảo những năm 1857-1858) trong Toàn tập, tập 46, phần II Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
80. Hồ Chí Minh (2011), Thư gửi học sinh, ngày 9-1945, trong Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
81. Hồ Chí Minh (2011), Bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19-1-1955, trong Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
82. Hồ Chí Minh (2011), Bài nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I, ngày 12-6-1956, trong Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
83. Hồ Chí Minh (2011), Đào tạo thế hệ tương lai và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang, ngày 13-9-1958, trong Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
84. Hồ Chí Minh (2011), Bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21-10-1964, trong toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
85. Phạm Xuân Nam (2007), “Tạo lập một “tâm quyển” cho sự phát triển bền vững của đất nước”, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội (Số 5), tr. 3-9.
86. Nguyễn Thị Nga (2010), “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục với việc phát triển nền giáo dục Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Triết học, (Số 235)
87. Phùng Xuân Nhạ (2017), “Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Tạp chí Cộng sản, (số 895), tr. 14-21.
88. Nguyễn Nhâm (2011), Phát triển kinh tế tri thức vươn lên trình độ tiên tiến thế giới, ngày 27/5/2011.
89. Phạm Công Nhất (2014), “Đổi mới giáo dục đại học theo hướng hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay”, ngày 19/11/2014.
90. Bùi Mạnh Nhị (2012), “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam”, Tạp chí Thông tin Lý luận chính trị (số 49).
91. Nhiều tác giả (2006), Giáo dục những lời tâm huyết,. Nxb. Thông tấn, Hà Nội.
92. Nhiều tác giả (2007), Vấn đề giáo dục hiện nay, quan điểm và giải pháp, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
93. Nhiều tác giả (2015), Bàn về giáo dục, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
94. Phương Nhung (2009), “Giáo dục đào tạo với phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, (Số 23), tr. 21-24.
95. Ngô Thị Nụ (2016), “Phát triển năng lực trí tuệ của người Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 3(100), tr. 37-43
96. Nguyễn Huy Phòng (2016), “Xây dựng con người Việt Nam toàn diện: những thách thức và giải pháp khắc phục”, lyluanchinhtri.vn, ngày 4/8/2016
97. Phùng Hữu Phú (2014), “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI”, Tạp chí Tuyengiao.vn ngày 11/3/2014.
98. Nguyễn Văn Phúc (2015), Các đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Nxb. Chính trị quốc gia.
99. Vũ Văn Phúc, Nguyễn Duy Hùng (2012), Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
100. Phạm Ngọc Quang (2003), “Kinh tế tri thức - xét từ giác độ lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất”, Tạp chí triết học, (Số 3).
101. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2009), Luật Giáo dục (Bổ sung và sửa đổi), Chinhphu.vn
102. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2012), Luật Giáo dục đại học, Chinhphu.vn
103. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Luật Giáo dục nghề nghiệp, Chinhphu.vn
104. Trương Thị Thanh Quý (2017), “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với việc phát triển nguồn nhân lực quản lý giáo dục ở Việt Nam”, 15/12/2017.
105. Tô Huy Rứa (2014), “Một số vấn đề về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Cộng sản (Số 866), tr. 21-34.
106. Trương Tấn Sang (2015), “Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong một thế giới thay đổi nhanh, tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển sáng tạo, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 27/7/2015.
107. Đường Vinh Sường (2014), “Giáo dục đào tạo với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay”, ngày 4/12/2014
108. Trần Cao Sơn (2004), Môi trường xã hội nền kinh tế tri thức - Những nguyên lý cơ bản,. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
109. Vũ Thanh Sơn (2005), “Nền kinh tế tri thức định hướng tương lai cho Việt Nam”, Tạp chí Giáo dục lý luận, (Số 8), tr. 35-40.
110. Takachi Kiuchi, Tian Zhongqing, Cheonsik Woo (2001), Kinh tế tri thức vấn đề và giải pháp: Kinh nghiệm của các nước phát triển và đang phát triển, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
111. Văn Tạo (2006), “Đảng tạo điều kiện để công nhân Việt Nam tiến nhanh trong nền kinh tế tri thức”, Tạp chí Lịch sử Đảng, (Số 5), tr. 7-9.
112. Nguyễn Trường Thắng (2017), “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu đặt ra với sự phát triển khoa học - công nghệ của Việt Nam”, ngày 28/11/2017.
113. Nguyễn Thanh (2001), Phát triển nguồn nhân lực và vai trò của giáo dục - đào tạo đối với phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa ở nước ta hiện nay. Luận án tiến sỹ triết học.
114. Nguyễn Thanh (2007), Vấn đề con người và giáo dục con người nhìn từ góc độ triết học xã hội, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
115. Vũ Bá Thể (2005), Phát huy nguồn lực con người để công nghiệp hoá - hiện đại hoá - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam, Nxb. Lao động - xã hội.
116. Phùng Văn Thiết (2005), “Bản chất của thông tin và kinh tế tri thức”, Tạp chí Triết học, (Số 1), tr. 57-61.
117. Trần Văn Thụy (2012), “Quan điểm của triết học Mác về nền văn minh trí tuệ”, Tạp chí Triết học, (Số 12), tr. 12-18.
118. Phạm Đỗ Nhật Tiến (2006) “Cải cách giáo dục - điều kiện cần để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức”, Tạp chí Khoa học giáo dục (số 9).
119. Đặng Hữu Toàn (2002), Chủ nghĩa Mác - Lênin và công cuộc đổi mới ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
120. Đặng Hữu Toàn (2012), “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - một đột phá chiến lược trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020”, Tạp chí Triết học, (Số 8), tr.3-12.
121. Nguyễn Thiện Tống (2013), “Mô hình đại học đa lĩnh vực trong thời đại kinh tế tri thức”, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số 17.
122. Tổng cục thông kê (2017), Niên giám thông kê 2016, Nxb. Thông kê, Hà Nội.
123. Nguyễn Công Trí (2012), Trí thức Việt Nam trong phát triển kinh tế tri thức, Luận án tiến sỹ Triết học, Học viện hành chính - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
124. Thế Trường (2004), Hành trang thời đại kinh tế tri thức, Nxb. Giao thông vận tải, Hà Nội.
125. Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh - Viện Sư phạm kỹ thuật (2015), Kỷ yếu hội thảo: Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện, Nxb. Phương Đông.
126. Trường Kinh tế Quốc dân (2017), Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: Đào tạo trực tuyến trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp 4.0, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân.
127. Ngô Quý Tùng (2000), Nền kinh tế tri thức, xu thế mới của thế kỷ XXI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
128. Trần Văn Tùng (2001), Nền kinh tế tri thức và yêu cầu đối với giáo dục Việt Nam, Nxb. Thế giới.
129. Đỗ Thế Tùng (2015), “Từ quan điểm của C. Mác về những xu hướng phát triển chủ yếu của lực lượng sản xuất, suy nghĩ về vấn đề phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam”, ngày 7/7/2015.
130. Hoàng Tụy (2012), Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng, Nxb. Tri thức.
131. Thái Duy Tuyên (2007), Triết học giáo dục Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
132. Viện Chiến lược phát triển (2001), Cơ sở khoa học của một số vấn đề trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
133. Nguyễn Khánh Vinh (Chủ biên - 2012), Nguồn lực trí tuệ Việt Nam, lịch sử, hiện trạng và triển vọng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
134. Ngô Doãn Vịnh (2013), Bàn về phương pháp dạy bậc đại học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
135. Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (2001), “Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo”, Nxb. Lao động - xã hội, Hà Nội.
136. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, trung tâm thông tin tư liệu (2000), Nền kinh tế tri thức nhận thức và hành động. Kinh nghiệm của các nước phát triển và đang phát triển, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
137. Viện Ngôn ngữ học (2002), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng.
138. Đức Vượng (2014), Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
139. Dương Thị Thanh Xuân (2017), “Nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên đại học đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, ngày 26/6/2017.
140. Nguyễn Như Ý (chủ biên - 1998), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa - thông tin, Hà Nội.
PHỤ LỤC
Phụ lục 1
BẢNG SO SÁNH KHÁI QUÁT CÁC THỜI ĐẠI KINH TẾ
Các thời đại kinh tế
Kinh tế
nông nghiệp
Kinh tế
công nghiệp
Kinh tế
tri thức
Đầu vào
của sản xuất
Lao động, đất đai, vốn
Lao động, đất đai, vốn, công nghệ,
thiết bị
Lao động, đất đai,
vốn, công nghệ, thiết bị, tri thức, thông tin
Các quá trình chủ yếu
Trồng trọt, chăn nuôi
Chế tạo, gia công
Thao tác, điều khiển, kiểm soát,
xử lý thông tin
Đầu ra
của sản xuất
Lương thực
Của cải, hàng hoá tiêu dùng,
các xí nghiệp, nền công nghiệp
Sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống công nghiệp, tri thức, vốn tri thức.
Cơ cấu kinh tế
Nông nghiệp là chủ yếu
Công nghiệp và dịch vụ là chủ yếu
Các ngành kinh tế tri thức thống trị
Công nghệ chủ yếu thúc đẩy phát triển
Sử dụng súc vật, cơ giới hoá đơn giản
Cơ giới hoá, hoá học hóa, điện khí hoá, chuyên môn hoá.
Công nghệ cao điện tử hoá, siêu xa lộ thông tin, thực tế ảo.
Cơ cấu xã hội
Nông dân
Công nhân
Công nhân tri thức
Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển
< 0,3% GDP
1-2% GDP
> 3% GDP
Tỷ lệ đóng góp của khoa học công nghệ cho tăng trưởng kinh tế
< 10%
> 30%
>80%
Đầu tư cho giáo dục
Nhỏ
Lớn
Rất lớn
Trình độ học vấn trung bình
Tỷ lệ mù chữ cao
Trung học
Sau trung học
Vai trò của truyền thông
Không lớn
Lớn
Rất lớn
Nguồn: [Ngô Quý Tùng, Nền kinh tế tri thức, xu thế mới của thế kỷ XXI, tr.22]
Phụ lục 2
BẢNG MÔ TẢ KHUNG TRÌNH ĐỘ QUỐC GIA VIỆT NAM
(Kèm theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016
của Thủ tướng Chính phủ)
Bậc trình độ
Chuẩn đầu ra
Người tốt nghiệp khóa đào tạo phải có:
Khối lượng học tập tối thiểu
Văn bằng, chứng chỉ
Kiến thức
Kỹ năng
Mức tự chủ và trách nhiệm
1
- Kiến thức thực tế và sự hiểu biết trong phạm vi hẹp về một vài công việc của một nghề xác định.
- Kiến thức cơ bản về tự nhiên, văn hóa, xã hội và pháp luật phục vụ cuộc sống, học tập nâng cao và chuẩn bị cho công việc nghề nghiệp.
- Kỹ năng thực hành cơ bản, lao động chân tay, trực tiếp;
- Kỹ năng giao tiếp cơ bản trong môi trường quen thuộc.
- Thực hiện một số công việc đơn giản, có tính lặp lại, dưới sự giúp đỡ của người hướng dẫn.
- Làm việc với sự giám sát chặt chẽ, tuân theo hướng dẫn hoặc làm theo mẫu.
- Tự đánh giá và đánh giá công việc với sự giúp đỡ của người hướng dẫn.
5 Tín chỉ
Chứng chỉ I
2
- Kiến thức thực tế và lý thuyết về hoạt động trong phạm vi hẹp của một nghề.
- Kiến thức phổ thông về tự nhiên, văn hóa, xã hội và pháp luật phục vụ cuộc sống, công việc nghề nghiệp và học tập nâng cao.
- Kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành để áp dụng các phương pháp, công cụ, tài liệu thích hợp và thông tin sẵn có.
- Kỹ năng giao tiếp để trình bày kết quả hoặc báo cáo công việc của bản thân.
- Thực hiện một số công việc có tính thường xuyên, tự chủ tương đối trong môi trường quen thuộc;
- Làm việc trong môi trường không quen thuộc với chỉ dẫn của người hướng dẫn;
- Tự đánh giá và đánh giá kết quả của nhiệm vụ được giao.
15 Tín chỉ
Chứng chỉ II
3
- Kiến thức thực tế và lý thuyết về những nguyên tắc, quá trình và khái niệm thông thường trong phạm vi của một nghề đào tạo;
- Kiến thức phổ thông về tự nhiên, văn hóa, xã hội và pháp luật phục vụ cuộc sống, công việc nghề nghiệp, và học tập nâng cao.
- Kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin liên quan đến công việc nghề nghiệp nhất định.
- Kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành để làm việc hoặc giải quyết công việc một cách độc lập.
- Kỹ năng sử dụng các thuật ngữ chuyên môn trong giao tiếp hiệu quả tại nơi làm việc.
- Làm việc độc lập trong các điều kiện ổn định và môi trường quen thuộc;
- Thực hiện công việc được giao và tự đánh giá kết quả theo các tiêu chí đã được xác định.
- Tham gia làm việc theo tổ, nhóm và chịu trách nhiệm một phần đối với kết quả công việc.
25 Tín chỉ
Chứng chỉ III
4
- Kiến thức thực tế và lý thuyết tương đối rộng trong phạm vi của ngành, nghề đào tạo.
- Kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội và pháp luật đáp ứng yêu cầu công việc nghề nghiệp và hoạt động xã hội thuộc lĩnh vực chuyên môn.
- Kiến thức về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc.
- Kỹ năng nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ, giải quyết vấn đề bằng việc lựa chọn và áp dụng các phương pháp cơ bản, công cụ, tài liệu và thông tin.
- Kỹ năng sử dụng các thuật ngữ chuyên môn của ngành, nghề đào tạo trong giao tiếp hiệu quả tại nơi làm việc; phản biện và sử dụng các giải pháp thay thế; đánh giá chất lượng công việc và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm.
- Có năng lực ngoại ngữ bậc 1/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam
- Làm việc độc lập trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm một phần đối với nhóm.
- Hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện công việc đã định sẵn.
- Đánh giá hoạt động của nhóm và kết quả thực hiện.
35 Tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp THPT, 50 Tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp THCS
Bằng Trung cấp
5
- Kiến thức thực tế và lý thuyết rộng trong phạm vi của ngành, nghề đào tạo.
- Kiến thức cơ bản về chính trị; văn hóa, xã hội và pháp luật đáp ứng yêu cầu công việc nghề nghiệp và hoạt động xã hội thuộc lĩnh vực chuyên môn.
- Kiến thức về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc.
- Kiến thức thực tế về quản lý, nguyên tắc và phương pháp lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá các quá trình thực hiện trong phạm vi của ngành, nghề đào tạo.
- Kỹ năng nhận thức và tư duy sáng tạo để xác định, phân tích và đánh giá thông tin trong phạm vi rộng;
- Kỹ năng thực hành nghề nghiệp giải quyết phần lớn các công việc phức tạp trong phạm vi của ngành, nghề đào tạo;
- Kỹ năng nhận thức, tư duy sáng tạo để xác định, phân tích và đánh giá thông tin trong phạm vi rộng.
- Kỹ năng truyền đạt hiệu quả các thông tin, ý tưởng, giải pháp tới người khác tại nơi làm việc;
- Có năng lực ngoại ngữ bậc 2/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam
- Làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm, giải quyết công việc, vấn đề phức tạp trong điều kiện làm việc thay đổi.
- Hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện nhiệm vụ xác định; chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm.
- Đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm.
60 Tín chỉ
Bằng Cao đẳng
6
- Kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết sâu, rộng trong phạm vi của ngành đào tạo.
- Kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, khoa học chính trị và pháp luật.
- Kiến thức về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc.
- Kiến thức về lập kế hoạch, tổ chức và giám sát các quá trình trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể.
- Kiến thức cơ bản về quản lý, điều hành hoạt động chuyên môn.
- Kỹ năng cần thiết để có thể giải quyết các vấn đề phức tạp.
- Kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác.
- Kỹ năng phản biện, phê phán và sử dụng các giải pháp thay thế trong điều kiện môi trường không xác định hoặc thay đổi.
- Kỹ năng đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm.
- Kỹ năng truyền đạt vấn đề và giải pháp tới người khác tại nơi làm việc; chuyển tải, phổ biến kiến thức, kỹ năng trong việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể hoặc phức tạp.
- Có năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.
- Làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm.
- Hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện nhiệm vụ xác định.
- Tự định hướng, đưa ra kết luận chuyên môn và có thể bảo vệ được quan điểm cá nhân.
- Lập kế hoạch, điều phối, quản lý các nguồn lực, đánh giá và cải thiện hiệu quả các hoạt động.
120-180 Tín chỉ
Bằng Đại học
7
- Kiến thức thực tế và lý thuyết sâu, rộng, tiên tiến, nắm vững các nguyên lý và học thuyết cơ bản trong lĩnh vực nghiên cứu thuộc chuyên ngành đào tạo.
- Kiến thức liên ngành có liên quan.
- Kiến thức chung về quản trị và quản lý.
- Kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin để đưa ra giải pháp xử lý các vấn đề một cách khoa học;
- Có kỹ năng truyền đạt tri thức dựa trên nghiên cứu, thảo luận các vấn đề chuyên môn và khoa học với người cùng ngành và với những người khác.
- Kỹ năng tổ chức, quản trị và quản lý các hoạt động nghề nghiệp tiên tiến.
- Kỹ năng nghiên cứu phát triển và sử dụng các công nghệ một cách sáng tạo trong lĩnh vực học thuật và nghề nghiệp.
- Có trình độ ngoại ngữ tương đương bậc 4/6 Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.
- Nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến quan trọng.
- Thích nghi, tự định hướng và hướng dẫn người khác.
- Đưa ra những kết luận mang tính chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn.
- Quản lý, đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn.
30-60 Tín chỉ
Bằng Thạc sĩ
8
- Kiến thức tiên tiến, chuyên sâu ở vị trí hàng đầu của một lĩnh vực khoa học;
- Kiến thức cốt lõi, nền tảng thuộc lĩnh vực của chuyên ngành đào tạo.
- Kiến thức về tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới.
- Kiến thức về quản trị tổ chức.
- Kỹ năng làm chủ các lý thuyết khoa học, phương pháp, công cụ phục vụ nghiên cứu và phát triển.
- Kỹ năng tổng hợp, làm giàu và bổ sung tri thức chuyên môn.
- Kỹ năng suy luận, phân tích các vấn đề khoa học và đưa ra những hướng xử lý một cách sáng tạo, độc đáo.
- Kỹ năng quản lý, điều hành chuyên môn trong nghiên cứu và phát triển.
- Tham gia thảo luận trong nước và quốc tế thuộc ngành hoặc lĩnh vực nghiên cứu và phổ biến các kết quả nghiên cứu.
- Nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới.
- Đưa ra các ý tưởng, kiến thức mới trong những hoàn cảnh phức tạp và khác nhau.
- Thích ứng, tự định hướng và dẫn dắt những người khác.
- Phán quyết, ra quyết định mang tính chuyên gia.
- Quản lý nghiên cứu và có trách nhiệm cao trong việc học tập để phát triển tri thức chuyên nghiệp, kinh nghiệm và sáng tạo ra ý tưởng mới và quá trình mới.
90-120 Tín chỉ
Bằng Tiến sĩ
(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2016)
Phụ lục 3
CƠ CẤU MẠNG LƯỚI TRƯỜNG, LỚP HỌC, NGƯỜI HỌC
(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017)
Phụ lục 4
KẾT QUẢ XẾP LOẠI HẠNH KIỂM VÀ HỌC LỰC
TRUNG HỌC CƠ SỞ
Năm học
Hạnh kiểm (%)
Học lực (%)
2014-2015
Tốt
79.25
Khá
17.69
TB
2.92
Yếu
0.15
Giỏi
22.52
Khá
36.59
TB
35.73
Yếu
4.88
Kém
0.28
2015-2016
80.45
16.77
2.65
0.13
23.52
36.84
34.89
4.40
0.35
KẾT QUẢ XẾP LOẠI HẠNH KIỂM VÀ HỌC LỰC
TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Năm học
Hạnh kiểm (%)
Học lực (%)
2014-2015
Tốt
75.95
Khá
19.23
TB
4.23
Yếu
0.59
Giỏi
11.88
Khá
45.15
TB
36.15
Yếu
6.46
Kém
0.36
2015-2016
78.20
17.76
3.55
0.49
14.43
46.81
46.81
5.18
0.28
Nguồn: [Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 của ngành giáo dục, tr.104]
Phụ lục 5
KẾT QỦA PHÂN TÍCH ĐIỂM THI THPT QUỐC GIA NĂM 2017
(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017)
Phụ lục 6
SỐ GIÁO VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG
TÍNH THEO TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN
Sơ bộ 2016
TỔNG SỐ - Người
Tổng số
72.346,0
Trên đại học
59.736,0
Đại học, cao đẳng
12.461,0
Trình độ khác
149,0
Công lập - Người
Tổng số
57.198,0
Trên đại học
48.790,0
Đại học, cao đẳng
8.278,0
Trình độ khác
130,0
Ngoài công lập - Người
Tổng số
15.148,0
Trên đại học
10.946,0
Đại học, cao đẳng
4.183,0
Trình độ khác
19,0
Chỉ số phát triển (Năm trước = 100) - TỔNG SỐ (%)
Tổng số
104,0
Trên đại học
109,3
Đại học, cao đẳng
83,6
Trình độ khác
298,0
Chỉ số phát triển (Năm trước = 100) - Công lập (%)
Tổng số
103,2
Trên đại học
108,4
Đại học, cao đẳng
79,7
Trình độ khác
764,7
Chỉ số phát triển (Năm trước = 100) - Ngoài công lập (%)
Tổng số
106,8
Trên đại học
113,4
Đại học, cao đẳng
92,8
Trình độ khác
57,6
Chú thích: Năm 2016, không bao gồm số liệu về cao đẳng.
(Nguồn: Niên giám thông kê 2016)
Phụ lục 7
BIỂU TỔNG HỢP THỰC TRẠNG CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ
THIẾT BỊ DẠY HỌC TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC CÔNG LẬP
(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017)
Phụ lục 8
TỔNG CHI NGÂN SÁCH SỰ NGHIỆP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
CỦA CÁC CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011-2015 (Đơn vị: Triệu đồng):
TT
Tên đơn vị
Năm 2011
Năm 2012
Năm 2013
Năm 2014
Năm 2015
Giai đoạn
2011-2015
1
Học viện Chính trị - Hành chính QG HCM
38.490
33.050
40.480
28.580
21.660
162.260
2
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
781.314
822.480
693.540
683.280
743.590
3.724.204
3
Bộ Giao thông vận tải
57.320
62.240
58.630
59.130
54.870
292.190
4
Bộ Công thương
241.797
281.480
307.140
304.430
360.820
1.495.667
5
Bộ Xây dựng
69.780
80.440
81.260
89.050
149.500
470.030
6
Bộ Y tế
91.965
125.860
119.670
98.280
133.340
569.115
7
Bộ Khoa học và Công nghệ
549.455
1.263.660
1.260.780
1.395.900
2.528.920
6.998.715
8
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
27.140
32.490
30.490
29.330
31900
151.350
9
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
32.950
37.420
32.830
35.560
35.630
174.390
10
Bộ Tài nguyên và Môi trường
122.140
231.290
230.080
225.250
274.210
1.082.970
11
Bộ Thông tin và Truyền Thông
17.970
21.510
17.900
13.160
15.130
85.670
12
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
391.120
485.330
555.110
607.010
820.240
2.858.810
13
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
224.280
233.460
282.490
279.170
366.980
1.386.380
14
Bộ Giáo dục và Đào tạo
272.749
326.940
239.060
238.790
206.370
1.283.909
15
Đại học Quốc gia Hà Nội
66.406
68.250
68.640
50.600
52.090
305.986
16
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
65.630
137.980
73.090
61.390
56.510
394.600
(Nguồn: Báo cáo Giám sát việc phân bổ và sử dụng ngân sách KHCN giai đoạn 2011- 2015, UB KHCN&MT, Quốc hội, ngày 6/10/2015)