Luận án Xây dựng hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa hiện nay

LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. TÁC GIẢ LUẬN ÁN Phạm Hồng Binh MỤC LỤC Trang TRANG PHỤ BÌA LỜI CAM ĐOAN MỤC LỤC DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT MỞ ĐẦU 5 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 10 Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ HUYỆN ĐẢO TRƯỜNG SA 30 1.1. Hệ thống chính trị ở Việt Nam và hệ thống chí

doc195 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 17/01/2022 | Lượt xem: 204 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Luận án Xây dựng hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
nh trị huyện đảo Trường Sa hiện nay 30 1.2. Quan niệm và đặc điểm xây dựng hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa hiện nay 59 Chương 2 THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ HUYỆN ĐẢO TRƯỜNG SA HIỆN NAY 68 2.1. Thực trạng xây dựng hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa 68 2.2. Nguyên nhân và một số vấn đề đặt ra trong xây dựng hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa hiện nay 86 Chương 3 YÊU CẦU VÀ GIẢI PHÁP CƠ BẢN XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ HUYỆN ĐẢO TRƯỜNG SA HIỆN NAY 102 3.1. Những nhân tố tác động và yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa hiện nay 102 3.2. Một số giải pháp cơ bản xây dựng hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa hiện nay 119 KẾT LUẬN 156 DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ Đà ĐƯỢC CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 159 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 160 PHỤ LỤC DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT STT Viết đầy đủ Viết tắt 1 Ban Chấp hành Trung ương BCHTW 2 Chủ nghĩa đế quốc CNĐQ 3 Chủ nghĩa xã hội CNXH 4 Chủ quyền biển, đảo CQBĐ 5 Đảng Cộng sản Việt Nam ĐCSVN 6 Hệ thống chính trị HTCT 7 Hội đồng nhân dân HĐND 8 Tư bản chủ nghĩa TBCN 9 Ủy ban nhân dân UBND 10 Xã hội chủ nghĩa XHCN MỞ ĐẦU Giới thiệu khái quát về công trình nghiên cứu Đề tài “Xây dựng hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa hiện nay” được thực hiện dưới góc độ khoa học của chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học. Đây là công trình nghiên cứu dựa trên hệ thống những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng xã hội chủ nghĩa; quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTCT ở Việt Nam, về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trong quá trình triển khai công trình này, tác giả đã tham khảo kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học trong và ngoài nước có liên quan; các báo cáo sơ kết, tổng kết các mặt công tác của Quân chủng Hải quân; của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa; của UBND huyện đảo Trường Sa và số liệu khảo sát thực tiễn của tác giả tại một số đảo thuộc huyện đảo Trường Sa để giải quyết các vấn đề nghiên cứu đặt ra. Kết cấu công trình gồm: mở đầu, 3 chương (6 tiết), kết luận, danh mục các công trình khoa học đã công bố của tác giả, danh mục tài liệu tham khảo và phần phụ lục. Với dung lượng 150 trang nội dung, tác giả tập trung nghiên cứu, luận giải những vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa; phân tích, đánh giá thực trạng xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa; đề xuất yêu cầu và giải pháp cơ bản xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa hiện nay. Đây là công trình nghiên cứu độc lập, không trùng lặp với bất cứ công trình nghiên cứu khoa học nào đã công bố. Lý do lựa chọn đề tài Việt Nam là một quốc gia ven biển, có diện tích bề mặt biển khoảng 3.448.000 km2; 3260 km bờ biển; nhiều hải cảng lớn; hơn 3000 hòn đảo lớn, nhỏ và gần một triệu km2 thềm lục địa. Vùng biển Việt Nam không chỉ có tiềm năng kinh tế lớn, mà còn giữ vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị và quốc phòng – an ninh của đất nước. Bước sang thế kỷ XXI, trong bối cảnh nguồn tài nguyên trên lục địa ngày càng cạn kiệt, cùng với sự gia tăng dân số và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ làm cho tất cả các nước có biển cũng như không có biển đều nhất loạt hiện thực hóa kế hoạch vươn ra biển nhằm tìm kiếm, tranh giành nguồn lợi to lớn từ biển. Vì vậy, vấn đề tranh chấp chủ quyền quốc gia trên các vùng biển trở thành vấn đề chính trị hết sức nhạy cảm và phức tạp trên thế giới. Biển Đông nói chung, khu vực Trường Sa nói riêng, có vị trí chiến lược trong sự phát triển kinh tế và quốc phòng – an ninh của khu vực và thế giới, được nhiều nước đặc biệt quan tâm. Các nước ven biển trong khu vực, vì có quyền lợi trực tiếp ở đây nên luôn tăng cường tranh chấp chủ quyền, làm cho vấn đề chủ quyền quốc gia ở Biển Đông nói chung, trên các đảo của Trường Sa nói riêng trở thành “điểm nóng”, tạo ra những mâu thuẫn, dẫn đến những xung đột giữa các nước trong khu vực. Mặt khác, một số nước có tiềm lực khoa học công nghệ và quân sự trên thế giới, vì những mục tiêu kinh tế, chính trị khác nhau, đã luôn tìm cách can thiệp, gây áp lực cho các nước trong khu vực, làm cho vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông ngày càng phức tạp và vượt ra khỏi phạm vi khu vực. Vì vậy, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên mà còn là vấn đề mang tính cấp bách, có ý nghĩa chiến lược, quyết định đến sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả HTCT dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó, lực lượng tại chỗ là trực tiếp và nòng cốt. Huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, nằm giữa Biển Đông, án ngữ đường hàng hải, hàng không quan trọng của khu vực và thế giới; đồng thời, là một vùng biển giàu tài nguyên, chưa được khai thác. Vì vậy, các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa đang là tâm điểm cho những tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, là vấn đề nhạy cảm về an ninh - chính trị của cả khu vực và thế giới. Xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa vững mạnh, thể hiện sự quản lý thống nhất về mặt nhà nước của Việt Nam đối với vùng biển này, là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam ở Trường Sa; đồng thời, là điều kiện tiên quyết cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng – an ninh bảo vệ vững chắc chủ quyền Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của huyện đảo Trường Sa nói chung, HTCT huyện đảo Trường Sa nói riêng, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách nhằm củng cố, xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Để thực hiện mục tiêu: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh” [46, tr.76], Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương: “Thực hiện dân sự hóa trên biển, đảo gắn với tổ chưc dân cư, tổ chức sản xuất và khai thác biển. Có chính sách đặc biệt để khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra định cư ổn định trên đảo và làm ăn dài ngày trên biển. Thí điểm xây dựng các khu quốc phòng – kinh tế tại các đảo, quần đảo Trường Sa, vùng biển, đảo ở Đông Bắc ” [46, tr.85]. Chủ trương của Đảng là cơ sở để tỉnh Khánh Hòa kết hợp với các bộ, ngành Trung ương tiến hành các nội dung, biện pháp xây dựng HTCT, đẩy mạnh tiến trình dân sự hóa huyện đảo Trường Sa. Trên thực tiễn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của HTCT huyện đảo Trường Sa không ngừng được củng cố; chất lượng đội ngũ cán bộ công chức huyện đảo Trường Sa không ngừng được nâng cao; cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội ở huyện đảo từng bước được xây dựng, phát triển và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, do sự chia cắt về địa lý; sự khắc nghiệt về môi trường hoạt động; sự thiếu hụt về tổ chức, chồng chéo về cơ chế quản lý; những hạn chế về năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ công chức và những diễn biến phức tạp trên khu vực Biển Đông, làm cho hoạt động của HTCT huyện đảo Trường Sa còn những biểu hiện hạn chế, chưa hiệu quả, chưa ngang tầm với vị thế của một huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Vì vậy, xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa vững mạnh, với cơ cấu hợp lý, cơ chế hoạt động hiệu quả, có khả năng độc lập xử lý linh hoạt các mối quan hệ phức tạp trên biển là nhiệm vụ cấp bách, đáp ứng yêu cầu bảo vệ độc lập chủ quyền biển, đảo và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. Vấn đề đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTCT ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã và đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm; được nhiều học giả nghiên cứu dưới những góc độ tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa, một huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, với nhiều tính đặc thù như hiện nay, chưa có một công trình khoa học nào đề cập đến với tư cách là một đề tài độc lập, hoàn chỉnh. Từ những lý do trên, tác giả chọn đề tài “Xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa hiện nay” làm luận án tiến sĩ triết học, chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học. 3. Mục đích nghiên cứu của luận án Luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất yêu cầu, giải pháp xây dựng HTCT phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của huyện đảo Trường Sa nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam hiện nay. 4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của luận án 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa hiện nay. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu các hoạt động xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa từ khi được thành lập đến nay. Phạm vi khảo sát thực tế tại huyện đảo Trường Sa, tập trung tại UBND huyện Trường Sa, thị trấn Trường Sa, hai xã Sinh Tồn và Song Tử Tây. Số liệu khảo sát chủ yếu từ năm 2007 đến 2013, phương hướng, giải pháp xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa đến năm 2020. 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án 5.1. Đóng góp mới của luận án - Luận giải tính đặc thù và vai trò của HTCT huyện đảo Trường Sa - Làm rõ quan niệm, đặc điểm xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa hiện nay. - Đề xuất yêu cầu và giải pháp cơ bản xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa hiện nay. 5.2. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp thêm cơ sở khoa học cho các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các chủ thể trong xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa hiện nay. Luận án có thể làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu, giảng dạy các môn công tác đảng, công tác chính trị, môn chủ nghĩa xã hội khoa học, môn Nhà nước và Pháp luật ở các học viện, nhà trường trong Quân đội. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1. Tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án 1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến hệ thống chính trị trên thế giới và ở Việt Nam 1.1.1. Các công trình nghiên cứu về hệ thống chính trị trên thế giới Hệ thống chính trị có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Hoạt động của hệ thống chính trị vừa phản ánh tư tưởng của giai cấp cầm quyền, vừa phản ánh bản chất của chế độ xã hội, đồng thời cũng phản ánh trình độ phát triển xã hội ở mỗi quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử. Vì vậy, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về hệ thống chính trị trên thế giới, với những tên gọi khác nhau, góc độ tiếp cận từ tổng thể đến từng yếu tố cấu thành của hệ thống chính trị. Tiêu biểu là: Công trình “Một số lý thuyết và kinh nghiệm tổ chức nhà nước trên thế giới ” của TS Thang Văn Phúc và PGS TS Nguyễn Đăng Thành [112] đã phản ánh khá đầy đủ lý luận và thực tiễn về các mô hình nhà nước, cách thức tổ chức hệ thống thiết chế chính trị trong các mô hình nhà nước trên thế giới trong lịch sử. Trong công trình này này, các tác giả đã khái quát về nguồn gốc và quyền lực của nhà nước trong lịch sử phương Đông cổ đại; thời kỳ tiền tư bản ở phương Tây; mô hình nhà nước tư sản hiện đại; những quan điểm cơ bản của học thuyết Mác-Lênin về nhà nước; mô hình nhà nước Liên Bang Xô - Viết và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa v.v.. Khi phân tích hình thức tổ chức nhà nước tư sản hiện đại, các tác giả đã khẳng định: dân chủ đa nguyên là nền tảng lý luận, thống nhất và chia tách xã hội là những cơ sở thực tiễn – lịch sử, đa số và đồng thuận là hai phương thức căn bản trong tổ chức và vận hành nhà nước tư sản hiện đại. Các tác giả cũng đưa ra những nhận xét về mô hình tổ chức nhà nước tư sản hiện đại và khẳng định: “các mô hình tổ chức nhà nước tư sản (mô hình đa số, đồng thuận hay hình thái trung gian) đều chứa đựng trong nó bản chất chính trị, gắn liền với hệ giá trị tư sản” [112, tr.236]. Khi nêu lên những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về tổ chức nhà nước, so sánh với các mô hình nhà nước tư sản hiện đại, các tác giả đã nhấn mạnh: “việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa luôn đảm bảo sự tập trung thống nhất quyền lực. Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân lao động, các cơ quan nhà nước trực tiếp do dân bầu ra, và đến lượt nó, nhà nước hướng mọi hoạt động vào việc chăm lo đời sống cho nhân dân lao động. Đây là điểm khác biệt với tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc phân chia quyền lực của nhà nước tư sản” [112, tr.250]. Công trình “Thể chế chính trị thế giới đương đại” của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh [64] là công trình nghiên cứu của tập thể các tác giả, phản ánh lịch sử hình thành và phát triển cũng như đặc trưng cơ bản của một số thể chế chính trị tiêu biểu trên thế giới. Trên cơ sở đưa ra quan niệm về thể chế chính trị, các tác giả khẳng định, thể chế chính trị bao gồm thể chế nhà nước, thể chế đảng chính trị và thể chế các tổ chức chính trị - xã hội. Như vậy, quan niệm về thể chế chính trị có những điểm tương đồng với quan niệm hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay. Các tác giả của công trình này đã khẳng định, hiện nay trên thế giới có khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có chế độ chính trị khác nhau nhưng đều thiết lập trên đó những thể chế chính trị hoặc quân chủ hoặc cộng hòa. Việc phân chia các hình thức thể chế chính trị được căn cứ vào lực lượng giữ vị trí đứng đầu của các quốc gia. Lực lượng này có thể là cá nhân hoặc tập thể, với quyền lực tuyệt đối hay hạn chế đối với các hoạt động của xã hội. Trong mỗi hình thức thể chế chính trị lại có những mô hình khác nhau như: trong hình thức thể chế quân chủ gồm có quân chủ chuyên chế và quân chủ lập hiến; trong hình thức thể chế cộng hòa lại có mô hình cộng hòa tổng thống, cộng hòa đại nghi, cộng hòa lưỡng tính và cộng hòa xô viết. Các tác giả đã phân tích, làm rõ những đặc trưng cơ bản của các hình thức và mô hình thể chế chính trị cơ bản trên thế giới và làm rõ những đặc điểm cơ bản của một số thể chế chính trị tiêu biểu trên thế giới như: thể chế quân chủ lập hiến ở Anh, thể chế cộng hòa tổng thống ở Mỹ, thể chế cộng hòa lưỡng tính ở Pháp hay thể chế cộng hòa Liên bang Xô Viết trước đây v.v.. Công trình “Thể chế chính trị các nước Châu Âu” của các tác giả: Thái Vĩnh Thắng, Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Chu Dương [130] đã khái quát thể chế chính trị của 45 nước Châu Âu. Về thể chế chính trị các nước Châu Âu, các tác giả đã chia thành 5 nhóm mô hình thể chế chính trị gắn với một số nước đại diện như: Mô hình quân chủ ở Anh, mô hình cộng hòa ở Pháp, mô hình cộng hòa đại nghị ở Italia, mô hình cộng hòa tổng thống ở Shíp và mô hình cộng hòa hỗn hợp ở Ba Lan, Phần Lan, Rumani v.v.. Trong mỗi mô hình thể chế chính trị nêu trên, các tác giả đã làm rõ những đặc trưng cơ bản của các thể chế chính trị đó như: hình thức tổ chức nhà nước, các nguyên thủ quốc gia, tổ chức nghị viện, hệ thống tư pháp, chính quyền địa phương, các đảng chính trị và các nhóm quan hệ lợi ích giữa các quốc gia Châu Âu. Đây là những mô hình thể chế chính trị tiêu biểu ở Châu Âu, đồng thời cũng là mô hình điển hình đang được vận dụng xây dựng cho thể chế chính trị ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Công trình “Thể chế chính trị và tổ chức bộ máy nhà nước các nước ASEAN” là một đề tài khoa học cấp Bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo [17] đã khái quát toàn bộ thể chế chính trị của 9 nước ASEAN (trừ Việt Nam). Đề tài đã chỉ ra 4 đặc điểm cơ bản của thể chế chính trị các nước ASEAN đó là: một là, quá trình hình thành và phát triển của thể chế chính trị các nước ASEAN (trừ Thái Lan) gắn liền với quá trình đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc. Đến nay, có 8/10 nước xây dựng thể chế chính trị theo mô hình TBCN (trừ Việt Nam và Lào). Trong ðó, có 4 nước theo hình thức quân chủ lập hiến là: Brunây, Campuchia, Malaixia, Thái Lan; 02 nước theo thể chế chính trị cộng hòa tổng thống là: Philippin và Inđônêxia; 01 nước theo thể chế chính trị cộng hòa đại nghị là Singapo; riêng Myanma theo hiến pháp năm 1947 là thể chế chính trị cộng hòa dân chủ đại nghị, nhưng sau cuộc đảo chính những năm 1962 – 1974 và năm 1988, đến nay thể chế chính trị của Myanma vẫn là chế độ quân quản. Nước Lào, sau khi giành độc lập đã phát triển theo con đường XHCN theo mô hình thể chế chính trị cộng hòa dân chủ nhân dân. Hai là, thể chế chính trị của các nước ASEAN đi theo con đường TBCN được mô phỏng theo mô hình các nước phương Tây nhưng không có sự tương đồng về lịch sử và điều kiện kinh tế - xã hội cho nên không thể tạo được nền tảng cho việc thực thi nền dân chủ tư sản như ở phương Tây. Ba là, dân sự hóa và dân chủ hóa đang trở thành xu hướng phát triển của các nước ASEAN theo con đường TBCN hiện nay. Bốn là, dù tồn tại rất nhiều đảng phái chính trị, tuy nhiên ở tất cả các nước ASEAN theo TBCN chỉ có một đảng hoặc liên minh một số đảng nhất định giữ vị trí cầm quyền trong những thời gian dài. Từ thực trạng thể chế chính trị các nước ASEAN, đề tài khẳng định, việc xác định mô hình xây dựng thể chế chính trị của các quốc gia cần phải căn cứ vào điều kiện lịch sử và những đặc điểm kinh tế - xã hội của từng quốc gia, tránh hiện tượng rập khuôn máy móc và sự áp đặt của các thế lực bên ngoài. Công trình “Thể chế đảng cầm quyền – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của tác giả Đặng Đình Tân [127] đã phân tích các mô hình tổ chức bộ máy chính quyền trong lịch sử; phân tích rất rõ bản chất của chủ nghĩa đa nguyên chính trị và khẳng định, dù về mặt hình thức, thể chế đa nguyên là sự tồn tại hợp pháp của nhiều đảng tham gia vào quá trình lãnh đạo xã hội, nhưng về thực chất, mọi chủ trương phát triển xã hội đều do một đảng quyết định. Vì vậy, vấn đề nhất nguyên hay đa nguyên không phải là yếu tố để đem ra định lượng cho một chế độ dân chủ. Khi phân tích về nguyên tắc và quá trình lãnh đạo của ĐCS Việt Nam, tác giả đã khẳng định, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nguyên nhân cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng thời, tác giả cũng nêu ra một số yêu cầu đổi mới và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. 1.1.2. Các công trình nghiên cứu liên quan đến đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở Việt Nam Các công trình nghiên cứu liên quan đến đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của HTCT ở Việt Nam gắn liền với sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Các công trình nghiên cứu tiêu biểu về vấn đề này đó là: Công trình “Thể chế chính trị Việt Nam lịch sử hình thành và phát triển” của PGS TS Lưu Văn An [2] đã nêu lên quan niệm về thể chế chính trị và vai trò của nó đối với đời sống chính trị - xã hội ở nước ta. Tác giả đã khẳng định, thể chế chính trị Việt Nam hiện nay là kết quả của hơn 60 năm đấu tranh, xây dựng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Ra đời sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trải qua những giai đoạn kháng chiến chống đế quốc, thực dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thể chế chính trị ở nước ta không ngừng được đổi mới, hoàn thiện, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể. Khi nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của thể chế chính trị Việt Nam, tác giả đã chia thành các giai đoạn: giai đoạn 1945 - 1954; 1954 – 1975; 1975 – 1992 và từ 1992 đến nay. Trong mỗi giai đoạn, tác giả đã trình bày khá chi tiết về hoàn cảnh lịch sử; vị trí, vai trò của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội và đánh giá về thể chế chính trị đối với sự phát triển của đất nước. Tác giả khẳng định, việc nghiên cứu làm sáng tỏ quá trình hình thành của thể chế chính trị Việt Nam, khẳng định các giá trị để kế thừa phát huy, chỉ ra những hạn chế để khắc phục, không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Công trình “Xây dựng hệ thống chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh” là công trình nghiên cứu khoa học của nhiều tác giả [107]. Với 40 bài viết của các nhà khoa học, công trình này đã làm rõ những mảng lý luận cơ bản về HTCT, sự cần thiết và định hướng xây dựng các yếu tố cấu thành HTCT ở nước ta; chỉ rõ bản chất, đặc trưng và mục tiêu hoạt động của HTCT; nêu lên những vấn đề có tính nguyên tắc trong đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của cả HTCT nói chung cũng như từng thành tố cấu thành HTCT ở nước ta nói riêng. Trên cơ sở đó, các tác giả đã chỉ ra yêu cầu và giải pháp cơ bản để củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân; những vấn đề cấp bách trong củng cố tư tưởng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ công chức và những yêu cầu phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Công trình “Đổi mới quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ở Việt Nam” do GS, TS Lê Hữu Nghĩa, GS, TS Hoàng Chí Bảo và PGS, TS Bùi Đình Bôn đồng chủ biên [104] đã phân tích những điểm trọng yếu cần nắm vững, những nguyên tắc hàng đầu và những nội dung cốt lõi của việc đổi mới quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay. Các tác giả đã chỉ ra những nhân tố tác động đến quá trình đổi mới, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế và nguyên trong các giai đoạn; đúc rút thành các bài học kinh nghiệm và đưa ra kiến giải nhằm đổi mới những mối quan hệ này trên tinh thần giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong việc thực hiện đường lối phát triển đất nước. Các tác giả khẳng định, công cuộc đổi mới đòi hỏi phải xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ và phương thức vận hành của từng tổ chức trong HTCT; phải gắn liền đổi mới, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với quá trình cải cách, hoàn thiện bộ máy Nhà nước, kiện toàn, củng cố các tổ chức chính trị - xã hội. Các tác giả nhấn mạnh, đổi mới quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội phải đồng thời là sự nghiệp tự đổi mới của hệ thống trong thượng tầng kiến trúc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được toàn dân tham gia đóng góp. Công trình “Quá trình đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam (1986-2011)” của TS Phạm Ngọc Trâm [149] là công trình nghiên cứu toàn diện về quá trình hình thành, phát triển của HTCT ở Việt Nam. Trong công trình này, TS Phạm Ngọc Trâm đã khái quát quá trình xây dựng và phát triển của HTCT ở Việt Nam giai đoạn từ 1945 đến 1986 và phân tích những nhân tố tác động; quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tăng cường vai trò của mặt trận, các đoàn thể, phát huy dân chủ, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn từ 1986 đến 2011. Công trình “Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay” của Viện Chính trị học – Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, do TS Nguyễn Hữu Đổng chủ biên [57] đã khái quát những vấn đề cơ bản của HTCT ở Việt Nam; làm rõ chức năng, vai trò của ĐCSVN và các tổ chức chính trị - xã hội trong HTCT; thực trạng hoạt động và những vấn đề đặt ra trong tổ chức và hoạt động của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong HTCT Việt Nam hiện nay. Công trình “Xây dựng chỉnh đốn Đảng một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của GS TS Nguyễn Phú Trọng [150] là công trình nghiên cứu tổng thể về công tác xây dựng Đảng ở nước ta. Trong công trình này, tác giả đã trình bày một cách hệ thống những vấn đề cơ bản về Đảng và công tác xây dựng Đảng ở Việt Nam; chỉ rõ vai trò của ĐCSVN trong công cuộc đổi mới đất nước; yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay; biện pháp xây dựng Đảng về chính trị, trư tưởng, tổ chức; rèn luyện đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ đảng viên v.v.. Những vấn đề tác giả chỉ ra từ năm 2005, nay đã được ĐCSVN cụ thể hóa trong Nghị quyết Trung ương IV khóa X “Những vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”. 1.2. Các công trình nghiên cứu liên quan đến xây dựng hệ thống chính trị cấp huyện ở Việt Nam Huyện là đơn vị hành chính cơ bản trong hệ thống hành chính lãnh thổ ở nước ta. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTCT cấp huyện là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp đổi mới HTCT ở Việt Nam. Vì vậy, đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về vấn đề này. Tiêu biểu là: Công trình “Đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị cấp huyện một số tỉnh miền núi phía Bắc trong điều kiện hiện nay” do TS Lê Văn Phụng làm chủ nhiệm đề tài [114] đã đưa ra quan niệm về phương thức hoạt động của HTCT cấp huyện ở một số tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam. Thông qua khảo sát thực tiễn, các tác giả đã khái quát những đặc điểm của các mô hình tổ chức HTCT cấp huyện trong 14 tỉnh phía Bắc; nêu lên những nhân tố tác động đến mô hình tổ chức HTCT cấp huyện, trong đó nhấn mạnh sự tác động của điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội của các huyện; đưa ra quan điểm, phương hướng và những giải pháp cơ bản đổi mới phương thức hoạt động của HTCT cấp huyện ở một số tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay. Công trình “Đổi mới hệ thống chính trị cấp huyện ở Nghệ An” của Trần Khánh Sơn [126] đã nghiên cứu HTCT cấp huyện của một tỉnh cụ thể ở miền Trung Việt Nam; khẳng định vai trò to lớn của HTCT cấp huyện đối với quá trình phát triển của địa phương; nêu lên sự cần thiết, quan điểm và đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm đổi mới tổ chức và hoạt đông của HTCT cấp huyện ở Nghệ An. Trong đó, tác giả quan niệm, đổi mới HTCT cấp huyện không phải là một công việc riêng lẻ, biệt lập, mà gắn bó và tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, kết cấu xã hội, dân trí và lợi ích của người dân trên địa bàn. Tác giả khẳng định: “Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội là nhân tố quyết định đổi mới HTCT cấp huyện ở tỉnh Nghệ An” [126, tr.88]. Công trình “Cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về kinh tế cấp quận/huyện tại thành phố Hồ Chí Minh” của Trần Công Lý [83] đã tập trung nghiên cứu về khái niệm quản lý hành chính và cải cách hành chính; phân tích yêu cầu khách quan phải đẩy mạnh cải cách hành chính; nêu lên quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nội dung cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về kinh tế cấp quận/huyện ở thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả khẳng định: “Cải cách hành chính là trọng tâm của sự nghiệp xây dựng và kiện toàn Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm những thay đổi có chủ định nhằm hoàn thiện thể chế của nền hành chính, cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy hành chính các cấp; đội ngũ công chức hành chính và quản lý tài chính công để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính công phục vụ nhân dân” [83, tr.4]. Các công trình “Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị cấp huyện ở tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay” của Tăng Nghĩa [103] và “Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện ở tỉnh ĐăK LắK trong giai đoạn hiện nay” của Nguyễn Thành Dũng [32] đã nghiên cứu xây dựng đội ngũ cán bộ công chức cho các tổ chức thuộc HTCT cấp huyện ở những địa phương cụ thể của Việt Nam. Mặc dù phạm vi nghiên cứu khác nhau, nhưng cả hai công trình đều đề cập đến vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện đối với quá trình lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của HTCT ở địa phương. Các tác giả đã khẳng định: Trong bất kỳ thời kỳ nào của sự nghiệp cách mạng, cán bộ và công tác cán bộ luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là nhân tố cơ bản, quyết định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng, đảm bảo cho mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Trên cơ sở làm rõ vị trí, vai trò và thực trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị cấp huyện, các tác giả đã nêu lên phương hướng, yêu cầu và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cấp huyện ở địa phương, trong đó quan tâm đến các hoạt động quy hoạch, giáo dục, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ. Đó cũng là những nội dung cơ bản trong công tác cán bộ ở nước ta hiện nay. Công trình “Toàn cảnh biển đảo Việt Nam” của nhiều tác giả [109] đã đưa ra những tư liệu quan trọng về các huyện đảo trong cả nước. Khi khái quát về đảo và quần đảo của Việt Nam, các tác giả đã khẳng định: “Đảo và quần đảo ở nước ta có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; có vai trò lớn lao trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” [109, tr.11]. Các tác giả đã khái quát lịch sử quá trình xây dựng và phát triển huyện đảo tiêu biểu ở Việt Nam như: quá trình hình thành bộ máy hành chính và đưa dân ra sinh sống trên huyện đảo Bạch Long Vĩ; quá trình xây dựng, đặc trưng văn hóa của huyện đảo Phú Quý; về tiềm năng phát triển kinh tế ở các huyện đảo Phú Quốc, Cù Lao Chàm, Lý Sơn v.v.. Đây là kinh nghiệm quan trọng để tác giả luận án có thể kế thừa để đề xuất những giải pháp nhằm xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa hiện nay. Công trình “Chiến lược biển Việt Nam từ quan điểm đến thực tiễn” của Ban Tuyên giáo Trung ương, do PGS TS Phạm Văn Linh làm chủ biên [13], là công trình nghiên cứu về tiềm năng biển, đảo, thực tiễn phát triển kinh tế biển và bảo vệ CQBĐ Việt Nam. Trong công trình này, có nhiều nội dung phản ánh quá trình lãnh đạo, quản lý hoạt động thực tiễn của các huyện đảo và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ, cơ quan chức năng cấp tỉnh đối với hoạt động của một số huyện đảo cụ thể của nước ta như: huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh; huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải thuộc thành phố Hải Phòng; huyện đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận v.v.. Kinh nghiệm của các tỉnh có các huyện đảo, đặc biệt là kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh trong tiến hành công tác tuyên truyền, quy hoạch tổng thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát huy vai trò của HTCT trong xây dựng và phát triển các huyện đảo của Tỉnh là những dữ liệu tham khảo quan trọng cho tác giả luận án có thể kế thừa trong xây dựng hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa hiện nay. Công trình “Một số vấn đề trong chiến lược biển Việt Nam” là tập hợp các bài viết của nhiều tác giả [108]. Trong đó có rất nhiều bài viết về kế hoạch, lộ trình phát triển của các huyện đảo ở Việt Nam như: “Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với quốc phòng an ninh” của Vũ Vă...nh trị nước ta là HTCT XHCN, là chỉnh thể các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động theo điều lệ của các tổ chức và quy định của pháp luật Việt Nam nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân do ĐCSVN lãnh đạo. Đặc điểm cơ bản của HTCT ở Việt Nam là hệ thống mang tính nhất nguyên về chính trị; có tính thống nhất cả về tổ chức lẫn nguyên tắc hoạt động; là HTCT gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân; là HTCT có sự kết hợp chặt chẽ giữa tính giai cấp, tính dân tộc và tính nhân dân. Chế độ chính trị ở nước ta là thể chế chính trị thống nhất do một đảng cầm quyền. Trong lịch sử, đã có những giai đoạn có sự tồn tại của một số đảng phái chính trị khác nhau như Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội. Tuy nhiên, hai đảng này được tổ chức và hoạt động như những đảng đồng minh chiến lược của Đảng Cộng sản, thừa nhận vai trò lãnh đạo và vị trí cầm quyền duy nhất của ĐCSVN. Vì vậy, hoạt động của HTCT ở Việt Nam đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN; mọi tổ chức của HTCT đều do ĐCSVN sáng lập, vừa đóng vai trò là hình thức tổ chức tổ chức quyền lực của nhân dân, vừa là những tổ chức đại diện cho ý chí, nguyện vọng của quần chúng, đồng thời là những tổ chức mà thông qua đó, ĐCSVN thực hiện sự lãnh đạo đối với toàn xã hội. Toàn bộ các tổ chức trong HTCT ở Việt Nam đều lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Hệ thống chính trị ở Việt Nam thống nhất trong sự lãnh đạo của ĐCSVN, trong mục tiêu xây dựng CNXH, trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các tổ chức hợp thành từ Trung ương đến địa phương. Các tổ chức trong HTCT gắm bó mật thiết với nhau và là một bộ phận của xã hội, thực hiện mục tiêu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. “Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân” [38, 19]. Cấu trúc HTCT ở nước ta hiện nay bao gồm: ĐCSVN, Nhà nước Việt Nam XHCN và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật hiện hành. Cấu trúc này được thành lập thống nhất ở 4 cấp, tương ứng với các cấp tổ chức hành chính của Nhà nước. Mỗi tổ chức có vị trí, vai trò khác nhau do chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức quy định, nhưng cùng tác động vào các quá trình phát triển kinh tế – xã hội nhằm đảm bảo quyền lực của nhân dân trong các hoạt động thực tiễn của xã hội. Cụ thể là: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo HTCT và toàn xã hội, đồng thời là một bộ phận của HTCT. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chị sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng lãnh đạo xã hội thông qua hệ thống tổ chức đảng và giới thiệu đảng viên vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của HTCT. Hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước. Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là trụ cột của HTCT ở nước ta, là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do ĐCSVN lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước là công cụ tổ chức thực hiện ý chí và quyền lực của nhân dân. Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và và chịu sự giám sát của nhân dân. Nhà nước thay mặt nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân quản lý toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội. Mọi hoạt động của Nhà nước đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hệ thống tổ chức hành chính nhà nước ở Việt Nam được tổ chức thành 4 cấp: Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã trực thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn và tương đương. Nhà nước ta vừa là bộ máy hành chính, vừa là tổ chức quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân. Tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương. Các tổ chức chính trị - xã hội trong HTCT ở nước ta hiện nay là những tổ chức chính trị và chính trị - xã hội, được quy định và hoạt động hợp pháp trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, không phải tất cả các tổ chức xã hội hợp pháp đều nằm trong hệ thống tổ chức của HTCT, mà chỉ giới hạn một số tổ chức chính trị và chính trị - xã hội, do ĐCSVN tổ chức ra, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, bảo vệ quyền lợi và đảm bảo việc thực hiện đầy đủ quyền lực của nhân dân đối với xã hội. Tùy theo những điều kiện lịch sử cụ thể mà số lượng các tổ chức chính trị và chính trị - xã hội trong HTCT được quy định, bổ sung, phát triển để thu hút mọi tầng lớp nhân dân vào các hoạt động của xã hội. Theo quy định hiện nay, các tổ chức chính trị - xã hội trong HTCT ở nước ta hiện nay gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân. Cụ thể là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội cựu chiến binh Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tieu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của HTCT, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là một thành viên, vừa là lực lượng lãnh đạo Mặt trận. Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tập hợp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Mặt trận có nhiệm vụ củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự thống nhất về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tuyên truyền và vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội đối với các hoạt động của các tổ chức Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức của Đảng, Nhà nước; tham gia củng cố chính quyền nhân dân; cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; tham gia phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và thế giới. Mặt trận được tổ chức và hoạt động theo những quy định của Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các đoàn thể nhân dân trong HTCT Việt Nam hiện nay bao gồm Công đoàn Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Các đoàn thể nhân dân trong HTCT Việt Nam vừa tồn tại độc lập, vừa là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có trách nhiệm giáo dục đoàn viên, hội viên thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, quan điểm của Đảng, hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các tổ chức này được quy định cụ thể theo điều lệ của các tổ chức và các văn bản quy phạm pháp luật. Các tổ chức xã hội và xã hội - nghề nghiệp khác có tính chất phi chính trị, phi lợi nhuận, không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, được tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, bảo vệ và phát triển lợi ích chung của các thành viên và xã hội, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, được tập hợp trong các hội, hiệp hội, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm phát huy vai trò làm chủ của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Hoạt động của HTCT ở Việt Nam là hoạt động của từng tổ chức trong HTCT và sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong HTCT. Trong đó, tổ chức Đảng là hạt nhân chính trị, là lực lượng lãnh đạo toàn diện hoạt động của HTCT; các cơ quan chính quyền và các đoàn thể nhân dân vừa là tổ chức đại diện cho quyền lực xã hội của nhân dân, vừa là các tổ chức tập hợp, vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Hệ thống chính trị ở Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và hoàn thiện và phát triển, gắn với quá trình đổi mới toàn diện đất nước do ĐCSVN khởi xướng và lãnh đạo. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTCT từ Trung ương đến cơ sở là chủ trương lớn của ĐCSVN và là một nội dung quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, tập hợp và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 1.1.2. Hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa 1.1.2.1. Huyện đảo Trường Sa Huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, được thành lập trên cơ sở toàn bộ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và vùng phụ cận. Quần đảo Trường Sa, tên quốc tế là Spratleys, là phần lãnh thổ Việt Nam nằm trên Biển Đông, cách Hoàng Sa khoảng 200 hải lý về phía Nam, cách bán đảo Cam Ranh - tỉnh Khánh Hoà khoảng 248 hải lý về phía Đông – Nam. Trong lịch sử, Trường Sa và Hoàng Sa là các hòn đảo vô chủ được người Việt phát hiện vào đầu thế kỷ XVII và gọi chung hai đảo này dưới các tên nôm như: Bãi Cát Vàng, Đại Trường Sa, Đại Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa v.v.. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, chính quyền phong kiến Việt Nam đã tổ chức “đội Hoàng Sa” lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản qúy hiếm mang về dâng nộp; tổ chức thêm “đội Bắc Hải” lấy người ở thôn Tứ Chính và xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận, cấp giấy phép ra quần đảo Trường Sa với cùng nhiệm vụ như đội Hoàng Sa. Các hoạt động này được ghi nhận trong nhiều tài liệu lịch sử như “Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá (1686), “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (1776), “Lịch triều Hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú (1821), “Đại Nam thực lục tiền biên” (1844-1848), “Đại Nam thực lục chính biên” (1844 - 1848), “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (1910), Dư địa chí “Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ”, “Quốc triều chính biên toát yếu” (1910) v.v.. Đồng thời, chủ quyền hai quần đảo và các hoạt động của triều đình phong kiến Việt Nam trên đó cũng được nhắc đến trong các tác phẩm nước ngoài như Nhật ký Batavia (1936), Hải ngoại ký sự (1696), An Nam đại quốc hoạ đồ (1838) v.v.. Cùng với nhiệm vụ khai thác hải sản và hàng hoá trên quần đảo, các triều đại phong kiến Việt Nam còn tổ chức đo đạc, khảo sát, dựng bia, cắm mốc, trồng cây trên quần đảo liên tục trong các năm 1834, 1835 và 1836. Thông qua việc tổ chức khai thác tài nguyên trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục hàng thế kỷ, trên thực tế cũng như về pháp lý, các triều đại phong kiến Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo từ khi hai quần đảo này còn chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào, biến hai quần đảo từ vô chủ thành bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, trên cơ sở đại diện cho triều đình phong kiến An Nam tại Đông Dương, chính quyền Pháp ở Việt Nam đã có nhiều hoạt động củng cố và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa như: tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra chiếm đóng trên các đảo; sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa và cho xây dựng nhiều công trình trên cả hai quần đảo. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, mặc dù tình hình chính trị ở Việt Nam có những diễn biến phức tạp, các chính quyền đại diện Việt Nam vẫn luôn khẳng định và duy trì chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 06/9/1951, tại Hội nghị San Francisco, ông Trần Văn Hữu - Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ Miền Nam Việt Nam trong bài phát biểu của mình, đã chính thức tuyên bố và khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo: “Và cũng vì cần phải lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Spratlys và Paracels, tạo thành một phần của Việt Nam” [7, tr.170]. Sau đó, theo Hiệp định Geneve năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã đóng quân và thực hiện quản lý nhà nước trên hai quần đảo này. Tổng thống chính quyền Sài Gòn đã ra Sắc lệnh số 143-NV ngày 20 tháng 10 năm 1956, đặt quần đảo Trường Sa vào địa phận tỉnh Phước Tuy; công bố Sách trắng về các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào ngày 14 tháng 02 năm 1975. Tháng 4 năm 1975, Hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng các đảo Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn và An Bang tại quần đảo Trường Sa từ tay quân đội Sài Gòn. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tuyên bố giành cho mình quyền bảo vệ chủ quyền đó. Ngày 02 tháng 7 năm 1976, nước Việt Nam thống nhất dưới tên gọi Cộng hoà XHCN Việt Nam. Từ đó, với tư cách kế thừa quyền sở hữu các quần đảo từ các chính quyền trước, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Xuất phát từ nhu cầu quản lý hai quần đảo, ngày 09 tháng 12 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ra Nghị định số 193-HĐBT, tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và tổ chức quần đảo Trường Sa thành huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai; ngày 28 tháng 12 năm 1982, kỳ họp thứ IV Quốc hội khoá VII đã ra Nghị quyết tách huyện đảo Trường Sa ra khỏi tỉnh Đồng Nai và sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh; ngày 30 tháng 6 năm 1989, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII đã có quyết định tách tỉnh Phú Khánh thành tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, Huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa; ngày 11 tháng 4 năm 2007, Chính phủ đã ra Nghị định số 65/2007/NĐ-CP thành lập các đơn vị hành chính thuộc huyện đảo Trường Sa - tỉnh Khánh Hòa, theo đó, huyện đảo Trường Sa bao gồm 3 đơn vị hành chính đó là: Thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn. Hiện nay, huyện đảo Trường Sa là một trong 9 đơn vị hành chính thuộc tỉnh Khánh Hòa, đang thực hiện quyền quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực đối với khu vực quần đảo Trường Sa với đầy đủ tư cách của một đơn vị hành chính cấp huyện trong hệ thống tổ chức hành chính của cả nước theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tính đến tháng 12 năm 2013, trong phạm vi cả nước có 12 huyện đảo, đó là: Bạch Long Vĩ và Cát Hải (Hải Phòng); Cô Tô và Vân Đồn (Quảng Ninh); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Hoàng Sa (Đà Nẵng); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Trường Sa (Khánh Hòa); Phú Quý (Bình Thuận); Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu); Kiên Hải và Phú Quốc (Kiên Giang). Trong đó, huyện đảo Trường Sa là một huyện đảo đặc thù nhất so với các huyện đảo còn lại và so với tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện trong phạm vi cả nước. Cụ thể là: Địa giới hành chính, nguồn tài nguyên và môi trường ở Trường Sa: Huyện đảo Trường Sa nằm giữa Biển Đông, gồm hơn 100 hòn đảo và bãi cạn san hô, nằm trải rộng trên một vùng biển khoảng 180.000 km2, với chiều Đông - Tây là 325 hải lý, chiều Bắc - Nam là 274 hải lý, từ vĩ độ 6030’ - 12000’ N và từ kinh độ 111030’ - 117020’E, được chia thành 8 cụm đảo: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10 km2. Trong đó, đảo Ba Bình là đảo lớn nhất (khoảng 489.600m2), đảo Song Tử Tây là đảo cao nhất (khoảng 4 - 6 m). Hiện tại, cư dân Việt Nam đang sinh sống trên 21 điểm đảo, trong đó có 9 đảo nổi và 12 đảo chìm. Các đảo nổi đó là: Trường Sa, An Bang, Trường Sa Đông, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, Sơn Ca; các đảo chìm đó là: Đá Nam, Đá Lớn, Thuyền Chài, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát, Đá Thị. Ngoài ra, huyện đảo Trường Sa còn có một số đảo đang bị các lực lượng nước ngoài chiếm đóng trái phép cùng nhiều bãi ngầm chưa được đặt tên và chưa có cư dân sinh sống. Khu vực biển Trường Sa có nhiều tuyến hàng hải và hàng không quan trọng của thế giới và khu vực, là năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông. Nền kinh tế của nhiều nước trong khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po phụ thuộc sống còn vào các tuyến hàng hải này. Vùng biển Trường Sa có nguồn tài nguyên thủy sản đa dạng và phong phú. Vùng nước của quần đảo là nơi có trữ lượng san hô lớn, có giá trị mỹ nghệ cao và đa dụng trong lĩnh vực y học; nhiều loài cá với giá trị kinh tế cao thường tập trung ở đây với mật độ lớn như: cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và cá thu ngàng v.v.. Trong tổng số 414 loài cá được phát hiện ở vùng biển Trường Sa có tới 94% là các loài cá sống trong các rạn san hô. Đặc biệt, trong số loài cá được phát hiện ở đây, có khoảng 35% loài cá mới phát hiện lần dầu tiên ở bờ biển Việt Nam [10, tr.454]. Ngoài ra, khu vực đáy biển thuộc quần đảo Trường Sa còn chứa đựng trữ lượng dầu khí lớn và các mỏ khoáng sản quý hiếm, nếu được khai thác hiệu quả sẽ tạo ra động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Điều kiện thời tiết, khí hậu ở Trường Sa hết sức phức tạp và có sự khác biệt lớn so với các vùng ven bờ. Mùa hè mát hơn và mùa đông ấm hơn. Bình quân hàng năm ở Trường Sa có tới 131 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên, phân phối không đồng đều trong các tháng. Khí hậu ở Trường Sa chia làm hai mùa khá rõ: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 01 đến tháng 5. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 01 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm rất lớn, vào khoảng hơn 2500mm. Hiện tượng dông tố trên vùng biển này diễn ra khá phổ biến, có thể nói quanh năm, tháng nào ở đây cũng có dông tố và là nơi thường có bão lớn đi qua, nhất là vào mùa mưa [138, tr.35]. Điều kiện sống ở Trường Sa hết sức khắc nghiệt: địa chất chủ yếu là cát, đá, san hô; đất trồng trọt hiếm (chủ yếu là mang từ bờ ra); thảm thực vật thưa thớt và chỉ xuất hiện trên một số đảo nổi đủ điều kiện sống như Trường Sa lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, Song Tử Tây v.v; chủng loại thực vật tự nhiên ở Trường Sa tương đối nghèo nàn, chủ yếu là phi lao, bàng vuông, phong ba, muống biển và một số thực vật có khả năng sinh tồn trong điều kiện gió và hơi nước mặn của biển cả. Dân cư ở Trường Sa: Cư dân Trường Sa bao gồm cả cư dân quân sự và dân sự; thường trú và tạm trú, với số lượng không ổn định, luôn có sự luân chuyển giữa các địa phương. Phần lớn cư dân Trường Sa là cư dân quân sự, thuộc nhiều lực lượng khác nhau như: Hải quân, Biên phòng, Phòng không Không quân v.v, trong đó lực lượng Hải quân là chủ yếu. Cư dân quân sự ở huyện đảo Trường Sa thuộc loại cư dân thường trú có niên hạn và luôn luân chuyển, thường từ 6 tháng đến 2 năm. Cư dân dân sự của Trường Sa cũng bao gồm nhiều loại như: dân định cư ở Trường Sa theo chủ trương dân sự hóa Trường Sa tại thị trấn Trường Sa, xã Sinh Tồn, Song Tử Tây; các nhân viên của các đơn vị bảo đảm hàng hải trên các đèn biển, trạm khí tượng thủy văn; nhân viên của các đơn vị dịch vụ hậu cần nghề cá ở Đá Tây v.v.. Ngoài những cư dân được gọi là “Công dân Trường Sa” kể trên, huyện đảo Trường Sa còn thường xuyên xuất hiện những cư dân tạm trú như: ngư dân hoạt động trong khu vực biển Trường Sa, các ngư dân lánh nạn trên biển, các đoàn thể xã hội và khách du lịch đến thăm huyện đảo. Tính biến động của cư dân trên đảo, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý hành chính trên địa phận huyện đảo Trường Sa hiện nay. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Trường Sa hiện nay tuy đã được cải thiện, song vẫn còn nhiều khó khăn. Về thu nhập, đa số cư dân Trường Sa được hưởng lương và các chế độ phụ cấp khác nhau. Tuy nhiên, mức sống của công dân Trường Sa còn rất thấp bởi những khó khăn của môi trường sống và sự thiếu hụt của những loại hình dịch vụ kinh tế - xã hội ở đây. Tuy nhiên, về mặt bằng dân trí của cư dân Trường Sa là khá cao, vì phần lớn trong số họ là cư dân quân sự, hoặc dân sự đã có nghề nghiệp, ý thức xã hội và ý thức chính trị cao, có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam nói riêng. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở Trường Sa: Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở Trường Sa đang có sự phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên chưa đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả. Những năm gần đây Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân và UBND tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo cho hoạt động thông suốt giữa các xã, thị trấn thuộc huyện đảo. Đồng thời, xây dựng mới, nâng cấp một số cơ sở hạ tầng phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học và phục vụ quốc phòng - an ninh trên huyện đảo. Những kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động quân sự khá hoàn thiện, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sự còn thiếu và chưa đồng bộ. Nhiều thiết chế xã hội phục vụ dân sinh còn thiếu hoặc mang tính quân sự; yếu tố thị trường ở Trường Sa còn rất sơ khai, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cư dân Trường Sa cũng như xu thế phát triển của huyện đảo. Đặc điểm huyện đảo Trường Sa phản ánh những khó khăn trong các hoạt động của hệ thống chính trị huyện đảo, đồng thời chi phối trực tiếp đến phương hướng, yêu cầu xây dựng hệ thống tổ chức, đội ngũ cán bộ cũng như cơ chế hoạt động cho hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa. 1.1.2.2. Đặc điểm và vị trí, vai trò hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa hiện nay * Đặc điểm hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa hiện nay Hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa là hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội có mối quan hệ với nhau, được thành lập và vận hành theo những quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam nhằm đảm bảo sự quản lý thống nhất của Nhà nước Việt Nam, thực hiện dân chủ, quyền, nghĩa vụ của quân và dân Trường Sa trên mọi lĩnh vực hoạt động, gắn với những điều kiện lịch sử và yêu cầu nhiệm vụ của huyện đảo Trường Sa. Hệ thống tổ chức của HTCT huyện đảo Trường Sa bao gồm hệ thống tổ chức đảng, hệ thống tổ chức chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập dựa trên yêu cầu thực tiễn của huyện đảo và các nhiệm vụ được giao, hoạt động theo điều lệ của các tổ chức, trong khuôn khổ pháp luật hiện hành của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ngoài những đặc điểm chung của HTCT cấp huyện ở Việt Nam, HTCT huyện đảo Trường Sa còn có những đặc điểm mang tính chất đặc thù so với HTCT ở tất cả các huyện trên đất liền cũng như so với 11 huyện đảo còn lại trên phạm vi cả nước. Cụ thể là: Về hệ thống tổ chức: Hệ thống tổ chức trong HTCT huyện đảo Trường Sa đang trong quá trình xây dựng theo mô hình tinh, gọn, phù hợp với điều kiện, khả năng đảm bảo và yêu cầu, nhiệm vụ của huyện đảo Trường Sa. Do tính chất đặc thù về dân cư và đặc điểm nhiệm vụ mà ở Trường Sa hiện nay không thành lập huyện ủy và các tổ chức cơ sở đảng theo đơn vị hành chính của huyện đảo. Hệ thống tổ chức đảng ở huyện đảo Trường Sa được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các tổ chức đảng trong Quân đội. Lãnh đạo các hoạt động của huyện đảo Trường Sa thuộc về chức năng, nhiệm vụ của Đảng ủy Lữ đoàn 146 Hải quân (Đoàn Trường Sa). Đảng ủy Lữ đoàn 146 Hải quân vừa đảm nhiệm chức năng lãnh đạo mọi hoạt động của các đơn vị Hải quân trực thuộc Lữ đoàn, vừa lãnh đạo mọi hoạt động của huyện đảo Trường Sa. Đảng bộ Lữ đoàn 146 Hải quân là tổ chức đảng cơ sở 3 cấp. Số đảng viên hoạt động trong lĩnh vực dân sự ở các xã, thị trấn thuộc huyện đảo được phân bổ sinh hoạt trong các tổ chức đảng của các đơn vị Hải quân trên các đảo ở Trường Sa. Hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại huyện đảo Trường Sa bao gồm HĐND và UBND cùng các cơ quan chuyên môn, được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam. HĐND cấp huyện ở huyện đảo Trường Sa khóa XIII (nhiệm kỳ 2010 - 2015) gồm 30 đại biểu, UBND gồm 10 ủy viên. Các cơ quan chuyên môn thuộc HĐND và UBND huyện được tổ chức theo mô hình tinh gọn, đa chức năng. Hiện tại mới tổ chức được 2 phòng chuyên môn đó là: Văn phòng HĐND và UBND, Phòng Tài chính. Các phòng chức năng còn lại chưa được thành lập, thay vào đó là các cán bộ chuyên trách, thực hiện chức năng của phòng chuyên môn. Hiện tại mới chỉ biên chế được 3 cán bộ chuyên trách thực hiện chức năng chuyên môn về công tác y tế, giáo dục và về công tác phụ nữ, sinh hoạt trong Văn phòng HĐND và UBND huyện [xem phụ lục 2]. Chính quyền cơ sở tại các xã, thị trấn đã được thành lập và kiện toàn, gắn liền với quá trình thành lập các đơn vị hành chính thuộc huyện đảo Trường Sa, với sự luân chuyển đội ngũ cán bộ của Lữ đoàn 146 Hải quân và sự luân chuyển lực lượng dân sự ở Trường Sa. Hiện tại, HĐND mỗi xã, thị trấn thuộc huyện đảo Trường Sa khóa XIII gồm 15 đại biểu; UBND mỗi xã, thị trấn gồm 5 ủy viên. Các tổ chức chính trị - xã hội trong HTCT ở huyện đảo Trường Sa hiện nay bao gồm Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Phụ nữ cấp huyện và các xã, thị trấn, được tổ chức theo mô hình kết hợp giữa cơ chế quản lý quân sự và dân sự. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đảo Trường Sa được thành lập gồm 5 ủy viên; cấp xã, thị trấn không thành lập Ủy ban Mặt trận mà chỉ do 01 đại biểu đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, thị trấn ở Trường Sa. Tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức quần chúng rộng rãi nhất, bao gồm những lực lượng đông đảo nhất, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của huyện đảo, được tổ chức theo những mô hình đặc biệt. Cấp huyện, đã được tổ chức thành Huyện đoàn với con dấu riêng; ở các xã, thị trấn tổ chức thành các chi đoàn thanh niên. Bên cạnh các tổ chức Đoàn mang tính chất dân sự, Lữ đoàn 146 Hải quân còn được tổ chức thành tổ chức đoàn cơ sở 3 cấp với 9 liên chi và 58 chi đoàn thanh niên. Riêng Hội Phụ nữ ở huyện đảo Trường Sa, do số lượng hội viên dân sự ít, cho nên các hội viên hoạt động ghép trong các tổ chức quần chúng của các đơn vị của Lữ đoàn 146 Hải quân, cấp huyện có 01 cán bộ chuyên trách làm công tác tham mưu cho UBND huyện về công tác Phụ nữ. Về cơ chế quản lý và hoạt động: Là một đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh, nhưng huyện đảo Trường Sa lại là một địa giới hành chính nằm trong khu quốc phòng, đồng thời là một trong những mô hình thí điểm xây dựng khu vực quốc phòng – kinh tế của quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV khóa X. Vì vậy, cơ chế quản lý huyện đảo Trường Sa nói chung, hoạt động của HTCT huyện đảo Trường Sa nói riêng chịu sự chi phối của rất nhiều tổ chức, lực lượng, đó là sự phối hợp quản lý, chỉ đạo giữa các cơ quan Trung ương, tỉnh Khánh Hòa và Quân chủng Hải quân. Theo quy định của “Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” [120], các tổ chức trong HTCT của huyện đảo Trường Sa chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND và sự hướng dẫn của các phòng, sở chức năng thuộc tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, huyện đảo Trường Sa nằm trên địa bàn xa đất liền, liên quan đến nhiều lĩnh vực của quốc gia, được Chính phủ giao cho nhiều bộ, ngành Trung ương trực tiếp quản lý trên những lĩnh vực chuyên môn. Mặt khác, huyện đảo Trường Sa được tổ chức trên đất quốc phòng, là khu vực quân sự do Quân chủng Hải quân, mà trực tiếp là Vùng D Hải quân quản lý. Theo “Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 và văn bản hướng dẫn thi hành” [118], hoạt động quản lý nhà nước ở khu quân sự được xác định nhiệm vụ, quyền hạn cho từng chủ thể từ Trung ương đến cơ sở. Cụ thể là: chính phủ thống nhất quản lý nhà nước, giao cho Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý nhà nước đối với khu quân sự; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang trong quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự [118, tr.11-22]. Điều 9 của Quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự quy định: Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp khi xây dựng và xét duyệt quy hoạch thành phố, khu dân cư, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác tài nguyên khoáng sản; kế hoạch phát triển, xây dựng khu văn hoá, du lịch có liên quan tới công trình quốc phòng và khu quân sự phải có ý kiên của cơ quan quản lý trực tiếp công trình và được cấp có thẩm quyền cho phép [118, tr.23]. Như vậy, tất cả các hoạt động của HTCT huyện đảo Trường Sa luôn phải đặt trong sự chi phối của rất nhiều các chủ thể liên quan, trong đó lực lượng quân sự là lực lượng trực tiếp và có tính chất quyết định. Đây là đặc điểm đặc thù, tác động mạnh mẽ đến tính chất, lộ trình và phương thức xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa hiện nay. Về đội ngũ cán bộ công chức của HTCT: Đội ngũ cán bộ công chức trong hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa phần lớn là cán bộ quân sự hoạt động kiêm nhiệm. Theo biên chế hiện tại, các chức danh cán bộ chủ chốt trong các tổ chức của HTCT huyện đảo Trường Sa đều do cán bộ quân sự kiêm nhiệm, Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146 kiêm chức danh chủ tịch huyện; đảo trưởng các đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn kiêm chức danh chủ tịch xã, thị trấn. Đây là những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của các đơn vị Hải quân, đã được đào tạo cơ bản, chuyên sâu về lĩnh vực quân sự; có phẩm chất chính trị, phẩm...Chí Minh (1954), “Báo cáo tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II)”, Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2000, tr. 311-320. Hồ Chí Minh (1958), “Đạo đức cách mạng”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H.1996, tr. 282 - 293. Hồ Chí Minh (1969), “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2000 , tr. 501-506. Phạm Ngọc Minh (2011), “Một số kinh nghiệm trong công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Quân chủng Hải quân”, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, số 5/2011. Vũ Ngọc Minh (2011), “Thông tin về biển, đảo Việt Nam - Quy chế pháp lý về vùng tiếp giáp lãnh hải trong luật pháp quốc tế và Việt Nam”, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, số 3/2011. Monique Cheminier - Gendreau (2002), Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb CTQG, Hà Nội. Nguyễn Bá Nam (2005), Vai trò của hải quân Nhân dân Việt Nam trong phát triển kinh tế biển hiện nay, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Học viện Chính trị - Quân sự. Trương Đảng Nặc, Kiệt Nhân Quý (2007), “Chiến lược của Ấn Độ trong việc tăng cường quan hệ với Asean”, Tạp chí “Dọc ngang Đông Nam Á”, số ra ngày 11.01.2007. Tăng Nghĩa (2006), Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị cấp huyện ở tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay, Luận văn thạc sỹ chuyên ngành Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia, Hà Nội. Lê Hữu Nghĩa, Hoàng Chí Bảo, Bùi Đình Bôn (2008), Đổi mới quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội. Hà Nguyễn (2013), Giới thiệu về biển, đảo Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội. Nguyễn Nhã (2002), Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Luận án tiến sĩ lịch sử, Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều tác giả (2000), Xây dựng hệ thống chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, Hà Nội. Nhiều tác giả (2012), Một số vấn đề trong Chiến lược biển Việt Nam, Nxb Thanh Niên, Hà Nội. Nhiều tác giả (2012), Toàn cảnh biển đảo Việt Nam, Nxb Thanh Niên, Hà Nội. Nguyễn Duy Niên (2001), “Tạo dựng thế trận ngoại giao - quốc phòng - an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Tạp chí quốc phòng toàn dân (6/2001). Peaun Medes Antunes (2002), Phân tích về địa lý, chính trị cuộc xung đột và tranh chấp biên giới Trung - Việt liên quan đến quần đảo Paracel và Spraly ở biển Nam Trung Hoa, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Paris I Tatheon Sorbone - khoa Địa lý. Thang Văn Phúc và Nguyễn Đăng Thành (2005), Một số lý thuyết và kinh nghiệm tổ chức nhà nước trên thế giới, Nxb CTQG, Hà Nội. Thang Văn Phúc và Nguyễn Minh Phương (2011), Vai trò của các tổ chức xã hội đối với phát triển và quản lý xã hội, Nxb CTQT – ST, Hà Nội. Lê Văn Phụng – Chủ nhiệm đề tài (1999), Đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị cấp huyện một số tỉnh miền núi phía Bắc trong điều kiện hiện nay, Đề tài cấp Bộ, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hà Nội. Pou Kenedy (1995), Chuẩn bị cho thế kỷ XXI, Nxb CTQG, Hà Nội. Quốc hội Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946), Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nxb CTQG, Hà Nội. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992), Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, Nxb CTQG, Hà Nội. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1994), Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quản lý quân sự năm 1994 và văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb CTQG, H.2007. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2009), Luật Dân quân tự vệ, Nxb CTQG, H.2010. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2011), Luật tổ chức hội đồng nhân dân và UBND, Nxb CTQG, Hà Nội. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2012), Luật Biển Việt Nam, Nxb TCQG, Hà Nội. Đặng Đình Quý – Chủ biên (2010), Biển Đông hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực, kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế, đồng tổ chức bởi Học viên Ngoại giao và Hội Luật gia tại Hà Nội, ngày 26-27/11/2009, Nxb Thế giới, Hà Nội Đặng Đình Quý – Chủ biên (2011), Biển đông hướng tới một khu vực hòa bình, an ninh và hợp tác, Nxb Thế giới, Hà Nội. Đặng Đình Quý – Chủ biên (2012), Tranh chấp Biển Đông: Luật pháp, địa chính trị và hợp tác quốc tế, Nxb Thế giới, Hà Nội. Phan Văn Rân, Nguyễn Hoàng Giáp (2010), Chủ quyền quốc gia dân tộc trong xu thế toàn cầu hoá và vấn đề đặt ra với Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội. Trần Khánh Sơn (2008), Đổi mới hệ thống chính trị cấp huyện ở Nghệ An, Luận văn thạc sỹ chuyên ngành Chính trị học, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia, Hà Nội. Đặng Đình Tân (2004), Thể chế đảng cầm quyền – một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb CTQG, Hà Nội. Lê Văn Tân (2009), Xây dựng môi trường văn hoá bộ đội Hải quân ở Trường Sa, Luận án tiến sĩ triết học, Học viện Chính trị, Hà Nội. Bùi Văn Thành (1995), Những vấn đề cơ bản về nâng cao chất lượng đội ngũ huyện ủy viên ở Đảng bộ tỉnh Ninh Bình hiện nay, Luận văn thạc sỹ chuyên ngành Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia, Hà Nội. Thái Vĩnh Thắng, Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Chu Dương (2008), Thể chế chính trị các nước Châu Âu, Nxb CTQG, Hà Nội. Thông tấn xã Việt Nam (2010), Dư luận thế giới về Việt Nam, tài liệu tham khảo hàng tuần, số 03-DLVN, ngày 15/01/2010. Thông tấn xã Việt Nam (2010), “Vị trí của Mỹ trong tương lai của châu Á”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 051-TTX, ngày 25/02/2010. Thông tấn xã Việt Nam (2010), “Chính sách ngoại giao cận siêu cường của Trung Quốc: Những triển vọng và cạm bẫy”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 075-TTX, ngày 21/3/2010. Thông tấn xã Việt Nam (2010), Các vấn đề quốc tế, tài liệu tham khảo đặc biệt, tháng 6 năm 2010. Thông tấn xã Việt Nam (2010), Chiến lược an ninh quốc gia 2010 của Mỹ, tài liệu tham khảo, chuyên đề tháng 6 năm 2010. Từ Đặng Minh Thu (1998), “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc”, Tham luận hội thảo “Vấn đề tranh chấp biển Đông”, New York City, 15-16/8/1998. Nguyễn Đông Thụy (2011), “Một số vấn đề về đấu tranh quốc phòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới”, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, số 6/2011. Trần Nam Tiến (2011), “Hoàng Sa, Trường Sa – Hỏi và đáp”, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. Nguyễn Văn Tình (2005), “Lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc vùng biển đảo của Tổ quốc”, Báo Nhân dân ngày 6/5/2005. Tỉnh ủy Khánh Hòa (2010), Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2010 – 2015, tập 1, Nha trang 2010. Tỉnh ủy Khánh Hòa (2010), Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2010 – 2015, tập 2, Nha trang 2010. Lê Đức Tố, Hoàng Trọng Lập (2005), Quản lý biển, Nxb ĐHQG, Hà Nội. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam – Bộ tài nguyên và Môi trường (2010), Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Biển và Hải đảo, Quyển 1- Các văn bản chung, Tai liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam – Bộ tài nguyên và Môi trường (2010), Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Biển và Hải đảo, Quyển 2- Những quy định kỹ thuật, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội. Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng (2002), Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng -văn hoá trên các đảo nhà giàn Hải quân hiện nay, Nxb QĐND, Hà Nội. Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng (2007), Quân đội nhân dân Việt Nam trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế, Nxb QĐND, Hà Nội. Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng (2007), Chủ nghĩa xã hội khoa học, tài liệu tham khảo giành cho chức danh cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch, Nxb QĐND, Hà Nội. Phạm Văn Trà (2001), “Tăng cường quốc phòng - an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”, Tạp chí Cộng sản số 8/2001, tr. 15-18. TS. Phạm Ngọc Trâm (2011), Quá trình đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam (1986-2011), Nxb CTQG, Hà Nội. Nguyễn Phú Trọng (2008), Đổi mới và phát triển ở Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb CTQG, Hà Nội. Trung tâm Nâng cao nhận thức cộng đồng – Cục Bảo vệ Môi trường (2007), Cộng đồng tham gia bảo tồn và phát triển môi trường biển Việt Nam, Hà Nội. Đoàn Trọng Tuyến (1999), So sánh hành chính các nước ASEAN, Nxb CTQG, Hà Nội. Nguyễn Túy (2012), Tăng cường công tác tuyên truyền biển, đảo của Quân chủng Hải quân hiện nay, Luận văn thạc sỹ Khoa học Chính trị, Học viện Chính trị. Hà Nội. UBND tỉnh Khánh Hòa(2004), Công tác quản lý nhà nước huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Hội thảo khoa học về địa danh biển, đảo khu vực hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa Việt Nam tại Đà Nẵng (tháng 11/2004). Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2012), Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, Nxb CTQG, Hà Nội. Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2003), Chiến lược bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo Việt Nam đến năm 2020, Đề tài khoa học cấp nhà nước. Hà Nội. Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự (2002), Một số vấn đề về chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới, Nxb QĐND, Hà Nội. Thành Vị Võ (2002), Tổ chức và hoạt động của các cơ quan công quyền Việt Nam (1954-2002), Nxb TP.HCM. Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao (1994), Hợp tác các nước Đông Nam Á, Nxb CTQG, Hà Nội. Nguyễn Đức Xuân (2008), Chất lượng Đại hội đại biểu nhiệm kỳ các Đảng bộ huyện ven biển tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay, Luận văn thạc sỹ chuyên ngành Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Như Ý, Đại từ điển tiếng Việt (1998), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. Trương Thị Bạch Yến (2006), Chuẩn hóa đội ngũ cấp ủy viên Quận, Huyện của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay, Luận văn thạc sỹ chuyên ngành Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia, Hà Nội. Phụ lục 1. BẢN ĐỒ HUYỆN ĐẢO TRƯỜNG SA (Nguồn: Ban Biên giới – Hải đảo, Bộ Ngoại giao) Phụ lục 2 SƠ ĐỒ BỘ MÁY HÀNH CHÍNH HUYỆN TRƯỜNG SA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN TRƯỜNG SA ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN TRƯỜNG SA CƠ QUAN CHUYÊN MÔN VÀ CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH VỀ CÔNG TÁC Y TẾ VĂN PHÒNG HĐND & UBND CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH VỀ CÔNG TÁC GIÁO DỤC CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH VỀ CÔNG TÁC PHỤ NỮ PHÒNG TÀI CHÍNH Nguồn: Văn phòng HĐND & UBND huyện Trường Sa) Phụ lục 3 THỐNG KÊ CHẤT LƯỢNG ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN TRƯỜNG SA KHÓA 13 (Nhiệm kỳ 2010 - 2015) ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH Số lượng Giới tính Dân tộc Tôn giáo Độ tuổi Trình độ Ghi chú Tổng số Cán bộ QS kiêm nhiệm nam Nữ Kinh khác Có không Dưới 30 Từ 31 đến 45 Từ 46 đến 60 Học vấn Lý luận chính trị Quản lý nhà nước Dưới đh ĐH SĐH CHƯA QUA ĐT Sơ cấp Trung cấp Cao cấp Chưa qua đt Sơ cấp Trung cấp Đại học Xã Song Tử Tây 15 2 14 1 15 15 13 2 1 12 2 1 12 2 Xã Sinh Tồn 15 2 14 1 15 15 12 3 2 11 2 1 1 11 2 Thị trấn Trường Sa 15 2 14 1 15 15 11 4 1 12 2 1 12 2 Huyện Trường Sa 30 28 29 1 30 30 24 6 2 22 6 4 2 22 2 (Nguồn: Văn phòng HĐND & UBND huyện Trường Sa) Phụ lục 4 THỐNG KÊ CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC UBND CÁC CẤP HUYỆN TRƯỜNG SA (Nhiệm kỳ 2010 - 2015) ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH Số lượng Giới tính Dân tộc Tôn giáo Độ tuổi Trình độ Ghi chú Tổng số Cán bộ QS kiêm nhiệm nam Nữ Kinh khác Có không Dưới 30 Từ 31 đến 45 Từ 46 đến 60 Học vấn Lý luận chính trị Quản lý nhà nước Dưới đh ĐH SĐH CHƯA QUA ĐT Sơ cấp Trung cấp Cao cấp Chưa qua đt Sơ cấp Trung cấp Đại học Xã Song Tử Tây 5 1 5 5 0 0 5 4 1 4 1 4 1 5 Xã Sinh Tồn 5 1 5 4 1 0 5 4 1 3 2 4 1 5 Thị trấn Trường Sa 5 1 5 3 2 0 5 3 1 1 3 2 4 1 5 Huyện Trường Sa 10 8 7 3 10 0 1 9 2 6 2 5 3 2 6 2 2 10 (Nguồn: Văn phòng HĐND & UBND huyện Trường Sa) Phụ lục 5 SỐ LƯỢNG CÔNG CHỨC ĐƯỢC BỔ SUNG HÀNG NĂM TẠI HUYỆN TRƯỜNG SA NĂM CẤP HUYỆN CẤP XÃ, THỊ TRẤN GHI CHÚ 2008 2 0 2009 2 0 2010 1 0 2011 0 0 2012 0 0 2013 0 7 (Nguồn: Văn phòng HĐND & UBND huyện Trường Sa ) Phụ lục 6 KẾT QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN BIỂN, ĐẢO CỦA QUÂN CHỦNG HẢI QUÂN Từ 2008 đến 2012 TT H×nh thøc, biÖn ph¸p ®èi t­îng & kÕt qu¶ CÊp tæ Chøc n¨m 1. Héi nghị s¬ tæng kÕt c«ng t¸c TT biÓn, ®¶o; héi thi b¸o c¸o viªn, TT viªn Tæ chøc héi nghÞ Tæng kÕt c«ng t¸c phèi hîp TT biÓn, ®¶o toµn quèc vµ triÓn khai nhiÖm vô cña nh÷ng n¨m tiÕp theo 1 lÇn /n¨m §¶ng ñy, Bé T­ lÖnh HQ ®· phèi hîp chÆt chÏ víi Ban Tuyªn gi¸o TW Hµng n¨m Thi b¸o c¸o viªn, tuyªn truyÒn viªn cÊp Qu©n chñng 2 năm/1 lần Qu©n chñng Thi b¸o c¸o viªn, tuyªn truyÒn viªn cÊp c¬ së 1 lÇn/n¨m Trung, l÷ ®oµn 2. Båi d­ìng b¸o c¸o viªn, tuyªn truyÒn viªn Phèi hîp båi d­ìng b¸o c¸o viªn, tuyªn truyÒn viªn 1000 ng­êi/ n¨m Côc chÝnh trÞ HQ phèi hîp víi Ban Tuyªn gi¸o TW, Ban tuyªn gi¸o c¸c tØnh, thµnh phè Hµng n¨m C¸c ®¬n vÞ båi d­ìng b¸o c¸o viªn, tuyªn truyÒn viªn 1000- 1200 ng­êi/ n¨m Qu©n chñng, vïng vµ Trung, l÷ ®oµn §éi ngò b¸o c¸o viªn, tuyªn truyÒn viªn tù båi d­ìng 1000- 1200 ng­êi/ n¨m C¸ nh©n b¸o c¸o viªn, TT viªn 3. Tæ chøc thùc hiÖn TT biÓn, ®¶o Cö 518 l­ît b¸o c¸o viªn, tuyªn truyÒn viªn tiÒn hµnh TT biÓn, ®¶o Tuyªn truyÒn biÓn, ®¶o cho 124 quËn, huyÖn víi 518 buæi cho 129.366 l­ît ng­êi, (trong ®ã cã 332 buæi víi 66.411 l­ît ng­êi lµ c¸n bé chñ chèt c¸c c¬ quan thuéc quËn, huyÖn) Qu©n chñng vµ Trung, l÷ ®oµn 2008 Cö 523 l­ît b¸o c¸o viªn, tuyªn truyÒn viªn tiÒn hµnh tuyªn truyÒn biÓn, ®¶o Tuyªn truyÒn biÓn, ®¶o cho 131 quËn, huyÖn víi 523 buæi cho 129.366 l­ît ng­êi Qu©n chñng vµ Trung, l÷ ®oµn 2009 Cö 529 l­ît b¸o c¸o viªn, TT viªn tiÒn hµnh TT biÓn, ®¶o TT biÓn, ®¶o cho cho 141 quËn, huyÖn víi 529 buæi cho gÇn 150.000 l­ît ng­êi nghe trong ®ã ®èi t­îng lµ gi¸o viªn, häc sinh, sinh viªn c¸c tr­êng trung häc, trung cÊp, cao ®¼ng ®¹i häc lµ 35 buæi víi 25.350 l­ît ng­êi Phèi hîp Qu©n chñng & Trung, l÷ ®oµn víi Ban Tuyªn gi¸o TW, Ban tuyªn gi¸o c¸c tØnh, thµnh phè, §oµn tr­êng 2010 KÕt hîp c«ng t¸c gi¸o dôc quèc phßng víi TT biÓn, ®¶o 5 lÇn trùc tiÕp giíi thiÖu chuyªn ®Ò vÒ t×nh h×nh biÓn, ®¶o cho h¬n 600 l­ît c¸n bé cao cÊp c¸c tØnh thµnh, bé, ban, ngµnh TW ®ang häc ë Häc viÖn Quèc phßng Thñ tr­ëng Bé T­ lÖnh HQ 2009 Tæ chøc huÊn luyÖn qu©n sù vµ gi¸o dôc quèc phßng kÕt hîp víi TT biÓn, ®¶o 20.075 häc sinh, sinh viªn; 753 c¸n bé, lùc l­îng dù bÞ ®éng viªn; 1.172 tù vÖ biÓn C¸c ®¬n vÞ trong Qu©n chñng 2008 Tæ chøc huÊn luyÖn qu©n sù vµ gi¸o dôc quèc phßng kÕt hîp víi TT biÓn, ®¶o 20.439 häc sinh, sinh viªn; 674 c¸n bé, lùc l­îng dù bÞ ®éng viªn; 1.111 tù vÖ biÓn C¸c ®¬n vÞ trong Qu©n chñng 2009 Tæ chøc huÊn luyÖn qu©n sù vµ gi¸o dôc quèc phßng kÕt hîp víi TT biÓn, ®¶o 12.362 häc sinh phæ th«ng trung häc; 13.321 sinh viªn c¸c tr­êng cao ®¼ng, ®¹i häc; 1.400 d©n qu©n tù vÖ vµ 1.319 d©n qu©n tù vÖ biÓn C¸c ®¬n vÞ trong Qu©n chñng 2010 Cö h¬n 433 l­ît b¸o c¸o viªn, TT viªn tiÒn hµnh TT biÓn, ®¶o TT biÓn, ®¶o cho cho 113 quËn, huyÖn víi h¬n 433 buæi cho gÇn 181.475 l­ît ng­êi nghe. Phèi hîp Qu©n chñng & Trung, l÷ ®oµn víi Ban Tuyªn gi¸o TW, Ban tuyªn gi¸o c¸c tØnh, thµnh phè, §oµn tr­êng 2011 4. Tæ chøc biªn so¹n vµ sö dông ph­¬ng tiÖn tiÕn hµnh c¸c néi dung TT biÓn, ®¶o Biªn so¹n néi dung vÒ biÓn, ®¶o cÊp ph¸t cho c¸c líp tËp huÊn 125 Ên phÈm, tµi liÖu dïng cho b¸o c¸o viªn, TT viªn; 2.000 cuốn s¸ch về những ®iÒu cÇn biÕt vÒ quÇn ®¶o Hoàng Sa, Trường Sa Quân chủng Hải quân ®· phèi hîp víi Ban Tuyªn gi¸o TW, NxB Qu©n ®éi 2010 & 2011 In vµ ph¸t hµnh tê r¬i TT H¬n 8.300 tê r¬i TT vÒ 8 chiÕn c«ng HQ nh©n d©n ViÖt Nam Quân chủng Hải quân ®· phèi hîp víi Ban Tuyªn gi¸o TW, Côc D©n vËn, D©n qu©n Tù vÖ 2010 & 2011 In vµ ph¸t hµnh tranh cæ ®éng 2.530 bé tranh cæ ®éng vÒ chñ quyÒn biÓn ®¶o cña Tæ quèc Quân chủng Hải quân ®· phèi hîp víi Ban Tuyªn gi¸o TW, Côc D©n vËn, D©n qu©n Tù vÖ 2010 & 2011 S¸ng t¸c c¸c ca khóc 600 tËp ca khóc vÒ biÓn, ®¶o vµ ng­êi chiÕn sÜ H¶i qu©n Quân chủng Hải quân ®· phèi hîp víi Ban Tuyªn gi¸o TW, Côc D©n vËn, D©n qu©n Tù vÖ 2010 In vµ ph¸t hµnh ®Üa CD ca nh¹c 2.000 ®Üa CD ca nh¹c vÒ biÓn, ®¶o vµ ng­êi chiÕn sÜ H¶i qu©n; 170 đĩa VCD về luật biển quốc tế và chủ quyền Việt Nam; 170 đĩa VCD phim tài liệu truyền thống HQ; 60 bộ đĩa ca nhạc về biển, đảo Quân chủng Hải quân ®· phèi hîp víi Ban Tuyªn gi¸o TW, Côc D©n vËn, D©n qu©n Tù vÖ 2010 & 2011 Sö dông tê r¬i, loa phãng thanh ph¸t truyÒn tin 2.400 tê r¬i, sö dông loa phãng thanh ph¸t TT cho 2.000 l­ît tµu, thuyÒn cña ng­ d©n lµm ¨n trªn biÓn, ®¶o (cã c¶ tµu, thuyÒn cña c­ d©n n­íc ngoµi) C¸c lùc l­îng lµm nhiÖm vô tuÇn tra, tuÇn tiÔu trªn c¸c vïng biÓn 2010 §¨ng t¶i th«ng tin trªn c¸c b¸o 585 l­ît phãng viªn cña 155 c¬ quan th«ng tÊn b¸o chÝ ®Õn lÊy tµi liÖu vµ ®· ®¨ng t¶i ®­îc 1.037 bµi viÕt trªn c¸c b¸o, t¹p chÝ vµ ph¸t 972 l­ît ch­¬ng tr×nh trªn sãng truyÒn h×nh vÒ ho¹t ®éng trªn c¸c lÜnh vùc biÓn, ®¶o còng nh­ ho¹t ®éng cña Quân chủng Hải quân trong ®Êu tranh b¶o vÖ chñ quyÒn biÓn, ®¶o cña Tæ quèc C¸c c¬ quan th«ng tÊn b¸o chÝ trong vµ ngoµi qu©n ®éi ®Õn c¸c c¬ quan, ®¬n vÞ trong Qu©n chñng ®Ó phèi hîp 2009 §¨ng t¶i th«ng tin trªn c¸c b¸o 745 l­ît phãng viªn cña 278 c¬ quan th«ng tÊn b¸o chÝ ®Õn lÊy tµi liÖu ®¨ng t¶i 1.635 tin, bµi, ¶nh, phãng sù, phim tµi liÖu ®­îc TT trªn c¸c ph­¬ng tiÖn th«ng tin ®¹i chóng C¸c c¬ quan th«ng tÊn b¸o chÝ trong vµ ngoµi qu©n ®éi ®Õn c¸c c¬ quan, ®¬n vÞ trong Qu©n chñng ®Ó phèi hîp 2010 §¨ng t¶i th«ng tin trªn c¸c b¸o 650 l­ît phãng viªn cña 168 c¬ quan th«ng tÊn b¸o chÝ ®Õn lÊy tµi liÖu ®¨ng t¶i 1.200 tin, bµi, ¶nh, phãng sù, phim tµi liÖu ®­îc TT trªn c¸c ph­¬ng tiÖn th«ng tin ®¹i chóng C¸c c¬ quan th«ng tÊn b¸o chÝ trong vµ ngoµi qu©n ®éi ®Õn c¸c c¬ quan, ®¬n vÞ trong Qu©n chñng ®Ó phèi hîp 2011 §¨ng t¶i th«ng tin trªn b¸o h×nh Thùc hiÖn ch­¬ng tr×nh giao l­u “Nh÷ng ng­êi gi÷ biÓn” ph¸t sãng trªn VTV1; phèi hîp víi VTV3 ghi h×nh vµ ph¸t sãng 6 ch­¬ng tr×nh “Chóng t«i lµ chiÕn sÜ ”; hoµn thµnh phim truyÒn thèng “Lêi thÒ gi÷ biÓn” ®Ó TT vÒ kÕt qu¶ b¶o vÖ chñ quyÒn biÓn, ®¶o cña HQ nh©n d©n ViÖt Nam giai ®o¹n 2005- 2010. Phim ®· ®­îc ph¸t sãng trªn 35 ®µi ph¸t thanh truyÒn h×nh cña TW vµ c¸c ®Þa ph­¬ng trong c¶ n­íc. Ban thêi sù §µi truyÒn h×nh ViÖt Nam phèi hîp víi Quân chủng Hải quân 2005- 2010 Ph¸t sãng c¸c ch­¬ng tr×nh truyÒn h×nh chñ ®Ò “HQ víi biÓn, ®¶o vµ biÓn, ®¶o víi HQ” 35 ®µi ph¸t thanh truyÒn h×nh c¸c tØnh, thµnh phè th­êng xuyªn ph¸t sãng c¸c ch­¬ng tr×nh truyÒn h×nh HQ thêi l­îng tõ 15 ®Õn 20 phót §µi ph¸t thanh truyÒn h×nh c¸c tØnh, thµnh phè Hµng th¸ng Tæ chøc ®ªm truyÒn h×nh trùc tiÕp kû niÖm 55 n¨m ngµy thµnh lËp HQ nh©n d©n ViÖt Nam vµ tæng kÕt “Hµnh tr×nh v× biÓn, ®¶o quª h­¬ng” 80 ®¹i biÓu ®oµn viªn thanh niªn ­u tó ®¹i diÖn cho tuæi trÎ c¶ n­íc §µi ph¸t thanh truyÒn h×nh tØnh B×nh D­¬ng phèi hîp víi Quân chủng Hải quân & TW §oµn TNCSHCM 2010 Tæ chøc thi vµ trao gi¶i cuéc thi t×m hiÓu “BiÓn, ®¶o quª h­¬ng vµ truyÒn thèng 55 n¨m HQ nh©n d©n anh hïng” ë khu vùc phÝa Nam 36.000 bµi viÕt tham gia; h¬n 30 ®¹i biÓu tham dù lÔ trao gi¶i Trung ­¬ng §oµn TNCSHCM phèi hîp víi Quân chủng Hải quân, c¸c tØnh, thµnh phè 2010 5. Tæ chøc tham quan biÓn, ®¶o vµ ñng hé x©y dùng, b¶o vÖ biÓn, ®¶o Tæ quèc Tæ chøc cho c¸c ®oµn ®¹i biÓu ®i th¨m, kiÓm tra quÇn ®¶o Tr­êng Sa, nhµ giµn DK1 vµ c¸c ®¶o ven bê 9 ®oµn víi trªn 1.000 ®¹i biÓu cña 9 Bé, ban, ngµnh TW vµ 17 tØnh, thµnh phè Quân chủng Hải quân phèi hîp c¸c Bé, ban, ngµnh TW vµ tØnh, thµnh phè trong c¶ n­íc 2008 Tæ chøc cho c¸c ®oµn ®¹i biÓu ®i th¨m, kiÓm tra quÇn ®¶o Tr­êng Sa, nhµ giµn DK1 vµ c¸c ®¶o ven bê 12 ®oµn víi 1.211 ®¹i biÓu cña 17 c¬ quan, ban, ngµnh TW, 18 t×nh, thµnh phè vµ 31 c¬ quan b¸o chÝ Quân chủng Hải quân phèi hîp c¸c Bé, ban, ngµnh TW vµ tØnh, thµnh phè trong c¶ n­íc 2009 Tæ chøc cho c¸c ®oµn ®¹i biÓu ®i th¨m, kiÓm tra quÇn ®¶o Tr­êng Sa, nhµ giµn DK1 vµ c¸c ®¶o ven bê 13 ®oµn víi 1.325 ®¹i biÓu cña 28 c¬ quan, ban, ngµnh TW, 8 tËp ®oµn doanh nghiÖp kinh tÕ, 2 ®oµn th©n nh©n cña c¸n bé, chiÕn sÜ ®ang c«ng t¸c trªn ®¶o vµ 76 phãng viªn cña 42 c¬ quan th«ng tÊn b¸o chÝ Quân chủng Hải quân phèi hîp c¸c Bé, ban, ngµnh TW vµ tØnh, thµnh phè & c¬ quan b¸o chÝ trong c¶ n­íc 2010 Tæ chøc cho c¸c ®oµn ®¹i biÓu ®i th¨m, kiÓm tra quÇn ®¶o Tr­êng Sa, nhµ giµn DK1 vµ c¸c ®¶o ven bê 17 ®oµn víi 1.907 ®¹i biÓu cña 57 c¬ quan, ban, ngµnh TW, 14 tỉnh thành phố, 124 phãng viªn cña 23 c¬ quan th«ng tÊn b¸o chÝ Quân chủng Hải quân phèi hîp c¸c Bé, ban, ngµnh TW vµ tØnh, thµnh phè & c¬ quan b¸o chÝ trong c¶ n­íc 2011 Tæ chøc cho c¸c ®oµn ®¹i biÓu ®i th¨m, kiÓm tra quÇn ®¶o Tr­êng Sa, nhµ giµn DK1 vµ c¸c ®¶o ven bê 16 ®oµn víi 2017 ®¹i biÓu cña 45 c¬ quan, ban, ngµnh TW, 24 tỉnh thành phố, 132 phãng viªn cña 45 cơ quan th«ng tÊn b¸o chÝ Quân chủng Hải quân phèi hîp c¸c Bé, ban, ngµnh TW vµ tØnh, thµnh phè & c¬ quan b¸o chÝ trong c¶ n­íc 2012 Phong trµo ñng hé Tr­êng Sa Quµ, vËt chÊt vµ tiÒn trÞ gi¸ hµng tr¨m tØ ®ång/ n¨m C¸c Bé, ban, ngµnh TW vµ tØnh, thµnh phè, huþÖn, x· & c¬ quan b¸o chÝ trong c¶ n­íc Hµng n¨m Phong trµo ñng hé cho qu©n d©n huyÖn ®¶o Quµ vµ tiÒn trÞ gi¸ gÇn 30 tØ ®ång Quân chủng Hải quân phèi hîp c¸c Bé, ban, ngµnh TW vµ tØnh, thµnh phè 2010 6. Tæ chøc giao l­u, kÕt nghÜa KÕt nghÜa víi c¸c cÊp ñy, chÝnh quyÒn ®Þa ph­¬ng, c¸c ®oµn thÓ chÝnh trÞ x· héi vµ c¸c c¬ quan, nhµ tr­êng 42 ®Çu mèi Ban, ngµnh TW vµ tØnh, thµnh phè trong c¶ n­íc Quân chủng Hải quân phèi hîp c¸c Ban, ngµnh TW vµ tØnh, thµnh phè 2010 Giao l­u c¸c ho¹t ®éng v¨n hãa nghÖ thuËt, thÓ dôc thÓ thao 269 buæi giao l­u 79.080 l­ît ng­êi tham gia Quân chủng Hải quân phèi hîp c¸c Ban, ngµnh TW vµ tØnh, thµnh phè 2008 Giao l­u c¸c ho¹t ®éng v¨n hãa nghÖ thuËt, thÓ dôc thÓ thao 392 buæi víi 56.340 l­ît ng­êi tham gia Quân chủng Hải quân phèi hîp c¸c Ban, ngµnh TW vµ tØnh, thµnh phè 2009 Giao l­u c¸c ho¹t ®éng v¨n hãa nghÖ thuËt, thÓ dôc thÓ thao 745 buæi víi 98.289 l­ît ng­êi tham gia Quân chủng Hải quân phèi hîp c¸c Ban, ngµnh TW vµ tØnh, thµnh phè 2011 (Nguån: Côc ChÝnh trÞ, Qu©n chñng HQ, Th¸ng 4/2012) Phụ lục 7 KẾT QUẢ KHẢO SÁT THỰC TIỄN Đối tượng: 75 Đại biểu HĐND khóa XIII của huyện Trường Sa, thị trấn Trường Sa, xã Sinh Tồn và Song Tử Tây Thời gian khảo sát: tháng 4 năm 2013 TT Nội dung khảo sát Phương án trả lời Số phiếu Tỷ lệ % 1. Đồng chí vui lòng cho biết: cấu trúc của hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay bao gồm?. - Đảng Cộng sản Việt Nam 75 100 - Nhà nước Việt Nam XHCN 75 100 - Mặt trận tổ quốc Việt Nam 75 100 - Công đoàn Việt Nam 71 94,7 - Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam 74 98,7 - Đoàn thanh niên cộng sản HCM 75 100 - Hội nông dân Việt Nam 59 78,7 - Hội cựu chiến binh Việt Nam 72 96,0 2 Đồng chí vui lòng cho biết, Huyện Trường Sa được thành lập vào ngày tháng năm nào? 06/9/1973 0 0,0 09/12/1982 74 98,7 28/12/1982 0 0,0 11/4/2007 1 1,3 3 Về mặt hành chính, huyện đảo Trường Sa hiện nay chịu sự quản lý trực tiếp của đơn vị nào dưới đây? - tỉnh Khánh Hòa 75 100 - Tỉnh Ninh Thuận 0 0,0 - Tỉnh Bình Thuận 0 0,0 - Bộ tư lệnh Hải quân 0 0,0 4 Theo đồng chí, tính chất h.động của HTCT huyện đảo TS hiện nay là? - Thuần túy tính quân sự 3 4,0 - Thuần túy tính dân sự 0 0,0 - Vừa mang tính Q,sự, vừa D.sự 72 96,0 5 Theo đồng chí, tính đặc thù của hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa biểu hiện ở những điểm nào dưới đây? - Cơ cấu chưa hoàn thiện 75 100 - Hoạt động mang tính quân sự 73 97,3 - H.động mang tính độc lập cao 75 100 - Chịu sự chi phối của nhiều CQ 74 98,7 - C.bộ chủ yếu h.động kiêm nhiệm 73 97,3 - Điều kiện HĐ hết sức K.khăn 75 100 - Hoạt động không tập trung 75 100 6 Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò của HTCT huyện đảo Trường Sa trong tuyên truyền ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc? - Rất tích cực 74 98,7 - Tích cực 1 1,3 - Bình thường 0 0,0 - Còn hạn chế, thụ động 0 0,0 7 Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò của HTCT huyện đảo Trường Sa trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động HL và nâng cao TĐ SSCĐ của quân và dân trên đảo? - Rất tích cực 75 100 - Tích cực 0 0,0 - Bình thường 0 0,0 - Còn hạn chế, thụ động 0 0,0 8 Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò của hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa trong thực hiện công tác đối ngoại trên biển? - Tốt 22 29,3 - Khá 50 66,7 - Trung bình 3 4,0 - Kém 0 0,0 9 Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò của HTCT huyện đảo Trường Sa trong kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh? - Tốt 1 1,3 - Khá 4 5,3 - Trung bình 60 80,0 - Kém 10 13,3 10 Đồng chí cảm nhận thế nào về sự quan tâm của nhân dân cả nước đối với quân và dân Trường Sa? - Rất quan tâm 75 100 - Quan tâm 0 0,0 - Chưa thực sự quan tâm 0 0,0 - Không quan tâm 0 0,0 11 Đồng chí cảm nhận thế nào về sự quan tâm của Đảng bộ và UBND tỉnh Khánh Hòa trong xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa hiện nay? - Rất quan tâm 1 1,3 - Quan tâm 4 5,3 - Chưa thực sự quan tâm 68 90,7 - Không quan tâm 2 2,7 12 Đồng chí cảm nhận thế nào về sự quan tâm của Quân chủng Hải quân đối với xây dựng và phát triển lực lượng HQ trên huyện đảo Trường Sa? - Rất quan tâm 74 98,7 - Quan tâm 1 1,3 - Chưa thực sự quan tâm 0 0,0 - Không quan tâm 0 0,0 13 Đồng chí đánh giá thế nào về sự cần thiết phải xây dựng hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa vững mạnh hiện nay? - Rất cần thiết 3 4,0 - Cần thiết 70 93,3 - Chưa thực cần thiết 5 6,7 - Không cần phải có huyện đảo Trường Sa độc lập 0 0,0 14 Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò của cán bộ dân sự trong HTCT huyện đảo Trường Sa? - Có vai trò quan trọng 3 4,0 - Bình thường 5 6,7 - Chưa phát huy được vai trò 57 76,0 - Chỉ là hình thức 10 13,3 15 Đồng chí cảm nhận thế nào về sự cần thiết phải sát nhập một số xã ven bờ vào huyện đảo Trường Sa? - Rất cần thiết 70 93,3 - Cần thiết 3 4,0 - Chưa thực sự cần thiết 2 2,7 - Không cần thiết 0 0,0 16 Đồng chí cảm nhận thế nào về phương hướng dân sự hóa hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa? - Rất cần thiết 3 4,0 - Cần thiết 69 92,0 - Chưa thực sự cần thiết 3 4,0 - Không cần thiết 0 0,0 17 Theo đồng chí, hiện nay cần phải phát triển các dịch vụ dân sự nào trên huyện đảo Trường Sa hiện nay? - Dịch vụ giao thông vận tải giữa huyện đảo Trường Sa và bờ 75 100 - Dịch vụ chế biến hải sản 74 98,7 - Dịch vụ cung ứng vật tư và sửa chữa tàu biển 75 100 - Dịch vụ nghiên cứu biển 75 100 - D.vụ khai thác tài nguyên đáy biển 75 100 - Dịch vụ du lịch biển 54 72,0 18 Theo đồng chí, cần thực hiện tốt những giải pháp nào dưới đây để xây dựng hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa vững mạnh hiện nay? - Đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò của huyện đảo TS trong chiến lược PT KTB và bảo vệ độc lập chủ quyền biển, đảo của tổ quốc. 75 100 - Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền sự cần thiết phải xây dựng HTCT huyện đảo Trường Sa hiện nay 75 100 - Kiện toàn và hoàn thiện cơ cấu tổ chức của hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa hiện nay 75 100 - Tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về “Dân sự hóa huyện đảo Trường Sa” 74 98,7 - Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho huyện đảo trường Sa 75 100 - Hoàn thiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa các LL vũ trang trên biển. 75 100 Phụ lục 8 KẾT QUẢ KHẢO SÁT Đối tượng: 42 lao động và 12 cán bộ cơ sở tại xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn và Thị trấn Trường Sa. Thời gian khảo sát: tháng 4 năm 2013 TT Nội dung khảo sát Phương án trả lời Số phiếu Tỷ lệ % 1 Anh (chị) vui lòng cho biết, huyện Trường Sa được thành lập vào ngày tháng năm nào? 06/9/1973 0 0.0 09/12/1982 49 90.7 28/12/1982 1 1.9 11/4/2007 4 7.4 2 Anh (chị) cảm nhận thế nào về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với quân và dân Trường Sa? - Rất quan tâm 45 83.3 - Quan tâm 8 14.8 - Chưa thực sự quan tâm 1 1.9 - Không quan tâm 0 0.0 3 Anh (chị) cảm nhận thế nào về sự quan tâm của Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đối với quân và dân Trường Sa? - Rất quan tâm 3 5.6 Quan tâm 37 68.5 - Chưa thực sự quan tâm 12 22.2 - Không quan tâm 2 3.7 4 Anh (chị) cảm nhận thế nào về sự quan tâm của Quân chủng Hải quân đối với quân và dân Trường Sa? - Rất quan tâm 17 31.5 - Quan tâm 35 64.8 - Chưa thực sự quan tâm 2 3.7 - Không quan tâm 0 0.0 5 Anh (chị) cảm nhận thế nào về sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ các đơn vị Hải quân đối với nhân dân đang định cư ở Trường Sa? - Rất quan tâm, giúp đỡ 43 79.6 - Bình thường 6 11.1 - Chưa thực sự quan tâm, giúp đỡ 3 5.6 - Không quan tâm, giúp đỡ 2 3.7 6 Anh (chị) có tin tưởng vào khả năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam ở Trường Sa không? - Rất tin tưởng 16 29.6 - Tin tưởng 25 46.3 - Chưa an tâm 13 24.1 - Không thể bảo vệ được 0 0.0 7 Anh (chị) có an tâm sinh sống, làm việc lâu dài ở Trường Sa không? - Rất an tâm 17 31.5 - An tâm 24 44.4 - Chưa an tâm 10 18.5 - Không an tâm 3 5.6 8 Anh (chị) đã từng giữ chức vụ gì ở tổ chức chính quyền cấp xã, thị trấn chưa? - Đã từng 2 3.7 - Đương chức 12 22.2 - Chưa từng 40 74.1 9. Anh (chị) đánh giá như thế nào với những đề nghị dưới đây? TT Nội dung đề nghị Ý kiến đánh giá Rất cần thiết Chưa cần thiết Không cần thiết Số phiếu Tỷ lệ Số phiếu Tỷ lệ Số Phiếu Tỷ lệ 1 Tiếp tục đưa dân ra định cư tại Trường Sa 36 66.7 12 22.2 6 11.1 2 Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ở Trường Sa 32 59.3 20 37.0 2 3.7 3 Xây dựng nhà máy chế biến thủy sản tại Trường Sa 32 59.3 19 35.2 3 5.6 4 Phát triển dịch vụ du lịch tại Trường Sa 25 46.3 27 50.0 2 3.7 5 Hình thành tuyến giao thông định kỳ, ổn định giữa đảo và bờ 40 74.1 12 22.2 2 3.7 6 Sát nhập một số xã ven bờ vào huyện Trường Sa 42 77.8 11 20.4 1 1.9 7 Tăng cường đội ngũ cán bộ dân sự cấp xã, thị trấn tại Trường Sa 14 25.9 28 51.9 12 22.2 8 Tăng cường các chế độ, chính sách ưu đãi đối với quân và dân Trường Sa 45 83.3 9 16.7 0 0.0

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docluan_an_xay_dung_he_thong_chinh_tri_huyen_dao_truong_sa_hien.doc
  • docBia L.A.doc
  • docBIA TT TIENG ANH.doc
  • docBIA TT TIENG VIET.doc
  • docTHONG TIN MANG TIENG ANH.doc
  • docTHONG TIN MANG TIENG VIET.doc
  • docTOM TAT L.A TIENG ANH.doc
  • docTOM TAT L.A TIENG VIET.DOC