Quan hệ Việt Nam - Vương Quốc Anh (1973 - 2004) (Vietnamland)

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Huỳnh Hồng Hạnh Chuyên ngành : Lịch sử Việt Nam Mã số : 60 22 54 LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. NGÔ MINH OANH Thành phố Hồ Chí Minh - 2008 CÁC CHỮ VIẾT TẮT AFTA (Asean Free Trade Area) : Khu vực mậu dịch tự do ASEAN DFID (Department for International Development) : Bộ Hợp tác phát triển quốc tế. EU (European Union) : Liên minh Châu Âu. FDI (Foreign Direct Investment) : Đầu tư trực

pdf127 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1724 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Quan hệ Việt Nam - Vương Quốc Anh (1973 - 2004) (Vietnamland), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
tiếp của nước ngoài. GSP (Generalized System of Preferences) : Hệ thống ưu đãi thuế quan chung. NGO (Non-Government Organization) : Tổ chức phi chính phủ. ODA (Official Development Aid) : Viện trợ phát triển chính thức. UK (United Kingdom) : Vương quốc Anh. WB (World Bank) : Ngân hàng thế giới. WTO (World Trade Organization) : Tổ chức thương mại thế giới. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Quan hệ hợp tác để phát triển là xu thế hiện nay của thế giới, cũng là nhu cầu của các quốc gia. Các nền kinh tế, dù ở trình độ nào, đều phải tiến đến nhau để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau. Quan hệ giữa các nước lớn từ sau chiến tranh lạnh đến nay chứa đựng những yếu tố phức tạp khó lường, cục diện thế giới vừa mâu thuẫn, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh sẽ tồn tại trong thời gian dài. Có nhiều nhân tố chủ quan và khách quan thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa các nước lớn những năm đầu thế kỷ XXI, nhưng trong sâu xa quan hệ giữa họ vẫn chứa đầy mâu thuẫn, xung đột và có ảnh hưởng hết sức to lớn đến đời sống chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng của thế giới. Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ đường lối đối ngoại của nước ta là: “Chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực” [56, tr.38]. Việc cải thiện và thiết lập quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn, các trung tâm chính trị - kinh tế hàng đầu của thế giới trở thành một đòi hỏi tất yếu và cấp bách của hoạt động đối ngoại Việt Nam. Nó cho phép đồng thời phát triển quan hệ với các đối tác có thực lực và tiềm năng lớn trên nhiều lĩnh vực, từ đây có thể tranh thủ thu hút vốn đầu tư, công nghệ, thị trường, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, đáp ứng yêu cầu nhanh chóng vượt ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài đã nhiều năm của Việt Nam, phá thế bị bao vây cấm vận, chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đường lối ngoại giao nhất quán đó không chỉ được Đảng và Nhà nước Việt Nam vận dụng trong quan hệ với các nước trong khu vực mà còn vận dụng trong quan hệ với các nước phát triển thuộc Liên hiệp Châu Âu (EU), trong đó có Vương quốc Anh. Vương quốc Anh có một vai trò đặc biệt trong EU. Từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Vương quốc Anh đã có những thay đổi đối với Châu Âu. Sự thay đổi mang tính bước ngoặt của Vương quốc Anh thể hiện ở Hội nghị thương đỉnh Anh – Pháp ở Saint Malo (12/1998), hai nước đã đưa ra sáng kiến thành lập lực lượng quân sự riêng của Châu Âu. Sáng kiến này đã trở thành tiền đề cho việc hình thành chính sách an ninh và phòng thủ chung của EU. Sau thời kỳ chiến tranh lạnh, trước xu thế phát triển của thế giới lấy kinh tế làm trung tâm và xu thế toàn cầu hoá, EU nói chung và Vương quốc Anh nói riêng bắt đầu nhận thấy khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có một tiềm năng hợp tác to lớn trong nhiều lĩnh vực. Trong tầm nhìn của mình, Vương quốc Anh xem Việt Nam là một thị trường mới mẻ đầy hấp dẫn với dân số đông, lực lượng lao động dồi dào, có học thức, đất nước lại đang chuyển mình trong quá trình cải cách mở cửa, hội nhập…. Rõ ràng đối với Vương quốc Anh, đây là một thị trường đầu tư, một địa chỉ hợp tác đầy hứa hẹn. Với sự hiểu biết đó, Vương quốc Anh đã cùng với Việt Nam có những bước đi chắc chắn trong quá trình hợp tác. Về phía Việt Nam, đối với Vương quốc Anh, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ toàn diện với Vương quốc Anh, trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, lẫn văn hoá, xã hội, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật, để có nhiều điều kiện trong việc tranh thủ nguồn vốn, tiếp thu công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý của Vương quốc Anh. Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn nhằm khắc phục khó khăn, từng bước gạt bỏ mọi trở ngại để cho mối quan hệ giữa hai bên ngày càng có hiệu quả cao. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa Việt Nam với Vương quốc Anh không chỉ mang ý nghĩa khoa học, mà còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đối ngoại của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho phép chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm, thấy được những khó khăn vướng mắc trong quá khứ, để có những chủ trương chính sách đúng và có giải pháp phù hợp nhằm phát huy thành tựu, thúc đẩy quan hệ hợp tác có hiệu quả lớn trong hiện tại và tương lai. Từ trước tới nay, việc nghiên cứu mối quan hệ này của các nhà nghiên cứu Lịch sử Việt Nam hầu như chưa có. Nhu cầu phát triển đất nước đặt ra nhiệm vụ cần phải tiếp cận các vấn đề liên quan đến quá trình hội nhập quốc tế và khu vực mang tính lợi ích của Việt Nam một cách khách quan, tổng quát trên những cơ sở khoa học thực sự, góp phần làm cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, chính sách, tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh ngày càng phát triển. Từ ý nghĩa khoa học và thực tiễn nói trên, cùng với việc hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, chúng tôi quyết định chọn vấn đề: “Quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh (1973 – 2004)” với mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào lĩnh vực nghiên cứu này. Trong bước chuyển giao thế kỷ, tình hình quốc tế và khu vực có những chuyển biến mới, đòi hỏi hai nước cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giao lưu hữu nghị, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hoà bình và phát triển trong khu vực và trên thế giới. 2. Lịch sử vấn đề Theo hiểu biết của chúng tôi, đến nay hầu như chưa có công trình nào của các nhà khoa học nghiên cứu về quan hệ của Việt Nam với Vương quốc Anh, nhưng đã có một số sách xuất bản đề cập đến vấn đề quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh trên lĩnh vực kinh tế được lồng ghép trong mối quan hệ chung của khu vực EU và thế giới. Ở trong nước, có một số công trình tiêu biểu như: “Quan hệ Việt Nam – Liên minh Châu Âu” của tác giả Trần Thị Kim Dung, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000; “Thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư giữa Liên hiệp Châu Âu và Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI” của Bùi Huy Khoát (chủ biên), NXB Khoa học xã hội, 2001; Luận án “Quan hệ Việt Nam – Liên hiệp Châu Âu (1990 – 2004)” của tác giả Hoàng Thị Như Ý, Đại học Sư phạm, TP Hồ Chí Minh, 2006; “Việt Nam và các nước Tây Bắc Âu trong tình hình mới, Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc” của tác giả Nguyễn Dy Niên, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995; “Chiến lược đối ngoại của các nước lớn và quan hệ Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI” của PGS.TS Nguyễn Xuân Sơn, TS Nguyễn Văn Du, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006; “Các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ quốc tế với Việt Nam” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NXB Thông tấn; “Quan hệ EU – ASEAN trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI. ASEAN những vấn đề và xu hướng” của Bùi Huy Khoát, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997; “ASEM V – cơ hội và thách thức trong tiến trình hội nhập Á – Âu” của Hoàng Lan Hoa, NXB Lý luận chính trị; “Hoàn thiện chính sách và tổ chức thu hút FDI ở Việt Nam” của Mai Ngọc Cường (chủ biên), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000; “Hợp tác Á – Âu và vai trò của Việt Nam” của Nguyễn Duy Quý, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004; “Hợp tác ASEAN – EU: Tình hình và triển vọng. ASEAN những vấn đề và xu hướng” của Nguyễn Thu Mỹ, NXB Khoa học xã hội, 1997; “Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – EU”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995; “Thế giới sau chiến tranh lạnh và Châu Á – Thái Bình Dương trong “Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc”” của Trần Quang Cơ, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995; “Đổi mới kinh tế Việt Nam và chính sách kinh tế đối ngoại”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995…. Nhiều bài nghiên cứu viết về mối quan hệ Việt Nam – vương quốc Anh cũng được đăng tải trên các tạp chí, các báo như: “Thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Anh” của Nguyên Thành, Thời báo Kinh tế Việt Nam, 24/5/2002; “Quan hệ Việt – Anh phát triển” của Phong Hương, Tuần báo Quốc tế, số 44, 1996; “Mở rộng quan hệ Việt – Anh” của Hồng Phúc, Tuần báo Quốc tế, số 16, 1996; “Tương lai mở rộng hợp tác Việt – Anh”, Báo Nhân dân, 28/7/1993; “30 năm phát triển quan hệ Việt Nam – Anh quốc” của Bùi Việt Hưng, Nghiên cứu Châu Âu, 2004; “Hợp tác đầu tư thương mại Việt – Anh trong những năm gần đây” của Hoàng Xuân Hoà, Nghiên cứu quốc tế, số 34; “Viện trợ phát triển chính thức của Anh cho Việt Nam” của Hoàng Xuân Hoà, Nghiên cứu quốc tế, số 54; hoặc được lồng ghép trong mối quan hệ chung của khu vực EU và thế giới như: “Quan hệ Việt Nam – EU”, Thông tấn xã Việt Nam, 2003; “Thực trạng và triển vọng phát triển kinh tế giữa EU và Việt Nam” của Trần Nguyễn Tuyên, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, 2004; “Quan hệ kinh tế Việt Nam – Liên minh Châu Âu: Hiện trạng và triển vọng” của Nguyễn Quang Thuấn, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, 2004; “Tổng quan về hợp tác Việt Nam – EU năm 2002” của Đỗ Thị Lan Phương, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, 2002; “Trước thềm ASEM V, nhìn lại thực trạng và triển vọng quan hệ hợp tác EU – ASEAN” của Ngô Minh Oanh, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, 2004; “Vị thế của Việt Nam trong quan hệ hợp tác kinh tế EU – ASEAN” của Mai Hồng Nhung, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, 2004; “Việt Nam trong tiến trình hợp tác ASEM” của Nguyễn Văn Lịch, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, 2004; “Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU” của Nguyễn Thị Như Hà, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, 2001; “Quan hệ Việt Nam – Châu Âu” của Hoàng Hải, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, 1996, số 7; “Thương mại Việt Nam – EU: phát triển bền chặt”, Báo Đầu tư, 2/4/1998; “Hợp tác Việt Nam – EU ngày càng mở rộng”, Báo Nhân dân, 11/2/1995; “Quan hệ thương mại Việt Nam – EU thời gian gần đây”, Báo Ngoại thương, 1997; “Quan hệ Việt Nam – EU”, Báo Ngoại thương, 1996; “ASEM: Những thành tựu và vấn đề” của Bùi Huy Khoát, Nghiên cứu Châu Âu, 2004; “Chiến lược Châu Á mới của EU và vai trò của ASEM” của Bùi Huy Khoát, Nghiên cứu Châu Âu, 2003; “Đông Nam Á trong chiến lược Châu Á mới của Liên hiệp Châu Âu” của Bùi Huy Khoát, Nghiên cứu Châu Âu, 2005, số 62; “EU – ASEAN: Những quan hệ đang được thúc đẩy” của Bùi Huy Khoát, Nghiên cứu Châu Âu, 1995, số 3; “Việt Nam – Châu Âu: Một số vấn đề về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài” của Bùi Nhật Quang, Nghiên cứu Châu Âu, 1995, số 3; “Tiếp tục hỗ trợ Việt Nam: WB, Anh, Thụy Điển, Hà Lan”, Thời báo Kinh tế Việt Nam, 2003; “ASEAN - Một đối tác chiến lược của Liên minh Châu Âu” của Đặng Minh Đức, Nghiên cứu Châu Âu, 2003; “Đầu tư của Liên minh Châu Âu tại Việt Nam”, Nghiên cứu Châu Âu, 1996, số 6; “Tình hình chính trị - xã hội của EU hiện nay (2001 – 2005) và những tác động đến Việt Nam” của Đinh Công Tuấn, Nghiên cứu Châu Âu, 2005, số 62; “Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các nước đang phát triển từ 1980 đến nay: Xu hướng vận động và các vấn đề cần giải quyết” của Đỗ Đức Bình, Những vấn đề kinh tế thế giới, 1997, số 46; “Quan hệ thương mại và đầu tư EU – Châu Á” của Đỗ Đức Mạnh, Nghiên cứu Châu Âu, 1995, số 4 & 5; “Mấy vấn đề về vốn ODA vào Việt Nam của các nước Tây Bắc Âu” của Hoàng Hải, Nghiên cứu Châu Âu, 1996, số 6; “EU và chiến lược đầu tư vào các nước trong khu vực và Việt Nam” của Kim Ngọc, Nghiên cứu Châu Âu, 1995, số 1; “Việt Nam – EU: Hợp tác kinh tế và thương mại” của Kim Ngọc, Những vấn đề kinh tế thế giới, 1996, số 4; “Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vị trí của Châu Âu còn thấp nhưng đầy hứa hẹn” của Lê Mạnh Tuấn, Nghiên cứu Châu Âu, 1995, số 1; “Toàn cầu hoá kinh tế - Một số tác động tới quá trình liên kết kinh tế EU – ASEAN” của Nguyễn An Hà, Nghiên cứu Châu Âu, 2003; “Quan hệ Việt Nam – EU năm 1997: Bước tiến vững chắc” của Nguyễn Đăng Quế, Tuần báo quốc tế, 1997, số 42 và 52; “Tiến trình hợp tác Á – Âu và sự tham gia của Việt Nam” của Nguyễn Quang Thuấn, Nghiên cứu quốc tế, 2004, số 59; “Vài nét về quan hệ EU - Việt Nam” của Nguyễn Thu Hà, Nghiên cứu Châu Âu, 1996, số 3; “Tiếp xúc, giao lưu và phát triển văn hoá: Quan hệ văn hoá giữa Việt Nam và thế giới” của Phạm Đức Dương, Nghiên cứu Đông Nam Á, 1994, số 4; “Bối cảnh quốc tế mới và những vấn đề kinh tế EU – ASEAN” của Trần Đình Thiên, Những vấn đề kinh tế thế giới, 2005, số 114; “Viện trợ phát triển chính thức của EU cho khu vực Đông Nam Á” của Trần Hoàng Mai, Nghiên cứu Châu Âu, 1996, số 1; “Năm 1997 - Một bước tiến mới vững chắc trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU” của Trần Thị Kim Dung, Nghiên cứu Châu Âu, 1998; “Quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU” của Từ Thanh Thủy, Những vấn đề kinh tế thế giới, 1998, số 1; “Tăng cường hợp tác Á – Âu về đầu tư”, VN Express, 2003…. Ngoài ra, đề tài còn được thực hiện trên cơ sở tham khảo các nguồn tài liệu sau đây: Các văn kiện của Đảng, Nhà nước XHCN Việt Nam, các Hiệp định, văn bản ký kết giữa hai nước, số liệu của Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch đầu tư, Cục Thống kê, các tài liệu liên quan đến quan hệ Việt Nam – vương quốc Anh lưu trữ ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia II – TP.HCM, các bài viết đăng tải trên tạp chí như Nghiên cứu lịch sử, Nghiên cứu Châu Âu, những vấn đề kinh tế thế giới…, và các bài đăng trên các báo như Thông tấn xã, Nhân dân, Tuần tin tức, Tuần báo quốc tế, Đầu tư, Sài Gòn Giải phóng…, các trang web của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam như: website của Đảng Cộng sản Việt Nam (www.cpv.org.vn), Quốc hội Việt Nam (www.na.gov.vn), Bộ Văn hoá – Thông tin (www.cinet.vnn.vn), Bộ Khoa học công nghệ và môi trường (www.moste.gov.vn), Bộ Ngoại giao Việt Nam (www.mofa.gov.vn), Tổng Cục thống kê (www.gso.gov.vn), Bộ Thương mại (www.mot.gov.vn).... Ở ngoài nước, tiêu biểu như: Brian B., Coping with Contagion: Europe and the Asian Financial Crisis, Asian Survey, May/June; Dent C.M., The European Union and East Asia: Geo – Economic Diplomacy and Crisis Management, Global Change: The Impact of Asia in the 21st Century, Macmillan, London; Dent C.M., The European Union and East Asia: An Economic Relationship, Routledge, London; Foreign Investment in Southest Asia…. Nhìn chung, tài liệu về đề tài này là tương đối nhưng không tập trung, những số liệu trích dẫn từ các nguồn nhiều lúc có sự chênh lệch, gây không ít khó khăn trong quá trình tập hợp và phân loại tài liệu với khả năng có hạn của người thực hiện đề tài. 3. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam về quan hệ quốc tế như là những cơ sở lý luận cho nghiên cứu. Chúng tôi sử dụng hai phương pháp chuyên ngành, đó là phương pháp lịch sử và phương pháp logic. Đồng thời chúng tôi cũng sử dụng các phương pháp liên ngành như phương pháp nghiên cứu kinh tế, phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế … và các phương pháp cụ thể như phân tích, tổng hợp, thống kê. Dựa vào phương pháp lịch sử, luận văn dựng lại toàn bộ quá trình lịch sử quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh qua những sự kiện, dấu mốc và các giai đoạn phát triển đa dạng của mối quan hệ dưới tác động của tình hình thế giới, khu vực và sự phát triển, đổi mới chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở của bức tranh lịch sử toàn cảnh, phương pháp logic vạch ra bản chất của mối quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh nhằm rút ra những đặc điểm, chiều hướng phát triển của mối quan hệ này. 4. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu * Phạm vi nghiên cứu: + Về phạm vi thời gian, giới hạn đề tài này chủ yếu từ năm 1973 đến năm 2004. Tuy nhiên để làm rõ hơn mối quan hệ này, chúng tôi có đề cập đến quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh giai đoạn trước năm 1973. + Về nội dung, đề tài đi sâu vào tìm hiểu mối quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh giai đoạn 1973 – 2004 trên một số lĩnh vực: chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, văn hoá – giáo dục, khoa học kỹ thuật… * Đối tượng nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu mối quan hệ giữa Việt Nam – Vương quốc Anh trong bối cảnh của tình hình thế giới và khu vực, sự điều chỉnh chiến lược, sách lược, biện pháp cụ thể trong chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Luận văn xem xét mối quan hệ này dưới góc độ Việt Nam với tư cách là chủ thể của mối quan hệ và chủ thể của đối tượng nghiên cứu trong mối quan hệ với Vương quốc Anh. 5. Đóng góp của luận văn - Trên cơ sở phân tích và so sánh những tài liệu thu thập được, chúng tôi cố gắng phục dựng lại bức tranh toàn cảnh quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh từ năm 1973 đến năm 2004 trên các lĩnh vực hợp tác với những khó khăn trở ngại, các vấn đề đã gặp phải trong phát triển quan hệ thời gian qua. - Rút ra những nhận xét, bài học kinh nghiệm, dự báo những cơ hội và thách thức, nêu lên triển vọng và xu thế phát triển của quan hệ hợp tác giữa hai nước, từ đó đề xuất hướng giải quyết để thúc đẩy các quan hệ này trong bối cảnh vượt qua tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế khu vực, đưa đất nước vào quỹ đạo phát triển ổn định, bền vững trong những thập niên đầu thế kỷ XXI. - Luận văn có thể là tài liệu tham khảo cho sinh viên khoa Lịch sử, Quan hệ quốc tế…. 6. Bố cục luận văn Luận văn gồm: phần mở đầu, phần kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, phần nội dung chính được triển khai qua ba chương: - Chương 1: Quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh từ năm 1973 đến năm 1990. - Chương 2: Quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh từ năm 1991 đến năm 2004. - Chương 3: Những cơ hội, thách thức và triển vọng của quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh những thập niên đầu thế kỷ XXI. Chương 1: QUAN HỆ VIỆT NAM – VƯƠNG QUỐC ANH TỪ NĂM 1973 ĐẾN 1990 1.1. Khái quát về quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh trước năm 1973 1.1.1. Đôi nét về Vương quốc Anh Vương quốc Anh (UK) nằm ở Bắc Đại Tây Dương, phía Tây Châu Âu, được thành lập năm 1801, chiếm phần lớn quần đảo Anh. Đảo lớn nhất là Great Britain gồm England, Scotland và Wales. Kế theo là đảo Ailen mà phía bắc thuộc UK và phía nam là nước Cộng hoà Ailen. Ngoài ra còn có trên 4000 hòn đảo lớn nhỏ khác. Vương quốc Anh có khí hậu biển thất thường, nhưng nhìn chung khí hậu ôn hoà với nhiệt độ trung bình ít khi quá 320C và âm dưới 100C. Vương quốc Anh có diện tích 243.000 km2, với số dân 59,756 triệu người, đa số theo đạo Tin Lành (Anh giáo), nói tiếng Anh, và có thủ đô Luân Đôn. Quốc khánh của Vương quốc Anh là ngày 11/6, kỷ niệm chính thức ngày sinh Nữ hoàng Elizabeth II. Vương quốc Anh theo chế độ quân chủ lập hiến, nguyên thủ quốc gia nay là Nữ hoàng Elizabeth II, đồng thời là nguyên thủ quốc gia của nhiều nước trong khối thịnh vượng chung do Vương quốc Anh đứng đầu. Quốc hội Anh có hai viện, Hạ viện gọi là House of Commons và Thượng viện là House of Lords. Nền chính trị là dân chủ nghị viện đa đảng, luôn luôn do hai đảng lớn là Đảng Bảo thủ và Công đảng thay nhau cầm quyền từ 150 năm nay. Kinh tế Anh chủ yếu dựa vào khu vực kinh tế tư nhân (chiếm 80% sản lượng và 75% lao động). Chính sách kinh tế là tự do hoá thị trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thông qua các biện pháp như tư nhân hoá và cải cách thuế, duy trì tăng trưởng trên cơ sở thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư. Vương quốc Anh đứng thứ tư thế giới về GDP (sau Mỹ, Nhật, Đức), đứng thứ năm về thương mại quốc tế (5,4%) và thứ ba về dịch vụ (chiếm 6,8%). Một số kết quả khả quan trong phát triển kinh tế, đó là duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao so với các nước EU, thất nghiệp giảm mạnh, lạm phát thấp…. Thương mại của Vương quốc Anh luôn đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế, đứng thứ tư về xuất khẩu và dịch vụ của thế giới, đạt 5,1% thương mại thế giới [243]. Vương quốc Anh cũng là nước có nhiều tiềm năng về công nghệ cao, là một trong những cường quốc thương mại và trung tâm tài chính lớn trên thế giới, là một trong các nền kinh tế lớn nhất Tây Âu. Nông nghiệp có trình độ cơ giới cao. Nước Anh có trữ lượng lớn về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá, các sản phẩm năng lượng thô chiếm 10% GDP. Các ngành dịch vụ, đặc biệt là ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ kinh doanh khác cũng chiếm tỷ lệ lớn trong GDP [260]. Trong quá khứ, Vương quốc Anh là đế quốc có nhiều thuộc địa, hiện Vương quốc Anh vẫn là nước đứng đầu Khối thịnh vượng chung gồm 48 nước và còn nhiều ảnh hưởng đến các nước thuộc địa, phụ thuộc cũ. Vương quốc Anh là thành viên quan trọng trong khối NATO, thành viên trong EU. Vương quốc Anh có quan hệ ngoại giao với 165 nước. Vị trí của Vương quốc Anh là cường quốc thương mại và nằm giữa hệ thống các liên minh như Liên hiệp Châu Âu, NATO, Liên Hiệp quốc, Khối thịnh vượng chung và G8, đồng thời tiếp tục hợp tác chặt chẽ với hai bờ Đại Tây Dương nhằm xây dựng một Châu Âu ổn định hơn, an toàn hơn [243]. Từ cuối năm 1997, chính phủ Anh đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tham gia tích cực vào tất cả các hoạt động hội nhập do EU và vấn đề về việc Vương quốc Anh gia nhập Liên minh tiền tệ Châu Âu (EMU) chỉ là thời gian [71, tr.35]. Trong quá trình thực hiện chính sách thương mại quốc tế, chính phủ Anh đã thiết lập một hệ thống các ban xúc tiến xuất khẩu. Chính nhờ hệ thống này mà hầu hết các doanh nghiệp của Vương quốc Anh đều thu thập được một cách chính xác các thông tin về sự biến động thị trường, giá cả, thiết lập được mạng lưới buôn bán xuyên quốc gia. Một trong những sáng kiến mới của chính phủ Anh trong việc thực hiện chiến lược phát triển thương mại quốc tế là thu hút các nhà lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn của Vương quốc Anh tham gia vào các hoạt động kinh tế đối ngoại. Các đối tác thương mại hàng đầu của Vương quốc Anh từ trước tới nay vẫn là các nước thành viên trong EU với tỷ trọng chiếm 55% toàn bộ xuất khẩu. Các bạn hàng thương mại chính của Vương quốc Anh trong khối nước này vẫn là Đức, Pháp và Hà Lan. Khối lượng mậu dịch của Vương quốc Anh với các nước xuất khẩu dầu mỏ cũng thường xuyên đạt mức tăng trưởng khá cao và ổn định, chủ yếu do xuất khẩu của Vương quốc Anh tăng, giai đoạn 1995 – 2000 tăng bình quân đạt hơn 20% [71, tr.38, 39]. Viện trợ phát triển chính thức (ODA – Official Development Aid) được coi là một trong những phương tiện quan trọng của chính sách đối ngoại của Vương quốc Anh, là yếu tố quan trọng để phát huy vai trò quốc tế của Vương quốc Anh. Hơn nữa, Vương quốc Anh còn coi viện trợ kinh tế là công cụ chủ chốt để giành vị trí, ảnh hưởng của mình trong xã hội quốc tế và phục vụ tốt nhất cho lợi ích của Vương quốc Anh. Với những chính sách và phương thức mới về hợp tác phát triển được thực hiện từ sau năm 1997, tỷ lệ ODA trong tổng thu nhập quốc dân (GNP) của Vương quốc Anh đã tăng lên đáng kể. Năm 1998, Vương quốc Anh dành 2,315 tỷ bảng Anh (tương đương với 3,7 tỷ USD) cho nguồn vốn ODA, chiếm 0,27% GNP. Và đến năm 2001, Vương quốc Anh đã tăng mức ODA lên tới 3,22 tỷ bảng Anh (tương đương với 5,15 tỷ USD), chiếm 0,3% GNP của Vương quốc Anh, trong đó 71% dành cho các chương trình ODA song phương tại những nước nghèo, có thu nhập thấp. Đồng thời, chính phủ Anh cam kết sẽ tăng chi nguồn vốn ODA nhằm góp phần xoá đói giảm nghèo ở các quốc gia đang phát triển. Theo Bộ Hợp tác phát triển quốc tế (DFID – Department for International Development), ngân sách dành cho ODA sẽ tăng bình quân trên 8%/năm, đưa ODA ở Vương quốc Anh từ mức 3,4 tỷ bảng Anh trong giai đoạn 2002 – 2003 lên gần 4,6 tỷ bảng Anh trong giai đoạn 2005 – 2006 (xem phụ lục 2, bảng 1, tr.98) [72, tr.25]. Vương quốc Anh đang đẩy mạnh quan hệ với các nước ASEAN và khu vực Á. Đây là khu vực Vương quốc Anh có nhu cầu củng cố vai trò và vị trí của mình. Năm 1973, Vương quốc Anh gia nhập EEC (nay là Liên hiệp Châu Âu – EU), và thiết lập quan hệ ngoại giao với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là với Việt Nam, một thị trường đầu tư đầy hấp dẫn. 1.1.2. Khái quát về quan hệ Việt nam – Vương quốc Anh trước năm 1973  Quan hệ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Vương quốc Anh: Năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám (1945), thế nước vô cùng khó khăn, Việt Nam bị đe dọa bởi các thế lực ngoại bang. Vương quốc Anh mang danh nghĩa đồng minh vào giải giáp quân Nhật (6/9/1945). Thực dân Pháp tìm cách trở lại cai trị nước ta. Tuy nhiên thời thế lúc bấy giờ đã khác, đứng trước các thế lực ngoại bang là một xứ Đông Dương đã nhận thức được sức mạnh của chính mình và quyết tâm đứng lên giành độc lập. Với Việt Nam, đường lối đối ngoại của chính phủ cũng là ước nguyện của hàng triệu dân quyết “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” [116, tr.4] như trong bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945. Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và bản Hiệp định Geneva, đánh dấu sự chấm hết của Pháp sau gần một thập kỷ đô hộ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa cách mạng Việt Nam chuyển qua một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng miền Bắc theo con đường xã hội chủ nghĩa và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, hoàn thành độc lập dân tộc, dân chủ và thống nhất đất nước, “Thắng lợi mới làm cho tình hình nước ta đổi mới tức là từ chiến tranh chuyển sang hoà bình. Nhưng để giành lấy hoà bình toàn diện và lâu dài, chúng ta cần phải ra sức đấu tranh…. Nhiệm vụ chung của chúng ta hiện nay là: thi hành đúng đắn Hiệp định đình chiến, đấu tranh để giữ gìn và củng cố hoà bình, để thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc” [115, tr.339]. Vì vậy, sau khi giành được chính quyền và tuyên bố độc lập, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quan tâm sâu sắc đến việc đề cao vị trí của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, giành thế hợp pháp cho chính quyền mới, tranh thủ sự công nhận quốc tế. Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ (1954 – 1975), chỉ tập trung toàn bộ sức người, sức của và mọi chính sách cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tranh thủ mọi sự giúp đỡ quốc tế về chính trị và vật chất cho sự nghiệp này, vì thế, Việt Nam chưa có sự hoạch định chính sách rõ ràng và cụ thể đối với Vương quốc Anh, chỉ có mối quan hệ song phương giữa Việt Nam Cộng hoà (chính quyền miền Nam Việt Nam) với Vương quốc Anh.  Quan hệ Việt Nam Cộng hoà – Vương quốc Anh: * Về ngoại giao: có thể điểm qua các sự kiện như chuyến thăm Vương quốc Anh của ông Lê Văn Đồng (1957) [203], phái đoàn Việt Nam Cộng hoà sang Vương quốc Anh để quan sát về kinh tế, thương mại (1958, 1959) [199, 200], Việt Nam Cộng hoà tham dự triển lãm tiểu công nghệ tại London (Vương quốc Anh) (1959) [201, tr.2] - triển lãm không những là một dịp tốt để giới thiệu với dân chúng của Vương quốc Anh đồ thủ công nghệ Việt Nam, mà còn có ý nghĩa làm tăng cường mối giao hảo giữa Việt Nam Cộng hoà và Vương quốc Anh. Về phía Vương quốc Anh, phải kể đến chuyến thăm Việt Nam Cộng hoà của Hầu tước Lord Reading (1956 – 1957) [204], ông Raymond Woodward - đại diện cho Liên đoàn kỹ nghệ Anh (Federation of British Industries) sang viếng thăm Việt Nam Cộng hoà với mục đích khảo sát tình hình kinh tế và thương mại của Việt Nam Cộng hoà (1957) [194], Đài Vô tuyến truyền hình BBC - một cơ quan do chính phủ Anh trợ cấp sang Việt Nam Cộng hoà quay phim về các thực hiện của chính phủ Việt Nam Cộng hoà trong mọi ngành hoạt động quốc gia để chiếu trong chương trình Panorama của đài BBC giúp phổ biến sự hiểu biết Việt Nam Cộng hoà tại Vương quốc Anh (8/1959) [196], phái đoàn Nghị sĩ Anh viếng thăm Việt Nam Cộng hoà (1959) [195], ông J.K.Thompson – Giám đốc Văn phòng viện trợ Kế hoạch Colombo tới thăm Việt Nam Cộng hoà (1960) [197], Thứ trưởng thương mại Anh - nghị sĩ Erroll sang viếng thăm Việt Nam Cộng hoà (1961) với mục đích nghiên cứu với chính phủ Việt Nam Cộng hoà các phương pháp tăng cường giao dịch thương mại giữa Việt Nam Cộng hoà và Vương quốc Anh, chuyến thăm Việt Nam Cộng hoà của ông Lord Bridges - Chủ tịch Hội đồng Văn hoá Anh (British Council) (1961), ông R.A.Nottage - Viện trưởng Viện Hành chính Hoàng gia Anh qua thăm Học viện Quốc gia Hành chính Việt Nam (1961) [198, tr.77, 100, 103], đặc biệt chuyến thăm Việt Nam Cộng hoà của Thứ trưởng ngoại giao Anh – Kershaw (1970) - trở về Luân Đôn sau chuyến thăm Việt Nam Cộng hoà, Thứ trưởng ngoại giao Anh đã thúc giục các kỹ nghệ gia Anh nên quan tâm hơn về việc giao thương với Việt Nam Cộng hoà, bởi vì theo Thứ trưởng ngoại giao Anh, Việt Nam Cộng hoà có thể trở thành một thị trường rất quan trọng trong tương lai [206, tr.4]. * Trong quan hệ thương mại: Từ năm 1960 – 1962, Việt Nam Cộng hoà xuất khẩu một số mặt hàng là cao su, trà và nhập khẩu của Vương quốc Anh hàng tiêu dùng, phụ tùng thay thế và nguyên liệu sản xuất [xem phụ lục 2, bảng 2 & 3, tr.98, 99]. Năm 1960, việc xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam Cộng hoà sang Vương quốc Anh bắt đầu phát triển, và qua năm 1962, lại phát triển thêm nữa, nhờ thị trường Anh tiêu thụ cao su của Việt Nam Cộng hoà nhiều hơn (5.573 tấn, trị giá 128 triệu đồng năm 1960, 12.840 tấn, trị giá 231 triệu đồng năm 1961 và 13.287 tấn, trị giá 254 triệu đồng năm 1962). Trà của Việt Nam Cộng hoà bán qua Vương quốc Anh cũng càng ngày càng nhiều: 28 triệu đồng năm 1960, 46 triệu đồng năm 1961 và 52 triệu đồng năm 1962 [202, tr.14]. Về hàng nhập khẩu từ Vương quốc Anh, Việt Nam Cộng hoà nhập giấy và công phẩm bằng giấy nhiều hơn mọi năm: 20 triệu đồng năm 1962 so với 4 triệu đồng năm 1961 và 1960 [202, tr.26]. + Những cơ sở kinh tế lớn nhất của Vương quốc Anh tại miền Nam Việt Nam gồm có: Hai nhà Ngân hàng “The Chartered Bank” và “The Honkong and Shanghai Banking Corporation”. Hai cơ sở tín dụng này giúp một phần quan trọng vào các nghiệp vụ xuất nhập khẩu của Việt Nam Cộng hoà và cũng góp phần vào các công cuộc phát triển kỹ nghệ của Việt Nam Cộng hoà. Cả hai đều thuộc về một tổ hợp ngân hàng thiết lập vào năm 1961 với sự tham gia của các ngân hàng Việt Nam Cộng hoà và ngoại quốc khác, nhằm mục đích thúc đẩy công cuộc kỹ nghệ hoá ở miền Nam Việt Nam. Công ty Shell Việt Nam, ._.trong đó vốn của Vương quốc Anh chiếm phần lớn. Công ty này đứng hàng đầu về cung cấp sản phẩm dầu hoả cho Việt Nam Cộng hoà, tiếp liệu 64% tổng số nhu cầu của Việt Nam Cộng hoà. Công ty Shell Việt Nam đã cùng với công ty Esso ký kết với chính phủ Việt Nam Cộng hoà một khế ước vào tháng 4/1962 để xây dựng một nhà máy lọc dầu gần Nha Trang. Hãng thuốc điếu MIC, với 50% vốn của Vương quốc Anh, mỗi tháng sản xuất 150 triệu điếu thuốc. Công ty này còn góp phần vào việc phát triển trồng thuốc lá Virginia ở miền Trung và đã đạt được nhiều kết quả tốt. Ngoài ra, có nhiều công ty lớn khác của Vương quốc Anh có đặt chi điếm ở miền Nam Việt Nam hoặc do các hãng Việt Nam hoặc Pháp làm đại diện tại Việt Nam Cộng hoà. Vương quốc Anh không cấp viện trợ kinh tế cho Việt Nam Cộng hoà, nhưng có một số chuyên viên Anh giúp Việt Nam Cộng hoà trong khuôn khổ Kế hoạch Colombo [202, tr.14, 26]. Năm 1970, hãng Mranders Tam (Vương quốc Anh) đề nghị dự án xây nhà máy phân bón tại Vũng Tàu với hình thức đầu tư quốc doanh [207, tr.14]. * Về chính sách viện trợ: Viện trợ của Vương quốc Anh cho Việt Nam Cộng hoà từ năm 1964 – 1969 là trên 7 triệu Mỹ kim, năm 1970 là 908.020 Mỹ kim, năm 1971 là 391.000 Mỹ kim và 408.595 Mỹ kim trong năm 1972. Trong năm 1961, Vương quốc Anh gửi một phái bộ cố vấn về hành chính và chính trị qua Việt Nam Cộng hoà do Sir Robert Thompson lãnh đạo [206, tr.158]. Ngày 21/12/1972, một thoả ước giữa Vương quốc Anh và Việt Nam Cộng hoà được ký kết theo đó chính phủ Anh thuận cấp cho Việt Nam Cộng hoà một tín dụng không lời 1 triệu Anh kim (tương đương 2.400.000 Mỹ kim) để tài trợ các dự án điện nước [206, tr.147]. * Về lĩnh vực y tế: Từ năm 1966, Vương quốc Anh gửi một phái bộ y tế sang giúp bệnh viện Nhi Đồng ở Sài Gòn gồm bác sĩ chuyên khoa và y tá [205, tr.10]. * Trong lĩnh vực văn hoá giáo dục: Hàng năm một số sinh viên ở miền Nam Việt Nam được học bổng tu nghiệp của Kế hoạch Colombo hay của British Council. Từ năm 1965 – 1968 có 47 học bổng, trong năm 1969 có 14 học bổng và năm 1970 có 23 học bổng. Chính phủ Anh hàng năm cấp cho Việt Nam Cộng hoà 30 học bổng dành cho công chức tu nghiệp. Ngoài ra, Vương quốc Anh còn xây hai trường tiểu học tại Sài Gòn, biếu các dụng cụ phòng thí nghiệm và sách vở cho các phân khoa Đại học [205, tr. 10]. Đế quốc Mỹ ngày càng sa lầy và bế tắc ở Việt Nam. Nhất là từ sau cuộc Tổng tiến công Mậu thân 1968, nhiều nước Tây, Bắc Âu ngày càng có thái độ chuyển biến nhất định đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà theo hướng thực tế hơn và tích cực hơn, trong đó có nhiều vị trong chính giới Anh đã đồng tình và ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam [208, tr.4]. Vào tháng 9/1970, một phái đoàn của Tổng công đoàn Anh (TUC) qua thăm Hà Nội và tháng 10/1970, bà Nguyễn Thị Bình sang viếng thăm Luân Đôn [203, tr.7]. Hiệp định Paris (1/1973) là một dấu mốc cực kỳ quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước EU nói chung và Vương quốc Anh nói riêng, vì từ thời điểm đó, hầu hết các nước EU và Vương quốc Anh đã có nhận thức khác về tình hình Việt Nam. Khi Mỹ buộc phải rút quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam, thì vấn đề sẽ chỉ còn là công việc nội bộ giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Do vậy, thái độ của các nước EU và Vương quốc Anh đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày càng thực tế và tích cực. Tháng 2/1973, phái đoàn Đảng Lao động Anh do ông James Callaghan dẫn đầu sang viếng thăm Việt Nam Dân chủ Cộng hoà [206, tr.149]. Đầu những năm 70, một số nước EU và đặc biệt là Vương quốc Anh đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (9/1973) [46, tr.94]. 1.2. Quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh từ năm 1973 đến năm 1990 Từ giữa những năm 1970, quan hệ giữa Việt Nam Cộng hoà và Vương quốc Anh vẫn tiếp tục. Năm 1974, Vương quốc Anh cung cấp cho Việt Nam Cộng hoà một tín dụng không lời tương đương 384.000 Mỹ kim [209]. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, uy tín của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế. Một nước Việt Nam thống nhất có tiềm năng phát triển kinh tế và là một nhân tố mới, quan trọng ở Đông Nam Á là đối tác mà nhiều nước trên thế giới tính đến trong quan hệ quốc tế của họ. Các nước EU, đặc biệt là Vương quốc Anh ngày càng quan tâm đến vị trí và vai trò của Việt Nam, một quốc gia độc lập và có chủ quyền. Trên lĩnh vực ngoại giao, Việt Nam và Vương quốc Anh thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ngày 11/9/1973. Đại sứ Anh – John Fawcett đã gặp gỡ hầu hết các lãnh tụ cao cấp của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị (1975) và theo nhận xét của ông thì Việt Nam dành ưu tiên cho việc phát triển kinh tế [210, tr.110]. Trên lĩnh vực hợp tác phát triển, Vương quốc Anh dành cho Việt Nam nhiều viện trợ nhân đạo quan trọng bằng lương thực, thuốc men [209]. Thế nhưng tình hình diễn biến xấu đi từ cuối năm 1978, làn sóng công kích Việt Nam chung quanh vấn đề người di tản bằng thuyền, vấn đề Việt Nam vào Campuchia (1979) giúp đỡ nhân dân nước này lật đổ chế độ diệt chủng. Các thế lực thù địch tuyên truyền xuyên tạc sự thật nên đã ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh, do đó quan hệ giữa hai bên không những không phát triển mà còn trải qua một khúc quanh lạnh nhạt. Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn mà trước hết phải kể đến sự cấm vận của Mỹ đã kéo theo hàng loạt nước, tổ chức (trong đó có Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới) không cho Việt Nam vay tiền. Ngoại giao của Việt Nam với các nước trong khu vực cũng ở mức báo động vì vấn đề Campuchia. Trước thực trạng đất nước khủng hoảng, đòi hỏi Đảng ta phải đổi mới trong mọi lĩnh vực hoạt động. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tiến hành thực hiện thành công một số hoạt động đối ngoại như ban hành luật đầu tư nước ngoài (1987) nhằm thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm của tư bản nước ngoài, rút hết quân đội khỏi Campuchia (9/1989) [25, tr.331], cải thiện quan hệ với ASEAN làm cho tình hình khu vực hoà dịu hơn, thực hiện bước đầu đối thoại với Hoa Kỳ để xích lại gần nhau hơn. Trên cơ sở đó, Việt Nam từng bước cải thiện quan hệ với các nước EU nói chung và với Vương quốc Anh nói riêng. Quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh đóng băng cho đến năm 1987 mới được nối lại và thực sự khởi sắc vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Các công ty của Vương quốc Anh vào Việt Nam sớm (1988 – 1989) nhưng thời gian đầu chủ yếu tập trung vào dầu khí (70% tổng đầu tư) [258]. Như vậy, từ năm 1973 đến năm 1990, quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh nhìn chung chưa thực sự trở thành đối tác của nhau, chỉ với mức độ dè dặt cẩn trọng và thường hợp tác trên lĩnh vực mang tính hỗ trợ nhân đạo nhằm thăm dò thị trường. Vào cuối thập kỷ 80, khi Việt Nam giành được những thành tựu quan trọng bước đầu trong việc thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa hội nhập với cộng đồng quốc tế, trong điều kiện mới, với những chuyển biến tích cực từ phía Việt Nam cũng như sự tác động từ bên ngoài, Vương quốc Anh ngày càng chú ý quan tâm hơn tới Việt Nam và coi việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam là một ưu tiên trong đường lối đối ngoại ở Châu Á. Những lợi thế của Việt Nam như vị trí địa - chiến lược quan trọng, nguồn lao động trẻ, dồi dào, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú… là mặt mạnh của Việt Nam trong hợp tác với Vương quốc Anh. Cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở Vương quốc Anh có khả năng đóng vai trò quan trọng là “cầu nối” tăng cường quan hệ. Mở rộng và tăng cường quan hệ với Vương quốc Anh giúp Việt Nam khai thác được nguồn vốn, công nghệ, thị trường và phương pháp quản lý hiện đại từ Vương quốc Anh, những lĩnh vực mà Vương quốc Anh có nhiều kinh nghiệm quý báu và tiềm năng to lớn là chuyển giao công nghệ hiện đại, đầu tư sản xuất công nghiệp, phát triển nông nghiệp, nông thôn, văn hoá – giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế. Việt Nam nhìn thấy ở Vương quốc Anh những điều kiện thuận lợi như vậy và Vương quốc Anh cũng tìm thấy ở Việt Nam một thị trường rộng lớn, một môi trường đầu tư hấp dẫn. Đó là những nhân tố góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh ngày càng tăng cường và mở rộng trên mọi lĩnh vực.  Tiểu kết chương 1 Điểm nổi bật trong quan hệ của Việt Nam với Vương quốc Anh giai đoạn trước năm 1975 gắn với diễn biến của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Nhìn chung, cho tới năm 1975, trong chính sách của mình, cả Việt Nam lẫn Vương quốc Anh với tư cách là một thực thể kinh tế - chính trị đều chưa coi nhau là đối tác, và vì thế mức độ quan hệ hầu như không có, hoặc nếu có thì cũng hết sức hạn chế. Giai đoạn cuối năm 1970 – 1980, quan hệ giữa Việt Nam – Vương quốc Anh bị tác động tiêu cực bởi sự kiện Campuchia. Năm 1986, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI đề ra chính sách đổi mới, chuyển hướng nền kinh tế nước ta từ kế hoạch tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường và thực hiện chính sách mở cửa, “Tư tưởng chỉ đạo của kế hoạch và các chính sách kinh tế là giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của đất nước và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa” [53, tr.47]. Năm 1987, Việt Nam ban hành luật đầu tư nước ngoài, tạo nên những điều kiện và tiền đề quan trọng cho quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên EU nói chung và với Vương quốc Anh nói riêng. Các nhà đầu tư của Vương quốc Anh có mặt tại Việt Nam ngay từ năm đầu ban hành luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1988) dưới hình thức các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí (PSC). Qua mấy năm thực hiện chính sách đổi mới (1986 – 1990), Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng, bước đầu mở cửa và hội nhập với cộng đồng quốc tế, làm cho bộ mặt đất nước thay đổi nhanh chóng. Quan hệ giữa Việt Nam với Vương quốc Anh cũng được mở rộng đáng kể. Chương 2 : QUAN HỆ VIỆT NAM – VƯƠNG QUỐC ANH TỪ NĂM 1991 ĐẾN 2004 2.1. Giai đoạn 1991 – 1995 2.1.1. Tình hình quốc tế và khu vực 2.1.1.1. Tình hình quốc tế Chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ trong những năm 1989 – 1991 là sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, tác động trực tiếp và sâu xa đến toàn bộ cục diện thế giới. Cùng với sự tan rã này là một cuộc chạy đua quyền lực mới giữa các nước và các nhóm nước nhằm xác lập vị trí và vai trò của mình trên trường quốc tế. Xu hướng đa cực hoá chính trị dần hình thành và đang trở nên phổ biến trong thế giới đương đại. Các nước lớn chuyển hướng hoặc điều chỉnh chiến lược, chú trọng phát triển nội lực, tăng cường cạnh tranh và chạy đua kinh tế. Về đối nội, các nước này tích cực đẩy mạnh các chương trình “chấn hưng kinh tế”, “cải cách mở cửa”…. Về đối ngoại, họ đi vào hoà hoãn, cải thiện quan hệ từng đôi một, vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau. Sau thời kỳ chiến tranh lạnh, những điểm nóng, các cuộc chiến tranh cục bộ, những xung đột, tranh chấp… vẫn còn tồn tại, nhưng xu thế từ đối đầu chuyển sang đối thoại, vừa đấu tranh vừa hợp tác để phát triển bắt đầu chiếm ưu thế. Quan niệm về thế và lực cũng dần thay đổi, bên cạnh quân sự, sức mạnh kinh tế và khoa học công nghệ được đề cao. Quá trình này tạo điều kiện cho các nước có những bước nhảy vọt trong sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hoá và quốc tế hoá đang trở thành “xu thế khách quan, lôi cuốn các nước, bao trùm hầu hết các lĩnh vực, vừa thúc đẩy hợp tác vừa tăng sức ép cạnh tranh và tính tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế” [55, tr.157]. Bước phát triển cao của nền kinh tế thế giới với sự tự do hoá thương mại, đầu tư dịch vụ, chuyển giao công nghệ, lao động trên phạm vi toàn cầu đã thúc đẩy các quan hệ, giao dịch song phương, đa phương và tăng cường sự liên kết giữa các quốc gia, các khu vực trên toàn thế giới. Trong bối cảnh quốc tế đang diễn biến hết sức phức tạp, việc đánh giá một cách nghiêm túc và đúng đắn tình hình quốc tế, xem xét và điều chỉnh chính sách đối nội - đối ngoại của mỗi quốc gia, dân tộc là một yêu cầu hết sức quan trọng và cần thiết. 2.1.1.2. Tình hình khu vực Châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng vào những năm đầu thập niên 90 có nhiều biến chuyển tích cực về mọi mặt. Lần đầu tiên trong lịch sử từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Đông Nam Á trải qua một thập niên phát triển năng động trong cuộc hành trình vào thiên niên kỷ mới với những bước tiến triển lớn đầy hứa hẹn. Với việc ký Hiệp định Paris về Campuchia (10/1991), quan hệ giữa hai nhóm nước ASEAN và Đông Dương thay đổi cơ bản, chuyển từ trạng thái đối đầu sang đối thoại, thúc đẩy hoà bình, hữu nghị và hợp tác [25, tr.322]. Đối với Việt Nam, đến đầu những năm 1990, tình hình trong nước vô cùng khó khăn. Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng trong công cuộc đổi mới, song Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam vẫn bị Mỹ thi hành chính sách cấm vận, bao vây về kinh tế, đồng thời chưa có được quan hệ hoàn toàn bình thường với các nước. Hơn nữa, do Liên Xô và CNXH ở Đông Âu tan rã, chỗ dựa vững chắc về chính trị và kinh tế trước đây nay không còn nữa, thị trường truyền thống của Việt Nam bất ngờ bị thu hẹp, nguồn viện trợ cũng không còn. Nhưng do nhận thức được sự biến chuyển của tình hình thế giới - sự tan rã của trật tự thế giới hai cực, quá trình quốc tế hoá phụ thuộc lẫn nhau đang tăng lên mạnh mẽ, đồng thời cũng do sự đòi hỏi bức thiết của tình hình trong nước phải phá thế bị cấm vận, Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) đã đề ra chính sách đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, nhằm có thêm bạn bè, tranh thủ thêm nguồn vốn, công nghệ cho sự phát triển kinh tế của nước ta. Đại hội VII đã tuyên bố: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển [54, tr.147]. Văn kiện Đại hội VII nêu rõ “chúng ta chủ trương hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau, trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình” [54, tr.88]. Chính việc Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa đã diễn ra trùng hợp với làn sóng đang lan toả của xu hướng khu vực hoá và toàn cầu hoá, trong sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế, Việt Nam đã thực sự trở thành một khu vực quan trọng và là thị trường bổ sung vào cơ cấu kinh tế của những nước có trình độ phát triển cao hơn. Quan hệ giữa Việt Nam đối với phần lớn các nước tư bản và công nghiệp phát triển từng bước cải thiện từ giữa những năm 1980, sau khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới, phát triển mạnh mẽ và tích cực sau khi cuộc xung đột Campuchia được giải quyết bằng giải pháp thương lượng. Các nước Tây, Bắc Âu có nền kinh tế lớn mạnh, khoa học công nghệ hiện đại. Liên minh Châu Âu (EU) là một trong ba trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá lớn hàng đầu của thế giới, có vai trò và tiếng nói ngày càng quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế thế giới. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương đẩy mạnh việc cải thiện quan hệ với các nước Tây, Bắc Âu, tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước này trên cơ sở bình đẳng và hợp tác cùng có lợi. Chủ trương này đã được các nước trong khu vực Tây, Bắc Âu đáp ứng vì nó phù hợp với lợi ích của các bên. Việt Nam tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại nhằm thúc đẩy sự hợp tác kinh tế, văn hoá, thương mại, khoa học - kỹ thuật với liên minh Châu Âu cũng như các nước tại Tây, Bắc Âu, tranh thủ thu hút đầu tư của các nước có tiềm năng lớn về vốn và công nghệ để phục vụ phát triển kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đồng thời từng bước mở rộng quan hệ hữu nghị, văn hóa, du lịch giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước Tây, Bắc Âu, đặc biệt là Vương quốc Anh, một nước ngày càng có vị trí và vai trò quan trọng trong EU. 2.1.2. Quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh (1991 – 1995) Do thấy rõ tiềm năng phát triển của Việt Nam, Vương quốc Anh đã đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam. Việt Nam được coi là một thị trường có tiềm năng to lớn, giàu tài nguyên và nhân công kỹ thuật, nguồn lao động dồi dào. Với những điều kiện sẵn có ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, Vương quốc Anh cũng như EU sẽ có lợi thế nhất định trong việc tăng cường mối quan hệ của mình với Việt Nam và khu vực để cạnh tranh với Nhật và Mỹ. 2.1.2.1. Lĩnh vực chính trị - ngoại giao Trong nửa đầu thập niên 90, nhiều đợt trao đổi đoàn giữa hai nước diễn ra thường xuyên, liên tục, trở thành một trong những hoạt động mang tính thường niên không thể thiếu, từ đó mở ra triển vọng hợp tác tốt đẹp cho các lĩnh vực khác. Về phía Việt Nam, có các chuyến thăm Vương quốc Anh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (7/1993) [260] - chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam sau 20 năm kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (10/1993) [25, tr.361] - nhằm phát triển quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước…. Về phía Vương quốc Anh, có các chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh Doglas Head (1994) – hai bên ký thoả thuận viện trợ tài chính theo đó chính phủ Anh cho Việt Nam vay 50 triệu bảng Anh với điều kiện ưu đãi để thực hiện một số dự án ưu tiên tại Việt Nam, chuyến thăm của công chúa Hoàng gia Anh Anne (1994) – trong các cuộc tiếp công chúa, các vị lãnh đạo Việt Nam đã đánh giá cao sự giúp đỡ của Quỹ cứu trợ Nhi đồng Anh do công chúa làm Chủ tịch đối với Việt Nam đặc biệt đối với trẻ em và phụ nữ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển nông thôn, chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Anh Kennét Clắccơ (1995) - thảo luận vấn đề tài trợ vốn ODA cho Việt Nam, chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Anh P.L.Phơrâygiơ (1995) - thảo luận về dự án thăm dò dầu khí Nam Côn Sơn của công ty BP [260]. Những cuộc đi thăm và tiếp xúc cấp cao của hai bên đã tạo ra những cơ sở chính trị quan trọng thúc đẩy sự phát triển các mối quan hệ hợp tác đa dạng trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Do nhận thức sâu sắc nhiệm vụ ngoại giao là để phục vụ thiết thực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nên các hoạt động chính trị đối ngoại của Đảng, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đều tập trung vào các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá, khoa học kỹ thuật với Vương quốc Anh. Việt Nam đã ký với Vương quốc Anh các Thoả thuận và Hiệp định như Chương trình trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam (10 triệu bảng cho 13 dự án nghiên cứu khả thi về sửa chữa hệ thống cầu trên quốc lộ 1A) ký tháng 7/1993; Chương trình hồi hương người Việt Nam ra đi bất hợp pháp sang Hồng Kông (100 triệu USD thông qua EU cho giai đoạn 1991 – 1992); Thoả thuận giải quyết nợ song phương (xoá 50% nợ, còn nợ 10,4 triệu bảng Anh) ký tháng 10/1994; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký ngày 9/4/1994; Thoả thuận về quy chế chuyên gia tư vấn kỹ thuật ký năm 1995 [260]. Và với kết quả của những chuyến thăm này, có thể nói Việt Nam đã thành công trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao, trên cơ sở đó xây dựng được mối quan hệ toàn diện trên mọi lĩnh vực hai bên cùng có lợi. Sự giao lưu thăm viếng lẫn nhau giữa những người lãnh đạo cấp cao đã mang lại những kết quả quan trọng mà trước hết nhằm thể hiện quyết tâm đưa quan hệ song phương tiến thêm một bước, phù hợp với mong muốn và khả năng cũng như tình hữu nghị, gắn bó giữa hai dân tộc. Kết quả này hoàn toàn không phải là điều bất ngờ, vì nó diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam đang triển khai những định hướng đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá, nhằm tạo ra những tiền đề và động lực mới góp phần ổn định, phát triển kinh tế xã hội, đồng thời mang lại những chuyển biến tích cực trong quan hệ Việt Nam với các nước trên thế giới. Thành tích này được xem như là sự khởi đầu tốt đẹp đối với Việt Nam trong việc hoà nhập với cộng đồng quốc tế, chính thức chấm dứt sự cô lập kéo dài đối với Việt Nam, xác lập sự thay đổi đất nước theo hướng kinh tế thị trường. Xét trong bối cảnh khu vực, sự giao lưu thăm viếng giữa những người lãnh đạo các cấp của hai quốc gia không chỉ tạo ra những thuận lợi và triển vọng tốt đẹp cho quan hệ hai nước, mà đứng về khía cạnh nào đó còn làm cho bầu không khí chính trị giữa Việt Nam và các nước khác trong khu vực dễ chịu hơn rất nhiều. Như vậy, từ mối quan hệ chính trị cởi mở này, quan hệ hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hoá giáo dục, khoa học kỹ thuật, hành chính cũng có những bước phát triển đáng kể. Nhìn chung, các cuộc gặp gỡ trao đổi giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã tạo ra bầu không khí chính trị thuận lợi và những điều kiện về khung pháp lý để đi đến đạt được nhiều thoả thuận có ý nghĩa cho mối quan hệ hai bên bước sang một thời kỳ mới với những chất lượng và hiệu quả cao hơn, thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật phát triển. 2.1.2.2. Lĩnh vực kinh tế - thương mại Trên cơ sở mở rộng quan hệ ngoại giao, thực hiện đường lối kinh tế đối ngoại, đặc biệt đối với Vương quốc Anh cùng với các chuyến thăm cấp chính phủ, nhiều cơ hội hợp tác đã mở ra, thúc đẩy mậu dịch song phương. Vương quốc Anh và Việt Nam không có bề dày lịch sử trong quan hệ hợp tác trong khi các nhà đầu tư Anh lại nổi tiếng về sự thận trọng, tính toán kỹ càng trước khi quyết định đầu tư vào bất cứ đâu. Do đó trong những năm đầu Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, trong khi các nước khác ồ ạt thiết lập quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam thì Vương quốc Anh gần như chỉ là quan sát viên (tổng kim ngạch hai chiều giữa hai nước chỉ đạt 13,3 triệu bảng Anh vào năm 1991) [90, tr.121]. Cho đến năm 1993, sau khi Thủ tướng Việt Nam thăm chính thức nước Anh và Ngoại trưởng Anh – Doglas Head sang thăm Việt Nam năm 1994 thì quan hệ kinh tế giữa hai nước mới phát triển mạnh. Năm 1993, chính phủ Anh đã tháo bỏ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đối với Việt Nam sau 12 năm gián đoạn, hàng Việt Nam xuất khẩu vào Vương quốc Anh được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan (GSP) như các nước phát triển khác. Về thương mại, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa hai nước năm 1994 – 1995 tăng vọt so với những năm trước. Năm 1994, tổng kim ngạch hai chiều đạt 130 triệu bảng Anh, tăng 3 lần so với năm 1992 [90, tr.121, 122]. Trong 5 năm qua (1991 – 1995), xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng từ 18 – 25%/năm, với những mặt hàng chủ yếu như giày dép (53%), dệt may (12%), chè và cà phê (8%), gạo (8%), thuỷ sản (3%), cao su…. Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Vương quốc Anh là hàng gia công chế biến và thiết bị công nghiệp (38%), hoá chất (21%), thiết bị viễn thông (6%), thuốc lá (3%)… [258]. Chính sách thương mại của Vương quốc Anh đối với Việt Nam là Vương quốc Anh lấy thúc đẩy quan hệ buôn bán giữa hai bên làm nền tảng cho phát triển quan hệ hợp tác. Sự phát triển quan hệ trong thương mại cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc hợp tác phát triển đầu tư giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. 2.1.2.3. Lĩnh vực hợp tác đầu tư và phát triển * Những lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài:  Vị trí địa lý: Việt Nam nằm ở gần trung tâm vùng Đông Nam Á, là vùng có tốc độ tăng trưởng cao của thế giới, bình quân mỗi nước ở khu vực này có mức tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 6 – 7% [101, tr.10], mở rộng ra là vùng Châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển năng động. Vị trí này một mặt tạo bối cảnh thuận lợi cho nước ta trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới, mặt khác tạo ra những thách thức mới rất lớn cho nền kinh tế trong nước, cho việc hoạch định các chính sách đối ngoại để vừa hội nhập vừa hợp tác và cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường quốc tế và khu vực. Việt Nam nằm trên các tuyến đường hàng hải quốc tế từ Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sang khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, Châu Phi. Dọc bờ biển nước ta, nhiều nơi có khả năng xây dựng các cảng nước sâu: cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Dung Quất, cảng Sài Gòn…, nhất là vùng từ Nam Trung bộ trở vào là nơi có khí hậu tốt, ít bão, tàu bè có thể cập bến an toàn quanh năm. Việt Nam có đường biên giới trên bộ khoảng 4.500 km với các nước láng giềng. Dọc biên giới có nhiều cửa khẩu, thuận lợi cho việc buôn bán giao lưu bằng đường bộ. Việt Nam nằm ở đầu mút của con đường Xuyên Á, nhờ vậy việc giao lưu buôn bán với các nước láng giềng càng trở nên tấp nập hơn. Việt Nam còn nằm ở vị trí trung chuyển của nhiều tuyến hàng không quốc tế từ Châu Á sang Châu Âu. Đặc biệt sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ở vào vị trí lý tưởng, cách đều các thủ đôvà thành phố quan trọng trong khu vực. Bên cạnh đó việc nâng cấp các sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, khôi phục các sân bay nội địa và mở thêm nhiều tuyến bay quốc tế cho phép nước ta mở rộng hoạt động buôn bán, du lịch quốc tế, dịch vụ vận chuyển bằng đường hàng không, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động có hiệu quả hơn.  Tài nguyên thiên nhiên: Tài nguyên thiên nhiên nước ta là nguồn vật chất quan trọng cho việc phát triển các ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp khai thác… nhằm cung cấp nguồn hàng cho xuất khẩu. Điều kiện đất đai, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa phân hoá đa dạng theo không gian và theo mùa đã tạo điều kiện để nước ta phát triển có hiệu quả một nền nông nghiệp nhiệt đới và cận nhiệt đới như: cao su, cà phê, dừa, điều, hồ tiêu, mía, thuốc lá, chè, hồi… có giá trị xuất khẩu cao. Thêm vào đó, Việt Nam có đường bờ biển dài 3260 km, nhiều đầm phá, ao, hồ, có nhiều ngư trường lớn nên rất phong phú về nguồn thuỷ hải sản, đặc biệt là tôm, mực và một số loài cá có giá trị xuất khẩu cao. Tài nguyên khoáng sản có một số loại có trữ lượng khá, chất lượng tốt. Đặc biệt là dầu khí ở vùng thềm lục địa với tổng trữ lượng khoảng 10 tỷ tấn dầu, hàng trăm tỷ m3 khí. Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều khoáng sản có giá trị khác: than đá, kim loại đen, màu, phi kim loại, khoáng sản làm vật liệu xây dựng [101, tr.11]. Tài nguyên rừng tuy đã bị suy giảm nhiều, nhưng gỗ quý là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị. Ngoài ra còn có các lâm sản khác: tre, nứa, song, mây làm nguyên liệu cho ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống đã chiếm lĩnh thị trường nhiều nước trên thế giới. Có thể nói rằng, do nước ta bước vào công nghiệp hoá chậm hơn nên nguồn tài nguyên tính trên đầu người còn cao hơn một số nước trong khu vực. Đó là một lợi thế so sánh để nước ta tham gia vào phân công lao động quốc tế, đẩy mạnh việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.  Dân cư - nguồn lao động: Đây là thế mạnh của Việt Nam, cho đến nay dân số nước ta khoảng 80 triệu người. Lực lượng lao động dồi dào, có những phẩm chất đáng quý như cần cù, có khả năng tiếp thu trình độ khoa học, kỹ thuật, công nghệ ngày càng cao, giá nhân công lại rẻ. Nhân dân Việt Nam có nhiều nghề truyền thống (chế biến lương thực, thực phẩm, thủ công nghiệp). Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành hàng sử dụng nhiều lao động: công nghiệp nhẹ (dệt, may, giày da), tiểu thủ công nghiệp, chế biến lương thực thực phẩm và hợp tác với nước ngoài để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có chất lượng đáp ứng các thị trường khó tính. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam còn là một thị trường dễ tính và giàu tiềm năng. Đây là một cơ hội cho các đối tác trong khu vực cũng như trên thế giới đẩy mạnh hợp tác buôn bán với Việt Nam. Chính yếu tố thị trường nội địa và lợi thế so sánh về giá lao động rẻ đã có sức hấp dẫn nhất định đối với việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài.  Cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Sau nhiều năm xây dựng đất nước, kinh tế quốc doanh – thành phần kinh tế chủ đạo đã tạo nên một cơ sở vật chất kinh tế to lớn đặt nền tảng cho phát triển kinh tế của cả nước nói chung, cho ngành kinh tế đối ngoại nói riêng. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, thông tin liên lạc và việc cung cấp điện có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát triển kinh tế đối ngoại. Sự phát triển các ngành hàng hải, hàng không với hệ thống cảng biển, sân bay được nâng cấp, hiện đại hoá là điều kiện cho phép nâng cao hiệu quả và mở rộng hoạt động ngoại thương, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đang được chú trọng xây dựng và một số đã đi vào hoạt động, việc phát triển đi trước một bước các công trình cơ sở hạ tầng ở các địa bàn kinh tế trọng điểm đã, đang và sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam, trong đó có Vương quốc Anh - một thị trường nổi tiếng khó tính và thận trọng. Trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, vốn đầu tư là tối cần thiết đối với sự tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng, nhất là các nước này lại đang ở trong tình trạng thiếu vốn gay gắt. Từ một đất nước sản xuất nông nghiệp là chủ yếu và lại là nền sản xuất nhỏ, thực chất của việc thiếu vốn đối với Việt Nam là thiếu tư liệu sản xuất, do không đủ ngoại tệ để nhập từ nước ngoài. Trên thực tế, vốn nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh dưới hai hình thức chủ yếu, đó là viện trợ chính thức và đầu tư trực tiếp của nước ngoài cùng với vốn ODA của Châu Âu và Liên Hiệp Quốc. Luật đầu._., T.8, tr.434, 437, 439. 53. Đảng Cộng sản Việt Nam, (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI, NXB Sự thật, Hà Nội, tr.81, 47. 54. Đảng Cộng sản Việt Nam, (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.147, 88. 55. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần IX, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.64, 157. 56. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần X, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.38. 57. Đầu tư của Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, (1996), Nghiên cứu Châu Âu, số 6, tr.52 – 54. 58. Đinh Quý Độ, (2003), Chính sách thương mại của Mỹ, EU, Nhật Bản, Những xu hướng điều chỉnh chủ yếu, Những vấn đề kinh tế thế giới (1). 59. Đổi mới kinh tế Việt Nam và chính sách kinh tế đối ngoại, (1995), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 60. Đặng Minh Đức, (2003), ASEAN - Một đối tác chiến lược của Liên minh Châu Âu, Nghiên cứu Châu Âu. 61. Nguyễn Hoàng Giáp, (2005), Phát triển quan hệ với các nước lớn trong chính sách đối ngoại đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, Nghiên cứu quốc tế, số 61, tr.30 – 38. 62. Lý Thu Hà, Vốn ODA và FDI trong nông nghiệp, Thời báo kinh tế Việt Nam, số 91, 12/11/1997, tr.6. 63. Nguyễn An Hà, (2003), Toàn cầu hoá kinh tế - một số tác động tới quá trình liên kết kinh tế EU – ASEAN, Nghiên cứu Châu Âu. 64. Nguyễn Thị Như Hà, (2001), Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU, Nghiên cứu Châu Âu. 65. Nguyễn Thu Hà, (1996), Vài nét về quan hệ EU - Việt Nam, Nghiên cứu Châu Âu, số 3, tr.56 – 59. 66. Hoàng Hải, (1996), Mấy vấn đề về vốn ODA vào Việt Nam của các nước Tây, Bắc Âu, Nghiên cứu Châu Âu, số 6, tr.46 – 49. 67. Hoàng Hải, (1996), Quan hệ Việt Nam – Châu Âu năm 1995, Nghiên cứu Châu Âu, số 7. 68. Thanh Hải, Để tương xứng với tiềm năng sẵn có, Báo Đầu tư, 23/10/1997, tr.5. 69. Hoàng Lan Hoa, ASEM V – Cơ hội và thách thức trong tiến trình hội nhập Á – Âu, NXB Lý luận chính trị. 70. Hoàng Xuân Hoà, Hợp tác đầu tư - thương mại Việt – Anh trong những năm gần đây, Nghiên cứu quốc tế, số 34. 71. Hoàng Xuân Hoà, Chiến lược phát triển thương mại quốc tế của Anh trong những năm gần đây, Nghiên cứu quốc tế, số 44. 72. Hoàng Xuân Hoà, Viện trợ phát triển chính thức của Anh cho Việt Nam, Nghiên cứu quốc tế, số 54. 73. Hoàng Xuân Hoà, (2000), “Vai trò của EU đối với sự phát triển thương mại Việt Nam”, Nghiên cứu Châu Âu, số 2. 74. Học viện quan hệ quốc tế, (2001), Tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam, Q.1, Hà Nội. 75. Học viện quan hệ quốc tế, (2002), Tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam, Q.2 & 3, Hà Nội. 76. Học viện quan hệ quốc tế, (1995), Liên minh Châu Âu – EU, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 77. Học viện quan hệ quốc tế, 50 năm ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập tài liệu hội thảo khoa học, 22/8/1995, Hà Nội. 78. Hỏi đáp về tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, (1997), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.350. 79. Hợp tác kinh tế và thương mại với EU, (1995), Uỷ ban kế hoạch nhà nước, Hà Nội, tr.236. 80. Khắc Huỳnh, (2005), Ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1975, Nghiên cứu Lịch sử, số 4, tr.12 – 25. 81. Bùi Việt Hưng, (2004), 30 năm phát triển quan hệ Việt Nam – Anh quốc, Nghiên cứu Châu Âu. 82. Hồ Thanh Hương, (2001), Nền kinh tế Anh trong thế kỷ XX và triển vọng, Nghiên cứu Châu Âu. 83. Phong Hương, (1996), Quan hệ Việt – Anh phát triển, Tuần báo quốc tế, số 44, tr.5. 84. Jean Baptiste Duroselle, Lưu Đoàn Huynh và Quách ngọc Bảo dịch, Lịch sử ngoại giao từ 1919 đến ngày nay, Học viện quan hệ quốc tế, 10/1994, Hà Nội. 85. Tuấn Khánh, Ủng hộ những nỗ lực cải cách của Việt Nam, Thời báo kinh tế Việt Nam, 1/2/2002. 86. Phạm Thanh Khiết, (2005), Thành tựu kinh tế Việt Nam 30 năm (1975 – 2005), Sinh hoạt lý luận, số 70, tr.3 – 9. 87. Bùi Huy Khoát, (2004), ASEM: Những thành tựu và vấn đề, Nghiên cứu Châu Âu. 88. Bùi Huy Khoát, (2003), Chiến lược Châu Á mới của EU và vai trò của ASEM, Nghiên cứu Châu Âu. 89. Bùi Huy Khoát, (2005), Đông Nam Á trong Chiến lược Châu Á mới của Liên hiệp Châu Âu, Nghiên cứu Châu Âu, số 62, tr.14 – 16. 90. Bùi Huy Khoát (chủ biên), (2001), Thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư giữa Liên hiệp Châu Âu và Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, NXB Khoa học xã hội. 91. Bùi Huy Khoát, (1995), EU – ASEAN: Những quan hệ đang được thúc đẩy, Nghiên cứu Châu Âu, số 2, tr.1 – 8. 92. Bùi Huy Khoát, (1995), Hợp tác thương mại - đầu tư EU – ASEAN, Nghiên cứu Châu Âu, số 3, tr.6 – 10. 93. Bùi Huy Khoát, (1997), Quan hệ EU – ASEAN trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI. ASEAN những vấn đề và xu hướng, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.284 – 295. 94. Đỗ Như Khuê và Nguyễn Thị Loan Anh, (1997), Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, Thống kê, Hà Nội. 95. Trần Hoàng Kim, (1995), Kinh tế Việt Nam chặng đường 1945 – 1995 và triển vọng năm 2000, NXB Thống kê. 96. Kinh tế - xã hội, các số năm 2002 – 2003, Trung tâm Thông tin - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 97. Kinh tế xã hội, Quan hệ hợp tác Việt Nam – EU: hiện tại và tương lai, 25/1/1997, tr.26 – 31. 98. Kinh tế xã hội, Sách lược Châu Á mới của EU, 27/1/1996, tr.31 – 32. 99. Lê Linh Lan, (2005), Quá trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ: kinh nghiệm và bài học, Nghiên cứu quốc tế, số 61, tr.19 – 29. 100. Trần Quang Lâm, Nguyễn Khắc Thân, (2000), Hội nhập kinh tế Việt Nam – ASEAN, NXB Thống kê, Hà Nội. 101. Trần Thị Hồng Lê, (2004), Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam từ năm 1988 đến nay, Khoá luận tốt nghiệp, Đại học Sư phạm. 102. Nguyễn Văn Lịch, (2004), Việt Nam trong tiến trình hợp tác ASEM, Nghiên cứu Châu Âu. 103. Hoàng Xuân Long, (1991), Quan hệ thị trường trong quá trình đổi mới cơ chế kinh tế ở Việt Nam, Học viện Nguyễn Ái Quốc, Hà Nội. 104. Võ Đại Lược - Tạ Kim Ngọc, (1996), Các khối kinh tế và mậu dịch trên thế giới, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 105. Võ Đại Lược, (1997), Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Những vấn đề kinh tế thế giới, số 47, tr.9 – 15. 106. Đinh Xuân Lý, (2003), Quá trình Việt Nam hội nhập khu vực Châu Á – Thái Bình Dương theo đường lối đổi mới của Đảng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.59. 107. Đinh Xuân Lý, (2005), Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đổi mới, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 108. Trần Hoàng Mai, (1996), Viện trợ phát triển chính thức của EU cho khu vực Đông Nam Á, Nghiên cứu Châu Âu, số 1, tr.13 – 20. 109. Bùi Đức Mãn, Lịch sử các nước trên thế giới - Lược sử nước Anh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh. 110. Đỗ Đức Mạnh, (1995), Quan hệ thương mại và đầu tư EU – Châu Á, Nghiên cứu Châu Âu, số 4 & 5, tr.18 – 21. 111. Marisol Touraime, Các cường quốc thế giới mới, Tài liệu phục vụ nghiên cứu, Viện Thông tin khoa học xã hội, TN 96 – 21. 112. Hồ Chí Minh, Báo cáo tại Hội nghị chính trị đặc biệt, Toàn tập, T.11, tr.228. 113. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, T.3, (1993), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 114. Hồ Chí Minh toàn tập, (1995), T.4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 115. Hồ Chí Minh, (2000), Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh, Toàn tập, T.7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.339. 116. Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập, Toàn tập, T.4, tr.4. 117. Trọng Minh, (2004), Thế giới năm 2004: Tình hình và dự báo, Nghiên cứu quốc tế, số 56. 118. Nguyễn Thu Mỹ (chủ biên), (1998), ASEAN hôm nay và triển vọng phát triển trong thế kỷ XXI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 119. Nguyễn Thu Mỹ, (1997), Hợp tác ASEAN – EU: Tình hình và triển vọng, ASEAN những vấn đề và xu hướng, NXB Khoa học xã hội, tr.185 – 284. 120. Phan Doãn Nam, (2004), Những xu hướng chủ yếu của quan hệ quốc tế hiện nay và 15 – 20 năm tới, Nghiên cứu quốc tế, số 57. 121. Phan Doãn Nam, (2004), Thế giới năm 2004: Một số dự báo, Nghiên cứu Châu Âu. 122. Kim Ngọc, (1997), Đầu tư vào Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt, Đầu tư, số 280, tr.5. 123. Kim Ngọc, (1996), Vào Việt Nam làm ăn là một mệnh lệnh kinh tế, Việt Nam - Đầu tư nước ngoài, số 171. 124. Kim Ngọc, (2001), Kinh tế thế giới thế kỷ XX và triển vọng những thập kỷ đầu thế kỷ XXI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 125. Kim Ngọc (chủ biên), (2003), Kinh tế thế giới 2002 – 2003: Đặc điểm và triển vọng, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 126. Kim Ngọc (chủ biên), (2004), Kinh tế thế giới 2003 – 2004: Đặc điểm và triển vọng, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.22. 127. Kim Ngọc, (1995), EU và chiến lược đầu tư vào các nước trong khu vực và Việt Nam, Nghiên cứu Châu Âu, số 1, tr.29 – 36. 128. Kim Ngọc, (1996), Việt Nam – EU: Hợp tác kinh tế và thương mại, Những vấn đề kinh tế thế giới, số 4, tr.65 – 70. 129. Phùng Xuân Nhạ, (1997), Một số đặc điểm của lý thuyết đầu tư nước ngoài trực tiếp ở các nước đang phát triển, Những vấn đề kinh tế thế giới, số 46, tr.32 – 37. 130. Trần Nhâm (chủ biên), (1997), Có một Việt Nam như thế: Đổi mới và phát triển, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 131. Mai Hồng Nhung, (2004), Vị thế của Việt Nam trong quan hệ hợp tác kinh tế EU – ASEAN, Nghiên cứu Châu Âu. 132. Những điểm cần lưu ý về đầu tư thương mại với EU - Việt Nam, (1995), Hợp tác kinh tế và thương mại với EU, Hà Nội. 133. Nguyễn Dy Niên, (1995), Việt Nam và các nước Tây Bắc Âu trong tình hình mới, Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 19 – 26. 134. Tôn Nữ Thị Ninh và Vụ tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao, Các vấn đề toàn cầu, Các tổ chức quốc tế và Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 135. Vũ Dương Ninh (chủ biên), (2004), Việt Nam – ASEAN: Quan hệ song phương và đa phương, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 136. Vũ Dương Ninh, (2000), Thành tựu và thử thách trong quan hệ đối ngoại thời đổi mới, Lịch sử Đảng, tr.23. 137. Vũ Dương Ninh, (2003), Sự khác biệt văn hoá - yếu tố thúc đẩy hay cản trở quan hệ ASEAN – EU, Nghiên cứu Châu Âu. 138. Ngô Minh Oanh, (2004), Trước thềm ASEM V, nhìn lại thực trạng và triển vọng quan hệ hợp tác EU – ASEAN, Nghiên cứu Châu Âu, số 59, tr.29 – 34. 139. Perkings Dexter, Nguyễn Ngọc Nhạ dịch, (1968), Ngoại giao trong thời đại mới, S. 140. Hồng Phúc, Mở rộng quan hệ Việt – Anh, Tuần báo quốc tế, số 16, tr.5. 141. Đỗ Thị Lan Phương, (2002), Tổng quan về hợp tác Việt Nam – EU năm 2002, Nghiên cứu Châu Âu. 142. Quan điểm mácxít về một số lý thuyết quan hệ quốc tế của các nước phương Tây hiện nay, (2002), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 143. Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – EU, (1995), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 144. Quản lý dự án - Bộ Kế hoạch đầu tư, (2000), Tổng kết FDI tại Việt Nam. 145. Bùi Nhật Quang, (1995), Việt Nam – Châu Âu: Một số vấn đề về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Nghiên cứu Châu Âu, số 3, tr.60 – 64. 146. Quân đội nhân dân Việt Nam - Tổng cục chính trị, (2001), Quan hệ quốc tế, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội. 147. Nguyễn Duy Quý, (2004), Hợp tác Á – Âu và vai trò của Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 148. Nguyễn Duy Quý, (2002), Thế giới trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 149. Nguyễn Duy Quý, (2001), Tiến tới một ASEAN hoà bình, ổn định và phát triển bền vững, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 150. Nguyễn Đăng Quế, (1997), Quan hệ Việt Nam – EU 1997: Bước tiến vững chắc, Tuần báo quốc tế, số 42 & 52, tr.3 & 7. 151. Hùng Sơn, (1994), Vài suy nghĩ về tình hình quốc tế và hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 1993, Nghiên cứu quốc tế, số 3, tr.3 – 8. 152. Nguyễn Xuân Sơn (chủ biên), (1997), Trật tự thế giới thời kỳ chiến tranh lạnh, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 153. PGS.TS Nguyễn Xuân Sơn, TS Nguyễn Văn Du, (2006), Chiến lược đối ngoại của các nước lớn và quan hệ Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 154. Nguyễn Xuân Sơn, Thái Văn Long, (1997), Chính sách đối ngoại của các nước ASEAN, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 155. Tài liệu tham khảo đặc biệt, VNTTX các số năm 1997 & 1998. 156. Tài liệu của phái đoàn Uỷ ban Châu Âu tại Việt Nam, Cộng đồng Châu Âu và Việt Nam. 157. Tài liệu tham khảo đặc biệt, Hợp tác Việt Nam – Liên minh Châu Âu, 28/10/1994. 158. Tài liệu tham khảo đặc biệt, (1996), Quan hệ EU – ASEAN, số 157, tr.3 – 4. 159. Tài liệu tham khảo đặc biệt, (1995), Quan hệ Việt Nam – Liên minh Châu Âu, số 165, tr.3 – 5. 160. Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới, số 42 & 51, tr.47 & 34. 161. Tạp chí Ngoại thương các năm 1998 – 2001. 162. Lưu Quý Tân, (1997), Châu Á: Hành trang vào thế kỷ XXI, Nghiên cứu quốc tế, số17, tr.13 – 17. 163. Thái Tân, (1996), Mấy vấn đề về sự điều tiết nông nghiệp chung của EU, Nghiên cứu Châu Âu, số 3 & 4, tr.28 – 31. 164. Nguyễn Văn Tận, (2004), Thử nhận diện vai trò của ASEM trong những năm đầu của thế kỷ XXI, Nghiên cứu Châu Âu, số 59, tr.25 – 28. 165. Nguyễn Anh Thái, (1998), Lịch sử thế giới hiện đại (1917 – 1995), NXB Giáo dục, Hà Nội. 166. Nguyễn Cơ Thạch, (1998), Thế giới trong 50 năm qua và thế giới trong 25 năm tới, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 167. Nguyễn Cơ Thạch, (1990), Những chuyển biến trên thế giới và tư duy mới của chúng ta, Tạp chí quan hệ quốc tế. 168. Nguyễn Huy Thám, (1997), FDI trong phát triển kinh tế đối ngoại ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Những vấn đề kinh tế thế giới, số 48, tr.25 – 29. 169. Nguyên Thành, Thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Anh, Thời báo kinh tế Việt Nam, 24/5/2002. 170. Phạm Đức Thành (chủ biên), (1998), Việt Nam – ASEAN cơ hội và thách thức, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 171. Nguyễn Xuân Thắng, (2005), Những vấn đề kinh tế thế giới, Nghiên cứu quốc tế, số 113, tr.56 – 66. 172. Trần Đình Thiên, (2005), Bối cảnh quốc tế mới và những vấn đề kinh tế EU – ASEAN, Những vấn đề kinh tế thế giới, số 114, tr.3 – 10. 173. Thông tấn xã Việt Nam, (2003), Quan hệ Việt Nam – EU. 174. Thông tấn xã Việt Nam, Tình trạng kinh tế Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, 25/10/1993, tr.2. 175. Thông tấn xã Việt Nam, (1993), Về các nước tài trợ cho Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 264, tr.1 – 2. 176. Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, 17/2/2001. 177. Thông tấn xã Việt Nam, (1998), Tin kinh tế hàng ngày. 178. Thông tin kinh tế - xã hội, số 12/2000. 179. Thông tin tham khảo, (2000), Tác động phục hồi kinh tế của các nước trong khu vực đối với Việt Nam, phụ bản tạp chí sổ tay xây dựng Đảng, số 1, tr.1 – 10. 180. Thông tin tham khảo, (2001), Quan hệ Việt Nam – khu vực, phụ bản tạp chí sổ tay xây dựng Đảng, số 5, tr.1 – 9. 181. Thời báo kinh tế Việt Nam các năm 2000, 2001. 182. Thời báo kinh tế Việt Nam, (2003), Tiếp tục hỗ trợ Việt Nam: WB, Anh, Thụy Điển, Hà Lan. 183. Võ Thanh Thu, (2003), Quan hệ kinh tế quốc tế, Thống kê, Hà Nội. 184. Nguyễn Quang Thuấn, (2004), Quan hệ kinh tế Việt Nam – Liên minh Châu Âu: Hiện trạng và triển vọng, Nghiên cứu Châu Âu. 185. Nguyễn Quang Thuấn, (2004), Tiến trình hợp tác Á – Âu và sự tham gia của Việt Nam, Nghiên cứu quốc tế, số 59, tr.18 – 23. 186. Từ Thanh Thuỷ, (1998), Quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, Những vấn đề kinh tế thế giới, số 1, tr.30 – 35. 187. Tin kinh tế hàng ngày, Quan hệ kinh tế Việt Nam – EU, 9/4/1998, tr.1–2. 188. Trần Trọng Toàn, (1997), Triển vọng kinh tế Châu Á trong thế kỷ XXI và vai trò của AFTA, Nghiên cứu quốc tế, số 18, tr.9 – 13. 189. Tổng cục thống kê, (1997), Niên giám thống kê năm 1996, NXB Thống kê, Hà Nội. 190. Tổng cục thống kê, (2003), Niên giám thống kê năm 2000, NXB Thống kê, Hà Nội. 191. Tổng cục thống kê, (2003), Niên giám thống kê năm 2001, NXB Thống kê, Hà Nội. 192. Tổng cục thống kê, (2003), Niên giám thống kê năm 2002, NXB Thống kê, Hà Nội. 193. Tổng cục thống kê, (2003), Tình hình kinh tế xã hội 2001 – 2003, Hà Nội. 194. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Đệ nhất Cộng hoà, (1957), Hồ sơ về việc các cá nhân cao cấp của Anh viếng thăm Việt Nam, HS 8730. 195. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Đệ nhất Cộng hoà, (1959), Hồ sơ về việc phái đoàn Nghị sĩ Anh viếng thăm Việt Nam, HS 8943. 196. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Đệ nhất Cộng hoà, (1959), Hồ sơ về việc phái đoàn, cá nhân nước Anh viếng thăm Việt Nam, HS 8944. 197. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Đệ nhất Cộng hoà, (1960), Hồ sơ các phái đoàn cá nhân Hoàng gia Anh viếng thăm Việt Nam, HS 9071. 198. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Đệ nhất Cộng hoà, (1961), Hồ sơ các phái đoàn cá nhân Anh viếng thăm Việt Nam, HS 9182. 199. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Đệ nhất Cộng hoà, (1958), Hồ sơ về việc cử phái đoàn Việt Nam đi Anh để quan sát về kinh tế, HS 11.034. 200. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Đệ nhất Cộng hoà, (1959), Hồ sơ về việc Việt Nam cử phái đoàn sang Anh quan sát về kinh tế, lý tài, thương mại, HS 11.974. 201. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Đệ nhất Cộng hoà, (1959), Hồ sơ về việc Việt Nam tham dự triển lãm tiểu công nghệ tại London (Anh), HS 12.250. 202. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Đệ nhất Cộng hoà, (1962), Tài liệu của Bộ Kinh tế về việc quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Đại Hàn, thị trường chung Châu Âu, Anh, HS 14.808. 203. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Đệ nhất Cộng hoà, (1957), Hồ sơ về việc ông Lê Văn Đồng thăm Bộ Lao động Anh quốc, HS 16.485. 204. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Đệ nhất Cộng hoà, (1956 – 1957), Hồ sơ về chương trình cuộc thăm viếng VNCH của Hầu tước Lord Reading (Anh), HS 21.849. 205. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Đệ nhị Cộng hoà, (1970), Hồ sơ về bang giao Việt – Anh, HS 1978. 206. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Đệ nhị Cộng hoà, (1970), Hồ sơ về việc các cá nhân Anh viếng thăm Việt Nam, HS 2146. 207. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Đệ nhị Cộng hoà, (1970), Phúc trình của Bộ Kinh tế về việc hãng Mranders Tam (Anh quốc) đề nghị dự án xây dựng Nhà máy phân bón tại Vũng Tàu, HS 2530. 208. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phủ Thủ tướng, (1969), Bà Nguyễn Thị Bình tiếp xúc với nhiều giới tại Anh quốc, HS 3469. 209. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phủ Thủ tướng, (1974), Tập tài liệu của Bộ Ngoại giao về chính sách ngoại giao VNCH, HS 20.834. 210. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phủ Thủ tướng, (1968 – 1975), Hồ sơ về tình hình chính trị và quan hệ bang giao Anh quốc với VNCH, HS 21.001. 211. Trung tâm thông tin phát triển Việt Nam, (2003), Việt Nam: Quan hệ đối tác phục vụ phát triển: Báo cáo không chính thức tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, Hà Nội. 212. Nguyễn Mạnh Tuân, (2001), Các nguồn vốn nước ngoài ở Việt Nam, thực trạng và những khuyến nghị chính sách, Những vấn đề kinh tế thế giới, số 70, tr.45 – 51. 213. Đinh Công Tuấn, (2002), Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU thời gian 1992 – 2000, Nghiên cứu Châu Âu, số 4. 214. Đinh Công Tuấn, (2005), Tình hình chính trị - xã hội của EU hiện nay (2001 – 2005) và những tác động đến Việt Nam, Nghiên cứu Châu Âu, số 62, tr.17 – 25. 215. Hoàng Anh Tuấn, (2005), Một số khía cạnh chính trị và an ninh của cộng đồng Đông Á, Nghiên cứu quốc tế, số 61, tr.39 – 52. 216. Lê Mạnh Tuấn, (1995), Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vị trí của Châu Âu còn thấp nhưng đầy hứa hẹn, Nghiên cứu Châu Âu, số 1, tr.59 – 64. 217. Nguyễn Anh Tuấn, (2005), Tác động của FDI tới quan hệ kinh tế quốc tế, thực tiễn ở một số nước đang phát triển và Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Hà Nội. 218. Trần Nguyễn Tuyên, (2004), Thực trạng và triển vọng phát triển kinh tế giữa EU và Việt Nam, Nghiên cứu Châu Âu. 219. Tư liệu khoa học của Trung tâm hợp tác nghiên cứu Châu Âu (CESC). 220. Văn kiện Đại hội III, (1996), NXB Sự thật, Hà Nội, tr.120. 221. Vietnam Economics New tháng 4/2000. 222. VN Express, (2003), Tăng cường hợp tác Á – Âu về đầu tư. 223. Nguyễn Trọng Xuân, (1997), Chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước ASEAN và đổi mới chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam, Những vấn đề kinh tế thế giới, số 49, tr.46 – 53. 224. Hoàng Thị Như Ý, (2006), Quan hệ Việt Nam – Liên hiệp Châu Âu (1990 – 2004), Luận án Tiến sĩ, Đại học Sư phạm. Tiếng Anh 225. Brian B., Coping with Contagion: Europe and the Asian Financial Crisis, Asian Survey, May/June. 226. Dent C.M., The European Union and East Asia: Geo – Economic Diplomacy and Crisis Management, Global Change: The Impact of Asia in the 21st Century, Macmillan, London. 227. Dent C.M., The European Union and East Asia: An Economic Relationship, Routledge, London. 228. Foreign Investment in Southest Asia. 229. Ian Manner & Richard G.Witman, The Foreign policies of European Union Member States, Manchester University Press. 230. Uỷ ban Châu Âu, ASEM: Enhancing the Multilateral Option in International Relations – Tom Roe, ASEM Counsellor/Coordinator, Brussell. 231. World Economics report 10/1999. Website 232. Anh cam kết viện trợ 450 triệu USD cho Việt Nam/ TTXVN// Website Bộ Ngoại giao: 60920083010.-2006.-22/6. 233. Anh sẽ tiếp tục giúp Việt Nam sau khi gia nhập WTO/ TTXVN// Website Bộ Ngoại giao: 50628140259.-2005.-29/6. 234. Chủ tịch Hạ viện Anh M.Martin tiếp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An/ TTXVN// Website Bộ Ngoại giao: 1/ns050324094945.-2005.-25/3. 235. Chủ tịch Trần Đức Lương hội đàm với Thủ tướng Anh T.Blair/ TTXVN// Website Bộ Ngoại giao: 5/9. 236. Đối tác đầy tiềm năng: Về quan hệ hợp tác Việt – Anh, theo Báo Đầu tư: 610052739/view.-2006.-5/10. 237. 238. 239. 240. 241. 242. 243. 244. 245. 246. 247. Hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tại Anh/ TTXVN// Website Bộ Ngoại giao: .- 2005 .- 25/3 248. Hội Anh - Việt gây quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam// 6103349.-2005.- 07/12. 249. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh quốc/ Bộ Thương mại// tRootNode.target.n162.uP .- 2005 .- 26/07. 250. Những ngày Việt Nam tại Vương quốc Anh thành công tốt đẹp: Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Nhân Dân// 092035.- 2006.- 09/10. 251. Phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh - Kim ngạch buôn bán hai chiều có thể tăng trên 30% // .- 2004 .- 04/05. 252. Quan hệ thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh năm 2005 / Bộ Thương mại. Vụ Châu Âu // .- 2006 .- 13/01. 253. Số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh 8/2004 // tNode.target.n162.uP .- 2004 .- 28/10. 254. Thông cáo báo chí: khoá học về công tác phát ngôn, đối ngoại cho các cán bộ của Việt Nam do Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Hà Nội tổ chức // .- 06/01. 255. Thúc đẩy quan hệ Việt - Anh trên nhiều lĩnh vực/ TTXVN// Website Bộ Ngoại giao: 60606085704 .- 2006 .- 14/06. 256. Tình hình kinh tế Vương quốc Anh và quan hệ thương mại Việt – Anh 2005// utRootNode.target.n106.uP_root=root&cmd=item&ID=1264.- 2006 .- 10/01. 257. Tình hình thương mại Việt Nam - Anh quốc qua những con số / Bộ Thương mại. Vụ Châu Âu // .- 2004 .- 22/11. 258. Tóm tắt quan hệ Việt Nam - Vương quốc Anh: Trích từ Thông tin cơ bản về Vương quốc Anh và Bắc Ailen / Bộ Ngoại giao Việt Nam// 0710231. 259. Tổng hợp về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và Anh quốc/ Bộ Thương mại// tNode.target.n106.uP_root=root&cmd=item&ID=652.-2005.-31/3. 260. Tổng quan quan hệ hữu nghị Việt Nam - Anh / Bộ Ngoại giao // .- 2005 .- 21/03. 261. Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với Vương quốc Anh / TTXVN // lt.aspx. 262. Việt Nam muốn thu hút các nhà đầu tư Anh / TTXVN // 60606090749 .- 2006 .- 14/06. 263. Việt Nam phát triển quan hệ với Anh về kinh tế, giáo dục / TTXVN // s050318092849/view .- 2005 .- 24/03. 264. Việt Nam - Anh ký Bản ghi nhớ về các vấn đề di cư / TTXVN // 41029153957 .- 2004 .- 04/11. 265. Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác với Anh / TTXVN // 70308100137 .- 2007 .- 12/03. 266. Website của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường: www.moste.gov.vn. 267. Website Bộ Văn hoá- Thông tin: www.cinet.vnn.vn. 268. Website Đảng Cộng sản Việt Nam: www.cpv.org.vn. 269. Website Quốc hội Việt Nam: www.na.gov.vn. 270. Webstie Tổng Cục Thống kê: www.gso.gov.vn. PHỤ LỤC PHỤ LỤC 1 Quốc huy Vương quốc Anh Quốc kỳ Vương quốc Anh Công chúa Hoàng gia Vương quốc Anh thăm Việt Nam (2002). PHỤ * Kế hoạch ngân sách chi cho ODA (giai đoạn 20 tri 2002 - 2003 2003 - 2004 2004 - 2005 2005 - 2006 LỤC 2 BẢNG 1 02 – 2006): Đơn vị: ệu bảng Anh. Chỉ tiêu Tổng chi cho 3420 3669 4131 4902 ODA OD P (%) 0,32 0,33 0,35 0,40 A/GN Nguồn: t Nam đã xuất cảng sang Vương quốc Anh trong 3 năm: 1960, 1961 và 1962: Hàng hoá 1960 1961 1962 BẢNG 2 * Bảng thống kê các hàng hoá Việ 1.000 VN$ G Cao su Lông vịt 128.434 28.412 317 46.048 309 ----------------- ------------------ ạo và tấm Trà 7.361 2.706 231.355 253.967 52.151 Tổng cộng 164.678 280.704 306.819 Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Hồ sơ số 14.808, tr.14. BẢNG 3 * Bảng các chi tiết về các số hàng hoá Anh nhập cảng vào Việt Nam trong 3 năm: 1960, 1961 và 1962: Sản phẩm 1960 1961 1962 1.000 VN$ Xe hơi Máy móc Công phẩm bằng kim khí Hoá phẩm Dược phẩm Kim khí thông thường Giấy và công phẩm bằng giấy Rượu mạnh Hàng toàn tơ Các sản phẩm khác 87.918 64.200 6.775 6.145 5.816 16.323 3.953 3.915 2.972 15.075 74.687 67.068 32.623 4.663 7.201 15.667 4.205 8.117 2.316 27.842 35.223 38.755 18.182 1.844 4.317 352 20.530 3.213 1.642 35.197 Tổng cộng Tỷ lệ đối với tổng giá nhập cảng của VN 233.092 2,8% 264.389 3% 159.255 1,7% Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Hồ sơ số 14.808, tr. 26. BẢNG 4 * Trao đổi thương mại Việt Nam – Anh (1997 – 2003, đơn vị: triệu USD). 1997 1998 1999 2000 2001 2002 2003 Kim ngach hai chiều 269 311,7 384,7 478,6 518 746,4 860 XK sang Anh 194,4 243,7 305,5 385,4 511,6 579,8 755 NK từ Anh 74,6 68 79,2 93,2 176,6 166,6 217 Nguồn: preview. BẢNG 5 * Tổng quan Ngoại thương Anh (giai đoạn 1971 – 2002): TT 1971-1980 1981-1990 1991-2000 1 - Kim ngạch xuất khẩu (tỷ USD) - Tỷ trọng % GDP - Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (% so với kỳ trước) 52.29 19.3 19.2 120.70 18.9 5.8 227.06 20.2 5.2 2 - Kim ngạch nhập khẩu (tỷ USD) - Tỷ trọng % GDP - Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu (% so với kỳ trước) 60.75 22.4 18.9 140.69 22.1 7.3 254.89 22.6 4.7 3 Cán cân xuất nhập khẩu (tỷ USD) -8.46 -19.99 -27.83 Nguồn: Kinh tế tài chính thế giới, Viện nghiên cứu tài chính, NXB Tài chính Hà Nội, tháng 2/2000. BẢNG 6 * Kim ngạch xuất - nhập khẩu Việt Nam – Anh (Đơn vị: triệu USD): Năm 1995 1996 1997 1998 1999 2000 2001* KNXNK XK NK XK NK XK NK XK NK XK NK XK NK XK NK Anh (1) 74,6 50,7 125,1 83,7 265,2 103,9 335,8 96,4 421,2 96,5 479,3 150,5 416,7 140,1 Tỷ trọng (1)/EU 10.36 7.64 13.89 7.33 16.42 7.92 16.15 7.68 16.85 9.08 15.49 11.94 17.61 11.04 Nguồn: - Niên giám thống kê 1999 – 2000 - Phái đoàn đại diện Uỷ ban Châu Âu tại Hà Nội - Ngoại thương tháng 10/1999, 4/2000, 3/2001, số 36/2001, tr.9 - (*): 10 tháng đầu năm 2001. BẢNG 7 * Tổng hợp về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và Vương quốc Anh: 2001 2002 2003 2004 VN XK 492,121 532,958 641,156 750,144 VN NK 090,442 079,970 100,640 105,226 Tổng KN 582,543 612,928 741,796 855,370 1. Năm 2001, tổng kim ngạch XNK đạt 582,543 triệu GBP tăng 13,39% so với năm 2000, trong đó XK tăng 17%, NK giảm 3%. 2. Năm 2002, tổng kim ngạch XNK đạt 612,928 triệu GBP tăng 5,2% so với năm 2001, trong đó XK tăng 8,29%, NK giảm 11,5% . 3. Năm 2003, tổng kim ngạch XNK đạt 741,805 triệu GBP tăng 21% so với năm 2002, trong đó XK tăng 20,3%, NK tăng 25%. 4. Năm 2004, tổng kim ngạch XNK đạt 855,370 triệu GBP tăng 15,3% so với 12 tháng đầu năm 2003, trong đó XK tăng 17%, NK tăng 4,5%. * Những mặt hàng, nhóm hàng XK vào Vương quốc Anh có kim ngạch khá trong năm 2004 vừa qua gồm: Số TT Mã H.hoá Tên hàng Trị giá (tr.GBP) 1 64011010 Giầy, giầy vải, dép đi trong nhà 420,184 2 94033011 Đồ gỗ nói chung 062,646 3 61011090 Quần áo, quần áo thể thao 058,937 4 87120030 Xe đạp 041,170 5 09011100 Cà phê 016,654 6 94013090 Đệm 015,976 7 03011010 Hải sản 015,650 8 69091200 Gốm 014,750 9 08013200 Hạt điều 011,433 10 62121090 Áo nịt các loại 005,067 Nguồn: md=item&ID=652. PHỤ LỤC 3 Tình hình thương mại Việt Nam – vương quốc Anh qua những con số: * Xuất nhập khẩu 9 tháng Việt Nam – vương quốc Anh theo số liệu của Hải quan Anh: - Việt Nam xuất khẩu 566.340.726 bảng Anh tăng 13,7% so với 8 tháng đầu năm 2004. - Việt Nam nhập khẩu 79.096.624 bảng Anh tăng 17,68% so với 8 tháng đầu năm 2004. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng 645.437.350 bảng Anh, trong đó xuất khẩu tăng 21,98%; nhập khẩu tăng 0,03%. * Nguồn: Tình hình thương mại Việt Nam – Anh quốc qua những con số/ Bộ Thương mại. Vụ Châu Âu // 22/11. PHỤ LỤC 4 VIỆT NAM – VƯƠNG QUỐC ANH VÀ BẮC AILEN KÝ HIỆP ĐỊNH BẢO HỘ ĐẦU TƯ Ngày 1/8/2002, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá và ngài Mac Mclachlan, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam đã ký Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giữa hai nước. Theo Hiệp định, mỗi bên cam kết dành cho nhà đầu tư của bên kia sự đối xử công bằng, thoả đáng trong hoạt động đầu tư tại mỗi nước; không tiến hành trưng thu, quốc hữu hoá tài sản của nhà đầu tư, cho phép nhà đầu tư chuyển vốn, lợi nhuận, thu nhập hợp pháp ra nước ngoài và thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với thông lệ quốc tế. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA7281.pdf