Vị trí của Hồ Biểu Chánh trong văn xuôi quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX (1900 - 1930)

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH HUỲNH THỊ LÀNH VỊ TRÍ CỦA HỒ BIỂU CHÁNH TRONG VĂN XUÔI QUỐC NGỮ VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX (1900 - 1930) Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 5 04 33 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN TP. Hồ Chí Minh - 2007 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài. Giới nghiên cứu văn học sử Việt Nam ngày càng có một cái nhìn chính xác hơn về đóng góp của các nhà văn quá cố. Thời gian gần đây, nhiều hội nghị khoa học, nhiều công trình n

pdf232 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1585 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Vị trí của Hồ Biểu Chánh trong văn xuôi quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX (1900 - 1930), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ghiên cứu về báo chí, thơ mới, về chữ quốc ngữ được tổ chức đã phần nào phục hồi lại vị trí của họ trong nền văn học nước nhà. 1.1. Đầu thế kỷ XX, cùng với sự xuất hiện của chữ quốc ngữ, tiểu thuyết Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới, giai đoạn từ chối sáng tác bằng chữ Hán, chữ Nôm để cho ra đời những tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ với nghệ thuật mới mẻ, hiện đại. Sự thay đổi này bắt nguồn từ những đổi thay trong đời sống xã hội thực dân nửa phong kiến và sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây. Chữ quốc ngữ với ưu điểm là dễ đọc, dễ viết, khả năng diễn đạt tinh tế, sắc sảo đã đáp ứng kịp thời cho việc phổ biến rộng rãi tác phẩm văn học trong nhân dân. Mặt khác đại đa số các nhà sáng tác là những trí thức tân học, chịu ảnh hưởng nhiều mặt của văn hóa Pháp, trong đó đáng chú ý là văn chương Pháp ở thế kỷ XIX. Về tiểu thuyết họ đã chịu nhiều ảnh hưởng của các tiểu thuyết gia nổi tiếng như Horoné de Balzac, Victor Hugo, Hector Malot, Alexandre Dumas... Kết qủa của ảnh hưởng này là sự ra đời hàng loạt các tác phẩm phóng tác ở ba thập kỷ đầu thế kỷ XX của những tiểu thuyết gia Việt Nam, trong đó có Hồ Biểu Chánh và chỉ có Hồ Biểu Chánh là thành công hơn cả. Ông là một trong những tác giả đã Việt hóa và phổ biến tác phẩm văn học phương Tây có giá trị đến với người đọc. 1.2. So với các thể loại khác như thi ca, truyện ngắn, ký... tiểu thuyết có nhiều ưu điểm hơn trong phản ánh hiện thực, khắc họa tâm lý, tính cách. Để đi đến một bước tiến mới, tạo ưu thế nổi trội trong phong cách diễn đạt tiểu thuyết phải dần dần phá vỡ lối cấu trúc cũ của truyện thơ, sự gò bó chật hẹp của tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa. Những mục tiêu này đã dẫn đến yêu cầu hiện đại hóa thể loại tiểu thuyết. Trong bối cảnh văn hóa ấy nếu ở miền Bắc có các nhà văn như Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Tử Siêu, Đặng Trần Phất, Hoàng Ngọc Phách... thì ở miền Nam có Nguyễn Chánh Sắt, Phú Đức, Bửu Đình, Trần Thiên Trung, Tân Dân Tử... và nổi bật là Hồ Biểu Chánh với một ngòi bút đầy sức sống. Với khả năng cảm nhận và phản ánh đời sống thực tại, ông đã để lại cho hậu thế 64 cuốn tiểu thuyết. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, việc nghiên cứu, đánh giá vai trò và những đóng góp của các nhà văn Nam bộ, trong đó có Hồ Biểu Chánh - một trong những tác giả đặt nền móng cho văn học miền Nam đã được đặt ra nhằm xây dựng một bức tranh toàn cảnh chính xác về văn học Việt Nam hiện đại. Nhà văn Hồ Biểu Chánh đã được giới nghiên cứu đặc biệt chú ý. 1.3. Về Hồ Biểu Chánh, đã có nhiều nhà nghiên cứu thẩm định vị trí, công lao của ông. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu phần lớn mới đánh giá một cách khái quát, chưa làm rõ được những đóng góp cũng như vị trí của ông trong nền văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Thế nên, nghiên cứu 64 tập tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh (đặc biệt là 18 tác phẩm viết trước năm 1932), nhằm tìm hiểu thành công và hạn chế của nhà văn này và góp phần vào việc nghiên cứu, đánh giá về vị trí của Hồ Biểu Chánh trong văn xuôi quốc ngữ Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX nhất là giai đoạn 1900 - 1930. 2. Mục đích nghiên cứu. - Nêu ra được cái nhìn tổng quát về vị trí của Hồ Biểu Chánh trong sự phát triển của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. - Chỉ ra được những tiếp biến văn học phương Tây trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. - Nêu được những thành công và hạn chế trong quá trình phóng tác và sáng tác tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. - Phát hiện những tính cách, đặc điểm của con người và vùng đất Nam bộ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, đây chính là những yếu tố nghệ thuật độc đáo trong sáng tác văn xuôi của Hồ Biểu Chánh. - Sức hấp dẫn của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đối với công chúng Nam bộ. - Khẳng định vai trò và vị trí của Hồ Biểu Chánh trong chặng đầu của quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX. 3. Lịch sử vấn đề. 3.1. Trước năm 1945. Có các công trình nghiên cứu như: Lược khảo về tiến hóa của quốc văn trong lối viết tiểu thuyết của Trúc Hà (1932) ; Phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn (1933) ; Ba mươi năm văn học của Mộc Khuê (1941) ; Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan (1942) ; Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm (1944). Đáng ghi nhận là tác phẩm Phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn. Đây là công trình đầu tiên nhìn nhận, đánh giá tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Theo Thiếu Sơn “Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đủ sức hấp dẫn để lôi cuốn độc giả Việt Nam ham đọc truyện Tàu trở về đọc truyện ta để nhớ tới thân phận con người Việt Nam đương sống trong xã hội Việt Nam và đương là nạn nhân của chế độ, một chế độ nửa thực dân, nửa phong kiến mà bọn người được ưu đãi là những ông quận, những ông làng, những ông cử con quan và những ông nhà giàu địa chủ, đặc biệt nhất là tác giả lại về phe những người nghèo hèn, yếu thế, những tá điền và nông dân” [190, 40]. Đến năm 1942, trong Nhà văn hiện đại, Hồ Biểu Chánh được Vũ Ngọc Phan giới thiệu sơ bộ về cuộc đời và một số tác phẩm như Cha con nghĩa nặng, Vì nghĩa vì tình, Khóc thầm … và ông cũng đã nhận định về giá trị của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh trong qúa trình phát triển của văn học “Dù sao, nếu đã đọc những tiểu thuyết của các nhà văn đi tiên phong từ Nguyễn Bá Học trở lại, ai cũng phải nhận rằng từ Hoàng Ngoc Phách và Hồ Biểu Chánh tiểu thuyết nước ta mới bắt đầu đếm bước vững vàng để dần dần đi tới ngày nay là lúc có thể chia ra nhiều ngả, phân ra nhiều loại” [176, 336]. Những nhận định trên đã bước đầu chú trọng tới vai trò và những đóng góp của Hồ Biểu Chánh trong nền văn học Việt Nam, đặt nền móng cho việc nghiên cứu Hồ Biểu Chánh trong những giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên vấn đề chất lượng tác phẩm, vai trò và những cống hiến của Hồ Biểu Chánh trong việc đặt nền móng tiểu thuyết Việt Nam trong các tác phẩm từ năm 1912 - 1932 - thời kỳ bình minh của chữ quốc ngữ và tiểu thuyết - là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu. 3.2. Từ năm 1945 - 1975. Trong giai đoạn này những công trình nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh gồm có: * Ở miền Bắc do hoàn cảnh đấu tranh chống xâm lược, việc nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh - một tác giả văn xuôi Nam bộ - còn ít ỏi. Đáng chú ý có các công trình Việt Nam văn học sử trích yếu của Nghiêm Toản (1949) ; Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam của nhóm Lê Quý Đôn (1956, 1957) ; Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam (tập IV) do Nguyễn Đình Chú chủ biên (1962) ; Lược truyện các tác gia Việt Nam của nhóm Trần Văn Giáp (1972). Năm 1974 trong Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Phan Cự Đệ chỉ dành 38 trang trong chương I phần I của công trình để tập trung vào một số tác phẩm tiêu biểu được sáng tác từ năm 1900 - 1930 của những tác giả ở miền Bắc và một số tác phẩm của Hồ Biểu Chánh ở miền Nam, nhưng vẫn chưa có đóng góp gì mới so với các công trình nghiên cứu trước đó. Mặt khác việc đánh giá về Hồ Biểu Chánh có những nhận định còn phiến diện, chưa thật thỏa đáng. Thậm chí có lúc vì hoàn cảnh chính trị cụ thể, Hồ Biểu Chánh còn bị xem nhẹ như trong Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam của Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. * Ở miền Nam có các công trình như: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ (1965) ; Bảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng (1967) ; Việt Nam văn học sử của Bùi Đức Tịnh (1967) ; Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết, thơ mới của Bùi Đức Tịnh (1974) ; Lịch sử tiểu thuyết Việt Nam và hàng ngũ các tiểu thuyết gia Việt Nam qua các thời đại của Lê Huy Oanh (1974) ; Từ truyện đến tiểu thuyết Việt Nam và một quan điểm văn học của Doãn Quốc Sĩ (1974) ; Chân dung Hồ Biểu Chánh của Nguyễn Khuê (1974). Trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Phạm Thế Ngũ đã dành nguyên một chương lớn bàn về “sự hình thành của tiểu thuyết mới”. Có thể nói đây là một công trình nghiên cứu khá toàn diện về tiểu thuyết giai đoạn này. Đặc biệt Phạm Thế Ngũ đã ghi nhận một điều mà trước đó giới nghiên cứu chưa lưu tâm nhìn nhận “Dù sao ta cũng phải công nhận là ở một phương diện nào, thể tiểu thuyết đã đi bước trước ở miền Nam” [158, 377]. Tác giả tập trung phân tích một số tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, sáng tác những năm 20 của thế kỷ XX để thấy rõ những nét đặc trưng tiêu biểu về nội dung lẫn nghệ thuật của nhà tiểu thuyết Nam bộ này. Đây là phần nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh sâu sắc hơn hẳn các tác giả trước đó như Vũ Ngọc Phan (1942), Thiếu Sơn (1933), Nghiêm Toản (1949). Các công trình sau đó của Thanh Lãng (1967), Bùi Đức Tịnh (1974), Lê Huy Oanh (1974)… đã nêu lên vai trò của Hồ Biểu Chánh cùng vài tác giả ở Nam bộ như Nguyễn Chánh Sắt, Phú Đức…, đối với sự phát triển của thể loại tiểu thuyết ở Nam bộ. Những công trình này đã gợi một hướng mới cho việc nghiên cứu tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh ở những giai đoạn tiếp theo. Đáng lưu tâm trong giai đoạn này là công trình Chân dung Hồ Biểu Chánh của Nguyễn Khuê (1974), tác giả đã tập hợp khá đầy đủ danh mục sáng tác của Hồ Biểu Chánh, giúp người đọc hiểu được cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn này. Tác giả đã tập trung nghiên cứu 14/64 tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Có thể nói đây là một công trình nghiên cứu vượt trội so với những nhà nghiên cứu trước đó. Tuy nhiên công trình này cũng chỉ dừng ở mức độ tổng hợp ý kiến, tư liệu là chính, chưa có sự bình luận kỹ lưỡng của người soạn sách. Như thế, ta nhận thấy giai đoạn này vấn đề tìm hiểu, đánh giá tác phẩm, tác giả Hồ Biểu Chánh những năm đầu thế kỷ XX vẫn được giới nghiên cứu lưu tâm. Nhiều cái mới được phát hiện, song do hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt, điều kiện liên lạc khó khăn, sự giao lưu gần như không có, nên vấn đề xác định vai trò, vị trí của Hồ Biểu Chánh trong sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX vẫn chưa được khái quát đầy đủ, các đánh giá nhận định vẫn còn phiến diện. 3.3. Từ sau năm 1975 đến nay. Đất nước thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu nghiên cứu. Cùng với việc tổ chức Hội nghị khoa học về Hồ Biểu Chánh tại Tiền Giang (1988) nhà xuất bản Tổng hợp Tiền Giang đã tái bản một số lượng lớn tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Về mặt nghiên cứu, có thể chia ra hai loại: Thứ nhất, những công trình nghiên cứu có liên quan đến Hồ Biểu Chánh như: Những áng văn chương Quốc ngữ đầu tiên - Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Văn Trung (1987) ; Giáo trình văn học sử - Đại học sư phạm Tp. Hồ Chí Minh (1988) ; Bình minh của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại của Nguyễn Q. Thắng (1990) ; Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (1988) ; Tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam của Hoàng Nhân - Trần Thanh Đạm (1996) ; Văn học Việt Nam 1900 - 1930 (tái bản) của Lê Chí Dũng, Trần Đình Hượu (1996) ; Luận án “Sự hình thành và vận động của thể văn xuôi tiếng Việt ở Nam bộ giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1932” của Tôn Thất Dụng (1993) ; Luận án “Quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX” của Cao Xuân Mỹ (2001) ; Luận án “Đóng góp của văn học Quốc ngữ ở Nam kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và tiến trình hiện đại hóa của Văn học Việt Nam” của Lê Ngọc Thuý (2002). Thứ hai, những công trình trực tiếp nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh như “Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh trước năm 1932” của Phan Thị Ngọc Lan (1991); “Những đóng góp của Hồ Biểu Chánh trong lĩnh vực tiểu thuyết giai đoạn 1912 - 1931” của Trần Xuân Phong (1997); “Anh hưởng của tiểu thuyết Pháp đối với tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh” của Nguyễn Quỳnh Trang (2001); bài viết của Trần Hữu Tá (tạp chí Kiến thức ngày nay, số 309, 1999) về “Tiểu thuyết Nam bộ trong chặng đầu của tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam". Trong đó đáng chú ý là nhận định của nhà văn Hoài Thanh trong Hội thảo khoa học về Hồ Biểu Chánh tại Tiền Giang năm 1988 “Tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn học phương Tây, Hồ Biểu Chánh đã góp phần khai sáng nền văn học hiện đại và cách tân thể loại tiểu thuyết, Hồ Biểu Chánh đã chọn lọc những tiểu thuyết văn học phương Tây giàu tính hiện thực và nhân bản để phóng tác thành tác phẩm của mình ... đó là những giọt máu tươi lành, tiếp cho cơ thể của bệnh nhân cùng một nhóm máu, khiến cho cơ thể văn học Việt Nam mau lành mạnh, dần dần trở nên tráng kiện hồng hào... tiếp thu kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết của phương Tây, Hồ Biểu Chánh đã góp phần cách tân thể loại tiểu thuyết về các mặt xây dựng cốt truyện, tình tiết, bố cục tác phẩm. Cỗ xe chở tư tưởng là chữ quốc ngữ trước đó còn nặng nề, ì ạch đến đây đã được đẩy đi nhẹ nhàng phăng phăng lướt trên những dặm đường văn học mới. Đó là công lao của anh phu xe tiền phong Hồ Biểu Chánh” [180, 101]. Nhận định của Nguyễn Huệ Chi trong lời giới thiệu tác phẩm Tiền bạc bạc tiền -“Đặt trong tình hình 30 năm đầu thế kỷ XX, rõ ràng không có một nhà văn nào có khả năng bao quát hiện thực rộng rãi đến như vậy. Đằng sau cái vỏ đạo lý, truyện của Hồ Biểu Chánh, dù không tỉa tót tỉ mỉ nhưng thực đã dựng lên toàn cảnh bức tranh xã hội” và ông nhấn mạnh “... chứng tỏ ngòi bút của Hồ Biểu Chánh bên cạnh những mặt hạn chế tất nhiên khiến ông không thể nào theo kịp bước phát triển của văn học Việt Nam từ sau năm 1932, vẫn có những mặt báo hiệu một sức sống lâu bền, một khả năng hướng tới hiện tại, một tầm nhìn đi trước thời đại. Hồ Biểu Chánh trong phong cách của ngòi bút mình, phần nào có sự hòa quyện giữa hai kiểu tư duy nghệ thuật “vừa bình dân, vừa hiện đại” [165, 9]. Các tác giả trong tác phẩm Địa chí văn hóa Thành phố đã khẳng định: “Cái độc giả miền Nam lúc nào cũng thích thú là văn chương giản dị, tả thực, phản ánh được nhiều đặc điểm xã hội và con người ở miền Nam trong một thời kỳ, thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Và giá trị của Hồ Biểu Chánh như một nhà tiểu thuyết và giá trị sự nghiệp văn chương của ông trước hết là ở đó” [77, II, 241]. Trần Hữu Tá nhân đọc lại Cay đắng mùi đời - Nxb Tổng hợp Tiền Giang 1988 cũng đã có nhận định như sau: “vượt qua những bước đầu chập chững nhưng đáng trân trọng của Nguyễn Trọng Quản với “Thầy Lazarô Phiền”, của Trần Thiên Trung (tức Gilbert Trần Chánh Chiếu) với “Hoàng Tố Oanh hàm oan”, Hồ Biểu Chánh đã góp phần tích cực vào việc chuyển giai đoạn tiểu thuyết nói riêng, cho văn học nói chung”. Nhìn một cách tổng thể, trong giai đoạn này Hồ Biểu Chánh ngày càng được đông đảo các nhà nghiên cứu lưu tâm, các công trình nghiên cứu đều có những nhận định, đánh giá cao vai trò của Hồ Biểu Chánh. Đối với các công trình nghiên cứu tổng hợp chỉ lướt qua tác giả Hồ Biểu Chánh với tư cách một tiểu thuyết gia. Các công trình nghiên cứu sâu về Hồ Biểu Chánh cũng chỉ nhận định, đánh giá những đóng góp chủ yếu về mặt nghệ thuật của tác giả trong nền văn học Việt Nam, nhưng chưa khẳng định được vai trò, vị trí của ông trong văn xuôi quốc ngữ Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX nhất là giai đoạn 1900 - 1930. * Ở nước ngoài Tại Mỹ cuối thập niên 80 Giáo sư John C.Schaffer cùng các cộng sự đã có nhiều bài viết về tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XX, như “Hồ Biểu Chánh and the early development of the Vietnamese novel” đăng trên tạp chí Vietnam Forum No12 Sumerfall 1989. Đến năm 1993 John C.Schaffer và Thế Uyên đăng tiếp bài “Tiểu thuyết xuất hiện tại Nam kỳ” (bài này được Như Quỳnh và Thế Uyên dịch đăng trên Tạp chí Văn học số 8/1994), trong đó các tác giả đã nhận định như sau: “Hồ Biểu Chánh, Trần Chánh Chiếu và Trương Duy Toản rất xứng đáng được tuyên dương là những tiểu thuyết gia đầu tiên của Việt Nam. Họ đã đi từ thể loại truyện thơ từ chữ nôm sang truyện dài văn xuôi quốc ngữ, thay thế các nhân vật cổ điển bằng những nhân vật hiện đại với đầy đủ những ham mê dục vọng của con người, từ lòng tham tiền bạc, yêu thương và hận thù, cho đến cả vấn đề tình dục nữa. Họ cũng từ bỏ lối kể chuyện đường thẳng, thay thế bằng những bút pháp bao gồm nhiều miêu tả cảnh vật và biến đổi tâm lý của nhân vật” .....[104, 6]. Nhìn chung, qua lịch sử nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh ta thấy, hơn nửa thế kỷ qua, trên văn đàn Việt Nam Hồ Biểu Chánh luôn được giới nghiên cứu lưu tâm. Chứng tỏ Hồ Biểu Chánh xứng đáng là một trong những nhà văn tiêu biểu cho thể loại tiểu thuyết 30 năm đầu thế kỷ XX. Vì vậy việc nghiên cứu vị trí của Hồ Biểu Chánh trong văn xuôi quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX là rất cần thiết - đó là nguyện vọng mà Luận án muốn đạt đến. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. 4.1. Đối tượng khảo sát của luận án bao gồm 64 cuốn tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, đặc biệt tập trung vào 18 cuốn tiểu thuyết viết trước năm 1932. Đồng thời luận án còn khảo sát những tác phẩm tiểu thuyết văn xuôi sáng tác bằng chữ quốc ngữ ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX đến năm 1932 của những tác giả khác và một số tiểu thuyết dịch của Pháp (thế kỷ XIX) để làm cơ sở so sánh đối chiếu. 4.2. Phạm vi nghiên cứu được giới hạn từ 1900 đến 1932, vì sau đó, tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn ra đời, đồng thời sự xuất hiện nhiều tiểu thuyết hiện thực có giá trị của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao,… đã tạo một sắc diện mới, một bước phát triển mới cho tiểu thuyết văn xuôi Việt Nam, khẳng định sự trưởng thành về chất lượng tiểu thuyết. 5. Giới thuyết một số khái niệm. 5.1. Khái niệm “Tiểu thuyết” Trước hết, đây là luận án về văn học sử, do vậy, chúng tôi chỉ dựa vào ý kiến của một số nhà văn, nhà nghiên cứu đi trước để làm cơ sở lý thuyết. Thời sơ khai của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại “Ông cha ta vốn không quen trình bày các vấn đề một cách trừu tượng; ngay cả với thơ, làm bao nhiêu cũng được, song những lý thuyết về thơ, ở ta xưa nay cũng chả có mấy; nói chi là tiểu thuyết” [13, 99]. Các nhà văn lúc bấy giờ thường nói nhiều về tiểu thuyết, song không có ai nêu rõ hoặc quan tâm đến khái niem thế nào là tiểu thuyết. Chỉ khi bắt tay vào sáng tác họ mới cố gắng giải thích để giúp người đọc hiểu rõ dụng tâm của mình và tiếp nhận tác phẩm một cách dễ dàng hơn. Thường để giới thiệu tác phẩm của mình thuộc loại gì, các tác giả viết thêm dưới tựa đề: Tả chân tiểu thuyết, Ai tình tiểu thuyết, Trinh thám tiểu thuyết… nhưng họ không quan tâm đến độ dài tác phẩm. Các tác phẩm như Thầy Lazarô Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản dài 32 trang, Hoàng Tố Oanh hàm oan (1910) của Trần Chánh Chiếu dài 54 trang, Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân (1910) của Trương Duy Toản dài 48 trang, Người đàn bà nguy hiểm của Nguyễn Văn Kiểm dài 8 trang cũng ghi ở bìa sách là tiểu thuyết. Chính vì thế khi nhận định về tiểu thuyết, Trần Hữu Tá cho rằng “Bước đầu làm quen với thể loại mới mẻ này trong hoàn cảnh tác giả chưa phải đã có được nội lực sung mãn về nhiều phương diện, tác phẩm của họ chưa dày dặn, dài hơi, kể cũng là điều dễ hiểu” [191, 35]. Năm 1907 - 1908, người đương thời nắm bắt được đặc trưng của thể loại tiểu thuyết qua cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên, khi Ban biên tập Nông cổ mín đàm người tổ chức yêu cầu người viết tiểu thuyết phải “lấy trí riêng của mình mà đặt ra một câu chuyện tuỳ theo nhân vật, phong tục trong xứ, dường như truyện có thiệt vậy” tức tiểu thuyết là một câu chuyện do trí tưởng tượng trên cơ sở hiện thực; có độ dài “chừng 50 tờ giấy lớn”; kết cấu “chia làm ba thứ: - Thứ nhất: gầy đầu, căn ngươn, lý lịch, kiết cấu, vân vân… - Thứ hai: ân oán, sanh sự, buông lung, trần ai, lưu lạc, vân vân… - Thứ ba: cha con, vợ chồng hoàn hiệp, ân báo ân, oán báo oán, vân vân… Về nội dung: “Trong cuộc đời, phải đem hết các việc quan, hôn, tang, tế, thầy thuốc, thầy chùa, thầy pháp, vân vân…tốt khen, xấu chê. Phải có can thường, luân lý, nhơn duyên, thiện ác. Không đặng dùng việc dị đoan, hễ chết mà còn muốn sống lại thì nhờ thuốc hay, thầy giỏi, chớ nói đến qủy thần; còn muốn phạt thì đau bịnh mà chết, hoặc lôi đả, súng xạ, gươm máy, vân vân…” (Nông cổ Mín Đàm số 262 ngày 23/6/1906) có nghĩa: tác phẩm tiểu thuyết miêu tả đúng thực tế đời thường, không bịa đặt vu vơ, phải có ý nghĩa thiết thực đối với người đọc đương thời. Năm 1921, Phạm Quỳnh trong Khảo về tiểu thuyết đã khái quát về tiểu thuyết như sau “Nay cứ lý hội các tính cách chung của tiểu thuyết đời nay thì có thể giải nghĩa tiểu thuyết như thế này: Tiểu thuyết là một truyện viết bằng văn xuôi đặt ra để tả tình tự người ta, phong tục xã hội hay là những sự lạ tích kỳ, đủ làm cho người ta đọc có hứng thú”. Đây là khái niệm duy nhất về tiểu thuyết trong những năm đầu thế kỷ XX. Sau đó ít lâu, khi nói về tiểu thuyết, Vũ Bằng cũng đã cắt nghĩa như sau 'Tiểu thuyết chân chính, theo đúng nghĩa của nó phải là bức chân dung hay một dãy chân dung" [209, 161]. Trên cơ sở tổng hợp các ý niệm, khái niệm về tiểu thuyết nêu trên để phù hợp với giai đoạn mà đề tài luận án nghiên cứu, chúng tôi quan niệm rằng: Tiểu thuyết là một tác phẩm tự sự có dung lượng tương đối lớn, có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi không gian và thời gian, có kết cấu, tình tiết phù hợp với nội dung câu chuyện nhằm gây hứng thú cho người đọc. Từ cơ sở này chúng tôi đã bắt tay vào khảo sát các tác phẩm văn xuôi quốc ngữ của Hồ Biểu Chánh. 5.2. Khái niệm hiện đại hóa văn học. Đó là một quá trình chuyển từ văn học trung đại sang văn học hiện đại. Khi nền văn học trung đại không còn thích ứng nữa thì việc đổi mới, hiện đại hóa văn học trở thành một yêu cầu cấp thiết của thời đại. Hiện đại hóa “trong chừng mực nhất định, nó đồng nghĩa với khái niệm phương Tây hóa là quá trình thu nhận những ảnh hưởng của văn học phương Tây để có những đặc điểm của văn học phương Tây” [217, 40]. Hiện đại hóa là làm cho văn học trong đó có tiểu thuyết mới hơn, phát triển theo hướng thoát ra khỏi các khuôn khổ (gò bó) của hệ thống thi pháp văn học trung đại để phù hợp với hệ thống thi pháp hiện đại, đáp ứng kịp thời thị hiếu thẩm mĩ của công chúng lúc bấy giờ. Qúa trình hiện đại hóa không phải hình thành trong một ngày, một tháng hay một năm mà nó là cả một qúa trình diễn ra liên tục, không ngừng và “… xuất phát từ nhu cầu thực tại của văn học, từ tác động của hoàn cảnh xã hội, từ đòi hỏi của công chúng và từ kết quả giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, các dân tộc” [217, 40]. Vấn đề hiện đại hóa tiểu thuyết ở nước ta từ cuối thế kỷ XIX đã bắt đầu được đặt ra, đến đầu thập niên 30 của thế kỷ XX là thời điểm kết thúc cho một quá trình tìm tòi, thử bút, bởi vì từ đây, tiểu thuyết đã đi vào con đường phát triển ổn định. Đặt ra vấn đề này để thấy rằng Hồ Biểu Chánh là người đi tiên phong và là ngòi bút chủ lực về tiểu thuyết trong thời kỳ đầu của quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết. 6. Phương pháp nghiên cứu. Để giải quyết những vấn đề trên, trong luận án chúng tôi sẽ sử dụng các phương pháp sau đây: 6.1. Phương pháp nghiên cứu hệ thống (nghiên cứu văn học với tư cách là một chỉnh thể như một cấu trúc phức hợp những yếu tố có mối liên hệ hữu cơ và tác động lẫn nhau) chẳng hạn như hệ thống đề tài, cảm hứng, hệ thống hình tượng, xung đột, các yếu tố ngôn ngữ, phong cách... trong một hoặc một số tác phẩm. Vận dụng phương pháp hệ thống giúp chúng tôi trình bày, lý giải, khái quát, tổng hợp những vấn đề về tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh được thấu đáo, trọn vẹn hơn. 6.2. Phương pháp văn học sử: Trên bình diện một thể loại văn học, đặt tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh trong qúa trình phát triển của văn học Việt Nam hiện đại để xem xét sự phát triển toàn cục của nó. Vì vậy việc vận dụng phương pháp này là rất cần thiết để tìm ra những nét tương đồng và khác biệt của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh với tiểu thuyết của những tác gia khác và lý giải những biến chuyển trong quá trình sáng tác của ông. 6.3. Phương pháp phân tích đối chiếu: Đây là phương pháp nhằm tìm hiểu, phát hiện những đặc điểm của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, qua đó tìm ra sự đóng góp tích cực của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh trong qúa trình hình thành tiểu thuyết quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX. 6.4. Phương pháp thống kê - so sánh: Phương pháp này sử dụng nhằm khảo sát những yếu tố mà tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh kế thừa tiểu thuyết truyền thống, những yếu tố cách tân để đánh giá vị trí, vai trò của ông trong văn xuôi quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đó là mối quan hệ tiếp thu - chuyển biến - sáng tạo giữa thi pháp trung đại và thi pháp hiện đại trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. 7. Cấu trúc của luận án. Mở đầu. + Lý do chọn đề tài. + Mục đích nghiên cứu. + Lịch sử vấn đề. + Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. + Giới thuyết một số khái niệm. + Phương pháp nghiên cứu. + Cấu trúc của luận án. Nội dung Chương 1: Văn xuôi quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX và sự xuất hiện của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Chương 2: Cảm hứng chủ đạo trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Chương 3: Nghệ thuật tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Kết luận. Danh mục các bài báo khoa học của nghiên cứu sinh. Thư mục tài liệu tham khảo. Phụ lục. CHƯƠNG MỘT VĂN XUÔI QUỐC NGỮ VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX VÀ SỰ XUẤT HIỆN CỦA NHÀ VĂN HỒ BIỂU CHÁNH I. Những nhân tố tác động đến sự ra đời cuả văn xuôi quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX. 1. Những biến động về mặt xã hội. 1.1. Sau khi chiếm được Việt Nam, bằng hòa ước Giáp Thân năm 1884, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách cai trị khác nhau đối với 3 miền Bắc - Trung - Nam. Mỗi miền có một chính sách luật lệ riêng, trong đó Nam kỳ trở thành xứ thuộc Pháp với nhiều thể chế ưu đãi hơn Bắc kỳ và Trung kỳ. Pháp đã tiến hành công cuộc khai thác kinh tế thuộc địa Nam kỳ nhằm tạo nguồn chi trong hoạt động cai trị tại xứ Đông Dương. Đó là những điều kiện cho nền kinh tế Nam kỳ phát triển hơn, tạo độ chênh lệch khá lớn với hai miền Bắc và Trung. Đồng thời Nam kỳ sớm tiếp thu nền văn hóa phương Tây, số người học tiếng Pháp và đi Pháp du học nhiều ; các yếu tố văn hóa như báo chí, nhà in, nhà xuất bản sớm ra đời, tạo tiền đề cho sự xuất hiện của những tác phẩm tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ đầu tiên. Song do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, mỗi xứ bị cô lập bởi hệ thống cai trị thuộc chính sách phân kỳ của thực dân Pháp, nên đã ảnh hưởng đến sự phát triển và giao lưu văn hóa giữa các miền. Sau năm 1920 sự khai thông thương mại được bắt đầu, nhờ đó trí thức các miền có điều kiện tiếp cận, trao đổi về các vấn đề học thuật, các trào lưu tư tưởng, xu hướng văn học bằng những tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các ấn phẩm văn hóa. Và từ bối cảnh này, văn học có điều kiện để phát triển hơn trước. 1.2. Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Paul Doumer và lần thứ hai của Albert Sarraut đã tạo nhiều nhân tố làm chuyển biến sâu sắc xã hội Việt Nam. Nền kinh tế lạc hậu của chế độ phong kiến bị tác động và tạo ra sự bất ổn định, sự phân hóa xã hội. Nông dân bị bần cùng, họ bắt đầu từ giã ruộng đồng để lên thành thị kiếm sống. Họ trở thành những phu xe, bồi bếp, công nhân, và một số cùng quẫn trở thành lưu manh, gái điếm… hình thành nên tầng lớp dân nghèo thành thị. Bên cạnh đó cũng lắm kẻ gặp cơ hội trên thương trường trở thành những ông chủ, tạo nên tầng lớp tư sản. Mặt khác việc sửa đổi nội dung thi cử từ năm 1906 đã dần dần làm thay đổi cách học, cách nghĩ cũng như cách sống của giới trí thức. Sự giao tiếp văn hóa Đông - Tây đã tạo nên một tầng lớp trí thức mới trong xã hội Việt Nam, đấy là những tiến sĩ, cử nhân tốt nghiệp ở Pháp, những học sinh trung học, sinh viên cao đẳng... Họ cùng với công chức của Pháp, của Nam triều (Tham, Phán, Thông ngôn, Ký lục...) trở thành tầng lớp trí thức tân học. Tầng lớp thị dân này, hoàn cảnh sống mỗi người mỗi khác, cuộc sống Âu hóa ngày một thay đổi khiến tâm lý, tư tưởng, nhu cầu cũng thay đổi. Với điều kiện sống tập trung chứ không phân tán, nhịp sống sôi nổi khẩn trương chứ không bình lặng mộc mạc như ở nông thôn, nguồn thu nhập ổn định ... đã tạo cho tầng lớp thị dân này có điều kiện để du nhập các hoạt động văn hóa thích hợp với thành thị. Sách báo trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Họ đọc để giải trí, để tìm hiểu mua bán, để biết thêm về xã hội xung quanh... Đô thị phát triển nảy sinh những vấn đề phức tạp, xu hướng kiếm tìm vật chất trong môi trường xã hội mới đầy phức tạp dần dần làm phân hóa xã hội truyền thống và nhân cách con người. Đạo lý luân thường là những điều cần nhưng không đủ trong đời sống thực tại, nên “người ta cần tìm hiểu kỹ cuộc sống với cả những tình tiết đầy đủ, những chi tiết cụ thể; gây được cảm giác, thỏa mãn được sự tò mò... Người ta muốn nếm trải cái có thật (hay có thể có thật), chứ không phải được khích lệ bằng những gương trung hiếu, minh họa đạo nghĩa... Người ta muốn xúc cảm, muốn mở mang như những con người, những cá nhân- chứ không phải xúc động như khi chiêm ngưỡng tấm gương cao cả của vị thánh xuất chúng” [101, 25]. Vì thế “Bên cạnh những nhà nho vẫn tiếp tục làm thơ phú, người nông dân vẫn tiếp tục ca hát dân gian… nền văn học cũ vẫn tồn tại khắp đất nước thì một lớp nhà văn kiểu mới, một nền văn học có tính chất khác trước xuất hiện tạo nên một cảnh tương giao giữa hai nền văn học” [101, 22]. Trên văn đàn lúc bấy giờ xuất hiện những người làm báo, viết văn…và thể văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết trở nên phù hợp với tâm lý thị hiếu của đông đảo công chúng mới. Nó trở thành nhu cầu bức thiết trong đời sống tinh thần của xã hội bấy giờ. “Đọc tiểu thuyết, người ta thấy có cái thú vị nồng nàn là được sống sâu rộng hơn, thấm thía hơn, vì ở đời không một ai được sống với tất cả các giác quan rung động, với tất cả mọi hành vi cùng tư tưởng bồng bột và thâm trầm. Chính tiểu thuyết là một loại văn có thể bổ khuyết cho ta về những cái thiếu sót ấy” [176, 162]. Những đòi hỏi trên là cơ sở để tiểu thuyết văn xuôi - thể văn học mới ra đời và phát triển. Đồng thời hệ thống giáo dục ở các trường Pháp Việt lúc bấy giờ ngoài việc đào tạo nên lớp công chúng mới, những người quen thưởng thức các thể văn học phương Tây, còn hình thành nên một đội ngũ tác gia mới. Họ nhanh chóng thay thế dần đội ngũ các nhà văn cựu học, sáng tạo những tác phẩm văn học đáp ứng nhu cầu của lớp công chúng mới. Chính đội ngũ._. này đã quyết định sự phát triển của nền văn học mới trong đó có tiểu thuyết. 2. Những đổi mới về mặt văn hóa . 2.1. Chữ quốc ngữ. Nam kỳ trở thành xứ thuộc Pháp, chữ quốc ngữ không chỉ là công cụ truyền đạo của các giáo sĩ phương Tây mà còn là phương tiện lôi kéo người Việt khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Thực dân Pháp đã dùng chữ quốc ngữ để thay thế dần chữ Hán và chữ Nôm. Nhiều biện pháp khuyến khích việc học chữ quốc ngữ như từ năm 1880 các làng xã ở Nam kỳ - xứ thuộc Pháp đều có những trường học dạy chữ quốc ngữ vì “kể từ ngày 1-1 -1882 không một tuyển dụng nào được thi hành, không một thang trật nào được cho phép trong ngạch phủ, huyện, tổng đối với bất cứ ai ở trong tình trạng không viết được chữ quốc ngữ” (Nghị định ngày 6 - 4 - 1878). Thực hiện chính sách này thực dân Pháp nhằm loại trừ những ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống Việt Nam, mà giới nho học, trong đó có rất nhiều sĩ phu yêu nước là tầng lớp có thể tuyên truyền, kêu gọi tập hợp kháng chiến... Với ưu thế dễ đọc dễ viết và vô cùng thiết thực trong đời sống, chữ quốc ngữ đã hoàn toàn chiếm ưu thế hơn chữ Hán, chữ Nôm và được xem như một biểu tượng của văn minh tiến bộ trên khắp cả ba miền. Thấy được lợi ích của thứ văn tự mới này, những nho sĩ từ thái độ không hưởng ứng đã dần dần tích cực cổ động cho việc học chữ quốc ngữ qua các phong trào Minh Tân (Nam bộ), Đông Kinh Nghĩa Thục (Bắc bộ) vào những năm 1907 - 1918, khiến mọi người không ngừng trau dồi chữ quốc ngữ. Đi đầu trong phong trào này là các học giả Pétrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Gilbert Trần Chánh Chiếu và J.B Nguyễn Trọng Quản... ở miền Nam và Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học ...ở miền Bắc. Đi đôi với việc xuất hiện chữ quốc ngữ là sự phát triển mạnh của phong trào phiên âm quốc ngữ và dịch thuật, các tác phẩm văn học cổ được bắt đầu ngay sau khi Pháp chiếm Nam kỳ. Trong ba thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX và mấy năm đầu của thế kỷ XX, đi tiên phong trong phong trào này là Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Phan Đức Hòa. Những tác phẩm phiên âm ra quốc ngữ sớm nhất trong cả nước của Trương Vĩnh Ký là Kim Vân Kiều truyện (1875), Lục súc tranh công (1884), Lục Vân Tiên truyện, Phan Trần truyện (1889) ; Phan Đức Hòa có Nhị Độ Mai (1884) ; Nguyễn Hữu Thoại có Văn Doan diễn ca (1903), Trần Sang diễn ca (1905), Chinh phụ ngâm, Bạch Viên Tôn Các, Thoại Khanh Châu Tuấn (1906). Việc phiên Nôm và xuất bản các truyện Nôm dưới hình thức quốc ngữ còn kéo dài cho đến hai thập niên đầu của thế kỷ XX. Nó tồn tại song song với nền biên khảo văn học, ngữ học, dịch thuật và sáng tác bằng chữ quốc ngữ. Sang những năm đầu thế kỷ XX, hình thức nghe thơ, nói thơ đã dần nhường bước cho hình thức đọc vì chữ quốc ngữ đã trở thành phổ biến. Việc phiên Nôm và hình thức đọc cũng là một cách trau dồi chữ quốc ngữ hữu hiệu, đưa chữ quốc ngữ đi vào đời sống, làm tiền đề phát triển tiểu thuyết quốc ngữ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Dịch thuật cũng là một hoạt động thể hiện ý thức phát triển mối giao lưu giữa các nền văn hóa. Khảo sát các thư mục đã được công bố, tập hợp trong Địa chí văn hóa thành phố và trong Văn học quốc ngữ ở Nam kỳ của tác giả Bằng Giang chúng tôi nhận thấy hoạt động dịch thuật khá đa dạng: dịch kinh sách, truyện Tàu, truyện Pháp. Sớm nhất là Đại Nam quốc sử diễn ca của Phạm Đình Toái và Lê Ngô Cát đã được Trương Vĩnh Ký dịch (1875). Sau năm 1875 Trương Vĩnh Ký tiếp tục dịch Trung Dung, Đại học (1881), Minh tâm bửu giám (1893), Tứ thư (1889), Tam tự kinh (1884). Trương Minh Ký dịch Kinh thi đăng trên Gia Định báo, Tiểu học gia ngôn diễn nghĩa (1889), Trị gia cách ngôn (1895), Ca từ diễn nghĩa (kho tàng thơ ca Trung Hoa) (1896)… Nhiều dịch giả dịch truyện Tàu Tam quốc chí, Thuỷ hử, Đông Châu liệt quốc...bản dịch Tam quốc chí đầu tiên xuất hiện ở miền Nam đăng trên Nông cổ mín đàm đầu năm 1901…Đặc biệt tuồng San Hậu (tuồng Việt Nam) có đến 8 bản dịch của 8 tác giả. Những tác phẩm văn học Pháp được dịch và xuất bản xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam như: Truyện Phan sa dịch ra quốc ngữ (1884), trong đó dịch 16 ngụ ngôn của La Fontaine, Têlê mặc phưu lưu ký (1887) của Fénelon khởi đăng trên Gia Định báo từ năm 1885, Truyện nhi đồng Francinet cũng đăng trên Gia Định báo từ năm 1885, Phú bần diễn ca (1896), Robinson trên hoang đảo (1886) do Trương Minh Ký dịch ; Trần Chánh Chiếu cho công bố bản dịch 2 tác phẩm Tiền căn báo hậu (1907), Ba chàng ngự lâm (1914); Đỗ Quang Đẩu dịch hơn 30 bài thơ của La Fontaine ; Nguyễn Ngọc Ấn dịch thơ Pháp đăng trong các báo… Chữ quốc ngữ và phong trào phiên âm, dịch thuật là cơ sở để hình thành nền văn học mới với những thể loại mới như kịch, ký sự, truyện ngắn, tiểu thuyết ... đồng thời là phương tiện chuyển tải văn hóa phương Tây đến với Việt Nam và giúp người Việt Nam hòa nhập được vào văn hóa thế giới “giúp cho nền văn học Việt Nam thành lập và bình dân hóa một cách mau lẹ không ngờ” [215, 113]. Sự phát triển của chữ quốc ngữ khiến văn xuôi tiếng Việt nhanh chóng đổi mới. Đồng thời việc sáng tác văn học bằng chữ quốc ngữ đã làm cho chữ quốc ngữ được trau chuốt, trở thành một công cụ ngôn ngữ có khả năng diễn đạt phong phú, chính xác, tinh tế. 2.2. Báo chí. Chữ quốc ngữ phổ biến ở Nam bộ sớm hơn Bắc bộ, phong trào Minh Tân diễn ra sâu rộng và tác động tích cực đến phần lớn tầng lớp dân chúng Nam bộ. Nhiều người biết chữ quốc ngữ nên báo chí Nam bộ phát hành nhiều, tính phổ biến cao, trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người dân Nam bộ. Sự ra đời của tờ báo đầu tiên Gia Định báo ngày 15- 4 -1865 đánh dấu sự mở đầu của báo chí quốc ngữ, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong sinh hoạt văn hóa. Sau đó là Nông cổ mín đàm (1901), Lục tỉnh tân văn (1907), Đăng cổ tùng báo (1907), Đại Việt tân báo (1908), Đông Dương tạp chí (1913), Trung Bắc tân văn (1915), Nam Trung nhật báo (1917)…cũng lần lượt ra đời ở cả hai miền Nam Bắc. Tuy nhiên trong ba thập kỷ đầu thế kỷ XX, nội dung báo chí Nam bộ vẫn pha tạp đủ thứ kinh tế, thương mại, khoa học, tôn giáo...không có một tờ báo nào dành tỷ lệ cao cho văn học và càng chưa có tờ báo nào chuyên về văn học nên đã hạn chế việc nghiên cứu, phê bình và phổ biến lý luận về phương pháp sáng tác, đặc trưng thể loại, .... Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho tiểu thuyết Nam bộ sau năm 1930 không phát triển. Trong khi đó, báo chí đến miền Bắc chậm hơn, nhưng chỉ trong 10 năm, nhiều tờ đã chuyên sâu vào các lĩnh vực văn hóa, văn học. Năm 1919 có Học báo, năm 1923 có Vệ nông báo, 1928 có tạp chí Kịch trường, 1929 có Nông công thương báo, năm 1931 có Pháp Việt tạp chí... Về văn học, Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí đã thường xuyên đăng tải một số bài viết quan trọng về văn học như Khảo về tiểu thuyết, Lược khảo về sự tiến hóa của quốc văn trong lối viết tiểu thuyết... đã cung cấp một lượng kiến thức quan trọng về lý luận và phê bình văn học. Mặc dù là một hình thức văn hóa ngoại nhập, dù mục đích của báo chí là tuyên truyền, phổ biến văn hóa, giáo dục của chính quyền thực dân thuộc địa, nhưng các trí thức văn nhân đã tận dụng nó để góp sức giữ gìn tinh hoa văn hóa dân tộc cũng như để đổi mới và xây dựng một nền văn học mới. Báo chí đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống của nhiều tầng lớp nhân dân. Trên các báo nhiều thể loại văn học mới xuất hiện như: truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình...Người viết trau dồi ngòi bút của mình qua các bài viết, bài dịch thuật, phê bình trên báo. Họ giao lưu trao đổi các vấn đề về văn hóa, văn học cũng trên báo. Đồng thời “Văn tiểu thuyết là món ăn thịnh hành nhất đời nay, không những sách xuất bản đã nhiều, mà trên các báo chí, bất kỳ báo nào đều có để riêng một phần cho tiểu thuyết” [80, 116]. Báo chí quốc ngữ ra đời và phát triển mạnh mẽ “là nơi xuất phát và nuôi dưỡng những thể văn, khuynh hướng văn mới, nhất là những thể văn, khuynh hướng văn chương chịu ảnh hưởng Tây phương” [228, 5]. 2.3. Nghề in và xuất bản. Cùng với việc ra đời của báo chí quốc ngữ là sự phát triển của nghề in và nghề xuất bản. Năm 1862 Impériale - nhà in đầu tiên tại Việt Nam ra đời ở Sài Gòn. Sau năm 1870, Sài Gòn có nhiều nhà in, nhà xuất bản mới. Trong nước đã xuất hiện những nhà kinh doanh chuyên nghiệp về công việc này. Việc in ấn, phát hành phát triển đã nâng cao nhu cầu đọc sách trong công chúng và sách báo có thể phát hành rộng rãi ở mọi nơi cho mọi tầng lớp công chúng khác nhau, nhất là ở Nam bộ. Ngoài việc in báo, in tài liệu, các chủ nhà in đã nhanh chóng nắm bắt thị hiếu của người đọc về những tác phẩm tiểu thuyết được ưa chuộng để đem xuất bản, cùng các truyện thơ, vè, truyện tranh, các tác phẩm dịch thuật... vừa tạo điều kiện cho báo chí và xuất bản phát triển vừa góp phần vào việc phổ biến chữ quốc ngữ; vừa làm phong phú thêm từ ngữ tiếng Việt, vừa cải cách dần văn phong cú pháp. Tất cả những hiện tượng trên đã ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của tiểu thuyết hiện đại. Các tòa soạn, nhà xuất bản lớn trở thành trung tâm văn hóa, học thuật của các thành phố lớn. 2.4. Biên khảo văn học, ngữ học Có thể nói nền biên khảo bằng chữ quốc ngữ bắt đầu khơi nguồn từ Trương Vĩnh Ký. Ông sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học Đông Tây nói chung, nhưng chủ yếu là văn hóa, văn học Việt Nam, trong đó mảng văn học dân gian như thơ ca, hò vè, truyện tiếu lâm, truyện cổ tích… được nhà bác học này đặc biệt chú ý. Được thực hiện chủ yếu bằng chữ quốc ngữ, chính mảng biên khảo này đã góp phần rất trong việc bảo tồn cũng như phổ biến rộng rãi di sản văn học dân tộc. Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của…là những người đóng góp sớm nhất vào thành tựu này. Trương Vĩnh Ký có Chuyện đời xưa (tuyển tập cổ tích, ngụ ngôn dân gian Việt Nam, 74 chuyện, 1886), Truyện khôi hài; Huỳnh Tịnh Của có Chuyện giải buồn (cuốn 1 có 61 chuyện, cuốn 2 có 31 chuyện), Tục ngữ, cổ ngữ, Gia ngôn (Maximes et Proverbes, 1896) là một công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Việt Nam theo phương pháp Tây phương, Ca trù thể cách, Câu hát Annam (1910). Đặc biệt Đại Nam quốc âm tự vị (1895) là từ điển đầu tiên của nền ngữ học Việt Nam ; Trương Minh Ký có Ca từ diễn nghĩa (1896), Thi pháp nhập môn (1898); ngoài ra các tác giả như Lê Quang Chiểu với Quốc âm thi hợp tuyển (1903), Võ Sâm với Thi phú văn tư (1912), Đặng Lễ Nghi với Câu hát (kiêm) kim thời (1915)… . Đây là một nền biên khảo, dịch thuật hiện đại so với văn học Hán Nôm trước đó. Nó vừa thể hiện bản sắc văn học dân tộc, vừa mở đầu một giai đoạn giao lưu văn hóa với thế giới theo một tinh thần mới. Với phương tiện là chữ quốc ngữ - một phương thức ký âm ngày càng hoàn thiện đã giúp người Việt Nam nắm bắt cả một gia tài văn hóa quý báu mà trước kia không dễ gì ai cũng tiếp nhận được. Đây là hoạt động văn hóa kết hợp được cả hai yếu tố dân tộc và thời đại, hoàn toàn thực hiện bằng chữ quốc ngữ, không hề cắt đứt người Việt Nam với truyền thống văn học cũ, đem lại cho văn học dân tộc nội dung và hình thức mới mẻ, hiện đại hơn, góp phần tạo tiền đề cho câu văn xuôi quốc ngữ ngày càng phát triển. II. Đặc điểm của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX. 1. Sự chuyển biến nội tại của tiểu thuyết truyền thống. Văn học thời trung đại, tuy văn xuôi không nhiều nhưng vẫn có những tiểu thuyết dưới hình thức văn xuôi chữ Hán như: Nam triều công nghiệp diễn chí - bộ tiểu thuyết chương hồi do Nguyễn Khoa Chiêm sáng tác năm 1719, Thiên Nam liệt truyện (ra đời khoảng cuối thế kỷ thứ XVIII, chưa rõ tác giả), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái đầu thế kỷ XIX), Hoàng Việt long hưng chí (Ngô Giáp Đậu – 1904), Trùng Quang tâm sử (Phan Bội Châu) ... hầu hết đều viết về đề tài lịch sử, nội dung xoay quanh những vấn đề của cương thường, đạo lý, ca ngợi trung hiếu tiết nghĩa, và nhân vật thường có những nét khuôn sáo về mặt phẩm chất, tính cách, thậm chí kể cả ngoại hình. Kết cấu truyện thường đơn giản, có hậu, người lành được hưởng phước, kẻ ác bị trừng phạt. Trong đó nổi bật nhất là Hoàng Lê nhất thống chí, đây là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, giá trị lịch sử sâu sắc. Trùng Quang tâm sử tuy viết theo thi pháp văn học trung đại nhưng nội dung rất tiến bộ, viết về sự nổi dậy của phong trào yêu nước. Đây cũng là bộ tiểu thuyết cuối cùng viết bằng chữ Hán. Đi sâu phân tích tác phẩm, người đọc sẽ hình dung được một giai đoạn có thật của lịch sử. Thế kỷ XIX xuất hiện hai tiểu thuyết văn xuôi chữ Hán là Đào hoa mộng ký của Tiên Phong Liên Đình viết về tình yêu và Điểu thám kỳ án của Trương Thương Nham viết về công án. Đây là hai tiểu thuyết viết về con người và xã hội Việt Nam. Tác giả đã mạnh dạn đổi mới bằng việc chọn một câu chuyện tình của người Việt Nam xảy ra trên đất Việt Nam làm đề tài sáng tác. Tuy giá trị nghệ thuật không cao, nhưng sự cách tân về đề tài đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong thể loại tiểu thuyết Việt Nam. Cùng xuất hiện với những tiểu thuyết văn xuôi chữ Hán là những truyện nôm như: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Hoa Tiên (Nguyễn Huy Tự), Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu), Lâm Tuyền kỳ ngộ, truyện Sãi Vãi (Nguyễn Cư Trinh)... những truyện nôm khuyết danh như Phạm Tải Ngọc Hoa, Quan Âm Thị Kính, Phan Trần ...hầu hết các tác phẩm này ra đời từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX. Thi pháp của những tác phẩm này dần dần có sự chuyển biến từ ngôn ngữ, cách miêu tả, “Cái tôi” cá nhân đòi quyền sống, quyền được yêu đã bắt đầu xuất hiện. Sự thay đổi về đề tài từ Đào hoa mộng ký, Điểu thám kỳ án, Trùng Quang tâm sử cũng như những biến đổi về nghệ thuật trong các truyện thơ nôm cho thấy đã có sự chuyển biến bên trong của thể tiểu thuyết từ cuối thế kỷ XIX. Chứng tỏ những yêu cầu cách tân thể loại tiểu thuyết không phải chỉ khi chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết phương Tây mới có. Song chính sách “bế quan tỏa cảng” của triều đình nhà Nguyễn đã hạn chế sự giao lưu văn hóa với bên ngoài nên các mầm mống đổi mới ấy không có điều kiện phát triển. Khi chữ quốc ngữ bắt đầu phổ biến, các học giả đã nhanh chóng tạo cầu nối giữa văn học cổ với nền văn học chữ quốc ngữ. Những tác phẩm văn xuôi quốc ngữ ra đời mang đậm dấu ấn của tiểu thuyết cổ trong cấu trúc nghệ thuật. Đó là những truyện trai anh hùng, gái thuyền quyên với lối kết cấu chương hồi, lối kể theo thứ tự thời gian. Chính lối kết thúc có hậu, ân đền, oán trả, ở hiền gặp lành… là bóng dáng kế thừa tiểu thuyết truyền thống. Các tác phẩm Mảnh trăng thu - Bửu Đình, Nghĩa hiệp kỳ duyên - Nguyễn Chánh Sắt, Kiếp chồng chung - Tuyết Hữu… là những minh chứng sống đông sự kế thừa tiểu thuyết truyền thống của tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ đầu thế kỷ XX. Nền tảng văn hóa dân tộc và bề dày của lịch sử tiểu thuyết cổ điển Việt Nam là chỗ dựa vững chắc cho sự phát triển của tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ. Những biến động xã hội đã tác động đến sự phát triển nội tại khách quan, tất yếu của văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Nội lực tiềm tàng của nền tiểu thuyết truyền thống khi có những điều kiện cần thiết như báo chí văn học, nhà xuất bản, đội ngũ sáng tác, công chúng văn học, không khí văn học mới đã bắt đầu chuyển biến theo hướng hiện đại hóa. 2. Qúa trình hình thành tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ. 2.1. Tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ Nam bộ trước năm 1930. Cùng với sự phổ biến chữ quốc ngữ, sự ra đời và phát triển của báo chí đã tạo điều kiện cho những truyện ngắn đơn giản bằng văn xuôi quốc ngữ hình thành. Năm 1865, tờ báo đầu tiên ra đời - Gia Định báo đã tạo điều kiện thuận lợi cho giới trí thức mới tham gia đời sống viết lách. Tôn chỉ của tờ báo là muốn có những truyện nôm na để in, về quy cách chỉ cần câu chuyện có mở đầu, có diễn biến, có kết thúc, có cả những lời nhận định chủ quan của người viết và yêu cầu thiết yếu là phản ánh trung thực sự việc xảy ra. Chính tôn chỉ này đã ảnh hưởng nhiều đến tiểu thuyết Nam bộ thời kỳ đầu. Những truyện ngắn giản đơn bằng văn xuôi ra đời còn gồm những truyện kể lưu truyền trong dân gian, những truyện vui, những gương trung hiếu tiết nghĩa… đã được các nhà văn ghi lại bằng chữ quốc ngữ trong các tập truyện như Chuyện đời xưa (Trương Vĩnh Ký), Chuyện giải buồn (Huỳnh Tịnh Của), Chuyện khôi hài (Trần Phong Sắc)...Loại truyện này lời văn giản dị nôm na, gần gũi với ngôn ngữ đời sống thường ngày. Nó không những đã góp phần phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ mà còn giúp độc giả làm quen với cái mới, tạo tiền đề cho sự ra đời của tiểu thuyết. Một dạng truyện nữa là Truyện quảng cáo, một sản phẩm của nền kinh tế hàng hóa. Đây là những câu chuyện hoàn toàn hư cấu, song chúng hấp dẫn người đọc, người nghe nhằm giới thiệu sản phẩm. Về sau giới kinh doanh thay đổi bằng cách in những tiểu thuyết khá hay như Nghĩa hiệp kỳ duyên, Kim thời dị sử, Một cảnh làm dâu… rồi in luôn phần quảng cáo vào hoặc viết những truyện ngắn rồi đưa vào truyện một hai chi tiết để quảng cáo như Lưới trời khó lọt, Dưới cội đào…. Cách viết truyện quảng cáo này đã làm thay đổi tư duy sáng tạo, óc tưởng tượng phong phú cho người viết văn, làm tiền đề cho một lớp nhà văn mới phát triển. Song song với sự ra đời của những truyện ngắn giản đơn, trên văn đàn nước ta xuất hiện thể loại truyện thơ. Loại truyện này cũng tiếp tục theo nguồn truyền thống của truyện thơ Nôm trước đó, viết theo thể lục bát nhưng đã khác trước. Nội dung của những câu chuyện là phản ánh thực tế cuộc sống hàng ngày và được hư cấu thêm để tăng phần hấp dẫn cho đôc giả. Vào thời kỳ này còn có truyện Thơ Sáu Trọng, Thơ Thầy Thông Chánh, Thơ cậu Hai Miêng... loại truyện này ít nhiều gắn bó với sinh hoạt văn hóa dân gian. Bên cạnh đó còn có truyện thơ viết trí thức hơn, thường gọi là “Lục” hay “Tiểu lục” như truyện U tình lục của Hồ Biểu Chánh ... Đây là hướng thử nghiệm trong việc cách tân thể loại truyện thơ bằng văn vần. Nhưng sự đổi mới đó vẫn không đáp ứng được nhu cầu ngày càng phát triển của tầng lớp độc giả ở thành thị. Đồng thời hình thức văn vần cũng dần dần không còn thích hợp để chuyển tải nội dung phản ánh hiện thực phong phú nữa. Trước những yêu cầu đó, truyện viết bằng văn xuôi ra đời. Như vậy bắt đầu từ những truyện ngắn giản đơn, những truyện quảng cáo, những tích xưa viết lại cộng với sự đổi mới về nội dung của những truyện thơ truyền thống đã đem đến cho văn học một thể loại mới, đó là tiểu thuyết bằng văn xuôi quốc ngữ. Tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên viết bằng văn xuôi ra đời năm 1887 là Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản. Tác phẩm có nhiều yếu tố hiện đại. Về mặt ngôn ngữ tác giả đã dùng lời nói thường chứ không dùng văn vần, văn biền ngẫu. Kết cấu truyện không theo lối chương hồi, không lời dẫn, kết thúc không có hậu. Nhân vật trong truyện không bộc trực, không “nói phứt cho rồi” như tính cách của người dân Nam bộ, mà luôn day dứt, dằn vặt giữa các trạng thái yêu thương - oán hận, lầm lạc - hối hận, luôn bị giằng xé giữa luân lý và dục vọng, lương tâm và tội ác, cao cả và thấp hèn. Đề tài cũng hết sức mới là giết người và ghen tuông, “với cốt truyện và những vấn đề mà Nguyễn Trọng Quản đặt ra, trong điều kiện văn học hiện đại đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, các nhà văn có thể xây dựng thành một tiểu thuyết với đầy đủ những đặc trưng thể loại vốn có của nó” [57, 82]. Năm 1912 tiểu thuyết đầu tiên của Hồ Biểu Chánh ra đời là cuốn Ai làm được - nó đã bắt đầu cách tân theo hướng hiện đại. Từ lối kể chuyện theo một trật tự nhất định của tiểu thuyết cổ điển, Hồ Biểu Chánh đã đưa người đọc đi vào lối kết cấu mới, có sự tổ chức linh hoạt về thời gian, không gian. Sau tiểu thuyết Ai làm được là hàng loạt tiểu thuyết khác ra đời. Hồ Biểu Chánh đã từng bước đưa sự kiện, con người vào tiểu thuyết với lối kể chuyện sinh động, giàu kịch tính. Ông xây dựng được những nhân vật đại diện cho các tầng lớp nhân dân, địa chủ, lưu manh.... với lối kể chuyện gián tiếp tự nhiên đã làm cho tiểu thuyết của ông ngày càng gần với tâm lý độc giả bình dân Nam bộ. Sự đan kết giữa các chuyện chính, chuyện phụ đã tạo ra những đoạn đối thoại, độc thoại nội tâm khá hấp dẫn làm cho tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh có sức sống trong lòng độc giả Nam bộ hơn nửa thế kỷ qua. 2.2. Tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ Bắc bộ trước năm 1930. Nếu khởi đầu ở Nam bộ là ngững truyện ngắn giản đơn, những truyện thơ, thì ở Bắc bộ là thể văn ký sự. Bắt đầu từ thập niên mười của thế kỷ XX, trên văn đàn miền Bắc nở rộ thể văn ký sự như Pháp du hành trình nhật ký (Nam Phong, 38 kỳ từ số 58 - 100) của Phạm Quỳnh, Hương sơn hành trình (1914) của Nguyễn Văn Vĩnh, Hạn mạn du ký (Nam Phong, số 38 - 43), Đi chơi Bắc Ninh (Nam Phong, số 100), Mười ngày ở Huế (Nam Phong, số 10), Giấc mộng con của Tản Đà... Sự nở rộ của thể loại ký và những chất liệu hiện thực trong thể loại này đã làm cơ sở cho tiểu thuyết phát triển. Cùng với thể ký sự, truyện ngắn (đoản thiên tiểu thuyết) cũng là thể văn phát triển ở miền Bắc, tiêu biểu là những truyện ngắn đăng trên Tạp chí Nam Phong của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Vũ Đình Chí, Lê Đức Nhượng…Không phản ánh thời sự, truyện ngắn Bắc bộ là những tác phẩm nghệ thuật thật sự, nội dung phong phú, chủ yếu đề cập đến cuộc sống của những gia đình quan lại ở thành thị, những người thuộc giai cấp phong kiến suy tàn, hoặc những con người sở khanh mới xuất hiện trong xã hội hiện thời…lời văn gọn, rõ, giàu tính nghệ thuật. Qua nghiên cứu, tiểu thuyết văn xuôi đầu tiên ở Bắc bộ là tiểu thuyết lịch sử Hưng Đạo Vương (1914) của Phan Kế Bính. Tiếp theo, có Sóng hồ Ba Bể của Phạm Bùi Cầm (1916), Nữ quân tử diễn nghĩa của Nguyễn Khắc Hanh (1918). Năm 1920 mới xuất hiện tiểu thuyết tình cảm Một cảnh làm dâu của Ngô Tiếp. Đáng chú ý là 1925, hai tác phẩm Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật và Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đã gây tiếng vang lớn trên văn đàn. Nếu Quả dưa đỏ được giải thưởng của Hội Khai trí Tiến Đức thì Tố Tâm “như một quả bom nỗ giữa khung trời tình cảm” [43, 603] vừa ra đời đã gây một làn sóng dư luận khắp cả nước, “Từ Bắc đến Nam không ai không biết đến Tố Tâm. Có nhiều bạn gái thuộc lòng cả quyển sách nữa” [115, 298]. Điểm mới của Hoàng Ngọc Phách là tác giả đã “từ chối loại tiểu thuyết truyền thống, soạn một cuốn tiểu thuyết trước hết với mục đích tự nó, một cuốn tiểu thuyết không phải dưới hình thức truyện kể mà đưa đến cho người đọc chân dung của những tâm hồn” [238, 34] miêu tả tình yêu đích thực với sự rung động mãnh liệt của com tim. Có thể nói với những tư liệu hiện có thì giai đoạn này miền Bắc không phải chỉ có một vài tiểu thuyết, nhưng xét về tính hiện đại, theo khuynh hướng lãng mạn thì không tác phẩm nào hoàn thiện bằng Tố Tâm. Qua phát họa sơ lược diện mạo tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, cho thấy tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ đã dần dần phát triển rộng khắp ở mọi miền đất nước. Những tác phẩm mang tính thể nghiệm buổi đầu là nhịp cầu nối hai chặng đường cổ điển và hiện đại. Các nhà văn, từ Nguyễn Trọng Quản đến Trần Chánh Chiếu, Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh, Tản Đà, Bửu Đình, Đặng Trần Phất, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Chí… đều có chung một nhiệt huyết là “Gia công bồi bổ cho cái hậu vận quốc văn”. Càng ngày trình độ học vấn và sự hiểu biết của họ càng cao nên chất lượng tiểu thuyết càng phát triển. Tuy chưa đậm nét nhưng các tác giả đã thể hiện ít nhiều phong cách độc đáo trong sáng tác, dần dần tạo nên hai khuynh hướng sáng tác khác nhau, một là loại tiểu thuyết “giảng cho ta cõi đời này ra thế nào” và một loại “làm cho ta quên cõi đời này đi”. Tuy ra đời sau, nhưng do những cơ sở văn hóa phát triển đều, nên tốc độ phát triển của tiểu thuyết Bắc bộ nhanh hơn nhiều so với Nam bộ. Mặt khác độc giả Bắc bộ chủ yếu là sinh viên, học sinh, tầng lớp tiểu tư sản… có trình độ học vấn tương đối cao, nên các tác gia miền Bắc phải gia công đầu tư nhiều để có những tác phẩm chất lượng phù hợp với độc giả. Trong khi đó chủ tâm của các tác giả Nam bộ là phục vụ đông đảo quần chúng, chủ yếu là những người bình dân ham đọc sách, truyện, nên tác giả không cần gọt dũa ngòi bút, tác phẩm không cần có trình độ nghệ thuật cao. Đó là những nguyên nhân cơ bản tạo nên hai phong cách, hai giọng điệu khác nhau trong tiểu thuyết hai miền. 3. Sự chuyển hướng trong ý thức sáng tạo. Sau khi xuất hiện tác phẩm tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ đầu tiên Truyện Thầy Lazarô Phiền (1887) người ta đã nhận định có sự chuyển hướng trong ý thức sáng tạo thể loại. Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Trọng Quản xác định “Đã biết rằng xưa nay dân ta không thiếu chi thơ, văn, phú, truyện nói về những đấng anh hùng hào kiệt, những tay tài cao trí cả rồi đó, mà những đấng ấy thuộc về đời xưa chớ đời nay chẳng còn nữa. Bởi đó tôi mới giám bày đặt một truyện đời này là sự thường có trước mắt ta luôn, như vậy thì sẽ có nhiều người sẽ lấy lòng vui mà đọc ; kẻ thì cho quen mặt chữ, người thì cho đặng giải phiền một giây” [229, 38]. Nhà văn Bửu Đình cũng đã từng phát biểu “Tiểu thuyết là một lối trước thuật, dễ bày vẽ bằng văn chương những nhơn tình thế thái, chỉ rõ những gương chánh đáng, thói gian tà, những đoạn thiết yếu có thể dạy dỗ lòng người nhu nhược ra hùng dũng, vén ngút mây cho dễ thấy trời xanh. Những tục lệ hư phong trong xã hội thường thấy trước mắt, thì đều gom nhốt hết vào đó” [8, 1923] và “Tiểu thuyết có thể giúp người ta giải khuây lúc đêm khuya thanh vắng và có thể mở mang trí não. Người ta đọc tiểu thuyết nhiều làm sao cũng rõ thông thế thái nhơn tình” [8, 1925]. Có thể nói, các nhà văn đương thời đều quan niệm tiểu thuyết rất thực tế, gần đời và dùng vào việc đời nên khi viết họ phải thành thực, rõ ràng để phổ cập được đủ các hạng người trong xã hội. Chính vì thế, hầu hết các nhà văn trong giai đoạn này đã thiên về xu hướng tả thực, bám sát đời sống thực tại để miêu tả, xây dựng cốt truyện, dựa trên thực tế cuộc sống để giải quyết vấn đề. Người đọc có thể qua tiểu thuyết tìm thấy những gì mình đã nếm trải hoặc tìm cho mình một hướng giải quyết những tình huống bất ngờ, phức tạp trong cuộc sống nhiễu nhương mà có lúc họ chưa đủ sức chống chọi. Văn minh phương Tây tràn vào đã làm cho đất nước có nhiều thay đổi, nếp sống truyền thống theo Nho giáo dần dần bị phá vỡ. Đồng thời những tác động từ chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp khiến xã hội Việt Nam chuyển dần từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế hàng hóa ... tất cả những thực trạng trên là nguồn đề tài vô tận cho các nhà văn đương thời. Bằng tấm lòng ưu ái, lo sợ xã hội băng hoại, văn hóa dân tộc bị thui chột, các nhà văn đương thời đã lên án những tác nhân, những mầm mống gieo rắc tai họa, gây bao cảnh lầm than để mọi người biết và đề phòng. Cho nên “đời tư là tiêu điểm để miêu tả cuộc sống một cách tiểu thuyết” [139, 390]. Nhìn chung các nhà văn đã đi vào miêu tả số phận của những con người bình thường, nhỏ bé trong xã hội với những bi kịch đời tư vì những đẩy đưa của cuộc sống mà gia đình tan nát. Đó là cuộc đời của Lazarô Phiền (Truyện Thầy Lazarô Phiền) vì ghen tuông thù oán mà phải đau khổ cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Cuộc đời lận đận truân chuyên của Ánh Nguyệt (Ngọn cỏ gió đùa - Hồ Biểu Chánh), của Vương Thị Phượng (Mồ cô Phượng - Trứ Giả), của Kim Anh (Kim Anh lệ sử - Trọng Khiêm), cuộc đời long đong đầy nước mắt của Bạch Thuỷ (Cành lê điểm tuyết - Đặng Trần Phất), của Liêm Tử Tâm (Cô Ba Trà - Nguyễn Ý Bửu)….Xoay quanh những mảnh đời ấy là những vấn đề xã hội đang trong quá trình đô thị hóa, những chính sách về phúc lợi xã hội, về quyền phụ nữ, về tự do hôn nhân, tự do yêu đương …được đặt ra. Đặc biệt những đề tài ảnh hưởng đến đạo đức xã hội như ngoại tình, vấn đề tính dục, giới tính cũng là một trong những đặc điểm nổi bật của tiểu thuyết thời kỳ này. Tình yêu không chỉ được nhìn nhận dưới góc độ tình cảm mà nó còn là sự đòi hỏi, khao khát về tính dục, đó là sự “tự nhiên” nên việc miêu tả, phản ánh là điều “tự nhiên” - mặc dầu điều đó quả là quá mới so với nhận thức chung của xã hội đương thời. Từ nhận thức đó, những tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt, Người bán ngọc của Lê Hoằng Mưu miêu tả những cảnh ngoại tình đã bị lên án kịch liệt. Không gian tác phẩm cũng dần dần mở rộng theo sự phát triển của tiểu thuyết. Những tác phẩm ban đầu như Truyện Thầy Lazarô Phiền (1887), Hoàng Tố Oanh hàm oan (1910), Hà Hương phong nguyệt (1920), Một cảnh làm dâu (1920)…địa bàn hoạt động của các nhân vật chỉ ở một vài tỉnh thành như Bà Rịa, Vũng Tàu, Sài Gòn, Vĩnh Long….Đến Nghĩa hiệp kỳ duyên (1920), Cuộc tang thương (1921), Tố Tâm (1925), tác giả đưa người đọc từ Sài Gòn về Cần Thơ, Bạc Liêu ra tới Hà Nội, qua tận Nam Vang (Campuchia)… Đến Chúa tàu Kim Quy (1922), Căn duyên tiền định (1926), Châu về hợp phố ( 1930) Một thiên tuyệt bút trường hận (1931)… thì không gian miêu tả của tiểu thuyết không chỉ ở các tỉnh trong nước mà mở rộng sang Trung Quốc, Thái Lan, Lào… Nét đổi mới nữa so với tiểu thuyết cổ điển là không gian không chỉ được nhắc đến qua địa danh mà nó còn được miêu tả một cách cụ thể, hấp dẫn, chẳng hạn khi tả cảnh sắc ở Nhật Bản “Khi tàu đến Yokohama, thật là một đại thương khẩu! Cửa biển này khác hẳn Sài Gòn, Hải Phòng. Tàu đậu đông đặc, nào hiệu cờ Hoa - kỳ, hiệu cờ Ang - lê, hiệu cờ Lang - sa, đủ cả tàu các nước chen chúc. Các lầu mấy tầng cao chót vót, nào ngựa xe, nào máy móc chạy rần rần, những luồng khói đen bay mịt mịt. Người đi đông như ngày hội, cái quang cảnh một xứ phiên hóa văn minh thật đã khác quang cảnh nước mình” (Mài một lưỡi gươm). Những quang cảnh mới lạ như cảnh toà Đại hình xử án, cảnh pháp trường xử bắn tội nhân (Dập tắt lửa phiền - Trần Hoàng Nam, Đêm rốt cùng của người tội tử hình - Lê Hoằng Mưu, Lòng người nham hiểm - Nguyễn Chánh Sắt), cảnh đám cưới vừa cổ truyền, vừa hiện đại…đều được tiểu thuy._.g Lạc, học chung trường với cô, cậu này thấy cô xinh đẹp, nhà lại giàu có nên buông lời tán tỉnh, thề thốt, hứa hẹn. Kim Cúc tin lời nên tin tưởng chờ đợi. Bất ngờ cô nghe tin anh ta lấy vợ để nhà vợ lo cho anh ta đi Tây học. Kim Cúc giận kẻ bạc tình, điếm đàng, nên khi biết Cẩm Đường có chí muốn học nhưng vì nhà nghèo nên không thực hiện được nguyện vọng nên cô xin bà và mẹ giúp đỡ cho cậu đi học. Tập 3: Cô Thanh và Cô Mậu kể rõ về cuộc đời của hai cô cho Cần nghe. Hai cô còn dạy Cần không nên nuôi oán, phải lấy nhân đức mà sống cho đường Hòang. Tài xế của Cần tên Chức là con trai ông Phận nên Cần thay cô Mậu ra tay giúp đỡ gia đình ông Phận mở quán ăn, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Đến khi chuyện làm ăn của gia đình ông Phận được rỡ ràng thì cô Mậu mới ra mặt, mọi người gặp mặt nhau quên chuyện cũ nên cả thảy đều vui vẻ. Vì Kim Cúc muốn mua một chiếc xe hơi đời mới để thay chiếc cũ nên cô đến hãng xe hơi gặp mặt và quen biết Cần. Cô về nói chuyện cho bà và mẹ nghe thì hai người biết đó là con của Minh và cô thợ may ngày trước. Cô Thanh và cô Mậu sau đó cũng biết Kim Cúc chính là con của Minh và cô Kiềm. Mẹ con bà Bang muốn Cần nhìn Kim Cúc là em gái cùng cha để Kim Cúc có một người anh cùng nâng đỡ, dìu dắt trong cuộc sống. Biết được ý của gia đình bà Bang, cô Thanh và cô Mậu bàn nhau gác hết ân oán sang một bên để mà vui sống. Hai gia đình qua lại thăm viếng nhau vui vẻ. Cô Kiềm và Cô Thanh còn kết tình chị em với nhau. Cô Kim Cúc và cô Lệ Quyên càng lúc càng quý mến Cần. Khi biết Kim Cúc chính là em cùng cha với mình, Cần đã dứt khoát không chịu nhìn. Cô Thanh và cô Mậu phải theo an ủi bà Bang và cô Kiềm hứa sẽ ráng làm Cần thay đổi ý mà nhìn Kim Cúc là em. Tập 4: Kim Cúc biết chuyện cha cô trước kia làm điều quấy với cô Thanh và Cần, lại hay Cần không chịu nhìn cô là em gái thì cô buồn rầu. Cô trách Cần sao cứ mãi ôm oán ngậm hờn khi người cha bội bạc đã chết. Cần nói không oán ghét Kim Cúc nhưng nếu nhìn cô là em tức nhìn Minh là cha, cậu không chấp nhận điều đó. Kim Cúc đã hết lời năn nỉ Cần nhận anh em để cậu lãnh trách nhiệm thờ cúng cha và ông nội mà không được nên cô quyết ở vậy mà thờ, nếu ai muốn lấy cô thì cũng phải thờ ông và cha cô thì cô mới chịu. Cần thấy vậy thì biết cô là người có trên có dưới, có trước, có sau thì tự ý cảm kích. Cô Kim Cúc vừa yêu mến, vừa kính trọng Cần nhưng không được Cần nhìn là em thì cô buồn, cô tâm sự với bạn là cô Lệ Quyên. Cô Lệ Quyên hứa sẽ thử nói giúp với Cần. Trong khi đó bà Mậu và bà Thanh đến dạm hỏi Lệ Quyên cho Cần, cha mẹ Lệ Quyên đều đồng ý và hứa dọ ý con. Đến lúc Lệ Quyên gặp Cần để thuyết phục thì cậu nhận thấy cô rất hiểu và tâm đầu ý hợp với cậu nên khi hai má hỏi thì cậu đồng ý lấy cô. Nhờ Lệ Quyên sắp đặt cách nói chuyện rất khôn ngoan để thuyết phục Cần nên cuối cùng Kim Cúc và Cần đã nối tình anh em. Từ đó hai nhà coi nhau như ruột thịt, bà con. Cần, Kim Cúc, Lệ Quyên bàn nhau phát triển hội Phước Thiện để chăm lo cho trẻ không cha mẹ, mấy người bà con ai cũng ủng hộ và đóng góp. Đám cưới của Cần, bà Bang và cô Kiềm xin phép cô Thanh được chung lo. Hai nhà lo cho đám cưới của hai trẻ thật đầy đủ. Kim Cúc cũng vui mừng và chăm lo thật chu đáo. Cẩm Đường về nước sau bốn năm du học, bà Bang và cô Kiềm muốn gả Kim Cúc cho Cẩm Đường. Mẹ và anh chị em Cẩm Đường đều đồng ý nhưng Cẩm Đường sợ Kim Cúc không thật sự yêu mình, hoặc xem thường gia đình chồng mà lấn lướt chồng. Chàng hỏi dọ và biết Kim Cúc không phải người như vậy, mà nàng đã thật sự yêu Cẩm Đường từ khi chàng bước chân xuống tàu đi Pháp, yêu nên nàng mới chờ đợi suốt bốn năm. Đám cưới của Cẩm Đường và Kim Cúc được tổ chức không rình rang nhưng hết sức vui vẻ. Hai cặp vợ chồng Cẩm Đường và Kim Cúc, Cần và Lệ Quyên cùng hiệp nhau với bạn bè mà lo cho hội Phước Thiện và sống bên nhau vui vẻ, hạnh phúc. 17. Cư Kỉnh (Nxb Tổng hợp Tiền Giang 1988) Ông bà Huyện Hàm Tân, nhà ở tại Châu Thành, Ô Môn là người có ruộng đất nhiều, có danh dự lớn mà lại cũng được dân làng kính mến. Con trai lớn của ông bà làm việc tại Sài Gòn. Cô Tuý con gái kế mười bảy tuổi. Trong nhà còn có cô Huyên hai mươi tuổi kêu ông Huyện Hàm bằng chú, vì cha mất sớm, mẹ ở Sa Đéc, nhà lại nghèo nên ông đem về nuôi cho con gái có bạn. Quan chủ Quận mới đổi về là một người lúc trước nhờ ông Huyện giúp đỡ rất nhiều khi khó khăn nên mới có điều kiện ăn học thành tài. Vừa được đổi về đây ông bà Chủ Quận đã tìm đến thăm và tỏ lời biết ơn, đồng thời xin ông Huyện lời khuyên để làm tốt trọng trách của một người quan đối với dân. Ông Huyện thì thuộc phái cựu học nên ông khuyên năm chữ “Cư kỉnh nhi hành giã”, nghĩa là lúc bình thường đối với quan lớn phải thận trọng, dè dặt, đừng để trái với lương tâm, đến lúc hành chính đối với nhân dân phải quảng đại, dễ dàng, đừng câu chấp việc nhỏ. Người chủ mới dọn về ở bên cạnh nhà ông Huyện là một tiểu thuyết gia rất nổi tiếng tên là Chí Cao. Biết tin này cô Tuý rất vui thích vì Chí Cao là tác giả những tiểu thuyết mới mà cô rất mê đọc. Một tháng sau, ông bà Huyện lên Sài Gòn thăm người con trai lớn. Cô Huyên lại được thư báo mẹ đau nhiều nên cũng lật đật về Sa Đéc thăm mẹ. Cô Tuý ở nhà một mình, cô buồn, nên cô hay nằm suy nghĩ vẫn vơ và đọc tiểu thuyết. Nhân lúc cô Tuý ra vườn chơi, Chí Cao qua lại buông lời văn hoa lãng mạn mà nói với cô, lại còn cho cô biết mình đang viết một tiểu thuyết mới. Cô Tuý nghe thấy thì thích thú vô cùng. Chí Cao mời cô sang nhà chơi để có thể đọc trước tiểu thuyết mới. Hơn mười ngày sau ông bà Huyện mới từ Sài Gòn về, sau đó cô Huyên cũng về tới. Về nhà thì bà Huyện thấy cô Tuý nằm đắp mền kín tới cổ, tưởng cô bệnh bà định cho mời bác sĩ nhưng cô không chịu, hỏi gia nhân trong nhà mới biết từ bữa ông bà lên Sài Gòn cô Tuý ở trong nhà không đi đâu hết, từ chiều hôm kia cô cứ nằm không chịu ăn uống gì mà còn kêu chóng mặt. Gia nhân còn nói bên nhà Chí Cao mấy hôm rày có một chị phụ nữ lạ mặt tới ở, nghe nói vợ Chí Cao, họ cứ cãi nhau hoài nhưng hôm nay thì chị ta xách giỏ bỏ đi rồi. Nghe vậy cô Tuý ngồi dậy ăn cơm lại như thường. Cô nói với cô Huyên bây giờ cô ghét đọc tiểu thuyết và cô còn đòi đốt hết nữa, lời ba cô nói nên chọn sách luân lý đọc chứ đừng đọc tiểu thuyết qủa là đúng đắn. Qua ngày sau mọi người đều sửng sốt nghe tin Chí Cao bị đâm chết. Tên hầu khai từ ngày dọn về Chí Cao không lui tới nhà ai, cũng không ai lui tới đây, trừ ba bốn bữa trước có người vợ cũ của Chí Cao đến thăm. Đến tám giờ tối hôm đó, khi anh hầu xin đi xem hát thì chủ ảnh đang hóng gió ngoài sân. Đến hừng đông anh ta về thì phát hiện chủ đã chết. Quan chủ Quận cho điều tra về người phụ nữ lạ thì biết chị ta là Ngô Thị Linh vợ Chí Cao từ khi anh ta hai mươi tuổi. Khi Chí Cao còn rất nghèo cô Linh phải tằn tiện may mướn để lo cho chồng. Hai người có một đứa con gái nhưng vì nghèo quá nên phải gởi cho người ta nuôi. Lần lần thì chồng cô trở nên nổi tiếng và làm có nhiều tiền, anh ta trở nên chơi bời, trai gái, quên nghĩa tào khang, không kể gì đến tình vợ chồng mà xua đuổi vợ. Tháng trước cô trở bệnh không còn sức may để kiếm sống, cô kiếm chồng mà năn nỉ nhớ lại tình xưa nghĩa cũ mà giúp đỡ. Chồng cô không thương xót còn đuổi cô đi. Cô tức giận chỉ ra cái thói đen bạc, được sang quên hàn của anh ta rồi bỏ đi. Tuy hờn và khinh chồng nhưng cô không oán. Quan chủ Quận cho điều tra, xác minh lời khai thì biết cô Linh khai sự thật. Quan cho phép cô Linh rước xác chồng về chôn cất và cho ở nhà chồng để lo cúng bái. Lúc đến khám nghiệm hiện trường quan chủ Quận để ý thấy chiếc khăn mùi xoa lụa xanh rơi dưới đất, hỏi tên hầu thì biết không phải của Chí Cao, cũng không phải của chị vợ hay của tên hầu nhưng vụ án này hầu như không có manh mối nào khác. Bà Huyện nghe nói quan chủ Quận lượm được chiếc khăn lụa xanh thì bà suy nghĩ và đi vào phòng cô Tuý. Hôm sau bà Huyện bất ngờ đến tìm quan chủ Quận trong tâm trạng rất bối rối, bà thú nhận chính bà đã giết Chí Cao vì trót tư tình với anh ta nhưng sau đó biết anh ta là điếm thì bà tức giận mà giết chết. Quan chủ Quận không tin đó là sự thật và ông quyết tìm cho ra kẻ sát nhân. Có người quen đến thưa với ông Huyện Tân rằng mấy hôm ông lên Sài Gòn, cứ đến đêm là có một người mặc đồ trắng đi từ nhà ông sang nhà Chí Cao. Nhưng vì sợ liên lụy đến ông Huyện nên ông ta không nói với quan việc này. Ông Huyện dạy dù có liên quan đến gia đình ông cũng phải thưa với quan, việc dân việc nước nghiêm minh không thể vị tình riêng ai hết. Ông đích thân cho điều tra và báo cho quan biết. Lúc quan chủ Quận tới nhà, bà Huyện cũng nhận bà giết Chí Cao trước mặt chồng. Nhưng cô Tuý bất ngờ đi ra và khóc, cô nhận đã giết Chí Cao. Vì mê tiểu thuyết nên cô ta thường sang nhà Chí Cao vào ban đêm để được đọc trước quyển tiểu thuyết anh ta đang viết và nghe tác giả nói chuyện. Lúc đó Chí Cao mới khéo léo buông lời gợi tình làm cho cô mơ sẽ có một người chồng là tiểu thuyết gia. Đến khi biết Chí Cao đã có vợ rồi thì cô tức giận mà đổ bệnh. Khi cha mẹ cô từ Sài Gòn về, lại nghe người đàn bà lạ mặt đã đi khỏi, tối đó cô lén qua nhà Chí Cao để mắng chửi anh ta lừa gạt cô. Chí Cao vẫn tỏ ra giả dối, còn ôm chặt cô. Giận quá cô chụp con dao rọc giấy đâm anh ta một nhát rồi chạy về nhà. Mấy hôm nay suy nghĩ cô mới nhận thấy mọi tội lỗi của cô đều do đọc tiểu thuyết dâm thơ mà ra. Cô quyết định viết thư thú tội nhưng mẹ cô biết được, vì thương cô nên bà không cho con tự nhận tội mà nhận tội về mình. Nay cô Túy thấy mình phải chịu tội vì hành động mình gây ra, cô chỉ xin cha mẹ tha tội. Tòa án kêu cô Tuý một năm tù cho hưởng án treo. 18. Từ hôn (Nxb Tổng hợp Tiền Giang 1988) Cậu Tất Đắc đi xem hội chợ, gặp người quen đồng hương là cô Cẩm Hương có dọn gian hàng nữ công ở đấy. Cẩm Hương giới thiệu chàng với bà Huyện Hớn và con bà là Bạch Yến. Nhờ lối ăn nói khác người, Tất Đắc gây được cảm tình với mẹ con bà Huyện. Lúc ra về bà Huyện cũng như Bạch Yến ân cần mời chàng đến nhà chơi. Cẩm Hương cũng hứa làm mai Bạch yến cho chàng. Tất Đắc vốn con quan, song cha mẹ đã chết, sự nghiệp điêu tàn, đi Tây học 6, 7 năm mà không có bằng cấp gì cả cũng chẳng có việc làm. Chàng ở chung với hai người bạn là Võ Lộ và Tự Cao. Tất Đắc theo chủ trương “bất cần lao”, Võ Lộ tin thuyết “vô khả, bất vô khả”, còn Tự Cao thì theo chủ nghĩa “tự cao”. Cẩm Hương bày mưu lập kế để Tất Đắc hỏi cưới cho được Bạch Yến. Cô đặt chuyện với mẹ con bà Huyện rằng chàng là bác vật về môn tìm mỏ, sắp được một hội tư bản bên Pháp mướn tổ chức công cuộc tìm mỏ vàng mỏ bạc ở Lào với lương mỗi tháng 600 đồng. Sau này còn được hưởng hoa hồng hai phần trăm số tiền lời mỗi năm. Cô chịu tất cả mọi chi phí, chỉ đòi một điều là sau khi lấy được Bạch Yến, chàng phải thưởng công 2.000 đồng. Cẩm Hương đưa Tất Đắc đến chơi nhà bà Huyện và ngỏ ý xin bà gả Bạch Yến cho chàng. Bà Huyện bằng lòng gả với điều kiện sau lễ cưới vợ chồng Tất Đắc phải ở với bà và Tất Đắc không được lên Lào tìm mỏ, vì bà chỉ có một mẹ một con. Tất Đắc và Bạch Yến gặp nhau tại nhà Cẩm Hương. Hai người tỏ tình dan díu yêu thương và cùng nhau bàn tính chuyện hạnh phúc tương lai. Thoạt đầu Tất Đắc coi việc cưới cô Bạch Yến như một kế sinh nhai, sau chàng thấy bà Huyện hết lòng thương chàng, Bạch Yến thành thật yêu chàng và chàng cũng thành thật yêu Bạch yến, nên hỗ thẹn về sự giả dối của mình, viết thư từ hôn rồi bỏ đi. 19. Nợ đời (Nxb Tổng hợp Tiền Giang 1988) Phạm Gia Luông (Hương thân Luông) là anh ruột của Phạm Gia Tăng (còn gọi là ông chủ Tăng) chết để lại một đứa con gái tên là Phục. Cảm cảnh mồ côi không nơi nương tựa của Phục vợ chồng Cai tuần Kim đem Phục về nuôi coi như con trong nhà. Nhân một chuyến về Cai Lậy tìm người làm, bà chủ Tăng đã vin vào cớ dắt cháu lên Sài Gòn nuôi để dắt Phục đi khỏi nhà Cai Tuần Kim. Về Sài Gòn Phục bị vợ chồng ông chủ Tăng đối xử chẳng khác nào như người ở. Phục có trách nhiệm coi sóc việc nhà, cơm nước, đưa đón những đứa con của ông chủ Tăng đi học, nhưng vẫn bị sự dằn vặt của vợ chồng, con cái ông chủ Tăng. Cậu Võ Phi Hùng là con trai của Võ Phi Thành, ở miệt Cái Vồn, dưới Cần Thơ. Cậu là cháu kêu bà chủ Tăng bằng cô ruột. Vì muốn thi lấy bằng Tú tài cho hoàn toàn tại trường Chasseloup Laubat nên đến ở đậu nhà bà Tăng để tiện đi lại học hành. Tuy cũng là cháu nhưng Võ Phi Hùng được đối xử như thượng khách còn con Phục thì như tôi tớ. Không những Phục chăm sóc phục vụ cho cả gia đình ông Tăng mà còn lo cho cả cậu Võ Phi Hùng. Là con người chất phác, sống ở thôn quê, trước sự cám dỗ của đồng tiền và những cử chỉ cảm thông của cậu Phi Hùng, cô Phục đánh mất mình trong tay cậu Võ Phi Hùng và mang thai. Biết được sự việc này và để giữ sỉ diện cho cháu bà Tăng vợ chồng bà Tăng đã đánh đuổi cô Phục ra khỏi nhà. Bỏ nhà bà Tăng ra đi cô Phục không biết đi đâu, cô chỉ biết tìm đến cô Ba Có, người trước đây cô làm quen khi ở nhà ông bà Tăng. Nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng cô Ba Có, cô Phục được sung sướng và sanh được một đứa con trai. Cũng từ đứa con này cô Ba Có đã dùng hình thức tráo đổi con cho bà Cai Tổng Lung để lấy một số tiền làm vốn. Với số tiền này Cô Ba Có đã chăm sóc và giáo dục cô Phục theo con đường đào mỏ, khiến nhiều người tan cửa, nát nhà đi đến con đường tự vẫn như thầy Cao. Cô Phục và cô Ba Có hiển nhiên trở thành những người giàu có. Trước sự giàu có của cô Phục vợ chồng bà Tăng đã nhìn nhận và quý mến cô Phục. Sống cuộc đời lừa gạt đàn ông, cô Phục ngày càng trở nên giàu có và khiến mọi người xung quanh phải kính nể. Cậu Võ Phi Hùng bỏ cô Phục sang Pháp học và sau khi tốt nghiệp từ Pháp trở về nghe được sự tăng bốc của vợ chồng bà Tăng về cô Phục cậu đã tìm đến cô Phục và ân hận về lỗi lầm xưa. Cô Phục cũng đã xiêu lòng về cậu Hai Hùng. Sau khi cha mẹ mất, sự nghiệp gia sản của cậu Phi Hùng suy sụp được sự giới thiệu của bà chủ Tăng để cưới một người vợ giàu có, cậu Võ Phi Hùng đã trở mặt với cô Phục để đi cưới vợ ở Cái Vồn. Chứng kiến sự đổi trắng thay đen của cậu Võ Phi Hùng, cô Phục chán ngán cảnh đời và trở về Cai Lậy sống cuộc đời dân dã xa lánh mọi sự cám dỗ. 20. Đoạn tình (Nxb Tổng hợp Tiền Giang 1988) Hãng “Thuần Hòa” ở Sài Gòn, tại đường Phan Thanh Giản là sở hữu của anh Thuần 28 tuổi và chị Hòa 24 tuổi. Là một cặp vợ chồng trẻ nhưng rất có chí làm ăn. Nhìn bề ngoài gia đình Thuần Hòa rất hạnh phúc nhưng bên trong hai vợ chồng luôn bất đồng quan điểm. Thuần là người năng động hoạt bát, ưa hoạt động, trái lại Hòa là người thụ động, hay ghen thầm Thuần. Vợ chồng không hiểu nhau nhưng vẫn đối xử hòa thuận. Nhân chuyến thăm của cô Vân là bạn học của Hòa từ nhỏ. Qua tâm sự của Hòa, Vân biết được Hòa là con người hay ghen về việc làm của chồng nhưng không nói ra mà thể hiện bằng thái độ lạnh lùng. Qua tâm tình Vân khuyên Hòa nên kiềm chế bản thân và tâm sự nỗi lòng mình cho chồng là Thuần biết. Việc làm này đã thay đổi bản tính của Hòa được phần nào. Sau khi Vân rời Hòa trở về quê, Hòa lại trở nên ghen như cũ khiến Thuần ngày càng phải sống trong sự u uất. Ngày sinh đã đến, để giúp Hòa trong lúc sinh nở, Vân trở lên Sài Gòn phụ bạn. Cũng trong hoàn cảnh này Thuần càng ngày càng cảm kích tấm lòng của Vân. Hiểu nhau, cảm nhau Thuần đã bày tỏ hết tình cảm của mình cho Vân biết, xúc động trước tình cảm của Thuần, nhưng Vân không chấp nhận bởi vì nó sẽ gây đau khổ cho Hòa, bạn cô. Cô từ biệt vợ chồng Thuần Hòa trở về quê. Ở lại Thuần sống trong tâm trạng cô đơn, buồn khổ, anh quyết định ra đi và viết thơ lại cho Hòa nói rõ hết cảm xúc của anh đối với Vân và trách nhiệm đối với con cái. Trong một lần ghé thăm Thuần Hòa, Vân vô tình biết được Thuần bỏ nhà ra đi, cô đã thầm trách Thuần và an ủi Hòa, giúp Hòa quán xuyến gia đình dạy dỗ con cái. Sau hơn 1 năm hai cô đã sống với nhau rất Hòa thuận bên cạnh hai đứa trẻ thông minh. Sau đó Thuần trở về vui vẻ đoàn viên. Qua sự khuyên nhủ của Vân và sự ra đi của Thuần, Hòa đã vứt bỏ được thói xấu. Vợ chồng hiểu nhau hơn và sống một cuộc sống hạnh phúc. 21. Thiệt giả giả thiệt (Nxb Tổng hợp Tiền Giang 1988) Bà Tư Kiến, tuổi đã 60 chủ tiệm may Vĩnh Hưng, tại Sài Gòn. Cô Phùng Xuân 24 tuổi là con Cai tổng đã được hứa gả cho thầy thuốc Cộn sau khi thầy tốt nghiệp. Vì gia đình cô Phùng Xuân sa cơ thất thế nên thầy thuốc Cộn đã bội ước cô Phùng Xuân để đi cưới vợ giàu tại Bạc Liêu. Vì là người chỉ biết coi trọng đồng tiền nên sau khi cưới vợ xong thầy thuốc Cộn vẫn không có được hạnh phúc. Cô Phùng Xuân buồn rầu trước sự bội ước của thầy thuốc Cộn đến tiệm bà Tư Kiến làm thuê. Được bà Tư Kiến giới thiệu cô đến làm việc cho ông Phán và được lòng ông. Nhờ sự mai mối giúp đỡ của bà Tư Kiến, ông Phán cưới được cô Phùng Xuân. Chưa hiểu rõ sự phụ bạc của thầy thuốc Cộn cô Phùng Xuân vẫn còn nuôi hy vọng một ngày nào đó quay trở lại với thầy thuốc Cộn. Chính vì vậy tuy sống với ông Phán nhưng cô vẫn luôn không vui. Trong một lần cùng về Long Hải chơi với chồng và bạn bè, trong đó có thầy thuốc Cộn. Thầy thuốc Cộn đã ra sức níu kéo tỏ rõ lòng mình cho cô Phùng Xuân biết. Cô Phùng Xuân đã cảm xúc trước sự thuyết phục của thầy thuốc Cộn và hứa với thầy là sẽ đợi chờ thầy. Trong một lần đi chợ vô tình cô Phùng Xuân gặp được cô vợ thầy thuốc Cộn. Vợ thầy thuốc Cộn đã nói hết những điều về sự giả nhân giả nghĩa của thầy thuốc Cộn cho cô Phùng Xuân biết. Nghe xong cô Phùng Xuân hối hận về sự nông cạn của mình, xin chồng tha lỗi và ngày càng đối xử thật tốt với chồng. Nhân việc này cô Phùng Xuân và vợ thầy thuốc Cộn đã vạch mặt sự điếm đàng của thầy thuốc Cộn. Một năm sau cô Phùng Xuân sinh cho ông Phán một đứa con trai hai người sống với nhau rất hạnh phúc. 22. Hai khối tình (Nxb Tổng hợp Tiền Giang 1988) Bà Phán Lan, chồng chết đã 5 năm để lại cho bà một đứa con gái tên là cô Cúc. Cúc lớn lên càng ngày càng thông minh lanh lợi và xinh đẹp. Trạng sư Xương là người hay qua lại thân tình với bà Phán và cô Cúc, ông đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ cô Cúc. Sau đó ông ngỏ lời nhưng bị cô Cúc từ chối. Là một người yêu văn chương, cô Cúc đã viết tiểu thuyết “Mảnh gương trinh” để đăng báo, nhưng cô không được các nhà in hoan nghênh. Cô thất chí, buồn bã. Đang lúc thất vọng ông Trần Thái Dương, người đứng tuổi nhưng không mấy phần đứng đắn đã ra tay giúp đỡ cô mời cô làm chánh chủ bút tờ báo của Trần Thái Dương. Vừa lo sợ vừa vui mừng thì cô nhận được thiệp mời tới nhà Trần Thái Dương để bàn bạc công việc. Đến nhà Trần Thái Dương, cô Cúc không nghe được những lời bàn về công việc mà chỉ nghe toàn những lời ghẹo nguyệt trêu hoa của tên Trần Thái Dương. Trước sự sàm sỡ của Trần Thái Dương, cô Cúc đã kháng cự và bỏ chạy ra về. Cũng trong lúc này kẻ gian đã vào nhà và giết Trần Thái Dương để lấy vàng bạc châu báu. Hoàng làm việc tại hãng buôn là người yêu của cô Cúc, nhưng cũng là một tay chơi bời đàng điếm. Đang lúc cô Cúc gặp cảnh khó xử do Trần Thái Dương gây ra, Hoàng vẫn không chút phàn nàn. Chính vì ăn chơi Hoàng đã gây ra một số nợ lớn. Để có tiền trả nợ Hoàng đã nghe lời cha mẹ đi cưới vợ giàu con bà điền chủ ở Rạch Gía và bỏ cô Cúc. Sau khi Trần Thái Dương chết, quan sở tại đã tổ chức điều tra và nghi vấn cô Cúc có liên quan đến cái chết của ông Dương. Sau đó cô Cúc bị bắt. Trạng sư Xương nghe tin cô Cúc bị bắt đã ra sức tìm cách cứu cô. Bằng sự quan tâm và lòng nhân đạo, trạng sư Xương đã tìm đủ cách chứng minh cô Cúc không phạm tội. Trong khi đó, cô Cúc đứng trước sự phụ bạc của Hoàng cô không thiết sống nữa nên đã khai là cô giết Trần Thái Dương. Trạng sư Xương cố sức thuyết phục nhưng vẫn không được. Bà Phán, cô Kim bạn Cúc và trạng sư Xương ra sức thuyết phục cô Cúc và đi vận động các nhà in xuất bản cuốn “Mảnh gương trinh” để cổ vũ cho cô Cúc và lên án Trần Thái Dương. Cảm xúc trước tấm lòng của trạng sư Xương, cô Cúc đã khai thật là cô không giết Trần Thái Dương. Một lần nữa trạng sư Xương bằng khả năng của mình, anh đã thuyết phục làm rõ cô Cúc không phạm tội. Người phạm tội chính là thầy Hoàng người yêu của cô Cúc. Mặc dù bỏ nhiều công sức và tình cảm với cô Cúc, trạng sư Xương vẫn không chiếm được cảm tình của cô Cúc vì cô Cúc không yêu anh ta. Trước sự giúp đỡ chân thành của trạng sư Xương cô Cúc đã đến thăm và cảm ơn anh. Hai người vẫn là hai khối tình không hòa nhập được. 23. Đóa hoa tàn (Nxb Tổng hợp Tiền Giang 1988) Túy Nga, con gái của Cai Tổng Bình có nhan sắc hơn người, đẹp người đẹp nết có ý yêu Nguyễn Hải Đường con trai Hương sư Diêu - Nguyễn Hải Yến. Cai tổng Bình là người thích danh tiếng đã bỏ ra một số tiền lớn để tranh chức, sắm xe hơi, đãi tiệc. Giao du trong làng quan chức Cai tổng Bình đã hứa làm sui với ông Bá hộ Thiện để gả cô Túy Hoa cho cậu Đăng Cao. Tuy Đăng Cao là người ít học, vô công rỗi nghề, nhưng vì tình cha con Túy Hoa phải nghe lời để đi lấy chồng, nhưng vẫn giữ mối tình với Hải Đường. Hải Đường đau đớn khi nghe tin Túy Hoa xuất giá. Để quên sự đau khổ Hải Đường xin cha mẹ cho đi du học tại Pháp. Túy Hoa về sống với Đăng Cao nhưng không có hạnh phúc. Là một người ăn chơi Đăng Cao, tuy đã có vợ nhưng do được cha mẹ chìu chuộng nên quen thói đòi hỏi, hạch sách, đánh đập Túy Hoa tàn nhẫn đuổi về nhà cha mẹ Túy Hoa. Nhân cơ hội này Bá hộ Thiện xúi giục người kiện phát mãi tài sản của Cai tổng Bình khiến gia đình Cai Tổng Bình đi đến con đường suy sụp. Túy Hoa đã bỏ về nhà cha mẹ đẻ. Sau 7 năm du học tại Pháp Hải Đường đã trở về làm kỷ sư bác vật. Do còn vương vấn mối tình xưa và cảm cảnh Túy Hoa bất hạnh nên đã viết thư tỏ tình nhưng không được Túy Hoa đáp lại. Anh đau đớn lên Sài Gòn làm kỹ sư, sau đó chuyển xuống Châu Đốc. Do buồn nhớ Túy Hoa, đôi mắt Hải Đường ngày càng đau nghiêm trọng và đã mù loà. Hải Đường vào trong núi Sam để xa lánh mọi người. Túy Hoa đọc nhựt trình hay tin Hải Đường lâm bệnh, cô xin phép Ba mẹ xuống Châu Đốc nuôi bệnh. Qua sự chăm sóc tận tình của Túy Hoa đôi mắt Hải Đường từ từ sáng lại, họ hiểu nhau hơn, cảm thông cho nhau và đi đến hôn nhân. 24. Tơ hồng vương vấn (Nxb Tổng hợp Tiền Giang 1988) Ông Giáo Huân mở trường tự dạy chữ Nho cho học trò tại chợ Giồng Ông Huê, Gò Công. Trong lớp học có cậu Xuân con ông Hương Văn (đã mất, mẹ buôn bán bánh để nuôi con ăn học) và Cúc Hương là 2 học trò học giỏi và am hiểu về tứ thư, ngũ kinh. Do đó ông giáo Huân rất yêu quý 2 trò. Cậu Xuân tuy là học trò chữ Nho của ông giáo Huân, nhưng cha mất sớm, do đó cậu phải theo cậu là Ba Cao lên Gò Công để học chữ Tây là lo kiếm tiền nuôi thân. Sau mỗi lần bãi trường cậu về lại làng để học chữ Nho. Vì vậy cậu gặp Cúc Hương. Hai người tâm đầu ý hợp dắt nhau đến chùa vái ông Quan đế thề nguyền duyên nợ vợ chồng. Kể từ đó Cúc Hương lén gia đình chăm sóc cho Vĩnh Xuân quần áo cho đến tiền bạc để theo học tại Gò Công. Ở nhà Cúc Hương còn nhờ chị Hai Tỷ đứng ra giúp đỡ vốn buôn bán cho mẹ Vĩnh Xuân. Sau khi Vĩnh Xuân lên Gò Công học được vài năm. Ở nhà Hia Mỹ ham giàu bắt Cúc Hương gã cho con Thôn Khoa. Cúc Hương thú thiệt tình riêng thì cha mẹ cô chê Vĩnh Xuân. Do đó Cúc Hương tự vận. Vĩnh Xuân hay tin chân tay bủn rủn không muốn học nữa, nhưng được mọi người khuyên can. Ông Giáo Huân khuyến khích nên Vĩnh Xuân tiếp tục theo học và ra trường. Sau đó thi ký lục Vĩnh Xuân tiếp tục đậu thủ khoa và được bổ tùng sự với tham biện chủ tỉnh Mỹ Tho. Đối tùng sự với tham biện tỉnh Mỹ Tho, Vĩnh Xuân làm quen được với vợ chồng ông Kinh. Vợ chồng ông Kinh rất quý Vĩnh Xuân và giúp đỡ mọi điều kiện về nơi ăn, chốn ở cho Vĩnh Xuân, để thầy có điều kiện rước mẹ sang. Sau khi đưa bà Hương Văn sang ở với Vĩnh Xuân. Vợ chồng ông Kinh lập thế làm mai cho Vĩnh Xuân cưới con bà Chủ Thiệu. Con gái bà chủ Thiệu tên là Cẩm Nhung, 19 tuổi, tuy không quen biết Vĩnh Xuân, nhưng nghe thầy là ký lục thì cô cũng đồng ý lấy Vĩnh Xuân. Vĩnh Xuân vì hiếu nghĩa với mẹ mà cưới Cẩm Nhung, nhưng trong lòng luôn nhớ đến Cúc Hương. Về sống với Vĩnh Xuân, Cẩm Nhung bắt đầu thất vọng trước sự giản dị, mộc mạc của chồng. Bà Hương Văn thương dâu nên để Cẩm Nhung tự ý về nhà mẹ và theo mẹ đi chữa bệnh ở Sài Gòn nhiều lần. Sau đó Cẩm Nhung có mang và sinh 1 đứa con trai. Sau khi sinh Cẩm Nhung coi thường chồng và hay bỏ về nhà mẹ để ở và đi Sài Gòn. Từ việc đi Sài Gòn, Cẩm Nhung đã ngoại tình và có thai. Vĩnh Xuân không chấp nhận vợ, nhưng vẫn tôn trọng gia đình nhà vợ và cho vợ làm đơn kiện phá hôn thú. Cẩm Nhung bị gia đình phạt đến tiều tuỵ. Năm Vĩnh Xuân 40 tuổi ông được thăng chức tri phủ hạng nhì và đổi qua tùng sự tại toà bố Cần Thơ. Qua tùng sự tại tòa bố Cần Thơ, một buổi sáng chủ nhật, Vĩnh Xuân đưa con đi thăm chợ Bình Thủy, vô tình gặp một cô thiếu nữ tay bưng cái thúng, mặc quần đen, bộ tịch giống hệt Cúc Hương. Vĩnh Xuân đi theo cô gái đến một thớt vườn không lớn và gặp Hương hào Thị làng Long Tuyền hỏi thăm cô gái là con gái nhà ai. Sau khi hỏi thăm, coi giấy khai sinh của cô Hưởng (người thiếu nữ Vĩnh Xuân gặp trong chợ) và bằng linh tính, Vĩnh Xuân khẳng định cô Hưởng là Cúc Hương đầu thai. Nhờ mai mối Vĩnh Xuân cưới cô Hưởng làm vợ và sau đó đưa về quê cũ thăm ông giáo Huân, chị Hai Tỷ, thăm mộ cha, mộ Cúc Hương. Cô Hưởng đã nhớ lại kiếp trước và vợ chồng sống với nhau hạnh phúc trọn đời. 25. Dây oan (Nxb Tổng hợp Tiền Giang 1988) Thầy Phan Thanh Nhãn và cô Lý Thị Đằng quen biết và yêu nhau. Hai trẻ thề nguyền kết tóc trăm năm với nhau. Nhãn tự quyết thế nào hễ học thành công rồi thì cũng cưới Đằng làm vợ, còn Đằng cũng tự nguyện sẽ giữ một lòng chờ Nhãn trọn đời. Nhãn học còn 1 năm nữa thì ra trường, lại xảy ra chuyện lở dở nhân duyên. Năm ấy Đằng 20 tuổi, tuy còn ở với cô, song một vài tháng về ngã tư thăm cha một lần. Khách Bành Nghiệp góa vợ, thấy Đằng có sắc thì phải lòng nên cậy mai mối nói với Hương Trả Trang mà xin cưới Đằng. Mặc dù Đằng không chịu, nhưng do cô Đằng ham tiền nên ép gả Đằng cho Bành Nghiệp. Trong lúc này cô Đằng có viết thư hỏi ý kiến Nhãn không thấy trả lời cô đành phải về nhà chồng. Còn Nhãn thì chán ngán thế sự quyết học hành để nuôi thân. Sau 5 năm Nhãn và Đằng gặp lại hai người phân trần hết thiệt hư về mối hận tình. Tuy làm như không còn tình nghĩa nhưng hình bóng cô Đằng cứ mãi vỡn vơ trước mắt thầy Nhãn. Về tới nhà thầy thấy cô Đằng đang ở trong nhà thì trong lòng thầy thấy phơi phới, mặt có sắc hân hoan. Ngày lại ngày hai người dang díu với nhau càng sâu đậm và đã gầy cuộc ái ân. Sau đó cô Đằng mang thai. Bành Nghiệp biết được vợ mình ngoại tình nỗi cơn ghen, đánh vợ nhiều lần. Thị Đằng biết không thể giấu được Bành Nghiệp, nhất là sau khi đã biết mình có thai. Sau khi Bành Nghiệp từ Sài Gòn trở về thị Đằng lập thế giết hại chồng để sum hiệp với thầy Nhãn. Hối hận vì tội lỗi thầy Nhãn đã thú thật với quan thẩm án và cho đổi lên tùng sự tại toá án Tây Ninh. Còn cô Đằng thì kêu án 2 năm tù. Hai mươi lăm năm sau Lý Thị Đằng nuôi dạy Bành Thanh Khải trở thành người có học thức và lấy đạo đức làm gốc, không nên lâm vào con đường tình ái. Bà Lý Thị Đằng sau khi mãn hạn tù đã cố gắng làm ăn, tu nhân tích đức để trả hết nghiệp chướng. Sau khi gặp Phan Thị Cúc Hương con của thầy Phan Thanh Nhãn - Thầy Bành Thanh Khải quên hết những giáo hóa của mẹ, cố tìm cách cưới cho được cô Cúc Hương. Khi được thầy Thanh Nhàn cho biết cô Cúc Hương là con gái của thầy Phan Thanh Nhãn bà Đằng đã tìm đến nhà để làm rõ lai lịch và biết được Cúc Hương không phải là con ruột của thầy Nhãn thì bà đồng ý cưới cô Cúc Hương cho Thanh Khải. Khi lo cho 2 con yên bề gia thất, bà Đằng tự vận để được thanh thản. Bà để lại cho 2 vợ chồng thầy Khải và Cúc Hương một lá thư nói rõ về quá khứ của bà. Hai vợ chồng đem thư của bà Đằng cho thầy Nhãn xem. Sau khi xem xong lá thư thầy Nhãn không từ giã con cái cũng không cho ai biết. Từ đó đến giờ ông đi biệt tích. 26. Ông Cử (Nxb Tổng hợp Tiền Giang 1988) Bà Hội đồng Quỳnh gả con gái là Minh Nguyệt cho ông tấn sĩ Càng buộc phải có chữ ký đồng ý của cha mẹ. Do đó bà Hội đồng kêu Biện Huỡn dắt ngài Nôte đi tìm cựu cai tổng Ngô Minh Tâm (nay là ông cử) để ký tờ đồng ý gả con, vì trước đây ông bà hội đồng Quỳnh ra toà phá hôn thú giao con cho bà Hội đồng nuôi. Biết được ý của bà Hội đồng, ông cử đồng ý ký nhưng buộc phải cho thấy mặt chàng rể thì mới ký. Bà Hội đồng không muốn cho ông Cử gặp con rể vì ông Cử bây giờ nghèo hèn không xứng với rể. Ngược lại còn làm mất hạnh phúc của con. Do đó bà Hội đồng đích thân đến thuyết phục ông ký nhưng ông vẫn không đồng ý. Minh Nguyệt là con gái ông Cử, nghe Biện Hưỡn kể về tình cảnh của cha, nàng xúc động không thể cầm lòng nên xin phép mẹ đến thăm cha. Sau khi đến thăm biết được tình cảnh của cha nghèo khổ, nhưng sống trọng nghĩa tình cô rất kính trọng cha. Đồng thời thuyết phục cha để cô thuê nhà sạch đẹp và chăm sóc cho cha và tạo điều kiện để gặp chàng rể tấn sĩ Càng. Nhân dịp vô tình gặp Ba Sang, người đã từng đồng cam cộng khổ với ông Cử, tấn sĩ Càng biết được ông Cử chính là cựu cai tổng Ngô Minh Tâm. Lúc trước do một lần ham vui đã dan díu với cô sáu Hảo, bà Hội đồng Quỳnh buộc ông Cử phải làm giấy sang sự sản cho bà. Sau đó bà vào toà kiện phá hôn thú. Ông Cử thất cơ lở vận buồn chí bỏ vào chợ Xã Tài quận Phú Nhuận làm thợ sơn kiếm sống. Tuy sống ở nơi nghèo hèn nhưng ông Cử luôn cưu mang mọi người. Biết được ông Cử là người như vậy, nên chàng tấn sĩ Càng kính nể cha vợ hơn, nhân lúc vợ buồn lo chàng đã thố lộ tâm sự cho vợ biết chàng đã biết hết sự tình và hứa với vợ sẽ chăm lo chu đáo cho cha nàng. Sau đám cưới ông Cử được vợ chồng tấn sĩ Càng chăm lo chu đáo, nhưng ông vẫn không quên những người cùng ông chịu khổ bao năm như Ba Sang, Biện Hưỡn và những người khác, ông luôn ban ơn cho họ. Cuối cùng ông lánh tục tìm đạo vào chùa tu. Vợ chồng tấn sĩ Càng tuy buồn nhưng cũng chìu theo ý cha để đáp đền tâm nguyện của cha. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA7107.pdf