Luận án Tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn thể loại

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN TẢN VĂN VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI TỪ GÓC NHÌN THỂ LOẠI LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC HÀ NỘI – 2020 VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN TẢN VĂN VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI TỪ GÓC NHÌN THỂ LOẠI Ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 9 22 01 21 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thu 2. PGS.TS Lê Trà My HÀ N

pdf180 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 15/01/2022 | Lượt xem: 204 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Luận án Tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn thể loại, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NỘI – 2020 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Luận án là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các kết quả nêu trong Luận án chưa được công bố trong bất kỳ công trình khoa học nào khác. Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong Luận án đảm bảo tính chính xác, nghiêm túc, tin cậy và trung thực. Tác giả luận án Nguyễn Thị Thanh Huyền MỤC LỤC MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1 Chương 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU .............................................................. 7 1.1. Quan niệm về tản văn hiện đại ......................................................................... 7 1.1.1. Vấn đề thuật ngữ và bản chất thể loại tản văn ....................................... 7 1.1.2. Tản văn là một thể loại của văn xuôi hiện đại Việt Nam ..................... 12 1.1.3. Diễn trình tản văn hiện đại Việt Nam ................................................. 18 1.2. Tình hình nghiên cứu ....................................................................................... 25 1.2.1 Các công trình nghiên cứu lý thuyết tản văn ......................................... 25 1.2.2 Các công trình nghiên cứu tác giả, sáng tác tản văn Việt Nam hiện đại ..... 33 Chương 2: TẢN VĂN VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI TRONG DÒNG CHẢY TẢN VĂN HIỆN ĐẠI ................................................................................ 40 2.1 Sự nở rộ của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI ............................................ 40 2.1.1 Môi trường sinh thái văn hóa – tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI ........................................................... 40 2.1.2 Sự thích ứng của tản văn trong môi trường sinh thái văn hóa đầu thế kỷ XXI ............................................................................................................ 42 2.1.3 Tản văn mạng- bộ phận không tách rời của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI ............................................................................................................ 45 2.2 Diện mạo chung của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI ............................... 47 2.2.1 Đội ngũ sáng tác .................................................................................... 47 2.2.2 Số lượng sáng tác .................................................................................. 49 2.2.3 Một số cây bút tiêu biểu ........................................................................ 51 2.3 Sự kế thừa và cách tân của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI .................... 70 2.3.1 Sự kế thừa .............................................................................................. 70 2.3.2 Những cách tân ...................................................................................... 73 Chương 3: HỆ CHỦ ĐỀ TRONG TẢN VĂN VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI ... 79 3.1 Tản văn về cảnh sắc vùng miền ....................................................................... 79 3.1.1 Cảnh sắc chốn làng quê ......................................................................... 79 3.1.2 Cảnh sắc nơi thành thị ........................................................................... 85 3.2 Tản văn về văn hóa, phong tục ........................................................................ 90 3.2.1 Phong tục, truyền thống ........................................................................ 90 3.2.2 Văn hóa tâm linh, tín ngưỡng ................................................................ 94 3.2.3 Tập tục, sinh hoạt .................................................................................. 96 3.3 Tản văn thế sự ................................................................................................. 101 3.3.1 Văn hóa ứng xử ................................................................................... 101 3.3.2 Các vấn đề cập nhật của đời sống đương đại ...................................... 105 3.4 Tản văn chân dung .......................................................................................... 109 3.4.1 Chân dung nghệ sĩ, danh nhân ............................................................ 109 3.4.2 Chân dung “những người sống quanh ta” ........................................... 113 Chương 4: NGUYÊN TẮC GIAO TIẾP VÀ PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN CỦA TẢN VĂN VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI ............................................. 119 4.1 Nguyên tắc giao tiếp ........................................................................................ 119 4.1.1 Nguyên tắc đối thoại những vấn đề của đời sống ............................... 119 4.1.2 Chiến lược khơi gợi ............................................................................. 127 4.2 Phương thức thể hiện ...................................................................................... 133 4.2.1 Đa dạng hóa ngôn ngữ ........................................................................ 133 4.2.2 Đa dạng hóa giọng điệu ....................................................................... 142 4.2.3 Đa dạng hóa phương thức thể hiện ..................................................... 148 KẾT LUẬN ............................................................................................................ 158 DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐƯỢC CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ........................................................................................ 161 TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................... 162 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI, tản văn Việt Nam là thể loại “bùng nổ” ở nhiều phương diện. Nhìn vào thực tế thị trường phát hành sách, lượng tiêu thụ của độc giả, sự phát triển đa dạng ở lực lượng sáng tác, sự thu hút giới nghiên cứu phê bình có thể nói tản văn đã và đang phát triển dồi dào, phong phú. Sự phát triển đó đã và đang tích cực góp phần làm nên diện mạo mới của văn học Việt Nam hiện đại. Trong bối cảnh truyền thông phát triển, tản văn được đại đa số người đọc ưa thích, thỏa mãn nhu cầu đọc trong điều kiện quỹ thời gian hạn hẹp. Độc giả chọn tản văn bởi đó là thể loại văn học có dung lượng ngắn, cấu tứ độc đáo, thể hiện sắc nét cá tính người viết, nội dung tác phẩm thường bắt đầu từ sự giản dị đời thường để dẫn tới tiếp cận trực diện các vấn đề của đời sống xã hội. Sự “bùng nổ” của thể tản văn không chỉ thể hiện qua những cảm quan chung về người đọc và người viết, hiện tượng này được định lượng thuyết phục hơn qua những con số được chia sẻ của các đơn vị xuất bản sách (nhà xuất bản Trẻ, Phụ nữ, Văn học, Nhã Nam, Quảng Văn, Liên Việt, Kim Đồng), các đơn vị kinh doanh sách (Nhã Nam, Tiki Trading, Vietbooks, Alpha Books, Fahasa, Phương Đông books, Gold Books). Trong khi sự phát triển nhanh về số lượng gợi lên sự hoài nghi về chất lượng thì thể loại tản văn đầu thế kỷ XXI đã thuyết phục bạn đọc bằng sức hấp dẫn riêng và bắt đầu được ghi nhận bằng những giải thưởng có uy tín của đời sống văn học trong nước (tác phẩm của nhà văn Đỗ Chu, Nguyễn Việt Hà), thậm chí có cuộc thi sáng tác tản văn (Chill Books với Hành trình xanh lam - Thử tài viết tản văn) Xuất phát từ thực tiễn đời sống văn học nói chung, thực tiễn phát triển thể loại tản văn nói riêng, chúng tôi nhận thấy cần có một nghiên cứu hệ thống, khái quát, chuyên sâu về tản văn nhằm đáp ứng một số đòi hỏi cấp thiết về góc độ văn học sử, lý thuyết thể loại, tư liệu bổ trợ trong giáo dục. Trước hết, nghiên cứu về tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI nhằm cập nhật, mô tả văn học sử. Mặc dù có lúc bị lấn lướt bởi những thể loại khác nhưng tản văn đã song hành cùng các thể loại văn học đương đại, góp phần tạo nên diện mạo văn học Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chưa cập nhật tốc độ phát triển 2 của thể loại tản văn. Một loạt các tuyển tập tản văn Việt Nam ra đời trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI được bạn đọc nhiệt tình đón nhận. Sự “nở rộ” các đầu sách tản văn kéo theo sự “nở rộ” các bài viết về thể loại, song những bài viết chỉ dừng lại ở lời giới thiệu sách, thể hiện cảm nhận chủ quan về một tác giả hay đánh giá nội dung, nghệ thuật một đầu sách mới xuất bản. Một trong những mục đích của luận án là nghiên cứu khái quát tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI, cập nhật sự chuyển biến của tản văn khi đặt nó trong diễn trình thể loại. Xác định các đặc điểm nổi bật dựa vào kết quả khảo sát, luận án sẽ bước đầu tổng kết về một giai đoạn phát triển của thể loại tản văn Việt Nam hiện đại. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thể loại tản văn ở hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bổ sung, phát triển lý thuyết thể loại. Thực tế sáng tác cho thấy bản thân thể loại tản văn vẫn luôn vận động, biến đổi. Dựa trên thực tiễn tản văn đầu thế kỉ XXI, có thể khái quát những biến động thể loại, mô tả tính chất thể loại trong thời điểm đương đại, bổ sung cách nhìn về đặc trưng thể loại. Thêm nữa, một nghiên cứu chuyên sâu về thể loại văn học sẽ góp phần bổ trợ tư liệu cho giảng viên khối Cao đẳng, Đại học. Đặc biệt, lý thuyết về thể loại tản văn Việt Nam hiện đại có ý nghĩa thiết thực với giáo viên giảng dạy Ngữ văn khối phổ thông. Trong chương trình Ngữ văn phổ thông, xu hướng dạy tác phẩm theo đặc trưng thể loại đòi hỏi giáo viên phải nắm vững lí thuyết thể loại, đồng thời hình dung được sự vận động của thể loại trong lịch sử văn học. Với những lý do căn bản nêu trên, chúng tôi chọn “Tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn thể loại” làm đề tài nghiên cứu cho luận án. Luận án mong muốn sẽ góp phần nghiên cứu một giai đoạn phát triển của một thể loại văn học đang càng ngày càng chứng tỏ được vị trí quan trọng trong đời sống văn học nghệ thuật dân tộc đầu thế kỷ XXI. 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu Thực hiện đề tài này, chúng tôi đặt ra mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu sau: 2.1 Mục đích nghiên cứu Luận án nghiên cứu tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI từ đặc trưng thể loại; khảo sát các sáng tác nổi bật trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI nhằm khẳng định 3 sức sống và sự sinh tồn của thể loại tản văn trong bối cảnh đương đại. Từ đó, luận án có cái nhìn đầy đủ và bao quát về đóng góp của thể loại tản văn đối với nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. 2.2 Nhiệm vụ nghiên cứu Đề tài thực hiện nhiệm vụ khái quát tình hình nghiên cứu (chủ yếu là các nghiên cứu trong nước) về thể loại tản văn nói chung, tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI nói riêng; xác định quan niệm về thể loại nhằm hình thành các tiêu chí lựa chọn tác giả, tác phẩm phục vụ khảo sát, nghiên cứu; khái quát diễn trình tản văn hiện đại Việt Nam; nhận diện vị trí, đặc điểm của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI, từ đó đánh giá sự kế thừa và những cách tân của tản văn Việt Nam ở chặng đường này; khảo sát tác phẩm, tác giả được chọn để thấy các đặc điểm nổi bật về nội dung và nghệ thuật, làm nên sắc diện riêng của tản văn Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 3.1 Đối tượng nghiên cứu Luận án nghiên cứu tản văn Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn thể loại, xem xét cấu trúc thể loại, sự biểu hiện cấu trúc thể loại qua thực tiễn sáng tác, những nguyên tắc thiết lập diễn ngôn thể loại trong bối cảnh đương đại. 3.2 Phạm vi nghiên cứu Luận án chọn khảo sát 462 tác giả cá nhân với 163 đầu sách. Trong 462 nhà văn viết tản văn được chọn khảo sát, có những cây bút đã thành danh từ thế kỷ XX, tới nay họ vẫn tiếp tục sáng tác (Băng Sơn, Nguyễn Quang Lập, Y Phương, Cao Huy Thuần, Nguyễn Quang Thiều, Phan Vàng Anh, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Giang, Dạ Ngân ...); có những cây bút nổi danh trên văn đàn đầu thế kỷ XXI và được độc giả biết tới bởi sáng tác tản văn hấp dẫn, được tái bản nhiều lần (Mai Lâm, Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy...); có các cây bút mới đem tới sức sống tươi trẻ cho thể loại (Uông Triều, Mạc Thụy, Ubee Hoàng, Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao, Phan Ý Yên, Gào, Minh Nhật, Phan Ngọc Thạch, Hạ Vũ, Dung Keil). Không chỉ các tác giả, tác phẩm trong nước, luận án còn chọn khảo sát một số tác phẩm của các tác giả người Việt Nam 4 hiện đang sinh sống tại nước ngoài (Cao Huy Thuần, Thái Kim Lan, Mai Lâm, Lê Minh Hà, Hoàng Hồng – Minh v.v...). Trong bối cảnh số lượng tản văn ra đời theo phương thức xuất bản truyền thống hoặc đến với bạn đọc bằng con đường mạng internet tăng lên từng ngày, việc lựa chọn ngữ liệu không đơn giản. Luận án đã căn cứ đặc trưng thể loại (dung lượng, cấu tứ, cá tính tác giả, đề tài...) và những dấu hiệu về chất lượng nghệ thuật (phản ứng của độc giả, giải thưởng, được quan tâm như một hiện tượng, lượt tái bản...) nhằm xây dựng tiêu chí lựa chọn tác phẩm khảo sát. Về nguồn tác phẩm, 163 tập tản văn được đưa vào khảo sát đều là văn bản in, trong số đó, có một số tản văn được giới thiệu trên mạng internet trước khi tập hợp để xuất bản dưới dạng sách in (Bạn văn của Nguyễn Quang Lập, Tạp văn của Phan Vàng Anh, các tập tnar văn của Trang Hạ, một số bài viết của Nguyễn Quang Thiều, Đinh Vũ Hoàng Nguyên v.v...). Có một số ít các trích dẫn được lấy từ các bài tản văn đăng tải trên trang mạng cá nhân (trang cá nhân của nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, tác giả Chu Văn Sơn...). Quá trình xây dựng tổng quan nghiên cứu các sáng tác tản văn đầu thế kỷ XXI, luận án có mở rộng liên hệ, so sánh với các thể ký khi cần thiết. 4. Phương pháp nghiên cứu Luận án nghiên cứu tản văn từ góc độ lý thuyết thể loại, làm rõ các đặc trưng thể loại thông qua các sáng tác tản văn Việt Nam những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Trên tinh thần đó, luận án sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp lịch sử: Vận dụng phương pháp nghiên cứu này, luận án có thể mô tả diễn trình tản văn. Đó là sự vận động, những đặc điểm riêng của tản văn ở mỗi giai đoạn trong dòng lịch sử. Đồng thời, cái nhìn xuyên suốt về thể loại là điều kiện để luận án xác định những quy luật đặc thù của thể loại tản văn. - Phương pháp loại hình học: Phương pháp loại hình được sử dụng với mục đích xác định, khái quát những đặc điểm chung về thể loại của tản văn; chứng minh rằng tản văn đã xuất hiện, tồn tại với đầy đủ đặc điểm cần có của một thể loại ở thế kỷ XX và tiếp tục phát triển trong 5 lịch sử văn học đầu thế kỷ XXI. Phương pháp loại hình còn được sử dụng để lựa chọn và phân loại các nhóm tản văn có nét tương đồng cao từ vấn đề cấu trúc tới nội dung, từ đó xác định một số chủ đề được tản văn đầu thế kỷ XXI quan tâm khai thác. - Phương pháp hệ thống Luận án sử dụng phương pháp hệ thống nhằm nghiên cứu bản thân thể loại tản văn như một hệ thống gồm các loại hình có mối liên hệ nội tại; đặt tản văn trong hệ thống thể loại văn học Việt Nam hiện đại nhằm nhận diện các đặc trưng của tản văn, đặc biệt là tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI; xem xét vai trò của thể loại tản văn khi đặt nó trong hệ thống giá trị văn hóa – xã hội nhằm đánh giá vị trí, số phận của thể loại trong đời sống xã hội. - Phương pháp so sánh, đối chiếu So sánh, đối chiếu là phương pháp xuyên suốt luận án, nhằm nhận diện mối liên hệ giữa các đặc điểm của tản văn khi xem xét nó với tư cách một thể loại văn học gồm hệ thống các đặc điểm riêng. Cách nhìn nhận khái quát, có sự đối chiếu sẽ dễ dàng chỉ ra sự thay đổi của thể loại trong mỗi chặng đường phát triển, trong đó có những yếu tố ổn định và những yếu tố biến đổi của thể loại tản văn trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI. Bên cạnh đó, việc đối chiếu, so sánh tản văn với các thể văn gần gũi còn làm nổi bật những đặc điểm cơ bản của thể loại, từ đó có sự định danh, định tính chính xác cho thể loại vốn chưa tìm được sự thống nhất trong quan niệm. - Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Đây là phương pháp giúp luận án tiếp cận đối tượng tản văn Việt Nam bằng nhiều cách thức. Trong quá trình khảo sát các sáng tác tản văn đầu thế kỷ XXI, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề nổi bật về phương diện nội dung gần gũi với văn hóa, có thể quy về mã văn hóa hoặc tập hợp thành những biểu tượng văn hóa; một số đặc điểm nghệ thuật có thể cắt nghĩa dựa trên lý thuyết diễn ngôn hoặc những lý thuyết mới (phê bình sinh thái, văn hóa truyền thông). 5. Đóng góp của luận án Luận án là công trình khoa học chuyên biệt đầu tiên nghiên cứu tản văn những năm đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn thể loại, trong sự vận động và tiếp biến. 6 Tổng quan tình hình nghiên cứu tản văn và xác định quan niệm về thể loại, luận án đã cho thấy sự phát triển của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI ở các bình diện tác giả và tác phẩm. Luận án đã khẳng định thành tựu của thể loại tản văn Việt Nam nhìn từ hệ chủ đề cùng các nguyên tắc giao tiếp và phương thức biểu hiện. Luận án cũng đã khẳng định vị trí và đóng góp đáng kể của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI trong đời sống thể loại nói riêng và đời sống văn học Việt Nam đương đại nói chung. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu đề tài còn mở ra hướng nghiên cứu thể loại tản văn Việt Nam trong các chặng đường kế tiếp. 6. Cấu trúc luận án Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận án được sắp xếp thành bốn chương: Chương 1. Tổng quan nghiên cứu Chương 2. Tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI trong dòng chảy tản văn Việt Nam hiện đại. Chương 3. Hệ chủ đề trong tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Chương 4. Nguyên tắc giao tiếp và phương thức biểu hiện của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI. 7 Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU 1.1. Quan niệm về tản văn hiện đại Cho đến nay, cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn sáng tác, khái niệm tản văn vẫn là một vấn đề phức tạp bởi những quan niệm khác nhau chưa dẫn tới sự thống nhất sau cùng. Do đó, rất cần một sự giới thuyết về thể loại và xác lập lý thuyết. Trong thực tiễn sáng tác, cách định danh trên các ấn phẩm hiện hành cũng thiếu sự đồng nhất: Nhà văn Nguyễn Khải gọi là tạp văn; nhà văn Mạc Can, Nguyễn Quang Lập gọi là tạp bút; nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Tuân xem đó là nhàn đàm, tùy bút; nhà thơ Y Phương, Nguyễn Quang Thiều đề tản văn; một số cây bút khác như Bùi Minh Quốc, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt Hà khi dùng tạp văn, khi đề tản văn 1.1.1. Vấn đề thuật ngữ và bản chất thể loại tản văn Trong nghiên cứu văn học Việt Nam, sự phức tạp trong định danh thể loại tản văn đồng thời với sự phức tạp trong việc xây dựng một khái niệm về nó. Trước khi được các nhà nghiên cứu ghi nhận như một thể văn học độc lập, khái niệm tản văn được nhìn nhận theo ba cấp độ: tản văn theo nghĩa là văn xuôi; tản văn theo nghĩa là những thể loại ngoài truyện, thơ, kịch và tản văn theo nghĩa là một thể loại văn học. Đầu thế kỷ XX, tản văn vẫn được hiểu theo nghĩa là “văn xuôi”. Hầu như tất cả các thể loại văn xuôi đều được gọi chung là “tản văn” để phân biệt với “văn vần” (vận văn), gồm “những bài không cần phải vần, không cần phải đối nhau, cứ ý mình thế nào thì tả ra thôi” [6/tr79]. Theo ý kiến của tác giả Bùi Kỷ, trong cuốn Quốc văn cụ thể, ông cho rằng tản văn không chỉ là “lối văn không đối nhau và không có vần” [22/tr118] mà tản văn còn là thể loại lớn bao gồm tựa, truyện, kí, bi, luận. Quan niệm tản văn đồng nhất với văn xuôi cũng được thể hiện trong Văn tâm điêu long, tác giả Lưu Hiệp chia toàn bộ thư tịch thành “văn” và “bút”, trong đó văn là “vận văn” (văn vần), còn bút là tản văn (văn xuôi). So sánh với một số định nghĩa về tản văn sau này, quan niệm của Lưu Hiệp gần với những đặc trưng của tản văn hiện đại. Tuy nhiên, tản văn được dùng theo nghĩa chỉ văn xuôi nói chung không còn thông dụng, nó được xếp vào nhóm nghĩa cổ, ít dùng do cách hiểu đó không đúng với thực tế sáng tác. 8 Bên cạnh cách hiểu tản văn là văn xuôi nói chung, ở một số từ điển đưa ra cách hiểu tản văn là tập hợp các thể loại ngoài truyện, thơ, kịch. Bộ Đại từ điển tiếng Việt phát hành năm 2011 tách thể tản văn khỏi truyện và dần nghiêng về phía xác định tản văn như một thể loại đứng bên cạnh những thể loại lớn khác. Quan niệm này ảnh hưởng từ việc văn học Trung Quốc chia tản văn thành hai loại: Tản văn truyền thống (những sáng tác văn xuôi, là văn học chính tông xếp ngang hàng với thơ từ) và tản văn hiện đại (một thể tài văn học cùng với thơ ca, tiểu thuyết, kịch, bao gồm các hình thức văn kể chuyện, văn trữ tình, phóng sự, tạp văn) [50/tr106]. Tóm lại, mặc dù không đánh đồng tản văn với văn xuôi nói chung nhưng cấp độ thứ hai của quan niệm về tản văn cũng bộc lộ hạn chế cơ bản: chưa chỉ ra được những đặc trưng của thể loại, mới dừng lại ở việc nhìn nhận khái quát theo phương pháp loại trừ để thấy tản văn gồm những thể loại không thuộc truyện, thơ, kịch. Tuy nhiên quan niệm này lại ngầm công nhận tản văn tồn tại như một thể loại lớn - ngang hàng với những thể loại có bề dày lịch sử trong văn học nói chung. Như vậy, văn học Trung Quốc nhìn nhận “tản văn” với ý nghĩa bao quát nhiều thể loại: ban đầu nó được dùng để chỉ “văn xuôi” nói chung, về sau, khái niệm thể loại biến đổi theo hướng thu hẹp dần nội hàm, “tản văn” được hiểu là những thể loại ngoài truyện, thơ, kịch (các thể văn xuôi còn lại như tùy bút, bút ký, phóng sự, tạp văn gọi chung là tản văn). Ở Việt Nam, Từ điển thuật ngữ văn học cũng cho rằng: “trong nghĩa hẹp (tản văn) chỉ các tác phẩm văn phân biệt với kịch, thơ”; trong văn xuôi “bao gồm một phạm vi rộng từ tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, ký, tiểu phẩm chính luận thì tản văn chỉ phạm vi văn xuôi hẹp hơn, không bao gồm các loại truyện hư cấu như tiểu thuyết, truyện ngắn” [2/tr294], quan niệm này vừa dùng phương pháp loại trừ để khu biệt tản văn với những thể loại có đầy đủ đặc trưng cơ bản (kịch, thơ) vừa lấy tiêu chí hiện thực để phân loại nó với các thể loại của văn xuôi. Khi xếp tản văn vào văn xuôi nhưng là thể loại văn xuôi “không bao gồm các loại truyện hư cấu”, có nghĩa tản văn cũng là những tác phẩm chứa đựng yếu tố chân thực, vậy tản văn có mối quan hệ thế nào với thể ký? – một thể loại văn xuôi có sự giao thoa giữa văn học với khu vực cận văn học (báo chí, chính luận, ghi chép 9 tư liệu). Xem tản văn như một thể loại văn học nhưng trong văn học Việt Nam từng có hai xu hướng quan niệm: một mặt cho rằng tản văn chỉ là một phụ lưu của ký; mặt khác cho rằng tản văn bao hàm ký. Về quan niệm tản văn nằm trong ký, tác giả Nguyễn Đăng Na xác định rõ về mặt từ nguyên trong công trình giới thiệu về thể ký. Ông cho rằng, thoạt đầu ký thuộc động từ, mang nghĩa là ghi chép. Khi được danh từ hóa, ký chỉ chính “những sản phẩm ghi chép đó”. Nếu hiểu những văn bản được ghi chép ra là sản phẩm sau cùng của ký thì “ký bao gồm trong nó rất nhiều loại hình ghi chép, từ thường thức đến chức năng, khoa học rồi văn chương nghệ thuật” [16/tr7]. Ký mang những đặc tính cụ thể khi xét từ các phương diện. Về biểu hiện hình thức “những tác phẩm thuộc thể ký thường mang hai yếu tố là người ghi chép và cái được ghi chép. Như vậy, đã là ký thì phải mang dấu ấn trực tiếp của cái tôi và sự kiện can dự đến cái tôi ấy” [16/tr7]. Trong ký, cái tôi chỉ hiện diện khi ghi chép sự kiện. Còn ở tản văn, tạp văn hay tùy bút, cái tôi của nhà văn được thể hiện một cách tự do hơn. Điều đó lý giải một thực tế, so với ký, tản văn thường giàu chất thơ hơn. Ký xuất hiện sớm trong lịch sử thể loại văn học dân tộc. Trong thời kỳ văn học trung đại, ký thực hiện nhiệm vụ ghi chép mọi phương diện đời sống. Lam Sơn thực lục, Trung Hưng thực lục, Thượng kinh ký sự (Lê Hữu Trác viết lời tựa) đều cho thấy ký là ghi chép sự thực mắt thấy tai nghe, mục đích là để răn dạy, nêu gương, giáo hóa. Nhưng “thực chất, thời kỳ trung đại, người ta mới chỉ có ý thức phân loại các thể loại chứ không phải khảo cứu lịch sử các thể loại nên những quan điểm bàn về ranh giới phân định thể loại mang tính chủ quan, tiên nghiệm” [47/tr88]. Phải tới đầu thế kỷ XX, ký mới được quan tâm phân loại một cách có ý thức, chia thành hai hướng: hoặc kế thừa những hình thức ký đã có trong văn học truyền thống (ký sự nhân vật, ký sự lịch sử) hoặc vẫn duy trì một số hình thức luận bàn (tản văn, tùy bút). Về cơ bản, tản văn hay tạp văn, tạp bút mang những yếu tố đặc trưng của thể ký, đó là một thể loại cơ động, linh hoạt, nhạy bén trong việc phản ánh hiện thực ở cái thế trực tiếp nhất, ở những nét sinh động và tươi mới nhất. Điểm đặc thù của ký là tôn trọng tính xác thực của người và việc trong tác phẩm, sự hư cấu không được sử dụng một cách tùy tiện ảnh hưởng đến tính xác thực của nội dung mà trái lại phải làm tăng thêm ý nghĩa 10 xã hội và giá trị nghệ thuật cho tác phẩm. Như thế tản văn sinh thành từ ký, tản văn là một phụ lưu của ký được xem là quan điểm logic. Khi nghiên cứu về đặc trưng của thể loại ký, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Minh đã làm công việc khảo sát tư liệu trên phạm vi rộng: Văn học trung đại (ký, lục, chí tạp ký, ký sự), văn học Trung Quốc (văn học báo cáo, tạp văn, tản văn), văn học tư liệu của Liên Xô (phóng sự, bút ký, tùy bút, nhật ký, hồi ký, du ký, truyện ký...). Phạm vi khảo sát cho thấy quan điểm ký là “gốc” lớn của nhiều tiểu loại, trong đó có tạp văn, tản văn hay tạp bút Đặc biệt, tính chất ký cũng thể hiện rõ ở một loạt tản văn xuất hiện vào đầu thế XXI, khi các tác giả là những cây bút trẻ nhưng không né tránh phản ánh nhiều hiện tượng được cho là “nhạy cảm” của đời sống xã hội và bộc lộ thẳng thắn quan điểm, tình cảm trước những hiện tượng đó. Sức hút của thể văn này được tạo ra do bản lĩnh, lập trường người viết ký. Trước một hiện thực phức tạp, đa chiều, người viết ký phải tỉnh táo để không nhầm lẫn bản chất và hiện tượng, đồng thời cũng là người “đứng mũi chịu sào”, lên tiếng cho sự thực giữa không ít sự bủa vây của định kiến, tiêu cực trong xã hội. Lập trường người viết ký chính là sự mạnh dạn khẳng định bản lĩnh nhà văn trong thời đại mới, lập trường dân chủ và bình đẳng đối thoại. Nhờ vậy, “từ một thể loại mang tính nghệ thuật, ký đã bước sang các lĩnh vực ngoài văn học và tác động sâu sắc, tạo nên sự thức tỉnh mạnh mẽ trong đời sống xã hội”[47/tr12]. Như vậy, giá trị thức tỉnh đời sống của ký là một trong số những dấu hiệu chức năng để nhiều nhà nghiên cứu xếp tản văn thuộc về thể loại này. Tiêu biểu cho nhóm ý kiến tản văn là tiểu loại của ký, trong Năm bài giảng về thể loại, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến cho rằng tản văn là một tiểu loại ký có một số đặc điểm như: ngắn gọn, hàm súc; tùy hứng của tác giả có thể bộc lộ trữ tình hay nghị luận; lối thể hiện đời sống trong tản văn mang tính chất chấm phá; chạm vào những hiện tượng được tái hiện ở những khía cạnh cốt yếu và bất ngờ; tất cả những gì được thể hiện và biểu hiện trong bài tản văn đều mang đậm dấu ấn, cách cảm nhận và cảm nghĩ rất riêng của tác. Thuật ngữ essay trong văn học phương Tây nghiêng theo hướng này, nó được hiểu như một kết cấu văn học để nhà văn thể hiện góc nhìn riêng của cá nhân về phương diện nào đó của một chủ đề; 11 essay thường ngắn gọn và thoải mái về phong cách, cho phép diễn tả phong phú và triệt để những cảm nhận có liên quan đến cá nhân. Người viết essay nhằm biểu đạt quan điểm, góc nhìn của cá nhân tác giả trước một vấn đề (chủ đề) nào đó, vấn đề ấy xuất phát từ đời sống xã hội. Thực chất đó là sự kết hợp giữa nét riêng của tản văn với tính chất ghi chép của thể ký nói chung. Theo đó, tạm hình dung essay là một nhánh bắt ra từ ký. Lý luận văn học Việt Nam hiện đại cũng cho rằng ký bao gồm cả phóng sự, hồi ký, nhật ký, ký sự, tùy bút, tản văn, tạp bút Như vậy, ký (nói chung) là thể loại có tính co giãn, linh hoạt. Nguồn gốc ra đời của hình thức ký đa dạng, nó có thể là kết quả của sự kết hợp giữa văn học và báo chí (phóng sự); cũng có khi ký ra đời do sự hợp lưu giữa văn học và chính luận xã hội (tạp văn, tạp bút, tản văn). Dựa vào phương thức biểu đạt, ký được xếp vào nhóm thiên về nghị luận hay thiên về trữ tình hoặc tự sự tất nhiên việc phân loại đó chỉ mang tính tương đối vì sự “xâm nhập” thường xuyên của các tính chất, khó xác định đâu là hạt nhân cốt ...̣c những thế mạnh của thể loại, do đó “tản văn hồi sinh mạnh mẽ, bắt đầu có những ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội, có sự vượt trội của số lượng sáng tác, sự mở rộng về đề tài, chủ đề, cách thức biểu hiện” [49/tr9]. Từ “hồi sinh”, “bùng nổ”, “nở rộ” được sử dụng để mô tả sự phát triển của thể loại tản văn trong giai đoạn này. Sau một thế kỷ tạm nép mình bên cạnh những thể loại văn học khác, các sáng tác tản văn đầu thế kỷ XXI nhận được sự quan tâm từ độc giả, giới nghiên cứu, phê bình văn học tới sự ưu ái của các nhà xuất bản. Đặc biệt, tản văn trở thành thể loại có lực lượng sáng tác đông đảo và đa dạng nhất, họ có thể là các nhà văn, làm công việc liên quan nghệ thuật (họa sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn) và cả những công việc không liên quan tới nghệ thuật (bác sĩ, nhà khoa học, sinh viên, kiến trúc sư, nhân viên văn phòng); họ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau; họ có thể là tác giả trong nước và có nhiều cây bút người Việt Nam sinh sống tai nước ngoài. Song các nhà văn có tên tuổi chính là bộ phận sáng tác quan trọng làm nên chất lượng nghệ thuật của tác phẩm và họ chứng minh rằng tản văn không chỉ là thể loại “tạt ngang” hay “chiếu nghỉ” (Cao Huy Thuần, Y Phương, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Nhật Ánh, Huỳnh Như Phương, Lý Lan, Dạ Ngân, Hoàng Việt Hằng, Phan Thị Vàng Anh, Đỗ Phấn, Lê Minh Quốc, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý, Uông Triều). Việc các cây bút có kinh nghiệm sáng tác nghiêm túc đầu tư nghệ thuật cho tác phẩm giúp vị trí của tản văn Việt Nam được “thăng hạng” đáng kể, các hội đồng chuyên môn quan tâm xem xét đưa vào cơ cấu giải thưởng. Kết quả là giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội dành cho hai tập tản văn Đi ngang Hà Nội và 24 Đi dọc Hà Nội của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến đoạt năm 2012, tạp bút A đây rồi Hà Nội 7 món của nhà văn trần Chiến năm 2015, tập sách Thú lang thang người Hà Nội và Thú ăn chơi người Hà Nội của nhà văn Băng Sơn vào năm 2017; tập tản văn Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm của nhà thơ Y Phương đạt giải B của Hội văn học thiểu số Việt Nam năm 2014. Nếu xem Tản mạn trước đèn của nhà văn Đỗ Chu là tạp văn thì tập sách đã được trao Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2005 và tới năm 2012, Tản mạn trước đèn cùng tập truyện ngắn Một loại chim trên sóng của nhà văn Đỗ Chu tiếp tục đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật. Ngoài ra, năm 2005, tập tản văn Nhân trường hợp của chị Thỏ bông (Phan Thị Vàng Anh) cũng nằm trong danh sách đề cử xét giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam Đồng thời với sự phát triển của lực lượng sáng tác là trạng thái mở rộng góc nhìn- đề tài được phản ánh. Tản văn, tạp văn giai đoạn này không dừng lại ở vẻ đẹp thiên nhiên, hương vị quê hương, phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa dân tộc như chặng đường trước đó. Đầu thế kỷ XXI, tản văn có xu hướng phản ánh trực diện và mạnh mẽ các vấn đề mang tính xã hội (y tế, giáo dục, môi trường), các vấn đề của đời sống được xã hội quan tâm, các vấn đề về văn học nghệ thuật. Trong đó, các tác giả thể hiện sự trăn trở nhiều về mặt trái của nền kinh tế thị trường, tâm lý thực dụng, sự xói mòn những giá trị đạo đức và nhân văn tốt đẹp, đáng nói là những biểu hiện tiêu cực đó tiềm ẩn trong văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường sống thường nhật của chúng ta (Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Cao Huy Thuần, Phan Thị Vàng Anh, Dạ Ngân, Y Phương, Huỳnh Như Phương). Ngay cả với những đề tài quen thuộc như cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa phong tục – tản văn cũng mang một sắc thái mới khi các tác giả miêu tả đối tượng nghệ thuật từ góc nhìn khách quan nhất: cái tốt đẹp và cả những hạn chế, xấu xí; cái được và cái mất. Giá trị nội dung đáng kể nhất của tản văn giai đoạn này là phía sau mỗi bài viết, người đọc hình dung một đời sống phức tạp và các nhà văn đang dùng tác phẩm “bóc” trần tiêu cực, góp phần thay đổi và xây dựng một xã hội nhân văn. Nhờ nội dung phong phú nhưng giàu tính nhân văn và hiện thực, tản văn thu hút được độc giả hiện đại, nói cách khác, bạn đọc hiện nay có xu hướng chọn đọc tản văn nhiều hơn giai đoạn 25 trước bởi tản văn dễ đọc, dễ cảm nhận, gần gũi với cuộc sống, có sự đồng cảm và tương tác hiệu quả giữa tác giả với độc giả, dung lượng phù hợp quỹ thời gian của nhịp điệu sống tốc độ. Nắm bắt thị hiếu độc giả, nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm tản văn, các nhà xuất bản (đặc biệt nhà xuất bản Trẻ) liên tục phát hành các tập tản văn. Có nhà văn sáng tác được tái bản nhiều lần, có nhà văn liên tục công bố các tập sách trong thời gian ngắn (Nguyễn Ngọc Tư, Y Phương, Dạ Ngân, Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý v.v). Mục tản văn, tạp văn, tạp bút cũng được đăng tải trên nhiều báo. Các báo như Hà Nội mới cuối tuần, Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Người lao động, Thanh Niên, Giáo dục và thời đại, Đại đoàn kết, Văn nghệ Quân đội có riêng chuyên mục tản văn, tạp bút. Không chỉ báo viết (giấy) truyền thống, tản văn còn đến với bạn đọc qua các trang báo điện tử, các trang cá nhân (blog, facebook). Có thể nói tản văn đã cho thấy đó là thể loại văn học năng động, thích nghi nhanh chóng với môi sinh văn hóa hiện đại, nó thực sự góp phần đáng kể trong việc xây dựng diện mạo mới cho văn học Việt Nam hiện đại. 1.2. Tình hình nghiên cứu 1.2.1 Các công trình nghiên cứu lý thuyết tản văn Khác với sinh mệnh của những thể loại văn xuôi khác (tiểu thuyết, truyện ngắn), trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, tản văn tồn tại mờ nhạt. Trong một giai đoạn dài, trong ý thức sáng tạo và nghiên cứu, tản văn có vị trí bất bình đẳng với các thể văn xuôi khác. Vì vậy, tản văn không phải đối tượng được quan tâm của người viết, người đọc và giới nghiên cứu. Mặc dù tản văn của văn học Việt Nam hiện đại có lịch sử trên dưới một trăm năm, nhưng lịch sử nghiên cứu về nó mới được bắt đầu. Về mặt lý luận, văn học Việt Nam thế kỷ XX thiếu hụt những công trình nghiên cứu chuyên biệt về thể loại tản văn song trong một số bài nghiên cứu các thể loại văn học nói chung, tản văn vẫn được nhắc tới như một thể loại văn học hiện đại. Ở góc độ tổng quan, nhóm các tác giả của Từ điển thuật ngữ văn học xem xét và định nghĩa tản văn với tư cách một thể loại độc lập mà điểm nổi bật là dấu ấn của tác giả được thể hiện trong sáng tác; tản văn được nhìn nhận ngang hàng với thơ, 26 kịch, tiểu thuyết; có kết cấu, cách thức miêu tả, cách khắc họa nhân vật. Tuy nhiên, việc xây dựng khái niệm về tản văn trong từ điển vẫn chưa khái quát được hết những đặc điểm độc đáo khác của thể loại mà các tác giả, tác phẩm tản văn gần đây bộc lộ rõ. Năm 1999, trong công trình nghiên cứu Năm bài giảng về thể loại, tác giả Hoàng Ngọc Hiến đặt tản văn về đúng vị trí một thể loại độc lập. Nhà nghiên cứu đề cập tới những bài ký được gọi bằng tản văn, ông nhấn mạnh đó là một tiểu loại ký ngắn gọn, hàm súc, có những đặc điểm riêng cụ thể: “tản văn là một tiểu loại của thể ký. Lối thể hiện đời sống mang tính chấm phá; chạm vào những hiện tượng được tái hiện ở những khía cạnh cốt yếu, bất ngờ; mang đậm dấu ấn, cách cảm nhận và cảm nghĩ rất riêng của tác giả” [30]. Dù chưa đi sâu cắt nghĩa và phân tích cụ thể những đặc điểm chuyên biệt của thể loại, nhưng việc tác giả chỉ ra những nét cơ bản trên là sự định hướng cách nhận biết tản văn khi đặt nó bên cạnh những thể loại khác. Trong Văn học Việt Nam hiện đại- Sáng tạo và tiếp nhận, tác giả Bích Thu đem đến cho độc giả một cái nhìn khái quát và về văn học Việt Nam từ những thập niên đầu thế kỷ XX tới đương đại. Các bài viết tập trung xem xét “các bình diện sáng tạo và tiếp nhận qua các hiện tượng văn học, các vấn đề thể loại đồng thời người viết cũng phản ánh “những chuyển biến, ngữ cảnh sáng tạo và góp một cách nhìn về sự vận động, phát triển của quá trình văn học” [80/tr18]. Trong đó, bài nghiên cứu về sự giao thoa giữa truyện và ký xếp tản văn, tạp bút như một biến thể nhỏ của ký. Tác giả cho rằng “Ký: Một loại hình văn học bên cạnh thơ, tiểu thuyết và kịch, gồm nhiều thể, chủ yếu là văn xuôi, bút ký, hồi ký, du ký, nhật ký, phóng sự, ký sự, tùy bút, tự truyện, tạp văn, bút ký chính luận” [29/tr35]. Tương tự, nhóm soạn giả trong Tuyển tập Ký – Tản văn Thăng Long – Hà Nội chia Ký thành các nhóm: có Ký văn học (màu sắc chủ quan của người viết nổi bật); Ký báo chí (bảo đảm tối đa sự khách quan của các sự kiện) và Ký – tản văn, gồm các tác phẩm “được viết bằng văn xuôi, vừa dành sự chú ý cho ít nhất một sự kiện được ghi chép lại theo một chủ đề hay mục đích nhất định, vừa ít nhiều bày tỏ cái tôi của người sáng tác như là người trực tiếp can dự đến sự kiện đó” [16/tr12]. Như vậy, thể ký được xem là cái gốc châu tỏa thành nhiều tiểu loại, trong đó, hàm lượng hiện thực 27 khách quan và chủ quan tác giả là yếu tố quyết định màu sắc “ký” và cách gọi tên tiểu loại, tản văn cũng chỉ là thuật ngữ định lượng sức nặng của cái tôi tác giả của một tiểu loại ký. Ngoài Từ điển thuật ngữ văn học xuất bản năm 2004 xây dựng khái niệm về tản văn, phải kể tới nghiên cứu của tác giả Lê Trà My (năm 2008) - công trình đầu tiên ở miền Bắc xem xét tản văn Việt Nam thế kỷ XX từ cái nhìn thể loại. Ở đó, tác giả Lê Trà My cung cấp thông tin khái quát về thể loại: từ sự hình thành, đặc trưng, vị trí của tản văn trong hệ thống thể loại tới việc xác định một số loại hình tản văn hiện đại; bước đầu đánh giá sự phát triển của thể loại khi đặt tản văn trong diễn tiến môi trường sinh thái văn hóa thế kỷ XX. Ở thời điểm đó, có thể xem công trình của tác giả Lê Trà My là cơ sở lý thuyết về thể loại ít được quan tâm nghiên cứu, khởi đầu xác lập sự tồn tại độc lập của tản văn trong một trăm năm. Sau đó, tác giả còn cho ra đời một loạt những bài viết có tính chất bổ trợ, mở rộng các góc nhìn về tản văn đương đại. Khảo sát sáng tác tản văn Việt Nam thuộc ba giai đoạn: đầu thế kỷ XX đến trước thời kỳ Đổi mới; sáng tác tản văn in trên báo, tạp chí trong nước thời kỳ từ 1986 trở lại (chủ yếu tác phẩm đăng tải trên báo Văn nghệ, Hà Nội mới, Thanh niên hay tạp chí Văn nghệ Quân đội); các sáng tác tản văn của một số tác giả được xuất bản từ năm 1986 trở về sau đã giúp tác giả Lê Trà My nhận diện sự biến đổi của thể loại qua các giai đoạn. Không dừng lại ở những đánh giá ban đầu về diện mạo của tản văn từ đầu XX tới thời kỳ Đổi mới, tác giả đồng thời chỉ ra đặc thù của thể loại tản văn Việt Nam trong môi trường sinh thái văn hóa cuối thế kỷ XX. Ngoài việc khái quát lịch sử tản văn thế kỷ XX, tác giả Lê Trà My còn thực hiện tuyển tập Tản văn Việt Nam hiện đại (2011) bao gồm cả tản văn của một số tác giả trong vùng đô thị miền Nam trước giải phóng năm 1975. Những nghiên cứu trước đó và tuyển tập sau đó phần nào đáp ứng được sự đòi hỏi hiểu biết bao quát về thể loại của những người sáng tác và những độc giả yêu thích tản văn. Tinh thần của cuốn sách được Giáo sư Trần Đình Sử khẳng định: “tản văn hiện đại Việt Nam là một thể loại có thành tựu và không thể bỏ qua” và “tập sách cho ta thấy diện mạo tản văn Việt Nam của hơn một thế kỉ. Đất nước đã thống nhất ba mươi lăm năm rồi” [49/tr5]. 28 Chúng tôi đặc biệt quan tâm những bài viết tìm hiểu về lịch sử, sự phát triển, cấu trúc của tản văn với tư cách một thể loại văn học độc lập. Tiêu biểu xu hướng này là các bài viết của tác giả Lê Trà My với những thông tin khảo cứu, khái quát lịch sử tản văn Việt Nam trong suốt thế kỷ XX và sự kết nối với tản văn của thế kỷ tiếp theo (Tình hình nghiên cứu tản văn ở Việt Nam và Trung Quốc; Tản văn - một thể loại của văn xuôi hiện đại; Một dòng chảy của tản văn đương đại; Tản văn Việt hành trình một thế kỷ, Tản văn hiện đại Việt Nam – Lí thuyết và Lịch sử...). Trong loạt bài viết nêu trên, người đọc có thể tìm thấy các thông tin về lý thuyết cấu trúc, diễn trình lịch sử của thể loại tản văn; diện mạo riêng của tản văn Việt Nam trong môi trường sinh thái văn hóa; những đánh giá về các yếu tố truyền thông, môi trường văn hóa truyền thông, tính cộng sinh của thể loại tản văn với văn hóa nghệ thuật trong môi trường văn hóa truyền thông ấy. Bên cạnh đó, đã xuất hiện những bài viết bước đầu quan sát, đánh giá khái quát về tản văn đầu thế kỷ XXI. Những bài viết này không tiếp cận thể loại bằng cách khảo sát tác phẩm, tác giả, mà từ góc độ thể loại để xem xét quan niệm, sinh mệnh, sự biến đổi cấu trúc tản văn trong một chặng đường mới (bài viết Bản sắc văn hóa trong tản văn thời đổi mới và hội nhập của tác giả Nguyễn Bích Thu; Lỗi tại tạp văn đăng trên trang văn hóa của trang báo điện tử tiasang.com). Những bài viết nhìn nhận tản văn ở giai đoạn mới đều ý thức giải thích hiện tượng “bùng nổ” của tản văn bằng cách đặt thể loại trong không gian văn hóa, lịch sử đương đại; xác định mức độ tương tác, ảnh hưởng của môi trường văn hóa truyền thông, môi trường sống hiện đại tới sự phát triển của tản văn; chỉ ra đặc trưng và khẳng định tản văn là thể loại ngang hàng với các thể loại khác, nó đủ dấu hiệu để chứng minh ưu thế của mình trong xu hướng kiếm tìm và chọn lựa của độc giả, đặc biệt là người đọc trẻ tuổi. Tuy nhiên, dựa trên những gì chúng tôi thu thập được, có thể nhận thấy phần lớn sự quan tâm thể loại tản văn mới dừng lại ở những bài viết, nghiên cứu cụ thể một tác giả, tác phẩm hay một phương diện của thể loại, thiếu nhiều những nghiên cứu bao quát và sâu sắc về lý thuyết thể loại; càng thiếu các nghiên cứu khái quát về thể loại từ khi hình thành cho tới đầu thế kỷ XXI. Đó là một khó khăn cho người nghiên cứu trong việc tìm kiếm một tài liệu có hệ thống về thể loại tản văn Việt Nam hiện đại. 29 Có thể nói ở thời điểm hiện tại, trong nghiên cứu văn học nói chung chưa có những công trình chuyên biệt nghiên cứu về thể tản văn. Thuật ngữ, thể loại này được đề cập như một phần nhỏ của đời sống văn học trong các tập Từ điển Văn học, Từ điển thuật ngữ văn học, Từ điển thể loại Để có cái nhìn rộng mở về lý thuyết thể loại, ở phần nghiên cứu này, chúng tôi muốn kiếm tìm những thông tin về lý thuyết thể loại trong văn học hiện đại Trung Quốc và văn học phương Tây vì thể tản văn hiện đại Việt Nam được định hình trên thực tiễn sáng tác ở Việt Nam nhưng có những nét tương đồng với tản văn hiện đại Trung Quốc và phần nào đó có nét tương đồng với essay của phương Tây. Bản thân thuật ngữ tản văn (tiếng Pháp: essai, tiếng Anh: essay; tiếng Nga: exxe) tồn tại khá khiêm nhường trong một số từ điển văn học phương Tây và được sử dụng với hàm nghĩa linh hoạt, các ấn phẩm có gắn “essay/essai” có thể dịch là tiểu luận, ký, hoặc thí luận (theo cách dịch của giáo sư Đặng Thai Mai). Trong Từ điển Penguin về các vấn đề thuật ngữ văn học, tác giả J.A.Cudden cho biết người đầu tiên đặt ra khái niệm “essay” vào năm 1580 là nhà văn Montaigne, khi ông đặt tiêu đề Essais cho cuốn sách xuất bản lần đầu của mình. Theo đó, tản văn là thuật ngữ chỉ một tác phẩm thường được viết bằng văn xuôi; tự do về dung lượng, chủ đề; đó là một thể loại “linh hoạt và dễ thích nghi nhất” trong số các thể loại văn học. Năm 1597, nhà văn Bacon viết nhiều những tác phẩm có dung lượng vài trăm từ theo cách thức này và ông cho rằng tản văn giống như những hạt muối nhỏ, nó giống một thứ gia vị của cảm xúc. Ngoài Montaigne và Bacon tiên phong khai thác thể văn xuôi này, thế kỷ XVII còn có W. Cornwallis, N. Breton, Thomas Overbury, J.Earle, A.Cowley... sử dụng tản văn như một phương tiện diễn đạt những ngẫm ngợi chủ quan về nhiều vấn đề của đời sống phương Tây đương thời. Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, hai nhà văn – nhà phê bình là A.Cowley và S.Evermond khơi lại sự ảnh hưởng của tản văn theo phong cách Montaigne. Tiếp đó, nhà thơ J.Dryden và các nhà văn R.Steele, R.L’Estrange, E.Ward, Tom Browne, J.Dunton... không những duy trì lối viết của Montaigne mà còn phổ biến và đem lại màu vị mới cho tản văn, đó là sự gia tăng chất hiện thực và tính đối thoại. Từ cuối thế kỷ XIX trở đi, tản văn ở phương Tây được phổ biến rộng rãi song các nhà phê bình nhận 30 thấy đây là thể loại “khó kiểm soát” về đặc trưng. Nghĩa của từ “essay” đã mặc định bản chất của phương thức sáng tác: một thể loại sáng tác vừa dễ, vừa khó. Dễ là vì “phóng bút, tùy bút, tự do viết” nhưng chính vì tự do trong giới hạn ý thức nghệ thuật mà trở nên khó. Đặc tính “khó kiểm soát” khiến tản văn ở phương Tây có nét thú vị riêng nhưng vẫn không được coi là thể loại văn học chính thức và quen thuộc (như các thể loại khác). Những lý do lịch sử khiến văn học Việt Nam có cơ hội sớm được tiếp xúc, ảnh hưởng văn học Pháp nói riêng, văn học phương Tây nói chung. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của tư duy thể loại tản văn ở phương Tây với thực tiễn sáng tác tản văn ở Việt Nam không đáng kể. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới quan niệm về tản văn của Trung Quốc bởi đây là quốc gia tập trung nhiều nghiên cứu sâu nhất về thể tản văn. Việc xem xét tình hình nghiên cứu tản văn ở Trung Quốc là sự đối sánh cần thiết để đi tìm những đặc trưng của tản văn Việt Nam. Khái niệm về thể loại mà văn học Trung Quốc xác lập có thể không trùng với thực tiễn sáng tác tản văn tại Việt Nam nhưng ở một số giai đoạn nhất định, tản văn Trung Quốc có ảnh hưởng tới tư duy thể loại ở Việt Nam. “Ảnh hưởng này chủ yếu rơi vào thời điểm một số tác phẩm tản văn Trung Quốc được dịch ở Việt Nam những năm chín mươi, kèm theo đó là lời giới thiệu ngắn gọn về thể loại” [51]. Trong văn học hiện đại Trung Quốc, mặc dù việc xây dựng quan niệm về thể tản văn được quan tâm song quan điểm của một số nhà nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học tiêu biểu của Trung Quốc vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ở tập Tản văn giám thưởng nghệ thuật thám vi của tác giả Phùng Văn Mẫn, tản văn được mô tả là những sáng tác gồm bốn đặc điểm: “Chuộng sự chân thực về đối tượng miêu tả và cảm xúc (không phải mô phỏng thực tại một cách máy móc); tính chất hiển lộ, biểu hiện ở khả năng thu hút quảng đại người đọc; lối viết tự do, ý theo ngòi bút, ít bị câu thúc; ngôn ngữ sinh động” [dẫn lại, 16/tr10]. Nghiên cứu đặc trưng thể tản văn của tác giả Tạ Sở Phát cũng xem xét thể loại ở các phương diện: nội dung phản ánh, tính chất, hành văn, ngôn từ song bốn đặc điểm của tản văn ông nêu khác hoàn toàn Phùng Văn Mẫn: “Tính chất thực dụng; lối viết sáng gọn, tinh giản; tính phức tạp về nội dung phản ánh; tính ổn định về mặt lý luận” [dẫn lại, 16/tr10]. Năm 2006, tác giả Đàm Gia Kiện nghiên cứu tản văn Trung 31 Quốc cổ đại “gói” bốn đặc điểm tản văn trong tám chữ: “tính tản, thực dụng, cầu giản, pháp cổ” [dẫn lại, 16/tr10]. Trong đó, ông cho rằng “tính tản” là đặc điểm cơ bản nhất của tản văn: tự do; đối lập sự quy định chặt chẽ nhưng vẫn tuân thủ trật tự do ý tưởng kết cấu nhà văn chủ động xác lập – một thứ tự do trong khuôn khổ để “tản mà không loạn”; giống các thể loại văn học khác ở chỗ coi trọng sự tinh tế của nghệ thuật nhưng khác các thể loại có quy phạm (thơ, từ, hí kịch, khúc) ở sự khước từ các khuôn mẫu kết cấu để được tự do “truy cầu sự cân chỉnh, truy cầu cái đẹp”. Người viết “chỉ cần suy nghĩ ra sao đều có thể phóng bút mà thành”. Đàm Gia Kiện cũng là người chia tản văn cổ đại thành bốn nhóm dựa trên tiêu chí nội dung: - Nhóm tản văn ghi về con người và sự vật (truyện ký, bi ký) - Nhóm tả cảnh, tả vật (các tác phẩm du ký, tiểu phẩm) - Nhóm trữ tình và ngôn chí (văn tế, tự, tùy bút) - Nhóm thuyết lý luận đạo (tản văn nghị luận, tạp văn). Giới nghiên cứu văn học ở Trung Quốc những thập kỷ đầu của thế kỷ XX có xu hướng giới định một đường biên cho tản văn, tách tản văn ra khỏi tập hợp các sáng tác văn học ngoài tiểu thuyết, thơ và kịch. Trong phần đối chiếu tản văn Trung Quốc với tản văn Việt Nam, tác giả Lê Trà My có nhắc đến quan niệm của Thẩm Nghĩa Trinh, xem tản văn là một thể loại văn học có những đặc trưng riêng biệt được “hợp lưu từ tùy bút của người Anh (essay) và văn tiểu phẩm đời Minh” [48]. Để dung hòa quan niệm có sự thay đổi qua những giai đoạn lịch sử văn học, lí luận hiện đại của Trung Quốc chia tản văn thành hai loại: tản văn truyền thống và tản văn hiện đại, tản văn trong văn học truyền thống của người Trung Quốc, trong đó “chỉ những sáng tác văn xuôi, là văn học chính tông xếp ngang hàng với thơ từ”. Còn trong văn học Trung Quốc hiện đại, tản văn được coi là “một thể tài văn học cùng với thơ ca, tiểu thuyết, kịch, bao gồm các hình thức văn kể chuyện, văn trữ tình, phóng sự, tạp văn v.v để phân biệt với khái niệm “văn xuôi” cổ đại, nên cũng gọi là văn xuôi văn học” [50/tr18]. Có thể nói, tản văn là thể loại có lịch sử lâu đời, có vai trò quan trọng không kém các thể loại khác. Vai trò này được khẳng định bởi ý thức xây dựng định nghĩa, khái niệm thể loại của những tên tuổi lớn trong văn học Trung Quốc. 32 Bước vào thời kỳ văn học hiện đại, để phù hợp với xu thế phát triển chung của đời sống văn hóa xã hội, đặc trưng tản văn của Trung Quốc có thay đổi nhiều về hình thức thể hiện cũng như nội dung. So với các thể loại khác, tản văn chân thực về nội dung, sinh động và gần gũi đời sống về ngôn ngữ, tự do và triệt để trong việc bộc lộ xúc cảm của người viết, nhỏ gọn về dung lượng, thực dụng trong chức năng, lại có sức tác động mạnh vào nhận thức và lan tỏa nhanh về xúc cảm nên nó thỏa mãn và hấp dẫn đông đảo độc giả trong xã hội hiện đại, vì vậy lực lượng sáng tác cũng tăng nhanh, đời sống của báo chí dành cho mảng tản văn ở Trung Quốc tương đối nhộn nhịp. Một số cây bút nổi bật đầu thế kỷ XX phải kể tới là: Trần Độc Tú, Lỗ Tấn, Chu Tác Nhân. Lớp nhà văn sau đó tiếp tục tạo tiếng vang trên văn đàn thế giới, đó là Mạc Ngôn - giải Nobel văn học danh giá vào năm 2012, Đinh Linh, Từ Trì, Viên Ưng, Giả Bình Ao v.v Trong phần nghiên cứu về tản văn Trung Quốc, tác giả Lê Trà My cho rằng “gần một thế kỷ qua, song song với thực tế sáng tác vô cùng phong phú, rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về việc xác định phạm trù, đặc trưng, về việc sáng tác và tiếp nhận tản văn đã cùng tranh biện. Cho đến nay vẫn chưa có một cách hiểu thống nhất về tản văn” [50/tr42]. Ở hai khuynh hướng định nghĩa về thể loại, trong khi quan niệm tản văn truyền thống xây dựng nội hàm gồm hầu như các thể loại văn xuôi, “bao gồm các loại ngoài tiểu thuyết, thơ ca, hý kịch”; thì quan niệm tản văn hiện đại cho rằng đó là một thể loại độc lập, không thể nhập vào với văn chương nói chung vì nó hoàn toàn xây dựng được một phong cách riêng. “Xu hướng coi tản văn là một thể loại văn học độc lập được nhiều sự đồng thuận ở Trung Quốc, đồng thời nó cũng đi sát với thực tiễn sáng tác của nhiều cây bút lớn như Lỗ Tấn, Chu Tác Nhân, Băng Tâm, Thẩm Tùng Văn, Lương Thục Thu, Uông Tăng Kỳ, Dư Thu Vũ, Giả Bình Ao” [51]. Sự phân biệt khái niệm tản văn truyền thống và hiện đại trong văn học Trung Quốc bắt đầu trở nên rạch ròi từ khi tản văn có được những thành tựu trong phong trào Ngũ Tứ (1919) – một phong trào có ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử Trung Quốc, tác động mạnh tới tiến độ phát triển khoa học, dân chủ. Tản văn ra đời thời kỳ này thúc đẩy các học giả Trung Quốc bước đầu khái quát và xác định khái niệm tản văn hiện đại trong thế đối lập tản văn truyền thống. Có thể hình dung đường đi 33 của việc khẳng định thể loại, xây dựng nội hàm cho tản văn trong văn học Trung Quốc bằng một số mốc thời gian và bằng những con người cụ thể. Không thể không nhắc tới học giả Lưu Bán Nông, người xây dựng khái niệm tản văn (hiện đại) vào năm 1917. Tuy nhiên lúc đó “khái niệm mà Lưu Bán Nông đưa ra còn chưa phân định rõ biên giới thể loại, tản văn vẫn bao gồm cả tiểu thuyết và các thể loại văn xuôi khác. Năm 1921, một tác giả có bút danh Tư Sản đã xác nhận vị trí độc lập của tản văn, chỉ ra tính nghệ thuật của nó khi cho rằng tản văn là “một loại mỹ văn”. Sau đó Vương Thống Chiếu cũng dựa trên quan điểm này và gọi tản văn là thuần tản văn” [51]. Bắt đầu từ đây, tản văn dần được khẳng định như một thể loại văn học độc lập, có những tác động tích cực khiến “người đọc phát sinh mỹ cảm”- nghĩa là nó có giá trị riêng và chức năng nghệ thuật cụ thể. Có thể nói văn học Trung Quốc không chỉ mạnh ở phương diện sáng tác tản văn mà còn chú trọng và phát triển mảng lý luận thể loại văn học. Từ những học giả ở thế kỷ V như Lưu Hiệp, Tiêu Thống tới những nhà nghiên cứu hiện đại như Phùng Văn Mẫn, Tạ Sở Phát, Đàm Gia Kiện, Lưu Bán Nông, Vương Chiêu Thống đều chú tâm làm công việc phân loại, xác định vị trí, phạm vi của tản văn và chỉ ra những đặc trưng cơ bản của tản văn. Mỗi nhà nghiên cứu đều có sức thuyết phục riêng, cho nên các quan điểm không mâu thuẫn mà chỉ có sự khác biệt. Nếu Lưu Hiệp xếp tản văn vào nhóm văn xuôi, Tiêu Thống giới hạn lại ở những tác phẩm văn xuôi có nghệ thuật; Phùng Văn Mẫn, Tạ Sở Phát, Đàm Gia Kiện đều lượng hóa đặc điểm tản văn từ các phương diện nội dung, hành văn, ngôn ngữ, xúc mặc dù sự lượng hóa ở mỗi tác giả có khác biệt. Sự phong phú trong những quan niệm khác nhau đem tới sự phức tạp trong việc xây dựng quan niệm nhưng lại chứng tỏ rằng từ góc nhìn thể loại, tản văn đã được xem xét như một hiện tượng văn học sử. 1.2.2 Các công trình nghiên cứu tác giả, sáng tác tản văn Việt Nam hiện đại Thế kỷ XXI được xem là “thời của tản văn” khi các tập sách dán tem tản văn, tạp bút, tạp văn được các nhà xuất bản ưu ái vì số lượng sách bán ra vượt trội so với các thể loại khác. Một loạt cây bút mới xuất hiện bên cạnh những tên tuổi quen thuộc được “hâm nóng” lại nhờ sự đón nhận nồng nhiệt của người đọc. Hệ quả của hiện tượng tản văn “bùng nổ” là vô số những bài viết đăng tải trên các báo (báo 34 chí truyền thống, báo điện tử) đánh giá về các tập tản văn, các cây bút sáng tác tản văn. Cũng vậy, rất nhiều bài báo, nghiên cứu phê bình văn học, đề tài khoa học, khóa luận, luận văn trong khối khoa học xã hội chọn tản văn làm đề tài nghiên cứu. Nhìn chung, thể loại tản văn được quan tâm nghiên cứu theo ba xu hướng sau: Một số bài viết chỉ ra điểm đặc sắc, giá trị nội dung của tập sách cũng như giới thiệu cá tính nghệ thuật, cái tôi tác giả. Trước hết là các bài nghiên cứu tiếp cận những gương mặt nổi bật của thể loại ở thế kỷ XX. Tên tuổi các nhà văn xuất hiện nổi bật là Lãng Nhân, Võ Phiến, Tản Đà, Vương Trí Nhàn, Băng Sơn, Mai Văn Tạo, Nguyễn Khắc Phê Ban đầu, người nghiên cứu và cả đối tượng được nghiên cứu chưa tìm được tiếng nói chung về việc định danh thể loại. Tản văn hay tạp bút, tùy bút, phiếm luận, nhàn đàm, ký thường được hiểu không có sự khác biệt lớn. Rất ít người nghiên cứu và tác giả văn học khẳng định nhất quán cho sáng tác của mình duy danh là tản văn. Bên cạnh đó, khi tìm hiểu tản văn của các cây bút nêu trên, các bài viết mới dừng lại ở việc phân tích các tác phẩm cụ thể trên các phương diện nội dung, hình thức mà chưa có sự khái quát những đặc điểm về thể loại. Sau đó, sự phát triển nhanh chóng của số lượng ấn bản tản văn cho thấy thị hiếu độc giả nghiêng về phía một số cây bút sáng tác tản văn nổi bật, kéo theo cơn “sốt” nhẹ trong nghiên cứu. Những bài viết liên quan tới thể loại, quan tâm tới sáng tác tản văn của các tác giả trong phạm vi hai mươi năm đầu thế kỷ XXI dần xuất hiện nhiều hơn. Đó có thể là phần lời tựa trong những đầu sách tản văn được xuất bản hoặc tái bản nhiều lần; những bài viết đăng tải trên mạng Internet đem lại cái nhìn khái quát về thể tản văn thế kỷ XX. Nổi bật là một loạt bài của tác giả Lê Trà My (Tình hình nghiên cứu tản văn ở Việt Nam và Trung Quốc; Tản văn - một thể loại của văn xuôi hiện đại và Một dòng chảy của tản văn đương đại; Tản văn Việt hành trình một thế kỷ). Tương tự, có không ít bài viết khẳng định vị thê... nguyên tắc giao tiếp thể hiện rõ tinh thần bình đẳng trong luận bàn các vấn đề của đời sống – điều mà tản văn trước đó chưa có được. 157 Nguyên tắc giao tiếp của tản văn chi phối cấu trúc và phương thức thể hiện của thể loại. Khác với những sáng tác ở thế kỷ trước, phương thức thể hiện tản văn thời kỳ này có đặc tính vừa hiện đại vừa năng động. Tính hiện đại thể hiện ở việc nỗ lực tạo ấn tượng với bạn đọc bằng cách sử dụng nghệ thuật, logic, hài hòa ngôn ngữ tự do và ngôn ngữ mạng. Tính năng động một mặt thể hiện ở cách tản văn thích nghi nhanh chóng với đời sống sinh động mà công nghệ, mạng internet đem lại; mặt khác thể hiện ở sự đa dạng hóa giọng điệu, đa dạng hóa phương thức thể hiện của tản văn nhằm tạo ấn tượng mạnh mẽ với độc giả. Việc nhìn nhận một số nguyên tắc giao tiếp và phương thức thể hiện chưa thể cung cấp cái nhìn toàn diện và chi tiết về mọi yếu tố trong cấu trúc thể loại tản văn hôm nay nhưng đủ cơ sở để khẳng định và lý giải sức hấp dẫn của tản văn đầu thế kỷ XXI. Chúng tôi coi những yếu tố nghệ thuật mới của thể loại đang trong quá trình hình thành và ổn định chưa được đề cập trong phần nghiên cứu này là một sự gợi mở cho những nghiên cứu tiếp theo về thể loại . 158 KẾT LUẬN 1. Xuất hiện trong hệ thống văn xuôi Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, tản văn được xem là thể loại mới. Nhưng thực tế, ngay cả việc ghi nhận tản văn như một thể văn xuôi non trẻ cũng khó khăn đối với giới nghiên cứu. Khái quát tình hình nghiên cứu về thể loại tản văn cho thấy có nhiều quan niệm khác nhau về tản văn, dẫn tới khó khăn trong định vị thể loại. Quy luật phát triển thể loại văn học cho thấy sự giao thoa đặc tính của các thể loại dẫn tới sự ra đời một thể loại mới hoặc làm mới một thể loại cũ. Tản văn là trường hợp như vậy, nó là kết quả sau cùng của sự xâm nhập thường xuyên giữa các phương thức thể hiện khác nhau của văn xuôi tự sự. Sau hơn một trăm năm hình thành và phát triển, tản văn hiện đại Việt Nam đã khẳng định vị thế độc lập của thể loại trong văn học dân tộc với những đặc trưng riêng: quy mô ngắn gọn; cái tôi tác giả trực diện, bản lĩnh, hiện diện ấn tượng; đề tài năng động và cởi mở vượt trội so với những thể văn xuôi khác; phương thức biểu đạt tự do, chỉ cần đảm bảo bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ; cá tính tác giả; kết cấu phụ thuộc vào nguyên tắc, chiến lược mà nhà văn tạo dựng, ít bị chi phối bởi những lý thuyết khuôn mẫu; ngôn ngữ và hành văn tự do nhằm cập nhật, thể hiện sinh động, đủ đầy nhất về muôn mặt đời sống 2. Trong quá trình trưởng thành, tản văn Việt Nam được nuôi dưỡng bởi những môi sinh văn hóa khác nhau. Dưỡng chất văn hóa hiện đại tác động khiến tản văn buộc phải biến đổi để thích nghi. Đầu thế kỷ XXI, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã đem lại bước chuyển biến mạnh mẽ ở nhiều phương diện, đặc biệt là sự đột phá trong khâu xuất bản tác phẩm; rút ngắn khoảng cách con đường tác phẩm đến với bạn đọc; tăng cường tính tương tác giữa người viết và người đọc; đánh thức tiềm năng sáng tác ở nhiều cá nhân; tạo sự sôi động hiếm có cho đời sống của thể tản văn. Việc khảo sát tản văn Việt Nam hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI cho thấy sự phát triển tích cực của thể loại thể hiện rõ nét ở đội ngũ sáng tác đông đảo, số lượng lớn tác phẩm và đặc trưng thể loại được “chưng cất” thông qua một loạt cá tính sáng tạo độc đáo. Một mặt, tản văn duy trì đặc trưng thể loại trong suốt thế kỷ XX (đề tài, nội dung tư tưởng, phương thức nghệ thuật, cá tính tác giả), mặt khác, nó còn tiếp tục kế thừa, biến đổi, phát triển mạnh mẽ để chứng tỏ 159 sự thích nghi nhanh chóng của tản văn với thời đại mới (ngôn ngữ, hàm lượng hiện thực của đời sống, quan niệm về nhà văn, mối quan hệ giữa nhà văn với độc giả). Có thể nói sự tương tác giữa tản văn với các môi sinh văn hóa đầu thế kỷ XXI đã đem tới sự vận động và biến đổi cấu trúc thể loại. Sự biến đổi có ý nghĩa nhất là tăng cường tính đối thoại vốn có của tản văn, khơi gợi sự tranh luận hay kích thích phản hồi từ độc giả. Điều này khiến tản văn vừa chứng tỏ độ mở trong tư duy sáng tạo lại vừa trở nên gần gũi với với cuộc đời, dễ tìm sự đồng cảm, khơi gợi cảm xúc và suy ngẫm ở người đọc. 3. Nhìn từ đặc trưng thể loại, so với tiểu thuyết và truyện ngắn, nội dung tản văn hôm nay cho thấy cách nó khám phá đời sống vừa rộng về diện vừa sâu về chi tiết và luôn ở trạng thái cập nhật đời sống. Vì thế, độc giả có thể tìm thấy ở tản văn mọi vấn đề của đời sống và con người đương đại, song nhìn chung, tản văn hôm nay tập trung bốn chủ đề chính: cảnh sắc các vùng miền, văn hóa và phong tục, tản văn thế sự, tản văn chân dung. Chính tinh thần dân chủ và sự cởi mở của văn học nghệ thuật trong bối cảnh mới đã tạo điều kiện để các tác giả thể hiện bản lĩnh, cá tính và trách nhiệm của một nhà văn đối với xã hội. Cho nên dù viết về chủ đề nào, tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI luôn đạt được trạng thái cân bằng trong sự nhìn nhận: mặt tích cực và tiêu cực; mảng sáng và khuất tối; ngợi ca và phản tỉnh; mong gìn giữ, bảo lưu, tiếp nhận các giá trị văn hóa tiến bộ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa. Với tinh thần thẳng thắn trong nhìn nhận và phản ánh, tản văn đã rút ngắn khoảng cách giữa văn học và cuộc đời. 4. Về phương diện nghệ thuật, nguyên tắc giao tiếp và phương thức thể hiện tạo ra sự khác biệt, sức hấp dẫn của thể loại tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Nếu tản văn Việt Nam ở thế kỷ XX phát đi đơn hướng những thông điệp và cảm thức từ phía nhà văn thì tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI phát triển theo hướng tăng cường tính đối thoại, độc thoại hóa những trải nghiệm riêng và sử dụng triệt để chiến lược khơi gợi. Các đặc điểm này cho thấy tính bình đẳng, tự do trong luận bàn của tản văn đầu thế kỷ XXI – điều thật sự cần thiết cho văn học nói chung trong bối cảnh mới. Phương thức thể hiện của tản văn thời kỳ này cũng là một điểm nhấn nghệ thuật tạo sự khác biệt cho tản văn đầu thế kỷ XXI. Đó là cách biểu đạt hiện đại, 160 năng động, đa dạng và có khả năng thích nghi nhanh với những đòi hỏi của thị hiếu. Có thể nói xu hướng vận động của tản văn đầu thế kỷ XXI đang cho thấy thể loại phù hợp cao độ với xu thế phát triển của đời sống hiện đại, vì vậy, sự “bùng nổ” của tản văn ở giai đoạn này là tất yếu. 5. Từ góc nhìn thể loại, tản văn Việt Nam hiện đại là đối tượng nghiên cứu phức tạp vì cùng lúc tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về việc định danh, xác định phạm trù, các đặc trưng, về sáng tác và tiếp nhận. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tiến hành sắp xếp, so sánh các quan niệm về tản văn, từ đó chọn cho công trình một quan niệm về thể loại có tính trụ cột, trên cơ sở đó xây dựng các tiêu chí cơ bản để lựa chọn tác phẩm, tác giả cho việc khảo. Tuy nhiên, các sáng tác tản văn hiện đại Việt Nam vẫn đang đến với bạn đọc bằng nhiều phương thức, việc khảo sát nhằm xác định các đặc trưng thể loại chưa thể bắt kịp đời sống sáng tác và cập nhật những biến đổi thể loại. Như vậy, nghiên cứu này chưa thể là đáp án cuối cùng và giới thiệu được đầy đủ nhất đặc trưng thể loại. Thực chất, công trình là sự nỗ lực tìm hiểu tản văn với tư cách một thể loại văn học của văn xuôi Việt Nam hiện đại ở hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI. Những diễn biến về phương diện nội dung và nghệ thuật của thể loại tản văn trong nhưng chặng đường phát triển tiếp theo là hướng mở cần được tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để làm đầy những vấn đề lý luận về thể loại tản văn hiện đại ở Việt Nam./. 161 DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐƯỢC CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2016), “Con giai phố cổ của Nguyễn Việt Hà – Một góc nhìn thẳng về Hà Nội”, Tạp chí Khoa học ĐH Thủ Đô Hà Nội, số 5, tháng 5 năm 2016. 2. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2018), “Cao Huy Thuần – Người đánh thức lương tâm của thời đại”, Tạp chí Khoa học ĐH Thủ Đô Hà Nội, số 25, tháng 8 năm 2018. 3. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2018), “Nguyễn Quang Thiều: Làng quê là một cõi đi về”, Tạp chí Khoa học ĐH Thủ Đô Hà Nội, số 26, tháng 10 năm 2018. 4. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2019), “Hà Nội trong tản văn của Nguyễn Trương Quý”, Tạp chí Nhân lực HKXH, số 69, tháng 02 năm 2019. 162 TÀI LIỆU THAM KHẢO I. TIẾNG VIỆT 1. Hà Anh (2015), Ai sẽ chọn tản văn cho nghiệp viết?, 2. Lại Nguyên Ân (2004), 150 Thuật ngữ văn học, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội. 3. Trần Lê Bảo (2011), Giải mã văn hóa từ văn hóa học, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội. 4. Trần Lê Bảo (2016), Giải mã tác phẩm "Người đẹp say ngủ" của Y.Kawabata (Từ chủ đề cứu thế), 5. Ngọc Bi (2013), Nhìn thấu tâm tính người Việt qua tản văn, https://thanhnien.vn. 6. Phan Kế Bính (1970), Việt Hán văn khảo, Nxb Mặc Lâm. 7. Nguyễn Huy Bỉnh, Lê Thị Bích Hồng, Đỗ Thị Thu Huyền (2017), Y Phương - Sáng tạo văn chương từ nguồn cội, Nxb Hội nhà văn. 8. Lê Nguyên Cẩn (2014), Tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa, Nxb ĐHQG Hà Nội. 9. Phạm Tú Châu (1997), Giả bình Ao, nhà văn đặc sắc của Trung Quốc đương đại. Tạp chí VHNN, số 5/1997. 10. Nguyễn Linh Chi (CNĐT) (2018), Tiếp cận tiểu thuyết của James Joyce từ các bộ mã văn hóa Phương Tây, Đề tài KH&CN cấp Bộ, ĐHSP Hà Nội. 11. Chiupa V.I (2008), Chiến lược giao tiếp (Lã Nguyên dịch), 12. Chiupa V.I (2008), Thẩm quyền diễn ngôn, Lã Nguyên (dịch), 13. Phạm Vĩnh Cư (2012), M.Bakhtin với lý luận tiểu thuyết, 14. Đinh Trí Dũng - Lê Thanh Nga (2017), Cảm quan sinh thái trong tản văn của một số nhà văn Việt Nam đương đại, Kỉ yếu Hội thảo Quốc tế “Phê bình sinh thái - tiếng nói bản địa, 163 tiếng nói toàn cầu”, Nxb KHXH, Hà Nội. 15. Đinh Trí Dũng (Chủ biên), Ký Việt Nam đương đại, Nxb ĐH Vinh. 16. Nguyễn Đăng Điệp (chủ trì, 2010), Tuyển tập Ký- tản văn Thăng Long – Hà Nội (tập 1), Nxb Hà Nội. 17. Nguyễn Đăng Điệp (chủ trì, 2010), Tuyển tập Ký- tản văn Thăng Long – Hà Nội (tập 2), Nxb Hà Nội. 18. Nguyễn Đăng Điệp (chủ trì, 2010), Tuyển tập Ký- tản văn Thăng Long – Hà Nội (tập 3), Nxb Hà Nội. 19. Nguyễn Đăng Điệp (2014), Thơ mới từ góc nhìn sinh thái học văn hóa, 20. Lê Quang Đức (2016), Nguyễn Đình Tú: “Tạp tản văn không đại diện cho văn học trẻ”, https://zingnews.vn. 21. Nguyễn Mộng Giác (1999), “Giới thiệu tập tùy bút Đó đây của Trúc Chi”, Tạp chí Văn học, số 164. 22. Bùi Kỷ (1950), Quốc văn cụ thể, Nxb Mặc Lâm. 23. Thu Hà (2014), Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Đã là văn chương thì không có biên giới, https://www.sggp.org.vn. 24. Phi Hà (2019), Nguyễn Trương Quý với những câu chuyện về Hà Nội, https://vovworld.vn. 25. Nguyễn Việt Hà (2018), Tản văn Nguyễn Việt Hà: Phác thảo, https://nguoidothi.net.vn. 26. Nguyễn Thị Bích Hà (2008), Mã và mã văn hóa, 27. Nguyễn Thị Bích Hà (2014), Nghiên cứu Văn học dân gian từ mã văn hóa dân gian, Nxb 164 ĐHSP. 28. Lê Ngọc Hà (2015), Luận văn thạc sĩ, Đề tài đô thị hiện đại trong tản văn của các nhà văn Hà Nội (qua sáng tác của Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý..), ĐH Quốc Gia Hà Nội, Trường KHXH&NV. 29. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục. 30. Lê Thị Bích Hồng (2017), Nhà thơ viết phê bình, 31. Hoàng Ngọc Hiến (1999), Năm bài giảng về thể loại, Nxb Giáo dục. Hà Nội. 32. Đỗ Văn Hiểu (2016), Phê bình sinh thái – Cội nguồn và sự phát triển, 33. Phạm Huy (2019), Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Từ một kiến trúc sư đến một “thư viện sống” về Hà Nội, https://thethaovanhoa.vn. 34. Nguyễn Quang Huy (2012), “Thử dẫn vào nghiên cứu văn học từ góc nhìn cổ mẫu (arche’type)”, Tạp chí Sông Hương – Diễn đàn Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Thừa thiên Huế, số 281, tháng 7/2012. 35. Nguyễn Văn Huyên (2013), “Những vấn đề về văn hóa sinh thái hiện nay”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11 (72). 36. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2016), “Con giai phố cổ” của Nguyễn Việt Hà – Một góc nhìn thẳng về Hà Nội”, Tạp chí Khoa học ĐH Thủ Đô Hà Nội, số 5. 37. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2018), “Cao Huy Thuần – Người đánh thức lương tâm của thời đại”, Tạp chí Khoa học ĐH Thủ Đô Hà Nội, số 25. 165 38. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2018), “Nguyễn Quang Thiều: Làng quê là một cõi đi về”, Tạp chí Khoa học ĐH Thủ Đô Hà Nội, số 26. 39. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2019), “Hà Nội trong tản văn của Nguyễn Trương Quý”, Tạp chí Nhân lực HKXH, số 69. 40. Huy Huỳnh (2018), Tại sao hiếm thấy nhà văn Việt Nam thử mình với tiểu luận, https://www.nxbtre.com.vn. 41. Phạm Thành Hưng (2007), Thuật ngữ báo chí- truyền thông, Nxb ĐHQG HN. 42. Đoàn Lê Giang (2018), Lời tựa – tập đoản văn về văn chương, văn hóa, Ngày qua bóng ngày, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. 43. Nguyễn Bùi Khiêm (2018), Một số thuật ngữ báo chí, 44. Bùi Kỷ (1950), Quốc văn cụ thể, Nxb Tân Việt Ký, https://vi.wikipedia.org. 45. Ngô Thục Miên (2017), Tản văn tìm vị thế riêng, https://thoibaonganhang.vn. 46. Nguyễn Thị Ngọc Minh (2012), Ba cách tiếp cận khái niệm diễn ngôn, https://phebinhvanhoc.com.vn. 47. Nguyễn Thị Ngọc Minh (2016), Kí - những vấn đề đặc trưng thể loại, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, ĐHSP. 48. Lê Trà My (2008), Tản văn Việt Nam thế kỷ XX (từ cái nhìn thể loại), Luận án tiến sĩ Ngữ văn, ĐHSP. 49. Lê Trà My (2011), Tản văn hiện đại Việt Nam, Nxb Hải Phòng. 50. Lê Trà My (2014), Tản văn hiện đại Việt Nam – Lí thuyết và Lịch sử, Nxb ĐHQG HN. 51. Lê Trà My (2017), Thể loại tản văn trong các môi sinh văn hóa qua lịch sử một trăm năm, tạp chí Nghiên cứu văn học, số tháng 7/2017, tr 103 – 111. 52. Hoài Nam (2015), Tản văn từ một cái nhìn lướt, 166 53. Nguyễn Hồng Nga (2012), Tản văn – thể loại không dành cho người viết trẻ? 54. Thanh Nga (2018), Tản văn Mai Chiên trong dòng chảy tản văn của nhà văn nữ đương đại, 55. Phúc Nghệ (2016), Tản văn đang “hot”, 56. Lã Nguyên (2012), Vấn đề thể loại lời nói (phần 1), Lời dẫn, https://languyensp.wordpress.com. 57. Nguyễn Hoài Nguyên (2012), “Ngôn từ qua khẩu văn Nguyễn Quang Lập”, Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, Số 4 (18), tháng 7/2012. 58. Thành Nguyên (2015), Thời của tản văn, tạp bút, https://baokhanhhoa.vn. 59. Trần Thị Ánh Nguyệt (2018), Phê bình sinh thái – vài nét phác thảo, 60. Trần Hoàng Nhân (2006), Thời của tản văn, tạp bút, 61. Nhiều tác giả (2000), Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc (tập 2), Bùi Hữu Hồng dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội. 62. Vũ Nho (2018), Tản văn của một cây bút chuyên thể ký, 63. Vũ Nho (2019), Hà Nội trong tản văn của Đỗ Phấn, 64. Cao Thị Thùy Nhung (2015), Luận văn thạc sĩ, Đặc điểm tản văn, tạp văn của Nguyễn Vĩnh Nguyên, ĐH Vinh. 65. Đỗ Hải Ninh (2016), Ký trên hành trình đổi mới, Nghiên cứu VH, số 11/2016, tr.70- 80. 66. Hoàng Niềm (2017), Cảm xúc từ tản văn, https://baotuyenquang.com.vn. 67. Thụy Oanh (2016), Nguyễn Việt Hà- “gã giai phố cổ” nặng lòng với Hà Nội, https://zingnews.vn. 167 68. Thụy Oanh (2018), Mùa Hà Nội và những giọng văn mới, https://thoibaonganhang.vn. 69. Y Phương (2017), “Đi tìm thể tản văn”, Tạp chí Cửa Việt, số 270. 70. Việt Quỳnh (2010), Nguyễn Trương Quý: “Gu Hà Nội” đang là thiểu số, https://thethaovanhoa.vn. 71. Việt Quỳnh (2013), Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Đàn ông viết tạp văn, https://thethaovanhoa.vn. 72. Trần Đình Sử chủ biên (2008), Ký văn học, Lý luận văn học, tập 2, Nxb ĐH Sư phạm. 73. Trần Đình Sử (2012), Khái niệm diễn ngôn trong nghiên cứu văn học hôm nay, https://trandinhsu.wordpress.com. 74. Trần Đình Sử (2012) (dịch từ bản tiếng Nga, trong sách: Ju. M. Lotman. Bài báo chọn lọc, Tập I, Tallinn, 1992, tr.191-199), Biểu tượng trong hệ thống văn hóa, 75. Trần Đình Sử (2013), Con người cá nhân trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII, https://trandinhsu.wordpress.com. 76. Trần Đình Sử (2015), Khái niệm diễn ngôn, https://trandinhsu.wordpress.com. 77. Trần Đình Sử (2015), Phê bình sinh thái tinh thần trong nghiên cứu văn học hiện nay, https://trandinhsu.wordpress.com. 78. Trần Đình Sử (2013), Tản văn Việt Nam hiện đại – thể loại bị lãng quên, https://trandinhsu.wordpress.com. 79. Dương Tử Thành (2012), Nguyễn Trương Quý: Không có giới hạn cho tản văn, https://vnexpress.net. 80. Bích Thu (2015), Văn học Việt Nam hiện đại – Sáng tạo và tiếp nhận, Nxb Văn học. 81. Bích Thu (2015), Bản sắc văn hóa trong tản văn thời đổi mới và hội nhập, https://www.qdnd.vn. 82. Lê Thủy (2015), Tản văn: dễ viết, khó hay, 168 83. Đức Tiến (2018), Tản văn tình yêu: xuất bản nhiều nhưng thiếu chất lượng, 84. Lê Dục Tú (chủ biên, 2018), Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam từ năm 2000, Nxb Khoa học Xã hội. 85. Mai Anh Tuấn (2019), Thời của tản văn, 86. Hoàng Phủ Ngọc Tường (2005), Tôi viết nhàn đàm, 87. Anh Vân (2006), Mạc Can tạp bút, https://giaitri.vnexpress.net. 88. Dương Phương Vinh, Đỗ Hoàng Diệu (2013), Nguyễn Việt Hà – Con giai phố cổ, https://www.tienphong.vn 89. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2010), Chữ quốc ngữ, báo chí, công chúng và văn học Nam Bộ đầu thế kỉ XX, ĐH KHXH & NV Hồ Chí Minh, 90. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2009), Đi tìm cổ mẫu trong văn học Việt Nam, 91. Nguyễn Như Ý (chủ biên) (2001), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học bộ mới, Nxb Thế giới. 92. Nhiều tác giả (2000), Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc, tập 2, Bùi Hữu Hồng dịch, Nxb Thế giới. II. TIẾNG ANH 93. Michael Ferber (2010), A dictionary of Literary Symbols, Cambridge University Press, UK, p.1. 94. Mark O’Connell & Raje Airey (2009), Sign & Symbols, Hermes House, London, p.6. 95. M. H. Abrams (2012), Geoffrey Galt Harpham, A Glossary of Literary Terms, 10th 169 edition, Cengage Learning, USA, p.394. 96. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Dictionary of symbols, https://readisthe.best. 97. J.A.Cuddon (1991), The Penguin dictionary of literary Terms and Literary Theory (third edition), Published in Penguin Books in the USA by arrangament with Dobleday & Company, Inc. 98. Rahilya Geybullayeva (2012), Archetype in Literature and Cultures, Peter Lang, Internationaler Verlag der Wissenschaften, Frankfurt, p.13. 170 PHỤ LỤC (Các tập tản văn khảo sát trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI) 1. Phan An (2011), Quẩn quanh trong tổ, Nxb Thời đại. 2. Phan An (2013), Trời hôm ấy không có gì đặc biệt, Hxb Hội nhà văn. 3. Phan Thị Vàng Anh (2006), Nhân trường hợp chị thỏ bông, Nxb Hội nhà văn. 4. Phan Thị Vàng Anh (2011), Tạp văn Phan Thị Vàng Anh, Nxb Trẻ. 5. Phan Thị Vàng Anh (2016), Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa, Nxb Trẻ. 6. Nguyễn Nhật Ánh (2014), Người Quảng đi ăn mỳ Quảng, Nxb Trẻ. 7. Nguyễn Nhật Ánh (2014), Sương khói quê nhà, Nxb Trẻ. 8. Phạm Lữ Ân (2018), Nếu biết trăm năm là hữu hạn (tái bản), Nxb Hội Nhà văn. 9. Y Ban (2014), Người đàn bà và những giấc mơ, Nxb Thời đại. 10. Thích Đồng Bổn (2011), Phật giáo và những tản văn, Nxb Tôn giáo. 11. Trần Chiến (2014), A đây rồi Hà Nội 7 món, Nxb Hội nhà văn. 12. Lữ (2009), Tôi ươm ánh mặt trời, Nxb Trẻ. 13. Lữ (2016), Cái sân vuông và nơi thờ Phật, Nxb Trẻ. 14. Lữ (2017), Thiên thần của sự sống, Nxb Trẻ. 15. Hạ Dung (2016, tái bản), Sài Gòn mãi gọi nhau bằng cưng, Nxb Trẻ. 16. Hoàng Trọng Dũng (2014), Gạo, nước mắm, rau muống Câu chuyện ẩm thực Việt, Nxb Trẻ. 17. Trần Tiến Dũng (2018), Món ngon và gia vị cảm xúc, Nxb Thế giới. 18. Trần Tiến Dũng (2018), Không gian gia vị Sài Gòn, Nxb Lao động. 19. Nguyễn Thị Anh Đào (2019), Mùa đi trên những mái rêu, Nxb Kim Đồng. 20. Khải Đơn (2015), Đừng tháo xuống nụ cười, Nxb Thanh Niên. 21. Khải Đơn (2016), Sài Gòn – Thị thành hoang dại, Nxb Thanh Niên. 22. Khải Đơn (2017), Ta có bi quan không?, Nxb Thanh Niên. 23. Lê Giang (2012), Ừa, chỉ có vậy thôi, Nxb Trẻ 24. Lê Giang (2018), Bỏ qua rất uổng, Nxb Trẻ 25. Lê Vũ Trường Giang (2019), Căn cước xứ mưa, Nxb Kim Đồng 26. Nguyễn Ngọc Hà (2017), Sài Gòn đi và nhớ , (tập 1, 2), Nxb Văn học. 27. Nguyễn Ngọc Hà (2017), Sài Gòn tình yêu của tôi, Nxb Văn học. 171 28. Nguyễn Ngọc Hà (2017), Sài Gòn – Ký ức vượt thời gian, Nxb Văn học. 29. Nguyễn Ngọc Hà (2017), Nốt trầm Sư phạm, Nxb Tổng hợp TP. HCM. 30. Nguyễn Ngọc Hà (2018), Sài Gòn thương và nhớ, Nxb Văn học. 31. Lê Minh Hà (2015), Này bọn mình rất đẹp, Nxb Phụ nữ. 32. Lê Minh Hà (2015), Còn nhớ nhau không, Nxb Trẻ. 33. Lê Minh Hà (2016), Thương thế ngày xưa, Nxb Kim Đồng. 34. Lê Minh Hà (2018), Những triền xưa ai đi, Nxb Trẻ. 35. Nguyễn Việt Hà (2007), nhà văn thì chơi với ai, Nxb Văn học. 36. Nguyễn Việt Hà (tái bản, 2013), Đàn bà uống rượu, Nxb Trẻ. 37. Nguyễn Việt Hà (tái bản, 2015), Mặt của đàn ông, Nxb Trẻ. 38. Nguyễn Việt Hà (tái bản, 2017), Con giai phố cổ, Nxb Trẻ. 39. Việt Hà (2017), Đàn bà nước lọc, Nxb Lao động 40. Trang Hạ (2009), Đàn bà ba mươi, Nxb Văn học. 41. Trang Hạ (2012), Đàn ông không đọc Trang Hạ, Nxb Văn học 42. Trang Hạ (2012), Rãnh ngực và tiệc đêm, Nxb Thời Đại 43. Trang Hạ (2014), Tình nhân không bao giờ đòi cưới, Nxb Phụ Nữ 44. Trang Hạ (2017), Giang hồ chỉ vừa đủ xài, Nxb Trẻ. 45. Hoàng Hải Nguyễn (2016), Cuộc sống rất giống cuộc đời, Nxb Thế giới 46. Hoàng Hải Nguyễn (2020), Cuộc sống đếch giống cuộc đời, Nxb Người Trẻ Việt 47. Hoàng Việt Hằng (2013), Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng, Nxb Phụ nữ. 48. Hoàng Việt Hằng (2014), Tiêu gì cho thời gian để sống, Nxb Trẻ. 49. Hoàng Việt Hằng (2015), Bóng đổ nơi chân sóng, Nxb Quân đội. 50. Nguyễn Thị Hậu (2017), Nghĩ ngợi đường xa, Nxb VHVN TP Hồ Chí Minh. 51. Hiền Hòa (2016), Sài Gòn ve chai, Nxb Văn học 52. Lê Hoàng (2014), Sao trong mắt Lê Hoàng (tái bản), Nxb Hội nhà văn. 53. Hoài Hương (2020), Hà Nội hoa tình, Nxb Hội nhà văn. 54. Lê Giang (2012), Ừa chỉ có vậy thôi, Nxb Trẻ. 55. Lê Giang (2018), Bỏ qua rất uổng, Nxb Trẻ. 56. Lê Vũ Trường Giang (2019), Căn cước xứ mưa, Nxb Kim Đồng. 57. Thái Kim Lan (2019), Mai rồi mưa tạnh trong xuân, Nxb Kim Đồng. 172 58. Mai Lâm (2014), Từ xa Hà Nội, Nxb Văn học. 59. Mai Lâm (2015), Xa rồi ngày xanh, Nxb Văn học. 60. Mai Lâm (2016), Chỉ còn tuyết trắng, Nxb Văn học. 61. Mai Lâm (2017), Bồng bềnh như có thể, Nxb Văn học. 62. Mai Lâm (2018), Tên một giấc mơ, Nxb Văn học. 63. Nguyễn Quang Lập (2011), Chuyện đời vớ vẩn, Nxb Hội nhà văn 64. Nguyễn Quang Lập (2013), Kí ức vụn 2, Nxb Văn học. 65. Nguyễn Quang Lập (2014), Bạn văn 2, Nxb Hội nhà văn. 66. Nguyễn Quang Lập (2015, tái bản), Kí ức vụn 1, Nxb Văn học. 67. Nguyễn Quang Lập (2016, tái bản), Bạn văn 1, Nxb Hội nhà văn. 68. Việt Linh, Chuyện và truyện (2012), Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. 69. Trần Thùy Linh (2017), Sài Gòn những mùa yêu, Nxb Văn hóa văn nghệ. 70. Phạm Đức Lộc (2017), Mùa sương thương mẹ, Nxb Kim Đồng. 71. Nguyễn Hạnh Hà Mi (2019), Đi giữa mùa mây, Nxb Kim Đồng. 72. Hoàng Hồng – Minh (2014), Lòng người mênh mang (quyển 1), Nxb Văn học. 73. Hoàng Hồng – Minh (2015), Lòng người mênh mang (quyển 2), Nxb Lao động. 74. Hoàng Hồng – Minh (2020), Trò chuyện những người Huế thú vị, NXB Hội Nhà Văn. 75. Lưu Quang Minh, Trần Khánh Ngân (2017), Sài Gòn quán xá yêu thương, Nxb Văn học. 76. Dạ Ngân (2010), Gánh đàn bà, Nxb Thanh niên. 77. Dạ Ngân (2010), Phố của làng, Nxb Thanh niên. 78. Dạ Ngân (2015), Hoa ở trong lòng, Nxb Hội nhà văn. 79. Bích Ngân (2015), Ngày mới nhẹ nhàng, Nxb Trẻ. 80. Bích Ngân (2019), Tiếng gọi bến bờ, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. 81. Lê Văn Nghĩa (2018), Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, Nxb Trẻ. 82. Nguyễn Vĩnh Nguyên (2012) , Tản văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nxb Lao động. 83. Nguyễn Vĩnh Nguyên (2015), Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách, Nxb Trẻ. 84. Đinh Vũ Hoàng Nguyên (2014), Có một phố vừa đi qua phố, Nxb Hội Nhà Văn. 85. Bảo Ninh (2015), Tạp bút Bảo Ninh, Nxb Trẻ. 173 86. Đỗ Phấn (2013), Hà Nội thì không có tuyết, Nxb Trẻ. 87. Đỗ Phấn (2015), Ngồi lê đôi mách với Hà Nội, Nxb Trẻ. 88. Đỗ Phấn (2016), Ngẫm ngợi phố phường, Nxb Trẻ. 89. Đỗ Phấn (2018), Bâng quơ một thời Hà Nội, Nxb Trẻ. 90. Đỗ Phấn (2018), Đi chơi Bờ Hồ, Nxb Trẻ. 91. Huỳnh Như Phương (2018), Thành phố - Những thước phim quay chậm, Nxb Trẻ. 92. Y Phương (2009) , Tháng giêng- Tháng giêng một vòng dao quắm, Nxb Phụ nữ. 93. Y Phương (2010), Kungfu người Co Xàu, Nxb Phụ nữ. 94. Y Phương (2016), Fừn Nèn – Củi tết, Nxb Phụ nữ. 95. Nguyễn Duy Quyền (2016), Quên được cứ quên, Nxb Văn hóa – Văn nghệ. 96. Nguyễn Duy Quyền (2017), Sài Gòn trong Sài Gòn, Nxb Văn hóa- Văn nghệ. 97. Lê Minh Quốc (2015), Ngày trong nếp ngày, Nxb Hội nhà văn. 98. Lê Minh Quốc (2017), Ngày đi trên chữ, Nxb Hội nhà văn. 99. Lê Minh Quốc (2018), Người Quảng Nam, Nxb Trẻ. 100. Lê Minh Quốc (2018), Mẹ đã đi chợ về, Nxb. Trẻ. 101. Nguyễn Trương Quý (2004), Tự nhiên như người Hà Nội, Nxb Trẻ. 102. Nguyễn Trương Quý (2012), Xe máy tiếu ngạo, Nxb Trẻ. 103. Nguyễn Trương Quý (2012), Hà Nội là Hà Nội, Nxb Trẻ. 104. Nguyễn Trương Quý (2013), Ăn phở rất thấy khó ngon, Nxb Trẻ. 105. Nguyễn Trương Quý(2013), Còn ai hát về Hà Nội, Nxb Trẻ. 106. Nguyễn Trương Quý (2015), Mỗi góc phố một người đang sống, Nxb Trẻ. 107. Băng Sơn (2001), Trời đang mưa, Nxb Thanh Niên. 108. Băng Sơn (2005), Nhịp sống Hà Nội, Nxb Văn hóa thông tin. 109. Băng Sơn (2013), Hà Nội rong ruổi quẩn quanh, Nxb Kim Đồng. 110. Băng Sơn (2014, tái bản), Người Việt Từ nhà ra đường, Nxb Thanh niên. 111. Băng Sơn (2017, tái bản), Thú lang thang người Hà Nội, Nxb Hà Nội. 112. Băng Sơn (2017, tái bản), Thú ăn chơi người Hà Nội 1, Nxb Hà Nội. 113. Băng Sơn (2017, tái bản), Thú ăn chơi người Hà Nội 2, Nxb Hà Nội. 114. Đặng Thiên Sơn (2014), Đường về xa lắm, Nxb Văn học. 115. Đặng Thiên Sơn (2016), Ngồi chơi với phố, Nxb Hội nhà văn. 174 116. Vũ Thế Thành (2016), Những thằng già ngồi nhớ Mẹ, Nxb Hội Nhà văn. 117. Đỗ Xuân Thảo (2017), Giữa đôi bờ thương nhớ, Nxb Lao động. 118. Đỗ Xuân Thảo (2017), Hoa vàng dọc bờ suối, Nxb Lao động. 119. Nguyễn Quang Thiều (2012), Có một kẻ rời bỏ thành phố, Nxb Hội nhà văn. 120. Nguyễn Quang Thiều (2017), Mùi của ký ức, Nxb Trẻ. 121. Dương Thụ (2010), Cà phêMưa, Nxb Hội nhà văn. 122. Cao Huy Thuần (2012), Chuyện trò, Nxb Trẻ. 123. Cao Huy Thuần (2015), Sợi tơ nhện, Nxb Trẻ. 124. Cao Huy Thuần (2018), Người khuân đá, Nxb Trẻ. 125. Đỗ Bích Thúy (2011), Trên căn gác áp mái, Nxb Phụ nữ. 126. Đỗ Bích Thúy (2013), Đến độ hoa vàng, Nxb Văn học. 127. Đỗ Bích Thúy (2018), Tôi đã trở về trên núi cao, Nxb Hội Nhà văn. 128. Mạc Thụy, Ubee Hoàng (2015), Sài Gòn vẫn hát, Nxb Lao động. 129. Trần Nhã Thụy (2000), Gối đầu trên mây, Nxb Trẻ. 130. Trần Nhã Thụy (2010), Cuộc đời vui quá, không buồn được, Nxb Phụ nữ. 131. Trần Nhã Thụy (2012), Mùi, Nxb Hội Nhà văn. 132. Trần Nhã Thụy (2014), Triều cường, chân ngắn và rau sạch, Nxb Trẻ. 133. Nguyễn Ngọc Tiến (2012), Đi dọc Hà Nội, Nxb Thời đại. 134. Nguyễn Ngọc Tiến (2012), Đi ngang Hà Nội, Nxb Văn học. 135. Nguyễn Ngọc Tiến (2015), Đi xuyên Hà Nội, Nxb Trẻ. 136. Nguyễn Ngọc Tiến (2015), 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Nxb Trẻ. 137. Phạm Ngọc Tiến (2018), Phố Phở phố có nhà to, Nxb Trẻ. 138. Trác Thúy Miêu (2019), Vọng Sài Gòn, Nxb Hội nhà văn. 139. Trần Đức Tiến (2015), Thả hi vọng, Nxb Trẻ. 140. Trần Đức Tiến (2018), Chờ bay, Nxb Trẻ. 141. Nguyễn Ngọc Tư (2008), Biển của mỗi người, Nxb Văn hóa Sài Gòn. 142. Nguyễn Ngọc Tư (2009), Ngày mai của những ngày mai, Nxb Trẻ. 143. Nguyễn Ngọc Tư (2014), Yêu người ngóng núi, Nxb Trẻ. 144. Nguyễn Ngọc Tư (20145), Đong tấm lòng, Nxb Trẻ 145. Nguyễn Ngọc Tư (2016), Bánh trái mùa xưa, Nxb Hội Nhà văn. 175 146. Nguyễn Ngọc Tư (2017, tái bản lần 16), Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư, Nxb Trẻ. 147. Nguyễn Ngọc Tư (2017), Gáy người thì lạnh, Nxb Trẻ. 148. Nguyễn Ngọc Tư (2019), Hành lý hư vô, Nxb Trẻ. 149. Ngô Kế Tựu (2017), Nhớ sao xe cộ Sài Gòn, Nxb Văn hóa – Văn nghệ. 150. Ngô Kế Tựu (2017), Sài Gòn còn chút gì để nhớ, Nxb Văn hóa - Văn Nghệ. 151. Vũ Thị Huyền Trang (2018), Bình yên bên mẹ, Nxb Kim Đồng. 152. Uông Triều (2018), Hà Nội quán xá phố phường , Nxb Văn học. 153. Nguyễn Quốc Vương (2018), Mùi của cố hương, Nxb Phụ nữ. 154. Ngữ Yên (2017), Sài Gòn chở cơm đi ăn phở, Nxb Tổng hợp TP.HCM. 155. Ngữ Yên (2017), Sài Gòn, ồ bỗng ngon ghê, Nxb Tổng hợp TP.HCM. 156. Nhiều tác giả (2011), Sài Gòn tản văn: Sài Gòn sau màn bụi, Hẻm thông ra thế giới, Ngon vì nhớ, Nxb Hội nhà văn và Phương Nam book. 157. Nhiều tác giả (2011), Tuyển tập tạp văn trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thiên thần đã về trời, Nxb Tổng hợp TP.HCM. 158. Nhiều tác giả (2012), Hà Nội tản văn, Làng- Ngõ, vỉa hè, Nxb Hội Nhà văn 159. Nhiều tác giả (2012), Hà Nội tản văn, Hàng rong phố cổ, Nxb Hội Nhà văn 160. Nhiều tác giả (2012), Huế tản văn, Mộng mơ và ăn cay nói nặng, Nxb Hội nhà văn. 161. Nhiều tác giả (2016), Huế tản văn, Áo bay khép mở nhiều tâm sự, Nxb Phụ nữ. 162. Nhiều tác giả (2017), Phố chất đầy năm tháng, Nxb Văn hóa- Văn nghệ TP. HCM 163. Nhiều tác giả (2018), Nơi ta đã qua, người ta đã gặp, Nxb Hội Nhà văn.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfluan_an_tan_van_viet_nam_dau_the_ky_xxi_tu_goc_nhin_the_loai.pdf
  • pdfTrichyeu_NguyenThiThanhHuyen.pdf
Tài liệu liên quan