Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng hoa lan Hoàng Thảo lai Dendrobium hybrid

1. Mở đầu 1.1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu Hoa là một sản phẩm đặc biệt, vẻ đẹp của hoa luôn là nguồn cảm xúc, món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Nghệ thuật chơi hoa là một thú chơi tao nhã, đem lại vẻ đẹp cho nhân loại. Cùng với sự phát triển của thời đại, nhu cầu thưởng thức hoa ngày càng được nâng cao, vì thế ngành trồng hoa đã và đang phát triển mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Theo Trung tâm phát triển xuất khẩu của Liên Hợp Quốc thì tổng kim ngạch hoa

doc119 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2454 | Lượt tải: 2download
Tóm tắt tài liệu Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng hoa lan Hoàng Thảo lai Dendrobium hybrid, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
tươi xuất khẩu hàng năm khoảng 25 tỷ USD, những năm đầu của thế kỷ 21 ước chừng đạt 40 tỷ USD [17],[39]. Trong thế giới các loài hoa, hoa lan được ưa chuộng hơn cả, là loài “kỳ hoa dị thảo”: cấu hình lạ, màu sắc đẹp, độ bền hoa cao, có thể nói nó được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho đỉnh cao của sự hoàn mỹ về hương sắc. Ngoài giá trị tinh thần thẩm mỹ, hoa lan còn có ý nghĩa lớn trong nền kinh tế quốc dân. Loài hoa này từ lâu đã được con người thuần hoá, sưu tầm, nhập nội, thuần dưỡng các giống ngoại và lai tạo để tạo ra hàng nghìn giống có màu sắc và hương thơm như ý muốn phục vụ nhu cầu của con người. Trồng và kinh doanh hoa lan trên thế giới đã phát triển một cách mạnh mẽ và đã trở thành một ngành hàng thương mại. Có nhiều nước thành công với công nghệ trồng hoa lan xuất khẩu như Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc… Thái Lan là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu lan, đạt 110 triệu USD trong năm 2003. Hàng năm Thái Lan sản xuất tới 31,6 triệu cây con trong đó Dendrobium chiếm 80%, Mokara và Oncidium chiếm 5% các giống hoa lan cắt cành [25]. Việt Nam có hàng trăm loài lan được trồng rộng rãi trên khắp đất nước, thú chơi hoa lan đã trở thành thông dụng và có điều kiện hơn. Số người chơi và yêu chuộng hoa lan ngày càng tăng, hay nói cách khác là nhu cầu sử dụng các chủng loại hoa lan đã và đang tăng lên. Đặc biệt có thể coi hoa lan như một loại cây quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp đô thị và ven đô. Một số loại lan nhập nội đã nhanh chóng khẳng định ưu thế của nó và được phát triển với quy mô đáng kể, trong số đó phải kể đến lan Hoàng Thảo lai (Dedrobium hybrid). Lan Hoàng Thảo lai hấp dẫn người tiêu dùng bởi màu sắc và độ bền hoa, dễ trồng và đặc biệt có giá trị kinh tế cao cho thu nhập lớn với ngành trồng hoa trong nước. Song song với việc sưu tập, nhập nội nhân nhanh các giống lan Hoàng Thảo lai (Dendrobium hybrid) thì việc nghiên cứu, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật để tạo điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng lan là thực sự cần thiết. Đồng thời cần nhân rộng các mô hình trồng lan Hoàng Thảo lai (Dendrobium hybrid) tại miền Bắc Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Xuất phát từ yêu cầu thực tế khách quan đó và để góp phần phát triển ngành nuôi trồng lan Hoàng Thảo lai có hiệu quả nhất ở miền Bắc Việt Nam, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “ Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng hoa lan Hoàng Thảo lai Dendrobium hybrid”. 1.2. Mục đích và yêu cầu 1.2.1. Mục đích - Xác định được một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây hoa lan Hoàng Thảo lai, liên quan đến các giải pháp kỹ thuật chủ yếu làm tăng năng suất và chất lượng hoa lan Hoàng Thảo lai. - Bước đầu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất hoa lan Hoàng Thảo lai thương mại ở miền Bắc Việt Nam. 1.2.2. Yêu cầu - Nghiên cứu khả năng sinh trưởng phát triển, năng suất và chất lượng 4 giống lan Hoàng Thảo lai nhập nội từ Thái Lan trong điều kiện vùng đồng bằng sông Hồng. - Xác định được ảnh hưởng của một số điều kiện môi trường sinh thái cơ bản (nhiệt độ, ánh sáng, phân bón) ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng của lan Hoàng Thảo lai. 1.3. ý nghĩa khoa học và thực tiễn 1.3.1. ý nghĩa khoa học - Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ bổ sung thêm những hiểu biết về các đặc tính nông sinh học của một số giống lan Hoàng Thảo trong điều kiện sinh thái miền Bắc Việt Nam. Đồng thời đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của 4 giống lan Hoàng Thảo lai nhập từ Thái Lan tại vùng đồng bằng sông Hồng. Từ đó xác định được mức độ ảnh hưởng của điều kiện môi trường đến sự sinh trưởng và phát triển của lan Hoàng Thảo lai .Đưa ra các biện pháp kỹ thuật tác động phù hợp tạo điều kiện cho sự phát triển của lan Hoàng Thảo lai ở miền Bắc Việt Nam. - Đề tài đóng góp thêm tư liệu tham khảo trong công tác chọn giống, nhân giống, xây dựng các quy trình sản xuất lan Hoàng Thảo lai ở nước ta. - Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ bổ sung thêm tài liệu khoa học phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học về cây hoa lan. 1.3.2. ý nghĩa thực tiễn - Toàn bộ kết quả nghiên cứu của đề tài được vận dụng vào thực tiễn trồng lan Hoàng Thảo lai, phục vụ thiết thực cho ngành sản xuất hoa lan ở miền Bắc Việt Nam. 2. Tổng quan tài liệu 2.1. Nguồn gốc lịch sử, vị trí phân bố, phân loại, và đặc điểm thực vật học của cây hoa lan 2.1.1. Nguồn gốc lịch sử Họ lan phong phú và đa dạng: Có cây sống dưới mặt đất, và nở hoa trên mặt đất, có loại lại sống được tại những vùng cao nguyên của dãy Himalaya. Hoa lan có thể tìm thấy tại các vùng có khí hậu nhiệt đới như các vùng rừng già của Brazil, hay đến các vùng có tuyết phủ trong mùa đông như trên bình nguyên của Manitoba, Canada. Hoa lan có loại lại mọc trên đất, có loại lại mọc trên cao và có cả loại mọc trên đá [43]. Trên thế giới, cây hoa lan được biết đến đầu tiên ở Phương Đông: Khổng Tử (551-479 trước công nguyên).Theo tác giả Bretchacidor thì từ đời vua Thần Nông 2800 trước công nguyên ở Trung Quốc, loài lan rừng đã được dùng làm thuốc chữa bệnh. Sau đó vì có vẻ đẹp và hương thơm kết hợp với công dụng chữa bệnh thần kỳ của nó, những loài hoa này đã có mặt tại châu âu, nơi những loài lan đã được cấy trồng từ thời văn minh cổ Địa Trung Hải [10],[31]. Những nhà sáng lập ngành lan học phải kể đến triết gia người Hy Lạp Theophastus (372-287 trước công nguyên) ông là người đầu tiên dùng từ Orchis trong tác phẩm “ Nghiên cứu về thực vật” để chỉ một loại lan và sau này là nhà thực vật học người Thuỵ Điển Linnaeus (1707-1778) [10],[31]. Robut Bron (1773-1858) là người đầu tiên phát hiện rõ ràng giữa họ lan và các họ khác [10]. Người đặt nền tảng cho môn học hoa lan chính là Joan Lindle (1799-1865). Năm 1836 ông đã công bố tài liệu (A Tabuler View of the Tribes of Orchidar) để sắp xếp cây và chi họ lan. Tên của những họ lan do ông đặt được dùng cho tới ngày hôm nay [10]. ở Việt Nam, người đầu tiên khảo sát về cây hoa lan là Giolas Noureio – Nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, ông đã mô tả cây lan ở Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1789 trong cuốn “Flora cockin ckinensis”, và sau đó đã được Bentham và Hoocker ghi lại trong “Genera Plantarum” (1862-1883) [8],[34]. Chỉ sau khi người Pháp đến Việt Nam mới có công trình được công bố, đáng kể là F.Gagnepain và A. Guillaumin mô tả 101 giống gồm 750 loài lan cho cả 3 nước Đông Dương trong bộ” Thực vật chí Đông Dương” do H. Lecomte chủ biên ở quyển 6, xuất bản từ năm 1932-1934. Về sau này có Phạm Hoàng Hộ (1993) đã nghiên cứu được 653 loài [13]. Gần đây nhất giáo sư Leonid Averyanov (người Nga) và các giáo sư Nguyễn Tiến Hiệp, Phan Kế Lộc, Dương Đức Huyền đã lần lượt công bố các tài liệu về hoa lan trên tờ nguyệt san Orchids của hội hoa lan Hoa Kỳ. Theo đó 4 loài lan ở Việt Nam chưa được biết đến là Paphiopladilum helenae, Renamthera citrina, Paphiopedilum hiepii và Vanda bidupensis đã được khám phá[12]. 2.1.2. Vị trí phân bố Cây hoa lan có mặt ở hầu hết các đới khí hậu trên trái đất, từ miền gió tuyết đến sa mạc nóng bỏng khô cằn, từ miền núi cao rừng thẳm đến đồng cỏ miền Bình Nguyên và ngay cả những vùng sình lầy cũng có lan. Tuy nhiên có khoảng 4/5 tập trung ở vùng nhiệt đới, vùng hàn đới và ôn đới có những loài như Cypripedilum Calceolus. Vùng nhiệt đới có nhiều loài lan tập trung ở Nam Mỹ, Trung Mỹ. Các nước như Costa rica, Venezuela, Colombia có các giống như Cattleya, Odontoglossum, Miltonia. Khu vực châu á như Thái Lan, Lào, Campuchia có Denbrobium, Vanda, Phalaenopsis, Archnis, Renanthera… vô cùng phong phú và đa dạng [34]. Theo FG. Broger (1971) vùng trung sinh Bắc bán cầu có 75 chi và 900 loài, Bắc Mỹ có 170 loài. Vùng trung sinh Nam bán cầu có 40 chi và 500 loài. Toàn châu Âu có 120 loài, Bắc Mỹ có 170 loài. Vùng nhiệt đới châu á có 250 chi và 6800 loài, trong đó chi Denbrobium có 1400 loài, chi Coelogyne có 200 loài, chi Palaenopsis có 35 loài, chi Vanda có 60 loài. Vùng nhiệt đới châu Mỹ có 306 chi và 8266 loài. Trên thế giới có một số nước tập trung nhiều loài lan như Colombia có 1300 loài, Tân Ghinê có 1450 loài [14]. Theo kết quả khảo sát sơ bộ ở Việt Nam chi Denbrobium có khoảng 107 loài [ 40]. Paphipedium có 25 loài, Aerides có 5 loài, chi Cymbidium có 20 loài và chi Phalaenopsis có 7- 8 loài [28]. 2.1.3. Phân loại hoa lan Cây hoa lan thuộc họ lan (Orchidaceae) ở trong lớp đơn tử diệp, một lá mầm (Monocotyledonea) thuộc ngành Ngọc Lan – thực vật hạt kín Magnoliophyta, phân lớp hành tỏi Lilidae, bộ lan Orchidales [2],[3],[5],[11],[53]. Họ Orchideceae là một trong những những họ lớn nhất của thực vật và có các thành viên phân bố trên thế giới, ngoại trừ châu Nam Cực. Theo các tác giả Phạm Hoàng Hộ (1973) và Trần Hợp (1990) thì sự phân chia họ lan khá phức tạp. Theo truyền thống cổ điển, các nhà khoa học trước đây như A.L Takhtajan (1980) [14], họ lan gồm cả họ Apostasicideae và họ Cypripedicideae chia thành 3 họ phụ khá minh bạch: Orchidadeae Cypripedicideae Apostasicideae Trong đó họ phụ lan (Orchidadeae) là phức tạp nhất, có nhiều giống và nhiều loại nhất, hai họ phụ còn lại, mỗi loại chỉ có một tông [14]. Gần đây, do phân tích hoa một cách đầy đủ hơn và đi sâu vào đặc tính di truyền , các nhà khoa học đã phân chia họ lan thành 6 họ phụ: Apostasicideae Cypripedicideae Neottioideae Orchidadeae Vandoideae Epidendroi deae Cả sáu họ phụ này đều phổ biến rộng rãi trên trái đất. Họ lan của Việt Nam cũng rất phong phú và đa dạng, theo thống kê sơ bộ có 140 chi, trên 800 loài. Như vậy họ lan trở thành loài phong phú và đặc sắc của hệ thực vật Việt Nam. Họ lan là một trong những họ thực vật lớn nhất, có nhiều giá trị sử dụng cho nền kinh tế quốc dân của Việt Nam. Chi lan Hoàng thảo (Dendrobium) là một chi lan lớn nhất trong họ lan. Chi lan này đa dạng và phong phú có hơn 1000 loài xuất sứ từ ấn Độ đến á châu, Hàn Quốc rồi Nhật Bản xuống tới châu úc, nhưng nhiều nhất vẫn là khu vực Đông Nam á [42]. Số lượng các loài Hoàng Thảo Việt Nam được ghi nhận là 107 loài [40]. Gần đây nhiều loài Hoàng Thảo mới được phát hiện và mô tả. Các loài Hoàng Thảo có mặt ở tất cả các vùng sinh thái trong cả nước. Nhiều loài Hoàng Thảo dễ trồng chủ yếu là từ các vùng núi thấp hay núi cao trung bình. Lan Hoàng Thảo được chia thành các nhóm chính như sau:[42] - Nhóm thứ nhất: có đặc điểm là lá xanh quanh năm và hoa thường mọc ở gần ngọn như Dendrobium Antennatum, Dendrobium Phalaenopsis... - Nhóm thứ hai thì lá thường rụng vào mùa đông và hoa thường mọc ở gần đốt trên thân cây như Dendrobium Anosmum, Dendrobium Wardianum... - Nhóm thứ ba hay còn gọi là nhóm Callista khi ra hoa thì hoa rủ xuống phía dưới như Dendrobium Chrysotoxum, Dendrobium Farmeri... - Nhóm thứ tư là nhóm Latoura với chùm hoa mọc thẳng đứng như Dendrobium Atroviolaceum, Dendrobium Spectabile... - Nhóm thứ năm là nhóm Formosae có đặc điểm là trên thân và lá có lông màu đen và hoa thường màu trắng như Dendrobium Draconis, Dendrobium Formosum... 2.1.4. Đặc điểm thực vật học của cây hoa lan Họ lan (Orchidadeae) là họ phong phú, đa dạng và phức tạp, mọc ở nhiều môi trường khác nhau và được chia làm 4 loại như sau: Epiphytes: Phong lan bám vào cành hay thân cây Teretrials: Địa lan mọc dưới đất Lithophytes: Thạch lan mọc ở kẽ đá Saprophytes: Hoại lan mọc trên lớp rêu hoặc gỗ mục. Căn cứ vào cấu trúc Pfitzer sắp xếp đa số lan tập trung vào hai nhóm: nhóm đa thân (Sympodial) và nhóm đơn thân (Monopodial). Ngoài ra còn có một số giống rất ít thuộc nhóm trung gian [10],[14]. - Rễ lan: ở nhóm lan đa thân, rễ thường được hình thành từ căn hành, nhóm đơn thân thì rễ mọc thẳng từ thân và thường xen kẽ với lá. Rễ trên không của các loài lan phụ sinh có một trục chính bao quanh bởi mô không chặt, mô xốp bao quanh gọi là mạc (Velamen), các tế bào khi khô chỉ chứa không khí. Khi sống ở đất, chúng thường có củ giả, rễ to mập tương đối ít phân nhánh, nó thuộc tổ chức có chất thịt. Cấu tạo của rễ lan chia làm 3 tầng: Tầng ngoài, tầng giữa và tầng trong. Tầng ngoài là lớp vở rễ, tác dụng chủ yếu là hút và giữ nước. Tầng giữa là thịt rễ, phần lớn là tổ chức tế bào sống, chứa rất nhiều nấm rễ cộng sinh. Tầng trong là gân rễ có sự liên kết tương đối dẻo dai. Khi sống bám vào cành hoặc thân cây, bề mặt của rễ có phủ lớp mạc làm nhiệm vụ hút và giữ nước rất tốt vì vậy lan là giống chịu hạn tương đối tốt. Rễ của chúng thường chui ra khỏi chậu nuôi trồng không ưa ẩm ướt và thích không khí thoáng. Đầu rễ luôn có màu xanh của diệp lục dùng quang hợp như lá nên chúng không trốn ánh sáng như ở nhóm lá sống dưới đất. ở các loại lan này, hệ rễ khí sinh phát triển rất phong phú, mọc dài to và khoẻ để giữ cho cây khỏi bị gió làm lung lay, vừa làm cột chống đỡ cho thân vươn cao. Nhiều loài lan lại có bộ rễ đan thành búi chằng chịt, là nơi thu gom mùn làm nguồn dự trữ dinh dưỡng cho cây.Trong nhóm đơn thân bộ rễ có thể buông thõng xuống theo các đoạn thân, chúng mảnh mai treo lơ lửng trong không khí như các “chùm râu”, hoặc mập khoẻ, kéo dài xuống tận đất và hoạt động như rễ của các loài cây khác. Đặc biệt ở một số loài lan sống hoại sinh bộ rễ có hình dạng, cấu trúc khá độc đáo, rễ có dạng búi nhỏ với nhiều vòi hút ngắn, dày đặc có thể lấy được chất dinh dưỡng từ đám xác thực vật, rêu, lá mục thông qua hoạt động của nấm. Mặc dù sự “cộng sinh” với nấm nội sinh là đặc điểm cơ bản của họ lan trong giai đoạn nảy mầm, nhưng có một số loài tồn tại mối quan hệ này trong suốt quá trình sống. Do cây lan không sinh ra các cơ quan tự dưỡng nên phải nhờ vào sự giúp đỡ của nấm [26]. Tuy nhiên có một số loài tuy sống hoại nhưng cây có thể dài hàng vài chục mét và có khả năng bò lên cao. Có một số loài khác lại nằm sâu trong lòng đất như Rhilanthella, Gardneri... cơ thể chỉ là một thân nhỏ, không rễ, không lá, đến mùa sinh ra một cụm hoa, chúng sống dựa vào sự hoạt động của nấm và gốc mục của những cây thân gỗ khác. - Căn hành (thân- rễ) căn hành chỉ gặp ở lan đa thân, trừ một số ít bị thu nhỏ rất nhiều ở lan trung gian (Pseudomonopodial). Căn hành thực sự là thân cấp một (thân chính) từ đó có những thân cấp hai. Chúng có thể dài ra và mang lá gọi là thân, hoặc bị thu ngắn tương đối và dày lên thành giả hành có nhiều dạng và kích thước khác nhau. Dạng căn hành thay đổi theo chi và loài. ở nhiều chi, Dendrobium, Oncidium, Brassia thì căn hành rút ngắn không nhận ra được. Còn các chi Bullophyllum, Coelogyne căn hành lại rất dài. Căn hành là nơi cấu tạo và sinh ra các cơ quan dinh dưỡng mới, trên căn hành có nhiều mắt (mắt sinh trưởng và mắt ngủ). Tại nơi giả hành tiếp xúc với căn hành có từ một đến hai mắt. Mắt được hình thành có rất nhiều rễ để nuôi sống cây lan [26]. - Thân lan : +Nhóm đa thân (Sympodial): gồm các chi Cattleya, Dendrobium, Cymbidium...Những cây trong nhóm này thường không sinh trưởng liên tục mà có thời gian nghỉ. Căn cứ vào thời gian ra hoa, chia làm hai nhóm phụ: + Nhóm ra hoa bên nách lá như các chi: Dendrobium, Oncidium, Phaius... + Nhóm ra hoa ở đỉnh như các chi: Cattleya, Laelia... + Nhóm đơn thân (Monopodial) : gồm các giống Vanda, Phailaenopsis, Rhynchostylis... cây thuộc nhóm này tăng trưởng theo chiều cao và chia thành hai nhóm phụ: + Nhóm lá mọc đối (Sareathirae) như Phalaenosis... + Nhóm lá dẹp phẳng hay tròn (Campylocentrinae) như một số loại thuộc chi: Vanda, Luisia... Ngoài các giống lan thuộc nhóm đơn thân và đa thân thì còn có một số giống trung gian giữa hai nhóm trên như giống Pachyphyllurn... Chiều cao thân của lan cũng thường biến động rất lớn từ 10-20cm, như với các loài Ascocentrum miniatum, Aecides multiflora và có thể cao 3- 4m như các loài Papilionantheteres. Archinis hoặc khổng lồ như A campe, A. vanilla... Thân thường mang rễ và lá. ở nhóm đơn thân rễ và lá thường mọc theo hai chiều thẳng góc với nhau. Cành hoa cũng xuất hiện trên thân từ các nách lá, cành hoa thường mọc song song với lá và thẳng góc với rễ. - Giả hành (thân giả) ở lan thuộc nhóm đa thân có nhiều đoạn phình lớn tạo củ giả - giả hành. Nó là một bộ phận rất cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của lan, dùng dự trữ nước và chất dinh dưỡng để nuôi cây trong điều kiện khô hạn khi sống bám trên cao. Giả hành tuy là thân giả nhưng lại chứa diệp lục, cùng với lá, rễ nó cũng làm nhiệm vụ quang hợp. Hình dáng của giả hành cũng rất đa dạng: chúng có hình thoi như chi Cattleya, Labiata... hình trụ như chi Cattleya guttata... hình chóp như chi Cymbidium. Kích thước của giả hành cũng biến động khác nhau: Loại khổng lồ như giống Grammatophyllurn, Specisoum chiều dài lớn hơn 7,5 m. Nhưng cũng có những loại rất bé gần như tiêu giảm giả hành như giống Bullbrophyllum minutiss. Giả hành có cấu tạo: gồm nhiều mô mềm chứa đầy dịch nhầy, phía ngoài có lớp biểu bì sát với vách tế bào nhẵn bóng bảo vệ để tránh sự mất nước do hơi nóng mặt trời. - Lá lan: lá của lan là lá đơn nguyên, dầy cứng hay cũng có dạng mềm có gân ở giữa nổi rõ, có loài lá biến đổi thành vẩy hoặc tiêu biến hoàn toàn. Lá mọc đơn độc hoặc xếp dày đặc ở gốc, hay xếp cách đều đặn trên thân, củ giả... Hình dạng lá thay đổi rất nhiều, từ loại lá mọng nước, nạc, dài hình kim, hình trụ dài, tiết diện dài hay có rãnh đến loại lá hình phiến mỏng, dài màu xanh bóng đậm hay nhạt tuỳ theo vị trí sống của cây. Đặc biệt rất hiếm loại lá hình tròn thuôn dài thành bẹ ôm lấy thân [20]. Phiến lá trải rộng hay gấp lại theo các gân vòng cung. Về màu sắc, phiến lá thường có màu xanh biếc hoặc xanh thẫm, nhưng đôi khi hai mặt lá có màu khác nhau, thường mặt dưới có màu xanh đậm hay tía, mặt trên lá có màu sắc khác. Nhiều loại lan có lá màu hồng và nổi lên các đường vẽ trắng theo các gân rất đẹp. Có những loại lan đến mùa khô lá rụng hết, thân cây trơ trụi như cây đã chết (còn các chồi mắt) khi gặp độ ẩm thích hợp của môi trường thì lại đâm chồi và ra lá xanh tươi như giống lan Clanthevest. Loại lan chỉ rụng lá một phần và vẫn tươi tốt như lan hài (Paphiopedilum), địa lan (Cymbidium). Một số loài lan sống trong đất có chu kỳ sống đặc biệt, xen mùa lá với mùa hoa. Khi cây ra hoa toàn bộ lá đều chết khô, khi hoa tàn giả hành sẽ cho chồi lá mới... - Hoa lan: Tất cả hoa lan có cấu tạo chủ yếu gồm 3 bộ phận: 3 lá đài, 3 cánh hoa (một cánh biến thái thành môi) và một trụ mang hoa. Hoa lan có cấu trúc cơ bản của hoa mẫu 3, kiểu hoa đặc trưng của cây một lá mầm, nhưng đã biến đổi rất nhiều để có cấu trúc đối xứng qua một mặt phẳng. Đa số các loài lan đều nở rộ nhiều hoa tập hợp thành chùm (đôi khi phân nhánh thành chuỳ), phân bố ở đỉnh thân hay nách lá, gốc cuống chính thường có lá bắc dạng vẩy hay dạng mo. Cuống chính đôi khi rút ngắn lại làm cụm hoa có dạng tán giả, hay cuống chính lại vừa ngắn, vừa mập làm cụm hoa có dạng gần như hình đầu. Có nhiều loài hoa có cuống rất ngắn nên chùm hoa có dạng bông hay cuống chính vặn xoắn để hoa xếp theo đường xoắn ốc. Hoa lan thuộc hoa lưỡng tính rất hiếm gặp loài đơn tính, bao hoa có dạng cánh xếp thành hai vòng [1],[4]. Hoa lan có 3 cánh đài, thường có cùng màu sắc và kích thước. Tuy nhiên các loài lan khác nhau thì cánh đài có hình dạng biến đổi rất khác nhau. Dạng hình tròn như các giống Vanda, Ascocentrum, nhọn như Cattleya, xoắn như các loài thuộc giống Laelia. Có khi hai lá đài thấp nằm ở hai bên dính lại thành một như chi Oncidium, và đặc biệt ba lá đài liền nhau ở góc kéo dài ra thành cái đuôi thon dài gọi là Caudae. Vị trí lá đài được sắp xếp như sau: một lá đài nằm ở phía trên và sau của hoa gọi là lá đài lưng, hai lá đài còn lại nằm ở hai bên hoa gọi là lá đài bên. Lá đài của lan có màu như cánh hoa nên được gọi là lá đài dạng cánh. Khác với môi, đài hoa là bộ phận ít được lưu ý ở hoa lan về phương diện thẩm mỹ. Nhưng ở các chi Vanda lá đài hoa là bộ phận đẹp nhất. Nó là một bộ phận có hình dáng tròn, đẹp và mang màu sắc nổi bật nhất trong hoa của Vanda. Nằm kề bên trong và xen kẽ với ba cánh đài là hai cánh hoa, thường cũng giống nhau vê hình dạng, kích thước và màu sắc. Cánh còn lại nằm ở phía trên hay phía dưới của hoa, thường có màu sắc và hình dạng đặc biệt khác hẳn hai cánh kia gọi là cánh môi hay cánh lưỡi. Chính cánh môi quyết định phần lớn giá trị thẩm mỹ của hoa lan[18]. Cánh môi được chạm trổ rất tinh vi, kết hợp với màu sắc cầu kỳ, đôi khi khảm nhau một cách khéo léo. Đây là một kỳ công của tạo hoá tạo nên “kỳ hoa dị thảo” của các loài lan. Dù cánh môi có hình dạng gì thì ở bất kỳ giống lan nào cũng không có hai cánh môi giống nhau. Môi đáng lẽ ở phía trên nhưng do sự xoắn của bầu noãn nên thường quay xuống phía dưới 180º. Sự vặn của cánh môi là do sự tiến hoá trong họ để thực hiện sự thụ phấn do côn trùng. Trụ hoa là bộ phận sinh dục của hoa, là cơ quan hữu tính, đây là đặc điểm làm cho họ lan khác với họ thực vật khác. Trụ là cơ quan đồng thời có hai bộ phận sinh dục đực và cái của hoa nên được gọi là trục - hợp – nhụy. Phần cái mang noãn hình lồi, bề mặt dính chất nhầy. Phần đực mang phấn khối, phấn của hoa lan không tách ra thành từng hạt nhỏ mà kết tụ lại thành đám đặc có ít hay nhiều sáp, và cũng có hạt phấn riêng rẽ, mắt thường không phân biệt được. Trừ một ít ngoại lệ, phấn khối được sản xuất từ một nhị đực đơn ở gần đỉnh của trụ. Số lượng phấn khối là 2,4,6,8 có dạng cong hay thuôn lưỡi liềm. Hoa lan có bầu hạ, thuôn dài kéo theo xuống. Bầu hoa có 3 ô gọi là 3 tâm bì. Trong bầu chứa vô số các hạt nhỏ li ti gọi là tiểu noãn nằm trên 3 đường, dọc theo chiều dài của 3 mép tâm bì. Sau khi thụ phấn, thụ tinh các tiểu noãn sẽ biến đổi và phát triển thành hạt trong khi đó bầu noãn sẽ phát triển thành quả. - Quả lan Quả lan thuộc loại quả nang, mở ra bằng 6 khe nứt dài theo hai đường bên của giá noãn. Có dạng từ quả cải dài đến dạng hình trụ ngắn, phình ở giữa. Khi chín quả nở ra và mảnh vỏ còn dính lại với nhau ở phần đỉnh và phía gốc. Có một số loài khi quả chín thì nứt theo 1-2 khía dọc, thậm chí không nứt ra mà hạt chỉ ra khỏi vỏ khi vỏ này bị mục nát[1]. Quả lan có rất nhiều hạt, có quả tới hàng vạn hạt nhưng tỷ lệ mọc của hạt rất thấp. - Hạt lan Hạt của cây lan rất nhỏ, nhiều và có thể nhờ gió phát tán đi xa. Hạt lan chưa có cấu tạo hoàn chỉnh mà chỉ là một đám tế bào chưa phân hoá trên một mạng lưới nhỏ, xốp, chứa đầy không khí. Sau 2-18 tháng hạt mới chín. Phần lớn hạt thường chết vì khó gặp nấm cộng sinh cần thiết để nảy mầm vì thế hạt nảy mầm thành cây rất hiếm. Chỉ ở trong những khu rừng già ẩm ướt vùng nhiệt đới mới đủ điều kiện cho hạt lan nảy mầm. Khối lượng toàn bộ hạt trong một quả chỉ bằng 1/10-1/1000mg, trong đó không khí chiếm xấp xỉ 76-96% thể tích hạt. 2.1.5. Đặc điểm thực vật học của chi lan Hoàng Thảo (Dendrobium) Hoàng Thảo là những loài lan sống bám trên cây hay đá, mọc thành bụi nhiều hành giả. Các giả hành có thể phân thành các đốt như cây tre. Nhiều loài có rãnh dọc theo giả hành [40]. - Rễ lan Rễ thuộc loại rễ chùm, có màu trắng và nhỏ hơn rễ của một số loài lan khác, rễ có khả năng tái sinh mạnh, khả năng hút nước và dinh dưỡng tốt. Rễ Hoàng Thảo nhỏ, tập trung ở gốc do đó cần giữ ẩm cho rễ. - Thân lan Hoàng Thảo có thân dài, được tạo bởi các đốt, trên các đốt có bẹ lá bao bọc, mỗi đốt có 1 mầm ngủ, mầm ngủ này có khả năng tái sinh tạo thành một cá thể mới. - Lá lan Lan Hoàng Thảo có lá nhỏ, mọc đối xứng nhau trên thân, lá dày, màu xanh đậm, tuổi thọ của lá kéo dài từ 1-2 năm. - Hoa lan Hoa của lan Hoàng Thảo cũng mang đặc trưng chung của các loài lan. Thuộc hoa mẫu 3, có 6 cánh hoa, trong đó có 3 cánh đài, ở giữa là cánh môi. Màu sắc của hoa rất phong phú và độ bền dài. Cuống hoa mọc ở đỉnh sinh trưởng của cây. Một thân có thể có từ 1-4 cành hoa, mỗi cành hoa màng từ 5-16 hoa tùy theo giống, độ tuổi của cây và điều kiện chăm sóc. Hoa có khả năng đậu quả rất cao. - Quả lan Quả lan Hoàng Thảo thuộc loại quả nang, khi chín nở ra theo các đường nứt dọc, quả dài phình ở giữa, trong quả có chứa rất nhiều hạt. - Hạt lan Hạt lan rất nhỏ, từ lúc còn non có màu trắng, khi chín có màu nâu vàng. Hạt rất khó nảy mầm trong điều kiện tự nhiên nhưng nảy mầm tốt trong điều kiện nhân tạo (môi trường invitro). 2.2. Yêu cầu về ngoại cảnh của lan 2.2.1. ẩm độ ẩm độ là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của hoa lan, là một trong những điều kiện cơ bản nhất để trồng hoa lan. ẩm độ tương đối của không khí là tỷ số giữa sức trương của hơi nước thật và sức trương hơi nước bão hoà ở nhiệt độ đó. ẩm độ tương đối thay đổi theo mùa trong năm và tuỳ theo giờ trong ngày, mùa mưa cao hơn mùa nắng, buổi sáng cao hơn buổi trưa. Đa số các loài lan thích hợp với mức ẩm độ tương đối tối thiểu 70%. ở nước ta, ẩm độ trung bình hàng năm thay đổi từ 80-90%. Tuy nhiên trong từng mùa vụ cụ thể độ ẩm tương đối có sự thay đổi có ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển cũng như khả năng ra hoa của lan. ở miền Bắc, vào mùa hè những ngày có gió lào, ẩm độ xuống dưới 50% đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sống của cây lan. Do vậy chế độ chăm sóc tưới nước hàng ngày là chìa khoá quan trọng trong sản xuất lan. Khi trồng lan chúng ta cần lưu ý 3 loại ẩm độ - ẩm độ của vùng: là ẩm độ của vùng sinh thái nhất định, ẩm độ này do điều kiện địa lý, địa hình quyết định. - ẩm độ vườn: ẩm độ đo được trong vườn lan, ẩm độ này có thể cải tạo theo ý muốn như đào ao, xây bể, làm mương rạch, trồng cây, làm giàn và tưới nước... - ẩm độ trong chậu trồng lan: là ẩm độ cục bộ, là ẩm độ trung bình của chậu lan trong vườn, ẩm độ này được đo trong các giá thể ẩm. ẩm độ này hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật của người trồng lan. Thông thường, ẩm độ của vùng <= ẩm độ của vườn <= ẩm độ cục bộ trong chậu. Trong quá trình trồng lan sẽ căn cứ vào từng loại ẩm độ để điều chỉnh. Nếu ẩm độ của vùng cao thì ẩm độ của vườn và ẩm độ cục bộ trong chậu cũng cao, ta không cần tưới nước Nếu ẩm độ của vùng thấp thì nên tăng cường tưới nước. Dựa trên chỉ tiêu độ ẩm này, các nhà vườn trồng lan có thể điều chỉnh được ẩm độ hoàn hảo tốt nhất cho sự tăng trưởng của cây lan. Trong thực tế ẩm độ trong vườn cao sẽ tốt hơn ẩm độ cục bộ trong chậu cao. Cây lan ít bị chết do ẩm độ vườn cao mà hay bị chết do ẩm độ cục bộ trong chậu cao. Vì thế cần hạn chế tưới nước trong mùa mưa và những ngày có mưa phùn, ẩm độ không khí cao. 2.2.2. Nhiệt độ Nhiệt độ là một nhân tố quan trọng có tính chất quyết định đến sự phân bố, sinh trưởng và phát triển của các loài lan trên thế giới. Căn cứ vào điều kiện địa lý, người ta chia lan làm 3 nhóm khác nhau: - Lan vùng lạnh: phân bố từ vĩ tuyến 28-40o, các loại lan này không cần nuôi dưỡng trong nhà kính. - Lan vùng nóng: phân bố từ vĩ tuyến 12-15º, nhiệt độ trung bình từ 24-25º, biến động từ 18-40oC - Lan vùng trung gian: phân bố từ vĩ tuyến 15-28º, vùng này có nhiệt độ xấp sỉ 9oC vào tháng giêng và xấp sỉ 32oC vào tháng 7 Căn cứ vào độ cao so với mặt biển người ta chia làm 3 mức:[26 ] - Mức < 1.000m là vùng nóng - Mức từ 1.000m - 2.000m là vùng trung gian - Mức >2.000m trở lên là vùng lạnh Căn cứ vào nhu cầu nhiệt độ của lan, người ta chia làm 3 nhóm [44]: - Nhóm lan ưa nóng: Bao gồm những loài lan chịu nhiệt độ ban ngày không dưới 21oC, ban đêm không dưới 18,5oC. Những loại lan này thường có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới. - Nhóm lan ưa nhiệt độ trung bình: bao gồm những loài lan chịu nhiệt độ ban ngày không dưới 14,5oC, ban đêm không dưới 13,5oC. - Nhóm lan ưa lạnh: Bao gồm những loài lan chịu nhiệt độ ban ngày không quá 14oC, ban đêm không quá 13oC. Chúng thường xuất xứ ở vùng hàn đới, ôn đới và và các khu vực núi cao vùng nhiệt đới. Nhiệt độ ảnh hưởng đến hoạt động quang hợp và hô hấp của cây. ở điều kiện tối thích, hoạt động quang hợp và hô hấp của lan diễn ra thuận lợi, cây sinh trưởng và phát triển bình thường. Nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến sự ra hoa của một số loài lan. ở loài Paphiopedilum insigne và Dendrobium nobile chỉ ra hoa khi nhiệt độ hạ xuống 13oC hoặc thấp hơn[55]. ẩm độ và nhiệt độ có liên quan mật thiết với nhau, khảo sát tốt biên độ nhiệt giúp người trồng lan có cơ sở lựa chọn địa điểm nuôi trồng hoa lan phù hợp nhất. Sự chênh lệch nhiệt độ tối đa và tối thiểu trong ngày gọi là biên độ: B iên độ nhiệt độ ngày đêm càng lớn thì trồng lan càng lý tưởng. Cây lan sẽ tăng trưởng nhanh do nhiệt độ ban đêm thấp làm giảm cường độ hô hấp và nhiệt độ ban ngày cao làm tăng cường độ quang hợp. 2.2.3. ánh sáng ánh sáng là điều kiện cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của lan thông qua quá trình quang hợp và hô hấp. Đây là yếu tố quyết định nhất cho sự trỗ hoa của lan. Nhu cầu về ánh sáng của từng loài lan là khác nhau. Vanda lá tròn, Arachinis, Renanthera yêu cầu 100% ánh sáng tự nhiên, khoảng 40.000lux, Dendrobium yêu cầu 70% ánh sáng tự nhiên khoảng 15.000 - 30.000lux [27]. Cường độ quang hợp càng tăng khi cường độ ánh sáng tăng. Tuy nhiên khi cường độ ánh sáng vượt quá trị số tới hạn nào đó thì cường độ quang hợp không tăng lên nữa và có thể giảm do quá trình quang hô hấp. Do đó khi thiết kế vườn lan và hệ thống lưới che sao cho phù hợp với từng loài lan. Phần lớn nhu cầu của lan là ánh sáng khuếch tán, rất ít loài ưa ánh sáng trực xạ, do đó phải thiết kế giàn che giảm ánh sáng trực xạ. Tuỳ theo đặc tính sinh học từng giống lan ưa sáng mà ta giảm cường độ ánh sáng cho phù hợp để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Dựa vào nhu cầu ánh sáng của từng loài lan, chia làm 3 nhóm: - Nhóm lan ưa ánh sáng mạnh: Vanda, Renanthera, Cattleya... - Nhóm lan ưa ánh sáng yếu: Phalaenopsis, Paphiopedilum... - Nhóm lan ưa ánh sáng trung bình: Dendrobium, Cymbidium... ánh sáng ảnh hưởng đến khả năng phân hoá mầm hoa và ra hoa của một số loài lan. Hầu hết các loài thuộc chi Cattleya, Dendrobium... nếu thiếu ánh sáng cây không ra hoa. 2.2.4. Sự thông gió Sự thông gió đặc biệt quan trọng với loài lan đơn thân và đa thân. Do cấu trúc đã thích nghi với điều kiện khí hậu thoáng mát, các loài đơn thân thường có rễ trên không mọc thẳng từ thân và lơ lửng trong không khí. Trong rừng các loài đơn thân có thể mọc vắt từ cành này sang cành khác và rễ rủ xuống lơ lửng trong không khí hay bám vào các cành cây. Điều kiện thông gió là một trong nhiều yếu tố giúp lựa chọn địa điểm thiết kế vườn lan. Lan trồng ở nơi kín gió thì chậm phát triển và dễ bị bệnh hơn là ở nơi thoáng gió. Đặc biệt sự thông gió về ban đêm giúp cho lan phát triển tốt và không bị bệnh._.. Gió làm giảm nhiệt độ, tuy nhiên nếu thông gió quá thì làm giảm ẩm độ cần thiết, gây thuỷ xuất và hô hấp quá cao, điều đó lại làm cho lan kém phát triển. Vì vậy tuỳ theo độ thông gió mà ta cấu tạo giàn che và giá thể cho hợp lý trong vườn lan. 2.2.5. Yêu cầu dinh dưỡng đối với cây hoa lan Cũng như các loại cây trồng khác, dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với toàn bộ hoạt động sống của cây lan. Dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và phát triển cũng như năng suất và chất lượng của lan. Cây lan được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ sinh trưởng khoẻ và cho hoa to, màu sắc đẹp và độ bền cao. Nếu không đủ chất dinh dưỡng cây lan sẽ còi cọc và kém phát triển, hoa nhỏ và xấu, nhanh tàn. Cây lan không đòi hỏi số lượng lớn dinh dưỡng nhưng nó đòi hỏi phải đầy đủ các thành phần dinh dưỡng [57],[58]. Nhu cầu của lan với các thành phần dinh dưỡng tuỳ thuộc vào từng thời kỳ sinh trưởng. - Vai trò của các nguyên tố đối với cây lan: + Nhóm 1: Gồm các nguyên tố cacbon (C), hydro (H), oxy(O), những thành phần này có sẵn trong không khí và nước mà cây sử dụng trong quá trình quang hợp. + Nhóm 2: Các nguyên tố đa lượng N,P, K. * Vai trò của nitơ: Là một trong ba nguyên tố cần thiết cho lan, nitơ giúp cho sự tăng trưởng lá, làm cây xanh tốt, mặt khác N còn giúp cho quá trình điều hoà P, nếu thiếu N thì lá nhỏ hơi vàng, mầm yếu ít hoa. * Vai trò của P: là nguyên tố quan trọng sau N, P có vai trò trung tâm trong quá trình trao đổi năng lượng và protein... nó là thành phần chủ yếu của aminoaxit, ATP, nó cần thiết cho sự phân chia tế bào, là thành phần của NST, kích thích rễ phát triển. P còn cần thiết cho sự phát triển mô phân sinh, kích thích ra hoa và khó hồi phục. Nếu thừa P thì dẫn đến cây bị thiếu kẽm, sắt và mangan, nếu thiếu P thì cây còi cọc, lá nhỏ, ngắn, xanh đậm và cây không ra hoa. * Vai trò của K: K giúp cho cây hấp thụ N một cách dễ dàng, giúp cho sự phát triển của chồi mới. K giúp cho sự vận chuyển nước và chất dinh dưỡng trong cây. K còn giúp cây cứng, thúc đẩy sự ra hoa, hoa có màu sắc tươi hơn, cây đề kháng tốt hơn với bệnh. Nếu thiếu K thì cây còi cọc, cằn cỗi, khô đầu lá, khó đậu quả, quả ít và hạt lép không nảy mầm, khả năng chịu hạn kém. + Nhóm 3: Bao gồm các nhân tố Ca, Mg, S * Vai trò của Ca: Là nhân tố cần thiết để tạo lập vách tế bào. Giúp cho tế bào vững chắc, duy trì cấu trúc NST, hoạt hóa nhiều enzim như: Phospholipase, Agnine, Triphosphate. Thiếu Ca, cây kém phát triển, rễ nhỏ và ngắn, thân mềm, lá nhỏ, cây yếu, dễ đổ ngã và sâu bệnh tấn công. * Vai trò của Mg: Là một trong những nguyên tố tạo nên diệp lục, giúp cho cây phát triển cân đối, hài hoà. Phân bón có nhiều Mg, lá lan to xanh, nhưng nếu quá nhiều Mg thì màu sắc lá nhạt, lá bị héo, thiếu Mg thì rễ phát triển tốt nhưng thân lá lại không phát triển, tỷ lệ rễ, thân, lá không cân đối. * Vai trò của S: Là thành phần của các axit amin chứa lưu huỳnh cũng như các amino axit. Liên quan đến hoạt động trao đổi chất của vitamin, thiamin, biotin, và coenzimA giúp cho cấu trúc protein được vững chắc. Thiếu lưu huỳnh, lá non chuyển màu vàng nhạt, cây còi cọc, kém phát triển, sinh trưởng của cây bị hạn chế, số hoa giảm. Các nguyên tố vi lượng: Fe, Cu, Zn, Mn, Bo, Mo... cây lan cần với lượng rất nhỏ nhưng không thể thiếu được. Thường những nguyên tố này có sẵn trong nước tưới, phân bón, nhưng cũng cần bổ sung thêm các nguyên tố này cho cây, nhưng phải làm sao không gây độc cho cây. Hầu hết các loại lan sống tự dưỡng, một số loài sống cộng sinh với nấm nên việc lấy dinh dưỡng từ môi trường bên ngoài khá thuận lợi. Đặc biệt trong sản xuất với quy mô công nghiệp thì cần bổ sung dinh dưỡng cho lan. Có nhiều cách để cung cấp dinh dưỡng, nhưng cách phun phân qua lá là thích hợp hơn cả. 2.2.6. Yêu cầu ngoại cảnh của chi lan Hoàng Thảo (Dendrobium) 2.2.6.1. Nhiệt độ Nhiệt độ ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng phát triển của lan Dendrobium thông qua con đường quang hợp và hoạt động trao đổi chất. Nhiệt độ thích hợp cây quang hợp tốt, khả năng tích lũy vật chất khô cao nên sinh trưởng và phát triển của cây tốt. Ngược lại nếu nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của lan. Lan Hoàng Thảo thuộc loại cây ưa nóng, sinh trưởng tốt ở nhiệt độ 24-33oC. Dưới 12oC và trên 37oC đều làm chậm và ảnh hưởng lớn đến sự ra hoa của cây. Trong thực tế sản xuất tại miền Bắc có mùa đông lạnh và mùa hè nóng thì cần hạn chế tác động xấu của nhiệt độ bằng cách vào mùa đông thì che phủ nilon quanh nhà nuôi trồng lan, thắp điện hoặc dùng lò sưởi... Còn mùa hè che lưới phản quang, có hệ thống phun tưới thích hợp và tạo điều kiện thông thoáng trong nhà lan sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt. 2.2.6.2. ẩm độ Độ ẩm thích hợp giúp cho lan phát triển nhanh hơn, hoa cũng tươi tốt và lâu tàn. Lan Hoàng Thảo phát triển tốt trong điều kiện không khí ẩm và thoáng. Lan Hoàng Thảo thuộc loại ưa nước trung bình, cần ẩm độ thường xuyên và liên tục, song không chịu được úng ngập hoặc ẩm độ quá cao. Ban ngày cây cần độ ẩm khoảng 40-60%, vào ban đêm độ ẩm thích hợp từ 60-90% thì cây sẽ phát triển tốt hơn. Cấu tạo giá thể quá ẩm và úng là điều kiện bất lợi cho sự sinh trưởng của giống Dendrobium vì có thể toàn bộ rễ bị thối và biểu hiện là các cây con mọc từ phần ngọn của thân. Đối với sản xuất công nghiệp thì cần chọn những vùng có ẩm độ thích hợp, dựng những nhà nuôi trồng tốt và đặc biệt là phải lựa chọn chậu, giá thể phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây để có khả năng giữ ẩm cũng như thoát nước dễ dàng. 2.2.6.3. ánh sáng ánh sáng giúp cho cây tạo ra chất dinh dưỡng giúp cho cây tăng trưởng nhanh. Hoàng Thảo là loài lan ưa sáng, nó cần tới 70% ánh sáng, cường độ ánh sáng từ 15.000-30.000 lux. Nếu thiếu ánh sáng, cây sinh trưởng và phát triển kém, không ra hoa, hoặc ít ra hoa. Trái lại thừa ánh sáng sẽ làm cho cây xấu đi vì lá quá vàng, hoặc các giả hành trơ trụi, nhưng cây sẽ thích nghi dần và vẫn đảm bảo ra hoa đẹp và nhiều. Dù sao điều kiện ánh sáng lí tưởng vẫn cho kết quả tốt nhất. Nhìn chung mùa hè của miền Bắc cường độ ánh sáng mạnh, nhu cầu ánh sáng của lan Hoàng Thảo khoảng 70-80% ánh sáng trực tiếp. Trong điều kiện râm mát cây thường yếu, mọng nước rất dễ nhiễm bệnh. Về mùa đông cường độ ánh sáng yếu và thời gian chiếu sáng ngắn, để lan Hoàng Thảo sinh trưởng và phát triển tốt và ra hoa được thì cần bổ sung ánh sáng bằng cách thắp điện cho vườn lan. 2.2.6.4. Dinh dưỡng: Lan Hoàng Thảo cũng yêu cầu một lượng dinh dưỡng nhất định để sinh trưởng và phát triển. Tuy không đòi hỏi số lượng lớn nhưng phải đầy đủ các thành phần dinh dưỡng N,P,K và các nguyên tố trung và vi lượng. Tùy từng giai đoạn sinh trưởng mà nhu cầu đối với các thành phần dinh dưỡng có khác nhau [40]. 2.3. Các điều kiện cơ bản trong nuôi trồng lan 2.3.1.Nhân giống lan Lan có hai phương pháp nhân giống: Nhân giống hữu tính và nhân giông vô tính. - Nhân giống hữu tính là sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái tạo ra hợp tử từ sau đó phát triển thành hạt, hạt phát triển thành cây con, trong tự nhiên lan nẩy mầm được là nhờ nhiễm nấm. Mỗi loài nấm chỉ có giá trị nảy mầm cho một số loài lan mà thôi [35]. - Nhân giống vô tính: là sự phân chia tăng trưởng liên tục của các tế bào từ một tế bào ban đầu hoặc của các cây từ cây mẹ ban đầu nên chúng giống nhau về mặt di truyền, có những phương pháp nhân giống vô tính sau: + Tách chiết: được sử dụng trong thời kỳ đầu của ngành lan chủ yếu ở lan kiếm và sau đó phát triển rộng ở những chi đa thân (Cattleya, Dendrobium...) nhưng số lượng cây nhân giống không nhiều. + Nhân giống bằng nuôi cấy tế bào: phương pháp này có ưu điểm là hệ số nhân giống cao, quần thể tạo đồng đều, rút ngắn thời gian sản xuất cây giống và có thể áp dụng nhân giống trên quy mô công nghiệp. 2.3.2. Kỹ thuật trồng Khi đã có những điều kiện đầy đủ và lý tưởng cho trồng lan thì ta cần chọn phương pháp trồng lan thích hợp nhất. - Trồng treo: Đây là cách trồng tương đối mới, cây lan chỉ treo lơ lửng trên không bằng sợi dây cột dính vào thân. - Trồng trên thân cây: Trồng trên thân cây sống và đã chết. + Đối với cây sống: Thông thường loại cây thích hợp là cây Trai (Berrya mollis), cây Sao (Hopea odorata), cây Me Chua (Tamarindus indica), cây Vú Sữa (Chry soplryllum cainito), cây Vừng (Careya arborea). + Đối với cây đã chết: Dùng cây Vú Sữa để trồng lan thích hợp nhất theo phương pháp này. Khi trồng sẽ buộc chặt lan vào thân cây đã chết. Cách này có ưu điểm là lan phát triển nhanh, ít mầm bệnh, mật độ trồng cao. Tác dụng lớn nhất của phương pháp này là tạo được một số lượng giống lan nhanh nhất trong thời gian ngắn. - Trồng trong chậu: Đây là cách trồng phổ biến nhất hiện nay, cây lan dễ dàng được trưng bày trong phòng và thuận tiện cho công tác vận chuyển. Tuỳ theo loài lan, độ tuổi của cây mà lựa chọn chậu sao cho phù hợp. Có thể trồng bằng chậu đất nung hay chậu nhựa. Chậu nhựa hay dùng hơn cả vì rẻ tiền, bền. Chậu đất nung thấm nước, mau khô và thoáng khí cho nên cần tưới thường xuyên hơn chậu nhựa. Chọn chậu đất nung trồng lan cần lưu ý: kích thước chậu vừa phải, chất lượng sét và độ nung chín của chậu sao cho chậu không bị mọc rêu, thoáng và không úng nước. Thông thường những cây lan con thường được trồng chung vào một chậu, sau 3-4 tháng khi cây lớn thì chuyển sang trồng trong chậu lớn hơn, sau 1-2 lần chuyển chậu thì giữ nguyên cho đến khi cây ra hoa. - Giá thể là khái niệm để chỉ tất cả các vật chất bao quanh bộ rễ của cây trồng. Việc sử dụng giá thể phù hợp tạo điều kiện cho cây phát triển tốt trong giai đoạn vườn ươm. Theo kinh nghiệm của các nhà vườn trồng lan nguyên liệu làm giá thể trồng là: Than hoa, gạch nung, xơ dừa, rễ bèo tây, vỏ cây, rễ dương xỉ… Tất cả các loại giá thể phải được xử lý sạch bệnh trước khi trồng. + Than hoa: Dùng để giữ ẩm, là một loại giá thể tốt vì không chứa mầm bệnh, không mục nát và có khả năng giữ nước, hấp thụ dinh dưỡng tốt. Phù hợp với nhiều loại lan như Cattleya, Rhychostylis, Oncidium… + Gạch nung: Trồng lan rất tốt nhưng phải nung già, ngăn rêu mọc, tạo độ thoáng cho bề mặt rễ bám, nhưng có nhược điểm là nặng chỉ phù hợp cho trồng trong chậu thích hợp với nhiều loài lan thuộc chi Cymbidium… + Xơ dừa: Là giá thể thuộc loại rẻ tiền, dễ kiếm, tuy nhiên lại có nhược điểm là thoát nước nhanh, chóng mục, vì vậy dễ sâu bệnh. Do đó khi sử dụng loại giá thể này phải thường xuyên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. + Rễ bèo tây (rễ lục bình): Giữ ẩm tốt, dễ kiếm rẻ tiền, có một phần chất dinh dưỡng trong rễ bèo, nhưng lại có nhược điểm là chóng mục dễ bị sâu bệnh, vì thế cũng phải thường xuyên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Cây lan khi trồng phải được cố định trong chậu, không lung lay gốc khi tưới hoặc gió thổi. Đặt cây lan trong chậu sao cho hướng phát triển của chồi non được hướng về khoảng trống rộng hơn trong chậu. 2.3.3. Tưới nước Nước cần thiết cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lan. Nếu thiếu nước cây lan sẽ khô héo và chết, thừa nước thì cây thối rễ mà chết. Vì vậy khi tưới nước cho cây lan phải là cả một quy trình mang tính khoa học, bởi vì nước và cách tưới nước là nguyên do của nhiều vấn đề[28]. Tưới nước cho lan có một số yếu tố cần chú ý là: Lượng nước tưới và chất lượng nước tưới. Lượng nước tưới nhiều hay ít tuỳ thuộc vào ẩm độ, sự thông gió, giá thể , loài lan, mùa tăng trưởng, nhiệt độ, sự che sáng nơi trồng. Chất lượng nước tưới với lan là rất quan trọng, nước phải sạch (không nhiễm mặn, phèn, độ pH thích hợp là 5,5-6,5). Nước mưa: Là nguồn nước lý tưởng thích hợp cho lan vì có độ pH từ 6-7. Ngày nay nước mưa chỉ tốt ở những nơi môi trường không bị ô nhiễm. Các vườn lan thường trữ nước mưa để tưới cho lan, lưu ý dụng cụ chứa nước và mặt bằng nước mưa chảy xuống không chứa độc tố. Nước sông suối cũng rất tốt cho lan nhưng cần lưu ý độ phèn, độ mặn, độ phù sa. Nước máy: Cần để bay hơi Clo. Nước giếng: Cần loại bỏ những kim loại nặng như Mg, Mn, Fe... Nếu độ pH của nước là trung tính (pH=7) hay kiềm (pH>7) thì không nên dùng mà phải giảm độ pH của nước bằng Axit photphoric. Lecoufle (1981) [51] còn cho rằng: pH của giá thể thay đổi tuỳ theo giống, với giống Phalaenopsis pH =5,2, Paphiopedilum pH = 6,5-7,0. Độ ẩm và giá thể là hai yếu tố quyết định số lần tưới trong ngày. Trong những ngày trời nắng nóng, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp thì cần tưới nước đều đặn nhiều lần trong ngày. Tuy vậy lượng nước tưới cung cấp cho từng giống là khác nhau. Thời gian giữa hai lần tưới cũng được xác định, đảm bảo giữa hai lần tưới bề mặt chậu khô thoáng và nhiệt độ ấm giúp cho cây sinh trưởng tốt, bộ rễ phát triển mạnh. Nếu độ ẩm trong chậu quá cao thì cây khó ra rễ và phát triển kém. Vì phần lớn cây lan trồng có hệ thống rễ khí sinh, để hệ rễ khô ráo giữa hai lần tưới là cần thiết, không để chúng ẩm ướt liên tục. Khi tưới nước cho lan có thể dùng nhiều cách khác nhau. Tưới nước bằng cách nhúng trực tiếp từng chậu vào thùng nước hay bể nước có lợi là giá thể thấm đều nhưng môi trường trong chậu bị rửa sạch, nguy hiểm hơn là bệnh dễ lây lan từ cây nọ sang cây kia, đồng thời hay làm tổn thương đầu rễ. Cách tưới này chỉ phù hợp cho số lượng lan trồng ít mà thôi. Nếu tưới bằng vòi nước cần chú ý: Tưới quá mạnh có thể làm gẫy, hoặc bong rễ ra khỏi giá thể của lan. Nên dùng các béc phun có tia cực nhỏ tạo mù trong giàn lan. Khi tưới không tưới đậm ngay trong một khu vực mà tưới đi tưới lại cho giá thể ngấm nước dần và phải tưới đẫm (quan sát nước chảy xuống đáy chậu ra ngoài là được). Sáng sớm và chiều tối ẩm độ tương đối cao và giảm vào khoảng giữa trưa. Vì vậy để tạo độ ổn định trong ngày thì cần tưới nước. Nên tưới 2 lần/ngày, cần tưới vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Nếu trời nắng nóng ẩm độ không khí thấp buổi trưa có thể tưới mát môi trường xung quanh, không tưới trực tiếp vào cây. 2.3.4. Phân bón Phân bón là những chất hay hợp chất có chứa một hay nhiều chất dinh dưỡng khoáng thiết yếu với cây trồng, nó có tác dụng thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Đặc biệt phân bón lá chiếm vị trí thiết yếu trong nền nông nghiệp sạch nhất là rau, hoa quả. Cây hoa lan cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này. Cây lan mang về trồng thì nguồn dinh dưỡng từ nước mưa, vỏ lá mục, rêu, dương xỉ ... bị cắt đứt, các giá thể trồng lan chỉ có tác dụng giữ ẩm, đỡ cây nên cần thiết phải bón thêm phân cho lan. Cách thích hợp nhất hiện nay là dùng phân bón qua lá (phân lỏng). Phân bón khô khó sử dụng đồng đều, nếu nó hoà tan có thể gây hại cho rễ non. Phân bón lỏng dễ sử dụng và phân được phân tán trong chậu, mau thấm xuống rễ và lá. Phân bón bọc nhựa, giải phóng chậm, cũng có thể dùng được cho lan. Hiện nay trên thị trường Việt Nam [38] có khoảng 40 loại phân bón lá khác nhau, trong đó có rất nhiều loại phân bón lá vô cơ dùng cho lan, phần lớn là các sản phẩm nhập ngoại, hoặc được sản xuất theo quy trình của nước ngoài. Do chủng loại phân phong phú và đa dạng nên việc tính toán bón phân cho lan phải tuỳ thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây mà bón cho phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế nhất. Phân bón qua lá gồm: phân hoá học (vô cơ), phân hữu cơ (xác bã động vật...) và phân phức hữu cơ. - Cách sử dụng loại phân hoá học + Phân có tỷ lệ đạm cao (30:10:10) thường dùng cho cây con, cây đang trong giai đoạn nảy chồi mới, những cây sau khi cắt hoa. + Phân có tỷ lệ lân cao (10:30:10) kích thích cho cây ra rễ, hoa, làm cho lá bớt màu xanh, giảm lượng nước ở trong lá, tăng khả năng đề kháng của cây. Việc sử dụng các loại phân có hàm lượng lân cao cũng cần thận trọng vì cây đang trong giai đoạn sung yếu (bị sâu bệnh, thiếu dinh dưỡng) nếu bón phân này thì làm cho cây chậm lớn và hoa xấu. + Phân có tỷ lệ kali cao (10:10:30) giúp cây khoẻ, chống được sâu bệnh. Cây lan sử dụng kali tương đối nhiều so với các loại cây trồng khác. Thường dùng phân kali cho lan vào lúc ra hoa. Theo BFC (Bangkok Flower Centre) thì một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho lan là: khi cây còn nhỏ thì phun NPK dạng 10:10:10, khi cây sinh trưởng phát triển mạnh thì phun NPK dạng 20:20:20, để cây ra hoa thì phun NPK dạng 10:20:10 hoặc 10:20:20. Nếu bón phân như vậy thì quy trình trồng hoa lan đó đã đạt đến mức hoàn hảo. Lecoufle (1981) [51] đã cho rằng: dùng phân bón N:P:K theo tỷ lệ 10:18:10 thì thúc đẩy sự ra hoa, dùng phân theo tỷ lệ 10:10:20 thúc đẩy sự mọc rễ. Theo Trung tâm Rau – Hoa – Quả Thường Tín giai đoạn cây con (15 ngày sau khi trồng) phun dinh dưỡng NPK có tỷ lệ: 30:10:10 với nồng độ 0,2% cho 5 ngày 1 lần phun thì cây con sinh trưởng rất tốt. Lượng phân bón cho lan phải hết sức linh động, vì nó phụ thuộc vào thời tiết như độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ... và từng giai đoạn sinh trưởng của cây mà điều chỉnh cho thích hợp. - Cách sử dụng phân hữu cơ Nước ta có nhiều loại phân hữu cơ khác nhau, các loại phân này dùng để bón cho lan như: khô dầu lạc, khô dầu vừng, phân tôm cá, phân gia súc, nước tiểu người, xác bã động vật... Tất cả các loại phân này phải được chế biến trước khi bón cho lan. + Nước tiểu: hoà loãng nước tiểu dạng 1:10 hay có thể loãng hơn, tưới cách nhật 1 tuần tưới 2 lần, phù hợp với tất cả các loại lan. Dùng công thức pha chế phân bón: 100ml nước tiểu và 100g bã đậu phụ với 0,8 lít nước cho lên men từ 7-10 ngày, lọc lấy phần nước trong tưới cho lan. Mỗi tháng tưới 1-2 lần tỷ lệ 1:4 thích hợp cho Dendrobium, Phalaenopsis, Paphiopedilum, Oncidium, Renather... + Xác bã động vật, phân gia súc, phân tôm cá, khô dầu lạc, khô dầu vừng: cần phải ngâm ủ cho hoai mục trước khi sử dụng để tránh ngộ độc cho lan. Các nhà vườn ở Thái Lan đã pha chế loại phân hữu cơ như sau: Dùng 3 kg rác thực vật (rau, củ, quả, hoa, lá…) với 1 kg đường đen, để trong bình không rỉ, đậy nắp nhưng không cần kín, để chỗ râm mát. Sau một tháng sẽ chắt lấy nước sử dụng: Hoà 1/1000 tưới cho rau, 1/5000 tưới cho lan rất tốt. - Cách tưới phân Có rất nhiều cách tưới phân cho lan nhưng nguyên tắc chung là khi tưới phân phải đạt được hai yêu cầu sau: Tưới phân cho cây hấp thụ được nhiều nhất Tưới phân sao cho có hiệu quả kinh tế nhất. Rễ là cơ quan chính giúp cây lan hấp thụ nước và muối khoáng, ngoài ra lá và thậm chí có loài thân cũng có khả năng hấp thụ nước và muối khoáng. Vì vậy tưới phân như tưới nước sẽ phải sử dụng nhiều phân không tiết kiệm được phân. Do đó khi tưới phân cho lan ta phải tưới qua một lượt nước, sau đó mới tưới phân, có như vậy cây hấp thụ phân mới dễ dàng hơn. Nên tưới phân vào buổi sáng sớm hay lúc xế chiều, không nên tưới phân vào lúc buổi trưa. Khoảng cách của các lần tưới phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện khí hậu, chất trồng, tình trạng cây, loại phân, nồng độ phân… Bình thường tưới một lần trong một tuần, nhưng nếu vườn lan râm mát thì khoảng cách tưới dài hơn (10-15 ngày/lần). Nếu vườn lan nhiều ánh sáng có thể tưới 2 lần /tuần. Sau khi tưới phân nên gia tăng lượng nước tưới của ngày hôm sau để rửa bớt muối còn đọng lại trên lá và giá thể, tránh ảnh hưởng bất lợi cho lan. - Cách sử dụng phân phức hữu cơ Là sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc từ EDTA và các Aminoacid thuỷ phân từ các chất hữu cơ giàu Protein (Pomior – Polymicroelements organic). Sản phẩm ở dạng dung dịch có màu xanh lá mạ, đặc sánh, tỷ trọng 1,18-1,22, pH từ 6,5-7,0. Kết quả đã cho thấy khi sử dụng phân bón Pomior đã làm tăng năng suất chất lượng hoa hồng, hoa cúc một cách rõ rệt [36]. Qua nghiên cứu của Hoàng Xuân Lam và Hoàng Ngọc Thuận thì thấy phân bón qua lá Pomior đã cho kết quả tốt với phong lan Hồ Điệp ở nồng độ 3‰ [17]. Nghiên cứu của Lê Đặng Trung Tuyến và Hoàng Ngọc Thuận cũng cho thấy phân bón qua lá Pomior có ảnh hưởng rõ rệt đến lan Hồ Điệp ở thời kỳ vườn ươm làm tăng tỷ lệ sống và tăng diện tích lá[32]. 2.3.5. Giàn che Giàn che để duy trì bóng mát, tránh ánh sáng trực tiếp vào lúc trưa hay trời mưa quá mạnh, giàn che phải điều chỉnh được cường độ ánh sáng phù hợp với nhu cầu của lan đang trồng. Việt Nam ngành trồng lan mới bắt đầu phát triển, chúng ta có thể tự làm giàn che bằng các nguyên liệu sẵn có ở các địa phương nhưng phải đảm bảo các yêu cầu sau: Giàn che cao khoảng 2,5- 4m, mái che nằm ngang hay nghiêng nhưng các nẹp che phải đặt theo hướng Bắc- Nam để khi mặt trời di chuyển trong ngày theo hướng Đông - Tây thì bóng các nẹp che không di chuyển, luôn luôn che được cho cây lan. Tuỳ theo nhu cầu ánh sáng của từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây cần điều chỉnh để có chế độ chiếu sáng thích hợp. Với lan con cần 100% ánh sáng từ lúc bình minh đến 8 h sáng, với lan trưởng thành thì nhu cầu ánh sáng tăng lên. Tuỳ theo nhu cầu của từng loại lan để có sự điều chỉnh: Dendrobium, Cattleya cần 50-60% ánh sáng, Vanda cần 60-70% ánh sáng... Giàn che nên đặt theo hướng Bắc – Nam là tốt nhất để vườn lan có thể nhận được nhiều ánh sáng ban mai. ánh sáng buổi sáng tốt hơn ánh sáng buổi chiều vì ánh sáng buổi sáng làm nhiệt độ tăng từ từ, cây lan không bị sốc nhiệt, còn ánh sáng buổi chiều là lúc môi trường đang nóng vì tất cả đang toả nhiệt sau khi tiếp nhận ánh sáng gay gắt buổi trưa. Dưới các giàn che nên có một lớp lưới để tránh tác hại của các giọt nước mưa nặng hạt, điều này thực sự cần thiết với cây lan con. 2.3.6. Phòng trừ sâu bệnh hại cây lan Sâu bệnh là một vấn đề lớn và nan giải trong quá trình sản xuất, nhân giống và trồng hoa lan. Do vậy cần phải quan tâm đến việc phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu là vấn đề cần thiết. Cần có các biện pháp quản lý sâu bệnh một cách tổng hợp như sau: - Chọn giống lan sạch bệnh -Vệ sinh vườn lan sạch sẽ và thoáng mát, có ánh sáng để làm giảm tỷ lệ sâu bệnh hại. - Kiểm tra cây định kỳ để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp phòng trừ thích hợp. Hoa lan thường bị một số loại sâu bệnh hại sau: - Bệnh đốm vòng – thán thư (Colletotrichum gloeosporioides). Triệu chứng đầu tiên là lá mầu nâu và giả hành có vết dạng hình tròn, lõm không đều, màu sắc vàng hơi xanh nhạt, nhận thấy rất rõ. Phòng trừ: cắt bỏ lá bị bệnh, xử lý thuốc như Zineb, Ridomin – MZ (0,2%), Anvil (0,2%). - Bệnh thối rễ, căn hành và giả hành do vi khuẩn Erwinia Carotovora subsp và Erwinia chrysanthemi. Triệu chứng xuất hiện khi nhiệt độ tăng kết hợp với độ ẩm cao. Các vi khuẩn này là loài ký sinh trên lá và xâm nhập vào những mô đã bị thương tổn. Các vùng bị bệnh sẽ úa mềm, có mầu nâu và mùi khó chịu. Những vết úa thường lan nhanh trong lá, rễ và chậm hơn ở căn hành và giả hành. Phòng trừ: Dùng thuốc diệt khuẩn như Physan, Caviben 50 HB, Thiram, Kitazin, thuốc diệt nấm gốc Sunphat đồng 1% cũng cho kết quả tốt với vi khuẩn. Ngoài ra cũng có thể sử dụng Steptomicin và Penicilin. - Virus Virus có thể làm thay đổi hình thái của cây hoa lan từ chóp rễ đến đỉnh ngọn. ảnh hưởng dễ thấy nhất là sự chuyển màu vàng (chlorosis) và mô bị chết (necrosis). Cây bị bệnh trở nên yếu, chồi ngắn và hoa ít. Một số giống lan như Vanda lá dẹp khi bị bệnh thì trên lá có vết nhỏ lõm vào hai mặt lá và mất diệp lục tố. Sau đó vết bệnh chuyển thành màu nâu, một số loài thấy những vết lấm tấm trên lá. Có trường hợp ở một số loài thân cây bị kéo dài làm cho cây yếu, triệu chứng phổ biến là lá lan biến dạng, lá nhỏ, sắc lá trông tựa như khô nước. Các triệu chứng virus biến đổi nhiều tuỳ thuộc nòi virus và điều kiện môi trường như ánh sáng, nhiệt độ, dinh dưỡng. Thời gian giữa quá trình nhiễm bệnh và sự phát hiện cũng tuỳ thuộc vào nòi virus và điều kiện môi trường. Virus rất khó chữa, khi cây bị bệnh cần cách ly hoặc huỷ bỏ. Hiện nay chỉ có thể làm công tác phòng ngừa Virus xâm nhập là chính: Kiểm dịch các giống lan nhập từ nước ngoài vào một cách kỹ càng; ngăn ngừa các loại côn trùng chích hút và truyền bệnh; tránh làm tổn thương các bộ phận sinh trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. - Các loài sâu hại lan Sâu hại lan thường phát sinh và phát triển trong suốt quá trình nuôi trồng. Lan là loài hoa tập trung nhiều côn trùng phá hoại như: Rệp sáp, rệp bông, bọ trĩ, rệp dính, nhện đỏ, rồng trắng hút nhựa cây, bọ xít dài chích hút... Biện pháp phòng trừ bằng phương pháp cơ giới, vật lý, hoá học. Hoặc dùng một trong các loại thuốc sau: Sherpa (0,1%), Depterex (0,2%), Pegasus (0,1%), Danitol (0,1-0,2%). Ngoài ra lan còn bị một số loài khác phá hại như: chim, ốc sên, chuột, gián , cuốn chiếu, tuyến trùng... vì vậy phải thường xuyên kiểm tra và theo dõi để có biện pháp phòng trừ kịp thời. 2.3.7. Vài nét về điều kiện cơ bản trồng lan Hoàng Thảo - Phần lớn các loại lan Hoàng Thảo được treo trong chậu treo, dùng than lót đáy chậu và buộc giữ gốc cây, dùng xơ dừa hoặc rêu phủ rễ. Nếu buộc lên gỗ hay lên thân cây thì cần dùng chất trồng giữ ẩm tốt bó quanh rễ và tưới nước nhiều hơn. Các loài Hoàng Thảo không ưa tách bụi, chuyển chậu. Tuy nhiên sau khi trồng 2-3 năm cây ra nhiều giả hành, rễ phát triển chật chậu thì cần tách bụi hay đánh chuyển sang chậu lớn hơn. Thời gian tách bụi tốt nhất là vào đầu mùa xuân khi cây bắt đầu ra rễ mới. Cũng có thể tách vào mùa thu trước khi cây bước vào thời kỳ nghỉ. Chú ‎ý không cắt bỏ những giả hành cũ, đã rụng lá vì nhiều loài Hoàng Thảo có khả năng ra hoa trong nhiều năm trên một giả hành đã rụng lá. Nhiều loài Hoàng Thảo cần có thời kỳ nghỉ khô và lạnh mới ra hoa. Đặc biệt là các loài rụng lá theo mùa, ra hoa trên thân già rụng lá của năm trước. Trong thời k‎ỳ nghỉ, cần tưới nước rất hạn chế, chỉ đủ để cây không bị khô. Không bón phân trong mùa này. Tưới nước trở lại khi thấy xuất hiện nụ hoa. Loại không rụng lá không có mùa nghỉ rõ rệt, cần giữ ẩm hơn vào mùa đông. Sử dụng phân bón cho lan Hoàng Thảo có thể dùng phân phun lên lá, hoặc bón qua gốc . Đối với cây ở giai đoạn vườn ươm: Nên dùng phân bón qua lá là tốt nhất, có thể lựa chọn loại 30:10:10 nồng độ 1g/lít, nên dùng loại Growmore. Đối với cây 4-10 tháng tuổi nên dùng phân bón lá 30:10:10 kết hợp với phân nhả chậm bón gốc loại 14:14:14. Đối với cây chuẩn bị lấy hoa, nên dùng phân bón lá loại 10:30:30 kết hợp phân nhả chậm loại 8:16:16 để bón gốc. Đối với cây vừa thu hoa xong thì nên dùng phân bón lá loại 20:20:20 kết hợp phân nhả chậm loại 14:14:14 để bón gốc. Lượng phân: Đối với phân phun qua lá, liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất thường là 1g/lít, có thể 7-10 ngày phun một lần. Đối với phân nhả chậm thông thường với kích thước 2- 3mm nên bón 20-30 viên /chậu và 3-4 tháng bón lại 1 lần [25]. Thời gian bón phân và tưới nước thường vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Các loài Hoàng Thảo ưa sáng, khoảng 50-70% ánh sáng trực tiếp là thích hợp. Nơi trồng thông thoáng không khí giúp cây phát triển tốt vào mùa sinh trưởng. ở chế độ chiếu sáng 100% của mùa hè, cường độ ánh sáng cao dễ làm lá lan bị cháy. Để giúp cho lan sinh trưởng và phát triển tốt thì nên có biện pháp che sáng cho lan. Có thể dùng phên nứa, lá dừa... để che. Mùa đông thời tiết âm u, thiếu ánh sáng thì cần bổ sung ánh sáng cho lan. Nhìn chung lan Hoàng Thảo là loài lan dễ trồng, dễ chăm sóc, có khả năng thích nghi cao, khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh khá tốt. Tuy nhiên trong thực tế vẫn gặp một số loại sâu bệnh gây hại, vì vậy cần dùng các biện pháp phòng trừ cho thích hợp. 2.4. Giá trị kinh tế và giá trị sử dụng của cây hoa lan 2.4.1. Giá trị sử dụng Hoa lan được coi là loài hoa đẹp nhất trong thế giới loài hoa. Hoa lan là loài hoa tinh khiết, vương giả cao sang là nữ hoàng của các loài hoa. Hoa lan không chỉ đẹp về màu sắc, mà còn đẹp cả về hình dáng, cái đẹp của hoa lan thể hiện từ những đường nét của cánh hoa tao nhã đến những hình thân lá, cành duyên dáng, ít có loài hoa nào sánh nổi. Hoa lan được mệnh danh là món trang sức đẹp nhất mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho loài người. Hoa lan được nhiều người ưa thích, bởi lẽ hoa lan có cấu trúc rất kiêu kỳ và phức tạp với những chạm trổ hết sức tinh vi. Nhất là bộ phận môi hoa đã làm nhiều nhà điêu khắc phải thán phục. Hoa lan có nhiều màu sắc, được pha trộn một cách hài hoà, cân đối khi thì hiện lên những nét tương phản rõ nét, khi thì chìm lắng một cách lặng lẽ [27],[40]. Chính vì lẽ đó, hoa lan mang lại nhiều giá trị sử dụng cho con người về mặt tinh thần. Hội hoạ, điêu khắc, văn học, âm nhạc, kiến trúc từ lâu đã làm nổi bật vẻ đẹp thanh nhã của hoa lan. Không có một ý nghĩ, một xúc cảm tế nhị nào của con người mà không tìm được một biểu tượng hay một tên đẹp ở loài lan [31]. Ngoài vẻ đẹp kỳ ảo, với hương thơm đặc biệt, hoa lan còn được dùng làm dược liệu trong đời sống con người. Trong cuốn : “ Dược thảo và phương pháp dưỡng sinh” của tác giả Mao Siang của Trung Quốc đời nhà Tống (960-1279) đã nói về công dụng chữa bệnh của một số loài lan thuộc chi Dendrobium. Hoa lan còn được dùng để chiết xuất tinh dầu thơm dùng trong công nghiệp hoá mỹ phẩm (nước hoa), công nghiệp thực phẩm (bánh kẹo) [15]. 2.4.2. Giá trị kinh tế Hoa lan ngoài việc phục vụ cho nhu cầu giải trí, thưởng thức cái đẹp và chữa bệnh cho con người, nó còn là một nguồn lợi về kinh tế rất lớn trong sản xuất và kinh doanh. Hoa lan được trồng ở nhiều nơi trên thế giới như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Australia, Japan… Thái Lan được coi là nước điển hình cho ngành nuôi trồng và xuất khẩu hoa lan ở châu á. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên tới hàng chục triệu đô la. Thái Lan đã trở thành một nước cường quốc về hoa lan. Trên thế giới hoa lan mang lại giá trị kinh tế lớn cho một số nước như Singapore thu lợi nhuận Dendrobium cắt cành mỗi năm 10 triệu USD [16]. Hà Lan là nước sản xuất công nghiệp hoa cắt cành rất lớn, riêng hoa lan xuất khẩu hàng năm thu được 2,3 tỷ USD. Hoa lan được dùng trong công nghiệp, hương liệu vanilin được chiết xuất từ quả do thụ phấn nhân tạo của loài Vanilla planifolia. Lá của giống Anoetochilus dùng làm rau ăn của người dân Mã Lai và Indonesia. Thổ dân lấy sợi trong thân của giống Dendrobium làm đồ trang sức [26]. 2.5. Tình hình sản xuất hoa lan trên thế giới Hoa lan (Orchidaceae) là một trong đỉnh cao của sự tiến hoá của các loài cây có hoa. Nói chung các nước châu á, hoa lan được biết đến và nuôi trồng rất sớm. Đầu thế kỷ 20, người Anh mới đến Singapore mở đầu cho một giai đoạn mới là lập trại nuôi trồng hoa lan và kỹ nghệ trồng lan. Các giống lan được nuôi trồng ở đây là : Arachnis, Vanda, Oncidium... đồng thời lai tạo các loài lan mới. Từ năm 1957, Thái Lan và Indonesia bắt đầu phát triển nuôi._. ảnh hưởng của việc che sáng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng của 3 giống lan Hoàng Thảo lai trong mùa hè. Mặc dù lan Hoàng Thảo là loài ưa sáng, song cũng chịu được 70-80% ánh sáng trực xạ trong điều kiện mùa hè. ở chế độ sáng 100% của mùa hè, cường độ ánh sáng lên tới hàng trăm nghìn lux lá lan sẽ bị cháy. Để đảm bảo cho lan sinh trưởng và phát triển tốt, cần có biện pháp che sáng cho lan. Có thể dùng phên nứa, lá dừa, lưới đen… Hiện nay với công nghệ tiên tiến đã sản xuất ra nhiều loại lưới phản quang rất phù hợp cho việc che chắn để giảm cường độ ánh sáng, Một số nhà lưới hiện đại có hệ thống che sáng tự động rất thích hợp cho sinh trưởng phát triển của lan và thuận tiện trong thao tác. Chúng tôi đã nghiên cứu ảnh hưởng của việc dùng lưới đen che sáng cho 3 giống lan Hoàng Thảo lai trong nhà có mái che. Kết quả nghiên cứu thể hiện trong các bảng từ bảng 4.20 đến bảng 4.23. Qua số liệu bảng 4.20 ta thấy: - Số đốt/ nhánh Với giống Trắng tuyền trong 3 công thức: Cao nhất ở công thức nhà mái che và 1 lớp lưới đen (8,10 đốt), còn hai công thức còn lại số đốt/nhánh tương đương nhau. Bảng 4.20: ảnh hưởng của việc che sáng đến sinh trưởng thân của 3 giống lan Hoàng Thảo lai. Chế độ che sáng Giống lan TN Số nhánh/cây (nhánh) Số đốt/nhánh (đốt) Chiều cao cây (cm) ĐK thân (cm) Nhà có mái che Trắng tuyền 3,60 7,95 32,80 1,62 Trắng tím 4,00 8,10 42,05 1,30 Trắng môi tím 4,40 8,15 33,10 1,32 Nhà có mái che và 1 lớp lưới đen Trắng tuyền 3,80 8,10 33,10 1,70 Trắng tím 4,00 8,07 42,15 1,28 Trắng môi tím 4,20 8,05 32,70 1,27 Nhà có mái che và 2 lớp lưới đen Trắng tuyền 3,20 7,90 32,50 1,65 Trắng tím 4,20 8,20 42,70 1,35 Trắng môi tím 4,10 8,03 32,50 1,25 CV% 3,70 3,10 3,60 LSD5% (giống) 0,60 0,24 0,50 LSD5% (AS) 0,60 0,24 0,50 Giống Trắng tím trong 3 công thức: Cao nhất ở công thức nhà có mái che và 2 lớp lưới đen (8,20 đốt), hai công thức còn lại số đốt/nhánh tương đương nhau. Giống Trắng môi tím trong 3 công thức: Cao nhất trong nhà có mái che (8,15 đốt) còn lại hai công thức thì số đốt/ nhánh tương đương. Trong cùng một công thức nhà có mái che cho 3 giống: Thì số đốt/ nhánh giống Trắng môi tím là lớn nhất. Hình13: Chiều cao cây (cm) của giống Trắng tuyền. Với công thức nhà có mái che và 1 lớp lưới đen cho 3 giống: Thì giống Trắng tuyền có số đốt/nhánh cao nhất. Công thức nhà có mái che và 2 lớp lưới đen cho 3 giống: Thì giống Trắng tím có số đốt/nhánh cao nhất. - Số nhánh/cây, chiều cao cây, đường kính thân Với giống Trắng tuyền trong 3 công thức: 3 chỉ tiêu có giá trị cao nhất ở công thức nhà mái che và 1 lớp lưới đen ( hình 13 chiều cao cây của giống Trắng tuyền). Giống Trắng tím trong 3 công thức: 3 chỉ tiêu có giá trị cao nhất ở công thức nhà mái che và 2 lớp lưới đen. Giống Trắng môi tím trong 3 công thức: 3 chỉ tiêu đều có giá trị cao nhất ở công thức nhà có mái che. Bảng 4.21: ảnh hưởng của việc che sáng đến sinh trưởng lá của 3 giống lan Hoàng Thảo lai. Chế độ che sáng Giống lan TN Tỉ lệ cây rụng lá (%) D.lá (cm R.lá (cm) Số lá/nhánh (lá) Số lá rụng/cây (lá) Nhà có mái che Trắng tuyền 3,33 15,45 3,20 8,70 1,05 Trắng tím 40,00 12,90 4,00 6,85 1,08 Trắng môi tím 10,00 16,20 3,50 8,03 1,02 Nhà có mái che và 1 lớp lưới đen Trắng tuyền 3,33 16,02 3,40 9,10 1,00 Trắng tím 40,00 12,80 3,95 6,80 1,10 Trắng môi tím 10,00 15,90 3,45 7,50 1,07 Nhà có mái che và 2 lớp lưới đen Trắng tuyền 3,33 15,55 3,25 8,75 1,03 Trắng tím 40,00 13,40 4,10 7,20 1,03 Trắng môi tím 10,00 15,85 3,40 7,65 1,09 CV% 3,30 3,80 3,50 3,80 LSD5% (giống) 0,20 0,64 0,39 0,30 LSD5% (AS) 0,20 0,64 0,39 0,30 Trong mùa hè, theo số liệu bảng 4.21 cho thấy: Tỷ lệ rụng lá của cả 3 giống đều giảm hơn so với mùa đông. Nhưng trong một giống với 3 công thức thì tỷ lệ rụng lá không thay đổi. Trong một công thức với 3 giống thì giống Trắng tím có tỷ lệ rụng lá lớn nhất (40%), thấp nhất ở giống Trắng tuyền (3,33%). - Số lá/nhánh Với giống Trắng tuyền trong 3 công thức: chỉ tiêu này cao nhất ở trong nhà mái che và 1 lớp lưới đen, thấp nhất ở trong nhà có mái che. Với giống Trắng tím trong 3 công thức: chỉ tiêu này cao nhất ở trong nhà mái che và 2 lớp lưới đen, thấp nhất trong nhà có mái che và 1 lớp lưới đen. Với giống Trắng môi tím trong 3 công thức: Chỉ tiêu số lá/nhánh cao nhất ở trong nhà có mái che, thấp nhất ở trong nhà có mái che có 2 lớp lưới đen. Trong cùng công thức nhà có mái che với 3 giống: Số lá/nhánh cao nhất ở giống Trắng tuyền (8,70 lá), thấp nhất ở giống Trắng tím (6,85lá). Công thức nhà có mái che và 1 lớp lưới đen cho 3 giống: giống Trắng tuyền có số lá/nhánh cao nhất (9,10 lá), thấp nhất là giống Trắng tím (6,80 lá) Với công thức nhà có mái che và 2 lớp lưới đen cho 3 giống: Số lá/ nhánh cao nhất ở giống Trắng tuyền (8,75 lá) và thấp nhất là giống Trắng tím (7,20 lá) - Dài lá và rộng lá Với giống Trắng tuyền trong 3 công thức: 2 chỉ tiêu này cao nhất ở trong nhà mái che và 1 lớp lưới đen, thấp nhất ở trong nhà có mái che. Với giống Trắng tím trong 3 công thức: 2 chỉ tiêu này cao nhất ở trong nhà mái che và 2 lớp lưới đen, thấp nhất trong nhà có mái che và 1 lớp lưới đen. Với giống Trắng môi tím trong 3 công thức: chỉ tiêu dài lá và rộng lá cao nhất ở trong nhà có mái che, thấp nhất ở trong nhà có mái che và 2 lớp lưới đen. Số lá rụng/cây tương đương nhau ở tất cả các công thức cho 3 giống. Tóm lại: Qua theo dõi ảnh hưởng của việc che sáng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của 3 giống lan Hoàng Thảo lai, chúng tôi cho rằng: Nhà có mái che thích hợp với giống Trắng môi tím, nhà mái che và 1 lớp lưới đen thích hợp với giống Trắng tuyền, nhà có mái che và 2 lớp lưới đen thì tạo điều kiện thuận lợi cho giống Trắng tím phát triển. Bảng 4.22. ảnh hưởng của việc che sáng đến năng suất của 3 giống lan Hoàng Thảo lai. Chế độ che sáng Giống lan TN Tỷ lệ cây ra hoa (%) Số cành hoa/nhánh (hoa) Số bông hoa/cành (hoa) C. dài cành hoa (cm) Đ.K cành hoa (cm) Nhà có mái che Trắng tuyền 80,00 1,40 8,40 30,05 0,37 Trắng tím 80,00 1,20 7,22 35,37 0,39 Trắng môi tím 88,88 1,30 11,10 40,10 0,40 Nhà có mái che và 1 lớp lưới đen Trắng tuyền 88,88 1,80 11,20 31,20 0,38 Trắng tím 83,33 1,20 7,20 35,71 0,38 Trắng môi tím 83,33 1,20 10,20 39,02 0,38 Nhà có mái che và 2 lớp lưới đen Trắng tuyền 83,33 1,60 9,50 28,70 0,36 Trắng tím 88,88 1,30 7,50 39,07 0,40 Trắng môi tím 77,77 1,10 9,80 38,70 0,37 CV% 5,80 5,50 5,60 LSD5% (giống) 0,78 0,47 0,20 LSD5% (AS) 0,78 0,47 0,20 Số liệu ở bảng 4.22 cho thấy: - Tỷ lệ cây ra hoa Trong cùng một công thức nhà có mái che với 3 giống thì giống Trắng môi tím có tỷ lệ ra hoa cao nhất (88,88%). Giống Trắng tuyền và giống Trắng tím tương đương nhau về tỷ lệ cây ra hoa (80%). Hình 14: Số bông hoa/ cành của giống Trắng tím Trong nhà mái che và 1 lớp lưới đen cho 3 giống: giống Trắng tuyền cao nhất (88,88%), giống Trắng tím và giống Trắng môi tím tương đương nhau (83,33%) Trong nhà mái che và 2 lớp lưới đen cho 3 giống: Giống Trắng tím đạt cao nhất (88,88%), thấp nhất ở giống Trắng môi tím (77,77%) - Số cành hoa/nhánh, số bông hoa/cành, chiều dài cành hoa Với giống Trắng tuyền trong 3 công thức: 3 chỉ tiêu này đạt giá trị cao nhất trong nhà mái che có 1 lớp lưới đen. Với giống Trắng tím trong 3 công thức: 3 chỉ tiêu này đạt giá trị cao nhất trong nhà mái che có 2 lớp lưới đen (hình 14 số bông hoa/cành của giống Trắng tím). Với giống Trắng môi tím trong 3 công thức: 3 chỉ tiêu này đạt giá trị lớn nhất ở trong nhà có mái che. - Đường kính cành hoa thay đổi không đáng kể cho tất cả các giống trong 3 công thức. Bảng 4.23 : ảnh hưởng của việc che sáng đến chất lượng hoa của 3 giống lan Hoàng Thảo lai. Chế độ che sáng Giống lan TN DxR Cánh môi (cm) DxR Cánh bên (cm) DxR Cánh đài (cm) Độ bền tự nhiên (ngày) Nhà có mái che Trắng tuyền 3,00 x 2,40 3,00 x 2,40 3,00 x 2,50 20,40 Trắng tím 3,60 x 2,00 4,65 x 2,90 3,85 x 2,75 20,50 Trắng môi tím 2,90 x 3,10 3,60 x 2,00 3,50 x 2,70 20,70 Nhà có mái che và 1 lớp lưới đen Trắng tuyền 3,10 x 2,50 3,10 x 2,50 3,10 x 2,50 21,50 Trắng tím 3,60 x 2,10 4,60 x 2,95 3,90 x 2,90 21,70 Trắng môi tím 2,90 x 3,00 3,50 x 2,10 3,45 x 2,70 21,50 Nhà có mái che và 2 lớp lưới đen Trắng tuyền 3,00 x 2,30 3,00 x 2,45 2,95 x 2,40 22,10 Trắng tím 3,70 x 2,10 4,70 x 3,00 4,00 x 2,80 22,30 Trắng môi tím 2,90 x 3,00 3,55 x 2,07 3,40 x 2,75 22,40 CV% 4,40 x 4,70 4,80 x 4,30 4,60 x 4,90 LSD5% (giống) 0,44 x 0,67 0,30 x 0,57 0,56 x 0,77 LSD5%(AS) 0,44 x 0,67 0,30 x 0,57 0,56 x 0,77 Nhìn vào bảng 4.23 ta thấy: Chiều dài, chiều rộng của cánh môi, cánh bên, cánh đài không có biến động nhiều với từng giống trong 3 công thức. Nhưng trong một công thức với 3 giống thì giống Trắng tím có kích thước hoa lớn hơn. Trong cùng một công thức với 3 giống thì độ bền tự nhiên của hoa là tương đương nhau. Điều đó thể hiện là nếu giảm bớt cường độ ánh sáng thì hoa nở chậm hơn và ngược lại. Trong mùa đông trời âm u, thiếu ánh sáng nên hoa nở chậm hơn mùa hè. 4.2.6. Nghiên cứu diễn biến bệnh hại chính trên vườn lan Bệnh hại cũng là nguyên nhân không thể phát triển các giống lan Hoàng Thảo lai. Các loại bệnh làm cho số lượng và chất lượng hoa giảm, có thể gây thiệt hại lớn cho vườn lan. Vì vậy việc nghiên cứu diễn biến bệnh hại, để đưa ra các phương pháp phòng trừ là rất cần thiết với lan. Thành phần bệnh hại chính trên cây hoa lan Hoàng Thảo lai trong điều kiện vùng đồng bằng Sông Hồng mà đại diện là vùng Văn Giang – Hưng Yên như sau: Tên bệnh Tên khoa học Bộ phận bị hại Mức độ Bệnh đốm vòng Alternaria alternata Cánh hoa + Bệnh đốm lá Cercospora sp Lá ++ Bệnh thán thư Colletotrichumsp Lá + Kết quả nghiên cứu về bệnh hại lan Hoàng Thảo lai được trình bày ở bảng 4.24. Bảng 4.24: Tình hình bệnh hại chính của giống lan Hoàng Thảo lai TT Tên giống Đốm vòng Đốm lá Thán thư 1 Trắng tím + ++ + 2 Trắng tuyền + ++ + 3 Trắng môi tím + ++ + 4 Tím đậm + ++ + Bệnh Đốm Lá phát triển nhanh dần theo thời gian là loại bệnh rất nặng trên cây lan Hoàng Thảo lai, tuy không gây thiệt hại trầm trọng, nhưng những vết bệnh tồn tại trên lá làm giảm thẩm mỹ của cây lan. Bệnh Thán Thư và Đốm vòng là 2 loại bệnh xuất hiện trên giống lan Hoàng Thảo lai ở mức độ bệnh nặng. Qua theo dõi ở bảng 4.24 cho thấy: Tất cả các giống lan Hoàng Thảo lai nghiên cứu đều bị bệnh nhưng ở mức độ khác nhau. Bệnh Đốm lá xuất hiện ở tất cả các giống ở mức độ nặng (10-30%). Bệnh Đốm Vòng và Thán Thư có ở tất cả 4 giống nhưng ở mức độ nhẹ hơn (<10%). Trong quá trình nghiên cứu làm thí nghiệm, chúng tôi thấy: Nếu tạo điều kiện thuận lợi (cung cấp đủ ánh sáng, nhiệt độ, dinh dưỡng) thì cây lan sẽ giảm bớt bệnh hại. 4.2.7 Quy trình kỹ thuật sản xuất hoa lan Hoàng Thảo lai + Giống Nguồn giống có thể lấy từ cây tách chiết theo phương pháp nhân giống cổ truyền nhưng tốt nhất là lấy từ nguồn nuôi cấy tế bào là tốt nhất vì cây nuôi cấy rất đồng đều, sạch bệnh nhanh ra hoa và ít bị phân ly. Cần chọn những cây đồng đều đã có rễ và lá ổn định trước khi đem ra trồng. + Thời vụ Thời vụ Trồng lan Hoàng Thảo lai tốt nhất là vào mùa hè ở miền Bắc, đây là thời điểm có thời tiết khí hậu thuận lợi cho việc ra ngôi. Sau khi ra ngôi gặp điều kiện nhiệt độ > 190C rất thuận lợi cho quá trình hồi xanh và ra rễ mới của cây. + Chậu trồng Lan Hoàng Thảo lai có thể trồng trên khay nhựa, chậu nhựa, chậu đất nung hoặc vỏ quả dừa. Kích thước chậu trồng tùy thuộc vào tuổi cây và cách bố trí trồng của người trồng lan. Chú ‎ý chậu phải có lỗ thoát nước ở đáy hoặc thành chậu. + Giá thể Có thể chọn than hoa, xơ dừa, sỏi đá để trồng lan Hoàng Thảo lai. Tốt nhất nên chọn xơ dừa. Đối với cây con invitro chỉ nên dùng xơ dừa miếng, không phối trộn với thành phần khác. Đối với cây từ 4 tháng tuổi trở lên hoặc cây trưởng thành trong trường hợp thay chậu, thay giá thể nên kết hợp một lượng nhỏ than hoa hoặc sỏi nhẹ để trồng. + Cách trồng Sau khi đã có cây giống và chuẩn bị đủ chậu, giá thể. Ta tiến hành trồng cây, cần xử lí chống nhiễm bệnh bằng cách nhúng toàn bộ chậu và giá thể và cây giống qua dung dịch thuốc trừ bệnh như Aliet, Bellate, Rhidomil, Daconil… Đối với cây invitro: Lấy cây ra khỏi bình, rửa sạch môi trường còn bám dính vào gốc rễ cây con để tránh kiến, sên và một số con trùng khác. Xử lí thuốc bệnh, để ráo nước khoảng 3- 4 giờ rồi đem trồng. Dùng xơ dừa đã cắt nhỏ, vừa với kích thước của chậu hoặc khay trồng. ốp từng miếng quanh gốc rồi từ từ nhẹ nhành đặt vào khay hoặc chậu. Đối với cây từ 4 tháng tuổi- cây trưởng thành: Vệ sinh cắt bỏ lá già, rễ thối…sau đó xử lí thuốc bệnh và để khô ráo. Rải một lớp mỏng than hoa hoặc sỏi nhẹ xuống đáy chậu để thoát nước tốt và tăng độ thông thoáng. Dùng xơ dừa miếng đã cắt vừa với kích thước của chậu, ốp xung quanh cây sau đó đặt vào chậu và tiếp tục chèn chặt bằng than hoa, xơ dừa miếng hoặc sỏi nhẹ. + Tưới nước - Nguồn nước: Có thể dùng nước ao hồ, nước máy, giếng khoan…nhưng phải là nguồn nước sạch, có pH trung tính, không có vi sinh vật gây hại và hóa chất độc hại. Lượng nước căn cứ vào tuổi cây, điều kiện thời tiết, chế độ nhà nuôi trồng và loại giá thể mà có chế độ nước tưới phù hợp. Đối với cây nhỏ, cần lượng nước tưới ít hơn nhưng phải tưới làm nhiều làn. Những ngày nắng nóng và khô hanh cần tưới lượng nước nhiều hơn những ngày ẩm ướt mưa phùn hoặc những ngày có độ ẩm không khí cao. Cây trồng trên giá thể là xơ dừa miếng thì lượng nước tưới ít hơn so với cây trồng trên nền giá thể là than hoa hay sỏi nhẹ. - Cách tưới: Có thể phun mù tự động hoặc dùng vòi sen để tưới, cũng có thể tưới trực tiếp vào chậu. Tưới ướt đều bề mặt lá và thấm vừa đủ xuống đáy chậu, không nên lạm dụng phun mù vì cây dễ mắc bệnh hơn, đặc biệt là trong điều kiện ẩm độ không khí cao. - Thời gian tưới: Tốt nhất là vào chiều mát hoặc sáng sớm, không nên tưới vào lúc trời nắng to, có nhiệt độ cao. + Bón phân: Để lan Hoàng Thảo lai sinh trưởng, phát triển tốt, sớm ra hoa, hoa to và đẹp, độ bền kéo dài…cần cung cấp dinh dưỡng cho lan. Loại phân: tùy từng giai đoạn sinh trưởng của cây mà lựa chọn loại phân có tỷ lệ N:P:K phù hợp với từng giai đoạn đó Cây trưởng thành thì có thể dùng phân bón qua lá Pomior P399 nồng độ 0,3%, phun 8-10 ngày/ lần vào lúc chiều mát hoặc sáng sớm + Che sáng Mặc dù lan Hoàng Thảo lai là loài ưa sáng, song cũng chỉ chịu được 70-80% ánh sáng trực xạ trong điều kiện mùa hè vì thế vào mùa hè ta phải che sáng cho cây trong những ngày trời nắng to, có thể che bằng phên nứa, lá dừa, lưới đen. + Chiếu sáng bổ sung Lan Hoàng Thảo lai khác biệt so với một số loài lan khác. Cây cần thời gian chiếu sáng dài ngày để ra hoa. ở điều kiện miền bắc về mùa đông thời gian chiếu sáng trong ngày <11giờ không đảm bảo cho lan Hoàng Thảo lai phân hóa mầm hoa. vì vậy ta cần thắp sáng bổ sung cho cây từ 18-23 giờ hàng ngày. Dùng bóng 50-100w, khoảng cách giữa các bóng là 2m, bóng cách cây là 1,2m. + Phòng trừ sâu bệnh Nên có biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp. + Cắm que nâng đỡ cành hoa Khi cây ra hoa cao khoảng 20cm thì cắm que nâng đỡ cành hoa, giúp cho cành mọc thẳng, không bị đổ nghiêng, ảnh hưởng đến giá trị thẩm mỹ của hoa. 5. kết luận và đề nghị 5.1. Kết luận Khả năng sinh trưởng thân lá, ra hoa của 4 giống lan Hoàng Thảo lai nhập nội từ Thái Lan đã phù hợp với điều kiện sinh thái vùng đồng bằng sông Hồng, khi đưa vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế. Cường độ ánh sáng bổ sung trong mùa đông có ảnh hưởng tốt đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng đối với 3 giống lan Hoàng Thảo lai là Trắng tuyền, Trắng tím và Trắng môi tím. Bổ sung ánh sáng bằng đèn Compact (70lux) đem lại hiệu quả tốt nhất như làm tăng tỷ lệ cây ra hoa, số bông hoa trên cành và số cành hoa trên nhánh. Nhiệt độ bổ sung có ảnh hưởng lớn nhất đến sinh trưởng thân lá và ra hoa của 3 giống lan Hoàng Thảo lai là cây được trồng trong nhà kính thông minh ( nhiệt độ từ 22-35oC). Việc sử dụng phân bón không tốn kém mà hiệu quả lại tăng cao. Nên sử dụng loại phân Pomior P399 không cần bổ sung Mg++ và Ca++ nồng độ 0,3% cho quá trình phát triển thân lá, dùng nồng độ 0,4% cho quá trình phân hóa mầm hoa đến thu hoạch cho giống lan Hoàng Thảo lai Trắng tím. Việc che sáng cho lan Hoàng Thảo lai trong mùa hè là hoàn toàn cần thiết. Nên sử dụng nhà có mái che và một lớp lưới đen cho giống Trắng tuyền, nhà có mái che và hai lớp lưới đen cho giống Trắng tím và nhà có mái che cho giống Trắng môi tím. Xây dựng quy trình sản xuất lan Hoàng Thảo lai thương mại tại miền Bắc Việt Nam là công việc mang ‎‎ý nghĩa thực tiễn cao, giúp người sản xuất có thể dễ dàng tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới và áp dụng vào thực tế sản xuất. Tạo điều kiện cho lan Hoàng Thảo lai ngày càng phát triển. 5.2. Đề nghị Cần phổ biến rộng rãi và ứng dụng kết quả nghiên cứu trên cho các cơ sở sản xuất hoa lan. Để nâng cao năng suất, chất lượng hoa lan Hoàng Thảo lai nhất thiết phải bổ sung ánh sáng vào mùa đông, che sáng vào mùa hè, sử dụng phân bón thích hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của lan. Tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm việc bổ sung ánh sáng, nhiệt độ, phân bón trên diện rộng để bổ sung vào quy trình trồng và chăm sóc lan Hoàng Thảo lai. Tài liệu tham khảo Tài liệu tiếng Việt Nguyễn Tiến Bân (1990), Các cây hạt kín ở Việt Nam, Tuyển tập công trình nghiên cứu sinh thái và tài nguyên sinh vật, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. Nguyễn Tiến Bân (1990), Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ thực vật hạt kín (Magno liophyta angios permae), Tuyển tập các công trình nghiên cứu sinh thái và tài nguyên sinh vật, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội, Nguyễn Tiến Bân (1997), Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ thực vật hạt kín ( Magno liophyta angios permae), Tuyển tập các công trình nghiên cứu sinh thái và tài nguyên sinh vật, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. Võ Văn Chi (1978), Phân loại thực vật, Nhà xuất bản Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội. Võ Văn Chi, Dương Đức Tiến (1978), Phân loại thực vật-thực vật bậc cao, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Nguyễn Văn Chương, Trịnh Văn Thịnh (1991), Từ điển bách khoa Nông Nghiệp, Trung tâm Quốc gia biên soạn, Hà Nội. Việt Chương, Nguyễn Việt Thái (2002), Kỹ thuật trồng và kinh doanh phong lan, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tr 11-79. Nguyễn Hữu Duy, Phan Ngọc Cấp (1995), “Mấy nét về cội nguồn phong lan- đặc sản của các loại nhiệt đới”, Việt Nam hương sắc, số 1, tr7 Dự án phát triển hoa cây và cây kiểng tại Thành phố Hồ Chí Minh (14/7/2005), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hợp (1990), Phong lan Việt Nam, tập 1,2, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tr 68-92. Phạm Hoàng Hộ (1973), Cây cỏ Việt Nam, Nhà xuất bản Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Hà Nội. Phạm Hoàng Hộ (1992), Cây cỏ miền Nam Việt Nam, quyển 1,2, Bộ Giáo dục, Hà Nội, tr 195. Phạm Hoàng Hộ (1993), Cây cỏ Việt Nam, Nhà xuất bản Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Phan Thúc Huân (1989), Hoa lan cây cảnh và vấn đề phát triển sản xuất kinh doanh xuất khẩu, Nhà xuất bản Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, tr 12-14-34. Phan Thúc Huân (1997), Hoa lan nuôi trồng và kinh doanh, Nhà xuất bản Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, tr 55. Trần Văn Huân, Văn Tích Lượm (1998), Kỹ thuật nuôi trồng cấy lan, Nhà xuất bản Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. tr 23. Hoàng Xuân Lam (2006), Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất phẩm chất một số giống hoa phong lan Hồ Điệp nhập nội, Luận văn thạc sĩ Nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp, Hà Nội. Nguyễn Xuân Linh (1998), Hoa và kỹ thuật trồng hoa, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội, tr 145-162. Nguyễn Xuân Linh (2002), Điều tra thu thập đánh giá bảo tồn nguồn gen hoa cây cảnh khu vực miền Bắc Việt Nam, tr 9-150. Nguyễn Xuân linh (2002), Kỹ thuật trồng hoa cây cảnh, Nhà xuất bản Nông nghiệp, tr 92-108. Phạm Thị Liên, Nguyễn Xuân Linh, Lê Đức Thảo, Đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển của một số giống lan Hồ Điệp nhập nội từ Hà Lan, Kết quả nghiên cứu Khoa học, Viện Di truyền Nông nghiệp, Hà Nội, tr 144. Hoàng Thị Loan (2006), Nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng của một số giống lan Đai Châu nhập nội và ảnh hưởng của dạng phân bón, giá thể đến sinh trưởng phát triển của lan Đai Châu, Báo cáo tốt nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp, Hà Nội, tr 21-48. Trần Văn Minh (1994), Nuôi cấy tế bào thực vật, Phân viện Sinh học nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, tr 67-69. Trần Văn Minh, Nguyễn Văn Uyển (2001), “Vi nhân giống phong lan nhóm Dendrobium trên quy mô công nghiệp, nhân giống invitro”, Tạp chí khoa học công nghệ, số 1, tr1-9. Lê Thanh Nhuận, Phạm Thị Liên, Nguyễn Trung Hưng và các cộng sự (2009), Chuyên đề nghiên cứu ảnh hưởng chế độ dinh dưỡng tới khả năng sinh trưởng, phát triển của lan Hoàng Thảo tại miền Bắc Việt Nam, Viện Di truyền Nông nghiệp, Hà Nội, tr1. Nguyễn Công Nghiệp (1989), Trồng hoa lan, Nhà xuất bản trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, tr 9, 44-45. Nguyễn Công Nghiệp (2000), Trồng hoa lan , Nhà xuất bản trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, tr 17-268. Vũ Thị Phượng (2005), Nghiên cứu hiện trạng sản xuất hoa lan và một số biện pháp kỹ thuật nuôi trồng lan Hồ Điệp ở Hà Nội và một số vùng phụ cận, Luận văn thạc sĩ Nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp, Hà Nội. Trần Duy Quý (2005), Sổ tay người Hà Nội chơi lan, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. Lê Lương Tề, Vũ Triệu Mân (1998), Giáo trình bệnh cây Nông nghiệp, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. Nguyễn Thiện Tịch và các tác giả (1996), Kỹ thuật nuôi trồng hoa lan, Nhà xuất bản Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, tr 31. Lê Đặng Trung Tuyến (2007), Nghiên cứu hiện trạng sản xuất hoa lan và một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng lan Hồ Điệp ở thời kỳ vườn ươm tại tỉnh Khánh Hòa, Luận văn thạc sĩ Nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp, Hà Nội. Chí Thiện, Hội hoa xuân với phong trào nuôi trồng hoa lan, hoa cảnh, 12/2004. Nguyễn Mai Thơm (1999), Nghiên cứu nhân một số mẫu giống hoa phong lan nhập nội bằng phương pháp tách chồi và cắt đoạn thân, Luận văn thạc sĩ Nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp, Hà Nội. Hoàng Ngọc Thuận (2005), Bài giảng kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp trong chậu, Trường Đại học Nông nghiệp, Hà Nội. Hoàng Ngọc Thuận (2005), Một số kết quả nghiên cứu ứng dụng chế phẩm phân bón lá phức hữu cơ Pomior (EDTA- Aminoaxit chelated) trong kỹ thuật nâng cao năng suất một số cây Nông nghiệp, Báo cáo tại hội đồng cấp nhà nước, Hà Nội. Hoàng Ngọc Thuận và cộng sự (2007), Tài liệu giáo khoa kỹ thuật nghề làm vườn, Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội. Nguyễn Hạc Thúy (2001), Cẩm nang sử dụng chất dinh dưỡng cây trồng và phân bón cho năng suất cao, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội Trần Thị Thúy (2007), Nghiên cứu đánh giá đa dạng di truyền tập đoàn lan Hồ Điệp (Phalaenopsis) ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp, Hà Nội. Đào Thanh Vân, Đặng Thị Tố Nga (2008), Giáo trình hoa lan, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. Ngô Quang Vũ (2002), “ Những con số hấp dẫn về thị trường lan cắt cành thế giới”, Hoa cảnh, T10. Tìm kiếm thông tin trên Website: Hoa lan. www.hoalanvietnam.org Tài liệu tiếng Anh Croh, C.J (1984), Koot productiow in orchids, orchicl – Review, p 88-89. Delforge, - P., Jul-Aug (1995), “Some obervations on the orchids of the island of Euboea (Greece)”, Naturalistes-Belges (Belgium), p. 128-143. Eng, -PS., Yeoh, -HH, Khoo, -SI., Hew, -CS (1983), “Effect of Ph‎ysan 20 on respiration, phytosynthesis and growth of orchid plants”, Singapore-Journal-of-Primary-Industries, p. 76-82. Kukulczanka, -K (1985), “Effect of Biostimin on growth of meristemic tissue and protocorm formation of some orchids on invitro culture”, American-Orchid-Society-Bulletin, 55: No. 167, p. 273-287. Lecouflem, Orchidees Extiques. Maison Rustique. Pari, (1981), p. 215-217. Mamaril, -J.C, Lopez, -A.M (1990), “Comparative effect of coconut water growth hormonne extracts on the growth of reflasked Vanda, Phalanopsis (gradiflora) and Dendrobium protocorms”, Philippines-Journal-of-Crop-Science (Philippines), p. 23. Mau, -RE (1983), “Development of the orchid weevil, Orchidophilus aterrimus (Waterhouse)”, Proceedings-of-the-Hawaiian-Entomological-Society, p. 293-297. Richards, -H (1985), “Part III cultivation of Australial terrestrial orchids”, Orchid-Review, 93, p. 304-306, 1103. Smreciu, -EA, Curra, -RS (1989), “Symbiotic germination of seeds of terrestrial orchids of North American and Europe”, Horticultural-Review, p. 290-315. Snow, -R (1985), “Improvements in methods fir the germination of orchid seeds”, American-Orchid-Society-Bulletin, 54:2, p. 178-181. Soebijanto, Widiastoety, -D, Suwanda (1987), “The effect of Antonik on orchid (Laeliocattleya sp.) plant”, Buletin-Prnrlitian-Hortikultura. Supaporn-Pornprasit (1992), “Effect of fertilizers and some plant growth regulators on growth and flower quality of Dendrobium Ekapol”, bộ giáo dục và đào tạo trường đạI học nông nghiệp Hà NộI ---------------------------- Bùi Thị Thu Hiền NGHIÊN CứU MộT Số BIệN PHáP Kỹ THUậT NÂNG CAO NĂNG SUấT, CHấT LƯợNG HOA LAN HOàNG THảO LAI DENDROBIUM HYBRID luận văn thạc sĩ NÔNG NGHIệP Chuyên ngành : trồng trọt Mã số : 60.62.01 Người hướng dẫn khoa học : PGS.TS. Hoàng Ngọc Thuận Hà Nội - 2009 Lời cam đoan Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được sử dụng công bố ở bất cứ công trình nào khác. Tôi xin cam đoan rằng các thông tin trích dẫn trong luận văn này đã được ghi rõ nguồn gốc. Tác giả Bùi Thị Thu Hiền Lời cảm ơn Để hoàn thành bản luận văn này, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ về nhiều mặt của các cấp lãnh đạo, các tập thể và cá nhân. Trước hết tôi xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và kính trọng tới PGS. TS. Hoàng Ngọc Thuận, người đã tận tình chỉ bảo, hướng dẫn tôi hoàn thành bản luận văn này. Luận văn được thực hiện tại trạm thực nghiệm Văn Giang-Trung tâm thực nghiệm Sinh học Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Di truyền Nông nghiệp huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên. Tại đây tôi đã nhận được sự giúp đỡ của ban lãnh đạo và các cán bộ viện Di truyền đặc biệt là T.S. Phạm Thị Liên trong suốt quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu. Tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu đó. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới ban lãnh đạo Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, ban chủ nhiệm khoa Nông học, khoa sau Đại học, các thầy cô giáo trong bộ môn Rau-Hoa-Quả khoa Nông học đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi về kiến thức và chuyên môn trong suốt 2 năm học tập và làm luận văn. Cuối cùng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới gia đình, người thân và toàn thể bạn bè đã cổ vũ, động viên, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu. Một lần nữa tôi xin trân trọng cảm ơn! Hà Nội, tháng....năm 2009 Tác giả Bùi Thị Thu Hiền mục lục Danh mục các chữ viết tắt AS : ánh sáng BVTV : Bảo vệ thực vật CT : Công thức CH : Cành hoa C. dài : Chiều dài C. rộng : Chiều rộng D. lá : Dài lá DxR : Dài x rộng Đ. bền : Độ bền ĐK : Đường kính ĐC : Đối chứng LR : Lá rụng NN&PTNT : Nông nghiệp & Phát tiển nông thôn R. lá : Rộng lá TN : Thí nghiệm TT : Thứ tự danh mục bảng STT Tên bảng Trang 4.1. Đặc điểm thân lá của 4 giống lan Hoàng Thảo lai 59 4. 2. Tăng trưởng chiều cao mầm của 4 giống lan Hoàng Thảo lai 60 4.3: Tỷ lệ cây rụng lá và thời gian nẩy mầm mới sau khi lá rụng 61 4.4. Đặc điểm ra hoa của 4 giống lan Hoàng Thảo 62 4.5. Đặc điểm hoa của các giống lan Hoàng Thảo lai. 64 4.6. Hiệu quả kinh tế của 4 giống lan nghiên cứu 65 4.7. ảnh hưởng của cường độ chiếu sáng bổ sung đến sinh trưởng thân của 3 giống lan Hoàng Thảo lai 68 4.8. ảnh hưởng của cường độ chiếu sáng bổ sung đến sinh trưởng lá của 3 giống lan Hoàng Thảo lai 70 4.9. ảnh hưởng của cường độ ánh sáng bổ sung tới năng suất của 3 giống lan Hoàng Thảo lai. 72 4.10. ảnh hưởng của cường độ chiếu sáng bổ sung tới chất lượng hoa của 3 giống lan Hoàng Thảo lai. 74 4.11. ảnh hưởng của nhiệt độ bổ sung tới sinh trưởng thân của 3 giống lan Hoàng Thảo lai. 76 4.12. ảnh hưởng của nhiệt độ bổ sung tới sinh trưởng lá của 3 giống lan Hoàng Thảo lai. 78 4.13. ảnh hưởng của nhiệt độ bổ sung tới năng suất của 3 giống lan Hoàng Thảo lai. 80 4.14. ảnh hưởng của nhiệt độ bổ sung tới chất lượng của 3 giống Hoàng Thảo lai 82 4.15. ảnh hưởng của phân bón đến sinh trưởng thân của giống lan Hoàng Thảo lai Trắng tím. 83 4.16. ảnh hưởng của phân bón đến sinh trưởng lá của giống lan Hoàng Thảo lai Trắng tím. 84 4.17. ảnh hưởng của phân bón đến năng suất của giống lan Hoàng Thảo lai Trắng tím. 86 4.18. ảnh hưởng của phân bón đến chất lượng hoa giống lan Hoàng Thảo lai Trắng tím. 87 4.19. Hiệu quả kinh tế của việc sử dụng các loại phân bón khác nhau cho giống lan Hoàng Thảo lai Trắng tím. 88 4.20. ảnh hưởng của việc che sáng đến sinh trưởng thân của 3 giống lan Hoàng Thảo lai. 91 4.21. ảnh hưởng của việc che sáng đến sinh trưởng lá của 3 giống lan Hoàng Thảo lai. 93 4.22. ảnh hưởng của việc che sáng đến năng suất của 3 giống lan Hoàng Thảo lai. 95 4.23. ảnh hưởng của việc che sáng đến chất lượng hoa của 3 giống lan Hoàng Thảo lai. 97 4.24: Tình hình bệnh hại chính của giống lan Hoàng Thảo lai 98 danh mục các hình STT Tên các hình Trang 1: Số lá rụng/cây (lá) của 4 giống 61 2: Số cành hoa/nhánh và số hoa/cành của 4 giống. 63 3: Chiều cao cây (cm) của 3 giống ở CT ánh sáng 68 4: Số lá rụng/cây (lá) của 3 giống ở CT ánh sáng 71 5: Số bông hoa/cành (hoa) của 3 giống ở CT ánh sáng 73 6: Đường kính thân (cm) của 3 giống ở CT nhiệt độ 77 7: Chiều cao cây (cm) của 3 giống ở CT nhiệt độ 77 8: Số lá rụng/cây (lá) của 3 giống ở CT nhiệt độ 79 9: Số cành hoa/nhánh (cành) của 3 giống ở CT nhiệt độ 81 10: Chiều cao cây (cm) của giống Trắng tím 84 11: Số lá rụng/cây (lá) cuả giống Trắng tím 85 12: Số bông hoa/cành (hoa) của giống Trắng tím 86 13: Chiều cao cây (cm) của giống Trắng tuyền. 92 14: Số bông hoa/ cành của giống Trắng tím 96 ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLuận văn up.doc
Tài liệu liên quan